Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 03:05:16 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc  (Đọc 84403 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #10 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2011, 09:02:29 am »

2

Tần về đến Phú Lộc vào lúc chị em vừa ăn cơm sáng xong, chuẩn bị đi ngủ bù. Hồ Thị Cúc đang chêm lại một các cuốc.

Thấy Tần về, áo cháy xem, mặt còn xám khói, bơ phờ và mệt mỏi, cả tiểu đội sửng sốt, quây lại đón Tần:
- Chị Tần bay ơi!
- Chị Tần mô rồi?
- Chị Tần ăn cơm chưa?
Tần vui vẻ hỏi các bạn:
- Đêm qua, A mình mần ăn ra răng?
Cúc đặt cái cuốc vừa chêm xong vào góc nhà, nói:
- Làm đất "Biên Hòa" vượt mức năm phẩy bẩy phần trăm. Trong đó có cả suất của Tần nữa.
- Giỏi quá. Nhưng thôi. Các đồng chí đi ngủ đi. Chiều nay ta sẽ họp A.
Quay sang phía Cúc, Tần cười:
- "Ông" có để phần cơm cho mình không? Đói lắm rồi.
- Cả hai suất chiều qua và sáng nay.
Hường - chim Sơn ca của đơn vị - bưng về thau nước giếng trong vắt, đặt ngay trước mặt Tần:
- Nom chị dữ hung. Chị rửa mặt đi, rồi ăn cơm.
Trong lúc Tần rửa mặt, Cúc chỉ ngồi ngắm Tần. Hường dọn bàn ăn. Thấy chậu nước đen ngòm, Tần tủm tỉm cười:
- Có ai muốn nhuộm áo đen không?
Hường định bê thau nước đi, Tần ngăn lại tự mang đi đổ lấy. Thừa lúc Tần quay đi, Hường nhìn Cúc, lè lưỡi lắc đầu, rồi lủi mất.

Cúc vẫn yên lặng, xới cơm ra bát ngồi đợi.

Một lát sau Tần vào. Gương mặt đã sáng sủa.

Khi Tần bỏ mũ ra treo lên liếp, lọ vành tóc quanh đầu cháy xém, Cúc giật mình. Thấy Cúc trố mắt nhìn, Tần dịu dàng:
- Nỏ can chi mô, "ông" mệt thì ngủ đi một lát. Tý nữa ta hội ý.
Cúc nhỏ nhẹ:
- Tần cố ăn đi. Mình đợi...
Cúc nhìn Tần ăn ngon lành. Chỉ một loáng xong bữa cơm ngô chan canh bí đỏ. Tần định dọn mâm bát, Cúc giành lấy mang ra cầu ao. Rửa bát xong, Cúc vào nhà, thấy Tần ngồi ngủ gục đầu ngay trên bàn, một tay vẫn cầm hờ chiếc chén uống nước.

Cúc nhẹ nhàng lấy chiếc quạt lá tro, ngồi cạnh Tần, se sẽ quạt. Cúc vừa quạt, vừa lắng nghe động tĩnh trên trời. Chỉ có tiếng bom, tiếng máy bay xa mãi phía Đồng Lộc. Những tiếng bom rền rĩ không ngớt.

Cúc nhìn Tần ngủ hồn nhiên, thanh thản mà thèm...
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #11 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2011, 03:40:08 pm »

Cuộc đời Tần đơn giản, hạnh phúc hơn Cúc nhiều. Bố mẹ Tần rất cưng con gái lớn. Bác Cung - cha Tần - bao giờ cũng coi Tần như còn nhỏ. Mẹ Tần càng yêu con gái hơn ai hết. Mẹ không muốn con đi lấy chồng xa. Mẹ đã nhận lời gả Tần cho một anh trai làng mà Tần yêu. Anh đã đi bộ đội, vào chiến trường miền Nam. Còn Tần ngay sau đó đi Thanh niên xung phong. Tần hay cởi mở tâm sự với chị em, tính nết thẳng thắn, vô tư, yêu đời nên bạn bè đều quý... Còn về phần Cúc, cùng tuổi với Tần, sao cuộc đời nhiều đắng cay chua xót thế?

Cúc cất tiếng khóc chào đời ngày mồng sáu tháng chín âm lịch năm một nghìn chín trăm bốn mươi tư trên mảnh đất Nương Bao, xã Sơn Bằng, bên sông Ngàn Phố, Hương Sơn.
Mới được tám tháng tuổi, nạn đói khủng khiếp năm một nghìn chín trăm bốn mươi lăm đã cướp mất bà nội Cúc, cha Cúc và nhiều người khác trong làng. Bao nhiêu người chết đói vào lúc chỉ còn mười lăm ngày nữa là gặt được lúa chiêm.
Ông nội Cúc đưa hai mẹ con Cúc về nhà nuôi, rau cháo lần hồi đợi ngày lúa chín... Đến năm Cúc lên ba tuổi, mẹ đi bước nữa.
Từ đấy, Cúc sống trong sự đùm bọc của ông nội và o Loan. Chẳng được bao lâu, đến tháng chạp năm sau ông nội Cúc qua đời. Một mình o Loan nuôi cháu, cho đến năm sau chú Hồ Văn Dũng đi bộ đội về cưới vợ. Từ đấy, Cúc ở với chú, mợ và o.
Bà Trinh - mẹ Cúc - lấy chồng ở Sơn Bằng có thêm bốn người con, thỉnh thoảng vẫn về thăm nhưng chẳng có gì để gửi nuôi Cúc. Thời gian này Cúc còi cọc, mặt choắt lại, đôi mắt luôn luôn nhìn xuống, lâu dần, thành thói quen. Tóc Cúc vàng hoe, cộc cỡn như một túm lông đuôi bò. Quanh năm cô chỉ có chiếc quần lửng với tấm áo vá.

Cúc đi chăn bò, cắt cỏ, bế em, kiếm củi và làm bao nhiêu việc không tên khác ở trong nhà. Cúc làm chậm, nhưng cần cù, cẩn thận và thật thà, nên thường được gọi là "Cúc mục".
Hồi Cúc lên tám, một hôm, đun nồi cám lợn xong, Cúc lúi húi quét dọn bếp. Mợ vào bưng nồi ra, chẳng may trượt chân đánh đổ cả nồi cám vừa sôi lên lưng cô. Cúc bị bỏng nặng, suốt ngày nằm sấp trên chiếc chõng con, lúc tỉnh, lúc mê...
O Loan hồi ấy còn ở nhà, thương xót cháu, ba tháng liền chữa cho cháu bằng bài thuốc chữa bỏng dân gian. Cuối cùng, Cúc đã khỏi. Nhưng vết sẹo bỏng sần sùi rất lớn, suốt từ bả vai xuống đến thắt lưng Cúc, không bao giờ xóa được, chuyện này Cúc giấu mọi người kể cả Tần.

Mỗi lần đi tắm Cúc chỉ đứng trông chừng máy bay cho các bạn. Cúc tắm riêng, về sau rốt. Ai cũng bảo Cúc lề mề. Cúc chỉ cười. Một nỗi buồn thoáng qua trên đôi mắt vẫn còn thói quen hay nhìn xuống của cô...

Ngồi quạt cho Tần đang ngủ gục trên bàn, Cúc âu yếm nhìn tấm lưng thon khỏe mạnh, phẳng phiu ẩn sau tấm áo thanh niên xung phong bạc màu, xém lửa. Thốt nhiên Cúc đặt nhẹ bàn tay lên lưng Tần khẽ vuốt ve trìu mến...
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #12 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2011, 08:41:21 pm »

Tần chợt tỉnh dậy, "bắt được quả tang" Cúc đang âu yếm mình. Tần ôm choàng lấy Cúc:
- Mình ngủ lâu chưa? Sao không gọi mình dậy?
Cúc đỏ mặt, gỡ tay Tần ra, nói lảng:
- Đêm qua không thấy Tần về. Mình lo quá. Chỉ sợ bị ở cầu Bạng hay ở đâu thì khổ... Chị em không biết đâu mà tìm...
- Sao "ông" biết mình suýt bị ở cầu Bạng?
- Mình đoán thế. Đêm qua thấy nó đánh ở phía ấy, rồi lại thấy cả ánh đèn pha của ông tướng nào sáng lóe mãi lên. Chắc sợ quá, cuống quýt, không tắt được đèn...
Tần im lặng nhìn đi mãi tận đâu đâu:
- Không phải anh ấy nhầm đâu. Anh làm thế, để cứu cả một đoàn xe đang chở đạn. Xe anh bị cháy rồi. Lúc mình về qua đó, thấy chiếc xe tan tành. Đầu xe bị cháy trụi. Còn người thì chẳng thấy dấu tích gì... Thế mà anh ấy vừa bảo với mình... là khi nào hòa bình, sẽ lái Von ga vào đón mình ra thăm Hà Nội.
Giọng Tần bỗng xa xôi: "Tôi sẽ có vào khoảng hai hoặc ba gì đó... Nhưng bây giờ...".
Tần nghẹn lời. Mắt đỏ hoe. Tránh cái nhìn của Cúc.
Cúc sửng sốt:
- Tần nói chi đó? Cúc không hiểu...
Tần lắc đầu:
- Mình chưa hề biết tên anh...

Cúc và Tần yên lặng khá lâu. Một lát sau. Cúc hỏi:
- Chiều nay họp A rồi. Có gì cần bàn trước với nhau không?
Tần gật đầu:
- Chúng mình được lệnh chuẩn bị đưa quân vào Ngã Ba Đồng Lộc. Ở trong ấy gay go ác liệt ra sao, ai cũng biết cả rồi. Nhưng vì cần phải giữ vũng mạch máu giao thông nên mọi người vẫn sẵn sàng tự nguyện, quyết tâm vào Ngã Ba Đồng Lộc. Bây giờ phải cho chị em thấy hết những khó khăn, nguy hiểm đang chờ đợi, sẵn sàng chiến đấu dũng cảm, và khi cần cũng có thể hy sinh...
Cúc im lặng một lát, rồi dè dặt:
- Đảng viên chỉ có hai chúng mình. Chị em nòng cốt chỉ mới có Hợi và Xuân Vĩnh Lộc. CÒn lại, đều mới quá. Nói chung, tốt cả thôi, nhưng chưa được qua thử thách bao nhiêu...
Tần nhìn thẳng vào mắt Cúc:
- Ngay chúng mình cũng chưa thể nói là được thử thách nhiều - Mới có hơn ba năm... Ai mà chẳng qua thời kỳ tám, chín tháng như chị em bây giờ? Chúng mình đứng vững được thì chị em cũng sẽ thế. Mình tin ở chị em...
Cúc vẫn chưa hết băn khoăn:
- Nhưng sắp tới... Gay go ác liệt hơn nhiều.
- Những lúc khó khăn nhất, chị em sẽ nhìn vào hai chúng mình. Nếu chỗ dựa mà cũng lung lay, thì...
Tần cười lắc đầu, im lặng một thoáng rồi nói tiếp:
- Không thể thế được. Nếu tôi hy sinh, đồng chí sẽ thay tôi.
- Còn nếu tôi cũng hy sinh?
- Làm gì có cái chuyện cả hai bị "đổ" một lúc được? Cúc cứ yên tâm.
Cúc ngồi yên lặng. Một lát sau Cúc nói:
- Mình phải sinh hoạt tổ Đảng ghép. Giá như được thêm Xuân Vĩnh Lộc và Hợi, có phải hội ý với nhau nhanh hơn không?
- Ai chẳng muốn như vậy. Nhưng Xuân Vĩnh Lộc và Hợi đều mới về A mình hai tháng nay. Tuy cùng một C chuyển sang, có nhiều thuận lợi hơn, nhưng cũng vẫn cần xem xét thêm một thời gian nữa.
- Phải đấy! Xuân Vĩnh Lộc nó lắm thư, nhiều bạn trai quá, không hiểu thế nào. Hình như chưa dứt khoát với anh Vĩnh công binh người Thạch Hà, lại thân mật với anh chàng kỹ sư cầu đường.
Tần cười:
- "Ông" mà làm mẹ chồng thì con dâu nó mất nhờ. Ai bảo nó cứ xinh, cứ đáng yêu như thế. Đến ngay như mình mà nhiều lúc còn mê nó nữa là...
Cúc hơi biến sắc mặt, nhìn xuống đất, yên lặng. Tần tưởng mình vừa vô tình làm Cúc chạnh lòng vì câu đùa đó, vội lay vai Cúc:
- Thôi. Đừng có tự ái vớ vẩn. Mình nói thế, không có ý nào chụp cho "ông" cái mũ "phong kiến" đâu!
Cúc vẫn yên lặng, nhìn xuống đất.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #13 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2011, 11:39:47 pm »

     Thật ra, Cúc không chạnh lòng, tủi thân vì không được đẹp bằng chị bằng em. Cúc đã tươi tắn hơn và phổng phao lên rất nhiều so với hồi còn là o "Cúc mục" tóc đuôi bò, áo vá vai, quần lửng, đi chân đất bên sông Ngàn Phố. Nhưng câu nói của Tần vô tình gợi cho Cúc nhớ đến chuyện lứa đôi bất hạnh của mình. Sông Ngàn Phố đối với nhiều người chỉ là một con sông nhỏ, nước trong xanh, chảy êm đềm bên đất Hương Sơn. Nhưng với Cúc, nó là một dòng sông kỷ niệm đau thương.
     Cách đây sáu năm, hồi Cúc mười tám tuổi, cậu mợ thấy Cúc côi cút, cần có nơi nương tựa suốt đời. Vì vậy, gia đình đã đồng ý gả cúc cho anh Cứ, một người có quan hệ họ hàng với bên mợ.
     Anh Cứ cũng mồ côi cha mẹ, ở một mình trên đất Sơn Tây. Hai người lấy nhau không cỗ bàn, lễ lạt gì, chỉ có một con đò dọc xuôi theo sông Ngàn Phố về đón Cúc ở Sơn Bằng lên.
     Về với anh Cứ, Cúc mới biết anh bị bệnh động kinh, thỉnh thoảng lại lên cơn ngất sùi bọt mép. Nhưng anh chăm làm, ít nói, thương vợ. Cùng cảnh mồ côi đơn chiếc, Cúc rất thương anh.
     Thấy anh tật bệnh, Cúc càng thương hơn. Cúc nghĩ: mình mà bỏ anh ấy thì anh ấy còn biết sống với ai? Thôi thì thương nhau, sống dựa vào nhau. Cúc đã mơ đến ngày có một vài đứa con, và mong chờ niềm hạnh phúc thiêng liêng được làm mẹ. nhưng điều đó không đến... Một hôm, anh Cứ đi chở vôi cho hợp tác xã. Thuyền về đến Hỏi Động thì bị chìm bất ngờ. Anh Cứ bị chết đuối. Xác anh trôi dạt mãi nơi nào trên sông Ngàn Phố, cũng không tìm thấy nữa.
     Được tin anh Cứ chết, Cúc như người mất hồn.
     Cúc hay đi thơ thẩn dọc theo bờ sông Ngàn Phố nở đầy hoa chạc chìu, nhìn đăm đăm xuống dòng nước trong xanh, mong tìm thấy anh.
     Gia đình Cúc lại lên Sơn Tây đón cô về. Tình nghĩa vợ chồng tuy mới mẻ, chưa tròn một năm, nhưng đối với Cúc là cả cuộc đời. Cúc gần như câm lặng suốt từ tháng tư năm 1963 – Sau ngày anh Cứ chết – mãi đến năm 1965 Cúc được lôi cuốn vào phong trào thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước sôi sục của địa phương. Cúc tình nguyện ra đi vừa để đóng góp sức mình, vừa để vui bạn bè, quên chuyện cũ.
     Hơn ba năm sống trong tập thể nam nữ thanh niên, Cúc đã trưởng thành và không còn là o Cúc ngày xưa . . . Duy chỉ còn vết sẹo bỏng trên lưng và nỗi đau sâu thẳm trong lòng là không thể nào mất đi được.
     Cúc không muốn cho ai hay biết đoạn đời buồn tủi ấy của mình. Rồi đây, nếu có ai yêu Cúc, trước khi lấy nhau, Cúc sẽ nói hết sự thật với người đó. Cúc chỉ muốn nhắc lại chuyện này một lần trong đời mình thôi. Cúc cắn răng lại cố nén tiếng khóc, cố xua đuổi những kỷ niệm bi thảm vừa chồm dậy trong lòng mình. Nhưng không thể được. Cúc ôm chầm lấy Tần, gục đầu lên vai tần, nức nở.
     Tần ngạc nhiên trước thái độ lạ lùng của Cúc. Cô lặng yên vuốt tóc bạn. Gần nhau hơn ba năm, Tần đã hiểu cuộc đời Cúc trước đây rất khổ. Lý lịch Cúc, Tần nắm vững. Nhưng tâm hồn Cúc còn có điều u ẩn. Tần để ý thấy nhiều lần Cúc lảng tránh những câu chuyện về tình yêu một cách tế nhị. Tần chưa hiểu sao, nhưng không tiện hỏi. Gần đây Tần thấy như mình có lỗi, vì chưa san sẻ với Cúc nỗi buồn riêng của bạn.
     Tần âu yếm vuốt lưng Cúc. Như bị lửa chạm vào lưng, Cúc vội gạt tay Tần ra, nín bặt, ngồi ra xa.
     Tần dịu dàng hỏi:
     - Có chuyện chi buồn, Cúc nói cho Tần nghe được không?
     - Được. Tần ạ. Nhưng thôi. Chúng mình bàn tiếp đi. Chiều nay đã họp A rồi . . .
     … Tắm gội xong, Tần ngồi hong tóc trên bậc cửa. Một tay nâng tóc lên. Một tay quạt đều đều, đôi mắt Tần vẫn dõi trông về phía đường Mười Lăm, nơi có chiếc Din ba cầu vừa bị trúng bom bốc cháy đên qua . . .
     Tần không muốn tin anh ấy đã hy sinh, vì không tìm thấy dấu vết anh. Nhưng, cũng chính vì vậy, Tần thương xót anh hơn… Có thể từ nay và mãi mãi, gia đình, đồng đội anh sẽ không bao giờ tìm được nấm mồ anh. Bao nhiêu câu hỏi sẽ đặt ra quanh cái chết này. Không một lời giải đáp. Và thời gian sẽ làm lãng quên đi… Chỉ có Tần là người duy nhất hiểu rõ sự hy sinh dũng cảm này, nhưng bất lực, vì không biết tên và địa chỉ anh. Tần tự trách mình: Sao có thể sơ suất như vậy? Nhưng Tần cũng tự an ủi ngay: Ai có ngờ đâu được phút chia tay trong hoàn cảnh đột ngột, ác liệt như vậy lại sẽ là mãi mãi…
     Tần thấy mình có trách nhiệm nói rõ với đơn vị anh về trường hợp anh hy sinh, để tổ chức cỏ thể đánh giá đúng phẩm chất của anh cho đến tận phút cuối cùng.
     Nhưng viết cho ai? Gửi về đâu?
     Tần băn khoăn mãi. Cuối cùng, Tần quyết định viết thư gửi lên Ban Chỉ huy K68 - Bảo đảm giao thông tỉnh Hà Tĩnh  - nhờ cấp trên tìm kiếm giúp đơn vị của anh.
     Tần đứng dậy, vào tìm giấy viết thư. Giấy hết. Tần tách một tờ giấy đôi ở giữa tập vở “đại số lớp bảy” đặt lên giường - kiêm bàn học mỗi ngày - rồi kéo ghế con, ngồi xuống viết…
                                                                                                                            Phú Lộc, ngày … tháng 6 năm 1968
                                                                                                                                            Kính gửi Ban Chỉ huy K68
                                                                                                                                                      Hà Tĩnh
     Tối hôm qua, trên đường từ Ngã Ba Đồng Lộc về Phú Lộc, tôi có đi nhờ xe của một đồng chí không rõ tên. Chiếc Din ba cầu này đã vỡ hết kính chắn và mất cánh cửa buồng lái phía phải. Xe về đến Cầu Bạng thì phải nhường đường cho đoàn xe chở đạn vào chiến trường. Vào lúc chiếc xe cuối cùng của đoàn xe chở đạn qua ngầm thì máy bay địch đến thả bom. Chiếc xe chở đạn  sau cùng bị cháy và có nguy cơ lộ cả đoàn xe.
     Trước tình hình ấy, chúng tôi cố dập tắt đám cháy, nhưng không dập được ngay. Đồng chí lái xe Din ba cầu thấy vậy đã chủ động lái xe và bật đèn pha chạy ngược chiều với đoàn xe chở đạn, để đánh lạc hướng địch, cứu đoàn xe. Quả nhiên, máy bay địch đã bị đánh lừa, đuổi theo đánh xe của anh. Chiếc Din ba cầu bị trúng bom và bốc cháy. Anh đã hy sinh, nhưng đoàn xe còn nguyên vẹn vào mặt trận.
     Vì chưa được biết tên anh cũng như đơn vị của anh nên tôi báo cáo sự việc này lên Ban Chỉ huy K68 để nhờ các đồng chí bằng mọi cách tìm ra đơn vị của anh và báo tin cho gia đình anh biết.
     Anh ấy còn trẻ, khoảng 20 - 30 tuổi, đôi mắt sáng, mũi đẹp, miệng cười tươi, răng đều đặn, nói tiếng Bắc. Có lẽ là người Hà Nội. Tôi đoán vậy, chẳng biết có đúng không?
     Có điều gì cần hỏi thêm, các đồng chí cứ liên hệ với tôi theo địa chỉ: A4-C552-P18 - Hà Tĩnh.
     Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về những điều tôi viết ở trên đây.
                                                                                                                                                    Một đảng viên
                                                                                                                                                      Võ Thị Tần.
   

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #14 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2011, 10:16:44 pm »

Tần đặt bút máy xuống bàn đọc lại thư hai ba lần. Tần thấy lủng củng quá. Lúc "đồng chí ấy", lúc lại "anh ấy". Tả nhânj dạng mà lại nói "mũi đẹp", "miệng cười tươi" thì thật ... Đã là thư lại có lời cam đoan như làm tờ khai lý lịch ... Tần đỏ mặt, nhưng không sửa một chữ nào nữa. Ký tên, rồi gấp thư lại.

Hết Phong bì rồi. Tần ngập ngừng, rồi viết luôn địa chỉ nơi nhận ngay lên phần giấy trắng ở mặt sau của lá thư.
... Nắng chiều đã nhạt hẳn, nhưng bầu trời Phú Lộc vẫn trong veo. Tiểu đội 4 quây quần dưới bóng những cây trò thấp. Xung quanh nơi họp chỗ nào cũng có hầm hố cá nhân, bên những bụi hoa dẻ và hao chạc chìu. Mọi người đang lắng nghe Tần nói.

Cùng mặc áo thanh niên xung phong, nhưng mỗi người một vẻ. Nhỏ đang nũng nịu ngả mái đầu có suối tóc dài màu nâu sáng lên vai Cúc. Cạnh Nhỏ là Xanh. Xanh đang vân vê đuôi tóc kết bím của Hà ngồi bên mình. Hà quàng tay sau lưng Xuân Đức Tân. Ngồi dựa lưng vào Xuân Đức Tân là Rạng. Ngồi bên Rạng là Hợi cùng quê Thiên Lộc với Tần. Bên cạnh Hợi là Hường - Chim sơn ca của C552. Cạnh Hường là Xuân Vĩnh Lộc đang ngồi ghi chép biên bản cuộc họp tiểu đội. Còn ba bốn cô khác ngồi bên Xuân.

Mọi người đang lắng nghe Tần nói tiếp:

- Đế quốc Mỹ tuyên bố ném bom hạn chế từ vĩ tuyến hai mươi trở vào... Thật ra là để dồn bom đạn chặt đứt con đường Thống nhất ngay từ Ngã Ba Đồng Lộc này. Chúng nó biết: sau khi đánh nát đường số Một ở đoạn Thượng Gia - Cổ ngựa mà hai bên là đầm lầy, ta không thể khôi phục ngay được, chỉ còn một con đường Mười Lăm đi qua Ngã Ba Đồng Lộc được thôi. Ta nhất thiết phải đi qua đó để chi viện cho chiến trường miền Nam. Còn chúng nó lại nhất quyết phá, nhất quyết chặn ta đứng lại ở đây. Vì vậy, chúng nó dùng toàn bộ không quân Hạm đội 7 để chút bom ồ ạt vào điểm này.
 
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #15 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2011, 10:32:38 pm »

Chiến trường không thể thếu đạn, thiếu gạo một ngày, một giờ được. Chúng mình phải mở đường máu ở đây cho xe vào mặt trận. Vì vây, trên quyết định đưa chúng mình vào bảo đảm giao thông ở Ngã Ba Đồng Lộc...

Tần yên lặng một thoáng nhìn chị em, rồi nói tiếp:
- ... Vào đây, khó khăn gian khổ sẽ nhiều hơn so với tất cả những lần chúng mình trải qua từ trước đến nay. Vào đây, sự sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc. Nhưng chúng mình không thể lùi bước được. Chúng mình phải chiến thắng giặc Mỹ ngay trên Ngã Ba Đồng Lộc này. Nếu cần, vì sự sống của con đường chúng mình có thể sẵn sàng hy sinh, để cho ngày Bắc Nam thống nhất đến gần hơn. Các đồng chí có đồng ý thế không?
Cả A4 đều trả lời:
- Đồng ý!
- Đồng ý!
Tần nhìn chị em cảm động:
- Có ai còn khó khăn gì không?

Yên lặng một thoáng. Mọi người nhìn nhau. Xuân Đức Tân giơ tay nói ngay:
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #16 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2011, 10:50:23 pm »

- Tôi đề nghị cho chị em còn ngày nghỉ bù về thăm gia đình trước khi vào Đồng Lộc.
- Đúng đấy.
- Phải rối
Tần mỉm cười:
- Tôi xin phép đại đội về việc này rồi. Các đồng chí sẽ lần lượt được đi. Chỉ có điều là phải giữ gìn cẩn thận, đi đến nơi về đến chốn. Nếu đồng chí nào về trễ coi như ngần ngại. Tôi sẽ báo cáo với đại đội, cho ở lại đi làm việc khác. Các đồng chí có đồng ý thế không?
Cả tiểu đội xôn xao hẳn lên, vui vẻ đáp;
- Đồng ý.
- Đợt thứ nhất, có sáu đồng chí được đi. Đồng chí Cúc sẽ đưa các đồng chí Nhỏ, Hà, Xanh về một hướng. Còn đồng chí Xuân Đức Tân sẽ đi cùng với đồng chí Rạng. Thế có được không:
- Dạ. Được ạ.
- Hợp lý lắm.
Tần rành rọt trang nghiêm;
- Vào Đồng Lộc phải thật gọn nhẹ để dễ cơ động. Những gì không cần thiết lắm nên mang về nhà. Ngày mai các đồng chí có thể lên đường. Cho đơn vị gửi lời thăm sức khỏe tới gia đình các đồng chí. Ta bàn đến đây thôi các đồng chí nghỉ.

Xuân Vĩnh Lộc đưa quyển sổ ghi biên bản cuộc họp cho Tần. Thấy đôi mắt Xuân có nhiều tư lự, Tần nhìn Xuân ngạc nhiên, nhưng không biết nói sao, chỉ giở mấy trang chữ Xuân vừa ghi rất nắn nót. Xuân Vĩnh Lộc ngập ngừng:
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #17 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2011, 04:42:53 pm »

- Em có câu chuyện... muốn nói với chị.
- Xuân cũng muốn về đợt này à?
Xuân khẽ lắc đầu:
- Không ạ. Về chuyện riêng của em...
Tần cười:
- Mình cũng đang muốn tâm sự với Xuân. Đêm nay mình sẽ sang ngủ với Xuân. Được không?
Xuân tươi tỉnh hẳn lên:
- Em chờ chị đấy.
Tần gật đầu, cầm quyển sổ đi về phía  nhà mấy người sắp về thăm quê. Xuân Vĩnh Lộc nhìn theo Tần. Gương mặt Xuân đôn hậu, đoan trang và rất xinh. Nhất là đôi mắt to, đen, ai nhìn vào đôi mắt ấy cũng yên tâm, tin cậy. Đôi mắt của tình yêu chung thủy, tình bạn chân thành...
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #18 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2011, 05:04:44 pm »

                                                                                                          3
... Các bạn gọi em là Xuân Vĩnh Lộc để phân biệt với mấy o Xuân khác và cũng có ý nhắc nhở em về anh Dương Xuân Vĩnh - công binh phá bom - người ở Thạch Hà...

Em mới ở A1 về A4, nên chị em mình chưa thật hiểu nhau. Chị bận nhiều công việc. Còn em, lại e dè. Nhưng, chỉ mới gần chị ít ngày, em đã thấy mến và tin chị. em muốn nói với chị một chuyện để chị giúp em giải quyết những băn khoăn, dằn vặt đang làm khổ em...
Gia đình em trước đây có sáu người. Bố mẹ chưa già hẳn, nhưng không được khỏe. Anh Dương, anh trai em đi bộ đội đang ở chiến trường B. Dưới em còn em gái tên là Sanh và em trai tên là Tẹo. Nhưng Tẹo ốm mất năm vừa tròn bốn tuổi. Bố mẹ em ngày đêm suy nghĩ về việc anh Dương đi mấy năm chẳng có tin về.

Nhà em chỉ còn em và Sanh là lao động chính. Em lại đang ở đây, cùng với chị em ngày ngày giáp mặt với bom... Hồi nọ, tưởng hết hạn ba năm em sẽ được đi ngành, nhưng theo yêu cầu của trên, em cũng ở lại đây như các chị, góp phần xây dựng đơn vị mới. Em không thắc mắc gì đâu. Nhưng bố mẹ em trông em về lắm. Dịp nào có điều kiện, chị về Vĩnh Lộc với em, nói thêm cho gia đình em được yên tâm. Kẻo các cụ lại cho là em không biết thương cha mẹ, chỉ thích đi xa theo ý mình.
Nói thật với chị, nhiều khi em cũng muốn về thăm nhà, dù chỉ một buổi, một ngày thôi - cho đỡ nhớ. Nhưng em phải gương mẫu. Dù sao, em cũng là lính cũ, lại mới là phân đoàn trưởng thanh niên...
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #19 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2011, 05:29:13 pm »

Chị chưa về Vĩnh Lộc, nên chưa biết rõ nhà em như thế nào đâu. Cũng chỉ là ngôi nhà nhỏ ba gian, cái bếp con con và mảnh sân vuông vắn trước thềm. Nhưng nhiều khi em nhớ đến phát khóc lên được. Em nhớ cây mít giai ở đầu ngõ - múi ngọt lừ như đường phèn, bây giờ đang vào mùa quả chín. Cây hồng ít hạt quả sai trĩu cành. Trước cửa nhà em còn có cây cam giấy tứ thời, bao giờ cũng như có quả dành phần cho em mỗi buổi em về... Buồng cau trước cửa chi chít quả như đợi em hái về cho mẹ... em muốn được về ngồi dưới bậc thềm, ngả vào lòng mẹ, cho mẹ rẽ tóc em như những ngày em còn bé. Mẹ nhìn em lặng lẽ xoa tay lên núm đồng tiền trên hai má em. Em nũng nịu áp mặt vào hai đầu gối mẹ, cười. Những lúc như vậy, mẹ thường bảo em: "Nhà ta hiếm người, mẹ chỉ muốn khi con ra ngành, lấy chồng làng cho mẹ con mình gần nhau".

Em cảm thấy mình có lỗi, vì em đã yêu anh Vĩnh ở Thạch Hà. Tuy không xa đây là mấy, nhưng đối với mẹ em, khác huyện là xa. Em chưa dám nói sợ mẹ buồn. Nhưng em cũng không thể xa anh Vĩnh được...
Em quen anh Vĩnh trên một bãi bom chậm nổ. Hôm ấy, trên đường từ Vĩnh Lộc về đơn vị, em gặp máy bay đến đánh bất ngờ. Trong lúc chạy vào hầm trú ẩn, em đánh rơi cái túi sách tay nhỏ. Trong đó có nhiều thứ. Sau trận bom, em trở lại mặt đường tìm chiếc túi. Không thấy đâu cả. Có lẽ đất đá vùi lấp đi rồi. Em ngơ ngẩn muốn khóc. Anh Vĩnh đến. Anh đội mũ sắt, quân phục bạc mầu. Câu đầu tiên anh nói với em là: "Còn bao nhiêu bom nổ chậm, sao o lại vào đây?" . Đôi mắt nhìn em như trách móc.
Em đoán anh là công binh phá bom ở khu vực này. Em nói vắn tắt về việc mất cái túi, rồi dè dặt:
- Trong túi em để thẻ Đoàn viên. Không thể đánh mất thẻ Đoàn được, anh ạ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM