Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 03:08:57 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đội công an số 6  (Đọc 18640 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2018, 03:28:09 pm »


24

QUẢ MÌN ĐÃ RÚT CHỐT

        Những đợt sương trắng mỏng tang như khói cơm chiều theo gió bay từ sông Vạc vào cánh đồng. Tầng tầng lớp lớp lá lúa xanh biếc, trìu nặng những hạt sương đọng như dát bạc, bủa kín quanh Thông. Có con rắn nước màu nâu nhạt đầy những hoa đen lốm đốm trên lưng, bò chậm theo bờ ruộng đến ngay trước chân Thông mới dừng lại. Nó ngẩng cao đầu lên một tý, thè lè hai nhánh lưỡi như hai mũi kim đen nhánh, nếm vào không khí. Nó có vẻ nghi ngờ, như phát hiện ra cái gì lạ. Đầu nó hơi cựa quậy. Những đoạn vẩy giả trên mình nó mềm mại chuyển động như làn sóng nhẹ. Nó vẫn dè dặt trườn lên. Bỗng cặp mắt nó bắt gặp đôi mắt Thông. Cái đầu nó ngả về phía sau, toàn thân nó quằn quại. Nó lại phóng đôi lưỡi nhọn hoắt vào không khí. Hai cặp mắt chiếu thẳng vào nhau.

        Thông định trở đầu dậy quất cho nó một cái nhưng anh mỉm cười nghĩ “Để xem nó làm sao?”. Con rắn bỗng ngả hẳn đầu lao mạnh xuống ruộng. Nó quẫy mạnh toàn thân, lướt đi trên mặt bùn nước, biến ngay sau đám gốc lúa. Hai anh công an xung phong ngồi cách Thông mươi bước, nghe động dướn cổ nhìn lại. Thông mỉm cười với họ.

        Tiếng ồn ào trên phố, tiếng động của những thuyền bè ngược xuôi trên sông Vạc, vẳng tới. Một ngày náo nhiệt của thị trấn bắt đầu từ lúc nào? Trên đường cái đã có những đoàn xe, đoàn người đi lại. Thông đã sốt ruột lắm, nhìn đồng hồ vẫn chưa đến tám giờ.

        Được lệnh đi phục kích tên Tổng chỉ huy Tổng bộ tự vệ, anh em trong Đội Công an số 6 sung sướng tranh nhau xin đi. Tội ác của tên Tổng chỉ huy này đối với nhân dân, đối với kháng chiến không ai là không biết? Hắn đã gây ra vụ bạo loạn Xuân Hà, Tang Điền năm 1947. Khi giặc Pháp nhảy dù, hắn nhảy ra làm tổng chỉ huy vệ sĩ đeo súng lục, đem quân đi càn quét đánh phá khắp vùng Kim Sơn. Tòa án quân sự Liên khu 3 đã tuyên án xử tử hình vắng mặt hắn cùng với các tên phản động đội lốt thầy tu khác là Nguyễn Gia Đệ, Trương Đình Đức, Nguyễn Ngọc Ngoạn. Đây là một cơ hội thuận lợi dành cho anh em công an. Nếu thi hành được bản án là một vinh dự.

        Thông và hai đồng chí nữa chọn chỗ phục kích trên đường đi Kim Đài, phía ngoài Ty Công an ngụy, cách dãy phố cuối cùng của khu Trì Chính chỉ độ nửa cây số. Ở đây xe ô tô chưa phóng nhanh. Bên kia đường là sông Vạc, bên này là đồng lúa. Đánh xong có thể rút ra các làng lân cận. Nhưng đây giáp thị trấn, bọn lính địch đi tuần luôn. Mất hai đêm chật vật các anh mới đào được một cái hố dài quãng ba mươi phân, rộng hai mươi phân, sâu bốn mươi phân, chôn vừa quả mìn dưa1.

        Phủ đất che giấu xong, hôm sau các anh cử hai cơ sở đi kiểm tra lại. Họ không phát hiện được dấu vết gì khả nghi.

        Các anh ngồi chờ từ lúc trời chưa sáng. Từ chỗ Thông vào mặt đường chỉ độ bốn chục mét. Anh quấn sẵn vòng dây vào tay, chăm chú nhìn về phía phố Trì Chính. Thỉnh thoảng anh lại sửa bốn quả lựu đạn mỏ vịt trên thắt lưng sao cho thật gọn, thật vừa tầm tay. Khi mìn nổ anh sẽ bồi thêm cho chúng nó.

        Chừng hai trăm mét về phía Trì Chính, một tổ du kích đã sẵn sàng. Họ sẽ ném lựu đạn và bắn súng ra đường cái, chặn bọn địch từ Ty Công an trong phố chạy ra. Những tiếng nổ của họ sẽ uy hiếp bọn địch bị phục kích và đánh lạc hướng địch cho Thông rút.

        Tám giờ rưỡi, người đi đường té dạt ra. Đoàn xe của Hoàng Quỳnh ra khỏi thị trấn. Ba chiếc xe jeep chạy đều đều rất vừa tầm. Thông nhìn rõ ràng đúng như dự báo trước. Chiếc xe đầu chở lính hộ tống. Hoàng Quỳnh ngồi chiếc thứ hai. Chiếc xe thứ ba chở mấy tên trưởng ty ngụy quyên và nhân viên phục vụ.

        Thông căng mắt, nín thở chờ.

        Xe thứ nhất vượt qua.

        Hoàng Quỳnh cách chừng mười lăm mét, Thông kéo căng dây. Cách sáu mét: Thông giật mạnh. Thật đúng lúc.

        Xe Hoàng Quỳnh lướt qua!

        Chiếc thứ ba qua nốt.

        Chúng cuốn bụi, đi êm ru về phía xuôi. Chỉ tiếng nổ mong đợi là không có.

        Mìn tịt!

        Thông cắn chặt răng, rút vội quả lựu đạn. Nhưng xe đã chạy quá tầm ném! Tay Thông run lên bần bật. Anh cắn chặt vành môi dưới đến ứ máu.

        Mấy anh em ỉu xìu trở về cơ sở, chẳng buồn nói năng gì.

        Nghe báo cáo xong, Oanh khẽ lắc đầu. Anh nén được cái tặc lưỡi xuýt xoa, mỉm cười động viên Thông và đồng đội:

        - Ngay cả những trận đánh lớn cũng có khi phải rút lui. Việc đó không có gì lạ. Chỉ cần giữ vững được quyết tâm tiêu diệt địch.

        Thông không biết nói thế nào nữa. Anh ngồi phịch xuống tràng kỉ, vò đầu tặc lưỡi:

        - Tiếc đến run cả bàn tay, đến giờ chửa thôi!

-----------------
        1. Loại mìn do công binh xưởng Phan Đình Phùng chế tạo. Hình quả dưa, vỏ gang có khía rãnh như lựu đạn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2018, 03:28:39 pm »


        Oanh cười, nhìn Thông:

        - Thế các cậu có quyết tâm xử tội tên gian ác ấy không?

        - Quyết quá đi chứ lại! - Thông nói và nhìn Oanh chờ đợi. Anh hy vọng lại được giao một kế hoạch mới để xử nó.

        Oanh đưa cho Thông chén nước. Anh cũng cầm một chén đưa lên môi nhấp một ngụm, rồi nói:

        - Thế cậu đi đào lấy quả mìn về đây.

        Thông đặt vội chén nước, nước chè sánh ra tràng kỉ.

        Chao ôi! Đào lấy quả mìn đã rút chốt? Nghĩ mà gai xưong sống!

        - Bởi vì - Oanh nói chậm rãi - để quả mìn lại đó có thể gây ra hậu quả tai hại và sớm muộn bọn địch dò mìn sẽ phát hiện ra. Chúng sẽ hiểu được hoạt động và ý đồ của chúng ta. Tên Việt gian ấy sẽ thêm xảo quyệt tinh ma. Những bọn địch khác sẽ biết mà đề phòng. Mất yếu tố bất ngờ, ta sẽ gặp nhiều khó khăn hon. - Oanh cười - Tối nay đi đào nó về thôi.

        Đêm tối mò mò.

        Hồi hộp đến run người. Thông vừa căm tức quả mìn quái ác không nổ, lại vừa sợ nó nố.

        Quả mìn rút chốt rồi. Biết tại sao nó chưa nổ? Giờ động vào nó có thể nổ!

        Thông nằm dài bên mép đường, thò tay vào bới. Anh nghĩ bụng: nhỡ nó nổ, có khi chỉ cụt tay? Chưa chắc đã chết!

        Y nghĩ thật buồn cười, nhưng lúc đó nó giúp Thông vững tâm hon. Anh thận trọng cào từng nắm đất, nhặt từng hòn sỏi...

        Sờ được đầu mìn, Thông nhoài người, cài ngay cái chốt an toàn lại!

        Lấp đất xong, ôm quả mìn nặng trĩu vào lòng, Thông chợt nhận ra người anh đầm đìa mồ hôi. Tóc ướt bết vào trán. Miệng đắng ngắt, khô háo.

        Thông về nhà ông phó bảo an Miên trong trại Kiến Thái ngủ một mạch như chết. Sáng hôm sau mặt trời dọi vào vách mới dậy.

        Buổi chiều, có liên lạc của Oanh đến gọi Thông.

        Trông thấy Thông đến, Oanh và Tâm tủm tỉm cười. Nghĩ là họ cười chuyện quả mìn, Thông không cười, nói có ý trách:

        - Từ nay anh cứ cho tôi dùng dao, dùng súng cho gọn. Tôi xin đảm bảo.

        - Cậu có chắc dùng dao, dùng súng đảm bảo không? - Oanh vẫn cười, vẻ thách thức.

        - Đảm bảo! - Thông nói dứt khoát, anh liếc nhanh Oanh.

        Thông tin như vậy thật. Nhiều đêm trời tối như mực, anh có sẵn dao, súng trong người, đi la cà trà trộn bên bọn sĩ quan địch và nhiều tên tay sai vào loại “cỡ” của chúng. Dù là trong sòng bạc, trên đường phố hay trong ngõ hẻm, bờ kênh... Nếu có lệnh, anh có thể hành động như trở bàn tay. Thế nhưng nghĩ lại, Thông nhớ cấp trên thường nhắc nhở: Tình hình Phát Diệm phức tạp, Chính phủ có nhiều chính sách. Khi cần bắt giữ, trừng trị ai phải có lệnh. Làm ẩu là mắc mưu giặc! Anh nhìn Oanh cười trừ.

        Nhưng Oanh đã vui vẻ nói:

        - Chúng ta được nhận một nhiệm vụ khó khăn mới.

        Tâm cùng cười động viên Thông, Thông nhìn hai anh cố phán đoán.

        Uống xong chén trà, Oanh nói:

        - Ta tạm gác Hoàng Quỳnh lại, để dành cho nó một dịp khác. Bây giờ có một việc rất gấp là tên Thư.

        Thông khẽ “à”. Anh biết tên Thư lắm. Tên này thì đáng tội lắm rồi. Thông hồi hộp nghe từng lời của Oanh:

        - Tên này đã trở nên nghiêm trọng. - Oanh nói - Hắn đã biết được một số cơ sở của Huyện ủy và một số cán bộ quan trọng của huyện. Hắn có trong tay cả một màng lưới mật thám chỉ điểm khá rộng. Không kể những tội ác cũ, ngay bây giờ hắn có thể gây nhiều tổn thất lớn cho phong trào kháng chiến huyện nhà. Tòa án quân sự đã xét xử và tuyên án tử hình tên phản bội này.

        Nét mặt Tâm nghiêm trang cảm động. Tiếng nói của Oanh vẫn rành rọt nhưng Thông nghe không rõ nữa. Dường như máu nóng trong lồng ngực quá căng của Thông dồn lên cả thái dương. Anh nắm chặt cái thành ghế đến tê cả bàn tay. Lòng anh sôi lên căm giận. Được bóp chết tên hại dân, bán nước kia ngay bây giờ rồi hy sinh, Thông cũng sẵn sàng.

        Tiếng Oanh như văng vẳng từ trong óc Thông dội ra: “Bảo vệ chính quyền, bảo vệ cán bộ và nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu của công an ta... Huyện có ý giao nhiệm vụ cho Đội Công an số 6. Các đồng chí bàn xem ta có làm được không?”.

        - Được quá đi chứ! - Thông đáp ngay.

        Tâm bắt chặt tay Thông và Oanh:

        - Chúng ta quyết làm bằng được!

        - Việc này khó đấy, - Oanh nói thêm - đòi hỏi chúng ta phải dũng cảm và mưu trí.

        - Tôi xin đảm nhận! - Thông xiết chặt tay Oanh và Tâm, lắc lắc. 

        - Tất nhiên là trách nhiệm và vinh dự của ta nhưng cũng cần nhớ là huyện có treo giải thưởng đấy!

        Cả ba anh em cùng cười, phấn khởi.

        Thông vừa căm thù tên Việt gian, lo lắng cho phong trào địa phương do những nguy hại mà nó có thể gây ra, vừa phấn khởi vì bản thân được cấp trên tin cậy. Anh chỉ muốn xông ra đường, tìm bằng được tên Thư để xử ngay. Nhưng bài học về quả mìn đang làm cho anh chưa hết bực tức, nhắc nhở anh rằng cần phải thận trọng, phải chuẩn bị thật chu đáo.

        Oanh móc túi lấy ra mấy tờ giấy, nói:

        - Đây, có cái này, cho các cậu mỗi người một cái mà “chơi”. - Oanh cười tủm tìm, đưa cho Thông và Tâm.

        - A! Thẻ “đơ bê”! - Thông kêu lên.

        - Thật hay giả đây? - Tâm hỏi.

        - Giả hay thật thì cũng phải sử dụng cho khéo. - Oanh cười.

        - Anh kiếm đâu ra thế?

        Oanh cười, lắc đầu, nói hóm hỉnh:

        - Thằng An-ga-rông nó gửi biếu!

        Tâm và Thông cùng cười. Họ hiểu là chưa nên hỏi sâu làm gì cái chuyện đó.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2018, 03:30:25 pm »

       
25

BẢN ÁN ĐƯỢC THI HÀNH

        Thông phải mất mười bốn ngày theo dõi mới nắm được nơi ăn chốn ở, lối đi, lối về của Thư, tên tội phạm đã bị kết án tử hình. Hắn tài lẩn mặt, đi lại kín đáo không ai biết. Gặp hắn ngoài đường khó ai có thể nghĩ đó là một tay mật thám có quyền thế. Có đụng vào một anh xe kéo, anh chạy hàng nào, hắn cũng nhũn như con chi chi, hắn gật đầu ấp úng xin lỗi. Đi giữa đám lính tráng bảo vệ, người ta tưởng hắn là tên theo đuôi bọn lính. Chỉ ở những chỗ đông người, có nhiều lính tráng đi lại như trên Đường 10, các phố chính, chợ búa, hắn mới đi một mình. Những lúc đó khó phân biệt hắn với những anh buôn bán nhỏ trong phố. Chưa bao giờ Thông thấy hắn uống rượu hay say rượu. Hắn chỉ vào quán cà phê trong lều chợ Lạc Thiện sau bữa cơm chiều, trên đường vào bốt Thủ Trung ngủ. Trong mười bốn ngày đó, Thông chỉ thấy có một lần, quá năm giờ chiều hắn chưa kịp về nhà thờ Thủ Trung, phải ngủ lại ở một nhà xứ có một trung đội vệ sĩ gác. Hôm đó hắn có vẻ lo lắng cuống quýt.

        Tất cả cơ hội mà Thông thấy có thể hành động được để thi hành bản án là vào mười giờ rưỡi hay năm giờ chiều. Đó là lúc tên Thư trên đường về nhà ăn cơm hay vào bốt, vào nhà thờ ngủ. Giờ ấy bọn lính ăn cơm. Chỉ còn những tên gác ở các trạm cố định, số lính đi lại trên đường ít hẳn đi. Địa điểm hành động tốt nhất là chỗ tụ tập thật đông người, để sau khi hành động có thể trà trộn. Thông chọn chợ Lạc Thiện.

        Nghe Thông báo cáo kế hoạch, các đồng chí phụ trách e rằng táo bạo quá. Có thể hoàn thành được nhiệm vụ nhưng Thông không trở về được?

        Thông cười, lắc đầu một cách tự tin:

        - Chính chỗ đông người không ai ngờ thì ta mới dễ hành động nhanh, rút nhanh. Còn nếu để kẻ địch đuổi bắt thì bất cứ chỗ nào trong vùng này cũng khó thoát.

        Nghĩ cho cùng, không có cách nào khác, mọi người phải đồng ý với Thông. Đồng chí Trưởng phòng bảo vệ chính trị Ty công an Ninh Bình có mặt ở đó đưa cho Thông khẩu súng ngắn.

        - Cậu cầm cái này cho gọn, hành động xong còn tự vệ.

        - Dùng sao được? - Thông cười - Nhỡ chạm đồng bào thì chết!

        - Thế cậu định bóp cổ nó à?

        Anh em cùng cười.

        - Tôi xin con dao thôi. À, cho tôi thêm hai quả lựu đạn khói. Nếu gấp quá tôi cho nổ lựu đạn khói mà chuồn? - Thông cười - Món ấy chẳng sợ xầy da đồng bào được!

        Chợ Lạc Thiện họp về chiều, ngày thường đã đông lắm, dịp ấy ngày mùa, càng đông. Thợ gặt quanh vùng thường tụ tập ở đây để chờ Nhà Chung và các nhà địa chủ lớn ra đón thuê. Trên Đường 10 chạy qua chợ, lúc nào cũng tấp nập người, xe. Hai bên Đường 10 và nhất là quanh khu chợ, hàng ăn, quán giải khát liền mái nhau, lớp trong lớp ngoài. Đàn ông, đàn bà chen chúc nhau vào ra. Quang gánh, thúng mẹt, hàng họ bừa bãi, lộn xộn. Tiếng nói cười, xe cộ ồn ào đinh tai.

        Thông đã ngồi theo dõi cách đi lại của tên Thư và cảnh lộn xộn của chợ Lạc Thiện ba buổi chiều. Đến hôm thứ tư anh quyết hành động.

        Bốn giờ chiều Oanh bắt chặt tay Thông, chúc lên đường thắng lợi.

        Oanh đến chợ Lạc Thiện bằng đường bộ. Nếu Thông bị vây, Oanh sẽ cho nổ lựu đạn khói phía khác để đánh lạc hướng kẻ địch.

        Thông ngồi thuyền do em Ninh mười lăm tuổi, con một cơ sở, chèo đi. Họ khởi hành từ cuối đồng xã Quang Trung, theo sông vực Lưu Phương đến bến chợ chiều Lạc Thiện.

        Thông ngồi trong một hiệu cà phê bên đường, nhìn qua bức mành chờ đợi. Thời gian trôi đi chậm chạp. Thông thấy lòng bình thản, không hồi hộp, không lo lắng. Anh có thói quen, cái gì đã quyết thì nhất thiết cứ thế mà hành động. Không phải ngập ngừng, e dè gì. Có khi chợt nghĩ: Nếu nó không đến? Hôm sau mình sẽ chờ! Thế nhưng tim anh cứ đập mạnh lên, một tý cảm giác tiếc hẫng như khi giật tung dây mà quả mìn không nổ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2018, 03:30:53 pm »


        Năm giờ tám phút. Có ám hiệu của cơ sở. Thông trông thấy Thư dẫn xác tới.

        Thông bước nhanh, bám sát gót hắn. Người đông. Chen nhau. Hắn đi chậm lại.

        Vào tới cổng chợ. Thư nghiêng người lách vào đám đông. Thông đưa tay đỡ lưng nó. Nó hơi quay người lại.

        Thông hành động ngay.

        Hắn chỉ kịp kêu “ối!” rồi gục xuống như một cây chuối héo.

        Thông móc túi lấy tờ cáo trạng và bản án viết sẵn, đặt lên người nó...

        Thông bước lùi một bước, theo những đồng bào chung quanh đang sợ hãi té dạt ra. Mọi người kinh hoàng cứ há mồm nhìn, không ai thốt lên được một lời. Thông kêu lên như một người đứng xem mau mồm:

        - Ối bà con ơi, Việt Minh giết Việt gian.

        Cả chợ nhốn nháo hẳn lên: “Việt Minh giết Việt gian.”

        Người đứng gần sợ liên lụy, bỏ chạy ra xa. Người ở xa tò mò, chạy xô vào chỗ tiếng hô. Người ta xô nhau quây vào xác tên Việt gian để xem, để đọc cáo trạng.

        Đúng là vỡ chợ. Hỗn loạn đến không thể nào cản nổi. Thông vừa đi vừa kêu thêm vài tiếng “Việt Minh giết Việt gian” nữa cho thêm huyên náo. Đi được hơn chục bước anh mới sực nhớ tay mình vẫn cầm con dao. Anh vén áo đút dao vào bao, chen đám đông mà ra.

        Bọn vệ sĩ, lính tráng các loại chạy vào xem khá đông. Chúng nhớn nhác quát tháo ầm ĩ. Không hề có đứa nào nảy ra ý nghĩ hô người vây bắt Việt Minh. Thông quay nhìn lại đám đông. Bây giờ dù có cả tiểu đoàn tổ chức bao vây cũng đừng hòng tìm ra anh!

        Ra khỏi chợ, Thông đường hoàng theo đường cái mà đi. Anh đi qua ba xã Quang Trung, Sào Nam, Trưng Trắc vòng về xóm một Trì Chính.

        Chưa đến xã Trì Chính, Thông bỗng gặp lính bảo an và vệ sĩ đã canh gác bịt chặt mọi ngả đường. Không kịp lẩn tránh nữa, Thông đi thẳng lối ra cầu ngầm, tắt về xóm cho nhanh. Hai tên vệ sĩ dí súng vào bụng Thông quát:

        - Đi đâu?

        - Về kia! - Thông hất hàm về phía làng trước mặt.

        - Giấy đâu? - Hai tên vệ sĩ sừng sộ như chực bắn người ta.

        Thông vừa từ từ đưa tay vào túi, vừa nói:

        - Các chú phải canh gác thật nghiêm nhé. Việt Mỉnh độ này hoạt động ghê lắm!

        Thấy cái thẻ nhân viên Phòng nhì, hai tên vệ sĩ vội chống báng súng xuống đầu ngón chân út vẻ khúm núm. Một tên mau mồm:

        - Dạ thưa thầy. Thầy còn lạ gì, anh em vệ sĩ đã gác thì con chim, con chuột cũng không lọt qua mắt được!

        - Tốt lắm! - Thông gật đầu.

        Hai tên vệ sĩ thích chí. Chúng cầm ngang súng đi lại vẻ hung hăng trợn trạo.

        Đến cầu ngầm, nước sâu quá. Thông ngại cởi giày. Quay lại thì bất tiện. Phải qua cầu mới có lối thoát nhanh nhất. Thông quay đầu nhìn lại hai tên vệ sĩ. Vừa cởi giày Thông vừa tủm tỉm cười. Anh chợt nhớ câu chuyện Vượng sai bọn vệ sĩ cõng, bà con cả xã đây ai cũng biết. Hôm ấy Vượng vừa thoát khỏi làng đang bị bao vây, cũng gặp phải một cái cầu ngầm. Bí quá, anh ta gọi tên vệ sĩ đang gác gần cầu:

        - Ê, vệ sĩ!

        Tên vệ sĩ hung hăng, tưởng anh là “sếp” Phòng nhì chạy lại xun xoe:

        - Dạ, thầy gọi em?

        - Chú làm ơn cõng tôi qua cầu ngầm tý; có việc gấp.

        - Dạ vâng!

        Hắn vội vã trụt giày vải, xắn cao quần, cõng Vượng qua ngầm.

        - Cảm ơn nhé. Giỏi lắm! - Vượng nói và đi thẳng.

        Tên vệ sĩ hí hởn quay trở lại chỗ gác như vừa lập được công lớn.

        Thông về cơ sở của huyện ở Trì Chính. Vừa gặp anh Huề. Anh Huề hỏi:

        - Cậu đi đâu về?

        - Báo cáo! - Thông nghiêm giọng - Đội Công an số 6 đã thi hành bản án tên Thư!

        Đồng chí Huề dướn to cặp mắt long lanh vui mừng, nhưng chưa tin:

        - Giỏi đùa! Bây giờ mà xử được nó?

        Thông phấn khởi nói bốc:

        - Huyện giao nhiệm vụ thì lúc nào mà công an không làm được!

        Đồng chí Huề nắm chặt tay Thông, lôi vào nhà, pha chè cho uống, rồi cử người đi điều tra.

        Một lát người điều tra về cho biết, quân địch đã canh chặt mọi ngả. Chúng cấm người vào ra khu Lạc Thiện. Chúng dồn lính bao vây lùng sục quanh vùng, nhất là khu chợ Chiều và bên kia sông. Truyền đơn và cáo trạng tên Thư đã được ta tung ra khắp vùng Phát Diệm - Kim Sơn, theo đúng kế hoạch.

        Ít lâu sau Thông được nhận phần thưởng của huyện: Một thếp giấy trắng để học tập.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2018, 03:31:48 pm »


*

*       *

        Ngay sau đó, có liên lạc của Oanh gọi, Thông phải về lò bánh mì để chuẩn bị cho những hoạt động mới. Quân địch đang lồng lộn tăng cường canh gác, khủng bố sau vụ tên Thư. Nếu để chậm, việc trở về Xéc-tơ sẽ khó.

        Sáng ấy có phiên chợ Nam Dân nên Thông dễ trà trộn vào phố. Anh không đường đột vào lò bánh mà về nhà anh Am trước đã.

        Thông vừa vào đến đầu phố Phú Vinh chợt trông thấy mẹ mình quẩy gánh đi chợ. Thông cảm động luống cuống cố nhìn thêm một lát thì vừa lúc mẹ nhìn lại. Mẹ sững sờ cả người. Mẹ không dám gọi.

        Thông cũng không dám đứng lại gặp mẹ. Anh vội bước nhanh. Mũi anh bỗng cay cay, mắt cồm cộm.

        Gia đình Thông ở Lai Thành, chỉ đi hai mươi phút thì tới nhà. Từ hôm trở về quê hương chiến đấu, anh chưa được về thăm mẹ lần nào. Thấm thoắt đã hơn ba năm rồi kể từ hôm Thông trốn mẹ ra đi.

        Sáng hôm ấy mẹ Thông và bà con ra đồng làm việc như thường ngày. Thôn xóm im ắng đến một con gà cục tác đầu làng, cuối làng cũng nghe rõ. Thông nhớ bữa, định đi thổi cơm. Bỗng một bọn côn đồ từ đâu kéo tới nhà ông Ninh, chủ tịch xã Điền Hộ, một giáo dân có lòng kính Chúa yêu nước, để hành hung. Bố ông và vợ ông ngồi trong nhà, chưa kịp đứng dậy, bọn côn đồ đã quật ông Ninh ra giữa thềm, chặt đầu!

        Chúng ào vào lục soát, cạy hòm, phá tủ cướp sạch mọi của cải, đồ dùng đáng giá của nhà ông rồi châm lửa đốt luôn năm nhà trong xóm. Lửa bốc lên ngùn ngụt. Bà con kêu khóc như ri, nhưng chúng không cho ai vào cứu.

        Chúng nó cắm cọc bêu đầu ông Ninh giữa chợ. Bà con trong chợ sợ hãi chạy toán loạn. Bọn côn đồ được thể hò nhau xông vào cướp bóc một mẻ to. Chúng vét từ cái dây đeo thánh giá bằng kền đến mớ cá bống lồi.

        Khi hiểu rằng tất cả những cảnh khủng khiếp đó đều do bàn tay những tên phản bội đội lốt thầy tu như linh mục Nhiên ở Bình Sa, ban ngày giảng đạo ban đêm mặc quần soóc, đeo súng lục đi hành hung cán bộ, để chống lại Chính phủ, Thông quyết xin vào bộ đội.

        Sợ mẹ không cho, Thông trốn mẹ ra đi.

        Anh cả Thông đi xa. Mẹ ở nhà với đứa em nhỏ, có ai ghé thăm mẹ, hỏi đến Thông, mẹ vẫn khóc. Mẹ thương Thông còn ít tuổi khờ dại, biết làm được gì cho bằng anh bằng em?

        Thông bước đi. Mẹ nhìn anh và lẳng lặng bước theo. Thông quay lại thấy mẹ, liền vòng cầu ngói trở lại. Mẹ cũng vòng trở lại theo anh.

        Thật là nguy hiểm!

        Một thoáng bắt gặp ánh mắt tha thiết của mẹ, Thông hiểu là mẹ còn muốn theo xem anh vào đâu?

        Đáng sợ lắm. Giữa phố đông trung tâm Phát Diệm, quân thù nhan nhản khắp nơi, đang ra sức truy lùng Thông, anh chỉ sơ xuất một tý là có thể phải hy sinh.

        Nhưng biết làm sao? Chắc mẹ sẽ không trở lại nếu chưa gặp được Thông? Và Thông cũng không đủ can đảm sử dụng một biện pháp nghiệp vụ để dứt ra, cho mẹ phải vòng quay về.

        Thông cắm đầu đi ra phía sau phố Phú Vinh. Loanh quanh vài lối xóm, đủ để biết không có đứa nào theo dõi mẹ, Thông quay về nhà anh Am. Một lát, mẹ vào theo ngay.

        Mẹ lặng lẽ đặt quang gánh ngoài sân, đi thẳng vào nhà.

        Thông ôm chầm lấy mẹ. Nước mắt mẹ trào ra.

        Anh Am đang ngủ. Chị Am ý tứ đi ra ngoài nhà đứng gác.

        Mẹ nắm bàn tay phốp pháp, vuốt đôi vai tròn vạm vỡ, với lên xoa đầu tóc của đứa con yêu quý. Xiết bao lạ lùng. Xiết bao thân thương!

        Thông đã lớn lên về mọi mặt, mẹ chỉ đứng đến cằm anh nhưng trong tay mẹ, anh vẫn là đứa con khờ dại.

        Thông thương mẹ, nước mắt cồm cộm trong mí, mừng mừng thẹn thẹn, anh muốn gạt nó đi: “Ai lại mềm yếu như con gái!”. Anh muốn nói một câu thật chững chạc cho mẹ yên tâm là anh đã lớn thật rồi.

        - Mẹ! - Mới thốt lên được thế cổ Thông đã bị nghẹn lại. Mẹ xoa đầu anh, nói với anh bằng cái giọng như hồi nào vẫn mắng mỏ anh hay trèo cây, chơi nghịch:

        - Mẹ lo cho mày quá! Mày cứ đi lờ ngờ thế thì chúng nó bắt mất thôi. Sao mày không nấp đâu cho kín, lại cứ đi trước mắt chúng giữa ban ngày ban mặt như vầy?

        Thông chớp chớp mắt, cười. Mẹ dỗ:

        - Hay con về nhà ta mà ẩn? Cái hầm bí mật mẹ đào năm xưa còn tốt đấy!

        Thông cười, lắc đầu.

        - Mẹ mày! Bọn vệ sĩ mà nó bắt được mày thì... thì khốn khổ con ạ!

        Phút xúc động dịu xuống, Thông nắm chặt tay mẹ nói:

        - Mẹ đừng lo, con ở đây có anh em đồng chí, đồng bào. Chúng nó không làm gì được con đâu. Mẹ cứ yên tâm. Được thấy mẹ mạnh khỏe thế này, con mừng quá!

        Mẹ kể cho Thông nghe về anh em, về bà con xóm làng rồi bất ngờ mẹ hỏi:

        - Hay mày xin chỉ huy về ít lâu tao hỏi vợ cho, rồi lại đi?

        - Độc lập hoàn toàn đã, mẹ ơi! - Thông kêu lên. Hai mẹ con cùng cười.

        Khi mẹ ra về, Thông dặn:

        - Từ sau, có trông thấy con, thì mẹ làm như không quen biết ấy nhá. Mẹ đừng đi theo như hôm nay.

        - Mẹ mày nữa! - Mẹ cười - Khéo không nó bắt mất mày đấy con ạ!

        Cũng từ đó, mẹ Thông nhận chị Phúc giao thông của công an làm cháu, đi lại trong nhà. Nhiều lần mẹ đã che chở cho Phúc thoát khỏi tay giặc. Có hôm mẹ lại gặp Thông trong phố. Hai mẹ con nhìn nhau mỉm cười, rồi mỗi người đi một ngả.

        Thông lại về chung sống với anh em công nhân lò bánh mì trong khu Xéc-tơ đế chuấn bị một kế hoạch hành động mới.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2018, 03:33:18 pm »

     
26

TIẾNG NỔ BÊN SÔNG VẠC

        Nắng chiều vàng nhạt rải lốm đốm trên sân nhà. Mùi hương man mác gợi buồn làm cho Oanh thêm bồn chồn hồi hộp. Cái hồi hộp sôi nổi khi bước vào trận đánh lớn. Anh lẳng lặng đi bên tĩnh thờ. Mùi hương đen quện với mùi thơm chuối tiêu trứng cuốc nồng nàn quen thuộc đưa anh về với kỷ niệm gia đình đầm ấm trong những ngày giỗ, tết. Bà Phú đứng bên bàn thờ, ngước nhìn anh trong giây lát, rồi bà nói sẽ sàng:

        - Còn sớm, anh đi nằm nghỉ cho khỏe.

        Oanh mỉm cười, lắc đầu:

        - Để con giúp cụ.

        Oanh đón cây nến trắng trên tay bà cụ Phú, đi châm đèn, nến. Bàn thờ sáng lên, nổi rõ những long ngai, câu đối, đài, trản, sơn son thiếp vàng, óng ánh. Bất giác, Oanh nhìn vào tấm đại tự đề tên Đức thánh Trần, nghĩ tới Tâm, Oanh mỉm cười. Bà cụ Phú châm thêm nắm hương, vảy vảy cho tắt lửa, vừa cắm vào bát hương cụ vừa nói thì thào thành kính:

        - Đức thánh linh thiêng, ngài phù hộ cho con cháu đi cứu nước được bình an.

        Oanh ngồi xuống chiếu, bên cạnh cái khánh đá, chờ xem bà cụ cúng Thánh cho quên thời gian chờ đợi. Nhưng bà cụ bảo anh:

        - Anh cứ ngồi đây chơi, tôi ra ngoài. Nếu có động thì cứ... - Bà cụ chỉ nhanh tay lên tấm đại tự - Đức thánh sẽ che chở cho - Rồi bà đi ra sân.

        Oanh mỉm cười, lòng rưng rưng xúc động. Những người như các anh, phải trèo lên bàn thờ tôn nghiêm để tránh giặc còn cảm thấy băn khoăn, ngần ngại. Còn cụ, lòng sùng bái thành kính như vậy, nhưng lại nghĩ về việc đó rất thanh thoát nhẹ nhàng. Việc thiết thực giúp cán bộ, cụ cũng thành tâm như thờ Thánh. Ở cụ, lòng thờ Đức thánh Trần và lòng yêu nước dường như không phân biệt.

        Oanh nao nao nhớ nhà. Bà cụ thật giống mẹ anh. Bà con Kim Sơn chẳng khác gì bà con trên mọi miền đất nước. Ấy thế mà giặc Pháp và bọn bán nước đã gây nên bao định kiến sai lầm, thâm độc. Ngay trong cùng tỉnh Ninh Bình đây thôi, bà con ở quê anh vẫn thường nghĩ không tốt về người Kim Sơn. Họ tránh tiếp xúc, giao thiệp. Bất đắc dĩ hay tình cờ phải gần gũi người Kim Sơn họ cũng có cảm giác vừa khinh vừa ghê ghê rợn rợn! Có lẽ cái định kiến không tốt đó bắt nguồn từ những ngày bọn tay sai của giặc Pháp lợi dụng danh nghĩa công giáo dựa thế giặc, đi cướp phá các vùng dân lương?

        Có lần mấy đồng chí người Kim Sơn cùng về nhà với Oanh. Anh cảm thấy khang khác, người nhà anh có vẻ ngần ngại. Nhìn ra lối xóm đã thấy mấy người thập thò nhìn ngó. Họ thì thầm với nhau: “Dân Kim Sơn đấy”. Thật buồn cười và thật xót xa! Oanh phải hết lời giải thích, đồng bào mới bình thường được.

        Bọn địch ở Kim Sơn vẫn hàng ngày kích động tâm lý thù địch để chia rẽ nhân dân lương và giáo. Nhưng chúng chỉ làm mê muội được một số người cuồng tín, còn phần lớn nhân dân, nhất là đồng bào lao động họ rất hiểu lẽ phải. Được giác ngộ, đồng bào công giáo Kim Sơn cũng yêu nước, ghét giặc như đồng bào lương. Bởi vậy, cán bộ kháng chiến mới sống và chiến đấu trong lòng Phát Diệm được. Phong trào du kích ở Kim Sơn không kém nơi khác. Oanh và các đồng chí của anh đã được bao đồng bào công giáo như ông Tám, Bích Hưng, ông Miên, bà Chế và rất nhiều người nữa che chở đùm bọc ngay trong hang ổ quân địch. Khi được tin vợ sinh con gái đầu lòng, anh đã vô cùng cảm động và sung sướng lấy chữ Kim đặt tên cho con, để kỷ niệm tấm lòng đồng bào Kim Sơn.

        Bà cụ Phú trở vào, mang cho anh khay ấm chén, cụ nói:

        - Anh uống đi, trà pha rồi đấy. Khi nào các anh ấy đến lại pha thêm.

        Oanh rót chén trà, hai tay nâng mời cụ. Bà cụ nhấp chén nước, chép chép môi, nói thì thầm:

        - Từ ngày các anh quét được cái bọn thằng Thư, dân cả xã này được yên. Cứ vậy làm mạnh vào, rồi chúng nó cũng sớm xéo khỏi đất Kim Sơn.

        Oanh cười, nói với cụ:

        - Bọn địch chưa dễ rời bỏ đất Kim Sơn đâu. Dù bị đòn đau chúng còn cố chịu. Quân đội và vũ khí của chúng còn nhiều. Bọn tay sai của chúng ở đây còn ngoan cố và còn không ít đồng bào chưa được giác ngộ cách mạng. Chúng ta còn phải đánh nhiều, đánh liên tục ở khắp nơi. Cụ Hồ nói, kháng chiến còn trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.

        - Gian khổ mấy cũng chịu. Gian khổ của ta bằng đâu cảnh cơ cực bị chúng nó đè nén giết chóc? Các anh cứ đánh mạnh vào, dù đời ta chưa được hưởng thắng lợi thì đời con, đời cháu cũng được. Nhất định không chịu chúng nó.

        Hình như bà cụ cũng linh cảm được nhiệm vụ quan trọng của các anh. Cụ ngồi không yên, nói rồi, cụ lại đi ra sân, vẻ mong ngóng chờ đợi.

        Đã bao nhiêu lần gặp nguy nan đấu gan, đấu trí, một mất, một còn với quân thù, Oanh đều giành được thắng lợi. Thế mà vào nhiệm vụ lần này, Oanh không nén được lòng hồi hộp.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2018, 03:34:20 pm »


        Đây là trận đánh mở đầu cho “Tháng hoạt động mạnh” của toàn tỉnh mà Đội Công an số 6 được vinh dự chọn giao nhiệm vụ. Qua bao ngày tháng lăn lộn trong vùng địch tạm chiếm, gây dựng cơ sở cách mạng, trận đánh này còn có ý nghĩa là trận mở đầu cho giai đoạn hoạt động mới của Đội Công an số 6 và các lực lượng kháng chiến trong Phát Diệm tạm chiếm - Giai đoạn tấn công từ trong lòng địch.

        Các anh đã để nhiều công sức chuẩn bị cho trận đánh này hơn một tháng rồi. Điều kiện và cơ hội thật chín muồi. Tinh thần các chiến sĩ công an rất hăng hái, quyết thắng. Nhưng khó khăn không phải là ít. Còn có thể có những điều bất ngờ vượt ra ngoài những khả năng mà các anh dự tính? Hoạt động trong vùng hang ổ thâm nghiêm của địch, Oanh hiểu điều đó lắm. Một thoáng Oanh nghĩ đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra - một sự sơ suất hay tình cờ nào đó để kẻ địch phát hiện. Các anh có thể bị địch bắt, bị hy sinh!...

        Trong chuyến về xin chỉ thị của Ty, Oanh có dịp ghé lại nhà một ngày. Vợ anh có băn khoăn sao anh trầm lặng quá, khác với những lần về trước. Anh không thể giải thích cho chị những suy nghĩ công việc, những tính toán trong đợt công tác sắp tới đã thu hút tâm trí của mình. Anh chỉ cười, kiếm lời giải thích qua quýt cho chị. Lúc ra đi, chị hỏi anh: “Anh lại vào trong ấy?”. Anh cười, lắc đầu: “Anh lên chiến khu”. Linh cảm của người phụ nữ yêu chồng không dừng lại ở những câu trả lời của anh. Chị biết chồng phải giữ nguyên tắc. Chớp chớp mắt, chị thủ thỉ bên tai anh: “Anh cứ yên tâm, em hiểu, gia đình ta mọi người đều ở mặt trận...”. Rồi xúc động, chị không nói tiếp được.

        Câu nói ngắn ngủi có bao hàm nhiều ý nghĩa đó luôn vang lên trong tâm khảm anh, khích lệ tinh thần chiến đấu của anh. Lúc này Oanh nhớ lại, anh mỉm cười liên tưởng tới những người thân thiết: Anh ruột anh, anh Long - một cán bộ của Đảng, đã hy sinh trong khi hoạt động cách mạng thời kỳ bí mật. Anh Sa, người anh rể đã giác ngộ và dìu dắt anh đi cứu nước, hai người anh con nhà bác và ba người em của anh cùng ở trong quân đội. Đúng, mọi người đều ở mặt trận. Sẽ không có hy sinh gian khổ nào có thể làm cho Oanh lùi bước.

        Thông rồi Tâm, lần lượt đến. Bà cụ Phú lẳng lặng cầm cuốc ra vườn, vừa làm việc vừa giúp cháu Thơm canh gác cho các anh.

        Thông vẫn như mọi ngày, lặng lẽ chờ đợi. Thỉnh thoảng anh mỉm cười nhìn Oanh như muốn giục: “Ta bắt đầu thôi chứ”. Còn Tâm, có vẻ nghiêm trang hơn mọi hôm. Bắt tay Oanh và Thông xong, Tâm nói ngay:

        - Anh Oanh ạ, có tình huống mới.

        Oanh lặng nhìn Tâm. Tâm nhắc cái mũ giang khỏi đầu đặt lên chiếc ghế đẩu, để sát cửa ra vào, ngồi xếp bằng xuống chiếu như ngồi vào mâm cỗ:

        - Sáng nay lính Tây kéo về đầy khu Xéc-tơ. - Tâm cười, nhấn mạnh - Nếu cứ làm thì được cả mẻ lớn đấy.

        - Về sáng nay? - Oanh hỏi như tự hỏi mình.

        - Có lẽ chúng muốn càn quét, hành quân lớn ở đâu? Đến một tiểu đoàn đấy. - Tâm nói và chờ đợi quyết định của Oanh.

        Thông thản nhiên, nói:

        - Mặc xác chúng, việc ta, ta cứ làm.

        Oanh hiểu rõ việc này không đơn giản thế. Quân Pháp kéo về đông, chúng sẽ canh phòng nghiêm mật. Các anh tiến vào câu lạc bộ sĩ quan sẽ khó khăn hơn. Nhưng không lẽ phải hoãn trận đanh?

        Chúng nó về đông như thế chắc chắn không phải vì kế hoạch các anh bị lộ. Nếu đối phó với các anh, chúng làm cách khác. Như vậy, các anh hành động lúc này càng bất ngờ cho chúng. Oanh rót trà đưa tận tay Tâm và Thông, anh cũng cầm một chén nhấp từng ngụm, vẫn cái giọng bình thản, anh hỏi Tâm:

        - Kế hoạch với số anh em phục vụ xong xuôi chưa?

        - Xong. - Tâm đáp - Anh sếp Lương đã kiếm cớ xin về Nam Định rồi. Một số khác cũng có lý do rời khỏi câu lạc bộ từ chiều nay. Còn bốn người bồi bếp phải ở lại hầu bữa tối, sẽ ra khỏi nhà trước tám giờ tối.

        - Rất tốt. Chúng ta hành động!

        Quyết định nhanh, gọn của người chỉ huy làm tăng quyết tâm chiến đấu và tin tưởng của các đội viên. Thông và Tâm cùng ngồi sát lại bên anh. Tâm cười, vui mừng nói:

        - Lạy Chúa! Tôi cứ lo bị hoãn lại.

        Thông không giấu được nôn nóng:

        - Anh cho xem vũ khí nào?

        Oanh với xuống bàn thờ, lôi ra cái cặp da đen bóng căng phồng. Anh lấy trong cặp ra một cái gói hệt như bao gạo, dài hơn bốn mươi phân, to bằng cổ tay. Oanh nói:

        - Chất dẻo. Cấp trên mới gửi xuống.

        Thông và Tâm cùng chụm đầu vào xem gói chất nổ. Thông tấm tắc:

        - Lạ quá nhỉ? Nghe nói mạnh lắm đấy, nhưng giờ mới được thấy lần đầu.

        Tâm gấp đôi gói thuốc, ôm gọn trong lòng, vỗ vỗ nói:

        - Chú em bé bỏng ơi, liệu chú có tung được cái nhà Lê Phát không?

        - Quá đi chứ! - Oanh cười tự tin, giải thích - Năm cân bộc phá thường còn làm tung được cái nhà hai tầng. Thứ này mạnh gấp mười lần thuốc nổ thường. Của nước bạn giúp đỡ đấy.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2018, 03:35:51 pm »


        Trong những năm sau Chiến dịch Biên giới, chiến sĩ công an cũng như bộ đội, rất say mê đánh bộc phá, hơn nữa đây lại là thứ vũ khí mới của nước bạn giúp. Những tiếng Oanh nói có một tình cảm tha thiết mới mẻ. Tâm và Thông cảm động, lòng thêm rạo rực phấn khởi. Tưởng như gói thuốc nổ các anh nâng niu trong tay cũng có hồn, cũng mang tính quốc tế, tính đồng chí đi đánh giặc.

        Oanh nhắc lại kế hoạch chiến đấu một lượt rồi rút trong túi ra một cái kíp bằng đồng, to hơn ngón tay, dài mười lăm phân, như cái bút máy. Cả ba cặp mắt cùng chăm chú đổ dồn vào cái kíp. Nét mặt Oanh trở nên nghiêm trang, xúc động. Anh nói nhỏ mà rành rọt:

        - Các đồng chí! Từ giờ phút này chúng ta bước vào trận đánh quyết liệt với quân thù. Đây là trận mở đầu cho “Tháng hoạt động mạnh”. Được cấp trên và đoàn thể tin tưởng giao phó vinh dự lớn lao này, chúng ta quyết hoàn thành nhiệm vụ một cách xứng đáng. Thề hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước!

        Trong giây phút thiêng liêng cả ba người như hòa làm một cùng rưng rưng xúc động và bừng bừng quyết đánh. Họ im lặng trong giây lát, lắng mình thấm thìa những lời người chỉ huy. Đó là tiếng nói của đoàn thể, tiếng nói tâm tư sâu kín của chính mình.

        Oanh nghiêm trang như người chiến sĩ kéo lá quốc kỳ trong lễ Quốc khánh trọng thể, từ từ đưa cái kíp đồng vào răng, căn ống nổ chậm kêu đánh “bép” một cái, rồi nâng hai tay đưa cho Thông. Cặp mắt to nghiêm nghị của anh nhìn thẳng vào Thông như muốn gửi gắm tất cả lòng tin tưởng và truyền thêm sức mạnh của tập thể.

        Thông nhận lấy cái kíp đã ấn định giờ nổ, cắm vào gói chất dẻo để trong cặp da.

        Họ siết chặt tay nhau. Tâm và Thông lên đường. Cả hai anh đều diện sang như hai chàng công tử Phát Diệm: Com-lê đũi vàng, cà vạt huyết dụ, giày da đen bóng lộn. Thông đội mũ phớt xám, tay cắp cặp da lịch sự. Nom anh có vẻ một tay chí thú làm ăn, như một viên chức được người Pháp đỡ đầu - cũng có vẻ một tay buôn chuyến Hà Nội, đang phất. Tâm lại tỏ ra sành sỏi theo kiểu của anh: tóc phi-la-dốp, kính gọng vàng đeo trễ xuống mũi làm cho cặp mắt thêm lẳng lơ. Cái mũ giang quanh đầu đội lệch hờ hững trên đầu, dáng điệu xấc lấc, nom đặc vẻ tay chơi.

        Năm giờ chiều, hai người thủng thỉnh trên bờ sông Vạc, tiến vào nhà Lê Phát. Gần đến nơi, Tâm đi vượt lên trước. Thông ôm cặp da đủng đỉnh theo sau.

        Bọn lính Âu - Phi căng bạt nằm ngồi la liệt, súng ống ngổn ngang. Chúng rải ra khắp khu Xéc-tơ, quanh nhà Lê Phát và tràn ra cả bờ đê.

        Tâm và Thông vẫn thản nhiên đi thẳng vào, theo kế hoạch đã định. Bọn lính địch không mảy may nghi ngờ các anh. Nhưng chưa đến vọng gác thứ nhất, Thông thấy Tâm ra hiệu, anh nhận ra ngay tên Tín từ phía Trì Chính đi xuống. Tín là tay chân đắc lực của Tăng ở Tổng bộ tự vệ. Nhanh ý, Thông tạt vào một lều bạt, rút bao thuốc lá Phi-líp mời mấy tên lính Tây hút, để xin lửa.

        Tín đi khỏi, hai anh tiếp tục lên đường. Tên lính ở trạm gác ngoài cùng trông thấy hai anh từ chỗ bọn lính Tây, cười cười nói nói đi ra, chúng không căn vặn gì, còn làm ra bộ thân quen:

        - Hai thầy lên chơi sớm vầy?

        Tâm cười, ném cho nó điếu thuốc. Tên lính xuýt xoa thích thú, mân mê điếu thuốc thơm đưa lên mũi hít lấy hít để.

        Qua vọng gác thứ hai trên bờ đê, cũng trót lọt. Trước khi rẽ vào khu nhà Lê Phát, Thông bỗng thấy Oanh đi nhanh theo sau. Anh hồi hộp trông chờ. Nhỡ phải rút thì tiếc quá? Nhưng Oanh đi sát qua anh, nói khẽ:

        - Bình tĩnh! Dũng cảm tiến lên!

        Theo kế hoạch sau khi Tâm và Thông ra đi, Oanh sẽ đến trại Kiến Thái chờ kết quả. Nhưng vốn tính chu đáo và tinh thần trách nhiệm cao, Oanh đến tận lối rẽ này để động viên đồng đội.

        Tâm và Thông thêm phấn khởi, tự tin. Tâm đi qua lối rẽ, đứng lại trông chừng, rồi đưa tay sửa mũ. Thông hiểu đó là dấu hiệu an toàn, liền rẽ vào nhà Lê Phát. Tâm quay lại, nối gót Thông vào luôn.

        Những người am hiểu vùng này trông thấy họ dễ yên chí đây là những nhân viên Phòng nhì, là tay máu me cờ bạc, cay cú, đến sớm để sát phạt nhau, để trác táng. Hàng ngày vẫn có hàng chục đứa như thế ra vào đây. Tâm nháy mắt với mấy tên lính gác ở trạm gác trong cùng rồi vứt cho chúng cả bao thuốc lá còn lại. Tên đội đứng gần Tâm không nghĩ tới chuyện soát giấy mà cúi đầu chào.

        - Chúc hai thầy hôm nay may mắn!

        Hai anh đẩy cửa đi thẳng vào. Phòng khách vắng tanh. Những cái giá treo áo trống không. Bộ bàn ghế xếp gọn một góc. Còn quá sớm để đánh bạc, nhưng rất vừa để đánh giặc. Thông mừng rơn, đưa mắt ra hiệu. Tâm đi nhanh lên, đứng giữa cầu thang. Nếu có người trên gác xuống, anh sẽ tìm cớ chặn lại và báo hiệu cho Thông.

        Thông đến bên cái bàn giấy hai buồng, ngồi xuống mở cái ngăn kéo dưới cùng, ngả cặp, lôi gói chất dẻo đã cắm kíp đặt khoanh tròn vào đó. Xem lại cẩn thận rồi anh đóng ngăn kéo lại.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2018, 03:36:20 pm »


        Tất cả công việc được thực hiện một cách bình tĩnh, chính xác trong chừng một phút - Động tác đó các anh đã tập trong ba ngày - Tâm không phải mất thì giờ phiền phức với ai.

        Hai anh trở ra. Bọn lính gác không để ý. Dù không cố tình họ cũng cảm thấy mình rảo bước. Oanh đã đứng đợi họ cách cầu Trì Chính độ năm mươi mét.

        Ba người nhìn nhau, phấn khởi. Cho đến lúc này Oanh mới yên chí đi thẳng qua cầu, sang phố Thượng Kiệm. Thông và Tâm đi vòng theo bờ rào thép gai khu Xéc-tơ, ngược phố Trì Chính, lên quán cà phê ông Đạt. Ông chủ hiệu giải khát thấy hai anh đến, đã để ý. Nghe Tâm gọi cà phê, ông vội bưng lên ngay.

        Lựa cơ hội thuận tiện, Tâm rỉ tai ông Đạt:

        - Có thể tối nay chúng nó lùng sục ghê lắm. Ông cẩn thận.

        Với cái nhạy cảm của người dân yêu nước sống trong vùng địch tạm chiếm, ông Đạt đoán hiểu là “có chuyện rồi”. Ông dè dặt hỏi:

        - Độ mấy giờ?

        - Chưa rõ.

        Ông Đạt không hỏi thêm. Để biểu lộ lòng hân hoan của mình với những chiến công của các chiến sĩ công an, ông Đạt bưng thêm một khay bánh kem và hai tách cà phê đặc sánh, thơm phức. Rồi ông vào nhà thu giấu hết những thứ gì trong nhà ông có thể khiến kẻ địch nghi ngờ khi nó sục vào khám xét.

        Chập tối, Tâm và Thông về nhà ông Miên trong trại Kiến Thái. Oanh đã chờ hai anh ở đó.

        Theo dự kiến, đúng 20 giờ mìn sẽ nổ. Đó là lúc câu lạc bộ sĩ quan đông giặc nhất. Là giờ ăn của bọn Tây chỉ huy Xéc-tơ ở gác ba. Ở hai tầng dưới, lúc đó cũng đã đầy bọn tay sai chen chúc trong các sòng bạc, các bàn ăn uống.

        Kém hai mươi!

        Kém mười lăm!

        Kém mười!

        Oanh, Thông, Tâm chụm đầu vào cái kim đồng hồ dạ quang đang nhích dần một cách nặng nề, chậm chạp.

        Kém bảy!

        Kém năm!

        Kém ba!...

        Qua ít phút, Thông đã khịt khịt mũi, vẻ bứt rứt khó chịu, vốn chưa tin lắm ở mìn, anh sợ lại như vụ phục kích tên trùm chỉ huy tổng bộ tự vệ. Anh uể oải đứng dậy đi uống chén nước. Tâm vẫn ngồi im nhưng mặt bần thần! Thỉnh thoảng liếc trông nhìn Oanh. Oanh vẫn giữ được vẻ bình thản bên ngoài, nhưng trong lòng anh đã xôn xao bao câu hỏi khó trả lời và những dự tính trong tình huống mới. Chỉ vì mìn không nổ thôi ư? Hay kẻ địch đã phát hiện được và kịp thời ngăn chặn vụ nổ? Nếu là trường hợp thứ hai thì xấu quá. Bí mật vũ khí bị lộ. Hoạt động của đội công an sẽ có những khó khăn, không lường được. Đây không phải chỉ là sự không thành công của một trận đánh thông thường...

        Oanh vẫn ngồi im. Đến hai mươi giờ ba mươi, sẽ phải có những quyết định táo bạo: Phải vào lấy mấy quả mìn ra! Anh tự đặt mức cho mình như vậy. Mỗi phút trôi qua có thêm bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu dự định dồn đến với anh.

        Hai mươi giờ, sáu phút!

        “Rầm... ầm...” Tiếng nổ dữ dội bỗng bùng lên, lay chuyển cả Phát Diệm.

        Gạch đá rơi rào rào, loảng xoảng trùm kín một vùng nhà cửa và mặt sông. Còi báo động rú lên rùng rợn. Đèn pha, pháo sáng rực trời. Tiếng giày đinh chạy rầm rập. Tiếng xe rú máy, tiếng giặc gào nhau giọng ta, giọng Tây xen với tiếng chó sủa xóc óc. Cảnh tượng thật huyên náo hỗn loạn. Bọn lính trong các bốt đầu cầu Trì Chính, Kiến Thái, nhà Hai Vỡi hốt hoảng nổ súng đì đùng vu vơ để tự trấn an tinh thần.

        Nháo nhác một chập, bọn chỉ huy địch mới hoàn hồn điều lính về tiếp cứu và truy lùng. Trên bộ, xe, lính quần đảo. Dưới sông Vạc, bọn hải tuần ngoài cửa lạch Đáy kéo về. Ca nô chiến, xuồng máy hỏa tốc cập bến Trì Chính. Tưởng con kiến cũng không thoát khỏi vòng vây của chúng!

        Trong nhà ông bảo an Miên, Oanh, Tâm, Thông ôm chặt nhau, sung sướng không nói nên lời!

        Nhưng, Oanh đã nói bằng cái giọng trầm chắc nịch đầy kiên nghị của anh:

        - Các đồng chí. Chúng ta cần phân tán ngay.

        Tâm và Thông nhìn anh chờ đợi. Thực ra các anh chưa nghĩ đến chuyện đó. Ở đây an toàn biết mấy? Chúng nó có tài thánh cũng không tìm được các anh.

        - Cần phải nắm chắc tình hình địch, - Oanh phân tích - tạo điều kiện để phát huy thắng lợi và củng cố cơ sở ngay trong khi địch tăng cường khủng bố. Đồng chí Tâm về ngay đường phố. Đồng chí Thông và tôi về xóm trên. Các đồng chí cần phái cơ sở đi xem xét.
        - Ngay bây giờ? - Tâm hỏi.

        - Phải, ngay bây giờ. Khi chúng đang hỗn loạn, chưa kịp triển khai. Ngày mai sẽ khó đấy.

        Oanh và Thông ra đường, gặp bọn tề dõng, bảo an và đồng bào, kẻ chạy vào người chạy ra. Có bọn lính gác tưởng các anh là nhân viên công an, Phòng nhì, không soát xét mà còn hỏi dò “Việt Minh đánh ở đâu?”.

        Hai anh nhanh chóng đi về nhà anh Chức - một cơ sở ở trong xóm, gần đường liên lạc, nhà lại có hầm bí mật.

        Theo bố trí của Oanh, sáng hôm sau chị Chức đội thúng chuối xuống phố bán. Trưa chị về, vui mừng kể rằng: Nó bốc cả chân móng nhà Lê Phát xuống sông. Dãy nhà lính và người phục vụ ở (trong đó có nhà bếp Lương) bị cuốn băng đi một nửa. Dãy nhà làm việc của nhân viên làm trong Xéc-tơ, sụp ba gian. Cây bàng trước sân to là thế, cũng đổ gục. Đường từ Xéc-tơ sang nhà thương đầy máu rong. Địch quây cót kín khu nhà đổ. Chúng ra lệnh giới nghiêm. Đường phố chỉ còn xe nhà binh và lính tráng hớt hải đi ngược, đi xuôi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2018, 02:55:44 am »

       
27

NIỀM VUI THẮNG TRẬN

        Tâm đứng lẫn với mấy đồng bào đi chợ, từ bên phố Thượng Kiệm nhìn qua sông Vạc. Chỗ ngôi nhà ba tầng quét vôi hồng vẫn soi bóng xuống dòng sông không còn nữa, nom quang một vùng. Thay vào đó là một đống gạch vụn khổng lồ, có cót bao quanh. Những cái lưng trần đen, trắng của bọn lính Âu - Phi nhấp nhô đào bói. Xe vận tải trùm kín bạt và xe nhà thưong, chạy ra vào như mắc cửi. Nhà thương Phát Diệm đóng cửa.

        Đồng bào không giấu được vẻ hể hả. Tâm để ý, một ông mặc áo dài khăn đóng, đeo thánh giá ở cổ, mồm cứ xuýt xoa: “Khiếp thật! Tai hại quá!”, nhưng cặp mắt thì nhìn mọi người đầy vẻ thích thú. Tâm đứng sát bên ông, nói khẽ:

        - Họ làm thế nào nhỉ?

        Ông ta chặc lưỡi đầy kiêu hãnh:

        - Hừ, Việt Minh mà! - Liếc nhìn quanh rồi ông ta hạ một câu - Lạy Chúa, thật là Chúa có lòng!

        Mấy tên vệ sĩ cầm ngang súng, hầm hầm đi đến. Đồng bào vội tản mát các lối. Tâm đi sau hai chị còn trẻ, cùng đeo thánh giá. Một chị nói:

        - Đáng đời chúng nó. Cứ tưởng không ai làm gì được.

        - Được bộ đội đánh vào nữa thì thật thỏa lòng.

        Thấy Tâm, các chị bấm nhau, nói lảng sang chuyện nhà thờ mới làm lễ rửa tội cho tám đứa bé một lúc.

        Gần đến chợ Nam Dân, Tâm gặp mấy tên lính bảo an vẫn đánh bạn với Tâm ở đền Đức Bà cứu giúp. Trông đứa nào cũng ủ rũ rã rời. Tâm bắt tay chúng:

        - Mệt lắm à? Vào làm cốc cà phê cho tỉnh.

        - Suốt đêm qua đến giờ, không được ngồi nữa! - Tên lính vừa nói vừa uể oải lắc đầu - Thèm lắm nhưng vào tiệm thì các sếp ấy cắt lương, lấy chi nuôi vợ con! Không khéo vào tù!

        Tâm rút bao thuốc Cô-táp. Mấy tên lính sáng mắt ra chen nhau chìa tay và than thở:

        - Một đêm trắng, có điếu nào đốt sạch. Có xu nào cũng hết.

        - Mà đã xong đâu! Còn là kiệt xác. Mẹ kiếp! Việt Minh nó đi đằng nào rồi ấy chứ. Có mà hòng!

        Tâm gật gật đầu, thông cảm với chúng, khẽ nói:

        - Chứ “nó” làm gì mà ghê thế?

        - Tan cái nhà Lê Phát! - Vừa nói tên lính vừa hất hàm sang bên kia sông.

        Tâm gật đầu:

        - Biết rồi, nhưng mà bên ấy canh phòng như vậy?

        - Xì... - Tên lính bĩu môi, khua tay một cái rất đểu - Canh cái đếch gì. Tao nghe nói họ đặt mìn ngồi bên này giật sang.

        Tên lính khác lườm thằng vừa nói một cái:

        - Biết không? Bom bay! Việt Minh từ bên Nga Sơn phóng sang. Tây nó nói đấy. Tối tân lắm. Cứ là nhắm đâu trúng đấy. Cả khu Xéc-tơ chỉ hai quả là sạch!

        - Thế à? - Tâm thấy rõ bọn lính hoang mang sợ sệt.

        Anh nói đệm:

        - Thế tao cũng phải liệu tránh xa xa Tây không phải đầu lại phải tai, thì khốn!

        - Rồi chết ráo cả!

        Tên lính chán chường ghé sát tai Tâm thì thầm:

        - Nói trộm thôi nhé, nghe nói phải cả trăm mạng! Đến giờ chưa nhặt hết xác.

        - Thôi, đi, không lính Tây nó đến. - Bọn lính bảo nhau kéo đi.

        Tâm tủm tỉm, không nén nổi lòng sung sướng. Anh vào quán Bích Hưng. Liếc thấy Tâm, Bích Hưng mỉm cười, bưng lên cho Tâm một bát phở. Anh nói khẽ:

        - Tuyệt quá anh ạ! - Rồi gióng giả - Đêm qua Việt Mỉnh đánh vào thế nào không biết, lính tráng quần đảo suốt ngày đêm, chắc còn càn quét bắt bớ nhiều. Hàng họ đến ế chảy ra mất thôi!

        Chị Bích Hưng đang thái bánh phở quay lại nguýt chồng, giọng the thé:

        - Việc họ họ làm, mất gì nhà anh mà cứ nỏ mồm! Ê ẩm thì để mình tôi trông hàng. Anh đi mà chạy hàng chuyến Nam Định.

        - Thời buổi này đòi chạy hàng chuyến. - Bích Hung lẩm bẩm - Lính tráng ô hợp nó không cướp sạch đi đấy à?

        - Chỉ sợ cái thân anh lười quen xác rồi! Chứ như người ta thì lo gì tôi không vào Tổng bộ xin cậu tôi cho anh cái giấy chạy hàng cho Tổng bộ? Thế còn sợ nỗi gì?

        Biết tính hay chì chiết lắm lời của vợ, Bích Hưng không nói nữa. Anh đi thu dọn các bàn ăn. Đến bên Tâm, anh ngồi lại, kiếm câu chuyện làm ăn buôn bán đưa đẩy. Dường như anh chỉ muốn gần bên Tâm để chia sẻ nỗi niềm sung sướng sau chiến công lớn mà anh đoán chắc Tâm có tham gia.

        - Tôi có người em họ làm bên nhà Lê Phát, tối hôm qua hút chết. Nó hầu bàn ở gác ba. Vừa ra ngoài đi giải thì bom nổ.

        Tâm hiểu là số anh em phục vụ trong câu lạc bộ đã ra thoát. Nhưng ngồi lại chuyện trò với Bích Hưng không tiện. Anh ăn phở xong đi ra ngay.

        Bọn lính tráng, vệ sĩ, chỉ điểm bị huy động đi canh gác, truy lùng Việt Minh hết. Không còn ai để cờ bạc, Tâm lang thang ngoài phố một lúc rồi trở về một cơ sở ở rìa thị trấn để nghỉ một hôm.

        Thôn xóm êm ả lạ thường. Đường làng ngõ xóm vắng tanh, thưa thớt vài người đi lại vẻ vội vàng sợ sệt. Lác đác các ngõ xóm thập thò những cái mặt vệ sĩ đằng đằng sát khí. Tâm kéo cái thẻ Phòng nhì để hở một góc lên túi áo. Bọn vệ sĩ gườm gườm nhìn anh, bắt gặp cái góc thẻ, chúng sập mắt xuống ngay.

        Tâm nằm trên giường, lòng khoan khoái lạ thường. Sau một ngày đêm căng thẳng, say sưa với trận đánh bây giờ gân cốt giãn ra, khoan khoái êm dịu. Tưởng có thể ngủ say được nhưng lòng cứ lâng lâng theo niềm vui khó ngủ. Hai đứa bé con ông chủ nhà ê a học từng câu kinh, lặp đi lặp lại không thuộc:

        “Bay hãy lọn...
        Bay hãy lọn lành như cha bay...
        Lọn lành là ì à... là đấng lọn lành... ở trên lời.
        Bay hãy. . . 1

        Học nản quá, chúng bày chuyện nhặt cói làm nhà làm cửa chơi với nhau. Tiếng trẻ thỏ thẻ ríu rít làm cho Tâm vui thêm với những điều suy tưởng, mơ ước.

        Tâm nghĩ nhiều đến Thuận. Càng ngày nom Thuận càng chín chắn, xinh đẹp thêm. Tâm không còn được phút nào gần gũi chuyện trò với Thuận nữa! Bao giờ đến ngày giải phóng, được biết rõ về nhau? Lúc ấy thì phải biết là thích! “Minh sẽ nhắc lại tất cả những thái độ của cô ta đối với mình lúc này để trêu cho một mẻ”... 

        Tâm mới thiu thiu ngủ với nụ cười không dứt trên môi, bỗng choàng dậy. Có tiếng ông chủ nhà đon đả chào bọn lính ngoài cổng.

        Bọn lính dõng và vệ sĩ sục sạo suốt ngày, làm cho Tâm không yên lấy được vài giờ. sốt ruột

-------------
        1. Thánh kinh: “Bay hãy lọn lành như cha bay ở trên trời là đấng lọn lành”
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM