Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 04:09:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đội công an số 6  (Đọc 18628 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 08:32:20 pm »


        Tư Thảo nhíu đôi lông mày, bàn tay run run lần cởi hàng khuy áo quân phục, như thể cái áo làm lão tức thở. Rồi không nén được, lão nói:

        - Các ông đừng nhìn bề ngoài mà tưởng... - Lão ấm ức, nói đứt đoạn.

        Oanh hiểu đó là tác động của câu mình nói, anh lựa lời thăm dò thêm:

        - Vâng. Ông Chủ tịch hiểu rõ tình cảnh và thực chất việc làm của ông nên vẫn giữ cảm tình với ông.

        Tư Thảo đứng thẳng dậy, phanh ngực áo, vung tay nói một cách nóng nảy:

        - Các ông không biết! Tham mưu trưởng gì mà ăn cơm bốc trong rá! Lương chẳng được lĩnh một xu! Tôi xin bộc bạch cho các ông biết...

        Thấy Oanh gật đầu, tỏ ra thông cảm, Tư Thảo bốc lên:

        - Ông Chủ tịch còn nghĩ đến tôi, cử ông vào đây, cũng là dịp may cho tôi được trần tình với Chính phủ. Tôi đã không ra kịp theo Chính phủ, chúng nó gọi ra làm, không làm chúng không để cho yên. Quả tôi không có thù oán gì với Chính phủ, với Mặt trận. Chẳng qua “gió chiều nào phải che chiều ấy”. Tôi là tổng tham mưu trưởng làm vì! Quyền hành là ở nơi Nhà Chung, nơi Hoàng Quỳnh ấy!

        - Vâng, chúng tôi biết. Đành rằng “gió chiều nào che chiều ấy”, nhưng chỉ nên che bên ngoài, còn bên trong mong ông đừng quên Tổ quốc, đừng quên nhân dân...

        Tư Thảo nói ngay:

        - Không. Tôi không làm gì nên tội với đồng bào. Ở cái thế của tôi thật khó nói. Xin các ông hiểu cho. Tôi không đời nào! - Tư Thảo ỉu xìu ngồi xuống.

        - Ông cứ nên thật bụng như vậy. Ai như thế nào Chính phủ cũng biết. Những kẻ gây nhiều tội ác, cố tình phản bội Tổ quốc chống đối nhân dân, Chính phủ đã cảnh cáo mà không quay đầu hối cải, sớm muộn tất sẽ bị trừng trị. Ngay Trương Đình Tri thủ hiến Bắc Việt ở Hà Nội, Nguyễn Văn Sâm thủ hiến Nam Việt ở Sài Gòn, cũng đã đền tội. Điều đó chắc ông biết? Thế nhưng...

        - Vâng ạ, tôi biết. Bản thân tôi rất trông mong vào sụ sáng suốt của Chính phủ.

        Oanh nhìn thẳng Tư Thảo, nói:

        - Chúng tôi biết ông đã có công cứu cán bộ kháng chiến. Như trường hợp anh Kháng chẳng hạn. Nhờ có ông...

        Tư Thảo nở nang mặt mày, đứng dậy vỗ ngực:

        - Đúng lắm. Không có tôi thì thằng Kháng xanh cỏ rồi! Không thì cũng là còn mọt gông? Chính tôi đã xin cho nó thoát khỏi tay bọn Phòng nhì miền hành quân Bắc Bộ.

        - Mong rằng ông sẽ có nhiều quan hệ với kháng chiến hơn nữa.

        - Vâng ạ. Nhưng là phải trong vòng bí mật? cần lắm tôi mới gặp các ông, còn thường xuyên thì nói qua Kháng.

        - Vâng, như thế rất tiện. Bây giờ chúng tôi có người ra ngoài. Ông có muốn liên lạc với ông Chủ tịch, xin ông viết thư.

        - À, à... - Tư Thảo cắn môi, nhíu mày một lúc rồi lắc đầu - Không tiện ông ạ. Nguy hiểm lắm! Nếu sơ ý, cái thư của tôi vào tay Phòng nhì hoặc Tổng bộ thì chết ngay. Các ông thưa với ông Chủ tịch là tôi xin cám ơn ông còn có lòng nghĩ đến tôi. Tôi xin cung cấp cho các ông những tài liệu, tin tức cần thiết. Đấy, các ông có cần nắm tình hình quân sụ ở Kim Sơn, Phát Diệm này thì hôm nào mời ông lên ngồi xe jeep với tôi, tôi sẽ đưa ông đi kinh lý một lượt, xem các tuyến phòng thủ, các nơi đóng quân?

        - Cảm ơn ông. Chúng tôi sẽ có những yêu cầu cụ thể. Bây giờ chúng tôi chua đi cùng với ông được.

        Tư Thảo đứng dậy, nhìn Oanh hỏi:

        - Ông chưa tin tôi à? Này, thì đây... - Tư Thảo tháo cái thắt lưng tổ ong có khẩu súng ngắn và hai kẹp đạn, đặt lên bàn - Tôi nộp ông đây. Coi như vật làm tin. ông bằng lòng chưa? Bây giờ tôi về. Lúc nào cần, ông cứ liên lạc.

        Tư Thảo cài khuy áo, đi ra sân.

        Oanh cầm cái thắt lưng có khẩu súng bước theo đưa cho Tư Thảo:

        - Ông cầm lấy. Tôi rất cảm kích sự chân thành của ông. Nhưng như thế không lọi cho ông. Có thể vì những hằn thù nhỏ nhen hay một lý do nào đó, Nhà Chung có thể hỏi ông về vũ khí mà họ đã trang bị cho ông?... Dù sao cũng không lợi cho ông. ông cứ yên tâm. Chúng ta tin nhau ở tấm lòng và ở thực tế.

        Tư Thảo cảm động, tay trái đón cái thắt lưng và súng, tay phải chìa ra bắt chặt tay Oanh:

        - Méc xi! Cảm ơn!

        Kháng đón Tư Thảo ở cổng, nhắc:

        - Ông nhớ cài khuy cổ.

        Tư Thảo vuốt áo quân phục cho nghiêm chỉnh. Vừa bước, lão vừa nói:

        - Bây giờ tao mới thấy được nhẹ người, không còn lo sợ gì nữa...

        Kháng cười thầm; giờ anh mới hiểu hết những nỗi lo sợ căng thẳng của lão trong những ngày qua vì những câu nói dụng ý của anh và nhất là thỉnh thoảng có những cái truyền đơn trong túi áo, trong ngăn bàn lão.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 08:33:56 pm »


15

TRÊN BÀN THỜ ĐỨC THÁNH

        Chiều oi ả. Thủy triều dâng ngập đến mé cỏ bờ đê sông Vạc. Nước lững lờ dồn lên đầy rác rưởi. Người và xe cộ tấp nập qua lại trên cầu Trì Chính. Các bà, các chị bị bất đắc dĩ phải qua cầu, bước vội vàng như qua bãi tha ma hôi thối. Họ nhìn thẳng phía trước mà đi. Nhiều người không giấu được vẻ sợ sệt, chỉ muốn nhắm mắt mà thoát ra khỏi cảnh ồn ào bẩn thỉu dưới chân cầu - Ở đó, bọn lính lê dương da trắng, da đen trần truồng tắm. Chúng la hét như quỷ sứ để trêu ghẹo người đi đường và giở đủ trò súc vật.

        Trong đám lưu manh tụ tập ở bến chợ Nam Dân chiều nay, có một người trẻ tuổi, da ngăm đen, tóc gọng kính trùm tai làm cho cái mặt tròn ngắn ngủn lại. Anh ta cũng mặc áo cánh đen, quần cát bá trắng đầy vẻ xấc lấc tay chơi. Bọn lưu manh, chỉ điểm vỗ vai, bá cổ, “cậu cậu, tớ tớ” với anh ta. Chúng không ngờ rằng đó là Tâm, người mà tên Tăng đang lồng lộn huy động cả mạng lưới mật thám đồ sộ của phòng quân báo tổng bộ truy lùng, từ sau khi tên Hanh mất tích. Chúng tả hình, tả dáng anh, tầm nã khắp nơi.

        Tâm đến bên chiếc xe vận tải của lũ Com-măng-đô. Có đứa quen Tâm trong sòng bạc, níu anh lại chuyện trò. Bất đắc dĩ Tâm phải chứng kiến cảnh các chị em phải hoảng hốt chạy tránh những bàn tay lông lá của lũ đười ươi đó. Lòng anh đau thắt nhưng anh vẫn phải cười nói với chúng. Chợt Tâm nhìn thấy Thuận trong dòng người từ bên kia cầu đi sang. Anh lạnh toát từ gáy xuống như có dòng điện chạy qua. Thuận tránh sao khỏi bị chúng nó trêu ghẹo!

        Bấy lâu nay, Tâm tuy biết Thuận đã được thu hút vào cùng đơn vị hoạt động với mình, nhưng đối với Thuận anh vẫn phải giữ bí mật. Vì vậy mà giờ đây, dưới con mắt của Thuận, anh vẫn chỉ là một tên lưu manh đàng điếm như bao kẻ khác nhan nhản ở Phát Diệm. Chẳng thế mà một lần, trước sòng bạc Đức Bà cứu giúp, Tâm cùng mấy tên vệ sĩ đi qua chỗ Thuận bán bánh tẻ, Tâm vờ hỏi:

        - Bao nhiêu tiền một cái bánh?

        Thuận nói ngay:

        - Bánh này không có bơ sữa, các thầy ăn đâu, mà hỏi!

        Lựa khi một mình, Tâm lân la gợi chuyện:

        - Lâu nay bận quá, tôi không có thì giờ lại nhà...

        - Không dám ạ. Chúng tôi vất vả làm ăn, sợ không có thì giờ tiếp các thầy.

        Nói xong, Thuận ngoăn ngoắt đội thúng bánh đi.

        Thuận đi qua cái xe tải, bọn lính nheo mắt, huýt sáo, Tâm nóng bừng trong ngực. Nhưng Thuận cứ tỉnh khô bước đi. Bọn lính nhún vai nhìn theo cô, lắc đầu. Tâm thích quá! Nhưng anh liền thấy Thuận quay lại, cô dành cho anh một cái nhìn căm thù và khinh bỉ. Còn tệ hơn những cái nhìn và câu rủa của bà con ta thường ném vào mặt bọn chỉ điểm, chó săn. “Thế là hoàn toàn cự tuyệt đấy!”.

        Nhưng Tâm vui trong lòng: Thuận thế mới cừ!

        Một anh đội Bảo chính đoàn mồm ngậm thuốc lá, hai tay đút túi quần, trong nhà Lê Phát ra. Anh ta vồ vập với Tâm:

        - Thầy sang muộn thế? Trong nhà đang thiếu một chân xóc đĩa.

        Tâm bắt tay đội Tứ, cùng anh ta vào nhà Lê Phát.

        Qua ba lần gác, lính canh đều chào hỏi đội Tứ và bắt tay Tâm. Tâm rút thuốc lá Phi-líp mòi chúng. Đây là lần thứ ba Tâm vào được nơi ăn chơi của bọn sĩ quan Xéc-tơ. Bọn lính gác yên chí Tâm là một tay Phòng nhì như lời giới thiệu của đội Tứ, nên không soát xét giấy tờ.

        Mới năm giờ rưỡi, trong nhà Lê Phát đã đông người. Tầng hầm dưới cùng là chỗ đặt bàn đèn và sòng bạc của những người bồi bếp, lính tráng canh gác, hầu hạ trong khu Xéc-tơ. Tầng hai là nơi ăn chơi của bọn quan lại ngụy, bọn cai đội Tây và ta. Tầng ba trên cùng, bày biện sang trọng, là chỗ ăn cơm, đánh bi-a, nhảy đầm dành riêng cho các sĩ quan Tây cầm đầu khu Xéc-tơ. Chỉ những quan đầu tỉnh của ngụy như loại Phan Ngân, Xứng, Minh... mới được lên đó. Tầng này từ bảy giờ tối mới đông khách.

        Tâm ngồi chơi xóc đĩa một lúc ở tầng hầm rồi đi sang dãy nhà ngang phía sau. Nhà này là khu gia đình của bồi bếp. Tâm vào nhà sếp Lương. Vừa may, sếp Lương làm xong bữa ăn tối cho gác ba trở về. Thấy Tâm đến, sếp Lương vui mừng kéo anh vào bàn, pha trà uống và báo cho anh biết, hôm nay có nhà báo Diễm đi cùng Trần Ngân trưởng ty hải tuần đến ăn cơm và đánh bài ở gác hai.

        Sếp Lương là đầu bếp ở Nam Định, bọn giặc đưa anh về đây trông coi câu lạc bộ Lê Phát và nấu ăn cho sĩ quan Pháp ở Xéc-tơ. Chúng cho anh cái chức sếp. Tuy được bọn địch tin dùng nhưng sếp Lương có lòng yêu nước, ghét giặc. Hồi ở Nam Định anh đã là cơ sở cách mạng, về đây bắt được liên lạc của Đội Công an số 6, anh đã rất vui mừng tiếp tục làm nhiệm vụ...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 08:34:42 pm »


        Tâm xin sếp Lương một tờ giấy, rọc lấy một mảnh bằng bàn tay, viết mấy chữ:

        “Ông Diễm, có người ở ngoài chỗ chú ông vào, cần gặp ông. Đúng năm giờ chiều mai, ông đến quán nước chanh ông Đạt để liên lạc. Nếu cố tình để xảy ra hậu quả gì, ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Ký tên: “Đội Công an số 6”.

        Mọi người đang chúi mũi vào cuộc đen đỏ, không ai chú ý đến Tâm. Trong bàn tổ tôm Diễm ngồi, có năm người. Ba người ngồi chầu rìa là tám. Tâm len vào đó. Anh vừa xem bài vừa chú ý quan sát. Những tên này có vẻ phong lưu trí thức. Chúng ngồi ngay ngắn trên ghế tựa, vừa đánh bài vừa chuyện trò nửa tiếng Tây nửa tiếng ta; không ồn ào lộn xộn như những đám xóc đĩa, bài Tây bên cạnh. Thật khó có điều kiện để đặt mảnh giấy. Tâm kiên nhẫn chờ. Có thể là lúc ra về, cùng đi xuống cầu thang anh sẽ tìm cách nhét vào túi quần nó? Chơi một lúc tên Diễm kêu nóng, cởi cái áo vét bằng đũi trắng khoác lên tựa ghế. Tâm mừng rỡ. Vừa khi tên Diễm được ván bài, anh vờ chụm đầu vào xem bài của hắn, và nhanh tay ấn mảnh giấy gập nhỏ vào túi trên cái áo đũi vắt sau lưng hắn.

        Tâm xuống tầng hầm. Anh đưa mắt với đội Tứ. Hai người đi ra cổng.

        - Tình hình có gì mới không? - Tâm hỏi.

        - Dạ bình thường.

        - Ngày mai có càn quét đâu không?

        - Không nghe nói. Mi-lô và Sô-ni-ê đi Nam Định chưa về.

        Bọn lính gác đã rào thép gai chắn đường qua cầu. Đội Tứ tự tay kéo rào cho Tâm trở về chợ Nam Dân.

        Sáng hôm sau, Tâm đi lên làng Trì Chính để gặp Oanh.

        Tâm cẩn thận đi xuống xóm bốn rồi mới trở lại xóm hai, vào nhà bà Phú. Bà Phú đang ngồi trên khung cửi dệt vải, thấy Tâm đến, vội xuống mở cửa tĩnh thờ cho anh vào. Một lúc sau Oanh đến.

        Hai anh bàn bạc về tình hình và những việc cấp trên chỉ thị cần làm...

        Oanh rất vui vì Tâm đã nhắn gặp được tên Diễm. Tư Thảo đã cung cấp nhiều tin tức và tài liệu giá trị về tình hình quân sự và nội bộ địch. Ông ta còn cho biết về nhóm Đại Việt duy dân của Nguyễn Minh hiện nay rất có thế lực ở Phát Diệm.

        Đây là những người trước kia đã từng mạo nhận là “Việt Minh”, nay họ lại tự xưng là “nhóm kháng chiến” Phát Diệm. Đội Công an cần phải biết rõ hoạt động của họ. Trong nhóm Đại Việt đó, nhà báo Diễm có thể là đầu mối để ta tiếp xúc với những người khác. Việc gặp Diễm rất cần thiết.

        Hội ý xong, hai anh sắp chia tay, vừa lúc bà Phú chạy về báo có giặc bao vây. Oanh nói: - Chúng con đi đây.

        - Đi nó bắt mất! - Bà Phú giữ họ lại.

        Oanh cười:

        - Ở nó cũng bắt!

        Bà Phú nhìn quanh:

        - Cứ đội cái này mà đi ra. - Bà đưa cho mỗi anh một súc vải sợi - Làm như người buôn vải.

        Hai anh ra tới ngõ vừa gặp anh Xuân huyện ủy viên chạy vào. Biết anh đang lúng túng, chưa tìm được cách ngụy trang, Tâm đưa súc vải của mình cho anh đội. Tâm quay lại tĩnh thờ. Bọn địch đã vào tới ngõ. Nhà không còn súc vải nào. Bà Phú lại nhìn quanh nhà, rồi quyết định:

        - Anh lên sau bức đại tự kia mà nằm.

        Tâm nhìn lên bàn thờ, nhìn lên mái nhà. Sát rui nhà, trên tấm trướng rủ xuống bàn thờ có tấm đại tự đề tên Đức thánh Trần. Tấm đại tự dài hai mét, rộng tám mươi phân, lên đó thật kín đáo, bất ngờ. Nhưng nhìn bàn thờ đầy hương khói và nghĩ tới lòng sùng kính thờ Đức thánh của bà Phú, Tâm thấy ái ngại quá.

        - Lên đi! Cứ lên đi! - Bà Phú giục.

        Không còn cách nào khác và hoàn toàn bị tấm lòng thành thực của bà thuyết phục, Tâm trèo thoăn thoắt lên xà nhà.

        Bà Phú vội vàng đốt thêm hương, đèn, thỉnh chuông, ngồi vào cúng bái.

        Đây không phải là cuộc càn. Thấy Tâm, người lạ về, tên chỉ điểm nào đó trong mạng lưới do thám của địch trong làng đã báo ngay cho địch vây sục. Hai anh Oanh, Xuân không đúng với hình dáng người chúng đang tìm nên đi thoát. Bọn địch ập vào nhà bà Phú. Thấy bà đang cúng Thánh, chúng gọi ra hỏi:

        - Có người lạ nào vào đây không?

        Bà Phú bình tĩnh đáp:

        - Không có.

        - Chính nó vào đây. Bà giấu nó ở đâu thì đưa ra ngay. Nếu không, tìm được chúng tôi đốt nhà!

        - Các ông cứ việc tìm!

        Bà Phú lại vào chiếu, ngồi gõ khánh leng keng, cúng bái như thường.

        Bọn giặc lục khắp trong nhà, ngoài sân, dòm ngó hết dưới bàn thờ đến mọi xó xỉnh. Không tìm thấy, chúng đứng xem bà cúng Thánh một lúc rồi kéo nhau ra.

        Trông chừng cho chúng cuốn gói sạch, bà Phú mới ngửng lên gọi:

        - Xuống đi, Tâm ơi!

        Tâm tụt xuống, cảm động nhìn bà, chưa biết nói gì, bà Phú đã tươi cười, nói:

        - Hôm nay, hóa ra tôi cúng “Đức thánh Tâm”!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 08:35:35 pm »

     
16

NHÓM “KHÁNG CHIÉN TRÙM CHĂN”

        Nhà báo Nguyễn Duy Diễm đã đến rất đúng hẹn. Hắn gườm gườm nhìn Oanh sợ sệt. Oanh tiến đến bắt tay hắn, hỏi cách vui vẻ:

        - Anh có được mạnh khỏe luôn không?

        - Cảm ơn, tôi thường.

        Hai người nhìn nhau. Oanh mỉm cười.

        Diễm không giữ vai trò gì quan trọng trong nhóm Đại Việt duy dân Phát Diệm. Hắn là bạn thân của bọn Minh, Nguyên, Ngoạn, lại là anh vợ Trần Ngân. Hắn còn chơi thân với Phan Văn Giáo, thủ hiến Trung phần. Cho nên tuy không có chức vụ gì trong bộ máy ngụy quyền ở đây nhưng trong thứ bậc quyền hành ngầm - là cái quan trọng với bọn ngụy - hắn rất có thế lực. Hắn có chú là Nguyễn Duy Chỉ, trước là nhân sĩ, ủy viên ủy ban Hành chính huyện, hiện ở vùng tự do. Đặc biệt, bản tính Diễm ba hoa...

        - Chúng tôi là người của kháng chiến mới vào. - Oanh ôn tồn nói - Biết anh ở trong này, cụ Chỉ có lời nhắn mời anh ra vùng tụ do để tham gia kháng chiến.

        Diễm tái mặt, mấp máy môi:

        - Dạ. Chú tôi ở ngoài đó có được bình an mạnh khỏe không?

        - Cụ vẫn mạnh khỏe và còn công tác. Cụ có ý lấy làm tiếc là anh lại ở trong này, phải bắt tay với địch chống lại nhân dân, nên muốn gọi anh ra ngoài ấy...

        Diễm toát mồ hôi, thanh minh:

        - Quả là một sụ hiểu nhầm lớn. Tôi chưa hề bắt tay ai? Tôi chỉ là một nhà báo yêu nước, đứng về phía dân tộc kháng chiến.

        Oanh nhìn thẳng Diễm, gật đầu:

        - Chúng tôi sẵn sàng tin anh đứng về phía kháng chiến nhưng cái đó cần được thực tế chứng minh.

        - Anh cần hiểu cho là chính ở trong này tôi mới làm được nhiều nhất cho kháng chiến. Có thể nói là tôi đã nghiêng về những hoạt động kháng chiến hơn là làm báo.

        Oanh cười, cởi mở:

        - Lực lượng kháng chiến ở trong vùng tạm chiếm không ít và đã nhiều bộ phận có những công lao đóng góp không nhỏ, thế nhưng...

        Qua chuyện trò và thái độ vui vẻ tự nhiên của Oanh, Diễm bớt sợ hãi. Hắn ta nghe Oanh nói thế thì bốc ngay:

        - Đúng là như vậy anh ạ. Trong này chúng tôi đã lập được “nhóm kháng chiến”; sắp hoạt động được và sẽ báo cáo ra ngoài!

        Oanh đang châm thuốc lá, ngửng lên, mỉm cười nhìn Diễm:

        - Nhóm “Kháng chiến trùm chăn” à? Các anh chẳng làm gì cả.

        Diễm bốc lên:

        - Rồi anh xem, tôi không đùa đâu.

        - Tôi cũng không nghĩ rằng các anh đùa, và tôi không chỉ nghe các anh...

        Diễm tiếp lời:

        - Anh sẽ được thấy. Nếu cần, anh sẽ được tiếp xúc.

        Oanh nói dứt khoát như mệnh lệnh:

        - Chúng tôi cần biết và sẽ liên lạc với các anh, đó là yêu cầu của tổ chức.

        Diễm cắn môi, gật gật đầu suy nghĩ rồi hắn bỗng hỏi đột ngột:

        - Vào đây, anh có sợ không?

        Oanh lắc đầu:

        - Không sợ. Chúng tôi đã ở trong này. Hôm nay liên lạc với anh là để nhắn lời các anh ở ngoài ấy nhắc nhở các anh thôi.

        - Các anh ở đây tất đã hiểu. Ở trong này không phải muốn làm gì cũng được. Phát Diệm vẫn là nơi an toàn của địch. Nhóm kháng chiến chúng tôi thành lập rồi. Thật đấy! Chỉ chờ ở ngoài...

        Oanh hiểu ngay, tên này muốn ỷ vào thế giặc: Thách ta hoạt động trong thị trấn. Được rồi mày xem. Đối với bọn này phải có những sức ép mạnh, đầu óc nó mới chuyển được. Oanh cười bảo Diễm:

        - Vâng, hẵng cứ biết vậy. Từ nay chúng tôi sẽ liên lạc với các anh, sẽ có những yêu cầu cụ thể để các anh hoạt động.

        Diêm láu cá:

        - Tất nhiên là trong phạm vi chúng tôi có thể làm được?

        - “Nhóm kháng chiến” của các anh có những ai?

        - Chúng tôi không đông lắm nhưng chúng tôi nắm hết các cơ quan chính quyền trong này. - Hắn cười - Khi nào kháng chiến có lệnh là chúng tôi kéo nhau đi tất. Nhưng hiện nay thì chúng tôi phải làm gì, anh có thể cho biết không?

        - Anh nói còn chung chung lắm. Chúng tôi cần biết cụ thể hơn. Với từng người sẽ có những yêu cầu thích hợp. Các anh đã tự nhận mình là người của kháng chiến thì ít nhất cũng phải có những hoạt động giúp ích cho kháng chiến, dù là phải hoạt động một cách bí mật không phô trương.

        - Ví dụ đối với tôi thì anh yêu cầu gì?

        Oanh cười:

        - Anh giới thiệu cho chúng tôi gặp những người chủ chốt trong “nhóm kháng chiến”.

        - Tưởng gì, chứ như vậy thì được ngay thôi.

        - Được, tôi sẽ gặp lại anh. Bây giờ anh có gửi thư hay nhắn gì ra với cụ Chỉ không?

        - Anh làm ơn cho tôi gửi một lá thư cho chú tôi.

        Từ biệt nhà báo Diễm, Oanh đi theo Đường 10 thẳng vào thị trấn. Thái độ bình tĩnh, mạnh bạo, hiên ngang của anh gần như một đòn cân não đối với Diễm. Hắn đang có ý chờ xem Oanh sẽ rút như thế nào, để biết cái “xuất quỷ nhập thần” của Việt Minh. Không thể ngờ Oanh cứ đường hoàng đi giữa đường trục của thị trấn, qua ngay trước mặt đủ các thứ lính gác đầy đường. Hắn phục và hắn sợ. Ân tượng đó đã có tác động tốt đến thái độ của hắn trong những lần Oanh gặp hắn sau này.

        Oanh vẫn để ý trông chừng, nhưng tên nhà báo Đại Việt không có ý phản trắc gì, anh đi thẳng đến phố Thượng Kiệm. Một lát sau anh thấy Tâm vào nhà Bích Hưng gọi cà phê uống. Kể ra như vậy hơi táo bạo? Đối với cậu Tâm phải chống tư tưởng chủ quan! Oanh nghĩ như vậy nhưng rồi anh không đến gặp Tâm ngay. Đầu óc Oanh bị lôi cuốn theo bao nhiêu lo liệu, tính toán cho những hành động trong thời gian tới.

        Anh em ở thị trấn đã có những cơ sở vững chắc. Công an xung phong ở các làng xung quanh thị trấn mới được tăng cường. Theo anh Tuyến, đặc phái viên phó, phụ trách công an xung phong, thì anh em đã sẵn sàng hành động. Sau một số vụ phá tề trừ gian ở các vùng lân cận, anh em đều đã được thử thách, đang phấn khởi muốn tiến sâu hơn, đánh phá địch ngay trong hang ổ chúng...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 08:37:14 pm »

     
17

CÔNG NHÂN LÒ BÁNH MÌ

        Thuận đang bán bánh trước chợ Nam Dân. Bà Tám đến mua bánh, trả tiền cho cô có kèm mảnh giấy. Thuận liền đội thúng bánh đi vào phố. Đến đoạn trung tâm phố Thượng Kiệm, có trại cảnh binh và tòa nhà tỉnh trưởng ở hai đầu, cô cất tiếng rao:

        - Ai bánh tẻ, ra?...

        Cô rao ba tiếng thì có người gọi. Thuận thong thả bước vào ngôi nhà nhỏ, mang số 42, lọt vào giữa dãy phố hai tầng.

        - Bánh mới, còn nóng đấy bà ạ!

        Vừa nói Thuận vừa trao tay cho bà Hệ, chủ nhà, cái bánh tẻ. Cô lại đội thúng đi, ngân nga cất tiếng rao...

        Ngay chiều hôm đó, Thông nhận được lệnh.

        Thông lấy bộ quần áo nâu mặc vào, thành một thanh niên nông dân, dây thánh giá lòng thòng ở cổ...

        Chị Am thấy Thông ra đi, mỉm cười hỏi:

        - Chiều nay anh có ăn cơm nhà không?

        - Chị đừng thổi cơm tôi.

        Chị hiểu Thông đi công tác chứ không phải đến lò bánh mì làm việc như mọi ngày... Lâu nay Thông ít đến lò bánh mì. Anh có thể thảnh thơi đi đâu hay làm gì tùy ý. Đó là những thuận lợi mà Thông chưa hề lường trước.

        Hồi đầu, vừa làm việc ở lò bánh vừa đi hoạt động suốt ngày đêm, quả thực là vất vả cho Thông, nhưng Thông không mong muốn gì hơn có điều kiện ẩn náu và hoạt động như thế. Anh đã cùng đồng đội mở rộng thêm nhiều cơ sở trung kiên ngay gần những vị trí quan trọng của địch như xung quanh khu Xéc-tơ, Ty công an, trại Bảo chính đoàn và cả ở những đầu mối giao thông như cạnh sân bay Ngô Gia Lễ, bến ca nô, tàu thủy, chợ Nam Dân... hầu như mọi hoạt động của kẻ địch trong thị trấn đều bị cơ sở ta theo dõi. Khi ở giữa phố, có gặp bất trắc, chạy lối nào các anh cũng có chỗ che chở, ẩn náu.

        Một hôm Thông vừa đến lò bánh mì, anh Am gọi anh ra nói nhỏ:

        - Anh Thông ạ. Trong số anh em công nhân bánh mì, có cậu Phương để ý đến anh?

        - Để ý thế nào? - Thông ngạc nhiên, hỏi.

        Anh Am kể:

        - Sáng nay cậu Phương hỏi tôi: “Có phải anh Thông là người ngoài kia vào không?”. Tôi hỏi lại: “Sao cậu lại nghĩ như vậy?”. Phương thành thật đáp: “Tôi để ý thấy anh ấy khác lắm. Anh ấy rất tốt và có lẽ bận nhiều việc, không phải dân bánh mỉ như bọn tôi... Tôi không biết nói thế nào, nhưng thấy khác lắm!”.

        Thông cắn môi suy nghĩ. “Phương là một người tinh khôn, sáng ý và có lòng yêu nước... Thông bình tĩnh soát xét lại mình một lượt. Cùng làm việc ở lò bánh với Thông còn sáu người nữa. Anh Am đã cho biết, họ là những người xưa nay làm ăn lương thiện. Không ai gần gũi bọn mật thám, chỉ điểm hay tề ngụy gì. Thông đã để ý nhiều lần họ ngồi chụm đầu rủ rỉ trò chuyện với nhau, vẫn hay nhắc đến kháng chiến, bàn tán về những chiến thắng của ta, thất bại của địch trên các chiến trường. Họ trầm trồ với nhau: “Phát Diệm này ăn thua gì. Việt Minh chưa đánh đấy thôi. Họ mà đánh thì dù thằng Tây có bao nhiêu quân lính và xe tăng, đại bác cũng phải thua”... “Trong thị trấn này thế nào cũng có Việt Minh. Họ ở đâu không ai biết. Thế nào cũng có ngày họ đánh...” Thông vẫn luôn ý tứ giữ bí mật. Một người ở nông thôn bỏ làng ra phố kiếm ăn như anh, có ai phải chú ý, Phát Diệm là nơi tụ tập đủ hạng người tứ xứ. Người ta sống chen chúc, loại như Thông có khối, vì vậy Thông có phần yên tâm chăm lo công tác... Bây giờ sẽ thế nào đây? Thông hỏi lại Am:

        - Có thể cho cậu ta biết không?

        - Cũng khó giấu được nữa. - Am đắn đo rồi nói - Tôi rất tin cậu ta.

        Thông gật đầu.

        Hôm sau, Am hẹn Phương đến nhà chơi. Thông đã đến đó trước rồi. Chào hỏi xong, Thông nhìn Phương cười.

        - Anh thấy tôi khác lắm à?

        Phương nhìn Thông đăm đăm, hồi hộp.

        Thông kéo tay Phương vào nhà, thân mật:

        - Anh Am nói với tôi về nhận xét của anh. Đúng, tôi là Việt Minh đấy. Chúng tôi rất hoan nghênh anh. Anh đã đoán biết điều đó và đã có ý giữ kín.

        Phương chớp chớp mắt, mặt anh đỏ ửng vì cảm động. Mấy lâu nay làm việc bên nhau, gần gũi tự nhiên là thế, bây giờ được biết rõ về Thông, Phương bỗng thấy sung sướng một cách thiêng liêng. Không biết nói gì hơn, Phương đưa hai tay nắm chặt lấy tay Thông; mãi sau mới nói được, giọng lạc đi:

        - Thật em cứ cảm thấy như vậy, nửa mừng nửa lo... Cứ sợ mình đoán nhầm. Không ngờ hôm nay anh cho biết.

        Anh Am cười vui vẻ, rót nước ra cốc, nói:

        - Anh em với nhau cả mà... các cậu uống nước đi!

        Thông đưa cốc nước chè mời Phương, nói:

        - Cán bộ ta hoạt động được ở vùng tạm chiếm là nhờ có nhân dân giúp đỡ. Tôi vào đây được các anh che chở nhiều. Nay mai công việc càng bận, có thể lại thêm những anh em nữa, mong các anh giúp đỡ thêm. Chúng ta sẽ cùng nhau góp phần đưa kháng chiến mau thắng lợi, giải phóng quê hương.

        - Xin anh yên tâm. - Phương nói - Chúng em phải có trách nhiệm với kháng chiến, với Chính phủ chứ. Trong số anh em làm ở lò bánh mì, không có ai xấu đâu. Ai cũng sốt sắng muốn được góp phần với kháng chiến. Em xin các anh cứ cho cả năm anh kia cùng biết. Như vậy, chúng em càng ủng hộ các anh được nhiều hơn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 08:37:34 pm »


        - Thế càng tốt chứ sao. - Thông nói - Nhưng yêu cầu các anh hiếu và giữ đúng một số quy định về hoạt động bí mật!

        - Anh yên tâm. Chúng em xin thề dù hoàn cảnh nào, có phải hy sinh, cũng đảm bảo bí mật, bảo vệ được cán bộ.

        Từ sau buổi ấy, anh em ở lò bánh mì không cho Thông làm việc gì nữa để anh thật rảnh rang hoạt động. Ban ngày, Thông ở luôn trong phố ăn cơm ở các gia đình cơ sở, tối về lò bánh mì ngủ. Anh em thường để dành cho Thông các thứ bánh mì, bánh sữa ngon nhất. Họ còn đưa những bộ áo quần đẹp nhất của họ cho Thông hóa trang đi hoạt động.

        Sau này, nhiều lần địch càn quét, vây ráp trong phố, Thông đưa nhiều cán bộ vào cơ sở này ẩn tránh. Đây là khu quân Pháp ở, nên rất an toàn và không phải bận tâm gì chuyện hậu cần, ăn uống...

        Thông ra phố, khi thấy không có gì đáng ngại, liền theo lời dặn của Oanh, đi đến phía ngã ba Hà tìm vào nhà anh Tới để gặp anh Tuyến, bàn công tác.

        Sang đến phố Kiến Thái, Thông thấy một đám đông quây quần bên vệ đường, anh ngó vào xem. Một người đàn ông quãng bốn mươi tuổi, người nhỏ, gầy, đen đủi, mân mê một mẩu khoai sống. Ông ta nhìn mẩu khoai, cười, ngước lên nhìn bà con đứng chung quanh, cười! Cái cười, bâng quơ dường như không dứt. Trông qua cũng biết đó là người ngớ ngẩn. Bên cạnh người đàn ông, trong mớ áo quần nâu rách tã có một đứa bé khoảng sáu, bảy tháng, gầy nhom, xanh rớt, nằm còng queo như là đã chết. Một em bé gái lên bốn, mặc cái quần cộc, mặt mày, tay chân lem luốc, ôm cái chổi rơm vàng đung đưa. Chừng như nó chơi ru em...

        Thông tê tái trong lòng. Anh cắn răng định bước đi. Ở Phát Diệm tạm chiếm này có biết bao gia đình bị tan nát đói khổ đến cùng cực vì bàn tay đàn áp, bóc lột của quân giặc và bè lũ bán nước? Những đồng bào ở các vùng địch lập vành đai trắng bị dồn về, phải sống cảnh màn trời chiếu đất, chết đói, chết khát hoặc bị bọn vệ sĩ, lính Tây đánh chết hầu như phố nào cũng có. Chỉ có giải phóng Phát Diệm mới chấm dứt được những cảnh thương tâm này!...

        Có người nào đó nói bằng cái giọng mủi lòng:

        - Chỉ một câu nói của ông chánh đấy thôi. Tội nghiệp gia đình bác ấy! Xưa nay vẫn cần cù làm ăn, đang yên đang ổn...

        Những giọng bàn tán xung quanh làm Thông tiĩu lòng, chân anh không rời đi được.

        - Một nhà đang yên đang lành như thế...

        - Sao bác ấy không vào nhà thờ mà xin cha? Con nhà đạo gốc mấy đời nay cơ mà!

        - Chậc! Chưa đến cửa nhà thờ đã bị tống ra đó.

        Đứa bé ưỡn người nhoài ra khỏi đám giẻ rách, cất tiếng khóc yếu ớt nghèn nghẹn, còn bé hơn tiếng mèo con chưa mở mắt. Khóc một thôi một hồi, nó tóp tép mồm rồi lại duỗi, lại khóc. Người bố vẫn cười với mẩu khoai gặm dở, như chung quanh mình không có ai cả. Đứa bé gái vẫn mải mê ru cái chổi rơm. Có bà nào đó nói:

        - Con bé kia, mày không dỗ em đi. Để nó khóc đuối hơi, nó chết.

        Con bé ngước đôi mắt đen bơ phờ, ngây thơ nhìn bà vừa nói, rồi cúi xuống tiếp tục lắc lắc cái chổi. Nó nói tỉnh khô:

        - Nó đói đấy mà.

        Bà già đứng sau Thông bước vào, vỗ vỗ bế đứa bé lên. Đứa bé càng cố giẫy khóc, như tuồng nó tưởng được mẹ bế, nó hờn. Bà cụ rơm rớm nước mắt, khẩn khoản với những người xung quanh:

        - Các bà, các chị ai có sữa thì vì danh Chúa cả mà bố thí cho nó miếng, cứu lấy thằng bé?

        Một người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi, mặc quần đen, áo nâu lành lặn, bước vào ôm lấy đứa bé, vạch vú đưa vào miệng nó. Đứa bé ngoạm chặt bầu vú, hai tay, hai chân khăng khiu co quăp lấy bầu sữa. Nhưng nó không còn sức nuốt dòng sữa chảy tuôn từ bầu vú căng. Nó nhoài ra, sặc sụa.

        - Chị ơi, chị đỡ cho sữa xuống chậm, kẻo nó yếu lắm! - Bà già nói.

        - Dạ cháu vẫn đỡ đây mà!...

        Bà cụ già bước lại bên Thông, như không kìm lòng được, bà chỉ vào người đàn ông mất trí mà kể lể:

        - Có Chúa nào chứng giám cho nữa không! ông chánh Vọng muốn chiếm đất của nhà này cho liền thổ của ông, đem vu cho ông ta theo Việt Minh để trình cha rút phép thông công. Ông ta sợ quá, đâm ra ngớ ngẩn. Vợ ông ta chạy vạy van xin ông chánh, ông muốn đuổi đi đâu thì đuổi, muốn lấy đất thì lấy, nhưng xin ông đừng trình cha. Ông chánh vẫn không chịu.

        Nghe nói ông chánh còn cưỡng ép chị ấy làm trái điều răn, chị ấy uất quá mà chết. Bây giờ ba bố con người ta biết sống thế nào!...

        Thông bước đi mà người anh như lảo đảo. Răng anh nghiến chặt đến đau buốt quai hàm.

        Đến nhà anh Tới, Thông gặp anh Tuyến và mấy anh em công an xung phong đang sôi nổi bàn về những dự định hoạt động sắp tới. Cái không khí sẵn sàng chiến đấu bừng bừng ấy rất phù hợp với tâm trạng Thông lúc này.

        Ngày đêm phải chứng kiến những cảnh khổ đau của đồng bào Kim Sơn dưới gót giày của giặc Pháp và lũ tay sai, anh em công an không còn quản ngại gì những gian nguy đầy rẫy quanh mình. Tất cả đều một lòng muốn được lệnh hành động, được đánh tan tành quân giặc để giải phóng Phát Diệm.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 08:39:32 pm »

        
18

VÀO TRẠI KIẾN THÁI

        Tuyến sôi nổi phổ biến nhiệm vụ mới.

        Anh phân tích tình hình chung, tương quan lực lượng hai bên trên chiến trường toàn quốc. Đặc biệt là tình hình ở Bắc Bộ sau chiến thắng Biên giới. Anh nói nhiều về tình hình địch ở Phát Diệm và ý nghĩa những nhiệm vụ mà công an sẽ đảm nhận. Tuyến nhắc đi nhắc lại: Anh em ta phải luôn tấn công nhưng không được chủ quan khinh địch...

        Thông vẫn nghe Tuyến nói, nhưng sốt ruột quá. Anh chỉ muốn Tuyến nói rõ ra, cần phải làm ngay cái gì bây giờ? Nhất là, chuyến này sẽ “làm ăn” ở đâu?

        Người Tuyến to cao, dáng dấp hoạt bát, nét mặt tươi như lúc nào cũng thấp thoáng nụ cười. Thế nhưng từ cách hành động, nói năng anh đều tỏ ra bình tĩnh, chững chạc đến mức gan lì. Có khi sốt ruột quá, anh em cứ tưởng như anh ta lề mề!

        Tuyến tỏ ra thận trọng. Anh chưa nói nhiệm vụ gì cụ thể; chỉ nói toàn chuyện chuẩn bị. Đã phổ biến chia các nhóm, nghiên cứu Thượng Kiệm, lập thêm cơ sở trong phố, theo dõi bọn địch quanh Trì Chính, Kiến Thái rồi anh còn nhấn mạnh một lần nữa:

        - Phải nhớ đấy. Phải luôn luôn nắm vững tình hình, có lệnh mới hành động. Tuyệt đối không được nôn nóng chủ quan!

        Thông và Nhởn lại được giao nhiệm vụ ở Kiến Thái. Họ rất thích thú. Thông nói đùa Tuyến:

        - Bài học Yên Mạt thật sâu sắc!

        Mấy anh em cùng cười. Tuyến cười theo. Anh gãi gãi tai, nói phụ họa:

        - Đấy, các đồng chí đều đã có thực tế đấy!

        Tiếng cười càng rộ lên.

        Nghĩ lại chuyện phá tề Yên Mạt thật đau lòng và cũng thật thấm thìa...

        Yên Mạt giáp Phúc Nhạc, có bọn tề rất gian ác. Toàn bọn đảng phái phản động và cuồng tín. Dạo đó, anh em công an chưa nắm được tình hình địch đã nhận được lệnh phải phá tề.

        Đồng chí Hòe, cán bộ huyện, nói với Tuyến:

        - Các đồng chí phải hành động ngay thôi. Để bọn tề ác ngày nào thì thiệt hại cho nhân dân, cho kháng chiến ngày đó.

        Khó nghĩ quá, Tuyến nói thật:

        - Báo cáo đồng chí, anh em tôi chưa có cơ sở ở Yên Mạt, và quả thật chưa nắm được tình hình...

        Hòe cười vỗ vai Tuyến:

        - Các cậu yên tâm. Huyện đã có cơ sở ở đó rồi. Việc chuẩn bị đã giao cho cán bộ địa phương. Công an xung phong chỉ việc lên gặp anh Chỉnh. Quét thôi!

        - Báo cáo anh, - Tuyến năn nỉ - cho chúng tôi chuẩn bị thêm vài hôm?

        - Phải hợp đồng chiến đấu chứ! - Hòe cười, lắc đầu - Ngay ngày mai các cậu phải quét chúng nó đi thôi.

        Tuyến về hội ý anh em trong đội, nêu quyết tâm hành động. Đã quyết tâm là công an xung phong sôi lên ngay. Chiều hôm sau, anh em chia nhau về địa điểm xuất phát Thủ Trung, Kiến Thái. Trời mờ tối là họ kéo thẳng lên Yên Mạt.

        Tuyến, Thông, Tuy, Dụ, Nghiêm, Chỉnh lần luợt lên đuờng. Lực lượng phối hợp có mấy người cán bộ xã và một trung đội bộ đội địa phương. Tuyến hỏi họ:

        - Bọn tề ác hiện có mặt ở xã cả chứ?

        - Chắc thế. Chúng nó có đi đâu.

        - Các anh đã báo cho những người của ta lánh mặt trước chưa?

        - Ồ, không lo. Ta vào thì họ biết.

        - Ta cần nhất là bất ngờ. - Tuyến băn khoăn - Có bất ngờ mới đánh nhanh, rút nhanh, đảm bảo kết quả.

        - Yên chí!

        Tuyến im lặng. Anh không yên chí được, nhưng còn biết làm sao nữa? Cứ đi! Dù sao cũng đã có một trung đội bộ đội tăng cường. Bọn tề xã chống sao nổi? Dù chúng có ngoan cố cũng sẽ bị tiêu diệt. Nếu chúng được tiếp viện, đã có bộ đội chặn...

        Quân ta kéo vào làng trót lọt. Nhưng lạ quá: cả vùng Yên Mạt như bị bỏ trống? Tất cả bọn tề đã chuồn đâu mất cả rồi? Cũng không tìm được ai mà hỏi nữa. Các đồng chí địa phương nhìn nhau, lúng túng. Quân ta đang loay hoay trong lối xóm chợt có người chạy vụt đi. Bộ đội hô đứng lại, nó cứ chạy. Một đồng chí địa phương nhận ra nó là thằng Sĩ, tên do thám. Công an ta đuôi mãi mới bắt được. Tên Sĩ run rẩy xin tha chết. Anh em ta hỏi nó:

        - Mày muốn sống, trả lời cho thật: Bọn tề ủy đâu cả.

        - Dạ. Họ chạy cả rồi.

        - Chạy lúc nào?

        - Dạ. Nghe các ông vào, họ chạy từ chiều.

        - Sao chúng biết mà chạy?

        - Dạ. Con không biết ạ!

        - Còn mày ở lại làm gì?

        - Nói ngay không chết?

        - Dạ... dạ... người ta bắt con ở lại xem có thật các ông vào không ạ.

        Thế là vỡ lẽ! Địa phương nắm tề, nhưng là thứ tề cầu an, thò lò hai mặt. Chúng đã báo cho địch! Anh em ta hiểu thế nào nó cũng đối phó. Phải rút ngay.

        Vừa ra đầu làng, bộ đội đụng ngay quân địch. Chúng bắn rầm trời như một trận đánh lớn. Anh em phải rút vào tìm lối khác.

        Lại lôi thằng Sĩ ra hỏi:

        - Chúng mày có bao nhiêu quân?

        - Dạ, gần hai đại đội.

        - Nói láo!

        - Dạ thật ạ.

        - Làm gì có nhiều thế?

        - Dạ. Hôm kia, trên mới cho tăng cường một đại đội bảo an.

        - Thật không?

        - Dạ, con nói dối, các ông cứ bắn ạ!

        Hầu như ta đã bị bao vây bốn phía. Nghe tiếng súng và xem cách bố trí của địch, có thể tin chắc tên Sĩ nói thật! Lực lượng chênh lệch quá. Ta lại ở thế bị động!

        Anh em công an xung phong, ngoài khẩu súng lục của Tuyến, khẩu Dten của Tuy, chỉ có vài quả lựu đạn và mỗi người một dao găm.

        Thấy gay, Tuy giao tên Sĩ cho bộ đội đưa ra. - Tuy cầm tiểu liên Dten yểm trợ cho anh em công an qua sông Trì Chính, rút về phía Thượng Kiệm.

        Trăng mồng tám sáng vằng vặc.

        Anh em ta qua được sông chưa kịp mừng đã chạm ngay quân địch. Chúng nằm phục sẵn trên cánh đồng - hình như chúng đoán đúng đường rút của ta để bao vây? Suốt cả các phía Trung Đồng, Bình Hải, Yên Mô, đường xuống Thượng Kiệm, Phú Vinh đều có quân địch phục.
        Phát hiện ra ta, bọn bảo an, lính dõng đốt đuốc hò reo đuổi. Chúng ôm tiểu liên, trung liên chạy băng trên cánh đồng, bắn loạn xạ. Đạn réo vèo vèo trên đầu. Y chừng chúng định bắt sống bên ta? Nhưng chúng cũng gườm, không dám xông thẳng vào...
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Giêng, 2018, 06:42:00 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 08:39:59 pm »


        Chưa bao giờ có tình trạng như thế. Bọn tề, dõng địa phương lại dám đuổi Việt Minh trong đêm thế này!

        Anh em công an và bộ đội ta vừa đánh vừa nghi binh tìm đường rút. Quần nhau trên cánh đồng đến trăng tà chúng nó không làm gì được ta.

        Vừa may trời tối lại.

        Bên ta quyết mở đường rút. Tuyến nói:

        - Bây giờ thì chúng không dám đuổi nữa đâu. Anh em cứ bò sát đất. Lần theo bờ đồi mà rút. Cự ly năm, sáu mét một người.

        Thoát được khỏi vòng vây, kiểm điểm lại thấy lực lượng được bảo toàn, anh em rất mừng. Nhưng hỏi đến tên tù binh Sĩ thì không thấy nữa! Lợi dụng lúc qua sông gay go, nó đã chuồn mất.

        Sáng hôm sau, chưa kịp băng bó lại vết thương, tên Sĩ đã dẫn lính bảo an về bao vây Thủ Trung. Chúng bắt được Tuy và đồng chí trung đội trưởng bộ đội địa phương ở nhà ông Dị. Chúng tra tấn hai người rất dã man.

        Tuy hy sinh tại chỗ!

        Thông và Nhởn vốn rất thông thuộc trại Kiến Thái. Không mất công nghiên cứu nhiều, các anh đã có thể thi hành nhiệm vụ. Trại Kiến Thái như một hòn đảo vuông giữa bốn bề sông Đào. Một phía giáp khu Xéc-tơ. Một phía giáp Ty công an ngụy và ngay bên cạnh, cách dòng sông Đào và Đường 10, có đồn cảnh binh. Có thể nói, cả bốn phía dày đặc những bốt gác, điếm canh. Đường vào trại là bốn cái cầu ở bốn phía. Do vị trí như vậy, Kiến Thái là nơi kẻ địch coi là bất khả xâm phạm. Chúng yên chí đến nỗi không mấy khi lùng sục. Bọn lính dõng, vệ sĩ vào Kiến Thái cả ban đêm, cũng không cần mang súng. Đội Công an số 6 lợi dụng sơ hở đó của địch, xây dựng Kiến Thái làm nơi ẩn náu và nghỉ ngơi của ta. Từ Kiến Thái, ta có thể bất ngờ đột nhập Xéc-tơ, các cơ quan địch và các phố. Khi rút, chỉ cần qua khỏi cầu hay lội qua sông là xong. Đó là con đường nhanh nhất, bất ngờ nhất. Những khi cần thiết ta còn có thể xuống thuyền theo sông Đào đi khắp các nơi trong Kim Sơn; hoặc từ các nơi về trại Kiến Thái.

        Trong trại Kiến Thái có ông phó bảo an Miên. Trước đây, ông đã tham gia ủy ban Hành chính xã. Tây nhảy dù, ông bị bắt ra làm phó bảo an. Ông ta chưa có tội ác gì. Trong cách làm việc với dân, ông vẫn tỏ ra có cảm tình với kháng chiến.

        Mới hai giờ rưỡi chiều, hai anh đã dắt súng ngắn ra đi. Họ từ xóm một, xã Công uẩn, đi thẳng theo Đường 10, qua phố Kiến Thái, qua đồn cảnh binh phố Thủ Trung. Chỉ còn vượt cầu là vào trại. Nhưng ngay đầu cầu, có tên cảnh binh đứng chắn. Hai anh vội tạt vào một quán giải khát uống bia. Chờ đến hai mươi phút, tên cảnh binh mới đi về bốt. Hai anh nhanh nhẹn đi thẳng vào nhà ông Miên.

        Ông chủ nhà đang ngồi hút thuốc, ngước lên thấy người lạ vào cổng. Ông liền đứng dậy, có ý đề phòng. Thông và Nhởn nhanh ý, bước đến kèm sát bên ông ta. Thấy không thể tránh được, ông Miên đành miễn cưỡng ngồi vào bàn “tiếp khách”.

        Ngồi vào bàn, Nhởn nói ngay:

        - Ông Mỉên, chúng tôi là người của Chính phủ kháng chiến, đến gặp ông để bàn một số việc.

        Ông phó bảo an mặt xám ngắt, run lẩy bẩy, cổ ậm ự như một tiếng “dạ”. Nhởn nói tiếp:

        - Trước đây, ông là người của Chính phủ; giờ ra làm phó bảo an, ông đã có những sai lầm. Nhưng Chính phủ biết rõ ông chưa gây tội ác với đồng bào. Chính phủ muốn tạo điều kiện cho ông sửa chữa những sai lầm cũ. Ông nghĩ thế nào?

        Lấy lại được bình tĩnh sau những phút đột ngột, quá sợ hãi, ông Miên hắng giọng hai lượt, trả lời bằng một câu hỏi dè dặt:

        - Dạ thưa... có phải các ông là người ở ngoài ấy vào thật không ạ?

        Thông vẫn chăm chú quan sát trong nhà, quay lại cười trả lời ông ta:

        - Chúng tôi ở trong này... Nhưng là người của kháng chiến. Ở Phát Diệm không ít người như vậy. Làm phó bảo an, hẳn ông biết ít nhiều hoạt động của ta?

        - Thưa thật với hai ông, mong hai ông báo cáo lên cấp trên cho. Tình cảnh của tôi khó khăn quá, không dứt được gánh nặng gia đình để đi kháng chiến. Chúng nó đến, bắt làm cho chúng. Không làm, chúng sẽ lấy cớ trước có chân trong ủy ban, chúng giết mất. Quả thật tôi chỉ làm qua loa cho qua ngày đoạn tháng, sống chờ ngày giải phóng. Tôi không có lòng nào phản trắc... Các ông thấu tình cho!

        - Ông yên tâm. - Thông nói, anh vui vẻ, có ý nâng đỡ - Nếu ông có tội, đáng trừng trị thì dù có chạy đằng trời cũng không thoát. Đây chúng tôi đến liên lạc với ông, mong ông thấy được sai lầm để cố gắng lập công mới?

        - Dạ, dạ vâng ạ.

        Ông ta run rẩy pha trà mời hai người rồi nhìn Thông, đắn đo hỏi:

        - Dạ, thưa... (Có lẽ ông ta muốn nói chữ “đồng chí” cho có vẻ phải phép, nhưng ngượng miệng). Như chúng tôi bây giờ, có thể làm được gì ạ?

        Nhởn nói:

        - Yêu cầu ông, bề ngoài tiếp tục làm phó bảo an, nhưng ông sẽ che chở cho một số cán bộ ta đi về hoạt động. Sau này, việc gì ông có thể làm được nữa, chúng ta sẽ bàn thêm. Chỉ có thế!

        Ông Miên chớp mắt, không giấu được vui mừng, như vừa thoát được gánh nặng, đáp liền:

        - Dạ, nếu vậy, tôi xin vâng ạ. Xin anh em cứ đến. Từ hồi chúng chiếm đóng, trại Kiến Thái này không bị lùng sục như các nơi khác. Anh em mà giữ được bí mật, có thể ở lâu dài và gia đình tôi cũng được nhờ.

        Ông Mỉên tiễn chân hai anh công an ra tận cổng trại. Nhưng vẫn cảnh giác, Thông và Nhởn rẽ mỗi người một ngả.

        Sau mấy ngày dò xét, không thấy ông Miên có thái độ gì đáng nghi, anh em đến ở. (Từ đó nhà ông phó bảo an Miên và về sau cả trại Kiến Thái trở thành cơ sở đi về, nghỉ ngơi rất an toàn cho Đội Công an số 6 và các cán bộ kháng hiến. Kháng chiến thắng lợi, ông Miên đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương).

        Xong nhiệm vụ ở trại Kiến Thái, Thông vẫn nóng lòng muốn biết ngay nhiệm vụ tới là gì mà cấp trên chưa phổ biến.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 08:41:34 pm »

        
19

SỬ DỤNG BỌN LỢI DỤNG

        Theo đúng hẹn, bảy giờ, Diễm đến nhà mụ phán Hòe là chị ruột hắn, để đón Oanh. Hắn diện rất kiểu, mũ phớt màu ghi nhạt, bộ com-lê tít-xo vàng, cà vạt màu huyết dụ, giày đen mũi nhọn bóng lộn. So với những tóc phi-lô-dốp, giày Hồng Kông đánh phấn sang trọng của Phát Diệm, hắn trội lên như con công giữa bầy gà. Các quan chức tỉnh lẻ, những tên ăn chơi gặp hắn trên đường phố đều ngả mũ chào, khép nép tránh hay ngó trộm hắn một cách thèm thuồng. Dù người ta không biết hắn là ai, cũng kính nể ông “khách Hà Nội” sang trọng.

        Thấy em vào, mụ phán Hòe còn đứng rốn trước tấm gương lớn trên cánh tủ. Mụ thoa cố thêm lượt phấn hồng trên đôi má tàn nhang đã bự những phấn, nói thẻ thót như chim:

        - Cậu chờ tý, ông ta sắp đến đấy!

        Diễm không buồn nhếch mép. Hắn khẽ gật đầu rồi ngồi xoạc chân trên xa-lông. Mắt hắn nhìn đón phía cửa, hồi hộp. Mụ phán Hòe quay vào nhà trong mắng người hầu chưa kịp bưng trà lên. Mụ cũng tỏ ra sốt sắng bận rộn đón ông cán bộ Việt Minh. Đi ra, đi vào mụ còn ngắm vuốt thêm.

        Mấy phút sau, Oanh vào, tươi cười bắt tay Diễm. Qua vài câu xã giao Oanh đã thấy thái độ Diễm kính nể anh còn hơn cả hôm trước.

        Khi hai người bước ra đường, hắn vui vẻ nói với Oanh:

        - Hôm nay, tôi rất sung sướng giới thiệu với anh gần hết những anh em quan trọng trong “nhóm kháng chiến” của chúng ta.

        - Chúng ta sẽ đến đâu bây giờ?

        - Bọn tôi rất hân hạnh được tiếp anh ở ngay nhà anh Nguyễn Minh.

        - Anh đã mời các anh ấy đến đấy?

        Diễm càng thêm vẻ thân mật xuề xòa, như anh em cùng cánh:

        - Tất nhiên, nói cho đúng ra thì anh Nguyễn Minh triệu tập. Bọn mình vẫn mong chờ được liên lạc với ngoài ấy, nên nghe nói sẽ gặp anh, anh em rất mừng.

        Nhà Nguyễn Minh, cầm đầu Đại Việt duy dân Phát Diệm, là ngôi nhà hai tầng nho nhỏ khá sang trọng ở kề ngay đường phố, cách Ty cảnh binh và Ty công an không xa. Sau hồi chuông ngắn, một người hầu ra mở cửa. Thấy Diễm, người hầu mời hai người vào. Phòng ngoài cùng là nơi tiếp khách thường, đèn điện sáng choang, có bày xa-lông kiểu Von-te, tủ gương ba buồng bằng gỗ lát, nhưng không có người. Diễm dẫn Oanh đi qua buồng đó vào cửa trong để lên gác. Hắn nói:

        - Mời anh lên trên này. Đối với những anh em thân thiết, chúng tôi không ngồi ở buồng khách.

        Tiếng cười nói hả hê thoải mái từ trong nhà gác vọng ra, Oanh có cảm giác đây là nơi bù khứ trác táng của những tay ăn chơi hơn là nơi họp mặt của một đảng chính trị. Nguyễn Duy Diễm bước nhanh lên trước, gõ cửa. Tiếng cười nói im bặt. Cánh cửa hé ra rồi mở rộng, Diễm bước vào, đứng né sang bên mời Oanh. Những con người chải chuốt lịch sự, nghiêm trang chào Oanh trong mùi thuốc lá thơm, cà phê, rượu bia. Diễm xun xoe:

        - Giới thiệu với các anh, đây là anh Oanh, người đại diện chúng ta hằng mong chờ... Còn đây là anh Nguyễn Minh, anh Nguyên, anh Ngoạn, anh Trần Ngân.

        Oanh bắt tay từng người. Tất cả bọn đều cố tỏ ra niềm nở với anh. Oanh đưa mắt tìm quanh, không thấy Xứng đâu cả? Diễm có nói nhiều về tay trưởng Ty công an ấy. Hắn mới gia nhập “nhóm kháng chiến” và là tay có bản lĩnh Tại sao hắn lại vắng mặt hôm nay? Oanh hỏi Minh cách cởi mở:

        - Còn anh Xứng đâu?

        - Hôm nay, có lẽ anh ấy bận gì chưa đến được! - Mỉnh không giấu được lúng túng trong câu trả lời.

        Nguyễn Minh cười lấy lòng Oanh:

        - Anh không cần bận tâm. Chúng tôi quen ai thích sao thì làm vậy.

        Ngoạn ngọt nhạt, nói riêng với Oanh:

        - Nếu có thể, anh Oanh dành ít thì giờ đến thăm riêng anh Xứng sau, cũng tốt.

        Ngoạn, trưởng phòng chính trị Ty công an ngụy đấy! Mình sẽ cần đến nó không kém gì cần Xứng. Nghĩ thế Oanh gật đầu với Ngoạn.

        Sự thật Oanh hiểu rất rõ, không thể trông chờ một tý tự giác nào ở bọn này. Phải luôn luôn chủ động, bằng mọi cách, để sử dụng chúng, nhằm đạt cho được những yêu cầu công tác của mình. Cái nhóm Đại Việt này đang muốn chơi con bài thò lò hai mặt đây. Chúng tiếp mình là để lợi dụng mình. Chớ có quên điều đó. Chuyện không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi vì bọn người này vốn là những tên phản cách mạng đến tận xương tủy.

        Hồi tháng Tư năm 1945, Minh, Nguyên, Ngoạn, Ngân, Tâm, Huấn... độ hơn chục thanh niên con nhà giàu, đã cùng với Hoàng Quỳnh, tụ tập nhau ở đồn điền Yên Lai luyện tập võ nghệ, nhen nhóm tổ chức chính trị để lập chiến khu. Họ lấy danh nghĩa cách mạng, nói là sát cánh với chiến khu Quỳnh Lưu của Việt Mỉnh ở Ninh Bình, chiến đấu chống Nhật. Do đường lối rộng rãi, toàn dân cứu nước, tháng Sáu năm đó, Mặt trận Việt Minh cử đồng chí Phan Châu đến Yên Lai gặp họ để mở rộng đoàn kết thống nhất lực lượng. Trước uy thế lớn mạnh của Mặt trận Việt Mỉnh, số thanh niên này đưa bản chương trình Việt Minh ra và trình bày rằng họ đã bắt mối với Nguyễn Hữu Đang Dân chủ đảng, ở Hà Nội, về Kim Sơn hoạt động chống Nhật. Thời gian qua vì bị lộ nên họ phải chạy lên đây lập chiến khu. Họ tỏ ra hăng hái xin được phối hợp với Việt Minh trong cuộc cướp chính quyền. Nhưng họ lại không muốn đặt mình trong tổ chức mặt trận Việt Mỉnh để thống nhất hành động. Trái lại họ cứ nhất định đòi giữ riêng tổ chức để phát triển lực lượng và bí mật hoạt động riêng rẽ với những ý đồ khác.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Giêng, 2018, 06:42:32 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2018, 06:30:15 pm »


        Tháng Tám năm 1945, Việt Mỉnh cướp chính quyền ở bốn huyện Gia Viễn, Nho Quan, Gia Khánh và Yên Khánh. Minh, Ngân, Ngoạn, Nguyên liền lợi dụng cái thế đó của cách mạng tự xưng là Việt Minh, từ chiến khu kéo về cướp chính quyền ngay ở Phát Diệm, Kim Sơn.

        Nắm được địa bàn quan trọng này, họ có thể đứng ra đương đầu tranh chấp ảnh hưởng, đòi chia quyền lãnh đạo với Việt Minh, để rồi khi có cơ hội sẽ lật nhào Việt Minh, độc nắm lấy chính quyền. Nếu thế lực Việt Minh mạnh hơn họ, buộc họ phải cùng hợp tác thì họ sẽ lấy công lao giành được chính quyền ở Kim Sơn làm cái giá mặc cả để đòi những vị trí quan trọng trong chính quyền mới ở địa phương, để rồi từng bước lũng đoạn chính quyền sau này.

        Cùng một đồng một cốt với nhau, kẻ này xướng, người kia họa liền. Thấy số này nhảy lên vũ đài chính trị Kim Sơn, các cha cố ở địa phương liền nhiệt liệt hưởng ứng. Họ lập lờ coi số này là Việt Minh để lừa dối giáo dân và tìm cách chính thức hóa vai trò chủ mới của số này, hòng coi như việc đã rồi. Nhân danh giám mục địa phận, Lê Hữu Từ liền lập “bàn thờ Tổ quốc” long trọng làm lễ bái yết chính quyền “cách mạng” mới giành thắng lợi. Cha Từ trịnh trọng nâng “Bửu Kiếm” ngang mày trao cho Ngân, mặc nhiên coi Ngân là đại diện chính thức của chính quyền mới, là chủ tịch huyện Kim Sơn. Hành động chính trị bôi màu sắc tôn giáo này có tác động tâm lý rộng lớn. Họ đã lừa dối được hàng vạn giáo dân và tầng lớp trung gian mê muội và quá ngây thơ về chính trị.

        Những tay chính trị cơ hội này lúc đó đặt nhiều hy vọng vào uy thế và bộ máy thần quyền giáo lý của những kẻ chống cộng cầm đầu vùng công giáo rộng lớn này để ra sức xây dựng tô chức và lực lượng. Họ đã mê hoặc lôi kéo được số đông thanh niên địa phương và hầu hết giáo dân. Tình hình đó đã đặt ra trước mắt mặt trận Việt Minh vô vàn khó khăn phức tạp.

        Càng phức tạp khó khăn hơn là khi nắm được chính quyền, họ cũng chưng ra danh nghĩa là “phân bộ Việt Minh” để đốc thúc các địa phương thành lập các đoàn thể “công giáo cứu quốc” hoạt động theo chủ trưong đường lối phản động của họ. Tuy họ khéo lập lờ che đậy bộ mặt thật nham hiểm, nhưng những người cách mạng chân chính, nhất là lực lượng công an đã hiểu rất rõ bản chất của họ để giành lại và củng cố chính quyền cách mạng ở Kim Son.

        Đến giữa năm 1946, do những hoạt động kiên quyết, sáng tỏ, rộng rãi đến tận cơ sở của chính quyền cách mạng, những kẻ cơ hội này không thể che giấu được bộ mặt dối trá, phản quốc. Bị quần chúng vạch rõ chân tướng, khó lòng lập lờ, lộn sòng, họ phải tụ rút khỏi Việt Minh. Buộc phải giải tán “phân bộ Việt Minh”, họ lập ra “Liên đoàn công giáo”, và trắng trợn ra mặt chống đối, gây bạo loạn ở nhiều nơi trong vùng công giáo.

        Khi cách mạng trấn áp các vụ bạo loạn do các loại phản động, chủ yếu là bè lũ đội lốt tôn giáo ở địa phương, gây nên, bọn cơ hội này chạy tán loạn mỗi đứa một nơi. Pháp nhảy dù Phát Diệm, bọn họ lại tụ tập nhau về Phát Diệm, nhảy lên diễn đàn chính trị múa may với bộ mặt “Đại Việt duy dân”, vẫn giữ nguyên thủ đoạn cơ hội và khoác lác lừa mị quần chúng, bọn này đưa ra cương lĩnh mơ hồ: “Đại Việt duy dân chống Pháp, chống Mỹ, chống Nga, xây dựng nước Việt Nam tân tiến”! Đối tượng phát triển lực lượng của họ nhằm vào đám tu sĩ, trí thức tiểu tư sản, thanh niên con nhà phú nông, địa chủ.

        Được Hoàng Quỳnh nâng đỡ, bọn họ ra sức tranh thủ cảm tình của Nhà Chung để dựa dẫm.

        Giặc Pháp hiểu quá rõ thực chất bọn tay sai này nên không đếm xỉa đến những lời lẽ ba hoa rỗng tuếch tự xưng là Việt Minh cứu quốc... trong các chiêu bài chính trị nhất thời của chúng, mà vẫn tin dùng chúng. Phan Ngân được nhận chức tỉnh trưởng, Nguyên làm trưởng Ty thông tin; Trần Ngân trưởng Ty hải tuần; Xứng giữ chức trưởng Ty công an là người mới nhập bọn, và Ngoạn là trưởng phòng chính trị Ty công an. Nhiều kẻ khác trong bọn cũng đều là loại có vai vế trong ngụy quyền, ngụy quân ở Phát Diệm, Ninh Bình.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM