Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 12 Tháng Năm, 2024, 10:53:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đội công an số 6  (Đọc 18627 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2018, 09:15:55 pm »

       
*

*      *
       
        Kháng cười nhìn Oanh, kể tiếp:
       
        - Hôm qua tôi cũng ở đó. Lão chửi vung, nhưng sáng sớm tôi dậy đã thấy lão nai nịt gọn gàng để đi càn.
       
        - Lão có nói càn ở đâu không? - Oanh hỏi.
       
        - Lão nói, chúng nó đi bắt mấy người tình nghi du kích ở xã Quang Trung do thằng Thư chỉ điểm, chứ không phải càn lớn. Hoàng Quỳnh đi nên lão phải đi. - Kháng sực nhớ, nói thêm - về phía anh em du kích Quang Trung, tôi đã kịp báo anh Tâm tối qua rồi.
       
        Oanh gật đầu, hỏi:
       
        - Đồng chí nói thế nào mà đi cùng xe lão?
       
        - Tôi nói là đi thăm người bạn ở Thủ Trung. Lão ta bảo cùng đi nhân thể.
       
        - Khi ở đây về, đồng chí nhớ đến Thủ Trung thăm bạn. Đồng chí cứ uống nước, hút thuốc tự nhiên.
       
        - Vâng. Xin phép anh. - Kháng bật lửa châm thuốc, rít liền mấy hơi rồi dập ngay điếu thuốc trong hộp tàn.
       
        - Cứ hút đi. - Oanh nói và lấy một điếu thuốc ra châm lửa. Anh lơ đãng nhả khói, nhìn bâng quơ ra bờ kênh.
       
        Kháng thấy rõ là anh đang suy nghĩ lao lung. Chừng như anh đang soát xét từng chi tiết, cân nhắc từng ý nghĩa trong câu chuyện Kháng kể.
       
        Kháng hiểu, mọi diễn biến hàng ngày của câu chuyện đó Oanh đã được báo cáo tỉ mỉ và chỉ đạo từng chi tiết một. Hôm nay gặp Kháng là anh đã chuẩn bị kỹ để thực hiện một quyết định mới. Thế mà anh ấy vẫn thận trọng nghe và suy nghĩ như thế.
       
        Mới gặp anh lần đầu, Kháng đã tin rằng đây phải là con người sâu sắc có bản lĩnh lắm. Để khỏi làm anh phân tán tư tưởng, Kháng vào bếp tìm ông chủ hiệu rồi tự tay bưng một khay cà phê, bánh ngọt lên. Trông thấy thế Oanh cười, nói:
       
        - Chúng ta với nhau thì không được chi khoản này vào công quỹ đâu nhé!
       
        Kháng đỏ mặt, cười:
       
        - Xin anh cho phép tôi chi vào khoản lương của “ông thiếu úy hải tuần” ạ.
       
        Cả hai cùng cười. Kháng vui vẻ chạy đi bưng thêm mấy đĩa bánh ngọt, còn nói:
       
        - Có lẽ, tôi báo ông Đạt làm bữa trưa anh dùng luôn nhé?
       
        Oanh xua tay:
       
        - Thôi, thôi. Mình vừa “làm” một cái bánh mỳ tướng, thế là xong. Chiều về đã có cơm đồng bào nuôi.
       
        Kháng cười, hơi ngập ngừng, nhưng rồi mạnh dạn nói:
       
        - Thế mà người ta thường quen nghĩ các nhà tình báo hoạt động trong thành phố địch, phải sống như tư bản, tiêu tiền như rác ấy. - Kháng cười xuề xòa cho nhẹ câu đùa.
       
        À, cũng tùy vai. - Oanh cười - Nhưng tình báo Việt Nam lại là lính Cụ Hồ! - Anh nói thêm - Nếu công tác đòi hỏi thì lính Cụ Hồ cũng giàu sang chả kém ai. Cậu rồi còn phải học để biết cách sinh hoạt như triệu phú ấy!
       
        Hai người hút thuốc, uống cà phê, chuyện trò rất vui. Kháng còn thấy Oanh rất hồn nhiên, chân thật. Ăn cái bánh kem, anh nói: “ô, cái này nó làm tài nhỉ, ăn ngon thật!”. Ngộ nghĩnh và đáng yêu cách lạ. Kháng cười mà cay cay trong mũi. Anh chớp chớp mắt, thấy như mình đang được sống lại trong đơn vị bộ đội địa phương ở Vụ Bản năm nào...
       
        Ôi những năm tháng vừa qua mình sống lạc lõng, hoài phí trong kênh kiệu, giả tạo! Đau xót biết ngần nào!
       
        Từ khi được hoạt động lại, vẫn có một cái gì lấn cấn trong anh, khiến Kháng có cảm giác sượng sùng xa cách với các đồng chí, khó liền lại như xưa kia... Những phút này bỗng bừng lên trong lòng anh tình cảm thân thương, đầm ấm tình đồng chí. Như lúa mới cấy được mưa xuân, xanh rờn, Kháng thấy lòng mình mềm mại, nhuần nhị gắn bó trong lòng đồng bào, đồng chí thân yêu...
       
        Kháng cười rất tươi, cố giấu giọt nước mắt muốn trào ra.
       
        - Đồng chí Kháng ạ! - Oanh bỗng nói giọng nghiêm trang - Căn cứ vào kết quả công tác của đồng chí, chúng tôi thấy đã có thể trực tiếp gặp Tư Thảo để thuyết phục ông ta giúp đỡ cho kháng chiến. Ý đồng chí thế nào?
       
        Kháng đặt cốc cà phê, liếm mép định nói rồi lại thôi. Oanh gợi thêm:
       
        - Đồng chí thấy chín muồi chưa? Có khả năng lão cự tuyệt không?
       
        - Về mặt ấy thì rõ lắm - Kháng nói chầm chậm như còn cân nhắc từng chữ trong óc trước khi tung nó ra ngoài - chín muồi rồi. Lão sẽ nhận lời, ít nhất là để lợi dụng một chỗ bỏ ngỏ dung thân sau này. Nhưng... nhưng ai sẽ trực tiếp gặp?
       
        Oanh nhíu mày.
       
        - Tôi! - Oanh đáp.
       
        - Anh à? - Kháng lưỡng lự - Tôi sợ không thuận lợi... Khả năng anh tôi tin là anh thuyết phục được, nhưng anh trẻ quá!
       
        - Đúng. Nhưng mà...
       
        Kháng ngắt lời Oanh:
       
        - Tư Thảo hay khinh người là “trẻ ranh”. Lão quen trọng hình thức, cấp bậc. Người hơn hoặc ngang lão nói, lão mới nghe. Còn kém, trong bụng có đồng ý, bên ngoài lão cũng không chịu gật.
       
        - Tôi đã băn khoăn suy nghĩ mãi điều đó. - Oanh gật gật đầu và cau mày, nói như nói với chính mình - Việc này hệ trọng. Gay thật! Đại diện Việt Minh mà chỉ là một anh chàng hăm bốn tuổi, lão cho rằng Việt Mỉnh coi khinh lão ấy chứ? - Oanh nghĩ thầm: “Tất nhiên, cái thế của cách mạng mạnh, lão cũng phải chịu. Và mình có thể dùng nhiều cách để bắt lão không nghe không được... Nhưng được lão thỏa thuận thoải mái, có phần tự giác thì kết quả công tác mới cao. Và quan trọng còn là phải đúng đường lối đại nghĩa của cách mạng. Phải đảm bảo chính trị...” Oanh nói thành tiếng:
       
        - Tôi phải xin ý kiến lãnh đạo đã. - Anh giải thích cho Kháng - Tôi sẽ ra vùng tự do xin ý kiến của Ty, của tỉnh đã, rồi tôi về ta bàn thêm...
       
        Chia tay Kháng, Oanh đi thẳng xuống phố Thượng Kiệm. Anh đã hẹn gặp Tâm ở nhà ông Tám để bàn một số việc và báo cho Tâm biết tên đội mũ giang đáng ngờ ấy là Đỗ Huy Hanh, một tên phản bội nguy hiểm. Huyện đã có lệnh bắt ra xử tội. Bây giờ nó đã trở thành vấn đề sống còn của đội công an.
       
        Qua khỏi cầu, Oanh thấy hai tên cảnh binh đứng nơi cổng chợ Nam Dân, anh nghĩ: Nó sắp khám xét trong phố hay có tên quan to nào sắp đi qua? Anh có ý đề phòng. Đi qua nhà ông Tám, thấy vẫn bình thường, an toàn, anh bước vào. Vừa chào hỏi ông bà Tám xong, tay bưng chén nước, mắt Oanh đã để ý thấy mấy cái đầu cảnh binh thập thò bên Ty Cảnh binh. Đặc biệt cặp mắt chúng nhìn thẳng về phía anh. Biết ngay là có chuyện, Oanh bảo bà Tám làm dấu hiệu “không an toàn” trước nhà để Tâm khỏi vào. Ông Tám vội bày bàn đèn thuốc phiện ra...
       
        Một lúc không có động tĩnh gì, Oanh định rút. Vừa khi đó thấy bóng Tâm ngoài đường. Tâm mặc quần áo đen, đeo bị cói như người nhà quê ra. Thấy “không an toàn”, Tâm đi quặt sau nhà ông Tám, vào chợ.
       
        Lập tức bọn cảnh binh ập đến, xộc vào nhà ông Tám. Trông thấy cặp mắt trắng dã của thằng Đởm, bà Tám làm dấu thánh liên tục, mồm nhẩm kinh đến đứt hoi... Ông Tám đưa mắt cho Oanh: Kệ bà!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2018, 09:17:01 pm »

       
8
       
CON GÁI TRONG VÀNH ĐAI TRẮNG
       
        Thuận ngồi sau quầy hàng nước mắm. Nhân khi vắng khách, cô đưa cuốn sách toán đố lớp 3 vừa mới gửi ông khách hàng mua ở Nam Định, chọn mấy bài làm thử. Bài thứ nhất hỏi tiền lãi của một hiệu buôn, tam suất kép, Thuận làm ngon o. Kể tính nhẩm cũng ra, nhưng đặt bút giải bằng quy tắc hẳn hoi như ở trường dạy, mói thích. Bài thứ hai, về tập số giờ. Nhà cô Duyên không có đồng hồ. Anh Tâm mới dạy Thuận biết xem đồng hồ, cách tính giò quên hết, nên nó cứ rối tinh lên thế nào. Giá còn anh Tâm ở bên cửa hàng ông Tám thì chạy sang hỏi tý, được ngay. Bây giờ biết có ai mà hỏi? Làm bài thứ ba vậy...
       
        Độ trước, anh Tâm mói ở quê ra trông hàng cho ông Tám. Thấy anh ngồi học một mình, Thuận ngạc nhiên lắm. Anh Tâm nói, ở quê người ta vẫn học đều. Anh còn nói, ở đây mà chịu khó thì cũng tự học được. Anh ấy đang tự học chương trình trung học. Thuận như sực tỉnh, cô liền gửi mua sách để học tiếp chương trình lớp ba bình dân học vụ cô đang học dở trước ngày Pháp nhảy dù.
       
        Bài toán thứ ba cũng lại tam suất, Thuận làm bay. Thích quá!
       
        - Mày làm gì đấy?
       
        Thuận quay ra. Bà Duyên ở ngoài chợ hốt hoảng chạy về gọi Thuận.
       
        - Gì thế cô?
       
        - Này, tao vừa thấy cảnh binh vây nhà ông Tám. - Bà Duyên đến bên Thuận thì thầm lo lắng - Mày xem thử?
       
        Thuận thản nhiên nói:
       
        - Nhà ông Tám có bàn đèn đấy mà.
       
        - Không phải. - Bà Duyên gạt đi - Nhà ông ấy có bàn đèn thì ai còn lạ! Bọn cảnh binh vẫn vào đó hút luôn. Chúng bắt bàn đèn làm gì? - Bà thì thầm vào tai Thuận - Lúc nãy ở ngoài bến, tao thấy có... người lạ vào đấy?...
       
        - Thế à? Để cháu xem thử. - Thuận gập sách lại, chạy ra sau nhà. Cô chui rào, theo đường tắt chạy sang phía sau nhà ông Tám.
       
        Ngày trước, bà Duyên sợ gia đình ông Tám lắm. Bọn giặc chiếm đóng và tay sai thống trị bắt hai gia đình công giáo là ông Tám và Bích Hưng phải kiểm soát gia đình bà Duyên, một gia đình lương có con đi bộ đội Cụ Hồ. Bích Hưng không mấy khi sang nhà bà Duyên. Anh ta sợ bà hiểu nhầm bụng dạ anh và gây phiền phức cho bà. ông Tám thỉnh thoảng qua lại hỏi thăm sức khỏe và tin tức các anh con bà đi bộ đội. Bà Duyên nghĩ rằng ông làm cái việc thăm dò, kiểm tra nên lúc nào gặp ông, bà cũng đon đả chào hỏi cách mát mẻ và lạnh nhạt:
       
        - Dạ, chào “ông trùm”. Mấy khi ông hạ cố đến chơi.
       
        - Sao bà lại gọi tôi thế, chỗ hàng phố?
       
        - Dạ, hăng hái như ông, cháu gọi thế là vừa. Mời ông ngồi chơi xơi nước. Cháu đang dở tay một tý. Con Thuận lại xéo rồi!...
       
        Cứ thế việc bà, bà làm. ông Tám nhiều lần ngồi trơ đến phát ngượng mà về. Ông về, bà lại tươi cười gióng giả:
       
        - Kìa, sao ông vội về? Thật là quý hóa! Được ông săn sóc luôn... Dạ vâng. Thế, chào ông.
       
        Thế nhưng khi các hàng chức sắc hay bọn xấu xoi mói hỏi về bà Duyên thì ông Tám và Bích Hưng đều tìm cách nói “tốt”, che chở cho bà.
       
        Gần đây, bà Duyên để ý thấy có người lạ ra vào, bà ngờ ngợ là các anh cán bộ mới về nối cơ sở hay lui tới nhà ông Tám, bà mới ngẫm lại để hiểu cái chân tình của ông Tám. Bà thật sự niềm nở và để bụng lo lắng chuyện xảy ra bên nhà ông. Bà để cho Thuận đi lại chơi bời bên nhà ông và nhà Bích Hưng. Họ trở nên thân tình. Tuy nhiên, bề ngoài họ vẫn giữ ý tứ như không ai hay biết gì nhau có lòng với kháng chiến.
       
        Thuận kiễng chân bên bờ dậu dâm bụt mắt không bỏ sót một chi tiết nào xảy ra bên nhà ông Tám. Bọn cảnh binh lố nhố, hung hăng dòm ngó, canh gác. Một lát sau cái dáng hộ pháp của thằng Đởm đội cảnh binh lù lù hiện ra trong khung cửa sau. Hắn nhăn nhó ra hiệu, nói câu gì nghe không rõ. Bọn cảnh binh đứng chụm lại, có thằng cười nói, chúng kéo vào nhà. Không có vẻ gì là vây ráp hung hăng như lúc đầu nữa.
       
        Bé Lân từ trong nhà chạy ra, gọi:
       
        - Cô Thuận làm gì đấy?
       
        - Cô hái hoa.
       
        - Hái cho cháu mấy!
       
        Thuận hái hai cành hoa dâm bụt, chui hàng rào sang vườn ông Tám. Bé Lân kéo cô vào nhà luôn.
       
        Bọn cảnh binh đã rút đi.
       
        Thuận hết sức ngạc nhiên và mừng rỡ. Tim cô bỗng nện thình thịch: anh Oanh thản nhiên nằm còng queo bên bàn đèn, cái chăn đỏ đắp nửa người, ông Tám ngồi cạnh. Oanh vẫy Thuận vào:
       
        - Cô đi đâu đấy? - Anh mỉm cười như đã hiểu là cô đi đâu.
       
        - Em thấy chúng nó kéo vào ghê quá...
       
        - À. - Oanh cười, ngồi dậy, nói - Chúng nó vào rồi chúng nó ra. Nhưng nếu chúng nó bắt tôi thì cô làm thế nào?
       
        - Dạ... - Thuận lúng túng, đáp - Em không biết làm được gì, nhưng có lẽ em giúp được anh một việc gì đó cũng nên?
       
        - Giỏi quá! Cô không sợ chúng nó à?
       
        - Không! - Thuận bụm môi nói - Em ghét chúng nó lắm!
       
        Bà Tám đang thu dọn bộ ấm chén vừa tiếp chúng nó, góp chuyện:
       
        - Anh ấy gan quá. Chúng nó ập vào như vồ lấy người ta thế. Con mắt trắng dã của thằng Đởm trợn trừng lên. Nguy quá, chúng tôi không biết đưa anh ra lối nào? Anh cứ thản nhiên khoanh vào bàn đèn, đắp cái chăn đỏ như khách hút loại bợm ấy. Thằng Đởm gườm gườm nhìn, nó hỏi: “Còn ai nữa không?”. Chúng sục không thấy ai nữa. Vừa có thằng chạy vào, gọi chúng đi.
       
        Ông Tám cười, kể thêm:
       
        - Nó hỏi anh: “Cái thằng nhóc kia hư hỏng sớm thế”; anh nhắm mắt, nói lè nhè: “Chán đời!”. Nó bảo: “Con khỉ!”.
       
        - Tôi thấy ông Tám có dúi cho nó cái gì nữa chứ? - Oanh cười, hỏi ông Tám.
       
        - Có gì đâu! Sẵn có bao Cô-táp tôi đưa mời nó, ai ngờ nó cầm tất, nhét túi.
       
        - Thảo nào nó cút xéo nhanh thế! - Cả nhà cùng cười.
       
        - Cô Thuận có thể giúp tôi một việc không?
       
        Biết Oanh có việc cần, không liên quan đến mình, ông bà Tám ý tứ ra ngoài. Thuận ngồi xuống bên anh, giọng run run:
       
        - Anh bảo đi. Thế nào em cũng làm được.
       
        - Cô đến gặp anh Am ở lò bánh mì, hỏi anh còn bánh mì sữa để cho năm cái. Anh ấy bảo chỉ còn hai thì cô hỏi thăm sức khỏe chị ấy. Anh ấy bảo “khỏe” thì cô đưa cho anh cái kẹo này... Việc này cần nhanh ý và kín đáo!
       
        - Em hiểu ạ!
       
        - Thuận cầm lấy cái kẹo nu-ga, tay run lên vì hồi hộp, bước vội ra đường.
       
        Oanh dặn ông bà Tám:
       
        - Không phải chúng tình cờ soát xét như mọi khi đâu. Ông bà phải “cấm cửa” một thời gian. Khi nào có thể, anh em liên lạc lại...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2018, 09:20:04 pm »

       
*

*       *
       
        Lần đầu tiên làm được một việc quan trọng như vậy, Thuận sung sướng đến ngất ngây trong lòng. Tuổi trẻ tràn đầy hăng hái và có biết bao mơ ước. Thuận đã được làm cái việc mà chỉ ước mơ thôi, cô cũng chưa dám.
       
        Sau Cách mạng Tháng Tám, Thuận đã được sống những năm đẹp đẽ. Cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ, huy hiệu măng non và những buổi hội họp hát múa, đêm cổ động rập rình trống ếch, đuốc sáng mặt kênh... Những ngày rực rỡ đó đã xóa mờ trong tâm trí tuổi thơ của Thuận những ấn tượng khủng khiếp về nạn đói bốn lăm đã cướp mất của Thuận cả bố, mẹ và bốn người ruột thịt! Nước nhà được độc lập rồi, những mầm non đất nước sẽ được hưởng tự do, hạnh phúc xây dựng tương lai.
       
        Thuận đã được nghe các anh chị phụ trách và thầy giáo ở lớp bình dân kể bao gương anh hùng của những chiến sĩ cách mạng. Lúc đó Thuận chỉ mới có ý thức biết ơn và tấm lòng thờ kính. Thuận thích nhất chuyện Kim Đồng. Cùng với đội thiếu nhi thị trấn, Thuận đã say sưa hát đến khản cổ “Anh Kim Đồng ơi”.
       
        Giặc Pháp nhảy dù. Phát Diệm của Thuận trở lại những ngày đen tối nặng nề. Thuận đã thấy lại những khủng khiếp như nạn đói và hiểu đó là đời nô lệ. Nhiều cán bộ như bác Ái, chú Thúc, chú Mão và nhiều người quen khác của Thuận đã phải đổ máu vì bàn tay quân thù. Thuận đã nhìn thấy nhiều cảnh quân thù giết hại, bắt bớ, đánh đập đồng bào. Lần đầu nghe nói chúng nó chặt đầu cắm cọc, Thuận sợ khiếp đi, hai tay bịt chặt mắt. Nhưng khi đi chợ bị đẩy đến chỗ đầu cắm cọc, Thuận bỗng mở to mắt nhìn thẳng đầu tóc rũ rượi đẫm máu. Và cô đọc rành rọt hàng chữ máu: “Theo lệnh trên, giết tên Ninh cộng sản vô thần! Ký tên: Thiết Huyết đoàn”.
       
        Về nhà, tai Thuận ù lên, vì hai hàm răng nghiến quá chặt. Tuổi trẻ của Thuận chưa phải được yên ổn xây dựng tương lai. Các anh con cô Duyên và nhiều bạn giai của Thuận đã ra vùng tự do đi bộ đội. Thuận tiếc mình con gái! Cô thường ước mơ: giá mình được là con trai, hay có cách gì vượt được vành đai trắng ra vùng tự do?
       
        Không ngờ bây giờ... Anh Oanh còn hứa cho Thuận làm liên lạc!
       
        Thuận sẽ không phải hoá thành con giai, không phải vượt vành đai trắng. Thuận đánh giặc ngay trong lòng Phát Diệm quê hương.
       
        Trở về nhà, Thuận nhẩm hát - hát nhẩm mà hào hứng hơn cả ngày trước gào đến rát cổ:
       
        “Anh Kim Đồng ơi!
       
        Anh Kim Đồng ơi!”
       
        Thấy Tâm đang ngồi nói chuyện với bà Duyên trong nhà, Thuận suýt reo lên. Thật là niềm vui đến dồn dập! Nhưng Thuận biết nén lòng mình. Cô cúi đầu chào Tâm một cách lễ độ, ý tứ, thành ra lạnh lùng.
       
        Bà Duyên hỏi:
       
        - Nói đi một tí, sao mãi bây giờ mày mới về?
       
        - Có gì đâu... Cháu vừa gặp con bạn mới trên Phúc Nhạc xuống. Nó cứ giữ nói chuyện mãi...
       
        Nói ngọt xớt đi rồi Thuận mới sửng sốt về mình: Sao lại nói dối cô nhanh như vậy? Mình có nói dối bao giờ! Không, nếu Phát Diệm chưa được giải phóng thì chưa thể nói với cô chuyện này. Nói dối khổ thật! Thương cô quá, nể cô quá! Cô cũng là người của cách mạng. Nhưng, anh Oanh đã nói “ai có nhiệm vụ ấy!”.
       
        Bà Duyên không hỏi thêm, bà đã yên tâm; tụi cảnh binh không gây ra chuyện gì đáng lo cả. Có khách mua nước mắm, bà đi bán hàng. Thuận xếp sách vở vào nhà trong.
       
        Tâm vồn vã với Thuận:
       
        - Cô Thuận học đấy à?
       
        - Vâng. Nhưng quên hết cả.
       
        - Cứ học rồi dần dần nó nhớ.
       
        - Anh giảng cho tôi bài toán tạp số về thời gian nhé?
       
        Tâm cười khiêm tốn:
       
        - Chỉ sợ không đủ khả năng.
       
        Họ ngồi trước trang sách mở nhưng không nói về toán tạp số. Tâm liếc nhìn cặp mắt e thẹn và đôi má ủng đỏ của Thuận, nói trống không:
       
        - Cô Thuận độ này thay đổi nhiều...
       
        - Tôi chả có gì thay đổi cả.
       
        Tâm cuời. Anh cảm thấy bừng bừng trên mặt:
       
        - Độ truớc nói chuyện với Thuận sao thoải mái vui vẻ hơn?
       
        Thuận nhìn thẳng mặt Tâm khiến Tâm thấy trong cặp mắt sâu thẳm ấy, nửa nhu khuyến khích, nửa như trêu tức? Nhưng luồng mắt đăm đăm cháy rực của Tâm làm cho Thuận nhìn lảng sang cuốn sách trên bàn. Cô mỉm cười ngượng ngùng, nom đẹp hẳn ra.
       
        - Anh chỉ khéo vẽ!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2018, 09:20:55 pm »

       
        Họ cùng im lặng. Thuận hơi nhíu mày chăm chú vào cuốn giáo khoa, môi lẩm nhẩm nhưng thực ra chẳng đọc được chữ nào. Tâm mân mê cái quạt nan đan lóng mốt, tưởng như lần đầu anh mới thấy và những cái nan quạt đó có sức hấp dẫn kỳ lạ? Thỉnh thoảng họ liếc nhanh trông chừng nhau.
       
        Thuận thấy đôi vành tai của Tâm đỏ ửng và cô bồn chồn, nơm nớp lo sợ.
       
        Đã có những lần như vậy giữa họ rồi. Cuối cùng câu chuyện lại lạc đi một hướng không đâu. Tưởng như điều khó nói không nhất thiết phải nói ra cũng đủ. Thế nhưng rồi cách mặt nhau lại tiếc, lại nhất thiết phải gặp để nói cho được.
       
        Hay anh ấy tự ái? Nghĩ thế, Thuận mỉm cười dịu dàng:
       
        - Thế bây giờ anh cứ nói “thoải mái” đi!
       
        Tâm bỗng vớ lấy cuốn sách trước mặt Thuận:
       
        - Đưa tôi giảng bài toán cho!
       
        Tâm nói nhiều lắm, Thuận cảm thấy anh nói chẳng rành mạch gì, lại luôn miệng hỏi “Cô hiểu rồi chứ?”. Đại khái Thuận cũng hiểu tại sao chia thời gian lại phải nhân số dư với sáu mươi; nhưng cô không nhớ và nó cứ mơ mơ màng màng thế nào ấy? Giá anh ấy đừng giảng toán mà cứ ngồi yên như thế còn hơn...
       
        Sao anh không nói ý nghĩ của anh như giảng toán ấy nhỉ? Nhưng, anh ấy nói thì sao?
       
        Thuận ngồi lặng, tay cầm món tóc vắt qua vai đưa lên miệng nhấm nháp.
       
        Không trả lời anh ấy được đâu! Thuận thấy nóng ran trong lồng ngực. Bây giờ mình không như trước được nữa. Đã là người hoạt động thì phải quên mình vì nhiệm vụ. Không được vướng mắc, ràng buộc gì cả. Không yêu đương gì hết! Cả cô Duyên mà còn phải giấu kín nữa là. Nghĩ thì vậy nhưng trái tim cô không hoàn toàn cứng nhắc, nó mở hé một tý bằng cái ý nghĩ ngoặc thêm: Còn phải xem anh ta là người thế nào?
       
        Nếu như trước đây, thì chả nói làm gì. Thuận mến anh và cô cũng chẳng mơ màng cao xa. Anh là người hiền hậu chí thú làm ăn, về thị trấn nâu sồng giản dị, khác hẳn bọn thanh niên hay đua đòi ăn chơi rất lố lăng, nhan nhản ở các hè phố tỉnh lẻ này. Nếu anh biết vượt vành đai trắng thì Thuận quyết hứa chung thủy chờ anh...
       
        Giá được anh ấy cùng hoạt động nhỉ! Hai người sẽ cùng làm nhiệm vụ cho đến khi hoàn toàn độc lập, bộ đội ta về giải phóng... Thôi hẵng chờ thời gian.
       
        Tâm nói đến toát mồ hôi, nhìn sang thấy cặp mắt Thuận thẫn thờ - rõ ràng cô không nghe gì hết. Tâm gập sách đứng dậy. Thuận luống cuống, trả lời:
       
        - Em hiểu rồi!
       
        - Cô cứ làm đi, nếu còn vướng mắc tôi sẽ giảng lại.
       
        - Vâng ạ!
       
        Thuận tiễn Tâm ra tới cửa. Tâm đứng lại và thận trọng trông ra đường. Phía sân bay Ngô Gia Lễ vắng tanh. Phía chợ, người lác đác, chỉ vài bóng cảnh binh đi lại bình thường. Tâm yên chí có thể rút, và phải rút nhanh. Bị chúng nó vồ hụt, Tâm nhanh ý lẩn tránh vào nhà bà Duyên, cạnh sân bay, quân địch không ngờ. Không gặp được anh Oanh, cần phải đến cơ sở thứ hai theo quy ước. Chắc anh Oanh có chỉ thị?
       
        Ở Phát Diệm, trừ những nhà trong phố quá chật và hè lát gạch, hầu như nhà nào cũng trồng vài luống hoa trước thềm nhà, ven sân hay cạnh lối đi để lấy hoa dâng bàn thờ. Nhà bà Duyên không có nhiều thứ hoa rực rỡ như cúc vàng, lay ơn, thược dược, bên góc sân chỉ vẻn vẹn hai luống hoa mặt trời đỏ thắm và hoa chân chim màu tím, xen nhau, đẹp một cách kín đáo dịu dàng. Chào bà Duyên xong, Tâm quay lại nhìn Thuận. Anh lúng túng, hai tay vụng về như không biết để đâu. Đột nhiên anh bước sang luống hoa, cúi ngắt một bông mặt trời.
       
        Thuận mỉm cười:
       
        Tâm dịu dàng
       
        - Anh cũng yêu hoa thế?
       
        Tâm cười trừ, bước đi.
       
        - Lúc nào rỗi anh lại chơi. Độ này anh ít đến quá? - Thuận nói với theo như muốn bù lại chỗ có lẽ mình đã vô tình lạnh lùng với anh?
       
        Tâm quay lại, lắc đầu:

        - Công việc làm ăn chật vật lắm Thuận ạ!

        Hai luồng mắt gặp nhau. Tâm bối rối buớc lại:

        - Tặng Thuận bông hoa.

        - Cảm ơn anh! - Thuận nâng niu bông hoa đỏ, đua lên mũi, dù biết loài hoa mặt trời này không có mùi thơm, nhìn theo bóng Tâm.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2018, 09:21:57 pm »


9

“ANH SẼ LÀ EM CON CÔ CỦA TÔI”

        Nhận đuợc cái kẹo của Thuận đua, anh Am vội vã mặc áo quần ra đi ngay. Chị Am ngạc nhiên hỏi anh:

        - Anh đi đâu mà vội thế? Cơm dọn rồi kìa!

        - Anh đến xuởng tý. - Anh Am trả lời qua loa rồi đi ngay.

        Chị Am nhìn theo chồng lắc đầu. Tính anh thế, có hỏi nữa cũng bằng thừa. Chị xới bát cơm bón cho con rồi lấy lồng bàn đậy mâm, nhẫn nại chờ chồng.

        Cả thị trấn có một lò bánh mì, ở Trì Chính, trong khu Xéc-tơ. Hồi truớc, đây chỉ là một cái lò bánh mì nhỏ có ba tay thợ và ông chủ làm phụ thêm. Hàng ngày nó cung cấp khoảng ngàn bánh để các cha ăn nhớ bữa, để các hiệu ăn ghi thêm vào bảng thực đơn cái món “cơm Âu” lạ tai và cho một số đàn bà, trẻ em đi rao “bánh Tây” lang thang trong mấy đường phố. Từ khi Pháp nhảy dù, đây thành hẳn cái xưởng có chục công nhân; thuộc vào ngạch hậu cần quân Liên hiệp Pháp.

        Am, anh công nhân kỳ cựu của lò bánh cũ, trở thành người thợ cả kiêm đốc công của xưởng. Ông chủ lò thực sự thành ông chủ ngồi mát ăn bát vàng, ngày ngày mặc áo lụa, chống gậy hèo đến ngó chỗ này, chỗ kia, hách dịch xét nét. Am hóa ra con người quan trọng. Anh đi giao dịch với các công sở, đồn bốt. Bọn lính canh gác các nơi quen mặt và nể anh.

        Trông bề ngoài Am không có gì đặc biệt. Anh chỉ là một người thợ lam lũ, cần cù làm ăn nuôi vợ con, yên phận với ba gian nhà gỗ trong mảnh vườn nho nhỏ có trồng hoa thược dược, cúc vạn thọ, ở Phú Vinh, giáp rìa thị trấn. Có khối người ao ước được như anh. Hàng xóm và người trong phố gặp anh vồn vã “chào ông” một cách vị nể. Việc lò bánh làm vất vả về đêm, ban ngày cần thiết phải ra phố, anh còn uể oải thẫn thờ như đang ngái ngủ.

        Nhưng Am có lòng yêu nước, sống trong thị trấn tạm chiếm ngột ngạt, phải làm việc quần quật căng thẳng để phục dịch cho bọn giặc cướp nước tàn sát đồng bào, anh buồn lắm. Nhiều khi anh xót xa tự dằn vặt “Sao mình không ra quách vùng tự do đi, từ hồi ấy!”.
        Chiến thắng Việt Bắc rồi Chiến thắng Biên giới có tiếng vang cổ vũ đồng bào yêu nước trong vùng tạm chiếm. Hoạt động của du kích, công an vùng sau lưng địch, ngay cả ở Kim Sơn, làm cho Phát Diệm luôn luôn bàng hoàng xôn xao. Am khấp khởi tin thế nào cũng có ngày cán bộ ta về.

        Một buổi chiều đầu hè, Am ngồi trước thềm phe phẩy cái quạt, chờ đến giờ đi làm. Chợt có bóng người lạ từ lối xóm đi thẳng vào. Am đứng dậy nhìn, sửng sốt: Quái, chả lẽ lại là Thông sao?

        Đúng Thông thật! Am vứt cái quạt, ôm chầm lấy Thông. Nhìn chằm chặp khuôn mặt trẻ trung tươi cười của người bạn cũ, Am thấy sao mà vừa mới mẻ lạ lùng, vừa thân thuộc gần gũi? Hôm Tây nhảy dù, Thông và mấy anh em công an đến đây ngủ lại một đêm. Lúc đó Thông còn là anh thanh niên nông thôn mới vào công an. Am gọi anh bằng chú - chú em - gọn lắm. Bây giờ Am thấy mình bé nhỏ quá trước người cán bộ kháng chiến cả về tầm vóc lẫn tinh thần, tuy Thông cũng chỉ là anh thanh niên mười tám tuổi!

        - Tôi biết thế nào các anh cũng vào! - Tiếng Am đứt quãng. Anh ôm Thông kéo vào buồng trong.

        - Tất nhiên là vào chứ, - Thông cười vui vẻ, nhìn Am nhấn mạnh - và sẽ ở lại đây đấy!

        - Phải rồi, chứ còn gì nữa! - Am rụt rè hỏi dò - Đã có chỗ ở tốt chưa?

        - Định đến ở với anh đấy. Được không?

        Am chớp mắt. Chuyện hệ trọng này đến với anh hơi đột ngột. Nhưng anh không muốn Thông nghĩ là anh băn khoăn, e ngại. Anh đáp:

        - Được chứ!

        Am pha trà, lấy bánh mì mời Thông. Thông uống nước, thư thả nhắc lại yêu cầu của mình:

        - Anh xem có thể sắp xếp cho tôi làm gì để sống ở thị trấn được?

        - Không lo! - Am nói cả quyết nhưng vẫn suy nghĩ đắn đo - Thế này nhé, bây giờ anh cứ ở tạm nhà tôi, mai về ta bàn kỹ.

        Anh Am đi làm, chị Am lặng lẽ sắp xếp chỗ ăn, nghỉ, săn sóc khách thay chồng. Chị không hỏi anh và cũng không hỏi Thông một lời nào về việc làm hay sự có mặt lạ lùng của Thông. Tưởng như chị coi mình là người ngoài cuộc. Thông để ý thấy chị rất ý tứ. Có người nào đến hỏi gì, chị gióng giả chào hỏi từ xa và tìm cách từ chối, tránh để họ vào nhà. Đứa con nhỏ bi bô đùa nghịch, chị dỗ con ra ngoài vườn chơi. Con gà mái xuống 0 cục tác ầm ĩ, chị vội bốc gạo ra góc vườn cho nó ăn, để Thông yên giấc. Nằm không ngủ, Thông suy nghĩ cảm phục chị. Với những đức tính ấy, chị sẽ giúp ích cho cách mạng được rất nhiều. Trở về thị trấn quê hương, Thông không khỏi băn khoăn lo lắng khi một mình đi nối cơ sở. Bây giờ, chị Am đã làm cho Thông cảm động và thêm vững tin. Đồng bào như thế này thì nhiệm vụ khó khăn mấy mình cũng sẽ làm được!

        Sáng hôm sau, đi làm về, Am vui vẻ bảo Thông:

        - Anh làm ở lò bánh mì và sẽ là em con cô của tôi.

        Công việc ở lò bánh mì nặng nhọc chẳng kém thợ đấu. Đầu hôm nhào bột bại cánh. Nửa đêm vào lò bỏng mặt, nguời như vắt thành mồ hôi. Bốn giờ sáng còng lưng khuân bánh chuyển đi. Sáng ra cứ là bã người.

        Được cái, lò bánh ở trong khu Xéc-tơ, bọn tay chân của địch và ngay cả cái Phòng nhì Xéc- tơ ít để ý đến lò bánh. Buổi tối, chúng đóng chặt cái rào bằng thép gai bùng nhùng, chặn các ngả ra vào là yên chí. Những công nhân trong lò bánh ban ngày phải ngủ lấy sức. Còn Thông sẽ vào phố hoạt động. Chỉ khi mệt quá, hay kẻ địch lục soát khám xét ngặt quá, Thông mới ở lại lò bánh, nằm lăn trên gác để bột mà ngủ.

        Mấy hôm nay Thông không ra phố. Bọn địch đã đánh hơi được đội công an. Thông phải nằm im chờ cho đến khi tìm ra được cách giải quyết tình trạng bị theo dõi này là cả một cực hình. Đêm làm ở lò bánh mệt nhọc là thế nhưng ngày nằm dài người trên gác xép để bột, Thông không dễ gì chợp mắt ngủ cho lại người được. Những lo lắng về hoạt động, những ý nghĩ vui buồn, những phán đoán giả định về tình hình địch và tình trạng nằm dài trong cái kho bột nóng hầm hập luôn luôn ám ảnh, day dứt trong đầu anh. Nghe tiếng dặng hắng của anh Am, Thông ngồi ngay dậy, nhìn qua khe cửa trông chừng.

        Anh Am đến đưa cho Thông cái thư của anh Oanh do cô Thuận chuyển tới. Thì ra nguy cơ đe dọa các anh là tên Hanh! Anh Oanh giao cho Thông và Nhởn phải trừng trị tên này gấp để kịp bịt đầu mối. Mấy ngày qua thấy thời gian đã dài, bây giờ Thông càng thấy thời gian trôi đi quá ư chậm chạp.

        Nghĩ đến nhiệm vụ là lòng Thông sôi lên, chỉ muốn được hành động ngay. Thông còn vui mừng vì dịp này anh sẽ được gặp lại Nhởn, sẽ được cùng hành động với Nhởn.

        Cởi trần trùng trục nhào bột, mồ hôi đầm đìa, cái quần cộc ướt như mới lội ao lên mà Thông không biết mệt. Anh Phương, một công nhân vui tính, làm bên cạnh hỏi đùa:

        - Hôm nay anh Thông ra phố bắt được mối nào mà phấn khởi thế? Làm hăng vầy sếp Am phải nhắc lên thợ chính mới được.

        “Chà, cái cậu Phương này thật tinh ý, có lẽ cậu ta hơi quá để ý đến mình? Phải cẩn thận”. Nghĩ thế, Thông cười trừ:

        - Cảnh đi học việc, tôi cũng muốn được lòng các sếp và các anh thợ cả.

        Phương cười kín đáo. Thông liếc anh ta. Được cái anh ta là người thận trọng, anh Am cho biết anh là quần chúng tốt. Dù sao vẫn phải hết sức đề phòng?

        Nhưng rồi những ý nghĩ về Nhởn và nhiệm vụ sắp tới vẫn lôi cuốn tâm trí Thông. Những kỷ niệm công an xung phong càng thôi thúc anh...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2018, 09:24:37 pm »


10

“CHA” TỔNG CHÍ HUY VỆ SĨ

        Tan buổi chầu, bà con giáo dân từ trong những khung cửa gỗ lim đồ sộ ở hai bên sườn nhà thờ lớn kéo ra như đàn kiến cánh gặp hôm động trời. Bên cánh trái, những tà áo dài sặc sỡ màu cánh sen, hoa hiên, lá mạ, da cam, vàng, tím... xô ra trước, vừa vui mừng, vừa hốt hoảng. Có đám đông bỗng bị tóe ra như dòng nước bị hòn đá chắn. Tiếng kêu thất thanh, tiếng gọi nhau, gọi Chúa lẫn lộn với tiếng cười man rợ của bọn lính tráng. Đó là cảnh thường ngày, bọn lính Tây, lính Bắc phần chắn cửa nhà thờ để trêu ghẹo phụ nữ.

        Những đám màu sắc lòe loẹt cứ thế xô đẩy, giằng xé, quấn nhau thành từng cụm, tản ra các ngả đường. Sau đó đến lượt các bà già mặc áo nâu non, nâu đậm, đen, gụ dắt díu nhau, dắt trẻ con, lục tục ra theo.

        Phía bên phải nhà thờ có vẻ trật tự hơn. Đám lính tráng và thanh niên ùa ra trước cho nhanh để chạy vòng đi đón cửa bên trái, xông vào đám áo màu. Sau đó đến lượt quân phục sĩ quan, quần áo Tây, khăn đóng áo dài thâm. Đó là những bậc tai mắt của cái “Thủ đô công giáo”. Chúng khoan thai chuyện trò, khách khí nhường nhau đi ra.

        Tên Hanh nán lại đứng lẫn trong đám những ông già, những người không địa vị đang sợ sệt khép nép chờ cho các bậc bề trên ra trước rồi mới bén gót theo sau. Hắn cứ nhìn theo những cái đầu tóc quăn mũi lõ lô nhô nổi bật như trôi trên đám đầu đen đang tuôn ra hai khung cửa phía trên. Hắn nhận ra cái mặt hoắt hoắt lưỡi cày đỏ lừ của tên Mi-lô nhưng hắn cố tránh đi. Mới hôm trước hắn còn muốn được gặp Mi-lô nhưng bây giờ ý hắn đã thay đổi ngược lại... Hắn chỉ chăm chú trông chừng cha Quỳnh. Cha còn đứng lại trong lễ đường với cha Từ, cha Đệ và vài người nữa. Hôm nay các cha đều mặc lễ phục, cử chỉ khoan thai, nói năng từ tốn. Hắn hy vọng sau buổi lễ sẽ là lúc thuận lợi nhất để hầu chuyện Cha tổng chỉ huy.

        Trong nhà thờ chỉ còn lại khoảng mươi người. Các cha vừa cười nói vừa rút vào phía sau tượng Chúa, để kéo về cổng hậu sang tư thất của cha Từ. Các cha đã vào khuất, nhưng tiếng cười hể hả còn vẳng lại. Chắc các cha đang nói chuyện đời? Bấy giờ tên Hanh mới biết là mình tính sai. Hắn không thể tiến lên gặp cha Quỳnh trong nhà thờ sau buổi lễ. Hắn vội vàng chạy vòng đón cổng hậu. Hắn xô cả mấy ông già áo thâm khăn xếp mà chạy, làm cho mấy ông này cau mày quay lại. Nhưng thấy hắn mặc đồ Tây sang trọng, họ đổi giận làm lành vội dạt ra cho hắn chạy đi.

        Từ cổng sau nhà thờ vào tư thất cha Từ đã có hai dãy tường cao ba mét bao che, vẫn phải có thêm hai hàng vệ sĩ cầm súng cắm lưỡi lê làm hàng rào bảo vệ, trông đằng đằng sát khí. Hắn vừa đến gần cái hàng rào lưỡi lê ấy, một tên vệ sĩ vẩy tay xua đuổi. Nhưng trước mặt tên Hanh, sau những tên vệ sĩ đứng đầu hàng, cạnh cửa hậu nhà thờ, đã có bốn, năm người đứng vòng tay khép nép chờ hầu. Hanh nghĩ, hắn có thể đứng đó đón cha Quỳnh. Hy vọng cha còn nhớ mặt hắn, sẽ ban phước nhìn đến hắn? Hắn mạnh dạn thưa với tên đội:

        - Thưa ngài sĩ quan, tôi được vinh hạnh đón Cha tổng chỉ huy.

        Tên đội dịu mặt. Hanh vội bước như chạy lên nhập vào bọn chờ hầu bên bậc lên xuống.

        Tiếng vang của những nhịp cười, câu nói dội ra theo vòm cửa. Bọn đứng ngoài rục rịch như đàn gà con thấy bóng diều. Tên đội vệ sĩ ưỡn ngực hô “nghiêm”.

        Im ắng trong giây lát. Những bóng đen trong cửa hậu lù lù nhô ra. Lốp bốp tiếng bàn tay vỗ báng súng, tiếng đọc kinh, tiếng “trình lạy Đức cha” rì rầm rộ lên một lúc với hơi thở kinh hãi.

        Khuôn mặt xương xương vẻ đăm chiêu như khổ hạnh, như quá lao lực vì lo toan, tính toán của Đức cha khẽ gật gật. Đức cha thủng thẳng bước trước. Cha Đệ, cha Quỳnh và một người Tây mặc lễ phục bước theo sau. Sau nữa là đám phụ lễ, hầu hạ của các cha.

        Tên Hanh nhận ra ngay người Pháp mặc lễ phục, đầu ngẩng cao khinh khỉnh kia là Sô-ni-ê, quan tư chỉ huy quân sự bên Xéc-tơ. Nhưng rồi hắn chú ý vào quan thầy của hắn là cha Quỳnh. Cha Quỳnh, cha Đệ mặt đỏ bừng, cặp mắt tươi vui, tuy có vẻ bệ vệ nghiêm trang trước hàng quân bồng súng chào nhưng vẫn hằn rõ dư vị những trận cười vui vẻ sự đời. Tim Hanh đập rộn lên như muốn phá tung lồng ngực.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2018, 09:25:33 pm »


        May quá. Lạy Chúa! Cha vừa quay ngang và bắt gặp cái nhìn cầu khẩn của hắn. Cha hơi nhíu mày nhưng rồi cha vẫn nhìn như chờ đợi hắn. Tên Hanh lập cập khẩn khoản:

        - Lạy cha... con là Hanh. Con trình...

        Có lẽ cha đọc được những điều quan trọng trong mắt tên Hanh mà cái nhạy cảm chính trị làm cho cha chú ý? Cha rẽ ngang bước đến trước hắn.

        - Trình cha - Tên Hanh lắp bắp - con đã có thể...

        Cha Quỳnh nhíu mày, liếc lại phía cha Từ và Sô-ni-ê đang đứng lại đợi cha vẻ sốt ruột; cha khẽ cắn môi tính toán rồi gật gật đầu với tên Hanh:

        - Tốt, tốt... con hãy đến gặp ông Tăng, cha đã có nhời với ông ta rồi...

        - Dạ, dạ... - Vừa “dạ” vừa gật đầu, xoa xuýt, tên Hanh không dám nói thêm.

        Các cha bước khuất rồi, tên Hanh còn tần ngần, ông Tăng! Hắn không vui lòng lắm, nhưng còn biết làm thế nào?

        Sự ân cần của cha Quỳnh đối với hắn đã kéo địa vị hắn cao vượt hơn những người cùng đứng chầu một cái đầu. Họ ngả mũ, cúi đầu chào hắn rồi mới bước. Có ông trùm họ nào đó còn khép nép đứng sau lưng hắn, chờ hắn bước rồi mới dám quay đi. Bọn vệ sĩ cuốn chiếu như bị ma hút theo những tà áo đen vào cái lối hun hút sau hai tấm cửa lim đồ sộ. Trong đó, có một tòa dinh thự tường quét vôi xanh, đỏ và vàng chóe, lộng lẫy như cung đình.

        Tên Hanh lững thững đi ra đằng cổng trái. “Thằng Tăng cũng được, còn hơn bọn thằng Xứng với Mi-lô“. Đã tính toán chán rồi nhưng tên Hanh vẫn không thật dứt khoát được với mình. Chọn đằng này lại tiếc đằng kia. Biết thế nào là thức thời? Biết đâu là bọt, đâu là cọc mà bám?

        Trước đây đầu óc hắn nghĩ đơn giản quá. Cứ tưởng tất cả tập trung một mối vào Tây. Nhà Chung hay Tây cũng thế cả, giàu sang là cốt ở công diệt Việt Minh của hắn. Nhưng hôm qua được gặp nhà báo Diễm, một tay tự do có thế lục, hắn mới hiểu: ý nghĩa việc làm và tiền đồ của hắn còn phụ thuộc vào cái quan trọng nữa là: hắn thờ ai?

        Trong bữa rượu ê hề do hắn tận tình cung phụng, nhà báo Diễm ngà ngà gật đầu, phẩy tay trước mặt hắn ra điều kẻ cả, lè nhè:

        - Anh định làm chính trị mà ngây thơ thế? Ở đây năm bè bảy mối, anh chưa hiểu. Tôi nói vắn tắt thế này: Đừng có tưởng Nhà Chung đây với Bắc phần và Liên hiệp Pháp là một. Ừ thì là một ở chỗ họ cùng muốn diệt Việt Minh nhưng đường đi khác nhau lắm. Người Pháp muốn thâu tóm lại tất cả thành một mối. Họ sẵn sàng biệt đãi cha Từ, miễn rằng cha trung thành với họ. Nhưng cha là người nhìn xa trông rộng. Cha nhìn vượt cả bể Thái Bình Dương! Hì. Hì hì...

        - Thật tôi chưa hiểu. - Tên Hanh nhún mình - Thế chẳng phải Đức cha đã đổ bao công sức thư đi từ lại mật liên lạc với người Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng để tổ chức cuộc nhảy dù rất thành công tháng Mười năm ngoái sao? Người Pháp đã mật cấp vũ khí cho Nhà Chung để vũ trang cho tự vệ công giáo - giờ là vệ sĩ. Cả cựu hoàng Bảo Đại cũng thân thiết trọng vọng Đức cha.

        - Thì tôi đã bảo, người Pháp vẫn hết lòng mua chuộc Đức cha, nhưng Đức cha lảng ra. Bề ngoài Đức cha khăng khăng giữ cái xứ “công giáo tự trị” độc lập cả về quân sụ lẫn chính trị. Đối với Chính phủ kháng chiến, cha còn làm ra vẻ chống Liên hiệp Pháp. Nhưng thực chất bên trong cha ra sức quan hệ với người Mỹ. Chỉ có đại cường quốc đồng minh đó mới là chỗ dựa cho cha. Trông chừng người Pháp không làm gì nổi Việt Minh đâu. Phải là Hoa Kỳ kia! Cha còn có quan hệ thân thiết với một nhân vật quan trọng được Mỹ hết sức tin dùng và quý hóa biết bao, người đó là người công giáo.

        Tên Hanh không kìm nổi lưỡi thóc mách của mình, buột ra:

        - Vâng, tôi có nghe nói ngài Ngô Đình Diệm cũng đã về với Đức cha tìm chỗ trú?

        - Hà hà. Ông khá lắm! Chuyện không đơn giản thế, nhưng cũng là ông đã nhìn thấy những tia sáng đầu tiên của bình minh lịch sử. Chỉ tiếc ông chưa biết lấy đó làm hướng mục tiêu cho mọi hành động của mình.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2018, 09:26:03 pm »


        Cao hứng, nhà báo Diễm nốc cạn một cốc sâm banh, dằn mạnh cốc xuống bàn:

        - Phải nắm cho được cái cốt lõi đó nhé! Bây giờ người Mỹ chưa nỡ hất cẳng Pháp, chừng nào Việt Minh đánh quỵ Pháp đã... Người Pháp họ biết thừa ý đồ Đức cha, cho nên họ ra sức chèn ép cha, bắt cha sáp nhập quân đội vào Bắc phần. Họ gây khó khăn về kinh tế. Các vị như Thủ hiến Bắc phần Nguyễn Hữu Trí và cả cựu hoàng Bảo Đại đều bực bội gay gắt với Đức cha. Đức cha xin cho khu tự trị mỗi tháng hai triệu nhưng Cựu hoàng có duyệt cho đâu? Đức cha quyết không lùi bước. Cha sẽ vào Sài Gòn để vận động... Này, - tên Diễm thì thầm - ông biết rồi chứ? Người Mỹ đã viện trợ cho Nhà Chung một nhà máy điện, một nhà thương, nhiều vũ khí, máy móc, thuốc men, vải vóc, lương thực... nhưng dù sao còn vướng lắm, người Mỹ cũng có phần nể ông bạn đồng minh Pháp, cho nên Đức cha còn phải tự túc, phải tăng sưu thuế, càn quét mới đủ chi. Nhưng đó chỉ là những chuyện vặt. Cái đáng suy nghĩ là, liệu Đức cha có đủ tầm cỡ chiêu hiền nạp sĩ mở rộng sơn hà không, hay hoài bão của người không vượt khỏi khu công giáo tự trị?

        Đầu óc chật chội của tên mật thám không kham nổi những điều rộng lớn tay nhà báo nói, hắn gật gù với cái kiến thức lõm bõm đại khái. Những điều thiết thực trong tầm nhìn lôi cuốn hắn:

        - Tôi thấy chỉ cái Phòng nhì Xéc-tơ và Phòng nhì Tổng bộ tuy thế vẫn là thân thiết với nhau...

        Tên nhà báo cười, khịt khịt mũi:

        - Cái bọn ấy thì có gì. Đã bảo là đàn áp Việt Minh thì họ nhất trí với nhau lắm. Chỉ biết cuối cùng ông là người của ai? Của Pháp già cỗi hay của Mỹ đang lên? Cứ trông bên ngoài hiện nay, ông làm sao hiểu nổi! Ngay cánh Tổng bộ của cha Quỳnh với cánh “Xã hội công giáo” của ông Lê Quang Luật đang hục hặc tranh chấp nhau đó, thực ra họ chỉ là một, cùng là tay chân của Đức giám mục cả. Thế mà trước mắt, họ vẫn tranh nhau làm tình báo phục vụ các mục tiêu quân sự cho Đơ-bê của Pháp.

        Lại còn các đảng phái như hai cái Đại Việt, Việt Nam quốc dân đảng, dù họ có mục đích xa xôi khác nhau nhưng đều làm việc cho Phòng nhì Pháp.

        Cho nên ông muốn làm gì thì làm, chỉ cần biết hướng mình vào cái đích cuối cùng. Khối người người ta chả làm gì cả, người ta chỉ chờ thời... người ta chơi cho thỏa...

        - Như ông anh chẳng hạn?

        - Hà hà... tôi khác lắm! Tôi là con chim. Tôi cất cánh bay đến những đỉnh cao dành cho tôi... Còn đây, tôi muốn nói ví dụ như các bạn của tôi mới tập hợp nhau trong cái “Đại Việt duy dân” nào đó. - Diễm cười khoái chí - Họ chống Việt Minh, chống cả Pháp, cả Mỹ, cả Nga và họ bắt tay với tất cả bọn đó. Họ làm cho Pháp và rất được lòng Nhà Chung. Pháp thắng chả cần nói. Việt Minh có thắng cũng yếu đi. Lúc đó họ mới tính chuyện lật Việt Minh. Ha ha! Có đánh nhau vài chục năm nữa họ vẫn sống đàng hoàng!

        Tên Hanh gật gù thán phục. Người ta như thế đấy. Còn mình thì, tội gì như con trâu buộc, chỉ biết cúi mặt một bề, chúi mõm la liếm khổ sở trong bụi gai, vặt sạch mọi thứ lá vàng, cỏ úa đến trơ trụi khoảng đất người ta buộc; không biết rằng chỉ cần ngửng mặt lên, bước ba bước khỏi tầm dây mũi, mà có thừa sức giật đứt, là có thể tới một vùng cỏ mới non tươi! Chả có gì ràng buộc mình ngoài bản thân mình cả! Cóc cần chơi anh Liên hiệp...

        Cao hứng hai đứa càng rót rượu khỏe cho nhau. Chốc lát câu chuyện của chúng không còn đầu đuôi gì nữa.

        Hôm sau tỉnh ngủ, tên Hanh ngồi một lúc mới vỡ vạc nhớ được mấy điều. Đại khái, mình phải tiến thân bằng con đường Tổng bộ...

        Bây giờ hắn đành phải qua nhà hát Nam Thanh gặp thằng Tăng. Thằng Tăng là tay chân đắc lực của Cha tổng chỉ huy. Anh em hắn đều là người có công lớn với Nhà Chung. Thì cũng được vậy!

        Nhưng hắn chưa đi quá cổng đá đã có vệ sĩ chạy theo gọi lại. Tên vệ sĩ khúm núm vòng tay thưa:

        - Cha tổng chỉ huy có nhời mời thầy vào.

        Mừng quá, tên Hanh lăm xăm gằn bước chạy vào. Hai tên vệ sĩ gác cổng đen lừ một màu như hai cột nhà cháy gằm gằm súng cắm lưỡi lê cầm ngang. Nhưng cánh cửa lim dày hơn tấc đã mở hé. Hanh cúi đầu lách mình vào. Sau cánh cửa là cả một khu vườn rộng đến năm, sáu mẫu, cây cối tốt tươi, đầy hoa thơm cỏ lạ, tòa ngang dãy cọc nguy nga. Biết rõ đây là “thiên đường” của Thủ đô công giáo, tên Hanh không khỏi nơm nớp lo sợ tưởng như vào nơi hang động nào trong truyện thần thoại. Men theo lối gạch lát nghiêng, hai bên trồng hồng xiêm, vú sữa, na, cam... và những bồn hồng xen cây thuốc bổ như các loại sâm, tam thất, tên Hanh bước như đi trong chiêm bao. Hắn định rẽ vào khu lầu quét vôi vàng, xanh, đỏ phía bên phải, nơi Đức giám mục ở nhưng hai cái lưỡi lê bỗng đặt chéo trước mặt hắn. Hai bộ đồ đen che tối sầm mắt! May tên vệ sĩ đi theo kéo áo hắn:

        - Mời thầy vào nhà lễ, trong này.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2018, 09:27:02 pm »


        Thì ra Đức giám mục bận việc hệ trọng với quan tư Sô-ni-ê. Cha Quỳnh, cha Đệ đều không được dự. Cha Quỳnh sực nhớ tới tên chỉ điểm vội cho gọi hắn vào làm việc, cho đỡ buồn.

        Cha tổng chỉ huy vẫn bận áo thụng thâm, vẻ mặt càu cạu. Cha tổng ngồi như bặn mình trên ghế phô tơi ở đầu cái bàn lớn véc ni bóng lộn, có đặt tấm kính. Trên bàn la liệt những sổ sách, giấy tờ công việc của tổng bộ tự vệ. Cái bút Pác-ke 51 mở nắp lăn lóc cạnh tập giấy đánh máy. Cái thắt lưng da thuộc màu nâu mềm mại, có khẩu súng côn và hai kẹp đạn, khoác quàng vào vai ghế - Chắc cha mới cởi cho khỏi vướng trong áo thụng? Trên tường ngay phía sau cha, có trang trí các ảnh “Lái tim”, “Đức mẹ từ bi”, xung quanh còn nhiều ảnh các thánh tử vì đạo, các tông đồ. Cái nào đường nét cũng dịu dàng, màu sắc rực rỡ.

        Tuy cha ngồi hết sức thoải mái nhưng vẻ mặt cha trầm ngâm tư lự, tên Hanh vẫn trờn trợn. Cha uể oải phẩy tay cho hắn ngồi. Hắn chỉ dám ghé nửa mông lên ghế đệm bọc nhung kẻ màu xanh, kéo xa bàn. Nuốt nước bọt ba lần, hắn mới mấp máy môi:

        - Dạ kính trình cha...

        Cha nhắm mắt miễn cưỡng gật đầu.

        - Được. Con hãy chờ. Ta đã cho gọi ông Tăng.

        Tên Hanh băn khoăn cách thưa gửi thế nào cho tiện? Được “báo cáo ngài Tổng chỉ huy” thì tiện hơn, nó rành rọt ra, công việc là công việc. Còn “trình cha” khi cha chưa cởi áo lễ thật không tự nhiên tý nào. Có cái gì vô hình như ngáng trở, bắt hắn lựa lời sao cho phải đạo, hắn thấy chối chối, chưa quen?

        Tăng bước vào. Hanh đứng dậy cúi gập người, để tranh thủ cảm tình. Cặp mắt Hanh lia ngang. Anh em nhà nó nom giống nhau thế? Hồi còn theo Việt Minh, Hanh đã có dịp thấy mặt già Thiện là anh nó. Trong lễ vớt xác thằng Dung1, già Thiện đi sau Đức giám mục để hầu cận. Nghe thằng Sự bắn phát súng trước chân Đức cha, cả bọn liền hô hoán lên là Việt Minh ám sát Đức cha. Hắn liền cùng tên Quýt, tên Chính đứa cầm dao, đứa cầm gậy, xông vào đánh tử thương ông Ái chủ tịch huyện, cùng đi bên cạnh Đức cha. Cả em nó là thằng VỊ, cũng hao hao khuôn mặt nó. Thằng ấy đi áp tải thuyền chở súng đạn từ Hải Phòng về Phát Diệm cho Nhà Chung bị công an Việt Minh bắt...

        Tăng chào Cha tổng chỉ huy rồi vừa kéo ghế vừa nhìn tên Hanh thăm dò, đánh giá với vẻ trịch thượng. Hanh hiểu thế, cố ngồi ngay ngắn, thuần thục sao cho lọt mắt hai người mà hắn còn nương tựa nhiều.

        - Ông Hanh - Cha Quỳnh hất hàm về phía Hanh - là người đã bỏ Việt Minh quy hồi quốc gia. Trước đã có giới thiệu của bên Mi-lô...

        - Dạ. Con đã biết. - Tăng tỏ ra am hiểu.

        - Phải. - Quỳnh gật đầu - ông ấy muốn cung cấp những tài liệu...

        Tên Hanh ngập ngừng nhìn Hoàng Quỳnh rồi nhìn tên Tăng. Hắn giấu nụ cười: cách cha làm việc thế này thì ta cứ là nói thẳng vào công việc mật thám chính trị ngay thôi, không phải giữ ý tứ quái gì vì bộ áo thụng đen của đấng chăn chiên cho mất thì giờ. Các “tướng” thật khéo che đậy! Mình ngớ ngẩn thật... hắn nghĩ thế, lấy làm thích chí, rồi nói:

        - Bẩm trình cha và ông Tăng... - Tên Hanh loanh quanh tự giới thiệu huênh hoang về mình và tìm cách rào đón cho khỏi hớ món hàng, rồi vào đề - Do có lòng muốn lập công từ lâu, con đã để nhiều công sức tìm kiếm, theo dõi, hiện nay con có thể trình cha và ông Tăng cả một mạng lưới công an Việt Minh đang hoạt động trong các phố Phát Diệm...

        Nhận rõ phản ứng người nghe rất có lợi cho mình, tên Hanh trở nên bạo dạn tự tin. Hắn nói về lai lịch những người hắn biết và đề nghị cả một kế hoạch lớn vây bắt, nhưng cố tình giấu kín những cái địa chỉ để khỏi bị phỗng mất.

        Hoàng Quỳnh và Tăng bàn bạc thêm rồi quyết định cho Hanh nhận chức phó ban điều tra của Phòng nhì Tổng bộ, nếu chuyến này hắn bắt được đúng là công an Việt Minh.

-----------------
        1. Trong vụ bạo loạn ở Phát Diệm ngày 8 tháng 9 năm 1947
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2018, 07:59:40 pm »


11

NGAY GIỮA TRÌ CHÍNH, CẠNH XÉC-TƠ

        Như mở cờ trong bụng, ra khỏi cổng đá Nhà Chung, tên Hanh còn quay lại làm dấu thánh hai lần, chắp tay lạy một cái, nguyện thầm: “Xong chuyến này con xin thề suốt đời thật bụng theo Chúa. Xin Chúa phù hộ cho con!”. Thế rồi hắn còn nhe răng tự cắn tay mình một cái để kìm nén cái vui mừng từ trong bụng dội lên, làm hắn múa vung tay chân như phát điên.

        Không ngờ cha Quỳnh và Tăng lại nâng đỡ hắn đến thế! May quá, ông Tăng không hề tra gạn gì về những cái địa chỉ, những cơ sở Việt Minh mà hắn đã nắm được. Vậy là dưới tay hắn sẽ có một trung đội vệ sĩ để hành động theo ý muốn. Nếu cần còn được tăng thêm. Bọn vệ sĩ thì không ngu xuẩn như cảnh binh. Lần trước ta phụ thuộc thằng Xứng. Hắn lừng khừng quá! Nếu hắn tin ta cho đủ một trung đội cảnh binh, ta bủa vây cả phố ngay thì thằng Tâm chạy đằng trời? Chính mắt ta thấy nó vào đó, nó biến đằng nào? Cũng may mình biết không ăn thua vội rút ngay như một cuộc soát xét tình cờ, để còn dành sự bất ngờ cho cơ hội này!

        Bây giờ, chỉ ba hôm ta sẽ tóm gọn hắn và tất cả lũ có tên trong sổ tay của ta. Quét từ nhà mụ Duyên sang nhà lão Tám, nhà Bích Hưng. Cứ ngần ấy mối mà quật lên thế nào cũng đào được hết dây rễ! Hắn nghiến răng, xiết chặt hai nắm tay!

        Cao hứng, hắn tạt vào quán Bích Hưng, gọi một cốc cà phê và năm, sáu đĩa bánh loại sang nhất, bằng cái giọng hào phóng nhất mà hắn có thể tưởng tượng ra.

        “Thằng Bích Hưng! Hôm nay cứ cho con hầu bố cái đã. Mấy hôm nữa, bố sẽ cho con mọt gông, con mới biết ân hận là đã không hết lòng cúc cung bố từ trước”. Nghĩ vậy nhưng hắn lấy làm lạ, hôm nay Bích Hưng tỏ ra niềm nở, ân cần với hắn. Rồi hắn bĩu môi: “Được ông khách hào phóng thế này cơ mà? Thì cứ cho mày liếm láp tí chút, rồi mày biết ông!”.

        Ông chủ hiệu Bích Hưng tự tay bưng khay lên bàn tên Hanh, vui vẻ chào hắn:

        - Hôm nay thầy cao hứng vầy?

        - À hà, tôi bao giờ chả vậy? Chỉ có nhà ông làm ăn lèm nhèm hay mất lòng khách thôi!

        Bích Hưng cười:

        - Ông bảo thế! - Bích Hưng ngồi xuống cái ghế bên cạnh tên Hanh, nói thấp giọng vẻ thân tình - Hôm qua tôi có ý tìm ông mà không gặp. Sáng nay tính đi lên ông hội Ngà mà rồi bận quá chưa đi được.

        Tên Hanh dừng tách cà phê trên môi, mắt liếc ngang Bích Hưng - hội Ngà là tay chạy thuốc phiện có tiếng, tên Hanh đoán Bích Hưng có mối thuốc phiện, cười hì hì:

        - Thế tôi tự vào đây chắc có duyên trời! Ông uống với tôi một tách. Ông ăn bánh đi. Nào, ông gọi ai pha thêm cốc nữa anh em ta nói chuyện cho vui. Tôi bao ông mà?

        - Được, được. Có gì đâu, ông mặc tôi. - Bích Hưng tặc lưỡi - Chả là có mối ngoài Nam Định vào. Họ cho tôi chào hàng kiếm tí chút... Ông có ưng thì tôi...

        - Để tôi! Ăn bánh đi Bích Hưng, cậu cứ để tó, khỏi phải đi hội Ngà. Họ đâu rồi, cậu biết giá cả thế nào không? Mối Nam Định à?

        - Ừ Nam Định. Mặt hàng với giá cả, ông phải gặp người ta mà bàn. Tôi chỉ dẫn mối thôi.

        - Càng tốt! Khá ra mình không quên cậu đâu. Đừng chào ai nữa nhé. Bao giờ cậu cho mình gặp họ nào?

        - Trưa mai nhé! Vâng. Ông cứ sang bên kia cầu Trì Chính, đến quán nước chanh ông Đạt, sau khu Xéc-to, sẽ gặp họ.

        Hanh nhanh nhảu:

        - Được, được! Cậu bảo họ đúng hẹn đấy, mười hai giờ.

        Thật là vận đỏ. Cái vui cứ dồn dập thế này! Càng nghĩ, Hanh càng khoái.

        Trưa hôm sau, tên Hanh đến ngay quán nước chanh ông Đạt. Hắn gặp một thanh niên người nhanh nhẹn, dong dỏng cao. Hắn nhìn anh thanh niên xem chừng. Anh thanh niên đến bên hắn:

        - Ông là ông Hanh?

        - Vâng. Tôi có nghe Bích Hưng...

        - À vâng. Chúng tôi có trên ba cân hàng.

        - Tốt lắm. Ông cho tôi xem mặt hàng luôn đi!

        Anh thanh niên gãi tai, lơ đễnh:

        - Tôi còn người bạn, đang bận tí việc, xin ông bảy giờ tối hôm nay sang đây xem hàng và ăn giá luôn?

        Tên Hanh giãy nảy lên:

        - Ấy chết. Sao lại thế? Bảy giờ, tối quá!

        - Ông lo gì? Giữa Trì Chính, cạnh Xéc-tơ đây, điện sáng choang...

        - Nói thật với ông giờ ấy không an toàn. Các ông thu xếp bốn giờ ta gặp nhau thôi.

        - Bốn giờ ông anh tôi chưa về kịp.

        - Nếu vậy để hẳn chín giờ sáng mai?

        - Thôi, chúng tôi cố gắng năm giờ nhé!

        - Năm giờ. Thì cũng được. Nhưng không thể chậm hơn đâu nhé!

        - Vâng, ông yên tâm.

        Chiều, mới bốn rưỡi tên Hanh đã sang. Nhưng đúng năm giờ anh thanh niên mới đến cùng với một người nữa, cũng chỉ hai mươi, hai mốt tuổi, người to cao như một tay chân sào. Xem xong mẫu thuốc phiện, Hanh rất ưng ý. Hắn hỏi:

        - Bao nhiêu đây?

        - Tám trăm rưỡi.

        Hanh bĩu môi, lắc đầu:

        - Bảy trăm rưỡi thôi.

        - Không có giá ấy đâu. Ông xem lại hàng, đừng hãm anh em làm gì.

        Tên Hanh cầm mẫu thuốc phiện bằng hạt ngô nâu sánh, xem đi xem lại, không giấu được vẻ khoái chí. Hắn hiểu giá thuốc lúc này rẻ cũng là tám trăm. Đòi tám trăm rưỡi là hời rồi, nhưng hắn vẫn lắc đầu nguây nguẩy:

        - Không thể hơn cái giá bảy trăm rưỡi đâu.

        Anh thanh niên cau mày:

        - Ông không lấy thì thôi. Chúng tôi chào ông!

        - Gì mà vội thế! - Tên Hanh trừng mắt - Được giá thế không bán, lại muốn mất không à? Bán cho tôi là an toàn nhất. Xảy tôi ra thì chỉ có mà sa lưới cảnh binh.

        Tay chạy hàng không vừa, cười khẩy, đáp:

        - Ông không lo. Thật tình, chúng tôi không dám phiền ông. Cái giá bảy trăm rưỡi thì chúng tôi còn khối ngài bề trên có thần thế, đủ sức che chở.

        Tên Hanh đấu dịu, cười nịnh:

        - Các cậu đến đáo để! ừ thì phải giá là tám trăm nhưng còn làm ăn lâu dài với nhau, gọi là lần đầu gặp gõ, các cậu bớt mình mỗi cân hai chục vậy. Nào, tiền trao cháo múc đây?
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM