Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 11:21:02 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp  (Đọc 152913 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2012, 09:23:40 am »


7 giờ 30 phút ngày 3 tháng 10, hai tiểu đoàn 154 và 166 thuộc trung đoàn 209 vận động đánh quân dù hành quân từ Gia Hội đến tiếp viện cho Nghĩa Lộ, cách Gia Hội tám ki-lô-mét và đang vận động đánh vào sau lưng ta. Sau một giờ chiến đấu, địch bị cắt làm hai bộ phận. Bộ phận đi đầu khoảng một đại đội cơ bản bị diệt, số còn lại chạy về Gia Hội bị đại đội 612, đại đội 606 truy kích diệt 40 tên. Ngày 4 tháng 10, Xa-lăng ném tiếp tiểu đoàn 2 dù (2e BEP) xuống Gia Hội. Đêm đó trung đoàn 141 tiến công Nghĩa Lộ lần thứ hai, nhưng không thành công. Kết quả hai trận ta đánh ở Nghĩa Lộ (đêm 2 và 4 tháng 10), ta đã diệt 150 tên địch, bắt 19 tên. Ta hy sinh 118 người, bị thương 200 người1.

Cũng đêm 4 tháng 10, tiểu đoàn 564 trung đoàn 165, tiến công Cửa Nhì. Khi chiếm lĩnh đồi 602, bị phi cơ địch oanh tạc và hai lần chúng cho quân ra đánh chiếm lại, nhưng đều bị quân ta đánh lui, diệt chín tên, bắn bị thương 12 tên khác. Ngày 5 tháng 10, địch đổ tiểu đoàn 10 dù (10e BPCP) xuống Nghĩa Lộ và điều tiểu đoàn 2 dù và tiểu đoàn 8 dù tiến về phía Khâu Vác. Ngày 6 tháng 10, tiểu đoàn 154 phục kích cánh quân của tiểu đoàn 8 dù ở bản Văn Tông. Khi chúng lọt vào trận địa, sau 10 phút nổ súng, địch bỏ chạy, ta truy kích đến đồi 869 gặp hai trung đội địch, ta chiến đấu đến 2 giờ sáng, diệt và bắt 26 tên. Cũng trong thời gian đó, cánh quân của tiểu đoàn 2 dù tiến đến Nậm Mười, bị tiểu đoàn 130 của ta nổ súng chặn đánh. Sau năm đợt xung phong, địch yếu thế phải bỏ chạy. Ta truy kích đến 4 giờ ngày 7 tháng 10 thì rút quân. Kết quả toàn trận, địch chết 60 tên; ta hy sinh 15 người, bị thương 62 người.

Trên hướng thứ yếu Phong Thổ, từ đêm 29 tháng 9 đến ngày 10 tháng 10; trung đoàn 148 cùng bộ đội địa phương Lào Cai bao vây, tiến công các đồn Yên Na (4 tháng 10), diệt 113 địch, thu 12 súng các loại và 20 tấn quân trang quân dụng. Ngày 9 tháng 10, tiểu đoàn 930 tiến công Than Thuộc, Pác Tà. Sau 30 phút chiến đấu địch bỏ chạy. Tiểu đoàn 910 tiến công Than Uyên, không kết quả. Sau 10 ngày chiến đấu liên tục, lực lượng ta cũng bị tiêu hao nhiều (287 người hy sinh, 702 người bị thương, 22 người mất tích), lương thực chỉ còn có hai ngày. Ngày 10 tháng 10, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định thời cơ đánh địch đã hết và ra lệnh kết thúc chiến dịch.

Mặc dù vậy, từ ngày 11 tháng 10 đến 31 tháng 10, bộ đội ta vẫn tổ chức phục kích quân viện của địch trên các trục đường Nậm Bon, Niêng Sang; tiến công diệt cứ điểm Pu Sam Cáp, Khang Tiêu, Phòng Tô. Các đơn vị tiến hành ba trận đánh gặp địch (tao ngộ), diệt ba đơn vị cơ động Âu - Phi gồm một đại đội công binh (1e CIE) ở Niêng Sang, một đại đội thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 2 lê dương (2/2e REI) ở Nậm Bon và một đại đội thuộc trung đoàn 17 Ta-bo ở khu vực Lan Nhì Tháng. Đồng thời với hoạt động của chủ lực, bộ đội địa phương cùng với dân quân du kích hoạt động đẩy mạnh chiến tranh du kích.

Trong Chiến dịch Lý Thường Kiệt, hầu hết các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích trên địa bàn đã được huy động. Hướng Văn Chấn, Trấn Yên có ba đại đội 97, 87 và 86. Than Uyên hai đại đội 96, 85. Đại đội 85 đánh năm trận đều thắng lợi. Đại đội 96 đánh trận phục kích trên đường Tạ Hoà gây khó khăn cho địch tiếp viện sang Mường Than, dọn đường cho trung đoàn 148 hoạt động. Các đại đội tích cực làm nhiệm vụ phục vụ chủ lực tác chiến. Tại Than Uyên, hai đại đội 96 và 85 phối hợp chặt chẽ với chủ lực tiến công địch, bức chúng rút khỏi đồn Minh Lương (Văn Bàn) bắt 82 tên, thu toàn bộ vũ khí. Ở Lào Cai, bộ đội địa phương đã hợp đồng chặt chẽ với chủ lực tiến công địch, giải phóng huyện Phong Thổ.

Kết quả toàn chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.258 tên (trong đó có 255 tên bị bắt); thu trên 300 súng các loại gồm 20 trung liên, một đại liên, 76 tiểu liên, năm súng cối, 229 súng trường, 28 súng ngắn; và 20 tấn quân lương, 11 tấn đạn dược. Riêng hướng chính ta tiêu diệt 476 tên địch, bắt 42 tên. Ta hy sinh 287 người, bị thương 702 người, mất tích 22 người2. Từ khi nổ súng (29 tháng 9 đến 31 tháng 10), ta đã đánh 16 trận công đồn, sáu trận phục kích, ba trận tao ngộ, hai trận đánh quân địch nhảy dù, hai trận truy kích. Ta đã đánh bại tám tiểu đoàn đồn trú và cơ động ứng chiến (hai tiểu đoàn Thái, ba tiểu đoàn Âu - Phi: Ta-bo, Ma-rốc, An-giê-ri và ba tiểu đoàn dù). Qua 29 trận đánh trên các hướng, ta đã diệt chín đại đội địch, diệt sáu cứ điểm Than Thuộc, Hua Tà, Ca Vịnh, Bản Tu, Tan Man, Pa Pé, bức rút tám vị trí Thượng Bằng La, Đồng Bò, Đèo Pho, Khe Tùa, Cốc Báng, Cửa Nhì, Khang Tiêu, Sài Lương.

Chiến dịch đã giải phóng một vùng rộng lớn từ Quang Huy lên Ca Vịnh, Ba Khe, Sài Lương và từ Phong Tô qua Bình Lư tới Than Uyên. Chiến dịch đạt được các yêu cầu đặt ra, làm thay đổi cục diện ở Tây Bắc, góp phần vào thắng lợi chung của chiến cuộc Đông Xuân 1951-1952.

Nhưng chiến dịch cũng bộc lộ những khuyết điểm chính là: công tác chuẩn bị thiếu chặt chẽ, không giữ được bí mật nên sớm bị địch phát hiện được ý định. Chúng đã cho rút lực lượng đóng tại các vị trí ngoại vi về tăng cường để giữ Nghĩa Lộ (một tiểu đoàn). Việc điều hành chiến dịch giao hoàn toàn cho Đại đoàn 312 đảm nhiệm. Đại đoàn chưa quen điều hành nên gặp khó khăn, lúng túng. Các cơ quan cấp trên chưa thấy hết khó khăn của đại đoàn, do đó việc giúp đỡ của Bộ Tổng tham mưu cho đại đoàn còn ít. Về nguyên nhân khuyết điểm, đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh đại đoàn cho rằng: “việc di chuyển bộ đội quá chậm, nên địch đã biết và chuẩn bị đối phó. Từ Yên Bái vào Nghĩa Lộ, ta mất năm ngày hành quân vất vả, nhưng địch tăng cường quân dù từ Hà Nội lên chỉ mất một giờ! Tây Bắc là địa hình rừng núi, nhưng trong thực tế, bộ đội ta đánh nhau với quân dù trên đồng ruộng ban ngày như ở chiến dịch Trung Du, có pháo binh và không quân yểm trợ, chúng vẫn gây cho ta nhiều khó khăn thiệt hại. Ở địa bàn này tiếp tế cho bộ đội bằng quang gánh của dân công trên hàng trăm ki-lô-mét vẫn là vấn đề nan giải. Trước khi mở chiến dịch đại đoàn chưa nhìn thấy hết những khó khăn này”3.

Mặc dù vậy, Đại đoàn 312 đã có bước tiến mới, các đơn vị có thêm kinh nghiệm về chỉ huy và tác chiến chính quy trên chiến trường rừng núi, đánh địch đổ bộ đường không, đảm bảo hậu cần trên địa bàn hiểm trở tiếp tế khó khăn, cách xa hậu phương, kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo mặt trận vùng sau lưng địch, phối hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích và chính quy, trong chiến dịch tiến công địch ở miền rừng núi.

Tháng 12 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312, khen ngợi thành tích trong Chiến dịch Lý Thường Kiệt và căn dặn cán bộ chiến sỹ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm để lập nhiều chiến công hơn nữa. Người viết: “Bác vui lòng vì kết quả khá... Nhất là vì các chú tiến bộ khá. Tinh thần chiến đấu cao. Ý thức dân vận khá. Đối với chiến lợi phẩm, giữ vững kỷ luật. Kỹ thuật khá tiến bộ”4.
_______________________________________
1.Hồ sơ 466, trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
2.Hồ sơ 412, Những chiến dịch lớn ở Bắc Bộ, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
3.Hồ sơ 412, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
4.Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr.364.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2012, 09:48:25 am »


CHIẾN DỊCH HÒA BÌNH
(Tiến công, từ ngày 10 tháng 12 năm 1951 đến ngày 25 tháng 2 năm 1952)


Tháng 11 năm 1951, thực dân Pháp tập trung lực lượng lớn đánh chiếm Hoà Bình, nhằm mục đích mở rộng khu chiếm đóng, tăng cường phòng ngự phía tây nam đồng bằng Bắc Bộ, ngăn chặn đường liên lạc vận chuyển của ta giữa Việt Bắc với Liên khu 3. Địch đã chọn một chiến trường mà chúng có chủ định trước, buộc ta phải tham chiến sớm để tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phá sự chuẩn bị tiến công thu đông của ta. Chúng cố giành lấy một thắng lợi về chính trị, quân sự để ổn định tinh thần ngụy quân, ngụy quyền, xây dựng “xứ Mường tự trị”, làm yên lòng chính phủ Pháp.

Do tính chất quan trọng của chiến trường Hoà Bình, nên Pháp đã cử tướng Xa-lăng, phó tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân này.

Ngày 10 tháng 11 năm 1951, 12 tiểu đoàn bộ binh và năm cụm pháo binh của Pháp bất ngờ chiếm Chợ Bến, cắt đường di chuyển của bộ đội ta từ Việt Bắc xuống đồng bằng. Ngày 14 tháng 11, với binh lực 20 tiểu đoàn bộ binh (của các GM1, 2, 3, 4, 7), bảy tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn thiết giáp và hai đại đội xe tăng. Địch tiến quân theo bốn cánh, hình thành hai gọng kìm từ phía Sơn Tây - Trung Hà xuống và từ Xuân Mai lên thị xã Hoà Bình. Cánh thứ nhất do trung tá Béc-ki-nhi (Berquiny) chỉ huy, có ba tiểu đoàn dù, sáng 14 tháng 11, chúng nhảy dù chiếm thị xã Hoà Bình. Cánh thứ hai do thiếu tướng Lơ Bơ-lăng (Leblane) chỉ huy, có hai binh đoàn cơ động số 4 và 7, ba tiểu đoàn pháo binh 105mm, một đại đội xe tăng, từ khu vực thị xã Sơn Tây chia làm hai mũi tiến theo đường số 87 và đường số 89, đánh chiếm Đan Thê, Đá Chông, Chẹ. Cánh thứ ba do đại tá Cơ-lê-măng (Clément) chỉ huy có binh đoàn cơ động số 2 và một tiểu đoàn pháo binh 105mm từ thị xã Sơn Tây đánh chiếm núi Ba Vì. Cánh thứ tư do đại tá Đô-đơ-li-ê (Dodelier) chỉ huy, có hai trung đoàn cơ động số 1 và 3, một đại đội xe tăng và hai tiểu đoàn pháo binh 105mm, từ Xuân Mai đánh chiếm đường số 6 và thị xã Hoà Bình, lực lượng dự bị gồm một tiểu đoàn dù, một tiểu đoàn pháo binh 105mm, một đại đội xe tăng tập kết ở Hà Nội. Trong hai ngày 14 và 15 tháng 11, địch đã chiếm được Hoà Bình, đường số 6, sông Đà và Ba Vì. Sau khi chiếm được các mục tiêu trên, địch tổ chức phòng ngự thành hai phân khu (ngoài phân khu Chợ Bến), với ý đồ chiếm đóng lâu dài. Phân khu sông Đà và Ba Vì (khu bắc), do đại tá Đô-đơ-li-ê chỉ huy, sở chỉ huy đặt tại Đan Thê. Phân khu Hoà Bình và đường số 6 (khu nam), do đại tá Cơ-lê-măng chỉ huy, sở chỉ huy đặt tại thị xã Hoà Bình.

Tổ chức phòng ngự của địch gồm 28 cứ điểm lớn, nhỏ, kiến trúc theo kiểu dã chiến. Mỗi cứ điểm có từ một đến hai đại đội bộ binh chiếm giữ, những nơi quan trọng như Pheo, Đồng Bến, Ao Trạch, Chẹ, Đá Chông thường có ba đại đội bộ binh, được tăng cường một trung đội xe tăng và một đại đội pháo.

Ngày 15 tháng 11, Tổng Quân uỷ họp. Bộ Tổng tham mưu đề nghị mở chiến dịch Hoà Bình vì địch mới đánh ra, chưa kịp củng cố phòng ngự. Hoà Bình là vùng rừng núi, dễ bao vây, chia cắt địch, cơ động lực lượng thuận lợi, bí mật.

Ngày 18 tháng 11 năm 1951, Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ nhận định “Đó là một cơ hội hiếm có cho ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đánh ra Hoà Bình địch phải phân tán lực lượng cơ động, lực lượng tinh nhuệ trên một mặt trận rộng lớn, núi rừng hiểm trở, địa hình đột xuất, công sự chưa vững chắc. Mặt khác vì phải tập trung phần lớn quân cơ động ra Hoà Bình nên lực lượng địch ở đồng bằng bị dàn mỏng, các vùng từ hữu ngạn, tả ngạn Liên khu 3 đến Trung Du đều tương đối sơ hở hơn trước”1. Căn cứ vào nhận định trên, Trung ương chủ trương mở một cuộc tiến công lớn đánh địch trên cả hai mặt trận: tập trung chủ lực ở hướng chính là Hoà Bình và mạnh bạo đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong địch hậu đồng bằng Bắc Bộ nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, tiến tới phá tan kế hoạch chiếm đóng Hoà Bình của chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích trọng tâm là đồng bằng Bắc Bộ. Bộ Chính trị quyết định, tổ chức Bộ chỉ huy chiến dịch do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm chính trị, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng và thành lập Đảng uỷ chiến dịch do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách bí thư, đồng chí Nguyễn Chí Thanh phó bí thư.

Ngày 20 tháng 11, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh tác chiến cho các đại đoàn: Đại đoàn 320 đánh địch từ thị xã Hoà Bình đến Trung Hà và hai bên tả, hữu sông Đà, Đại đoàn 316 được phối thuộc trung đoàn 246, phối hợp với bộ đội địa phương hoạt động ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Trung đoàn 98 thâm nhập vào vùng địch hậu Bắc Ninh. Trung đoàn 174 đánh từ một đến hai vị trí ở tuyến ngoài. Trung đoàn 176 bố trí giữ mặt Lạng Sơn. Đại đoàn 308 sẵn sàng chiến đấu. Sau khi có chỉ thị của Trung ương, Bộ Tổng tham mưu cụ thể hoá thêm nhiệm vụ tác chiến của một số đại đoàn. Đại đoàn 304 đánh địch ở phía nam Hoà Bình, tiêu diệt một số điểm cao, cắt đường vận chuyển của địch trên đường số 6 để phối hợp với các đại đoàn 308, 312 hoạt động trên tuyến sông Đà và vùng thị xã Hoà Bình. Đại đoàn 320 đưa đại bộ phận vào vùng địch hậu ở đồng bằng.

Ngày 30 tháng 11, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới sở chỉ huy tiền phương ở Đồng Lương, thuộc huyện Cẩm Khê, bên bờ sông Thao để chỉ huy chiến dịch.

Ngày 2 tháng 12 năm 1951, Tổng Quân uỷ - Bộ Tổng tư lệnh tổ chức hội nghị cán bộ phổ biến nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Tổng quân uỷ - Bộ Tổng tư lệnh, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Chiến dịch đã báo cáo trước hội nghị “Chủ trương tác chiến trên mặt trận sông Đà”.

Về chủ trương và phương châm tác chiến nêu rõ: “Tập trung lực lượng tiêu diệt Tu Vũ và Núi Chẹ, đồng thời tranh thủ đánh viện trên sông, trên bộ và bên hữu ngạn, núi Chẹ và hữu ngạn thì địch có thể bất ngờ, ít nhất cũng giúp cho việc tiêu diệt Tu Vũ được thuận lợi hơn...”.

Về công tác chính trị trong chiến dịch: Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ - Bộ Tổng tư lệnh, ngay từ 19 tháng 11 năm 1951, cơ quan chính trị chiến dịch đã ra chỉ thị gửi toàn mặt trận “Tuyên truyền về cuộc hành binh của địch ở Hoà Bình” và triển khai hoạt động mọi mặt công tác chính trị trong chiến dịch về chuẩn bị bộ đội, chuẩn bị dân công, phối hợp tác chiến với dân vận, địch vận”…2.

Địa bàn chiến dịch diễn ra trên khu vực từ Xuân Mai đến thị xã Hoà Bình, dài 50 ki-lô-mét và từ Trung Hòa đến thị xã Hoà Bình, dài khoảng 60 ki-lô-mét. Đây là khu vực địa hình rừng núi sát với đồng bằng, có hai dãy núi cao, dãy Ba Vì 1.287m và dãy Viên Nam cao 1.029m. Phía đông Ba Vì có nhiều đồi núi trống trải, phía tây Ba Vì là rừng núi kín đáo. Có ba trục đường lớn, cơ giới hoạt động được là đường số 89, đường số 87 và đường số 6 là đường giao thông chính, ven đường có nhiều núi rừng xen kẽ đồi gianh. Sông Đà rộng và sâu nước chảy mạnh (rộng 400 - 500 m, sâu 5 - 8m), các tàu nhỏ của địch đi lại được, nhưng dễ bị ta phục kích.

Ý định của Bộ chỉ huy chiến dịch là kiên quyết tập trung binh lực hoả lực đột phá khu phòng ngự sông Đà, đánh một trận mở màn quyết định, tiêu diệt bộ phận sinh lực địch, mở đường giao thông vận chuyển chiến dịch, đồng thời tạo thế phát triển thuận lợi cho chiến dịch. Đợt đầu tiên nhằm đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Tu Vũ, núi Chẹ, nằm trong tuyến phòng thủ phân khu sông Đà của địch và là hướng chủ yếu của chiến dịch.

Quân ta thực hiện phương châm đánh điểm diệt viện, kết hợp chặt chẽ đánh công kiên với đánh phục kích giao thông, tiêu diệt quân viện trên sông, trên bộ, vận dụng linh hoạt chiến thuật đánh vận động, tiêu diệt từng bộ phận quân địch đi càn quét sục sạo, buộc chúng phải co vào các vị trí dã chiến, đánh tiêu diệt quân nhảy dù hoặc quân ứng cứu giải toả.

Tư tưởng chỉ đạo tác chiến chiến dịch là tích cực, chủ động, tạo thời cơ, nắm thời cơ, tranh thủ thời gian, lợi dụng sơ hở của địch, đánh địch trên những khu vực đã chuẩn bị sẵn, buộc địch phải tác chiến theo ý định của ta. Đánh hiệp đồng binh chủng, lấy đánh tập trung từng tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh trở lên được tăng cường binh khí kỹ thuật và một số binh chủng chuyên môn khác làm chính, kết hợp với những trận đánh nhỏ có hiệu suất cao, thực hiện tiêu diệt gọn quân địch, bắt tù binh thu nhiều vũ khí. Đánh liên tục ngày đêm, đánh giữa các đợt, đánh quân địch đang triển khai đội hình, đánh địch đang vận động, đánh địch co cụm trong cứ điểm. Kiên quyết chia cắt địch ra từng bộ phận mà diệt, kết hợp chặt chẽ đánh giao thông trên bộ, trên sông, diệt xe cơ giới diệt quân nhảy dù, diệt pháo binh và máy bay một cánh rộng rãi.

Thời gian tác chiến chiến dịch có thể kéo dài từ hai đến ba tháng, chia thành nhiều đợt chiến đấu, trên nhiều khu vực với những yêu cầu cụ thể khác nhau. Các đợt tác chiến sau tùy kết quả của đợt trước mà triển khai đánh tiếp. Phải kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ tác chiến đợt 1, mở thông cửa cho hướng phát triển đợt sau của chiến dịch.

Theo kế hoạch tác chiến chiến dịch, Bộ chỉ huy chiến dịch sử dụng Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đánh địch trên hướng chủ yếu của chiến dịch, tiêu diệt sinh lực địch và phá vỡ tuyến phòng ngự sông Đà.
_________________________________________
1.Hồ sơ 514, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
2.Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu Xb. 1963, t. 2, tr.27.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2012, 09:50:38 am »


Nhiệm vụ cụ thể như sau: Đại đoàn 308 (thiếu trung đoàn 102) ở bên tả ngạn sông Đà có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, đánh quân viện trên sông Đà từ Tu Vũ đến thị xã Hoà Bình; Đại đoàn 312 ở bên hữu ngạn sông Đà, có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Chẹ, đánh viện trên đường bộ từ Sơn Tây đi Đá Chông và từ Đá Chông đến Chẹ. Đại đoàn 304 ở hướng thứ yếu của chiến dịch làm nhiệm vụ kiềm chế mọi hoạt động của địch ở thị xã Hoà Bình và đánh địch trên đường số 6. Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 làm dự bị chiến dịch được bố trí ở khu vực Cổ Tuyết, nam thị xã Phú Thọ, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng vũ trang địa phương Phú Thọ sẵn sàng đánh địch càn quét ra các vùng tự do Hạc Trì, Lâm Thao, Hưng Hoá, đường số 2.

Về đảm bảo hậu cần1, để nhanh chóng huy động được nhân lực vật lực, bảo đảm cho tác chiến trên các hướng theo quyết tâm chiến dịch, Tổng Quân uỷ quyết định thành lập hai Ban cung cấp tiền phương ở bắc và nam Hoà Bình. Ban cung cấp tiền phương mặt trận bắc Hoà Bình có nhiệm vụ bảo đảm cho Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và Đại đoàn công pháo 351 cùng các lực lượng vũ trang địa phương. Ban cung cấp tiền phương mặt trận nam Hoà Bình có nhiệm vụ bảo đảm cho Đại đoàn 304, Đại đoàn 320. Thời kỳ đầu ở mặt trận Hoà Bình, ta đã chuẩn bị được 820 tấn gạo2 và có 20 nghìn dân công phục vụ chiến dịch. Công tác quân y, đã chuẩn bị đủ thuốc cứu chữa cho 4.000 thương binh.

Trong quá trình tổ chức chuẩn bị, các đơn vị đã chú ý như động viên giáo dục chính trị, quán triệt phương châm chiến dịch, thảo luận kế hoạch tác chiến... để bộ đội được chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt trước khi bước vào chiến đấu.

Ngày 10 tháng 12 năm 1951, đợt 1 chiến dịch Hoà Bình bắt đầu. Trên hướng chủ yếu, trung đoàn 209 Đại đoàn 312 vận động đến Ninh Mít, phối hợp với hai tiểu đoàn địa phương chặn đánh tiểu đoàn dù (GM4) càn quét ở làng Chúc phía nam Ba Vì, diệt hai đại đội địch, số còn lại bỏ chạy về Chẹ. Sáng 11 tháng 12, tiểu đoàn địch càn vào khu vực Gốc Bộp, điểm cao 306, bị quân ta chặn đánh diệt hai đại đội, bộ phận phía sau lùi lại Yên Lệ. Trên đường số 87, hai tiểu đoàn địa phương đánh vận động phục kích diệt hai đại đội bộ binh và một trung đội cơ giới địch ở Trung Thượng - Hạm Giá.

Cùng ngày 10 tháng 12, trung đoàn 88 Đại đoàn 308 được tăng cường một tiểu đoàn của trung đoàn 36 và tám khẩu sơn pháo 75mm, cùng một đại đội súng phòng không 12,7mm tiến công cứ điểm Tu Vũ, một cứ điểm phòng ngự then chốt của phân khu sông Đà. Cứ điểm này do tiểu đoàn Ma-rốc số 1 và một đại đội thuộc tiểu đoàn ngụy Mường số 6 với xe tăng, xe thiết giáp chốt giữ. Cứ điểm được cấu trúc kiên cố, chia làm ba khu, xung quanh được phát quang rộng 100 mét và những lớp rào, bãi mìn rộng 24 mét. Khu C tách khỏi khu A và B bằng ngòi Lát, do một đại đội địch chiếm giữ, có một lô cốt lớn và bảy ụ chiến đấu. Khu A có một đại đội bộ binh, sáu ụ chiến đấu bao quanh một lô cốt lớn, được trang bị hoả lực mạnh (trọng liên 12,7mm, ĐKZ57mm, cối 81mm). Khu B có sở chỉ huy tiểu đoàn và hai đại đội bộ binh được trang bị ĐKZ 57mm, pháo 37mm, có một lô cốt lớn và nhiều ụ chiến đấu. Tu Vũ còn được sự yểm trợ của 19 khẩu pháo từ Đá Chông, Chẹ, Thủ Pháp.

8 giờ tối ngày 10, toàn trung đoàn từ dãy Yên Lãng chia làm ba mũi tiến xuống chiếm lĩnh trận địa tiến công. Tiểu đoàn 29 (có sở chỉ huy trung đoàn đi cùng) triển khai chiếm lĩnh phía đông khu B. Tiểu đoàn 23 chiếm lĩnh phía bắc khu A, tiểu đoàn 322 chiếm lĩnh đông nam khu C. Trong quá trình bộ đội tiến vào chiếm lĩnh thì bị địch phát hiện. Các loại hoả lực trong cứ điểm bắn ra ngăn chặn, pháo từ các vị trí Chẹ, Đá Chông, Thủ Pháp tạo thành một vành đai lửa bao quanh cứ điểm. Mặc cho pháo địch bắn dữ dội, các cánh quân của ta vẫn tìm mọi cánh tiếp cận cứ điểm. Đại đội chủ công Tô Văn, lợi dụng khoảng ngừng giữa những loạt pháo, nhanh chóng tiếp cận hàng rào khu A. Các đơn vị khác đều bị pháo địch chặn lại. Riêng tiểu đoàn 322 trung đoàn 88 ở mũi diện kịp nổ súng đúng giờ quy định chiếm được khu C. 2 giờ sáng 11, ba khẩu pháo của ta cùng phát hoả bắn sập ba lô cốt. Tất cả các loại súng bộ binh tập trung bắn vào khu A, xung kích nối tiếp nhau xông lên dùng bộc phá đánh tan hàng rào dây thép gai, bãi mìn và xung phong. Tại khu B, đại đội 23, tiểu đoàn 23 đã dùng kìm kéo bí mật cắt rào, tiến vào đồn địch diệt sáu ụ súng. Quân địch hoàn toàn bất ngờ, chúng cho rằng trong năm giờ qua, 29 khẩu pháo với 5.000 quả pháo yểm trợ Tu Vũ, đã nghiền nát những đơn vị xung kích. Nhưng quân ta vẫn xuất hiện giữa cứ điểm chiếm sở chỉ huy, số địch sống sót bỏ chạy ra phía bờ sông. 5 giờ sáng quân ta hoàn toàn làm chủ Tu Vũ3. Trận Tu Vũ là một trong những trận đánh xuất sắc của chiến dịch Hoà Bình, làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đà của địch.

Sáng 11 tháng 12 địch cố mở thông tuyến sông Đà. Một đoàn ca nô từ phía Trung Hà tiến lên, bị tiểu đoàn 84 trung đoàn 36 phục ở Đoan Hạ, bắn chìm một chiếc, bắn bị thương hai chiếc, số còn lại chạy về Trung Hà. Chiều 11 tháng 12, một đoàn ca nô khác từ thị xã Hoà Bình xuống, bị tiểu đoàn 6 trung đoàn 141 phục ở Lạc Song, bắn chìm một chiếc, bắt 15 tù binh. Tuyến cơ động trên sông Đà của địch bị cắt đứt.

Ngày 13 tháng 12, tại phía bắc thị xã Hoà Bình, địch đi sục sạo đến xóm Mới, gặp tiểu đoàn 16 trung đoàn 141 chặn đánh diệt một trung đội, địch phải rút về thị xã. Ngày 14 tháng 12, địch rút binh đoàn cơ động số 4 về Trung Hà, kết thúc cuộc càn quét vùng Ba Vì.

Trên hướng đường số 6, đầu tháng 12, Đại đoàn 304 đã tới nam đường 6. Ngày 12, trung đoàn 66 của đại đoàn phục kích trên quãng đường từ Cầu Dụ đến Hang Đá, cách Hoà Bình 15 ki-lô-mét về phía đông bắc. Khu vực này địch đã phát quang hai bên đường, vì vậy bộ đội phải giấu quân cách đường 500 mét, chỉ có các bộ phận cảnh giới, chặn đầu, khoá đuôi là bố trí tương đối gần đường. 11 giờ 45 phút, 30 xe địch phủ bạt kín từ Xuân Mai lên, cùng lúc bốn xe chở đầy lính từ Hoà Bình xuống đón. Chờ cho đoàn xe lọt vào trận địa, bộ đội ta nổ súng tiêu diệt bọn đi đầu và cuối đoàn xe. Toàn bộ đoàn xe bị chặn lại ở khu vực Cầu Dụ. Dưới sự chi viện của hỏa lực, bộ đội ta vận động đánh thẳng vào đoàn xe. Sau 20 phút chiến đấu, 34 chiếc xe và toàn bộ quân địch trên xe bị tiêu diệt.

Ngày 13 tháng 12, tiểu đoàn 352 trung đoàn 9 được một trung đội địa phương Hoà Bình phối hợp chiến đấu thực hiện trận phục kích ở làng Giang Mỗ, đoạn từ Hoà Bình đi Chợ Bờ, cách thị xã Hoà Bình khoảng 10 ki-lô-mét. Tiểu đoàn bố trí trận địa phục kích trong phạm vi hơn một ki-lô-mét. 10 giờ 30 phút, đoàn xe chở một đại đội Âu - Phi lọt vào trận địa. Ta dùng ĐKZ và đại liên bắn mạnh vào đoàn xe tạo điều kiện cho các đại đội xung phong. Sau 30 phút chiến đấu, năm xe GMC và xe tăng bị phá huỷ, hơn một đại đội Âu-Phi bị diệt và bị bắt. Trong trận này, tiểu đội trưởng Cù Chính Lan đã dũng cảm mưu trí, tiếp cận dùng lựu đạn diệt xe tăng địch, mở đầu cách đánh xe tăng bằng lựu đạn của bộ đội ta.

Ngày 15 tháng 12, địch đưa hai đại đội vào xóm Bãi Bể (Cao Phong) sục sạo, phá kho tàng. Chờ khi địch rút về, tiểu đoàn Đinh Công Niết chặn đánh tại xóm Mán - điểm cao 585, diệt và bắt trên 100 tên.

Đợt 1 chiến dịch kết thúc ngày 26 tháng 12. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 23 đại đội chủ lực địch, phần lớn là lính Âu-Phi, bắn chìm bảy ca nô, tàu, xuồng; bắn bị thương hai chiếc khác trên sông Đà, uy hiếp mạnh đường số 6, cắt đứt tuyến sông Đà.

Phối hợp với Hoà Bình, ở mặt trận địch hậu, Đại đoàn 320, Đại đoàn 316 đã phối hợp cùng các lực lượng vũ trang địa phương tiến công địch rộng khắp, giành thắng lợi lớn, nhất là ở Bắc Ninh và Phát Diệm. Địch phải điều quân ở Hoà Bình về đối phó. Khi bị quân ta uy hiếp mạnh ở Hoà Bình, địch buộc phải bỏ dở cuộc càn ở Bắc Ninh, lại điều quân về ứng cứu cho khu vực sông Đà, Ba Vì.

Sau đợt 1, sở chỉ huy chiến địch chuyển từ Đồng Lương về xóm Giớn, Tân Lập, tây Tu Vũ 7 ki-lô-mét. Mở đầu đợt 2, đêm 29 tháng 12, trung đoàn 141, Đại đoàn 312 bí mật tập kích địch ở các điểm cao 600, 165 và 400 (Ba Vì), diệt gần 100 địch, bắt 96 tên (có 35 lính lê dương). Quân ta hy sinh 16 người, bị thương 60 người. Ngày hôm sau (30 tháng 12), địch điều các binh đoàn cơ động số 1 và số 3 cùng một tiểu đoàn dù lên chiếm lại điểm cao 600. Chúng còn đưa binh đoàn cơ động số 4 từ Đá Chông càn vào điểm cao 149; đưa binh đoàn cơ động số 1 càn vào phía bắc Ba Vì. Do tình hình địch thay đổi, ta lại bố trí lực lượng quá xa đường nên không đánh được địch.

Trên đường số 6, đêm 30 tháng 12, trung đoàn 9 Đại đoàn 304 tiến công vị trí Hàm Voi, tiểu đoàn 418 diệt được hai phần ba lực lượng địch trong đồn. Ta bị thương vong trên 100 đồng chí do tổ chức kiềm chế pháo địch chưa tốt. Cũng trong thời gian này, mặt trận sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ hoạt động mạnh, rộng khắp, thu được thắng lợi to lớn, tiêu diệt, bức rút nhiều đồn bốt, phát triển, mở rộng nhiều khu căn cứ liên hoàn. Cũng đêm 30, trên đường 21, trung đoàn 57 Đại đoàn 304 tiêu diệt vị trí Đồi Mồi. Đến đây Bộ Tổng tư lệnh quyết định kết thúc đợt 2 chiến dịch.
_________________________________________
1.Kết quả trong 78 ngày đêm bảo đảm cho chiến dịch các Ban cung cấp mặt trận đã tiếp tế cho bộ đội 6.475 tấn lương thực, thực phẩm, 280 tấn đạn, cứu chữa 6.390 thương binh.
2.Số lượng gạo thực tiêu thụ sau này là 3.244 tấn.
3.Kết quả, trận này ta diệt 158 tên, bắt sống 12 tên, phá hủy một xe tăng, hai xe thiết giáp, năm khẩu pháo, thu một badôca, một ĐKZ, tám đại liên cùng nhiều vũ khí đạn dược. Ta hy sinh 152 đồng chí, bị thương 490 đồng chí, (chủ yếu do pháo địch).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2012, 09:52:59 am »


Bước vào đợt 3, đêm 7 tháng 1 năm 1952, trung đoàn 102, Đại đoàn 308 tiến công cứ điểm Pheo. Địch có một tiểu đoàn bộ binh, một đại đội pháo, một trung đội xe tăng, tổ chức cứ điểm thành ba vị trí trên ba mỏm đồi gần nhau. Đúng giờ nổ súng, pháo ta bắn theo kế hoạch, trong lúc đó bộ binh chưa chiếm xong các mục tiêu. Các mũi đột phá đều gặp khó khăn. Sau khi mở cửa xong đều bị pháo và xe tăng địch bắn ngăn chặn, ta không phát triển được. Trận đánh không thành công. Cùng đêm, trung đoàn 66 Đại đoàn 304 tiến công vị trí Đầm Huống. Vì đánh giá địch không đúng, nên khi đột phá không có hoả lực mạnh để yểm hộ, mở cửa xong bị pháo và xe tăng địch ngăn chặn, không phát triển được vào tung thâm, quân ta bị thương và hy sinh hàng trăm người.

Trong khi hai trung đoàn 102 và 66 đánh các vị trí Pheo, Đầm Huống, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng trung đoàn 36 Đại đoàn 308 hoạt động trên hướng phối hợp tại thị xã Hoà Bình. Tối ngày 7, đại đội 41 của tiểu đoàn 84 bí mật tiếp cận trận địa pháo địch ở khu Kiểm Lâm nằm sâu trong thị xã. Cùng thời gian này, các đại đội 61, 62 của tiểu đoàn 80 đã áp sát hai vị trí Đồi Cháy và Đồi Dè, các đại đội 42 và 43 của tiểu đoàn 84 cũng áp sát vị trí Khuỷu và Rậm nằm dọc con đường rút ra của những chiến sĩ tập kích pháo. 12 giờ 30 phút, sau tiếng bộc phá mở rào, các chiến sĩ của đại đội 41 nhanh chóng nhét thủ pháo vào nòng pháo, phá hoàn toàn bốn khẩu 105 mm nằm trong trận địa. Nghe tiếng nổ phát ra từ trận địa pháo, tất cả các đơn vị xung kích đồng loạt nổ súng. Sau gần một giờ chiến đấu, hai tiểu đoàn của trung đoàn 36 đã tiêu diệt gọn bốn vị trí: Đồi Cháy, Đồi Dè, Khuỷu, Rậm và một trận địa pháo địch.

Bị ta đánh mạnh trên đường số 6 và thị xã Hoà Bình, ngày 8 và 9 tháng 1, Xa-lăng gấp rút đưa toàn bộ lực lượng trên tuyến sông Đà về thị xã Hoà Bình và đường số 6 để chuẩn bị cho cuộc rút lui. Quân ta tiếp tục bao vây thị xã và các vị trí địch trên đường số 6.

Ngày 27 tháng 1, Tổng Quân uỷ họp, nhận định: “Theo thế chung thì muốn hay không muốn, địch cũng phải rút khỏi Hoà Bình”. Căn cứ vào ý định của Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch đánh địch rút chạy. Đại đoàn 308 (thiếu trung đoàn 102) được phối thuộc trung đoàn 209 Đại đoàn 312 phụ trách khu vực từ thị xã Hoà Bình tới Ao Trạch. Đại đoàn 312 được phối thuộc trung đoàn 102, phụ trách đoạn từ Pheo tới Ao Trạch. Đại đoàn 304 phụ trách đoạn từ Ao Trạch tới Xuân Mai và đưa một trung đoàn vào chuẩn bị hoạt động ở vùng Chợ Cháy, Xuân Mai, Mai Lĩnh.

Đêm 16 tháng 2, trung đoàn 141 Đại đoàn 312 tiến công đồi Chung Minh, do hai đại đội địch chiếm đóng. Các mũi nhanh chóng mở cửa mở phát triển đánh chiếm được nửa đồi. Nhưng do không nắm chắc địch, quân ta bị thương vong nhiều, phải rút ra ngoài, không hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt vị trí này.

17 giờ ngày 22 tháng 2, năm tiểu đoàn địch ở thị xã Hoà Bình tổ chức vượt sông Đà. Trung đoàn 36 ở bắc thị xã được lệnh đánh địch, nhưng do pháo địch bắn chặn, mãi tới sáng mới đến thị xã. Đại bộ phận quân địch đã qua sông, chỉ còn tiểu đoàn 2 dù (2e BEP) và tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn lê dương thứ 13 (3/13e DBLE) đang được máy bay và đại bác bảo vệ chặt chẽ, tiếp tục qua sông. Trung đoàn 36 kiên quyết tiến công, pháo ta ở bến Ngọc đồng loạt bắn vào đội hình địch ở cả hai bên bờ sông Đà. Một chiếc ca nô bị bắn chìm, một số xe cơ giới bị phá huỷ, nhưng tới trưa quân Pháp vẫn qua sông. Buổi chiều, trung đoàn 209 tiến công vị trí Pheo, khi GM1 đang rút khỏi đây. Máy bay địch nối nhau trút bom và bắn vào quân ta, bảo vệ cho binh lính tháo chạy về phía đoàn xe trên đường 6. Trận địa phòng không 12,7 mm của ta bắn rơi tại chỗ một chiếc máy bay Hen-cát.

Ngày 24 tháng 2, địch ở Ao Trạch tiếp tục rút về Đồng Bãi. Trên quãng đường này, trung đoàn 9 Đại đoàn 304 xuất kích kịp thời, chặn đánh một bộ phận, diệt gần hai đại đội địch. Trung đoàn 57 Đại đoàn 304, dùng hoả lực bắn đuổi theo diệt thêm hàng chục tên.

Ngày 25 tháng 2, quân địch tiếp tục rút khỏi Đồng Bãi về Xuân Mai. Nhìn chung, địch tổ chức rút quân chặt chẽ, dùng tới 30 nghìn viên đạn pháo để yểm trợ cho cuộc rút quân. Trong ba ngày đánh địch rút lui, ta tiêu diệt sáu đại đội địch, phá huỷ 23 xe quân sự, thu trên 100 tấn đạn dược và quân trang, quân dụng. Ngày 25 tháng 2, Tổng Quân uỷ quyết định kết thúc chiến dịch.

Qua hai tháng rưỡi chiến đấu liên tục, ta đã phá kế hoạch chiếm đóng Hoà Bình của địch, giải phóng khu vực Hoà Bình, sông Đà với diện tích trên 1.000 km2 nghìn dân. Tại mặt trận Hoà Bình, ta diệt 6.012 tên địch, thu 24 khẩu pháo các loại, 788 súng, 98 máy vô tuyến điện, phá huỷ 12 khẩu pháo, bắn rơi chín máy bay, bắn chìm và bắn cháy 17 ca nô, tàu, xuồng, phá huỷ 246 xe quân sự.

Mặt trận địch hậu (Trung Du, Liên khu 3), ta loại khỏi vòng chiến đấu 15.237 tên địch, thu 6.126 súng các loại, giải phóng 4.000 km2 với hơn một triệu dân. Tổn thất chung của địch là 21.249 tên (14.030 tên chết).



Chiến dịch Hoà Bình kết thúc thắng lợi. Cuộc chiến đấu của quân dân ta trên chiến trường Trung Du, Liên khu 3, mặt trận phối hợp quan trọng của chiến dịch Hoà Bình, đã đạt được hiệu quả to lớn. “Thắng lợi to lớn của ta ở mặt sau lưng địch làm thay đổi tình thế đồng bằng Bắc Bộ, đã có ý nghĩa quyết định thắng lợi của toàn bộ Chiến dịch Hoà Bình”1.

Tổn thất của chủ lực ta ở hướng chính và hướng phụ là 11.193 người (có 2.692 đồng chí hy sinh)2.

Ta đã đánh bại âm mưu đánh chiếm vùng tự do của địch, phá ý đồ giành lại quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ và phá tan âm mưu thâm độc chia rẽ đồng bào Mường của chúng.

Với thất bại ở chiến dịch Hoà Bình, chính phía Pháp cũng phải công nhận rằng: “Chúng ta đã bị thiệt hại nặng nề về chiến lược, không thu được một kết quả quyết định nào. Chiến dịch Hoà Bình đã giam chân các binh đoàn chủ lực cơ động tinh nhuệ của ta ở xa đồng bằng trong một thời gian dài. Do đó đã tạo thế lợi cho đối phương đưa các binh đoàn chủ lực lọt vào đồng bằng hoạt động. Đối phương đã giành được thắng lợi quan trọng”3.

Về ý nghĩa chiến thắng Hoà Bình, Nhật lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh nêu rõ: “Chiến dịch này là chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay, ta đã phối hợp nội ngoại tuyến hết sức chặt chẽ. Ta phối hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích trên một quy mô rộng lớn... Thắng lợi của Chiến dịch Hoà Bình là thắng lợi quân sự, chính trị và kinh tế. Nó đánh bại âm mưu cố gắng giành lại quyền chủ động của Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi”.

Trong Chiến dịch Hoà Bình, nghệ thuật chiến dịch đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới và rất phức tạp, chủ yếu là giải quyết sự hiệp đồng giữa các lực lượng và các hình thức hoạt động, nhằm tạo nên thế mạnh tổng hợp của chiến dịch, hình thành thế bao vây chia cắt để tiêu diệt địch và đánh bại hoàn toàn âm mưu của chúng. Đây là bước phát triển mới rất quan trọng về nghệ thuật chiến dịch của ta. Sự phát triển ấy rất sinh động, sáng tạo và độc đáo. Sự thành công của nghệ thuật trong chiến dịch Hoà Bình là ở chỗ nhận định đánh giá tình hình địch, ta đúng; xây dựng quyết tâm vững chắc, kết hợp mọi hoạt động của các lực lượng giữa hai mặt trận Hoà Bình và mặt trận vùng sau lưng địch một cách chặt chẽ; bố trí sử dụng lực lượng chính xác, chỉ huy xử lí các tình huống tài tình.

Bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch trong Đông Xuân 1951 - 1952 là ta đã nhạy bén với diễn biến thực tế chiến trường, kiên quyết chuyển ngay loại hình chiến dịch từ phản công sang tiến công; đồng thời tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa chiến dịch tiến công Hoà Bình (chính diện) với mặt trận sau lưng địch (hậu địch) ở Trung Du và đồng bằng Bắc Bộ, làm cho hệ thống kìm kẹp của địch tan vỡ từng mảng lớn.

Ta đã có chủ trương đúng và vận dụng tốt hai phương châm tác chiến chiến dịch: “đánh điểm diệt viện” và “liên tục chiến đấu”. Đó là hai điểm đặc sắc của cách đánh chiến dịch, nghệ thuật chiến dịch và cũng là một trong những nguyên nhân rất quan trọng trực tiếp quyết định thắng lợi của Chiến dịch Hoà Bình.

Ngày 25 tháng 2 năm 1952, nhân dịp giải phóng tỉnh Hoà Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Bộ chỉ huy chiến dịch và các chiến sĩ mặt trận Hoà Bình, dân công phục vụ và đồng bào địa phương. Bức thư có đoạn: “So với những thắng lợi trước, thắng lợi lần này là khá to. Thắng lợi lần này đã đánh dấu một bước tiến bộ mới của bộ đội ta, và đã làm cho địch phải thất bại nhục nhã trong âm mưu củng cố phòng ngự chuyển lên tiến công, nhưng bộ đội phải luôn luôn cố gắng thi đua giết giặc lập công và ra sức học tập chỉnh huấn, đồng bào phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất hơn nữa để tranh lấy thắng lợi to hơn nữa”4.

Ngày 12 tháng 4 năm 1952, hội nghị tổng kết Chiến dịch Hoà Bình được tiến hành. Hội nghị khẳng định: về vận dụng chiến thuật, ta đã thực hiện đúng nguyên tắc tập trung ưu thế về binh lực, thực hiện bao vây, chia cắt tiêu diệt địch. Tập trung binh lực ở một điểm để đánh ngã địch đồng thời bố trí lực lượng hai đến ba mặt để bao vây tiêu diệt địch.

Đánh gần để hạn chế chỗ mạnh của địch về hoả lực pháo binh và máy bay và lợi dụng chỗ yếu của địch về tinh thần. Do đó, trong đánh công kiên phải chiếm lĩnh trận địa và đột phá tiền duyên bí mật nhanh chóng để có thời gian và đủ lực lượng đánh tung thâm.

Ta đã có sáng tạo trong chiến thuật, như ở hướng chính, ngoài đánh công kiên và vận động như các chiến dịch trước đây, lần này ta phát triển nhiều cách đánh mới như: đánh địch vận chuyển trên sông, dùng lực lượng ít nhưng tinh nhuệ, tập kích tiêu diệt các điểm cao và trận địa pháo địch. Ở hướng phối hợp, đã phát triển đánh điểm diệt viện, tiến công và nổi dậy của quần chúng. Đặc biệt nổi lên cách đánh tập kích sâu vào lòng địch như trận Phát Diệm (Ninh Bình).

Chiến dịch Hoà Bình là một biểu hiện tập trung của nghệ thuật chiến tranh toàn dân trong kháng chiến chống Pháp. Bằng ba thứ quân đồng loạt tiến công liên tục chiến đấu trong chiến dịch dài ngày trên một chiến trường rộng lớn đã chứng tỏ khả năng phối hợp nhịp nhàng, lối đánh muôn màu, muôn vẻ của chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã làm thất bại đòn tiến công chiến lược của địch.
_______________________________________
1.Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H, 1974, t.1, tr.459.
2.Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), Nxb QĐND H.1991 tr. 556.
3.Theo “Đông Dương hấp hối” hồi ký của Na-va.
4.Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, t.5, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1995, tr.186.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2012, 03:30:38 pm »


CHIẾN DỊCH QUẢNG NAM
(Tiến công, từ ngày 15 tháng 7 đến ngày 26 tháng 9 năm 1952)


Giữa năm 1952, ở miền Trung, bộ chỉ huy Pháp quyết định rút quân từ miền Bắc, miền Nam tăng cường cho miền Trung để đề phòng các cuộc tiến công của ta vào mùa khô. Địch đã đưa lực lượng ở miền Trung lên 12 tiểu đoàn bộ binh, một trung đoàn xe lội nước, tám đại đội pháo binh, 12 máy bay chiến đấu, chín máy bay B26 và một hạm đội gồm năm tàu hộ tống cùng nhiều tàu vận tải để mở các cuộc hành binh quy mô lớn.

Tại Quảng Nam - Đà Nẵng địch có 6.000 quân gồm: một tiểu đoàn lính Âu - Phi, một tiểu đoàn quân lê dương và quân ngụy, một tiểu đoàn hỗn hợp (một đại đội cơ giới một đại đội pháo, một đại đội cơ động), cùng số quân đóng tại 63 cứ điểm và trên 100 tháp canh trong tỉnh.

Mùa hè 1952, địch đã mở nhiều cuộc càn quét quy mô từ hai tiểu đoàn trở lên vào địa bàn tỉnh Quang Nam, củng cố lực lượng và bình định vùng chúng tạm kiểm soát, đồng thời mở rộng ra vùng du kích và vùng tự do.

Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Liên khu 5 điều trung đoàn 803 chủ lực liên khu ra Quảng Nam, phối hợp cùng lực lượng vũ trang tỉnh mở chiến dịch Hè Thu. Mục đích chiến dịch là: “Tranh lại vùng du kích, và phá thế uy hiếp của địch, tác chiến tiêu diệt địch, bồi dưỡng lực lượng ta, phối hợp với chiến trường Bình Trị Thiên”1. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm Tư lệnh Nguyễn Bá Phát, Chính uỷ Bùi San, Phó tư lệnh Phan Hàm. Tham gia chiến dịch có trung đoàn chủ lực 803 và lực lượng vũ trang tỉnh.

Đêm 15 tháng 7; mở màn đợt 1, trung đoàn 803 tiến công tiêu diệt vị trí Xuân Đài, khu hành chính Phú Ký và một số tháp canh. Ngày 16 tháng 7, địch từ Phú Bổn tăng viện lên, chiếm lại các vị trí đã mất nhưng ta không đánh được.

Đêm 17 tháng 7, ta tiến công tiêu diệt đồn Vân Ly. Hôm sau địch cũng tăng viện chiếm lại. Tiếp đó, địch tập trung lực lượng mở đợt càn lớn ở Gò Nổi. Ta đánh địch càn quét, tiêu hao một số nhưng ta cũng bị thương vong nhiều.

Sáng 18 tháng 7, trên 2000 quân Âu - Phi cùng 40 xe bọc thép lội nước tiến vào Gò Nổi. Tiểu đoàn 39 đã cùng lực lượng địa phương bám trụ địa bàn đánh lui hàng chục đợt tiến công, diệt 200 tên, bắn cháy năm xe bọc thép. Sau đó, trung đoàn 803 để lại một bộ phận kết hợp với địa phương tiếp tục đánh địch càn quét vào Gò Nổi, lực lượng còn lại phân tán về các huyện Điện Bàn, Hoà Vang, Duy Xuyên, Đại Lộc, hỗ trợ cho phong trào chiến tranh du kích.

Đêm 19 tháng 8, mở đầu đợt 2, trung đoàn 803 tiến công tiêu diệt cứ điểm Tuy Loan. Chỉ sau 30 phút chiến đấu, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt một đại đội Âu - Phi và một khẩu đội pháo 105 mm. Cùng lúc quân ta tiến công khu hành chính Kỷ Lam, diệt tháp canh Thượng Đức, làm vỡ hệ thống cứ điểm địch ở vùng Điện Bàn và tây Hoà Vang, hỗ trợ cho lực lượng địa phương quét tề ngụy, giành quyền làm chủ. Khu du kích và căn cứ du kích của ta mở rộng đến sát bờ nam sông Cẩm Lệ.

Sang đợt 3, liên tiếp trong các đêm 16, 17, 18 tháng 9, trung đoàn 803 tổ chức tiến công diệt cứ điểm Bà Dụ, Thượng Phước, Lê Sơn. Hàng trăm du kích vùng tự do đã được điều đến cùng bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu uy hiếp cứ điểm Giao Thuỷ và tiêu diệt đoàn xe tiếp tế từ Ai Nghĩa đi Giao Thuỷ.

Bằng những trận tiến công liên tục và đấu tranh bền bỉ, quân dân Quảng Nam còn tiến sâu vào vùng địch kiểm soát diệt tháp canh, phá các đồn bốt như núi Chiêng, Cẩm Toại. Đêm 26 tháng 9, ta tiến công tiêu diệt đồn Dốc Nhất trên đèo Hải Vân, kết thúc chiến dịch.

Kết quả toàn chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.200 tên địch, san bằng bảy cứ điểm, năm tháp canh, phá vỡ hệ thống bảo vệ vòng ngoài căn cứ liên hiệp Đà Nẵng của địch. Vùng du kích bắc Quảng Nam được mở rộng đến sát ngoại ô thành phố Đà Nẵng và Hội An.



Do vận dụng cánh đánh thích hợp, sáng tạo, chiến dịch Quảng Nam đã đạt được mục đích đề ra, góp phần làm cho thế trận chiến trường Khu 5 chuyển biến rõ rệt. Nhiều khu du kích và căn cứ du kích trong vùng tạm chiếm được củng cố và mở rộng, tạo thành thế liên hoàn giữa vùng du kích và vùng tự do. Đặc biệt là khu vực Gò Nổi, một trọng điểm chiêu hồi bình định của địch từ lâu, nay đã trở thành căn cứ du kích của ta.

Trải qua hai tháng chiến đấu, điểm nổi lên trong nghệ thuật chiến dịch ở chiến trường Quảng Nam là sự vận dụng linh hoạt phương châm kết hợp giữa tiến công tiêu diệt cứ điểm địch với triển khai lực lượng đánh địch càn quét. Kết hợp giữa tiến công địch ở phía trước với đưa bộ đội tuồn sâu vào phía sau lưng địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều hướng. Kết hợp giữa đòn tiến công chủ lực với phong trào chiến tranh du kích phát triển. Chiến dịch còn kết hợp giữa tiến công quân sự với phát động quần chúng diệt tề, trừ gian, mở rộng vùng làm chủ, tạo cơ sở vững chắc cả thế và lực, đưa cuộc kháng chiến trên địa bàn tỉnh tiếp tục tiến lên.
____________________________________
1.Quảng Nam Đà Nẵng 30 năm chiến đấu và chiến thắng, t.1. Nxb QĐND, H.1985 tr.189.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2012, 03:42:27 pm »


CHIẾN DỊCH TÂY BẮC
(Tiến công, từ ngày 14 tháng 10 đến ngày 10 tháng 12 năm 1952)


Quân địch ở Tây Bắc được tổ chức thành khu tự trị Tây Bắc, gọi tắt là ZANO. gồm tám tiểu đoàn, trong đó có năm tiểu đoàn ngụy Thái và ba tiểu đoàn cơ động người Phi. Ngoài ra, có 40 đại đội ngụy Thái làm nhiệm vụ chiếm đóng, 11 khẩu pháo. Địch bố trí thành bốn phân khu: phân khu Nghĩa Lộ; phân khu Sông Đà; phân khu Sơn La và phân khu Lai Châu. Ngoài ra còn có các tiểu khu Tuần Giáo, Thuận Châu, Phù Yên. Địch đóng 400 cứ điểm, phần lớn là trung đội, có 40 cứ điểm đại đội. Riêng một vị trí Nghĩa Lộ, Mộc Châu, một nơi có một tiểu đoàn.

Năm 1952, khu Tây Bắc do trung tá Tơ-răng-ca (Tranca) chỉ huy, chúng ra sức củng cố vùng chiến lược quan trọng này, nhằm uy hiếp khống chế bên sườn, sau lưng và cắt liên lạc của ta giữa căn cứ Việt Bắc với Khu 3, che chở cho chúng ở Thượng Lào.

Toàn khu địch bố trí lực lượng như sau: phân khu Nghĩa Lộ: 1 tiểu đoàn Thái (1e BAT), tám đại đội độc lập, hai khẩu pháo; phân khu Lai Châu: một tiểu đoàn Thái khố xanh (BGT), 14 đại đội độc lập, năm khẩu pháo; phân khu Sông Đà: một tiểu đoàn Thái (2e BAT), bảy đại đội độc lập, một khẩu pháo; phân khu Sơn La: một tiểu đoàn Thái (3e BAT), 14 đại đội độc lập, ba khẩu pháo; tiểu khu độc lập Tuần Giáo (ĐAZANO.); một tiểu đoàn ngụy. Ngoài ra còn có ba tiểu đoàn cơ động, gồm toàn lính Âu - Phi đóng ở Lai Châu (2/2RTA, 5e và 17e Tabor).

Công sự ở Nghĩa Lộ - Gia Hội, Cửa Nhì, Phong Thổ đã được cải tiến, có hầm ngầm, lô cốt xi-măng cốt thép. Còn các vị trí khác đều xây dựng theo kiểu cũ. Phần lớn, các vị trí đều đóng trên điểm cao, tiếp tế bằng máy bay, hàng ngày địch phải xuống chân núi lấy nước, vì vậy dễ bị bao vây khống chế. Việc tiếp tế và tiếp viện cho toàn khu và phân khu chủ yếu dựa vào không quân với khả năng tối đa 48 tấn một ngày và một tiểu đoàn dù. Việc tiếp tế giữa phân khu và cứ điểm chủ yếu bằng sức người và ngựa thồ.

Về phía ta, từ cuối chiến dịch Hoà Bình (tháng 2 năm 1952), Bộ Chính trị đã có ý định mở chiến dịch trên hướng Tây Bắc. Ngày 17 tháng 7 năm 1952, Trung ương Đảng ta quyết định thành lập khu Tây Bắc, gồm bốn tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, rộng 44.300km2, dân số 440.000 người. Tây Bắc là một vùng rừng núi trùng điệp, nhiều dãy núi cao hơn 1000 mét. Đây là một vị trí chiến lược quan trọng đối với cách mạng ở Đông Dương.

Tháng 9 năm 1952, dựa vào so sánh thế lực giữa ta và địch trên chiến trường, căn cứ vào đề nghị của Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tham mưu, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm mục đích: “Tiêu diệt sinh lực địch - Tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc - giải phóng một bộ phận đất đai ở Tây Bắc”1; và cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm chính trị, đồng chí Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm cung cấp.

Để đảm bảo việc tổ chức và thực hành chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi, từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9 năm 1952, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức hội nghị trao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Bắc. Bảy trung đoàn chủ lực thuộc các đại đoàn 308, 312, 316 cùng với binh chủng phối thuộc có nhiệm vụ tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, mở màn chiến dịch. Tiểu đoàn 910 của Tây Bắc luồn sâu vào vùng địch hậu ở Quỳnh Nhai, có nhiệm vụ củng cố và mở rộng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Trung đoàn 176 Đại đoàn 316 ở lại Phú Thọ phòng ngừa quân địch đánh ra. Trung đoàn bộ binh 148, trung đoàn công binh 151, sáu đại đội pháo binh 75 mm và ba đại đội súng cối sẵn sàng chiến đấu. Một tiểu đoàn và 10 đại đội địa phương của các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai cùng dân quân du kích khu Tây Bắc được huy động ở mức cao nhất phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tổng quân số của hai hướng lên tới 36.000 người.

Ngày 19 tháng 9 năm 1952, Tổng cục Chính trị ra chỉ thị “Về công tác chính trị Chiến dịch Thu Đông 1952”, nêu rõ những công việc cụ thể để thực hiện nhiệm vụ công tác chính trị trong Chiến dịch Tây Bắc như sau:

“A- Động viên sâu rộng, nhiều lần và kế tiếp để làm cho thấm nhuần quyết tâm từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm cho ai nấy đều hăng hái, phấn khởi, tích cực hoàn thành nhiệm vụ của mình.

B- Bảo đảm cung cấp kịp thời, tìm đủ mọi cách tăng cường công tác cung cấp, hết sức giúp đỡ động viên ngành cung cấp, làm cho bộ đội luôn luôn được khoẻ mạnh để củng cố sức chiến đấu...

C- Bảo đảm chiến thuật được hoàn thành, kết hợp với kỹ thuật...

D- Bảo đảm chấp hành chính sách dân tộc thiểu số của Trung ương và kiên quyết thi hành tám điều mệnh lệnh của Hồ Chủ tịch (tức là giữ vững kỷ luật quần chúng)...

E- Hoàn thành công tác ngụy vận, làm đúng chính sách tù, hàng binh để mở đường tốt đẹp cho công việc tranh thủ nhân dân...

F- Tăng cường công tác chính sách đối với dân công...

G- Nâng cao tinh thần thương yêu nhau ngoài mặt trận, giải quyết chu đáo công tác thương binh...”2.

Phương châm hoạt động của ta “về chiến dịch là đánh dài ngày, đánh liên tục, tiến từng bước chắc, đồng thời sẵn sàng nắm thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh chóng. Về chiến thuật là vây điểm, diệt viện; diệt viện, phá điểm”3.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã đề ra hai phương án tác chiến làm cơ sở cho việc chuẩn bị chiến dịch.

Phương án một, lấy phân khu Nghĩa Lộ làm hướng tiến công chủ yếu, tập trung binh lực tiêu diệt địch ở Nghĩa Lộ trước, đồng thời cho một bộ phận lực lượng chiến dịch vào hoạt động ở Phù Yên, Quỳnh Nhai, phát động nhân dân đấu tranh. Sau đó đưa Đại đoàn 308 về bảo vệ hậu phương. Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, trung đoàn 148 tiếp tục tiến công giải phóng Sơn La.

Phương án hai, tập trung Đại đoàn 312, Đại đoàn 308, trung đoàn 148, tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ; Đại đoàn 316 tiêu diệt tiểu khu Phù Yên, đồng thời cho một tiểu đoàn của trung đoàn 176, một tiểu đoàn của trung đoàn 148 vào Yên Châu, Mai Sơn, Mường La phát động quần chúng đấu tranh, quấy rối hậu phương địch, chuẩn bị cho tiến công Sơn La. Giải quyết xong Nghĩa Lộ, Đại đoàn 308 về bảo vệ hậu phương, các lực lượng còn lại tiếp tục tiến đánh Sơn La.
____________________________________
1. Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu Xb, 1963, t. 2, tr. 140.
2. Lịch sử công tác Đảng - công tác chính trị chiến dịch (1945-1975), Nxb QĐND, H. 1998, tr.136.
3. Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch, t.4, tr.240.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2012, 03:43:35 pm »


Sau một thời gian chuẩn bị, để bảo đảm chắc thắng, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định quyết tâm cuối cùng như sau: Tập trung binh lực tiêu diệt địch ở phân khu Nghĩa Lộ, đồng thời tiêu diệt tiểu khu Phù Yên, giải phóng hai nơi trên, phát triển thắng lợi, quét sạch địch tới sát bờ sông Đà, tạo điều kiện để tiến công Sơn La, sau đó nhanh chóng tiến quân vào Sơn La.

Công tác đảm bảo hậu cần, gạo ở hướng chính trong đợt 1 là 1.195 tấn cho bộ đội và 142 tấn cho dân công. Hướng phụ là 104 tấn cho bộ đội và 43 tấn cho dân công1. Dân công đi theo bộ đội là 4.300 người; dân công vận chuyển khác là 27.750 người2. Đợt 2 và 3 là 3.400 tấn (không kể số gạo dân công ăn trên dọc đường). Hai tỉnh Phú Thọ, Yên Bái huy động 450 chiếc thuyền, phà đưa 30.000 bộ đội, dân công cùng với binh khí kỹ thuật qua sông.

Về kế hoạch chiến dịch, ta dự kiến chia làm ba đợt. Đợt 1, tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ và tiểu khu Phù Yên, đồng thời cho một bộ phận chủ lực thâm nhập vùng Quỳnh Nhai, phối hợp với bộ đội địa phương kiềm chế địch. Đợt 2, nhanh chóng đánh Sơn La, kết hợp với việc cắt đường số 41 và hoạt động ở vùng sau lưng địch để cô lập Sơn La. Đợt 3, tiến công Sơn La.

Sở chỉ huy chiến dịch khi bộ đội tập kết và triển khai lực lượng, đặt tại Mậu A, khi nổ súng, đặt tại Khe Lóng trên đường 13, gần Ca Vịnh.

Ngày 14 tháng 10 năm 1952, Chiến dịch Tây Bắc mở màn. Trên hướng chủ yếu, trung đoàn 174 tiến công Ca Vịnh, nhưng do vây không chặt, địch đã chạy hết. Trung đoàn 141 đánh Sài Lương, do nắm địch không chắc, khi đánh vào mới biết địch đã đi nơi khác. Cùng ngày, ở phía sau, trung đoàn 98 tiêu diệt vị trí Gia Phù.

Ngày 15 tháng 10, Đờ Li-na-rét (De Linaris), Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ điều tiểu đoàn lê dương lên Nà Sản để bảo vệ Sơn La. Trong ngày Ti-ri-ông chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ đưa đại đội Ta-bo về phía Khâu Vác thăm dò lực lượng ta. Một đơn vị của Đại đoàn 312 đã tiêu diệt gọn đại đội này ở Nậm Mười.

Ngày 16 tháng 10, quân địch ở các vị trí Thượng Bằng La, Ba Khe và một loạt vị trí nhỏ xung quanh những cứ điểm bị diệt tự động bỏ đồn rút chạy. Địch vội ném tiểu đoàn dù 6 (6e BPC) xuống Tú Lệ. Ngày 17, hai trung đoàn của Đại đoàn 308, lợi dụng sương mù, từ 9 giờ sáng, đã có mặt trên những quả đồi đối diện với Pú Chạng. Trung đoàn 88 chờ trời tối tiến vào vị trí Nghĩa Lộ Phố, ở cuối thị trấn do 400 tên địch chiếm giữ. Trung đoàn 36 đã bao vây đồn Cửa Nhì. 14 giờ 30 phút, súng cối 120mm của ta bắn vào trận địa pháo 105mm ở Nghĩa Lộ Phố, tạo điều kiện cho các mũi xung kích của tiểu đoàn 102 tiếp cận cứ điểm Pú Chạng. Máy bay địch đến bắn phá, yểm trợ. Các chiến sĩ phòng không của ta bắn rơi hai máy bay. Xung kích ta mở cửa đột phá, đại đội chủ công 267 lọt vào đồn, thọc sâu chia cắt quân địch. Sau ba giờ chiến đấu, quân ta làm chủ cứ điểm Pú Chạng, bắt 177 tên địch trong đó có viên quan tư chỉ huy phân khu.

Do chiếm lĩnh chậm, 3 giờ 5 phút ngày 18 tháng 10, trung đoàn 88 mới tiến công Nghĩa Lộ Phố. Sau 2 giờ 20 phút chiến đấu, ta đã chiếm được cứ điểm, loại khỏi vòng chiến đấu 280 tên (diệt 45 tên, bắt 235 tên). Trận Pú Chạng - Nghĩa Lộ, ta đã diệt gọn tiểu đoàn Thái số 1, đập tan phòng tuyến vòng ngoài của địch.

Trước áp lực của Đại đoàn 312 ở hướng tây bắc, quân địch ở Gia Hội bỏ đồn rút về Tú Lệ, cùng với tiểu đoàn dù 6 tháo chạy về phía sông Đà. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch điều trung đoàn 165 tiến công Tú Lệ và truy kích địch đến đèo Cao Phạ, diệt và bắt gần 400 tên.

Trên hướng thứ yếu, đêm 14 tháng 10, trung đoàn 98 tiến công tiêu diệt cứ điểm Nha Phù, và đêm 17 tháng 10, tiêu diệt sở chỉ huy tiểu khu Phù Yên ở Bản Mo. Địch ở Vạn Yên rút chạy sang hữu ngạn sông Đà.

Ở hướng phối hợp, phía nam Lai Châu, ngày 14 tháng 10, tiểu đoàn 910 trung đoàn 148 đánh đại đội 5 của tiểu đoàn Thái, chúng phải rút chạy khỏi Quỳnh Nhai. Ngày 23, tiểu đoàn 542 trung đoàn 165 diệt một đại đội của tiểu đoàn Ta-bo 17 của địch ở Pắc Ná, số còn lại chạy sang bên kia sông Đà.

Sau 10 ngày chiến đấu, ta đã diệt 500 tên, bắt trên 1.000 tên, giải phóng một vùng đất quan trọng từ hữu ngạn sông Hồng đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, rộng 10.000km2. Ngày 23 tháng 10, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc đợt 1 và di chuyển sở chỉ huy từ Khe Lóng về Gia Phù, gần Tạ Khoa, trên vùng đất vừa giải phóng.

Sau đợt 1, địch vội vã tăng cường thêm cho Tây Bắc tám tiểu đoàn mới là hai tiểu đoàn dù (6e BPC, 1e BEP), hai tiểu đoàn lê dương (3/1 REI và 3/5 REI), hai tiểu đoàn Phi (31 RTM và 27 BMTS), hai tiểu đoàn ngụy (55e BVN và 58 BCL). Cộng với tám tiểu đoàn còn lại, đưa quân số địch ở Tây Bắc lên 16 tiểu đoàn và 32 đại đội.

Ngày 5 tháng 11, Đờ Li-na-rét mở cuộc hành quân Lo-ren (Loraine), đánh lên Phú Thọ nhằm phá hậu phương ta, kéo chủ lực ta về hướng này. Địch đã huy động 13 tiểu đoàn bộ binh của các binh đoàn cơ động số 1, 2, 3, 4, 5 và ba tiểu đoàn dù, hai hải đoàn xung kích, bốn tiểu đoàn pháo binh, hai tiểu đoàn cơ giới, bảy đại đội công binh.

Ta đã bố trí ở Phú Thọ trung đoàn 176, một tiểu đoàn của trung đoàn 246 cùng với bộ đội địa phương có nhiệm vụ ngăn chặn quân địch. Bộ chỉ huy quyết định điều thêm trung đoàn 36 về Phú Thọ đánh địch. Mục tiêu và kế hoạch đợt 2 chiến dịch vẫn không thay đổi.

Ngày 7 tháng 11, trung đoàn 165 ở hướng thọc sâu nổ súng đánh Quỳnh Nhai. Địch tưởng đây là hướng chính, lập tức điều lên Lai Châu hai tiểu đoàn, đồng thời tăng viện cho Nà Sản hai tiểu đoàn.

Trên hướng chủ yếu (nam Sơn La), đêm 17 tháng 11, trung đoàn 209 tiêu diệt vị trí Bản Hoa. Đêm 18, trung đoàn 141 tiêu diệt vị trí Ba Lay. Với hai trận đánh, Đại đoàn 312 đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn 3 Ma-rốc và một đại đội ngụy. Đêm 19 tháng 11, hai trung đoàn 174 và 198 phối hợp đánh Mộc Châu. Giờ đầu, các mũi tiến công ở hướng chủ yếu đột phá không thành công. Nhưng mũi thứ yếu chiếm được hai vị trí tiền tiêu, phát huy hỏa lực yểm hộ cho các hướng phát triển. Sau 2 giờ 15 phút chiến đấu, quân địch đầu hàng, tên tiểu đoàn trưởng Vanh-xăng (Vineent) bị bắt sống. Mộc Châu bị diệt. Địch ở các vị trí Chiềng Pan, Sông Con, Tạ Say, Sa Piệt, Tạ Khoa vội vã rút chạy, đường 6 được khai thông.

Ngày 18 tháng 11, địch rút Sơn La trung đoàn 165 tiếp quản Sơn La, truy quét bắt gần 500 tên tàn binh địch và trên 100 nhân viên ngụy quyền.

Trên hướng phối hợp, Ban chỉ huy mặt trận Y133, điều tiểu đoàn 910 và 542 bất ngờ tập kích Điện Biên Phủ. Địch chạy tan vào rừng, ta tổ chức lùng sục kết hợp với địch vận, bắt 726 tên, hầu hết thuộc tiểu đoàn Lào (58 BCL), thu 600 súng các loại.
______________________________________
1. Tổng kết Chiến dịch Tây Bắc, ta huy động 11.750 tấn gạo (tiêu thụ hết 9.890 tấn gạo, 164 tấn muối, 328 tấn thịt, 82 tấn thực phẩm khác).
2. Tổng kết Chiến dịch Tây Bắc, ta huy động 200.000 dân công bằng bảy triệu ngày công. Lượng vật chất bảo đảm cho chiến dịch khoảng 9.000 tấn lương thực thực phẩm, 120 tấn vũ khí, đạn dược và dụng cụ thuốc men cần thiết để cứu chữa cho khoảng 5.000 thương binh.
3. Mặt trận Y13 thành lập ngày 24 tháng 10 năm 1952, do Bằng Giang làm Tư lệnh. Mệnh lệnh số 33 (20 tháng 10). Tài liệu chỉ đạo chiến dịch. t.4, tr.342.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2012, 03:45:09 pm »


Tại mặt trận Trung Du, ngày 17 tháng 11 năm 1952, một đoàn xe của GM4 về tới Chân Mộng trên đường số 2 lọt vào trận địa phục kích của ta, bị trung đoàn 36 tiêu diệt và bắt trên 400 tên địch, phá huỷ 44 xe cơ giới. Trong những ngày tiếp sau, các trung đoàn 36, 74 cùng lực lượng vũ trang địa phương đánh mạnh, địch tổn thất lớn và phải rút khỏi Việt Trì, kết thúc cuộc hành quân Lo-ren. Trong gần một tháng quân dân Phú Thọ đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.884 tên địch, trong đó bắt 173 tên, có 100 lính Âu - Phi, phá huỷ 60 xe cơ giới, thu nhiều vũ khí.

Ngày 25 tháng 11, đợt 2 chiến dịch kết thúc, sở chỉ huy chiến dịch chuyển về phía tây Tạ Khoa, trên đường đi Cò Nòi. Trong đợt 2 chiến dịch, ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, diệt và bắt trên 3.000 địch, trong đó có ba tiểu đoàn bị diệt gọn (3/1 RTM, 55e BVN, 58 BLC), giải phóng tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), với diện tích tổng cộng là 17.700km2.

Cuối tháng 11 năm 1952, tại Tây Bắc, toàn bộ quân địch đã dồn về Nà Sản và thị xã Lai Châu. Tổng số quân địch ở Nà Sản có tám tiểu đoàn bộ binh và dù, một tiểu đoàn pháo, tám đại đội độc lập, một đại đội công binh. Trong số này có bốn tiểu đoàn lê dương (1e, 2e BEP, 3/3 REI, 3/5 REI), hai tiểu đoàn Bắc Phi (2/1 RTA, 2/6 RTM của GM1), và hai tiểu đoàn ngụy mới được khôi phục (2e và 3e BGT). Chúng tổ chức thành một tập đoàn cứ điểm gồm 24 điểm tựa đại đội và bốn điểm tựa trung đội trên các điểm cao, ở giữa có sân bay, trận địa pháo và sở chỉ huy. Nà Sản đã trở thành cụm phòng ngự tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch lúc này ở Tây Bắc.

Về phía ta, lực lượng lúc này còn 36 đại đội, tương đương với lực lượng địch. Trên cơ sở đó, Bộ chỉ huy quyết định triển khai đợt 3 chiến dịch. Mục tiêu là tập trung toàn bộ lực lượng tiến công quân địch ở Nà Sản. Phương châm tác chiến là: Đánh chỗ yếu trước, chỗ mạnh sau, bao vây toàn diện, công kích có trọng điểm, đánh ngoại vi trước, tranh thủ mở một mặt rồi đánh vào tung thâm.

Đêm 30 tháng 11, trung đoàn 102 cùng trung đoàn 88 của Đại đoàn 308 tiến công Pú Hồng (điểm cao 753). Sau 1 giờ 45 phút chiến đấu, ta diệt bốn trung đội của GM1 đóng tại đây, bắt sống viên quan ba chỉ huy. Cùng đêm, tiểu đoàn 115 của trung đoàn 165 Đại đoàn 312 tiến công vị trí Bản Hời. Sau hơn một giờ chiến đấu, ta diệt một đại đội địch. Nhưng hôm sau, dưới sự yểm trợ của máy bay và đại bác, địch mở nhiều đợt xung phong đánh chiếm lại vị trí này. Đêm 1 tháng 12, trung đoàn 174, cùng một bộ phận của trung đoàn 88 đánh Nà Sản không thành công. Trung đoàn 209 đánh Bản Vây cũng không kết quả. Trời sáng địch dùng máy bay oanh tạc và bắn trên 5.000 quả đạn pháo để cứu nguy cho các cứ điểm.

Ngày 2 tháng 12, địch thả dù tăng cường thêm cho Nà Sản hai tiểu đoàn, quyết giữ tập đoàn cứ điểm này. Qua bốn trận đánh trên, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy ta chưa đủ khả năng tiêu diệt cụm cứ điểm Nà Sản. Đây là những cứ điểm nằm trong hệ thống cấu trúc chặt chẽ của một tập đoàn cứ điểm. Ta cần có thời gian nghiên cứu kỹ về kiểu phòng ngự mới của địch, nên ngày 10 tháng 12 năm 1952, Bộ chỉ huy đã quyết định kết thúc chiến dịch.

Kết quả toàn chiến dịch, tuy đánh tập đoàn cứ điểm Nà Sản không thành công, nhưng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.029 tên địch (diệt 1.005 tên), diệt gọn bốn tiểu đoàn và 28 đại đội địch. Giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng (khoảng 30.000km2 với 250.000 dân). Ta thương vong gần 6.000 người. Hội nghị sơ kết chiến dịch được tổ chức ngay tại sở chỉ huy tiền phương gần Tạ Khoa đã nhận định: “chiến dịch Thu Đông 1952 đã thành công ngoài mức dự kiến”.



Về ý nghĩa Chiến dịch Tây Bắc, ngày 10 tháng 12 năm 1952, trong hội nghị cán bộ các đơn vị dự chiến dịch, thay mặt Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch đánh giá: “Thu đông 1952 là thu đông chiến thắng Tây Bắc. Nếu nhìn rộng ra toàn chiến trường Bắc Bộ thì đó là thắng lợi lớn của ta trên con đường tiếp tục giành thế chủ động... Thắng lợi đó đã rèn luyện nhiều cho bộ đội ta về kỹ thuật, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, củng cố và mở rộng khối đoàn kết toàn dân, tăng cường lực lượng kháng chiến của nhân dân, nâng cao lòng tin tưởng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đối với Đảng và Hồ Chủ tịch…”1. Chiến dịch Tây Bắc đã mở ra một thế chiến lược mới rất thuận lợi cho ta. Vùng giải phóng đã nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và với Thượng Lào.

Về nghệ thuật chiến dịch, trong Chiến dịch Tây Bắc, ta đã vận dụng cách đánh khác với cách đánh của Chiến dịch Biên Giới và Chiến dịch Hoà Bình. Ta đã tập trung lực lượng tổ chức tiến công liên tục, đột phá tiêu diệt từng khu vực phòng ngự gồm nhiều cứ điểm tiểu đoàn, đại đội của địch có công sự vững chắc như ở Nghĩa Lộ, Quang Huy, Mộc Châu, đồng thời dành một lực lượng khác làm nhiệm vụ ngăn chặn, đón lõng để tiêu diệt quân địch chi viện hoặc rút lui. Ta đã kết hợp cả hai mặt đánh đồn và diệt viện, làm địch bị động đối phó. Chiến dịch đã phát triển nhanh chóng vào Tuần Giáo, Sơn La, Điện Biên Phủ và chỉ trong một thời gian ngắn, đại bộ phận hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Bắc đã bị đập vỡ.

Nét phát triển nổi bật của nghệ thuật Chiến dịch Tây Bắc là sự chỉ đạo hình thành hoàn chỉnh hai hướng chủ yếu và thứ yếu của chiến dịch. Đó là sự phối hợp giữa hướng tiến công phía trước (nổi bật là hai trận đánh lớn Nghĩa Lộ và Mộc Châu), phá vỡ hệ thống phòng ngự chiều sâu của địch từ hữu ngạn sông Thao đến hữu ngạn sông Đà. Với những cách đánh hiểm, vu hồi, luồn sâu, chia cắt, nghi binh chiến dịch, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn phía nam Lai Châu.

Trong chiến dịch, bộ đội ta đã thực hiện tốt phương châm “đánh điểm diệt viện” đối với quân chiếm đóng của địch trên chiến trường rừng núi. Ta đã diệt được cứ điểm do một tiểu đoàn tăng cường của địch chiếm giữ; đánh vận động diệt một tiểu đoàn địch rút chạy. Đây là bước trưởng thành mới của bộ đội ta.

Về cách đánh công kiên, ta đã tập trung tuyệt đối ưu thế binh lực hoả lực. Ở điểm, ta tập trung từ hai phần ba đến ba phần tư lực lượng. Ở diện, cũng tập trung ưu thế hơn địch. Các vấn đề khác như bao vây, chiếm lĩnh trận địa, đột phá tiền duyên, chiến đấu tung thâm, củng cố giữ vững trận địa, rút lui, hợp đồng giữa bộ binh và pháo binh, cũng như kiềm chế pháo binh địch... cũng được vận dụng hợp lý.

Tuy còn những hạn chế, nhưng chiến dịch này vẫn giành được thắng lợi to lớn. Vì vậy, ngày 29 tháng 1 năm 1953, trong hội nghị tổng kết Chiến dịch Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác bằng lòng các chú, lần này chưa phải hoàn toàn, nhưng hơn mọi lần trước”2.
______________________________________
1. Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu, Xb. 1963, t. 2, tr.217.
2. Hồ sơ 579, trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2012, 06:27:58 pm »


CHIẾN DỊCH AN KHÊ
(Tiến công, từ ngày 13 đến ngày 28 tháng 1 năm 1953)


Trên địa bàn Liên khu 5, do hạn hán kéo dài, nhiều địa phương mất mùa, nạn đói đe dọa, bộ đội gặp khó khăn về bảo đảm hậu cần, nên vào thời gian chiến trường chính Bắc Bộ mở Chiến dịch Tây Bắc (tháng 10 đến tháng 12 năm 1952), Liên khu không mở được đợt hoạt động phối hợp. Mãi những ngày cuối năm 1952, Bộ tư lệnh Liên khu mới quyết định mở Chiến dịch An Khê nhằm tiêu diệt sinh lực định, đẩy mạnh chiến tranh du kích phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ.

Khu vực phòng ngự của địch ở An Khê là hệ thống cứ điểm nằm trong khu vực từ đèo An Khê tới thị trấn An Khê thuộc huyện An Khê, tỉnh Gia Lai. Hệ thống cứ điểm này khống chế đoạn hiểm trở của đường 19 nối Quy Nhơn với Plây-cu và là một vòng cung ngăn chặn lực lượng của ta từ vùng du kích sông Ba tiến về phía tây. Các cứ điểm của địch trong khu vực này đều chiếm giữ các vị trí có giá trị. Vòng ngoài là các cứ điểm Kon Lía, Tú Thuỷ, Cửu An, Thượng An và Tháp Canh Eo Gió. Mỗi một cứ điểm vòng ngoài địch bố trí một đại đội sơn chiến, có công sự vững chắc và hỏa lực khá mạnh. Tú Thuỷ là cứ điểm trung tâm trong các cứ điểm vòng ngoài, nên địch xây dựng lô cốt kiên cố, có hàng rào và tổ chức ba tầng hoả lực để ngăn chặn ta từ xa. Tại các cứ điểm Tú Thuỷ, Cửu An, Thượng An, địch còn bố trí mỗi cứ điểm một khẩu pháo để phối hợp với trận địa pháo ở An Khê chi viện cho các cứ điểm khi bị tiến công.

Tháng 12 năm 1952, Bộ chỉ huy chiến dịch An Khê được thành lập, Bộ Tư lệnh Liên Khu 5 trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Nguyễn Chánh, Chính uỷ kiêm Tư lệnh Liên khu trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch. Theo quyết định của Liên khu, lực lượng tham gia chiến dịch gồm: trung đoàn 108 (ba tiểu đoàn: 19, 79, 50), trung đoàn 803, tiểu đoàn 40 chủ lực Liên khu và trung đoàn 120 bộ đội địa phương đang hoạt động trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên Bộ tư lệnh Liên khu tập trung toàn bộ lực lượng chủ lực của Liên khu, cùng lực lượng địa phương hoạt động trên một địa bàn do Bộ tư lệnh Liên khu trực tiếp chỉ huy. Tham gia chiến dịch còn có hàng vạn dân công phục vụ trực tiếp cho hướng chính của chiến dịch và hoạt động nghi binh trên hướng phối hợp.

Ý định tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch là: sử dụng các tiểu đoàn tiến công diệt các cứ điểm vòng ngoài: Tú Thuỷ, Cửu An, Eo Gió, Thượng An,… uy hiếp trực tiếp An Khê và đường 19, buộc địch phải tăng viện phản kích chiếm lại các cứ điểm đã mất, tạo điều kiện để ta đánh địch ngoài công sự, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực của chúng.

Cuối tháng 12 năm 1952, ta bắt đầu di chuyển lực lượng, vận chuyển vật chất bảo đảm cho chiến dịch. Cùng với việc di chuyển lực lượng và vận chuyển vật chất vào hướng An Khê, ta đồng thời huy động dân công vận chuyển nghi binh trên các hướng Khánh Hoà, Đắc Lắc, bắc Kon Tum và Đồng Xanh, Đồng Nghệ, Phú Túc (Quảng Nam). Các cầu lớn trên tuyến đường sắt Quảng Ngãi - Bình Định được bí mật khôi phục để đưa trung đoàn 108 từ Quảng Ngãi vào khu tập kết, sau đó lại phá sập để che mắt địch. Trung đoàn 803 đang đóng quân ở một khu đông dân, trước khi dời đi phải cho một đơn vị huấn luyện tân binh vào thay thế và hoạt động thường xuyên như hoạt động của trung đoàn 803.

Bằng hoạt động nghi binh chặt chẽ, ta đã giữ được bí mật hướng mở chiến dịch. Địch phát hiện chủ lực ta di chuyển, song không xác định được hướng hoạt động của chủ lực ta. Chúng vội vã báo động chiến đấu ở nam Tây Nguyên và tăng cường cho Quảng Nam hai tiểu đoàn Âu - Phi. Hướng An Khê địch hầu như không ngờ tới.

Sau khi chuẩn bị chu đáo mọi mặt, 1 giờ sáng ngày 13 tháng 1 năm 1953, trung đoàn 108 phát lệnh nổ súng, đồng loạt tiến công các cứ điểm Tú Thuỷ, Cửu An và Eo Gió. Bộ đội ta trên các hướng dũng mãnh tiến công, địch ở Cửu An, Eo Gió hoảng loạn và bị tiêu diệt sau 30 phút chiến đấu. Riêng Tú Thuỷ, địch lợi dụng lô cốt, hàng rào và sự chi viện hoả lực của An Khê và Thượng An chống trả quyết liệt. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, ta phải tổ chức xung phong nhiều lần, tập trung hoả lực diệt từng lô cốt, ụ súng, đến gần sáng mới diệt và làm chủ được Tú Thuỷ.

Tú Thuỷ, Cửu An, Eo Gió bị diệt, quân địch ở Kon Lía hốt hoảng bỏ lại cả kho tàng, đạn dược, tìm đường tháo chạy. Hệ thống cứ điểm vòng ngoài bảo vệ An Khê bị vỡ, Thượng An bị cô lập, đường 19 bị uy hiếp trực tiếp. Quân Pháp ở Tây Nguyên nằm trong tình trạng báo động và vội vã điều động lực lượng chi viện cho An Khê. Ngay sáng ngày 14 tháng 1, địch cho hai đại đội từ An Khê ra phản kích thăm dò, bị ta chặn đánh ở suối Vối khiến chúng phải vội vã quay trở lại An Khê.

Nắm vững phương châm “đánh điểm diệt viện”, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: “Thế nào địch cũng hành quân giải toả áp lực của ta ở đông bắc An Khê”, do đó hạ quyết tâm sử dụng trung đoàn 108 diệt viện trên đường Hoàng Hoa Thám (nhánh đường số 7, An Khê - Cửu An). Thực hiện ý định của Bộ chỉ huy, trung đoàn 108 đã tổ chức lực lượng phục kích ở đoạn đường trên. Trận địa phục kích của trung đoàn được bố trí bất ngờ ở quãng rừng trống trải cách đồn Cửu An khoảng 500 mét.

Sau mấy ngày cho máy bay và biệt kích lùng sục thăm dò không phát hiện được gì, ngày 17 tháng 1, địch điều động tiểu đoàn sơn chiến số 8, có xe bọc thép dẫn đầu, từ An Khê theo đường Hoàng Hoa Thám tiến đến Cửu An. 10 giờ 30 phút ngày 17, đội hình hành quân cửa địch lọt vào trận địa phục kích của trung đoàn 108. Bộ đội ta giấu quân bí mật trong các cánh rừng thưa, đồng loạt xung phong chia cắt đội hình địch. Do chủ quan, đội hình hành quân của địch kéo dài, không có phòng bị nên khi bị đánh bất ngờ, cả tiểu đoàn địch nhanh chóng rối loạn và tan rã. Bộ đội ta tổ chức truy kích bọn địch tháo chạy, thu dọn chiến trường và giấu quân chuẩn bị cho trận chiến đấu tiếp theo.

Trong khi địch ở An Khê còn đang lúng túng, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng trung đoàn 803 tiến công cứ điểm Thượng An và lô cốt Đầu Đèo, hai cứ điểm trấn giữ đường 19 ở đoạn đèo An Khê.

Từ khi Tú Thuỷ, Cửu An, Eo Gió bị diệt, bọn địch ở các cứ điểm còn lại rất chú ý đề phòng. Ban đêm chúng đưa một bộ phận phục kích ở ngoài đồn đồng thời tổ chức canh phòng rất cẩn mật. Sau mấy lần tiếp cận bị lộ, bộ đội ta đã nắm chắc quy luật hoạt động của địch. Rạng sáng ngày 21 tháng 1, tại Thượng An, khi bọn địch phục kích bên ngoài rút về đồn, một lực lượng nhỏ của tiểu đoàn 59 liền bám sát theo sau và diệt ngay lô cốt đầu cầu trong sự ngỡ ngàng của địch. Lô cốt đầu cầu bị diệt, quân địch trong đồn còn đang ngơ ngác, lộn xộn thì các mũi xung kích của tiểu đoàn 59 dũng mãnh xung phong dưới sự chi viện của hoả lực. Sau 15 phút chiến đấu tiểu đoàn 59 thuộc trung đoàn 803 đã làm chủ cứ điểm Thượng An, thu nhiều vũ khí, đạn dược, trong đó có khẩu pháo 105mm.

Tại lô cốt Đầu Đèo, bọn địch chui vào lô cốt kiên cố liều chết chống đỡ. Bộ đội ta một mặt dùng hoả lực chế áp, một mặt tiếp cận đặt lượng bộc phá 40 kg đánh sập lô cốt. Lô cốt Đầu Đèo bị tiêu diệt nhanh chóng.

Như vậy, đến ngày 21 tháng 1, toàn bộ cứ điểm bảo vệ phía bắc An Khê bị diệt, An Khê và tuyến phòng thủ Măng Giang trực tiếp bị uy hiếp. Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp vội vã điều ba tiểu đoàn dự bị chiến lược đến tăng viện cho An Khê và đưa tàu hàng không mẫu hạm A-rô-măng-sơ (Aromanche) tới Qui Nhơn. Có thêm lực lượng, địch điều tiểu đoàn dù nguỵ số 1 (1er BPVN) phản kích chiếm lại Thượng An.

Dự đoán đúng ý đồ của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng tiểu đoàn 39 trung đoàn 803 tổ chức trận địa phục kích trên đường 19, đoạn từ An Khê đến Thượng An. 9 giờ sáng ngày 24 tháng 1, khi đại bộ phận tiểu đoàn địch lọt vào trận địa phục kích, các chiến sĩ tiểu đoàn 39 đã đồng loạt xung phong chia cắt, bao vây tiêu diệt từng bộ phận. Mặc dù có không quân, pháo binh chi viện, song cả tiểu đoàn địch rơi vào thế bất lợi, nhanh chóng tan rã. Ta tiêu diệt hai đại đội, đánh thiệt hại nặng đại đội thứ ba.

Ngày hôm sau (25 tháng 1) cũng trên đường 19, đoạn tây An Khê, tiểu đoàn 68 của trung đoàn 120 địa phương phục kích chặn đánh đoàn xe 25 chiếc chở một tiểu đoàn dù từ Plây-cu về An Khê, diệt một đại đội, phá năm xe, bắt 50 tù binh, thu một khẩu đại bác không giật 57mm.

Trước cuộc tiến công liên tục của chủ lực ta ở khu vực An Khê, địch buộc phải điều thêm sáu tiểu đoàn tới An Khê và đưa hạm đội đặc nhiệm gồm sáu tàu chiến vào vùng biển Quy Nhơn. Nhận thấy so sánh lực lượng không có lợi cho ta và dự đoán địch có thể đánh vào vùng tự do duyên hải của ta, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch. Ngày 28 tháng 1, các đơn vị tổ chức rút quân về vùng tự do. Chiến dịch An Khê kết thúc thắng lợi.

Kết qủa, sau 15 ngày chiến đấu (từ ngày 13 đến ngày 28 tháng 1), ta đã san phẳng sáu vị trí, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng bảy đại đội địch, diệt 571 tên (bắt trên 300 tên), thu 11 khẩu pháo cối (có một khẩu 105mm), trên 550 súng bộ binh các loại, 30 tấn đạn, 25 máy vô tuyến điện cùng nhiều quân trang quân dụng (số vũ khí thu được có thể đủ trang bị cho bốn tiểu đoàn). Ta đã phá hầu hết các khu dồn dân của địch ở đường số 7B và một số khu tập trung ở đường 19, giải phóng trên 10.000 dân trong khu vực.



Chiến thắng An Khê là chiến thắng lớn nhất của ta từ trước tới nay trên chiến trường Nam Trung Bộ, cổ vũ rất lớn tinh thần hăng hái kháng chiến của bộ đội và nhân dân. Tiếng vang của chiến thắng An Khê đã vượt qua phạm vi Đông Dương làm xôn xao dư luận Pháp. Chiến thắng An Khê đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang Liên khu 5 về tổ chức chỉ huy các chiến dịch vừa và nhỏ. Sau khi giành thắng lợi ở Chiến dịch An Khê, Liên khu 5 đã được Tổng Tư lệnh gửi thư khen ngợi động viên.

Về nghệ thuật chiến dịch, Chiến dịch An Khê đã có sự chỉ huy tập trung thống nhất trên toàn mặt trận: Mặc dù chiến dịch chỉ diễn ra ở phạm vi hẹp xung quanh An Khê, song trên toàn địa bàn liên khu đã có sự phối hợp hoạt động của nhiều lực lượng, tạo điều kiện cho hướng chính giành thắng lợi. Một thành công nữa là Bộ tư lệnh chiến dịch đã thực hiện thành công kế hoạch nghi binh lừa địch về hướng tiến công. Biết địch thường phán đoán hoạt động của chủ lực dựa vào sự vận chuyển vật chất của dân công, Bộ tư lệnh chiến dịch đã huy động dân công vận chuyển nghi binh trên nhiều hướng, tổ chức nghi binh giấu sự di chuyển của chủ lực, nên mặc dù nắm được tin chủ lực ta di chuyển nhưng địch không thể xác định được hướng tiến công của chủ lực ta.

Trong thực hành, nét nổi bật của Chiến dịch An Khê là ta đã chọn mục tiêu khêu ngòi là các cứ điểm hiểm yếu vòng ngoài, vừa sức đánh của ta, song khi ta đánh được lại uy hiếp trực tiếp An khê và đường 19, buộc địch phải tăng viện phản kích, tạo thời cơ để ta tổ chức các trận phục kích, diệt nhiều sinh lực địch. Chiến dịch An Khê để lại nhiều kinh nghiệm về “đánh cứ điểm nhỏ, diệt viện binh nhỏ” ở địa bàn Liên khu 5 lúc bấy giờ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2012, 10:11:06 pm »


CHIẾN DỊCH THƯỢNG LÀO
(Tiến công, từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 14 tháng 5 năm 1953)


Sau chiến thắng Tây Bắc (1952), vùng giải phóng của ta đã mở rộng sát với Thượng Lào. Quân dân hai nước Việt Nam, Lào có điều kiện giúp đỡ nhau đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. Đầu năm 1953, tranh thủ mùa khô vẫn còn, Tổng Quân uỷ quyết định phối hợp cùng quân dân Lào mở chiến dịch tiến công Sầm Nưa (Chiến dịch Thượng Lào) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, xây dựng căn cứ đứng chân cho bạn, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, đồng thời tạo điều kiện để bộ đội rèn luyện đánh tập đoàn cứ điểm nhỏ.

Thượng Lào gồm sáu tỉnh: Luông Pha Băng, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Phông Xa Lỳ, Huội Sài, diện tích khoảng 135.000km2, dân số khoảng trên một triệu người. Thượng Lào là vùng rừng núi, đường sá giao thông ít. Từ Việt Nam sang Lào có một số con đường chính, đường số 7 từ Vinh đi Xiêng Khoảng; đường số 6 từ Hoà Bình, Mộc Châu đi Pa Hang, Sầm Nưa; một con đường từ Sơn La qua Mường Hét đi Sầm Nưa... Các con đường này hư hỏng nhiều, ô tô chỉ có thể đi được ở một số đoạn bên phía Việt Nam. Thời tiết khí hậu thời gian này đang còn là cuối mùa khô, sông suối ít nước, cơ động thuận tiện. Song nếu chiến dịch kéo dài, mùa mưa ập đến thì việc cơ động ở vùng rừng núi Thượng Lào sẽ hết sức khó khăn.

Sau thất bại ở Tây Bắc, bộ chỉ huy Pháp nhận thấy nguy cơ có thể mất Thượng Lào nên đầu năm 1953, tổng chỉ huy Xa-lăng đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ và chú trọng xây dựng các khu vực phòng ngự ở Thượng Lào hơn. Tại Sầm Nưa chúng xây dựng một tập đoàn cứ điểm nhỏ “kiểu Nà Sản”, gồm 11 vị trí trong phạm vi chiều dọc 2.000 mét, chiều ngang 1.800 mét, có sân bay dã chiến Nà Thông, bãi nhảy dù Nà Viêng và lực lượng lên tới ba tiểu đoàn1. Xung quanh các cứ điểm có hàng rào, bãi chướng ngại và cây cối được phát quang để tăng tầm quan sát từ xa. Chúng còn thường xuyên tung biệt kích ra thăm dò các hoạt động của ta. Tại Xiêng Khoảng, địch cũng tăng thêm một tiểu đoàn ngụy Lào để tăng cường phòng ngự.

Từ tháng 2 năm 1953, ta bắt đầu tiến hành chuẩn bị cho chiến dịch. Đến cuối tháng 3 năm 1953, Bộ Tổng tham mưu hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến của chiến dịch Thượng Lào. Trong kế hoạch, ta xác định hướng chính chiến dịch là Sầm Nưa, hướng thứ yếu là Xiêng Khoảng và hướng phối hợp là Bắc Bộ.

Trên hướng chính Sầm Nưa, lực lượng gồm sáu trung đoàn bộ binh (ba trung đoàn của đại đoàn 308, hai trung đoàn của Đại đoàn 312, và trung đoàn 98 của Đại đoàn 316), bốn đại đội sơn pháo 75mm (12 khẩu), hai tiểu đoàn phòng không 12,7mm, ba đại đội súng cối 120mm (12 khẩu), một tiểu đoàn công binh và một đại đội trinh sát. Hướng này có nhiệm vụ phối hợp với quân dân Lào bao vây, tiêu diệt quân địch ở Sầm Nưa theo cách đánh tập đoàn cứ điểm.

Hướng thứ yếu Xiêng Khoảng, lực lượng gồm Đại đoàn bộ binh 304, một đại đội sơn pháo 75mm, một đại đội súng cối 120 mm và một tiểu đoàn phòng không 12,7 mm, tiến theo đường số 7 tiêu diệt vị trí Noọng Hét, Bản Ban, áp sát Xiêng Khoảng phát động chiến tranh du kích ở vùng này. Một bộ phận của hướng này tiến theo hướng Mường Ngạt, Mường Mô, Tha Xí, Tha Thơm, đánh vào Sầm Nưa phối hợp với hướng chính.

Lực lượng dự bị của hướng chính là trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 đứng chân ở khu vực Mộc Châu, bảo vệ khu vực này và sẵn sàng chiến đấu trên hướng chính. Các hướng phối hợp ở chiến trường Bắc Bộ phải tăng cường đánh nhỏ, chống địch càn quét... buộc chúng phải căng kéo đối phó khắp nơi. Ngoài ra, để đảm bảo bí mật, bất ngờ cho chiến dịch, Bộ Tổng tham mưu còn sử dụng Đại đoàn 316 nghi binh đánh vào Nà Sản, kế hoạch nghi binh thực hiện từ cuối tháng 3 năm 1953; trung đoàn 148 tiến theo lưu vực sông Nậm Hu xuống uy hiếp bắc Luông Pha Băng. Tổng số quân tham chiến trên ba hướng khoảng 45.000 người.

Bộ chỉ huy Chiến dịch Thượng Lào gồm: đồng chí Võ Nguyên Giáp là Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Chủ nhiệm chính trị, đồng chí Hoàng Văn Thái là Tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Nam là Chủ nhiệm cung cấp. Về phía bạn, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Thủ tướng chính phủ kháng chiến và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng tham gia chỉ đạo chiến dịch.

Về đảm bảo vật chất, trên hướng chính do Tổng cục Cung cấp đảm nhiệm. Các kho trạm bố trí ở hai khu vực Mộc Châu và Vạn Mai, sau đó đưa dần vào Sốp Ban, Sốp Hào để đảm bảo cho đánh Sầm Nưa. Cánh quân đánh vào Xiêng Khoảng theo đường 7 do Liên khu 4 đảm nhiệm. Còn hướng Mường Sài giao cho trung đoàn 148 liên hệ trực tiếp với bạn Lào nhờ bạn bảo đảm. Các đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Trần Đăng Ninh được Tổng Quân uỷ cử xuống đôn đốc việc huy động vật chất ở các địa phương. Trên 80 xe ô tô, 880 thuyền, hơn 2.000 xe đạp và 180 con ngựa được huy động vận chuyển vật chất phục vụ chiến dịch2.

Trên hướng chính, hậu cần chiến dịch tổ chức ba tuyến hậu cần gồm tuyến Vạn Mai, tuyến Suối Rút, tuyến Vạn Yên để thống nhất chỉ huy các lực lượng quân nhu, quân y, quân khí, vận tải trên từng khu vực. Việc chuẩn bị hậu cần được tiến hành rất khẩn trương. Tuyến Vạn Yên chuyển gạo chuẩn bị cho bộ đội hành quân, tuyến Vạn Mai tổ chức chuyển lương thực, thực phẩm từ Hồi Xuân lên Vạn Yên, tới Sốp Hào, tuyến Suối Rút chủ yếu dùng xe ô tô tập trung vận chuyển theo từng chặng, từ Vạn Mai lên Bãi Sang, rồi từ Suối Rút, Bãi Sang tới Mộc Châu. Đến cuối tháng 3, tập trung vận chuyển từ Mộc Châu vào Sốp Ban, Sốp Hào.

Ngày 16 tháng 3 năm 1953, Bộ Tổng tham mưu ra chỉ thị hành quân cho các đơn vị. Cơ quan tiền phương của Bộ cũng bắt đầu rời Quảng Nạp, Thái Nguyên lên Mộc Châu để chỉ đạo các đơn vị tham gia chiến dịch.

Từ đêm 21 tháng 3, Đại đoàn 312 và 308 bắt đầu hành quân từ Phú Thọ lên tập kết ở Mộc Châu. Tiểu đoàn 999 thuộc Đại đoàn 316 bắt đầu thực hiện kế hoạch nghi binh đánh vào Nà Sản. Trên hướng thứ yếu, ngày 31 tháng 3, Đại đoàn 304 rời Anh Sơn vào tập kết ở Khe Kiều, sát ngay biên giới Việt - Lào.

Sau khi các đơn vị đã vào tập kết, ngày 7 tháng 4 năm 1953, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị tiến quân vào đất bạn. Ngày 9 tháng 4, các đơn vị bắt đầu xuất phát. Sở chỉ huy chiến dịch đi sau Đại đoàn 308 vào triển khai ở gần Mường Pua.

Địch phát hiện các đơn vị chủ lực của ta từ nhiều ngả tiến về Sầm Nưa và nhận được báo cáo khẩn cấp của viên trung tá Man-pơ-lát, chỉ huy phân khu Sầm Nưa, trưa ngày 12 tháng 4 năm 1954, tướng Xa-lăng ra lệnh rút toàn bộ lực lượng khỏi Sầm Nưa.

Đêm 12 tháng 4, địch ở Sầm Nưa bắt đầu tổ chức rút quân. Lực lượng địch ở Sầm Nưa khoảng 1.900 tên, trời lại mưa tầm tã nên đến 19 giờ ngày 13 tháng 4. Man-pơ-lát mới đưa được đội quân cuối cùng của chúng về đến Nà Noọng tây nam Sầm Nưa 23 ki-lô-mét nghỉ lại ở đây một đêm, sáng ngày 14 hành quân tiếp.

Như vậy, tình huống chiến dịch đã thay đổi. Ta dự định tổ chức đánh địch trong công sự vững chắc, nhưng địch lại rút chạy trước khi ta đến. Trưa ngày 13 tháng 4, nhận được tin địch rút khỏi Sầm Nưa, Bộ chỉ huy chiến dịch lập tức quyết định hướng chính phải tổ chức các đơn vị gọn nhẹ truy kích thật nhanh, thật mạnh, hướng Đại đoàn 304 đánh mạnh ở đường số 7 không cho chúng chạy thoát về Cánh Đồng Chum.

Khoảng 10 giờ ngày 13 tháng 4, khi bộ phận cuối cùng của địch rút khỏi Sầm Nưa, các đơn vị đi đầu của ta còn cách Sầm Nưa từ 5 đến 10 ki-lô-mét. Nhận được lệnh truy kích địch, mặc dù vừa trải qua chặng đường hơn 300 ki-lô-mét, còn đang rất mệt mỏi, một số đơn vị đã nhanh chóng tổ chức các bộ phận gọn nhẹ tiến hành đuổi bám, truy kích địch. Tuy nhiên, cũng có đơn vị (trung đoàn 209 và 102) do công tác tổ chức chậm, nên đến 17 giờ mới xuất phát truy kích, chậm hơn bộ phận cuối cùng của địch tám giờ.
______________________________________
1. Ba tiểu đoàn gồm: tiểu đoàn dù số 1 Lào (1er BPL), tiểu đoàn bộ binh số 5 Lào (5e BTL ), tiểu đoàn biệt kích Lào số 8 (8e BCL).
2. Kết quả, trên hai hướng ta đã cung cấp tiếp tế cho bộ đội 6.300 tấn lương gạo, 200 tấn muối, 290 tấn thịt, 190 tấn thực phẩm khô, 166 tấn vũ khí, cứu chữa 490 thương binh. Trên tuyến hậu cần chiến dịch, đã sử dụng 62.500 lượt dân công, thành 25.3500 ngày công.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM