Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:33:32 am



Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:33:32 am
Tên sách: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Thường vụ Đảng ủy và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị
Năm xuất bản: 1998
Số hóa: macbupda

(https://i.imgur.com/tdALeZU.jpg)

Chỉ đạo nội dung:

   THƯỜNG VỤ ĐẢNG ỦY VÀ
   BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH


Chủ biên:

   Trung tá NGUYỄN VĂN HÓA

Biên soạn:
   
   TRẦN BIÊN - NGUYỄN VĂN HÓA

LỜI GIỚI THIỆU

Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-1994), chấp hành chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã phát hành cuốn sơ thảo “Quảng Trị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 -1954)” phổ biến rộng rãi trong lực lượng vũ trang nhân dân, nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trong cả nước, đặc biệt là quê hương Quảng Trị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với cuốn “Quảng Trị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)”, cuốn “Quảng Trị - lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) "được xuất bản nhân dịp kỷ niệm lần thứ 53 cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 (2/9/1945 - 2/9/1998) hợp thành bộ sử chiến tranh, phản ảnh sự đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị trong suốt 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong 30 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đứng đâu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, đã cùng quân và dân trong cả nước đánh thắng 2 tên đế quốc Pháp và Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa, cả nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa trên đất nước Việt Nam thống nhất, thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Cuốn sử ra mắt bạn đọc với sự đóng góp quý báu của Ban tuyên giáo tỉnh ủy, Ban nghiên cứu lịch sử, Phòng khoa học công nghệ và môi trường quân khu 4, các đồng chí cán bộ cách mạng lão thành, các tướng lĩnh, các nhà khoa học và toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đã trực tiếp chiến đấu trên quê hương Quảng Trị. Nhân dịp cuốn “Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)” xuất bản, chúng tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các tổ chức và cá nhân đã góp phần vào sự thành công của cuốn sử này. Tuy nhiên do trình độ nghiên cứu biên soạn có hạn, không sao tránh khỏi những thiếu sót.

Chúng tôi kính mong bạn đọc cùng đồng bào và chiến sĩ trong cả nước tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến để có điều kiện xuất bản lần sau ngày càng hoàn thiện hơn.


THƯỜNG VỤ ĐẢNG ỦY
                                                                                                     
BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:35:57 am
Chương I

CỦNG CỐ HÒA BÌNH, XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG
(1954-1960)

Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, ngày 20/7/1954 hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết. Các nước tham gia hội nghị long trọng tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ 3 nước: Việt Nam, Lào và Campuchia. Theo hiệp định này, quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương và sau 2 năm kể từ ngày ký hiệp định sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước Việt Nam.

Trong thời gian chờ tổng tuyển cử, hiệp định đình chiến quy định: ở Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng vũ trang hai bên tập kết. Lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc, lực lượng quân “Liên hiệp Pháp” ở phía Nam giới tuyến. Giới tuyến chỉ có tính chất tạm thời hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hoặc lãnh thổ. Nhưng với hiệp định này, sông Bến Hải của tỉnh Quảng Trị đã trở thành giới tuyến quân sự tạm thời ngăn cách hai miền đất nước. Theo hiệp định, thực dân Pháp phải rút hết quân khỏi Vĩnh Linh, còn lực lượng vũ trang ta từ bờ Nam sông trở vào tập kết ra miền Bắc.

Ngày 25-8-1954, tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi Vĩnh Linh. Phía bắc sông Bến Hải gồm hầu hết huyện Vĩnh Linh được hoàn toàn giải phóng cùng với miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Một phần huyện Vĩnh Linh và các huyện còn lại của tỉnh Quảng Trị ở phía Nam vĩ tuyến 17 cùng với miền Nam biến thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Hai khu vực Vĩnh Linh - Quảng Trị cùng với cả nước làm hai nhiệm vụ chiến lược. Vừa tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương của nhân dân tỉnh ta chưa hoàn thành trọn vẹn.

Vốn có âm mưu xâm lược nước ta từ lâu, đế quốc Mỹ không chịu ký vào bản tuyên bố chung của Hội nghị Giơnevơ. Tổng thống Mỹ Axenhao còn trắng trợn tuyên bố “Mỹ không bị những hiệp nghị này ràng buộc”. Lo sợ sư thất bại của Pháp ở Việt Nam sẽ dẫn đến sự phát triển chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, Mỹ ráo riết thực hiện việc hất cẳng Pháp, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của chúng.

Từ đó trở đi cùng với cả nước, lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Trị một lần nữa lại vùng lên viết tiếp trang sử vẻ vang của mình - trang sử vàng chống Mỹ, cứu nước.

I. CỦNG CỐ HÒA BÌNH, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI,
XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, GIỮ VỮNG QUAN HỆ HAI MIỀN

Hai tuần lễ sau khi ký hiệp định Giơnevơ, ngày 3-8-1954, đại diện quân đội nhân dân Việt Nam và Pháp họp Hội nghị Trung Giả ký thỏa thuận về Ủy ban liên hợp. Ban liên hợp chiến trường Bình Trị Thiên ra đời từ hội nghị này, đến ngày 2-8-1955 được ban liên hợp Trung ương đổi thành ban liên hợp khu phi quân sự. Ngày 18/8/1954, Ủy ban liên hợp Trung ương ra quyết định số 06 nêu lên những nét lớn về việc vạch ranh giới giới tuyến quân sự tạm thời, việc phi quân sự hóa, tổ chức hai đội liên hợp cố định ở hai bờ Nam - Bắc giới tuyến, về số lượng Công an mỗi bên trong khu phi quân sự.

Giới tuyến quân sự tạm thời được quy định từ Đông sang Tây, từ cửa sông Bến Hải (Cửa Tùng) và dòng sông đó (ở miền núi sông này gọi là rào Thanh) đến làng Bồ Hồ Sừ biên giới Việt - Lào. Ranh giới khu phi quân sự mỗi bên xa nhất 5km. Khu phi quân sự phía Bắc gồm các xã: Vĩnh Sơn, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Quang và Hướng Lập.

Đường ranh giới Bắc và Nam khu phi quân sự được đánh dấu bằng các cọc gỗ đặt những nơi dễ nhận thấy có ghi “Khu phi quân sự”. Từ biển lên phía Tây mỗi bên đóng 150 cột, mỗi cột cách nhau 20 mét. Cách 12km đóng hai đồn cảnh sát và công an đối diện nhau. Từ Cửa Tùng đến Hói Cụ có 10 đồn. Bản quy chế quy định: Nhiệm vụ của công an và nhân viên hành chính là bảo đảm an ninh trật tự và tôn trọng quy chế trong vùng mình quản lý. Tổng số mỗi đội công an tối đa là 100 người được trang bị 50 súng ngắn, số còn lại 1/3 súng cácbin, hai phần ba tiểu liên, không có lựu đạn. Mỗi khẩu tiểu liên hoặc cácbin 200 viên đạn, súng ngắn 50 viên. Tuyệt đối cấm nhân dân ra vào khu phi quân sự, dọc giới tuyến quy định 10 địa điểm được phép qua lại: Đó là cầu Hiền Lương và 9 bến đò: Cửa Tùng - Cát Sơn; Tùng Luật - Xuân Mỵ; Phước Lý - Bạch Lộc; Chòi - Xuân Long; Hiền Lương - Xuân Hòa; Huỳnh Thượng - Võ Xá; Tiên An - Kinh Môn; Minh Hương - Hói Cụ và Bến Tắt - Cẩm Sơn.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:37:39 am
Một đồn kiểm soát liên hợp đặt tại Cửa Tùng, một tuần bờ phía Bắc và một tuần bờ phía Nam, quân số mỗi đồn gồm hai chỉ huy và ba chiến sĩ hoặc hai chỉ huy sáu nhân viên làm nhiệm vụ từ sáu giờ đến 21 giờ (giờ Sài Gòn). Mỗi bên đều có một sổ kiểm soát ghi nội dung như nhau, mỗi ngày đồn trưởng xác nhận một lần và ký tên đóng dấu. Sau một tuần đổi vị trí một lần, hai đồn trưởng lập biên bản chứng kiến việc thay nhau kiểm soát ở liên hợp. Tuy vậy, từ tháng 7-1954 đến tháng 2-1955 ta và Pháp chưa kiểm soát trong khu phi quân sự.

9 giờ 30 phút ngày 25-8-1954, đồng chí Ngô Tiến Quân - sĩ quan liên lạc đại diện ban liên hợp chiến trường Bình Trị Thiên cùng đại úy Delatin, đại diện quân đội Pháp ký biên bản chấm dứt sự tồn tại của quân Pháp và bọn tay sai ở Vĩnh Linh đồng thời hoàn thành việc rút quân khỏi khu phi quân sự. Vĩnh Linh được hoàn toàn giải phóng.

Ngày 2-9-1954 Huyện ủy, ủy ban kháng chiến hành chính huyện Vĩnh Linh tổ chức cuộc mít tinh trọng thể tại sân vận động Trạng Cù có đông đảo các tầng lớp nhân dân và lực lượng quân đội Trung đoàn 95, Trung đoàn 270 tham gia chào mừng quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và quê hương giải phóng. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến, ngày 14-8-1954, đội công an được thành lập gồm 100 cán bộ chiến sĩ lựa chọn từ các đại đội 354, 340, 348 của Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh do đồng chí Trần Tình làm đội trưởng, đồng chí Lê Văn Bản (ủy viên thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh) làm chính trị viên.

Ngày 7-11-1954, Bộ tư lệnh Quân khu 4 ra quyết định thành lập đại đội 2 công an giới tuyến do đồng chí Nguyễn Bang làm đại đội trưởng, đồng chí Trần Hữu Thanh (nguyên cán bộ Ty công an Thừa Thiên) làm chính trị viên. Cán bộ chiến sĩ được lựa chọn từ hai đại đội 269 và 271 của Trị Thiên tập kết, đơn vị đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị nhiệm vụ tại Vinh (Nghệ An) nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội (22-12). Cuối tháng 12-1954, đơn vị về nhận nhiệm vụ tại Vĩnh Linh. Các đơn vị khác làm nhiệm vụ bảo vệ nội địa, biên giới, bờ biển ở Vĩnh Linh còn có đại đội 6 thuộc Trung đoàn 270 bảo vệ bờ biển, đơn vị quan sát bờ biển Vịnh Mốc, đại đội 4 thuộc công an Vĩnh Linh làm nhiệm vụ cảnh vệ, đại đội 354 thuộc huyện đội Vĩnh Linh đảm nhiệm vùng biên giới miền tây.

Ngày 5-9-1954, Bộ chính trị ra Nghị quyết về “Tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng”. Nghị quyết nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt của quân và dân hai miền Nam - Bắc là đấu tranh thực hiện hiệp định Giơnevơ, ra sức củng cố miền Bắc, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam nhằm củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc.

Giữa tháng 9-1954 tại chợ Tro (Nghệ An), Khu ủy Liên khu 4 triệu tập hai ban Tỉnh ủy Quảng Trị và Thừa Thiên để phổ biến nghị quyết của Bộ chính trị. Đồng thời hội nghị còn kiểm điểm lại việc củng cố Đảng sau ngày có hiệp định, đề ra nhiệm vụ lãnh đạo việc khôi phục các mặt sinh hoạt bình thường của nhân dân sau ngày giải phóng.

Dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Ban chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Quảng Trị, quân và dân ta ở hai bờ giới tuyến khẩn trương củng cố sắp xếp lại lực lượng chuẩn bị bước vào cuộc đấu tranh mới.

Ở Vĩnh Linh do sự thống trị lâu dài của đế quốc phong kiến và hậu quả chiến tranh, tình hình kinh tế xã hội có nhiều khó khăn phức tạp, nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp hầu như không có gì, thị trấn, nông thôn bị chiến tranh tàn phá nặng hề, tiêu điều xơ xác. Đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, 90% số dân mù chữ. Trước khi rút quân khỏi Vĩnh Linh giặc Pháp còn âm mưu phá hoại gây thêm nhiều khó khăn cho nhân dân ta khi tiến hành phục hồi sản xuất.

Ngay sau khi hòa bình được lập lại, quán triệt Nghị quyết của Đảng, Đảng bộ nhân dân Vĩnh Linh quyết tâm xây dựng huyện nhà thành một huyện điển hình của chế độ xã hội chủ nghĩa, quyết làm cho “Đời sống nhân dân Vĩnh Linh phải hơn bên kia bờ sông Bến Hải”.

Do điều kiện bị chia cắt, để tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất theo yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 28/5/1955, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết số 16 thành lập Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh. Đồng chí Lê Thanh Liêm, nguyên ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị được cử làm Bí thư Đảng ủy khu vực.

Ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính Phủ ra Nghị định số 551/TTg thành lập đặc khu Vĩnh Linh. Nghị định nêu rõ: “Khu Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị từ nay được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng ngang với một tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ Trung ương”.

Ủy ban hành chính khu vực được thành lập do đồng chí Hoàng Đức Sản làm Chủ tịch. Sự chỉ đạo kịp thời và sâu sát của Trung ương đã giúp cho Vĩnh Linh nhanh chóng ổn định đời sống và vững bước đi lên.

Tình hình ngày càng phức tạp, Mỹ - Diệm ngày càng trắng trợn vi phạm hiệp định Giơnevơ, khu vực Vĩnh Linh trở thành trọng điểm phá hoại của địch. Trước tình hình đó, tháng 5/1955, Thường vụ Đảng ủy Vĩnh Linh họp quán triệt chủ trương của liên khu đối với khu vực giới tuyến. Hội nghị chủ trương: Thực hiện đấu tranh chính trị, dựa vào pháp lý hiệp định tạo ra nhiều hình thức đấu tranh phong phú. Hội nghị bàn biện pháp phối hợp hành động giữa nhân dân, lực lượng vũ trang khu vực với các đơn vị của trung đoàn 270, tiểu đoàn 57.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:39:17 am
Việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương được đặc biệt quan tâm. Cuối năm 1955, Huyện đội được tăng cường cán bộ. Tổng quân ủy Trung ương quyết định thành lập tiểu đoàn 25 bảo vệ giới tuyến trực thuộc quân khu 4 tăng cường cho Vĩnh Linh do đồng chí Vân Hùng (Đoàn Quang Đán) làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Lưu Quế Ngữ làm chính trị viên.

Năm 1955, toàn khu vực Vĩnh Linh có 1731 người tham gia lực lượng dân quân tự vệ. Đến cuối năm 1957, ngoài những đơn vị chủ lực gồm: (trung đoàn 270, tiểu đoàn 57 phòng không phối hợp, tiểu đoàn 25 công an nhân dân vũ trang bảo vệ giới tuyến), lực lượng dân quân tự vệ của Vĩnh Linh đã lên đến 3084 người. Trước những âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, thực hiện chủ trương của liên khu và thường vụ Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh, nhân dân và lực lượng vũ trang đã có nhiều hoạt động đấu tranh phong phú.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân và cán bộ chiến sĩ ta ở hai bờ Nam - Bắc sông Bến Hải, việc xây dựng và bảo vệ cột cờ Hiền Lương để đấu tranh với địch là cả một kỳ công lớn. Tháng 10/1954, ta dựng cột cờ cao 12 mét. Bọn địch dựng cột cờ ở bờ Nam cao hơn. Ta lại dựng cột cờ cao 18 mét. Cột cờ của chúng đặt trên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 25 mét. Đồng bào và chiến sĩ nhất thiết không chịu thua bọn chúng. Ngày 19/7/1957, ta xây trụ cờ bằng sắt cao 34,5 mét. Bọn địch lại nâng cột cờ của chúng lên 35 mét. Năm 1962, Chính phủ ta lại cho nâng cấp trụ cờ vì vậy cột cờ ta cao 38,6 mét, cao hơn hẳn cờ ngụy. Lá cờ rộng 108 mét vuông bay phấp phới trên bầu trời bờ Bắc sông Bến Hải là biểu tượng cho ý chí quyết chiến quyết thắng, cho độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, làm nức lòng nhân dân hai miền Nam - Bắc. Đồng bào ta ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cam Lộ, Gio Linh hằng ngày luôn hướng về lá cờ đỏ sao vàng nơi giới tuyến với tấm lòng son sắt thủy chung và niềm tin yêu hy vọng.

Để chống lại các hoạt động về chiến tranh tâm lý của địch, công tác tuyên truyền giáo dục được Đảng uỷ khu vực đặc biệt chú trọng. Cùng với các mặt hoạt động khác về văn hóa giáo dục như xây dựng phòng thông tin, nhà triển lãm, câu lạc bộ, đội chiếu bóng, nhân dân Vĩnh Linh còn xây dựng hệ thống truyền thanh dài 10 km dọc giới tuyến với hàng chục cột bắc loa phóng thanh có công suất lớn chĩa sang bờ Nam để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng.

Mặt khác chúng ta còn tổ chức 3 cửa khẩu ở Thủy Ba.,Hiền Lương và Mũi Si để đi lại buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hóa và làm công tác công khai vận động quần chúng. Từ cuối năm 1955 đến hết năm 1956 việc đi lại buôn bán trao đổi có bị gián đoạn vì bị địch kiểm soát gắt gao. Năm 1957, do ta có sai lầm trong cải cách ruộng đất, địch lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc nhằm chia rẽ Đảng với nhân dân. Chúng chủ trương thông qua kinh tế để chống phá ta về chính trị nên lại mở rộng buôn bán trao đổi để từ đó tăng cường hoạt động gián điệp nắm tình hình. Chúng tung nhiều toán gián điệp biệt kích qua giới tuyến đồng thời quản lý chặt chẽ sự đi lại giữa hai miền. Lợi dụng danh nghĩa chuyến quân tập kết, chúng cưỡng bức hơn hai trăm người từ các nơi trên miền Bắc qua giới tuyến di cư vào Nam. Nắm được âm mưu đó, ta chủ động và khôn khéo cử phái đoàn phụ nữ vận động thuyết phục ngụy binh. Kết quả đã có 180 người trở về quê hương trong đó cơ quan chức năng đã phát hiện được 12 tên gián điệp.

Theo hiệp định Giơnevơ, sau khi ngừng bắn, thời gian tập kết và chuyển quân giữa hai miền được quy định là 300 ngày. Bị địch cưỡng ép và dụ dỗ 5252 người trên miền Bắc đổ dồn về Vĩnh Linh để vượt tuyến vào Nam, chủ yếu là đồng bào theo đạo thiên chúa, ở Vĩnh Linh một số linh mục cực kỳ phản động đã dụ dỗ 7.164 người trong tổng số 7.700 người theo đạo di cư vào Nam.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng chủ trương coi chống địch cưỡng ép dân di cư vào Nam là công tác quan trọng cấp bách. Chỉ thị 272 của Trung ương khẳng định: Công tác này là một công tác đột xuất quan trọng bậc nhất trong một thời gian nhất định. Nếu không giải quyết được nó thì mọi công tác khác không giải quyết được.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, ngày 18/7/1955, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh đề ra biện pháp chống địch dụ dỗ cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam coi đó là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách và chỉ rõ: Phải tăng cường chỉ đạo, tập trung lực lượng, đẩy mạnh việc tranh thủ quần chúng giáo dân, tích cực đấu tranh phá âm mưu của địch với ba yêu cầu cụ thể:

- Ổn định tư tưởng quần chúng giáo dân, tranh thủ đại đa số ở lại làm cho mọi người thực sự yên tâm.

- Tổ chức cho đi đúng mức, không để địch lợi dụng và vu cáo ta vi phạm hiệp định.

- Tiếp tục tấn công địch, tố cáo vạch trần âm mưu của chúng.

Đảng ủy đã thành lập “Ban chống cưỡng ép di cư” và huy động lực lượng cán bộ, bộ đội bám trụ từng cơ sở trong nhân dân để tuyên truyền giáo dục vận động. Kết quả đã vận động được 30 gia đình và 60 người khác trở lại quê hương, đồng thời tổ chức viết 2160 lá đơn tố cáo âm mưu của địch phá hoại hiệp định gửi lên Ủy ban Quốc tế.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:40:51 am
Cùng với việc chống địch cưỡng ép di cư, Đảng ủy và nhân dân khu vực Vĩnh Linh đã thành lập ban đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên 5.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc ở lại Vĩnh Linh đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đón tiếp chu đáo với tình cảm Nam - Bắc ruột thịt. Nhân dân Vĩnh Linh đã nhường cơm, xẻ áo giúp đồng bào miền Nam tập kết nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở, an tâm tư tưởng đẩy mạnh sản xuất, công tác góp phần xây dựng quê hương. Thành tích này đã có ảnh hưởng tốt đối với đồng bào miền Nam, vào chính sách quan hệ hai miền của Đảng và Nhà nước ta.

Tháng 7/1955, được chủ Mỹ bật đèn xanh, Diệm trắng trợn tuyên bố “Không có hiệp thương tổng tuyển cử”. Sau khi toàn bộ quân Pháp rút hết khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ - Diệm đưa lực lượng cảnh sát ra thay thế ở khu phi quân sự. Ở bờ nam giới tuyến địch tăng cường đàn áp khủng bố. Ở bờ bắc Vĩnh Linh chúng đẩy mạnh khiêu khích, phá hoại, phô trương lực lượng và đe dọa miền Bắc bằng nhiều cuộc diễn tập trong khu phi quân sự.

Trước tình hình đó, nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến, bảo vệ Vĩnh Linh đặt ra cho nhân dân và lực lượng vũ trang rất nặng nề. Ngày 16/6/1957 một vinh dự lớn đến với nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Quảng Bình, Vĩnh Linh: Hồ Chủ tịch vào thăm vùng giới tuyến. Nhưng do tình hình phức tạp, Bác không vào được Vĩnh Linh, gặp đại diện của Quảng Bình và - Vĩnh Linh Bác ân cần căn dặn: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc tiếp giáp miền Nam... Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình và Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết. Các cô, các chú phải chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhất là dân quân tự vệ...”

Thực hiện lời căn dặn của Bác, công tác tổ chức, bố trí lực lượng bước đầu của các đơn vị trên địa bàn Vĩnh Linh vừa bảo đảm phòng thủ tại chỗ, vừa sẵn sàng cơ động khi có tác chiến xảy ra. Tiểu đoàn 25 đổi thành tiểu đoàn 41, từ chỗ 4 đại đội được tăng cường lên 7 đại đội, sau đó đổi thành khu 41. Huyện đội Vĩnh Linh được tăng cường thêm cán bộ bảo đảm số lượng và chất lượng. Lực lượng dân quân các xã được biên chế thành tiểu đội, trung đội, có xã tổ chức đến đại đội, mỗi tiểu đội được trang bị từ 5 đến 6 súng trường. Thực hiện nghị quyết 12 của Trung ương về xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng dự bị hùng hậu, quân khu đẩy mạnh xây dựng toàn diện lực lượng vũ trang trong đó lấy công tác huấn luyện làm trung tâm, chú trọng các phương thức tác chiến cho mỗi loại địa hình.

Cuối năm 1958, trung đoàn 270, tiểu đoàn 41 tổ chức diễn tập phòng thủ huấn luyện chiến thuật phòng ngự cùng dân quân các địa phương, chú trọng rèn luyện năng lực chỉ huy của cán bộ. Lãnh đạo chỉ huy huyện đội được bồi dưỡng về công tác quân sự địa phương, đồng thời tổ chức huấn luyện về trình độ chỉ huy kỹ thuật, chiến thuật đến tiểu đội và cá nhân.

Cùng với huấn luyện quân sự, công tác giáo dục chính trị cũng được tiến hành đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức cho lực lượng vũ trang về đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, về nhiệm vụ cách mạng miền Nam, đường lối quân sự của Đảng, về quan điểm chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân...

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng, chấp hành nghị quyết số 58 của Bộ chính trị và chỉ thị 100/TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/4/1959, Bộ công an ra quyết định về việc thành lập công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh. Đảng bộ khu 41 chuyển từ trực thuộc Quân khu ủy 4 sang trực thuộc Đảng ủy đặc khu Vĩnh Linh. Ban chỉ huy đầu tiên do thiếu tá Vân Hùng (Đoàn Quang Đán) làm chỉ huy trưởng, đại úy Nguyễn Xuân Thông làm chính trị viên. Kể từ đây công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh do Bộ công an quản lý, huấn luyện và chỉ đạo.

Các cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, huyện, xã thống nhất tên gọi là Tỉnh đội, Huyện đội, Xã đội. Riêng Vĩnh Linh gọi là Khu đội trực thuộc quân khu 4.

Tháng 5/1959, sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, Tỉnh ủy và ủy ban mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Trị chọn Vĩnh Linh làm hậu phương trực tiếp. Với tình cảm anh em ruột thịt, vì quê hương Quảng Trị thân yêu, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Vĩnh Linh đã làm hết sức mình cho ngày vui sum họp.

Để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ, ngày 8/8/1959, một trung đội bộ binh thuộc trung đoàn 270 do thiếu úy Dương Đức Thiện chỉ huy, bằng thuyền buồm đã vượt sóng gió ra cắm cờ lên đảo Cồn Cỏ, khẳng định chủ quyền của ta trước quân ngụy Sài Gòn một tiếng đồng hồ. Đây là một thắng lợi vừa có ý nghĩa chính trị vừa quan trọng về quân sự. Ngày 8/8 trở thành ngày truyền thống của đảo Cồn Cỏ anh hùng.

Năm 1959, thực hiện phong trào thi đua “Ba nhất” do Quân ủy Trung ương phát động:

- Nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ, chiến thuật

- Nhất về gương mẫu giữ gìn kỷ luật

- Nhất về lao động sản xuất.

Khắp nơi lực lượng vũ trang đã hưởng ứng nhiệt liệt. Nhiều điển hình tập thể “Ba nhất”, cá nhân “ba nhất” đã xuất hiện. Tiêu biểu cho phong trào này là đại đội 3 mang tên Lê Hồng Phong thuộc trung đoàn 270 đã được Chính phủ tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhất.

Tháng 4/1960, luật nghĩa vụ quân sự được ban hành. Xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, ở Vĩnh Linh đã có hàng trăm thanh niên ghi tên tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Đồng thời số quân nhân được phục viên xuất ngũ hoặc chuyển ngành ra các cơ quan, xí nghiệp, nông trường của Nhà nước hay về địa phương đều đăng ký vào lực lượng dự bị động viên. Lực lượng này được Khu đội quản lý chặt chẽ và thường xuyên huấn luyện quân sự để khi cần bổ sung cho đội quân thường trực được ngay.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:42:04 am
Để làm tốt nhiệm vụ phòng thủ, Quân khu 4 chủ trương thực hiện kế hoạch tổ chức chiến trường. Vĩnh Linh khu vực giới tuyến là một trong những khu vực trọng yếu được quân khu quan tâm chỉ đạo sâu sát nhất. Tại các vị trí xung yếu từ Cửa Tùng đến biên giới phía Tây dọc theo sông Bến Hải, quân và dân Vĩnh Linh đã đóng góp hàng ngàn ngày công xây dựng hơn 100 công trình quốc phòng như hầm hào, công sự, đài quan sát, kho tàng, bến bãi...

Chấp hành chỉ thị của Ban bí thư và Quân ủy Trung ương, Đảng bộ, chính quyền khu vực Vĩnh Linh tập trung chỉ đạo bộ đội, công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ và nhân dân tăng cường cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, bình tĩnh không để bị địch khiêu khích, đồng thời phải hoàn chỉnh các phương án kịp thời đánh trả địch khi có lệnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh quyết tâm xây dựng quê hương thành pháo đài chiến đấu vững mạnh dựa lưng vào tỉnh Quảng Bình, bảo đảm tuyến phòng thủ có tiền duyên mạnh, trung thâm sâu, hậu phương chiến dịch vững chắc, ở phía đông, trọng điểm là các cửa sông, bãi biển, đảo Cồn Cỏ và những nơi trên bờ có thể địch đổ bộ triển khai lực lượng binh khí kỹ thuật...

Mọi người dân Vĩnh Linh đều xác định cho mình trách nhiệm vừa sản xuất giỏi, vừa tăng cường cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân và các lực lượng vũ trang, vừa thể hiện được chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt của miền Bắc, vừa là một hậu phương chiến lược, chiến dịch trực tiếp của chiến trường Trị Thiên.

*
*   *

Cùng với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc vùng giới tuyến, kết hợp giữa quan điểm đánh địch từ xa và tinh thần xả thân vì quê hương Quảng Trị thân yêu, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, quân và dân Vĩnh Linh luôn luôn dành cho nhân dân bờ Nam sự chi viện hết lòng và đây hiệu quả. Đặc khu ủy và Tỉnh ủy Quảng Trị có sự phối hợp chặt chẽ thống nhất chủ trương biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Chính nhờ vậy mà giữa hậu phương và tiền tuyến luôn giữ được mối quan hệ khăng khít suốt cuộc hành trình chống Mỹ, cứu nước.

Bằng sự nhạy cảm chính trị và tầm nhìn chiến lược sáng suốt, thực hiện chủ trương của Đảng, ngay sau khi có hiệp định Giơnevơ, Vĩnh Linh đã chủ trương mở các con đường liên lạc hợp pháp và bất hợp pháp nối liền giữa miền núi, đồng bằng ven biển, giữa Vĩnh Linh với Gio Linh và Liên khu 5 để đưa cán bộ ra vào hoạt động xây dựng cơ sở, xây dựng phong trào với tinh thần “Ngày Bắc đêm Nam”. Tuyến ven biển từ Cửa Tùng qua Cửa Việt đến Thuận An vào Liên khu 5 đã đưa đón hàng trăm cán bộ cốt cán qua lại hoạt động. Tuyến này tồn tại cho đến ngày toàn thắng. Tuyến miền núi từ Bãi Hà vào Gio Linh qua Cam Lộ, Triệu Phong... vào Liên khu 5 và sau này sát nhập vào đường Hồ Chí Minh.

Cuối năm 1958 đầu năm 1959, Mỹ - Diệm đưa quân đến Hướng Lập (Hướng Hóa) cấu kết với bọn phản động Lào, gây khiêu khích tranh chấp ranh giới. Một số phần tử xấu trong dân tộc Vân Kiều bị địch dụ dỗ, mua chuộc theo chúng chống lại ta. Để tránh gây xung đột căng thẳng, dưới sự chỉ đạo của Quân khu và Đảng ủy khu vực, đại đội 3 tiểu đoàn 41 thuộc lực lượng vũ trang Vĩnh Linh đã dựa vào nhân dân đấu tranh bằng lý lẽ thẳng thắn, tôn trọng chủ quyền biên giới lãnh thổ buộc quân ngụy và bọn phản động Lào phải rút về, giữ vững an ninh chính trị trong khu vực ba biên giới.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu cán bộ cho chiến trường miền Nam, Khu ủy Vĩnh Linh đã mở nhiều lớp đào tạo phục vụ cho trước mắt và lâu dài.

Sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương, Vĩnh Linh chủ trương thành lập các đội công tác sang bờ Nam hoạt động. Tháng 1/1959, Ban 8 được thành lập có nhiệm vụ tìm cách móc nối liên lạc với các tổ chức Đảng trong vùng địch, nắm bám dân xây dựng cơ sở. Bộ phận này xuất phát từ Vĩnh Ô, Vĩnh Trường vượt tuyến bắt liên lạc với Huyện ủy Hướng Hóa, Cam Lộ.

Đầu năm 1960, trước yêu cầu phát triển của chiến trường, Vĩnh Linh đã tổ chức 4 đội trinh sát chính trị sang bờ Nam hoạt động. Đội K1 gây dựng cơ sở và phong trào ở khu đông vùng Gio Linh, Đông Hà, Cửa Việt. Đội K2 hoạt động ở khu tây Gio Linh, Cam Lộ. Đội K3 ở đường 9, Ba Trăng, Đầu Mầu. Đội K4 vùng Khe Sanh và lân cận. Các đội hoạt động độc lập dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Với phương châm hoạt đồng “Xuất quỷ nhập thần”, bí mật bất ngờ, các đội đã nhiều phen làm cho bọn địch khiếp vía kinh hồn, nhiều tên ác ôn có nợ máu với nhân dân phải đền tội.

Trên tuyến biển, công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh phối hợp với dân quân du kích tổ chức đội thuyền B6 vượt tuyến đưa cán bộ vào ra hoạt động sau lưng địch.

Dựa vào sự giúp đỡ và che chở của nhân dân, các đội đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, xây dựng cơ sở, diệt ác phá kìm, mở đường đưa đón cán bộ và các lực lượng vũ trang từ Bắc vào Nam hoạt động.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:43:31 am
*
*   *

Cùng với nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố an ninh quốc phòng, đấu tranh thi hành hiệp định Giơnevơ, bảo vệ quy chế khu phi quân sự, thực hiện quan hệ Nam - Bắc... thực hiện chủ trương của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh còn ra sức củng cố và xây dựng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, chủ yếu là cải thiện nâng cao đời sống của nhân dân.

Từ năm 1955, Đảng bộ Vĩnh Linh đã lãnh đạo nhân dân khôi phục và phát triển kinh tế văn hóa, đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện chủ trương giảm tô và cải cách ruộng đất của Trung ương, cuối năm 1955 toàn khu vực đã hoàn thành cuộc vận động giảm tô đợt 8 và bước vào thực hiện cải cách ruộng đất đợt 5. Đến giữa năm 1956 cuộc vận động cải cách ở Vĩnh Linh căn bản đã hoàn thành và giành thắng lợi hết sức to lợn: Đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ, phong kiến, trưng thu 2942 mẫu ruộng, 1137 con trâu bò, 323 cái nhà và nhiều tài sản khác chia cho dân nghèo. Đây là một cuộc cách mạng có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Các tầng lớp nhân dân đặc biệt là giai cấp nông dân vô cùng phấn khởi. Mơ ước bao đời của người nông dân Vĩnh Linh được có ruộng cày, được tự do làm chủ vận mệnh của mình đã thành hiện thực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do chỉ đạo không sát đặc điểm tình hình nên đã phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10, tháng 9/1956, Đảng ta đã khẳng định thắng lợi quan trọng của cải ruộng đất, đồng thời nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm thiếu sót và đề ra những biện pháp sửa chữa kịp thời. Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh rất vinh dự được đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ chính trị, vào trực tiếp chỉ đạo công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất. Nhờ vậy, công việc sửa sai ở Vĩnh Linh kết thúc nhanh gọn, bảo đảm chủ trương chính sách của Đảng, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cải cách ruộng đất thành công là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong cách mạng dân tộc dân chủ ở Vĩnh Linh.

Cùng với cuộc cải cách ruộng đất, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh tiến hành thực hiện kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế văn hóa. Từ năm 1955 đến năm 1957 toàn khu vực dấy lên phong trào thi đua hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ khu vực, nhân dân và các lực lượng vũ trang tập trung vào việc phục hồi và phát triển nông nghiệp với phong trào khai hoang phục hóa “tấc đất, tấc vàng”, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đánh bắt hải sản, sửa chữa và xây dựng bưu điện, trường học, bệnh viện đường giao thông và nhiều cơ sở hạ tầng khác, ổn định đời sống vật chất tinh thần, tăng cường công tác an ninh quốc phòng. Sau 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bộ mặt Vĩnh Linh đã có nhiều biến đổi sâu sắc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, có tác dụng trực tiếp cỗ vũ phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam.

Từ năm 1958, cùng với miền Bắc, Vĩnh Linh bước vào thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiến hành cuộc cách mạng sâu sắc nhất, triệt để nhất do Hội nghị Trung ương lần thứ 14 đề ra. Đường lối cải tạo xã hội chủ nghĩa của Đảng đối với nông nghiệp là đưa nông dân từ làm ăn riêng lẽ đi vào tổ đổi công, tiến lên thành lập hợp tác xã bậc thấp và dần dần phát triển hợp tác xã bậc cao. Từ hai hợp tác xã thí điểm ở Vĩnh Kim và Vĩnh Hòa, đến cuối năm 1958 toàn khu vực cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và ngư nghiệp.

Song song với việc xây dựng hợp tác xã nông, ngư nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp, mua bán tín dụng củng dần dần được thành lập và phát triển. Từ đây quan hệ sản xuất mới với hai hình thức sở hữu Nhà nước và sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất được xác lập. Cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội bước đầu được xây dựng. Đầu năm 1960, Vĩnh Linh cơ bản hoàn thành kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa, chế độ người bóc lột người bị xóa bỏ. Sau sáu năm xây dựng, bộ mặt của Vĩnh Linh và đời sống của nhân dân đã hoàn toàn khởi sắc. Về nông nghiệp, toàn khu vực đã tiến lên xây dựng hợp tác xã bậc cao, thu nhập bình quân của xã viên hàng năm gần 300 kg thóc (gấp 10 lần thời thuộc Pháp), một nông trường quốc doanh trồng cà phê, cao su, chè, tiêu ra đời. Hai công trình thủy lợi lớn là đại thủy nông La Ngà và đập Bàu Nhum được xây dựng bảo đảm tưới tiêu cho hàng ngàn héc ta ruộng đất. Các lực lượng vũ trang Vĩnh Linh vừa làm nhiệm vụ xây dựng bảo vệ giới tuyến, vừa tích cực tham gia lao động sản xuất góp phần khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Trên mặt trận cải tạo và xây dựng kinh tế, các đơn vị trung đoàn 270, tiểu đoàn 57... dân quân du kích các địa phương đã khai hoang phục hóa được hàng trăm héc ta đất, đóng góp hàng ngàn ngày công xây dựng các công trình thủy lợi, các nông trường quốc doanh...

Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã xây dựng một số xí nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất và chế biến sản phẩm như chè, cơ khí điện nước, gỗ, gạch ngói, tơ tằm, đan lưới... Văn hóa xã hội ngày càng phát triển. Năm 1958, Vĩnh Linh cơ bản đã xóa xong nạn mù chữ, năm 1960 đã phổ cập văn hóa cấp hai. Thị trấn Hồ Xá được xây dựng từ năm 1956 có nhà hát nhân dân chứa hàng nghìn người xem, trường học, bệnh viện, trạm y tế, bảo tàng, thư viện, công trình thể thao... được xây dựng đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân.

Công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, thiếu nhi... được đặc biệt chú trọng. Trường Đảng Nguyễn Thị Minh Khai đã đào tạo được hàng trăm, cán bộ của địa phương. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sôi nổi và đều khắp.

Từ năm 1961 sau khi hoàn thành kế hoạch khôi phục và cải tạo kinh tế, Vĩnh Linh bắt đầu bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa ở Vĩnh Linh diễn ra rầm rộ báo hiệu một giai đoạn phát triển mới của quê hương.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:45:40 am
II - CHUYỂN HƯỚNG ĐẤU TRANH ĐÒI THI HÀNH HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ

Sau hiệp định Giơnevơ, miền Nam nói chung và các huyện của Quảng Trị ở bờ Nam giới tuyến nói riêng tạm thời do đối phương kiểm soát. Hòa bình được lập lại, nhưng nhân dân ở bờ Nam chưa được hưởng một ngày trọn vẹn. Pháp chưa đi Mỹ đã nhảy vào. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến tới thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta còn nhiều hy sinh gian khổ.

Cuối tháng 5/1954, khi Hội nghị Giơnevơ chưa kết thúc, Mỹ đã phái Et uốt Lênxđên sang Sài Gòn chuẩn bị đón Ngô Đình Diệm về nước. Ngày 25/6, Diệm về đến Sài Gòn. Mặc dù lúc này cuộc hòa đàm chưa kết quả, nhưng những gì được quyết định trong cuộc gặp gỡ với Lênxđên chỉ vài ngày sau khi Diệm về nước đánh dấu mốc bắt đầu của quá trình người Pháp chưa đi, người Mỹ đã vào.

Sau khi tuyên bố Mỹ không bị ràng buộc bởi hiệp định Giơnevơ, ngày 8/8/1954 Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đưa ra bốn chính sách lớn: Mỹ trực tiếp viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn; trực tiếp chỉ huy và huấn luyện quân đội ngụy; buộc Pháp phải rút hết khỏi miền Nam đồng thời loại bỏ Bảo Đại và những ảnh hưởng của Pháp.

Ngày 8/9/1954, Mỹ lôi kéo các nước đồng minh ký hiệp ước Manila thành lập Khối liên minh quân sự Đông Nam Á (Gọi tắt là SEATO) đặt Nam Việt Nam, Lào, Cămpuchia vào trong “Khu vực bảo hộ” của khối đó.

Ngày 17/11/1954 Mỹ cử tướng Côlin làm đại sứ ở Sài Gòn. Côlin đề ra kế hoạch 6 điểm để thực thi chủ nghĩa thực dân mới gọi là “kế hoạch Côlin”. Nội dung cơ bản của kế hoạch này là Mỹ viện trợ thẳng cho chính quyền Sài Gòn không qua Pháp, lập quốc hội để hợp pháp hóa chính quyền Sài Gòn, xây dựng quân đội do Mỹ trang bị, huấn luyện chỉ huy, đào tạo đội ngũ tay sai mới, định cư cho số đồng bào công giáo miền Bắc di cư và vạch kế hoạch cải cách điền địa, thay đổi chế độ thuế khóa, dành ưu tiên hàng hóa và tư bản Mỹ vào miền Nam.

Về phía Pháp do tình hình kinh tế bị kiệt quệ, chính trị rối ren, nội bộ mâu thuẫn lại phải đối phó với cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân Angiêri nên buộc phải hợp tác với Mỹ, hỗ trợ và khuyến khích Ngô Đình Diệm đàn áp nhân dân miền Nam, cưỡng ép giáo dân miền Bắc di cư và tổ chức những vụ phá hoại gây rối trật tự trị an ở miền Bắc, phá hoại hiệp định Giơnevơ mà Pháp đã ký kết.

Trước sức ép của Mỹ, thực dân Pháp nhanh chóng nhượng bộ và bỏ trách nhiệm thi hành hiệp định Giơnevơ. Cuối tháng 4/1956 đơn vị cuối cùng của quân đội Pháp rút khỏi miền Nam, chấm dứt sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân cũ trên đất Việt Nam.

Ngay sau khi đến miền Nam Việt Nam, Côlin vội vã bay ra Quảng Trị nghiên cứu tình hình vạch cho Diệm kế hoạch phòng thủ khu vực giới tuyến để ngăn chặn sự tiến công của ta từ miền Bắc vào. Với mưu đồ thâm độc của Mỹ - Diệm, vĩ tuyến 17 - giới tuyến quân sự tạm thời đã cắt đôi địa bàn tỉnh Quảng Trị. Huyện Vĩnh Linh tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trở thành hậu phương trực tiếp của các huyện phía Nam. Các huyện còn lại của tỉnh trở thành nơi đụng đầu quyết liệt giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng.

Được Mỹ viện trợ và điều hành, nhưng chính quyền họ Ngô ngay từ buổi đầu vẫn bị uy hiếp từ nhiều phía. Các thế lực thân Pháp, các giáo phái được Pháp ủng hộ, đặc biệt là lực lượng cách mạng đang có mặt khắp nơi ở miền Nam luôn luôn đe dọa sự tồn tại của chúng. Để đối phó với tình hình đó, Mỹ - Diệm đã tổ chức xây dựng quân đội ngụy tay sai với một lực lượng hùng hậu, gạt bỏ những phần tử không ăn cánh, điều ba trung đoàn Âu -Phi, sáu tiểu đoàn ngụy về Trị - Thiên, tổ chức thêm hàng chục đại đội “Nghĩa dũng đoàn”, “Bảo chính đoàn”, mở rộng sân bay Đông Hà, xây dựng hệ thống công sự, hầm hào phòng thủ nam giới tuyến, vùng đường 9, Khe Sanh, tập trung đánh phá phong trào cách mạng đồng thời tung gián điệp, biệt kích ra Vĩnh Linh móc nối với bọn phản động phá hoại hậu phương ta.

Đi đôi với việc xây dựng quân ngụy, gạt bỏ các thế lực thân Pháp, Mỹ - Diệm tiến hành truy quét tiêu diệt các lực lượng vũ trang giáo phái. Ở Quảng Trị, lực lượng Đại Việt có khoảng một tiểu đoàn lên vùng Ba Lòng lập căn cứ chống Diệm và chống cả cách mạng. Tháng 3/1955, Diệm huy động bốn tiểu đoàn tiến công tiêu diệt lực lượng này. Bọn Đại Việt tháo chạy lên Trại Cá, Tà Rụt gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở Hướng Điền giết hại 94 đồng bào rất dã man, một thời gian sau bị các lực lượng vũ trang và nhân dân miền núi Trị Thiên tiêu diệt và làm cho tan rã.

Sau khi bọn Đại Việt tan rã, Ngô Đình Diệm thành lập một sư đoàn chủ lực (F1) sở chỉ huy cơ bản đóng tại Huế, nhiệm vụ cơ bản là đàn áp phong trào cách mạng Trị - Thiên - Huế và xúc tiến âm mưu đen tối lâu dài mà chúng thường rêu rao là “Bắc tiến”. Cùng với 10 đại đội bảo an, 50 trung đội dân vê, ba đại đội cảnh sát, chúng hình thành hệ thống phòng thủ dọc biên giới Việt - Lào và giới tuyến. Chúng còn lập ra các đội “Biệt kích áo đen” ngày đêm săn lùng cộng sản.

Đi đôi với việc xây dựng chính quyền Trung ương, Mỹ - Diệm ra sức củng cố chính quyền địa phương và lập các tổ chức quần chúng trá hình như “Thanh niên cộng hòa”, “Liên gia tương trợ”, “nhân dân tự vệ đoàn”, “Ngũ gia liên bảo”... để kìm kẹp dân chúng.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:46:55 am
Cùng với việc củng cố bộ máy cai trị, đầu năm 1955 Diệm ban hành dụ số 7 cải cách điền địa, ở Trị - Thiên chúng cướp lại hơn 10.000 ha ruộng đất trước đây cách mạng cấp cho dân cày. Đồng thời chúng lập ra các khu dinh điền ở Cùa, Ba Lòng, Hoàn Cát, Câu Nhi... tập trung dân vào đó để dễ bề kìm kẹp.

Tháng 4/1955, Ngô Đình Diệm ban hành sách lược “Tố cộng, diệt cộng”, lập “Khu trù mật”, “Khu dinh điền”. Chúng lập ra bộ máy “Tố cộng diệt cộng” từ Trung ương đến địa phương với khẩu hiệu “Diệt cộng là quốc sách, dung cộng là tự sát”.

Ở Quảng Trị chúng chia huyện thành quận, chia xã cũ thành hai đến ba xã mới. Mỗi quận chúng thành lập một đội tố cộng, đội này chuyên đi về từng xã để tổ chức tố cộng. Sau khi đàn áp bọn đối lập xong, chính quyền Diệm mở chiến dịch “Tố cộng diệt cộng” mang tên Phan Chu Trinh kéo dài từ tháng 4 đến mãi về sau với mục đích khủng bố, trả thù những người kháng chiến, những ai không tán thành chính sách độc tài, phát xít của chúng, phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử. Chúng bắt người, cướp của bao vây thôn xóm không cho đi lại làm ăn, phát quang vườn tược, triệt hạ nhà cửa, tra tấn giam cầm những người có con em đi tập kết, thoát ly, chúng tuyên truyền xuyên tạc nói xấu miền Bắc và phe xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt ở Hải Lăng, chúng tập trung trên 1000 quân cùng với các đoàn “Công dân vụ”, đội “Biệt kích áo đen”, bọn gián điệp, ác ôn đánh phá, bắt bớ tra khảo hàng ngàn người trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên. Tiếp đó chúng xua quân chiếm đóng các khu vực thuộc miền tây Quảng Trị.

Tháng 7/1955, Ngô Đình Diệm ngang nhiên tuyên bố “không có hiệp thương tổng tuyển cử” và cho tay sai bày trò biểu tình chống hiệp định Giơnevơ. Từ cuối năm 1955 đến năm 1956 Diệm tiếp tục củng cố chính quyền bằng cách chia nhỏ quận, huyện, xã. Quảng Trị chúng chia thành 7 quận, 86 xã để dễ bề cai trị, đồng thời đưa những tên lưu manh, ác ôn cực kỳ phản động vào chính quyền các cấp, vào đảng “Cần lao nhân vị”, bắt quần chúng vào các tổ chức “Thanh niên cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới”, “Hiệp hội nông dân”... Chúng còn lập khu công giáo di cư như La Vang, Trí Bưu... làm chỗ dựa chống phá cách mạng.

Về phía ta, quán triệt nhiệm vụ Bộ chính trị đề ra trong Nghị quyết tháng 9/1954, Liên khu ủy 4 chỉ đạo cho Quảng Trị khẩn trương ổn định đời sống nhân dân, củng cố thế đấu tranh chính trị, kiên quyết đấu tranh đòi địch thi hành hiệp định Giơnevơ. Cuối năm 1954 sau khi hội nghị ở khu 4 về, Tỉnh ủy mở hội nghị truyền đạt Nghị quyết của Bộ chính trị về tình hình nhiệm vụ mới tại Vạn Đò, Chợ Hôm - Gio Linh. Tuy được học tập và thảo luận, nhưng trong cán bộ lúc này chưa thấy hết đặc điểm tình hình, phương châm, phương pháp công tác còn nhiều lúng túng. Hình thức đấu tranh công khai trực diện bộc lộ lực lượng còn phổ biến.

Theo quy định của hiệp định Giơnevơ khi tập kết chúng ta phải đưa hết bộ đội và chuyển vũ khí ra miền Bắc. Một mặt chúng ta nghiêm chỉnh chấp hành, nhưng đồng thời cũng cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, vì vậy chủ trương của tỉnh là chọn 100 đồng chí cán bộ lực lượng vũ trang có điều kiện hoạt động hợp pháp để lại làm nòng cốt cho hoạt động lâu dài. Đồng thời tổ chức cất giấu phần lớn số vũ khí tốt đề phòng bất trắc xảy ra. Tuy nhiên Trung ương chỉ cho để lại 30 đồng chí lực lượng vũ trang nhưng đến tháng 4/1955 lệnh cho rút nốt số này và toàn bộ vũ khí ra Bắc. Cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn của địch, không tin địch thi hành hiệp định nên Tỉnh ủy chủ trương chọn số súng tốt cất giấu kỹ nhằm sử dụng sau này.

Sau khi tập kết xong, số đảng viên toàn tỉnh còn lại 8400 đồng chí. Đến tháng 5/1955 qua hai lần củng cố, chia thành chi bộ nhỏ theo đơn vị thôn chỉ còn lại 5.300 người. Đảng viên tuy còn rất ít, nhưng dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các tổ chức cơ sở Đảng vẫn luôn luôn bám sát cơ sở, lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất ổn định cuộc sống đồng thời đấu tranh chống Mỹ - Diệm và bè lũ tay sai phá hoại hiệp định.

Mở đầu thời kỳ đấu tranh của nhân dân bờ Nam đòi Mỹ - Diệm thi hành hiệp định là cuộc biểu tình của bà con Cam Lộ đấu tranh chống việc địch bắt đòi dời chợ Tam Hiệp ngày 9/9/1954 ở Cam Thủy. Bọn địch bắt dời chợ Tam Hiệp với âm mưu phá ảnh hưởng của lực lượng kháng chiến cũ, phá việc tiêu dùng đồng bạc Việt Nam. Trước sức ép của kẻ thù, nhân dân Cam Lộ nhất định không dời chợ đi nơi khác. Cuộc đấu tranh ban đầu từ giằng co về sau trở nên quyết liệt. Địch cho bọn “nghĩa dũng đoàn” đến đập phá lều quán, hàng hóa của nhân dân và đánh hai người bị thương nặng. Căm thù trước hành động tàn bạo của chúng, đồng bào bao vây đánh trả làm cho bọn chúng khiếp sợ bỏ chạy về quận lỵ. Bà con cáng hai người bị thương đuổi theo và vận động các xã lân cận kéo lên quận đấu tranh. Lo sợ trước uy lực của quần chúng, tên quận trưởng và bọn tay sai chạy trốn. Đến chiều, bọn địch ở tỉnh lên nhận lỗi, xin bồi thường và đưa hai người bị thương đi cấp cứu. Nhưng đồng bào không chấp nhận, vẫn tiếp tục đấu tranh. Trước tình hình đó bọn chúng liền huy động một tiểu đoàn lê dương và tay sai ác ôn đến đàn áp, bắn chết hai người, đánh bị thương 5 người và bắt đi 45 người khác. Đồng bào ở vào thế tay không bất lợi nên cuộc đấu tranh tạm giải tán.

Cùng ngày ở Hải Lăng và Gio Linh, nhân dân cũng vùng lên đấu tranh. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nông dân Long Hưng (Hải Phú) chống xáo cấp ruộng đất. Bọn địch chủ trương chia lại ruộng đất đã được cách mạng cấp cho nông dân, thu hồi ruộng đất đã chia cho phụ nữ và những người đi kháng chiến. Nông dân không chịu, đòi để nguyên như cũ. Bọn “Nghĩa dũng đoàn” ra tay khủng bố, đánh đập trên 100 người rồi bỏ chạy. Sau đó địch lập tề nhưng quần chúng không ai chịu đứng ra nhận làm tề. Địch lại tiếp tục khủng bố, không cho sáng lửa đỏ đèn, không cho ăn uống. Nhân dân lại tiếp tục đấu tranh, sau đó theo chủ trương của Đảng, ta cử người ra nắm lấy tề để cho tình hình bớt căng thẳng.

Tháng 1/1955, Liên khu ủy họp chủ trương phát động phong trào đòi địch thi hành hiệp định, giữ vững đấu tranh chính trị đồng thời cần mở rộng đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp đòi dân sinh, dân chủ.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:48:35 am
Để công tác tổ chức lãnh đạo phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng, từ ngày 28/4 đến ngày 7/5/1955, liên khu ủy 4 triệu tập hai ban tỉnh ủy Quảng Trị và Thừa Thiên ra Đồng Hới (Quảng Bình), để học tập Nghị quyết lần thứ 7 của Trung ương đồng thời thông báo quyết định về việc sát nhập hai tỉnh vào liên khu 5. Mặt khác giải quyết thêm một bước vấn đề củng cố tổ chức hoàn thành việc chuyển hướng tổ chức Đảng vào hoạt động bí mật.

Dưới sự chỉ đạo của liên khu ủy 5, Quảng Trị, Thừa Thiên được chọn làm đầu cầu giới tuyến trong phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm.

Tháng 3/1955 Mỹ - Diệm tổ chức trưng cầu dân ý loại bỏ chính quyền thân Pháp. Mỹ dấn sâu hơn vào can thiệp ở miền Nam Việt Nam.

Từ tháng 7/1955 sau khi được chủ Mỹ khuyến khích, Diệm tuyên bố không có hiệp thương tổng tuyển cử, phong trào đấu tranh đòi hòa bình thống nhất đất nước chống chiến dịch “Tố cộng” của nhân dân ta lan ra nhiều địa phương và kéo dài nhiều tháng về sau.

Cùng với việc gửi hàng ngàn lá đơn lên Ủy ban giám sát và kiểm soát Quốc tế tố cáo Mỹ - Diệm vi phạm hiệp định, phản đối khủng bố đàn áp đồng bào miền Nam, nhân dân hai bờ Bến Hải bằng nhiều hình thức vẫn luôn luôn sát cánh bên nhau đấu tranh với địch. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Hải đòi Mỹ - Diệm không được phá chợ Bạn ở xóm rú Xuân Mỵ, ngày 23/8/1955. Chợ Bạn là nơi bà con hai bờ gặp nhau để trao đổi tin tức, cán bộ ta lui tới nắm tình hình và chỉ đạo hoạt động. Bọn địch huy động 130 tên lính do chi trưởng công an quận Trung Lương chỉ huy đốt phá chợ, chặn đường đàn áp bắt đi nhiều người ở Bạch Lộc, Xuân Mỵ đấu tranh chống lại. Cùng lúc, nhân dân Xuân Long, Hải Chữ, Thủy Bạn tăng cường tiếp sức. Trước khí thế của nhân dân, bọn chúng buộc phải thả những người bị bắt gồm 20 người Hồ Xá và 10 thanh niên Xuân Mỵ.

Cuối năm 1955 tại Vạn Đò ngã ba Triệu Phước, thường vụ Tỉnh ủy mở hội nghị để quán triệt Nghị quyết liên khu ủy 5, đồng thời nhận định đánh giá tình hình trong tỉnh, đề ra phương châm, phương hướng hoạt động trước mắt là chống “Tố cộng”, chống “Trưng cầu dân ý” chống cuộc bầu cử quốc hội riêng rẽ của Diệm. Đồng chí Nam Sinh, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy đã nổ súng diệt tên mật vụ lên kiểm soát đò. Đây là tiếng súng tự vệ đầu tiên trên đất Quảng Trị kể từ khi có hiệp định Giơnevơ.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, cuộc đấu tranh chống địch “Tố cộng” giai đoạn 1 của nhân dân ta diễn ra liên tục và quyết liệt trong từng gia đình, từng thôn ấp dưới nhiều hình thức công khai, hợp pháp và cả bất hợp pháp. Bọn địch bắt nhân dân đi học “Tố cộng”, mọi người viện đủ lý do để trì hoãn không đi. Nhiều nơi đồng bào bị lùa đến chỗ tập trung đã tìm cách lẫn tránh hoặc đi không đúng thành phần. Có nơi biến buổi “Tố cộng” thành, cuộc đấu tranh tố cáo tội ác của địch, ở thị xã Quảng Trị, bọn địch chuẩn bị một bản tội ác của cộng sản rồi bắt ông Lê Chí Khiêm (trong ban trị sự hội phật giáo) lên đọc. Trước khi đọc ông tuyên bố “Bản này không phải tự tay tôi viết ra, mà nói lên tội ác của cộng sản thì chính tôi chưa bao giờ nghe và chưa bao giờ thấy, nhưng người ta đã viết ra và bắt tôi đọc thì tôi phải đọc cho bà con nghe”.

Có nơi địch bắt những người kháng chiến cũ, những đảng viên cộng sản, những gia đình có người thân đi tập kết phải ra “đầu thú” quốc gia, chào cờ ba que, xé cờ Đảng, làm giấy ly khai Đảng, xé ảnh Bác Hồ, ăn năn sám hối... nhưng đối với nhân dân Quảng Trị, cách mạng, Đảng, Bác là niềm tin và lẽ sống là độc lập, tự do, là thống nhất Tổ quốc. Dù kẻ địch có xảo quyệt thâm hiểm đến đâu cũng không khuất phục, không dập tắt được phong trào đấu tranh của nhân dân ta.

Từ tháng 10/1955 đến tháng 3/1956 nhân dân khắp nơi trong tỉnh liên tiếp đấu tranh chống lại thủ đoạn tuyên truyền lừa bịp, ngăn chợ đón đường của địch, đấu tranh không học ca dao, không đi bỏ phiếu, chống trò hề bầu cử của Diệm. Hàng vạn nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Một số nơi ném thùng phiếu xuống sông, bỏ phiếu trắng hoặc bí mật bỏ truyền đơn vào thùng phiếu. Nhân dân các địa phương đã biến cuộc bầu cử của ngụy quyền thành cuộc đấu tranh vạch tội ác của Diệm.

Chủ trương của liên khu ủy là qua các cuộc đấu tranh để tập hợp lực lượng rộng rãi trong nhân dân. Nhưng “Vì lãnh đạo chưa được vững chắc nên phong trào phát triển chưa đều, nhiều nơi sớm bộc lộ lực lượng, phong trào bị tổn thất trước sự khủng bố của địch nhất là khi địch tiến hành các chiến dịch tố cộng”.

Để khắc phục những thiếu sót trên, ngày 1/12/1955, Ban bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị cho các Đảng bộ miền Nam trong lãnh đạo chống địch tố cộng là phải giữ gìn, củng cố cơ sở Đảng.

Đối với Quảng Trị, sau cuộc đấu tranh chống trò hề bầu cử của Diệm, lực lượng ta bộc lộ gần hết. Địch tập trung khủng bố một lần nữa, vì vậy cơ sở Đảng của ta bị tổn thất nặng nề. Sau ngày tổng tuyển cử tự do không thực hiện được, phong trào cách mạng trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Cơ sở Đảng tính đến cuốn năm 1956, chỉ còn lại 106 đảng viên sống hợp pháp ở thôn xóm, trong đó có 35 đảng viên trong 7 chi bộ và 71 đảng viên sinh hoạt đơn tuyến, 200 đảng viên thoát ly từ xã trở lên. Các cơ sở ở ngoại thị bị vỡ không còn ở được nữa. Đây là thời kỳ vô cùng cam go, là giai đoạn thoái trào của phong trào cách mạng trong tỉnh.

Nhưng phong trào tạm lắng, phong trào lại lên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, những hạt giống đỏ còn sót lại được nhân dân đùm bọc, che chở vẫn trụ bám kiên cường trong lòng đất mẹ, sinh sôi nẩy nở gây dựng lại phong trào.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:49:37 am
*
*   *

Để đàn áp phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Trị - Thiên, Mỹ đã tăng cường viện trợ cho Diệm hàng trăm triệu đô la với mục đích xây dựng chính quyền và hệ thống phòng thủ, tăng cường ngụy quân và phương tiện chiến tranh ở hai tỉnh nhất là Quảng Trị và vùng ven giới tuyến. Chúng bố trí sư đoàn I chủ lực và trung đoàn 164 địa phương quân tập trung chủ yếu dọc đường 9 và giới tuyến. Ngoài ra còn hàng chục trung đội dân vệ và một số đại đội cảnh sát được trang bị vũ khí đầy đủ. Từ năm 1956 đến 1957, Mỹ - Diệm tập trung huấn luyện quân ngụy đồng thời đan gài với diễn tập. Tháng 9/1957, địch triển khai cuộc diễn tập lớn giữa quân đoàn 1 phối hợp cùng quân khu 2 với tưởng định: tác chiến trì hoản đối phó quân miền Bắc tiến công. Sau khi lui về tuyến phòng thủ cuối cùng thì quân đoàn sử dụng sư đoàn 16 và sư đoàn 1 đẩy lùi quân Bắc Việt và chiếm lại các vùng đất đã mất. Mục đích cuộc diễn tập là nhằm nâng cao sức chiến đấu của quân ngụy, phô trương lực lượng, đe dọa miền Bắc và kích động đẩy mạnh tố cộng, diệt cộng ở miền Nam.

Ngày 10/5/1957, Diệm trắng trợn tuyên bố: Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17. Để tăng cường “Tố cộng diệt cộng”, Diệm tiếp tục củng cố và mở rộng “Phong trào cách mạng quốc gia”, “Đảng cần lao nhân vị” và các tổ chức đoàn thể khác. Chúng sử dụng 11 cơ quan tình báo, quân báo, phản gián từ Trung ương đến địa phương đặt trụ sở tại Quảng Trị - Quân báo Quảng Trị, tình báo F1, phòng 6 ty Công an Quảng Trị, ty cảnh sát đặc biệt Bến Hải... bọn này thường bí mật vượt tuyến hoặc công khai sang sông với nhiều lý do như trốn quân dịch, giả ốm đau, trá hàng, bất mãn... nhằm điều tra thu thập tin tức, móc nối với bọn phản động chống phá ta.

Sau khi gạt Pháp và bọn tay sai thân Pháp ra khỏi miền Nam, ổn định xong bộ máy ngụy quyền thôn, xã, bọn Diệm chuyển sang đánh phá phong trào cách mạng trong tỉnh ác liệt, tàn bạo hơn. Chúng ráo riết bình định nông thôn, tiếp tục mở chiến dịch tố cộng đợt ba, tập trung đánh vào các gia đình kháng chiến cũ có người đi tập kết đồng thời thực hiện chính sách tập trung và bắt những người chưa hết hạn tù vào các khu dinh điền Xoa, Hoàn Cát, Bình Xuân, Phú Thành, Cầu Nhi... chúng chuẩn bị tiến hành rào ấp chiến lược, tập trung đánh phá có trọng điểm, khủng bố tàn bạo, tra khảo giết người kéo đi quanh thôn xóm để uy hiếp nhân dân như ở Bích Giang (Cam Lộ), An Thái (Hải Lăng), Lập Thạch (Triệu Phong). Chúng dồn gom dân, đánh số nhà, phân loại gia đình, lập thẻ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người ra vào qua lại.

Để củng cố thêm một bước về thế lực, Mỹ - Diệm tiếp tục thực hiện “Tố cộng, diệt cộng”, giai đoạn hai với phương châm thâm độc “Lấy cộng diệt cộng”. “Nhổ cỏ tận gốc”, “Lâu dài, liên tục, cẩn thận, sâu sắc”, “Thà giết lầm chứ không bỏ sót”. Khẩu hiệu hành động của bọn chúng là, tiêu diệt nội tuyến, diệt trừ nội tâm, đạp lên oán thù để thực hiện chủ nghĩa “Nhân vị quốc gia”. Tháng 5/1957, chính quyền Diêm thông qua luật “Đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, công khai hóa việc đàn áp cách mạng miền Nam.

Rút kinh nghiêm giai đoạn một, sang giai đoạn hai Diệm tập trung có trọng tâm, trọng điểm và chủ yếu phá từ trong phá ra nhằm tiêu diệt tận gốc những “Phần tử cộng sản”, “Thanh lọc dân cư”, bắt nhân dân ta phải khuất phục chúng. Với mục đích đó địch tập trung lực lượng liên tiếp tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô vừa và lớn hầu hết trên khắp các địa phương, dùng bom đạn Mỹ tàn sát nhân dân ta để hỗ trợ cho “Tố cộng, diệt cộng”. Tháng 8/1957 Diệm sử dụng 1.000 học viên các trường quân sự mở cuộc “Thực tập lùng sục cộng sản” ở nam khu phi quân sự. Chúng tập trung dân, bắt xé cờ Đảng cộng sản, bắt đi 50 cán bộ đảng viên.

Tháng 9/1957, địch sử dụng từ ba đến bốn tiểu đoàn quân ngụy kết hợp với các đội “Công dân vụ” càn quét các vùng Triệu Lương (Triệu Phong), Cam Thanh, Cam Giang, (Cam Lộ), Hải Thượng, Hải Phú (Hải Lăng)... chúng bắt hàng ngàn người tập trung vào các khu dinh điền rồi đưa đi làm đường để phục vụ cho mục đích quân sự. Do sự càn quét khủng bố ác liệt của kẻ thù, các cơ sở Đảng bị bật khỏi dân. Nhiều cán bộ đảng viên bị bắt cầm tù tra tấn dã man nhưng vẫn luôn luôn giữ vững khí tiết người cộng sản. Trong các chiến dịch. “Tố cộng, diệt cộng”, số lượng nhà tù trại giam không ngừng tăng lên, nhưng vẫn không đủ chỗ giam giữ. Ở nhà lao Quảng Trị xà lim rộng chưa đầy hai mét vuông cao hơn một mét mà địch giam giữ tới bốn người một buồng (cứ một người nằm ba người khác phải ngồi).

Đỉnh cao của hành động đàn áp cách mạng là việc Diệm ban hành luật “10 - 59”. Địch lê máy chém đi khắp nơi, lập cái gọi là tòa án xử chém cán bộ, đảng viên tại chỗ. Hành động dã man này làm cho phong trào cách mạng tỉnh ta tổn thất nặng nề. Ở Gio Linh từ chỗ có 920 đảng viên chỉ còn 128 đồng chí, riêng Cam Lộ không còn chi bộ nào.

Hành động khủng bố trả thù điên cuồng của Mỹ - ngụy đã gây nên làn sóng căm phẫn trong nhân dân. Đi đôi với “Tố cộng, diệt cộng”, địch còn tung nhiều toán gián điệp biệt kích sang bờ Bắc phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời chúng còn móc nối với bọn phản động Lào khiêu khích, tranh chấp vùng biên giới với ta.

Âm mưu của địch rất thâm độc xảo quyệt. Hành động của chúng đàn áp, khủng bố rất dã man. Sự chịu đựng của nhân dân ta đã đến giới hạn cuối cùng, nhưng ta chỉ thiên về đấu tranh chính trị, không chuyển hướng kịp thời nên phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh từ năm 1957 đến năm 1959 vẫn bị tổn thất nặng nề và gặp không ít khó khăn.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:50:39 am
*
*   *

Từ cuối năm 1957 trở đi, phong trào cách mạng của nhân dân trong tỉnh có những chuyển biến mới. Sự lớn mạnh của miền Bắc nói chung và Vĩnh Linh nói riêng qua nhũng năm đầu cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội thực sự làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Trị hướng về miền Bắc, về Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Tháng 10/1957, tại hàng Chuối (Hà Nội), Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Trị được triệu tập để quán triệt “Đề cương cách mạng miền Nam”. Sau hội nghị, Tỉnh ủy Quảng Trị họp ra Nghị quyết về xây dựng căn cứ địa miền núi để củng cố, gây dựng phong trào, cử đồng chí Lê Hành, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ lên Hướng Hóa chỉ đạo xây dựng căn cứ địa. Đây là một quyết định có ý nghĩa chiến lược đối với phong trào cách mạng ở Quảng Trị. Nghị quyết nêu rõ phương châm: Phải thực hiện từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ ít đến nhiều. Trong xây dựng phải chú trọng hết sức việc giáo dục thực hiện chính sách bình đẳng giữa các dân tộc. Cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách các bản làng đã phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, bám bản bám dân, cùng đồng cam cộng khổ, học ăn học nói tiếng dân tộc để qua đó tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân tham gia cách mạng.

Dưới ánh sáng bản “Đề cương cách mạng miền Nam” phong trào cách mạng ở Quảng Trị dần dần hồi phục. Tuy nhiên việc vận dụng phương châm mới vào đặc điểm của địa phương bước đầu còn nhiều lúng túng.

Mùa hè 1958, Liên khu ủy 5 ra Nghị quyết về xây dựng căn cứ địa cách mạng và bước đầu xây dựng lực lượng vũ trang. Nghị quyết chỉ rõ: “Cân củng cố lực lượng vũ trang và nửa vũ trang hiện có và xây dựng căn cứ địa làm chỗ dựa, đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng vững mạnh làm điều kiện căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang. Tổ chức tự vệ trong quần chúng nhằm bảo vệ các cuộc đấu tranh của nhân dân và giải thoát cán bộ khi cần thiết”. Nghị quyết đã tạo ra một bước chuyển biến quan trọng trong vùng núi liên khu. Từ những hành động tự vệ có tính chất tự phát của quần chúng đã bắt đầu hình thành các tổ chức vũ trang làm nhiệm vụ hỗ trợ đấu tranh chính trị và vũ trang tự vệ dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng.

Phong trào cách mạng dần dần được hồi phục, các tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ Đảng viên cũng ngày càng phát triển. Cuối năm 1957 sau khi có hội nghị Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ phải tuyên truyền phát triển Đảng, tổ chức chi bộ phải tinh gọn bí mật, trọng chất lượng hơn số lượng, đặc biệt là nam nữ thanh niên trong quần chúng lao động nghèo khổ, đảng viên, đoàn viên phải có nòng cốt trung kiên mà tuyên truyền lãnh đạo quần chúng thì tổ chức cơ sở Đảng mới dần dần hồi phục. Sau khi có chủ trương xây dựng căn cứ địa miền núi, tổ chức cơ sở Đảng và các đoàn thể quần chúng phát triển mạnh. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, đảng viên phải lo xây dựng cơ sở với phương châm: Mỗi đảng viên nắm ba cốt cán, mỗi cốt cán nắm ba trung kiên, mỗi trung kiên xâu chuỗi ra quần chúng; Ban cán sự Đảng miền Tây được thành lập do đồng chí Lê Hành làm Bí thư. Cuối năm 1958, miền núi Quảng Trị đã tổ chức được 46 chi bộ, 209 đảng viên trong đó trên 50% là người các dân tộc. Có Đảng lãnh đạo, hầu hết các bản làng đều hình thành các tổ chức quần chúng như Phụ nữ, Thanh niên, Mặt trận... đảng viên thực sự là vai trò nòng cốt trong các đoàn thể quần chúng, lãnh đạo giáo dục, và giúp đỡ họ thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh. Từ các tổ chức quần chúng, mỗi xã thành lập một đội du kích mật khoảng 25 đến 30 người được trang bị vài khẩu súng trường còn chủ yếu là tên ná tự tạo.

Ở 4 huyện đồng bằng đã phục hồi xây dựng được 28 chi bộ, 137 cơ sở cách mạng, 17 ban cán sự thôn, phát triển được 639 nòng cốt trung kiên và 20 chi đoàn có 120 đoàn viên. Một số thôn có phong trào khá như ở Gio Linh, Triệu Phong đã nắm được 1/2 đến 3/4 số dân. Trong thời kỳ khó khăn này việc xây dựng cơ sở và nuôi dấu cán bộ phần lớn do chị em phụ nữ đảm nhiệm. Đến đầu năm 1959, ở miền núi về cơ bản ta nắm quyền làm chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hậu cứ cách mạng của tỉnh. Nhờ vậy phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ đã phát triển khá. Lòng tin của quần chúng đối với cách mạng ngày càng được nâng lên. Chính quyền ngụy tuy còn nhưng dần dần bị vô hiệu hóa. Phong trào cách mạng được phục hồi dân. Căn cứ địa miền núi trở thành chỗ dựa vững chắc cho việc khôi phục lại phong trào đồng bằng.

Từ trong khó khăn ác liệt, dưới ánh sáng đề cương cách mạng miền Nam và Nghị quyết Liên khu ủy 5, Quảng Trị đã kịp thời chuyển hướng chọn miền núi làm căn cứ địa để dần dần khôi phục và phát triển phong trào cách mạng. Qua phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc miền núi đã xuất hiện những yêu cầu mới về xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho đấu tranh chính trị. Một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị bắt đầu.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:52:23 am
*
*   *

Bước sang năm 1959, mặc dù phong trào cách mạng trong tỉnh đã được hồi phục, đã tạo được những nhân tố mới để tiến lên, nhưng vì đường lối đấu tranh chưa được xác định cụ thể, việc chỉ đạo thực hiện chưa thống nhất, nên tình hình vẫn còn khó khăn, bị động lúng túng. Trong khi đó Mỹ - Diệm liên tiếp tăng cường đẩy mạnh các chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng”, dồn dân lập khu “dinh điền”, “khu trù mật”, làm đường, xây dựng căn cứ quân sự. Sự đàn áp khủng bố của ngụy quyền tay sai đối với nhân dân đã đến mức tột cùng. Không còn con đường nào khác, nhân dân ta bắt buộc phải cầm vũ khí đứng lên chống lại kẻ thù để giữ gìn quê hương và bảo toàn sự sống.

Tháng 1/1959, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15. Hội nghị xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh. Nghị quyết chỉ rõ: Con đường phát triển của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc phong kiến dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân, trong những điều kiện nhất định có lực lượng vũ trang tuyên truyền trợ lực cho đấu tranh chính trị

Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đề ra phương hướng đúng đắn cho cách mạng miền Nam, có ý nghĩa quyết định làm chuyển biến phong trào cách mạng của nhân dân ta. Đường lối cách mạng miền Nam mà Nghị quyết đề ra đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của nhân dân miền Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Tháng 9/1959, Tỉnh ủy Quảng Trị triệu tập hội nghị tại trường Đảng Quảng Bình để quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Sau hội nghị, Tỉnh ủy phân công các ủy viên xuống cơ sở phổ biến tận các chi bộ và đảng viên đơn tuyến. Đảng viên được quán triệt tinh thần nội dung Nghị quyết đều phấn khởi tin tưởng và đánh giá rất cao coi đó là Nghị quyết hồi sinh của cách mạng miền Nam.

Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, phong trào đấu tranh của nhân dân nổ ra nhiều nơi, nhất là miền núi. Ở miền Tây Quảng Trị, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nhân dân kết hợp đẩy mạnh sản xuất, chống địch lập tề, lập dân vệ, bảo an với việc xây dựng căn cứ địa cách mạng và tổ chức lực lượng vũ trang, ở đồng bằng, ngay sau khi Nghị quyết 15 đã được phổ biến xuống tận Đảng viên thì trong lãnh đạo đã có sự chuyển hướng đấu tranh, đưa đấu tranh đòi dân sinh dân chủ kết hợp với đấu tranh đòi độc lập dân tộc. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nhân dân Bạch Lộc, Nhĩ Thượng, Lại An, An Mỹ, Phúc Thị, Thủy Khê, Tân An (Gio Linh) chống Mỹ - Diệm lấp sông Bến Ngự làm đường quân sự và các cuộc đấu tranh của quần chúng ở các địa phương khác chống trò hề bầu cử Quốc hội khóa hai của chính quyền Diệm.

Từ trong phong trào cách mạng của quần chúng, các tổ chức Đảng và đoàn thể dân dân được phát triển và phát huy năng lực. Cơ sở cách mạng được củng cố và mở rộng, phong trào quần chúng ngày càng được nâng cao, sôi nổi nhất thời kỳ này là miền núi Hướng Hóa. Bên cạnh việc xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng Đảng, Tỉnh ủy Quảng Trị đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang.

Tháng 8/1959, Quân khu 4 điều vào Quảng Trị 12 đồng chí cán bộ chiến sĩ làm nòng cốt để xây dựng lực lượng vũ trang do đồng chí Lương Chí Hiền phụ trách. Tháng 10/1959 Tỉnh ủy bổ sung 11 đồng chí ở lực lượng bảo vệ tỉnh và khu đội Vĩnh Linh lập nên hai đội công tác 59A và 59B. Đội 59A có 15 chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Tỉnh ủy do đồng chí Đoàn phụ trách. Đội 59B có 8 đồng chí do đồng Lâm chỉ huy. Đây là hai đơn vị vũ trang tiền thân của hai đại đội bộ đội địa phương Triệu Phong và Hải Lăng sau này. Do đặc điểm tình hình lúc bấy giờ, để thuận tiện cho việc lãnh đạo chỉ đạo, Trung ương quyết định chia Hướng Hóa thành hai huyện: Huyện Hy Lạp gồm các xã Mều, A Túc, A Xốc, A Vao, Xà Muồi, A Bung, A Cha. Huyện Mông Cổ bao gồm các xã còn lại. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhân dân các dân tộc hai huyện mới được thành lập vừa thi đua đẩy mạnh sản xuất, vừa tích cực xây dựng căn cứ địa đồng thời phát triển lực lượng vũ trang. Đến tháng 1-1960, lực lượng vũ trang miền núi đã có 366 người được trang bị đầy đủ vũ khí. Các xã đều có từ một đến hai tiểu đội du kích.

Tháng 4/1960, tại Khe Bắp, Tỉnh ủy họp chủ trương điều động 12 đồng chí cán bộ quê ở Quảng Trị công tác trong quân đội ở miền Bắc vào tăng cường làm nòng cốt thành lập đội võ trang tuyên truyền gồm 32 đồng chí lấy phiên hiệu là đội 45, nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy và căn cứ địa. Hai tháng sau (6/1960) Tỉnh ủy họp ở Ba Lê - Dốc Miếu quyết định thành lập đại đội 55 với chức năng là bộ đội địa phương tỉnh. Cùng với cán bộ chính trị, số cán bộ quân sự này hoạt động ở miền Tây làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa. Chủ trương của tỉnh lúc này là phải đẩy mạnh phong trào hoạt động vũ trang lên một bước mới. Thực hiện chủ trương đó, đội vũ trang tuyên truyền tập trung có cả người Kinh và người Thượng được thành lập làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, giác ngộ binh lính địch, bao vây đồn bốt, phát triển các hình thức chiến đấu như dùng ná, tên thuốc độc, chông, bẫy ti ho... kết hợp với vũ khí có chất nổ như lựu đạn, súng trường, tiểu liên... để tiêu diệt địch, bước đầu diệt ác trừ gian làm nòng cốt cho chiến tranh du kích ở miền núi.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:53:30 am
Tháng 6/1960, Ban quân sự tỉnh Quảng Trị được thành lập gồm ba đồng chí: Đồng chí Trần Phố phụ trách quân sự, đồng chí Lương Chí Hiền phụ trách chính trị, đồng chí Trương Công Kỉnh (Trương Chí Công) Bí thư Tỉnh ủy kiêm Bí thư Ban quân sự, đồng chí Nam Sinh (Phan Văn Khánh) Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy được phân công trực tiếp chỉ đạo công tác quân sự và hoạt động vũ trang. Từ đây lực lượng vũ trang tỉnh được sự chỉ đạo chỉ huy thống nhất, càng đẩy mạnh các hoạt động vũ trang.

Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, phong trào cách mạng của quần chúng ngày càng phát triển và lan rộng. Tình hình đó làm cho bọn địch hoang mang lo sợ. Chính quyền thôn xã của địch ở miền Tây hầu hết bị tan rã hoặc làm việc hai mặt. Bọn dân vệ bảo an co cụm lại trong các vị trí Tù Muồi, Tà Rụt, Trại Cá, Khe Sanh, Sa Trầm, Li Tông... không còn dám hung hăng lùng sục như trước.

Hoảng sợ trước phong trào cách mạng của quần chúng ngày càng lan rộng ở miền Tây, tháng 4/1960, Mỹ - Diệm huy động ba tiểu đoàn mở trận càn quét lên vùng căn cứ địa của ta thực hiện việc triệt phá bản làng, gom dân, tập trung vào các dinh điền Lao Bảo, Khe Sanh, Cùa, Ba Lòng... nhằm mục đích tách dân ra khỏi Đảng. Nhiều bản làng bị địch đốt phá hoàn toàn. Nhiều người bị chúng bắt và giết hại. Tình hình đó đặt ra cho tỉnh nhiệm vụ gấp rút xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đặc biệt là bộ đội chủ lực để đối phó với kẻ thù.

Tháng 6/1960, tại Ba Lê - Dốc Miếu, Tỉnh ủy chủ trương thành lập đại đội 55 (rút một số nòng cốt ở hai đơn vị 59A và 59B làm khung). Đồng chí Lê Cứ được cử làm đại đội trưởng. Đại đội 55 làm nhiệm vụ và vai trò của bộ đội địa phương tỉnh vừa có trách nhiệm đánh tiêu hao, tiêu diệt địch từ ít đến nhiều, và xây dựng lực lượng du kích, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh chính trị phá ấp chiến lược, tiến về giáp ranh, giành lại nông thôn đồng bằng.

Song, khác với các tỉnh Nam Bộ, Trị - Thiên là khu đệm nối hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với miền Nam do địch kiểm soát. Trong điều kiện tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và bạn bè gần xa đồng thời muốn thắng địch và kiềm chế địch trong chiến tranh đặc biệt nên không cho chủ lực vào hoạt động ở Trị Thiên mà đưa thẳng vào Nam Bộ còn địa phương hoạt động theo lối chiến tranh du kích.

Thực hiện chủ trương đó, Tỉnh ủy đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang tự vệ, nắm thời cơ, phát động phong trào nổi dậy ở miền núi.

Chấp hành chủ trương của tỉnh, các cuộc đấu tranh của nhân dân chống luật 10 - 59, chống lập khu dinh điền, chống bắt lính, đòi dân sinh dân chủ... liên tiếp nổ ra. Qua đấu tranh, cơ sở cách mạng ở đồng bằng được phục hồi, căn cứ địa ở miền núi được xây dựng và củng cố một bước.

Trước sự phát triển của phong trào, địch phải tăng cường đối phó, nhất là ở miền núi. Chúng củng cố hệ thống đồn bốt để kiểm soát từng vùng, dùng lực lượng lớn và bọn biệt kích càn quét liên tục, ra sức dồn dân vào khu tập trung, tung lực lượng án ngữ các vùng giáp ranh và biên giới Việt - Lào.

Đi đôi với càn quét, gom dân, địch còn thực thi chính sách chia rẽ dân tộc, gây mâu thuẫn giữa người Kinh và người Thượng để chống phá cách mạng. Âm mưu thâm độc đó đã gây không ít khó khăn cho ta đồng thời cũng làm tăng thêm lòng căm thù trong đồng bào các dân tộc.

Để chống lại âm mưu của địch và giữ vững lòng tin cho quần chúng, tháng 7 năm 1960 lực lượng vũ trang tỉnh mở đầu bằng trận chiến đấu tiêu diệt vị trí Tù Muồi. Bằng hình thức kết hợp binh vận với tác chiến, lực lượng vũ trang tỉnh đã diệt một trung đội địch. Ra quân trận đầu là chiến thắng đã làm nức lòng nhân dân và lực lượng vũ trang. Chiến thắng ở Tù Muồi đã thúc đẩy phong trào nổi dậy của quần chúng nhất là vùng Nam đường 9. Tại đây phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra với nhiều hình thức từ công khai hợp pháp đến bất hợp pháp, kết hợp với diệt ác, trừ gian, bao vây đồn bốt, giải tán ngụy quyền, lập chính quyền nhân dân tự quản, tổ chức các đội du kích xây dựng làng bản chiến đấu. Phong trào nổi dậy phát triển mạnh mẽ buộc địch phải rút bỏ nhiều vị trí ở Tù Muồi, Tà Rụt, Trại Cá, Sa Trầm, Li Tông dọc biên giới phía tây đường số 9.

Tháng 10-1960, địch huy động ba tiểu đoàn từ đồng bằng lên phản kích vào Hướng Hóa hòng giành lại những vùng đất đã mất. Các đơn vị 59A, 59B, đại đội 55 và dân quân du kích miền Tây phối hợp chặn đánh địch làm cho cuộc phản kích của chúng bị thất bại phải rút về Đông Hà. Căn cứ địa cách mạng được giữ vững. Đến cuối năm 1960 đại bộ phận miền núi Quảng trị gồm tám xã của huyện Tù Muồi, ba xã nam Hướng Hóa, năm xã của Ba Lòng và xã Hải Phúc (huyện Hải Lăng) đã được giải phóng tạo ra vùng căn cứ rộng lớn liên hoàn có ý nghĩa chiến lược quan trọng chẳng những đối với sự phát triển phong trào cách mạng trong tỉnh mà còn có ý nghĩa lớn lao đối với cách mạng toàn miền và nước bạn anh em trong việc mở rộng bảo đảm hành lang vận chuyển tiếp tế từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam.

Thắng lợi của phong trào nổi dậy ở miền núi Quảng Trị cùng với thắng lợi của phong trào đồng khởi toàn miền đã góp phần làm cho chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Aixenhao bị phá sản, buộc Mỹ - ngụy phải từ bỏ kế hoạch “Vừa bình định miền Nam, vừa chuẩn bị tiến ra miền Bắc” để tập trung đối phó với phong trào cách mạng miền Nam. Đồng thời những thắng lợi đó đã đẩy Mỹ - Diệm vào thời kỳ khủng hoảng chính trị triền miên tạo ra những điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta chuyển thế đấu tranh tiến lên đồng khởi.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:55:23 am
*
*   *

Ngay từ những ngày đầu sau Hiệp định Giơnevơ, đã có những con đường liên lạc Bắc - Nam ở tuyến núi và tuyến biển để vận chuyển thư từ công văn tài liệu, báo chí và đưa đón cán bộ vào Nam ra Bắc hoạt động, xây dựng cơ sở, xây dựng phong trào. Cách mạng miền Nam ngày một phát triển, yêu cầu chi viện ngày càng tăng thêm vì vậy cần thiết đòi hỏi phải có hệ thống giao thông an toàn, bí mật đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của chiến trường.

Đầu năm 1956 Trung ương giao cho Liên Tỉnh ủy Trị - Thiên giúp bạn Lào xây dựng cơ sở cách mạng sát biên giới, ta đã chuẩn bị làm thêm tuyến đường phục vụ yêu cầu mới. Thực hiện chủ trương của Trung ương và để đáp ứng nhu cầu chi viện của chiến trường ngày một lớn hơn, tháng 11/1957 Liên Tỉnh ủy Trị - Thiên quyết ỷ định mở đường Trường Sơn (còn gọi là đường thống nhất Trung ương) chạy suốt biên giới Việt - Lào thuộc sườn đông dãy Trường Sơn nằm ở phía tây các căn cứ của Mỹ - ngụy. Đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô đã đóng góp hàng ngàn ngày công xây dựng và bảo vệ cho tuyến đường an toàn, nhất là những nơi gần căn cứ địch. Chỉ một thời gian ngắn, đường Trường Sơn đi qua Trị -Thiên được hoàn thành kịp thời phục vụ cho yêu cầu trước mắt và chuẩn bị cho nhiệm vụ vận tải chi viện chiến trường sắp tới.

Để tăng cường chi viện cho chiến trường, tháng 5/1959 Tổng Quân ủy Trung ương quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” để nghiên cứu tổ chức thực hiện nhiệm vụ tuyến vận tải quân sự Trường Sơn, chuyển hàng quân sự chi viện chiến trường, tổ chức đưa đón cán bộ, công văn, thư từ, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Ngày 12/9/1959 đoàn công tác quân sự đặc biệt được đổi tên thành “Đoàn 559”.

Chấp hành nhiệm vụ trên giao, vừa tổ chức xong ban cán sự đoàn 559 đã liên hệ, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị, đặc khu Vĩnh Linh, Sư đoàn 341 triển khai, tổ chức thực hiện xác định cắm mốc cho tuyến đường. Tháng 6/1959, Quân khu được lệnh mở đường 15 từ Đồng Hới vào Khe Hó (tây Vĩnh Linh). Trên 5.300 bộ đội và dân công Quảng Bình, Vĩnh Linh đã tham gia phục vụ. Sau ba tháng đường 15 cơ bản hoàn thành bảo đảm cho ô tô chở hàng đi lại phục vụ cho tiền tuyến.

Ngày 10/6/1959 tiểu đoàn 301 vận tải gồm 440 cán bộ chiến sĩ vào đến Khe Hó trong sự đón tiếp nồng nhiệt của cán bộ và nhân dân địa phương. Đồng chí Cương, Huyện ủy viên Hướng Hóa phụ trách việc dẫn đường cho các tuyến vượt sông Bến Hải.

Yêu cầu của chiến trường ngày càng lớn, các tuyến đường vận chuyển ở đông Trường Sơn bị địch dòm ngó và phong tỏa nhiều lần. Trước tình hình đó, tháng 7/1959 Ban cán sự miền Tây Trị - Thiên cùng Ban giao liên họp bàn mở thêm một con đường mới ở phía tây Trường Sơn chạy ra tới Vĩnh Linh. Được sự giúp đỡ của nhân dân các dân tộc hai nước Việt - Lào, sau hơn một tháng, các cung trạm đã hình thành. Hơn 100 thanh niên địa phương nơi có tuyến đường đi qua đã tình nguyện tham gia phục vụ vận chuyển, bảo vệ các cung đường. Như vậy, đến cuối năm 1959, trên địa bàn Quảng Trị đã có nhiều con đường nối tuyến ra Bắc vào Nam.

Nhân dân Quảng Trị đã đóng góp hàng vạn ngày công để phục vụ mở đường vận chuyển hàng hóa và bảo vệ các cung đường. Lần đầu tiên, ngày 20-8-1959 hơn 500 kg vũ khí do đoàn 301 chuyển vào Nam qua các cung đường Quảng Trị đã được giao cho Liên khu Năm ở Tà Riệp. Từ đó trở đi, hàng ngày trên các cung đường hàng trăm thanh niên và nhân dân tự nguyện tham gia bảo vệ, mở đường, vận chuyển hàng hóa. Nhiều thanh niên Vân Kiều đã đưa năng suất gùi hàng lên 90 đến 100kg mỗi chuyến.

Các tuyến đường giao thông chiến lược được hình thành, nhân dân hết lòng tham gia giữ gìn bảo vệ và giúp đỡ, căn cứ địa miền núi được mở rộng, hậu phương không ngừng được củng cố và chi viện đã tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục tiến lên giành thêm nhiều thắng lợi mới.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Chín, 2022, 08:56:29 am
*
*   *

Đối với cách mạng Lào, sau Hiệp định Giơnevơ tình hình có nhiều diễn biến phức tạp. Đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai phản động, hòng đàn áp đặt chủ nghĩa thực dân mới lâu dài ở Lào. Ở khu vực Trung - Hạ Lào, chúng khẩn trương xây dựng bộ máy chính quyền tay sai để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân. Đặc biệt các tỉnh có chung đường biên giới với Quảng Trị - Thừa Thiên, lực lượng cách mạng còn rất nhỏ bé, cơ sở quần chúng còn mỏng manh. Để xây dựng được phong trào, chủ trương của bạn là phải dựa vào nhân dân, xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng vùng giải phóng ngày càng vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang để đấu tranh với địch, tiến tới thành lập chính phủ liên hợp.

Thực hiện phương châm “Giúp bạn là tự giúp mình”, liên tỉnh Trị - Thiên được Trung ương giao trực tiếp giúp bạn ở vùng gần biên giới hai nước. Tháng 8/1958, đồng chí Nguyễn Húng phụ trách Liên tỉnh Trị - Thiên cùng đồng chí Khăm Xẻng, Bí thư Liên huyện Mường Phìn - La Ve họp bàn kế hoạch đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, tăng cường cơ sở cách mạng vững mạnh toàn diện, đoàn kết chiến đấu chặt chẽ giữa địa bàn biên giới hai nước. Cán bộ quân sự của ta cùng cán bộ bạn sát cánh bên nhau, trực tiếp về tận bản làng tổ chức các đội dân quân, du kích, huấn luyện quân sự, chính trị, xây dựng cơ sở, củng cố phong trào cách mạng. Sau một năm cùng đồng cam cộng khổ, được cán bộ ta giúp đỡ, đến tháng 9/1959, căn cứ cách mạng từ Sê Pôn, Mường Noòng đến La Ve, Ka Say đã được hình thành.

Tiếp đó, tháng 10/1959, theo yêu cầu của bạn, liên tỉnh Trị - Thiên đưa thêm 15 cán bộ quân sự giúp bạn xây dựng, huấn luyện một đội vũ trang Pha Thét Lào ở huyện Tà Ôi và một đại đội khác ở huyện Tà Ưu.

Tháng 12-1959, Mỹ và tay sai liên tục mở nhiều đợt càn quét vào vùng giải phóng và các cơ sở cách mạng vùng biên giới Lào. Cán bộ của bạn vượt vòng vây đến đồn Cù Bai nhờ Việt Nam giúp đỡ. Đồng chí Hồ Sĩ Thản và đồng chí Vân Hùng lên Hướng Lập tổ chức vận động bà con Vân Kiều đứng lên bảo vệ bản làng. Bộ Tư lệnh đặc khu Vĩnh Linh giao nhiệm vụ cho một phân đội công an vũ trang gồm 36 đồng chí sang giúp đỡ bạn xây dựng cơ sở, xây dựng chính quyền cách mạng, đồng thời phối hợp với Trung đoàn 101 thuộc Sư đoàn 325 của Quân khu tiêu diệt 4 đôn: Chiềng Tống, Rú Mại, Bản Na, Rà Cồ. Sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, đêm 13-3-1960 ta nổ súng diệt cả 4 đồn, đồng thời bức rút 6 dồn khác dọc biên giới. Thắng lợi bước đầu này tạo cơ sở cho tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào nói chung và hai tỉnh nói riêng càng thêm gắn bó và quan trọng hơn về chiến lược là hành lang ra Bắc vào Nam được khai thông. Bước phát triển mới của cách mạng hai nước, đặc biệt là vùng Trung - Hạ Lào và Trị - Thiên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự chi viện chiến trường của hậu phương miền Bắc.

*
*   *

Sau ngày hòa bình được lập lại đến năm 1960, thời gian so với lịch sử không phải là dài, nhưng so với sự phấn đấu vượt qua mọi thử thách gian lao để xây dựng một xã hội mới và đấu tranh chống mọi hành động, âm mưu của kẻ thù đối với quân và dân Quảng Trị là cả một chặng đường đầy hy sinh gian khổ và thắng lợi vẻ vang. Mang trên mình nỗi đau chia cắt, Quảng Trị - Vĩnh Linh cùng cả nước đồng thời làm hai nhiệm vụ chiến lược: Vừa tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, vừa thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Đối với Vĩnh Linh, sau sáu năm khôi phục cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quê hương có nhiều biến đổi sâu sắc. Kinh tế không ngừng phát triển, chính trị luôn luôn ổn định, trật tự trị an và quan hệ hai miền được giữ vững. Đời sống nhân dân được nâng cao. Lực lượng vũ trang được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng. Đó là những tiền đề cần thiết để Vĩnh Linh tiếp tục đi lên làm tròn nhiệm vụ của hậu phương trực tiếp và chi viện sức người sức của cho tiền tuyến anh hùng, sắp bước vào thời kỳ đầy gian nan thử thách.

Đối với nhân dân Quảng Trị ở bờ nam sông Bến Hải, đây là thời kỳ mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong hoàn cảnh ta không có chính quyền, quân đội, và các lực lượng vũ trang. Cuộc “Chiến tranh một phía” do Mỹ - Diệm tiến hành bắt đầu từ năm 1954 và ngày càng trở nên cực kỳ dã man, tàn bạo đối với nhân dân miền Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng nhất là khi chúng ban hành luật 10-59 lê máy chém đi khắp nơi tàn sát những người yêu nước và cách mạng.

Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, một lần nữa lại đứng lên cùng cả nước đấu tranh giành độc lập.

Thời kỳ đầu phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng rất sôi nổi, rầm rộ, nhưng do ta thiếu kinh nghiệm, không đánh giá đúng âm mưu, bản chất của kẻ thù, chỉ thiên về đấu tranh chính trị đơn thuần, phương hướng, phương châm chỉ đạo còn lúng túng, chưa kịp thời, bộc lộ lực lượng quá sớm nên kẻ thù dễ bề đàn áp, dẫn đến phong trào cách mạng bị tổn thất nặng nề và lâm vào thoái trào. Từ khi được tiếp thu đường lối cách mạng miền Nam và đặc biệt từ sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, phong trào cách mạng mới dần dần hồi phục và không ngừng phát triển.

Bởi vậy địch cố chia cắt Bắc - Nam nhưng quân và dân hai miền bằng đấu tranh chính trị và quân sự kiên quyết đấu tranh hỗ trợ nhau nối liền hai miền Nam - Bắc, và trong thực tế không bao giờ kẻ địch chia cắt được Bắc - Nam. Tình cảm ruột thịt, tình cảm đồng chí, đồng bào giữa nhân dân hai vùng khu phi quân sự vẫn trước sau như một động viên nhau, hỗ trợ nhau trong cuộc đấu tranh sống mái với quân thù, thực hiện một nước Việt Nam thống nhất không thế lực nào chia cắt nổi.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Chín, 2022, 02:31:52 pm
Chương II

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG
RA SỨC TẤN CÔNG ĐỊCH, GIÀNH ĐẤT, GIÀNH DÂN,
GIÀNH QUYỀN LÀM CHỦ (1961 -1964)

I - QUÂN DÂN VĨNH LỊNH RA SỨC CỦNG CỐ, XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG
HỖ TRỢ ĐẮC LỰC CHO ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ VÀ QUÂN SỰ
CỦA NHÂN DÂN CÁC HUYỆN PHÍA NAM TỈNH.

Ngày 9-9-1960, một sự kiện trọng đại diễn ra tại Thủ đô Hà Nội: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng khai mạc. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ cho cả hai miền Nam - Bắc là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Campuchia.

Cùng cả nước, quân và dân Quảng Trị đón nhận tinh thần nghị quyết của Đại hội với niềm tin và quyết tâm mới.

Ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Việt Nam ra đời, đánh dấu một sự kiện quan trọng của cách mạng miền Nam. Cương lĩnh của Mặt trận đã tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân yêu nước chống Mỹ - Diệm, cô lập và phân hóa kẻ thù, đấu tranh cho độc lập dân tộc và dân chủ.

Dưới ánh sáng nghị quyết Trung ương III và cương lĩnh của Mặt trận, phong trào cách mạng ngày càng phát triển, đẩy bọn địch vào thế bị động lúng túng. Năm 1960 chiến lược “Chiến tranh một phía” của Axenhao bị phá sản. Năm 1961, Kenơđi khởi xướng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với kế hoạch Stalây -Taylo “Dùng người Việt đánh người Việt” bằng cố vấn và viện trợ của Mỹ hòng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng.

Để thực hiện mưu đồ đó, đối với bờ Bắc giới tuyến, trực tiếp là khu vực Vĩnh Linh, Mỹ - Diệm luôn luôn tìm cách phá hoại, thường xuyên gây cho ta nhiều khó khăn trong việc đấu tranh chính trị và bảo vệ an ninh giới tuyến.

Tháng 2-1961 Ngô Đình Diệm đích thân ra Cát Sơn (bờ nam Cửa Tùng) thị sát nắm tình hình, lớn tiếng hô hào lấp sông Bến Hải, tấn công miền Bắc. Chúng thành lập “Biệt đội cảnh sát cộng hòa” gồm 250 tên lính chính quy, bảy trung đội dân vệ cùng một hệ thống mật vụ, biệt kích, thám báo đóng trà trộn dọc tuyến để nắm tình hình, gây khiêu khích làm rối loạn trật tự trị an.

Đến tháng 6-1962, Mỹ - Diệm đã tổ chức 240 lần quân ngụy xâm nhập trái phép khu phi quân sự, 551 vụ nổ súng khiêu khích sang bờ Bắc, 89 lần tàu thuyền và 39 lần chiếc máy bay xâm nhập vùng biển, vùng trời Vĩnh Linh. Ngoài ra chúng còn đưa 5976 lượt người kể cả người nước ngoài ra vào khu phi quân sự quay phim, chụp ảnh phía bờ Bắc.

Đặc biệt bọn ngụy dùng hình thức gián điệp con thoi qua lại hai bờ để hoạt động thu thập tin tức mưu mô phá hoại. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ngày 19-2-1961 công an nhân dân vũ trang phối hợp với dân quân du kích Phước Lý đã vây bắt tên Cao Viết Lành trung sĩ ngụy, quân báo trung đoàn 3, sư đoàn 1 và tên nữ gián điệp Lê Thị Bao cải trang thành dân vạn chài chèo thuyền vượt sông qua bờ Bắc xâm nhập hoạt động ở xã Vĩnh Giang. Tháng 6-1962 hai toán gián điệp khác bị tóm gọn ở Múi Si và vùng Khe Thị. Từ cuối năm 1963 trở đi, địch vi phạm qui chế khu phi quân sự ngày càng trắng trợn. Chúng dùng 405 lượt xe quân sự chở 1427 tên trong đó có 30 tên người nước ngoài ra chụp ảnh, quay phim phía bờ Bắc, 141 lần thuyền máy và ca nô, tàu thủy hoạt động trên sông, trên biển. Dọc sông Bến Hải từ Cửa Tùng đến Hói Cụ, bọn giang thuyền 65 lần khiêu khích công an và đồng bào ta ở Vĩnh Linh. Cùng với các hoạt động đó, địch tăng cường tung gián điệp biệt kích sang Vĩnh Linh để phá hoại cả kinh tế và chính trị. Trắng trợn hơn nữa là cảnh sát ngụy ở bờ Nam ngang nhiên nổ súng bắn vào thuyền của dân làm ăn trên sông và các thôn xóm bờ Bắc, chĩa súng đe dọa khiêu khích các chiến sĩ ta đứng gác ở đầu cầu Hiền Lương...

Trước tình hình đó, thực hiện chỉ thị số 66TC - TW ngày 11-9-1963 về tình hình và nhiệm vụ mới, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh mở Hội nghị ra nghị quyết: “Sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tung gián điệp biệt kích ra phá hoại miền Bắc, phá hoại Vĩnh Linh”.

Năm 1963 khi vào thăm và kiểm tra công tác giới tuyến, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ân cần căn dặn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân: “Các đồng chí là những người làm nhiệm vụ trên tuyến đầu của Tổ quốc nên phải luôn luôn đề cao tinh thần cảnh giác và thường trực chiến đấu. Phải bình tĩnh và dũng cảm, phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, vì đoàn kết là sức mạnh...”.

Thấm nhuần lời căn dặn của Thủ tướng, ngày 26-3-1964, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh ra Nghị quyết về công tác tư tưởng đã khẳng định: “Bất cứ trong tình huống nào Vĩnh Linh cũng giữ vững vị trí đầu cầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm được nhiệm vụ chặn đứng âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác vừa đẩy mạnh sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu đập tan nhiều âm mưu thủ đoạn gây rối, phá hoại của địch.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Chín, 2022, 02:32:34 pm
Từ năm 1964 trở đi, Mỹ - Diệm bắt đầu leo thang chiến tranh cho máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng trời, vùng biển miền bắc nói chung và khu vực Vĩnh Linh nói riêng. Nghiêm trọng hơn cả là đêm 31-7-1964 tàu khu trục Ma đốc của Mỹ ngang nhiên tiến vào vùng biển phía nam đảo Cồn Cỏ hoạt động do thám khiêu khích. Tiếp đó ngày 8-8-1964, giặc Mỹ cho nhiều tốp máy bay xâm phạm vùng trời đảo Cồn Cỏ. Cảnh giác trước mọi âm mưu thủ đoạn của địch, với quyết tâm ra quân trận đầu là đánh thắng, trừng trị đích đáng tội ác của chúng, các chiến sĩ đảo Cồn Cỏ đã bắn rơi một máy bay Mỹ. Đây là chiến công đầu của đơn vị bảo vệ đảo, lập thành tích thiết thực kỷ niệm 5 năm ngày truyền thống đảo tiền tiêu.

Ngày 29-3-1961, Đại hội đại biểu khu vực Vĩnh Linh lần thứ 2 khai mac để kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch cải tạo XHCN 1958 - 1960 đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Đại hội đã nêu lên 3 nhiệm vụ cụ thể. Phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, tiếp tục hoàn thành cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế, ra sức củng cố lực lượng vũ trang, tăng cường an ninh trật tự, đề cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của kẻ địch. Tháng 4-1961, Đảng ủy khu vực đã tiến hành đợt chỉnh huấn sâu rộng trong cán bộ và nhân dân, đồng thời phát động phong trào thi đua yêu nước với những mục tiêu: “cờ ba nhất” trong quân đội; “gió Đại Phong” trong nông nghiệp; “sóng Duyên Hải” trong công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; “Trống Bắc Lý” trong giáo dục.

Phong trào thi đua đã được các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang hưởng ứng nhiệt liệt, đem lại hiệu quả thiết thực trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng.

Tháng 4 năm 1962, quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Đảng ủy khu vực đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã.

Thấy rõ miền tây Vĩnh Linh là một địa bàn chiến lược quan trọng cả trước mắt và lâu dài, năm 1962, Đảng ủy khu vực đã thành lập ban chỉ đạo công tác miền Tây. Nhờ vậy việc vận động đồng bào các dân tộc miền núi định canh, định cư, ổn định sản xuất và đời sống, bảo vệ an ninh vùng biên giới có nhiều chuyển biến và phát triển tốt.

Sau hai năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ khu vực, các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở Vĩnh Linh đã có những tiến bộ nổi bật, đặc biệt là trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, xây dựng củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng Đảng và các đoàn thể quần chúng, Tháng 6-1963, Đại hội đại biểu Đảng bộ khu vực lần thứ 3 khai mac. Trước tình hình Mỹ - Diệm trắng trợn phá hoại hiệp định Giơnevơ, Đại hội xác định nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân mà trước hết là lực lượng vũ trang Vĩnh Linh: Phải làm tròn nhiệm vụ của mình là bảo vệ giới tuyến, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân. Đối với lực lượng dân quân tự vệ vừa có nhiệm vụ tác chiến tại chỗ, vừa trực tiếp bảo vệ lao động sản xuất, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để phòng thủ Vĩnh Linh về mọi mặt, phải tích cực xây dựng màng lưới chiến tranh nhân dân, sẵn sàng đối phó với kẻ thù. Phải nắm chắc lực lượng dân quân tự vệ và lãnh đạo tốt bốn mặt: Tổ chức, huấn luyện, trang bị và công tác. Đối với công tác quân sự phải xem nhiệm vụ đấu tranh chính trị hết sức quan trọng nhằm tăng cường công tác giáo dục đường lối chính sách của Đảng, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh khí thế cách mạng sôi nổi, nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, Vĩnh Linh tổ chức rút kinh nghiệm việc thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật đồng thời triển khai thực hiện cuộc vận động “ba xây, ba chống”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch trong hội. nghị chính trị đặc biệt ngày 27-4-1964, Vĩnh Linh đã phát động phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” thi đua sản xuất, học tập, công tác và chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu khi có chiến tranh xảy ra.

Ngày 5-8-1964 đế quốc Mỹ tiến hành gây ra chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ngày 8-8-1964 máy bay Mỹ bắn phá đảo Cồn cỏ. Từ đây, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Vĩnh Linh bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng, chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của quân thù.

Đối với Vĩnh Linh, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965 mới thực hiện được 4 năm, nhưng Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang đã không ngừng phấn đấu vươn lên khắc phục mọi khó khăn về thiên tai, địch họa, xây dựng và bảo vệ quê hương đạt được kết quả rất đáng tự hào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh đã từng bước đi lên vững chắc. Đến năm 1964, toàn khu vực đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo quan hệ sản xuất mới, xây dựng nông thôn mới. Các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế đều phát triển, đời sống nhân dân cả miền xuôi và miền núi đều được cải thiện và nâng cao. Lực lượng vũ trang được quan tâm xây dựng và không ngừng lớn mạnh, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù và chi viện sức người sức của cho tiền tuyến trực tiếp là hai huyện Gio - Cam ruột thịt. Đó là những điều kiện thuận lợi và cơ sở bước đầu để Vĩnh Linh tiếp tục đi lên, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc chiến mới.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Chín, 2022, 02:34:46 pm
*
*   *

II - QUÂN DÂN CÁC HUYỆN PHÍA NAM TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG,
CỦNG CỐ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG,ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG,
HỖ TRỢ ĐẮC LỰC PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN.

Ở bờ nam giới tuyến, để thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với kế hoạch Stalây - Taylo hòng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, Mỹ - Diệm điều hầu hết sư đoàn 1 ra Quảng Trị. Địch bố trí trung đoàn 1 ở La Vang, trung đoàn 2 đóng ở Đông Hà -đường 9, trung đoàn 3 ở miền Tây và vùng giáp ranh Thừa Thiên. Cùng với việc điều quân, chúng xây dựng và mở rộng đường 14, đường 76, làm thêm các tuyến đường mới như cảng Cửa Việt - giáp ranh, Đại Thủy - Cùa, Tích Tường - Trái, La Vang - Phước Môn. Phía nam sông Bến Hải chúng xây dựng hệ thống đường chiến lược ba tuyến chạy song song từ biển lên Gio An, Trung Sơn nối các trục đường 74, 75, 76 với ý đồ chuẩn bị “Bắc tiến”. Mặt khác chúng không ngừng củng cố hệ thống đồn bốt dọc đường số 1 và vùng giáp ranh, lập tuyến ngăn chặn ở miền núi và biên giới Việt-Lào để ngăn chặn miền Bắc xâm nhập. Để đối phó với sức ép của ta từ phía bắc và phía tây, Mỹ - Ngụy ra sức đôn quân bắt lính, củng cố ngụy quyền, tăng cường bình định nông thôn, gom dân, lập ấp chiến lược, càn quét đánh phá miền núi và vùng giáp ranh, triển khai các đội hải thuyền tuần tra, kiểm soát đề phòng ta đột nhập từ đường biển.

Ngoài sư đoàn 1 chủ lực ngụy, địch còn xây dựng một trung đoàn bảo an và một số tổng đoàn, mỗi xã có từ hai tiểu đội đến một trung đội dân vệ. Mặt khác, chúng còn chú trọng xây dựng đội quân người dân tộc để chống phá căn cứ và hành lang của ta.

Tháng 2-1961, được Mỹ giúp sức và viện trợ đắc lực, Ngô Đình Diệm hô hào lấp sông Bến Hải để tiến công miền Bắc. Để thực hiện ý định đó, chúng thành lập đội biệt động cảnh sát cộng hòa cùng mật vụ thám báo đóng trà trộn dọc giới tuyến. Đồng thời để cho lực lượng cơ động rảnh tay càn quét đánh phá, chúng chọn số đắc lực trong dân vệ, thanh niên cộng hòa tổ chức thành trung đội tổng vệ. Đến cuối năm 1961 ở Hải Lâng có 4 trung đội, Triệu Phong 4 trung đội, Cam Lộ 2 trung đội và khu phi quân sự 1 trung đội. Bọn này làm nhiệm vụ thay thế lính bảo an. Địch vẫn tiếp tục tăng cường xây dựng, củng cố bộ máy kìm kẹp. Đến năm 1962, đã có 14 trung đội tổng đoàn dân vệ gốm 420 tên, số dân vệ toàn tỉnh lên đến 1000 tên, thôn vệ có 3000 tên được tổ chức và huấn luyện từ 15 đến 20 ngày, có nơi trang bị từ 10 đến 12 súng. Phụ nữ cũng bị quân sự hóa. Riêng Cam Lộ và Hải Lăng từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1962 có 600 phụ nữ bị bắt đi huấn luyện quân sự.

Ở miền núi có hai đại đội biệt kích người Thượng, vũ trang cho 300 thành niên. Chúng dùng người Thượng kìm kẹp người Thượng, đồng thời tuyên truyền xuyên tạc gây chia rẽ giữa người Kinh và người Thượng.

Việc gom dân lập ấp chiến lược địch tiến hành ráo riết. Cuối năm 1961, chúng lập xong 4 thôn thí điểm đó là thôn Phú Long (Hải Lăng), Đông Hà (Cam Lộ), Nhan Biều (Triệu Phong) và Lễ Môn (Gio Linh). Chúng bắt 150 gia đình cán bộ thoát ly, tập kết, cơ sở cách mạng vùng Gio Linh và giới tuyến vào các dinh điền Bình Xuân, Xuân Hải (Gio Linh) và Phước Tuy (Nam Bộ). Bằng nhiều hình thức và thủ đoạn, chúng bắt dân rào nhiều làng, có nơi rào đến 2 - 3 lớp bằng tre, gỗ, dây thép gai. Vùng giáp ranh chúng bắt rào kỹ và chắc chắn hơn ở đồng bằng. Việc rào làng đã gây cho ta nhiều khó khăn trong hoạt động của cán bộ bám nắm cơ sở, xây dựng phong trào.

Ở miền Tây, chúng càn quét mạnh và dồn 600 dân vào ven đường 9. Bộ máy kìm kẹp, hệ thống mật thám, gián điệp biệt kích địch tăng cường dày đặc cũng gây cho ta không ít khó khăn.

Từ tháng 2 năm 1961, địch bắt đầu mở nhiều cuộc hành quân càn quét với quy mô vừa và lớn lên miền Tây Hướng Hóa. Trước sự lớn mạnh không ngừng của căn cứ địa cách mạng, bọn Mỹ-Diệm và bọn Phuminôxavẳn (Lào) vô cùng hoảng sợ. Chúng cấu kết với nhau mở cuộc hành quân lớn đánh phá vào khu căn cứ của ta nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của tỉnh, dồn dân, bắt lính, phá hoại kinh tế địa phương và ngăn chặn các tuyến đường chiến lược đông - tây Trường Sơn. Được tổ chức và hướng dẫn, nhân dân vùng căn cứ địa thực hiện vườn không nhà trống, cất giấu tài sản, làm hầm chông, cạm bẫy, cung tên, nỏ ná và các loại vũ khí thô sơ, vũ khí có chất nổ chống địch khắp nơi buộc địch phải bỏ dở cuộc càn. Tiếp đó chúng huy động một lực lượng lớn chia làm nhiều hướng đánh phá các khu vực Ba Lòng, Cam Lộ. Tàn ác nhất là trận chúng đánh vào Cù Đinh - Ba Ze. Bằng chính sách “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, quân ngụy đã đốt phá hàng chục bản làng, đốt hết nương rẫy, giết hại hàng trăm đồng bào. Sau hai lần địch kéo lên xã Cam Hưng, bắt 5 thôn Cù Đinh, Ba Ze, Khe Chùa, Khe Ái và Sông Ngân phải bỏ nhà tập trung đi nơi khác, nhưng đồng bào đấu tranh không chịu đi, chúng đánh đập tra tấn dã man 4 người và đốt sạch thôn Cù Đinh. Tiếp đó, chúng lại huy động 280 tên ác ôn chia làm ba cánh tiến đánh phá và gây tội ác man rợ vùng này lần thứ hai. Lần này địch xông vào thôn Ba Ze bắt 11 người đánh đập tàn nhẫn buộc khai cơ sở cách mạng ở đây. Chúng bắt một cụ già tự đào huyệt chôn mình chỉ trừ lỗ mũi rồi nện thật chặt, đến khi kiệt sức, chúng đào lên tiếp tục tra hỏi. Chúng nhận chìm một em bé xuống nước rồi vớt lên lấy hai thanh gỗ ép vào bụng, giẫm lên người cho nước phọt ra để tra khảo. Song, mọi hành động dã man của chúng cũng không làm cho tinh thần của đồng bào ta nao núng. Bất lực và man rợ, chúng lại đốt sạch thôn Ba Ze rồi bắt 10 người vô tội đem đi.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Chín, 2022, 02:36:24 pm
Ngày 31-1-1961, Bộ chính trị ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ công tác trước mắt của các mạng miền Nam. Bộ chính trị quyết định chuyển hướng phương châm đấu tranh và nhấn mạnh: Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch trên cả hai mặt chính trị và quân sự.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh phong trào diệt ác trừ gian ở đồng bằng, đồng thời tổ chức một đợt hoạt động vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị ở miền tây và phía bắc đường số 9

Từ tháng 3 năm 1961, trong khi tiếng súng chống càn ở miền Tây thắng lợi thì tiếng súng diệt ác trừ gian ở đồng bằng nông thôn và vùng giáp ranh như Hải Phú, Hải Xuân, Hải Lâm, Triệu Ái, Ba Thành, Ba Lòng... bắt đầu nổ rền. Nhiều tên có nợ máu phải đền tội như tên công an di động đắc lực của Ty công an Quảng Trị tại thôn Phú Long, Hải Phú, tên tổng thư ký xã Hải Xuân và Hải Lâm, tên hương trưởng thôn Kiên Phước xã Triệu Ai, tên cảnh sát trưởng xã Ba Thành... Tiếp theo đó vụ diệt xe trên đường số 1 làm chết 4 tên ác ôn khác... làm cho bọn địch hoang mang lo sợ. Những vụ diệt ác trừ gian liên tiếp nổ ra trong sào huyệt của địch đã làm cho quần chúng nhân dân phấn khởi, tin tưởng, có tác dụng hỗ trợ phong trào đấu tranh của nhân dân.

Địa bàn phía bắc đường 9 miền Tây Quảng Trị giáp Lào bị địch chiếm đóng. Để thực hiện âm mưu dùng người Thượng cai trị người Thượng, chia rẽ dân tộc Kinh - Thượng, bọn chúng đã dùng một số tên tay sai người Thượng kềm kẹp đàn áp nhân dân, đồng thời ngăn chặn phong trào cách mạng miền Bắc tràn vào gây khó khăn cho cách mạng Lào nhất là vùng biên giới hai nước.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, tháng 5 năm 1961, đội công tác của công an Vĩnh Linh phối hợp với trung đoàn 270 và dân quân du kích vùng này tổ chức một đợt hoạt động vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị. Kết quả đợt hoạt động của ta đã phá 20 đồn bốt nhỏ, đánh thiệt hại các bộ phận quân địch đóng rải rác dọc đường số 9 và một số nơi thuộc huyện Cam Lộ, diệt 60 tên, bắt và gọi hàng 125 tên, làm tan rã 260 tên, thu 65 súng các loại. Vận động hơn 100 ngụy quân người địa phương trở về buôn rẫy làm ăn mang theo 135 súng nộp cho cách mạng. Chúng ta cũng đã khoan hồng cho một số ngụy quyền biết hối cải. Đồng thời các đội vũ trang cùng với cán bộ địa phương nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, có chính sách đối với lớp trên ở miền núi, thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng vùng này thành căn cứ liên hoàn, mở rộng hành lang nam bắc đường 9. Giải phóng 6 tổng phía bắc đường 9 là một chủ trương đúng đắn của ta, làm cho bọn địch hoang mang lo sợ phải rút chạy khỏi 8 vị trí khác: A Rong, Tà Riệt, Nguồn Rôn, Ra Gà, Tà Rụt, Trại Cá, Sa Trầm, Sa Muồi.

Ngày 31-6-1961 tại Tu Pông (Hướng Hóa), Đại hội Đảng bộ tỉnh họp. Sau khi đánh giá tình hình địch, ta, Đại hội chủ trương: Khẩn trương xây dựng và củng cố miền Tây thật vững chắc về mọi mặt, quyết tâm phát động quần chúng gấp rút xây dựng cơ sở chính trị ở đồng bằng vững mạnh, làm tốt công tác binh vận coi đó là mặt trận công tác quan trọng và thường xuyên. Giữ gìn và phát triển phong trào đấu tranh lâu dài với địch, giữ bí mật cơ sở và bảo toàn lực lượng với tinh thần sẵn sàng hành động khi có thời cơ. Phương châm đấu tranh chính trị là chủ yếu, có kết hợp vũ trang tự vệ nhưng mức tự vệ miền Tây và đồng bằng khác nhau. Cả hai vùng đều phải nghiêm chỉnh giữ vững nguyên tắc bí mật, kiên trì bám chặt vào quần chúng cơ bản, trước hết là số người nghèo khổ nhất. Đại hội quyết định củng cố các đơn vị vũ trang của tỉnh, thành lập các đơn vị vũ trang của huyện. Sau Đại hội tỉnh Đảng bộ, cũng tại miền Tây Hướng Hóa, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Trị được thành lập, các thành viên đại bộ phận là đảng viên trong Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ. Tổ chức này ra đời tạo điều kiện thuận lợi mới để tập hợp lực lượng quần chúng đông đảo vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung.

Ngày 20-7-1961, tại căn cứ Tu Pông, tờ báo “Cứu nước” cơ quan thông tin tuyên truyền của Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Trị (tiếng nói của Đảng nhân dân cách mạng Quảng Trị) thay tờ “Yêu nước” ra đời và giới thiệu cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với nhân dân trong tỉnh.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Chín, 2022, 02:37:27 pm
Sau các sự kiện to lớn trên, để lập thành tích chào mừng kỷ niệm cách mạng tháng Tám, ngày 5 tháng 8 năm 1961, tại Trại Cá đơn vị 55 tổ chức trận phục kích toán quân địch vận tải tiếp tế cho đồn Tà Rụt diệt 5 tên, làm bị thương 3 tên khác, trong đó có tên đồn trưởng kiêm đại đội trưởng bảo an thu 4 súng có 1 trung liên. Thắng lợi này càng làm tăng thêm niềm tin cho lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh. Thực hiện chủ trương của Liên khu ủy 5, Trị - Thiên đã mở hai đợt hoạt động quân sự và chính trị. Tháng 9-1961 hoạt động ở miền núi. Cùng với các hoạt động của lực lượng vũ trang, đồng bào khắp nơi vùng dậy đấu tranh, phục vụ chiến đấu chống càn, bảo vệ căn cứ hành lang vận chuyển. Căn cứ địa được mở rộng. Du kích chiến tranh từng bước phát triển, từ vũ khí thô sơ đã tiến lên dùng vũ khí có chất nổ chống khủng bố càn quét gây cho địch nhiều thiệt hại buộc phải rút nhiều vị trí đồn bốt. Đến cuối năm 1961, miền tây huyện Hướng Hóa được giải phóng hoàn toàn.

Tháng 10-1961 theo chủ trương của ban Quân sự tỉnh, trọng tâm hoạt động của đội vũ trang tuyên truyền được chuyển dần xuống khu vực giáp ranh và đồng bằng. Các đội công tác bí mật luồn sâu về nông thôn đồng bằng đẩy mạnh tuyên truyền quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị trong nhân dân. Phong trào ngày càng phát triển mạnh. Hàng vạn truyền đơn, khẩu hiệu, cờ Mặt trận... được treo và rải nhiều nơi. Đồng bào nức lòng phấn khởi và hy vọng. Số thanh niên chống quân dịch, tham gia quân giải phóng ngày càng tiến bộ. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống áp bức, bóc lột, chống rào làng cũng nhích dần lên. Song một vấn đề đặt ra là phong trào càng phát triển, địa bàn hoạt động càng được mở rộng thì cán bộ phong trào càng thiếu trầm trọng mà tỉnh chưa thể giải quyết. Để kịp thời đáp ứng một phần yêu cầu của chiến trường, tháng 10-1961 Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tăng cường cho Trị - Thiên đơn vị K300 gồm 80 cán bộ quê ở Trị - Thiên ra tập kết, quân hàm từ chuẩn ủy trở lên, sau này bổ sung thêm 50 đồng chí quê ở Vĩnh Linh. Ngoài K300, quân khu 4 còn tăng cường cho Trị - Thiên một đại đội đặc công và một khung cơ quan. Từ lực lượng này, Ban quân sự liên tỉnh tiền thân của phân khu Bắc về cơ bản đã được hình thành.

Trong gian lao ác liệt, quân và dân Trị - Thiên vẫn luôn luôn nhận được sự ủng hộ quý báu cả vật chất lẫn tinh thần của cán bộ và nhân dân Quảng Bình. Quân và dân Quảng Bình vẫn luôn luôn chia ngọt sẻ bùi và góp cả phần xương máu cùng quân dân Quảng Trị trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Ngày , 20-10-1961, giữa lúc cuộc đấu tranh của nhân dân tỉnh ta đang trong thời kỳ gay go quyết liệt, cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã gửi thư động viên thăm hỏi. Bức thư đầy tâm huyết có đoạn: “Chúng tôi quyết đổ thêm mồ hôi để bà con Trị - Thiên đỡ đổ máu, cho Bắc - Nam nối liền, cho Bình - Trị - Thiên mãi mãi bên nhau”. Lời tâm huyết đó là lời cổ vũ động viên rất lớn đối với cán bộ, nhân dân và chiến sĩ tỉnh ta.

Trước tình hình ta đẩy mạnh hoạt động cả về quân sự và chính trị, đặc biệt là khi phát hiện lực lượng ta có mặt ở đồng bằng, một số tên ác ôn tay sai đắc lực bị diệt, địch bắt đầu phản ứng mạnh. Chúng liên tục mở các cuộc hành quân càn quét dài ngày với quy mô lớn lên miền Tây, hòng triệt phá căn cứ của ta, ráo riết gom dân lập ấp chiến lược, triệt phá kinh tế, triệt phá , lực lượng cách mạng. Đầu năm 1962, địch đẩy mạnh thực hiện kế hoạch Stalây - Tay lo, liên tiếp đưa các quan chức cấp cao trong ngụy quyền Sài Gòn và các phái đoàn quân sự Anh - Mỹ ra Quảng Trị thị sát tình hình đặc biệt là vùng khu phi quân sự.

Ngoài các cuộc hành quân càn quét, chúng còn tổ chức hàng chục vụ biệt kích nống, lấn vùng giải phóng, giáp ranh và miền núi. Tình hình đó làm cho phong trào đấu tranh của nhân dân ta gặp nhiều khó khăn, tổn thất, có nơi bị động, lúng túng. Từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1962, Mỹ - Diệm mở chiến dịch càn quét mang tên “Lê Lợi”. Chúng đã huy động lực lượng trên 500 quân, hàng chục máy bay trực thăng và máy bay do thám càn quét đánh phá liên tiếp 25 trận lớn, nhỏ kéo dài hơn một tháng vào các xã vùng ngược nước và hai bên đường 9. Đặc biệt chúng tập trung đánh phá vào xã Hướng Lộc, bằng chính sách “phá sạch, đốt sạch, giết sạch” chúng hốt 600 đồng bào về Khe Sanh, bắt 100 thanh niên về Cu Bách huấn luyện quân sự. Chúng đã đốt sạch 8 thôn, 400 nóc nhà, 10.000 A chói lúa (tương đương với 200 tấn thóc), giết chết 1000 con trâu, bò, 77 con dê, đâm thủng 2000 mâm, nồi đồng, bắn chết 4 người dân vô tội kiên trung.

Tỉnh ủy đã phát động chiến tranh du kích dùng hầm chông, cạm bẫy đánh địch, chống càn, vận động đồng bào trốn tránh, cất giấu của cải. Lực lượng vũ trang cùng với nhân dân đã kết hợp đấu tranh hai chân, ba mũi chống địch gom dân, lập ấp chiến lược, tổ chức đánh địch hàng chục trận diệt 20 tên và làm bị thương một số tên khác. Nhằm đưa công tác binh vận lên một bước và để tỏ rõ lượng khoan hồng, trong dịp này Mặt trận đã phóng thích 5 tên tù binh người Thượng bị bắt trong trận càn “Lê Lợi”.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Chín, 2022, 02:38:30 pm
Với âm mưu dùng, thanh niên người Thượng để chống phá phong trào cách mạng ở miền Tây, bọn địch đã tổ chức hai đợt huấn luyện trong vòng một tháng cho 155 thanh niên của xã Hướng Phúc và trang bị đầy đủ vũ khí. Nhằm chống lại âm mưu thâm độc đó, Huyện ủy Hướng Hóa chủ trương vận động số người nói trên trở về với cách mạng. Dựa vào lực lượng quần chúng, sau khi tìm hiểu nắm tình hình, cán bộ ta đã vào vùng Húc thuyết phục, giáo dục những thanh niên người Thượng được địch trang bị vũ khí. Kết hợp cả hoạt động quân sự và chính trị, ta đã tổ chức một trung đội có vũ trang vào tuyên truyền năm ngày đêm liên tiếp, rải truyền đơn kêu gọi bọn dân vệ trở về gia đình nương rẫy, không đi làm tay sai cho địch. Kết quả đêm 11-12-1962 lực lượng vũ trang và dân quân du kích địa phương đã vào tước súng địch ở các thôn bản Húc Thượng, Húc Vuông, Tà Núc, Tà Rì thu gần 100 khẩu súng trong đó có 10 tôm xông, 2270 viên đạn, 17 lựu đạn, diệt và làm bị thương 7 tên trong đó có một tên Mỹ bị thương.

Năm 1962, lực lượng vũ trang cùng nhân dân trong tỉnh đã đánh địch, chống càn hàng trăm trận, diệt và làm bị thương hàng chục tên địch trong đó có một tên cố vấn Mỹ. Làm công tác binh vận tước và thu vũ khí được gần 100 khẩu súng có 10 tôm xông, vũ trang tuyên truyền hàng chục lần cho hàng trăm lượt người.

Cuối tháng 12/1962, hội nghị liên tỉnh họp để đánh giá tình hình sau một năm chống “Chiến tranh đặc biệt” của địch đã nhận định: Lực lượng địch được tăng cường nhất là lực lượng vũ trang ở nông thôn, ở ấp chiến lược và bộ máy kềm kẹp tề, điệp, biệt kích, thám báo. Lực lượng chính quy của địch không tăng nhưng khả năng cơ động, trang bị, chỉ huy được tăng cường. Việc càn quét, đánh phá, gom dân, lập ấp chiến lược địch tiến hành mạnh. Địch hoạt động mạnh nhất là càn quét quy mô lớn, dài ngày và tăng cường thám báo, biệt kích, mật vụ... gây cho ta nhiều khó khăn có nơi tổn thất nặng nề.

Về ta, căn cứ miền núi được củng cố hơn cả ba mặt: Chính trị, kinh tế và lực lượng vũ trang. Khối đoàn kết dân tộc được tăng cường, nhân dân tin tưởng và có nhiệt tình cách mạng cao. Các tổ chức quần chúng được củng cố và mở rộng. Phong trào du kích có bước phát triển mới. Lực lượng vũ trang được xây dựng và củng cố một bước, hoạt động có nhiều cố gắng nhất là trong đánh địch chống càn bảo vệ được căn cứ, bảo đảm được nhiệm vụ hành lang chiến lược và hỗ trợ cho phong trào đồng bằng. Nhưng căn cứ miền núi chưa thật vững mạnh, phong trào du kích chiến tranh chưa mạnh và chưa đều, trình độ kỹ, chiến thuật còn non, các tổ chức đoàn thể chất lượng còn yếu.

Ở đồng bằng tinh thần quần chúng đã chuyển, tin tưởng vào cách mạng hơn. Đã đoàn kết đấu tranh bảo vệ quyền lợi thiết thân hàng ngày. Cơ sở cách mạng được củng cố và phát triển. Công tác binh, tề vận đã có chú ý. Hoạt động trừ gian, vũ trang tuyên truyền, đánh địch, phá hoại giao thông bước đầu đã có kết quả. Song nhìn chung phong trào phát triển chậm, cơ sở xây dựng còn ít, yếu lại chưa có thế liên hoàn với nhau. Phong trào đấu tranh chính trị lẻ tẻ tự phát. Hoạt động vũ trang chưa liên tục, chưa phục vụ cho việc xây dựng cơ sở, mở rộng đấu tranh của quần chúng.

Lực lượng vũ trang tuy đã có nhưng so với yêu cầu phát triển của phong trào còn yếu, tự vệ bí mật ở đồng bằng chưa tổ chức được...

Mặc dù vậy đến cuối năm 1962, phong trào đấu tranh chính trị bắt đầu hồi phục và có bước phát triển rộng rãi. Thông qua hoạt động chính trị và quân sự, các tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng và lực lượng vũ trang được xây dựng, củng cố và phát triển. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hệ thống chỉ huy lực lượng vũ trang được hình thành. Tháng 12/1962, cơ quan quân sự tỉnh được thành lập. Cơ quan quân sự miền Tây Quảng Trị và Ban chỉ huy xã, thôn cũng lần lượt ra đời. Ngoài các đơn vị tập trung của tình, các huyện đồng bằng đã có các tổ vũ trang công tác. Lực lượng dân quân du kích không ngừng phát triển. Đến cuối năm 1962 toàn tình đã có 828 người tham gia, trong đó phần lớn là du kích bí mật.

Trải qua nhiều gian khổ hy sinh, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã vươn lên khắc phục khó khăn thiếu thốn, đói rét, bệnh tật làm tròn nhiệm vụ của một đội quân chiến đấu và đội quân công tác, hỗ trợ đắc lực cho quần chúng đấu tranh. Đồng thời góp phần tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Năm 1962 lực lượng vũ trang Quảng Trị đạt bình quân đầu người 25 kg thịt, riêng đội 55 tăng gia tự túc đủ ăn cho đến năm 1964.

Có Đảng lãnh đạo, được sự tin yêu đùm bọc của nhân dân, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã không ngừng phát triển. Từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ vùng núi, giáp ranh, đến đồng bằng, ở đâu có lực lượng vũ trang thì ở đó phong trào cách mạng được giữ vững, cơ sở được củng cố và phát triển, tinh thần đấu tranh của nhân dân được nâng lên...


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Chín, 2022, 02:41:46 pm
*
*   *

Xét về cơ bản kết thúc năm 1962, kế hoạch Stalây -Tay lo với chương trình bình định miền Nam trong vòng 18 tháng của Mỹ - Diệm đã bị sụp đổ. Đây là sự thất bại bước đầu rất quan trọng về chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Song được Mỹ giúp sức cả về tài chính, phương tiện và cố vấn cho nên quân ngụy Sài Gòn vẫn có chỗ dựa để tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh. Vì vậy trên chiến trường miền Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng địch và ta vẫn ở thế giằng co quyết liệt.

Trên địa bàn tỉnh ta, lực lượng địch tương đối đông và chiếm ưu thế. Phong trào đấu tranh của nhân dân ta tuy được hồi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn gay gắt.

Bước sang năm 1963, để giành ưu thế trên chiến trường, địch tăng cường đánh phá ác liệt vùng giáp ranh và miền núi. Chúng sử dụng cả chất độc hóa học để triệt hại cây cối, khai quang địa hình, phá hoại kinh tế, ngăn chặn các tuyến đường vận chuyển và triệt nguồn cung cấp lương thực của ta. Ở đồng bằng, chúng tăng cường càn quét với quy mô lớn, xúc tiến triển khai đợt hai kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược.

Để kịp thời lãnh đạo nhân dân đối phó có hiệu quả với các hoạt động đánh phá của địch, Hội nghị Đảng bộ tỉnh chủ trương: Phải quán triệt nội dung, phương hướng trước mắt của cách mạng miền Nam là: “Thời kỳ đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang lâu dài, đánh đổ địch từng phần, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn”. Phải nắm thật chắc phương châm vừa đấu tranh chính trị vừa đấu tranh vũ trang, đồng thời phải vận dụng hết sức linh hoạt vào thực tế từng vùng, từng thời gian nhất là trong tình hình hiện nay của ta phong trào đang còn yếu. Hội nghị chỉ rõ: ở miền núi đấu tranh vũ trang là chủ yếu, hết sức tranh thủ đấu tranh chính trị những nơi, những lúc có điều kiện và cần thiết, ở đồng bằng đấu tranh chính trị là chủ yếu có kết hợp vũ trang để hỗ trợ. Về chỉ đạo phải coi trọng cả ba vùng: miền núi, đồng bằng và đô thị. Cả ba vùng phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.

Căn cứ vào chủ trương của hội nghị Đảng bộ, Tỉnh ủy phát động toàn dân tham gia đấu tranh, chiến đấu chống địch càn quét lấn chiếm, toàn dân giết giặc bằng mọi thứ vũ khí, mọi hình thức, tiếp tục chống dồn dân lập ấp chiến lược, diệt trừ ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân.

Tháng 7/1962, địch cho quân đóng đồn Đá Bàn (Hải Lê) biến thôn này thành một trại tập trung hòng ngăn chặp cán bộ và các đội vũ trang ta từ miền núi luồn sâu về hoạt động ở đồng bằng. Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, 89 đồng bào Đá Bàn đã đấu tranh thoát khỏi vòng kìm kẹp của địch ra vùng tự do để cùng với các xã đấu tranh.

Kẻ địch nhận thấy rằng, nguy cơ đe dọa vùng đồng bằng và đô thị là do các hoạt động quân sự và chính trị của ta mà xuất phát là từ cơ quan lãnh đạo trên vùng căn cứ địa. Bởi vậy từ ngày 23-3 đến tháng 5-1963 chúng mở chiến dịch càn quét mang tên “Phượng hoàng” vào miền tây Quảng Trị nhằm đánh phá vùng căn cứ địa cách mạng, tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng vũ trang của tỉnh, chiếm lại vùng núi đã mất, ngăn chặn ta tiến về đồng bằng. Trong chiến dịch này địch đã huy động hai trung đoàn chủ lực cùng với nhiều máy bay, xe cơ giới và pháo binh yểm trợ, chúng chia làm hai cánh theo thế gọng kìm bao vây càn quét vùng căn cứ địa. Một cánh từ tây Thừa Thiên đánh ra Tà Rụt, cánh thứ hai từ Đá Bàn đánh vào Ba Bình và một bộ phận đổ bộ bằng trực thăng xuống Li Tông, nơi căn cứ cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh. Trận càn xảy ra khi các đồng chí chủ trì của tỉnh đang dự hội nghị liên tỉnh. Tại căn cứ, các đồng chí Nguyễn Thư, Vĩnh, Thành, Lương Chí Hiền, Trần Phố... ở cơ quan văn phòng Tỉnh ủy, Ban chỉ huy quân sự, ban an ninh tỉnh cùng các đồng chí trong thường vụ Huyện ủy và ban chỉ huy huyện đội Hướng Hóa chủ động tổ chức triển khai kế hoạch chống càn, bảo vệ cơ quan, bảo vệ đồng bào. Đại đội 45 do đồng chí Chương chỉ huy và đại đội 55 do đồng chí Cường phụ trách cùng lực lượng du kích các xã miền núi triển khai đánh địch đều khắp.

Ròng rã trong hai tháng, địch càn đi quét lại nhiều lần với quy mô rộng lớn, chúng thực hiện chính sách “đốt sạch, phá sạch, giết sạch” kể cả dùng chất độc hóa học phá hoại miền Tây gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho ta nhất là các vùng A Liêng, Ba Khi, A Xóc, Tà Riệp... Để ngăn chặn những hành động tàn ác của địch, quân và dân vùng căn cứ địa đã khắc phục mọi gian khổ hy sinh, liên tục tập kích, phục kích quân địch bằng tất cả mọi thứ vũ khí vùng sơn địa, gây cho địch những tổn thất lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Lực lượng vũ trang vùng căn cứ và dân quân Hướng Hóa đã đánh trả địch 44 trận diệt và làm bị thương 142 tên, bắn hỏng 3 trực thăng và hai máy vô tuyến. Chiến dịch càn quét dài ngày của địch bị thất bại, địch phải rút lui. Ta vẫn giữ vững được căn cứ địa, cơ quan lãnh đạo của tỉnh vẫn an toàn, bảo vệ được nhân dân. Phối hợp với tiếng súng chống càn ở miền núi, vùng đồng bằng nhân dân vùng lên đấu tranh chống phá lập ấp, gom dân, các đội vũ trang tuyên truyền và du kích mật đánh năm trận, diệt 6 tên làm bị thương 7 tên, phá sập 3 cầu và một lô cốt.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Chín, 2022, 02:44:06 pm
Trong cùng thời gian trên từ ngày 1-4 đến 12-6 năm 1963, địch huy động quân càn quét vào khu vực Ba Lòng (Triệu Phong). Trận càn kéo dài hơn hai tháng. Lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương bằng mọi thứ vũ khí có trong tay đã kiên cường bám trụ, mưu trí dũng cảm đánh địch tiêu diệt 54 tên và làm bị thương hàng chục tên khác. Đặc biệt ngày 3-6 ở Ka Cử du kích đã bố trí một trận địa phục kích kết hợp bãi chông dày và hiểm đến mức khi địch lọt vào trận địa, du kích nổ súng, địch chạy cũng không được, nằm xuống cũng không ổn buộc phải phơi mình ăn đạn. Ta tiêu diệt 30 tên, thu vũ khí. Trận Ka Cử là một sáng tạo trong nghệ thuật tổ chức trận địa của chiến tranh du kích kết hợp giữa súng bộ binh và chông bẫy một cách chặt chẽ, mưu mẹo, đạt hiệu suất chiến đấu cao, được tỉnh biểu dương và nêu gương, đồng thời phổ biến kinh nghiệm cho các xã học tập. Phong trào đấu tranh ở đồng bằng Quảng Trị bắt đầu có bước phát triển mới.

Các đội vũ trang tuyên truyền liên tục bám địa bàn, bám dân xây dựng cơ sở cách mạng. Đến tháng 5-1963 toàn tỉnh có 269 trên 429 thôn có cơ sở cách mạng, chiếm 54% số thôn trong tỉnh. Một số xã ở Gio Linh, Cam Lộ, Hải Làng, Triệu Phong có từ 100 đến 300 cơ sở tăng từ 30 - 40% cơ sở chính trị so với năm 1962.

Từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1963 đồng bào theo đạo Phật ở Huế nổi dậy đấu tranh và bị Mỹ - Diệm đàn áp đẫm máu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và phong trào đấu tranh của nhân dân Thừa Thiên - Huế, ngày 8-6-1963 hàng ngàn đồng bào Phật tử và nhân dân thị xã Đông Hà kéo vào thị xã Quảng Trị cùng tham gia biểu tình tuần hành phản đối nhà chức trách đàn áp Phật tử Huế.

Lo sợ trước áp lực của quần chúng, địch cho quân đàn áp dã man cuộc biểu tình. Bất chấp trước họng súng và lưỡi lê của quân thù, nhiều phật tử nằm lăn ra đường cản xe tăng địch và hô vang khẩu hiệu “Chống chính phủ diệt đạo; Không cho cầu siêu là phá đạo...”.

Sau 5 năm tích cực xây dựng vùng căn cứ địa, giờ đây phong trào chiến tranh du kích đã có bước phát triển mới, đảm nhận được nhiệm vụ bảo vệ căn cứ. Hòa nhập với tiếng súng chống càn ở miền núi và vùng giáp ranh cùng làn sóng đấu tranh chính trị sôi động ở đồng bằng và đô thị, 5 giờ sáng ngày 11-6-1963, lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh phối hợp với đội vũ trang tuyên truyền của huyện nổ súng tiến công ấp chiến lược Trường Thọ (Hải Lăng). Đây là một trong bốn ấp thí điểm hoàn chỉnh của địch ở Quảng Trị. Trong ấp có 3 xóm gồm 31 gia đình. Phía ngoài ấp là một lớp rào tre dày đặc và một lớp hàng rào dây thép gai, xung quanh có cắm chông vây kín. Phía trong ấp có hầm hào, công sự chiến đấu khắp nơi. Lực lượng địch kìm kẹp ấp này gồm một trung đội dân vê, một tiểu đội thanh niên chiến đấu gồm 12 tên được trang bị đầy đủ súng đạn và máy bộ đàm. Sau khi bí mật áp sát trận địa, lực lượng vũ trang ta chia thành nhiều mũi bao vây quân địch, phá rào, mở đường xông thẳng vào nơi địch đóng quân. Ngay từ loạt đạn đầu các chiến sĩ ta đã loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đội địch và bắn bị thương một tên. Số còn lại chống cự yếu ớt và bỏ chạy. Kết quả ta diệt gọn một tiểu đội địch, bắt sống hai tên, thu 3 súng, một máy VTĐ, 170 viên đạn và một số tài liệu đồ dùng quân sự. Thừa thắng nhân dân nổi dậy phá banh ấp giữa ban ngày. Trận đánh phá ấp chiến lược Trường Thọ là trận đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh, mở đầu cho phong trào đánh phá ấp chiến lược ở Quảng Trị.

Phong trào đấu tranh ở vùng đồng bằng Quảng Trị sau vụ phá ấp chiến lược Trường Thọ đã bắt đầu có bước phát triển mới sâu hơn, rộng hơn. Các đội vũ trang tuyên truyền tập trung đã tiến lên bao vây các đồn bốt, phát triển các hình thức chiến đấu như dùng ná, nỏ, tên thuốc độc, bẫy tiho, chông, mìn kết hợp lưu đạn, súng trường, tiểu liên bắn tỉa chống càn quét, phá hoại cầu cống, các trục đường giao thông, hỗ trợ cho phong trào quần chúng chống địch gom dân lập ấp, phá ấp chiến lược, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ...

Bi thua đau trong các trận càn “Lê Lợi”, “Phượng Hoàng” bọn Mỹ Diệm điên cuồng gây thêm tội ác đối với đồng bào Thượng trong khu tập trung Húc Ván và Troài. Tháng 7-1963, địch càn quét dồn gần 5000 người vùng này vào trong ấp chiến lược Khe Sinh nhưng đồng bào không chịu tập trung. Với thủ đoạn hèn hạ dã man, bọn chúng đã trộn thuốc độc vào gạo giết hại một lúc 121 người dân vô tội ở Húc Ván có 19 người bị chết trong đó có 15 người thuộc xã Hướng Phúc và Hướng Thanh. Ở Troài có 92 người chết trong đó có 33 người của xã Hướng Thuận, 50 người xã Hướng Lộc và 9 người xã Hướng Mỹ.

Để trả thù cho đồng bào bị địch sát hại, lực lượng vũ trang và nhân dân ta tăng cường hoạt động đánh địch ở vùng giáp ranh, nông thôn đồng bằng, phát động quần chúng phá rã từng mảng ấp chiến lược, diệt ác trừ gian.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Chín, 2022, 02:46:08 pm
Theo yêu cầu của Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Quảng Trị, Bộ Tư lệnh công an vũ trang quyết định thành lập một phân đội trinh sát đặc công chi viên chiến trường, trực tiếp là bắc Quảng Trị Tháng 7-1963 hơn 30 cán bộ chiến sĩ phân đội 3 vào nhận nhiệm vụ. Cuối tháng 7-1963 phân đội ra quân với nhiệm vụ diệt tên ác ôn quận Trung Lương mà Diệm đã từng phong cho hắn danh hiệu “Anh hùng chống cộng trên sông Bến Hải”. Tổ trinh sát phân đội 3 do Nguyễn Thanh Hà chỉ huy được sự phối hợp của cơ sở chính trị đã trừng trị tên này bằng một viên đạn súng côn trước mặt tên vệ sĩ. Chiến công này làm nức lòng nhân dân hai bờ nam bắc sông Bến Hải.

Ngày 15-10-1963, hội nghị liên tỉnh ủy Trị Thiên họp (mở rộng) nhận định: Hiện nay địch đang ở trong tình trạng khủng hoảng, lúng túng, mâu thuẫn giữa Mỹ và Diệm gay gắt, có nhiều khả năng nổ ra đảo chính. Tinh thần địch nhất là bọn hạ tầng hoang mang dao động, trạng thái “lỏng” đã xuất hiện ở một số thôn, có nơi hầu như chính quyền địch tê liệt. Hội nghị chủ trương: Đẩy mạnh đánh phá ấp chiến lược trên toàn bộ nông thôn, đồng bằng, làm lỏng thế kìm kẹp của địch. Nơi có điều kiện thì phát động qùản chúng đứng dậy với khí thế khởi nghĩa nhằm 4 yêu cầu cụ thể là: Giành dân, đưa quần chúng vào thế đấu tranh “hai chân, ba mũi”, tạo khí thế mới cho phong trào, xây dựng bàn đạp chuẩn bị mọi điều kiện đến đầu năm 1964 phát động phá kềm, giành một phần nhân tài vật lực để phát triển lực lượng rút kinh nghiệm cho chỉ đạo.

Cũng trong tháng 10-1963, Mỹ Diệm bắt đầu thực hiện kế hoạch dồn dân, lập vành đai trắng dọc phía Nam khu phi quân sự. Mở đầu chiến dịch, chúng làm thí điểm ở 6 thôn: Kinh Thi, Võ Xá. Xuân Hòa, Xuân Mỹ, Xuân Long, và Cát Sơn. 56 gia đình đầu tiên đã bị chúng cưỡng bức dì chuyển vào trại tập trung Quán Ngang.

Ngày 1-11-1963, Dương Văn Minh cầm đầu đảo chính lật đổ Diệm - Nhu. Trước đột biến của tình hình, lãnh đạo Trị Thiên chủ trương khẩn cấp: Lợi dụng thời cơ, đẩy mạnh hoạt động, tiến công mạnh mẽ, đều khắp, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kềm, đánh phá ấp chiến lược, làm tan rã và tê liệt địch cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức chuẩn bị cho đồng khởi sau này. Nhiều đồng chí tỉnh ủy viên được phân công về các huyện chỉ đạo phong trào. Cán bộ các cấp, các ngành và lực lượng vũ trang nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Trong khi bọn địch lâm vào tình trạng khủng hoảng, hoang mang, dao động, ngày 16-11-1963, Liên khu ủy 5 họp hội nghị ra nghị quyết nhấn mạnh: “Cần phải tận dụng thời cơ thuận lợi hiện nay và tình trạng khủng hoảng suy yếu kéo dài của địch mà tập trung mọi lực lượng, cố gắng tiến công mạnh kẻ địch về mọi mặt và trên, khắp các chiến trường nhằm làm cho địch không ổn định được mâu thuẫn nội bộ, đưa phong trào tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn”.

Thực hiện chủ trương của liên Tỉnh ủy Trị Thiên và Liên khu ủy 5, phong trào đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị của nhân dân trong tinh ngày càng phát triển. Ngày 26-11 hơn 3000 học sinh và đồng bào thị xã Quảng Trị xuống đường biểu tình, hô vang khẩu hiệu đả đảo tên tỉnh trưởng mới Nguyễn Tri Sơn. Đoàn biểu tình kéo đến tòa hành chính tỉnh đòi gặp tên đại tá Hiền chỉ huy trưởng quân sự và hành chính Quảng Trị buộc hắn phải ra nhận kiến nghị. Tiếp đến hôm sau một cuộc biểu tình khác lớn hơn với trên 4000 học sinh và nhân dân ở Sãi, vùng ngoại ô, cùng đồng bào thị xã diễu qua các phố Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Gia Long... kéo đến Tòa thị chính để phản đối việc cử tên Sơn làm tỉnh trưởng.

Kết hợp với đòn đấu tranh chính trị khắp nơi trong tỉnh, lực lượng vũ trang và các đội công tác đặc biệt tổ chức tập kích tiến công địch liên tục mạnh mẽ. Ngày 26-11 phân đội 23 (Vĩnh Linh) tổ chức tập kích trận đầu tiên vào khu dinh điền Hà An. Ngày 27, phân đội 25 tiến công hỗ trợ nhân dân phá ấp chiến lược Ba Trăng... Chỉ tính riêng trong hai tháng cuối năm 1963, lực lượng vũ trang đã hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy phá 50 ấp chiến lược, trong đó có 10 ấp bị phá rã, đốt hai vạn mét hàng rào đồng thời tổ chức nhiều cuộc biểu tình có hàng trăm người tham gia, có cuộc tập hợp đồng bào ba, bốn thôn lại kéo đến xã, quận đòi trừng trị bọn ác ôn, đòi trả lại ruộng đất bị cướp đoạt.

Ở Quảng Trị trong và sau cuộc đảo chính, Mỹ - ngụy lo đề phòng lực lượng cách mạng từ phía Bắc và phía Tây đánh xuống đồng bằng. Vì vậy chúng tăng cường đưa quân ra đường số 9, dùng máy bay bắn phá miền Tây, kiểm soát chặt tuyến hành lang ngang và dọc.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Chín, 2022, 02:48:26 pm
Sau ngày đảo chính Diệm, ngụy quyền Sài Gòn lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng kéo dài, mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt. Nhưng được sự hỗ trợ của Mỹ cả lực lượng cố vấn và phương tiện chiến tranh, quân ngụy đẩy mạnh các hoạt động càn quét, bình định, lập ấp chiến lược với nhiều thủ đoạn tàn bạo hơn hòng giành lại quyền chủ động trên chiến trường.

Nhằm tăng cường các hoạt động vũ trang để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch, tháng 4-1963, đội 10 đặc công lực lượng vũ trang tỉnh được thành lập do đồng chí Mai Hồng Phương làm đội trưởng, quân số lúc đầu chỉ có 10 đồng chí, dần dần qua quá trình xây dựng chiến đấu và trưởng thành đến năm 1967 phát triển thành tiểu đoàn 10 đặc công.

Cũng trong năm 1963, theo yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo chỉ huy chiến đấu, trường quân sự tỉnh được thành lập tại Tà Rụt (Hướng Hóa) do đồng chí Nguyễn Cường làm hiệu trưởng, đổng chí Nguyễn Văn Phượng làm chính trị viên. Nhiệm vụ của nhà trường là tập huấn xã đội trưởng, huấn luyện cán bộ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng... trong quá trình xây dựng và trưởng thành mặc dù chiến tranh ác liệt, nhà trường vẫn tồn tại và phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đã mở được hàng trăm lớp tập huấn, đào tạo bổ túc được một đội ngũ cán bộ quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng vũ trang tỉnh nhà.

Năm 1963, kết thúc bằng sự sụp đổ của tập đoàn gia đình trị Ngô Đình Diệm mở đầu thời kỳ khủng hoảng liên tục chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam.

Tháng 12-1963 Đảng ủy phân khu Bắc họp đề ra nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang là phải đẩy mạnh hoạt động của ba thứ quân, tích cực tiêu hao, tiêu diệt địch, bảo vệ căn cứ và hành lang, hỗ trợ đắc lực cho đấu tranh chính trị của quần chúng phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp, mở rộng vùng giải phóng ở đồng bằng, đẩy mạnh sản xuất tự túc, coi sản xuất như nhiệm vụ chiến đấu, ra sức xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang, tăng cường sức mạnh chiến đấu, đẩy mạnh phong trào “Thi đua ấp bắc, giết giặc lập công” xây dựng nhiều đơn vị và cá nhân tiên tiến.

Về tác chiến theo mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Trị - Thiên phải tiếp tục đánh phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp vùng giáp ranh và các trục đường quốc lộ, thiết lộ ở các huyện Cam Lộ, tây Triệu Phong, tây Hải Lăng, đưa các vùng này thành vùng du kích, đấu tranh hai chân, ba mũi giáp công, giải phóng vùng Ba Lòng tạo thành bàn đạp du kích nối liền với căn cứ, tiến công mở rộng căn cứ ở đồng bằng.

Ngày 30-1-1964, Mỹ - ngụy tổ chức cuộc đảo chính quân sự lật đổ Dương Văn Minh, lập hội đồng quân sự do Nguyễn Khánh - Tư lệnh quân đoàn 1 ngụy cầm đầu. Nguyễn Khánh tuyên bố chống cộng, chống hòa bình trung lập. Tình thế này làm cho bọn ngụy quyền cơ sở và binh lính của chúng hoang mang dao động. Chính quyền Sài Gòn đã suy yếu lại càng suy yếu thêm.

Trước sự khủng hoảng nghiêm trọng của ngụy quyền và ngụy quân, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã tổ chức các trận đánh vào ấp chiến lược, chi khu quân sự, quận lỵ của địch.

Một giờ 05 phút đêm mùng 8 rạng ngày 09 tháng 2 năm 1964, đại đội 12 đặc công của Quân khu do đồng chí Tâm chỉ huy cùng đại đội 55 tổ chức trận đánh đặc công vào quận lỵ Ba Lòng. Đây là một cứ điểm có công sự kiên cố được xây dựng trên một địa hình cao hiểm trở và bố phòng vòng trong, vòng ngoài cẩn mật. Tên quận trưởng Trần Đình Lãm và bọn tay chân kiêu căng hống hách tuyên bố quận lỵ Ba Lòng là nơi “bất khả xâm phạm”. Sau nhiều lần trinh sát nắm chắc địa hình và cách bố phòng của địch, quân ta thọc sâu đánh tỏa ra bằng chiến thuật “Nở hoa trong lòng địch”, chỉ 6 phút tấn công chớp nhoáng quân địch bị tê liệt hoàn toàn. Và sau 20 phút nổ súng dòn dã, ta làm chủ hoàn toàn trận địa. Kết quả trong trận này ta đã diệt 36 tên, làm bị thương 18 tên khác, bắt 32 tên tù binh trong đó có quận phó Nguyễn Cao Hưởng và đại đội trưởng đại đội bảo an Bùi Văn Minh, thu 85 súng (có 1 đại liên, 1 trung liên, 2 cối 81, 2 cối 60, 35 cácbin, 6 garăng, 13 tiểu liên...) cùng nhiều đạn dược và quân trang, quân dụng. Thu toàn bộ điện đài trong đó có 4 máy vô tuyến điện và các tài liệu quan trọng khác, phá hủy toàn bộ cơ quan quận, chỉ huy sở chi khu, hai trại lính, 4 lô cốt, 1 chi công an, 1 chi thông tin và trụ sở xã Ba Lương.

Chiến thắng Ba Lòng là chiến thắng lớn nhất từ ngày đầu chống Mỹ đến nay, có ý nghĩa rất to lớn tạo ra vùng giải phóng liên hoàn đồng thời gây chấn động mạnh trong hàng ngũ địch làm cho bọn chúng hoang mang lo sợ. Thân nhân của ngụy quân bị chết kéo đến các cấp của cơ quan nguy quyền đòi xác chồng con, đòi bồi thường tính mạng.

Bọn ngụy binh tìm cớ ốm đau bỏ trốn để khỏi đi chiến đấu. Bọn ngụy quyền nơm nớp lo âu. Nhân dân ta vui mừng phấn khởi, càng thêm tin yêu và khâm phục cách mạng. Sau thắng lợi, Ủy ban Mặt trận tỉnh tổ chức mít tinh lớn tại Trấm để mừng chiến thắng. Hơn 3000 đồng bào của 74 thôn vùng giáp ranh và lân cận tới dự. Lo sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng, bọn Mỹ - ngụy tăng cường bố phòng quanh thị xã Quảng Trị, Đông Hà, vùng giáp ranh, quốc lộ 1 để ngăn chặn và uy hiếp không cho đồng bào đi lại vui xuân.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Chín, 2022, 03:31:32 pm
Cùng với tiếng súng diệt địch ở miền núi, giáp ranh và nhiều nơi khác, ngày 20-3-1964 du kích xã Gio Hải (Gio Linh) tập kích tiêu diệt gọn trung đội tổng vệ đóng ở Diên Hà Thượng. Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, quần chúng 13 thôn trong toàn xã đồng loạt nổi dậy phá rào kẽm gai, cắt đứt hệ thống thông tin liên lạc, truy quét bọn ác ôn, kêu gọi binh lính đầu hàng. Cùng lúc lực lượng kháng chiến và nhân dân các xã Gio Hải, Gio An, Gio Sơn, Trung Sơn đồng loạt hưởng ứng và giải phóng xã nhà.

Để đối phó với phong trào cách mạng đang lan rộng, từ 14 đến 25 tháng 4 năm 1964, địch mở trận càn mang tên “Chiến dịch Lam Sơn 115A” vào miền tây Quảng Trị với quy mô lớn. Chúng huy động hơn 3 tiểu đoàn gồm các binh chủng đánh vào căn cứ của ta với chiến thuật “trực thăng vận” đổ quân ồ ạt, chớp nhoáng, nhằm bao vây, tiêu diệt lực lượng vũ trang, bắt cơ quan đầu não, gom dân, phá hoại kho tàng và hành lang chiến lược của ta. Ngày 19-4, Mỹ ngụy dùng 30 chiếc trực thăng đổ quân xuống Hướng Điền. Ngay từ những phút đầu đặt chân xuống đất, bọn địch đã bị lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương chặn đánh quyết liệt. Ngày 20 tháng 4 du kích Ba Đăng xã Ba Hy nổ súng chính xác bắn rơi chiếc L19 máy bay do thám chỉ huy bắt sống tên Tômxơn đại úy tình báo chỉ huy trận càn và một tên Mỹ khác. Đây là trận bắn rơi máy bay, bắt sống Mỹ đầu tiên trên chiến trường Quảng Trị. Các cánh quân địch bị mất chỉ huy, đứt liên lạc, rối loạn đội hình giữa thiên la địa võng không hiệp đồng được với nhau, lại bị quân và dân ta chặn đánh liên tục cuối cùng buộc phải rút lui.

Tháng 4 năm 1963, tại Ro Ró (Hướng Hóa), Tỉnh ủy Quảng Trị triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng quyết định tiến lên đồng khởi để giành lại nông thôn đồng bằng, coi đó là nhiệm vụ sống còn cấp thiết nhất. Phạm vi đồng khởi rộng lớn, đều khắp, trước hết là tất cả các nơi đã có cơ sở của ta đều phải vùng lên khởi nghĩa. Về bước đi chia làm ba đợt:

Đợt một: Từ ngày 5 tháng 7 đến 30 tháng 8.

Đợt hai: Từ ngày 1 tháng 9 đến 31 tháng 10

Đợt ba: Từ ngày 1 tháng 11 năm 1964 đến tháng 1 năm 1965.

Về sử dụng lực lượng, hội nghị chủ trương phải tập trung thích đáng cho đồng bằng, ở vùng sâu dùng bạo lực của quần chúng lấy du kích mật làm nòng cốt là chủ yếu. Còn lực lượng vũ trang chỉ sử dụng một số tổ chức nhỏ và sắc làm nòng cốt cho du kích. Lực lượng vũ trang của huyện nào hoạt động tại huyện đó. Đơn vị 55 (bộ đội tỉnh) điều về huyện Triệu Phong và sẵn sàng cơ động. Cán bộ các ban, ngành cấp tỉnh thay nhau về địa phương trực tiếp tham gia chỉ đạo và phát động quần chúng. Hội nghị quyết định lấy Cùa (huyện Cam Lộ) làm ngòi pháo khởi điểm cho phong trào đồng khởi, thu hút lực lượng địch tạo điều kiện cho vùng giáp ranh toàn tỉnh nổi dậy đồng thời lấy Hải Lăng làm trọng điểm chỉ đạo toàn tỉnh. Tỉnh ủy kêu gọi: “Thời cơ đang tiếp diễn vô cùng thuận lợi, chúng ta hãy đồng tâm nhất trí vượt mọi khó khăn gian khổ, phát huy mọi nỗ lực và sáng kiến, bám sát cơ sở, bám sát nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang”.

Để tăng thêm quyết tâm và cổ vũ phong trào đồng khởi ở nông thôn đồng bằng và vùng giáp ranh, Tỉnh ủy chủ trương cho cơ sở vận động làm binh biến trong trung đội tổng vệ 18 ở Ba Thành (Ba Lòng). Đêm 24 tháng 6, thực hiện sự kết hợp công tác binh vận gây cơ sở nội ứng với lực lượng bên ngoài đánh vào hỗ trợ cho anh em binh sĩ và quần chúng nổi dậy nên ngay từ đầu trung đội tổng vệ đã đầu hàng. Cuộc binh biến đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ta bắt sống 54 tên, tha bổng 24 tên tại chỗ, đưa đi 30 tên trong đó có 3 cơ sở của ta. Thu 36 súng có 1 trung liên, 2 tôm xơn và nhiều đạn dược. Nhân dân trong vùng nổi dậy phá 3 ấp chiến lược và rải 500 tờ truyền đơn cách mạng.

Vụ binh biến Ba Thành là một thắng lợi quân sự có ý nghĩa ảnh hưởng chính trị rất lớn đầu tiên trong tỉnh, thực hiện được mũi giáp công binh vận quan trọng lên ngang hai mũi quân sự và chính trị, đáp ứng được yêu cầu cho việc chuẩn bị mở đầu cuộc tiến công chính trị vào hàng ngũ địch, động viên tinh thần cán bộ chiến sĩ tin vào khả năng to lớn của quần chúng và làm cho kẻ thù phải hoang mang khiếp sợ.

Cùng đêm, đội 10 đặc công của tỉnh, phối hợp với đại đội 1 phân khu tiến công đánh chiếm vị trí Đầu Mầu, một vị trí lợi hại có công sự kiên cố án ngữ phía tây đường số 9. Việc đánh Đầu Mầu nhằm thu hút địch vào phòng thủ vùng này, đồng thời chặn con đường yết hầu nối tiếp các vị trí khác dọc đường 9, tạo điều kiện cho nơi khác nổi dậy. Kết quả ta diệt 12 tên, bắt sống 37 tên khác, thu 30 súng các loại, phá sập cầu Đầu Mầu. Cùng một thời gian, vụ binh biến Ba Thành và trận đánh Đầu Mầu giành thắng lợi hoàn toàn đã cổ vũ mạnh mẽ quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang đồng thời củng cố niềm tin cho lãnh đạo quyết tâm đồng khởi.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Chín, 2022, 03:33:40 pm
Ngày 4 tháng 7 năm 1964, Thường vụ Tỉnh ủy phát đi bản mệnh lệnh số 1: “Nay ra lệnh cho các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong tỉnh mở màn đợt phát động quần chúng phá thế kìm kẹp giành lại nông thôn đồng bằng vào ngày 5 tháng 7 năm 1964”. Tỉnh ủy khẩn thiết kêu gọi: “Hãy sẵn sàng hy sinh tất cả, giành thắng lợi lớn nhất”.

Dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo khởi nghĩa do đồng chí Lê San, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Đức Dũng - Tỉnh ủy viên phụ trách, đồng chí Vũ Soạn - Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp theo dõi kiểm tra, đôn đốc, đêm mồng bốn rạng ngày mồng 5 tháng 7, các lực lượng vũ trang cùng cơ sở bí mật trong thanh niên chiến đấu từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra hỗ trợ cho quần chúng hai thôn Mai Lộc, Mai Đàn và lan nhanh ra cả vùng Cùa nổi dậy đồng loạt tiêu diệt địch, lùng bắt tề, ngụy, ác ôn. Kết quả ta đã bắt được 65 tên tề, ngụy ác ôn, gọi hàng 25 tên cộng hòa, buộc hàng 15 tên khác, thu 230 súng các loại và 100 tấn gạo. Đồng khởi ở Cùa hoàn toàn thắng lợi, ta giành quyền làm chủ về tay nhân dân. Ngay sau đó ta tổ chức mít tinh, thành lập chính quyền cách mạng, ổn định đời sống sinh hoạt bình thường cho nhân dân. Để bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng, huyện thành lập một trung đội vũ trang khác cho hai xã vùng Cùa, đồng thời rút 15 đồng chí bổ sung cho tỉnh. Mặt khác tổ chức lực lượng chuẩn bị công sự hầm hào chiến đấu chống địch phản kích. Từ ngày 5-7 đến ngày 12-10-1964, nhân dân vùng Cùa hoàn toàn làm chủ. Đồng khởi Cùa là thắng lợi đầu tiên của phong trào đồng khởi. Từ thắng lợi này phong trào lan nhanh ra toàn tỉnh, ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng chưa đầy hai tháng đã nổi dậy giành được 40 nghìn dân (vượt chỉ tiêu trên 10 nghìn). Thắng lợi đó đã cổ vũ phong trào cách mạng trong toàn tỉnh tiến lên mạnh mẽ.

Ngày 7 tháng 7 năm 1964, tại Long Hưng Phường (Hải Phú - Hải Lăng) 9 dũng sĩ Phường Sắn trong một ngày đã chống trả quyết liệt nhiều đợt tấn công quyết liệt của 600 tên địch, có máy bay và xe cơ giới yểm trợ. 9 dũng sĩ gồm 7 đồng chí thuộc lực lượng vũ trang tỉnh và 2 du kích xã Hải Phú lập thành một tiểu đội hỗ trợ cho phong trào phá kìm giành quyền làm chủ của nhân dân. Lo sợ trước sự lan rộng của phong trào đồng khởi, sáng ngày 7 tháng 7, địch huy động một đại đội bảo an hùng hổ từ Hải Lăng kéo ra với ý đồ bao vây bắt sống lực lượng ta và uy hiếp phong trào quần chúng. Nhưng do nắm được âm mưu của địch nên từ khi chúng mới dàn thế trận, lực lượng ta đã nổ súng trước diệt 5 tên, thu 2 trung liên, một số đạn và lựu đạn. Bọn còn lại bỏ chạy tán loạn. Khoảng 9 giờ địch vội vã đưa quân đến tiếp viện. Từ 9 đến 12 giờ, chúng mở 3 đợt tiến công vào trận địa 9 dũng sĩ nhưng đều bị đánh bật trở lại. Đến 14 giờ, địch điều thêm một đại đội lính cộng hòa có một chi đoàn xe bọc thép M113 và hai máy bay thám thính L19 đến yểm hộ. Các chiến sĩ ta kiên cường bám trụ, dựa vào bờ khe, chân ruộng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và người cuối cùng.. Tám đồng chí đã hy sinh oanh liệt, còn một đồng chí bị thương lẫn trốn dưới ao làng. Suốt một ngày quần lộn với 600 tên địch, 9 dũng sĩ đã diệt 54 tên và làm bị thương 22 tên khác đẩy lùi các cuộc tấn công của địch có số lượng đông gần 100 lần lại có hòa lực, phi pháo yểm trợ. Đây là chiến công đầu của phong trào du kích chiến tranh, 9 dũng sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, nhưng tên tuổi và tấm gương dũng cảm ấy vẫn mãi mãi khắc ghi trong lòng nhân dân, còn bọn địch thì vô cùng kinh sợ.

Phong trào đồng khởi giành thắng lợi ở một số nơi làm cho bọn địch hoang mang, lúng túng. Chúng điên cuồng đưa quân đi càn quét, đàn áp khắp nơi. Ngày 9-7-1964, Mỹ - ngụy huy động 500 quân, có máy bay cơ giới yểm trợ phản kích vùng giải phóng Cùa. Trước sức tấn công ồ ạt của kẻ thù, lực lượng vũ trang cùng nhân dân vẫn kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu đánh bật địch ra ngoài, giữ vững vùng giải phóng.

Cùng với đòn tiến công quân sự, ở thị xã các tổ chức Đảng đã lãnh đạo nhân dân biểu tình đấu tranh chống Mỹ và tay sai. Ngày 25 tháng 8, tại thị xã Quảng Trị hơn 10 nghìn đồng bào và học sinh biểu tình chống chế độ độc tài Nguyễn Khánh. Cuộc biểu tình được đồng bào vùng ven đô như Xuân Yên, Nhan Biều, Trung Kiên, Chợ Sải và một số binh sĩ cộng hòa, bảo an, cảnh sát ngụy tham gia. Đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo Nguyễn Khánh”; “Hủy bỏ hiến chương 16 tháng 8”; “Đế quốc Mỹ cút đi”...

Hôm sau, hơn 300 giáo viên và học sinh tiếp tục biểu tình chống Mỹ, giương cao khẩu hiệu: “Mỹ không được can dự vào công việc nội bộ của người Việt Nam”...

Cũng trong thời gian này tại Hải An, một xã vùng biển của huyện Hải Lăng ngày càng quân sự Mỹ Thủy, được sự hỗ trợ của một trung đội vũ trang ta, trung đội dân vệ, bảo an đã nổi dậy làm binh biến, diệt bọn ác ôn, ngụy quyền, phá trụ sở xã đem toàn bộ vũ khí về với cách mạng. Xã Hải An hoàn toàn giải phóng. Đây là vụ binh biến đầu tiên của vùng biển tỉnh ta.

Đến tháng 9-1964, trên chiến trường Trị - Thiên đang hình thành ngày càng rỏ nét thế ba vùng chiến lược phối hợp đấu tranh nhịp nhàng hỗ trợ và tác đọng lẫn nhau gây chấn động lớn trong hàng ngũ địch, tạo nên một khí thế mới cho phong trào. Phương châm đấu tranh hai chân ba mũi là tất yếu đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh và hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Đánh giá tình hình năm 1964 trên chiến trường Trị - Thiên, Bộ Chính trị cho rằng phong trào đã có bước phát triển nhưng trong chỉ đạo, đánh giá tình hình địch, ta chưa sát đúng, vận dụng phương châm, phương thức chưa linh hoạt nên kết quả phần nào còn hạn chế. Bộ Chính trị chỉ thị: Phải tích cực chiến đấu bảo vệ hành lang, trong một thời gian ngắn phải biến đổi cho được tương quan lực lượng chính trị ở đồng bằng và đô thị, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm tốt công tác binh địch vận.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Chín, 2022, 03:34:39 pm
Ngày 20 tháng 9 năm 1964, địch mở trận càn quy mô lớn vào đồng bằng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Lực lượng vũ trang ta kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu tiêu diệt 65 tên địch, bắn rơi 4 máy bay, bắn cháy 2 xe bọc thép M113.

Cuối tháng 9 năm 1964, toàn tỉnh mở tiếp đồng khởi đợt hai nhằm vào vùng sâu. Đợt hoạt động này kéo dài hết tháng 10 năm 1964. Phong trào diễn ra đều khắp nhưng mạnh nhất ở Triệu Phong. Kết thúc đợt đồng khởi này, 60 nghìn dân đã giành quyền làm chủ. Trong toàn tỉnh vùng giải phóng dượt mờ ra trên một địa bàn rộng lớn nối liền từ vùng giáp ranh Gio Linh - Cam Lộ - Ba Lòng - Triệu Hải, từ Cửa Việt đến Thẩm Khê, từ Triệu Phong đến Phương Lang Đông... ở những nơi mới giải phóng, chính quyền cách mạng được thành lập, thực hiện chính sách ruộng đất và chính sách xã hội, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực.

Ngày 12 tháng 10 năm 1964. Tỉnh ủy quyết định đồng khởi đợt ba. Thực hiện chủ trương của tỉnh, quân và dân toàn tỉnh đẩy mạnh đấu tranh quân sự và chính trị, giữ vững vùng giải phóng ở miền núi và giáp ranh, mở rộng quyền làm chủ ở đồng bằng và ven biển. Đến tháng 1 năm 1965, toàn tỉnh đã mở rộng được một số vùng giáp thị xã dọc các trục đường giao thông quan trọng. Ngày 20 tháng 1 năm 1965, nhân dân các thôn Kinh Môn, Hói Cụ, Giang Phao sát bờ nam sông Bến Hải nổi dậy giành quyền làm chủ, đưa mức giành dân trong toàn tỉnh lên 13 vạn.

Sau hơn 8 tháng tiến công và nổi dậy (từ tháng 5 năm 1964 đến tháng 1 năm 1965) quân và dân tỉnh ta đã giành thắng lợi to lớn về mọi mặt. Ta đã giải phóng và giành quyền làm chủ cho dân, phá thế kim kẹp của địch ở 240 thôn, 13 xóm, trừng trị 172 tên ác ôn, bắt cải tạo dài ngày ở tỉnh 74 tên, huyện 217 tên và cảnh cáo 1780 tên, làm rã ngũ gần 2.000 thanh niên chiến đấu, nghĩa quân, lính cộng hòa, bảo an, dân vệ. Cấp hơn 1000 mẫu ruộng công điền cho nông dân nghèo. Đẩy mạnh thêm một bước về phát triển chiến tranh nhân dân rộng khắp, xây dựng làng chiến đấu, phát triển trên 2000 du kích, rút 1.700 thanh niên bổ sung cho lực lượng vũ trang.

Trong quá trình đồng khởi, lực lượng vũ trang và hoạt động quân sự đã đóng vai trò quan trọng, vừa là nòng cốt cho lực lượng tại chỗ nổi dậy, vừa là lực lượng chủ yếu đánh địch phản kích bảo vệ vùng giải phóng.

Lực lượng vũ trang đã đánh địch trên cả ba vùng chủ yếu ở đồng bằng với hơn 100 trận lớn nhỏ, diệt, làm bị thương và bắt 5.300 tên, thu 819 súng các loại, phá 13 xe M113, 40 xe quân sự khác và 16 máy bay. Lực lượng vũ trang Vĩnh Linh “đánh giặc bờ nam” đã đánh 31 trận (trong đó 5 phân đội độc lập đánh 25 trận) 25 lần dùng bom, mìn phá hoại cầu cống, diệt 138 tên địch (có 6 sĩ quan Mỹ), phá hủy 1 xe M113, 5 chiếc GMC, 4 xe Zep, đánh sập 9 cầu lớn, thu 24 súng các loại và 2 máy vô tuyến điện.

Ở miền núi, địch tuy vẫn xây dựng đặc khu Tà Rụt nhưng vì phải đối phó với ta ở đồng bằng nên không có hành quân lớn, chỉ đánh phá bằng phi pháo. Phối hợp với đồng bằng, miền núi triển khai các đợt đánh phá ấp chiến lược, ven đường số 9, giải phóng 22 thôn với 5.019 dân, diệt 60 tên ngụy quyền thôn xã. Đồng thời tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống khủng bố đàn áp. Nhờ vậy căn cứ địa ngày càng được củng cố và mở rộng. Nhân dân các dân tộc vùng giải phóng ra sức sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Riêng trong đợt tiến công và nổi dậy ở đồng bằng, miền núi đã đóng góp hơn 30 tấn lương thực, năm 1964, đồng bào các y dân tộc đã đi dân công đóng góp 199.913 ngày công, bình quân 24 ngày một người một năm.

Vượt qua mọi hy sinh gian khổ của chiến tranh, lực lượng cách mạng tỉnh ta vẫn không ngừng phát triển. Trong quá trình đồng khởi lực lượng vũ trang liên tục lớn mạnh trường thành tăng nhanh cả số lượng và chất lượng. Ngoài các đơn vị 55, 45, đội 10 đặc công, tỉnh đã thành lập thêm tiểu đoàn 808 bộ binh (10-1964), mỗi huyện đã xây dựng được đại đội bộ binh. Lực lượng dân quân du kích phát triển rộng khắp. Thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng mở rộng trên cả ba vùng chiến lược, làng xã chiến đấu được xây dựng khắp nơi. Phong trào chiến tranh du kích của tỉnh được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 biểu dương. Đơn vị 59B được thưởng Huân chương Giải phóng hạng nhất.

Bốn năm (1961 - 1964) là thời kỳ đấu tranh sôi động của quân và dân tỉnh ta. Đối với Vĩnh Linh kế hoạch 5 năm (1961 - 1965) mới thực hiện được 4 năm nhưng Đảng bộ và nhân dân đã khắc phục được nhiều[ khó khăn do thiên tai, do nền kinh tế quá nghèo nàn lạc hậu, do âm mưu của địch bên kia giới tuyến thường xuyên phá hoại, khiêu khích đã tiến lên từng bước vững chắc. Kinh tế, văn hóa xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện tạo ra thế lực mới làm hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh của đồng bào bờ Nam. Cả Vĩnh Linh bình tĩnh, tự tin, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới.

Quân và dân Quảng Trị ở bờ nam vĩ tuyến đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ V tháng 6 năm 1961, lực lượng vũ trang ngày càng trưởng thành đã tự lực tự cường, kiên trì, bền bỉ, chuyển từ thế yếu lên thế mạnh, từ bị động lên chủ động, từ thoái trào lên tiến công địch bằng “hai chân ba mũi” ra sức tiến công địch để giành quyền làm chủ, làm chủ để tiến công địch, giữ vững và mở rộng căn cứ địa miền núi, tiến về đồng bằng, uy hiếp đô thị, kiên trì giành giật với địch từng người dân, từng thôn bản, góp phần cùng toàn miền làm phá sản quốc sách ấp chiến lược và chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Chín, 2022, 03:36:39 pm
Chương III

VƯỢT QUA KHÓ KHĂN THỬ THÁCH, GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI
CHIẾN LƯỢC “CHIẾN TRANH CỤC BỘ” VÀ
“VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (1965-1972)

Thắng lợi đồng khởi toàn miền từ 1959, ở khu 5 và tây Trị - Thiên từ 1960 đã tạo thuận lợi cho phong trào quần chúng đồng bằng tỉnh ta nổi dậy phá ấp chiến lược, phá thế kim kẹp của địch, giành quyền làm chủ về tay nhân dân, thiết lập chính quyền tự quản của quần chúng, huy động sức người sức của vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thắng lợi đồng khởi đánh dấu mốc thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ trên toàn miền, Mỹ bị động lúng túng, ngụy quân, ngụy quyền hoang mang dao động không đủ sức đương đầu với thế tiến công cách mạng trên khắp ba vùng chiến lược.

Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển thế chiến lược, ào ạt đưa quân viễn Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam, thực hiện chiến lược mới “chiến tranh cục bộ” nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường, vực ngụy quân, ngụy quyền dậy, thực hiện hai thủ đoạn chiến lược, hai gọng kìm, năm mũi chiến thuật hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và chủ lực của ta, đồng thời tiến hành bình định có trọng điểm tiến tới dập tắt phong trào cách mạng ở miền Nam trong một thời gian nhất định.

Ngày 1-4-1965, Tổng thống Mỹ Giôn Xơn quyết định đưa 18.000 đến 20.000 quân Mỹ vào Việt Nam thì đến cuối năm số quân Mỹ và chư hầu đã lên tới 206.000 tên.

Ở chiến trường Quảng trị trước đây chỉ có quân ngụy nhưng đến cuối năm 1966 đã có 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ và một số đơn vị công binh và ngày càng tăng dần với tốc độ khá nhanh.

Năm 1966, lực lượng địch ở Quảng Trị có 12 tiểu đoàn bộ binh ngụy, 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 15 đại đội bảo an, 102 trung đội dân vệ, 5 tiểu đoàn pháo binh, 2 trung đoàn thiết giáp, 1 tiểu đoàn và 2 đại đội cảnh sát, 3000 thanh niên chiến đấu (có 1/3 được trang bị vũ khí). Đến cuối năm 1968 ngoài số quân ngụy được tăng cường, số quân Mỹ ở chiến trường Quảng Trị lên tới gần 20.000 tên với những đơn vị sừng sỏ như F3 thủy quân lục chiến, E1/F1 E26 hạm đội 7, 2 lữ kỵ binh bay, lữ 1/F1 bộ binh cơ giới và các đơn vị pháo binh, công binh, xe tăng hình thành tuyến phòng ngự phía bắc dày đặc. Tình thế ấy đặt ra cho quân và dân Quảng Trị những thử thách hiểm nghèo, trách nhiệm nặng nề và to lớn trước sứ mệnh của một tỉnh tiếp giáp với hậu phương lớn XHCN.

I - KHÔNG NGỪNG XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG, KẾT HỢP CHẶT CHẼ PHƯƠNG CHÂM
“HAI CHÂN BA MŨI” RA SỨC ĐÁNH PHÁ BÌNH ĐỊNH CỦA ĐỊCH,
ĐÁNH BẠI TỪNG BƯỚC CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH CỤC BỘ CỦA ĐẾ QUỐC MỸ.

Với số quân đông, vũ khí mạnh, địch liên tiếp mở các đợt càn quét lớn cấp trung đoàn, lữ đoàn có xe tăng, phi pháo yểm trợ vào các vùng đồng bằng, ven biển và các khu vực dọc theo trục giao thông hòng “líp” lại vùng giải phóng của ta. Lợi dụng mùa mưa lũ địch chuyển hướng từ đồng bằng lên càn quét vùng giáp ranh. Ngày 4-8-1965 chúng dùng 5 máy bay B52 dội 150 tấn bom triệt hạ 5 thôn Mai Sơn, Hà Vựng, Thạch Xá, Làng Hạ và Hà Giữa mở đầu cho hành động dùng B52 đánh phá Trị - Thiên. Tiếp theo tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh quân đoàn 1, trực tiếp chỉ huy cuộc hành binh có 6 tiểu đoàn thuộc F1 ngụy, 5 đại đội biệt động và 1 đại đội Mỹ càn quét vùng Triệu Thượng, Hải Lê, Ba Lòng. Địch thả hơn 1000 tấn bom đạn vào 3 xã trên, đốt phá lương thực hoa màu, thôn làng, gom dân, tố cộng lập tề. Chúng cho quân đóng lại các vị trí Ba Lòng, xóm Mô, Tân Lệ, cho máy bay rải chất độc hóa học tàn phá rừng rây tư Khe Bắp, Ba Hy, Ba Lê đến A Cho, A Ven thuộc Hướng Hóa.

Hơn 1000 dân hết lương thực bị đói, tiếp đến lại bị lụt, 2/3 số dân bị ốm, trong cơn túng quẫn, một số đồng bào ta dao động, hoang mang.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy chủ trương đưa số dân còn lại của ba xã trên lên miền Tây nhưng cả đường đi và nơi dự kiến đến đều bị địch liên tiếp đánh phá, rải chất độc.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Chín, 2022, 03:38:08 pm
Ở Cam Lộ chúng bắt nhân dân đóng góp sức người, sức của xây dựng và mở các đồn Tân Sở, Cồn Trung, sân bay Đường Đẽo, xây dựng các lô cốt ở các cầu ki-lô-mét số 6, 7, 10 trên trục đường 9.

Ở đồng bằng Triệu Hải do không có chủ lực của ta hoạt động nên bọn biệt kích, hải thuyền, bảo an, tổng vê, tề điệp... được dịp lồng lên khủng bố trắng trợn. Chỉ trong hai tháng năm 1965 địch đã tiến hành 163 trận càn (có 25 trận quy mô cấp tiểu đoàn), nhiều vùng chúng càn đi quét lại hàng tháng trời. Du kích một số nơi phải chôn súng chạy lên rừng, 8 du kích Hải An đầu hàng địch, ở Gio Linh một số cơ sở bị vỡ, nhiều đảng viên bị bắt tra tấn dã man, bị giết hoặc tù đày.

Như vậy là vùng đồng bằng của ta cơ bản bị địch chiếm gần hết. Vùng phía trên đường 1 và đường sắt bị lấn chiếm một mảng quan trọng. Lực lượng của ta bị tiêu hao nặng. Lực lượng Đại Việt, Việt Nam quốc dân đảng, bọn ác ôn, dân vệ bảo an thừa cơ trỗi dậy kích động hận thù, truy tróc khủng bố quần chúng ráo riết. Tuy sống trong vùng kêm tỏa của địch, quần chúng nhiều nơi vẫn tìm cách bắt liên lạc với cán bộ và du kích. Dân quân du kích và cán bộ vẫn bám trụ chống càn, trừ gian, diệt ác bảo vệ địa phương. Nhưng nhìn chung trên toàn tỉnh ta vẫn gặp khó khăn gay gắt. Thương vong ngày càng tăng, quân số bổ sung không có, tất cả các đơn vị đều thiếu gạo, thiếu tiền nghiêm trọng. Những chuyến về đồng bằng lấy gạo đều phải đổi bằng máu.

Trước tình hình đó ta kịp thời tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ, tổ chức huấn luyện tân binh, bổ sung quân thiếu hụt. Phân khu Trị - Thiên giao chỉ tiêu cho các đơn vị bộ đội thu mua lương thực và sản xuất tự túc, đảm bảo lương thực thường xuyên cho bộ đội và có lượng dự trữ đạt mức mỗi cán bộ chiến sĩ phải sản xuất đủ ăn và nuôi một người để chuẩn bị phát triển lực lượng lâu dài.

Ngày 10-10-1965, trung đoàn 6 được thành lập tại chiến khu Ba Lòng. Đây là trung đoàn chủ lực đầu tiên của chiến trường Trị - Thiên, gồm 3 tiểu đoàn bộ binh 800, 802, 806 và các đại đội đặc công, trinh sát, công binh, trợ chiến. Tiểu đoàn 800 là đơn vị chủ lực đầu tiên của Phân khu Trị - Thiên gồm phần lớn con em Trị - Thiên tập kết ra Bắc trở về năm 1961, sau này (1963) được bổ sung một đại đội của Quảng Bình. Tiểu đoàn 806 tiền thân là tiểu đoàn 2 giới tuyến (tiểu đoàn sư 341) vào Trị - Thiên tháng 2-1965. Tiểu đoàn 802 đã hỗ trợ cho quần chúng tiến hành đồng khởi giải phóng Phú Lộc tháng 2-1965.

Cũng trong tháng 10, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Phân khu Trị - Thiên: “Nông thôn và đồng bằng là hướng tiến công chủ yếu, phải đánh tiêu diệt địch ở đồng bằng, kết hợp giữa đánh địch và phát động quần chúng gây dựng cơ sở, đẩy mạnh chiến tranh du kích và cần đưa chủ lực về hoạt động ở đồng bằng để mở rộng phong trào.

Thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, tỉnh giao cho Trung đoàn 6 đánh chiếm Ba Lòng - Tân Lệ là căn cứ trọng yếu của địch, khống chế một vùng rộng lớn, chặn tiếp tế của ta từ đồng bằng lên miền núi.

Địch ở Ba Lòng có một tiểu đoàn của E2/F1 ngụy, một đại đội pháo 6 khẩu 105 ly, một đại cối 81 ly và một đại đội biệt kích thám báo. Toàn bộ căn cứ nằm trên 4 điểm cao, xung quanh có hàng rào rộng từ 2 đến 3 mét sâu từ 1 đến 2 mét, dưới lòng hào có cắm chông. Sát hàng rào là dây thép gai bùng nhùng và một bãi mìn đủ loại. Tiếp đến là dây thép gai rào kiểu mái nhà rồi vào đến hệ thống công sự khá kiên cố. Đồn chính có ba lô cốt ba phía, đồn phụ được giao cho bọn thám báo chốt giữ.

Ngoài ra căn cứ Ba Lòng - Tân Lệ còn được hỏa lực pháo của hạm tàu và căn cứ Đông Hà chi viên trực tiếp khi xảy ra chiến sự.

Nhổ được căn cứ Ba Lòng là nối được với đường 9 thông tuyến Bắc - Nam, tạo điều kiện mở rộng hành lang làm bàn đạp tiến về đồng bằng.

Vào lúc 17 giờ ngày 19-10-1965 (tức là chưa đầy 10 ngày sau khi thành lập) tất cả các mũi các hướng của Trung đoàn 6 xuất kích trong mưa gió, lầy lội. Đến 23 giờ cùng ngày nổ súng tấn công. Từ những phút đầu của trận đánh sở chỉ huy, khu thông tin, trận địa hỏa lực và đại đội cơ động của địch bị pháo quân ta giã trúng đội hình làm cho chúng gần như bị tê liệt. Nhưng địch từ đồi Sim, đồi Cháy bắn chặn dữ dội vào cửa mở đồng thời các lô cốt nổ súng chống trả quyết liệt.

Trước tình hình đó, các chiến sĩ tiểu đoàn 806 vừa áp chế địch vừa vượt rào, phá hào xông lên. Có những tấm ván bắc qua hào bị gãy, các chiến sĩ phải nhảy xuống lòng hào ghé vai đỡ. Cầu bị gãy, các chiến sĩ đại đội 3 dùng bộc phá đánh bạt mép hào rồi cúi lưng làm giá cho xung kích vượt qua.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Chín, 2022, 03:38:54 pm
Sau hơn một giờ chiến đấu, ta diệt hơn 200 tên, bắt một số tù binh, thu 30 súng, phá ba cổ pháo và một số kho tàng. Quân ta chiếm được 1/2 đồn chính, 2 lô cốt, đánh tan đại đội thám báo, tuy nhiên không tiêu diệt được bọn địch cố thủ trong các hầm ngầm nên chúng phản kích quyết liệt. Trong khi đó trung đoàn 6 thành lập tập hợp từ các tiểu đoàn độc lập lại chưa đủ thời gian huấn luyện hiệp đồng chiến đấu và nhất là đánh công kiên nên không dứt điểm được, ở hướng Tân Lệ, do có trở ngại, nên đến đêm 20-10 bộ đội ta mới nổ súng tiến công. Ngay từ những phát đạn đầu, quân ta đã diệt được nhiều địch, bắt tên tiểu đoàn trưởng ngụy Nguyễn Tri Phương và dùng tên này gọi binh lính thuộc quyền ra hàng. Cùng lúc đặc công và bộ binh ta đánh chiếm sở chỉ huy và các trận địa pháo. Sau 30 phút tiến công ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Quân ta diệt gọn hai tiểu đoàn, phá hủy 8 khẩu pháo, 8 xe quân sự và 4 đại liên, đốt cháy một kho đạn và thu nhiều quân trang quân dụng.

Chiến thắng Ba Lòng - Tân Lê tiêu diệt và làm tan rã ba tiểu đoàn ngụy, tạo nên niềm tin tưởng phấn khởi trong chiến sĩ, nhân dân và giáng một cú xốc mạnh vào hàng ngũ địch trong nhiều ngày.

Sau khi đánh không dứt điểm vị trí Ba Lòng, trung đoàn 6 kịp thời rút kinh nghiệm chuyển qua tiến công vị trí A Chùm trên trục đường 9, đánh tan một tiểu đoàn địch đến ứng cứu buộc địch phải co về giữ Khe Sanh - Tà cơn. Vùng Huội San, Lao Bảo được giải phóng hoàn toàn.

Thừa thắng, trung đoàn 6 tiến quân về đồng bằng hiệp đồng với lực lượng vũ trang địa phương tấn công địch ở Triệu Hải và Hương Điền (Thừa Thiên).

Ngày 17-11-1965 đánh tan một tiểu đoàn ngụy càn ở Thanh Hội (Triệu Phong). Bộ đội địa phương và du kích Triệu Phong đánh tan một tiểu đoàn khác của địch có máy bay, đại bác yểm hộ, diệt 34 tên, bị thương 3 tên, thu 7 súng, bắn cháy một máy bay L19, tiêu diệt tên giặc lái.

Trên đà thắng lợi đó, trong vòng một tuần lễ tiếp theo ta đánh 9 trận lớn diệt gọn từng trung đội dân vệ, làm tiêu hao nặng từng đại đội, tiểu đoàn bảo an chủ lực của địch có cả xe tăng xe bọc thép và máy bay yểm trợ ở các thôn Đạo Đầu, Phương Lang, Phú Hải, Ba Du, Bồ Bản, Hải Dương, Lam Thủy và dọc đường 68 Hải Lăng.

Du kích Triệu Ái đánh địch giữa ban ngày diệt gọn một tiểu đội, thu vũ khí. Du kích Triệu Thượng phục kích bắt sống địch ở cầu ga, diệt địch canh đồn Đá Mọc. Du kích xã Hải Phú đánh địch sát căn cứ La Vang. Du kích Cùa bắt 4 tên ác ôn trên đường từ quận lỵ đến Cồn Trung.

Kết hợp với đấu tranh quân sự, 3000 đồng bào ở các xã Hải Trường, Hải Lâm, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Phú, Hải Thọ (Hải Lăng), Triệu Ái, Triệu Thượng (Triệu Phong) đã kéo đến quận lỵ Hải Lăng và thị xã Quảng trị bồng bế con cháu, gồng gánh của cải, mang theo nhiều tang vật bị bom đạn Mỹ phá hỏng tố cáo tội ác của giặc Mỹ. Trên đường đi mỗi lần qua đồn bốt địch dọc quốc lộ 1A, đồng bào đều dừng lại vạch tội ác đế quốc Mỹ, vận động thuyết phục binh sĩ ngụy chống Mỹ. Trước áp lực của đồng bào, dinh tỉnh trưởng buộc phải đóng cửa, bọn ngụy quyền chóp bu lánh mặt.

Trong lúc tiếng súng diệt địch nổ ra ở khắp đồng bằng rộng lớn Triệu Hải thì tiếng mìn diệt địch của du kích Cam Lộ cũng rộ lên ở sào huyệt địch Đông Hà. Ngày 6-12 tại cồn Mả Đỏ, 1 xe GMC chở bọn công binh trúng mìn của du kích Cam Lộ, 4 tên Mỹ và 7 tên ngụy bị diệt.

Đến cuối năm 1965, Mỹ đã đưa quân ồ ạt vào chiến trường miền Nam. Tại Quảng Trị, chúng đã điều đến 2 tiểu đoàn. Trước tình hình đó Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích tình hình và nhận định: “Cuộc chiến tranh xâm. lược của Mỹ ở miền Nam nước ta về tính chất và mục đích chính trị vẫn là chiến tranh xâm lược nhằm thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Song cuộc chiến tranh đó từ chỗ dựa vào ngụy quân, ngụy quyền là chủ yếu đã phát triển thành một cuộc chiến tranh dựa vào hai lực lượng chiến lược là quân đội viễn chinh Mỹ và ngụy quyền, ngụy quân”.

Như vậy cuộc chiến tranh đặc biệt đã trở thành chiến tranh cục bộ ở miền Nam, từ chỗ trước kia đế quốc Mỹ hạn chế trong phạm vi miền Nam, ngày nay chúng vừa tập trung lực lượng chủ yếu trên chiến trường miền Nam, vừa mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc trong tình hình cả nước có chiến tranh với Mỹ ở mức độ khác nhau”.

Quán triệt tình hình trên và chấp hành các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Khu ủy trong năm 1965, quân và dân Quảng trị đã đánh 1.057 trận lớn nhỏ diệt 5.117 tên địch, trong đó có 79 tên Mỹ, bắt sống 331 tên, thu 718 súng các loại, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Qua chiến đấu, lực lượng vũ trang đã trường thành một bước về quy mô, tổ chức, trình độ tác chiến, chính trị tư tưởng đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là đã làm tốt vai trò nòng cốt xung kích hỗ trợ đắc lực cho phong trào đồng khởi năm 1964 - 1965.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Chín, 2022, 03:41:06 pm
*
*   *

Bước vào năm 1966, địch chủ trương sử dụng quân ngụy càn quét, bình định vùng đồng bằng, ven đô và dọc các trục lộ giao thông, tăng cường đánh phá căn cứ, kho tàng, hành lang vận chuyển của ta.

Nhiệm vụ của chiến trường Quảng Trị lúc này là tập trung phát triển chiến tranh du kích và đẩy mạnh tác chiến ở đồng bằng, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị và công tác binh vận. Phân khu Trị - Thiên chủ trương mở chiến dịch tiến công địch ở bốn huyện đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng và Quảng Điền, Phong Điền (Thừa Thiên).

Thực hiện chủ trương của Phân khu từ cuối năm 1965 đến đầu năm 1966 bộ đội địa phương và dân quân du kích các huyện Gio Linh đến Hải Lăng đẩy mạnh tác chiến chống càn, diệt ác phá kìm, trừ gian.

Đầu tháng 1 năm 1966, được cơ sở mật báo thời gian, địa điểm địch họp bàn kế hoạch đánh phá phong trào cách mạng, Phân khu giao nhiệm vụ cho đội 10 đặc công đột nhập quận lỵ Triệu Phong đánh địch. 12 giờ 30 phút ngày 20 tháng 1 năm 1966, từ vùng căn cứ, đội 10 lúc này đã phát triển thành tiểu đoàn 10 đặc công (quân số khoảng 250 cán bộ, chiến sĩ) xuất quân vượt qua 20 km đường rừng, sông Ba Lòng, Ái Tử đến vị trí tập kết giấu quân. Đến 2 giờ 30 phút ngày 21 tháng 1, toàn đội nổ súng tiến công diệt 102 tên cảnh sát ác ôn, bắt 15 tên, thu 30 súng và 100.000 đồng tiền ngụy Sài Gòn. Trận đánh chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. Đây là trận đầu tiên đặc công thọc sâu đánh trúng đầu não địch ở Quảng Trị, phá tan âm mưu địch từ trên bàn hội nghị. Các cơ sở của ta được bảo đảm an toàn.

Ngày 22-2, tiểu đoàn 8 xuất hiện bất ngờ lúc 7 giờ sáng diệt cụm dân vệ Triệu Phước bắt sống 38 tên thu 50 súng. Địch bỏ chạy toán loạn. Thừa thắng ta tiến công vào cầu Bồ Bản trên trục đường 64 làm chủ, giữ cầu. Cùng ngày một bộ phận bộ đội tỉnh và bộ đội địa phương Hải Lăng tiến công tiêu diệt hai trung đội biệt chính ở Hội Yên.

Trước sức mạnh tấn công của ta bọn ác ôn ngụy quân, ngụy quyền dân vệ thôn xã hết sức lo sợ tìm cách lẫn trốn. Bọn địch ở chợ Cạn bỏ đồn tháo chạy.

Ở hướng bắc đường số 9, bộ đội và dân quân du kích đánh nhiều trận phục kích, tại Hà Trung, Hà Thượng, Lâm Lang, nổi bật là trận phục kích giữa ban ngày, diệt trung đội ác ôn do tên Chuồn chỉ huy đã gây nhiều nợ máu với nhân dân. Trận thắng mang lại niềm phấn khởi lớn cho đồng bào Cam Lộ.

Ở hướng nam, bộ đội địa phương đánh địch ở Cu Hoan, Văn Phong, Như Lệ làm cho nhân dân càng phấn khởi tin tưởng vào cách mạng đồng thời làm chỗ dựa cho du kích phát triển diệt ác ôn. Tiếp đà thắng lợi đánh các trận từ Phương Ngạn đến Đại Hòa, nối liền bốn huyện đồng bằng Triệu - Hải - Phong - Quảng. Dọc sông Mỹ Chánh, Ô Lâu ta hoàn toàn làm chủ.

Vùng giáp ranh và vùng chung quanh Gio An, Gio Sơn (Gio Linh), Cùa (Cam Lộ) ta đã giải phóng nhưng chưa làm chủ được, tuy vậy hành lang đi lại ở đây vẫn đảm bảo hoạt động tốt.

Những trận đánh kể trên tuy kết quả không lớn nhưng củng cố được niềm tin, trong nhân dân, hỗ trợ thiết thực cho phong trào chiến tranh du kích ở vùng địch kiểm soát.

Ngày 23-2, địch tăng cường 3 tiểu đoàn hòng cứu nguy cho vùng Triệu Hải. Ngay từ buổi sáng, quân ta chặn đánh một tiểu đoàn diệt 2 đại đội 150 tên, cả hai tên đại đội trưởng đều bị diệt tại trận. Buổi chiều ta chặn đánh hai tiểu đoàn khác, diệt 120 tên, có một trung đội bị diệt gọn, bắt sống 18 tên.

Ngày 25 tháng 2 địch huy động một lực lượng 8 tiểu đoàn gồm lính dù, biệt động và thủy quân lục chiến từ Sài Gòn ra có xe tăng, máy bay, pháo binh yểm trợ do hai tên tướng Nguyễn Chánh Thi và Nguyễn Chuân trực tiếp chỉ huy, hình thành 3 mũi đánh vào Ba Du, Cổ Lũy, Phương Lang (Hải Ba).


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Chín, 2022, 03:41:52 pm
Vào thời điểm này, Trung đoàn 6 trước đó đã lập được bàn đạp đứng chân ở Ba Du, Cổ Lũy, đang hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội và dân quân du kích địa phương sẵn sàng đánh địch. Vì vậy suốt 9 ngày liên địch tập trung máy bay và pháo các cỡ đánh phá ác liệt các khu vực có bố trí trận địa của quân ta. Sau mỗi lần máy bay ném bom, đại bác bắn phá là những đợt tiến công của bộ binh địch. Lấy rơm rạ, ván gỗ làm thành chắn cát, xây dựng công sự hầm hào, bộ đội ta bám đánh địch suốt từ Gia Đẳng, Đơn Quế đến Phương Lang, Chợ Cạn. Sở chỉ huy trung đoàn có ngày đánh bật năm đến sáu đợt phản kích của lính thủy đánh bộ. Trung đoàn trưởng Hoàng Ngọc Cường trúng đạn pháo hy sinh. Đồng chí Hùng quyền tỉnh đội trưởng Quảng Trị cùng với Chính ủy Trung đoàn Nguyễn Trọng Dần chỉ huy đơn vị liên tiếp đánh bại ba đợt tiến quân mới của địch buộc chúng phải lui quân. Trên cồn cát trắng Gia Đẳng, đại đội 3 tiểu đoàn 1 quần nhau quyết liệt với địch, diệt gọn một đại đội. Đại đội súng máy 12 ly 7 bắn rơi hai máy bay xong liền hạ nòng súng bắn thẳng vào bộ binh địch yểm trợ đắc lực cho bộ binh xuất kích. Ba chiến sĩ đại đội đặc công 12, suốt một ngày đánh lùi nhiều đợt tiến công của cả tiểu đoàn ngụy, giữ vững trận địa. Trong 9 ngày, Trung đoàn 6 đã chiến đấu quyết liệt, ghìm chân 6 tiểu đoàn chủ lực ngụy, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy diệt ác phá kềm, giành quyền làm chủ. Các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh của hai huyện Triệu - Hải và dân quân du kích sát cánh chiến đấu cùng trung đoàn 6 ngay từ khi chiến sự mới xảy ra. Trong những cuộc chiến đấu này, quân ta diệt 660 tên địch, bắt sống 30 tên, bắn cháy 3 xe M113, 2 máy bay, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự, cùng với nhân dân phá tan bộ máy kìm kẹp của địch, xây dựng cơ sở cách mạng trên một vùng rộng lớn ở hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng. Một số nơi đã thành lập chính quyền cách mạng (chính quyền tự quản do dân cử ra).

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh tan 6 tiểu đoàn chủ lực ngụy ở xã Hải Ba, Trung đoàn 6 vượt sông Ô Lâu tiến về phía nam chuẩn bị chiến trường giải phóng đồng bằng hai huyện Phong Điền, Quảng Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện vận động ra Gia Đẳng (Triệu Phong) đánh nhau với 3 tiểu đoàn địch, diệt 80 tên và 3 tiểu đoàn khác ở Đơn Quế, Kim Long (xã Hải Quế) diệt 200 tên, bẻ gảy trận càn của địch.

Phối hợp với hướng Triệu - Hải, lực lượng vũ trang các huyện Cam Lộ, Gio Linh bức địch phải rút bỏ các đồn thuộc hệ thống cảnh sát giới tuyến như Cát Sơn, Xuân Mỵ, Xuân Long, Xuân Hòa, Giang Phao, Kinh Thị (thuộc quận Trung Lương). Riêng bộ đội địa phương và du kích Gio Linh trong 4 ngày đầu tháng 3 năm 1966 đánh tan một đại đội biệt kích đang bình định ở Thủy Khê, Trung Hải, Trung Sơn, diệt hai trung đội, vây ép đồn cảnh sát Hiền Lương buộc chúng phải xin phép ta đi lấy nước và đi chợ mua ăn. Tính riêng trong tháng 2-1966, lực lượng vũ trang tỉnh đã diệt 1.800 tên, có 20 tên Mỹ, bắt sống 76 tên, thu 160 súng, bắn rơi 3 máy bay, bắn cháy 12 xe M113, phá hủy nhiều đồn trại của địch hỗ trợ cho phong trào phá kìm, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị của đồng bào Cam Chính (Cam Lộ), Nhan Biều (Triệu Phong) và nổi bật nhất là cuộc đấu tranh của đồng bào thị xã Quảng Trị bao gồm nhiều thành phần kéo dài nhiều ngày giương cao khẩu hiệu chống Mỹ, Thiệu, Kỳ, đòi dân sinh, dân chủ, đòi Mỹ cút về nước. Cùng với các hoạt động khác trên toàn miền đã có tác dụng phân hóa hàng ngũ địch mà điển hình là binh lính sư đoàn 1 ngụy đòi ly khai. Thắng lợi đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho ta có khả năng đánh Mỹ, diệt ngụy, hỗ trợ đắc lực cho phong trào phá kìm chống bình định, tạo đà, tạo thế cho nhiệm vụ nối tiếp cuối năm.

Đầu năm 1966, sau khi phân tích, đánh giá các cuộc oanh kích ác liệt bằng không quân của Mỹ vào Bắc Việt Nam, các nhà quân sự Oasinhtơn buộc phải thừa nhận: Những mục tiêu trước mắt của việc ném bom Bắc Việt Nam đã tỏ ra thất bại. Quyết tâm của Hà Nội rõ ràng được tăng thêm... hành động ngăn chặn hàng tiếp tế từ miền Bắc đã không đủ hạn chế các hoạt động quân sự ở miền Nam.

Với quyết tâm phải “Chặn đứng bằng được mọi nguồn tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam” từ tháng 3-1966, Chính phủ Mỹ tổ chức mốt nhóm nghiên cứu gồm 47 nhà khoa học tài giỏi nhất nước Mỹ về lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại để tìm biện pháp mới. Macnamara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo nội. dung nghiên cứu. Sau ba tháng làm việc khẩn trương, một đề án xây dựng phòng tuyến dọc theo khu phi quân sự bằng những phương tiện vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại nhất, tiên tiến nhất thời đó của quân đội Mỹ đã ra đời. Cuối tháng 6-1966 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công bố quyết định xây dựng phòng tuyến “Hàng rào điện tử” được báo chí Mỹ mệnh danh bằng đủ thứ tên “Phòng tuyến Macnamara”, “Tuyến Madinô Phương Đông”. Dự chi cho công trình đồ sộ này là khoảng 2 tỷ đô la.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Chín, 2022, 03:43:00 pm
Với mục đích ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam, hàng rào điện tử Macnamara kết hợp với không quân có nhiệm vụ “kịp thời phát hiện và ném bom hủy diệt ngay lập tức từng tốp người, từng chiếc xe, từng khẩu pháo, từng kiện hàng từ miền Bắc đưa vào miền Nam bằng đường Hồ Chí Minh dù vận chuyển theo trục đường phía đông hay phía tây Trường Sơn”. Mỹ cho rằng chỉ có “hàng rào điện tử” hiện đại mới loại trừ được khả năng đột nhập của quân đội Bắc Việt Nam vào Nam Việt Nam.

“Phòng tuyến Macnamara” với “hàng rào điện tử” và một hệ thống phòng ngự gồm 17 căn cứ mạnh và một tuyến phòng thủ nằm ở Nam vĩ tuyến 17, sát với giới tuyến quân sự tạm thời, trải dài khoảng 100km từ bờ biển phía đông lên biên giới Việt - Lào và rộng hàng chục km, có bố trí nhiều lực lượng và sử dụng đủ các phương tiện vũ khí trang bị kỹ thuật điện tử tối tân nhất của Mỹ.

Địch duy trì ở đây một lực lượng phòng ngự khá mạnh để kiểm soát phòng tuyến suốt ngày đêm. Lực lượng sử dụng gồm khoảng hai sư đoàn trong đó có một sư đoàn quân Mỹ và ba trung đoàn quân ngụy, chưa kể lực lượng bảo an dân vệ.

Ngoài lực lượng bộ binh còn có lực lượng pháo binh và xe tăng thiết giáp mạnh. Máy bay tiêm kích, cường kích liên tục bay lượn sẵn sàng tiêu diệt mọi mục tiêu vượt qua phòng tuyến. Máy bay ném bom chiến lược B52 cũng sẵn sàng hoạt động đánh phá.

Về hệ thống vật cản của phòng tuyến, Mỹ xây dựng khoảng 12 km hàng rào kẽm gai từ cứ điểm Cồn Tiên xuống bờ biển đông, chiều rộng hàng rào 30 km trong đó bố trí các bãi mìn chống bộ binh, chống tăng. Từ phía tây Cồn Tiên 1km lên biên giới Việt - Lào địch chỉ phát quang cây cối bằng chất độc hóa học, gài rải các bãi mìn chống bộ binh, chống xe cơ giới ngăn chặn ta có thể đi lại và gài các Sensora để phát hiện mục tiêu.

Máy trinh sát vô tuyến được trang bị cho “hàng rào điện tử” để phát hiện mục tiêu có nhiều loại: có loại thả từ máy bay xuống như ACOUBOUY, ADSID - 1, HELOSID - 18, SPIKESTD - 1. Đây là những máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn được thả từ máy bay trực thăng hoặc F4, dùng để phát hiện người, tiếng động trong cự ly từ 300 đến 400 mét.

Có loại đặt bằng tay hoặc bằng máy móc như: ARERUOY - 1/NBB, GSID, MINISID. Loại này rất tinh vi có khả năng phát hiện các tiếng động dù là nhỏ nhất của người hoặc xe cộ ở cự ly từ 100 đến 300 mét.

Và có loại được phóng từ súng cối 81mm như MODS, có thể phát hiện tiếng động của người từ 30 đến 50 mét, xe cộ từ 200 đến 400mét. Có khoảng 300 máy loại này đã được Mỹ trang bị cho “phòng tuyến Macnamara”.

Ngoài ra Mỹ còn sử dụng loại máy trinh sát hữu tuyến RPS, máy báo hiệu kiểu P dùng cho các bốt gác, lô cốt và chôn xuống đất dọc theo phòng tuyến cứ 500 mét đến 700 mét bố trí một máy, tất cả có khoảng 700 máy.

Các máy điện tử trong hệ thống trinh sát tại phòng tuyến có nhiệm vụ phân tích tiếng động để phân biệt người hay xe cộ, xác định chính xác tọa độ, thời gian từ nguồn phát ra tiếng động ấy, sau đó truyền đến trung tâm kiểm soát chiến trường để điều lực lượng đến tiêu diệt.

Ngay từ khi địch mới lập hàng rào bộ đội địa phương và dân quân du kích huyện Gio Linh, bộ đội tiểu đoàn 47, tiểu đoàn 4 (Bộ chỉ huy quân sự Vĩnh Linh) tiêu biểu là đại đội du kích do xã đội trưởng Trương Quang Thọ (Gio Linh) chỉ huy đã liên tục đánh phá, tiêu diệt một số lính công binh Mỹ làm cho tiến độ thi công chậm lại. Tuy nhiên Mỹ vẫn thiết lập được khoảng 10 km nhưng qua thực tế sử dụng “hàng rào điện tử Macnamara” đã tỏ ra không có hiệu quả nếu không muốn nói là bất lực trong việc thực hiện ý đồ chiến lược của chính phủ Mỹ là ngăn cản sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam Việt Nam.

Trên thực tế các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại bậc nhất của Mỹ lúc đó mới chỉ làm bị thương và tiêu hao một số xe cộ vận chuyển hàng hóa của ta, gây cho ta một số khó khăn, tổn thất nhất định nhưng chưa bao giờ nó có thể “chặn đứng bằng được mọi nguồn tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nám Việt Nam” như chỉ thị của tổng thống Giônxơn cho Bộ trưởng Bộ quốc phòng Macnamara và Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Uylơ.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Chín, 2022, 03:44:13 pm
Trên mặt trận đường 9, chủ lực của Bộ và Quân khu 4 tiêu diệt 3500 tên Mỹ, bắn tan xác 60 máy bay, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt. Quân Mỹ ngày càng bị thu hút ra đường 9, liên tục mở các cuộc hành quân giải tỏa, tăng cường phi pháo, chất độc hóa học đánh phá ác liệt nhất là miền núi nơi căn cứ địa cách mạng gây cho ta nhiều tổn thất và khó khăn.

Từ tháng 9-1965 đến tháng 4-1966 giặc Mỹ liên tiếp dùng máy bay rải hàng tấn chất độc hóa học xuống khắp miền Tây Quảng Trị, phá hoại trên 1500km2 rừng rậm và hoa màu. Hàng vạn mẫu nương rẫy bị khô trụi, hàng ngàn người bị nhiễm độc.

Căm phẫn trước hành động điên cuồng dã man của giặc, quân và dân Hướng Hóa hưởng ứng sôi nổi phong trào săn máy bay. Ngày 16-4-1966 du kích Hướng Hóa dùng súng trường hạ tại chỗ một máy bay đang rải chất độc, 5 tên Mỹ chết cháy cùng với máy bay của chúng, ta thu một súng máy 12ly7, một súng cônđu và hai máy bộ đàm.

Phát huy thắng lợi trận đầu, trong năm 1966 du kích Hướng Hóa còn tổ chức nhiều trận đánh máy bay, bắn rơi 9 chiếc.

Sau đòn tiến công của ta trong quý I năm 1966 hầu hết vùng đồng bằng do quân ta kiểm soát. Cay cú trước thất bại đó, địch tập trung hàng chục tiểu đoàn cố gắng phản kích hòng chiếm lại những vùng đã mất. Trước tình hình đó lực lượng vũ trang tỉnh cùng với nhân dân kiên trì bám đất bám dân liên tiếp chặn đánh địch giữ vững vùng giải phóng. Mặc dầu hết sức cố gắng và đầy tham vọng nhưng địch vẫn bất lực không chiếm lại được đồng bằng Triệu Hải chúng phải đôn lực lượng ra bắc Quảng Trị. Từ thế tấn công chúng phải chuyển qua phòng ngự bị động, lúng túng dựa vào “hàng rào điện tử Macnamara” hình thành tuyến ngăn chặn phía Bắc. ở đồng bằng chúng co cụm xây dựng lại một số đồn bốt ở điểm cao 31, thôn 8 Gio Hải, nhằm cố thủ đồng bằng, thu hẹp vùng giải phóng của ta, yểm trợ kế hoạch bình định cấp tốc.

Trước âm mưu mới của địch ta chủ trương đưa chiến tranh vào vùng địch. Hướng tiến công là cơ quan đầu não hậu cứ, kho tàng, thị xã thị trấn, phá kế hoạch bình định cấp tốc của địch mở rộng vùng giải phóng của ta.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 15-5-1966 bằng lối đánh tiềm nhập, bí mật bất ngờ luồn qua 7 lớp hàng rào dây kẽm gai và bãi mìn đánh nở hoa trong lòng địch, tiểu đoàn 10 đặc công diệt toàn bộ bọn lính pháo địch ở căn cứ Dốc Miếu gồm một ban chỉ huy tiểu đoàn, hai ban chỉ huy đại đội, hai tên cố vấn Mỹ, 280 lính, 50 tên bị bắt sống được ta giải thích chính sách Mặt trận và phóng thích tại chỗ. Ta thu 1 DKZ 75 ly, 1 đại liên, 1 trung liên, 60 súng bộ binh, 1 điện đài 15 oát, 1 xe ô tô, phá hủy 6 khẩu pháo. Đây là trận đánh thử sức của đặc công (có sự phối hợp với lực lượng bộ binh) đánh vào nơi địch phòng thủ khá mạnh tiếp giáp với miền Bắc nhằm hỗ trợ cho đồng bào Gio Linh chống đồn dân vào trại tập trung đồng thời thăm dò phản ứng của địch và cài thế, tạo thế chuẩn bị cho bước mở hướng tiến công mới ở mặt trận đường 9.

Tiếp theo thắng lợi Dốc Miếu, ngày 29/6 trung đoàn 6 táo bạo và công phu tổ chức trận đánh độn thổ ở Cầu Nhi (Hải Lăng)

Cầu Nhi nhằm trên đường quốc lô 1A cách Huế 20 km về phía tây bắc do một trung đội địch bảo vệ. Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thu và chính ủy Nguyễn Trọng Dần đề xuất với Đảng ủy trung đoàn và cấp trên được chấp nhận dùng một lực lượng nhỏ vây ép trung đội địch bảo vệ cầu nhử viện binh ra cứu, tạo thời cơ diệt địch lớn hơn.

Tiểu đoàn 2 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quốc Khánh chỉ huy cùng đại đội trinh sát, thông tin, công binh và đại đội 16 hỏa lực cối 82 của trung đoàn được sử dụng vào trận đánh này.

Sáng 29-6 đội hình được triển khai xong, cùng lúc Bộ tư lệnh quân khu Trị - Thiên thông báo cho ban chỉ huy trung đoàn sẽ có 26 xe GMC chở đầy lính từ Huế ra Quảng Trị.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Chín, 2022, 03:45:28 pm
Trước khi xuất quân, địch cho máy bay trinh sát dò đường, hai xe bọc thép dò mìn. Lực lượng độn thổ của ta nằm cách đường 10 đến 15 mét vẫn giữ được bí mật. Khi hai xe bọc thép dò mìn vượt qua, cả đội hình 26 xe địch lọt vào trận địa, quân ta đồng loạt nổ súng. Tốp xe đi sau cùng định quay đầu tháo chạy về Huế liền bị hỏa lực cối của C16 chặn đường. Và sau tám phút chiến đấu toàn bộ 26 xe đều bị bắn cháy, hầu hết đám lính đánh bộ ngồi trên xe đều bị tiêu diệt, có hai cố vấn Mỹ, năm sĩ quan ngụy bị diệt, 20 lính bị thương, ta thu 30 súng bộ binh, 6 súng cối.

Địch vội vã điều 30 xe lội nước bọc sắt từ Phò Trạch cùng một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ đường không ra chiếm điểm cao 53, 73 nhằm chặn đánh quân ta nhưng sau khi thu dọn chiến trường xong, toàn bộ lực lượng trung đoàn 6 đã về căn cứ an toàn.

Trong 6 tháng cuối năm 1966 lực lượng vũ trang tỉnh đã đánh 316 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 5000 tên địch, tổ chức 380 cuộc đấu tranh chính trị, gồm 36 vạn lượt người tham gia.

Trong lúc lực lượng vũ trang tỉnh ta ra sức tiến công địch giành và giữ đồng bằng thì các đơn vị chủ lực của Bộ và Bộ tư lệnh B5 phối hợp với lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Trị mở mặt trận đường 9 diệt trên 3500 tên Mỹ, bắn cháy 30 máy bay các loại, giam chân hơn hai vạn tên địch (có 16.750 lính Mỹ) góp phần đắc lực đẩy mạnh chiến tranh du kích trên toàn miền.

Ta giải phóng một vùng đồng bằng, nông thôn rộng lớn kéo dài 30km từ Triệu Phong đến Hải Lăng nối liền với Thanh Hương (Thừa Thiên) giải phóng hoàn toàn miền núi huyện Hướng Hóa. Đây là một thắng lợi rất quan trọng có ý nghĩa lớn về quân sự, chính trị, kinh tế của quân và dân Quảng Trị trong hai năm 1965 - 1966.

Thực hiện phương châm “thọc sâu, diệt gọn, bung ra” lực lượng vũ trang tỉnh được tăng cường cả số lượng và chất lượng. Tiểu đoàn 10 đặc công được bổ sung đủ quân (gần 300 đồng chí). Tháng 7-1967 thành lập thêm tiểu đoàn 34 pháo binh. Các đơn vị K8, K14, đại đội bộ đội địa phương đều được củng cố, bổ sung quân số. Về trang bị cũng được bổ sung các hỏa lực chống tăng, diệt công sự kiên cố vững chắc và pháo tầm xa.

Lực lượng vũ trang được củng cố liên tổ chức những trận đánh lớn hơn vừa tiêu diệt được nhiều sinh lực địch vừa hỗ trợ tích cực cho phong trào quần chúng vừa uy hiếp địch mạnh mẽ.

Đêm mùng 6-4-1967, lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức hai trận đánh lớn: Tại La Vang, tiểu đoàn 10 đặc công với lối đánh sở trường bất ngờ, táo bạo tiến công tiêu diệt hậu cứ sư đoàn 1 ngụy, phá hủy 400 xe quân sự, 200 nhà, diệt 1 tiểu đoàn pháo, 1 trung đội tiếp liệu, đánh tan một tiểu đoàn bộ binh, diệt 1 chi đoàn M113, M41, phá hủy toàn bộ kho tàng phương tiện chiến tranh của địch.

Cùng một lúc đội trinh sát đặc công đột nhập thị xã Quảng Trị diệt gọn đoàn cố vấn quân sự Mỹ 60 tên tại khu vực vườn hoa thị xã.

Tiểu đoàn 14 mưu trí và táo bạo phá thành đột nhập thị xã đánh sập tòa hành chính tỉnh, đánh tan tiểu khu quân sự diệt gọn trung đội địch canh giữ nhà lao, giải phóng 260 cán bộ, đồng bào yêu nước bị địch giam giữ.

Trong một đêm tại khu vực La Vang bộ đội K8 và một bộ phận K10 đã hiệp đồng chặt chẽ, đồng loạt nổ súng tiến công diệt 1052 tên ngụy, 70 tên Mỹ, bắt sống 49 tên và thu 200 súng các loại là một trận thắng lớn lần đầu tiên trên toàn miền quân giải phóng đột nhập vào thị xã, đánh vào cơ quan đầu não địch giành thắng lợi, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng và vững chắc của lực lượng vũ trang tỉnh gây chấn động không chỉ trên chiến trường Trị - Thiên mà cả trên toàn miền. Chiến thắng La Vang - Quảng Trị làm nức lòng lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với cách mạng, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh “hai chân ba mũi”. Phối hợp với chiến trường Quảng Trị, lực lượng vũ trang Thừa Thiên tiến công địch ở căn cứ Từ Hạ giành thắng lợi giòn giã.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Chín, 2022, 10:12:51 am
Để phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới, từ tháng 5-1967 Trung ương Đảng đã chuẩn bị việc giải thể Tỉnh ủy Quảng Trị, Thừa Thiên thành lập Khu ủy Trị - Thiên - Huế do đồng chí Trần Văn Quang - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng làm Bí thư Khu ủy kiêm Tư lệnh quân khu Trị - Thiên - Huế. Đồng chí Lê Chưởng được cử làm Phó bí thư kiêm chính ủy. Đồng chí Tư Minh - Phó bí thư trực.

Về tổ chức chiến trường, trên các hướng thành lập các đoàn trực thuộc Bộ tư lệnh quân khu. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên tổ chức 6 đoàn (lấy mật danh từ đoàn 1 đến đoàn 6). Trên địa bàn Quảng Trị tổ chức như sau:

Đoàn 7 phụ trách các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, Đông Hà. Lực lượng có trung đoàn 9 (sư đoàn 304), hai tiểu đoàn bộ binh 808 và 814, tiểu đoàn đặc công K10 và hai đội bộ đội địa phương huyện. Cuối năm 1967 trung đoàn 9 được rút về làm lực lượng cơ động của quân khu, trung đoàn 2 (sư 304) được điều về thay thế. Đoàn 7 do đồng chí Hồ Sĩ Thản - Bí thư kiêm chính ủy, đồng chí Vũ Bình - Tư lệnh, năm 1968 đồng chí Sùng Lãm về thay làm tư lệnh, đồng chí Hồ Tú Nam - Phó chính ủy quân khu trực tiếp chỉ đạo. Ở mặt trận Gio - Cam thành lập ban cán sự Gio - Cam do đồng chí Nguyền Thư làm Bí thư. Với phương thức tổ chức lại chiến trường mới này, tạm thời giải thể tỉnh đội, cán bộ cơ quan quân sự tỉnh tăng cường về các huyện trong đó có một số đưa xuống cơ sở xây dựng phong trào.

Huyện Hướng Hóa tổ chức thành Đảng ủy miền Tây do đồng chí Lê Hành làm Bí thư, đồng chí Cu Pàng chỉ huy trưởng.

Tháng 5-1967 tiểu đoàn 808 (đoàn 7) tiến công diệt bọn ác ôn ở Ngô Xá Đông, đánh tan một tiểu đoàn ngụy và diệt bọn bình định ở Đại Hào. Các địa phương khác bộ đội địa phương huyện và du kích cũng đồng loạt đánh phá bình định khiến cho bọn này tan rã tê liệt buộc phải co cụm lại quanh thị xã và các trục đường chiến lược. Lực lượng vũ trang vừa đưa chiến tranh vào vùng địch vừa phát động quần chúng lập chính quyền tự quản. Vùng giải phóng được mở rộng liên hoàn nhất là đồng bằng Triệu Phong, Gio Linh tạo thế phát triển phong trào chiến tranh du kích, kìm giữ địch giam chân chúng tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực đánh to thắng lớn.

Từ ngày 7 tháng 5 đến 10-6-1967 tiểu đoàn 47 Vĩnh Linh, tiểu đoàn 8 và du kích Gio - Cam đánh đồng loạt các căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, điểm cao 241, Đông Hà, Động Tri, diệt 1300 tên (có 600 lính Mỹ) bắt sống nhiều tù binh, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Riêng căn cứ Cồn Tiên là căn cứ kiên cố trong mắt xích phòng ngự đường 9 do một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, một tiểu đoàn thám báo ngụy cùng với hai đại đội pháo binh, công binh có nhiều xe tăng, xe bọc thép chốt giữ bị ta diệt hơn 600 tên.

Trong đợt tác chiến này, bộ đội địa phương và dân quân du kích Cam Lộ, Gio Linh tổ chức một số trận săn máy bay lên thẳng hay. Bắt đầu là một loạt cầu cống trên đường 9 bị đánh sập, buộc địch phải dùng máy bay lên thẳng tiếp tế cho các căn cứ của chúng. Lực lượng ta bí mật mai phục, có nơi đưa súng 12ly7 vào gần căn cứ của địch chờ cho chúng hạ cánh mới bắn, do đó hiệu suất chiến đấu khá cao, chỉ trong 9 ngày ta hạ 10 máy bay lên thẳng có chiếc ta diệt gọn cả 10 tên trong máy bay thu toàn bộ vũ khí; Ta dùng một trung đội của tiểu đoàn 8 lợi dụng trời mưa to, bí mật luồn lách trong rừng băng qua lèn đá cao, dốc đứng, bất ngờ tập kích diệt gọn một đại đội Mỹ chốt giữ điểm cao 1009 (Động Tri).

Sau những thất bại liên tiếp ở hậu cứ La Vang, đường 9, thị xã Quảng Trị, địch xúc tiến lập vành đai trắng phía nam khu phi quân sự. Đây là một hành động có tính chất sống còn của âm mưu “phản công chiến lược mùa khô” và “bình định nông thôn” của Mỹ - ngụy.

Ngày 15-5 địch mở cuộc càn lớn vào 4 xã nam khu phi quân sự. Chúng tung một lực lượng lớn vào cuộc càn này: 15 tiểu đoàn phần lớn là quân Mỹ, 20 tàu chiến đổ quân từ biển vào, 300 xe bọc thép, 30 máy bay và nhiều đại bác từ các căn cứ xung quanh chi viện. Trong ba ngày liên (từ 18 đến 20-5-1967) chúng liên tục đánh phá, lùa xúc dân, đốt phá cày ủi sạch nhà cửa, vườn nương của ba xã Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn, lùa 4721 dân cùng với một số dân ở các xã kế cận gồm 12.000 người của 22 thôn về khu tập trung Quán Ngang (Gio Linh) và Tân Tường (Cam Lộ).


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Chín, 2022, 10:13:34 am
Trong những ngày này suốt một dải nam sông Bến Hải khói lửa bốc lên dày đặc, đen kịt cả một vùng rộng lớn dài hàng chục cây số, khói bụi tràn sang cả bờ bắc sông che kín xã Vĩnh Sơn hàng giờ liền. Bám lấy từng căn nhà, thửa ruộng dân quân du kích và bộ đội địa phương Gio Linh, bộ đội tỉnh đánh giáp lá cà với địch. Nhiều bãi chông mìn, cạm bẫy bố trí sẵn giờ đây phát huy tác dụng. Quân địch sa vào bãi chông, vấp mìn chết la liệt. Những tên sống sót ôm đầu tháo chạy liền bị quân ta xông ra đánh giáp lá cà tiêu diệt nốt. Lính Mỹ vô cùng hoảng sợ trước lối đánh thiên biến vạn hóa của du kích. Hàng trăm gia đình kiên quyết đấu tranh trực diện với địch không chịu rời bỏ quê hương. Hàng trăm người dân bơi qua sông Bến Hải sang bờ Bắc bị máy bay và binh lính địch rượt đuổi xả súng bắn làm nhiều người chết máu loang đỏ cả một khúc sông. Căm thù trước hành động man rợ của địch, lực lượng vũ trang ta kiên cường chiến đấu liên tục 4 ngày diệt hơn 2000 tên Mỹ-ngụy, bắn cháy 9 xe quân sự, bắn rơi sáu máy bay, bắn chìm 8 xuồng chiến đấu của địch.

Năm 1967 diễn biến chiến tranh trên địa bàn tỉnh rất ác liệt. Vượt qua thử thách hy sinh, lực lượng vũ trang kiên cường tấn công địch vòng trong với phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi”, ta đã thực sự đưa chiến tranh vào vùng địch, lôi kéo và kìm giữ chúng. Phối hợp với mặt trận đường 9 - Khe Sanh, diệt nhiều sinh lực địch, giữ và phát triển vùng giải phóng rộng lớn.

Lực lượng vũ trang tỉnh ta đã đánh 281 trận, diệt 13.219 tên địch, thu 667 súng các loại, bắn cháy 129 máy bay, 708 xe quân sư, phá hủy hàng trăm tấn phương tiện chiến tranh của địch. Đặc biệt trong năm này ta làm chủ 224/384 thôn, có 26 xã được giải phóng hoàn toàn.

Thắng lợi trên đã tạo nên thế và lực mới, lực lượng vũ trang vừa ổn định tổ chức vừa chuẩn bị chiến trường sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ năm 1968 lịch sử.

Bước vào cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang tỉnh tương đối sung sức. Bộ đội địa phương có 2.079 đồng chí gồm các tiểu đoàn 808, 814 bộ binh, tiểu đoàn 10 đặc công, tiểu đoàn 34 pháo cối, các đại đội bảo đảm phục vụ và cơ quan chỉ huy. Ngoài những lực lượng trên có thêm đoàn 31 vừa mới thành lập phụ trách chiến trường Gio - Cam. Đoàn 31 do đồng chí Trần Phố đoàn trưởng và đồng chí Vũ Soạn chính ủy. Bộ đội địa phương huyện có 788 đồng chí (4 huyện đồng bằng 626 đồng chí, miền núi có 162 đồng chí) mỗi huyện có một đại đội và từ 2 đến 3 đội biệt động. Lực lượng du kích có 4.679 đồng chí (đồng bằng 2.561 đồng chí, miền núi có 2.118 đồng chí).

Với lực lượng tương đối mạnh nên trong cuộc tổng tiến công chiến lược lần này, lực lượng vũ trang được giao nhiệm vụ:

Ở mặt trận 7:

- Tiêu diệt và đánh tan đại bộ phận quân ngụy, tiêu diệt một bộ phận giao thông Mỹ, làm tê liệt hậu cứ hành quân, tiêu hao, kiềm chế lực lượng cơ động Mỹ.

- Chiếm lĩnh đại bộ phận nông thôn nhất là vùng xung yếu, giữ vững rừng núi và giáp ranh.

- Chuẩn bị chiến trường để giúp chủ lực đường 9 khi có điều kiện thì vào hoạt động.

Ở mặt trận Gio - Cam nằm trong phạm vi hoạt động của chủ lực đường 9, vì vậy nhiệm vụ cụ thể về quân sự do Bộ tư lệnh mặt trận đường 9 quy định. Đơn vị địa phương phát huy mạnh mẽ hoạt động du kích phối hợp và giúp đỡ bộ đội chủ lực tác chiến có hiệu quả, chiếm lĩnh vùng nông thôn giữ dân, giữ đất, xây dựng thực lực cách mạng, cùng với bộ đội chủ lực tiêu diệt đánh bại tuyến phòng ngự của địch.

Từ trước tết nguyên đán Mậu Thân công tác chuẩn bị chiến trường đã được cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân chuẩn bị khẩn trương. Lợi dụng việc nhân dân đi lại mua sắm hàng tết, đặc công, biệt động, cán bộ Dân Chính Đảng, quần chúng cách mạng cải trang lọt vào thị xã Quảng Trị, Đông Hà bám sát các mục tiêu nắm địch và chuẩn bị lực lượng.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Chín, 2022, 10:15:07 am
Từ những vùng địch kiểm soát cơ sở cách mạng đã sử dụng các phương tiện vận tải ô tô, xuồng máy, đi bằng đường hợp pháp công khai hoặc bí mật, đêm ngày chuyển gạo, thuốc men ra vùng giải phóng và nhận về súng đạn thuốc nổ “lót ổ” ở những vị trí đã chọn. Nhân dân hai huyện Triệu - Hải mua gạo từ đồng bằng ven biển chuyển về “lót ổ” ở các xã Hải Phong, Hải Vĩnh, Hải Thượng. Đến trung tuần tháng 1-1968 đã tập kết được 1.500 tấn.

Song song với công tác chuẩn bị chiến trường, chấp hành mệnh lệnh của Bộ tư lệnh quân khu, suốt từ đèo Hải Vân (Thừa Thiên) đến Hiền Lương (Quảng Trị) ta tổ chức nhiều trận đánh nghi binh, đánh lạc hướng phán đoán của địch. Ngày 13-1 tiểu đoàn 8 bộ binh (808) phục kích phá đoàn xe vận tải gồm 9 chiếc trên đoạn Tân Lâm - Cà Lu (đường 9) diệt hàng trăm tên địch. Năm ngày sau đoàn 31 phối hợp với pháo binh tập kích diệt Mỹ trên các cao điểm 845, 832, 1009.

Đêm 21-1 pháo binh bờ bắc sông Bến Hải dội đạn vào căn cứ Ái Tử và tập kích vào xóm Búng, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, phá hỏng một đài ra-đa, 1 xe M113, gây nổ một kho đạn.

Cũng trong thời gian này ta đưa trung đoàn 270 Vĩnh Linh vượt sông Bến Hải vào chốt giữ các điểm lợi thế quân sự ở Lâm Xuân, Hoàng Hà, Bạch Câu. Đặc công hải quân kết hợp với một bộ phận của trung đoàn 270 đánh cắt giao thông thủy của địch trên sông Hiếu (đoạn Cửa Việt - Đông Hà). Ba xã vùng sâu còn lại của Gio Linh là Gio Mỹ, Gio Hà, Gio Hải được giải phóng.

Đúng 2 giờ 30 phút ngày 31-1-1968 pháo ĐKZ của chủ lực bắn vào sân bay Phú Bài (Huế) mở đầu cuộc tổng tấn công và nổi dậy trên chiến trường Trị -Thiên.

Ở Quảng Trị lực lượng vũ trang mặt trận 7 kết hợp với đoàn 31 đồng loạt tiến công các vị trí địch tuyến phía bắc. Tiểu đoàn 10 tập kích 1 đại đội địch ở điểm cao 49 và sở chỉ huy tiểu đoàn 1 quân dù đóng ở mộ ông Chưởng. Trung đoàn 270 tiến công diệt các căn cứ địch ở Lâm Xuân, Hoàng Hà.

Trong những ngày đầu chiến dịch, dân quân Gio Linh, Cam Lộ đã tổ chức một trận đánh nổi tiếng trên sông Hiếu được mệnh danh là trận “Bạch Đằng trên sông Hiếu”. Ban tham mưu trận đánh gồm các đồng chí Lê Tiến Dũng - Phó bí thư thị xã Quảng - Hà, Dương Tú Anh - Phó ban Tuyên huấn Gio - Cam, đồng chí Toàn đại diện ban cán sự tham mưu tác chiến, đồng chí Minh - Phó bí thư xã Gio Hà. Ban cán sự Gio-Cam, đoàn 31 điều đại đội 8, 9 thuộc bộ đội địa phương Cam Lộ về đứng chân ở đường 1, tiểu đoàn 27 về Gio Hà, đội biệt động Đông Hà về xóm vạn đò sẵn sàng hỗ trợ cho Cam Giang.

Sau một tháng điều tra nghiên cứu, lập phương án và chuẩn bị vật chất, trận “Bạch Đằng trên sông Hiếu” được thực hiện vào một đêm cuối tháng 2-1968. Trận địa trải dài 800 mét từ cồn Mai Xá đến ngã ba Gia Độ cách Đông Hà 2km về phía tây.

Du kích và cơ sở cách mạng các xã Cam Giang, Gio Hà, vạn đò Đông Hà chuẩn bị sẵn 5000 cây tre, nè, cọc, bùng nhùng, dây thép gai tập kết tại bờ sông. Các vạn đò huy động khoảng 100 thuyền, đò từ Đại Đô lên chở số vật liệu đó đến Đông Lai (hói Sòng), sau đó cùng 20 chiến sĩ đội biệt động xây dựng trận địa. Những cọc tre vót nhọn được cắm xuống lòng sông theo hình tam giác có gài ngư lôi và mìn hẹn giờ giăng ngang sông từ bờ bắc sang bợ nam dài 100 mét. Mặc cho đêm tối, mưa rét, biệt động và du kích vẫn hăng say làm việc đến 3 giờ sáng 28-2 thì hoàn thành. Trong lúc đang kiến thiết trận địa bất ngờ một tàu tuần tiểu của địch từ Gia Độ lao đến, ta cảnh giác phát hiện sớm, chủ động phóng ngư lôi đánh chìm khi còn cách trận địa 4 km.

8 giờ sáng, một đoàn tàu vận tải 6 chiếc của Mỹ từ Cửa Việt chạy về cảng Đông Hà. Máy bay trinh sát L19 bay thấp dọc theo sông ngó nghiêng dẫn đường cho tàu. Nước triều đang lên cao phủ kín toàn bộ bãi cọc. Ở trên bờ đội du kích Cam Giang và biệt động Đông Hà sẵn sàng các loại hỏa lực B41, B40, DKB nhả đạn.

Tàu địch đi cách nhau 20 - 30 mét từ từ tiến vào trận địa. Đến sát bãi cọc, chúng phát hiện được nhưng đã muộn. 3 tàu lớn trúng ngư lôi và mìn chìm dần. Trên bờ các loại hỏa lực của ta bồi thêm vào đội hình địch, 3 chiếc còn lại đều bị trúng đạn, lập tức địch cho từng tốp AD6 thay nhau dội bom liên tục suốt 3 giờ liên vào hai bên bờ sông nhưng quân ta đã rút an toàn.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Chín, 2022, 10:16:34 am
Sau đó ta dùng nhiều bè chuối thả trôi trên sông, nghi trang địch khiến chúng hoang mang tưởng nhầm là bộ đội chủ lực về đánh nên các vạn đò không bị nghi ngờ trả thù. Suốt 4 ngày sau không một tàu địch nào dám liều mạng về Đông Hà. Trước đây trung bình một ngày có từ 200 - 300 lần chiếc vận chuyển vũ khí, lương thực từ Cửa Việt về Đông Hà để chuyển tiếp đường bộ đi Khe Sanh, nay hoàn toàn bị ùn tắc.

“Trận Bạch Đằng” trên sông Hiếu được tổ chức gọn nhẹ, mưu trí, hiệu suất cao, không tốn xương máu có ý nghĩa lớn về quân sự, chính trị. Sau trận đánh, Bộ tư lệnh mặt trận đường 9 đã điện biểu dương “trận Bạch Đằng” sông Hiếu là chiến công oanh liệt mãi mãi đi vào lịch sử kháng chiến chống xâm lược của quân và dân Đông Hà.

Cùng thời gian này đặc công đoàn 31, 126 từ Vĩnh Linh luồn theo mép biển đưa chất nổ vào Cửa Việt, kết hợp với pháo binh, cao xạ và lực lượng dân quân liên tục quần nhau với địch ở ngã tư Sòng, bắn cháy 35 tàu, đánh chìm 82 xuồng của địch. Sáu đại đội dân quân Vĩnh Linh (Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thành, Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thái) vượt sông Bến. Hải vào cảng Cửa Việt phục kích săn tàu, bắn chìm 12 xuồng, bắn cháy 4 tàu vận tải và 2 xe tăng. Đại đội 3 tiểu đoàn 49 và đại đội 1 tiểu đoàn 46 Quảng Bình, đại đội súng cối 82 Hà Tĩnh, trực tiếp “chia lửa” với Quảng Trị, chiến đấu trên mặt trận đường 9 đã bắn cháy hàng chục xe vận tải của địch.

Trong 10 ngày cuối tháng hai, các tổ dân quân bắn tỉa Vĩnh Nam, Vĩnh Tú, Vĩnh Trung đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch. Nữ du kích Trần Thị Buổi (Vĩnh Tú) từ một chiến sĩ phục vụ đã xin được trực tiếp cầm súng trong 3 ngày phục kích với 26 viên đạn diệt 19 tên địch.

Ngày 25-3-1968 tại chốt Phò Cam (Gio Mỹ) du kích Nguyễn Sư Xinh (dân quân xã Vĩnh Trung vào phối hợp chiến đấu), bị địch bắt sống ở vọng gác tiền tiêu. Trong tình thế vô cùng hiểm nghèo anh bình tĩnh đợi cho địch xúm đến gần thật đông mới chụp lựu đạn rút chốt anh dũng hy sinh cùng 6 tên địch phải bỏ xác. Y tá Trần Mâu Sĩ luồn lách dưới các chiến hào vừa băng bó vết thương cho đồng đội vừa chụp súng của liệt sĩ bắn vào đội hình địch diệt một số tên, cuối cùng hy sinh anh dũng. Trong một ngày với 14 tay súng dân quân Vĩnh Trung phối hợp với một tổ quân chủ lực và một tiểu đội du kích Gio Linh đã bẻ gãy 9 đợt tiến công của 4 tiểu đoàn ngụy, diệt 150 tên giữ vững trận địa.

Ở hướng Nam tỉnh, mục tiêu chính của cuộc tấn công lần này là thị xã Quảng Trị và La Vang do trung đoàn 2 chủ lực, tiểu đoàn 814 bộ đội tỉnh và dân quân du kích đảm nhiệm. Bị địch bất ngờ tăng quân một lúc 5 tiểu đoàn cả Mỹ lẫn ngụy án ngự phía nam và tây nam thị xã chống cự rất quyết liệt nên các trận chiến đấu ở đây diễn ra khá phức tạp, giành đi giật lại với địch nhiều lần, cuối cùng không thực hiện được ý định.

Tuy nhiên tiểu đoàn 814 kiên quyết tiếp cận địch cũng lọt vào được thị xã đánh nhau với một tiểu đoàn dù ngụy, diệt gần hết tiểu đoàn này (340 tên). Tiểu đoàn 8 đánh vào quận lỵ Triệu Phong và cánh quân địch án ngự phía bắc thị xã diệt 250 tên. Các đơn vị khác bao vây đồn bốt, quận lỵ của địch, buộc địch phải co cụm lại để chống đỡ với quân ta.

Hướng trung đoàn 2 quân chủ lực gặp nhiều khó khăn không chiếm được mục tiêu cơ bản, quân số thương vong nhiều không được bổ sung kịp.

Mặc dầu chưa chiếm được mục tiêu cơ bản nhưng sau 25 ngày đêm từ 31-1 đến 24-2-1968 liên tục tấn công, liên tục nổi dậy trên toàn tỉnh ta đã diệt 7.500 tên địch (có 475 tên Mỹ), phá hủy 34 xe tăng, xe bọc thép, diệt ác trừ gian làm tan rã phần lớn bọn ngụy quân và lực lượng kìm kẹp từ tỉnh đến huyện xã thôn của địch, đưa phong trào du kích chiến tranh nhân dân phát triển lên đỉnh cao. Vùng giải phóng được mở rộng, chính quyền cách mạng thôn xã được thành lập ở nhiều hơi. Thắng lợi đó có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho mặt trận Huế, khiến địch không thể điều quân từ Quảng Trị vào cứu nguy cho lực lượng tại Huế bị tổn thất nặng nề, thiết thực động viên, cổ vũ quân và dân thành phố Huế liên tục tấn công, nổi dậy giành quyền làm chủ.

Trước tình hình đánh vào thị xã Quảng Trị và căn cứ La Vang không dứt điểm, đoàn 7 họp quyết định chuyển hương về đánh mục tiêu ở đồng bằng nhưng không được Bộ Tư lệnh Quân khu chấp nhận, ra lệnh tiếp tục đánh vào thị xã Quảng Trị nên loay hoay, tốn khá nhiều thời gian, bỏ lỡ thời cơ diệt địch tạo điều kiện cho địch co cụm lại từng mảng lớn, lực lượng địa phương không đủ sức để tiêu diệt. Tình hình tư tưởng của bộ đội diễn biến phức tạp: mệt mỏi, dao động ngại hy sinh gian khổ do bị tổn thất nặng chưa được củng cố kịp. Trong lúc đó địch tăng cường chi viên cho lực lượng kìm kẹp, chủ yếu bọn kỵ binh bay đẩy tình hình giữa ta và địch vào thế giằng co kéo dài đến tháng 5-1968.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Chín, 2022, 10:17:29 am
Đầu tháng 5, chủ lực ta mở đợt tấn công bao vây 5 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ở Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vâỵ, Mỹ phải điều 2 lữ đoàn kỵ binh bay lên để tì giải tỏa Khe Sanh do đó phía nam Quảng Trị lại sơ hở. Chớp thời cơ bộ đội tỉnh, huyện và du kích bám đồng bằng mở rộng vùng giải phóng.

Được bộ đội địa phương và tỉnh hỗ trợ, quần chúng các xã Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Phước, Triệu Tài (huyện Triệu Phong) đổ xuống đường giương cao biểu ngữ, gậy gộc, giáo mác tràn qua sông Vân Hòa, vượt đường 64, 68 vào vùng địch kiểm soát để đấu tranh. Bọn bình định các ấp Thanh Liêm, Ngô Xá, Đại Hào đạp nhau chạy trốn. Đồng bào nổi dậy phá tan ách kìm kẹp. Hàng chục tên ác ôn bị trừng trị, 60 tên tề điệp đầu thú cách mạng. Vùng “tam giác sắt” Gia Độ - Xuân Thành - Giao Liêm hơn 10 năm trời bị địch kìm kẹp rất gay gắt, nay cũng chớp thời cơ vùng dậy phá tan ách kìm kẹp của địch. Vừa phá kìm kẹp, diệt ác ta vừa tranh thủ xây dựng cơ sở. Đội ngũ cán bộ cốt cán hình thành, 30 ủy ban khởi nghĩa lần lượt ra mắt nhân dân. Hàng trăm thanh niên lên đường tòng quân bổ sung cho bộ đội địa phương huyện, tỉnh, ở Hải Lăng mặc dù bị địch khủng bố ác liệt nhưng phong trào chiến tranh nhân dân vẫn hoạt động mạnh. Du kích Hải An dùng mìn tự tạo đánh tàu chiến Mỹ - ngụy, bắt sống Mỹ giữa ban ngày. Du kích Hải Tân, Hải Hòa liên tục đánh Mỹ trong một tuần không cho chúng vào làng. Du kích Hải Thượng luồn sâu trong lòng địch đánh phá bình định. Du kích Hải Thiện, Hải Quế cùng bộ đội địa phương liên tục đánh phá làm tê liệt đoạn đường từ Diên Sanh đi Mỹ Thủy, du kích Hải Phú dùng mìn đánh máy bay địch. Tiêu biểu cho những trận chiến đấu mưu trí, kiên cường trong đợt này là tấm gương hy sinh oanh liệt của nữ liệt sĩ Phan Thị Hồng xã đội phó xã Hải Thượng. Sau khi dẫn đường cho bộ đội diệt gọn 40 xe tăng địch tại Rú Cát; địch phát hiện hầm bí mật, chị đội nắp hầm lao lên dùng lựu đạn, tiểu liên diệt 3 tên địch, cho đến lúc trúng đạn ngã xuống còn kịp rút chốt quả lựu đạn cuối cùng diệt thêm 4 tên ngụy nứa rồi hy sinh anh dũng.

Cùng với đấu tranh quân sự, phong trào đấu tranh chính trị cũng phát triển sôi nổi. Nhân dân Hải Khê đấu tranh chống dồn dân buộc địch phải nhượng bộ. Nhân dân Hải Thượng đấu tranh chống bình định buộc chúng phải bỏ dở.

Ngày 6-5, 3 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 1 kỵ binh bay của Mỹ có xe tăng, xe bọc thép yểm trợ từ Đông Hà phản kích vào vùng giải phóng Gio - Cam bị bộ đội địa phương.ở đây dựa vào các trận địa chốt được xây dựng trong tổng tấn công đợt I đã liên tục chặn đánh, diệt 150 tên, bắn cháy 2 xe tăng. Ngày 21-5 tiểu đoàn 10 đặc công bí mật luồn sát Khe Xá phá hủy 25 xé tăng, thiết giáp.

Đến cuối tháng 6-1968, Mỹ đưa ra Trị - Thiên một sư đoàn kỵ binh bay với 400 trực thăng làm lực lượng cơ động phản kích ở 3 vùng. Quân Mỹ phụ trách địa bàn giáp ranh và miền núi, quân ngụy phụ trách vùng đồng bằng. Tất cả lực lượng này được phi pháo yểm trợ tối đa. Thực hiện kế hoạch quét và giữ của Abơram, quân ngụy được Mỹ hỗ trợ, bọn ác ôn, tề điệp được phục hồi, kích động hận thù, ra sức đánh phá ta ở vùng đồng bằng, khoanh vùng đánh phá, chà đi xát lại hòng trục xuất lực lượng ta ra khỏi đồng bằng. Thực hiện chiến thuật “tát nước bắt cá”, địch điên cuồng hò hét “diệt cộng là quốc sách”, “dung cộng là tự sát”; “khuấy nước đọng bùn”, những nơi trọng điểm chúng khoanh lại từng thôn, đánh phá liên tục hàng nửa tháng ròng. Tại thôn Trung Đơn, địch dùng một trung đội bộ binh, một chi đoàn M113 kết hợp phi pháo đánh một lực lượng nhỏ của ta. Ở thôn 7 (Triệu Phong) nhằm bao vây tiêu diệt tiểu đoàn 814 bộ đội địa phương tỉnh, chúng sử dụng tới 1 lữ đoàn tăng 120 chiếc, 5 tiểu đoàn bộ binh đánh liên tục suốt một ngày đêm. Vùng giáp ranh địch tăng cường chốt các điểm cao, khống chế sự đi lại của ta.

Ở hướng tây tỉnh, đêm 6 rạng ngày 7-2-1968, phối hợp với cuộc tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt đã nổ ra vào đêm 31-1-1968 lực lượng vũ trang Hướng Hóa cùng với trung đoàn 24 (sư đoàn 324 chủ lực) hợp đồng binh chủng tấn công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, khiến bọn biệt kích ngụy và cố vấn Mỹ ở đồn Tà Cơn gần bên cạnh không kịp trở tay ứng cứu. Trong đợt hoạt động này các căn cứ địch gồm Làng Vây, chi khu quân sự Hướng Hóa, căn cứ Huội San, lần lượt bị tiêu diệt. Tuyến phòng thủ ở tây Khe Sanh bị phá vỡ một mảng khiến cho tập đoàn cứ điểm này như một cái kiềng đã gãy hai chân, còn sót cụm cứ điểm Tà Cơn hoàn toàn bị cô lập, phơi mình dưới tầm đạn của lực lượng vũ trang giải phóng, sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn là không tránh khỏi.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Chín, 2022, 10:19:51 am
Khe Sanh là một vùng lòng chảo phía tây Quảng Trị bao gồm 3 vị trí lớn: Tà Cơn, Làng Vây, Hướng Hóa tạo thành hệ thống phòng ngự hình tam giác, khống chế cả một vùng rộng lớn dọc đường 9 đến giáp ranh biên giới Việt - Lào. Tướng Mỹ Oét-mo-len đánh giá: “Mỹ có thể dùng căn cứ này làm một lá chắn ngăn chặn Việt Cộng từ Lào sang và là căn cứ quan trọng cho cuộc hành quân “tìm diệt”, “đánh phá kho tàng”. Vì thế ở Tà Cơn địch lập sân bay tương đối lớn chuyên dùng cho loại máy bay trinh sát, nhòm ngó đánh phá tuyến đường vận tải 559. Chúng bố trí ở đây một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, 1 tiểu đoàn pháo hỗn hợp, một chi đoàn xe tăng thiết giáp. Phía tây bắc Tà Cơn là một loạt điểm cao có giá trị về mặt quân sự. Địch khoác lác tuyên bố:

“Đây là mỏ neo vững chắc về phía tây của hệ thống phòng ngự Macnamara, là cái bẫy nghiền nát chủ lực miền Bắc”.

(https://i.imgur.com/rpwFeMC.jpg)

Phát huy thắng lợi đợt I quân dân ta liền bước vào đợt 2 tấn công, vây hãm cụm cứ điểm Tà Cơn với khẩu hiệu “Biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của đế quốc Mỹ” và dùng chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt”. Bị vây hãm liên tục, địch phản ứng điên cuồng, trên mảnh đất chỉ rộng 34km2 trung bình một ngày đêm có 300 lần chiếc máy bay các loại dội xuống 100 ngàn tấn bom đạn và trên 100 ngàn quả đại bác 175mm nhưng vòng vây của quân ta ngày càng xiết chặt. Toàn bộ quân đồn trú Mỹ phải sống chui rúc dưới hầm. Máy bay vận tải C130 đến tiếp tế và tải thương 140 lần chiếc nhưng chỉ có 40 lần chiếc là hạ cánh được. Để giảm bớt thiệt hại địch thả dù tiếp tế nhưng phần lớn dù rơi vào trận địa quân ta.

“Tiếng dữ” Khe Sanh đã làm náo động cả nước Mỹ. “Khe Sanh” là một “Điện Biên Phủ với nước Mỹ”. Trước sức ép của dư luận, tổng thống Mỹ Giônxơn đã buộc các tướng lĩnh trong Hội đồng tham mưu trưởng của chúng phải ký vào bản cam đoan “giữ bằng được Khe Sanh với bất kỳ giá nào”.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, ngày 1-4-1968 địch dùng 1 sư đoàn kỵ binh bay, 1 chiến đoàn dù ngụy, 1 tiểu đoàn biệt động quân gồm 17 tiểu đoàn (có 13 tiểu đoàn Mỹ) mở cuộc hành quân giải tỏa. Vào lúc này tại Khe Sanh có 9 tiểu đoàn chủ lực của ta hiệp đồng chặt chẽ với quân dân Hướng Hóa vẫn tiếp tục xiết chặt vòng vây Tà Cơn và chuyển hướng sang diệt viện. Sau 47 ngày đêm chặn đánh quân tiếp viện, quân và dân ta ở mặt trận Khe Sanh đã diệt 5200 tên địch, bắn rơi và bắn cháy 82 máy bay, phá hủy 21 xe tăng. Cuộc hành quân giải tỏa “ngựa bay” của địch bị thất bại. Vòng vây Tà Cơn càng bị siết chặt, quân đồn trú hoang mang cực độ, tuyệt vọng. Trước tình thế bị diệt hoàn toàn, Mỹ buộc phải rút quân khỏi Khe Sanh. Quân ta tổ chức truy kích mãnh liệt diệt và làm bị thương hơn 7000 tên địch, bắn rơi 22 máy bay, phá hủy 69 xe quân sự. Ngày 9-7-1968 quân ta chiếm cứ điểm Tà Cơn và giải phóng hoàn toàn Khe Sanh. Kết quả 170 ngày đêm tiến công, vây hãm và đánh quân rút chạy ở mặt trận Khe Sanh, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho xăng và đạn dược, thu hàng ngàn súng các loại, hàng trăm tấn phương tiện chiến tranh, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa với hơn 10 vạn dân.

Khi biết tin quân và dân ta thắng lớn ở Khe Sanh, ngày 13-7-1968, Hồ Chủ tịch gữi điện khen. Bức điện này Bác Hồ gữi cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, các vị trong ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ chỉ huy các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam. Bức điện có đoạn: “Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng với những thắng lợi to lớn của toàn miền Nam từ đầu năm đến nay. Cùng với những thắng lợi của ta ở các chiến trường khác nó mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa. Ở miền Bắc vừa lập chiến công bắn rơi 3000 máy bay giặc Mỹ. Thắng lợi vẻ vang của Khe Sanh càng giục giã quân và dân miền Bắc cố gắng hơn nữa. Giặc Mỹ tuy thua nhưng rất ngoan cố. Đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta luôn luôn cảnh giác, liên tục đánh mạnh, đánh thắng. Nam - Bắc một lòng ra sức đánh giặc. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta.

Tôi nhờ Chủ tịch và các vị chuyển đến đồng bào, chiến sĩ và cán bộ toàn miền Nam, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ và cán bộ mặt trận Khe Sanh lời khen ngợi nhiệt liệt nhất”.

Tiếng vang chiến thắng Khe Sanh truyền khắp thế giới: hãng thông tin Anh Roi Tơ ngày 2-7-1968 viết: “Khe Sanh được ghi vào lịch sử của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như là một nơi phải trả với giá đắt nhất bằng máu”(1).

“Việc quân Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh là một thất bại nặng nề về quân sự và chính trị. Thất bại này đánh dấu sự bất lực của chúng trong thế phòng ngự chiến lược, làm tăng thêm mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ và làm phát triển xu hướng chống lại cuộc chiến tranh xâm lược”(2).


(1) Thông tin dân tộc học số 5. Tỉnh ủy BTT, tr 42
(2) Lịch Sử Đảng tập III, NXB Thông tin lý luận 1985


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Chín, 2022, 10:23:03 am
Thắng lợi của quân và dân ta ở mặt trận Khe Sanh - Hướng Hóa đã góp phần tích cực với thắng lợi của quân và dân hai miền Nam - Bắc nước ta, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt việc ném bom phá hoại miền Bắc nhận ngồi đàm phán hòa bình với Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Pari.

Trước sự phản công điên cuồng của địch ta gặp rất nhiều khó khăn: quân số thiếu hụt, lương thực, vũ khí, đạn dược đều thiếu, quần chúng bị địch khủng bố triền miên, phong trào lắng dần xuống. Đến tháng 8-1968 các đơn vị chủ lực bật ra khỏi đồng bằng. Sau khi chủ lực rút lên vùng núi củng cố, bộ đội địa phương tỉnh và du kích cũng chỉ tổ chức được một số trận đánh nhỏ, chủ yếu dùng chiến thuật đặc công và gài mìn, tiêu hao một ít sinh lực địch, và đến tháng 10-1968 tất cả phải bật lên núi.

Từ đây tình hình trở nên hết sức phức tạp. Đến cuối năm 1968 vùng giải phóng Quảng Trị bị thu hẹp đến mức tối đa, những vùng còn lại bị địch càn quét bừa đi bừa lại hàng chục Tân. Các huyện Gio - Cam, vùng biển Triệu Phong, giáp ranh Hải Lăng bị địch xúc dân vào các khu tập trung, nhiều nơi trở thành vùng trắng. Riêng mặt trận phía bắc tỉnh, bộ đội địa phương và du kích bám được địa bàn, phát động được quần chúng bắt, diệt ác ôn đưa khí thế đấu tranh lên khá mạnh ở một số thôn và khu tập trung Quán Ngang, Tân Tường, Cửa Việt.

Trong những ngày gian khổ, khó khăn chồng chất ấy Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình luôn có mặt cùng nhau khắc phục. Quảng Bình đã đưa 6 tiểu đoàn bộ binh, 6 đại đội đặc công, 3 tiểu đoàn phòng không, 3 tiểu đoàn pháo cối, một số lớn thanh niên xung phong và dân công vào đường 9 thay chân cho các đơn vị B5 ra hậu phương củng cố(1). Kết hợp với lực lượng vũ trang tỉnh ta các đơn vị vừa vào đã tập kích, phục kích trên đường giao thông, bắn pháo cối vào các căn cứ 241, Cồn Tiên, Dốc Miếu, phục kích tàu địch trên sông Cửa Việt, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường Trị-Thiên - Huế Mậu Thân 1968 góp phần cùng quân và dân ta trên chiến trường toàn miền Nam thực hiện cuộc tổng tiến công chiến lược, giáng một đòn mạnh làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, thể hiện sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam ngay tại trung tâm sào huyệt của Mỹ - ngụy buộc đế quốc Mỹ phải đưa chiến tranh xâm lược vào bước ngoặt mới. Bộ trưởng quốc phòng Macnamara, Tư lệnh bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam Oét-mo-len được thay thế bằng Clép-phớt và Abram; chiến lược quân sự “quét và giữ” được thay thế cho chiến lược “tìm diệt” trước đây. Ngày 31-3-1968 Tổng thống Mỹ Giôn-xơn thận trọng và đắn đo tuyên bố ngừng ném bom một phần lãnh thổ miền Bắc, sẵn sàng chấp nhận giải pháp chiến tranh Việt Nam bằng đàm phán. Cuối cùng Giôn-xơn quyết định không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo. Quân và dân Trị - Thiên - Huế vinh dự được đón nhận 8 chữ vàng của Trung ương cục và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng “TẤN CÔNG, Nổi DẬY, ANH DŨNG, KIÊN CƯỜNG”, ghi thêm truyền thống vẻ vang và thành tích chói lọi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

*
*   *

Ba năm 1965 - 1968 là ba năm liên tục thử thách, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ bản của mình. Từ vài chục chiến sĩ buổi đầu đến nay đã xây dựng được các tiểu đoàn mạnh có cả bộ binh, pháo binh, đặc công (ở cấp tỉnh) và đại đội (cấp huyện) cùng đông đảo đội ngũ dân quân du kích ở cả ba vùng, được trang bị tương đối đồng bộ, được huấn luyện tốt, đủ sức làm nòng cốt cho phong trào chiến tranh nhân dân và phối hợp với bộ đội chủ lực đánh những trận lớn, chiến dịch dài ngày, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Trong từng trận đánh, từng nhiệm vụ cụ thể được giao, lực lượng vũ trang tỉnh đều cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ mạnh mẻ cho quần chúng nổi dậy phá kìm, giành quyền làm chủ, bảo vệ vùng giải phóng.

Đây là thời kỳ thử thách quyết liệt nhất, nghiêm trọng nhất đối với vận mệnh dân tộc ta nói chung và lực lượng vũ trang tỉnh nói riêng. Nhưng được tôi luyện trong những thử thách quyết liệt mà lực lượng vũ trang trưởng thành lên nhiều mặt cả về tư tưởng, tổ chức, trình độ tác chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mũi chính yếu trong phong trào đồng khởi giải phóng giành dân, giành quyền làm chủ, xây dựng vùng giải phóng liên hoàn, tạo đà, tạo thế cho chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân, góp phần xứng đáng cùng toàn khu, toàn miền đánh bại một bước chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.

Tuy vậy giai đoạn này cũng bộc lộ một số khuyết điểm hạn chế phong trào còn để lực lượng bị tổn thất, có nơi có lúc diễn ra khá nghiêm trọng. Điển hình là cuối năm 1969 để địch phản kích líp lại toàn bộ nông thôn đồng bằng Triệu - Hải, đẩy lùi lực lượng ta tách xa quần chúng, cơ sở bị lộ, tổn thất tan vở gần hết, quần chúng luôn bị đe dọa do ta còn hửu khuynh chưa coi trọng giữa chiến đấu, xây dựng và bảo vệ lực lượng; chưa phối hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận; chưa nhạy bén, sâu sát trong công tác chính trị tư tưởng.


(1) QK4 lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. NXB QĐND 1994- tr 254


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Chín, 2022, 10:29:27 am
II - LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VĨNH LINH DỐC LÒNG DỐC SỨC “CHIA LỬA”
VỚI MẶT TRẬN GIO - CAM GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI
BẰNG KHÔNG QUÂN VÀ HẢI QUÂN CỦA MỸ.

Trong lúc quân và dân các huyện phía nam tỉnh Quảng Trị gặp nhiều khó khăn do lần đầu tiên trực tiếp đối mặt với quân viễn chinh Mỹ thì ở Vĩnh Linh cũng là lần đầu phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Suốt cả năm 1964 và cả những năm trước đó Mỹ thường xuyên cho máy bay trinh sát nhòm ngó vùng trời Vĩnh Linh chuẩn bị cho hành động đánh phá. Hai giờ sáng ngày 01-2-1965 (30 tết Ất Tỵ) lợi dụng tối trời, tàu biệt kích quân ngụy Sài Gòn xâm nhập vùng biển xã Vĩnh Thái dùng pháo bắn bừa bãi vào dân cư ven bờ. Ngay từ những loạt đạn đầu, đại đội 2, tiểu đoàn 13 pháo binh giới tuyến đã nổ súng kịp thời bắn chìm tại chỗ một chiếc.

Tổng thống Giôn Xơn chính thức duyệt kế hoạch “sấm rền” (Rolling-Thunder) leo thang ném bom miền Bắc đến vĩ tuyến 19. Mỹ láo xược và ngang ngược đòi Chính phủ và nhân dân ta phải chấp nhận các điều kiện: Không được ủng hộ về tinh thần và chi viện về vật chất cho miền Nam và Lào, đình chỉ các buổi phát thanh vào Nam, rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam và Lào, các lực lượng cách mạng Việt Nam và Lào phải ngừng tiến công, ngừng chống lại Chính phủ (ngụy), phải nộp vũ khí, phải triệt phá các căn cứ du kích.

Ngày 2-7-1965, Giôn-xơn ra lệnh cho không quân Mỹ mở màn chiến dịch “mũi lao lửa” với 48 máy bay phản lực từ các tàu sân bay Cô-ran-xi, Rân-giơ, Han-cốc đậu ngoài khơi Đà Nẵng và một phi đoàn máy bay AD6 ngụy ném bom thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) và thị trấn Hồ Xá.

Tiếp đến ngày 8-2 và 11-2, Mỹ lại tiếp tục cho máy bay đánh phá doanh trại sư đoàn 341, xưởng gỗ Lê Thế Hiếu, xí nghiệp chè hương Bến Hải, trường phổ thông cấp III, giết hại nhiều dân thường, học sinh và thầy giáo. Trừng trị tội ác của giặc Mỹ, hàng trăm tay súng của dân quân tự vệ Vĩnh Linh và tiểu đoàn 6 pháo cao xạ 37 ly đã kịp thời nổ súng, 6 máy bay tan xác, tướng không quân ngụy Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy phi đoàn AD6 bị trọng thương cùng chiếc máy bay của y.

Trước chiến công đầu này, ngày 14-2-1965 Bác Hồ đã gửi thư khen: “Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An đã chiến đấu dũng cảm, liên tục chống những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Đã bắn chìm một tàu biệt kích Mỹ ngày 2-2-1965, đã bắn rơi 22 máy bay Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống một tên thiếu tá phi công Mỹ. Thắng lợi đó đã làm nức lòng nhân dân trong cả nước. Một lần nữa chúng ta đã tỏ rõ cho đế quốc Mỹ biết rằng, nếu chúng cứ liều lĩnh tiếp tục khiêu khích miền Bắc, chúng sẽ bị thất bại nhục nhã. Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các đơn vị và cá nhân lập được nhiều chiến công. Bác thân ái gửi lời thăm hỏi tất cả bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ, cán bộ và đồng bào các vùng bị địch đánh phá đã đoàn kết chiến đấu tốt”(1).

Từ sau trận mở màn đánh phá đầu tháng 2-1965, Mỹ tạm ngừng các cuộc oanh kích đến hết tháng 2-1965 để chuẩn bị dư luận và thực hiện học thuyết răn đe, buộc Chính phủ ta phải nhượng bộ. Nhưng chúng không thu được kết quả. Tháng 3 năm 1965 đế quốc Mỹ lại ồ ạt đánh phá các tỉnh khu 4. Riêng khu vực Vĩnh Linh từ tháng 3 đến tháng 6-1965 chúng đã huy động 615 lần tốp với 3.421 lần chiếc máy bay đánh phá nhiều mục tiêu, trong đó thị trấn Hồ Xá, nông trường Quyết Thắng, Bến Quan và một số vùng lân cận bị đánh đi đánh lại nhiều lần. Cùng thời gian trên ở phía biển 18 lần tàu chiến Mỹ bắn vào đất liền thuộc các xã ven biển Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch và 6 lần bắn phá đảo Cồn Cỏ, 8 lần bắn đuổi ngư dân. Cũng trong tháng 3 tàu biệt kích bao vây phong tỏa đảo Cồn Cỏ nhiều ngày kết hợp với máy bay đánh phá đảo liên tục.


(1) Thư Hồ Chủ tịch gửi cán bộ, chiến sĩ, các LLVT và đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An ngày 14-2-1965. Bảo tàng Vĩnh Linh - Bản sao 146


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Chín, 2022, 10:30:36 am
Nằm vắt ngang trên vĩ tuyến 17, cách Vịnh Mốc 28km, cao hơn mặt biển 63,4 mét, rộng gần 4km vuông, đảo Cồn Cỏ có rừng cây, đất đỏ bazan, bãi cát, núi đá... Sau hiệp định Giơnevơ (1954) một thời gian dài trên đảo vẫn chưa có người ở. Mùa thu năm 1959 biết trước địch có âm mưu chiếm đảo Cồn Cỏ, ngày 8-8-1959 ta cho một đơn vị bộ đội đổ bộ lên giữ đảo. Ngày hôm sau ngụy quân đưa tàu chiến đến đảo định gây chiến, quân ta kịp thời nổ súng cảnh cáo, chúng bỏ chạy. Đảo Cồn Cỏ có vị trí chiến lược về quân sự lợi hại, là vọng gác tiền tiêu của miền Bắc XHCN. Từ mùa xuân năm 1965 đảo nhỏ đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Khắp đặc khu Vĩnh Linh nơi nào cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt nhất, nơi ấy được đặt tên là Cồn Cỏ.

Đảo sống nhờ đất liền. Cả nước ngọt lúc đâu cũng phải chở từ đất liền ra. Bước vào cuộc kháng chiến, cường độ ngày một tăng, hầu như ngày nào cũng có thương vong, những nhu cầu mới xuất hiện: bổ sung người, vũ khí, vật liệu xây dựng công sự, lương thực, thực phẩm từ đất liền ra, đưa thương binh, tử sĩ vào đất liền - Tất cả những việc đó trong ngày thường đã khó, giờ đây càng khó khăn gấp bội. Thoạt đầu Bộ Tổng tư lệnh giao cho hải quân lo việc tiếp tế cho đảo thường dùng tàu phóng lôi từ căn cứ sông Gianh, Quảng Bình chở hàng ra đảo. Nhưng tàu không cặp bến được. Cả bến trong đất liền lẫn bến ngoài đảo. Vì vậy phải dùng thuyền nan chở theo tàu làm phương tiện bốc dỡ. Nhưng thuyền nan nhỏ, chưa chở hết hàng trời đã sáng, phải tạm dừng quay vào bờ. Việc tiếp tế bằng tàu không thực hiện được. Trong khi đó vào cuối tháng 5-1965 tình hình trên đảo khá nguy ngập, gạo ăn dè xẻn cũng chỉ đủ đến một tuần lễ, đạn tính từng viên, gay go nhất là nước ngọt. Bom Mỹ đã đánh sập bể chứa nước ngọt của đảo, bộ đội phải chặt chuối rừng vắt nước uống. Địch biết điều đó, một mặt chúng tăng cường đánh phá đảo, mặt khác cho tàu chiến bao vây, bịt kín mọi lối ra vào. Xảo quyệt hơn chúng thả lên đảo 50 đồng bào đánh cá bị chúng bắt trước đây khiến cho bộ đội phải nuôi thêm một số đông người càng làm cho nguồn lương thực, thực phẩm, nước ngọt cạn nhanh hơn. Chúng hy vọng chỉ một thời gian ngắn, đội quân bé nhỏ trên đảo nếu không chịu đầu hàng thì cũng chết gục vì bom đạn và đói khát.

Bầu tháng 6-1965, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh ra lời kêu gọi “Tất cả vì đảo”. Đáp lời kêu gọi của Đảng ủy, đảo nêu khẩu hiệu: “Còn đất liền, còn đảo”, đất liền đáp lại “Còn đảo còn đất liền”. Hàng ngàn lá đơn của dân quân thanh niên các xã ven biển Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái, Vĩnh Giang, có cả những cụ già 60 -70 tuổi xin được đi tiếp tế Cồn Cỏ.

Trên con đường máu ra đảo nhiều thuyền của dân quân Vĩnh Linh bị bắn chìm, nhiều chiến sĩ hy sinh anh dũng nhưng đêm đêm những chuyến hàng tiếp tế vẫn cập đảo, hàng ngàn tấn vũ khí, kể cả pháo 85 ly, cao xạ 14,5 ly, lương thực, thực phẩm... đã được những con thuyền gỗ chạy buồm, chèo tay đơn sơ chở từ đất liền ra phục vụ đắc lực cho nhu cầu chiến đấu ở đảo. Nhưng cái giá của mỗi viên đạn, mỗi bát gạo đều phải tính bằng máu. Hàng trăm gia đình ở các xã ven biển có người hy sinh, hoặc bị địch bắt đem đi mất tích. Có đội sản xuất hầu như tất cả mọi người đều quấn khăn tang. Tính ra số người hy sinh cho nhiệm vụ tiếp tế lớn gấp ba lần số bộ đội hy sinh trên đảo.

Xúc động trước sự hy sinh đùm bọc của đất liền, cán bộ, chiến sĩ Cồn Cỏ kiên cường chiến đấu giữ đảo đã hạ 48 máy bay Mỹ, có ngày bắn rơi 4 chiếc, có trận trong vòng 2 giờ bắn rơi 3 chiếc, bắn cháy 17 tàu chiến và hải thuyền của địch; có trận chỉ bằng hai quả đạn 85 ly đã bắn chìm một thủy phi cơ Mỹ trong đó có một số tên giặc lái mà nó vừa cứu được. Với thành tích đánh Mỹ giỏi, giữ đảo kiên cường, Cồn Cỏ 2 lần được Chính phủ, Quốc hội tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” và 3 lần Bác Hồ gữi thư khen trong đó có 2 câu thơ:

Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận
Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ

Bước sang năm 1966, cường độ đánh phá của địch ngày càng ác liệt. Quân dân Vĩnh Linh cũng ngày càng lập những chiến công lớn hơn. Tiêu biểu nhất là trận chiến đấu bắn máy bay ngày 11-11-1966 của tiểu đoàn 6 pháo cao xạ, dân quân Vĩnh Linh phối hợp với một tiểu đoàn cao xạ 37 ly của Bộ Tư lệnh quân khu 4 tăng cường.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Chín, 2022, 10:31:44 am
6 giờ sáng ngày 11-11 bộ đội vào báo động cấp 1. Bảy giờ pháo tầm cao của trung đoàn 218 (thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã vào địa bàn Vĩnh Linh chiến đấu gần 5 tháng) phát hỏa bắn rơi một máy bay trinh sát L19 tại Vĩnh Sơn. Lập tức địch cho nhiều tốp F4H đến bắn phá các trận địa quân ta bố trí ở các khu đồi phía tây xã Vĩnh Thủy. Bộ đội ta và dân quân xã Vĩnh Thủy nổ súng đánh trả quyết liệt. 8 giờ sáng 2 chiếc F4 rơi tại chỗ (cách chân đồi 74 khoảng 300 mét về phía tây nam). 4 tên giặc lái nhảy dù, một tên chết, ba tên khác bị dân quân Vĩnh Thủy và Vĩnh Trung bắt sống. 9 giờ 02 phút một chiếc trực thăng HU1A đến cứu giặc lái bị bắn tơi tại bờ nam sông Bến Hải, 8 phút sau lại thêm một chiếc AD6 bị rơi. Đến 11 giờ cuộc chiến đấu tạm ngừng. Buổi chiều vào lúc 14 giờ một tốp 2 chiếc F105 đến đánh phá, ngay từ những loạt đạn đầu các loại súng của bộ đội và dân quân, một chiếc rơi tại chỗ (Vĩnh Nam), hai tên giặc lái bị bắt sống. Suốt gần một ngày chiến đấu với gần 9 đợt liền tiêu thụ 2.637 viên đạn 37ly, 2.454 viên 14ly5, 3.838 viên 12ly7 đại liên và súng trường, quân và dân Vĩnh Linh bắn rơi tại chỗ 6 máy bay, tiêu diệt một giặc lái, bắt sống 5 tên khác. Đây là một trận đánh đạt hiệu suất cao nhất trong chiến tranh phá hoại ở Vĩnh Linh bắn rơi nhiều máy bay tại chỗ nhất, bắt sống nhiều giặc lái nhất, quân ta ít tổn thất nhất (hy sinh 1 bộ đội).

Ngày 15-11-1966, Hồ Chủ tịch gửi thư khen ngợi quân và dân Vĩnh Linh đánh giỏi thắng lớn. Bác viết: “Đó là chiến công oanh liệt của một địa phương trong một ngày. Giặc Mỹ cũng, phải thú nhận đó là một ngày đen tối cho không lực của chúng. Các địa phương hãy ra sức thi đua đánh giỏi thắng lớn như Vĩnh Linh”.

Như con bạc khát nước, càng bị thua đau giặc Mỹ càng điên cuồng cay cú. Chỉ tính trong tháng 11-1966 máy bay địch đã 754 lần ném bom bắn phá Vĩnh Linh, trên vùng biển Vĩnh Linh thường xuyên có từ 4 - 6 tàu chiến của địch hoạt động bắn phá bừa bãi vào bờ. Có đêm (10-11-1966) chúng bắn 508 quả pháo lớn vào các xã ven biển đã gây ra nhiều tội ác đẫm máu. Song tinh thần của lực lượng vũ trang và nhân dân vẫn lên rất cao, vững vàng trước mọi hy sinh thử thách, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

Cuối năm 1966, địch thay đổi thủ đoạn đánh phá, không tập trung đánh ồ ạt như giai đoạn trước mà chuyển sang đánh từng tốp lẻ, phân tán đánh nhiều vùng, nhiều hướng, đánh nhanh, rút nhanh, ở mặt biển địch cũng hạn chế dùng tàu Vơđéc và không dám liều lĩnh vào gan bờ như trước. Từ chỗ bay thấp địch đã phải bay cao và bay cao là chính, đồng thời kết hợp chặt chẽ máy bay, pháo hạm tàu và pháo bờ nam đánh phá vô cùng ác liệt, đánh liên tục, đánh giai dẳng suốt 24 giờ trong ngày. Đặc biệt càng ngày chúng tăng cường ném bom tọa độ và vào lúc Mỹ sắp đưa quân chiếm đóng bắc Quảng Trị thì cường độ đánh phá của chúng càng ác liệt hơn. Đêm 16-1-1967 chưa bao giờ người dân Vĩnh Linh thấy bom tọa độ dày đặc đến mức ấy. Cứ 15 phút lại một loạt bom tọa độ. Đồng thời pháo từ hạm tàu bờ Nạm dựng một hàng rào lửa dọc bờ sông Bến Hải. Từ phía tây Quảng Trị tiếng bom B52 vọng về ầm ì suốt đêm.

Địch đánh phá ác liệt hai bờ nam bắc sông Bến Hải là nhằm đưa quân Mỹ ra đóng chốt ở nam khu phi quân sự và ít ngày sau sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ đã triển khai đội hình ở vùng này thay quân cho sư đoàn 1 ngụy con cưng của quân lực Việt Nam cộng hòa bị đẩy lùi ra phía sau làm nhiệm vụ đồn dân bình định.

Đối mặt với Vĩnh Linh lúc này có 25.000 quân Mỹ. Để bảo vệ cho đội quân đông đảo này Mỹ tăng cường toàn bộ pháo binh trên toàn bộ tuyến phía nam giới tuyến 17, đặc biệt chúng điều tới đây một đại đội 4 khẩu pháo 175ly đặt ở Dốc Miếu, một đại đội ở điểm cao 241 và một đại đội ở Đông Hà. Hỏa lực pháo binh của địch ở bờ nam giới tuyến gây cho ta rất nhiều khó khăn và tổn thất về cả người, của và tâm lý. Từ các căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, pháo của chúng có thể bắn ra tận Sen Thủy (Quảng Bình). Chúng có nhiều pháo đạn, bắn vô tội vạ không theo một quy luật nào cả, bắn suốt ngày đêm tạo ra mối đe dọa luôn lởn vởn trước mắt mọi người.

Không thể để pháo địch tiếp tục làm mưa làm gió mãi được, Bộ chỉ huy quân sự Vĩnh Linh giao nhiệm vụ cho đại đội 4 dùng cối và đại đội 11 pháo 85 ly chế áp địch. Ngày 4-3-1967 cối 80 ly của đại đội 4 luồn lách đặt gần hàng rào căn cứ pháo địch, đại đội 11 kéo pháo ra đặt sát bờ sông Bến Hải đồng loạt tập kích vào căn cứ pháo 175 ly của Mỹ khiến cho bọn pháo thủ không dám ngóc đầu dậy bắn trả. Về sau chúng rút kinh nghiệm chỉ dám bắn nhiều vào ban đêm.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:29:40 am
Ngày 20-3-1967 trung đoàn 164 (đoàn Bến Hải) được giao nhiệm vụ phối thuộc với đại đội 11, 13 pháo mặt đất, 1 đại đội cối của Bộ chỉ huy quân sự Vĩnh Linh thay mặt cho pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam lần đầu tiên đặt hỏa lực trên bờ Bắc sông Bến Hải trừng trị tội ác của pháo binh Mỹ đang tác oai tác quái hàng ngày. Trong lúc các đơn vị pháo binh quân ta đã làm xong công tác chuẩn bị, đang nóng lòng đợi lệnh phát hỏa thì khoảng 14 giờ địch dùng máy bay lên thẳng tới tấp đổ thêm quân (thuộc sư đoàn 1 thủy quân lục chiến Mỹ) xuống căn cứ Dốc Miếu để ngày hôm sau đi càn quét. Thời cơ vừa trừng trị bọn pháo binh và tiêu diệt sinh lực địch ngẫu nhiên xuất hiện cùng một lúc.

Đúng 18 giờ 16 phút pháo ta phát hỏa, 24 quả đạn (loạt đầu tiên) của quân ta chụp trúng đội hình lính thủy đánh bộ Mỹ, chưa có công sự kiên cố ẩn nấp. Toàn bộ căn cứ Dốc Miếu rông 6 mẫu, ta chủ trương chỉ tập trung bắn 3 mẫu phía nam, bắn theo kiểu cày đi cày lại đảm bảo tiêu diệt sạch sinh lực và hỏa lực địch ở đó.

Trận địa pháo địch ở Cồn Tiên vội vàng phản ứng chỉ mới bắn sang bờ Bắc vừa đúng 3 quả đạn liền bị hỏa lực cối của quân ta đặt sát hàng rào dập xuống, chúng im luôn cho tới sáng hôm sau, mặc cho đồng bọn ở Dốc Miếu chịu trận.

Sau 30 phút bắn cấp tập, ta tiêu diệt 1007 tên địch hầu hết là Mỹ, phá hủy 22 xe tăng và xe M113, 37 xe vận tải, 5 máy bay lên thẳng, thiêu hủy 1 kho xăng, 2 kho đạn.

Ngày 2-5-1967 cùng với các lực lượng trên toàn chiến trường Quảng Trị, bộ binh và pháo binh Vĩnh Linh phối hợp nhịp nhàng vây ép căn cứ Cồn Tiền, đồng thời đánh phá liên tục các căn cứ địch trên toàn bộ chiến trường bắc Quảng Trị làm cho 25.000 lính thủy đánh bộ Mỹ ở đây rơi vào thế tuyệt vọng.

Cũng thời gian trên lực lượng phòng không Vĩnh Linh lập công xuất sắc, bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 100 được bác Hồ gữi thư khen: “Bác rất vui lòng được tin Vĩnh Linh đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ và trừng trị đích đáng pháo binh Mỹ, sản xuất và phòng không nhân dân Vĩnh Linh cũng tốt... nhiều địa phương đang ra sức học tập thi đua với Vĩnh Linh”.

Ngày 27-7-1967 pháo binh Vĩnh Linh lại bắn phá căn cứ Dốc Miếu lần thứ hai với uy lực lớn hơn lần trước. Trong hơn nửa giờ đồng hồ trung đoàn 164 bắn tới 1.500 viên HA12 (cachiusa) và dân quân tự vệ bắn 400 viên đạn cối khiến bọn địch một lần nữa lại bất ngờ. Trận này ta diệt 300 tên Mỹ, phá hủy 2 xe M113, 2 kho đạn, 2 kho xăng, 11 khẩu pháo 105, 155, 175 ly và 13 xe 6 tô.

Bị thua đau ở chiến trường Quảng Trị đế quốc Mỹ tung con bài cuối cùng B52 ném bom rải thảm xuống một vùng rộng lớn từ Vĩnh Sơn ra Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy là địa bàn chúng nghi ta đặt pháo bắn sang bờ Nam. Trong vòng một giờ đồng hồ 37 chiếc B52 đã ném xuống xã Vĩnh Thủy 700 tấn bom. Khói bụi bốc lên lan đần sang khu đông, chỉ một lúc sau che kín cả 12 xã vùng đất đỏ.

Kết hợp với B52 địch còn dùng pháo cỡ lớn (loại 400 ly), pháo chơm (nổ trên không), pháo lùi (nổ dưới lòng đất) để phá địa đạo, pháo lân tinh (gây bỏng, cháy), pháo bi sát thương người và vật trên mặt đất. Đây là những tội ác mới cực kỳ man rợ mà đế quốc Mỹ gây ra trong chiến tranh đối với Vĩnh Linh. Trừng trị tội ác mới này ngày 19-7-1967 quân và dân Vĩnh Linh phối hợp với trung đoàn 238 tên lửa của Bộ Tổng tham mưu lập công đầu, lần đầu tiên bắn rơi 2 B52 của Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Đây là chiếc máy bay thứ 999 và 1.000 của Mỹ bị bắn rơi trên địa bàn quân khu 4. Nhân dịp này Hồ Chủ tịch và Bộ Tổng tư lệnh kịp thời gửi thư khen ngợi quân và dân Vĩnh Linh.

Ngày 5-8-1968 kỷ niệm tròn 4 năm ngày miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên, quân và dân Vĩnh Linh lập công xuất sắc, diệt gọn cả tốp 2 chiếc F4H khi chúng chưa kịp gây tội ác, được Hồ Chủ tịch gửi thư khen:

Đánh cho giặc Mỹ tan tành
Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng

Trong suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại, Vĩnh Linh là địa bàn ác liệt nhất miền Bắc, hầu như suốt 24 tiếng đồng hồ trong ngày không lúc nào ngớt tiếng bom đạn. Trong tình hình đó trừ những người già cả và trẻ em, học sinh sơ tán ra các tỉnh phía Bắc, còn lại hầu hết vẫn bám trụ tại địa bàn chiến đấu và phục vụ chiến đấu.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:34:20 am
Nhưng để bám trụ được trên một địa bàn ác liệt như Vĩnh Linh công tác phòng tránh phải được đặt thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh đã phát động phong trào “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực” được tất cả các đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Thấm nhuần khẩu hiệu “nhà che nắng che sương, hầm che xương che thịt” nhân dân và lực lượng vũ trang Vĩnh Linh chỉ bằng hai bàn tay và những công cụ thô sơ kiên trì từ tháng này qua năm khác kiến tạo nên một hệ thống hầm hào ngang dọc chằng chịt khắp nơi. Đến cuối năm 1968 Vĩnh Linh đã đào được 2090km hào giao thông thay cho mọi nẻo đường trên mặt đất, thôn nối thôn, xã nối xã, nhà nối nhà, hầm nối hầm. Cùng với việc đào hào giao thông nối liền mọi ngã đường trên toàn khu vực là hệ thống hầm hố phòng tránh cũng được đào ở khắp nơi. Có tới 65.600 hầm chữ A, 31.000 hầm vuông, 84.000 hầm cá nhân, 96.700 hầm tập thể, 25.700 hầm gia súc và 30.550 mét địa đạo. Song hệ thống hầm hào dù vững chắc đến đâu cũng chỉ chống được các loại bom sát thương cỡ nhỏ còn không chịu nổi sức công phá của bom đào, bom lùi và bom cỡ lớn. Đã có không ít trường hợp bom địch ném trúng hầm chữ A giết chết một lúc cả gia đình. Do đó việc nghiên cứu tìm ra một kiểu hầm mới có độ an toàn cao hơn càng trở nên cấp thiết.

Cuối tháng 5 năm 1966 trước cường độ đánh phá rất ác liệt của địch, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh giao cho Bộ chỉ huy quân sự nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương tiến hành đào địa đạo. Bộ chỉ huy chọn Vĩnh Giang đào thí điểm. Sau hai tháng một địa đạo dài 80 mét sâu 7 mét hoàn thành. Tuy nhiên đây mới chỉ là loại hầm tiểu đạo, trung đạo khoét sâu dưới lòng đất, chỉ có tác dụng tránh được bom, pháo nhất thời, chứ chưa thể dùng ăn ở, sinh hoạt trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, dai dẳng. Do vậy, chỉ vài tháng sau loại địa đạo khởi thủy ấy đã trở nên lạc hậu so với địa đạo dài hàng trăm mét, sâu vài chục mét, trong đó kỳ vĩ nhất là địa đạo thôn Vịnh Mốc xã Vĩnh Thạch.

Thôn Vịnh Mốc là một trong hai địa điểm chính tập kết sức người sức của cho đảo Cồn Cỏ và cũng là nơi đặt trận địa pháo mặt đất chi viện cho đảo. Bởi vậy thôn này là nơi đầu tiên bị địch đánh phá. Ngày 27-11-1964 tàu chiến Mỹ bắn đại bác từ ngoài biển vào thiêu hủy một lúc 72 nóc nhà. Đến tháng 6-1965 thì cả thôn bị đốt trụi. Do vậy để bám trụ được trên mảnh đất đầy bom đạn kẻ thù, tiếp tục làm tròn nhiệm vụ với đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam, Vịnh Mốc cũng như mọi miền quê khác cửa Vĩnh Linh chỉ còn cách duy nhất là dựa vào đất để sống, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Tháng 12-1966 học tập kinh nghiệm Vĩnh Giang, lực lượng dân quân, nhân dân cùng cán bộ, chiến sĩ đồn công an vũ trang Vịnh Mốc chọn quả đồi đất đỏ bazan cuối thôn, sát mép biển để xây dựng làng địa đạo.

Sau ba tháng kiên trì và khổ công, làng địa đạo Vịnh Mốc đã hoàn thành với hệ thống đường hầm gồm 4 nhánh của 4 đội sản xuất có tổng chiều dài 2008 mét. Địa đạo được cấu trúc làm 3 tầng, tầng cuối cùng sâu 18 mét so với mặt đất, có hai lối đi thông ra hai cửa chính hướng ra biển và 8 lỗ thông hơi, thông khói. Trong địa đạo có 3 giếng nước để ăn uống, tắm giặt. Đồng thời còn có hầm bệnh xá, hầm hộ sinh, kho lương thực, vũ khí, hầm ngủ cho từng hộ, bếp nấu, nhà tắm v.v... Trong những năm ấy đã có 17 cháu bé ra đời trong lòng địa đạo, tất cả đều khỏe mạnh và trưởng thành. Với cách tổ chức và thiết kế ấy làng hầm Vịnh Mốc giống như thôn Vịnh Mốc trên mặt đất thu nhỏ dưới lòng đất.

Với hệ thống hầm hào, địa đạo chằng chịt ở khắp nơi như vậy nên Vĩnh Linh trong chiến tranh phá hoại bình quân đầu người phải chịu 7 tấn bom đạn các loại nhưng lực lượng vũ trang và nhân dân vẫn bám trụ vững vàng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, và sản xuất đều giỏi, đã phối hợp cùng với đơn vị chủ lực của Bộ và Quân khu 4, bắn rơi 293 máy bay Mỹ (trong đó có 7 chiếc B52), bắn chìm và bắn cháy 69 tàu chiến (có chiếc trọng tải hơn 100.000 tấn) xứng đáng với danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và lời khen của Hồ Chủ tịch:

“Đánh cho giặc Mỹ tan tành
Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:35:54 am
IV - KHÔI PHỤC THẾ TRẬN, LIÊN TỤC TIẾN CÔNG ĐỊCH,
GIÀNH QUYỀN LÀM CHỦ MIỀN NÚI, NÔNG THÔN, ĐỒNG BẰNG,
GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC “VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH” CỦA MỸ.

Năm 1969, sau khi lên cầm quyền, Ních Xơn đã lộ rõ bộ mặt hung bạo và hiếu chiến nhất, nó ráo riết thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” kéo dài và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương.

Quảng Trị là nơi có vị trí chiến lược quan trọng. Địch chọn nơi đây thí điểm chiến lược mới “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Vì vậy, chúng điều về đây một số lượng quân lớn, lúc cao nhất lên đến 62 tiểu đoàn chủ lực (2 sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 1 lữ đoàn bộ binh cơ giới, từ 1 đến 2 lữ đoàn kỵ binh bay, 1 sư đoàn quân ngụy), 10 tiểu đoàn pháo, 3 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép, hàng chục đại đội bảo an, hàng trăm trung đội dân vê. Ngoài ra còn có không quân, hải quân sẵn sàng chi viện tối đa bất cứ lúc nào.

Với ưu thế quân số, vũ khí địch điên cuồng mở các đợt phản kích trên cả ba vùng nhằm củng cố ngụy quân, ngụy quyền, giữ vững đô thị, hậu cứ và các trục đường giao thông chiến lược. Chúng còn đánh phá ác liệt căn cứ địa, hậu phương của ta để ngăn chặn từ xa đồng thời ráo riết thực hiện kế hoạch “bình định cấp tốc”. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch lúc này diễn ra vô cùng ác liệt, địch dùng mọi thủ đoạn đánh phá dã man mang tính phục thù khốc liệt.

Ở vùng đồng bằng địch triển khai kế hoạch “Bình định cấp tốc”, lực lượng tham gia có lúc lên đến 30 tiểu đoàn bình định. Các tiểu đoàn ngụy tập trung cày ủi mồ mả, làng mạc, ruộng vườn, xăm bới, lục soát, xúc hốt dân vào các khu tập trung, mở các đợt thanh lọc, mua chuộc, dụ dỗ quần chúng, đẩy mạnh chiêu hồi, chiêu hàng, vơ vét người, của, lập phòng vệ dân sự, tăng cường đôn quân bắt lính. Chúng ra sức đánh phá ác liệt cơ sở cách mạng, phong trào chiến tranh du kích bị sa sút, du kích và bộ đội ta tổn thất nặng nề.

Nhiều nơi trở thành vùng trắng. Thôn Thượng Xá xã Hải Thượng (Hải Lăng) là một thôn nhỏ nhưng địch đã dùng đến một đại đội Mỹ, hai đại đội ngụy và một đại đội cảnh sát càn quét suốt 28 ngày liền. Hàng trăm người bị giết, bị bắt tra tấn dã man, trong đó có 11 người bị tra tấn đến chết.

Tại vùng giáp ranh địch đánh chiếm lập tuyến ngăn chặn, tăng cường càn quét, phục kích, tập kích, rải quân chốt các điểm cao, ra sức xây dựng củng cố tuyến phòng thủ Macnamara ở giới tuyến. Hình thành tuyến phòng thủ vững chắc từ Cửa Việt - Đông Hà - Đường 9.

Ở vùng rừng núi chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân quy mô vừa và lớn, kết hợp rải chất độc hóa học và B52, phi pháo đánh phá ác liệt các tuyến đường, hậu cứ, cơ quan, kho tàng của ta. Tháng 2-1969 chúng tập trung 7000 quân càn quét liên tục biên giới Việt - Lào, vùng A-xóc, Tam Thanh, Adơi Côcava.

Nhìn chung trên toàn tỉnh, lực lượng vũ trang ta gặp khó khăn nghiêm trọng, bị tổn thất nặng nề, cơ sở vật chất, lương thực, vũ khí đều thiếu thốn không thể duy trì chiến đấu với lực lượng lớn của địch nên chủ trương của tỉnh chỉ để lại một bộ phận tiểu đoàn 10 đặc công, đại đội 1 trung đoàn 6 cùng với du kích và cán bộ chính trị hoạt động ở vùng giáp ranh.

Trước những khó khăn gay gắt, có nơi có lúc bộ đội ta một ngày chỉ được ăn nửa lon gạo với rau rừng, nhạt muối kéo dài hàng tháng trời, cộng với đau ốm thiếu thuốc men và thương vong nhưng với bản chất cách mạng của người chiến sĩ, với trách nhiệm đối với chiến trường, động viên giúp đỡ nhau luồn cản đánh địch đêm đêm về bám dân, bám các xã giáp ranh, xây dựng lại cơ sở, mua góp lương thực nuôi nhau chiến đấu. Trong hoàn cảnh này ta buộc phải đưa phần lớn lực lượng tiểu đoàn 10, 14, 18, 34 lên Mường Nòng (giáp biên giới Việt - Lào) và ra Vĩnh Linh, Quảng Bình để củng cố và xây dựng là phù hợp, cần thiết và không có cách nào khác.

Sau cuộc tổng tấn công chiến lược Mậu Thân, tháng 11-1968 Thường vụ Khu ủy Trị - Thiên ra nghị quyết chỉ rõ cho đoàn 7 và các huyện đồng bằng những nhiệm vụ cấp bách trước mắt: “Phát huy thắng lợi, khắc phục khó khăn, nắm vững lực lượng ba thứ quân, nắm dân, lãnh đạo nhân dân đấu tranh; kết hợp đấu tranh vũ trang, chính trị và binh vận; đánh bại kế hoạch bình định và mọi thủ đoạn của địch. Việc đánh địch phải đi đôi với việc giành dân, bảo vệ dân, giành quyền làm chủ, xây dựng và bảo vệ lực lượng”.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:37:24 am
Chấp hành nghị quyết của Thường vụ Khu ủy, tỉnh đã mở một cuộc vận động chính trị sâu rộng tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, lấy nhiệm vụ trước mắt làm yêu cầu, lấy cán bộ làm đối tượng. Phát huy tự do tư tưởng, tích cực giải quyết tư tưởng hữu khuynh, ngại gian khổ hy sinh, thiếu tin tưởng, đánh giá địch không đúng, hoang mang dao động. Đồng thời xây dựng tư tưởng cách mạng tiến công, dám xả thân vì nghĩa lớn không sợ hy sinh, gian khổ, dám nghĩ, dám làm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Song song với giáo dục chính trị tư tưởng, khẩn trương tiến hành “xốc” lại các đơn vị, củng cố lại tổ chức, huấn luyện cấp tốc các khoa mục cần thiết theo yêu cầu tác chiến của chiến trường mới đặt ra. Mặt khác tổ chức rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc các trận chiến đấu trong năm 1968 cả thành công và chưa thành công đưa những bài học nóng hổi ở chiến trường vào bổ sung huấn luyện bộ đội.

Đối với công tác hậu cần, đã giáo dục sâu sắc quan điểm tự lực, tự cường, phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hiện hậu cần tại chỗ. Trước mắt và lâu dài phải giải quyết một phần lương thực đồng thời khai thác thu mua, tiếp nhận lượng cung cấp của trên. Đợt sinh hoạt chính trị củng cố và xây dựng đơn vị đạt được một số kết quả khá, xây dựng được quyết tâm bám đất, bám dân, tiêu diệt địch, kiên quyết làm chuyển biến thế chiến trường theo hướng có lợi cho ta.

Ngày 2-9 nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh vô cùng đau buồn khi được tin Bác Hồ qua đời. Trước tổn thất quá lớn này, mọi cán bộ, chiến sĩ quyết biến đau thương thành sức mạnh, tiến lên thực hiện di chúc thiêng liêng của Người bằng những hành động cách mạng trong lúc khó khăn này.

Ngay từ khi địch đổ quân lên Côcava (2-1969) nhận lệnh phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực, tiểu đoàn 814 và 34 khẩn trương hành quân chiếm lĩnh trận địa. Trong trận đầu xuất quân đã tiêu diệt gọn một trung đội thủy quân lục chiến Mỹ. Phát huy kết quả, tập kích sở chỉ huy tiểu đoàn pháo của trung đoàn 9 Mỹ diệt 1 đại đội thông tin, 6 khẩu pháo 105 ly, 300 tên địch. Tiếp theo tiểu đoàn đặc công bộ đội địa phương tỉnh đánh 7 trận địa pháo địch ở Động Em phá hủy 6 khẩu pháo 105 ly, diệt một số sinh lực địch. Cùng thời gian này tiểu đoàn 808 triển khai đội hình chống càn ở Tà Riệp, Adơi, Tam Thanh diệt gần 1 tiểu đoàn ngụy. Những trận thắng trên trong những ngày cuối tháng 2 đã góp phần tích cực cùng bộ đội chủ lực bẻ gãy cuộc càn dài ngày của Mỹ ngụy lên miền tây hai tỉnh Trị Thiên.

Phối hợp với đòn tiến công quân sự ở Cacôva, tại Gio Linh, Cam Lộ nhân dân, du kích nổi dậy phá kìm giành quyền làm chủ, đẩy mạnh chiến tranh du kích, diệt 700 tên, bắn cháy 5 máy bay, 4 tàu chiến, phá hủy 4 xe quân sự. Ngày 19-5 bộ đội địa phương huyện và du kích tiến đánh Tân Lâm, Cồn Tiên, Dốc Miếu diệt gần 100 tên địch. Ngày 20-3 du kích Cửa Việt diệt 80 tên ác ôn ngay trong hang ổ của chúng. Trên hướng đường 9 ta phục kích đánh địch hành quân, diệt 383 tên, phá hủy 15 xe quân sự, bắn rơi 1 máy bay.

Ở giáp ranh, đồng bằng, lực lượng vũ trang ta vượt mọi khó khăn, ác liệt bám đất, bám dân, phát triển chiến tranh du kích, đánh phá bình định hỗ trợ phong trào xây dựng và phát triển cơ sở theo 4 nội dung Khu ủy đề ra. Đối với vùng giáp ranh ta kiên quyết tranh chấp với địch giành quyền làm chủ. Tuy nhiên thực tế lúc này ở đồng bằng du kích bị tổn thất nặng trong hơn một năm chưa được củng cố nên hoạt động yếu, kém hiệu quả. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đã quyết định điều một số cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương tỉnh kịp thời bổ sung về cho các xã làm nòng cốt cùng với đội ngũ cán bộ chính trị nằm hầm bí mật, đêm đêm đi vận động quần chúng, xây dựng lực lượng đẩy mạnh công tác diệt ác trừ gian, đánh phá kế hoạch bình định của địch.

Đến tháng 7-1969, ta đã đẩy lùi địch về tuyến giữa củng cố một bước vùng núi, cổ vũ nhân dân đồng bằng đánh phá bình định. Tuy nhiên địch vẫn phát triển được ngụy quân, củng cố ngụy quyền, rút dần một bộ phận quân Mỹ về nước.

Chiến trường Trị thiên trong những ngày này vẫn còn nhiều gian khổ, ác liệt, khó khăn chồng chất. Địch cho máy bay B52 ném bom rải thảm và rải chất độc hóa học đốt trụi nhiều cánh rừng đồng thời tăng cường các toán thám báo lùng sục khắp nơi. Ban đêm chỉ cần nghe một tiếng gà gáy, chó sủa là biệt kích thường mò đến tìm, diệt lực lượng cách mạng hoặc gọi pháo bắn chỉ điểm cho máy bay đến ném bom. Nhân dân và bộ đội cùng nhau chịu nạn đói chưa từng có từ trước đến nay. Thôn Hương Hữu (Hướng Hóa) có 171 người chết đói 70 người. Bộ đội thiếu cơm, thiếu muối, bệnh tật tăng, sức chiến đấu giảm sút nghiêm trọng.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:38:04 am
Cuối năm 1969, sau một thời gian củng cố, xây dựng ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, các đơn vị tập trung của tỉnh được điều về chiến trường hoạt động tích cực với nhiều cách đánh linh hoạt, đánh phá bình định ở Hải Lăng, Cam Lộ, tiêu diệt một số sinh lực địch, thu vũ khí, phá hỏng phương tiện chiến tranh của chúng.

Bằng sự cố gắng mọi mặt, tình hình đã chuyển dần các trận địa theo hướng tiến bộ, sáng sủa hơn. Vùng rừng núi ta giữ được thế. Vùng giáp ranh ta cài được thế xen kẻ, tạo đà tiến lên làm chủ. Vùng đồng bằng đã phục hồi, xây dựng được cơ sở, chiến tranh du kích có điều kiện phát triển tốt. Từng bước ta đang cố gắng nối liền ba vùng tạo thế và lực cho các hoạt động quân sự, chính trị các năm tiếp theo.

Tháng 1-1970 Nghị quyết Khu ủy xác định: “Đánh phá bình định là nhiệm vụ trung tâm, hướng tác chiến là nông thôn, đồng bằng, lấy giáp ranh làm then chốt, khẩn trương đẩy mạnh tấn công toàn diện, đánh bại kế hoạch “bình định” và các thủ đoạn của địch, tạo đà, tạo thế với toàn miền đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch.

Thực hiện Nghị quyết Khu ủy, các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh khẩn trương tổ chức hành quân về bám trụ giáp ranh, cài thế xen kẻ với địch, vừa đánh địch vừa tổ chức hành lang lên xuống đồng bằng để hoạt động. Cuộc chiến đấu đã diễn ra liên tục ở đây với phương châm, phương thức linh hoạt. Đánh địch trong căn cứ, đánh địch trong dã ngoại, đánh giao thông, đánh nhiều mũi, đánh đêm, đánh ngày v.v...

Lấy giáp ranh làm bàn đạp để tấn công về đồng bằng là một phương thức đánh địch rất thực tiễn, phù hợp với đặc điểm chiến trường. Qua nhiều năm địch ra sức đánh phá vùng giáp ranh của ta địa hình quá trống trãi, địch khống chế các điểm cao tổ chức lực lượng nhỏ nống ra thăm dò, khi phát hiện lực lượng của ta chúng tổ chức tấn công bằng bộ binh hoặc gọi phi pháo đến bắn phá hòng tiêu diệt. Do đó ta tổ chức nhiều bộ phận cỡ trung tiểu đội tăng cường bám nắm địch, tổ chức các trận phục kích, các bãi mìn nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch buộc chúng phải co lại. Hoang mang, lúng túng nên sau một thời gian ngắn phải rút lui về cụm lại ở đường quốc lộ 1A, không dám chủ quan lùng sục hoặc nếu bắt buộc phải lùng sục thì huy động lực lượng lớn cỡ đại đội, tiểu đoàn có phi pháo yểm trợ nhưng rất hạn chế và dè dặt. Một phong trào đánh mìn tự tạo của du kích và công binh rộ lên rất sôi nổi ở vùng giáp ranh. Du kích không những dùng mìn đánh bộ binh, xe cơ giới của địch mà còn mưu trí gài sẵn tại những vị trí địch có thể sử dụng làm bãi đáp để diệt trực thăng. Đồng chí Nguyễn Quang Trung được mọi người trìu mến tồng cho tên “Vua mìn” chiến tranh du kích.

Từ đó ta đứng vững được ở vùng giáp ranh, đưa lực lượng tiến về đồng bằng đánh nhiều trận hiệu suất cao.

Tháng 2-1970 tiểu đoàn 808, 814 tổ chức phục kích giao thông (đoạn từ Tân Điền lên điểm cao 367) diệt 12 xe tăng và trên 100 tên địch, có cả cố vấn Mỹ. Tháng 5-1970 thọc sâu diệt bảo an ở Cầu Nhi Phường và lính Mỹ mũ nồi xanh ở Câu Nhi, Văn Quỹ. Tháng 6-1970 đại đội 11 tiểu đoàn 10 diệt chi khu Mai Lĩnh. Tháng 7- 1970 trong bốn đợt thọc sâu về đồng bằng diệt 1000 tên địch phần lớn là bảo an, dân vệ, bọn tề điệp kìm kẹp quần chúng làm cho địch rất hoang mang, dao động, có lúc phải tháo chạy từng mảng 4 - 5 xã. Phạm vi hoạt động của chúng bị thu hẹp. Khí thế đấu tranh của quần chúng được nâng lên một bước. Tiêu biểu trong đợt hoạt động này là trận thọc sâu của tiểu đoàn 8 (tháng 8- 1970) diệt gọn cụm ác ôn Xuân Dương, Tam Hữu.

Được sự hỗ trợ của bộ đội, du kích mật ở đồng bằng cũng hoạt động mạnh mẻ, kết hợp với lực lượng công khai, phát hiện các tổ chức đảng phái, phản động, bọn ác ôn, kịp thời trừng trị. Trong 3 tháng đầu năm diệt 300 tên (có 7 tên Mỹ, trong đó có 1 tên cố vấn tiểu khu Quảng Trị và 27 tên ác ôn bình định). Du kích và biệt động Triệu Phong tác chiến ngày càng tiến bộ, chủ yếu bằng mìn tự tạo, diệt 78 xe quân sự của địch.

Về tổ chức trong năm 1970 có điều chỉnh một số đơn vị cho phù hợp với nhiệm vụ. Sát nhập 2 tiểu đoàn 10 và 11 thành tiểu đoàn lấy phiên hiệu là tiểu đoàn 10 đặc công. Giải thể tiểu đoàn 34 pháo cối, thành lập 2 đại đội trực thuộc. Kiện toàn, củng cố tất cả các đại đội bộ đội địa phương huyện và đội vũ trang công tác xã.

Năm 1970 đứng trước tình hình địch tập trung dày đặc, dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo đánh phá phong trào hết sức ác liệt nhưng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh và toàn dân đã kiên cường chiến đấu, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân có nhiều phương thức đánh địch sáng tạo. Vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, thiếu đói, lực lượng vũ trang đã bám được dân, bám địa bàn khôi phục dần phong trào, làm thay đổi thế và lực ở nông thôn, đồng bằng, giáp ranh. Đã thực hiện 508 trận lớn nhỏ diệt 4.866 tên (có 635 Mỹ) bắt sống 75 tên, thu 186 súng các loại, bắn cháy 33 máy bay, 196 xe quân sự, tiêu diệt hàng chục tiểu đoàn bình định. Nổi lên trong phong trào đánh địch năm 1970 là những hoạt động táo bạo, hiệu quả của du kích Gio - Cam - Triệu Hải, các xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Trung Giang, Trung Hải, Gio An, Gio Hải, Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lệ, 5 xã vùng trên của Triệu Phong, trinh sát và tự vệ mật của thị xã Quảng Trị.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:42:14 am
*
*   *

Ngày 1-1-1971 chấp hành Nghị quyết Khu ủy chuẩn bị tiến tới lập lại các Tỉnh ủy phù hợp với nhiệm vụ lãnh đạo trong tình hình mới, tại chân núi 929 (Hướng Hóa) thành lập ban chỉ đạo Đảng bộ tỉnh gồm một số đồng chí ở Đảng ủy Đoàn 7 và Ban cán sự Đảng Gio -Cam (Hồ Sỹ Thành, Nguyễn Thủy, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Thư (Sanh), Năm Sinh, Lê Văn Hoan, Trần Phố và Nguyễn Thu). Nhiệm vụ và chức năng của ban chỉ đạo là ban trù bị để thành lập Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tiền thân của Tỉnh ủy sau này làm chức năng của Tỉnh ủy.

Sau khi nghiên cứu các Nghị quyết của Bộ chính trị và Khu ủy Trị Thiên, ban chỉ đạo ra nghị quyết nêu rõ: “Địch tiếp tục dùng thủ đoạn “bình định” đồng bằng, nông thôn, ngăn chặn giáp ranh, đánh phá miền núi, hậu phương của ta bằng mọi lực lượng mọi thủ đoạn vào tất cả các mặt chính trị, kinh tế, tâm lý xã hội... bằng mọi lực lượng quân sự, chính trị tổ chức kìm kẹp, dùng các tổ chức đảng phái phản động, chủ yếu đánh vào lực lượng tại chỗ của ta ở nông thôn, đồng bằng, ngăn chặn không cho ta xuống và quấy rối hậu phương của ta.

Nhiệm vụ của ta là đánh bại thủ đoạn bình định và “Việt Nam hóa” chiến tranh của địch. Tấn công quân sự, chính trị, phá từng bước tuyến phòng ngự đồng bằng, phá phương tiện chiến tranh hậu cứ, đường giao thông của địch. Đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh ở đồng bằng, thành phố. Bảo vệ hành lang hậu phương, làm chủ vững chắc rừng núi, tạo thế đứng vững vùng giáp ranh, từng bước làm chủ đồng bằng. Tích cực chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực ta diệt địch. Tạo thế liên hoàn 3 vùng tiến tới giành thắng lợi lớn”.

Đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" bằng một cuộc phiêu lưu quân sự mới, hòng kéo dài và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương. Đầu tháng 2-1971 chúng huy động một lực lượng lớn 45.000 quân trong đó có 30.000 quân cơ động chiến lược của ngụy gồm các sư đoàn sừng sỏ, thiện chiến trong lực lượng tổng dự bị chiến lược, được trang bị mạnh; có 15.000 quân Mỹ yểm trợ với sự chi viện tối đa của không quân, pháo binh Mỹ mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh ra đường 9 - Nam Lào nhằm chia cắt ba nước Đông Dương, cắt đứt hành lang chiến lược của ta từ Bắc vào Nam, đánh phá kho tàng, hậu cứ, tiêu hao lực lượng cách mạng ngăn chặn cuộc tiến công mùa khô của ta. Nếu thắng lợi chúng sẽ tiến ra nam Khu 4 cũ, tạo bước ngoặt cuộc chiến tranh Việt Nam và ba nước Đông Dương.

Qua 31 ngày đêm kiên cường chiến đấu các đơn vị bộ đội chủ lực của ta phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang tỉnh đã thực hành chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi giòn giã. Ta đã thực hiện đánh tiêu diệt lớn, tiêu diệt gọn nhiều đơn vị tinh nhuệ thuộc lực lượng dự bị chiến lược của địch. Thắng lợi của chiến dịch đã bảo vệ được tuyến vận chuyển chiến lược, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN, ngăn chặn âm mưu tiến công hạn chế ra miền Bắc(1)

Thất bại to lớn ở Mặt trận đường 9 - Nam Lào, ở Đông Bắc Campuchia và vùng ba biên giới đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho kế hoạch “bình định” của địch, làm rung chuyển cả “lực lượng an ninh lãnh thổ” - một lực lượng nòng cốt của các mũi bình định của chúng. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ tập trung lực lượng quay về tăng cường “bình định” từng bước, đặc biệt là quay về “bình định” miền Nam Việt Nam nhằm thực hiện bốn mục tiêu quan trọng.

Nhằm đạt những cuồng vọng đó, Mỹ - ngụy gấp rút tiến hành kế hoạch “tam giác chiến” với những thủ đoạn quân sự, chính trị và kinh tế vô cùng tàn bạo, xảo quyệt. “Đặc biệt ở Quảng Trị do vị trí cực kỳ quan trọng của khu vực này đối với cả vùng chiến thuật cũng như đối với vận mệnh của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, cho nên ngay sau khi thất bại ở đường 9 - Nam Lào Mỹ - ngụy đã cố gắng dốc lực vào bình định ở vùng này rất tàn khốc. Chúng bắt 2000 gia đình ở hai huyện Gio Linh, Cam Lộ phải bỏ quê hương vào sống tập trung ở Bà Rịa biến vùng Gio Linh, Cam Lộ (phòng tuyến 1 với hàng rào Mácnamara) và nhiều nơi khác thành những vành đai trắng, bắn phá hủy diệt môi trường sống hòng “ngăn chặn từ xa” những cuộc tiến công của quân ta”(2)

Lực lượng địch ở Quảng Trị lúc này không kể 25.000 quân từ Đông Hà lên Lao Bảo (tham gia chiến dịch đường 9 - Nam Lào) chủ lực ngụy có hai sư đoàn bộ binh, 12 tiểu đoàn pháo, 2 thiết đoàn xe tăng. Ngoài ra còn có khoảng 15.000 tên bảo an, dân vệ, bình định, tề điệp. Tính ra bình quân 6 người dân có một tên lính kìm kẹp.


(1) Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 21.102 tên địch, trong đó giết và làm bị thương 19.900 tên, bắt 1.147 tên. Trong số địch bị diệt có những đơn vị bộ binh tinh nhuệ và binh khí kỹ thuật như sư đoàn 3 dù, trung đoàn 1 sư đoàn 1 bộ binh, lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, 8 tiểu đoàn pháo, 4 thiết đoàn. Ta thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, thu 2 máy bay lên thẳng, 24 xe các loại, bắn rơi và phá hủy 550 máy bay, phá hủy vá đánh chìm 43 tàu, xà lan.
(2) Những sự kiện lịch sử Đảng tập 3 trang 580


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:43:05 am
Tất cả lực lượng ấy tung ra chiếm giữ nông thôn, đồng bằng, thị xã, thị trấn, ngăn chặn giáp ranh, đánh phá khống chế miền núi, kiểm soát hành lang đường 9, củng cố tuyến phòng thủ đường 1. Chương trình bình định đặc biệt của địch bị phá sản từ năm trước, thay vào đó chúng vạch ra chương trình mới mang tên “Cộng đồng tự vệ và cộng đồng phát triển địa phương” tập trung vào ba mục tiêu:

- Ra sức phát triển phòng vệ dân sự.

- Lập một hệ thống tình báo, gián điệp và chiến tranh tâm lý (hệ thống thông tin đại chúng).

- Loại trừ nhân viên Việt Cộng (tức giết hại cán bộ cơ sở cách mạng) và giảm bớt các vụ khủng bố (tức bảo vệ an toàn bộ máy kìm kẹp, tề điệp, ác ôn, bình định).

Rõ ràng đến bây giờ chương trình bình định của địch được chúng xúc tiến ráo riết hơn, với những nội dung mới quyết liệt hơn, xảo quyệt hơn.

Sau nửa năm hoạt động và chuẩn bị, ban lãnh đạo tỉnh đã giải thể, thành lập Tỉnh ủy (tháng 7-1971) tiếp theo thành lập Đảng ủy tỉnh đội (tháng 10-1971) Đây là một sự kiện rất quan trọng tăng cường sức mạnh về lãnh đạo và chỉ huy đối với lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Trị trong tình hình mới.

Sau khi được lập lại, ban chấp hành Tỉnh ủy kịp thời ra nghị quyết lãnh đạo lực lượng vũ trang, Nghị quyết đề ra 4 nội dung thiết thực.

- Tích cực làm thay đổi tương quan lực lượng, làm cho ta mạnh hơn địch ở nông thôn, đồng bằng.

- Đứng vững vùng giáp ranh

- Củng cố hậu phương miền núi

- Ra sức tăng gia sản xuất lương thực, chuẩn bị cho mọi khả năng của năm 1972.

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang triển khai hoạt động trên cả ba vùng với cả ba thứ quân, thu nhiều thắng lợi. Từng bước đã đẩy lùi được sự ngăn chặn của địch, khôi phục các trục hành lang lên xuống đồng bằng. Nhờ vậy đưa được lực lượng về đồng bằng bám dân, bám đất, xây dựng cơ sở, phát triển phong trào.

Lực lượng du kích mật diệt ác, trừ gian, vận động giải tán phòng vệ dân sự ở Hải Phú, Hải Thượng.

Phong trào chiến tranh du kích phát triển khá, vận dụng nhiều phương thức tác chiến linh hoạt, du kích Cam Chính tập kích trung đội lính Mỹ đóng ở Thiết Tràng diệt 9 tên, tiếp theo diệt gọn 1 tiểu đội 8 tên ở Mai Lộc, thu vũ khí. Du kích Gio Linh độc lập tổ chức bao vây, bắn tỉa, phóng bom mìn hàng tháng trời ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, tiêu diệt, tiêu hao địch làm cho chúng hoang mang, giao động không dám liều lĩnh ra khỏi đồn càn quét lùng sục. Ở 4 huyện đồng bằng phong trào diệt ác trừ gian củng lên khá mạnh không những ở lớp người lớn mà các em thiếu nhi cũng hăng hái tham gia du kích mật diệt địch. Hai em thiếu nhi ở thôn Mai Lộc, (Cam Chính) bí mật cài mìn vào trụ sở Hội đồng xã, phá cuộc bầu cử của ngụy quyền hoặc dùng vũ khí địch diệt địch giữa ban ngày ở khu tập trung Mai Lộc. Ở phía nam tỉnh, du kích Triệu Phong, Hải Lăng liên tục bám đánh địch với nhiều cách đánh táo bạo, linh hoạt, diệt nhiều địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, tiêu biểu là các xã Triệu Ái, Triệu Giang, Triệu Thượng, Hải Phú, Hải Lệ, Hải Thượng, Hải Lâm...

Các đcm vị bộ đội tập trung tỉnh không những đánh phá sự ngăn chặn của địch ở giáp ranh, hỗ trợ cho đồng bằng mà còn đưa lực lượng về đồng bằng đánh bọn bình định kim kẹp. Tháng 4-1971 tiểu đoàn 10 thọc xuống Hải Phú đánh tiểu đoàn bảo an 105 đang làm nhiệm vụ cho bọn bình định diệt 100 tên khiến bọn bình định sợ, ban đêm không dám ngủ trong làng. Chớp thời cơ, đám tàn quản tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến bị thất bại ở đường 9 - Nam Lào về củng cố ở giáp ranh xã Hải Phú, tiểu đoàn 10 nhanh chóng đánh nốt diệt 150 tên.

Năm 1971, lực lượng vũ trang tỉnh đã đánh 1.174 trận (có 61 trận của du kích mật), diệt 3.961 tên (có 181 Mỹ), bắt sống 44 tên, thu 87 súng, bắn rơi 32 máy bay, bắn cháy 249 xe quân sự, 12 tàu xuồng, đốt cháy 4 kho xăng, phá hủy nhiều đồ dùng quân sự khác. Riêng trong đợt phối hợp chiến đấu với chiến dịch đường 9 - Nam Lào, đã đánh 290 trận, diệt 1.022 tên, phá hủy 60 xe, bắn rơi 20 máy bay địch.

Cùng với chiến đấu, nhiệm vụ tăng gia sản xuất tự túc cũng được các đơn vị chăm lo trồng tỉa, chăm bón, thu hái đã tự túc được một phần lương thực.

Những trận chiến đấu liên tục trong năm 1971 của lực lượng vũ trang tỉnh đã gắn được giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, giữa tấn công và nổi dậy, nổi dậy và tấn công, giữa chiến đấu và xây dựng, giữa chiến đấu và binh vận làm cho thế và lực của ta ở đồng bằng dần dần được khôi phục và phát triển nhanh chóng góp phần đánh bại một bước kế hoạch bình định của địch, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đẩy địch vào thế bị động, suy giảm về lực lượng, sa sút về ý chí, làm chuyến biến tương quan lực lượng có lợi cho ta. Qua chiến đấu, trình độ tổ chức, chỉ huy, tác chiến của các cấp, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ đã được nâng lên một bước rõ rệt. Xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân nêu những tấm gương chiến đấu quên mình, tiêu biểu là tập thể anh hùng tiểu đoàn 10 đặc công, các cá nhân anh hùng Phan Thanh Chung, Nguyễn Chí Phi, Lê Thị Tám, Văn Thị Xuân và Đinh Quang Thọ.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:45:14 am
*
*   *

Sau những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của các chiến dịch phản công ở đường 9 - Nam Lào, đông bắc Campuchia và Tây Nguyên, cục diện chiến trường miền Nam có lợi cho ta. Tháng 5-1971 Bộ chính trị Trung ương Đảng đã xem xét tình hình mọi mặt, sớm đề ra quyết tâm chiến lược, cho năm 1972: “Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đầy mạnh tiến công quân sự, chính trị, ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên chiến trường miền Nam và trên tất cả các chiến trường Đông Dương, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, đánh bại một bước quan trọng trong kế hoạch xâm lược của chúng ở Campuchia và Lào giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài”.

Quyết tâm của Bộ chính trị đã được Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu Trị - Thiên, Tỉnh ủy Quảng Trị quán triệt tổ chức thực hiện. Quân và dân Quảng Trị lại vinh dự đón nhận nhiệm vụ mới nặng nề nhưng rất vẻ vang.

Vùng chiến thuật 1 mà trong đó Trị - Thiên là “khu vực phòng thủ mạnh nhất, kiên cố nhất” là “con đê ngăn chặn rắn chắc nhất” của địch. Địch lấy Quảng Trị làm khu vực phòng thủ trọng điểm. Chúng bố trí ở đây 15 trung đoàn bộ binh, 7 tiểu đoàn thiết giáp, chiếm 2/3 lực lượng bộ binh và thiết giáp trên toàn chiến trường Trị - Thiên. Hệ thống phòng thủ hình thành 3 tuyến theo chiều sâu.

- Tuyến ngoài (phạm vi giáp ranh giữa ta và địch từ biển đông đến sát biên giới Việt - Lào).

- Tuyến phòng thủ cơ bản (lợi dụng các điểm cao bắc đường 9 và phía tây quốc lộ 1A).

Tuyến phòng thủ sau (chủ yếu là các thị xã, thị trấn, vùng nông thôn đồng bằng ven biển và các hậu cứ quan trọng).

Với một lực lượng phòng thủ ken dày trên một địa bàn không rộng, lại được chuẩn bị công phu và thường xuyên được củng cố trong nhiều năm, thuận tiện cho không quân và hải quân Mỹ chi viện khi bị uy hiếp, chúng có cơ sở tin là đủ sức đối phó với bất cứ cuộc tiến công nào.

Đã sắp hết mùa khô năm 1972 nhưng chưa thấy có hoạt động gì lớn của quân ta trên toàn miền Nam, Mỹ huênh hoang tuyên bố “Việt Nam hóa” đã thành công vượt dự kiến (AP ngày 20-3-1972). Tổng thống Thiệu cũng hủy bỏ lệnh báo động ở nhiều nơi. Chúng không thể ngờ được trong khi đó mọi công tác chuẩn bị cho chiến đấu của quân và dân ta trên mọi nẻo đường Quân khu 4 hướng về Quảng Trị đang được tiến hành bí mật và khẩn trương. Các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An tổ chức tuyển quân đội xuất, biên chế trang bị đầy đủ 7 đại đội bộ binh đưa vào Bộ chỉ huy quân sự Quảng Trị. Hàng chục ngàn dân công từ Nghệ An đến Vĩnh Linh đã được huy động tu sửa nâng cấp, mở đường đảm bảo giao thông vận tải, triển khai cơ sở hậu cần kỹ thuật, vận chuyển vũ khí, lương thực, tập kết quân...

Theo kế hoạch tạo thế và nghi binh chiến dịch trong ba tháng đầu năm 1972, lực lượng vũ trang Quảng Trị và Thừa Thiên tiến hành đợt hoạt động tác chiến vừa rộng khắp vừa có trọng điểm. Trong đợt hoạt động này lực lượng vũ trang tỉnh đã đánh 182 trận, tiêu diệt 742 tên, bắn bị thương 94 tên, bắn cháy 30 xe, 4 máy bay, bắn chìm 5 tàu địch, phá sập 2 cầu, san bằng một quận lỵ, 2 trụ sở xã, giải tán 1 trung đội dân vệ. Nổi bật trong đợt này là trận đánh hiệu suất cao: ngày 21-3 của đại đội 24 tiểu đoàn 10 đánh vào quận lỵ Mai Lĩnh, du kích và biệt động Gio Linh đánh cao điểm 31, đại đội 15 Cam Lộ diệt đoàn xe địch vào Cùa bốc dân.

Trong giờ phút lịch sử trọng đại này Quảng Trị tuy còn nhiều khó khăn và hạn chế của một tỉnh bị chiếm đóng lâu ngày, lực lượng vũ trang chính trị hoạt động phân tán, cơ sở ta xen cài với địch ở nhiều vùng sâu, cơ sở, nội tuyến ta không được phổ biến tình hình và nhiệm vụ trước, khả năng hậu cần tại chỗ mỏng, yếu nhưng Tỉnh ủy, cơ quan quân sự tỉnh vững tin vào thắng lợi chung, vào sức mạnh tổng hợp áp đảo của chiến tranh nhân dân trên một hướng có ý nghĩa quyết định nhất. Tỉnh ủy chủ trương: “Phối hợp chặt chẽ với đòn tấn công của chủ lực, phát huy cao độ đòn nổi dậy của quần chúng, tiêu diệt và làm tan rã hệ thống kìm kẹp của địch, hình thành mặt trận tiến công địch rộng khắp để phối hợp với đòn tiến công của chủ lực, nhằm tiêu diệt, làm tan rã lực lượng bảo an dân vệ, ngụy quyền, từng bước giải phóng đất đai, tiến lên giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị”.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:46:29 am
Tỉnh ủy quyết định tổ chức chỉ đạo chỉ huy và phân chia lực lượng địa phương theo hai cánh:

- Cánh bắc gồm hai huyện Gio Linh - Cam Lộ và thị xã Đông Hà do đồng chí Nguyễn Thư, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phụ trách quân sự.

- Cánh nam gồm 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị do các đồng chí Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Lương ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Thoa phụ trách.

Mỗi cánh tùy theo nhiệm vụ, mục tiêu, tính chất của địa phương mà chia cụm (khu) để sử dụng lực lượng, tổ chức hiệp đồng giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, tiến công và nổi dậy, chủ lực và địa phương, theo ý định chung của chiến dịch, lấy hoạt động của chủ lực làm trung tâm.

Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30-3-1972 tiếng súng tiến công chiến lược đồng loạt nổ ở hai huyện phía bắc và toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch suốt từ Cửa Việt đến Động Toàn.

Theo kế hoạch và nhiệm vụ quy định, đêm 30-3 lực lượng vũ trang Gio Linh tiến công tiêu diệt cụm ác ôn và đại đội bảo an ở Xuân Khánh, giải phóng 10 vạn dân. Cùng đêm lực lượng vũ trang Cam Lộ giải phóng khu định cư Cùa (Mai Lộc), phát động trên 2000 quần chúng bao vây đồn bốt bức hàng 1 trung đội bảo an. Du kích Trung Sơn, Trung Giang, Trung Hải phối hợp chặt chẽ bao vây căn cứ Dốc Miếu buộc một tiểu đoàn chủ lực ngụy trang bị vũ khí đầy đủ, có công sự vững chắc, kiên cố phải tháo chạy. Thừa thắng ngày 1-4 đại đội 11 (tiểu đoàn 10), đội 4, 8 biệt động Gio Linh tiến công khu Quán Ngang diệt 135 tên, đưa 5000 dân về làng cũ. Ngày 2-4 lực lượng địa phương tiến công khu tập trung Tân Tường giải phóng 12 vạn dân đồng thời phát động nhân dân nổi dậy diệt ác trừ gian, kêu gọi chồng con trở về với cách mạng. Kết hợp đòn tiến công quân sự ta tổ chức cho 5 trung đội dân vệ, 2 cụm phòng vệ dân sự, 150 binh lính người Thượng nỗi dậy làm binh biến kêu gọi 82 tên ác ôn và 22 ngụy quyền thôn xã ra hàng, nạp 82 súng cho cách mạng.

Chỉ trong 3 ngày từ 31-3 đến 2-4-1972 toàn bộ quân địch trên tuyến Cửa Việt - Động Toàn đều bị bộ đội chủ lực và địa phương quét sạch cùng với toàn bộ hệ thống đồn bốt kiên cố. Ta tiêu diệt và làm tan rã gần một vạn tên địch, thu rất nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng hoàn toàn hai huyện Gio Linh - Cam Lộ.

Trong khi quân ta tiến công địch tương đối thuận lợi ở hướng bắc thì ở hướng Triệu - Hải và thị xã Quảng Trị do nhận lệnh chậm nên mãi tới ngày 3-4 mới đưa lực lượng về đứng chân ở đây. Sau khi thất thủ ở hướng bắc, tàn quân địch tháo chạy về hướng nam dày đặc nên lực lượng vũ trang ta phải vừa đánh vừa phản kích liên tục.

Đại đội 1 tiểu đoàn 14 và đại đội biệt động Hải Lăng đánh địch ở Hải Tân, Hải Hòa. Tiểu đoàn 8 tiến công địch ở Hải Xuân, Hải Vĩnh. Đại đội 11 (tiểu đoàn 10) và hai đại đội biệt động Hải Lăng đánh địch ở Hải An, Hải Khê.

Tuy lực lượng ta chiến đấu rất kiên cường với địch nhưng do yếu tố bất ngờ không còn, không bắt được hên lạc với lực lượng tại chỗ, giải quyết hậu cần, thương binh liệt sĩ rất khó khăn, quân số thương vong cao địch chống cự điên cuồng nên các cuộc tiến công chững lại, không phát triển được. Trong khi đó lực lượng ta sau khi giải quyết xong hậu quả ở hướng Gio - Cam liên tổ chức đánh tràn sang tiếp viện cho hướng nam nhưng cũng chỉ phát triển được đến Triệu Vân, Triệu Phước (Triệu Phong) rồi buộc phải dừng lại.

Xét về toàn cục thì khi mở đầu chiến dịch thành tích chưa cao, các đơn vị của ta hoạt động ở phía nam tỉnh bị địch chặn lại ở vùng giáp ranh, không thực hiện được ý định luồn sâu xuống đồng bằng, phong trào nổi dậy chưa hòa nhịp với đòn tiến công áp đảo của chủ lực, nhưng thắng lợi ở cánh bắc Quảng Trị là rất to lớn.

Trong gần nửa tháng liên tục tiến công, liên tục nổi dậy ta đã tiêu diệt, tiêu hao được một bộ phận sinh lực địch làm rối loạn hậu phương của chúng nhưng tương quan lực lượng lúc này chưa có lợi cho ta, mặt khác lực lượng ta sớm bị tổn thất nên không thể duy trì chiến đấu lâu dài được, vì vậy tối 13-4 phải rút toàn bộ lên giáp ranh củng cố và thay đổi phương thức hoạt động. Về đây ta đánh mạnh ở giáp ranh, dùng lực lượng nhỏ luồn sâu xuống đồng bằng phát động quần chúng đẩy mạnh chiến tranh chính trị, binh vận, vận động gia đình binh lính kêu gọi chồng con trở về, đòi địch bồi thường cứu chứa nhân mạng.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:49:29 am
Các đơn vị đại đội 2 tiểu đoàn 14, đại đội 34 pháo cối, đại đội 24 công binh, đại đội 24 tiểu đoàn 10 liên tục tiến công địch hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng vùng giáp ranh nổi dậy phá thế kìm kẹp.

Kết hợp với tiến công quân sự ta đẩy mạnh binh vận, tổ chức cho 2 cụm phòng vệ dân sự làm binh biến, 120 lính bảo an, dân vệ và chủ lực ngụy mang súng về hàng nhân dân hoặc bỏ súng về nhà.

Sau khi ta tiến công giải phóng hai huyện Gio - Cam, sư đoàn 3, lữ đoàn 147 ngụy bị tiêu diệt, tiêu hao nặng, địch phải co về phòng thủ dọc đường 1 vừa để tránh bị tiêu diệt vừa ngăn chặn sức tiến công của ta hòng giữ các vùng trọng yếu từ Đông Hà đến Mỹ Chánh. Mặt khác địch điều thêm lực lượng lăm le chiếm lại những vùng đã mất nhưng trước nguy cơ không thể chiếm lại được mà còn có thể bị tiêu diệt nên buộc phải rút khỏi căn cứ 367, Động Ông Do và tăng cường phi pháo sát thương ta.

Từ ngày 1-4 đến 9-4 địch điều thêm lữ 369 thủy quân lục chiến, 3 liên đoàn biệt động quân (1, 4, 5) và 2 thiết đoàn xe tăng, nâng tổng số quân lên 24 tiểu đoàn bộ binh, 9 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn và 1 chi đoàn xe tăng. Lực lượng địa phương quân còn lại từ 30 -35 đại đội bảo an, 140 - 150 trung đội phòng vệ, dân vệ.

Với lực lượng trên địch bố trí thành 4 cụm phòng ngự lớn từ Đông Hà đến Mỹ Chánh. Trong đội hình phòng ngự, bọn bảo an bị đẩy ra bảo vệ vòng ngoài chung quanh các thị xã, quận lỵ, một số khác cơ động đối phó với lực lượng ta ở đồng bằng Triệu Hải.

Ngày 27-4 chủ lực ta bắt đầu đợt tấn công giai đoạn 2 nhằm tiêu diệt cụm phòng ngự chủ yếu của địch từ Đông Hà - Mỹ Chánh, hợp vây lớn tiêu diệt địch ở thị xã Quảng Trị, tiến tới giải phóng toàn tỉnh.

Phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tỉnh do chưa được thông báo về thời gian tiến công đợt 2 nên mãi đến đêm 30-4 mới triển khai xuống được đồng bằng. Trong khi đó bộ đội chủ lực đã liên tục tiến công cụm phòng ngự địch từ Đông Hà vào Ái Tử, đẩy địch co cụm về thị xã Quảng Trị, La Vang, Mỹ Chánh. Trước sức tấn công ồ ạt của quân chủ lực, địch tan rã từng mảng lớn quá nhanh vượt ngoài dự kiến của ta. Ngày 1-5 ta hợp vây tiến công địch ở thị xã Quảng Trị và La Vang.

Lực lượng vũ trang tỉnh đã về được đồng bằng nhanh chóng đánh một số đồn bốt dọc đường 68, phát động quần chúng nổi dậy, truy tróc bọn tàn binh, bắt ác ôn, tê vệ. Nhiều nơi ở Triệu - Hải bộ đội và nhân dân vây ép đồn buộc bọn bảo an dân vệ đầu hàng. Các thôn xã vừa được giải phóng tổ chức tiếp nhận, giáo dục bọn đầu thú, triệt. phá bộ máy ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng. Nhân dân và các đồng chí cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các địa phương vô cùng phấn khởi, hăng hái dẫn đường cho xe tăng, bộ binh ta truy kích diệt địch. Quân địch vô cùng hoảng sợ, vội vã vứt bỏ xe pháo, lột bỏ quần áo lính, cải trang thường phục vượt tắt qua đường, lội ngang sông tháo chạy thục mạng về phía nam khiến quân địch đóng ở căn cứ Tân Điền, Mỹ Chánh hoảng loạn, bỏ đồn chạy qua Thừa Thiên. Du kích và nhân dân các xã Triệu Thượng, Triệu Lễ, Triệu Ái sát cánh với bộ đội trong những trận đánh rất ác liệt ở Triệu Ái và thị xã. Dưới bom đạn ác liệt nhân dân Triệu Trạch tự dỡ nhà mình làm công sự cho bộ đội, tham gia tiếp tế đạn, lương thực cho các chiến sĩ phản kích. Ngư dân ven biển, ven sông đưa hết thuyền bè, chặt thêm tre, chuối, kết bè mảng giúp bộ đội vượt sông. Nhân dân Hải Vĩnh chủ động chiếm đồn Thị Ông, xã Hải An chiếm cảng Mỹ Thủy, xã Hải Thiên tham gia truy kích lính “cộng hòa”, xã Hải Quế chiếm gọn đồn Đa Nghi, xã Hải Thượng gọi hàng, bắt hàng trăm tên địch, trong đó có hai bà mẹ dũng cảm tiến thẳng vào căn cứ tiểu đoàn lính “cộng hòa” kêu gọi chúng bỏ súng đầu hàng. Đồng chí Lê Thị Tám chỉ huy du kích xã Triệu Thượng cùng đồng đội bám sát thôn xã chiến đấu. Đồng chí Bích Lan - Thị ủy viên mưu trí dẫn đường cho các đơn vị vượt sông đánh chiếm thị xã. Tiêu biểu trong chiến dịch này là tấm gương chiến đấu kiên cường của anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm. Là huyện đội phó Hải Lăng đồng chí trực tiếp chỉ huy một tổ du kích xã Hải Quế bám trụ làng xã quần đánh một tiểu đoàn địch đi càn suốt một ngày không cho địch vào làng. Giữa lúc trận chiến đấu đang ở thời điểm quyết liệt thì Tâm trúng Rocket từ một chiếc trực thăng địch. Trước lúc hy sinh Tâm đã kịp chôn dấu vũ khí và đốt cháy hết tài liệu không để rơi vào tay địch.

Thừa thắng bộ đội ta tiếp tục truy đuổi địch trên toàn mặt trận, đến ngày 1-5-1972 quét sạch toàn bộ quân địch ra khỏi tỉnh, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:51:19 am
Phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, trong hai đợt tiến công từ 30-4 đến 4-5-1972 lực lượng vũ trang tỉnh đã độc lập đánh 36 trận, tiêu diệt 211 tên địch, bắt sống 2.600 tên, thu 3.800 súng các loại, 1000 tấn lương thực, 5 tấn tài liệu(1) đập nát toàn bộ hệ thống phòng ngự và bộ máy ngụy quân, ngụy quyền từ thôn xã đến tỉnh, giải phóng 30 vạn dân, thiết lập chính quyền cách mạng.

Thắng lợi của ta đã giáng cho địch một đòn trí mạng, có ý nghĩa chiến lược to lớn, tạo cho ta một khả năng mới làm thay đổi cục diện chiến trường toàn miền và Đông Dương. Đây cũng là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại đối với quân và dân Quảng Trị từ trước đến nay.

Quê hương được giải phóng nhưng quân và dân Quảng Trị đang đứng trước nhiều thử thách nặng nề. Ngày 1-6-1972 Tỉnh ủy ra nghị quyết “Bảo vệ và xây dựng vùng giải phóng một cách toàn diện”. Ngày 9-6-1972 Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị làm lễ ra mắt tại thị xã, đồng chí Lê San giữ chức Chủ tịch. Các cấp chính quyền từ huyện đến xã được thành lập. Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng và các đoàn thể quần chúng từ tỉnh đến cơ sở bắt đầu hoạt động. Toàn tỉnh có gần 1000 đoàn viên thanh niên nhân dân cách mạng, 5029 hội viên thanh niên giải phóng, 12.600 hội viên phụ nữ giải phóng, 1.069 hội viên hội mẹ chiến sĩ.

Tỉnh đội triển khai củng cố xây dựng lực lượng vũ trang địa phương và đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích. Sau khi tiếp nhận một tiểu đoàn bộ đội địa phương khu vực Vĩnh Linh chuyển giao lại, tỉnh đã điều chỉnh bố trí các đơn vị phù hợp với nhiệm vụ mới, vừa làm nòng cốt trong phòng thủ khu vực, vừa xây dựng làng chiến đấu, dìu dắt dân quân du kích.

Sau giải phóng các đơn vị bộ đội địa phương huyện được bổ sung quân số, vũ khí. Hơn 2000 thanh niên được tuyển chọn và tự nguyện tham gia lực lượng vũ trang tỉnh, ở các thôn xã có 1.512 du kích xã, 3266 du kích thôn, 1.048 dân quân. Mỗi xã đều có trung đội du kích tập trung.

Đi đôi với việc củng cố, xây dựng, phát triển lực lượng, tĩnh phát động quần chúng làm hầm hào phòng tránh, xây dựng làng chiến đấu và công sự chiến đấu, đã đào được 1.722 hầm các loại, 39.404 mét hào giao thông.

Công tác trật tự trị an cũng được xúc tiến rất khẩn trương, phối hợp với an ninh và quần chúng truy tróc ác ôn, phản động, kêu gọi 65 tên ra nạp súng đầu thú, cải tạo, phóng thích 183 tên khác.

Về tác chiến từ 15-5 đến 16-6 ta đánh 6 trận trong lúc địch lấn ra thăm dò, diệt 35 tên, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 2 xe. Đối với một tỉnh vừa mới giải phóng trong những ngày đầu non trẻ thì những kết quả đạt được trên đây rất đáng ghi nhận thể hiện sự cố gắng lớn của quân và dân toàn tỉnh.

Cùng thời gian này một số đơn vị chủ lực quân ta chọc thủng tuyến phòng thủ địch ở nam sông Mỹ Chánh bắt liên lạc với lực lượng vũ trang bắc Thừa Thiên nhằm thọc sâu vào tuyến sông Bồ nhưng cuộc tiến công của ta không đồng đều, sức chiến đấu bộ đội giảm nhanh. Sau một tuần chiến đấu diệt gần 3000 tên địch nhưng các mũi đột phá của ta bị chặn lại. Ta không giải phóng thêm được đất đai, ngược lại bị mất thêm một số bàn đạp ở bắc sông Mỹ Chánh. Tổn thất của ta lúc này còn cao hơn cả tổn thất trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị.

Trước thực tế đó, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương ngừng tiến công để chuẩn bị đối phó với địch phản kích. Nhưng đã muộn, sáng 28-6-1972 cuộc hành quân “Lam Sơn 72” - cuộc phản công lớn của quân ngụy đã bắt đầu. Quảng Trị mới được giải phóng gần 2 tháng lại đứng trước thử thách mới.


(1) Tính cả thành tích các đơn vị chủ lực thì trong hai đợt này ta đã diệt và làm tan rã 22.988 tên (diệt 13.903 tên) loại khỏi vòng chiến đấu sư đoàn 3, lữ đoàn 147, 369 liên đoàn 1, 4, 5 biệt động quân, thiết đoàn 11. 17, 18, 20 thiết giáp, 9 tiểu đoàn pháo, phá hủy và thu hàng ngàn tấn phương tiện chiến tranh, bắt sống 6.800 tên.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:53:28 am
Chủ động đối phó cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, ngay từ khi địch đang tập kết quân, ngày 25-6 Bộ tư lệnh B5 lệnh cho Tỉnh đội: Khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, đánh bại cuộc phản kích lớn của địch nhằm tái chiếm lại toàn bộ tỉnh Quảng Trị trước mắt chiếm cho được thị xã. Ngay sau đó Tỉnh ủy và Tỉnh đội họp soát xét lại tình hình, bổ sung nhiệm vụ.

- Khẩn trương tổ chức phòng tránh, sơ tán dân Triệu - Hải ra khỏi vùng có chiến sự ác liệt.

- Tranh thủ xây dựng, phát triển lực lượng về mọi mặt, bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ tài sản của nhân dân.

- Hình thành mặt trận chiến tranh sau lưng địch, đánh phá giao thông, hậu cứ, kho tàng, sở chỉ huy làm rối loạn hậu phương địch.

Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ đề ra, trong một thời gian ngắn, các cấp ủy, cán bộ, bộ đội đã khẩn trương đưa 8 vạn dân thị xã và Triệu - Hải là những địa bàn địch đang đánh phá ác liệt đến nơi an toàn.

Trước thảm bại để Quảng Trị thất thủ, Thừa Thiên bị uy hiếp nặng nề, Mỹ - Thiệu cách chức Hoàng Xuân Lãm, đưa tướng Ngô Quang Trưởng thay làm tư lệnh quân khu 1, (quân đoàn 1) giam tù tướng Vũ Văn Giai sư đoàn trưởng sư đoàn 3 và giải thể luôn sư đoàn của y. Địch khẩn trương củng cố, bổ sung các đơn vị bị tổn thất đồng thời đưa hết lực lượng dự bị của quân đoàn 1, cùng 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 trung đoàn xe tăng, xe bọc thép thiết lập một phòng tuyến mới ở nam sông Mỹ Chánh nhằm trước mắt ngăn chặn ta phát triển vào Thừa Thiên đồng thời tranh thủ thời gian chuẩn bị cho cuộc phản công quy mô lớn chiếm lại Quảng Trị.

Âm mưu của địch trong đợt phản kích này là tái chiếm thị xã Quảng Trị trong tháng 7 và toàn tỉnh Quảng Trị trong tháng 9-1972. Sư đoàn dù và sư đoàn thủy quân lục chiến phản công trên hai trục: Quốc lộ 1A (sư đoàn dù), và tỉnh lộ 68 (sư đoàn thủy quân lục chiến). Lực lượng dự bị có quân đoàn 4 mới thành lập. Toàn bộ pháo binh quân đoàn 1, sư đoàn 1 không quân, vùng 1 hải quân ngụy cùng không quân và hải quân Mỹ đảm bảo chi viện hỏa lực. Mỹ tăng gấp đôi số máy bay B52, triển khai trở lại toàn bộ không quân chiến thuật ở miền Nam để chi viện hỏa lực cho quân ngụy tiến công. Sau đội hình phản công là sư đoàn 1 bộ binh và một bộ phận của sư đoàn 2, liên đoàn 1 biệt động quân... kể cả một bộ phận thủy quân lục chiến Mỹ đã tập kết sẵn sàng ở căn cứ Phú Bài.

Sau mấy ngày đổ bộ nghi binh, bắn phá dọn đường, sáng sớm ngày 28-6-1972 từ tuyến xuất phát động Mỹ Chánh, bộ binh và xe tăng địch mở cuộc phản kích. Chúng kết hợp tiến công đường bộ (đường số 1 và 68) với đổ bộ đường không (nam sông Nhùng, Cổ Lũng) và đường biển (Thuận Đầu) từ nhiều hướng tiến đánh các chốt của ta trên đường tới thị xã.

Bộ đội chủ lực ta ở mặt trận Trị - Thiên đang ở thế tiến công phải vừa điều chỉnh gấp đội hình vừa chiến đấu chặn địch. Chỉ trong một tuần địch đã tràn qua một vùng khá rộng từ Già Đẳng, Long Hưng đến La Vang, chiếm lại quận lỵ Hải Lăng, áp sát ngoại vi phía nam thị xã Quảng Trị.

Trước yêu cầu cấp bách bảo vệ quê hương mới được giải phóng. Tỉnh ủy và Tỉnh đội đã đề ra nhiều biện pháp kịp thời, kiên quyết: Tập trung giữ vững thị xã, nhanh chóng hình thành chiến tranh du kích sau lưng địch, tổ chức sơ tán dân, tích cực phòng tránh, hạn chế thiệt hại.

Tại khu vực thị xã ngoài lực lượng nòng cốt là trung đoàn 48 quân chủ lực được tăng cường xe tăng, pháo binh, tỉnh đã bổ sung quân số đầy đủ cho các tiểu đoàn 8, tiểu đoàn 3, đại đội 32 (của thị xã) và một số du kích, cán bộ để phối hợp bảo vệ địa bàn.

Tiểu đoàn 14 với nhiệm vụ chủ yếu là cùng chủ lực chốt giữ Cửa Việt và các điểm trọng yếu ở phía đông nhưng phải khẩn trương cùng với cán bộ cơ sở vận động, tổ chức sơ tán dân Triệu - Hải về phía sau, kể cả những vùng địch tràn qua.

Tiểu đoàn 10 đặc công và các đại đội bộ đội địa phương Hải Lăng cùng với du kích bám trụ thôn xã, xây dựng phong trào du kích vùng sau lưng địch.

Cuộc đánh trả địch phản công của quân và dân ta trên mặt trận Quảng Trị quyết liệt ngay từ những ngày đầu. Sau khi chiếm được một số bàn đạp có lợi, địch chuyển sang tấn công vào thị xã. Tại đây các cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 48 đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm “1 chọi 100” đánh, quỵ lữ đoàn 2 dù. Các chiến sĩ của tiểu đoàn 8 và tiểu đoàn 3 chốt giữ trong Thành cổ đã đánh bật một bộ phận địch mò đến sát đông nam Thành. Nhiều tên liều chết tìm cách leo lên bờ thành cắm cờ(1) liền bị trung đội trưởng Hà Duy Long (tiểu đoàn 8) và đồng đội diệt(2). Tiểu đoàn 14 và lực lượng tại chỗ cùng chủ lực chặn đánh địch ở tuyến các làng Ngô Xá, Cù Hoan, Trà Trì, Trà Lộc.


(1) Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu treo giải thưởng 20 triệu tiền ngụy cho tên lính nào cắm được cờ trên thành, sau tăng lên 40 triệu.
(2) Thành cổ nằm phía đông thị xã Quảng Trị xây bằng gạch từ năm 1927 có hình gần vuông, mỗi cạnh 500 mét rộng gần 25 nghìn mét vuông, có tường cao 3 mét, dày 5 mét, phía ngoài có hào rộng 15 mét bao quanh, ở đây dưới thời ngụy có nhà Tỉnh trưởng, tòa thị chính, khu cố vấn Mỹ và một số cơ quan dân sự ngụy.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:56:28 am
Sau 20 ngày tiến công thị xã, địch chỉ lấn thêm đến làng Tri Bưu, làng Cổ Thành và khu vực chợ Sãi. Về phía ta tình hình vẫn chưa được cải thiện, thị xã vẫn bị bao vây và uy hiếp, tiếp tế, vận tải từ hậu phương tới rất khó khăn, lực lượng hiện có của ta trên toàn mặt trận chưa có thế bố trí thích hợp.

Ngày 30-6 tỉnh điều đại đội 10 tiểu đoàn 3 vào thay cho đại đội 25 ở Diên Sanh về khu vực Hải Tân, Hải Hòa. Đại đội 1 bộ đội địa phương Hải Lăng về đứng chân ở Hải Ba, Hải Vĩnh, Hải Xuân, điều đại đội 24 tiểu đoàn 10, đại đội 2 tiểu đoàn 14 và 2 khẩu đội 12 ly 7 của đại đội 41 về bảo vệ khu vực cảng Mỹ Thủy.

Ở phía nam tỉnh, trong vùng địch tràn qua, chiến tranh du kích đang lan rộng. Bộ đội địa phương có những trận đánh tốt ở Hội Yên, Gia Đẳng (tiểu đoàn 14), ở Trà Trì, Trà Lộc (tiểu đoàn 10), đánh sập cầu Hội Yên, Ngô Xá Đông, cầu Ba Bến trên tỉnh lộ 68 (đại đội 24 công binh). Du kích Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Thượng... đã đánh địch bằng súng bộ binh, chông bẫy. Các xã đội trưởng Nam, Kỳ đều lập công anh dũng, bắn cháy xe tăng địch được thưởng Huân chương.

Cũng tại đây du kích và cán bộ cơ sở đã không quản hy sinh, gian khổ lặn lội dưới bom đạn, trong đêm tối đến từng nhà, từng đoạn hầm, hào vận động thuyết phục và tổ chức dân đi sơ tán. Kiên trì và nhẫn nại, hết đêm này qua đêm khác len lỏi vượt qua đội hình dày đặc của địch, cán bộ, du kích quyết tim cho được từng người già, phụ nữ, trẻ em còn kẹt lại. Với sự kiên trì đó, ta đã đưa 60 nghìn dân Triệu Hải về tuyến sau (Vĩnh Linh) an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến sĩ và du kích an tâm ở lại chiến đấu.

Trong suốt tháng 8 năm 1972, lính thủy quân lục chiến thay quân dù, ba lần tiến công vào thị xã. Phần lớn khu vực ngoại vi đã mất, lực lượng ta ở lại thị xã thực sự đang chiến đấu trong vòng vây ngày càng thít chặt của kẻ thù. Nhưng từ trong các trận địa đang nghiêng ngả, chao đảo vì bom đạn, các chiến sĩ ta vẫn kiên cường đánh trả quân địch. Các chiến sĩ trung đoàn 95 (sư đoàn 325 chủ lực mới được Bộ điều vào tăng cường), cùng với lực lượng vũ trang tỉnh chốt giữ Thành cổ kiên cường suốt 81 ngày đêm, chịu đựng một khối lượng bom đạn khổng lồ chưa bao giờ thấy trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Có ngày địch đã trút vào mảnh đất nhỏ hẹp này 13.000 đạn pháo, hàng ngàn tấn bom. Tất cả các xã vòng cung bao quanh Thành Cổ ở phía bắc đều chịu đựng từ 100 đến 140 phi vụ B52, xã ít nhất cũng phải chịu 10 lần phi vụ B52 đánh phá. Tính bình quân mỗi người dân phải chịu 250 quả đạn pháo.

Từ trong ác liệt đó đã xuất hiện nhiều tập thể anh hùng. Tiểu đoàn 8, tiểu đoàn 3, trung đội trưởng Hà Duy Long được tuyên dương danh hiệu anh hùng do lập nhiều chiến công xuất sắc trong chốt giữ thành. Có ngày tiểu đoàn 8, tiểu đoàn 3 đánh lui 13 đợt tiến công của địch. Chiến sĩ Phan Văn Ba (tiểu đoàn 3) bị thương nát một bàn tay vẫn kiên quyết xin ở lại chiến đấu. Pháo thủ súng cối Bùi Huy Hoàng bến liên tục 60 quả, tay bị phỏng rộp, lại bị địch phản pháo vào trận địa vẫn không nao núng, liên tục chiến đấu. Nữ cán bộ cơ sở thị xã Phan Thị Hồng vừa gan góc bám trụ chiến đấu, vừa mưu trí dẫn đường cho chủ lực đánh địch, lại còn bảo đảm liên lạc, đưa đón các đơn vị ra vào thay thế quân giữa vòng vây và bom đạn địch. Du kích và nhân dân Triệu Thượng bên kia sông, vững vàng dưới bom đạn quân thù, giữ vững mạch máu giao liên với thị xã trong mùa lũ lớn, mưa to và địch thường xuyên phong tỏa.

Vào thời điểm này các huyện phía sau, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ đến Hướng Hóa đều huy động tối đa người và vật chất bổ sung cho cuộc chiến đấu giữ Thành Cổ. Các tỉnh hậu phương miền Bắc XHCN như Thanh Hóa, Nam Hà, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Bình cũng đưa nguyên từng đại đội, tiểu đoàn quân dự nhiệm hoặc du kích tập trung vào chiến trường Quảng Trị với tinh thần “ưu tiên tiền tuyến, chủ động đáp ứng, chọn cái tốt nhất đưa đi, tình huống nào cũng đảm bảo số lượng, chất lượng tốt, đúng thời gian, vượt yêu cầu”.

Từ lúc bắt đầu mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị địch tập trung đánh phá dữ dội tuyến hành lang chiến lược gây cho ta nhiều thiệt hại về người và của khiến cho khẩu phần ăn của các chiến sĩ giữ chốt ở thị xã Quảng Trị giảm dần. Đầu tháng 8 chiến sĩ ta phải sống bằng lương khô, nước lả, bắn dè sẻn từng viên đạn trong vòng vây của địch.

Ngày 15-9 tiểu đoàn 3 lữ đoàn 147 địch chiếm được góc đông bắc thành và kiểm soát cửa bắc, suốt hai ngày 15 và 16 tháng 9 quân ta đánh nhau quyết liệt với địch giành giật từng mô đất, ngách hào nhưng không cải thiện được tình hình, ngược lại ngày một xấu thêm. Địch đã chiếm được một góc thành, lực lượng giữ thành của ta thương vong quá lớn. Trước tình thế đó ta buộc phải rút lui hồi 18 giờ ngày 16-9-1972.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Chín, 2022, 10:57:15 am
Cuộc chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm. Từ một thị xã nhỏ ít ai biết đến, Quảng Trị đã trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của nhân dân cả nước và thế giới bởi tính chất hung bạo của kẻ thù và tinh thần anh dũng vô song của đồng bào, chiến sĩ ta. Địch đã huy động vào đây những sự đoàn thiện chiến nhất, những đơn vị binh chủng được trang bị tối tân, hiện đại nhất lại được quân Mỹ chi viên tối đa về hỏa lực với khối lượng bom đạn tương đương “7 quả bom nguyên tử ném xuống Hyrôsima”. Nhưng ta đã làm chủ thị xã trong một thời gian dài diệt hơn 24.000 tên địch, phần lớn là quân dù và thủy quân lục chiến, bắn rơi 180 máy bay, phá hủy 140 xe quân sự (có 90 xe tăng, xe bọc thép, 20 khẩu pháo cùng nhiều đồ dùng quân sự khác). Riêng lực lượng vũ trang tỉnh từ 28-6 đến 16-9-1972 đã đánh 642 trận diệt 6.604 tên, bắn rơi 28 máy bay, bắn cháy 29 xe quân sự, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.

Cuộc chiến đấu giữ Thành cổ còn phối hợp tích cực và có hiệu quả rõ rệt vào cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì và bền bỉ của ta trên bàn hội nghị Paris góp phần tích cực dẫn tới sự kiện ký hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, quân Mỹ cút về nước. Đồng thời tạo điều kiện cho toàn mặt trận chuyển sang thế trận mới thích hợp, đánh địch phản kích, bảo vệ vùng mới giải phóng.

Sau khi chiếm được Thành cổ địch mở nhiều cuộc hành quân mở rộng bàn đạp ra phía đông và tây thị xã. Từ đó cho đến tháng 1-1973 quân ta tiếp tục bẻ gãy nhiều cuộc hành quân của địch nhằm vượt sông Thạch Hãn tràn sang phía bắc, diệt gọn tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến, phá tan âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của Mỹ - Thiệu nhằm hợp pháp hóa những vùng đất đã chiếm khi hiệp định Paris có hiệu lực.

Suốt 8 năm kiên trì chiến đấu, lực lượng vũ trang toàn tỉnh ở Vĩnh Linh cũng như các huyện phía nam sông Bến Hải dù trong hoàn cảnh cam go, ác liệt nào cũng sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn ác liệt nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng không ngừng chăm lo xây dựng phát triển lực lượng. Trải qua nhiều biến động nhưng lực lượng vũ trang trưởng thành từng bước một cách vững chắc cả về số lượng, chất lượng, cả bộ đội địa phương cũng như dân quân du kích, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó.

Quá trình chiến đấu đầy biến động đó, lực lượng vũ trang luôn luôn nắm chắc phương châm vừa chiến đấu vừa xây dựng, đã kiên trì bám đất bám dân, bám phong trào, không sợ gian khổ, hy sinh, giành giật với địch từng thôn làng, từng người dân, ra sức giành quyền làm chủ để tiến công, tiến công để giành quyền làm chủ. Từ chò địch chiếm đất (nông thôn, đồng bằng, thị xã, thị trấn) đẩy lực lượng ta lên núi nhưng bằng phương thức tác chiến linh hoạt và kiên quyết, lực lượng vũ trang nhân dân các huyện đồng bằng vẫn cơ bản giữ được đất nhen nhúm, gây dựng và phát triển phong trào ngày một cao.

Đối với lực lượng vũ trang Vĩnh Linh bao gồm cả bộ đội địa phương và dân quân tự vệ luôn luôn xứng đáng với vị trí tuyến đầu miền Bắc XHCN đã chống trả kiên cường góp phần cùng cả nước đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ác liệt nhất, tàn bạo nhất trên toàn miền Bắc, kề vai sát cánh chia lửa cùng quân và dân Gio - Cam trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng, là chỗ dựa vững chắc cho quân và dân bờ Nam chiến đấu và chiến thắng quân thù.

Với tất cả sự phấn đấu nỗ lực của mình, lực lượng vũ trang toàn tỉnh đã góp phần xứng đáng cùng cả nước đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của hai đời tổng thống Mỹ, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh Việt Nam cam kết từ bỏ mọi dính líu quân sự ở miền Nam Việt Nam, dẫn đến một thắng lợi có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử chống Mỹ, cứu nước. Lần đầu tiên trên một tỉnh ở miền Nam, tuyến đầu rắn chắc nhất của chế độ Sài Gòn được giải phóng nối liên với miền Bắc XHCN, đã nhanh chóng xây dựng thành căn cứ địa cách mạng trên lãnh thổ miền Nam, nơi đặt trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tạo thế đấu tranh ngoại giao mới, cổ vũ mạnh mẻ niềm tin và ý chí chiến đấu của cả nước. Tuy nhiên trong 8 năm đó (1965- 1972) lực lượng vũ trang cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm về tư tưởng hữu khuynh, chưa đánh giá hết bản chất ngoan cố, hiếu chiến của địch, còn mơ hồ, thiếu cảnh giác trong đấu tranh giai cấp nên có lúc, có nơi trong tổ chức đánh địch còn chậm, giản đơn, cá biệt có lúc không đánh được, bỏ lỡ thời cơ diệt địch. Phong trào chiến tranh du kích chưa thật sự đều và sâu rộng, có vùng còn quá yếu. Trong đánh địch tiến công chính diện thì mạnh nhưng thọc sâu, bám trụ chưa được lâu dài, liên tục, biện pháp tổ chức chưa chặt chẽ nên hiệu suất chiến đấu thấp. Công tác tổ chức phát triển lực lượng tuy làm liên tục nhưng còn chạy theo số lượng chưa thật sự coi trọng chất lượng nên trong ác liệt có một số du kích, dân quân không hoàn thành nhiệm vụ, giao động, giảm sút ý chí chiến đấu. Tất cả những khuyết điểm ấy đã hạn chế không ít đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang tỉnh nhưng nhìn toàn cục thì thắng lợi của ta vẫn là cơ bản và toàn diện. Đặc biệt là thắng lợi trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 tạo ra một bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Chín, 2022, 09:59:51 pm
Chương IV

KIÊN CƯỜNG CHIẾN ĐẤU GIẢI PHÓNG 15% PHẦN ĐẤT VÀ 13 VẠN DÂN
CÒN LẠI Ở QUẢNG TRỊ, GÓP PHẦN CÙNG QUÂN DÂN CẢ NƯỚC
GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM (1973-1975)

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, huyện Vĩnh Linh thực sự có hòa bình, các huyện từ Gio Linh trở vào 85% đất đai và 1/3 dân số đã được giải phóng, cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân tỉnh ta bước qua một giai đoạn mới, có nhiều đặc điểm mới.

Là một tỉnh giải phóng tương đối hoàn chỉnh có địa hình thuận lợi nối liên giữa ba vùng đồng bằng, giáp ranh, rừng núi, có hải cảng, đường giao thông thủy, bộ thuận tiện lại là nơi tiếp giáp với miền Bắc XHCN. Vì vậy Quảng Trị trở thành một địa bàn có giá trị về chiến lược, chiến thuật. Là nơi diễn ra cuộc đọ sức cuối cùng giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng được thể hiện sinh động bằng cuộc chiến đấu của quân và dân ta với kẻ thù để thực hiện bằng được mục tiêu cách mạng của mình. Đồng thời còn có nghĩa vụ và trách nhiệm của một tỉnh hậu phương của tiền tuyến lớn trực tiếp là Thừa Thiên, là bàn đạp tấn công của chiến trường quân khu.

Mọi nỗ lực và hành động cách mạng của quân và dân Quảng Trị lúc này đều có tác dụng và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ chung của cách mạng Trị - Thiên và toàn miền. Bởi vậy nhiệm vụ lực lượng vũ trang đặt ra lúc này là phát huy cao độ tinh thần cách mạng tiến công, bảo vệ và giữ vững vùng giải phóng đồng thời kiên quyết giải phóng 15% đất đai và 2/3 dân số còn bị địch kiểm soát.

Với vị trí, tính chất quan trọng của địa bàn nên từ sau khi ký kết Hiệp định Pari, kẻ địch tìm mọi cách thực hiện âm mưu lấn chiếm, phá hoại, hòng lấn đất, giành dân, thực hiện mục tiêu chiến lược lâu dài của chúng. Vì vậy cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ thành quả cách mạng của quân và dân Quảng Trị diễn ra vô cùng quyết liệt, phức tạp trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao trong suốt quá trình phát triển cách mạng.

I - XÂY DỰNG BẢO VỆ VỮNG CHẮC VÙNG GIẢI PHÓNG
GIỮ VỮNG THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG,
KIÊN QUYẾT ĐÁNH PHÁ BÌNH ĐỊNH CỦA ĐỊCH.

Qua 8 tháng tiến công và nổi dậy, năm 1972 ta đánh bại một bước quan trọng âm mưu, thủ đoạn chiến lược của địch làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta trên nhiều mặt. Song chiến trường Quảng Trị lực lượng địch còn khá đông (25.000 tên tương đương với 50 tiểu đoàn) và nhiều vũ khí phương tiện chiến tranh là chỗ dựa cơ bản để chúng thực hiện việc phân tuyến, phân vùng đối phó với ta.

Ớ tuyến giáp ranh, chúng tổ chức hệ thống công sự, hỏa lực, rải quân đóng chốt, hình thành tuyến phòng ngự từ Thanh Hội lên tây Hải Lăng dài trên 50 km. Đồng thời tiến hành các hoạt động lấn chiếm, khiêu khích, chiến tranh tâm lý vừa phá hoại ta về tư tưởng vừa ổn định tinh thần binh lính của chúng.

Ở vùng kiểm soát sau khi đưa dân về chúng thực hiện chính sách phát xít hóa chống lại nguyện vọng hòa bình, tự do, dân chủ, hòa giải, hòa hợp dân tộc của nhân dân ta, tăng cường bình định, kìm kẹp nhân dân một cách quyết liệt với nhiều hình thức, thủ đoạn xảo quyệt (xăm lục, phục kích, thanh lọc, khống chế, hăm dọa...) để đánh phá cơ sở cách mạng. Thực hiện dồn dân, bắt lính, vơ vét của cải nhân dân.

Ở vùng giải phóng, chúng thực hiện hành quân lấn chiếm vùng lõm hòng xóa thế da báo nhằm phân tuyên, phân vùng. Tăng cường hoạt động gián điệp, biệt kích, trinh sát, phá hoại, móc nối các phần tử xấu gây rối loạn trị an, dụ dỗ vận động quần chúng chạy vào vùng địch.

Tất cả thủ đoạn trên địch hoạt động táo bạo, ráo riết từ khi chuẩn bị ký Hiệp định Pari cho đến cả quá trình sau này.

Về phía ta sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Quảng Trị đã trở thành hai vùng, hai nhiệm vụ cụ thể: Phía trước tiếp tục đánh phá bình định và chống lấn chiếm, triệt phá phân tuyến, phân vùng giành quyền làm chủ; phía sau phòng thủ chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, xây dựng và bảo vệ lực lượng cách mạng. Hai nhiệm vụ đó liên quan mật thiết với nhau, hỗ trợ bổ sung cho nhau.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Chín, 2022, 10:00:29 pm
Nhằm tổ chức thắng lợi nhiệm vụ mới mẻ đó, Đảng ủy quân sự tỉnh kịp thời ra Nghị quyết cụ thể hóa những nhiệm vụ cấp bách:

- Khẩn trương xây dựng, tổ chức lực lượng, chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, coi trọng công tác tổ chức, tư tưởng, bảo đảm cho bộ đội luôn sẵn sàng thế phòng thủ trên tuyến, thực hiện công tác phòng không nhân dân và trật tự trị an bảo vệ vững chắc vùng giải phóng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

- Tích cực đánh phá bình định vùng sau lưng địch, tạo thế, tạo lực xây dựng địa bàn, bàn đạp, hành lang hỗ trợ cho phong trào quần chúng, cùng với lực lượng chính trị xây dựng cơ sở vùng lõm.

- Tranh thủ mọi điều kiện, thời gian củng cố, xây dựng lực lượng, huấn luyện, nâng cao chất lượng ba thứ quân đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của địa phương trong tình hình mới.

- Đẩy mạnh gia tăng sản xuất, tiết kiệm, xây dựng hậu cần tại chỗ, xây dựng các khu căn cứ đồng thời làm tốt vai trò nòng cốt cùng với nhân dân xây dựng vùng giải phóng vững mạnh về mọi mặt.

- Tham gia làm công tác đối ngoại, đấu tranh thi hành Hiệp định Pari.

Tranh thủ lúc Hiệp định Pari đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực, tỉnh đã triển khai toàn bộ lực lượng đồng loạt tấn công địch nhằm lập một số vùng lõm ở đồng bằng cài thế xen kẽ với địch và giữ thế có lợi cho ta ở giáp ranh. Trong đợt hoạt động này thời gian tuy ngắn nhưng địch bị bất ngờ, tinh thần bạc nhược, trong lúc đó lực lượng ta cả quân sự và chính trị nêu cao tinh thần chiến đấu ngoan cường, mưu trí, táo bạo và mau lẹ nên chúng không chống cự nổi, hầu hết các căn cứ của chúng bị tấn công đều bỏ chạy tán loạn. Do đó ta đã chiếm được 32 thôn hoàn chỉnh và 28 thôn khác (chiếm một nửa số thôn ở hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng).

Đây là một thắng lợi có ý nghĩa quan trọng thực hiện thắng lợi bước đầu ý định chiến lược của ta, đẩy địch lún sâu vào thế bị động. Trong lúc đó địch rất xảo quyệt cũng tranh thủ lúc Hiệp định chưa có hiệu lực, tập trung lực lượng thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, mở đầu là chiến dịch “Sóng thần lần thứ tư” phản kích đánh chiếm Cửa Việt.

Trong các ngày 25, 26 tháng 1 năm 1973 địch dùng 72 lần chiếc B52 ném bom và bắn 45.000 viên đạn pháo vào vùng Cửa Việt. Vào hồi 4 giờ sáng ngày 27/1/1973 lợi dụng mưa to gió lớn biển động, hàng trăm xe tăng và xe bọc thép địch từ Long Quang phối hợp với lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, liên đoàn 15 biệt động quân, 2 chiến đoàn thiết giáp, 3 tiểu đoàn pháo binh bám theo mép biển tiến ra cắm cờ ở Cửa Việt.

Phát hiện địch ra đến Cửa Việt, Sư đoàn 320 lập tức cùng với các đơn vị địa phương và dân quân du kích đang làm nhiệm vụ ở đây đã phát động nhân dân làm công tác binh vận và tổ chức phản công tiêu diệt địch. Đến ngày 31/1/1973 địch bị thất bại nặng nề, những tên sống sót vội vàng tháo chạy thục mạng về Long Quang. Chiến dịch tái chiếm Cửa Việt hoàn toàn thất bại. Ta đã tiêu diệt hơn 1.500 tên địch, bắt sống 160 tên, bắn cháy gần 100 xe tăng và xe bọc thép, thu 13 xe tăng, bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy 3 tàu chiến và phá hủy 10 khẩu pháo lớn.

Phối hợp với trận Cửa Việt, một bộ phận lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức đánh mạnh trên nhiều điểm khác, chiếm thêm một số địa bàn, cắt đường 68, uy hiếp đường 1, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực đánh bại cuộc lấn chiếm quy mô lớn của địch giành thắng lợi.

Chiến thắng Cửa Việt là đòn trừng trị kịp thời và đích đáng hành động lấn chiếm của địch, bước đầu đánh bại kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của Mỹ-ngụy. Với chiến thắng đó vùng giải phóng của ta được giữ vững, lòng tin của nhân dân đối với cách mạng được củng cố.

Sau thất bại ở Cửa Việt, địch hốt hoảng co về củng cố lực lượng, phản kích ta ở vùng “lõm” nhằm xóa thế “da báo” và đẩy lực lượng ta ra xa để ổn định tinh thần cho ngụy quân ngụy quyền.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Chín, 2022, 10:02:33 pm
Cùng trong thời gian này, địch huy động trên 2.500 quân, đa số là chủ lực, có xe tăng, pháo binh và máy bay chi viện, tổ chức nhiều đợt hành quân đánh bật lực lượng ta ra khỏi 8 xã trong vùng chúng kiểm soát ở Hải Lăng, Triệu Phong và chúng phải trả giá đắt: 760 tên bỏ mạng và 22 xe quân sự bị phá hủy. Cùng với việc lấn chiếm các “lõm” giải phóng ở đồng bằng, địch liên tiếp mở các cuộc hành quân quy mô lớn lấn chiếm giáp ranh của ta ở Tích Tường, Như Lệ, các điểm cao 15, 55. Tại đây quân và dân ta kiên quyết đánh trả đẩy lui tất cả các cuộc lấn chiếm gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.

Trong đợt hoạt động chống địch lấn chiếm, đơn vị nào của lực lượng vũ trang tỉnh cũng đánh tốt và lập công. Các tiểu đoàn 814, 808, 10, đại đội 24 công binh của tỉnh, đại đội 15 Cam Lộ, bộ đội địa phương và dân quân du kích Triệu Phong, Hải Lăng liên tục chiến đấu trên một địa bàn khá rộng, lực lượng địch dày đặc dưới sự chi viện đắc lực của máy bay và pháo binh, ồ ạt phản kích hòng mở rộng địa bàn nhưng lực lượng vũ trang ta bằng nhiều cách đánh sáng tạo, mưu trí đã tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, đẩy lùi địch từng bước chiếm lĩnh từng thôn xóm, mở ra một thế trận liên hoàn, chia cắt và uy hiếp địch.

Lực lượng vũ trang tỉnh chuyển phương thức hoạt động, rút ra ngoài tiến hành củng cố tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, học tập chính trị, huấn luyện quân sự, bổ sung lực lượng, trang bị cơ sở vật chất... Sau khi củng cố tương đối hoàn chỉnh, chấp hành mệnh lệnh của Quân khu, các tiểu đoàn của tỉnh liền vào thay thế cho bộ đội chủ lực ở một hướng quan trọng từ Thanh Hội đến Sãi dài 25 km và sau đó thay thế tiếp từ Sãi đến động Ông Do (Hải Lăng). Như vậy là trên tuyến phòng thủ dài trên 50 km này lực lượng vũ trang tỉnh hoàn toàn đảm nhiệm công tác phòng thủ sẵn sàng chiến đấu đánh địch phản kích, lấn chiếm.

Trên tuyến phòng thủ này ta đã bố trí lực lượng khá mạnh ngoài lực lượng bộ đội ta còn mạnh dạn đưa 260 du kích cùng trực tiếp phòng thủ với bộ đội, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân ba thứ quân, hai lực lượng (quân sự, chính trị) đồng thời từng bước nghiên cứu thiết bị hệ thống công sự chiến đấu, hỏa lực, phương án, kế hoạch tác chiến tại chỗ và khi phát triển tiến công. Củng cố các chế độ trực ban, trực chiến, diễn tập, chế độ chỉ huy, lãnh đạo tập trung thống nhất giữa cấp ủy địa phương và các cơ quan quân sự tỉnh, huyện đối với các lực lượng hoạt động trên tuyến. Qua đó mà sung, điều chỉnh kế hoạch, phương án thích hợp hơn. Thực hiện chủ trương của Quân khu và Tỉnh ủy, Tỉnh đội lập ra ban lãnh đạo chỉ huy phía trước, tiến hành điều chỉnh lại lực lượng, rút bớt du kích về phía sau, rút tiểu đoàn 8 ra làm lực lượng cơ động.

Đi đôi với nhiệm vụ phòng thủ ta đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chính trị, binh vận kịp thời trừng trị những vụ khiêu khích, phá hoại của địch, ngăn chặn một số phần tử xấu ở vùng giải phóng vượt tuyến sang vùng địch.

Ở phía sau lực lượng vũ trang cùng với chính quyền và nhân dân địa phương tích cực xây dựng cơ sở chính trị, làng chiến đấu, cụm chiến đấu ở một số địa bàn quan trọng như Triệu Vân, Triệu Thành (Triệu Phong), Gio Hải (Gio Linh), Cam Mỹ (Cam Lộ). Xây dựng kế hoạch tác chiến ở các khu vực trọng điểm, Ái Tử, Đông Hà, Cửa Việt. Du kích các xã Hải Thượng, Hải Vĩnh, Hải Ba, Hải Phú, luồn sâu đánh sau lưng địch hỗ trợ cho quân chủ lực. Bộ đội tỉnh, huyện, thị xã áp sát giáp ranh tấn công địch.

Đi đôi với nhiệm vụ chiến đấu, phòng thủ phía trước, công tác phòng không nhân dân, bảo đảm trật tự trị an phía sau cũng được thực hiện nghiêm túc. Tỉnh lập ra ban phòng không nhân dân từ cấp tỉnh đến thôn xã chỉ đạo hướng dẫn công tác phòng tránh. Từng khu vực trọng điểm bờ biển, miền núi, các cơ quan, kho tàng, bến bãi, chợ búa đều được tổ chức bố phòng, tuần tra canh gác có phương án đánh địch thám báo, biệt kích, đã tổ chức mạng lưới phòng không tầm thấp cho du kích, tự vệ, sớm đề ra biện pháp phòng tránh, sơ tán kho tàng, chợ búa vận động nhân dân làm hầm hào ẩn nấp, xây dựng ý thức cảnh giác với âm mưu thủ đoạn địch, sẵn sàng đánh trả máy bay bay thấp bắt giặc lái.

Đối với nhiệm vụ đánh phá bình định phá phân tuyến, phân vùng, giành đất, giành dân, giành quyền làm chủ đã được lực lượng vũ trang xác định là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu ngay từ khi chuẩn bị ký Hiệp định Pari.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Chín, 2022, 10:04:49 pm
Tỉnh đã khẩn trương đưa tiểu đoàn 8 và du kích Hải Lăng vào bám lót một số địa bàn quan trọng, tạo thế xen kẻ vùng lõm nhưng do lực lượng ta lúc đầu ít, phương châm, phương thức chỉ đạo chưa sát nên gặp một số khó khăn. Địch tập trung lực lượng đánh phá quyết liệt chiếm lại một số khu lõm hình thành, thế phân tuyến, phân vùng, ta kịp thời rút kinh nghiệm tổ chức lại lực lượng tinh gọn có phương thức hoạt động thích hợp nên cài bám được một số địa bàn nhỏ, tạo được các tuyến hành lang đi về đồng bằng.

Để đáp ứng với yêu cầu phát triển của chiến trường, ngày 17/5/1974 chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, các lực lượng vũ trang trên chiến trường Trị-Thiên được tách thành Quân đoàn 2 và Quân khu Trị-Thiên (Quân đoàn 2 gồm Sư đoàn 304, 324, 325 và một số đơn vị binh chủng. Quân khu Trị - Thiên gồm tất cả các lực lượng còn lại trên chiến trường này).

Tháng 6/1974 thực hiện Nghị quyết bổ sung của Tỉnh ủy và Chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên về việc tăng cường đánh phá bình định, tỉnh đã khẩn trương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể, sâu sát hơn. Các cấp ủy quan tâm hơn công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đặc biệt việc quán triệt tình hình, nhiệm vụ, thời cơ cách mạng, làm cho mỗi cán bộ chiến sĩ nhận thức sâu sắc hơn quan điểm bạo lực cách mạng, qua đó giải quyết nhận thức tư tưởng không phù hợp làm chuyển biến một bước về quan điểm và hành động, xác định rõ vị trí trách nhiệm của lực lượng vũ trang.

Trong một thời gian ngắn, tỉnh đã triển khai được các lực lượng của ba thứ quân, giữ được thế đứng liên hoàn trên tuyến giáp ranh từ Mỹ Chánh đến sông Nhùng, hình thành thế chiến tranh du kích, cài thế đánh địch, mở rộng một số hành lang. Nhờ đó đã tạo nên nhiều bàn đạp tiến công địch từ giáp ranh xuống đồng bằng buộc địch phải co cụm lại từng nơi, tạo điều kiện ta đưa lực lượng xuống bám, lót nhiều nơi, xây dựng cơ sở quần chúng ở nông thôn, đồng bằng. Toàn tỉnh đã xây dựng được 310 cơ sở các loại ở 36 thôn, xã, hai Chi bộ, 200 du kích mật ở Hải Lăng và một số xã Triệu Phong.

Tháng 9 năm 1974 thực hiện kế hoạch H21 (mở một đợt hoạt động mạnh về quân sự) của Quân khu phát động, lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với toàn chiến trường Trị - Thiên đẩy mạnh cường độ tấn công địch trên nhiều hướng, nhiều điểm trong cả ba lực lượng bằng nhiều cách đánh thích hợp, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, giành thắng lợi có ý nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mùa mưa và xuân hè năm 1975.

Tính đến tháng 2/1975 ta đã đánh 426 trận diệt 2.053 tên, bị thương 135 tên, bắt 1 giặc lái Mỹ, bắn cháy 32 xe (có 22 xe tăng), phá sập 24 nhà bạt, 25 lô cốt, 20 hầm ngầm, phá hủy 2 khẩu pháo 175 ly, thu 4 máy thông tin. Trong đợt này ta diệt gọn một ban chỉ huy đại đội, một trung đội bảo an.

Những thắng lợi quan trọng này động viên, cổ vũ quân và dân toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu cao hơn tiến công địch mạnh mẽ hơn, làm cho địch càng lún sâu vào thế bị động lúng túng, thế của ta ngày càng vững tạo đà và thế, sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ năm 1975 lịch sử.

Đi đôi với việc đánh phá bình định, phòng thủ chiến đấu, lực lượng vũ trang thường xuyên coi trọng củng cố xây dựng lực lượng coi đây là khâu quyết định tăng cường sức mạnh chiến đấu.

Qua tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, ta đã điều chỉnh, củng cố bộ đội địa phương tỉnh, huyện đủ số lượng thích hợp theo yêu cầu nhiệm vụ, sát nhập một số đơn vị bộ đội địa phương huyện, rút bớt một số quân bổ sung cho bộ đội tỉnh.

Củng cố, bổ sung các đơn vị phục vụ, bảo đảm thông tin, trinh sát, quân y, hậu cần nhằm phù hợp với sự phát triển của lực lượng vũ trang. Nhằm chủ động giải quyết tình trạng thiếu hụt quân số, tỉnh đã đầu tư cho các đội điều trị, thu dung nuôi dưỡng thương binh tại chỗ (trước đây phải chuyển ra Bắc) đưa nhiều thương binh còn đủ sức khỏe trở lại chiến đấu. Đồng thời tổ chức tuyển quân lấy được 565 chiến sĩ bổ sung cho các đơn vị, bảo đảm quân số tiểu đoàn 400, đại đội 65 đến 70 đồng chí.

Những biện pháp đúng đắn đó đã giúp cho lực lượng vũ trang khắc phục dần tình trạng thiếu quân, bảo đảm cho các đơn vị đủ mạnh thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Chín, 2022, 10:06:23 pm
Chấp hành Nghị quyết Thường vụ Tỉnh ủy Tháng 1/1973 về nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng vũ trang đã có bước chuyển hướng thích hợp. Trong phát triển dân quân tự vệ lấy việc nâng cao chất lượng làm chính đồng thời phải tăng cường giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, đưa khả năng và trình độ tác chiến của dân quân tự vệ lên một bước.

Về phát triển, chú trọng xây dựng du kích thôn, xã làm cơ sở, phát triển lực lượng dân quân rộng rải, bảo đảm nơi nào có dân là có lực lượng vũ trang quần chúng. Ở các xã đều xây dựng được trung đội du kích cơ động, trung đội hỏa lực (một số xã) làm lực lượng nòng cốt cơ động chiến đấu trên địa bàn. Đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng tự vệ trong tình hình mới được mọi cấp, mọi ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc cho nên trong các ty, ngành, cơ quan đều xây dựng được đội ngũ tự vệ khá mạnh.

Đến tháng 12/1974, sau hai năm xây dựng toàn tỉnh có 9.274 du kích, 11.072 dân quân, 3.993 tự vệ. Dân quân du kích chiếm tỷ lệ 17,5% so với dân số.

Trong quá trình xây dựng, phát triển lực lượng thường xuyên quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở thôn, xã đội, trung đội du kích luôn đủ số lượng được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực lãnh đạo, chỉ huy hoàn thành nhiệm vụ. Trong điều kiện chiến đấu khẩn trương, liên tục, tỉnh vẫn tranh thủ mở nhiều lớp bồi dưỡng tại chức cho cán bộ cơ sở. Trường huấn luyện củng mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày, kết hợp giữa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc tại các trường của Bộ, Quân khu và gửi các Sư đoàn chủ lực. Do đó trong hai năm đã có 170 cán bộ cấp trung đoàn, tiểu đoàn, 235 cán bộ đại đội, trung đội, 174 cán bộ tiểu đội, 229 cán bộ xã đội, 1.225 cán bộ thôn đội, trung đội du kích được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, nhờ vậy đã thực sự nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ. Công tác huấn luyện bộ đội, dân quân tự vệ, coi trọng khâu huấn luyện cơ bản, hệ thống, lấy việc học tập kỹ thuật phục vụ cho yêu cầu chiến thuật, kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu với các quy tắc, chế độ sẵn sàng chiến đấu, nhờ vậy chất lượng huấn luyện được tiến bộ rõ rệt.

Trên cơ sở quán triệt nhiệm vụ của địa phương và chức năng nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện mặc dầu phải thường xuyên chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện nhưng vẫn chủ động tham gia với địa phương ổn định nơi ăn ở cho nhân dân sơ tán về, xây dựng trường học, trạm xá, bệnh viện, rà phá bom mìn, chống bão lụt, khai hoang phục hóa, làm thủy lợi v.v... Có lúc do yêu cầu nhiệm vụ đã phải sử dụng tới 50% quân số và thời gian vào những việc trên. Đã đóng góp 17.069 ngày công khai hoang phục hóa, thủy lợi. Riêng ở khu vực Dốc Miếu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu với 4.018 ngày công giải phóng 45,5 héc ta ngập tràn cỏ dại và bom mìn trả lại cho nhân dân sản xuất.

Thấm nhuần tư tưởng tự lực tự cường, tuy nhiệm vụ chiến đấu khẩn trương, cơ động, phân tán nhưng lực lượng vũ trang khéo kết hợp nên nhiệm vụ sản xuất vẫn được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Khắc phục hàng loạt khó khăn về giống, phân bón, dụng cụ, kỹ thuật v.v... Trong năm 1973 các đơn vị đã gieo cấy 160 héc ta thu hoạch 46,5 tấn lúa, ngoài ra chăn nuôi thu hoạch được 2.800 kg thịt các loại. Năm 1974 diện tích gieo trồng tăng lên, thu 350 tấn, tự túc hơn một tháng trong đó có đơn vị đạt 2 đến 4 tháng. Ngoài những khu sản xuất ở các đơn vị cơ sở, lực lượng vũ trang còn lập những khu sản xuất tập trung ở Ba Lòng và thành lập đội đánh cá ở vùng biển Cửa Việt được trang bị một phần máy móc, từng bước cải tiến phương pháp canh tác, áp dụng kỹ thuật nên đưa lại hiệu quả kinh tế cao: Thu hoạch 162 tấn ngô; 15 tấn lạc đậu, chăn nuôi 190 bò 180 lợn, đánh bắt 17.374 kg cá.

Tất cả kết quả sản xuất đều trích lại một phần cho tái sản xuất còn phần lớn đưa vào cải thiện bữa ăn hàng ngày cho bộ đội.

Đây là những cố gắng lớn của lực lượng vũ trang tỉnh, góp phần vào việc xây dựng vùng giải phóng, giảm bớt một phần khó khăn cho nhân dân, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang tỉnh nhà.

*
*   *

Phối kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và nhân dân các huyện phía nam tỉnh bảo vệ xây dựng vùng giải phóng, đánh phá bình định, lực lượng vũ trang huyện Vĩnh Linh đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ cấp bách, dồn dập cùng một lúc.

Từ 27/1/1973 (ngày ký Hiệp định Pari) toàn miền Bắc nói chung và Vĩnh Linh nói riêng đã có hòa bình thực sự nhưng một nửa nước còn chiến tranh, mục tiêu thực hiện giải phóng miền Nam chưa được thực hiện trọn vẹn. Trong bối cảnh đó lực lượng vũ trang nêu cao cảnh giác củng cố, xây dựng lực lượng làm vai trò nòng cốt cùng với nhân dân địa phương hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.

Thực hiện Nghị quyết Đảng ủy khu vực “Quyết tâm chung của Đảng bộ và quân dân toàn khu vực Vĩnh Linh là sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu và hành động ngoan cố, liều lĩnh của địch, bảo vệ tốt địa bàn, kho tàng, tính mạng và tài sản của nhân dân. Làm tốt công tác giao thông vận tải, phục vụ kịp thời tiền tuyến, “các đơn vị lực lượng vũ trang Vĩnh Linh huy động cao nhất cùng nhân dân tiến hành chiến dịch khai hoang phục hóa, làm thủy lợi. Ở tiểu đoàn 47, đại đội 1, 2, 19 các chiến sĩ phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến công cụ tăng năng suất. Nhiều đơn vị làm thêm giờ, nhiều kỷ lục đào đất phá đã đạt năng suất cao. Nhờ vậy lực lượng vũ trang huyện đã đóng góp 4.000 ngày công cùng với nhân dân đào đắp 170.669m3 đất đá. Nhiều đập chắn nước mặn, đê, kênh mương bị tàn phá trong chiến tranh đã được tu bổ lại, 1000 hécta ruộng đất hoang hóa đã được đưa vào gieo cấy, 46.000 tấn phân bón được đưa vào sử dụng cho vụ đông xuân và hè thu.

Lực lượng dân quân du kích ở khắp 23 xã và thị trấn toàn khu vực với tình nghĩa thủy chung tổ chức đưa tiễn 8 vạn đồng bào K15 sơ tán ra Vĩnh Linh năm 1972 trở về quê hương Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong Hải Lăng, Đông Hà đồng thời đón nhận 4 vạn học sinh và 4 vạn đồng bào Vĩnh Linh sơ tán ra các tỉnh phía bắc trở về quê cũ. Để giúp nhân dân ổn định đời sống, lực lượng vũ trang đã lao động quên mình giúp nhân dân rà phá bom mìn, dựng nhà, khai hoang phục hóa v.v... 5.000 héc ta ruộng đất của các xã vùng trọng điểm đánh phá của địch như Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thành, Vĩnh Tân, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn... đã được phục hóa trong đợt này.

Với sự cố gắng đó một lần nữa lực lượng vũ trang Vĩnh Linh lại ghi thêm một chiến công vào trang sử vẻ vang của mình.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Chín, 2022, 10:11:20 pm
II - TIẾN LÊN GIẢI PHÓNG NỐT 15% PHẦN ĐẤT VÀ 13 VẠN DÂN
TỪ THỊ XÃ QUẢNG TRỊ ĐẾN MỸ CHÁNH VÀ GÓP PHẦN
GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN TRỊ - THIÊN - HUẾ,
KẾT THÚC VẺ VANG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC.

Trên cơ sở phân tích tình hình, so sánh thế và lực của ta và địch trên chiến trường miền Nam, tháng 10/1974 tiếp đến tháng 1/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết lịch sử giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976.

Thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho chiến trường Trị - Thiên - Huế năm 1975 là “Đánh bại về cơ bản bình định của địch, tạo ra ở Trị - Thiên một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để giành thắng lợi trong năm 1976, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế(1).

Đầu tháng 12-1974, Khu ủy Trị - Thiên họp đề ra nhiệm vụ năm 1975 là đẩy mạnh tiến công tổng hợp trên cả ba vùng tiêu diệt, tiêu hao lực lượng địch, phá hẳn thế phân tuyến và đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch giành dân, giành quyền làm chủ ở nông thôn và đồng bằng, nhằm thay đổi cục diện chiến trường trên toàn địa bàn Quân khu. Nếu có thời cơ đột xuất thì tận dụng một cách có hiệu quả nhất, giành thắng lợi một bước nhảy vọt.

Về nhiệm vụ quân sự, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu xác định: “Tập trung toàn bộ lực lượng tranh thủ thời cơ thuận lợi của năm 1975 đẩy mạnh tiến công tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch ở Trị - Thiên, giành từ 35 vạn dân ở nông thôn đồng bằng, phát động cao trào đấu tranh chính trị ở thành phố, đánh mạnh kho tàng hậu cứ, triệt phá giao thông, tích cực sáng tạo thời cơ và sẵn sàng chớp thời cơ tiến lên giành thắng lợi lớn hơn kể cả giải phóng Huế(2).

Cuối tháng 12-1974 sau khi quán triệt nghiên cứu Nghị quyết của Khu ủy Trị - Thiên, Hội nghị Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết lãnh đạo toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh: “Quyết tâm phá vỡ từng mảng tuyến ngăn chặn hai vùng của địch, giành và giữ dân, giải phóng đại bộ phận nông thốn đồng bằng còn bị địch kiểm soát(3).

Bước vào năm 1975,. trên chiến trường miền Nam, địch bị thất bại toàn diện và liên tiếp, âm mưu đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng đã bị phá sản buộc chúng phải quay về phòng ngự trong thế bị động, lúng túng. Khả năng lấn chiếm vùng giải phóng đã giảm đi rõ rệt. Âm mưu bình định vùng chúng kiểm soát đã bị đẩy lùi một bước quan trọng. Nhiều kế hoạch bình định của chúng bị phá sản hoàn toàn.

Tại chiến trường Quảng Trị, sau hai năm lực lượng vũ trang ta đẩy mạnh các hoạt động tập kích diệt chốt, phục kích diệt bọn lùng sục, đánh phá giao thông, trừng trị bọn khiêu khích, bọn ác ôn tâm lý chiến trên chốt cùng với các hoạt động binh vận nên đã chặn đứng được âm mưu thủ đoạn lấn chiếm bình định của địch, ở nhiều nơi địch tò ra cầu an ít đi lùng sục, một số lính đã ra hàng hoặc bắt liên lạc với ta. ở vùng địch kiểm soát mặc dầu chúng rất hung hăng, áp dụng nhiều biện pháp, thủ đoạn thâm độc nhưng chúng cũng không đánh phá được cơ sở phong trào cách mạng. Hiệu lực hoạt động một số tổ chức kìm kẹp ở thôn, xã bị suy yếu dần, có tên bị quần chúng khống chế, phải bỏ trốn lên đồn bốt địch không dám ở lại địa phương. Nhìn chung bọn ngụy quân ngụy quyền ở cơ sở và binh lính rất hoang mang, chán ghét chiến tranh, mong muốn hòa bình, hòa hợp dân tộc.

Tuy nhiên địch vẫn còn nhiều chỗ mạnh: Quân đông, vũ khí nhiều, chốt giữ tại chỗ vừa chốt giữ địa bàn quan trọng, vừa sẵn sàng cơ động đối phó khi ta hoạt động. Chỉ có 15% đất đai Quảng Trị còn tạm bị chiếm nhưng địch bố trí một lực lượng dày đặc: 7 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 8 tiểu đoàn và 4 đại đội bảo an, biệt lập, 1 thiết đoàn xe tăng, 1 chi đoàn M48, 4 tiểu đoàn pháo cùng với lực lượng ở tiểu khu Quảng Trị, chi khu Hải Lăng, Mai Lĩnh, Triệu Phong và 102 trung đội dân vệ, hơn 3.000 phòng vệ dân sự ở các phân chi khu đóng chốt co cụm dày đặc(4).


(1) Lê Tự Đồng: Trị - Thiên - Huế Xuân 1975 - Nxb QĐND Hà Nội 1983, tr 45
(2) Lê Tự Đồng: - sđd - Tr 45
(3) Quảng Trị 60 năm - những chặng đường. Sở VHTT - 1989 - Tr 202
(4) Quảng Trị - 60 năm những chặng đường. Sở VHTT xuất bản - Tr 203


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Chín, 2022, 10:13:52 pm
Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị và Khu ủy các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu về phương hướng và nhiệm vụ của năm 1975, Tỉnh ủy kịp thời ra Nghị quyết lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh “Phát huy hơn nữa tinh thần cách mạng tiến công, động viên toàn dân, toàn quân kiên quyết thực hiện hai nhiệm vụ:

- Đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng ở vùng địch kiểm soát, cả nông thôn và thành thị nhằm chống phá các kế hoạch bình định của địch, từng bước phá hỏng, phá rã thế kìm kẹp, ra sức giành và giữ dân, giành quyền làm chủ, tích cực khôi phục và phát triển lực lượng cách mạng, từng bước làm thay đổi so sánh tương quan lực lượng tại chỗ, giành và giữ quyền làm chủ tại tuyến giáp ranh, tạo những điều kiện cơ bản để phối hợp với mọi lực lượng của ta ở vùng giải phóng tấn công địch, đưa phong trào vùng địch tạm kiểm soát tiến lên, phối hợp đắc lực với phong trào toàn miền.

- Tích cực tranh thủ thời gian, ra sức xây dựng vùng giải phóng và căn cứ vững mạnh về mọi mặt, làm cho lực lượng quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của ta lớn mạnh vượt bậc vừa làm chỗ dựa cho cuộc đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới, vừa làm ngọn cờ hiệu triệu cỗ vũ quần chúng trong vùng địch tạm kiểm soát, vừa đủ sức để giành thắng lợi trong mọi tình huống nhằm làm cho trước mạnh, sau vững.

Hai nhiệm vụ trên liên quan chặt chẽ với nhau, chi viện cho nhau làm thay đổi tương quan lực lượng ngày càng có lợi cho ta để tiến lên giải phóng phần đất và dân còn lại của tỉnh ta, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam(1).

Căn cứ vào hai nhiệm vụ trọng yếu của Nghị quyết, lực lượng vũ trang Quảng Trị xác định quyết tâm trong cuộc tổng tiến công nổi dậy lần này phải đảm đương hướng bắc của chiến dịch, với lực lượng hiện có phải tự giải phóng lấy 15% đất đai và 13 vạn dân đang bị kiểm soát. Đây là một nhiệm vụ nặng nề và cũng là vinh dự to lớn mà lực lượng vũ trang được Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà tin tưởng ủy thác.

Bước vào thực hiện quyết tâm trên, công tác bảo đảm cho chiến dịch được chuẩn bị khá khẩn trương và chu đáo. Mạng lưới trinh sát các cấp được huy động tối đa điều tra nghiên cứu nắm tình hình các mục tiêu địch: Quận lỵ Mai Lĩnh, một số phân chi khu ở Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Tài, Hải Hòa, Hải Tân, Hải Lăng, Hải Thượng, Hải Phú, Hải Vĩnh và khu kho Đức Tích ở Thừa Thiên, một số cầu cống trên trục quốc lộ 1A, sở chỉ huy tiểu đoàn 119 bảo an, các điểm cao 90 (bắc) 122, 118 và các trận địa pháo địch.

Một bộ phận lực lượng đã mở thông năm hành lang.

Dọc sông Mỹ Chánh về Phú Kinh, Cầu Nhi, Văn Quỹ thuộc xã Hải Tân, Hải Hòa.

Dọc theo sông Nhùng về xã Hải Lâm, Hải Phú, Hải Thượng.

Hai hành lang từ Phương Lang vào sông Nhùng và Hải Thượng.

Một hành lang từ dọc theo dãi cát Thanh Hội vào Thạnh Yên, Phương Lang.

Về hậu cần đảm bảo cho bộ đội đủ ăn từ 1 đến 3 tháng. Trong hoàn cảnh đường sá khó khăn nhưng lực lượng vũ trang đã vận chuyển ra phía trước 200 tấn hàng, thu nhặt 3.000 đạn pháo lép chế tạo thành mìn, xin các đơn vị bạn Hải quân, Vĩnh Linh 1.000 bom, 10 tấn thuốc nổ và súng đạn bộ binh kịp cấp phát cho các đơn vị bổ sung thêm vào cơ số vũ khí chiến đấu. Tiến hành một đợt huấn luyện bổ sung cho bộ đội cách đánh vây ép, vây lấn điểm cao, bao vây quận lỵ, chi khu, tập kích làng mạc, phóng bom mìn v.v...

Xuất phát từ tình hình nhiệm vụ, Tỉnh đội quyết định sử dụng và điều động hầu hết lực lượng vào chiến đấu bao gồm: Tiểu đoàn 8, tiểu đoàn 10, tiểu đoàn 34, pháo, cối, đại đội 18, đại đội 23 (bộ đội địa phương tỉnh), đại đội 15 Cam Lộ, đại đội 4 Gio Linh, toàn bộ bộ đội địa phương hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, 11 trung đội du kích Triệu Phong, Gio Linh, Hướng Hóa, Cam Lộ, thị xã Đông Hà và toàn bộ dân quân du kích Hải Lăng.

Trước khi bước vào chiến dịch, trên chiến trường Trị - Thiên suốt từ bờ nam sông Thạch Hãn đến đèo Hải Vân, quân và dân ta tổ chức nhiều trận đánh nhỏ vừa nghi binh vừa kết hợp triển khai chiến dịch thu được kết quả ban đầu. Từ 5 đến 7-3-1968 bộ đội tiểu đoàn 14 tập kích một chốt ở La Vang, tiểu đoàn 8 cùng với các đội vũ trang công tác chiếm lĩnh các vị trí tập kết. Các đội vũ trang công tác của Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hra đã bắt đầu làm công tác dân vận trong các khu tập trung dân của địch. Lực lượng du kích do tỉnh điều động đã tập kết sẵn sàng ở tây Hải Lăng, tiến hành vây ép các cao điểm 397, Động Ong Do, 200, 121, 280, 222, 122, 112. Ở vùng giải phóng tiểu đoàn 13, 14 và du kích các xã trong khu vực tham gia cuộc diễn tập thực binh kéo dài từ các xã tiếp giáp với tuyến tiếp xúc giữa ta và địch đến các vùng Cùa, Gio Linh, Đông Hà.


(1) Nghị quyết Tỉnh ủy - Lưu Ban NCLS Đảng BTT


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Chín, 2022, 10:17:43 pm
Cùng thời gian này, ta bí mật rút Sư đoàn 325 và trung đoàn 9 Sư đoàn 304 từ bắc Quảng Trị vào đứng chân ở nam Thừa Thiên tập trung cho hướng chủ yếu của chiến dịch mà vẫn giữ được tuyến phòng thủ.

Trước tình hình hoạt động của ta địch hốt hoảng, bị động, không phán đoán được hướng tiến công chủ yếu của ta trên chiến trường Trị - Thiên. Do đó chúng vội vàng tăng cường lực lượng bố phòng trên tuyến tiếp xúc bắc Quảng Trị tạo điều kiện cho ta chuẩn bị tiến công trên hướng chủ yếu chiến dịch ở nam Thừa Thiên.

Thời gian chuẩn bị cho chiến dịch không dài nhưng từ tỉnh đến cơ sở đã huy động được một khối lượng vật chất và lực lượng lớn bảo đảm đánh thắng địch trong những tình huống khó khăn nhất. Đây là sự cố gắng rất lớn của quân và dân Quảng Trị thể hiện quyết tâm biến Nghị quyết của tỉnh thành hiện thực.

Ngày 8-3-1975, theo kế hoạch thống nhất, chiến dịch xuân - hè 75 trên chiến trường Trị - Thiên - Huế bắt đầu.

Trong suốt ngày 7-3-1975 ở hướng tây Hải Lăng các đơn vị bộ đội địa phương, du kích, các đội công tác võ trang tuyên truyền, đội công tác chính trị đã bí mật tiếp cận sát các vị trí địch, chiếm lĩnh tuyến xuất phát tiến công.

Đúng 1 giờ ngày 8-3-1975 lệnh nổ súng tiến công bắt đầu. Đại đội 24 tiểu đoàn 10 tiến công điểm cao 122 và 118. Đại đội 34 dùng DKB và cối 82 bắn phá mãnh liệt các trận địa pháo địch ở Tân Điền, điểm cao 101. Đại đội 10 tiểu đoàn 14 dùng hỏa lực đánh vào tuyến chốt của địch ở cao điểm 01, 07, 08 và 176B. Lực lượng du kích vây ép phóng bom mìn và hỏa tiến vào một loạt 9 điểm cao trong suốt ngày 8-3.

Cùng lúc ở hướng đồng bằng đại đội 2 tiểu đoàn 8 tiến công lô cốt Hà Lỗ và phối hợp với lực lượng xã Hải Tân, Hải Hòa đánh vào phân chi khu Hải Tân, Hải Hòa. Thừa thắng ta phát triển qua Hải Trường, Hải Thọ.

Sau một ngày tấn công đồng loạt, hai tên lữ trưởng 369 và trưởng ban tác chiến lữ (ngụy) về phối hợp với tiểu khu trưởng Quảng Trị tìm cách đối phó. Chúng điều tiểu đoàn 820 bảo an đang huấn luyện ở Đống Đa (Huế) tức tốc ra đứng chân ở Hải Trường, Hải Thọ. Đồng thời dùng lực lượng dân vệ phản kích ta ở thôn Đông, đại đội 2 tiểu đoàn 110 phản kích ở điểm cao 112, 118.

Trước sức tiến công của ta địch phải bỏ 21 chốt lẻ, co cụm lại thành nhưng chốt lớn điều một đại đội của tiểu đoàn 9 và 2 xe tăng về bảo vệ lữ đoàn 369.

Ở hướng bắc, đêm 9-3 tiểu đoàn 10 đặc công tập kích chi khu quân sự Mai Lĩnh là một mắt xích quan trọng trên tuyến phòng thủ của địch ở Quảng Trị. Để ngăn chặn ta tiến công về đồng bằng địch đã tập trung ở đây lực lượng ác ôn khét tiếng nhằm kìm kẹp dân chúng, đánh phá cơ sở cách mạng một cách triệt để, gây cho ta nhiều khó khăn. Vì thế cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra ở đây rất quyết liệt.

Sau khi bí mật vượt qua các vị trí bố phòng dày đặc của địch, áp sát các mục tiêu, tiểu đoàn 10 phối hợp với đại đội 12, đại đội 23 nổ súng tiến công căn cứ vào lúc 0 giờ ngày 9-3. Địch ngoan cố kháng cự. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Các chiến sĩ tiểu đoàn 10 mưu trí, dũng cảm đánh địch, diệt hết tốp này đến tốp khác, đến rạng sáng ngày 9-3 quân ta san phẳng chi khu quân sự Mai Lĩnh diệt hơn 100 tên ác ôn và bảo an.

Cùng với những chiến thắng ở hướng tây Hải Lăng, chiến thắng Mai Lĩnh đã gây tiếng vang lớn ở đồng bằng hỗ trợ cho nhân dân trong vùng địch kiểm soát ở Quảng Trị nổi dậy phá vỡ từng mảng hệ thống kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ.

(https://i.imgur.com/J5iaD0L.jpg)


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Chín, 2022, 10:18:40 pm
Phối hợp với đòn tấn công chi khu quân sự Mai Lĩnh, bộ đội địa phương Triệu Phong, Hải Lăng kết hợp với lực lượng tại chỗ đánh vào phân chi khu Hải Lâm, Hải Lệ, Hải Phú, Triệu Sơn, Triệu Tài. Tiểu đoàn 3 bộ binh đánh vào chốt Bích La Trung, nam Thanh Hội.

Nhằm đối phó với quân ta và củng cố tinh thần cho ngụy quân, ngụy quyền ở Quảng Trị, từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 3 địch đưa liên đoàn 913 và tiểu đoàn 120 bảo an, lữ đoàn 139 thủy quân lục chiến và 12 xe tăng phản kích quyết liệt hòng chiếm lại các phân chi khu đã mất, chống nổi dậy của nhân dân.

Từ tháng 11 đến 13 tháng 3, các mũi ở đồng bằng đánh vào các phân chi khu Hải Vĩnh, Hải Trường diệt một trung đội bảo an. Ở tây Hải Lăng ta tiếp tục đánh mạnh buộc địch phải bỏ chốt sông Nhùng, nam Mỹ Chánh và một số cao điểm khác.

Địch tập trung đối phó ở đồng bằng. Chúng điều hai đại đội bảo an và lực lượng dân vệ do chi khu trưởng Hải Lăng chỉ huy phản kích ta ở khu vực Hải Trường, Hải Vĩnh bị ta đánh thiệt hại nặng một đại đội. Tên chi khu phó Hải Lăng chỉ huy một đại đội và 2 xe tăng cùng lực lượng dân vệ phản kích ta. Ở giáp ranh địch dùng pháo cối đánh vào các điểm ta chiếm giữ, đồng thời điều động lực lượng chặn ta ở nhiều hướng, tăng cường bảo vệ sở chỉ huy và trận địa pháo.

Như vậy chỉ trong 5 ngày đầu của chiến dịch, địch đã bị động lúng túng xáo trộn lực lượng, rối loạn tuyến phòng thủ nhưng ở đồng bằng chúng dốc sức tập trung lực lượng đối phó phong trào nổi dậy của quần chúng và phản kích chiếm lại một số vùng đã mất.

Trước tình hình đó, ta chủ trương để lại một phần lực lượng vũ trang và chính trị bám cơ sở còn lại rút lên giáp ranh.

Trong các ngày 18 đến 19 tháng 3 ở đồng bằng và giáp ranh ta liên tục tiến công địch cả quân sự, lẫn chính trị, binh vận, tiêu diệt tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ quần chúng, chống bốc dân và nơi có điều kiện đưa dân sang vùng giải phóng.

Trước sức ép của ta, địch cho xe chở lính từ điểm cao 367 về hướng Tân Điền. Ở khu vực điểm cao 235, 90, động Ông Do địch dùng chất nổ phá công sự, đốt nhà, dùng pháo bắn trùm lên chốt nghi binh, bí mật rút chạy. Thời cơ quét sạch quân thù, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị đã tới. Sở chỉ huy tiền phương phân công các đồng chí trong ban chỉ huy trực tiếp nắm các cánh quân truy kích địch.

Đồng chí Lương Chí Hiền - Chính trị viên Tỉnh đội chỉ huy các tiểu đoàn 812 bộ binh (thiếu một đại đội), tiểu đoàn 10 đặc công và đại đội 10 bộ binh chọc thẳng xuống hướng Mỹ Chánh.

Đồng chí Phạm Ngọc Vy, Tỉnh đội trưởng chỉ huy tiểu đoàn 8 bộ binh chọc thẳng xuống Hải Trường, Hải Thọ, Bến Đá cắt đường 1.

Phối hợp với hướng tiến công trên, đại đội 1 tiểu đoàn 812, đại đội 2 bộ đội địa phương Hải Lăng và các đội công tác chính trị chọc thẳng xuống tiểu khu Quảng Trị. Tiểu đoàn 14 bộ binh được tăng cường đại đội Lê Hồng Phong (Vĩnh Linh) vượt tuyến Như Lệ vượt qua Phước Môn, La Vang, Hải Thượng. Tiểu đoàn 3 bộ binh vượt tuyến Long Quang, Thanh Hội đánh vào trục đường-68 Hải Dương.

Thực hiện quyết tâm chiến đấu trên, đúng 23 giờ ngày 18-3-1975 trên tất cả các mũi, hướng quân ta đồng loạt tấn công địch, đến 18 giờ ngày 19-3-1975 giải phóng hoàn toàn phần đất và dân còn lại của Quảng Trị ghi thêm một mốc son chói lọi đánh dấu ngày quê hương sạch bóng quân thù sau 21 năm kiên trì và anh dũng chiến đấu.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Quảng Trị, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu, lực lượng vũ trang tỉnh chuyển hướng tấn công vào phối hợp chiến đấu với dân quân và Thừa Thiên - Huế.

Vào lúc này trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên, với đòn tấn công thần tốc, táo bạo, đến ngày 25-3-1975 quân đoàn II đã hình thành hai hướng tiến công kẹp chặt quân địch ở Huế và cửa Thuận An.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Chín, 2022, 10:19:33 pm
Trên hướng bắc, ngày 22-3-1975 tiểu đoàn 3 bộ binh được tăng cường hai đại đội pháo 85 ly và ĐK75 phát triển theo trục đường 68 đánh thẳng vào Thanh Hương. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra quyết liệt suốt cả ngày 22. Của ngõ phía Đông - Bắc vào Thừa Thiên chưa được mở. Ngày 22-3 được xe tăng của quân khu yểm trợ, tiểu đoàn 3 tiếp tục tiến công vị trí Thanh Hương. Trước sức tiến công dũng mãnh của bộ binh và xe tăng, địch phải rút về Đại Lộc. Thừa thắng tiểu đoàn 3 truy kích diệt địch ở Đại Lộc và các thôn Thế Chí Đông, Thế Chí Tây, sau đó phát triển vào cửa Thuận An, làm chủ cửa biển vùng này. Tại đây tiểu đoàn 3 dùng pháo 85 ly và 75 ly liên tiếp bắn vào tàu và xà lan địch đậu ngoài cửa biển đón đợi bọn tàn binh ở Huế rút chạy vào Đà Nẵng.

Trong lúc tiểu đoàn 3 đánh vào Thuận An, tiểu đoàn 14 vượt sông Ô Lâu đánh địch ở Phong Hòa, Phong Bình và truy kích xuống Sịa chốt giữ ngã ba Sình rồi tiến thẳng vào Bàu Vinh, đến 5 giờ ngày 25 tháng 3 đánh địch tại đồn Mang Cá 2 nội thành Huế.

Trên mũi thứ yếu của hướng bắc, từ ngày 21-3 tiểu đoàn 8 tiến công theo đường số 1, vượt sông Mỹ Chánh diệt gọn địch ở xóm Bồ (Phò Trạch). Chiều 23-3 tuyến Mỹ Chánh vỡ, địch co về phòng thủ tuyến sông Bồ. Lập tức tiểu đoàn 8 cùng lực lượng vũ trang Phong Điền tiến công quận lỵ Phò Trạch, sau đó tiến đánh giải phóng quận lỵ Hương Trà rồi tiến thẳng vào Huế là đơn vị đầu tiên cắm cờ trên đỉnh Phu Văn Lâu lúc 10 giờ ngày 25-3-1975 báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn chế độ thực dân mới của Mỹ-ngụy trên đất cố đô. Với chiến công xuất sắc này, ngày 25-3-1975, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã gửi lẵng hoa thưởng cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 8.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu ở Thừa Thiên - Huế, các đơn vị lực lượng vũ trang Quảng Trị được lệnh ở lại phối hợp cùng địa phương chốt giữ mục tiêu, truy lùng tàn binh, củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng cho đến khi có lệnh của cấp trên.

Quá trình diễn biến chiến dịch từ 8-3 đến 26-3, lực lượng vũ trang ba thứ quân của Quảng Trị đã đánh 30 trận lớn nhỏ với nhiều hình thức tác chiến linh hoạt: Phục kích, tập kích, hỏa lực, xung lực, vây ép, phóng bom đạn, vận động tấn công, truy kích giao thông chiến v.v... loại khỏi vòng chiến đấu 4576 tên địch (trong đó bắt sống và phóng thích 3126 tên), bắn cháy và phá hủy 13 xe quân sự, bắn bị thương một tàu chiến, thu 69 xe quân sự có 10 xe tăng, 14 khẩu pháo cối và 1435 súng các loại.

Với chiến công này, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã góp phần xứng đáng giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế nhanh chóng và trọn vẹn, là thắng lợi to lớn nhất, triệt để nhất, là chiến công rực rỡ nhất của quân và dân Trị - Thiên trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ. Trong trận quyết chiến cuối cùng này quân địch đã bị quật ngã trước đòn tiến công quyết liệt, tảo bạo và thần tốc của ta, khiến cho chúng tuy quân đông, vũ khí, phương tiện hiện đại vẫn không kịp trở tay, chịu thất bại hoàn toàn. Với chiến thắng trên chiến trường Trị - Thiên - Huế, ta đã đập tan lá chắn mạnh nhất của địch ở phía bắc, giành và giữ tuyệt đại bộ phận nhân dân ở lại quê hương cùng với nhân dân tiến công tiêu diệt địch. Sau đó kịp thời đón hết số dân bị địch cưỡng ép di tản trở về quê hương. Chiến thắng Trị - Thiên - Huế hòa cùng các chiến thắng của quân và dân ta ở Tây Nguyên, Quảng Nam - Đà Nẵng và toàn miền mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đập tan bộ máy ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn, giải phóng miền Nam hoàn thành sứ mạng thiêng liêng cách mạng giải phóng dân tộc.

Hơn hai năm vượt qua nhiều khó khăn thử thách mới, lực lượng vũ trang tỉnh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy đã không ngừng tranh thủ thời cơ thuận lợi ra sức củng cố, xây dựng lực lượng, nâng cao sức mạnh chiến đấu, kịp thời trừng trị mọi hành động của địch phá hoại hiệp định Pari lấn chiếm vùng giải phóng, cùng với nhân dân xây dựng, củng cố và bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, thúc đẩy mọi phong trào cách mạng, động viên, cổ vũ quân và dân toàn tỉnh kiên cường đánh phá bình định của địch ở phía trước. Đồng thời nêu cao cảnh giác cách mạng, ý chí chiến đấu liên tiếp đánh phá bình định ở vùng địch tạm kiểm soát làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù tạo ra thế lực mới nghiêng hẳn về phía ta.

Khi thời cơ xuất hiện đã triệt để khai thác kết hợp đòn tấn công vũ trang, chính trị, binh vận trong vòng ba tuần 11 liên tục tấn công, liên tục nổi dậy cùng với nhân dân quét sạch quân địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, góp phần xứng đáng giải phóng Trị - Thiên -Huế và toàn miền trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 lịch sử, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 10:32:46 am
KẾT LUẬN

Đại thắng mùa xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi oanh liệt cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta. 30 năm một chặng đường gian lao mà anh dũng, quân và dân Quảng Trị đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc.

Chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Trị với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” đã đoàn kết một lòng chung quanh Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, vượt qua muôn ngàn thử thách, gian lao, kiên cường trụ bám, chiến đấu và chiến thắng cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Với thắng lợi đó, Vĩnh Linh một phần đất đai và máu thịt của Quảng Trị được sống trong cuộc sống hòa bình. Phần còn lại của quê hương ở bờ nam giới tuyến trải qua 21 năm trời mới có được niềm vui trọn vẹn.

Hơn 20 năm chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu một chặng đường lịch sử vẻ vang của lực lượng vũ trang tỉnh ta cùng với Đảng bộ và nhân dân địa phương giương cao ngọn cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch, trung với Đảng hiếu với dân, chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, chiến thắng vẻ vang, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng quê hương, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong quá trình lịch sử đó, Quảng Trị cùng đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, vừa cùng nhân dân miền Nam tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng, vừa xây dựng và bảo vệ tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa làm nhiệm vụ tiền tuyến, vừa làm nhiệm vụ hậu phương, vừa giúp tỉnh bạn Lào với nghĩa tình chung thủy.

Chín năm kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, nhưng nước ta tạm thời chia làm hai miền. Quảng Trị phải chịu nỗi đau vô hạn, trực tiếp mang trên mình vết thương chia cắt đất nước. Nỗi đau khổ trực tiếp này không chỉ diễn ra trong một tỉnh mà còn trong một huyện, một xã và ngay cả trong một gia đình ruột thịt thân yêu. Vì vậy nhiệm vụ chống chia cắt, giữ vững sự thống nhất đất nước, quê hương, tạo hành lang chiến lược để hậu phương nối liền tiền tuyến, hỗ trợ lẫn nhau chiến đấu và chiến thắng là nhiệm vụ hàng đầu của quân và dân Quảng Trị. Trong cuộc chiến đấu này, vị trí địa bàn Quảng Trị càng trở nên hết sức quan trọng. Vĩnh Linh, Còn Cỏ trở thành biểu tượng thiêng liêng của đầu cầu giới tuyến. Cuộc đọ sức của ta và địch ở đây diễn ra vô cùng quyết liệt. Từ buổi đầu tiên cho đến phút cuối cùng của cuộc chiến tranh, trên mảnh đất này không bao giờ kẻ địch không đánh phá kể cả dùng chiến tranh hủy diệt. Việc bám trụ kiên cường và đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù cả khi trên mặt đất lẫn cả khi phải đi vào lòng đất có ý nghĩa rất lớn đến sự nghiệp bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam. Vĩnh Linh còn, Cồn Cỏ còn. Vĩnh Linh, Cồn Cỏ đứng vững và chiến thắng cả miền Bắc và miền Nam đứng vững và chiến thắng.

Các huyện nam sông Bến Hải, Mỹ - ngụy chọn nơi đây làm địa bàn chia cắt chiến lược vừa phòng ngự ngăn chặn miền Bắc tiến công, vừa xây dựng bàn đạp để khi có thời cơ thì tấn công xâm lược miền Bắc. Vì vậy Trị - Thiên - Huế trước hết là Quảng Trị trở thành đầu cầu chiến lược quan trọng để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, nơi đọ sức quyết liệt gi tía lực lượng cách mạng và phản cách mạng, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, nơi đụng đầu lịch sử hai chế độ, nơi quyết chiến điểm vô cùng ác liệt của chiến tranh.

Trên mảnh đất này, Mỹ - Diệm và bọn tay sai đã gây muôn vàn tội ác “trời không dung, đất không tha, người người đều căm giận”. Ở Quảng Trị, kẻ thù đã dìm nhân dân ta trong bể máu, chúng tàn sát dã man những ai người cách mạng đi theo kháng chiến, khủng bố những ai nói đến hòa bình, thống nhất. Chúng bày trò “tố cộng” thẳng tay chém giết những ai yêu nước. Chúng dựng lên quốc sách “ấp chiến lược”. Khu “trù mật”, khu “dinh điền” mà thực chất là những trại giam trá hình khổng lồ gom dân vào đó để dễ bề kìm kẹp.

Trước tội ác tày trời của Mỹ - Diệm, nhân dân ta ngày càng thấy rõ bản chất tàn bạo của kẻ thù, càng nung nấu căm thù và chỉ một quyết tâm:

Nhà tan cửa nát cũng ừ,
Quyết tâm đánh Mỹ, cực chừ sướng sau


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 10:34:12 am
Để chiến thắng địch, nhân dân và các lực lượng vũ trang Quảng Trị đã phát huy sức mạnh tổng hợp của “hai chân ba mũi” quân sự - chính trị - binh vận, sức mạnh của ba vùng chiến lược: miền núi, đồng bằng và thành thị, kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh hiện đại, giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng bên ngoài, giữa tiền tuyến và hậu phương nhất là hậu phương trực tiếp Vĩnh Linh, Quảng Bình, vừa phối hợp chiến đấu nhịp nhàng, vừa phục vụ sức người, sức của to lớn cho chiến đấu và chiến thắng. Tạo nên một thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, từng bước góp phần cùng cả nước đánh bại hết chiến lược chiến tranh này đến chiến lược chiến tranh khác của Mỹ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc.

Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ và mất mát hy sinh, quân và dân Quảng Trị đoàn kết keo sơn, vững chí bền lòng, ngoan cường dũng cảm, quyết khôi phục lại thế và lực, càng đánh càng mạnh, càng chiến đấu càng trưởng thành và chiến thắng.

Dưới ánh sáng nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng có bước chuyển hướng mạnh mẽ. Từ phong trào đấu tranh của nhân dân, lực lượng vũ trang đã hình thành và phát triển. Từ hai đơn vị 59A và 59B cùng một số cán bộ quê nhà được vinh dự tham gia chiến đấu, tỉnh ta đã tiến lên xây dựng được ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích). Từ năm 1960 trở đi, sau khi Ban quân sự tỉnh được thành lập, phong trào du kích chiến tranh ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là ở miền núi.

Ngay từ đâu, vừa chiến đấu vừa xây dựng, lực lượng vũ trang tỉnh đã lập chiến công. Từ tiếng súng diệt ác trừ gian hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, lực lượng vũ trang Quảng Trị tiến lên mở những cuộc võ trang tuyên truyền phá “ấp chiến lược”, những cuộc chống càn bảo vệ căn cứ địa cách mạng, bảo vệ thôn xóm.

Trong những năm đầu thập kỷ 60, lực lượng vũ trang tỉnh đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc tấn công và nỗi dậy ở miền núi, phá tan các cuộc càn quét mang tên “Lê Lợi”, “Phượng Hoàng” của địch, tiêu diệt quận lỵ Ba Lòng, giải phóng miền núi, xây dựng và bảo vệ căn cứ địa cách mạng. Đặc biệt phong trào đồng khởi toàn tỉnh cuối năm 1964, quân và dân ta đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh với nhiều hình thức tác chiến phong phú, lập nên những chiến công giòn giã ở Tân Lệ, Phường Sắn, quận lỵ Triệu Phong... giải phóng vùng giáp ranh, xây dựng căn cứ lõm ở đồng bằng, mở rộng nhiều vùng giải phóng liên hoàn làm cho địch lúng túng, bị động phải co cụm lại trong các sào huyệt của chúng.

Những đợt tấn công mạnh mẽ ở miền núi và phong trào đồng khởi năm 1964 đã góp phần đánh bại quốc sách “ấp chiến lược” và chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Từ cuối năm 1965, trước nguy cơ thất bại thảm hại, đế quốc Mỹ liều lĩnh leo thang chiến tranh ở miền Nam, tăng cường phá hoại miền Bắc. Chúng ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam, dốc quân ra Quảng Trị, xúc tiến lập phòng tuyến Macnamara, biến cả vùng khu phi quân sự và dọc đường số I thành vành đai trắng. Quảng Trị trở thành một trong những chiến trường trọng điểm, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch.

Quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng mà trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ địa phương đã chấp nhận sự đụng đầu với Mỹ cả trong chiến tranh phá hoại và chiến tranh giải phóng. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, thấm nhuần chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân tỉnh ta đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dám đương đầu với Mỹ, quyết đánh và quyết thắng, bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng, hành lang chiến lược, đường thống nhất Bắc - Nam, mở rộng vùng giải phóng. Đây là thời kỳ đầy thử thách hy sinh nhưng cũng là thời kỳ đầy chiến công vang dội của quân và dân tỉnh nhà. Tiêu biểu nhất là đòn sấm sét của quân và dân ta cùng với bộ đội chủ lực của Bộ, Quân khu 4 mở mặt trận đường 9 đánh bại cuộc hành quân “Hátxtin”,"Đồng cỏ”, “Đếch hao” của thủy quân lục chiến Mỹ ở vùng núi Gio - Cam. Đòn tấn công dồn dập dội bão lửa xuống Dốc Miếu, Cồn Tiên mở đầu cho những trận pháo kích lớn của quân và dân toàn miền. Đặc biệt trận tấn công mạnh mẽ, táo bạo vào thị xã Quảng Trị gây tiếng vang lớn làm cho hậu phương địch hoang mang, mở đầu cho những trận đánh vào thị xã của quân giải phóng miền Nam. Đòn tấn công như vũ bão của quân và dân Quảng Trị phối hợp cùng chủ lực san phẳng vị trí Làng Vây, bao vây và tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, nổi sóng Bạch Đằng cắt sông Cửa Việt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 góp phần giáng một đòn quyết định vào chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 10:35:00 am
Từ cuối năm 1968 trở đi, phong trào cách mạng tỉnh ta tạm thời gặp khó khăn. Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang địa phương đã cùng với cán bộ chính trị vượt qua mọi khó khăn tìm cách bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở, phát động quần chúng quyết tâm đánh bại kế hoạch bình định cấp tốc của địch, diệt ác trừ gian, giành quyền làm chủ cả ba vùng chiến lược. Cuối năm 1969 phong trào cách mạng lại dần dần phục hồi, nhiều cơ sở cách mạng xuất hiện ở vùng sâu, số lượng du kích phát triển mạnh. Lực lượng vũ trang đã sát cánh cùng với nhân dân, phối hợp với đơn vị bạn, anh dũng chiến đấu, liên tục giành thắng lợi giòn giã.

Năm 1971, phối hợp với chiến dịch lịch sử đường 9 - Nam Lào, quân và dân tỉnh ta đã góp phần đánh bại cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giáng đòn nặng nề vào xương sống quân chủ lực ngụy. Thừa thắng xốc tới, năm 1972, lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp chặt chẽ với quân chủ lực mở cuộc tấn công và nổi dậy long trời chuyển đất, giáng một đòn có tính chất chiến lược, đập nát tuyến phòng thủ mạnh của địch ở bắc Quảng Trị và hệ thống kìm kẹp của địch từ tỉnh xuống xã, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị thân yêu.

Song với bản chất xâm lược và phản động, Mỹ - ngụy đã mở cuộc phản kích điên cuồng và đầy tội ác hòng “tái chiếm Quảng Trị”, Mỹ hóa lại cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân với một quy mô, cường độ chưa từng có trong lịch sử chiến tranh.

Quân và dân Quảng Trị với quyết tâm cao, với tinh thần chịu đựng hy sinh gian khổ tột bậc, đã tiến hành một cuộc chiến đấu chống địch phản kích vô cùng ác liệt trong 81 ngày đêm giữ vững Thành cổ làm cho thế giới hết sức khâm phục, kẻ thù phải kinh ngạc.

Sau hiệp định Pari được ký kết, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh ta cùng với quân và dân toàn miền tạo thế, tạo lực để tiến lên giành toàn thắng.

Mùa xuân năm 1975, phối hợp với toàn miền, lực lượng vũ trang đã sát cánh cùng nhân dân tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của địa phương góp phần vào chiến dịch đại thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Quân và dân Quảng Trị đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình một cách vẻ vang. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, phát huy truyền thống quật cường của dân tộc, truyền thống Bình - Trị - Thiên bất khuất, truyền thống anh hùng của cha anh trong chống Pháp, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã liên tục chiến đấu, xây dựng và trưởng thành nhanh chóng, chiến thắng vẻ vang.

Lực lượng vũ trang Quảng Trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ đã làm cho mảnh đất có truyền thống cách mạng kiên cường này ngày càng giàu thêm chiến công chói lọi mà mỗi tên làng, tên núi, tên sông đều đã đi vào lịch sử và vang vọng năm châu.

Từ tiền tuyến ở bờ nam đến hậu phương ở bờ bắc sông Bến Hải, quân và dân Quảng Trị đã được thử thách, tôi luyện trong cuộc chiến đấu trường kỳ. Thực tiễn sống động của cuộc kháng chiến chống Mỹ chứng tỏ rằng lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Trị bằng nhiều hình thức chiến đấu mưu trí, sáng tạo, linh hoạt đã góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự về chiến tranh du kích trong thế trận chiến tranh nhân dân.

Thấm nhuần tinh thần quốc tế cao cả “giúp bạn là tự giúp mình”, quân và dân Quảng Trị luôn kề vai sát cánh với quân và dân Svannakhệt, Salavan tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích trên cơ sở liên minh chiến đấu, liên hoàn thế trận giữ vững tình đoàn kết chiến đấu thủy chung góp phần xây đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Chặng đường lịch sử chống Mỹ, cứu nước vừa qua là chặng đường đầy thử thách hy sinh nhưng chiến thắng vô cùng vinh quang. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Bộ tự lệnh quân khu, Thường vụ Tỉnh ủy, được nhân dân hết lòng thương yêu giúp đỡ, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã chiến đấu trên một chiến trường vừa có tính chất địa phương vừa có tính chất toàn miền, đã làm tròn trọng trách của mình đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, làm tròn nghĩa vụ chung đối với toàn miền và cả nước cũng như các tỉnh bạn Lào.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi, Quân và dân Quảng Trị bằng tất cả tinh thần và nghị lực, tính mạng và của cải góp phần xứng đáng làm nên chiến thắng.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 10:35:55 am
Thắng lợi đó trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và tài tình của Đảng, của Bác kính yêu, sự chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, của Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu Trị - Thiên và Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị.

Từ lúc mới thành lập cho đến suốt trong quá trình chiến đấu và trưởng thành, lúc khó khăn cúng như khi thắng lợi, trong chiến tranh hay hòa bình, Trung ương, Đảng, Bác Hồ, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Bộ tư lệnh các Quân khu đặc biệt quan tâm theo dõi, nắm tình hình, chỉ đạo cụ thể, động viên kịp thời, chi viện hết sức to lớn về lực lượng và vật chất để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến đấu và chiến thắng.

Thường vụ Tỉnh ủy đã dày công chăm lo giáo dục, xây dựng lực lượng vũ trang trưởng thành. Trong chiến đấu, Tỉnh ủy đã đầu tư nhiều cán bộ chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương. Quân khu 4, Quân khu 5 và quân khu Trị - Thiên đều quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể, chăm lo rèn luyện cho lực lượng vũ trang trưởng thành nhanh chóng, lập công giòn giã.

Thắng lợi đó là nhờ công lao trời biển của nhân dân đã đùm bọc, nuôi dưỡng lực lượng vũ trang. Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị không quản hy sinh gian khổ, chăm lo nuôi dưỡng cho lực lượng vũ trang. Nhân dân Quảng Trị có truyền thống cách mạng kiên cường và giàu tinh thần yêu nước. Mặc dù địch khủng bố gắt gao, cực khổ trăm bề vẫn luôn luôn bổ sung cho lực lượng vũ trang những người con ưu tú, và dành dụm từng lon gạo, củ khoai, hạt muối nuôi nấng cán bộ và du kích. Một mẹ Diệm ở Vĩnh Linh chăm chỉ vá cờ cho ngọn cờ nơi đầu cầu giới tuyến luôn luôn lành lặn phần phật tung bay. Một mẹ già ở Gio Linh dùng bước chân đo cự ly cho pháo binh quân giải phóng nã vào đồn địch. Biết bao mẹ già, em nhỏ dù chết cũng không khai hầm bí mật để bảo vệ cán bộ, bộ đội. Cùng với lực lượng vũ trang, nhân dân đã hợp đồng chiến đấu, kết hợp đấu tranh hai chân ba mũi, tạo nên sức mạnh tổng hợp thần kỳ của cuộc chiến tranh nhân dân đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Quá trình chiến đấu và chiến thắng của chúng ta có công lao to lớn của các đơn vị chủ lực thuộc Bộ, Quân khu 4 và Quân khu Trị - Thiên. Trên chiến trường Quảng Trị, lực lượng vũ trang và nhân dân ta luôn luôn có các đơn vị chủ lực giúp đỡ, cùng nhau đoàn kết chiến đấu giáng cho đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai những đòn sấm sét, lập nên những chiến công vô cùng hiển hách có tác dụng thúc đẩy thắng lợi toàn miền, làm nức lòng hả dạ đồng bào cả nước và bạn bè năm châu. Các đơn vị chủ lực đã cùng quân và dân ta làm cho Quảng Trị ngày càng giàu thêm kỳ công chói lọi. Tình đồng chí đồng đội giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích trên chiến trường Quảng Trị rất là trong sáng và đẹp đẽ.

Thắng lợi đó có sự đóng góp to lớn và đầy nghĩa tình cao cả của quân và dân miền Bắc ruột thịt, của quân và dân Thừa Thiên - Huế đặc biệt là Quảng Bình kết nghĩa, hậu phương trực tiếp của tỉnh ta không những đã chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, chia lửa cùng chúng ta chiến đấu và chiến thắng mà còn gửi nhiều đơn vị bộ đội địa phương, nhiều lực lượng dân quân du kích, nhiều cán bộ vào cùng quân và dân ta đánh giặc đóng góp vào chiến công chung bằng cả vật chất và xương máu.

Thắng lợi to lớn đó là kết quả sự nỗ lực phi thường để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang địa phương tỉnh nhà.

Được Đảng giáo dục và rèn luyện, lực lượng vũ trang địa phương từ cán bộ đến chiến sĩ, từ bộ đội tập trung đến dân quân du kích, từ cơ quan Tỉnh đội, Huyện đội, Xã đội đến các đơn vị phục vụ đã phát huy được truyền thống quật cường của dân tộc: Trung với Đảng, hiếu với dân sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại. Lòng trung thành với Đảng, hiếu với dân là cơ sở tư tưởng, tình cảm lớn, là nguồn sức mạnh vô tận để lực lượng vũ trang tỉnh ta chiến đấu và chiến thắng. Lực lượng vũ trang tỉnh ta bao gồm hàng vạn người con yêu quý của nhiều quê hương họp lại. Người địa phương có, người miền Nam, miền Bắc có, nhưng khi cầm vũ khí trong tay chiến đấu trên mảnh đất địa đầu miền Nam này đều coi Quảng Trị là quê hương, lấy đồng bào địa phương làm gia đình thân thiết. Cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang Quảng Trị đều nhận thức sâu sắc rằng đây là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước, nơi đọ sức quyết liệt giữa hai chế độ, hai loại chiến tranh. Vì vậy được chiến đấu hy sinh trên mảnh đất này là một vinh dự và tự hào to lớn. Lực lượng vũ trang Quảng Trị đã nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, tư tưởng cách mạng tiến công, tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Những đơn vị anh hùng như tiểu đoàn 10, tiểu đoàn 8, tiểu đoàn 3, đại đội 4 Gio Linh, đại đội Lê Hồng Phong, đảo Cồn Cỏ, lực lượng vũ trang các xã Cam Chính, Triệu Ái, Hải Phú, Hải Thượng, Gio Hải, Trung Hải, Trung Giang, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Vĩnh Quang... và những anh hùng liệt sĩ như Trần Thị Tâm, Phan Thanh Chung, Trương Quang Thọ... anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Chí Phi, Văn Thị Xuân, Lê Văn Ban, Thái Văn A v.v... là biểu hiện sinh động rực rỡ và hùng hồn cho tinh thần quyết chiến và quyết thắng, lòng trung với Đảng, hiếu với dân của lực lượng vũ trang Quảng Trị.

Ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm mưu trí, chịu đựng gian khổ hy sinh là một trong những nhân tố quyết định làm nên thắng lợi.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 10:37:54 am
Từ trong thực tiễn sinh động và phong phú của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước ở Quảng Trị có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

1. Trong bất kỳ tình huống nào, Đảng bộ cũng phải luôn luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng vào điều kiện cụ thể của tỉnh nhà, đặc biệt là phải nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân, tư tưởng chiến lược tiến công.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Quảng Trị là một chiến trường nhỏ hẹp, lại bị chia cắt. Hai khu vực làm hai nhiệm vụ chiến lược nhưng cùng chung một mục tiêu là xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Để thực hiện nhiệm vụ đó, trong suốt quá trình lãnh đạo và chiến đấu, tỉnh Đảng bộ luôn luôn bám sát đường lối chủ trương của Đảng vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh nhà, từng bước đưa sự nghiệp cách mạng đi lên. Dù bị phân chia thành hai khu vực nhưng khu ủy Vĩnh Linh và Tỉnh ủy Quảng Trị vẫn luôn xác định Quảng Trị là một chiến trường, Bắc Nam là ruột thịt sát cánh bên nhau chung chiến hào đánh Mỹ.

Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, Đảng chủ trương thực hiện đấu tranh chính trị để đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đó là một chủ trương đúng đắn. Thực hiện chủ trương đó, Tỉnh Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tổ chức hàng trăm cuộc đấu tranh với nhiều hình thức phong phú và có hiệu quả nhất định trong việc ngăn chặn bàn tay tàn bạo của quân thù. Song ta chưa lường hết âm mưu thâm độc của địch và còn mơ hồ ảo tưởng hòa bình trong việc thi hành hiệp định Giơnevơ nên buổi đầu lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng và phong trào quần chúng đi vào thoái trào.

Từ khi có nghị quyết của Đảng về đường lối cách mạng miền Nam phải tiến hành bằng bạo lực, tỉnh Đảng bộ đã có sự chuyển hướng chỉ đạo nhanh chóng kịp thời, nhờ vậy phong trào cách mạng trong tỉnh dần hồi phục và không ngừng phát triển. Thấu suốt quan điểm bạo lực cách mạng, hậu phương, tiền tuyến là một chiến trường, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Đảng bộ, lực lượng vũ trang đã chuẩn bị ứng phó được trước âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị, diệt ác phá tề, phá ấp chiến lược của quần chúng.

Cuộc đọ sức giữa ta và địch trên chiến trường Quảng Trị đã diễn ra vô cùng quyết liệt, giành đi giật lại, từng tấc đất, từng con người, từng lon gạo... địch đã sử dụng ở đây một khối lượng bom đạn rất lớn với đủ loại phương tiện vũ khí chiến tranh. Trong cuộc chiến đấu đầy thử thách hy sinh đó, lực lượng vũ trang luôn luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công. Tiến công liên tục và toàn diện cả quân sự, chính trị, bình vận. Một tổ cũng tiến công, một người cúng tiến công, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn đều tiến công làm cho quân thù luôn luôn bị động ứng phó. Trong tiến công bộ đội địa phương cũng như du kích rất dũng cảm, thông minh và sáng tạo, quyết đánh và biết thắng địch, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, người trước ngả người sau xốc tới. Nhờ quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công mà lực lượng vũ trang tỉnh luôn luôn nêu cao tinh thần tự lực tự cường, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến yếu thành mạnh, thường xuyên tạo ra thế và lực mới, điều kiện mới để tiến công. Trên chiến trường Quảng Trị, Bộ và Quân khu chi viện chủ lực mạnh nhưng lực lượng vũ trang ta không ỉ lại, trông chờ mà tích cực phối hợp với chủ lực để tiến công địch, biết tranh thủ thời cơ có chủ lực để xây dựng lực lượng trưởng thành với yêu cầu cách mạng nên khi chủ lực rút đi vẫn đảm đương được nhiệm vụ của mình. Cũng từ quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công ấy mà lực lượng vũ trang Quảng Trị thực sự làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh “hai chân, ba mũi” ngày càng phát triển và giành nhiều thắng lợi.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 10:39:26 am
2. Quán triệt quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” gắn bó chặt chẽ với quần chúng động viên toàn dân phát huy vai trò chiến tranh nhân dân trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù.

Nhân dân Quảng Trị vốn có truyền thống cách mạng kiên cường và giàu tinh thần yêu nước. Từ ngày có Đảng dẫn lối đưa đường truyền thống đó lại được nhân lên gấp bội. Trong cách mạng Tháng 8-1945 bằng tinh thần và nghị lực, hưởng ứng kêu gọi khởi nghĩa của Đảng, nhân dân Quảng Trị từ già trẻ, gái, trai, từ miền xuôi đến miền ngược, thành thị nông thôn nhất tề vùng dậy giành lấy chính quyền. Chín năm kháng chiến chống Pháp với tinh thần “nhân dân còn thì kháng chiến còn” đồng bào đã không quản ngại hy sinh gian khổ chăm lo nuôi dưỡng cán bộ đảng viên và lực lượng vũ trang góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng vai trò của quần chúng nhân dân càng vô cùng to lớn. Ngay từ buổi đầu, Đảng đã biết dựa vào quần chúng để xây dựng cơ sở, động viên tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, phát động phong trào đấu tranh đòi thi hành hiệp định, đòi hiệp thương tuyển cử. Khi khó khăn ác liệt nhất kẻ thù thi hành chính sách “tố cộng diệt cộng” dù chúng có dùng trăm phương ngàn kế truy lùng tàn sát những người công sản nhưng Đảng vẫn sống giữa lòng Dân, được nhân dân che chở, nuôi giấu và bảo vệ. Dân tin ở Đảng, Đảng tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, trước thử thách gian khổ ác liệt càng tỏ rõ sức mạnh phi thường cả về lòng dũng cảm và trí thông minh sáng tạo. Quần chúng vốn có sức mạnh tiềm tàng nhưng không phải lúc nào sức mạnh đó cũng được phát huy tác dụng. Vì vậy xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với Dân, dân với Đảng, vì nhân dân mà hoạt động, dựa vào dân mà tổ chức các phong trào cách mạng thì Đảng mới tồn tại và phát triển. Khi kẻ thù dùng âm mưu “tát nước bắt cá” hoặc thì hành “luật 10 - 59” lê máy chém đi khắp nơi để tàn sát những người kháng chiến thì có biết bao bà mẹ dành hầm bí mật để che giấu cán bộ, biết bao em bé canh gác hoặc dẫn đường cho cán bộ trốn thoát khỏi nanh vuốt quân thù. Khi đấu tranh chống địch càn quét khủng bố, các bà mẹ, các chị và các em thiếu nhi không ngần ngại nằm lăn ra đường để cản xe quân giặc hoặc xông lên trước họng súng quân thù quân thù vừa thể hiện ý chí bất khuất vừa làm công tác binh vận để cảm hóa binh lính. Nhân dân sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để che giấu cán bộ, bộ đội, thương binh mai táng chôn cất liệt sĩ. Cung cấp lương thực thực phẩm kể cả voi, trâu quý hiếm. Sử dụng nhà cửa, phương tiện sinh sống của mình để phục vụ cho quân đội xây dựng công sự, vận chuyển vũ khí, tiễn đưa hàng ngàn con em tham gia bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân quân du kích. Theo thống kê và tìm kiếm chưa đầy đủ, ở Quảng Trị có 65.000 liệt sĩ, trong đó có 14.300 liệt sĩ người Quảng Trị, 11.650 gia đình liệt sĩ, thương binh là con em trong tỉnh, 6.606 gia đình thuộc diện gia đình chính sách.

Đối với lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân Quảng Trị vừa là tình cảm gia đình thân thiết, vừa là lực lượng phối hợp đắc lực trong các cuộc đấu tranh “hai chân ba mũi”. Là con em của nhân dân lao động, lực lượng vũ trang tỉnh nhà được nhân dân đùm bọc nuôi dưỡng và hết lòng yêu mến. Sự gắn bó giữa nhân dân và lực lượng vũ trang là sự gắn bó máu thịt. Mỗi một chiến công lực lượng vũ trang giành được đều có sự đóng góp cả mồ hôi và xương máu của nhân dân.

Ở hậu phương Vĩnh Linh các tổ chức quần chúng như thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi... đã phát huy tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia chiến tranh. Các phong trào thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang” và các cuộc vận động “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”... được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng sôi nổi với tinh thần tự nguyện rất cao. Tuy nhiên để phát huy sức mạnh của quần chúng, cấp ủy các cấp phải không ngừng tăng cường vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm cả ba thứ quân, trong dó thường xuyên coi trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và đảm bảo yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tại chỗ, bảo đảm trật tự trị an địa phương.

Trong kháng chiến chống Mỹ, với vị trí là đầu cầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, bất chấp đạn bom hủy diệt của quân thù, nhân dân Vĩnh Linh luôn luôn phát huy vai trò nòng cốt của mình, vừa chiến đấu vừa giữ vững địa bàn, vừa sản xuất để nuôi sống mình và góp phần cho kháng chiến, vừa sẵn sàng bảo đảm giao thông vận tải, tiếp lương tải đạn và trực tiếp chiến đấu chi viện cho tiền tuyến. Nhân dân Vĩnh Linh đã bền gan vững chí, biến quê hương thành lũy thép kiên cường thành biểu tượng chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 10:40:19 am
3. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh đồng thời tranh thủ sự viện trợ của trên và sự giúp đỡ của bạn.

Sau ngày hòa bình lập lại, thi hành hiệp định Giơnevơ, lực lượng vũ trang Quảng Trị (trừ Vĩnh Linh) hầu hết đều tập kết ra miền Bắc. Lực lượng để lại cùng với số vũ khí cất giấu đều phải “án binh bất động”. Do chưa lường hết âm mưu thâm độc của kẻ thù nên phong trào cách mạng bị tổn thất nặng nề. Từ sau nghị quyết 15 của Trung ương (tháng 1-1959), lực lượng vũ trang tỉnh mới bắt đầu lập lại.

Thấu suốt quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng, trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo kháng chiến, Đảng bộ Quảng Trị đã đầu tư thích đáng cho việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Được sự quan tâm của Đảng và sự đùm bọc nuôi dưỡng của nhân dân, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã nối tiếp truyền thống quật cường bất khuất của quê hương càng đánh càng mạnh, càng chiến đấu càng trưởng thành.

Từ chỗ chỉ có hai đơn vị 59A và 59B cuối năm 1959, tỉnh đã tiến lên xây dựng các đội 45, 55, tiếp đó tiểu đoàn 10, tiểu đoàn 8, tiểu đoàn 3, tiểu đoàn 14, 812 và nhiều đơn vị khác cũng lần lượt ra đời. ở các huyện đều xây dựng các đại đội bộ đội địa phương và các xã đều có từ tiểu đội đến trung đội dân quân du kích tập trung.

Từ những tổ làm nhiệm vụ hỗ trợ đắc lực cho phong trào xây dựng và phát triển du kích miền Tây, tiến tới chúng ta có lực lượng vũ trang mạnh mẽ thực hiện đấu tranh “hai chân ba mũi”, tác chiến ở cả ba vùng chiến lược làm nòng cốt cho phong trào du kích chiến tranh, kết hợp đánh địch với phong trào quần chúng nổi dậy, giành đất, giành dân, giành quyền làm chủ.

Sức mạnh của lực lượng vũ trang bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp bộ Đảng, từ sự đoàn kết nhất trí, gắn bó máu thịt với nhân dân. Lòng trung thành với Đảng, hiếu với dân là cơ sở tư tưởng và sức mạnh để lực lượng vũ trang chiến thắng kẻ thù hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy trong suốt quá trình kháng chiến, tinh thần “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám giặc, đánh giặc” luôn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi lúc mọi nơi, và chỉ có như vậy mới làm nên chiến thắng.

Xây dựng được lực lượng vũ trang trong điều kiện địch mạnh ta yếu đã là một quyết tâm rất lớn, nhưng chỉ đạo tác chiến như thế nào cho thích hợp để vừa tiêu hao, tiêu diệt được địch, vừa bảo vệ được mình là cả một vấn đề của nghệ thuật quân sự đặc biệt đối với phong trào du kích chiến tranh trong thế trận chiến tranh nhân dân.

Giáo dục lực lượng vũ trang địa phương quán triệt đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ là điều kiện có ý nghĩa quyết định. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng về đường lối quân sự trong chiến tranh nhân dân và thấm nhuần sâu sắc đường lối đó, lực lượng vũ trang Quảng Trị mới có phương hướng và biện pháp giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giữa con người và vũ khí từ thô sơ đến hiện đại, giữa xây dựng và chiến đấu, giữa chiến thuật và kỹ thuật, giữa lực lượng, thế trận và thời cơ, giữa hậu phương và tiền tuyến... để tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng quân thù.

Trên cơ sở đó, lực lượng vũ trang đã không ngừng học tập và rèn luyện, đánh giá đúng địch, ta rút ra những kinh nghiệm trong từng trận đánh, từ đó tìm ra biện pháp khắc phục khó khăn, phát huy chỗ mạnh của ta, khoét sâu chỗ yếu của địch, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến yếu thành mạnh, lấy ít đánh nhiều, dùng vũ khí thô sơ đối chọi cùng vũ khí hiện đại quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.

Việc giáo dục thường xuyên để củng cố quyết tâm đánh thắng kẻ thù là biện pháp rất cơ bản để nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng của lực lượng vũ trang trước bất kỳ khó khăn thử thách nào, nâng cao trình độ dùng mưu lập kế, bày kế tạo thời cơ, tổ chức lực lượng, chọn thời điểm đánh địch buộc địch phải đối phó bị động trước những đòn tiến công của ta.

Thế trận chiến tranh nhân dân trên chiến trường Quảng Trị không chỉ diễn ra bằng phương thức chiến tranh du kích, chiến tranh chính quy và kết hợp chặt chẽ hai phương thức đó do lực lượng vũ trang địa phương và quân chủ lực tiến hành mà toàn dân thực hiện. Do đó cuộc chiến tranh này phát triển đỉnh cao diễn ra bằng cả tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, với cả hai lực lượng tham gia: vũ trang và du kích, ba mũi giáp công: quân sự chính trị, binh vận trên cả ba vùng chiến lược rừng núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị. Nắm vững chức năng nhiệm vụ và phương thức hoạt động của ba thứ quân, hai lực lượng, biết kết hợp khéo léo tất cả các cách đánh vô cùng phong phú của mọi lực lượng là yếu tố rất quan trọng để lực lượng vũ trang tỉnh chiến đấu thắng lợi, góp phần vào việc làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự nước ta.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 10:41:21 am
4. Xây dựng Đảng vững mạnh là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của lực lượng vũ trang.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Quảng Trị phải đương đầu với những khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh chưa từng có. Với vị trí đầu cầu của tiền tuyến miền Nam và hậu phương miền Bắc, Quảng Trị trở thành nơi đọ sức quyết liệt giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng. Mảnh đất này trở thành nơi thí nghiệm của mọi chiến lược chiến tranh và mọi thứ vũ khí giết người hiện đại của kẻ thù. Từ trong gian khổ hy sinh, quân và dân Quảng Trị đã đoàn kết một lòng chung quanh Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh vùng lên đấu tranh, chiến đấu và chiến thắng. Lực lượng vũ trang được xây dựng và trưởng thành, được chăm lo giáo dục rèn luyện, hết lòng “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Trước hết là nhờ sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân khu ủy Trung ương, Quân khu Trị - Thiên, và Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, Đặc khu ủy Vĩnh Linh. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, tỉnh Đảng bộ và cấp ủy các địa phương không ngừng chăm lo xây dựng Đảng lớn mạnh về mọi mặt. Trước một kẻ thù nham hiểm độc ác và xảo quyệt mạnh hơn ta nhiều lần, lại có trang bị phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại, Đảng phải vững vàng, kiên định, nhạy bén, thông minh, sáng tạo, chủ động giải quyết những vấn đề cấp bách trong mọi tình huống. Vì vậy công tác xây dựng Đảng đã tiến hành thường xuyên liên tục, toàn diện cả chính trị, tư tưởng và tổ chức từ trên xuống dưới, từ cấp ủy đến đảng viên.

Trên chiến trường Quảng Trị trong những năm chống Mỹ khó nói hết những gian khổ hy sinh tổn thất của những đảng viên bám trụ kiên cường, từng tấc đất, từng người dân với ý chí “một tấc đất không đi, một ly không rời” để xây dựng cơ sở, nhen nhóm phong trào. Từ trong gian khổ hy sinh mối quan hệ giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng ngày càng gắn bó chặt chẽ. Đó là yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh mà không một thủ đoạn thâm độc, tàn bạo nào kẻ thù có thể phá vở nổi. Đối với lực lượng vũ trang Quảng Trị, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng mà trực tiếp là Tỉnh ủy chính là nhân tố cơ bản quyết định mọi thắng lợi. Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng, giáo dục lực lượng vũ trang, luôn luôn cử những cán bộ có năng lực trong thường vụ phụ trách công tác quân sự. Từ cơ sở đó, các tổ chức Đảng trong lực lượng vũ trang từ tỉnh đội đến cơ sở, đơn vị luôn luôn được kiện toàn, củng cố và ngày càng phát triển.

Sức mạnh của các tổ chức Đảng trong lực lượng vũ trang là ở khối đoàn kết nhất trí giữa Đảng và quần chúng, ở sự gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Trong khó khăn ác liệt, không đoàn kết được quần chúng, không gắn bó chặt chẽ với nhân dân, không dựa vào lực lượng đó thì Đảng không thể làm tròn sứ mệnh lãnh đạo.

Một điều rất đáng tự hào là đảng viên trong tổ chức Đảng của lực lượng vũ trang Quảng Trị dù người miền ngược hay người miền xuôi, dù người miền Bắc hay người miền Nam đều được giác ngộ cùng chung lý tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì quê hương Quảng Trị thân yêu.

Quá trình hình thành và phát triển của lực lượng vũ trang cũng là quá trình phát triển của các tổ chức Đảng với đội ngũ đảng viên đã được tôi luyện từ trong khói lửa của chiến tranh có đủ năng lực lãnh đạo và chiến đấu, trở thành trung tâm đoàn kết tạo nên sức mạnh để chiến thắng quân thù.

*
*   *

Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Trị có quyền tự hào đã cùng quân dân cả nước vượt mọi gian khổ, hy sinh, chiến đấu và chiến thắng viết nên những trang sử huy hoàng cho quê hương.

Vinh quang này trước hết thuộc về Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại nhân dân anh hùng đã giáo dục, rèn luyện quân đội nói chung và lực lượng vũ trang Quảng Trị nói riêng.

Uống nước nhớ nguồn, các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi lòng tạc dạ ơn sâu, nghĩa nặng, tình dày của Đảng, của Bác, của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu, cống hiến cả tuổi xuân cho mảnh đất này nở hoa độc lập, kết quả tự do.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước suốt 21 năm trường gian khổ, hy sinh đã thắng lợi oanh liệt. Quân và dân Trị - Thiên - Huế nói chung và Quảng Trị nói riêng đã làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng đối với cả nước, xứng đáng với tám chữ vàng do Mặt trận dân tộc miền Nam Việt Nam trao tặng: “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Song kẻ thù bao giờ cũng thâm độc, xảo quyệt, tìm mọi cách để phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vì vậy nhiệm vụ của lực lượng vũ trang bao giờ cũng nặng nề. Phát huy truyền thống quật cường, bất khuất của quê hương, lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Trị đoàn kết một lòng, nâng cao cảnh giác cách mạng, vượt qua mọi khó khăn thử thách trong hoàn cảnh, điều kiện mới tiến lên hoàn thành nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 04:07:36 pm
PHỤ LỤC

I. LỰC LƯỢNG CỦA MỸ - NGỤY ĐÓNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẢNG TRỊ
TỪ NĂM 1954-1975

1. Các binh chủng

21 năm xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, chúng phải tiến hành 4 kiểu chiến lược chiến tranh, mỗi chiến lược chiến tranh trong từng giai đoạn chúng bố trí binh, hỏa lực... có khác nhau. Nhưng với quân số mà chúng duy trì thường xuyên để chiếm đóng trên địa bàn Quảng Trị là:

Quân chính quy: Từ 1 sư đoàn đến 1 sư đoàn tăng cường và hàng nghìn cố vấn Mỹ. Riêng thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ chúng đưa vào địa bàn Quảng Trị trên 10.000 lính Mỹ và chư hầu.

Quân địa phương: Gồm 4 tiểu đoàn và 4 đại đội bảo an, 302 trung đội dân vệ và 5.100 cảnh sát.

- 15 tiểu đoàn pháo binh từ 120 - 175 ly.

- 5 tiểu đoàn xe tăng = 184 xe

- 10 chi thiết giáp bằng 95 xe

- 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến, 1 lữ đoàn dù.

- 2 sân bay dùng cho các loại máy bay tiêm kích, ném bom và nhiều sân bay giã chiến khác dùng cho trực thăng vũ trang, Ngoài số máy bay hiện có ở địa bàn Quảng Trị, hàng ngàn các tốp máy bay từ hướng nam, hướng đông bay tới ném bom và chi viện. Cao điểm có ngày lên tới 200 lần chiếc, trong đó có gần 100 chiếc B52 tham chiến bằng một phần tư số máy bay chiến lược của Mỹ. Các sân bay La Vang, Ái Tử, Đông Hà, Sa Mưu, Tà Cơn...

Hàng ngày có từ 16-20 tàu khu trục và tuần dương hạm bắn pháo vào đất liền.

2. Hình thái bố phòng:

Đơn vị chủ lực của chúng bố trí:

- Bộ Tư lệnh sư I từ 1955 - 1959 đóng ở La Vang.

- Bộ tư lệnh sư đoàn 3 đóng ở Ái Tử;

- Các đơn vị đóng ở: Đông Hà, cao điểm 544, Đồi Tròn, Đập Đá Mài, Phú Tân Ấp, Cồn Tiên.

+ Ái Tử, miếu Bái Sơn, Đầu Mầu, Ba Tum, cao điểm 241, Thiện Xuân, Khe Sanh, 367, Cốc Ba Sai, Động Toàn, Động Ông Do, Đá Bàn.

+ La Vang, Quán Ngang, Tân An, Dốc sỏi, đường 75, cao điểm 39.

* Các lữ đoàn đóng ở: Mai Lộc, cao điểm 365, Động Nâng, cao điểm 52 (Phượng Hoàng), Tân Điền; Mỹ Chánh, cao điểm 367, Nhĩ Thượng (bắc Cửa Việt), Diên Sanh, Mỹ Thủy, Cầu Nhùng, Cầu Dài, Bến Đá, Ái Tử, cầu Quảng Trị v.v...

- Các thiết đoàn chúng bố trí ở Ái Tử, Tích Tường.

- Các đơn vị pháo binh chúng bố trí cùng đội hình với đơn vị bộ binh.

* Có gần 10.000 lính Mỹ và chư hầu đóng ở Khe Sanh. Mỹ đóng 6 nơi lớn: Đồi Tích Tường, Ái Tử, Khe Sanh, Tân Điền, Mỹ Thủy, mộ ông Chưởng.

- Ngoài lực lượng bảo an, dân vệ, cảnh sát được bố trí trên địa bàn của xã, huyện, tỉnh còn có hàng nghìn tên mật báo, chỉ điểm.

* Hàng rào lô cốt:

- Ở các căn cứ địch đều xây dựng các lô cốt di động và cố định bằng bê tông cốt thép theo từng phân đội.

- Xung quanh từng căn cứ chúng bố trí từ 7 đến 12 lớp hàng rào kẽm gai và xen kẻ các lớp mìn sát thương, phát sáng. Đặc biệt chúng xây dựng tuyến hàng rào điện tử Macnamara từ Cửa Việt đến Lao Bảo.

Vì địa hình phức tạp và sự đánh phá ác liệt của ta nên chúng mới xây dựng từ Cửa Việt đến đồi 31 (dài 3km) với quy mô hoàn chỉnh, còn lại chúng chỉ xây dựng xung quanh phạm vi các điểm chốt.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 04:10:04 pm
II - TỘI ÁC CỦA ĐẾ QUỐC MỸ VÀ BÈ LŨ TAY SAI ĐỐI VỚI
NHÂN DÂN VÀ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TỈNH QUẢNG TRỊ TỪ 1954-1975.

1. Đánh phá bằng máy bay:

- B52: 11.090 lần chiếc

- Máy bay chiến thuật: 30.354 lần chiếc.

Trong 6 năm leo thang bắn phá miền Bắc, bình quân chúng thả bom 2 trận/ngày.

2. Tàu chiến: 24 lần xâm phạm bờ biển.

3. Số trận càn của địch: 5.379 trận.

4. Tổng số bom đạn ném xuống địa bàn Quảng Trị đã nổ:

- Số lượng bom: 2.764.285 tấn

- Số lượng pháo: 1.543.937 quả.

Bình quân: 588 tấn bom và 328 quả pháo/km vuông và hàng nghìn quả thủy lôi bị phá hoặc bị nổ ở bờ biển Quảng Trị.

5. Số lượng bom đạn các loại rà phá được sau chiến tranh: 12.228.045 quả. (Tính đến tháng 5-1997).

6. Thiệt hại do chiến tranh gây ra

- Thiệt hại về người:

+ Chết 18.812 người (trong đó có 4.512 thường dân)

+ Bị thương: 14.370 người (trong đó có 7.764 thường dân)

- Số trâu bò bị chết: 36.949 con

- Nhà cháy: 76.629 cái

- Đánh sập 98 chùa, 24 nhà thờ

- Phá hủy 45 cơ sở y tế, 72 trường học.

- Hủy diệt 7 công trình văn hóa

- Đánh sập 2 công trình thủy lợi lớn và 377 cầu cống

- Rải 270 vụ chất độc hóa học.

- 98% thôn xóm bị tàn phá nặng nề.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã để lại trên địa bàn Quảng Trị 65.000 liệt sĩ. Trong đó có 14.300 liệt sĩ người Quảng Trị, 6.606 thương binh, 1.658 bệnh binh, 2.436 người bị tù đày đánh đập thành thương tật. Có 11.560 gia đình liệt sĩ.

7. Số người bị bom đạn sau chiến tranh: Gần 10.000 người.

8. Những vụ thảm sát lớn:

- Vụ thảm sát ở Hướng Điền (Hướng Hóa) giết hại 94 người.

- Ném bom sập địa đạo 5 vụ, chết hàng trăm người.

- Giết người hàng loạt bằng bom đạn 134 vụ có 2 vụ chết từ 100 người trở lên.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 04:11:34 pm
III - THÀNH TÍCH CỦA QUÂN VÀ DÂN QUẢNG TRỊ
21 NĂM CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC:

1. Kết quả phục vụ chiến đấu và chi viện chiến trường:

Dân quân du kích và nhân dân địa phương đã bỏ ra hàng triệu ngày công để vận chuyển đạn dược, lương thực, thực phẩm, vận tải thương binh, bệnh binh, đưa đón cán bộ. Cung cấp hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm cho bộ đội và nuôi dấu cán bộ hoạt động bí mật.

- Bỏ ra hàng triệu ngày công để làm các công trình phòng tránh, công sự hầm hào chiến đấu.

+ Hào giao thông: 2.017.650 mét

+ Hầm chữ A: 40.821 cái

+ Hầm chìm: 10.641 cái.

+ Hàm lán: 61.158 cái

+ Hầm công cộng: 57.887 cái.

+ Địa đạo: 55 cái bằng 31.762m.

- Số lá cờ treo trên cột cờ Hiền Lương.

+ Từ tháng 5-1956 đến tháng 10-1967 cột cờ cao 34 mét đã treo hết 264 lá cờ rộng 134m2.

+ Năm 1967 cột cờ bị bom Mỹ đánh gãy, các chiến sĩ công an Hiền Lương đã 11 lần dựng lại cột cờ bằng gỗ cao 34,5 mét, treo hết 42 lá cờ. Đến năm 1973, ta xây dựng lại cột cờ bằng ống thép cao 35,5m.

2. Kết quả chiến đấu:

- Số trận đánh: 9.817 trận (chưa thống kê hết).

- Đấu tranh chính trị: 1.388 cuộc (thống kê chưa đầy đủ).

- Binh địch vận: + Viết hàng trăm nghìn lá thư, hàng triệu truyền đơn kêu gọi binh lính trở về. Nội ứng phối hợp diệt căn cứ, công sở, binh biến một đại đội biệt kích người Thượng, 2 trung đội dân vệ số 17, 18; 2 trụ sở xã, hàng trăm trung đội thôn vệ.

+ Đốt phá hàng nghìn khẩu hiệu của địch.

+ Gọi hàng 1.866 tên trở về với cách mạng.

+ Bắn cháy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép.

+ Tổng số máy bay bị bắn rơi: 1.092 chiếc.

+ Lực lượng địa phương độc lập bắn rơi: 387 chiếc có 7 chiếc B52.

Số đơn vị bắn rơi từ 5 chiếc trở lên: Đồn biên phòng Cù Bạc, xã Vĩnh Thủy, xã A Ngo, xã Tà Rụt, xã Gio An, xã Trung Hải, bộ đội đảo Cồn Cỏ. Hải Dương bắn rơi 3 máy bay, bắt 7 giặc lái.

- Số tàu chiến địch bị bắn chìm: 504 chiếc.

- Đấu tranh chống gián điệp biệt kích:

+ Ngày 5-4-1967 quân và dân xã Cù Bai đã phát hiện và đánh trả tiêu diệt 23 tên biệt kích thám báo.

+ Ngày 5-5-1967 bộ đội biên phòng Cù Bai đã phát hiện và tiêu diệt 5 tên biệt kích.

+ Ngày 6-7-1967 nhân dân và bộ đội biên phòng Cù Bai đã phát hiện và diệt 11 tên thám báo.

3. Những dấu son vẻ vang trong đánh máy bay Mỹ:

- Ngày 8-2-1965, ngày đầu tiên đế quốc Mỹ oanh tạc Vĩnh Linh. Bộ đội địa phương kết hợp với dân quân du kích đã bắn tan xác 6 máy bay và nhiều chiếc khác bị thương.

- Ngày 21-3-1965, chỉ trong một ngày với tinh thần chiến đấu dũng cảm, quân và dân Cù Bạc đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ.

- Ngày 11-11-1966 quân và dân Vĩnh Thủy phối hợp với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực, trong một ngày bắn rơi 6 máy bay, bắt sống 5 giặc lái.

- Ngày 13-11-1965, quân dân Vĩnh Chấp bằng 23 viên đạn cao xạ 12,7 ly đã tiêu diệt một máy bay F4H của Mỹ.

- Ngày 7-9-1967 quân dân Vĩnh Linh đầu tiên bắn rơi 2 máy bay B52 của Mỹ.

- Ngày 31-5-1968 bộ đội đảo Cồn Cỏ bắn rơi 4 máy bay Mỹ.

4. Những đơn vị của Bộ chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị:

Sư đoàn 304, sư đoàn 308, sư đoàn 320, sư đoàn 324, sư đoàn 325, sư đoàn 312.

Trung đoàn 6 độc lập, trung đoàn 164 pháo binh độc lập, trung đoàn 45 pháo xe kéo, trung đoàn 84 pháo mang vác, trung đoàn 214 súng máy cao xạ, trung đoàn 280 pháo cao xạ, Trung đoàn 326 tên lửa, tiểu đoàn 2, 15, 19, 35 độc lập, tiểu đoàn 25, 31, 33, 35 đặc công.

Trung đoàn 203, 202 thiết giáp.

Trung đoàn 249, 229 công binh.

Đoàn 126 hải quân.


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 04:14:04 pm
IV - KHEN THƯỞNG:

1. Được Bác Hồ khen ngợi:

- Năm 1966 khu vực Vĩnh Linh vừa chiến đấu vừa sản xuất giành được nhiều thành tích xuất sắc, được Bác Hồ khen ngợi và gửi tặng HTX Vĩnh Kim “lá cờ đầu trong phong trào sản xuất nông nghiệp” một chiếc máy cày của Tiệp Khắc tặng Bác năm 1959.

- Từ năm 1965 đến năm 1969 cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ được Bác gửi thư khen ngợi hai lần và Bác tặng cán bộ chiến sĩ hai câu thơ:

Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận
Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ.

- Ngày 14-2-1965 trong đợt cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An bắn chìm một tàu biệt kích (1-2-1965) và trong những ngày 7, 8, 11 tháng 2-1965 đã bắn rơi 22 máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống một tên thiếu tướng phi công Mỹ, Bác khen: “Tất cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang, dân quân du kích, cán bộ và đồng bào vùng bị địch phá hoại đã đoàn kết chiến đấu tốt”.

- Ngày 15-11-1966 Bác gửi thư khen: Đồng bào và bộ đội Vĩnh Linh nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, mặc dù giặc Mỹ ném bom, bắn phá dã man, Vĩnh Linh đã chiến đấu anh dũng và chiến thắng vẻ vang”.

- Ngày 12-5-1967 nhân dịp Vĩnh Linh bắn rơi 100 máy bay Mỹ, Bác gửi thư khen: “Đồng bào, bộ đội và cán bộ Vĩnh Linh đã đoàn kết anh dũng kiên cường trong chiến đấu và sản xuất, giành nhiều thắng lợi vẻ vang”.

- Ngày 20-9-1967 Bác gửi thư khen quân và dân Vĩnh Linh lần đầu bắn rơi 2 chiếc máy bay B52 của giặc Mỹ.

- Ngày 27-12-1967 Bác gửi thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ Quân khu 4 đã bắn rơi 1000 máy bay giặc Mỹ.

- Ngày 10-8-1968 Bác gửi thư khen quân và dân Vĩnh Linh bắn rơi 200 máy bay Mỹ, bắn chìm và bắn cháy 33 tàu chiến các loại và được tặng 2 câu thơ:

Đánh cho giặc Mỹ tan tành
Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng.

2. Được Quốc hội và Nhà nước tặng thưởng:

- Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Trị được phong tặng danh hiệu anh hùng.

- 26 đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang.

- 56 địa phương anh hùng.

- 8/8 huyện thị được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

- 32 cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng lao động.

- Khi đang còn tỉnh Bình Trị Thiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

- Được Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng thưởng 4 Huân chương Thành đồng, 3 Huân chương Giải phóng.

- Được Nhà nước tặng thưởng 374 Huân chương Độc lập nhất, nhì, ba.

- Trong kháng chiến chống Mỹ được Nhà nước tặng thưởng 52.560 Huân - Huy chương: nhất, nhì, ba và hàng chục vạn Huân - Huy chương Quyết thắng.

3. Danh sách đơn vị, địa phương, cá nhân bà mẹ Việt Nam anh hùng

A. ĐƠN VỊ ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

1. Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị

2. Lực lượng vũ trang khu vực Vĩnh Linh

3. Lực lượng vũ trang huyện Hướng Hóa

4. Lực lượng vũ trang đảo Cồn Cỏ

5. Trung đoàn 6 (Trung đoàn Phú Xuân - Quảng Trị)

6. Tiểu đoàn 3 (Bộ đội địa phương - Quảng Trị)

7. Tiểu đoàn 8 (Bộ đội địa phương - Quảng Trị)

8. Tiểu đoàn 10 (Bộ đội địa phương - Quảng Trị)

9. Tiểu đoàn 14 (Bộ đội địa phương - Quảng Trị)

10. Tiểu đoàn 6 pháo cao xạ

11. Đại đội 8 pháo binh

12. Đại đội 10 pháo binh

13. Đại đội 13 pháo binh (Vĩnh Linh)

14. Đại đội Lê Hồng Phong (Vĩnh Linh)

15. Đại đội 4 (Bộ đội địa phương Gio Linh)

16. Đại đội 15 (Bộ đội địa phương Cam Lộ)

17. Đại đội 20 (Quân y Vĩnh Linh)

18. Đại đội 1 an ninh vũ trang Quảng Trị

19. Đại đội trinh sát vũ trang Gio Linh

20. Đội trinh sát vũ trang Cam Lộ.

21. Ban an ninh thị xã Quảng - Hà

22. Đồn công an Cù Bai (2 lần)

23. Đồn công an Cửa Tùng (đôn 532)

24. Trạm công an vũ trang Hiền Lương

25. Đại đội 45 an ninh vũ trang Quảng Trị

26. Tiểu đội 3, phân đội 180 công an vũ trang.

B - CÁC ĐỊA PHƯƠNG ANH HÙNG

1. Nông trường Quyết Thắng - Vĩnh Linh

2. HTX nông nghiệp Vĩnh Kim - Vĩnh Linh

3. Dân quân du kích xã Vĩnh Giang - Vĩnh Linh

4. Dân quân du kích xã Vĩnh Thủy - Vĩnh Linh

5. Dân quân du kích xã Vĩnh Quang - Vĩnh Linh

6. Dân quân du kích xã Vĩnh Chấp - Vĩnh Linh

7. Ban công an xã Vĩnh Sơn - Vĩnh Linh

8. Ban công an xã Vĩnh Lâm - Vĩnh Linh

9. Ban công an xã Vĩnh Giang - Vĩnh Linh

10. Đội chiếu bóng số 1 (số 13 cũ) - Vĩnh Linh

11. Tổ dây máy bưu điện - Vĩnh Linh

12. Cán bộ và nhân dân huyện Gio Linh

13. Cán bộ và nhân dân xã Trung Hải - Gio Linh

14. Cán bộ và nhân dân xã Trung Giang - Gio Linh

15. Cán bộ và nhân dân xã Gio Hải - Gio Linh

16. Cán bộ và nhân dân xã Gio An - Gio Linh

17. Cán bộ và nhân dân huyện Cam Lộ

18. Cán bộ và nhân dân xã Cam Chính - Cam Lộ

19. Cán bộ và nhân dân xã Cam Thanh - Cam Lộ

20. Trường vừa học vừa làm Tân Lâm - Cam Lộ

21. Cán bộ và nhân dân phường Đông Thanh - Đông Hà

22. Cán bộ và nhân dân huyện Triệu Phong

23. Dân quân du kích xã Triệu Ái - Triệu Phong

24. Dân quân du kích xã Triệu Trạch - Triệu Phong

25. Dân quân du kích xã Triệu Thượng - Triệu Phong

26. Cán bộ và nhân dân xã Triệu Lăng - Triệu Phong

27. Cán bộ và nhân dân huyện Hải Lăng

28. Cán bộ và nhân dân xã Hải Thượng - Hải Lăng

29. Ban công an xã Hải Phú - Hải Lăng

30. Ban công an xã Hải Phúc - Hải Lăng

31. Cán bộ và nhân dân xã Hải Lệ - Hải Lăng

32. Dân quân du kích xã Hướng Lập - Hướng Hóa

33. Dân quân du kích xã A Túc - Hướng Hóa

34. Ban công an xã Tà Rụt - Hướng Hóa

35. Ban an ninh xã Gio Hải - Gio Linh

36. Nhân dân và Ban an ninh huyện Gio Linh

37. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Gio Mỹ (Gio Mỹ và Gio Thành)

38. Nhân dân và lực lượng vũ trang Gio Hà (Gio Mai và Gio Phong)

39. Tự vệ Bưu điện Vĩnh Linh

40. Tự vệ Bệnh viện Vĩnh Linh

41. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh Thành - Vĩnh Linh

42. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh Thạch - Vĩnh Linh

43. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh Thái - Vĩnh Linh

44. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cam Thủy - Cam Lộ

45. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hải An - Hải Lăng

46. Nhân dân và lực lượng vũ trang phường Đông Giang - Đông Hà

47. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hải Vĩnh - Hải Lăng

48. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Triệu Vân - Triệu Phong

49. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hải Lâm - Hải Lăng

50. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Trung Sơn - Gio Linh

51. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Triệu Lễ - Thị xã Đông Hà


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 04:15:37 pm
C – ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

    TT   
HỌ VÀ TÊN
Quê quán
1
Lê Văn BanVĩnh Giang - Vĩnh Linh
2
Phan Thanh ChungHải Thượng - Hải Lăng
3
Trương Văn ĐoVĩnh Sơn - Vĩnh Linh
4
Nguyễn Đức HànhTriệu Phước - Triệu Phong
5
Đào Xuân Hướng (Phương) Vĩnh Chấp - Vĩnh Linh
6
Trương Thị KhuêVĩnh Thủy - Vĩnh Linh
7
Lê Văn KỉnhTriệu Sơn - Triệu Phong
8
Nguyễn Thị LýTriệu Hòa - Triệu Phong
9
Trương Thanh NamVĩnh Giang - Vĩnh Linh
10
Phan Hữu SínhVĩnh Thái - Vĩnh Linh
11
Hồ SoiHướng Hóa
12
Lê Thị Xuân TámTriệu Thượng - Triệu Phong
13
Trần Thị TâmHải Khê - Hải Lăng
14
Nguyễn Thị ThanhTrung Giang - Gio Linh
15
Võ ThiếtHải Dương - Hải Lăng
16
Trương Quang ThọGio Hải - Gio Linh
17
Văn Thị XuânHải Phú - Hải Lăng
18
Nguyễn Chí PhiTrung Giang - Gio Linh
19
Thái Văn ATuyên Hóa - Quảng Bình
20
Cao Lương BằngTuyên Hóa - Quảng Bình
21
Nguyễn Xuân CầnNghệ An
22
Lê Viết CùQuảng Bình
23
Trương Viết CươngPhong Điền - TT - Huế
24
Việt HàLê Thủy - Quảng Bình
25
Cao Văn KhangHoàng Hóa - Thanh Hóa
26
Nguyễn Văn MậtBố Trạch - Quảng Bình


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 04:18:05 pm
THỐNG KÊ SỐ LƯỢNG BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG ĐÃ TUYÊN DUONG

Đợt
Tổng số
  Liệt sĩ
Từ trần
Còn sống
1 con duy nhất
2 con duy nhất
2 con và chồng
3 con
4 con
6 con
Trường hợp khác
I
30
2
15
13
1
0
3
13
6
2
5
II
417
9
315
93
186
35
27
134
14
0
21
III
53
0
47
6
25
8
6
9
3
0
2
IV
59
1
51
7
31
1
8
16
1
0
2
V
132
0
128
4
81
9
0
24
0
0
13
Cộng
691
12
556
123
324
53
44
196
24
2
43

* Số quyết định ngày tháng tuyên dương:
179/KT-CTN ngày 31-3-1995 (Đợt 1+2+3+4)
- Số 1212/KT-CTN ngày 28-4-1997 (Đợt 5)


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 04:30:40 pm
DANH SÁCH CÁC BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
Được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
tuyên dương trong năm 1994-1995

TT
HỌ VÀ TÊN
QUÊ QUÁN
1Nguyễn Thị DươngTriệu Lăng - Triệu Phong
2Trần Thị MítHải Phú - Hải Lăng
3Phạm Thị ChụtHải Thượng - Hải Lăng
4Trần Thị LâmCam Nghĩa - Cam Lộ
5Lâm Thị PhúCam Chính - Cam Lộ
6Trần Thị RiềngTrung Hải - Gio Linh
7Bùi Thị BệcHải Thượng - Hải Lăng
8Hà Thị ChútHải Lệ - Hải Lăng
9Trần Thị ThíTriệu Thượng - Triệu Phong
10Trương Thị PhứcTriệu Phước - Triệu Phong
11Võ Thị ThiuTriệu Ái - Triệu Phong
12Đoàn Thị ĐãHải An - Hải Lăng
13Lê Thị VẻHải Xuân - Hải Lăng
14Nguyễn Thị HoànVĩnh Thạch - Vĩnh Linh
15Phạm Thị ƠnVĩnh Hòa - Vĩnh Linh
16Đinh Thị LuậtVĩnh Lâm - Vĩnh Linh
17Trần Thị ThíTrung Sơn - Gio Linh
18Văn Thị ThủyHải Phú - Hải Lăng
19Lê Thị SảVĩnh Giang - Vĩnh Linh
20Nguyễn Thị TọtVĩnh Nam - Vĩnh Linh
21Lê Thị CháuTriệu Thượng - Triệu Phong
22Đoàn Thị ThiênTriệu Lăng - Triệu Phong
23Trần Thị DyTriệu Trung - Triệu Phong
24Đặng Thị ChuốcTriệu Thành - Triệu Phong
25Đào Thị SáchHải Thượng - Hải Lăng
26Nguyễn Thị PhụngCam Chính - Cam Lộ
27Nguyễn Thị NgàCam Chính - Cam Lộ
28Nguyễn Thị ThoanCam Chính - Cam Lộ
29Nguyễn Thị ThoạiThị trấn Hồ Xá - Vĩnh Linh
30Hồ Thị KhừnMò Ó - Hướng Hóa
31Giã Phun (Hồ Thị Giả Từ)A Túc - Hướng Hóa
32Lê Thị MượnTrung Hải - Gio Linh
33Lê Thị ThuyềnHải Thượng - Hải Lăng
34Trần Thị MùiHải Thượng - Hải Lăng
35Trần Thị GiòngHải Thượng - Hải Lăng
36Phan Thị ChiHải Thượng - Hải Lăng
37Nguyễn Thị QuýHải Phú - Hải Lăng
38Phan Thị DỡHải An - Hải Lăng
39Võ Thị SảngHải An - Hải Lăng
40Võ Thị LộcHải Ba - Hải Lăng
41Võ Thị RốtHải Ba - Hải Lăng
42Trương Thị LữHải Trường - Hải Lăng
43Nguyễn Thị TràngHải Sơn - Hải Lăng
44Nguyễn Thị KiệmVĩnh Giang - Vĩnh Linh
45Hoàng Thị CặnVĩnh Quang - Vĩnh Linh
46Nguyễn Thị PhượngTriệu Tài - Triệu Phong
47Phan Thị UyTriệu Thượng - Triệu Phong
48Trần Thị LiênTriệu Vân - Triệu Phong
49Trần Thị ThìnhTriệu Phước - Triệu Phong
50Nguyễn Thị ChenTriệu Vân - Triệu Phong
51Trần Thị TruyệnGio Hải - Gio Linh
52Nguyễn Thị GiáTriệu Đông - Triệu Phong
53Hồ Thị ThơmTriệu Đông - Triệu Phong
54Hoàng Thị ÚtTriệu Đông - Triệu Phong
55Dương Thị XuyênTriệu Hòa - Triệu Phong
56Nguyễn Thị ThíTriệu An - Triệu Phong
57Lê Thị ThiệuTriệu Tài - Triệu Phong
58Lê Thị LươngTriệu Đại - Triệu Phong
59Võ Thị ChútTriệu Thượng - Triệu Phong
60Nguyễn Thị BẽoTriệu Thượng - Triệu Phong
61Lê Thị TùyTriệu Thượng - Triệu Phong
62Nguyễn Thị LýTriệu Thượng - Triệu Phong
63Lê Thị SangTriệu Thượng - Triệu Phong
64Hoàng Thị ĐịuTriệu Vân - Triệu Phong
65Trần Thị ChắtTriệu Trạch - Triệu Phong
66Nguyễn Thị CươngTriệu Tài - Triệu Phong
67Nguyễn Thị ThỉuTriệu Trạch - Triệu Phong
68Lê Thị TuyếtTriệu Trạch - Triệu Phong
69Phan Thị SỏTriệu Vân - Triệu Phong
70Trần Thị ChấnTriệu Vân - Triệu Phong
71Nguyễn Thị QuyệtTriệu Vân - Triệu Phong
72Nguyễn Thị CháuTriệu Vân - Triệu Phong
73Lê Thị Nhật (Dực)Triệu Nguyên - Triệu Phong
74Lê Thị TruyTriệu Phước - Triệu Phong
75Hồ Thị LiênTriệu Ái - Triệu Phong
76Nguyễn Thị ĐàoTriệu Ái - Triệu Phong
77Nguyễn Thị Đậy (Kiểu)Triệu Sơn - Triệu Phong
78Nguyễn Thị ThíTriệu Ái - Triệu Phong
79Trần Thị KiềuTriệu Lăng - Triệu Phong
80Trần Thị NồiTriệu Sơn - Triệu Phong
81Lê Thị LiễuHải Tân - Hải Lăng
82Trần Thị LiễuTriệu Phước - Triệu Phong
83Mai Thị ThườngTriệu Trạch - Triệu Phong
84Phan Thị CàngTriệu Thượng - Triệu Phong
85Phạm Thị HảiCam Thủy - Cam Lộ
86Nguyễn Thị DoãnCam Thủy - Cam Lộ
87Trần Thị LươngCam Thanh - Cam Lộ
88Trần Thị GiápVĩnh Sơn  - Vĩnh Linh
89Nguyễn Thị KhêVĩnh Tân - Vĩnh Linh
90Trần Thị ThoạiVĩnh Nam - Vĩnh Linh
91Phạm Thị ẨiTrung Giang - Gio Linh
92Nguyễn Thị ThủyVĩnh Lâm - Vĩnh Linh
93Hồ Thị LanVĩnh Lâm - Vĩnh Linh
94Nguyễn Thị ÍchVĩnh Thành - Vĩnh Linh
95Nguyễn Thị KinhVĩnh Thành - Vĩnh Linh
96Nguyễn Thị HôVĩnh Thạch - Vĩnh Linh
97Nguyễn Thị ThờiVĩnh Thạch - Vĩnh Linh
98Ngô Thị DỡVĩnh Thạch - Vĩnh Linh
99Nguyễn Thị TýHải Lệ - Hải Lăng
100Văn Thị HuềHải Phú - Hải Lăng
101Trần Thị TriềnHải Thượng - Hải Lăng
102Nguyễn Thị LựuHải Tân - Hải Lăng
103Dương Thị HòiHải Quế - Hải Lăng
104Nguyễn Thị HứaHải Lâm - Hải Lăng
105Nguyễn Thị BẹpHải Ba - Hải Lăng
106Nguyễn Thị TầnHải An - Hải Lăng
107Đặng Thị HôiHải An - Hải Lăng
108Lê Thị DoãnHải An - Hải Lăng
109Mai Thị ĐoánHải An - Hải Lăng
110Phan Thị PhànHải An - Hải Lăng
111Võ Thị ThỉuHải Quy - Hải Lăng
112Nguyễn Thị KiếnHải Lệ - Hải Lăng
113Nguyễn Thị ConHải Lệ - Hải Lăng
114Hồ Thị ThíHải Lệ - Hải Lăng
115Trịnh Thị PhượngHải Phú - Hải Lăng
116Phan Thị SâmHải Thượng - Hải Lăng
117Nguyễn Thị BiềnHải Thượng - Hải Lăng
118Nguyễn Thị QuýHải Thượng - Hải Lăng
119Phan Thị ThảoHải Thượng - Hải Lăng
120Mai Thị KiệnGio Mỹ - Gio Linh
121Lê Thị ThíGio Quang - Gio Linh
122Nguyễn Thị LiêmGio Phong - Gio Linh
123Nguyễn Thị TuGio Mỹ - Gio Linh
124Lê Thị CangGio Mỹ - Gio Linh ;
125Lê Thị ĐàoTrung Sơn - Gio Linh
126Bùi Thị ĐiểmTrung Giang - Gio Linh
127Hoàng Thị LiếcTrung Giang - Gio Linh
128Dương Thị DỹTriệu Tài - Triệu Phong
129Phan Thị ChêTriệu Tài - Triệu Phong
130Bùi Thị QuýTrung Hải - Gio Linh
131Hoàng Thị QuêTrung Hải - Gio Linh
132Trần Thị HyTrung Hải - Gio Linh
133Hoàng Thị ThỉnhTrung Hải - Gio Linh
134Bùi Thi PhiếnTrung Hải - Gio Linh
135Trần Thị NuôiGio Châu - Gio Linh
136Nguyễn Thị NghiễmGio Châu - Gio Linh
137Trần Thị ThanhGio Việt - Gio Linh
138Hoàng Thị BiGio Bình - Gio Linh
139Bùi Thị MiếnGio Sơn - Gio Linh
140Hoàng Thị ThótĐông Giang - Đông Hà
141Nguyễn Thị DượcĐông Giang - Đông Hà
142Mai Thị HàngĐông Giang - Đông Hà
143Phạm Thị DụyĐông Thanh - Đông Hà
144Hồ Thị LụtĐông Thanh - Đông Hà
145Nguyễn Thị ThấtTriệu Lương - Đông Hà
146Hoàng Thị ChìPhường 2 - Đông Hà
147Phan Thị TảoTriệu Ái - Triệu Phong
148Tạ Thị KêVĩnh Hòa - Vĩnh Linh
149Lê Thị VườnHải Quế - Hải Lăng
150Đinh Thị ĐạtVĩnh Long - Vĩnh Linh
151Cao Thị BộiVĩnh Long - Vĩnh Linh
152Nguyễn Thị LýTriệu Độ - Triệu Phong
153Trần Thị ThỉuTriệu Thượng - Triệu Phong
154Nguyễn Thị DẫnTriệu Long- Triệu Phong
155Nguyễn Thị KếTriệu Phước - Triệu Phong
156Nguyễn Thị TítTriệu Thuận - Triệu Phong
157Hồ Thị LệHải Lệ - Hải Lăng
158Lê Thị ThanhHải Phú - Hải Lăng
159Đỗ Thị ChútPhường 1 - Đông Hà
160Lê Thị KinhGio Mỹ - Gio Linh
161Bùi Thị ConGio Hải - Gio Linh
162Lê Thị HimTriệu Sơn - Triệu Phong
163Nguyễn Thị ToátTriệu Hòa - Triệu Phong
164Lê Thị CháuTriệu Vân - Triệu Phong
165Phan Thị PhứcTriệu Ái - Triệu Phong
166Lê Thị SừngTriệu Thượng - Triệu Phong
167Hồ Thị CháuGio Việt - Gio Linh
168Lê Thị ThíGio Thành - Gio Linh
169Nguyễn Thị ThúcHải Khê - Hải Lăng
170Nguyễn Thị ViễnHải Lâm - Hải Lăng
171Trần Thị SâmVĩnh Sơn - Vĩnh Linh
172Phan Thị QuếHải Vĩnh - Hải Lăng
173Nguyễn Thị NémTriệu Trạch - Triệu Phong
174Ngô Thị LiễuVĩnh Thành - Vĩnh Linh
175Phan Thị ThôiCam Chính - Cam Lộ
176Bùi Thị SanThị xã Quảng Trị (Triệu Hòa - Triệu Phong)
177Nguyễn Thị NguyệtTriệu Lễ - Đông Hà
178Hoàng Thị ThạnhTriệu Vân - Triệu Phong
179Nguyễn Thị NgâuTriệu Phước - Triệu Phong
180Hoàng Thị ThựTrung Hải - Gio Linh
181Ngô Thị NgaTrung Hải - Gio Linh
182Nguyễn Thị SiêmHải Thượng - Hải Lăng
183Hoàng Thị XinHải Lâm - Hải Lăng
184Nguyễn Thị LaiVĩnh Tú - Vĩnh Linh
185Lê Thị ThiệmVĩnh Giang - Vĩnh Linh
186Nguyễn Thị NguyệtTriệu Lễ - Đông Hà
187Trương Thị ĐĩuGio Mai - Gio Linh
188Nguyễn Thị ChâuTriệu Lương - Đông Hà
189Hoàng Thị HánTriệu Tài - Triệu Phong
190Bùi Thị CảnhTriệu Hòa - Triệu Phong
191Nguyễn Thị ChưTriệu Vân - Triệu Phong
192Nguyễn Thị ThuyếtTriệu Ái - Triệu Phong
193Hoàng Thị KiếnTriệu Lăng - Triệu Phong
194Lê Thị DựHải Xuân - Hải Lăng
195Phạm Thị QuỳHải Tân - Hải Lăng
196Phan Thị ThạoHải An - Hải Lăng
197Lê Thị ĐẩuHải Thượng - Hải Lăng
198Hoàng Thị TiềnTrung Hải - Gio Linh
199Nguyễn Thị BàuTrung Hải - Gio Linh
200Trần Thị LýGio An - Gio Linh
201Trần Thị NghêGio Bình - Gio Linh
202Hồ Thị KiểuPhường 5 - Đông Hà
203Lê Thị SanTriệu Tài - Triệu Phong
204Hoàng Thị MaiTriệu Tài - Triệu Phong
205Phan Thị KhuyênTriệu Thượng - Triệu Phong
206Nguyễn Thị ThỏnVĩnh Tân - Vĩnh Linh
207Nguyễn Thị KhuyênVĩnh Tú - Vĩnh Linh
208Võ Thị HoátThị Trấn Hồ Xá
209Phạm Thị NghiêmTriệu Độ - Triệu Phong
210Nguyễn Thị NgưuTriệu Ái - Triệu Phong
211Ngô Thị KhướuHải Lệ - Hải Lăng
212Ngô Thị XoắnVĩnh Giang - Vĩnh Linh
213Nguyễn Thị TốtHải Xuân - Hải Lăng
214Hồ Thị CảoĐông Thanh - Đông Hà
215Đào Thị VuiHải Thượng - Hải Lăng
216Trương Thị DượcHải Trường - Hải Lăng
217Phùng Thị CảiVĩnh Thạch - Vĩnh Linh
218Nguyễn Thị CườmTriệu Nguyên - Triệu Phong
219Đoàn Thị ĐĩuGio Phong - Gio Linh
220Nguyễn Thị ĐỡmTriệu Lễ,- Đông Hà
221Nguyễn Thị ThíaHải Vĩnh - Hải Lăng
222Nguyễn Thị UyênHải Lâm - Hải Lăng
223Trần Thị ChútTrung Sơn - Gio Linh
224Trần Thị DuyếnCam Thanh - Cam Lộ
225Nguyễn Thị ChùyTriệu Ái - Triệu Phong
226Nguyễn Thị ThủyHải Tân - Hải Lăng
227Lê Thị HướcVĩnh Tú - Vĩnh Linh
228Nguyễn Thị TốHải Lăng (phường 3 Đông Hà)
229Lê Thi ConTriệu Trạch - Triệu Phong
230Phan Thị ConGio Hải - Gio Linh
231Phan Thị HuộtTrung Giang - Gio Linh
232Trần Thị XuyếnTrung Giang - Gio Linh
233Trần Thị DuậnHải Tân - Hải Lăng
234Nguyễn Thị DiệpTriệu Vân - Triệu Phong
235Nguyễn Thị ThôngCam Nghĩa - Cam Lộ
236Hoàng Thị CânCam Hiếu - Cam Lộ
237Nguyễn Thị XiêmTriệu Ái - Triệu Phong
238Võ Thị SâmTrung Sơn - Gio Linh
239Hoàng Thị KhiêmCam Hiếu - Cam Lộ
240Đặng Thị ĐánTriệu Thành - Triệu Phong
241Dương Thị BưngTrung Giang - Gio Linh
242Đỗ Thị HạnhGio Mai - Gio Linh
243Trương Thị ConGio Mai - Gio Linh
244Phan Thị NảiHải Thượng - Hải Làng
245Nguyễn Thị VânTriệu Ái - Triệu Phong
246Võ Thị DẫnHải An - Hải Lăng
247Phan Thị LựuCam Hiếu - Cam Lộ
248Nguyễn Thị NghèTriệu An - Triệu Phong
249Trương Thị ViTriệu Đại - Triệu Phong
250  Châu Thị CửuTriệu Thành - Triệu Phong


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 04:39:21 pm
TTHỌ VÀ TÊNQUÊ QUÁN
251Đoàn Thị HóTriệu Lăng - Triệu Phong
252Lê Thị ĐạtVĩnh Thành - Vĩnh Linh
253Lê Thị LangHải Tân - Hải Lăng
254Võ Thị HồiHải Lâm - Hải Lăng
255Nguyễn Thị TúcHải Hòa - Hải Lăng
256Nguyễn Thị MãoHải Vĩnh - Hải Lăng
257Phan Thị ĐiệpHải Thượng - Hải Lăng
258Bùi Thị GiảnGio Việt - Gio Linh
259Lê Thị TýTriệu Lương - Đông Hà
260Nguyễn Thị ThiêmTriệu Lễ - Đông Hà
261Hồ Thị TiếpĐông Thanh - Đông Hà
262Bùi Thị BàiGio Sơn - Gio Linh
263Nguyễn Thị ConGio Việt - Gio Linh
264Nguyễn Thị HòeGio Hải - Gio Linh
265Lê Thị BiuGio Mỹ - Gio Linh
266Nguyễn Thị ConTrung Giang - Gio Linh
267Hồ Thị SenTrung Giang - Gio Linh
268Phan Thị NguyệtHải Thượng - Hải Lăng
269Phan Thị LỳHải Phú - Hải Lăng
270Ngô Thị BờiHải Lệ - Hải Làng
271Võ Thị NgaHải Vĩnh - Hải Lăng
272Văn Thị ThơiHải Khê - Hải Lăng
273Võ Thị ThanhHải An - Hải Lăng
274Lê Thị NậyVĩnh Hiền - Vĩnh Linh
275Lê Thị ĐĩuVĩnh Nam - Vĩnh Linh
276Hoàng Thị NậyVĩnh Hòa - Vĩnh Linh
277Lê Thị CúcTriệu Tài - Triệu Phong
278Trần Thị VàngTriệu Đại - Triệu Phong
279Lê Thị Nây (Ngoản)Triệu Đại - Triệu Phong
280Đặng Thị QuếTriệu Thành - Triệu Phong
281Hoàng Thị LớiTriệu Ái - Triệu Phong
282Lê Thị ĐinhTriệu Long - Triệu Phong
283Đoàn Thị RớtTriệu Lăng - Triệu Phong
284Đoàn Thị TúyTriệu Lăng - Triệu Phong
285Lê Thị ChanhTriệu Tài - Triệu Phong
286Nguyễn Thị NậyCam Hiếu - Cam Lộ
287Hoàng Thị LũCam Hiếu - Cam Lộ
288Võ Thị KiểmTriệu Lăng - Triệu Phong
289Lê Thị ThíTriệu Ái - Triệu Phong
290Trần Thị TrảnVĩnh Trung - Vĩnh Linh
291Nguyễn Thị HuyếnVĩnh Tú - Vĩnh Linh
292Trần Thị LộiVĩnh Tú - Vĩnh Linh
293Cao Thị NànCam Nghĩa - Cam Lộ
294Hồ Thị ConCam Tuyền - Cam Lộ
295Trần Thị ThoenCam Chính - Cam Lộ
296Nguyễn Thị LãnhHải An - Hải Lăng
297Nguyễn Thị ĐạmGio Phong - Gio Linh
298Hoàng Thị LéGio Việt - Gio Linh
299Nguyễn Thị ThanhTriệu Phong - P1 Đông Hà
300Y LừaPa Tầng - Hướng Hóa
301Hồ Thị MiếtHướng Phùng - Hướng Hóa
302Căn ThengA Ngò - Hướng Hóa
303Lâm Thị NuôiGio An - Gio Linh
304Trịnh Thị ThẩnTrung Sơn - Gio Linh
305Nguyễn Thị ChútGio Mỹ - Gio Linh
306Trương Thị ThíGio Mai - Gio Linh
307Lê Thị ThịHải Thượng - Hải Lăng
308Đỗ Thị KhécGio Quang - Gio Linh
309Nguyễn Thị KiênHải Thượng - Hải Lăng
310Nguyễn Thị MẹoHải Thượng - Hải Lăng
311Phan Thị ThíHải Thượng - Hải Lăng
312Nguyễn Thị BạnHải Phú - Hải Lăng
313Phan Thị ĐĩuHải Lệ - Hải Lăng
314Nguyễn Thị ChútHải Vĩnh - Hải Lăng
315Nguyễn Thị HòeHải Vĩnh - Hải Lăng
316Nguyễn Thị ThạcHải Vĩnh - Hải Lăng
317Cái Thị TínhHải Xuân - Hải Lăng
318Lê Thị ỶHải Xuân - Hải Lăng
319Lê Thị ThiuHải Khê - Hải Lăng
320Nguyễn Thị NậyHải Khê - Hải Lăng
321Trần Thị SúyHải Khê - Hải Lăng
322Trần Thị LanHải Khê - Hải Lăng
323Hồ Thị TớiHải Dương - Hải Lăng
324Đặng Thị ThíHải Thiên - Hải Lăng
325Nguyễn Thị LựuHải Chánh - Hải Lăng
326Nguyễn Thị ThoạiHải Lâm - Hải Lăng
327Nguyễn Thị TiềmHải Lâm - Hải Lăng
328Nguyễn Thị TỳHải Lâm - Hải Lăng
329Hoàng Thị BáiHải Quế - Hải Lăng
330Nguyễn Thị ĐàoVĩnh Thạch - Vĩnh Linh
331Lê Thị TiuVĩnh Giang - Vĩnh Linh
332Nguyễn Thị CháuVĩnh Thái - Vĩnh Linh
333Nguyễn Thị ConVĩnh Thái - Vĩnh Linh
334Nguyễn Thị BúpVĩnh Tân - Vĩnh Linh
335Dương Thị ThoànVĩnh Tú - Vĩnh Linh
336Lê Thị Mậu CháuTriệu Đông - Triệu Phong
337Nguyễn Thị ChúcTriệu Tài - Triệu Phong
338Trần Thị ĐoàiTriệu Vân - Triệu Phong
339Dương Thị YếnTriệu Phước - Triệu Phong
340Nguyễn Thị ThuẫnTriệu Ái - Triệu Phong
341Phan Thị ĐịnhTriệu Ái - Triệu Phong
342Nguyễn Thị CháuTriệu Ái - Triệu Phong
343Nguyễn Thị LanhTriệu Lăng - Triệu Phong
344Đỗ Thị KhâmCam Thủy - Cam Lộ
345Lê Thị GiãCam Hiếu - Cam Lộ
346Phạm Thị SuyềnThị trấn Cam Lộ
347Lê Thị LộcCam Nghĩa - Cam Lộ
348Cái Thị TiềnHải Quy - Hải Lăng
349Nguyễn Thị UyHải Khê - Hải Lăng
350Hồ Thị VuiHải Khê - Hải Lăng
351Trần Thị NậyHải Khê - Hải Lăng
352Văn Thị ĐuồiHải Khê - Hải Lăng
353Lê Thị LanHải Khê - Hải Lăng
354Mai Thị ThảnhHải An - Hải Lăng
355Lê Thị HóHải An - Hải Lăng
356Nguyễn Thị NậyHải Dương - Hải Lăng
357Mai Thị TrươngHải Ba - Hải Lăng
358Vương Thị HựuHải Thành - Hải Lăng
359Lê Thị VyHải Trường - Hải Lăng
360Hoàng Thị DâuHải Chánh - Hải Lăng
361Bùi Thị ThiuHải Chánh - Hải Lăng
362Nguyễn Thị LủiHải Chánh - Hải Lăng
363Bùi Thị ỐcHải Hòa - Hải Lăng
364Nguyễn Thị XuyHải Hòa - Hải Lăng
365Trần Thị ỐmHải Lâm - Hải Lăng
366Bùi Thị ChấtHải Tân - Hải Lăng
367Lê Thị HiệpTrung Sơn - Gio Linh
368Lê Thị HoằngVĩnh Thủy - Vĩnh Linh
369Nguyễn Thị DuyVĩnh Long - Vĩnh Linh
370Đỗ Thị ConVĩnh Long - Vĩnh Linh
371Lê Thị ÂnVĩnh Hiền - Vĩnh Linh
372Nguyễn Thị ĐắcVĩnh Tân - Vĩnh Linh
373Trần Thị ThótVĩnh Trung - Vĩnh Linh
374Nguyễn Thị KỷVĩnh Hòa - Vĩnh Linh
375Ngô Thị YếnVĩnh Hòa - Vĩnh Linh
376Hoàng Thị ThịVĩnh Nam - Vĩnh Linh
377Nguyễn Thị LượngVĩnh Hòa - Vĩnh Linh
378Lê Thị TiếtVĩnh Hòa - Vĩnh Linh
379Trần Thị ThínhVĩnh Tú - Vĩnh Linh
380Lê Thị PhòngVĩnh Tú - Vĩnh Linh
381Võ Thị TuyếnGio Mai - Gio Linh
382Nguyễn Thị LựuGio Mai - Gio Linh
383Nguyễn Thị HạcTrung Giang - Gio Linh
384Dương Thị LuyếnTrung Giang - Gio Linh
385Nguyễn Thị ChiuTrung Giang - Gio Linh
386Trần Thị SiếuTrung Giang - Gio Linh
387Nguyễn Thị TácTriệu Lăng - Triệu Phong
388Y Ta LuộiPa Tầng - Hướng Hóa
389Lê Thị VyHải Tân - Hải Lăng
390Lê Thị ThíCam Thủy - Cam Lộ
391Hồ Thị HạnhCam Thanh - Cam Lộ
392Nguyễn Thị NgáoCam Chính - Cam Lộ
393Đinh Thị ChiuCam Chính - Cam Lộ
394Nguyễn Thị ChẩnCam Chính - Cam Lộ
395Hồ Thị PhấnCam Chính - Cam Lộ
396Lê Thị HờnCam Chính - Cam Lộ
397Hoàng Thị KhánhCam Chính - Cam Lộ
398Hồ Thị NậyCam Chính - Cam Lộ
399Trần Thị ĐĩCam Nghĩa - Cam Lộ
400Nguyễn Thị SangCam Nghĩa - Cam Lộ
401Phan Thị ChútCam Thanh - Cam Lộ
402Nguyễn Thị MonCam Chính - Cam Lộ
403Hoàng Thị HồiCam Chính - Cam Lộ
404Nguyễn Thị CầnCam Chính - Cam Lộ
405Hoàng Thị ThơmCam Chính - Cam Lộ
406Nguyễn Thị ThểCam Thanh - Cam Lộ
407Võ Thị ThỉTriệu Ái - Triệu Phong
408Lê Thị LặnTriệu Sơn - Triệu Phong
409Nguyễn Thị HồngTriệu Đông - Triệu Phong
410Lê Thị PhụngTriệu Tài - Triệu Phong
411Lê Thị LanTriệu Thượng - Triệu Phong
412Phan Thị NuôiTriệu Thượng - Triệu Phong
413Lê Thị KhuyểnTriệu Thượng - Triệu Phong
414Phan Thị Dần (Cháu)Triệu Đại - Triệu Phong
415Nguyễn Thị ThuộcTriệu Đại - Triệu Phong
416Nguyễn Thị ThíTriệu Thành - Triệu Phong
417Đoàn Thị UyểnTriệu Thành - Triệu Phong
418Đặng Thị ĐúcTriệu Thành - Triệu Phong
419Lê Thị CưTriệu Vân - Triệu Phong
420Trương Thị GiỏTriệu Vân - Triệu Phong
421Phan Thị MiếnTriệu Vân - Triệu Phong
422Nguyễn Thị ĐằmTriệu Vân - Triệu Phong
423Nguyễn Thị GiáTriệu Giang - Triệu Phong
424Phạm Thị NguyênTriệu Trung - Triệu Phong
425Phạm Thị TrúcTriệu Trung - Triệu Phong
426Nguyễn Thị SắtTriệu Trung - Triệu Phong
427Hồ Thị TuyếtĐông Thanh - Đông Hà
428Hồ Thị ThíĐông Thanh - Đông Hà
429Mai Thị HýĐông Thanh - Đông Hà
430Trịnh Thị CháuTriệu Ái - Triệu Phong
431Hoàng Thị ChấtTriệu Sơn - Triệu Phong
432Nguyễn Thị BanTriệu Sơn - Triệu Phong
433Trần Thị ChuyênTriệu Sơn - Triệu Phong
434Nguyễn Thị ĐỉnhTriệu Sơn - Triệu Phong
435Nguyễn Thị EmTriệu Sơn - Triệu Phong
436Nguyễn Thị ÁnTriệu Long - Triệu Phong
437Hoàng Thị ƯTriệu Thuận - Triệu Phong
438Lê Thị HàTriệu Thuận - Triệu Phong
439Lê Thị LànhTriệu Lăng - Triệu Phong
440Nguyễn Thị ThâmTriệu Lăng - Triệu Phong
441Nguyễn Thị XuyênHải Lâm - Hải Lăng
442Nguyễn Thị XảoHải Lâm - Hải Lăng
443Trần Thị DốcHải Lâm - Hải Lăng
444Lê Thị ThậnĐông Giang - Đông Hà
445Y NhồiPa Tầng - Hướng Hóa
446Hồ Thị XâyHướng Sơn - Hướng Hóa
447Giả PừnPa Tầng - Hướng Hóa
448Đoàn Thị ChútGio Bình - Gio Linh
449Nguyễn Thị GấmGio An - Gio Linh
450Hoàng Thị HạpGio An - Gio Linh
451Nguyễn Thị TiếpTriệu Tài - Triệu Phong
452Phan Thị QuenTrung Giang - Gio Linh
453Nguyễn Thị NữGio Châu - Gio Linh
454Trần Thị ThíGio Châu - Gio Linh
455Lê Thị ỐmGio Châu - Gio Linh
456Trịnh Thị NuôiGio Châu - Gio Linh
457Tạ Thị NgânGio Châu - Gio Linh
458Lê Thị ConGio Mỹ - Gio Linh
459Nguyễn Thị LiuTrung Giang - Gio Linh
460Lê Thị PhiHải Thượng - Hải Lăng
461Phan Thị DiếpHải Thượng - Hải Lăng
462Trần Thị BốcHải Thượng - Hải Lăng
463Lê Thị ỔiHải Thượng - Hải Lăng
464Phan Thị NguyệnHải Thượng - Hải Lăng
465Nguyễn Thị ThíHải Lệ - Hải Lăng
466Nguyễn Thị KiếnHải Lệ - Hải Lăng
467Nguyễn Thị ThíHải Lệ - Hải Lăng
468Nguyễn Thị NgắnHải Lệ - Hải Lăng
469Nguyễn Thị LịchHải Vĩnh - Hải Lăng
470Cái Thị ChánhHải Vĩnh - Hải Lăng
471Nguyễn Thị TâmTriệu Thượng - Triệu Phong
472Bùi Thị SươngTrung Hải - Gio Linh
473Đào Thị HoàiHải Thượng - Hải Lăng
474Lê Thị LựuVĩnh Thủy - Vĩnh Linh
475Cao Thị MiệcThị trấn Hồ Xá Vĩnh Linh
476Trần Thị MénVĩnh Sơn - Vĩnh Linh
477Nguyễn Thị CănVĩnh Kim - Vĩnh Linh
478Nguyễn Thị XíuVĩnh Thái - Vĩnh Linh
479Nguyễn Thị ViếcVĩnh Thạch - Vĩnh Linh
480Trần Thị DeVĩnh Long - Vĩnh Linh
481Bùi Thị ChínhTriệu Giang - Triệu Phong
482Phan Thị CửuTriệu Lương - Đông Hà
483Hồ Thị ĐảnhĐông Thanh - Đông Hà
484Võ Thị MiênTriệu Đại - Triệu Phong
485Nguyễn Thị ThiệpTriệu Đại - Triệu Phong
486Trương Thị ChướcCam Nghĩa - Cam Lộ
487Lê Thị LượngCam Nghĩa - Cam Lộ
488Hoàng Thị DạnCam Nghĩa - Cam Lộ
489Phan Thị TiếnCam Hiếu - Cam Lộ
490Phạm Thị SâmCam Hiếu - Cam Lộ
491Trần Thị HờnCam Chính - Cam Lộ
492Mai Thị ConCam An - Cam Lộ
493Nguyễn Thị TâmHải Lệ - Hải Lăng
494Nguyễn Thị BàuHải Tân - Hải Lăng
495Nguyễn Thị ThiệnHải Phú - Hải Lăng
496Nguyễn Thị XơHải Dương - Hải Lăng
497Trần Thị QuếGio Mỹ - Gio Linh
498Nguyễn Thị ConTriệu Lễ - Đông Hà
499Bùi Thị SenPhường 5 Đông Hà
500  Trần Thị DiênHải Dương - Hải Lăng


Tiêu đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Chín, 2022, 04:41:23 pm
TTHỌ VÀ TÊNQUÊ QUÁN
501Hoàng Thị CháuTriệu Tài - Triệu Phong
502Lê Thị YếnCam Thủy - Cam Lộ
503Lê Thị NghĩaHải Thiện - Hải Lăng
504Nguyễn Thị DungHải Vĩnh - Hải Lăng
505Nguyễn Thị CáoHải Thượng - Hải Lăng
506Lê Thị LiênVĩnh Hòa - Vĩnh Linh
507Nguyễn Thị XuyếnVĩnh Kim - Vĩnh Linh
508Thái Thị XinhVĩnh Long - Vĩnh Linh
509Lê Thị LiêmVĩnh Trung - Vĩnh Linh
510Lê Thị BônTriệu Sơn - Triệu Phong
511Tần Thi VạcVĩnh Tú - Vĩnh Linh
512Lê Thị NghiêmVĩnh Giang - Vĩnh Linh
513Trần Thị LêVĩnh Hòa - Vĩnh Linh
514Nguyễn Thị ChâuVĩnh Sơn - Vĩnh Linh
515Nguyễn Thị LiềnHải An - Hải Lăng
516Đặng Thị NghiHải An - Hải Lăng
517Nguyễn Thị LuânHải Phú - Hải Lăng
518Nguyễn Thị NgạiHải Thượng - Hải Lăng
519Nguyễn Thị TrữHải Vĩnh - Hải Lăng
520Nguyễn Thị HườngVĩnh Sơn - Vĩnh Linh
521Bùi Thị HuệTriệu Vân - Triệu Phong
522Nguyễn Thị ĐàoTriệu Ái - Triệu Phong
523Nguyễn Thị XiểnThị trấn Hồ Xá - Vĩnh Linh
524Nguyễn Thị QuếTriệu Lễ - Đông Hà
525Nguyễn Thị HuồnGio Châu - Gio Linh
526Hoàng Thị Sửu (Con)Gio Thành - Gio Linh
527Lê Thị QuếTriệu Ái - Triệu Phong
528Trương Thị QuếTriệu Độ - Triệu Phong
529Phan Thị TrầnCam Thành - Cam Lộ
530Lê Thị ThiênTriệu Ái - Triệu Phong
531Văn Thị DiệnHải Phú - Hải Lăng
532Cáp Thị ToạiHải Xuân - Hải Lăng
533Lê Thị ƯngHải Xuân - Hải Lăng
534Thái Thị NgoạnHải Quy - Hải Lăng
535Trần Thị HãnHải Phú - Hải Lăng
536Thái Thị HớnĐông Thanh - Đông Hà
537Trần Thị TreVĩnh Trung - Vĩnh Linh
538Nguyễn Thị TriVĩnh Kim - Vĩnh Linh
539Nguyễn Thị BátVĩnh Thạch - Vĩnh Linh
540Nguyễn Thị NuôiGio Mỹ - Gio Linh
541Lê Thị SéoTrung Sơn - Gio Linh
542Trần Thị CườngHải Phú - Hải Lăng
543Trần Thị ThíTriệu Lăng - Triệu Phong
544Nguyễn Thị ĐiuGio Mỹ - Gio Linh
545Trần Thị TàoTrung Sơn - Gio Linh
546Lê Thị NậyGio Mỹ - Gio Linh
547Nguyễn Thị ƠnTriệu Thành - Triệu Phong
548Võ Thị HạnhTriệu Thành - Triệu Phong
549Nguyễn Thị ThíTriệu Long - Triệu Phong
550Nguyễn Thị NướcPhường 3 - Đông Hà
551Hồ Thị TiếuĐông Thành - Đông Hà
552Nguyễn Thị BếTriệu Lễ - Đông Hà
553Hồ Thị ThểVĩnh Thạch - Vĩnh Linh
554Nguyễn Thị LưỡngGio Mỹ - Gio Linh
555Đoàn Thị KhươngVĩnh Thủy - Gio Linh
556Đoàn Thị XảoVĩnh Thủy - Gio Linh
557Nguyễn Thị LanVĩnh Giang - Gio Linh
558Trần Thị XinhVĩnh Nam - Gio Linh
559Trần Thị KỳVĩnh Trung - Gio Linh
560Nguyễn Thị ThíVĩnh Kim - Gio Linh
561Hồ Thị RumVĩnh Kim - Gio Linh
562Hoàng Thị LưuTriệu Ái - Triệu Phong
563Trần Thị TầnTriệu Long - Triệu Phong
564Thái Thị ConĐông Giang - Đông Hà
565Nguyễn Thị QuếVĩnh Thạch - Vĩnh Linh
566Đỗ Thị NuôiVĩnh Sơn - Vĩnh Linh
567Nguyễn Thị ChuốiGio An - Gio Linh
568Mai Thị ThiệpGio Mỹ - Gio Linh
569Lê Thị ThửTriệu Lăng - Triệu Phong
570Hoàng Thị BởiVĩnh Tú - Vĩnh Linh
571Trịnh Thị NậyTrung Sơn - Gio Linh
572Nguyễn Thị XinhGio Phong - Gio Linh
573Lê Thị GiảnTriệu Lễ - Đông Hà
574Lưu Thị SâmVĩnh Long - Vĩnh Linh
575Nguyễn Thị CưVĩnh Long - Vĩnh Linh
576Hồ Thị RắnVĩnh Thạch - Vĩnh Linh
577Hồ Thị NinhGio Hải - Gio Linh
578Nguyễn Thị NậyGio Mỹ - Gio Linh
579Lê Thị DungGio Mỹ - Gio Linh
580Lê Thị RơHải Ba - Hải Lăng
581Lê Thị TắcHải Khê - Hải Lăng
582Trương Thị UyênHải Khê - Hải Lăng
583Trần Thị ĐuốcHải Khê - Hải Lăng
584Ngô Thị LiênHải Lệ - Hải Lăng
585Nguyễn Thị MẹoHải Lâm - Hải Lăng
586Hoàng Thị HiuHải Tân - Hải Lăng
587Phạm Thị CặnHải Lệ - Hải Lăng
588Nguyễn Thị ChiHải Dương - Hải Lăng
589Đào Thị NồngHải Thượng - Hải Lăng
590Văn Thị KhaHải Khê - Hải Lăng
591Huỳnh Thị YêmHải Khê - Hải Lăng
592Trần Thị PhụngHải Khê - Hải Lăng
593Hồ Thị ChòngHải Thượng - Hải Lăng
594Nguyễn Thị ĐốcHải Thượng - Hải Lăng
595Nguyễn Thị MãoHải Dương - Hải Lăng
596Lê Thị ĐiuHải Dương - Hải Lăng
597Đặng Thị ThiHải Khê - Hải Lăng
598Nguyễn Thị ThởiHải Chánh - Hải Lăng
599Lê Thị LaTriệu Thuận - Triệu Phong
600Nguyễn Thị TíchTriệu Độ - Triệu Phong
601Võ Thị XanhTriệu Đông - Triệu Phong
602Nguyễn Thị CuộcTriệu Sơn - Triệu Phong
603Nguyễn Thị ĐamTriệu Sơn - Triệu Phong
604Hoàng Thị KiếnTriệu Sơn - Triệu Phong
605Phan Thị ĐànTriệu Trạch - Triệu Phong
606Trần Thị ChiểuTriệu Sơn - Triệu Phong
607Mai Thị MótBa Lòng - Triệu Phong
608Lê Thị ĐíchHải Xuân - Hải Lăng
609Trần Thị NãoHải Phú - Hải Lăng
610Văn Thị VinhHải Phú - Hải Lăng
611Hồ Thị ChútVĩnh Tú - Vĩnh Linh
612Trần Thị DuânVĩnh Tú - Vĩnh Linh
613Nguyễn Thị ThuyềnCam Nghĩa - Cam Lộ
614Lê Thị HạnhHải Xuân - Hải Lăng
615Văn Thị ThúHải Phú - Hải Lăng
616Lê Thị KhôiHải Thượng - Hải Lăng
617Nguyễn Thị LợiCam Nghĩa - Cam Lộ
618Hồ Thị HạpĐông Thanh - Đông Hà
619Nguyễn Thị NguyệtGio Mai - Gio Linh
620Bùi Thị MàngTrung Hải - Gio Linh
621Trịnh Thị ThíTrung Sơn - Gio Linh
622Nguyễn Thị ĐinhGio An - Gio Linh
623Trần Thị ChiuGio An - Gio Linh
624Hồ Thị TuyểnGio An - Gio Linh
625Hoàng Thị NậyGio Mỹ - Gio Linh
626Nguyễn Thị ThíGio Mỹ - Gio Linh
627Bùi Thị ThơmTrung Hải - Gio Linh
628Nguyễn Thị ÁiT.trấn Hồ Xá - Vĩnh Linh
629Nguyễn Thị LũyPhường 1 - Đông Hà
630Trần Thị ConGio Quang - Gio Linh
631Nguyễn Thị LốcVĩnh Giang - Vĩnh Linh
632Lê Thị BiuTriệu An - Triệu Phong
633Nguyễn Thị ĐiểuHải Thượng - Hải Lăng
634Trần Thị DầnHải Phú - Hải Lăng
635Nguyễn Thị TuyếtHải Lê - Hải Lăng
636Trần Thị MiênHải Phú - Hải Lăng
637Trần Thị MuaVĩnh Giang - Vĩnh Linh
638Trần Thị KhinhVĩnh Sơn - Vĩnh Linh
639Hoàng Thị XuVĩnh Lâm - Vĩnh Linh
640Nguyễn Thị ThơVĩnh Tú - Vĩnh Linh
641Nguyễn Thị DungVĩnh Thành - Vĩnh Linh
642Hoàng Thị MễTriệu Long - Triệu Phong
643Đỗ Thị DuyệtTriệu Hòa - Triệu Phong
644Trương Thị MễTriệu Đô - Triệu Phong
645Trần Thị CặnTriệu Lăng - Triệu Phong
646Đặng Thị LếuHải An - Hải Lăng
647Đào Thị CầmHải Thượng - Hải Lăng
648Đặng Thị ChungHải An - Hải Lăng
649Trương Thị MễTriệu Độ - Triệu Phong
650Lê Thị PhụngGio Phong - Gio Linh
651Phan Thị MiênHải Thọ - Hải Lăng
652Trần Thị BiệnPhường 1 - Đông Hà
653Nguyễn Thị NậyGio Châu - Gio Linh (Thị trấn Đông Hà)
654Nguyễn Thị LýTriệu Long - Triệu Phong
655Võ Thị HợiTriệu Phước - Triệu Phong
656Lê Thị Lép (Uyển)Triệu Trạch - Triệu Phong
657Nguyễn Thị ÁnhVĩnh Thạch - Vĩnh Linh
658Thái Thị PhượngVĩnh Nam - Vĩnh Linh
659Lê Thị XừTriệu Ái - Triệu Phong
660Trương Thị TrợGio Mai - Gio Linh
661Trần Thị NậyTrung Sơn - Gio Linh
662Lê Thị NghẹtHải Khê - Hải Lăng
663Văn Thị VệnHải Khê - Hải Lăng
664Dương Thị ThíHải Khê - Hải Lăng
665Trần Thị TànhHải Khê - Hải Lăng
666Nguyễn Thị TéHải Khê - Hải Lăng
667Nguyễn Thị XinhPhường 4 - Đông Hà (Cam Thủy - Cam Lộ)
668Nguyễn Thị ĐìCam Chính - Cam Lộ
669Nguyễn Thị ChuyếtCam Chính - Cam Lộ
670Đoàn Thị ĐiểuCam Tuyền - Cam Lộ
671Nguyễn Thị GiáHải Dương - Hải Lăng
672Lý Thị EmHải Thành - Hải Lăng
673Nguyễn Thị SáuHải Chánh - Hải Lăng
674Lê Thị ThỉuHải Chánh - Hải Lăng
675Phan Thị NậyGio Hải - Gio Linh
676Lê Thị DươngTrung Sơn - Gio Linh
677Bùi Thị KhiuTrung Giang - Gio Linh
678Nguyễn Thị LiễuGio Quang - Gio Linh
679Lê Thị ThỉuTriệu Đông - Triệu Phong
680Nguyễn Thị NhơnTriệu Long - Triệu Phong
681Hồ Thị NhingBa Lòng - Triệu Phong
682Cáp Thị DụngHải Xuân - Hải Lăng
683Trần Thị VàngHải Lâm - Hải Lăng
684Nguyễn Thị HoànTriệu Long - Triệu Phong
685Ngô Thị DàuVĩnh Trung - Vĩnh Linh
686  Nguyễn Thị TấpVĩnh Trung - Vĩnh Linh