Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 02:30:22 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những gì tôi thấy ở Việt Nam  (Đọc 39469 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 04:16:18 pm »


Ngày 28-12-1973, Thiệu đã lên án mọi giải pháp chính trị:... “Sẽ không có tuyển cử, không có hòa bình, và Hội nghị Celle-Saint-Cloud sẽ không bao giờ đạt tới một giải pháp chính trị”, và đương nhiên khi đưa ra lời tuyên bố này, Thiệu đã đổ hết trách nhiệm cho Việt cộng. Quả yậy, hội nghị hai bên Nam Việt Nam họp tại Celle-Saint-Cloud gần Paris đã không bao giờ đi tới kết quả. Ngày 16 tháng Tư 1974, chính quyền Sài Gòn đã hoãn lại “vô thời hạn” cuộc họp. Và khi nhận ra sai lầm của mình, chính quyền Sài Gòn đã muốn nối lại cuộc họp, nhưng chính phủ cách mạng lâm thời đã đưa ra điều kiện tiên quyết là Thiệu phải ra đi. Tất cả sẽ tùy thuộc vào tình hình chiến trường ở Nam Việt Nam.

Ba tháng sau ký kết Hiệp định Paris, một bản tổng kết đầu tiên đã được tiến hành. Chỉ duy nhất có một điều khoản được thực hiện: đó là Mỹ rút quân và trao trả tù binh chiến tranh. Còn về tất cả các điều khoản khác, đặc biệt là những điều khoản tùy thuộc vào chính quyền Sài Gòn và nhằm để tiến tới một giải pháp chính trị ở miền Nam thì người ta không hề thấy nhúc nhích nửa bước. Ví dụ về những gì liên quan đến các tù nhân chính trị: bất chấp những lời chứng về số phận của họ, ngày 9 tháng Tư năm 1974, Thiệu đã viết cho Giáo hoàng Paul VI lúc này đang lo lắng cho tính mạng của họ:

“Ở Nam Việt Nam, không có tù nhân chính trị. Chỉ có hai loại tù nhân: 21.000 tù thường phạm và 5081 tù cộng sản...”

Rõ ràng là từ nay Mỹ và Thiệu chỉ thực hiện những điều khoản Hiệp định nào mà họ quan tâm...

Tuy nhiên, báo chí và quốc hội Hoa Kỳ cũng lo ngại về những gì có vẻ là một kế hoạch được mưu tính trước. Bởi nếu sự có mặt của Mỹ ở miền Nam từ nay có vẻ kín đáo hơn, “mềm mại” hơn, nhưng không phải là không được tiếp tục dưới hình thức của hàng nghìn “cố vấn” mặc thường phục và một hệ thống dưới những tên gọi mới che giấu cho một cơ cấu chỉ huy cũ của quân đội viễn chinh và những chiến dịch “bình định”.

Và một sự việc có ý nghĩa hơn nữa, đó là viện trợ Mỹ cho chính quyền Sài Gòn sau ký kết Hiệp định lại cao hơn nhiều so với những năm chiến tranh ở thời kỳ trước: theo những số liệu trong một báo cáo của ban quân sự thượng viện Hoa Kỳ thì trong 4,069 tỷ đô la cấp cho ngân sách quân đội Đông Nam Á niên khóa 1973-1974 (năm trước là 2,735 tỷ), thì hơn 3 tỷ đô la đã được cấp cho việc chi phí để “sử dụng, bảo quản và mua sắm vũ khí” ở Nam Việt Nam.

Trong những điều kiện ấy, hòa bình ở Nam Việt Nam thực sự là mong manh và những sự kiện sắp tới là hoàn toàn có thể trông thấy trước. Ngày 20 tháng Ba năm 1973, tức ba tháng sau Hiệp định, tờ International Herald Tribune đã có thể viết:

“… về phần mình, Washington cần hiểu rằng những vi phạm lệnh ngừng bắn của Sài Gòn là rất nguy hiểm. Nếu quân đội của tổng thống Thiệu vẫn tìm cách lấn chiếm đất của phía bên kia, oanh tạc các làng xóm do Việt cộng kiểm soát, ngay cả trong lúc các phóng viên nước ngoài đang có mặt ở đấy, từ chối việc trả tự do cho những người bị bắt, ngăn cấm việc tự do đi lại và hoạt động chính trị thì chắc chắn là mãi rồi phía bên kia, họ sẽ phải trả lời bằng một cách mà họ biết: đó là chiến đấu”.

Cuối tháng Ba năm 1973, Trung ương Cục miền Nam, ban lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của toàn miền, đã ban ra một chỉ thị “tuyệt mật” có tác động đến toàn bộ các cấp bộ Đảng và quân giải phóng miền Nam. “Trung ương Cục” đối với người Mỹ đó là cái tổ chức trứ danh và không thể tóm bắt được - “C.O.S.V.N” (Central Office for South Việt Nam), Sở chỉ huy của kháng chiến miền Nam, mà Mỹ càng ra sức săn đuổi thì họ lại càng nghi ngờ rằng không biết nó có thực sự tồn tại hay không?

Nó thực sự tồn tại... Linh hoạt cực độ, tháng nào cũng thay đổi chỗ, nó di chuyển trên một khu vực của tỉnh Tây Ninh cách Sài Gòn khoảng trăm kilômét, dựa lưng vào các dãy núi đông bắc của Campuchia. Trong những năm gian khó của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được sự đồng ý của thái tử Shihanuk lúc đó là quốc trưởng Campuchia ở Nông Pênh, các dãy núi này đã được xây dựng thành những vùng lui quân chiến lược bất khả xâm phạm của Quân giải phóng miền Nam. Những năm 1960, Trung ương Cục do Lê Duẩn, sau là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ đạo, tiếp đó là Lê Đức Thọ, rồi vài năm sau là Phạm Hùng cũng là ủy viên Bộ chính trị.

Trung ương Cục có thể gọi thành Bộ tham mưu tác chiến của cách mạng Việt Nam, do bản thân sự phát triển của chiến tranh. Nó liên hệ mật thiết với Bộ chính trị Đảng ở Hà Nội và với chính phủ cách mạng lâm thời ở miền Nam.

Trong chỉ thị nói trên, chỉ thị “03/CT73” ký ngày 30 tháng Ba năm 1973, tức sáu mươi ngày sau ký Hiệp định, Trung ương Cục đã điểm lại tình hình miền Nam và nhắc lại đường lối mà những người cách mạng miền Nam phải quán triệt.

Đọc bản chỉ thị ấy, người ta thấy toát lên một điều là những người cách mạng mong muốn thấy Hiệp định được thi hành và sử dụng nó như một đòn bẩy chính trị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 04:17:04 pm »


Trung ương Cục phê phán sự “không quán triệt đường lối” đang thể hiện ở một số bộ phận Đảng và quân đội, vạch ra hai khuynh hướng sai lầm có thể coi là “hữu khuynh”. Cả hai đều đã biểu hiện trước sự vi phạm hiệp định của chính quyền Thiệu. Trước những chiến dịch đánh phá, lấn chiếm ngày càng mở rộng của quân đội Sài Gòn, một số cán bộ, người thì coi là Hiệp định đã bị địch vượt qua nên muốn trở lại với những hình thức đấu tranh trước đây; người thì có khuynh hướng “thụ động”, bó tay, đi tới chỗ cứ giữ “nguyên trạng” với những đồn bốt địch lấn vào vùng chính phủ cách mạng kiểm soát.

Chỉ thị cho rằng “trong tình hình miền Nam Việt Nam, nơi cùng tồn tại hai chính quyền, hai vùng kiểm soát, hai quân đội thì ta chỉ có thể giành được thắng lợi khi ít ra có sự thay đổi về tương quan lực lượng về quân sự” với Sài Gòn. Mục đích là phải đạt tới sự thay đổi tương quan đó bằng cách nắm được tầm quan trọng của Hiệp định, lấy nó làm một “vũ khí mới” một đòn bẩy để phát triển tận trong lòng địch, lúc này tinh thần đang sa sút và khao khát hòa bình, một “phong trào quần chúng cách mạng”... Như vậy phải đấu tranh, kể cả việc liên hệ với những tổ chức kiểm soát quốc tế, để đòi phải thi hành những điều khoản của Hiệp định, đặc biệt là về ngừng chiến sự tại chỗ, về những quyền dân chủ của nhân dân... Đấu tranh vũ trang chỉ được dùng đến khi nào phải chống lại sự lấn chiếm của đối phương hay để giành lại đất đã bị mất, nhưng trong một quy mô được xác định rõ, cần phải hạn chế một cách thích hợp những lực lượng sử dụng. Một cách chung nhất, cần phải ưu tiên cho hành động cách mạng của quần chúng, bao gồm cả việc mở rộng và củng cố vùng giải phóng.

Và chỉ thị kết luận là mọi cán bộ cần phải: “nắm vững những điểm mấu chốt về vận dụng những nguyên tắc về bạo lực của đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và đấu tranh hợp pháp; đấu tranh chính trị là cơ bản và đấu tranh quân sự là chỗ dựa có hiệu lực của nó. Các cán bộ cần phải chú ý một cách đầy đủ tới những cơ sở pháp lý của Hiệp định đình chỉ chiến sự, và biết dựa trên những cơ sở đó trong mỗi lĩnh vực để đấu tranh được tốt hơn, đúng đắn hơn, khôn khéo hơn”... Chỉ thị này xác nhận rằng các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam mong muốn thấy Hiệp định về hòa bình được thực hiện. Nó giúp hiểu được là họ đã kết hợp như thế nào giữa Hiệp định này với tiệc tiếp tục cuộc đấu tranh thường ngày của họ.

Một bằng chứng thứ yếu nữa chứng tỏ sự gắn bó của những người cách mạng đối với Hiệp định là họ đã truyền bá nó một cách rộng rãi trên toàn miền Nam. Ròng rã suốt một tuần lễ, Đài phát thanh Hà Nội, từng câu từng chữ một đã phát đi văn bản Hiệp định hướng về các vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Bởi họ biết rằng sẽ không có chuyện phổ biến chính thức Hiệp định ở những nơi ấy. Báo chí rồi sẽ thấy ở đấy chính quyền Thiệu đã cấm không được đả động đến chuyện đó như thế nào... Đến nỗi mà các nhà báo Mỹ khi thăm đồng bằng Cửu Long ở gần Sài Gòn - một vùng mà những “vệt da báo” đan xen vào nhau không một phân tuyến rõ rệt - họ chỉ xác định được là họ đã chuyển từ vùng Sài Gòn kiểm soát sang vùng giải phóng là nhờ vào việc thấy được ở nơi mới đến những văn bản Hiệp định ở nhà các nông dân.

Thi hành Hiệp định, những người cách mạng được tất cả. Còn Thiệu, thì ông ta sẽ mất tất cả...

Sáu tháng sau ngày ký Hiệp định, lợi dụng phía cách mạng có sự “lẫn lộn”, “không quán triệt đường lối” mà Trung ương Cục đã phê phán nêu trên, quân đội Sài Gòn đã giành được những thắng lợi cục bộ, xóa đi những “vệt da báo”, chiếm lại những vùng giải phóng, nhất là ở những tỉnh trung Trung Bộ thuộc Quân khu 5: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Đức, Kon Tum, Gia Lai. Từ 28 tháng Một đến 15 tháng Mười hai năm 1973, theo công bố của Chính phủ cách mạng lâm thời thì quân đội Sài Gòn đã mở 37 cuộc tấn công cỡ sư đoàn và 5250 cuộc tấn công cỡ trung đoàn đánh vào vùng giải phóng. Thế là Thiệu nghĩ mình đã có thể thành công trong việc đẩy lùi lực lượng cách mạng về miền núi và lập lại quyền kiểm soát trên vùng còn lại của lãnh thổ. Cùng thời gian này, Thiệu cố gắng ổn định lại chế độ của ông ta, tung ra những kế hoạch phát triển kinh tế, loại bỏ khỏi chính quyền và xã hội những ung nhọt quá lộ liễu: bộ máy cưỡng bức của ông ta có vẻ như mạnh lên hơn bao giờ hết...

Vì thế khi đến tháng Năm, Lê Đức Thọ gặp lại Kissinger để bàn việc tiến tới thi hành Hiệp định thì một lần nữa Kissinger đã gạt những đề nghị của ông Thọ đi. Tuy nhiên có vẻ như vào thời kỳ ấy giữa Thiệu và Nhà Trắng đã lộ ra một số mâu thuẫn. Mức độ những hành động phá hoại Hiệp định của Thiệu đã báo động dư luận chung và do đó cũng gây cho Nhà Trắng nhiều phiền toái. Can dự vào những mặt trận khác trên thế giới, Nhà Trắng muốn ở Sài Gòn một chính quyền vừa vững chắc vừa có vẻ “mềm” hơn, không gây trở ngại đến chiến lược toàn cầu của Mỹ. Thiệu đã bắt đầu làm phiền Mỹ.

Nhưng trong chừng mực mà Thiệu nắm bộ máy Sài Gòn như hiện nay thì Thiệu là không thể thay thế được...

Thu 1973, trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đánh trả lại địch, giành lại những vùng bị mất từ sau Hiệp định Pari. Từ sau cuộc tiến công 1972, những người cách mạng Việt Nam đã tiến hành xây dựng lại tiềm lực quân sự của họ ở Nam Việt Nam. Bởi cuộc tiến công này đã gây cho họ nhiều tổn thất... Ít nhất một phần dự bị chiến lược của họ đã phải tung vào mặt trận Quảng Trị. Ở ngoài Bắc, việc tuyển quân có một lúc đình lại, nay được tiếp tục. Cho đến mùa thu, một lực lượng quan trọng bộ đội chính quy cũng sẵn sàng chiến đấu ở miền Nam. Kinh nghiệm đau đớn năm 1954 đã chứng tỏ cho kháng chiến Việt Nam rằng việc thi hành một hiệp định không thể trông chờ vào thiện chí của kẻ địch... Sáu tháng sau Hiệp định Paris lại càng xác nhận điều đó. Hơn nữa có vẻ như quân đội Sài Gòn, dù tinh thần sa sút, nhưng không thể tan rã chỉ duy nhất với tác động của công tác tâm lý. Ví dụ như trong công tác địch vận, để làm công tác tuyên truyền và vận động đối với lớp sĩ quan trong hàng ngũ địch, các ban địch vận Quân đội nhân dân đã nhằm vào đối tượng chính là cấp thiếu uý, trung uý trong quân đội ngụy, bởi đó là cấp sĩ quan có quan hệ thường xuyên và trực tiếp với tầng lớp binh lính. Họ đã xây dựng một hình ảnh mẫu về viên sĩ quan ấy với những đặc điểm về tâm lý và hoàn cảnh xã hội như sau:

Anh ta khoảng 20-25 tuổi, và như vậy anh ta đã lớn lên trong xã hội Sài Gòn. Anh ta không thấy rõ vai trò của Mỹ ở Việt Nam. Theo anh ta, Thiệu là một người muốn xây dựng Nam Việt Nam thành một nước độc lập, mặc dù anh ta biết Thiệu tham nhũng, bị mua chuộc và phụ thuộc vào Mỹ. Song bởi Bắc Việt Nam cũng liên minh với Liên Xô và Trung Quốc, nên anh cho rằng Thiệu liên minh với Mỹ là chuyện bình thường. Anh tin chắc rằng chế độ cộng sản không có tự do, thế mà Thiệu lại là người bảo vệ tự do. Đôi lúc anh ghét người Mỹ, nhất là khi thấy họ đi với con gái Việt Nam bởi họ kiêu căng ngạo mạn. Vậy là anh vẫn giữ được tinh thần dân tộc. Nhưng anh lại thấy tự hào được làm một sĩ quan quân đội Sài Gòn, bởi đó là một quân đội mạnh và là nơi mà anh có được một số đặc quyền. Nhất là với gia đình anh: họ được ăn mặc đẹp, có xe hơi thuộc quyền sử dụng, có nhà riêng... Anh bất bình vì chiến tranh vẫn tiếp diễn, song anh không thể làm thế nào khác để thoát ra khỏi nó. Anh sợ cách mạng, mặc dù anh không hiểu cách mạng. Anh trông thấy những bất công của xã hội, đặc biệt là việc các cấp trên anh làm giầu một cách ghê gớm, nhưng anh không nổi dậy chống lại hệ thống đó: anh chỉ cố leo lên cao hơn để kiếm lời được nhiều hơn. Một trong những nét chủ đạo trong tính cách anh, đó là anh tin “mọi sự đều do số”

Còn với những người lính thường, chiến tranh đè nặng lên vai họ. Trong một xã hội bị đánh bật mất gốc rễ, họ là tù nhân của đồng lương, cái bảo đảm cho họ thoát khỏi thất nghiệp và nuôi sống gia đình đông đúc của họ...

Phân tích sự phát triển của tình hình từ sau ký Hiệp định, các nhà lãnh đạo Việt Nam càng xác nhận rằng: xét triển vọng của cách mạng ở miền Nam Việt Nam thì mọi giải pháp chính trị đều đòi hỏi trước hết phải bẻ gãy được quân đội Sài gòn, công cụ chủ yếu của chính quyền bù nhìn...

Tháng Mười năm 1973, cuộc giáng trả những chiến dịch lấn chiếm của quân đội Sài Gòn được các lực lượng cách mạng tung ra trên một quy mô lớn. Ngày 15, Chính phủ cách mạng lâm thời và Bộ tư lệnh quân giải phóng ra lời kêu gọi, nói rõ rằng quân dân ta có “quyền chính đáng để có những biện pháp nhằm chống lại sự phá hoại Hiệp định của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đánh trả lại những hành động chiến tranh của chúng ở bất cứ đâu, bằng những hình thức thích hợp và với những lực lượng cần thiết để đòi chúng phải chấp hành nghiêm chỉnh và triệt để Hiệp định...”

Thế là ở Nam Việt Nam, không còn là một cuộc xung đột kéo dài nữa. Mà đó là khởi đầu của một cuộc chiến tranh mới, với những hình thức và những mục tiêu của nó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 04:18:20 pm »


Nếu ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời gạt bỏ khả năng Mỹ đưa quân viễn chinh trở lại, thì họ cũng không loại trừ giả thiết một sự can thiệp của lực lượng không quân mà Mỹ bố trí ở vành đai xung quanh Đông Dương để nhằm mục đích nói trên. Trong những điều kiện đang nổi trội trên trường quốc tế và ở nước Mỹ lúc đó thì, theo đánh giá của các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sự can thiệp bằng không quân ấy sẽ có thể diễn ra trong thời gian ngắn nhưng sẽ càng hết sức ác liệt hơn... Tuy nhiên không phải vì thế mà nó có thể làm thay đổi được chiều hướng của sự phát triển của cách mạng Việt Nam... Song tính đến khả năng ấy, quy mô của đòn giáng trả phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Nó sẽ được tiến hành bằng phương pháp lấn dần, từng vị trí một, và chủ yếu nhằm vào đồng bằng sông Cửu Long, kho người, kho của của Nam Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo cách mạng cũng không vì thế mà gạt bỏ khả năng đấu tranh trên mặt trận chính trị. Tháng Bảy năm 1971, khi cán cân lực lượng quân sự cuối cùng đã nghiêng hẳn về phía cách mạng, một ủy viên Trung ương Đảng còn nói riêng với tôi: “Muốn hạn chế quy mô của những trận đánh, chúng tôi cần phải đánh dần dần. Chúng tôi đang làm chủ tình hình trên hai điểm: chúng tôi có thể tiếp tục chiến tranh đến khi giải phóng toàn bộ đất nước. Nhưng đến một lúc nào đấy khi đối phương buộc phải nhận ngừng chiến, thì chiến tranh sẽ không còn cần thiết nữa...” Bước ngoặt quyết định ấy đến vào tháng Tư năm 1974, đặc biệt với việc quân giải phóng đánh chiếm trại Tống Lê Chân của quân đội Sài Gòn.

Nằm cách Sài Gòn 80 kilômét về phía Bắc, trại Tống Lê Chân chỉ là một căn cứ cỡ bình thường, nhưng nó lại là một trong những chốt chủ yếu của vành đai bảo vệ Sài Gòn. Quân đội Sài Gòn đã không chiếm lại được Tống Lê Chân và để trả đũa về việc này, Thiệu đã hoãn “vô thời hạn” Hội nghị Celle - Saint - Cloud.

Tuy bước ngoặt chung của các trận chiến đấu hãy còn nằm trong phạm vi tác chiến du kích, nhưng một hình thái tác chiến khác đã xuất hiện: đó là các trận đánh các vị trí tương đối kiên cố trong đó có bốn vị trí bao quanh Kontum trên Tây Nguyên và một số vị trí khác trong tỉnh Quảng Nam ở miền Trung Trung Bộ, ví dụ như Thượng Đức, mà quân đội Sài gòn đã không thể chiếm lại được.

Bước ngoặt trên chiến trường ấy sẽ càng được xác nhận trong mùa hè 1974. Lần đầu tiên trong mùa mưa, quân đội Sài Gòn đã không thể giành lại được đất bị mất. Họ đã phải chịu mất nhiều vị trí ở miền Trung và cả ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở bán đảo Cà Mau. Ở đồng bằng Cửu Long, sau khi ký Hiệp định, Chính phủ cách mạng lâm thời chỉ kiểm soát được 800.000 dân trên 3,5 triệu dân, nhưng nay thì ở đấy cách mạng đã giành được với Sài Gòn một phần quan trọng đất đai và số dân.

Khi phân tích sự phát triển tình hình quân sự năm 1974, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân chú ý tới một chi tiết có tầm quan trọng lớn về mặt chiến lược: đặc biệt là vào cuối năm 1974, khi quân đội Sài Gòn mất một vị trí thì chẳng những chúng không chiếm lại mà chúng còn rút thêm 3-4 vị trí xung quanh, không chỉ ở miền núi mà cả ở vùng đồng bằng. Như vậy là quân đội Sài Gòn không muốn phân tán thế bố trí lực lượng của chúng. Tình hình này hết sức mâu thuẫn với những kế hoạch ban đầu của chúng là càng chiếm được nhiều đất càng tốt, để giành được tối đa sức người sức của. Tuy hiện nay Quân đội nhân dân mới chỉ sử dụng lực lượng nhỏ, nhưng quân đội Sài Gòn đã không thể chống cự lại nổi. Lần đầu tiên ở Nam Việt Nam, quân đội ngụy Sài Gòn ở vào thế yếu. Và cũng là lần đầu tiên đối với những người cách mạng, họ không còn phải là “lấy yếu đánh mạnh” nữa.

Một hiện tượng quan trọng khác nữa đang phát triển ở Sài Gòn trong năm 1974: tiếp theo những thắng lợi giành được của quân giải phóng, phong trào chống đối Thiệu đã lấy lại được tự tin và mở rộng tổ chức. “Thành phần thứ ba” như Hiệp định dự kiến đã xuất hiện.

Cuối năm 1974, hoạt động chính trị bị Thiệu cấm đoán gắt gao nay lại nổi lên ở thủ đô Nam Việt Nam. Và trước những đòn tiến công của phe chống đối, vị thế của Thiệu lung lay dữ dội. Đến nỗi người Mỹ do dự không biết xử sự với ông ta như thế nào: nếu đó là sự chống đối của một phe thực sự tiến bộ tập họp xung quanh một số nhân vật như bà Ngô Bá Thành chẳng hạn, từ nhiều năm nay bất chấp đàn áp tù đầy vẫn kiên quyết đấu tranh thì không nói, nhưng đằng này lại bất thình lình nổi lên phong trào chống đối của một số mặt mũi không lấy gì làm sạch sẽ lắm mà Hà Nội đánh giá là “những con ngựa thay thế” (xã luận báo Nhân dân, 14-9).

Ví dụ như trường hợp linh mục Thiên Chúa giáo Trần Hữu Thanh một nhân vật chống cộng nổi tiếng; ông ta đã tiến hành một phong trào chống Thiệu ác liệt về vấn đề tham nhũng. Hoạt động này của cha Thanh có vẻ như lại được một số cơ quan Mỹ dung túng bởi dù sao chăng nữa, nó cũng có tác dụng là hất cẳng một thiểu số những người công giáo tiến bộ đã bí mật có quan hệ với những người cộng sản. Mặc dù vậy, nó cũng đẩy Thiệu ra xa cái mà từ trước đến giờ vẫn là trụ cột của chế độ: Nhà thờ Công giáo...

Cũng như vậy, sự chống đối Thiệu còn lôi kéo một bộ phận rộng rãi phong trào Phật tử và cả mấy chục nghị sĩ, mà trong số này có nhiều những gương mặt còn xa mới có thể gọi là không có gì đáng chê trách. Nếu báo chí bị đàn áp thẳng tay thì báo chí phe chống đối là đối tượng bị khủng bố mạnh nhất: nhiều báo bị tịch thu, trong số đó có năm báo bị đóng cửa. Lần đầu tiên từ nhiều năm nay các cuộc biểu tình diễn ra trên đường phố, bất chấp sự đàn áp của cảnh sát...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 04:18:59 pm »


Ở Hà Nội, sự phát triển của tình hình đó được theo dõi rất sát. Trong suốt quá trình kháng chiến, những người cách mạng luôn luôn kiên trì đường lối đẩy mạnh tiến công quân sự, kết hợp với phong trào đấu tranh chính trị ở cả nông thôn và đô thị. Nhưng chưa bao giờ tình hình lại tiến triển thuận lợi như thế. Trong các thành phố, khẩu hiệu thường xuyên: “đánh đổ Thiệu” của Mặt trận dân tộc giải phóng có khả năng trở thành hiện thực. Tuy nhiên, do các tổ chức bí mật của cách mạng ở thành thị trước đây bị khủng bố nặng nề nên lúc này họ thậm chí đã không đủ cán bộ để lãnh đạo phong trào. Nhưng sự có mặt của Quân giải phóng ở cách các thành thị từ 20 đến 60 km đã đóng một vai trò xúc tác hết sức quan trọng... Song, như lời tâm sự của một người có trách nhiệm ở Bắc Việt Nam nói với tôi thì “dù tình hình quân sự và tình hình ở các vùng giải phóng có tốt đến mấy, điều đó vẫn còn chưa đủ, bởi vẫn còn vấn đề các thành phố là ngôi nhà trú chân của chủ nghĩa thực dân. Người ta có thể giải phóng 90% lãnh thổ như hồi 64-65, nhưng các thành phố vẫn luôn luôn bị địch nắm giữ. Cho nên công tác thành thị rất quan trọng. Muốn giải quyết vấn đề Nam Việt Nam, chúng tôi cần phải từng bước một kiểm soát được các thành phố và giành được nhân dân ở đấy về tay cách mạng. Điều đặc biệt quan trọng là phải tranh thủ được nhiều hơn nữa những tầng lớp trung gian ở thành phố bằng một chính sách mặt trận dân tộc chống đế quốc và đồng thời chia rẽ và làm suy yếu chế độ Thiệu...” Trong triển vọng ấy, “lực lượng thứ ba” có thể đóng một vai trò chủ yếu, người đối thoại với tôi nhấn mạnh:

“Cơ sở pháp lý của Hiệp định Paris cho phép, ngay cả dưới một chế độ phát xít, tổ chức và tăng cường một phong trào đối lập hợp pháp. Cho nên lực lượng thứ ba đối với chúng tôi là một cái gì rất quan trọng. Bà Ngô Bá Thành không phải là thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng nhưng bà rất quan trọng đối với chúng tôi. Phong trào đô thị lúc này có được thuận lợi do sự suy yếu của chế độ Thiệu, một chế độ được dựng lên để làm chiến tranh, nhưng nay lại phải chuyển sang đấu tranh chính trị, trong khi nó không còn đủ sức...”

Vậy là vào thời kỳ ấy, các nhà cách mạng Việt Nam sẵn sàng chấp nhận hoàn toàn vai trò và vị trí mà lực lượng thứ ba có thể thực hiện. “Tất nhiên, người đối thoại lưu ý với tôi, trong đó không loại trừ có bàn tay CIA. Người Mỹ bây giờ có thể đã nghĩ tới thay Thiệu. Nhưng rõ ràng Mỹ không phải là người nắm phong trào. Dù nhân cách của một vài cá nhân trong số những người lãnh đạo phong trào có thế nào đi nữa thì chủ yếu cái thực chất của phong trào vẫn là dân tộc. Chúng tôi không phải sợ một sự bùng nổ lớn hơn của lực lượng thứ ba. Đó là một thực tế khách quan của tình hình Việt Nam hiện nay”.

Ngày 7 và 14 tháng 9, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đăng hai bài xã luận mà nội dung chủ yếu sẽ được nhắc lại trong tuyên bố ngày 8 tháng Mười của Chính phủ cách mạng lâm thời. Một lần nữa, những người cách mạng Việt Nam lại đưa ra với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ những phương sách để tiến tới một giải pháp chính trị: Mỹ thay Thiệu bằng một chính quyền dù thân Mỹ nhưng cương quyết “đi theo chiều hướng thi hành Hiệp định Paris”. Và Hà Nội và Chính phủ cách mạng lâm thời đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Mỹ về một chính quyền như thế. Nhưng Thiệu cần phải ra đi...

Đề nghị này cũng sẽ không có trả lời.

Năm 1974 kết thúc. Ở Sài Gòn, trước phong trào chống đối dâng cao, Thiệu vẫn cố bám lấy cái ghế bởi năm 1975 sẽ là năm bầu tổng thống...

Ở Việt Nam, người ta theo âm lịch, mỗi năm mang tên một trong số mười hai con vật của số tử vi. Như phần lớn các xã hội truyền thống Á Đông, xã hội Nam Việt Nam cũng đắm mình sâu sắc trong một truyền thống nghìn năm đó. Ngay bản thân Thiệu, dù theo Thiên Chúa giáo, ông ta cũng rất tin vào “khoa tử vi” và ông ta công khai nói lên điều đó.

Cuối năm 1974, cũng là năm Dần (Hổ) kết thúc. Đến giữa tháng Hai dương lịch, cùng với Tết Ất Mão là bắt đầu của năm Con mèo...

“Trong mười hai con vật kế tiếp nhau trong hoàng đới âm lịch thì mèo được tiếng là con vật hiền lành nhất. Tuy nhiên vào cuối năm Mèo, các thầy chiêm tinh, các thầy xem tướng, xem đất đều thống nhất tiên đoán rằng năm Mèo là một năm rất khó khăn đối với Nam Việt Nam và cực kỳ nguy hiểm đối với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Số tử vi của tổng thống Thiệu hoàn toàn ứng với sao chiếu mệnh của năm Chuột. Ông chẳng những sinh năm chuột, mà còn đúng cả tháng, cả ngày, cả giờ của chuột, một điều xưa nay rất hiếm.

Tổng thống Thiệu có vẻ hình như không coi thường những khó khăn mà những ngôi sao của năm âm lịch 1975 dành cho ông. Nhưng khi một trong số những người thân hỏi ông liệu sẽ giải quyết ra sao thì ông đã trả lời: “Đúng, Mèo rất nguy hiểm cho Chuột, nhưng khi đã biết trước, thì nó sẽ có cách đề phòng...”

(Điện AFP đánh từ Sài Gòn, ngày 9-2-1975)

“Thiệu sinh năm “Tý” tức cầm tinh con chuột. Sau khi chạy khắp hang cống: Cống của Pháp, rồi của Mỹ, bị hun khói ở Buôn Ma Thuột, chuột Thiệu lại chạy về Huế, rồi Đà Nẵng, rồi Nam Bộ và chạy trốn vào nấp trong cống ở Sài Gòn. Năm nay là năm Ất Mão, tức năm con Mèo. Mèo thường bắt chuột. Tháng vừa rồi rất nhiều chuột đã bị mèo bắt. Chuột Thiệu chắc không thể thoát được khỏi nanh vuốt của mèo. Điều đó đã được ghi sẵn ở sao trên trời: Chuột luôn luôn chết ở miệng mèo”
(Báo Nhân dân, 5-4-1975).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 04:32:29 pm »


CHƯƠNG II
CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH


Thu 1974, Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam họp, phân tích tình hình Nam Việt Nam, Đông Dương và thế giới. Thế giới tư bản chủ nghĩa đang bị lung lay trong cơn khủng hoảng, và tình hình này đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Sài Gòn, một nền kinh tế sống dựa vào viện trợ nước ngoài, lúc này cũng đang gặp khó khăn trầm trọng. Khủng hoảng đã trở thành mối lo chủ yếu của Mỹ. Tại Mỹ, xung đột giữa chính phủ và quốc hội đã lên tới cực điểm với vụ bê bối Watergate, một vụ bê bối đã dẫn đến sự sụp đổ của Nixon. Nếu Kissinger vẫn còn được giữ ở nguyên vị thì tân tổng thống Gérald Ford, từ nay sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ của quốc hội, mà quốc hội thì kiên quyết từ chối mọi cuộc phiêu lưu mới ở Việt Nam. Chứng cứ là tháng Tám vừa qua, khi Nixon xin quốc hội cấp một khoản viện trợ quân sự cho chế độ Thiệu, quốc hội đã cắt giảm tới một nửa. Sự cắt giảm này đã hạn chế sức mạnh hỏa lực của quân đội Sài Gòn và từ nay họ sẽ phải đương đầu với những khó khăn lớn về vấn đề hậu cần.

Ở Lào, hình hình cũng không tiến triển như mong đợi của Mỹ. Khi ký Hiệp định Viêng Chăn, vị lãnh tụ già của phái trung lập, hoàng thân Xuvana Phuma đã đi theo quan điểm của Pathét Lào, một phe mà người lãnh đạo là người anh em cùng cha khác mẹ với ông là hoàng thân Xuphanuvông. Mặt trận yêu nước Lào cũng không ngừng củng cố và mở rộng các vị trí của họ trên khắp đất nước.

Tại Campuchia, Mỹ đã phải ngừng các cuộc ném bom. Quân đội Lon Non phải co vào cố thủ ở Phông Pênh.

Căn cứ vào tình hình bên ngoài và tình hình đang có lợi trên chiến trường và các đô thị miền Nam, Bộ chính trị đánh giá thời kỳ này là rất có lợi để mở một cuộc tổng tiến công ở miền Nam. Có hai vấn đề quan trọng cần xác định rõ để quyết định sự lựa chọn.

Mỹ có thể đưa quân trở lại không? Bộ chính trị cho rằng điều đó là không thể được. Nếu người Mỹ trù tính đưa quân ồ ạt trở lại thì họ đã không ký Hiệp định Paris. Trong bối cảnh của năm 1974, một việc làm như thế là gần như không thể được đối với Mỹ. Nhưng còn việc Mỹ ném bom ồ ạt và chi viện hỏa lực cho quân ngụy bằng không quân thì khả năng này không loại trừ. Song việc này cũng không thể đảo ngược được tình thế, bởi từ thời Johnson và Nixon nó đã không làm được điều đó.

Thế còn riêng mình quân đội bù nhìn, họ có thể kéo dài được cuộc chiến đấu không? Sự phát triển của tình hình chiến trường năm 1973 và 1974 đã chứng tỏ rằng điều đó là không, bởi khi ấy Quân đội nhân dân mới chỉ sử dụng một phần lực lượng mà quân đội Sài Gòn đã không thể chống đỡ nổi. Hơn nữa quân đội nhân dân còn có những lực lượng dự bị sung sức ở hậu phương. Nếu lực lượng này được tung vào trận, thì cán cân lực lượng giữa đôi bên sẽ thay đổi một cách tai hại cho quân ngụy. Thêm nữa không quân Sài Gòn lại không thể sánh được với không quân Mỹ. Vả lại dù Mỹ có tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế cho chế độ Sài Gòn đi nữa thì điều đó cũng chỉ uổng công vô ích, bởi cái mà họ thiếu, không phải là vũ khí, mà là ý chí, quyết tâm chiến đấu.

Từ tình hình trên Bộ Chính trị cho rằng cách mạng có thể giành được thắng lợi quyết định trong một thời hạn tối đa là một năm1. Vậy cần phải chuẩn bị lực lượng cả về người về của cho một năm chiến đấu. Thế là vào giữa 1974, mọi mặt chuẩn bị cho một cuộc tiến công như vậy được đẩy mạnh: Công cuộc động viên được tiến hành trên một quy mô lớn. Mặc dù đã phải chịu đựng rất nhiều mọi thử thách của chiến tranh, nhân dân miền Bắc vẫn sẵn sàng chấp nhận hy sinh, huy động tới mức tối đa sức người, sức của của mình để chi viện cho tiền tuyến...

Hãy thử hình dung, để chuẩn bị về hậu cần cho một cuộc tiến công lớn cỡ cuộc tiến công 1975 ở một nước nông nghiệp lạc hậu, nơi mà 80% sản xuất đều làm bằng thủ công, thì ở đấy con người đã phải nỗ lực ghê gớm như thế nào? Để có một ý niệm, chúng ta hãy làm một so sánh: để bảo đảm cho cuộc tiến công Tết 1968, người ta đã phải chuẩn bị 30.000 tấn xăng dầu, súng đạn các loại cho cuộc tiến công 1972 là 70.000 tấn; thì nay chuẩn bị cho cuộc tiến công 1975 một khối lượng lớn là 250.000 tấn sẽ được đưa vào miền Nam, mà chủ yếu là phải vượt rừng núi. Riêng xe tăng, nó không thể tự hành trên 2.000 kilômét theo đường Hồ Chí Minh, vì như thế vào đến chiến trường, nó sẽ hư hại và không thể sử dụng được. Vậy là phải đưa vào bằng nhiều cách: có chặng vận chuyển bằng ôtô, có chặng lại phải tháo rời ra từng bộ phận rồi sẽ phải lắp lại ở những căn cứ an toàn và được trang thiết bị tốt. Nhiều trạm sửa chữa, trạm nhiên liệu phải được thiết lập sẵn trên suốt dọc đường. Còn để đưa được xăng dầu cần thiết cho xe cộ các loại, thì người ta phải đặt những ống dẫn theo dọc Trường Sơn. Cộng vào đó là một phối lượng lớn vũ khí, súng đạn, lương thực, thuốc men cần thiết phải đưa vào chiến trường miền Nam...

Đơn vị nhỏ bé được thành lập năm 1959 để tiếp tế cho các chiến khu ở miền Nam theo đường rừng Trường Sơn, nay sau mười lăm năm đã trở thành một đạo quân thực sự, có đủ trong tay các binh chủng: từ công binh, vận tải cơ giới, vận tải đường thủy, đến vận chuyển và dự trữ nhiên liệu và dầu mỡ, từ các đơn vị phòng không thông thường đến các đơn vị được trang bị tên lửa “Sam” đất đối không... Việc thông tin liên lạc, hệ thống thần kinh của đường Hồ Chí Minh, được bảo đảm bởi 14.865 kilômét đường dây điện thoại, cạnh đó là thông tin vô tuyến... Rồi các binh trạm, các trạm giao liên, các đơn vị bộ binh làm nhiệm vụ bảo vệ, các cơ sở hậu cần, các kho trạm phân phối vũ khí, khí tài lương thực các đơn vị thanh niên xung phong, và dân công hỏa tuyến... tất cả các lực lượng và tổ chức ấy đều nhằm vào bảo đảm giao thông thông suốt cho con đường chiến lược trong bất kỳ tình huống nào, dù do địch đánh phá, hay do thời tiết gây nên... Cuộc chiến đấu chống máy bay Mỹ đánh phá trên đường Hồ Chí Minh diễn ra cũng hết sức ác liệt. Trong thời gian hoạt động ở đấy các đơn vị phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh trả máy bay Mỹ 42.138 trận và bắn hạ 160 chiếc.
______________________________________
1. Ở đây, chúng tôi thấy cần nói rõ thêm. Thực ra, theo chỉ đạo của trên, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam đã xây dựng hai kế hoạch. Kế hoạch thứ nhất - kế hoạch cơ bản nhằm thực hiện quyết tâm chiến lược là giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm 1975-1976. Bên cạnh kế hoạch này còn một kế hoạch, một phương án nữa, là “nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
    Thực tế diễn biến cuộc Tổng tiến công năm 1975 là: ngay trong quá trình chiến dịch Tây Nguyên, trước chiều hướng tình hình phát triển vô cùng thuận lợi cho ta, Bộ chính trị trong cuộc họp ngày 18-3-1975, đã kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược “giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975” (N.D).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 04:33:16 pm »


Về cuộc sống trên Trường Sơn, một số bức thư sau đây của sinh viên N, một trong hàng chục ngàn những người lính đã đi trên con đường này để vào Nam chiến đấu sẽ giúp chúng ta hiểu nó được phần nào. Anh gửi những lá thư này về cho gia đình, cho mẹ và người vợ chưa cưới ở Hà Nội. Ghép những lá thư lại, nó sẽ như một cuốn nhật ký hành quân của một chiến binh trong hàng vạn những chiến binh khác. Ngày lại ngày, qua những ý nghĩ, những sự việc, những khó khăn, người ta thấy ở đấy phác lên một cách chi tiết bức tranh của một sự tích anh hùng thần kỳ, được tạo nên bởi những nỗi nhọc nhằn, những đau khổ, những phút ngã lòng được chế ngự, và cả quyết tâm ý chí vươn lên thường ngày để vượt qua. N. không nói về các trận chiến đấu, những lá thư của anh có vẻ như ở ngoài lề của cuộc chiến, nhưng thực ra nó vẫn nằm ở trung tâm sự kiện: đó là sự quên mình, những hy sinh luôn luôn có ở những chàng trai mười tám đôi mươi và ở họ trái tim dần dần được tôi luyện thành thép. “... Sống ở trên đời người cũng vậy; Gian nan rèn luyện mới thành công.”. Ở trong tù năm 1942, Hồ Chí Minh đã viết như thế. Và đây trên rừng núi Trường Sơn, người ta phải trải qua những gì và con người đã được tôi luyện và trưởng thành như thế nào...

“Những ngày này, đường không bị bom cắt. Mỗi ngày chúng con có thể đi được 100 kilômét. Xe lắc tứ phía, con buồn ngủ đến nỗi thiếp đi lúc nào không biết và khi tỉnh dậy, người con đau ê ẩm như bị giần (…) Chúng con tạt vào rừng nghỉ. 5 giờ sáng mắc võng, đánh một giấc để rồi 5 giờ chiều lại lên đường. Tiếp đó là một đêm nửa thức nửa ngủ, giữa những trận bom, đúng hơn là những trận mưa bom và đôi khi là những sự cố dọc đường mẹ cứ yên tâm, con của mẹ luôn luôn cẩn thận và quá yêu cuộc sống để không nỡ rời bỏ nó chỉ vì ngu ngốc hay đơn thuần chỉ vì muốn tỏ ra vẻ ta đây… )

(…) Hai em của con chúng thế nào hả mẹ?

Con nhớ nhà quá đến nỗi thậm chí con không dám nghĩ về mẹ quá lâu. Có những đêm, con mơ thấy căn phòng nho nhỏ của nhà ta, thấy mẹ, mẹ yêu quý, và các em con. Tỉnh dạy, con không chịu nổi nữa... Bao giờ thì cái thảm họa này mới kết thúc? Cần phải ở đây, ở chính trên những con đường đầy những vết hằn đau khổ này, con người ta mới biết và cảm nhận được hết cái thảm họa ấy nó sâu rộng biết dường nào. Tốt hơn là không nên nói vấn đề này nữa, vấn đề đã dằn vặt chúng ta ở cả hơi miền Nam Bắc...”.

Những chặng nghỉ được dành để làm một số việc vặt: “... Những ngày này con không có việc gì làm. Con khâu lại chiếc quần dài, vá víu chiếc quần cộc và sửa lại những chỗ khâu lỗi. Tự tay con làm hết mọi việc, mẹ ạ. Có lẽ không có gì tốt bằng đại học trường đời? Bao giờ con trở về, chắc chắn mẹ sẽ phải ngạc nhiên về đứa con lớn của mẹ cho coi...”

Nhưng không phải chặng đường nào cũng được ngồi xe, có những chặng người ta phải đi bộ: “… Con viết cho mẹ ở một trạm dừng chân. Một ngày nghỉ lúc này là thực sự quý, mẹ ạ, bởi chặng đường vừa rồi hết sức cực nhọc. Chúng con đã vượt qua một ngọn núi cao 1000 mét. Trên đỉnh, có mặt trời, người ta có thể trông thấy suốt tới Quảng Trị (…) ở đây, mưa tầm tã. Thật không gì chán ngán bằng cái cảnh hành quân trong mưa: người ướt dầm tới tận xương. Đôi khi, để leo lên một sườn dốc, ngươi ta phải dùng cả đến đôi tay và bây giờ con mới thấm thía cái câu người ta ví: “Thở ra cả đằng tai”... đầu con nóng bừng dưới một cơn mưa như thác. Qua lớp mây này, người ta lại chúi đầu vào một lớp mây khác, cao hơn, đang trút nước. Hôm qua là một cuộc hành quân sáu giờ liền trong mưa. Ngày mai và mai nữa chắc cũng sẽ thế...”

Theo dòng thời gian, những ngày, những tuần rồi những tháng qua đi và một con người khác xuất hiện, một con người được tôi luyện thành thép.

“Em yêu - anh viết cho người vợ chưa cưới ở Hà Nội - em có thể hình dung được cuộc sống trên rừng núi Trường Sơn nó thế nào không? Chắc em sẽ nghĩ đến những tán cây cổ thụ, những đỉnh núi mây mù che phủ... Thế này em ạ, trong một đêm mưa lạnh ẩm ướt, anh và các bạn anh trong một túp lều heo hút giữa rừng già, một túp lều mà em chỉ có tưởng tượng trong một câu chuyện kể mùa đông... Quây quần bên một ngọn lửa nóng rực mỗi người một chiếc que đang nướng những miếng thịt lợn rừng... Mỡ chảy xuống các ngón tay... Bên ngoài, một ngọn thác rất gần đang gầm thét... Anh cam đoan với em rằng đó là những giờ phút tuyệt diệu nhất trong rừng núi đại ngàn Trường Sơn... Nếu có ai bảo: “Thật khủng khiếp! Đó là một cuộc sống thời tiền sử và cái gã khốn khổ kia hắn lại có vẻ đang khoái trá!” thì em cần bảo người đó hộ anh: “Hãy câm miệng đi!” Hãy đến với Trường Sơn và em sẽ thấy thế nào là rừng núi và hạnh phúc được sống ở đấy dù chỉ một phút. Dù sao nó cũng còn hơn là sống ở Hà Nội để rồi chỉ tuôn ra những lời huênh hoang khoác lác!”

Có một ngày, anh lính N. lo ngại cho người vợ chưa cưới của mình: “Em học có tốt không? Em cần gắng làm việc. Nếu em chưa biết làm bếp, thổi cơm còn sống còn khê thì em hãy kệ nó! Điều quan trọng nhất là em được học hành, có học thức, học thức nhưng nhã nhặn khiêm tốn...”.

Một ngày khác: “Ba tuần nữa, chuông nhà thờ lớn Hà Nội sẽ ngân lên những hồi báo Noel. Được đón Noel ở Hà Nội thì thật tuyệt. Ở đây, bọn anh cũng gắng tổ chức một cái gì đó. Ai không biết tìm thấy trong cuộc sống một niềm vui nho nhỏ, lành mạnh thì kẻ đó chỉ là thằng ngốc!...”

Và thật phũ phàng và đột ngột, đó là thử thách... Nó không đến từ một trận đánh oai hùng, một vết thương thực sự mà nó từ từ bò đến, ẩn mình trong cái rậm rạp ẩm ướt của rừng già...

Một hôm, trong một chặng hành quân dài cùng với trung đội của mình, N. bỗng quỵ xuống, bị quật đổ bởi một cơn sốt rét ác tính. Trong các lá thư của anh thì đây là lá thư thống thiết nhất, bởi ở đây người ta thấy anh đang vật lộn giữa sự sống và cái chết, và người ta đo được nhiều hơn những khắc nghiệt thực tế, những lựa chọn tàn bạo xót xa nhưng cần thiết mà những con người trai trẻ này phải đương đầu, ngay cả ở bên ngoài bản thân chiến tranh. “... Anh nằm trên một chiếc giường ghép bằng cành cây, gần ngay bên bờ một con suối… Nước reo ngay dưới lưng anh. Thân mình anh run lên bần bật và người anh nóng rãy, đến nỗi người chiến sĩ giao liên sợ quá phải lùi ra xa anh. Trung đội trưởng của anh thì thầm cái gì đó với trung đội phó, nhưng anh này có vẻ phản đối. Anh hiểu ngay là họ đang nói về anh, bàn xem có nên để lại anh không, bởi không có người ốm thì họ cũng đã quá nặng rồi...”

“Anh qua một đêm khủng khiếp. Anh cảm thấy quá cô độc và anh nghĩ đến tất cả chúng ta và lúc anh ấy anh chỉ muốn trở về với gia đình bằng bất cứ giá nào, anh muốn sống sót bằng tất cả nghị lực của mình và giúp cho mình chút sức lực để vượt qua... Sáng hôm sau, anh thấy mình nằm lại, được giao cho người dẫn đường, một người dân sống trong vùng săn sóc... Trung đội của anh, họ đã lặng lẽ ra đi, có lẽ nghĩ rằng chắc anh sẽ không sống nổi...”

“Anh không oán trách gì họ hết, N. viết tiếp, các anh đã gần kiệt sức. Và đó, xung quanh bọn anh chỉ là cái nóng và ẩm ướt đến ngột ngạt và trên vai mỗi người là 35-40 ki lô mỗi lúc một trĩu nặng. Các anh đã đi 40 ngày đường, có lẽ hơn, và trước mặt còn 20 ngày nữa mới tới! Giờ nếu thêm một người ốm và ba lô, súng đạn của người ấy phải cáng trên vai... đặt mình vào hoàn cảnh của họ, anh hiểu và anh không còn giận họ nữa...”

N. có cảm giác “mình như một con thú bị săn đuổi” (…) “Người dẫn đường cho anh là một con người tốt - N. viết tiếp - và anh ta giúp anh đi nhúc nhắc từng bước... Sau vài ngày đi, chẳng cần thiết phải mô tả cho em biết trong mấy ngày ấy anh đi như thế nào..., thì đột nhiên anh bị ngất đi. Và khi tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trong một cái hang được dùng làm trạm quân y, nơi mà một trung đội trinh sát đã khiêng anh tới.”

Trong cái trạm quân y ấy, đối với N, đó là một cuộc chiến đấu dai dẳng chống lại tử thần. “... Anh không có đủ giấy để mô tả cho em cuộc sống kỳ lạ ấy, một cuộc sống mà người ta không thể phân biệt nổi cái ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết, mà từ “sống” hay “chết” ấy cũng chẳng còn gây cho người ta một cảm xúc nào nữa... Anh nằm giữa hai bệnh nhân khác. Cả ba đều bị sốt rét. Bọn anh nằm chật đến nỗi, nếu có một người nào đó lên cơn sốt thì hai người kia cũng run lây… Nếu có một người sốt tới 40 độ thì hai người kia cũng mồ hôi ướt đẫm (...) Anh đã chứng kiến hai người bạn ấy ra đi. Một đêm, người nằm bên trái anh như lên cơn điên. Anh ta đập tứ tung... Anh cũng bị nhận không ít những cú đập của anh ấy nhưng vì quá yếu nên anh chẳng có phản ứng gì hết. Thế rồi đột nhiên, anh ta mê sảng... anh ta lúng búng cái gì đó trong miệng như tiếng trẻ thơ, người anh ta rung lên bần bật, và rồi tất cả ngừng bặt. Anh hiểu ngay anh ta đã chết và anh ra sức gọi người tới cứu... anh gọi chị y tá nhưng đêm đã khuya, vả lại chính chị y tá từ nhiều ngày nay cũng bị ốm. Thế là suốt đêm ấy, anh với người bạn nằm bên phải anh, cả hai đều run lên vì sợ và thấy người bạn đã mất nguội dần đi. Anh ta còn rất trẻ, cũng ở tuổi em, mới mười tám tuổi đầu...” Năm ngày sau là đến lượt người bạn bên phải của anh, anh ta từ giã cõi đời với những cơn co giật kinh khủng... Anh thề với em rằng trong suốt thời gian hấp hối, anh ta chỉ gọi tên mẹ như một đứa trẻ lên sáu…”

Riêng N., anh vẫn sống sót, bởi ngày hôm ấy giữa cơn mê sảng, trong giây phút nửa tỉnh nửa mê anh đã nghe thấy chị y tá thì thầm là “phải đốt chiếc giường xui xẻo đó đi” sau khi anh chết. “Đừng vội đốt chiếc giường đó đi, cô y tá mau miệng xinh đẹp ạ, tôi sẽ sống”, anh viết.

Và một buổi sáng, điều kỳ diệu đã xảy ra: anh đã qua khỏi cơn nguy...

N. dần dần bình phục và anh lại lao vào cuộc chiến. Một hôm, anh viết những suy nghĩ của mình về chiến tranh: “Anh đã rời bỏ tất cả, anh đã để lại ở Hà Nội tất cả những gì thân yêu nhất của mình để đi chiến đấu. Và nhờ nó, anh đã hiểu rõ hơn thế nào là nỗi đau, nỗi khổ, và qua những thử thách ấy, con người ta đã lớn lên và được tôi luyện như thế nào...”

N. cho người ta một hình ảnh nhỏ về những con người mà người ta gọi là “anh bộ đội”. Họ chẳng có gì giống như những “tên cuồng tín” mà một số nhà bình luận phương Tây ưa thể hiện. Họ là những chàng trai trẻ, như N, được đặt vào những điều kiện đặc biệt, đã biết tự vượt lên chính mình để trở nên những con người thật sự. Để có được điều đó, họ cần phải có một niềm tin tất thắng, tin vào tổ quốc mình, vào chỉ huy của mình… Một phần lớn những thắng lợi đã được giành như vậy đó, trong những điều kiện có tính chất sử thi ít được biết tới trên những dãy núi hiểm trở của dải Trường Sơn chạy dọc suốt biên giới Việt Lào từ Bắc chí Nam.

Đầu tháng giêng năm 1975, một cuộc thử nghiệm cuối cùng được thực hiện: Sáng sớm ngày 2 tháng Một, một số đơn vị Quân đội nhân dân được khoảng chục xe tăng chi viện đã tiến công thị xã Phước Bình, tỉnh lỵ của tỉnh Phước Long nằm cách Sài Gòn 120 kilômét về phía Tây Bắc. Thị xã Phước Bình, nơi đóng sở chỉ huy của tỉnh (tiểu khu Phước Long) là do năm tiểu đoàn đóng giữ và được sự chi viện chiến thuật của không quân ở Sài Gòn. Ngày 6 tháng Một, thị xã bị mất và đó là tỉnh đầu tiên ở Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng.

Sau cú vồ đó “mèo ta” rũa vuốt và chờ đợi những phản ứng của Washington. Tổng thống Ford tuyên bố “lo lắng” về tình hình Nam Việt Nam sau khi Phước Long bị mất và sẽ có cuộc trao đổi về vấn đề này với Kissinger và bộ trưởng Quốc phòng James Schlessinger. Nhưng tất cả chỉ có thế...

Và Sài Gòn cũng không cố chiếm lại Phước Long.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 04:35:38 pm »


Trên giấy tờ, quân đội Việt Nam Cộng hòa thật ấn tượng. Được tăng cường mạnh mẽ nhưng vội vã vào trước ngày Mỹ ký Hiệp định Paris, quân đội này có trong tay 1500 khẩu pháo, hơn 2000 xe tăng và thiết giáp, một lực lượng không quân 1800 chiếc máy bay trong đó 380 cường kích ném bom kiểu F5, A37 và hơn 700 trực thăng; về thủy quân họ có 1600 tàu xuồng chiến đấu các loại. Gần một phần hai mươi dân số Nam Việt Nam đã bị Sài Gòn xung vào quân ngũ: 710000 lính và 340000 dân vệ.

Trên chiến trường, quân Sài Gòn được bố trí như sau:

Ngoài vùng Một chiến thuật (vùng Bắc Nam Việt Nam): ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và Quảng Ngãi có 3 sư đoàn, được tăng cường 1-2 sư đoàn dự bị chiến lược gồm quân dù và thủy quân lục chiến.

Trên vùng Hai chiến thuật (Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung bộ): 2 sư đoàn, được tăng cường trên một nửa số các đơn vị biệt động quân.

Tại vùng Ba chiến thuật (Sài Gòn và Đông Nam Bộ): 3 sư đoàn cộng với 1-2 sư đoàn dự bị chiến lược.

Ở vùng Bốn chiến thuật (Đồng bằng Cửu Long): 3 sư đoàn.

Đó là về lực lượng bộ binh. Cạnh đó phải kể thêm 6 sư đoàn không quân, 40000 thủy binh, các đơn vị thiết giáp và pháo binh làm nhiệm vụ yểm trợ cho bộ binh. Nhưng về thế bố trí, quân đội Sài Gòn bị căng kéo theo chiều dài đã tỏ ra yếu về mặt chiến lược, nó không có một tý chiều sâu nào. Hơn nữa, từ đầu 1975 lực lượng này đã bộc lộ nhiều điểm yếu, bởi nó bị xói mòn từ bên trong một cách nghiêm trọng...

Trong những năm 1973, 1974, tạp chí quốc phòng Sài Gòn đã công bố một loạt những lời bình luận nguy kịch về tình trạng của quân đội ấy và về bối cảnh chính trị, xã hội của Sài Gòn.

“Cô lập ngày càng tăng của chế độ Sài Gòn trong khu vực Đông Nam Á; Không còn chi viện hoá học của Mỹ và thiếu một chiến lược để thay thế”, đó là những chấm đen mà các học viên sĩ quan của trường Cao đẳng quốc phòng nhấn mạnh. “Trong những năm chiến tranh gần đây người Mỹ còn hơn là một đồng minh... Vai trò của họ là vai trò của một người cha đỡ đầu. Tất nhiên không phải là vô tư...”, một sĩ quan khác đã viết thế: người này tiếc rằng phần tư thế kỷ vừa qua đã không để lại cho Sài Gòn một chuyên luận nào về rút kinh nghiệm chiến lược, ngoại trừ một mớ “những sách dịch của nước ngoài”. Một sĩ quan cao cấp khác cũng than phiền là quân đội Sài Gòn, sau khi người Mỹ rút lui, đã chẳng có được một lý luận quân sự nào có tính chất “dân tộc” và “độc lập”...

Còn tướng Sài Gòn Nguyễn Bảo Trí, ông ta đã vẽ lên một bức tranh khá rõ ràng và đáng thất vọng về cái xã hội mà trong đó quân đội phải chiến đấu. Phân tích bối cảnh xã hội Sài Gòn, ông viết: “Những lực lượng và những xu hướng chia rẽ là nhiều và mạnh. Những mâu thuẫn phía thành thị và nông thôn, giữa trí thức và người lao động, giữa các xu hướng tôn giáo, các vùng khác nhau... cũng như những tranh giành giữa các phe phái cũng nặng nề, trong khi những cơ may để thống nhất lại mỏng manh (…) Trên cái nền của sự chia rẽ đó, những tranh giành, đấu đá giữa các lực lượng và xu hướng khác nhau càng làm cho thống nhất quốc gia đã không đáng kể lại càng mỏng manh và có thể dẫn đất nước tới tan rã”.

Đồng thời, tướng Nguyễn Bảo Trí viết tiếp: “xã hội còn bị xói mòn bởi nhiều những bất công, bởi tham nhũng, hối lộ và nhiều những tệ nạn khác. Kinh tế thì không kiểm soát nổi, gia đình thì rối loạn, mọi giá trị tinh thần và kỷ cương xã hội bị đảo lộn... Đó là một xã hội đầy rẫy những bất bình và không có tương lai... Thêm vào đấy là những khó khăn do chiến tranh gây ra: sản xuất bị phá hoại, thất nghiệp tăng, đời sống khó khăn, giá cả leo thang vùn vụt, an ninh không được đảm bảo, gia đình bị chia rẽ do miếng cơm, manh áo. Thế mà cùng lúc ấy nhiều người làm giàu nhờ chiến tranh, nhờ những rối loạn xã hội và những kẻ vô trách nhiệm. Tất cả những cái đó tạo ta hình ảnh của một xã hội bị chia rẽ sâu sắc (…)”. Sau khi nhấn mạnh như vậy, Bảo Trí lại viết tiếp: “Những nhà lãnh đạo đều phần lớn chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Tây và Mỹ hoá, cho nên họ tách rời dân chúng mà dân thì họ lại gắn bó với truyền thống dân tộc... do đó vấn đề chia rẽ giữa nhà nước và các khối đại chúng là không thể giải quyết được. Kết quả là đời sống xã hội và chính trị ở miền Nam chìm đắm vào đêm tối. Một bộ phận dân chúng, bất bình với chính phủ, đi theo cộng sản để chiến đấu cho tự do, bình đẳng. Một bộ phận khác thì sống một cách bi quan, thụ động, thờ ơ với chính trị và quan tâm duy nhất của họ là làm thế nào để kiếm cho được đủ sống hay làm giàu...”.

Bài viết cay đắng này giúp cho người ta hiểu được phần nào nguyên nhân của sự tan vỡ hoảng loạn diễn ra sau này. Với những lời chỉ trích như thế đối với một xã hội mà viên tướng Sài Gòn Nguyễn Bảo Trí coi như có trách nhiệm phải bảo vệ thì thử hỏi ông ta sao còn có thể đòi hỏi được các binh sĩ của ông ta phải chiến đấu sống chết vì nó? Dưới ngòi bút của ông, một sĩ quan cao cấp quân đội Sài Gòn, người ta còn cảm thấy dường như có một sự quyến rũ nào đấy của “phía bên kia” đã cuốn hút ông; nó như một sự hối tiếc khiến một số những người ít bị tha hóa hơn của chế độ cũ đã đón nhận, gần như có sự nhẹ nhõm, cuộc tiến quân của những người cách mạng vào Sài Gòn1.
_______________________________________
1. Ở đây tác giả viết “vào Sodome”. Xin dịch thẳng là vào Sài Gòn để dễ hiểu. Sodome là tên cổ của một số thành phố ở Nam Biển Đen, bị phá huỷ trong một thiên tai vào thế kỷ 19 TCN. Kinh Thánh nhắc đến thảm hoạ này như đó là một sự trừng phạt của Chúa đối với cái tội bất trung và vô luân của người dân những thành phố ấy. Dùng Sodome, tác giả làm câu nói có thêm nhiều hàm ý - ND.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 04:39:41 pm »


Ở Hà Nội, Bộ Chính trị quyết định và thống nhất với Chính phủ cách mạng lâm thời về thời gian tiến công: Xuân 1975 và giao cho Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị kế hoạch. Mục đích ban đầu của cuộc tiến công là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch và làm thay đổi một cách cơ bản hơn nữa cục diện chiến trường.

Năm 1975 là một năm có nhiều ý nghĩa: vào năm ấy, nhân dân Việt Narn sẽ tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đảng, 30 năm ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và 85 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đời năm 1969. Và rồi các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng không thể đòi hỏi nhân dân của mình phải hy sinh một cách vô tận. Thời cơ là thuận lợi và năm 1975 sẽ là năm thực hiện một thắng lợi lớn, giúp cho cuộc kháng chiến tiến lên một cách quyết định tới “thắng lợi hoàn toàn”...

Vậy là Bộ tổng tham mưu, tuỳ thuộc vào hai giả thiết đã đưa ra hai kế hoạch1. Một kế hoạch, tối thiểu, là tiến lên một bước mới, có tính chất quyết định...

Một kế hoạch khác, theo giả thiết tối đa, là nắm thời cơ có lợi tiến lên càng xa càng tốt, có thể là tới đích...

Bộ Chính trị cũng yêu cầu là phải xác định hướng tiến công chủ yếu sao cho thoả mãn được các điều kiện:

1. Những trận đánh đầu tiên phải nhằm vào những mục tiêu có tầm quan trọng hàng đầu nhưng không phải quá mạnh.

2. Hiệu quả bất ngờ phải đóng một vai trò chiến lược. Những trận đánh đầu tiên phải bảo đảm chắc thắng.

3. Những thắng lợi ban đầu phải làm rung chuyển thế bố trí của quân ngụy trên toàn miền Nam.

Phân tích thế bố trí của địch, Bộ Chính trị và Bộ tổng tham mưu đã quyết định chọn Buôn Ma Thuột, một thị xã cỡ trung bình nằm trên Tây Nguyên, làm hướng tiến công chủ yếu.

Quân đội Sài Gòn chờ đợi một cuộc tiến công của đối phương ở vùng Một, Quảng Trị, hay ở vùng Ba Sài Gòn. Vậy là họ tập trung lực lượng trên hai vùng ấy hơn là trên Tây Nguyên, một vùng ít dân và địa hình ở đấy nổi tiếng là khó khăn cho các cuộc hành quân. Trên vùng rộng lớn nằm ở trung tâm miền Nam Việt Nam và chiếm 30% diện tích toàn miền Nam, có hai vị trí then chốt khóa chặt vùng cao Tây Nguyên là thị xã Plâyku và Kontum...

Việc chọn Buôn Ma Thuột, nằm trên trục hai con đường quan trọng và nằm cách biên giới Campuchia 35 km về phía Đông, đã đáp ứng những yêu cầu do Bộ Chính thị đề ra. Ngoài yếu tố bất ngờ do địch không chờ đợi một cuộc tiến công ở hướng này, thị xã Buôn Ma Thuột - trung tâm chính trị quan trọng bậc nhất chiếm 80% số dân tộc thiểu số của Tây Nguyên - lại là một vị trí có tầm quan trọng thực sự về quân sự: sư đoàn 23 ngụy đã đóng sở chỉ huy ở đấy. Cuối cùng thị xã này còn nằm trên quốc lộ 14, con đường huyết mạch nối liền Sài Gòn với Tây Nguyên.

Từ Buôn Ma Thuột, có một loạt đường ngang chạy xuống duyên hải miền Trung. Cho nên về mặt quân sự, chiếm được Buôn Ma Thuột sẽ có nghĩa là cô lập được Tây Nguyên với Sài Gòn và miền Nam Việt Nam sẽ có thể bị cắt làm đôi. Việc giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên là có thể xảy ra, và khi đã chiếm được vùng rộng lớn bao gồm năm cao nguyên cao 1500 mét này, người ta sẽ có điều kiện để tiến xuống vùng đồng bằng duyên hải miền Trung... Có thể đây là giả thiết tối thiểu mà Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã đề ra. Và khi mà Tây Nguyên được giải phóng, và nếu có thể là cả miền Trung Việt Nam, thì vùng giải phóng của Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ trở nên càng vững chắc và sẽ càng rất “nặng ký” đối với cuộc đấu tranh chính trị với chính quyền Sài Gòn...

Các tướng lĩnh mai đây sẽ chỉ huy các sư đoàn Quân đội nhân dân trong cuộc tiến công đều đang ở độ tuổi bốn, năm mươi. Bộ tham mưu các đơn vị cũng được trẻ hóa, vài tháng trước, tôi đã có dịp đến thăm một đơn vị Quân đội nhân dân tại mặt trận Quảng Trị, ở một tiểu đoàn tuyến một, đối diện với quân đội Sài Gòn chỉ cách hai trăm mét. Ở đây, trong những chiến hào cũng như ở các hầm chỉ huy làm bằng các cây gỗ tròn đắp đất của các trung đội, không hề có một chút nào của sự buông tuồng bừa bãi.

Trên các vách hầm, không có những tấm ảnh suồng sã, nhưng có một tờ báo tường trên là những bức vẽ, những bài thơ thể hiện chủ đề yêu nước. Ở giữa những con người rất trẻ ấy, đang độ tuổi đại học, người ta sống trong một bầu không khí của tình đồng chí thân mật, đầm ấm, như trong một gia đình... Một sức mạnh lặng lẽ nhưng tươi trẻ, đầy sức sống tinh thần và vật chất. Người trẻ nhất 17 tuổi; tiểu đoàn trưởng 26 tuổi và chính trị viên 28 tuổi.

Tối đến, người chỉ huy đệm đàn để các chiến sĩ ca hát và anh dạy họ mấy điều thường thức về ký âm.

Ngày bắt đầu lúc 5 giờ bằng tập thể dục... Mỗi ngày dành một giờ giúp dân làm việc ở ngoài đồng. Thời giờ rảnh rỗi anh em học văn hóa, người học cao dạy đồng đội và nhân dân trong vùng.

Đó là những đối thủ mà quân đội Sài Gòn có trước mặt họ. Và để chống lại những đối thủ ấy, họ chỉ có một thứ “lý tưởng” mà như tờ Tiền tuyến, một tờ báo của họ đã mô tả:

“Họ chỉ biết có rượu và gái và họ tìm cách quên đi tất cả chỉ bằng hai cái mẹo ấy. Rồi họ ra mặt trận. Chấm hết.”2
________________________________________
1. Ở đây, chúng tôi thấy cần nói rõ thêm. Thực ra, theo chỉ đạo của trên, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam đã xây dựng hai kế hoạch. Kế hoạch thứ nhất - kế hoạch cơ bản nhằm thực hiện quyết tâm chiến lược là giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm 1975-1976. Bên cạnh kế hoạch này còn một kế hoạch, một phương án nữa, là “nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
    Thực tế diễn biến cuộc Tổng tiến công năm 1975 là: ngay trong quá trình chiến dịch Tây Nguyên, trước chiều hướng tình hình phát triển vô cùng thuận lợi cho ta, Bộ chính trị trong cuộc họp ngày 18-3-1975, đã kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược “giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975” (N.D).

2. Số ngày 8-8-1971.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 04:41:37 pm »


Ngày 1 tháng Ba, những trận đánh đầu tiên của cuộc tiến công bắt đầu: các đơn vị quân giải phóng cắt đứt các tuyến đường chiến lược dẫn đến cao nguyên và tiến hành một loạt các hoạt động nghi binh.

Ngày 4 tháng Ba, hai con đường chính 19 và 14 bị cắt khiến Plâyku và chỉ huy Vùng hai quân đội Sài Gòn lâm vào thế cô lập. Nhìn chung, cao nguyên đã bị cắt khỏi đồng bằng... Quân đội nhân dân nghi binh như tấn công Plâyku.

Quân Sài Gòn rơi vào bẫy và lấy bộ phận chủ lực của sư đoàn 22 và 23 lên tăng viện cho Plâyku, chỉ để lại ở Buôn Ma Thuột hai trung đoàn.

Cùng thời gian này, một số trận đánh quan trọng nhưng vẫn có tính chất nghi binh được Việt Minh tung ra ở Quảng Trị, phía Bắc. Bộ chỉ huy Sài Gòn chưa điều động lực lượng dự bị chiến lược, bởi họ tin rằng hướng tiến công chủ yếu của đối phương sẽ nhằm vào mặt trận phía Bắc hoặc Sài Gòn.

Như vậy, Việt Minh có thể tập trung lực lượng vào đánh Buôn Ma Thuột. Một sư đoàn được đưa vào trận đánh. Khác với lối đánh truyền thống trước đây của Việt Minh là lần lượt đánh chiếm từng vị trí địch, dùng hỏa lực mạnh của pháo binh để chế áp vị trí, rồi sẽ tấn công tiêu diệt vị trí bằng xung phong chính diện... thì lần này đánh muôn Ma Thuột, các cán bộ chỉ huy, phát hiện những chỗ yếu của địch, đã quyết định vô hiệu hóa địch từ bên trong, đánh thẳng vào tiêu diệt sở chỉ huy sư đoàn 23, trung tâm đầu não của chúng... Mấy ngày trước trận đánh, một số đơn vị đặc công đã luồn sâu vào Buôn Ma Thuột, cải trang dưới những cái vỏ khác nhau...

Vậy là từ ngày 9 tháng Ba, khách sạn lớn nhất thành phố, khách sạn “Anh Đào” đã đón tiếp mấy “vị khách” đáng kính đến nghỉ. Họ không phải ai khác mà chính là mấy chiến sĩ quan trắc pháo binh, ngày mai họ sẽ dùng liên lạc vô tuyến để điều chỉnh đường bắn của pháo 130 ly của quân giải phóng bắn vào sở chỉ huy sư đoàn 23, các trận địa pháo và căn cứ thiết giáp quân ngụy.

Cũng như thế khoảng một trăm chiến sĩ đặc công đã vào ém sẵn ở tất cả các vị trí trọng yếu trong thị xã, như sở chỉ huy, tòa thị chính, dinh tỉnh trưởng, kho đạn... trong khi pháo hỏa chuẩn bị của quân giải phóng thu hút sự chú ý của địch ra bên ngoài, thì ở bên trong họ chuyển sang tấn công các mục tiêu vào đêm mồng 10 tháng Ba.

Như vậy là chỉ với mấy chục người, họ đã làm tê liệt sở chỉ huy sư đoàn 23, làm rối loạn tất cả các vị trí phòng thủ của đối phương. Sáng hôm sau, lực lượng chủ lực của trận đánh tiến sâu vào thị xã, đánh chiếm các vị trí làm chủ Buôn Ma Thuột. Cách đánh này sẽ trở thành một cách đánh điển hình của cuộc tiến công 1975.

Chỉ sau khi mất Buôn Ma Thuột, Sài Gòn mới vỡ lẽ là hướng chính của cuộc tiến công là nhằm vào Quân khu hai, vào Tây Nguyên... Họ cố gắng chiếm lại thành phố. Quân tăng viện của sư đoàn 23 một lữ đoàn quân dù và hai lữ đoàn biệt động quân được trực thăng vận đến cứu nguy cho Buôn Ma Thuột, đã lại rơi vào một cái bẫy và bị tiêu diệt ngay khi vừa mới đổ quân.

Thế là Kontum và Plâyku bị cô lập và uy hiếp.

Ngày 15 tháng Ba, quân ngụy ở hai thành phố này bắt đầu di tản về hướng đồng bằng ven biển. Lệnh di tản được đích thân tổng thống Thiệu ban ra. Lệnh này tự bản thân nó là logic: rút quân về đồng bằng ven biển, Sài Gòn hy vọng là họ có thể tổ chức ở đấy một tuyến phòng thủ tập trung hơn, vững chắc hơn. Nhưng rủi ro thay, những điều kiện của cuộc rút quân, tình trạng hoàn toàn thiếu chuẩn bị và sự suy sụp về tinh thần đã khiến cho cuộc rút quân biến thành một cuộc tháo chạy hoảng loạn.

Từ ngày 13 tháng Ba, Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên đã dự kiến trước khả năng rút lui này: để rút địch chỉ duy nhất có một con đường đó là tỉnh lộ số 7 nối liền Plâyku với thị xã Tuy Hòa của tỉnh duyên hải Phú Yên, nằm cánh Sài Gòn 570 km về phía Bắc. Từ hàng chục năm nay, con đường này đã hư hại nhiều và ít được dùng đến... Giờ đây, chín trung đoàn quân Sài Gòn cùng hàng vạn dân thường kéo theo, trong một tình trạng hoảng loạn cực độ, đổ vào con đường nhỏ ấy... Bị bao vây và truy đuổi trên một đoạn đường 100 km gần như toàn bộ chín trung đoàn đã bị tiêu diệt, quân giải phóng thu được trên đường một khối lượng lớn súng đạn và các đồ quân dụng, trong đó có toàn bộ xe pháo...

Còn sư đoàn 22, trên đường rút chạy về hướng bờ biển theo đường 19, chúng cũng bị chặn lại và bị tiêu diệt đại bộ phận. Số quân còn lại chạy về đến Quy Nhơn thì được lệnh của Sài Gòn tổ chức một tuyến phòng thủ ở đấy, Sở chỉ huy tác chiến của quân giải phóng theo dõi các cuộc diện đàm của địch, đã nghe được số quân sống sót trả lời cấp trên của chúng: “các ông bảo chúng tôi lấy gì để tổ chức phòng thủ bây giờ? Chúng tôi chỉ còn có cái đ...!”

Chiến dịch Tây Nguyên đã đạt được các mục tiêu gần như toàn bộ vùng cao nguyên được giải phóng. Khả năng thúc đẩy quân đội Sài Gòn tới tan rã đã xuất hiện.

Có lẽ lúc này tướng Giáp, người tổ chức đã ra mặt trận để cùng Bộ tham mưu tác chiến của ông đánh giá những khả năng hành động? Nhưng thực ra chỉ huy tại chỗ cuộc tiến công đã được giao cho tướng Dũng Tổng tham mưu trưởng, nhân vật số hai của Quân đội nhân dân, uỷ viên Bộ Chính trị đảm nhiệm. Chỉ đạo và giám sát từ trên ở Hà Nội là do tướng Giáp cùng với Bộ tổng tư lệnh, có liên lạc mật thiết với Bộ Chính trị của Đảng.

Tại mặt trận, tướng Dũng thực hiện nhiệm vụ chỉ huy tác chiến của mình với sự phối hợp của Trung ương cục miền Nam do Phạm Hùng chỉ đạo, có sự giúp đỡ của Lê Đức Thọ, người đã tiến nành cuộc đàm phán ở Paris.

Mỗi chủ trương đưa ra đều có sự thống nhất với Chính phủ cách mạng lâm thời, trong đó người đại diện cho Đảng là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát Chủ tịch Hội đồng cố vấn. Quyết tâm tiếp tục cuộc tiến công được xác định: một bộ phận lực lượng được lệnh tiến ngay về Sài Gòn và vùng đồng bằng. Một bộ phận khác tiến xuống giải phóng các tỉnh đồng bằng duyên hải miền Trung, trong khi đó ở hướng Bắc, các chiến dịch nghi binh được lệnh chuyển ngay sang chiến dịch tiến công. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng sắp sửa bắt đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 04:43:30 pm »


Trên cao nguyên quân giải phong tràn xuống vùng đồng bằng ven biển. Ngày 23 tháng Ba, quân giải phóng tiến vào An Khê, một thị trấn nằm giữa Plâyku và Quy Nhơn. Ngày 1 tháng Tư, thị xã Quy Nhơn, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Định được giải phóng, cùng lúc với cảng Tuy Hoà, thủ phủ của tỉnh Phú Yên. Tiếp đó quân giải phóng lần lượt tiến vào giải phóng: Lâm Đồng với thủ phủ của nó là Bảo Lộc, ngày 2 tháng Tư; thành phố Nha Trang và căn cứ hậu cần lớn Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa, ngày 3 tháng Tư; Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức ngày 4 tháng Tư... Toàn bộ quân khu hai của nguỵ quân Sài Gòn đã bị xóa sổ. Nam Việt Nam bị cắt làm đôi Đà Nẵng, thành phố thứ hai của miền Nam bị cô lập.

Từ ngày 19 tháng Ba, cuộc tiến công của quân giải phóng trên hướng Bắc đã bắt đầu giữa lúc quân Sài Gòn đã quyết định rút chạy. Cuộc tiến công được tiến hành trên ba hướng: Bắc, Nam và Tây... Quân Sài Gòn bị dồn vào Huế. Con đường duy nhất để rút chạy từ Huế về Đà Nẵng là quốc lộ 1 đã bị cắt đứt. Quân nguỵ ở Quảng Trị và Huế chỉ còn cách chạy ra biển Thuận An. Cuộc rút chạy, được tiến hành ngày 24 tháng Ba, diễn ra trong hoảng loạn, trong khi quân giải phóng đã thắt chặt được vòng vây.

Huế, thủ đô văn hóa của miền Nam, kinh đô cũ của vương triều Nguyễn và thủ phu của tỉnh Thừa Thiên đã được giải phóng ngày 26 tháng Tư, sau một trận đánh lớn ở cửa Thuận An.

Trong ba mươi hai giờ, gần mười vạn quân Sài Gòn đã bị loại khỏi vòng chiến đấu hoặc bị bắt làm tù binh...

Trong thời gian ấy quân giải phóng từ cao nguyên lao xuống, tiến công về hướng hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, ở phía Nam Đà Nẵng.

Ngày 24 tháng Ba, thị xã Tam Kỳ trên quốc lộ 1 được giải phóng. Quân nguỵ Sài Gòn, bị nhốt vào cái rọ ở Đà Nẵng, đã không còn con đường rút chạy về phía Nam.

Và chính vào ngày ấy, Bộ tư lệnh quân giải phóng quyết định thực hành trận tiến công vào Đà Nẵng.

Nằm trên quốc lộ 1, cách Hà Nội 700km và Huế 100km, trong một lòng chảo trên biển, Đà Nẵng tạo thành một căn cứ hỗn hợp không - hải quân cực kỳ quan trọng và được trang bị rất hiện đại. Sở chỉ huy Quân khu một nguỵ đóng ở đây và thành phố được ba sư đoàn thuộc loại tinh nhuệ bảo vệ...

Ngày 23 tháng Ba, đám tàn quân ở cao nguyên và Huế kéo vào Đà Nẵng. Nỗi hoảng loạn của chúng đã nhanh chóng lây lan sang số ba sư đoàn được xem như bảo vệ căn cứ quan trọng hàng đầu này. Trong thành phố đầy áp những người bởi những làn sóng di tản, chỉ trong mấy ngày, số dân từ 700.000 người đã tăng lên tới 1.200.000 và khắp thành phố đã diễn ra những cảnh của ngày tận thế... và đúng là ngày tận thế thật: trong hai mươi bốn giờ, không ai còn làm chủ được chính quyền nữa, những toán lính mang vũ khí xông ra phố, lao vào cướp bóc, hãm hiếp dân thường... Hàng vạn người, binh sĩ dẫn đầu, cố xông vào căn cứ để chiếm lấy mấy chiếc máy bay, lúc này chỉ còn rất hiếm. Cuối cùng các phi công đã không dám cho máy bay hạ cánh nữa, bởi muốn cất cánh, họ sẽ phải mở một con đường máu qua đám người đông nghìn nghịt đang tụ tập, bu bám vào cửa, vào càng máy bay... Ở bến cảng, cảnh tượng cũng diễn ra như vậy: bọn lính đã không do dự bắn cả vào đàn bà, trẻ con, đẩy họ xuống biển để tranh chỗ trên các chuyến tàu di tản...

Vài người Pháp ở lại Đà Nẵng đã được chứng kiến cảnh hoảng loạn này. Ví dụ như giám đốc trung tâm văn hóa Pháp. Sáng thứ bảy, 29 tháng Ba, khi ông yêu cầu viên đại tá đóng quân ở trại bên cạnh để xin bảo vệ trung tâm, thì viên đại tá đã trả lời:

“Tôi không thể làm được, tôi chỉ có một mình!”

Một số thầy tu người Việt Nam thuộc giáo đoàn Saint-Paul-de Chartres đã chôn cất hàng chục xác dân thường bị lính nguỵ sát hại trên đường chúng trốn chạy...

Trong khi đó, ba sư đoàn quân giải phóng lao vào một cuộc hành quân cấp tốc bằng mọi cách có thể được: chạy chân, đi trên xe lấy được, đôi khi cưỡi cả những chiếc honda trưng dụng: đã có những người lái xe đèo ba, bốn chiến sĩ trên một chiếc xe 125 phân khối...

Một sư đoàn theo đường 1 tiến lên Tam Kỳ. Một sư đoàn khác tiến vào từ Huế và sư đoàn thứ ba từ Thượng Đức một thị trấn miền núi, đổ xuống tây Đà Nẵng...

Ngày 28 tháng Ba, trận đánh Đà Nẵng bắt đầu… Sau trận Huế, Bộ chỉ huy nguỵ Sài Gòn nghĩ rằng họ có thể có một, hai tháng nghỉ ngơi. Nhưng không ngờ, chỉ bốn ngày sau, quân giải phóng đã xung trận... Vào lúc 15 giờ ngày 29 tháng Ba, Đà Nẵng đã bị mất về tay quân giải phóng. Quân khu một của Sài Gòn đã không còn tồn tại...

Như vậy là chỉ trong một tháng quân giải phóng đã tiêu diệt hai quân khu địch và theo như thông cáo của Bộ tư lệnh Quân giải phóng ra ngày 6 tháng Tư, họ đã loại khỏi vòng chiến đấu 27.000 quân nguỵ, gồm sáu sư đoàn chủ lực, trong đó có một sư đoàn tinh nhuệ là quân lính thủy đánh bộ; lữ đoàn 3 quân dù; 2 liên đoàn biệt động quân, cũng là những đơn vị nổi tiếng thiện chiến; 10 tiểu đoàn thiết giáp; 35 tiểu đoàn pháo mặt đất; 5 tiểu đoàn pháo cao xạ... và thu được một số lượng lớn vũ khí và đồ quân dụng mà tờ New York Times (số ra ngày 24 tháng Ba) đánh giá là lên tới gần một tỷ đô la... Đúng như báo Nhân dân ở Hà Nội viết: “Đó là một tháng mà nó bằng hàng chục năm” (xã luận số ra ngày 7 tháng Tư).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM