Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 11:18:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Panzer Aces - Chỉ Huy Xe Tăng Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến (Franz Kurowski)  (Đọc 132893 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #100 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2013, 08:20:44 am »

Từ Junkerschule đến vùng cực Bắc

Rudolf von Ribbentrop hăng hái học hết lớp trung đội trưởng tại Braunschweig và tỏ ra rất phù hợp với vị trí này. Khóa học bắt đầu ngày 1 tháng 9 năm 1940 với bài bản kỹ lưỡng thời bình. Tháng 2 năm 1941  von Ribbentrop được thăng làm thượng sĩ. Tiếp đó vào ngày 20 tháng 4 anh lên chức thiếu úy, đồng thời được giao làm chỉ huy 1 trung đội thuộc đại đội 1, tiểu đoàn thám báo Nord. Tiểu đoàn này là 1 bộ phận của chiến đoàn SS Nord, được thành lập tháng 3 năm 1941 và sau đó được phát triển lên thành sư đoàn sơn cước số 6 Nord.

Ban đầu chiến đoàn hoạt động dưới quyền sở chỉ huy khu Sallla. Sau đó nó được chuyển giao cho Quân đoàn sơn cước Na Uy dưới quyền tướng Eduard Dietl. Việc chuyển giao này đã được ghi trong báo cáo hoạt động của bộ chỉ huy quân đoàn trong tháng 5 năm 1941, để giải quyết đặc biệt về trường hợp đại đội 10 của chiến đoàn là đơn vị duy nhất được lệnh hành quân bộ từ Lakselv đến Ifjord trong 3 ngày.

Khi chiến dịch phía đông bắt đầu vào sáng sớm ngày 2 tháng 6 năm 1941. Quân đoàn sơn cước Na Uy chuyển tới khu vực Petsamo. Nhưng đến tận ngày 25 tháng 6 khi mà máy bay Xô Viết đến oanh tạc Helsinki, Turku, Joensuu, Heinola và các thành phố khác trong lãnh thổ Phần Lan khiến bộ chỉ huy tối cao Phần Lan, nơi thống chế von Mannerhei người từng thống lĩnh quân đội trong cuộc chiến tranh giải phóng lần thứ 1 và “cuộc chiến tranh mùa đông” chống Xô Viết mới đây, phải di dời tới Mikkeli.

Ngày 26 tháng 6, tổng thống Phần Lan Ryti đã nói chuyện với người dân qua đài phát thanh. Ông phát biểu rằng Phần Lan và Xô Viết đã ở trong tình trạng chiến tranh sau khi những thành phố Phần Lan bị tấn công 1 cách tráo trở. Quân đội Phần Lan và Đức 1 lần nữa lại sát cánh bên nhau. Trong nhật lệnh giành cho lực lượng vũ trang Phần Lan, thống chế von Mannerheim nêu rõ: “Giờ đây chúng ta là đồng minh với nước Đức, là chiến hữu cùng chung tay phát động 1 cuộc thập tự chinh chống lại kẻ thù nhằm kiến tạo hòa bình cho đất nước mai sau.”

Chàng trai trẻ von Ribbentrop đã chứng tỏ mình là 1 chỉ huy trung đội năng nổ và được tặng thưởng huân chương chữ thập tự do của Phần Lan hạng 4. Ngày 2 tháng 9 anh lại bị thương do 1 viên đạn làm gãy xương cẳng tay trái. Von Ribbentrop phải nằm viện ở Hohenlynchen đến tháng 2 năm 1942. Anh được cấp 1 đợt về phép ngắn ngày và sau đó về trình diện tại tiểu đoàn xe tăng của sư đoàn SS Leibstandarte tân lập.

Người quân nhân trẻ tuổi đã tìm được ngôi nhà đích thực của mình tại đây. Lúc đầu anh là trung đội trưởng trung đội trinh sát bằng mô tô của tiểu đoàn sau đó qua làm chỉ huy trung đội 1, đại đội 3 trước khi được kéo về trung đoàn bộ làm sĩ quan hành quân nhằm trau dồi thêm kiến thức trong công tác tham mưu.

Những hành động chiến đấu cùng những thành công mà anh đạt được đã được đề cập ở nhưng chương mở đầu trong phần này, giờ chúng ta chuyển đến phần cuối nói về sự nghiệp sau này của Ribbentrop.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #101 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2013, 08:22:16 am »

Sự hình thành và quá trình huấn luyện của sư đoàn xe tăng SS số 12  – Hitlerjugend (thanh niên Hiler)

Anh được thuyên chuyển đến sư đoàn 12 xe tăng SS vốn từng được thành lập như là 1 sư đoàn bộ binh cơ giới vào hè năm 1943 và đến mùa thu thì được tổ chức lại thành sư đoàn xe tăng. Rudolf von Ribbentrop đã được tái ngộ với nhiều đồng đội cũ của mình ở căn cứ Maillyle, gần Châlons-sur-Marne.

Những người đó gồm các hạ sĩ quan, sĩ quan cấp thấp và các cán bộ khung từ sư đoàn cũ của anh là sư đoàn Leibstandarte chuyển sang. Hầu hết lính tráng đến đó là lính trẻ, mới qua khóa huấn luyện cơ bản tại trung đoàn xe tăng huấn luyện và bổ sung đóng tại Bitsch, Lothringen.

Trung đoàn xe tăng mới của sư đoàn được chỉ huy bởi trung tá SS Max Wünsche. Tư lệnh sư đoàn là thiếu tướng SS Fritz Witt, người từng chỉ huy 1 trong 2 trung đoàn bộ binh cơ giới của sư đoàn Leibstandarte.

Tiểu đoàn 1 của trung đoàn này thuộc quyền chỉ huy của đại úy Arnold Jürgensen, ông này cũng từ sư đoàn Leibstandarte qua ngay sau khi được thăng cấp thiếu tá.

Đến nơi, trung úy Ribbentrop được giao làm chủ nhiệm 2 khóa huấn luyện sĩ quan cấp thấp trước khi về tiếp nhận đại đội 3 của trung đoàn ngày 1 tháng 12 năm 1943. Von Ribbentrop nói về giai đoạn này như sau:

Trong giai đoạn thành lập trung đoàn xe tăng 12 của sư đoàn Hitlerjugend các chỉ huy và đại đội trưởng đã nhận thức rằng chỉ có duy trì kỷ luật nghiêm minh thì mới vượt qua được những khó khăn.

Chúng tôi cam đoan tự nguyện, nhiệt tình chỉ bảo cho những người lính đầu tiên đến, điều này đã được chứng minh trong thực tế.

Việc huấn luyện chuyên sâu, theo từng khoa mục chỉ nhằm 1 mục tiêu sau:

“Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”

Chúng tôi đã thành công trong việc phát động 1 không khí hăng say trong huấn luyện, với trọng tâm là huấn luyện về súng, pháo và chiến đấu trong những điều kiện khó khăn nhất.

Đội ngũ sĩ quan và hạ sĩ quan giỏi trong đại đội tôi (cũng như các đơn vị bạn) rất nhiệt tình trong công tác rèn luyện binh lính. Điều này có được nhờ tinh thần đồng đội.

Do lúc đầu không có nhiều xe tăng Panzer III, panzer IV hoặc Panther, nên việc huấn luyện cho các kíp xe gặp khó khăn. Các đại đội phải chia nhau giờ học trên những xe có sẵn.

Ngày 10 tháng 12, Artur Axmann thủ lĩnh thanh niên đế chế, giữ vai trò như người đỡ đầu của sư đoàn tới căn cứ Mailly-le- thanh sát trung đoàn xe tăng sư đoàn. Đại đội 3 đã tham gia diễu binh đón chào.

Một vị khách nữa là tướng thanh tra lực lượng thiết giáp Heinz Guderian, đến tham dự buổi trình diễn chiếc xe tăng mới điều khiển từ xa Goliath.

Tháng 1 năm 1944 trung đoàn xe tăng cùng sư đoàn 12 xe tăng chuyển đến trung tâm huấn luyện Beverloo tại Leopoldsburg, Belgium. Tại đây, ngày 17 tháng 1, đại đội 3 của trung đoàn đã sẵn sàng.

Các quân nhân trong đại đội huấn luyện, von Ribbentrop từng chỉ huy 1 đại đội kiểu như vậy, đến từ Dondangen ở Latvia. Cuối tháng 1, đại đội chuyển đến Winterslag trong khi trung đoàn đóng quân tại Hasselt. Một bài huấn luyện với những xe tăng Panzer IV được cho mượn ngày 6 tháng 1 đặt ra câu hỏi rằng tiểu đoàn 1 của trung đoàn sẽ được trang bị loại tăng nào? Một hội đồng xét duyệt được thành lập với sự tham gia của tướng tổng thanh tra lực lượng thiết giáp Guderian, tư lệnh quân đoàn 1 xe tăng SS đại tướng Sepp Dietrich, tư lệnh sư đoàn và các tiểu đoàn trưởng đang có mặt. Kết quả: “Tiểu đoàn 1 sẽ được trang bị loại xe tăng Panther”. Đại tướng Guderian đã lệnh cấp 20 chiếc Panther, trong đó có 10 chiếc về đại đội 3.

Bây giờ thì với các xe tăng được cấp, tiểu đoàn đẩy mạnh công tác huấn luyện. Chương trình huấn luyện gồm bảo dưỡng, bắn và khoa mục tiến quân trên địa hình trống trải. Ngoài ra còn những lớp huấn luyện đặc biệt giành cho trưởng xe, pháo thủ, lái xe, tiếp đạn và điện đài viên.

Sư đoàn tổ chức diễn tập ngày 15 tháng 3, trong đó nổi bật là 1 cuộc tấn công bằng thiết giáp có bắn đạn thật. Dự khán buỗi diễn tập có thủ lĩnh lực lượng thanh niên đế chế, tổng thanh tra lực lượng thiết giáp. Tướng Sepp Dietrich cũng tận dụng dịp này để chứng kiến hoạt động của 1 đơn vị dưới quyền.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #102 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2013, 08:22:49 am »

Đến nước Pháp – lại bị thương

Ngày 7 tháng 4 năm 1944, sư đoàn Hitlerjugend nhận lệnh hành quân. Đại đội 3 theo gót sư đoàn lên tàu hỏa tới Houthalen. Điểm đến của Đại đội là vùng Normandy. Trong khi dừng chân trên biên giới Bỉ, con chó của đại đội trưởng tên là "Bodo" đã bị lạc. Khi lính tráng xuống tàu cho đỡ mỏi, nó cũng xuống và khi tàu bất ngờ chạy thì theo không kịp. Cuộc tìm kiếm bắt đầu.

Đến ga sau, trung sĩ Herman được lệnh quay lại tìm và nói rằng anh ta sẽ không về nếu ko tìm được con chó. Herman đã trở lại 14 ngày sau nhưng không tìm được nó. Anh ta không những được đại đội trưởng được chào đón mà còn từ chính Bodo nữa, con vật đã tự tìm được đường về với ông chủ của mình.

Sau sự kiện nhỏ này, đại đội đóng quân ở 1 ngôi làng tại Harcouit gần Le Neubourg. Trưởng làng là 1 viên tướng trong chiến tranh thế giới thứ 1 tên là Chrétienne. Ông đã kêu gọi dân địa phương; “Hãy giành sự tôn trọng xứng đáng cho những người lính Đức. Đại đội trưởng của họ là con trai ngoại trưởng Đức von Ribbentrop và đã từng được vinh thưởng huân chương chữ thập hiệp sĩ, là phần thưởng cao quí nhất của Đức vì lòng dũng cảm. Tôn trọng là điều xứng đáng mà anh ta được hưởng”

Lời kêu gọi này đã có tác dụng như mong đợi. Thời gian ở Harcourt là thời gian rất yên bình.

Trong tháng 5, đại đội 3 nhận được những xe tăng, xe xích và xe bánh hơi còn lại. Thay vì theo kế hoạch có 4 trung đội với mỗi trung đội có 4 xe tăng, thì nay còn 3 trung đội và mỗi trung đội có 5 xe. Ngoài ra còn xe tăng của đại đội trưởng, của chỉ huy đại đội bộ, thế nên đại đội 3, như các đại đội khác trong trung đoàn, tại Harcourt có sức mạnh là 17 chiếc xe tăng.

Ngày 3 tháng 6, chiếc xe con chở trung úy von Ribbentrop bị máy bay bay thấp tấn công ở khu vực giữa Le Neubourg và Évreux. Von Ribbentrop tả lại sự việc:

Ngày 3 tháng 6, sư đoàn tổ chức luyện tập về công tác thông tin vô tuyến. Tôi được giao làm giám sát của tiểu đoàn 2 nên tôi đi xe về tiểu đoàn. Buổi tập bắt đầu vào buổi tối và kéo dài suốt đêm.

Việc này kéo đến trưa hôm sau mới kết thúc. Tôi ngồi xe theo quốc lộ để về nhà ở Évreux. Tôi để tài xế của mình là Schulz cầm lái chiếc Volkswagen, còn mình thì ngồi ghế bên để chợp mắt.

Tôi giật mình tỉnh giấc khi nghe thấy âm thanh đặc trưng của súng máy và nhìn quanh. Một chiếc máy bay Spitfire lao thẳng xuống chỗ tôi, tất cả các họng súng đều khạc lửa. Nó định xơi tái chúng tôi. Theo bản năng tôi hụp xuống sao cho thấp nhất và quát Schulz:

“Dừng xe! Nó là 1 chiếc tiêm kích mang bom”

Ngay lúc đó tôi cảm thấy 1 cú đập nhẹ vào lưng và từ bả vai xuống dưới không còn thấy cảm giác gì nữa. Ngay lập tức tôi nghĩ là cột sống đã bị thương tổn làm mất cảm giác. Chiếc tiêm kích bay vọt qua và bắt đầu quay lại để làm 1 cú kết liễu.

Tôi gọi Schulz: “Kéo tôi xuống mương!”
Trước khi kịp làm thì chiếc máy bay đã tới. Thật là kinh khủng khi nằm im trên đường nhựa nghe đạn súng máy  địch bay rào rào sượt qua đầu ghim xuống xe và con đường, Một cảm giác bất lực khi bị tấn công mà không có gì che chở.

Thật may là chúng tôi không bị dính đạn nữa. Chiếc Volkswagen bị thủng lỗ chỗ nhưng không cháy. Cái Spitfire bay vòng lại để tấn công lần 3. Schulz dùng hết sức bình sinh kéo tôi xuống mương đúng lúc và chúng tôi đã thoát trong lần tấn công này.

Từ vết thương ở thân trên, máu đã chảy ra. Rất nhanh tôi biết là đã bị thương ở phổi và tự nhủ “Thế là hết!”. Bị thương ở phổi, và liệt toàn thân thì còn gì để nói nữa?

Tuy nhiên , sau đó 1 lúc, tôi thấy nhói đau ở ngón chân và sau vài phút thì chân tay đã có cảm giác. Đây là triệu trứng cho thấy vết thương chỉ chạm vào cột sống làm hệ thần kinh bị tê liệt trong chốc lát.

Khi chiếc tiêm kích bay đi, chúng tôi phóng hết ga trên chiếc Volkswagen thủng lỗ chỗ đến trạm băng bó ở Neubourg

Khi Ernst Schulz về đơn vị, sự việc đại đội trưởng bị thương lập tức lan ra như cháy rừng. Toàn đại đội đã bị sốc.

Sau khi được sơ cứu, Rudolf von Ribbentrop được chuyển đến bệnh viện Bernay chữa trị. Tại đây, bác sĩ Dr. Daniel đã cam đoan rằng vết thương ở lưng của anh không nguy hiểm đến tính mạng. Hôm sau, von Ribbentrop đã cảm thấy trong người khỏe hơn và được biết, cuộc đổ bộ được tiên đoán có thể diễn ra vào ngày kế tiếp.

Ribbentrop viết: “Đêm 5 tháng 6 thật tệ, tôi rất khó ngủ. Trên trời có rất nhiều hoạt động mà đêm trước không có. Đến 5g sáng có 1 bà sơ bước vào phòng tôi và nói “Cuộc đổ bộ đã bắt đầu!”.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #103 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2013, 08:23:19 am »

Cuộc đổ bộ - Hoạt động phòng thủ của sư đoàn Hitlerjugend trong trận tấn công

Sáng sớm ngày 6 tháng 6, sư đoàn Hitlerjugend nhận được lệnh “báo động cấp 1”. Tuy vậy, mãi tới 11g30 lệnh mới tới được trung đoàn xe tăng. Tiểu đoàn 1 được tập trung tại Le Neubourg trước khi cơ động qua Thibouville và Bernay để tới Orbec. Một lượng đông đảo máy bay tiêm kích mang bom xuất hiện và tấn công bất cứ thứ gì di chuyển được. Nếu đi tiếp sẽ gánh chịu tổn thất nặng nề nên các đại đội phải ẩn nấp trong những vườn cây ăn quả hay sau các ngọn đồi um tùm cây cối. Đại đội 3 lùi vào Chateau de Launey gần Orbec. Tối đó, 1 phần đơn vị cơ động qua St. Pierre-sur-Dives, Falaise, vượt sông Orne tại Thury-Harcourt tới giấu quân tại 1 hẻm núi gần Maizet. Tối mồng 7 và sang mồng 8, những chiếc xe tăng tham gia diễn tập trên sư đoàn hôm mồng 4 và 5 đã quay lên lại. Giờ thì đại đội đã gom đủ quân. Đội hình chiến đấu do đại úy Lüdeman chỉ huy tiến lên chiếm lĩnh vị trí trung đoàn giao cho. Lực lượng thiết giáp bao gồm trung đoàn xe tăng SS số 12 và trung đoàn xe tăng 22 của sư đoàn xe tăng 21 đang chuẩn bị tấn công. Thế nhưng lệnh tiến công không thấy tới và các đơn vị sẽ phải độc lập tác chiến.

Ngày 9 tháng 6, đại đội 3, trung đoàn 12 xe tăng đã tới 1 thung lũng gần Le-Bourg-Rots. Tại chỗ tập trung này sẽ phát động 1 đợt tấn công vào ban trưa. Trung úy Von Ribbentrop đã vui mừng gặp lại đại đội mình ở đó. Khi biết về kế hoạch tấn công, anh lo ngại vì sườn phải của đại đội được bảo vệ quá yếu. Nhưng lệnh tấn công đã được đại úy Lüdemann, 1 đại đội trưởng xe tăng giàu kinh nghiệm phát ra.

Đại đội trực chỉ Norrey, sườn phải của nó được con đường sắt đắp cao từ Caen đi Cherbourg bảo vệ. Khi trung đội đi đầu của trung úy Stagge nhô lên khỏi con đường thì bị xạ kích bởi các khẩu pháo chống tăng được giấu rất khéo. Cả 5 chiếc xe tăng của trung đội đều bị hạ cũng như những xe bên các trung đội của trung úy Alban và Krahl. Hầu hết các xe tăng đều bị bắn cháy. Cuộc tấn công của đại đội 3 đã bị chặn đứng. Đại úy Lüdemann buộc phải đình chỉ tấn công. Một thành viên của đại đội kể lại: Lính cứu thương, hạ sĩ Siegfried Goose ngồi trên chiếc mô tô 3 bánh do trung sĩ Harting cầm lái cứ như con thoi chạy dưới hỏa lực địch cho đến khi đem được hết thương binh về. Buồn thay, Goose đã bị 1 tràng súng máy giết chết sau hành động cứu người phi thường đó. Cái giá phải trả ngày hôm ấy là bị mất 7 xe tăng và 18 người chết.

Rudolf von Ribbentrop buộc phải đứng ngoài chứng kiến cuộc tấn công mà không làm gì được. Anh ở gần chiếc xe tăng của chỉ huy đại đội do Bunke lái. Chiếc xe này bị trúng 1 phát đạn chống tăng. Đạn không xuyên được vào nhưng chiếc xe vẫn bốc cháy (Loại Panther rất dễ cháy là do có chất lỏng dễ cháy trong hệ thống lái thủy lực)

Dù đang bị thương nặng và được lệnh phải về Đức, von Ribbentrop vẫn thay đại úy Lüdemann đã bị mất tinh thần, nắm quyền chỉ huy đại đội.

Đại đội 3 chạy vào làng Fontenay-les-Pesnel. Tất cả xe của đại đội đều gặp sự cố về máy móc và cả đại đội được chuyển về lại Harcourt. Binh sĩ đại đội đã dựng 1 tấm bia tưởng niệm cho các đồng đội đã ngã xuống.

Ngày 1 tháng 7, đại đội lại sẵn sàng chiến đấu. Trung úy von Ribbentrop đến trình diện tại sở chỉ huy tiểu đoàn ở Esquay, gần Maltot. Từ hôm đó đến ngày mồng 5 tháng 7, đại đội 3 quay trở lại tham chiến. Đến tối mồng 6 thì đã tới vị trí gần tu viện Ardenne, không xa Caen. Tối hôm sau thì thành phố Caen bị hàng trăm máy bay ném bom tới oanh tạc khiến nó trở thành 1 đống đổ nát nghi ngút khói. Ngoài bom nổ loại lớn, máy bay ném bom con thả xuống những trái bom phốt pho. Ngày kế tiếp thì đoàn tàu chở đại đội 3 bất ngờ bị ăn đạn pháo cầm canh. Đêm mồng 7 và 8 tháng 7, đội hình chiến đấu chuyển tới 1 vị trí an toàn phía tây tu viện nằm trên trục Authi-Franqueville. Tại đây, người chỉ huy đại đội 3, sau khi đã khỏi hẳn các vết thương, đã giáng cho kẻ thù 1 đòn sấm sét. Trước tiên ta xem tình hình chung qua góc nhìn của vị tư lệnh sư đoàn và chỉ huy trung đoàn 25 bộ binh cơ giới SS đang đóng bộ chỉ huy tại tu viện Ardenne.

Trung đoàn trưởng trung đoàn 25 bộ binh cơ giới SS là đại tá Milius. Dưới làn đạn pháo binh địch, từ sở chỉ huy của mình trong tu viện Ardenne, Milius lúc đó đã bị thương liên lạc vô tuyến với viên chỉ huy tiểu đoàn 3 của mình, người đang cầu cứu rằng làng Buron, nơi tiểu đoàn ông ta đang phòng thủ đã bị quân địch bao vây và những xe tăng đầu tiên của Canada đang trực ùa vào làng. Vừa lúc đó thì tư lệnh sư đoàn đến, rồi tiếp sau là tướng Eberbach, tư lệnh tập đoàn quân xe tăng số 5. Kurt Meyer nhớ lại:

“Tất cả xe tăng khả dụng đều tiến tới Buron”. Cuộc tấn công bị chặn lại. Từ trên tháp chuông của tu viện tôi chứng kiến trậnh đấu tăng giằng co quyết liệt. Cả hai phía đều bị tổn thất nặng. Bỗng nhiên xe tăng địch xuất hiện ở Authi, và xông thẳng tới tu viện Ardenne.

“Đại đội của von Ribbentrop với 15 chiếc Panther được triển khai để chống lại số lượng xe tăng đông đảo của địch”. Nnững chiếc Panther bắn gục thiết giáp địch và chặn chúng lại. Von Ribbentrop đã cứu được bộ chỉ huy. Chiếc xe tăng cuối cùng của đối phương bị diệt khi chỉ còn cách có 100m phía tây tu viện”

Von Ribbentrop thuật lại sự việc:

Chúng tôi bắt đầu tấn công vào buổi sáng sau hôm địch không kích Caen. Sau nhiều giờ giao tranh với quân Canada đang đánh chiếm làng Buron thì đại đội tôi cơ động lên trước để tổ chức phản công cùng 1 tiểu đoàn xe bọc thép chở quân. Mục tiêu là giải tỏa áp lực cho bộ binh cơ giới dưới quyền đại úy Steger đang chiến đấu gần đó và trong làng Buron rồi chiếm lại ngôi làng.

Đồng thời chúng tôi nhận được lệnh phái 1 trung đội ra giao chiến với xe tăng địch đã xuất hiện bên trái làng Buron.

Chúng tôi không thể thiết lập được việc liên lạc điện đài với những xe bọc thép. Do vậy, đại đội tự làm 1 mình với 1 trung đội bên trái, 2 trung đội bên phải. Việc tiến tới làng Buron diễn ra nhanh chóng với 1 trung đội dự phòng cho các tình huống. Chúng tôi đã diệt được 1 số xe tăng địch rồi đến khi vào làng thì bắt đầu gặp khó khăn do làng được các hàng rào cây dày đặc bao kín.

Viên chỉ huy đơn vị xe bọc thép đi cạnh xe tăng của tôi từ lúc không thể  liên lạc qua điện đài. Tôi đứng lên mở nắp tháp pháo và hét lên hỏi anh ta xem xe bọc thép của anh đang ở chỗ nào?

Bộ binh để bảo vệ chúng tôi chống lại những toán săn xe tăng địch là rất cần thiết trước khi chúng tôi tiến vào làng Buron.

Chỉ huy đơn vị xe bọc thép, 1 đại úy lục quân, nhún vai. Rõ rang là anh ta cũng không liên lạc điện đài được với tiểu đoàn của mình.

Ngay sau đó 1 khẩu pháo chống tăng của quân Canada được ngụy trang khéo léo đã khai hỏa làm 2 hay 3 chiếc xe tăng bên phải tôi nối nhau bốc cháy.

Chẳng thể làm gì hơn ngoài việc quay về điểm xuất phát và từ đó bắn yểm trợ cho đơn vị bộ binh đang gặp khó khăn.

Những xe còn lại trong đại đội nằm dưới hỏa lực pháo binh dữ dội của địch đang pháo kích tu viện cho đến hết ngày. Đã có vài cuộc đấu tăng với địch để ngăn không cho chúng tiến xa hơn nữa, để bảo vệ tu viện cho đến khi nó bị phá hủy và bỏ lại không lâu sau đó.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #104 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2013, 08:24:02 am »

Báo cáo của von Ribbentrop kết thúc mà không thấy đề cập thành tích chính của đại đội và tổng số xe tăng địch bị diệt. Trung sĩ Freiberg ở đại đội 3 kể lại sự kiện hôm đó 1 cách sâu sắc hơn:
 
Chúng tôi dùng hết tốc độ băng qua đồng trống tới hàng rào cây quanh Buron. Khi chúng tôi chạy qua 1 chỗ trống trên bức tường cây thì bỗng có 2 tiếng nổ và xe tăng của Trattnick cùng 1 xe khác bốc cháy. Ngay tức khắc chúng tôi bắn vao chỗ trống bằng cả 2 khẩu đại liên. Tôi thấy có chuyển động trong đó rồi thì 1 ánh chớp phụt ra từ nòng khẩu pháo chống tăng. Viên đạn bắn trúng tấm chắn đạn của pháo xe tăng, đầu đạn chui vào trong tháp pháo. Máy ngắm vỡ tan làm pháo thủ bị thương ở mặt. Tay trái của tôi bị nhiều mảnh vỡ găm trúng.

Những người trong tháp pháo nhảy hết ra ngoài và nấp sau đuôi chiếc Panther vì bị súng máy bắn dữ dội. Lái xe và người lính truyền tin không chui ra mà vẫn bình tĩnh ngồi trong chiếc xe vẫn còn nổ máy.
 
Vì thế tôi lại leo lên xe tóm lấy tổ hợp nghe nói đang treo lủng lẳng bên cạnh tháp pháo. Và gọi bảo lái xe “Lùi lại!”

Chúng tôi lùi về hướng tu viện Ardenne. Được mấy mét thì chỗ cắm ăng ten mà tôi đang dùng 1 chân bám vào bị bắn bay mất cùng gót chân của tôi. Khoảng 500m sau thì tới được chỗ bộ binh và thấy cậu pháo thủ cùng người tiếp đạn đang ở đấy. Lúc tới được tu viện Ardenne thì chúng tôi lại bị máy bay tiêm kích mang bom tấn công bằng rocket và súng máy.

Dù có tổn thất, nhưng ngày 8 tháng 7, là 1 ngày thành công của đại đội 3. Nó tiêu diệt 27 xe tăng, 8 xe bọc thép trinh sát loại nhỏ gắn trung liên Bren và 4 pháo chống tăng đối phương. Trung úy von Ribbentrop cũng đóng góp vào thành tích này bằng cách hạ nhiều xe tăng địch. Trong đêm 9 và 10 tháng 7, đại đội 3 cùng những đơn vị bộ binh cơ giới còn lại của sư đoàn Hitlerjugend rút về qua sông Orne. Sư đoàn xe tăng SS số 12 không thể cứu vãn được sự sụp đổ của Caen, tuy nhiên rõ ràng là hy vọng chiếm lấy thành phố sau ngày X+1 của địch đã thất bại. Những nỗ lực của sư Hitlerjugend và sư đoàn Panzer-Lehr (Xe tăng diễn tập) đã khiến cho trận đánh ở Caen kéo dài hơn 1 tháng.

Cuối tháng 7, Rudolf von Ribbentrop phải nhập viện ở Bernay vì bệnh vàng da. Những chiến công của anh ở Normandy được công nhận và anh được tặng thưởng huân chương Chữ thập nước Đức vàng (German Cross in Gold). Ngoài ra còn có huy hiệu xe tăng xung kích (Panzer Assault Badge) vì đã tham gia ít nhất 25 trận đánh bằng xe tăng.

Ngày 1 tháng 9, von Ribbentrop trở về trung đoàn nhận vị trí trợ lý tham mưu trung đoàn.

Chiến dịch Ardennes và sự cáo chung của nước Áo

Khi chiến dịch tấn công Ardennes bắt đầu, trung úy von Ribbentrop đang là trợ lý tham mưu trung đoàn. Ngày 20 tháng 12 anh bị thương do mảnh pháo trúng vào miệng. Vì đây là lần thứ 5 bị thương nên anh được tặng huy hiệu chiến thương vàng. Đầu năm 1945 anh trở về sư đoàn. Đến ngày 2 tháng 1 thì sư đoàn thiết giáp số 6 của Mỹ với tiểu đoàn xe tăng 68 cơ hữu, được tiểu đoàn xe tăng 69 tăng cường đã phát đông 1 cuộc tấn công gần Bastogne. Cuộc tấn công bị súng cối phản lực Nebelwerfer và pháo tự hành đánh tan ở Ariencourt. Tám xe tăng Mỹ bị diệt, số còn lại phải rút lui dưới màn khói ngụy trang.

Bên sườn trái, lính tiểu đoàn 50 bộ binh Mỹ tấn công lúc 9g25 và chiếm ngôi làng Obourcy. Họ tiến lên dưới hỏa lực của dã pháo Đức và súng cối phản lực Nebelwerfers từ khu vực Bouncy bắn tới. Cho tới tận 15 giờ, quân Mỹ mới chọc thủng được vị trí phòng thủ của trung đoàn 78, sư đoàn 26 Volksgrenadier (1 kiểu bộ binh tạm dịch là Bộ binh xung kích) tiến tới Michamps. Xe tăng của tiểu đoàn 1, trung đoàn xe tăng 12 Hitlerjugend, do trung úy Rudolf von Ribbentrop chỉ huy với 1 đại đội tùng thiết, được đưa tới để phản công và khôi phục lại tình hình. Kể từ chiến dịch Normandy thì đây là lần đầu tiên Rudolf von Ribbentrop lại chỉ huy xe tăng chống lại kẻ thù. Những chiếc xe tăng lao tới Michamps, Obourcy và đẩy lùi quân địch. Đến tối thì cả 2 ngôi làng đã nằm chắc trong tay chiến đoàn của von Ribbentrop. Các xe tăng của anh đã diệt được 9 xe tăng, nhiều pháo chống tăng và nhiều loại vũ khí khác của đối phương.

Suốt đêm, đại đội tùng thiết đã nống ra tổ chức thám sát cả 3 hướng tây, nam và đông.

Một đợt tấn công của địch nhằm vào Arloncourt và Wardin bị đánh bật với 15 xe tăng của tiểu đoàn tăng số 5 Mỹ bị phá hủy.

Ngày 2 tháng 1 năm 1945, bộ tư lệnh quân đoàn I xe tăng SS tới nắm quyền chỉ huy 1 khu vực trong vùng trách nhiệm của quân đoàn xe tăng 47 để thực hiện tấn công theo lệnh của thống chế Model. Sư đoàn 340 Bộ binh xung kích và sư đoàn 12 xe tăng SS Hitlerjugend sẽ tấn công phía đông con đường Noville đi Bastogne. Liều lĩnh tiến qua vùng rừng giữa Longchamps-Bastogne và đường Noville đi Bastogne.
Sư đoàn 340 Bộ binh xung kích bị trung đoàn dù 501 của Mỹ tấn công khi nó đang còn chuẩn bị gần Bois Jacques. Lính Mỹ lọt được vào rừng, nhưng họ bị 1 trận phản kích của Đức chặn lại.

Sư đoàn 12 xe tăng SS tấn công từ khu vực nam và tây nam của Bourcy. Cánh phải của nó tiến dọc theo đường sắt Bourcy-Bastogne. Mục tiêu của SĐ là cửa ngõ phía đông bắc Bastogne. Đây là thị trấn mà sư đoàn Panzer-Lehr đã định chiếm lúc bắt đầu chiến dịch, tuy nhiên quân đồng minh đã cố thủ chắc chắn ở đó và đẩy lui mọi đợt tấn công của họ.

Đội hình tấn công của sư đoàn như sau: Đi cánh phải là trung đoàn 26 Bộ binh cơ giới (Panzer Grenadier) với tiểu đoàn chống tăng 12 phối thuộc, cánh trái trung đoàn 25 bộ binh cơ giới. Trung đoàn 12 xe tăng được chỉ thị sẽ hỗ trợ cả 2 cánh quân trên.

Tiểu đoàn 1, trung đoàn xe tăng 12 giờ được trung úy Rudolf von Ribbentrop chỉ huy, anh kế nhiệm thiếu tá Jürgensen vừa ngã xuống. Jürgensen đã được tặng thưởng huân chương chữ thập hiệp sĩ ngày 16 tháng 10 năm 1944 vì những thành tích lập được trong cuộc đổ bộ của quân đồng minh.

Sư đoàn Hitlerjugend bắt đầu đến khu vực tập trung ngày 1 tháng Giêng. Đến mồng 3 thì tất cả các đơn vị đã vào vị trí.

Trận tấn công bắt đầu lúc 14g nhưng ít tiến triển. Lệnh tấn công tiếp tục vào hôm mồng 4 nhưng cũng không thu được kết quả gì đáng kể.

Một nỗ lực khác trong ngày 5 tháng 1 đã làm quân đoàn I xe tăng SS kiệt sức, đặc biệt là sư đoàn 1 xe tăng SS Leib-standarte khiến nó không còn có thể tấn công trên diện rộng được nữa. Von Ribbentrop cùng tiểu đoàn đã thử nhiều lần cố gắng đột phá để mở đường cho lính bộ binh cơ giới. Dù vậy trước 1 kẻ địch có quân số và vũ khí vượt trội, thật khó có thể phát triển những thành công nhỏ thành bước đột phá mang tính quyết định vì địch luôn đưa những đơn vị mới tới trám những lỗ hổng.

Các kíp xe tăng đã chiến đấu rất dũng cảm - dù số xe tăng khả dụng không nhiều – nhưng cũng không sao thay đổi kết quả của chiến dịch Ardennes. Lực lượng Đức đã bị tổn thất nặng nề và không thể phục hồi như trước nữa.

Báo cáo hàng ngày của tổng tham mưu trưởng ngày 8 tháng 1 năm 1945 cho hay: “Chúng ta đã không thể tiến thêm sau những thành công bước đầu trong trận tấn công vào phía đông Bastogne được nữa”. Những hoạt động chiến đấu của sư đoàn 12 xe tăng SS trong chiến dịch Ardennes đến đây đã kết thúc. Sư đoàn được rút khỏi chiến tuyến về tập trung tại Dyfeld nằm cách St. Vith 15km theo hướng đông nam. Không lâu sau thì chuyển đến Cologne. Lúc này sư đoàn trở thành 1 bộ phận của tập đoàn quân xe tăng SS số 6 cùng với sư đoàn Leibstandarte trong quân đoàn I xe tăng SS, và sư đoàn 2 xe tăng SS Das Reich, sư đoàn 9 xe tăng SS Hohenstaufen thuộc quân đoàn II xe tăng SS.

Tư lệnh tập đoàn quân xe tăng SS 6 lúc này sẽ được triển khai ở Hungary là đại tướng Sepp Dietrich.

Trung đoàn trưởng trung đoàn 12 xe tăng SS là thiếu tá Gross. Quyền tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 xe tăng (hỗn hợp) là trung úy von Ribbentrop. Tiểu đoàn giờ hoán đổi với tiểu đoàn 2 do đại úy Hans Siege chỉ huy. Siegel đã được tặng thưởng huân chương chữ thập hiệp sĩ ngày 23 tháng 8 năm 1944 khi đang là đại đội trưởng đại đội 8.

Một đòn nặng cho von Ribbentrop khi được biết các đại đội 2,4,7,8 đã được đưa đi gầy dựng ở căn cứ huấn luyện và không tham gia chiến dịch Ardennes giờ tới để tiếp nhận các xe tăng Panther và Panzer IV còn lại trong tiểu đoàn mình. Von Ribbentrop cùng các đại đội 1,3,5,6, đại đội bộ tiểu đoàn 1 đã tham chiến tại Ardennes thì giờ được chuyển về Fallingbostel để nghỉ ngơi và củng cố. Rốt cục chỉ có tiểu đoàn 2 của trung đoàn là được tham chiến ở Hungary. Ngày 10 tháng 2 năm 1945, nó có 44 chiếc Panther, 38 Panzer IV trong đó có 14 chiếc lấy từ tiểu đoàn 1.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #105 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2013, 08:24:32 am »

Tuần cuối cùng của cuộc chiến - Hồi chung cuộc.

Những kíp xe của tiểu đoàn 1, trung đoàn 12 xe tăng SS dưới quyền Rudolf von Ribbentrop, lúc này đã được thăng lên đại úy, giờ mới được gửi tới Hungary cùng đại đội 5 do trung úy Gasch chỉ huy. Tại đây họ đã tham gia những trận đánh ở phía Bắc hồ Balaton. Đại đội 6, do đại úy Götz làm đại đội trưởng tới sau đó ít lâu. Đại đội đi xe tải qua Vienna đến được vùng Laaben ngày 12 tháng 4 và được đặt dưới sự chỉ huy của chiến đoàn von Reitzenstein.

Chiến đoàn đã mở 1 trận tấn công và chiếm lại khu chiến tuyến trước đây do tiểu đoàn chống tăng hạng nặng 506 chống giữ, giờ họ bố trí phòng thủ từ Pamet đến Höfer (2km phía đông bắc Höfer)

Đại đội bộ, tiểu đoàn 1, trung đoàn 12 xe tăng SS dưới quyền von Ribbentrop cùng đại đội 1 và 3 của tiểu đoàn lên xe lửa tại Fallingbostel ngày 1 tháng 4 năm 1945. Ngày 8 tháng 4 thì tới Wilhelmsburg, cách St. Polten 11km về phía nam. Sau khi xuống tàu, những đại đội xe tăng không có xe tăng giờ chuyển thành đại đội bộ binh. Xe lửa giờ chuyển sang xe ngựa kéo. Cả tiểu đoàn chỉ có vài khẩu súng máy MG42, cùng mấy khẩu MG34 phiên bản dùng trên xe tăng có trục đỡ ở giữa. Những người còn lại được trang bị súng trường Karabiner 98 loại dài. Chỉ huy trung đội cùng 1 số tiểu đội trưởng vẫn dùng súng tiểu liên của họ.

Trong 2 đêm 12 và 13 tháng 4, tiểu đoàn được chất lên xe tải trực chỉ Laaben. Tất cả xuống xe ở đó đến đóng gần Forsthof. Đại đội 3 do đại úy Minow chỉ huy, gồm toàn người thuộc dân tộc Đức (nước Đức có nhiều dân tộc. ND). Đại đội chỉ huy do thiếu úy Jauch chỉ huy còn đại đội 1 là thiếu úy Schulz.

Đại úy von Ribbentrop nắm quyền chỉ huy toàn khu vực Forsthof-Audorf suốt đêm. Ngoài các đơn vị cơ hữu, von Ribbentrop còn chỉ huy 1 đơn vị pháo cao xạ cùng vài đơn vị nhỏ nữa.

Lính xe tăng cũng chiến đấu tốt trong vai trò bộ binh, họ đã đánh bật nhiều nỗ lực đột phá của quân địch. Rudolf von Ribbentrop luôn ở tuyến đầu cùng binh lính của mình. Ngày 21 tháng 4, chiến đoàn Gross mở 1 trận tấn công để chiếm 1 cây cầu. Cuộc tấn công bị ‘sa lầy’ trước 1 tuyến phòng thủ chống tăng địch. Rất nhiều đồng đội lâu năm của Ribbentrop đã bị giết tại đây. Von Ribbentrop cùng với binh lính chiếm lĩnh 1 tuyến phòng thủ kéo dài từ Schreiberhof, cách phía nam đỉnh đồi chỉ 500m, chạy qua Götzhof hạ và Götzhof thượng tới tận Kuminerer, cách dãy đồi tranh chấp 2,6km về phía tây nam.

Sau trận đánh, chiến đoàn Gross phải lùi về điểm xuất phát, đơn vị của Ribbentrop được lệnh của trung tướng Hermann Priess đi tái chiếm Kaumburg, cũng đã bị chiếm mất, để thu hẹp khoảng cách giữa sư đoàn và chiến đoàn Gross. Chiếc cầu gần Gerichtsberg đã bị đánh sập, nên xe tăng từ phía tây gửi cho chiến đoàn Gross không thể đến nơi. Tướng tư lệnh qui trách nhiệm cho trung tá Gross và yêu cầu thay ông ta.

Quyền chỉ huy cả 1 chiến đoàn giờ chuyển sang cho đại úy von Ribbentrop. Đại úy Minow lên nắm tiểu đoàn 1.

Ngày 25 tháng 4, trung đoàn bộ binh cơ giới (Grenadier) 25 trong chiến đoàn Reitzenstein cùng chiến đoàn von Ribbentrop được lệnh phải giữ vững phần phía bắc chiến tuyến. Quân Xô Viết tổ chức tấn công có xe tăng hỗ trợ nhưng lần nào cũng bị đánh bật. Dù trong tình thế nguy ngập, dù phải lội bộ, nhưng những lính tăng của Ribbentrop đã không để mất 1 tấc đất.

Ngày 27 và 28 tháng 4, chiến đoàn của sư đoàn Hitlerjugend chuyển đến 1 khu vực mới trên tuyến Kalte Küchel, Hohen-berg, Schrambach, và Tragidist. Ngày 29 tháng 4, sư đoàn tới thay quân cho sư đoàn dù số 10 của đại tá Trettner. Tại đó, ngày 2 tháng 5, binh sĩ sư đoàn được nghe tin về cái chết của Hitler do người kế nhiệm ông ta là thủy sư đô đốc Dönitz công bố. Sư đoàn Hitlerjugend được lệnh tập trung tại khu vực Kilb và thuộc quyền điều động của tập đoàn quân xe tăng SS 6. Tiểu đoàn của von Ribbentrop, lúc này trung tá Gross lại nắm quyền chỉ huy trung đoàn, điều này chứng minh ông hoàn toàn không có lỗi về việc cây cầu bị phá, là đơn vị duy nhất vẫn còn ở vị trí cũ, giờ giữ vai trò chặn hậu cho sư đoàn rút lui bắt đầu vào sáng sớm mồng 3 tháng 5. Khi tất cả đã rút hết, tiểu đoàn tổ chức 1 trận đánh để rút quân. Những hoạt động của sư đoàn xe tăng 12 SS Hitlerjugend đến đây là chấm dứt. Trong giai đoạn từ ngày 10 tháng 2 đến ngày 8 tháng 5, tổn thất của sư đoàn là 4376 chết và bị thương. Bị mất 32 chiếc xe tăng Panzer IV, 35 chiếc Panther trong nỗ lực cầm chân dòng thác thiết giáp Xô Viết. Ngày cuối cùng của cuộc chiến, số xe tăng khả dụng toàn sư đoàn chỉ còn 6 chiếc Panzer IV và 9 chiếc Panther.

Ngày 7 tháng 5, sư đoàn, với tiểu đoàn của von Ribbentrop lại đi chặn hậu, chuyển đến khu vực Steinkirchen. Tại đây, các chỉ huy sư đoàn được biết từ tham mưu trưởng tập đoàn quân xe tăng là trung tướng Fritz Kraemer, rằng đại tướng Jodl đã ký văn kiện đầu hàng tại bộ tư lệnh quân Mỹ ở Reims, và tới 24g ngày 9 tháng 5 thì ngừng bắn.

Thiếu tướng Hugo Kraas, tư lệnh cuối cùng của sư đoàn xe tăng SS số 12, cảm ơn binh sĩ toàn sư đoàn vì lòng trung thành, sự xả thân và yêu cầu họ tiếp tục giữ gìn danh dự nhằm tưởng nhớ những đồng đội đã chết hay đang bị giam cầm, tiếp tục công cuộc xây dựng tái thiết tổ quốc. Ông kết thúc bằng những lời sau: “Dù tê tái cõi lòng nhưng chúng ta bước đi là những người lính trong tư thế ngẩng cao đầu. Chúng ta đón nhận số phận với tâm hồn thanh thản. Chúng ta đã chiến đấu dũng cảm và danh dự trên mọi chiến trường, nhưng, chúng ta đã thua cuộc.”

“Nước Đức sẽ mãi trường tồn!”

Sau đây là những cảm xúc của kết cục được Ribbentrop ghi lại: “Tôi lệnh cho các đại đội trong tiểu đoàn tối mồng 8 tháng 5 như sau: Xếp hàng đi đến làng Texing. Lên những toa tàu còn lại và vượt ranh giới sang khu vực của quân Mỹ tại Enns.”

“Nhiệm vụ của trung sĩ Post là dọn sạch những thứ không cần thiết khỏi các toa.”

“0 giờ ngày 8 tháng 5, các đại đội của tôi lên đường theo 1 con đường nhỏ để tới điểm xuất phát. Tôi chờ họ ở đó. Khi họ đi qua rồi, tôi chỉ còn lại 1 mình dưới bầu trời đêm trong vắt, cùng với người lính liên lạc và người tài xế. Chúng tôi thả hồn suy nghĩ về tương lai sau này của mình.”
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #106 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2013, 08:25:07 am »

Lời cuối cùng của Rudolf von Ribbentrop

Thử thách lớn nhất với tinh thần của người lính là khi thất bại. Đại đội này ( Đại đội 3, sư đoàn 12 xe tăng SS Hitlerjugend), cũng như những đơn vị kỳ cựu khác của lực lượng Waffen-SS, bước vào chốn lao tù với thái độ ung dung, sự điềm tĩnh, tự tin của 1 đơn vị tinh nhuệ.

Chúng tôi có thể tự hào nói rằng, không có lúc nào trong thời gian chiến tranh hoặc sau đó, chúng tôi đánh mất tư cách của mình.

Những lời này vẫn đúng với chúng tôi và những đồng đội đã mất của mình cho tới tận hôm nay: Họ có thể đối xử với chúng tôi như loài chó, nhưng họ không thể làm chúng tôi chở thành hèn hạ.

Tình đồng đội thật bình dị, nhưng cũng có khi, thật là vĩ đại. Điều đó đã được thử thách và chứng minh rất nhiều lần trong suốt cuộc chiến tranh. Tinh thần đồng đội đã được phát triển dựa trên sự gian lao và những cố gắng.

Ở thời điểm này tôi xin được gởi lời cám ơn về tình đồng đội đã được thể hiện ở tất cả những người lính trong đại đội 3 của tôi, những người mà tôi được vinh dự rèn luyện và chỉ huy trong suốt 1 năm.

Đồng thời tôi cũng xim cảm ơn những người đồng đội trong những đơn vị khác mà tôi từng phục vụ và chiến đấu.

Sự nghiệp quân sự

1/9/1939 Tân binh đến bổ sung cho trung đoàn SS Deutschland tại Munich-Freiman.

Tháng 10/1939 Chuyển về đại đội 11 của trung đoàn

10-30/5 Tham gia chiến dịch miền Tây tại Hà Lan và Pháp, được thăng hạ sĩ vì chiến đấu dũng cảm.

1940 Được tặng thưởng huân chương chữ thập sắt hạng nhì. Huy hiệu bộ binh chiến đấu. Huy hiệu chiến thương đồng.

1/6/1940 Chuyển về học khóa trung đội trưởng Braunschweig. Có kết quả học tập tốt.

Từ 1/9/1940 Tốt nghiệp khóa học trong thời bình ở Braunschweig. Được đề bạt lên thượng sĩ.

20/4/1941 Được thăng cấp thiếu úy. Làm trung đội trưởng thuộc đại đội 1, tiểu đoàn trinh sát.

2/9/1941 Bị thương, tay trái bị trúng đạn.

Đến tháng 2/1942 Nằm viện ở bệnh viện Hohenlychen.
Được thưởng huân chương chữ thập tự do hạng 4 của Phần Lan.
Chuyển sang tiểu đoàn xe tăng mới của sư đoàn Leibstandarte.
Làm trung đội trưởng trung đội mô tô trinh sát.
Trung đội trưởng trung đội 1, đại đội 3.
Sĩ quan phòng hành quân ở trung đoàn bộ.
Chuyển về làm trung đội trưởng trung đội 1, đại đội 6.

Từ 5/2/1943 Bị thương lần 3 trong chiến đấu ở vùng Kharkov. Bị bắn vào lưng. Được thưởng huân chương chữ thập sắt hạng nhất và huy hiệu chiến thương.

1/3/1943 Chỉ huy đại đội 7, tham gia phản công ở hướng Kharkov và Belgorod.

1/4/1943 Làm trợ lý tham mưu trung đoàn.

Từ 1/5/1943 Chỉ huy đại đội huấn luyện cho những binh sĩ từ các đơn vị của không quân chuyển sang.

Từ 15/6/1943 Đại đội trưởng đại đội 3 trong chiến dịch Zitadelle.

20/7/1943 Được thưởng huân chương chữ thập hiệp sĩ.

1/8/1943 Thuyên chuyển qua sư đoàn Hitlerjugend tân lập. Chủ nhiệm 2 lớp bồi dưỡng sĩ quan cấp thấp.

1/12/1943 Đại đội trưởng đại đội 3

3/6/1944 Bị thương lần 4. Bị thương ở lưng do mảnh đạn của máy bay chiến đấu địch.  Tham gia chiến đấu tại khu vực Caen.

Cuối tháng 7 năm 1944 Nhập viện ở Bernay vì bệnh vàng da. Được thưởng huân chương chữ thập bội tinh nước Đức vàng, huy hiệu xe tăng xung kích.

Từ 1/9/1944 Làm trợ lý tham mưu trung đoàn.

Từ 16/12 Chiến dịch Ardennes.

20/12/1944 Bị thương lần 5: bị thương vào miệng do mảnh pháo. Huy hiệu chiến thương vàng.

Từ 1/1945 Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, trung đoàn 12 xe tăng SS, sư đoàn Hitlerjugend.

8/5/1945 Bị quân Mỹ bắt làm tù binh.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #107 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2013, 10:38:07 pm »

4

Hans Bölter

 
   


Trên phía Bắc trong chiến dịch nước Nga

Ngày 12 tháng 1 năm 1943, quân Xô Viết mở đầu trận đánh hồ Ladoga lần 2 bằng 1 trận pháo kích khủng khiếp của 4500 khẩu pháo. Một cơn bão lửa kéo dài 140 phút đã giã xuống cả 2 phía tại hành lang của quân Đức phía nam Schlüsselburg.

Khi hỏa lực pháo binh thôi bắn, những sư đoàn của tập đoàn quân xung kích số 2 Xô Viết, dưới quyền trung tướng Romanovski từ phía đông đánh sang. Đồng thời 5 sư đoàn bộ binh và lữ đoàn xe tăng của tập đoàn quân 67 Xô Viết dưới quyền tướng Dukanov từ phía tây xông tới.

Quân Xô Viết hy vọng bằng 2 gọng kìm lớn sẽ đánh tan hành lang hẹp của quân Đức, nhằm mở đường tiến tới Leningrad. Nếu việc này thành công thì sẽ phát triển tấn công tới phía nam tuyến đường sắt Kirov.

Những sư đoàn của tướng Dukanovxông tới những cứ điểm được phòng thủ sơ sài của sư đoàn bộ binh 170. Sư đoàn bộ binh 86 của Xô Viết cố vượt qua con sông Neva đóng băng để đánh thọc sườn Schlüsselburg, nhưng cuộc tấn công đã thất bại khi đối mặt với hỏa lực tập trung của quân phòng thủ Đức. Xác lính Nga rải đầy trên mặt băng. Những đợt tấn công của các trung đoàn Xô Viết đã bị những ụ súng máy bắn nhanh MG42 của quân phòng ngự tàn sát. Cuộc tấn công đã phải ngừng lại.

Sư đoàn 45 bộ binh dưới quyền tướng Krasnov đã nỗ lực vượt qua con đường phía nam vành đai phòng thủ. Quân phòng thủ ở đây là trung đoàn bộ binh cơ giới (Grenadier Regiment) 399 của đại tá Griesbach. (Griesbach đã được thưởng huân chương chữ thập hiệp sĩ ngày 14 tháng 3 năm 1942 khi còn là thiếu tá. Và trở thành người Đức thứ 242 được thưởng lá sồi lúc là đại tá. Đến ngày 6 tháng 3 năm 1944 ông đã được tặng thêm thanh kiếm khi đang chỉ huy sư đoàn 170).

Lính cận vệ Nga đã bị chặn lại trước chiến hào quân Đức. Họ đã xâm nhập vào được các vị trí của Đức nhưng lại bị đánh bật ra trong các trận đánh giáp lá cà.

Quân Nga chỉ xâm nhập được vào Marino. Bốn đợt tấn công đầu đã bị bẻ gãy, với 3000 người chết, nhưng đợt thứ 5 đã chọc thủng được. Lính công binh chiến đấu đã mở đường cho xe tăng T-34 vượt qua khu vực nguy hiểm trên sông Neva đóng băng, bắn đạn trái phá và súng máy xông lên rồi tản ra nghiền nát các vị trí trên tuyến phòng thủ của Đức. Đại tá Kleinhenz, trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh cơ giới 401, cố gắng vô vọng để trám lỗ thủng. Ông và cấp phó đã bị thương nặng trong nỗ lực ấy. Những sư đoàn bộ binh Nga bị chặn lại trước Schlüsselburg giờ chuyển hướng tiến về Marino.

Nếu như tập đoàn quân 67 Xô Viết cũng vượt qua được bằng 1 trận đánh thọc sườn gần Dubrovka và Gorodok, thì họ sẽ mở được đường tới những đầm lầy đóng băng bên ngoài Sinyavino thượng để tới phía nam “cổ chai” của Đức dọc theo đường sắt Kirov và trận đánh thứ 2 tại hồ Ladoga sẽ ở thế nguy cấp. Đại tướng Lindemann, tư lệnh tập đoàn quân 18, đã nhận ra tầm quan trọng của việc xâm nhập này. Tối 12 tháng 1 năm 1943, báo cáo tình hình cho hay có 4 sư đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn xe tăng gần Marino đang cố vượt qua “nút cổ chai” trước khi bắt tay với các sư đoàn bộ binh cơ giới đến từ phía đông ở nơi nào đó ở giữa và xoay qua hướng nam.

Ông nói: “Chúng ta phải gởi thằng 'Watzmänner' tới đó”

"Watzmänner" là sư đoàn bộ binh 96 dưới quyền thiếu tướng Noeldechen. Sư đoàn và những đơn vị còn lại của 3 trung đoàn bộ binh cơ giới (Grenadier Regiments) đang nằm ở khu vực Sinyavino. Lúc này sư đoàn chỉ đạt 1 nửa sức mạnh.

Tối 12 tháng 1, sư đoàn 96 bộ binh nhận lệnh tấn công từ khu vực tập trung tiến về phía tây bắc đẩy lùi địch quân qua sông Neva.

Thiếu tướng Noeldechen chỉ có trong tay 5 tiểu đoàn bộ binh cơ giới. Yểm trợ cho lính của ông là trung đoàn cao xạ số 36 với những khẩu pháo 88mm và 4 chiếc xe tăng Tiger của đại đội 1, tiểu đoàn tăng hạng nặng 502 dưới quyền trung úy Gerdtell cùng 8 chiếc xe tăng Panzer III.

Trận đánh đã có thể bắt đầu.

Những lính bộ binh cơ giới vừa chửi thề vừa càu nhàu, chiến đấu trên tuyết cao tới ngực. Hơi thở của những người tiến công bốc cao nhìn như đám sương mù khi họ vật lộn tiến về phía trước trong màn đêm băng giá.

“Chó chết”, trung sĩ Grüninger nói dứt khoát. Họ đã tới rừng, chui vào những cây thông non và làm tuyết trên cây trút xuống ào ào.

“Mấy cái Tiger trứ danh đâu rồi?” Lutschky hỏi.

“Cậu không nghe sao? Chúng đang đi dạo đâu đó phía sau ấy, trong khi bọn ta phải tự lo lấy thân mà tiến.”

“Tôi đang tự hỏi, nếu bọn Nga đang chờ ta trong rừng Scheidies thì sao?” một người khác đang dựa vào 1 thân cây cố lấy lại hơi, hổn hển hỏi.

“Khu rừng thổ tả này chắc phải có gì đó?” Bösebeck, anh lính mang súng máy thì thầm.

“Đừng có bĩnh ra quần đó! Bọn Nga đợi ta phía trước cơ, đến lúc đó thì tha hồ mà ‘ấy’ nhé”

Có lệnh vác súng lên vai và tiến lên.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #108 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2013, 10:38:37 pm »

Quân bộ binh cơ giới tiến ra ngoài. Họ nghe thấy tiếng đề pa của pháo 76 ly của Xô Viết ở phía trước. Súng máy bắn liên hồi và lúc này là những loạt "Organ của Stalin” (Cachiusa) rú lên lao về phía họ. Theo bản năng, mọi người cúi xuống khi nghe thấy những viên đạn và tiếng nổ đang ầm ầm lao tới. Họ nắm vũ khí chặt hơn và tiến lên trước.

Đột nhiên, ánh lửa lóe sáng trong đêm. Có ít nhất 1 tá súng máy của quân Nga rống lên. Pháo chống tăng cũng khai hỏa và đạn lửa lướt qua bắn vào rừng cây.

“Tấn công! Tiến lên!”

Quân bộ binh cơ giới gào lên khi tấn công. Tiếng la khiến họ có cảm giác phấn khích.

Trung sĩ Grüninger nhìn thấy chớp lửa đầu nòng của 1 khẩu đại liên Maxim. Anh ta quay lại xem trung đội mình có theo không. Grüninger nhào xuống đất và bò lên trước. Anh thấy Bösebeck đang bắn yểm trợ. Mọi việc cứ diễn ra răm rắp như thường lệ.

Lutschky đem theo khẩu tiểu liên bò theo anh. Anh ta là 1 lính có kinh nghiệm và biết những gì cần làm. Lutschky bắn hạ 1 lính Nga đang nấp trong bụi rầm phía tay phải Grüninger. Lúc này Grüninger đã thấy luồng đạn của khẩu Maxim cách bên phải mình khoảng 10m. Anh ta bò đến nấp sau 1 đụn tuyết, rút 3 quả lựu đạn ra khỏi thắt lưng, tháo nắp đậy, rút chốt và ném liên tiếp mấy quả lựu đạn vào vị trí địch.

Ba quả lựu đạn nổ gần như 1 lúc. Grüninger nhảy bật dậy. Lính trong trung đội thấy anh ta lao về phía trước. Họ ào tới vị trí quân Nga và tiêu diệt nó. Lính bộ binh cơ giới, có khi tuyết ngập đến tận nách, tiến chiếm các công sự của Xô Viết bằng cách đánh giáp lá cà. Họ được các đồng đội ở hai bên trái, phải hưởng ứng. Vành đai phòng thủ đã bị chiếm.

Bỗng có tiếng hét truyền khắp hàng quân “Có xe tăng trước mặt!”

Trời đã sáng và xe tăng Nga đã vượt qua cánh đồng phủ đầy tuyết tiến về phía bìa rừng. 24 họng pháo tăng đang khạc lửa. Đạn phạt đứt ngọn những cây con làm tuyết bám trên đó rơi lả tả.

“Chúng đang tiến về chúng ta, thưa trung sĩ!” hạ sĩ Gudehus hét lớn.

“Bắn yểm trợ!”

Thiếu úy Eichstädt chạy từ bên trái tới. Anh mang theo 2 quả bộc phá với nhiều khối nổ nhỏ được bó với nhau bằng dây.

“Thiếu úy, cho tôi 1 quả” Gudehus nói. Eichstädt gật đầu.

“Bắn bộ binh theo sau!”

Từ hai phía, những khẩu MG42 khai hỏa vào đám bộ binh Nga chạy theo xe tăng. Người trung úy nhìn quanh.

“Sẵn sàng chưa, Gudehus ?”

“Rồi, thưa thiếu úy”

“Vậy đi thôi, cậu bên phải, tôi bên trái”

Cả 2 nhảy lên, chạy tới trước, khi súng máy bắn tới thì nằm rạp xuống đất. Họ bò tới được 1 hẻm núi hẹp. Từ trên đó họ có thể đánh tạt sườn những chiếc T-34 đang tấn công đại đội mình. Những chiếc tăng này cứ rung chuyển mỗi khi bắn.

“Đi nào, Gudehus”

Cả hai chạy đến sau 1 chiếc xe tăng và ném bộc phá vào dưới chỗ nhô ra của tháp pháo

“Châm ngòi!” Tiếng người thiếu úy vang lên trong mớ âm thanh hỗn loạn, rồi cả 2 nhảy vào chỗ nấp.

Hai khối bộc phá gồm 3 kg thuốc nổ làm chiếc xe tăng rúng động. Sức nổ đánh văng tháp pháo chiếc T-34, loại nó ra khỏi vòng chiến.

“Gọi Gerdtell” có tiếng lanh lảnh trên điện đài. “Xe tăng địch đã tới chỗ chúng tôi cố thủ và đang tràn ngập. Tiger tấn công đi!”

Trung úy Gerdtell hắng giọng trước khi gọi cho đại đội “Gerdtell gọi tất cả. Tốc độ cao nhất, theo tôi !”

Bốn chiếc Tiger lăn bánh, nghiến nát các cây trên đường đi và vùi chúng xuống tuyết. Viên trung úy có thể nghe tiếng xe tăng địch đang bắn. Anh chuyển hướng sang trái 1 chút.

“Chạy phía bên phải tôi. Chỉ được bắn khi tôi ra lệnh!”

Bốn chiếc Tiger tản ra tạo thành hình 1 chữ V rộng. Những xe tăng Xô Viết đầu tiên đã xuất hiện. Trung úy Gerdtell liền ra lệnh:

“Bắn!”

Các pháo thủ đã nhắm xong mục tiêu của mình. Một loạt đạn 88mm nổ cùng lúc.

Sau loạt đạn đầu tiên của 4 chiếc Tiger, 2 chiếc T-34 bùng cháy. Các pháo thủ và lính tiếp đạn hoạt động rất nhịp nhàg ăn ý. Mọi việc diễn ra rất nhanh chóng. Trước khi xe tăng Nga có thể quay qua để đối phó với mối nguy mới này, những chiếc Tiger đã bắn loạt thứ hai. Thêm 2 T-34 nữa bốc lửa.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #109 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2013, 10:39:15 pm »

“Tiến xuống dốc!”

Lái xe của Gerdtell đạp chân ga. Chiếc Tiger lao xuống dốc rồi leo lên ở phía bên kia. Từ trên mô đất cao này người chỉ huy đại đội có tầm nhìn quang đãng. Von Gerdtell thấy 1 chiếc T-34 đang cơ động trong bụi cây, hướng nòng pháo vào chiếc Tiger ngoài cùng bên phải.

“Schneider, coi chừng! Địch bên phải cậu!”

Người pháo thủ đã đưa được tên địch vào kính ngắm. Phát đạn 88mm sắc lẻm bay vọt qua cánh đồng.

Hai giây sau, có ánh chớp khi viên đạn xuyên bắn trúng sườn phải chiếc T-34. Tháp pháo của nó bắn lên không trung rồi rơi xuống tuyết cứ như có bàn tay siêu nhiên nào đó gây ra vậy.

“Trúng trực tiếp! Cứ tiếp tục!“

Người pháo thủ nhìn vào máy ngắm của mình. Chiếc T-34 kế tiếp vừa lọt vào kính ngắm thì khoang chiến đấu bị 1 chấn động khủng khiếp. Thép đập vào thép.

“Bên trái phía trước! Từ trong đám cây kia. Tiến lên!”

Nhưng trước khi chiếc xe có thể cơ động thì nó lại bị bắn trúng. Viên đạn xuyên qua chắn đạn của khẩu pháo. Những mảnh sắc nhọn, dài đâm vào ngực người pháo thủ, làm anh ta chết ngay.

Các đồng đội kéo người pháo thủ ra khỏi chiếc Tiger bị thương và kéo anh về 1 vị trí của bộ binh. Trung úy Gerdtell tháo thẻ bài của anh ta ra.

Những chiếc Tiger còn lại vẫn tiếp tục bắn. 12 chiếc xe tăng Xô Viết nằm bốc cháy trên cánh đồng hoang khi chiếc T-34 cuối cùng biến mất.

Những chiếc Tiger lần đầu tiên đã chứng minh được khả năng chết chóc của mình. Chiếc Tiger hỏng của Gerdtell đã được sửa xong.

Trước khi trời tối, quân Xô Viết cố gắng 1 lần nữa đột nhập vào rừng Scheidies. Lính bộ binh cơ giới lại gọi về.

“Xe tăng địch đang tới! Tiger lên đi!”

“Bölter, đưa trung đội của cậu lên. Bọn tôi phải bổ sung đạn dược lại trước đã. Nếu gặp khó khăn thì gọi.” Trung úy von Gerdtell khoát tay.

Hans Bölter gật đầu. Khuôn mặt dài của anh luôn có vẻ nghiêm trọng, trầm ngâm suy tưởng. Anh đứng trong cửa chỉ huy vẫy lại đại đội trưởng rồi ra lệnh tiến ra.

Hai gã khổng lồ thép chạy trên mặt tuyết trên con đường mòn. Bên ngoài xe được sơn trắng tiệp với môi trường xung quanh trong ánh sáng mờ ảo của buổi chiều hoàng hôn.

Thượng sĩ Bölter thấy ánh chớp từ 1 khẩu pháo chống tăng địch bất ngờ khai hỏa. Anh lập tức chui vào tháp pháo và đóng nắp cửa lại. Viên đạn xuyên thép rít lên bay vụt qua.

Herbert Hölzl, lái xe của Bölter bẻ lái sang bên cạnh. Lắc lư, chiếc Tiger xoay 1 bên xích và leo qua 1 hố đạn pháo.

“Bắn đi, Gröschl!” Bölter hét lên.

Pháo thủ Gröschl nhắm ngay vào chớp lửa đầu nòng của khẩu pháo chống tăng khi nó vừa bắn phát thứ 2 bay trệch qua bên phải chiếc Tiger chỉ vài mét. Khi chiếc tăng dừng lại thì anh đã bắt được mục tiêu. Pháo của chiếc Tiger gầm lên và chiếc xe giật lùi lại sau cú bắn.

Viên đạn bắn trúng ngay giữa vị trí chống tăng Nga, kích nổ đạn dự trữ của nó. Khẩu pháo chống tăng đã bị loại khỏi vòng chiến đấu.

“Khá lắm, Bastian!”

Trời lúc đó vừa sập tối. Không thể nhìn thấy chiếc Tiger kia được ước chừng đang ở cạnh đó vài trăm mét. Bölter cũng không bận tâm vì thượng sĩ Schütze, chỉ huy chiếc Tiger thứ 2 là 1 trưởng xe nhiều kinh nghiệm, biết ở đúng chỗ cần phải đến.

Bỗng, có nhiều bóng người xuất hiện phía trước xe khi Bölter ngó qua khe nhìn.

“Súng máy ở đầu xe và tháp pháo. Bắn!”

Cả 2 khẩu súng đều khạc lửa và anh mở cửa ló đầu ra để có thể nhìn rõ hơn. Bölter thấy những luồng đạn lửa ở bên phải có vẻ như chiếc Tiger thứ 2 cũng đang bắn.

Một viên đạn xuyên thép rít lên bay sạt qua bên phải chiếc Tiger chỉ khoảng 1 mét. Bölter đã nhìn thấy 1 chớp lửa đầu nòng ở phía trước chưa đến 600m.

“Đã bắt được mục tiêu!” Gröschl gọi khi anh đã đưa được tên địch mới vào kính ngắm.

Người lái xe dừng lại ngay. Gröschl khóa mục tiêu và nhấn nút bắn.

Chiếc Tiger giật mạnh, và trước khi nó ổn định lại thì trưởng xe, pháo thủ, lái xe đều thấy 1 cột lửa sáng rực phụt lên từ chỗ cái xe tăng Nga.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM