Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 07:26:33 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bầu trời chiến tranh  (Đọc 137030 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #40 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 10:07:41 pm »

Và Xô-cô-lốp đặt trước tôi một cốc vại rượu vốt-ca. 

- Cậu đã học xong chưa? - Tôi hỏi.

- Bây giờ còn học hành gì? Họ đã thả tôi ra, nhưng không phải dễ dàng đâu

- Tình hình thành phố hiện nay thế nào?

- Vẫn bình yên. 

- Mình đã trả giá cho mỗi ngày yên tĩnh ấy đấy.

- Không, cậu không giữ được sự yên tĩnh đó mãi đâu.

Na-da-rốp, chỉ huy phi đội 3, dừng lại bên cạnh bàn chúng tôi. Anh hất đầu chỉ những chiếc ghế dài bỏ trống, nói với nụ cười châm chọc: 

- Chà, người chỉ huy đang ở đây! Tôi lại cứ nghĩ là không có anh. Tình hình như vậy đó: có rượu vốt-ca dùng thỏa thích nhưng lại không có người uống.

Tôi biết anh ta chế giễu mình. Đã gần hai năm trôi qua kể từ khi có chuyện làm anh khó chịu với tôi.

Số là khi từ nhà trường về trung đoàn, tôi được biên chế vào phi đội anh. Mi-rô-nốp và tôi đều trở thành những người dưới quyền anh. Một lần, do sự cẩu thả của phi đội trưởng, một vụ va chạm trên không suýt xảy ra. Na-da-rốp bị kỳ luật nặng và người ta cử đến cho chúng tôi một người chỉ huy mớt

- Thôi - tôi bình tĩnh nói - mình đang nát cả ruột ra đây, chẳng cần cậu dây vào thêm nữa.

Sau khi chuyện trò một lát với Xô-cô-lốp, tôi lại ra sân bay để gọi điện thoại. Vừa liên lạc với phòng tham mưu sư đoàn, tôi vớ ngay phải đồng chí chỉ huy.

- Ai ở điện thoại đấy? - ông ta hỏi.

- Trung úy Pô-crư-skin.

- Pô-crư-kin! Phi đội của anh đâu? .

Tôi cố gắng trình bày ngành ngọn từ đầu đến cuối nhưng cảm thấy ngay câu hỏi của sư đoàn trưởng có một ý nghĩa khác: ông muốn tôi hiểu là tất cả khuyết điểm đều do tôi cả.

Tôi từ sân bay về, lòng phiền muộn. Khi đi ngủ, tôi lại nghĩ đến Phi-ghi-sép
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #41 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 01:18:19 pm »

Sáng hôm sau, người chỉ huy “chính thức” là Xô-cô-lốp nhận quyền chỉ huy phi đội! Tôi báo cáo với anh, nói rõ về những chiến công của người sống và lòng dũng cảm của người đã hy sinh. vừa nói chuyện, chúng tôi vừa nhìn bầu trời xem có thấy biên đội của Phi-ghi-sép không? Người ta đã thông báo cho chúng tôi biết cậu ấy đã hạ cánh xuống sân bay Cô-tốp-xcơ.

Tôi bị gọi bất ngờ đến sở chỉ huy. Khi chạy đến, tôi nhìn thấy bên cạnh thiếu tá I-va-nốp, sư đoàn trưởng đang hoa tay để chỉ dẫn một điều gì đó. Khuôn mặt ông phị ra như có vẻ không bằng lòng.

- Phi đội của đồng chí đâu? - ông hỏi - ngay khi tôi vừa trình diện.  

Vẫn đúng câu hỏi mà ông đã đặt ra với tôi chiều hôm qua. Tôi trả lời biên đội Phi-ghi-sép sắp trở về sân bay, còn những phi công khác đang chuẩn bị máy bay.  

- Về phần Phi-ghi-sép, tôi đã biết rõ chẳng cần anh nói - ông ngắt lời - Tại sao anh để mất đội? Anh không nói gì à? Một người chỉ huy phải biết trả lời tất cả.

Rồi ngoảnh sang I-va-nốp, ông nói vẫn cái giọng đó:

- Dự thảo lệnh; anh ta bị cách chức chỉ huy phi đội.

- Đồng chí ấy không phải là chỉ huy trưởng, chỉ là phó. - I-va-nốp ôn tồn giải thích.

- Cũng thế thôi, tôi cách chức đồng chí ấy! Tôi vẫn chưa quên anh ta đã bắn chiếc Su-2 như thế nào?  

- Về vấn đề chiếc Su-2, tôi sẵn sàng để trả lời, thưa đồng chí sư đoàn trưởng - tôi trình bày - Nhưng trong vụ này, không phải lỗi tại tôi..

- Thế thì của ai? Của tôi chắc.

Tôi im lặng.  

- Chúng ta còn chưa biết cách tiến hành chiến tranh? - ông ta tiếp tục nói - Bọn Đức đã ở  trước Min-xcơ và trước Lê-nin-grát... .  

- Không phải chỉ riêng phi công có lỗi.  

- Sao? Anh nói thế nào? Ai cho phép anh lý sự như vậy? Anh nên nhớ, tôi sắp ra lệnh khen thưởng, nhưng còn anh, đừng có chờ đợi chuyện đó

- Tôi chiến đấu vì Tổ quốc, thưa đồng chí sư đoàn trưởng! - Tôi nói, không còn giữ được tự chủ.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #42 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 01:19:36 pm »

Biên đội của Phi-ghi-sép hiện ra trên bầu trời sân bay. Nhưng mặc dù tiếng động cơ ầm ầm, tôi vẫn nghe rõ giọng sư đoàn trưởng giận dữ hạ lệnh cách chức tôi.

- Tôi có thể về được chứ?

- Tùy anh!. 

Một sức mạnh ghê gớm đè lên trái tim tôi. Tôi mong muốn bay ngay vào giữa lò lửa và chết thiêu trong đó

- Thế nào? - Xô-cô-lốp hỏi; khi tôi trở về gặp lại anh. 

Tôi nói tóm tắt cho anh nghe cuộc nói chuyện giữa tôi và sư đoàn trưởng: 

- Tranh luận làm gì? - anh trách tôi. 

- A! - Tôi nói với một cử chỉ thất vọng - Cần gì, vì chỉ hôm nay hay ngày mai, mình cũng phải làm cho pháo cao xạ hoặc một thằng chó chết nào đó bắn rơi mình thôi... 

- Một tâm tư như vậy chẳng lợi gì cho chiến đấu cả, anh bạn tốt ơi! Thôi cậu đi ngủ đi.

Phi-ghi-sép tươi cười đi lại. Xô-cô-lốp không để cho cậu ta báo cáo hết, đã nghiêm khắc hỏi:

- Tại sao đồng chí tách đội ra? 

- Nhưng đồng chí ấy dẫn chúng tôi đi đâu? - Phi-ghi-sép trả lời với một cái hất đầu về phía tôi.

- Đồng chí không được đổ lỗi cho người khác - Xô-cô-lốp nói bực mình vì cái thái độ tự tin đó - Ở Khan Kin Gôn người ta đưa ra tòa án quân sự những hành động như vậy đấy. Hiểu không? 

Đứng giữa những người tin yêu mình, bộ mặt rám nắng của Phi-ghi-sép nhăn ra vì ngạc nhiên, bối rồi. Phải chăng Xô-cô-lốp đã nói đến chuyện tòa án quân sự một cách nghiêm túc? 

- Hiểu rõ chứ? - Phi đội trưởng cao giọng nhắc lại.

- Rõ, thưa đồng chí trung úy.

- Nếu đã hiểu thì phải khắc sâu mãi mãi vào trong óc. Đồng chí sửa soạn để cất cánh. 

- Rõ. Đồng chí chỉ huy - Phi-ghi-sép quay đằng sau bằng gót chân, dường như chưa bao giờ anh làm đúng điều lệnh như vậy và anh đi ra.

Đi-a-sen-cô khởi động máy bay. Động cơ phát ra tiếng kêu vù vù vang động vui vẻ. Từ tiếng kêu đó, từ tiếng nói mạnh mẽ của phi đội trưởng tỏa ra một sức mạnh làm vững lòng người...

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #43 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 01:20:25 pm »

chương ba .
TRÍ ÓC HƯỚNG DẪN HÀNH ĐỘNG

Có cuộc sống nào mãnh liệt, gian nan, đầy dẫy những bất ngờ bằng cuộc sống ở mặt trận, những mâu thuẫn được giải quyết đoàn kết mọi người lại vì chiến thắng, vì tình bạn, nhưng mỗi ngày lại đem tới những ưu tư những khó khăn mới. 

Cả phi đội phải hoạt động suốt từ sáng cho đến tối để hỗ trợ cho lực lượng bộ binh đang chiến đấu với kẻ địch ở vùng phụ cận Bi-en-xư và Ki-si-nhép. Chúng tôi thi hành những phi vụ tiến công, đánh nhau với máy bay địch; bảo vệ cầu trên sông Dơ-nhi-ép.

Bộ đội ta đang rút lui, nhưng họ không khi nào bỏ lại một tuyến phòng thủ quan trọng mà không chiến đấu. Không quân cũng nhận thức được giá trị của những phòng tuyến này. Những trận không chiến diễn ra ác liệt trên bầu trời, khi thì máy bay ta, khi thì máy bay địch bốc cháy lao xuống đất. 

Chiều chiều, khi mặt trời đã ngả về tây, mọi người vẫn còn cảm thấy băn khoăn không hiểu trong khoảng thời gian cuối cùng của ngày này, họ đã được yên ổn chưa?

Ngày hôm nay, dường như có thể tháo mũ bay, có thể trở về nhà tập thể sớm hơn một chút. Chiếc xe chở bánh mì đang lăn bánh về phía chúng tôi như báo hiệu giờ nghỉ. Người ta sắp đem đến cho bộ phận trực chiến loại rượu vang ngon xứ Môn-đa-vi-a và bữa ăn nhẹ. Đã có dư luận phi công ăn uống rất kém và ở một số người đã xuất hiện triệu chứng suy nhược. Nhưng không một ai, dù cảm thấy hay không cảm thấy mình đã làm việc quá sức, muốn đụng tới chén rượu nho đang được rót từ chai vào chiếc ca sắt. 

Phi-ghi-sép, một tay cầm bánh mì, một tay chìa ca rượu, nhìn tôi mỉm cười, nói: 

- Nào, chén đi một miếng? 

Giọng nói nhiệt thành và thân mật của anh khiến tôi ân hận về câu chuyện xảy ra giữa chúng tôi. Chiến tranh đòi hỏi chúng ta những chuyến ay mới như những chuyến bay mà chúng tôi đã cùng hoàn thành. Bây giờ tôi và anh đều là biên đội trưởng, chúng tôi dẫn những biên đội ba chiếc đi chiến đấu. Cuộc chiến đấu đòi hỏi chúng tôi lòng dũng cảm, tình bạn, sự giúp đỡ lẫn nhau. 

- Mình chưa cảm thấy đói mấy.

- Nào một ca thôi, cùng uống với mình! 

- Đồng ý. Hôm nay chắc hết bay rồi.

Nhưng chúng tôi không có đủ thời gian cạn chén. Pháo hiệu đỏ từ đài chỉ huy đã vọt lên. Trực ban chuyển lệnh cất cánh bảo vệ cầu Rứp-nhít-xa trên sông Đơ-nhi-ét. 

Bốn người chúng tôi cất cánh bay đến khu vực được chỉ định. Phía trên cầu, tất cả đều yên tĩnh. Chắc là máy bay ném bom địch đã đổi hướng, bay tới mục tiêu khác. Chúng tôi lượn vòng trên bầu trời, chờ địch. Vẫn không thấy tăm hơi chúng đâu. Trời đã gần tối, phải trở về.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #44 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 01:21:07 pm »

Nửa đường quay về căn cứ, chợt phát hiện một chiếc Ju-88 bay phía trên. Mục tiêu khá tốt. Chúng tôi lao tới gần. Phi-ghi-sép nổ súng từ xa, không kết quả. Tôi bèn quyết định tiến công tên địch từ dưới lên, đánh vào bụng máy bay địch. Tôi trườn từ dưới lên, lao theo tên địch mỗi lúc một gần. Đã đến thời cơ...

Ngay lúc đó từ chiếc máy bay ném bom, một chùm lửa phóng về phía tôi. Một tiếng nổ vang. Một buồng không khí mạnh quật vào mặt và ấn chặt tôi vào ghế ngồi. Sau giây phút bàng hoàng, tôi kiểm tra lại máy bay. Miếng kính chắn trước buồng lái đã vỡ tan. Cần phải quay về sân bay. Đồng chí hộ vệ của tôi nhập vào biên đội Phi-ghí-sép, còn tôi bay về căn cứ.

Đồng chí thợ máy chờ tôi ở sân bay. Sau khi xem xét kỹ máy móc, anh lắc đầu nói: 

- Viên đạn trúng máy ngắm, vào giữa chiếc bóng điện. Chỉ cần trệch hai phân, anh sẽ không còn đứng trước tôi như bây giờ... Phải làm nhiều việc đấy, nhưng trong đêm nay, tôi tin là sẽ xong. 

Tôi nghĩ mình hoàn toàn có lỗi. Ham đánh quá, tôi đã quên loại máy bay ném bom này có trang bị liên thanh. Đáng lẽ tôi phải hành động tỉnh táo hơn, phải vận dụng đầu óc như người ta thường nói. 

Phi-ghi-sép trở về với hai hộ vệ. Anh đến chỗ tôi, nét mặt vui sướng rạng rỡ: 

- Sao cậu lại quay về?.

Tôi im lặng hất đầu về phía máy bay.

- Chà, cậu đã bị xơi một phát - Anh ta nói, mặt sầm lại - Có biết tại sao không?

- Mình biết. 

- Đừng có liều mà lao vào gần như thế. Cậu còn số đỏ. Đáng lẽ khốn rồi. 

- Chiếc Gioong-ke thế nào?

- Bọn mình không tha nó. Nó đã bị bắn cháy ở gần Dơ-nhi-ét.

Tôi muốn tranh luận với Phi-ghi-sép về câu “Đừng có liều mà vào gần như thế”. nhưng hiểu rằng anh đã buông ra những lời lẽ đó chỉ vì tình thân bạn bè. Anh cũng biết, ngay trong những lần bắn tập, chưa bao giờ tôi xài đạn bừa bãi. Tôi thấy không nên tranh cãi vì dù sao thì chính anh đã hạ chiếc Gioong-ke chứ không phải là tôi. Nên thành tâm chúc mừng chiến công của anh, và tôi đã không ngần ngại cùng Phi-ghi-sép cạn một cốc rượu nho nguyên chất.

Tất cả chúng tôi trở về nhà tập thể trong khi các đội trưởng kỹ thuật và thợ máy ở lại sân bay. Họ sẽ làm việc thâu đêm, không hề nghĩ rằng chiếc máy bay chỉ còn sống không quá một ngày.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #45 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 01:21:59 pm »

2

Sáng sớm, vừa ra đến sân bay đã có lệnh Phi-ghi-sép bay đi trinh sát các bến phà phía dưới Y-át-xơ, còn tôi và Lu-ca-sê-vích đi bảo vệ anh, phòng tiêm kích địch tiến công. 

Vào dạo đó, các phi công ta đã không thích bay biên đội ba chiếc. 

- Xin phép được bay bốn chiếc - Tôi đề nghị với tham mưu trưởng trung đoàn. 

- Tham mưu trưởng sư đoàn ra lệnh dùng ba chiếc - Nhi-can-đrô-vích trả lời

- Nếu vậy thì đi hai chiếc còn hơn. 

- Đồng chí không được bàn cãi về mệnh lệnh.

Mọi sự đã rõ ràng. Phải chuẩn bị cho chuyến bay ba chiếc. Riêng tôi đã nhiều lần bay nhiệm vụ với biên đội hai chiếc và thấy là rất tốt. Bay biên đội hai chiếc thì cơ động dễ dàng như khi bay một chiếc. Nhưng đội hình này vẫn chưa được công nhận. Hơn nữa nó còn bị coi là không phù hợp với yêu cầu của điều lệnh và huấn luyện.

Phi-ghi-sép cất cánh trước rồi đến Lu-ca-sê-vích. Tôi còn chờ ở tuyến xuất phát thì đồng chí y sĩ của trung đoàn chạy đến chìa ra một thanh sô-cô-la. Đó là thức ăn sáng. Tôi không muốn nhận

- Cầm lấy. Có lúc cần cho đồng chí đấy!

Tôi bỏ thanh sô-cô-la vào túi áo bay rồi thả phanh tăng hết ga. Thế là ba chúng tôi đã ở trên không. Phi-ghi-sép tiến hành trinh sát, Lu-ca-sê-vich và tôi yểm hộ. Bên dưới là sông Prút. Mặt đất và bầu trời không có một dấu hiệu nào của chiến tranh. Như vậy là các sư đoàn quân Đức và Ru-ma-ni đã vượt qua sông, chỉ còn lại những bến phà ở quanh mấy chốt chính.

Chúng tôi bay đến Y-át-xơ, ở đó, chắc hẳn các bến phà được bảo vệ chặt chẽ. Nhưng chẳng hiểu sao Phi-ghi-sép không tính đến điều đó. Anh bay dọc đường sông chẳng nghĩ gì chuyện che giấu. Phòng không địch có thể phát hiện thấy chúng tôi từ xa. Quả nhiên, đến gần cầu phao, bọn Đức đón chúng tôi bằng một lưới lửa dày đặc. Để vọt qua lưới lửa, chúng tôi càng bay sát mặt sông: Phi-ghi-sép dẫn đầu, tôi và Lu-ca-sê-vích bay sau một chút theo hình rẻ quạt. 

Một đoàn quân địch đang qua cầu. Thấy chúng tôi, chúng vội nhảy ào xuống sông, với cả quân phục mới toanh vừa được trang bị cho cuộc chiến tranh. Thật là thú vị khi bắt bọn phát xít phải tắm. Hãy dề cho chúng nhớ mãi tiếng ầm ầm của những chiếc máy bay Mích, sau đó nện thẳng vào chúng.

Chúng tôi đã bay khá xa mà hỏa lực phòng không của địch vẫn bắn lên dữ dội. Trông thấy phía trước một mô đất cao trên bờ. Lu-ca-sê-vích bèn lượn về phía tôi. Để khỏi va vào nhau, tôi nâng độ cao một chút, đúng lúc đó thầy trước mũi máy bay hai chớp nổ. Chưa thấy động cơ trục trặc, tôi ấn cần lái, mãi gần sát mặt đất mới kéo được máy bay lên. Máy bay bắt đầu rung. Bây giờ thì đã rõ: các bạn tôi tiếp tục bay và trở về trung đoàn. Còn tôi, nếu động cơ ngừng thì có thể trong chốc lát, hoặc lâu hơn một chút, bị rơi ở nơi kia, trên bờ sông nhung nhúc quân địch.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #46 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 01:22:39 pm »

Lúc sáp mặt với hiểm nguy mới thấy những cảm giác khác với khi còn ở xa nó. Tôi không thấy sợ hãi: Sự động não kịch liệt và sự căng thẳng tột độ của thần kinh đã xua tan sự sợ hãi. Động cơ yếu dần từng phút, cánh quạt chỉ còn quay nhẹ trong không khí. Bọn phát xít vừa thoát khỏi tay chúng tôi chắc đang sung sướng nhìn cánh quạt máy bay tôi gần chạm mặt nước.  

Xa bến phà một chút tôi nhẹ nhàng lấy độ nghiêng rất nhỏ sang trái theo hướng bay đông-nam. Ở phía nam Ki-si-nhép, hình như quân địch còn chưa đến được sông Đơ nhi-ét.  

Máy bay rung, tốc độ tụt xuống điểm giới hạn. Tôi nặng nhọc bay qua các ngọn đồi, mắt chăm chú tìm từng bãi trống.

Đất mẹ! Người sẽ đón ta như một bà mẹ hiền hay như một mụ dì ghẻ?

Phía dưới; các ngọn đồi phủ kín rừng cây. Có thể hạ cánh được không? Động cơ đã hết tác dụng, cánh quạt sắp ngừng quay. Đành phải lao xuống một nơi nào khi giây phút bất hạnh đó đến. Cố lết qua một ngọn đồi nữa chăng? Biết đâu bên kia chẳng có một khu đất bằng phẳng? Thật may, bên kia đồi có một thung lũng.

Tôi chuẩn bị hạ cánh bắt buộc: tháo kính để khỏi hỏng mắt khi máy bay va vào đất, thắt chặt hơn nữa dây chằng. Nghĩ đến phút máy bay va xuống đất, tôi kinh hãi, cảm thấy như có kiến cắn trong đôi vai.  

Bất ngờ, tôi thấy ở nơi định lao đến, một đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới địch đang hành quân, Làm thế nào? Chỉ còn một lối thoát là hạ máy bay xuống cái gò có dải rừng che khuất. Cố sao kéo được đến đó? Chỉ còn vài giây nữa thôi. Động cơ cố gắng được một phút nữa không. Khi đã hết cả dầu và nước. Được rồi, máy bay đã lướt tới đỉnh gò. Nó ngừng quay. Tiếp theo là một sự im lặng đáng sợ.  

Máy bay rơi xuống rừng cây. Tôi buông cần lái, chống hai tay vào phía trước buồng lái.

Cành cây gãy răng rắc đập vào bên phải rồi bên trái. Máy bay chạm mạnh vào một vật gì, và tôi ngất đi... .

Tỉnh dậy, hai tai ù đặc, tôi mở mắt nhìn xung quanh. Bụi vẫn chưa tan hết. Một cành cây gãy bên cạnh. Xa một chút là mảnh máy bay: cánh bị gãy, đuôi bị văng ra xa.

Việc trước tiên là thoát khỏi dây chằng và dù. Cuối cùng tôi cũng trườn được ra khỏi buồng lái và cảm thấy rất đau ở chân phải. Rút khẩu súng ngắn ra và lên đạn. Bọn Đức ở rất gần, thà chết còn hơn bị bắt làm tù binh. Câu chuyện của người trung úy tóc bạc hiện ra trong óc. Nhỡ những viên đạn của tôi đều thối thì sao? Tôi hạ súng xuống và lắng tai nghe.  

Yên lặng. Chỉ nghe thấy tiếng chim líu lo và tiếng xe tăng ầm ì. Như vậy có nghĩa là quân thù còn ở xa. Phải chuồn sâu vào trong rừng và tìm cách trở về đơn vị.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #47 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 01:23:34 pm »

Tôi nhìn lại lần cuối cùng những phần còn lại của máy bay. Nó đã tận tụy phục vụ tôi. Biết bao lần, tôi đã cùng nó chiến đấu. Chưa bao giờ nó phụ tôi, đẩy tôi vào hoàn cảnh khó khăn và vừa rồi nó đã cống hiến tất cả để cứu tôi. Vĩnh biệt, người bạn chiến đấu thân thiết!

Suốt ngày, tôi lê bước theo hướng đông trong khu rừng lạ, miệng nhấm nháp mảnh sô-cô-la mà đồng chí y sĩ đã bắt phải nhận, để làm dịu cơn đói. Một con suối nhỏ đã cứu tôi khỏi cơn khát, và ban đêm nó lại là người chỉ đường tin cậy vì nó chảy ra sông Dơ-nhi-ét, nơi tôi cần tìm đến.

Rạng sáng, tôi lần tới một vườn nho và nằm nghỉ một lát. Nhưng chân tôi đau kinh khủng. Tiếng động cơ ô tô làm tôi tỉnh dậy. Bò ra khỏi vườn nho, tôi nhận ra một con đường nhỏ chạy ven vườn. Bên kia đường là một cánh đồng đến tận bìa rừng. Không xa, có một người nông dân đang cắt lúa mạch. Tôi cố lết lại gần đề nhìn cho kỹ. Bác nông dân đội một chiếc mũ da đen đã tàng, bận chiếc áo vải thô màu xám, một chiếc quần vá chằng chịt. “Một người nghèo, bác ta chẳng đem bán mình đâu” - Nghĩ thế, tôi ra khỏi chỗ núp.

Thoạt nhìn thấy tôi, bác nông dân có vẻ sợ hãi.

- Đừng sợ. - Tôi nói - Tôi là một phi công Xô-viết. Có bọn Đức trong làng không? 

- Không.. . 

- Thế người của ta đâu?. 

- Tôi không biết. Họ đã đi cả chẳng còn ai.

Sau khi đã bình tĩnh, bác nông dân người Môn-đa-vi-a cắt cho tôi một miếng bánh ngô. Tôi chăm chú ăn đến nỗi không nhận ra một cháu gái đến gần đưa cho mấy quả lê. Tôi lặng lẽ vuốt ve cái đầu bé nhỏ và mái tóc đen của em. Bác Môn-đa-vi-a dẫn tôi về làng, chỉ vào một ngôi nhà mái ngói đỏ trước đây không lâu là trụ sở của uỷ ban Xô-viết thôn. Vài người ngồi trên chiếc ghế dài ngoài cửa, thấy tôi có vẻ bối rối, sau đó sôi nổi nói với nhau bằng tiếng địa phương. Qua cử chỉ và cặp mắt của họ, tôi cảm thấy không có ai là bè bạn. Tôi không lầm. Họ dứt khoát từ chối không dẫn tôi tới sông Đô-nhi-ét. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng kiếm được ngựa và xe.

Một người Môn-đa-vi-a với bộ mặt nhăn nhó dặn tôi đi đến Cao-sa-ni, nơi còn quân ta: tôi để bác ta về.

- Đồng chí làm thế nào qua được? - Các chiến sĩ bộ binh ngạc nhiên hỏi - Trên đường kia vừa rồi còn đánh nhau. 

Tôi khẽ mỉm cười trả lời, cố nén cơn đau kinh khủng ở chân. Đã ba ngày tôi vắng mặt ở trung đoàn. Thời hạn đó đủ để người ta thôi không chờ đợi một phi công đi làm nhiêm vụ trở về, liệt anh vào danh sách những người đã hy sinh và chia nhau những đồ dùng của anh để làm kỷ niệm.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #48 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 01:24:22 pm »

3

Tôi được lệnh đi chữa bệnh và nghỉ ngơi. Cuộc chiến đấu tạm dừng, dường như định cho tôi một thời gian để suy ngẫm lại một cách thoải mái những sự việc đã xảy ra ngoài mặt trận.

Người ta đã tập cho tôi thói quen suy nghĩ, tìm tòi cái mới từ khi còn ở trường học nghề của nhà máy. Đặc biệt tôi rất biết ơn người thầy giáo của tôi ở xưởng nguội. Có một lần, tôi mang đến cho bác một chi tiết máy đã được mài nhẵn. Bác chăm chú quan sát, rồi nói:

- Khá nhẵn đấy, nhưng chưa đúng kích thước 

- Đúng như bản vẽ - Tôi có ý kiến lại. 

- Tôi biết, anh đã đo bằng thước chính xác; nhưng dù sao cũng vẫn phải làm lại.

Tôi trở về xưởng, đo đạc lại chi tiết, ngạc nhiên tìm ra vài sai lệch nhỏ. 

Ông thầy gầy gò, trong bộ quần áo bình thường, qua cặp mắt của tôi, giồng như lão phù thủy: ông nhận ra bằng mắt những cái tôi phải vất vả làm mới mò ra được với dụng cụ trong tay. Ông đòi hôi tôi phải luôn luôn chính xác và tập trung tư tưởng trong khi làm việc, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa bản vẽ, đi sâu hơn nữa vào chuyên môn. Ông đã khéo léo hướng sự cần cù và trí tò mò của tôi sang lĩnh vực phát minh. Không bao lâu, bạn bè trong trường học nghề đều gọi tôi là “Xát-sca kỹ sư”

Từ đó, tôi say mê tính toán; suy xét những việc đã làm và những cái cần làm tiếp. Những thất bại đầu tiên trong lần bắn mục tiêu mặt đất và trên không trước chiến tranh đã khiến tôi cầm lấy giấy và bút. Tôi hiểu vũ khí nhưng không biết tính chính xác góc ngắm và xác định cự ly. Thiếu những điều này thì không hiệu chỉnh đúng đường ngắm bắn. Tôi cần phải lấp cái lỗ hổng ấy trong luyện tập. Khi đã tìm ra, tôi không còn bắn ra ngoài mục tiêu nữa.

Và bây giờ, trong khi nằm chữa bệnh, tôi quyết định phải thu thập và phân tích những kinh nghiệm chiến đấu đầu tiên, hồi tưởng lại những chuyến bay mà tôi đã thực hiện cùng đồng đội. Trước hết tôi tự hỏi: vì sao mình thường bị rủi ro sau mỗi lần gặp địch? Tôi tin rằng mình biết điều khiển máy bay, vũ khí và không ai có thể trách tôi thiếu can đảm. Máy bay nhìn chung là tốt. Vậy tại sao tôi thường trở về với những vết đạn và lần cuối cùng này tôi phải đi bộ trở về? Phải có một nguyên nhân gì đó?

Hai phân bên cạnh cái chết? Đúng lần ấy. Phải, chính lần ấy tôi đã lao mình vào giữa họng súng liên thanh của địch. Sau khi xuyên qua kính chắn gió của chiếc Mích, viên đạn đã chui vào nằm trong máy ngắm. Chính máy ngắm đã cứu tôi. Thật là hoàn toàn ngẫu nhiên? 

Tôi nhớ lại cái chết, trong trường hợp tương tự của I-a-cốp-lép, một phi công trong trung đoàn. .
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #49 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 01:25:10 pm »

Một tốp máy bay ném bom Đức bay trên Cô-tốp-xcơ ở không xa thành phố, chúng tôi coi cuộc tập kích đường không của địch có triệu chứng nhằm vào khu vực mình bảo vệ. Những chiếc Mích lần lượt cất cánh.

Lấy đến độ cao, chúng tôi nhìn thấy nhà ga Cô-tốp-xcơ bốc cháy. Muộn mất rồi, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục bay đến. Cũng còn tốt. Sau khi ném bom, những chiếc gioong-ke đang tập hợp lại. Thấy chúng tôi, bọn chúng liền khép chặt đội hình và nổ súng. Rất khó lại gần chúng.

Bất thình lình, một trong những chiếc tiêm kích của ta vọt lên trước, lao qua lưới đạn dày đặc đến gần chiếc đi đầu. Đó là I-a-cốp-lép. Thật khó nói điều gì đã thúc đẩy anh hành động như vậy. Lòng căm thù giặc và khát vọng trả thù? Ý muốn là người đầu tiên xông vào chỗ nguy hiểm, lôi cuốn đồng đội. Nhưng rõ ràng, hành động của anh rất cao thượng. I-a-cốp-lép đã làm đúng như người lính bộ binh dũng cảm làm cho các bạn đồng đội bật dậy trong một cuộc xung phong bằng lưỡi lê.

I-a-cốp-lép không thọc được đến đối thủ mà anh đã lựa chọn. Anh đã trúng đạn trong lức bồ nhào, nhưng sự tính toán của người anh hùng đã chính xác. Chiếc Mích-3 do anh điều khiển đã đâm thẳng vào chiếc máy bay ném bom đầu đàn. Đội hình địch hỗn loạn, những chiếc Gioong-ke địch bay tan tác. Máy bay tiêm kích ta lập tức xông vào chúng. Chỉ lát sau, dưới đất đã bốc lên tám cột khói lửa. Chiếc cuối cùng trong tốp Gioong-ke địch cũng bị rơi nốt bên kia bờ sông Đô-nhi-ét.

Ngày hôm ấy, chúng tôi đã giành được một chiến công lớn. Chính là nhờ công của thiếu úy I-a-côp-lép. Tiêu diệt được tên dẫn đầu, anh đã làm cho địch mất chỉ huy và làm tê liệt ý chí của những tên còn lại. Hành động anh hùng của I-a-cốp-lép là thổi bùng lên ngọn lửa trong các bạn chiến đấu. Anh đã hy sinh thân mình để đảm bảo chiến thắng cho những người còn sống. Ngày hôm sau, chúng tôi chôn cất I-a-cốp-lép ở chính nơi anh rơi xuống. Một viên đạn đã xuyên thửng trán anh, chỉ có một lỗ thủng ở kính chắn buồng lái. Không có hai phân đi chếch “may mắn” để cứu sống người lái... Chiếc máy ngắm cũng không cứu được anh... .

Nhớ lại trường hợp của I-a-cốp-lép, tôi nghĩ có lẽ tốt hơn là ta nên có một tấm kính chống đạn để bảo vệ phía trước buồng lái của chiếc tiêm kích. Với một sự bảo vệ như vậy; tinh thần dũng cảm của người lái sẽ được nâng lên, và bao nhiêu cuộc đời sẽ được cứu sống.

Lại còn cái dở nữa, tôi tự bảo, máy hay của chúng ta mãi vẫn chưa lắp thiết bị vô tuyến điện. Khi ở trên không, chúng tôi thành những người câm điếc. Chỉ còn cách “hội thoại” duy nhất bằng những cái lắc cánh. Muốn giữ liên lạc, chúng tôi bắt buộc phải bay sát nhau, và đội hình hẹp đã hạn chế sự tự do cơ động của người lái. Bao nhiêu bất hạnh có thể báo trước bằng một lời nói phát ra đúng lúc trên sóng vô tuyến?

Thiếu liên lạc bằng vô tuyến đã đặt không quân tiêm kích ta vào tình trạng hết sức bất lợi. Các máy thu phát trang bị trong một số. máy bay chỉ huy còn rất cồng kềnh, ít tác dụng, chưa đảm bảo chỉ huy hiệu quả và linh hoạt các máy bay trong không chiến.

Vấn đề đội hình hợp lý của máy bay tiêm kích cũng mang lại cho tôi nhiều băn khoăn. Ví như trường hợp tôi bị hạ. Chúng tôi bay tuần tiễu với đội hình ba chiếc trong khu vực lưới lửa phòng không của địch. Khi Lu-ca- sê-vích chuyển sang phía tôi, để tránh va nhau, tôi đành kéo vọt lên và chính lúc đó pháo phòng không của địch đã chộp được tôi. 

Nhiều ý nghĩ dồn dập trong đầu
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM