Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 12:08:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tình đồng đội ! (Phần 2)  (Đọc 202666 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
pb47vp
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1890


« Trả lời #320 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2014, 08:21:20 pm »

  Hai bác đứng giữa này em không biét tên. Bác Pháo nói hộ em với !

Hai bác đứng giữa, bác áo phông trắng là bác Tiến, biệt hiệu "Tiến loe" là lính VTĐ đơn vị anh, cùng nằm đài với anh trong chiến dịch MB84. Còn bác kia là lính e266 nơi anh đặt đài QS
Logged
Tiengiao
Thành viên
*
Bài viết: 215


« Trả lời #321 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2014, 03:08:32 pm »

  Chụp ảnh kỷ niệm cho một số bác. Còn rất nhiều người từ xa chưa đến được. Lúc này bác Pháo ...chạy đi tìm dép vừa về xong .




   ***

Trong ảnh này hàng anh em ngồi ở phía trước có bác ngồi ở vị trí thứ 5 từ trái sang mặc áo phông kẻ ngang, bác này ở E 266 biết rất nhiều ở bờ đông sông Lô, bác này mà vào giao lưu được thì nhiều chuyện giao lưu với bác Nguyễn Quảng Trị.
Logged
dapxichlo
Thành viên
*
Bài viết: 291


« Trả lời #322 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2014, 11:42:07 am »

-Kính chào các bác ccb-chúc một ngày mới tốt lành.
Chào Linhquany cảm ơn rất nhiều về những bức ảnh,lần đầu tiên sau 30 mươi năm,được găp mặt cùng các bác F313,nhìn lại những bức ảnh lại nhớ đến nhau.
-Cảm ơn Linhquany chúc mọi sự tốt lành
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #323 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2014, 10:59:01 am »

   Chào các bác, em pots lên câu chuyện dang dở ở top Hà giang. Đây vẫn chỉ là sườn một câu chuyện, theo lối chuyện kể, em chưa chỉnh sửa lại thành tác phẩm văn học được ( Nhưng thế khéo lính lại dễ đọc hơn  Grin ). Hiện tại thì em chưa biết đặt tên là gì, đành lấy cái tên tạm như đã pots bên Hà giang  ĐÔI BẠN hay BẠN VONG NIÊN gì đó !

   ---------------

Tuấn nó chết rồi ! - Người đàn ông đầu bac phơ đứng trước mặt tôi nói.

   Một chút bàng hoàng trào dâng trong tâm trí tôi. Như người mông du, tôi lắp bắp lặp lại lời nói của ông già : Tuấn...chết...rồi ... ư !

   Vậy là người đồng đội, người bạn chiến đấu ngày xưa của tôi đã ra đi. Không thể ngờ được, vừa hai tháng trước tôi ghé qua thăm, thấy nó vẫn bình thường, không có dấu hiệu gì đau ốm, mặc dù tôi thừa biết, nó đang bị những vết thương cũ trong người hành hạ khi trái gió trở trời. Nhưng đâu đến nỗi làm nó quỵ nhanh thế !

   Định thần lại, tôi mới để ý trên ngực áo ông lão có đeo một mảnh vải đen nhỏ. Thoang thoảng một mùi hương trầm ngan ngát từ trong ngôi nhà bay ra theo gió, quanh quẩn chỗ hai người.  Có tiếng nói khẽ khàng của một người phụ nữ vang lên bên tai : Em chào anh ! - Nga, vợ Tuấn, con gái người chủ nhà vừa đi đâu về, chào tôi xong cô nhắc ông già :

   - Ơ kìa bố, bố mời bác Tuyến vào nhà uống nước đi chứ ! sao hai người lại cứ đứng ngoài sân thế này !
   Chúng tôi như sực tỉnh, ông lão vội vàng khoát tay : “ Chú vào nhà uống nước đã !” . Thấy ánh mắt của tôi có vẻ hơi ngạc nhiên khi vào trong nhà nhìn thấy chiếc bàn thờ nhỏ có di ảnh của Tuấn, ông giải thích : “ Tuấn nó không còn ai để thờ cúng, tôi cùng em nó đưa cậu ấy về đây chú ạ !”

   Thắp nén hương cho người bạn xong, ngồi xuống bộ ván cũ kỹ, nhìn người phụ nữ đeo khăn tang đang lặng lẽ pha trà, tôi thầm nghĩ “ Cái số của mày sao khổ thế Tuấn ơi ! cứ tưởng rồi chúng mày sống hạnh phúc đến cuối đời, nào ngờ...” nghĩ đến đây tôi cầm chén nước Nga vừa đưa cho uống vội một ngụm như muốn nuốt nỗi nghẹn ngào cho nó trôi xuống tận sâu thẳm lòng mình.  

   - Anh Tuyến hôm nay ở đây ăn cơm cùng gia đình nhá ! Hôm nay cũng gần bốn chín ngày của Tuấn, tiện thể có anh về, chúng tôi làm luôn mâm cơm mời anh ! Bố Nga bảo tôi.

   Ra mộ Tuấn về, ba người chúng tôi lặng lẽ ngồi với nhau quanh mâm cơm, không ai thiết tới chuyện ăn uống. Qua lời kể của ông già, câu chuyện của Tuấn bây giờ tôi mới biết lý do tại sao Tuấn ra đi đột ngột thế, hoá ra cậu ta giấu tôi. Thời gian chầm chậm trôi theo những suy nghĩ hồi tưởng miên man của chúng tôi về một người bạn, người đồng đội trong ký ức của mỗi người...

***

   Dòng hồi tưởng của tôi lại ngược về gần ba muơi năm trước, năm 1984, tại một địa danh : Làng Sinh - Vị Xuyên – Hà Tuyên.

   Những người lính đang thận trọng nối đuôi nhau đi trong đêm. Họ phải vượt qua một con dốc gần như dựng đứng, sang phía bên sườn bên kia để vào vị trí tập kết. Trong bóng tối, tuy không nhìn rõ mặt, chỉ nghe thấy tiếng thở hổn hển cố nén lại tới mức nhỏ nhất, nhưng cũng cảm nhận đựoc sự căng thẳng, lo lắng của từng người trong lần hành quân này. Ở đây rất gần với vị trí của địch, những họng súng thép lạnh lẽo trên các sườn điểm cao xung quanh có thể phát hiện ra họ và nhả đạn vào đội hình bất cứ lúc nào.

   Ối ! - Môt tiếng tiếng kêu của ai đó bật ra,  trong không gian im lặng  vang lên rất rõ.

   - Suỵt ! tiếng của người chính trị viên đang đi giữa đoàn quân, anh thì thaò “ Bé cái mồm chứ đồng chí,  muốn tất cả chết hết ở đây à ?”

   Tôi nhăn nhó cúi xuống ôm bàn chân, một đọan gốc cây nhọn hoắt xuyên thẳng qua đôi giầy,  gim vào gan bàn chân. Đau quá ! tiếng kêu vô thức do phản xạ bật lên không kìm được, tý thì là lộ vị trí đơn vị. Một bóng người ì ạch tới chỗ tôi. Tuấn với đầy đủ cơ số súng đạn, kèm theo hai quả cối 60 trên lưng vỗ vỗ vào vai tôi , nói nhỏ : “ Đau lắm hả quê ! cố chút tới chỗ gốc cây kia nghỉ, để mình xem chân cho !”, rồi cậu ta kéo khẩu AK của tôi đang đeo ra, khoác vào mình...

   Tôi với Tuấn vừa nhận ra nhau là đồng hương đựoc hai tiếng đồng hồ, trước khi hành quân. Tuấn là khẩu đội trưởng một khẩu đội cối của đơn vị khác được tăng cường sang đơn vị tôi, đi phối thuộc đánh trận này, một trận đánh có lẽ các cấp chỉ huy đều biết không dễ xơi chút nào, cho nên khi tập trung ở dưới làng Sinh, chúng tôi được cấp phát đầy đủ các loại nhu yếu phẩm, thuốc men và cả món được coi là quý giá với lính chốt : thuốc lào Vĩnh Bảo loại ngon nhất.

   Đang lơ mơ trong khói thuốc say nồng, thì một ông lạ hoắc, đầu tóc bù xù, cái miệng cười như nhệch sang một bên, nhìn có vẻ hơi ngang tàng, kiêu bạc, chạy tới, mồm oang oang : “ Đồng hương cho mượn bắn vài bi nhé ! mẹ khỉ, bên này sướng thế, đầy đủ, bọn tớ bên kia chả có gì !” Miệng nói  tay làm, anh ta giật phắt luôn cái điều cày trong tay tôi, vê thuốc châm lửa rít sòng sọc như bao năm mới nhìn thấy thuốc lào không bằng. Dù đang chưa tỉnh cơn đê mê nhưng tôi cũng phì cười vì  cái kiểu như trẻ con háu ăn của anh ta : “Từ từ thôi, làm gì mà vội thế, thuốc còn đầy, không hút hết để dành khéo mai đ... còn mà hút nữa đâu!” khiến tay lính mới đến đang vê tiếp điếu khác dừng lại trợn mắt ngoảnh nhìn tôi : “ Cái mồm ông ! lính chiến bạc đến cả cái giải rút quần rồi mà còn ...phỉ phui !” .

   Ngồi một lúc với nhau, tôi với Tuấn hỏi thăm thì biết chúng tôi đều là “ dân quê” cùng một tỉnh. Quê tôi nằm ở bên cạnh con sông Lô xanh biếc, còn quê Tuấn thì cạnh con sông Phó Đáy quanh co uốn lượn, cả hai vùng đều có con gái đẹp có tiếng của Tuyên Quang cũ. Chúng tôi thân nhau rất nhanh, một lính quân y và một lính cối. Tuấn đùa : “Này ! ông cố gắng đi gần gần tôi nhé, nếu thấy tôi “ bị” thì cơ động đến cứu tôi trước...” khiến đến lượt tôi ngắt lời cậu ta : “ Vớ vẩn, bị là bị thế nào, phải còn sống mà về quê chứ, bọn con gái nhiều đếm không hết, xinh bỏ mẹ ra, tôi với ông không về thì phí !”

   Có lẽ, vì linh cảm điều gì đó chẳng lành, cả hai chúng tôi trước khi vào trận đều buột mồm nói như vậy. Sau trận này, cả hai đều sống, tuy không lành lặn nhưng người nọ tưởng người kia hy sinh, cho mãi đến khi vô tình trên đường đời về sau, chúng tôi lại gặp nhau...

  ***

Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #324 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2014, 11:04:12 am »

   Làng Ven, cái tên làng được đặt từ cửa miệng của những người dân, gọi lâu nó thành quen, chứ thực ra cái tên của nó không phải như thế, do nằm ven trục đường tỉnh lộ nhỏ chạy trước mặt , phía sau là dòng sông Phó Đáy bốn mùa nước xâm xấp, thành ra ngôi làng như mộ cái ốc đảo trên cạn, quanh năm bốn mùa bao phủ một màu xanh tươi tốt của các loại cây cối, hoa lá. Từ khi có quyết định của Chính phủ nâng cấp con đường này to rộng thêm ra để nối vào trục đường chính của quốc lộ 2, làng Ven tự dưng nhộn nhịp hẳn, đất đai lên cơn sốt giá vù vù, chả mấy chốc, chỉ trong vòng hai ba năm, những mảnh đất mặt đường đầy những ngôi nhà xây hai ba tầng màu mè rực rỡ, làm bộ mặt của làng thay đổi hẳn. Nếu ai đi xa lâu ngày trở về, mới bước chân vào ngỡ như mình đi nhầm vào một thị trấn nào đấy, chứ không phải ngôi làng ven đường, ven sông nhỏ bé, lặng lẽ như ngày xưa.

   Tôi đến làng Ven công tác, theo một chương trình của Sở nông nghiệp dành cho doanh nghiệp chúng tôi, xây dựng, hoàn thiện các công trình tưới tiêu kênh mương nội đồng, gọi là đa dạng hoá thu nhập nông thôn. Khi tới nơi tôi cũng không khỏi bỡ ngõ vì thấy sự thay đổi nhiều quá, cách đây khoảng gần hai chục năm, khi còn khoác áo lính, tôi đã cùng đơn vị sang đây khai thác cát sỏi trên dòng sông Phó Đáy, thời điểm ấy khu vực này buồn hiu hắt, mang tiếng có con đường của tỉnh chạy qua nhưng hoạ hoằn lắm mới thấy một chiếc xe ô tô tải đi vào làng lấy vật liệu khai thác dưới sông rồi chở đi. Được cái con gái ở cái làng này đẹp có tiếng, không biết làm bao nhiêu chàng trai trẻ trong đội ngũ chúng tôi thổn thức mỗi khi chiều tà nghỉ ngơi trong doanh trại, ngắm các cô, các chị quẩy đôi thùng xuống sông lấy nước tưới rau. Cũng đã có vài mối tình quân với dân kịp chớm nở nhưng vụt tắt nhanh chóng, khi biên giới có biến động, đơn vị vội vàng chuyển quân đi trong đêm, không ai kịp chào tạm biệt những người dân hiền lành, chất phác, hay giúp đỡ những người lính chúng tôi khi đóng quân ở đây lấy một câu.

   Công việc thật suôn sẻ,  nhận hồ sơ, giao tuyến, lấy cọc mốc xong xuôi, nhìn đồng hồ thấy mới có ba giờ chiều, ngoài trời, mới vào đầu hạ nắng ong ong, tự dưng tôi thấy ngại, trách thầm sao không lấy ô tô của công ty đi cho nó nhàn, vẫn cái tính thích rong ruổi trên con ngựa sắt hai bánh đâm ra vất cả. Chậc ! thôi cứ tìm cái quán nước nào đó ngồi nghỉ chơi đã, từ đây về đến nhà có ba bốn chục cây số, bốn năm giờ mình về, thong dong vừa đi vừa ngắm cảnh, tới giờ cơm vẫn còn kịp chán ! Tôi nhủ thầm rồi vòng xe ra đầu làng tìm quán giải khát.

   Người chủ quán, tuổi cỡ ngoài lục tuần, mái tóc lốm đốm bạc rót cho tôi bát nước chè xanh thơm ngát,  đang khát, tôi cầm bát nước làm một hơi rồi chìa cái bát không ra “ ông cho con xin bát nữa, chè ngon quá !” . Trong lúc ông chủ rót nước mới, tôi đảo mắt nhìn quanh chiếc quán lá đơn sơ. Rất lạ ! xung quanh người ta xây nhà to đẹp hết thì ở đây vẫn còn nguyên một ngôi nhà cũ kỹ, lợp mái tranh như này. Ánh mắt của tôi chợt vướng phải một người, đang lúi húi làm gì đó ở đầu nhà, nhìn cái hòm đồ nghề lỉnh kỉnh cờ lê, kìm búa cùng chiếc bơm nhỏ, tôi đoán người ấy làm nghề sửa xe, hình như xe của mình cũng non hơi, tôi chạy ra chỗ đó bảo anh ta “ Bác bơm giúp em cái bánh trước với !”. Người thợ sửa xe quay lại, nói câu gì đó, cái miệng anh ta nhếch sang một bên, trong phút chốc, cả tôi và anh ta như có luồng điện giật khi nhìn vào mặt nhau. Cố trấn tĩnh lại, tôi run run hỏi :

   - Hình như...anh có phải ...tên là Tuấn không ? Tuấn cối C8-E 155- F...Tôi không kịp nói hết câu, vì người thợ sửa xe đứng lên lao vào ôm chầm lấy tôi, miệng anh hét lên : “ thằng Tuyến y tá, mày còn sống !”.

   ***
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #325 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2014, 03:24:56 pm »

   Hai chúng tôi cảm giác như có những giây phút sống lại cái tuổi hai mươi của mình. Tuấn vẫn như ngày nào, vẫn oang oang cái mồm, huyên thuyên đủ thứ, nói là hai thằng ngồi tâm sự, ôn chuyện cũ, nhưng hấu như tôi không nói được câu nào, chỉ nghe và ngắm cậu ta. Cái cảm xúc của tôi lúc ấy nó lẫn lộn nhiều thứ đan xem vào với nhau, vừa mừng vì gặp lại người bạn lính, vừa có một nỗi ngại ngùng đang cố gắng che dấu trong lòng.

   Đáng lẽ tôi phải đi tìm Tuấn ngay sau khi xuất ngũ. Khổ nỗi, chúng tôi quen nhau trước khi vào trận không lâu, chưa kịp hỏi nhau kỹ về làng xã, chỉ kịp giới thiệu tôi ở gần thị xã, còn Tuấn là người hạ huyện Sơn Dương. Và quan trọng hơn, tôi đinh ninh một cách rất chủ quan Tuấn đã hy sinh, do cứu tôi.

   Đúng vậy, nếu không có cậu ấy, chắc tôi cũng đã trở thành liệt sĩ trong trận đánh đó !

   ...Đơn vị chúng tôi tập kết đúng vị trí chuẩn bị tấn công, an toàn, bí mật. Tự dưng trời đổ mưa lâm thâm, cái sườn núi đất trở thành trơn như đổ mỡ. Phía trên cao các dãy công sự, lô cốt của địch tối om om, không nhìn thấy gì, lính tráng tụi tôi chỉ biết mũi của mình, tấn công theo hướng nào, chỉ huy là ai, chứ hoàn toàn không hề biết trên đầu, địch đã giăng một màn thiên la địa võng dày đặc các loại hỏa lực đang chờ đón mình ra sao.

   Bàn chân của tôi, đã tự mình băng chặt lại, vẫn hơi đau nhức, thấy tôi tập tễnh, chỉ huy đại đội phân công tôi ở lại với cánh hỏa lực, cùng thê đội hai dự bị cho mũi tiếp theo nếu cần. Tuấn nghe vậy bóp tay tôi nhè nhẹ, câu ta không nói nhưng tôi cũng hiểu ý : " thấy chưa ! thế nào ông cũng đi cùng tôi mà !".

   Như linh tính báo trước, trận này đơn vị chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn, sườn núi dốc, trơn nhẫy khiến đội hình phát triển cực kỳ chậm. Rất may là pháo binh của ta bắn phủ đầu những loạt đạn rất chính xác, khiến địch bị gìm đầu vào công sự. Tuy vậy, khi pháo dứt, trung đội đầu tiên vừa sắp vượt qua cửa mở, địch ở các công sự nhò ra chống trả dữ dội, khiến thương vong khá nhiều. Phía dưới này, khẩu đội cối của Tuấn thả đạn liên tục, địa hình chênh vênh không đặt được đế, những người lính cối kê dép dựng luôn nòng bắn ứng dụng. Trận địa mù mịt khói lửa cùng các tiếng nổ đan xen với nhau, thương binh kéo xuống liên tục, tôi sử dụng gần như cạn sạch cơ số bông băng mang theo. Được một lúc thì nghe báo về " đã vượt qua cửa mở, địch đang bỏ công sự chạy về tuyến hai của chúng, bắt được một số tù binh ". Chưa kịp mừng thì đến lượt pháo binh địch dập vào sườn núi, trúng vào chỗ chúng tôi. Tiếng xoèn xoẹt, oành oành cùng đất đá tung rào rào liên hồi, tôi chỉ kịp thấy người rát như phải bỏng, kèm theo một tiếng nổ dữ dội ngay gần bên cạnh, rồi bị hất tung lên, rơi xuống, trong lúc còn hơi tỉnh, vẫn nhận thấy Tuấn kéo tôi xuống hào, một loạt tiếng nổ ục ục tiếp theo, Tuấn bị xô đè lên tôi, trời đất tối sầm lại, tôi không hay biết gì nữa...

   ***
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #326 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2014, 04:32:40 pm »

  Trận đánh đó chỉ mang ý nghĩa thành công một nửa, tuy chiếm được căn cứ của địch nhưng quân ta cũng không trụ lâu, vì địch phản kích bằng pháo binh rất dữ dội. Cấp trên ra lệnh rút để bảo toàn lực lượng, khi lui xuống, qua đoạn hào chỗ chúng tôi đang nằm, thấy Tuấn máu me đầy người, không còn phản ứng gì, chỉ tôi còn thoi thóp thở , những người đồng đội nghĩ Tuấn đã hy sinh  mang tôi về trước, để Tuấn lại chờ đội đi lấy tử sĩ lên sau đưa về. Không ngờ câu ta vẫn còn sống, bị thương rất nặng, sơ cứu xong được đưa thẳng về viện 9 – Quân khu 2 chữa trị. Còn tôi, sau mấy tháng nằm tại quân y viện 93 Hà Tuyên, được xuất ngũ với chứng nhận thương binh với 30 phần trăm sức khoẻ ra đi. Trở về địa phương, tôi được bố trí vào làm tại một cơ quan nhà nước, cuộc sống cũng tạm ổn, lấy vợ, sinh con. Được một số năm, do cơ chế đổi mới, vốn có tay nghề mộc tương đối khá, tôi xin nghỉ chế độ, ra ngoài lập xưởng mộc, rồi  thấy công việc xây dựng đang phát triển, tôi đi học thêm lấy cái bằng kỹ sư, mở một doanh nghiệp xây dựng riêng của mình, theo đà ấy, hiện tại tôi có một công ty rất mạnh đang phát triển bền vững theo năm tháng.

    Chính vì câu chuyện kể của một người đồng đội cùng đơn vị khi đến thăm tôi tại quân y viện 93, nên tôi nghĩ Tuấn không còn nữa, yên tâm với cuộc sống hiện tại của mình và thi thoảng ngồi nhớ người bạn đã từng hứng trọn đạn pháo cứu mạng trong tâm tưởng. Cho đến tình cờ ngày hôm nay, tôi mới biết, anh vẫn còn sống, một cuộc sống mưu sinh cũng như trong tình đời đầy trắc trở....

  
   - Chết thật, mải quá, tôi quên mất ! Đây là... cụ thân sinh ra ông à ? – Tôi hướng mắt về ông cụ chủ quán nãy giờ vẫn im lặng nghe chuyện của hai thằng, hỏi Tuấn.

- Không...à phải...à mà không phải ! - Tuấn ấp úng : ông cụ đẻ ra tôi mất lâu rồi, đây là người tôi coi như cha của mình và...cũng là một người bạn thân.

   Thấy tôi trố mắt ra không hiểu. Tuấn nói tiếp : Thôi thế này nhá, đêm nay ông ở lại đây, ngủ cùng tôi, gác chân nhau nói chuyện, tôi sẽ kể cho ông nghe...

   ***
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
pb47vp
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1890


« Trả lời #327 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2014, 04:50:38 pm »

Dạo này máy chụp ảnh "hết pin" nên quay về vò đầu viết truyện kí Grin Grin Grin. Hay, cốt chuyện mang đậm tình đồng chí đồng đội, những trăn trở thường nhật, chỉ mỗi tội thiếu men Grin
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #328 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2014, 07:00:49 pm »

  ...Chiếc xe màu xanh quân đội có in chứ thập đỏ trên mình dừng lại trong làng, mấy đứa trẻ tò mò nhảy ra xem ai rồi nhảy nhót reo ầm lên : “ Anh Tuấn con bà Chắt, anh Tuấn còn sống về đây này chúng mày ơi !”.
Tuấn chống nạng bước từ trên xe xuống, ngượng nghịu khi thấy mọi người chạy đến rõ là đông. Mấy đứa trẻ con nhanh nhảu đỡ ba lô cho anh, một người đàn ông cầm chiếc nạng rồi dìu anh đi. Hình như mọi người đều ngạc nhiên khi nhìn thấy anh, một bà tuổi sồn sồn đang gieo mạ dưới ruộng quay sang nói với mấy bà khác : “ Phúc đức cái nhà bà Chắt này quá ! thế mà người ta đồn anh ấy bị pháo bắn cụt đầu, mất xác trên biên giới rồi, thảo nào mãi không có giấy báo tử...”, một bà ruộng bên cạnh chép miệng đế vào : “ Khổ, nhìn chân cẳng cậu ấy thế kia thì sau này không biết còn làm gì đựoc nữa không ? ngày xưa rõ đẹp trai, bọn con gái làng này chết mê chết mệt cậu ta ...” rồi thở dài đánh thượt.

   Bước vào nhà, vội nén hết sức chống tay lên chiếc nạng ôm bà mẹ đang nức nở khuỵu xuống vì bất ngờ, chờ mọi người đưa mẹ ngồi xuống anh tới thắp nén hương cho cha. Người đàn ông mặc quân phục ka ki xanh trong bức truyền thần với ánh mắt ấm áp nhìn như đang hỏi anh : “đã về rồi đấy hả con ?”. Cha anh hy sinh từ thời chống Mỹ, chưa bao giờ anh thấy mặt cha, vì ông đi B khi anh mới lọt lòng.

   “ Tàn nhưng cố gắng không phế !” cái suy nghĩ ấy của Tuấn khi xin ra khỏi trại điều dưỡng thương binh nặng có vẻ thực hiện thật khó khăn, phụ cấp chế độ ba cọc ba đồng, về quê chỉ có mấy sào ruộng, sức khoẻ lại kém,  một bên chân gần như vô dụng vì bị những mảnh pháo phá tan nát. Nghỉ ngơi một thời gian, anh quyết định ra đồng, hì hụp mãi cả buổi sáng không cuốc nổi luống rau bằng hai mảnh chiếu, may có mấy cô gái làm cạnh đấy thấy vậy mỗi người giúp một tay băm đất, trộn gio, rắc phân, gieo hạt, cuối cùng mảnh ruộng gần như bỏ hoang của nhà anh cũng xanh mướt một màu với đám ruộng làng. Chán nản anh lên xã xin họ bố trí cho một chân gì đó, bảo vệ cũng được, người ta cũng hứa, nhưng mãi chẳng có việc gì. Thi thoảng có đoàn phim về xã, họ lại gọi anh cùng mấy ông thương binh tới làm chân soát vé, bọn choai choai mới lớn hay quậy phá thấy vậy không dám mò vào bãi nghịch ngợm nữa, thấy vậy chính quyền bố trí luôn thành một tổ, quản lý cái chợ nhỏ ở làng dưới, kể ra tự dưng có thêm đồng ra đồng vào, mỗi khi bà buôn nào đó nhờ các anh đi áp tải hàng giúp, nhất là xuôi bè nông lâm sản theo sông, ít ông công an hay kiểm lâm nào nhìn thấy bọn anh dám nhảy xuống kiểm tra. Một thời gian Tuấn cay đắng nhận ra người ta chỉ muốn lợi dụng cái huy hiệu thương binh của mình, hay chính anh cũng đang dùng nó để kiếm sống, anh lại bỏ về,cho dù những người bạn còn lại càng ngày càng phất do biết cách sử dụng những chiêc huy hiệu đó để “ làm ăn”.

   Một hôm, đang bữa ăn, bà mẹ ngập ngừng : “ con xem thế nào ..lấy vợ đi, mẹ thấy yếu lắm rồi, cứ như này thì...”. Câu nói vừa thốt ra xong cả hai mẹ con đều thấy nhói lòng. Không phải anh không hiểu điều ấy, nhưng vì mặc cảm về sự tàn tật của mình, cho nên anh không dám nghĩ tới chuyện đó.

   - Hay là...- Mẹ Tuấn lại tiếp : ...cái Nga, con ông Hùng xóm trên...mẹ nhìn nó có vẻ cũng..tình cảm với con lắm đấy !

   Nga chính là cô gái, hôm đầu tiên anh ra ruộng ,đang lúng túng với cái cuốc cùng cái nạng, đang ở ruộng bên cô kêu mọi người sang đỡ anh, hàng ngày, cô vẫn đi làm sớm thêm một chút hay muộn thêm một chút để giúp anh gieo trồng. Nga không xinh nhưng có duyên với khuôn mặt phúc hậu và chiếc răng khểnh làm gương mặt cô rạng rỡ khi cười. Làng trên xóm dưới cũng bắt đầu để ý, xì xào ghép đôi cho hai người. Trong thâm tâm Tuấn lại không cho như vậy, anh chỉ thầm biết ơn cô gái tốt bụng chứ cũng không biết, Nga nghĩ về anh nhiều và khác hơn anh nghĩ về cô.

   ***
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #329 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2014, 07:24:21 pm »

Dạo này máy chụp ảnh "hết pin" nên quay về vò đầu viết truyện kí Grin Grin Grin. Hay, cốt chuyện mang đậm tình đồng chí đồng đội, những trăn trở thường nhật, chỉ mỗi tội thiếu men Grin

   Truyện này em viết trong đợt đi dự tại sáng tác vừa rồi. Nộp xong ngại sửa quá, dạo này em cũng lười. Thôi cứ pots đại lên cho mọi người đọc chơi vậy !  Grin
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM