Lịch sử Quân sự Việt Nam

Máu và Hoa => Hình ảnh - Kỷ vật => Tác giả chủ đề:: trung uy trong 23 Tháng Tám, 2010, 11:46:27 pm



Tiêu đề: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 23 Tháng Tám, 2010, 11:46:27 pm
Bức ảnh này được bác tuaans gửi trong topic Kỷ vật của các chiến sỹ QDNDVN trong kháng chiến chống Mỹ từ 3-2009. Bác lethaitho trăn trở không biết bác lính nhà mình đó còn sống hay đã hy sinh? Hồi đó em xem cũng băn khoăn như thế. Thực ra thì ảnh chụp quân mình hồi Mậu Thân kiểu như thế này cũng nhiều, nhưng ảnh này có chú thích tên tuổi quê quán của người trong ảnh, nhất là lại ở Hải Phòng - nơi em đã sống  6 năm hồi sinh viên, nên đợt vừa rồi có điều kiện, em đã đi xuống đó tìm "tung tích" nhân vật chính.
 Rất mừng là bác ấy còn sống, vẫn đang ở làng Trúc Hiệp đó. Em tìm đến nhà, trao lại cho bác ấy bức ảnh này, bác ấy bất ngờ và xúc động lắm. Cả buổi sáng hôm đó ngồi nói chuyện với bác ấy, nghe bác ấy kể lại câu chuyện của đời mình... Trưa bác ấy sai con trai đi thịt gà đãi khách "quý"  ;D ... đến chiều em mới tạm biệt gia đình bác ấy để về HN.
Bác ấy thì rất mừng và xúc động khi nhận được bức ảnh đó của mình, còn em thì cũng thấy rất vui khi làm được việc đó.
Về nhà em thấy câu chuyện về bức ảnh, về cuộc đời của bác ấy có nhiều cái hay hay nên cũng cố gắng vận dụng hết công lực để viết lại thành một "phóng sự" hihi ;D An ninh thế giới số 985 ra 18-8 bắt đầu đăng, số 986 ngày 21-8 đăng kỳ 2 và chắc là số thứ 4 tuần này 25-8 sẽ đăng kỳ cuối. Nghề chính của em là nhổ răng, nên các bác đừng "làm cỏ vườn báo chí" với em nhé. ::)
Bản trên ANTG đã "bị" biên tập, cắt ngắn 1 số đoạn, thay 1 số chữ... em ko thích lắm, nên ở đây em sẽ gửi bản gốc full + 1 số bổ sung thêm theo ngôn ngữ QSVN nhà mình. Có thể có 1 số chỗ các bác thấy là nó hơi "thừa", mong các bác thông cảm, vì ở đó là em viết cho số đông độc giả "không phải thành viên QSVN" ;)


Tiêu đề: Re: Hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 23 Tháng Tám, 2010, 11:53:37 pm
(http://www.quansuvn.net/index.php?action=dlattach;topic=5149.0;attach=3303;image)


1. Từ một bức ảnh chiến trường

Qua trang diễn đàn Quân Sử Việt Nam, -nơi tập hợp những người yêu thích, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của QĐNDVN và các cuộc kháng chiến trong lịch sử dân tộc-, chúng tôi được biết đến một chủ đề rất đặc biệt do một quản trị viên (tức bác rongxanh) của diễn đàn gửi lên ( ở đây: http://www.quansuvn.net/index.php/topic,5149.0.html). Ở đó giới thiệu các kỷ vật của các chiến sỹ QĐNDVN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng lại là do các đơn vị lính Mỹ thu giữ được trên chiến trường, hiện nay đang được lưu trữ tại các trung tâm, thư viện của Mỹ. Ở đó, chúng ta có thể gặp rất nhiều chủng loại: các bức ảnh, sổ nhật ký, giấy tờ tùy thân, bằng khen, thư từ, sổ ghi chép, giấy báo tử, phiểu thực phẩm, vở học tập … Khi nhìn những hình ảnh này, chúng tôi cũng có nhiều cảm xúc, nhất là khi thấy những tờ giấy báo tử của các đơn vị gửi về cho thân nhân các chiến sỹ đã hy sinh. Bốn thập kỷ sau chiến tranh, nó vẫn nằm trong các trung tâm lưu trữ ở một đất nước xa xôi, có nghĩa là nó đã không đến được tay người nhận và chưa hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Có thể những gia đình đó, đến giờ này, cũng chưa được biết con em mình đã chiến đấu và hy sinh như thế nào, ở đâu … Theo chúng tôi được biết, từ một tài liệu như vậy trong bộ sưu tập này, khi chuyển đến chuyên mục nhắn tìm mộ liệt sỹ của báo Lao Động, đã tìm được các gia đình thân nhân của các liệt sỹ có tên trong giấy báo tử đó.
Trong số đó, chúng tôi chú ý tới một bức ảnh chiến trường, chụp một chiến sỹ quân giải phóng bị thương đang nằm trên đường. Hẳn đó là một bức ảnh được phóng viên nước ngoài đi theo phía bên kia chụp sau một trận đánh nào đó. Sở dĩ, bức ảnh này được chú ý, vì bên dưới bức ảnh, có chú thích họ tên của người chiến sỹ này cũng như quê quán của anh, và chúng tôi cảm thấy rất tò mò không biết số phận người chiến sỹ này sau đó ra sao? Anh đã hy sinh, hay còn sống? Theo giới thiệu của tác giả chủ đề này, bức ảnh được lưu trữ tại Trung Tâm Việt Nam của trường Đại học Kỹ thuật Texas, Hoa Kỳ. Theo chỉ dẫn đó, chúng tôi tìm đến trang lưu trữ của Trung tâm này, và tìm thấy nguyên gốc của bức ảnh đó. Tại đây, bức ảnh được đánh mã số VA004353, nằm trong bộ sưu tập ảnh của Douglas Pike. Nguyên văn phần chú thích như sau: “North Vietnamese soldier Pham Kim Quan lies on Highway 1, seven miles south of the Demilitarized Zone in Quang Tri Province of South Vietnam following a fire-fight where he was wounded by members of the Republic of Vietnam's 4th Battalion, 1st Regiment, 1st Infantry Division, on May 5, 1968. Below is his North Vietnamese Identification Card showing his name, his unit and a coded destination and his personal identification of height (One meter, 60 centimeters) and a small scar on his left cheek. The card does not show day or month, but indicates it was issued in 1960 by an official by the name of Can. Both signature and number (611/TB, A) were stamped with a seal showing initials GP. Pham Kim Quan was armed with an SK light machinegun. Pham Kim Quan gave his place of birth as Than Truc Hiep Xa, Hiep Hoa Huyen Vin Bao, Thanh Hai Phong. He was evacuated and treated at a hospital in Quang Tri.”

Tóm tắt một số thông tin hữu ích là “Người lính Bắc Việt Nam Pham Kim Quan, bị thương nằm trên Quốc lộ 1, cách khu Phi quân sự Quảng Trị 7 dặm về phía nam, sau một trận giao tranh với tiểu đoàn 4, trung đoàn 1, Sư đoàn 1 VNCH, vào ngày 5-5-1968. Phía dưới là Chứng minh thư của anh ta, có ghi tên, đơn vị, địa điểm và nhận dạng cá nhân (cao 1m60, có một sẹo nhỏ gò má trái). .. Sinh quán tại Than Truc Hiep Xa, Hiep Hoa Huyen Vin Bao, Thanh Hai Phong. Anh ta đã được vận chuyển về điều trị tại một bệnh viện ở Quảng Trị”.


Tiêu đề: Re: Hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 12:09:58 am
Trong topic Kỷ vật..., sau khi gửi bức ảnh này lên, bác tuaans cũng đã xác định đó là Thôn Chúc Hiệp, xã Hiệp Hòa, Huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Nhưng để cẩn thận, em vẫn xác minh lại cho chắc  ;)

Tiếp:...
Tôi liên lạc với một người bạn quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng, để hỏi xem huyện này có địa danh nào tên là Hiệp Hòa không. Anh bạn trả lời ngay, có xã Hiệp Hòa. Tôi lại tra danh bạ để tìm số điện thoại của UBND xã Hiệp Hòa. Sáng ngày 5-5-2010, tôi gọi điện về số máy văn phòng UBND xã Hiệp Hòa (- rất tình cờ là đúng ngày bức ảnh được chụp cách đây 42 năm). Một người đàn ông nghe máy. Sau khi giới thiệu về mục đích của cuộc gọi, tôi hỏi thăm xã Hiệp Hòa có thôn Trúc Hiệp hay Trực Hiệp không. Bên kia trả lời: “có thôn Trúc Hiệp”. Tôi suýt reo lên, lại xin hỏi tiếp. Ở thôn đó, có liệt sỹ hay thương binh nào tên là Phạm Kim Quân hay Phạm Kim Quang không ( chú thích của bức ảnh ghi là Pham Kim Quan --> nên em đoán khả năng cao nhất là Quân, rồi Quang, không ngờ trật lất hic) . Người cán bộ UBND xã nói sẽ xác minh và báo lại khi nào có kết quả
Đến lúc đó, với những tin tức đã tìm được, có vẻ như cuộc tìm kiếm đã đi đúng hướng. Giờ chỉ còn hồi hộp đợi câu trả lời của UBND xã Hiệp Hòa, cũng là điều đã thúc giục chúng tôi đi tìm tung tích của người trong ảnh: Anh còn sống hay đã hy sinh? Mong muốn là như thế, và đã bắt đầu cuộc tìm kiếm như thế, nhưng chúng tôi cũng có những suy nghĩ băn khoăn. Nếu anh đã hy sinh (mà theo suy đoán thông thường, khả năng này có vẻ rất cao - bị thương nặng như thế, mang về BV có kịp không, nó có cứu chữa cho không, nó có chữa thì có qua khỏi được không, rồi thì chữa khỏi rồi thì tù đầy, tra khảo, đánh đập, tra tấn, thủ tiêu ... có còn sống đến ngày giải phóng không, hồi đó có sống trở về thì thương tật, tàn phế, già yếu.. liệu đến 2010 này còn sống không - ), giờ tìm được gia đình anh, chúng tôi có nên về đó để trao lại cho gia đình tấm ảnh chụp người thân của họ đang nằm “chết” như vậy không? Liệu nó có gợi cho họ những ký ức đau buồn, mất mát đã qua hơn 40 năm? Phản ứng của gia đình sẽ như thế nào? Nhưng cũng lại nghĩ đây là một kỷ vật của một chiến sỹ giải phóng, mà không phải gia đình nào cũng có hình ảnh của con em mình ở chiến trường, cũng biết con em mình đã chiến đấu, hy sinh thế nào, dù gì cũng nên trao lại cho gia đình. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất, đợi tin hồi âm của UBND xã, sau đó sẽ hỏi xem gia đình người chiến sỹ này hiện giờ ra sao, và nhờ địa phương đánh tiếng với gia đình ý định của chúng tôi. Vẫn nghĩ, UBND một xã thì hàng ngày rất nhiều việc, việc xác minh này có để lại ít lâu thì cũng là điều bình thường, nên chúng tôi cũng nghĩ cứ yên tâm mà đợi.


Tiêu đề: Re: Hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 12:12:13 am
Không ngờ, ngay buổi trưa hôm đó, tôi nhận được điện thoại gọi từ UBND xã Hiệp Hòa của ông Nguyễn Trọng Biển, là người tôi đã nói chuyện lúc sáng. Cũng phải nói thêm là lúc đó ông Biển đi qua văn phòng thấy có chuông điện thoại nên nghe máy, còn nhân viên văn thư thì đang đi nộp báo cáo. Sau khi nhận được điện thoại của tôi, ông Biển đã rất nhiệt tình, đi tìm ngay người phụ trách chính sách của xã về, cùng tìm hồ sơ sổ sách của xã theo đề nghị của tôi. “Chúng tôi đã xác minh rồi. Ở thôn Trúc Hiệp có người tên là Phạm Kim Quản, là thương binh, hồi đánh Mỹ bị địch bắt thôi chứ không hy sinh.” Tôi cám ơn sự nhiệt tình của người cán bộ xã, thầm nghĩ cũng may mắn cho chúng tôi khi ông Biển là người nhận cuộc gọi, nên mới có hồi âm sớm như vậy. Chúng tôi cũng hỏi thêm về tình hình gia đình của CCB Phạm Kim Quản để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới. Thì ra, người chúng tôi cần tìm tên là Quản, không phải như chúng tôi đoán là Quân hay Quang.
Chúng tôi vội thu xếp chuyến đi về Hiệp Hòa ngay, bởi chúng tôi cũng rất háo hức và phấn khởi, khi nghe tin người chiến sỹ trong ảnh vẫn còn sống, và hiện vẫn đang sinh sống tại quê hương của mình. Mọi lo ngại, băn khoăn lúc trước không còn nữa. Sáng hôm sau, chúng tôi gọi điện lại cho ông Biển để báo tin về ngày giờ dự định của chuyến đi, ông Biển dặn “cứ về đến xã thì gọi điện, tôi sẽ dẫn đến tận nhà ông Quản”. Chúng tôi đi rửa một bức ảnh có in kèm nguyên văn lời chú thích phía sau, để tặng cho nhân vật chính của nó, với hy vọng sẽ mang một món quà bất ngờ cho người CCB ấy.


Tiêu đề: Re: Hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 12:18:57 am
Em gọi điện cho thằng em học dưới em mấy khóa, nhà ở thị trấn Ninh Giang, Hải Dương, nhờ cậu ấy làm xe ôm. Em đi xe bus xuống Ninh Giang, rồi cậu ấy đón em bằng xe máy, 2 anh em đi đò Chanh sang Vĩnh Bảo và đèo nhau tìm đường về thôn Trúc Hiệp...

Sáng sớm Chủ nhật ngày 9-5, trời rất xanh và cao, hứa hẹn một ngày nắng to, chúng tôi lên đường. Theo đúng hướng dẫn của ông Biển, chúng tôi đi về thị trấn Ninh Giang của tỉnh Hải Dương, sau đó, vượt đò Chanh sang đất Vĩnh Bảo, xuôi theo con đường nhựa dọc bờ kênh thủy lợi khoảng 2km, rẽ qua xã Vĩnh Long thì đến xã Hiệp Hòa. Xã Hiệp Hòa nằm ngay ven đê, mà ở phía bờ bên kia là đất Hải Dương còn xuôi xuống một chút đã là đất Thái Bình, đây chính là ngã ba giáp ranh của ba tỉnh Hải Phòng – Hải Dương – Thái Bình. Hỏi thăm những người dân địa phương, chúng tôi tìm đường về thôn Trúc Hiệp. Ngay đầu làng, là một con đường đang thi công, giữa lòng đường ngổn ngang đất cát. Chúng tôi khiêng xe máy qua đoạn đường đó và dừng chân ngay bên một trạm bơm nhỏ đang bơm nước vào cánh đồng ven làng, hỏi thăm nhà ông Quản thì người phụ nữ đi chợ về chỉ tay theo con đường nhỏ lát bê-tông ngay sau trạm bơm: “nhà có cái cổng xây ấy, cách đây dăm chục mét nữa thôi”. Đến gần cổng ngôi nhà mà người phụ nữ vừa chỉ, một người đàn ông trung niên tóc bạc cũng vừa đi xe máy đến. Đó chính là người mà chúng tôi đã gặp trên điện thoại và đã rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong cuộc hành trình này.
Tôi không nén nổi cảm giác hồi hộp. “Bác Quản ơi, ra đón khách xa về chơi này!”, ông Biển gọi từ cổng. Từ trong nhà, một người đàn ông khoảng 70 tuổi, bước ra và đi nhanh xuống sân đón chúng tôi. Đến lúc này, khi nhìn thấy người chủ nhà ấy, không còn nghi ngờ gì nữa, đây đúng là người chúng tôi cần tìm. Dù thời gian đã qua hơn 40 năm so với bức ảnh, chúng tôi vẫn nhận ra gương mặt ấy. Chúng tôi bước vào ngôi nhà gạch một tầng, gian trong gian ngoài, một kiểu điển hình ở nông thôn cách đây 20 năm. Phía trước cửa là mảnh vườn với mấy cây dừa cao vút, xa xa là cánh đồng làng với những ruộng lúa xanh muớt. Một người phụ nữ, mà chúng tôi đoán là vợ ông, đang lúi húi đun nước dưới ngôi nhà ngang cuối sân. Ở gian trong là một bà cụ đang ngồi têm trầu, mà ông Quản giới thiệu là cụ thân sinh của ông, năm nay đã 93 tuổi.


Tiêu đề: Re: Hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 12:25:29 am
Ấn tượng đầu tiên là chúng tôi thấy trong phòng khách của gia đình, trên các bức tường, có treo rất nhiều huân chương kháng chiến, huy chương, bằng khen, huy hiệu … Hỏi thăm, chúng tôi được biết đấy là “bộ sưu tập” của hai mẹ con ông, hai thế hệ từ đánh Pháp đến đánh Mỹ. Sau những hỏi thăm về tình hình sức khỏe và làm ăn sinh sống của mọi người trong gia đình ông, câu chuyện nhanh chóng quay trở lại chủ đề chính: chuyện chiến đấu và lai lịch bức ảnh. Phải nói rằng tuy là câu chuyện giữa những người lần đầu tiên gặp gỡ, giữa hai thế hệ, song không khí cuộc gặp gỡ hết sức thân tình và sôi nổi.  Ông Quản có kể cách đây mấy ngày, mới sang quân khu Ba bên Kiến An để họp mặt anh em đồng đội cựu chiến binh sư đoàn. Chúng tôi đoán hẳn là hôm nay sẽ có nhiều chuyện để hỏi người lính già này.
Đến lúc đó, tôi mới nói với ông Quản là tôi có giữ một bức ảnh chiến trường, mà hẳn ông chưa từng bao giờ nhìn thấy. Trước đó, ông Biển khi liên hệ với ông Quản cũng chưa “tiết lộ” điều này, cho nên ông Quản đã rất bất ngờ khi nhận được bức ảnh từ tay chúng tôi. “Chú có nhận ra ai trong ảnh không?” Ông nhìn chăm chú vào bức ảnh rồi ngẩng lên giọng ông run run “Chính tôi đấy. Đây là bãi cỏ tranh đây…”. Rồi như khơi đúng những kỷ niệm một thời gian khổ mà hào hùng, câu chuyện của ông đã không ngừng nghỉ trong suốt buổi sáng đầu tháng Năm tại chính ngôi nhà mà 43 năm trước, ông đã lên đường đi chiến đấu …

(http://a.imageshack.us/img840/5489/anh2.jpg)
Từ phải qua trái: ô. Biển - cán bộ xã, ô. Quản và tác giả (trunguyQSVN :D)


Tiêu đề: Re: Hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 11:36:22 am
tiếp...

2. Trận đánh không quên trên vùng đất lửa Quảng Trị

Ngày ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt. Ông Quản lúc đó làm việc tại ủy ban xã, ban đầu là phụ trách nông nghiệp, dần dần, do thanh niên trong xã nối bước nhau lên đường tòng quân, cơ quan đoàn thể không còn người, ông kiêm nhiệm nhiều mảng: phụ trách công tác thanh niên, rồi ở đội thu thuế, và tham gia dân quân xã trực chiến bắn máy bay. Hoàn cảnh gia đình ông cũng rất khó khăn. Bố ông mất sớm từ trước Cách mạng tháng Tám khi ông chưa ra đời. Bà mẹ của ông, tuy góa chồng từ lúc trẻ, và có con nhỏ, cụ vẫn tích cực tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương.  Những năm kháng chiến chống Pháp, cụ tham gia đội nữ du kích của xã, vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống lại các trận càn của Pháp và một mình nuôi dạy ông khôn lớn. (Cụ Ron – mẹ ông Quản, được tặng thưởng huân chương kháng chiến và cũng mới nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng năm ngoái).
Giữa năm 1967, hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đúng dịp có đợt tổng động viên chuẩn bị mở chiến dịch Mậu Thân, ông đã xung phong nhập ngũ. Năm đó, ông Quản đã 26 tuổi, đã có vợ và 3 con. Hơn nữa, ông lại là con duy nhất trong nhà, nên được miễn nghĩa vụ quân sự. Do đó, ở xã không nhận, cũng còn vì người ta vẫn muốn động viên ông ở lại để tham gia công tác. Ông đã lấy máu của mình viết đơn tình nguyện đi chiến đấu, lên tận huyện đội để nộp, cuối cùng trước quyết tâm của ông, lá đơn bằng máu đó cũng được chấp nhận. Tôi có hỏi tại sao lại như vậy, ông giải thích “Nói thật là tôi cũng suy nghĩ lắm. Nếu tôi đi thì ở nhà không còn người đàn ông mà cáng đáng công việc, hồi đó làm hợp tác mà thiếu người làm thì gay go lắm. Nhưng tôi thấy mình vẫn là thanh niên, anh em người ta lên đường hết rồi, mình cứ quanh quẩn ở nhà thì không được. Đất nước có giặc thì phải cầm súng ra trận, hồi đó ai cũng nghĩ như tôi thôi”. Gia đình ông lúc đó có 7 người, ngoài ông còn có bà nội, mẹ, vợ và 3 đứa con nhỏ.

(http://a.imageshack.us/img829/4248/anh8.jpg)
Người lính già bất ngờ gặp lại hình ảnh thời trai trẻ ... bồi hồi nhớ về một thời khói lửa ác liệt


Tiêu đề: Re: Hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 11:39:57 am
Tháng 7-1967, ông lên đường nhập ngũ cùng với những thanh niên muời tám đôi mươi của vùng quê đặc sản thuốc lào ấy. Sau khi nhập ngũ, ông được giao quân cho sư đoàn 320 (đoàn Đồng Bằng) và tổ chức huấn luyện tân binh ở bên Thủy Nguyên. Ba tháng sau, cuối tháng 10-1967, trước tình hình khẩn trương của chiến trường, lứa tân binh ấy được rút ngắn thời gian huấn luyện, biên chế hành quân đi B ngay, với kế hoạch sẽ vừa đi đường vừa tập bổ sung. Thông báo đó được phổ biến rất gấp, ông không kịp về thăm nhà trước khi lên đường.
Từ Thủy Nguyên, đơn vị của ông hành quân vào phía trong và tập kết tại Ninh Bình. Ông Quản đuợc biên chế về C11 – D9 – E64. Cuối tháng 11-1967, đội hình sư đoàn 320 đã bí mật xuất phát từ Cúc Phương, hành quân theo đường mòn Hồ Chí Minh và cuối tháng 12-1967, vào đến địa điểm tập kết tại một nông trường ở Vĩnh Linh, bờ bắc sông Bến Hải. Ông Quản nhớ lại: “Năm đó, hành quân đi B vui như đi hội. Trên đường Trường Sơn, chúng tôi gặp những đoàn xe đi ngược ra Bắc chở thương binh, mấy anh lính cũ nói với sang : “vào nhanh lên, không thì chỉ có mà nhặt ống bơ Mỹ…”, khiến chúng tôi càng háo hức. Chúng tôi vào chiến trường mà lạc quan lắm. Một hôm, trong chặng nghỉ chân ở trạm giao liên, tôi gặp một người, chú này quê Hà Tây và ít tuổi hơn tôi, lân la đến xin thuốc hút. Ngày lên đường, tôi có gói theo mấy lạng sợi thuốc lá, thuốc lào… anh biết đặc sản Vĩnh Bảo rồi đấy … nên vào đó, tôi thành “đại lý” cho anh em tụ tập … Chú em này tên Vượng, về sau còn gặp lại tôi nữa, có duyên với nhau lắm.”
Tôi chỉ vào bức ảnh chiến trường, thắc mắc là trong ảnh ông Quản lại đi giày chứ không đi dép cao su như thường thấy ở hình ảnh bộ đội thời chống Mỹ? - “Đơn vị tôi hồi đó được nhận trang bị đầy đủ và oách lắm. Chúng tôi được phát giày bata cao cổ, mũ sắt Liên-Xô, bi đông Trung quốc. Tôi được nhận một khẩu trung liên mới toanh, nên từ đó tôi luôn nằm trong biên chế hỏa lực của đại đội … Cái trận mà có bức ảnh này, tôi còn đội mũ sắt đấy chứ, nhưng chắc lúc đấy nó văng mất rồi, nên trong ảnh không có.”

(http://a.imageshack.us/img837/5843/anh11.jpg)
ô. Quản lúc huấn luyện tân binh - là bức ảnh duy nhất gửi lại trước khi đi B.


Tiêu đề: Re: Hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 11:44:16 am
...
“Sau khi vào đến Quảng Trị, chúng tôi hành quân lên phía Tây qua Lào để vuợt sang bờ nam sông Bến Hải. Ngoài nhiệm vụ hành quân vào địa bàn đã được giao, chúng tôi còn kiêm thêm nhiệm vụ cõng hàng nhu yếu phẩm vào cho các đơn vị bạn đang ở chiến trường, đó là tiêu chuẩn ăn Tết năm đó của anh em; ngoài phần của mình, mỗi người chúng tôi chia nhau mang thêm mấy bao thuốc, đường, lương khô, cả kẹo bánh … đến binh trạm phía trong sẽ bàn giao lại cho vận tải. Tết năm đó, chúng tôi ăn Tết sớm 1 ngày…”
“Thế các chú ăn Tết xong có tham gia trận mở màn Tết Mậu Thân không?”
“Có, sư đoàn tôi có đánh cắt đường 9 và đánh chi khu Cam Lộ đấy. Còn đơn vị tôi lúc đó đang cõng gạo, cõng đạn từ trên cứ xuống cho anh em. Đến khoảng tháng 3-1968 tôi mới tham gia đánh trận đầu tiên. Sau đợt 1 Mậu Thân bị bất ngờ, chúng nó phản kích mạnh lắm. Bom, pháo bắn liên tục. Máy bay trinh sát lượn suốt ngày. Nó phát loa nheo nhéo: “ông Sùng Lãm đưa đàn cọp vằn vào tử địa…”. Chúng tôi chuyển sang nhiệm vụ đánh địch phản kích, chống càn, kéo dài sang tận mùa hè …”

(“ông Sùng Lãm” tức đồng chí Nguyễn Sùng Lãm, sư trưởng sư đoàn 320 lúc đó, sau này là Trung tướng, Tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh và Trưởng đoàn chuyên gia quân sự VN tại Cuba)


“Thế trận đánh mà có bức ảnh này là trận nào ạ? Trong chú thích nó ghi là giao chiến với tiểu đoàn 4 trung đoàn 1 sư đoàn 1 VNCH ngày 5-5-1968?”
“Ghi thế chắc không phải đâu, trận này đúng ra là chúng tôi đánh với thằng Mỹ mà là ngày 4-5-1968 cơ. Sau đó, khi tôi bị thương, là do thằng Mỹ nó bắt mang đi, nó có phương tiện nên nó chở tôi về tận Đà Lạt, chứ bọn ngụy nó thường ít bắt tù binh, đến quân nó bị thương còn không mang đi được nữa là…
Ngày 3-5-1968, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ di chuyển xuống địa bàn ven đường 1 và lập trận địa phục kích, chuẩn bị đánh địch từ thị xã nống ra. Chúng tôi hành quân suốt đêm hôm mồng 3, nhưng đi đêm nên giờ tôi không nhớ đường xá thế nào cả. Chỉ nhớ đến nơi, có hỏi cậu giao liên dẫn đường thì bảo đó là Quán Ngang. Ở đó địa hình không hoàn toàn như đồng bằng, có đồi thấp và rất nhiều trảng cỏ tranh. Chúng tôi khẩn trương đào công sự cá nhân, lập trận địa ở sát bên rìa phía Tây đường 1, đến gần sáng mới xong. Anh em tranh thủ nghỉ môt lúc, chờ đợi trận đánh ngày mai. Đối với tôi, không ngờ đó là trận chiến đấu cuối cùng của mình, và cũng là điểm bắt đầu bước vào một trận chiến đấu khác mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

(Chúng tôi có tìm hiểu thì địa danh Quán Ngang nằm ven quốc lộ 1A thuộc xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tính từ cây xăng Quán Ngang (ngã ba nơi tỉnh lộ 73 Đông cắt đường 1A) tới đầu cầu Hiền Lương là khoảng 15 km. Nếu tính là từ khu phi quân sự (DMZ - cầu Hiền Lương mở rộng về hai phía mỗi bên 5km) như chú thích của bức ảnh thì cách 7 dặm (khoảng 11km) cũng tương đối phù hợp)


Tiêu đề: Re: Hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 11:49:06 am
...
Ngày 4-5, trời vừa sáng, chúng tôi đã thấy máy bay trinh sát lượn vòng ngó nghiêng trên cao. Sau đó, là những loạt pháo bắn liên hồi, mới đầu còn xa sau chuyển làn lại gần, tiếng nổ mỗi lúc một dữ dội. Chúng tôi cũng quen với kiểu đánh của thằng Mỹ, biết là máy bay ném bom hoặc pháo bắn dọn đường rồi bọn bộ binh sẽ lên sau. Trực thăng bay đi bay lại liên tục. Một lúc sau, bọn Mỹ tiến lên, có xe tăng đi trước. Chúng tôi đợi xe tăng nó tiến thật gần mới dùng B40 bắn cháy và diệt bọn lính theo sau. Đánh gần thì chúng nó không gọi pháo hay ném bom được, vì sợ nhầm vào quân nó. Bọn Mỹ rút ra, gọi pháo rồi lại tổ chức đánh vào. Cả ngày hôm đó, chúng tôi quần nhau với bọn lính thủy đánh bộ này mấy đợt liền. Trời mùa hè nắng nóng hầm hập, trên trận địa cỏ cháy, đất đá cày xới, khói lửa khét lẹt …
Phải nói là ngày đấy anh em mình chiến đấu thì tốt, dũng cảm lắm, nhưng trang bị và hỏa lực so với thằng Mỹ thì không bì được. Mà cái thằng này đánh nhau công tử lắm, gì thì gì, đánh đến 6 giờ chiều là nó rút về, lập trại dã chiến để nghỉ. Vẫn tắm táp, ăn uống đủ bữa. Còn bên mình, đi đánh một trận là tự mình phải mang nước uống, cơm nắm, lương khô theo, trận nào đánh dài một tí mà anh nuôi không lên kịp thì nhịn đói là chuyện thường. Trận này cũng thế, sau khi bọn Mỹ rút về, anh em cũng rã rời cả rồi. Ai cũng khát nước, còn nắm cơm mang từ hồi đêm thì cứng queo rồi. Sẩm tối, chúng tôi được lệnh thu dọn trận địa, khẩn trương đưa số bị thương, tử sỹ về phía sau. Chốt hỏa lực của tôi hy sinh mất 3 người. Tôi cáng anh em bị thương về đến điểm tập kết thì điểm lại, trung đội tôi 24 người không còn một ai. Nói thì diễn biến nó nhanh thế thôi, chứ hôm đó nó ác liệt lắm. Cả cậu Tiếp anh nuôi của đơn vị, cũng không thấy đâu, hỏi thì mới biết nó đưa cơm lên cho anh em, giữa đường bị pháo dập cũng chết hồi chiều rồi...”
Kể đến đây, người lính già ngừng lại, trầm ngâm nhìn ra ngoài vườn. Tôi đoán, có lẽ ông đang nhớ đến những đồng đội của mình đã ngã xuống trong trận đánh ác liệt ngày 4-5 đó. Ông cũng kể, tính từ ngày trực tiếp chiến đấu, tổ hỏa lực của ông đã bổ sung đến 3,4 lượt, mà theo như ông nói là “chúng nó cứ lần lượt hy sinh, toàn bọn trẻ lắm”. Một lát sau, câu chuyện mới lại được tiếp tục.

(http://a.imageshack.us/img651/7812/anh4r.jpg)
Nỗi xúc động của người thương binh khi nhắc đến những đồng đội đã ngã xuống ...  "điểm lại trung đội tôi không còn một ai..."


Tiêu đề: Re: Hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 11:54:16 am
...
“Tôi vừa mệt, vừa buồn, ngồi lôi nắm cơm ra ăn. Một lúc sau, thì có lệnh thủ trưởng gọi. Giao cho tôi thêm năm người với nhiệm vụ quay trở lại trận địa lúc chiều, bám địch phía ngoài đường quốc lộ để nắm tình hình và lập chốt ra xa hơn để bảo vệ cho anh em thu dọn trận địa. Số anh em mới nhận này tôi không biết ở đơn vị nào, cũng chả kịp hỏi tên ai. Sau khi bổ sung đạn dược, nước uống, chúng tôi vội vã lên đường, lúc đó tầm 8-9 giờ tối. Lần này thạo đường rồi nên một lúc là tổ của chúng tôi đã xuống đến nơi. Vượt qua trận địa lúc chiều, chúng tôi tiến dần ra phía đường cái. Tôi vào kiểm tra mấy nhà ở đầu làng mà lúc chiều bọn Mỹ chiếm, vào cả chuồng bò xem chúng nó gài mìn lại không, rồi dẫn anh em ra đến ven đường. Tôi đi đầu, dặn anh em đi sau mỗi người cách nhau 5m, nếu có bất trắc gì thì phải nhào vào bên tay phải, ở đó là đồng cỏ tranh rậm rạp và quân mình đang giữ. Chúng tôi đi lom khom dưới rìa đường, lặng lẽ bám sát nhau và nghe ngóng động tĩnh xung quanh. Lúc đó, tôi vẫn nghe xa xa phía trong làng, tiếng anh em mình tải thương gọi tìm nhau í ới. Chúng tôi cứ lần theo các hố bom, tụt xuống quan sát rồi lại di chuyển sang hố bom tiếp theo. Vừa nhô lên khỏi hố bom thứ tư, thì tôi chợt ngửi thấy mùi thuốc lá thơm. Ngay lúc đó, chớp đỏ lòe lên phía trước, cách tôi độ 30 – 40m, đạn bay ríu ríu xung quanh. Đụng bọn Mỹ rồi, vì bọn Mỹ mới hút thuốc thơm, Ruby gì đó, chứ bọn ngụy chỉ hút loại quân tiếp vụ rẻ tiền thôi. Tôi quạt ngay một loạt vào chỗ có chớp lửa phía trước, rồi nằm xuống mố đất. Chỗ này vẫn gần anh em mình đang tải thương quá, nghĩ vậy, tôi kê súng lên, kéo thêm mấy loạt dài nữa. Bình thường, trong chiến đấu, tôi giữ hỏa lực nên chỉ luôn bắn điểm xạ loạt ngắn, đấy là nguyên tắc, vì nếu phát hiện hỏa lực nó “ưu tiên” diệt ngay. Nhưng vì muốn báo cho phía trong xóm biết có phục kích nên tôi mới bắn liên tục, chắc nó phát hiện qua chớp lửa đầu nòng, nên tập trung bắn rát vào vị trí của tôi. Không thấy mấy anh em đi sau nổ súng, chắc là nghe thấy chạm súng, anh em nhào vào bụi cỏ tranh rồi. Chưa kịp di chuyển xuống hố bom thì tôi nghe “chóc…đoành” một cái, bùng lên ngay cạnh chỗ tôi nằm, tôi chỉ kịp ôm súng lăn mình vào phía trong rồi gục luôn.


Tiêu đề: Re: Hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 12:03:05 pm
Không biết sau đó bao lâu, tôi tỉnh lại, vẫn nghe có tiếng nổ đâu đây. Sờ lên mặt thấy đầm đìa máu, tôi định nhỏm dậy nhưng không thể nào nhấc được người lên. Nhìn ra xung quanh, tôi nhận ra mình vẫn ở ngay trên rìa hố bom chứ chưa lăn đi được bao xa, chắc là vướng cái chân của khẩu trung liên. Tôi nghĩ phải bò sâu vào đồng cỏ tranh, nhưng chân tôi tê dại không còn cảm giác gì cả. Tôi thấy khát nước kinh khủng, bèn cố gắng nghiêng người và lần tìm tháo cái bi-đông đeo ở thắt lưng, đưa được lên miệng uống liền mấy ngụm. Chắc là choáng do mất nhiều máu, bi-đông không kịp đóng nắp, tôi buông nghiêng trên ngực rồi lại ngất đi. Từ đó, tôi không biết gì nữa...”
“Thế lúc đó chú bị thương vào đâu ạ?”
“Tôi bị nó câu một quả cối cá nhân M79 trúng ngay bên người. Đây, một mảnh găm vào đầu, một mảnh vào đùi trái”. Ông Quản nghiêng đầu chỉ cho tôi một vết sẹo lớn ngay phía sau tai trái, "... chỗ này mổ rồi nhưng bác sỹ bảo còn một mảnh nó găm vào thần kinh không lấy ra được, để nó nằm im đấy còn hơn ...”. Thì ra do vết thương này, mảnh đạn đã làm tổn thương dây thần kinh (số VII - trung uy) đến giờ, ông Quản vẫn bị liệt nhẹ một bên mặt và hơi méo miệng. (đoạn này trên ANTG họ tự sửa thành "một mảnh nó găm vào não" --> làm em hãi quá : găm vào NÃO thì cam đoan là tử vong ngay - sửa thế có chết em không cơ chú, cái này bác nào làm ngành Y như em đọc thì buồn cười lắm - chắc họ muốn nhấn mạnh độ ác liệt ;D)
Câu chuyện của ông Quản tạm dừng lại khi từ ngoài sân, một thanh niên dựng xe máy và bước vào trong nhà. Ông Quản giới thiệu đó là con trai lớn của ông, rồi ông đưa cho anh con trai xem bức ảnh. Vợ ông Quản, bà Vũ Thi Bốn, sau khi đun nước pha chè mời khách, kéo ghế ngồi cạnh chồng, thỉnh thoảng tham gia câu chuyện giữa ông với chúng tôi. Sau đó, có thêm mấy người con khác cùng các cháu sang nhà để xem “ảnh chiến đấu của ông”, cũng như một vài người hàng xóm nghe tin cũng sang nhà chơi, mọi người chuyền tay nhau xem bức ảnh đó và bàn tán rôm rả, vồn vã hỏi chuyện chúng tôi, khiến chúng tôi cũng vui lây cái không khí đó và vì sự mến khách họ.

(http://a.imageshack.us/img714/3407/anh3n.jpg)
Ô. Quản say sưa kể chuyện chiến đấu ở Quảng Tri, trong khi người thân và hàng xóm chuyền tay nhau xem bức ảnh chiến trường của ông


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: danviet trong 24 Tháng Tám, 2010, 12:22:48 pm
Ngậm ngùi trước cái khốc liệt của chiến tranh và những mất mát hy sinh của tuổi trẻ thế hệ cha anh


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 01:08:33 pm
Tiếp luôn:

3. Bước vào một cuộc chiến đấu mới

“Khi tôi mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm trong một căn phòng rộng, mái tôn, tôi đoán là bệnh viện của nó rồi, trên cứ của mình làm gì có mái tôn mà lại rộng rãi, hiện đại thế này. Thấy một người y tá đang đứng gần đấy, nói tiếng mình, tôi mới hỏi đây là đâu, thì họ trả lời là quân y viện của Mỹ ở Đà Lạt. Lại hỏi tôi ở đây mấy hôm rồi, họ bảo được cả tuần rồi, trực thăng nó đưa về từ quá nửa đêm hôm 4-5. Nên như vừa nãy tôi nói với anh, trận này tôi đánh với thằng Mỹ và nó bắt tôi đưa về Đà Lạt, chứ nếu VNCH có bắt thì nó chỉ đưa vào bệnh viện ở Đông Hà thôi”
“Trong chú thích ảnh nó ghi là bị thương trong trận đánh ngày 5-5-1968, mà như chú kể tối ngày 4 bị thương, nửa đêm nó đã bắt mình mang đi rồi thì cái ảnh này nó chụp lúc nào mà ban ngày rõ thế này nhỉ?”
“Không phải ban ngày đâu, cái ảnh này là nó chụp đêm mồng 4, trước khi nó đưa lên trực thăng chở về Đà Lạt. Nó nhặt được tôi và khiêng lên đặt ở rìa đường nhựa, khẩu súng  của tôi nó bày đứng chếch thế này để chụp ảnh thôi. Trông như ban ngày chắc là do nó bắn pháo sáng hoặc chiếu đèn pha”
 “Ở viện Mỹ, nó cũng chữa trị cho tôi, rồi phát thuốc men, cơm nước. Xung quanh có cả bọn Mỹ nằm. Sau khi tôi tỉnh, cũng không thấy ai đến hỏi han gì, hàng ngày chỉ có bác sỹ, y tá ra vào phòng. Biết là đã nằm trong tay nó, nhưng tôi cứ mặc kệ, tôi vẫn uống thuốc, ăn uống đầy đủ, để còn phục hồi sức lực mà đối phó, phía trước còn dài chưa biết thế nào. Tôi ở đó 51 ngày, khỏi các vết thương, thì nó cho lên trực thăng, chở ra Đà Nẵng, về trại tù binh Non Nước. Ở viện Mỹ, nó không hỏi han, đánh đập gì, nhưng về đến trại tù binh, nó gọi lên thẩm vấn ngay. Tôi nghĩ bắt đầu rồi đây.

(http://a.imageshack.us/img837/2338/anh9.jpg)
ông Quản và vợ - bà Bốn - một người phụ nữ điển hình cho thế hệ những phụ nữ "anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang"


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 01:17:28 pm
...
Sáng hôm sau, nó gọi tôi lên. Bước qua cửa phòng, nó đánh ngay. Bốn thằng đứng sẵn trong đó, không nói một lời, cầm gậy gỗ nó quật túi bụi, rồi đấm đá, rồi giầy trận nó đạp vào mặt. Ai ngất đi thì nó dội nước vào mặt cho tỉnh rồi đánh tiếp. Đại loại là nó đánh phủ đầu để mình mất tinh thần, mà chịu khai. Cứ trước khi thẩm vấn là nó đánh như thế, không cần biết già trẻ, gái trai, giải phóng hay dân thường... Cứ thế là nó đánh, bao giờ mềm người ra thì mới thôi. Nó đánh tôi một lúc, tôi đang nằm dưới sàn nhà và cố gắng đỡ những đòn hiểm thì có tiếng nói “Thôi, đưa nó vào phòng!” thì bọn lính xốc tôi dậy, đưa vào phòng bên trong, đặt ngồi ở cái ghế giữa nhà. Ở đó, có một thằng Mỹ thẩm vấn và một người Việt làm phiên dịch.
Tôi nhớ lại hồi ở nhà, có mấy ông làm du kích chống Pháp ở xã cùng bà mẹ tôi, có kể một kinh nghiệm là khi bị địch bắt, chỉ trả lời chung chung, và phải ngắn gọn, dễ nhớ, để nó hỏi một lần chứ trăm lần vẫn nói y như thế, chứ mỗi lần một khác là nó tra tấn ngay, vì nó nghi mình khai láo. Mà nói thật với anh, đến bây giờ, tôi vẫn ngờ là cái anh phiên dịch hôm đó, chắc là người đằng mình cài vào, hoặc nếu không, cũng là người có cảm tình với cách mạng. Vì khi hỏi cung, anh ta dặn trước, đại ý như là biết cái gì thì nói, đừng có khai láo, hại cho mình và người khác; hoặc là mỗi câu hỏi của thằng Mỹ, thì anh ta dịch lại nhưng nhắc thêm là "nói ngắn thô"i. Lúc đó, tôi cũng chỉ thấy là sao ngụy mà nó lại dặn dò thế, sau về nghĩ lại thái độ của anh ta, tôi mới đoán vậy.
Đầu tiên, nó hỏi tên là gì, tôi khai tên là Quan. Tôi không khai đúng tên, để tránh nó tuyên truyền ra miền Bắc, hồi đó nó hay tung truyền đơn hay phát thanh ra hậu phương là anh này anh kia chiêu hồi. Sau này, tên ở tù của tôi trong hồ sơ là Quan, anh em trong tù cũng gọi như thế. Nó lại hỏi vào đây lâu chưa, cấp bậc là gì, đóng quân ở đâu? Thì tôi trả lời là lính thôi, mới vào, mới đi đến đó thì bị bắt rồi, nên chả biết địa điểm ở đâu, đường đi thế nào. Lại hỏi nhiệm vụ làm gì, đơn  vị có đông không? Đáp: nhiệm vụ là vào đánh Mỹ giải phóng cho đồng bào miền Nam, quân bên tôi đông lắm, chả lẽ mình lại bảo là ít? Đại loại như thế, còn nó mớm cho mình thì tôi bảo không biết. (đoạn này trên ANTG đăng lại cắt câu trả lời, để mỗi câu hỏi rồi ba chấm ... Thành ra mất cái hay là phần đối đáp của bác Quản) Cứ 1 tuần nó gọi lên 3 lần để thẩm vấn, lần nào cũng đánh, cũng tưng đấy câu hỏi, và vẫn những câu trả lời như thế. Sau 3 tuần thì thấy tôi vẫn trả lời như thế, lại không có thông tin gì quan trọng, nên chúng kết thúc thẩm vấn, nó chụp ảnh lập hồ sơ và chuyển về phòng giam giữ.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 01:20:08 pm
Sorry các bác, có bệnh nhân vào, em phải làm việc đây ... Tối về em post tiếp nha ;)


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: chiangshan trong 24 Tháng Tám, 2010, 01:58:36 pm
Rất tuyệt vời, cám ơn bác trung uy.

Và ANTG vẫn giữ được truyền thống của mình.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: dongadoan trong 24 Tháng Tám, 2010, 05:57:07 pm
Bạn trunguy giỏi lắm! Mặc dù khi mới đọc ANTG đã biết là bài viết của "quân ta" nhưng không nghĩ là bạn lại viết tốt và có cách "khai thác tài liệu" rất chuyên nghiệp như thế! ;D



Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: vinaheart trong 24 Tháng Tám, 2010, 07:44:09 pm
...

Tôi nhớ lại hồi ở nhà, có mấy ông làm du kích chống Pháp ở xã cùng bà mẹ tôi, có kể một kinh nghiệm là khi bị địch bắt, chỉ trả lời chung chung, và phải ngắn gọn, dễ nhớ, để nó hỏi một lần chứ trăm lần vẫn nói y như thế, chứ mỗi lần một khác là nó tra tấn ngay, vì nó nghi mình khai láo. Mà nói thật với anh, đến bây giờ, tôi vẫn ngờ là cái anh phiên dịch hôm đó, chắc là người đằng mình cài vào, hoặc nếu không, cũng là người có cảm tình với cách mạng. Vì khi hỏi cung, anh ta dặn trước, đại ý như là biết cái gì thì nói, đừng có khai láo, hại cho mình và người khác; hoặc là mỗi câu hỏi của thằng Mỹ, thì anh ta dịch lại nhưng nhắc thêm là "nói ngắn thô"i. Lúc đó, tôi cũng chỉ thấy là sao ngụy mà nó lại dặn dò thế, sau về nghĩ lại thái độ của anh ta, tôi mới đoán vậy.

Về đoạn này thì cũng có thể bác Quân đoán đúng, cũng có thế đoán sai vì đơn giản là anh lính phiên dịch là tay rất kinh nghiệm. Đơn giản là lời khai ngắn gọn thì dễ dịch hơn là nói tràng giang đại hải, dịch tóm lược lại thì cái ông Mỹ lại nghi ngờ, mà dịch hết thì sức đâu. Yêu cầu biết gì khai nấy thì quá chuẩn rồi, nhanh nhanh kết thúc để mà còn nghỉ chứ nay nói này, mai nói kia thì có mà ốm.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 24 Tháng Tám, 2010, 08:26:23 pm
hihi thanks bác admin và bác chiangshan đã động viên ... em "amateur"  thôi, chuyên của em là món răng lợi cơ  ;D Hôm đó em "khai thác tài liệu" suốt buổi sáng cho đến quá trưa, đến tận khi con trai bác Quản thịt ... gà xong mới tạm nghỉ hihi ;D
- bác vinaheart: nhận định của bác cũng có lý, nhưng trên báo em viết không hết được, còn bác Quản có kể là ngoài những điều được nói ra công khai đó thì còn căn cứ vào thái độ, cách nhìn nhau của anh phiên dịch lúc đó nữa, tức là nghe có vẻ như là quát tháo, dọa nạt nhựng lại là nhắc ngầm ... nói chung là cảm nhận của bác ấy lúc đối mặt với kẻ thù như thế, còn chính xác hay không thì bác ấy cũng không có cơ hội kiểm chứng (về sau khi về phòng giam, nghĩ lại bác Quản mới ngờ ngợ cái cảm nhận đó của mình...đến bây giờ vẫn là "ngờ cái anh phiên dịch hôm đó...")


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 25 Tháng Tám, 2010, 07:36:40 am
...
Ở Non Nước, có khoảng hơn 1000 tù binh, có cả nam cả nữ, cả bộ đội, cả du kích, rồi cán bộ phong trào địa phương... Anh em chính quy miền Bắc vào thì có 17 người. Về khu giam giữ, chúng tôi dần dần liên hệ với nhau, rồi bàn cách đối phó và tổ chức đấu tranh. Động viên nhau là chẳng may rơi vào tay giặc, nhưng vào đây rồi còn sống thì còn hoạt động cách mạng, phải vận động cùng khối anh em du kích miền Nam đấu tranh chống đánh đập, bỏ đói … Có lần, tranh thủ đi vệ sinh, tôi hỏi một anh khu bên cạnh tình hình bên đó, thằng lính gác nó nhìn thấy, nó cầm báng súng đánh túi bụi “cho mày hết tuyên truyền”. Lần khác, nó đánh hơi thấy anh em chúng tôi hoạt động, nên nó bắt mấy người phải ngồi chuồng cọp, trong đó có tôi, cho “mấy tên Việt cộng cứng đầu hết đòi đấu tranh”
Cái chuồng cọp này, nó ở ngoài trời và làm bằng lưới thép gai. Bọn nó đóng 4 cái cọc sắt giữa sân, rồi chăng dây thép gai bốn xung quanh, trên đầu và duới nền cát. Thành ra, vào chuồng cọp thì nằm không được, đứng cũng không xong, chỉ lom khom thôi. Mỏi quá không vững được là chạm mớ thép gai bùng nhùng, gai nó cào vào da thịt mình tứa máu ngay. Ngày thì nắng chang chang, đêm xuống thì lại lạnh. Ngồi chuồng cọp, mặc mỗi cái quần đùi, hai ba ngày sau là da tôi rát rạt, đỏ như tôm rồi lột ra từng mảng. Ngày nó cho lưng lon nước, cơm thì ăn với cá thum thủm, có khi lại là cơm lẫn cát. Đại tiểu tiện tại chỗ. Trời nắng như thế, lại bẩn thỉu, hôi hám, những chỗ bị thép gai nó cào, nhiễm trùng lên mủ khắp người. Cái trò hành hạ này làm anh em mình xuống sức nhanh lắm. Nhưng không ai chịu khuất phục khi nó dụ chiêu hồi để được thả. Sau đó, anh chị em ở các trại  tổ chức đấu tranh mạnh với địch, thấy tình hình căng quá, chúng nó mới đưa anh em mình vào, thì phần lớn anh em mình cũng lả hết rồi. Nó kéo dài thêm nữa thì chắc mấy anh em chúng tôi cũng bỏ mình trong cái chuống thép gai ấy.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 25 Tháng Tám, 2010, 07:42:52 am
Có một lần, trong đêm, chúng tôi thấy súng nổ liên tục phía ngoài xa. Anh em trong các trại đều nhỏm cả dậy, đúng là quân mình đánh rồi. Chúng tôi mong anh em mình đánh vào trại, nhưng hình như ban đêm anh em không tìm thấy hay chỉ đánh mục tiêu nào đó gần đấy, tiếng súng nổ đì đùng kéo dài cả đêm. Đến sáng, chúng tôi thấy trực thăng vũ trang nó quần lượn xung quanh, bắn rốc-két ngoài bãi biển, chắc là nó truy kích anh em mình.  Sau đó mấy hôm, bọn nó tập trung chúng tôi ra sân, điểm danh rồi lệnh “chuyển trại”, chắc là chúng sợ quân mình đánh vào giải thoát tù binh. Nó đưa ra sân bay, dồn lên máy bay vận tải và chở thẳng chúng tôi ra Phú Quốc, sau hơn 2 tháng ở trại Non Nước.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 25 Tháng Tám, 2010, 08:01:06 am
...
Tôi chuyển ra trại tù binh Phú Quốc tính ra khoảng tháng 10/1968. Ở ngoài đó, nó có 11 khu, mỗi khu lại có 4 phân khu. Mỗi phân khu có 9-10 phòng giam. Chúng nó chia anh em mình theo từng nhóm: sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, mỗi nhóm lại chia thành miền Nam – miền Bắc, giam riêng. Mỗi phòng giam, khoảng trên dưới 100 anh em. Nên áng chừng nhẩm ra anh em mình ở đó cũng phải hơn bốn vạn. Phòng giam thì là những nhà dài, dựng bằng tôn thiếc, mái cũng lợp tôn. Giữa các dãy nhà, ngăn cách các phân khu, là các hàng rào dây thép gai. Bao quanh cả trại thì phải mười mấy lớp rào thép gai, rồi bãi mìn. Cơ bản là chúng phân chia như thế, nhưng ở một thời gian, thì chúng nó cũng đổi một số cho xáo trộn đi, nó tránh anh em mình tập hợp lại với nhau, tổ chức đấu tranh, nhất là về sau này, khi xảy ra các vụ đào hầm trốn thoát thì chúng càng hay đổi. Ban đầu tôi ở trại B3, sau đổi sang A4, rồi sang A6. Số tù của tôi là 3512, bây giờ tôi vẫn khắc lên đồ dùng làm kỷ niệm…”

(http://a.imageshack.us/img844/2116/anh12.jpg)
Gần 2 năm sau khi ông Quản nhập ngũ, đây là tin tức đầu tiên  của ông về với gia đình .... Cùng thời điểm đó ông Quản đang ở "địa ngục trần gian" - Trạu tù binh Phú Quốc.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 25 Tháng Tám, 2010, 08:14:50 am
...
 “Ra ngoài đó, thì anh em mình cũng đông rồi mà tổ chức cũng chặt chẽ hơn. Các phân khu, hay phòng giam đều có chi bộ lãnh đạo phong trào đấu tranh của anh em. Tôi ngày đó thì chưa phải là đảng viên mà mới là đoàn viên Thanh niên Lao động thôi. Anh em mình thì nói chung là đoàn kết, và chấp hành chủ trương của tổ chức lắm. Nhưng ở Phú Quốc, chúng nó cũng đàn áp, tra tấn dã man hơn nhiều. Chắc là anh cũng được nghe, được đọc nhiều về chuyện này rồi. Nó tra tấn anh em mình bằng những hình thức rất khủng khiếp. Ở Phú Quốc, có nhiều chuồng cọp thép gai như tôi đã gặp ở Non Nước, nhưng có khi bên trong nó lồng thêm một cuộn hình ống, hoặc nó nhốt 5-7 có khi hàng chục anh em mình vào đó. Rồi nó dí điện, đổ nước xà phòng nóng, đục răng, đâp vỡ mắt cá chân, rút móng, đóng kim vào đầu ngón tay, quất bằng roi cá đuối, dìm phi nước, tẩm dầu đốt, soi bong điện công suất lớn cho mù mắt, thiêu cháy, chôn sống… chúng nó còn trói anh em mình vào bao tải, ném vào nước sôi, hay là đóng đính dài cả chục phân vào đầu, vào cột sống. Rất nhiều anh em, nhất là các đồng chí cốt cán, đã bị chúng nó tra tấn hành hạ dã man như thế, nhưng không ai chịu khuất phục, nên bị chúng nó thủ tiêu. Hôm trước, xem ti-vi có thấy trong đó đang tổ chức khai quât hài cốt anh em hy sinh đấy, nhiều hài cốt vẫn còn nguyên mấy cây đinh cắm vào xương sọ.
Ngoài ra, hàng ngày chúng tôi bị nó đánh đập như cơm bữa, nó đánh bất kể lý do, hứng lên là đánh. Nhắc đến cơm bữa, thì chúng tôi phải ăn gạo mốc, susu ủng , cá ươn, mà số lượng cũng chả phải nhiều nhặn gì. Nhiều khi mình đấu tranh, nó xả súng bắn thẳng vào phòng, có trận nó bắn chết hơn trăm anh em, số bị chết và bị thương vì nó đàn áp cũng nhiều. Hình thức đấu tranh của mình thì có tuyệt thực, lại có cả mổ bụng phản đối, rồi có khi mình trực tiếp đánh bọn ác ôn. Tôi cùng anh em tham gia tuyệt thực nhiều lần, có lần cao nhất là 11 ngày. Cũng bị nó đánh nhiều lần, chuồng cọp tập thể vài bận, nhưng so với anh em bị tra tấn thì chưa thấm vào đâu. Đấu tranh để chống đánh đập, chống bỏ đói, chống cưỡng ép chiêu hồi, chống chào cờ ngụy … Mà đấu tranh lại được với chúng nó như thế, là do anh em rất đoàn kết và dũng cảm, song cũng buồn là có một số ít người đã dao động, và đã đầu hàng phản bội, làm tay sai cho giặc. Trong sinh hoạt ở phòng giam, chúng tôi ngòai việc tổ chức học tập, tuyên truyền, rồi đấu tranh với giặc, còn phải lo việc bảo vệ nội bộ, phát hiện những tên chỉ điểm do địch cài vào hoặc là chiêu hồi, phản bội. Phòng tôi cũng có lần phải diệt một tên chỉ điểm khi đi lao động ngoài rừng rồi báo cáo là bị ngã suối. Do chế độ tù đày như vậy, cộng với số bị thủ tiêu, bị đàn áp, thì một phần mười số anh em mình đã nằm lại vĩnh viễn trên hòn đảo ấy, số còn lại thì cũng rất nhiều người thương tật, tàn phế nặng…”
(http://a.imageshack.us/img828/3103/anh6.jpg)
Người cựu tù binh Phú Quốc bồi hồi nhớ về những ngày tháng ở hòn đảo địa ngục ấy ... Nơi "một phần mười (>4000) anh em mình nằm lại, số còn sống cũng rất nhiều người thương tật, tàn phế nặng..."


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 25 Tháng Tám, 2010, 08:24:09 am
...
“Một việc nữa, không thể không nói đến, đấy là những nỗ lực đào thoát của anh em mình. Cũng có nhiều cách, có nhóm thì khi đi lao động, cướp súng chạy vào rừng, có nhóm thì vuợt rào, có nhóm tổ chức đào hầm xuyên lòng đất ra ngoài. Cũng có trường hợp mặc giả đồ lính canh để đi qua cổng. Đó là có lần bọn quân cảnh trật tự vào phòng đánh anh em, chúng tôi đồng loạt đánh lại, quây được hai thằng trong phòng, đánh cảnh cáo rồi lột đồ của nó. Hai bộ đồ lính này anh em giấu đi, để lâu lâu sau bẵng đi; đợt đó có phái đoàn nào đó đến đảo, chúng nó tổ chức đá bóng giữa tù binh và nhân viên ở trại, nên lợi dụng giữa trận đấu, người đi lại lộn xộn, anh em mặc đồ lính vào, trà trộn đi ra ngoài trại, nhưng nghe đâu đến bến tàu thì một anh bị phát hiện, do không nói đúng mật hiệu của nó, còn một anh trốn lên tàu hàng về được đất liền.
Hồi tôi ở trại A4, anh em cũng tổ chức đào hầm để vuợt ngục. Việc đào hầm thì cả phòng đều biết, vì giam chung phòng giam cả trăm người mà, nên quan trọng là anh em phải đoàn kết, cùng tham gia và giữ bí mật, phải loại trừ được chỉ điểm trong phòng. Lãnh đạo trong phòng chọn một số anh em còn khỏe mạnh, lo việc đào hầm, số còn lại lo cảnh giới, đối phó với địch hoặc là phân tán số đất đào lên. Tôi hồi đó bị thương nên không trực tiếp đào hầm mà ở bên trên lo cảnh giới và chuyển đất cùng anh em, mình bị thương thế này, hầm đào xong cũng không đủ sức mà ra được. Anh em bẻ quai cà-mèn, đánh bẹt đầu, rồi dùng nó để khoét nền xi-măng xuống, rồi đào hướng ra phía ngoài. Rồi lại tìm cách phân tán chỗ đất đào lên không cho địch phát hiện Mỗi người đút một ít vào túi quần, đi vệ sinh thì hất vào hố phân, hố tiểu. Hay là vê lại búng ra ngoài hàng rào. Rồi phải lo cảnh giới, khi địch đến gấn phải báo động cho anh em ngừng đào, lên để kịp điểm danh …Quá trình đào hầm hết sức gian nan và nguy hiểm, mấy lần suýt lộ, vì sau mấy vụ đào hầm trước đó, địch trang bị máy dò lòng đất rồi. Sau gần 6 tháng đào, anh em đã khoét được cả trăm mét đường hầm, hoàn thành xong các công việc chuẩn bị khác, lãnh đạo phòng phân công những ai đi, ai ở, cách đối phó với địch ra sao.
Khoảng 10 giờ đêm Noel năm 1971, 41 anh em đã chui theo đường hầm vuợt ra ngoài hàng rào, chạy vào rừng và tìm về căn cứ của huyện đội. Cũng mừng cho anh em, nhưng không phải ai cũng đi thoát, vì hôm sau nó truy lùng cũng bắn chết vài người, bắt lại một số đưa về chắc cũng thủ tiêu luôn, nên chúng tôi về sau ở trại không gặp lại ai cả. Nhiều năm về sau này, đọc hồi ức của anh em trên báo chí mới biết, hồi đó thường chỉ thoát về đến bên mình được một nửa, số còn lại bị bắn, bị thủ tiêu, rồi mất tích, chết đuối, đạp mìn… Phải nói đào hầm vượt ngục là kỳ tích của anh em mình, nó thể hiện cái quyết tâm tìm về với Đảng, với cách mạng, cũng thể hiện cái gan dạ, khôn khéo và tài tình của anh em mình trước sự cai quản, đày ải của địch.”

(http://a.imageshack.us/img243/5743/anh10.jpg)


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 25 Tháng Tám, 2010, 08:49:15 pm
Tiếp phần cuối:


4. Ngày trở về và những chuyện ở hậu phương

“Khoảng sau tết âm lịch năm 1973, chúng tôi biết tin hiệp định Paris đã ký, và sẽ có trao trả tù binh. Thực ra chúng nó bưng bít thông tin lắm, ngày thường nó đã bưng bít, lúc có hiệp định này thì nó càng giấu kỹ. Anh em mình biết tin, là do thu thập các mảnh báo dùng để gói hàng, do chỗ cung cấp thực phẩm cho nhà bếp có cơ sở của mình gửi vào. Cũng có khi do một vài lính quân cảnh có cảm tình với cách mạng mở ra-di-ô hoặc nói xa nói gần chuyện trao trả. Sau đó, thấy tình hình đánh đập tù binh cũng giảm, rồi khẩu phần ăn uống được tử tế hơn, khi nó cấp phát thêm nhu yếu phẩm … thì chúng tôi cũng đoán là chắc cũng sắp đến thời điểm rồi. Biết tin sắp được trao trả, anh em rất mừng, nhưng cũng lo ngại, đề phòng chúng nó giở trò, vì hồi đó cũng nghe được tin nó chở máy bay vứt anh em mình xuống biển. Lãnh đạo trong các khu cũng phải hội ý, nhận định tình hình để tổ chức đấu tranh đòi thi hành hiệp định, chống thủ tiêu, rồi quán triệt tư tưởng cho anh em, thống nhất những việc cần làm, cách ứng xử được trao trả … Thời gian này mình đấu tranh nó không dám đàn áp nữa. Tuy nhiên, nó vẫn giở thủ đoạn để không trao trả hết mà giấu danh sách, giữ lại tiếp tuc giam một số anh em. Chính ở trại tôi, nó còn giấu 200 anh em không trao trả, sau này, tôi có gặp lại mấy người kể là sau đợt đó vẫn bị giam thêm một thời gian nữa.
Cuối tháng 2/1973, chúng nó đưa chúng tôi ra sân bay và chở về Đà Nẵng, phát cho mỗi tù binh một bộ quần áo, khăn mặt, kem đánh răng … Từ Đà Nẵng, nó đưa anh em mình bằng xe ôtô ra Quảng Trị, và tiến hành trao trả tại bờ sông Thạch Hãn. Ở bờ nam, anh em chúng tôi ngồi xếp hàng để sẵn sàng đợi trao trả, có tướng Trần Văn Trà ở đó, động viên và dặn dò anh em. Trước lúc về với bên mình, anh em chúng tôi cởi hết quần áo của chúng nó, mặc mỗi quần đùi rồi người khỏe dìu người yếu để lên thuyền về với anh em mình đang đợi đón bên bờ Bắc. Lúc đó nhìn thấy bên bờ bắc, cờ mình cắm đầy triền sông, rồi anh em bộ đội, rồi nhân dân chờ đón, chúng tôi mừng phát khóc. Khóc vì mình được trở về với anh em đồng chí, cũng khóc vì thương những anh em đã nằm lại ngoài đảo không có mặt ngày về hôm nay. Như vậy, sau gần 5 năm bị giam giữ tù đầy, tôi đã đươc trở về với bên mình…”

(http://a.imageshack.us/img844/2084/anh5s.jpg)
Sau gần 5 năm bị giam giữ tù đầy, tôi đã đươc trở về với bên mình…


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 25 Tháng Tám, 2010, 08:56:55 pm
...
Còn ở hậu phương, tính từ lúc ông Quản lên đường nhập ngũ, mọi người trong gia đình không gặp ông lần nào nữa. Gia đình ông chỉ biết tin ông đã vào chiến trường, sau khi ông đã lên đường nửa tháng, khi nhận được chế độ của ông gửi lại. Bà Bốn, vợ ông kể:
“Ngày nhập ngũ, tôi đưa ông ấy lên huyện rồi vợ chồng bịn rịn chia tay nhau, sau đó ông ấy đi biệt luôn. Khi chuyển quân vào trong kia, ông ấy cũng không về được. Mấy hôm sau, có ông xã đội trưởng lên huyện họp và chuyển về cho tôi một ít đồ tiêu chuẩn ông ấy gửi lại, có cái quần đùi, mấy đôi bít tất cho con, và một tấm ảnh chụp ông ấy lúc vào tân binh… Ông ấy đi rồi, nhà vắng hẳn, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đến tay tôi. Lúc đó, nhà tôi có 6 khẩu ăn, bà nội chồng, bà mẹ chồng, tôi và 3 con, đứa lớn mới 4 tuổi, đứa nhỏ vừa biết đi, nên khó khăn lắm. Nhà toàn đàn bà, trẻ con, mà hồi đó đang làm hợp tác, đổi công tính điểm, vất vả lắm anh ạ. Ông ấy lại chiến đấu ở ngay vùng giới tuyến, “ăn cơm bắc, đánh giặc nam” chứ không đi hẳn vào sâu trong kia, nên tiêu chuẩn ở nhà cũng không có gì. Mẹ chồng cũng động viên tôi nhiều, thôi thì hai mẹ con cùng cố gắng, dựa vào nhau làm chỗ dựa cho cả nhà. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng rồi cũng vẫn trụ được, chỉ có điều, trong lòng thấp thỏm, vẫn lo nghĩ ông ấy nơi bom đạn sống chết thế nào.
Ông ấy đi được khoảng 1 năm, thì ở nhà cũng có nghe tin nọ tin kia từ mấy người làng đi bộ đội bị thương về trước. Có người thì bảo nghe đâu bị thương, có người bảo bị bắt, có người lại bảo hy sinh chính tay tôi chôn rồi… cũng sợ lắm, nhưng hồi đó thì cũng hay có kiểu tin đồn như thế, nên mọi người cũng động viên chớ hoang mang. Thì mình cũng cứ cố vững lòng thôi, chứ cũng không có tin tức gì hay xác minh được ngay đâu. Năm đó, Mậu Thân cũng ác liệt, nên chả có thư từ gì hết, nên cũng chỉ nuôi hy vọng thế thôi. Sau đó một thời gian thì có giấy của đơn vị gửi về xã, hỏi anh Quản có về địa phương không, thì xã trả lời là từ hồi nhập ngũ không thấy về nhà. Cái đó thì sau này có anh làm ở xã đội kể lại mới biết chứ lúc đó nhà tôi không biết việc này. Đến giữa năm 1969, thì ở xã người ta nhận được giấy báo tử của ông ấy, báo là hy sinh từ tháng 5/1968 rồi. Bà mẹ chồng tôi hồi đó còn công tác ở xã, nên biết trước, cụ cũng bình tĩnh rồi mới báo cho tôi. Tôi nghe tin đó mà ngất lịm đi. Nghĩ tới ba đứa con nhỏ dại phải mồ côi cha, rồi cuộc sống sau này sẽ ra sao? Bà mẹ chồng tôi tuy vững vàng hơn tôi, nhưng tối tối hai mẹ con cứ ôm nhau mà khóc. Sau đấy, ở xã người ta tổ chức lễ truy điệu cho ông nhà tôi ở sân kho hợp tác, đến năm 1970 thì có bằng tổ quốc ghi công của chính phủ gửi về. Tôi bày lên bàn thờ cùng với tấm ảnh ông ấy hồi bắt đầu đi bộ đội. Rồi chiến tranh vẫn tiếp diễn, thanh niên vẫn lần lượt lên đường, thi thoảng lại có nhà này nhà kia trong xã nhận được tin báo tử, cuộc sống vẫn phải tất bật lo toan, nhất là cho mấy đứa con, nên cũng xác định phải vượt lên mà sống...

(http://a.imageshack.us/img839/9822/anh7.jpg)
Bằng Tổ quốc ghi công của "liệt sỹ" Phạm Kim Quản vẫn được bày trang trọng trong tủ kính - như chứng nhân cho sự ác liệt của chiến tranh và cũng là cho một số phận may mắn...


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 25 Tháng Tám, 2010, 09:18:37 pm
Đến giữa năm 1973, vừa gặt xong vụ lúa, tôi bỗng nhận được một bức thư, ký tên là Vượng, xưng là bạn ông Quản nhà tôi, hỏi thăm tình hình các cháu học hành thế nào, kinh tế gia đình ra sao. Nhìn rồi nét chữ, tôi cứ ngờ ngợ. Nhưng không dám chắc, mới gọi mấy chú em trong họ sang, đưa cho họ đọc, thì mấy chú cũng bảo là bạn bè hỏi thăm thì không hỏi kỹ việc trong gia đình như thế, mà nét chữ thì cũng giống, nên chú ấy biên thư lại, bảo nếu là đúng là anh Quản còn sống thì về nhà đi thôi….”
Ông Quản tiếp lời vợ:
“Sau khi về đến bên mình, chúng tôi được cấp mỗi người bộ quân phục, đôi giày, rồi được đưa về cứ trong rừng, ăn bữa cơm đầu tiên trong vùng giải phóng. Sau đó, chúng tôi được đưa ra Quảng Bình, đúng vùng quê đại tướng Võ Nguyên Giáp ấy, nhân dân ở đó đỡ đầu nuôi đoàn chúng tôi. Chúng tôi cắt tóc, tắm giặt, nghỉ ngơi, rồi được phát phong bì, giấy, một cái bút Trường Sơn để viết thư. Chúng tôi ở đấy một tuần, rồi chia thành các đoàn nhỏ hơn để đi an dưỡng. Tôi thì về trại an dưỡng ở Nam Định. Tôi an dưỡng đến cuối tháng 12 thì được giám định thương tật là 51% , thương binh hạng ¾ và được giải quyết chế độ cho phục viên.
Đến trước khi về, tôi mới viết thư về nhà, xưng là một người bạn, lấy tên chú em Vượng mà lúc trước tôi kể với anh là xin tôi thuốc lào hồi mới vào ấy. Số là, sau khi bị bắt, rồi ra Phú Quốc, năm sau, tôi gặp lại chú em này trong tù. Hôm đó nghe thấy có tiếng gọi anh Quản ơi, trong tù tôi tên là Quan cơ, nên tôi cứ lờ đi, cảnh giác biết đâu có khiêu khích. Chú em này mới tìm cách lân la đến cạnh bảo anh không nhớ em à, em là Vượng đây, xin anh thuốc lào hồi ở Quảng Trị đây… Từ ấy, anh em đi đâu cũng có nhau, lúc được trao trả thì cùng về một chuyến, rồi lại cùng tổ đi an dưỡng ở Nam Định, thân thiết lắm…Thực ra tôi cũng cẩn thận thôi, vì mình đi biệt tin tức suốt 5 năm, không biết tình hình ở nhà thế nào, có khi bà ấy đi lấy chồng rồi thì sao (cười) … Sau khi có thư ở nhà lên, thì tôi viết thư thật về. Sau này về nhà rồi, biết những chuyện ở hậu phương như thế, tôi càng cảm phục vợ tôi, một mình cáng đáng công việc nuôi mẹ, nuôi con, rồi chịu đựng những nỗi đau của "vợ liệt sỹ" trong mấy năm trời…”

(http://a.imageshack.us/img529/6656/anh13.jpg)
Đại gia đình ông Quản: ông Quản, cụ Ron, bà Bốn và anh con trai cả - ngày ông đi bộ đội mới 4 tuổi


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 25 Tháng Tám, 2010, 09:50:24 pm
...
Bà Bốn cũng cười hiền hậu vì câu đùa của ông Quản, kể tiếp: “Lá thư thứ hai về nhà, thì ông ấy nhận là mình. Ngày báo tử ông ấy, buồn đau bao nhiêu thì hôm nay, biết tin ông ấy còn sống, nhà tôi vui mừng không sao kể xiết. Tôi và bà mẹ tưởng như chết đi nay được sống lại. Ngay sau đó, chú em họ làm ở xã đội, hỏi theo địa chỉ hòm thư mới lần ra địa chỉ đoàn an dưỡng, nên mấy chú ấy vào tìm tận nơi, gặp ông ấy rồi về báo cho tôi. Lúc ấy mừng lắm, chả nghĩ gì hết, xác định là cụt chân cụt tay cũng được, còn người về là mừng rồi. Thế là tôi dắt theo hai đứa lớn vào Nam Định thăm ông ấy luôn. Đến cuối năm thì đón ông ấy về, kịp ăn Tết âm lịch Giáp Dần năm đó.”
Ông Quản trở về nhà, mới biết mình đã thành “liệt sỹ” từ trước đó 4 năm, các con của ông cũng đã được hưởng chế độ con liệt sỹ. Đến nay, ông Quản vẫn giữ tấm bằng tổ quốc ghi công và giấy báo tử của mình để làm kỷ niệm, như là một minh chứng cho cuộc đời chiến đấu giao lao của mình, cũng là một trường hợp may mắn trong chiến tranh. Sau khi phục viên, ông Quản tiếp tục tham gia các công tác ở địa phương, những năm trước ông phụ trách trạm bơm nông nghiệp của xã, cho đến mấy năm gần đây sức khỏe yếu đi, ông cũng mới xin nghỉ công việc đó. Bà nội của ông, vẫn nghĩ cháu đích tôn của mình đã thành liệt sỹ, đã mất trước khi ông trở về, nên không được chứng kiến nỗi vui mừng của ngày đoàn tụ. Sau khi về, ông có thêm 3 người con nữa, tổng cộng là 6 người. Hiện giờ thì tất cả đều đã xây dựng gia đình riêng, cũng đều ở xung quanh trong xã, kinh tế cũng ổn định, cháu nội cháu ngoại cũng có đứa đang học đại học rồi, nên ông cũng “coi như hoàn thành nhiệm vụ”.
Tâm sự với chúng tôi, ông Quản có nói: “Việc anh tìm và trao cho tôi bức ảnh này, đối với tôi ý nghĩa vô cùng, mà thú thực, tôi có tiền tỷ cũng không thể mua được. Không ngờ, đúng vào những ngày tròn 42 năm sự kiện đó, ở tuổi 70, tôi lại được nhìn thấy hình ảnh thời trai trẻ cầm súng đánh giặc của mình, trong một hoàn cảnh đặc biệt thế này. Kể mà gặp anh sớm hơn mấy ngày, tôi sẽ mang bức ảnh này khoe với thủ trưởng Sùng Lãm của tôi hôm đi họp mặt CCB sư 320 hôm nọ. Với những gì đã trải qua trong chiến tranh và kể cả việc hôm nay nữa, quả thật đời tôi cũng là gặp nhiều may mắn. Nghĩ tới nhiều đồng đội đã không trở về thì lại càng thấy mình mắc nợ anh em đồng đội lắm”
Chúng tôi tạm biệt ông Quản ra về, trong lòng vẫn còn nhiều cảm xúc về buổi gặp gỡ nhiều ý nghĩa đối với chúng tôi cũng như với ông Quản và gia đình.  Từ những gì được nghe trong câu chuyện của ông và đồng đội, chúng tôi càng thấm thía về những cống hiến, hy sinh to lớn của cả một thế hệ, từ những người cầm súng chiến đấu đối mặt với kẻ thù cũng như những người mẹ, người vợ ở hậu phương trong suốt mấy chục năm kháng chiến của đất nước, chúng tôi hiểu đó chính là nguồn gốc sức mạnh làm nên những chiến thắng của toàn dân tộc.

(http://a.imageshack.us/img838/2509/anh14.jpg)
Ông Phạm Kim Quản và trung uy-QSVN  ;D - trước sân ngôi nhà của ông tại thôn Trúc Hiệp, xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.



Phóng sự của em đến đây là hết ạ ... các bác đừng "làm cỏ vườn báo chí" với em đấy


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: nguyen dinh thang trong 25 Tháng Tám, 2010, 10:20:34 pm
 Một chuyến đi thật ý nghĩa và đã thành công, một bài phóng sự như tác giả nói là nghiệp dư nhưng rất hay. Chỉ có cái nik không hay lắm nếu tôi mà là Đoàn tư lệnh thì chắc sẽ đổi nik của bác thành trung tá chứ không phải trung úy nữa.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: mig21-58 trong 25 Tháng Tám, 2010, 10:41:57 pm
ở đây viết hay hơn ở báo ,ảnh ở đây to hơn ,rõ hơn ,nên trông sợ hơn nhiều ,so với cái ảnh trên báo nó nhỏ quá thành ra ít sợ hơn  ;D ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 26 Tháng Tám, 2010, 10:07:23 am
Một chuyến đi thật ý nghĩa và đã thành công, một bài phóng sự như tác giả nói là nghiệp dư nhưng rất hay. Chỉ có cái nik không hay lắm nếu tôi mà là Đoàn tư lệnh thì chắc sẽ đổi nik của bác thành trung tá chứ không phải trung úy nữa.
bác Thắng ơi, đổi thành "trung tá" - là người ta nghĩ ngay đến hình ảnh 1 bác sỹ quan trung niên, đầu hơi hói, đeo xăc-cốt ... em chỉ thích làm "trung úy" - nghĩ ngay đến 1 chàng trung úy trẻ trung, đẹp trai  ;D đeo súng ngắn, chiến đấu dũng cảm ( và hy sinh cũng nhiều :-\) - giống như là trung úy Nhi-ko-lai trong "Tên anh chưa có trong danh sách" hay trung úy Cu-dơ-nét-xốp trong "Tuyết bỏng" hay là trung úy Phương trong Nổi Gió .. ấy hihi Cám ơn bác đã động viên.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 26 Tháng Tám, 2010, 10:10:08 am
ở đây viết hay hơn ở báo ,ảnh ở đây to hơn ,rõ hơn ,nên trông sợ hơn nhiều ,so với cái ảnh trên báo nó nhỏ quá thành ra ít sợ hơn  ;D ;D
thì ở báo, họ đã biên tập, bớt đi 1 số đoạn, thay câu chữ ... em cũng không ưng lắm ... Mà bác bảo sợ cái gì vậy? Ý bác bảo mấy cái ảnh có tác giả ấy hả >:(


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: anhkhoi trong 26 Tháng Tám, 2010, 11:23:43 am
Có một chi tiết có lẽ cần tìm hiểu thêm là bệnh viện mà bác Quản được đưa về điều trị lúc đầu. Theo danh sách các viện quân y của quân Mỹ tại VN thì không có cái nào đặt ở Tuyên Đức (Đà Lạt là tỉnh lỵ), hơn nữa từ Quảng Trị đến ĐL hơi bị xa.  ;D
http://www.hadit.com/vaclaimslibrary/vietnam/military_hospitals_in_vietnam.htm (http://www.hadit.com/vaclaimslibrary/vietnam/military_hospitals_in_vietnam.htm)


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 26 Tháng Tám, 2010, 03:33:21 pm
Em cũng thấy là bị thương ở gần DMZ Quảng Trị mà sao nó đưa về tận bệnh viện ở Đà Lạt ... đi trực thăng thì cũng thấy xa quá ... Lúc ở nhà bác Quản em cũng thắc mắc sao nó không đưa ngay vào Đông Hà nhỉ ( đọc "Không thể chuộc lỗi" thì cũng thấy nói là ở QT cũng có viện của bọn Mỹ, rồi ở Đà Nẵng cũng có) ... Nhưng bác Quản có kể là hỏi y tá ở đó thì họ nói là ở Đà lạt ... Theo em có mấy khả năng sau:
- nó đưa về viện Mỹ nhưng không phải Đà Lạt ( vì lúc ở đây, hẳn là bác Quản chỉ ở trong phòng bệnh, trong bệnh viện - sau khi khỏi các vết thương chắc chắn là cũng không được đi lại tự do, nên Đà lạt hay không, bác ấy chỉ nghe nói là như thế chứ không tự xác định được) Hoặc là đến giờ, ở tuổi 70, bác ấy chỉ nhớ mang máng, vì sau thời điểm đó - còn phải trải qua 5 năm tù đầy gian khổ, đến nay cũng gần 40 năm nên lẫn lộn địa danh cũng có thể xảy ra.
- nó đưa về viện Mỹ nhưng ở cấp độ nhỏ hơn những cái hospital trong danh sách của bác? một cái 'chi nhánh" hay bệnh xá cho khu vực đó?
- anh em mình đều suy luận là sao lại đưa đi xa thế, không cho ngay vào QT hay ĐN cho gần ... nhưng em nghĩ đôi khi cái thời chiến đó, có những lý do rất ngẫu nhiên nào đó để khiến cho sự việc nó lại như vậy ... ví dụ trên trực thăng đó nó có cả thương binh của Mỹ nó không về QT mà lại về Đà Lạt (tạm coi là Đà Lạt là đúng) nên bác Quản cũng 'ăn ké" suất về ĐLạt chứ bình thường tù binh nó chỉ đưa về Đông Hà thôi chẳng hạn ...?


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cháu cụ Hùng trong 26 Tháng Tám, 2010, 11:55:55 pm
Cảm ơn các bác , hôm rồi em đọc được bài này trên báo A N T G , nhưng mà họ chẳng nói rõ là của diễn đàn quansuvn đâu . Đọc hết phần một đến đoạn người lính trong ảnh bắt đầu chống trận càn bằng M48 của Mĩ ở bãi cỏ tranh thì hết . Sau lười mua báo nên không theo dõi được phần hai , tôi nay mới đọc tiếp được phần hai ở đây , đỡ được 4k tiền báo  ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: mig21-58 trong 27 Tháng Tám, 2010, 06:56:22 am
ở đây viết hay hơn ở báo ,ảnh ở đây to hơn ,rõ hơn ,nên trông sợ hơn nhiều ,so với cái ảnh trên báo nó nhỏ quá thành ra ít sợ hơn  ;D ;D
thì ở báo, họ đã biên tập, bớt đi 1 số đoạn, thay câu chữ ... em cũng không ưng lắm ... Mà bác bảo sợ cái gì vậy? Ý bác bảo mấy cái ảnh có tác giả ấy hả >:(
đúng rồi ,cái ảnh có bác quản nằm cạnh  khẩu  rpd đó ,thấy cái ảnh cỡ to thì trông nó thực sự ấn tượng ,trông sợ thật đấy ,


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: mig21-58 trong 27 Tháng Tám, 2010, 06:59:02 am
Một chuyến đi thật ý nghĩa và đã thành công, một bài phóng sự như tác giả nói là nghiệp dư nhưng rất hay. Chỉ có cái nik không hay lắm nếu tôi mà là Đoàn tư lệnh thì chắc sẽ đổi nik của bác thành trung tá chứ không phải trung úy nữa.
bác Thắng ơi, đổi thành "trung tá" - là người ta nghĩ ngay đến hình ảnh 1 bác sỹ quan trung niên, đầu hơi hói, đeo xăc-cốt ... em chỉ thích làm "trung úy" - nghĩ ngay đến 1 chàng trung úy trẻ trung, đẹp trai  ;D đeo súng ngắn, chiến đấu dũng cảm ( và hy sinh cũng nhiều :-\) - giống như là trung úy Nhi-ko-lai trong "Tên anh chưa có trong danh sách" hay trung úy Cu-dơ-nét-xốp trong "Tuyết bỏng" hay là trung úy Phương trong Nổi Gió .. ấy hihi Cám ơn bác đã động viên.
mình cũng khoái tay trung úy phương  ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 28 Tháng Tám, 2010, 09:25:30 am
Cảm ơn các bác , hôm rồi em đọc được bài này trên báo A N T G , nhưng mà họ chẳng nói rõ là của diễn đàn quansuvn đâu . Đọc hết phần một đến đoạn người lính trong ảnh bắt đầu chống trận càn bằng M48 của Mĩ ở bãi cỏ tranh thì hết . Sau lười mua báo nên không theo dõi được phần hai , tôi nay mới đọc tiếp được phần hai ở đây , đỡ được 4k tiền báo  ;D
Mình viết rõ là "từ trang Quân Sử Việt Nam" nhưng họ bỏ đi, sửa thành "một trang mạng" :(
Đọc ở đây đầy đủ hơn ở báo mà lại đỡ 4k, nhất bác đấy ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 28 Tháng Tám, 2010, 09:34:26 am
đúng rồi ,cái ảnh có bác quản nằm cạnh  khẩu  rpd đó ,thấy cái ảnh cỡ to thì trông nó thực sự ấn tượng ,trông sợ thật đấy ,
Thì lúc đầu nhìn bức ảnh đó, em cũng nghĩ: 95% là bác quân giải phóng này đã có bằng TQGC rồi ... Ai dè về sau mới biết đúng là đã có bằng TQGC thật nhưng ... bác này vẫn sống :)


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: lonesome trong 28 Tháng Tám, 2010, 10:04:30 am
Cám ơn bác Trung uy và công trình của bác.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: napoleon trong 28 Tháng Tám, 2010, 09:36:36 pm
Phóng sự hay lắm, mấy hôm nay coi đến phần 2 trên ANTG, đang đợi phần 3 nhưng chưa có. Ai ngờ là đồ của người nhà trồng ;D. Thanks bác trunguy.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 28 Tháng Tám, 2010, 10:14:40 pm
cám ơn bác lonesome và bác nã phá luân đã động viên - quả thực là từ hôm gửi "công trình nghiệp dư" lên trang nhà mình - nơi toàn các bậc pro về đề tài này, em run quá, chỉ sợ các bác "làm cỏ vườn báo chí" ... may sao toàn được các bác động viên ... em mới đỡ lo  ;D
Bên báo giấy thì kì cuối là số thứ 4 25/8 rồi nhưng bản ANTG Online họ chưa đăng kì cuối ... nhưng ở báo họ cắt bớt đi một chút... bác xem ở đây đi, thấy mọi người bảo hay hơn hí hí  ;D



Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 28 Tháng Tám, 2010, 10:26:19 pm
Ở bên báo giấy, cuối bài em có đăng 1 lời nhắn " các gia đình liệt sỹ cần tìm hiểu về ký hiệu hòm thư để tìm kiếm đơn vị, có thể liên hệ với tác giả để được trợ giúp..." nên từ hôm đó đến giờ, điện thoại và email của em liên tục có người hỏi ... không chỉ là hỏi về hòm thư, mà hỏi  về tất cả luôn ... có người hỏi em bây giờ muốn đi tìm LS thì tìm thế nào, em hỏi GBT ghi ra sao, bảo là ghi là "hy sinh ở mặt trận phía nam - cho em hỏi mặt trận này là ở đâu để em đi tìm ..." .. Em mới hướng dẫn lại từ đầu ... thế mới thấy còn rất nhiêù gia đình rất mong ngóng nhưng chưa biết cách đi tìm ...
Cũng có người gọi điện - là 1 CCB - chỉ để chia sẻ rằng tôi rất thích phóng sự của anh, đã nói về thế hệ chúng tôi đã sống, chiến đấu và chờ đợi chồng, con như thế ..., làm em cũng xúc động quá.
Cũng có 1 bác CCB gọi điện nói rằng tôi cũng ở C11-D9-Ê64-F320, cũng đánh trận 4-5-1968 ở Quán Ngang đây ... và nhờ em liên hệ giúp với bác Quản để anh em đồng đội nhận nhau ... em cũng rất mừng.

Em đi tìm ông cậu em, được các bác nhà mình giúp nhiều - tuy chưa thấy kết quả nhưng cũng còn biết đường - nay muốn giúp lại các nhà khác ... tuy rằng về 'nghiệp vụ" này cũng còn là non, so với các trưởng lão như ongbomf2, lethaitho, dong doi78, quangcan, napoleon, rongxanh... nhưng thôi, "tuổi nhỏ làm việc nhỏ" ... em hướng dẫn phần dễ, đến phần khó em nhờ các bác ... ;)

Hôm qua, đang chữa răng thì có điện thoại, mải nghe vụ KT với MT ở đâu nên bệnh nhân cứ há miệng chờ ... suýt bị "mắng" ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: tai_lienson trong 30 Tháng Tám, 2010, 04:41:52 pm
  Bài viết rất hay  tôi đã đọc ở  An ninh thế giới trên mang  nhưng thiếu phần cuối , nay được đọc đầy đủ rồi , cảm ơn trung úy
 


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: quangcan trong 31 Tháng Tám, 2010, 12:50:42 pm
Phóng sự ảnh được đấy bác trunguy ơi! Bác làm hay lắm. Nhưng khen thì khen chứ cái vụ cafe nợ thì trả đi nhé.  :D :D :D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: ongbom_f2 trong 31 Tháng Tám, 2010, 01:43:46 pm
Phóng sự ảnh được đấy bác trunguy ơi! Bác làm hay lắm. Nhưng khen thì khen chứ cái vụ cafe nợ thì trả đi nhé.  :D :D :D

"Tay trung úy" phóng viên nghiệp dư này tác nghiệp như vậy là quá tuyệt . Em mà ở gần thì ngày nào cũng cho 2/PVND ( phóng viên nghiệp dư ) say bét nhè để mừng thành tích của lão bs "nhổ răng...không đau" . Xếp quangcan phải thường xuyên thưởng 2/ mới xứng đáng công lao của bs này. :D
Hôm nào rảnh, mong rằng 2/PVND làm tiếp phóng sự : hành trình đi tìm ...mod quangcan  nhé  ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: thaynhin trong 31 Tháng Tám, 2010, 03:10:40 pm
Bạn là người có tâm và có tầm Trung úy ạ!
Nếu có nhiều nnguoiwf như bạn chắc chắn cuộc đời sẽ đẹp hơn rất nhiều!


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 01 Tháng Chín, 2010, 07:47:06 am
Cám ơn các bác đã động viên em ... quả thực là đi chuyến này về em cũng thấy phấn khởi, nhất là khi chứng kiến niềm vui và xúc động của bác Phạm Kim Quản và gia đình, nên cũng nghĩ đã làm được 1 việc có ích ... nhưng em đã làm được gì mấy đâu mà các bác cứ "khen" em quá ... em xấu hổ hihi ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 01 Tháng Chín, 2010, 08:08:08 am
- bác quangcan: em vẫn nhớ vụ cafe mà ... tại bác cứ hay đi công tác (bác đi công tác Plây-Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra ;D)
- bác Bom: thế thì em cũng mong được ở gần bác suốt  hihi nào bác ra quê  ngoại là alo em ngay đấy
Còn vụ "nhổ răng ... không đau": một bác đến phòng khám, hỏi :
-Ở đây có nhổ răng không BS?
- Có bác ạ.
- BS nhổ cho tôi cái răng hàm trên đi, mấy hôm nay đau quá.
- Được bác ạ.
- À, BS nhổ răng không đau đấy nhé. Tôi sợ lắm.
- Bác yên tâm. Chuẩn bị kìm răng hàm, bẩy ... em ơi ( y lệnh cho trợ thủ)
- (Lục cục, lịch kịch) ... xong rồi bác ạ!
- Ơ, sao tôi vẫn thấy cái răng đau nó ở đó mà?
- Thì bác vừa yêu cầu nhổ (cái) răng không đau mà, còn cái đang đau thì để lại ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 03 Tháng Chín, 2010, 09:22:34 am
- Để có được phóng sự này, em xin cám ơn bác tuaans, bác rongxanh, bác macbupda ... đã cung cấp tài liệu quý giá về bức ảnh,  về đoàn Đồng Bằng ...
- Em cũng xin cám ơn các tay bút khác của QSVN, nhờ mấy năm theo đọc chuyện của các bác mà em mới có tí "hiểu biết" để viết đúng ngôn ngữ nhà lính. ví dụ vụ bác Q bị M79 bắn, em bổ sung chữ "chóc ...đoành" cho thêm phần "âm thanh thực", là do học mót mấy bác bên K kể chuyện bắn M79 chứ em có biết nó chóc, nó đoành ra sao đâu ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: MEO trong 03 Tháng Chín, 2010, 01:33:15 pm
Bài viết của trung úy rất hay và ý nghĩa. Cảm ơn bác!


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 08 Tháng Chín, 2010, 10:00:04 am
Bài viết của trung úy rất hay và ý nghĩa. Cảm ơn bác!

Cám ơn bác đã động viên 2/PVND ( = p.v nghiệp dư - từ của mBomf2 dành cho em)


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 08 Tháng Chín, 2010, 10:03:14 am
Đây là một giả thiết và phân tích của bác SGG cho vấn đề tại sao bác Quản lại 'được" bọn Mỹ đưa về tận Đà Lạt chứ không phải ở Đông Hà cho gần, mà đã có trao đổi ở mấy trang trước:

"Thực tình thì có những điều khó tưởng được... khó hiểu với người này nhưng lại là dễ hiểu với người kia - nhưng mỗi cái nếu chú ý thì thấy ngõ ra ngay vì cái gì cũng có cái lý riêng của nó - ví như, chuyện "Than Truc Hiep Xa, Hiep Hoa Huyen Vin Bao, Thanh Hai Phon" vậy đó, làm sao mà một tên lính Mỹ có thể hiểu cấu trúc cơ sở hành chính nông thôn VN cũng như có thể viết đúng được chính tả tiếng Việt để có câu đúng như "Thôn Trúc hiệp, xã Hiệp Hòa, Huyện Vĩnh Bảo" chứ...

Cũng như chuyện tại sao Bác Quản ấy, chỉ là một-tên-bộ-đội-nhỏ-nhoi trong cuộc chiến... nhưng lại được mang về tận một bệnh viện ở Đà Lạt - nơi cách xa vùng chiến sự... để làm chi vậy?
Vâng, nếu như chúng ta biết được về vị "chủ quản" tấm hình tư liệu kia - Douglas Pike - là một ký giả có hạng thuộc bộ phận Dân Sự Vụ Quốc ngoại Hoa Kỳ (US FSO - Foreign Service Officer of U.S.) - là 1 trong 17 nhân viên của Phòng Thông tin Hoa kỳ (USIA - The United States Information Agency) mà cơ quan này là cha đẻ của các chương trình JUSPAO (The Joint U.S. Public Afairs Officer) tạm dịch là "Quan hệ Dân sự vụ Cộng đồng" - các công việc mà ngày nay ta hay gọi là làm PR - Quan hệ công chúng

Dài dòng bên lề một chút nhen...
Dẫu rằng, nhiệm vụ chung của Phòng thông tin Hoa kỳ USIA, coi như là một cơ quan báo chí, chỉ là nhằm "PR hình ảnh của nước Mỹ" - nhưng ở cái thời VNwar, ở miền Nam VN, phần lớn các công việc là chủ yếu lại nhằm vào việc giải thích giới thiệu về "Tại sao nước Mỹ lại phải mở chiến tranh tại VN" - JUSPAO không còn mang tính truyền thông nữa, mà mang tính... chiến tranh chính trị - gọi nôm na để ai cũng hiểu là... "tâm lý chiến"
Ai cũng biết là, cái lý để người Mỹ can thiệp vào Việt Nam là để góp sức cho miền Nam trở thành thành trì bảo vệ Thế giới Tự do, chống sự lan tỏa của... CN Cộng Sản, theo đúng học thuyết Domino - với cái lý này, người Mỹ đã "né" được "tội danh" đã "can thiệp quá sâu vào nội bộ của quốc gia khác" như Công Ước LHQ có ghi!
Thế thì: Ai là người hà hơi tiếp sức cho CS Bắc Việt? - Liên Xô và Trung Quốc chứ còn ai?
Nhưng ở thời ấy, LX thì khó đụng vào rồi, nhưng TQ thì... "chúng mình đã hẹn hò đi đêm mí nhau từ 1967 rồi mừ... - K. và M. đã ăn cùng con dzịt quay BK lớ..."

Thế thì... tấm ảnh của gã-bộ-đội-sinh-bắc-tử-nam kia đã được chụp một cách có sắp xếp (như chính người trong cuộc cũng có biết) - nằm nguyên dạng như thế, cũng đủ rõ mặt mũi, quân phục và thương tích... mà rõ nhất là cây "súng cộng đồng RPD" còn mới cáu (mới xài hai tháng chứ mấy! - Bác Quản có kể rồi đó) - của TQ chứ ai?

Nghĩa là - ý của SGG - tấm ảnh "tâm lý chiến" đó để dùng làm nhiều việc, từ làm công tác địch hậu (tác động tâm lý hậu phương và binh sĩ ta qua các tờ truyền đơn, loa...) cho đến việc góp phần "bắt quả tang" để "nhắc khéo, bắt lỗi" việc "hà hơi tiếp sức" của TQ với phe ta

Nên nhớ là - thời điểm 5/1968 ấy - địch vừa choáng váng bất ngờ với "bão lửa Mậu Thân" - ở nước Mỹ, phong trào phản chiến đang dâng cao!
Nên việc trưng bày hình ảnh "Quân Bắc cộng với vũ khí viện trợ từ các nước cộng sản... xyz" - sẽ là điểm nhấn để góp phần giải thích mệnh đề "Tại sao Người Mỹ cần có mặt trong cuộc chiến tại Việt Nam"
hơ hơ... chính cái Bác Douglas Pike này cũng là "nguồn" về các thông tin "thảm sát ở Huế..." - sau này, trước khi chết cuối năm 2002, thì đầu năm Bác Pike này cũng còn kịp xuất bản một tập sách nói lại những chuyện ấy!
Cũng phải nói thêm - Bác Pike này được coi như là "chuyên gia về nghiên cứu CS" và cũng là một trong hai người khai sinh ra cái trung tâm lưu trữ mà từ đó ta có cái tấm ảnh kia!

Ấy chết, quên! ta đang nói về việc "tại sao ở ĐaLạt..." mà!
Thì có gì đâu khó hiểu? USIA cũng chính là cơ quan bảo trợ cho khoa "chiến tranh chính trị" ở trường Võ Bị Đà Lạt - nơi đó, cũng là nơi thường tổ chức những cuộc triển lãm liên quan đến "vũ khí thu được..." cũng như các họp báo thông tin về chiến sự cuối tuần...
Tương truyền rằng, ngoài chuyện vừa có sẵn cơ sở vật chất, cũng là tiện để giảng dạy về vũ khí đối phương... những cuộc họp báo tổ chức lại được kết hợp với kỳ nghĩ cuối tuần - thì còn lý do "Sợ rằng tổ chức ở đâu đó trong Saigon thì khó bề yên ổn với tụi... biệt động thành - Tòa ĐS Mỹ còn bị ăn bòm nữa là..."
Mang Bác Quản về bệnh xá trường Võ bị Đà Lạt thì có gì là khó đâu mà? Trước sau gì thì cũng phải đưa ra PQ mà! Mang ngang Đà Lạt chỉ là kết hợp... chở vũ khí về triển lãm - lấy lại "dây cót" sau Mậu Thân thôi!

Thưa cả nhà QSVN! Chúng ta thống nhất với nhau là "không đào sâu về chính trị" - những chuyện kể râu ria dài dòng của SGG chỉ để góp phần cho những người lính, những bạn đọc trẻ có quan tâm... hiểu thêm nhiều điều không lời khác, về một thời máu lửa... Chủ yếu là chỉ góp phần giải thích những chi tiết "chưa rõ", mà đôi khi, chỉ vì điều nhỏ ấy... ta hiểu sai về nhân chứng (Bác TrungUy đã bảo là có thể Bác Quản nhớ nhầm ấy )" - Hết trích dẫn của bác SGG


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 14 Tháng Chín, 2010, 12:40:53 am
(http://img810.imageshack.us/img810/8651/img2429k.jpg)

Cậu em quê Ninh Giang - Thanh niên tình nguyện - làm xe ôm cho chuyến đi - đang đứng trên đò Chanh chuẩn bị cập bờ Vĩnh Bảo


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 14 Tháng Chín, 2010, 12:46:56 am
(http://img266.imageshack.us/img266/6650/img2431b.jpg)

Con đường vào thôn Trúc Hiệp đang thi công dở - 2 anh em  phải "tay lái lụa" trên cái gờ vệ đường sát con mương - sau phải xuống khiêng cho lành, phi xuống mương thì tèo ;D
Đứng ở trạm bơm đầu thôn Trúc Hiệp chụp ra


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 14 Tháng Chín, 2010, 12:50:54 am
(http://img715.imageshack.us/img715/9523/img2473copy.jpg)

Giấy chứng nhận XYZ  - Cái này có bác nào thấy quen không?


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: lixeta trong 14 Tháng Chín, 2010, 08:47:31 am
(http://img715.imageshack.us/img715/9523/img2473copy.jpg)

Giấy chứng nhận XYZ  - Cái này có bác nào thấy quen không?
[/quote

Hầu như các CCB chống Mỹ khi từ CT ra Bắc đều có tờ giấy này. Tuy nhiên, ít người giữ được vì phải nộp lại khi lĩnh tiền "cửa rừng"- tiền bồi dưỡng cho những năm tháng ở chiến trường ;D ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 14 Tháng Chín, 2010, 11:34:29 pm
Ớ, thế sao cái giấy này CCB P.K. Quản vẫn còn giữ bản chính nhỉ? Hay là chưa được lĩnh vụ "cửa rừng" như bác lixeta nói? Hehe có khi em phải 'tư vấn" vụ này cho bác Quản ...biết đâu lại được về V. Bảo ăn thịt gà ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 23 Tháng Chín, 2010, 11:32:04 pm
Quay lại với phần chú thích bằng tiếng Anh của bức ảnh, sau khi gặp được người thật - việc thật thì có thể tạm kết luận về các nội dung như sau:
- tên: Pham-Kim-Quan -> thực tế: Phạm Kim Quản -> đúng
- quê quán: Than Truc Hiep Xa, Hiep Hoa Huyen Vin Bao, Thanh Hai Phong -> thực tế: thôn Trúc Hiệp, xã Hiệp Hòa - huyện Vĩnh Bảo - Thành phố Hải Phòng -> đúng
- địa điểm chụp bức ảnh: Quốc lộ 1, cách DMZ Quảng Trị 7 dặm (khoảng 11km) về phía Nam -> thực tế: Quốc lộ 1, Quán Ngang ( cách cầu Hiền Lương khoảng 15-16km), trong đó DMZ tính là lấy cầu Hiền Lương mở về 2 phía mỗi bên 5km --> tương đối phù hợp.
- đơn vị giao tranh: D4-E1-F1 VNCH -> thực tế: TQLC Hoa Kỳ, không rõ phiên hiệu -> lệch
- thời điểm trận giao tranh và chụp bức ảnh: 5-5-1968 -> thực tế: đêm 4-5-1968  (Giấy báo tử và bằng TQGC của bác Quản cũng ghi hy sinh ngày 4-5-1968) -> lệch
- nơi điều trị: Quảng Trị -> thực tế: Đà Lạt --> lệch

Em có hỏi bác Quản về chi tiết " Chứng minh thư Bắc-Việt" và tên thủ trưởng có phải là Căn, Cẩn gì đó không, nhưng bác âý không nhớ gì về chi tiết này. Trong phần chú thích, có nói rằng "chứng minh thư Bắc-Việt có ghi tên, đơn vị, mật danh địa bàn, nhận dạng cá nhân - cao 1m60, có sẹo nhỏ gò má trái. Chứng minh thư không rõ ngày cấp, khả năng là năm 1960, bởi một sỹ quan có tên là Can..".
Vừa rồi, em có đọc cái này:  "Trên con đường không cột cây số" - NXB Trẻ, 2004, tác giả: Lam Giang, kể về hành trình đi B của E52 - F320 năm 1966 ở đây:http://www.quansuvn.net/index.php/topic,3330.0.html
Có chi tiết này:
"Ông Ty đi nhận lệnh ở trên về phổ biến: Đoàn 308 sẽ đi vào “ông Cụ” rối đi tiếp "Hải Yến". Ông Cụ và Hải Yến là bí danh của hai vùng trong chiến trường Nam Bộ, còn xa lắc xa lơ, chẳng ai hình dung được. Mỗi cán bộ chiến sĩ được phát một tấm thẻ chứng minh, không có con dấu, chỉ có một chữ ký chân phương: Cân. Cầm tấm căn cước Trường Sơn nhiều người thắc mắc Cân là ai, cấp nào? Nhưng chẳng ai trả lời được. Cho đến khi tới điểm tập kết cuối cùng, trong chúng tôi không ai sử dụng đến tấm thẻ này..."
 Như vậy, E52 - F320 đi B năm 1966 được phát các Chứng minh thư theo kiểu "ký khống" theo mẫu chung, và đến E64 - F320 đi B năm 1967 của bác Quản cũng vẫn được phát các Chứng minh thư ký bởi "thủ trưởng Cân" này. Một thủ tục bắt buộc khi vào chiến trường chăng? Các bác cựu đánh Mỹ ở nhà mình có ai có cái Chứng minh thư kiểu này không?

Nguyên văn phần chú thích bằng tiếng Anh: “North Vietnamese soldier Pham Kim Quan lies on Highway 1, seven miles south of the Demilitarized Zone in Quang Tri Province of South Vietnam following a fire-fight where he was wounded by members of the Republic of Vietnam's 4th Battalion, 1st Regiment, 1st Infantry Division, on May 5, 1968. Below is his North Vietnamese Identification Card showing his name, his unit and a coded destination and his personal identification of height (One meter, 60 centimeters) and a small scar on his left cheek. The card does not show day or month, but indicates it was issued in 1960 by an official by the name of Can. Both signature and number (611/TB, A) were stamped with a seal showing initials GP. Pham Kim Quan was armed with an SK light machinegun. Pham Kim Quan gave his place of birth as Than Truc Hiep Xa, Hiep Hoa Huyen Vin Bao, Thanh Hai Phong. He was evacuated and treated at a hospital in Quang Tri.”


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: vinasoldier trong 25 Tháng Chín, 2010, 01:09:17 pm
Cảm ơn trung uý.Tuy nhiên vẫn có trường hợp bị mảnh đạn,bom bi xuyên qua sọ,vào nằm trong mô não mà các bác nhà ta vẫn còn sống đấy,chỉ có điều khi trái gió giở giời là đau buốt hoặc lên cơn động kinh.Thế bác Quản bị liệt VII ngoại biên hay trung ương,hình không rõ nên mình không nhìn được mắt bác ấy có nhắm kín được hay không


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: yenthanh trong 25 Tháng Chín, 2010, 01:37:38 pm
Ông Ty đi nhận lệnh ở trên về phổ biến: Đoàn 308 sẽ đi vào “ông Cụ” rối đi tiếp "Hải Yến". Ông Cụ và Hải Yến là bí danh của hai vùng trong chiến trường Nam Bộ, còn xa lắc xa lơ, chẳng ai hình dung được.

 Minhnam đâu rồi? Đang tìm hiểu mật danh Hải Yến kìa.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: ancakho trong 25 Tháng Chín, 2010, 02:05:17 pm
Có lẽ trực thăng hoặc xe GMC đưa bác Quản về cấp cứu điều trị ở bệnh viện Quân đội Mỹ tại Quảng Trị  (18th surgical hospital in Quang tri).


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: Nguyễn Trung Đức trong 25 Tháng Chín, 2010, 04:31:07 pm
Hay quá. Cảm ơn bác trung úy nhé. Mong bác tiếp tục có những kí sự hay để cho anh em con cháu cùng thường thức.
Vụ nhổ răng không đau nghe bác nói mà hãi quá


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: minhnam1803 trong 25 Tháng Chín, 2010, 08:41:00 pm
Ông Ty đi nhận lệnh ở trên về phổ biến: Đoàn 308 sẽ đi vào “ông Cụ” rối đi tiếp "Hải Yến". Ông Cụ và Hải Yến là bí danh của hai vùng trong chiến trường Nam Bộ, còn xa lắc xa lơ, chẳng ai hình dung được.

 Minhnam đâu rồi? Đang tìm hiểu mật danh Hải Yến kìa.

Vâng, em có tìm hiểu, thấy ngay trong quansuvn.net cũng có 1 số đoạn nhắc đến Hải Yến. Còn Ông Cụ hình như là ở Tây Nam Bộ bác ạ.

http://www.quansuvn.net/index.php?topic=1890.msg25945#msg25945

Trích dẫn

3

Lê Sỹ Quý nhập ngũ vào cuối năm 1964, lúc anh đang học năm thứ nhất Đại học Sư phạm, khoa Sử. Đúng ra, anh vẫn thuộc diện chưa
nhập ngũ; Nhưng không khí chiến tranh đã bắt đầu làm tan loãng sự chăm chỉ học hành. Là bí thư chi đoàn, anh quyết định làm đơn
xin nhập ngũ. Cái sự làm đầu tàu của anh đã kéo theo hàng chục sinh viên các khoa khác đăng ký lên đường.

Với lý lịch trong sáng, sau ba tháng tập luyện, anh được đi học trường sỹ quan lục quân, rồi được điều về làm đại đội trưởng bộ binh.
Cuối năm 1966, anh lại được cử đi học một khóa huấn luyện trinh sát ngắn ngày, rồi được nghỉ phép, trước khi vào Nam chiến đấu.

Trong giấy chứng minh tạm thời, anh thuộc tiểu đoàn 301 B. Nơi đến là chiến trường Hải Yến S9, mà mọi người thường gọi là "Bê dài", mật danh của mặt trận Nam Bộ.

Sau năm tháng trời hành quân, tiểu đoàn đã vào tới miền Đông. Tại đây, đơn vị chia lẻ, bổ sung cho các sư đoàn thuộc mặt trận. Quý được điều về Sư đoàn bộ binh tinh nhuệ số 9.


---> như thế này em có thể hiểu "Hải Yến S9" là Sư đoàn 9 được không nhỉ? và Hải Yến là mật danh chỉ khu vực Đông Nam Bộ?

http://www.quansuvn.net/index.php?topic=5020.msg76458#msg76458

Trích dẫn


28-10-67    Tiếp tục hành quân bộ trên đất Lào 13km
    Hôm nay mình đi đến trạm 36, nơi đây sẽ tách là 2 đường: đi Bắc Âu và đi Hải Yến. Đến đây mà các đoàn đã ốm kha khá, đoàn A để lại 3 người, đoàn anh Quốc tính cả anh là 12 người. Cái chứng sốt rét đã đánh ngã anh ta, mới mấy hôm trước đây trông anh ta còn khoẻ  thế mà giờ đã ngã rồi. Chớ có chủ quan với căn bệnh quỷ quái này. Thiết Kế ơi đừng để nó vật cậu đấy nhé !


http://www.quansuvn.net/index.php?topic=10751.msg181937#msg181937
Trích dẫn
Ngày 27 tháng 7 năm 1967. Sau nhiều tháng có dư luận dai dẳng về những thay đổi cán bộ trong Bệnh viện, đến nay đã có quyết định chính thức. Anh Đạo chuyển lên B3 phụ trách Quân y mặt trận cùng với anh Luận, thay anh Nguyên và anh Đào (Trưởng và Phó ban Quân y mặt trận cũ) về hậu phương. Trong Viện thì anh Kính (Chính uỷ), Tư (X quang), Kỷ (Lý liệu), Bích (Y vụ), Hoài (Dược), Hiền (Bác sĩ phòng dịch) ra A. Anh Trần Nam Hưng và chị Hồ, vợ anh vào Hải Yến (Nam Bộ). Anh Lê Sỹ Liêm (Phẫu thuật bụng), Quát (Tiết niệu) xuống khu 5...


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: yenthanh trong 26 Tháng Chín, 2010, 12:24:16 pm
---> như thế này em có thể hiểu "Hải Yến S9" là Sư đoàn 9 được không nhỉ? và Hải Yến là mật danh chỉ khu vực Đông Nam Bộ?

 Nhưng bác Lực E1F9 lính 72 lại nói không phải Hải Yến = F9?


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: rongxanh trong 26 Tháng Chín, 2010, 10:11:27 pm
---> như thế này em có thể hiểu "Hải Yến S9" là Sư đoàn 9 được không nhỉ? và Hải Yến là mật danh chỉ khu vực Đông Nam Bộ?

 Nhưng bác Lực E1F9 lính 72 lại nói không phải Hải Yến = F9?

Có thể Hải Yến là khu vực Đông Nam Bộ bác ạ. Còn S9 là chỉ Sư đoàn 9. Em nghĩ thế. Nói tóm lại là nhiều khả năng sẽ thuộc vùn Quân khu 7 bây giờ.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 26 Tháng Chín, 2010, 11:29:05 pm
Cảm ơn trung uý.Tuy nhiên vẫn có trường hợp bị mảnh đạn,bom bi xuyên qua sọ,vào nằm trong mô não mà các bác nhà ta vẫn còn sống đấy,chỉ có điều khi trái gió giở giời là đau buốt hoặc lên cơn động kinh.Thế bác Quản bị liệt VII ngoại biên hay trung ương,hình không rõ nên mình không nhìn được mắt bác ấy có nhắm kín được hay không
Nếu bị mảnh xuyên vào nhu mô não, chắc ở vùng khác--> trung khu khác thì có thể không - tử , chứ xuyên vào vùng chẩm (như vị trí vết thương của bác Quản là ở sau xương chũm - chẩm ) thì em đoán là khó sống sót.
Hôm đó nói chuyện thì em cũng không để ý bác Quản nhắm mắt có kín được không (hỏi chuyện chiến đấu là chính mà, có khám kỹ đến cả dấu hiệu Charles-Bell đâu  ;D ), còn méo miệng và lệch mặt là thấy ngay (hehe chắc bác "lính việt nam" là người trong ngành rồi, mới hỏi vụ trung ương - ngoại biên kỹ thía hí hí ;D )


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 26 Tháng Chín, 2010, 11:50:29 pm
Có lẽ trực thăng hoặc xe GMC đưa bác Quản về cấp cứu điều trị ở bệnh viện Quân đội Mỹ tại Quảng Trị  (18th surgical hospital in Quang tri).
Vấn đề này ở trang trước cũng đã bàn đến. Theo lời bác Quản kể thì được đưa về 1 bệnh viện của bọn Mỹ ở Đà Lạt, và có kể là nghe nói bên kia tường rào là trường võ bị Đà Lạt. Em cũng thắc mắc là sao nó không đưa về Đông Hà luôn cho gần, thì bác Quản tất nhiên là cũng không thể giải thích tại sao nó lại "đưa đi chỗ kia, mà không đi chỗ này ... mê man bất tỉnh nó đưa đi đâu thì biết sao được" nhưng có nói là thường nếu quân ngụy bắt thì hay đưa về Quảng Trị(?).
Một bác ở trang trước có nói là ở Đà Lạt không có quân y viện nào của Mỹ , có dẫn nguồn 1 danh sách các quân y viện của Mỹ trên toàn miền Nam VN. Em có nêu giả thuyết có thể chỗ đó nó không phải là quân y viện lớn, mà chỉ là chi nhánh hay bệnh xá thôi ... Hoặc cũng có thể là người ta nói với bác Quản là Đà Lạt chứ bác ấy cũng đâu có đi ra ngoài xem được biển chỉ đường đâu mà tự mình xác nhận đó đúng là Đà Lạt mộng mơ ;D Nay kể lại thì cũng nhắc tới chi tiết đó thôi.
Nhưng sau đó, bác SaigonGuider nêu 1 giả thuyết và phân tích cho việc tại sao bọn Mỹ lại đưa bác Quản về tận Đà Lạt chứ không phải ở Quảng Trị, em thấy cũng hợp lý.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 27 Tháng Chín, 2010, 12:04:44 am
Hay quá. Cảm ơn bác trung úy nhé. Mong bác tiếp tục có những kí sự hay để cho anh em con cháu cùng thường thức.
Vụ nhổ răng không đau nghe bác nói mà hãi quá
hihi nào nhà mình có tư liệu gì hay ho,  em rủ bác nào đi thực tế 1 chuyến về kể chuyện cho cả nhà nghe nhé ;)
Vụ nhổ răng là để các bác cảnh giác, vào bệnh viện đừng có đòi "nhổ răng không đau" nha ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: tecke trong 05 Tháng Mười, 2010, 04:18:05 pm
Tuyệt vời quá các bác ạ, em đọc từ đầu đến cuối không bỏ từ nào, đọc hết buổi sáng trưa về đọc, sang chiều đi họp về đọc nốt. Vừa cảm động, vừa tự hào, em thấy bác Trunguy còn trẻ thế mà nhiệt tình, các bác nữa, càng ngày càng tin tưởng, yên tâm. Việt Nam vững mạnh, vô địch


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: trung uy trong 05 Tháng Mười, 2010, 08:27:07 pm
Tuyệt vời quá các bác ạ, em đọc từ đầu đến cuối không bỏ từ nào, đọc hết buổi sáng trưa về đọc, sang chiều đi họp về đọc nốt. Vừa cảm động, vừa tự hào, em thấy bác Trunguy còn trẻ thế mà nhiệt tình, các bác nữa, càng ngày càng tin tưởng, yên tâm. Việt Nam vững mạnh, vô địch
Hihi bác téc-kè động viên quá, bác cứ "nâng quan điểm" thế em phải đi chỉnh mũi mất ;D


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 01 Tháng Bảy, 2011, 03:42:29 pm
Xin phép các Bác cho em nhảy vào sân nhà. Em được Bác quangcan giới thiệu sang đây. Em xin gửi bức ảnh của liệt sĩ nhà em cùng đồng đội sang bên này, biết đâu có Bác nhận ra... mong các Bác thông cảm. Nếu có nhầm chỗ thì chuyển cho em về đúng nơi quy định nhé.
Bức ảnh 1: đề tên Đức Xin (Quê quán: Nghệ An - Ngày tặng ảnh 13/12/1970)
Bức ảnh 2: đề tên Đức Thắng (Em nghi là LS Vũ Đức Thắng - quê ở Tràng Đà -Tuyên Quang ? Cùng mất trong 1 trận ngày 26.6.1971 với liệt sĩ nhà em )
Bức ảnh 3: Có đề tặng Bác gái nhà em :"Thân tặng em tấm ảnh nhỏ làm kỉ niệm. Người đứng với anh là người đồng hương, người đồng chí thân thiết của anh trong quân đội ". Người động hương này em cũng lại nghi nghi vẫn là LS Vũ Đức Thắng (Cùng quê liệt sĩ nhà em mà).
Trong bức ảnh 3 (2 người), LS nhà em(LS Nguyễn Quyết Tiến - Trung Môn - Yên Sơn - Tuyên Quang) là người đứng phía tay phải màn hình


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:31:00 am
Ngày 30.4.2012 em lên đường đi Quảng Trị. Tới trung tâm đón tiếp thân nhân liệt sĩ 27/7, thật sự cảm động trước ân tình của anh chị trong trung tâm đón tiếp. Họ mộc mạc, chân tình và rất nhiệt tình. Chú Minh Hoàn giám đốc quả là 1 người lính đúng chất bộ đội cụ Hồ.
Trung tâm có phòng ở khá lịch sự, máy lạnh, vệ sinh khép kín..... và trung tâm có xe máy cho thân nhân mượn để đi lại trong việc tìm mộ


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:36:27 am
Em tới Quảng Trị vào đúng dịp kỉ niệm 40 năm giải phóng. Đường phố tấp nập, CCB cả nước đổ về như 40 năm về trước. Điểm đến đầu tiên của em là Cam Lộ và Đắckrông. Trên đường đi em chộp vài kiểu ảnh đưa lên đây các bác cùng xem


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:51:28 am
Đầu Mầu cũ vẫn song song cùng cầu mới.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 09:08:09 am
Cầu Đầu Mầu


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 09:10:16 am
Em tới được nơi liệt sĩ nhà em chiến đấu và hi sinh. Ngọn núi xa xa đó là Ba Hồ


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 09:12:39 am
Sau nửa ngày ở Đắckrông trong cái nắng như đổ lửa, em quay lại nghĩa trang đường 9


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 09:13:52 am
NTLS Đường 9


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 09:17:58 am
Ngày hôm sau em đi thành cổ. Nơi đầu tiên trong ngày thứ 2 là khu vực sông Thạch Hãn. Tại tượng đài trung đội Mai Quốc Ca bên bờ bắc Thạch Hãn có đoàn văn công Hà Tĩnh đang hát những khúc hát về các anh. Đoàn này diễn không cần khán giả, họ tự hát cho nhau nghe, không cần âm thanh ánh sáng. Khi đó có mỗi 2 thằng em làm khán giả, ngồi nghe không mà cũng khóc


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 09:19:52 am
Đầu cầu sắt Thạch Hãn, khúc tráng ca của Sư đoàn 304


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 09:21:16 am
Cầu Thạch Hãn mới


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 09:24:09 am
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.



Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 09:26:01 am
Một vài nơi trên đường em đi qua trong 7 ngày tại Quảng Trị


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 09:26:58 am
Một vài nơi trên đường em đi qua trong 7 ngày tại Quảng Trị


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 09:27:32 am
Một vài nơi trên đường em đi qua trong 7 ngày tại Quảng Trị


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 09:28:17 am
Một vài nơi trên đường em đi qua trong 7 ngày tại Quảng Trị


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 14 Tháng Mười Hai, 2012, 03:10:51 pm
Từ xa đã nhìn thấy cột cờ Hiền Lương oai nghiêm trong nền trời xanh vĩ tuyến 17


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 14 Tháng Mười Hai, 2012, 03:15:30 pm
Bảo tàng Vĩ tuyến 17


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 14 Tháng Mười Hai, 2012, 03:20:53 pm
Theo Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Quảng Trị thì những năm 1954-1964 là cuộc chiến về kỹ thuật âm thanh, về nội dung và hình thức tuyên truyền giữa ta và địch. Ngày ấy để tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng XHCN và vạch trần những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, của Mỹ-Diệm, Chính phủ ta đã cho xây dựng một hệ thống loa phóng thanh, chia thành 5 cụm với chiều dài 1.500m ở bờ Bắc.

Mỗi lần địch dùng loa phát những bài viết tâm lý chiến phản động, hệ thống loa phát thanh của ta lại vang lên, át hẳn tiếng nói của chúng. Biết chuyện, chính quyền Ngô Đình Diệm lập tức kêu Mỹ viện trợ những loại loa tối tân, vang xa hàng chục cây số. Vào đầu năm 1960, một dàn loa Mỹ với công suất mỗi loa hàng trăm oát được chúng đưa đến bờ Nam sông Bến Hải.

Ta cũng không chịu thua, đã trang bị một chiếc loa có công suất 500w (đường kính vành loa rộng đến 1,7m) lắp đặt tại chiến tuyến Bến Hải và trang bị bổ sung 20 chiếc loa khác với tổng công suất 7000w, được lắp đặt dài hơn 4km từ Vĩnh Sơn đến Tùng Luật, phục vụ bà con bờ Nam. Khi thuận gió, tiếng loa có thể vang xa hơn 10km, nhân dân các làng, xã ở bờ Nam hàng ngày có thể nghe rõ tiếng nói thân thuộc từ bờ Bắc ruột thịt.


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 14 Tháng Mười Hai, 2012, 03:26:57 pm
Chiếc loa 500W


Tiêu đề: Re: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh
Gửi bởi: cuongninhchi trong 21 Tháng Hai, 2013, 02:59:44 pm
Di vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Học
QĐND - Thứ Hai, 24/12/2012, 15:46 (GMT+7)
QĐND - Bác Nguyễn Xuân Nước, ở số 7, Nguyễn Văn Tráng, phường Bến Thành, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh vừa đến Báo Quân đội nhân dân trao tận tay chúng tôi di vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Học là một bức ảnh của cô gái không rõ họ tên, quê quán.

Qua trò chuyện với bác Nước, em trai của liệt sĩ Học, chúng tôi được biết: Đồng chí Nguyễn Văn Học; sinh năm: 1943; quê quán: Thôn Bịch, xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm 1965, đồng chí Học vào làm công nhân thuộc Tổng đội 18, công trường Khu gang thép Thái Nguyên, đến 1968 nhập ngũ và đầu năm 1969 hành quân vào Nam chiến đấu.


Liệt sĩ Nguyễn Văn Học và bức ảnh của người con gái mà anh gửi về gia đình.
Suốt cuộc hành trình vào Nam, trong lá thư cuối cùng đồng chí Nguyễn Văn Học gửi về chỉ khoe với bố mẹ là đã đi hết đất Lào, chuẩn bị chuyển sang đất Cam-pu-chia mà không có một dòng nào nhắc đến người con gái trong bức ảnh sau này. Ngày 6-9-1969, đồng chí Nguyễn Văn Học hy sinh tại mặt trận phía Nam, thuộc đơn vị KB.

Chia sẻ với chúng tôi, bác Nguyễn Xuân Nước nói: “Kể từ khi anh Học hy sinh, gia đình tôi đã đi tìm lại những đồng đội của anh để hỏi về người con gái trong ảnh và nơi anh tôi hy sinh nhưng không có được thông tin gì thêm”.
Từ những thông tin do bác Nước cung cấp, các cựu chiến binh, đơn vị và nhân dân ai biết về phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Học ở đâu và người con gái trong bức ảnh là ai xin thông báo cho bác Nước theo địa chỉ trên, điện thoại: 08. 38322791 – 0918 530 805 hoặc Chuyên mục “Thông tin về mộ liệt sĩ”.
Chuyên mục “Thông tin về mộ liệt sĩ” – Báo Quân đội nhân dân, số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội. Điện thoại: 069.554.119;04.37478610. Thư điện tử: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn