Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: SaoVang trong 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:32:33 am



Tiêu đề: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:32:33 am

(https://www.quansuvn.net/index.php?action=dlattach;topic=31677.0;attach=23402;image)

Tên sách: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Tác giả: Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ
Nhà xuất bản: Công an Nhân dân
Năm xuất bản: 2000
Số hoá: ptlinh, Sao Vàng

LỜI NÓI ĐẦU


Cuốn sách này ra mắt bạn đọc đế đáp lại thịnh tình của những bạn đã đọc cuốn CÁC CUỘC THƯƠNG LƯỢNG LÊ ĐỨC THỌ - KISSINGER TẠI PARIS (Nhà xuất bản Công an nhân dân, H. 1997) và mong muốn được biết các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trước khi có Hội nghị Paris.

Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc đã hơn hai mươi năm. Từ đó đến nay, lúa ngô đã mọc xanh kín các thửa ruộng đã bị bom đạn cày xới. Từ hoang tàn đổ nát đã mọc lên hàng nghìn nhà máy, trường học. Nhiều người Mỹ đã thăm lại chiến trường xưa. Nhiều người Việt Nam đã đi “phát hiện" nước Mỹ... Nhưng sự đổi thay to lớn nhất, sâu sắc nhất là giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có quan hệ ngoại giao bình thường - như Tổng thống Andrews Jackson và Hoàng đế Minh Mạng đã mong muốn cách đây gần hai trăm năm - khép lại một quá khứ đau thương, mở ra một tương lai tốt đẹp.

Mới đây ông Pete Peterson, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tới làng quê An Bình để thăm người nông dân Nguyễn Văn Chộp, người đã bắt ông làm tù binh năm 1966 khi máy bay ông bị bắn rơi. Cuộc gặp gỡ thật cảm động và hai người đã chuyện trò cởi mở, vui vẻ như những người bạn cũ, thăm hỏi sức khoẻ của nhau, trao đổi về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hoà bình, hữu nghị giữa hai nước. Cuộc tái ngộ của hai người quen biết nhau trong những điều kiện lịch sử đặc biệt chỉ là chuyện của hai con người nhưng lại mang ý nghĩa một thông điệp hợp tác và phát triển giữa hai nước.

Cuối năm 1995, ông Macnamara sang Việt Nam đề nghị học giả hai nước cùng trao đổi ý kiến xem trong chiến tranh có cơ hội hoà bình nào bị bỏ lỡ không? Mọi người đều biết ông Macnamara là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Tổng thống Johnson và do bất đồng sâu sắc với Tổng thống về vấn đề Việt Nam, ông đã từ chức Bộ trưởng. Đề nghị của ông về cuộc hội thảo xuất phát từ một ý nghĩ nhân hậu muốn giảm bớt thương vong cho cả hai bên.

Tháng 5 năm 1997, một cuộc hội thảo Việt - Mỹ đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của những người thời chiến tranh 1965-1967, từ những người đã dự phần hoạch định chính sách đến những người nhân chứng. Trên tinh thần khoa học và một cách thẳng thắn, họ đã nhìn lại bối cảnh lúc bấy giờ, xem xét ý đồ quân sự, chính trị, phương châm hành động của mỗi bên. Điều đáng mừng là hai bên đã hiểu nhau hơn. Quả đây là câu chuyện giữa các nhà khoa học chứ không phải là giữa những người của hai “phe" như trong chiến tranh lạnh.

Ý muốn của chúng tôi khi xuất bản cuốn sách này, cuốn sách viết về thời kỳ 1965-1967, cũng là cung cấp cho việc nghiên cứu một số tư liệu, góp phần vào việc nghiên cứu các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm tìm ra những cơ hội bị bỏ lỡ. Khi viết, tác giả đã cố gắng tìm những nguồn chính thức, đáng tin cậy và thuật lại các sự kiện một cách giản dị, trung thực. Khi xuất bản, chúng tôi bổ sung thêm một số sự kiện và sắp xếp lại các cuộc tiếp xúc bí mật theo trật tự các sáng kiến hoà bình của Johnson.
Cuộc hội thảo này đã qua nhưng các nhà nghiên cứu vẫn còn tiếp tục trao đổi. Chúng tôi xin chúc các cuộc thảo luận đó đi đến thành công.

Nhưng chúng tôi cho rằng việc tìm những cơ hội bị bỏ lỡ là một việc tốt, đáng làm nhưng điều quan trọng hơn là rút kinh nghiệm chung về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông Macnamara đã chỉ ra mười một nguyên nhân chính gây ra thảm hoạ của nước Mỹ, đồng thời cũng nêu năm mục đích chính mà các quốc gia hướng tới trong quan hệ với nhau.

Bài học chính của cuộc chiến tranh Việt Nam nói cho cùng, cũng là bài học mà Tôn Tử, nhà tư tưởng quân sự thiên tài của Trung Quốc, đã nêu từ thế kỷ VI trước Công Nguyên:

“Biết mình biết địch, trăm trận không nguy; không biết địch, chỉ biết mình thì có thể thắng, có thể thua; không biết địch, cũng không biết mình thì hễ đánh là thua".
NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN





Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:33:22 am
CHƯƠNG MỘT
DI SẢN CỦA BỐN ĐỜI TỔNG THỐNG

Tổng thống L. B. Johnson đã quyết định tiến hành cuộc chiến tranh hạn chế ở ưúền Nam Việt Nam và cuộc chiến tranh bằng không quân ở miền Bắc Việt Nam. Đương nhiên ông phải chịu trách nhiệm về quyết định đó Nhưng chịu trách nhiệm đưa nước Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam đâu phải chỉ có riêng ông. Còn phải kể các vị tiền nhiệm của ông, những người tttng bước đã tăng cường sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, dù đã có mặt ở Phi-líp-pin từ năm 1898. nước Mỹ nói chung vẫn chấp nhận sự thống trị của Pháp ở Đông Dương. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa quân phiệt Nhật sụp đổ chủ nghĩa thực dân Pháp thất bại, phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương giành những thắng lợi đầu tiên cơ bản.

Nước Mỹ, kẻ chiến thắng chủ yếu trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, ngày càng chú ý đến tình hình Đông Dương. Với chủ trương "ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản", bao vây Liên Xô và Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, sự chú ý đó ngày càng tăng, đã đưa nước Mỹ đến cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài ba năm và sau đó dính líu ngày càng sâu vào Lào và Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Phrăng-clin Ru-dơ-ven đã nhiều lần chê Pháp thực hiện một chính sách thực dân làm cho nhân dân các nước Đông Dương ngày càng tồi tệ hơn trước khi Pháp đến.

Trước triển vọng chiến thắng ba nước "Trục", tại Hội nghị I-an-ta tháng 2 năm 1945, Ru-dơ-ven đưa ra đề nghị thiết lập sự uỷ trị ở Đông Dương dưới hình thức một hội đồng quản trị gồm đại biểu Pháp, đại biểu người Đông Dương, đại biểu Phi-líp-pin, đại biểu Trung Quốc, đại biểu Liên Xô. Nhưng đề nghị đó bị Anh phản đối, và sau Hội nghị I-an-ta gần hai tháng, Ru-dơ-ven chết.

Lên thay Ru-dơ-ven trong bối cảnh phong trào cách mạng sôi sục của những năm 1944 - 1945 ở Đông Á, Tru-man chủ yếu lo giúp chế độ Tưởng Giới Thạch, chống lại những thắng lợi trong cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Ông ta đã đồng ý để quân Tưởng Giới Thạch giải giáp quân Nhật ở Bắc Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở lên (quân Anh làm nhiệm vụ đó từ vĩ tuyến 16 trở xuống) với ý đồ giúp họ lật đổ chính quyền nhân dân do Việt Minh đứng lên để đưa những phần tử thân Tưởng vào làm "những con ngựa thành Tơ-roa".

Nhưng do cuộc chiến tranh ở Trung Quốc ngày càng phát triển và sự kiểm soát của Việt Minh lan ra toàn quốc Việt Nam, chính quyền Tru-man phải lùi một bước, chịu để thực dân Pháp trở lại Đông Dương. Giữa năm 1950, phái đoàn cố vấn viện trợ quân sự Mỹ (MAAG) được đưa sang Việt Nam. Trong tài khoá năm 1954, viện trợ của Mỹ cho các cố gắng chiến tranh của Pháp ở Đông Dương tăng lên một tỷ đô-la. Phái đoàn MAAG đã có ba trăm bốn mươi hai sĩ quan và binh lính Mỹ.

Sau khi Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên được ký ngày 26 tháng 7 năm 1954, Tổng thống Ai-xen-hao lần đầu tiên chính thức trình bày thuyết đô-mi-nô dự đoán Mianma, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a sẽ bị uy hiếp nếu cộng sản thắng ở Dông Dương. Cuộc chiến tranh Triều Tiên đã cho biết thế nào là một cuộc chiến tranh trên lục địa châu Á đối với Mỹ, dù Mỹ là một cường quốc hàng đầu, chính quyền Ai-xen-hao sợ một cuộc chiến tranh thứ hai với Trung Quốc, nhưng vẫn chủ trương răn đe và ngăn chặn Trung Quốc ở phía Đông Nam Á.

Chính sách của Oa-sinh-tơn là đe doạ Trung Quốc, động viên và tìm cách giúp đỡ Pháp tiếp tục chiến tranh. Ngày 12 tháng 1 năm 1954, J.F.Đa-lét tuyên bố học thuyết "trả đũa ồ ạt", hàm ý răn đe Trung Quốc. Tướng Pôn Ê-ly, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, được phái đi nắm tình hình Điện Biên Phủ sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh chiếm hai cứ điểm kiên cố ở ngoại vi phía Bắc của khu trung tâm Điện Biên Phủ ngày 13 và 14 tháng 3 năm 1954. Sau đó, Pôn Ê-ly sang Oa-sinh-tơn yêu cầu Mỹ viện trợ bổ sung để tăng cường lực lượng không quân Pháp.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:35:33 am
Tổng thống Ai-xen-hao phê chuẩn kế hoạch của đô đốc Rát-pho, Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đề nghị Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, giúp Pháp cứu vãn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Theo Rát-pho, hai trăm máy bay của không quân Mỹ sẽ cất cánh từ các hàng không mẫu hạm đậu dọc bờ biển Việt Nam tấn công các căn cứ Quân đội Nhân dân Việt Nam nhằm ngăn chặn việc bao vây Điện Biên Phủ. Các máy bay hạng nặng đóng trên đất Phi-líp-pin sẽ phối hợp.

Tán thành chủ trương không để Đông Dương rơi vào tay cộng sản, Tổng thống Ai-xen-hao quyết định nếu không có cách nào khác để ngăn chặn điều đó, Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, nhưng chỉ can thiệp nếu có được hai điều kiện sau đây:

1. Được sự ủng hộ của các nước đồng minh, trước hết là Anh.

2. Pháp phải trao hoàn toàn độc lập cho các nước Đông Dương.

Ai-xen-hao còn tuyên bố nếu Quốc hội không tuyên chiến thì sẽ không can thiệp.

Đầu tháng 4 năm 1954, khi tướng Na-va báo cáo Điện Biên Phủ có thể mất nếu không có cuộc oanh tạc của không quân Mỹ. Chính phủ Pháp chính thức yêu cầu Mỹ can thiệp, nhưng Oa-sinh-tơn đã quyết định không can thiệp. Đa-lét muốn thuyết phục Pháp tiếp tục chiến đấu với một liên minh chống cộng do Mỹ cầm đầu nghĩa là ông ta muốn quốc tế hoá cuộc chiến tranh Đông Dương.

Ý ông ta là lôi kéo Anh, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Thái Lan, Phi-líp-pin, Cam-pu-chia, Lào phối hợp với Mỹ và Chính phủ Bảo Đại trong một hành động thống nhất để giữ Đông Dương không rơi vào tay cộng sản. Anh sợ rằng một hành động như vậy sẽ làm hỏng thời cơ đem lại hoà bình ở Hội nghị Giơ-ne-vơ (từ tháng 2 năm 1954, bốn nước lớn: Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô họp tại Béc-lin đã thoả thuận sẽ có một Hội nghị Quốc tế về Đông Dương).

Mặc dầu sự phản đối kiên quyết của Anh, một số quan chức Mỹ vẫn còn muốn can thiệp bằng không quân và hải quân Mỹ vào chiến tranh Đông Dương với điều kiện là các cố vấn Mỹ ở Việt Nam phải được giữ trách nhiệm to lớn trong việc huấn luyện các lực lượng của Chính phủ thân Pháp và được chia sẻ trách nhiệm trong việc vạch kế hoạch quân sự "với người Pháp". Tuy không muốn kéo dài chiến tranh, Pháp cũng không muốn chia sẻ trách nhiệm với Mỹ.

Chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954. Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ.

Ngày 8 tháng 5, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc.

Từ ngày 24 tháng 5 đến ngày 29 tháng 6, Ai-xen-hao và Đa-lét đã có cuộc họp quan trọng với Sớc-sin và I-đơn tại Oa-sinh-tơn. Họ đã thoả thuận về một kế hoạch giải quyết chiến tranh Đông Dương: ngừng bắn ở Đông Dương, lực lượng Việt Nam rút khỏi Lào và Cam- pu chia; ít nhất phải giữ nửa Nam Việt Nam, không loại trừ khả năng thống nhất Việt Nam bằng biện pháp hoà bình; có một Uỷ ban Quốc tế để giám sát việc thi hành hiệp nghị. Pháp được thông báo về kết quả đó và cũng đồng ý.

Về kế hoạch sau khi hiệp nghị được ký kết, Mỹ làm áp lực để Chính phủ Bảo Đại chấp nhận Ngô Đình Diệm làm thủ tướng (cũng trong tháng 6 này) mà Ngô Đình Diệm thì ai cũng rõ là con bài mà Mỹ đã dự trữ từ lâu. Mặt khác, từ tháng 7, Đa-lét tích cực vận động thành lập khối liên minh phòng thủ Đông Nam Á.

Vào những giờ đầu của ngày 21 tháng 7, các hiệp nghị đình chỉ chiến sự riêng về mỗi nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia được ký kết.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:36:17 am
Về Việt Nam, hiệp nghị quy định nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, giữa hai miều có một khu phi quân sự ở hai bên vĩ tuyến 17. Miền Bắc Việt Nam do Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quản lý, miền Nam Việt Nam do Quốc gia Việt Nam quản lý.

Trong vòng ba trăm ngày, các lực lượng kháng chiến sẽ rút về Bắc Việt Nam, các lực lượng dưới sự chỉ huy của Pháp sẽ rời Bắc Việt Nam để vào miền Nam. Dân thường được phép đi lại giữa hai miền Việt Nam trong ba trăm ngày đầu của hiệp nghị đình chỉ chiến sự. Không bên nào được phép tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực mình quản lý hoặc cho phép nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ mình.

Một Uỷ ban Quốc tế gồm đại diện Ấn Độ, Ba Lan, Ca-na-đa (do Ấn Độ làm chủ tịch) sẽ giám sát và kiểm soát việc thực hiện hiệp nghị đình chỉ chiến sự.

Ở Cam-pu-chia không có chia cắt, lực lượng kháng chiến Khơ me không có khu vực riêng.

Ở Lào, lực lượng kháng chiến rút về hai tỉnh Phông Xa Lý và Sầm Nưa trong khi chờ đợi tổ chức tổng tuyển cử trong phạm vi cả nước. Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Cam- pu chia và Lào.

Ở mỗi nước đó cũng có một Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát riêng, với thành phần như ở Việt Nam. 

Cùng ngày 21, Hội nghị Giơ-ne-vơ thông qua bản Tuyên bố cuối cùng công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia: độc lập, chủ quyển, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Về Việt Nam, bản tuyên bố khẳng định việc chia cắt chỉ là tạm thời và hai miền Bắc-nam sẽ được thống nhất sau khi có một chính phủ được bầu ra bằng tổng tuyển cử tự do tổ chức dưới sự giám sát của Uỷ ban Quốc tế. Việc chuẩn bị tổng tuyển cử sẽ do nhà đương cục có thẩm quyền hai miền tiến hành một năm sau hiệp nghị đình chỉ chiến sự. Cuộc bầu cử chính thức sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956.

Mỹ ra một tuyên bố riêng, chấp nhận mười hai trong số mười ba điều của tuyên bố cuối cùng, tức là chấp nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia, chấp nhận nước Việt Nam sẽ được thống nhất bằng tổng tuyển cử tự do năm 1956. Điều cuối cùng của tuyên bố mà Mỹ có ý kiến khác là cách xử lý khi có vi phạm Hiệp nghị ngừng bắn. 

Chính trong lúc đại diện Mỹ tuyên bố tại Hội nghị Giơ-ne-vơ rằng Hoa Kỳ sẽ không xâm phạm đến việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ vừa được ký kết bằng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực, Tổng thống Ai-xen-hao tuyên bố trắng ra rằng: "Bản thân Hoa Kỳ đã không phải là một bên đương sự trong các quyết định tại hội nghị và không bị các quyết định đó ràng buộc" (Tài liệu Lầu Năm Góc, Thượng nghị sĩ M. Gơ-ra-vơn xuất bản, Bi-cơn, Prét, Bôt-xtơn, tập 1, tr. 605.)

Mặt khác, ngày 8 tháng 9 năm 1954, chưa đầy hai tháng sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Mỹ đã cùng Anh, Pháp, Ô-xtơ-rây-li-a, Niu Di-lơn, Phi-líp-pin, Thái Lan, Pa-ki-xtan ký Hiệp ước Ma-ni-la thành lập khối SEATO, trong đó các nước ký kết "Hành động để đối phó với nguy cơ chung, phù hợp với các tiến trình hợp hiến" trong trường hợp một trong số các nước này bị vũ trang xâm lược. Hiệp ước quy định một khu vực bảo hộ của nó, bao gồm toàn bộ lãnh thổ của các nước châu Á tham gia Hiệp ước, mở rộng sự bảo hộ tới Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam. Sau này Vương quốc Cam-pu-chia và Vương quốc Lào đều bác bỏ sự bảo hộ đó


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:37:05 am
Ngày 1 tháng 10 năm 1954, Tổng thống Ai-xen-hao gửi cho Ngô Đình Diệm một công hàm (được công bố ngày 23 tháng 10 năm 1954) cam kết sự ủng hộ hoàn toàn và sự viện trợ của Hoa Kỳ đối với Nam Việt Nam.

Đây là cơ sở pháp lý và chính trị của sự dính líu của Hoa Kỳ đối với Nam Việt Nam. Ý nghĩa lớn không che giấu của nó là Mỹ ủng hộ hoàn toàn một chính phủ chống cộng ở miền Nam Việt Nam. Tác dụng trước mắt của nó là cảnh cáo các lực lượng thân Pháp, các giáo phái rằng Ngô Đình Diệm đã được Oa-sinh-tơn chọn làm công cụ của chính sách của Mỹ.

Về phía mình, Ngô Đình Diệm đã biết công khai đáp lại cam kết của Mỹ bằng lời tuyên bố nổi tiếng: "Biên giới của Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17".

Tướng Lo-tơn Cô-lin được Ai-xen-hao cử làm đại sứ đặc biệt với những quyền hạn rất rộng để phối hợp các hoạt động của các tổ chức Mỹ ở miền Nam (phái đoàn viện trợ quân sự MAAG, phái đoàn viện trợ kinh tế USOM, phái đoàn hành chính Mi-si-gân), thực hiện kế hoạch loại trừ ảnh hưởng của Pháp, kể cả Hoàng đế Bảo Đại, giành lấy trách nhiệm về quân sự ở miền Nam Việt Nam.

Trong khuôn khổ nhiệm vụ đó, ngày 13 tháng 12 năm 1954, Cô-lin đã ký với tướng Pôn Ê-ly cao uỷ Pháp ở miền Nam Việt Nam một hiệp ước quy định Mỹ thay thế Pháp về mặt quân sự ở miền Nam Việt Nam. Quân đội Sài Gòn được giảm từ hai trăm bảy mươi ngàn người xuống chín mười nghìn người (để giảm những lực lượng thân Pháp) trước khi xây dựng những đơn vị mới mà Mỹ kiểm soát được. Pháp phải giảm quân đội viễn chinh của họ ở miền Nam từ một trăm năm mươi nghìn người xuống ba mươi nghìn người. Tháng 4 năm 1956, Pháp tuyên bố rút khỏi Đông Dương, mặc dầu về pháp lý, họ vẫn còn trách nhiệm đối với Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.

Ngô Đình Diệm không chịu đáp ứng các đề nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử theo quy định của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 để thống nhất nước Việt Nam, thậm chí khước từ cả việc lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền về kinh tế, văn hoá. Diệm tổ chức tuyển cử riêng rẽ, dựng lên ở miền Nam Việt Nam một quốc gia riêng biệt gọi là Việt Nam cộng hoà.

Với chính sách từ bỏ Đông Dương của Pháp và sự thất bại của các lực lượng thân Pháp ở miền Nam Việt Nam, Tổng thống Ai-xen-hao có nhiều lý do để tuyên bố trong cuộc vận động bầu cử năm 1956 rằng thế giới tự do đã có "một chỗ đứng vững chắc" ở Đông Dương và các nước không cộng sản tại đây đang được đặt dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn (Pi-tơ A. Pu-lơ. Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-dơ-ven đến Ních-xơn. Nhà xuất bản Thông tin, lý luận. Hà Nội, 1986, tr. 71.).

Sự thật là với sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ngô Đình Diệm, Ai-xen-hao đang đưa miền Nam Việt Nam vào một cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng.

Ngay sau khi Hiệp nghị Giơ-ne-vơ có hiệu lực và mặc dầu chưa kiểm soát được hoàn toàn miền Nam Việt Nam, chính quyển Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình hoan nghênh đình chiến và thống nhất đất nước, bắt bớ và giam cầm những người yêu nước, yêu hoà bình. Sau khi đã củng cố chính quyền, nhất là sau khi khước từ tổng tuyển cử tự do trong phạm vi cả nước và biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt, chống cộng, thì họ thi hành ráo riết chính sách trả thù những người kháng chiến cũ - một chính sách được nâng lên thành quốc sách.

Chính sách tàn bạo đó làm dấy lên phong trào đấu tranh ngày càng mạnh của đồng bào miền Nam. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, những người yêu nước ở miền Nam thuộc những xu hướng chính trị, những tôn giáo khác nhau đã thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với cương lĩnh hoà bình, độc lập dân chủ, trung lập. Nhiều vùng nông thôn rộng được giải phóng. Các tầng lớp nhân dân ở thành thị ngày càng bất bình. Thế của chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng lung lay


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:37:45 am
Khi Ai-xen-hao rời Nhà trắng năm 1960, ông đã để lại cho Tổng thống Ken-nơ-đi một gánh nặng, một bài toán nan giải ở miền Nam Việt Nam. Nói đúng ra, Ai-xen-hao đã để lại hai gánh nặng: vấn đề miền Nam Việt Nam và vấn đề Lào.

Đối với Ken-nơ-đi cũng như đối với người tiền nhiệm của ông, vấn đề Lào là vấn đề an ninh của Thái Lan theo thuyết đôminô. Từ khi lực lượng cánh hữu làm đảo chính lật đổ Thủ tưởng trung lập Xuvana Phuma, tình hình Vương quốc Lào càng rõ. Quân trung lập của tướng Koong Le phối hợp với quân Pa thét Lào đánh bại quân của tướng Phu Mi Nô Sa Văn, uy hiếp Luang Prabang, Viêng Chăn.

Lầu Năm Góc muốn Mỹ can thiệp mạnh hơn nữa vào Lào nhưng Tổng thống Ken-nơ-đi tán thành tham dự một Hội nghị quốc tế nhằm bảo đảm nền trung lập của Lào. Hội nghị Giơ-ne-vơ về Lào khai mạc ngày 16 tháng 5 năm 1961 phải kéo dài vì ba hoàng thân Lào không thoả thuận được với nhau về việc lập chính phủ liên hiệp ba phái.

Việc Pa thét Lào đánh chiếm Nậm Thà được coi như một Điện Biên Phủ của nước Lào buộc Mỹ phải gây sức ép với phái hữu để giải quyết cho xong việc lập chính phủ liên hiệp, mặc dầu Mỹ đưa năm nghìn quân chiến đấu Mỹ vào Thái Lan và đưa hạm đội 7 vào Vịnh Thái Lan. Cuộc khủng hoảng ở Lào chỉ là tạm thời giải quyết vì sau khi ngoại trưởng trung lập Ki Nam Phô Xê Na bị lực lượng thân Mỹ ám sát, nước Lào lại rơi vào một cuộc xung đột mới.

Trong khi đó, Ken-nơ-đi, đứng trước một miền Nam Việt Nam đang rung chuyển cả về quân sự và chính trị, ông đề ra chủ trương đưa một lực lượng đặc biệt "chống nổi dậy" và một trăm cố vấn quân sự sang miền Nam Việt Nam để ngăn chặn cộng sản thống trị miền Nam Việt Nam. Mặc dầu được CIA báo cáo rằng từ tám mươi đến chín mười phần trăm số Việt cộng ở miền Nam được tuyển lựa ở địa phương và hầu hết vũ khí của họ là do họ tự kiếm lấy, Ken-nơ-đi cuối cùng lựa chọn kiểu "chiến tranh đặc biệt" với công thức vũ khí và chỉ huy Mỹ cộng với quân đội Sài Gòn.

Kế hoạch Xta-lây-tay-lo mà ông phê chuẩn bao gồm ba giai đoan:

1. Bình định miền Nam Việt Nam trong mười tám tháng, xây dựng các cơ sở ở miền Bắc Việt Nam.

2. Tăng cường quân sự, khôi phục kinh tế ở miền Nam Việt Nam và tăng cường các hành động phá hoại ở miền Bắc Việt Nam.

3. Phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam và tấn công miền Bắc Việt Nam.

Về quân sự, Oa-sinh-tơn lập một bộ chỉ huy tác chiến ở Sài Gòn giao cho tướng Pôn D.Ha-kin phụ trách. Từ chín trăm bốn mươi tám người tháng 11 năm 1961, số cố vấn quân sự tăng lên hai nghìn sáu trăm người tháng 1 năm 1962 và mười một nghìn ba trăm người tháng 12 năm 1962.

Trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 7 năm 1961, viện trợ tăng lên hai trăm tám mươi bảy triệu đô-la so với hai trăm lẻ chín triệu đô la năm trước. Năm 1963 viện trợ ba trăm bảy mươi sáu triệu đô-la.

Về chính trị, các cố vấn Mỹ giúp Ngô Đình Diệm xây dựng hệ thống ấp chiến lược mà mục đích quân sự là cắt nguồn tiếp tế và nguồn tuyển quân của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và mục đích chính trị là kiểm soát chặt chẽ người dân.

Chính quyền Ngô Đình Diệm dự định đưa hai phần ba số dân nông thôn vào ấp chiến lược và thực tế đã đưa được ba mươi ba phần trăm số đó vào tháng 10 năm 1962. Mỗi "ấp chiến lược" thật ra là một trại tập trung với hệ thống đồn bốt và lớp lớp dây thép gai chung quanh. Chính sách "ấp chiến lược" chỉ gieo rắc căm giận vào lòng người dân chỉ mong muốn làm ăn yên ổn và càng thúc đẩy họ nghe theo tiếng gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:38:27 am
Đến năm 1963. "chiến tranh đặc biệt" đã bị thất bại. Chính quyền Sài Gòn vẫn không kiểm soát được nông thôn miền Nam.

Trong khi đó, ở Sài Gòn và các thành thị lớn khác nhiều nhóm chính trị đấu tranh đòi dân chủ, hoà bình và trung lập. Những phát súng mà quân đội Diệm nổ vào những Phật tử không vũ trang biểu tình hoà bình ở Huế ngày 8 tháng 5 năm 1963 đã làm cho sự chống đối của cộng đồng Phật tử ở miền Nam bùng nổ với sức mạnh không gì ngăn cản nổi. Yêu sách của họ không có gì quá đáng: nếu những người Thiên chúa giáo được trương cờ tôn giáo trong buổi lễ của họ thì những Phật tử cũng được phép trương cờ Phật giáo như thế.

Phong trào phản đối Diệm - Nhu phân biệt tôn giáo. giết hại Phật tử bùng cháy như một vệt thuốc súng từ Huế đến Sài Gòn và các tỉnh khác, nhanh chóng được các tầng lớp nhân dân rộng rãi ủng hộ, trước hết là sinh viên. Thượng toạ Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 10 tháng 6 năm 1963 châm lửa không phải chỉ vào thể xác mình mà vào cả một vùng thuốc súng, làm rung chuyển xã hội miền Nam Việt Nam và kích động phong trào phản chiến ở ngay nước Mỹ.

Nói cho đúng, Ken-nơ-đi không tán thành việc đàn áp Phật tử của Ngô Đình Diệm nhất là sau này vào tháng 8 các đơn vị quân sự của Diệm đã tấn công vào các chùa lớn ở miền Nam và bắt giam hàng trăm nhà sư, kể cả những người lãnh đạo phong trào phản đối. Ở nhiều nơi, Phật tử đã cầm súng chống lại quân đội. Ngô đùlh Diệm không chịu hoà giải với những Phật tử.

Đại sứ Ca-bốt Lốt, một nhà ngoại giao sành sỏi, đã từng là ứng cử viên Phó tổng thống của đảng Cộng hoà năm 1960, được cử sang thay đại sứ Nâu-tinh với những quyền hạn rộng rãi để đối phó với cuộc khủng hoảng. Ông ta cũng không thuyết phục được Diệm thay đổi chính sách và cuối cùng đã ủng hộ cuộc đảo chính của Dương Văn Minh, đưa đến cái chết của anh em Diệm - Nhu ngày 2 tháng 11 năm 1963.

Ngay từ ngày 12 tháng 12 năm 1961, Tổng thống Ken-nơ-đi tuyên bố với các nhà báo: "Chúng ta không thấy đoạn cuối của đường hầm nhưng tôi phải nói rằng tôi không nghĩ là nó đen tối hơn so với năm trước, mà có phần sáng sủa hơn" (Pi tơ A.Pulơ: Sđd, tr. 116.)

Nhưng việc ủng hộ nhóm đảo chính Dương Văn Minh và việc lật đổ tập đoàn Diệm - Nhu (mà lúc đầu Ken-nơ-đi đã hết sức giúp đỡ) đã không mang lại sự thay đổi nào trong tình hình miền Nam Việt Nam như ông mong muốn. Ngược lại, nó chỉ làm cho tình hình trầm trọng thêm, bế tắc hơn. Chưa tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng toàn diện ở miền Nam Việt Nam sau cái chết của Diệm – Nhu, Ken-nơ-đi chỉ biết tiếp tục các cố gắng quân sự cho đến khi hai mươi ngày sau cái chết đó, ông bị ám sát tại Đa-lát.

Thất bại trong chính sách ủng hộ Ngô Đình Diệm và chiến tranh đặc biệt, Ken-nơ-đi đã để lại cho Phó tổng thống L.B.Johnson, người thay thế ông nắm quyền tối cao của nước Mỹ một miền Nam đen tối hơn cuối năm 1961.

Với những thất bại mới trên chiến trường, những rắc rồi mới trong tình hình chính trị ở Sài Gòn. Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc tranh cãi ráo riết về một sự lựa chọn về kế hoạch sắp tới ở miền Nam Việt Nam, hoặc đúng hơn là ở Việt Nam và Lào. Nhưng tất cả đều bối rối, dù họ là "diều hâư” hay "bồ câu”.

Nhận xét tình hình đó, hãng UPI ngày 7 tháng 3 năm 1964 viết: "Vấn đề không còn phải là xem xét có phải là ta đang thua cuộc chiến tranh hay không mà là xem xét Hoa Kỳ và Nam Việt Nam đang thua cuộc chiến tranh với tốc độ nào và liệu còn có một hy vọng mỏng manh nào để cứu vãn tình hình không" (Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Hai mươi năm can thiệp và xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, tiếng Pháp, Hà Nội, 1965.)

Đương nhiên, Tổng thống mới của nước Mỹ, với những trách nhiệm cao cả của mình, không thể dễ dàng đồng tình ngay với nhận xét đó. Ông còn phải đánh giá lại tình hình miền Nam Việt Nam và tình hình Đông Dương nói chung, xét duyệt tất cả các phương án của các cố vấn quân sự và dân sự, cân nhắc tác động đối nội và đối ngoại của mỗi sự lựa chọn có thể có, thăm dò quốc hội và tranh thủ sự đồng tình của quốc hội, thăm dò đồng minh Trung Quốc và các đối thủ trực tiếp của mình là Bắc Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:22:37 pm
CHƯƠNG HAI
HAI CHUYẾN CÔNG CÁN CỦA ĐẠI SỨ J.B.XI-BO-NƠ TẠI HÀ NỘI

Ngày 18 tháng 6 năm 1964. Thế là đại sứ J.B. Xi-bo-nơ tới Hà Nội sau biết bao nôn nóng và sau chặng dừng chân ngắn tại Phnôm Pênh và Viêng Chăn.

Chiếc ô tô màu trắng của Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam đưa ông rời sân bay Gia Lâm. Phong cảnh ở đây khác với phong cảnh ở Ca-na-đa, thậm chí khác với phong cảnh Sài Gòn mà ông cũng mới biết lần đầu trong đời. Những thửa ruộng mới gặt kế tiếp nhau chạy vùn vụt, lửa rực cháy trên ngọn các cây phượng bên đường, một phố ngoại ô bé nhỏ và xơ xác. Tuy mới đến Hà Nội lần thứ nhất, ông nhìn phong cảnh mà không để ý lắm, vì ông đang nghĩ đến nhiệm vụ mà ông phải hoàn thành.

Tưởng cũng cần nhắc rằng sau nhiều giờ thảo luận sôi nổi, thậm chí cả những cuộc thảo luận hàn lâm về hai từ giám sát và kiểm soát, các thành viên của Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương đã thoả thuận thành lập một Uỷ ban Quốc tế có nhiệm vụ giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ tại mỗi nước Đông Dương.

Theo sự dàn xếp được nhất trí chấp nhận: Uỷ ban gồm một đại diện cho các nước xã hội chủ nghĩa là Ba Lan, một đại diện cho các nước phương Tây là Ca-na-đa và một chủ tịch là Ấn Độ, một nước lớn theo con đường hoà bình, trung lập, đại diện cho các nước đang phát triển.

Ông Xi-bo-nơ đến Việt Nam lần này với tư cách đại diện cho Ca-na-đa trong Uỷ ban Quốc tế về Việt Nam. Từ khi Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam có hiệu lực và từ tháng 8 năm 1954, Uỷ ban Quốc tế bắt đầu công việc của mình, Ca-na-đa xứng đáng là đại diện cho phương Tây. Đại diện của họ ủng hộ lập trường của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ở miền Nam Việt Nam, họ làm ngơ trước việc nhà cầm quyền vi phạm các quyền tự do dân chủ, đàn áp những người trước đây đã tham gia kháng chiến chống Pháp và trước việc đưa trái phép vào miền Nam Việt Nam những cố vấn quân sự và vũ khí, vật tư chiến tranh của Mỹ.

Ở miền Bắc Việt Nam, họ ủng hộ việc cưỡng bức những người công giáo đi di cư vào miền Nam, cố lùng sục xem có vũ khí, đạn dược của các nước xã hội chủ nghĩa được đưa trái phép hay không.

Trong các cuộc họp của Uỷ ban Quốc tế họ đóng vai "người biện hộ" cho Satăng, luôn luôn chống lại mọi quan điểm và lý lẽ của đồng sự Ba Lan, do đó gây nhiều khó khăn cho ông chủ tịch Ấn Độ.

Vốn là một tham tán của sứ quán Ca-na-đa tại Mát-xvơ-va, lần này Xi-bo-nơ được giao trọng trách là trưởng đoàn đại biểu Ca-na-đa trong Uỷ ban Quốc tế. Ông có thể hài lòng với sự bổ nhiệm đó ở một địa bàn chiến lược nhằm ngăn chặn nguy cơ cộng sản từ vĩ tuyến 11. Nhưng suốt từ khi rời Sài Gòn cho đến lúc này, chân đã đặt trên mảnh đất Hà Nội, Thủ đô Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà ông chỉ mới biết tên sau Điện Biên Phủ.

Ông bận tâm đến một nhiệm vụ khác mà ông có những lý lẽ riêng và lý lẽ chung để cho là quan trọng hơn nhiều so với nhiệm vụ đại sứ trong Uỷ ban Quốc tế. Khi ông mới được chọn vào cương vị này, ngày 1 tháng 5 năm 1964 tại Ôt-ta-oa, Ngoại trưởng Mỹ D. Ra-xcơ và W.Xu-li-van đã cùng Thủ tướng L.Pia-xơn và Ngoại trưởng P.Ma-tiu của Ca-na-đa bàn về nhiệm vụ đặc biệt của ông. Người ta yêu cầu ông "lưu lại Hà Nội nhiều thời gian hơn các tiền nhiệm của ông. Ông cần tìm cách gấp được Cụ Hồ và đồng nghiệp của Cụ, báo cho họ biết một cách đầy đủ quyết tâm của Hoa Kỳ đi đến cùng trong vấn đề này”.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:23:23 pm
Ông biết rõ Hoa Kỳ “chắc chắn sẽ chọn con đường mở rộng các hoạt động quân sự”. Trừ phi Hà Nội chấm dứt chiến tranh nếu không Hoa Kỳ sẽ dùng không quân và hải quân đánh Bắc Việt Nam cho đến khi Hà Nội chấm dứt chiến tranh (Xem: Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam, tập văn kiện về thương lượng của Tài liệu Lầu Năm Góc do Giooc-giơ. C.Hia Rinh xuất bản, Phòng báo chí Trường Đại học Tếch Dát, Ôxtin 1983 trang 16 và 23, sau đây gọi tắt là ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam. W. Xu li van lúc đó là Chủ tịch Liên ban công tác về Việt Nam ở Bộ Ngoại giao Mỹ - sau này là Đại sứ Mỹ ở Lào và phụ tá của Kít-sinh-giơ.

Ngày 28 tháng 5 năm 1964. tại Niu Oóc, Tổng thống Hoa Kỳ L.B.Johnson đã gặp Thủ tướng Ca-na-đa Pia-xơn. Nội dung cuộc trao đổi, báo chí khi đó không nói đến, nhưng chính Tổng thống Johnson sau này đã nhắc lại trong cuốn hồi ký “Cuộc đời Tổng thống của tôi”. Trong điện văn số 2133 gửi ngay sau đó cho đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, Bộ Ngoại giao Mỹ đã viết rõ ràng:

"Tổng thống đã nói với ông Pia-xơn rằng ông muốn Hà Nội biết rằng Tổng thống, trong khi là người của hoà bình, không có ý định cho phép người Bắc Việt Nam tiếp quản Đông Nam Á. Tổng thống cần một người đối thoại tin cẩn và có trách nhiệm để chuyển cho Hà Nội một thông điệp về thái độ của Mỹ. Trong khi vạch ra những nét đại cương về lập trường của Hoa Kỳ, đã có thảo luận về củ cà rốt và cái gậy...

Sau khi biểu thị lòng mong muốn đóng góp thiện chí vào cố gắng đó, ông Pia-xơn đã bày tỏ nỗi lo ngại về tính chất của cái gậy... Ông nói rằng ông hết sức dè dặt về việc sử dụng vũ khí nguyên tử, nhưng cho rằng việc tiến công trừng phạt bằng bom vào các mục tiêu có phân loại một cách rõ ràng sẽ là một việc khác...

Ông nói rằng cá nhân ông muốn biết về phương sách của chúng ta để đi tới các biện pháp đó nếu thông điệp chuyển qua đường Ca-na-đa thất bại, không tạo được việc làm giảm sự xâm lược của Bắc Việt Nam và Ca-na-đa muốn chuyển thông điệp trong bối cảnh đó" (M.Mác-1i-a: Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nhà xuất bản Thêm Me-tu-en Luân Đôn: 1982, tr. 131.)

Cũng trong thời gian có cuộc họp cấp cao Mỹ - Ca-na-đa tại Ốt-ta-oa, W.Xu-li-van và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pôn Ma-tin làm việc với ông Xi-bo-nơ. Ông được trao cho một đề cương những điều cần nói với Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Phạm Văn Đồng và được biết thêm rằng "người Mỹ không chỉ muốn Ca-na-đa chuyển một thông điệp mà còn muốn có một sự đánh giá về mặt tình báo khả năng chiến tranh của Bắc Việt Nam" (M.Mác-li-a: Sđd, tr. 132.)

Ông Xi-bo-nơ vui lòng nhận các điều kiện làm việc và khẩn trương thu xếp công việc để đi Việt Nam. Ông cần nhận thức rõ sứ mệnh của mình khi chính Tổng thống Johnson đã nói chuyện với ông trước khi ông lên đường để tỏ lòng tin cậy ông và nhấn mạnh hai nhiệm vụ chuyển thông điệp và nắm tình hình Bắc Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:24:12 pm
Đến Sài Gòn, ông nắm thêm tình hình qua tiếp xúc với các đồng sự Ấn Độ, Ba Lan, với đại sứ Hoa Kỳ và ông phấn khởi được Hà Nội trả lời là Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận tiếp ông. Ông đã được hai ngoại trưởng Đin Ra-xcơ và Ma-tin dặn dò. Ông lại được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trang bị cho một bản mười ba điểm chi tiết hoá các nhiệm vụ mà ông được giao, trong đó đặc biệt có điều bốn:

"Ông Xi-bo-nơ thông qua các lý lẽ, biện luận và quan sát thái độ của người Bắc Việt Nam để hình thành một sự đánh giá trạng thái tinh thần của Bắc Việt Nam.

Ông này rất nhạy bén về: 

a. Sự khác biệt liên quan đến sự chia rẽ về chiến tranh.

b. Thất vọng hoặc mỏi mệt về chiến tranh.

c. Dấu hiệu về việc Bắc Việt Nam muốn nói chuyện với phương Tây.

d. Dấu hiệu về phe phái trong Đảng và Chính phủ.

đ. Dấu hiệu về mẫu thuẫn giữa phái quân sự và phái chính trị.

Người ta còn yêu cầu ông khai thác bản chất và ưu thế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Việt Nam và đánh giá thực chất và ảnh hưởng của người Xô Viết.

Điều mười hai còn nói: “Ông có thể xem lại mối tương quan về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, Bắc Việt Nam và tài nguyên mà Trung cộng có thể sử dụng ở Đông Nam Á” (Xem G. C. Hia Rinh: Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam, tr. 22.)
Xi-bo-nơ cần vạch rõ qua kiểm tra xem có phải cụ Hồ Chí Minh tự đánh giá mình quá cao mà lao vào cuộc chiến hay Cụ cảm thấy rằng đồng minh Trung Quốc sẽ ủng hộ mình đến cùng. Chúng ta cần biết có phải quyết tâm hăng say hiện nay của Cụ là do áp lực của những phần tử thân Trung Quốc trong hàng ngũ Việt Nam hay do chính những tham vọng của Cụ thúc ép "Nhà báo Mác-li-a gọi nhiệm vụ của ông Xi-bo-nơ là một nhiệm vụ chủ yếu mang tính chất gián điệp" (M.Mác-li-a: Sđd, tr. 137-138.)

Oa-sinh-tơn ngoài cái gậy còn trao cho ông một củ "cà rốt":

Nếu Hà Nội chấm dứt chiến tranh, Hoà Kỳ sẽ:

Một: Hành động để nối lại buôn bán giữa Bắc và Nam Việt Nam "giúp vào việc thiếu lương thực của Bắc Việt Nam hiện nay”.

Hai: Viện trợ thực phẩm cho Bắc Việt hoặc bán cho Bắc Việt lấy tiền địa phương.

Ba : Bỏ sự kiểm soát của Hoa Kỳ đối với tích sản của Bắc Việt Nam và giảm kiểm soát của Hoa Kỳ trong buôn bán Hoa Kỳ - Bắc Việt Nam.

Bốn: Thừa nhận Bắc Việt Nam về ngoại giao và trao đổi đại diện ngoại giao.

Năm: rút quân đội Hoa Kỳ xuống còn ba trăm năm mươi cố vấn, số lượng khi ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ và được Hiệp nghị này cho phép.

Sáu: Sẽ cho phép Hà Nội rút bất kỳ nhân viên Việt Cộng nào muốn rời khỏi Nam Việt Nam... Chính phủ Nam Việt Nam sẽ ân xá cho các phiến quân thôi không chống lại quyền lực của Chính phủ (Xem. G.C.Hia Rinh: Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam, tr. 23. )


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:25:21 pm
Ông vững lòng lên đường ra Hà Nội và lúc này đây khi đang leo những bậc thềm đá cao của Phủ chủ tịch. Ông càng vững lòng, tuy không khỏi một chút phân vân về kết quả chuyến công cán.

Thượng tá Mai Lâm, Phó trưởng phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Uỷ ban Quốc tế, đón ông ở bậc cuối cùng với nụ cười hữu nghị. Hai người rẽ về bên phải tới phòng khách phía Tây, nơi Thủ tướng thường tiếp các đại sứ.

Ông Xi-bo-nơ hơi bối rối trước sự giản dị của phòng khách và nhất là trước sự khiêm tốn niềm nở của một nhà chính trị lớn, một nhà ngoại giao có tiếng luôn luôn biểu lộ một sắc thái phương Đông.

Sau những lời chúc mừng và thăm hỏi lễ tân, ông Xi-bo-nơ bày tỏ mềm vui mừng được thay mặt nước ông làm việc trong Uỷ ban Quốc tế vì hoà bình ở Đông Dương và khu vực. Ông nói những đóng góp của Ca-na-đa trong Uỷ ban Quốc tế và nêu những điều ông mới được biết về những khó khăn mà Uỷ ban Quốc tế nói chung, đoàn Ca-na-đa nói riêng, đang gặp phải trong lúc này và nói tiếp:

"Ca-na-đa luôn luôn quan tâm theo dõi sự phát triển ở vùng này và thấy rằng tình hình ngày càng nghiêm trọng, Ca-na-đa quan tâm đến hoà bình và mong muốn đóng góp cố gắng của mình theo hướng đó".

"Thưa Ngài Thủ tướng, Ngài biết quan hệ giữa Ca-na-đa và Hoa Kỳ là hữu nghị và rất chặt chẽ. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi hiểu một cách sâu sắc những suy nghĩ của Hoa Kỳ, rằng Tổng thống Johnson là con người của hoà bình. Ông ta muốn tránh một sự đụng độ giữa các cường quốc lớn nhưng cũng quyết tâm không để Đông Nam Á rơi vào sự kiểm soát của cộng sản thông qua các hoạt động lật đổ và chiến tranh du kích".

Đến đây ông dừng lại - một cái dừng lại đầy kịch tính - và xin phép chuyển một thông điệp của Chính phủ Hoa Kỳ cho Chính phủ Việt Nam. Ông lại dừng lại nhìn Thủ tướng - một cái dừng của người tình báo để dò xét. Về phía Thủ tướng, không một dấu hiệu nào phản đối hay khước từ. Ông Xi-bo-nơ đọc nốt bản đánh máy:

Một: Hoa Kỳ biết rõ là Hà Nội nắm quyền kiểm soát đối với Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam và đó là nguyên nhân gây ra tình hình nguy hiểm hiện nay trong khu vực này;

Hai: Hoa Kỳ có lợi ích phải chống đối lại một thắng lợi của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở miền Nam Việt Nam.

Ba: Hoa Kỳ quyết tâm kiềm chế Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong phạm vi lãnh thổ do Hiệp nghị Giơ-ne-vơ quy định;

Bốn: Hoa Kỳ bảo đảm với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là Hoa Kỳ không tìm cách lật đổ chế độ cộng sản ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hoặc đặt căn cứ quân sự ở Nam Việt Nam.

Năm: Tham vọng của Hoa Kỳ là có giới hạn nhưng sự kiên nhẫn của Hoa Kỳ đã trở nên hết sức mỏng manh;

Sáu: Nhiều nước cộng sản đã được lợi về kinh tế do có quan hệ chung sống hoà bình với Hoa Kỳ như Nam Tư...".

Ông Xi-bo-nơ nhấn mạnh rằng ông lo sợ một sự leo thang chiến tranh và nghĩ rằng điều đó chẳng có lợi cho ai "nếu Bắc Việt Nam bị tàn phá nặng nề”.

Cuối cùng, ông hỏi Hà Nội có thông điệp gì muốn chuyển cho Tổng thống Johnson.

Từ đầu, Thủ tướng chăm chú nghe ông Xi-bo-nơ trình bày, không một lần ngắt lời ông, cũng không lúc nào tỏ ra đồng tình hay chấp nhận những lời ông nói.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:26:06 pm
Khi nghe ông đại sứ hỏi thông điệp gì chuyển cho Tổng thống Hoà Kỳ không, Thủ tướng liền trả lời:

- Không! Không. Lúc này không!

Và nói tiếp:

- Chúng tôi vui mừng được thấy Ca-na-đa trong Uỷ ban Quốc tế. Chính phủ chúng tôi và bản thân tôi có quan hệ tốt, hợp tác với Uỷ ban Quốc tế cũng như với Ca-na-đa trong mười năm qua vì chúng tôi thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Nhưng người Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam, cản trở sự thống nhất đất nước Việt Nam. Họ đã thất bại trong chính sách phiêu lưu của họ nhưng hiện nay họ đang đẩy sự can thiệp đầy tội ác vô cùng nguy hiểm lên một bước mới, gây nên tình hình rất nghiêm trọng ở Đông Nam Á.

Chúng ta phải học tập để cùng tồn tại trong hoà bình, tìm ra một giải pháp cho vấn đề đã làm tổn hại chúng ta, nhưng đó phải là một giải pháp đúng đắn! Phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp nghị Giơ-ne-vơ! Người Mỹ phải rút đi! Phải để công việc của miền Nam Việt Nam cho người Việt Nam giải quyết! Việc này cần có sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, không có nhóm nào đại diện cho quyền lợi của quảng đại quần chúng miền Nam Việt Nam như Mặt trận Dân tộc Giải phóng!

Cần có một giải pháp đúng đắn cho vấn đề thống nhất nước Việt Nam. Chúng tôi muốn thống nhất đất nước một cách hoà bình, không có áp lực bên ngoài. Chúng tôi muốn có thương lượng quanh bàn hội nghị một cách thành thật, thoả mãn yêu cầu của nhau với sự thu xếp thuận lợi cho cả hai bên. Chúng tôi không vội vã. Chúng tôi muốn nói chuyện nhưng chúng tôi se chờ đợi cho đến khi miền Nam Việt Nam sẵn sàng.

Tôi thấy đó là điều khó chấp nhận đối với Hoa Kỳ. Tôi thấy rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ cho Chính phủ miền Nam Việt Nam. Họ có thể đưa thêm nhiều nhân viên quân sự nữa vào. Tôi rất đau lòng khi thấy chiến tranh sẽ tiếp diễn, mở rộng và tăng cường. Nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục chiến đấu và nhất định sẽ thắng!

Thủ tướng từ từ uống một ngụm nước chè rồi nói:

- Các ông phương Tây, các ông không thể hiểu, hoàn toàn không thể hiểu sức mạnh của một dân tộc khi họ đã quyết tâm đứng lên kháng chiến vì độc lập và tự do của Tổ Quốc. Cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam Việt Nam chúng tôi vượt xa mọi sự tưởng tượng. Họ làm cho cả chúng tôi phải ngạc nhiên.

Ông hãy nhìn lại tình hình miền Nam Việt Nam từ sau khi ám sát Diệm. Phong trào đấu tranh của nhân dân đã phát triển mạnh như một dòng thác lũ. Triển vọng cho Hoa Kỳ là không có lối ra, tăng cường quân sự cho Nguyễn Khánh sẽ chẳng giúp được gì. Nhân dân miền Nam Việt Nam đã quá rõ bộ mặt của chúng. Cần có một chính phủ liên hợp dân tộc. Chính phủ liên hợp dân tộc ở Lào là một ví dụ. Chúng tôi không có quân ở Lào nhưng Hoa Kỳ đã can thiệp vào. Hàng ngày máy bay Mỹ từ hướng Lào sang xâm phạm vùng trời chúng tôi. Những đơn vị biệt kích đã thâm nhập lãnh thổ chúng tôi để tiến hành phá hoại.

Thủ tướng nhấn mạnh:

- Nếu Hoa Kỳ tăng cường chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thì sẽ là một cuộc chiến đấu quyết liệt đến cùng. Hoa Kỳ không bao giờ giành được thắng lợi bất cứ trong tình huống nào.

Thủ tướng nhắc lời của nhà báo Mỹ Oan-tơ Líp-man: Mỹ chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Đại sứ Xi-bo-nơ hứa sẽ chuyển về Oa-sinh-tơn những điều nói trên.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:26:55 pm
Thủ tướng:

- Ông có thể không tin những điều tôi nói, nhưng tôi bảo đảm với ông những gì tôi nói đều xuất phát từ lòng chân thành và thẳng thắn.

Ông Xi-bo-nơ:

- Như Ngài vừa nói, có phải một điều kiện để lập lại hoà bình là trước hết miền Nam Việt Nam phải trung lập không?

- Không - Thủ tướng ngắt lời đại sứ - Tôi không nói đến vấn đề trung lập như là bước đầu tiên. Miền Nam Việt Nam trung lập bao nhiêu lâu là do nhân dân miền Nam quyết định. Tôi không dự đoán!

Ông Xi-bo-nơ:

- Mặt trận Dân tộc Giải phóng đại diện cho một lực lượng ở miền Nam Việt Nam nhưng không phải là tất cả và cũng không phải là đa số. Tôi hoan nghênh Mặt trận sẽ được tham gia vào một liên hiệp sẽ xuất hiện, nhưng tôi sợ rằng việc liên hiệp sẽ sớm mở đường cho Mặt trận tiếp quản Nam Việt Nam, điều đó đã xảy ra ở một vài nơi.

Thú tướng không trả lời câu này và có ý định chuyển câu chuyện sang hướng khác. Thủ tướng nói:

- Tôi vui mừng qua thông điệp của Hoa Kỳ thấy Hoa Kỳ không có ý định đánh chúng tôi.

Ông đại sứ nói ngay:

- Hoa Kỳ không muốn đưa chiến tranh ra Bắc Việt nhưng sẽ bị buộc phải làm việc đó nếu bị đẩy quá xa. Sự kiên nhẫn của Hoa Kỳ không phải là không có giới hạn.

Chậm rãi, Thủ tướng nói:

- Nếu chiến tranh bị đầy ra miền Bắc Việt Nam, miền Bắc sẽ chiến đấu. Chúng tôi có các bạn bè của chúng tôi. Ông biết đấy, chúng tôi là một nước xã hội chủ nghĩa, là một thành viên trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Nhân dân chúng tôi sẽ đứng lên tự vệ. Chúng tôi không có hành động gì đẩy Hoa Kỳ đi vào con đường đó, chúng tôi không khiêu khích Hoa Kỳ.

Đại sứ Xi-bo-nơ xin cáo từ. Thủ tướng nói thêm:

- Tôi chờ đợi có cuộc nói chuyện thêm nữa với ông đại sứ. Lần sau ông sẽ gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần này Người đi nghỉ. Người có gửi lời chào ông.

Chuyến công cán của ông Xi-bo-nơ tại Hà Nội theo yêu cầu của Oa-sinh-tơn đã hoàn thành, ông Xi-bo-nơ trở về ngay Sài Gòn. Tại đây, ông đã làm báo cáo gửi đồng thời cho Ốt-ta-oa và Oa-sinh-tơn.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:27:38 pm
Cuộc nói chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng được tường thuật rất đầy đủ.

Khi nói về Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Xi-bo- nơ viết:

"Ông Phạm Văn Đồng trong suốt câu chuyện đã cố gắng gây cảm giác thành thật, nhận thức tính nghiêm trọng của những điều chúng ta đã thảo luận, và không có gì tỏ ra hung hăng và hiếu chiến".

Khi nói về ý kiến của những người ông đã gặp ở Hà Nội. Ông viết:

"Không một người Việt Nam nào tôi đã gặp nói đến Liên Xô và Trung Quốc. Ông Đồng chỉ nói một cách gián tiếp rằng nước ông là thành viên của nhóm nước xã hội chủ nghĩa trong khuôn khổ khả năng Hoa Kỳ đưa chiến tranh ra miền Bắc".

"Người Pháp cho tôi biết rằng Bắc Việt Nam lo ngại về một sự chia rẽ hoàn toàn giữa Liên Xô và Trung Quốc làm cho họ rơi vào sự kiểm soát của Trung Quốc, điều mà họ hết sức chống lại càng lâu được chừng nào càng tốt".

Về sự chia rẽ trong nội bộ Bắc Việt Nam, Xi-bo-nơ nhấn mạnh tính ôn hoà trong lời nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông nói Cụ Hồ Chí Minh có uy tín vô cùng to lớn và được sùng bái như một vị á thánh, đứng trên mọi phe phái. Các đại diện không cộng sản ở Hà Nội chống lại ý kiến cho rằng có thể có phe có nhóm ở Hà Nội. Họ thấy lòng tự hào dân tộc rất cao trong các lời tuyên bố dứt khoát của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và trong lời kêu gọi tự lực tự cường của Hà Nội.

Về tình trạng có dấu hiệu mỏi mệt vì chiến tranh hay không, Xi-bo-nơ cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy dấu hiệu đó, và rõ ràng mọi người Việt Nam đều nhấn mạnh quyết tâm chiến đấu chừng nào còn cần thiết. Cũng không thấy người dân ở Bắc Việt buồn hay lo lắng như người Nam Việt Nam. Các sĩ quan Ca-na-đa trong tổ (của Uỷ ban Quốc tế ở địa phương) cũng không thấy một bằng chứng nào về sự bất bình trong nhân dân. (M.Mác-li-a: Sđd, tr 147-148.)

Chuyển được thông điệp của Nhà Trắng cho lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, biết được câu trả lời trước mắt của Hà Nội đối với thông điệp của Oa-sinh-tơn, nắm được tinh thần người dân Bắc Việt Nam trước nguy cơ chiến tranh lớn có thể xảy ra, có những tin tức đầu tiên về quan hệ của Bắc Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc, đó là những kết quả của chuyến công cán đầu tiên của đại sứ Xi-bo-nơ tại Hà Nội. Chuyến đi này được Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá cao, vì đây là người đầu tiên của Mỹ sau gần hai mươi năm được trực tiếp nói chuyện với những nhà lãnh đạo Hà Nội để tìm hiểu tình hình chiến lược theo yêu cầu của Mỹ.

Trong bản báo cáo gửi Ốt-ta-oa và Oa-sinh-tơn sau chuyến công cán đầu tiên tại Hà Nội, ông J.B.Xi-bo-nơ đã ngỏ ý muốn được tiếp tục nhiệm vụ liên lạc với Hà Nội và sẽ "hoan nghênh bình luận của Bộ Ngoại giao Ca-na-đa và của Oa-sinh-tơn về bất kỳ gợi ý nào cho cuộc nói chuyện lần sau”.

Nhưng trong chuyến máy bay riêng của Uỷ ban Quốc tế ra Hà Nội ngày 10 tháng 8 năm 1964, ông suy nghĩ và thấy sự việc chuyển biến quá nhanh. 

Ngày 2 tháng 8 năm 1964, tàu khu trục Ma-dốc của hải quân Hoa Kỳ bắn phá hải đảo Hòn Mê, Hòn Ngư của Bắc Việt Nam.

Ngày 4 tháng 8, hai tàu khu trục Ma-dốc và C. Tơ-nơ Giôi thuộc phân đội đặc nhiệm 72.1 bị tàu phóng ngư lôi của hải quân Bắc Việt Nam chặn đánh trong lãnh hải Việt Nam.

Ngày 5 tháng 8, máy bay Mỹ ném bom trả đũa vào các căn cứ hải quân Bắc Việt Nam.

Ngày 7 tháng 8. Quốc hội Mỹ. với tuyệt đại đa số phiếu (chỉ có hai phiếu chống), thông qua một nghị quyết về "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" cho phép Tổng thống "thi hành mọi biện pháp cần thiết bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang" để giúp đỡ thành viên nào hoặc các nước bảo vệ của tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ bảo vệ tự do.

Theo yêu cầu gấp rút của Mỹ, Xi-bo-nơ lại ra Hà Nội gặp các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:28:29 pm
Hà Nội nhộn nhịp chuẩn bị đi vào chiến đấu: đường phố bắt đầu có những ụ súng phòng không, những hố cá nhân, những hầm trú ẩn công cộng, nhà ga, bến xe chật ních phụ nữ, trẻ em đi sơ tán. Một không khí nghiêm trang nhưng không hốt hoảng. Tác động trực tiếp của tình hình mới đối với ông là lần này ông không được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp ngay như lần trước mà phải đợi đến ngày 13 tháng 8.

Khi ông tới Phủ chủ tịch, Thủ tướng đang đợi ông. Ông xin lỗi về sự chậm trễ do có báo động và đi ngay vào câu chuyện. Ông xin phép được chuyển tới Thủ tướng một thông điệp của Hoa Kỳ theo chỉ thị của Chính phủ Ca-na-đa. Thủ tướng im lặng, vẫn bình tĩnh, lịch sự.

Ông đại sứ đọc một bản viết:

Một: Bắc Việt Nam nói tàu chiến Mỹ bắn phá đảo Hòn Ngư và đảo Hòn Mê là không đúng. Sự thật tàu Ma-dốc không hề tấn công hai đảo đó, vì lúc sự việc xảy ra cũng như ngày hôm sau, nó ở cách xa đấy một trăm hải lý về phía Nam, gần vĩ tuyến 17. Cuộc tấn công của Bắc Việt ngày 2 tháng 8 Chính phủ Hoa Kỳ có thể chấp nhận được là do tính toán sai.

Hai: Nhưng lý do của cuộc tấn công của Bắc Việt đêm 4 tháng 8 vào hai tàu khu trục Mỹ thì không thể hiểu được. Chỉ có thể coi đó là một cuộc tấn công có tính toán trước. Cuộc công kích xảy ra một cách vô cớ cách bờ biển sáu mươi hải lý. Chỉ có thể coi đó là một mưu toan nhằm chứng minh rằng Mỹ là con hổ giấy hoặc khiêu khích Mỹ.

Ba: Hoa Kỳ đã trả lời bằng cuộc bắn phá tàu ngư lôi cùng căn cứ và thiết bị của nó. Đó là cuộc đánh trả hạn chế và thích đáng. Cíinh sách của Hoa Kỳ là yêu cầu Bắc Việt phải hạn chế tham vọng của mình ở Nam Việt Nam. Hoa Kỳ quyết tâm giúp Nam Việt Nam chống xâm lược và lật đổ. Hoa Kỳ không có ý định thiết lập các căn cứ quân sự ở miền Nam hoặc lật đổ Chính phủ Hà Nội.

Bốn: Hoa Kỳ biết rõ Hà Nội đang lãnh đạo du kích ở miền Nam và phải chịu trách nhiệm về việc đó. Hà Nội cũng kiểm soát cả Pa thét Lào và can thiệp vào Lào.

Năm: Hoa Kỳ duy trì quan hệ bình thường và có nhiều kết quả với một số nước xã hội chủ nghĩa. Các nước đó được lợi về mặt kinh tế do có quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ.

Sáu: Sau những sự kiện xảy ra. Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua quyết định hầu như nhất trí tán thành các biện pháp của Chính phủ Hoa Kỳ. Điều đó chứng tỏ Chính phủ và nhân dân Mỹ kiên quyết chống lại các cố gắng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhằm lật đổ Chính phủ Nam Việt Nam và Chính phủ Lào. Hoa Kỳ cho rằng vai trò của Bắc Việt Nam ở Nam Việt Nam và Lào đã làm cho tình hình trở nên nguy kịch".

Theo cách ông đọc thì hình như thông điệp đó đến đây là hết. Nhưng sau này, khi các tài liệu của Lầu Năm Góc được công bố, người ta mới biết là ông ta, không hiểu vì sao, đã không đọc một đoạn nữa như sau:

“Nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp tục đường lối hiện nay thì họ có thể tiếp tục phải chịu những hậu quả. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cần biết mình phải làm gì nếu muốn hoà bình được lập lại" (Tài liệu Lầu Năm Góc, thời báo Niu Yoóc xuất bản, 1971, tr 289.)


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:29:15 pm
Ông Xi-bo-nơ chờ đợi, mắt chợt thấy các cửa kính của phòng khách đều có dán những mảnh giấy cắt để đề phòng bom nổ gần. Thủ tướng không để ông chờ lâu:

"Tôi rất tiếc đã tiếp ông vì những lời ông nói không đáng nghe. Tôi tiếp ông là tiếp một đại sứ trong Uỷ ban Quốc tế chứ không phải để nghe và trả lời những luận điệu giả dối và bịa đặt. Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quan hệ hết sức tốt với Uỷ ban Quốc tế. Tình hình đang nguy kịch, đáng lẽ phải cộng tác với nhau để làm được một cái gì. Uỷ ban Quốc tế và mỗi thành viên của nó cần giúp sức vào việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, duy trì hoà bình. Hoà bình đang bị đe doạ. Mỹ có hành động xâm lược đối với miền Bắc là điều nhất định sẽ xảy ra. Các chính khách Mỹ đã nhiều lần tuyên bố mở rộng chiến tranh ra miền Bắc để gỡ thế bí ở miền Nam. Đó là nguyên nhân của cuộc tấn công ngày 5 tháng 8. Cuộc bầu cử (ở Hoa Kỳ) là lý do thứ hai. Johnson phải tỏ ra cao giọng hơn đối thủ của mình. Và lý do nữa: Hoa Kỳ muốn quốc tế hoá chiến tranh".

Một phút dừng. Thủ tướng nói tiếp:

"Tương lai sẽ ra sao?".

Rồi nói ngay:

"Nguyên nhân dẫn đến cuộc tấn công ngày 5 tháng 8 vẫn còn nguyên, do đó Chính phủ Mỹ sẽ có những hành động xâm lược mới. Tình hình đã rất nguy hiểm".

"Chủ trương của chúng tôi là làm mọi việc để cố duy trì hoà bình nhưng Hoa Kỳ đã không tán thành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, can thiệp và xâm lược miền Nam. Đến nay sa lầy vào thế bí, không có lối thoát, lại muốn mở rộng chiến tranh ra miền Bắc để gỡ thế bí đó. Đó là một tính toán sai lầm. Chúng tôi muốn duy trì hoà bình ở miền Bắc, bây giờ việc đó trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nếu Mỹ gây chiến tranh, chúng tôi buộc phải tự vệ Chiến tranh có thể xảy ra. Cuộc chiến đấu của chúng tôi là yêu nước. Cả thế giới ủng hộ chúng tôi...".

Với giọng nghiêm nghị. Thủ tướng nói tiếp:

“Khác với Triều Tiên là một bán đảo khuất nẻo, nếu chiến tranh lan ra miền Bắc Việt Nam, có thể sẽ lan ra cả vùng Đông Nam Á. Nếu Mỹ gây chiến, Mỹ sẽ thất bại to lớn, không có kết quả nào khác".

"Với ông, một đại biểu trong Uỷ ban Quốc tế, yêu cầu ông tìm cách ngăn ngừa không để xảy ra những sự kiện nghiêm trọng hơn. Tình hình đã quá nghiêm trọng rồi. Uỷ ban Quốc tế có nhiệm vụ ổn định tình hình để đi đến một giải pháp, giải pháp đó là trở lại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Tổng thống Đờ Gôn cũng cho rằng giải pháp cho vấn đề Việt Nam là Hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Uỷ ban Quốc tế có vai trò quan trọng, cần chuẩn bị cho vai trò đó không phải bằng cách đi theo lập trường của Hoa Kỳ mà theo lập trường của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ".



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:30:07 pm
Thấy Thủ tướng dứt lời, đại sứ Xi-bo-nơ nói ngay:

"Tôi xin lỗi phải làm nhiệm vụ theo chỉ thị của Chính phủ tôi. Vai trò trung gian là vai trò nhiều khi bạc bẽo vì phải nói những điều khó lọt tai người nghe, nhưng đã là người lính thì phải làm đúng chỉ thị. Thưa Thủ tướng không nên bắn vào người đưa thư!".

"Trong những sự kiện đã xảy ra cũng có những chi tiết khó tin nhưng điều quan trọng là tìm ra được cách không để tình hình nguy hiểm tái diễn. Có một điều tôi tin là Hoa Kỳ không muốn đầu độc bầu không khí, không để xảy ra chiến tranh thế giới và cũng không phải là điên rồ".

Về cuộc công cán thứ hai, đại sứ Xi-bo-nơ nhận xét: "Tôi dè dặt mà nói rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước những tuyên bố công khai (của Mỹ) và các cuộc vận động bằng các công hàm mà tôi đã chuyển, đã không bị thuyết phục..." phải từ bỏ quyết tâm trong việc theo đuổi đường lối của họ.

Sau này, khi cục diện chiến tranh đã thay đổi thuận lợi rõ ràng cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ông còn nói:

"Sau chuyến công cán thứ hai sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ - một sự kiện lạ lùng - Hà Nội tin một cách chính đáng rằng họ không cần phải nhượng bộ. Hà Nội có lý do để tỏ ra không mềm dẻo. Họ hoàn toàn tin chắc rằng nếu họ giữ thái độ cứng rắn càng lâu bao nhiêu thì họ sẽ tạo ra được những khả năng mà họ mong muốn và lịch sử đã chửng minh rằng họ đúng" (M.Mác-li-a: Sđd, tr. 162.)

Trong một bị vong lục về chuyến công cán thứ hai của ông Xi-bo-nơ tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã viết: "Đây là thời cơ thứ hai bị bỏ lỡ. Nội dung thương lượng của chuyến công cán đã bị cản trở hoàn toàn do thời điểm sắp xếp nó và do việc tập trung vào các sự kiện mới xảy ra trước đó hơn là vào các vấn đề rộng rãi đã được đề cập đến một cách xa xôi trong cuộc gặp gỡ tháng 6" (M.Mác-li-a: Sđd, tr. 162-163. Xem thêm: Gioóc-giơ C.Hia Rinh: Sđd Công cán của Xi-bo-nơ tại Hà Nội. Từ trang 4 đến trang 44.).

Về phần mình, Tổng thống L. B.Jolmson cho rằng hai chuyến công cán của đại sứ Xi-bo-nơ là những gợi ý hoà bình đầu tiên của mình và ông đã yêu cầu ông Xi-bo-nơ thăm dò "cơ hội hoà bình". Sau chuyến công cán thứ hai. Ông viết trong hồi ký "Cuộc đời Tổng thống của tôi":

"Hà Nội không quan tâm gì đến một giải pháp hoà bình hay một sự thoả hiệp nào. Họ đã đóng sầm cánh cửa đối với đề nghị hoà bình của Hoa Kỳ. Và sau chuyến công cán tháng 8 của ông Xi-bo-nơ, họ càng đóng cánh cửa một cách gay gắt hơn" (L.B.Giôn-sơn: Cuộc đời Tổng thống của tôi, tiếng Pháp, Nhà xuất bản Buy-sét Sa-xten, Paris, 1972, tr. 91.).

Bộ Ngoại giao Mỹ nói đúng khi cho rằng Oa-sinh-tơn đã bỏ lỡ một thời cơ thương lượng, nhưng đã nói không đúng khi cho rằng nguyên nhân thất bại của chuyến công cán tháng 8 của đại sứ Xi-bo-nơ là thời điểm, nghĩa là sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, vì đó là bằng chứng không thể chối cãi rằng sự kiện đó là nhằm chuẩn bị dư luận cho việc mở rộng và tăng cường chiến tranh.

Nhận xét của Tổng thống Johnson hoàn toàn không đúng sự thật, vì cái gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã được xác minh là một sự kiện được dựng lên, một sự dối trá, nhiệm vụ giao cho đại sứ Xi-bo-nơ tại Hà Nội sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ và cuộc ném bom ngày 5 tháng 8 thực chất chỉ là sự hăm doạ tăng cường chiến tranh, không thể gọi là một gợi ý hoà bình. Chính bom Mỹ đã bịt cánh cửa thương lượng với Hà Nội.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 08 Tháng Mười Một, 2009, 05:41:52 pm
CHƯƠNG BA
KẾ HOẠCH CHIẾN TRANH CỦA MỘT ỨNG CỬ VIÊN HOÀ BÌNH

Trên đường từ Đa-lát trở về Oa-sinh-tơn, Tổng thống mới L. B.Johnson, như ông đã viết trong hồi ký, tâm niệm một điều: "Tôi nguyện dành mỗi ngày, mỗi giờ của nhiệm kỳ dở của Giôn Ken-nơ-đi để đạt những mục tiêu mà ông đã đề ra".

Ngày 25 tháng 11 năm 1963, trước Quốc hội và cũng như trước nhân dân Mỹ, ông đã thề: "Chúng ta sẽ giữ những cam kết của chúng ta từ Nam Việt Nam đến Tây Bá Linh’ (L.B.Giôn-xơn: Sđd, tr. 39.). Đây là quyết định quan trọng đầu tiên của ông về Việt Nam.

Ông Johnson lên làm Tổng thống trong những điều kiện bi thảm của nước Mỹ, sau buổi lễ tuyên thệ giản dị nhất, ngắn nhất trước vị thẩm phán của Đa-lát, bà Xa-ra Hi-u-gơ.

Sang năm 1964 là năm bầu cử Tổng thống. Với tầm vóc của nó, Hoa Kỳ có hàng loạt vấn đề ở ngay trong nước và khắp nơi trên thế giới, nhưng đối với ông Johnson, vấn đề cấp bách là trúng cử Tổng thống mà vẫn tiếp tục can thiệp quân sự vào Việt Nam.

Khi đó tình hình Nam Việt Nam đang trong một giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng: về quân sự, chiến tranh đặc biệt đã thất bại; về chính trị, chế độ Sài Gòn sau khi Ngô Đình Diệm bị sát hại đang bị các cuộc đảo chính và tranh giành quyền lực làm rung chuyển đến tận gốc có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Các nhân vật chính trị, quân sự Mỹ ở Sài Gòn đều yêu cầu gây sức ép quân sự ngay với Bắc Việt Nam, nhằm buộc Bắc Việt Nam chấm dứt viện trợ cho Việt cộng ở miền Nam Việt Nam.

Sau cuộc viếng thăm miền Nam Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 12 năm 1963, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Macnamara báo cáo: "Xu hướng hiện nay, trừ trường hợp đảo ngược tình hình trong hai ba tháng tới tốt nhất sẽ dẫn tới một sự trung lập hoá (miền Nam Việt Nam) và chắc chắn hơn là tới sự kiểm soát tình hình mới bởi những người cộng sản" (L.B.Giôn-xơn: Sđd, tr. 86.)

Từ tháng 6 năm 1965, Uỷ ban đối ngoại của Thượng nghị viện Mỹ bắt đầu nghe các cuộc điều trần Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ một nghị quyết đã được đa số áp đảo của Thượng, Hạ nghị viện biểu quyết và người đặt vấn đề nghi ngờ tính chân thật của bản nghị quyết đó là thượng nghị sĩ bang A-can-sát Uy-li-am Phun-brai, người đã giới thiệu nghị quyết đó với Thượng nghị viện hơn mười tháng trước.

Những nhân vật chủ yếu đã lần lượt ra điều trần trước Uỷ ban, kể cả Ngoại trưởng Đin Ra-xcơ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Macnamara và được các hệ thống truyền hình đưa tin rộng rãi.

Cuối cùng người ta được biết là các tàu khu trục Mỹ đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, không có bằng chứng nào về việc tàu chiến Bắc Việt đã bắn vào tàu chiến Mỹ và dự thảo Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ đã được chuẩn bị từ rất lâu trước khi xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Giá trị của Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ đã bị phá sản.

Nhưng vào thời điểm tháng 8 năm 1964 khi dựng lên việc các tàu khu trục Mỹ bị tàu chiến Bắc Việt tấn công trong vùng biển quốc tế ở Vịnh Bắc Bộ để có cớ đánh trả đũa các căn cứ hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở sông Gianh, Cửa Hội, Lạch Trường và Bãi Cháy, nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ có ý nghĩa rất lớn đối với bản thân ông Johnson. Chính Jolmson đã nói: ra lệnh ném bom trả đũa sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ và tranh thủ một nghị quyết ủng hộ chính sách Đông Nam Á của Nhà Trắng là quyết định quan trọng thứ hai của ông trong vấn đề Việt Nam.

Ông coi sự kiện Vịnh Bắc Bộ là sự thách thức đối với nước Mỹ cũng như sự thách thức ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Béc-lin, Triều Tiên, Li Băng và Cu Ba, nhưng lại hạn chế sự trả đũa bằng một cuộc ném bom. Với tất cả những ai định khuyến khích hay mở rộng sự xâm lược, ông nói: "Người ta không thể đạt tới hoà bình bằng xâm lược, sự trả đũa không có miễn dịch" để tỏ ra là con người không hiếu chiến.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 08 Tháng Mười Một, 2009, 05:42:33 pm
Với Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ, ông được Quốc hội cho phép sử dụng sức mạnh vũ trang ở Đông Nam Á. Trước đây, Tổng thống Tru-man khi tiến hành chiến tranh Triều Tiên (1950) đã không yêu cầu Quốc hội ủng hộ nên về sau gặp khó khăn. Rút kinh nghiệm sai lầm của Tru-man, Tổng thống Johnson lần này quyết tâm tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội trong chính sách đối ngoại cũng như đối nội. Với Nghị quyết của Quốc hội về Vịnh Bắc Bộ, ông ta đã giành được quyền chủ động tăng cường can thiệp vũ trang vào Việt Nam.

Tuy được quyền như thế, Johnson luôn luôn tỏ ra biết kiềm chế trong việc lựa chọn mức độ trả đũa Bắc Việt Nam.

Trong Đại hội Đảng dân chủ ở At-lan-tic Xi-ty, Johnson được chỉ định làm ứng cử viên Tổng thống liên danh với He-bơ Hăm-phrây. Cuộc vận động bầu cử của Johnson có thể có hai trọng tâm trúng vào lòng mong mỏi của đại đa số nhân dân Mỹ lúc bấy giờ.

Về Việt Nam, ông nói rằng mục tiêu duy nhất của ông là hoà bình ở Việt Nam và tự do của nhân dân ở đó, miền Nam Việt Nam có nguy cơ bị chủ nghĩa cộng sản đánh bại, nên Mỹ phải giúp đỡ đồng minh, nước Mỹ sẽ không để con em mình đi chết thay cho con em châu Á.

Về các vấn đề đối nội, ông tỏ ra quan tâm hơn: chương trình xây dựng "xã hội vĩ đại" nhằm động viên cả nước vào cuộc chiến tranh chống nghèo nàn, bảo đảm điều kiện học tập cho trẻ em, thuốc men cho người già, giữ nguồn nước uống và không khí trong lành, xây dựng nhà ở.

Những ý định của Johnson đã đem lại cho ông ta cái tiếng là vị Tổng thống của giáo dục và y tế. Chính Johnson đã vạch ra sự khác nhau giữa ông và Ba-ry Gôn-oa-tơ, Thượng nghị sĩ bang A-ri-giông-na, ứng cứ viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà:

“Gôn-oa-tơ yêu cầu cử tri uỷ nhiệm cho mình thủ tiêu bảo hiểm xã hội, tôi yêu cầu họ uỷ quyền cho tôi mở rộng bảo hiểm xã hội theo luật chăm sóc y tế. Gôn-oa-tơ kêu gọi trở lại chính sách "Hãy tự giúp mình thì trời sẽ giúp" đối với người nghèo, tôi kêu gọi có một chương trình của Chính phủ rộng hơn để xoá bỏ nghèo nàn. Gôn-oa-tơ yêu cầu tăng thêm quyền hạn cho các bang, tôi yêu cầu có sự bảo hộ lớn hơn của liên bang đối với các quyền công dân. Gôn-oa-tơ tán thành một nền kinh tế có thể nói không có ràng buộc, tôi chủ trương những chính sách thuế khoá và tiền tệ độc đáo có khả năng thủ tiêu tình trạng những thời kỳ bột phát và suy thoái xen kẽ nhau” (L. B. Giôn -xơn : Sđd, tr. 134. )

Cuộc vận động tranh cử đã làm nổi Johnson như là một ứng cử viên hoà bình, Ba-ry Gôn-oa-tơ như là một ứng cử viên chiến tranh.
Ngày 3 tháng 11 năm 1964, liên danh Johnson - Hăm-phrây đã giành được sáu mươi mốt phần trăm số phiếu bầu và bốn trăm tám mươi sáu phiếu đại cử tri. Đa số phiếu bầu đó không chỉ bù lại sự thất bại của Đảng Dân chủ năm 1956 mà còn là đa số phiếu bầu lớn nhất trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ.

Danh nghĩa ứng cử viên hoà bình cần đối với Johnson tới mức ông ta quyết định không trả đũa việc sân bay quân sự Biên Hoà bị pháo kích ngày 1 tháng 11 năm 1964. Nếu theo lập luận của ông ta thì đây cũng là một sự thách thức nước Mỹ, một sự thách thức thật sự không như sự kiện Vịnh Bắc Bộ, đã làm chết bốn người Mỹ, phá huỷ sáu máy bay B.57. Nhưng ông ta đã nhắm mắt bỏ qua, vì sự kiện đó chỉ cách ngày bầu cử Tổng thống có hai ngày.

Ngay sau khi lên thay Giôn Ken-nơ-đi và trong suốt cuộc vận động tranh cử năm 1964, Johnson, với những thủ đoạn khôn khéo sở trường, vẫn không ngừng gây sức ép quân sự với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và tích cực chuẩn bị kế hoạch mở rộng chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 26 tháng 11 năm 1963, nghĩa là bốn ngày sau khi nhậm chức Tổng thống, Johnson họp với các cố vấn và chỉ thị rằng việc vạch kế hoạch về Việt Nam cần phải bao gồm nhiều mức độ tăng cường hoạt động và trong mỗi trường hợp cần đánh giá một số yếu tố như khả năng gây thiệt hại cho miền Bắc Việt Nam, khả năng Bắc Việt Nam trả đũa lại và các phản ứng quốc tế khác. Trong phiên họp này cũng đề ra việc vạch một kế hoạch tiến hành những hoạt động quân sự ở Lào cùng với những kế hoạch chính trị nhằm thu hẹp phản ứng quốc tế đối với một hành động như thế.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 08 Tháng Mười Một, 2009, 05:43:30 pm
Tháng 2 năm 1964, Johnson thông qua một kế hoạch bí mật gồm ba phần: Kế hoạch hành quân 34-A (OPLAN 34-A) nhằm do thám Việt Nam bằng máy bay U.2, bắt cóc công dân Bắc Việt Nam để thu thập tin tức, dùng các đội nhảy dù phá hoại miền Bắc Việt Nam, tiến công Bắc Việt Nam từ biển bằng biệt kích; kế hoạch tiến công Lào bằng máy bay của hãng Hàng không Mỹ do CIA điều khiển; kế hoạch DESOTO cho tàu khu trục vào Vịnh Bắc Bộ để thu thập tin tức, yểm trợ hoạt động của hải quân Sài Gòn và phô trương lực lượng.

Tháng 3, W.Rô-xtốp trình Tổng thống một cơ cấu lý thuyết về leo thang đối với miền Bắc Việt Nam.

Tháng 6, các cố vấn chủ chốt của Nhà Trắng họp tại Hô-nô-lu-lu để bàn kế hoạch ba mươi ngày mới của Tổng thống, bao gồm một loạt các biện pháp quân sự, chính trị thực hiệu trong vòng ba mươi ngày nhằm gây sức ép với miền Bắc Việt Nam. Trong cuộc họp này, danh sách chín mươi tư mục tiêu ném bom ở Bắc Việt Nam đã được thông qua.

Cuối tháng 7, Tổng thống quyết định tăng thêm năm nghìn nhân viên quân sự cho miền Nam Việt Nam.

Ngày 7 tháng 8, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ.

Ngày 10 tháng 9, Johnson cho phép tàu hải quân trở lại Vịnh Bắc Bộ, máy bay làm nhiệm vụ ở Lào và chỉ thị cho Sài Gòn xúc tiến các cuộc tiến công biệt kích theo kế hoạch 34-A.

Ngày 27 tháng 11, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thông qua kế hoạch hai bước: bước một tăng cường các hoạt động chiến tranh bí mật (tiến công bờ biển, tiến công bằng không quân ở Lào mở nhiều cuộc tiến công trả đũa vào Bắc Việt Nam); bước hai là bắt đầu chiến tranh không quân ở miền Bắc Việt Nam.

Trong cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 1 tháng 12, có mặt Đin Ra-xcơ, Macnamara, đại sứ Mác-xoen Tây- lo, Johnson đã thông qua bước một kế hoạch của Hội đồng An ninh Quốc gia, với việc ném bom ở Lào, gọi là cuộc hành quân Ba-ren Rôn; chuẩn y trên nguyên tắc bước hai của kế hoạch của Uy-li-am Bân-đi (ném bom siết dần ở "vùng cán xoong" Lào, tiến dần từng giai đoạn vào Bắc Việt Nam).

Ngày 14 tháng 12, cuộc hành quân Ba-ren Rôn bắt đầu.

Trong thông điệp đọc trước Quốc hội ngày 20 tháng 1 năm 1965, điều làm người ta ngạc nhiên là Johnson hoàn toàn làm ngơ vấn đề Việt Nam và chỉ nói một cách mơ hồ: "Chúng ta không mong cái gì thuộc về người khác. Chúng ta không tìm cách thống trị đối với con người nhưng tìm sự thống trị của con người với chuyên chế và nghèo nàn" (Giô-dép A.Am-tơ. Lời phán quyết về Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hà Nội, 1985 tr. 129.)

Ai cũng hiểu tình hình Việt Nam rất khẩn trương đòi hỏi ngay một sự lựa chọn của Oa-sinh-tơn. Kế hoạch chiến tranh đã được thông qua nhưng còn phải tạo những điều kiện chính trị để thực hiện. Tổng thống Johnson làm bộ như bỏ qua vấn đề Việt Nam trong thông điệp chính sách là lúc đang phải giải quyết những vấn đề liên quan tới các điều kiện đó.

Có ba vấn đề đặt ra với Johnson:

- Phải đạt tới sự nhất trí về chính sách ngay trong đội ngũ cố vấn thân cận của Tổng thống.

- Phải ổn định và kiểm soát được tình hình miền Nam Việt Nam. 

- Phải làm yên lòng nhân dân Mỹ, đồng minh của Mỹ và nhân dân thế giới về chính sách tăng cường chiến tranh ở Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 08 Tháng Mười Một, 2009, 05:44:04 pm
Bộ phận tham mưu của Johnson gồm hầu hết là những người ủng hộ chính sách của ông về Việt Nam. Phó tổng thống H.Hăm-phrây chấp nhận mọi quyết định của Tổng thống; W.Rô-xtốp, là người đã đề ra kế hoạch leo thang ném bom miền Bắc Việt Nam và do đó trở thành con người được Tổng thống tín nhiệm. G.Bân-đi lúc đầu không hoàn toàn tin rằng ném bom miền Bắc Việt Nam là cần thiết, nhưng sau chuyến đi công cán ở miền Nam Việt Nam về ông thấy tận mắt Việt cộng bắn súng cối vào trại lính Mỹ ở Plây-cu. Ông thấy cần phải gây ức ép liên tục với Hà Nội. Đin Ra-xcơ trước sau vẫn là con người đáng tin cậy của Tổng thống trên cương vị ngoại trưởng.

Tuy vậy, có một số người khác không tin rằng ném bom miền Bắc Việt Nam sẽ đem lại thắng lợi và họ lần lượt rời khỏi chức vụ của mình, trong đó có Rô-gơ Hin-xman, A-vơ-ren Ha-ri-man, Mai-cơn Pho-re-xtơn v..v. Chỉ có Gioóc-giơ-bôn, Thứ trưởng Ngoại giao, không tin ở thuyết Đô-mi-nô và chống lại việc ném bom miền Bắc Việt Nam. Tuy vậy, ông ta vẫn còn ở lại, mặc dầu ý kiến của ông chống leo thang không được Tổng thống hay Ngoại trưởng chú ý.

Một thời gian ngắn sau khi nhậm chức Tổng thống, Johnson có thể yên tâm với một đội ngũ những cộng sự tin cậy.

Vấn đề ổn định ê-kíp lãnh đạo chính quyền Sài Gòn thì không đơn giản. Cái khó là tìm được những người có khả năng mà Mỹ tin tưởng được. Cái dễ là hầu hết những nhân vật của chế độ Sài Gòn đều do Mỹ dựng lên và sống nhờ viện trợ Mỹ.

Từ cuối năm 1963 đến đầu năm 1965, thời điểm chính thức đẩy mạnh chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam tình hình chính trị ở Sài Gòn trải qua nhiều biến động. Ngày 30 tháng 1 năm 1964, tướng Nguyễn Khánh làm đảo chính gạt tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Hương được đưa lên làm Thủ tướng thay Nguyễn Khánh, Phan Khắc Sửu làm quốc trưởng, Khánh chỉ còn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng tướng lĩnh.
Hương đưa bốn tướng lên để làm chỗ dựa mà không hỏi ý kiến Khánh. Khánh phản đối và cuối cùng Hương phải rời chức Thủ tướng. Khánh chọn Phan Huy Quát để thay Hương, nhưng Quát lại không được lòng Oa-sinh-tơn vì ông ta có xu hướng thương lượng để kết thúc chiến tranh.

Ngày 19 tháng 2 năm 1965, Oa-sinh-tơn đưa hai tướng trẻ Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ lên lãnh đạo chính quyền Sài Gòn và từ đó cho đến tháng 4 năm 1975, Oa-sinh-tơn có một chính quyền có thể kiểm soát được. Đó là sự kiện rất quan trọng để Johnson triển khai kế hoạch chiến tranh của mình.

Nhưng việc làm yên lòng nhân dân Mỹ tuỳ thuộc vào nhận thức của họ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Những cuộc ném bom trả đũa sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ theo một màn kịch bản lừa gạt thật sự đã không gây phản ứng đáng kể trong công chúng Mỹ. Thậm chí, trong cuộc tuyển cử năm 1964, Johnson đã giành thắng lợi vang dội. Điều đó chứng tỏ nhân dân Mỹ tin tưởng ở ứng cử viên hoà bình của mình biết bao.

Ngay cả đối với các cuộc ném bom Bắc Việt Nam đầu năm 1965, cũng có ít hoặc không có sự chỉ trích nào của nhân dân Mỹ. Khi cuộc chiến tranh bằng không quân bắt đầu đối với Bắc Việt Nam và những đơn vị lính Mỹ đầu tiên đổ bộ lên miền Nam Việt Nam, vì bị lừa gạt như vậy nên nhiều người Mỹ không còn ủng hộ nữa. Một số cuộc biểu tình nhỏ ở nơi này nơi kia hồi tháng 3, tháng 4 không gây được tiếng vang lớn. Sự phản đối phát triển thành một phong trào toàn quốc là chuyện sau này. Nhưng người ta có thể coi như bước đầu phát động chiến tranh của Johnson tháng 2 năm 1965 là thuận lợi dưới con mắt của nhân dân Mỹ.

Tác động của mọi hành động chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đối với tình hình quốc tế là vấn đề mà Tổng thống L.B. Johnson và bộ tham mưu của ông phải mất nhiều thì giờ để nghiên cứu và đối phó.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 08 Tháng Mười Một, 2009, 05:44:46 pm
Ngay từ năm 1963, sự thất bại của cuộc chiến tranh đặc biệt ở miền Nam Việt Nam đã làm cho giới chính trị và báo chí nghi ngờ sự cần thiết Mỹ phải can thiệp sâu vào công việc nội bộ của người Việt Nam và bình luận nhiều về giải pháp mà Nhà Trắng sẽ phải lựa chọn để thoát khỏi sự bế tắc. Mỹ sẽ dùng những phương tiện lớn để ở lại miền Nam Việt Nam với bất cứ giá nào, hoặc Mỹ sẽ rút lui?

Những tin tức đầu tiên về việc mở rộng chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đã tới tai các nhà báo: từ Mỹ đến châu Âu và các nơi khác, dư luận đã tỏ ra lo ngại trước nguy cơ Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam. Chính sách đối ngoại của Oa-sinh-tơn tập trung biện minh cho việc ném bom Bắc Việt Nam hồi đầu tháng 8 năm 1964, nêu rõ quyết tâm của Mỹ là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, giúp đồng minh Việt Nam giữ tự do của mình, để cho cộng đồng quốc tế và đồng minh của Mỹ (từ khối SEATO, khối ANZUS đến khối NATO), nếu không ủng hộ thì cũng làm ngơ trước các sáng kiến quân sự, chính trị của Mỹ.

Với những lập luận khéo léo, những chứng cứ giả tạo và sự tự kiềm chế trong ném bom, cả năm 1964 công khai chỉ có trận ném bom Bắc Việt Nam ngày 5 tháng 8 và cũng chỉ nhằm một số mục tiêu quân sự hạn chế, trong buổi đầu Johnson nhìn chung đã đạt được mục tiêu ấy.

Nhưng ngay từ khi quyết định ném bom ngày 5 tháng 8, ông ta đã lo lắng đến phản ứng của Liên Xô và Trung Quốc. Nếu mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ dè chừng phải đụng đầu với Trung Quốc, có khi với cả Liên Xô, hoặc ít nhất cũng sẽ làm cho Liên Xô, Trung Quốc hoà hợp với nhau.

Trước khi xuất hiện trêu đài truyền hình để thông báo cho nhân dân Mỹ biết tin máy bay đã lên đường ném bom trả đũa Bắc Việt Nam, Johnson có hai ý nghĩ: phải chọn giờ báo tin thế nào để Bắc Việt Nam không hiểu lầm.

"Chúng ta biết rằng khi các máy bay của chúng ta còn đang bay, ra-đa của Trung cộng cũng như của Hà Nội đã phát hiện được rồi. Tôi không muốn các nhà lãnh đạo Bắc Kinh ngộ nhận lý cho tại sao máy bay của ta lại bay trên Vịnh Bắc Bộ. Cần làm cho họ hiểu rằng đây là những hành động trả đũa Bắc Việt Nam, và chỉ Bắc Việt Nam thôi. Chứ không phải đối với Trung Hoa nhân dân và mục tiêu của chúng ta là hạn chế... " (L. B. Giôn-xơn: sđd, tr 151.).

Sự lo sợ đụng chạm với Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh trên bộ là kết luận mà tướng Mac Ác-tơ đã rút ra sau cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm 50 mà cho đến nay vẫn còn ám ảnh các nhà lãnh đạo Mỹ. Trước nguy cơ hiển nhiên một sự thất bại ở miền Nam Việt Nam, các cố vấn diều hâu cho rằng cần có hành động ngay, và có người lập luận rằng "Trung cộng chỉ nhảy vào cuộc chiến tranh nếu miền Bắc Việt Nam bị xâm lược, hay khi Chính phủ Hà Nội có nguy cơ bị lật đổ".

Sau trận ném bom đầu tháng 8 vào một số mục tiêu của Bắc Việt Nam, Johnson vẫn còn phải cân nhắc hai ẩn số: Liên Xô và Trung Quốc, nhất là Trung Quốc trước khi có quyết định lớn.

Các nhà chiến lược Mỹ đã từng tính đến khả năng Trung Quốc đưa ba mươi mốt sư đoàn xuống Đông Nam Á và trong trường hợp đó, Mỹ sẽ dùng từ năm đến bảy sư đoàn Mỹ là đủ để đối phó với tình hình, kể cả việc chiếm đóng Bắc Việt Nam. Nhưng trước sau Mỹ vẫn không muốn có sự đụng độ như vậy với "biển người" Trung Quốc. Tổng thống Johnson muốn có một thông tin có thể tin cậy được của Bắc Kinh nếu như Mỹ tiến hành leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Chủ tịch Mao Trạch Đông từ những ngày chưa giành được chính quyền đã có nhiều dịp gặp gỡ người Mỹ  như nhà báo Et-ga Nâu, Giôn-xơ-vi-xơ, cố vấn chính trị của viên tư lệnh quân đội Mỹ ở mặt trận Trung - Miến - Ấn, đồng thời là bí thư thứ hai của đại sứ quán Mỹ tại Trùng Khánh. Ha-ri-xơn Pho-man... lần nào Chủ tịch Mao cũng đều nói rằng lợi ích của Trung Quốc và Mỹ giống nhau và liên quan với nhau.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 08 Tháng Mười Một, 2009, 05:45:53 pm
Cuối năm 1964, Et-ga Nâu được mời sang thăm Trung Quốc. Et-ga Nâu là nhà báo Mỹ đầu tiên, từ năm 1936, đã đến khu giải phóng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã sống tại đây nhiều tháng và khi trở về Mỹ đã viết cuốn “Sao đỏ trên đất Trung Quốc". Đặc biệt là E.Nâu đã có nhiều cuộc nói chuyện với Chủ tịch Mao tại Diên An (Bắc tỉnh Thiểm Tây) về nhiều đề tài, kể cả triển vọng quan hệ Trumg - Mỹ. Việc mời E.Nâu trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị về chính trị và quân sự để mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, tự nó đã mang một ý nghĩa chính trị rất to lớn.

Chủ tịch Mao đã trao đổi cởi mở với Et-ga Nâu như với người bạn cũ. Đặc biệt, ông đã tuyên bố. "Quân dội Trung Quốc sẽ không vượt biên giới của mình để chiến đấu. Đó là điều hoàn toàn rõ ràng. Chỉ khi nào Mỹ tấn công, người Trung Quốc mới chiến đấu. Phải chăng như vậy là không rõ ràng? Người Trung Quốc rất bận công việc về nội bộ của mình. Đánh nhau ngoài biên giới nước mình là phạm tội ác. Tại sao người Trung Quốc phải làm như vậy? Người Việt Nam có thể đương đầu với tình hình” (Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1980, tr 46.)

Trong tờ Niu Ri-pơ-blich tháng 2 năm 1965, Et- ga Nâu còn tường thuật thêm lời của Chủ tịch Mao: "Trung Quốc ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc nhưng không phải bằng cách gửi quân đội. Khi có một cuộc chiến tranh giải phóng, Trung Quốc sẽ đưa ra tuyên bố và kêu gọi biểu tình ủng hộ cuộc chiến đấu đó. Chính các tuyên bố đó làm mất lòng đế quốc".

Có thể hiểu là Mỹ làm gì thì làm, miễn là không đụng đến Trung Quốc, nếu Mỹ đụng đến Trung Quốc thì người Trung Quốc sẽ phải chiến đấu. Phải chăng như vậy là không rõ ràng?

Tổng thống Johnson thấy rõ mình có thể tiến hành mở rộng chiến tranh ở hai miền Việt Nam. Tuy vậy ông ta hành động ra vẻ tự kiềm chế lắm.

Đêm 6 rạng ngày 7 tháng 2 năm 1965, quân giải phóng miền Nam tấn công doanh trại quân Mỹ ở Plây- cu và căn cứ trực thăng trại Hô-lô-uây.

Chiến dịch ném bom trả đũa đầu tiên gọi là "Mũi tên rực cháy I" được thực hiện: bốn mươi chín máy bay của hải quân Mỹ đánh Đồng Hới và Vĩnh Linh.

Ngày 10 tháng 2, quân Mỹ ở Quy Nhơn bị tấn công và ngày 11 Mỹ thực hiện chiến dịch ném bom trả đũa "Mũi tên rực cháy II" cũng các khu vực trên.

Ngày 13 tháng 2, Johnson ra lệnh chuyển máy bay chiến lược B.52 từ Gu-am về O-ki-na-oa, sẵn sàng can thiệp vào Việt Nam. Ông cũng thông qua kế hoạch "Sấm Rền" ném bom từng bước và liên tục Bắc Việt Nam.

Ngày 2 tháng 3, chiến dịch "Sấm rền" bắt đầu đợt một: một trăm lẻ bốn máy bay của không lực Hoa Kỳ tấn công xóm Bông, mười chín máy bay của không lực Sài Gòn ném bom căn cứ hải quân Bắc Việt Nam ở Quảng Khê (Quảng Bình).

Ngày 6 tháng 3. máy bay Mỹ lần đầu tiên ném bom xuống vùng dân cư Nam Việt Nam.

Tại miền Bắc Việt Nam, các cuộc ném bom cua chiến dịch "Sấm rền" dần dần được mở rộng.

Mỗi đợt "Sấm rền" kéo dài từ một đến bảy ngày. Những cuộc tấn công lúc đầu giới hạn vào các cầu trạm ra-đa, kho tàng quân sự giữa vĩ tuyến 17 và vĩ tuyến 19. Sau đó các cuộc ném bom leo thang lên vĩ tuyến 20, rồi trên 20 và mở rộng ra mục tiêu dân sự, các khu dân cư.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 08 Tháng Mười Một, 2009, 05:46:36 pm
Tuy đã được lời tuyên bố của Chủ tịch Mao với Et-ga Nâu trước khi bắt đầu các đợt ném bom "Sấm Rền", Oa-sinh-tơn vẫn còn lo ngại sự hiểu lầm của Bắc Kinh. Trong cuộc hội đàm tại Vác-sa-va ngày 24 tháng 2, đại diện Mỹ là đại sứ Giôn A.Grô-nốt-xki đã chính thức thông báo cho đại diện Trung Quốc:

"Tôi được chỉ thị khẳng định lại chính sách của Mỹ ở Việt Nam là luôn luôn giúp đỡ miền Nam Việt Nam duy trì tự do, độc lập chống lại sự xâm lược của cộng sản được Hà Nội ủng hộ và lãnh đạo.

Chừng nào Việt cộng do Hà Nội lãnh đạo và ủng hộ với sự giúp đỡ của phía các ông tiếp tục tấn công miền Nam Việt Nam, thì Hoa Kỳ thấy cần phải giúp đỡ Chính phủ miền Nam mọi sự cần thiết.

Người Việt Nam ở miền Bắc đã gây áp lực với miền Nam qua biên giới, điều đó không thể tha thứ được. Chúng tôi cần phải và sẽ có hành động cần thiết để chấm dứt việc đó".

Ngày 17 tháng 2. Tổng thống Johnson đã nhắc lại là: "Chúng tôi không có tham vọng gì ở Đông Dương, chúng tôi không muốn mở rộng chiến tranh nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ tự do và có hành động thích đảng và cần thiết trước sự xâm lược của kẻ khác.

Tôi muốn nhấn mạnh là chúng tôi không có ý định xấu đối với lãnh thổ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, không có ý định lát đổ nhà cầm quyền ở Hà Nội.

Chúng tôi hy vọng rằng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 cho phép các chính phủ ở Đông Dương tồn tại trong hoà bình, những người Bắc Việt Nam đã xé bỏ Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 trong việc cố gắng lật đổ Chính phủ miền Nam.

Hà Nội đã cung cấp cho Việt cộng lãnh đạo, huấn luyện nhân viên và trang bị. Xin đưa một số ví dụ chính xác hơn: có chứng cớ là đa số nòng cốt sĩ quan Việt cộng, nhân viên chuyên môn như giao thông liên lạc vũ khí hạng nặng là do miền Bắc đưa vào. Chúng tôi biết những trung tâm huấn luyện chính ở miền Bắc, con đường chính để xâm nhập vào miền Nam. Chính phủ miền Nam đã bắt được sĩ quan quân đội, công an của miền Bắc đưa vào miền Nam.

Chúng tôi sẽ sung sướng nếu tất cả các bên hữu quan đều tôn trọng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 và như vậy thì sẽ có giải pháp thoả đáng về vấn đề Việt Nam. Bất cứ dấu hiệu nào của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muốn trở lại Hiệp nghị đó sẽ được hoan nghênh.

Xin ông chuyển phần chủ yếu trong nhận định của chúng tôi cho nhà đương cục của ông. Nếu Hà Nội có nghi ngờ gì về lập trường của Mỹ thì xin ông chuyển giúp lập trường của chúng tôi cho Hà Nội" (Một bản sao thông điệp này cũng được đại sứ Ca-na-đa, Xi-bo-nơ chuyển cho Hà Nội tháng sau.).

Và cái mà Tổng thống Johnson gọi là "chính sách trả đũa" từng bước và liên tục cứ thế mà tiếp diễn với những tổn thất ngày càng lớn về máy bay và phi công Mỹ và những tàn phá nặng nề, những vụ giết hại dân thường hàng loạt đối với Bắc Việt Nam.

Trong khi đó. Tổng thống Johnson quyết định tăng thêm vũ khí, máy bay, xe tăng cho quân đội Việt Nam cộng hoà và nhất là gửi lực lượng chiến đấu Mỹ sang Nam Việt Nam. Còn phải kể cả các lực lượng quân sự Nam Triều Tiên, Thái Lan, Phi-lip-pin, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lơn thật sự giúp quân Việt Nam cộng hoà chống lại Việt cộng.

Tất cả bắt đầu ngày 8 tháng 3 năm 1965, một buổi sáng mưa phùn. Dưới quyền chỉ huy của tướng Phrê-đê-rích Giôn Ca-tri, sau sáu tuần lênh đênh từ Nhật Bản ra đi, các tàu Mon Mac-kin-lây, Hen-ri-cơ U-ni-on và Van-cu-vơ đã đậu trước bãi biển Đà Nẵng. Ngay người Mỹ cũng tự hỏi tại sao Bộ Tư lệnh Mỹ không cho quân Mỹ đổ bộ xuống sân bay Đà Nẵng, nhưng rồi họ cũng tìm được câu trả lời: căn cứ không quân khi đó còn quá nhỏ và Mỹ lại muốn phô trương lực lượng, không những đối với Bắc Việt Nam mà đối với cả Liên Xô, Trung Quốc để tỏ quyết tâm của Mỹ không để miền Nam lọt vào tay cộng sản.

Trong hơn một giờ, ba nghìn năm trăm quân của lữ đoàn viễn chinh lính thuỷ đánh bộ (MEB) đã đổ bộ xong, với những vũ khí hạng nặng như súng cối 100, xe tăng M.48, xe chiến đấu An-tốt trang bị mỗi xe sáu khẩu pháo không giật 106 mm. Người ta nói rằng số quân đó được phép bắn trả khi bị tấn công, nhưng đây thật sự là lính chiến đấu của Mỹ. Cho tới lúc đó, ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đã có hai mươi ba nghìn lính Mỹ đủ loại (cố vấn, lực lượng đặc biệt, nhân viên của không lực mà lý thuyết thì chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện quân đội Sài Gòn).

Cho không quân ném bom Bắc Việt Nam, đưa quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam, dù che đậy dưới những từ "hạn chế", "phòng thủ” vẫn là cuộc chiến tranh mà Tổng thống Johnson đã đưa nước Mỹ vào với những hậu quả mà mười năm sau mới được phơi bày ra ánh sáng.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 12 Tháng Mười Một, 2009, 11:27:31 am
CHƯƠNG BỐN
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ TRƯỚC VIỆC MỸ GÂY CHIẾN TRANH LỚN Ở CẢ HAI MIỀN

Toàn bộ chính sách chuẩn bị chiến tranh của Mỹ ở cả miền Nam Việt Nam và ở Lào nhất là cuộc chiến tranh đặc biệt ở cả miền Nam Việt Nam và Lào đã báo động thế giới vì những phát triển nguy hiểm tiếp theo. Nhân dân Việt Nam, mục tiêu trực tiếp của chính sách đó càng không thể làm ngơ trước những gì Mỹ đang làm và dự định làm ở miền Nam Việt Nam.

Hội nghị toàn thể lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đánh giá tình hình miền Nam Việt Nam sau cuộc đảo chính tháng 11 năm 1963:

"Ta đã mạnh hơn địch về chính trị nhưng còn yếu hơn địch về quân sự".

Hội nghị dự kiến có hai khả năng phát triển tình hình miền Nam:

Một: Có thể Mỹ tham gia đến mức như hiện nay hay hơn một chút nghĩa là vẫn giữ chiến tranh đặc biệt.

Hai: Mỹ đưa quân Mỹ và quân của Đông Nam Á vào miền Nam biến chiến tranh ở miền Nam thành chiến tranh cục bộ  (Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ cứu nước, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 168-178)

Trước âm mưu của Mỹ, tình hình các nước lớn muốn duy trì nguyên trạng ở Việt Nam, diễn biến phức tạp của phong trào cộng sản thế giới, đặc biệt là mâu thuẫn gay gắt giữa Liên Xô và Trung Quốc, Đảng Lao động Việt Nam cũng đã dự tính cách mạng miền Nam có thể phải qua những bước quá độ với những hình thức và phương pháp đấu tranh phức tạp mới đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Cuối năm 1963 sau khi Ngô Đình Diệm bị giết hại, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đề nghị:

"Các phái hữu quan ở miền Nam cùng nhau thương lượng để đến ngừng bắn và giải quyết vấn đề trọng đại của đất nước" (Những sự kiện lịch sư Đảng, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, tr. 277-293.).

Ngày 30 tháng 1 năm 1964, tình hình miền Nam Việt Nam vẫn trong khủng hoảng chính trị, quân sự trầm trọng. Ngày 8 tháng 2 năm 1964, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kêu gọi:

"Các phe phái, các lực lượng miền Nam cùng nhau đàm phán để tìm một giải pháp hợp lý cho đất nước trên cơ sở thực hiện hoà bình, độc lập, dân chủ và trung lập ở miền Nam Việt Nam" (Những sự kiện lịch sư Đảng, Nhà xuất bản Thông tin lý luận Hà Nội.).

Trước khi Johnson quyết định đẩy mạnh chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã cho rằng:

"Đối với chúng ta, vấn đề đặt ra là ta phải đánh thế nào cho Mỹ nguỵ phải thua, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất đi đến loại trừ khả năng địch thay đổi chiến lược, chuyển "chiến tranh đặc biệt" thành "chiến tranh cục bộ".

Ngay đầu năm 1965, trong bức thư gửi các đồng chí lãnh đạo ở miền Nam, Tổng bí thư Lê Duẩn đã cho rằng tình hình có khả năng chuyển biến mau lẹ; có thể xuất hiện một mặt trận trung lập và dưới ngọn cờ mặt trận trung lập đó, nhân dân sẽ nổi lên, thành lập một chính quyền trung lập:

"Chính quyền mới sẽ đề ra các yêu cầu:

- Đình chỉ chiến sự. Đặt vấn đề giao thiệp công khai với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam để bàn việc chấm dứt chiến tranh.

- Thực hiện chính sách trung lập. Giao thiệp với Pháp, Mỹ và đặt vấn đề yêu cầu quân đội Mỹ rút.

- Yêu cầu hai Chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 triệu tập ngay hội nghị để bàn vấn đề bảo đảm trung lập cho miền Nam và đình chỉ chiến sự" (Lê Duẩn - Thư vào Nam, Nhà xuất bản Sự thật Hà Nội, 1985 tr. 88.)


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 12 Tháng Mười Một, 2009, 11:28:48 am
Qua kịch bản này người ta có thể thấy kịch bản giải quyết vấn đề Lào năm 1962. Điều này phù hợp với chủ trương đưa miền Nam vào con đường hoà bình, trung lập là Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã đề ra khi mới thành lập và lời kêu gọi của Mặt trận sau cuộc đảo chính giết hại Ngô Đình Diệm. Đó là cơ hội có thể mang lại hoà bình ở miền Nam Việt Nam, ngăn ngừa chiến tranh lớn xảy ra. Rất tiếc rằng chính quyền Johnson quá lo sợ về bóng ma "đô-mi-nô" đã không đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc Giải phóng và tiếp tục ủng hộ các tưởng lĩnh thân Mỹ, kéo dài cuộc khủng hoảng chính trị, quân sự ở miền Nam.

Tình hình miền Nam ngày càng căng thẳng. Ngày 7 tháng 2 năm 1965, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, ngày 8 tháng 3 năm 1965 tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến đầu tiên của Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng.

Cuối tháng 3 năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp hội nghị toàn thể để đánh giá tình hình mới và ra nghị quyết:

“Tình hình một nửa nước có chiến tranh, một nửa nước có hoà bình đã biến thành tình hình cả nước có chiến tranh với hình thức và mức độ khác nhau ở mỗi miền" và hiện nay "miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vẫn là hậu phương lớn", "phải tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế và tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong toả bằng không quân và hải quân của địch, chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại địch trong chiến tranh cục bộ cả ở miền Nam lẫn miền Bắc, ra sức động viên lực lượng của miền Bắc chi viện cho miền Nam. Ra sức giúp đỡ cách mạng Lào". Trung ương Đảng cũng quyết định chuyển hưởng nền kinh tế miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức cho phù hợp với tình hình cả nước có chiến tranh, tăng cường và mở rộng lực lượng vũ trang” (Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ cứu nước, Sđd, tr. 212-214.)

Trong cuộc Hội nghị cán bộ từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 7 năm 1965, đồng chí Lê Duẩn lại tuyên bố:

"Đảng ta là một đảng đã trưởng thành, biết đánh giá đúng đắn sự giúp đỡ của các nước anh em, biết giữ vững quyền độc lập tự chủ của mình, mọi hành động của chúng ta đều là vì lợi ích của cách mạng nước ta cũng như của cách mạng thế giới. Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn chủ động lãnh đạo cạch mạng Việt Nam. Chúng ta biết khởi sự chiến tranh cách mạng thì biết kết thúc chiến tranh đó vào lúc nào có lợi cho cách mạng nước ta và cách mạng thế giới" (Ta nhất định thắng, địch nhất định thua, Bài nói chuyện của Tổng Bí thư Lê Duẩn với cán bộ ngày 2 đến ngày 8 tháng 7 năm 1965.)

Ngày 20 tháng 7 năm 1965. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước:

"Dù phải chiến đấu năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn" (Hồ Chí Minh tuyển tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1985 tập II, tr. 364.)

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đã khẳng định rõ ràng lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà:

"Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta. Đế quốc Mỹ phải tôn trọng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Phải chấm dứt ngay những cuộc tiến công vào miền Bắc.

Đó là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề chiến tranh ở Việt Nam để thực hiện Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, để bảo vê hoà bình của các nước Đông Dương và Đông Nam Á, không có cách nào khác. Đó là trả lời của nhân dân và chính phủ ta cho đế quốc Mỹ" (Hồ Chí Minh tuyển tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1980 tập II, tr. 364.).


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 12 Tháng Mười Một, 2009, 11:29:47 am
Cùng dịp này, trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhắc lại lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là tôn trọng nghiêm chỉnh Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam và đề ra bốn điểm làm cơ sở cho một giải pháp chính trị đúng đắn cho vấn đề Việt Nam:
Lập trường trước sau như một của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là tôn trọng nghiêm chỉnh Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam, thi hành đúng đắn những điều khoản cơ bản của Hiệp nghị ấy thể hiện cụ thể ở mấy điển sau đây: 

Một: Xác nhận những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam: hoà bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Theo đúng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Chính phủ Mỹ phải rút quân đội, nhân viên quân sự và các loại vũ khí Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, triệt phá những căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam, xoá bỏ "liên minh quân sự" với miền Nam. Chính phủ Mỹ phải đình chỉ chính sách can thiệp và xâm lược đối với miền Nam. Theo đúng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, Chính phủ Mỹ phải đình chỉ hành động chiến tranh đối với miền Bắc, hoàn toàn chấm dứt mọi hoạt động xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Hai: Trong lúc chờ đợi thực hiện hoà bình, thống nhất nước Việt Nam, trong lúc nước Việt Nam còn tạm thời bị chia làm hai miền thì phải triệt để tôn trọng những điều khoản quân sự của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam như: hai miền đều không có liên minh quân sự với nước ngoài, không có căn cứ quân sự, quân đội và nhân viên quân sự của nước ngoài trên đất mình.

Ba: Công việc miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết, theo cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài.

Bốn: Việc thực hiện hoà bình thống nhất nước Việt Nam do nhân dân Việt Nam ở hai miền tự giải quyết không có sự can thiệp của nước ngoài.

Lập trường đó chắc chắn được mọi chính phủ và nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới đồng tình và ủng hộ.

Chính phủ Nước Việt Nam Dân chú Cộng hoà cho rằng lập trường trình bày trên đây là cơ sở cho một giải pháp chính trị đúng đắn về vấn đề Việt Nam sẽ có điều kiện tiến hành thuận lợi và mới có thể tính đến việc hợp lại một cuộc hội nghị quốc tế theo kiểu Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam. 

Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố rằng mọi giải pháp trái với lập trường trình bày trên đây đều không thích hợp, mọi giải pháp muốn dùng Liên hợp quốc để can thiệp vào tình hình nước Việt Nam cũng đều không thích hợp bởi vì những giải pháp như vậy về cơ bản trái với Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam.

Lập trường bốn quan điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được đưa ra ngay sau tuyên bố Baltimore của Tổng thống Johnson. Đúng thế, tối ngày 7 tháng 4 năm 1965, tại Trường Đại học Johnson Hopskin, Johnson đã đọc một bài diễn văn quan trọng về tình hình Việt Nam.

Khi đó, các máy bay Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam và đã leo tháng đến vĩ tuyến 20, ngoài lữ đoàn viễn chinh, lính thuỷ đánh bộ đã đổ bộ lên Đà Nẵng. Lữ đoàn không vận 173, lực lượng can thiệp nhanh đã đến bảo vệ căn cứ không quân Biên Hoà, lữ đoàn không vận 101 đã đến tăng cường cho vùng Sài Gòn.

Để làm dịu dư luận đang kịch liệt phản đối Mỹ ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đưa quân Mỹ vào trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, Johnson đã bào chữa những hành động chiến tranh của Mỹ và đưa ra đề nghị: "sẵn sàng thương lượng không điều kiện" và cử Eugene Black đại diện nước Mỹ để thương lượng ngay với miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Để thêm sức thuyết phục dư luận, Johnsou hứa sẽ viện trợ một tỷ đô-la để xây dựng Đông Nam Á trong đó có Bắc Việt Nam.

Dư luận có người tin thiện chí của Johnson, có người không tin nhưng dư luận chung thấy một bên đã nói "sẵn sàng thương lượng không điều kiện", một bên lại đưa ra nội dung giải pháp. Bất kể thế nào, sự trùng hợp đó là điều thuận lợi để cứu vãn hoà bình ở Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 12 Tháng Mười Một, 2009, 11:30:52 am
Lập trường bốn điểm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một giải pháp dựa trên Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 và Thủ tướng đã nói rõ đây là "cơ sở để giải quyết vấn đề Việt Nam". Nhưng các nhà ngoại giao Mỹ và các nhà báo lại phân biệt chi li từ "reonnize" (thừa nhận) với từ "accept" (chấp nhận). Nghe nói có nhà ngoại giao giở đủ thứ từ điển để tra cứu bốn điểm của ông Phạm Văn Đồng và điều đó cũng là tất nhiên vì họ phải hiểu ý đồ của Hà Nội về chủ trương, phương pháp. Họ không những chỉ thị cho các sứ quán tìm hiểu mà còn tìm người trung gian trực tiếp hỏi các nhà ngoại giao Hà Nội.

Mỹ vui mừng có một thuận lợi là có sẵn mối quan hệ với J.B.Xi-bo-nơ (Seaborn) đại sứ Ca-na-đa trong Uỷ ban Quốc tế và đã hai lần ra Hà Nội thăm dò tình hình và quan điểm. Theo vêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Xi-bo-nơ tới Hà Nội ngày 3 tháng 6 năm 1965.

Lần này ông không được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng như hai lần trước, ông được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tiếp.
Sau mấy câu lễ tân, Xi-bo-nơ đi ngay vào vấn đề:

“Chính phủ Ca-na-đa tỏ ra lo ngại đến tình hình nghiêm trọng đang diễn ra ở Việt Nam có liên quan trực tiếp đến tình hình thế giới. Chính phủ Hoa Kỳ có gửi một bức công hàm mật cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đến nay, Chính phủ Ca-na-đa chưa được biết phản ứng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà? Chúng tôi rất mong muốn được nói chuyện với Ngài về vấn đề đàm phán thương lượng, tìm cơ sở cho một giải pháp hoà bình ở Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng làm người trung gian, tuy nhiệm vụ trung gian nhiều lúc rất bạc bẽo.

Trước khi tôi ở Sài Gòn ra đây, tôi được chỉ thị chuyển một thông điệp miệng của Chính phủ Hoa Kỳ nếu ngài đồng ý. tôi xin đọc...”.
Đến đây, đại sứ dừng lại.

Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh cảm ơn ông đã tỏ sự quan tâm đến tình hình nghiêm trọng ở Việt Nam và nêu rõ nguyên nhân của tình hình là việc Mỹ mở rộng chiến tranh. Bộ trưởng nhấn mạnh: Mỹ đang theo đuổi chính sách "cái gậy và củ cà rốt" và nói tiếp:

"Chắc đại sứ đã rõ nhân dân Việt Nam ở miền Nam và miền Bắc đã trả lời như thế nào đối với chính sách của Mỹ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói rõ lập trường của chúng tôi? Chúng tôi nghĩ rằng với Ca-na-đa là một thành viên trong Uỷ ban Quốc tế, chúng tôi mong rằng Ngài làm tròn nhiệm vụ trong Uỷ ban Quốc tế với hết khả năng của mình".

Xi-bo-nơ:

"Trong việc đánh giá tình hình giữa Chính phủ chúng tôi và Chính phủ Ngài có những điều không giống nhau, nhưng Chính phủ chúng tôi luôn thành thật trong khi làm nhiệm vụ Uỷ ban Quốc tế... Tôi đã đọc, đã nghiên cứu và tìm hiểu bốn điểm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vì đấy là sự mở đầu quan trọng. Tôi nghĩ, với ý kiến cá nhân, trong bốn điểm đó có những điểm đáng chú ý. Tôi thấy có nhiều điểm đối phương có thể chấp nhận được nhưng cũng có điểm mà hiện nay Chính phủ Mỹ không sẵn sàng chấp nhận.

Chúng tôi thấy có điều cần được rõ thêm là có phải việc chấp nhận bốn điểm đó là điều kiện tiên quyết để đàm phán hay bốn điểm đó là những vấn đề sẽ đưa ra bàn để giải quyết dần trong quá trình đàm phán?".

Nguyễn Duy Trinh:

"Báo cáo của Chính phủ chúng tôi đã nêu rõ đó là cơ sở để giải quyết vấn đề Việt Nam, nghĩa là vấn đề Việt Nam phải giải quyết bằng cách như vậy.

Nhân dân chúng tôi đang phải chiến đấu để giành các quyền dân tộc cơ bản của mình như Hiệp nghị Giơ-ne-vơ đã quy định. Bản báo cáo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói: Thi hành bốn điểm đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 12 Tháng Mười Một, 2009, 11:31:35 am
Diễn văn của Tổng thống Johnson ở Ban-ti-mo tuy nói thảo luận không điều kiện nhưng thực ra đã đưa ra những điều kiện: Mỹ không từ bỏ xâm lược miền Nam Việt Nam, không thừa nhận nước Việt Nam thống nhất, không thừa nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Đối chiếu với Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, rõ ràng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ đã không được Mỹ để ý đến...

Bốn điểm của chúng tôi là cơ sở để giải quyết vấn đề Việt Nam, thực hiện bốn điểm đó mới trở lại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ".

Xi bo-nơ:

"Trong bốn điểm có điểm nói Mỹ phải rút quân khỏi Nam Việt Nam. Như vậy là Mỹ phải rút trước khi đàm phán hay là việc Mỹ rút sẽ được thu xếp trong khi đàm phán?".

Nguyễn Duy Trinh:

"Vấn đề là thái độ của Mỹ đối với tất cả bốn điểm đó như thế nào? Đáng tiếc thực tế không phải là Mỹ rút mà Mỹ còn đang tăng số quân ở miền Nam, tăng cường chiến tranh. Nhân dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu và đòi Mỹ cút".

Bộ trưởng dừng lại. Xi-bo-nơ ngập ngừng:

"Tôi có đem theo đây thông điệp miệng của Chính phủ Hoa Kỳ. Nếu ngài thấy quan điểm của Mỹ đã rõ ràng thì không nhất thiết phải đọc ra đây, nhưng nếu ngài cho phép: tôi xin đọc".

Nguyễn Duy Trinh:

"Tôi không phản đối, nếu ngài muốn đọc".

Xi-bo-nơ:

"Chính phủ tôi chỉ thị cho tôi chuyển thông điệp này của Chính phủ Hoa Kỳ tới Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Quan điểm của Mỹ trong thông điệp cũng đã được nói với đại diện của Bắc Kinh và Mát-xcơ-va. .

Một: Chính phủ Hoa Kỳ biểu lộ quyết tâm trong việc bảo vệ tự do của Việt Nam Cộng hoà. Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp cần thiết như Hoa Kỳ đã giải thích, nếu sự xâm lược của người khác vẫn tiếp tục.

Hai: Diễn văn ngày 7 tháng 4 năm 1965 của Tổng thống Johnson và trả lời của Chính phủ Hoa Kỳ đối với lời kêu gọi của mười bảy nước không liên kết xác định một lần nữa là Hoa Kỳ sẵn sàng thương lượng không điều kiện cũng như nói rõ mục đích và hành động tiếp theo của Mỹ để giải quyết hoà bình ở Việt Nam.

Ba: Chính phủ Hoa Kỳ thất vọng thấy những hoạt động ở miền Nam Việt Nam được Hà Nội ủng hộ và điều khiển vẫn tiếp tục không thay đổi mà lại tăng cường. Chính phủ Hoa Kỳ thấy Hà Nội không biểu lộ sự sẵn sàng hưởng ứng lời kêu gọi của mười bảy nước không liên kết, trả lời tiêu cực với đề nghị mới đây của Ấn Độ, ngay cả việc coi đó làm cơ sở để đàm phán.

Bốn: Chính phủ Hoa Kỳ đã báo cho Hà Nội ngày 12 tháng 5 năm 1965 là Hoa Kỳ tạm ngừng oanh tạc trong một thời gian nhiều ngày. Tiếc rằng Hà Nội không hưởng ứng dưới bất kỳ hình thức nào. Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải cùng với Chính phủ Việt Nam Cộng hoà tiếp tục oanh tạc lại và tiếp tục xét khả năng tìm một giải pháp mà cả hai bên cùng thực hiện được.

Năm: Chính phủ Hoa Kỳ cần phải nói rõ rằng nếu không có những hoạt động, những cuộc đàm phán dẫn tới giải pháp chính trị, Mỹ sẽ có bất cứ biện pháp nào thấy cần thiết để chống lại những hoạt động tấn công được miền Bắc ủng hộ và điều khiển nhằm chống lại Việt Nam Cộng hoà và chống lại những hoạt động của Hoa Kỳ trợ giúp Việt Nam Cộng hoà”.

Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh tỏ ra kiên nhàn nghe đại sứ trình bày rồi thong thả nói:

"Nhân dân Việt Nam quyết tâm đánh trả lại bọn xâm lược Mỹ. Các vấn đề miền Nam Việt Nam phải do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam giải quyết. Còn đối với Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà... Chúng tôi kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền của chúng tôi, chúng tôi không thể nào nhận được những điều kiện của bọn xâm lược. Ngài cũng vui lòng làm người trung gian truyền đạt tới họ quyết tâm của nhân dân Việt Nam đánh bại sự xâm lược của Mỹ trên đất nước chúng tôi".

Xi-bo-nơ:

"Cám ơn Ngài đã kiên nhẫn vui lòng cho tôi thực hiện chỉ thị của Chính phủ chúng tôi, tuy trong thông điệp đó tôi cũng thấy có điểm không được dễ nghe lắm. Tôi hứa sẽ truyền đạt trung thành những ý kiến của Ngài về Chính phủ tôi để Chính phủ tôi chuyển cho Chính phủ Hoà Kỳ”.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 12 Tháng Mười Một, 2009, 11:32:53 am
CHƯƠNG NĂM
HOA THÁNG NĂM

Đây là mật hiệu của đợt ngừng ném bom đầu tiên của cuộc chiến tranh Việt Nam và cũng là đợt ngừng ném bom ngắn nhất. Tuy là đợt ném bom ngắn nhất, nó thể hiện tất cả phương pháp lý luận và cá tính của Johnson trong khi điều hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Vì sợ dư luận nước Mỹ và thế giới phản đối là mở rộng chiến tranh, Johnson cố tình che giấu sự thật. Khi máy bay Mỹ bắt đầu đánh miền Bắc, ông trả lời dư luận là "đây là một bước để đánh bại xâm lược" mà không leo thang chiến tranh. Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Macnamara gọi đây là một "tuyên bố không thành thực", vì đây là "chiến dịch Sấm rền" kéo dài ba năm và khối lượng bom thả ở Việt Nam đã lớn hơn ở toàn châu Á trong chiến tranh thế giới thứ hai (Robert S.Macnamara - Nhìn lại quá khứ - Tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam (bản dịch), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995 tr. 178).

Về sau, các cuộc ném bom miền Bắc leo dần từng vĩ tuyến nhưng Johnson vẫn không tuyên bố rõ ràng chính sách về miền Nam. Johnson tăng quân dần dần, mới đầu là ba lữ đoàn rồi từ 28 tháng 7 là triển khai ồ ạt quân Mỹ cho tới hơn năm trăm nghìn. Việc đưa ngay bảy mươi lăm nghìn quân Mỹ vào miền Nam là để đưa quân số ở đây lên một trăm hai mươi lăm nghìn và còn lên hơn thế nữa.

Đó chỉ là phần đầu kế hoạch chiến lược hai năm giành thắng lợi mà Macnamara đã chuẩn bị và Johnson đã phê chuẩn. Ngoài phần quân sự, kế hoạch này còn gồm một phần chính trị ngoại giao dưới đây:

"Cùng với hoạt dộng quân sự, chúng ta cần có sáng kiến về chính trị để đặt cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi bằng cách nói rõ mục tiêu của chúng ta và thiết lập các con đường liên lạc. Đồng thời trong lúc chúng ta tiến hành các bước để thay đổi chiều hướng ở miền Nam Việt Nam, chúng ta cần có những cuộc vận động lặng lẽ qua các con đường ngoại giao để:

a. Mở đường đối thoại với Mát-xcơ-va và Hà Nội và có thể với cả Việt cộng nữa.

b. Giữ cho Liên Xô đừng đi sâu vào con đường quân sự trên thế giới cho đến khi hoàn thành một giải pháp.

c. Củng cố sự ủng hộ của công chúng đối với chính sách của Mỹ và hạn chế sự phản đối của dư luận thế giơi ở mức độ chịu đựng được. Cố gắng của chúng ta có thể không thành công cho đến khi chiều hướng bắt đầu thay đổi" (Tài liệu Lầu Năm Góc, C.E. tập IV, tr. 173, 352, 535.)

Macnamara giải thích:

"Tôi không tin rằng lúc này Hà Nội hay Việt cộng sẽ đáp ứng các đề nghị hoà bình của ta vì so sánh lực lượng chưa phải là bất lợi cho họ. Nhưng có ba việc có thể làm để tăng triển vọng:

Một: Cần tiến hành các biện pháp để tăng thêm lòng tin vào các cử chỉ hoà bình của ta trong tâm lý đối phương và dư luận thế giới. Có hai cách: Mặc nhiên ngừng ném bom là mãi mãi hay tạm thời. Hà Nội sẽ không bằng lòng thương lượng cho đến khi họ đòi được chấm dứt ném bom không điều kiện. Ta sẽ thấy điều đó diễn ra và Mỹ sẽ tự ném bom trở lại.

Xen kẽ việc ném bom: lúc ném bom vùng phía Bắc quanh Hà Nội. Hải Phòng đến biên giới Trung Quốc, lúc chuyển sức mạnh của Mỹ xuống phía Nam của Bắc Việt Nam. Cách lựa chọn này có nhiều hấp dẫn. Nó cung cấp cho Bắc Việt Nam một yếu tố để giữ thể diện... và cần làm ngay cho họ tin rằng chúng ta sẽ rút quân một khi Bắc Việt Nam chấm dứt xâm lược.

Hai: Tìm cách chia rẽ Việt cộng với Hà Nội.

Ba: Tiếp xúc với bên ngoài để họ tăng sức ép với Hà Nội, với Liên Xô và các nước khác.

Bốn: Phải thảo ra một kế hoạch nói rõ vai trò của Việt cộng sau chiến tranh trong Chính phủ quốc gia. Chương trình này cần tỏ ra hợp lý nếu không phải với Hà Nội thì ít ra cũng là đối với dư luận thế giới” (Tài liệu Lầu Năm Góc, Sđd.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 12 Tháng Mười Một, 2009, 11:33:27 am
Ba tháng sau khi bắt đầu ném bom Bắc Việt Nam, mặc dầu cuộc vận động ngoại giao rầm rộ, áp lực đòi Nhà Trắng chấm dứt ném bom ngày càng tăng, nhất là trong tháng 4 và tháng 5 năm 1965.

Ngày 3 tháng 3 năm 1965, Tổng thống Ti-to gửi thư cho Tổng thống Jhnson yêu cầu ngừng ném bom không điều kiện, ngày 8 tháng 3. Tổng thư ký U Thant đề nghị họp Hội nghị các nước lớn và hai miền Nam Bắc Việt Nam để giải quyết vấn đề Việt Nam.

Ngày 17 tháng 3, Hội nghị cấp cao mười bảy nước không liên kết họp tại Bêograt kêu gọi lên án sự can thiệp của nước ngoài dưới mọi hình thức và kêu gọi thương lượng không điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề Việt Nam.

Ngày 24 tháng 4, U Thant kêu gọi đình chỉ ném bom ba tháng để đạt tới thương lượng. Các đại diện Đảng dân chủ trong Quốc hội Mỹ đòi ngừng ném bom ba tháng để đòi Hà Nội rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Tổng thống Ấn Độ Radhakrisnan đề nghị ngừng chiến theo vĩ tuyến 17 và lập một hàng rào ngăn cách bằng lực lượng Á Phi. Một số nhà khoa học Mỹ yêu cầu rút hết mọi sự can thiệp của Mỹ ở châu Á, khởi đầu bằng việc ngừng ném bom Bắc Việt Nam. Sinh viên đã chặn trang trại của L. B.Johnson đòi chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam.

Tổng thống Johnson bằng một thái độ có vẻ nhũn nhặn là khước từ mọi gợi ý ngừng ném bom:

"Có những người luôn nói về đàm phán và thoả thuận chính trị và nói răng đó là cách mà họ cho rằng chúng ta nên theo, và tôi đã làm như vậy, tôi bảo: hoan nghênh các bạn gia nhập câu lạc bộ tôi muốn đàm phán. Tôi muốn nói chuyện hơn là đánh nhau nhiều và tôi nghĩ mọi người đều như vậy. Hãy mời bất cứ ai bạn muốn tôi đàm phán, tôi đã tìm kiếm ngang dọc khắp nơi và tôi là một chàng chăn bò biết điều tốt bụng. Nhưng tôi không thể trói ai đó lại, bắt họ phải muốn nói chuyện và giải quyết điều đó bằng đàm phán. Tất cả các nguồn tin tình báo của chúng ta đều nhất trí ở một điểm rằng họ (đối phương) không thấy cần phải đàm phán. Họ nghĩ rằng họ đang thắng và tại sao họ lại phải ngồi với chúng ta và cho chúng ta một cái gì đó và cùng chúng ta giải hoà" (Gravel Editii, Tài liệu Lầu Năm Góc, Sđd, tr. 363. )

Trong lúc Tổng thống tìm cách trấn an dư luận như thế thì ông liên tiếp nhận được những báo cáo đen tối về tình hình Việt Nam.
Ngày 4 tháng 5, đại sứ M.Taylor báo cáo rằng: dù các cuộc ném bom có hạn chế thâm nhập của Bắc Việt vào Nam, các lực lượng Việt cộng vẫn duy trì các hoạt động tại chỗ dù có phải chấp nhận những thiệt hai do bị ném bom trong khi các mâu thuẫn giữa các tướng vẫn tồn tại, sự nghi ngờ giữa các nhóm tôn giáo vẫn duy trì, do đó Hà Nội có khả năng mở rộng hoạt động quân sự ở miền Nam:

"Những hành động này mở ra một thắng lợi cơ bản về quân sự có khả năng loại trừ việc áp dụng không lực của Mỹ và Việt Nam cộng hoà. Những thắng lợi như vậy sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát của Việt cộng và có thể dẫn tới sự sụp đổ chính trị ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 22 tháng 4, Hội đồng các nhà dự báo quốc gia gửi Tổng thống một giác thư với một đánh giá đen tối về tình hình Việt Nam: nếu Mỹ dấn sâu can thiệp của mình vào cuộc chiến và tăng cường lực lượng không quân thì các nhà tình báo tin rằng Việt cộng, Bắc Việt và Trung Quốc sẽ chủ động trong cố gắng loại bỏ việc tăng cường của kẻ thù qua việc hỗ trợ nổi dậy từng bước và tăng cường nhân lực và thiết bị cần thiết. Họ sẽ khai thác lợi thế về thời gian và gây áp lực để các lực lượng Mỹ lún sâu từng phần trong các điều kiện có thể bị sa lầy trong cuộc chiến du kích với hy vọng đưa Mỹ vào thế bị xé lẻ".

Đô đốc Raborne, khi mới nhậm chức Giám đốc CIA, đã báo cáo tình hình miền Nam Việt Nam, đề nghị nên có một đợt ngừng ném bom để có cớ tăng cường ném bom vì ông cho rằng phía Việt Nam vẫn tăng cường chiến đấu dự bị ném bom, và nhấn mạnh: "Chúng ta nên nhớ luôn về khả năng cho một đợt ngừng ném bom tại một thời điểm nào đó thích hợp để có thể kiểm nghiệm về ý định của cộng sản và khai thác những khác biệt của họ".


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 12 Tháng Mười Một, 2009, 11:34:14 am
Vấn đề tạm ngừng ném bom không những là một khả năng kiểm nghiệm thái độ của phía Việt Nam mà còn có khả năng rõ ràng làm dịu sức ép của những người đòi chấm dứt ném bom và đó là mặt hấp dẫn của vấn đề.

Thế là tối 10 tháng 5 năm 1965, Johnson gửi cho đại sứ Taylor bức điện tối khẩn:

“Tôi được Bộ trưởng Macnamara cho biết rằng chiến dịch Sấm Rền tuần này sẽ kết thúc vào trưa thứ tư giờ Oa-sinh-tơn. Việc này cùng với ngày lê Phật đản sẽ là một cơ hội tuyệt vời để tạm ngừng tấn công không quân. Cho tới tuần sau và tôi sẽ có thể gây được ấn tượng tốt đối với thế giới.

Kế hoạch của tôi là sẽ không tuyên bố việc tạm ngừng ném bom này mà chỉ lưu ý riêng với Hà Nội và Mát-xcơ-va và sẽ theo dõi sát sao xem họ có bất cứ phản ứng nào không. Kế hoạch hiện nay của tôi là thông báo về việc chúng ta đã làm cho công luận sau khi việc tạm ngừng ném bom chấm dứt.

Ông có thể gặp Quát (tức Phan Huy Quát, Thủ tướng Sài Gòn - ND) vào thứ ba và xem liệu có thể thuyết phục ông ta tham gia vào kế hoạch này của tôi. Tôi mong muốn ông ta dự phần vào quyết định này, nếu có thể được, nhưng cũng sẽ chấp nhận nếu ông ta chỉ xuất hiện mà không có phản ứng chống lại quyết định này của tôi. Nói chung, tôi cho rằng quan trọng là ông ta và tôi nên cùng tham dự vào những việc như thế nào, nhưng tôi cũng không muốn làm khó nếu ông ta bị khó xử về mặt chính trị nếu tham dự tích cực vào cuộc tạm ngừng ném bom nhân dịp lễ Phật đản này.

Chúng tôi đã lưu ý ông, nhưng chưa nhận được đánh giá của ông về hiệu quả chính trị của việc hành động nhân dịp Phật đản ở Sài Gòn. Theo quan điểm của tôi, có thể lấy ngày Phật đản làm ngày đầu tiên ngừng ném bom nếu việc này mang lại được thuận lợi cho Quát về mặt chính trị. Tôi cho rằng chúng ta nên lôi kéo Tổng giám mục và phái viên của Giáo hoàng để dẹp yên bên Thiên chúa giáo.

Ông nên hiểu rằng dự đủlh ct~la tôi trong kế hoạch này là bắt đầu dọn đường hoặc hướng tới khôi phục hoà bình. tăng cường hoạt động quân sự. tuỳ theo phản ứng của cộng sản. Chúng ta đã thể hiện ý định và caln kết tỉa chúng ta quá nhiều trong hai tháng qua và bây giờ tôi mong muốn có một sự linh động nào đó.

Tôi biết rằng đây thật là một nhiệm vụ thật khó khi chỉ nói tóm tắt thế này, nhưng không ai có thể làm việc này được tốt hơn ông. Tôi giữ kín kế hoạch này trong phạm vi tại đây thôi và mong ông chỉ thông báo với Alexis Johnson (phó đại sứ - ND) thôi. Sau khi nhận được báo cáo của ông về phản ứng của Quát, tôi sẽ ra quyết định cuối cùng và sẽ thông báo ngay cho các quan chức cao cấp có liên quan".
Sau khi biết Quát phản đối, Johuson xác nhận lại với Taylor là sẽ ngừng ném bom như kế hoạch đã định. Để giữ bí mật gần như tuyệt đối, từ ngày 12 tháng 5 chiến dịch này mang mật hiệu Hoa Tháng Năm, Những người được biết chiến dịch này là William Sulivan, đại sứ ở Viêng Chăn, Foy Kohler, đại sứ ở Mát-xcơ-va. Willthrop Brown, đại sứ ở Seoul (để thông báo Tổng thống Park Chung Hee sắp đi Mỹ).

Chiều ngày 11 tháng 5, Ngoại trưởng Din Rascơ điệu báo cho đại sứ Cô lơ yêu cầu gặp đại sứ Nguyễn Văn Kính của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để chuyển bức thông điệp sau đây cho nhà cầm quyền Bắc Việt Nam:

"Người cầm quyền cao nhất của Chính phủ này yêu cầu tôi báo cho Hà Nội rằng sẽ không có tấn công bằng không quân trên miền Bắc Việt Nam trong một thời gian bắt đầu từ trưa (giờ Oa-sinh-tơn) thứ tư ngày 12 tháng 5 cho đến đầu tuần sau.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 12 Tháng Mười Một, 2009, 11:34:56 am
Trong quyết định này, Chính phủ Hoa Kỳ đã chú ý đến những gợi ý liên tiếp của nhiều phía, kể cả những tuyên bố của đại diện Hà Nội rằng sẽ không có tiến bộ đi tới hoà bình trong khi còn các cuộc bắn phá bằng không quân ở Bắc Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ tin rằng nguyên nhân cơ bản của tình hình rối loạn ở Đông Nam Á là hành động vũ trang chống nhân dân và Chính phủ Việt Nam bởi các lực lượng do Hà Nội chi phối.

Hoa Kỳ sẽ theo dõi một cách chặt chẽ xem trong thời gian tạm ngừng đó có sự giảm bớt đáng kể trong các hoạt động vũ trang của lực lượng đó không? Hoa Kỳ cần phải nhấn mạnh rằng con đường dẫn tới việc chấm dứt các cuộc tẩn công vũ trang chống lại nhân dân và Chính phủ Việt Nam là con đường cho phép Chính phủ Việt Nam (và Chính phủ Hoa Kỳ) chấm dứt vĩnh viễn các cuộc tấn công trên miền Bắc.

Với hành động này, Hoa Kỳ biết rất rõ rằng việc tạm ngùng ném bom có thể bị hiểu lầm là một dấu hiệu của thế yếu và do đó tôi thấy cần nhấn mạnh rằng nếu cuộc ném bom này bị hiểu lầm như vậy, bởi bất kỳ bên nào, thì cần phải chỉ ra một cách rất rõ ràng hơn bất kỳ lúc nào rằng sau khi ngừng ném bom chấm dứt Hoa Kỳ quyết không chấp nhận sự xâm lược mà không bị giáng trả lại ở Việt Nam.

Tuy vậy, Hoa Kỳ cần nhấn mạnh rằng quyết định chấm dứt các cuộc không tập để thử thách trong thời gian này là một quyết định có thể tự do đảo ngược lại. Nếu bất cứ lúc nào trong những ngày tới phía bên kia ở những có hành động cần được đối phó ngay.

Nhưng Chính phủ tôi hy vọng rằng sẽ không có một sự hiển lầm như vậy và cuộc ngừng không tập đầu tiên này có thể được đáp ứng, cho phép kéo dài hơn việc ngừng loại hoạt động quân sự này với lòng mong đợi rằng sẽ có các hành động xây dựng tương ứng như vậy của phía bên kia" (Xem thêm Tài liệu Lầu Năm Góc, G.E, tập III, tr. 369.)

Mặt khác, Đin Ra-xcơ mời đại sứ Liên Xô A-na-to-li Đô-brư-nin đến Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo miệng nội dung thông điệp trên, nhưng có trao cho Đô- brư-nin một bản dịch.

Theo tinh thần khẩn trương của Oa-sinh-tơn, sáng ngày 12 tháng 5, ông Cô-lơ cử tham tán của mình gọi dây nói cho sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đề nghị có ngay cuộc gặp trong ngày giữa đại sứ Cô-lơ và đại sứ Nguyễn Văn Kính vì có chuyện quan trọng. Nhân viên sứ quán Việt Nam cho biết đại sứ Việt Nam từ chối không tiếp đại sứ Mỹ nên gửi công hàm quan trọng và bí mật đó cho Chính phủ Liên Xô với tư cách là đồng chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.

Cô-lơ báo ngay cho Bộ Ngoại giao Mỹ xin chỉ thị mới và đề nghị một trong hai cách giải quyết sau: chuyển bức thông điệp bằng công hàm cho người mang tới sứ quán Việt Nam hoặc tìm gặp quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô để chuyển thông điệp.

Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời ngay: hành động đồng thời theo hai cách, nếu người Liên Xô không muốn làm trung gian thì yêu cầu họ chuyển thông điệp cho đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà theo gợi ý của họ.

Cô lơ chuyển thông điệp "miệng" cho đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kèm một thư mang chữ ký của ông ta. Thư đó như sau:

"Phù hợp với gợi ý do một thành viên của cơ quan tham mưu của ông đưa ra hôm nay, tôi đang cố gắng để gặp quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô tối nay.

Do không thể kịp được và vì sự quan trọng của văn kiện, tôi xin gửi kèm đây bức thông điệp mà tôi đã hy vọng chuyển sớm hơn hôm nay tới ông" (Cô-lơ).

Một nhân viên sứ quán Mỹ trao tay cho một nhân viên sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhưng nó đã bị trả lại sáng hôm sau trong một chiếc phong bì không có tiêu đề sứ quán Việt Nam và chỉ ghi đại sứ quán Hoa Kỳ.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 12 Tháng Mười Một, 2009, 11:35:36 am
Cùng thời gian, quyền Bộ trưởng Cu-dơ-nép-xốp (thay mặt Bộ trưởng Grô-mư-cô đi vắng) khi đó cũng bận nên Cô-lơ xin gặp Thứ trưởng Phi-ri-u-bin, ông ta trình bày ý nghĩa, nội dung của thông điệp và yêu cầu Liên Xô chuyển thông điệp đó cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Phi-ri-u-bin nói sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không yêu cầu Liêu Xô làm việc đó. Cô-lơ nói đã cố gắng tự mình chuyển thông điệp đó cho sứ quán Việt Nam ở Mát-xcơ-va và cuối cùng người ta gợi ý chuyển cho Liên Xô với tư cách là đồng chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.

Phi-ri-u-bin lúc đầu nói sẽ báo cáo việc này lên Chính phủ mình. Sau đưa một mảnh giấy cho trợ lý Cô-ni-en-cô đang cùng dự tiếp khách. Cô-ni-en-cô đi ra và trở lại với mảnh giấy mà Phi-ri-u-bin đọc rất kỹ. Sau đó. Phi-ri-u-bin nói rằng Liên Xô không nhận chuyển thông điệp cho Việt Nam vì Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không yêu cầu Liên Xô làm việc đó. Phía Liên Xô cũng nói với phía Mỹ nên tìm con đường khác để chuyển thông điệp cho Hà Nội.

Đến đây. Cô-lơ thấy cuộc gặp gỡ mà ông mong muốn với đại sứ Nguyễn Văn Kính không thành. Trong báo cáo gửi ngay sau đó về Oa-sinh-tơn, Cô-lơ đề nghị nhờ lãnh sự Anh ở Hà Nội chuyển, đồng thời đề nghị rút ngắn và sửa lại thông điệp vì thấy tính chất và cách viết của nó không thích hợp. Bộ Ngoại giao đã gạt bỏ đề nghị thứ hai của Cô-lơ.

Ngày 13 tháng 5, ông E.F.Út, lãnh sự Anh ở Hà Nội gửi cho Trưởng phòng ngoại vụ của Uỷ ban Nhân dân Thành phố một bức thư có kèm theo bức thông điệp của Hoa Kỳ mà đại sứ Kính đã không chịu nhận và Bộ Ngoại giao Liên Xô không chịu chuyển. Nhưng hôm sau, bức thư đó cũng đã được trả lại cho lãnh sự Anh.

Bộ Ngoại giao Mỹ tính những con đường khác.

Họ lợi dụng cả Pi-e Xa-lin-gơ, một nhà kinh doanh đang có mặt ở Mát-xcơ-va lúc đó về vấn đề sản xuất phim. Nhân một bữa cơm do Mi-kha-in Xa-ga-ten-oan mời, người mà Xa-lin-gơ đã quen biết ở Oa-sinh-tơn khi ông ta làm Giám đốc Hãng thông tấn TASS ở đây, và lúc bấy giờ đang làm ở hãng TASS Mát-xcơ-va.

Xa-lin-gơ nêu vấn đề thông điệp với Xa-ga-ten-oan, Xa-ga-ten-oan tỏ ra quan tâm đến thông báo của Xa-lin-gơ và muốn biết thêm quan điểm của Mỹ về một số vấn đề như Hoa Kỳ có tuyên bố công khai hay không về ngừng ném bom, vấn đề ngừng bắn, vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, vấn đề hội nghị quốc tế

Ngày 15 tháng 5, khi gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Grô-mư-cô tại dinh Thủ tướng Áo Clau-xơ, Bộ trưởng Đin Ra-xcơ đã nêu vấn đề Liên Xô viện trợ cho Việt Nam, nhưng Bộ trưởng Grô-mư-cô tỏ thái độ dứt khoát, Liên Xô không thương lượng về vấn đề Việt Nam, Mỹ phải quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Tài liệu Lầu Năm Góc, G.E, tập III, tr. 371-378.)

Hai đại sứ Cô-lơ và Kính chẳng gặp được nhau và bức thông điệp của "người cầm quyền cao nhất" nước Mỹ đi kèm với cuộc ngừng ném bom đầu tiên kéo dài năm ngày - từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 5 đã qua nhiều con đường nhưng không con đường nào đưa nó tới người nhận.

Tuy vậy, kế hoạch "Hoa Tháng Năm" đã đạt được yêu cầu mong muốn của Johnson. Johnson đã nói trong bức điện gửi đại sứ Taylor ngày 10 tháng 5: mục đích của kế hoạch này là đặt Bắc Việt Nam phải lựa chọn hoặc là bắt đầu dọn con đường cho một giải pháp chính trị khôi phục lại hoà bình theo điều kiện của Mỹ hoặc là để Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự.

Theo Johnson, những yếu tố chính của một nền hoà bình công bằng là: một Nam Việt Nam độc lập được người ta bảo đảm an ninh và có thể đặt các quan hệ với tất cả các nước khác, không bị sự can thiệp của nước ngoài, không tham gia một liên minh ràng buộc nào và không bị sử dụng làm căn cứ quân sự của bất kỳ nước nào. Trong quan niệm kiểu hoà bình đó, không một câu nào nói đến việc rút quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam; việc chấm dứt vĩnh viễn ném bom miền Bắc Việt Nam, việc bảo đảm tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam như Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 đã quy định.

Bức thông điệp ngày 11 tháng 5 nhằm: hoặc Bắc Việt Nam chấp nhận kiểu hoà bình như trên, hoặc Mỹ sẽ tăng cường chiến tranh ở cả hai miền. Rất hợp với kiểu đe doạ chiến tranh đó là một giọng nói trịch thượng, không chỗ nào nói tới thương lượng, thậm chí không chỗ nào nói đến Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là người đối thoại của mình.

Nếu tính thêm các cuộc tăng quân vào miền Nam Việt Nam trong thời điểm đó thì rõ ràng tất cả đã được chuẩn bị, xếp đặt sao đối phương không thể chấp nhận được mục tiêu thứ nhất của Nhà Trắng. Như vậy, chỉ còn lại khả năng thứ hai: Mỹ đã tỏ được sự mềm dẻo hơn và có thêm cớ để đưa thêm quân vào miền Nam Việt Nam và leo những bước thang mới trong việc oanh tạc miền Bắc Việt Nam.

Hoa Tháng Năm! Một cái tên đẹp cho một sáng kiến hoà bình, nhưng một bình phong quá nhỏ để che đậy hàng vạn quân Mỹ đang rầm rập tiến vào miền Nam và hàng nghìn máy bay bay đen bầu trời Việt Nam gieo rắc tàn phá và chết chóc. Sau khi ném bom trở lại, Mỹ ra sức giải thích và đổ vấy trách nhiệm cho Việt Nam.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:49:03 pm
CHƯƠNG SÁU.
XYZ

Tổng thống Johnson đã vạch ra chiến lược hai gọng kìm để kết thúc chiến tranh Việt Nam. Gọng kìm chính là cuộc chiến tranh trên bộ nhằm làm cho Hà Nội và Việt cộng thấy rằng họ không thể giành được miền Nam Việt Nam. Gọng kìm phụ (ném bom miền Bắc Việt Nam) nhằm làm giảm ý chí và khả năng hỗ trợ Việt cộng của Hà Nội và cũng nhằm tăng cái giá mà họ phải trả để thực hiện được việc đó, hai gọng kìm sẽ đưa đến một giải pháp.

Trên cơ sở chiến lược hai gọng kìm của Tổng thống, tướng Westmoreland vạch ra chiến lược tác chiến ba giai đoạn:

Giai đoạn một: Chặn các bước tiến của cộng sản và kéo dài đến 31 tháng 12 năm 1965.

Giai đoạn hai: Từ 1 tháng 1 đến 30 tháng 6 năm 1966 tấn công các lực lượng cộng sản và mở rộng chương trình bình định nhằm “giành trái tim tình cảm" của công dân Việt Nam.

Giai đoạn ba: Từ ngày 1 tháng 7 năm 1966 đến 31 tháng 12 năm 1967 "phá tan hay làm mất hiệu lực của các đơn vị có tổ chức còn lại của Việt cộng và các khu căn cứ của họ.

Westmoreland cho rằng bình định và ném bom miền Bắc sẽ ngăn chặn cộng sản bù đắp lại những thiệt hại do quân đội Mỹ và Nam Việt Nam sẽ gây ra cho họ thông qua việc tuyển quân ở miền Nam Việt Nam và chi viện từ miền Bắc.

Ngày 7 tháng 6 năm 1965, Westmoreland đã gửi một báo cáo bi quan về tình hình Việt Nam và đề nghị cho thêm bốn mươi mốt nghìn quân chiến đấu và sau đó cần thêm năm mươi hai nghìn quân, đưa tổng số quân Mỹ từ tám mươi hai nghìn quân lên một trăm bảy mươi lăm nghìn quân.

Quyết định ngày 28 tháng 7 của Tổng thống Johnson là để bước đầu đáp ứng yêu cầu của Westmoreland. Không yên tâm, ông thành lập một nhóm các nhà chính trị, quân sự nổi tiếng trong đó có Dean Acheson, kiến trúc sư chính trị tạo nên chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thời kỳ đầu của chiến tranh lạnh, Arthur Dean, người đã từng tham gia cuộc đàm phán về Triều Tiên, Robert Lovett, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời Tổng thống Tru-man... để cho ý kiến. Tất cả nhóm, trừ một người đều nhất trí cho rằng cần đưa thêm quân vào Việt Nam. Những người bảo thủ trong Quốc hội gây sức ép đòi tăng chi phí quốc phòng để hỗ trợ cho kế hoạch bổ sung đang được thực hiện và các kế hoạch tương lai. Tổng thống cử Bộ trưởng Macnamara đi bàn kế hoạch với tướng Westmoreland ở miền Nam Việt. Nam.

Trong khi đó Tổng thống cử Averell Ha-ri-man đi Mát-xcơ-va thăm dò Liên Xô về khả năng họp lại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, ông lại giao cho George Ball thực hiện kế hoạch XYZ.

Thật ra từ tháng 5, Nhà Trắng đã có ý định mở kênh Paris qua Mai Văn Bộ, Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Theo kế hoạch này, có ba bước: thứ nhất, qua Chính phủ Pháp, tiếp đó cuộc nói chuyện riêng với một công dân Mỹ: qua một đại diện được phép nhưng không chính thức của Hoa Kỳ. Cuộc tiếp xúc Mai Văn Bộ với người Pháp và nội dung thông điệp để chuyển cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là hai điểm quan trọng nhất.

Pháp yêu cầu Mai Văn Bộ gặp cuộc gặp sáng ngày 18 tháng 5 năm 1965 trước khi Mỹ ném bom trở lại (trong kế hoạch Hoa Tháng Năm) nhưng lúc hẹn gặp nhau, do chênh lệch giờ Sài Gòn với giờ Oa-sinh-tơn. lại xảy ra tám tiếng san khi đã có lệnh ném bom trở lại vì thế cuộc gặp không thành. Người Mỹ cho rằng Hà Nội đủ thì giờ chỉ thị cho Mai Văn Bộ dừng tiếp.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:49:55 pm
Ngày 29 tháng 7, một nhà kinh doanh Mỹ thông báo cho Bộ Ngoại giáo Mỹ về khả năng thiết lập mối quan hệ với Mai Văn Bộ Tổng thống Johnson giao cho trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao George Ball thực hiện dự án này. George Ball chọn Edmund Gullion, một nhà ngoại giao có kinh nghiệm, nói tiếng Pháp thành thạo và đã phục vụ ở Việt Nam những năm 50.

Gullion xin gặp Mai Văn Bộ với tư cách cá nhân vì Ball cho rằng như thế giữ được sự linh hoạt tối đa trong đàm phán để Chính phủ Mỹ có thể từ bỏ cuộc nói chuyện nếu có vấn đề gì xảy ra.

Để đảm bảo bí mật tối đa, dự án này mang mật hiệu là XYZ.

X là Gullion và Mai Văn Bộ là R, mọi thông tin đều chuyển qua kênh tuyệt mật của sứ quán mà chỉ riêng đại sứ Mỹ biết thôi. Mục tiêu chính nhiệm vụ của Gullion là thăm dò ý nghĩa những tuyên bố chung và riêng của Hà Nội nhằm xác định xem còn có khả năng nào cho cuộc thương lượng thật sự không.

Gullion được hướng dẫn cố gắng xây dựng cơ sở cho một cuộc thương lượng dựa trên "bốn điểm" của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là không thoả hiệp về vị trí của chính quyền Nam Việt Nam.

Gullion xin gặp Mai Văn Bộ ngày 6 tháng 8 năm 1965.

Mai Văn Bộ chấp nhận.

Mở đầu, Gullion bày tỏ mối quan tâm về sự chết chóc do chiến tranh gây ra và tỏ vẻ lo ngại chiến tranh có thể mở rộng.

Ông nói: Tổng thống Johnson đang đứng trước áp lực lớn đòi mở rộng chiến tranh, ông được đa số nhân dân Mỹ ủng hộ nên phải mở rộng chiến tranh và sẽ thắng trong bầu cử tới. Nếu hai bên cứ tiếp tục đánh nhau sẽ không tránh khỏi chiến tranh mở rộng, cho nên phải đàm phán ngoại giao.

Khi đồng chí Mai Văn Bộ nhắc lại âm mưu và lên án sự xâm lược của Mỹ, nói rõ lập trường bốn điểm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhấn mạnh đó là cơ sở để giải quyết vấn đề. Gơ-li-ơn lền hỏi;

- Cơ sở là thế nào? Một hay nhiều cơ sở? rút quân Mỹ trước hay thương lượng rồi mới rút. Bắc Kinh nói Mỹ rút quân là vấn đề tiên quyết, có phải như vậy không?

Trong khi đồng chí Mai Văn Bộ chưa trả lời thì ông ta đã lấy một tờ giấy viết sẵn và đọc:

Một: Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cán tiến hành ngay các cuộc thương lượng không điều kiện tiên quyết và những cuộc thương lượng tiếp theo để bàn biện pháp đưa đến sự công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ như Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 đã quy định.

Nội dung các cuộc thương lượng đó là: phương thức và giai đoạn rút nhân viên quân sự và nửa quân sự, vũ khí nước ngoài ra khỏi miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Sẽ thảo luận việc phá huỷ những căn cứ quân sự nước ngoài, thủ tiêu mọi hiệp nghị và liên minh trái với Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, việc tập kết, việc bố trí các lực lượng bản xứ.

Hai: Việc tuân thủ nghiêm chỉnh các điều khoản quân sự của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ phải dược hoàn thành theo đúng chương trình và bảo đảm thích hợp sẽ được thoả thuận trong các cuộc thảo luận hay thương lượng nói trên.

Ba: Những vấn đề nội bộ của Việt Nam ở miền Bắc và miền Nam do nhân dân Việt Nam ở mỗi miền tự giải quyết. không có sự can thiệp của bên ngoài.

Bốn: Vấn đề nội bộ của Việt Nam được giải quyết một cách hoà bình trên cơ sở quyết định tự do của miền Bắc và miền Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:50:40 pm
Gơ-li-ơn nói rằng những điều trên đây của Mỹ cũng như lập trường bốn điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có thể là cơ sở để thảo luận. Các nước tham gia vào hội nghị sau này có thể đưa ra cơ sở khác nữa.

Cuối cùng. E.Gơ-li-ơn nói chính sách của Mỹ là muốn thấy một nước Việt Nam thống nhất không có sự can thiệp của Mỹ, Pháp hay Trung Quốc.

Trong cuộc gặp lần thứ hai ngày 13 tháng 8 năm 1965, ông Gơ-li-ơn đọc hai bài báo cáo nói về Johnson bị áp lực phải đẩy mạnh chiến tranh rồi tỏ vẻ lo ngại tình hình sẽ ra sao nếu Johnson không cưỡng nổi áp lực đó. Sau đó ông hỏi ý kiến Mai Văn Bộ về những điểm ông ta đã đưa ra hôm trước.

Mai Văn Bộ nói: Mỹ phải tôn trọng và thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, thừa nhận lập trường bốn điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đồng chí cũng nói rằng ý kiến của Gơ-li-ơn chưa đáp ứng lập trường của Hà Nội.

Gơ-li-ơn hỏi ý kiến của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về quyền đại diện của miền Nam Việt Nam. Mai Vãn Bộ nêu rõ: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam, Mỹ phải công nhận Mặt trận; Mỹ sẽ thất bại trong âm mưu chia cắt Việt Nam.

Gơ-li-ơn liền thanh minh ngay rằng Mỹ không có âm mưu đó, Mỹ chỉ mong Việt Nam độc lập thống nhất, việc nội bộ Việt Nam do nhân dân Việt Nam giải quyết, theo chế độ nào cũng được miễn là không lệ thuộc nước ngoài. Mỹ mong muốn rút khỏi Việt Nam một cách vinh dự. Nếu miền Bắc rút quân (khỏi miền Nam) thì Mỹ sẽ rút ngay. Ông kết luận rằng còn quá khó khăn... Miền Bắc đòi Mặt trận là đại diện duy nhất cho miền Nam... Mỹ phải chấp nhận trước bốn điểm như vậy còn gì danh dự cho Mỹ, mà lại không có Điện Biên Phủ.

Sau khi hỏi Mai Văn Bộ rằng Trung Quốc có chịu thương lượng không, Gơ-li-ơn nói là ông ta bi quan vì lập trường của Việt Nam quá cứng và doạ "chiến tranh mở rộng thì ghê gớm lắm".

Tưởng câu chuyện dó chấm dứt nhưng ngày 18 tháng 8, E.Gơ-li-ơn lại đến.

Lần này ông lấy bài báo của nhà sử học Pháp Phi-lip Đờ-vi-le phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên tờ Lơ-mông-đơ của Pháp, hỏi lại đồng chí Mai Văn Bộ về quyền đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Khi được trả lời như lần trước, ông lắc đầu cho rằng quan điểm của Việt Nam là không thực tế, ông hỏi:

- Phía các ông thừa nhận một miền Nam Việt Nam độc lập, trung lập có quan hệ thương mại, đi lại với miền Bắc cho đến khi nào hai bên đồng ý thống nhất bằng phương pháp hoà bình nhưng tại sao lại nói theo cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và cương lĩnh của Mặt trận Tổ Quốc?

Nhưng ông khách Mỹ thật ra không quan tâm lắm đến sự trả lời cho câu hỏi đó, mà nói rằng câu trả lời của miền Bấc về ba vấn đề sau đây là quan trọng hơn cả: ngừng bắn phá miền Bắc, ngừng chiến tranh ở miền Nam và rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, ông hỏi:

- Ba vấn đề này đặt ngang nhau, thi hành cùng một lúc hay có cái trước cái sau. Rút quân Mỹ có phải là điều kiện tiên quyết hay việc rút quân sẽ được giải quyết trong thương lượng và rút như thế nào?


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:51:52 pm
Bình luận về lập trường của ta, Gơ-li-ơn nói: Mỹ phải thừa nhận bốn điểm, công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng và ngừng bắn phá miền Bắc mà không có dấu hiệu gì đáp lại ở miền Nam thì khó mà đồng tình với nhau được!

Ngày cuối cùng của tháng 8 năm 1965, ông lại đến cơ quan Tổng đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và trịnh trọng tuyên bố với Mai Văn Bộ rằng: Bốn điểm ông ta trình bày đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Đin Ra-xcơ xác nhận trong tuyên bố với báo chí: thừa nhận thi hành các điều khoản quân sự của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, thừa nhận tổng tuyển cử ở Việt Nam, Mỹ sẽ ngừng bắn phá miền Bắc nếu có dấu hiệu đáp lại

Ông lại hỏi vấn đề rút quân, rút trước hay rút sau khi thương lựợng, ông nói hai bên phải cùng rút quân, chẳng hạn miền Bắc rút sư đoàn 325 khỏi miền Nam và hỏi thêm: phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có nhận sự kiểm soát quốc tế ngoài Liên hợp quốc không?

Ông ta còn đọc một thông điệp của Chính phủ Mỹ gửi các nước, trong đó nói Mỹ không từ bỏ khả năng ngừng bắn phá Bắc Việt Nam dài hơn với điều kiện là Hà Nội có một dấu hiệu rõ ràng, ngừng việc đưa người và vũ khí vào miền Nam, nhất là ngừng rõ rệt mức độ hành động quân sự và hoạt động khủng bố ở miền Nam do sự ủng hộ của miền Bắc gây ra.

Sau khi Tổng đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phản đối, Gơ-li-ơn dịu giọng và nói:

Mỹ không đòi miền Bắc có hành động tương xứng như ngừng mọi hoạt động, mà chỉ yêu cầu có dấn hiệu nào đó như giảm bớt hoạt động khủng bố hay hành động nào đó để cho hai bên có thể từng bước cùng xuống thang đến mức như ở Al-giê-ri thì có thể từng bước nói chuyện với nhau mà không ai mất mặt cả.

Trước khi về, Gơ-li-ơn còn nói là cả Tổng thống Johnson và Ngoại trưởng đến Ra-xcơ đều cố gắng tìm cách này hay cách khác để đi đến giải quyết bằng thương lượng mà các ông cứ nói ngang như vậy thì làm sao đi đến thương lượng được?

Ông xin gặp lại vào ngày 7 tháng 9 năm 1965 nhưng Mai Văn Bộ từ chối.

Trong cả bốn lần gặp Mai Văn Bộ, Gơ-li-ơn đều nói đến vấn đề Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng chính trong thời gian đó, Oa-sinh-tơn liên tiếp đưa nhiều đơn vị chiến đấu Mỹ vào miền Nam nước ta. Hoạt động của ông ta chỉ là bộ phận của kế hoạch vận động ngoại giao nhằm che giấu việc tăng quân của Mỹ.

Đầu tháng 11, ông P.Xtơ-mơ, một nhà ngoại giao Mỹ nguyên lãnh sự Mỹ ở Hà Nội từ 1952 đến 1954 yêu cầu gặp Mai Văn Bộ, ông này trước đây đã ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ can thiệp vào chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là về gợi ý đổ bộ quân Mỹ xuống đồng bằng Bắc Bộ.

Khi gặp đồng chí Võ Văn Sung, Bí thư thứ nhất cơ quan ta, ông đưa thư của Gơ-li-ơn đề nghị gặp lại Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Khi đó, Mai Văn Bộ đã về nước báo cáo.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:54:04 pm
Câu chuyện của Xtơ-mơ xoay quanh sự sẵn sàng thương lượng không điều kiện của Mỹ, lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ông ta hỏi:

- Mỹ làm thế nào để thừa nhận bốn điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà? Thừa nhận bằng cách nào? Theo ông, Mỹ đã đồng ý ba trong bốn điểm: các điểm một, hai và bốn. Còn điểm ba thì khó quá, Mỹ phải nhìn trước nhìn sau. Phía Việt Nam hình dung thế nào về diễn biến tình hình sau khi Mỹ nhận cả bốn điểm? Có phải công nhận khi hai bên còn đánh nhau không? Sau khi hai bên gặp nhau có thể đi đến đàm phán không?

Lúc đầu, câu chuyện được dẫn dắt để người nghe tưởng như Mỹ đã nhận ba trong bốn điểm của phía Việt Nam Dân chủ Còng hoà. Sau cùng, Xtơ-mơ nói: Mỹ sẽ ngừng ném bom miền Bắc nếu Hà Nội chấm dứt thâm nhập vào miền Nam và rút quân về Bắc.

Chung quy vẫn là câu chuyện phải có dấu hiệu đáp lại việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, phải có đi có lại nghĩa là Mỹ có thể nói chuyện nhưng phải có điều kiện trước.

Sang tháng 1 năm 1966, Xtơ-mơ lại đề nghị gặp đồng chí Võ Văn Sung nhưng tình hình lúc này đã có diễn biến mới.

Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ "có thẩm quyền nhưng không chính thức" gặp đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Gơ-li-ơn dược chỉ thị ban đầu là "phải vì ra mềm dẻo vừa gây áp lực" (1) nói một cách đơn giản và chung chung để thực hiện việc tiếp xúc (2), X cần tỏ ra mong muốn cho Việt Nam được hoà bình, tự do, độc lập và thống nhất (3), X cần nói rằng việc kéo dài chiến tranh sẽ đưa đến việc Mỹ tăng sức ép và Trung Quốc kiểm soát Bắc Việt Nam (4), X cần nhấn mạnh rằng không có gì ép được Mỹ rút đi, sức ép đòi mở rộng chiến tranh ở Mỹ đang tăng lên và rất khó mà kiềm chế được.
Và sau mỗi cuộc họp, X lại được chỉ thị cho cuộc tiếp xúc sau.

Mục đích của Mỹ là đánh giá đối phương xem có ý định thương lượng không, có thể tiếp xúc với R được không? Tìm hiểu bốn điểm, điều kiện và thời gian rút quân, cơ sở cho thương lượng, thời gian thống nhất và tổng tuyển cử, thăm dò thái độ của Bắc Việt Nam về đề nghị của Ấn Độ, thái độ đối với Trung Quốc và Liên hiệp quốc, việc dùng vấn đề Lào và Cam-pu-chia làm con bài đổi lấy việc thương lượng.

Tháng 11, Y (Xtơ-mơ) đến gặp đại diện ta với chỉ thị: Y cần nhấn mạnh:

Một: Áp lực ngày càng tăng ở Mỹ đòi mở rộng chiến tranh.

Hai: Dùng chiến thuật chia rẽ Trung Quốc.

Ba: Mở rộng khái niệm về phát triển kinh tế.

Bốn: Hỏi thêm về bị vong lục của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 23 tháng 9 năm 1965.

Oa-sinh-tơn cho rằng Gơ-li-ơn đã "thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc" 

Tuy nhiên ông không thuyết phục được Hà Nội đi vào thương lượng trên thế mạnh của Mỹ.




Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:54:59 pm
CHƯƠNG BẢY
PHÁI ĐOÀN HOÀ BÌNH CỦA KHỐI LIÊN HIỆP ANH VÀ SỨ GIẢ CỦA TỔNG THỐNG N.CRU-MA

Anh là một trong hai Chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương có nhiệm vụ theo dõi việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam cũng như về Lào và Cam-pu-chia.

Nhưng Anh đồng thời là đồng minh của Mỹ, gắn bó mật thiết với Mỹ không những bởi truyền thống Ăng-lô-xắc-xông mà còn bởi cái mà người ta gọi là "tình hữu nghị Đại Tây Dương".

Trong việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam, quan điểm công khai của Luân Đôn là ủng hộ chính sách dính líu của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, ủng hộ chính quyền Sài Gòn, tán thành duy trì việc chia cắt nước Việt Nam. Họ đã cử R.G.K,Tôm-xơn, chuyên gia số một về chống du kích ở Mã Lai sang giúp chính quyền Sài Gòn chống du kích của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Đương nhiên, họ đã làm ngơ trước việc nhân viên quân sự và vũ khí Mỹ đổ vào miền Nam Việt Nam.

Đầu năm 1965, khi cuộc chiến tranh bắt đầu được Mỹ hoá ở miền Nam Việt Nam, mở rộng ra miền Bắc dưới hình thức một cuộc chiến tranh bằng không quân, Oa-sinh-tơn phải tiến hành rộng rãi việc biện minh và thuyết phục bằng cách đổ lỗi cho Bắc Việt Nam và tuyên bố "sẵn sàng thương lượng không điều kiện".

Từ sau tuyên bố Ban-ti-mo của Tổng thống Johnson, hoạt động ngoại giao của Luân Đôn hướng mạnh mẽ vào việc “tìm kiếm hoà bình" ở Việt Nam.

Từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 4 tháng 5 năm 1965, P.G.Oa-cơ, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh đi thăm một loạt nước Đông Nam Á nhằm nghiên cứu khả năng giải quyết vấn đề Việt Nam. Trong dịp này, E.F.Út lãnh sự Anh ở Hà Nội gửi Trưởng phòng ngoại vụ Thành phố bức thư sau đây:

"Chủ tịch Anh của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 yêu cầu ông báo cho ông Phạm Văn Đồng rằng ông P.G.Oa-cơ đại diện đặc biệt của Chủ tịch Anh sẽ đi thăm Đông Nam Á... Xét tính chất nghiêm trọng của những vấn đề ở Đông Dương, đặc biệt là ở Việt Nam, Chủ tịch Anh cho rằng đại diện đặc biệt cần đi thăm Bắc Việt Nam trong chuyến đi này.

Chủ tịnh Anh mong rằng ông Oa-cơ sẽ có dịp thảo luận với ông Phạm Văn Đồng về những vấn đề làm cho Chủ tịch Anh quan tâm và khả năng giải quyết những vấn đề đó”.

Bức thư còn viết thêm:

“Anh sẽ góp ý kiến với các thành viên của Hội nghị Giơ-ne-vơ về khả năng tới hoà bình ở Việt Nam".

Cuối cùng, ông Út xin thị thực nhập cảnh cho ông Oa-cơ và người cùng đi để họ tới Hà Nội ngày 26 tháng 4 năm 1965.

Khi đến Viêng Chăn, Oa-cơ cho người đến sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lấy thị thực nhưng phía Việt Nam khước từ. Chính phủ Hà Nội không nhận tiếp ông ta vì thấy rằng một cuộc tiếp xúc với ông ta sẽ không mang lại lợi ích gì cho hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương khi chính Thủ tướng Uyn-xơn vừa mới tuyên bố ngày 13 tháng 4 trong một cuộc họp báo tại Liên hợp quốc: "Hoà bình chỉ có thể lập lại được ở Việt Nam bằng cách tiêu diệt Việt cộng". Tuyên bố đó lộ liễu đến mức là hãng UPI, khi đưa tin này, đã bình luận rằng: “Uyn-xơn đứng vững vàng đằng sau chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á" .


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:55:36 pm
Ngày 17 tháng 6, trong hội nghị các nguyên thủ các nước khối Liên hiệp Anh tại Luân Đôn, Thủ tướng Uyn-xơn đưa ra sáng kiến hoà bình về Việt Nam, ông đề nghị cử một phái đoàn đặc biệt do ông lãnh đạo đi Mát-xcơ-va, Bắc Kinh, Hà Nội, Sài Gòn và Oa-sinh-tơn nhằm mục đích "Đánh giá một cơ sở chung có thể có được và những điều kiện triệu tập một hội nghị quốc tế dẫn tới việc lập lại hoà bình lâu dài ở Việt Nam".

Phái đoàn sẽ gồm có nguyên thủ hoặc thủ tướng các nước Anh, Ni-giê-ri-a, Ga-na, Tơ-ri-ni-dát Tô-ba-gô. Đề nghị đó không được toàn thể hội nghị tán thành vì nó không có tính đại diện cho khối Liên hiệp Anh. Cũng nên nhắc ở đây rằng tính đến 14 tháng 6, theo Hãng thông tấn AP của Mỹ, đã có nhiều nước châu Phi phản đối chính sách của Mỹ ở Việt Nam: Ga-na, Dăm-bi-a, Ma-a-uy, Tan-da-ni-a, Xi-ê-ra Lê-ôn, U-gan-đa...

Hãng thông tấn Roi-tơ ngày 17 tháng 6 đưa tin: "Tổng thống Johnson đã được báo trước về kế hoạch lập phái đoàn này và đồng ý". Đài BBC ngày 18 nhận xét: "Chắc chắn Uyn-xơn đã không thành láp phái đoàn này nếu không có sự tán thành trước của Mỹ".

Tổng thống Tan-da-ni-a Ni-ê-rê-rê cho rằng phái đoàn này chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền, nước ông phản đối phái đoàn đó và tin rằng nó sẽ thất bại.

Đầu tháng 6, Ngoại trưởng Anh Xtiu-ớt đưa ra kế hoạch sáu điểm để giải quyết vấn đề Việt Nam trong đó có việc: "Tổ chức hội nghị quốc tế để thương lượng ngừng bắn và bảo đảm cho miền Nam Việt Nam khỏi sự xâm lược của miền Bắc".

Một buổi sáng cuối tháng 6, ông Nguyễn Văn Sao, phóng viên báo Cứu quốc, cơ quan của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam - thực tế là đại diện của Hà Nội tại Luân Đôn được mời đến văn phòng của ông H.Đa-vít, Bộ trưởng, nghị sĩ Công đảng Anh ở quốc hội. Ông Đa- vít trước đây đã đến thăm Hà Nội và đã được đón tiếp tử tế. Cuối năm 1964, theo đề nghị của ông và nghị sĩ W. Oa-bây, Hà Nội đồng ý mời hai ông sang Việt Nam. Tháng 1 năm 1965 chỉ có ông Oa-bây đi, ông Đa-vít không đi, với lý do bận việc chính quyền, ông Oa-bây đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp.

Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đồng ý tiếp ông với tư cách cá nhân. Nhưng ngày 8 tháng 1, khi gặp Phan Tử Nghĩa, Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam ra đón ông tại sân bay Gia Lâm, ông lại nói ông đến Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ do ông Uyn-xơn trao.

Chiều và tối hôm đó, báo chí và đài phát thanh phương Tây đưa tin ầm ĩ rằng Đa-vít sang Hà Nội với danh nghĩa là phái viên của Thủ tướng Uyn-xơn để chuẩn bị cho phái đoàn Liên hiệp Anh và sang Hà Nội là do lời mời của Hà Nội, không phải do ông yêu cầu, Hà Nội có vẻ xuống giọng!

Hôm sau, tại trụ sở Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các ông Trần Hữu Duyệt, Tổng thư ký Mặt trận; Phạm Hồng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài; Phan Tử Nghĩa, Trần Trọng Quát, cựu phóng viên báo Cứu quốc tại Luân Đôn đã niềm nở đón tiếp ông Đa-vít.

Trần Hữu Duyệt bày tỏ niềm vui mừng được cùng các bạn bè đón tiếp một người bạn cũ và cảm ơn ông về những hoạt động ủng hộ Việt Nam sau chuyến đi năm 1957.

Ông Đa-vít cũng tỏ ý sung sướng được gặp lại các bạn Việt Nam và cảm ơn Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam một lần nữa đã mời ông, ông nói tiếp:

“Mong các ông hiểu cho tôi là Bộ trưởng trong Chính phủ Anh, phải được phép của Chính phủ Anh mới sang được đây và tôi đã được ông Uyn-xơn cho phép".


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:56:26 pm
Trần Hữu Duyệt tỏ ý ngạc nhiên với việc ông nói là dại diện cho Chính phủ Anh, chứ không phải với tư cách cá nhân. Đa-vít thanh minh và nói tiếp:

"Các ông hãy tin tôi, ông Uyn-xơn không lừa dối các ông... ông Uyn-xơn không tham khảo trước ý kiến của Mỹ về phái đoàn này. Hội nghị Thủ tướng các nước khối Liên hiệp Anh đã tạo điều kiện thuận lợi đi đến một giải pháp cho vấn đề Việt Nam và đã kêu gọi các bên hữu quan hãy kiềm chế những hoạt động quân sự để tiến tới ngừng bắn.

Phái đoàn muốn gặp các bên hữu quan và tìm biện pháp nhích gần lại lập trường bốn điểm mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nêu. Lập trường của Mặt trận Dân tộc Giải phóng cũng được chú ý.

Chúng tôi thành thật tin rằng nhân dân thế giới đang tìm mọi cách khuyến khích mở các cuộc thương lượng hoà bình, vì tình hình Việt Nam ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của nhân dân thế giới.

Tôi có thể nói thẳng với các ông rằng bác bỏ cuộc gặp gỡ này là sai lầm... Mục đích của phái đoàn này không có gì khác là tìm ra một biện pháp hoà bình. Phái đoàn sẵn sàng nghe ý kiến Bắc Việt Nam, nghe Mỹ, mà Mỹ sẽ khó mà bác được các điều phái đoàn đã chấp nhận với Bắc Việt Nam".

Ông Đa-vít cho rằng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp phái đoàn dù chỉ hai ngày ở Hà Nội thì bản thân sự kiện đó cũng đã có ý nghĩa chính trị, ông nhấn mạnh: 

"Đây là cơ hội để thực hiện tối đa mục tiêu của các ông bằng hoà bình. Nếu các ông bác bỏ thì nhiều năm nữa mới có cơ hội đàm phán nhưng sau một cuộc chém giết lớn. Tình hình hiện nay đặc biệt nghiêm trọng, nên phải xem xét vấn đề một cách thận trọng... Phải có đàm phán trước khi bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nếu hàng triệu người Việt Nam chết thì thắng lợi có ý nghĩa gì? Tất nhiên không phải các ông gây ra chiến tranh hạt nhân, nhưng sự việc cứ xảy đến nếu không ngăn chặn được".

Khách quan mà nói, khi đó dư luận phương Tây rất lo sợ Việt Nam sẽ không thể chống lại sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ, nhất là khi bọn "diều hâu” đe doạ đưa Bắc Việt Nam "trở về thời đồ đá". Oa-sinh-tơn đã lợi dụng tâm lý đó để lôi kéo dư luận ủng hộ thủ đoạn “thương lượng không điều kiện" của Johnson.

Các bạn Việt Nam đã nói rõ về âm mưu và hành động xâm lược của Mỹ, những tội ác ghê tởm do bom đạn Mỹ gây ra,. về lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Giải pháp đúng đắn là Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 phải được thi hành nghiêm chỉnh. Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt ném bom miền Bắc, để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình. Đồng thời các bạn Việt Nam cũng đã phê phán thái độ của ông Uyn-xơn ủng hộ chính sách của Mỹ ở Việt Nam.

Tất cả những lời thanh minh, thuyết phục, đe doạ của ông Đa-vít đều tỏ ra vô hiệu. Hai ngày tiếp theo là hai ngày khắc khoải mong đợi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp. Tối ngày 11, thấy không còn hy vọng được gặp Thủ tướng, ông Đa-vít yêu cầu gặp Trần Trọng Quát, ông hỏi:

- Liệu Thủ tướng Phạm Văn Đồng có biết tôi đang ở Hà Nội không? 

- Tôi tin là Thủ tướng biết qua tin tức của báo đài

Nghe câu trả lời đó, ông Đa-vít đã hiểu tình hình là thế nào, ông chuyển sang nói với đồng chí Quát một số vấn đề mà ý định khá rõ của ông là để đồng chí Quát báo cáo lên Thủ tướng.

- Chúng tôi thừa nhận rằng vấn đề miền Nam Việt Nam phải được giải quyết trong khuôn khổ Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954. Trong các cuộc đàm phán tương lai, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ có đoàn đại biểu riêng. Nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp Thủ tướng Uyn-xơn thì Vương quốc Anh sẽ công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên thực tế và hai bên sẽ đặt quan hệ ở cấp Tổng lãnh sự. Nếu Thủ tướng Uyn-xơn thống nhất ý kiến được với Việt Nam thì Tổng thống Johnson không phản đối được. Ga-na nói với Mỹ, Mỹ sẽ không nghe. Tôi có thể ở lại Hà Nội thêm ít ngày nếu lãnh đạo Việt Nam tiếp tôi.

Nhưng ngày 13 tháng 7, Đa-vít rời Hà Nội, tất nhiên không vui vẻ lắm.

Ngày 19 tháng 7 trước Quốc hội Anh, Thủ tướng Uyn-xơn đã bênh vục chính sách của Tổng thống Johnson về Việt Nam và tuyên bố:

“Chiến tranh sẽ được đẩy mạnh; Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm về việc đó... Mỹ sẽ đánh Việt Nam mạnh hơn để trừng phạt những người không chịu ngồi vào bàn thương lượng" (Tin Roi-tơ, UPI.)


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:57:09 pm
*
*    *

Như trên đã nói, trong phái đoàn mà Uyn-xơn dự định thành lập, người ta dự kiến có Tổng thống Ga-na N.Cru-ma. N.Cru-ma là một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng ở châu Phi, đã lãnh đạo phong trào độc lập của nhân dân Ga-na, ông là người bạn của nhân dân Việt Nam, luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập của nhân dân Việt Nam. Khi Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, đưa quân Mỹ vào miền Nam, ông đã ủng hộ lập trường bốn điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đặc biệt là đã quyết định đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ với nước ta. Dư luận thế giới coi đây là một hành động dũng cảm.

Tổng thống N.Cru-ma nhận tham gia phái đoàn Liên hiệp Anh với lòng mong muốn chân thành đóng góp vào việc lập lại hoà bình ở Việt Nam và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Khi ông Đa-vít sang Hà Nội, Tổng thống đã gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu những suy nghĩ của ông về vấn đề Việt Nam, ông viết:

"Tôi tin rằng một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam có thể dẫn tới việc thực hiện những mục tiêu là nhân dân Việt Nam đang chiến đấu và hy sinh". Và "Có khả năng hợp lý để thực hiện việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam bằng thương lượng". Ông cho rằng ít nhất cũng nên thử xem "việc đó có thực hiện được không?", vì "nếu thực hiện được mà không đổ máu hơn nữa và không phải thoả hiệp một chút nào các nguyên tắc và mục tiên đấu tranh của nhân dân Việt Nam thì điều đó không chỉ có lợi cho nhân dân Việt Nam mà cho cả hoà bình thế giới".

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời bức thư trên, các cuộc ném bom của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam đã vượt quá vĩ tuyến 20. Chủ tịch vạch rõ thực chất của cái gọi là cuộc vận động hoà bình của Mỹ:

"Chính trong lúc đó, Tổng thống Mỹ Johnson và những người ủng hộ ông ta như Thủ tướng Uyn-xơn ráo riết đẩy mạnh cái gọi là vận động hoà bình của họ để che đậy việc tăng cường xâm lược Việt Nam và đánh lừa dư luận".

Người còn nêu những nước trong Liên hiệp Anh đang tham gia cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam:

"Về Liên hiệp Anh, ngoài Thủ tướng Uyn-xơn là người trước sau ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam còn có Úc, Tân Tây Lan là hai nước đã đưa quân sang giúp Mỹ đánh lại nhân dân Việt Nam.

Trong điều kiện như vậy thì làm sao người ta có thể tin tưởng ở phái đoàn gọi là hoà bình của Liên hiệp Anh được".

Tuy vậy, thể hiện tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam đối với Tổng thống và nhân dân Ga-na, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngỏ lời mời Tổng thống:

"Nếu Tổng thống N.Cru-ma có dịp sang thăm hữu nghị đất nước Việt Nam thì tôi sẽ rất hoan nghênh và vui lòng thảo luận vấn đề với Tổng thống".

Tổng thống N.Cru-ma cử ngay Bộ trưởng K.Ác- ma, cao uỷ Ga-na tại Luân Đôn sang Hà Nội với nhiệm vụ tìm hiểu tình hình và thu xếp chuyến đi thăm hữu nghị Việt Nam của Tổng thống. Mười ngày sau, đặc phái viên của Tổng thống đã tới Hà Nội. Cùng đi với ông Bộ trưởng có tiến sĩ J.Bốt-xman, đại sứ Ga-na tại Paris, ông Phét Ác-hớt, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Ga-na. Cuộc đón tiếp phái đoàn đơn sơ trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng hữu nghị và chân thành.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:57:52 pm
Ngay hôm sau, ngày 26 tháng 7 năm 1965, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tiếp ông Ác-ma. Hai bên đã trao đổi ý kiến về tình hình Việt Nam và về chuyến đi thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống N.Cru-ma.

Về mục đích chuyến đi thăm Việt Nam của đoàn, ông Ác-ma nói: Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng hiện nay ở khu vực, sự quan tâm của dư luận thế giới, của các nước Á Phi và của Tổng thống chúng tôi càng trở nên sâu sắc.

Lập trường của Ga-na từ trước tới nay trong vấn đề Việt Nam là phải triệt để thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, tức là thực hiên ba nguyên tắc mà hầu hết các nước Á Phi ủng hộ là độc lập, thống nhất và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Đánh giá tình hình Việt Nam hiện nay, ông nói đại ý: Nhân dân Việt Nam đang tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng vô cùng oanh liệt. Nhân dâu Ga-na cũng như nhân dân Á Phi hết sức ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa đó. Nhân dân Việt Nam ở hai miền đã giành được nhiều thắng lợi. Việt Nam đang ở thế mạnh, Mỹ đã thấy không thể đè bẹp được ý chí của nhân dân Việt Nam. Mỹ muốn trở lại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 bằng một hiệp nghị khác. Hiện nay lập trường của Việt Nam và Mỹ không xa nhau. Việt Nam gắn bó với Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, Mỹ cũng muốn thi hành Hiệp nghị đó.

Nhân dân Á Phi có thể làm trung gian để tiến hành đàm phán, thử lòng thành thật của Mỹ trong việc kêu gọi hoà bình.

Sau khi trình bày âm mưu chiến lược của Mỹ ở Đông Dương và Đông Nam Á từ sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954. Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã vạch rõ: Mỹ nói thương lượng không điều kiện nhưng thực tế đặt ra nhiều điều kiện. Sau đó, Bộ trưởng trình bày lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và lập trường năm điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Ngày 27 tháng 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Bộ trưởng Ác-ma và các vị cùng đi tại Phủ chủ tịch (Những lời Hồ Chủ tịch nói chuyện với Bộ trưởng Ác-ma trong chương này được tác giả viết theo "Lược ghi biên bản tiếp xúc Hồ Chủ tịch - Ác-ma" của Nguyễn Tư Huyên, Trưởng phòng phiên dịch của Bộ Ngoại giao.)

Tình hình Hà Nội lúc này chưa bị ném bom nhưng rất căng thẳng. Mỗi ngày có hàng chục lần báo động. Thực tế trong tháng 7 máy bay Mỹ đã đánh vào thành phố dệt Nam Định, cách Hà Nội chưa đến một trăm km và liên tục đánh hệ thống đường sắt Tây-bắc Hà Nội. Từ cách tổ chức làm việc đến cách chiếu sáng ban đêm, nhịp sống ngoài đường phố, tất cả là thời chiến.

Phủ chủ tịch trang nghiêm, vắng vẻ. Phòng tiếp khách của Chủ tịch như một ốc đảo yên tĩnh giữa một thành phố đang chờ cơn bão lửa có thể ập đến bất cứ lúc nào, với một câu chào bằng tiếng Anh và cái bắt tay thân mật, Người đã làm cho các vị khách cảm thấy thoải mái.

Người hỏi thăm sức khoẻ của Tổng thống N. Cru-ma và cảm ơn Tổng thống đã cử các vị đến đây. Người cảm ơn các vị đã sang thăm Việt Nam, mang tình hữu nghị của nhân dân Ga-na đến cho nhân dân Việt Nam. Mong các vị mạnh khoẻ, vui vẻ, thoải mái.

Người nói rằng các vị đã đi rất xa từ Ga-na đến Việt Nam, tính trên bản đồ là một phần ba trái đất. Tuy nhiên, xa thì xa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ga-na có nhiều điểm giống nhau. Nhân dân Ga-na phải phấn đấu lâu năm mới giành được độc lập. Nhân dân Việt Nam cũng phải đấu tranh gần một trăm năm. Tổng thống Ga-na và Người nói riêng cũng có nhiều cái giống nhau, vì cùng phấn đấu, cùng ở tù như nhau. Vì vậy hai nước chúng ta có cảm tình đặc biệt với nhan.

Chắc các vị sang Việt Nam cũng muốn tìm hiểu tình hình Việt Nam cho rõ hơn (các vị khách gật đầu).

Hôm qua, đế quốc Mỹ đã hoan nghênh các vị bằng cách cho bốn mươi chuyến máy bay leo thang ra miền Bắc. Để tỏ tình quyến luyến với họ, chúng tôi đã hạ sáu máy bay, bắt sống ba phi công. Từ nay đến hết chiến tranh, chúng tôi sẽ phải nuôi họ, Chính phủ Mỹ không phải trả tiền.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:58:55 pm
Nhân đây Người trình bày tóm tắt lập trường của Việt Nam.

Chúng tôi biết nhân dân Ga-na đồng tình, ủng hộ chúng tôi và có cảm tình với chúng tôi. Tuy nhiên, về tình hình Việt Nam cũng có người biết, có người không biết, cho nên tôi cũng xin kinh qua các vị để giải thích cho anh em Ga-na .

Trước hết, xin nêu một ví dụ. Khác với Chính phủ Nhật, nhân dân Nhật ủng hộ chúng tôi. Có một tu sĩ Nhật gặp một người Việt Nam. Đó là một người có đạo đức yêu chuộng hoà bình. Người đó hỏi người Việt Nam: Là một người Nhật, tôi hết sức ủng hộ nhân dân Việt Nam. Theo báo chí của Chính phủ Nhật, tôi thấy Mỹ đã mười ba lần tìm biện pháp để đi tới hoà bình nhưng tại sao Việt Nam lại từ chối. Như thế nghĩa là thế nào? Người thầy tu Nhật đó có lòng tốt, nhưng ông ta không hiểu rõ tình hình, ông ta chỉ xem báo chí của Chính phủ Nhật thôi. Vì vậy, ông ta cho là Mỹ muốn hoà bình, còn Việt Nam thì hiếu chiến. Sau khi người Việt Nam giải thích, ông ta rõ, ông ta khóc và ôm hôn người Việt Nam.

Tôi nhắc lại câu chuyện đó để nói rằng nhân dân cả thế giới đều ủng hộ chính nghĩa của chúng tôi, nhưng không phải là mọi người đều hiểu rõ bản chất của vấn đề, đồng thời để tự phê bình tuyên truyền của chúng tôi ra nước ngoài làm còn kém. Chắc ở Ga-na cung như ở nước bạn châu Phi không có nhiều tài liệu về cuộc kháng chiến của Việt Nam (các vị khách gật đầu).

Miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Việt Nam, nòi giống, văn hoá, tiếng nói đều là Việt Nam. Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 nói nước Việt Nam phải được thống nhất nhưng Mỹ đã cản trở việc thống nhất nước Việt Nam nhằm biến miền Nam thành một thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Mỹ đã can thiệp vào miền Nam, lúc đầu chúng dùng bọn tay sai, nhưng trước sự đấu tranh của nhân dân miền Nam, Mỹ chưa thấy đủ vì bọn tay sai ngày càng suy yếu và tan rã nên chúng trực tiếp nhúng vào.

Miền Nam mới là nửa nước Việt Nam mà chúng đã thất bại, nay chúng lại leo thang ra miền Bắc hòng gỡ thế bí ở miền Nam. Đánh một nửa nước Việt Nam chúng đã sa lầy, nay chúng định đưa chiến tranh ra cả nước Việt Nam, chúng càng sa lầy thêm. Một kẻ địch chúng đã không chống cự nổi mà chúng còn muốn gây ra hai kẻ địch. Chúng xâm lược, chúng lại nói miền Bắc xâm lược miền Nam, không ai có thể tin rằng miền Bắc Ga-na đi xâm lược miền Nam Ga-na...

Ác-ma:

- Nói như thế là không lô-gích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Đó là cái lô gích của họ. Mỹ xa cách Việt Nam hơn cả Ga-na thế mà Mỹ đã đưa quân đội, đưa cả bộ máy chiến tranh, đưa cả chó ngao sang Việt Nam. Một con chó ngao Mỹ ăn một ngày 1.2 đô-la Mỹ, trong khi đó một lính Sài Gòn chỉ được 0.2 đô-la. Điều đó chứng tỏ văn minh của bọn đế quốc.

Gần đây, Chính phủ Mỹ nói rất nhiều đến hoà bình, Tổng thống Johnson, Ngoại trưởng Đin Ra-xcơ tuần nào cũng nói. Họ nói rằng người Việt Nam hiếu chiến, người Việt Nam không muốn hoà bình, còn Mỹ thì muốn hoà bình. Nhưng bây giờ Mỹ ồ ạt đưa lính vào miền Nam Việt Nam, mở rộng chiến tranh ở đó và cho máy bay ngày đêm bắn phá miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi là người trong cuộc mà có lẽ người trong cuộc nghĩ không đúng. Vậy tôi xin hỏi các vị: Mỹ nói hoà bình trong hoàn cảnh như thế có phải thật sự Mỹ muốn hoà bình không?



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:59:35 pm
Ác-ma:

- Thưa Chủ tịch, trong ván cờ mà một bên là Việt Nam, một bên là đế quốc Mỹ, chúng tôi là một nước Á Phi có liên quan gián tiếp đến vấn đề. Chủ tịch hỏi Mỹ có thành thật không khi nói đến hoà bình. Nếu được phép trình bày thiển ý của tôi thì tôi xin nói: toàn thể châu Á và châu Phi đều chống sự xâm lược của Mỹ, Ga- na không cần đợi giải thích rồi mới lên án cuộc xâm lược đó. Nhưng một tình hình mới đã xuất hiện.

Hôm qua, ông Phó thủ tướng có nói Mỹ muốn đạt được ở hội nghị những cái mà họ không đạt được trên chiến trường. Nhưng nhân dân Á Phi và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới không để cho họ thực hiện được mục đích của họ tại bàn hội nghị. Toàn thế giới đều biết những thắng lợi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Á Phi thấy rằng nên thăm dò khả năng thương lượng không phải vì nhân dân Việt Nam đang ở thế yếu.

Trái lại, chúng tôi cho rằng nhân dân Việt Nam đang ở thế mạnh. Điều này đã được chứng tỏ bởi những thắng lợi của Mặt trận ở Biên Hoà, Bình Giã, Plây-cu, Quy Nhơn và gần đây ở Ba Gia. Nhân dân miền Bắc tính đến nay đã hạ được bốn trăm mười hai máy bay Mỹ. Thế mạnh của Mặt trận còn được chứng minh bởi việc Mặt trận đã giải phóng được ba phần tư đất đai và mười trong số mười bốn triệu dân. Do đó, không ai nghĩ rằng nếu chúng ta thăm dò khả năng hoà bình là chúng ta xuất phát từ thế yếu.

Tướng Taylor chủ trương một cuộc chiến tranh toàn diện ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam. Giới ngoại giao phương Tây đều cho rằng việc cử Ca-bốt Lốt thay Taylor có nghĩa là một sự thay đổi hoàn toàn về chính sách. Mỹ đã thấy không thể dùng quân sự để thắng trong chiến tranh được. Sở dĩ chúng tôi nghiêng về thăm dò khả năng hoà bình vì thấy rằng những tháng lợi rất to lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và của nhân dân Việt Nam đã đẩy Mỹ vào thế bị động phòng ngự. Họ chỉ còn có thể tăng cường quân sự, nhưng họ không thể thắng bằng quân sự được. Họ phải nói đến hoà bình để tránh cho địa vị của họ khỏi bị sụp đổ hoàn toàn. Họ bắt buộc phải chấp nhận điều đó.

Không ai có thể trách nhân dân Việt Nam đấu tranh để giành quyền lợi của mình. Chúng tôi lo lắng trước việc Mỹ dùng chất độc làm ba mươi nghìn người bị nhiễm độc, năm mươi nghìn người bị chết, tám trăm nghìn người bị tàn phế và bốn trăm nghìn người bị tù đầy. Chúng tôi lo lắng trước việc máy bay Mỹ ném bom, bắn phá làng mạc, bệnh viện, trường học ở miền  Bắc, không nghi ngờ gì nữa, toàn thể nhân dân Á Phi đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam.

Như tôi đã nói ở trên, chúng ta thăm dò khả năng hoà bình không phải là vì thế yếu, Mỹ không thể thắng được Việt Nam, nhiều lắm là họ có thể tạo ra một tình thế hoàn toàn bế tắc cho cả hai bên trong một thời gian dài. Thực tế là như vậy.

Nếu chúng ta có thể tạo nên một tình thế bảo đảm được độc lập thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, không làm gì tổn hại đến các nguyên tắc và mục tiên của nhân dân Việt Nam và bảo đảm cho Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 được thi hành triệt để, nếu chúng ta tạo nên được một tình thế cho tất cả các nước Á Phi cùng với Việt Nam đến bàn hội nghị và nói với Mỹ: "Các anh không có việc gì làm ở đây" thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn, vì đây không phải là sự phản đối của từng nước riêng lẻ.

Nếu chúng ta thực hiện được những nguyên tắc và mục tiêu của chúng ta không chút thoả hiệp nào, lại đỡ tổn thất nhất thì chúng tôi cảm thấy nên thân dò khả năng đó. Chúng ta không thể trông cậy vào Anh với tư cách là một trong hai Chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ. Chúng tôi muốn rằng trong việc thực hiện trên cơ sỏ của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, nhâu dân Á Phi được nói lên tiếng nói của mình. Chúng tôi cho rằng các nước phương Tây không thể nào cưỡng lại được áp lực ngoại giao của các nước Á Phi.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 09:02:20 pm
Tổng thống N.Cru-ma cho rằng cuộc xung đột hiện nay là do âm mưu của chủ nghĩa thực dân mới, Mỹ không thể nào phá hoại được ý chí của nhân dân Việt Nam đang đấu tranh chính nghĩa để giành tự do và độc lập. Tổng thống đã đánh giá tình hình một cách thực tế, thấy rằng nếu Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam thì chế độ bù nhìn sẽ sụp đổ, các lực lượng giải phóng sẽ tiếp quản.

Các Chính phủ nối tiếp nhau ở miền Nam Việt Nam đã chứng tỏ điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà đến nay đã có hai chục lần thay đổi chính phủ. Nếu ta có thể thực hiện được bằng thương lượng việc Mỹ rút khỏi Việt Nam mà không làm tổn hại gì đến những nguyên tắc và những mục tiêu của nhân dân Việt Nam thì điều đó sẽ có lợi cho nhân dân Việt Nam và cho hoà bình thế giới.

Tổng thống chúng tôi đã nói cho thế giới biết Tổng thống ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Nhưng tại sao Tổng thống lại nhận lời tham gia phái đoàn hoà bình của Liên hiệp Anh? Trong Liên hiệp Anh, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân có quân đội đang tham chiến cùng với Mỹ ở miền Nam Việt Nam, điều đó làm cho người ta hết sức nghi ngờ phái đoàn, Tổng thống chúng tôi tham gia vì muốn ngăn không cho Anh tiếp tục ủng hộ sự xâm lược của Mỹ và tranh thủ sự ủng hộ của hai mươi mốt nước trong Liên hiệp Anh đối với việc thừa nhận vai trò quan trọng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Như Chủ tịch đã biết, ngày 7 tháng 4 năm 1965, Tổng thống Johnson đã tuyên bố rằng Mỹ không thừa nhận Mặt trận và sẽ không tiếp xúc với Mặt trận, Tổng thống N. Cru-ma đặt điều kiện là phải tiếp xúc, phải thừa nhận Mặt trận. Các nước Liên hiệp Anh đã chấp nhận điều kiện đó. Đây là một thắng lợi của lẽ phải một thắng lợi của nhân dân Á Phi và Việt Nam.

Tổng thống N. Cru-ma cho rằng nói đến đàm phán không phải là ủng hộ đế quốc. Tổng thống chúng tôi ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc. Chủ trương của miền Bắc Việt Nam là muốn giải quyết vấn đề phải thừa nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam (hoà bình, độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ), phải tôn trọng các điều khoản quân sự của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, việc hoà bình thống nhất Việt Nam phải do nhân dân hai miền tự giải quyết lấy không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó cũng là lập trường của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đòi dân chủ cho nhân dân, thành lập Chính phú liên hiệp, thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Chúng tôi thấy cần bàn đến lập trường của Mỹ như thế nào so với lập trường của miền Bắc và Mặt trận.

Như tôi đã nói, các giới ngoại giao phương Tây cho rằng Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh và rút lui. Chúng tôi có cảm tưởng rằng sau khi Mỹ rút, cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam sẽ được bảo đảm tự do. Miền Nam sẽ không có quân đội, căn cứ quân sự nước ngoài, không tham gia liên minh quân sự, hai miền sẽ trung lập. Quan hệ giữa hai miền sẽ do nhân dân tự giải quyết.

Như vậy lập trường của miền Bắc Việt Nam và của Mặt trận Dân tộc Giải phóng cũng không xa lập trường của Mỹ lắm, mà trái lại gần nhau. Căn cứ vào đó có thể tìm ra được một giải pháp làm cho nhân dân Việt Nam không mất gì, không phải thoả hiệp gì cả.
Như tôi đã nói, hiện nay Mỹ muốn thương lượng. Nhân dân các nước Á Phi, nhân dân Ga-na đều tin rằng Việt Nam quyết giành độc lập, thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ. Đó cũng là quyết tâm của Tổng thống N.Cru-ma, Ga-na cũng như Việt Nam sẵn sàng chịu mọi hậu quả để giành tự do.

Chúng tôi đã từng đấu tranh tổng bãi công. Nhiều người trong chúng tôi bị tù đầy, hy sinh, nhiều người đỗ đạt trong tù. Chúng tôi thấy vinh dự, phẩm giá là ở tinh thần đấu tranh giải phóng độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi đã trải qua một trăm năm bị thống trị. Chúng tôi không phải là hạng người thoả hiệp với bọn đế quốc.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 09:03:01 pm
Sở dĩ chúng tôi nói đến các nước Á Phi đứng ra làm trung gian để tiến tới một cuộc hội nghị là vì chúng tôi thấy chiến tranh đã diễn ra lâu rồi, dù triển vọng thắng lợi của bên này hay bên kia như thế nào đi nữa, qua các dấu hiệu, hiện thấy có rất ít khả năng giải quyết được cuộc xung đột bằng quân sự. Về điểm này Việt Nam có thể có ý kiến ngược lại.

Chúng tôi nghĩ cần để cho Mỹ rút mà không có cảm thấy bị làm nhục. Chúng tôi cũng nghĩ rằng tính chất vĩ đại của một nước không phải là ở chỗ đất đai rộng hẹp mà là ở tinh thần nhân dân nước đó. Theo ý kiến chúng tôi, Mỹ không thể nào bị tống cổ ra khỏi miền Nam Việt Nam mà nhân dân miền Nam Việt Nam không bị tổn thất nhiều về người, về của.

Chúng tôi không nói nhân dân Việt Nam không có khả năng đuổi cổ Mỹ đi, nhưng việc đó sẽ dẫn tới những phá hoại to lớn. Nếu chúng ta có thể tránh được mà vẫn thực hiện được mục đích, không tổn hại gì đến mục tiêu và nguyên tắc đã đề ra là độc lập thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam thì nên thăm dò khả năng đó. Một cuộc hội nghị có thể đưa lại kết quả như thế.

Chúng ta thăm dò khả năng thương lượng không phải vì sợ sệt hoặc vì yếu. Nhân dân Việt Nam đã có một thành tích rất rực rỡ mà cả thế giới đều biết. Nhân dân Á Phi nhận thức rõ cần chấm dứt chiến tranh để cho nhân dân Việt Nam có thể kiến thiết nhanh chóng. Nếu có một cuộc hội nghị, chúng ta sẽ không mất gì cả mà trái lại sẽ giành được đất nước Việt Nam, hoà bình sẽ được duy trì và chúng ta sẽ được tự do.

Chúng tôi hành động theo ý muốn tự do của chúng tôi, không bị ai thúc ép cả. Ga-na cũng như tất cả các nước Á Phi đểu muốn nhân dân Việt Nam thực hiện những mục tiêu của mình mà không phải đổ máu thêm. Những đau khổ của nhân dân Việt Nam cũng là đau khổ của nhân dân Á Phi.

Chúng tôi đến đây không phải để làm tổn hại đến lập trường của Việt Nam. Nếu lập trường của Việt Nam bị tổn hại thì sẽ là một tai hoạ lớn mà nhân dân Á Phi không thể tha thứ được. Chúng tôi nghĩ đất nước sẽ không phát triển được nến không được yên ổn. Đó là điều chúng tôi đưa đến để trình bày với Chủ tịch.

Ý kiến của tôi có thể sai, Tổng thống N. Cru-ma mà Chủ tịch coi là anh em đã tỏ tình đoàn kết với Việt Nam và sẽ đến đây ngay khi nào có thể đến được. Nếu có sự trả lời của Chủ tịch, chúng tôi sẽ mất độ nửa tuần để trở về Ga-na. Tổng thống chúng tôi sẽ đến vào lúc nào mà Chủ tịch thấy thuận tiện.

Chúng tôi sẽ rất sung sướng nếu được thư trả lời của Chủ tịch để mang về cho Tổng thống chúng tôi.

Chúng tôi hết sức cảm động trước lòng mến khách đã được biểu lộ đối với chúng tôi từ khi đến Hà Nội.

Chúng tôi đã thấy quyết tâm của nhân dân Việt Nam và sẽ báo cáo với Tổng thống N.Cru-ma. Các đại diện của Việt Nam: ông Sao ở Luân đôn, đại sứ Việt Nam ở Mát-xcơ-va, Pra-ha, Bắc Kinh đều tỏ thái độ rất hợp tác. Chúng tôi rất sung sướng thấy Việt Nam sẽ có đại sứ ở A-cra. Đại sứ chúng tôi ở Bắc Kinh sẽ tới đây. Chắc chắc là quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ được thắt chặt thêm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Ở đây chúng ta nói chuyện với nhau như những người anh em, cho nên, tôi nói thật, ý kiến dù không khớp cũng nói.

Một lần nữa tôi xin nói: nhân dân Việt Nam cảm ơn Tổng thống N.Cru-ma và nhân dân Ga-na anh em đã lo lắng sự lo lắng của nhân dân Việt Nam, buồn phiền sự buồn phiền của nhân dân Việt Nam, vui mừng trước những thắng lợi của nhân dân Việt Nam.

Có lẽ anh em Ga-na, trong đó có vị trong phái đoàn, không hiểu về Mỹ, các vị đã lấy lòng người quân tử để xét đoán bụng dạ của kẻ tiểu nhân.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 09:03:55 pm
Vấn đề Phái đoàn của Uyn-xơn không cân nhắc đến nữa. Sau khi Đa-vít sang đây, họ nói Việt Nam hiếu chiến cần phải xử phạt, họ đe doạ chúng tôi. Cách đây mấy năm, Đa-vít có đến đây, ông ta là một người thuộc cánh tả của Công đảng Anh, là một người đấu tranh cho hoà bình, cho công lý và chống đế quốc. Cho nên trước đây chúng tôi tiếp đón ông ta rất tử tế. Lần này, ông ta sang đây có hai mặt. Khi xin thị thực ông ta nói sang với tư cách cá nhân, nhưng trên đường đi ông ta lại nói có sứ mạng của Uyn- xơn nên chúng tôi không tiếp.

Các vị nói Mỹ không muốn rút khỏi miền Nam Việt Nam như bị đuổi ra. Chúng tôi nghĩ Mỹ đến như thế nào thì cứ việc rút ra như thế ấy. Chúng tôi sẵn sàng hoan tống họ. Tổng thống Johnson nói: Mỹ đã đưa danh dự của mình cam kết ở Việt Nam. Tôi không hiểu ông ta muốn nói gì. Phải chăng danh dự của Mỹ là ở bom na-pan, bom lân tinh, bom hơi độc và chó ngao? hay là nên nói danh dự của một nước lớn như Mỹ là ở chính nghĩa? Nếu họ hiểu danh dự đúng như chúng ta hiểu thì họ cần nói rằng quân đội Mỹ đã gây ra sự phá hoại, chết chóc nhiều rồi, giờ đây nên quay đầu trở lại.

Mỹ nói Mỹ muốn hoà bình, chúng tôi cho đó là dối trá. Một ví dụ: có một bọn cướp vào làng, Việt Nam cũng có những làng như Ga-na, chúng cướp của giết người, bố trí canh gác các nơi, sau đó chúng bảo người trong làng: thôi ta nói chuyện hoà bình đi! Làm sao có thể tin chúng được?, Đó chính là tình hình hiện nay ở Việt Nam.

Ông Bộ trưởng vừa nói: nếu chúng ta ngồi lại với nhau, có đại diện các nước Á Phi họp thành một khối ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ thì sức mạnh ủng hộ càng tăng lên. Điều đó rất đúng. Nhưng ngồi lại ở đây không phải một bên là Mỹ, một bên là chúng tôi có các nước Á Phi bên cạnh. Mong rằng nước Ga-na anh em hiểu và tiếp tục vận động tất cả các nước Á Phi cùng nhau ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

Về hoà bình, có lẽ không phải là quá đáng nếu nói rằng nhân dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình và căm ghét chiến tranh hơn bất kỳ nhân dân nước nào khác. Vì sao? Vì nhân dân Việt Nam đã trải qua gần một thế kỷ bị thực dân áp bức, nhân dân Việt Nam bị tổn thất trong chiến tranh thế giới thứ hai, tiếp đó lại trải qua mười năm chống Pháp, thiệt hại người và của, giờ đây lại chống Mỹ. Nhân dân Việt Nam muốn hoà bình để tổ chức lại đời sống của mình. Mấy năm trước khi Mỹ leo thang, ở miền Bắc đã bắt đầu xây dựng nông nghiệp, công nghiệp. văn hoá... trong lúc đó ở miền Nam Việt Nam vì đế quốc Mỹ mà chết người hại của.

Đến đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một số thành tích về khắc phục khó khăn, về giáo dục ở miền Bắc, Người nói tiếp:

- Vì lý do đó, chúng tôi muốn hoà bình nhưng hoà bình theo giá nào, cách nào. Chúng tôi muốn có hoà bình nhưng đồng thời phải có độc lập. Như Tổng thống N. Cru-ma có nói trong thư trước, nếu chiến tranh kéo dài thì tổn thất về người về của càng nhiều và khi đánh được Mỹ ra khỏi Việt Nam thì chúng tôi bị thiệt hại nhiều. Chúng tôi tin rằng nhân dân Việt Nam có thể đánh được Mỹ.

Chúng tôi đã có kinh nghiệm đối với đế quốc Pháp: trước khi rút đi, chúng phá hoại nhiều lắm, nhưng chúng tôi thấy dù phải hy sinh nhiều mà đánh được Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam thì đó chẳng những là làm cho sau này nhân dân Việt Nam không phải làm nô lệ cho Mỹ mà còn góp phần làm cho nhân dân các nước thấy Mỹ không có gì đáng sợ.

Một dân tộc đã đoàn kết nhất trí thì không có gì phải sợ đế quốc cả và Mỹ đã thua ở Việt Nam thì ở nơi khác cũng không thể thắng được. Nếu chiến tranh kéo dài, chúng tôi sẽ phải hy sinh nhiều, nhưng đó là chúng tôi làm nghĩa vụ đối với dân tộc đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn.

Nói tóm lại, chúng tôi muốn hoà bình, chúng tôi không muốn làm nhục Mỹ nếu Mỹ cũng trọng danh dự chính đáng của họ, nếu Mỹ tôn trọng ý nguyện của nhân dân Việt Nam, nếu Mỹ thi hành đúng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ thì chúng ta có hoà bình.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 13 Tháng Mười Một, 2009, 09:04:32 pm
Như ông Bộ trưởng đã nói, chúng ta cùng chung một mục đích là độc lập và hoà bình, cùng chung một nguyện vọng là không những Việt Nam và Ga-na mà tất cả các nước đều hợp tác và hữu nghị với nhau.

Chúng tôi không ngần ngại hợp tác với nhân dân Mỹ vì kỹ thuật họ cao, kỹ thuật của Việt Nam thấp, họ có thể giúp. Ngược lại, chúng tôi có những cái có thể giúp người Mỹ.

Những củ cà rốt của Johnson hứa viện trợ một tỷ đô la không lừa bịp được chúng tôi. Trong khi chúng tàn phá đất nước chúng tôi ở miền Bắc và ở miền Nam thì chúng tôi không thể tin vào củ cà rốt của chúng được.

Về việc Tổng thống N.Cru-ma thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói Người rất mong muốn được gặp Tổng thống vì hai người chưa gặp nhau bao giờ, nhưng tiếc rằng chưa thể mời và đón tiếp Tổng thống được vì tình hình chiến tranh. Người nói:

"Tôi nhờ các vị trình bày với Tổng thống N.Cru- ma: lòng tôi có mâu thuẫn, một mặt muốn gặp Tổng thống ngay nhưng mặt khác không dám mời Tổng thống. Xin các vị chuyển đến nhân dân Ga-na anh em lòng biết ơn và tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Một khi Mỹ không gây gổ ở miền Nam Việt Nam cũng như ở các nơi khác nữa, tôi cũng muốn được đi thăm Ga-na. Lần trước tôi đến Ga-na tên khác, lần này Ga-na tên khác, cái gì cũng là khác, nhất là con người đã khác trước rất nhiều. 

Cảm ơn các vị đã đến thăm Việt Nam, cảm ơn các vị đã chịu khó nghe tôi nói nhiều.

Ác-ma:

- Xin cảm ơn Chủ tịch. Chúng tôi đến đây là một dịp được học tập rất nhiều. Những cuộc thảo luận của chúng ta tỏ ra rất bổ ích. Chúng tôi đã hiểu rõ tình hình và sau này sẽ ủng hộ Việt Nam mạnh hơn trước nhiều. Chúng tôi đánh giá cao những nhận xét của Chủ tịch đối với ý kiến chúng tôi. Chủ tịch là người có kinh nghiệm tại chỗ còn chúng tôi ở rất xa. Chúng tôi thành thật đưa ra đề nghị, có lẽ những đề nghị đó cũng giúp ích phần nào. Chúng tôi đánh giá rất cao những lời giải thích của Chủ tịch về tình hình. Trở về Ga-na, chúng tôi có thể nói về Việt Nam một cách am tường hơn.

Tôi tin rằng nhân dân Ga-ra cũng như toàn thể nhân dân Á Phi sẽ ủng hộ nhân dân Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Tôi thông cảm trước hoàn cảnh của Chủ tịch đã buộc phải thay đổi những sự sắp xếp cho cuộc đi thăm Tổng thống chúng tôi,

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Tôi hiểu rằng có một người anh em ở xa, trong hoàn cảnh như Việt Nam, Tổng thống N. Cru-ma muốn đến xem xét tình hình và xem có cách gì giúp đỡ được nhiều hơn. Tôi cũng biết Tổng thống không sợ gì, vì đã trải qua nhiều sóng gió, vì đã hiến cả sinh mệnh của mình cho nhân dân thì không còn phải sợ gì nữa. Nhưng chính vì hiểu rõ như vậy mà tôi rất áy náy. Nhờ các vị trình bày với Tổng thống tình hình và tình cảm của tôi.

Ông Ác-ma rời Hà Nội với bức thư trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo tin từ A-cra, đầu tháng 8, Ngoại trưởng Ga-na đi Oa-sinh-tơn để chuyển tới Johnson bức thư của N.Cru-ma kêu gọi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam.

Chuyến viếng thăm miền Bắc Việt Nam của Tổng thống N.Cru-ma không thành vì một nhóm quân nhân đã làm đảo chính lật đổ ông, khi ông đang trên đường đi Hà Nội tháng 12 năm 1966.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:28:44 am
CHƯƠNG TÁM
GIÓC-GIÔ LA PI-RA: HY VỌNG VÀ THẤT VỌNG CỦA CHUYẾN ĐI HÀ NỘI
(Trong chương này, những lời Hồ Chủ tịch nói được tác giả viết theo "Lược ghi biên bản tiếp xúc Hồ Chủ tịch - La Pi ra" của Nguyễn. Tư Huyên, Trưởng phòng phiên dịch của Bộ Ngoại giao.)


Bộ Ngoại giao Việt Nam phân vân khi nhận được đề nghị của giáo sư Gióc-giô La Pi-ra. Đây là một sáng kiến cá nhân hay là một hành động phối hợp với Chính phủ I-ta-li-a, thậm chí với Chính phủ Mỹ?

Ở Hà Nội, người ta biết khá rõ về con người và hoạt động của La Pi-ra, một nhân vật có tên tuổi ở I-ta-li-a. Là giáo sư luật, hơn mười năm là thị trưởng Thành phố Phi-ren-xê (Phlo-răng) nổi tiếng, ông đã tham gia cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít những năm 30 và trong chiến tranh thế giới thứ hai, đã đóng góp tích cự vào việc thành lập Đảng Dân chủ thiên chúa giáo, Đảng cầm quyền ở I-ta-li-a. Vốn có tư tưởng tiến bộ, ông cũng tham gia các hoạt động vì hoà bình và công lý, vì dân chủ xã hội.

Năm 1965, ông đã mời thị trưởng các thành phố lớn trên thế giới đến họp tại thành phố quê hương để ký một công ước hoà bình, ông đã đứng ra tổ chức hội nghị hoà bình về vấn đề Trung Đông lần thứ nhất.

Năm 1958, ông đã tổ chức hội nghị về vấn đề An-giê-ri và đã có những hoạt động trung gian giữa Pháp và ban lãnh đạo kháng chiến An-giê-ri, tạo điều kiện để đi tới Hội nghị E-vi-an.

Ông đã ủng hộ chính sách của Tổng thống Ken-nơ-đi và tin rằng Johnson sẽ đi theo đường lối của Ken-nơ-đi như ông này đã tuyên bố. Nhưng việc máy bay Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam đã làm cho ông cùng như bao nhiêu người khác kinh hoàng, ông liền lên tiếng phản đối các cuộc ném bom đó, ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam.

Với sự ủng hộ của nhiều hoạt động chính trị khác ở I-ta-li-a và của Đảng Cộng sản I-ta-li-a, La Pi-ra đã đứng ra tổ chức hội nghị chuyên đề về Việt Nam ở Phlo-răng ngày 26 tháng 4 năm 1965. Là một diễn đàn quan trọng, tập hợp nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội nhiều nước châu Âu, đại biểu cho nhiều tổ chức hoà bình trên thế giới, Hội nghị đã thông qua nghị quyết ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam và lời kêu gọi triệu tập lại Hội nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam và có các giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh Việt Nam.

Khi được Mỹ thông báo về chủ trương "thương lượng không điều kiện" của Tổng thống Johnson, ông A-min-tô-rê Phan-pha-ni, Ngoại trưởng I-ta-li-a không thể bỏ qua một con người có quá trình chính trị, uy tín quốc tế như La Pi-ra, ông ta mời La Pi-ra đến gặp và đề nghị ông này đi Hà Nội thăm dò hoà bình. Lúc này ông La Pi-ra đã thôi làm thị trưởng và đang dạy luật La Mã tại Trường Đại học Phlo-răng.

La Pi-ra nhận lời ngay. Cùng đi với ông còn có các nhà toán học Ma-ri-ô Pô-ri-mi-chê-ri-ô.

Sau khi được Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời đồng ý ngày 20 tháng 10, hai ông La Pi-ra và Ma-ri-ô Pô-ri-mi-chê-ri-ô lên đường đi Hà Nội. Hai ông qua Ba Lan, Liên Xô, trên đường đi Bắc Kinh phải dừng lại Iếc-cút hai ngày vì thời tiết quá xấu. Ngày 8 tháng 11 hai ông tới Hà Nội.

Các bạn Việt Nam đã dành thì giờ cho hai ông nghỉ sau chuyến đi khá mệt nhọc và nghe đại tá Hà Văn Lâu, Trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam giới thiệu về tình hình thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam, sự can thiệp ngày càng tăng của Mỹ ở miền Nam Việt Nam; thất bại của chiến tranh đặc biệt của Mỹ; tình hình chiến trường sau khi Mỹ đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam, cho máy bay ném bom miền Bắc, lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:29:51 am
Ngày 11 tháng 11, hai ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ chủ tịch. Cùng dự với Người có Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau những lời chào mừng thường lệ, ông La Pi-ra xin được nói trước, ông nói:

- Tôi đã gặp ông Phan-pha-ni ngày 7 tháng 9, ông Phan-pha-ni nói với tôi rằng: ông đã tổ chức hội nghị Phlo-răng, đã hoạt động cho Việt Nam, ông nên đi Việt Nam, ông yêu cầu tôi nói với Chủ tịch rằng chúng tôi sẵn sàng phục vụ hoà bình và công lý. Vấn đề Việt Nam hiện nay là vấn đề của thế giới.

Hội nghị Phlo- răng đã có nhiều chính khách quan trọng tham gia, đó là chất men kích thích phong trào thế giới. Tôi đã viết thư cho B. Ken-nơ-đi và nhiều nhà chính trị khác của Mỹ. Hiện nay phong trào chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ gồm nhiều nhà chính trị quan trọng như Phun-brai, Móc-xơ, nhiều giáo sư và sinh viên. Đây là lần đầu tiên tôi đi Hà Nội. Trước đây tôi đã đi Mát-xcơ-va. Lần này tôi qua cả Vác-sa-va, Mát-xcơ-va, Bắc Kinh, Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vui vẻ nói:

- Ông đi lại với cộng sản nhiều quá chăng?

Không khí trở nên thân mật, ông La Pi-ra nói:

- Chúng tôi đặt quan hệ giữa người với người. Tôi thấy đã đến lúc phải ngừng ném bom. Khi đến Mát-xcơ-va, tôi đã gửi cho ông Phan-pha-ni một bức điện về việc này (ông đọc bức điện bằng tiếng I-ta-li-a).

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi:

- Vậy là lần này ông mang cành ô-liu đến Việt Nam? Vậy ông Phan-pha-ni yêu cầu ông nói gì với chúng tôi?

- Nói rằng chúng tôi đã sẵn sàng. Việt Nam được hoà bình, thế giới sẽ hoà bình. Vấn đề khó nhất là bước đi đầu tiên. Hiện nay sinh viên Mỹ đang đấu tranh chống Lầu Năm Góc. Tham gia phong trào đó có rất nhiều người công giáo có tổ chức chặt chẽ.

Chủ tịch tiếp lời:

- Các anh Mo-ri-xơn và La Póc-tơ (Hai thanh niên Mỹ này tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.) cũng là những người công giáo. Các anh đó rất dũng cảm, nhưng những kẻ phải chết cháy chính là Johnson và Macnamara.

- Hiện nay có phong trào mạnh mẽ đòi hoà bình, cần giúp đỡ phong trào đó và gây áp lực với Chính phủ Mỹ, phải bao vây Johnson lại. Vấn đề quan trọng là bước đầu phải làm gì để đẩy phong trào lên, làm gì để chấm dứt đau khổ của nhân dân. Chỉ có hai con đường: hoặc là hoà bình hoặc là trái đất sẽ bị huỷ diệt. Hoà bình hiện nay là ở Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh liền hỏi:

- Nếu ở địa vị ông thì ông phải làm gì?

- Sẽ gặp nhau uống trà mà không giết nhau nữa - La Pi-ra trả lời.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:30:59 am
Thủ tướng hỏi tiếp:

- Và người Việt Nam sẽ hỏi: Mỹ sang Việt Nam để làm gì? Mỹ chỉ có việc về Mỹ.

Ông La Pi-ra nói:

- Đúng, nói như vậy tốt. Cứ nói, nhưng nói giữa hai người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: 

- Mỹ đã đến Việt Nam gây chiến, giết hại nhân dân Việt Nam, còn nhân dân Việt Nam chỉ muốn Mỹ rút. Như ông nói, bước đầu là quan trọng, vậy thì bước đầu chúng tôi có đánh vào Oa-sinh-tơn đâu? Ai đã đến Việt Nam giết hại nhân dân Việt Nam?

- Mỹ! - ông La Pi-ra trả lời ngay. Vấn đề là ở chỗ đó. Vậy thì Mỹ phải rút như lời Chúa dạy.

Ông La Pi-ra dừng một chút rồi nói:

- Nhưng cũng có vấn đề kỹ thuật trong việc rút... Tôi là giáo sư về luật La Mã. Luật La Mã nói rằng khi có một cuộc tranh chấp thì nên chia ra hai giai đoạn: bước đầu là hai bên ngừng lại, bước sau là vận dụng luật La Mã để phân xử. Vì vậy tôi nghĩ trước mắt phải ngừng ngay bạo lực lại sau đó sẽ đem đối chiếu luật pháp và thực tế.

Thủ tướng nhận xét:

- Như vậy, phải cho bọn kẻ cướp vào tù rồi đem xử sau.

- Nhưng phải có thời gian, phải vận động, phải đẩy phong trào lên. Hiện nay đã đến lúc, thời cơ đã chín muồi - La Pi-ra nói.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi:

- Vấn đề quan trọng là bước đầu. Chính Mỹ đã ném bom bắn phá và hiện nay hàng ngày đang đánh phá chúng tôi. Vậy ai vi phạm luật lệ của Chúa?

- Và ai vi phạm luật lệ của người? - Thủ tướng hỏi tiếp - ông cho ai là kẻ có tội?

Không đợi khách trả lời, Thủ tướng nói:

- Tôi xin cảm ơn ông về đề nghị của ông là ngồi vào bàn nói chuyện với Mỹ, nhưng ông có cho rằng Mỹ có đồng ý ngồi vào bàn không?

La Pi-ra:

- Trước đây vì quần chúng chưa hiểu, còn bị tinh thần chống cộng làm sai lạc, mặc dù thế, lịch sử tiến lên. Từ ba tháng nay, phong trào nhân dân Mỹ lại phát triển một cách mạnh mẽ. Lực lượng tiến bộ đang có triển vọng thắng thế, phải ủng hộ các lực lượng đó. Chúng tôi hoàn toàn phản đối việc ném bom, kể cả ném bom các nước cộng sản. Thời cơ đã đến, nên mở cửa cho Mỹ vào, nên nói chuyện với đại diện của Chính phủ Mỹ. 



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:31:47 am
Thủ tướng:

- Giải pháp duy nhất là Mỹ phải tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Mỹ phải rút về Mỹ.

- Việc đó sẽ giải quyết trong lúc uống trà.

- Muốn nói chuyện, - Thủ tướng phân tích - phải có người để nói. Vậy Mỹ có muốn nói chuyện không? Không? Chúng vẫn mở rộng chiến tranh ở miền Nam, ném bom bắn phá miền Bắc. Chúng muốn bắt chúng tôi, muốn chúng tôi phải nhận thứ hoà bình Mỹ. Nhưng việc đó chúng tôi không thể chấp nhận được. Chúng tôi tha thiết với hoà bình. Đêm chúng tôi không ngủ, ngày chúng tôi suy nghĩ rất nhiều phải làm gì. Hoà bình trong công lý là lập trường bốn điểm mà chúng tôi đã đưa ra.

La Pi-ra:

- Muốn có hoà bình thì phải gặp nhau, phải nói chuyện với nhau rồi Mỹ mới rút. Về bốn điểm, Mỹ đã nhận gần hết. Nếu Mỹ không nói bốn điểm mà chỉ nói một điểm là Hiệp nghị Giơ-ne-vơ trong đó bao gồm những vấn đề là lập trường bốn điểm đã nêu ra thì các ông có đồng ý không? Có nhận không?

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ đi. Chúng tôi và nhân dân chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với nhà cầm quyền Mỹ và nhân dân Mỹ. Nhưng với Johnson và Macnamara thì hoặc là trải thảm đỏ hoặc là đá đít ra khỏi cửa.

Tất nhiên là chúng tôi muốn hoà bình: chúng tôi sẵn sàng giải quyết hoà bình vấn đề Việt Nam. Chúng tôi không muốn trẻ em bị giết và nhà cửa bị đốt. Chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với kẻ xâm lược, nhưng trước hết kẻ xâm lược phải ngừng xâm lược.

Nhờ ông nói với Tổng thống Johnson và Macnamara hoặc thông qua ông Phan-pha-ni mà nói với họ rằng: Hồ Chí Minh chỉ muốn hoà bình. Ai là kẻ gây chiến? Ai là kẻ không muốn chấm dứt chiến tranh? Đó chính là Mỹ! Mỹ phải rút khỏi Việt Nam rồi Tổng thống Johnson đến đây nói chuyện cũng được, hoặc ông ta có mời tôi qua Oa-sinh-tơn tôi cũng sẵn sàng! Nhưng trước hết Mỹ phải để chúng tôi yên. Mỹ phải chấm dứt ném bom!

- Nếu Mỹ còn xâm lược thì chúng tôi còn đánh. Chén trà sẽ có sau - Thủ tưởng Phạm Văn Đồng nói thêm.

- Cần phải pha trà sẵn - La Pi-ra nói.

- Đồng ý - Thủ tướng trả lời.

Cuộc nói chuyện về hoà bình ở Việt Nam đến đây chấm dứt, một cuộc nói chuyện cởi mở, thẳng thắn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện khách về tình hình chính trị ở I-ta-li-a, cho khách biết Người đã ở Phlo-răng một thời gian trong một nhà hàng không sang trọng lắm, ông chủ xem Người như người nhà. Người kể là đã từng ở Thành phố Na-plơ hai tháng, đi thăm Pom-pê và núi lửa Vê-duy-vơ, cầu Thủ đô Rô-ma thì Người chỉ đi qua hai giờ đồng hồ.

Người còn hỏi về tình hình ăn ở của khách, hỏi khách có mãn nguyện đối với nhiệm vụ trong chuyến đi thăm Việt Nam không? La Pi-ra nói rằng ông rất mãn nguyện và cho đây là chuyến đi quan trọng nhất của ông trong mười năm qua. Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngỏ lời mời ông trở lại Việt Nam khi nào thuận tiện.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:32:40 am
*
*   *

Nhận được thư của giáo sư La Pi-ra tóm tắt cuộc nói chuyện về vấn đề Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Phan-pha-ni, khi đó đang ở Niu Yoóc, là chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 20, đã gửi thư cho Tổng thống Johnson. Thư đề ngày 20 tháng 11, nội dung chủ yếu như sau:

"Trong cuộc hội kiến mà Ngài đã có nhã ý dành cho tôi hồi cuối tháng 5, Ngài đã luôn luôn nhắc lại ý định vững chắc của Ngài kiên trì tìm kiếm một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột ở Việt Nam.

Tôi xin thông báo với Ngài việc sau đây:

Ngày thứ năm, 11 tháng 11 ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bày tỏ với hai người quen của tôi ý muốn tha thiết tìm một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột ở Việt Nam và đã tuyên bố tóm tắt như sau, theo như hai người đã viết cho tôi:

Để cho cuộc nói chuyện hoà bình có thể thực hiện được sẽ cần phải:

a. Ngừng bắn trên không, trên biển, trên đất liền trong toàn lãnh thổ Việt Nam (Bắc và Nam Việt Nam), chấm dứt mọi cuộc hành quân đối địch (bao gồm cả việc đưa thêm quân Mỹ vào);

b. Tuyên bố rằng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 sẽ được dùng làm cơ sở cho cuộc thương lượng; tuyên bố cần nói đến bốn điểm của Hà Nội - các điểm này thực chất là việc giải thích Hiệp nghị Giơ-ne-vơ - theo đó có thể gom gọn lại thành một điểm, nói một cách khác: thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.

Chính phủ Hà Nội đang chuẩn bị mở cuộc thương lượng mà không đòi quân Mỹ phải rút trước.

Cụ Hồ Chí Minh đã nói: sẵn sàng đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai...".

Bức thư có những điểm khác với lập trường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với ông La Pi-ra và ông Pô-ri-mi-chê-ri-ô, đặc biệt là có một số ý kiến của Người đã được trình bày lại gần giống lời lẽ của Johnson.

Cũng trong dịp này, ông Phan-pha-ni đã gặp đại sứ Ác-tơ Gôn-bớc, đại diện Mỹ tại Liên hợp quốc, rồi Ngoại trưởng Đin Ra-xcơ để thông báo về kết quả chuyến đi Hà Nội của La Pi-ra và Pê-tơ-mi-chê-ri-ô,

Ngày 4 tháng 12, Đin Ra-xcơ gửi thư cho Phan-pha-ni, nói:

1. Như đã nhiều lần tuyên bố, Hoa Kỳ sẵn sàng đi vào các cuộc thảo luận hay thương lượng với bất cứ chính phủ nào, vào bất cứ lúc nào, không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào.

2. Mặc dù có ít nhiều điều chưa rõ ràng trong tuyên bố về lập trường của Hà Nội các nguồn tin của Ngài hình như chỉ ra rằng Hà Nội đồng ý là các cuộc thương lượng sẽ được tiến hành trên cơ sở Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 không có phân biệt hoặc điều kiện. Về phần chúng tôi, chúng tôi cũng mong muốn đi vào thương lượng trên cơ sở đó, không có phân biệt hoặc điều kiện.

3. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không đồng ý với luận đề cho rằng bốn điểm của Hà Nội đưa ra là một sự giải thích chân chính Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954. Các yếu tố trong bốn điểm nhất là cương lĩnh của cái gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng không có cơ sở trong Hiệp nghị Giơ-ne-vơ và việc Hà Nội nhấn mạnh một cách rõ ràng phải có tuyên bố trước chấp nhận bốn điểm, đã tỏ ra vừa không nhất quán với Hiệp nghị mà còn đòi một điều kiện quan trọng cho việc thương lượng. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng xem xét bốn điểm trong bất cứ cuộc nói chuyện hoà bình nào cùng với bất cứ đề nghị nào là Hoa Kỳ, Nam Việt Nam và các nước khác mong muốn đưa ra.

4. Nếu có sự giảm bớt hoặc đình chỉ chiến sự trước khi thương lượng, hiển nhiên điều đó phải trên một cơ sở công bằng và có đi có lại...

5 . Chính phú Hoa Kỳ ghi nhận thông điệp gửi cho chúng tôi rằng Bắc Việt Nam sẽ không nhấn mạnh việc rút lực lượng Mỹ trước khi bắt đầu thương lượng. Tuy vậy việc làm sáng tỏ điểm này dù không phải không có ý nghĩa... vẫn để lại các vấn đề ở điểm hai và ba nói trên, vì vậy chúng tôi còn xa mới tin rằng những lời tuyên bố của cụ Hồ Chí Minh và ông Phạm Văn Đồng là dấu hiệu của lòng mong muốn thật sự về thương lượng không điều kiện” (Bộ Quốc phòng Mỹ: Quan hệ Mỹ - Việt Nam 1945-1967, Oa-sinh-tơn, 1971, Phần. VI-B, Quyển 12, tr. 22-23.)


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:33:29 am
Ngày 13 tháng 12. Phan-pha-ni báo cho đến Ra-xcơ biết rằng ông đã tóm tắt ý kiến trên của Mỹ để gửi cho Hà Nội ngày 8 tháng 12, ông nghĩ rằng hôm nay ngày 13 tháng 12, các văn kiện đó đã đến địa chỉ cuối cùng.

Hà Nội đã nhận được thư của ông Phan-pha-ni đề ngày 6 tháng 12 với tiêu đề: Chủ tịch Đại hội đồng (Liên hợp quốc) cá nhân và mật.

Bức thư như sau:

Kính thưa Ngài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thưa Chủ tịch,

Hai người I-ta-li-a đã nói chuyện với Ngài và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 11 tháng 11 vừa qua đã thông báo cho tôi ngày 19 tháng 11 rằng trong buổi nói chuyện về cuộc xung đột ở Việt Nam, phía các Ngài có lẽ đã đưa ra những điểm sau đây - mà tôi đã viết lại bằng tiếng Anh - nghĩa là trong ngôn ngữ mà tôi đã dùng để chuyển đi: 

1. Để tạo khả năng cho thương lượng hoà bình gồm:

a. Ngừng bắn trên không, trên biển và đất liền trong toàn lãnh thổ Việt Nam (Bắc và Nam) một cuộc ngừng bắn - có nghĩa là ngừng tất cả cuộc hành quân (bao gồm cả việc chấm dứt việc đổ bộ thêm quân Mỹ).

b. Tuyên bố rằng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 sẽ được dùng làm cơ sở cho việc thương lượng - tuyên bố cần nói đến bốn điểm của Hà Nội - thực ra các điểm đó là sự giải thích văn bản Hiệp nghị Giơ-ne-vơ và thực chất là thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.

2. Những người đối thoại với Ngài cũng nói thêm rằng họ đã nhận được những dấu hiệu cho thấy Chính phủ Cộng hoà Dân chủ của Bắc Việt Nam sẵn sàng mở các cuộc thương lượng mà không nhấn mạnh vào việc rút quân của Mỹ trước.

3. Cũng những người đối thoại đó nói thêm rằng Ngài có lẽ đã nói Ngài "sẵn sàng đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai" nếu việc đó có lợi cho sự nghiệp hoà bình.

Vì những người đối thoại đó đã nói rõ ràng Ngài muốn các điều nói trên sẽ được chuyển một cách bí mật cho Chính phủ Mỹ qua tôi, ngày 20 tháng 11 vừa qua, tôi cho rằng mình có bổn phận chuyển các ý kiến đó đến Tổng thống Hoa Kỳ một cách trực tiếp và dè dặt trong văn bản bằng tiếng Anh mà tôi vừa chuyển cho Ngài.

Trong những ngày tiếp theo, tôi đã nhận được những lời cảm ơn của Tổng thống Johnson về thông báo của tôi và bảo đảm rằng trong một thời gian ngắn người ta sẽ gửi đến tôi quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.

Quan điểm mà người ta đã nói cho tôi ngày 29 tháng 11 vừa qua, hôm nay, ngày 6 tháng 12 tôi đã nhận được, được sự cho phép của lời thông báo cá nhân và bí mật đó, tôi xin báo với Ngài một việc sau đây:

1. Như đã nhiều lần tuyên bố, Hoa Kỳ sẵn sàng đi vào các cuộc thảo luận hay thương lượng với bất kỳ chính phủ nào, bất kỳ lúc nào, không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Người ta thêm rằng "Chính phủ Mỹ xác nhận lại lòng mong muốn đó".

2. Oa-sinh-tơn có cảm giác rằng có một sự không rõ ràng nào đó trong cách diễn đạt quan điểm của Bắc Việt như hai người đối thoại với Ngài đã chuyển lại. Thực vậy, hình như Oa-sinh-tơn cho rằng "Hà Nội đồng ý rằng cuộc thương lượng sẽ phải dựa trên cơ sở Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 không có phân biệt hoặc điều kiện", và người ta cũng thừa nhận về phía Oa-sinh-tơn lòng mong muốn đi vào thương lượng trên cơ sở đó không có phân biệt hoặc điều kiện.

3. Vì vậy Hoa Kỳ không thể đồng ý với luận đề rằng bốn điểm trong tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ở miền Bắc là một sự giải thích chân chính Hiệp nghị năm 1954. Người ta cũng thêm rằng "các yếu tố trong bốn điểm, nhất là cương lĩnh của cái gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng không có cơ sở trong Hiệp nghị Giơ- ne-vơ".


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:34:11 am
Từ đó, người ta diễn giải rằng việc Hà Nội nhấn mạnh phải nhận bốn điểm trước là không phù hợp với Hiệp nghị, bởi vì việc đó đòi hỏi "những điều kiện đáng kể cho cuộc thương lượng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẵn sàng đưa bốn điểm đó vào xem xét trong bất kỳ cuộc nói chuyện hoà bình nào cùng với các điểm mà Hoa Kỳ, Nam Việt Nam và các chính phủ khác có thể đưa ra".

4. Tham chiếu các điều mà những người đối thoại của Ngài đã nói về việc ngừng bắn và những biện pháp áp dụng trước khi bắt đầu thương lượng, người ta nhấn mạnh ở Oa-sinh-tơn rằng "Hoa Kỳ sẵn sàng thương lượng mà không áp đặt bất kỳ điều kiện nào như vậy. Tuy nhiên, nếu cần thu xếp một sự giảm bớt chiến sự trước cuộc thương lượng thì tất nhiêu điều đó phải trên cơ sở công bằng và có đi có lại. Nếu có sự đình chỉ một số hoạt động quân sự nào đó của bên này thì cũng phải có sự đình chỉ tương đương như vậy của phía bên kia”.

Và người ta cũng thêm rằng trong thông báo của những người đối thoại của Ngài "Các công chức mà Hà Nội đưa ra chưa đáp ứng tiêu chuẩn đó, thí dụ nó không bó buộc một sự hạn chế nào cho việc tiếp tục đưa lực lượng và trang bị từ Bắc vào Nam Việt Nam".

5. Về những thông báo của những người đối thoại với Ngài rằng Chính phủ Việt Nam ở miền Bắc không nhấn mạnh việc rút quân Mỹ trước khi bắt đầu thương lượng, người ta nhận xét rằng "Lời tuyên bố về điểm này, mặc dầu nó không phải không có ý nghĩa dưới ánh sáng của các tuyên bố mâu thuẫn nhau của Hà Nội về vấn đề đó vẫn còn là việc thảo luận trong điểm hai và ba nói trên".

Sau khi báo cho Ngài biết những tin tức mà Chính phủ Mỹ đã cho tôi hay - và tôi tin rằng Ngài sẽ sử dụng nó một cách tốt nhất và bí mật cho sự nghiệp hoà bình - tôi nghĩ bổn phận của tôi là phải thêm rằng những thông tin mà những người đối thoại của Ngài đã không thuyết phục được Oa-sinh-tơn về ý muốn thật sự của Bắc Việt Nam mở các cuộc thương lượng không diều kiện tiên quyết.

Tuy vậy, tôi cũng phải thêm rằng Chính phủ Mỹ: trên cơ sở những đánh giá nói trên và có lẽ dưới ánh sáng của những cuộc thăm dò hơn nữa các nguồn tin của ông, cần gặp Hà Nội để thảo luận thêm vấn đề với ông.

Khi trình bày với Ngài những điều trên đây, tôi hy vọng rằng việc đó cần được khuyến khích để đi sâu hơn. Cuộc nói chuyện sơ bộ đó có mục đích sớm đạt được một cách nhìn và những ý định rõ ràng để đi đến bắt đầu thương lượng.

Cũng bằng con đường mà tôi đã dùng (mà Ngài cũng đã gợi ý với những người đối thoại) để chuyển các tin tức, tôi hy vọng rằng có thể nhận được sự trả lời của Ngài có thể giúp vào việc thiết lập hoà bình mà mọi người đều mong muốn. Tôi thêm rằng tôi sẽ rất sung sướng nếu tôi có thể giúp đỡ Ngài trong vấn đề tối quan trọng này như sự giúp đỡ mà do đó tôi đã nhận được sự biết ơn và lời cảm tạ của Chính phủ Hoa Kỳ.

Kết thúc bức thư này, Thưa Chủ tịch, tôi xin được lưu ý Ngài về một tình hình đòi hỏi tất cả mọi người có trách nhiệm phải hết sức sáng suốt trong sự xét đoán và cả lòng dũng cảm trong những quyết định cần có sau này. Và điều này để tránh mọi việc có thể thoát ra khỏi sự kiểm soát.

Xin Chủ tịch nhận lấy những lời chào trân trọng nhất”.

A-min-tô-rê Phan-pha-ni
(Thư bằng tiếng Pháp. Những đoạn ghi trong ngoặc kép là bằng tiếng Anh.)


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:35:02 am
Dù qua trung gian, ít nhất Hà Nội và Oa-sinh-tơn một lần nữa đã trao đổi được ý kiến về lập trường của mỗi bên. Phan-pha-ni và các ông La Pi-ra, Pô-ri-mi-chê-ri-ô tưởng chừng như quá trình tiếp xúc đã được khởi động. Nhưng sự thật lại tồi tệ hơn họ tưởng.

Ngày 15 tháng 12, nhiều tốp máy bay "thần sấm" ném bom nhà máy điện Uông Bí, một cơ sở dân dụng cách Hải Phòng bốn mươi ki lô mét. Đây là cơ sở công nghiệp đầu tiên của Bắc Việt Nam bị đánh phá. Những ngày sau, các máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá nhà máy điện Uông Bí và đánh rộng ra nhiều điểm dân cư thuộc vùng Quảng Ninh.

Ngày 16 tháng 12, Macnamara họp báo nói rằng "Việc đánh phá Uông Bí và cơ sở công nghiệp ở vùng này là thích hợp đối với các hoạt động khủng bố ở Việt Nam và đó là loại tấn công mà Mỹ sẽ tiếp tục sau này”.

Ngày 17 tháng 12, Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ các tin tức và công bố các thư trao đổi giữa ông Phan-pha-ni và Johnson cho tờ Tin nhanh Bưu điện Xanh Lui.

Dư luận Mỹ và quốc tế xôn xao.

Đại sứ Ác-tơ Gôn-bốc ở Liên hợp quốc tìm cách giảm nhẹ bước leo thang đột nhiên đánh phá nhà máy điện Uông Bí. Mác Clô-xki, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng tìm cách xoa dịu dư luận: "Bây giờ là tuỳ thuộc ở Hà Nội, muốn đưa vấn đề từ chiến trường đến bàn thương lượng không? Mỹ hoan nghênh một sự bày tỏ trực tiếp về quan điểm của Hà Nội. Chúng tôi đợi phản ứng của Hà Nội (Xem thêm Đa-vít Crá-xlô và Xti-a H.Lu-ri: Cuộc bí mật tìm kiếm hoà bình ở Việt Nam. Ran-đơn Hao-dơ, N.Y. 1968, tr. 126-135.)

Ngày hôm sau Thông tấn xã Việt Nam tuyên bố.

"Việt Nam Thông tấn xã được phép tuyên bố rằng những tin tức do Bộ Ngoại giao Mỹ tung ra đó (tức là sự thăm dò thương lượng của Chính phủ Nước Việt Nam Dâu chủ Cộng hoà - Tác giả) là hoàn toàn bịa đặt, vô căn cứ".

*
*   *

Trong nhiệm kỳ đại sứ tại Rô-ma (1978-1982), Nguyễn Anh Vũ đến thăm Phlo-răng nhiều lần và thăm giáo sư Pô-ri-mi-chê-ri-ô. Trong dịp lễ thành lập Tổ chức La Pi-ra, đồng chí đã đến thăm nơi ở và làm việc của giáo sư La Pi-ra, một biệt thự nhỏ ở ngoại vi thành phố gần tu viện nổi tiếng Xan Mác-cô. Cùng trong dịp này, đồng chí đã hỏi thêm về chuyến đi Hà Nội của La Pi-ra và Pô-ri-mi-chê-ri-ô năm 1965. Cuộc nói chuyện này đã cho biết thêm một số chi tiết.

Sau khi thông báo cho Phan-pha-ni biết kết quả chuyến đi Hà Nội, La Pi-ra không biết những gì diễn ra ở Niu Yoóc và Oa-sinh-tơn. Nhưng La Pi-ra nghĩ rằng cần phải cho nhiều người bạn của ông biết nội dung cuộc gặp gỡ ở Hà Nội để cùng gây sức ép với Johnson, ông gọi điện thoại cho một số bạn trong phong trào chống chiến tranh ở Mỹ, trong đó có luật sư Pi-tơ Oai- xơ người đã dự hội nghị về Trung Đông theo sáng kiến của ông. Ông Oai-xơ đã qua Pháp.

Qua điện thoại, ông liên lạc được với Oai-xơ và ngay ngày hôm sau 5 tháng 12, Pi-tơ Oai-xơ và vợ bà Co-ra Oai-xơ đến Phlo-răng, ông bà Oai-xơ và hai ông La Pi-ra và Pô-ri-mi-chê-ri-ô đều thấy rằng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dành nhiều thì giờ tiếp hai người bạn I-ta-li-a là một điều rất quan trọng và hứa hẹn là khác nữa.

Ông La Pi-ra còn nhắc lại rằng ông nhớ mãi câu nói cuối cùng của Chú tịch Hồ Chí Minh: “Trước hết Mỹ hãy để chúng tôi yên, Mỹ phải chấm dứt ném bom". Vậy cần phải cảnh cáo ngay Mỹ mở rộng ném bom thì mọi khả năng hoà bình sẽ dập tắt. La Pi- ra yêu cầu Pi-tơ Oai-xơ thông báo ngay cho nhiều người Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ Phun-brai, Rô-bóc Ken-nơ-đi, cố vấn Nhà Trắng M.G.Bân-đi. Bản thân La Pi-ra cũng làm việc đấy.

Trong thư gửi đại sứ Ác-tơ Gôn-bớc ông nói rõ: "Cụ Hồ Chí Minh sẽ không thảo luận hoà bình với Hoa Kỳ nếu vùng Hà Nội, Hải Phòng bị ném bom". Trong thư gửi Giang La-cu-tuya, ông nhấn mạnh: "Cụ Hồ Chí Minh là con người cởi mở, cởi mở với hoà bình ở trong nước ông, ở châu Á và tôi có thể nói trên toàn thế giới nữa" (Giang La-cu-tuya: Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Xe-vin, Paris, 1967, tr. 24.)

Nhưng ngay sau khi biết nội dung cuộc nói chuyện ở Hà Nội, Mỹ tiến một bước leo thang mới, đánh phá các cơ sở công nghiệp, La Pi-ra cho Mỹ là không nghiêm chỉnh, không thành thật muốn hoà bình.

Tình hình nội bộ I-ta-li-a khi đó càng làm ông phiền lòng. Sau khi các thư trao đổi giữa Tổng thống Johnson và Phan-pha-ni được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, dư luận I-ta-li-a bàn tán sôi nổi. Nhiều nghị sĩ Quốc hội chất vấn Phan-pha-ni rằng tại sao chính phủ và bản thân ông Phan-pha-ni đã xen vào công việc không phải của I-ta-li-a.

Các đối thủ chính trị đả kích kịch liệt Phan-pha-ni, tìm cách phỏng vấn giáo sư La Pi-ra. Trong bài trả lời, ông đã có những lời rất chua cay đối với chính quyền Johnson, ông cho Đin Ra-xcơ là một người chẳng biết gì, một con người không muốn biết gì cả (Xem thêm Đa-vít Crá-xlô và Xti-a H.Lu-ri: Sđd, tr. 135.)

Ông tiếp tục là người bạn của nhân dân Việt Nam và không ngừng hoạt động trong phong trào chống chiến tranh Việt Nam.

Ông xứng đáng với những tình cảm chân thành của nhân dân Việt Nam đối với ông cũng như các bạn bè khác trên thế giới.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:36:11 am
CHƯƠNG CHÍN
PINTA

Như trên đã nói, ngày 28 tháng 7 năm 1965, Tổng thống Johnson đã quyết định đáp ứng các yêu cầu của Westmoreland, đưa tổng số quân Mỹ lên một trăm bảy mươi lăm nghìn người cuối năm 1965. Nhưng đầu tháng chín, Westmoreland đề nghị tăng thêm ba mươi lăm nghìn quân nữa, nâng tổng số từ một trăm bảy mươi lăm nghìn lêu hai trăm mười nghìn quân vào cuối năm.

Giữa tháng mười, Westmoreland báo cáo những yêu cầu sửa đổi quân số năm 1966. Thay cho con số hai trăm bảy mươi lăm nghìn vào tháng 7 năm 1966, ông ta yêu cầu ba trăm hai mươi lăm nghìn quân với khả năng sau này còn tăng nữa và không bảo đảm là đạt được những mục tiêu của mình.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Macnamara lo ngại đây là khởi đầu một cam kết không giới hạn và tình hình đang tuột dần ra ngoài sự kiểm soát của lãnh đạo. Theo đề nghị của ông, Johnson chỉ định một nhóm chuyên gia do Tommy Thom-son phụ trách. Nhóm này kết luận là leo thang chiến tranh bằng không quân sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc và Liên Xô và gợi ý ngừng ném bom một thời gian dài để thử mối quan tâm của Hà Nội đối với vấn đề đàm phán.

Macnamara đề nghị Tổng thống chuẩn y con số ba trăm năm mươi nghìn người cho cuối năm 1966, ngừng ném bom một tháng và cố gắng bắt đầu đàm phán... Johnson còn hoài nghi các ý kiến của Macnamara thì tháng 11, Westmoreland lại xin thêm hai trăm nghìn quân cho năm 1966, gấp hai lần dự tính hồi tháng 7 của ông ta. Như vậy tổng số quân Mỹ ở Việt Nam sẽ tăng lên bốn trăm mười nghìn vào cuối năm 1966 trái với dự tính ban đầu là hai trăm bảy mươi lăm nghìn quân

Từ đầu tháng 12 năm 1965, Mặt trận Dân tộc Giải phóng ra lệnh cho các đơn vị quân đội của mình ngừng tấn công các đơn vị quân Mỹ và Sài Gòn trong dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch 1966.

Sau khi đi Sài Gòn nắm tình hình một lần nữa, Macnamara trình Tổng thống hai phương án: một là đi đến một giải pháp thoả hiệp thấp hơn mục tiêu, hai là đáp ứng những yêu cầu của Westmoreland và tăng cường ném bom miền Bắc Việt Nam.

Sau nhiều cuộc tranh luận của các cố vấn và cân nhắc của Tổng thống, ngày 23 tháng 12, Tổng thống với sự đồng ý của Sài Gòn, tuyên bố một cuộc ngừng bắn ba mươi giờ, kể cả ngừng ném bom trên toàn miền Bắc Việt Nam bắt đầu từ đêm Giáng sinh. Buổi sáng lễ Giáng sinh. Johnson quyết định kéo dài thêm một hoặc hai ngày nữa. Đến ngày 27 ông lại quyết định kéo dài lệnh ngừng bắn ném bom vô thời hạn và tăng cường nỗ lực ngoại giao để đưa Hà Nội đến bàn đàm phán.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:37:12 am
*
*   *

Để kết hợp với chiến dịch ngừng ném bom, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố kế hoạch mười bốn điểm dưới một tiêu đề phụ là: "Các đóng góp của Mỹ vào cái giỏ “hoà bình".

Một: Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 và 1962 là một cơ sở thích hợp cho hoà bình ở Đông Nam Á.

Hai: Chúng tôi hoan nghênh một cuộc hội nghị về Đông Nam Á hay về bất cứ phần nào của Đông Nam Á.

Ba: Chúng tôi hoan nghênh các cuộc thương lượng không điều kiện tiên quyết như mười bảy nước đề ra,

Bốn: Chúng tôi hoan nghênh các cuộc thảo luận không điều kiện như Tổng thống Johnson đề nghị.

Năm: Ngừng bắn có thể là điểm đầu tiên trong thương lượng hoặc là vấn đề trong thảo luận sơ bộ.

Sáu: Bốn điểm của Hà Nội có thể được thảo luận cùng với các điểm của người khác...

Bảy: Chúng tôi muốn không có căn cứ quân sự ở Đông Nam Á.

Tám: Chúng tôi không muốn duy trì quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam sau khi hoà bình được bảo đảm.

Chín: Chúng tôi ủng hộ tuyển cử ở Nam Việt Nam để cho nhân dân có quyền lựa chọn.

Mười: Vấn đề thống nhất nước Việt phải do nhân dân Việt Nam giải quyết thông qua quyết định tự do.

Mười một: Các nước Đông Nam Á có thể không liên kết hay trung lập.

Mười hai: Hoa Kỳ mong muốn sử dụng tài nguyên của mình xây dựng lại Đông Nam Á. Nếu có hoà bình, Bắc Việt Nam có thể được lợi ích trong số một tỷ đô la mà Hoa Kỳ sẽ đóng góp.

Mười ba: Tổng thống đã nói rằng: Việt cộng không có khó khăn gì trong việc cử đại diện và trình bày quan điểm của họ khi Hà Nội quyết định chấm dứt xâm lược. Đó không phải là trở ngại không vượt qua được

Mười bốn: Chúng ta sẽ chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam xem như là một bước tiến tới hoà bình như không có dấu hiệu hay gợi ý của phía bên kia cho thấy họ sẽ làm gì một khi chấm dứt ném bom.

Hoa Kỳ vốn là một nước lớn, có nhiều nhà ngoại giao giỏi, những kinh nghiệm ngoại giao phong phú. Nhưng bản tuyên bố về lập trường mười bốn điểm này có vẻ buồn cười hoặc ít nhất cũng là vá víu. Nó ghi chép tất cả những gì người ta nói về một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam: lập trường bốn điểm của Hà Nội, đề nghị của mười bảy nước không liên kết ở Bêôgát, đề nghị của Liên Xô về một hội nghị quốc tế về Cam-pu-chia. Mục đích của nó hình như là để tỏ vẻ Mỹ coi trọng ý kiến của tất cả các phía, miễn là đạt tới hoà bình, do đó thu nhỏ cái gậy nhưng phóng to củ cà rốt.

Ngày 7 tháng 1, Mác Closkey, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ ít nhất lần này cũng tỏ ra thành thật: Mỹ bỏ tất cả mọi thứ trong cái giỏ hoà bình, trừ sự đầu hàng của Nam Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:37:50 am
Johnson đã đánh giá các hoạt động ngoại giao trong đợt ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam là một trong những cuộc vận động ngoại giao rộng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

Trong thông điệp tình hình liên bang đọc trước Quốc hội ngày 12 tháng 1 năm 1966, tức sau hai mươi ngày ngừng ném bom và vận động ngoại giao, ông đã tuyên bố.

“Những người phát ngôn có kinh nghiệm và thông thạo nhân danh Hoa Kỳ đã đi tới bốn mươi nước. Chúng ta đã thảo luận với một trăm chính phủ, một trăm mười ba nước có quan hệ với chúng ta và một số nước khác mà chúng ta chưa có quan hệ. Chúng ta đã lên tiếng ở Liên hợp quốc và yêu cầu tất cả các thành viên của Liên hợp quốc làm tất cả những gì trong phạm vi quyền hạn của họ để góp phần giành hoà bình.

Chúng ta cũng đã nói rõ từ Hà Nội đến Niu Yoóc rằng chúng ta không định một giới hạn độc đoán cho việc tìm kiếm hoà bình. Chúng ta tôn trọng các Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 và 1962. Chúng ta sẽ ngồi vào bất kỳ bàn hội nghị nào, chúng ta sẽ thảo luận mọi đề nghị thể hiện trong bốn điểm, mười bốn điểm hay bốn mươi điểm và chúng ta sẽ coi trọng mọi ý kiến của bất kỳ nhóm nào.

Chúng ta phấn đấu cho một cuộc ngừng bắn ngay hôm nay hay khi các cuộc thảo luận bắt đầu. Nếu những người khác hạn chế việc sử dụng vũ lực chúng ta cũng sẽ làm như thế và sẽ rút binh lính của chúng ta khi Nam Việt Nam đã nhận được những bảo đảm dứt khoát về quyền được quyết định tương lai của mình" (L.B.John.son. - Hồi ký, Sđd, tr. 292-293.)

Lời tóm tắt của Tổng thống không có cái dặm dà của Đa-vít Kralow và Stuart H.Loory:

"Trong khi Byroade (đại sứ Mỹ tại Rangoon - ND) đang phát triển một kênh trực tiếp ở Rangoon một cách lặng lẽ thì Tổng thống đã vén bức màn "fandagle" hoà bình của ông ta. Trước khi tất cả mọi người nhận thức ra được điều đó thì Avrell Ha-ri-man đã ở trên chiếc máy bay phản lực Boeing 707 của Tổng thống đến Vacsava. Hành động này làm tất cả mọi người ngạc nhiên, kể cả đại sứ quán Mỹ ở Vacsava và Chính phủ Ba Lan. Đại sứ John Gronouski đang đi thăm hội chợ thương mại ở Poznan.

Chiếc máy bay đã ở trên không thì bí thư của Gronouski Albert W. (bud) Sherer Jr mới nhận được những chỉ dẫn từ Oa-sinh-tơn để thông báo với chính quyền Ba Lan về người khách sắp đến của họ. Sherer và Micezylslaw Sieradski, Vụ phó Vụ Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Ba Lan đã làm việc suốt ngày đêm để chuẩn bị cho Ha-ri-man. Trong khi đó, bị dựng dậy khỏi giường ở Poznan và được lệnh quay trở lại Vacsava, ông ta bắt chuyến tàu đêm trở về thủ đô vừa kịp thời gian để rửa mặt trước khi ra sân bay đón Ha-ri-man.

Chỉ khoảng hai giờ trước khi chiếc máy bay hạ cánh, Sherer và Sieradski mới hoàn tất mọi dàn xếp. Cùng với chiếc máy bay của Ha-ri-man bay ngang quần đảo Bornholmn trên biển Ban Tích và chỉ vài phút trước đó không lực Ba Lan mới gửi lời nhắn tới các căn cứ xa xôi của nó là không cất cánh chống lại chiếc máy bay không nhận dạng được đang tiến vào bờ biển...

Hầu như ngay lập tức sau khi hạ cánh, Ha-ri-man cùng với Gronouski đã mời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dam Bapacki, Jerzy Michalowski, một trong các thứ trưởng của Rapacki ngồi vào bàn nói chuyện. Bức thông điệp của Ha-ri-man, cùng giống như tất cả các phái viên khác, đang lan truyền khắp thế giới là một.

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ muốn nói chuyện với Việt Nam. Đó là sự mong muốn nói chuyện trên hầu hết như bất cứ điều kiện nào. Trong vòng vài ngày, Nhà Trắng sẽ đưa các bức thông điệp này ra công khai trong một tuyên bố với tiêu đề: "Trung tâm vấn đề ở Việt Nam". Tuyên bố này liệt kê ra mười bốn điểm dưới một tiêu đề phụ "Các đóng góp của Mỹ vào cái giỏ hoà bình" ...


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:38:25 am
Những người dự thảo mười bốn điểm gần như là ý chợt nảy ra "Nói theo một cách khác, chúng tôi đã bỏ mọi thứ vào chiếc giỏ hoà bình trừ sự đầu hàng của Nam Việt Nam".

Việc trình bày của Ha-ri-man trước những người Ba Lan có tính thuyết phục. Và ông ta có cơ hội làm điều đó không chỉ với Rapacki mà cả với Wladyslaw Gomulka, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Ba Lan. Thông thường, Gomulka cũng giống như tất cả những người lãnh đạo cộng sản khác, không thể tiếp cận được với những nhà ngoại giao và chính khách phương Tây.

Nhưng Ha-ri-man đã có kinh nghiệm làm việc lâu dài với thế giới cộng sản bao gồm việc phục vụ như là một đại sứ ở Mát-xcơ-va trong chiến tranh thế giới thứ hai. Đối với Ha-ri-man, Gomulka đã thông cảm. Những cuộc họp như vậy hiếm đến nỗi mà buổi họp với Ha-ri-man là thời gian duy nhất Gronouski gặp người thật sự điều hành Ba Lan.

Khi Ha-ri-lnan nói tại sao ông ta đến. Gomulka trả lời. tlleo các nguồll tin còng sản. "Các ông là kẻ cướp nhưng chúng tôi muốn làm việc với kẻ cướp để chấm dứt cuộc chiến tranh này" (Đa-vít Kraslow và Stuart H.Loory - cuộc tìm kiếm bí mật hoà bình ở Việt Nam, Nhà xuất bản Randon-House, Chươn.g 4, phần II.)

Ha-ri-man bay tiếp đến Nam Tư rồi tiếp tục hoàn thành chuyến đi ba mươi nghìn dặm tới mười nước trong vòng mười bảy ngày và đến Sài Gòn ngày 15 tháng giêng.

Ngoài Ha-ri-man ra, Johnson còn huy động nhiều phái viên nữa, Phó tổng thống Hubert Humphrey đi Tokyo để nói chuyện với Thủ tướng Eisaka Sato và đã đưa cho ông ta một tài liệu có chi tiết về một trăm chín mươi cuộc nói khác nhau mà ngoại trưởng Dan Rusk đã nói về chủ đề đàm phán hoà bình với các nhà ngoại giao khác nhau và người khác nhau.

Nhân dịp lễ tang Thủ tướng Ấn Độ Shatri, ông đã trình bày lập trường của Mỹ với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kossighin và nhiều vị Thủ tướng khác lúc đó cũng đang có mặt ở New Delhi.

Đại sứ Gôn-bớc đi Rôm, Paris, Luân Đôn cũng như giải thích lập trường của Mỹ cho nhiều vị trưởng đoàn ngay tại Liên hợp quốc. Mc. George Bundy đi Ottawa. Thomas Mann, Thứ trưởng về các công việc ở châu Mỹ đi Mêhicô. Manuel William, Thứ trưởng về châu Phi đêm giao thừa đi Ma-rốc và sáu nước khác trong bảy ngày.

Chưa bao giờ nước Mỹ cùng một lúc cử đi nhiều phái viên đến thế và đi vội vã đến thế. Tổng thống Johnson đã nói đúng: đây là cuộc vận động ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:39:34 am
PINTA

Đây là mật hiệu của cuộc tiếp xúc giữa đại sứ Mỹ Byroade và Tổng lãnh sự Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Vũ Hữu Bỉnh tại Rangoon trong đợt ném bom ba mươi bảy ngày.

Trước khi có cuộc tiếp xúc này và trước khi công bố lập trường mười bốn điểm, ngoại trưởng Dan Rusk đã gặp Ianôt Radvani, đại biện lâm thời Hung-ga-ri tại Oa-sinh-tơn và giới thiệu quan điểm của Mỹ về vấn đề Việt Nam, thực chất là nội dung mười bốn điểm sẽ công bố ngày 29 tháng 12 với ý định mở kênh Budapest liên lạc với Hà Nội. Do việc này xem ra không có kết quả, ngày 29 tháng 1,. Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển sang hướng khác và chỉ thị cho đại sứ Henry Byroade tại Rangoon tiếp xúc bí mật với Tổng lãnh sự Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Vũ Hữu Bỉnh.

Nhận được chỉ thị, ngay trong ngày 29, Byroade gọi điện thoại cho Vũ Hữu Bỉnh nói rằng ông có một thông điệp của Chính phủ Mỹ cần chuyển tận tay ông Tổng lãnh sự.

Buổi chiều, tự lái lấy xe riêng không có quốc kỳ Mỹ, Bai-rốt đến trụ sở Tổng lãnh sự quán Việt Nam số 40 đường Cô-min Cô-chin.
Trước hai cốc bia hai vị cựu sĩ quan, hai nhà ngoại giao ngồi đối diện nhau. Bai-rốt nhắc lại lý do cuộc viếng thăm và chuyển cho ông Bỉnh bức thông điệp của Chính phủ Mỹ mà ông có nhiệm vụ chuyển và tỏ ý mong sẽ được một trả lời thuận lợi. Vũ Hữu Bỉnh nhận thông điệp và hứa sẽ chuyển ngay về Hà Nội.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, giản dị nhưng lại có ý nghĩa: lần đầu tiên hai đại diện ngoại giao hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ gặp nhau, tuy không chính thức nhưng lại chính thức chuyển một thông điệp của Chính phủ Mỹ. Nội dung thông điệp giống như Đin Ra-xcơ đã nói với Rát-va-ni, điều khác là yêu cầu có hành động có đi có lại.

Thấy lâu chưa có trả lời, ba tuần sau Bai-rốt lại đến Tổng lãnh sự sứ quán Việt Nam, ông được đón tiếp lịch sự, nhưng vẫn chưa có trả lời của Hà Nội. Ý kiến cá nhân của ông Tổng lãnh sự: đây là một tối hậu thư của Mỹ làm ông phiền lòng.

Trong lúc đó, tại Paris, P.Stơmơ lại đề nghị gặp Tổng đại diện Việt Nam Mai Văn Bộ ngày 13 tháng 1 năm 1966. Mai Văn Bộ đi vắng. Võ Văn Sung tiếp Stơmơ nói là được chỉ thị của Chính phủ Mỹ hỏi ý kiến Việt Nam về thông điệp ngày 29 tháng 12 năm 1965 mà đại sứ Bai-rốt đã trao cho đại diện Việt Nam ở Rangoon. Cả Rangoon, Paris đền chưa có trả lời của Hà Nội.

Theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 24 tháng 1 năm 1966 tại Mát-xcơ-va, đại sứ P.Cô-lơ đến gặp đại biện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Lê Trang để trao một công hàm với nội dung tương tự thông điệp đã trao cho Việt Nam ở Rangoon. Lần này Cô-lơ đề nghị phía Việt Nam xem xét có khả làm giảm bớt hoạt động quân sự hay không? ông còn nói:

- Mỹ đề nghị có cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cuộc gặp sẽ diễn ra bí luật.

Lê Trang nói: chưa có trả lời.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 15 Tháng Mười Một, 2009, 11:39:42 am
Ý định của Hà Nội trì hoãn việc trả lời chính là để tìm hiển thêm về ý đồ Mỹ kéo dài việc ngừng ném bom Bắc Việt Nam.

Trong lúc Mỹ đi tìm hoà bình khắp nơi thì họ vẫn tích cực tăng cường hoạt động quân sự ở Nam Việt Nam. Cuối tháng 12, họ tăng thêm bốn nghìn quân cho Pleiku, vào giữa tháng giêng tối thiểu đã tăng thêm bảy nghìn quân làm cho tổng số quân Mỹ ở Nam Việt Nam đã lên tới một trăm bảy mươi nghìn.

Ngày 8 tháng giêng, tám nghìn quân Mỹ, Nam Việt Nam, Úc và Niu Di-lân tấn công vùng Củ Chi ở Tây Bắc Sài Gòn. Tam giác sắt. Nếu tính toán chiến dịch Tìm Diệt mùa khô 1965-1966 thì Mỹ huy động hai nghìn quân thiết giáp với sự hỗ trợ của quân Sài Gòn và quân Nam Triều Tiên.

Ngày 21 tháng giêng, U Thant kêu gọi Mỹ tiếp tục ngừng ném bom và đề nghị Mặt trận Dân tộc Giải phóng có vai trò trong chính quyền, mặt khác cũng kêu gọi Mỹ kéo dài ngừng ném bom, tối thiểu kéo dài đến sau Tết. Các thượng nghị sĩ Fulbright và Mi-ke Mansfield đề nghị Tổng thống tiếp tục ngừng ném bom.

Ngày 28 tháng giêng, Đài Tiếng nói Việt Nam công bố thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các nhà lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước khác. Cùng ngày, Tổng thống Johnson quyết định tiếp tục ném bom.

Tuy vậy, ngày 19 tháng 2, Bai-rốt lại đến Tổng lãnh sự Việt Nam trao một bị vong lục cho phía Việt Nam. Với lời lẽ mềm dẻo, văn kiện này nhắc lại: Hoa Kỳ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, sẽ rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam "dưới ánh sáng của các hành động của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc rút quân miền Bắc khỏi miền Nam Việt Nam". Bị vong lục còn nhấn mạnh:

Theo "thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng là hoàn thành độc lập dân chủ, hoà bình, trung lập ở miền Nam tiến tới thống nhất, nếu đúng như vậy thì điểm ba không phải là trở ngại cho thương lượng. Nhưng nếu đòi cho Mặt trận được độc đoán tham gia vào một Chính phủ Liên hiệp trước hoặc không có tuyển cử thì điểm ba là trái với mục tiêu đó và không đúng với Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.

Quan điểm cơ bản của Hoa Kỳ là cơ cấu chính trị tương lai của Nam Việt Nam phải do nhân dân Nam Việt Nam quyết định thông qua tuyển cử thật sự tự do. Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận kết quả của cuộc tuyển cử thật sự tự do đó".

Cuối cùng bị vong lục đưa ra bốn điểm giống như bốn điểm mà ông Gullion đã đưa cho Mai Văn Bộ tháng 8 năm 1965 ở Paris để “làm cơ sở có thể chấp nhận được trong thảo luận".

Vũ Hữu Bỉnh nói: "Tôi sẽ báo cáo về Hà Nội nhưng các ông đã ném bom lại miền Bắc, cuộc tiếp xúc của chúng ta không còn ý nghĩa gì".

Và Pinta đã kết thúc như thế đấy.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 12:02:29 pm
CHƯƠNG MƯỜI
MI-KHA-LỐT-XKI Ở HÀ NỘI
(Trong chương này, lời Hồ Chủ tịch được tác giả trích trong "Lược ghi biên bản tiếp xúc Hồ Chủ tịch - Mi-kha-lốt-xki ngày 6-1-1966" của Nguyễn Hữu Ngô, Vụ trưởng Vụ Liên Xô - Đông Âu, Bộ Ngoại giao.)


Trong hồi ký, Tổng thống Johnson kể một cách đơn giản rằng ông cử Ha-ri-man đi Ba Lan giải thích lập trường của Mỹ, nhưng không ngờ sau đó lại là một loạt màn kịch bất ngờ.

Trước hết, Ha-ri-man đi Vácsava bằng chiếc máy bay Bôing của Tổng thống nhưng không kịp báo trước cả sứ quán Mỹ và Chính phủ Ba Lan.

An-bớc Xi-rơ, người phó thay mặt đại sứ Mỹ Giôn Grô-nốt-xki đang đi công tác ở Pô-dơ-nan, vừa phải đi gặp vụ Bắc Mỹ, Bộ Ngoại giao để bàn kế hoạch tiếp đón Ha-ri-man vừa phải báo cho đại sứ Mỹ Grô-nốt-xki về ngay Vác-sa-va.

Đại sứ Grô-nốt-xki đang ngủ bị dựng dậy để hối hả trở về nhiệm sở. 

Sáng sớm ngày 30 tháng 12 năm 1965, đại sứ Ba Lan tại Hà Nội, J. Xi-ê-lêch-xki xin gặp gấp Thủ tướng Phạm Văn Đồng vì có điện khẩn cấp. 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận tiếp ngay đại sứ Xi-ê-lêch-xki.

Chưa hết xúc động vì những gì đã nhận được, đại sứ trình bày ngay với Thủ tướng:

"Đột nhiên đêm qua Oa-sinh-tơn yên cầu Ba Lan cho phép ông Ha-ri-man theo chỉ thị của Tổng thống Johnson vào Ba Lan ngay bằng máy bay riêng của Tổng thống để hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao A-đam Ra-pát-xki. Chúng tôi đã trả lời cho Mỹ biết rằng mục đích của việc liên hệ như thế để bàn vấn đề Việt Nam là không nên. Nhưng vì Ha-ri-man đã bay đến Tây Đức để đợi trả lời và một sự từ chối của Ba Lan có thể bị lợi dụng mà ta có thể đoán trước một cách dễ dàng...”

Bức điện, hoặc đúng hơn là phần đầu của bức điện mà đại sứ đọc mới đến đó. Tiếp đó, đồng chí trao cho Thủ tướng một bức thư và đề nghị Việt Nam có ý kiến giải quyết những trường hợp tương tự, nên nhận hay không nên nhận.

Ngay tối hôm đó, đại sứ Xi-ê-lêch-xki lại xin gặp Thủ tướng để thông báo tiếp nội dung trao đổi giữa Ngoại trưởng Ra-pát-xki và phái viên Ha-ri-man. Đại sứ nói:

"Phía Mỹ nói Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ ngày 24 tháng 12 và việc ngừng ném bom sẽ kéo dài ra ngoài Tết dương lịch nếu không có sự tăng cường quan trọng các hoạt động quân sự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Mỹ nói rằng việc tham gia thật sự của phía Việt Nam vào việc giải quyết hoà bình vấn đề xung đột sẽ làm thuận lợi cho kéo dài ngừng ném bom.
Mỹ cho rằng để có thể đi đến thương lượng cần phải có thời gian cho tình hình dịu đi và yên tĩnh trở lại. Việc ngừng ném bom một thời gian nhất định đã được thực hiện. Mỹ mong phía Việt Nam đáp lại bằng những cử chỉ tương tự. Việc đáp lại theo kiểu đó sẽ dẫn đến con đường thương lượng... Mỹ thấy cần thiết phải có thời gian cho phía Việt Nam nghiên cứu, nhưng lưu ý rằng Chính phủ Mỹ có khó khăn vì Quốc hội Mỹ sắp họp".

"Ha-ri-man cũng nhắc lại lời tuyên bố của Johnson sẽ không có khó khăn gì cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng trình bày lập trường và quan điểm của mình trong trường hợp có thương lượng". Nhưng Mỹ không công nhận Mặt trận là một chính phủ. Ông ta cũng nói cuộc đàm phán sau này có thể có hình thức khác, lập trường của Mỹ rất linh hoạt, Mỹ sẵn sàng nghiên cứu mọi khả năng, thương lượng trong mọi điều kiện và trong bất kỳ thành phần nào kể cả sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Nếu có đàm phán phía Mỹ sẵn sàng thảo luận cả bốn điểm cũng như mọi đề nghị khác của các bên kể cả của Sài Gòn”


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 12:03:20 pm
- Theo ý kiến riêng tôi - Đại sứ nói tiếp - Mỹ phải hành động như vậy là để tranh thủ dư luận. Mỹ rất sợ dư luận.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói:

- Đồng ý với nhận xét của đồng chí đại sứ. Mỹ đang bị cô lập nên đưa vấn đề này ra. Đồng thời Mỹ muốn thăm dò chúng tôi. Chúng tôi sẽ nghiên cứu.

- Chúng ta cũng chấp nhận gợi ý của bạn mời một phái viên của Ba Lan sang Hà Nội để nắm rõ ý kiến của Ha-ri-man.

Ba ngày sau, J.Mi-kha-lốt-xki, Thứ trưởng kiêm Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Ba Lan đã có mặt ở Hà Nội. Mi-kha-lốt-xki khá quen biết với nhiều đồng chí lãnh đạo nước ta vì từ tháng 8 năm 1954, ông là đại sứ Trưởng đoàn Ba Lan đầu tiên trong Uỷ ban Quốc tế về Việt Nam, ông lại là người được dự cuộc nói chuyện giữa Ra-pát-xki và Ha-ri-man ở Vác-sa-va vừa qua. Bộ Ngoại giao Ba Lan cố giữ bí mật chuyến đi này cho nên giải thích rằng ông Tổng thư ký bị ốm nên không dự các cuộc chiêu đãi và tiếp khách nhân dịp đầu năm mới. Nhưng dư luận lại hiểu rằng đó là cái bí mật của anh hề xiếc.

Buổi làm việc đầu tiên là với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh.

Mi-kha-lốt-xki nói:

- Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc và cử Ha-ri-man đến gặp lãnh đạo Ba Lan để xem xét vấn đề. Cố gắng của Mỹ có thành công hay không? Nếu như cử chỉ hoà bình của Mỹ không được đáp ứng, Mỹ sẽ ném bom trở lại với cường độ mạnh hơn. Johnson bị áp lực của giới quân sự phải leo thang chiến tranh. Chìa khoá hoà bình là ở Hà Nội... Mỹ không thể ngừng ném bom lâu được. Nếu như Chính phủ Việt Nam xét tới giải pháp hoà bình thì Ha-ri-man mong rằng sẽ có một cử chỉ thực tế về quân sự, lúc đó Mỹ sẽ đáp lại bằng một cử chỉ quân sự khác. Như vậy nhiệt độ của tình hình sẽ giảm đi và sẽ có thể đưa đến đàm phán chính trị.

Ba Lan cho rằng có hai khả năng: hoặc là Mỹ thấy thất bại rồi và hiện nay cũng không tốt đẹp gì trong việc leo thang nên nghĩ đến việc trả một giá nào đó để tránh phải leo thang. Nếu thế thì rất quan trọng. Và để thử xem Mỹ sẵn sàng nhân nhượng những gì thì ngoài đàm phán ra không có cách nào khác. Hoặc là cuộc tiến công hoà bình của Mỹ là bịp bợm, là màn khói, một âm mưu đánh lừa thế giới. Nếu như vậy thì cũng không có cách nào khác ngoài việc ngồi với Mỹ để vạch mặt Mỹ.

Trong khi thảo luận, Mỹ sẽ đưa giá qná cao, sau sẽ hạ xuống, ta cũng sẽ mặc cả xem họ bán hàng như thế nào. Chúng tôi sợ rằng Mỹ đang đứng trước một quyết định quan trọng. Mỹ sẽ không giữ mức độ chiến tranh như hiện nay vì như vậy sẽ thất bại. Cho nên Mỹ sẽ tăng cường chiến tranh. Thiệt hại của nhân dân Việt Nam sẽ rất lớn.

Mỹ định đưa hai mươi hay ba mươi vạn quân nữa vào miền Nam Việt Nam. Mỹ sẽ khó xuống thang, khó rút quân. Nếu không đàm phán bây giờ thì sau này sẽ rất khó. Nếu Mỹ tăng thêm quân, cuộc chiến đấu của các đồng chí sẽ không thuận lợi như bây giờ. Mỹ đã ngừng ném bom. Nếu có dấu hiện nào đó, Mỹ sẽ kéo dài việc ngừng bắn. Có dấu hiệu thôi, không có gì ràng buộc phía Việt Nam cả.

Chúng tôi cho rằng Mỹ thànn thật, rằng Mỹ đang ở ngã ba đường, Mỹ đã nói rằng họ bị sức ép, họ muốn có dấu hiệu đó sẽ giảm căng thẳng và rất có triển vọng.

Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh hỏi thêm về một số điểm trong lập trường của Mỹ.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 12:04:12 pm
Chiều hôm đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp Mi-kha-lốt-xki. Sau khi thăm hỏi sức khoẻ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Mi-kha-lốt-xki đi ngay vào vấn đề.

Mi-kha-lốt-xki:

- Tôi chắc rằng đồng chí đã được thông báo về cuộc đi thăm của Ha-ri-man ở Vác-sa-va. Đồng chí Gô-mun-ca đã có một cuộc nói chuyện lâu với ông ta, một cuộc nói chuyện căng thẳng, khó khăn. Chúng tôi cho rằng việc chúng tôi đến đây là điều bổ ích nếu các đồng chí biết một cách cụ thể những điền rất quan trọng của cuộc gặp gỡ đó. Tôi được trao nhiệm vụ chuyển đến đồng chí một thông điệp miệng của đồng chí Gô-mun-ca mà tôi đã thận trọng ghi lại (đọc thông điệp, nội dung giống như đã trình bày ở trên).

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đồng chí Hồ Chí Minh và các thành viên trong Chính phủ chúng tôi cảm ơn đồng chí Gô-mun-ca và các đồng chí lãnh đạo Ba Lan về những gợi ý đó.

Mi-kha-lốt-xki:

- Đây không phải là những gợi ý. Đây là ý kiến của chúng tôi để trình bày với các đồng chí.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi xin cảm ơn các đồng chí về việc đó. Đó là biểu hiện của tình cảm, sự ủng hộ của các đồng chí đối với chúng tôi. Chúng ta cần gắn bó với nhau. Cuộc đấu tranh của chúng tôi cũng là cuộc đấu tranh của các đồng chí. Chúng ta là những nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta đứng trước một kẻ thù chung. Các đồng chí lại là thành viên trong Uỷ ban Quốc tế. Đó là lý do nữa để các đồng chí quan tâm đến vấn đề.

Chúng tôi luôn luôn hướng về vấn đề đó. Đó là những vấn đề rất quan trọng. Chúng tôi biết thế nào là chiến tranh. Các đồng chí cũng biết điều đó nhất là ở miền Nam cuộc chiến đấu vẫn diễn ra với một cường độ rất ghê gớm. Ngày đêm chúng tôi nghĩ đến hoà bình không sao ngủ được.

Mi-kha-lốt-xki:

- Nếu chúng tôi đề xuất ý kiến đó thì cốt nhằm làm dễ dàng các quyết định của các đồng chí. Tất nhiên trong các vấn đề quân sự... chúng tôi không thể xét đoán được. Chúng tôi không có ý kiến.

Chúng tôi hiểu rất rõ nước Mỹ. Chúng tôi hiểu tình hình các nước khác trong lúc các đồng chí hiện nay rất bị cô lập. Có lẽ các đồng chí có khó khăn để hiểu một số chi tiết. Chúng tôi có tiếp xúc rộng lớn hơn các đồng chí, chúng tôi thấy có trách nhiệm bày tỏ ý kiến về một số vấn đề.

Chúng tôi muốn nói kỹ thêm về cuộc nói chuyện với Ha-ri-man, như vậy rõ ràng hơn là trong thông điệp. Tất nhiên đó là những ý lớn rất quan trọng và tôi không đi vào chi tiết chia trận đánh mà chúng tôi đã có với ông ta. Đồng chí Gô-mun-ca đã nói với ông ta: "Các anh là bọn cướp".

Vấn đề là phải xem Mỹ muốn gì? Tôi nghĩ rằng họ thành thật và đang ở ngã ba đường. Mỹ đang bị nhiều tổn thất và không thể cứ cư xử như hiện nay được. Có thể bản thân họ không muốn thế, nhưng họ phải nghĩ đến tương lai. Mỹ muốn leo thang để tạo khả năng cho giải pháp chính trị. Họ đang đi sâu vào con đường đó. Đó là một chính sách phiêu lưu đã bị lên án.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 12:04:57 pm
Điều thứ hai cụ thể hơn, ông ta (Ha-ri-man) nói là Mỹ bị sức ép. Mỹ muốn có một dấu hiện nào đó. Thí dụ các đồng chí xem xét một cách nghiêm túc các đề nghị của Mỹ. Họ nói đến nay vẫn chưa được một dấu hiệu nào như vậy và điều đó để họ đổ hết trách nhiệm không chịu thương lượng cho các đồng chí để leo thang, không phải cân nhắc mười bốn điểm mà cân nhắc về con đường dẫn tới hoà bình. Họ sẵn sàng chờ đợi. Vậy bây giờ phải làm gì? Cần có câu trả lời cho vấn đề đó, một dấu hiệu nào đó.

Thứ ba, nếu chúng ta chuyển cho họ dấu hiệu đó thì sẽ giảm căng thẳng và nhiều triển vọng. Sau khi làm sáng tỏ qua thăm dò, người ta sẽ biết các điều kiện làm cơ sở cho một giải pháp trong tương lai. Ha-ri-man nói: thí dụ như trong cuộc thăm dò sau một cử chỉ nào đó của phía các đồng chí, nhiệt độ sẽ hạ xuống và làm dễ dàng cho thương lượng, cho việc giải quyết các vấn đề khác và họ sẽ giảm nhiệt độ và tạo ra giải pháp chính trị.

Điều nữa là các hình thức thương lượng có thể có. Ha-ri-man nói Mỹ rất linh hoạt. Họ sẵn sàng tìm mọi cách để thương lượng - tay đôi, trực tiếp hay qua trung gian, họ sẵn sàng tìm mọi khả năng... Có vấn đề quan trọng là sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ha-ri-man nói là Mỹ chấp nhận sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng như kiểu ở Giơ-ne-vơ. Nếu chúng ta sáng tạo ra một hình thức thương lượng nào đó cho Mặt trận. Mặt trận sẽ có uy thế nhất định.

Rồi còn bốn điểm của đồng chí, bốn điểm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà trên thế giới người ta coi như là kế hoạch Ra-pát-xki. Ha-ri-man nói họ chấp nhận bốn điểm, rằng bốn điểm là một cơ sở nhưng không phải là cơ sở duy nhất. Ha-ri-man cũng nhấn mạnh mười bốn điểm của Mỹ không phải là điều kiện để thương lượng. Đó là những đề nghị cũ được sắp xếp chung lại với nhau, ông ta yêu cầu xem xét chứ không phải trả lời mười bốn điểm. Theo ý kiến chúng tôi, nếu thời kỳ ngừng ném bom kéo dài thì dù sao cũng có lợi cho các đồng chí.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tất nhiên.

Mi-kha-lốt-xki:

- Đứng về mặt thuần tuý sách lược, tôi nghĩ nếu các đồng chí cho tín hiệu rằng các đồng chí nghiên cứu một cách nghiêm túc ý kiến của Mỹ thì sẽ kéo dài thời kỳ yên tình trên đất nước các đồng chí mà không bị ràng buộc gì, đó là diều quan trọng. Các đồng chí sẽ có thời gian để tập hợp lực lượng, chấn chỉnh lại và làm nhiều việc khác.

Các đồng chí có nói mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao phải đi đôi với nhau. Cuộc đấu tranh quân sự sẽ được đấu tranh chính trị này ủng hộ và trợ lực.

Chúng tôi sợ rằng nếu các đồng chí bác bỏ thẳng thừng những đề nghị đó thì sẽ là một thất bại trên mặt trận chính trị của các đồng chí...

Dư luận thế giới những người tiến bộ, những người cộng sản ở phương Tây cũng sẽ không hiểu các đồng chí. Đó cũng là điều không hiểu được đối với nghiêng người Mỹ không cộng sản đang đòi hoà bình. Đó sẽ là dịp tốt cho bộ máy tuyên truyền của Mỹ... Khi dư luận đã không hiểu các đồng chí thì đó sẽ là thất bại chính trị của các đồng chí. Tôi không nghĩ rằng các phương tiện giải thích của chúng ta có thể chống lại được sự thay đổi dư luận đó.

Chúng tôi nghĩ dù sao cũng phải đưa ra một sáng kiến cụ thể bằng một hành động tiếp cận với những đề nghị của Mỹ và có một số cố gắng để đi tới thương lượng.

Các đồng chí có nói rằng đã nghĩ đến thương lượng nhưng bây giờ chưa chín muồi, chiến thắng chưa đủ mức. Tôi sợ rằng Mỹ sẽ chọn con đường leo thang như vậy sau này sẽ rất khó thương lượng, khi số quân Mỹ đông hơn, việc rút lui càng khó khăn hơn cho một cường quốc như Mỹ. Họ sẽ mất mặt... Tình hình sẽ phức tạp thêm


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 12:05:45 pm
... Lúc này con đường rút của Mỹ chưa bị cắt. Chúng tôi nghĩ khả năng đó, cơ hội đó còn quan trọng hơn là một thời gian leo thang lớn. Lúc này cần tìm ra con đường cho các giải pháp hoà bình. Chúng ta có thể có thế mạnh để làm suy yếu kẻ thù... khi một người lính được tin là có nói chuyện hoà bình, anh ta không muốn chết nữa. Việc đó sẽ đem lại cho các đồng chí thời gian để chấn chỉnh lực lượng.

Tiếp đó, ta tìm ra khả năng tìm kiếm sự nhượng bộ của Mỹ. Họ phải trả giá cho hoà bình, cho việc rút quân để gỡ thể diện. Rồi với nhượng bộ đó - không quá xa với các nguyên tắc của các đồng chí - Chúng tôi nghĩ là điều đó có thể được. Có lẽ một vài nhượng bộ của các đồng chí là cần thiết. Chúng tôi nghĩ đạt được việc rút lui của Mỹ trong năm năm không có chiến tranh còn hơn là có hoà bình sau năm năm chiến tranh.

Sau cùng, chúng tôi nghĩ với việc nói chuyện, việc thăm dò, chúng ta chỉ có lợi. Chúng ta không có gì để mất trong cuộc thăm dò nào đó hoặc trong nói chuyện trực tiếp, gián tiếp hoặc dưới hình thức nào đó mà ta sẽ nghĩ ra như qua trung gian của Uỷ ban Quốc tế, qua hai Chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ hoặc với sự tham gia của các nước bạn.

Cần phải có một sáng kiến. Phải tiến lại với những ý kiến chứng tỏ chúng ta muốn hoà bình, và qua đó các đồng chí sẽ tranh thủ được dư luận thế giới về mình. Nếu các đồng chí đề nghị một cái gì đó mà Mỹ bác bỏ thì Mỹ không còn được xem như những thiên thần của hoà bình nữa.

Đồng chí Mi-kha-lốt-xki tỏ ý sẵn sàng cung cấp mọi tin tức mà phía Việt Nam muốn biết cũng như mọi ý kiến của Vác-sa-va. Cuối cùng, Mi-kha-lốt-xki nhấn mạnh rằng phía Ba Lan "nghĩ có thể tạo ra cho Việt Nam khả năng tiến hành một cái gì đó trên con đường có lợi" cho Việt Nam.

Đồng chí cũng giới thiệu cho Thủ tướng một người Mỹ mà đồng chí rất quen biết, một người Mỹ tốt có vị trí và ảnh hưởng nhất định: ông N. Cơ-xin (N.Cơ-xin, mục sư đạo Tin Lành, Chủ bút tạp chí Thứ bảy.) đồng chí nói: phía Việt Nam có thể sử dụng con người đó không chỉ trong cuộc thảo luận chung chung. Ba Lan sẵn sàng giúp đỡ.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cảm ơn sự quan tâm và cố gắng của bạn. Rồi Thủ tướng nói:

- Từ lâu chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về tất cả những điều đồng chí nói... Mà cốt lõi liên quan đến việc đi thăm của Ha-ri-man. Đối với chúng tôi để biết rõ tình hình và nhất là lối chơi của kẻ địch không phải là không tốt.

Chúng tôi lại đang ở trong tình trạng chiến tranh với đế quốc Mỹ và chúng tôi biết thế nào là chiến tranh. Chúng tôi luôn nghĩ đến lúc nào đó phải kết thúc chiến tranh với Mỹ. Đó không phải là việc đơn giản chút nào. Chúng tôi nghĩ đến hoà bình vì chiến tranh là điều tàn khốc, nhất là ở miền Nam, rất ác liệt và có lẽ sẽ ác liệt hơn nữa. Vì vậy chúng tôi suy nghĩ không ngừng đến việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình.

Nhưng, thưa đồng chí, chúng tôi đòi hỏi một cái gì.

Chúng tôi đòi độc lập, giải phóng miền Nam, thống nhất có lẽ phải một thời gian dài - nhưng mà phải thống nhất Tổ Quốc. Đó là những đòi hỏi sống còn của chúng tôi. Tất cả những điều đó gắn chặt với bốn điểm, các điều này lại gắn chặt với Hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Bốn điểm không phải là để thảo luận. Đó là kế hoạch để giải quyết vấn đề. Mỹ và tất nhiên Ha-ri-man nữa đã đưa ra mười bốn điểm để thảo luận... Có thể chúng cũng phải thay đổi... Chắc chắn là như vậy... Còn chúng tôi, không thể làm như vậy được.

Thủ tướng nói một cách ngắn gọn bốn điểm.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 12:06:46 pm
Mi-kha-lôt-xki cho rằng: Mỹ đã nói đến việc chấp nhận các điểm đó và thêm đó là vấn đề có thể thăm dò.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói tiếp:

- Chúng tôi xem xét cuộc tấn công hoà bình của Mỹ hiện nay như thế nào? Tôi đang nghiên cứu vấn đề rất khó khăn này.

Cần có nhiều thời gian và cố gắng. Chúng tôi sẽ xem xét một cách tổng hợp, không thể bác bỏ ngay lập tức Đó là những vấn đề đầu tiên được thảo luận trong Đảng và Chính phủ chúng tôi.

Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu Chính phủ Mỹ đã sẵn sàng đi vào hoà bình chưa? Tôi không nghĩ rằng lúc này Mỹ đã sẵn sàng đi vào con đường hoà bình theo đòi hỏi hợp lý của chúng tôi. Có hai lý do:

Một. Thực chất Mỹ đang nghiên cứu các biện pháp tăng cường chiến tranh... Mỹ hiểu không thể đạt được hoà bình theo các điều kiện của chúng trong lúc này. Vì vậy, để cho khách quan phải nói Mỹ phải tăng cường chiến tranh.

Hai: Về nguyên tắc, Mỹ chưa bao giờ tuyên bố thuận lợi đối với bốn điểm... chưa bao giờ Mỹ chấp nhận Mặt trận bằng cách này hay cách khác. Điều đó nghĩa là Mỹ vẫn theo đuổi chính sách cũ ở miền Nam.

Mi kha-lốt-xki:

- Nếu không đạt được hoà bình, Mỹ phải tìm cách tiếp tục chiến tranh. Có nghi vấn trong vấn đề này. Tôi nghĩ Mỹ sẽ phải nhượng bộ. Tôi nghĩ rằng Mỹ là những lái buôn mà lái buôn thì không chấp nhận giá hàng mà không mặc cả. Chúng chỉ chấp nhận trước khi đàm phán. Có lẽ cuối cùng rồi chúng phải nhận bốn điểm.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đó là điểm tất nhiên. Tôi cố gắng tìm hiểu ý đồ sâu xa của Mỹ. Nếu Mỹ chấp nhận thì tại sao lại có cuộc tấn công hoà bình này?
Chúng tôi cho rằng Mỹ có nhiều khó khăn lớn nhất là ở miền Nam Việt Nam. Chúng đang bị đánh tơi bời... đang đứng trước những vấn đề nan giải về quân sự và hậu cần... Lính Mỹ là những chàng công tử... Chiến sự trên bộ rất ác liệt đối với chúng... Còn chiến tranh bằng không quân không giải quyết được vấn đề. Mỹ có nhiều khó khăn trong nước...

Đồng chí có lý để nói ở ngã ba đường. Chính vì vậy mà chúng muốn thứ hòa bình nào đó, một kiểu thương lượng nào đó, không phải thứ hoà bình như chúng tôi quan niệm mà hoà bình kiểu Mỹ, kiểu La Mã hai nghìn năm trước đây.

Mi-kha-lốt-xki:

- Không thể cho chúng nó được.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Trong cuộc tấn công hoà bình này, Johnson muốn đứng trên thế mạnh. Chúng muốn áp đặt chúng tôi một số điều kiện. Nếu chúng tôi chấp nhận những điều kiện đó, chúng sẽ sẵn sàng thương lượng. Nhưng chúng tôi không chấp nhận. Chúng tôi làm chủ chiến lược của mình. Tương lai sẽ chứng minh điều đó.

Trở lại cuộc tấn công hoà bình hiện nay của Mỹ, chúng tôi có nghiên cứu các vấn đề họ đưa ra. Làm gì bây giờ? Không chấp nhận điều kiện của kẻ thù, chúng tôi đã có tuyên bố hôm qua. Về vấn đề chấm dứt ném bom miền Bắc chúng tôi đã nói lên điều kiện của chúng tôi. Bây giờ là tuỳ Mỹ xác định thái độ. Vấn đề như vậy đã đảo ngược. Sẽ rất nguy hiểm đi vào con đường mà kẻ thù đã lựa chọn.

Về nguyên tắc đồng chí đã nói rất đúng: Đừng để cho kẻ thù nắm ngọn cờ hoà bình mà chúng ta phải có sáng kiến hoà bình. Tranh thủ dư luận về ta, dồn kẻ thù vào chân tường. Tôi hứa với đồng chí sẽ nghiên cứu kỹ về ý kiến của đồng chí.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 12:07:35 pm
Đồng chí Mi-kha-lốt-xki nhắc lại rằng phía Ba Lan không gợi ý một nhân nhượng nào về nguyên tắc cả mà cho rằàng bằng vận động chính trị, người ta có thể hoàn thành việc rút quân Mỹ theo điều kiện Mỹ nêu ra.

Mi-kha-lốt-xki nói tiếp:

- Sẽ không rơi vào trò chơi của chúng. Chỉ có điều là đưa vào lối chơi của chúng những tuyên bố qua đài phát thanh thì sẽ không có hiệu quả... mà phải hành động. Ha-ri-man trong khi nói chuyện với chúng tôi đã nói: Hà Nôi cần có hành động. Cần phải suy nghĩ kỹ. Chúng ta có thể thảo luận bất cứ hình thức nào mà chúng tôi chưa biết. Không nên bác bỏ ý kiến về một giải pháp chính trị trên một chỉ dẫn chung.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng rất khó mà thắng được kẻ địch chỉ bằng sức mạnh của lời nói và nhắc lại sẽ nghiên cứu kỹ ý kiến của Ba Lan...

Đồng chí Mi-kha-lốt-xki đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 6 tháng 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Mi-kha-lốt-xki. Cuộc trao đổi đã diễn ra thẳng thắn, có lúc căng thẳng.

Mi-kha-lốt-xki:

- Tôi được uỷ nhiệm của các đồng chí lãnh đạo chúng tôi đến tìm hiểu ý kiến của các đồng chí về việc này. Chúng tôi phải nói điều gì đó với Tổng thống Mỹ. Tôi muốn biết là chúng tôi phải nói như thế nào. Tôi nghĩ rằng nếu Tổng thống Mỹ thấy các đồng chí bác bỏ khả năng đàm phán thì chỉ còn con đường đẩy mạnh chiến tranh.

Chúng tôi cho rằng trong tình hình hiện nay chúng ta cũng cần có thăm dò xem chúng ta có thể đàm phán theo những điều kiện nào, có thể buộc Mỹ phải trả một giá nào đó để có đàm phán hoà bình. Có thể Mỹ buộc phải nhận lập trường của các đồng chí. Nếu Mỹ chỉ nhằm mục đích lừa bịp để đẩy mạnh chiến tranh thì trong trường hợp này ta cũng cần làm thế nào cho Mỹ không thành công được.

Ta cần làm cho nhân dân thế giới rõ là ta mong muốn hoà bình. Nếu Mỹ bác bỏ thì Mỹ sẽ thất bại về chính trị. Ở châu Âu, châu Phi có nhiều người không phải là cộng sản mà họ cũng mong muốn hoà bình. Ta cần làm cho họ hiểu chúng ta. Nếu ta bác bỏ mọi thăm dò, mọi tiếp xúc thì họ sẽ không hiểu chúng ta được. Như vậy ta sẽ thất bại to lớn.

Ngay cả ở nước chúng tôi cũng có người không thể hiểu được Mỹ là một cường quốc, họ khó mà chấp nhận một thất bại nặng nề. Trái lại nếu ta tiến hành thăm dò đàm phán thì tôi nghĩ rằng đó là một thắng lợi chính trị cho ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Xin hỏi đồng chí một câu: Có phải chúng tôi không tha thiết với hoà bình không? Có nhiều lý do để chứng tỏ điều đó. Ai là kẻ xâm lược? Không ai lại cho chúng tôi là kẻ xâm lược. Không bao giờ họ lại nghĩ như vậy kể cả những người không phải là cộng sản. Hơn ai hết, chúng tôi mong muốn hoà bình. Thế thì tại sao chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu? Chỉ có một lý do: Chúng tôi phải tự vệ, chúng tôi buộc phải đấu tranh vũ trang. Chỉ có đấu tranh hoặc hạ vũ khí. 

Tại sao Mỹ phải đi gõ cửa khắp nơi? Chính Mỹ gửi quân đội Mỹ đến đây, bây giờ Mỹ phải đình chỉ xâm lược như vậy vấn đề sẽ giải quyết, Mỹ phải cút đi! Chúng tôi trải thảm đỏ cũng được, nhưng Mỹ phải cút đi! Mỹ phải chấm dứt xâm lược. Johnson miệng nói hoà bình tay lại ký những lệnh điều động quân. Chúng tôi không bác bỏ gì hết, nhưng nhân dân chúng tôi phải được yên ổn. Chúng tôi không muốn trở thành người chiến thắng. Chúng tôi chỉ muốn Mỹ cút đi! Gút-bai! (good bye).

Chúng tôi đã chiến đấu với Pháp, đã đau khổ nhiều. Không phải chúng tôi đuổi Pháp để kết quả ngày nay chúng tôi nhận sự thống trị của Mỹ. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Nó vào tận nhà chúng tôi, nó giết hại con cháu chúng tôi. Vậy thì chúng hãy cút đi. Làm gì mà nó phải đi gõ cửa khắp nơi? Nó gây chiến với chúng tôi thì nó phải cuốn gói đi. Như thế, mọi việc sẽ ổn.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 12:08:44 pm
Mi-kha-lot-xki:

- Mỹ là kẻ xâm lược mạnh. Nó muốn thống trị nước các đồng chí. Nó không muốn cuốn gói đi vì nó mạnh. Trong cuộc chiến tranh này, các đồng chí khó mà đạt được chiến thắng quân sự. Nó sẽ tiếp tục gửi quân đội và máy bay sang. Chúng tôi rất rõ khả năng quân sự của Mỹ, thí dụ: nó có thể sản xuất năm trăm máy bay một ngày. Mỹ có bộ máy chiến tranh to lớn. Chiến tranh ghê gớm sẽ kéo dài năm năm, mười năm. Trong khi đó, tại sao không vận dụng chiến thuật chính trị để đạt được kết quả tương tự? Rất có thể là Mỹ bây giờ cũng muốn rút lui theo một phương thức nào đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Mỹ có mạnh hơn Pháp, nhưng ngày nay chúng tôi cũng mạnh hơn trước kia. Lịch sử dã chứng tỏ là chúng tôi đã chiến thắng kẻ xâm lược gấp mười lần, nhất định chúng sẽ bị thất bại. Khi chống Pháp, chúng tôi có một mình, bây giờ có cả phe xã hội chủ nghĩa ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi.

Mi-kha-lốt -xki:

- Nhưng phe xã hội chủ nghĩa của chúng ta không nhất trí. Chỉ có các đồng chí là đổ máu. Giá phải trả sẽ rất cao. Nếu chiến tranh cứ kéo dài thì không còn ai để giải phóng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Đồng chí thật là sai lầm. Dù Mỹ có tăng thêm quân bao nhiêu cũng không làm gì được chúng tôi. Nhân dân Việt Nam không sợ. Nếu đời chúng tôi không hoàn thành thì con cháu chúng tôi sẽ hoàn thành.

Mi-kha-lốt-xki:

- Mỹ nói đã nhận bốn điểm. Ta cần xem xét Mỹ suy nghĩ thế nào. Ta có thể hỏi: bao giờ các anh rút. Đó là những cuộc thăm dò để làm dễ dàng giải quyết vấn đề mang lại kết quả tương tự mà không phải tổn thất. Về mặt này, ý kiến chúng tôi là ta không nên từ chối thăm dò, vì thăm dò có lợi về mặt chính trị và các đồng chí không thiệt hại gì. Chỉ có Mỹ thiệt hại. Như vậy là đáng công thăm dò.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Chưa phải lúc thăm dò thương lượng. Điều kiện chưa chín muồi. Chúng tôi đã có kinh nghiệm với thực dân Pháp.

Mi-kha-lốt-xki:

- Mỹ đang đứng trước ngã ba đường. Nếu ta thử tiến hành đàm phán lúc này, Mỹ nhận rút lui dễ dàng hơn sau này. Nếu kéo dài thì sau này sẽ khó khăn hơn bây giờ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Nhưng mà chưa đến thời cơ.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 12:09:55 pm
Đến đây, đại sứ Xi-ê-lêch-xki cùng tham dự cuộc nói chuyện nói:

- Nếu chúng ta có sức mạnh, chúng ta có thể nói chuyện với bọn cướp được chứ?

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Nhưng bọn cướp chưa yếu lắm. Nó còn có súng lục trong tay, thời cơ chưa tới. Chúng tôi không phải là người câm điếc đâu.

Mi-kha-lốt-xki:

- Nhưng chúng tôi nên nói với Mỹ như thế nào?

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Các đồng chí cứ nói với Mỹ rằng Mỹ hãy cút khỏi Việt Nam.

Mi-kha-lốt-xki:

- Nhưng có khả năng có dấu hiệu nào tỏ ra các đồng chí xem xét đề nghị của Mỹ không? Mỹ nói là sẽ đợi nếu Việt Nam có dấu hiệu đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Có nhiều khả năng, nhưng tuỳ thuộc ở phía Mỹ. Mỹ có mười bốn điểm, chúng tôi có bốn điểm. Thật là rõ ràng ý kiến hai bên còn khác nhau. Thời cơ chưa tới. Chúng tôi không thể tin lời nói của nhà cầm quyền Mỹ được. Chúng tôi phân biệt đế quốc Mỹ và nhân dân Mỹ.

Mi-kha-lốt-xki:

- Nhưng nhân dân Mỹ không thể hiểu được thái độ của các đồng chí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Đồng chí sai lầm rồi. Đồng chí đã đánh giá thấp sự thông minh của nhân dân. Nếu ta giải thích nhân dân sẽ hiểu hết.

Sau cuộc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mi-kha-lốt-xki có gặp lại Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh trao đổi về việc gặp N.Cơ-xin. Bộ trưởng cho biết là phía Việt Nam không từ chối tiếp ông ta và N. Cơ-xin có thể gặp đại diện Việt Nam ở nơi nào thuận tiện cho ông ta.

Lúc này Mặt trận Dân tộc Giải phóng chưa có đại diện thường trú ở Ba Lan. Bạn giục ta nói với Mặt trận cử người sang gấp. Ý bạn muốn thu xếp cuộc gặp giữa N.Cơ-xin với đại diện hai miền tại Vác-sa-va. Nhưng việc này không thành vì sau lần thông báo thứ hai của bạn, Hà Nội thấy quan điểm của ông N.Cơ-xin không khác đường lối của Oa-sinh-tơn.

Ngoài các cuộc gặp gỡ trên, đồng chí Mi-kha-lốt-xki còn thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nội dung cuộc gặp này đại để như cuộc gặp Thủ tướng

Ngày 31 tháng 1 năm 1966, đồng chí Mi-kha-lốt-xki lên đường về nước, với chặng dừng chân đầu là Viêng Chăn. Cùng ngày hôm đó, Ha-ri-man tới Viêng Chăn sau một chuyến đi tìm kiếm hoà bình dài ba mươi lăm nghìn dặm qua mười nước từ châu Âu sang châu Á đến châu Đại Dương.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 12:10:48 pm
CHƯƠNG MƯỜI MỘT
RONNING

Thủ tướng Ca-na-đa L.Pia-xơn cũng như sáu mươi nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phú, đã nhận được thư ngày 24 tháng 1 năm 1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ca-na-đa vốn không đồng tình với việc ném bom Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và khó chịu với việc máy bay Mỹ ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam sau đợt ngừng ném bom Nô-en năm 1965. Trước sau, Ca-na-đa vẫn nghĩ mình là một thành viên của Uỷ ban Quốc tế, cần và có thể đóng một vai trò trong việc gìn giữ hoà bình ở Việt Nam cũng như ở Lào.

Thủ tướng Ca-na-đa thấy trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: "Nếu Chính phủ Mỹ thật muốn giải quyết hoà bình vấn đề Việt Nam thì họ phải công nhận lập trường bốn điểm của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và chứng tỏ điều đó bằng việc làm thật sự, phải chấm dứt vĩnh viễn và vô điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Như vậy thì mới có thể tính đến một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam”. 

Chìa khoá của vấn đề có thể nằm trong câu này. Sau khi trao đổi ý kiến đầy đủ với Oa-sinh-tơn, Chính phủ Ca-na-đa quyết định cử ông Se-xtơ Ronning đi Hà Nội thăm dò khả năng giải quyết vấn đề Việt Nam.

Lý do đi là mang thư sang Hà Nội trả lời thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ronning là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, một chuyên gia về các vấn đề châu Á và năm đó đã bảy mươi mốt tuổi, ông đã từng là Trưởng đoàn đại biểu Ca-na-đa tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1961-1962 về Lào, đã là quan sát viên ở Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, ông có thể nói với một số bạn cũ Việt Nam bằng tiếng Trung Quốc không cần đến tiếng Pháp.

Ngày 10 tháng 3 năm 1966 ông Ronning được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp. 

Ông nói:

- Điều khuyến khích Chính phủ Ca-na-đa cử tôi sang Hà Nội là lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và bức thư ngày 24 tháng 1 năm 1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi sang Hà Nội là để đem thư trả lời của Thủ tướng Ca-na-đa Le-xtơ Pia-xon gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mục đích chuyến công du của tôi là trình bày nỗi lo lắng của Ca-na-đa trước tình hình Việt Nam. Tôi tin rằng có thể làm sáng tỏ quan điểm của Mỹ, vì Ca-na-đa là một nước láng giềng, một nước bạn của Mỹ, có nhiều mối liên hệ với Mỹ.

Chính sách của Ca-na-đa không giống chính sách của Mỹ, thí dụ Ca-na-đa đề nghị Mỹ ngừng ném bom miền Bắc và lấy làm tiếc rằng Mỹ đã ném bom trở lại. Chúng tôi muốn biết Ca-na-đa có thể làm được gì để làm sáng tỏ lập trường của Mỹ và cho rằng có khả năng tiến tới đàm phán và tiến tới một giải pháp hoà bình.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 12:15:25 pm
Ông tự giới thiệu rằng ông sinh ra ở Trung Quốc, tiếng nói đầu tiên của ông là tiếng Trung Quốc, ông có thiện cảm với cuộc cách mạng ở châu Á. Trước đây ông có ghé thăm Hà Nội và Sài Gòn. Ông nói tiếp:

- Vì thấy rõ cảm tình của tôi với cách mạng châu Á cũng như đối với các cố gắng để phục hồi đất nước ở vùng này nên tôi được Chính phủ cử sang đây. Mục đích của tôi là làm sáng tỏ lập trường của hai bên xem có điều kiện nào hai bên có thể nhân nhượng được? Phía Mỹ có điểm có thể nhân nhượng được, còn phía các ông trong 4 điểm có điểm nào Hà Nội sẵn sàng thảo luận để nhân nhượng qua tiếp xúc chính thức hoặc không chính thức, trực tiếp hoặc không trực tiếp, để rồi tiến tới hội nghị chính thức.

Tôi xin hỏi thêm về hai điểm cụ thể: việc Mỹ rút quân và vấn đề đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở bàn hội nghị. Mỹ tuyên bố không chấp nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng vào bàn hội nghị với tư cách là đại diện cho Chính phủ của miền Nam Việt Nam như phía Việt Nam đã nói, mà sẵn sàng để đại diện Mặt trận vào bàn thương lượng với tư cách khác. Ca-na-đa tự hỏi rằng hai bên có thể thoả thuận với nhau về vấn đề này được không?

Về việc rút quân Mỹ, Việt Nam đòi việc rút quân này là điều kiện tiên quyết cho đàm phán. Còn Mỹ tuyên bố sẵn sàng thảo luận toàn bộ vấn đề rút quân tại bàn hội nghị và Ca-na-đa tin là Mỹ sẽ thực hiện ý định đó. Mỹ sẵn sàng rút quân khỏi miền Nam tương đương với việc rút các lực lượng và sự hỗ trợ quân sự cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ca-na-đa tin rằng Mỹ không muốn ở lại miền Nam Việt Nam với tư cách là lực lượng quân sự. Ca-na-đa sợ chiến tranh mở rộng. Đó cũng là cái lo của cả Việt Nam và thế giới nữa.

Ca-na-đa hiểu rằng không thể thông qua biện pháp quân sự để đạt mục đích chính trị. Do đó, chúng tôi muốn đàm phán trước hết là không chính thức để hạn chế mức cao của chiến tranh. Ca-na-đa muốn hỏi xem có thể đùng ảnh hưởng của mình như thế nào, hay là sử dụng Uỷ ban Quốc tế là khâu nối liền Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 cho đến nay. Uỷ ban có điều kiện đi lại giữa hai miền và hai miền đều nói là trở lại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi hoan nghênh ông đến Hà Nội và nghĩ rằng ông là người có thiện chí, Thủ tướng Pia-xơn là người có thiện chí. Nhưng không nhất thiết vì chúng ta là những người có thiện chí mà chúng ta có thể giải quyết được vấn đề

Ronning:

- Đúng, chúng tôi cũng nghĩ vậy.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Vì một lẽ là Mỹ chưa có thiện chí. Họ đang leo thang chiến tranh, tăng cường chiến tranh. Điều đó, chúng tôi biết và Ca-na-đa cũng biết.

Ronning:

- Tôi biết điều đó, Mỹ có tăng thêm quân ở đây và chúng tôi lo sợ rằng một nước lớn như Mỹ khi chiến tranh đã đến cao độ thì càng thêm khó khăn để thực hiện đàm phán. Nhưng tôi tin rằng Mỹ sẽ rút quân ra khỏi Việt Nam và Việt Nam sẽ đạt được mục đích Mỹ rút quân hoàn toàn ra khỏi nước mình.

Đến nay, Việt Naln chưa chặn được Mỹ tăng cường quân sự. Chính phủ Ca-na-đa thấy rằng bây giờ có khả năng làm được việc đó nên cử tôi đến đây. Ca-na-đa tin rằng Mỹ không có tham vọng đất đai, không có tham vọng thống trị nước nào ở châu Á nên có thể...


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 12:59:08 pm
Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngắt lời:

- Tôi xin lỗi ông, cái lô-gích của ông trong vấn đề này không ai chấp nhận được. Cái lô-gích đó là Mỹ tăng cường quân đội để đi đến rút quân, Mỹ tăng cường chiếm đóng để rồi không chiếm đóng, Mỹ tăng cường chiến tranh để rồi đàm phán? Dư luận thế giới đã hiểu chính sách của Mỹ như vậy và cái gọi là cuộc tấn công hoà bình của Mỹ từ năm 1965 đến nay đã thất bại.

Ronning im lặng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói tiếp:

- Một điều chứng tỏ Mỹ chưa có thiện chí là Mỹ chưa bao giờ công nhận lập trường bốn điểm của chúng tôi. Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh họ không hề biết đến. Tóm lại, Việt Nam có thiện chí còn Mỹ thì như vậy. Biết làm sao được.

Theo chúng tôi Mỹ sẽ đánh mạnh hơn nữa, leo thang hơn nữa, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị. Họ là người xâm lược. Lịch sử chứng minh rằng họ là người xâm lược, luật pháp quốc tế chứng minh rằng họ là người xâm lược, nhân dân bình thường cũng coi họ là người xâm lược. Họ đánh chúng tôi, chúng tôi phải đánh lại. Họ leo thang vì họ thất bại. Tới cuối năm 1966, họ có thể có bốn trăm nghìn quân ở miền Nam. Họ có thể dùng những thủ đoạn chiến tranh dã man hơn phát xít Đức, nhưng họ sẽ thua nặng hơn, nhân dân miền Nam sẽ mạnh hơn.

Nhân dân Việt Nam nhất định đánh thắng. Nhân dân Việt Nam cho rằng không ai có quyền ủng hộ Mỹ đánh chúng tôi, Ca-na-đa cũng không nên ủng hộ Mỹ. Chúng tôi muốn độc lập, tự do, được yên ổn. Mỹ ở bên kia Thái Bình Dương việc gì họ phải mang quân sang đây. Để giải quyết tốt vấn đề, phải trở lại chân lý người Mỹ trở về Mỹ, bên kia Thái Bình Dương! Ai dám phản đối chân lý đó?

Ông Ronning:

- Chúng tôi có cảm tình và ủng hộ một số điểm trong mục tiêu mà các ông định đạt tới: độc lập, không có sự can thiệp của nước ngoài. Chúng tôi tin rằng tiếp theo ngừng bắn sẽ có một hội nghị quốc tế để các cường quốc có liên quan đến tình hình ở đây bảo đảm những điều đó.

Chúng tôi chỉ mong muốn một điều là một bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và bên kia là Mỹ ngồi bàn không chính thức với nhau trong khi đó chiến tranh vẫn tiếp tục, như ở Bản Môn Điềm (Triều Tiên). Lúc nào thấy có cơ sở đàm phán toàn bộ, lúc đó thực hiện ngừng bắn, triệu tập hội nghị quốc tế.

Nếu không có khả năng làm như vậy thì cũng có thể làm như Hội nghị quốc tế về Triều Tiên (tức là phần đầu Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 - Tác giả) là không ký hiệp ước gì cả. Nếu như hai bên chấp nhận được các vấn đề thảo luận thì (mặc nhiên) thi hành, nhưng nếu như quân Mỹ rút lui vì có một hiệp nghị thì các ông đã đạt được mục tiêu mà không phải lo lắng gì về chiến tranh, về "leo thang" cả.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tất cả đều phụ thuộc vào một điều kiện mà người bạn Ca-na-đa có thuyết phục được Mỹ tỏ thái độ đúng đắn với lập trường bốn điểm của chúng tôi hay không. Chúng tôi chờ những người bạn Ca-na-đa.

Ronning:

- Những người bạn Ca-na-đa rất sung sướng làm việc này nếu như Thủ tướng rọi một vài tia sáng vào các điều có thể thoả thuận, có thể thay đổi để Ca-na-đa có lý do thuyết phục người Mỹ để họ thực hiện điều mà Thủ tướng mong muốn Mỹ làm.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi không thể thay đổi một chút nào, cả bốn điểm là quyền lợi tối cao của nhân dân Việt Nam, không thể nào thêm bớt, không thể nào thay đổi.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 01:00:38 pm
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 24 tháng 1 là một bước mới. Nó đề ra điều kiện: Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống miền Bắc. Đó là cái lẽ đơn giản nhất. Cả thế giới cũng thừa nhận điều đó.

Ronning (nói nhỏ như tự nói với mình):

- Có thể làm được chút gì đây? Tôi nghĩ thế. Đây là thời cơ của Ca-na-đa trồi ông nói to hơn) Thủ tướng Pia- xởn đã tuyên bố đòi chấm dứt ném bom miền Bắc để đàm phán và đã tỏ ý tiếc về việc Mỹ ném bom trở lại.

Nếu Chính phủ Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, nếu đó là yêu cầu của phía Bắc Việt Nam - thì việc đó có thể làm cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đàm phán không chính thức, nói chuyện không chính thức, trực tiếp hoặc không trực tiếp hay không? Mỹ sẽ thực hiện như vậy, Mỹ đã đảm bảo với Ca-na-đa như thế. Ca-na-đa biết và tin Mỹ sẽ làm như thế, Mỹ sẽ cử một đại diện để gặp đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, thảo luận bất cứ vấn đề gì trong số các vấn đề chia rẽ chúng ta. Nếu Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, các ông có sẵn sàng nói chuyện không?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi trả lời Chính phủ Mỹ phải tuyên bố đình chỉ mọi sự đánh phá, mọi hành động quân sự vĩnh viễn và không điều kiện đối với Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. 

Ronning:

- Tôi xin hỏi điều này rất quan trọng: Có phải là các ông yêu cầu Mỹ đình chỉ mọi hành động khiêu khích đối với miền Bắc Việt Nam không?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Cần nói thêm: không điều kiện, vĩnh viễn và phải tuyên bố. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ xem xét thái độ của Mỹ với tất cả mọi sự hiểu biết. Chúng tôi nói rõ để ông biết: Mỹ lấy việc đánh phá miền Bắc làm một con bài. Không được đâu! Tuyệt đối không được đâu. Phải tuyên bố vĩnh viễn và không điều kiện. Về phần chúng tôi, chúng tôi biết sẽ phải làm gì.

Ronning:

- Điều mà Thủ tướng vừa nói có phải chỉ hạn chế trong phạm vi miền Bắc không?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng: 

- Đúng!

Ronning cúi xuống ghi vội mấy chữ vào sổ tay với vẻ mặt hâu hoan. Ông hỏi tiếp về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói:

- Trong vấn đề Việt Nam có một vấn đề mà cũng có hai vấn đề. Người có thẩm quyền trong vấn đề miền Nam Việt Nam là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Hai bên đánh nhau nhiều năm rồi, đánh nhau lớn, đánh nhau lâu nữa. Người Mỹ không muốn biết đến Mặt trận là không được đâu?

Ronning:

- Đó có phải là điều kiện trước khi đàm phán không?



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 16 Tháng Mười Một, 2009, 01:01:32 pm
Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Lập trường của Việt Nam có nhiều mặt, tóm lại là bốn điểm và Mỹ vĩnh viễn đình chỉ đánh phá miền Bắc. Điều sau phải nói rõ: Mỹ phải tuyên bố đình chỉ đánh phá miền Bắc vĩnh viễn và không điều kiện. Nếu không như vậy thì không có giá trị.

Ronning:

- Bắc Việt Nam: chỉ hạn chế trong Bắc Việt Nam phải không?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đúng?

Kết thúc cuộc nói chuyện. Thú tướng Phạm Văn Đồng nói thêm:

- Chúng tôi không phản đối cố gắng của Ca-na-đa để có sự đóng góp. Nếu Ca-na-đa thuyết phục được Mỹ thì đó là điều tốt, nhưng chúng tôi không nhờ Ca-na-đa đâu

Ronning:

- Và chúng tôi cũng không xung phong.

Hai người cùng cười.

Ronning ra về với một thông điệp rõ ràng của Hà Nội: Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc thì có thể mở đường đi tới nói chuyện, ông đã báo cáo Chính phủ Ca-na-đa, đã thông báo cho nhiều nhân vật của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có Uy-li-am Bân-đi. Các quan chức Mỹ nói rằng sẽ ngừng ném bom miền Bắc khi nào Hà Nội nhận sẵn sàng có đi có lại.

Ngày 29 tháng 4 năm 1966, Thủ tướng Pia-xơn đề ra một kế hoạch hoà bình mới: ngừng bắn và từng bước rút quân như là những bước tiến tới hoà bình. Ngừng bắn là phần đầu của một khuôn mẫu rộng lớn về thương lượng hoà bình không có điều kiện trước. Và cùng với sự tiến triển của thương lượng, Bắc Việt Nam và các chính phủ khác cùng rút quân từng đợt tương đương khỏi Nam Việt Nam dưới sự giám sát của quốc tế.

Đồng thời, cần có những sắp xếp để có thể bảo đảm cho Nam Việt Nam có thể lựa chọn hình thức chính phủ là làm sao cho việc rút quân không tạo nên một lỗ trống về chính trị mà chủ nghĩa khủng bố sẽ tiếp tục. Ông cũng gợi ý các việc trên đây sẽ thông qua Hội nghị Giơ-ne-vơ và Uỷ ban Quốc tế (Bộ Quốc phòng Mỹ: Sđd, Phần VI-A, tr. 21.)

Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1966, có một số cuộc trao đổi ý kiến giữa Ốt-ta-oa và Oa-sinh-tơn về khả năng nói chuyện giữa Bắc Việt Nam và Mỹ. Với sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ, Ca-na-đa quyết định cử Ronning sang Hà Nội một lần nữa với mục đích xác định xem Hà Nội có nhận một vài sự có đi có lại nào không để đi tới ngừng ném bom miền Bắc.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:17:26 pm
Ông Ronning tới Hà Nội ngày 14 tháng 6 năm 1966. Trước hết, ông xin gặp một người quen cũ đã cùng dự Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1962 về Lào và khi đó đang là một người trong lãnh đạo Bộ Ngoại giao nước ta. Trong cuộc gặp này, ông đã chuyển một thông điệp của Mỹ. Thông điệp nói:

"Mỹ không thể chấp nhận một gợi ý như thế, nghĩa là Chính phủ Mỹ phải đồng ý chấm dứt vĩnh viễn việc ném bom Bắc Việt Nam coi như một điều kiện tiên quyết đơn phương không được đáp lại để đi đến đàm phán.

Mỹ có thể sẵn sàng tiến tới thương lượng trên cơ sở hai bên cùng giảm chiến sự ở Việt Nam mà việc chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam sẽ là một yếu tố trong sự giảm bớt đó".

Cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh khá căng thẳng, vì lần này rõ ràng ông Ronning đến Hà Nội mang theo quan điểm của Mỹ. Nguyễn Duy Trinh đã kịch liệt phê phán việc Mỹ đòi có đi có lại và cũng có lời chê trách ông Ronning, ông thanh minh và buồn bã ra về ngày 18 tháng 6.

Ông điện báo một bản báo cáo đầu tiên cho Ngoại trưởng Ca-na-đa Pôn Ma-tin. Ca-na-đa chuyển báo cáo đó cho Oa-sinh-tơn và yêu cầu không nên leo thang ném bom cho đến khi Ronning xong nhiệm vụ vì Johnson đã định leo thang bước mới, đánh Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 7 tháng 6. Trong lúc đang công tác ở châu Âu, Ngoại trưởng Đin Ra-xcơ cũng sửng sốt về tin này, như bức điện ông gửi cho Macnamara chứng tỏ:

"Tôi hết sức buồn phiền về sự phát triển đột ngột của tình hình thế giới và có lẽ cả những sự kiện lớn nhất ở trong nước nếu chúng ta tiến hành một việc sẽ phá hoại sứ mệnh của ông Ronning, một sứ mệnh mà ta đã đồng ý. Tôi hiểu sự băn khoăn day dứt mà việc này đã gây ra cho tất cả chúng ta. Chúng ta có thể có ngay báo cáo về chuyến đi của Ronning. Nếu ông ta mang về một báo cáo tiêu cực như chúng ta mong đợi thì đó là một cơ sở chắc chắn hơn nữa cho hành động mà chúng ta trù tính" (Tài liệu Lầu Năm Góc G.E. tập IV, tr. 104.).

Ông Đin Ra-xcơ sợ máy bay Mỹ đánh Hà Nội lúc ông Ronning đang ở đó, chứ không phải ông chống lại việc đánh Hà Nội vì Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều mong muốn chuyến công du của Ronning không đạt kết quả tích cực.

Trước khi bước lên cầu thang chiếc Xtơ-ra-rơ-lai-nơ cũ kỹ dành riêng cho Uỷ ban Quốc tế, Ronning nói với người phụ trách lễ tân của ta đi tiễn:

- Nếu các ông chỉ nhấn mạnh một điều là Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc thì sẽ khiến người Mỹ hiểu đây là điều quan trọng và các ông bị đánh đau nên tha thiết đòi điều đó, Mỹ sẽ càng đánh mạnh hơn

Ông Ronning đã nói một điều mà người ta đã cho ông biết trước.

Ngày 29 tháng 6, mười ngày sau khi ông Ronning rời Hà Nội, cuộc oanh tạc đầu tiên vào kho dầu Đức Giang, cách trung tâm Hà Nội năm ki lô mét, đã bộc lộ ý định thật của Nhà Trắng đồng thời cũng thiêu huỷ luôn "thời cơ của Ca-na-đa".

Để hiểu sự thất vọng của Ốt-ta-oa, cũng cần nói thêm rằng bước leo thang đánh Hà Nội, thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hải Phòng, cảng duy nhất cho các tàu Liên Xô tiếp tế cho Bắc Việt Nam, là cực kỳ nghiêm trọng, đến mức là Mỹ vẫn e ngại một phản ứng của Bắc Kinh. Từ ngày 17 tháng 4, Đin Ra-xcơ đã nhắn tin tới Bắc Kinh:

"Mỹ đã hành động một cách kiềm chế trong chiến tranh ở Việt Nam và hy vọng rằng người Trung Quốc thấy rõ điều đó và sẽ chỉ đạo hành động của họ theo hướng đó".

Và Oa-sinh-tơn đã hài lòng với câu trả lời của người Trung Quốc:

“Trung Quốc sẽ không phát động chiến tranh với Mỹ. Quân đội Mỹ sẽ bị tiêu diệt ở Trung Quốc nếu Mỹ tấn công Trung Quốc" (Tuyên bố của Thủ tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc) ngày 10 tháng 5 năm 1966)

Oa-sinh-tơn có thể yên lòng tính đến một bước leo thang mới.

Sau này, trong cuốn "Hồi ký về Trung Quốc từ cuộc nổi dậy của Nghĩa hoà đoàn đến Cộng hoà Nhân dân", C.Ronning viết:

“Tôi chưa bao giờ làm việc vất vả và dùng nhiều lý lẽ như vậy để diễn đạt một cách đẹp đẽ nhất sự can thiệp của Mỹ vào cuộc nội chiến ở Việt Nam với những người tôi nói chuyện nhằm cố gắng đi vào thương lượng chấm dứt chiến tranh”.

Nhưng ông cảm thấy đã bị lợi dụng. Hoa Kỳ nắm lấy sự bác bỏ (của Hà Nội) để biện hộ cho việc leo thang (Xem thêm: Gióc-giơ C.Hia Rinh: Sđd, tr. 159-161).


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:18:21 pm
CHƯƠNG MƯỜI HAI
NHỮNG PHÁI VIÊN CỦA PARIS

Tổng thống Pháp Đờ Gôn đã kiên trì theo đuổi một chính sách độc lập về nhiều mặt đối với Mỹ, tuy rằng Pháp và Mỹ vẫn là hai nước đồng minh.

Là nước đã cai trị Việt Nam cũng như Lào và Cam-pu-chia trước đây, Pháp đặc biệt quan tâm đến tình hình Việt Nam, nhất là miền Nam, kể từ khi rút khỏi Đông Dương năm 1956 để Mỹ thay thế. Trước hết là vì Pháp còn quyền lợi ở Việt Nam và sau nữa Pháp vẫn muốn có vai trò, muốn phát huy ảnh hưởng ở Đông Nam Á.

Từ khi Mỹ tăng cường can thiệp vào miền Nam Việt Nam, Pháp đã chứng kiến những thất bại liên tiếp của Mỹ: sự sụp đổ của chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, sự phá sản hoàn toàn của cuộc chiến tranh đặc biệt. Với kinh nghiệm thất bại trong cuộc chiến tranh chống du kích ở Đông Dương mặc dầu có cả viện trợ của Mỹ, ngay từ đầu, Pháp đã cảm thấy Mỹ không thể thắng được và sớm muộn cũng phải rút lui.

Khi cuộc chiến tranh đặc biệt bị sa lầy, Pháp thấy Mỹ có thể thua, do đó cho rằng cần phải có một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam có lợi cho cả Mỹ, Pháp và phương Tây.

Từ năm 1963, Tổng thống Đờ Gôn đã gợi ý rằng Bắc và Nam Việt Nam cần được thống nhất và nước Việt Nam cần trung lập hoá; tất cả các lực lượng nước ngoài phải rút đi. Nhưng ngày 2 tháng 9 năm 1963, Tổng thống Ken-nơ-đi cho rằng gợi ý đó không thể chấp nhận được và tuyên bố một câu nổi tiếng:

"Điều làm cho người Mỹ đương nhiên hơi sốt ruột là sau khi mang cái gánh nặng đó trong mười tám năm và chúng ta hài lòng nhận được những lời khuyên chúng ta thích được giúp đỡ hơn chút nữa, một sự giúp đỡ thật sự. Nhưng trong trường hợp nào chúng ta cũng sẽ biết trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta nào có tiến gì hơn khi nói: nói cho cùng, tại sao chúng ta trở về nước, phó mặc thế giới cho những kẻ thù của chúng ta?" (L. B Johnson: Sđd, tr. 87.)

Khi Mỹ bắt đầu ném bom Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam, Pháp càng lo ngại và tăng cường hoạt động ngoại giao. Ngoại trưởng Cu-vơ Dơ Muyếc-vin đi Mát-xcơ-va. Bộ trưởng An-drê Man-rô, người có quan hệ từ lâu với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đi Bắc Kinh để trao đổi ý kiến về một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam. Ông Giăng Sô-ven cùng đi Hà Nội với nhiệm vụ tương tự.

Giăng Sô-ven, Phó trưởng đoàn đại biểu Pháp trong Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, quen biết nhiều nhân vật chính trị Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi cùng dự Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Khi đi qua Bắc Kinh, Giăng Sô-ven được gặp Thủ tướng Chu Ân Lai. Hai người đề cập vấn đề Trung Quốc vào Liên hợp quốc và vấn đề Việt Nam là vấn đề mà Sô-ven quan tâm hơn.

Tại Hà Nội, Sô-ven được đồng chí Phạm Văn Đồng tiếp ngày 11 tháng 12 năm 1965, mười tháng sau khi bắt đầu các đợt "Sấm Rền" ném bom miền Bắc Việt Nam.

Ông Sô-ven nói đại ý: Chiến tranh Việt Nam có nguy cơ lan rộng, Mỹ đang lao vào một cuộc chiến tranh mà họ cũng không muốn. Chính sách leo thang hiện nay của Mỹ là một bước tiến về vũ lực. Có thể nói là nhân dân Mỹ ít am hiểu các vấn đề quốc tế đang ủng hộ Johnson. Sự phản đối của giới trí thức là không đáng kể vì trí thức ít ảnh hưởng ở Mỹ.

Hiện nay, Mỹ tăng quân đến hai trăm nghìn người vào miền Nam, họ đánh ra miền Bắc, chiến tranh có thể lan rộng. Điều đó có thể đưa lại những hậu quả không thể lường được. Ở Mỹ còn hai năm nữa mới đến bầu cử Tổng thống. Từ nay đến đó phải làm gì. Tôi không hiểu rõ các điều kiện tiên quyết, thí dụ như việc Mỹ rút quân. Hồi ở Giơ-ne-vơ hai bên đã họp với nhau trong khi còn đang đánh nhau.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:19:12 pm
Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói:

- Hiện nay Mỹ đang đưa thêm quân vào miền Nam để tiếp tục chiến tranh chứ không phải để lập lại hoà bình. Có thể họ sẽ ném bom Hà Nội. Khi Mỹ đã dùng vũ lực thì nhân dân Việt Nam bắt buộc phải đánh trả và nhất định Mỹ sẽ thất bại.

Sô ven:

- Chúng tôi hiểu quyết tâm của nhân dân Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng song song với quá trình chiến tranh, cần tiến hành một quá trình hoà bình cho đến khi hai quá trình đó gặp nhau.

Về phần Pháp, chúng tôi có thể làm một việc gì đó thí dụ đưa ra một dự án cho các bên hữu quan, lẽ dĩ nhiên không lấy lại lập trường bốn điểm của Việt Nam, vì đó là của riêng Việt Nam. Nhưng có thể đưa ra một dự án mà nội dung là Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, và sau đó trình bày ra cho các bên. Sau khi có thoả thuận về nguyên tắc, có thể nói đến vấn đề thủ tục. Có điền thuận lợi là có thể làm như hồi ở Giơ-ne-vơ năm 1954, nghĩa là mỗi bên có thể đưa ra một danh sách mời những người bạn của mình. Sau đó có thể thoả thuận một chương trình nghị sự:

- Ngừng bắn (chứ không phải đình chiến);

- Điều kiện để giải quyết:

- Điều kiện rút quân;

Và cuối cùng có. thể ngồi vào bàn thương lượng.

Tôi thấy ở Hà Nội các ông không cường điệu vấn đề như là tai hoạ đến nơi, nhưng ở nước lảng giềng phương Bắc của các ông, cái gì cũng tưởng như báo hiệu sắp tận thế.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng ta đang ở Hà Nội. Chúng tôi quan tâm theo dõi các cố gắng của Pháp. Nước Pháp có lợi ích ở khư vục này. Là một bên ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, Pháp có vai trò góp phần ổn định tình hình trong khu vực. Có một thời gian Pháp bỏ rơi trách nhiệm của mình. Nay Tổng thống Đờ Gôn thấy rõ vấn đề hơn.

Còn về phía chúng tôi, chúng tôi tiếp tục chiến đấu ở miền Nam và ở miền Bắc. Chúng tôi tiến hành chiến tranh nhưng cũng tìm cách hạn chế chiến tranh không để nó mở rộng. Chúng tôi cũng biết cách lập lại hoà bình khi cần thiết. Chúng tôi không cản trở công việc của Pháp.

Đúng là Pháp có tư cách để làm một việc đó, Pháp hãy đóng vai trò của mình. Còn về phần chúng tôi ư? Chúng tôi phải thắng trên chiến trường. Pháp cần nói cho đồng minh Mỹ của mình biết rằng nếu họ cứ dùng vũ lực với chúng tôi thì đó là dịp tốt để Việt Nam mau chóng thống nhất bằng con đường chiến tranh.

Ông đại sứ điểm lại xem ai có thể đóng góp vào hoà bình, ông cho rằng người Anh thì hiện nay không được vì Anh còn bận vấn đề Ma-lai-xi-a, vả lại Anh không được tự do hành động. Ca-na-đa có quan tâm hơn. Ấn Độ thì đang có vấn đề với Trung Quốc. Liên Xô có thể có một cái gì. Họ muốn bình thường hoá tình hình ở đây, nhưng họ có vẻ ngập ngừng. Những yếu tố thuận lợi là thế đấy, có việc gì đó có thể được tiến hành.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:20:02 pm
Ông đại sứ nói tiếp:

- Nhưng quan hệ giữa Pháp và Mỹ gặp khó khăn và điều khó khăn nữa là làm sao cho Mỹ hiểu được vấn đề? Thí dụ, họ cứ khăng khăng coi Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam là hai quốc gia riêng biệt, hiệp nghị Giơ-ne-vơ coi giới tuyến quân sự chỉ là tạm thời và bản Tuyên bố cuối cùng của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ đã nói rõ nước Việt Nam là một, nhưng người Mỹ không muốn hiểu điều đó.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi đánh giá cao những sáng kiến của Pháp. Pháp hiểu đồng minh của mình. Chúng tôi chúc Pháp may mắn. Chúng ta phải trở lại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ mỗi bên trên vị trí của mình.

- Quan điểm đó của Thủ tướng phù hợp với quan điểm mà Tổng thống Đờ Gôn phát biểu ngày 8 tháng 2 năm 1966 trong thư trả lời thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 24 tháng 1 năm 1966: trở lại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 và trung lập hoá Việt Nam. Trong thư đó Tổng thống nói:

"Chúng tôi gạt bỏ bất kỳ giải pháp quân sự nào và không tán thành người ta lấy cớ giành thắng lợi cho giải pháp đó để kéo dài hay mở rộng chiến tranh. Pháp quan tâm dùng ảnh hưởng của mình tác động theo chiều hướng mong muốn để sớm chấm dứt cuộc xung đột và tích cực tham gia giải quyết cuộc xung đột đó khi có điều kiện. Để đạt được mục đích đó, Pháp sẵn sàng duy trì Chính phủ ngài mọi sự tiếp xúc xét ra bổ ích" (Xem thêm Giăng La-cu-tuya: Sđd, tr. 245.).

*
*   *

Ngày 24 tháng 2 năm 1966, Tổng thống Đờ Gôn gặp ông Giăng Xanh-tơ-ni, Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh trong chính phủ trước và lúc đó chưa nhận công tác gì khi chờ thành lập chính phủ mới và giao cho ông nhiệm vụ đi Hà Nội thăm dò khả năng một giải pháp về vấn đề Việt Nam.

Đờ Gôn yêu cầu ông sẵn sàng lên đường cuối tháng 4 đầu tháng 5 và phải giữ bí mật. Nhưng chỉ mấy ngày sau, tin đó đã lộ ra ngoài, nên chuyến đi phải tạm hoãn lại. Ngày 13 tháng 6, như đã yêu cầu trước qua bà Xanh-tơ-ni, Hen-ri Kít-xinh-gơ, khi đó là chuyên viên Bộ Ngoại giao Mỹ đến gặp Xanh-tơ-ni về chuyến đi Hà Nội sắp tới của ông.

Trong cuộc nói chuyện này, Kít-xinh-gơ khẳng định rằng Mỹ sẽ rút quân khỏi Việt Nam nếu đạt được một cuộc ngừng bắn đi đôi với một bảo đảm rằng ít nhất trong tám năm Bắc Việt Nam sẽ không mưu toan xâm chiếm Nam Việt Nam. Đó là cái mà sau người ta gọi là thuyết “thời gian phải chăng”. Kít-xinh-gơ yêu cầu giữ bí mật kể cả với sứ quán Mỹ ở Paris về ý kiến ông ta đã phát biểu với Xanh-tơ-ni. 
Xanh-tơ-ni là nhân vật đã ký bản Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đã là đại diện của Pháp tại Hà Nội từ năm 1954 đến năm 1957, do đó rất quen biết ở Việt Nam. Việc chọn lựa ông là thích hợp để thực hiện hai mục tiêu:

- Trước hết là khôi phục lại quan hệ của Pháp với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cố gắng chấm dứt tình trạng lạnh nhạt trong quan hệ giữa hai nước từ năm 1958 và tạo mọi gạch nối giữa tướng Đờ Gôn và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Sau là thăm dò ý định của các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam cũng như các nhà lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng nhằm cố gắng đánh giá xem trong phạm vi nào họ có thể sẵn sàng tìm một giải pháp thương lượng cho cuộc chiến tranh đang tiếp diễn.

Ông tới Hà Nội ngày 1 tháng 7 năm 1966, ông đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp, ông cũng đã gặp Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin Hoàng Mình Giám, một người quen cũ từ năm 1946 và ông Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Phan Anh.
Về mục tiêu thứ nhất, chính Xanh-tơ-ni cho là "hoàn toàn đã đạt”. Ở đây chỉ nói về các cuộc nói chuyện liên quan tới mục tiêu thứ hai.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:20:53 pm
Ngày 4 tháng 7, Xanh-tơ-ni gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cùng đi với ông có ông Ô-ki-ri-en, Tổng đại diện Nước Cộng hoà Pháp. Về phía Việt Nam có ông Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ châu Âu. Cuộc nói chuyện bắt đầu lúc mười tám giờ tại Nhà khách Chính phủ.

Sau một vài câu chuyện thân tình, Thủ tướng hoan nghênh cuộc viếng thăm của ông Xanh-tơ-ni và coi đó là một dấu hiệu của sự nối lại quan hệ có lợi cho cả hai nước. Thủ tướng tỏ lời cảm ơn thái độ của tướng Đờ Gôn và Chính phủ Pháp trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Và Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi: .

- Thế ông muốn tôi nói gì nào?

Giăng Xanh-tơ-ni:

- Xin Thủ tướng hãy nói cho tôi như mọi khi những điều Thủ tướng nghĩ trong lòng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Trước hết. tôi cần thông báo cho ông một việc hết sức nghiêm trọng vừa xảy ra cách đây vài ngày: Mỹ đã ném bom Hà Nội.

Không có khả năng Mỹ xuống thang. Chúng tôi biết Mỹ đang chuẩn bị cái gì và chúng tôi đã chuẩn bị đối phó với cái mà họ sẽ làm. Mỗi lần họ thua ở miền Nam là họ phải leo thêm một nấc thang để gỡ thế bí, tìm cách giành lại vị trí tốt hơn. Cũng không có gì tỏ rằng chính quyền Mỹ muốn thay đổi chiều hướng chính sách của họ. Nước Việt Nam quyết tâm đối phó với mọi cuộc tấn công mới.

Chúng tôi biết kết cục của cuộc xung đột là ở chiến trường và phải tìm kết cục đó trên chiến trường. Nếu năm 1965 chúng tôi có nhiều lo ngại cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng trước cuộc đổ bộ ồ ạt quân Mỹ thì nay không nhiều thế nữa. Việc mặt trận đã có thể chống lại quân Mỹ mà không chịu khuất phục, tự nó đã là một chiến thắng.

Ơ miền Bắc, sự đe doạ rất lớn nhưng dù người Mỹ san bằng Hà Nội cũng không thể làm nhụt ý chí kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Hãy để cho bọn quái vật Uy-lơ, Rô-xtốp trổ hết tài. Chúng tôi sẽ chiến đấu. Từ trước tới nay, Mỹ nói hoà bình để làm chiến tranh. "Những nguyện vọng hoà bình” của họ không thể tin được. Mỹ chỉ nhận thương lượng trên thế mạnh, nghĩa là trên cơ sở các điều kiện của họ. Quan điểm của Mỹ không thể chấp nhận được.

Giăng Xanh-tơ-ni:

- Cuộc chiến tranh này sẽ gây nhiều hy sinh cho nên các chính phủ trực tiếp dính líu cần tìm mọi cách để chấm dứt nó. Chúng tôi rất hiểu rằng Việt Nam không chịu khuất phục trước một số đòi hỏi của Mỹ. nhưng chúng tôi nghĩ rằng cũng không nên đình chỉ việc tìm kiếm hoà bình trong lúc đang chiến đấu với hết sức mình. Nước Mỹ mới dùng sức mạnh của họ ở Việt Nam một cách rất hạn chế và nếu họ dùng rộng rãi hơn sức mạnh đó thì những thiệt hại gây ra cho nhân dân Việt Nam sẽ không thể tính được.

Dư luận Mỹ có khả năng chuyển hoá. Hiện nay nó còn bị chia rẽ, khi nào họ hiểu hơn thực trạng của cuộc chiến tranh Việt Nam, khi đó họ sẽ tán thành một giải pháp thương lượng. Các đề nghị hoà bình của Mỹ không phải chỉ là những gợn sóng, dù Oa-sinh-tơn chưa sẵn sàng nhân nhượng. Người ta không thể phê phán chính sách và ý đồ của Mỹ ở Việt Nam chỉ trên cơ sở hành động quân sự của họ vì hành động quân sự này chỉ là phản ánh một mặt của chính sách.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:22:03 pm
Mỹ đang đi tìm một giải pháp để khỏi mất thể diện và chính Việt Nam mới ở thế thắng. Mỹ đã bị đánh bại, không thực hiện được ý đồ. Đối với một nước nhỏ mà làm cho Mỹ không thực hiện ý đồ là đã ở trong thế thắng rồi. Việt Nam đang ở trong thế mạnh, thế của người chiến thắng. Nếu là đấu quyền Anh thì Việt Nam đã thắng điểm rồi.

Cần tìm ra một giải pháp, nhất thiết phải tìm ra một giải pháp. Mỗi bên muốn có điền kiện lợi cho mình là lẽ đương nhiên. Cần làm cho các lập trường gần nhau, không đối lập nhau quá xa để có thể dung hoà được với nhau. Không phải là tất cả các điều kiện của một trong hai bên đều được chấp nhận cả.

Nước Pháp rất quan tâm đến vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Điều quyết định là ý kiến của Việt Nam. Trong số các nhà chiến lược chính trị ở Mỹ, có những người muốn chiến đấu đến cùng, muốn phiêu lưu, có những người cực đoan nhưng họ không phải là đa số, quyết định không phải ở họ. Tuy còn hai năm nữa nhưng đã gần ngày bầu cử (tổng thống) rồi, họ buộc phải chủ ý đến điều đó. Quan điểm của một số người Mỹ đã bắt đầu chuyển biến xuống giọng.

Về giải pháp, ông Xanh-tơ-ni hoàn toàn không nói gì đến ý kiến của Kít-xinh-gơ nói với ông trước khi đi ông nói tiếp:

- Cần nghĩ đến chiến tranh nhưng cũng cần nghĩ đến hoà bình. Một ngày nào đó sẽ phải thương lượng. Mặt trận Dân tộc Giải phóng cần phải lên tiếng. Mặt trận Dân tộc Giải phóng phải đang tiến hành chiến tranh trong những điều kiện gian khổ không những đối với các chiến sĩ mà đối với cả nhân dân. Tất cả các lực lượng thiện chí cùng chung sức phấn đấu để đi tới một giải pháp hoà bình trong thương lượng. Dư luận Mỹ đã có dấu hiệu mệt mỏi. Cần sẵn sàng lật quân bài xuống bàn, nói rõ mình muốn gì. Điều đó sẽ nhanh hơn các ông tưởng. Pháp đã sẵn sàng...

Ông Xanh-tơ-ni bỗng nhiên ngừng lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện, hồng hào, tươi cười. Người bắt tay khách xong, Người nói: "Tôi biết ông ở đây, nhưng tôi không đợi đến cuộc viếng thăm chính thức ngày mai nên đến thăm ông".

Người hỏi thăm sức khoẻ ông Xanh-tơ-ni, gửi lời thăm bà Xanh-tơ-ni và các con của ông phải ở lại Phnôm Pênh vì Mỹ ném bom Hà Nội.

- Thôi để ông tiếp tục.

Trước lúc lui chân, Người nói thêm với ông Xanh-tơ-ni:

- Nếu ông có gặp người Mỹ, ông hãy nói cho họ rằng chúng tôi không sợ Mỹ, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, dù có phải hy sinh tất cả. Mỹ rút đi thì mọi việc sẽ được giải quyết. Nếu họ muốn, chúng tôi có thể mang hoa tặng họ. Nhưng chừng nào còn một tên lính Mỹ trên đất nước chúng tôi, chúng tôi còn tiếp tục chiến đấu

Cuộc nói chuyện của Thủ tướng và ông Bộ trưởng tiếp tục, Thủ tướng Phạm Văn Đồng: 

- Chúng tôi biết chiến tranh là thế nào, nhưng điều thiết tha hơn, thiêng liêng hơn đối với chúng tôi là độc lập dân tộc. Pháp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục Chính phủ Mỹ đi vào con đường ít nguy hiểm hơn cho họ và thế giới. Chúng tôi có nghĩ đến giải pháp hoà bình vì chiến tranh kết thúc sớm hơn một ngày nào là hạnh phúc cho chúng tôi ngày ấy.

Bất thình lình, ông Xanh-tơ-ni hỏi:

- Ở miền Nam Việt Nam có thể thành lập một chính phủ liên hiệp dân tộc trung lập không? 



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:23:36 pm
Thủ tướng Phạm Văn Đồng: 

- Có thể. Đó là mục tiêu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Giăng Xanh-tơ-ni:

- Các ông còn đợi gì nữa mà chưa thành lập?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi tiếc là không thể có một câu trả lời thoả đáng vì đó là vấn đề của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Mặt trận có chính sách riêng.

Giăng Xanh-tơ-ni:

- Sau khi chính phủ liên hiệp dân tộc được thành lập dư luận Mỹ sẽ thấy rõ tính ngu xuẩn và vô ích của cuộc chiến tranh này.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng

- Tiến tới thành lập một chính phú là quyết tâm phấn đấu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng...

Giăng Xanh-tơ-ni:

- Việc tất cả các lực lượng chính trị đều quy tụ vào Mặt trận cần dẫn tới một cái gì khác hơn là tăng cường chiến tranh, cần chứng minh rằng Mặt trận là người đối thoại có giá trị. Việc thành lập một chính phủ liên hiệp dân tộc và trung lập ở miền Nam cộng với những thất bại nặng nề của Mỹ có thể đưa tới việc thức tỉnh dư luận.

Còi báo động rú vang trong đêm tối, máy bay Mỹ đến gần Hà Nội. Cuộc nói chuyện giữa Thủ tướng và ông Xanh-tơ-ni ngừng ở đây.
Hôm sau, ngày 5 tháng 7.

Mười bảy giờ, ông Xanh-tơ-ni được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch (Theo lời kể của Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.). Dự cuộc tiếp có Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Thanh Hà. Xanh-tơ-ni trao Chủ tịch Hồ Chí Minh bức thư của tướng Đờ Gôn. Tổng thống Nước Cộng hoà Pháp và bày tỏ những tình cảm kính trọng đối với Người.

Sau khi Nguyễn Cơ Thạch và Nguyễn Thanh Hà rút lui, cuộc nói chuyện tay đôi rất thoải mái. Đại để nội dung vẫn là các đề tài mà ông Xanh-tơ-ni đã trao đổi hôm trước với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt. Người nhấn mạnh:

- Chúng tôi hiểu đế quốc Mỹ. Chúng tôi biết sức mạnh của họ. Họ có thể san bằng Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh và các thành phố khác. Chúng tôi đã chuẩn bị. Điều đó không hề làm yếu quyết tâm chiến đấu đến cùng của chúng tôi. Chúng tôi đã có kinh nghiệm (Xem thêm. Clô-dơ đuy-lông: Ngôi chùa cuối cùng, Nhà xuất bản. Gra-xê, Paris, 1989, tr. 146, 147 và 159.).

Nhưng Người cũng nói nguyện vọng hoà bình của nhân dân ta và khả năng đi tới một giải pháp thương lượng. Người nói tiếp:

"Chỉ có một cách đi tới giải pháp đó là Mỹ rút đi. Chúng tôi không muốn làm cái gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác họ thích; nhưng, ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông: qu’ils foutent le cam!" (Thì họ hãy cút đi.!).

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh rút lui, Thủ tướng và ông Xanh-tơ-ni tiếp tục hội đàm. Cuộc nói chuyện xoay quanh các đề tài: khả năng một giải pháp thương lượng, vấn đề Mặt trận Dân tộc Giải phóng và nguy cơ Mỹ tăng cường can thiệp ở Lào, tương lai các quan hệ Việt Pháp.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:24:31 pm
Về vấn đề giải pháp, Thủ tướng nói rằng nếu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, Hà Nội sẽ có cử chỉ đáp lại: "Tôi hứa với ông, chúng tôi sẽ làm một cái gì đó để tỏ thiện chí của chúng tôi". Sau đó Thủ tướng nói: "Chúng tôi không phản đối một giải pháp thương lượng nhưng chúng tôi không muốn người ta đưa chúng tôi đến một Muy-ních".

Về vấn đề Mặt trận, ông Xanh-tơ-ni tỏ ý lo ngại rằng Mặt trận không có độc lập, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định:

- "Mặt trận Dân tộc Giải phóng tự do quyết định chính sách của mình, sau thắng lợi, Mặt trận sẽ thành lập một chính phủ theo ý mình, không có bất cứ sự can thiệp nào. Chúng tôi không có ý định can thiệp vào công việc riêng của Mặt trận".

Trong bản báo cáo về chuyến công cán của mình ở Hà Nội, Xanh-tơ-ni viết:

"Từ các cuộc nói chuyện mà ta đã tiến hành ở Hà Nội từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 7, tôi thấy rằng các nhà lãnh đạo của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà biểu thị một sự cứng rắn và một quyết tâm mà họ muốn là không có rạn nứt. Nhưng có lẽ họ không phản đối một giải pháp thương lượng sẽ giữ thể diện cho họ".

Ý kiến riêng của ông Xanh-tơ-ni là thăm dò các khả năng bằng việc trở lại “thi hành trung thực" các Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, như vậy Mỹ có thể rút quân mà không mang tiếng là theo điều kiện của đối phương đồng thời thành lập một chính phủ dân chủ, đại diện rộng rãi cho nhân dân miền Nam Việt Nam và thừa nhận giá trị của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 (Xem Clô-dơ đuy-lông: Sđd, tr. 258-266.)

*
*   *

Cũng trong chuyến đi này, tại Phnôm Pênh, ông Xanh-tơ-ni đã có hai cuộc nói chuyện với ông Trần Bửu Kiếm, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, ngày 29 tháng 6 khi đến Phnôm Pênh và ngày 10 tháng 7 khi từ Hà Nội trở lại. Cuộc nói chuyện chủ yếu về vai trò và chính sách của Mặt trận, về quyền lợi kinh tế mà Pháp còn có ở miền Nam Việt Nam.

Oa-sinh-tơn biết tin Xanh-tơ-ni đã được đón tiếp nồng nhiệt ở Hà Nội và cuộc tiếp xúc giữa ông ta và các nhà lãnh đạo Việt Nam được đánh giá là một cuộc tiếp xúc có giá trị. Oa-sinh-tơn tìm cách khai thác.

Ngày 9 tháng 9, Hen-ri Kít-xinh-gơ từ Mỹ sang Paris gặp Xanh-tơ-ni. Quan hệ Mỹ - Pháp lúc đó đang căng thẳng do bài diễn văn ngày 1 tháng 9 của Tổng thống Đờ Gôn đọc tại Phnôm Pênh, phản đối việc ném bom miền Bắc Việt Nam và yêu cầu Mỹ đề ra một thời hạn rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Kít-xinh-gơ cho rằng phía Việt Nam vẫn khăng khăng đòi Mỹ rút quân rồi mới thương lượng thì: "Làm thế nào thuyết phục Hà Nội tin rằng Mỹ có thiện chí? Chỉ có ông là có thể thuyết phục được họ. Vấn đề tin cậy lẫn nhau là cái nút của việc này".

Không đi đến kết quả cụ thể gì, cuộc nói chuyện tuy vậy vẫn để ngỏ một cái cửa cho sự hợp tác.

Ngày 2 tháng 12, A.Ha-ri-man cùng Giôn C.Đin, Bí thư thứ nhất sứ quán Mỹ ở Paris bí mật đến gặp Xanh-tơ-ni ở nhà riêng với tư cách đặc phái viên của Tổng thống Johnson. Ha-ri-man nêu với Xanh-tơ-ni câu hỏi: "Làm thế nào khởi động một cuộc thương lượng?”. Cuộc tiếp xúc bí mật này sau bị tiết lộ ra ngoài, làm cho nhiều người tin rằng Oa-sinh-tơn thật sự tìm kiếm hoà bình.

Ngày 8 tháng 1 năm 1967, Rê-mơn Ghết, đại sứ Mỹ ở Ai-xơ-len mời Xanh-tơ-ni đến ăn cơm tại nhà riêng của ông ở Paris. Trong bữa ăn, Ghết hỏi Xanh-tơ-ni: "ông có nhận gặp Tổng thống Johnson tại trang trại riêng của tôi không? Tôi quen thân Tổng thống và có thể mời Tổng thống tới trang trại của tôi”.

Ngày 17 tháng 1, C.L.Cu-pơ từ Oa-sinh-tơn tới gặp Xanh-tơ-ni tại nhà riêng. C.L.Cu-pơ trong chiến tranh thế giới thứ hai làm tại cơ quan tình báo của Mỹ ở Trung Quốc (OSS) đã tham gia Hội nghị Gìơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1962 về Lào; từ năm 1964 rời CIA để gia nhập bộ tham mưu của Nhà Trắng do Mc Gióc-giơ Bân-đi đứng đầu.

Là một chuyên gia về vấn đề Việt Nam, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, lúc đó là một cộng sự đắc lực của Ha-ri-man. Cu-pơ mang theo một thư do Ha-ri-man ký yêu cầu Xanh-tơ-ni trở lại Hà Nội càng sớm càng tốt để thăm dò các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam xem họ sẽ làm gì để đáp lại việc chấm dứt ném bom và quan niệm thế nào về một giải pháp trong danh dự. Cu-pơ nói sẽ ở lại Paris để chờ trả lời.

Xanh-tơ-ni báo cáo Tổng thống Đờ Gôn ngày 20 tháng 1 nhưng Tổng thống dứt khoát không đồng ý để Xanh-tơ-ni chấp nhận đề nghị của Ha-ri-man (Clôdơ Đuy-lông. Sđd, tr. 175-176.)

Đối với Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, tình hình lúc này rất khẩn trương. Trên chiến trường, quân Mỹ đã lên tới gần bốn trăm nghìn người đang trực tiếp chiến đấu trong những cuộc hành quân Tìm và Diệt. Nhà Trắng triển khai một kế hoạch Tìm kiếm hoà bình rộng lớn, không phải chỉ từ Paris mà còn từ Luân Đôn và Mát-xcơ-va. Sự từ chối của Xanh-tơ-ni chỉ có nghĩa là tạm thời đóng cửa "con đường liên lạc qua Pháp".

Cuộc vận động hoà bình của Thủ tướng Anh Ha-rôn Uyu-xơn sắp bắt đầu và Bông cúc vạn thọ (người Mỹ không muốn gọi là chiến dịch hay kế hoạch Bông cúc vạn thọ) đang tiếp diễn.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:28:07 pm
CHƯƠNG MƯỜI BA
BÔNG CÚC VẠN THỌ

"Bông cúc vạn thọ" đã được nhiều người biết đến và viết:

Trong cuốn “Việc tìm kiếm bí mật hoà bình ở Việt Nam”, Đa-vít Cra-xlô và Sti-a H.Lu-ri đã dành cả phần đầu cuốn sách cho Bông cúc vạn thọ trước khi đề cập đến những sáng kiến khác, dù có trước, của Nhà Trắng.

Trong Hồi ký của mình, Tổng thống Johnson cho biết từ mùa hè năm 1966, Ia-nút Lê-van-đo-xki, đại diện Ba Lan trong Uỷ ban Quốc tế, sau khi đi Hà Nội về bắt liên lạc với đại sứ Mỹ Ca-bốt Lốt ở Sài Gòn. Từ đó, các cuộc nói chuyện và trao đổi ý kiến giữa hai người được chuyển về Nhà Trắng dưới mật danh "Bông cúc vạn thọ" và kéo dài trong sáu tháng. Ông cho rằng cuộc đối thoại đó và các cuộc vận động ngoại giao có liên quan chắc sẽ được các nhà viết sử ngoại giao quan tâm nghiên cứu.

Ông đổ trách nhiệm cho người Ba Lan nên không có cuộc nói chuyện giữa người Việt Nam và người Mỹ lúc bấy giờ:

"Không những người Ba Lan đã đặt cái cày trước con bò, mà hơn thế nữa, nói cho cùng họ cũng chẳng có con bò nào cả".

Để củng cố cách lý giải của mình, ông còn trích một câu của nhà báo Ô-xtơ-rây-li-a U.Bớc-sét trả lời báo Bưu điện Oa-sinh-tơn hai năm sau:

"Ý kiến đó do những người bạn của Hà Nội thật sự có ý định tốt nghĩ ra để cho trắng đen rõ ràng là Mỹ có thể chấp nhận được gì rồi đề nghị với Hà Nội" (L.B.Johnson : Sđd, tr. 306-307.)

Vậy các nhà viết sử ngoại giao vẫn cần làm sáng tỏ vấn đề "Bông cúc vạn thọ"' để xem đó là sáng kiến của Hà Nội hay của Mỹ.

Người đầu tiên thường được nêu tên là Lê-van-đô-xki. Năm 1966. Lê-van-đô-xki là một đại sứ trẻ, mới ba mươi lăm tuổi, là Trưởng đoàn Ba Lan trong Uỷ ban Quốc tế về Việt Nam. Tuy trẻ, ông đã từng được giao nhiều chức vụ quan trọng trước khi sang Việt Nam: thành viên của phái đoàn Ba Lan tại Liên hợp quốc, đại biện lâm thời Ba Lan tại Tan-da-ni-a. Mới sang miền Nam Việt Nam một thời gian ngắn, nhờ tiếp xúc rộng rãi với đoàn ngoại giao và nhiều nhân vật của chế độ Sài Gòn, ông đã nắm bắt được tình hình, nhận thấy thế chiến thắng của Việt Nam, thế thất bại của Mỹ.

Nhà ngoại giao đầu tiên mà Lê-van-đô-xki đến thăm là đại sứ I-ta-li-a Giô-va-ni đ’Oóc-lan-đi khi đó là Trưởng đoàn ngoại giao ở Sài Gòn. Một thời gian sau, ông đến chào lễ tân đại sứ Mỹ Ca-bốt Lốt. Như đại sứ Ba Lan tại Hà Nội, Xi-ê-lêch-xki đã thông báo cho Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Văn Tiến ngày 12 tháng 7 năm 1965, Lốt đã đề nghị gặp Lê-van-đô-xki tại nhà đ’Oóc lan-đi ngày 9 tháng 7. Trong cuộc gặp này, Lốt nói là theo chỉ thị của Tổng thống Johnson, ông ta muốn trình bày vấn đề sau đây:

"Mỹ mong muốn rằng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mặt trận Dân tộc Giải phóng được thông báo là Mỹ muốn có giải pháp chính trị chung cho cuộc khủng hoảng Việt Nam và sẵn sàng bàn bạc cơ sở cho giải pháp đó. Nếu Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đồng ý bàn bạc thì Chính phủ Mỹ muốn nhận được câu trả lời cho những câu hỏi sau đây:

Một: Khi nào, ở đâu, hoặc với ai có thể bàn bạc được?

Hai: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ có phải ứng gì hoặc không có phản ứng gì đối với việc ngừng ném bom?

Ba: Người Việt Nam có sẵn sàng cam kết là giữ hoàn toàn bí mật về giai đoạn đầu của cuộc đàm phán không?

"Việc bàn bạc những cơ sở cho một giải pháp chính trị cần phải hiểu theo nghĩa rộng như cuộc đối thoại về những ý kiến của mình đối với giải pháp chính trị.

Cần hiểu rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng có thể là một bên khi có đàm phán không có ý nghĩa là một bên duy nhất, nhất là việc giải quyết hiện nay bao gồm cả việc ngừng hoạt động quân sự đối với Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà".


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:29:33 pm
Lốt giải thích thêm về điểm hai là không phải chỉ việc ra tuyên bố mà phải giảm bớt một cách thực sự và rõ ràng các hoạt động của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong việc chi viện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng và các hoạt động quân sự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Thực tế đây cũng chỉ là một phần thăm dò với tinh thần cuộc vận động tháng 5 năm 1965 của Oa-sinh-tơn. Nhưng Johnson đã huỷ ý nghĩa cuộc thăm dò đó ngày 28 tháng 7 khi ông ta quyết định "lao đến cùng vào con đường chiến tranh".

Một kết luận cần rút ra từ câu chuyện này là: Từ tháng 7 năm 1966, Lốt đã sử dụng đ’Oóc-lan-đi làm trung gian để có liên lạc với Hà Nội qua vị đại sứ mới của Ba Lan trong Uỷ ban Quốc tế. Không biết sau đó có bao nhiêu cuộc gặp gỡ giữa đ’Oóc-lan-đi và Ca-bốt Lốt về vản đề Việt Nam. chỉ biết rằng đầu tháng 11, đ’Oóc-lan-đi được chỉ thị trở về Rô-ma. Sau khi trở lại Sài Gòn, ông ta mời Lê-van-đô-xki ngày 14 tháng 11 đến nhà riêng để nói chuyện. Khi Lê-van-đô-xki đến thì Ca-bốt Lốt đã ở đó. Cuộc nói chuyện giữa Ca-bốt Lốt và Lê-van-đô-xki bắt đầu với sự hiện diện của D’Oóc-lan-đi.

Trong buổi làm việc với đại tá Hà Văn Lâu, Trưởng phái đoàn liên lạc ngày 20 tháng 11, Lê-van-đô-xki đã thông báo nội dung cuộc nói chuyện với Ca-bốt Lốt như sau:

"Sau vài câu xã giao, Ca-bốt Lốt nói ông muốn gặp tôi nói chuyện về vấn đề Việt Nam. Tôi nói nhiệm vụ chính thức và duy nhất của tôi là đại diệu Chính phủ Ba Lan trong Uỷ ban Quốc tế mà công việc là giám sát việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ và những vấn đề có liên quan đến việc thi hành Hiệp nghị đó. Đối với công việc của Uỷ ban thuộc phạm vi công tác của tôi, tôi sẵn sàng bình luận.

Ca-bốt Lốt nói hoàn toàn hiểu vị trí của tôi. Mục đích của ông ta là làm sáng tỏ lập trường của Mỹ cho bản thân tôi biết rõ thôi.

Ca-bốt Lốt bắt đầu nói về Hội nghị Ma-ni-la không làm thay đổi gì tình hình bằng cách phân chia trách nhiệm về vấn đề Việt Nam cho tất cả những thành viên của Hội nghị. Mỹ vẫn được hoàn toàn tự do tiếp tục cố gắng của mình để tìm giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Sau khi nhắc lại rằng Mỹ luôn luôn cố gắng tìm đến một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam, ông nói những vấn đề sau đây:

- Mỹ đi đến kết luận là mọi cố gắng để xuống thang không phản đối. Không có kết quả gì. Vì vậy hiện nay Mỹ cố gắng tìm đến một giải pháp toàn diện hơn.

- Oa-sinh-tơn đang hoạt động để tìm ra một giải pháp như vậy, tức là làm sao có được một cơ cấu ngừng bắn và tất cả những vấn đề còn lại, kể cả việc rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam.

Mỹ không nghĩ rằng nếu như tuyên bố công khai về biện pháp như vậy thì không phải là cách thích đáng phù hợp với tình hình và điều kiện của đối phương. Vì vậy Mỹ không có ý định công bố tài liệu này hay tuyên bố công khai về kế hoạch này.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:29:42 pm
Vấn đề của Mỹ hiện nay là Mỹ không biết liệu một đề nghị nào đó của Mỹ đưa ra có được xét đến hay không? Có nhiều người đã nói hoặc đã tỏ ra mình có thể đại diệu cho Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng và họ nói có những con đường thích hợp. Bây giờ Mỹ nhận thấy những người này thật ra không có cương vị gì mà chỉ là vì lợi ích riêng của họ, hoặc là để quảng cáo thôi.

Ca-bốt Lốt hiện muốn biết rằng nếu một đề nghị như trên được thảo ra thì liệu có thể chuyển đạt được đến người thích hợp hay không? Và lời bình luận đề nghị đó có thể chuyển cho Mỹ được không? Người thích hợp là người hiểu biết rõ ràng về Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Với ý định như thế, Mỹ sẵn sàng xét và bình luận một cách bí mật bất cứ đề nghị nào của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và của Mặt trận Dân tộc Giải phóng cùng đưa ra hay đưa ra riêng rẽ.

Bây giờ Mỹ nhận thấy là trước khi bất cứ hình thức trao đổi nào có thể bắt đầu được thì việc ngừng ném bom Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là điều cần thiết. Mỹ bây giờ sẵn sàng làm như vậy nếu như việc đó có tác dụng trực tiếp. Mỹ không chờ đợi tác dụng đó sẽ xảy ra ngay lập tức. Mỹ không đề ra một điều kiện tiên quyết nào. Mỹ chỉ muốn có sự bảo đảm là việc đó sẽ dẫn đến những cố gắng thực tế để có đàm phán nhằm tìm ra giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam.

Mỹ bây giờ hiểu là Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ không đồng ý đàm phán để đổi lấy việc ngừng ném bom. Mỹ không muốn gây cảm tưởng là việc nói chuyện trực tiếp hay gián tiếp đã bắt đầu là do Mỹ đã ngừng ném bom. Vì vậy, Mỹ sẵn sàng làm theo cách sau đây:

Giai đoạn A: Ngừng ném bom Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và trong thời gian đó không có hành động gì thêm.

Giai đoạn B: Tất cả những việc còn lại, nghĩa là trực tiếp hay gián tiếp trao đổi những đề nghị thực tế về mọi vấn đề quan trọng.

Ca-bốt Lốt yêu cầu tôi bình luận về lời tuyên bố của ông ta. Tôi trả lời là không được phép bình luận gì về lời tuyên bố của ông ta vì tất cả những điều tôi nói ra chỉ là quan điểm của cá nhân.

Tôi nói tiếp: nếu Mỹ thật sự cần phải ngừng ngay lập tức và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mỹ phải ngừng ngay mọi hành động đối địch với nhân dân miền Nam Việt Nam trên đất, trên biển, trên không. Mỹ cần phải rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam và thanh toán các căn cứ quân sự của Mỹ. Mỹ cần phải công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng là đại diện duy nhất, chân chính của nhân dân miền Nam Việt Nam. Mỹ cần công nhận và không được gây trở ngại gì trên con đường của nhân dân Việt Nam tiến tới thống nhất nước Việt Nam.
Ca-bốt Lốt không bình luận gì câu trả lời của tôi
".

Cuộc nói chuyện đến đây chấm dứt.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:31:33 pm
Tối hôm đó, Lê-van-đô-xki và đ’Oóc-lan-đi lại gặp nhau trong cuộc chiêu đãi do sứ quán Nhật Bản tổ chức nhân dịp Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản đến miền Nam Việt Nam. Đ’Oóc-lan-đi cho Lê-van-đô-xki biết là Ca-bốt Lốt muốn gặp Lê-van-đô-xki để nói một điều rất quan trọng liên quan đến cuộc nói chuyện vừa qua, Lê-van-đô-xki trả lời đồng ý.

Hôm sau, ngày 15 tháng 11, Lê-van-đô-xki gặp lại đ’Oóc-lan-đi tại nhà riêng của đ’Oóc-lan-đi và đ’Oóc-lan-đi cũng có mặt trong cuộc gặp này. Về nội dung của cuộc nói chuyện thứ hai này, Lê-van-đô-xki nói với Hà Văn Lâu như sau:

"Ca-bốt Lốt nói rằng ông muốn gặp lại tôi vì hôm qua tôi đã nhắc lại lập trường chính thức của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Như vậy, ông ta cho rằng nếu như thế thì tôi không thể thấy được hoặc khước từ nhìn thấy khả năng trao đổi ý kiến giữa các bên hữu quan.

Lốt còn cảm thấy rằng việc tôi từ chối không chịu bình luận nội dung lời tuyên bố của ông dù với tư cách cá nhân không chính thức, có nghĩa là tôi cho rằng lập tnrờ,llg của Mỹ và lập trường của các bên hữu quan khác là hoàn toàn đối lập nhau.

Sau khi đã suy nghĩ, Lốt đi đến kết luận là cần nói thật rõ cho tôi biết là lập trường như thế của tôi không gạt bỏ khả năng trực tiếp hay gián tiếp trao đổi ý kiến với nhau được, ông muốn bình luận thêm như sau:

Một: Mỹ sẵn sàng ngừng ném bom Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà nếu như việc ấy có thể mở đường cho một giải pháp hoà bình. Mỹ không đòi hỏi bất cứ lời tuyên bố nào của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc thâm nhập hay công nhận sự có mặt của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở miền Nam Việt Nam hiện nay hay trước đây.

Hai: Mỹ đã tuyên bố sự sẵn sàng của Mỹ rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam và thanh toán các căn cứ của Mỹ trong sáu tháng (như Tuyên bố Ma-ni-la).

Ba: Mỹ sẵn sàng chấp nhận Chính phủ miền Nam Việt Nam được bầu ra một cách dân chủ, với sự tham gia của tất cả mọi người dưới sự giám sát quốc tế.

Bốn: Việc thống nhất đất nước phải do chính người Việt Nam quyết định, không có sự can thiệp của nước ngoài. Vì lý do đó, cần phải lập lại hoà bình và thành lập một cơ quan đại diện để có thể biết chắc được nguyện vọng của nhân dân (Đây là ghi theo lời của Lốt, tôi không hỏi rõ thêm).

Năm: Mỹ muốn đi khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng Mỹ không thể rút lui chỉ để nhường chỗ cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sáu: Mỹ sẵn sàng chấp nhận một cách đầy đủ và trung thành một miền Nam Việt Nam trung lập.

Bảy: Mỹ sẵn sàng trao đổi ý kiến trực tiếp hay gián tiếp về tất cả những vấn đề được đề cập hoặc chưa được đề cập trong cuộc nói chuyện này. Mỹ cần nói rõ là không thực tế nếu yêu cầu Mỹ tuyên bố đơn giản chấp nhận bốn điểm hay năm điểm".

Lê-van-đô-xki chỉ nghe và không bình luận, Ca-bốt Lốt còn nói thêm rằng ông ta bảo ý kiến nói với Lê-van-đô xki là ý kiến của cấp trên, của giới quyết định của Mỹ.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:32:17 pm
Lãnh đạo Việt Nam ta trả lời Lê-van-đô-xki như sau:

"Đồng chí lấy danh nghĩa của mình nói với đại sứ Ca-bốt Lốt rằng nếu Mỹ thấy cần xác nhận những điều mà ông ta đã nói với đồng chí thì phía Mỹ có thể trực tiếp nói với đại sứ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Vác-sa-va".

Ngày 2 tháng 12, khi gặp lại Lê-van-đô-xki, Ca-bốt Lốt tán thành cuộc gặp gỡ ở Vác-sa-va và nói sẽ điện ngay về cho Tổng thống Johnson. Ngày 3 tháng 12, Ca-bốt Lốt cho Lê-van-đô-xki biết rằng Johnson sẽ chỉ thị cho đại sứ Mỹ ở Vác-sa-va đến gặp đại diện Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Vác-sa-va vào ngày 6 tháng 12 năm 1966.

Sau khi được thông báo rằng Mỹ sẽ đến gặp đại sứ Việt Nam tại Vác-sa-va ngày 6 tháng 12, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ thị cho đại sứ Đỗ Phát Quang sẵn sàng tiếp đại sứ Mỹ Grô-nốt-xki vào ngày đó. Bộ cũng cử một nhà ngoại giao trẻ, đồng chí Nguyễn Đình Phương (hiện nay là đại sứ ở Thuỵ Điển) cấp tốc đi Vác-sa-va với một kế hoạch hướng dẫn đại sứ Đỗ Phát Quang. Trước khi Nguyễn Đình Phương lên đường, Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch còn dặn:

"Dù máy bay có rơi mà đồng chí có chết thì trước khi chết cũng phải huỷ cho được bản kế hoạch này".

Nhưng ngày 3 và 4 tháng 12, máy bay Mỹ ném bom Hà Nội. Bộ Ngoại giao Ba Lan yêu cầu đại sứ Mỹ giải thích tại sao lại có những cuộc oanh kích Hà Nội trước khi có cuộc gặp gỡ giữa đại sứ Việt Nam và đại sứ Mỹ tại Vác-sa-va. Grô-nốt-xki thanh minh rằng việc ném bom Hà Nội là tác chiến bình thường, rằng hoạt động quân sự ở hai miền Nam và Bắc Việt Nam không liên quan đến cuộc nói chuyện.

Mặc dầu vậy, đại sứ Đỗ Phát Quang cả ngày 6 tháng 12 vẫn sẵn sàng tiếp Grô-nốt-xki, nhưng ông ta không đến. Sau này Mỹ giải thích rằng ông ta lại đợi đại sứ Đỗ Phát Quang ở sứ quán Mỹ. Còn Tổng thống Johnson thì lại nói rằng người Ba Lan đã hứa sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ này, nghĩa là cuộc gặp không thành là do trách nhiệm của phía Ba Lan.

Đại sứ Mỹ không chịu đến gặp đại sứ Việt Nam ngày 6 tháng 12 như đã thoả thuận. Hơn năm mươi máy bay Thần sấm và Con ma của Mỹ đã lần đầu tiên tấn công Thủ đô Hà Nội trong hai ngày liên tiếp trước khi cuộc gặp gỡ bắt đầu. Ngày 13 và 14 tháng 12 Mỹ lại ném bom trung tâm Hà Nội. Việt Naln chỉ có thể hiểu rằng Oa-sinh-tơn không muốn có cuộc nói chuyện đó.

Ngày 28 tháng 12 năm 1966, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh mời đại sứ J.Xi-ê-lêch-xki đến và nói như sau: (Các phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng được ghi theo lời kể của Nguyễn Tư Huyên, trưởng phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao.)

"Chúng tôi đã nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh những gợi ý của các đồng chí. Hôm nay tôi xin trình bày ý kiến của chúng tôi.

Ngày 20 tháng 11 năm 1966, đồng chí Lê-van-đô-xki đã thông báo cho chúng tôi ý kiến của Ca-bốt Lốt. Chúng tôi có suy nghĩ về ý kiến đó.

Ngày 5 tháng 11, đồng chí Phạm Văn Đồng đã gợi ý để đồng chí Lê-van-đô-xki nói với Lốt:

"Nếu phía Mỹ cần xác nhận lại với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà những điều mà Lốt đã nói với Lê-van-đô-xki thì Mỹ có thể trực tiếp nói với đại sứ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Vác-sa-va”.

Câu nói đó coi như ý kiến của bản thân đồng chí Lê-van-đô-xki chứ không phải ý kiến của chúng tôi. Tất nhiên, nếu Mỹ có xin gặp và chúng tôi có tiếp thì đó cũng chỉ là một hoạt động ngoại giao bình thường, không phải là cuộc gặp gỡ bắt đầu cho việc thảo luận đàm phán. Các đại diện của chúng tôi ở nước ngoài vẫn tiếp những người, kể cả người Mỹ, đến sứ quán chúng tôi trình bày quan điểm của họ, hoặc hỏi rõ lập trường của chúng tôi về vấn đề Việt Nam


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:33:17 pm
Nhưng Mỹ đã lật lọng, trước sau nói khác nhau. Chúng lại tăng cường ném bom miền Bắc. Nghiêm trọng hơn nữa, chúng đã ném bom cả Hà Nội, chỉ trong hai tuần lễ đã bốn lần đánh vào nội thành Hà Nội.

Trước tình hình đó, ngày 7 tháng 12, chúng tôi đã nói với đồng chí Xi-ê-lêch-xki rằng chúng tôi phải xem xét lại việc đại sứ chúng tôi tiếp đại sứ Mỹ tại Vác-sa-va nếu họ yên cầu. Chúng tôi cũng đã chỉ thị điều đó cho đại sứ của chúng tôi ở Ba Lan.

Nhưng từ đó, Mỹ vẫn như không hiểu và tiếp tục nhờ các đồng chí Ba Lan chuyển ý kiến của họ. Âm mưu của Mỹ vẫn là "thương lượng không điều kiện". Họ đòi chúng tôi phải có hành động cụ thể đáp ứng trong giai đoạn B (thì chúng mới thực hiện giai đoạn A). Thủ đoạn của Mỹ là leo thang để thúc ép, mỗi lần leo thêm một bậc thang, Mỹ lại đòi chúng tôi trả giá. Họ còn mặc cả việc ngừng ném bom Hà Nội.

Chúng tôi kiên quyết bác bỏ những đề nghị có tính chất kẻ cướp đó của Mỹ. Các đồng chí lãnh đạo Ba Lan đã tán thành thái độ đó của chúng tôi. Chúng tôi hoan nghênh các đồng chí đã phê phán Mỹ một cách mạnh mẽ. Trước tình hình hiện nay, chúng tôi thấy không thể để cho Mỹ thực hiện âm mưu "trao đổi trực tiếp hay gián tiếp" trong khi Mỹ vấn tiếp tục ném bom miền Bắc. Vì vậy chúng tôi sẽ không xét tới những lời của Grô-nốt-xki nếu ông ta cứ tiếp tục trình bày với các đồng chí.

Câu chuyện coi như đã chấm dứt".

Trong câu chuyện "Bông cúc vạn thọ", Lê-van-đô-xki đã cho ta thấy rõ vai trò của đại sứ I-ta-li-a đ’Oóc-lan-đi. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Johnson không một lần nào nhắc đến tên ông đ’Oóc-lan-đi trong vấn đề Bông cúc vạn thọ. Nhưng trái với lời hứa và lòng mong muốn giữ bí mật của Ca-bốt Lốt, báo chí Mỹ đã tung Bông cúc vạn thọ ra với nhiều chi tiết hấp dẫn.

Ngày 3 tháng 2 năm 1967, phóng viên báo Bưu điện Oa-sinh-tơn tại Liên hợp quốc đưa tin:

"Tháng 12 vừa qua, Bắc Việt Nam đã dứt khoát chấp nhận một gợi ý của Mỹ về nói chuyện trực tiếp để giải quyết chiến tranh.

Cuộc thu xếp đã đi quá xa đến mức chỉ định Vác-sa-va làm địa điểm nói chuyện. Nhưng sau cuộc ném bom vào Hà Nội ngày 13 và 14 tháng 12 (mà Hà Nội lên án đã giết hại nhiều dân thường), Bắc Việt Nam đã rút sự chấp thuận đó, tố cáo Mỹ là không trung thực. Nguồn tin phương Tây nói trên tiết lộ tin này sau khi Tổng thống Johnson quả quyết rằng không hề có dấu hiệu nghiêm chỉnh nào về ý muốn nói chuyện hoà bình của cộng sản. Sự phủ nhận của Tổng thống gây ra sự nghi ngờ lớn ở đây (Liên hợp quốc - Tác giả) về ý muốn của Tổng thống trong số những người biết rõ chi tiết của cố gắng đã thất bại này".

Một số báo khác cũng đưa tin rằng: "Bộ trưởng Bộ Ngoại giao I-ta-li-a Phan-pha-ni nói với khách rằng việc ném bom đó là sai lầm. Phan-pha-ni đã cho khách biết rằng ông ta đã cảnh cáo Chính phủ Mỹ về tai hại của việc ném bom ngay sau hai lần ném bom ngày 3 và 4 tháng 12 và trước việc ném bom ngày 13 và 14" (Đa-vít Cra-xlô và Xti-a H.Luri: Sđd, tr. 77.)

Dư luận tỏ ra bất bình với Nhà Trắng.

Trong cuộc họp báo ngày 9 tháng 2, bị chất vấn về vấn đề này, Ngoại trưởng Đin Ra-xcơ không dám xác nhận hay phủ nhận.

Ngày 8 tháng 5 năm 1967, hãng A.P phát một bài dài kê tỉ mỉ về Bông cúc vạn thọ. Trước ngày đó, Ngoại trưởng Mỹ hứa với các nhà báo là sẽ công bố việc này, nhưng sau khi có bài của hãng A.P, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố không bình luận.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:35:41 pm
Khi công bố chính thực sự kiện về Bông cúc vạn thọ, Bộ Ngoại giao Mỹ làm như chính phía Việt Nam đã chủ động đề ra việc tiếp xúc và đàm phán bí mật với Mỹ khi Mỹ vẫn ném bom miền Bắc Việt Nam. Họ cũng làm như chính phía Ba Lan (sau khi Lê-van-đô-xki đi Hà Nội về ngày 26 tháng 6 năm 1966) đã được sự đồng ý của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã đưa ra một kế hoạch mười điểm làm cơ sở đàm phán và gặp đại sứ I-ta-li-a nói là "Có một đề nghị hoà bình rất cụ thể" dẫn tới thoả hiệp chính trị giải quyết vấn đề Việt Nam.

Họ nói điều kiện đàm phán của Hà Nội là Mặt trận Dân tộc Giải phóng tham gia thương lượng và một cuộc ngừng ném bom miền Bắc và phía Mỹ đã thoả thuận cuộc gặp gỡ ở Vác-sa-va từ ngày 6 tháng 12 năm 1966. Ý nghĩa của cách trình bày như thế là phía Việt Nam đã đồng ý đưa ra mười điểm làm cơ sở để thảo luận, (qua Lê-van-đô-xki) và phía Mỹ đã có thiện chí chấp nhận.

Cũng trong dịp này, ngày 9 tháng 5, tờ U-ni-ta, cơ quan của Đảng Cộng sản I-ta-li-a cho biết:

"Chính đại sứ đ’Oóc-lan-đi đã cho Lê-van-đô-xki biết rằng ông ta muốn ghi trên giấy tờ một điều có thể dẫn đến khả năng hai bên hữu quan đồng ý. Sau đó, chính đ’Oóc-lan-đi đã gặp đại sứ Ba Lan trong Uỷ ban Quốc tế để xây dựng kế hoạch mười điểm. Kế hoạch này được trao cho Ca-bốt Lốt, trong đó nêu rõ Mỹ không có ý đồ đối với Việt Nam nói chung và Hà Nội không có ý đồ thôn tính Nam Việt Nam”.

Tờ U-ni-ta nhận xét là: Trên thực tế trở lại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, Lốt đồng ý chuyển cho Johnson.

Hãng A.F.P khi đưa tin này từ Rô-ma nhận xét rằng U-ni-ta không nêu rõ nguồn tin nhưng các nhà quan sát ở Rô-ma nhắc lại rằng Ngoại trưởng I-ta-li-a Phan-pha-ni đã hai lần nói trước Quốc hội là đại sứ I-ta-li-a ở Sài Gòn đã thu xếp những cuộc tiếp xúc và việc đó đã đưa đến kết quả tốt nhất chưa từng có nước nào thu được.

Ngày 10 tháng 5, Bộ Ngoại giao I-ta-li-a xác nhận nguồn tin của U-ni-ta.

Theo Đa-vít Cra-xlô và Xti-u-a H.Lu-ri, đ’Oóc-lan-đi biết rõ lập trường của Mỹ và Bắc Việt Nam quá xa nhau, tuy vậy, ông ta vẫn suy nghĩ làm sao hai bên có thể ngồi lại trong hoàn cảnh đó để cố tìm ra một giải pháp. Ông nói suy nghĩ của mình với đại sứ Lê-van-đô-xki trong Uỷ ban Quốc tế. Hai người có ý nghĩ chung là làm sao đưa đại diện của hai bên đến một địa điểm nào đó gặp nhau để có thể trao đổi ý kiến về một loại giải pháp lâu dài cho Nam Việt Nam.

Mùa hè năm 1966, qua một số người Mỹ mới thăm Hà Nội về, Mỹ cho rằng Hà Nội bị đánh đau, giao thông bị tắc nghẽn và có dấu hiệu rõ là Hà Nội muốn thương lượng. Lốt đề nghị với Johnson đẩy mạnh ném bom miền Bắc hơn nữa để ép Hà Nội đi vào bàn hội nghị theo điều kiện của Mỹ, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ thấy con đường do đ’Oóc-lan-đi mở ra đáng được khai thác.

Các cuộc ném bom Bắc Việt Nam ngày càng ác liệt, pháo đài bay B.52 rải thảm bom ở khu phi quân sự, quân Mỹ tiếp tục được ồ ạt đưa vào miền Nam. Trong bối cảnh đó gợi ý của đ’Oóc-lan-đi rơi vào lăng quên.

Hội nghị Ma-ni-la ngày 24 và 25 tháng 10 năm 1966, với sự tham gia của bảy nước châu Á và Thái Bình Dương, thực chất là nhằm động viên thêm tiềm lực để đẩy mạnh chiến tranh ở Việt Nam, nhưng để che đậy mục đích chiến tranh của nó, Hội nghị đã đưa ra bản tuyên bố về bốn mục tiêu của tự do và đặc biệt là việc rút quân của các bên tham chiến ra khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng sáu tháng khi Bắc Việt Nam rút quân về phía Bắc.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:36:08 pm
Sau hội nghị Ma-ni-la, A-vơ-ren Ha-ri-man đến Rô-ma. Ngày 2 tháng 11. Ngoại trưởng Phan-pha-ni tổ chức chiêu đãi ông, trong cuộc chiêu đãi này có mặt đại sứ đ’Oóc-lan-đi được gọi từ Sài Gòn về. Nhân dịp này, Ha-ri- man đã bàn bạc lâu với đ’Oóc-lan-đi, sau đó Ha-ri-man điện về Oa-sinh-tơn đề nghị thông báo cho Lốt biết lập trường thương lượng của Mỹ để Lốt trao đổi với Lê-van-đô-xki, đ’Oóc-lan-đi ctĩng trở về ngay Sài Gòn.

Khi đó Lê-van-đô-xki chuẩn bị ra Hà Nội theo chương trình của mình đã dự định trước. Đ’Oóc-lan-đi yên cầu Lê-van-đô-xki hoãn chuyến đi một tuần, sau đó tổ chức các cuộc gặp ngày 14 và 15 tháng 11 giữa Ca-bốt Lốt và Lê-van-đô-xki, với sự có mặt của đ’Oóc-lan-đi như trên đã nói" (Đa-vít Cra-xlô và Xti-a H.Luri. Sđd, tr. 14-21.).

Chúng ta cứ cho là khi câu chuyện được nêu ra, đ’Oóc-lan-đi đã có ý nghĩ là tìm cách gì cho hai bên gặp nhau, trao đổi ý kiến để tìm ra một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Nhưng sau khi ý kiến đó biến thành những cuộc trao đổi. bàn bạc giữa ông ta và đại sứ Lốt thì rõ ràng không còn là câu chuyện riêng của đ’Oóc-lan-đi nữa, nhất là sau cuộc bàn bạc với Ha-ri-man tại Rô-ma. Kế hoạch giai đoạn A và giai đoạn B mà Ca-bốt Lốt nói với Lê-van-đô-xki, với sự có mặt của đ’Oóc-lan-đi ngày 14 và 15 tháng 11 để chuyển cho Hà Nội là lập trường của Mỹ không hơn không kém.

Nhưng tại sao Johnson khi nói về Bông cúc vạn thọ lại không nhắc đến tên đại sứ đ’Oóc-lan-đi? Nếu chỉ nhắc đến như trên thì có gì là hại cho Mỹ? Johnson im lặng ở đây chỉ là để không chịu nhận những gì Ca-bốt Lốt đã nói với Lê-van-đô-xki đã đưa ra với sự đồng ý của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ để cuối cùng nói rằng chính Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đề ra việc gặp gỡ với Mỹ nhưng rồi sau lại không đến cuộc gặp đó.

Việc Mỹ nói trắng Lê-van-đô-xki đã đưa ra mười điểm làm cơ sở thảo luận ở Vác-sa-va (Johnson gọi là dự án Lê-van-đô-xki) là hoàn toàn sai. Bằng chứng rõ ràng nhất là chính Lê-van-đô-xki cũng không biết mười điểm đó. Khi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 6 tháng 5 năm 1967, đúng năm tháng sau cuộc gặp bất thành ở Vác-sa- va, Lê-van-đô-xki đã nói:

"Vấn đề này đã cũ nhưng gần đây báo Bưu điện Oa-sinh-tơn lại đưa tin có mười điểm của Mỹ mà Ca-bốt Lốt nói với ông ta là:

Một: Hoa Kỳ thành thật muốn giải quyết cuộc xung đột ở Việt Nam bằng con đường thương lượng hoà bình.

Hai: Cuộc thương lượng hoà bình nhằm mục đích giải quyết toàn bộ vấn đề cuộc xung đột ở Việt Nam. Ở miền Nam Việt Nam sẽ bảo đảm quyền lợi của bên đang đánh nhau với Hoa Kỳ (Sách: Ngoại giao bí mật chiến tranh Việt Nam của G.C.Hia Ring trang 279 cũng nói đây là mười điểm do Lê-van-đô-xki đưa ra. Điểm hai này có thêm câu đầu "Các cuộc thương lượng này không được giải thích như là thương lượng về sự đầu hàng của những người chống lại Hoa Kỳ ở Việt Nam".)

Ba: Hoa Kỳ sẽ không nhấn mạnh việc đòi duy trì lực lượng vũ trang và căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam và sẽ thực hiện rút quân như đã nói trong thông cáo Ma-ni-la.

Bốn: Hoa Kỳ sẵn sàng đưa ra đề nghị xây dựng và thảo luận với đại biểu các bên đang đánh nhau với Mỹ ở miền Nam Việt Nam để giải quyết toàn bộ vấn đề Việt Nam bao gồm vấn đề ngừng bắn và vấn đề rút các lực lượng Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Các cuộc nói chuyện sẽ tiến hành bí mật.

Năm: Trong khuôn khổ giải pháp chung, Hoa Kỳ không phản đối việc thành lập một Chính phủ Nam Việt Nam đúng với ý chí của nhân dân và có sự tham gia của các bên đang đánh nhau với Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử tự do và dân chủ. Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận một sự kiểm soát quốc tế thích đáng đối với cuộc tuyển cử đó. Hoa Kỳ cam kết hoàn toàn tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử.

Sáu: Hoa Kỳ cho rằng vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do người Việt Nam tự giải quyết lấy sau khi hoà bình được lập lại và có những cơ quan đại diện cho nhân dân miền Nam Việt Nam.

Bảy: Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận và hoàn toàn tôn trọng nền trung lập của miền Nam Việt Nam.

Tám: Hoa Kỳ sẵn sàng ngừng ném bom miền Bắc nếu việc đó có thể làm dễ dàng cho việc tìm ra một giải pháp hoà bình. Để có việc ngừng ném bom này, không cần thiết Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải nhận hoặc xác nhận các lực lượng vũ trang của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã hoặc đang thâm nhập miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ sẵn sàng tránh gây ấn tượng cuộc thương lượng đã bắt đầu dưới sự đe doạ của bom đạn hoặc để đổi lấy việc ngừng ném bom.

Chín: Hoa Kỳ không loại trừ khả năng thống nhất nước Việt Nam nhưng không đồng ý thống nhất dưới áp lực quân sự.

Mười: Tuy Hoa Kỳ sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp hoà bình nhưng không nên trông chờ Hoa Kỳ tuyên bố bây giờ hay sau này là Hoa Kỳ chấp nhận bốn điểm hay năm điểm”.

Chỉ có bình luận câu sau đây của C.L.Cu-pơ, một phụ tá thân cận của A-vơ-ren Ha-ri-man đã có mặt trong cuộc chiêu đãi của Phan-pha-ni tại Rô-ma tháng 11 năm 1966 là chân thành và thẳng thắn:

"Hồi tưởng lại, thêm nhiều quan chức ở Oa-sinh-tơn hồi đó nghĩ rằng toàn bộ diễn biến sự việc ở Vác-sa-va đối với người Ba Lan cũng như đối với Hà Nội là cốt cho Hà Nội một lúc xả hơi. Cuối năm 1966 và đầu năm 1967, chính quyền Mỹ không quan tâm đến thương lượng.

Các sáng kiến ngoại giao không được xen vào làm cản trở các hoạt động quân sự.

Quan điểm chỉ đạo lúc đó của Nhà Trắng là đánh và đánh mạnh hơn nữa!" (C L. Cu-pơ. Sđd, tr 341-342.)

Sự thật về Mê-ri-gôn là thế đó!

Mê-ri-gôn của Johnson đã chẳng "Thức giấc với những giọt lệ đầm đìa" như Mê-ri-gôn của Uy-li-am Sêc-xpia mà đã chết thảm hại. Ngày 23 tháng 12 năm 1966, Johnson ra lệnh tạm ngừng ném bom trong một vòng tròn bán kính mười dặm quanh Hà Nội để đại sứ Grô-nốt-xki có cớ đến gặp Ngoại trưởng Ra-pát-xki ngày 30 tháng 12 với hy vọng Bắc Việt Nam sẽ xem xét lại thái độ "cứng rắn" của họ. Nhưng cả những cố gắng đó của Nhà Trắng để làm "sống lại" Mê-ri-gôn đều là vô ích (Xem thêm: Gióc-giơ C.Hia Rinh: Sđd, tr 211-370.)


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 09:52:22 am
CHƯƠNG MƯỜI BỐN
NHÀ BÁO MỸ ĐẦU TIÊN ĐẾN BẮC VIỆT NAM

Đó là Ha-ri-xơn Xôn-xbơ-ri. trợ lý Tổng biên tập Thời báo Niu Yoóc, ông đến Hà Nội ngày 23 tháng 12 năm 1966.

Trong những ngày lưu lại Bắc Việt Nam, ông đã tiếp xúc với nhiều quan chức Bộ Ngoại giao và nhiều nhân vật trong đó có ông Nguyễn Văn Tiến đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông cũng đã đi thăm một số nơi ở trung tâm Hà Nội bị ném bom, thăm thị xã Phú Lý và Thành phố Nam Định bị bom Mỹ tàn phá nặng nề.

Có thể nói sau mỗi ngày làm việc, ông đều có bài gửi về toà soạn. Trong năm bài đầu ông đã khẳng định máy bay Mỹ không phải là đánh vào bê tông và sắt thép mà thật sự đã đánh vào trung tâm Hà Nội, đánh những mục tiêu dân sự và những cuộc ném bom đó không mang lại những kết quả mà Lầu Năm Góc mong đợi.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp ông Xôn-xbơ-ri ngày 2 tháng 1 năm 1967. Dưới đây trích phần chủ yếu cuộc nói chuyện.

Thủ trưởng Phạm Văn Đồng:

- Tôi muốn nói chuyện với ông một cách bình thường, ông có gì cần nói thì cứ nói hết. Tôi cũng vậy. Bây giờ thì ai bắt đầu vào?

Xôn-xbơ-ri:

- Có lẽ là Ngài.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi nghiên cứu những câu hỏi của ông, cả những câu hỏi ông hỏi tôi và hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Xôn-xbơ-ri:

- Nó cũng tương tự như nhau.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi nghĩ nên nói hai vấn đề chính: thứ nhất là chiến tranh, thứ hai là giải pháp.

Phải nói về chiến tranh trước, từ đó mà thấy vấn đề giải pháp. Về chiến tranh thì có thể quan điểm của tôi và của ông có khác nhau. Nếu không hiểu đúng về cuộc chiến tranh thì cũng không thể hiểu đúng được những vấn đề có liên quan đến chiến tranh.

Về cuộc chiến tranh, điều cơ bản nhất là nguồn gốc của chiến tranh, nguyên nhân chủ yếu của chiến tranh, cụ thể là ai gây ra chiến tranh. Về vấn đề này, quan điểm của chúng tôi rất rõ rệt và dần dần có nhiều người trên thế giới đồng ý với chúng tôi, ông có đọc lời phát biểu nhân dịp năm mới của Tổng thống Đờ Gôn không? (Xôn-xbơ-ri trả lời: có). Đờ Gôn nói cuộc chiến tranh này do Mỹ gây ra và là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, đáng ghét. Từ đó, ông ta rút ra kết luận: Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Về điểm này ông có ý kiến gì.

Xôn-xbơ-ri:

- Ý kiến riêng của tôi thì cách nhìn như vậy là đúng. Rất tiếc đó không phải là ý kiến cua Chính phủ tôi.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Như vậy là tốt, tôi không mong gì hơn. Nếu ông đồng ý những điều đó thì người cầm quyền Mỹ cũng sẽ phải đồng ý.

Xôn-xbơ-ri:

- Tôi cũng hy vọng như vậy, nhưng không dám chắc. Còn phải chờ xem.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 09:53:23 am
Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Về phía tôi thì chắc, vì trước sau cũng phải đi đến kết luận đó. Nếu bây giờ người ta chưa đồng ý thì sau này phải đồng ý. Nếu phái này mà không đồng ý thì phái khác phải đồng ý. Vì nếu những người cầm quyền Mỹ không đồng ý những điều này thì họ sẽ mắc sai lầm nữa. Đến một lúc nào đó, họ phải hiểu sự thật và rút ra kết luận này, ông có đồng ý với tôi về điểm đó không?

Xôn-xbơ-ri:

- Tôi còn nghi ngờ. Tôi không muốn nói "có" khi tôi không chắc. Muốn được như vậy, có thể còn phải mất nhiều thời gian nữa. Có thể là Ngài đúng mà tôi thì sai. 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đó là vấn đề.

Xôn-xbơ-ri:

- Đây có vấn đề chính trị và cũng có vấn đề cá nhân.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Cố nhiên, nhưng chủ yếu là chính trị.

Xôn-xbơ-ri:

- Tôi cũng nghĩ vấn đề chính trị là chính.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Vừa rồi ông tỏ ý hoài nghi cũng có chỗ đúng. Nhưng tôi nghĩ những người như ông phải có cống hiến và làm cho sự thật sáng tỏ. Vì đây là vấn đề rất lớn, có liên quan đến chúng tôi và liên quan đến các ông.

Trước sau thì những người cầm quyền Mỹ phải nhìn nhận thấy sự thật. Vì sự thật ngày càng sáng tỏ và buộc người ta phải thừa nhận.
Thủ tướng nhắc lại quá trình can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam từ sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 những thất bại liên tiếp của Mỹ ở miền Nam nhất là thất bại của "chiến tranh đặt biệt", tình hình nghiêm trọng của đội quân viễn chinh Mỹ sau hai mùa khô. Ở miền Bắc Việt Nam, chính sách leo thang đánh phá Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng đang thất bại. Thủ tướng nói tiếp:

- Tình hình hiện nay đối với quân đội viễn chinh Mỹ khó khăn hơn bao giờ hết. Họ đang đứng trước một bước đường tiến thoái lưỡng nan. Họ sẽ làm gì? Đánh ở đâu? Đánh thế nào? Làm thế nào để có thể thắng được? Đó là những câu hỏi mà quân nhân Mỹ không giải đáp được. Nếu ông hỏi tướng Oét-mo-len, cũng không chắc ông ta đã trả lời được. Trước đây một năm, ông ta trả lời được nhưng bây giờ thì không trả lời được.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 09:54:42 am
Có lẽ phải nhắc đến bốn điểm của tướng Oét-mo-len, ông có cần tôi nhắc lại bốn điểm đó không?

Một: Đánh bại lực lượng quân giải phóng.

Hai: Bình định.

Ba : Củng cố nguỵ quân nguỵ quyền.

Bốn: Cắt miền Nam với miền Bắc.

Với điểm thứ nhất, đến bây giờ thì rõ ràng là không thể nào thực hiện được. Người Mỹ không dám thừa nhận điều đó. Họ còn nói là họ thực hiện được điểm một, nghĩa là có thể đánh bại được quân giải phóng. Nhưng tôi, tôi nói với ông là họ không làm được điểm một. Trái lại, lực lượng vũ trang giải phóng càng tăng cường mạnh hơn là người Mỹ tưởng.

Về điểm thứ hai, tôi nói thẳng là họ thất bại và họ cũng không thể không thừa nhận điều đó.

Về điềm thứ ba, họ không muốn nhận, nhưng cũng buộc phải thừa nhận là nguỵ quân nguỵ quyền sụp đổ.

Về điểm thứ tư, rõ ràng là họ không làm được.

Tóm lại, toàn bộ kế hoạch đã bị thất bại. Hơn nữa, trong thời gian tới họ không có khả năng làm hơn được cái gì họ đã làm, nghĩa là người Mỹ đang ở trong một tình trạng bế tắc ở miền Nam. Ở đây, tôi với ông, nếu cần, nên nói chuyện nhiều về điểm này, vì có rất nhiều người tưởng rằng sức mạnh vật chất, sức mạnh vũ khí của Mỹ sẽ thắng ở miền Nam. Tôi cho họ nghĩ như vậy là không đúng, và nguy hiểm nữa, nhất là đối với những người Mỹ.

Mấy năm qua, nhà cầm quyền Mỹ leo thang vì họ nghĩ rằng sức mạnh vật chất sẽ thắng. Thua một nấc, họ nghĩ nếu tăng cường lực lượng họ sẽ thắng. Đến nấc thứ hai, họ thua, họ tưởng đến nấc thứ ba sẽ thắng. Đến nấc thứ ba, thứ tư họ cũng nghĩ vậy. Đến nấc này, họ còn nghĩ như vậy nữa không. Đó là vấn đề.

Chúng tôi quả quyết với ông là họ không thể thắng. Từ đó, tôi muốn nói với ông về bản chất của cuộc chiến tranh vì đó là vấn đề mấu chốt. Trong những câu hỏi của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có một số câu hỏi tôi muốn nói ở đây.

Ông hỏi chúng tôi so sánh giữa tướng Mỹ với tướng Pháp như thế nào? Giữa lính Mỹ với lính Pháp như thế nào? Vấn đề không phải ở đó, vấn đề là ở chỗ cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh gì đối với người Mỹ?

Đối với người Mỹ, đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa, không có lẽ phải và ở một vùng mà người Mỹ không thể nào giành được những điều kiện thuận lợi.

Đối với chúng tôi, đó là một cuộc chiến tranh thiêng liêng. Đó là độc lập, tự do, đời sống của chúng tôi. Đối với chúng tôi là tất cả, cho thế hệ hiện nay và cho cả thế hệ tương lai. Cho nên chúng tôi quyết chiến quyết thắng. Và thắng lợi bắt đầu từ trong ý chí của mỗi người Việt Nam. Thắng lợi từ quyết tâm và từ đó chúng tôi giải quyết được tất cả các vấn đề.

Điều này các ông khó hiểu lắm. Không phải chỉ đối với các ông tôi mới nói như vậy, mà cả với những người bạn kkác ở châu Âu những người bạn rất gần của chúng tôi. Người ta không hiểu, người ta sợ lực lượng của Mỹ. Người ta nghĩ làm thế nào có thể chống lại đội quân viễn chính hai trăm nghìn người với những vũ khí hiện đại, với hạm đội 7 ở bên cạnh.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 09:55:27 am
Người ta không tin là chúng tôi đánh thắng, đến bây giờ chúng tôi đánh được. Chúng tôi đánh thắng. Chúng tôi nói với những người bạn của chúng tôi là chúng tôi sẽ thắng lợi hoàn toàn. Người ta đã phải thừa nhận đó là sự thật, nhưng người ta vẫn chưa hiểu. Đối với ông, tôi không có hy vọng thuyết phục được ông, nhưng tôi phải nói điều này vì nó là một điều rất quan trọng.

Về khả năng của tướng Mỹ tôi muốn nói thêm, ở miền Nam có những sĩ quan và binh lính ngụy. Đó là người Việt Nam. Chúng là nửa triệu người. Chúng có vũ khí tốt. Nhưng chúng đã làm được gì trong lúc lực lượng vũ trang giải phóng ít hơn, vũ khí tất nhiên xấu hơn, mà họ lại đánh rất giỏi. Tất cả đều là người Việt Nam, nhưng vì sao một bên thì là tồi, một bên thì thật là tài trí tuyệt vời, chưa hề có.

Từ trước đến nay trong lịch sử, chưa có một cuộc chiến tranh nhân dân nào đánh tài như vậy. Người Mỹ cũng phải thừa nhận điều đó. Vì ở miền Nam, chúng tôi là chính nghĩa, do đó chúng tôi sẽ thắng Mỹ. Chúng tôi đã thắng người Mỹ vì lẽ đó. Bây giờ đang thắng. Nếu cần sang năm sẽ thắng. Nếu phải đánh thêm ba mươi năm nữa cũng sẽ thắng vì lẽ đó

Tôi nói thêm một điều rất quan trọng mà người Mỹ chưa thấy. Hiện nay, nhiều quân nhân Mỹ lý luận như thế này: họ có bốn mươi vạn quân mà không giải quyết được vấn đề, họ tưởng tăng lên năm mươi vạn quân thì có thể giải quyết được, có người nói đến sáu mươi vạn, có người nói nếu cần thì tăng thêm nữa. Nhưng như tôi đã nói, căn bản của vấn đề không phải ở chỗ đó. Đây là một vấn đề quan trọng. Lính Mỹ càng vào miền Nam càng gây ra những hậu quả không lường được.

Thứ nhất, họ mang lại chiến tranh. Đó là một điều rất nguy hại đối với họ về mặt chính trị. Nguỵ quân nguỵ quyền từ trước đến nay còn lừa dối được một số người, bây giờ không lừa dối được ai. Và người Việt Nam ở miền Nam rõ ràng thấy Chính phủ Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh thuộc địa dã man nhất trong thế kỷ này, ông có nhận thấy điều đó không?

Xôn-xbơ-ri:

- Tôi khó mà trả lời được câu hỏi của Ngài, nếu Ngài hỏi chiến tranh có dã man không thì tôi sẽ trả lời tất cả các cuộc chiến tranh đều dã man cả. Có thể nói đây là một cuộc chiến tranh rất dã man.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đó là một điều rất quan trọng.

Điều thứ hai là đội quân viễn chinh Mỹ vào đã làm đảo lộn toàn bộ nền kinh tế ở miền Nam. Nạn lạm phát rất ghê gớm. Người ta không thể nào sống được.

Thứ ba là binh lính Mỹ đã gây những hiện tượng rất xấu xa về mặt văn hoá và xã hội, ông cũng biết người ta gọi Sài Gòn là một nhà chứa khổng lồ không? Cả con gái những người ở tầng lớp trên cũng đi làm đĩ cho sĩ quan Mỹ.

Từ những điều đó thì thấy quân đội Mỹ càng vào đông chừng nào càng gây ra những căm phẫn ghê gớm trong nhân dân miền Nam. Do đó, ở các đô thị miền Nam đang diễn ra một tình hình rất mới là phong trào đô thị phát triển mạnh mẽ, như những cuộc đấu tranh của công nhân bến tàu ở Sài Gòn mấy hôm nay. Rồi đây phong trào càng rộng lớn mạnh mẽ, lôi cuốn tất cả các tầng lớp trên, trí thức, tư sản, tôn giáo, công chức trong bộ máy nguỵ quyền. Đó là những diễn biến chính trị mà các ông không lường hết được. Đó là một mặt trán cực kỳ quan trọng đi đôi với những thắng lợi trên mặt trận quân sự, trên cơ sở sự sụp đổ của nguỵ quân, nguỵ quyền. Đó là những điều người Mỹ phải nhìn thấy.

Tôi nghĩ có thể có những người Mỹ sáng suốt, ở Sài Gòn bắt đầu thấy. Như vậy thì đưa quân vào nhiều, các ông làm được gì? Dù các ông tăng quân trong lúc nguỵ quân, nguỵ quyền sụp đổ thì làm được gì? Đó là những điều cơ bản về tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam. Về điểm này ông với tôi có thể thảo luận thêm.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 09:56:06 am
Về miền Bắc, mấy hôm nay đi thăm, ông đã thấy đại thể tình hình. Điều quan trọng nhất là cuộc chiến tranh bằng không quân đối với người Mỹ là một sự thất bại. Dư luận thế giới đã thấy là thất bại. Thất bại ở chỗ không bắt buộc được chúng tôi đầu hàng và hơn nữa không ảnh hưởng gì đến tình hình miền Nam. Trái lại, tình hình miền Nam lại càng thuận lợi hơn cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng và nguy khốn hơn cho người Mỹ.

Về phía chúng tôi, trong mấy năm chiến đấu với loại chiến tranh mới này, chúng tôi thấy thêm mấy điểm:

Một là tiềm lực quân sự và quốc phòng của chúng tôi tăng lên rõ rệt và đây là một điều rất may mắn. Lực lượng phòng không tăng lên, nói chung là lực lượng vũ trang tăng lên và sẽ tăng lên một cách vững chắc vì chúng tôi đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, đã trải qua những bước ngập ngừng lúc đầu. Bây giờ là lúc phát triển rộng và nhanh.

Ở đây lực lượng chủ yếu là thanh niên, rất quan trọng và rất dũng cảm. Chắc là ông có nghe nói đến sức mạnh, lòng dũng cảm, khả năng to lớn của tuổi trẻ. Rõ ràng trong cuộc chiến tranh, chúng tôi thấy sáng tỏ những khả năng của họ. Ba triệu thanh niên đã đăng ký sẵn sàng và họ đã chứng tỏ khả năng của họ trên các chiến trường. Trong tất cả các cuộc cách mạng, đều là như vậy.

Hai là về mặt kinh tế. Trong các câu hỏi của ông, ông có hỏi về vấn đề này, ở đây phải thấy hai mặt: một mặt là sự tàn phá của cuộc chiến tranh bằng không quân điều đó là tất nhiên. Nhưng có mặt khác, mặt chúng tôi tìm cách để phát triển tiềm lực kinh tế cho thích hợp với điều kiện chiến tranh và có thể tránh được sự phá hoại của bom đạn Mỹ.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã rút được kết luận về vấn đề đó. Chúng tôi tiếp tục làm những cái gì chúng tôi có thể bảo vệ được, về nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và tất cả các ngành khác. Đây là những kinh nghiệm cực kỳ quý báu. Trên cơ sở đó, có khả năng phát triển tiềm lực kinh tế cho thích hợp với điều kiện chiến tranh, chuẩn bị chiến tranh lâu dài.

Bây giờ đến một điểm lớn trong những câu hỏi của ông là: triển vọng của cuộc chiến tranh, ông hỏi là chiến tranh sẽ kéo dài trong bao lâu? Về phần chúng tôi, chúng tôi chuẩn bị chiến tranh lâu dài, vì chiến tranh nhân dân tất nhiên phải lâu dài. Không ai biết nó sẽ kéo dài bao lâu. Điều này khó nói. Lúc nào hết quân xâm lược mới thôi.

Thực sự chúng tôi chuẩn bị như vậy. Trong ý nghĩ của chúng tôi là như vậy. Trong người dân Việt Nam nào cũng là như vậy, ông không có thì giờ để nói chuyện với những người dân Việt Nam chúng tôi. Đây là điều mà người nước ngoài hay hỏi chúng tôi, câu hỏi làm chúng tôi ngạc nhiên, đối với bất cứ một người dân Việt Nam bình thường nào cũng vậy. Chúng tôi làm sao quyết định được khi nào sẽ kết thúc chiến tranh, vì chúng tôi không thể đem quân sang đánh bẹp các ông trên đất Mỹ.

Cho nên, chúng tôi chuẩn bị đánh lâu dài. Mỹ còn xâm lược, còn đánh. Bao nhiêu năm? Mười năm, hai mươi năm đã vừa chưa? Nếu chưa vừa thì còn dài nữa. Tôi thường nói với các bạn nước ngoài: thế hệ trẻ của chúng tôi, nếu cần phải tiếp tục chiến đấu, sẽ chiến đấu giỏi hơn chúng tôi, thậm chí cả những trẻ em ít tuổi. Vì họ cũng đã được chuẩn bị tốt.

Tình hình là như vậy. Tôi nói đây không phải để uy hiếp ai, để gây ấn tượng với ai. Đó là hậu quả lô-gích của tình hình. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc tự hào. Cả lịch sử của nó là lịch sử của một dân tộc tự hào. Giặc Mông Cổ đến, chúng tôi đánh cho một lần thua, lần thứ hai đến, chúng tôi lại đánh thua. Lần thứ ba đến, chúng tôi lại đánh thua nữa. Bây giờ các ông muốn đánh mấy lần? ông hỏi phải đánh bao nhiêu lâu, tôi phải trả lời như vậy. Đó là tuỳ các ông chứ không phải tuỳ chúng tôi.

Vấn đề thứ nhất tôi muốn nói với ông là như vậy.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:11:48 am
Tôi nói đến vấn đề thứ hai là vấn đề giải pháp, ông hỏi nhiều câu về giải pháp. Tất nhiên ông chủ ý nhiều về giải pháp. Tôi hiểu và rất muốn nói chuyện với ông về điều đó. Nhưng tôi nghĩ muốn nói chuyện được với nhau về giải pháp thì phải xuất phát từ tình hình tôi vừa nói với ông. Đối với chúng tôi, giải pháp rất đơn giản. Vì đây là một cuộc chiến tranh xâm lược, thuộc địa, phi nghĩa, thì giải pháp là làm sao chấm dứt xâm lược. Giản đơn lắm, rất lô-gích, rất hoàn hảo và không thể bác bỏ được, ông có đồng ý không?

Xôn-xbơ-ri:

- Trên thế giới có rất nhiều điều không lô-gích mà chúng ta vẫn phải chịu.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đúng, tôi hiểu như vậy. Chúng ta đang phải sống trong một thế giới như vậy. Nhưng không phải như vậy là chúng ta không phấn đấu cho cái gì mình cho là đúng đắn, là thiêng liêng. Đối với chúng tôi, cuộc chiến đấu là độc lập, tự do. Tất cả các giải pháp đều phải xuất phát từ điều đó và phải đưa đến vấn đề đó. Đối với chúng tôi, đó là một điều không thể nào động đến được. Tất nhiên đó là một vấn đề rất khó.

Theo quan điểm của chúng tôi, tốt nhất là những người xâm lược Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của họ. Tất cả vấn đề là ở đó. Chừng nào họ chưa tính đến việc này thì chưa thể có giải pháp cho cuộc chiến tranh được. Họ còn đánh chúng tôi, chúng tôi còn phải đánh lại họ. Có cách nào làm họ hiểu điều đó tôi nghĩ đó là việc của các ông. Những người như ông có trách nhiệm làm việc đó.

Ở đây người ta thường nói đến một điều không đúng. Người ta nói đến danh dự của nước Mỹ. Danh dự của nước Mỹ ở chỗ nào? Tôi nghĩ danh dự chính đáng của nước Mỹ là không làm chiến tranh phi nghĩa và nếu đã làm chiến tranh phi nghĩa thì thôi đừng nói đến danh dự của nước Mỹ nữa. Không có cách nào khác. Tôi nghĩ làm như vậy là đúng.

Trong lịch sử đâu có nhiều tiền lệ là nước Pháp đối với An-giê-ri. Tại sao người Mỹ không làm được như thế?. Còn phía chúng tôi, chúng tôi phải làm một cuộc chiến tranh yêu nước. Tất nhiên, chúng tôi không nghĩ đến việc làm nhục nước Mỹ vì nước Mỹ là một nước lớn. Nước Mỹ trọng danh dự của nước Mỹ. Chúng tôi cũng trọng danh dự của nước chúng tôi. Và lúc nào giới cầm quyền Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh thì chúng ta có thể tôn trọng lẫn nhau và giải quyết mọi vấn đề. Vì sao chúng tôi không tính được như vậy? Chỗ này tôi muốn biết ý kiến ông.

Vì quan điểm của chúng tôi là như vậy nên lập trường của chúng tôi là bốn điểm. Bốn điểm đó là cơ sở để giải quyết vấn đề chiến tranh. Không nên coi đó là điều kiện. Đó là chân lý, là lẽ phải. Đó là điều giản đơn chẳng qua chỉ là thừa nhận những điều khoản của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.

Các giới cầm quyền Mỹ không chịu thừa nhận bốn điểm đó, như vậy là họ chưa muốn giải quyết vấn đề Việt Nam. Và nhất là không muốn thừa nhận điểm ba là muốn bám lấy miền Nam Việt Nam, tức là họ còn muốn chui vào đường hầm. Thế là chịu, ai làm sao được? Cho nên phải đi đến giải quyết vấn đề trên cơ sở bốn điểm. Anh muốn đi đường nào cũng được, nhưng cuối cùng cũng phải đi đến bốn điểm. Dư luận thế giới thừa nhận điều này.

Bên cạnh bốn điểm, chúng tôi còn đề ra một điểm nữa, đòi Chính phủ Mỹ phải đình chỉ vĩnh viễn và vô điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc. Điều này có tính chất quan trọng. Dư luận thế giới ủng hộ điểm này chứng tỏ nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đến nay thế giới người ta đòi Mỹ phải thừa nhận điểm này. Cho đến ông U Than, tướng Đờ Gôn cũng đòi như vậy.

Vì lẽ gì? Tôi không cần nói nhiều vì hình như ông cũng thừa nhận điểm này. Nhưng các giới cầm quyền Mỹ và Lầu Năm Góc chưa bằng lòng đâu. Tất nhiên đối với họ còn khó lắm. Đối với chúng tôi thì rất rõ ràng và giản đơn,. vì những lẽ phải lớn rất giản đơn.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:12:29 am
Về giải pháp thì lập trường của chúng tôi rất rõ rệt và có bốn điểm. Đối với miền Nam có điểm thứ ba trong bốn điểm. Lát nữa tôi sẽ nói rõ, vì nó liên quan đến vấn đề thống nhất đất nước. Về giải pháp, tôi nói thêm một điều là từ trước đến nay phía Chính phủ Mỹ chưa có một thiện chí nào. Trong một cuộc chiến tranh phức tạp như thế này mà không có thiện chí nào thì không giải quyết được gì.

Chúng tôi biết rất rõ và không khi nào bị lừa đâu. Vì chúng tôi biết là giới cầm quyền Mỹ và Lầu Năm Góc trong khi nói đến hoà bình vẫn tiếp tục tăng cường chiến tranh. Còn các giới chính trị và dư luận thế giới lúc đầu có thể hiểu lầm, nhưng dần dần người ta cũng hiểu. Chúng tôi nghiệm rằng mỗi lần bọn xâm lược Mỹ muốn leo thang thì họ lại trùm lên họ cái áo hoà bình, từ bài diễn văn ở Ban-ti-mo cho đến nay, cho đến lúc này.

Tất nhiên tôi hiểu điều này hơn ông vì có nhiều cái tôi không nói với ông được. Nhưng như vậy không có kết quả gì tốt cho Mỹ đâu. Dư luận đâu đâu cũng nói Tổng thống Johnson là kẻ nói dối... Tôi đọc rất nhiều bài báo đều nói như vậy, ông ấy làm như vậy đề làm gì? Đánh lừa được ai? Cho nên, muốn thực sự có giải pháp thì trước hết phải có thiện chí.

Tất nhiên, về phía chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi biết chúng tôi phải làm gì nếu Mỹ có thiện chí. Nếu họ chấm dứt cả cuộc chiến tranh, chúng tôi biết chúng tôi phải làm gì. Nếu họ chấm dứt động chạm đến miền Bắc, chúng tôi cũng biết chúng tôi phải làm gì. Về giải pháp, chúng tôi chỉ nói bấy nhiêu, có gì ông nói thêm.

Bây giờ tôi nói về vấn đề miền Nam và vấn đề thống nhất. Chúng tôi nghĩ là về vấn đề miền Nam, về tất cả những vấn đề của miền Nam. Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng rất đầy đủ. Cương lĩnh đó thể hiện trong bốn từ: hoà bình, độc lập, dân chủ, trung lập. Đó là một cương lĩnh sáng suốt và thông minh, rất thích hợp với tình hình miền Nam hiện nay, được nhân dân miền Nam rất đồng tình và nay mai sẽ trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân dân miền Nam, không những ở nông thôn mà cả ở đô thị.

Đó là điều mà tình hình đòi hỏi. Vì lẽ Mặt trận là người lãnh đạo sáng suốt nên Mặt trận được sự ủng hộ lớn lắm trong nhân dân miền Nam. Ở đây phải nói là giới cầm quyền Mỹ rất mù quáng không chịu thừa nhận tình hình đó, ở miền Nam, họ đánh ai? Họ đánh với Mặt trận. Họ không thừa nhận Mặt trận, đó là điều không thể được.

Họ muốn giải quyết những vấn đề của miền Nam thì phải nói chuyện với ai? Tất nhiên phải thừa nhận Mặt trận và nói chuyện với Mặt trận. Nhất định tình hình sẽ diễn ra như vậy. Có thể là giới cầm quyền Mỹ sẽ đứng trước những sự đau đớn bất ngờ đối với họ nếu họ mù quáng không chịu thừa nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Ở đây có một vấn đề tôi muốn nói với ông, đó là vấn đề quan hệ giữa Mặt trận với chúng tôi. Việt Nam là một nước, một dân tộc. Nhưng có Hiệp nghị Giơ-ne-vơ có tình hình thực tế hiện nay, và ở miền Nam có Mặt trận, người lãnh đạo cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam. Chúng tôi rất yêu thương đã đành rồi, chúng tôi còn kính trọng đồng bào chúng tôi ở miền Nam và càng kính trọng vì đồng bào chúng tôi trong đó đang làm một cuộc chiến tranh cực kỳ gian khổ và cực kỳ anh dũng.

Chúng tôi kính trọng những chủ trương của Mặt trận. Tình hình miền Nam là do Mặt trận giải quyết. Vấn đề chiến tranh ở miền Nam là do Mặt trận giải quyết, cả trước mắt và trong tương lai. Đó là một chính sách rất lớn của chúng tôi. 

Vấn đề thống nhất sẽ giải quyết như thế nào? Đây là một câu hỏi của ông. Chúng tôi đã nói rất nhiều lần quan điểm của chúng tôi. Mặt trận cũng đã tuyên bố rất nhiều lần. Nhất định chúng tôi phải thống nhất. Chúng tôi đã từng nói: trên thế giới này không có lực lượng nào có thể chia cắt đất nước nhân dân chúng tôi. Vì dân tộc Việt Nam rất thống nhất. Tôi là một người quê ở miền Nam.

Nhưng thống nhất thế nào? Chúng tôi chủ trương thống nhất trên cơ sở độc lập, dân tộc, bằng phương pháp hoà bình. Điều đó có nghĩa là hai miền bàn với nhau trên tinh thần anh em để làm thế nào cho tốt nhất. Bằng phương pháp gì? Bằng những bước nào? Người ta thường hiểu nhầm điều này. Người ta nói chúng tôi sẽ lấn áp, thôn tính miền Nam. Chúng tôi không làm những điều ngu xuẩn và tội lỗi như vậy. Trái lại, chúng tôi rất tôn trọng ý kiến của đồng bào và của Mặt trận ở miền Nam. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ lẫn nhau và cùng chiến đấu chống kẻ thù chung.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:13:06 am
Chắc ông biết khi Hà Nội bị ném bom thì miền Nam đã phản ứng rất nhanh. Khẩu hiệu của miền Nam là bọn xâm lược Mỹ đụng đến Hà Nội thì nhân dân miền Nam sẽ đánh hai, ba, năm, mười lần mạnh hơn. Đây không phải là điều nói huênh hoang đâu.

Trong khi miền Nam nói "Hà Nội là trái tim của cả nước", điều đó là đúng sự thật. Cho nên thế nào chúng tôi cũng phải thống nhất, nhưng chúng tôi sẽ tính toán với nhau, xem xét tình hình, làm thế nào thuận lợi nhất, vững chắc nhất và chúng tôi không vội. Vấn đề thống nhất không có gì mới, tôi chỉ nói vắn tắt như vậy.

Cuối cùng tôi muốn nói với ông một điều. Chúng tôi là một nước độc lập. Chúng tôi có chính sách độc lập, tự chủ của chúng tôi. Chúng tôi làm chủ vận mệnh của chúng tôi, làm chủ chính sách của chúng tôi từ cái nhỏ đến cái lớn. Điều này rõ lắm. Làm một cuộc chiến tranh như thế này nếu không làm chủ thì không làm được. Không có chính sách vững vàng thì không thể làm được. Do đó phải nói là chúng tôi độc lập tự chủ trong tất cả các vấn đề ngoại giao của chúng tôi. Từ trước đến nay là như vậy. từ nay về sau cũng như vậy.

Tôi nói với ông điều này vì các giới chính trị Mỹ hay hiểu lầm điều này lắm. Và hiểu lầm điều này là đi rất sai. Tôi không muốn họ đi sai, vì giới cầm quyền Mỹ mà sai thì tình hình sẽ có những cái không tốt. Trong phạm vi nào đó, nó có quan hệ đến chúng tôi.

Về các câu hỏi của ông, có một câu hỏi nhỏ tôi cần trả lời ông, ông hỏi lúc nào chúng tôi nhận quân tình nguyện? Tôi trả lời với ông là tuỳ. Chúng tôi đã chuẩn bị và không thiếu người tình nguyện, nhưng lực lượng vũ trang tình nguyện cũng có và những người dân thường tình nguyện cũng có. Chúng tôi cần thì có thể có rất nhiều. Đây là một chỗ dựa quan trọng của chúng tôi. Và điểm này cũng chứng tỏ chính sách độc lập của chúng tôi.

Tôi nghĩ là tôi đã giải thích về cơ bản những điều tôi muốn nói với ông, bây giờ thì ông với tôi nói chuyện. Câu hỏi của tôi là tôi nói như vậy ông có điều gì không đồng ý? Vì lúc nãy tôi đã nói là tôi nói chuyện với một người Mỹ có thiện chí. Nếu hôm nay ta nói chuyện chưa xong thì mai ta lại nói.

Xôn-xbơ-ri:

- Tôi xin nêu lên một số nhận xét và ý kiến của tôi. Tôi bắt đầu từ điểm này: tôi rất mong muốn giữa Việt Nam và Mỹ có hoà bình. Cũng như nhiều người Mỹ và nhiều người khác trên thế giới, tôi rất phiền muộn vì cuộc chiến tranh đang tàn phá đất nước Ngài.

Tôi nghĩ rằng tôi hiểu rất rõ tinh thần độc lập và dũng cảm đang thúc đẩy nhân dân Việt Nam đấu tranh. Đối với một người Mỹ, việc hiểu điều đó không khó khăn gì.

Cách đây rất lâu, chúng tôi là một dân tộc thuộc địa lúc đó rất nhỏ yếu phải đương đầu với một nước thực dân rất to lớn. Chúng tôi đã phải tiến hành một cuộc chiến tranh rất gian khổ để chống lại nước đó. Chúng tôi đã chiến đấu rất dũng cảm và cuối cùng chúng tôi đã giành được độc lập. Sau chiến tranh, chúng tôi đã trở nên những người bạn rất thân với nhau, tôn trọng lẫn nhau.

Tôi và nhiều người Mỹ cũng mong rằng cuộc chiến tranh này sẽ kết thúc với tình hình như vậy. Tôi mong rằng các ngài sẽ được độc lập, có chủ quyền, khi đó chúng ta sẽ cùng tôn trọng lẫn nhau và là những người bạn của nhau.

Cuộc xung đột này có hai khả năng phát triển. Một là nó sẽ tiếp tục và lâu dài. Các ngài cũng đã chiến đấu hai mươi, ba mươi năm. Thời gian vậy là rất lâu rồi. Tôi hiểu rằng khó có thể nói được là chiến tranh sẽ kéo dài bao nhiêu lâu nữa. Có thể là mười năm, hai mươi năm nữa, và như vậy là một thời gian rất dài đối với đời sống của một con người.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:13:43 am
Lúc nãy. Ngài có hỏi tôi rằng: đây có phải là một cuộc chiến tranh dã man nhất trong lịch sử không? Thật khó có thể nói được, vì chiến tranh rất khủng khiếp. Nó đã gây cho nhân dân Việt Nam bao nhiêu đau khổ, chết chóc, tàn phá.

Tôi nghĩ là bất cứ ai đã nhìn thấy những sự việc đó đều thấy cần phải chấm dứt cuộc chiến tranh mà vẫn đạt được những mục tiêu đã theo đuổi, cần phải có giải pháp như thế nào để cho người Mỹ nói chung và người Mỹ trong Chính phủ có thể thừa nhận được. Tôi cũng muốn tìm mọi cách để góp phần chấm dứt chết chóc.

Tôi nghĩ rằng có hai mặt để giải quyết vấn đề chiến tranh. Về phía các ngài, các ngài không tin người Mỹ. Các ngài cho rằng Mỹ đang muốn lừa bịp các ngài để thắng các ngài. Nếu chúng ta muốn tìm cách nói chuyện bình tĩnh với nhau thì có thể người Mỹ sẽ cho đó là dấu hiệu yếu đuối.

Ngài nói mỗi khi Mỹ nói đến hoà bình là một lần họ chuẩn bị một bước leo thang mới. Tôi sang đây có mang theo một bài xã luận của tờ Thời báo Niu Yoóc trong đó chúng tôi cũng đã viết như vậy. Đó là vì chúng tôi căn cứ vào những điều họ đã làm. Cho nên chúng tôi không ngạc nhiên và chúng tôi nghĩ rằng các ngài không có cách suy nghĩ nào khác.

Chiến tranh ảnh hưởng đến quyền sống dân tộc của các ngài. Cho nên các ngài không thể chịu mất được. Và đúng là các ngài đang phải chiến đấu chống lại một kẻ thù to lớn mạnh mẽ. Nếu ở vào địa vị các ngài thì tôi cũng sẽ làm như vậy.

Mặt khác, tôi muốn nói đến lập trường của người Mỹ. Tôi rất khó nói, vì tôi có nhiều điều đồng ý với lập trường đó. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu lập trường của Mỹ là thế nào. Trong Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cũng có những người muốn chấm dứt xung đột nhưng họ cũng nói rằng không tin được Việt Nam, vì người Việt Nam là một kẻ địch rất nguy hiểm. Họ nói nếu họ tỏ ra muốn nói chuyện thì các ngài sẽ không ngừng đâu. Tôi hiểu được vì họ đang chiến đấu chống lại các ngài và họ biết các ngài là những chiến sĩ chiến đấu rất mạnh mẽ. Họ biết các ngài hơn ai hết.

Cho nên, khi có một người nào đó, như tôi chẳng hạn, muốn tìm cách tiến đến có những cuộc tiếp xúc thì thật khó khăn vì cả hai bên đều cho là bên kia không muốn tiếp xúc với mình. Riêng tôi thì tôi không thể nói thay được cho ai cả vì tôi chỉ là một nhà báo. Một nhà ngoại giao Mỹ không đến đây được và một nhà ngoại giao của các ngài cũng không thể đến Mỹ được.

Tôi lấy ví dụ: Nguyên tắc giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam nên như thế nào. Tôi cho lập trường của các ngài là hợp lý. Tôi cũng cho rằng nếu ở vào địa vị của các ngài thì mục tiêu của chúng tôi cũng vậy. Nhưng đối với người Mỹ rất khó nhận điều đó. Hợp lý nhưng khó khăn.

Những nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra hết tuyên bố này đến tuyên bố khác. Các ông tướng còn nói nhiều hơn. Vì các tướng còn có vấn đề bảo vệ danh dự của họ. Họ nói cho họ thêm ba tháng hoặc cho họ thêm ba trăm nghìn quân nữa thì họ sẽ giải quyết được vấn đề. Đó là cách nói của các ông tướng. Trong chiến tranh nào cũng vậy.

Cho nên vấn đề là phải làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc đó, vì nó làm cho chiến tranh kéo dài, chết chóc, tàn phá. Tôi không nghi ngờ khả năng của các ngài chiến đấu mười, hai mươi năm. Tôi không nghi ngờ các ngài được sự ủng hộ của bạn bè các ngài. Tôi cũng không nghi ngờ khả năng của Nhà Trắng có thể động viên thêm quân, sản xuất thêm máy bay và bom đạn.

Tôi không nghĩ rằng việc đó có thể làm Mỹ thắng được chiến tranh. Nhưng như vậy thì chiến tranh sẽ kéo dài thêm nhiều năm nữa. Cuối cùng thì những người chiếm đóng cũng không thể thắng được. Nhưng phải làm thế nào chấm dứt chiến tranh cho nhân dân đỡ đau khổ.
Hiện nay trên thế giới có những lực lượng muốn chấm dứt chiến tranh, cả ở Mỹ cũng vậy. Việc tôi đến thăm miền Bắc đã khuyến khích một số người muốn chấm dứt chiến tranh.

Cho nên có khả năng động viên dư luận, tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh một cách hợp lý. Bản thân tôi rất lạc quan. Ngài cũng tỏ ra rất lạc quan. Ngài phải là người lạc quan mới có thể chiến đấu cho nhân dân, cho đất nước của mmh như vây. Tôi tin Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người lạc quan, vì có như thế mới có thể cống hiến được cả cuộc đời mình cho dân tộc.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:14:23 am
Trong tình hình hiện nay, có một số yếu tố làm cho những người biết lẽ phải thấy có thể tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh. Tôi nghĩ về phía các ngài cũng như về phía Mỹ nên thăm dò để khai thác tình hình. Tôi biết đây là một vấn đề tế nhị.

Tôi đã nói chuyện với một số cán bộ Việt Nam, tôi nghĩ rằng rất tốt nếu có một cuộc nói chuyện rất lặng lẽ, kín đáo giữa hai bên, ở bất cứ một nước nào trên thế giới. Làm như vậy thì có thể có sơ sở để tin cậy nhau hơn và có thể tìm ra được biện pháp thực tế nhằm giải quyết cuộc chiến tranh.

Ngài nói phải chấm dứt ném bom trước khi nói chuyện. Đó là một điều hợp lý. Ngài nói nếu Mỹ đồng ý điều đó thì về Ngài, Ngài cũng biết sẽ phải làm gì. Tôi nghĩ không lầm nếu tôi cho rằng nếu một bên tỏ ra thiện chí thì bên kia cũng phải tỏ ra như vậy. Cả hai bên đều cùng tỏ ra thiện chí.

Không bên nào tỏ thiện chí, nếu còn nghi ngờ lẫn nhau. Điểm này về phía Mỹ khó hơn các ngài. Vì đối với các tướng: cam kết bỏ leo thang là một vấn đề rất lớn. Oét-mo-len và các tướng khác nói họ đang thắng ở miền Nam. Nhưng bức tranh họ vẽ cho Johnson khác hẳn tình hình như Ngài vừa nói với tôi.

Tôi chưa tới Sài Gòn. Nhưng tôi có nhiều người bạn làm báo hoặc làm ngoại giao ở Sài Gòn. Họ nói: gần đây các tướng ở đó rất tin tưởng và cho là tình hình có tiến bộ phần nào. Họ nghĩ rằng nếu có thêm một trăm nghìn, hai trăm nghìn, ba trăm nghìn quân nữa thì họ sẽ thắng. Họ cho rằng việc ném bom miền Bắc đã gây khó khăn rất lớn cho các ngài.

Trong đời tôi đã có nhiều kinh nghiệm về việc này. Tôi đã ở Anh trong đại chiến thứ hai, khi không quân Đức định ném bom đè bẹp nước Anh. Nhưng cái mà không quân Đức làm được là họ đã gây căm thù và động viên tinh thần của nhân dân Anh. Tôi cho rằng ở đây cũng vậy.

Tôi biết những người lãnh đạo không quân Anh, Mỹ khi ném bom Đức. Việc đó làm cho họ mất nhiều người và nhiều máy bay, đã giết được nhiều trẻ em và tàn phá từng thành phố một. Nhưng sau chiến tranh; khi tổng kết lại kết quả của việc ném bom chiến lược, người ta thấy rằng trong suốt thời gian máy bay Anh, Mỹ ném bom Đức, nền công nghiệp Đức lại mạnh hơn trước. Cho nên có lẽ việc ném bom lại giúp cho Đức đứng vững.

Vì vậy tôi không bị mắc lừa với việc người ta công bố kết quả việc ném bom miền Bắc. Tôi biết có nhiều người bị chết, nhiều thành phố bị tàn phá và gây nhiều khó khăn cho các ngài. Tôi hiểu tình hình thực tế.

Nhưng không may là những người chủ trương "ném bom thì sẽ thắng" lại là những người có thế lực. Mọi người đều thấy rằng Mỹ sẽ tiếp tục leo thang. Muốn chấm dứt chiến tranh và có giải pháp hoà bình thì phải có một cuộc đấu tranh rất mạnh ở Mỹ. Nhưng tôi tin là ở nước tôi ngày càng có nhiều người tán thành tìm giải pháp hoà bình, chấm dứt chiến tranh. Và chắc chắn là những lực lượng này sẽ ngày càng mạnh.

Có một điều quan trọng. Rất khó cho tôi cũng như cho bất cứ một người nào khác nếu muốn đưa ra một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam. Nếu chúng tôi đưa ra vấn đề chấm dứt ném bom và ngừng đưa thêm quân Mỹ và miền Nam, coi đó là những điều kiện tối thiết để đi đến đàm phán, trong khi đó về phía các ngài thì chúng tôi không thấy dấu hiệu các ngài tỏ ra sẵn sàng làm gì để hưởng ứng, đó là không công bằng, một bên muốn mà một bên không.

Tôi không chờ phía các ngài nói sẵn sàng làm những gì, nhưng tôi xin gợi ý là nếu Mỹ ngừng ném bom và đưa quân vào thì các ngài cũng đừng đưa quân vào miền Nam để giữ tình trạng tương quan như hiện nay. Hoặc là các ngài có thể làm việc gì khác tương tự như vậy. Có những việc có thể đưa đến thương lượng để chấm dứt chiến tranh mà các ngài vẫn thực hiện được mục tiêu của các ngài.

Có thể là tôi sai. Nhưng tôi là một người Mỹ rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi biết vấn đề này rất khó khăn và nguy hiểm nữa, nhưng dù sao cũng nên xem xét một cách nghiêm túc. Thời điểm hiện nay là thời điểm đặc biệt tốt để làm việc này.

Chắc ngài cũng biết rằng trong chiến tranh, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh này, có những sự tiến triển từng thời kỳ, nghĩa là nó phát triển lên rồi lại dừng lại, lại phát triển lên rồi lại dừng lại. Đây không phải là một điều bí mật: Lầu Năm Góc có những kế hoạch A, B để leo thang.

Cho nên tôi nghĩ trước khi chiến tranh tiếp sang một giai đoạn mới, ta có thể tìm ra được biện pháp để chấm dứt nó hay không? Tôi không biết những nhận xét này của tôi có đúng không, nhưng tôi xin trình bày với lòng tin của cá nhân tôi, lòng tin tưởng và tôn trọng đối với nhân dân Việt Nam và biết là nhân dân Việt Nam đã hy sinh rất lớn.

Tôi buộc phải nói như một nhà ngoại giao mà thực tế tôi chỉ là một nhà báo, nếu có gì sai thì xin Ngài lượng thứ!


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:15:15 am
Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Về những điểm ông vừa gợi ý, có một điểm về cơ bản chúng tôi không tán thành. Về điểm này chúng tôi đã chính thức nói rõ quan điểm của mình. Hôm nay cũng muốn nói thêm với ông, ông gợi ý đối với một việc phía Mỹ sẽ làm đối với miền Bắc, chúng tôi phải có một hành động gì đáp lại. Quan điểm của chúng tôi là đặt vấn đề như vậy không được.

Chính phủ Mỹ làm chiến tranh xâm lược bằng không quân đối với miền Bắc, trái với tất cả các luật pháp. Đây là một hành động chiến tranh cực kỳ nghiêm trọng của hành động này, ông có thể nào tưởng tượng được rằng nước ông có thể bị một nước khác dùng không quân đánh không? Và trong trường hợp đó thì thái độ của những người Mỹ như thế nào? Thế rồi nước tiến công nước Mỹ của các ông đòi ngừng ném bom và đòi người ta phải có gì trả lại, ông có thể trả lời tôi câu ấy được không?

Xôn-xbơ-ri:

- Tôi có thể trả lời được. Tôi không nghĩ rằng các ngài phải trả gì cả nếu chúng tôi chấm dứt tấn công. Tôi không nghĩ rằng gợi ý của tôi bao hàm ý các ngài phải làm gì cho Mỹ mà chỉ là để tạo điều kiện dễ dàng cho cả hai bên.

Tôi nghĩ rằng cách ném bom không thể bắt người ta đầu hàng được. Nếu nước chúng tôi bị ném bom thì nhân dân chúng tôi cũng sẽ làm như các ngài thôi. Nhưng nếu có cái gì ngài xem có thể làm được thì đó là ý của ngài. Đó là một hành động độ lượng về phía các ngài đối với vấn đề này như thế nào.

Tôi cho là phải có một biện pháp nào đó để tạo điều kiện thuận lợi, dù chỉ là một biện pháp nhỏ để có thể đi đến những biện pháp khác. Tôi biết các ngài có những lực lượng chính trị rất to lớn. Các ngài có thứ vũ khí rất mạnh chưa dùng đến, hành động của ngài sẽ là một hành động rất mạnh. Cho nên trên tinh thần đó tôi muốn đề nghị các ngài có một việc làm gì đó để tạo ra hoà bình.

Trả lời gợi ý về việc Việt Nam nên có một hành động độ lượng. Thủ tướng nói:

- Về ý kiến của ông nói rằng chúng tôi cần có một hành động độ lượng, nếu xuất phát từ ý tốt thì điều đó đòi hỏi chúng tôi phải suy nghĩ. Đó là một đòi hỏi quá lớn đối với chúng tôi. Thực ra, đó là một đòi hỏi mỉa mai. Đối với ông thì chúng ta có thể nói chuyện được. Nhưng đối với người khác thì tôi không dung thứ, tôi nói thật vậy. Dầu sao thì đây là những vấn đề đáng suy nghĩ.

Thủ tướng nhắc lại rằng Mỹ phải chấm dứt vô điều kiện và vĩnh viễn mọi hành động tấn công miền Bắc, phía Việt Nam sẽ có hành động thích đáng.

Ông Xôn-xbơ-ri cho rằng người của hai bên ngồi lại với nhau để trao đổi vấn đề thì vẫn có ích. Đã đến lúc chín muồi và hy vọng thời kỳ hoà bình bắt đầu lóe ra trên đất nước Việt Nam.

Lúc chia tay Xôn-xbơ-ri nói:

- Tôi rất cảm ơn Thủ tướng đã cho tôi có dịp được nói chuyện với Ngài. Trong cuộc nói chuyện này, tôi đã đi quá công việc của người làm báo. Đáng lẽ người làm báo phải nghe nhiều hơn nói, nhưng tôi đã nói nhiều.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi cũng không nghĩ nói chuyện với một nhà báo. Nếu nói chuyện với một nhà báo thì tôi không nói như vậy. Những điều tôi vừa nói với ông nếu là nhà báo thì chắc ông không đăng được. Đó là câu chuyện giữa hai người với nhau, không phải là với nhà báo. Như vậy thì tốt hơn. Nếu cần nói với nhà báo thì tôi sẽ nói khác. Và sẽ không có gì đáng nói cả.

Các bài viết và nhất là cuộc nói chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các bức ảnh về sự tàn phá của bom đạn Mỹ ở Hà Nội mà ông Xôn-xbơ-ri gửi về nước đã gây tiếng vang lớn ở Mỹ và trên thế giới.

Từ ngày 28 tháng 12, Bộ biên tập Thời báo Niu Yoóc đã điện nhắc Xôn-xbơ-ri cần thận trọng trong việc đưa tin và bài. Phải chăng đó là sức ép của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc?



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:16:29 am
CHƯƠNG MƯỜI LĂM
TÔI MỜI TỔNG THỐNG JOHNSON ĐẾN ĐÂY UỐNG TRÀ

(Trong chương này, những lời Hồ Chủ tịch nói được viết theo bản ghi tốc ký của Nguyễn Tư Huyên, Trưởng phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao.)


Ngày 7 tháng 1 năm 1967, hai người Mỹ ông H.S.A-xmô-rơ và W.C.Bách đến Hà Nội. ông H.S.A-xmô-rơ là giáo sư, chủ bút tờ A-can-sát nhật báo, Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu các thể chế dân chủ (CSD); Ông W.C.Bách là nhà báo, chủ bút tờ Tin Mai-a-mi một thành viên của CSD. Cùng đi với hai ông còn có một người không phải của CSD: ông Đô Lu-ít Quyn-ta-ni-la người Mê-hi-cô, giáo sư, nhà văn, nhà báo và đã từng là đại sứ tại Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn.

Từ khi Johnson bắt đầu đưa quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam và ném bom Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, các nhà lãnh đạo của CSD đã lo ngại rằng việc tăng cường chiến tranh như thế sẽ phá vỡ quan hệ hoà hoãn Đông - Tây mong manh mới được thiết lập.
Vì lẽ đó, với sự khuyến khích của nhiều nhà hoạt động chính trị ở một số nước và ở Liên hợp quốc, họ mong muốn tổ chức một hội nghị đặt tên là "Hoà bình trên trái đất”, mời các bên tham chiến đến dự để gặp nhau, tìm cách lập lại hoà bình.

Qua một số bạn người Pháp, họ gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị có tiếp xúc giữa Hà Nội và Trung tâm. Tháng 8 năm đó, họ nhận được trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng việc tiếp xúc vào lúc này chưa thuận lợi. Tuy vậy, con đường liên lạc với Hà Nội của Trung tâm đã mở.

Tháng 10 năm 1966, ông Đô Lu-ít Quyn-ta-ni-la khi đó đang dạy tại Trường Đại học Mê-hi-cô, sang thăm Hà Nội, ông đã dừng chân tại Bắc Kinh khi đó đang sôi sục trong cuộc Đại cách mạng văn hoá vô sản, có lẽ để có một cái nhìn chung về cuộc cách mạng đó đồng thời để sau này xem tác động của nó đối với Hà Nội và cũng để xem Hà Nội phụ thuộc Bắc Kinh đến đâu.

Ông được đi thăm một số nơi, gặp một số nhân vật và được cả Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp, ông thông báo là cuộc hội nghị "Hoà bình trên trái đất" sẽ được tổ chức vào tháng 5 năm 1967 và chuyển lời của Trung tâm (CSD) mời Việt Nam cử đại biểu tới dự. Hà Nội trả lời thuận lợi và sẵn sàng tiếp các đại diện của Trung tâm CSD để trao đổi thêm. Do đó ông Quyn-ta-ni-la đã giới thiệu hai ông A-xmô-rơ và Bách.
Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý để hai ông này sang Hà Nội, nhưng yêu cầu hai ông tìm hiểu thái độ của Hà Nội về một số vấn đề mà họ quan tâm, kể cả vấn đề những phi công Mỹ bị bắt ở miền Bắc Việt Nam.

Người ta được biết trước khi A-xmô-rơ và Bách lên đường họ đã có ít nhất hai cuộc thảo luận trong tháng 11 và 12 với Bộ Ngoại giao Mỹ về lập trường của Mỹ. Các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ còn yêu cầu họ giữ bí mật, và cũng là để giữ bí mật, họ chỉ được thị thực đi Hà Nội khi đến Hồng Kông.

Nhưng do một sự ngẫu nhiên, bí mật của chuyến đi ngay từ đầu đã không giữ được: Trợ lý Tổng biên tập Thời báo Niu Yoóc trên đường từ Hà Nội trở về đã nhìn thấy tên hai người trong vận đơn của chiếc máy bay của Uỷ ban Quốc tế phụ trách liên lạc giữa Sái Gòn - Hà Nội.

Trong thời gian ở Hà Nội, A-xmô-rơ, Bách và Quyn-ta-ni-la đã có những cuộc gặp gỡ với Hội nhà báo Việt Nam, Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài, Uỷ ban điều tra tội ác của đế quốc Mỹ. Họ đã đi thăm một số nơi bị máy bay Mỹ ném bom trong tháng 12, đặc biệt là Trường trung học Việt Nam - Ba Lan hoàn toàn bị san bằng, nhìn thấy tận mắt những hố to do bom một nghìn bảng Anh đào quanh trường, mặc dầu trường này cách xa các cơ sở công nghiệp hay quân sự. Tại thành phố Nam Định bị tàn phá lặng nề, thường dân đi sơ tán cả, nhưng nhà máy dệt vẫn hoạt động. Trên đường đi, họ qua thị xã Phủ Lý hoàn toàn bị san phẳng.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:17:12 am
Họ cũng gặp em Thái Bình Dân, 13 tuổi. bị bom na-pan ở một làng thuộc tỉnh Long An miền Nam Việt Nam, khắp người chằng chịt những vết sẹo, và đã nghe em kể lại cuộc ném bom đã đốt cháy rụi nhà em và các nhà trong xóm. Họ lặng đi. Em Dân đề nghị họ về Mỹ tố cáo tội ác do máy bay Mỹ gây ra. Họ gật đầu và khi chia tay chúc em khoẻ mạnh, may mắn.

Họ đã nghe đại tá Hà Văn Lâu nói về tình hình chiến sự ở cả hai miền, đã có nhiều giờ trao đổi với đồng chí Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam về nguồn gốc và triển vọng phát triển của cuộc chiến tranh Việt Nam, về lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và của Mỹ.

Nhưng điều gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với họ là cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sâu sắc đến mức mà trong cuốn Công cán tại Hà Nội kể lại chuyến đi này, họ đã dành cả một chương về Người với những lời trân trọng nhất.

Cuộc gặp gỡ diễn ra vào hồi mười bảy giờ ngày 12 tháng 1 năm 1967 tại Phủ chủ tịch. Về phía Việt Nam, có ông Hoàng Tùng, ông Nguyễn Đình Phương giúp việc phiên dịch cho Chủ tịch, ngoài ra còn có ông Tố Hữu đến làm việc với Chủ tịch và được lưu lại cùng nghe.

Mở đầu câu chuyện, Hồ Chủ tịch nói với ông Quyn-ta-ni-la bằng tiếng Pháp tỏ vẻ vui mừng gặp lại ông. Quay sang hai ông khách Mỹ, Người dùng tiếng Anh, tỏ ý tiếc là vì có nhiều người không biết tiếng Anh nên phải nhờ phiên dịch.

Ông A-xmô-rơ hỏi thăm sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta nhớ là năm đó Người đã bảy mươi bảy tuổi. Như hai ông A-xmô-rơ và Bách đã viết sau này. Người "nhìn khách một cách hóm hỉnh như chỉ ra rằng Người biết câu hỏi đó là điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như nhiều trung tâm quyền lực trên thế giới rất quan tâm".

Người đáp:

- Tôi vẫn khoẻ mạnh. Tôi chỉ có một thói xấu là hút thuốc lá, hút liên tục.

Người đưa điếu thuốc lá lên và nói tiếp:

- Bây giờ tôi đã quá già để tiếp tục hút nữa, vì nó làm hại sức khoẻ của tôi. Và với giọng tâm sự tự nhiên;

Người nói:

- Tôi chưa có thời gian nào để lấy vợ và lập gia đình. Tôi nói với nhân dân Việt Nam rằng họ là con cháu tôi, vì vậy tôi sống rất bình yên và giản dị. Tôi ngủ rất ngon, ngay cả khi có việc ném bom của các ông.

Bất thình lình, Người chuyển sang nói bằng tiếng Anh:

- Thôi hãy bỏ thủ tục đi. Các bạn hãy xem như ở nhà mình. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau một cách chân tình và bí mật được chứ?

Bách nói trịnh trọng:

- Thưa Chủ tịch, chúng tôi rất sung sướng được đến thăm đất nước Ngài và rất vinh dự được Ngài tiếp. Chúng tôi xin bảo đảm với Ngài rằng chung tôi sẽ hết sức giữ bí mật. Chúng tôi sẽ báo cáo một cách đầy đủ cho các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ là những người mà chúng tôi đã nói chuyện trước đây.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:17:54 am
A-xmô-rơ nói thêm:

- Chúng tôi không có quy chế chính thức. không có thẩm quyền thương lượng hoặc hành động như nhân viên của Chính phủ chúng tôi. Nhưng chúng tôi nghĩ là mình có thể báo cáo một cách đầy đú quan điểm đang chiếm ưu thế ở Oa-sinh-tơn và chuyển đến họ một cách chính xác ý kiến của Ngài khi chúng tôi về

Bách:

- Thưa Chủ tịch, trong số các nhân vật cấp cao của chính giới Mỹ có nhiều người đã thấy cuộc chiến tranh này là xấu xa tàn bạo. Chiến tranh còn tiếp diễn thì còn nhiều thanh niên, sinh viên bị giết cho nên cần chấm dứt ném bom, chấm dứt chiến tranh.

Không thể chấm dứt bất kỳ cuộc chiến tranh nào nếu đại diện bên tham chiến không ngồi lại nói chuyện với nhau về cách làm cho chiến tranh chấm dứt.

A-xmô-rơ:

- Thưa Chủ tịch, chúng tôi nghĩ rằng nếu đại diện Mỹ và đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gặp nhau không chính thức để thăm dò khả năng tiến tới một cuộc họp chính thức thì điều đó có thể có ích. Mục đích cuộc gặp gỡ là bàn về vấn đề rút quân và ngưng bắn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Muốn chấm dứt chiến tranh phải đặt ra một câu hỏi: Ai gây ra chiến tranh? Ai là nạn nhân? Người nào gây ra chiến tranh, gây ra thảm hoạ, người đó phải chấm dứt trước.

Máy bay Mỹ đang giết hại nhân dân miền Bắc; quân đội Mỹ đang tàn sát đồng bào chúng tôi ở miền Nam, trong điều kiện như vậy, làm sao mà có cuộc nói chuyện được?

A-xmô-rơ:

- Chúng tôi hoàn toàn thông cảm rằng do những hành động của Mỹ, Việt Nam có sự nghi ngờ là Mỹ không thành thực. Muốn có nói chuyện chúng tôi nghĩ trước hết Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc, sau đó hai bên sẽ thoả thuận về ngừng bắn ở miền Nam. Chúng tôi hy vọng rằng việc Mỹ ngừng ném bom sẽ là bước mở đầu nhằm tiến tới việc Mỹ rút quân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Chúng tôi đang sống yên lành. Mỹ đến ném bom rồi lại nói: nếu muốn Mỹ ngừng ném bom thì Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải trả giá nào đó. Như thế có khác gì một tên cướp ở Si-ca-gô xông vào nhà đánh và doạ giết chủ nhà rồi lại bảo nếu muốn để nó ra thì chủ nhà phải trả giá.

Hiện nay Oa-sinh-tơn nói hòa bình nhưng đồng thời lại đưa thêm quân vào miền Nam và tăng cường ném bom miền Bắc. Từ trước đến nay, mỗi bước leo thang chiến tranh của ông Johnson bao giờ cũng kèm theo điều kiện hoà bình giả.

Đến đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại lời Tổng thống F.Ru-dơ-ven nhiều lần tuyên bố rằng ông không có ý định để các nước Đông Dương trở lại dưới ách thực dân, nhưng sau đó lại ủng hộ quyết định của các đồng minh để quân Tưởng Giới Thạch và quân Anh vào chiếm đóng Việt Nam, mở đường cho pháp trở lại.

Người cũng nhắc lại lời tuyên bố của đại diện chính quyền Ai-xen-hao cam kết trong việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, nhưng sau đó là một loạt hành động của Mỹ ủng hộ Ngô Đình Diệm, cản trở thống nhất nước Việt Nam và nay đưa quân xâm lược Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:18:35 am
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếp:

- Chúng tôi đã học được bài học. Lịch sử nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã dạy chúng tôi phải là người yêu nước. Nhân dân chúng tôi là người có lý trí biết suy nghĩ, yêu hoà bình. Chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến tranh này nhưng nền độc lập, tự do của Việt Nam không bao giờ lại bị đưa ra thương lượng một lần nữa.

Tình hình hiện nay là:

Một: Mỹ vẫn ném bom miền Bắc.

Hai: Quân đội Mỹ đang càn quét ở miền Nam.

Chúng ta đều biết Mỹ đã đưa vào miền Nam gầu bốn trăm nghìn quân. Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh và đưa họ ra, sau đó mới xét được. Việc Chính phủ Mỹ phải làm là chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc, sau đó có nói chuyện gì mới nói được. Nếu điều kiện đó được đáp ứng thì sẽ không còn trở ngại nào cho cuộc thương lượng có thể đi tới hoà bình.

Chính phủ các ông phải hiểu điều đó. Chúng tôi không đánh nước Mỹ. Chúng tôi không phạm phải một hành động đối địch nào vào lãnh thổ của các ông. Chúng tôi đang ủng hộ cuộc chiến tranh giải phóng của đồng bào chúng tôi ở miền Nam, đó là vấn đề của người Việt Nam với nhau, không phải là tấn công vào nước Mỹ.

Còn máy bay chiến đấu của các ông đang hàng ngày đánh phá đất nước chúng tôi, tàu chiến của các ông xâm phạm vùng biển của chúng tôi, pháo binh của các ông đang pháo kích chúng tôi qua khu phi quân sự, không một quốc gia nào quý trọng độc lập của mình lại tha thứ cho những hành động đó.

Trong khi những hành động chiến tranh đó còn tiếp diễn thì các ông đùng mong đợi chúng tôi đến bàn thương lượng. Làm như vậy không phải là thương lượng một giải pháp mà đó là đi xin hoà bình, là đầu hàng. Đó là điều chúng tôi không bao giờ làm.

Khi nào chấm dứt ném bom, cuộc nói chuyện sẽ bắt đầu. Nếu Mỹ muốn nói chuyện với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chính phủ các ông biết phải làm gì: chấm dứt ném bom.

Mỹ làm rùm beng về việc Bắc Việt Nam tiếp tục đưa người và hàng tiếp tế vào Nam cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cho rằng điều đó sẽ làm cho thế và lực của quân thù của họ được tăng cường và đe doạ các lực lượng Mỹ. Chính người Mỹ cũng làm như vậy. Họ vẫn đưa người và vũ khí vào miền Nam trong lúc đó ngừng ném bom. Nếu Mỹ muốn nói chuyện về việc giảm dần lực lượng ở miều Nam thì Mỹ phải chấm dứt việc đưa quân vào miền Nam trước đã và nếu điều đó được thực hiện thì có nhiều việc để nói chuyện với nhau.

Trả lời câu hỏi về việc rút quân Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

- Tôi ghi nhận rằng Tổng thống Johnson đã cam kết rằng Mỹ không có tham vọng để lại lực lượng quân sự ở miền Nam Việt Nam. Thực tình mà nói, tôi thấy điều dó khó tin khi người ta thấy việc xây dựng rất quy mô các căn cứ Mỹ ở miền Nam, và qua kinh nghiệm của chúng tôi, điều kiện về tuyển cử tự do là một cách thường dùng trước đây để kéo dài sự can thiệp.

Tuy vậy, về phía chúng tôi, chúng tôi cũng thấy không thể chấm dứt cuộc chiến và đưa một lực lượng quân sự đồ sộ như vậy ra khỏi miền Nam một sớm một chiều.

Chúng tôi cho rằng phải có thời gian cho Mỹ rút sau khi có ngừng bắn.

Bách hỏi:

- Như vậy Chủ tịch sẵn sàng xem xét việc rút quân từng giai đoạn như Tổng thống Johnson đã gợi ý?


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:19:21 am
Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Các ông có thể gọi nó là như vậy, từ ngữ không quan trọng. Quan trọng là việc làm thật sự. Nhân dân Việt Nam phải được bảo đảm quyền giải quyết các công việc nội bộ của mình, không có sự can thiệp của nước ngoài.

A-xmô-rơ:

- Thưa Chủ tịch, xin Chủ tịch tin rằng chúng tôi rất kín đáo trong mọi việc liên hệ với Bộ Ngoại giao Mỹ. Chủ tịch có cho phép chúng tôi sau khi trở về sẽ thông báo không chính thức cho các bạn của chúng tôi ở Bộ Ngoại giao Mỹ biết rằng: Nếu Mỹ ngừng ném bom miền Bắc và ngừng đưa thêm quân vào miền Nam thì có thể yêu cầu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tham dự cuộc họp không chính thức với phía Mỹ không? Có thứ bệnh địa phương gần như hoang tưởng nghi ngờ thái độ của Việt Nam. Chúng tôi muốn có một tuyên bố dứt khoát và rõ ràng của Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Tôi không muốn bảo đảm điều gì trong điều kiện hiện nay. Tôi là một người đa nghi và tôi có lý do để ngờ vực. Người Mỹ các ông ít nhiều đều là nhà kinh doanh. Tôi cũng là nhà kinh doanh. Đối với người kinh doanh chưa thấy mặt hàng thì chưa thể định giá được. Khi việc ném bom chấm dứt, cuộc nói chuyện bắt đầu. Ta sẽ xem mặt hàng.

Trong cuộc nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói nhiều đến lập trường bốn điểm. Nhưng các vị khách cũng tự hiểu rằng bốn điểm không phải là điều kiệu cho việc bắt đầu nói chuện, đó là những vấn đề sẽ thảo luận tại bàn hội nghị.

Về câu hỏi có phải phía Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh đòi hỏi có đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tham gia vào cuộc nói chuyện giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

- Không có điều kiện nào khác cho cuộc nói chuyện giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ khi Mỹ chấm dứt ném bom. Tôi hiểu Mỹ có vấn đề thể diện, do những cam kết với chính quyền Sài Gòn và các đồng minh khác, nhưng phía chúng tôi cũng có những vấn đề tương tự.

Nước Việt Nam là một, Việt Nam sau này phải được thống nhất lại dưới sự lãnh đạo của một chính phủ duy nhất, một chính phủ tập hợp những người đại diện của hai miền.

Nhưng trong một thời gian, miền Nam không có lý do gì lại không thể có một chính phủ riêng, một chính phủ mang tính đại diện rộng rãi không phải như chế độ Sài Gòn hiện nay. Chính phủ đó sẽ không có khó khăn gì trong việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và tôi tin rằng vào một thời gian thích hợp nào đó, hai chế độ ở hai miền sẽ xây dựng nên một khối thống nhất đoàn kết thật sự bền vững.

- Thế Chủ tịch quan niệm "thời gian thích hợp" là thế nào?

- Có thể là mười năm hay lâu hơn nữa. Điều đó không quan trọng. Chừng nào nhân dân Việt Nam được tự do quyết định số phận của mình thì họ sẽ xem xét việc đó. Tôi không thể sống tới ngày đó, nhưng tôi không nghi ngờ việc thống nhất đó sẽ đến. Lịch sử dân tộc chúng tôi đòi hỏi như vậy.

Phần trao đổi chính trị đã đến lúc kết thúc.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:20:14 am
A-xmô-rơ:

- Chúng tôi rất cảm động về sự tiếp đón thân mật của Chủ tịch và tất cả đồng bào của Chủ tịch đã dành cho những người Mỹ chúng tôi, kể cả những người hiện nay là nạn nhân của việc ném bom của Mỹ.

Khách tỏ vẻ muốn đứng dậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh giơ hai tay giữ lại và nói:

- Tôi kính trọng nhân dân Mỹ. Nhân dân Mỹ là những người thông minh, là những người yêu hoà bình và dân chủ. Lính Mỹ hiện nay đang bị đày sang đây để đi giết người và để giết người. Nhưng nếu họ đến đây giúp đỡ chúng tôi như những nhà kỹ thuật thì chúng tôi rất hoan nghênh họ như những người anh em. Còn bây giờ họ đến đây để giết người và để bị bắn chết. Đ là sự sỉ nhục.

Đối với các ông, các ông khó mà tin được rằng tôi lấy làm đau lòng không những khi nhân dân Việt Nam bị giết hại mà tôi cũng rất buồn phiền khi lính Mỹ bị giết. Tôi thông cảm nỗi đau buồn của cha mẹ họ. Vì vậy chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng họ phải sẵn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ không phải khi họ đến như hiện nay với những người lính mang vũ khí - nhưng khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng lại đất nước chúng ta.

Nếu điều đó tỏ ra xa lạ với các ông thì các ông hãy nhìn lại mối quan hệ giữa chúng tôi với Pháp. Khi chiến tranh chấm dứt ở Điện Biên Phủ, mối quan hệ chặt chẽ và thân thiết đã phát triển giữa Paris và Hà Nội. Người Pháp hiện nay là người bạn nhiệt tình của chúng tôi và chúng tôi cũng tự hào có hương vị Pháp trong nền văn hoá hiện tại của chúng tôi.

Các ông hãy tin tôi khi tôi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hoà bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập.

A-xmô-rơ:

- Thưa Chủ tịch, chúng tôi vui mừng chuyển tình cảm đó đến các quan chức chính thức của Oa-sinh-tơn và sẽ thông báo lại phản ứng của họ cho Chủ tịch biết. Chúng tôi xin hỏi có thể chuyển qua ông Hoàng Tùng được không? 

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Ông Hoàng Tùng sẽ rất sung sướng được nghe bất cứ điều gì mà các ông nói, nhưng nếu các ông có một thông điệp cho tôi sao không gửi thẳng cho tôi? Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có đại diện ở Pháp, ở An-giê-ri, ở các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nơi khác trên thế giới. Nếu Chính phủ Mỹ muốn có bất cứ cuộc tiếp xúc chính thức nào thì cơ quan ngoại giao của chúng tôi ở nước ngoài đều có thể thu xếp được.

Tôi xin thêm một điều, chúng tôi rất muốn hoà bình nhưng nếu Chính phủ Mỹ không muốn hoà bình và cứ tiếp tục chiến tranh thì chúng tôi kiên quyết chiến đấu đến cùng để giành độc lập, tự do chứ quyết không chịu ách nô lệ của đế quốc Mỹ. Một nước đi gây chiến tranh xâm lược một nước khác là xấu, Mỹ là một nước lớn, Mỹ đi xâm lược một nước nhỏ như Việt Nam cho nên việc đó càng xấu.

Cuối cùng xin nhờ các ông chuyển đến nhân dân Mỹ lời chào của những người bạn Việt Nam (Xem thêm H.S.A-.xmô-rơ và W.C.Bách: Công cán tại Hà Nội, Nhà xuấ bản Pút-man-xơn, Niu Yoóc, 1986, tr: 45-52.).

Theo như hai ông đã kể lại trong cuốn Công cán tại Hà Nội, sau khi trở về Mỹ, A-xmô-rơ và Bách đã dành hai ngày báo cáo chuyến công cán ở Hà Nội cho Ni-cô-la Cát-den-bách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Uy-li-am Bân-di trợ lý Bộ trưởng về vấn đề Viễn Đông và Thái Bình Dương, A-vơ-ren Ha-ri-man và một số quan chức khác.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:21:58 am
Họ còn gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Macnamara để trình bày nhận xét của mình về các cuộc ném bom của Mỹ ở Bắc Việt Nam. Họ cho là không có kết quả (Cả hai ông trong chiến tranh thế giới thứ hai đều là phi công, riêng H.S.A-xmô-rơ đã là trung tá trong không quân Mỹ). Họ cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đáp ứng tất cả các điều kiện mà Mỹ đã từng tuyên bố công khai và như vậy con đường đã mở rộng để thăm dò thêm qua hai ông hay qua con đường ngoại giao.

Những nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh gây ấn tượng và các yếu tố trong đề nghị rất đơn giản: Chúng ta ngừng ném bom và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đi vào nói chuyện. Hai ông không nhận lời ra điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng nghị viện Mỹ, nhưng đã thông báo chuyến đi và kết quả cho Chủ tịch Uỷ ban này là Phun-brai và qua Phun-brai, Tổng thống Johnson cũng đã biết chuyến đi Hà Nội của họ.

Hơn hai tuần sau khi báo cáo với Bộ Ngoại giao Mỹ, A-xmô-rơ và Bách lại được mời tới Bộ Ngoại giao. Hôm đó có thượng nghị sĩ Phun-brai dự. Các quan chức ngoại giao bàn về một bức thư của hai ông gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Cát-den-bách duyệt lần cuối cùng lá thư đó và trao cho A-xmô-rơ ký tên và gửi đi. Ngày 7 tháng 2 năm 1967, Sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Phnôm Pênh nhận được bức thư đó. Trong thư có đoạn viết:

“Họ (Bộ Ngoại giao Mỹ - Tác giả) đặc biệt chú ý đến gợi ý của Ngài với chúng tôi là có thể bắt đầu nói chuyện riêng miễn là Mỹ ngừng ném bom nước Ngài và chấm dứt việc đưa thêm quân vào miền Nam. Họ bày tỏ ý kiến cần một sự qua lại hạn chế nào đó để chứng tỏ không bên nào có ý định lợi dụng cơ hội để giành lợi thế về quân sự".

Bức thư cũng nói đến việc lấy Hiệp nghị Giơ- ne-vơ năm 1954 làm cái khung cho một giải pháp và cuộc thảo luận sẽ đề cập đến tất cả các vấn đề cho một giải pháp.

Bức thư vẫn dựa trên yêu cầu "có đi có lại" của Nhà Trắng, nhưng ít nhất cũng là một bức thư ký tên ông A-xmô-rơ và được Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt từng câu từng chữ, một lập trường còn lấy Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 195 làm khung cho một giải pháp chính trị về Việt Nam.

Ông A-xmô-rơ thật sự tin rằng Chính phủ Mỹ muốn hoà bình và tỏ ý muốn trở lại Hà Nội một lần nữa. Nhưng ngày 8 tháng 2 năm 1967, Tổng thống Johnson gửi bức thư đầu tiên cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với lập trường cứng rắn hơn tất cả các lời tuyên bố trước như: Mỹ chỉ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam khi Hà Nội bảo đảm trước sẽ chấm dứt đưa quân vào miền Nam Việt Nam hoặc không hề nói đến việc lấy Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 làm cơ sở thương lượng.

Rất kiên nhẫn, ông Bách đợi đến ngày 18 tháng 9 năm đó mới viết bài đăng trên tờ Tin Mai-a-mi, giới thiệu một cách chi tiết cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông nhấn mạnh "thái độ hoà giải" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phê phán thái độ cứng rắn, không muốn thương lượng của Johnson. Ông đặc biệt công phẫn về thái độ của nhà cầm quyền Mỹ, ông viết: 

"Tại sao Johnson lại chọn thời điểm đó (lúc hai ông vừa gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh) để gửi cho Hà Nòi bức thư nói trên. Nếu coi thư của A-xmô-rơ là không quan trọng, tại sao Bộ Ngoại giao (Mỹ) lại cho gửi đi? ... Không thể hiểu cái lô-gích một thư của Bộ Ngoại giao, một thư của Nhà Trắng mà nội dung hai thư lại mâu thuẫn nhau...".



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:22:11 am
Ông Bách kết luận, hơi nhẹ nhàng so với những câu chất vấn của ông: Johnson vừa xoa dịu phái bồ câu vùa nhân nhượng phái diều hâu...

Nhưng A-xmô-rơ thẳng thừng hơn trong bài Quan hệ công khai về hoà bình đăng trên tạp chí của Trung tâm nghiên cứu các thể chế dân chủ ở Mỹ. Ông tố cáo Johnson là dùng thủ đoạn hai mặt thô lỗ và "trò chơi trí trá".

Cùng ngày 18 tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ phải ra tuyên bố xác nhận có bức thư ngày 5 tháng 2 năm 1967 của A-xmô-lơ gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng lại cố thanh minh rằng từ tháng 1, Mỹ đã thiết lập được quan hệ trực tiếp với Hà Nội qua Mát-xcơ-va mà A-xmô-rơ và Bách không biết. Bảu tuyên bố đó đã lờ đi hoặc không giải đáp câu hỏi: Tại sao Bộ Ngoại giao đầu tháng 2 đã thông qua thư của A-xmô-rơ gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh lời lẽ mềm mỏng còn thư Tổng thống Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trong thời điểm đó lại cứng rắn và bác bỏ thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Và thiện chí đó, ngay thượng nghị sĩ Phun-brai cũng đã thấy, ông cảm thấy Mỹ có thể nói chuyện hoà bình với Bắc Việt Nam nếu Mỹ xét tới bất kỳ cái gì, trừ việc đầu hàng của Bắc Việt Nam. Thái độ của Bắc Việt Nam có thể dẫn tới đàm phán (Tin AP, UPI, Oa-sinh-tơn, ngày 18 tháng 9 năm 1967.)

Sự thật là Johnson tỏ vẻ muốn thương lượng hoà bình là nhằm che đậy ý định tìm một thắng lợi trên chiến trường để chuẩn bị năm bầu cử Tổng thống.

*
*   *

Năm ngày sau khi tiếp hai ông A-xmô-rơ và Bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn "Những người tình nguyên vì hoà bình”. Đoàn gồm ba vị:

- Cụ A.J.Ma-xti, tám mươi tuổi, mục sư Đạo Tin Lành, người Mỹ,

- Ông A-bra-han Phê-in-bớc, sáu mươi bảy tuổi, mục sư Đạo Do Thái, người Mỹ sống ở Ca-na-đa.

- Ông En-brô-dơ Ri-vơ, sáu mươi bảy tuổi, linh mục nhà thờ Anh giáo, người Anh.

Trong thời gian ở Hà Nội, ba vị đã thăm khu đông dân Phúc Xá và một số phố khác của Hà Nội bị ném bom nặng trong những ngày tháng 12 năm 1966, thăm Bệnh viện Xanh Pôn và gặp một số phi công Mỹ bị bắt.

Ba vị đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, có cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng dự. Cuộc nói chuyện thật là thân mật, thoải mái. Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn ba vị từ ngàn dặm xa xôi bỏ công đến thăm đất nước Việt Nam đang bị xâm lược và chịu những hy sinh to lớn.

Người nói: đối với nhân dân Việt Nam không có gì quý hơn độc lập, tự do. Thật vất vả cho những người ở tuổi các cụ khi tiến hành một chuyến đi như vậy. Người cũng nói Người đã bảy mươi bảy tuổi rồi. Người nhắc lại rằng Người đã ở Anh, từng làm đầu bếp trong một khách sạn, đã đến khu da đen Ha-lem ở Niu Yoóc, nhưng chưa được đến Ca-na-đa, và đã là lính thuỷ nên đã qua nhiều cảng. Người mời các cụ dùng nước chè, uống cả rượu nho.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:22:19 am
Các vị khách kể lại đã đi thăm nhiều nơi của Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

"Tổng thống Johnson đã nói rằng ông ta sẽ gặp bất cứ ai, ở đâu và bất cứ lúc nào để nói chuyện hoà bình. Tôi xin mời ông Johnson đến Hà Nội như là khách của chúng tôi, ông hãy đến với vợ và con gái, người thư ký, người bác sĩ và người đầu bếp của mình. Nhưng đừng mang theo tướng lĩnh và đô đốc! Tôi xin bảo đảm rằng Tổng thống sẽ an toàn tuyệt đối" (Xem thêm: Nhật ký đi Hà Nội của mục sư Phê-in-bớc, A-long-nom-búc, Ca-na-đa, 1968, tr. 205.)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chụp ảnh chung với ba vị khách. Người đã tặng mỗi vị một cái ba-toong. Riêng đối với mục sư Phê-in-bớc là người kém mắt, Người đã tặng chiếc ba-toong sơn từng đoạn đen, trắng, một kỷ niệm của Người sau chuyến đi thăm nước Cộng hoà In-đô-nê-xi-a.

Thời bấy giờ, các công dân Mỹ không được sang thăm Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trừ những trường hợp ngoại lệ. Căn cứ vào luật đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ông Phê-in-bớc đi Bắc Việt Nam mà không được phép của Chính phủ Mỹ thì có thể bị truy tố.

Khi ông Phê-in-bớc về đến Anh, sứ quán Mỹ đã cho người đón ông về trụ sở và yêu cần ông kể lại những điều đã thu lượm được khi sang Hà Nội. Về đến Niu Yoóc, ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ khác với Bộ Quốc phòng Mỹ về các tù binh Mỹ mà ông đã gặp ở Hà Nội, với Bộ Ngoại giao.

Ông còn nói chuyện trực tiếp với đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Ác-tơ Gôn-bớc và yêu cầu đại sứ chuyển lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Tổng thống Johnson. Gôn-bớc lưỡng lự rồi giao cho thư ký ghi lại yêu cầu đó. Những thông tin ông đưa về Hà Nội và được các báo đăng rộng rãi, làm xôn xao dư luận.

Nhưng khi Phê-in-bớc trở về nơi cư trú ở Ca-na-đa, một tháng sau lãnh sự Mỹ ở Ca-na-đa đã thu lại hộ chiếu của ông.

Về "Những người tình nguyện về hoà bình" chuyển lời Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Tổng thống Johnson sang thăm Hà Nội mà không được đáp ứng cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Trước đó không lâu, Johnson đã nói với thượng nghị sĩ Phun-brai, khi thượng nghị sĩ đề nghị Tông thống tiếp hai ông A-xmô-rơ và Bách:

"Tôi rất muốn gặp họ, nhưng ngài biết đấy, tôi không thể nói chuyện với người đã ở đấy về và đã nói chuyện vòi Cụ Hồ Chí Minh" (H.S.A-xmô-rơ và W.C.Bách. Sđd, tr. 65.)


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:13:50 pm
CHƯƠNG MƯỜI SÁU
HOA HƯỚNG DƯƠNG

Đây là mật danh một cuộc vận động ngoại giao lớn (tháng 1 đến tháng 4 năm 1967) bao gồm một phần tại Mát-xcơ-va giữa Mỹ và Việt Nam, một phần tại Luân Đôn giữa Thủ tướng Anh H.Wilson và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Cô-xư-ghin.

*
*   *

Ngày 6 tháng 1 năm 1967, ba giờ chiều, Hoàng Mạnh Tú, Bí thư thứ nhất sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Liên Xô nhận được một thư do một cán bộ sứ quán Mỹ đưa tới. Thư viết:

“Thưa ông đại sứ,

Tôi được chỉ thị chuyển tới cá nhân ông một công hàm của Chính phủ tôi. Vì mục đích đó tôi sẵn sàng đến thăm ông vào một buổi gần nhất thuận lợi đối với ông. Mong ông cho biết khi nào ông có thể vui lòng tiếp tôi.

Xin gửi ông lời chào trân trọng.
Giôn C.Gớt-tô-rai, đại biện lâm thời sứ quán Hoa Kỳ”.

Đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh đã lên đường về nước khi hết nhiệm kỳ, Lê Trang, tham tán công sứ đại biện lâm thời sứ quán Việt Nam được chỉ thị của Hà Nội tiếp ông vào ngày 10 tháng 1.

Gớt-tô-rai năm đó khoảng ngoài năm mươi tuổi và làm công tác tại sứ quán Mỹ ở Mát-xcơ-va lần thứ hai. Trước đó ông đã từng công tác tại Băng Cốc, Hồng Kông, Trung Quốc.

Qua cổng sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại đường Pi-rô-gốt-xcai-a, ông đến cửa phía sau phòng khách. Đồng chí Lê Trang đón ông. Cuộc gặp gỡ được bắt đầu bằng câu chuyện khá ly kỳ của ông để đi từ sứ quán Mỹ đến sứ quán Việt Nam. Không dùng chiếc xe mọi ngày, ông tự lái một chiếc xe khác, đi loanh quanh ra mãi ngoại ô rồi gần một giờ sau mới trở về trung tâm Mát-xcơ-va và đi đến sứ quán Việt Nam.

- Các ông thông cảm cho. Tôi phải giữ bí mật, tránh các con mắt tò mò hay soi mói của các nhà báo của chúng tôi. Nhiều khi họ làm hỏng việc.

- Tôi nghĩ nếu chúng ta thành thật thì việc gì phải giấu giếm - Đồng chí Lê Trang cười nói.

Gớt-tô-rai đọc thông điệp:

"Chính phủ Hoa Kỳ đặt ưu tiên cao nhất cho việc tìm ra những thu xếp hoàn toàn có bảo đảm mà hai bên có thể thoả thuận với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về khả năng hoàn tất một giải pháp cho cuộc xung đột ở Việt Nam. Nếu phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng mong muốn tìm kiếm những khả năng như vậy với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ tìm cách đáp ứng mọi gợi ý mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ đưa ra liên quan đến thời gian và địa điểm của cuộc thảo luận đó và chúng tôi sẵn sàng nhận các tin tức như vậy trực tiếp từ phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà qua con đường ngoại giao ở bất cứ thủ đô nào mà cả hai bên đều có cơ quan thường trực".



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:15:24 pm
Một tuần sau, Gớt-tô-rai được mời đến sứ quán Việt Nam. Đồng chí Lê Trang đề nghị phía Mỹ giải thích thêm một số điểm: thế nào là thu xếp hoàn toàn có bảo đảm, lập trường cụ thể của Mỹ là gì? Một cuộc gặp mặt ngắn ngủi.

Trong cuộc gặp đồng chí Lê Trang ngày 20 tháng 1, ông Gớt-tô-rai đáp ứng các yêu cầu của phía Việt Nam:

- Mỹ muốn giữ thật bí mật các cuộc thảo luận giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ. Mỹ sẵn sàng gặp đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bất cứ ở đâu. Mỹ sẵn sàng xem xét bất cứ vấn đề nào mà phía Việt Nam đề ra. 

Tới đây, Gớt-tô-rai đưa ra một danh mục các vấn đề làm thí dụ: Ngừng bắn hoặc giảm chiến sự, rút lực lượng bên ngoài ra khỏi miền Nam Việt Nam, quyền tự do quyết định của miền Bắc và miền Nam Việt Nam về vấn đề thống nhất Việt Nam, vấn đề độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của hai miền hoặc cả nước Việt Nam nếu như nhân dân Việt Nam đồng ý thống nhất, vị trí quốc tế, cơ cấu chính trị của miền Nam Việt Nam và cuối cùng là biện pháp bảo đảm những điều khoản đã thoả thuận.

Các vấn đề Mỹ nêu ra chỉ là danh mục làm ví dụ, chưa phải là lập trường của Mỹ để giải quyết vấn đề Việt Nam. Thực chất đây vẫn là "lập trường thương lượng không điều kiện" đã đưa ra hai năm trước, vẫn là ngừng ném bom có điều kiện. Rõ ràng Mỹ muốn đưa Việt Nam vào con đường tiếp xúc bí mật trong khi Mỹ tiếp tục ném bom miền Bắc, vừa tỏ thiện chí hoà bình, vừa đẩy mạnh chiến tranh ở cả hai miền, vừa thăm dò khả năng có một giải pháp có lợi cho Mỹ.

Trong lúc Mỹ làm ra vẻ bí mật đi tìm cách tiếp xúc với Hà Nội để thăm dò một khả năng dẫn tới cuộc nói chuyện với Hà Nội thì toàn thế giới đều biết lập trường của Hà Nội về khả năng đó. Ngày 2 tháng 1, tức là bốn ngày trước khi Gớt-tô-rai yêu cầu gặp Lê Trang, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tuyên bố rõ ràng lập trường bốn điểm là cơ sở cho một giải pháp chứ không phải là điều kiện tiên quyết. Đó cũng là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với hai ông A-xmô-rơ và Bách.

Ngày 27 tháng 1, Lê Trang trao cho ông Gớt-tô-rai một bị vong lục của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nêu rõ lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là cơ sở cho một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam và nhấn mạnh:

"Chỉ sau khi Mỹ ngừng không điều kiện việc đánh phá Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì mới có thể trao đổi với Mỹ về địa điểm và thời gian hai bên tiếp xúc như Mỹ đề nghị trong công hàm ngày 10 tháng 1 năm 1967".

Gớt-tô-rai hỏi lại xem có phải bản bị vong lục này là trả lời công hàm ngày 10 tháng 1 năm 1967 không? Lê Trang cho ông biết cách hiểu như vậy là đúng và nói:

- Lời bình luận về các vấn đề ông nêu lên hôm 20 tháng 1 sẽ được đưa ra vào thời gian thích hợp.

Gớt-tô-rai biểu lộ một nỗi vui mừng kín đáo.

Ngày 28 tháng 1, trả lời phỏng vấn của nhà báo Ô-xtơ rây-li-a U.Bớc-sét, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố càng rõ ràng hơn:

"Mỹ đã có lần tuyên bố cần có những cuộc nói chuyện trực tiếp hay tiếp xúc giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nếu quả thật Mỹ muốn nói chuyện thì trước hết Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ mới có thể nói chuyện được với nhau”.

Như vậy quan điểm của Hà Nội về vấn đề nói chuyện với Mỹ: từ chỗ mới nói riêng với hai ông A-xmô-rơ và Bách, với ông Xôn-xbơ-ri đã được các nhà lãnh đạo có trách nhiệm Việt Nam đưa ra chính thức và công khai. Khi đó nhiều đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở nước ngoài như Phnôm Pênh, Cai-rô v.v... đã họp báo tuyên bố rõ ràng "sẽ" nói chuyện chứ không phải “có thể" nói chuyện với Mỹ. Các đại diện ngoại giao của các nước tại Hà Nội cũng đã được thông báo về tuyên bố đó.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:16:44 pm
Đưa tin về việc này, tờ Thời báo (Mỹ) ngày 20 tháng 2 viết:

Tuy lời lẽ rất có điều kiện và ít hoà giải nhưng nhiều chính phủ có lãnh sự quán ở Hà Nội đã được nhữg người cộng sản báo cho biết "tuyên bố đó là đầy tín hiệu”. Vì vậy các chính phủ đó chuyển lại đến Oa-sinh-tơn lời ngụ ý rằng một cuộc ngừng ném bom miền Bắc có thể đưa đến cuộc nói chuyện hoà bình.

Cùng ngày Gớt-tô-rai trao cho Lê Trang một công hàm của Bộ Ngoại giao Mỹ lời lẽ tỏ ra mềm mỏng trong đó có đoạn đáng chú ý như sau:

“Hoa Kỳ mong muốn duy trì cuộc nói chuyện trực tiếp với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ... mong Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ đưa ra các tuyên bố hoàn toàn bí mật qua con đường này... Hoa Kỳ đã thi hành một bước xuống thang từ hơn một tháng nay: không ném bom phạm vi mười dặm kể từ trung tâm Hà Nội. Ông gợi ý rằng: "Việc chấm dứt ném bom sẽ được tiến hành như một hành động đơn phương có trước. Trước khi làm việc đó, Hoa Kỳ mong muốn có sự hiểu biết riêng với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về những bước tiếp theo sẽ được thực hiện để giảm bớt các hành động đối địch một cách công bằng và có đi có lại".

Cuối cùng Mỹ đề nghị sử dụng việc ngừng bắn trong dịp Tết sắp tới là thời cơ đặc biệt thuận lợi cho việc thảo luận và mong được trả lời sớm, vì Tết đã đến nơi rồi. Hôm đó là ngày 23 tháng chạp ta. (Xem thêm Gióc-giơ C.Hia Rinh. Sđd, tr. 417 đến 426.)

Đây vẫn chỉ là kế hoạch hai giai đoạn trong vụ Bông cúc vạn thọ.

Hai giờ sáng ngày 8 tháng 2 năm 1967, Gớt-tô-rai vội đến sứ quán ta trao cho Lê Trang thư của Tổng thống Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thư có đoạn viết:

"Tôi sẵn sàng ra lệnh ngừng ném bom nước Ngài và chấm dứt việc tăng quân Mỹ và Nam Việt Nam ngay khi nào tôi nhận được bảo đảm rằng các việc thâm nhập bằng đường bộ và đường thuỷ vào Nam Việt Nam đã chấm dứt".

Nhiều vấn đề quan trọng không được nói đến: vấn đề rút quân Mỹ, vấn đề thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ v.v...

Tau-xen Húp, nguyên Thứ trưởng không lực Mỹ, đã bình luận trong cuốn Những giới hạn của sự can thiệp:

"Đó là một bức thư cốt bảo đảm tạo ra một câu trả lời tiêu cực" (Tau - xen Húp: Sđd, tr. 122.)

Lúc này chính quyền Johnson đang tích cực thực hiện "chiến lược chiến thắng" để chuẩn bị bước vào năm bầu cử với phương châm "tìm và diệt" của tướng Oét-mo-len và tin công khai cho biết chiến dịch At-tơn-bo-rơ, bắt đầu ngày 14 tháng 9 năm 1966 và kết thúc với những kết quả to lớn đánh vào cơ quan lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tại tỉnh Tây Ninh và cuộc tấn công Xê-đa Phôn, đánh vào khu “tam giác sắt" ở cửa ngõ Sài Gòn ngày 8 tháng 1 năm 1967 đang gây nhiều tổn thất cho Việt cộng.

Tiếp đó là chiến dịch Gian-xơ Xi-ti lớn nhất trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Nam Á một lần nữa lại đánh tỉnh Tây Ninh. Họ tỏ ra quyết tâm lao vào chiến lược đó nên hoạt động ngoại giao, mọi cố gắng thăm dò chỉ nhằm phục vụ thắng lợi hoặc buộc phía bên kia thương lượng theo điều kiện của họ.

Johnson đã không đợi trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày 14 tháng 2, sau bảy ngày ngừng ném bom trong dịp Tết Đinh Mùi, ông ta đã ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc. Thật ra nếu có chờ thư của Chủ tịch thêm thời gian cũng không phải là lâu lắm vì ngày 15 tháng 2 trả lời đó đã được chuyển cho Johnson qua sứ quán Mỹ ở Mát-xcơ-va.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:17:51 pm
Ngày 6 tháng 4, sứ quán Mỹ tại Mát-xcơ-va cho người mang tới sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bức thư thứ hai của Tổng thống Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, một bức thư bỏ ngỏ. Nội dung có nói đến Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, vấn đề thống nhất nước Việt Nam, nhưng lại không nói gì đến việc rút đội quân viễn chinh Mỹ ra khỏi miền Nam. Vấn đề nói chuyện giữa hai bên vẫn trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

Trả lời của phía Việt Nam: Sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã trả lại bức thư đó cho sứ quán Mỹ.

Đợt thăm dò của Mỹ ở Mát-xcơ-va đến đây đã chấm dứt.

Trong thời gian có các cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai đại diện Lê Trang và Gớt-tô-rai tại Mát-xcơ-va, Thủ tướng Anh Uyn-xơn cũng tiến hành thăm dò theo yêu cầu của Nhà Trắng trong những điều kiện không ngờ là bi kịch.

Ai cũng biết rằng ngay từ đầu, cuộc chiến tranh của Johnson ở Việt Nam đã được sự ủng hộ không che giấu của Chính phủ Công đảng Anh. Nếu nói rằng có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Oa-sinh-tơn và Luân Đôn cũng không có gì quá đáng.

Khi Mỹ vi phạm các nguyên tắc lớn và các điều khoản quân sự của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, tuy là một Chủ tịch của Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, Anh đã làm ngơ. Khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam và đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam, Anh công khai bênh vực lập trường của Mỹ. Khi Mỹ bắt đầu đưa thủ đoạn "thương lượng không điều kiện", Anh đã nhiều lần và dưới nhiều hình thức hưởng ứng các cố gắng của Mỹ trong lĩnh vực này.

Ngày 23 tháng 2 năm 1966, khi đi thăm Liên Xô, Thủ tướng Anh Uyn-xơn đã cử một thành viên trong đoàn của ông, Huân tước San-phơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đến sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Mát-xcơ-va nhằm thuyết phục Việt Nam đi vào nói chuyện với Mỹ.

Đại biện Lê Trang đã tiếp ông. Sau khi nghe ông trình bày thiện chí của Anh trong việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam, đồng chí đã nêu vai trò tích cực của Chính phủ Anh trong Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 nhưng cũng chỉ rõ rằng Chính phủ Anh về sau đã không làm đúng nhiệm vụ của một đồng Chủ tịch Hội nghị đó.

Ông San-phơn cố thanh minh và sau đó đã chuyển cho phía Việt Nam ý kiến của Thủ tướng Uyn- xơn, đại ý như sau:

Anh đã sẵn sàng nhận thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Nữ hoàng Anh với thái độ nghiêm chỉnh và Thủ tưởng Uyn-xơn đề nghị có tiếp xúc cá nhân với đại diện cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Mát-xcơ-va. Chính phủ Anh mong muốn và tin rằng Chính phủ Mỹ cũng như Chính phủ Anh mong muốn giải quyết cuộc xung đột ở Việt Nam bằng con đường thương lượng.

Lập trường của Bắc Việt Nam và lập trường của Mỹ là những lập trường khó có thể phù hợp với nhau được. Chúng tôi hy vọng rằng bằng phương pháp gặp gỡ cá nhân và bí mật chúng ta có thể tìm ra cơ sở này hay cơ sở khác cho phép chúng ta bắt đầu cuộc thương lượng.
Thủ trưởng uỷ nhiệm cho tôi nói rõ một số điểm trong thông điệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho Nữ hoàng Anh ngày 24 tháng 1 năm 1966.

Điểm thứ nhất có liên quan đến việc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia vào cuộc thương lượng với điều kiện là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ có đại diện tham gia thương lượng ngang với các Chính phủ miền Bắc và miền Nam Việt Nam thì Thủ tướng chúng tôi sẵn sàng chuyển đề nghị đó cho Chính phủ Mỹ.

Còn nếu như gạt Chính phủ miền Nam Việt Nam ra khỏi phòng hội nghị thì Thủ tướng chúng tôi thấy rằng Chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ tán thành điều đó và bản thân Thủ tướng sẽ không sẵn sàng đề nghị như vậy.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:18:42 pm
Điều thứ hai có liên quan đến điểm một trong bốn điểm của ông Phạm Văn Đồng: Nếu như điều đó có nghĩa là tất cả các lực lượng vũ trang của Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam trước khi bắt đầu thương lượng hoặc điều đó có nghĩa là khi bắt đầu thương lượng Mỹ phải cam kết hoàn toàn rút quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam trước một thời hạn nhất định nào đó mặc dù chưa biết trong quá trình thương lượng có đạt được thoả thuận hay không, thì theo ý kiến của Thủ tướng chúng tôi, không nên chờ đợi Chính phủ Mỹ sẽ tiếp nhận những ý kiến như vậy và bản thân Thủ tướng sẽ không có thể khuyên nên tiếp nhận những điều kiện như thế.

Còn nếu như điều đó có ý nghĩa là Mỹ cần phải rút quân đội trong một thời hạn nhất định sau khi đã đạt được một hiệp nghị qua con đường thương lượng và với điều kiện là tôn trọng mọi bảo đảm trong hiệp nghị thì Thủ tướng chúng tôi sẽ rất lấy làm cảm ơn đối với sự giải thích thêm về vấn đề này.

Điều thứ ba có liên quan đến điểm ba của ông Phạm Văn Đồng. Nếu như điều đó có nghĩa là Chính phủ Mỹ trước khi tiến hành thương lượng phải nhận để Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trở thành chính quyền tối cao ở miền Nam Việt Nam mặc dù chưa biết kết quả của thương lượng ra sao, thì Thủ tướng chúng tôi không thấy một khả năng nào để tán thành được điều đó.

Còn nếu như điều đó có nghĩa là vai trò tương lai của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một trong những điểm được quyết định trong một hiệp nghị đạt được do kết quả thương lượng thì Thủ tướng chúng tôi lấy làm cảm ơn đối với lời giải thích thêm về vấn đề này.

Điểm thứ tư có liên quan đến lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đình chỉ những cuộc oanh tạc và tất cả những hành động quân sự khác chống lại Bắc Việt Nam.

Nếu như việc đó sẽ chỉ là nhượng bộ một chiều của phía Mỹ thì Thủ tướng chúng tôi cho rằng điều đó sẽ là một trở ngại nghiêm trọng cho việc tiến hành thương lượng sau này.

Còn nếu như Chính phủ Bắc Việt Nam về phía mình cũng sẵn sàng có một nhượng bộ thích ứng nào cho Chính phủ Mỹ, Thủ tướng chúng tôi chỉ định làm việc đó với danh nghĩa là người trung gian... " .

Đại biện Lê Trang hứa sẽ chuyển những ý kiến của Thủ tướng Anh về Hà Nội.

Sau khi trở về Luân Đôn, Thủ tướng Anh tuyên bố rằng Hà Nội nắm chắc chìa khoá hoà bình, có nghĩa là Việt Nam chịu trách nhiệm về hoà bình hay tiếp tục chiến tranh ở Việt Nam.

Khi Mỹ leo thang đánh phá thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng, ngày 1 tháng 7, Thủ tướng Uyn-xơn tỏ ý tiếc về việc ném bom đó nhưng lại nêu lại cách nhìn trên: cơ hội chấm dứt chiến tranh đã mở cho Hà Nội. Trách nhiệm tiếp tục chiến tranh cũng là ở Hà Nội.

Ngày 22 tháng 9, đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Ác-tơ Gôn-bớc đưa ra đề nghị ba điểm để giải quyết vấn đề Việt Nam. Nội dung tóm tắt là Mỹ sẵn sàng rút quân khỏi miền Nam Việt Nam làm nhiều đợt nếu Bắc Việt Nam chấp nhận rút quân đồng thời.

Ngày 6 tháng 10, tại hội nghị hàng năm của Công đảng Anh, Ngoại trưởng Anh Gióc-giơ Brao đưa ra kế hoạch hoà bình sáu điểm thực tế là nêu lại đề nghị tăng cường Uỷ ban Quốc tế bằng một lực lượng gìn giữ hoà bình như ở Síp để bảo đảm cho việc thi hành giải pháp đó.

Ngày 25 tháng 10, Hội nghị Ma-ni-la tuyên bố các nước phía Mỹ tham chiến ở miền Nam Việt Nam sẽ rút quân trong vòng sáu tháng nếu Bắc Việt Nam cũng rút quân thì ngày 30 tháng 12 Chính phủ Anh kêu gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mỹ và Bắc Việt Nam rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:19:38 pm
Đầu tháng 2 năm 1967, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N.Cô-xư-ghin sang thăm Vương quốc Anh. Liên Xô và Anh là hai đồng chủ tịch của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 195 về Đông Dương thì đương nhiên với tư cách đó Chủ tịch Cô-xư-ghin và Thủ tướng Uyn-xơn sẽ bàn về tình hình Việt Nam.

Nhà Trắng đã cử C.I.Cu-pơ, cộng sự thân cận của A-vơ-ren Ha-ri-man sang Luân Đôn giới thiệu kế hoạch Giai đoạn A và Giai đoạn B để chuẩn bị cho Uyn-xơn hội đàm với Cô-xư-ghin.

Xin phép nhắc lại rằng theo sự giải thích của Johnson trong hồi ký. Giai đoạn A liên quan đến vấn đề Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, Giai đoạn B liên quan đến vấn đề giảm bớt mức chiến sự ở miền Nam Việt Nam và các vấn đề khác: Mỹ sẽ đồng ý ngừng ném bom miền Bắc (Giai đoạn A) chỉ sau khi hoàn toàn thoả thuận với Bắc Việt Nam những biện pháp lớn sẽ áp dụng nhằm giảm bớt chiến sự (Giai đoạn B).

Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa lập trường của Việt Nam và Mỹ: Việt Nam đòi Mỹ chấm dứt ném bom trước rồi hai bên mới nói chuyện, Mỹ đòi Việt Nam thoả thuận cùng giảm mức chiến sự trước thì mới ngừng ném bom và đi vào nói chuyện. Yêu cầu của Việt Nam để đi vào nói chuyện là Mỹ chấm dứt ném bom, còn yêu cầu của Mỹ là việc chấm dứt ném bom phải trên nguyên tắc có đi có lại.

Giả thiết kế hoạch hai Giai đoạn A và B được chấp nhận, có một vấn đề thực tế cần đề cập và giải quyết thoả đáng: khoảng cách giữa hai giai đoạn đó là bao lâu? Nếu vấn đề đó được giải quyết thì vấn đề thời cơ không có khó khăn, vì hai bên đã chấp nhận trên thực tế ngừng bắn trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, với thời cơ đó không bên nào sợ mất mặt cả. Năm đó Tết cổ truyền vào ngày 8 tháng 2 năm 1967.

Cu pơ kể: khi ông rời Oa-sinh-tơn đi Luân Đôn, ông được biết là các nhà vạch kế hoạch Mỹ nói chung đã thoả thuận với nhau là khoảng cách giữa hai giai đoạn là ba tuần hay hơn một chút, ông ta còn được xem bức thư đề ngày 2 tháng 2 năm 1967 mà Tổng thống dự định gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức thư đó sau này được sửa lại hoàn toàn để trở thành bức thư cứng rắn ngày 8 tháng 2 năm 1967 mà mọi người đã biết.

Cu pơ đã làm việc tỉ mỉ với Uyn-xơn và Ngoại trưởng G.Brao, ông ta nói đã được uỷ nhiệm nhân danh Johnson để khẳng định đây là kịch bản đã được vạch ra.

Uyn-xơn tỏ ra rất lạc quan.

Trong cuộc hội đàm với Cô-xư-ghin, Uyn-xơn nêu vấn đề Việt Nam đầu tiên. Chủ tịch Cô-xư-ghin nêu bước thứ nhất là Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam. Bước đó là cần thiết, như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nói, để tạo ra khả năng nói chuyện giữa Mỹ và Việt Nam. Điều đó cũng phù hợp với thực tế.

Sau khi có tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, ngày 30 tháng 1, đại sứ Liên Xô tại Việt Nam I. Séc-ba-cốp chuyển ý kiến của lãnh đạo Liên Xô tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

Trong tình hình hiện nay Việt Nam nên tăng cường đấu tranh ngoại giao vấn đề Việt Nam, mũi nhọn tập trung vào việc đòi Mỹ đình chỉ ném bom miền Bắc và tiếp xúc với Mỹ; sau khi tiếp xúc sẽ chuyển sang giai đoạn mới để giải quyết các vấn đề chính trị cơ bản.

Ý kiến đó phù hợp với chủ trương của Việt Nam khi chuẩn bị đợt tiến công ngoại giao. Khi đó chúng ta dự kiến tình hình có thể diễn ra theo ba khả năng:

Một: Mỹ bác bỏ thẳng thừng và tiếp tục leo thang.

Hai: Mỹ đưa ra điều kiện để mặc cả, sau đó có thể hoặc là xuyên tạc lập trường của ta, đổ lỗi cho ta để tiếp tục leo thang, hoặc là có thể ngừng ném bom trên thực tế để đi vào nói chuyện.

Ba. Mỹ nhận điều kiện của ta và ngừng ném bom để đi vào nói chuyện.

Chúng ta cho khả năng thứ hai là có triển vọng nhất. Cho nên, ngày 4 tháng 2, ta trao cho phía Liên Xô một bị vong lục nói lên nhận định và chủ trương của chúng ta tiếp tục đấu tranh về mọi mặt và đề nghị Liên Xô ủng hộ lập trường của Việt Nam và hưởng ứng tuyên bố ngày 28 tháng 1 năm 1967 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:20:26 pm
Cô-xư-ghin trong thời gian ở thăm Anh luôn luôn nhắc đến tuyên bố của Nguyễn Duy Trinh, coi đó là con đường thoát cho tình trạng bế tắc không có nói chuyện hiện nay.

Thủ tướng Uyn-xơn căn cứ vào các lời tuyên bố công khai của Tổng thống Johnson thấy rằng tuyên bố ngày 28 tháng 1 của Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh là một dấu hiệu mà Johnson nói là mong đợi từ lâu ở Hà Nội.

Uyn-xơn hài lòng thấy các cuộc hội đàm giữa ông Cô-xư-ghin có chiều thuận lợi. Tuyên bố của Johnson ra lệnh ngừng bắn bốn mươi tám giờ trong dịp Tết Việt Nam càng củng cố sự lạc quan của ông.

Uyn-xơn và Cu-pơ cùng thảo ra một văn bản về các điều đã thoả thuận với Liên Xô theo yêu cầu của Liên Xô và cũng là phù hợp với các tuyên bố công khai của Mỹ. Một bản được trao cho Chủ tịch Cô-xư-ghin; một bản gửi về Oa-sinh-tơn. Đại sứ Mỹ tại Luân Đôn D.Bru-xơ, người đã tham gia thảo văn kiện, hết sức hoan nghênh và đánh giá hành động của Thủ tướng Uyn-xơn là "một đòn ngoại giao lớn nhất trong thế kỷ" (U.Bớc-sét: Sđd, tr. 340.)

Hai ngày trôi qua yên ổn, cả Uyn-xơn và Cu-pơ đều tin rằng mọi việc đã ổn thoả. Thật ra, đây mới là khởi đầu của những rắc rối.

Đêm hôm thứ hai, Cu-pơ xin gặp Thủ tướng Uyn-xơn và Ngoại trưởng Brao vì có việc khẩn. Số là lúc Cu-pơ đang ngủ thì được đánh thức dậy để nói điện thoại với Rô-xtốp, cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ. Rô- tốp cho biết "đang soạn một văn bản mới hoàn toàn khác với bản Uyn-xơn đã đưa cho Cô-xư-ghin và sẽ thay thế cho bản đó". Sau này Cu-pơ viết: "Tim tôi như rụng xuống. Chúng tôi đang đi vào một cuộc chơi hoàn toàn mới" (Xem C.L.Cu-pơ: Sđd, tr. 361, 363)

Theo cách diễn đạt mới, Oa-sinh-tơn sẽ chấm dứt ném bom và ngừng đưa quân vào miền Nam sau khi được bảo đảm rằng Hà Nội đã chấm dứt thật sự việc thâm nhập vào miền Nam Việt Nam. Và như thế, kịch bản trong Giai đoạn A và Giai đoạn B bị đảo ngược, toàn bộ công thức bị biến dạng. Đó là một đề nghị hoàn toàn trái với sự giải thích của Đin Ra-xcơ về lập trường mười bốn điểm vừa mới công bố hôm trước.

Cu-pơ hết sức bực bội. Uyn-xơn giận dữ, ông ta giải thích cho Cu-pơ rằng công hàm mới của Oa-sinh-tơn làm cho ông ta lúng túng và hại cho ông ta (Xem C.L.Cu-pơ. Sđd, tr. 361, 363.)

Lý do Johnson đưa ra việc thay đổi đột ngột này là trong lúc ngừng bắn dịp Tết, sự vận chuyển người và phương tiện rất lớn hướng về phía Nam đã diễn ra trước khu phi quân sự.

Yêu cầu của Oa-sinh-tơn là sửa lại ngay lập tức bản thoả thuận với Liên Xô trước khi nó tới Mát-xcơ-va hay ít nhất cũng trước khi lời hứa của Uyn-xơn tới Hà Nội.

Năm giờ sáng ngày 10, một phụ tá của Uyn-xơn phóng ô tô ra ga xe lửa, chạy thục mạng qua cửa ga, gặp hết người này đến người khác. Chủ tịch Cô-xư-ghin sắp lên xe lửa đi thăm sứ Ê-cốt. Với vẻ mặt lúng túng, khổ sở, ông ta đề nghị với Chủ tịch Cô-xư-ghin cho xin lại bản thoả thuận mà Thủ tướng Anh đã đưa cho Chủ tịch, trước sự ngạc nhiên và khó chịu của Chủ tịch và những người cùng đi.

Tối ngày 12, ngày cuối cùng của chuyến đi thăm Anh của đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô, sau tiệc chiêu đãi, hai vị Thủ tướng chia tay nhau lúc gần nửa đêm để sáng hôm sau Chủ tịch Cô-xư-ghin rời Luân Đôn về nước.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:21:40 pm
Mọi việc tưởng như đã ổn đối với Uyn-xơn. Không ngờ lúc một giờ sáng ngày 13, tức là hai giờ sau khi chia tay tại tiệc chiêu đãi, ông lại cùng Ngoại trưởng Brao vội vã đến biệt thự Cô-xư-ghin ở, ông nói là vừa mới nói chuyện xong với Johnson và Johnson yêu cầu ông chuyển ngay cho Hà Nội một thông điệp mới:

"Hoa Kỳ sẽ thôi không ném bom lại Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nghĩa là đồng ý kéo dài ngừng bắn trong dịp Tết, với điều kiện là Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tuyên bố bí mật trực tiếp với Mỹ, hoặc qua Uyn-xơn, hoặc qua Chủ tịch Cô-xứ ghin, rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ không chuyển người và hàng tiếp tế vào miền Nam Việt Nam. Như vậy thì việc ngừng ném bom sẽ kéo dài vô thời hạn và sau đó mấy ngày Hoa Kỳ sẽ đình chỉ việc tăng quân vào miền Nam và trong trường hợp đó Hoa Kỳ hy vọng có thể bắt đầu cuộc thương lượng".

Mỹ đặt điều kiện là Hà Nội phải trả lời trước mười giờ sáng ngày 13 tháng 2 (giờ Luân Đôn). Nếu tới lúc đó mà chưa có trả lời thì Uyn-xơn sẽ nói với Johnson kéo dài thêm vài giờ nữa.

Theo như Cu-pơ kể lại, trước khi đến gặp Cô-xư-ghin lúc nửa đêm cả Uyn-xơn, Brao và Cu-pơ đều thấy rằng thời hạn buộc Hà Nội trả lời trước mười giờ sáng hôm sau là khôug thích hợp. Muốn chấm dứt thâm nhập từ miền Bắc vào miền Nam ít nhất phải mất nhiều ngày có khi cả tuần lễ mới có thể làm được.

Cu-pơ gọi điện thoại cho Rô-xtốp, Uyn-xơn dùng đường dây nóng nói chuyện với Oa-sinh-tơn. Cu-pơ không rõ Uyn-xơn đã gặp ai nhưng hai giờ trôi qua mà không có tin tức gì. Cuối cùng, Uyn-xơn phải làm cái mà người ta gọi là "sứ mệnh nửa đêm", đến gặp Chủ tịch Cô-xư-ghin.

Đại sứ Bru-xơ cũng gọi điện thoại cho Bộ trưởng Ra-xcơ và nói thẳng thời hạn cuối cùng đó là lố bịch, cần phải nhiều ngày cho Hà Nội trả lời, do đó ông đề nghị Ra-xcơ gặp Tổng thống và xin thêm thời hạn. Cu-pơ không biết câu trả lời của Ra-xcơ thế nào nhưng ông "đọc thấy nó trên nét mặt của đại sứ". Bất thình lình Ra-xcơ chúc Bru-xơ ngủ ngon và yêu cầu Bru-xơ đừng gọi lại ông ta về việc này nữa (C L. Cu-pđ. Sđd, tr. 339, 366, 367.)

Chiều ngày 13 tháng 2, Uyn-xơn họp báo tuyên bố:

“Tôi tin rằng con đường đi tới giải pháp đã mở, ngay dù chúng ta thất vọng trong dịp này thì cũng không có lý do gì một lúc khác con đường đó lại không mở lại".

Nửa giờ sau khi Uyn-xơn họp báo, Johnson ra lệnh tiếp tục chiến sự trên toàn lãnh thổ Việt Nam, chấm dứt đợt ngừng bắn bảy ngày trong dịp Tết Việt Nam năm 1967.

Nhà Trắng đưa ra một thông cáo:

"Bất chấp các cố gắng của chúng ta và của những bên thứ ba, không có sự đáp ứng nào của Hà Nội... Nhưng cửa vẫn mở và chúng ta sẵn sàng bất cứ lúc nào đi quá nửa đường để đáp ứng một đề nghị công bằng của phía bên kia".



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:22:13 pm
Trong hồi ký, Johnson thanh minh rằng ông đã nói cho Uyn-xơn biết trước đề nghị của ông "thay cho kế hoạch hai giai đoạn A và B đã đề nghị trước đây với người Anh và đã đề nghị với Hà Nội". Johnson viết:

“Người Anh giao cho ông ta (Cô-xư-ghin) một tài liệu không được sự đồng ý cụ thể của Oa-sinh-tơn. Đó là một sai lầm, mặc dù tôi tin họ làm việc đó với thiện chí, kết quả là một mớ bòng bong về ngoại giao mà chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm” (L.B.Johnson: Sđd, tr. 309-310.).

Lời tự chỉ trích quá nhẹ nhàng đó của Johnson làm sao giải thích được việc phái Cu-pơ sang trình bày lập trường của Mỹ cho Uyn-xơn, chuẩn bị cho ông đi vào hội đàm với Cô-xư-ghin, việc Cu-pơ đã cùng Uyn-xơn và Brao thảo ra bản thoả thuận đã được đưa cho Cô-xư-ghin?

Chính Uyn-xơn sau này đã viết trong một cuốn sách của ông:

"Trả lời thư của tôi là một văn bản mới của Oa-sinh-tơn do Rô-xtốp thảo đưa ra nhiều điều kiện mới, một sự đảo ngược hoàn toàn chính sách của Mỹ đã đưa ra. Một lý do tôi không muốn tin là Nhà Trắng đã đánh lừa tôi và do đó đánh lừa cả ông Cô-xư-ghin. Lý do thứ hai chắc chắn nhất là bọn diều hâu đã tiến hành một sự tiếp quản thành công” (H.Uyn-xơn; Chính phủ Công đảng 1964-1970, tr. 444- 446; U.Bớc-sét: Hồi ký, Nhà xuất bản Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tr. 341-342).

Các tác giả Cuốn cuộc bí mật tìm kiếm hoà bình ở Việt Nam đánh giá khách quan hơn:

“Cuộc nói chuyện Uyn-xơn - Cô-xư-ghin là một việc làm vô ích và bối rối. Nó là một tấn bi kịch" (Đa-vít Cra-xtôp và Xti-a H.Lu-rii: Sđd, tr. 212.).

Gióc-giơ C.Hia Rinh, giáo sư chủ nhiệm tạp chí Lịch sử ngoại giao, chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận xét về vụ Hoa Hướng dương (mật danh mà Mỹ dành cho cuộc tiếp xúc của Gớt-tô-rai - Lê Trang ở Mát-xcơ-va và cuộc hội đàm Cô-xư-ghin - Uyn-xơn ở Luân Đôn đầu năm 1967) viết:

"Đây là câu chuyện về một âm mưu phức tạp lộn xôn. mập mờ" (G.C.Hia Rinh - Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam: Sđd, tr. 376.)



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:23:08 pm
CHƯƠNG MƯỜI BẢY
PENSYLVANIA

Từ năm 1967, Nhà Trắng mở một kênh liên lạc với Việt Nam qua người Pháp và đặt cho nó mật danh là Pensylvania.

*
*   *

Sự tàn lụi của kế hoạch Mê-ri-gôn có nghĩa là bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa hai bên. Nhưng sự tàn lụi của Kế hoạch Hoa Hướng Dương, lại có nghĩa là mọi đường liên lạc của Oa-sinh-tơn với Hà Nội đã bị cắt đứt. Trong cả hai trường hợp, nguyên nhân là Oa-sinh-tơn đề nghị nói chuyện với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhưng không chờ trả lời đã ném bom ác liệt trung tâm Hà Nội.

Từ đó, Oa-sinh-tơn lại trông chờ một cơ hội nối lại liên lạc trực tiếp hay gián tiếp với Hà Nội. Từ tháng 7, chính quyền Johnson yêu cầu tiến sĩ Hen-ri Kít-xinh-gơ làm công việc của người trung gian để khởi động một quá trình thương lượng.

Ngày 5 tháng 6 năm 1967, nổ ra cuộc chiến tranh giữa I-xra-en và Ai Cập. Quân Ai Cập tiến vào sa mạc Xi-nai, đóng cửa vịnh A-ca-ba. Quân I-xra-en tiến vào Xi nai, Gióc-đa-ni, chiếm thành phố Giê-ru-da-lem cổ, tấn công vịnh A-ka-ba. Nhiều nước Arập như Ai Cập, An-giê-ri, Xy-ri, I-rắc, Xu Đăng, Y-ê-men cắt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Tình hình Trung Đông rất nghiêm trọng.

Dư luận thế giới, nhiều tổ chức quốc tế bày tỏ sự lo lắng, trong số đó có Pu-goát. Pu-goát là một tổ chức chống chiến tranh hạt nhân gồm nhiều nhà khoa học nhiều nước như Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp v.v... Khi xảy ra cuộc chiến tranh Ai Cập và I-xra-en, Tổng thư ký Pu-goát, giáo sư Rốt-blát triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của tổ chức tại Paris từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 6 để bàn việc tỏ thái độ với cuộc chiến tranh đó. Tham gia kỳ họp có Hen-ri Kít-xinh-gơ.

Nhưng khi cuộc họp bắt đầu thì cuộc chiến tranh đã kết thúc. Hội nghị quay ra bàn vấn đề Trung Đông và vấn đề Việt Nam. Người ta nhất trí thử nghiệm dùng hai nhà khoa học Pháp làm "sứ giả" giữa Oa-sinh-tơn và Hà Nội với mục tiêu tiến tới sự gặp gỡ giữa người đại diện có thẩm quyền của hai Chính phủ Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước hoặc sau việc ngừng ném bom Bắc Việt Nam: Mỹ chấm dứt ném bom, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhận tiến hành thương lượng.

Giáo sư người Pháp Héc-be Mác-cô-vích, nhà sinh học phân tử làm việc tại Viện Pa-xtơ Paris và giáo sư người Pháp Đa-xti-ê Đờ La-vi-giơ-ri, một nhân vật thuộc cánh tả phái Đờ Gôn, được nhất trí cử đi. Nhưng Đa-xti-ê phải từ chối vì lý do sức khỏe. Sau đó, người ta mời giáo sư Ray-mông Ô-brắc là người Pháp.

Ông Ô-brắc đã quen Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946 thời Hội nghị Phông-ten-blô. Ông đã từng được tướng Đờ Gôn giao nhiệm vụ tổ chức "đội quân ngầm" ở miền Nam nước Pháp trong vùng bị phát xít Đức kiểm soát. Sau khi nước Pháp được giải phóng năm 1944, ông được cử làm Uỷ viên Cộng hoà ở Mác Xây, ông đã chăm lo đời sống cho số người Việt Nam làm trong các công binh xưởng và bị tập trung ở Mác Xây từ năm 1940.

Khi sang Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm ơn ông, sau đó lại có thời gian đến ở nhà ông ở ngoại thành Paris. Quan hệ của ông Ô-brắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh trở nên thắm thiết và Chủ tịch đã nhận đỡ đầu cháu E-li-da-bét, con thứ ba của ông bà Ô-brắc.

Để giữ bí mật, Mác-vô-vích và Ô-brắc xin sang Việt Nam với nhiệm vụ công khai là phái viên của Viện Pa-xtơ Paris sang làm với Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội, đồng thời nghiên cứu khả năng tổ chức ở Phnôm Pênh một hội nghị khu vực bàn những vấn đề hợp tác quốc tế đặc biệt trong lĩnh vực y tế và phòng bệnh.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:51:45 pm
Rời Paris ngày 18 tháng 7 năm 1967, dừng chân tại Phnôm Pênh, hai ông tới Hà Nội ngày 21, sau đó làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch và đi thăm một số bệnh viện. Ngày 24, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp người bạn cũ tại nhà sàn. Lúc đó Chủ tịch đang nói chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thăm bà Luy-xi Ô-brắc và các cháu, nhất là cháu E-li-da-bét. Người rất hài lòng nhận quả trứng bằng đá quý
mà E-li-da-bét gửi tặng Người. Sau câu chuyện hàn huyên, ông Ô-brắc nói về cuộc họp của Pu-goát ở Paris, giới thiệu Pu-goát là gì và nói ông có nhiệm vụ chuyển tới Chủ tịch một thông điệp của Tổ chức này nhằm tìm một giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Chủ tịch nói về lịch sử Việt Nam, cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta và yêu cầu Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì sẽ nói chuyện.

Ông Ô-brắc cảm thấy có dấu hiệu mới mẻ cần thông báo cho Johnson. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nếu ông có thể làm được thì Người không phản đối.

Nói tới đây, Chủ tịch quay sang phía đồng chí Phạm Văn Đồng và nói:

- Ngày mai chú tiếp ông Ô-brắc và bạn của ông, chú giải thích tình hình và giải đáp các câu hỏi của họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho ông Ô-brắc món quà gửi E-li-da-bét, ôm hôn ông thắm thiết để chia tay.

Cùng ngày 24 và ngày hôm sau 25 tháng 7, hai ông Ô-brắc và Mác-vô-vích đến làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cùng dự với Thủ tướng có Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Dĩ nhiên nội dung các cuộc nói chuyện chủ yếu về tình hình Việt Nam và cách đi tới một giải pháp.

Cần nói thêm rằng ông Ô-brắc đã hai lần từ chối làm trung gian: trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và trong cuộc chiến tranh lần này ông cũng đã từ chối đi với La Pi-ra sang Việt Nam.

Ô-brắc nói về lý do tại sao hai ông tới Hà Nội và Mác-vô-vích nói thêm rằng công việc này rất bí mật - Ở Mỹ chỉ có vài người biết như Johnson, Macnamara, Đin Ra-xcơ, Ha-ri-man... - Và ở Pháp, Đờ Gôn dặn không cho Bộ Ngoại giao biết. Cuộc nói chuyện đi vào vấn đề chủ yếu:

Ô-brắc:

- Đây là một kịch bản vạch ra từ những nét lớn của một cách giải quyết mà một số người, với tư cách cá nhân, cho là có thể chấp nhận được. Kít-xinh-gơ đã nói với tôi: “Tôi bảo đảm chín mươi phần trăm là có sự đồng tình của Oa-sinh-tơn". Trước khi lên đường tôi đã gọi điện thoại cho ông ấy ở Mỹ, ông ấy lại nói: bảo đảm chín mươi tám phần trăm. Kịch bản này dự kiến: 

- Đình chỉ các cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam.

- Giữ mức chi viện quân sự cho toàn miền Nam Việt Nam như trong thời kỳ còn ném bom.

- Thương lượng sau một thời gian nào đó.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:52:59 pm
Mác-vô-vích:

- Việc Mỹ ném bom đã hạn chế chi viện của miền Bắc đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở một mức nào đó, không phải dễ dàng nâng lên... Mức đó, độ mười phần trăm các ông cứ duy trì sau khi không có ném bom nữa. Sau một thời gian, không lâu lắm, có thể đi vào thương lượng. Do đó đề nghị:

- Giữ mức chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

- Không tăng cường lực lượng Mỹ ở miền Nam.

Bây giờ tôi xin nêu thêm một vài chi tiết, ở Ma-ri-en-bát cách đây một tháng rưỡi, Uỷ ban thường trực của Pu-goát đã quyết định họp một hội nghị để thảo luận về hiệp ước không phổ biến (vũ khí nguyên tử). Chúng tôi họp vào lúc vịnh A-ca-ba bị đóng cửa. Chúng tôi quyết định gửi thư tới Tổng thống Nát-xe.

Thứ hai, ngày 5 tháng 6 chiến tranh nổ ra giữa I-xra-en và người Ai Cập. Chúng tôi nhận thấy các quyết định của chúng tôi đã lỗi thời và chúng tôi quyết định họp một cuộc hội nghị khác để thảo luận các vấn đề Trung đông và Việt Nam. Đại diện Xô Viết đồng ý. Ngày 16 tháng 6 là phiên họp đầu tiên với sự hiện diện của Ô-brắc, Kít-xinh-gơ, Phrăng-xít Pe-ri-ê... Tổ chức Pu-goát gồm những người có thiện chí tin cậy lẫn nhau.

Ô-brắc:

- Trước khi lên đường, tôi đã nói với Kít-xinh-gơ rằng tai hại sẽ lớn nếu trong khi chúng tôi đang vận động lại có một đợt leo thang mạnh của Mỹ. Kít-xinh-gơ đã bảo đảm với tôi rằng ông ấy sẽ hết sức cố gắng để không có leo thang, nhưng nếu chẳng may điều đó xảy ra thì đó là điều đã được quyết định từ trước rất lâu.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi xin cảm ơn các bạn đã đến đây. Cũng xin cảm ơn các thông tin của các bạn. Đây là vấn đề cực kỳ mật. Đây là vấn đề nói chuyện. Tôi sẽ trình bày lập trường của chúng tôi, sau đó các bạn làm gì thì tuỳ.

Mác-vô-vích:

- Chúng tôi chỉ làm cái gì mà Việt Nam vui lòng.

Ô-brắc:

- Có một điểm chúng tôi đã quên không nêu: đó là vấn để kiểm soát.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi có nghĩ đến.

Mác-vô-vích:

- Thủ tướng biết rất rõ các vũ khí mà Mỹ có ở Việt Nam. Người Mỹ có những máy bay có thể chụp ảnh các đường giao thông để xem số lượng xe tải có tăng lên không. Do đó, chúng tôi đã đề nghị sẽ không có kiểm soát trong bước một. Mỗi bên sử dụng những phương tiện riêng của mình. Sẽ không có kiểm soát tại chỗ.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Điều cơ bản là xem vấn đề thương lượng giữa Việt Nam và Mỹ được đặt ra thế nào. Mỹ phải chấm dứt không điều kiện ném bom miền Bắc Việt Nam, đó là vấn đề cơ bản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Chúng tôi sẽ không thương lượng dưới bom đạn".

Nêu thế vì hai lý do: Mỹ là kẻ xâm lược, làm cho lương tri của mọi người công phẫn. Thứ hai đây là một vấn đề phẩm cách, trung thực và hiệu quả. Chúng tôi đề cập vấn đề một cách giản dị và trung thực. Chúng tôi tán thành thương lượng. Nhưng cũng phải có một số điều kiện. Những điều kiện đó do hoàn cảnh, do bản thân vấn đề đặt ra. Không phải là chúng tôi tìm cách áp đặt điều kiện của chúng tôi. Không thể có thương lượng dưới áp lực của bom đạn. Cần phải chấm dứt không điều kiện.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:54:05 pm
Ô-brắc:

- Chúng tôi đã gợi ý Mỹ ngừng ném bom không điều kiện, còn sự chi viện của liền Bắc cho miền Nam được giữ ở mức hiện nay. Đó là một việc ngừng ném bom không điều kiện có châm chước.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi cho rằng chúng tôi phải trình bày lập trường của chúng tôi một cách kiên quyết nhất. Chúng tôi không chấp nhận bất cứ sự có đi có lại nào. Cần phải chấm dứt không điều kiện. Chúng tôi biết các bạn. Chúng tôi tôn trọng cuộc vận động của các bạn. Giữa chúng ta không có sự hiểu lầm nào. Nhưng khi Mỹ phạm tội xâm lược nước chúng tôi, chúng tôi nói: Không! Cần phải chấm dứt không điều kiện. Sau đó sẽ tính.

Mác-vô-vích:

- Điều chúng tôi mong muốn là giúp đỡ phái bồ câu, Thủ tướng biết đấy: năm nghìn giáo sư đại học đã ký một kiến nghị. Họ xấu hổ hơn thế nữa. Họ có món nợ đối với nước Việt Nam. Cần phải giúp những người Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá. Chúng tôi tự đặt câu hỏi: làm thế nào giúp những phần tử có thể lui tới Nhà Trắng đánh bại được những Rô-xtốp, Macnamara, Đin Ra-xcơ?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi quyết tâm tiếp tục chiến tranh và chiến thắng. Chúng tôi quyết tâm chiến đấu đến cùng và biết làm thế nào để chiến thắng. Có một số điều không thể thoả hiệp. Họ hãy chấm dứt không điều kiện việc ném bom! Không thể nói cả hai bên phải chấm dứt chiến tranh, mỗi bên năm mươi phần trăm.

Chủng tôi vẫn ở nước chúng tôi, việc leo thang là tự họ, không phải chúng tôi. Họ hãy xuống thang đi, chúng tôi sẵn sàng chĩa cái sào cho họ. Cái sào đó là thương lượng. Nhưng họ phải chấm dứt ném bom, không thể có điều kiện chúng tôi chấm dứt năm mươi phần trăm chiến tranh. Nếu như chúng tôi đã đem chiến tranh đến nước họ thì sẽ chấm dứt chiến tranh năm mươi phần trăm ở giữa Thái Bình Dương.

Họ là người đã đến đây. Họ hãy cút đi! Đó là lô-gích sơ đẳng nhất. Cần phải xuất phát từ những nguyên tắc. Tôi nói với sự xúc động vì chúng tôi làm việc với những con người như Johnson, Macnamara, Oét-mo-len... Với bầy sói, phải cư xử như sói! Nhưng chúng tôi không phải sói. Chúng tôi và họ sẽ nhìn lại nhau như những người bạn.

Có hai loại vấn đề: thương lượng và giải pháp. Muốn có thương hrợng, chúng tôi đứng trên lập trường nguyên tắc của chúng tôi: phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc mới có thể thương lượng. Trong quá trình thương lượng, chúng tôi biết chúng tôi phải nói gì. Mỹ hãy chuẩn bị về phía họ

Ô-brắc:

- Thế nào là việc ngừng ném bom không điều kiện? 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi muốn là họ ra một tuyên bố. Nhưng chúng tôi không quá khó tính.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:55:11 pm
Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi muốn là họ ra một tuyên bố. Nhưng chúng tôi không quá khó tính.

Mác-vô-vích:

- Có lẽ là một việc ngừng ném bom trên thực tế, không tuyên bố.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi không khó tính về điểm này. Điều chủ yếu là ngừng không điều kiện. Chúng tôi sẽ không nói chuyện dưới sự đe doạ của bom đạn.

Ô-brắc:

- Cái gì đảm bảo là các cuộc ném bom ngừng lại? Có cần một thời gian nào không để đảm bảo việc ngừng ném bom đã thực sự chứ không phải vì lý do thời tiết? Liệu một thời gian sáu tháng có đủ không?

Mác-vô-vích:

- Các ông làm thế nào biết được việc ném bom đã chấm dứt? Bao nhiêu lâu sau khi ngừng ném bom thì các cuộc nói chuyện có thể bắt đầu?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Lập trường của chúng tôi rất đơn giản. Phải ngừng ném bom thật sự. Không cần thiết có một bài diễn văn của Johnson. Có rất nhiều con đường để Mỹ thông báo cho chúng tôi quyết định của họ. Nhưng họ chưa tới chỗ đó đâu.

Họ nói những điều mà chúng tôi không thể chấp nhận được. Họ là kẻ xâm lược. Họ hãy chấm dứt đi! Họ đã đưa ra những cái làm cho vấn đề rối rắm quá chừng. Lúc này tôi có nghĩ đến vấn đề kiểm soát. Ngay dù việc đó được thực hiện vẫn có thể dẫn tới những điều phức tạp chúng tôi đã có kinh nghiệm.

Cần phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc nếu họ muốn nói chuyện về vấn đề Việt Nam. Nói cho cùng mục tiêu của họ là miền Nam. Nếu họ muốn thương lượng, đó là do tình hình ở miền Nam. Cần sự có mặt của đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Mác-vô-vích:

- Kít-xinh-gơ đã nói với tôi rằng việc Mặt trận Dân tộc Giải phóng có đại diện là việc bình thường.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:56:15 pm
Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tìm ra một giải pháp, việc đó khác với việc ngồi lại để nói chuyện. Không phải bao giờ cũng chắc chắn là nói chuyện sẽ dẫn đến một cái gì. Cần phải xét các yếu tố của giải pháp đó. Chúng tôi đả đưa ra bốn điểm. Tóm lại đó là việc Hoa Kỳ thừa nhận các quyền dân tộc của chúng tôi. Họ hãy chấm dứt chiến tranh ở miền Bắc, miền Nam và rút quân của họ về.

Vấn đề thật đơn giản. Họ đã bắt đầu hiểu rằng họ đã lao vào một cuộc chiến tranh không lối thoát. Họ đã phạm những tính toán sai lầm ghê gớm. Họ hãy rút ra những kết luận? Họ hãy chấp nhận để chúng tôi yên ổn. Họ đừng bám lấy miền Nam nữa! Họ muốn thương lượng với những bù trừ. Họ muốn chia cắt nước chúng tôi.

Muốn có một giải pháp phải chăng, hiệu quả và ổn định, họ phải chấm dứt chiến tranh, rút đi và để miền Nam Việt Nam tự quyết định vận mệnh của mình. Trong những điều kiện như vậy, mọi việc sẽ ổn thoả. Nếu Nhà Trắng và Lầu Năm Góc quyết định thi hành một chính sách như thế, mọi việc tự nó sẽ được giải quyết.

Chúng tôi quyết tâm tiếp tục chiến đấu và chiến thắng. Đây là vấn đề các quyền dân tộc của chúng tôi. Chúng tôi có phương tiện để giành thắng lợi. Chúng tôi có đường lối chính trị khôn ngoan. Chúng tôi không hề muốn làm cho vấn đề rắc rối. Chúng tôi không làm những việc vô ích. Nếu Mỹ chấp nhận một cách trung thực rút đi thì chúng tôi có thể nói chuyện để việc rút lui đó được thực hiện trong điều kiện tốt nhất.

Vấn đề thể diện có thể được giải quyết. Chúng tôi biết Hoa Kỳ là một cường quốc. Chúng tôi biết tỏ thái độ đúng mức nhất có thể được đối với họ. Họ phải chấm dứt chiến tranh và rút quân của họ. Đó là vấn đề cơ bản, không có nó thì tất cả chỉ là thủ đoạn. Họ có một bộ máy ghê gớm lắm hòng lừa gạt chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã quen chiến đấu. Chúng tôi sẽ không sa vào những thủ đoạn giả tạo của họ.

Mác-vô-vích:

- Hoa Kỳ không muốn chịu mất thể diện. Kít-xinh-gơ đã nói với chúng tôi: làm thế nào giúp họ rút đi. Người ta có nói đến thảm đỏ nhưng thảm đỏ nào?

Nếu đi đến đình chỉ chiến sự trong một năm tới thì bọn diều hâu sẽ không làm được gì. Cần phải tìm cách giúp những người Mỹ không cầm quyền tác động đến những người Mỹ đang cầm quyền. Sắp tới sẽ có bầu cử ở Mỹ và trong một nước sắp có bầu cử, người ta có thể có những quyết định quá đáng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Vấn đề như các bạn đặt là có ích đối với các bạn và nhất là cánh tả. Đối với chúng tôi, thật rất khó nêu một vài gợi ý nào với các bạn ngoài lập trường của chúng tôi và một số tình cảm đối với nhân dân Mỹ. Chúng tôi không làm gì có thể hiểu là một sự xúc phạm đối với nước Mỹ. Về điểm này, chúng tôi có lập trường nguyên tắc của chúng tôi.

Chiến tranh không thể kết thúc trước khi địch dùng hết các phương tiện của nó. Chúng tôi đã ra sức hạn chế chiến tranh trong biên giới nước chúng tôi. Nhưng chúng ta đứng trước những con người như Rô-tốp Các tít Lơ-mây... Cần phải sáng suốt.

Chúng tôi giữ một lập trường trước sau như một. Nếu Hoa Kỳ hạn chế chiến tranh thì họ có hai khả năng: tăng cường tiềm lực ở miền Nam và tăng cường ném bom miền Bắc. Từ bây giờ đến sang năm có lẽ đội quân viễn chinh của họ lên tới sáu trăm nghìn người. Họ còn yêu cầu các nước chư hầu gửi thêm quân. Tất cả những cái đó sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Từ hai tháng nay, báo chí Mỹ bắt đầu nhìn thấy cái gốc của vấn đề.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:57:17 pm
Có một điều mà mỏi người, nhất là các bạn Mỹ của chúng ta cần hiểu. Bọn diều hâu nói rằng chúng tôi muốn đánh thắng cuộc chiến tranh không phải ở đây, ở Việt Nam mà ở Oa-sinh-tơn.

Đối với một số nhà báo nêu câu hỏi đó, tôi đã trả lời: Cần phải đấu tranh chống lại luận điệu tuyên truyền đó. Luận điệu đó cực kỳ có hại. Các bạn cần phải làm điều cần làm. Muốn huy động dư luận, cần xác định một số điểm nguyên tắc làm lập trường, bằng không thì không thể dẫn dắt dư luận đến chỗ giác ngộ được. Chính phủ Mỹ là người chịu trách nhiệm. Nếu các bạn che lấp sự thật đó thì các bạn sẽ không làm được gì, hoà bình hay chiến tranh là tuỳ thuộc điều đó

Tướng Đờ Gôn đã nói: Tình hình chưa chín muồi để thương lượng. Khách quan mà nói, điều đó đúng. Lầu Năm Góc muốn kéo dài chiến tranh, tăng thêm tiềm lực của đội quân viễn chinh ở miền Nam. Họ sẽ leo vài nấc thang. Ngày nào người Mỹ yêu cầu chấm dứt chiến tranh và rút đi thì chúng tôi biết sẽ làm gì để không ai có điều gì phải tiếc.

Ô-brắc:

- Vấn đề thật phức tạp. Liệu Thủ tướng có cảm tưởng rằng cuộc vận động của chúng tôi là một việc làm của Chính phủ Mỹ và khách quan mà nói, chúng tôi là một công cụ của Bộ Ngoại giao Mỹ?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Không! Nếu vậy các bạn đã chẳng có mặt ở đây. Chúng tôi không có thói quen nói những điều mà chúng tôi không nghĩ. Vấn đề này rất phức tạp. Hoa Kỳ là một trong những nước mạnh nhất. Họ có một tiềm lực ghê gớm. Họ phạm những sai lầm ghê gớm trong tính toán.

Ô-brắc:

- Tiếp theo việc chấm dứt ném bom không điều kiện là thương lượng. Mục đích của cuộc thương lượng sẽ là gì? Có phải bàn đến cùng tất cả các vấn đề hay chỉ bàn vấn đề ngừng bắn thôi?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi không muốn nói cụ thể khi không có đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Ô-brắc:

- Sự có mặt của Chính phủ Sài Gòn là có thể hay không có thể?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này với Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Ô-brắc:

- Tất nhiên. Mục đích của bước một là xác định phạm vi và ý nghĩa các cuộc thảo luận.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Rất khó mà thấy trước sự việc diễn biến thế nào. Ngồi lại với nhau chung quanh một cái bàn là một chuyện. Giải pháp là chuyện khác.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:58:25 pm
Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Rất khó mà thấy trước sự việc diễn biến thế nào. Ngồi lại với nhau chung quanh một cái bàn là một chuyện. Giải pháp là chuyện khác.

Ô-brắc:

- Việc lập chương trình nghị sự sẽ là một vấn đề phức tạp.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng: 

- Đó là một vấn đề mà hai bên sẽ giải quyết. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận tất cả.

Mác-vô-vích:

- Theo những cái tôi đã thấy ở đây, tôi tin rằng nếu họ muốn thắng cuộc chiến tranh này thì họ phải ném bom huỷ diệt mọi sự sống.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng có thể tăng cường ném bom và đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Điều đó sẽ gây thiệt hại, nhiều thiệt hại cho chúng tôi. Hoa Kỳ là một cường quốc... Nhưng phương tiện của họ không phải là vô tận. Họ chuẩn bị chưa tốt. Binh lính của họ chết rất nhiều. Đó là một tội ác khác của Johnson.

Chúng tôi đồng ý thương lượng để hạn chế và chấm dứt chiến tranh trên cơ sở công nhận các quyền dân tộc của chúng tôi. Chúng tôi đã đưa ra bốn điểm ngày 8 tháng 4, một ngày sau diễn văn Ban-ti-mo. Các cuộc thương lượng chỉ có thể được tiến hành trên một số nguyên tắc, một số điều tiên quyết, nếu không thì chẳng có kết quả gì.

Chúng tôi không muốn dân tộc chúng tôi lơ là chiến tranh. Chúng tôi không muốn các cuộc thương lượng là một bước hụt. Chúng tôi phải hết sức cảnh giác. Chúng tôi không được bước hụt.

Tóm lại, để có thể đi tới thương lượng, cần chấm dứt không điền kiện việc ném bom miền Bắc. Và chấp nhận sự có mặt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Chấm dứt chiến tranh và rút quân Mỹ là những yếu tố của một giải pháp. Hội nghị của Tổ chức Pu-goát chúng tôi biết rất ít. Chúng tôi cần được bảo đảm về sự trung thực của một số điều.

Mác-vô-vích:

- Tổ chức Pu-goát đã có hành động khi Hiệp nghị Mát-xcơ-va về cấm thử vũ khí nguyên tử được ký kết. Chúng tôi đã đề nghị một số cuộc hội nghị bí mật lúc xảy ra vụ Cu Ba trước khi có các cuộc trao đổi ý kiến giữa Mỹ và Liên Xô. Người Nga khi đó sẵn sàng đi Luân Đôn để thảo luận vào thời điểm cao độ của vụ này. Chúng tôi là những người rất trung thực.

Tất cả việc này được giữ tuyệt đối bí mật. Chúng tôi sẵn sàng chuyển mọi thông điệp mà các ông muốn gửi cho Mỹ. Ở Paris cách đây ít lâu tôi có thể liên hệ với cơ quan đại diện của các ông nhưng chúng tôi không dám làm. Thưa Thủ tướng, liệu Thủ tướng có thể giới thiệu cho chúng tôi một người nào ở Paris để tôi có thể liên lạc tự do như với Thủ tướng. 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi có Tổng đại diện của chúng tôi ở Paris, đồng chí Mai Văn Bộ. Tôi sẽ trực tiếp nói chuyện này với đồng chí ấy.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 03:09:28 pm
Thủ tướng nói qua về quan hệ Việt Nam với Pháp rồi tiếp:

- Tình hình đang chín muồi do hai yếu tố, cuộc chiến đấu của chúng tôi, cuộc chiến đấu của các bạn và cuộc chiến đấu của nhân dân thế giới ủng hộ chúng tôi. Các bạn chiến đấu bằng phương tiện và kiểu cách riêng của bạn. Lựa chọn phương tiện nào là tuỳ các bạn. Điều cốt yếu là không bước hụt. Người Mỹ biết tất cả các yếu tố của vấn đề nhưng họ không muốn giải quyết. Họ chưa có xu hướng tìm kiếm một giải pháp.

Tôi xin nhắc lại mối quan hệ của chúng tôi với Pháp. Năm 1946, chúng tôi sẵn sàng thương lượng với nước Pháp về độc lập của chúng tôi trong Liên hiệp Pháp. Nước Pháp không muốn, thế là chiến tranh nổ ra. Đó là một sự tính toán tồi. Lẽ ra có thể tránh được chiến tranh.

Đối với Mỹ, vấn đề cũng thế. Nếu họ không lao vào con đường chiến tranh và nếu Hiệp nghị Giơ-ne-vơ thực hiện năm 1956, tình hình có thể đã khác. Nếu họ muốn chấm dứt chiến tranh năm 1960, đó là thời cơ tốt nhất. Đến năm 1964, tình hình đã xấu. Bây giờ thì tồi tệ. Trong hai năm nữa, càng tồi tệ hơn đối với họ. Họ đã bắt đầu hiểu điều đó.

Ông Mác-vô-vích tỏ ý sẵn sàng đi Oa-sinh-tơn để chuyển bất kỳ ý kiến nào của Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời: không có gì để nói cả. Ông ta lại nói: có thể đi Mỹ để chuyển cảm tưởng của mình sau khi trực tiếp đi thăm Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời: tuỳ ông.

Hôm sau, ngày 25, các cuộc nói chuyện lại tiếp tục. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu vắn tắt quá trình vấn đề Việt Nam từ 1954 cho đến hiện nay, giới thiệu lập trường của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và khẳng định lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về vấn đề thương lượng như đã nói hôm trước.

Ông cũng tỏ lòng mong muốn hai ông khách cùng nhân dân thế giới tích cực ủng hộ Toà án Béc-tơ-răng Rút-xen đang chuẩn bị việc xét xử tội ác xâm lược của chính quyền Mỹ. Ông nói: chính Mỹ bắt đầu thấy các cuộc ném bom miền Bắc không ngăn cản nổi sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, còn ở miền Nam, về mặt chiến đấu, quân Mỹ không thể sánh với quân Hốt-tất-liệt và Thành-cát-tư-hãn, nhưng Mỹ vẫn cứ muốn bám lấy miền Nam Việt Nam.

Hai ông Ô-brắc và Mác-vô-vích tìm hiểu thêm ý định của phía Việt Nam. Cách lập luận của hai ông là ở Mỹ có phái bồ câu và phái diều hâu.

Mác-vô-vích:

- Vấn đề đặt ra cho phái bồ câu là: Hành động thế nào để làm cho Lầu Năm Góc chấp nhận ý kiến bắt đầu xuống thang để đi tới rút hết lực lượng Mỹ ở Việt Nam. Họ đồng ý để việc ngừng ném bom không điều kiện là cái cớ cho phái diều hâu của Lầu Năm Góc nói rằng tiềm lực của Mặt trận Dân tộc Giải phóng sẽ tăng lên đến mức quân Mỹ sẽ buộc phải rút lui dưới bom đạn.

Rồi ông nêu một số câu hỏi:

- Nếu người Mỹ ngừng ném bom không điều kiện, thời gian phải chăng để ngồi nói chuyện với một số đối phương có tư cách là bao nhiêu? Phải chăng là sau ngày thứ nhất, ngày thứ hai hay ngày thứ ba?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Hai bên phải thoả thuận về vấn đề này. Bây giờ mà ấn định cái gì thì chẳng có tác dụng gì. Nếu hai bên bàn với nhau thì rất dễ thoả thuận. Điều khó khăn đối với họ là ngừng không điều kiện việc ném bom.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 03:10:45 pm
Mác-vô-vích:

- Tôi không nghĩ là khó khăn, nếu họ có thể nói với Lầu Năm Góc: Các ông sẽ không gặp khó khăn về quân sự vì ngừng ném bom. Nhưng tôi nghĩ rằng việc ngừng ném bom không thể kéo dài nếu các cuộc thương lượng bắt đầu quá chậm.

Tôi có ý kiến thế này: Nếu người ta bắt đầu cái đó không điều kiện thì cái gì đó phải nhanh chóng đi ngay vào bước hai. Một vài người Mỹ mà tôi quen biết, từ một năm nay tìm cách chấm dứt chiến tranh nghĩ rằng tình hình đã chín muồi.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Họ có thể có lý. Cần đợi thêm một thời gian ngắn nữa để khẳng định là họ có thật sự có lý không. Về điểm thứ nhất mà ông vừa nêu, chúng tôi không thể làm được gì. Về điểm thứ hai, vấn đề tự nó sẽ giải quyết. Những đối với họ còn khó khăn lắm mới chấm dứt không điều kiện việc ném bom.

Ô-brắc:

- Câu trả lời duy nhất người ta có thể nói với bọn diều hâu là: chúng tôi sẽ thương lượng khá nhanh chóng.

Mác-vô-vích:

- Tất nhiên sau khi ngừng ném bom là có tiếp xúc chính thức. Nhưng ai là người đề ra việc tiếp xúc đó: một quan chức Việt Nam hay một quan chức Mỹ. Ai là người đại diện? Có cần một người thứ ba không?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Điều đó có thể giải quyết một cách dễ dàng. kinh nghiệm đã chỉ rõ rằng mỗi khi Mỹ muốn tiếp xúc với chúng tôi, bao giờ họ cũng làm được... Họ biết nên gõ cửa nào. Nếu họ muốn mời chúng tôi họ sẽ mời, không có khó khăn gì cả.

Mác-vô-vích:

- Như vậy, nếu tôi đã hiểu vấn đề thì có nghĩa là sau khi ngừng không điều kiện việc ném bom, người Mỹ có thể báo cho các ông là họ muốn nói chuyện. Có cần một tuyên bố công khai không?

Thủ tưởng Phạm Văn Đồng:

- Lập trường của chúng tôi là cần có một tuyên bố chính thức. Sau đó. mọi việc sẽ tiến hành công khai.

Mác-vô-vích:

- Sự tiếp xúc diễn ra sau một tuyên bố công khai?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Cần phải có một tuyên bố công khai chính thức. Chúng tôi không thích lối ngoại giao bí mật. Tuy vậy, chúng tôi không phải là tuyệt đối trong vấn đề này. Nếu Mỹ chỉ có thể chấp nhận chấm dứt ném bom trên thực tế thì đó là điều sẽ xét.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 03:11:49 pm
Mác-vô-vích:

- Có phải đó là một điều kiện không có không được để di tới thương lượng không?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Không! Miễn là điều đó dẫn tới một cái gì?

Mác-vô-vích:

- Bọn diều hâu có một lá chắn, quân viễn chinh sẽ gặp khó khăn do việc ngừng ném bom trong thời gian thương lượng. Như vậy, lá chắn đó có thể coi là cắt bỏ được không? Các cuộc ném bom có thể chấm dứt mà không gây thiệt hại (cho quân Mỹ) mà tiềm lực quân sự miền Nam không tăng quá mức hiện nay?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi đã không có ý định làm phiền các bạn. Nhưng chúng tôi không chấp nhận sự có đi có lại. Kịch bản hay sơ đồ mà các bạn mới trình bày, nếu xét cho kỹ, không đáp ứng điều gì. Nó chỉ là cách nhìn của người tìm cách làm rối vấn đề. Làm sao có thể đặt ra một sự trùng hợp nào đó giữa việc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc và những gì xảy ra ở miền Nam?

Mac-vô-vích:

- Vấn đề là làm sao cho bọn diều hâu không phản đối xuống thang. Đối với họ ngừng ném bom là bất lợi nghiêm trọng cho đội quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Đó là điều hiển nhiên.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Các bạn hiểu rõ lập trường của chúng ta. Tôi nghĩ rằng tôi đã trả lời. Người Mỹ có nhiều phương tiện nhưng những phương tiện đó không có hiệu quả. Các vị ở Lầu Năm Góc, các con diều hâu, vẫn nghĩ rằng có mối liên hệ nhân quả nào đó khi nói đến những phương tiện đó

Nếu tôi có một lời khuyên đối với họ thì sẽ nói: "Các ngài cứ thủng thỉnh và khi các ngài chấm dứt thì hãy chấm dứt không điều kiện. Các ngài hãy đợi đến lúc mà tình hình đến mức các ngài cần phải lựa chọn".

Giữa chúng ta, tôi xin nói là cái kịch bản ghê gớm đó chẳng đi tới đâu nó vô hiệu. Đó là con ngựa chiến của họ, đó là một trong những cơn ác mộng của họ. Đó là những người mang trong đầu những ý nghĩ kỳ cục. Họ không hiểu nổi cái gì đang diễn ra ở miền Nam. Vấn đề đã đặt không đúng. Không! Sẽ chẳng đi đến đâu cả: nếu họ không tìm một cách nhìn khác.

Mác-vô-vích:

- Bây giờ tôi có một nghi vấn. Chúng tôi xuất phát từ nguyên tắc là các cuộc ném bom cản trở ghê gớm việc chi viện. Tôi ngờ nguyên tắc đó không có giá trị. Nghi vấn đó có lý không? Nếu chúng tôi đi đến thuyết phục người Mỹ rằng các cuộc ném bom chỉ giảm được mười phần trăm số chi viện thì điều khoản đó của kịch bản trở thành vô ích.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Không ai có thể thuyết phục được người Mỹ.

Cuối buổi nói chuyện, hai vị khách khen ngợi công tác y tế của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong điều kiện chiến tranh ác liệt và cho rằng các lĩnh vực khác cũng tốt cả.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 03:12:51 pm
*
*   *

Rời Hà Nội ngày 26 tháng 7, ông Ô-brắc và Mác-vô-vích hài lòng về kết quả chuyến đi Hà Nội: được biết lập trường chính thức của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về vấn đề thương lượng, đồng thời mở được con đường liên lạc trực tiếp giữa Mỹ và Hà Nội qua Tổng đại diện Việt Nam ở Paris, con đường mà Nhà Trắng gọi là đường hẻm Pen-xin-va-ni-a.

Sau khi gặp Mai Văn Bộ lần đầu từ khi đi Hà Nội về, hai ông thật quả không bỏ phí con đường liên lạc đó và thật sự đã làm một "con đường điện thoại nóng" giữa Hà Nội và Oa-sinh-tơn, như hai ông đã nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Hen-ri Kít-xinh-gơ, mà Johnson đã trao cho việc trao đổi này, cũng tỏ ra rất tích cực, khi thì đến Paris, khi thì trong lúc dừng chân ở Paris, khi gặp hai ông trực tiếp, khi qua điện thoại. Trong vòng hai tháng từ ngày 17 tháng 8 đến 17 tháng 10 thật sự đã hình thành và duy trì các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ.

Trong thời gian đó, có ba thời điểm đáng được chú ý.

Ngày 25 tháng 8, Ô-brắc và Mác-vô-vích đến cơ quan Tổng đại diện Việt Nam trao thông điệp ngày 25 tháng 8 năm 1967 của Chính phủ Mỹ gửi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Thông điệp như sau:

"Hoa Kỳ sẵn sàng chấm dứt ném bom, bắn phá bằng không quân và hải quân ở miền Bắc Việt Nam với sự hiểu biết rằng việc đó sẽ nhanh chóng đưa tới những cuộc thảo luận có hiệu quả giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đế tiến tới giải quyết những vấn đề đang làm hai nước chống đối nhau.

Trong khi các cuộc thảo luận được tiến hành, công khai hoặc bí mật, Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ không lợi dụng việc ngừng ném bom bắn phá này. Bất cứ hành động lợi dụng nào của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tất nhiên không phù hợp với mọi hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dâu chủ Cộng hoà mà đó cũng là mục đích của cuộc thảo luận.

Hoa Kỳ sẵn sàng tiến hành thảo luận hoặc công khai, hoặc bí mật. Tuy nhiên, khó có thể giữ được bí mật về những cuộc thảo luận đó mỗi khi có việc chấm dứt ném bom bắn phá hoàn toàn. Vì lẽ đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có thể lựa chọn một cách giải quyết khác là một sự giảm quy mô và phạm vi của các cuộc ném bom và bắn phá trong khi các cuộc thảo luận bí mật được tiến hành.

Hoa Kỳ sẵn sàng có tiếp xúc riêng ngay với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để xem xét về cách làm trên đây hoặc về bất cứ gợi ý nào theo hướng đó mà Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đưa ra".

Mác-vô-vích cho biết: theo Kít-xinh-gơ thì Tổng thống Johnson đã đích thân "duyệt từng chữ" của thông điệp này.

Ngày 11 tháng 9, Mai Văn Bộ trao cho Ô-brắc và Mác-vô-vích thông điệp trả lời của Hà Nội:

"Những đề nghị của Mỹ thực chất là ngừng ném bom có điều kiện. Việc Mỹ ném bom Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một hành động bất hợp pháp. Mỹ phải chấm dứt việc ném bom mà không được đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào”.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 03:14:07 pm
Thông điệp của Mỹ đã được trao sau một cuộc leo thang đánh phá Hà Nội và với sự đe doạ liên tục đánh phá Hà Nôi, rõ ràng đó là một tối hậu thư đối với nhân dân Việt Nam.

Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kiên quyết bác bỏ những đề nghị trên đây của Mỹ.

Lập trường của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và bất cứ hành động chiến tranh nào khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Mỹ phải rút quân và quân chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam, thừa nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, để cho nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình.

Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bất cứ hành động chiến tranh nào khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ mới có thể có những cuộc nói chuyện".

Kít-xinh-gơ yêu cầu được gặp Mai Văn Bộ để được là "Người Mỹ đầu tiên đã tiếp xúc được với Hà Nội" nhưng không được. Ngày 16 tháng 9, ông ta nhờ Ô-brắc và Mác-vô-vích chuyển cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông điệp ngày 13 tháng 9 năm 1967 của Chính phủ Mỹ. Toàn văn như sau:

"Chính phủ Hoa Kỳ nghĩ rằng thông điệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 11 tháng 9 có thể dựa trên một sự hiểu sai về đề nghị của Hoa Kỳ ngày 25 tháng 8. Đề nghị của Hoa Kỳ không chứa đựng điều kiện hay đe doạ nào và không thể bị bác bỏ vì những lý do đó. Lúc đấy, Chính phủ Hoa Kỳ hiểu rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có lẽ muốn tiến hành nhanh chóng thương lượng có hiệu quả và đưa đến hoà bình khi những cuộc đánh phá bằng không quân và hải quân chấm dứt. Chính phủ Hoa Kỳ tìm cách xác nhận sự kiện đó trong đề nghị ngày 25 tháng 8 của mình mà Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có trong tay.

Để chứng minh thiện chí của mình và để tạo không khí tốt nhất cho việc xét đề nghị của mình. Hoa Kỳ đã tự ý ngừng ném bom Hà Nội từ ngày 25 tháng 8, ngày mà đề nghị được chuyển cho Hà Nội. Sự hạn chế này đã được duy trì không thời hạn, mặc dù những hoạt động của lực lượng đối phương ở miền Nam thực tế đã tăng lên từ ngày 25 tháng 8.

Đề nghị của Chính phủ Hoa Kỳ ngày 25 tháng 8 vẫn giữ nguyên giá trị".

Sau khi Kít-xinh-gơ và Mai Văn Bộ, qua Ô-brắc và Mác-vô-vích, trao đổi thông điệp miệng chung quanh vấn đề thương lượng, tối 4 tháng 10, Kít-xinh-gơ nhờ Mác-vô-vích chuyển cho phía Việt Nam một "kịch bản mới" đại để như sau:

Một: Chính phủ Hoa Kỳ gửi một thông điệp cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông báo rõ ràng, một cách không nhầm lẫn được, việc Hoa Kỳ chấm dứt ném bom không điều kiện.

Hai: Sau khi thực hiện chấm dứt ném bom, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ gửi thông điệp thứ hai đề nghị ngày giờ và địa điểm nói chuyện.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 26 Tháng Mười Một, 2009, 03:14:49 pm
Đêm 6 tháng 10, Uôn-nơ, công sứ toàn quyền của sứ quán Mỹ ở Paris, trao cho Mác-vô-vích một dự thảo thông điệp của Chính phủ Hoa Kỳ gửi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà Kít-xinh-gơ sẵn sàng trao cho phía Việt Nam chính thức hoặc không chính thức. Nếu Tổng đại diện Việt Nam đồng ý, Kít-xinh-gơ sẽ sang Paris trao tận tay thông điệp đó. Dự thảo thông điệp đó như sau:

“Chính phủ Hoa Kỳ hiểu rằng lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là: Ngay khi Mỹ chấm dứt mọi hình thức đánh phá Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà không nói đến điều kiện, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có thể nhanh chóng tiến hành thảo luận có kết quả với Hoa Kỳ. Những thảo luận này có thể nhằm mục đích giải quyết những vấn đề giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

"Giả thiết cách hiểu trên đây là đúng với lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng, thể theo thông điệp ngày 25 tháng 8, chuyển đến trước cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày tháng chính xác việc ném bom Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có thể chấm dứt và gợi ý ngày tháng và địa điểm cho việc bắt đầu thảo luận" (Xem thêm: Mai Văn Bộ: Tấn công ngoại giao và tiếp xúc bí mật, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1985, tr. 149-150.)

Ông Ô-brắc nói đã rất ngần ngại khi đưa dự thảo thông điệp này. Khi đưa cho Mai Văn Bộ rồi, ông nói không biết từ nay chúng tôi còn có nên tiếp tục chuyển thông điệp của Mỹ không khi mà chính bản thân chúng tôi cũng thấy được là "vẫn có điều kiện". Có lẽ chúng tôi phải cắt đứt với Mỹ, nếu không Hà Nội sẽ nghĩ gì về chúng tôi.

Không, Hà Nội vẫn coi các ông là những người bạn có thiện chí, nhưng cho rằng các cuộc tiếp xúc bí mật với Mỹ đến đây là quá đủ.
Trong bức thư của Mác-vô-vích và Ô-brắc gửi Kít-xinh-gơ đầu tháng 11 năm 1967, có đoạn nói:

"Chúng tôi nghĩ - và chúng tôi cần nói lên rõ ràng nhà cầm quyền của ông phạm sai lầm lớn, có lẽ sai lầm đó làm cho sự hoạt động của chúng tôi không đạt một kết quả nào, bằng việc liên tiếp ném bom chiếc cầu và thành phố Hà Nội ngày 15 tháng 8 và những ngày 21, 22, 23 tháng 8 trong khi, qua con đường của ông, ngày 17 tháng 8 Chính phủ Mỹ yêu cầu chúng tôi chuyển thông điệp đã được thảo ra sau khi chúng tôi từ Hà Nội trở về.

Chúng tôi không có cách nào làm cho người Việt Nam hiểu rằng sự trùng hợp của hai sự tiến triển, sự leo thang mới và nghiêm trọng bằng việc ném bom đánh phá lần này thủ đô của họ và việc gửi một thông điệp tìm con đường thương lượng, là ngẫu nhiên. Và, thành thật mà nói, ông Hen-ri thân mến, thật khó mà tin như vậy, khi báo chí về phần họ, cũng như chúng ta về phần chúng ta, đều chỉ rõ rằng hai chuyến giao hàng - đều do một người gửi - nếu ông cho phép tôi gọi người đứng đầu nước ông như thế

Sau những sự can thiệp của ông, một khi Hà Nội được loại ra khỏi danh sách mục tiêu ném bom - chúng tôi mong Hà Nội sẽ vĩnh viễn không bị ném bom nữa - thì những cuộc ném bom lại tăng cường đánh phá Hải Phòng, trong lúc chúng tôi và ông đang tìm cách xác định rõ thêm những con đường đưa tới thương lượng".

Trong bức thư gửi Kít-xinh-gơ ngày 15 tháng 12 năm 1967, Mác-vô-vích viết:

"Nếu tôi được biết có vụ Mê-ri-gôn (Bông Cúc vạn thọ) chắc là tôi đã từ chối việc tiếp xúc từ cuối tháng 8" (Mai Văn Bộ: Sđd, tr. 200-201)

Hai ông Ô-brắc và Mác-vô-vích đã tự mình rút kết luận về thái độ của các nhà cầm quyền Mỹ trong vấn đề "thương lượng không điều kiện" và sự ‘sẵn sàng tiếp xúc" .


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 27 Tháng Mười Một, 2009, 11:03:59 am
CHƯƠNG MƯỜI TÁM
CÔNG THỨC XAN AN-TÔ-NI-Ô: CUỘC TIẾP XÚC BÍ MẬT CUỐI CÙNG

Để tỏ thiện chí, trong lúc các cuộc hành quân "tìm và diệt" được đẩy mạnh ở miền Nam Việt Nam và không quân leo thang đánh vùng mỏ Cẩm Phả - Quảng Ninh, một mục tiêu bị hạn chế trước đây, ngày 2 tháng 9 năm 1967, đại sứ Hoa Kỳ Ác-tơ Gôn-bớc, đề nghị Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết nêu năm nguyên tắc chủ yếu về vấn đề Việt Nam:

Một: Ngừng bắn phá hoàn toàn đi đôi với sự giảm cam kết quân sự.

Hai: Rút tất cả các lực lượng và từ bỏ tất cả các căn cứ không nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Việt Nam hay Nam Việt Nam.

Ba: Tôn trọng một giới tuyến và một khu phi quân sự giữa hai miền.

Bốn: Một giải pháp hoà bình để giải quyết vấn đề thống nhất do nhân dân Bắc và Nam Việt Nam quyết định, không có sự can thiệp của nước ngoài.

Năm: Có sự kiểm soát quốc tế đối với vấn đề đó.

Dự thảo nghị quyết đã bị bác bỏ.

Ngày 21 tháng 9, đại sứ Gôn-bớc tuyên bố trong bài phát biểu tại phiên khai mạc khoá hai mươi ba Đại hội đồng Liên hợp quốc:

"Hoa Kỳ sẽ hài lòng xem xét thảo luận mọi đề nghị có thể nhanh chóng dẫn tới các cuộc thảo luận có hiệu quả có thể mang lại hoà bình trong khu vực" (Bộ Quốc phòng Mỹ: Sđd, Phần VI-.B, tr. 751.)

Người ta cho biết bài phát biểu này đã được phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng cùng soạn. Đây là dấu hiệu của một điều gì Johnson sắp đưa ra.

Ngày 29 tháng 9 năm 1967 trước Hội nghị lập pháp toàn quốc ở Xan An-tô-ni-ô (Tếch-dát), Johnson đọc một bài diễu văn quan trọng, trong đó có đoạn:

"Nhiều người hỏi tôi: Tại sao không thương lượng bây giờ? Câu trả lời là chúng ta và các đồng minh Nam Việt Nam của chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để thảo luận ngay tối nay.

Tôi sẵn sàng nói chuyện với Cụ Hồ Chí Minh và Quốc trưởng nước khác có liên quan.

Tôi sẵn sàng cử Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ra-xcơ đi gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của các vị ấy ngày mai.

Tôi sẵn sàng cử một đại diện có thẩm quyền của nước Mỹ đi bất cứ nơi nào trên trái đất để nói chuyện công khai hay bí mật với người phát ngôn của Hà Nội".

Tiếp đó, Johnson đã nêu những điều kiện cho việc ngừng ném bom:

“Hoa Kỳ sẵn sàng ngừng mọi hành động bắn phá bằng không quân và hải quân chống Bắc Việt Nam khi việc này ngừng nhanh chóng dẫn tới những cuộc thảo luận có hiệu quả. Chúng ta, đương nhiên, giả định rằng trong khi các cuộc thảo luận được tiến hành Bắc Việt Nam không được lợi dụng việc chấm dứt hạn chế ném bom" (Tài 1iệu Lầu Năm Góc: G. E, tập IV tr. 206.)

Các nhà quan sát thấy bản tuyên bố này - mà từ đó người ta gọi là công thức Xan An-tô-ni-ô - không có gì mới, kể cả thứ văn chương hùng hồn của Johnson. Như Johnson đã nói, ông chỉ làm cái việc tiết lộ nội dung thông điệp ngày 25 tháng 8 năm 1967 đã chuyển cho Hà Nội qua tay các ông Ô-brắc và Mác-vô-vích.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 27 Tháng Mười Một, 2009, 11:04:37 am
Giải thích công thức Xan An-tô-ni-ô, Johnson viết:

"Công thức đó phần nào mềm dẻo hơn đề nghị của chúng ta với Cụ Hồ Chí Minh hồi tháng 2. Chúng ta không đòi hỏi họ hạn chế hoạt động quân sự trước khi ngừng ném bom và khi việc ném bom đã chấm dứt, chúng ta không nhấn mạnh họ chấm dứt ngay cố gắng chiến tranh của họ mà chỉ đòi hỏi không tăng cường cố gắng đó.

Do các nhà lãnh đạo Hà Nội hình như cảm thấy khó chấp nhận những cam kết về mặt quân sự, chúng ta nói rõ rằng chúng ta sẵn sàng hiểu họ sẽ không lợi dụng việc ngừng ném bom. Tất cả điều chúng ta đòi là việc ngừng ném bom nhanh chóng dẫn tới các cuộc nói chuyện về hoà bình và các cuộc nói chuyện đó phải "có hiệu quả" (L.B.Johnson: Sđd, tr. 325.)

Đúng là lời lẽ có phần mềm dẻo hơn thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi tháng 2 năm 1967, nhưng điều mà dư luận, trước hết là ở Mỹ trong cái mùa thu nóng bỏng năm 1967, không thể chấp nhận được vì trước sau đây vẫn là những cuộc thương lượng có điều kiện tức là đòi hỏi có đi có lại: ngừng ném bom đổi lấy nói chuyện, không được lợi dụng ngừng ném bom. Đây là những "cuộc nói chuyện không điều kiện" phát đi từ giảng đường Trường Đại học Gôn Hốp-kin từ ngày 7 tháng 4 năm 1965.

Johnson đã thành công trong việc trình bày mềm dẻo hơn một lập trường cứng rắn. Sở dĩ như vậy vì các báo cáo của các quan chức Mỹ ở Sài Gòn quân sự cũng như dân sự đều tô vẽ tình hình miền Nam lúc bấy giờ là lạc quan.

Về chính trị mâu thuẫn giữa Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đã được coi là dàn xếp ổn thoả. Về quân sự các chiến dịch "tìm và diệt" của Oét-mo-len đã giáng những đòn nặng nề vào các căn cứ của Việt cộng. Quân đội Sài Gòn có khả năng bảo đảm an ninh của Sài Gòn và vùng chung quanh.

Khi Johnson hỏi Macnamara xem có phải tình hình quân sự ở miền Nam Việt Nam là không có lối ra như một số nhà quan sát nói không? Macnamara đã trả lời dứt khoát: "Không có bế tắc về mặt quân sự".

Đó cũng là báo cáo chung của Macnamara, Thứ trưởng ngoại giao Cát-đen-bách và tướng Uy-lơ sau khi đi nắm tình hình miền Nam tháng 7 năm 1967. Như vậy, trong năm bản lề trước cuộc bầu cử Tổng thống, việc thực hiện chiến lược chiến thắng được coi như rất thuận lợi.
Johnson sau này thừa nhận là lúc đó ông không biết rằng Việt cộng đang chuẩn bị chiến dịch quân sự rộng lớn nhất và nhiều tham vọng nhất trên toàn miền Nam Việt Nam.

Bộ máy ngoại giao Mỹ được huy động để giải thích và tuyên truyền cho công thức Xan An-tô-ni-ô, nhất là trong khi phong trào chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ mang tính chất quần chúng rộng rãi và đạt đỉnh cao từ khi nổ ra chiến tranh và trên thế giới thì sự thức tỉnh của lương tri loài người biểu thị một sức mạnh mới tại khoá họp thứ hai của Toà án Béc-tơ-răng Rút-xen khai mạc tại Cô-pen-ha-ghen ngày 20 tháng 11 năm 1967.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 27 Tháng Mười Một, 2009, 11:05:33 am
*
*   *

Trong phụ lục VII cuốn Hồi ký của Johnson có ghi "Do sáng kiến của Ru-ma-ni: tiếp xúc ở Hà Nội từ tháng 10 năm 1966 đến tháng 2 năm 1968".

Tháng 1 năm 1967, khi các cuộc tiếp xúc giữa Lê Trang và Gốt-tơ-ri bắt đầu tại Mát-xcơ-va, đại sứ Mỹ ở Bu-ca-rét đã gặp Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Ru-ma-ni và yêu cầu chuyển cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông điệp sau đây:

Mỹ muốn gặp đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà một cách bí mật. Mỹ cũng sẵn sàng thảo luận với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mỹ sẵn sàng lấy Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 và lập trường bốn điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và lập trường năm điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng làm cơ sở thảo luận. Mỹ sẽ chấm dứt không ném bom miền Bắc Việt Nam nếu có dấu hiệu...

Hà Nội đã không đáp ứng yêu cầu này vì khi đó Gơt-tơ-rai đã gặp Lê Trang ở Mát-xcơ-va.

Ru-ma-ni cho rằng Mỹ muốn rút khỏi miền Nam Việt Nam còn phía Việt Nam cũng muốn chấm dứt chiến tranh. Bộ Ngoại giao Ru-ma-ni đã mời đại sứ Mỹ Đa-vít tại Bu-ca-rét đến và nói ý kiến của Ru-ma-ni là trong tình hình hiện nay, Mỹ nên đi bước trước ngừng ném bom không điều kiện và vĩnh viễn Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và nhấn mạnh rằng đây là hoạt động ngoại giao bình thường của Ru-ma-ni, không phải là lời nhắn của Hà Nội.

Nhận được báo cáo của Đa-vít, Bộ Ngoại giao Mỹ cử ngay A-vơ-ren Ha-ri-man đi Bu-ca-rét ngày 27 tháng 11. Trong các cuộc tiếp xúc với các quan chức Ru-ma-ni, Ha-ri-man giải thích lập trường của Mỹ theo công thức Xan An-tô-ni-ô và quả quyết rằng ông ta được Tổng thống Johnson cho phép tuyên bố là Mỹ sẵn sàng chấp nhận các gợi ý của Việt Nam và trao đổi với phía Việt Nam những tuyên bố công khai hay bí mật, sẵn sàng tiếp nhận những gợi ý bổ sung làm cho công thức Xan An-tô-ni-ô tốt hơn. Cuối cùng, Ha-ri-man yêu cầu phía Ru-ma-ni thông báo lập trường này cho Hà Nội và cho phía Mỹ biết mọi điều kiện của phía Việt Nam.

Bu-ca-rét cử G.Ma-cô-ve-xcu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao sang Hà Nội. Ngày 17 tháng 12. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp Ma-cô-ve-xcu.

Sau khi trình bày thông báo của Ha-ri-man, Ma-cô-ve-xcu nói nhận xét của mình, đại ý:

Mỹ bị sức ép của dư luận nên phải tìm một giải pháp thoát ra khỏi chiến tranh, những điều kiện đã được tạo ra để tiến tới thương lượng. Phía Việt Nam cần tìm một cử chỉ chính trị nào đó, tất nhiên với điều kiện là việc ném bom miền Bắc phải được chấm dứt và cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn ở miền Nam.

Ngay dù các tuyên bố đó của Mỹ chỉ là một âm mưu thì cũng cần tạo ra các điều kiện cần thiết để vạch mặt Mỹ, tố cáo trước dư luận thế giới sự gian dối của họ, đập tan các luận điệu của Mỹ nói rằng chỉ Mỹ muốn thương lượng còn Việt Nam thì không. Nếu ta không có cử chỉ nào theo hướng thương lượng thì dư luận thế giới hiện nay đang thuận lợi cho Việt Nam có thể thay đổi có lợi cho Mỹ. Họ sẽ nói họ muốn thương lượng nhưng không nhận được dấu hiện của phía bên ta. 

Ở Liên hợp quốc, đại biểu của tất cả các nước quan tâm ngày càng sâu sắc đến việc chiến tranh kéo dài ở Việt Nam, việc chưa tìm thấy một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột. Rất có thể Mỹ sẽ tăng cường chiến tranh ở Việt Nam. Theo Ha-ri-man, Johnson bị sức ép phải tăng cường chiến tranh. Hãy cho Johnson, cho phái bồ câu và những người có đầu óc thực tế một cơ hội tìm giải pháp cho chiến tranh và thương lượng với người Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói:

- Mỹ vẫn tiếp tục chính sách hai mặt: một mặt tiếp tục và tăng cường chiến tranh, mặt khác, dưới sự thúc ép của dư luận thế giới và phong trào chống chiến tranh ở Mỹ, buộc phải có hành động lừa bịp và xoa dịu dư luận. Vì vậy bên cạnh hành động chiến tranh của Mỹ có hành động lừa bịp về thương lượng hoà bình. Nhưng chính sách của Mỹ bây giờ là tiếp tục và tăng cường chiến tranh.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 27 Tháng Mười Một, 2009, 11:06:14 am
Trong đề nghị của Ha-ri-man đáng chú ý là ông ta đã nói Mỹ sẽ ngừng ném bom vĩnh viễn. Ngày 28 tháng 1 năm nay chúng tôi đã đòi Mỹ ngừng ném bom không điều kiện. Chữ vĩnh viễn có nghĩa lắm, nhưng Mỹ lại đề ra điều kiện cho việc ngừng ném bom: phải nói chuyện nghiêm chỉnh và có hiệu quả, và không tăng thêm viện trợ cho miền Nam nên lời nói của ông Ha-ri-man mất ý nghĩa, không có gì mới so với trước.

Việt Nam đã nói rõ lập trường của mình nhiều lần: cơ sở để giải quyết vấn đề là bốn điểm đề ra từ ngày 8 tháng 4 năm 1965; để nói chuyện thì có tuyên bố ngày 28 tháng 1 năm 1967 của đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Đó là lập trường nguyên tắc không có nhân nhượng.
Việt Nam không phản đối nói chuyện, phải có nguyên tắc. Mỹ phải chấm dứt đánh phá miền Bắc không điều kiện. Sau khi ngừng ném bom một thời gian để thử thách lòng thành thật của Mỹ, sẽ có nói chuyện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Việt Nam không bao giờ nói chuyện với Mỹ dưới bom đạn hay dưới sự đe doạ của bom đạn. Dư luận thế giới ngày càng đồng tình với lập trường đó. Nói chuyện hay không là tuỳ Mỹ, Việt Nam đã sẵn sàng.

Chúng tôi đồng ý là cần vận động dư luận ủng hộ Việt Nam, hơn nữa, cần giúp cho phái bồ câu tiến lên nữa. Đó là chính sách đúng đắn, khôn ngoan cần phải làm. Vì vậy, đến một lúc nào đó thì Việt Nam có thể tiếp xúc với Mỹ. Và khi đã nói chuyện là phía Việt Nam nghiêm chỉnh, còn nói chuyện có kết quả hay không là do phía Mỹ. Không ai có thể nói trước là nói chuyện sẽ có kết quả hay không có kết quả.
Johnson rất lúng túng, chỉ muốn phía Việt Nam để cho Mỹ vượt qua được năm khó khăn trước tuyển cử, còn lập trường của Mỹ vẫn là lập trường chiến tranh. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, nếu Mỹ chịu ngừng ném bom không điều kiện thì Việt Nam cũng nhận lời nói chuyện, dù biết rằng Mỹ chưa thành thật. Còn Mỹ muốn làm chiến tranh thì Việt Nam sẽ tiếp tục chiến đấu.

Đầu tháng giêng năm 1968, một quan chức ngoại giao cao cấp Ru-ma-ni sang Oa-sinh-tơn để trực tiếp trao trả lời của Hà Nội cho Mỹ. Phía Mỹ cho rằng không có gì mới trong lập trường của Hà Nội và không có gì khác với điều họ đã nói trước đây nhưng đánh giá thông báo của Ru-ma-ni là rất chính xác và khách quan. Tháng hai, Ru-ma-ni lại chuyển cho Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời cho Hà Nội qua con đường ngoại giao, Johnson vẫn cho rằng mọi cố gắng bắt liên lạc với Hà Nội và nói chuyện về hoà bình là "vô ích".

Đến đây chấm dứt các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Mỹ và Việt Nam.

Hơn hai mươi năm sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, nhiều nhà học giả Mỹ nêu lên vấn đề "Những cơ hội hoà bình bị bỏ lỡ". Cách đặt vấn đề của họ là: trong thời gian 1965 - 1967, Mỹ đã nhiều lần "ngừng ném bom", tìm cách tiếp xúc với Hà Nội nhằm đi tới nói chuyện, nhưng hai bên không đi tới nói chuyện. Liệu có cơ hội nào bỏ lỡ không?”

Cuối năm 1996, ông Macnamara sang Hà Nội để bàn việc tổ chức hội thảo Mỹ - Việt về "những cơ hội bị bỏ lỡ". Chúng ta biết ông Macnamara là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời Tổng thống Johnson và sau xin từ chức, tách ra khỏi ê-kíp Johnson vì bất đồng ý kiến về vấn đề chiến tranh Việt Nam.

Năm 1995, đúng hai mươi năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông công bố cuốn hồi ký nổi tiếng nêu những sai lầm của Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Ta hoan nghênh ý kiến của ông Macnamara và tháng 6 năm 1997, các nhà nghiên cứu hai nước gồm những quan chức đã tham gia hoạch định chính sách thời chiến tranh, các tướng lĩnh đã từng chỉ huy ở Việt Nam, các nhà sử học, một số nhân chứng đã họp tại Hà Nội, Kết quả lớn nhất đạt được là hai bên càng hiểu nhau thêm.

Nói là có tiếp xúc bí mật nhưng cũng có những cuộc tiếp xúc qua trung gian. Các nhà học giả Mỹ đã nêu những trường hợp Mỹ ngừng ném bom miền Bắc mà cuốn sách này đã kể lại: Hoa tháng năm, Bông Cúc vạn thọ, Hoa Hướng Dương, XYZ, Pin ta, Pensylvania.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 27 Tháng Mười Một, 2009, 11:06:58 am
Các sáng kiến hoà bình này của Mỹ được đưa ra từ tháng 4 năm 1965 đến hết năm 1967. Thời kỳ này là thời kỳ Mỹ phát động cuộc chiến tranh lớn đối với cả hai miền Việt Nam và ngày càng đẩy mạnh chiến tranh nhằm giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1968.

Để hình dung được mức độ chiến tranh, chỉ cần nhớ lại rằng đến cuối năm 1967, tổng số quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã lên tới năm trăm nghìn người. Chính Johnson đã nói trong Hồi ký của ông rằng kế hoạch chiến tranh của ông bao giờ cũng có phần hoạt động ngoại giao, chính trị đi kèm.

Bản tuyên bố Baltimore nói Mỹ sẵn sàng "nói chuyện không điều kiện" và sẽ đóng góp một tỷ đô-la để phát triển Đông Nam Á kể cả Bắc Việt Nam chỉ là để các nhà ngoại giao Mỹ đi khắp thế giới nêu "thiện chí hoà bình" của Johnson.

Đợt ngừng ném bom ba mươi bảy ngày là để Johnson tiến hành cuộc vận động ngoại giao có tầm cỡ hành tinh, cuộc vận động ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Ngoại giao của Johnson chỉ là để giải thích việc đưa quân Mỹ trực tiếp chiến đấu ở miền Nam Việt Nam và che giấu việc tăng cường chiến tranh sau đó. Cái gọi là “nói chuyện không điều kiện" chỉ có nghĩa là nói chuyện theo điều kiện của Mỹ. Cái gọi là "các sáng kiến hoà bình" chỉ là nhằm che giấu âm mưu mở rộng chiến tranh.

Khi quân Mỹ trắng trợn chà đạp lãnh thổ Việt Nam, ném bom bắn phá miền Bắc, làm sao người Việt Nam có thể tin ngay luận điệu "nói chuyện không điều kiện”, "các sáng kiến hoà bình". Trong thời gian đầu của chiến tranh, hai bên tham chiến còn nghi ngờ nhau, còn phải tìm hiểu nhau, cố giành ưu thế là chuyện tất nhiên.

Với cái lùi hai mươi năm, nhìn lại các “sáng kiến hoà bình" của Johnson trong thời kỳ đầu chiến tranh, người ta dễ hiểu tại sao nó không gây được tiếng vang nào về phía Việt Nam. Các sáng kiến đó đã bị thất bại chứ không bị bỏ lỡ.

Nếu phía Mỹ thật sự mong muốn có quan hệ hữu nghị, hoà bình và bình đẳng đối với Việt Nam thì trái lại chính là có cơ hội mà Mỹ đã bỏ lỡ. 

Cơ hội Mỹ bỏ lỡ đầu tiên là sau Cánh mạng tháng Tám năm 1945. Khi đó Việt Nam đã hợp tác với đồng minh trong chiến tranh chống Nhật Bản, không những Việt Minh giúp đỡ Mỹ về tin tức, cứu hộ các phi công Mỹ mà ngay Mỹ cũng đã cử một bộ phận sang khu giải phóng làm việc với Việt Minh, cung cấp một số vũ khí cá nhân, điện đài cho Việt Minh.

Việt Minh đã lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa, giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và đồng minh công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, giúp Việt Nam giữ vững độc lập. Nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ không đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Việt Nam mà còn công nhận Pháp có "chủ quyền" ở Đông Dương và giúp Pháp tái chiếm Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, cột Mỹ vào cuộc chiến tranh Đông Dương cho đến Điện Biên Phủ.

Ai biết tình hình Đông Dương sẽ diễu biến thế nào nếu Mỹ công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và không viện trợ cho thực dân Pháp, ít nhất Mỹ cũng tránh khỏi "dính líu” vào Việt Nam và giữ được bộ mặt đẹp đẽ trong lòng người Việt Nam.

Cơ hội bỏ lỡ thứ hai là không thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam. Mỹ đáng lẽ phải hiểu hơn ai hết rằng chính Mỹ, sau khi Hội nghị đã họp rồi, vẫn ngăn cản Anh, Pháp sớm đi đến kết thúc chiến tranh Đông Dương và chỉ sau khi Thủ tướng Anh Winston Churchill và Ngoại trưởng Anthony Den đến Oa-sinh-tơn bàn với Mỹ ngày 24 tháng 6 năm 1954 và hai bên thoả thuận giải quyết vấn đề Đông Dương theo bảy điểm sau này được ghi trong một bản bị vong lục gửi Pháp.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 27 Tháng Mười Một, 2009, 11:07:38 am
Hiệp định Giơ-ne-vơ ký ngày 20 tháng 7 đã đáp ứng yêu cầu của Mỹ trong bảy điểm đó. Như vậy Hiệp định Giơ-ne-vơ là một Hiệp định quốc tế đã được sự đồng ý của cả năm nước lớn: Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc.

Từ ngày 18 tháng 6, Pháp đã chịu để Ngô Đình Diệm, người của Mỹ, về Sài Gòn làm Thủ tướng thay Hoàng thân Bửu Lộc. Phía Việt Nam đã chấp nhận giải pháp Giơ-ne-vơ dù có điều chưa thoả mãn và quyết tâm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định như thực tế sau này chứng tỏ.

Tại sao Mỹ không chịu ký Hiệp định Giơ-ne-vơ và ngay ngày bế mạc Hội nghị tuyên bố không bị Hiệp định Giơ-ne-vơ ràng buộc? Mỹ đã dùng Ngô Đình Diệm phá hoại việc thi hành Hiệp định đó, phá hoại việc tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam, biến miền Nam thành Việt Nam Cộng hoà, một quốc gia riêng rẽ.

Cuộc chiến tranh kéo dài ba mươi mốt năm mà Mỹ phải nai lưng ra gánh chính là bắt nguồn từ sự sai lầm tày trời này. Đây là hơn một sự sai lầm, mặc dầu cũng là một sự bỏ lỡ.

Cơ hội bỏ lỡ thứ ba là đề nghị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam về việc đưa miền Nam Việt Nam vào con đường hoà bình, trung lập. Cơ hội này vào thời điểm chính sách can thiệp và ủng hộ Ngô đình Diệm đã thất bại nghiêm trọng: chế độ Ngô Đình Diệm tàn ác đến mức toàn dân miền Nam và cả nhiều tầng lớp thành thị đều phẫn nộ, miền Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị, quân sự triền miên. Nhà Trắng phải tính chuyện “thay ngựa giữa dòng".

Thấy sự sa lầy của Mỹ, nhiều nhà chính trị của Mỹ người thì khuyên nên rút lui khỏi miền Nam Việt Nam, người thì khuyên nên biến miền Nam và cả Đông Nam Á thành trung lập. Tướng De Gaulle cũng khuyên để miền Nam đi vào hoà bình trung lập.

Ngay từ khi được thành lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cũng đã nêu việc xây dựng miền Nam hoà bình trung lập. Sau khi nổ ra cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 khiến anh em Diệm-Nhu bị sát hại, Mặt trận lại đề nghị các đảng phái chính trị miền Nam thành lập Chính phủ Liên hiệp Dân tộc và đưa miền Nam tiến lên theo con đường hoà bình trung lập.

Khi đó Việt Nam và Mỹ đều thống nhất quan điểm về trung lập theo các quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1962 về Lào, mà Việt Nam và Mỹ đều đã ký. Như thế Mỹ không những giữ được một chính quyền hoàn toàn thân Mỹ nhưng lại vẫn bảo vệ quyền lợi của Mỹ, trước mắt tránh cho Mỹ một cuộc chiến tranh không thể thắng được.

Không tán thành ổn định miền Nam bằng một chính phủ đoàn kết dân tộc, Mỹ lại ủng hộ các phe quân sự, chính trị, khiến miền Nam Việt Nam phải trải qua hơn một chục cuộc đảo chính trong vòng hơn một năm của chính quyền Johnson, trong hai năm đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam, dù có tạm ngừng hay không tạm ngừng ném bom, chỉ là những sáng kiến để che giấu việc đẩy mạnh chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam và tất nhiên không được đáp ứng tích cực, do đó cũng không thể là những cơ hội bỏ lỡ.

Những cơ hội mà Mỹ đã bỏ lỡ nằm trong khoảng thời gian trước khi Mỹ dính líu sâu vào miền Nam, Hoặc phải có những thay đổi so sánh lực lượng quan trọng mới có cơ hội cho Việt Nam và Mỹ ngồi vào bàn thương lượng và bàn bạc nghiêm chỉnh.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 27 Tháng Mười Một, 2009, 11:08:30 am
CHƯƠNG MƯỜI CHÍN
CUỘC TIẾP XÚC CÔNG KHAI

Trước sự thất bại của các cố gắng của Bu-ca-rét về công thức Xan An-tô-ni-ô, Johnson lại phải suy nghĩ về câu hỏi mà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Macnamara đã nêu hồi tháng 9 năm 1967: Nếu việc tăng thêm quân không cải thiện được tình hình Việt Nam thì làm gì? ông cũng cảm thấy nhưng không tìm được câu trả lời.

Cuối tháng 10 năm 1967, khi ăn cơm với Tổng thống, Macnamara lại tuyên bố rằng: Theo ông nghĩ, việc Mỹ theo đuổi hành động của mình ở Đông Nam Á là nguy hiểm, tốn kém và không thoả mãn lòng dân.

Theo yêu cầu của Tổng thống, ông đã gửi Tổng thống một bản báo cáo viết để trình bày quan điểm của ông, ông cho rằng các tướng lĩnh Mỹ ở miền Nam Việt Nam sẽ bị những tổn thất mới và sẽ có những yêu cầu mới như mở rộng đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Nhưng vấn đề là trong trường hợp đó Mỹ có duy trì được cố gắng của mình ở Nam Việt Nam trong thời gian cần thiết để đạt các mục đích của Mỹ hay không.

Ông nêu những giải pháp thay thế có thể có được nhưng lại bác bỏ từng giải pháp một với lý do nó sẽ dẫn tới những hậu quả mở rộng chiến tranh. Ông cho rằng các giải pháp thay thế nằm trong việc ổn định các cuộc hành quân của Mỹ ở miền Nam (với việc thương vong của Mỹ) và hoạt động không quân của Mỹ ở miền Bắc cũng như việc chứng tỏ rằng các cuộc oanh kích của Mỹ không ngăn cản các cuộc thương lượng dẫn tới một giải pháp hoà bình.

Ông kiến nghị ngừng ném bom miền Bắc từ nay đến cuối năm. Ngừng ném bom như vậy có hai điều lợi: hoặc là Hà Nội có đáp lại, nghĩa là song song giảm hoạt động tiến công của họ hay đưa ra một sáng kiến gì đó dẫn tới nói chuyện hoà bình hay cả hai. Nếu Hà Nội không phản ứng thì cũng rõ là Hà Nội chứ không phải Mỹ ngăn cản một giải pháp hoà bình.

Macnamara kết luận báo cáo của ông bằng ba kiến nghị: thông báo ý định của Mỹ là ổn định cố gắng của mình (tức là ấn định một mức quân số - tác giả) và không phát triển các cuộc hành quân ở miền Nam, miền Bắc quá mức đã dự định; ngừng ném bom trước cuối năm 1967 và lại nghiên cứu các cuộc hành quân ở miền Nam nhằm giảm bớt thương vọng của lính Mỹ và tăng thêm trách nhiệm của quân đội Sài Gòn để tự đảm nhiệm an ninh của họ.

Đề nghị của Macnamara đánh dấu sự bất đồng ý kiến sâu sắc của ông với Tổng thống và còn kéo dài cho tới khi ông từ chức. Đối với Johnson đó là vấn đề sẽ còn theo đuổi ám ảnh ông có lẽ cho đến khi tiếng súng Tết Mậu Thân buộc ông phải có sự lựa chọn.

Ông hỏi ý kiến tất cả các cố vấn của ông ở Nhà Trắng, ngoài Nhà Trắng và các tướng lĩnh chỉ huy ở miền Nam Việt Nam. Ngoại trưởng Dan Rusk đồng ý với Macnamara là nên cố định quân số ở một mức nào, đồng ý để các quan chức Sài Gòn có nhiều trách nhiệm hơn đối với an ninh của quân Sài Gòn, không tin việc ngừng ném bom dài ngày có thể có kết quả nhưng đồng ý nên giảm bớt ném bom vùng Hà Nội, Hải Phòng.

Cố vấn an ninh Nhà Trắng Rostow, bấy giờ là cố vấn của Tổng thống, cho gợi ý của Mácnamara là một "chiến lược thụt lùi". Clark Clifford sau này sẽ thay Macnamara làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng đó là một kế hoạch sẽ làm chậm khả năng chấm dứt xung đột, không tán thành ấn định quân số.

Tướng Westmoreland kiên quyết phản đối ngừng ném bom miền Bắc hy vọng mức quân số năm trăm hai mươi lăm nghìn sẽ không phải vượt và tin rằng từ nay đến cuối năm 1969 Mỹ có thể bắt đầu rút lực lượng Mỹ và sau đó giảm bớt cam kết của Mỹ một cách có kế hoạch. Đại sứ Ellsworth Bunker cho rằng vấn đề ấn định quân số tuỳ thuộc Hà Nội có phát triển thêm hoạt động quân sự không, và phản đối thả mìn các cảng và đánh phá đê điều.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 27 Tháng Mười Một, 2009, 11:09:41 am
Johnson dành hàng tuần suy nghĩ về đề nghị của Macnamara và ngày 18 tháng 12 năm 1967, ông thảo một bị vong lục đề đưa vào lưu trữ trong đó ông ghi ý kiến của ông về đề nghị của Macnamara:

- Ngừng ném bom đơn phương và hoàn toàn vào lúc này là một sự sai lầm nhưng không loại trừ một đợt ngừng ném bom tương lai nếu chúng ta có lý do để tin là chúng ta tiến lại gần hoà bình.

- Phản đối thông báo rằng chúng ta ấn định mức quân số. Không có lý do gì tăng thêm quân Mỹ và đồng ý với đề nghị của Macnamra về việc Mỹ giảm các cuộc hành quân đề giảm thương vong về lính Mỹ.

Như chính Johnson đã viết trong Hồi ký, đây là một "quyết định đặc biệt" trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Quyết định đó nêu sự lúng túng của nhà cầm quyền Mỹ trong việc ra một quyết định về Việt Nam trong bối cảnh năm 1967.

Sau khi đi Ô-xtơ-rây-li-a và miền Nam Việt Nam, cuối tháng 12 năm 1967, Johnson đi Vaticăng thăm Giáo hoàng Paul VI để trình bày chính sách Việt Nam của Mỹ, yêu cầu Giáo hoàng quan tâm số phận các tù binh Mỹ ở Việt Nam, ông hài lòng là chuyến đi vòng quanh thế giới của ông "đã được trả công đích đáng".

Khi đó Tết âm lịch Việt Nam sắp đến, Tình báo Mỹ cho biết cuộc tấn công mùa đông của Việt cộng sẽ xảy ra vào dịp Tết. Khoảng một tuần trước cuộc tấn công của Việt cộng, tướng Westmoreland báo có khả năng vùng 1 chiến thuật trong đó có cố đô Huế bị tấn công và lưu ý rằng căn cứ Khe Sanh giống căn cứ Điện Biên Phủ trước đây và cần đề phòng địch tập trung cố gắng đánh chiếm chớp nhoáng Khe Sanh để tuyên truyền, Quảng Trị và Đà Nẵng cũng có thể bị tấn công.

Trong diễn văn về tình hình liên bang đọc trước Quốc hội ngày 17 tháng 1 năm 1968, Tổng thống Johnson nói về tình hình Việt Nam mọi việc như không có gì đặc biệt. Về sau này ông nói rằng ông đã "quá cẩn thận", sợ hé điều gì thì kẻ địch sẽ hiểu là chúng ta nắm được kế hoạch của họ.

Sự giải thích đó rõ ràng không đúng với thực tế vì nó không giải tích sự bàng hoàng của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc khi cuộc tấn công Tết Mậu Thân bùng nổ.

Khi Bộ Tư lệnh Mỹ ở Sài Gòn đề phòng một Điện Biên Phủ ở Khe Sanh và chuẩn bị đối phó với Việt cộng ở vùng chiến thuật 1 thì các cuộc tiến công nổ đồng loạt khắp miền Nam, ở ngay Sài Gòn, ngay trong sứ quán Mỹ.

Trong lúc Nhà Trắng và Lầu Năm Góc tung quân Mỹ đi "tìm và diệt" Việt cộng và ra sức leo thang đánh phá miền Bắc, họ đã bị mất nhiều máy bay trên miền Bắc còn ở miền Nam thì các chiến dịch đầu tiên của quân Mỹ đều bị thất bại.

Sau mùa khô thứ nhất 1965- 1966, rồi mùa khô 1966-1967, cục diện chiến trường đã xoay chuyển có lợi cho cách mạng miền Nam. Nếu gây cho Mỹ một thất bại quân sự lớn trong lúc này thì không những cục diện chiến trường tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam mà còn tác động mạnh mẽ vào tình hình nước Mỹ đang tiến tới cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm 1968.

Từ nhận định đó, Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương lần thứ XIV quyết định: "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ thắng lợi quyết định", dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa vào dịp Tết Nguyên đán.

Kế hoạch là:

Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực vào chiến trường chính hướng đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công của chiến lược đánh vào thị xã, thành phố quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy đồng loạt của quần chúng nông thôn và đô thị, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định và Trị Thiên- Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn miền Nam.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 27 Tháng Mười Một, 2009, 11:10:27 am
Thực hiện kế hoạch trên, đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân), lực lượng vũ trang của ta đồng loạt tiến công địch, đánh thẳng vào thành phố, thị xã, các quận lỵ, căn cứ, kho tàng, sân bay, sở chỉ huy địch.

Tại Sài Gòn ta tiến công vào các cơ quan đầu não của Mỹ - Nguỵ: đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Bộ Tư lệnh hải quân, Sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng nha Cảnh sát, khu kho Nhà Bè, Trại thiết giáp Phù Đổng, Xưởng quân cụ 80, Trại pháo binh Cổ Loa, Trung tâm huấn luyện Quang Trung, căn cứ truyền tin Phú Lâm, suốt từ Quảng Trị đến Cà Mau địch đều bị đánh.

Johnson xác nhận ba mươi sáu trong số bốn mươi nhăm thị xã nằm trong sáu thành phố lớn, hai mươi lăm phần trăm các quận lỵ bị tiến công, riêng Huế bị chiếm trong hai mươi sáu ngày. Nhiều vùng nông thôn được giải phóng. Tin Reuter cho biết "chương trình bình định" bị thiệt hại nặng ở mười ba tỉnh, thiệt hại vừa ở mười sáu tỉnh.

Choáng người vì cuộc tổng tiến công bất ngờ trên toàn miền Nam, Johnson lại càng bối rối trước tình hình chung của nước Mỹ lúc bấy giờ. Một đội đặc công Bắc Triều Tiên thâm nhập Hàn Quốc nhằm mưu sát Tổng thống Pac Chung Hi; rồi Bắc Triều Tiên lại chiếm chiếc tàu do thám của Mỹ Pueblo, tống giam toàn bộ đoàn thuỷ thủ. Johnson phải gọi mười bốn quân dự bị thuộc hải quân và không quân để củng cố các vị trí của Mỹ tại Hàn Quốc và số quân này không lấy trong số quân cần gửi sang miền Nam Việt Nam.

Tình báo lại báo cáo Tây Béc-lin có nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới. Hệ thống tiền tệ quốc tế bị khủng hoảng nặng. Ngân sách Mỹ thâm hụt nghiêm trọng nhất từ 1950 đến nay, kế hoạch xây dựng "xã hội vĩ đại" mà Johnson đã hứa trong cuộc vận động bầu cử thiếu tiền, nay Johnson muốn thúc đẩy nó lên, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, chống tội phạm và bảo vệ người tiêu thụ nhưng vẫn chưa có ngân sách.

Tin tức, phóng sự, hình ảnh về Sài Gòn và sứ quán Mỹ tác động mạnh mẽ đến người dân Mỹ, họ thấy đó là những hình ảnh rõ ràng, của sự thất bại. Nếu đầu năm 1967 Salsbury gửi loạt bài từ Hà Nội người dân Mỹ mới thấy sự ác liệt của chiến tranh và những tội ác của bom đạn Mỹ thì đầu năm 1968 vô tuyến truyền hình đưa vào từng nhà người Mỹ hình ảnh cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.

Các tổ chức phản chiến tăng cường hoạt động đòi chấm đứt chiến tranh, đòi chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, đòi thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Johnson gọi đó là cuộc pháo kích hàng ngày để gieo rắc chủ nghĩa bi quan.

Johnson đối phó khá dễ dàng với tình hình bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả việc tăng cường thêm hải quân và không quân. Nhưng tình hình Việt Nam đòi hỏi giải quyết nhiều vấn đề và không vấn đề nào là dễ giải quyết cả.

Trước hết có yêu cầu trước mắt của Tư lệnh chiến trường, Tướng Westmoreland, khi đó có trong tay gần năm trăm nghìn quân trong tổng số hai trăm năm mươi hai nghìn đã phê chuẩn, ông yêu cầu gửi gấp sáu tiểu đoàn, khoảng mười nghìn quân.

Trong khi đó, Nguyễn Văn Thiệu quyết định tổng động viên nhằm bắt ngay năm mươi sáu nghìn quân. Các chuyên gia bắt tay vào việc mới thấy vấn đề không đơn giản, trái lại với hàng loạt vấn đề chính trị, quân sự, tài chính như vai trò quân Sài Gòn đến đâu để định số quân Mỹ, có gọi lính dự bị không, tốn thêm bao nhiêu tiền và lấy tiền ở đâu?


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 27 Tháng Mười Một, 2009, 11:11:12 am
Johnson lập nhóm chuyên viên Clifford, người sẽ thay Macnamara làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ ngày 1 tháng 3 năm 1968 làm Trưởng đoàn và bao gồm những cộng sự tin cậy và tài ba của Johnson: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dan Rusk, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phao-lơ, Thứ trưởng Ngoại giao Nicôlas Katzenbach, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Paul Nitze, Giám đốc CIA Dich Hem, Cố vấn An ninh W.Rostow, Tướng Maxwell Taylor và một số nhân vật khác.

Mới đầu nhóm đề ra ba phương án:

Phương án một: Tăng bốn trăm nghìn quân với ngân sách bổ sung mười tỷ đô-la trong năm 1969;

Phương án hai: Tăng quân kết hợp với hạn chế ném bom tới Nam vĩ tuyến 20 để đề nghị hoà bình;

Phương án ba: Do Macnamara đưa ra là giữ quân số ở mức hiện nay và sửa đổi chiến lược chỉ bảo vệ các vùng chủ yếu và giảm bớt các cuộc hành quân trong các vùng ít dân.

Clifford đề nghị phương án bốn: Tăng viện thêm từ năm trăm nghìn đến một triệu quân.

Hỏi các tướng Uy-lơ và Westmoreland, họ cho rằng cần tăng viện hai trăm linh năm nghìn quân, nhưng trong hai tháng trước mắt tăng ngay một trăm linh tám nghìn quân. Ý kiến của hai nhân vật quan trọng nhất là của Tư lệnh ở miền Nam Uy-lơ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Macnamara. Macnamara cho rằng không nên tăng quá mức mười năm nghìn quân đã dự kiến và tăng thêm trách nhiệm tác chiến cho quân Sài Gòn. Uy-lơ cho rằng nên giữ ý kiến ông ta đưa ra trước mắt gửi hơn một trăm nghìn quân sang ngay miền Nam.

Trong lúc các cuộc bàu luận tiếp tục mà chưa đi đến kết luận gì, có nhiều tin quan trọng tác động đến cách suy nghĩ của mọi người. Trước hết là báo cáo của Westmoreland cho biết chính quyền Nguyễn Văn Thiệu có một trăm mười tám tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu. Thứ hai là những tin liên tiếp từ U Thant, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, nhiều nhà ngoại giao Đông Âu, nhiều đại sứ Mỹ ở nước ngoài cho biết Hà Nội sẽ nhận thương lượng với Mỹ nếu Mỹ chịu chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam.

Như vậy vấn đề tăng viện cho đội quân Mỹ ở miền Nam lại gắn với khả năng quân Sài Gòn thay thế quân Mỹ một chừng mực nào, với vấn đề Việt Nam, Dan Rusk kiên trì ý kiến cứ ngừng ném bom miền Bắc không cần tuyên bố, không cần đòi có đi có lại, nhưng do mùa mưa bắt đầu có thể chấm dứt ném bom từ vĩ tuyến 20 trở lên, như vậy về quân sự cũng chẳng thiệt hại gì.

Cuối cùng nhóm Clifford kiến nghị tăng viện ngay cho miền Nam hai mươi ba nghìn quân, đòi chính quyền Sài Gòn tăng thêm quân số, chuẩn y ngay việc động viên hai trăm bốn mươi lăm nghìn quân dự bị, nghiên cứu thêm những "chỉ thị mới về chính trị và chiến lược" về Việt Nam và không để một sáng kiến hoà bình mới nào về Việt Nam.

Để có những ý kiến rộng rãi và khách quan, Johnson lại triệu tập các cố vấn phi chính phủ (thường gọi là các nhà quân sư) như cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Din A-ki-xơn, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Gioóc-bôn, Tướng O-ma Bradlây, Mạc Gioóc-bân-dy, Ác tơ Din (người tham gia cuộc thương lượng để giải quyết cuộc chiến tranh Triều Tiên), cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Du-glas Di-lơn, đại sứ Hen-ri Cabốt Lôdgiơ, nhà ngoại giao Rô-bớt Mơc-phy, Tướng Ma thiu Rid-quây, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Xai rớt Ven-xơ.

Ông cũng tham khảo ý kiến những nhân vật có thế lực trong Quốc hội. Có nhiều công thức hoà bình được trình lên Tổng thống, Din Ra-xcơ đã đề nghị ngừng ném bom thực tế, không nêu bất cứ điều kiện hay giả định gì.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 27 Tháng Mười Một, 2009, 11:12:08 am
Công thức của một nhà ngoại giao trung lập là: một chính phủ trung lập hay một cường quốc nào khác mời Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Hoa Kỳ họp vào một ngày nào đó, một ngày trước khi họp các bên tham chiến sẽ giảm hoạt động quân sự bao gồm cả việc ngừng mọi cuộc hành quân tiến công quy mô, các thành viên trong Uỷ ban Quốc tế cũng sẽ được mời dự họp, không cần thoả thuận trước, đến ngày đã định cuộc họp cứ tiến hành dù các bên được mới có đến hay không.

Đại sứ Mỹ Ác-tơ Gioóc-bớc đề nghị ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc trong thời gian cần thiết để xem Hà Nội có thật lòng mong muốn thương lượng không, không cần nói điều kiện hay thời hạn. Công thức của đại sứ Mỹ Ses-tơ Bâu-lơ tại Ấn Độ cũng là chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc nhưng trước khi chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc thông báo cho Ấn Độ, Anh, Liên Xô, Nhật Bản, Tổng Thư ký Liên hợp quốc biết và nói rằng Mỹ chỉ chấm dứt ném bom nếu các nước khác cam kết thúc đẩy các cuộc thương lượng có ý nghĩa là hứa hợp tác với Mỹ và các nước khác để vạch một kế hoạch phát triển kinh tế ở Đông Nam Á.

Những ý kiến không tán thành chấm dứt ném bom thì có những kiến nghị chấm dứt ở vĩ tuyến 20. Hoàn toàn chấm dứt từ vĩ tuyến 20 trở lên, chấm dứt ở vĩ tuyến 17 hay phía Bắc khu phi quân sự v.v...

Theo Johnson, nhóm cố vấn phi chính phủ không nhất trí: sáu vị tán thành một kiểu xuống thang nào đó, một vị không tán thành mà cũng không phản đối, bốn vị phản đối.

Còn một vấn đề nữa làm cho Johnson suy nghĩ rất nhiều là ông có nên rút khỏi danh sách ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ không? Ngay khi trúng cử Tổng thống năm 1964, ông đã có ý định và sau đó đã nhiều lần nêu vấn đề này hỏi ý kiến các cộng sự thân cận nhất. Với sự phát triển bất ngờ của tình hình Việt Nam, từ sau Tết Mậu Thân, ông càng cân nhắc vấn đề rút lui việc ứng cử Tổng thống năm 1968.

Cho đến những ngày cuối tháng 3 năm 1968, Johnson đi đến bốn quyết định:

Một: Viện trợ cho chính quyền Sài Gòn về số quân Mỹ, trang bị, tiền của không cần phải quá nhiều.

Hai: Đề nghị hoà bình của Đin Ra-xcơ là đề nghị tốt nhất.

Ba: Chính quyền Sài Gòn cần đảm nhiệm phần nhiều hơn trong chiến đấu để tự bảo vệ.

Bốn: Không ra ứng cử Tổng thống một khoá nữa.

Quyết định đó vào lúc nào? ông đã trả lời: chính xác vào hai mươi mốt giờ một phút ngày 31 tháng 3 năm 1968, khi ông đọc bài diễn văn trong phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Trong bốn mươi nhăm phút, ông đã tả lại cuộc tấn công Tết Mậu Thân âm mưu của Việt cộng, và nói nó đã thất bại ở những điểm nào, thông báo dự định của chính quyền tăng cường quân đội Sài Gòn. Tiếp đó ông nói đã đến lúc lại nói về hoà bình và ông sẵn sàng đi bước trước trên con đường xuống thang.

"Tối nay tôi đã ra lệnh cho các máy bay và tàu chiến của chúng ta không tiến hành cuộc tiến công nào chống Bắc Việt Nam, trừ khu vực nằm ở Bắc khu phi quân sự là nơi địch đang có những cuộc chuẩn bị liên tục, trực tiếp đe doạ các vị trí tiền tiêu của đồng minh và là nơi cuộc vận chuyển của các đoàn người và đoàn tiếp tế chỉ làm tăng thêm sự đe doạ đó".

Sau cùng ông nói:

"Khi tôi nhìn con em nước Mỹ đi chiến trường xa, khi tôi thấy tương lai nước ta bị đe doạ ngay bên trong biên giới của nước ta và khi tôi nghĩ đến những hy vọng hoà bình của chúng ta và của toàn thế giới, tôi không nghĩ mình có quyền dành một ngày, thậm chí một giờ trong thì giờ của tôi ủng hộ những quyền lợi đảng phái hay bất cứ nhiệm vụ nào khác ngoài những nhiệm vụ nặng nề đặt trên vai vị Tổng thống nước các bạn.

Vì vậy tôi không mưu cầu và cũng không chấp nhận việc đảng tôi cử tôi ra ứng cử cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới” (L.B.Johnson. Sđd, tr. 443-525.)


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 29 Tháng Mười Một, 2009, 10:49:47 am
Trong suốt hai tháng, tất cả các cố vấn của Tổng thống, kể cả những tác giả của các công thức ngừng ném bom hoàn toàn hay hạn chế, đều không tin là lần này Việt Nam Dân chủ Còng hoà sẽ đáp ứng tích cực một đề nghị hoà bình mới của Johnson.

Trong chính giới, một số nghị sĩ có tên tuổi nghi ngờ tác dụng lời tuyên bố ngày 31 tháng 3 của Johnson.

Thượng nghị sĩ Uy-li-am Phun-brai nói: Tuyên bố đó chỉ là một sự thay đổi hạn chế chính sách hiện hành của Mỹ, rằng chấm dứt ném bom như thế sẽ không thúc đẩy Hà Nội đi vào thương lượng hoà bình.

Thượng nghị sĩ Phrăng Lâu-xơ cho rằng: Làm sao Cụ Hồ Chí Minh có thể có một câu trả lời khẳng định trong khi Phun-brai và nhiều người khác đả kích Chính phủ trước khi kẻ địch trả lời.

Bản thân Johnson cũng băn khoăn về điều đó. Cho nên tối ngày 31 tháng 3 ngay trước khi ngủ, ông đã cầu nguyện để Hà Nội nghe thấy lời kêu gọi của ông sẽ đáp lại

Chúa đã nghe thấy lời thỉnh cầu của Tổng thống Johnson chăng?

Từ cuối năm 1966. Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã quyết định chủ trương tạo điều kiện thực hiện cục diện vừa đánh vừa đàm và đã có nhiều biện pháp để thực hiện chủ trương đó.

Ngày 3 tháng 4 năm 1968, trong một tuyên bố chính thức, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã chỉ rõ:

"Rõ ràng Chính phủ Mỹ chưa đáp ứng nghiêm chỉnh và đầy đủ đòi hỏi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, của dư luận tiến bộ Mỹ và dư luận thế giới. Tuy nhiên về phía mình, Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố sẵn sàng cử đại diện mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện”.

Hà Nội chính thức chấp nhận nói chuyện với Mỹ nhưng bước đầu đại diện hai bên tiếp xúc với nhau để bàn việc tổ chức nói chuyện về thực chất, sau đó sẽ là hội nghị chính thức.

Tối ngày 4 tháng 4, sứ quán Mỹ ở Viêng Chăn chính thức báo cho sứ quán Việt Nam là Mỹ đề nghị cuộc tiếp xúc sẽ diễn ra ở Giơ-ne-vơ. Hà Nội đề nghị lấy Phnôm Pênh với dụng ý là có một địa điểm gần chiến trường miền Nam Việt Nam và có thể có tác động cổ vũ và củng cố tình đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương.

Oa-sinh-tơn không chấp nhận và đề nghị bốn địa điểm khác: Niu Đê-li, Gia-cát-ta, Viêng Chăn, Răng-gum. Hà Nội đề nghị Vác-sa-va. Lúc đầu, Oa- sinh-tơn chấp nhận Vác-sa-va nhưng họ khó chịu về việc tin đó bị tiết lộ ra ngoài. Họ lại đưa ra một danh sách mười địa điểm: Cô-lôm-bô, Cát-man-đu, Cu-a-la Lăm-pua, Ra-oan-pi-đi, Ca-bun, Tô-ky-ô, Brúc-xen, Hen-xin-ki, Viên, Rô-ma. Cuộc trao đổi ý kiến qua đại dương về địa điểm tiếp xúc diễn ra trong gần một tháng đã có sức cuốn hút dư luận.

Cuối cùng, ngày 2 tháng 5, bỏ qua bước tiếp xúc trù bị, Hà Nội đề nghị lấy Paris làm địa điểm họp chính thức, cử Bộ trưởng Xuân Thuỷ làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đề nghị phiên họp đầu tiên vào ngày 10 tháng 5 năm 1968 hay một vài ngày sau đó. Oa-sinh-tơn chấp nhận.

Johnson cử A-vơ-ren Ha-ri-man và C.Van-xơ, hai nhà ngoại giao có tài, làm Trưởng và Phó trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Mỹ. Sau khi thoả thuận các vấn đề thủ tục trong ngày 10 và 11 tháng 5, cuộc nói chuyện chính thức bắt đầu ngày 13 tháng 5.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 29 Tháng Mười Một, 2009, 10:50:27 am
Lập trường của Mỹ trong thời kỳ đầu của cuộc nói chuyện tập trung vào ba vấn đề chủ yếu: Các cuộc nói chuyện sau khi Mỹ chấm dứt hoàn toàn các cuộc ném bom cần có sự tham gia của Chính phủ Sài Gòn; Bắc Việt Nam không vi phạm khu phi quân sự, không đưa quân đi qua hay đóng tại khu đó, không bắn pháo vào phía Nam từ khu đó; Bắc Việt Nam và Việt cộng không bắn pháo tay hay tên lửa vào các thành phố lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.

Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phản đối những đòi hỏi đó và coi đó là những điều kiện cho việc chấm dứt ném bom, và đòi phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và phải để Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia cuộc nói chuyện.

Đến tháng 10, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chủ động gỡ tình hình bế tắc. Trong một cuộc gặp riêng, đồng chí Xuân Thuỷ hỏi:

Nếu Việt Nam chấp nhận cho chính quyền Sài Gòn tham gia giai đoạn tiếp theo của cuộc nói chuyện thì phía Mỹ có chấm dứt hoàn toàn các cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam hay không?

Ha-ri-man nói:

- Cần phải hỏi Oa-sinh-tơn. Sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thoả thuận mọi vấn đề liên quan tới việc ngừng ném bom và giai đoạn của cuộc nói chuyện, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã nêu thêm nhiều vấn đề, nhiều lý lẽ để phản đối việc chấm dứt ném bom miền Bắc vào ngày 1 tháng 11 năm 1968.

Buộc phải từ bỏ ý định làm một bản tuyên bố chung Mỹ - Sài Gòn, Tổng thống Johnson đã đọc bản tuyên bố với nhân dân Mỹ lúc hai mươi giờ ngày 31 tháng 10 năm 1968. Sau khi phân tích sự diễn biến rất quan trọng của tình hình tìm kiếm hoà bình từ tuyên bố ngày 31 tháng 8 đến các cuộc nói chuyện ở Paris, ông nói:

"Bây giờ, do tình hình như vậy, tôi ra lệnh chấm dứt kể từ tám giờ (giờ Oa-sinh-tơn) sáng thứ sáu tất cả các cuộc oanh kích bằng không quân, hải quân và đại bác đối với Bắc Việt Nam" (Tài liệu Lầu Năm Góc, G.E. tập IV, tr. 272.)

Đồng thời, Johnson thông báo là sẽ bắt đầu các cuộc nói chuyện ở Paris vào tuần sau. Chính phủ Sài Gòn tự do quyết định tham gia hay không, còn đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam sẽ tham gia nhưng điều đó không bao hàm ý nghĩa công nhận dưới bất cứ hình thức nào Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Johnson nói thêm là các cuộc nói chuyện không thể tiếp tục nếu phía bên kia lợi dụng việc chấm dứt ném bom, nếu các thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam bị pháo kích và khu phi quân sự bị xâm phạm.

Bốn tuần lễ sau, Chính phủ Sài Gòn mới quyết định cử một đoàn đại biểu đi Paris và Trưởng đoàn này mãi ngày 8 tháng 12 mới tới. Ngày 18 tháng 1 năm 1969, mọi vấn đề thủ tục đã được giải quyết.

Ngày 25 tháng 1, phiên họp thứ nhất của Hội nghị bốn bên ở Paris bắt đầu, năm ngày sau khi Tổng thống Johnson rời khỏi Nhà Trắng.



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 29 Tháng Mười Một, 2009, 10:51:07 am
CHƯƠNG HAI MƯƠI
THAY KẾT LUẬN

Từ ngày 1 tháng 11 năm 1968, máy bay và tàu chiến Mỹ nói chung không oanh kích Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhưng thỉnh thoảng còn đánh phá phần phía Nam, máy bay trinh sát đặc biệt U.2. tiếp tục ngày đêm trinh sát Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chiến tranh vẫn tiếp diễn ở miền Nam Việt Nam trong lúc tại Paris, công khai và bí mật, người Mỹ và người Việt Nam đối thoại để đi tới chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Mặc dầu sau này chính quyền Ních-xơn cho máy bay ném bom hạn chế 1968 có ý nghĩa rõ ràng là cuộc chiến tranh leo thang bằng không quân và hải quân của Tổng thống Johnson đã thất bại.

Sau khi trúng cử Tổng thống thứ ba mươi sáu của Hoa Kỳ, từ đầu năm 1965, Johnson đã có hai quyết định cực kỳ quan trọng đối với nước Mỹ: đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam và dùng không quân ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Phải chấp nhận sự thách thức đó, nhân dân Việt Nam đồng thời chống cuộc chiến tranh cục bộ giải phóng miền Nam và cuộc chiến tranh leo thang ở miền Bắc, buộc Mỹ phải xuống thang từng bước, tiến tới thống nhất Tổ Quốc.

Với lời tuyên bố nổi tiếng "Mỹ sẵn sàng thương lượng không điều kiện" ở Ban-ti-mô ngày 7 tháng 4 năm 1965, Johnson dù thành thật hay không thành thật đã chỉ ra con đường thực hiện giải quyết vấn đề Việt Nam, do đó thật sự lúc đầu đã gieo hy vọng trong lòng nhiều người, nhất là những người yêu chuộng hoà bình. Nhưng cho đến khi đưa ra công thức Xan An-tô-ni-ô, trong ba mươi tháng, con đường mà ông đã đi lại theo một chiều ngược lại.

Trên các diễn đàn quốc tế, xưa nay biết bao nhà chính trị đã nói một đằng làm một nẻo, cho nên việc Johnson đặt điều kiện rồi mới chịu đi vào thương lượng là không có gì đáng ngạc nhiên. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi ông ta muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thương lượng theo điều kiện của Mỹ. Nhưng điều khiến người ta ngạc nhiên là trong một vấn đề đã làm đau đầu những Tổng thống tiền nhiệm của ông và tiếp tục là vấn đề nan giải của bản thân ông, ông vẫn muốn vừa thắng cuộc chiến tranh Việt Nam vừa thắng cuộc bầu cử Tổng thống năm 1968.

Do quá tin ở sức mạnh của Hoa Kỳ hay do đánh giá quá thấp kẻ địch? Hy vọng sẽ lại giành sự thắng lợi lịch sử năm 1964 hay do đánh giá sai tác động của chiến tranh Việt Nam tới cử tri? Có thể nói trong suốt ba mươi tháng đó, hễ Johnson nói sẵn sàng thương lượng với Hà Nội là nói đến điều kiện, thậm chí còn theo tối hậu thư.

Trong vụ Mê-ri-gôn, lần đầu tiên do sự trung gian của Ba Lan, cái cầu quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được bắc, nhưng Oa-sinh-tơn đã phủ nhậu những điều mà đại diện của họ đã nói với đại diện Ba Lan và I-ta-li-a tại Sài Gòn, đã ném bom trung tâm Hà Nội hai ngày trước khi có cuộc gặp tại Vác-sa-va giữa đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện Mỹ như thoả thuận. Họ phá cuộc gặp gỡ và phá luôn cả cái cầu.

Cái cầu Lê Trang - Gớt-tơ-rai mới bắc được ở Mát-xcơ-va thì ở Luân Đôn, cũng trong thời gian đó, Nhà Trắng phủ nhận những điều mà Thủ tướng Anh Uyn-xơn, với sự đồng ý của đặc phái viên Tổng thống Mỹ C. Cu-pơ, đã thoả thuận với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cô-xư-ghin khi đó đang ở thăm Vương quốc Anh.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 29 Tháng Mười Một, 2009, 10:51:41 am
Họ đã đòi Hà Nội phải chấp nhận những điều khác với những thoả thuận đó trước một thời hạn mà ngay Cu-pơ và đại sứ Mỹ tại Luân Đôn cũng thấy đó là quả đáng để có cớ ném bom thủ đô Hà Nội. Sự tiếp xúc giữa Oa-sinh-tơn và Hà Nội lại bị cắt đứt.

Với sự trung gian của hai ông Ô-brắc và Mác-vô-vích, cuộc tiếp xúc giữa Hà Nội và Oa-sinh-tơn kéo dài hai tháng và đi tới cả việc trao đổi thông điệp giữa hai bên. Nhưng về sau, Oa-sinh-tơn vừa đưa công hàm vừa ném bom Hà Nội, khiến cả hai người trung gian cũng không hiểu Nhà Trắng muốn gì. Đây là cái mà ông Mác-vô-vích gọi là hai món hàng khác nhau cùng một người giao hàng gửi cho một người nhận.

Qua kinh nghiệm thực tế, Hà Nội cho cái gọi là "sáng kiến hoà bình", "thương lượng không điều kiện"của Johnson là lừa bịp. Dư luận, kể cả ở Mỹ, cho rằng đó là chính sách hai mặt của ông ta, ông ta không thật lòng muốn thương lượng, ít nhất, có một điều có thể khẳng định được là Johnson muốn tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam giành thắng lợi quyết định để bước vào năm bầu cử Tổng thống; trong khi đó có thể tiếp xúc với Hà Nội - chưa phải là thương lượng - để thăm dò ý kiến giải quyết toàn bộ vấn đề của phía Việt Nam, và có thể ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam với điều kiện Hà Nội tuyên bố không lợi dụng ngừng ném bom để tăng cường chi viện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Vì thế, lúc nào Johnson cũng nêu điều kiện dưới hình thức này hay hình thức kia.

Phải đợi đến sự rung chuyển miền Nam Việt Nam và cả nước Mỹ sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân thì Johnsou mới buộc phải có một lựa chọn phù hợp với tình hình. Đã đến lúc phải đưa nước Mỹ vào thương lượng trực tiếp với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trước kia, Oa-sinh-tơn đòi Bắc Việt Nam trước hết phải bảo đảm không lợi dụng ngừng ném bom, hay tham gia thương lượng, nay chấp nhận dù không coi việc đó là công nhận Mặt trận. Và hơn thế, vì những lợi ích đảng phái, ông ta tuyên bố không ra ứng cử Tổng thống một khoá nữa, chấm dứt sự nghiệp chính trị của bản thân ông.

Nếu ta nhớ lại rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói rất rõ với đại sứ C.Ron-ninh từ tháng 3 năm 1966 rằng chỉ cần Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc là hai bên có thể nói chuyện ngay; nếu ta nhớ lại rằng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh từ ngày 28 tháng 1 năm 1967 đã chính thức nói rằng sau khi Mỹ ngừng ném bom không điều kiện miền Bắc sẽ nói chuyện giữa Mỹ và Việt Nam, thì thấy rằng cuộc gặp gỡ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ còn có khả năng diễn ra sớm hơn. Một số người còn đi xa hơn và tự hỏi: biết đâu đã chẳng tránh được Tết Mậu Thân và Johnson có thể không phải rút lui khỏi vũ đài chính trị.

Mặc dù Johnson đã coi vấn đề chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam là "biện pháp bức thiết phải có". Nhưng như Tướng A-bram, Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam nói: ông đã trả một giá rất đắt cho nước Mỹ, cho bản thân ông vì một chính sách mù quáng, phiêu lưu, vì cuộc chiến tranh của Johnson.

Hội nghị bốn bên ở Paris còn kéo dài hơn bốn năm nữa mới đi đến một giải pháp cho vấn đề chiến tranh Việt Nam. Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30 tháng 4 năm 1975 chiến tranh mới thật sự kết thúc ở Việt Nam, miền Nam Việt Nam mới được giải phóng, tạo điều kiện đi tới thống nhất nước Việt Nam. Đây là quá trình nêu ra hàng loạt vấn đề mà các nhà sử học, ngoại giao, quân sự, các nhà luật học chắc chắn sẽ còn phải đi sâu nghiên cứu và phân tích để đánh giá cuộc chiến tranh Việt Nam đúng với tầm vóc của nó.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 29 Tháng Mười Một, 2009, 11:08:17 am
NHỮNG SỰ KIỆN CHÍNH
(1945-1968)

1945

2-9. Thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

1946

6-3. Hiệp định sơ bộ được ký giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà Pháp. Pháp thừa nhận Việt Nam là một nước tự do trong Liên hiệp Pháp.

13-5. Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm chính thức nước Cộng hoà Pháp.

19-12. Pháp gây ra cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất

1948

5-6. Tại Vịnh Hạ Long, Tướng Nguyễn Văn Xuân, thay mặt Bảo Đại và Cao uỷ Pháp E.Bô-la-e ký tuyên bố (bí mật) theo đó Pháp thừa nhận độc lập của Việt Nam.

1949

8-3. Tổng thống Pháp Vanh-xăng O-ri-ôn và Bảo Đại ký thoả ước Ê-li-dê trao trả độc lập cho Việt Nam.

1-7. Bảo Đại thành lập Quốc gia Việt Nam.

1950

18-1. Trung Quốc rồi sau đó Liên Xô (30-1) công nhận và lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

2-2. Mỹ chính thức công nhận Quốc gia Việt Nam.

8-5. Mỹ viện trợ quân sự và kinh tế cho Đông Dương (qua Pháp).

2-8. Thành lập phái đoàn cố vấn viện trợ quân sự Mỹ (MAAG) ở Sài Gòn.

23-12. Mỹ ký Hiệp nghị viện trợ phòng thủ chung với Pháp và "ba nước liên kết" ở Đông Dương.

1954

18-2. Hội nghị Béc-lin (Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô) quyết định triệu tập Hội nghị Giơ-ne-vơ về Triều Tiên và Đông Dương.

7-5. Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ.

8-5. Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc.

20-7. Ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam.

8-9. Ký hiệp ước Ma-ni-la thành lập tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) và đặt miền Nam Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia vào khu vực bảo hộ của tổ chức này.

23-10. Tổng thống Đ.D.Ai-xen-hao gửi thư cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm hứa viện trợ trực tiếp cho chính quyền Sài Gòn

31-12. Thủ tướng Lào Càtay D. Xa-xô-rít cho quân đội tấn công chiếm hai tỉnh Phong Sa Lỳ và Sầm Nưa do Pa-thét Lào kiểm soát.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 29 Tháng Mười Một, 2009, 11:16:15 am
1955

Tháng 1. Mỹ viện trợ trực tiếp cho quân miền Nam Việt Nam.

12-1. Mỹ nắm quyền huấn luyện quân đội Sài Gòn.

16-5. Ký Hiệp nghị viện trợ quân sự của Mỹ cho Cam- pu chia.

6-6. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đề nghị với chính quyền Sài Gòn hai miền hiệp thương vào ngày 20 tháng 7 để bàn về tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Chính quyền Ngô Đình Diệm bác bỏ.

26-10. Thành lập Việt Nam Cộng hoà (miền Nam Việt Nam) Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống.

1956

11-1. Chính quyền Ngô Đình Diệm công bố lệnh: an trí hoặc cưỡng bức cư trú hoặc biệt trú những người coi là nguy hiểm cho quốc phòng và an ninh công cộng.

21-4. Cam-pu-chia bác bỏ sự bảo hộ của khối SEATO.

21-6. Ký Hiệp ước về việc Trung Quốc viện trợ kinh tế cho Cam-pu-chia.

20-7. Chính quyền Sài Gòn từ chối tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam.

10-8. Thủ tướng Xu-va-na Phu-ma và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đại diện cho Pa-thét Lào ký thông cáo chung về nguyên tắc thành lập Chính phủ Hoà hợp dân tộc ở Lào.

16-10. Chính phủ Vương quốc Lào và Pa-thét Lào ký thông cáo chung về việc lập Chính phủ đoàn kết dân tộc ở Lào.

4-11. Quốc hội Cam-pu-chia thông qua đạo luật về nền trung lập của Cam-pu-chia.

1958

8-3. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đề nghị gặp chính quyền Sài Gòn để bàn việc giảm quân số và trao đổi buôn bán giữa hai miền. Chính quyền Sài Gòn từ chối.

22-7. Chính phủ Xu-va-na Phu-ma ở Lào đổ, Phủi Xa-na-ni-con lên làm Thủ tướng gạt bỏ các đại biểu Pa-thét Lào ra khỏi Chính phủ Liên hiệp.

1959

Tháng 1. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: dùng khởi nghĩa giành chính quyền. Đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị ở miền Nam Việt Nam.

6-5. Chính quyền Ngô Đình Diệm công bố luật 10-59, lập toà án đặc biệt xử những người chống đối.

11-5. Phủi Xa-na-ni-con gây lại nội chiến ở Lào và vu cáo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xâm lược Lào.

31-12 Phu-ni Nô-xa-vẳn làm đảo chính lật đổ Chính phủ Phủi Xa-na-ni-con ở Lào, đưa Cu Áp-hay lên làm Thủ tướng.

1960

9-8. Đại uý Coong-le làm đảo chính ở Lào.

17-8. Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma lập chính phủ mới ở Lào, tuyên bố theo đường lối trung lập.

13-12. Phu-ni Nô-xa-vẳn chiếm lại Viêng Chăn đưa Hoàng thân Bun ùm làm Thủ tướng. Chính phủ Xu-va-na Phu-ma về Xiêng Khoảng.

20-12. Thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1960 số nhân viên quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên 900 người.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 29 Tháng Mười Một, 2009, 11:17:28 am
1961

20-1. Tổng thống J.F.Ken-nơ-đi nhậm chức.

16-5. Hội nghị Giơ-ne-vơ (gồm mười bốn nước) bàn về vấn đề Lào khai mạc.

4-6. J.F.Ken-nơ-đi gặp N.Khơ-rúp-xốp, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ở Viên (Áo) thoả thuận trung lập hoá Lào.

16-11. Mỹ đưa thêm lực lượng đặc biệt vào miền Nam Việt Nam.

Tháng 12. Số nhân viên quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên tới ba nghìn hai trăm người.

1962

4-1. Mỹ và chính quyền Diệm công bố kế hoạch quân sự kinh tế Xta-lây Tay-lơ nhằm bình định miền Nam Việt Nam trong mười tám tháng.

8-2. Mỹ lập Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự (MAVC) ở Sài Gòn.

15-5. Pa-thét Lào giải phóng Nậm Thà. Mỹ đưa năm nghìn quân thuộc lực lượng đặc biệt vào Thái Lan, đe doạ can thiệp vào Lào.

23-6. Ba Hoàng thân ở Lào thoả thuận lập Chính phủ ba phái do Xu-va-na Phu-ma làm Thủ tướng.

23-7. Hội nghị Giơ-ne-vơ về Lào bế mạc, ký văn kiện về nền trung lập ở Lào.

1963

8-5. Ngô Đình Diệm đàn áp sình viên và Phật tử nhân ngày Phật đản ở Huế. Cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật phát triển ở khắp miền Nam.

2-10. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Macnamara thăm miền Nam Việt Nam, ông ta nói: Mỹ có thể thắng vào cuối năm 1965.

11-1. Đảo chính ở Sài Gòn. Anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu bị sát hại. Tướng Dương Văn Minh lên cầm quyền.

Tháng 12. Số quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên mười sáu nghìn người.

1964

30-1. Nguyễn Khánh làm đảo chính lật đổ Dương Văn Minh.

1-2. Bộ Quốc phòng Mỹ thông qua chương trình 34-A tấn công bí mật miền Bắc Việt Nam ở trên bộ, trên không và dưới biển do Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn điều khiển.

17-3. Tướng Nguyễn Khánh, Tướng Phu-mi Nô-va-vẳn (Lào) cùng bọn phản động ở Cam-pu-chia họp ở Đà Lạt nhằm phối hợp hành động mở rộng chiến tranh ở ba nước Đông Dương.

19-4. Đảo chính ở Viêng Chăn do Cu-pra-xít và Si Hổ tổ chức lật đổ Chính phủ ba phái ở Lào. Phu-mi Nô-va-vẳn vẫn được mời ra giữ chức vụ Thủ tướng.

21-5. Xu-va-na Phu-ma đồng ý để máy bay Mỹ do thám và bắn phá vùng Pa-thét Lào (chiến dịch I-an Ki-tim).

2-6. Hội nghị Hô-nô-lu-lu: Hoa Kỳ quyết định "đánh bại quyết tâm và tiềm năng của Bắc Việt, buộc Bắc Việt Nam chấm dứt ủng hộ Việt cộng”.

8-7. Tổng Thư ký Liên hợp quốc U-thant kêu gọi triệu tập lại Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương để giải quyết vấn đề Việt Nam.

27-7. Liên Xô đề nghị triệu tập Hội nghị Giơ-ne-vơ về Lào.

2 và 4-8. Mỹ dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" để đổ trách nhiệm cho Việt Nam.

5-8. Máy bay Mỹ đánh phá các căn cứ của Hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Cẩm Phả, Hải Phòng, Lạch Trường, Vinh và Đồng Hới.

7-8. Quốc hội Mỹ trao quyền đặc biệt cho Tổng thống L. B,Johnson kể cả việc sử dụng lực lượng vũ trang ở Đông Nam Á.

16-8. Hội đồng tướng lĩnh Sài Gòn bầu Nguyễn Khánh làm Chủ tịch.

27-8. Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm lập chế độ cầm quyền ba người. Cho đến cuối năm 1964 đã diễn ra ít nhất bốn lần thay đổi Chính phủ ở Sài Gòn. Ba Hoàng thân Lào gặp nhau ở Paris, nhưng cuộc gặp gỡ thất bại.

14-12. Chiến dịch ném bom của Mỹ ở Lào lấy tên là Ba-ren Rôn.

16-12. Mỹ đưa nhiều phi đội máy bay chiến đấu "Thần Sấm" vào miền Nam Việt Nam.

Tháng 12. Quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên hai mươi ba nghìn người.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 29 Tháng Mười Một, 2009, 11:18:57 am
1965

Tháng 1. Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố với nhà báo Mỹ E.Nâu: Trung Quốc sẽ không đưa quân sang đánh nhau với Mỹ ở Việt Nam.

27-1. Hội đồng quân sự Sài Gòn lật đổ Chính phủ dân sự. Tướng Nguyễn Khánh lại nắm hết quyền hành.

6 đến 12-2. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N.Cô-xư-ghin thăm Việt Nam. Quyết định tăng viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

7 và 8 tháng 2. Mỹ cho máy bay đánh phá vùng Vĩnh Linh và Quảng Bình mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bằng không quân và hải quân.

18-2. Tướng Nguyễn Khánh bị gạt khỏi chức vụ Chủ tịch Hội đồng tướng lĩnh ở Sài Gòn.

24-2. Tại cuộc hội đàm Trung - Mỹ ở Vác-sa-va. Mỹ thông báo cho Trung Quốc chính sách hạn chế của Mỹ ở Việt Nam.

7-3. Những đơn vị chiến đấu của Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng.

7-4. Tuyên bố Ban-ti-mô của Tổng thống L.B.Johnson về việc Mỹ sẵn sàng "thương lượng không điều kiện".

8-4. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra lập trường bốn điểm để giải quyết vấn đề Việt Nam.

15-4. Biểu tình ở nhiều thành phố lớn ở Mỹ đòi chấm dứt ném bom miền Bắc, rút quân Mỹ khỏi miền Nam.

24-4. Ấn Độ đề nghị đưa quân Á - Phi vào giữ khu phi quân sự.

12-5. Mỹ ngừng ném bom sáu ngày ở miền Bắc để vận động hoà bình.

18-6. Nguyễn Cao Kỳ lên làm Thủ tướng, Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống miền Nam Việt Nam.

28-7. Tổng thống L.B.Johnson quyết định tăng thêm một số đáng kể quân Mỹ vào miền Nam. Trước mắt, ôug ta cho đưa ngay năm mươi nghìn quân vào miền Nam Việt Nam.

9-8. Tướng Oét-mo-len, Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam tung lực lượng Mỹ ra mở cuộc hành quân đầu tiên tên là Ánh Sao ở Vạn Tường (Quảng Ngãi) trong chiến lược "tìm và diệt' của ông ta.

15 đến 17-10. Uỷ ban phối hợp hành động chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ, tổ chức tuần lễ phản kháng ở sáu mươi tỉnh thành phố Mỹ.

15-12. Mỹ ném bom Nhà máy điện Uông Bí (Quảng Ninh) mở đầu việc đánh phá các cơ sở công nghiệp miền Bắc Việt Nam.

24-12. Mỹ ngừng ném bom miền Bắc trong dịp lễ Nô-en.

29-12. Mỹ công bố lập trường mười bốn điểm, cử các quan chức cao cấp đi khắp nơi trên thế giới để vận động hoà bình. Đại sứ Mỹ ở Miến Điện gặp Tổng lãnh sự Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để trao thông điệp. Đến cuối năm, lực lượng Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên một trăm tám mươi lăm nghìn người.

1966

24-1. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho sáu mươi Nguyên thủ Quốc gia và Thủ tướng các nước trên thế giới.

31-1. Chấm dứt ba mươi bảy ngày ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Mỹ đưa vấn đề Việt Nam ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tháng 4. Tổng thống Ấn Độ đề nghị đưa quân các nước Á Phi vào miền Nam thay thế quân Mỹ.

29-6. Mỹ ném bom kho dầu Đức Giang, Hà Nội và kho dầu Hải Phòng, mở đầu bước leo thang đánh vào thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng.

5-7. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp ông Giăng Xanh-tơ-ni, đặc phái viên của Tổng thống Pháp Đờ Gôn.

7-7. Thủ tướng Ấn Độ đưa ra kế hoạch bảy điểm để giải quyết vấn đề Việt Nam trong đó có yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam.

17-7. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước "Không có gì quý hơn độc lập tự do".

15-8. Tại Phnôm Pênh, Tổng thống Pháp Đờ Gôn yêu cầu Mỹ vạch ra một thời hạn cho việc rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.

19-9. Thư luân lưu của Giáo hoàng Pôn VI kêu gọi tập trung hoạt động cho hoà bình ở Việt Nam để "tránh tai hoạ khủng khiếp".

24 và 25-10. Hội nghị Ma-ni-la giữa Tổng thống Mỹ và những người đứng đầu các nước có quân tham chiến ở miền Nam Việt Nam.

14 và 15-11. Đại sứ Ca-bốt Lốt ở Sài Gòn gặp đại sứ Ba Lan Lê-van-đô-xki tại nhà đại sứ I-ta-li-a Giô-van-ni đ’Oóc-lan-đi đưa ra kế hoạch hai giai đoạn A và B giải quyết vấn đề Việt Nam.

15-11. Phiên họp đầu tiên của Toà án quốc tế Béc-tơ-răng Rút-xen họp ở Luân Đôn xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

3 và 4-12. Mỹ ném bom ác liệt khu dân cư Hà Nội.

13 và 14-12. Mỹ ném bom ác liệt nội thành Hà Nội:

30-12. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh Gioóc-giơ Brao đề nghị Mỹ, Bắc Việt Nam và chính quyền Sài Gòn gặp nhau trên lãnh thổ Anh để bàn chấm dứt chiến tranh.

Cuối năm quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên đến ba trăm tám mươi chín nghìn người.


Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 29 Tháng Mười Một, 2009, 11:20:01 am
1967

2-1. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tuyên bố với nhà báo Mỹ Ha-ri-xơn Xôn-xbơ-ri của tờ Thời báo Niu Yoóc tại Hà Nội "Bốn điểm là cơ sở cho một giải pháp, không phải điều kiện cho việc nói chuyện".

10-1 Đại biện lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Lê Trang ở Mát-xcơ-va gặp đại biện Mỹ I. Gơt-tơ-rai theo yêu cầu của phía Mỹ.

12-1. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hai ông H.S.A-xmô-rơ và W.C.Bách thuộc Trung tâm nghiên cứu các thể chế Dân chủ ở Mỹ.

28-1. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì có thể có nói chuyện giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ.

6-2. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N.Cô-xư-ghin thăm Anh. Hai bên bàn vấn đề Việt Nam.

8-2. Tổng thống Johnson gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

14-2. Mỹ ném bom trở lại miền Bắc sau bảy ngày ngừng ném bom trong dịp Tết.

20 và 21-3. Johnson và Nguyễn Văn Thiệu gặp nhau ở Gu-oam, nhấn mạnh đến các cố gắng về kinh tế và xã hội bên cạnh nỗ lực về quân sự.

19-4. Mỹ đề nghị mở rộng khu phi quân sự và tuyên bố sẵn sàng nói chuyện. Hôm sau, Mỹ ném bom Nhà máy điện Hải Phòng.

10-5. U Thant, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, ông tin rằng sẽ có nói chuyện trong vòng từ ba đến bốn tuần lễ sau khi chấm dứt ném bom.

19-5. Mỹ ném bom Nhà máy điện Hà Nội.

2-6. Mỹ ném bom cảng Cẩm Phả, một tàu Liên Xô trúng bom.

20-6. Bộ Ngoại giao Mỹ gửi công hàm cho Liên Xô tỏ ý tiếc về việc tàu Liên Xô bị trúng bom.

24 và 25-7. Hai nhà khoa học Pháp Héc-be Mác-vô-vích và Ray-mông Ô-brắc đến Hà Nội.

3-8. Johnson ấn định: mức tối đa số quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam là năm trăm hai mươi lăm nghìn người.

29-9. Johnson đưa ra công thức Xan An-tô-ni-ô: về điều kiện nói chuyện với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

20-11. Toà án Quốc tế Béc-tơ-răng Rút-xen họp phiên thứ hai ở thủ đô Đan Mạch lên án Mỹ phạm tội xâm lược, chống hoà bình và chống loài người.

30-12. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố. Cuộc nói chuyện giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ bắt đầu sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc.

1968

25-1. Clác-clíp-phốt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố. Nếu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, Việt Nam được tiếp tế bình thường cho lực lượng của họ ở miền Nam.

28-1. Hà Nội tuyên bố thả và giao ba phi công Mỹ bị bắt cho phong trào hoà bình Mỹ. Ngày 16 tháng 2, ba người này đã tới Viêng Chăn.

30 và 31-1. Lục lượng giải phóng miền Nam tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở toàn miền Nam.

10-3. Oét-mo-len xin thêm hai trăm linh sáu ngàn quân.

28-3. H.S.A-xmô-rơ và W.C.Bách lại được Bộ Ngoại giao Mỹ cử sang Hà Nội.

31-3. Tổng thống Johnson đọc diễn văn về việc ném bom hạn chế miền Bắc Việt Nam và đề nghị nói chuyện với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

3-4. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố sẽ cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ.

2-5. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ thoả thuận lấy Paris là điểm tiếp xúc.

13-5. Hội nghị Paris giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ chính thức làm việc.

8-8. R.Ních-xơn được Đảng Cộng hoà chỉ định là ứng cử viên tranh cử Tổng thống.

31-10. Tổng thống L.B.Johnson tuyên bố. Chấm dứt tất cả mọi việc ném bom bằng không quân và hải quân và bắn phá bằng pháo binh chống miền Bắc Việt Nam bắt đầu từ ngày 1 tháng 11 năm 1968.

6-11. R.Ních-xơn trúng cử Tổng thống Mỹ.

27-11. Nguyễn Văn Thiệu chấp nhận tham dự Hội nghị Paris cùng với Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam



Tiêu đề: Re: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Gửi bởi: SaoVang trong 29 Tháng Mười Một, 2009, 11:21:43 am
SÁCH THAM KHẢO CHÍNH

SÁCH TIẾNG VIỆT


1. Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ cứu nước tập I và II, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1985-1986.

2. Hồ Chí Minh: tuyển tập, tập I và II. Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1980.

3. Lê Duẩn: Thư vào Nam. Nhà xuất bản Sự Thật. Hà Nội. 1985.

4. Thắng lợi có tính thời đại và cuộc đấu tranh trên mặt trận đối ngoại của nhân dân ta. Viện quan hệ Quốc tế. Nhà xuất bản Sự Thật. Hà Nội 1985.

5. Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ba mươi năm qua. Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội. 1980.

6. Việt Nam - Liên Xô, ba mươi năm quan hệ 1950- 1980, Bộ Ngoại giao Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao Liên Xô. Nhà xuất bản Tiến Bộ - Mát-xcơ-va. 1983.

7. Hồi ký Bớc-sét. Nhà xuất bản Thông tin lý luận Hà Nội, 1985.

8. Gio-dép A.Am-tơ: Lời phán quyết về Việt Nam. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Việt Nam, 1985.

9. Pi-tơ A. Pu-lơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-dơ-ven đến R.Ních-xơn. Nhà xuất bản Thông tin lý luận Hà Nội. 1985.

10. Những sự kiện lịch sử Đảng tập I. Nhà xuất bản Thông tin lý luận Hà Nội. 1980.

11. Mai Văn Bộ: Tấn công ngoại giao và tiếp xúc bí mật. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1985.

12. Báo Nhân dân từ năm 1964 - 1967.

SÁCH XUẤT BẢN NƯỚC NGOÀI


1. The Secret Diplomacy of the Vietnam war: The Negotiating Volumes of the Pentagon Papers. Edited by Georges C.Herring University of Taxas Press, Austin. 1983.

2. The Pentagon Paper. By the New York Times, Bantom Books – INC. 1971.

3. The Pentagon Paper. The Senator Gravel edition, Voi I, II, III, IV. Beacon Press - Boston, 1971.

4. "United States - Vietnam Relations 1945-1967". Study Prepared by the Department of Defense, U. S Government. Books 2. Washington, 1971.

5. L.B. Johnson: "Ma vie de Président" - texte traduit du: "The vantage Point", Edition Buchet-chastel. Paris, 1972.

6. Michael Mc.Lear: "Vietnam: The Ten thousand day war". Thames Methuen, London, 1982.

7. Chester L. Cooper: "The lost Crusade: Amencan in Vietnam". Dood - Maad Co. N.Y, 1970.

8. David Kraslow & Stuart H.Loory: "The secret search for Peace in Vietnam", Random House, New York. 1968.

9. Towsent Hoopes: "The Limits of Intervention", David Ma-cô-ve-xcu Kay Co INC, New York, 1969.

10. Harry A.Ashmore and W.C.Baggs: "Mission to Hanoi". G.P. Putnam's Sons, New York, 1968.

11. W Manchester: La splendeur et le Rêvê". Histortie de I'amérique contemporaine, Tome II, Ed. Robert Laffont, Paris. 1976.

12. Daniel. S.Papp: "Vietnam: The view from Moscow - Peking - Washington", Mac Farland Co. INC, North Carolina, 1981.

13. Jean Sainteny. "Face à Ho Chi Minh". Edition Seghers, Paris, 1970.

14. Claude Dulong: "La dernière pagode", Bernard Grasset. Paris, 1989.

15. W.C.Gibbon: "'The U.S government and the Vietnam war". Congressional Research service, Washinhton. 1984, Part I.

16. Robin Clarke, "La course à la mort” ou "la technocratie de la guerre". Seuil, Paris, 1971.

HẾT