Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 09:11:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sông Côn mùa lũ  (Đọc 78081 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #20 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:39:40 am »

Trong phòng, chỉ còn lại An và ông giáo.
An thấy cha ngước lên nhìn mình, ngần ngại. Ông ngồi thừ một lúc, rồi chống hai tay qua vai vợ, nhìn đăm đăm lên khuôn mặt bà. Lòng ông chùng xuống, yếu đuối. Ông bắt đầu khóc. Giọng của ông khàn, tiếng khóc nghẹn lại nơi cổ họng khao khao, nghe tiếng được, tiếng mất. Hai vai và cánh tay ông run. Nước mắt chảy lặng lẽ trên má, qua 45 năm thăng trầm lặn lội với bao hệ lụy ở đời, những giọt đau khổ còn sót lại rỏ lên ngực áo vợ, không đủ sức ấm hồi sinh. Ông khóc vì hối hận. Phải, dù cuộc tình duyên giữa hai ông bà không do những vồ vập hấp tấp hoặc toan tính so đo, nhưng thành thực mà nói, những lời qua tiếng lại xung quanh có ảnh hưởng đến cách cư xử của ông đối với vợ. Trong đời sống vợ chồng, đôi lúc ông xem thường bà. Có những lời càu nhàu vô cớ, giận dữ quá đáng vì những chuyện cỏn con. Nếu gia thế của bà khá hơn, ông giáo phải dè dặt nhiều trước khi nói điều gì với vợ. Tính bà quen nhẫn nhục, chịu đựng lặng lẽ mọi lời rầy rà. Ở chỗ giao tế, bị ràng ruộc tứ bề vì những sự tế nhị rào đón, nương nhẹ, nể nang, ông giáo không phát lộ được hết cá tính. Về nhà, ông được dịp trút mọi bực bội lên gia đình. Ông được càu nhàu tự do. Ông được mạnh dạn xổ hết những gì bực dọc, đến độ còn tìm thấy ở sự phóng túng đó một thứ lạc thú bệnh hoạn. Lúc trước ông không thấy tất cả những điều ấy. Bây giờ, ông giáo thấy hết. Trên gương mặt im lìm của vợ, ông soi được những xấu xa tàn nhẫn của cả đời ông. Ông nhớ lại đôi mắt lo âu thảng thốt của vợ những năm đầu tiên mới lấy nhau, những lúc ông không chịu đựng được nhục nhã của nghèo đói, trút hết lòng hận đời lên đầu cô gái nhút nhát, ốm yếu là vợ ông. Ông nhớ cái khuôn mặt trầm tư những năm về sau, đôi lông mày thường nhíu ở sống mũi, môi trên chúm lại cố chặn một tiếng nấc. Ông nhớ những ý nghĩ bạc bẽo tàn ác của ông, những khi một mình ngồi canh bệnh bên giường bà. Sau bao dày vò, kết cuộc lại, vợ ông nằm đây. Mắt sâu. Má hóp. Thân thể da bọc xương. Cánh tay gầy guộc. Bàn tay co quắp, nhăn móp ở đầu năm ngón. Vợ ông có tội tình gì? Ông đã làm được gì để bà nở được nụ cười hiếm hoi? Nếu không có An ở đây, ông đã ôm chầm lấy xác bà mà van xin, năn nỉ bà tha tội cho ông. Ông giáo quay nhìn con gái. Mắt An buồn rầu, có ý hỏi cha muốn sai bảo điều gì. Có tiếng nhiều người nói chuyện, hỏi han lao xao ở cửa ngoài. Được dịp chạy trốn cái nhìn tra hỏi của con, ông giáo đưa ống tay áo chùi nước mắt, đi ra nhà ngoài.
x xx
Trong gia đình ông giáo, chỉ có Kiên và Chinh là đủ bình tĩnh lo liệu việc tang ma. Ông giáo như người mất hồn, ngồi thừ một chỗ, trả lời gióng một các câu chia buồn của thân quyến và hàng xóm. Ai đến thăm cũng tìm cho được ông, hỏi qua tuổi tác, căn bệnh của bà giáo. Ông trả lời dấm dẳng, ba phải. Người nghe không lấy đấy làm điều, và quả thật, cũng không mấy chờ đợi những câu trả lời rõ ràng, dứt khoát. Họ hỏi vì bổn phận phải hỏi, chứ không phải để nghe trả lời. Như một cái máy, ông vái chào khi có ai đến, gật đầu khi họ chia buồn xong, rồi lại vái chào khi họ về.
An và Lãng ngồi bên xác mẹ, bây giờ đã được tắm rửa và thay quần áo mới, Kiền và ông hai Nhiều đã giúp An luộc hai quả trứng và vắt ba nắm cơm đặt vào một cái dĩa sành, cắm ba nén nhang để lên đầu giường người chết. Cửa sổ được chống lên, căn nhà từ lâu kín gió và tăm tối đã thoáng khí hơn trước. Mùi hôi thối theo gió loãng đi. Nhang cháy liên tiếp từ nén này sang nén khác, hơi khói mỏng mang theo mùi trầm đậm ngọt. Hai chị em thần trí căng thẳng vì xúc động, cảm giác bây giờ tê dại. Gần như cả An lẫn Lãng không còn ý thứ được những gì thuộc về thực tế, sống trong trạng thái ngơ ngẩn mù mờ. An chỉ ghi nhận được chung quanh có người vào người ra, tiếng nói thì thào, cử động sẽ sàng. Một vài người đàn bà đến vuốt tóc An, hỏi An điều gì đó. An trả lời những gì ít ai nghe rõ, lời nói buột miệng vô tình. Có điều khi có tiếng sụt sịt khóc nhắc nhở, thì An nhớ ngay đến cái chết của mẹ. Cô bé quay nhìn mẹ đang nằm in trên giường, hai bàn tay gầy guộc đặt dài trên mép chăn, mặt xanh tái, mắt nhắm nghiền. Rồi chỉ trong khoảnh khắc, An ý thức trọn vẹn thân phận côi cút từ đây, nghĩ đến những ngày sắp tới vô định và cô độc trên đường đời. An bật lên khóc, Lãng cũng khóc theo chị, tiếng khóc thê thiết dai dẳng. Bà Hai Nhiều thấy ngay tình trạng mẫn cảm của hai cháu, nên dẫn An và Lãng sang nhà mình. Công việc ma chay như vậy do gia đình hai Nhiều và bà con hàng xóm quán xuyến cả. Vợ chồng cô Ba Lý trên Xuân huề cùng với Lợi có xuống chia buồn. Vợ chồng cô Hai Nhõi bên Trường định cũng về. Thêm một số bạn võ của Chinh. Gã khờ ngoài chợ. Đám đàn ông lo việc xin đất, đào huyệt, đóng áo quan. Ông Hai Nhiều cùng với Kiên và Lợi lo đi báo cho các chức sắc trong xã và làm giấy tờ khai tử. Người ra vào đông đúc, nhờ ai nấy đều giữ gìn cử chỉ và lời nói cho hợp với đòi hỏi một đám tang, nên suốt buổi sáng chuẩn bị tẩm liệm và tang lễ tiến hành lặng lẽ và điều hòa. Đến trưa, đám đàn bà con gái lo thổi cơm dọn ăn cho những kẻ hảo tâm đến giúp không công. Người lo chạy đi mượn thêm bàn ghế, mâm bát. Nhà chật chội. Phải làm thêm một nhà rạp ở hiên trước. Lũ trẻ hiếu kỳ bu đến ngày càng đông. Thợ mộc đóng áo quan, tiếng đục đẽo nghe vui tai rộn rịp. Thêm tiếng bàn ghế va chạm, tiếng bát đũa loảng xoảng. Thực khách dần dần quên mất sự ràng buộc, cười nói tự nhiên. Câu chuyện hào hứng vì xoay quanh cụ cướp giàn truyền thống giữa dân An Vinh và An Thái trong dịp lễ vu lan hằng năm. Heo quay, gà vịt, gạo muối, hoa quả dùng để cúng cô hồn được đặt trên một giàn tre cao, dựng ngang trên bãi sông. Trong thời gian hành lễ, các tay võ giỏi hai bên đã chia nhau mai phục quanh giàn. Kinh giải oan dứt. Hồi chuông thong thả từng tiếng, gõ vào không gian căng thẳng. Những đôi mắt đăm đăm. Nhịp tim đập mạnh. Những bàn tay nắm lại, gân nổi trên thớ thịt săn cứng. Những cái liếc mắt âm mưu hoặc nghi kỵ. Giờ phút chờ đợi kéo dài theo ba hồi chuông chậm. Tiếng chuông cuối cùng vừa điểm, thì võ sĩ của hai làng có quyền dùng bất cứ thế võ hiểm độc nào để hạ đối phương, giành cho được con heo quay về phần mình. Cuộc loạn đả truyền thống luôn luôn có máu đổ, có quả phụ và con côi. Nhưng con heo quay đem về bên này sông hay bên kia sông đã trở thành tiêu chuẩn đặt định niềm vinh dự may mắn cho cả cộng đồng suốt một năm. Cho nên phép vua thua lệ làng, cái trò chết người năm nay vẫn tiếp diễn, và số cô hồn cần giải oan tăng theo năm tháng. Trong lúc những người thân thuộc của ông giáo giúp ông lo việc mai táng, thì các võ sĩ An Thái đã vất vả lắm mới mang được con heo quay về bên này sông Côn. Hai xác chết nằm vắt lên mép nước vô tình, một bị dập lá lách và một bị vỡ đầu. Câu chuyện hào hứng, bàn cãi ồn ào là vì vậy. Bữa cơm trưa nay có nhiều tiếng cười hể hả, và đám đàn bà sống giữa vùng đất chuộng võ từ tấm bé không hiểu nổi sự quyến rũ của bạo lực, nhìn đám mâm chén ngả nghiêng với đôi mắt chịu đựng, khoan thứ.
Người ta lo việc mái táng ngay buổi chiều hôm ấy, và theo lời khuyên của bà Hai Nhiều, ông giáo không cho An và Lãng đi theo quan tài. Cô Ba Lý nói dối với hai chị em là mãi sáng mai, mới có giờ tốt thích hợp việc chôn cất. An yên tâm ngủ được một giấc ngắn. Gần nửa đêm, cô bé thực dậy, thấy mình nằm trên giường lạ. Mãi một lúc lâu, An mới biết mình đang ở nhà cậu mợ. Cửa lớn đóng, cửa sổ nhìn sang nhà An mở. Cô bé len lén ngồi dậy đến gần cửa sổ nhìn sang nhà mình. Thấy có ánh đèn leo lét ẩn hiện sau mấy lớp lá chuối, An yên tâm. Mẹ vẫn còn đó. Mẹ vẫn còn ở trên trần gian với mình. Cô bé nghĩ như vậy. Đột nhiên, An cảm thấy trong thân thể mình có điều gì khác thường. Đầu cô nhức, tay chân rã rời. Chỉ vì mình vật vã khóc cả ngày đấy thôi. Nhưng… nhưng sao mình tệ thế này? Thằng Úùt mới lên ba còn có thể đái dầm, Lãng những hôm bệnh có thể… Nhưng mình chừng này tuổi đầu? Chao ôi, nếu mấy chị biết được! An lo sợ nhìn trước nhìn sau, tưởng như mọi người đã nhìn rõ cái cảm giác nhớp nháp nóng ướt đang lăn chậm hai bên vế An. Không dám bước nhanh, An vịn vách nhè nhẹ lần xuống nhà bếp. Trấu un cháo heo đang ngún đỏ, phát ra một vùng ánh sáng mờ mờ. Cảm giác nóng ướt lan xuống gối, rồi xuống bắp chân. Đến gần vùng ánh sáng, An vén ống quần lên định chùi vội dòng nước tiểu. Và đúng lúc đó, An hãi hùng đến líu lưỡi, quên cả việc thả ống quần xuống. An ngột thở vì sợ. Trên ống chân trắng, An vừa nhìn thấy một dòng máu. Tại sao lại thế này? Mình mắc bệnh quái gở gì đây? Cả ống chân kia cũng có máu. Máu trên hai vế… Mẹ ơi, mẹ cứu con. Chỉ có mẹ mới cứu được con thôi, vì ngoài mẹ ra, không bao giờ con dám thổ lộ cho ai biết là con đã mắc một thứ bệnh khủng khiếp ở một nơi xấu hổ. Nhưng mẹ bỏ con rồi còn đâu. Làm thế nào bây giờ? Có ai cứu tôi nữa không?
An ngồi xuống bên bếp trấu, gục mặt vào hai đầu gối nhớp nháp khóc ấm ức. Nước mắt càng chảy, cô bé càng thấy nỗi thống khổ đậm thêm, mênh mông. Vì xấu hổ cô không dám khóc lớn nên sự đau đớn càng tăng. An chịu đựng một mình, trong âm thầm, cái kinh nghiệm dậy thì của đời con gái. Sáng hôm sau, cùng với Lãng và các anh ra thăm mộ mẹ, An đã thành một người lớn. Cái chết của bà giáo, kinh nghiệm một đêm có kinh nguyệt lần đầu đã quá đủ để tạo một vết đau buốt đến tê dại lên tâm hồn cô bé. Và An đã mất tuổi thơ!
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #21 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:40:44 am »

CHƯƠNG 5
Nhà ông giáo chật chội quá, nên tiệc dọn ngay trong nhà rạp cất tạm hôm làm đám ma bà giáo. Đến ngày mở cửa mả nghĩa là ba hôm sau bữa mai táng, ông giáo vẫn chưa ra khỏi tâm trạng lơ lửng, hụt hẫng. Một phần không nhỏ tâm trí ông bị chôn sâu xuống ba thước đất, phần còn lại lan man vô định. Cái ý nên làm một bữa cơm thết tạ ơn những người đã giúp đỡ nhiều hôm làm đám ma là của An. Ông giáo ngạc nhiên khi nghe con gái nhắc nhở, cứ nhìn An đăm đăm. Và đấy là lần đầu, ông giáo thấy con gái mình đã trưởng thành. Nét ngây thơ và vô tư trên khuôn mặt bầu bĩnh của An không còn. Đôi mắt con gái buồn và nghiêm hơn. Môi trên thường mọng và bị cái mũi dọc dừa kéo xếch lên một chút, để lộ hai cái răng cửa hóm hỉnh, nghịch ngợm, bây giờ mỏng lại, mím chặt xuống môi dưới. Khuôn mặt trở nên trầm tĩnh, và như có một hòa điệu tự nhiên, cử chỉ lời lẽ cũng trở nên chững chạc, khoan thai hơn. Ông giáo yên tâm phó thác việc nấu nướng cho con. Có Kiên và Chinh giúp, An tự tin khỏi phải chạy qua nhờ mợ.Ông giáo và Kiên lo xếp đặt bàn ghế. Cái bàn độc nhất lâu nay ông giáo vẫn dùng làm bàn đọc được khiêng ra dọn tiệc. Mặt bàn gỗ mộc lồi lõm, thô sơ, mực xạ loang lổ. Kiên phải tìm một tấm chăn cũ màu xám phủ lên. Nhẩm tính số người phải mời, Kiên thấy thiếu bàn. Ông Hai Nhiều cho mượn thêm một cái bàn tròn xếp, đủ rộng cho mười người. Mọi việc tạm ổn, ông giáo mới mặc áo dài chỉnh tề đi mời viên tri áp và ông xã trưởng đã giúp đỡ ông làm thủ tục khai tử và chôn cất.Trên đường về, ông tạt qua nhà Hai Nhiều để chính thức mời anh chị và Thận, chồng cô Hai Nhõi.
Viên tri áp và xã trưởng đến sớm hơn ông giáo tưởng. Vừa bước chân qua khỏi cổng, viên tri áp đi thẳng đến chỗ bàn tiệc, nhìn qua một lượt các đĩa thức ăn nấu nướng và bày biện kiểu cách theo lối kinh đô, xoa hai tay vào nhau lắc đầu:
- Chu cha! Thế mà nhà thầy nói với tôi chỉ có một bữa cơm xoàng. Tôi đã dặn rồi mà thầy không chịu nghe. Bày vẽ chi cho tốn kém, nhất là nhà lại vừa gặp chuyện buồn. Tính tôi dễ dãi, ai có giỗ tiệc mời thì đến góp vui vậy thôi, ăn uống qua loa thế nào cũng xong. Thầy bày vẽ thế này lần sau tôi không dám tới nữa đâu. Hì hì. Phải thế không anh xã. Vâng, tôi ngồi đây được rồi. Thầy để mặc tôi. Anh xã ngồi xuống đi. Được, thầy cứ ngồi. Cái đĩa rau sống xếp lạ thật. Anh xã thấy chưa, người thành thị có khác. Cách xếp mấy miếng chuối chát, miếng khế, rau húng, rau răm, trông đẹp chưa. Tôi phải cho con gái đến đây học mới được. Sao! Con bé kia à? Nó chừng ấy tuổi mà nấu nướng được tất. Hà hà, tôi không tin.
Ông giáo ghét cay ghét đắng cái vẻ tự đắc của viên tri áp, nhưng ông cũng không làm ra vẻ rụt rè, ngồi xuống ghế một lúc rồi lại đứng dậy để tiếp chuyện. Viên tri áp kiêu hãnh cho phép ông giáo ngồi mà thưa chuyện, ông giáo cứ đứng bên ghế. Ông xã trưởng bảo:
- Thầy tri áp đã cho phép ông cứ ngồi. Tánh ông ấy vẫn xuề xòa bình dân thế, đừng ngại.
Viên tri áp cười tít mắt, bộ mặt thỏa mãn:
- Đó,nhà thầy đã tin tôi chưa.Thầy mới về đây chưa biết tính tôi, chứ ở lâu thì chắc biết cái tính dễ dãi của tôi rồi. Ai cần giúp đỡ điều gì, nếu được, tôi giúp ngay.
Ông giáo lấy giọng nhún nhường xen vào:
- Vâng, hôm đám ma tôi mụ người đi, không còn làm gì được. Nếu không có hai vị giúp đỡ, chắc chuyện giấy tờ thủ tục không dễ dàng mau chóng như thế đâu.
Viên tri áp vội xua tay can:
- Không. Ba cái chuyện vặt ấy, có đáng gì! Bổn phận mà. Thầy cho tôi mượn cái ống nhổ. À, đây rồi. Chậc, trầu bà nhà tôi mua kỳ này không được cay, ăn nó nhạt nhẽo thế nào. Không phải chính loại trầu nguồn.
Rồi hình như miếng bã trầu đã nhổ đi mang theo cái hứng liến thoắng, từ đó về sau, viên tri áp bớt lời. Ông ta tìm chỗ đặt cái ống nhổ, sợ đặt vào chỗ cũ mình sẽ vô ý đạp ngã, đổ vương vãi trên đất. Lúc ngước lên, viên tri áp chú ý cái nghiên đá hoa Chinh đã lấy ra chặn lên tấm chăn xám. Bỏ chỗ ngồi, ông ta đến cái bàn mộc cầm nghiên lên săm soi:
- Cha! Cái nghiên hay thật. Vân đá trông như là vảy rồng. Da mát lạnh. Chắc của nhà thầy?
Ông giáo thầm trách con vô ý, đáp miễn cưỡng:
- Da, của một người bạn, tôi mượn đã lâu.
Viên tri áp nghiêm mặt, đặt cái nghiên lại chỗ cũ, quay về chỗ ngồi. Chinh đến gần thưa nhỏ với cha:
- Cậu Hai bảo con thưa lại với cha đã sang được chưa?
Ông giáo hỏi:
- Cậu có tìm mời mấy bác thợ mộc không?
- Thưa có. Cả chú ba Vận và anh Lợi nữa. Sợ sớm quá, các chú các bác còn ngồi uống nước bên nhà cậu mợ.
Ông giáo được dịp lấy lòng viên tri áp:
- Thế à! Con phải sang mời ngay cậu mợ và các bác. Thưa với cậu các vị đây đang bận việc nước, ít thì giờ lắm. Để các vị chờ, không tiện đâu.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #22 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:41:52 am »


Nhà ông giáo chật chội quá, nên tiệc dọn ngay trong nhà rạp cất tạm hôm làm đám ma bà giáo. Đến ngày mở cửa mả nghĩa là ba hôm sau bữa mai táng, ông giáo vẫn chưa ra khỏi tâm trạng lơ lửng, hụt hẫng. Một phần không nhỏ tâm trí ông bị chôn sâu xuống ba thước đất, phần còn lại lan man vô định. Cái ý nên làm một bữa cơm thết tạ ơn những người đã giúp đỡ nhiều hôm làm đám ma là của An. Ông giáo ngạc nhiên khi nghe con gái nhắc nhở, cứ nhìn An đăm đăm. Và đấy là lần đầu, ông giáo thấy con gái mình đã trưởng thành. Nét ngây thơ và vô tư trên khuôn mặt bầu bĩnh của An không còn. Đôi mắt con gái buồn và nghiêm hơn. Môi trên thường mọng và bị cái mũi dọc dừa kéo xếch lên một chút, để lộ hai cái răng cửa hóm hỉnh, nghịch ngợm, bây giờ mỏng lại, mím chặt xuống môi dưới. Khuôn mặt trở nên trầm tĩnh, và như có một hòa điệu tự nhiên, cử chỉ lời lẽ cũng trở nên chững chạc, khoan thai hơn. Ông giáo yên tâm phó thác việc nấu nướng cho con. Có Kiên và Chinh giúp, An tự tin khỏi phải chạy qua nhờ mợ.Ông giáo và Kiên lo xếp đặt bàn ghế. Cái bàn độc nhất lâu nay ông giáo vẫn dùng làm bàn đọc được khiêng ra dọn tiệc. Mặt bàn gỗ mộc lồi lõm, thô sơ, mực xạ loang lổ. Kiên phải tìm một tấm chăn cũ màu xám phủ lên. Nhẩm tính số người phải mời, Kiên thấy thiếu bàn. Ông Hai Nhiều cho mượn thêm một cái bàn tròn xếp, đủ rộng cho mười người. Mọi việc tạm ổn, ông giáo mới mặc áo dài chỉnh tề đi mời viên tri áp và ông xã trưởng đã giúp đỡ ông làm thủ tục khai tử và chôn cất.Trên đường về, ông tạt qua nhà Hai Nhiều để chính thức mời anh chị và Thận, chồng cô Hai Nhõi.
Viên tri áp và xã trưởng đến sớm hơn ông giáo tưởng. Vừa bước chân qua khỏi cổng, viên tri áp đi thẳng đến chỗ bàn tiệc, nhìn qua một lượt các đĩa thức ăn nấu nướng và bày biện kiểu cách theo lối kinh đô, xoa hai tay vào nhau lắc đầu:
- Chu cha! Thế mà nhà thầy nói với tôi chỉ có một bữa cơm xoàng. Tôi đã dặn rồi mà thầy không chịu nghe. Bày vẽ chi cho tốn kém, nhất là nhà lại vừa gặp chuyện buồn. Tính tôi dễ dãi, ai có giỗ tiệc mời thì đến góp vui vậy thôi, ăn uống qua loa thế nào cũng xong. Thầy bày vẽ thế này lần sau tôi không dám tới nữa đâu. Hì hì. Phải thế không anh xã. Vâng, tôi ngồi đây được rồi. Thầy để mặc tôi. Anh xã ngồi xuống đi. Được, thầy cứ ngồi. Cái đĩa rau sống xếp lạ thật. Anh xã thấy chưa, người thành thị có khác. Cách xếp mấy miếng chuối chát, miếng khế, rau húng, rau răm, trông đẹp chưa. Tôi phải cho con gái đến đây học mới được. Sao! Con bé kia à? Nó chừng ấy tuổi mà nấu nướng được tất. Hà hà, tôi không tin.
Ông giáo ghét cay ghét đắng cái vẻ tự đắc của viên tri áp, nhưng ông cũng không làm ra vẻ rụt rè, ngồi xuống ghế một lúc rồi lại đứng dậy để tiếp chuyện. Viên tri áp kiêu hãnh cho phép ông giáo ngồi mà thưa chuyện, ông giáo cứ đứng bên ghế. Ông xã trưởng bảo:
- Thầy tri áp đã cho phép ông cứ ngồi. Tánh ông ấy vẫn xuề xòa bình dân thế, đừng ngại.
Viên tri áp cười tít mắt, bộ mặt thỏa mãn:
- Đó,nhà thầy đã tin tôi chưa.Thầy mới về đây chưa biết tính tôi, chứ ở lâu thì chắc biết cái tính dễ dãi của tôi rồi. Ai cần giúp đỡ điều gì, nếu được, tôi giúp ngay.
Ông giáo lấy giọng nhún nhường xen vào:
- Vâng, hôm đám ma tôi mụ người đi, không còn làm gì được. Nếu không có hai vị giúp đỡ, chắc chuyện giấy tờ thủ tục không dễ dàng mau chóng như thế đâu.
Viên tri áp vội xua tay can:
- Không. Ba cái chuyện vặt ấy, có đáng gì! Bổn phận mà. Thầy cho tôi mượn cái ống nhổ. À, đây rồi. Chậc, trầu bà nhà tôi mua kỳ này không được cay, ăn nó nhạt nhẽo thế nào. Không phải chính loại trầu nguồn.
Rồi hình như miếng bã trầu đã nhổ đi mang theo cái hứng liến thoắng, từ đó về sau, viên tri áp bớt lời. Ông ta tìm chỗ đặt cái ống nhổ, sợ đặt vào chỗ cũ mình sẽ vô ý đạp ngã, đổ vương vãi trên đất. Lúc ngước lên, viên tri áp chú ý cái nghiên đá hoa Chinh đã lấy ra chặn lên tấm chăn xám. Bỏ chỗ ngồi, ông ta đến cái bàn mộc cầm nghiên lên săm soi:
- Cha! Cái nghiên hay thật. Vân đá trông như là vảy rồng. Da mát lạnh. Chắc của nhà thầy?
Ông giáo thầm trách con vô ý, đáp miễn cưỡng:
- Da, của một người bạn, tôi mượn đã lâu.
Viên tri áp nghiêm mặt, đặt cái nghiên lại chỗ cũ, quay về chỗ ngồi. Chinh đến gần thưa nhỏ với cha:
- Cậu Hai bảo con thưa lại với cha đã sang được chưa?
Ông giáo hỏi:
- Cậu có tìm mời mấy bác thợ mộc không?
- Thưa có. Cả chú ba Vận và anh Lợi nữa. Sợ sớm quá, các chú các bác còn ngồi uống nước bên nhà cậu mợ.
Ông giáo được dịp lấy lòng viên tri áp:
- Thế à! Con phải sang mời ngay cậu mợ và các bác. Thưa với cậu các vị đây đang bận việc nước, ít thì giờ lắm. Để các vị chờ, không tiện đâu.
*
* *
Các thức ăn ngon vơi trước, sự no nê khiến đà ăn uống chậm lại. Bánh tráng cũng hết, nơi góc bàn chỉ còn lại những mảnh bị cháy khét hoặc còn sống. Mọi người trên bàn người lớn đều cảm thấy áy náy, muốn nói cái gì cho không khí bàn tiệc bớt nhạt nhẽo. Giá không có viên tri áp hay ông xã trưởng, lúc ấy có thể là chuyện mùa màng, chuyện thời tiết. Chú Ba Vận có thể hỏi thăm ông giáo chuyện vỡ hoang mấy đám miễu. Ông Hai Nhiều hỏi thăm giá gỗ. Bác thợ mộc hỏi Thận giá rèn lưỡi cày. Nhưng mọi chuyện làm ăn hào hứng ấy không mấy thích hợp vào trường hợp này, trước mặt các chức sắc. Ông giáo không thể thoái thác trách nhiệm chủ nhà, tìm cách gợi chuyện. Ông hỏi viên tri áp:
- Tôi nghe nói năm nay phủ ta đúng kỳ tuyển trường. Hạn tháng sáu thì duyệt tuyển. Khai xét sổ đinh thêm bớt trong xã, chắc là bận rộn phiền phức lắm.
Viên tri áp đáp lơ lửng:
- Vâng, phiền phức!
Ông xã trưởng có nhiều thiện chí hơn:
- Mỗi lần duyệt tuyển là mỗi lần khó nhọc. Nào chính hộ, khách hộ, lại thêm mấy ông hạng cùng, hạng đào (1). Kiện tụng, xin xỏ đủ thứ chuyện. Quan trên không nạt, đến rằm tháng bảy chắc chưa xong đâu. À này, không có tôi với ông tri, nhà thầy không được xếp vào chính hộ đâu nhé. Tôi phải nói mãi, nhấn mạnh thầy là chỗ bà con với ông Hai đây...
Viên tri áp tiếp lời ông xã:
- Nhưng chuyện cậu cả thì rắc rối đấy. Quan trên cứ tra vấn mãi là tại sao chừng ấy tuổi đầu lại chưa có tên trong sổ xã binh. Tôi đã cố, nhưng chữ nghĩa ít, đơn từ lời lẽ không được rõ mấy. Sợ rồi ra không được việc thầy buồn!
Ông giáo hối hận đã gợi một chuyện gay go. Ông muốn xoay sang câu chuyện khác, nhưng không khí bàn tiệc trở nên khó thở. Ông lúng túng không biết phải làm thế nào. Chú Ba Vận cứu ông đúng lúc. Chú hỏi Thận:
- Bên đó bàn tán chuyện thua giàn ra sao?
Thận liếc nhìn hai chức sắc, do dự không biết trả lời thế nào cho phải. Anh ậm ừ:
- Buồn lắm. Như có đám ma.
Viên tri áp lại được dịp tỏ uy quyền:
- Cả cái tục đổ giàn nữa, quan huyện quở nặng lắm. Quan đe sang năm nếu không bỏ, sẽ khép tội những người đầu sỏ. Đánh chết người phải thường mạng!
Câu chuyện hoàn toàn tắc tị. Cho đến lúc hai chức sắc lấy cớ bận việc quan về trước, chỉ còn những câu trao đổi nhát gừng, khách sáo, rời rạc, vô nghĩa. Cười lạt lẽo, nói ậm ờ, nghe lơ đãng hay gật gù không đúng lúc. Cái không khí buồn tẻ ấy vẫn còn lan man vướng vất trên bàn tiệc sau đó, đến nỗi tuy thức ăn còn khá nhiều, vài người đã lóng ngóng muốn về. Ông giáo và cả ông Hai Nhiều, cố giữ chú Ba Vận và hai ông thợ mộc lại. Không còn các quan chức, nên bàn phái trẻ trở nên náo hoạt hẳn. Tiếng cười vô tư lan truyền sang bàn bên này. Bác thợ mộc đứng tuổi cười nhẹ, rồi nói:
- Có mặt hai cái lão đó, ăn mất ngon!
Chú Ba Vận chưa nguôi tức, giọng bực bội:
- Hở một chút là dọa. Dân chỉ có cái khố rách sợ gì nữa mà dọa với nạt. Xếp hạng cùng hay hạng đào cũng thế thôi.
Ông giáo nói:
- Tôi về đây chưa quen nước quen cái, thế nào rồi cũng chịu lép mới mong yên được. Khi nãy ý ông tri áp có vẻ thích cái nghiên đá hoa. Nhưng cái bộ điệu lão tự thị lộ liễu quá, tôi ghét. Mà lúc đó đưa ngay cũng kỳ.
Ông Hai Nhiều nhớ lại cái kinh nghiệm cay đắng của mình, lắc đầu chậm chạp bảo:
- Cá mè một lứa cả. Bên ngoài mập ốm cao thấp có khác, nhưng trong ruột như nhau thôi. Vừa muốn chộp ngay lấy, lại vừa muốn giữ thể diện. Cho nên không chộp mà chỉ nhón.
Ông Hai Nhiều vừa nói vừa đưa tay làm điệu. Ít khi thấy ông khôi hài chua chát khác thường như vậy. Có lẽ chút rượu đã giúp ông bạo lên, bớt rụt rè. Cả bàn cười lớn. Ông Hai Nhiều đỏ mặt thích thú, đứng lên định nói điều gì vừa nảy sinh trong đầu, nhưng phút xuất thần hiếm hoi đã qua, ông lúng túng ậm ờ không tìm ra lời. Ông giáo nhớ chuyện cái chân bò khô đọc được trong sách, kể làm quà cho bữa tiệc tan bớt không khí nhạt nhẽo u ám:
- Anh Hai làm tôi nhớ lại một chuyện vui trong sách (2). Chuyện như thế này. Khoảng niên hiệu Cảnh Trị, cũng có lệnh duyệt xét sổ hộ tịch để cấp đất công và định thuế. Pháp lệnh nghiêm lắm, các quan lo việc xét sổ không ai dám tư vị. Có một viên thừa hành tính rất nghiêm khắc, hễ thấy ai xin hạ bậc hoặc giảm nhẹ thì lớn tiếng quát mắng. Một hôm hắn đi nhà xí, thấy ngoài tường có ai ném vật gì đánh thịch một cái. Tò mò đến xem thì ra một cái cẳng bò khô, trên đầu cái cẳng bò có buộc một hốt vàng tốt. Hắn lo sợ nhìn quanh, thấy không có ai, mừng rỡ nhặt vàng đút vào túi, trở vào hội nghị tiếp tục duyệt sổ. Lúc ấy các xã trưởng lần lượt lên trình bày sổ đinh. Một người khai rằng:" Xã tôi tiếng là xã lớn nhưng thực là nghèo khổ, nhiều người phải xiêu tán, chẳng khác nào cái chân bò khô chỉ có da bọc xương mà không có lấy tí thịt. Nếu theo thể lệ nặng, làm sao gánh vác nổi. Xin rủ lòng thương mà châm chước cho". Người ấy cứ lải nhải như thế ba lần. Trong bụng hắn đã hiểu, bèn vừa cười vừa nói với bạn đồng liêu rằng: Người kia nói có lý đấy, nên thể tất cho họ.
Cả bàn nghe chuyện cười ồ. Ông Hai Nhiều gật gù, da mặt hồng vì rượu, tủm tỉm cười một mình. Chú Ba Vận khen:
- Giỏi lắm. Hối lộ như thế mới thật là cừ. Các quan "nhón" được kín đáo, nhất định xin gì cũng cho.
*
* *
Chờ khách khứa về hết, ông giáo và Hai Nhiều gọi Lợi ra chỗ ngõ vắng có việc. Lợi lo lắng không hiểu chuyện gì. Ông giáo hiểu nỗi lo của Lợi, vội bảo cậu:
- Bác Hai Nhiều vừa cho tôi hay cậu có giúp cho Lê khỏi phải có tên trong sổ binh.
Lợi mau mắn đáp:
- Dạ nhờ anh cháu có quen với ông cai tổng. Chỗ ơn nghĩa qua lại lâu năm.
Ông giáo vỗ vai Lợi cố tỏ dấu thân mật, rồi nói:
- Tôi cũng có chuyện cần cậu giúp đây. Cậu biết đấy, thằng Kiên nhà tôi đang bị rắc rối chuyện vào xã binh. Họ đánh tiếng đe dọa nhiều lần rồi, không lần lữa mãi được. Cậu liệu xem có cách nào không?
Lợi im lặng suy nghĩ. Ông giáo không khỏi lo âu khi thấy nét mặt Lợi đăm chiêu bối rối. Chờ một lúc lâu, ông giáo hỏi:
- Có thể nhờ anh cậu liệu giúp như trường hợp của Lê không?
Ông Hai Nhiều chen vào nói:
- Bảo thằng chồng con Lý gắng nài nỉ lão cai tổng. Tốn chút ít cũng được.
Lợi nói:
- Trường hợp anh Lê dễ, vì chưa khai vào sổ đinh. Chỉ việc lập khai sinh hạ tuổi là xong. Còn trường hợp này, ai cũng biết cả, khai trụt làm sao được. Hay là... hay là có cách này.
Ông giáo mừng rỡ:
- Cách nào khác cũng được, miễn là yên năm nay. Sang năm việc làm ăn ổn định, nó có đi cũng được.
Lợi chậm rãi trình bày:
- Theo cách này thì anh Kiên cũng phải đi xa, nhưng không phải đi sung quân. Bác gửi anh Kiên lên làm tạm cho ông biện Kiên Thành. Ông ấy quen biết nhiều, chắc che chở được.
Ông giáo hơi thất vọng, mặt dàu dàu. Lợi thấy thế cố giải thích:
- Từ đây lên Tây Sơn Thượng không xa, đi không quá một ngày là tới. Lâu lâu anh ấy về thăm nhà cũng tiện.
Ông giáo phân bua:
- Nó đi thì ai lo chuyện ruộng nương. Cả nhà trông cậy cả vào nó.
Lợi nói:
- Biết làm sao được, bác. Cháu thấy nhiều người bị làng xã ức hiếp, lên nương náu trên trại Tây Sơn Thượng một thời gian, về sau được bác biện giúp đỡ bảo bọc, cũng sinh sống được.
Ông giáo thắc mắc hỏi:
- Trại nào của ai trên Tây Sơn Thượng?
- Thưa trại của ông biện. Trước đây tổ tiên ông biện lập nghiệp trên đó. Gần đây mới dời xuống Kiên Thành. Trên cái nền nhà cũ, ông biện cất một cái trại làm trạm thu mua trầu không và hàng nguồn. Đất quanh đó tốt lắm, làm rẫy trĩu bắp và lúa núi tốt lắm.
- Mấy người ẩn náu trên trại có bị tróc nã không?
-Thưa không. Ông biện cho nhập vào dân nậu nguồn. Thuế má thu trên đó đưa thẳng vào nội phủ, nên dân đinh đỡ phải bận tâm việc sổ binh. Hiện trên trại có đến mấy mươi trai tráng.
- Họ sống bằng nghề gì?
- Coi như họ lo việc buôn bán cho ông biện. Lúa bắp trồng tỉa dư ăn. Cá mắm, đồ dùng thì theo ngựa thồ chở từ Kiên Thành lên. Lâu lâu săn được nai, mển, thịt ăn không hết phải phơi khô.
Ông giáo cảm thấy đau nhói trong lòng khi nghĩ phải xa con. Ông cố nài nỉ:
- Không còn cách nào khác ư?
Lợi đáp chậm rãi, cân nhắc từng lời sợ ông giáo buồn:
- Cháu nghĩ không còn cách nào khác. Trong vùng này, chỉ có ông biện là đủ thế lực và tiền bạc giúp đỡ kẻ thất thế. Mấy năm nay ông biện giúp cho nhiều người rồi, bây giờ bác có lên nhờ cũng không ngại. Vả lại, ông biện cũng cần người trai tráng mạnh khỏe để làm rẫy, chuyển hàng.
Ông giáo im lặng hồi lâu. Lợi tưởng ông không đồng ý, lí nhí chào ông ra về, ông giáo vội giữ cậu lại, giọng khẩn khoản:
- Chỉ còn cách ấy thôi! Cậu giúp cho chúng tôi. Cậu về thưa trước với ông biện. Nếu ông biện nhận lời, cậu xuống đây cho tôi hay, tôi với thằng Kiên sẽ lên Kiên Thành. Mai cậu về chứ?
- Dạ. Gặp anh Thận đây cháu khỏi qua Trường Định. Cháu sẽ gắng. Nội ngày mốt hay chậm lắm là bữa kia, cháu sẽ xuống đây cho bác hay tin.
*
* *
Ba ngày sau, ông giáo trông mãi không thấy Lợi xuống An Thái. Rồi một tuần lễ trôi qua. Ông giáo nghĩ: Mình ngây thơ thật. Đã biết tính hắn ba hoa bán trời không văn tự, còn cả tin, hồi hộp trông chờ hắn trở lại. Hơn nữa, bọn chức sắc chỉ mới dọa dẫm chứ chưa chắc đã đệ nộp sổ binh. Có thể họ sẽ nghĩ lại, xét trường hợp chước giảm cho dân mới nhập cư được có thì giờ lập nghiệp. Sợ một điều chưa chắc xảy ra, để phiêu lưu vào một giải pháp chắc chắn cha xa con, anh xa em, mình quẫn trí mất rồi!
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #23 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:42:14 am »

Ông giáo yên tâm, bỏ qua không nghĩ đến chuyện lính tráng của Kiên nữa. Cho đến cuối tháng 7, vào lúc ông giáo không chờ đợi nhất. Lợi lại đến. Mà không đến một mình. Lợi dẫn đến nhà ông giáo một người đàn ông trạc khoảng trên 30 tuổi, thân hình ốm, da mặt hơi tái. Ông giáo chú ý ngay đến đôi mắt của người lạ. Dưới cặp lông mày thưa, đôi mắt xếch quá mức bình thường khiến ánh nhìn đầy vẻ nghi kỵ, giễu cợt và khinh bạc.
Ông giáo lúng túng không biết phải xưng hô thế nào với khách lạ. Không chờ Lợi giới thiệu, người khách nói:
- Tôi là biện Nhạc, ở Kiên Thành. Chắc cậu Lợi có nói với thầy nhiều về tôi. Phần tôi cũng vậy. Chưa gặp thầy nhưng tôi đã được biết nhiều về thầy.
Ông giáo hơi bối rối khi biết người khách lạ là biện Nhạc. Ông chờ đợi một ông biện lại khác hẳn. Lợi thường dùng chữ "bác" với cái giọng kính cẩn thán phục khi nhắc đến biện Nhạc. Vì vậy ông giáo đã lầm. Ông tưởng biện Nhạc đã đứng tuổi, ít ra là phải trên 40 hoặc 50 như ông. Do cái nghề xông pha nguy hiểm từ đầu nguồn đến cuối sông, do trách vụ phức tạp khó nhọc của một chức sắc thu thuế, khổ người phải đẫy đà, nước da rám nắng, cử chỉ nghiêm túc đĩnh đạc. Ông giáo gặp một thanh niên mặt trắng! Lại thêm sự bất ngờ do ông giáo đoán sai về cá tính của ông biện. Ông không chờ đợi một cách tự giới thiệu gãy gọn, dứt khoát và tự tin như vậy. Bao nhiêu lần trong đời lúng ta lúng túng khi gặp một người lạ, ông ao ước được có cái phong thái tự nhiên thoải mái ấy. Không có gì phải rụt rè tìm hiểu, chọn chữ lựa lời. Phải có một cá tính mạnh mẽ chủ động mới có thể tự mình mạnh bạo nói về mình, và đặt người khác trước một sự đã rồi. Phút ngỡ ngàng qua mau, ông giáo cảm thấy giữa hai người không cần có những ràng buộc kiểu cách nữa. Ông dễ chịu thoải mái như đang tiếp một người bạn thân. Cho nên ông vừa ngồi xuống ghế vừa kéo một cái ghế khác ra mời biện Nhạc ngồi, tay trái không bỏ cái cán rựa ông đang sửa. Ông giáo cười bảo ông biện:
- Ban đầu tôi hơi ngợ, vì thấy ông còn trẻ tuổi. Vâng, Lợi vẫn thường nhắc đến ông luôn. Chuyến này xuống ghé đây, chắc là có việc quan.
Biện Nhạc lắc đầu, chậm rãi nói:
- Không, tôi bảo Lợi dẫn thẳng tới đây gặp thầy.
Ông giáo lại bối rối. Ông nghĩ nhanh: như vậy là Lợi đã trình bày với ông biện trường hợp rắc rối của Kiên. Ông biện đích thân xuống đây tức là đã thuận cho Kiên lên Tây Sơn Thượng làm việc. Cha con sắp xa nhau rồi ư? Có thật cần thiết không? Làm thế nào từ chối mà khỏi mất lòng người ta? Ông giáo ấp úng bảo:
- Hôm trước tôi rối trí quá, mới nghĩ đến chuyện làm phiền ông.
Biện Nhạc gạt đi:
- Chính tôi làm phiền thầy trước. Lợi nó bảo để nó đi cho, nhưng tôi sợ nó trình bày với thầy không rõ, hỏng việc mất.
Ông giáo kinh ngạc hỏi:
- Tôi có làm được gì để giúp ông đâu?
Biện Nhạc ngả người tới trước, thuật lại rành rẽ:
- Ở đây, như thầy thấy đó, là đất rừng rú. Dân lo làm ăn không thì giờ học chữ, đọc sách. Cho nên nhiều khi khổ sở vì mớ chữ nghĩa của mấy ông duyện lại, ký phủ. Người ta thì tìm cách dành dụm tiền bạc nộp vào phủ mua cho được cái chức xã trưởng, tướng thần. Không phải để chia chút quyền hành nhỏ mọn mà cốt để khỏi bị ai ăn hiếp. Tôi không làm như vậy. Mấy anh em tôi tự phá rẫy mà sống, hoặc xông pha trèo non lội suối buôn nguồn để kiếm cái ăn. Cái chức đốc ốp thuế ở Vân Đồn, không ai kham nỗi nên phải quàng cho tôi, chứ riêng tôi, tôi không thiết. Thế mà có kẻ xấu miệng còn đặt điều, lấy bút mực bôi nhem nhuốc lên thanh danh tôi. Nếu là ai khác, chỉ cần một cái tát tai, hoặc quất cho một roi là xong. Nhưng chúng nó ỷ chữ nghĩa dùng đến bút mực. Không nhờ đến thầy, không xong.
Yêu cầu đặt ra rõ ràng quá, ông giáo không có cách nào thoái thác. Ông không muốn dính vào những chuyện rắc rối. Việc của gia đình đã rắc rối lắm rồi. Ông chỉ muốn yên thân, sống lẩn quất vô danh không ai biết đến. Nhưng làm sao từ chối đây? Ông giáo đã cẩn thận che giấu mối liên hệ giữa mình với Ý đức hầu, nhưng chính ông đã phủ nhận mình là một thầy đồ lỡ vận, tìm về đây để học cày. Ông biện lại ngồi ngay trên ghế, nhìn thẳng vào ông giáo chờ đợi ông gật đầu với tất cả lòng tin tưởng. Ông giáo chỉ có một cách là hoãn binh. Ông hỏi:
- Không biết sức học võ vẽ của tôi có giúp gì được cho ông không. Nhưng sự việc ra làm sao?
Biện Nhạc vẫn giữ nụ cười bình tĩnh và cách nói chậm rãi, tiếp lời:
- Mấu chốt chỉ là chuyện tranh ăn. Gần đây việc buôn nguồn của tôi phát đạt. Nhất là trầu – không, măng le và muối. Mấy đứa em tôi lo không xuể phải nhờ đến người ngoài. Một số như cậu Lợi đây ở Kiên thành. Một số nữa ở trên Tây Sơn thượng. Thành thực mà nói, vài người có học vài miếng võ phòng khi gặp cướp. Có người vì không chịu nổi cảnh hiếp đáp của cai tổng, xã trưởng mà trốn. Chúng nó vin vào đó, làm đơn tố giác tôi ẩn lậu che chở bọn vong mạng, trộm cướp. Đấy, sự việc chỉ có vậy!
- Ông định làm gì?
- Tôi cũng định hỏi thầy câu ấy. Thầy học rộng biết nhiều, am hiểu việc đời hơn chúng tôi. Thầy đã từng ở kinh đô, quen biết giới chữ nghĩa nên thông suốt luật lệ. Xin thầy giúp cho một lời khuyên. Chúng nó khinh tôi ít chữ nên dùng chữ để hại tôi. Tôi phải làm gì đây?
Ông giáo boăn khoăn không biết phải trả lời như thế nào. Theo lẽ thường, ông chỉ cần chỉ đáp gọn là nên làm một tờ khiếu oan. Nhưng ông biết một câu trả lời như vậy tất nhiên dẫn đến chuyện ông biên nhờ ông thảo cho tờ khiếu oan ấy. Mà thật tình ông không muốn chữ nghĩa gây họa cho mình lúc này.
Biên Nhạc nhìn thấy nét mặt ông giáo trầm ngâm, do dự. Hai lần ông giáo lấy hơi định nói điều gì, nhưng lại thôi. Biện Nhạc nói:
- Trước khi xuống đây, tôi cũng ngần ngại, sợ vì chưa từng quen nhau mà nhờ nhõi như thế, có quá đường đột chăng. Sau đó, tôi nghĩ chín, thấy không đáng ngại nữa. là vì An Thái với Kiên Thành cách nhau một con sông, nhìn thì gần nhưng ở khác tổng. cái chuyên vặt chỉ lên tới tổng thôi, chưa lên đến huyện, phủ như mấy lần trước. Hơn nữa là trong trường hợp chú Kiên bị bọn chức sắc ở đây bắt sung, quân lên tạm trên trại với chúng tôi, thì trại thuộc nậu nguồn, ở ngoài quyền bọn tri phủ, tri huyện,
Ông giáo đỏ mặt vì thấy biện Nhạc đã biết rõ hoàn cảnh của mình. Ông đành thú thực:
- Ông biện nói thế là đã hiểu cả lòng tôi rồi. Một đời phí cho nghiên bút, làm khổ vợ con, tôi chán mớ sách cũ nên mới về đây nương nhờ bà con. Nước chảy xuống chỗ thấp, ý muốn của tôi là vậy.
- Nhưng người ta có chịu để cho thầy yên ổn không? Chưa chi chú Kiên đã bị dọa sung quân. Biết đâu cả thầy nữa, đã chắc gì thầy được nấp yên chỗ thấp. Chữ nghĩa ở cái xó rừng này như cây kim trong túi, trước sau gì cũng ló ra ngoài thôi!
Càng ngày ông giáo càng có cảm giác khó chịu là mình bị lôi cuốn vào một vùng sôi động, có gió bão và tiếng va chạm vũ khí, mà không có cách nào cưỡng lại được. Cảm giác an toàn lúc đầu biến mất. Ông lo âu cho ông, sợ không đủ ý chí cưỡng nổi khối sức mạnh kết hợp nào lòng tự tín, sự hợp lý, óc thực tiễn và hiếu thắng. Biện Nhạc vẫn trầm tĩnh ngồi đó, chờ đợi quyết định của ông. Ông giáo trả lời thế nào đây? Ông biết những gì biên Nhạc nói đều là sự thật, dù ông có muốn quên đi, tự lừa dối mình bằng cách gạt sang một bên, thì sự thực vẫn rành rành. Gia đình ông khó lòng ở yên được ở An Thái, nếu...Nếu thế nào? Ông có quá ít giải pháp để lựa chọn. Biện Nhạc vẫn kiên nhẫn chờ ông. Giáo Hiến chán nản, nói:
- Tôi cũng không biết vậy, nên có ý định gửi cháu Kiên lên Tây Sơn thượng, nhờ ông bảo bọc che chở cho một thời gian. Phần tôi già rồi, không ngại. Được ông giúp cho, gia đình tôi không dám quên ơn. Còn chuyện rắc rối của ông, tôi nghĩ nên thảo cái đơn khiếu nại. Lúc ở Phú Xuân, đôi khi tôi cũng có làm giúp cho người ta vài cái đơn xin nhập hộ hoặc giảm ngạch thuế. Ông cần, tôi có thể thảo được.
Ông biện Nhạc mừng rỡ đến nỗi đứng hẳn dậy, đến nắm lấy tay ông giáo lắc lắc. Ông biện reo lên:
- May quá. Tôi biết thế nào thầy cũng giúp tôi. Thế là từ nay tôi đỡ một mối lo. Thú thực với thầy, đôi khi cái điều thắc mắc, không biết chạy hỏi ai. Hỏi bọn ký lục áo dài khăn đóng à? Hỏi bọn quan quyền hống hách à? Tôi thà chịu chết chứ không mở miệng nhờ vả chúng nó. Năm nay thầy được bao nhiêu tuổi?
Ông giáo bị lây cái cuồng nhiệt mừng rỡ của biện Nhạc, vui vẻ đáp:
- Tôi thuộc hạng đáng xua về vườn đuổi gà rồi. Tôi tuổi canh tý.
Biện Nhạc nói:
- Như vậy thầy hơn tôi một giáp. Theo chữ nghĩa học vấn, chắc chắn thầy xứng đáng làm thầy của tôi. Theo tuổi tác, thầy là anh cả của tôi.
Ông giáo xua tay từ chối, giọng ngậm ngùi:
- Tôi học hành dang dở, kiến thức sơ sài đâu dám nhận lời khen lao của ông biện. Mới gặp nhau, ông biện đã thấy được cả tâm can tôi. Tôi phục lắm. Nhưng tiếc là tôi già rồi! Đến nỗi, vui buồn thất thường, muốn giữ lòng đơn sơ vô tư cũng không được nữa.
- Thầy chỉ nói nhún đó thôi! Nhưng bỏ qua việc ấy đi. Ta trở lại chuyện trước mắt. Chú Kiên lúc nào lên trên tôi là tùy thầy. Tôi nghĩ không nên trễ nải vì đợt gia hạn sau cùng để nộp sổ đinh là rằm tháng chín. Tôi cũng có một điều nữa mong thầy giúp đỡ. Nói ra xấu hổ, chúng tôi ở đây mãi lo làm ăn không ai có đủ được một nắm chữ. Tôi lớn rồi, coi như xong. Riêng hai thằng em, thằng Lữ với thằng Huệ tuổi còn nhỏ, chắc đi học còn được. Mong thầy bỏ chút thì giờ dạy bảo cho.
Ông giáo lo lắng hỏi:
- Mở trường dạy học ư? Mới chân ướt chân ráo về đây đã mở trường, sợ quan trên có làm khó dễ gì không?
Ông biện xua tay nói:
- Thầy đừng lo. Nhiều gia đình khá giả ở đây muốn cho con cái học năm ba chữ cho khỏi bị tiếng dốt, mà không tìm ra thầy. Năm ngoái có một thầy đồ ở Trường Định, không may bị trúng gió chết. Năm năm trước có một thầy đồ giả ở An Vinh, phải, thầy đồ giả. hắn không biết lấy một chữ, túng thế giả làm thầy đồ để lường gạt. Thầy có mở trường, chắc học trò đông lắm. Biết đâu nhờ vậy mà bớt vất vả. Tôi thấy thầy ốm yếu sợ làm ruộng không hợp.
Ông giáo boăn khoăn, ngồi thừ suy nghĩ. Điều lâu nay ông không dám nghĩ đến là cảnh túng quẩn. Số tiền dành dụm bao năm nay đã tiêu hết vào khoảng thuốc thang cho bà giáo. Hy vọng của gia đình đặt cả vào sự tháo vát cần cù của Kiên. Gánh hàng xáo của An đủ kiếm thêm chút ít tiền chợ. Kiên đi xa, gia đình như nhà mất cột. Không sẽ ngả về hướng nào. Ông giáo có nghĩ đến lối kiếm sống quen thuộc của những nhà nho lỡ vận là làm thầy đồ. Nhưng ông về đây mới được hai tháng. Dân tình xem ra chuộng võ hơn là chuộng văn. Ý kiến chức sắc địa phương thế nào, ông chưa hiểu. Cũng chưa có ai ngỏ ý hay tỏ ra mong muốn được học hỏi chữ nghĩa thánh hiền. Đi đâu cũng chỉ nghe bàn chuyện luyện roi, đi quyền, cưỡi ngựa, tranh đua võ nghệ. Cho nên mấy lời của biện Nhạc như nguồn sáng mới chiếu rọi vào khúc quanh tối tăm của đời ông. Ông giáo nhìn biện Nhạc với đôi mắt biết ơn. Ông nói:
- Cảm ơn ông biện. Chữ nghĩa vô dụng, tôi tưởng không còn làm gì được nữa, ai ngờ lại có lúc cần thiết. Vâng, ông biện cứ gửi các cậu ấy xuống đây. Chỉ sợ nhà cửa chật chội...
Biện Nhạc vội cắt lời ông giáo:
- Thầy khỏi lo. Học trò đông, tôi sẽ giúp thầy cất thêm cái chái bằng hai cái chái tạm này để có chỗ học hành, và học trò ở tạm. Việc ăn uống chúng nó tự lo lấy. Chúng nó con trai, nhưng làm hết được mọi chuyện.
- Hai cậu em đã bao nhiêu tuổi rồi?
- Thằng Lữ tuổi Mùi, thằng Huệ tuổi Dậu(3). Trước đây tôi có cho đi học, cả hai viết chữ đã ngay ngắn. Thằng Huệ sáng trí hơn, lâu lâu có làm được cái đơn, giúp tôi sổ sách thu thuế. Nhưng mấy thầy đồ chúng học chỉ võ vẽ được năm ba chữ, nên sức học hai đứa chưa đi đến đâu. Nhờ thầy cố dạy gấp cho, chúng cũng đã lớn rồi. Sợ không có thì giờ ngồi đó học cho sâu được. Chú Kiên lên trên ấy thay cho thằng Lữ, tôi yên tâm lắm.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #24 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:42:36 am »

Kiên phải lên Tây sơn thượng trước rằm tháng chín. Chỉ còn ba ngày nữa thôi, anh không nấn ná được nữa. Kiên muốn làm cho xong cỏ ở mấy đám bắp, lên luống trong vườn cho Chinh trồng rau lang, dựng cho An cái chuồng nuôi heo. Công việc cứ lở dần ra, hơn mười ngày mà chưa ra đâu vào đâu cả. Ông giáo phải ấn định ngày Kiên ra đi, ngày 12 tháng chín để khỏi lỡ công việc chung.
Đêm trước gió lại thổi ào ào. Ông giáo vừa lim dim mắt một lúc, gió đã ùa tới thổi tung cả mái tranh. Phên cửa sổ bị gió thổi đập va vào tường rầm rầm. Bụi trên mái tranh rơi xuống. Gió làm cho mọi người phờ phạc, bụi cát bám vào chân tay, chui vào cổ áo, ở đâu cũng cảm thấy nham nháp, ngứa ngáy. Tung hoành một lúc, gió lại im. Cái gáo múc nước bị hất văng xuống va vào mấy tảng đá rửa chân kêu lóc cóc. Cây sào phơi quần áo đu đưa, dây mây kĩu kịt, cuối cùng không chịu nổi sức gió, đứt tung. Cái nong phơi lúa bị đẩy tấp vào bờ rào... Vì thế, cả đêm ông giáo cứ chập chờn trăn trở trong mấy mươi giấc ngủ không trọn. Ông uể oải dật dờ cho đến gần sáng.
Kiên dậy muộn, thấy cha còn ngủ, len lén ngồi dậy ra sau bếp rửa mặt. Các em của anh đã dậy cả rồi. An và Lãng đang ngồi ở buồng trong xếp soạn quần áo cho anh. Kiên thấy lòng nao nao, vào ngồi xem các em lo lắng chuẩn bị cho mình. An ngước lên hỏi anh:
- Em xếp ba bộ quần áo, đã đủ chưa anh.
Kiên thấy An chọn hai bộ loại vải dày màu chàm Kiên thường mặc ra đồng, và một bộ vải sa tàu may từ thời còn ở Thuận Hóa. Kiên lấy bộ quần áo sang trọng đặt sang một bên, nói với em:
- Anh chỉ cần hai bộ này thôi. Bộ này để lại nhà, nếu túng thì... à, cái áo vá quàng ở vai đâu rồi?
An tìm cái áo cũ, giơ lên cho anh xem chỗ vải mục vì mồ hôi ở lưng. Cô bé nói với anh:
- Em thấy đã rách nên để lại.
Kiên nói:
- Đưa cho anh. Có cái vai dày, khuân vác tiện.
An e dè nhìn anh, rồi khe khẽ nói:
- Xa nhà, anh cả nhớ chăm lo sức khỏe. Em nghe nói khí núi độc lắm. Anh mà cứ ham việc như ở nhà, ngã xuống đau không ai lo được. Em có bỏ vào túi cái áo chàm tay ngắn, cái áo này này, kim chỉ và mấy miếng quế.
Kiên nghe em nói, chợt nhớ ra điều gì, vội đứng dậy ra nhà ngoài. An và Lãng nghe anh lục soạn một hồi. Có tiếng kéo hộc tủ, tiếng va chạm các đồ vật lặt vặt lỉnh kỉnh trong rổ may. Có cả tiếng anh cả làu nhàu. Một lúc lâu, Kiên trở vào, ôm trong người một đống đồ vật linh tinh. Kiên đưa từng món ra cho An:
- Em không nhắc, anh quên thì bậy lắm. Mấy thứ lặt vặt này không nên xem thường. Lúc không cần bỏ lăn lóc tứ tung, lúc cần tìm không ra, mua cũng không được. Đây, em cất đâu đó để dùng. Cuộn này là vải cũ còn khá bền, dùng vá quần áo. Hộp tăm em cất ở chỗ cao, cái thằng Lãng này hay lấy tăm chơi phí lắm. Ăn cơm xong tìm mãi không ra. Lâu nay anh giấu trên khuôn cửa lớn. Em thấp với không tới, tìm chỗ khác. Khoan đã. Đưa cho anh một ít. Hộp thuốc lá này cũng nên cất kỹ, chỉ khi nào có khách hút thuốc hay ăn trầu mới đem ra mời thôi. Cấm tuyệt không cho thằng Chinh đụng tới. Còn cuốn sổ này ghi chi tiêu hàng tháng. Phần bên này anh ghi các khoản thu. Phần này anh ghi các khoản chi. Phần này anh ghi nợ. Cuối tháng cộng dồn lại, nếu chi nhiều hơn thu, mình trừ đi rồi so với phần nợ là thấy ngay. Tháng chín anh đã gạch xong rồi, em cứ ghi tiếp. Các tháng sau cũng theo mẫu đó mà ghi. Để anh xem nào, cho đến nay, mình còn nợ mợ Hai Nhiều năm thúng thóc và một thúng nếp. Nhưng trước hôm mẹ mất, em có trả dôi cho mợ tiền hai thúng thóc, như vậy mình chỉ còn nợ ba thúng thóc,một thúng nếp mà thôi. Phần vỡ hoang đám miễu, mình còn nợ công cày của chú Ba Vận.
An không thể ngồi nghe anh giải thích hết các khoản thu chi trong cuốn sổ nhỏ. Kiên tiếp tục giải thích. Cho đến lúc anh nhận ra rằng Lãng đã bỏ xuống bếp và An ngồi nghe một cách lơ đãng, anh dừng lại, ngơ ngác. Anh không hiểu nổi các em. Ngày thường, anh đã la rầy cho chúng một hồi. Nhưng hôm nay, ngày anh lên đường, Kiên tự nhủ nên dịu dàng vui vẻ. Kiên nói;
- Anh đi, chuyện tính toán chi tiêu An phải lo. Em chưa thấy cuốn sổ ghi chép này quan trọng đến mức nào. Không có nó, em không thể nhớ hết. Mà tiền bạc dễ gây cãi vã phiền phức lắm. Cho đến hôm nay, anh còn lại được năm quan bảy đồng. Cha có giữ một ít, không biết là bao nhiêu. Đây, em cất lấy.
An nhận mấy xâu tiền anh đưa, lần đầu cảm thấy sức nặng của công việc quán xuyến tài chánh. An hỏi:
- Anh không đem tiền theo để tiêu ư?
Kiên đáp:
- Anh đi làm thuê cho người ta. Cơm nước họ chu cấp. Đau, họ lo thuốc thang. Ở trên rừng, có gì đâu mà cần tiêu.
An cảm động mắt rơm rớm đỏ. Cô thương anh, không nói được tiếng nào. Cố dằng nỗi xúc động làm nghẹn lời, An nói:
- Anh phải giữ lấy vài quan đề phòng trường hợp bất trắc. Em còn gánh hàng xáo, cha còn giữ một ít tiền nữa. Đừng lo ở nhà túng thiếu. Anh nhớ lo sức khỏe của anh.
Kiên cầm xâu tiền trên tay, không nói được lời nào. Lần đầu tiên, anh thấy An đã lớn. Lớn từ cách ăn nói, sự chín chắn của suy nghĩ. Rồi anh nhìn đến ánh mắt trầm tĩnh đĩnh đạc, mái tóc lòa xòa của một người nội trợ. Anh cảm thấy yên tâm trước khi ra đi. Những ý nghĩ rắc rối ấy, Kiên không đủ khả năng nói hết với em. Ngay cả lòng thương mến khôn cùng đối với gia đình, cả đêm thao thức với ý nghĩ sắp xa nhà, trăn trở quyến luyến từng tiếng côn trùng giữa khuya, tiếng cán gáo chạm vào thành ang nước lọc, anh biết mình không đủ ý đủ lời diễn tả hết. Sự bất lực luống cuống ấy khiến anh không muốn ai nhìn mình lúc này.
Kiên ra nhà ngoài. Ông giáo đã thức dậy. Kiên tưởng trong lối nhìn của ông giáo, cha mình đang hiểu tại sao mình luống cuống. Anh nói trớ:
- Hôm qua gió dữ quá, cha có ngủ được không?
Ông giáo nói:
- Hôm nay đã 12 tháng chín rồi.
Hai cha con cùng ngồi lên cái phản gỗ mộc, im lặng bồi hồi. Kiên nói:
- Con mương dẫn nước úng chỗ gần miễu con đào dở. Cha sai em Chinh làm tiếp cho xong, sợ bắp nó hư.
Ông giáo gật đầu, ngồi im lặng một lúc lâu. Kiên chờ cha dặn dò. Ông giáo trầm ngâm một lúc nữa, rồi nói:
- Hơn hai mươi năm nay có lúc nhà mình nghèo túng cơ cực, nhưng vợ chồng cha con có nhau. Vào đây mấy tháng thôi, mẹ con mất, còn con...
Ông giáo không nói tiếp được. Ông không muốn Kiên thấy ông khóc. Ông gắng bảo Kiên:
- Khi hôm gió quá, cha không ngủ được. Chắc bị cảm rồi. Bắt đầu sổ mũi, choáng váng.
Kiên thưa:
- Để con đi lấy dầu.
Ông giáo vội ngăn:
- Không cần. Quần áo đồ đạc con đã xong cả chưa?
- Thưa cha, em An đã lo cả rồi.
- Thằng Chinh đâu?
- Con không thấy. Chắc đi ra vườn. Lâu nay Chinh nó lén học võ. Con sợ cha giận, không dám mách.
Ông giáo trầm ngâm, khác hẳn dự đoán của Kiên. Ông chậm rãi bảo con:
- Cha biết. Trước kia khi còn ở Phú Xuân, chắc cha giận lắm. Nhưng vào đây, đời sống khác. Văn chương, chữ nghĩa...không ích gì. Lâu nay các con có giở đến mấy cuốn sách không?
Kiên nói:
- Thỉnh thoảng con cũng có đọc lại.
- Lên trên đó khí hậu độc. Con gắng giữ gìn sức khỏe. Tối ngủ nhớ đốt lửa. Đừng uống nước suối chưa nấu. Nhớ chưa?
Thưa cha, con nhớ.
- Cha tin ở tính cẩn thận của con. Nhưng cha cứ dặn trước cho yên lòng. Ông biện định giao việc sổ sách trên trạm Tây Sơn thượng cho con. Cơ nghiệp buôn nguồn của họ chắc là lớn. Tiền bạc thu vào chi ra nhiều. Con nên cẩn thận. Một đồng, một tiền không phải của mình, không lấy. Của phi nghĩa như giọt mưa rơi vào kẽ tay, không giữ được đâu! Con nhớ chưa?
Kiên lặp lại:
- Thưa cha, con nhớ!
(1) Theo Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn, trang 152
(2) Theo Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn, trang 465
(3) Tân Mùi: 1751, Quí Dậu: 1753
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #25 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:44:22 am »

CHƯƠNG 6
Tổ chức buổi lễ khai tâm long trọng như thế này không phải là ý muốn của ông giáo. Tất cả đều do ông biện Kiên Thành lo liệu. Cho nên có nhiều điều vượt ra ngoài tầm tay của ông.
Trước tiên là cái ý định tổ chức. Mới nghe biện Nhạc ngỏ lời xin chọn ngày, ông giáo ngỡ ngàng. Hai cậu học trò đã xuống đây rồi, cái nhà tạm một nửa làm chỗ ở, một nửa làm chỗ dạy học đã dựng xong rồi, dạy lúc nào chả được.Chỉ bày vẽ thêm lắm chuyện! Nhưng sau đó ông giáo mới thấy mình chưa hiểu hết tầm mức quan trọng của vấn đề. Dĩ là quan trọng theo lối nhìn của ông biện. Ông giáo hẹn một tuần nữa sẽ bắt đầu dạy, vì nghĩ đến cái rạch nước phải khơi để cứu mấy khóm bắp bị úng thủy, cái chuồng heo Kiên làm lở dở, đống sách vở bừa bộn chất đống nơi gác tối từ hôm đám ma chưa kịp xếp đặt…Một tuần…Một tuần có thể là chưa đủ để làm cho xong những việc Kiên bỏ lại. Nhưng học trò đã "tựu trường" rồi, không nấn ná lâu hơn được. Phải hẹn ngày dạy gấp cho ông anh yên lòng mà về lo chuyện nhà! Ông giáo nghĩ vậy. Rồi ông giáo ngớ người khi nghe "ông anh" gật gù tán đồng:
- Phải. Một tuần mới kịp chuẩn bị. Ở dưới phủ, có một chỗ quay heo ngon có tiếng. Cho người xuống đặt trước phải vài ba ngày. Rượu ngon dưới Mỹ Cang thì lên theo ghe chở muối. Hôm nay mồng hai, mồng năm tới An Thái. Phải mời cho được các ông duyện lại, cai tổng, đốc trưng, xã trưởng. Không cần mời hết, chỉ mấy người lo chuyện đốc ốp tiền thuế mà thôi. Gặp hết bảy, tám ông cũng mất vài ngày. Phải! Một tuần mới kịp!
Sau đó, "ông anh" không về lo chuyện nhà, mà ở lại An Thái đích thân chuẩn bị lễ khai tâm cho hai em. Ông giáo bị đặt vào một hoàn cảnh bất ngờ, lúng túng không biết phải làm thế nào cho phải. Để tìm cho ra cái lý thích đáng giải thích điều bất ngờ, ông giáo nghĩ: Ôi thôi, chẳng qua như người ta nói "cũ người mới ta" chứ có gì đâu. Ba cái chữ phù phiếm đeo đẳng quấy rầy suốt cuộc đời ta, ta muốn vứt đi mà không được. Thế mà có người còn tưởng nhờ nó mà được võng đào lộng tía! Không dám mở miệng thố lộ cho lớp sau. Về phía ông, ông giáo tự thấy phải tỏ ra đôi chút lo lắng cho phải phép. Ông nhờ người nhà ông biện tiện đường xuống phủ đặt heo quay, tìm giùm cho ông một cuốn sơ học vấn tân, vài thoi mực và bốn cây bút hạn thường.
Điều bất ngờ sau chót là tầm mức long trọng của buổi lễ. Ông biện xuống An Thái ở cả tuần lễ, nhưng thấy nhà ông giáo chật chội, hơn nữa trong buổi sơ giao không tiện ở lại đây. Ông ở nhà một thầy tàu quen biết cũ, đảm nhiệm việc dạy võ cho hai cậu Lữ và Huệ. Mọi đồ lễ và các món thết tiệc cũng được sửa soạn từ nhà người thầy võ này. Thành thử gần tới giờ qui định, thấy ông biện và ông thầy võ khăn áo chỉnh tề, dẫn theo một đoàn bốn người lực lưỡng khiêng gánh đầy đủ, từ con heo quay đến miếng tàu têm sẵn, trịnh trọng bước vào nhà học, ông giáo phải vội quơ cái áo đoạn cũ mặc vào, đội thêm cái khăn xếp bám bụi bấy lâu gác trên nóc tủ, chạy ra tiếp khách. Một người lực điền lấy trong gánh của mình hai cái mâm đồng sáng choang, loại có ba chân nai chạm trổ khá công phu. Anh ta xếp nguyên con heo vàng lườm lên một mâm. Trên cái mâm kia, anh đặt nguyên một chõ xôi lớn. Một người lo bày biện bộ ngũ sự gồm hai đế đèn, một bộ lư trầm, một bát hương và một cái đài rượu. Hai cặp rượu ngon đặt ngay phía sau dĩa trầu không têm sẵn xếp tròn. Đặc biệt hình như ông biện Nhạc muốn khoe cây nhà lá vườn, trên cái bàn đã chật nêm đồ lễ, giữa hai chân nến còn có thêm một dĩa lớn xếp một chồng trầu không tươi xanh. Lá trầu to bằng cả một bàn tay xòe xanh lặc lìa, cuống màu xanh non xếp tròn theo hình trôn ốc trông đẹp mắt.
Khách khứa đến đông đủ cả. Ông giáo biết mặt được ba người trong đó có ông cai tổng, tên xã trưởng đã mua của ông cái áo đoạn mới, và viên tri áp. Bốn người kia gồm ông duyện lại có thói quen hay nháy con mắt phải, ông cai tổng vùng bên kia sông, ông biện lại vùng An Thái và một người có dáng dấp nhanh nhẹn bặt thiệp của một con buôn. Ông biện Nhạc bận điều khiển bọn người nhà bày biện bàn ghế, nên ông giáo phải lo tiếp khách. Ông không quen ai nhiều, nên câu chuyện chỉ nhát gừng, gượng gạo. Sau rồi các ông khách quay sang nói chuyện với nhau, đỡ gánh lo và bực cho ông giáo. Biện Nhạc soát xét lần cuối mọi thứ, rồi vào chỗ khách đang ngồi trịnh trọng nói với ông giáo:
- Thưa thầy, bắt đầu hành lễ được rồi.
Khách khứa vội đứng cả lên, bao quanh cái bàn thờ. Biện Nhạc lấy thẻ tre thắp hai cây sáp vàng lớn. Ngọn nến ban đầu còn lung linh, nhợt nhạt. Khi lửa bén sâu vào hai đầu bấc, ánh sáng vàng tỏa ra, chiếu lên bộ ngũ sự và hai cái mâm đồng, khiến các đồ lễ trở nên rực rỡ.
Ông giáo đến trước bàn thờ, rút trong bao giấy điều một nắm hương. Ông châm đầu nắm hương vào ngọn nến phía trái. Tay ông hơi run nên có mấy đầu hương chưa kịp cháy. Ông kê sát vào ngọn nến hơn. Khói tỏa ra, mùi hương đắt tiền đậm đà lãng đãng khắp nhà học. Ông thổi nhẹ cho tắt lửa ngọn trêm mấy nén hương nhạy, rồi đứng nghiêm trang một lúc trước bàn thờ, nắm hương đưa cao trước trán. Lòng ông tự nhiên hồi hộp. Ông nhớ đến cảm giác khinh khoái rộn rã những lần ông đứng như thế này trong đời. Lòng tin ở Đấng Vấn An Thế Sư Biểu mạnh mẽ đến nỗi ông nghĩ vào giờ phút khai tâm thiêng liêng ấy, cửa minh đức sẽ mở, đời có thêm vài bậc quân tử và bớt đi vài tên tiểu nhân. Cảm giác ấy không còn trong lòng ông, phút hồi hộp do khích động của kỷ niệm qua đi, chỉ còn lại niềm bồi hồi. Ông giáo đứng yên như thế khá lâu. Có tiếng ho nhỏ sau lưng ông. Ông giật mình, tiến tới cắm nắm hương vào cái bát sứ đầy gạo, rồi lui về chỗ cũ. Ông sửa khăn, đưa tay vuốt lại áo. Đoạn ông lạy đủ bốn lạy. Ông lại đứng thẳng trước bàn thờ, để lẩm nhẩm khấn xin khai tâm cho hai cậu học trò mới. Ông đọc nhỏ lời khấn quen thuộc, nhưng đến giữa chừng, lại cảm thấy một cách chua chát cái bất lực của chữ nghĩa. Những cậu học trò ông khai tâm hôm nay sẽ đi theo con đường ông đã đi, sẽ học những sách ông đã học. Mà ông đã đi đến đâu? Mê sách thánh hiền như bạn Ngô Thế Lân của ông mà cuối cùng làm được gì ngoài việc dâng một bản thái bình sách không ai thèm đọc. Mắt ông lạc thần, ông lạy thêm bốn lạy, lui ra.
Ông biện Nhạc và đám khách khứa có vẻ cảm phục, hân hoan nhường chỗ cho ông giáo đứng bên trái bàn thờ. Nét mặt ông giáo buồn, càng thêm vẻ nghiêm túc thành kính. Biện Nhạc tiến đến trước bàn thờ, chậm rãi lạy bốn lạy. Ông giáo nhận thấy cách lạy ở vùng này đơn giản hơn ở kinh. Sau khi vái, biện Nhạc quỳ hai gối rồi phủ phục xuống trán chạm mặt chiếu, không phải vịn vào đầu gối phải, vái lần nữa rồi mới phục lạy như ông. Do đó cử chỉ bớt vẻ khoan thai, nhịp tiến lui, lối ngửng lên phục xuống thiếu uyển chuyển. Cử động đơn giản và mạnh mẽ hơn.
Sau khi Lữ và Huệ lạy nhập môn, ông giáo bảo cả Chinh và Lãng vào làm lễ. Ông muốn nhân tiện chỉ dạy thêm cho hai con, để làm gì, ông không biết. Nhưng không làm thế thì không coi được. Ông giáo nghĩ vậy.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #26 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:45:07 am »

Buổi lễ khai tâm mau chóng trở thành câu chuyện thời sự của An Thái. Và một lần nữa, những kẻ hiếu sự được dịp tô điểm cho không khí trang nghiêm hiếm hoi ở cái xứ xa xôi quạnh quẽ này trở thành thiêng liêng. Có lẽ Khổng Phu Tử có trở lại trần thế cũng không thể ngờ tên tuổi của mình đột nhiên được nhắc nhở trang trọng như thế ở một chỗ xó rừng. Ngài sẽ mỉm cười tạm quên cơn khốn đốn ở đất Trần. Những chuyện bàn ra tán vào, từ con heo quay cho đến kiểu lạy lạ mắt của một ông đồ từ "kinh sư qui ẩn", theo đường ngựa thồ lên núi và đường ghe muối xuống đồng bằng. Nhờ thế, ông đồ bất đắc dĩ thu nhận thêm ba môn sinh trong vòng một tuần lễ: một là cậu con trai ông biện An Thái, một là con ông chánh tổng, Thìn bạn Chinh con viên tri áp khó tính. Như vậy đám học trò ông giáo gồm có Lữ, Huệ, Chinh, Lãng, Thìn con ông tri áp và hai cậu con các chức sắc. Lớn tuổi nhất, xứng đáng làm trưởng tràng là Lữ 17, nhỏ nhất là Lãng lên 12. Theo thứ tự từ lớn đến nhỏ: Chinh 16, Huệ và Thìn 15. Tiến con ông chánh tổng và Khải con ông biện An Thái 14. Lứa tuổi đám học trò sàng sàng như nhau. Ông giáo yên tâm không lo phải gặp những lớp chệch choạc tuổi tác như đã gặp thời trước. Về trình độ, ngoài hai con, ông không biết sức học của năm cậu học trò mới được đến câu. Ngay hôm đầu ông đem mấy trang trong cuốn "Sơ học vấn tân" ra hỏi, các cậu học trò chỉ trả lời lõm bõm, Sự hiểu biết phần lớn chắp vá, vụn vặt, do cái học đầu Ngô mình Sở tùy hứng, tùy thời. Thử chữ viết, ông mừng, đứa nào viết chữ cũng tạm được. Ông quyết định dạy lại từ đầu rồi tùy trình độ tiến nhanh hay chậm mà giảng mỗi đứa khác nhau. Lâu nay ông vẫn phục Đứa Khổng phu tử ở cái khả năng sư phạm quán chung của Ngài, hiểu tường tận cái giỏi, cái dở của từng đứa học trò, tùy theo đó mà lựa cách giáo dục thích hợp. Nhưng đó là chuyện về sau. Từ đầu, ông định cho tập viết trở lại. Làm quen với cây bút xong, ông bắt đầu giải nghĩa cho học trò học ôn, làm quen mặt chữ. Đến lúc chúng có thể viết ám tả được thì ông bắt chước Khổng phu tử. Ông sẽ tùy tâm tính từng đứa, chí hướng từng đứa mà dạy những điều thực dụng. Ông giáo không quên lời ông biện. Chúng đã lớn tuổi rồi. Sợ không còn nhiều thì giờ quanh co với những phù phiếm của văn chương cử nghiệp. Hơn nữa, sách vở ông đang có cũng không nhiều nhõi gì. Mấy cuốn Sử kí. Tập Đường thi. Quyển Truyền kỳ mạn lục. Ông không quên bộ Tứ thư Ngũ kinh, nhưng ông giáo e dè chưa dám chắc là ông có nên dạy những kinh truyện trong bộ thánh thư ấy không. Dù sao, chuyện ấy còn xa lắm!
*
* *
Hôm nay ngày rằm, đến kỳ học ôn nên buổi học có vẻ nghiêm trọng khác thường. Nét mặt các cậu học trò đăm chiêu, lo âu hiện rõ trên nét lông mày. Với cái áo đoạn màu đen, ông giáo cũng trở nên nghiêm khắc hơn. Đến nỗi Chinh, tính tình bộc tuệch vô tư như vậy mà buổi sáng hôm ấy cũng dậy từ lúc tinh mơ, một mình ra sau vườn chuối lẩm nhẩm đọc lại mấy trang sách cha đã chỉ từ kỳ học trước.
Trong nhà học, ông giáo ngồi xếp bằng ngay ngắn trên cái phản rộng, hai tay thu vào vạt áo đoạn. Bên cạnh ông, đặt một khay trà và một nghiên mực. Lữ kính cẩn đến trước mặt thầy, khom người xuống lấy một nhúm trà cánh nhỏ ướp sen bỏ vào cái bình da lươn, rồi đứng lên quay về phía trái nơi vẫn thường đặt lò than nấu nước sôi. Cậu không thấy ấm nước đâu cả, đưa mắt ngầm hỏi em. Huệ gật đầu tỏ dấu hiểu anh muốn nói gì, bỏ lớp học đi về phía nhà bếp ông giáo. Cậu gặp An đang lui cui nhóm lại lửa trong bếp, cái ống trúc thổi lửa vẫn còn cầm ở tay phải, tro bay vướng cả lên mái tóc rối. Đôi mắt An lo âu gần như xấu hổ bị Huệ bắt gặp trong hình dáng xốc xếch đầu bù tóc rối thế này. Cả Huệ cũng không ngờ phải gặp con gái thầy giáo ở nhà bếp. Hằng ngày, việc nấu nước pha trà và cơm nước, Huệ phải lo. Điều đó tự nhiên, vì Huệ là em. Vả lại cũng không có gì nặng nhọc. Hai anh em có mua ngoài chợ An Thái một cái lò đất nung. Gạo, than, thức ăn, ông biện gửi đều theo các chuyến thuyền chở muối, cá từ biển lên, và các chuyến ngựa thồ từ Tây Sơn Thượng xuống. Số lượng thực phẩm quá nhiều vì ông biện nhân cớ tiếp tế cho hai anh em, gửi thêm gạo, muối, cá mắm thừa đủ cho gia đình ông giáo chi dùng. Ông giáo có ý muốn Lữ, Huệ cùng ăn chung với gia đình ông cho đỡ chuyện bếp núc phiền phức, nhưng ông biện nhất định không chịu. Ông biện có cái lý của mình. Thứ nhất theo ông, học trò không được phép ăn chung mâm với thầy giáo. Hơn nữa gia đình ông chỉ có bốn anh em, ông biện anh cả đã trưởng thành. Mấy người em kế tiếp của ông biện khó nuôi, đã mất từ nhỏ hay ngay từ khi lọt lòng mẹ. Mười mấy năm sau mới nuôi được. Lữ, rồi Huệ và đứa em gái út. Gia đình anh em trai đông, nên con trai vừa lo việc cày bừa vừa lo chuyện bếp núc. Ông biện bảo chúng nó đi học thế này sướng gấp mấy ở nhà, không nấu bếp thì giờ để làm gì? Đi xa hơn, ông biện còn xem đó là một lối giáo dục hợp lý. Ông giáo không có cách nào khác hơn là để mặc cho hai cậu học trò tự nấu ăn lấy, chỉ lâu lâu, thỉnh thoảng sai Chinh hoặc Lãng đem qua cho hoặc một nải chuối mật, hoặc một gói kẹo.
Hôm qua Lữ vô ý vấp chân vào cái lò làm vỡ đi, nên sáng hôm nay, nhớ phận sự mình, Huệ sang bếp nhà thầy nấu nhờ ấm nước sôi từ sáng sớm. Cậu sợ làm phiền gia đình thầy. Cậu cũng sợ gặp con gái thầy ở nhà bếp. Cái gì đã khiến cậu dè dặt như vậy? Huệ đã nhiều lần tự hỏi và chưa tìm ra câu trả lời đích xác. Cậu không phải là người nhút nhát trước phụ nữ. Cậu cũng không vụng về trong cách gợi chuyện, bắt chuyện như Lữ. Dĩ nhiên cậu cảm phục cái tài lợi khẩu của anh cả, nhung trong thâm tâm, cậu thấy anh cả nói nhiều quá, và trong những điều anh cả nói với người khác trước mặt cậu, có nhiều điều không đáng nói hoặc chưa nên nói. Cậu chỉ muốn nói vừa đủ và đúng lúc. Cho nên cậu cũng không ưa Lợi. Tuy đôi lúc hơi ghen tức trước sự thành công dễ dãi của Lợi đối với phụ nữ, Huệ không thấy các câu pha trò của Lợi có chút ý vị gì, thế mà chỗ nào có Lợi là có tiếng cười. Đám đàn bà con gái vốn e dè kín đáo là thế, mà gặp Lợi là bạo dạn bỡn cợt, cười nói tíu tít. Rồi từ đó Huệ xem thường luôn cả đám đàn bà con gái.
Cho đến ngày Huệ gặp An. Điều ghi dấu sâu đậm vào cảm quan của cậu khiến cậu gần như sững sờ, là cái dáng điệu uyển chuyển, nhịp nhàng, linh động của An. Từ cách đưa ngón tay út lên vén nhẹ một mảng tóc lòa xòa, cho đến cách đưa lưỡi liếm nhẹ lên môi trên, cách rót một tách nước trà, cách gật đầu nhận một lời chỉ bảo, tất cả đều vừa độ cần thiết. Cử chỉ biểu lộ sự thân mật dịu dàng, đồng thời cũng giữ riêng cho An một sự bí mật tôn nghiêm. Huệ chưa từng bao giờ gặp sự hòa điệu như vậy giữa hai đòi hỏi gần như mâu thuẫn là sự cởi mở thân tình và sự gói ghém kiêu hãnh, nơi một người con gái. Cậu cũng ngạc nhiên khi thấy cô gái có dáng điệu trang nhã thân mật ấy còn giữ nguyên nét trẻ thơ trên khuôn mặt. Nước da ửng sáng trên đôi má bầu bĩnh. Cái môi trên mọng. Chỉ trừ đôi mắt buồn trước tuổi. Huệ nghĩ có lẽ nhờ đôi mắt ấy mà khuôn mặt và cử chỉ của An hòa hợp nhau, tiết ra một sức hấp dẫn lạ lùng. Cậu đau khổ công nhận giữa cái đẹp xa lạ ấy và mình có một hố cách biệt trang nghiêm; cậu không thể nói gì thêm, không thể phác một cử chỉ nhỏ, vì bất cứ hành động nào của cậu cũng trở thành vụng về, thừa thãi trước vẻ đẹp toàn bích ấy. Và lần đầu tiên trong đời, cậu thấy lúng túng, thất vọng cho sự vụng dại của mình.
Suốt mấy tháng trọ học ở nhà thầy, Huệ chưa có lần nào nói chuyện tự nhiên với riêng An. Khám phá ra điểm yếu đuối của mình, cậu khổ sở. Lòng tự ái kiêu hãnh của người con trai bị âm thầm động chạm. Cậu ngại gặp An, như ngại soi gương thấy vài vết mụn trên da mặt dậy thì của mình. Thế mà buổi sáng nay, cậu không có lối thoát nào khác. Ấm nước sôi của cậu, An đã vần sang bên cạnh để bắc nồi nấu cháo cho thằng Út. Hơi nước còn bốc lên trên cái vòi ấm. Tình trạng nhì nhằng bất ngờ kéo dài, cho đến khi An cất lời trước. An đưa lưng bàn tay gạt mồ hôi trên trán và đùa mấy sợi tóc ướt qua thái dương, hỏi Huệ:
- Ấm nước đã sôi rồi. Anh cần lấy chưa?
Huệ không ngờ mọi sự tưởng như bế tắc lại có thể giải quyết một cách nhẹ nhàng tự nhiên như vậy. Huệ trả lời nhanh:
- Cho tôi xin cái ấm.
An bỏ cái ống thổi lửa xuống, dùng tay phải nhấc cái ấm ra khỏi bếp. Khi chuyền quai ấm qua tay Huệ, An cười mỉm không nói gì. Huệ lí nhí cảm ơn, trở về nhà học. Cậu lẩm bẩm: hóa ra mọi sự vốn đơn giản như vậy. Không có gì ghê gớm đến nỗi phải e ngại. Cậu cảm thấy lòng nhẹ nhõm. Lữ nhận cái ấm nước từ tay cậu mà không thấy cậu vui. Huệ nghĩ: anh ấy sống hiu quạnh lặng lẽ quá, chắc chưa bao giờ rắc rối như mình. Anh ấy cũng không nhận ra đột nhiên mình hớn hở đâu. Lữ rót nước sôi vào bình trà đậy nắp lại, đứng chấp tay bên cạnh ông giáo chờ cho trà đậm. Trong lúc đó,Lãng lo phận sự mài thỏi son vào cái nghiên. Màu mực đỏ thắm, in đậm trên nền đá có vân màu xám nhạt. Lữ cho là đã đủ thì giờ để nước đậm trà, cúi xuống rót thử vào cái chén sứ nhỏ bằng quả cau. Nước trà còn nhạt. Lữ cẩn thận dùng tí nước sôi đã rót sớm ấy tráng qua ba cái chén khác, rồi lại nghiêm chỉnh chờ. Ông giáo nhìn quanh một lượt, thấy đám học trò đã đủ mặt.Ông bảo:
- Các anh ngồi xuống cả đi.
Học trò ngồi xuống hai cái ghế dài bằng gỗ đóng vội vừa tầm để kê giấy lên mặt phản mà tập viết. Lữ pha trà xong, bưng một chén đến đặt trước mặt ông giáo.Ông gật đầu nói:
- Anh để đấy. Hôm nay ngày vọng, ta học ôn khỏi phải học nghĩa. Các anh đã nhớ và hiểu hết chưa?
Đám học trò ngại, không dám trả lời dứt khoát. Chỉ có Huệ trong cơn hớn hở tự tin, mạnh dạn đáp:
- Dạ đã hiểu hết!
Ông giáo mỉm cười nhìn Huệ. Ông thích thái độ dứt khoát ấy, thái độ mà suốt cuộc đời ông, ông giáo không bao giờ biểu lộ đúng mức. Nhưng ông không gọi Huệ lên ôn bài ngay. Đầu tiên ông gọi Thìn. Nét mặt Thìn thay đổi, mắt lấm lét, bộ dạng lốm thốm khó coi. Cả lớp học cười ồ. Ông giáo làm mặt nghiêm để giữ trật tự, điềm tĩnh nhận cuốn sách từ đôi bàn tay run run của Thìn. Ông lật lại các trang cũ, tìm chỗ ông đã phê mấy chữ"y vọng kỳ". Biết rõ sức học của Thìn, ông đã chọn một đoạn dễ. Ông giáo đọc một câu trong sách, đoạn ngửng lên chờ Thìn đọc tiếp. Thìn nhắc lại câu vừa đọc, ấp úng vài chữ, lại nhắc câu vừa đọc. Cuối cùng, Thìn đứng trân giữa lớp chờ đợi. Bàn tay hết đưa lên mũi quệt quệt lại mân mê cái chéo áo chàm. Ông giáo lật qua trang khác, suy nghĩ, đọc thêm một câu nữa. Thìn lại không nhớ bài. Ông giáo trách:
- Cả tuần làm gì mà không chịu ôn bài?
Thìn im lặng không trả lời được. Ông giáo than:
- Anh học hành thế này thì tôi mang tiếng với ông tri áp. Cha anh dặn tôi phải buộc anh học hành đàng hoàng.
Thìn chợt nhớ một lý lẽ để biện hộ, vội đáp:
- Thưa thầy, cha con hỏi bao giờ thì học cách làm đơn được. Học chữ nghĩa trong sách khó quá. Cha con cũng không hiểu.
Ông giáo vỡ lẽ, hiểu vì sao ông tri áp gửi con đến nhờ ông dạy dỗ. Ông đâm giận, nhưng không để lộ ra nét mặt. Ông lấy bút quệt mạnh vào nghiên son. Không cần di di lăn tròn đầu bút lên mặt nghiên cho nét chữ thanh nhỏ, ông phê một chữ "liệt" to tướng vào sách của Thìn. Vết son loe ra nhem nhuốc như một vết ô nhục.
Ông giáo gọi đến Lữ. Lữ thuộc làu làu, giọng đọc ê a như đọc kệ. Sau khi Lữ đọc hết đoạn thứ ba, ông giáo lật ngược về phía trước, hỏi đoạn kế trên đoạn Lữ vừa đọc. Bị lật ngược thứ tự, Lữ lúng túng. cố gắng mãi, anh vẫn chưa tìm ra mạch văn. Anh lập lại câu ông giáo vừa đọc, mon men đọc thử một vài chữ dò đường. Thấy nét mặt ông giáo không biểu lộ tán đồng hay là bất mãn, anh đọc ngắc ngư một lúc nữa, rồi tịt luôn. Ông giáo phê cho Lữ một chữ "thứ" dài.
Sau khi dò bài Chinh, Tiến, Khả xong, ông giáo gọi Huệ. Huệ đứng dậy, trình lên ông quyển sử ký. Ông giáo cầm cuốn sách tần ngần hồi lâu. Ông tự hỏi: vì sao ta giao cho cậu bé chén đắng này? Nỗi hận chất chứa trong lòng ông thái sử trở thành máu lệ đẫm trang giấy, đến lứa tuổi ta chắc gì đã hiểu hết! Cái họa Lý Lăng, hai năm tủi nhục ở nhà tằm, mấy nghìn trang sách để lại cho đời sau như một thứ thừa tự, tâm tình gói ghém trong lời thư gửi Nhậm Thiếu Khanh, chỉ mới là nguồn gốc phát khởi của ngòi bút. Còn cái học vấn uyên bác, kết quả của kinh lịch, khiếu thẩm thức cái đẹp, lối nhìn về mọi điều thị phi, khả năng phân biệt tốt xấu, tài văn chương tinh tế... bao nhiêu điều phức tạp ấy phải chờ đến tuổi chín chắn mới nên cho đọc. Thế mà ông giáo vội giao cho một cậu bé mười lăm tuổi! Nhưng phải hiểu cho ông. Trừ những phụ huynh như ông tri áp, ông chánh tổng, gửi con đến học vì một lý do rõ rệt là muốn chỉ dạy cách làm một số đơn tử, văn khế, còn ông biện Kiên Thành tuy chủ động tổ chức lớp học, chịu hết phí tổn, nhưng không nói rõ cho ông giáo yêu cầu của mình. Ông xin dạy cho em cách làm đơn khiếu oan ư? Thì chính lá đơn khiếu oan ông biện nhờ ông giáo thảo độ nọ, về sau ông biện có nhắc nhở gì đâu. Ông giáo không nhiệt tâm lắm khi thảo lá đơn nên khi biện Nhạc quên đi, ông giáo lấy làm lạ và mừng. Về sau ông đoán có thể đấy là một cái cớ để biện Nhạc nhờ ông dạy dỗ hai em. Xem cách giao thiệp của ông biện, lối giải quyết gọn ghẽ và hữu hiệu mọi khúc mắc như vụ của Lợi, đủ biết ông biện không quen khúm núm cầm đơn vào hầu các quan lớn. Vì thế, ông giáo nghĩ không bao giờ các em trai ông biện bỏ công phu lặn lội từ Kiên Thành xuống đây để học làm đơn.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #27 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:45:50 am »

Thế thì học cho đủ các thứ văn bát cổ để kiếm chút danh mọn khoe khoang với bà con hàng xóm ư? Con đường lều chõng gian nan lắm, chắc ông biện biết rõ, mà chút danh mọn của một anh ký lục kể chẳng bõ bèn gì. Trong lối nói chuyện, ông giáo nhận thấy biện Nhạc khinh bỉ đám ký lục chuyên dùng chữ nghĩa vòi vĩnh tiền bạc đám dân đen. Chắc chắn ông ta không muốn hai em của mình ngồi chung chiếu với đám người ấy đâu!
Rốt cuộc, ông giáo khai trương mà vẫn chưa hiểu rõ biện Nhạc cần gì. Xem công phu ông biện bỏ ra để tổ chức trọng thể lễ khai tâm, ông giáo lờ mờ hiểu rằng sự khoa trương ấy có thể ảnh hưởng tốt đến thanh thế của ông, hoặc phía công việc đốc ốp tiền thuế, hoặc phía buôn bán làm ăn. Tuy thế, nếu mục đích ông biện chỉ đến đó thôi, thì cần gì phải khó nhọc tìm người cáng đáng công việc của hai em, rồi gửi họ đến một nơi xa xôi học hành một thời gian lâu như vậy. Một lần, hình như ngay sau lễ khai tâm, ông giáo có hỏi qua ông biện về sức học của Lữ và Huệ, ông biện có nói:
- Trăm sự nhờ thầy, làm sao cho người ta khỏi khinh chúng tôi dốt nát mà hiếp đáp là được!
Ông giáo xem câu nói đó là mục đích giáo dục của mình, nên qua mấy tháng dò được sức học trò, ông dạy tùy hứng. Thấy Huệ thích hỏi chuyện sinh hoạt, cách sống của bọn quan lại vua chúa ở kinh đô, đôi lúc ông giáo quên dè dặt kể lại một số kinh nghiệm của đời ông. Cậu học trò bạo dạn và ham hiểu biết hết hỏi chuyện này đến chuyện khác, và chuyện nào cũng muốn biết rốt ráo, tường tận. Do đó mà từ các mẩu chuyện vặt, hai thầy trò nhảy qua địa hạt sử. Nhìn ánh mắt sáng mừng rỡ, cách lắng nghe trân trọng của Huệ, ông giáo khấp khởi trong lòng vì tìm được một người tri âm nhỏ tuổi. Cái giấc mộng được dự vào sử quán chỉ là bước chừng của một người hiếu động mà không gặp thời. Cho đến khi gặp được Ý đức hầu, ông có tìm cách thực hiện một số suy nghĩ của mình về cách trị nước. Ý đức hầu bạn ông có nghe theo lời ông giáo, nhưng mọi kế sách đều bị quan quốc phó Trương Phúc Loan bác bỏ cả. Họ không dám tiến xa hơn nữa. Uy thế của quốc phó lớn quá, tiền tài và thế lực át cả Chúa. Vậy mà cuối cùng bạn ông cũng bị hại, và ông phải trốn vào cái xó An Thái này. Những điều éo le đó, từ bao lâu nay, ông không biết san sẻ cho ai. Các con của ông? Kiên đơn giản quá, ngoan ngoãn theo đường thẳng, không thể đi cùng cha vào những chuyện phức tạp quanh co. Chinh hời hợt quá, bao nhiêu tâm trí dồn cả lên bắp thịt. An và Lãng mẫn cảm quá, ông chỉ thấy chúng thích thơ. Mãi đến nay, ông mới gặp được Huệ. Và vì mừng rỡ, ông giáo quên cả giới hạn của tuổi tác và kinh nghiệm sống của Huệ. Ông bắt Huệ đọc sử ký.
*
* *
Ông giáo không mở sách ngay, ngước lên nhìn thái độ của Huệ. Ông thấy Huệ vẫn đứng điềm tĩnh bên cạnh ông, hai tay xếp thẳng hai bên hông một cách thoải mái, tự nhiên. Huệ có cái tự tin của một học trò được thầy thương yêu và tin cậy. Đôi mắt sáng rỡ nhìn thẳng vào ông giáo chờ đợi. Trên má, mấy nốt mụn thâm tím hiện lờ mờ lên làn da nâu. Một mảng tóc quăn phủ xuống cái trán rộng. Nhìn chung, Huệ rất giống hai anh, nhưng có những phần trên khuôn mặt Huệ đậm lên một chút, đầy lên một chút, khiến từ khuôn mặt ấy, toát ra một sự cân đối linh động không có trên khuôn mặt Lữ, và niềm tin cẩn vững vàng khó tìm trên khuôn mặt biện Nhạc.
Ông giáo lật cuốn sử ký, tìm trang ông đã ghi hai chữ vi chí bằng mực son kỳ trước. Ông mỉm cười. Ông giáo khéo chọn đoạn thích hợp tâm tình của ông lúc này! Và biết đâu cũng thích hợp với cậu học trò của ông! Ông giáo đã bắt Huệ học ôn bài Tựa Truyện du hiệp trong Sử ký. Ông lật ngược lại hai trang trước. Ông kinh ngạc cho cái ngông của mình, ngước nhìn Huệ lần nữa. Vẫn thái độ trầm tĩnh và ánh nhìn tự tin ấy. Ông giáo đọc:
- “Ông Thái sử nói: Ngày xưa Ngu Thuấn quẫn ở kho, giếng...” rồi dừng lại chờ. Huệ không lớn tiếng ê a theo lối bình văn như Lữ, dùng lối nói tự nhiên đọc tiếp cả đoạn thầy vừa gợi:
“Y Doãn nấp bên vạc, thớt. Phó Duyệt náu mình ở Phó Nham. Lã Thượng khốn khổ ở Cức tân. Di Ngô mang gông, Bách Lý chăn trâu, Trọng Ni sợ hãi ở Khuông, xanh xao ở Trần, Sái.... Y đều là những người mà kẻ học giả gọi là hạng nhân nhân có đạo đức đấy! Vậy mà còn gặp những tai nạn ấy.Huống chi lấy hạng trung tài mà ở vào dòng cuối đời loạn, bị hại biết là bao nhiêu! Người nhà quê có câu rằng: ‘‘Biết đâu nhân nghĩa, làm lợi cho ta là kẻ có ơn”. Cho nên Bá Di cho nhà Chu là xấu chịu chết đói ở núi Thú Dương. Vậy mà Văn, Vũ chẳng vì cớ đó mà kém vẻ vang. Chích, Cược ngang ngược mà đồ đệ nhớ nghĩa vô cùng. Do đó mà nói: Ăn trộm lưỡi câu thì chết chém... Ăn trộm nước người thì phong hầu. Cửa nhà hầu, nhân nghĩa thiếu gì đâu...”(1).
Ông giáo đưa tay ra dấu cho Huệ dừng lại. Ông không dám nghe tiếp lời ông Thái Sử. Cái giọng phẫn nộ khinh bạc ấy, đã bao lần trong đời ông giáo thốt lên một mình, cho mình, đến nỗi từng tiếng vang vọng thống thiết và quen thuộc như chính tai ông nghe miệng ông nói ra. Vào những lúc bị đời dằn xóc, chua chát nhận ra sự bất lực của đạo đức, ông lại tìm đọc bài Tựa Truyện du hiệp. Nhưng đây là lần đầu trong đời ông nghe giọng ông Thái Sử đổi khác. Giọng đọc của Huệ chậm, sang sảng. Điệu bi thiết bất lực không còn. Tiếng nói của Huệ mạnh mẽ, đanh thép như một lời kết tội. Nhất là câu cuối cùng:’’Cửa nhà hầu, nhân nghĩa thiếu gì đâu!”. Hóa ra bao nhiêu Tứ thư, Ngũ kinh ông thuộc làu làu thời trẻ, lấy đó làm nền cho chí hướng và hành động, chẳng qua là thứ bài trí hoa hòe nơi dinh thự bọn quyền thế. Tua chỉ điều cột nơi chuôi kiếm vấy máu của kẻ cướp lớn. Hạt trân châu đính trên mũ của kẻ ngồi kiệu. Cái quạt hoa che dấu những cái liếc mắt đĩ thõa... Còn gì nữa... Trời hỡi! Cái gì đẩy ta đến tận bờ vực của phạm thượng thế này! Không giật mình dừng lại kịp, ta sẽ lạc về đâu? Chỉ vì giận tên Trương Tần Cối, uất cho cái chết thảm của bạn và cuộc đời long đong bấy lâu mà ta nghi ngờ đến cả chân lý vĩnh cửu, quật đổ nhân nghĩa hay sao?
Lớp học im phăng phắc. Bọn học trò nín thở theo dõi các biến đổi khác thường trên khuôn mặt thầy, hoang mang chưa hiểu vì sao bỗng nhiên ông giáo vui, rồi bỗng nhiên ông ưu tư. Cả Huệ cũng boăn khoăn, thầm ôn lại những câu vừa đọc xem có thiếu sót gì không. Một lúc sau, ông giáo lại ngước nhìn Huệ. Bên ngoài, một cơn gió thổi mạnh làm rung rinh cả mái tranh. Mảng tóc quăn trên trán Huệ bị hất ngược lên, để lộ một vết tím bầm phía trên con mắt trái. Ông giáo muốn thay đổi câu chuyện, lấy giọng nghiêm nghị hỏi Huệ:
- Hôm qua các anh lại gây chuyện đánh nhau phải không?
Huệ bình tĩnh đáp:
- Thưa thầy không phải. Chúng con luyện roi, vô ý nhằm phải trán.
Ông giáo biết là đêm đêm hai anh em Lữ, Huệ phải ra học võ ở nhà người thầy Tàu. Có một thế giới khác không thuộc ảnh hưởng của ông, cái thế giới quyến rũ của những ngọn roi, đường quyền. Cánh tay nhà nho của ông không với tới nổi. Ông phải rụt tay về. Dừng lại ở chỗ phải dừng. Sáng hôm đó ông giáo không định kỳ học ôn sau, và cho học trò nghỉ sớm hơn thường lệ.
*
* *
Cả năm Tuất (1766), vùng Tuy Viễn được mùa, nhờ thế gia đình ông giáo tạm qua được cơn chật vật. An thôi nghề hàng xáo nặng nhọc, ở nhà trông nhà giữ em. Qua hai mùa bắp và trỉa đậu, mấy đám đất miễu đã thuần lại. Có thể bảo lòng đất chai lì khô kiệt nguồn sống sau một thời gian dài bỏ hoang, bây giờ đã bắt đầu hồi sinh. Mồ hôi đổ xuống đấy thật lắm mới đủ biến mặt đất trắng thành mặn mòi. Trước hết, là mồ hôi của ba cha con ông giáo. Từ lúc mở trường, ông chỉ dạy học vào buổi sáng, buổi chiều dành để làm ruộng. Nhờ Hai Nhiều chỉ vẽ, ông đã biết dùng lá cây đậu làm phân xanh. Đám học trò của ông cũng chia nhau đi thu góp biết bao là phân chuồng để bón vào mấy đám miễu, hăng hái nhất là Lữ, Huệ và Thìn.
Ba cậu học trò tham dự vào công chuyện canh nông của gia đình thầy do những động cơ hoàn toàn khác nhau.
Có thể nói trong ba buổi: sáng, chiều, tối, mỗi ngày Lữ sống hào hứng và trọn vẹn nhất vào buổi chiều. Buổi sang ở nhà học, anh không tìm ra anh. Không phải Lữ xem thường những lời dạy dỗ của ông giáo. Ngược lại là khác. Anh tin ngay những điều có sẵn trong sách vở, dễ dàng chấp nhận rằng lời thầy giáo - bảo đảm bằng học vấn và tuổi tác – luôn luôn phải có lý. Khổ nỗi giữa cái bể học mênh mông và rực rỡ ấy, anh cảm thấy lúng túng ngượng ngập quá. Anh bị lạc vào những điều lạ hoắc, lũ chữ nghĩa kiêu kỳ cứ quây lấy anh, vướng víu vào chân, đầu óc đảo điên giữa không biết cơ man nào là những tia sáng chói lòa rọi thẳng vào đôi mắt lo sợ của anh không chút thương xót. Ở vào địa vị trưởng tràng, anh lại không muốn cho lũ em nhỏ tuổi hơn khinh nhờn. Do đó, dù không thích, anh cứ ráng. Mỗi ngày tự hẹn phải ráng lấy được một cái “ưu cộc” cho phải phép. Thằng Huệ được thầy phê “ưu mác” liên tiếp, lý nào ta là anh nó lại là trưởng tràng mà chỉ được vọn vẹn một chữ “bình dài”! Ý nghĩ ấy thúc ép anh, quấy nhiễu anh. Cuối cùng cả buổi sáng ở nhà học đè nặng lên tâm hồn Lữ. Anh cảm thấy khó thở, nặng nề. May thay còn có những buổi chiều rộng rãi và ngắn ngủi ra đồng giúp thầy làm ruộng! Cả An ít có dịp quan sát phong thái của từng người học trò trong lớp học của cha, chỉ quen thấy nét mặt hiu hiu buồn phiền của Lữ hằng ngày, mà cũng nhận ra được vẻ hớn hở khác thường của Lữ mỗi chiều ra đồng. Anh tung tăng như con cá mắc cạn vừa tìm được dòng nước lành. Anh trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn lên. Anh nói, nói nhiều, không còn nữa cái giọng ngập ngừng và lối nói bỏ lửng ở lưng chừng câu. Gần như anh sợ không nói đủ những điều muốn nói, nên cách phát âm liến láu, tiếng sau đè lấp mất tiếng trước. Một chiều An có việc cần ra gặp cha, Lữ quên hết dè dặt, dẫn An đến cạnh khu đất miễu bảo:
- Tôi chưa dám thưa với thầy, nhưng ý tôi phải làm thế này. Chỗ kia, cái chỗ đất cao có ổ mối đấy mà, mình dành để chất rơm rạ. Đáng lý lẫm lúa cũng nên cất ở đó, vì không bao giờ nước lụt lên cao đến mực ấy. Nhưng làm thế, , một là che mất một góc miễu, không tốt, hai là sẽ hứng gió bấc, mùa mưa lúa sẽ bị ẩm. Nhà ở, mình phải kỹ lưỡng về phương hướng. Chỗ gốc mít, tôi nghĩ tốt hơn hết. Ở đây tuy hơi xa cách với xóm trong, nhưng lại được thuận lợi ở giữa sông và rừng, ra chợ cũng không xa hơn lên rừng lấy củi. Phải tính cả đường lên rừng chứ, vì mình còn phải đốn cho đủ cây làm một vòng rào thật dày. Không, không phải sợ cướp đâu. Cọp thì lâu lâu mới về, nó sợ mình chứ mình không sợ nó, vì nó xuống đồng. Hàng rào đóng chéo theo lối cánh chả như bên vườn chú Thung... Chú Thung là chú Thung chớ còn ai nữa. Cái chú hôm lễ khai tâm anh cả tôi có mời tới dự đó. Xem thế nhưng không phải thế. Chú ấy chỉ mới tập tò đi buôn sau này cho vui bạn vui bè thôi. Khu vườn chú ấy, phải biết! Nhìn cái cổng lá chè cắt xén khéo léo thành mái thành cột, không bỏ đi được. Ước gì được có một cái nhà lá mái và khu vườn như của chú.
Lữ nói một thôi dài, không cho An không kịp xen vào lời nào. Chỉ cần thấy An lấy hơi, nháy nháy đôi mắt định hỏi điều gì. Lữ đã đoán được ý và giải thích ngay. Hình như Lữ sợ không còn cơ hội nào nữa để nói hết ước vọng của đời mình, hoặc sợ nếu bị cắt nửa chừng, bị hụt hẫng, anh sẽ không đủ phấn khích nhen nhóm lại niềm hứng khởi đang có. An bạo dạn cắt lời Lữ vì tò mò:
- Em chưa biết nhà và vườn của chú Thung đẹp thế nào, nhưng em nhà anh bên Kiên thành có kém gì đâu!
Lữ mất đà, phải mất một lúc lâu mới trả lời lắp bắp:
- Nhà nào? Nhà của tôi ấy à? Bên Kiên thành hay trên Tây Sơn thượng?.
- Cả hai. Anh cả của anh có thua gì chú... chú Thung hôm trước.
Lữ ra vẻ chán nản, bỏ thõng hai tay xuống, vai hơi nhún:
- Tại chưa biết nên An mới tưởng thế. Tôi không nói láo đâu, chẳng khác nào cái nhà hoang, à không, chẳng khác nào cái lều chợ An Thái. Cả ngày người ra kẻ vào, tôi vừa dọn dẹp cho được mắt một chút xong, đã có ông khách mới mang cả đôi chân bùn vào nhà. Sau một cuộc rượu, bàn ghế không còn cái nào có đủ bốn chân. Chẳng bao giờ tôi thích được cái nghề ngược xuôi ồn ào của anh cả. Nếu anh cả chịu giao hẳn cái trại trên Tây Sơn thượng cho tôi toàn quyền muốn làm gì thì làm, phải biết!
An vui lây với cái vui hiếm hoi của Lữ, đùa nghịch hỏi:
- Anh được toàn quyền đấy. Sẽ làm gì nào?
Lữ quả quyết đáp:
- Tôi sẽ tống cổ ngay bọn ăn hại lâu nay tụ tập trên trại xuống núi. Đứa nào siêng năng chăm chỉ mới giữ lại làm tá điền.
An cười hỏi tiếp:
- Thế anh có tống cổ anh Kiên không?
Lữ không ngờ trước câu hỏi hóc búa của cô bé, bối rối nhìn An, dò xem mình có nói điều gì phật ý con gái thầy hay không. Thấy nét mặt An tinh nghịch, Lữ yên tâm. Anh nói:
- Không bao giờ. Tôi mới gặp anh Kiên vài ngày đã tâm đầu ý hợp ngay. Ảnh cũng ghét cái thói cẩu thả, bừa bãi. Anh cả tôi đưa anh Kiên lên đấy là phải. Không cẩn thận chúng nó ăn trên đầu trên cổ mình, rồi còn cười mình ngu. Mới được tôi giao sổ sách có hai hôm, ảnh đã ví thằng Lợi một trận không kịp vuốt mặt. Đáng kiếp cho thằng láu!
*
* *
An chưa kịp hỏi kỹ về mối bất hòa giữa Kiên và Lợi, thì ông giáo đã gọi Lữ đến giúp ông bứng gốc một khóm dứa gai, gần con mương tiêu úng. An thấy tính tình của Kiên và Lữ thật giống nhau, nhất là cái tính thờ phượng sự ngăn nắp, thù ghét cảnh thay đổi buông tuồng. An chưa từng bao giờ nghe Kiên nói rõ những mơ ước riêng tư của mình. Có lẽ trước mắt Kiên, An còn bé quá chưa đến lúc nghe những điều quan trọng bậc ấy. Hoặc cả đời chỉ lo đối phó với các nghịch cảnh bất ngờ, trầm lặng nhẫn nại chịu đựng phần mũi của biến cố, Kiên không còn dám mơ ước nữa. Nghĩ như vậy, cô bé xúc động đến rơm rớm nước mắt.
Lúc đó, từ nơi xa, phía có lũy tre xanh in đậm trên nền trời vàng ủng, có tiếng đứa trẻ chăn bò gọi những con nghé nhỏ:" Hoe… hoe. Nghé con bò mỡ lạc bầy… hoe … hoe…". Tiếng kêu của đứa trẻ kéo dài giữa mênh mông, chới với lẻ loi như một cuộc sống không có ngày mai.
(1) Sử ký, Tư Mã Thiên, Tựa Truyện du hiệp.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #28 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:49:37 am »

CHƯƠNG 7
Trong khi Lữ dùng những buổi chiều năm Tuất để mơ tưởng gây dựng một "trang-trại-y-như-của-chú-Thung" trên mấy đám đất cao quanh miễu, thì Huệ cũng dùng những buổi lao động ấy để quấy rầy ông giáo.
Thực vậy, chưa bao giờ ông giáo bị quấy rầy nhiều như thế này. Ông đã ngồi dạy học ở nhiều nơi, học trò thuộc nhiều thành phần khác nhau. Bất cứ ở đâu, thời nào ông cũng được lắng nghe một cách trân trọng, gần như thành kính. Vào những lúc chủ nhà vì keo kiệt đối xử với ông tệ bạc quá, ông có thể chua chát nghĩ chữ nghĩa chẳng qua là cái cần câu cơm của anh nhà nho lỡ vận. Ông chán nghiên mực khô, đầu bút xơ, nhưng khi ngồi trước đám học trò trân trọng nắn nót từng nét ngang nét sổ, ê a đọc lời thánh hiền, tự nhiên ông trở nên tự tin. Đời sống như được nâng lên bậc cao hơn những nhu cầu tầm thường của ăn uống, ngủ nghê, bài tiết. Cả đến nỗi gian khổ mà bất đắc dĩ ông phải chịu đựng, tiếng bấc tiếng chì của những bà chủ nhà so đo từng đồng tiền kẽm, cũng trở nên siêu nhiên. Cái vòng hoa dối trá đó dù sao cũng xông chút hương giả lên nhiều nỗi hẩm hiu của đời ông. Ông cắn răng chịu đựng và tiếp tục bước.
Chưa bao giờ ông ngờ đến lúc gặp được một nơi dạy học lý tưởng, lại là lúc ông không có quyền giả trá nữa. Ông phải nhìn thẳng, trả lời không quanh co những vấn nạn mà tầm quan trọng có thể làm lung lay chân đế của cả đời ông. Cái chân đế đó, ngay từ trước, không lấy gì làm vững. Thời còn là môn khách của Ý đức hầu, thấy những kế sách của mình bị vất bỏ không thương xót, niềm tin của ông vào đạo nho đã bắt đầu lung lay. Ý đức hầu bị giết, gia đình ông chạy trốn ở chốn thâm sơn cùng cốc này, ông thì ngày ngày giao thiệp với những người mộc mạc và cần cù, chuộng một thế võ hiểm để phòng thân hơn là một câu trong Khổng Tử gia ngữ. Đã đến lúc dẹp quách mớ sách vở vô dụng kia đi! Chỉ cần một mồi lửa bếp, là xong hết! Trong lúc ông còn do dự, vu vơ, biện Nhạc lại xin ông mở trường dạy học. Thì dạy! Vả lại không ai đòi hỏi ông phải sản xuất ra những ông tú, ông cử, nên thích gì, ông dạy nấy. Những thầy đồ cùng thế hệ với ông không thể mơ ước chỗ dạy học nào thoải mái hơn!
Chính vào lúc đó, chân đế của đời ông gần như sắp rạn nứt, sụp đổ. Không phải trong nhà học, mà sụp đổ trong những buổi chiều làm ruộng như hôm nay.
Thông thường, ít có anh học trò nào thích làm việc bên cạnh thầy. Khép nép, làm ra dáng cần mẫn, ráng tỏ ra đứng đắn trong từng lời nói, cử chỉ, đóng bao nhiêu cái trò kịch ấy trong buổi sáng ở nhà học, đủ rồi! Buổi chiều mênh mang trên cánh đồng xanh, ao ước của mọi người là được thở tự do, cười nói thoải mái. Cho nên khi nào ông giáo gọi đến, sai bảo việc gì, học trò mới đến gần. Đến anh trưởng tràng đạo mạo mà cũng thích tìm một chỗ khuất mắt thầy, ngồi nhìn lên những gò đất, luống cày, gốc mít cỗi, bụi xương rồng, trên cách đồng hoang dại mường tượng ra cảnh vườn tược xinh đẹp, um tùm, lẫm lúa cao ráo, đụn rơm chất ngất, tá điền đông đúc... Chỉ trừ một anh học trò đặc biệt là Huệ.
Từ hôm đọc bài Tựa Truyện du hiệp, hình như giữa ông giáo và Huệ có một thứ ràng buộc vô hình khiến ông giáo cảm thấy vướng víu, muốn tháo gỡ mà không được, còn Huệ thì tự dấn sâu vào những mắc mứu, rắc rối với niềm say sưa mạo hiểm và khoái cảm phạm thượng. Huệ tìm chỗ làm việc cạnh thầy, nhanh nhẹn làm giúp ông giáo những phần việc nặng nhọc. Ông giáo khen:
- Anh khỏe lắm. Lại không quá cẩn thận như anh Lữ. Vậy dễ trở thành một người hiệp!
Huệ ngừng tay lại, ngửng lên nhìn thầy. Mồ hôi ướt cả trán Huệ. Cậu đưa lưng bàn tay phải gạt mớ tóc quăn đang phủ mất một bên mắt. Cả đôi mắt long lanh tươi vui. Huệ nháy mắt vài lần, cục xương yết hầu di động. Ông giáo biết người học trò sắp hỏi điều gì, chuẩn bị lắng nghe, vì chiều nay gió thổi ào ào từng cơn lấp mất mọi tiếng nói. Nhưng Huệ không thu được đầy đủ can đảm, sau một lúc bối rối, lại cầm cán rựa chặt nốt gốc mù u xù xì. Ông giáo tiếp tục công việc của mình, Huệ làm xong công việc, đứng nghỉ lấy hơi phía sau lưng thầy. Ông giáo nghe Huệ hỏi trong nhịp thở hổn hển:
- Thưa thầy!
Ông giáo dừng việc, quay lại nhìn người học trò. Áo chàm của Huệ đẫm mồ hôi, vạt trước dán vào khuôn ngực nở. Thấy Huệ mệt nhọc vì mình, ông xúc động. Giọng ông thân mật, trìu mến:
- Anh hỏi gì hở Huệ?
Huệ do dự một lúc rồi đánh bạo nói nhanh:
- Con đọc mãi bài học hôm qua. Có vài điều con chưa hiểu hết. Như... thế nào mới là người hiệp?
Ông giáo đáp:
- Phải khỏe để làm người không biết sợ. Phải không quá cẩn thận để dám làm. Phải rộng rãi để giúp người mà không so đo hơn thiệt. Nếu cần dám quên mình mà giúp người.
- Quên cả sự chết xông vào cứu một thằng ăn cướp ngay ban ngày, giữa chợ, có phải là hiệp không thưa thầy?
Ông giáo khó chịu vì cái giọng chất vấn bất ngờ của Huệ, trả lời cộc lốc:
- Không.
- Nhảy xuống sông cứu một người sắp chết đuối dù không biết bơi, đã được gọi là hiệp chưa?
Ông giáo càng khó chịu hơn, chau mày đăm đăm nhìn Huệ. Ông thầy làm mặt nghiêm, Huệ không dám cười nữa. Cậu đứng ngay ngắn trở lại, nhưng vẫn nhìn thẳng về phía thầy, chờ câu trả lời. Ông giáo không có cách nào khác, đáp:
- Chưa thể gọi là hiệp. Thêm một người chết nữa, phí đi!
Huệ cười tiếng nhỏ, thưa với ông giáo:
- Vậy là con biết phải làm gì rồi. Gặp một tên thu thuế hống hách và tham lam đang bị bọn cướp đường hành hung, ta không nên can thiệp vào làm gì. Để bọn cướp thanh toán với nhau. Thấy một anh học trò thức khuya, dậy sớm, học thuộc làu làu thi phú để thi đậu ra làm ký phủ, duyện lại, mình phải cứu anh ta, không thì anh ta chết đuối mất.
Ông giáo sững sờ, không ngờ bị cậu học trò nhỏ tuổi dẫn đến chỗ lắt léo đó của luận lý. Ông muốn khuyên Huệ vài điều, nhưng không tìm ra được lời. Cuối cùng ông phải cầu viện đến tuổi tác:
- Chuyện đời có nhiều điều phức tạp. Anh suy ra như vậy có khi đúng, có khi sai. Anh còn trẻ, chưa hiểu hết mọi sự ở đời đâu. Làm việc hiệp nghĩa chỉ trong một khoảnh khắc, suy tính do dự thì không làm được. Nhưng xem xét, quyết đoán việc ấy có đúng là "hiệp nghĩa" hay không, không thể vồ vập. Phải so đo, cẩn trọng. Ngày xưa vì phẫn đời mà ông Tử Trường chép truyện du hiệp. Anh còn trẻ quá. Tôi quên mất điều đó. Làm được một du hiệp đã khó. Định được đâu là người hiệp, càng khó hơn. Thôi, ta bỏ qua chuyện rắc rối đó đi. Kìa sao cánh mũi anh sưng lên như vậy?
Huệ ngượng ngịu đưa tay lên sờ mũi mình, đáp lời:
- Dạ, chỉ là cái mụn.
Ông giáo cố lấy giọng thân mật khuyên:
- Phải cẩn thận. Đưa tay dơ rờ lên hoài, nó làm độc. Có người bị phong đòn gánh, chết co quắp đau đớn, chỉ vì cái mụn nhỏ.
Huệ rụt tay về, hai bàn tay bối rối thêm, không biết giấu vào đâu. Ông giáo không nhận ra được cậu học trò vừa chất vấn mình lúc nãy. Huệ than:
- Ở cái tuổi con, đứa nào cũng bị cái nạn này. Cái mụn này vừa lặn, hai ba cái khác đã nổi cộm lên. Khó chịu lắm. Không hiểu sao con lại bị nhiều hơn anh Chinh và thằng Thìn.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #29 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:50:04 am »

Một buổi chiều khác, Huệ lại đột ngột hỏi thầy:
- Cái câu:" Ăn trộm lưỡi câu thì chết chém. Ăn trộm nước người thì phong hầu. Cửa nhà hầu nhân nghĩa thiếu gì đâu!", con đoán hình như không phải lời ông thái sử. Thưa thầy có đúng thế không?
Ông giáo giật mình quay nhìn Huệ, xua tay gạt đi:
- Anh đừng thắc mắc bài đó nữa, không đáng gì đâu.
Huệ nhất định tiến tới, nói tiếp:
- Nếu chính là lời ông thái sử, thì đã không có câu:"Thiệt không phải là nói ngoa" ngay phía dưới.
Ông giáo đành phải giải thích:
- Ông Tử Trường dẫn lời của thầy Trang trong sách Nam Hoa. Anh đừng hỏi thêm thầy Trang là ai và sách Nam Hoa nói gì. Chỉ nên biết cả bài Tựa Truyện du hiệp chỉ là lời nói phẫn. Lúc đó ông thái sử không đủ bình tĩnh và sáng suốt nên bị người đời sau chê không ít.
Huệ lại hỏi:
- Bọn dám chê ông thái sử thuộc hạng nào, thưa thầy? Hạng trộm lưỡi câu thì chết chém cả rồi, chỉ còn hạng ăn trộm nước. Trộm được nước rồi thì tự nhiên nhân nghĩa tìm tới. Hạng ăn trộm lớn đem nhân nghĩa làm cục kê, như bọn đàn bà kê thớt mà đánh vảy cá. Nghĩ tội nghiệp cho hạng cướp nhỏ, thèm ăn cá mà chỉ dám ăn trộm cái lưỡi câu.
Ông giáo lo âu, sợ lại bị Huệ dẫn vào lối bí như hôm trước. Ông cố trấn tĩnh, thân mật vỗ vai Huệ bảo:
- Sách của Tử Trường phức tạp lắm, người chưa hiểu đời khó thấy cái tinh túy. Anh thích sử. Thôi được rồi, tháng sau tôi giảng cho anh nghe sử Nam. Tôi còn giữ được bộ Toàn Thư.
Nét mặt Huệ rạng rỡ hẳn lên. Xúc cảm hân hoan làm cho giọng nói của cậu lắp bắp khác thường. Cậu nói:
- Con chỉ mong có vậy. Nhiều lần con muốn hỏi thầy, nhưng sợ thầy giận. Tại sao ta không học sử nước mình mà lại tụng làu làu Bắc sử? Tại sao không học chữ nước mình? Cái loại chữ thường gọi là "chữ ta", thưa thầy, thật ra đâu phải là chữ ta. Đọc lên phải diễn nghĩa ta mới hiểu, đâu được rõ ràng như mình nói "hột muối, lá trầu, con cá, cây măng".
Ông giáo vội nói lắp cho qua chuyện:
- Trước hết, hãy học chữ ta cho thông đã. Sau đó mới học cho biết thêm chữ nôm. Nhưng sách nôm không có nghĩa lý gì cao thâm đâu. Toàn những chuyện phong tình, ngâm vịnh cho qua thì giờ đó thôi!
*
* *
Lữ từ nhà ông giáo trở lại nhà học, nói với biện Nhạc:
- Thầy mời anh tối nay ăn cơm.
Biện Nhạc dợm phản đối, nhưng ngưng lại kịp. Giọng của ông biện lấp lửng:
- Thôi cũng được. Thế nào cũng phải ăn cơm một lần, không thì ông ấy giận. Tao định tối nay ra ngoài ông thầy Tàu, xem tụi bây học hành ra sao?
Lữ nhìn lên phía nhà thầy giáo. Sau một lúc ngập ngừng, Lữ đến gần anh nói nhỏ:
- Em nghĩ... em nghĩ... hay là ta dẹp quách chuyện học chữ. Mấy tháng nay rồi, có được gì đâu. Mà tốn kém quá.
Biện Nhạc đang nhai trầu, vội nhả miếng trầu nhai dở ra khỏi miệng, ngạc nhiên hỏi:
- Hả? Mày nói cái gì?
Lữ sợ, im lặng không đáp. một lúc lâu, anh mới nói:
- Em xuống dưới này học, anh phải mất công thuê người trông coi trại Tây Sơn Thượng. Anh chọn đúng người đấy, nhưng người dưng nước lã làm sao lo công chuyện nhà mình chu đáo được. Thằng Huệ xuống đây, anh đi nữa, Kiên Thành coi như cái nhà hoang. Bù lại, chỉ được mấy miếng võ, và ba cái chữ nát.
Nhạc vứt miếng trầu đi, nghiêm nghị bảo Lữ:
- Mày chỉ được thấy cái tấm mẳn, mà không thấy được hòn Một. Mày tưởng người ta để yên cho mình làm ăn hay sao? Mày không được chữ nào thì thằng Huệ cũng được vài ba chữ. Thằng Huệ không được chữ nào, thì cái bụng chữ của thầy còn đó, nhờ vả lúc nào không được. Lũ ký lục hết múa bút làm đơn thuê phá mình như lâu nay. Chuyện gì cần tốn, phải biết tốn.
Lữ im lặng nghe lời anh, nét mặt dàu dàu không mấy thỏa mãn. Nhạc chờ em đáp, nhưng không thấy Lữ nói gì. Ông biện biết không thể thuyết phục nổi Lữ, vì nếu có nói gì thêm, thì điều đó đòi hỏi tầm nhìn còn xa hơn cả điều vừa nói. Cho nên ông biện cũng im lặng. Hai anh em cùng chờ nghe lời nhau. Sau cùng, Lữ nói:
- Mấy tháng nay em xuống dưới này, chắc lũ nó mừng lắm.
Nhạc hỏi:
- Lũ nào?
- Tụi trên Tây Sơn Thượng. Anh coi chừng, không để mắt tới, chúng nó bán luôn cả anh lúc nào không biết. Nào là pha trầu loại hai vào trầu loại nhất để tính tiền cao. Nào là đổ thừa trời mưa để ăn bớt muối. Tụi nó ranh, nhưng làm sao qua được mắt em. Chỉ cần nhìn xuống là biết trầu loại nào.
- Kiên nó được việc lắm. Được cái tính thẳng, tuy có hơi chậm chạp. Nghề dạy nghề, cần có thời gian, miễn là...
Lữ chợt nhớ điều quan trọng, vội cắt lời anh:
- Trên trại cho tụi nó ăn lúc nào?
Nhạc không hiểu ý em, hỏi lại:
- Lúc nào là thế nào?
- Em hỏi buổi sáng có cho ăn gì không?
- Thì cho ăn bắp hầm trước khi đi làm việc như thường lệ. hôm vừa rồi tao lên, có cho thêm đường làm kẹo.
Lữ đưa hai tay bứt tóc, tỏ dấu bực bội:
- Vậy là bao nhiêu công phu của em đổ sông đổ biển hết. Em đã tập cho tụi nó quen ăn hai bữa, bây giờ lại thêm bữa sáng. Của đâu chịu cho nổi.
Đến lượt Nhạc ngạc nhiên:
- Không ăn sáng sức đâu chúng nó lên rẫy, lên nguồn.
Lữ đáp:
- Còn cho ăn sáng thì sức đâu mà chịu nổi. Tụi nó dậy sớm hầm bắp, nấu nước pha trà, tốn dầu đèn. Ăn no xong, ngồi uống trà cả buổi chờ mặt trời lên khỏi núi mới chịu vác gánh ra đi. Chưa được nửa bước, đã lo vế nấu cơm ăn trưa. Ngủ một giấc. Chiều tối lúc nào không hay. Phía trên núi, phía dưới núi. Mặt trời mọc đó rồi lặn đó, chỉ đủ thời giờ nấu ba bữa ăn. Núi cũng lở chứ đừng nói cái trường trầu!
Nhạc đã biết tính em, nhưng đây là lần đầu tiên chính miệng Lữ nói thật và đủ những suy tính của mình. Ông biện không khỏi lo âu cho cái tính tủn mủn tội nghiệp đó. Mà nói cho vỡ lẽ cũng khó. Chỉ còn một cách. Ông biện nói:
- Tụi trên trại năm cha bảy mẹ, sai được chúng nó đi không phải dễ. Chúng nó không phục, là nuôi ong tay áo. Đã có khỉ dòm nhà rồi đó. Mày có nhớ lão Thung không?
Nét mặt Lữ trở nên rạng rỡ. Lữ đáp nhanh:
- Anh quên sao? Hôm lễ khai tâm, chú ấy có đến đây mà.
Nhạc nói:
- Ấy,chính lão Thung đó. Hắn ỷ có tiền, định tranh nguồn hàng của mình. Chưa, chưa dám tranh nguồn trầu. Chỉ mới dòm ngó nguồn lợi chở muối lên rừng thôi. Tháng trước, lão giả vờ leo đèo lên trại thăm tao, tuy biết rõ là tao đang ở Kiên Thành. Hắn hỏi thăm đủ chuyện. May hôm đó có thằng Lợi trên trường trầu, không thì hư việc hết.
Mẫu người lý tưởng của Lữ bị phỉ báng, nên anh im lặng, băn khoăn. Chắc chắn những điều anh cả nói đều đúng. Lâu nay, do không động chạm đến lợi của nhau, mối quan hệ giữa hai người thật tốt đẹp. Anh cả nổi giận, phải có lý do chính đáng. Tại sao chú Thung làm vậy? Cái nhà như thế, cái vườn như thế, ruộng đất, gia sản như thế, còn ước muốn gì nữa? Hay gì cuộc sống chìm nổi, long đong, buông tuồng nơi đầu đường cuối chợ!
Lúc đó, Huệ vừa đi tắm sông về. Lữ được dịp thuận lợi, ôm mối hồ nghi ra vườn sau một mình. Biện Nhạc nói đùa với Huệ:
- Mày không về sớm nhìn cái mặt thằng Lữ. Tại tao chạm đến chú Thung của nó.
Huệ hỏi anh:
- Có phải chú Thung có cái vườn sum suê đẹp đẽ không? Anh Lữ mê cái vườn, chứ không phải mê ông chủ.
Nhạc cười, giọng giễu cợt:
- Bây giờ thì ông chủ chán cái vườn đẹp của mình rồi. Hắn định đi buôn nguồn. Chưa hết. Còn định ve vãn tụi trên trại nữa. Lão ỷ có nhiều tiền hơn mình. Nhưng tao đã có cách.
Huệ chậm rãi nói:
- Lũ du thủ du thực của anh, giá cao hơn một chút là mua được. Lâu nay em nghe tụi nó than phiền anh Lữ hẹp lượng, không biết bữa nay thế nào?
- Tao biết. Chuyến vừa rồi có thồ lên đầy đủ nào muối, mắm, đường, dâu ăn. Tao còn định mượn tiền thuế trả trước cho nậu nguồn, mua non cữ trầu sắp tới. Mua măng le cũng làm như vậy. Hoặc bao nhiêu tiền đem mua muối hết, thồ lên cho các buôn.
Huệ nói:
- Em nghĩ không nên động đến tiền thuế Vân Đồn.
Nhạc kinh ngạc hỏi:
- Sợ thâm à? Trầu và măng le mình nắm trong tay, chắc chắn hơn là đống tiền kẽm. Người ta trữ lúa chứ không chịu cất tiền, mình trữ trầu và măng cũng vậy. Tiền thuế còn lâu mới nộp phủ, mình mượn đỡ trong thời gian ngắn.
Huệ thấy anh không hiểu mình, vội giải thích:
- Ý em không phải vậy. Em nghĩ bọn cai tổng, duyện lại bóp họng dân lấy thuế nộp lên phủ, phủ chở ra kinh. Đồng tiền thuế vấy đờm vấy máu của nhiều người, không sạch, không nên động đến.
Biết tính Huệ thẳng thắn đến độ rắn mắt, nhưng Nhạc không ngờ em nghĩ như vậy. Ông biện trố mắt nhìn em, cuối cùng cười to, vỗ vào vai Huệ bảo:
- Té ra mấy tháng nay mày học được bao nhiêu đó. Khá lắm. Mày hơn thằng Lữ, còn nhớ được vài ba chữ trong sách. Được lắm. Miễn đừng có học thuộc làu làu. Tao ghét mấy thằng nho hủ!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM