Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tác giả chủ đề:: quansuvn trong 03 Tháng Hai, 2011, 02:50:14 pm



Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 03 Tháng Hai, 2011, 02:50:14 pm
Tên sách: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (Giơ-ne-ve-1954)
Tác giả: Phơ-răng-xoa Gioay-ô (Francois Joyaux)
Tiến sĩ văn chương
Trường Đại học Xooc-bon
Viện nghiên cứu lịch sử
Những vấn đề quan hệ quốc tế hiện đại
Nhà xuất bản: Thông tin lý luận
Năm xuất bản: 1981
Số hoá: quansuvn

(https://www.quansuvn.net/index.php?action=dlattach;topic=31677.0;attach=23057;image)


LỜI GIỚI THIỆU

Cuốn “Trung Quốc và việc giải quyết cuộc xung đột lần thứ nhất ở Đông Dương” là một công trình soạn thảo rất công phu của Phơ-răng-xoa Gioay-ô (Francois Joyaux) một nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp, đồng thời là một chuyên gia về Trung Quốc. Công trình này được hoàn thành vào tháng 3 năm 1976 và được xuất bản vào quí I năm 1979, đúng vào thời điểm tập đoàn phản động Bắc Kinh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc nước ta.


Để biên soạn công trình này, tác giả đã được phép khai thác nhiều tài liệu mật của cơ quan lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp như các biên bản các cuộc họp tay đôi giữa phía Pháp với phía Trung Quốc, những điện mật của đoàn Pháp báo cáo về thái độ của các nước dự hội nghị, những biên bản các phiên họp hẹp kéo dài của hội nghị đó, những điện mật của các đại diện Ngoại giao Pháp ở những nước tham dự hội nghị v.v… Như mọi người đều biết, trong hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, những người lãnh đạo Trung Quốc đã cùng với đế quốc Pháp thoả hiệp về một giải pháp có lợi cho Trung Quốc và Pháp, không có lợi cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia. Họ đã hy sinh lợi ích của nhân dân ba nước Đông Dương để bảo đảm an ninh cho Trung Quốc ở phía nam, để thực hiện mưu đồ nắm Việt Nam và Đông Dương, đồng thời giữ vai trò là một nước lớn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, trước hết là ở châu Á. Cho nên những tài liệu mật được tác giả nêu lên trong cuốn sách này là những tư liệu có giá trị, cung cấp cho chúng ta nhiều điểm làm sáng thêm một số vấn đề trước đây đã được nghiên cứu về hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.


Khi biên soạn công trình này, tác giả còn tham khảo hầu hết các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả về hội nghị này, những cuốn hồi ký của nhiều nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong hội nghị, đồng thời đọc rất nhiều báo chí của những nước tham dự hội nghị hoặc liên quan mật thiết đến hội nghị để dẫn ra những tư liệu cần thiết cho chủ đề cuốn sách. Có thể nói đây là bản tổng hợp những tài liệu chứng minh chính sách bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh đối với nước ta và các nước khác ở Đông Dương.


Như vậy, tác giả đã cung cấp cho chúng ta những tài liệu phong phú và đầy đủ, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về chiến lược, âm mưu và thủ đoạn của Bắc Kinh đối với Việt Nam và Đông Dương trước, trong và sau hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương.


Giá trị của cuốn sách không phải chỉ dừng ở đó. Là một nhà nghiên cứu lịch sử, tác giả không chỉ hạn chế ở việc dẫn ra những tư liệu phân tích sâu sắc về thái độ của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh trong việc giai đoạn cuộc xung đột lần thứ nhất ở Đông Dương. Chính từ sự phân tích đó, qua các chính sách của Trung Quốc từ lịch sử xa xưa cho đến hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, tác giả đã khách quan làm rõ “sợi chỉ đen” xuyên suốt trong chính sách bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Trung Quốc đối với ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.


Cuốn sách này gồm bốn phần:

Phần thứ nhất chủ yếu phân tích những nhân quyết định thái độ của Bắc Kinh trong việc giải quyết cuộc xung đột lần thứ nhất ở Đông Dương. Đó là:

Vào năm 1954, Mao Trạch Đông “hoàn toàn chế ngự” Đảng, quân đội, Nhà nước, song rõ ràng tình hình kinh tế có khó khăn. Hơn nữa đã có những rạn nứt trong quan hệ Trung - Xô mà “sự liên minh chỉ bền vững trong chừng mực cần thiết cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc"1 (Từ trang này trở đi, những đoạn trong ngoặc kép là trích dẫn lời của tác giả). Trước tình hình đó, lại muốn đạt quy chế cường quốc, Bắc Kinh “có nhu cầu cấp thiết lập lại các mối quan hệ bình thường với các nước phương Tây” để công nghiệp hoá đất nước. Vì vậy, phá thế cô lập với các nước phương Tây là một yêu cầu chiến lược của Trung Quốc lúc đó. Pháp, Mỹ đã đánh giá rằng các nhu cầu kinh tế đó “có thể đóng vai trò quyết định trong thái độ của Bắc Kinh”. Đó là “đề tài cua sự mặc cả ngầm” (Pháp), “lợi ích của Trung Quốc là phải chứng tỏ một thái độ mềm dẻo nào đó về vấn đề Đông Dương" (Mỹ).


Nhưng những nhân tố trên không phải là nhân tố quyết định duy nhất thái độ của Trung Quốc. “Tính truyền thống lâu đời trong quan hệ Trung-Việt”, và ở mức độ thấp hơn đối với Lào và Cam-pu-chia, cũng sẽ đóng vai trò quyết định".


Lịch sử mối quan hệ đó từ các triều đại phong kiến Trung Quốc đến Tôn Dật Tiên, Mao Trạch Đông, đều cho thấy các chế độ chính trị ở Trung Quốc luôn luôn coi Việt Nam có một vị trí đặc biệt đối với họ. “Các đế chế Trung Hoa có ý đồ không thay đổi áp đặt một thứ hoà bình kiểu Trung Quốc đối với các bờ cõi phía nam…, ngày nay cũng như trước đây; điều đó đã được thật sự đặt lên hàng đầu trong suốt thời gian thương lượng ở Giơ-ne-vơ”.


Giới cầm quyền Bắc Kinh “quan tâm sát sao” đến vấn đề Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam thành công. Một mặt họ phái cán bộ sang Việt Nam “để tiến hành hoạt động tuyên truyền trong đông đảo Hoa kiều” ở Việt Nam, mặt khác họ tăng cường viện trợ và ảnh hưởng đối với cách mạng Việt Nam, nhất là từ sau khi Trung Quốc được giải phóng.


Trước hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, trong khi ở phương Tây người ta lo ngại Trung Quốc có thể can thiệp trực tiếp vào Đông Dương thì ngược lại, Bắc Kinh lại làm rùm beng và tỏ ra lo sợ Mỹ can thiệp trực tiếp vào Đông Dương. “Vào mùa xuân năm 1954, Trung Quốc đã lựa chọn sự cùng tồn tại hoà bình” và đối với Bắc Kinh, “Đông Dương không được trở thành một Triều Tiên mới”. Thái độ đó bắt đầu từ sau khi đình chiến ở Triều Tiên. Trên thực tế, Bắc Kinh nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề Đông Dương bằng thương lượng từ mùa thu năm 1953, trước cả Việt Nam, và chỉ viện trợ cho Việt Nam “đủ để tạo thuận lợi cho Việt Minh giành thắng lợi, song không vì thế mà viện trợ vô hạn độ để Việt Minh có thể làm cho Mỹ và đồng minh của Mỹ can thiệp, dù cho lúc đó Bắc Kinh có thể “viện trợ to lớn hơn viện trợ mà họ đã thực sự dành Việt Minh".


Do đó, việc tiền hành thương lượng về Đông Dương hoàn toàn đáp ứng các lợi ích dân tộc của Trung Quốc: làm dịu tình hình căng thẳng ở Viễn Đông cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, gạt bỏ nguy cơ can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột ở Đông Dương, tạo khả năng cho Trung Quốc chấm dứt được sự bài xích của phương Tây, chứng tỏ Trung Quốc là một cường quốc trên sân khấu thế giới và tạo cơ hội cho Trung Quốc tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với phương Tây”.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 03 Tháng Hai, 2011, 02:51:53 pm
Phần thứ hai và thứ ba của cuốn sách chủ yếu nói về diễn biến của hội nghị Giơ-ne-vơ và thái độ của giới cầm quyền Bắc Kinh đến Giơ-ne-vơ “không phải để ủng hộ quan điểm của Việt Minh mà để cố gắng lập lại hoà bình”.


Trong giai đoạn đầu của hội nghị, đồng thời là bước đầu của Trung Quốc vào sân khấu quốc tế, thái độ của Bắc Kinh trên công khai là “cứng rắn và lập trường triệt để đứng về phía Liên Xô". Nhưng Bắc Kinh cũng đã để lộ ra là “tránh không tố cáo” tuyên bố giữa Pháp và bù nhìn ngày 28-4-1954 về việc Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam. Và từ giữa tháng 5, chỉ ít ngày sau khi khai mạc hội nghị (8 tháng 5), Bắc Kinh “nhanh chóng chứng tỏ rằng lập trường của Trung Quốc không phải chỉ phản ánh một cách đơn giản lập trường của Liên Xô". Trong các phiên họp và những cuộc tiếp xúc tay đôi với Anh và đặc biệt với Pháp, họ đã nói rõ:

Ngày 18 tháng 5: “Chúng tôi đến đây không phải để ủng hộ quan điểm của Việt Minh mà để cố gắng lập lại hoà bình”; “Trung Quốc không nhất thiết khuyến khích hoạt động quân sự của Việt Minh tiến về đồng bằng".

Ngày 27 tháng 5: “Về Lào và Cam-pu-chia, quan điểm của Trung Quốc phù hợp với quan điểm của Pháp”; “Các vùng tập kết phải được xác định trên cơ sở hình thái quân sự chứ không phải chính trị”.

Ngày 7 tháng 6: “Chúng tôi không có điều kiện nào cả, chúng tôi chỉ đơn giản muốn hoà bình”.

Vì vậy hội nghị về vấn đề Đông Dương vẫn không tiến triển được. Ngày 15 tháng 6, hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Triều Tiên thất bại. Bắc Kinh lo sợ hội nghị về vấn đề Đông Dương chịu chung số phận đó. Trong khi đó ở Pháp, chính phủ Măng-đét Phrăng (Mendès France) lên cầm quyền, Bắc Kinh đã chọn thời điểm trùng hợp này để triển khai trở lại hội nghị về vấn đề Đông Dương “bằng cách đưa ra một đề nghị cốt tử về các vấn đề Lào và Cam-pu-chia”. Đề nghị đó “có tính chất thúc đẩy quyết định" mà Mỹ cũng hoan nghênh. Đó là:

Ngày 16 tháng 6: Chu Ân Lai gặp Ngoại trưởng Anh, đã nói là “có thể thuyết phục Việt Minh rút quân khỏi Lào và Cam-pu-chia” và sẵn sàng công nhận tính chất hợp pháp của các chính phủ Vương quốc Lào và Cam-pu-chia. Trong phiên họp toàn thể ngay chiều hôm đó, Bắc Kinh đưa ra đề nghị 6 điểm tách riêng việc giải quyết các vấn đề Lào và Cam-pu-chia khỏi vấn đề Việt Nam. Còn phía Việt Nam thì vẫn đòi công nhận Pa-thét Lào và Khơ-me Ít-xa-rắc. Và ngày hôm sau, 17 tháng 6, Chu Ân Lai nói với Ngoại trưởng Pháp nội dung cụ thể giải pháp về vấn đề Cam-pu-chia, được đánh giá là “chưa có một bản trình bày nào lại rõ ràng và chính xác hơn thế”. Trong bản trình bày đó, Chu Ân Lai còn nói đến một vùng tập kết quân Pa-thét Lào ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc, nhưng cùng ngày, phía Việt Nam đòi Pa-thét Lào kiểm soát một nửa nước Lào.

Ngày 23 tháng 6, khi gặp Măng-đét Phrăng (Mendès France), Chu Ân Lai nói rằng Trung Quốc “không đòi đền bù gì về những sự nhượng bộ đối với vấn đề Lào và Cam-pu-chia, không lợi dụng khó khăn của Pháp để đòi chính phủ Pháp phải nhân nhượng điều gì”. Về hội nghị thì “cần thảo luận các vấn đề quân sự trước các vấn đề chính trị, và giải pháp chính trị có thể tiến hành theo nhiều bước trong một thời gian khá dài: cần đẩy nhanh việc thương lượng về việc tập kết quân đội Việt Nam, thời hạn là ba tuần”.

Tác giả nhận xét là tiếp đó, với nội dung Măng-đét Phrăng (Mendès France) chỉ thị cho đoàn Pháp thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (tập kết quân, đường ranh giới ở vào vĩ tuyến 18…) thì “kể từ nay việc chia cắt Việt Nam đã trở thành mục tiêu chính của đoàn đại biểu Pháp”.

Giai đoạn chót của hội nghị bắt đầu từ trung tuần tháng 7, sau ba tuần lễ dẫm chận tại chỗ trong khi vắng mặt các trưởng đoàn và diễn ra cuộc gặp giữa Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 3 đến 5 tháng 7 vì “sự tồn tại mối bất hoà giữa Trung Quốc và Việt Minh vào cuối tháng 6 năm 1965 là không thể nghi ngờ được”.

Ngày 13 tháng 7, gặp lại Măng-đét Phrăng (Mendès France) đề cập đến vấn đề ranh giới tạm thời giữa Nam và Bắc Việt Nam, Chu Ân Lai tin rằng nếu Pháp “tiến lên một bước thì phía bên kia sẽ đi nhiều bước hơn để đón các ngài” và “theo sự thoả thuận”, ngay chiều hôm đó phía Pháp đưa đến cho Trung Quốc bản dự thảo về tuyên bố chính trị cuối cùng của hội nghị.

Từ đó, phía Trung Quốc “đóng vai trò nổi bật” trong việc giải quyết những vấn đề tồn tại của hội nghị, với những nhượng bộ “có ý nghĩa quyết định" của phía Trung Quốc đối với đòi hỏi của Pháp, và việc gây sức ép đối với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong những vấn đề then chốt:


Về thời hạn tuyển cử: Trong khi phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đòi thời hạn 6 tháng, Chu Ân Lai đề nghị một cách phải chăng rằng “các cuộc tuyển cử nên lùi lại 2 năm cho đến năm 1956, các đại biểu hai miền Nam Bắc sẽ thoả thuận với nhau về thời hạn chính xác”.


Về giới tuyến: trong khi phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn giữ ý kiến vĩ tuyến 16 thì Chu Ân Lai nói “thực tế là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyệt đối không cần đến con đường số 9” mà phía Pháp coi đó là con đường ra biển của Lào. Sau đó tự ý khẳng định với phía Pháp là đã làm cho Việt Minh chấp nhận” ý kiến của Trung Quốc.


Kết thúc hội nghị Giơ-ne-vơ tối 22 tháng 7, Chu Ân Lai mời cơm các trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Vương quốc Lào và Vương quốc Cam-pu-chia và cả Ngô Đình Luyện, “tập hợp các đại biểu của bốn nước Đông Dương". Trong bữa cơm, Chu Ân Lai chúc sức khoẻ Bảo Đại, gợi ý Nam Việt Nam đặt một Công sứ quán tại Bắc Kinh, “một gợi ý mà Việt Minh tuyệt nhiên không được báo trước”.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 03 Tháng Hai, 2011, 02:52:59 pm
Phần thứ tư của cuốn sách chủ yếu nói lên thái độ của giới cầm quyền Bắc Kinh đối với việc thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, đặc biệt về vấn đề thống nhất Việt Nam và chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Đông Dương.


Về vấn đề thống nhất Việt Nam, sau hội nghị Giơ-ne-vơ, “Trong khi các nhà lãnh đạo và báo chí Việt Nam luôn luôn lên tiếng ủng hộ các tuyên bố của Trung Quốc liên quan đếm vấn đề Đài Loan thì việc Trung Quốc bỏ qua một cách có hệ thống không nói đến vấn đề thống nhất của Việt Nam lại càng trắng trợn”. Điện mừng của Mao Trạch Đông, khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, phát biểu của Chu Ân Lai khi tiếp thủ tướng Phạm Văn Đồng đi qua Bắc Kinh đầu tháng 8 năm 1954, phát biểu của Đại sứ La Quý Ba khi trình quốc thư đều không nói đến vấn đề đó. Ngược lại, phía Việt Nam “không ngừng khẳng định rằng mục tiêu cuối cùng là thống nhất đất nước”.


Từ thực tế trên, tác giả nhắc lại rằng Măng-đét Phrăng (Mendès France) khi đàm phán với Chu Ân Lai, đã tin tưởng là Trung Quốc rõ ràng tán thành chia cắt lâu dài Việt Nam, tán thành sự tồn tại của phía nam Trung Quốc nhiều quốc gia đa dạng. Cho nên Bắc Kinh đã hạn chế các yêu sách của Việt Minh ở hội nghị Giơ-ne-vơ, đặc biệt đã gây sức ép với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải giảm bớt “tham vọng” đối với miền Nam Việt Nam và đối với các nước khác ở Đông Dương, để tạo nên một sự cân bằng mới ở ngay Việt Nam và cả trên bán đảo Đông Dương. Ý đồ của Bắc Kinh còn ở chỗ là “bị cắt mất vùng lúa gạo thừa thãi ở Nam kỳ, Bắc Việt chỉ còn có thể hướng về Trung Quốc để bổ sung nguồn thực phẩm còn thiếu”; “sau khi Việt Nam bị chia cắt, miền Bắc gắn bó mật thiết hơn với nền kinh tế Trung Quốc từ nay duy nhất có khả năng cung cấp cho những nhu cầu chủ yếu của một nước không thể tự cung tự cấp được. Tình trạng đó từ nay sẽ là một chủ bài quan trọng đối với chính sách của Trung Quốc ở Việt Nam".


Về chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Đông Dương, sự khác nhau cũng thể hiện ngay trên các tuyên bố công khai. Từ đó, tác giả cho rằng quan điểm của Trung Quốc về một Đông Dương đa dạng có nghĩa là “Lào và Cam-pu-chia phải là đối trọng với Việt Nam". Và “Lập trường của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa muốn tạo ra nhiều nước riêng biệt ở Đông Dương, muốn ban-căng hoá Đông Dương dĩ nhiên dẫn đến sự chia rẽ tình đoàn kết giữa những người yêu nước ở các nước Đông Dương, làm suy yếu các mặt trận cách mạng và dân chủ ở Lào và Cam-pu-chia đang hướng về chủ nghĩa xã hội trên thế giới”. Đó là: “một chính sách Đông Dương nối tiếp chính sách của các triều đại hoàng đế xưa kia”, mà một trng những nét nổi bật nhất của chính sách đó là ý muốn thường xuyên duy trì hoà bình ở sườn phía nam, dựa trên thế cân bằng lập ra từ nhiều sự cạnh tranh giữa các nước khác nhau ở trong vùng… một chính sách khá gần gũi với chính sách chia để trị cổ xưa”.


Tóm lại, tác giả kết luận, “phải chăng người ta thấy lại cách đối xử “vô tư” xưa kia, dưới cái vỏ trật tự nho giáo, thường chỉ phục vụ lợi ích chính trị của đế chế Trung Hoa”.

Thái độ của Trung Quốc đối với Việt Minh là thái độ của một cường quốc ủng hộ kiên quyết đồng minh của mình chừng nào mà mục tiêu của đồng minh có thể khớp với thế cân bằng (Bắc Kinh) đang tìm kiếm, nhưng cũng biết áp đặt một vài điều bó buộc trong trường hợp ngược lại”. Và Đông Dương thống nhất trong cuộc cách mạng như trước đây ở dưới chế độ thực dân nhường chỗ cho Đông Dương trở nên phức tạp biểu hiện ở bữa cơm của Chu Ân Lai ngày 27 tháng 7”.


Chiến lược của Bắc Kinh rõ ràng là muốn Đông Dương bị xé ra thành nhiều nước nhỏ, “đa dạng” về chính trị, dễ dàng bị Trung Quốc chi phối và buộc phải đi theo quỹ đạo của giới cầm quyền Bắc Kinh. Cho nên, Bắc Kinh ngầm tán thành sự tồn tại lâu dài của một Nhà nước Nam Việt Nam, duy trù các chính phủ Vương quốc ở Lào và Cam-pu-chia. Đó chỉ là một sự nối tiếp chính sách của các đế chế Trung Hoa. Và trong suốt mấy chục năm qua, mặc dầu bối cảnh quốc tế và tình hình nội bộ Trung Quốc có những đảo lộn lớn, song Bắc Kinh vẫn duy trì một cách liên tục chính sách không thay đổi đó. Sau khi Việt Nam đã thống nhất năm 1976, quan hệ Việt-Lào được tăng cường, bối cảnh căn bản khác với năm 1954 và những năm sau đó, nhưng Bắc Kinh vẫn “tiếp nối thẳng tắp thái độ ở Giơ-ne-vơ “nhằm duy trì cái gì còn có thể giữ được trong chính sách “chia để trị” ở Đông Dương. Vì vậy nếu ngày hôm qua, vào giữa những năm 1950, họ muốn có một Cam-pu-chia theo “Chủ nghĩa quốc gia” và là một đối tượng với Việt Nam thì ngày nay, vào giữa những năm 1970, họ tạo nên một Cam-pu-chia “cách mạng" để thống nhất lại nước Việt Nam thống nhất. Đó là mục tiêu không thay đổi trong chính sách Đông Dương mà tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Trung Quốc theo đuổi.


“Trung Quốc và việc giải quyết cuộc xung đột lần thứ nhất ở Đông Dương" là một cuốn sách mà mọi người chúng ta nên đọc để hiểu thêm về kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của nhân dân ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Tuy nhiên, do tác giả đứng trên lập trường tư sản để viết nên cuốn sách cũng có những nhận định sai lầm. Chúng ta đã có cuốn “sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua”, một công trình nghiên cứu có hệ thống, một tài liệu đấu tranh sắc bén chống chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh.


Chúng tôi trích dịch cuốn sách này để bạn đọc tham khảo.


Tháng 3 năm 1981
Nhà xuất bản Thông tin Lý luận


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Hai, 2011, 12:11:33 pm
LỜI NÓI ĐẦU

Phải thẳng thắn thừa nhận sự ngu dốt của mình, không đem tưởng tượng và bịa đặt thay thế cho điều mình không biết. Phải kể lại chính xác các sự kiện, và sau đó chỉ đưa ra những điều suy nghĩ ngắn gọn đối với những cái mà những sự suy nghĩ ấy có thể có giá trị.

Hồi ký của Xanh Xi-mông


Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa phương Đông và phương Tây, có sự tham dự của Trung Hoa-Bắc Kinh", đại sứ Giăng Sô-ven (Jean Chauvel) trong hồi ký của mình đã nêu lên việc Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tham gia hội nghị Giơ-ne-vơ như vậy1 (Jean Chavel, Commentaire (Bình luận). Pari Phay-át, 1975, tập H, tr.59).


Cuộc gặp gỡ đầu tiên ư? Chắc chắn là như vậy: Nếu cuộc đàm phán quan trọng giữa Trung Quốc và Liên Xô trong những năm 1949-1950 ở nhiều điểm được coi là “một cuộc gặp gỡ giữa phương Đông và phương Tây thì ngược lại, sự giống nhau về lý tưởng của hai chế độ xã hội hiện diện đã làm cho cuộc gặp gỡ có tính chất một sự bình thường hoá quan hệ trong nội bộ khối hơn là một sự chạm trán giữa hai hệ thống. Còn cuộc thương lượng tại Bàn Môn Điếm, kết thúc chín tháng trước hội nghị Giơ-ne-vơ thì chưa bao giờ vượt qua giai đoạn của một cuộc thảo luận hạn chế về quân sự nhằm đi đến ngừng bắn ở một giới tuyến đã được số phận vũ khí định đoạt.
“Cuộc gặp gỡ giữa phương Đông và phương Tây”? Triển vọng là to lớn. Nhưng chúng tôi thấy gọi như thế có vẻ đúng. Ý niệm đó thể hiện rõ ý hơn là dùng thuật ngữ “gặp gỡ Đông – Tây”. Đúng là chúng ta đang ở bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh vào thời kỳ quyết liệt, hai khối đối chọi nhau gay gắt. Thái độ cư xử của một Bi-đơn Xmit (Bedell Smith), của một Đa-let (Foaster Dulles), một Bi-đơn (Georges Bidault), một Mô-lô-tốp (Molotov) gần như luôn luôn nhắc tới điều đó.


Tuy vậy, chúng tôi thích dùng “giữa phương Đông và phương Tây” hơn. Bởi vì Giơ-ne-vơ cũng là thái độ ôn hoà khôn khéo của một I-đơn (Anthony Eden), hay niềm tin còn nóng vội của một Măng-đét Phrăng (Mendès Frangce) đứng trước ngoại giao quỷ quyệt khôn lường của một Chu Ân Lai hoặc hơn nữa là sự giận giữ lo âu của Phạm Văn Đồng. Tấn thảm kich của một Đông Dương chia cắt đang thoát khỏi sự ràng buộc thuộc địa. Sự cố gắng căng thẳng của một Trung Quốc mong muốn thế giới cũ và thế giới mới chấp nhận. Một châu Á đang vươn lên, mong muốn người ta hiểu mình trên diễn đàn quốc tế lâu nay bị châu Âu hay Hoa Kỳ chi phối. Đối với chúng tôi, thuộc loại các cuộc thương lượng quan trọng, từng thời kỳ một, chúng ghi lại những sự biến đổi của thế giới.


Nhưng tại sao lại tìm cách tách riêng thái độ đặc biệt của Trung Quốc như vậy?

Ít nhất là vì hai lý do, bổ sung cho nhau là đằng khác:

Trước hết, bởi vì việc nghiên cứu lịch sử chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện đại-chưa được phát triển ở Pháp-đòi hỏi phải xem xét kỹ càng, từng cái một và kiên nhẫn những thời điểm có ý nghĩa nhất trong một thời kỳ lịch sử. Giơ-ne-vơ, cuộc đối mặt lớn lao đầu tiên của nước Trung Hoa mới với thế giới phương Tây, đối với chúng tôi là một trong những thời điểm đó-thời điểm đáng để chúng ta bỏ công nghiên cứu đề tài đó-đáng để chúng ta bỏ công phân tích việc nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa bước vào “hệ thống quan hệ liên quốc” (quan hệ giữa quốc gia này với quốc gia khác) như các nhà xã hội học về quan hệ quốc tế đã viết.


Từ nhận xét này chúng tôi đi thẳng đến lý do thứ hai phải ưu tiên nghiên cứu thái độ của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc xung đột lần thứ nhất ở Đông Dương. Đây còn là một lý do về phương pháp nữa. Chúng tôi cho rằng nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế hiện đại mà chỉ dựa vào kinh nghiệm phương Tây thì không hợp lý lắm, còn nói gì vè lý thuyết? Làm sao có thể thúc đẩy việc nghiên cứu tiến triển nếu chúng ta xem nhẹ tính đặc thù của các thế giới xa lạ nhất với chúng ta? Trong một tác phẩm của Vôn-te (Voltaire), khi xem xét “Trích Dự án hoà bình vĩnh cửu của ông thày dòng Xanh Pi-e (Saint-Pierre)” do Rút-xô (J.J.Rousseau) công bố, Hoàng đế Trung Hoa đã nói: “Nhưng trẫm rất ngạc nhiên khi đã đi tìm mãi mà không thấy tên Trẫm trong danh sách”. Hai thế kỷ sau, ý nghĩ trào lộng này hình như vẫn không mất đi tính thời sự của nó.


Thật vậy trong chừng mừng nào đó (nói thì dễ quá đi thôi) hệ thống quốc tế có cái lô-gích riêng của nó và nó buộc các nhà đương cục là các quốc gia phải tuân theo. Nhưng sự phản ứng của các quốc gia đó về căn bản cũng cón thể hiện nhân cách của mỗi nước. Bởi vậy, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng không nên đề cập đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc ít nhất là ở Đông Dương, giống như chính sách của Mỹ hay của Liên Xô mà công trình nghiên cứu này không đả động đến. Phải chăng đây là cuộc tranh luận triền miền giữa những “nhà nghiên cứu cái phổ biến” và những “nhà nghiên cứu cái đặc thù”? Có thể như vậy.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Hai, 2011, 12:13:37 pm
Có nhiều công trình nói đến một phần đề tài chúng tôi đang quan tâm, đã được xuất bản đặc biệt là ở nước ngoài.

Một nhận xét đầu tiên, về hình thức: ở nước Trung Hoa nhân dân chưa hề có một công trình nghiên cứu lịch sử có liên quan xa, gần đến thái độ của chính phủ Bắc Kinh đối với vấn đề Đông Dương năm 1954. Điều đó không có nghĩa là không có các nguồn Trung Quốc liên quan đến vấn đề đó, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi nói về báo chí. Giờ đây, chúng tôi chỉ muốn nói rằng một vài cuốn sách tuyên truyền về vấn đề Đông Dương xuất bản trong những năm 1950 ở nước Trung Hoa nhân dân có thể đem lại những dữ kiện đáng chú ý. Chẳng hạn như cuốn sách nhỏ của Hu Ch’ i-an tên là “Trình bày về vấn đề Đông Dương" xuất bản ở Thượng Hải năm 1954 trong đó có một chương nói về hội nghị Giơ-ne-vơ và một chương khác về việc giải quyết cuộc khủng hoảng (chương IX và X)2 (Trong bảng thư mục sẽ liệt kê rõ các công trình và tạp chí nói đến trong lời nói đầu này). Một vài tạp chí chuyên ngành hiếm hoi xuất bản ở Bắc Kinh như “Nghiên cứu về các vấn đề quốc tế” cũng có thể cung cấp những tư liệu có ích.


Ngoài ra ở Đài Loan và Hồng Công cũng đã xuất bản nhiều công trình, sách nhỏ hay bài báo liên quan đến khía cạnh này, khía cạnh khác của vấn đề, và đó là những nguồn thông tin đáng quan tâm. Ví như cuốn sách nhỏ của Chang Tachiin “Vấn đề cộng sản Lào” nói về quan hệ giữa Việt Minh, Đảng cộng sản Trung Quốc và Pathet Lào. Hoặc nữa, các bài trong tạp chí của Trung Hoa quốc gia như “Nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc" (đó là tạp chí nghiên cứu về Bắc Kinh), “Những vấn đề và những đề tài nghiên cứu" xuất bản ở Đài Bắc, hoặc là “triển vọng”, “Xuân Thu” xuất bản ở Hồng Công, v.v… Đối với những nguồn như vậy, cần phải phê phán nghiêm túc về mặt lịch sử, nhưng sự đóng góp của chúng đôi khi có giá trị.


Ở Pháp,-người ta có thể nói cả ở châu Âu-chúng tôi chỉ biết có một cuốn “Sự kết thúc của một cuộc chiến tranh" của Giăng La-cu-tuya (Jean Lacouture) và Phi-lip Đơ-vi-le (Philippe Devillers) xuất bản ở Pa-ri năm 1960.


Cũng như thường xảy ra, sự đóng góp về nguồn tư liệu chủ yếu là của Mỹ. Sự can thiệp ngày càng tăng của Mỹ vào bán đảo Đông Dương kể từ khoảng năm 1960 đã lôi cuốn các trường đại học và trung tâm nghiên cứu Mỹ vào việc phát triển các công trình nghiên cứu về lịch sử Đông Dương, nhất là về chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng sản Việt Nam cũng như về việc thủ tiêu chủ nghĩa thực dân Pháp. Một công trình tiêu biểu của Men-vin Guốc-tốp (Melvin Gurtov) là cuốn Cuộc khủng hoảng Việt Nam đầu tiên có một tiểu đề mục “Chiến lược của cộng sản Trung Quốc và sự dính líu của Mỹ, 1953-1954” do trường Đại học Cô-lum-bi-a xuất bản năm 19673 (Như tên sách đã chỉ rõ, cuốn này dành nhiều vào việc nghiên cứu cuộc khủng hoảng hơn là cách giải quyết nó, điều này trái ngược với yêu cầu của chúng tôi). Hoặc công trình của King C.Chen, Trung Quốc và Việt Nam, 1938-1954, do trường Đại học Prin-xơ-tơn xuất bản hai năm sau đó, phản ánh cùng một mối quan tâm của một nước Mỹ phiền muộn, muốn tìm hiểu sự thật4 (Công trình này một phần dựa vào nguồn của những người theo chủ nghĩa quốc gia ở Trung Hoa, có dành một chương về thái độ của Trung Hoa nhân dân trong việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương năm 1954). Phải kể đến công trình nghiên cứu quan trọng của Rô-be Ran-đơn (Robert Randle) Giơ-ne-vơ 1954: việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương cũng do trường Đại học Prin-xơ-tơn xuất bản năm 1969, theo chúng tôi biết, đó là công trình duy nhất nghiên cứu một cách tổng thể về hội nghị Giơ-ne-vơ kể từ khi có cuốn sách của Giăng La-cu-tuya và Phi-lip Đơ-vi-le. Hết thảy các công trình nghiên cứu đó dựa một phần vào những nguồn tư liệu gốc. Đặc biệt R.F.Ran-đơn đã cố gắng khai thác những hồ sơ lưu trữ riêng của J.F.Đa-let cũng như “Sưu tập lịch sử về Đa-lét” của trường Đại học Prin-xơ-tơn5 (Sưu tập này gồm những biên bản của hàng chục nhân vật Mỹ và nước ngoài có tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Đa-lét). Nhưng nếu nguồn này có thể cung cấp những dữ kiện đáng chú ý để tìm hiểu thái độ của Mỹ trong việc giải quyết (cuộc chiến tranh Đông Dương) thì hiển nhiên nó lại không thể đem lại những tư liệu quyết định về thái độ của Trung Hoa nhân dân, vì các cuộc tiếp xúc giữa Mỹ và Trung Quốc, như người ta thấy, là rất sơ sài trong thời gian hội nghị Giơ-ne-vơ. Không kể một vài cuộc nói chuyện với các nhân vật chính trị, những tác giả nói trên chủ yếu đã phải dựa vào các hồi ký của các nhà chính trị và các báo chí Mỹ và Trung Quốc.


Đồng thời chúng tôi cũng phải nói đến các công trình nghiên cứu của Liên Xô đã tăng lên gấp bội trong những năm gần đây, nhất là các công trình của Viện nghiên cứu Viễn đông-Mát-xcơ-va. Rõ ràng sự phát triển mối xung đột Trung-Xô đã đưa các sử gia Nga ngày càng nhấn mạnh đến những sự bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc về chính sách đối ngoại. Do đó các công trình nghiên cứu của Liên Xô là một kho thông tin tư liệu quý báu có thể khai thác được. Nhưng cũng chắc chắn rằng nếu ở đâu cần phải chú ý đặc biệt đến việc phê chuẩn về mặt lịch sử thì chính là ở các công trình này. Việc so sánh giữa hai công trình nghiên cứu của M.S.Ca-pít-sa (M.S.Kapitsa) (nguyên là thành viên của đoàn đại biểu Liên Xô tại Giơ-ne-vơ), cuốn “Quan hệ Xô-Trung” xuất bản năm 1958 và cuốn “Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa: hai chục năm-hai chính sách” xuất bản năm 1969, có tác dụng đặc biệt soi sáng về phương diện này. Các công trình mới xuất bản đó cũng thường đưa lại những dữ kiện mới không thể phủ nhận được. Chính vì vậy chúng tối sẽ coi trọng các công trình đó.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Hai, 2011, 12:15:03 pm
Sự đóng góp chủ yếu của công trình nghiên cứu của chúng tôi, theo chúng tôi nghĩ, là ở chỗ công trình đó dựa trên những hồ sơ lưu trữ, trong trường hợp đặc biệt này là những hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp.


Những hồ sơ này là của đoàn đại biểu Pháp tại hội nghị Giơ-ne-vơ, của Vụ chính trị và của Bộ các quốc gia liên kết trước đây. Tức là những biên bản của các cuộc nói chuyện bán chính thức đã diễn ra tại Giơ-ne-vơ giữa hai đoàn đại biểu Trung Quốc và Pháp và đó là những nguồn tư liệu đáng chú ý nhất. Trong số này có cả thư từ trao đổi giữa Pa-ri với Giơ-ne-vơ và Sài Gòn, cũng như giữa Pháp và các đồng minh của mình6 (Những hồ sơ này chưa được công bố. Việc những tài liệu nào đã dùng chỉ được trích dẫn tóm tắt, nói rõ nguồn, ngày, tháng, trích yếu mà không nói rõ ở tập  nào. Về chi tiết của các hồ sơ này, xem mục, “Nguồn và thư mục tham khảo” ở cuốn sách.


Việc sử dụng những hồ sơ lưu trữ này đặt ra một vấn đề phương pháp mà chúng tôi không có ý định lẩn tránh: có thể chấp nhận đến mức nào việc phân tích chính sách đối ngoại của một Nhà nước, trong trường hợp này là Trung Quốc, bằng cách dựa rất nhiều vào hồ sơ của một nước khác, như trong trường hợp này là nước Pháp, như chúng tôi sẽ làm? Cách tiến hành như vậy-có cần phải nhấn mạnh điều này không? Không thể coi là hoàn hảo. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng con đường phải đi là như vậy vì ba lý do chính:


Trước hết, vì cho đến lúc kết thúc, Đông Dương chủ yếu vẫn là một vấn đề của nước Pháp. Trong quá trình hội nghị, Pháp vẫn là người đối thoại được Trung Quốc ưu đãi. Vậy thì nếu những hồ sơ lưu trữ của Pháp rõ ràng là không thể đem ra thay thế hồ sơ lưu trữ của Trung Quốc, người ta có thể thừa nhận rằng, ngoài hồ sơ lưu trữ của Trung Quốc ra, đó là những tài liệu bổ ích nhất để nắm được đâu là những phương hướng chủ yếu của nền ngoại giao Trung Quốc.


Thứ hai, vì các biên bản của các cuộc tiếp xúc hẹp và bí mật mà lần đầu tiên chúng tôi có thể khai thác được, cho phép nắm được, nếu không phải là nguyên nhân thì ít nhất cũng là điều kiện, bối cảnh của chính sách Trung Quốc như đã được diễn đạt như thế.


Cuối cùng, vì trong một chế độ xã hội chủ nghĩa như là Trung Quốc, báo chí, đài phát thanh hoàn toàn do Nhà nước kiểm soát, cũng là một nguồn thông tin không thể xem thường được. Báo chí Trung Quốc tự một mình nó-chủ yếu là báo hàng ngày như Nhân dân nhật  báo và bản tin Tân Hoa xã-không thể là một cơ sở đủ cho việc nghiên cứu lịch sử. Trái lại, đem đối chiếu với các tư liệu gốc thì ngược lại báo chí trở thành một loại tư liệu bổ sung cần thiết. Một thứ bổ sung cứ mỗi bước lại đưa ra những so sánh đôi khi khá phong phú7 (Ví như, chúng tôi nghĩ tới bài xã luận tờ Nhân dân nhật báo ra ngày 22 tháng 2 năm 1954 về nghị quyết hội nghị Béc-lin mà người ta chú ý đem so sánh với các bài xã luận Liên Xô vào cùng thời gian đó (xem chương III) hoặc nữa, bài xã luận cũng của tờ Nhân dân nhật báo ra ngày 22 tháng 7 năm 1954 về việc kết thúc hội nghị Giơ-ne-vơ mà người ta đem so với các bài xã luận Việt Minh và Liên Xô trong ngày hôm đó). Về phương diện này, chúng tôi coi báo chí Trung Quốc như một nguồn nếu không phải là chủ yếu thì ít nhất cũng là quan trọng hàng đầu.


Như vậy, tính chất của ngay các hồ sơ lưu trữ của chúng tôi chắc sẽ đưa đến chỗ nói quá nhiều về quan hệ Trung-Pháp. Chắc chắn là trong các cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Trung Quốc và phương Tây, nước Anh cũng đóng vai trò quyết định. Vậy mà, để phân tích quan hệ Trung-Anh, chúng tôi chỉ có tập Hồi ký của Ngài I-đơn (Sir Anthony Eden) người dẫn đầu đoàn đại biểu Anh tại Giơ-ne-vơ, cũng như tập Hồi ký của đại sứ Hăm-phrây Tơ-ri-vi-li-an (Humphrey Trevelyan) đại diện tại Bắc Kinh, tuỳ tùng của I-đơn và những thông báo mà đoàn đại biểu Anh đã có nhã ý trao đổi với đoàn đại biểu Pháp. Thật là ít. Chắc chắn rằng đến ngày nào có thể khai thác được hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Anh thì sẽ hài lòng được thấy rõ hơn tầm quan trọng của các cuộc hội đàđại đội giữa người đứng đầu nền ngoại giao Anh và Chu Ân Lai nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Đông Dương.


Những tập hồi ký của nhiều nhân vật chính giới được xuất bản từ 1954 cũng giúp đỡ chúng tôi ít nhiều. Nhưng ở lĩnh vực này, việc phê phán các nguồn tư liệu cũng phải đặc biệt nghiêm túc.


Trước hết, bởi vì thể loại văn học này cực kỳ phức tạp. Thế nào gọi là hồi  ký? Hiển nhiên là không thể nghi ngờ gì được các tập Hồi ký của I-đơn, Nhật ký bảy năm của Ô-ri-ôn (Vincent Auriol), Bình luận của Sô-ven, Hồi ký của các tướng Sa-lăng (raoul Salan) hoặc của tương Ê-ly (Paul Ely) thuộc thể loại này và được sử dụng như các loại hồi ký. Nhưng những trang (171-176) trong cuốn Đảng cộng sản Trung Quốc cầm chính quyền mà Ghi-éc-ma (Jacques Guillermaz) viết về hội nghị Giơ-ne-vơ phải chăng được coi là “hồi ký” bởi lẽ tác giả là thành viên của đoàn đại biểu Pháp tại hội nghị? Hay là những trang (108-117)-không bổ ích gì lắm-trong cuốn Vấn đề Đông Dương từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai của La-vrit-sép (Alexandr Lavrisev) cũng được coi là “hồi ký” chăng? Bởi vì tác giả cũng đã tham dự Hội nghị với tư cách Tổng thư ký của đoàn đại biểu Liên Xô. Hoặc những trang (401-403) trong cuốn Quan hệ Xô-Trung của M.S.Ca-pít-sa cũng thế, bởi vì cũng như La-vrit-sép, M.S.Ca-pít-sa có mặt ở Giơ-ne-vơ lúc đó? Chắc chắn không phải như vậy. Vì chúng tôi đã cố ý chọn những cuốn sách mà việc biên soạn đã làm cho các công trình mang tính chất nghiên cứu bậc đại học, hoặc nghiên cứu chính thức chứ không phải hồi ký. Nhưng giữa những thái cực đó, chúng ta sẽ xếp vào loại nào cuốn sách nhỏ nhan đề Tiếng vang trung thực của đại tá Ê-vôn (Robert B.Ekvall) nguyên là phiên dịch tiếng Trung Quốc của đoàn đại biểu Mỹ tại Giơ-ne-vơ? Đó là kỷ niệm của một cuộc hội nghị hay là những điều khó hiểu về chính trị bắt nguồn từ những sự khó khăn trong việc phiên dịch8 (Thực ra Ê-vôn làm phiên dịch ở hai cuộc hội nghị. Trước đó ông ta đã làm phiên dịch ở hội nghị Bàn Môn Điếm). Hoặc cuốn sách của Hoàng Văn Chỉ nhan đề Từ chủ nghĩa thực dân đến chủ nghĩa cộng sản. Đó là một công trình nghiên cứu về cải cách ruộng đất của Việt Minh trong những năm 1953-1956 hay là chuyện kể của một nhân vật đặc biệt nhạy cảm đối với sự bành trướng về ý thức hệ của Trung Quốc ở Việt Nam?


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Hai, 2011, 02:29:39 pm
Nhưng đương nhiên, những lầm lẫn về tài liệu hoặc việc “viết lại” lịch sử là những khó khăn nghiêm trọng nhất. Nhớ nhầm chăng? Đại sứ Sô-ven là người đã có mặt tại hội nghị này từ đầu đến cuối đã nhớ lại rất kỹ “cái động tác rất tiêu cực của Đa-lét” lúc 20 giờ ngày 15 tháng 6 khi ông này giơ tay tỏ ý không muốn hội nghị tiếp tục bàn về vấn đề Triều Tiên nữa9 (G. Sô-ven, sách đã dẫn, tr.48). Vậy mà Đa-lét đã rời Giơ-ne-vơ ngày 3 tháng 5 và không bào giờ trở lại đó nữa cho đến khi đạt được thoả thuận ngày 21 tháng 7. Hoặc nữa là cuộc nói chuyện dài với Chu Ân Lai ngày 19 tháng 6 khiến cho phiên họp của hội nghị phải lùi lại bốn tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng cuộc nói chuyện, đại sứ Sô-ven đã giành được điều ông ta muốn10 (G. Sô-ven, sách đã dẫn, tr.72). Vậy mà hồ sơ của Bộ Ngoại giao thì lại chứng minh một cách không thể bác bỏ được rằng cuộc nói chuyện đó đã diễn ra ngày 22 tháng 6 và Chu Ân Lai đã hoãn câu trả lời đến ngày hôm sau. Và người ta thường ngờ rằng nhiều tập hồi ký khác cũng có thể đưa ra nhiều ví dụ tương tự.


Tuy nhiên, nhiều công trình về thể loại đó là những nguồn thông tin có giá trị. Đặc biệt là tập hồi ký của I-đơn, được viết ra một cách tỉ mỉ và chính xác, hồi ký của đại sư Tơ-ri-vi-li-an đã bổ sung cho hồi ký của I-đơn hay của đại sứ Sô-ven là những tư liệu, mặc dù có những nhầm lẫn mà chúng tôi nêu lên ở trên, đã phác một bức tranh không phải là không bổ ích về hội nghị. Chúng tôi cúng nhớ những hồi ký của các vị chỉ huy quân sự (các tướng Sa-lăng, G. Ca-tơ-ru, H. Na-va, P. Ê-li) đã cung cấp những nguồn tin quý giá về sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Minh trong năm 1953-1954 hoặc về cách thức các tướng lĩnh đó đánh giá sự “đe doạ” của Trung Quốc. Cuối cùng là những hồi ký của các chính khách nhà nước Pháp và nước ngoài (D. Ai-xen-hao, J. La-ni-on, V. Ô-ri-ôn) là những người trước và trong cuộc khủng hoảng đã cầm vận mệnh của những nước trực tiếp dính líu đến.


Phần lớn những nhận xét của chúng tôi đối với các tập hồi ký mà chúng tôi sẽ sử dụng, cũng áp dụng đối với các cuộc hỏi chuyện các nhân vật Pháp và nước ngoài trực tiếp liên quan đến các sự kiện đó11 (Xem tiếp ở cuối sách trong phần “Nguồn tư liệu và thư mục tham khảo”). Chắc chắn rằng khả năng có thể hỏi chuyện trực tiếp những người có vai trò chính lúc bấy giờ là một chủ bài đáng kể. Nhưng cũng có mối nguy hiểm hiển nhiên không kém.


Một phần bởi hai chục năm đã trôi qua kể từ năm 1954, những kỷ niệm và cảm tưởng lúc bấy giờ đã dần dần phai nhạt trong những sự giải thích sau này. Làm sao những nhân chứng của năm 1954 mà phần lớn tiếp tục theo dõi sát hoặc nhiều hoặc ít tiến trình chính trị ở Viễn đông, ngày nay lại có thể dừng lại ở những điều họ đã biết, từng suy nghĩ năm 1954 mà không xen lẫn những ý nghĩ nảy sinh do những sự kiện mới đây hơn? Đó là một nhận xét chung nhưng càng tỏ ra thích hợp khi đối với một vấn đề mà từ hội nghị Giơ-ne-vơ đến nay luôn luôn chiếm vị trí thời sự hàng đầu.


Vả lại,-có cần phải nói rõ ra không-trong các cuộc hỏi chuyện đó, không thể hoàn toàn loại trừ ý muốn dựa vào kinh nghiệm đã qua để bào chữa cho thái độ này hoặc thái độ khác. Những cuộc tranh luận giữa các vị thủ tướng Bi-đôn và Măng-đét Phrăng về vấn đề Đông Dương đã được biết đến đủ đến nỗi không cần thiết phải nhấn mạnh nhiều hơn đến những giới hạn vốn có của loại nguồn tư liệu lịch sử nói trên.


Những khó khăn đó, quá hiển nhiên, đã không làm chúng tôi hoàn toàn xa lánh việc nhờ cậy các cuộc nói chuyện để bổ sung cho thiếu sót này hoặc thiếu sót khác trong hồ sơ lưu trữ hoặc để soi sáng trường hợp này hoặc trường hợp khác. Nhưng nói chung, chúng tôi chỉ sử dụng những thông tin lượm được qua các cuộc nói chuyện như những nguồn phụ mà thôi. Không bao giờ chúng tôi dựa trên một kết quả duy nhất của một cuộc nói chuyện để nói một điểm quyết định trong luận văn của chúng tôi. Trong phần lớn trường hợp, những thông tin tập hợp được theo cách đó chỉ sử dụng ở phần chú thích ở cuối trang.


Còn về các hồ sơ lưu trữ thì điều mong muốn là có được các cuộc hội đàm với các nhân vật Trung Quốc. Chắc chắn là nếu không có thể hỏi chuyện được những người có vai trò hàng đầu, thì tình hình có thể khác khi hỏi đến các nhân vật cấp thấp hơn. Một vài lần tiếp xúc với ông Đào Quý Sinh (Tsao Kuei-sheng), bí thư (hoặc phó bí thư) ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1951, thành viên của đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ, mới đây là tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã mau chóng chỉ cho thấy điều mong muốn của chúng tôi là ảo tưởng. Có nghĩa là những cuộc hỏi chuyện về vấn đề này chỉ có thể thực hiện được với những nhân vật không cộng sản của Pháp hay của nước ngoài.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Hai, 2011, 02:30:18 pm
Còn một điểm cuối cùng về phương pháp mà chúng tôi muốn đề cập đến.

Thái độ của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất là do một loạt nhân tố bên trong-việc phân tích những nhân tố đó là giai đoạn đầu của cuộc điều tra của chúng tôi-và bên ngoài. Về nhân tố bên ngoài không thể đem cô lập một cách độ đoán so sánh lực lượng trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa với so sánh lực lượng giữa Đông và Tây. Tất cả những nhân tố đó gắn quá chặt chẽ với nhau mà không thể tách rời nhau. Tuy nhiên chúng tôi sẽ dành phần chủ yếu trong sự trình bày của chúng tôi cho thái độ của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đứng trước các cường quốc phương Tây. Nếu chúng tôi cố ý hạn chế phạm vi điều tra của chúng tôi là chính vì những hồ sơ lưu trữ mà chúng tôi dựa vào không cho phép chúng tôi đi xa hơn. Chắc chắn là chúng tôi sẽ phải luôn luôn đề cập đến mối quan hệ giữa Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và đồng minh (Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) hay với các nước bạn bè (Ân Độ, nhất là Miến Điện). Vì một lần nữa, tất cả các mối quan hệ đó đều gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể đề cập đến một cách nào hơn là xem xét tổng thể các mối quan hệ đó. Nhưng cũng phải rõ là mức độ “đúng đắn” của các dữ kiện của chúng tôi sẽ không ngang nhau tuỳ theo khi nói về quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây hoặc ngược lại, giữa Trung Quốc và các đồng minh xã hội chủ nghĩa hay các nước bạn bè và châu Á. Có nghĩa là công trình nghiên cứu này có thẻ đi đến một vài kết luận vững chắc đối với quan niệm của Trung Quốc về cùng tồn tại hoà bình với phương Tây năm 1954 chẳng hạn, nhưng không nên trông đợi nhiều vào những kết quả dứt khoát khi nghiên cứu về tình hình quan hệ Trung-Xô hoặc Trung Quốc-Việt Minh trong cùng thời gian đó. Thiếu nguồn tư liệu gốc, lại phải giới hạn mục tiêu của cuộc điều tra, một vài kết luận có thể đạt được còn mỏng manh, vậy thì làm sao lẩn tránh được câu hỏi cuối cùng nhưng cơ bản này: ngày nay liệu người ta có thể viết lịch sử về vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất hay không?


Thực ra, vấn đề này trùm lên một vấn đề khác, nghiêm trọng hơn: có thể viết lịch sử thời đại hiện nay không? Bởi vì năm 1954 đó chính là thời đại chúng ta. Không thể chối cãi rằng những sự kiện chúng ta muốn phân tích và giải thích hiện vẫn còn tồn tại một cách kỳ lạ. Vào lúc chúng tôi biên soạn công trình này, vấn đề Đông Dương chưa hoàn toàn giải quyết. Những con người, nhiều khi vẫn là những con người ấy, Phạm Văn Đồng, Xu-pha-nu-vông, và những người khác, 25 năm sau, vẫn còn đứng ở hàng đầu thời cuộc. Có nghĩa là những ham muốn cách đây 20 năm vẫn còn là một phần những ham muốn hiện nay. Vậy thì, phải chăng đó là lịch sử?


Chúng tôi ý thức được những khó khăn do một tình hình như vậy gây ra. Nhưng chúng tôi càng không chịu bỏ cuộc.

Tất nhiên lịch sử cần một bước lùi để hiểu biết nó. Nhưng nó cũng cần nhân chứng, kể cả nhân chứng còn sống. Lịch sử không thể vô tình theo cách cảm thụ cả bản thân những người đương thời đối với những sự kiện đó. Việc khai thác báo chí, nhất là biên bản các cuộc hỏi chuyện những người có vai trò hoặc có mặt tại cuộc thương lượng có thể, theo chúng tôi, đem lại những nhân tố quan trọng để hiểu biết các sự việc. Về phương diện đó, một lịch sử nào đó có thể và phải viết cùng với sự kiện diễn ra.


Vả lại,-nhưng phải chăng đó là một lý lẽ?-trông chờ có được hồ sơ lưu trữ của Trung Quốc, tức là chịu bó tay không viết được lịch sử trong một tương lai thấy trước. Vậy mà chính sách của Trung Quốc tiếp diễn, ở Đông Dương cũng như ở nơi khác. Những phương tiện điều tra của chúng tôi dù không hoàn hảo thì ngay từ giờ phải cố mà tìm hiểu. Chúng tôi cảm thấy những lý lẽ đó làm sục sôi cuộc thảo luận bất tận về chức năng của lịch sử. Bảo tồn quá khứ ư? Hướng dẫn tương lai ư? Chúng tôi không đi vào con đường đó. Nhưng có lẽ chúng tôi nhớ rằng lịch sử bao giờ cũng là con đẻ của thời đại, đã và sẽ không bao giờ có lịch sử chung cục.


Vậy thì tại sao, ngay từ hôm nay ít nhất lại không trình bày những nhân tố sẵn có trong tay? Chúng tôi biết rằng có những giới hạn không thể vượt qua. Giá trị duy nhất của công trình nghiên cứu của chúng tôi có lẽ sẽ là bản liệt kê những cái gì chúng tôi còn chưa biết. Nhưng phải chăng đó đã là một cách góp phần vào tìm hiểu lịch sử?


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Hai, 2011, 02:31:04 pm
Công trình nghiên cứu của chúng tôi sẽ phát triển thành bốn phần.

Phần thứ nhất muốn giới thiệu tình hình Trung Quốc năm 1954 (chương I). Vấn đề Đông Dương nhìn từ Bắc Kinh (chương II) đồng thời các cuộc thương lượng quốc tế sẽ phải dẫn đến việc mời Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tham dự hội nghị Giơ-ne-vơ (chương III).


Quả thực, việc nghiên cứu tình hình chính trị và kinh tế Trung Quốc mùa xuân 1954 là cần thiết để phân tích và tìm hiểu những mục tiêu chủ yếu mà Chu Ân Lai theo đuổi khi đến Giơ-ne-vơ. Sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, mức độ ưu tiên dành cho việc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, tình hình bên ngoài của quốc gia trẻ tuổi và những tham vọng của nó trong lĩnh vực này sẽ quyết định ở mức độ lớn nền ngoại giao Trung Quốc tại cuộc hội nghị. Thêm vào đó là cách nhìn đặc biệt và truyền thống đối với mối quan hệ Trung-Việt mà chúng tôi thấy cần nêu lên một số chi tiết, bởi vì cách nhìn đó sẽ đóng vai trò có lẽ là không thể coi thường được, về phía Trung Quốc cũng như về phía Việt Nam trong việc tiến hành cuộc thương lượng.


Nhưng một chính sách đối ngoại không phải chỉ là tổng hợp các lực lượng bên trong: đó còn là sự thích nghi thường xuyên các biện pháp và mục tiêu của dân tộc với các trở ngại và khả năng mà hệ thống quốc tế đem lại. Có nghĩa là cần phải đồng thời chú ý đến viện trợ chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc cho cộng sản Việt Nam và những phản ứng của phía Pháp và các cường quốc phương Tây khác đối với sự viện trợ đó.


Cuối cùng, chương III, một loại chuyển tiếp đi đến nghiên cứu chính hội nghị Giơ-ne-vơ, nói về cuộc gặp gỡ ở Béc-lin có nghĩa là việc bốn “nước lớn” khác mời Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đến Giơ-ne-vơ và các phản ứng của chính phủ Bắc Kinh đối với lời mời đó.


Với phần thứ hai, chính là nghiên cứu diễn biến bản thân cuộc thương lượng, đánh dấu bằng sự thất bại của cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên ngày 15 tháng 6 năm 1954. Giai đoạn Triều Tiên của hội nghị Giơ-ne-vơ không bao giờ được các cường quốc coi như một cuộc gặp vỡ quốc tế có tầm quan trọng hàng đầu, khi rõ ràng là không một thoả thuận nào có thể đạt được từ cuộc hội nghị đó. Tuy nhiên chắc chắn sẽ đánh giá rất sai lầm, nhất là đối với Trung Quốc, nếu tách rời hoàn toàn các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Việc nghiên cứu đơn thuần trình tự thời gian các sự kiện sẽ chỉ ra rằng sự thất bại của cuộc hội nghị về Triều Tiên đã thay đổi đến mức độ nào thái độ của Chu Ân Lai. Vấn đề này, được đề cập ngay từ chương IV nói về việc khai mạc hội nghị, sẽ là kết luận lô-gích của chương IV, đồng thời của cả phần hai. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ nói đến các cuộc gặp diễn ra “song song” ngay từ đầu, giữa đoàn đại biểu Trung Quốc với những người phương Tây trong nhiều vấn đề chính trị và kinh tế (chương V). Nếu cuộc hội nghị Giơ-ne-vơ, theo con mắt phương Tây, còn tương ứng với việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, thì đó cũng là cơ hội để Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc thương lượng khác, không trực tiếp ảnh hưởng đến Đông Dương nhưng lại có tầm quan trọng chủ yếu đối với việc nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thời kỳ này.


Thái độ của Trung Quốc trong giai đoạn hai của hội nghị-giai đoạn bổ ích nhất-sẽ là đề tài chính của phần thứ ba. Đó sẽ là dịp đề cập chi tiết hơn vấn đề Lào và Cam-pu-chia trong đó, thủ tướng Trung Quốc đóng vai trò quyết định (chương VII). Cũng là dịp chúng tôi mở rộng phạm vi nghiên cứu đến toàn bộ chính sách Trung Quốc ở Nam Á và Đông Nam Á bằng cách theo dõi chuyến đi thăm của Chu Ân Lai ở Niu Đê-li và Răng-gun (chương VIII). Cuối cùng, Chu Ân Lai trở lại Giơ-ne-vơ để tiến hành mười ngày thương lượng cuối cùng (chương IX): mười ngày thiết yếu để hiểu được những mục tiêu của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.


Đối với ba phần đầu của công trình này, chúng tôi đã đưa ra ba đề mục chung: “Tự khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế”, “Ngăn cấm Mỹ vào Đông Dương" và “Áp đặt các nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình”. Sự lựa chọn của chúng tôi là các đề tài chủ chốt trong mỗi phần: vị trí của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trong hàng ngũ các “nước lớn” khi nói về hội nghị Béc-lin, vấn đề quốc tế hoá cuộc chiến tranh vào giờ phút khai mạc hội nghị Giơ-ne-vơ và vấn đề năm nguyên tắc, khi nói đến quan hệ giữa Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia, cũng như khi nói đến cuộc đi thăm của Chu Ân Lai ở Ấn Độ và Miến Điện. Như vậy, rất rõ ràng đó là ba tư tưởng chủ đạo toàn bộ chính sách Trung Quốc của năm 1954 vào bất cứ thời kỳ nào, bất cứ vấn đề gì và ở bất cứ vùng nào trên thế giới.Cuối cùng, phần thứ tư dành cho kết luận và suy nghĩ có thể rút ra từ cuộc gặp gỡ ở Giơ-ne-vơ giữa Trung Quốc và các cường quốc phương Tây. Để làm việc đó, chúng tôi đi theo ba hướng: nghiên cứu các điều đã thoả thuận, cách thức Trung Quốc giải thích và tôn trọng (hiệp định) để đưa chúng ta đến xác định rõ bản chất của chính sách Trung Quốc ở Đông Dương (chương X). Rồi vượt qua khỏi khuôn khổ địa lý chật hẹp đó, chúng tôi thử lường các hậu quả của việc giải quyết cuộc khủng hoảng đó đối với “hình ảnh” và vị trí của Trung Quốc mới trên thế giới (chương XI). Cuối cùng đi từ cái riêng nhất đến cái chung nhất, chúng tôi cố gắng nêu bật điều chủ yếu mà việc nghiên cứu kỹ lưỡng cuộc hội nghị này có thể đem lại là phân tích những phương hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc (chương XII).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Hai, 2011, 12:21:11 pm
PHẦN THỨ NHẤT
TỰ KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ CỦA MÌNH
TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ


CHƯƠNG I
NHỮNG NHU CẦU CỦA TÌNH HÌNH
VÀ SỨC NẶNG CỦA QUÁ KHỨ

NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA VÀO MÙA XUÂN 1954


Khi hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, vào tháng tư năm 1954, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa mới chỉ được bốn năm rưỡi1 (Về lịch sử 4 năm này, xin tham khảo cuốn sách tiếng Pháp của J.Guillerman: Le Parti Communiste Chinois au pouvoir 1949-1972 (Đảng cộng sản Trung Quốc cầm chính quyền 1949-1972) Pa-ri, Payot, 1972, tr.13-79. Về tiếng Anh có cuốn của A.Doak Barnett: Communist China: The Early years 1949-1955 (Trung Hoa cộng sản những năm gần đây 1949-1955) Niu Oóc, Praeger 1964 của L.Richard Walker: China under Communist-The First Five Years (Trung Hoa dưới chế độ cộng sản-5 năm đầu tiên) New Haven, Yale University Press, 1955, XV. Về các sách khác nói đến thời kỳ này hoặc trong thời kỳ này, xin xem thư mục sách tham khảo). Thời gian khá ngắn đối với một chế đọ phải quản lý gần 600 triệu dân trên một lãnh thổ rộng gần 10 triệu kilômét vuông bị tàn phá hầu hết sau nhiều năm nội chiến và chiến tranh với bên ngoài. Tuy nhiên dù phải vượt qua những trở ngại lớn lao, quãng đường đã đi là khả quan. Từ nay, Nhà nước mới đã yên vị vững chãi, những thế lực đối lập trực tiếp nguy hiểm nhất đã bị thanh toán, trật tự được xắp đặt khắp nơi, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi.


Sức mạnh của chế độ

Người có công xây dựng công trình vĩ đại đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc qua hai mươi năm đấu tranh đã thu thập được kinh nghiệm bậc nhất về chính trị, quân sự và hành chính. Có tới 7-8 triệu đảng viên, những năm 1950-1954, Đảng bị tầm vóc của người đứng đầu, chủ tịch Mao Trạch Đông hoàn toàn chế ngự, thậm chí đè bẹp. Họ Mao đã dần dần tự đặt mình lên địa vị lãnh đạo tối cao. Và để đạt tới đó, đã phải loại trừ mọi đối thủ trong nước cũng như trong phong trào cộng sản quốc tế. Thành tự năm 1949 và thắng lợi năm 1949 còn làm nổi bật “thiên tài đặc biệt” của người lãnh đạo. Ngay dù có một số người phải chịu nhận nó một cách dè dặt, quyền lực cá nhân của Chủ tịch ban chỉ huy Trung ương vẫn không thấp hơn quyền hạn chủ yếu của Đảng. Hơn bao giờ hết, Mao Trạch Đông là tượng trưng cho sự thống nhất trong đảng và đường lối đúng đắn do Đại hội lần thứ VII họp năm 1945 đề ra. Vả lại văn kiện của Đại hội này, đặc biệt là điều lệ Đảng, nói đến “tư tưởng Mao Trạch Đông", đến năm 1954 vẫn còn có hiệu lực2 (Đến năm 1954, Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đưa ra Điều lệ mới).


Chắc chắn rằng, trong thời gian sắp đến hội nghị Giơ-ne-vơ, sự thống nhất trong đảng đã bị lung lay. Đúng như vậy, vụ Cao Cương-Nhiêu Thấu Thạch xảy ra vào mùa xuân 1954 nhắc nhở rằng trong đảng vẫn tồn tại một sự đối lập nào đó3 (J. Ghi-éc-ma, sách đã dẫn, tr.105-111). Người thứ nhất trong hai nhân vật đó, nguyên là một trong các phó chủ tịch Chính phủ từ năm 1949, và từ 1952 là Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch, đến năm 1953 đã bị quy vào tội âm mưu cướp quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Còn người thứ hai, Nhiêu Thấu Thạch đã là một trong những người lãnh đạo quan trọng vùng Thượng Hải và từ 1953 là Trưởng ban Ban tổ chức của ban chỉ huy Trung ương đã bị quy kết ngay trong năm đó là hữu khuynh và câu kết với Cao Cương. Cả hai người đó bị kết án trong những điều kiện đến nay còn chưa rõ ràng về những hoạt động “chống Đảng” tại hội nghị lần thứ 4 của ban chỉ huy Trung ương khoá VII (từ 6 đến 10 tháng 2 năm 1954). Việc họ bị hạ bệ kéo theo một số người phụ trách cao cấp khác. Vụ Cao-Nhiêu, năm sau (tháng 3 năm 1955) mới được công bố, là sự việc đầu tiên làm rung chuyển Đảng Cộng sản kể từ khi lên cầm quyền. Sự việc đó không đe doạ căn bản sự thống nhất trong Đảng, tuy nhiên, nó đã phản ánh sự bất đồng của một số người lãnh đạo đối với đường lối chính trị phải tuân theo trong những ngành khác nhau (đồng thời cũng phản ánh những sự tranh giành quyền lực cá nhân đã chia rẽ nhiều người trong bọn họ)4 (Chúng tôi nói thêm rằng vụ Cao Cương gắn liền với những khó khăn trong quan hệ Trung-Xô. Năm 1956, Mao Trạch Đông dùng luận điệu “gián điệp cho nước ngoài” là có ý ám chỉ Liên Xô. Xem Tuyển tập Mao Trạch Đông, tập 5 (tiếng Pháp) tr.368).


Quân đội Giải phóng nhân dân, về phía mình, là một công cụ tin cậy và đồng nhất. Với quân số trên hai triệu người, quân đội đó được cải tổ sâu sắc. Việc hiện đại hoá nhanh chóng (dù chỉ từng phần) trong chiến tranh Triều Tiên thể hiện không những trang bị hoàn hảo hơn, mà còn trong việc cải tiến tổ chức và chỉ huy5 (Xem Ellis Joffe: Party and Army: Professionalism and Political Control in the Chinese Officer Corps 1949-1964 (Đảng và quân đội, chế độ chuyên nghiệp và kiểm tra chính trị trong đội ngũ sĩ quan Trung Quốc) Cambridge (Mass). University Press, 1965, tr.1-45). Kinh nghiệm cách mạng không còn đủ với người sĩ quan hiện đại. Từ nay cần được huấn luyện kỹ thuật, chuyên môn hoá, theo chiều sâu, như một bài xã luận tờ Nhân dân nhật báo tháng 7-19546 (Nhân dân nhật báo (xã luận) 24-7-1954) đã nhấn mạnh. Người ta đã hướng vào việc thành lập đội ngũ sĩ quan nhà nghề, một năm sau được xác nhận bằng quy định ngày 8 tháng 2 năm 19557 (Xem: Quy định về chế độ công tác của sĩ quan quân đội Giải phóng nhân dân, tin Tân Hoa xã (tiếng Pháp) 9-2-1955). Song song với việc đó, chế độ tình nguyện, đến lúc đó là quy tắc tuyển quân dần dần được thay thế bằng chế độ đăng ký nghĩa vụ được chấp nhận về nguyên tắc từ 19498 (Điều 8, Cương lĩnh chung Hội nghị chính trị hiệp thương). Tháng 3-1953 đã thành lập Uỷ ban nghiên cứu luật nghĩa vụ quân sự và năm 1954, một năm trước khi Quốc hội chính thức thông qua (ngày 30 tháng 7 năm 1955) quân đội bắt đầu gọi nhập ngũ qua chế độ đăng ký nghĩa vụ9 (E.Giơ-phơ, sách đã dẫn, tr.38-39).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Hai, 2011, 12:22:37 pm
Tóm lại, có nghĩa là năm 1953-1954, quân đội thật sự trở thành một tổ chức độc lập, vừa bằng chế độ tuyển quân, vừa bằng cơ cấu tổ chức. Tuy tách khỏi tổ chức Đảng như vậy, quân đội vẫn phải triệt để phục tùng Đảng. Vả lại, từ hai năm nay, vai trò chính trị và hành pháp của quân nhân đã dần dần giảm đi: Chính là như vậy mà ở các tỉnh, những trách nhiệm dân sự và quân sự đã chính tức tách biệt nhau từ tháng 11 năm 1952. Ngay cả trong một số trường hợp, uỷ ban quân sự của Đảng hãy còn đóng vai trò quan trọng, quân đội Giải phóng nhân dân năm 1954 không còn chút nào là một nhóm để gây sức ép nhằm bảo vệ, bên trong hoặc bên ngoài, đường lối chính trị riêng biệt này hay đường lối chính trị riêng biệt khác. Đây là một điểm không phải không bổ ích để phân tích thái độ của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng Đông Dương.


Về mặt các thể chế chính trị, thời kỳ chuyển tiếp đã qua. Một uỷ ban hiến pháp, đứng đầu là Chủ tịch Mao Trạch Đông, đã được thành lập tháng 1 năm 1953; tháng rưỡi sau đó, ngày 1 tháng 3, một đạo luật tuyển cử đã được thông qua, dự kiến một hệ thống bầu cử gián tiếp để chọn đại biểu vào Quốc hội tương lai. Ngay trong năm đó, các cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên để bầu các hội đồng địa phương đã được tổ chức và đến năm 1954 được kết thúc bằng các cuộc bầu cử Quốc hội. Vả lại, chính nhằm chuẩn bị bầu cử đã tiến hành cuộc điều tra dân số đầu tiên ngày 30 tháng 6 năm 1953. Vào ngày đó Trung Hoa lục địa có 582 triệu dân.


Trong khi các hoạt động bầu cử tiếp dẫn ở nhiều cấp và nhiều vùng khác nhau, dự thảo Hiến pháp đầu tiên do ban chỉ huy Trung ương Đảng đưa ra, đã được Uỷ ban hiến pháp chấp nhận tháng 3 năm 195410 (Về vấn đề này, xem Report on the Draft Constitution of Peopl’e s Republic of China (Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa) Bắc Kinh, Nhà xuất bản Ngoại văn, 1954). Được đem ra thảo luận trong số cán bộ cao cấp nhất trong hai tháng, bản dự thảo cuối cùng đã sửa đổi lại, được đem công bố ngày 14 tháng 6 năm 1954, một ngày trước khi hội nghị Giơ-ne-vơ về Triều Tiên tan vỡ. Điều đó có nghĩa là khi hội nghị này khai mạc ngày 26 tháng 4 thì việc định ra các thể chế mới đã tiến khá xa. Giai đoạn chủ yếu, Đảng khởi thảo dự thảo Hiến pháp-đã vượt qua và ngay dù về hình thức văn bản chưa được Quốc hội thông qua, vào mùa xuân 1954, Trung Quốc về phương diện lập hiến đã là một nước ở vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.


Về mặt chính trị, việc phân tích kỹ càng tình hình Trung Quốc đem lại ấn tượng về một Đảng rất đoàn kết, nhất trí xung quanh Chủ tịch Mao Trạch Đông và về một chế độ từ nay hoàn toàn ổn định. Đó là kết luận của W W. Rô-xtốp (W.W.Rostow) lúc bấy giờ là chủ nhiệm của “Dự án về Trung Quốc" tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế trường Đại học kỹ thuật Mát-sa-su-sét (Mỹ) trong cuốn sách nhan đề Triển vọng của Trung Hoa cộng sản xuất bản tháng 8 năm 1954: “Công việc này (xem xét tình hình Trung Quốc giữa năm 1954) làm chúng ta nghĩ rằng mặc dù có sự bất mãn quan trọng nhưng vô tổ chức về chính trị của quyết chiến, địa vị hiện thời của chế độ cộng sản Trung Quốc ở lục địa Trung Hoa đã được đảm bảo về đối nội, do có sự đoàn kết và các công cụ kiểm soát”11 (Uôn-tơ, W.Rô-xtôp và những người khác: The Prospects for Communist China (Tương lai của nước Trung Hoa cộng sản) Cambrigde Technology Press of Massachussetts Institute of Technology, 1954, tr.311). Hoặc một đánh giá khác nữa cũng của chuyên gia đó: “Kết luận chung của chúng tôi (…) là ê-kíp lãnh đạo ở Bắc Kinh hiện nay có sức mạnh đoàn kết của một cường quốc hiếm có và cả duy nhất nữa trong lịch sử chủ nghĩa cộng sản. Sự đoàn kết đó tập trung vào con người của Mao”12 (Như trên, tr.131). Cuối cùng, ông ta viết về quân đội: “Ngoài ra, chừng nào Mao còn giữ được quyền kiểm soát, thì không chắc rằng quân đội thừa nhận và ủng hộ một lập trường chính trị nào độc lập với các cấp cao nhất trong chính phủ"13 (Như trên, tr.134). Với câu, chữ kém câu nệ hơn, người ta báo cáo về Bộ Ngoại giao (Pháp): “Không nên hi vọng chế độ độc tài chuyên chế sụp đổ, một nền độc tài thiết lập bằng cuộc chinh phục quân sự năm 1949, có bộ máy cảnh sát hùng hậu và vũ trang tốt, có thể đàn áp mọi mưu toan nổi dậy”14 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương) 13-3-1954. Bản ghi nhớ về vấn đề Những nhân tố kinh tế có thể ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ. Cùng một ý kiến trong cuốn The China Prbolem and U.S.Policy (Vấn đề Trung Quốc và chính sách của Mỹ) Department of State Publication 5460 Far Eastern Series 64, tháng 5-1954, tr.4 (bài của Et-uyn Ma-tin, Phó vụ trưởng, Vụ Trung Quốc Bộ Ngoại giao Mỹ).


Ngay cả đôi khi cách đánh giá tuyệt đối đó không phản ánh đúng tình hình thực tế15 (Bộ Ngoại giao Pháp thắc mắc về sự thay đổi một vài thành viên chính phủ Bắc Kinh tháng 9-1953. Đặng Tiểu Bình thay Bạc Nhất Ba làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Xem hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương ngày 15-10-1953). Bản ghi nhớ về “Trung Quốc". Ngoài ra, phân tích bài diễn văn của Trần Vân ngày 5-3-1954 có một chú thích như sau: “Nội dung bao hàm sự tồn tại một nhóm cơ hội trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đối lập với Mát-xcơ-va”. (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp châu Á-châu Đại dương) 12-3-1954. Bản ghi nhớ về “hội nghị Giơ-ne-vơ”. Ngoài ra, việc Cao Cương không xuất hiện trước công chúng đã được chú ý (Nói chuyện với J. Ghi-éc-ma, 14-3-1954). Ngược lại, một bài xã luận báo Economist (Nhà kinh tế học) ngày 19-6-1954 nhan đề “The Men at the To”. (Những người ở tột đỉnh) còn nhấn mạnh thế mạnh của Cao Cương ở Mãn Châu). Rõ ràng là cho đến trước hội nghị Giơ-ne-vơ, sức mạnh và sự đồng nhất của chế độ mới ở Trung Quốc không còn là điều phải hoài nghi nữa.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Hai, 2011, 12:25:41 pm
Hiện đại hoá nền kinh tế

Trong lĩnh vực nền kinh tế, con đường trải qua kể từ khi cộng sản lên cầm quyền cũng là đáng kể. Dù cho người ta có đề cập đến vấn đề thông qua lĩnh vực nông nghiệp-thu hút 85% dân số, các cơ sở hạ tầng, lĩnh vực công nghiệp mới thành hình, hoặc lĩnh vực tài chính công cộng thì cũng không chối cãi được rằng đến mùa xuân 1954 chế độ mới đã phục hồi được nền kinh tế quốc dân. Chắc chắn là đã phạm phải những sai lầm, có những mục tiêu không đạt được nhưng những thiếu tót đó không thể che lấp được mặt chủ yếu là Trung Quốc từ nay có một nền sản xuất chưa cao lắm nhưng đang tiến triển, ít nhất là về số lượng.


Trong nông thôn, cuộc cải cách ruộng đất gần hoàn thành. Năm 1952, hầu như tất cả các mức sản xuất cao nhất trước cách mạng đã được đuổi kịp. Nhất là, theo thống kê chính thức, sản lượng ngũ cốc từ 108,1 triệu tấn năm 194916 (Xem bảng 1. Năm 1949 đúng là một năm thu hoạch đặc biệt kém. Về sản lượng nông nghiệp và công nghiệp năm 1952-1953, xem thống kê chính thức của Trung Quốc, nhưng chắc số liệu cần được phê phán), đã tăng lên 154,4 triệu tấn năm 1952 và 156,9 triệu tấn năm 1953. Mức tăng như vậy không phải là thấp. Tuy nhiên, sản lượng đạt được còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, như Đặng Tử Khôi phụ trách về nông nghiệp đã thừa nhận. Năm 1953, nhu cầu về ngũ cốc của Trung Quốc là 275 hoặc 300 triệu tấn17 (Nhân dân nhật báo, 23-9-1953, Ghi-éc-ma trích dẫn, Xem J. Ghi-éc-ma, sách đã dẫn, tr.38). Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều ngành đã vượt qua sản lượng cao nhất trước cách mạng. Nói riêng về than năm 1955 đạt 69 triệu tấn, vượt năm 1942; về thép với 1,7 triệu tấn, đã nhiều hơn gần 2 lần năm 1943, về bông với 107 triệu tấm vải, đã vượt hơn 2 lần năm 193618 (Xem bảng 2. Những năm để tham chiếu là những năm có sản lượng cao nhất trước cách mạng).

(http://img94.imageshack.us/img94/3907/bang1w.jpg)


(http://img138.imageshack.us/img138/8292/bang2w.jpg)


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Hai, 2011, 12:27:16 pm
Tổng quát lại, so với năm 1949, sản lượng công nghiệp năm 1953 tăng gấp ba lần, còn sản lượng nông nghiệp tăng 53%19 (Xem bảng 3, tiếp theo).

(http://img201.imageshack.us/img201/5874/bang3w.jpg)

J. Ghi-éc-ma ghi nhận như sau:
“Cuối năm 1952, theo nguồn tin chính thức mặc dù có nhược điểm và sai lầm trong xây dựng cơ bản-chỉ thực hiện được 85% kế hoạch-có nhiều kết quả đã đạt được trong các lĩnh vực: cải cách ruộng đất gần hoàn thành, công nghiệp đã triển khai, vận tải đã phục hồi và phát triển, ngân sách cân đối, đồng tiền ổn định. Tất cả các ngành đều đạt mức thống kê cao nhất trước chiến tranh. Việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, viện trợ quan trọng của người Nga mà giá phải trả là đắt nhưng cần thiết, sẽ làm cho chế độ mới đi vào kỷ nguyên kế hoạch hoá, vừa đi vào tập thể hoá, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sắp có thể bắt đầu20 (J. Ghi-éc-ma, sách đã dẫn, tr.45).


Quả vậy, từ tháng 11 năm 1953, Uỷ ban kế hoạch đã thành lập trực thuộc Hội đồng Chính phủ21 (Uỷ ban này thay thế Uỷ ban Kinh tế và Tài chính trực thuộc Hội đồng Quốc vụ viện) và từ đầu 1953, đưa ra về mặt lý thuyết kế hoạch 5 năm đầu tiên. Vậy mà việc lãnh đạo Uỷ ban kế hoạch lại đã giao cho Cao Cương, người còn cầm vận mệnh khu đông bắc Trung Quốc là nơi chiếm phần chủ yếu trong tiềm lực công nghiệp của đất nước. Những cuộc đả kích đánh vào nhân vật quan trọng này bắt đầu từ 1953 vì những hoạt động chống Đảng của ông ta và sau đó việc hạ bệ vào tháng 2 năm 195422 (Xem đoạn trước) cũng đã làm xáo động mạnh mẽ việc xây dựng kế hoạch23 (Việc quản lý kế hoạch chỉ được cải tổ từ cuối năm 1954 khi thành lập nhiều cơ quan mới. Vào lúc này, Lý Phú Xuân vốn là Phó chủ nhiệm nay lên làm Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch). Thêm vào những thiếu sót trong bộ máy thống kê, việc thiếu những cán bộ kỹ thuật kinh tế trong ê-kíp lãnh đạo và việc Liên Xô chậm xác định ý đồ viện trợ cho Trung Quốc, những khó khăn về chính trị nói trên, đã làm chậm trễ rất nhiều công việc nghiên cứu càn thiết phải có trước để thực sự kế hoạch hoá. Thực tế, đến đầu năm 1955 những mục tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất mới được quyết định một cách chính xác tức là chậm hai năm kể từ lúc chính thức đề ra kế hoạch và đến tháng bẩy năm đó, Quốc hội mới thông qua. Lý Phú Xuân, người thay thế Cao Cương đã đưa những lý do của tình hình chậm trễ đó:

“… Điều đó được giải thích là ở chỗ công tác điều tra nghiên cứu các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta chưa đẩy mạnh, chúng ta có ít số liệu thống kê, chúng ta lại có nhiều thành phần kinh tế khác nhau cùng tồn tại, chúng ta thiếu kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch dài hạn. Chúng ta lại chỉ có kinh nghiệm vụn vặt không hoàn chỉnh trong công tác xây dựng"24 (Lý Phú Xuân: Báo cáo về kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về phát triển nền kinh tế quốc dân của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa 1953-1957, Bắc Kinh Nhà xuất bản Ngoại văn, 1956, tr.7).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Hai, 2011, 12:29:16 pm
Tháng 4 năm 1954 khi hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, công tác kế hoạch hoá của Trung Quốc mới ở giai đoạn đề ra những ý định hơn là giai đoạn thực hiện. Nhưng nếu những mục tiêu bằng con số chưa được ấn định thì đường lối chủ đạo đã được đề ra. Chính vì vậy, Đổng Tất Vũ, chẳng hạn, là người đứng đầu Uỷ ban công tác chính trị và pháp luật đã trình bày trong một bài báo đăng trên tờ Sự thật ngày 1 tháng 1, như sau:

“Chúng ta đều biết, việc xây dựng nền công nghiệp nhất là công nghiệp nặng đòi hỏi một số vốn khổng lồ. Theo lời dạy của Lê-nin và Xta-lin, và theo kinh nghiệm của Liên Xô, chỉ có thể có được công nghiệp bằng cách tiết kiệm và tích luỹ xã hội chủ nghĩa"25 (Đổng Tất Vũ: Nhân dân Trung Quốc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội, Pra-vơ-đa, 1-1-1954, Ghi-éc-ma trích trong sách đã dẫn, tr.91).


Chính vì vậy mà những người phụ trách kinh tế đã quyết định dành ưu tiên tuyệt đối cho việc phát triển công nghiệp nặng, vì chỉ có công nghiệp nặng mới có khả năng phát động quá trình tích luỹ về sự phát triển. Chính là để cung cấp một phần về tài chính cho việc phát triển công nghiệp nặng mà tháng 1 năm 1954 đã phát hành công trái 6.000 tỷ nhân dân tệ (cũ) hạn 8 năm, lãi suất mỗi năm 4%. Ở phương Tây người ta cũng đã biết được ý định của Trung Quốc là ráo riết công nghiệp hoá theo mô hình Liên Xô. Bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao (Pháp) tháng 3 năm 1954 nhắc đến rõ ràng: “Các người lãnh đạo Trung Quốc đã tập hợp lực lượng chủ chốt của đất nước để hướng vào mục đích chủ yếu nếu không phải là duy nhất, hiện nay được tóm tắt thành ba chữ: “công nghiệp hoá”26 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương 30-3-1954). Bản ghi nhớ về vấn đề Những nhân tố kinh tế có thể ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ).


Cũng như kế hoạch hoá, việc tập thể hoá (nông nghiệp) mới ở bước đầu. Đúng như vậy, từ tháng 12 năm 1951 trong lúc cuộc cải cách ruộng đất đang tiếp diễn, ban chỉ huy Trung ương đã khởi thảo dự thảo quyết định về tương trợ và hợp tác. Đến tháng 2 năm 1953 mới phổ biến dự thảo này27 (J. Ghi-éc-ma, sách đã dẫn, tr.96). Nhưng mục tiêu của những biện pháp ban đầu đó còn hạn chế: mới chỉ là thúc đẩy việc thành lập các tổ tương trợ ở nông thôn, một số có tính chất tạm thời, một số khác hoạt động thường xuyên. Năm 1954 khoảng một nửa tổng số nông hộ đã được tổ chức theo cách trên.


Giai đoạn sau này mới là tập thể hoá thực sự, nghĩa là thành lập các hợp tác xã nửa xã hội chủ nghĩa và hoàn toàn xã hội chủ nghĩa nhiều khi từ các tổ tương trợ phát triển lên. Từ 1952-1953 một vài địa phương đã tổ chức làm thử để rút kinh nghiệm nhưng phong trào chỉ thực sự phát động kể từ ngày 16 tháng 12 năm 1953. Cùng với việc ban chỉ huy Trung ương thông qua “Quyết định phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp” và đem công bố ngày 8 tháng 1 sau đó28 (Xem “Hợp tác xã nông nghiệp ở Trung Quốc-Quyết định về việc phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp” do ban chỉ huy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua ngày 16-12-1953-Bắc Kinh, Nhà xuất bản Ngoại văn, 1954. Cũng xem bản tin Tân Hoa xã, 8-1-1954. Quyết định của ban chỉ huy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp).


Tuy nhiên, vào mùa xuân 1954, chính sách tập thể hoá hãy còn chưa đi vào giai đoạn thực hiện tích cực29 (Tháng 12-1953, ban chỉ huy Trung ương quyết định thành lập 45.000 hợp tác xã trong năm 1954, nhưng từ tháng 3-1954 có tin đã lập xong 90.000 hợp tác xã (mục tiêu cho năm 1957 là 800.000 hợp tác xã). Xem W.W. Rô-xtâu, sách đã dẫn, tr.94 và chú thích 43, tr.98).


Như vậy có nghĩa là về mặt này cũng như về kế hoạch hoá, tình hình không rõ ràng mấy. Về nguyên tắc, những người lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng nước Trung Hoa từ nay kiên quyết đi vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng thực ra một phần khá lớn nền kinh tế quốc dân còn được quản lý giống như khi cồn ở thời kỳ quá độ tức là với khá nhiều tính chất thực dụng.


Vả lại, phải thừa nhận rằng đến đầu năm 1954, viện trợ của Liên Xô (và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu) dành cho Trung Quốc còn khá hạn chế30 (Về quan hệ giữa Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa vào khoảng năm 1954, xem trang sau). Chắc chắn là tiếp sau đó, nhất là sau khi ký các hiệp định giữa Bắc Kinh và Mát-xcơ-va ngày 12 tháng 10 năm 195431 (Đặc biệt, một hiệp định vay nợ 520 triệu rúp (khoảng 130 triệu đôla Mỹ). Xem D.M Giôn-xơn và Hung dahchiu: Agreement for the People’s Republic of china, 1949-1967 (những hiệp định của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa) Harvard University press. Cambrigde (Mass.), 1968, trang 30, 31), sự tham gia của Liên Xô vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trở nên lớn lao hơn. Không những Liên Xô cung cấp một phần quan trọng về tài chính mà cả chuyên gia, cơ sở kỹ thuật cần thiết cho việc xây dựng nền công nghiệp Trung Quốc. Nhưng đến mùa xuân 1954, viện trợ kinh tế của Liên Xô hãy còn ít. Yếu tố chủ yếu của viện trợ này là hiệp định ký ngày 14 tháng 2 năm 1950 ở Mát-xcơ-va32 (Xem Hiệp ước Xô-Trung, ngày 14-2-1950, People’s China 1-3-1950), theo đó Liên Xô đã cho Trung Quốc vay 300 triệu đôla Mỹ để mua thiết bị công nghiệp của Liên Xô. Khoản vay này, lãi suất hằng năm 1%, đem sử dụng trong 5 năm mỗi năm 60 triệu. Như vậy đến năm 1954 số tiền vay đã sử dụng gần hết và từ nay Trung Quốc đã phải bắt đầu trả nợ dưới hình thức giao nguyên liệu và thực phẩm, giải ra trong mười năm (từ 1954 đến 1963) và theo giá thị trường thế giới. Đúng là giữa 1950 và 1954 nhiều hiệp định khác nhau về hợp tác kinh tế và kỹ thuật được ký kết giữa Trung Quốc và Liên Xô, nhất là vào tháng 3 và tháng 9 năm 1953, hai bên ký văn kiện về việc Liên Xô giúp xây dựng 91 “dự án lớn” mới, nhưng phần lớn các hiệp định đều là thứ yếu so với hiệp định tháng 2 năm 195033 (Về vấn đề này, tham khảo Sydney Klein: The Road Divides: Economic Aspects of the Sino-Soviet Dispute (con đường chia rẽ-Khía cạnh kinh tế của cuộc tranh chấp Trung-Xô) Hồng Công, 1966, tr.45-85).


Các giới ngoại giao phương Tây đã đánh giá khá đúng về những sự lựa chọn chủ yếu của kế hoạch 5 năm và những vấn đề đặt ra khi bắt đầu triển khai. Những thiếu sót trong sản xuất nông nghiệp được mọi người biết đến và được coi như một trong những yếu tố chủ yếu của tình hình kinh tế Trung Quốc. Một vài tác giả không do dự nói đến nạn đói và thậm chí xem đó là một trong những lý do có thể đưa đến cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ34 (W.W. Rô-tâu, sách đã dẫn, tr.294 và 303).


Ngoài ra, người ta được biết rằng chế độ mới đã quyết định dành phần lớn phương tiện của mình vào việc công nghiệp hoá đất nước, W.W Rô-xtốp (W.W. Rostow) viết: “Thực chất mô hình cộng sản Trung Quốc nằm trong những mô hình chủ trương phát triển công nghiệp dựa vào sự phát triển của nông nghiệp”35 (Như trên, tr.257). Tóm lại, Trung Quốc theo hoàn toàn mô hình Xta-lin về xây dựng chủ nghĩa xã hội36 (Như trên, tr.256). Vậy mà, đã không thể bảo đảm đủ lương thực cho nhân dân và còn phải cung cấp phần dư thừa có thể xuất khẩu để bù đắp cho nhu càu nhập khẩu thông thường, nông nghiệp chắc chắn là không thể là nguồn cung cấp quan trọng về tài chính cho công nghiệp37 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, (châu Á-châu Đại dương 30-3-1954) Bản ghi nhớ về những nhân tố kinh tế có thể ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Hai, 2011, 12:31:38 pm
Về phần Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu thì chính các nước này cũng phải đối phó với những vấn đề kinh tế nghiêm trọng; theo các nhà quan sát phương Tây, thì họ tỏ ra không đủ sức “cung cấp cho Trung Quốc khối lượng viện trợ cần thiết để triển khai kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”38 (Như trên, cũng xem W.W Rô-xtốp, sách đã dẫn, tr.276). Phải chăng như thế là đã gợi ý rằng xét cho cùng, công nghiệp hoá của Trung Quốc chỉ có thể đi qua con đường mở cửa ra phương Tây? Quả vậy, rõ ràng rằng tình hình kinh tế Trung Quốc năm 1954 như đã được phân tích ở phương Tây, thúc giục Chính phủ Bắc Kinh phải phát triển bằng mọi cách nền ngoại thương với các nước không phải là xã hội chủ nghĩa39 (W.W. Rô-xtốp, sách đã dẫn, tr.272 và 302). Đó cũng là lập trường của Bộ Ngoại giao (Pháp).


“Muốn đạt được quy chế cường quốc, Trung Hoa phải có đủ cố gắng khổng lồ trong những năm tới để công nghiệp hoá, Trung Hoa chỉ làm được như vậy bằng cách nhập khẩu ồ ạt sắt, thép và thiết bị các loại của các nước tư bản chủ nghĩa. Vậy mà nông nghiệp Trung Quốc lúc này đang ở trong tình thế khó khăn, do các biện pháp tập thể hoá được quyết định hơi hấp tấp nhằm mục đích thuần tuý chính trị. Dù thế nào nữa, vì sản phẩm dư thừa có thể xuất khẩu lại quá ít, hệ thống trao đổi hàng nông sản và chăn nuôi lấy sản phẩm công nghiệp hoàn toàn không thích nghi với nhu cầu hiện tại. Vậy Trung Hoa có nhu cầu cấp thiết lập lại các mối quan hệ quốc tế bình thường với các nước phương Tây để có thể, nhờ các khoản vay dài hạn, mua của các nước đó, tất cả những thứ cần thiết cho việc xây dựng nền công nghiệp của mình”40 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương 13-3-1954). Bản ghi nhớ về vấn đề Những nhân tố kinh tế có thể ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ (Tác giả gạch dưới)).


Đúng là báo chí Trung Quốc, nhất là từ lúc ký kết đình chiến Triều Tiên, luôn luôn cổ vũ việc bình thường hoá quan hệ thương mại với tất cả các nước trên thế giới. Xã luận Nhân dân nhật báo, ngày 3 tháng 9 năm 1953, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 8 cuộc bại trận của Nhật, trong khi chào mừng “tương lai tươi sáng của các dân tộc châu Á” đảm bảo rằng ngoài những hậu quả khác, đình chiến Triều Tiên phải đem lại ”Việc phục hồi và phát triển mối quan hệ bình thường và quan hệ kinh tế giữa các nước châu Á, nhất là giữa Nhật Bản và các nước khác”41 (Nhân dân nhật báo 3-9-1953). Những hiệp định đầu tiên ký kết với các nước trung lập hoặc phương Tây đã được hoan nghênh nhiệt liệt nhất. Trong xã luận dài của báo People’s China Khai Bái Niên (K’o-Pai-nien) Uỷ viên ban lãnh đạo Viện quan hệ với nước ngoài, thành viên của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ, khi nhắc lại rằng Trung Quốc “mong muốn phát triển quan hệ buôn bán với tất cả các nước trên thế giới”, còn nói rõ: “nước Trung Hoa không có định kiến với bất kỳ nước tư bản chủ nghĩa nào muốn phát triển quan hệ buôn bán trên cơ sở bình đẳng và hai bên đều có lợi”42 (Peple’s chian, 1-10-1953, tr.16-17. Về yêu cầu kinh tế của Trung Quốc và về ý muốn thương lượng xem hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện số 9 Tuỳ viên quân sự/Hồng Công/8-3-1954;-Cao uỷ Pháp tại Đông Dương/Tổng cục tư liệu/Bản ghi nhớ về vấn đề “Hoà bình ở Đông Dương"/số 467/22-3-1954 (châu Á-châu Đại dương 12-3-1954). Bản ghi nhớ về hội nghị Giơ-ne-vơ; Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (Bản ghi nhớ J.Sô-ven 9-4-1954). Về vấn đề hội nghị Giơ-ne-vơ). Và “những lời kêu gọi” đó thường nhằm vào Nhật Bản"43 (Nhân dân nhật báo “quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản" 30-10-1953).


Như vậy, vào lúc sắp họp hội nghị Giơ-ne-vơ, các cường quốc phương Tây đánh giá rằng các nhu cầu kinh tế mà Trung Quốc buộc phải nghĩ tới có thể đóng  vai trò quyết định trong thái độ của chính phủ Bắc Kinh. Bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao (Pháp) nói ở trên đã kết luận là “được phép nghĩ rằng các vấn đề kinh tế đó sẽ ở đằng sau các mối quan tâm của Trung Quốc mặc dù những nhà thương lượng phương Tây có quyền từ chối cuộc thảo luận, những vấn đề đó sẽ vẫn có khả năng là đề tài của một sự mặc cả ngầm”44 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp 13-3-1954. Bản ghi nhớ về vấn đề Những nhân tố kinh tế có thể ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ hai mươi năm sau, đại sứ Sô-ven viết rằng năm 1954 nước Pháp không có lý do để nghĩ rằng Bắc Kinh có thể nhân nhượng những nguyên tắc của mình để có được đầu máy xe lửa thậm chí những khoản vay dài hạn. Xem sách đã dẫn của Sô-ven, tr.41. Tuy vậy vào lúc bấy giờ đó không phải là một ý kiến được chấp nhận rộng rãi). Nếu thật sự nước Trung Hoa có nhu cầu tăng cường trao đổi với phương Tây, thì lợi ích của họ là phải chứng tỏ một thái độ mềm dẻo nào đó về vấn đề Đông Dương, một vấn đề mà không khí chính trị căng thẳng do Trung Quốc kéo dài ở Đông Á đã gây trở ngại cho việc chấm dứt việc cấm buôn bán đề ra từ năm 195145 (W.W Rô-xtốp. Sách đã dẫn tr.95 Về cấm vận do Liên hợp quốc quyết định năm 1951, xem đoạn sau. Vấn đề đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây diễn ra trong thời gian hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ được nghiên cứu ở chương V).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Hai, 2011, 02:09:42 pm
Phá thế cô lập với phương Tây

Quả vậy, triển vọng của sự cần thiết mở cửa vấn đề kinh tế với bên ngoài đặt ra vấn đề quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và cộng đồng quốc tế không xã hội chủ nghĩa.

Khi hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, chỉ mới có 20 nước có quan hệ ngoại giao với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, trong đó 11 nước là những nước xã hội chủ nghĩa. Đi đầu là Liên Xô, đặt quan hệ với Bắc Kinh ngày 3 tháng 10 năm 1949, theo sau là tám nước dân chủ nhân dân khác, trong cùng tháng đó, rồi đến lượt An-ba-ni ngày 23 tháng 11 năm 1949, và sau cùng trong loạt đầu tiên các nước đặt quan hệ với Trung Hoa nhân dân là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 18 tháng 1 năm 195046 (Về sự thừa nhận lẫn nhau giữa Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, xem chương II), chậm 3 tháng so với các nước xã hội chủ nghĩa khác.

(http://img832.imageshack.us/img832/848/bang4w.jpg)

Nước Trung Hoa theo cách diễn đạt của Mao Trạch Đông, đã “đứng hẳn về một bên”. Quan hệ với phe xã hội chủ nghĩa nhất là với Liên Xô, trong nhiều năm, là trung tâm của chính sách đối ngoại. Vào mùa xuân năm 1954, hiệp ước đồng minh Trung-Xô, ngày 14 tháng 2 năm 1950 chắc chắn là một trong những luận cứ chủ yếu của sự cân bằng chiến lược ở Viễn Đông47a (Xin nhắc lại rằng “Hiệp ước hữu nghị đồng minh và tương trợ” trước hết là một hiệp định phòng thủ chống mọi cuộc xâm lược mới” của Nhật Bản hoặc của một nước đồng minh của Nhật” (điều 1)).


Tuy nhiên, việc kéo dài đàm phán mới ký kết được hiệp ước nói trên, việc Liên Xô áp đặt thời hạn cho việc từ bỏ những lợi ích của họ ở Trung Quốc, việc đòi bồi hoàn trong một số trường hợp, ý muốn của Liên Xô muốn lập các công ty Xô-Trung để tham gia khai thác ở Tân Cương là bấy nhiêu dấu hiệu của những mối bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc, đằng sau những hiệp định nói trên. Việc nước Nga Sa hoàng tham dự vào việc phân chia đế quốc Trung Hoa cũ và mối quan hệ khó khăn giữa Xta-lin và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm trước “giải phóng" hãy còn mới trong tâm trí nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc để trong một ngày có thể xoá đi hằng chục năm giữ kẽ với nhau, hoặc thậm chí kình địch thật sự với nhau. Có nghĩa là nếu sự liên minh với Liên Xô đem lại cho chế độ mới của Trung Quốc một sự ủng hộ bên ngoài về quân sự và kinh tế tuyệt đối cần thiết với Trung Quốc thì ngược lại sự liên minh đó không phải là không đặt ra với Trung Quốc một vài vấn đề quan trọng. Kể từ năm 1956 Mao Trạch Đông đã công khai nói ra những khó khăn ông ta đã phải vượt qua trong năm 1949-1950 để ký được hiệp ước 14 tháng 247b (Mao Trạch Đông: Tuyển tập, tập V. tr.328).

Nói chung, phần đông các chuyên gia và những người có trách nhiệm về chính trị ở phương Tây đều tin rằng có những khó khăn đó.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Hai, 2011, 02:12:08 pm
W.W. Rô-xtốp, chẳng hạn, chỉ tin ở tính bền vững của liên minh Trung-Xô trong chừng mực sự liên minh đó cần thiết cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đối với Rô-xtốp, sự bành trướng cộng sản, dù là của lịch sử ở châu Âu hay của Trung Quốc ở châu Á, chỉ giải thích được rằng các chính phủ Mát-xcơ-va và Bắc Kinh liên minh với nhau là để chống kẻ thù chung: Mỹ và Nhật Bản. Nhưng ông ta thêm:

“Điều cũng có thể đúng sự thật là một số đông những người cộng sản Trung Quốc, trong khuôn khổ các mối quan hệ chặt chẽ và liên tục với Liên Xô, gây sức ép nhằm những mục tiêu như sau: Các lực lượng vũ trang Trung Quốc ngày càng độc lập đối với cố vấn và trang bị của Liên Xô; Liên Xô thu hẹp quyền lực và giảm bớt sự mặc cả ở vùng biên giới; Trung Quốc phụ thuộc đến mức tối thiểu về ngoại thương với khối cộng sản; và nói chung Liên Xô chỉ có khả năng tối thiểu tác động trực tiếp, kiểm soát, hoặc thậm chí theo dõi sự phát triển bên trong của chế độ cộng sản Trung Quốc48 (W.W. Rostow, sách đã dẫn, tr.131).


Một nhà quan sát thành thạo như Rô-bớt Noóc (Robert C.North) cũng cho rằng “sẽ phạm sai lầm nếu nghĩ rằng chính sách của Trung Quốc tất yếu là chính sách của Nga”49 (Robert C. North: Moscow and the Chinese Communists (Mát-xcơ-va và cộng sản Trung Quốc) Stanford University Press, 1953, tr.270). Ông ta viết “Chắc chắn là những xung khắc giữa cộng sản Trung Quốc và cộng sản Nga có thể sẽ ngày càng trầm trọng mà Mỹ và đồng minh phải tìm cách phát hiện và khai thác”50 (Rô-bớt C.Noóc, sách đã dẫn, tr.277).


Như vậy, Bộ Ngoại giao (Pháp) cũng nghĩ là có thể thấy rõ “một vài sự khác trinh sát" giữa Trung Quốc và Liên Xô. Theo bộ đó, chuyến đi thăm Mát-xcơ-va của Kim Nhật Thành cuối 1953 đã “rõ ràng đưa ra ánh sáng sự sa sút ảnh hưởng của Trung Quốc và việc lập lại ưu thế Nga ở Bắc Triều Tiên”. Nhưng lời phát biểu của Kim Nhật Thành về “Liên Xô” là người bạn trung thành và gần gũi nhất của nhân dân Triều Tiên” đã được đặt ra một cách cẩn thận. Đồng thời, theo các nhà quan sát nước ngoài, lập trường của Trung Quốc và Liên Xô trong việc tổ chức hội nghị bàn về vấn đề chính trị ở Triều Tiên, tỏ ra có sự khác nhau. Tháng 8 năm 1953, Liên Xô đề nghị với các nước trung lập ngoài châu Á (Ba Lan, Tiệp Khắc, Xy-ri, Ai Cập, Mếch-xi-cô) tham gia hội nghị trong khi Trung Quốc, hồi tháng 9 cùng năm đó, lại đề nghị một danh sách các nước trung lập châu Á (Miến Điện, In-đô-nê-xi-a, Pa-ki-xtan, Ấn Độ). Cuối cùng, Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng “sự vụng về của Vi-xin-xki (Visinskij) đưa ra không đúng lúc vấn đề Trung Quốc gia nhập Liên hợp quốc” “có lẽ không phải hoàn toàn là ngẫu nhiên”51 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương 15-101-1953), bản ghi nhớ về Trung Quốc, tr.5-6). Bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Pháp cũng nói thêm rằng “tuy nhiên cũng phải đề phòng là không nên cường điệu ý nghĩa của các dấu hiệu đó. Chính phủ Bắc Kinh-mà sự trung thành về mặt học thuyết là không có gì phải hoài nghi trong hoàn cảnh hiện nay, hết sức cần đến sự viện trợ của Liên Xô để thực hiện kế hoạch công nghiệp hoá". Tóm lại, mặc dù có nhiều dấu hiệu tỏ ra có sự không ăn ý nhau giữa Mát-xcơ-va và Bắc Kinh, người ta còn do dự trong việc chấp nhận rằng hai nước có thể tiến hành những chính sách đối ngoại khác biệt: “Người ta sẽ chứng kiến một ngày kia sự phân chia lãnh thổ Âu-Á này ra hai khu vực ảnh hưởng, một ở phía tây dành cho Mát-xcơ-va, một ở Viễn Đông dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, có thể là vô ích và nguy hiểm nếu xây dựng một chính sách dựa trên những hi vọng xa xôi và có thể sẽ là ảo tưởng”52 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-chấu Đại dương 26-11-1953) Bản ghi nhớ vè Trung Hoa nhân dân, tr.5-6).


Đó cũng là sự phân tích gần giống với những điều mà các bộ trưởng ngoại giao Pháp, Anh Mỹ trình bày trong cuộc gặp gỡ tại Béc-muýt (từ 4 đến 7 tháng 12 năm 1953). G. Bi-đôn, trong cuộc gặp ngày 4 tháng 12, đã nhấn mạnh rằng “theo ông ta, những mối quan hệ giữa hai nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Liên Xô không thoải mái như người ta tưởng”. Việc gọi đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc Ku-dơ-nét-xốp về Mát-xcơ-va tỏ ra có ý nghĩa đối với cách nhìn đó của ông ta”.


Ba ngày sau, trong cuộc họp ngày 7, Đa-lét đưa ra một luận điểm rất gần với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp. Trong khi thừa nhận rằng “tình trạng quan hệ giữa Bắc Kinh và Mát-xcơ-va có vẻ không rõ ràng đối với ông ta”. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng có sự “khó khăn giữa hai thủ đô”, ông ta nói thêm rằng “tính chất tế nhị của các mối quan hệ đó (…) là do Mao Trạch Đông, một lãnh tụ quan trọng có uy tín nhiều hơn cả bản thân Ma-len-cốp, khó mà các nhà lãnh đạo mới của Liên Xô có thể ra lệnh cho ông ta. Nếu người Nga đề cao Mao, chính là vì họ cảm thấy bắt buộc phải cư xử với ông ta như là người cùng phe cánh và bình đẳng”* (Từ đây, những dấu “*” là để chỉ những nguồn tài liệu chính thức chưa được phép công bố). Điều đó dẫn Đa-lét đến một kết luận: “Ở đó có một nhân tố có thể sử dụng nếu người ta muốn khai thác một vài sự chia rẽ trong phe cộng sản”*.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Hai, 2011, 02:14:47 pm
Những khó khăn tiềm tàng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô càng tô đậm thêm quan hệ giữa Bắc Kinh với các thủ đô của thế giới trung lập châu Á, mặc dù những mối quan hệ đó còn chưa mở rộng lắm. Đến trước hội nghị Giơ-ne-vơ, mới có bốn nước của thế giới thứ ba thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, tất cả đều là những nước trung lập ở Nam Á và Đông Nam Á: Ấn Độ, Miến Điện, In-đô-nê-xi-a năm 1950, Pa-ki-xtan năm 1951.

(http://img199.imageshack.us/img199/518/bang5w.jpg)


Quan hệ Trung-Ấn là trụ cột của toàn bộ các quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trung lập châu Á. Tuy nhiên, cho đến mùa xuân 1954, quan hệ Trung-Ấn còn rất sơ sài, mới chỉ có vài hợp đồng cung cấp ngũ cốc được ký kết năm 1951 và 1952. Chỉ đến khi ký hiệp ước về Tây Tạng ngày 29 tháng 4 năm 1954, sau hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc được ít ngày53 (Xem chương IV), mới đánh dấu bước khởi đầu thật sự của sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Ấn Độ54 (Về đại cương mối quan hệ Trung-Án trước 1954, xem chương VIII). Một tình hình tương tự trong quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với Miến Điện và In-đô-nê-xi-a từ tháng 6 năm 1950, với Pa-ki-xtan từ tháng 5 năm 1951, cho đến năm 1954 mới chỉ đem lại những kết quả hết sức hạn chế. Hiệp định thương mại đầu tiên với Miến Điện chỉ được ký vài ngày trước khi khai mạc hội nghị Giơ-ne-vơ, ngày 22 tháng 4 năm 195455 (Về đại cương mối quan hệ Trung-Miến vào thời kỳ này, xem chương VIII). Hai hiệp định thương mại với In-đô-nê-xi-a được ký ngày 12 tháng 4 năm 1952 và 30 tháng 11 năm 1953 (hiệp định đầu chỉ là bán chính thức); ba hiệp định với Pa-ki-xtan ký ngày 12 tháng 4 năm 1952 (bán chính thức) và 14 tháng 3 năm 195356 (Về các hiệp định này (xem D.M. Giônston và Hungdach-chiu, sách đã dẫn)).


Năm 1954, những quan hệ đó là một trong những “cửa sổ” hiếm hoi của Trung Quốc mở ra với thế giới bên ngoài không phải là xã hội chủ nghĩa. Việc mở cửa này càng có ý nghĩa ở chỗ hai trong số các nước đó, Ấn Độ và Pa-ki-xtan, đều là thành viên của khối Thịnh vượng chung (Liên hiệp Anh), và chính phủ Bắc Kinh có thể hy vọng, bằng con đường này, thiết lập một vài cuộc tiếp xúc có ích với người Ăng-lô Sắc-xông. Nhưng phạm vi hạn chế của những quan hệ đó cũng nói lên sự cô lập của Trung Quốc trên trường quốc tế. Thật là ít ỏi nếu sau ba năm Trung Quốc mới đi đến chỗ khai thác những quan hệ ngoại giao đã được thiết lập với châu Á trung lập trong những năm 1950-1951.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Hai, 2011, 02:15:58 pm
Ngoài ra, ở Tây Âu, mới có sáu nước công nhận nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Vương quốc Liên hiệp Anh lo lắng duy trì quyền lợi ở Hồng Công và ở Trung Hoa lục địa, đã đi đầu trong việc này ngày 6 tháng 1 năm 1950, nhưng 4 năm sau quy chế đại diện Anh tại Trung Quốc vẫn chưa được quy định và sự rắc rối giữa Luân-đôn và Bắc Kinh vẫn còn nguyên vẹn57 (Về sự tiến triển quan hệ Anh-Trung Quốc, xem chương V). Hà Lan đã công nhận Trung Hoa nhân dân ngày 27 tháng 3 năm 1950, nhưng vẫn chưa trao đổi đại diện ngoại giao mà đáng lẽ phải được phái đến rồi. Thuỵ Điển và Đan Mạch, ngược lại, đã đặt quan hệ ngoại giao bình thường với chế độ mới từ tháng 5 năm 1950, trong lúc Thuỵ Sĩ và Phần Lan nối tiếp nhau công nhận Trung Hoa nhân dân vào những tháng sau. Cuối cùng, đến trước hội nghị Giơ-ne-vơ, khả năng bình thướng hoá quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy được đặt ra58 (Việc này sẽ diễn ra ngày 5-10-1954).


Con số hạn chế các nước Tây Âu đặt quan hệ với Trung Quốc chủ yếu là do “sự phủ quyết” do Mỹ áp đặt đối với mọi hình thức, làm dịu tình hình căng thẳng, về ngoại giao hoặc về thương mại, với “Trung Hoa đỏ” trong thời kỳ khủng hoảng Triều Tiên. Các cường quốc châu Âu, tất cả đều bận tâm xây dựng lại nền kinh tế của họ, và do đó tất cả đều phụ thuộc nhiều, ít về tài chính với Mỹ, không thể tự cho phép có một lập trường căn bản khác với Mỹ trong thái độ với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Đúng là cách cư xử của các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu cũng không khuyến khích các nước Tây Âu công nhận Trung Quốc.


(http://img17.imageshack.us/img17/776/bang6w.jpg)


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Hai, 2011, 02:17:01 pm
Sau cùng, cuộc chiến tranh Triều Tiên đã khiến cho Mỹ vội vã thành lập một hệ thống an ninh quan tọng ở châu Á và Thái Bình Dương.

Ngay từ ngày 17 tháng 10 năm 1950, chính phủ Oa-sinh-tơn đã ký với Thái Lan một hiệp ước viện trợ, theo đó, Mỹ cung cấp vũ khí cho quân đội Thái Lan và cử một phái đoàn quân sự đến Băng Cốc59 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương 30-11-1950) Bản ghi nhớ về vấn đề an ninh Thái Bình Dương). Sau đó, với hội nghị Xan Phran-xi-xcô, những hiệp định tương trợ tăng thêm nhiều. Ngày 31 tháng 8 năm 1951, Mỹ ký với Phi-líp-pin-mà Mỹ đã trao trả độc lập cách đây mấy năm-một hiệp ước tương trợ được Ma-ni-la chuẩn y vào tháng 8 năm 1952. Ngày 1 tháng 9, khối ANZUS được thành lập (gồm Ô-xtrây-li-a (Australia), Niu Di-lơn (New Zeland), Hoa Kỳ). Đó là một hiệp ước an ninh ba bên, theo đó Oa-sinh-tơn cam kết bảo vệ hai nước Thái Bình Dương chống lại sự đe doạ “có thể từ nước Nhật Bản tái vũ trang hoặc từ Trung Hoa cộng sàn”60 (như trên, tr.2). Cuối cùng ngày 8 tháng 9 năm 1951, Mỹ và Nhật Bản ký hiệp ước hoà bình và hiệp ước phòng thủ đối chọi với liên minh Xô-Trung ký kết trước đó một năm rưỡi.


Hệ thống an ninh Mỹ đã được mở rộng từng phần đến cả Đông Dương, ít nhất cũng là một cách gián tiếp. Tuyên bố của Tơ-ru-man (Truman) ngày 27 tháng 6 năm 1950 đã liên kết cố gắng của Pháp với chính sách của Mỹ ở biển Trung Hoa (tức biển Đông-N.D.), bởi vì trong các biện pháp do Tổng thống Mỹ quyết định nhằm đối phó với sự xâm lược cộng sản ở châu Á, có việc trang bị cho quân đội liên hiệp Pháp cũng như đặt một phái đoàn quân sự Mỹ ở Đông Dương61 (The Department of State Bulletin, 3-7-1950. Bản tiếng Pháp trong Bulletin quotidien de press étrangére số 1614, 28-6-1950). Ngày 18 tháng 5 năm 1951, đã có một cuộc họp ban tham mưu Mỹ-Pháp-Anh ở Xin-ga-po nhằm xây dựng chiến lược phòng thủ chung ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Đông Dương62 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương 30-11-1953), tr.4-6). Các cuộc tham khảo ý kiến khác, tiến hành đầu năm 1952 đã đưa đến cuộc họp vào tháng 10 năm đó, giữa năm nước, ngoài đại biểu Pháp, Anh, Mỹ, còn có có đại biểu Oa-sinh-tơn và Niu Di-lơn. Tháng 4 năm 1953, một cuộc hội nghị mới, họp ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) quyết định thành lập Bộ tham mưu đồng minh thường trực (“Staff Agency”) gồm năm nước, có nhiệm vụ đảm bảo việc tiếp xúc thường xuyên giữa các thủ đô có liên quan cũng như phối hợp các cố gắng quân sự ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương63 (“Staff Agency” họp ba lần, 15-30 tháng 6 năm 1953 ở Trân Châu Cảng, tháng 2-1954 ở Xin-ga-po, xem chương II).


Các buổi họp này, về thực chất, đã báo hiệu các cuộc thương lượng, vào cuối năm 1953, nhằm đi đến một hiệp ước an ninh nhiều bên ở vùng này64 (Vấn đề phòng thủ Đông Dương chống lại sự can thiệp của Trung Quốc sẽ đề cập ở chương II).


Vào thời gian trước hội nghị Giơ-ne-vơ, ngoài hệ thống các hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Triều Tiên ký ngày 8 tháng 8 năm 1953 và khoảng cuối năm 1953 và đầu năm 1954, triển vọng hợp tác quân sự chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Pa-ki-xtan65 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương 30-11-1953). Bản nhớ về vấn đề giao lại các căn cứ Pa-ki-xtan cho Hoa Kỳ. Cũng xem Chronique de politique étrangère (Biên niên chính sách đối ngoại) quyển VII, số 3, tháng 5-1954. Một hiệp định quân sự Mỹ-Pa-ki-xtan được thực sự ký kết tháng 5-1954).


Bấy nhiêu yếu tố gắng liền với nhau, chỉ có thể làm cho Bắc Kinh thấy đó là sự đe doạ trực tiếp đến nền an ninh của Trung Quốc.

Nhưng những nhân tố chính trị, kinh tế hoặc chiến lược trong lúc này không phải là những nhân tố duy nhất quyết định thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề Đông Dương. Tính truyền thống lâu dài trong quan hệ với Việt Nam và ở trình độ thấp hơn với Lào và Cam-pu-chia cũng sẽ đóng vai trò quyết định.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Hai, 2011, 08:30:43 am
TẦM CỠ LỊCH SỬ CỦA QUAN HỆ TRUNG-VIỆT66
(66. Vấn đề quan hệ Trung Quốc-Lào-Cam-pu-chia, căn bản khác với quan hệ Trung-Việt, sẽ được đề cập ở chương VIII)


Quả thực, ít có thể hiểu được bản chất sâu xa của mối quan hệ Trung-Việt, sự quan tâm của Trung Quốc đối với bán đảo Đông Dương và ngược lại thái độ của nhân dân các nước Đông Dương đối với Trung Quốc mà không tham khảo thường xuyên quá khứ xa xưa nhất. Không phải vì quá khứ đó không tránh khói quyết định hướng phát triển hiện nay, ngay cả khi nó chứng kiến những điều không thay đổi hằng nghìn năm nay. Nhưng dần dần, các thế kỷ trau dồi ý thức dân tộc đến nỗi lịch sử không chỉ là một chuỗi tình hình nối đuôi nhau theo trình tự thời gian; lịch sử cũng tự nó là một nhân tố tự trị, giải thích từng phần mỗi lúc trong cuộc sống của một dân tộc. Phải chăng thông qua khái niệm mà các nhà lãnh đạo đã làm cho lịch sử tiến hoá có vai trò khi họ đưa ra những quyết định.


Có lẽ không phải là vấn đề nhắc lại đầy đủ mọi khía cạnh trong quan hệ Trung-Việt trải qua các thế kỷ67 (Về quan hệ Trung-Việt, có thể xem hai cuốn sách kinh điển bằng tiếng Pháp của Deveria: Histoire des ralations de la Chine avec I’Annam-Việt Nam du XVIe siècle au XIXe siècle (Lịch sử quan hệ Trung Quốc-An-nam-Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Pa-ri, E. Le Roux, 1880, 102 trang và Le fontière sino-annamite: description gèographiquet et ethnographique d’apès dé documents officiels chinois (Biên giới Trung-Việt mô tả địa lý và dân tộc học, theo những tư liệu chính thức của Trung Quốc) Pa-ri, E.Le Roux, 1886, 182 trang. Đối với những tác phẩm phổ cập hơn, có thể xem Lê Thành Khôi: Le Việt Nam, Pa-ri, Ed. De Minuit, 1955, 587 trang, hoặc sách tiếng Anh của J Buttinger: “The Smaller Dragon” (con rồng nhỏ hơn), Niu-Oóc. Praeger, 1958, 587 trang. về các sách khác, xem mục lục tham khảo ở cuối sách). Nhưng có lẽ sẽ không phải là vô ích khi nêu lên những kết luận chủ yếu rút ra trong việc nghiên cứu tỉ mỉ các mối quan hệ đó.


Việt Nam: một nước đã từng triều cống Trung Quốc

Thực thế, trong chừng mực nước Việt Nam hiện thời là một quốc gia duy nhất trong vùng chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh Trung Hoa, thì đó là một trường hợp duy nhất ở Đông Nam châu Á. Việt Nam vốn là một nước từ Trung Hoa mà hình thành nên68 (Xem Philippe Langlet La tradition Vietnamienne: Unetat national au sein de la civilsation chinoise (truyền thống Việt Nam: một quốc gia dân tộc trong lòng văn minh Trung Hoa) B.S.E.E. Sài Gòn, 1970, 395 trang (nhất là lời nói đầu)). Từ cuối đời Tần (thế kỷ thứ III trước công nguyên)69 (Các cuộc viễn chinh đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu tiến đánh các bộ lạc Việt ở phía nam Trung Quốc bắt đầu từ năm 221 trước công nguyên), cho đến cuối đời Đường (thế kỷ thứ V) đất Việt gần như thường xuyên bị sáp nhập vào đế chế Trung Hoa, với quy chế của một phong địa quân sự (đất phong cho tướng võ có công-N.D.) như dưới thời Hán, hoặc của một đất bảo hộ như dưới thời Đường70 (An-nam đô hộ phủ). Thế kỷ X, khi Đại Việt thành một vương quốc “độc lập” thì đất nước cũng vẫn theo văn minh Trung Hoa. Không phải là cư dân Việt không muốn duy trì được bản sắc văn hoá của riêng họ, không phải là không có những ảnh hưởng khác từ bên ngoài vào như Mã Lai, In-đô-nê-xi-a hoặc Ấn Độ và để lại dấu ấn trên nền tảng văn hoá bản địa. Nhưng sự xâm nhập của Trung Quốc có địa vị ưu thế đến nỗi không thể bác bỏ được rằng Vương quốc (Đại Việt) là sự kéo dàu của thế giới Trung Hoa. Đặc biệt là Nho giáo được đưa vào dần dần từ đời Hán, đã làm cho bộ máy Nhà nước xã hội Việt mang những đặc điểm rất Trung Hoa, nhất là các thể chế công cộng và tư nhân: tổ chức vương quốc, bộ máy quan lại, quan hệ xã hội, v.v…


Vừa mới giành được “độc lập”, quốc gia mới mẻ này đã nhận phiên thuộc Trung Quốc (từ năm 972 sau công nguyên). Suốt 9 thế kỷ, quan hệ phiên thuộc của Đại Việt đối với Trung Quốc đã duy trì Đại Việt trong phạm vi chư hầu của Trung Quốc. Tuỳ theo tình hình bên trong nước Trung Hoa hoặc bên trong vương quốc (Đại Việt) mà mối liên hệ phiên thuộc đó có thể nới lỏng một thời gian. Ở những thời kỳ khác, ngược lại sự áp chế của Trung Quốc có nhiều tính chất xâm lược hơn. Dưới triều Tống, Nguyên, Minh và Thanh, Đại Việt nhiều lần chịu ách chiếm đóng quân sự của nước láng giềng hùng mạnh. Nhưng nhìn toàn cục, trong quan hệ hai nước hình thành một thế cân bằng nào đó, được xác nhận bằng việc Đại Việt triều cống đều đặn Trung Quốc.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Hai, 2011, 08:31:59 am
Cần có đôi lời bình luận về chế độ triều cống này, kéo dài cho đến khi Pháp chiếm Việt Nam71 (Triều đình Huế nộp cống lần cuối cùng cho Bắc Kinh vào năm 1883), là chỗ dựa độc nhất của mối quan hệ Việt-Trung cho đến cuối thế kỷ XIV, thật ra, lệ triều cống không đơn giản nói lên sự quy phục của một nước ở biên cương đế chế Trung Hoa. Giữa hai nước cùng theo Nho giáo như Đại Việt và Trung Hoa, lệ triều cống đánh dấu sự quy phục thật sự, đồng thời còn là biểu hiện của một thứ “quan hệ qua lại”. Tất nhiên, mối quan hệ giữa bá chủ và chư hầu chủ yếu dựa trên sự bất bình đẳng, nhưng việc nộp cống cũng phản ánh một dạng liên kết nào đó của Đại Việt vào đế chế Trung Hoa, một ý thức nào đó tham gia cùng  một trật tự chung. Triều Đại Việt cần được Trung Quốc tấn phong để mọi người phải thừa nhận mình cũng giống như một quốc gia hiện đại thời nay không thể bỏ qua sự thừa nhận quốc tế để tồn tại. Vả lại, theo quan điểm của Trung Quốc, khái niệm hai quốc gia riêng biệt tỏ ra không thích hợp mấy. Đúng hơn là thay bằng khái niệm hai thế giới tiếp giáp nhau: thế giới văn minh và thế giới không văn minh. Thế giới văn minh, theo Nho giáo, phải tuân lệnh Hoàng đế (chúng ta gọi là Hoàng đế Trung Hoa): muốn tham dự vào thế giới văn minh đó, bao gồm cả Đại Việt vì Đại Việt dùng chữ viết Trung Hoa, theo lễ giáo Trung Hoa là những biểu tượng của văn minh, thì Đại Việt không có lối thoát nào khác là tỏ ra thân thuộc đối với Hoàng đế72 (Các công trình nghiên cứu mẫu mực về chế độ triều cống cuối đời Thanh có J.K. Fairbank và S.Y. Teng, On the Ch’ing tributary system (Về chế độ triều cống đời Thanh), Havard, Journal of Asiatic Studies, Vol VI số 1 tháng 3-1941, trang 135-256. Các tác phẩm mới hơn có Fairbank, The Chinese World Order (Traditional China’s Foregin Ralations) (Trật tự thế giới Trung Hoa-Quan hệ đối ngoại của nước Trung Hoa cổ xưa), Havard, University Press, Cambridge (Mass), 1968, 416 trang (đặc biệt xem hai công trình nghiên cứu của Lien Sheng Yang và Mark Mancall)).


Như thế có nghĩa là việc triều cống, thật ra, bao gồm một hệ thống quan hệ hết sức phức tạp. Đối với Trung Quốc, nó phản ánh sự lệ thuộc tối đa, trong đó, Trung Quốc có thể hy vọng duy trì sự bảo hộ đối với nước Việt mà không gây nên một sự phản ứng “dân tộc” nào của người Việt. Đối với Đại Việt, trái lại, việc triều cống lại phản ánh nền độc lập tối đa có thể có được, nhưng lại không gây ra sự phản ứng “đế quốc” của Trung Hoa. Trong trường hợp này cũng như trường hợp kia, vì cả hai nước đều theo Nho giáo nên việc triều cống chứng tỏ ít ra một phần là cả hai nước73 (Nếu nghiên cứu quan hệ Trung Quốc-Khơ-me, chúng ta sẽ thấy rất khác vì đây là quan hệ giữa một nước theo Nho giáo và một nước theo Phật giáo. Về quan hệ truyền thống giữa Trung Quốc-và Lào-Khơ-me, xem chương VII), cùng chung một quan niệm về giá trị của cống vật.


Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên rằng Đại Biệt và sau đó từ thế kỷ XIX, Việt Nam74 (Năm 1803, đến đời Gia Long, Đại Việt đổi là Việt Nam) luôn luôn đã được Trung Quốc coi như là một quốc gia có một vị trí đặc biệt đối với Trung Quốc. Vào đầu thế kỷ XX Tôn Dật Tiên coi Việt Nam nằm trong “phần đất đã mất của Trung Quốc75 (Pascal, MD. Elia, Le triple dé misme de Suen Wen (chủ nghĩa tam dân của Tôn Văn) Thượng Hải, Phòng Trung Quốc học của Zi-ka Wei: 1930, tr.39). Gần chúng ta hơn, chủ tịch Mao Trạch Đông, năm 1939 đã kết tội Pháp chiếm An-nam bằng cùng một lời lẽ giống như khi kết tội Anh chiếm Hồng Công hay Bồ Đào Nha chiếm Ma Cao76 (Mao Trạch Đông: Cách mạng Trung Hoa và Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 12-1939-Bản dịch tiếng Anh trong Current Back-ground, U.S Consulate General Hong Kong, số 135, 10 tháng 11-1951. Đáng chú ý là trong cuốn lần xuất bản cuối cùng của Tuyển tập Mao Trạch Đông, bài viết này đã được sửa lại và có thêm sự phân biệt giữa “nước láng giềng trước đây dưới sự bảo hộ củ Trung Quốc" và “lãnh thổ thuần tuý Trung Quốc". Mao Trạch Đông Tuyển tập. Bắc Kinh, Nhà xuất bản Ngoại văn, 1967, tập 2, tr.331-332). Thực tế là trở lại việc sát nhập, như Tôn Dật Tiên đã làm, An-nam vào “phần đất đã mất”.


Không tính đến ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thống đó chắc chắn sẽ là một sai lầm lớn. Di sản của lịch sử để lại là Trung Quốc không thể xem vấn đề Việt Nam là hoàn toàn “xa lạ” đối với mình77 (Đối với Triều Tiên, tình hình một phần cũng như vậy). Vả lại đế chế Trung Hoa có ý đồ không thay đổi áp đặt một thứ “hoà bình kiểu Trung Quốc" đối với vùng đất biên cương phía nam. Và điều đó sẽ được thật sự đặt lên hàng đầu trong suốt thời gian thương lượng tại Giơ-ne-vơ. Một mặt, một yêu cầu bức thiết về quân sự: nền an ninh của các tỉnh phía nam Trung Hoa tuỳ thuộc vào hoà bình ở Việt Nam, đó là một thực tế. Mặt khác, một yêu cầu bức thiết về kinh tế: thung lũng sông Hồng là thị trường tự nhiên của các tỉnh phía nam của Trung Quốc78 (Một thành viên đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ đã ghi chép như sau ngay trong thời gian hội nghị: “Người Trung Quốc lo lắng (…) lợi dụng trên bình diện quốc gia những thuận lợi về kinh tế và an ninh mà việc Việt Minh kiểm soát Bắc Kỳ đem lại. Cân nhắc lại rằng thung lũng sông Hồng là lối ra thiên nhiên và đã được trang bị của ba hay bốn tỉnh miền Tây Nam. “Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. Bản ghi nhớ về vấn đề hội nghị Giơ-ne-vơ và chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Giơ-ne-vơ, 12-6-1954), đó là một thực tế nữa.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Hai, 2011, 08:32:58 am
Về phía Việt Nam, cũng cái di sản lịch sử đó bắt họ phải chịu những sức ép buộc như thế, muốn coi thường cũng không được. Về mặt văn hoá, sự hấp dẫn đối với một nền văn minh đã ngự trị và thấm sâu vào toàn bộ lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhưng ngược lại về phía Việt Nam một ý chí mạnh mẽ và kiên trì, muốn trút bỏ ảnh hưởng của nền văn minh đó để khẳng định hơn nữa cá tính sâu sắc của Việt Nam. Về mặt chính trị: mối quan tâm tha thiết bảo vệ nền độc lập mỏng manh và khó khăn trong khi thừa biết rằng nền độc lập đó chỉ có thể đảm bảo và duy trì được với sự thoả thuận của Trung Quốc.


Ngoài ra, phải chăng cần nhắc lại rằng chính sự can thiệp của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã chấm dứt tình trạng phiên thuộc kéo dài hằng nghìn năm của Việt Nam đối với Trung Hoa? Chính là thắng lợi của Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp-Trung (1884-1885), đã buộc đế quốc Mãn Thanh đang suy vong phải từ bỏ, bằng hiệp ước Thiên Tân (9-6-1885), quyền bá chủ của mình và thừa nhận nền bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam. Giai đoạn lịch sử này là thiết yếu đối với ai muốn tìm hiểu thái độ của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ. Không những cái “hiệp ước bất bình đẳng” mới mẻ đó làm hại đến uy tín đã bị sứt mẻ của đế chế Trung Hoa mà còn làm mất đi ở sườn phía nam mọi sự phòng thủ chống lại sự bành trướng của Pháp. Năm 1881, Tseng Chi-tse đã nói: “nước An-nam ở sát bên cạnh Trung Hoa: an ninh sứ này có liên quan đến chúng ta. Việc bảo vệ an An-nam chẳng khác gì bảo vệ những tỉnh phía nam Trung Quốc"79 (K.C. Chen trích, sách đã dẫn, tr.3. Về việc Pháp chiếm Đông Dương làm thuộc địa và quan hệ Pháp-Trung, xem các sách sau đây: A.Yeng: Các bài ghi chép về chiến tranh Trung-Pháp, Bắc Kinh, Trung Hoa 1957, 470 trang, chứng tỏ Trung Hoa nhân dân quan tâm nghiên cứu quan hệ Trung-Pháp vào thời kỳ này; Shao Hsun-cheng: Lai lịch các mối quan hệ Trung-Pháp liên quan đến vấn đề Việt Nam, Bắc Kinh, trường đại học Thanh Hoa, 1945, 215 trang, cuốn này dựa chủ yếu vào nguồn tư liệu của Pháp; Wang Wen-yuan: Les relations entre l’ Indochine francaise et la Chine (quan hệ giữa Đông Dương thuộc Pháp và Trung Quốc) Pa-ri, Bossuet (P), 1937, 199 trang; Henri Cordier: Le conflit entre la France et la Chine (Cuộc xung đột giữa Pháp và Trung Quốc)-Etude d’histoire coloniale et le droit international-(nghiên cứu về lịch sử thuộc địa và luật quốc tế), Pa-ri, xe-phơ 1883, 48 trang năm 1962, Đài Loan đã xuất bản một phần lớn các hlst về quan hệ Trung-Pháp liên quan đến vấn đề Việt Nam, in thành sách nhan đề “lưu trữ về các cuộc thương lượng Trung-Pháp về vấn đề Việt Nam" Dài Bắc, 1962, 7 tập, 4696-49-50 trang).


Ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tướng Xa-lăng (Raoul Salan), người đã thương lượng một trong các hiệp định Trùng Khánh (28-2-1946) quy định việc quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa ở Đông Dương, còn ghi nhận: “Trung Quốc còn giữ lại từ thời kỳ đó, một mối ác cảm ít nhiều đối với Pháp và Anh”80 (Raoul Salan: Mémoires (Hồi ký) Paris, Presses de la Ci té, 1970 tập I. (“Sự cáo chung một đế quốc”), tr.266). Đại tá Li Tsi-ou trong ban tham mưu Trung Quốc cũng nhận xét: “Chúng tôi khó chịu khi trao trả Đông Dương cho các ông. Như Mông Cổ và Tây Tang, Đông Dương của các ông vốn thuộc Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, đó là một trong những nước chư hầu của chúng tôi”81 (Như trên, tr.281).


Cuối cùng, công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp nhất là ở Nam Kỳ, và những nhu cầu về nhân công, đã lôi cuốn một số dân Trung Hoa vào Đông Dương tạo nên cho Trung Quốc có thêm một mối liên hệ với Việt Nam. Cuộc điều tra dân số cuối cùng năm 1937, đã đưa đến kết quả sau: Nam Kỳ có 171.000 Hoa kiều, Bắc Kỳ 35.000, và Trung Kỳ 11.000, tổng cộng 217.000 Hoa kiều trên toàn Việt Nam82 (Victor Purcell: The Chinesein Southeast Asia (người Hoa ở Đông Nam Á) Luân-đôn, Oxford University Press 1951, tr.210. Cũng vào thời gian này, có 106.000 Hoa kiều ở Cam-pu-chia và 3.000 ở Lào). Nhưng sau chiến tranh thế giới, số dân Hoa kiều này tăng lên khá nhanh. Đúng là năm 1948, ước tính bao gồm cả Cam-pu-chia và Lào, là 850.000 Hoa kiều. Và đến năm 1953, một nguồn khác đưa ra con số 544.000 Hoa kiều “hợp pháp và được kiểm tra” riêng ở miền Nam Việt Nam83 (Tsai Maw-kuey: Les Chinois au Sud Việt Nam (Người Hoa ở miền Nam Việt Nam), Thư viện quốc gia Pa-ri, 1968, tr.72). Nếu Hoa kiều ở Việt Nam chưa phải chiếm số đông nhất so với các nước khác ở Đông Nam Á thì đó là một cộng đồng chính trị quan trọng không kém ở ngay sát biên giới Trung Hoa và sẽ rất mau chóng trở thành một đối tượng giành giật giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thành lập84 (Vào thời kỳ đế chế, chính phủ Trung Quốc càng quan tâm hơn đến cộng đồng Hoa kiều ở Việt Nam, cộng đồng này thường đón nhận người Trung Quốc phải bỏ đất nước ra đi sau những cuộc đảo lộn chính trị hay thay đổi triều đại).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 19 Tháng Hai, 2011, 07:40:13 pm
Cách mạng Việt Nam và Trung Quốc

Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, nhưng không phải vì vậy mà thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Vào cuối thế kỷ XIX, những tư tưởng cải lương của Lương Khải Siêu hoặc Khang Hữu Vi, đã có ảnh hưởng rộng lớn trong một số sĩ phu Việt Nam. Vả lại cũng chính là qua các bản dịch tiếng Trung Quốc, nhất là của Nghiêm Phúc (1853-1921) mà những sĩ phu này đã tìm đến triết học thế kỷ XVIII của châu Âu, từ đó hình thành những trào lưu tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đầu tiên của Việt Nam85 (Paul Mus: Việt Nam, Sociologie d’une guerre (Việt Nam, xã hội học một cuộc chiến tranh) Pa-ri. Le Seuil, 1952, tr.214-215. “Tinh thần luật pháp” được Nghiêm Phúc dịch năm 1906). Đầu thế kỷ thứ XX Trung Hoa đã gắn bó mật thiết với chủ nghĩa dân tộc hiện đại Việt Nam. Chính là lúc cách mạng thắng thế ở đế chế Trung Hoa mà Phan Bội Châu (1867-1940), chuyển từ chủ nghĩa quân chủ sang luận thuyết cộng hoà, dưới ảnh hưởng của Tôn Dật Tiên và Đồng minh hội, năm 1912, ông tổ chức Việt Nam phục quốc đồng minh hội (đúng ra là Việt Nam Quang phục hội-N.D.) ở Quảng Châu, tập hợp phần lớn những người Việt Nam lưu vong, theo chủ nghĩa dân tộc. Từ đó, nước Trung Hoa nhờ tư tưởng cũng như nhờ nơi ẩn náu và những thuận lợi mà Trung Hoa đem lại, không ngừng là trung tâm của cách mạng Việt Nam.


Phong trào Ngũ Tứ (mồng 4 tháng 5 năm 1919) cũng như việc Tôn Dật Tiên đề ra chủ nghĩa Tam dân cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam. Đảng quốc gia của Việt Nam (Việt Nam Quốc dân đảng) thành lập năm 1927 tại Hà Nội là một tiếng vang trung thành của Quốc dân đảng Trung Hoa: tổ chức giống nhau, chủ nghĩa giống nhau và hi vọng chấm dứt chế độ thống trị của Pháp với sự giúp đỡ của Trung Hoa dân quốc86 (K.C Chen, sách đã dẫn, tr.19). Chính là ở miền Nam Trung Quốc, ở Quảng Tây, ở Vân Nam và nhất là ở Côn Minh mà những nhà lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng tìm được nơi ẩn náu tự nhiên khi họ bắt buộc phải lưu vong để tránh khủng bố của Pháp ở Đông Dương kể từ 1939-1940.


Ngay từ đầu những năm 1920, chính người cộng sản Trung Quốc và người cộng sản Việt Nam, cũng đã có những mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Năm 1922 chính Hồ Chí Minh đã gặp Chu Ân Lai ở Pa-ri87 (Văn Hối báo, Hồng Công, 2-11-1956, KC, Chen trích trong sách đã dẫn, tr.21). Nơi đây cả hai người dốc sức tổ chức những người châu Á trong những nhóm cực tả ở thủ đô. Ba năm sau, sau một thời gian ở Mát-xcơ-va, Hồ Chí Minh được Quốc tế cộng sản phái về Quảng Châu. Ở đây, ông thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (hoặc gọi tắt là Thanh niên), đồng thời mở lớp huấn luyện chính trị, theo học có Phạm Văn Đồng, sau này là Phó thủ tướng của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, người dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Minh tại Giơ-ne-vơ88 (Hsiao Yang: Giải phóng Việt Nam, Thượng Hải 1951, tr.65, Wu Chih-ying (nxb): Chuyện Hồ Chí Minh, Thượng Hải, 1951, tr.13. Từ 1928, Trường Chinh đã gia nhập Thanh niên. Béc-na Phôn: Trường Chinh, Primer for Revolt (Trường Chinh, người đi đầu trong cách mạng), Niu Oóc, 1963, tr.11). Được Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp đỡ, nhóm này có quan hệ một thời gian với trường Đại học quốc gia về phong trào nông dân, bấy giờ do Mao Trạch Đông làm hiệu trưởng trong khuôn khổ Quốc-Cộng hợp tác. Ngoài ra, nhiều hội viên “Thanh niên: thi nhau gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (đôi khi họ mang tên Trung Quốc) như Hồ Tùng Mậu sau này được Hồ Chí Minh giao cho lãnh đạo Hội Thanh niên, sau cuộc khủng hoảng 192789 (K.C. Chen, sách đã dẫn, tr.23 và 25).


Như vậy có nghĩa là, ngay từ đầu, phong trào cộng sản Việt Nam đã gắn bó chặt chẽ với phong trào cộng sản Trung Quốc, ở đó những người cộng sản Việt Nam đã tìm thấy sự giúp đỡ to lớn và cả sự phác hoạ về tư tưởng chính trị, đáp ứng một phần sự quan tâm đến dân tộc của chính họ. Vì vậy, Đảng Cộng sản Đông Dương do Hồ Chí Minh thống nhất ngày 3 tháng 2 năm 1930 ở Hồng Công, đã gần gũi lâu dài với Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngay cả trong những lúc gian nan nhất, sau thất bại của cuộc nổi dậy ở Nghệ An (mùa xuân 1930), cuộc nổi dậy chịu ảnh hưởng một phần của phong trào các Xô-viết Trung Hoa nổ ra năm 1927.


Những năm Hồ Chí Minh hoạt động ở Trung Quốc, từ 1938 đến 194590 (Như trên, tr.33-98. Cũng xem Chiang Yung-chinh: Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, Đài Bắc, 1972, 292 trang), làm cho mối liên hệ đó bền chặt thêm. Ở đó, ông đã tiếp xúc thường xuyên với Chu Ân Lai, sau đó, nhất là với tướng Diệp Kiếm Anh (lúc này Hồ Chí Minh có quan hệ với Bát lộ quân ở Quế Dương, Quế Châu và Hàm Dương, Hồ Nam). Những biện pháp khủng bố gắt gao của nhà đương cục Pháp đối với những người cách mạng Việt Nam cuối 1939-đầu 1940 đã làm số đông những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương cùng với những người theo chủ nghĩa quốc gia, nhất là những đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng chạy sang Vân Nam. Rất nhiều người làm ăn sinh sống ở dọc đoạn đường sắt Côn Minh-Hải Phòng trên đất Trung Quốc, và với sự giúp đỡ của Đảng bộ cộng sản Trung Quốc ở Vân Nam, đã lập lại cơ sở hạ tầng của Đảng được che giấu dưới tên “Hội ủng hộ Trung Quốc chống Nhật”.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 19 Tháng Hai, 2011, 07:42:11 pm
Từ tháng 5 năm 1940, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp từ trong nước ra, đến liên lạc với nhóm này ở Côn Minh. Mối quan hệ giữa hai đảng còn được khẳng định rõ nét hơn nữa khi hai đảng ký kết một bản thoả thuận về hợp tác, tháng 8 năm 1940: Trong lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc hướng dẫn cho Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động, nhất là nhận đào tạo cán bộ Việt Nam tại trường Đại học chống Nhật ở Diên An, thì Đảng Cộng sản Đông Dương, về phần mình, cam kết hoạt động trong khuôn khổ Mặt trận thống nhất kháng Nhật đồng thời đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp91 (Các vấn đề chủ nghĩa cộng sản Việt Nam và vấn đề Việt Nam hôm qua và ngày nay, Studies on Special Subjects, Đài Bắc, 1955, số 21, tr.12-13 (ban thứ 6 Quốc dân đảng) K.C. Chen trích, sách đã dẫn, tr.41, chú thích 21).


Về điểm sau, những người Việt Nam cũng như người Trung Quốc, cộng sản hay theo chủ nghĩa quốc gia đều có lập trường gần với nhau nhất. Vì vậy, rất nhiều người coi những sự nhượng bộ của nhà đương cục Pháp trước tối hậu thư của Nhật năm 1940 như là “sự hợp tác” thật sự chống lại Trung Quốc. Tháng 5 năm 1941, tại cuộc hội nghị ở Tĩnh Tây (Quảng Tây) đã thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội (hoặc Việt Minh) với chương trình vừa đơn giản vừa rõ ràng: Đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít Pháp và Nhật, Việt Nam độc lập, và xây dựng chế độ cộng hoà dân chủ. Nhưng nhà đương cục Trung Hoa hiểu rất rõ là Mặt trận mới này, không thể chối cãi được, là do cán bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương bí mật chi phối. Tình hình quan hệ của những người này với Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy họ có thái độ hết sức dè dặt đối với Việt Minh, khiến cho Việt Minh không tránh khỏi khó khăn trong hoạt động và người ta không thể đảm bảo là đường lối chính trị của Việt Minh trùng hợp lâu dài với lợi ích của bản thân Trung Hoa quốc gia. Vì vậy từ 1943, người Trung Quốc và nhất là tướng Trương Pháp Khuê, người chỉ huy mặt trận gần biên giới Việt Nam, đã xúi giục những người Việt Nam theo chủ nghĩa quốc gia thuộc đủ mọi khuynh hướng tập hợp lại để đấu tranh tốt hơn chống Nhật, Pháp. Đó là nguồn gốc của Việt Nam cách mệnh đồng minh hội (Đồng minh hội). Thực ra đáng lẽ đó phải là công cụ trong tay người Trung Quốc thì lại phục vụ một cách tuyệt diệu cho tham vọng của Việt Minh do họ đã nhận tham gia Đồng minh hội, và chỉ có họ mới có cơ cấu tổ chức có khả năng sử dụng Đồng minh hội có lợi cho họ92 (Sau 18 tháng, bị tù, Hồ Chí Minh (lấy biệt hiệu này vào lúc đó) mới nhận tham gia tổ chức này. Lịch sử quan hệ giữa những người cộng sản Việt Nam và những người theo) chủ nghĩa quốc gia Trung Hoa và Việt Nam trong thời kỳ này còn rất mập mờ và chưa biết mấy. So sánh sách đã dẫn của K.C. Chen, tr.33-98 và cuốn Histoire du Việt Nam de 1949 và 1952 (lịch sử Việt Nam từ 1949-1952) của Phi-lip Đơ-vin-lơ, Pa-ri Le Seuil, tr.96-113 thấy rất khác nhau ở nhiều điểm, ở trang 109, Ph. Đơ-vin-le nói đến việc thành lập tại Trung Quốc một chính phủ cộng hoà lâm thời Việt Nam vào tháng 3-1944 mà có lẽ có sự tham gia của Hồ Chí Minh (điều này được B. Phôn thừa nhận trong cuốn sách A.D. Barnett: Communist Strategies in Asia (Chiến lược cộng sản ở châu Á) New York, Praeger, 1963 tr.202-209), nhưng theo K.C. Chen thì chính phủ lâm thời đó không có bao giờ. Về toàn bộ những năm 1940, và đặc biệt về nguồn gốc của Việt Minh, ngoài hai công trình nói trên, xem thêm B. Phôn, Việt Minh, Pa-ri, A. Colin, 1960, 377 trang và cùng tác giả, Les deux Việt Nam (Hai Việt Nam), Paris, Payot, 1967, 478 trang).


Từ 1943 đến 1954, thế lực của Việt Minh không ngừng được củng cố đặt biệt ở phía bắc Bắc kỳ. Các khu du kích trong rừng dần dần được xây dựng, ngày càng được vũ trang tốt hơn và ngày càng mở rộng, nhất là dưới sự thúc đẩy của Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Đồng thời Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì những quan hệ tốt nhất với nhà đương cục Trung Hoa, đặc biệt với tướng Trương Pháp Khuê, thông qua Đồng minh hội. Ông ta đi tới đặt những mối quan hệ khá bổ ích với cả O.S.S (cơ quan tình báo chiến lược của Mỹ).


Cuộc đảo chính Nhật ngày 9 tháng 3 năm 1945 còn thắt chặt hơn nữa những mối liên hệ đó với Trung Quốc. Thực vậy, Chính phủ Trùng Khánh, ủng hộ nền độc lập của Đông Dương, sẵn sàng khi thời cơ đến, phái quân vào Đông Dương đánh Nhật; ngoài ra, cuộc hành quân này nhằm mục đích chuẩn bị về mặt chính trị cho nền độc lập đó làm cho nó phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Vì vậy người Trung Quốc đã nhận tăng cường giúp đỡ sẵn sàng chiến đấu chống Nhật, Pháp. Việt Minh đã quyết định đúng, lợi dụng sự giúp đỡ đó, thậm chí còn nắm độc quyền về sự giúp đỡ của Trung Quốc.


Thực vậy, từ tháng 7 năm 1945, gần đến ngày Nhật thua trận, một việc không còn hoài nghi mấy nữa, Việt Minh, có ảnh hưởng mạnh mẽ ở sáu tỉnh phía bắc93 (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ và Thái Nguyên), bắt đầu chơi ván bài của họ. Khi tướng Trương Phát Khuê muốn đưa những phần tử Đồng minh hội đầu tiên vào Việt Nam, thì những người cộng sản đã phản đối không cho họ đi vào vùng kiểm soát của họ.


Nhưng, những sự kiện dồn dập xảy đến. Việc nội các thân Nhật Trần Trọng Kim từ chức ngày 7 tháng 8, việc đầu hàng ngày 14, và vua Bảo Đại thoái vị ngày 24 đã đột ngột để trống chính quyền. Chỉ có Việt Minh biết lợi dụng tình thế. Ngày 2 tháng 9, trước khi người Trung Quốc có thể mưu toán bất kỳ việc gì, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Một Chính phủ lâm thời, do Hồ Chí Minh lãnh đạo, ra đời, và chính Hồ Chí Minh giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Bộ Nội vụ do Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm, và Phạm Văn Đồng nắm Bộ Tài chính. Trong mười ba Bộ trưởng, sáu người là của Việt Minh. Không có sự giúp đỡ nào từ bên ngoài, nhưng với một sự khôn khéo và mau lẹ xuất sắc, Việt Minh đã chiếm được chính quyền. Chỉ trừ có Hoa Kỳ là tiếp nhận thuận lợi sự biến đổi, còn Đồng minh, kể cả Chính phủ Trùng Khánh thì bị đặt trước một việc đã rồi.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 19 Tháng Hai, 2011, 07:44:11 pm
Tuy vậy, chế độ mới hãy còn cực kỳ yếu ớt. Chẳng bao lâu, chế độ đó đã phải tính đến khả năng Pháp sẽ quay trở lại. Vậy cần thiết phải thoả thuận, nhất là với Trung Quốc-nước chiếm đóng miền Bắc Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở ra để tước vũ khí quân đội Nhật94 (Xem K.C. Chen, The Chinese Occupation of Việt Nam (sự chiếm đóng của Trung Quốc tại Việt Nam) bài đăng trong tạp chí France-Asie, số 196, 1969, tr.3-28). Mặc dù ngày 24 tháng 8, Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch đã nhắc lại rằng “Trung Quốc không hề có tham vọng lãnh thổ ở Việt Nam"95 (Trùng dương nhật báo (Chung-yang Jih-pao), 25-8-1945-Niu Oóc thời báo, 25-8-1945), mối nguy cơ lớn là ở chỗ quân đội Trung Hoa áp đặt ở Hà Nội một chính phủ của Việt Nam Quốc dân đảng-Đồng minh hội là những tổ chức trung thành với họ. Hiểm nguy càng lớn khi việc chiếm đóng, bắt đầu cuối tháng 8 do tướng Lư Hán chỉ huy, mà viên tướng này, có trong tay 15 vạn quân, lại không tán thành chính sách (đối với) Việt Nam của chính phủ Trùng Khánh. Trong khi chính phủ này, vì những lý do quốc tế, lại mong muốn từ nay giữ thái độ trung lập giữa Pháp và Việt Nam dưới một số điều kiện nào đó, tướng Lư Hán trái lại, chủ trương chiếm đóng lâu dài để cho phép ông ta tăng cường được thế lực cá nhân ở Vân Nam trong khi chuẩn bị cho Việt Nam độc lập, dưới sự lệ thuộc vào Trung Quốc và chống lại nước Pháp96 (K.C. Chen sách đã dẫn, tr.118-120. Nguồn chủ yếu của Trung Quốc về thời kỳ này là Chu Hsieh; Nhật ký về sự đầu hàng của Nhật ở Việt Nam, Thượng Hải, 1947. Chu Hsieh là thành viên của tiểu ban hành chính của Trung Quốc thành lập trong thời kỳ Quốc dân đảng chiếm đóng Đông Dương. Cũng xem bằng chứng của tướng Xa-lăng, sách đã dẫn, tr.226 và 339).


Trong khi tìm cách cô lập Việt Nam Quốc dân đảng và Đồng minh hội, Việt Minh cố gắng xúc tiến những quan hệ đúng đắn với kẻ chiếm đóng để trung lập hoá chúng. Ngày 18 tháng 11, Hồ Chí Minh bảo đảm với nhà đương cục Trung Hoa là sẽ “tuân lệnh” họ. Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn tuyên bố sẵn sàng để các đảng phái chính trị khác (thân Trung Quốc) tham gia Chính phủ lâm thời97 (Báo cáo của Trương Pháp Khuê, ngày 17-9-1946, trong Chiang Yung-ching, sách đã dẫn, K.C. Chen, trích trong sách đã dẫn, tr.123). Sự “hợp tác” đã đi khá xa vì người Trung Quốc nhận bán vũ khí cho Việt Minh đổi lấy một phần số vàng quyên góp được trong “tuần lễ Vàng” tổ chức hồi tháng 9 năm 194598 (Thư của Nghiêm Kế Tổ gửi cho K.C. Chen (31-3-1969) xem sách đã dẫn của K.C. Chen, tr.127. Xem thêm Hồ Chí Minh: De la Revolution (Nói về cách mạng) 1920-1966 Tập hợp các bài viết của Hồ Chí Minh, B. Phôn Pa-ri, Plon, 1968, 495 trang. Chú thích của B. Phôn; tr.194).


Khi những vấn đề chính tồn tại giữa Pháp và Trung Quốc đã được giải quyết bằng hiệp định 28 tháng 2 năm 194699 (Những vấn đề thuộc về đặc quyền nước ngoài của Pháp ở Trung Quốc, quy chế của Hoa kiều ở Đông Dương, quy chế cảng Hải Phòng và đường sắt Vân Nam cũng như việc quân đội Trung Hoa rút khỏi Đông Dương: Bài trong Notes et Etudes documentaires, La Documentation franCaise Pa-ri, số 555, 24-2-1947), và một thoả hiệp tạm thời đã ký được với Việt Minh ngày 6 tháng 3100 (Nước Pháp thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính riêng nhưng ở trong “Liên bang Đông Dương" và khối “Liên hiệp Pháp”; 15.000 lính Pháp sẽ được đóng quân ở phía Bắc vĩ tuyến 16; quân đội Việt Nam sẽ thay thế quân Pháp trong 5 năm (Hiệp ước, hiệp định, thoả ước ký giữa Việt Nam và Pháp 1787-1946. Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam, Hà Nội, 1948). Nói thêm rằng thoả thuận này chặn đứng khả năng liên minh Việt-Trung chống lại nước Pháp), quân đội Pháp bắt đầu đổ bộ lên Hải Phòng cùng ngày hôm đó (sau một cuộc đọ súng kịch liệt với quân đội Trung Hoa). Ngày 18 tháng 3, quân đội Pháp vào Hà Nội.


Nhng, đồng thời với việc nhận cho Pháp quay trở lại miền Bắc. Hồ Chí Minh gửi đi Trùng Khánh một phái đoàn để xin Trung Quốc viện trợ chống Pháp101 (Báo cáo của Hsing Shen-chou ngày 6 tháng 14-4-1946 trong sách đã dẫn của Chiang Yung-ching, K.C. Chen trích lại trong sách đã dẫn, tr.148-149. Có lẽ Hồ Chí Minh đã mong muốn quân đội Trung Hoa chỉ rút đi sau khi có hiệp định chính thức với Pháp). Tình hình yết ớt nhiều mặt của đất nước lúc này buộc Việt Minh phải có một chính sách giữ cân bằng khôn khéo và thận trọng giữa Trung Quốc và Pháp102 (Vì vậy mà trong mùa hè 1946, Hồ Chí Minh, nhờ sự giúp đỡ của Pháp đã có thể loại trừ một số phần tử thân Trung Quốc trong Chính phủ (M. Guốc-tốp, sách đã dẫn, tr.3)). Tuy nhiên, đến tháng 6 khi những đơn vị cuối cùng của quân đội Trung Hoa đã rút đi mà không có một thoả thuận dứt khoát nào được ký kết với Pa-ri. Tuy nhiên, đến tháng 6 khi những đơn vị cuối cùng của quân đội Trung Hoa đã rút đi mà không có một thoả thuận dứt khoát nào được ký kết với Pa-ri. Tuy nhiên, với sự ra đi của quân đội Trung Quốc, những hi vọng chính trị cuối cùng của Việt Nam Quốc dân đảng và Đồng minh hội đã phai mờ và những đối thủ quan trọng và cuối cùng ở trong nước của Việt Minh cũng biến mất. Hồ Chí Minh và những đồng chí của ông ta từ nay có thể và phải chiến đấu đơn độc chống lại nước Pháp. Việc bắn phá Hải Phòng ngày 23 tháng 11 năm 1946 rồi việc nổi dậy ở Hà Nội ngày 19 tháng 12, đánh dấu cuộc chiến tranh bắt đầu và sẽ phải kéo dài 7 năm rưỡi.


Việc chiếm chính quyền nhanh chóng của Việt Minh, chắc chắn chẳng phải là kết quả của chính sách của Trung Quốc. Trên một mức độ rất lớn, việc đó đã diễn ra ngược lại với ý muốn của Chính phủ Trùng Khánh, và chống lại cả hai tổ chức chính trị Việt Nam được chính phủ này bênh vực: Việt Nam Quốc dân đảng và Đồng minh hội. Làm sao có thể khác dược trong khi Quốc dân đảng Trung Hoa núp dưới Mặt trận thống nhất chống Nhật cùng với Đảng Cộng sản Trung Quốc, thực ra, lao vào cuộc chiến đấu sinh tử với những người cộng sản?


Nhưng nếu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mầm mống của Nhà nước xã hội chủ nghĩa được xây dựng nên chủ yếu do những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trở lại hoạt động bí mật đã được thành lập ngược lại ý muốn của Trung Hoa dân quốc thì: cuộc cách mạng Việt Nam trong cái cốt lõi dân tộc chủ nghĩa của nó, có một phần không kém quan trọng là kết quả của chính sách của Trung Quốc. Chính nhờ có Trung Quốc ủng hộ, đôi khi tiêu cực nhưng thường là tích cực, mà Việt Minh có thể trưởng thành nhanh chóng như vậy (tuyệt đối nhanh hơn cả Đảng Cộng sản Trung Quốc). Cho đến cuối chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Minh như nhiều phong trào dân tộc khác của Việt Nam đã phát triển trong sự phụ thuộc vào Trung Quốc.


Một nền độc lập do Trung Quốc đồng thời chống lại Trung Quốc: đó là một quá trình lịch sử quan hệ Trung-Việt còn đưa ra khá nhiều ví dụ khác nữa.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 27 Tháng Hai, 2011, 07:16:10 am
Viện trợ của cộng sản Trung Quốc cho Việt Minh trước năm 1949

Nhìn bề ngoài, chính là bắt đầu từ năm 1946, những người cộng sản Trung Quốc mới quan tâm sát sao đến vấn đề Việt Nam. Tháng 8 năm đó khoảng 350 cán bộ đã được phái sang Việt Nam để tiến hành hoạt động tuyên truyền trong đông đảo cộng đồng Hoa kiều103 (Báo cáo của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Hà Nội 12-11-1945, trong Chiang Yung-ching, sách đã dẫn, K.C. Chen, trích trong sách đã dẫn, tr.187). Từ năm 1947, ở vùng biên giới Trung-Việt, thành lập “quân đội dân chủ thống nhất Hoa Nam” đông tới 5.000 người đã giúp Việt Minh đào tạo cán bộ. Vả lại cũng kể từ ngày đó, quan hệ giữa Việt Minh và Đảng Cộng sản Trung Quốc được tăng cường nhất là nhân dịp Lưu Thừa Chí, phụ trách Cục Hoa Nam của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tướng Phương Dương cùng làm việc với Chí cùng đến thăm các vùng do cộng sản kiểm soát ở vùng này vào khoảng tháng 6 đến tháng 7 năm 1947. Từ Băng Cốc những người cộng sản Trung Quốc giúp đỡ Việt Minh mua vài chuyến vũ khí Mỹ của người Thái Lan và người Anh bán. Như vậy đến tháng 9 năm 1947, Việt Minh, qua những người cộng sản Trung Quốc làm trung gian, đã có được một số lượng lớn trang bị (trị giá 12 triệu đồng) được gửi tới Bắc kỳ bằng đường biển104 (K.C. Chen, sách đã dẫn, tr.188-189. Một nguồn tin Trung Hoa quốc gia cho biết việc mua bán vũ khí ở Băng Cốc như sau: 6.000 súng trường, 400 tiểu liên, 5 súng phòng không, 200 mìn và 1000 lựu đạn. Đến năm 1950, Văn phòng đại diện (của Việt Minh) ở Băng Cốc mới đóng cửa, rồi chuyển về Răng-gun (B. Phôn, sách đã dẫn, tr.90-91). Tướng P. Boi-ơ đơ La-tua, trong cuốn De l’Indochine à l’ Algérie: le martye de l’armée francaise (Từ Đông Dương đến An-giê-ri: Nỗi thống khổ của quân đội Pháp) Pa-ri, les Presses du mail, 1962, tr.46, khẳng định sự việc này và nói thêm rằng đó là nguồn tiếp tế chủ yếu của Việt Minh).


Ngoài ra, Việt Minh, từ lúc này nhận được sự giúp đỡ mạnh mẽ của phía Trung Quốc từ bên kia biên giới mặc dù Quảng Tây và Vân Nam vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Trung Hoa quốc gia. Ví như viên Tổng đốc Vân Nam là Lư Hán đã để cho một đơn vị “Quân giải phóng nhân dân" của cộng sản được hoạt động và cộng tác với Việt Minh105 (Tuy nhiên, tướng P. Boi-ơđơ La-tua, trong sách đã dẫn, tr.48, ghi nhận rằng năm 1947, “gần như không có sự giúp đỡ gì từ phía Trung Quốc"). Trong một chừng mực nào đó, Trung Quốc đã trở thành “đất thánh” cho các lực lượng của tướng Giáp. Cuối năm 1948, tình hình đó được củng cố thêm khi hai đơn vị mới của cộng sản xuất hiện ở biên giới Trung-Việt: Quân giải phóng nhân dân của Trần Canh và Quân giải phóng Vân Nam-Quảng Tây106 (K.C Chen, sách đã dẫn, tr.193-195).


Về phía Pháp, ban tham mưu biết rõ những sự phát triển đó và khá lâu trước khi quân Trung cộng tiến sát biên giới Việt Nam, nhà đương cục Pháp đã lo ngại về tác động của các sự kiện ở Trung Quốc đến tình hình Đông Dương. Tháng 5 năm 1947, khi các cuộc phản công lớn của Trung cộng chưa bắt đầu, Ma-ri-uýt Mu-lê (Marius Moulet), Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại đã thổ lộ với tướng Xa-lăng (Salan) khi viên tướng này lên đường trở lại Đông Dương để nắm quyền chỉ huy miền Bắc Đông Dương: “Trung hoa đỏ đang nổi lên và bắt đầu tiến xuống phía nam rồi đó. Tôi yêu cầu ông làm mọi việc để không cho Việt Minh có thể tiếp xúc được với các đơn vị của Mao”107 (K.C. Chen, sách đã dẫn, tr.193-195).


Đặt chân tới Hà Nội, tướng Xa-lăng lập tức quan tâm ngay đến vấn đề đó. Chiến dịch đầu tiên tổ chức ở Bắc kỳ từ tháng 10 năm 1947 nhằm, ngoài những mục tiêu khác, “khoá chặt” biên giới Trung Hoa. Chính tướng Bô-phrê (Beauré) được giao phụ trách một phần của cuộc hành quân này108 (Như trên, tr.100 và tiếp theo). Nhưng việc bố trí một vài đơn vị dọc biên giới Trung Hoa và từ sông Hồng (Lao Cai) đến vịnh Bắc bộ chỉ đạt được một thời gian im ắng rất ngắn ngủi. Trước hết bởi lẽ, một phần vũ khí đưa vào Bắc kỳ bằng đường biển và cung cấp cho nhiều du kích trong rừng rất khó kiểm soát, đặc biệt ở phía nam Hải Phòng109 (Như trên, tr.126). Nhưng phần lớn bởi vì ở Trung Quốc, thế chủ động dần dần chuyển sang tay những người cộng sản quốc từ đầu 194. Vào mùa xuân, cộng sản vượt sông Hoàng Hà ở vùng Lạc Dương và Khai Phong110 (J. Guillermaz, sách đã dẫn, tr.39 và tiếp theo).


Để tìm cách đối phó với tình hình, tướng Xa-lăng, từ tháng 2 năm 1948 nắm quyền chỉ huy toàn Đông Dương, đã ra lệnh tổ chức lại ban chỉ huy vùng biên giới do đại tá Vi-ke (Vicaire) từ nay kiêm nhiệm các chức trách dân sự lẫn quân sự, và yêu cầu Cao uỷ Bô-la-éc (Bollaert) triệu tập đại tá Ghi-éc-ma (Guillermaz), tuỳ viên quân sự Pháp tại Nam Kinh về đánh giá tình hình diễn biến tại Trung Quốc. Viên đại tá này đã theo dõi các vấn đề Trung Quốc từ nhiều năm, đến Sài Gòn tháng 3 và phân tích cho tướng Xa-lăng tình hình quân sự ở Trung Quốc. Theo ông ta, quân cộng sản có thể sẽ đến sông Dương Tử vào khoảng tháng 3, tháng 4 năm 1949 và sẽ tiến tới sát biên giới Việt Nam vào cuối năm111 (R.Salan, sách đã dẫn, tr.143).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 27 Tháng Hai, 2011, 07:17:26 am
Vào đầu năm 1949, các giới Pháp ở Trung Quốc ngày càng tỏ ra bi quan về khả năng của Chính phủ Trung Hoa dân quốc có thể khôi phục được tình hình. Đại sứ Pháp Mây-ri-ê (Meyrier) ngày 22 tháng 2 năm 1949 đánh điện về Pháp, tỏ ra không còn nghi ngờ gì về tương lai:

“Không thể phủ nhận rằng các cuộc hành quân mùa đông này ở miền Bắc Trung Quốc là tai hại đối với quân đội chính phủ mà lực lượng đã bị tổn thất nặng. Bây giờ sự đe doạ nghiêm trọng nhất đối với Chính phủ Nam Kinh là ở sông Dương Tử. Ngài Tống Tử Văn112 (Em vợ Tưởng Giới Thạch, cựu Chủ tịch Viện hành pháp, tổng đốc Quảng Đông) đã không giấu tôi việc phải tính đến cuộc rút lui của Chính phủ trước sự uy hiếp của cộng sản (…). Phải thừa nhận quân cộng sản có tinh thần chiến đấu phi thường trước một đối thủ hoàn toàn thất vọng và suy sụp (…)”113 (Ra-un Xa-lăng, sách đã dẫn, tr.139-140).


Đối với Đông Dương, nguy cơ càng nghiêm trọng hơn với việc du kích Việt Minh vùng thượng du Bắc kỳ đã liên lạc được với phong trào khởi nghĩa đang phát triển ở Quảng Tây và Quảng Đông114 (Như trên, tr.11-142).


Những lời dự đoán đó đã tỏ ra đặc biệt chính xác. Quả vậy, quân cộng sản bắt đầu vượt sông Dương Tử ngày 20 tháng 4 năm 1949. Trong vài ngày, cuộc hành quân đã hoàn thành mà không gặp sự kháng cự nghiêm chỉnh nào của phe quốc gia. Đối với bộ chỉ huy quân sự Pháp, hiểm hoạ Trung Hoa lớn lên từ những tháng qua, nay đã trở thành hiện thực. Vậy cần phải tập trung các phương tiện đối phó với nguy cơ đó. Nếu quân giải phóng Trung Quốc nối liền được với du kích Việt Minh và thường xuyên tiếp xúc với họ thì người ta nghĩ rằng việc bình định Bắc kỳ thực tế là không thể được.
Tuy nhiên, tất cả những người có trách nhiệm tại chỗ đều không tiếp nhận sự giải thích tình hình như vậy. Lê-ông Pi-nhông (Léon Pignon) thay Bô-la-éc giữ chức Cao uỷ, đánh giá rằng cần đặt ưu tiên vào mục tiêu bình định ở miền Nam và miền Trung115 (Như trên, sách đã dẫn, tr.159-160). Trước sự khác nhau giữa các đương cục quân sự và dân sự, tháng 5 năm 1949, chính phủ quyết định cử tướng Rơ-ve (Revers). Tham mưu trưởng lục quân, tiến hành điều tra tại chỗ. Sau một tháng thanh tra, tướng Rơ-ve đi đến kết luận rằng cần “phải đối phó với một sự đe doạ có thể xảy ra từ phía Trung Quốc bằng cách thực hiện một hệ thống liên hoàn cho phép bảo đảm việc phòng thủ biên giới từ Móng Cai đến Thất Khê”. Nhưng đồng thời, để tập trung lực lượng quân sự ở đồng bằng, Rơ-ve quyết định “rút khỏi Bắc Cạn và Nguyên Bình và để một lực lượng mỏng ở Cao Bằng, với dự kiến là nếu bị uy hiếp nghiêm trọng116 (Như trên, tr.162. Việc tiết lộ báo cáo của Rơ-vê (6 tháng đầu năm 1950) chứng tỏ cho Việt Minh thấy rõ những mối lo sơ bộ của bộ tham mưu Pháp trước sự đe doạ của Trung Quốc. Một số chỉ huy quân sự không hoan nghênh kế hoạch Rơ-vê. Sau này, tướng Na-va viết: “Bằng cách mở toang cửa với Trung Quốc, địch có thể nối liền hệ thống đường sá của mình với hệ thống đường bộ của Trung Quốc; kế hoạch đã tạo cho địch mọi thuận lợi tiếp nhận sự viện trợ vật chất tăng lên không ngừng và thành lập, bên cạnh lực lượng du kích, một quân đội chính quy, bắt đầu lúc này sẽ được tăng cường thường xuyên (Henri Navarre, Agonie de l’ Indochine 1953-1954 (Đông Dương hấp hối 1953-1954 Pa-ri, Pilon, 1956, tr.19)) thì trung tâm Cao Bằng sẽ rút nốt”.


Thực tế, ngày tháng trôi qua, những lời cảnh cáo của đại tá Ghi-éc-ma càng tỏ ra có cơ sở “Đúng là cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1949, quân Trung cộng tiến đến biên giới Việt Nam. Một đơn vị quân quốc gia 30.000 người do tướng Huang Chinh chỉ huy đã phải vượt biên để thoát khỏi quân cộng sản. Đơn vị này đã bị quân Pháp tước vũ khí và được đưa về đảo Phú Quốc, phía tây nam bờ biển Nam kỳ117 (Guillermaz: Historie du Parti Communiste Chinois (lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc) sách đã dẫn, tr.412. Về điểm này, xem thêm K.C.Chen, sách đã dẫn, tr.201-211. Tháng 5-6-1953 các đơn vị Trung Hoa quốc gia này được đưa về Đài Loan).
Tướng Xa-lăng kết luận (trong Hồi ký của mình):

“Trong những tháng tiếp theo và cho đến gần tới mùa hè năm 1950 (…) bi kịch đã không xảy ra, Việt Minh “giả tảng chết”, nhưng với huấn luyện viên Trung Quốc, chuyên gia về chiến tranh cách mạng, Việt Minh rèn công cụ chiến tranh của mình. Đó là khởi đầu việc thành lập các đơn vị lớn”118 (Ra-un Xa-lăng, sách đã dẫn, tr.161).


Gần ba năm đã trôi qua từ lúc Ma-ri-uýt Mu-tê yêu cầu, tướng Xa-lăng “là hết thảy mọi việc để cho Việt Minh không liên lạc được với các đơn vị của Mao”. Ngày nay Trung cộng đã ở cửa ngõ Bắc kỳ. Có nghĩa là từ nay cuộc xung đột ở Đông Dương đã thay đổi tầm cỡ về quân sự cũng như về chính trị. Một mặt nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã có thể viện trợ ồ ạt cho Việt Minh, bằng cách cung cấp vũ khí, giúp đỡ về hậu cần trên lãnh thổ Trung Quốc và phái cg quân sự tới. Mặt khác, bộ chỉ huy Pháp không còn chỉ đối phó với cuộc nổi dậy có tính dân tộc mà là một sự nghiệp, không phải là không có vài lý do, sẽ có thể được xem như một trong những biểu hiện của cuộc chạm trán Đông-Tây trong khung cảnh chiến tranh lạnh.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 27 Tháng Hai, 2011, 07:21:20 am
CHƯƠNG II
TRUNG HOA NHÂN DÂN ĐỨNG TRƯỚC CÁC
CƯỜNG QUỐC PHƯƠNG TÂY TRONG SỰ PHÁT TRIỂN
CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG ĐÔNG DƯƠNG


SỰ ỦNG HỘ CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA DÀNH CHO VIỆT MINH: GIÚP ĐỠ TÍCH CỰC NHƯNG KHÔNG TRỰC TIẾP CAN THIỆP


Những quan hệ chính trị giữa Trung Hoa nhân dân và Việt Minh

Khi Trung Quốc tuyên bố thành lập nền Cộng hoà nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tồn tại được bốn năm rưỡi. Bốn năm đấu tranh gian khổ, qua những bước đường quanh co, thương lượng, khủng bố, chiến tranh du kích, có thắng lợi và có thất bại, nhưng đã chứng minh cho các nhà quan sát khách quan1 (Đại sứ Sô-ven hai mươi năm sau viết rằng lúc đó ở Pháp chưa có những nhà quan sát khách quan) rằng cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam có những nguồn gốc sâu xa và vững chắc2 (Thư mục về Việt Nam trước năm 1954 khá phong phú. Trong số các sách Pháp có Philippe Devillers: Historie du Viet-nam de 1940 là 1952 (Lịch sử Việt Nam, từ 1940 đến 1952), sách đã dẫn-Paul Mus, Việt Nam, Sociologie d’une guerre, (Việt Nam xã hội học của một cuộc chiến tranh), sách đã dẫn-Bernard Fall, Le Việt Minh, sách đã dẫn. Xem mục lục sách tham khảo ở cuối sách). Chúng ta hãy đọc lại Pôn Muýt (Paul Mus). Ông đã nhấn mạnh điều đó ngay từ những trang đầu trong cuốn sách xuất bản năm 1952. Đối với xã thôn Việt Nam là tế bào chủ yếu của đời sống xã hội và chính trị, “thiên minh” (+) (+: Dẫn trong nguyên bản, tác giả viết là “thiên minh”, chúng tôi ngờ là phiên âm sai, đúng ra phải là “thiên mệnh” mới đúng cách dịch của tác giả là madát céleste có nghĩa là”sứ mệnh trời cao”), “mệnh trời”-điều này tôi không biết thế nào vì không có tên gọi trong ngôn ngữ của chúng ta, nhưng nó nói về chế độ chính trị đến lúc thích hợp sẽ lập lại sự hài hoà giữa trời và con người-đã đi đến Cộng hoà dân chủ. Vị Hoàng đế cuối cùng đã chẳng trao lại cho nó cái ấn, sau khi thoái vị đó sao?


Cuộc cách mạng mà hiện thân là chế độ Cộng hoà dân chủ, cơ bản là cách mạng dân tộc. Chắc chắn đó là sự nghiệp của những người mác-xít nhưng là những người mác-xít yêu nước nồng nàn, có thể là những người yêu nước nhiều hơn là mác-xít, những người coi “độc lập” là mục đích tối cao. Đối với họ, cuộc cách mạng chỉ có ý nghĩa bởi vì nó tạo điều kiện tất yếu của độc lập. Vì vậy họ cố gắng giữ cho phong trào có được tính chất dân tộc cao cả. Các nhà lãnh đạo Việt Minh luôn luôn nhấn đến sự cần thiết cấp bách đối với cách mạng Việt Nam là “tự lực cánh sinh” (như kiểu chủ nghĩa cộng sản Trung Hoa). Sự đòi hỏi càng bức thiết hơn đối với một nước như Việt Nam mà nguy cơ lớn là thất Trung Quốc lợi dụng thế mạnh của họ để hướng cách mạng Việt Nam phục vụ lợi ích dân tộc của chính họ.


Nhưng, mặc dù có những dè dặt như vậy, chắc chắn là đối với Việt Minh, việc quân cộng sản Trung Hoa đến sát biên giới làm thay đổi tận gốc những dữ kiện về chiến lược. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này viết:

“Năm 1949 là năm cách mạng Trung Quốc đại thắng, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời. Sự kiện lịch sử vĩ đại đó đã làm thay đổi cục diện ở châu Á và thế giới, nó đã có ảnh hưởng lớn đến cuối cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Nước Việt Nam đã thoát khỏi hoàn canh chiến đấu trong vòng vây của địch và từ nay về địa lý sẽ được nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa”4 (Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954) trong tập “chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân”, Paris, Maspero, 1966, tr.21).


Về mặt chính trị, việc cộng sản nắm chính quyền ở Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đối với Việt Minh. Một mặt, thế cân bằng trong nội bộ ban lãnh đạo (của Việt Minh) sẽ thay đổi. Từ tháng 7 năm 1949, khuynh hướng của Trường Chinh và những người khác, cũng là khuynh hướng của những người chủ trương đánh đến cùng, áp đặt một phần đường lối thiên về các triển vọng chính trị và quân sự đang được thể hiện ở Trung Quốc5 (Philippe Devillers, sách đã dẫn, tr.451. Bửu Lộc “Aspects of the Vietnamese Problem” (Những khía cạnh của vấn đề Việt Nam)-Pacific Affairs, XXV, số 3-tháng 9-1952, P.239. Ph. Devillers, “Việt Nam" trong tập san “L’ Asie du Sud-Est” (Đông Nam châu Á), Paris, Sirey. 1971, tập II, tr.848-849). Cùng với sự giúp đỡ bên ngoài và sự tiến triển của bối cảnh quốc tế, điều đó sẽ giải thích sự cứng rắn một cách mau lẹ về chiến lược của Việt Minh và việc họ mở chiến dịch lớn năm 1950.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 27 Tháng Hai, 2011, 07:22:27 am
Mặt khác, việc thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, đồng thời tăng cường vị trí của Việt Minh trên sân khấu quốc tế. Cho đến cuối tháng 12 năm 1949, thái độ của Việt Minh đối với nước Trung Hoa mới, ít ra về công khai, còn hết sức thận trọng bởi vì mặc dù tình hình xảy ra ở Bắc Kinh, những người ở phe quốc gia còn giữ được chính quyền ở vài vùng phía nam. Khi thất bại của phe quốc gia đã rõ ràng, tình hình hoàn toàn khác hẳn. Đầu tháng 1 năm 1950, Võ Nguyên Giáp bí mật đến Nam Ninh (Quảng Tây) ở đó, ông đã gặp nhiều nhân vật quan trọng của Trung Quốc6 (Nguồn tin của Ph. Đơ-vi-le. Xem K.C. Chen, sách đã dẫn, tr.231). Mấy ngày sau, ngày 14 tháng 1 Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra lời kêu gọi các nước bạn dành cho sự ủng hộ về ngoại giao7 (Hồ Chí Minh, sách đã dẫn, tr.249-250). Hôm sau, 15 tháng 1, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, về phần mình, công nhận Cộng hoà nhân dân Trung Hoa8 (Việt Nam News Agency (Đài phát thanh Việt Minh) 16 tháng 1 năm 1950). Ngày 18 đến lượt Trung Hoa nhân dân công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và mời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi đến Bắc Kinh một đại biểu để thành lập Đại sứ quán9 (Tin của đài phát thanh Bắc Kinh ngày 18 tháng 1 năm 1950. Xem Nhân dân nhật báo Bắc Kinh ngày 19-1-1950. Cùng ngày Cộng hoà nhân dân Trung Hoa gửi đến Bộ Ngoại giao Pháp công hàm phản đối việc quân đội Pháp bạc đãi Hoa kiều ở Đông Dương). Khởi đầu quá trình bình thường hoá với các nước xã hội chủ nghĩa10 (Đến lượt Liên Xô công nhận chế độ Việt Minh ngày 30-1-1950 (Hãng TASS ngày 31-1-1950) Bắc Triều Tiên ngày 31-1, Tiệp Khắc ngày 2-2, Ru-ma-ni ngày 3-2, Ba Lan và Hung-ga-ri ngày 4-2, Bun-ga-ri ngày 5-2 và An-ba-ni ngày 13-3). Đến ngày nay, những sự kiện này còn khó hiểu ở nhiều khía cạnh, khi Trung Hoa quyết định công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì Mao Trạch Đông còn ở Mát-xcơ-va và đang thương lượng để ký Hiệp ước Đồng minh tương trợ Trung-Xô. Lưu Thiếu Kỳ, đảm nhiệm quyền chủ tịch, có phải tham khảo ý kiến Mao trước khi quyết định không? Người Liên Xô có được hỏi ý kiến không? Phải chăng chính quyết định của Trung Quốc đã làm Liên Xô chấm dứt sự dè dặt từ bố năm nay đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để Trung Quốc không thu lợi một mình trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Minh? Xem Phi-líp Đơ-vi-le, sách đã dẫn, tr.454-455). Trung Quốc đã dành sự giúp đỡ to lớn cho Việt Minh. Ngoài ra, Trung Quốc còn gián tiếp cải chính những tin đồn về những sự bất đồng được coi là có giữa người Việt Nam và Trung Hoa về khả năng có thể có một sự trung lập giữa phương Đông và phương Tây11 (Trong lúc Cộng hoà nhân dân tuyên bố không thể có sự trung lập giữa hai khối (ngả hẳn về một bên) Hồ Chí Minh đã để cho người ta hiểu rằng Việt Minh có thể đứng trung lập nếu chiến tranh xảy ra giữa Liên Xô và Mỹ).


Vả lại, những sự kiện diễn ra rất mau lẹ khẳng định sự nhất trí về quan điểm giữa Trung Hoa mới và Việt Minh về một vài điểm căn bản. Từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1949 đại biểu Việt Minh (là Nguyễn Duy Tinh tức Lưu Đức Phổ) tại hội nghị các công đoàn châu Á và Ô-xtrây-li-a, họp ở Bắc Kinh, đã ủng hộ mạnh mẽ những quan điểm của Trung Quốc do Lưu Thiếu Kỳ đưa ra về cách mạng tại các nước thuộc địa: “Những nguyên tắc chủ yếu… do đồng chí Lưu Thiếu Kỳ đưa ra trong lời khai mạc (hội nghị)… phải được coi là kim chỉ nam cho hết thảy mọi người lao động ở Đông Nam châu Á”12 (Việt Nam News Agency, 8-3-1950 (tiếng Anh)). Vài tuần sau, hội nghị Công đoàn toàn quốc của Việt Nam, cuối tháng 12 năm 1949-nửa đầu tháng 1 năm 1950, có đại biểu của Công đoàn Trung Quốc tham dự, tuyên bố nhất trí với những nguyên tắc đề ra tại Bắc Kinh13 (Tân Hoa xã, Bắc Kinh 19-11-1949). Một tháng sau, ngày 11 tháng 2 năm 1950, hội nghị Việt-Trung tuyên bố thành lập, chào mừng “sự giống nhau trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Trung Quốc và ở Việt Nam" và nhấn mạnh những mối quan hệ nồng nhiệt giữa hai dân tộc, “hai đồng minh gần gũi nhất ở mặt trận phía đông của cuộc đấu tranh chống đế quốc”14 (Việt Nam News Agency, 11-9-1950 (tiếng Anh)).


Trong những tư tưởng đó, một số đã được nhắc lại thường xuyên hơn. Từ khi Đảng lao động thành lập (tháng 2 năm 1951), được Trung Quốc hoan nghênh như là một sáng kiến thích hợp và quan trọng15 (Nhân dân nhật báo, 27-3-1951. Cương lĩnh của Đảng được đăng trong tạp chí People’s China. 1-5-1951. G. La-cu-tuya và Ph. Đơ-vi-le còn đi xa hơn khi giải thích việc thành lập Đảng lao động như là kết quả của sức ép Trung Quốc (La fin d’une guerre (Kết thúc một cuộc chiến tranh), sách đã dẫn, tr.31). Sự cần thiết có một Đảng mác-xít-lê-nin-nít mạnh (ngoài Mặt trận thống nhất và quân đội) thường được đặt lên hàng đầu. Tuyên truyền của Việt Minh cũng nhấn mạnh đến liên minh giữa công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc.


Nhưng nếu giai đoạn này là một trong những giai đoạn trong đó mối quan hệ Trung-Việt thân thiết nhất, thì sẽ rất sai lầm khi chỉ thấy rằng đường lối chính trị của Việt Minh những năm đó là sự phỏng theo một cách đơn giản mô hình Trung Quốc.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Năm, 2019, 07:58:16 pm
Viện trợ quân sự của Trung Hoa nhân dân cho Việt Minh

Viện trợ quân sự nhận được của cộng sản Trung Quốc bắt đầu từ trước năm 1949 khá lâu16 (Xem chương I), tất nhiên đã tăng cường khi Quân Giải phóng nhân dân tiến sát biên giới Việt Nam17 (Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không bao giờ nhận đã viện trợ quân sự cho Việt Minh. Ngược lại, một số sách của Liên Xô ngày nay đã có nói đến. Xem G.V. A-xta-phi-ép, A.M. Đu-bin-xki, Chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Mát-xcơ-va, Nhà xuất bản Tư tưởng, 1974, tập I, tr. 87-88)


Từ cuối tháng 12 năm 1949, một phái đoàn quân sự của Việt Minh có lẽ đã đến Bắc Kinh để thương lượng xin thêm viện trợ nhiều hơn nữa. Ngày 18 tháng 1 năm 1950, cùng ngày, Trung Hoa mới công nhận Việt Nam dân chủ cộng hòa, một hiệp định đầu tiên về viện trợ quân sự được ký kết mà theo những nguồn tin Trung Hoa quốc gia, thì Bắc Kinh sẽ giao 150.000 súng trường tịch thu được của Nhật và 10.000 súng các-bin Mỹ cùng với đạn dược tương ứng. Việt Minh bắt đầu nhận được số vũ khí này kể từ mùa xuân18 (Chiang Yung Ching, sách đã dẫn, tr.14-15. K.C.Chen trích trong sách đã dẫn tr.261, vấn đề Trung Quốc viện trợ cho Việt Minh được nghiên cứu chi tiết ở các tr.260-278. Frédéric Dupont, Mission de la France en Asie (Sư mệnh của nước Pháp ở châu Á), Paris, France-Emprie 1956, tr.116 nói đến việc xây dựng các con đường quan trọng ở biên giới Trung-Việt kể từ tháng 1 năm 1950. Nói chung, về viện trợ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho Việt Minh, nên tham khảo các sách: Joseph. J.Zasloff, The role of the Sanctuary in Insurgency: Communist China's Support to the Việt Minh 1946-1954 (Vai trò của đất thánh trong cuộc nổi dậy: Ủng hộ của cộng sản Trung Quốc cho Việt Minh 1946-1954) Santa Monica (California) The Rand Corporation, 1967, tr.80 (Memorandum R.M, 4618, P.R)). Từ thời kỳ này, các đơn vị chủ lực của Việt Minh (20.000 người) được đưa sang Trung Quốc huấn luyện19 (Ra-un Xa-lăng, sách đã dẫn, tr.166. Xem thêm J.Laniel: Le drame indochinois de Dien Bien Phu au pari de Geneve (Tấn thảm kịch Đông Dương từ Điện Biên Phủ đến trận đánh cuộc ở Giơ-ne-vơ) Paris, Plon, 1957, tr.87 ). Viện trợ này đã đem lại sức nặng đáng kể cho cuộc tiến công lớn của Việt Minh khoảng tháng 9 - tháng 10 năm 1950 (chiến dịch Lê Hồng Phong đợt 1). Như mọi người đều biết, cuộc tiến công này đã đưa lại thảm bại cho quân đội Pháp-Việt (Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lao Cai đều thất thủ). Cuối năm 1950, khoảng bốn chục tiểu đoàn đã được Trung Quốc trang bị hoàn toàn20 (Bernard Fall, Le Viet-Minh, sách đã dẫn, tr.195).


Cùng thời gian này, quân Trung Quốc vào Triều Tiên: xuất hiện mối lo sợ là "quân chí nguyện" Trung Quốc cũng sẽ tràn ngập Bắc Kỳ. Tháng 12 năm 1950, tướng Đờ Lát đờ Ta-xi-nhi (De Laltre de Tassigny) thay thế tướng Các-păng-chi-ê (Carpentier) chỉ huy quân đội Pháp-Việt21 (Tướng Đờ-Lát đơ Tát-xi-nhi giữ quyền Tổng chỉ huy cho đến khi chết tháng 1 năm 1952, sau đó đến lượt tướng Xa-lăng kế tục đến tháng 5 năm 1953, rồi sau đó đến tướng Na-va đến tháng 6 năm 1954).


Bắt đầu từ năm 1951, viện trợ Trung Quốc được cung cấp cho Việt Minh theo hiệp định ký kết mùa hè hoặc mùa thu năm đó22 (K.C.Chen, sách đã dẫn tr.269 P.Recolle: Pourquoi Dien Bien Phu? (Tại sao có trận Điện Biên Phủ?). Paris, Flam marion, 1968 tr.67). Nam Ninh (Quảng Tây) có lẽ là nơi ký hiệp định, trở thành trung tâm tiếp tế chủ yếu cho Việt Minh.


"Sau này tướng Xa-lăng viết về tình hình mùa thu năm 1951 rằng tướng Giáp nhận được của Trung Quốc khối lượng viện trợ quan trọng. Các con đường đi từ Trung Quốc-từ Ninh Minh, từ Long Châu (ở Quảng Tây, phía bắc Lạng Sơn) tới miền châu thổ (Bắc kỳ) bằng xe lửa và là những đường tốt. Tôi đã có thể cho thiếu tá La-ta-pi (Latapy) bay trên những trung tâm quan trọng đó của Trung Quốc đối diện với Lạng Sơn. Ông ta đã đem về những tấm ảnh chụp không để lại chút nghi ngờ gì về giá trị, khối lượng xe ô-tô vận tải của Trung Quốc và phát hiện được những kho hàng lớn ở đó. Các xe vận tải đó đi lại không ngừng trên các con đường đi về hướng Bắc kỳ (...)"23 (Ra-un Xa-lăng sách đã dẫn, tập II, tr.244).


Viện trợ của Trung Quốc còn tăng lên nữa trong năm 1952, khối lượng đạt khoảng 6.000 tấn24 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện ngoại giao từ Pa-ri gửi đến đoàn đại biểu Béc-lin/số 991-1002, ngày 10-2-1954). Bắt đầu từ năm đó, còn có thêm một số lớn vũ khí từ các nước xã hội chủ nghĩa khác đưa tới. Một kho vũ khí do Trung Quốc cung cấp cho Việt Minh thu được ở Phủ Đoan ngày 9 tháng 11 năm 1952, đã cho biết 50% trung liên là do Tiệp Khắc sản xuất, và hơn nữa đa số vũ khí khác có nguồn gốc Mỹ hoặc Nhật Bản25 (Ra-un Xa-lăng sách đã dẫn, tập II, tr.340). Cũng trong năm 1952, ngày 7 tháng 4, Trung Quốc và Việt Minh ký "Hiệp định trao đổi hàng", theo đó Chính phủ Bắc Kinh cam kết cung cấp cho Việt Nam dân chủ cộng hòa máy công cụ, dược phẩm, v.v... và cả thiết bị quân sự, tất cả đổi lấy gỗ và sản phẩm nông nghiệp26 (Quan hệ bang giao của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh, tập 2, tr.136-137. Tướng Xa-lăng, sách đã dẫn, tập 2, tr.385, nói đến việc thanh toán bằng thuốc phiện của dân Mèo trồng ở Lào?).


Các thứ hàng hóa này được ước tính gần 1.000 tấn mỗi tháng trong năm 1953. Nhưng trong tổng số đó, số vũ khí này chiếm phần ngày càng lớn: 4 đại bác cỡ 105 ly, 296 trọng liên phòng không, 152 moóc-chi-ê 120 ly hoặc 81 ly, v.v... Ngoài ra, cũng trong năm đó, 500 xe vận tải được giao cho Việt Minh, tăng khối lượng xe vận tải của Việt Minh lên khoảng 1.000 xe, trong đó có một số là xe vận tải Liên Xô kiểu Mô-lô-tô-va. Ngoài các thứ đó, có thêm vũ khí nhẹ: 710 trung liên, 1.500 súng tiểu liên, 6.000 súng cá nhân, cùng với đầy đủ đạn dược; 300.000 bộ quân phục, thiết bị thông tin liên lạc; 120 máy thu-phát, 20 tổng đài, 70 máy điện thoại, v.v...


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Năm, 2019, 08:11:05 pm
Các con đường giao hàng viện trợ đó đều hoàn toàn công khai. Trung tâm phân phối lớn Bằng Tường (Quảng Tây) nơi đây hàng đưa tới bằng xe lửa. Từ đó phần lớn hàng được đưa tới Cao Bằng qua Long Châu rồi về hướng Thái Nguyên (bằng con đường thuộc địa số 3) hoặc Lạng Sơn (bằng đường thuộc địa số 1). Các con đường khác đi từ Vân Nam, bắt đầu từ Vân Sơn (Wenshan) qua Hà Giang rồi Tuyên Quang hoặc qua Lao Cai và sông Hồng hoặc qua đường mòn Lào Cai-Lai Châu. Việc chuyên chờ từ Bình Tường hoặc Vân Sơn do xe vận tải Việt Minh đảm nhiệm (hoặc do các xe vận tải Trung Quốc nhưng chỉ đến biên giới thì dừng lại) rồi tùy trường hợp, bằng các đoàn ngựa thồ, thuyền ván, xe đạp thồ, hoặc người gánh27 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. Điện đã nói ngày 10-2-1954, do R.Xa-lăng xác nhận trong sách đã dẫn, tập 2, tr.394. Cần lưu ý rằng nhiều tác giả khác đưa ra con số viện trợ năm 1953 cao hơn nhiều 1.000 tấn mỗi tháng. K.C. Chen, sách đã dẫn, tr.276 (3.000 tấn); Bác-na Phôn trong cuốn Le Viet-Minh đưa ra con số từ 3.000-5.000 tấn mỗi tháng. Những sự ước tính đó rất gần với sự thật hơn là trong hồ sơ lưu trữ chính thức của Bộ tham mưu Đông Dương muốn giảm nhẹ một cách có hệ thống sự đe dọa của Trung Quốc để không làm chính phủ Pa-ri phải lo sợ vì Bộ tham mưu Đông Dương cảm thấy Pa-ri sẵn sàng bỏ rơi họ (nói chuyện với đại tá Buốc-gioa, ngày 17-10-1974). Từ những điểm này, một phần hàng viện trợ Trung Quốc được phân phối về miền Trung, nhất là qua ngả Hòa Bình, đến tận miền Bắc Trung Bộ28 (Ra-un Xa-lăng, Hồi ký, sách đã dẫn, tập 2, tr.263 và 271). Nhưng những hàng này không đi vào tới miền Nam29 (Như trên).


Từ cuối năm 1952 viện trợ quân sự của Trung Quốc bao gồm cả việc đưa sang Việt Nam một số lượng lớn hàng vạn kỹ thuật viên nhiều ngành khác nhau: truyền tin, bộc phá, bảo quản vật tư, pháo binh, v.v...30 (Xem "Handbook for Political Woker Going to Viet Nam (sổ tay cho người công tác chính trị đi Việt Nam) 15-12-1952 trong Allan B.Cole Conflict in Indochina and International Repercussions: A Documentary History. 1945-1955 (xung đột ở Đông Dương và ảnh hưởng quốc tế. Tư liệu lịch sử. 1945-1955). Cornell University Press, 1956, tr.125-130 (Hoàng Hoa người phát ngôn đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ, hôm 14-5, khẳng định rằng tài liệu này hoàn toàn bịa đặt do Chính phủ Mỹ đưa ra để chuẩn bị dư luận cho việc mở rộng chiến tranh (tin Tân Hoa Xã, Giơ-ne-vơ, 14-5-1954)). Ngoài ra các cố vấn Trung Quốc cộng tác với bộ tham mưu Việt Minh xây dựng các kế hoạch chiến lược, chuẩn bị chiến tranh tâm lý, hoặc huấn luyện và phát triển quân đội. Tuy vậy, đến cuối năm 1953, không có một chiến binh Trung Quốc nào đứng trong hàng ngũ quân đội Việt Minh và không một huấn luyện viên Trung Quốc nào dính líu trực tiếp đến các trận chiến đấu31 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, điện đã nói, ngày 10-2-1954. Về vấn đề này, người ta ghi nhận những ý kiến táo bạo của Julas Roy: La bataille de Điện Biên Phủ (trận Điện Biên Phủ), Paris, Juliard, 1963, tr.243-244. Có lẽ Giuyn Rôi đã đi quá xa khi ông ta viết: "Trung Quốc không có tại chỗ một cố vấn quân sự nào có thể ra quyết định, không có một pháo thủ nào, một chuyên gia nào (chúng tôi nhấn mạnh)").


Ngoài ra, binh lính Việt Minh, các sĩ quan và chính trị viên còn được Trung Quốc dành cho những điều kiện thuận tiện đáng kể cho việc huấn luyện và nghỉ ngơi32 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, điện đã nói, ngày 10-2-1954. Về vấn đề này, người ta ghi nhận những ý kiến táo bạo của Julas Roy: La bataille de Điện Biên Phủ (trận Điện Biên Phủ), Paris, Juliard, 1963, tr.243-244. Có lẽ Giuyn Rôi đã đi quá xa khi ông ta viết: "Trung Quốc không có tại chỗ một cố vấn quân sự nào có thể ra quyết định, không có một pháo thủ nào, một chuyên gia nào (chúng tôi nhấn mạnh)") ở "đất thánh", cần thiết cho việc tránh khỏi các cuộc phản công của lực lượng Pháp-Việt.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Năm, 2019, 08:13:46 pm
Bắt đầu từ khi có đình chiến Triều Tiên, nhất là sau hội nghị Béc-lin mà kết quả là thông báo sẽ có hội nghị Giơ-ne-vơ, khối lượng viện trợ của Trung Quốc tăng nhiều khoảng gần 4.000 tấn hàng mỗi tháng, gần 2.000 tấn lương thực33 (Hồ sơ lưu trữ của G.Ph, Đa-lét dự thảo diễn văn ở Câu lạc bộ báo chí hải ngoại của Mỹ (Oversea Press Club of America) đề ngày 24-3-1954 (xem đoạn sau) do M.Guốc-tốp, trích trong sách đã dẫn, tr.188 chú thích 58). Tháng 4 năm 1954, Tướng Na-va đã tóm tắt tình hình mới như sau:

"Chiến tranh bắt đầu gia tăng từ khi có tin sẽ họp hội nghị Giơ-ne-vơ (...). Nhờ viện trợ Trung Quốc, đây là một "cuộc chiến tranh khác" mà bộ chỉ huy Việt Minh đang tiến hành. Đó là cuộc chiến tranh hiện đại thật sự có sự can thiệp của pháo binh, súng phòng không, vận chuyển bằng ô-tô trên những con đường có giá trị, việc thông tin liên lạc không thể coi thường được"34 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Sài Gòn/24-4-1954/ bản ghi nhớ số 1807/Giơ-ne-vơ/C.C. "Tình hình quân sự ở Đông Dương trước hội nghị Giơ-ne-vơ" (chúng tôi nhấn mạnh). Xem thêm trả lời của tướng Na-va gửi Đại sứ Sô-ven có nói một phần đến viện trợ Trung Quốc (20-4-1954, đoạn 4). Những câu trả lời đó là nội dung của công văn số 1809 trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. Viên tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương cho rằng nếu giả định ném bom cắt đường tiếp tế từ Trung Quốc thì Việt Minh "không còn có đủ trang bị cần thiết để mở một chiến dịch mới cũng qui mô như vậy trong năm 1954 với những phương tiện như họ đang sử dụng hiện nay". Về việc gia tăng viện trợ của Trung Quốc trước khi hội nghị Giơ-ne-vơ họp, xem thêm H.Na-va Đông Dương hấp hối 1953-1954, sách đã dẫn, tr.183, 205-208 và 253).



Sự có mặt của một tướng Trung Quốc nào đó tên là Li Chen Hu (?) và khoảng hai chục cố vấn Trung Quốc của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tại Tổng hành dinh của tướng Giáp còn làm cho bộ chỉ huy Pháp35 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao/điện của Bon-nê/Oa-sinh-tơn/số 2294-2296/5-4-1954. Xác nhận bằng phiếu số 485/F.T.N.V. của Phòng nhì, Ban tham mưu của tướng chỉ huy lục quân Bắc Việt Nam, 7-2-1955, lời khai của tướng Na-va trước Ủy ban điều tra, phần thứ nhất, tr.48 (P.Rô-cô-le trích trong sách đã dẫn, tr.92. Không có tập "tiểu sử nhân vật" Who's Who "hồ sơ cá nhân" nào mà chúng tôi có thể tra cứu được, lại đưa ra một tư liệu dù là sơ sài nhất về nhân vật của tướng Li Chen-hu (có lẽ chỉ là một tên mượn). Ngược lại, một vài nguồn khác lại nói đến sự có mặt từ năm 1950 của tướng La Quý Ba, bên cạnh các lực lượng Việt Minh (Hoàng Văn Chỉ, sách đã dẫn, tr.65) và cả ở Điện Biên Phủ (Huan Chen Hsia, Tiểu sử cá nhân quân đội Trung cộng, Hồng-công, Research Institute of Contemporary History 1968, tr.725-726). Phải chăng Li Chen-hu chỉ là bí danh của La Quý Ba? Theo một vài nguồn tin, La Quý Ba có thể được cử tham gia đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ. Xem Donald W.Klein, Anne B.Clark, Từ điển tiểu sử của cộng sản Trung Quốc, 1921-1965, Cambridge (Mass), Harvard University Press, 1971, tr.649. Từ lúc hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, La Quý Ba được cử lam Đại sứ tại Việt Nam dân chủ cộng hòa (xem chương X). Cần lưu ý rằng một vài nguồn tin nói đến có mặt của tướng Lâm Bưu tại Mặt trận Điện Biên Phủ (Tạp chí Xuân thu, số 349, 16-1-1972, tr.26) và những nguồn khác lại nói đến Diệp Kiếm Anh cũng có mặt tại Điện Biên Phủ (Trần Minh, Hồng Công, tháng 8 năm 1978, là người có quan hệ với Hồ Chí Minh từ đầu chiến tranh Trung-Nhật) lo ngại hơn nữa. Bộ chỉ huy Pháp cũng biết từ đầu 1954, Việt Minh đã yêu cầu Trung Quốc viện trợ bổ sung đạn dược, xe, và vũ khí36 (Phiếu tình hình Đông Dương cuối tháng 2-1954 do tướng Na-va trình bày để viết chỉ thị số 222/OPS ngày 25-2-1954, tr.2 P.Rô-cô-le trích lại trong sách đã dẫn, tr.264). Cuối tháng 2, Trung Quốc lại giúp đỡ trang bị cho một trung đoàn pháo phòng không37 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện của Bon-nê/ngày 5-4-1954. Cũng xem phiếu số 208/F/EMIFT/2S: của Phòng nhì Bộ tham mưu của Tổng chỉ huy quân đội Pháp ngày 2-3-1954. P. Rô-cô-le trích lại trong sách đã dẫn, tr.339-340. Lời khai của tướng Na-va trước Ủy ban điều tra. Phần thứ nhất, tr.52. P.Rô-cô-le trích lại trong sách đã dẫn, tr.444. Na-va, sách đã dẫn tr.211-212 và 243. J.Laniel, Jours de gloire et jours cruells (Những ngày vinh quang và những ngày tàn khốc), Paris, Presses de la cité, 1971 tr.235 và Le drame Indochinois Tấm thảm kịch Đông Dương, sách đã dẫn, tr.84 (Có đoạn viết: "sự có mặt của pháo thủ Trung Quốc trong chiến đấu đã được xác định")). Đầu tháng 3, có vài máy bay MIG-15 của Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Bắc kỳ, càng làm tăng thêm nỗi lo ngại của Bộ tham mưu Pháp38 (Về mối lo ngại của Bộ tham mưu liên quan đến sự can thiệp bằng không quân Trung Quốc ở Bắc kỳ. Xem Dwight D.Eisenhower, The White House Years. Mandate for Change 1955-1956 (Những năm ở Nhà Trắng-"Nhiệm kỳ có những đổi thay" 1953-1956). New York. Double day, 1963, tr.361-362. Người ta đã tính với 120 máy bay, Trung Quốc có thể ngăn cản quân đội viễn chinh không rút được khỏi vùng châu thổ, nếu cần phải rút. Về quan điểm này, xin chú ý đến lời khai của tướng Na-va trước Ủy ban điều tra, phần thứ 2, tr.2: như sau: Tướng Lô-duyn đã nói với tôi đến 20 lần rằng nếu máy bay đến bắn phá hoặc ném vài quả bom trên lãnh thổ Bắc kỳ, không quân của chúng ta sẽ có lẽ bị phá hủy đến hai phần ba lực lượng. Điều đó càng có thể đúng khi các bãi đậu máy bay đã được tổ chức (...) không phải để chống máy bay địch oanh tạc mà lại để chống các đội biệt động, điều này khiến cho đáng lẽ máy bay đậu phân tán thì lại tập trung càng sát với nhau càng tốt, có dây thép gai bao bọc để giám sát. Có một sự bế tắc về không quân. Chúng ta không có một máy ra-da nào, chúng ta lại không có súng phòng không (...). P.Rô-cô-le trích lại trong sách đã dẫn, tr.69). Tuy nhiên khối lượng hàng giao sang những năm 1951-1954, ước lượng chừng 50.000 tấn và xét cho cùng cũng dưới 100.000 tấn, hãy còn kém xa mức nước Pháp nhận của Mỹ cũng trong thời gian đó40 (Xem đoạn sau. Tuy nhiên, cần chú ý rằng viện trợ Trung Quốc, do tính chất thô sơ, phù hợp hơn với kiểu cách hoạt động của Việt Minh, có hiệu lực hơn là viện trợ của Mỹ cho quân đội Pháp).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 18 Tháng Năm, 2019, 07:50:18 pm
Khả năng Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào Đông Dương


Tới giữa năm 1953, không ai nghĩ đến một cuộc can thiệp trực tiếp của Trung Quốc vào bán đảo Đông Dương. Rõ ràng là những cuộc hành quân của Quân đội liên hiệp Pháp ở Đông Dương không thể coi như một sự đe dọa đối với nền an ninh của Trung Quốc. Nhưng nhất là sự cố gắng lớn lao do cuộc chiến tranh Triều Tiên đòi hỏi, cộng thêm những khó khăn của một chế độ mới thiết lập và của công cuộc phục hồi kinh tế, đã tạm thời ngăn cấm Trung Quốc không nghĩ đến một hành động gì ở sườn phía nam. Chắc chắn, nguy cơ chủ yếu là ở trên sông Áp Lục chứ không phải trên biên giới Việt Nam. Bởi vậy, lợi ích dân tộc đã buộc Trung Quốc phải dốc hết sức lực ra ngăn cản sức ép tối đa của các lực lượng Mỹ-Nam Triều Tiên.


Hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm được ký kết thì vấn đề Trung Quốc thay đổi thái độ có thể được đặt ra. Mặt trận Đông Bắc được giải tỏa, liệu Trung Quốc có xem xét cuộc chiến tranh Đông Dương một cách hoàn toàn khác trước hay không? Nếu Việt Minh gặp khó khăn41 (Xem J.Laniel: Le drame indochinois (Tấm thảm kích Đông Dương), sách đã dẫn, tr.111), thì như một số người nghĩ, liệu Việt Minh có kêu gọi Trung Quốc nhảy vào cuộc xung đột để xoay chuyển cán cân lực lượng có lợi cho họ hay không?42 (Giả thiết này sẽ hoàn toàn đứng vững nếu điều nói trong tập "Hồi ký Khơ-rút-sốp" được xác nhận là có thật. Khơ-rút-sốp kể lại (trong Hồi ký) rằng phong trào kháng chiến của Việt Nam sắp tan rã vì Chu Ân Lai đã tuyên bố với ông ta: "Đồng chí Hồ Chí Minh đã nói với tôi (tức với Chu Ân Lai-N.D) rằng tình hình Việt Nam là tuyệt vọng và nếu chúng ta không có được một cuộc ngừng bắn thì người Việt Nam sẽ không kháng cự được lâu hơn nữa với Pháp. Cho nên, họ đã quyết định lui đến biên giới Trung Quốc và nếu việc đó là cần thiết, thì họ muốn Trung Quốc sẵn sàng đưa quân vào Việt Nam như Trung Quốc đã làm với Bắc Triều Tiên. Nói một cách khác, người Việt Nam muốn chúng tôi giúp họ đuổi người Pháp", Khrouchetchev, Souvenirs (Hồi ký), Paris, R.Lafont, 1971, tr.456-457). Và nhất là việc Mỹ tăng thêm viện trợ cho quân đội Liên hiệp Pháp43 (Về vấn đề này, xem đoạn sau) ở Đông Dương liệu có nguy cơ bị Chính phủ Bắc Kinh từ nay coi như một sự đe dọa thực tế mà họ cần phải trả đũa hay không? Đến cuối năm 1953 đầu năm 1954, vấn đề được trình bày ở phương Tây đại thể theo những lời lẽ như vậy.


Không đi vào chi tiết một lập luận không thể có căn cứ vững chắc vì thiếu những nguồn tin đầy đủ về phía Trung Quốc, tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng đến trước hội nghị Giơ-ne-vơ, có ba loại vấn đề cần xem xét: kinh tế, quân sự và ngoại giao, xem ra loại trừ việc Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột.


Về mặt kinh tế, việc triển khai kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đòi hỏi những khoản đầu tư lớn lao đến nỗi việc thực hiện kế hoạch chắc chắn sẽ bị trở ngại nếu Trung Quốc dính líu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương mà bất cứ lúc nào cũng có thể mở rộng quy mô như cuộc chiến tranh Triều Tiên. Lập luận này đã gây ra cả một cuộc luận chiến ở phương Tây, nhất là ở Pháp. Một bài diễn văn của Trần Vân đọc ngày 5 tháng 3 năm 1954 ở Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Xta-lin từ trần đã đánh dấu điểm xuất phát của cuộc luận chiến. Trong bài diễn văn, Trần Vân đã giải thích rằng một trong những công trạng lớn lao của Xta-lin là sự phát triển tiềm lực kinh tế của Liên Xô44 (Tin Tân Hoa Xã-Bắc Kinh, ngày 6-3-1954). Ngày hôm sau phóng viên hãng thông tin Pháp AFP tại Hồng Công, bình luận về bài diễn văn đó như sau: "Bài diễn văn đó hình như chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc do dự trước nguy cơ cuộc cách mạng Trung Quốc trước khi truyền bá chủ nghĩa cộng sản ở châu Á, cho dù để làm việc đó, phải hy sinh Hồ Chí Minh45 (Pháp tấn xã (AFP), ngày 6-3-1954. Chúng tôi nhấn mạnh). Báo chí cánh tả, kết tội Chính phủ Pháp đã xuyên tạc bài diễn văn của Trần Vân vì lý do chính trị nội bộ, đã phát động cả một cuộc luận chiến46 (L' observateur d' au jourd'hui (Báo Người quan sát ngày nay), ngày 18-3-1954, Libération (Giải phóng) ngày 18-3-1954; L' Humanite (Nhân đạo), ngày 19-3-1954). Ở Mỹ, một phần giới báo chí đã bình luận bài nói của người lãnh đạo Trung Quốc theo cùng một hướng đó. Đặc biệt hai anh em An-xốp (Alsop) cho rằng có thể Trung Quốc đề nghị đình chỉ viện trợ cho Việt Minh đánh đổi lấy việc các cường quốc phương Tây thừa nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa gia nhập Liên hợp quốc và lập lại quan hệ kinh tế bình thường với phương Tây47 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Đa-ri-đan/Oa-sinh-tơn/số 2027-2035/26-3-1954). Với những người khác, trái lại, giả thuyết này tỏ ra không có căn cứ. Đó là trường hợp của các nhà quan sát ở Hồng Công, theo họ thì Trung Quốc mong muốn có một thời kỳ hòa bình để thực hiện công cuộc xã hội hóa nhưng không có thể kết luận rằng như vậy chính phủ Bắc Kinh sẵn sàng bỏ rơi Việt Minh48 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Buy-đôn/Hồng Công/số 29-92/23-3-1954; hoặc điện Buy-đôn/Hồng Công/số 105-108/31-3-1954 kể lại tình cảm của ông Đan-tơn, cố vấn chính trị của Chính phủ Hồng Công).


Thật ra, hai quan điểm trên đây không phải hoàn toàn không thể dung hòa được. Nếu những mục tiêu kinh tế của Trung Quốc đối lập hoàn toàn với việc quốc tế hóa cuộc xung đột thì cũng không phải vì thế mà chúng loại trừ việc duy trì một sự viện trợ có giới hạn cho những du kích Việt Minh.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 18 Tháng Năm, 2019, 07:51:23 pm
Việc phân tích tình hình quân sự của Trung Quốc cũng dẫn đến những kết luận tương tự. Một mặt, về phương diện hậu cần, tình hình căn bản khác với cuộc chiến tranh Triều Tiên. Phương tiện giao thông đường bộ và đường sắt ở các tỉnh miền Nam không có nhiều, không thể so sánh được với hệ thống giao thông ở Mãn Châu dùng vào việc chi viện cho mặt trận Triều Tiên bốn năm trước đây. Vả lại, Việt Nam ở xa các trung tâm tiếp tế của Trung Quốc về vật tư cũng như lương ăn cho bộ đội. Có nghĩa là các cuộc hành quân quy mô lớn ở Đông Dương sẽ đặt ra các vấn đề hậu cầu lớn hơn nhiều so với Triều Tiên.


Về phương diện chiến lược, những điều kiện cũng rất khác nhau. Một mặt, ngược lại với các tỉnh ở đông bắc, các tỉnh miền nam không có một tiềm lực công nghiệp quan trọng nào. Vì vậy sự thúc bách phải can thiệp chống lại sự đe dọa có thể xảy ra có lẽ không gay gắt trong trường hợp Đông Dương như trong năm 1950, khi đó, Mãn Châu, ở phía bên kia Triều Tiên, xem ra có thể bị trực tiếp uy hiếp. Mặt khác, ở Đông Dương, Trung Quốc không thể được Liên Xô bảo đảm ủng hộ về hậu cầu và về chiến lược với mức độ ngang như trường hợp Triều Tiên. Thực thể, sự cách xa về địa lý có thể dẫn những người có trách nhiệm ở Liên Xô đến chỗ coi vấn đề Đông Dương hoàn toàn khác với vấn đề Triều Tiên. Từ đó, đối với Trung Quốc, nguy cơ bị cô lập về quân sự càng tăng lên. Cuối cùng, từ đầu năm 1954, tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan49 (Xem D.D. Ai-xen-hao, sách đã dẫn, tr.462) tăng lên, bắt buộc nước Trung Hoa nhân dân phải thận trọng hơn đối với Đông Dương.


Tình hình ngoại giao của Chính phủ Bắc Kinh cũng buộc Trung Quốc phải có một thái độ hết sức dè dặt về đường lối quốc tế. Ý muốn nới lỏng bao vây về kinh tế mà Trung Quốc phải chịu đựng và bình thường hóa quan hệ với càng nhiều quốc gia càng tốt, nhất là ở châu Á tất nhiên cũng buộc Trung Quốc phải tránh một cuộc can thiệp chỉ có thể gặp phải sự chống đối của hầu hết các thủ đô, sau cuộc can thiệp của "chí nguyện quân" ở Triều Tiên. Mấy năm sau, I-đơn viết: "Tôi biết Trung Quốc do dự, ít nhất là trong giai đoạn này trong việc làm cho Ấn Độ chống lại mình và Trung Quốc có những cố gắng lớn lao để hòa giải với dư luận châu Á nói chung"50 (I-Đơn, Hồi ký, sách đã dẫn, tr.106). Đúng như vậy, vào tháng 4 năm 1954 trước khi khai mạc hội nghị Giơ-ne-vơ ít hôm, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Minh họp hội nghị trù bị ở Mát-xcơ-va. Theo nguồn tin Liên Xô, tại cuộc họp, Chu Ân Lai đã tuyên bố rằng trong trường hợp cuộc xung đột ở Đông Dương mở rộng, chính phủ của ông ta không thể viện trợ thêm cho Việt Minh được nữa, "bởi vì điều đó làm Trung Quốc đối lập với các nước khác ở Đông Nam châu Á và tạo cho Hoa Kỳ khả năng thành lập một khối kéo dài từ Ấn Độ đến In-đô-nê-xi-a". Vây là, theo Thủ tướng Trung Quốc, "cần phải tìm khả năng tiến hành thương lượng với Pháp"51 (M.S. Ka-pit-sa "Hai chục năm-Hai chính sách". Sách đã dẫn, tr.109, G.V.A-xtafi-ép, A.M. Dy-bin-xki, sách đã dẫn, tập I, tr.93. Không ước đoán về tính chân thực của tập Hồi ký Khơ-rút-sốp, người ta ghi nhận rằng những dòng viết về hội nghị trù bị Mát-xcơ-va nói trên phù hợp hoàn toàn với điều được kể lại hiện nay trong các sách Liên Xô. Thủ tướng Trung Quốc có lẽ đã tuyên bố như sau: "Chúng tôi hoàn toàn không có thể đáp ứng yêu cầu (Trung Quốc can thiệp vào Việt Nam) của đồng chí Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã mất quá nhiều quân ở Triều Tiên, nơi đây chúng tôi đã trả giá đắt cho cuộc chiến tranh. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi không thể lao vào một cuộc xung đột mới được nữa" (sách đã dẫn, tr.457)). Bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm đặt nền móng cho sự phát triển xã hội chủ nghĩa của mình, Trung Quốc phải chú ý đến dư luận quốc tế để hy vọng được nhiều sự thừa nhận về ngoại giao và có nhiều quan hệ kinh tế hơn. Vào mùa xuân 1954, Trung Quốc đã lựa chọn "cùng tồn tại hòa bình" mà họ cho rằng chỉ có như thế mới phù hợp với lợi ích dân tộc của mình. Điều đó tuyệt nhiên không hề ngăn cấm Trung Quốc ủng hộ Việt Minh về quân sự và kinh tế chừng nào sự viện trợ đó có khối lượng và tính chất thế nào để phương Tây không thấy ở đó một sự can thiệp công khai trong cuộc xung đột. Nhưng hiển nhiên là điều đó loại trừ sự dính líu trực tiếp của quân đội Trung Hoa trên chiến trường Đông Dương. Đối với Trung Quốc, Đông Dương không được trở thành một Triều Tiên mới.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 18 Tháng Năm, 2019, 07:57:37 pm
Phản ứng của phương Tây52
(Tiêu đề mục này không bao gồm một sự phán xét đáng giá nào. Đồng ý là thái độ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng có thể hiểu là sự "phản ứng" đối với chính sách của phương Tây)


Tới năm 1949, nước Mỹ còn chia rẽ ý kiến về vấn đề Đông Dương. Một mặt, Mỹ từ chối tỏ thái độ có thể gây cảm tưởng rằng Mỹ ủng hộ sự có mặt của thực dân Pháp ở bán đảo Đông Dương53 (Từ năm 1944, Tổng thống Ru-dơ-ven đã cho rằng không nên giữ nguyên trạng các thuộc địa ở Đông Dương, nhất là do chính sách lạc hậu Pháp đang tiến hành ở đó. Bộ Ngoại giao Mỹ: Quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ, hồ sơ ngoại giao: Các cuộc Hội nghị Man-ta và Y-an-ta, 1945. Oa-sinh-tơn. D.C.1955, tr.770). Nhưng mặt khác, Mỹ rất lo ngại về những khuynh hướng đang trở thành cộng sản của Việt Minh. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Gioóc-giơ Mác-san (George C.Marshall) đã xác định sự bối rối của Mỹ trong một bức điện gửi Đại sứ quán Mỹ tại Pa-ri: "Chúng ta hoàn toàn thừa nhận lập trường tự chủ của nước Pháp và chúng ta không muốn tỏ ra bằng bất cứ cách nào là chúng ta đang thay đổi lập trường đó. Đồng thời, chúng ta không thể làm ngơ trước sự thực rằng đây là một vấn đề có hai mặt. Các tin tức của chúng ta nói đến việc Pháp vừa thiếu hiểu biết đối phương vừa duy trì ở vùng này những biện pháp và cách nhìn có tính cách thực dân đã lỗi thời một cách nguy hiểm. Mặt khác, chúng ta không được quên rằng Hồ Chí Minh gắn bó trực tiếp với những người cộng sản và hiển nhiên là chúng ta chẳng có lợi ích gì khi thấy các chính quyền ở các thuộc địa được thay thế bằng một triết lý và tổ chức chính trị ở Krem-li và do Krem-li trực tiếp kiểm soát. Thật thà mà nói chúng ta chẳng có giải pháp nào để gợi ý về vấn đề này"54 (Tài liệu mật Bộ quốc phòng, sách đã dẫn, tr.7-8. (không nói rõ ngày gửi điện). Tuy nhiên, cần nhắc lại vài thời kỳ về chính sách Mỹ ở Việt Nam đối với người Pháp  năm 1945. Xem B.Phôn, sách đã dẫn, tr.89-91).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 18 Tháng Năm, 2019, 08:06:28 pm
Ngăn cản Trung Hoa nhân dân can thiệp vào Đông Dương

Nhưng khi cộng sản giành được thắng lợi ở Trung Hoa lục địa, lập trường của Mỹ được xác định rất nhanh chóng. Từ ngày 30 tháng 12 năm 1949-quân cộng sản vừa mới đến sát biên giới Trung-Việt-Tổng thống Tơ-ru-man thông qua một văn kiện của Hội đồng an ninh quốc gia, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ngăn chặn cộng sản bành trướng xuống Đông Dương bằng cách cung cấp viện trợ chính trị, kinh tế và quân sự cho các chính phủ hữu quan55 (Tài liệu NSC. 48/2/ Xem tài liệu mật Bộ quốc phòng, sách đã dẫn, tr.9). Sau đó, khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Liên Xô công nhận Việt Nam dân chủ cộng hòa tháng 1 năm 1950, Mỹ trả đũa lại bằng cách cùng với Anh, công nhận Quốc gia Việt Nam ngày 7 tháng 2. Cùng trong tháng đó, một văn kiện mới của Hội đồng an ninh quốc gia trình bày rõ ràng cái sau này gọi là "thuyết Đô-mi-nô" và nhấn mạnh rằng Mỹ cần khẩn thiết bảo vệ Đông Dương nếu muốn tránh cho cán cân lực lượng ở Đông Nam châu Á không ngả về phía những người cộng sản56 (Như trên, tr.6).


Từ đầu năm 1952, Mỹ bắt đầu tính đến một số biện pháp quân sự chống lại Trung Quốc trong trường hợp Trung Quốc can thiệp trực tiếp hơn nữa vào cuộc xung đột Đông Dương. Một bản nghiên cứu của Hội đồng an ninh quốc gia vào thời kỳ này đã nêu ra khả năng về một hành động chung chống Trung Quốc, hoặc dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc, hoặc ít nhất hợp tác với Pháp và Anh57 (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.27-32. Khó mà nghe theo R.F.Ran-đơn, sách đã dẫn, tr.31, khi ông ta viết rằng tháng 1-1954, Mỹ không có chính sách ở Đông Nam châu Á. Nhưng tác phẩm của ông đã hoàn thành trước khi công bố tài liệu mật Bộ Quốc phòng. cũng xem A. I-Đơn, Hồi ký, sách đã dẫn, tr.93). Một hành động như vậy có thể bào gồm một cuộc bao vây đường biển đối với Trung Quốc (đoạn 11a), những hoạt động du kích chống cộng ở ngay trên lãnh thổ Trung Quốc để phá hoại đường giao thông và quấy rối việc Trung Quốc tiếp tế quân sự cho Việt Minh (đoạn 11b), sử dụng các lực lượng của người Trung Quốc chống cộng hoặc theo chủ nghã quốc gia ở Đông Nam châu Á, ở Triều Tiên và ở ngày trên đất Trung Quốc (đoạn 11c), thậm chí, trong trường hợp xung đột mở rộng, mở những cuộc hành quân trên biển và trên không của Mỹ-Anh-Pháp nhằm vào các mục tiêu quân sự của Trung Quốc, trừ những mục tiêu nào ở quá gần biên giới Liên Xô (đoạn 12). Nếu Pháp và Anh từ chối thì lúc đó Mỹ có thể tính đến hành động một mình (đoạn 13).


Chính là vừa để chuẩn bị đối phó với mọi tình huống, vừa để cân đối với việc Trung Quốc đưa vũ khí và dụng cụ vào Đông Dương và để tăng cường cuộc chiến đấu chống Việt Minh mà bắt đầu từ tháng 5 năm 1950, Mỹ đã quyết định cung cấp dụng cụ quân sự cho Pháp với số lượng ngày càng tăng58 (Tập san Bộ Ngoại giao Mỹ, 2-5-1950, tr.821. Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đin A-chi-sơn (Dean Acheson) ngày 8-5-1950. Phái đoàn cố vấn quân sự (MAAG) ở Đông Dương được thành lập tháng 8-1950). Từ năm 1950 đến năm 1953, những dụng cụ quân sự chuyển giao không phải trả tiền tăng gấp 10 lần, từ 11.000 lên 117.000 tấn.


(https://scontent.fhan3-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/60354622_2064413926989882_1941137179828813824_n.jpg?_nc_cat=111&_nc_oc=AQmS_K2ApQiPfhdvvXuvlBSuf_nmerr6NoHszF3ned0PQox3kZDHGPZz4n3KVNm2iL8&_nc_ht=scontent.fhan3-1.fna&oh=61e693842a17ce3e1792e190816a7fae&oe=5D6A9AEF)


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 18 Tháng Năm, 2019, 08:16:12 pm
Song song với việc trên, Mỹ không ngừng tăng mức viện trợ tài chính cho Pháp. Năm 1952, viện trợ tài chính là 115 tỷ phrăng chiếm gần 40% chi phí cho các cuộc hành quân59 (Theo một nguồn tin Mỹ, năm 1952, viện trợ tài chính của Mỹ chiếm 65% chi phí chiến tranh. Đó là do có sự khác nhau trong phương pháp tính toán, do sự phức tạp của các thủ tục viện trợ của Mỹ cho nước ngoài. Tường trình trước Ủy ban đối ngoại Hạ nghị viện Mỹ-Quốc hội khóa 83, phiên họp thứ 2 về luật viện trợ vì an ninh chung, năm 1954 Oa-sinh-tơn, 1954, tr.35. Cũng xem A.B. Cô-le, sách đã dẫn tr.260-261). Năm 1954, viện trợ tài chính của Mỹ đạt khoảng 300 tỷ phrăng (905 triệu đôla) trong đó 135 tỷ phrăng (bi vong lục ngày 29 tháng 9 năm 1953) để chi phí cho các kế hoạch mà Chính phủ Pháp đã xây dựng nhằm tăng cường các cuộc hành quân chống Việt Minh60 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, viện trợ Mỹ cho Đông Dương, bản ghi nhớ đã nêu ở trên, bảng 7).


Có nghĩa là, cuối năm 1953-đầu năm 1954, viện trợ Mỹ chiếm ưu thế trong chi phí của cuộc chiến tranh. Điều đó giải thích rộng rãi tại sao Việt Minh đã tố cáo gay gắt viện trợ đó61 (Xem Trả lời phỏng vấn của các nhà báo về sự can thiệp của Mỹ ở Đông Dương, ngày 25-7-1950 trong Hồ Chí Minh, sách đã dẫn, tr.251-252, trong đó Hồ Chí Minh viết "Thực dân Pháp theo đuổi chiến tranh ở Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào theo chỉ thị của Mỹ và nhờ đôla, vũ khí Mỹ, nhưng đồng thời đế quốc Mỹ cũng tìm cách hất cẳng thực dân Pháp để độc quyền thống trị Đông Dương"). Và tại sao Trung Quốc lại tỏ ra lo ngại. Các cuộc hội nghị quân sự của đồng minh nối tiếp nhau họp ở Xin-ga-po và Trân Châu Cảng từ đầu năm 1951 còn củng cố thêm mối lo ngại của Trung Quốc về khả năng quốc tế hóa cuộc xung đột theo qui mô đã xảy ra ở Triều Tiên. Thực thế, Bộ tham mưu đồng minh (Staff Agency) được thành lập ở Trân Châu Cảng tháng 4 năm 1953 giữa Mỹ, Anh, Pháp, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lơn62 (Xem đoạn trước, chương I). Lần thứ nhất đã họp một phiên làm việc, tiếp đó lại họp ở Trân Châu Cảng từ 15 đến 30 tháng 5. Sau nhiều cuộc thảo luận dài, hội nghị đã kiến nghị là trong trường hợp Trung Quốc xâm lược sẽ có một phản ứng kép của phương Tây. Một mặt là có thể yểm hộ bằng không quân và thủy quân cho quân đôi liên hiệp Pháp. Nhằm mục đích đó, Bộ tham mưu trên đã đề nghị phân chia ngay sự chỉ huy giữa một vùng phòng thủ Đông Dương đặt dưới quyền trách nhiệm của Pháp và ở bên ngoài vùng đó, một ban chỉ huy hành quân của Mỹ, cũng như xây dựng một cơ sở hạ tầng thích đáng (sân bay ra-đa, v.v...) Mặt khác, đề nghị phong tỏa các bờ biển Trung Quốc kèm theo ném bom chiến lược và hoạt động du kích ở lục địa. Mọi người cũng thỏa thuận rằng Chính phủ Pháp sẽ cộng tác xây dựng kế hoạch và sẽ là người duy nhất đánh giá thời cơ thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch đó63 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, Hội nghị Luân-đôn lời ghi do ông Rút chuẩn bị và ông Bi-đôn đọc tại hội nghị tháng 10-1953. Cũng xem hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về: "biện pháp dự kiến trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đông Dương. Tiêu chuẩn của sự xâm lược đó"/15-10-1953).


Một cuộc họp thứ hai cũng ở Trân Châu Cảng ngày 21 tháng 9 đến 2 tháng 10 năm 1953, còn cụ thể hóa thêm nữa những kiến nghị đầu tiên ấy. Trong cuộc họp, người Ăng-lô Xăc-xông đã nêu bật ý muốn duy trì một đầu cầu ở Bắc kỳ, trong trường hợp Trung Quốc xâm lược, bảo vệ Mã Lai, lấy điểm tựa của việc phòng thủ (Mã Lai) trên eo đất Kra, và chiếm đảo Hải Nam để sau này dùng vào việc đổ bộ lên lục địa Trung Quốc (nếu cần)64 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương, Bản ghi nhớ "Chiến lược chung ở Đông Nam châu Á"/30-11-1953. Ý kiến chiếm đảo Hải Nam có từ trước vì trong cuộc nói chuyện của tổng thống Ô-ri-ôn ngày 2-2-1953. Xem V.Auriol, Journal du Sptennat 1947-1954, Nhật ký 7 năm (1947-1954). Paris, Colin, 1971, tr.44. Cần lưu ý rằng ai cũng biết đến kế hoạch này vì chính một nhà báo của AFP đã trình bày ý kiến đó lên tổng thống Ô-ri-ôn). Sau cuộc họp đó, ngày 7 tháng 10, các đại sứ Pháp, Anh và Mỹ có nhiệm vụ hỏi Bộ Ngoại giao Anh và Mỹ xem bắt đầu lúc nào các Chính phủ Anh và Mỹ nghĩ rằng có cuộc xâm lược thực sự của Trung Quốc65 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. Bản ghi nhớ chuẩn bị cho..., sách đã dẫn).


Mấy hôm sau, Bi-đôn trở lại ý kiến này trong cuộc hội đàm Pháp-Anh-Mỹ tại Luân-đôn (từ 16 đến 18 tháng 10). Trước hết, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp đã trình bày rằng những tin tức nhận được ở Pari đã làm cho người ta nghĩ rằng có thể khẳng định được khả năng một cuộc xâm lược như vậy. Một nguồn tin chắc chắn nói đến việc thành lập một trường dạy lái máy bay ở Nam Ninh (Quảng Tây). Một nguồn tin khác kém tin cậy hơn, từ Đài Loan đưa về66 (Thực ra, Bộ Ngoại giao Pháp ít chú ý đến các nguồn tin nhận được từ Đài Loan, kể cả những báo cáo của đại sứ quán Pháp tại Đài Bắc gửi về vì cho rằng những tin tức đó quá thiên về tuyên truyền (nói chuyện với một nhân vật Pháp ngày 5-7-1973)). Nói đến việc tập trung máy bay phản lực ở miền Nam Trung Quốc67 (Ở Đông Dương, Pháp không có một chiếc máy bay phản lực nào). Một đường bay có lẽ đã được xây dựng ở ngay Lạng Sơn. Như vậy, Bi-đôn nói tiếp, có lẽ đến lúc các nhà quân sự nghiên cứu những tiêu chuẩn của một cuộc xâm lược của Trung Quốc có thể xảy ra, để áp dụng các biện pháp do Bộ tham mưu đồng minh đề ra, ví dụ như cung cấp một số dụng cụ nhất định và nhất là việc sử dụng không quân.
Hai vị Bộ trưởng (Anh và Mỹ) đã đáp ứng tích cực các đề nghị đó. I-đơn đã nhấn mạnh sự phát triển của tình ình Đông Dương đã ảnh hưởng trực tiếp đến Mã Lai68 (Sự quan tâm đó đến an ninh ở Mã Lai à do các cuộc nổi dậy mới đây của cộng sản mà Anh đang phải đối phó. Về vấn đề này, xem chương V). Và do đó, ông ta đồng ý sẽ tiến hành việc nghiên cứu các vấn đề đó. Đồng thời Đa-lét cũng tuyên bố sẵn sàng xem xét giới hạn của việc Trung Quốc viện trợ, vượt qua giới hạn của việc Trung Quốc viện trợ, vượt qua giới hạn đó thì sẽ phải có biện pháp can thiệp mà chắc chắn người Mỹ sẽ là những người đứng ra tổ chức chủ yếu.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 02 Tháng Sáu, 2019, 12:03:45 pm
An ninh tập thể ở Đông Nam châu Á và việc Mỹ không can thiệp vào Đông Dương


Từ tháng 1 năm 1951, trong một cuộc họp giữa ba nước Anh, Pháp, Mỹ ở Oa-sinh-tơn, đại biểu Pháp đã đề nghị nên tính "làm một cái gì đó để Trung Quốc hiểu rằng một cuộc xâm lược vào Đông Dương sẽ gây ra một cuộc trả đũa tập thể". Còn đại biểu Mỹ thì đề nghị công bố một lời cảnh cáo long trọng với chính phủ Bắc Kinh mà Pháp cho rằng có lợi cho việc đánh dấu tình đoàn kết giữa các nước đồng minh nhưng cũng "bất lợi là Bắc Kinh có thể giải thích rằng đó là một sự khiêu khích"69 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ liên quan đến dự thảo tuyên bố chung về Đông Nam châu Á. 1-12-1952, tr.6-7. Vấn đề được đề cập ngay từ hội nghị Luân-đôn (5-1950), nhưng với những lời lẽ mơ hồ hơn nhiều. Xem P.Ely, sách đã dẫn, tr.18).


Một năm sau, tháng 5 năm 1952, Phủ cao ủy Pháp tại Đông Dương và Bộ phụ trách quan hệ với các quốc gia liên kết đã nêu lại vấn đề và đưa ra ý kiến về một bản tuyên bố Anh-Pháp-Mỹ "trong đó ba cường quốc trình bày những mục đích hành động của họ ở Đông Nam châu Á và nhất là khẳng định lại ý chí kiên quyết giúp đỡ các quốc gia trong vùng được độc lập hoàn toàn, bảo vệ họ chống lại sự đe dọa của bên ngoài và bên trong và cuối cùng, xây dựng lại nền kinh tế của họ"70 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Sài Gòn/bản ghi nhớ về "Lịch sử vấn đề dự thảo tuyên bố giữa các nước đồng minh gọi là "Hiến chương Thái Bình Dương"/23-6-1953). Mục đích dài hạn của dự án là giành được việc ký kết một hiệp ước tương trợ giữa các cường quốc hữu quan về Đông Nam châu Á và mở rộng sang khu vực này những nghĩa vụ và bảo đảm đã có đối với khu vực Bắc Đại Tây dương". Nhưng trước mắt có lẽ thực tế hơn nếu ấn định một mục tiêu ít tham vọng hơn dưới hình thức một tuyên bố, tương tự như Hiến chương Đại Tây dương năm 1940, có thể gọi là Hiến chương Thái Bình dương. Ô-xtrây-li-a và Tân-tây-lan phải được mời tham gia. Giữa năm cường quốc có thể thành lập một cơ quan liên lạc quân sự, kinh tế và chính trị71 (Như trên).


Cuối tháng 5 năm 1952, trong cuộc họp ban bên ngày 28, Bộ trưởng ngoại giao A-chi-sơn (Acheson) đã giải thích rằng chính phủ Mỹ đang định rõ chính sách nhằm ngăn ngừa mọi sự mở rộng mối đe dọa quân sự của Trung Quốc ở Viễn đông. Mỹ luôn luôn nghĩ đến việc gửi một lời cảnh cáo chung của ba nước đồng minh72 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Vụ chính trị/bản ghi nhớ về vấn đề "Hiến chương Đông Nam Á"/12-6-1952). Từ đó đối với chính phủ Pari, những ý muốn của Oa-sinh-tơn có lẽ có thể điều hòa được với dự án của Pháp. Lúc bấy giờ, Vụ chính trị Bộ Ngoại giao Pháp nhận xét "theo cách nào đó, chúng ta hãy thử quy tụ vào một hướng những ý định cùng Mỹ đối với Trung Quốc, rút bỏ cái mũi nhọn hiếu chiến và thay bằng một bản tuyên bố long trọng về viện trợ quân sự, chính trị và kinh tế cho các quốc gia Đông Nam châu Á (...)"73 (Như trên). Giữa tháng 6 hội đồng chính phủ Pháp đã xác nhận những đề nghị của Bộ Ngoại giao và, từ cuộc họp các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ba nước Anh, Pháp, Mỹ ngày 27 tháng 6 năm 1952 ở Luân-đôn, Rô-be Su-man (Robert Schuman) đã báo cáo cho các đồng nghiệp của ông về ý muốn của Pháp74 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ đã kể trên, ngày 23-6-2953). Các cuộc thăm dò đã được tiến hành ở Luân-đôn và Oa-sinh-tơn bằng con đường ngoại giao, người ta nhấn mạnh cần phải ngăn ngừa tuyên truyền cộng sản có nguy cơ phát triển nhân có Đại hội hòa bình sẽ họp ở Bắc Kinh75 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Ngoại giao Pari gửi các đại sứ quán Pháp tại Luân-đôn và Oa-sinh-tơn/16-9-1952).


Nhưng Luân-đôn, tuy có thiện cảm với gợi ý của Pháp, lại đánh giá rằng thời cơ chưa thuận lợi và muốn đợt kết quả hội nghị quân sự giữa các nước đồng minh, dự kiến sẽ họp ở Oa-sinh-tơn vào tháng 10. Về phần Mỹ, họ mong muốn được giải thích rõ ràng về dự án của Pháp và trước hết cần nghiên cứu tường tận tình hình quân sự ở Đông Nam châu Á trước khi dính líu vào76 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ đã trích dẫn tên/ngày 23-6-1953).


Cuối cùng, vào tháng 9 năm 1952, Pháp ngả theo ý kiến của Anh và quyết định chờ xem kết quả của các cuộc hội đàm quân sự tại Oa-sinh-tơn77 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện đã trích dẫn trên/ngày 19-9-1952). Chỉ đến cuối năm 1952, người ta mới mở lại hồ sơ đó. Nhưng việc Đa-lét thay A-chi-sơn ở Bộ Ngoại giao Mỹ và Bi-đôn thay Su-man ở Bộ Ngoại giao Pháp vào tháng 1 năm 1953, rồi những triển vọng về đình chiến ở Triều Tiên, nhất là diễn biến tình hình Đông Dương và kèm theo là sự mệt mỏi của dư luận Pháp, rốt cuộc đã dẫn đến việc bỏ rơi dự án đó vào mùa xuân năm 195378 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ đã dẫn trên, ngày 23-5-1953. Hồ sơ sẽ chỉ được mở lại sau khi ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ khi Pháp sẵn sàng ký hiệp ước Ma-ni-la thành lập Tổ chức liên phòng thủ chung Đông Nam châu Á (SEATO) (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ về vấn đề "Tuyên bố quốc tế liên quan đến Đông Dương" 21-7-1954)). Tuy nhiên, đến tháng 7, Bộ tham mưu Pháp nghĩ rằng những lực lượng nước ngoài được Trung Quốc ủng hộ tấn công vào Lào phải được khai thác về mặt ngoại giao bằng cách yêu cầu Mỹ và Anh cam kết có những biện pháp trả đũa lại Bắc Kinh trong trường hợp xảy ra xâm lăng Vương quốc Lào và Khơ-me79 (Thông báo số 3430/12-OM ngày 17-7-1953, dưới đóng dấu của bộ tham mưu đồng minh các lực lượng vũ trang. Ký tên: Blanc, Fay, Nomy. P.Rocolle trích trong sách đã dẫn, tr.52-53. H.Na-va sách đã dẫn, tr.86-87).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 02 Tháng Sáu, 2019, 12:09:03 pm
Nhưng từ lúc này, tình hình quân sự "ruỗng nát" đòi phải có những giải pháp căn bản khác trước. Từ đầu năm 1954, tướng E-li (Ely) Tổng tham mưu trưởng lục quân đã được phép qua trung gian của tướng Va-luy (Valluy), yêu cầu Oa-sinh-tơn tăng cường viện trợ cho Đông Dương, nhất là dưới hình thức bổ sung thêm những phương tiện không quân80 (Về quan hệ Pháp-Mỹ trong giai đoạn này, có thể chủ yếu xem Ph.Devillers, La Fin d'une guerre (Kết thúc một cuộc chiến tranh), sách đã dẫn, tr.70-108. R.Ph. Ran-đơn, sách đã dẫn, tr.53-135 và Coral bell, Survey of International Affairs, 1954 (Điểm lại các vấn đề quốc tế) Luân-đôn, Niu Oóc và Tô-rôn-tô, Oxford University Press, 1957, 329 trang, tr.21-42). Ngoài ra Mỹ còn nhận đáp ứng một phần yêu cầu của Pháp đặc biệt là máy bay B.26, cùng với thợ máy bảo dưỡng và phi công81 (Về những vấn đề này, xem những đoạn trích trong Bọ vong lục của Ủy ban đặc biệt về Đông Dương gửi Tổng thống Ai-xen-hao, ngày 30-1-1954. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.32-35. Quyết định này được công bố bằng một thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 6-2. Về phản ứng của Trung Quốc. Xem bản tin ngày 8-2-1954 của Tân Hoa xã đưa lại trong Surprise of China Mainland Press (Điểm lại báo chí Trung Hoa lục địa), Tổng lãnh sự Mỹ, Hồng Công, số 744, ngày 10-2-1954). Chính là để phối hợp việc sử dụng sự viện trợ từ nay rất quan trọng đó mà mấy tuần sau, tướng Ô Đa-ni-en (O Daniel) thay thế tướng Tơ-ráp-nen (Trapnell) đứng đầu phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (MAAG) tại Sài Gòn82 (Sự có mặt của tướng Ô Đa-ni-en tại Sài Gòn không thể không giống sự có mặt của tướng Trung cộng Li Chen-hu bên cạnh Bộ tham mưu của Việt Minh).


Cuộc tiến công căn cứ Điện Biên Phủ, bắt đầu từ ngày 13 tháng 3, nhất là việc đánh chiếm nhanh chóng các đồn tiền tiêu của cứ điểm83 (Xem P.Rô-cô-le, sách đã dẫn, chương VII (La surprise tactique-Chiến thuật bất ngờ), tr.343-390). Điện Biên Phủ từ những ngày đầu chiến sự, đã làm các giới hữu trách trong chính phủ Pari ngạc nhiên84 (G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr.44. Về thời kỳ này, xem thêm M.Guốc-topps, sách đã dẫn, tr.68-115). Trong mấy tuần, các giới chính trị và quân sự, ở Pháp cũng như ở Mỹ và ở Anh đều trải qua một cơn sốt đặc biệt. Ngày 20 tháng 3, tướng Ê-li, có nhiệm vụ đi Mỹ cầu cứu, đã tới Oa-sinh-tơn và hội đàm nhiều ngày với Tổng thống Ai-xen-hao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đa-lét và đô đốc Chủ tịch Ủy ban các tham mưu trưởng Rát-pho (Radford) giải thích cho họ rằng nếu không có sự can thiệp ồ ạt của không quân Mỹ thì sẽ không thể thắng được ở Điện Biên Phủ, nơi quyết định số phận của Đông Dương. Ngay lúc đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và đô đốc Chủ tịch Ủy ban các tham mưu trưởng tỏ ý rất tán thành một hành động như vậy và tướng Ê-li trở về Pari ngày 26 tháng 3 khá lạc quan về khả năng Mỹ có thể sẽ hành động trong trường hợp ít nhất là có sự can thiệp bằng không quân của Trung Quốc85 (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.11 (Operation Vautour-Chiến dịch Chim ưng), và nhất là xem P.E-ly, sách đã dẫn, tr.59-81 (Mission a Washington-Sứ mệnh ở Oa-sinh-tơn). Tướng E-ly chú thích rằng... đô đốc Rát-pho không tin Trung Quốc sẽ can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương (tr.63). Xem thêm J.Laniel, (Le drame Indochinois (Tấn thảm kịch Đông Dương), sách đã dẫn, tr.83-84).


Chính lúc đó, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tung ra ý kiến về một hiệp ước an ninh tập thể ở Đông Nam châu Á. Theo ý của Mỹ, liên minh đó phải vừa làm xoa dịu dư luận (nhất là Quốc hội Mỹ) đang lo ngại một cuộc phiêu lưu quân sự có thể xảy ra ở Viễn Đông mà không được Anh và các đồng minh khác ủng hộ, vừa ngăn đe phe cộng sản, đặc biệt là Trung Quốc không được can thiệp trực tiếp vào Đông Dương86 (P.E-ly, sách đã dẫn, tr.66). Ngày 29 tháng 3, trong một diễn văn quan trọng đọc tại "Câu lạc bộ báo chí hải ngoại của Mỹ", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đa-lét kịch liệt tố cáo Trung Quốc can thiệp vào Đông Dương:

"Một phần lớn những người lính đang chiến đấu dưới lá cờ của Hồ Chí Minh đã được Trung hoa cộng sản huấn luyện và trang bị (...) khoảng 2.000 cộng sản Trung Quốc đóng vai trò cố vấn quân sự và kỹ thuật. Họ giữ những vị trí then chốt trong các lực lượng của Hồ Chí Minh, nhất là ban tham mưu của Bộ tổng tư lệnh, ở cấp sư đoàn và trong các binh chủng chuyên môn: thông tin liên lạc, công binh, pháo binh và vận tải (...) Cộng sản Trung Quốc tránh sử dụng công khai quân đội của chính họ để tiến hành xâm lược trực tiếp Đông Dương. Tuy nhiên họ đã tăng cường đáng kể sự ủng hộ đối với cuộc xâm lược vào vùng này của thế giới. Thực tế, họ tạo mọi phương tiện dễ dàng cho cuộc xâm lược đó trừ sự xâm lược thuần túy (...)87 (P.E-ly, "Diễn văn của Đa-lét về các vấn đề Viễn Đông" USA (bản tin hàng ngày của các cơ quan thông tin Mỹ), Pari, 30-3-1954. Bản tiếng Anh trong Thời báo Niu Oóc, 30-3-1954, tr.4. Về điểm này, xem thêm H.Na-va, sách đã dẫn, tr.243 và J.Laniel, La drame Indochinois (Tấn thảm kích Đông Dương), sách đã dẫn, tr.84).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 02 Tháng Sáu, 2019, 12:12:56 pm
Để đối phó với sư đe dọa của Liên Xô và Trung hoa nhân dân, đối với thế giới tự do như vậy, theo Đa-lét, chỉ có một giải pháp, đó là "hành động chung" ("united action").

Bài diễn văn này còn xác nhận sự lạc quan đã được tướng Ê-li bày tỏ ở Pari. Người ta nói đến các ý kiến của Phó tổng thống Ních-xơn về một chiến lược mới của Mỹ: "Thà trông vào sức mạnh cơ động ghê gớm sẽ được sử dụng kín đáo để trả đũa chống lại nguyên nhân chính của sự xâm lược, vào thời gian và địa điểm do chính chúng ta lựa chọn, còn hơn là để cộng sản đưa chúng ta vào chỗ chết bằng những cuộc chiến tranh nhỏ, nhen lên ở khắp mọi nơi trên thế giới"88 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Sài Gòn/bản ghi nhớ về Chiến lược mới của Mỹ và việc quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương/5-4-1954, tr.2-3). Trong các giới chính phủ Pháp, người ta gợi lên việc sử dụng "sức mạnh hải quân và không quân và có lẽ cả sức mạnh nguyên tử (của Mỹ) chống lại Trung Quốc"89 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (như trên), tr.3. Chúng tôi nhấn mạnh). Người ta cũng cho là tự nhiên khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, trong diễn văn ngày 22 đa ám chỉ đến những "nguy cơ nghiêm trọng" do "hành động chung" đem lại vì "người ta đương nhiên nghĩ đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử"90 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Như trên. Chúng tôi nhấn mạnh. Cần nhận xét rằng tướng E-ly trong chương nói về nhiệm vụ của ông ta sang Oa-sinh-tơn (tháng 3-1954) không nói gì đến một khả năng như thế).


Điều đó hình như là kết quả lô-gích của cái lúc đó người ta gọi là "cách nhìn mới" về chiến lược của Mỹ, được hiểu chủ yếu là giảm lục quân Mỹ và đương nhiên ám chỉ một khả năng có nhiều hơn là việc sử dụng vũ khí nguyên tử91 (Về chính sách "cách nhìn mới", xem D.D.Ai-xen-hao, sách đã dẫn, tr.445-458, cũng như G.Guốc-tốp, sách đã dẫn, tr.53-55 ("Strategy, the Neww Look and Massive Retaliation"-"Chiến lược, cách nhìn mới và trả đũa ồ ạt"). Về phản ứng của Trung Quốc đối với chiến lược đó, xem chương VIII ở đoạn sau). Đứng trước một sự đe dọa như vậy, có lẽ Trung Quốc sẽ nhượng bộ. Vì Trung Quốc không chắc chắn được sự ủng hộ của Liên Xô. Đó có lẽ là con chủ bài lớn của Pháp tại hội nghị Giơ-ne-vơ92 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, bản ghi nhớ đã dẫn, ngày 5-4-1954, tr.5-6).


Nhưng, cùng lúc đó, những người lãnh đạo của Mỹ tiếp tục tự hỏi về khả năng sử dụng lực lượng Mỹ ở Đông Dương. Đã có nhiều sự dè dặt kể cả trong nội bộ lục quân, ví như của bản thân tướng Rít-uây (Ridg-way)93 (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.11. Tướng Rít-uây, Tổng tham mưu trưởng lục quân, là một trong những người chống lại "cách nhìn mới" về chiến lược của Mỹ (Xem Matthew Ridway H.H.Martin. Soldier: memoirs of M.B.Ridgway người lính chiến: Hồi ký của M.B.Rít-uây), New York Harper and Brothers, 1956, tr.274-278). Nhiều người sợ rằng một hành động của hải quân và không quân sẽ nhanh chóng lôi kéo theo một sự can thiệp trên bộ, và không chắc chắn được sự ủng hộ của đồng minh Anh, Mỹ sẽ phải dính líu vào một cuộc chiến tranh mới ở Đông Dương chống Trung Quốc theo kiểu chiến tranh Triều Tiên. Vậy, một cuộc chiến tranh như vậy đòi hỏi một số lớn sư đoàn, điều đó không phù hợp với "cách nhìn mới" về chiến lược. Theo họ, người ta không thể vừa giảm lục quân Mỹ, lại vừa tăng những cuộc can thiệp hoặc ngay cả tăng nguy cơ can thiệp ở hải ngoại.


Cuối cùng, ngày 3 tháng 4, những người đứng đầu Quốc hội từ chối không ủng hộ một cuộc hành động do Đa-lét và đô đốc Rít-uây đưa ra như vậy. Hay đúng hơn là họ đặt ra ba điều kiện: các đồng minh, nhất là Anh, phải đồng tình và tham gia, Pháp phải trao trả độc lập thật sự cho các quốc gia liên kết và Chính phủ Pari cam kết duy trì quân đội viễn chinh ở Đông Dương94 (D.D.Ai-xen-hao, sách đã dẫn, tr.347. Tổng thống Ai-xen-hao nhận xét rằng sự tham gia của các nước đồng minh lại càng cần thiết hơn, nếu người ta muốn tránh cho hành động đó khỏi mang tính chất đế quốc, khi "không có chứng có rõ rệt là Trung Hoa đỏ tham gia công khai vào cuộc xung đột Đông Dương" (Như trên, tr.340)).


Cùng ngày, Đa-lét tiếp Đại sứ Pháp Bô-nê (Bonnet) và yêu cầu ông ta chuyển về chính phủ một dự án về liên hiệp chống cộng ở Đông Nam châu Á, có thể bao gồm, ngoài Pháp và Mỹ, các nước Anh, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lơn, Thái Lan và Phi-lip-pin95 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về vấn đề "Khả năng lập nhóm phòng thủ chống cộng ở Đông Nam Á"/5-4-1954, tr.1). Đề nghị này, phù hợp với ý kiến của Phủ cao ủy Pháp tại Đông Dương và Bộ phụ trách quan hệ với các quốc gia liên kết đưa ra cách đây hai năm, đã đặt Chính phủ Pari vào thế khó xử. Một mặt, không thể trả lời hoàn toàn tiêu cực đối với đề nghị của Mỹ trong lúc đang cần đến sự viện trợ quân sự ngày càng khẩn cấp của Mỹ. Nhưng, ngược lại, việc thành lập một liên minh quân sự ngay trước khi đi vào thương lượng để giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương rõ ràng là trái ngược với đường lối hành động của chính phủ Pháp96 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/như trên, tr.2). Trước mắt, Pháp yêu cầu Oa-sinh-tơn nói rõ hơn về ý muốn của Mỹ, nhất là về phạm vi của hiệp ước đã dự kiến, về việc thành lập một lực lượng quân sự chung, về tính hợp thời của sự tham gia của các quốc gia như Thái Lan, Phi-líp-pin, v.v... vào hiệp ước đó97 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/như trên, tr.4. Tuy nhiên, việc thương lượng vẫn tiếp tục giữa Mỹ và Anh, và khi được Bộ Ngoại giao Mỹ mời tham gia (cuối tháng 7-1954), Pháp đã đứng trước những dự án đi rất xa rồi (G. Sô-ven, sách đã dẫn, tr.91-93). Thái Lan nhận lời đề nghị của Mỹ từ 9-4-1954. Tài liệu riêng của G.Ph.Đa-lét, 5-4-1954. Tài liệu riêng của G.Ph.Đa-lét, bản thảo ngày 9-4-1954. R.Ph.Ran-đơn dẫn trong sách đã dẫn, tr.76).


Thực ra, từ ngày 4 tháng 4, tổng thống Ai-xen-hao chú ý đến phản ứng của Quốc hội Mỹ, đã quyết định không can thiệp98 (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.11). Mặc dầu ngày 5 tháng 499 (Như trên, tr.38 (Điện của Đâu-glớt gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đa-lét, 5-4-1954). Yêu cầu mới này đưa ra sau khi Na-va chấp nhận ngày 4-4 kế hoạch "Chim ưng". Việc chấp nhận này được Chính phủ Pari tán thành cùng ngày hôm đó. Xem P.E-ly, sách đã dẫn, tr.85-86, J.La-ni-en, Tấn thảm kịch Đông Dương, sách đã dẫn, tr.85), Chính phủ Pháp lại yêu cầu nữa, Mỹ đã báo cho Pari trong ngày hôm đó rằng không thể thực hiện yêu cầu can thiệp ngoài khuôn khổ của "hành động chung" với các nước hữu quan của Khối thịnh vượng chung100 (Như trên, tr.39-40 (Điện ngày 5-4-1954 của G.Ph.Đa-lét gửi Đại sứ Đin-lơn). Bi-đôn bèn trả lời ngay rằng ông ta hiểu rất rõ lập trường của Mỹ, nhưng thời điểm thương lượng để thành lập liên minh đã qua rồi vì chính là 10 ngày sau đó đã quân đội số phận Điện Biên Phủ và của Đông Dương101 (Như trên, tr.10 (Điện của Đin-lơn gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đa-lét nagfy 5-4-1954. Về các yếu tố của cuộc thương lượng này mà ít lâu sau; giới báo chí đã biết, xem báo Bưu điện Oa-sinh-tơn, ngày 7-6-1954. "U.S. Twice Proposed Intervention in Indochina" (2 lần Mỹ đề nghị can thiệp vào Đông Dương) của A.F. and Carrier. Based Planes"; Le Monde ngày 1-7-1954 bài "Comment les Américains rininteverviennent pas en Indochine" (Mỹ không can thiệp vào Đông Dương như thế nào?", C.H.Roberts. "The Day we didn't go to war" (Ngày chúng tôi không ra trận), Reporter, 14-9-1954, tr.31-35. Cũng xem John Robinson Beal, John Foster Dulles, New York, 1957, tr.207-209. M.Guốc-tốp, sách đã dẫn, tr.94-98).


Tuy nhiên, đáp ứng lời mời thân hành đi Luân-đôn và Pari để giải thích chính sách Mỹ, Đa-lét đến Anh ngày 11 tháng 4. Trong hai ngày 12 và 13, ông ta hội đàm với Sơớc-sin và I-đơn về vấn đề Đông Dương. Các nhà lãnh đạo Anh, chủ trương không đưa ra một sáng kiến nào có thể gây trở ngại cho cuộc thương lượng tại Giơ-ne-vơ và làm cho năm cường quốc châu Á sắp gặp nhau ngày 28 tháng này tại Cô-lôm-bô (Colombo) có thể hiểu một cách không có lợi102 (Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Xây-lan, Miến Điện và In-đô-nê-xi-a ba trong số các nước này là thành viên của khối thịnh vượng chung của Anh. Về cuộc họp này, xem chương IV ở đoạn sau), đã nhắc lại cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ rằng trước mắt, Chính phủ Anh loại trừ một hành động quân sự ở Đông Dương. Một thông cáo chung công bố ngày 13 cho biết, hai nước tuyên bố sẵn sàng xem xét nguyên tắc của "một sự phòng thủ chung trong khuôn khổ Hiến chương Liên hiệp quốc, để bảo đảm hòa bình, an ninh và tự do ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình dương". Thông cáo đó viết tiếp: "Chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng triển vọng của việc thành lập một kế hoạch phòng thủ chung đồng nhất trong toàn bộ Đông Nam châu Á và Tây Thái Bình dương góp phần đem lại hòa bình trong danh dự ở Đông Dương"103 (Thông cáo chung công bố sau hội đàm Đa-lét-I-đơn Textes du jour (Documentation francaise), 15-4-1954. Về thái độ của Anh trong cuộc thương lượng tháng 4, xem Hồi ký I-đơn, tr.104-120). Tuy vậy, mấy ngày sau, I-đơn chỉ thị cho đại sứ Anh tại Oa-sinh-tơn, Ma-kinh (Makins) không tham dự cuộc họp đầu tiên bàn về vấn đề đó, do Đa-lét dự định triệu tập ngày 20 tháng 4.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 02 Tháng Sáu, 2019, 12:15:02 pm
Từ ngày 13, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đến Pari, ông xác nhận với La-ni-en và Bi-đôn lập trường của Mỹ đã đưa ra trước đây: Mỹ không can thiệp nhưng thương lượng về một hiệp ước tập thể. Đa-lét kết luận: "Có thể tạo điều kiện để trục cộng sản Mát-xcơ-va-Bắc Kinh phải thừa nhận rằng họ không thể mở rộng ảnh hưởng ra Đông Nam châu Á và Thái Bình dương. Chỉ có như vậy mới có thể thương lượng ở Giơ-ne-vơ về một giải pháp dẫn đến hòa bình thực sự". Rồi Bi-đôn khẳng định lại lập trường của Pháp. Chưa đến lúc nói đến việc quốc tế hóa cuộc xung đột mà trước hết cần khai thác khả năng do hội nghị Giơ-ne-vơ đem lại. Các cuộc nói chuyện bán chính thức giữa ông ta và người Nga ở Béc-lin cho ông ta nghĩ rằng họ thực sự lo ngại "chiến tranh mở rộng ở Đông Nam châu Á do Trung Quốc chủ động gây ra". Điều đó giải thích những sự nhân nhượng của Mô-lô-tốp. Dù còn rất mỏng manh, nhưng dấu hiệu đó cho phép hy vọng những kết quả cụ thể tại Giơ-ne-vơ. Tiếp theo các cuộc hội đàm Pháp-Mỹ, một thông cáo tương tự như thông cáo Luân-đôn đã được công bố.


Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phải trở lại Pari ngày 21 tháng 4 để tham dự một cuộc họp của khối NATO. Một cuộc gặp mới ngày 22 tháng 4 giữa Bi-đôn, Đa-lét và I-đơn, trong đó, một lần nữa, vị bộ trưởng người Mỹ bênh vực dự án tổ chức phòng thủ tập thể ở Đông Nam châu Á. Cuối cùng, một cuộc gặp được tiến hành ngày 24 giữa ba người, ban đầu họp riêng, về sau có cố vấn tham dự. Tin tức từ Điện Biên Phủ là đáng lo ngại. Đa-lét hỏi riêng Bi-đôn: "Ông tính sao, nếu chúng tôi cho các ông hai quả bom nguyên tử?"104 (Georges Bidault, D'une résistance à l'autre (Từ cuộc kháng chiến này đến cuộc kháng chiến khác). Paris, Les Presses du Siècle, 1965, tr.198, được G.Sô-ven xác nhận trong sách đã dẫn, tr.46. Ngược lại I-đơn lại không nói điều gì tương tự. Tuy nhiên, ông viết trong Hồi ký "rằng hội nghị Giơ-ne-vơ" là cuộc hội nghị quốc tế đầu tiên, trong đó ông ý thức sâu sắc về sức mạnh răn đe của bom khinh khí" ("Hồi ký", sách đã dẫn, tr.140). Nhưng nhận xét đó liên quan đến Liên Xô hơn là Trung Quốc (như trên, tr.141). Gioóc-giơ Bon-nê trong "Le Quai d' Orsay sous trois Républiques" (Bộ Ngoại giao Pháp dưới ba chế độ Cộng hòa), Paris, Fayard, 1961, tr.465, nói đến đề nghị của Mỹ về "những cỗ pháo nguyên tử", Tổng thống Ai-xen-hao không ám chỉ gì việc đó. Nhưng trong cuộc nói chuyện năm 1978 (với tác giả), ông Su-man khẳng định một lần nữa đề nghị của Mỹ: "Tôi nói được hai thứ tiếng và ông Ph.Đa-lét kéo tôi ra một chỗ và nói với tôi hết sức thản nhiên: "Liệu điều đó có thể giúp ích gì cho nước Pháp hay không, nếu tôi không nói là trong lúc này, người ta cho Pháp mượn hai quả bom nguyên tử?". Tạp chí Historia, số 375, tháng 2-1978, tr.46. Chúng tôi không tìm thấy tài liệu gì trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp liên quan đến vấn đề này).


Thực ra, khó mà xác định rõ các nhà quân sự đã thực sự nghiên cứu đến mức nào và trong điều kiện nào sẽ đem ra sử dụng vũ khí nguyên tử. Về phần tướng Na-va, hai năm sau đó, ông ta khẳng định rằng chưa bao giờ tính đến việc dùng bom nguyên tử trong khu vực Điện Biên Phủ105 (H.Na-va, sách đã dẫn, tr.244, chú thích 2. Tuy vậy, việc sử dụng vũ khí nguyên tử ở ngay trên đất Đông Dương đã được Bộ tham mưu Mỹ tính đến đầy đủ (Tài liệu mật-Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.46). Về vấn đề này, xem thêm sự phán xét của tướng E-ly, sách đã dẫn, tr.90) và không bao giờ ông ta được biết đến một dự án nào đó về việc Mỹ sẽ ném bom nguyên tử trên đất Trung Quốc106 (H.Na-va, sách đã dẫn, tr.245, chú thích 1). Hơn nữa, đề nghị của Đa-lét càng đáng ngạc nhiên hơn khi một tháng trước đó, Đa-lét đã bảo đảm dứt khoát rằng một chiến lược trả đũa ồ ạt là "không áp dụng" đối với Đông Dương107 (Tuyên bố ngày 19-3-1954. R.Ph.Ran-đơn, sách đã dẫn, tr.71). Bởi vậy, đâu là ý nghĩa thực sự của đề nghị đó, mà chính Bi-đôn cũng không nêu ra? Phải chăng đó là một quả bóng thăm dò các ý định của Pháp? Hay là một đề nghị thực sự để tránh cho tập đoàn cứ điểm khỏi thất thủ và ngăn cản một chính phủ quyết tâm thương lượng bằng mọi giá với cộng sản khỏi lên cầm quyền ở Pháp? Đó là bấy nhiêu câu hỏi mà lúc này thật rất khó giải đáp rõ ràng108 (Tuy nhiên chúng ta lưu ý đến một tài liệu quân sự Mỹ ngày 26-5 trong đó một lần nữa nêu khả năng dùng bom nguyên tử (Tài liệu mật  Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.45-46. Xem chương V phần sau)).


Dù thế nào chăng nữa, cuộc gặp cuối cùng ngày 24 tháng 4 không đem lại kết quả tích cực nào. Người Anh vẫn bám lấy chủ trương không can thiệp109 (Xem diễn văn của Sơớc-sin tại Hạ nghị viện Anh ngày 27-4-1954. "Parliamentary Debates" (Tranh luận tại Quốc hội), Hạ nghị viện, Loại 5, tr.526, ngày 27-4-1954, tr.1455-1456), và vì lý do đó, cả người Mỹ cũng không hành động gì. Một cố gắng cuối cùng của I-đơn với Nội các Anh cũng không thay đổi gì hơn110 (G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr.47. Xem thêm, A.I-đơn, Hồi ký, sđ, tr.117-120). Người ta đã không cứu được Điện Biên Phủ. Hai ngày sau, hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc. Ngày 7 tháng 5, những người sống sót tại Điện Biên Phủ đầu hàng.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 02 Tháng Sáu, 2019, 12:17:41 pm
Về phía đồng minh, hai tháng hoạt động ngoại giao ráo riết chỉ minh họa quá rõ khoảng cách giữa Pari, Luân-đôn và Oa-sinh-tơn về vấn đề Đông Dương.

Chính nước Mỹ cũng chia rẽ về vấn đề này. Những người có trách nhiệm như Phó tổng thống Ních-xơn, Thứ trưởng Ngoại giao Bơ-đen Xmít hay đô đốc Rát-pho tán thành can thiệp. Thậm chí Ních-xơn, trong một diễn văn đọc ngày 16 tháng 4, còn đề nghị gửi "lính Mỹ" đến Việt Nam kẻo quá chậm111 (D.D.Ai-xen-hao, sách đã dẫn, tr.353), và đô đốc Rát-pho cũng nói đến đổ bộ một lực lượng vào khu vực Hải Phòng-Hà Nội, dù cho có nguy cơ xảy ra chiến tranh với Trung Hoa đỏ112 (Ga-vin (lúc này phụ trách tác chiến của lục quân). We can get Out of Viet Nam (Chúng ta có thể ra khỏi Viet Nam), báo Saturday Evening Post, 24-2-1968, tr.24. K.C.Chen trích trong sách đã dẫn, tr.303, chúng tôi gạch dưới. Chính phủ Pháp khi đưa ra yêu cầu ngày 5 tháng 4 đã tính đến nguy cơ đó (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.39. Về phần minh, Đa-lét phải cố gắng thuyết phục I-đơn về việc Mỹ không hề có ý đồ xâm lược Trung Quốc. (D.D.Ai-xen-hao, sách đã dẫn, tr.355). Tổng thống Ai-xen-hao và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của ông ta ngược lại lo ngại những tác động chính trị mà một quyết định như vậy có thể gây ra chỉ mấy tháng sau khi đạt được cuộc đình chiến ở Bàn Môn Điếm một cách rất vất vả, và nhất là trong năm tuyển cử. Vì vậy, hai người này mong muốn các nước đồng minh ký một hiệp ước trước khi hội nghị Giơ-ne-vơ họp. Theo họ, đó là cách duy nhất để tránh cho nước Pháp khỏi đi vào thương lượng trên thế quá yếu, và cũng là cách duy nhất để giữ gìn tương lai trong trường hợp hội nghị thất bại, như ý kiến rất phổ biến ở Oa-sinh-tơn.


Nhưng vụ Ma-kinh (Makins) đã chứng tỏ rằng nước Anh không muốn ký hiệp ước trước Giơ-ne-vơ. Để làm giảm tình hình căng thẳng quốc tế, Anh thấy nên khai thác những khả năng của một cuộc thương lượng thực sự, và để cho cuộc thương lượng đó đi đến kết quả, hình như Anh cho rằng cần phải tránh va chạm trực tiếp với Mát-xcơ-va và Bắc Kinh bằng việc thành lập một liên minh như thế. Những nhân tố trong nhiều cái khác, giải thích đường lối của Sơớc-sin và I-đơn là: Ý muốn giữ gìn sự thống nhất trong Khối thịnh vượng chung và như vậy, quan tâm hết sức đến thái độ của Niu Đê-li đối với vấn đề Đông Dương, việc Bơ-vin (Bevan) ngoi lên địa vị cầm đầu Công đảng đang mở chiến dịch chống lại sự lệ thuộc quá đáng về chính sách của Anh đối với Mỹ, lòng mong muốn của Luân-đôn có "cách nhìn mới" về chiến lược mà trong trường hợp này có nghĩa là giảm đến mức tối thiểu khả năng can thiệp ở hải ngoại, nhất là ở Đông Nam Á, nơi đây quân đội Anh đã dính líu vào cuộc chiến đấu chống cộng sản ở Mã Lai, hoặc còn có nghĩa là phát hiện những khả năng thương mại với Liên Xô và Trung Quốc.


Bởi vậy, "hành động chung" là không thể được. Nghiêm trọng hơn nữa, sự việc đã ra công khai. Các cường quốc cộng sản biết rằng trước mắt họ, ở Giơ-ne-vơ, không có một mặt trận đồng minh đồng nhất. Thế của Pháp càng tỏ ra yếu hơn nữa.


Cuối cùng có hai vấn đề đối lập nhau giữa Pari và Oa-sinh-tơn. Vấn đề thứ nhất là mức độ độc lập của các nước Đông Dương mà người Mỹ cho rằng không đầy đủ113 (Về điểm này, M.Guốc-tốp, sách đã dẫn, tr.35-52 ("Washington and Paris: The Political Tangle") (Oa-sinh-tơn và Pari: Rối ren về chính trị). Tình cảm của Chính phủ Anh không khác mấy. Xem I-đơn, sách đã dẫn, tr.189. Kết luận "Các kế hoạch trao trả độc lập của người Pháp đến quá chậm và xem ra đã tuột khỏi tay họ, v.v..."). Sự thật là những nhượng bộ của Pháp cho các quốc gia liên kết ở Đông Dương nhiều khi được quyết định dưới sức ép duy nhất của tình hình. Chính thứ tự thời gian của các sự việc diễn ra chứng tỏ rằng các nước Đông Dương đã vượt qua những chặng đường lớn tiến tới độc lập trong các thời kỳ mà nỗi lo sợ về Trung Quốc là lớn nhất. "Hiệp định Ê-li-dê" (Elysée), trao đổi thư giữa Ô-ri-ôn và Bảo Đại114 (Văn bản trong "Notes et Etudes documentaires" số 1295, ngày 14-3-1950), thừa nhận nền thống nhất của Việt Nam chỉ được ký ngày 8 tháng 3 năm 1949, vào lúc cuộc tiến công của cộng sản đã đến trung tâm đất nước. Chỉ đến 6 tháng cuối năm 1949, cũng mới ký được các Hiệp định Pháp-Lào (19 tháng 7), Pháp-Khơ-me (ngày 8 tháng 11) thừa nhận nền "độc lập" của hai Vương quốc. Ở Việt Nam, chỉ sau khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố thành lập, và Việt Minh được sự giúp đỡ của Trung Quốc, đã có thể mở chiến dịch tháng 9 năm 1950, thì nước Pháp mới thật sự chấp nhận nguyên tắc thành lập một đội quân tự trị của Việt Nam (Hội nghị Đà Lạt tháng 9 năm 1950). Cũng như thế, chỉ sau đình chiến Triều Tiên và tính đến nguy cơ Trung Quốc quay về mặt trận Đông Dương, nước Pháp mới nhận ký ngày 8 tháng 10 năm 1953 với Lào một hiệp ước hữu nghị và liên kết thừa nhận nền độc lập hoàn toàn của vương quốc này cũng như hai hiệp định ký ngày 29 tháng 8 và 17 tháng 10 năm 1953, công nhận chủ quyền của Cam-pu-chia về cảnh sát và quân đội. Với Việt Nam, tiếp theo tuyên bố ngày 3 tháng 7, mãi đến mùa thua mới bắt đầu tiến hành các cuộc thương lượng nhằm "hoàn thành" độc lập của quốc gia này. Ngày 8 tháng 3 năm 1954 nối lại các cuộc thương lượng với hoàng thân Bửu Lộc kéo dài đến 21 tháng 4 mới kết thúc, chỉ mấy ngày trước khi họp hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về Triều Tiên và Điện Biên Phủ thất thủ. Hai dự án hiệp định đã được soạn thảo, một thừa nhận Việt Nam hoàn toàn độc lập, còn dự án kia thì định ra các cơ sở chợ liên kết với Pháp trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp115 (Văn bản hai hiệp ước này đăng trong Textes du Jour số 67, ngày 15-6-1954). Tuy nhiên, khi hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, hai văn bản đó vẫn chưa được ký kết chủ yếu là do có những tin đồn gây nên lo ngại ở Việt Nam về khả năng chia cắt đất nước, một dự án đã được nghĩ đến từ nhiều tháng nay ít nhất là ở Luân-đôn và Pari116 (A.I-đơn, sách đã dẫn, tr.97-99, 103. Các tin đồn công khai trong "The times" ngày 19-4-1954. Về dự án của Pháp chia cắt Việt Nam, xem Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ của Tùy viên quân sự Pháp tại Thái Lan gửi ông Tổng thư ký thường trực Bộ Quốc phòng về vấn đề "Vài nhận xét về các cuộc thương lượng sắp tới về hòa bình ở Đông Dương", số 76/AM/Băng Cốc/25-2-1954. Báo chí Mỹ truyền đi nhanh chóng những dự án tương tự ở Mỹ, The New York Herald Tribune, ngày 1-5-1954).


Vấn đề thứ hai, đối lập giữa Pháp và Mỹ có lẽ còn quan trọng hơn, đó là vấn đề hiệp ước thành lập Cộng đồng phòng thủ châu Âu (C.E.D). Trong khi Liên Xô phản đối kịch liệt hiệp ước này, thì Mỹ ngược lại, coi đó là một bộ phạn chủ chốt của nền phòng thủ Tây Âu. Vậy mà từ nhiều tháng qua, chính phủ Pháp bác bỏ việc phê chuẩn nó. Vì vậy ở Oa-sinh-tơn, người ta lo ngại rằng việc phê chuẩn hiệp ước C.E.D, thậm chí nếu được Bi-đôn bênh vực, thì cũng sẽ trở thành đối tượng mặc cả giữa Pari và Mát-xcơ-va, Pháp sẽ bác bỏ C.E.D đổi lấy một giải pháp danh dự ở Đông Dương. Tất cả mọi vấn đề đó, mọi sự bất đồng đó đều đem tranh luận công khai trên báo. Chắc chắn là điều đó góp phần làm suy yếu thế đàm phán của phương Tây tại hội nghị.


Trung Quốc, ngược lại, đề cập đến hội nghị trong một hoàn cảnh tương đối thuận lợi. Trong khi viện trợ ồ ạt cho Việt Minh, họ đã biết làm cho Việt Minh giành được thế mạnh mà Bộ tham mưu Pháp tìm kiếm từ đầu năm mà không được. Nhưng nhất là Chính phủ Bắc Kinh đã khéo léo giúp đỡ vừa đủ để tạo thuận lợi cho Việt Minh giành được thắng lợi, song không vì thế mà viện trợ vô hạn độ để Việt Minh có thể làm cho Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ can thiệp. Bởi vì chắc chắn rằng khi chiến tranh Triều Tiên đã chấm dứt, Trung Quốc có thể có phương tiện cung cấp cho Việt Minh một sự viện trợ về vật chất to lớn hơn là sự viện trợ mà Trung Quốc thực sự đã dành cho họ.


Vậy thì, đâu là những chủ bài của Pháp trước chính phủ Bắc Kinh? Phải chăng là triển vọng công nhận ngoại giao mà Anh đã vạch đường chỉ lối? Hay là chấp nhận những trao đổi thương mại quan trọng đó sẽ nới lỏng bao vây kinh tế mà Mỹ và Liên hiệp quốc áp đặt năm 1951? Hoặc cho hưởng những đặc quyền ở Bắc Việt Nam, nhất là ở Hải Phòng như năm 1946 đã nhượng cho Trung Hoa quốc gia? Chắc chắn là Pháp đã có sẵn mấy con bài, nhưng tất cả đều khó chơi, vì phải tính đến sự "phủ quyết" của Mỹ. Tình hình tài chính của Pháp, và do đó đưa đến sự lệ thuộc của chính phủ Pari đối với Mỹ về phương diện kinh tế cũng như về quân sự, đã đặc biệt giảm đi quyền tự do hành động mà Pháp có được.


Cuối cùng, phải chăng sự suy yếu của Pháp là con chủ bài duy nhất có trọng lượng? Theo con mắt người Trung Quốc, 8 năm chiến tranh đã chứng minh quá rõ ràng, không thể coi sự có mặt của Pháp ở Đông Dương là mối đe dọa đối với Trung Quốc, dù sao, sự có mặt đó cũng không đáng ngại bằng sự có mặt của Mỹ. Xét cho cùng cái lô-gisch đó, việc duy trì một sự có mặt nào đó của Pháp, tức là một cuộc thương lượng có kết quả giữa Pháp và Việt Minh, có thể là biện pháp duy nhất để ngăn cản sự đe dọa của Mỹ. Đó có lẽ là "điểm mạnh" duy nhất của nước Pháp đối với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Sáu, 2019, 07:03:31 pm
Chương III
BỐN "NƯỚC LỚN" MỜI TRUNG QUỐC ĐẾN GIƠ-NE-VƠ


"Một cuộc hội nghị bao gồm cả Trung Quốc tự nó là một bước tiến trên con đường dẫn đến cải thiện quan hệ giữa các nước lớn và giảm tình hình căng thẳng. Các nước lớn có trách nhiệm đặc biệt bảo vệ hòa bình và an ninh các dân tộc" - Nhân dân nhật báo, 22-2-1954


Tiến tới một cuộc thương lượng quốc tế về Đông Dương


Trung Quốc lo sợ Mỹ can thiệp vào Đông Dương

Từ bốn năm nay, Trung Quốc không ngừng tố cáo Mỹ can thiệp vào cuộc xung đột ở Đông Dương, nhất là tố cáo viện trợ quân sự của Mỹ cho quân đội Liên hiệp Pháp từ 1950. Ngũ Tu Quyền, được Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc mời đến trình bày quan điểm của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với cuộc chiến tranh Triều Tiên đã tuyên bố: "Cuộc vũ trang xâm lược của Mỹ đối với Đài Loan không tách rời sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, việc Mỹ ủng hộ bọn xâm lược Pháp và chế độ bù nhìn Bảo Đại và việc chúng tiến công vũ trang chống lại nhân dân Việt Nam (...). Ủng hộ cuộc xâm lược đó và chế độ bù nhìn chống lại nhân dân Việt Nam, Chính phủ Mỹ không phải chỉ kéo dài cuộc xâm lược Việt Nam mà còn đe dọa biên giới nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nhân dân Trung Quốc không thể không lo ngại sâu sắc về sự phát triển của mưu đồ xâm lược của Chính phủ Mỹ chống lại Việt Nam1 (Đại sự ký về các sự kiện chính liên quan đến vấn đề Đông Dương (Tân Hoa xã, Bắc Kinh, 23-28-4-1954), 26-4-1954, tr.17).


Từ năm 1950 đến năm 1953, tuyên truyền của Trung Quốc tiếp diễn không mệt mỏi theo cùng một giọng điệu như vậy. Mọi hành động và cử chỉ của Mỹ đã được ghi chép cẩn thận và khai thác. Không phải là không tùy tiện ít nhiều đối với sự thật lịch sử, ngay từ sau khi Nhật Bản thua trận, Trung Quốc kết tội Mỹ đã làm mọi việc có thể làm để giúp đỡ "thực dân pháp lấy lại" Đông Dương2 (Peoplé's' China, số 7 ngày 1-4-1954, tr.8 ), và lập Chính phủ "bù nhìn" của cựu hoàng Bảo Đại. Một cách có ý nghĩa, tập biên niên sử quan trọng về các sự kiện Đông Dương do tạp chí thế giới tri thức công bố trước khi hội nghị Giơ-ne-vơ họp, dành 85 đề mục trong tổng số 181, nói về các hoạt động của Mỹ ở bán đảo Đông Dương trong thời gian từ năm 1950 đến 19543 (Đại sự ký về các sự kiện chính liên quan đến vấn đề Đông Dương, sách đã dẫn. Một bản tổng kết của đại sự ký đó đã đăng trong tạp chí People's China số 13, ngày 1-7-1954 tr.34-37). Đặc biệt Trung Quốc nêu bật động cơ kinh tế và chiến lược xâm lược của Mỹ là muốn chiếm lấy các mỏ chính và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam4 (Như trên, (báo People's China) các ngày 13, 15-2-1950, 13-3-1952), biến các cảng Hải Phòng và Sài Gòn thành những căn cứ của Mỹ hoặc bằng cách đặt chân ở đó, kiểm soát bán đảo Mã Lai5 (Như trên, các ngày 13-15-2-1950). Từ nhiều năm nay, Chính phủ Bắc Kinh không ngừng trình bày chính sách của Mỹ về Đông Dương như là một trong những yếu tố của kế hoạch xâm lăng Trung Quốc cũng như việc Mỹ chiếm đóng Triều Tiên và Đài Loan.


Sau hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm, việc Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp, xem ra không phải là không có lý do, có quy mô đáng lo ngại hơn nữa đối với Trung Quốc6 (People's China số 7, 1 tháng 4 năm 1954, tr.9). Như vậy Trung Quốc cho là có mối hiểm nguy lớn, khi thấy Mỹ, do phải cung cấp phần lớn chi phí của Pháp ở Viễn Đông đòi hỏi tham gia ngày càng nhiều trong việc chỉ huy các cuộc hành quân. Cũng không cần nói đến những khía cạnh thuần túy quân sự và quốc tế của vấn đề, có phải Chính phủ Oa-sinh-tơn quả thấy ngày càng khó để cho tiền của người đóng thuế ở Mỹ bị đem phung phí trong một cuộc chiến tranh mà theo một số người chỉ huy quân sự đang sa lầy ví nó không được tiến hành một cách đủ kiên quyết. Hiểu kỹ về tình hình dư luận ở Pháp, Trung Quốc biết rằng một bộ phận dư luận đó là cánh tả, tha thiết mong muốn mở cuộc thương lượng. Báo chí Trung Quốc trong những năm 1953-1954 không ngừng đăng lại những ý kiến đặc sắc nhất của bộ phận dư luận đó7 (Xem đoạn sau). Nhưng chính phủ Bắc Kinh cũng biết rằng có một khuynh hướng quan trọng trong cánh hữu mong muốn Mỹ thay thế quân đội Pháp ở Đông Dương8 (Người ta có thể ghi nhận trong báo chí Pháp có những đề mục cũng có ý nghĩa như "Lính Mỹ cần thay thế quân đội chúng ta ở Đông Dương" (Paris Presse, 19-5-1953). Bản tin kỷ yếu của bá tước Pari đưa ra giải pháp cho cuộc xung đột "Rút đi, để cho kẻ mạnh hơn, bảo đảm thay thế quân ta (báo Combat, ngày 1-6-1953)). Đó lại là một lý do phụ nữa cho mối lo sợ của Trung Quốc về việc "Mỹ hóa" cuộc xung đột.


(https://scontent.fhan3-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/62181421_2097265913704683_551600983377969152_n.jpg?_nc_cat=107&_nc_eui2=AeHb9MwiBXTbpLJVlxcNlfyxsH015Uo5hqzJBmkrY63FoB6T5Cl2xP7tAn4MT0gJfx3EV8j-xuGDRB1bdQ3OlbUUhx5w0P70w4n9RCKJ7d_buA&_nc_oc=AQlf3Sk6VXewHoovB5wfDVVz-3gt0m8hx0DnW9N55oD5msvujV3Yv8bwIW_yQ0_i_g5DimU1cKUVAdxhwRYdwjX8&_nc_ht=scontent.fhan3-2.fna&oh=151403b145d6754fab05ed9d5e26443e&oe=5D995069)


Thêm vào những đòi hỏi cấp thiết của chính sách kinh tế nội bộ, tình hình quốc tế cũng thúc đẩy Trung Quốc từ giữa năm 1953 hướng về một giải pháp thương lượng mà chỉ có như vậy mới tránh được sự can thiệp ồ ạt của Mỹ ở Đông Dương. Vì vậy, từ lúc đình chiến Triều Tiên, chính phủ Bắc Kinh bắt đầu nói rõ ràng, đối với Trung Quốc, sự kiện đó phải được coi là bước đầu tiên tiến tới một nền hòa bình chung ở châu Á. Ngay hôm sau Hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm, Nhân dân nhật báo viết rằng: "Không có cuộc xung đột quốc tế nào không thể giải quyết được bằng thương lượng9 (Nhân dân nhật báo, ngày 28-7-1953). Ngày 24-8 Chu Ân Lai tuyên bố công khai rằng có thể thảo luận "các vấn đề khác" sau khi giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên10 (Hồ sơ Bộ Ngoại giao Pháp châu Á-châu Đại dương, bản ghi nhớ về vấn đề "thương lượng hòa bình ở Đông Dương", 9-10-1953). Quách Mạt Nhược, Chủ tịch Ủy ban hòa bình của Trung Quốc, cũng viết rằng đình chiến tháng bảy là một "thí dụ điển hình về việc có thể giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế bằng thương lượng"11 (People's China, 16-8-1953). Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 8 ngày Nhật Bản thua trận, bài xã luận quan trọng của Nhân dân nhật báo một lần nữa tố cáo "Bọn xâm lược Mỹ chiếm đóng Đài Loan, một đảo của Trung Quốc, công khai can thiệp vào các cuộc chiến tranh giải phóng của các dân tộc Việt Nam và Phi-líp-pin và bằng đe dọa, mua chuộc cùng các phương tiện gian dối khác, tìm cách mở rộng sự xâm lược đối với các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Nam châu Á". Nhưng đồng thời, bài xã luận viết tiếp: "Dư luận ở châu Á và phần còn lại của thế giới đòi hỏi rằng cuộc đình chiến Triều Tiên phải đưa đến hòa bình ở toàn châu Á (...)12 (Nhân dân nhật báo 3-9-1953). Ý muốn đi đến thương lượng về Đông Dương còn được đại diện của Pháp tại Bắc Kinh xác nhận13 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp châu Á-châu Đại dương, bản ghi nhớ về vấn đề "Thương lượng hòa bình ở Đông Dương" 7-10-1953. Mặc dù không có quan hệ ngoại giao bình thường giữa nước Pháp, và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, một đại diện của Pháp vẫn ở lại Bắc Kinh cho đến tháng 10 năm 1953).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Sáu, 2019, 07:09:37 pm
Bắt đầu từ tháng 9 năm 1953, thái độ của Trung Quốc được xác định rõ hơn nữa14 (Ví dụ: Tân Hoa xã, Bắc Kinh 2-9-1953. Đăng lại trong tạp chí Survey of China Mainland Press (Điểm báo chí ở lục địa Trung Quốc) số 643, 2-3-9-1953). Ngày 13, đài phát thanh Trung Quốc đã gợi ý mở các cuộc đàm phán, bằng cách khẳng định rằng "lực lượng đã buộc đồng minh ký Hiệp định đình chiến về Triều Tiên cũng có thể buộc bọn đế quốc hạ vũ khí ở Việt Nam"15 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, bản ghi nhớ 6-10-1953 đã dẫn). Ngày 1 tháng 10, nhân dịp quốc khánh, chính phủ Trung Quốc nhắc lại một trong những nghị quyết của Đại hội hòa bình ở Bắc Kinh họp tháng 10 năm 1952 và đã thêm vào những khẩu hiệu quen thuộc về vấn đề Đông Dương một câu nhấn mạnh đến khả năng thương lượng hòa bình16 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, bản ghi nhớ 9-10-1953 đã dẫn).


Tuy nhiên, luận diệu của Trung Quốc, cho tới lúc đó, còn khá dè dặt trong chừng mực Việt Minh, về phần mình, hình như còn có thái độ rất dè dặt đối với phương hướng mới đã phát triển ở Bắc Kinh (và nhất là Mát-xcơ-va). Tuyên truyền của Việt Minh tiếp tục nhấn mạnh cần phải kháng chiến trường kỳ, nhấn mạnh những nguy cơ của "hòa bình giả hiệu" và "độc lập giả hiệu".


Trong lời kêu gọi ngày 2 tháng 9 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh bác bỏ mọi tư tưởng thỏa hiệp và khẳng định hòa bình chỉ có thể là kết quả của "thắng lợi cuối cùng". Bề ngoài, người lãnh đạo Việt Minh, trông chờ rất nhiều ở mùa khô tới việc Trung Quốc cung cấp nhiều vũ khí hiện đại17 (Như trên).


Chính phủ Bắc Kinh, mà những lợi ích dân tộc và quốc tế khác với lợi ích của Việt Minh ở một số điểm càng tỏ ra thận trọng và các cuộc thương lương có thể diễn ra. Đa số các bài xã luận trong mùa hè 1953 cũng chỉ có thể diễn ra. Đa số các bài xã luận trong mùa hè 1953 cũng chỉ có thể đả kích mạnh mẽ chính sách của Mỹ ở Viễn Đông và nhấn mạnh đến khả năng giải quyết mọi vấn đề bằng thương lượng. Nhưng vấn đề cụ thể về Việt Nam thì được đề cập một cách thưa thớt như trước đây, và nay thường chỉ nói đến khi tố cáo hành động của Mỹ ở bán đảo Đông Dương18 (Như vậy, trong số các bài xã luận đã kể ra ở tên, hiếm có những bài nói về chiến tranh Đông Dương. Xã luận Nhân dân nhật báo ra ngày 14-8-1953 (cách đúng đắn để giảm căng thẳng quốc tế) không nói gì đến cuộc chiến tranh Đông Dương. Bài xã luận ngày 3-9-1953 cũng vậy (Một tương lai tươi sáng cho nhân dân các nước Á Phi), hay bài của Quách Mạt Nhược trong People's China ngày 16-8-1953 cũng vậy).


Tuy nhiên, trong khi mở rộng chiến dịch ủng hộ thương lượng vào tháng 9 năm 1953, Trung Quốc, từ tháng 10 năm 1953 đã nói rõ lập trường của mình. Hưởng ứng công hàm ngày 28 tháng 919 (Xem đoạn sau), của Liên Xô, ngày 8 tháng 10 Thủ tướng Chu Ân Lai, sau khi nhắc lại sự cần thiết phải khôi phục quyền của Trung Quốc ở Liên hiệp quốc, đã nhấn mạnh ý muốn đóng góp vào việc "củng cố hòa bình ở Viễn Đông và trên thế giới"20 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, ngày 8-10-1953). Hôm sau tờ Nhân dân nhật báo đã nhắc lại luận điệu đó và ủng hộ ý kiến về một cuộc hội nghị của 5 nước lớn để giải quyết vấn đề còn tồn tại ở châu Á cũng như phần còn lại của thế giới21 (Nhân dân nhật báo, 9-10-1953, Cũng xem Thế giới trí thức, ngày 18-10-1953, số 20, tr.3).


Vài ngày sau (27 tháng 10), Tổng thống La-ni-en tuyên bố sẵn sàng nắm mọi thời cơ đi đến hòa bình ở Đông Dương và quốc hội Pháp biểu quyết ủng hộ chính phủ trong việc đi tìm một giải pháp thương lượng22 (Công báo-Các cuộc thảo luận tại Quốc hội 28-10-1953, tr.4066. Tổng thống La-ni-en đã tuyên bố về dịp đó: "Một cuộc thương lương với Trung Quốc để làm dễ dàng việc giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam, đối với con mắt của chúng ta, không phải như là một liên minh với quỷ sứ"). Cuối cùng, tại hội nghị hòa bình họp ở Viên (Vienne) từ 23 đến 28 tháng 11, đại biểu Việt Minh, Lê Đình Thám, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình của Việt Nam lần đầu tiên chấp nhận khả năng thương lượng về Việt Nam23 (Tân hoa xã, Bắc Kinh 26-11-1953; Nhân dân nhật báo 27-11-1953). Quách Mạt Nhược, đại biểu Trung Quốc, đã lập tức ủng hộ tham luận của Lê Đình Thám. Trong lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh xác nhận với báo Thụy Điển Ét-xprêt-xen, ý muốn thương lượng24 (Expressen, 29-11-1953. Bản dịch trong AB Cô-lơ, sách đã dẫn, tr.148-149). Từ ngày 1 tháng 12, Nhân dân nhật báo đăng lại lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kèm theo một bài xã luận ủng hộ hoàn toàn lập trường đó25 (Nhân dân báo, ngày 1-12-1953). Về thái độ của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này, đây là lúc quyết định. Ba tuần sau, chính phủ Bắc Kinh rầm rộ tổ chức ở Thủ đô một ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam, nhân dịp đó, Lê Đình Thám và Lưu Ninh Nhất, Phó chủ tịch Tổng công hội Trung Quốc, đã nhắc lại những luận điểm26 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 19-12-1953), nói trên, và ngày hôm sau được tất cả các báo Trung Quốc tường thuật rộng rãi27 (Như trên, 20-12-1953).


Diễn biến của các sự kiện dường như chứng tỏ rõ ràng việc Việt Minh quân đội chấp nhận nguyên tắc thương lượng có lẽ là kết quả gây sức ép của phe xã hội chủ nghĩa, bao gồm cả Trung Quốc. Trong sức ép chung này, phần Liên Xô có lẽ chiếm ưu thế. Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng việc sắp mở ra các cuộc thương lượng về Đông Dương đáp ứng hoàn toàn lợi ích dân tộc của Trung Quốc: tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm căng thẳng ở Viễn Đông, cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế của Trung Quốc; loại trừ được, nếu cuộc thương lượng đi đến kết quả, nguy cơ can thiệp ồ ạt của Mỹ vào cuộc xung đột; tạo khả năng cho chính phủ Bắc Kinh chấm dứt được tình trạng phân biệt đối xử ở Liên hiệp quốc mà Trung Quốc là nạn nhân; làm nổi bật qui chế cường quốc của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên sân khấu quốc tế; cuối cùng tạo cơ hội có được cuộc thương lượng về thương mại với phương Tây. Đó là bấy nhiêu lý do không thể bác bỏ được đáng để Trung Quốc đấu tranh cho một cuộc hội nghị quốc tế rộng rãi bàn về các vấn đề lớn trên thế giới28 (Người ta sẽ nhận xét rằng nếu đạt được hết thảy mục tiêu đó thì sẽ có hậu quả là đưa Trung Quốc ra khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. Phải chăng đó là mục đích mà Trung Quốc tìm kiếm? Không có chứng cớ nào để khẳng định điều đó nhưng giả thuyết không phải là không có được).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Sáu, 2019, 07:15:18 pm
Những cuộc thương lượng giữa những nước phương Tây và mối quan hệ của họ với Liên Xô


Hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm vừa mới ký kết (27-7-1953), trong công hàm ngày 4-8-195329 (Văn bản đăng trong Thời sự chính sách đối ngoại, tập 6, số 5, tháng 9-1953, tr.700-702. Về các cuộc thương lượng này, cũng xem A.E-đen, Hồi ký, sách đã dẫn, tr.60 và tiếp theo), lần đầu tiên Liên Xô gợi ý triệu tập hội nghị năm nước lớn, có Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tham dự, có nhiệm vụ nghiên cứu các biện pháp nhằm làm giảm tình hình căng thẳng ở Viễn Đông. Đề nghị này làm cho các nước phương Tây lúng túng.


Ba cường quốc phương Tây đến lúc đó bao giờ cũng tự hạn chế trong việc cùng nhau yêu cầu triệu tập hội nghị bốn nước lớn để giải quyết các vấn đề châu Âu (chủ yếu là vấn đề Đức và vấn đề Áo), đặc biệt đó là điều được gợi ý trong công hàm của các nước phương Tây ngày 15 tháng 7 vừa qua30 (Như trên, tr.698-699). Nhưng đằng sau sự thống nhất bề ngoài đó của phương Tây, những sự bất đồng quan trọng đã xuất hiện giữa Mỹ, Anh và Pháp. Mỹ có thái độ "cực kỳ dè dặt"31 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, châu Á-châu Đại dương, bản ghi nhớ về vấn đề "Hội nghị 5 nước lớn", 20-1-1954) nếu không nói là hoàn toàn chống đối mọi ý nghĩ thương lượng khi nó có nghĩa, ngay cả gián tiếp, thừa nhận trên thực tế quy chế cường quốc của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Về phần mình, nước Anh đã công nhận chế độ Bắc Kinh từ 1950, tán thành Trung Quốc gia nhập Liên hiệp quốc và chỉ chấp nhận một cách rất dè dặt sự ngoan cố của Mỹ32 (Trong một bị vong lục trao cho Bộ Ngoại giao Pháp mùa thu năm 1953, người Anh tuyên bố họ không đẩy Mỹ phải từ bỏ Đài Loan (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, châu Á-châu Đại dương, bản ghi nhớ về vấn đề "Công nhận Trung hoa cộng sản", 21-11-1953) còn nước Pháp thì đang phân vân. Được Mỹ cung cấp viện trợ cho các cuộc hành quân ở Đông Dương, Pháp không thể có một thái độ khác biệt với Chính phủ Oa-sinh-tơn. Nhưng đồng thời ở Pari, người ta hoàn toàn nhận thức được sự cần thiết phải thương lượng với Trung Quốc. Một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao nhắc lại rằng hiện nay, chính sách tự chế "là không thể chấp nhận và không thể thực hiện được (...). Rõ ràng không thể có một giải pháp vững bền cho các cuộc xung đột ở châu Á nếu không có Trung Quốc tham gia"33 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về vấn đề "Công nhận Trung Hoa cộng sản", 21-22-1953).


Ngoài ra, các nước phương Tây, luôn luôn khẳng định rằng các cuộc hành quân ở Triều Tiên và Đông Dương là cùng một cuộc chiến đấu, và từ nhiều tháng nay, không ngừng nhắc lại một cách lô-gích rằng việc tìm kiếm hòa bình ở hai bán đảo này cũng không thể tách rời nhau. Ngày 16-4-1953, Tổng thống Ai-xen-hao đã tuyên bố gắn việc lập lại hòa bình ở Triều Tiên với việc chấm dứt các cuộc tiến công trực tiếp và gián tiếp ở Đông Nam châu Á. Trong cuộc hội đàm ba bên ở Oa-sinh-tơn từ 10 đến 14 tháng 7, Thủ tướng Bi-đôn luôn luôn nêu lên trước nguyên tắc "hòa bình không thể phân chia" ở Viễn Đông34 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về vấn đề "Thương lượng hòa bình ở Đông Dương", 6-10-1953). Trong phiên họp ngày 13 tháng 7, ông ta đã tuyên bố với các đồng nghiệp Mỹ và Anh như sau:

"Hòa bình sắp lập lại ở Triều Tiên, cũng cần làm sao cho Đông Dương có thể sớm đến giai đoạn hòa bình như thế. Bằng mọi giá, cần phải tránh không để cho hiệp định về Triều Tiên có tính cách riêng rẽ, nếu không Chính phủ Pháp sẽ lâm vào tình thế nguy ngập là hòa bình đã được lập lại ở Triều Tiên mà chiến tranh còn tiếp tục ở Đông Dương. Tất nhiên, gắn hai vấn đề đó với nhau sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải vì thế mà bỏ không làm. Mối quan tâm lớn nhất của phương Tây là không để cho cộng sản có thể vừa thỏa mãn lòng mong muốn chấm dứt một sự nghiệp đã thất bại trông thấy lại vừa tiếp tục duy trì một tai họa công khai ở Đông Nam châu Á".


Cuối cùng ít lâu sau cuộc đình chiến Bàn Môn Điếm có hiệu lực, bản tuyên bố ngày 7 tháng 8 của Bộ chỉ huy Liên hiệp quốc nhấn mạnh vài ngày sau do ý muốn của "16 nước" là không muốn thấy hiệp định đó làm hại đến việc lập lại hay duy trì hòa bình ở một phần khác của châu Á"35 ("Thời sự chính sách đối ngoại", tháng 8 năm 1954, tr.499).


Hơn nữa, nếu Pháp gạt bỏ ý kiến về một cuộc thương lượng trực tiếp với Bắc Kinh, thì ngược lại Pháp cho rằng "sẽ có nhiều cơ hội tốt nhất đi đến một giải pháp thương lượng về vấn đề Đông Dương nếu nó được đem ra bàn bạc trong khuôn khổ một cuộc hội nghị nhiều bên" trong đó vấn đề Đông Dương chỉ còn là một vấn đề trong các vấn đề khác và Mỹ, Anh sẽ đứng về phía Pháp. Vả lại, rõ ràng là không thể nghĩ rằng Trung hoa nhân dân lại không có mặt ở một cuộc họp như thế nếu người ta mong muốn giải quyết có hiệu quả cuộc xung đột Đông Dương.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Sáu, 2019, 07:17:43 pm
Như vậy đề nghị ngày 4 tháng 8 của Liên Xô đã nêu lên những khó khăn về thực chất trong nội bộ phương Tây. Tuy nhiên, dưới sức ép của Mỹ, phương Tây đã trả lời trong một công hàm ngày 2 tháng 936 (Văn bản trong "Thời sự chính sách đối ngoại" tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.81-82. (Văn bản các công hàm của Pháp, Mỹ và Anh đều giống nhau) rằng họ mong muốn ưu tiên họp hội nghị bốn nước lớn, và hội nghị đó được giới hạn trong các vấn đề Đức và Áo, có thể được tổ chức ở Lu-a-ga-nô ngày 15 tháng 10. Nhưng không nói gì đến sự tham gia của Trung hoa nhân dân và cả vấn đề Triều Tiên là vấn đề phải được đề cập trong khuôn khổ Hội nghị chính trị theo điều khoản IV của hiệp định đình chiến37 (Điều khoản IV ghi như sau: "Nhằm giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên, các bộ chỉ huy hai bên sẽ khuyến cáo các chính phủ các nước và hai bên hữu quan rằng trong thời hạn 3 tháng sau khi đình chiến được ký kết và có hiệu lực, đại biểu do 2 bên chỉ định sẽ họp hội nghị chính trị tổ chức ở bình diện cao hơn nhằm giải quyết bằng thương lượng vấn đề rút tất cả quân đội nước ngoài ra khỏi Triều Tiên, vấn đề giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên v.v.. (Văn kiện về đình chiến Triều Tiên-Notice et Documentaries-La Documentation francaise, Paris, số 1791, 6-10-1953, tr.18. Thực ra thời hạn ba tháng nêu ra trong điều khoản IV sẽ không được tôn trọng (mặc dù sự khẩn khoản của các nước xã hội chủ nghĩa là các nước mong muốn quân đội Mỹ rút nhanh chóng ra khỏi bán đảo). Thực vậy ngày 28 tháng 8, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu các nước hữu quan chỉ định các thành viên đại diện Liên hiệp quốc tại cuộc hội nghị nói trên và giao cho Mỹ, nhân danh các nước đó, sẽ tiếp xúc với các bên Trung-Triều để triệu tập cuộc họp. Cuối tháng 10, Mỹ cử Đại sứ A-tơ Đin thảo luận vấn đề này tại Bàn Môn Điếm. Sau sáu tuần thương lượng không đi đến đâu, đại biểu Mỹ cắt đứt các cuộc tiếp xúc ngày 12 tháng 2, mấy ngày sau cuộc họp ở Béc-muýt (xem đoạn sau)). Tuy vậy Liên Xô đã nhấn mạnh lại đề nghị của mình. Đi xa hơn một công hàm mới của Liên Xô ngày 28 tháng 938 (Văn bản trong phần Phụ lục bản tin hàng ngày số 2587, 3-10-1953. Thời sự chính sách đối ngoại, tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.83-87) đề nghị họp hội nghị năm nước lớn để làm giảm tình hình căng thẳng trên thế giới và gợi ý một chương trình nghị sự bao gồm những vấn đề rất khác nhau như các vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc, Đông Nam châu Á, khối Đại Tây dương, quân bị, căn cứ quân sự và tuyên truyền chiến tranh. Họp ở Luân-đôn từ 16 đến 18 tháng 10, ba cường quốc một lần nữa quyết định giữ vững dự án ban đầu là họp bốn nước lớn ở Lu-a-ga-nô, cho rằng mọi giải pháp khác đều là không hợp thời39 (Văn bản công hàm ngày 18 tháng 10 trong Thời sự chính sách đối ngoại, tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.88-90. Văn bản công hàm của Anh, Pháp và Mỹ đều giống nhau. Văn bản thông cáo chính thức của Hội nghị Luân-đôn (18 tháng 10) trong bản tin hằng ngày, số 2601, 20-10-1953). Hai công hàm khác (một của Liên Xô ngày 3 tháng 11 và một của phương Tây, ngày 6 tháng 11 không đem lại yếu tố gì mới40 (Văn bản hai công hàm trong Thời sự chính sách đối ngoại tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.90-96 và 103-104).


Cuối cùng, ngày 26 tháng 11, về nguyên tắc Liên Xô tán thành hội nghị bốn nước lớn có thể họp ở Béc-lin và tại hội nghị này, Chính phủ Mát-xcơ-va dành quyền đặt vấn đề triệu tập một hội nghị năm nước lớn41 (Văn bản công hàm ngày 26 tháng 11 của Liên Xô trong Thời sự chính sách đối ngoại, tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.105-108). Họp ở Béc-muýt (Bermudes) từ 4 đến 7 tháng 12, ba nước phương Tây cuối cùng đã chấp nhận gợi ý của Liên Xô, tuy vẫn giữ ý kiến của phương Tây vẫn là "họp hội nghị chính trị như Hiệp định đình chiến Triều Tiên đã dự liệu". Thông cáo cuối cùng của cuộc hội nghị Béc-muýt nói thêm rằng "đó là cách tốt nhất đi đến một giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên và có những bước tiến bộ nhằm lập lại những điều kiện bình thường hơn ở Viễn Đông và Đông Nam châu Á42 (Thông cáo cuối cùng của Hội nghị Bermudes đăng trong Bản tin hàng ngày, số 2643, 9-12-1953. Văn bản công hàm ngày 8-12 của phương Tây đăng trong Thời sự chính sách đối ngoại, tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.109 (văn bản các công hàm Pháp, Mỹ và Anh như nhau)-Cũng xem V.Ô-ri-ôn, sách đã dẫn, tr.558. Về lập trường của Mỹ đối với Trung hoa nhân dân tại Hội nghị Béc-muýt xem D.D.Ai-xen-hao, sách đã dẫn, tr.248-249). Ngày 26-12-1953, Liên Xô nói là đã nhận được công hàm ngày 8 tháng 1 của các nước phương Tây, tỏ ý vui mừng về sự thỏa thuận họp hội nghị bốn nước lớn ở Béc-lin và về việc phương Tây đồng ý sẽ thảo luận về khả năng họp hội nghị năm nước lớn43 (Văn bản công hàm ngày 26 tháng 12 của Liên Xô đăng trong Thời sự chính sách đối ngoại tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.122). Chính phủ Mát-xcơ-va đề nghị ngày 25 tháng 1 sẽ khai mạc hội nghị Béc-lin và điều này cũng đã được chấp nhận.


Hiển nhiên rằng, việc Liên Xô, ngày 26 tháng 12 nhận họp bốn nước lớn chỉ là một nhượng bộ sách lược, và vấn đề Trung Quốc tham dự hội nghị năm nước sẽ trở thành trung tâm của hội nghị Béc-lin sắp tới.


Cũng trong thời gian đó, chính phủ Bắc Kinh có nhiều tuyên bố về khả năng họp năm nước lớn. Ngày 4-1-1954, bà Tống Khánh Linh Phó chủ tịch Hội đồng Chính phủ nhân dân Trung ương đã liệt kê tại cuộc Hội nghị đó: Trung Quốc gia nhập Liên hiệp quốc, cấm bom nguyên tử và bom khinh khí, thống nhất Triều Tiên, ngăn ngừa phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Đức và Nhật44 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, châu Á-châu Đại dương, bản ghi nhớ về vấn đề "Xác định thái độ của Pháp về vấn đề Triều Tiên", 14-1-1954). Một chương trình nghị sự như thế có nghĩa rõ rệt là Trung hoa nhân dân phải được chấp nhận tham dự hội nghị như một trong năm nước lớn và do đó, có thể thảo luận với bốn đoàn đại biểu khác về những vấn đề quốc tế lớn nhấy không phải chỉ là những vấn đề Viễn Đông: Nước Trung Hoa muốn trở thành không những là cường quốc châu Á mà cũng là cường quốc thế giới.


Cuối cùng, ngày 9 tháng 1, bản thân Chu Ân Lai đã nói thẳng ra lập trường của Trung Quốc là đòi nối lại các cuộc thương lượng về vấn đề Triều Tiên, các đoàn đại biểu Trung-Triều được tham gia các cuộc thảo luận tại Liên hiệp quốc nếu tổ chức này quyết định xem xét vấn đề Triều Tiên và cuối cùng, đòi tham dự hội nghị năm nước lớn, kết thúc ý cuối cùng, Chu khẳng định: "Chúng tôi cho rằng hội nghị này sẽ phục vụ lợi ích của việc làm dịu tình hình trên thế giới, bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, nếu cuộc hội nghị sắp tới của bốn bộ trưởng ngoại giao tại Béc-lin sẽ mở đường dẫn tới Hội nghị năm nước lớn với sự tham dự của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách nhất"45 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, ngày 9-1-1954).


Cả hai phía, đều đặt ra những đòi hỏi của mình. Cuộc thương lượng ắt là phải khó khăn.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 14 Tháng Bảy, 2019, 10:36:43 am
Hội nghị Béc-lin


Sự thỏa thuận giữa "bốn nước lớn" về quyền đại diện của Trung Quốc.

Như đã dự kiến, cuộc hội nghị khai mạc ngày 25 tháng 1 tại Béc-lin trong ngôi nhà trước đây của Hội đồng giám đồng minh, dưới quyền chủ tọa của Đa-lét46 (Về toàn bộ cuộc thương lượng, có thể tham khảo bài "Hội nghị Béc-lin" trong Thời sự chính sách đối ngoại Brúc-xen, tập 7, số 2, tháng 3-1954, tr.182-183. Cũng xem A.E-đen, sách đã dẫn, tr.69-85 (vấn đề châu Âu) và 98-100 (Trung Quốc)).


Hai ngày đầu (25 và 26 tháng 1), dành cho các bản tuyên bố sơ bộ của bốn bộ tưởng ngoại giao47 (Về văn bản các tuyên bố và đề nghị, xem hồ sơ "Văn kiện hội nghị Béc-lin" 25 tháng 1-18-2-1954 của Bộ Ngoại giao Pháp Paris, La Documentation francaise, 99 trang). Lập trường của hai phe như người ta có thể trông đợi, căn bản khác nhau. Trong lúc Bi-đôn ghi tên phát biểu đầu tiên đi thẳng vào vấn đề châu Á (không nêu rõ về vấn đề Đông Dương), tuyên bố phản đối mọi cuộc hội nghị gắn về vấn đề châu Âu với vấn đề Viễn Đông48 (Chúng tôi không thấy tại sao số phận nước Áo lại tùy thuộc vào vấn đề Triều Tiên, tại sao phải đặt mối liên hệ giữa việc thống nhất nước Đức với việc thay đổi quy chế quốc tế của Trung Quốc-Văn kiện hội nghị Béc-lin, sách đã dẫn, tr.5). I-đơn về phần mình, thận trọng tránh đả động đến vấn đề châu Á, rồi Mô-lô-tốp, người thứ ba phát biểu, trình bày dài dòng mọi lý lẽ hình như hướng về việc triệu tập hội nghị năm nước lớn có sự tham gia của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đối với ông ta, một cuộc hội nghị như vậy là cần thiết không những để giải quyết vấn đề châu Á, mà cũng là nhằm chấm dứt chạy đua vũ trang" và phát triển trao đổi buôn bán giữa các nước. "Lập luận đó cuối cùng đưa Bộ trưởng Bộ ngoại giao Liên Xô đến một chương trình nghị sự ba điểm mà điểm một sẽ là những biện pháp nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ quốc tế và triệu tập Hội nghị cấp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao giữa Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa"49 (Văn bản tham luận của Mô-lô-tốp đăng trong Văn kiện Hội nghị Béc-lin, sách đã dẫn, tr.8-13. Hai điểm tiếp theo của chương trình nghị sự là dành cho: "2/ vấn đề Đức và vấn đề  bảo vệ an ninh châu Âu. 3/ Hòa ước nước Áo". Cùng ngày, Liên Xô đưa ra đề nghị như sau: vì cần thiết  bảo vệ hòa bình thế giới và an ninh của các dân tộc, loại trừ mối đe dọa hòa bình thế giới và an ninh của các dân tộc, loại trừ mối đe dọa của một cuộc chiến tranh mới. Cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa các nước, phù hợp với hiến chương Liên hiệp quốc, việc triệu tập vào tháng 5, tháng 6 năm 1954 một cuộc hội nghị các bộ trưởng ngoại giao Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa để xem xét các biện pháp khẩn cấp nhằm làm giảm căng thẳng trong quan hệ quốc tế được xem là thích đáng). Về điểm này, Đa-lét phản ứng lại bằng cách công kích kịch liệt Trung Quốc, "cái đuôi của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô" và chỉ ra hết sức rõ ràng và không ai có thể hiểu lầm điều mà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô đã biết rõ là "Mỹ sẽ không nhận họp một hội nghị năm cường quốc với bọn xâm lược cộng sản Trung Quốc để giải quyết các vấn đề chung của hòa bình thế giới"50 (Như trên, tr.15). Tuy nhiên, đại biểu Mỹ nhận xem xét chương trình nghị sự do Liên Xô đề nghị.


Vấn đề họp hội nghị năm nước được thảo luận bắt đầu từ 27 tháng 1 nhưng ngay ngày hôm sau, một cuộc thương lượng công khai như vậy đã tỏ ra không bổ ích. Mỹ không muốn nhượng bộ gì về vấn đề Trung Quốc: Đa-lét nói "Chu Ân Lai là ai mà việc để ông ta ngồi họp với chúng ta khiến cho mọi vấn đề lâu nay không thể giải quyết được lại có thể giải quyết được. Đó là người đứng đầu một chế độ nắm quyền hành thực tế ở Trung Hoa lục địa sau khi đã cướp quyền bằng một cuộc chiến tranh đẫm máu, và lấy việc thủ tiêu hàng triệu người Trung Quốc làm phương tiện duy nhất để bám lấy quyền lực"51 (Như trên, tr.20.21.22). Cho nên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị chuyển ngay sang hai điểm khác trong chương trình nghị sự: vấn đề Đức và vấn đề Áo.


Tuy nhiên, Anh và Pháp trong khi thừa nhận một cách chung chung những nguyên tắc Mỹ bênh vực, lại có một lập trường mềm dẻo hơn nhiều. Trong diễn văn ngày 28, I-đơn đề cập đến Hội nghị năm nước bằng những lời lẽ cực kỳ ôn hòa, không đưa ra một lời đả kích nào đối với Liên Xô cũng như Trung Quốc và chỉ thận trọng đề nghị hoãn chưa bàn điểm 1 trong chương trình mà chuyển ngay sang các điểm tiếp theo52 (Như trên, tr.20.21.22).


Còn về lập trường của Bi-đôn, các đồng nghiệp Mỹ và Anh cũng đã biết quá rõ, nó không khác lập trường của Luân-đôn bao nhiêu. Tại cuộc hội nghị Béc-muýt, bảy tuần lễ trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp đã nói toạc ra:

"Những hình thức có thể của một cuộc thương lượng là gì?

1. Có thể đàm phán tay đôi với Việt Minh (...) nhưng tôi không tin sự thành thật của Hồ Chí Minh.

2. Có thể tìm trung gian. Nhưng phải trả giá đắt cho người trung gian và không chắc tìm được một người được cả hai bên đều chấp nhận.

3. Có thể tìm cách đàm phán với Trung Quốc53 (Có thể từ lâu trước khi họp hội nghị Giơ-ne-vơ, Bi-đôn đã nghiêm chỉnh nghĩ đến một cuộc thương lượng trực tiếp với Trung hoa nhân dân (Sô-ven) là người mà Bi-đôn tâm sự cởi mở, đã nói đến điều này trong cuốn sách Commentaire (Bình luận) của ông, tr.40). Chắc là bị từ chối ngay lập tức vì chính sách nước này cung cấp trang bị cho Việt Minh nhưng lại không muốn công khai thừa nhận. Vậy phải đi đến đàm phán trên bình diện quốc tế. Bản thân tôi cũng chống lại việc triệu tập Hội nghị năm nước nhưng nếu muốn có hòa bình, một ngày kia phải thương lượng với đối phương"* (Tài liệu chưa được phép công bố nguyên văn)


Nếu ở Béc-lin, Bi-đôn tỏ ra cứng rắn hơn I-đơn thì trong bản tuyên bố ngày 28, ông ta đành lòng đưa ra một yêu sách bằng cách đặt câu hỏi:

"Có gì đáng ngạc nhiên (...) khi chính phủ Pháp cảm thấy có quyền đòi Trung Quốc chứng minh tinh thần hòa bình mà họ thường đề cao? Liệu người ta có thật sự tin rằng việc họp hội nghị năm nước để nghiên cứu, chẳng hạn như các nguyên nhân của tình hình căng thẳng trên thế giới lại được biện hộ bằng sự ngoan cố của Trung hoa nhân dân ủng hộ cuộc xâm lược chống lại chúng ta".


Và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, để ngỏ cửa cho một sự thỏa hiệp có thể đạt được, nói thêm:

"Tất cả các hình thức nói chuyện nào đưa đến tiến bộ trên con đường lập lại hòa bình ở Đông Dương đều được hoan nghênh"54 (Văn kiện hội nghị Béc-lin, sách đã dẫn, tr.19-20).


Thực ra, cuộc thương lượng đã bắt đầu. Từ ngày 29 trong lúc các phiên họp toàn thể dành hoàn toàn cho việc bàn bạc các vấn đề châu Âu, một số các cuộc họp hẹp đã cho phép bốn nước lớn cuối cùng đi đến một thỏa thuận về một văn bản chung.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 14 Tháng Bảy, 2019, 10:38:02 am
Ngày 8 tháng 2*, họp phiên đầu tiên trong lúc họp toàn thể tiếp tục thảo luận vấn đề Đức. Lập tức Đa-lét khẳng định lại rằng "Chính phủ Mỹ không thể nhận họp một hội nghị dẫn đến thành lập một hội đồng chấp chính của "năm nước lớn", có Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thamg gia. Tuy nhiên, như đã để lộ từ bài diễn văn ngày 26 tháng 1 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm: "Chính phủ Mỹ thừa nhận tình hình thực tế do sự tồn tại nước Trung Hoa cộng sản tạo nên và sẵn sàng thảo luận với Trung Quốc về các vấn đề cụ thể bất cứ ở đâu nếu điều đó phục vụ sự nghiệp hòa bình". Chính theo phương hướng đó, ông ta đưa ra một dự thảo nghị quyết gồm ba điểm, làm một trong những cơ sở thảo luận trong những ngày tiếp theo.


1. Mời Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dự hội nghị bàn về vấn đề Triều Tiên;

2. Khả năng triệu tập một cuộc hội nghị khác về Đông Dương "ngay khi thái độ cư sử của Cộng hòa
nhân dân Trung Hoa tại cuộc hội nghị chính trị về vấn đề Triều Tiên và ở Đông Nam châu Á đem lại những chứng cớ về tinh thần yêu chuộng hòa bình";

3. Cả 2 cuộc hội nghị nói trên không thể dẫn đến việc công nhận ngoại giao trong trường hợp chưa đạt được sự công nhận đó55 (Cần nhắc lại rằng lúc này chiều hướng dư luận ở Mỹ là thù nghịch với Trung Quốc. Tướng E-ly ghi nhận chẳng hạn như có một kiến nghị chống lại việc công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thu được một triệu chữ ký khi ông ta đang ở Oa-sinh-tơn (tháng 3-1954) P.Ely, sách đã dẫn, tr.65).


Tuy nhiên phiên họp đầu tiên đó kết thúc mà chưa đưa lại kết quả khả quan nào. Người ta chỉ ghi nhận rằng tại phiên họp đó Bi-đôn, sau khi xác nhận lại lập trường của Pháp ngay từ đầu hội nghị là ("Không có hội nghị năm nước lớn về các vấn đề thế giới (...) nhưng luôn luôn sẵn sàng xem xét với Trung Quốc về những vấn đề cụ thể"), đã không quên kết thúc bản trình bày của mình bằng cách khẳng định nước Pháp, về phần mình, sẽ sẵn sàng xem xét lại ngay vấn đề Trung Quốc khi vấn đề Đông Dương cũng sẽ được Trung Hoa cộng sản xem xét lại", điều được hiểu là một sự mở cửa trực tiếp với Chính phủ Bắc Kinh. Một cuộc họp hẹp thứ hai tổ chức ngày 11. Tại cuộc họp này, có 2 dự thảo nghị quyết được đưa ra. Một của Mô-lô-tốp trở lại ý kiến triệu tập Hội nghị năm nước, có thể có những nước khác tham dự tùy theo vấn đề đem ra thảo luận* (Tài liệu chưa được phép công bố). Một của Bi-đôn đề nghị triệu tập ở Giơ-ne-vơ ngày 15 tháng 4 một cuộc hội nghị về vấn đề Triều Tiên gồm bốn nước lớn dự, hai nước Triều Tiên, Trung hoa nhân dân và những nước đã tham gia lực lượng Liên hiệp quốc ở Triều Tiên mà muốn tham dự; nếu cuộc hội nghị này và tình hình ở Đông Nam Á đem lại những triển vọng thuận lợi cho hòa bình56 (Mấy ngày truwcs đó, Su-man đã điện cho Bi-đôn "ông Đơ-giăng, Cao ủy ở Sài Gòn, nói rõ rằng việc tăng cường và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương một phần lớn là do Trung Hoa cộng sản tăng thêm viện trợ. Cần nhấn mạnh điều này ngay trong lúc mà ở Béc-lin, Liên Xô đang tìm cách đưa Trung Quốc của Mao Trạch Đông vào "hội đồng chấp chính" thế giới với nhiệm vụ chủ yếu là tìm các biện pháp làm dịu tình hình thế giới". Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Su-man/Pari/số 653-656/1-2-1954) thì có thể bốn nước lớn triệu tập một cuộc hội nghị khác để bàn về vấn đề Đông Dương, cả hai cuộc hội nghị đó không dẫn đến việc công nhận ngoại giao* (Tài liệu chưa được phép công bố). Trong phiên họp hẹp thứ ba vào ngày 12, Mô-lô-tốp nói rằng theo quan điểm Liên Xô, đề nghị của Pháp còn nhiều điều bất tiện quan trọng: có hai cuộc hội nghị khác nhau, mối liên hệ giữa việc giải quyết vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương, và Trung Quốc phải chịu một "thời kỳ thử thách"* (Tài liệu chưa được phép công bố).


Để vượt qua mọi khó khăn đó trong cuộc họp hẹp thứ tư ngày 15 tháng 2, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô đưa ra một đề nghị mới, dự kiến rằng ngoài năm nước tham dự hội nghị để xem xét vấn đề Triều Tiên còn có hai bên Triều Tiên, và những nước đã tham chiến ở Triều Tiên, và để xem xét vấn đề Đông Dương, các đại diện các nước hữu qua ở châu Á* (Tài liệu chưa được phép công bố). Về thực chất, như Đa-lét nhận xét, đề nghị đó khá gần với lập trường ngày 11 tháng 2 chắc chắn rằng Liên Xô thừa nhận là vấn đề Đông Dương được đưa vào chương trình nghị sự như đoàn đại biểu Pháp mong muốn, nhưng ngược lại, Trung Hoa cộng sản cũng bao gồm trong trung tâm năm nước lớn và được coi như một cường quốc đứng ra mời và ngoài ra cuộc hội nghị này có tư cách để xem xét các vấn đề "làm dịu tình hình thế giới". Hiển nhiên là các cuộc họp hẹp như các phiên họp toàn thể có nguy cơ không đi đến kết quả.


Chính là để thoát khỏi bế tắc mà I-đơn, người duy nhất đến lúc đó chưa đưa ra một kế hoạch nào, tại phiên họp này đã đưa ra một phản đề nghị gồm hai điểm:

1. Hội nghị về Triều Tiên giữa Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Triều Tiên, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và những nước nào đã nhân danh Liên hiệp quốc tham chiến ở Triều Tiên mà muốn tham dự.

2. Một cuộc hội nghị mới về Đông Dương giữa Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và các nước hữu quan ở Đông Nam châu Á, chừng nào các cuộc thảo luận tại hội nghị nói ở trên và tình hình ở Đông Nam châu Á đem lại những triển vọng thuận lợi cho hòa bình (công thức của Pháp đưa ra ngày 11 tháng 2).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 14 Tháng Bảy, 2019, 10:45:56 am
Đưa cho tiểu ban các chuyên viên đến ngày 18 tháng 2, bốn nước lớn mới bàn lại vấn đề ở phiên họp hẹp thứ sáu. Cuối cùng đạt được thỏa thuận về văn bản cuối cùng sau đây:

"Các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, Pháp, Anh và Liên Xô họp ở Béc-lin.

"Cho rằng việc thành lập bằng phương thức hòa bình, một nước Triều Tiên thống nhất, độc lập sẽ là một nhân tố quan trọng để giảm căng thẳng trên thế giới và lập loại hòa bình ở các phần khác của châu Á.

"Đề nghị triệu tập tại Giơ-ne-vơ, ngày 26 tháng 4, một cuộc hội nghị các đại biểu Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Triều Tiên, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và các nước khác có quân đội tham chiến ở Triều Tiên mà muốn được tham dự, nhằm đi đến một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên,

"Thỏa thuận rằng vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương cũng sẽ được xem xét tại hội nghị có sự tham dự của các đại biểu Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và các nước hữu quan khác,

"Thỏa thuận rằng việc mời dự Hội nghị nói trên, việc họp hội nghị đó đều sẽ không được coi như dẫn đến sự công nhận về ngoại giao trong trường hợp chưa có sự công nhận đó"57 (Văn kiện Hội nghị Béc-lin, sách đã dẫn, tr.23. Về ảnh hưởng của Nghị quyết Béc-lin đối với tình hình quân sự ở Đông Dương, xem ý kiến của Na-va, sách đã dẫn, tr.182, 255, 296, 297. Cuối cùng người ta ghi nhận rằng trong quan niệm của Trung Quốc, về luật quốc tế, việc hai nhà nước tham dự vào cùng một hội nghị quốc tế sẽ dấn đến sự công nhận trên thực tế, trừ khi có bảo lưu rõ ràng. Xem Về vấn đề kiến lập quan hệ ngoại giao, Thời sự thủ sách, số 11, 10-6-1956, tr.41-43).


Văn bản này, đưa vào thông cáo cuối cùng của Hội nghị bốn nước lớn, công bố cùng ngày58 (Toàn văn thông cáo cuối cùng đăng trong Văn kiện hội nghị Béc-lin, sđ, tr.98. Phần thứ 2 của thông cáo nhận xét về thất bại của cuộc thương lượng về châu Âu đã được thảo ra như sau: "Các chính phủ Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô tin tưởng rằng việc ký một hiệp định về giải trừ quân bị, hay ít nhất bằng một hiệp định có giá trị thật sự về tài giảm binh bị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các mối bất đồng quốc tế cần thiết cho việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài. Thỏa thuận sẽ tiến hành trao đổi ý kiến để đi đến một giải pháp tích cực như điều khoản 6 của nghị quyết Liên hợp quốc ngày 28-11-1953 đã kiến nghị. Các vị bộ trưởng đã tiến hành trao đổi ý kiến đầy đủ về vấn đề Đức và vấn đề an ninh châu Âu cũng như vấn đề Áo, nhưng đã không đi đến thỏa thuận nào về vấn đề đó), chắc chắn là kết quả của một sự thỏa hiệp giữa hai phe. Đoạn 2 (cho rằng ...) là lấy lại từ dự thảo của Đa-lét ngày 8 tháng 2, đoạn 3 (đề nghị ...) là lấy lại từ dự thảo ngày 15 tháng 2 của I-đơn, đoạn 4 (thỏa thuận rằng ...) là do Liên Xô đề  nghị trong một cuộc họp chuyên viên, đoạn cuối cùng (thỏa thuận rằng ...) trực tiếp phỏng theo dự thảo ngày 8 tháng 2 của Đa-lét. Cuối cùng, chính theo gợi ý của Bi-đôn mà bốn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã thỏa thuận rằng Liên Xô sẽ đứng ra mời Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, còn Mỹ sẽ mời Nam Triều Tiên và các nước tham chiến ở Triều Tiên, dự hội nghị Giơ-ne-vơ.


Nhưng nếu đúng là một sự thỏa hiệp, thì cũng đúng không kém là chính Liên Xô đã có những nhượng bộ quan trọng nhất. Việc so sánh các dự thảo khác nhau và việc nghiên cứu các cuộc thương lượng bí mật không để lại chút nghi ngờ nào về điểm đó.


Chắc chắn rằng, người phương Tây, về phần mình, cũng đã nhân nhượng một số điểm. Họ đã chấp nhận rằng vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương sẽ được thảo luận trong một cuộc hội nghị duy nhất (ngay cả trên thực tế hội nghị đó có hai giai đoạn rõ rệt); rằng vấn đề Đông Dương sẽ được đề cập dù kết quả của hội nghị bàn về Triều Tiên thế nào đi nữa; rằng mọi lời lẽ liên quan đến chứng cớ phải có trước về ý muốn hòa bình của Trung Quốc cũng không có trong văn bản cuối cùng. Nhưng so với những nhân nhượng của Liên Xô, sự nhượng bộ này là nhỏ.


Bộ trưởng Liên Xô trên thực tế đã chấp nhận:

1. Một cuộc hội nghị sẽ không phải là hội nghị năm nước và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không phải là nước lớn đứng ra mời59 (Ngày 21-4-1954, ngay trước ngày họp hội nghị Giơ-ne-vơ, Liên Xô gửi công hàm cho ba nước phương Tây, cố gắng một lần nữa để Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được chấp nhận như một trong năm cường quốc ngang với Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh. Ngày 23-4, ba nước phương Tây giữ chung một công hàm từ chối)

2. Chương trình nghị sự của cuộc họp giới hạn vào hai vấn đề Triều Tiên và Đông Dương: hội nghị Giơ-ne-vơ không phải là hội nghị có thẩm quyền quốc tế như lúc đoàn Mát-xcơ-va và Bắc Kinh mong muốn; Hội nghị đó cũng không giải quyết các vấn đề tồn tại khác ở châu Á như vấn đề Đài Loan; Trung Quốc bị loại khỏi các công việc ngoài châu Á60 (Bình luận về phiên họp toàn thể ngày 10 tháng 2, dành cho vấn đề Đức và an ninh châu Âu, Bi-đôn điện về Pari "Cũng cần lưu ý cố gắng của Mô-lô-tốp đưa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào vị trí quan sát viên trong các vấn đề châu Âu. Khi đọc đến đoạn này, chỉ có đoạn này là bất ngờ-cả hội ngị cười ồ (...). Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Bi-đôn, Béc-lin, số 391-394, ngày 10-2-1954);

3. Đoạn liên quan đến việc không công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa do Mỹ khởi thảo, đã được giữ lại (trong khi Mô-lô-tốp, cho đến phút chót của các cuộc họp hạn chế, đã từ chối không chấp nhận đoạn đó);

4. Cuối cùng không một cường quốc trung lập châu Âu nào được mời dự Hội nghị chính trị về Triều Tiên như Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã đề nghị hồi tháng 9 năm 1953.


Tóm lại, Liên Xô đã không nhân nhượng tí gì về các vấn đề châu Âu (do đó hội nghị đã thất bại về điểm này), tất cả những nhân nhượng đối với phương Tây đều là về các vấn đề Viễn Đông và chỉ có Trung Quốc là bị thiệt mà thôi. Trong khi các vấn đề Đức và Áo gặp bế tắc, những điểm duy nhất mà những người cộng sản nhận thương lượng là những vấn đề châu Á và điều đó đã được giải quyết tại một cuộc hội nghị mà Trung Quốc không có mặt. Hai ngày sau trong một bức điện thông báo cho các đại diện ngoại giao Pháp trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp có thể tuyên bố một cách chính đáng:

"Những lập trường của các bên lúc đầu tưởng như không thể dung hòa được cuối cùng đã gặp nhau nhờ có sự nhượng bộ lẫn nhau. Nếu những nhượng bộ của các nước phương Tây, nhất là Mỹ là khá nhiều thì những nhân nhượng của phía Liên Xô còn lớn hơn nữa"61 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện thông báo số 20/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về vấn đề "Kết quả hội ngị Béc-lin về các vấn đề châu Á", 20-2-1954).


Còn đối với Mỹ, việc tán thành mời Trung Hoa cộng sản dự hội nghị là sự nhượng bộ đáng kể nhất của họ. Dù cho về mặt pháp lý, cách giải thích cảu Mỹ đã giảm đi rất nhiều ý nghĩa của việc mời đó, Mỹ đã nâng cao không kém uy tín quốc tế của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, làm thiệt hại cho Đài Loan. Chẳng phải là Trung Hoa cộng sản sắp tham dự một cuộc hội nghị ở ngay một thành phố đã đăng cai nhiều hội nghị có tiếng nhất là các cuộc họp của Hội Quốc Liên trước đây đó sao? Nhưng Đa-lét hiểu rằng từ chối mọi thương lượng với Trung Quốc là trực tiếp đi ngược lại với ý muốn và lợi ích của Pháp cũng như với dư luận chung ở Pháp và ở Anh và chung cục là có thể có hại đến tính vững chắc của Liên minh Đại Tây dương và như vậy là trúng kế của Liên Xô ở châu Âu. Đó cũng sẽ là những lập luận mà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ sử dụng để thuyết phục đảng viên Đảng cộng hòa của ông ta vốn chống đối kịch liệt nhất mọi bước đầu bình thường hóa với Trung Quốc, đặc biệt "nhóm Trung Quốc" như thượng nghị sĩ Nao-len (Knowland) hay Hâm-phrây (Humphrey)62 (Về vấn đề này, xem R.Ph.Ran-đơn, sách đã dẫn, tr.45-48).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 14 Tháng Bảy, 2019, 10:48:20 am
Phản ứng của Trung Quốc đối với nghị quyết Béc-lin và mối quan hệ Trung-Xô

Phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc đối với bản thông cáo Béc-lin là từ một xã luận Nhân dân nhật báo ngày 22 tháng 263 (Nhân dân nhật báo ngày 22-2-1954, bản dịch tiếng Anh của Tân hoa xã, Bắc Kinh, ngày 23-2-1954. Bản tiếng Pháp của nhóm kiểm soát điện đài (groupement des contrôles radio-électriques) 22-2-1954. Cùng ngày Quang minh nhật báo viết xã luận theo cùng một hướng đó. Xem Bản tin Tân hoa xã, Bắc Kinh ngày 22-2-1954. Đồng thời ngày 22 tháng 2 đài phát thanh Bắc Triều Tiên tán thành nghị quyết Hội nghị Béc-lin về việc triệu tập hội nghị Giơ-ne-vơ. (Thời sự chính sách đối ngoại, tập 7, số 4-5, tháng 9 năm 1954, tr.507). Về đại thể, Chính phủ Bắc Kinh tiếp nhận thuận lợi quyết định của hội nghị: "không nghi ngờ chút nào là sự thỏa thuận tại hội nghị Béc-lin sẽ góp phần làm dịu tình hình trên thế giới. Nhân dân Trung Quốc ủng hộ nghị quyết đó"64 (Việc mời Trung Quốc dự hội nghị Giơ-ne-vơ, do Liên Xô chuyển, được đài Bắc Kinh truyền đi ngày 3-3 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, châu Á-châu Đại dương, Bộ Ngoại giao về vấn đề "Phản ứng đầu tiên của Trung Quốc đối với Thông cáo Hội nghị Béc-lin, 15-3-1954. Cần lưu ý rằng Chính phủ Đài Bắc ngày 19-2 ra một tuyên bố chính thức rất láy làm tiếc về những điều khoản trong thông cáo Béc-lin ngày 7-3, Quốc hội của Trung Hoa quốc gia gửi các nước hội viên Liên hiệp quốc một thông điệp kịch liệt phản đối việc triệu tập hội nghị và bác bỏ trước tất cả những quyết định có thể sẽ được thông qua có liên quan đến Trung Quốc. Thời sự chính sách đối ngoại, tập 7, số 4-5, tháng 5 năm 1954, tr.508). Nhưng ngoài sự ủng hộ về nguyên tắc đó, bài báo nhấn mạnh một số điểm phản ánh thái độ dè dặt mà bản thông cáo gợi ra đối với Trung Quốc.


Chắc chắn là nước Cộng hòa nhân dân hoan nghênh thái độ của Liên Xô tại Béc-lin "Hiển nhiên (...) sự thỏa thuận đó là kết quả của những cố gắng không mệt mỏi của Liên Xô nhằm đi đến cuộc thương lượng giữa các cường quốc chủ yếu". Nhưng đồng thời giọng điệu của bài xã luận đã chứng tỏ mức độ dè dặt của Trung Quốc đối với giải pháp thông qua ngày 18 tháng 2.


Trước hết người Trung Quốc nhấn mạnh hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ là một cuộc hội nghị của năm nước lớn: thuật ngữ này được dùng tới bảy lần trong bài xã luận. Cách nói đó khác hẳn ở Mát-xcơ-va, tại đó người ta nói đến "một cuộc hội nghị mà nòng cốt là các đoàn đại biểu của năm nước lớn"65 (Nhận xét của Bộ Ngoại giao Anh với Đại sứ Pháp ở Anh. Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện của Mát-xi-ghi (Luân-đôn) số 677-681/23-2-1954. Không thể hoàn toàn theo R.Ph. Ran-đin, sách đã dẫn, tr.145, khi ông ta đưa trên bình luận của Thời báo Niu-Oóc viết rằng Trung Quốc và Liên Xô có lập trường hoàn toàn như nhau về vấn đề này). Nhưng Chính phủ Bắc Kinh, về phần mình, muốn hiểu rằng cuộc họp ở Giơ-ne-vơ sẽ là "hội nghị của năm nước lớn" chứ không phải "Hội nghị của các nước có liên quan", điều mà Mát-xcơ-va chỉ có thể thừa nhận một cách khó khăn ở đó người ta hiểu rõ rằng đó không phải là tinh thần bản thông cáo Béc-lin. Đối với đại sứ Pháp ở Mát-xcơ-va, việc cố nhấn mạnh đến cách nói "hội nghị của năm nước lớn" chứng tỏ khá rõ ràng rằng ở Bắc Kinh người ta không hoàn toàn hài lòng về cách  bảo vệ lợi ích của Trung Quốc". Vẫn theo nhà ngoại giao Pháp ở Mát-xcơ-va, "trong chừng mực những "nhượng bộ duy nhất" của Liên Xô ở Béc-lin có hại cho Chính phủ Bắc Kinh người ta hiểu sự dè dặt của Trung Quốc và người Nga cũng đã chờ đợi trước thái độ đó, chứng cớ là ngay trong thời gian Hội nghị Béc-lin họp, báo chí Xô-viết đã có những bài giải thích, biện hộ, nhằm vào Bắc Kinh"66 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Lơ Rôi, Mát-xcơ-va, số 537-543/26-2-1954).


Ngoài ra, thông cáo Béc-lin nhắc lại rằng "việc mời dự hội nghị, và cả cuộc họp đều sẽ không được coi như dẫn đến sự công nhận về mặt ngoại giao trong trường hợp chưa có sự công nhận đó". Hiển nhiên là, sự dè dặt nhằm trước hết vào Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Bài xã luận của Nhân dân nhật báo ra ngày 22 tháng 2, không nói một chữ nào đến đoạn đó. Bài báo viết bản thân một cuộc hội nghị bao gồm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nó là một bước tiến trên con đường dẫn đến sự cải thiện quan hệ giữa các cường quốc và làm dịu tình hình trên thế giới. Cũng về điểm này, Liên Xô có lẽ đã gặp một số khó khăn trong việc làm cho Trung Quốc chấp nhận nghị quyết Béc-lin. Bình luận cho báo chí Xô-viết tỏ ra có sự nghi ngờ về điểm đó: hết thảy các bài báo đều cố gắng chứng minh cho Chính phủ Bắc Kinh biết rằng thông báo ngày 18 tháng 2 tương đương với một sự công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên thực tế. Báo Tin tức (Izvestia) ngày 28 tháng 2 nhận thấy trong nghị quyết Béc-lin "một chứng có có sức thuyết phục ở chỗ từ nay, không một ai có thể không biết đến vai trò và tầm quan trọng của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong sinh hoạt quốc tế. Nghị quyết đó có nghĩa là sự công nhận trên thực tế nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là cường quốc67 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Lơ Rôi, Mát-xcơ-va, số 575-583/ngày 1-3-1954, chúng tôi nhấn mạnh). Báo Sự thật (Pradva) ngày 1 tháng 3 nêu lại cùng một ý kiến như vậy. Đại sứ Pháp tại Mát-xcơ-va tiếp tục bình luận:

"Cả hai bài báo hết sức cố gắng chứng minh rằng đây không phải là cách giải thích của Liên Xô mà là sự đánh giá chung của báo chí hàng loạt nước". Rất nhiều trích dẫn xác minh cách đánh giá đó. Những trích dẫn bổ ích nhất là từ chính nước Mỹ. Các đối thủ của Đa-lét kết tội ông ta là làm việc cho thừa nhận Trung Quốc, và việc Trung Quốc vào Liên hiệp quốc trở thành điều không thể tránh khỏi. Báo chí Xô-viết chẳng khó khăn gì trong việc nêu bật những lời kết tội đó để chứng minh cho người Trung Quốc thấy rằng đại biểu Liên Xô tại hội nghị Béc-lin đã biết  bảo vệ chu đáo lợi ích của Trung Quốc68 (Như trên).


Có lẽ cũng để xoa dịu những mối lo ngại của Trung Quốc mà ngày 5 tháng 3, báo chí Xô-viết công bố một bản tuyên bố dài của Mô-lô-tốp trong đó ông ta đặc biệt nhấn mạnh: "Như vậy một cuộc hội nghị sẽ được triệu tập tại Giơ-ne-vơ ngày 26 tháng 4 với sự tham gia của năm cường quốc về hai vấn đề nóng bỏng nhất đang đặt ra ở châu Á: Vấn đề Triều Tiên và tình hình ở Đông Dương. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ có địa vị hợp pháp với các cường quốc khác tại cuộc hội nghị đó"69 (Toàn văn tiếng Pháp trong báo Nhân đạo, ngày 6-3-1954, chúng tôi nhấn mạnh).


Cuối cùng trong xã luận Nhân dân nhật báo, ngày 22 tháng 2, Trung Quốc không giấu giếm ý muốn đóng góp với tư cách là một cường quốc vào việc lập lại hòa bình ở châu Á và vào cả việc giảm tình hình căng thẳng trên phần còn lại của thế giới. Trong khi thảo thông cáo ngày 18 tháng 2, người ta đã cẩn thận chỉ nói đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong các đoạn liên quan đến Triều Tiên và Đông Dương. Trái lại, Chính phủ Bắc Kinh cố gắng một cách lộ liễu làm cho việc mơi Trung Quốc có tầm vóc quốc tế. Hội nghị Giơ-ne-vơ được hiểu là phải "dẫn đến làm dịu tình hình trên thế giới" và phải "tìm ra các giải pháp cho các vấn đề quốc tế sống còn". Điều đó có nghãi là nếu trong thời gian đầu Trung Quốc vui mừng được mời thảo luận hai vấn đề quốc tế khẩn cấp nhất là Triều Tiên và Đông Dương, thì không vì vậy mà Trung Quốc nghĩ rằng thẩm quyền của mình chỉ giới hạn vào các vấn đề châu Á mà thôi70 (Xã luận Nhân dân nhật báo, ngày 23-2-1954 (tiếng Pháp của nhóm kiểm soát điện đài (groupement dcs contrôles radioélectriques, 24-2-1954)). Còn đi xa hơn, dành phần lớn bài xã luận viết cho các vấn đề châu Âu (Đức và Áo) và giải trừ quân bị. Bài xã luận viết: "Hơn nữa, hội nghị năm nước có thể thảo luận một cách có hiệu quả vấn đề tài giảm binh bị ở tất cả các nước và đặc biệt ở năm nước lớn, vấn đề phát triển quan hệ thương mại quốc tế và giải quyết mọi tranh chấp quốc tế" (chúng tôi nhấn mạnh)).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 14 Tháng Bảy, 2019, 10:49:07 am
Trung Quốc chấp nhận nguyên tắc họp hội nghị Giơ-ne-vơ, nhưng chắc chắn là quan điểm của Trung Quốc về hội nghị rất khác với các cường quốc phương Tây và với một sự oán thán nào đó, Bắc Kinh chê trách Liên Xô đã không bênh vực đầy đủ quy chế quốc tế của Trung Quốc. Vì vậy cho tới ngày 26 tháng 4, người Trung Quốc làm ra vẻ không biết đến những hạn chế trong thông cáo Béc-lin. Hội nghị Giơ-ne-vơ đối với họ sẽ là một hội đồng chấp chính có chức năng thế giới của năm cường quốc mà họ không mong muốn Trung Quốc không phải chỉ là một trong những nước được mời mà rõ là một trong năm nước lớn71 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về phản ứng của Trung Quốc đối với Thông cáo Hội nghị Béc-lin 4-3-1954, cũng xem hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về vấn đề "Phản ứng đối với triển vọng hội nghị Giơ-ne-vơ", 15-3-1954). Thật vậy sự thất vọng tương đối đó của Trung Quốc có lẽ giải thích tình trạng có nhiều dấu hiệu về mối bất đồng Xô-Trung xuất hiện trong thời gian 10 tuần từ hội nghị Béc-lin đến hội nghị Giơ-ne-vơ. Ngay từ cuộc họp Béc-lin, Mô-lô-tốp đã tâm sự với I-đơn rằng người phương Tây khá may mắn là không như ông ta, phải bàn với Mao Trạch Đông "là người rất cứng rắn, rất cứng rắn"72 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Mát-xi-gli/Luân Đôn, số 677-681). Bề ngoài, "tất cả những sự thỏa mãn có lợi cho Bắc Kinh" mà Liên Xô tìm cách giành được trước khi họp hội nghị Giơ-ne-vơ phải "tương xứng với sức thúc ép của Trung Quốc"73 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp: điện Giô-xê/Mát-xcơ-va, số 1168-1180, 20-4-1954), như người ta phỏng đoán ở Mát-xcơ-va. Mặc dù phương Tây rất khó mà hình dung đâu là bản chất thật sự của mối quan hệ Trung-Xô, cảm tưởng chung cho rằng người đối thoại Trung Quốc phải là người khó tính.


Ngoài ra, cả giới báo chí cũng có thể nêu ra một số dấu hiệu theo hướng đó. Một số báo ở Ban-lơ (Bale) điểm lại những tuyên bố của các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Đông Béc-lin viết rằng ở Giơ-ne-vơ, Trung Quốc sẽ có một thái độ độc lập với Liên Xô74 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Ba-xlơ Nachrichten/203/1954. Báo cáo tổng kết của Đại sứ quán Pháp tại Thụy Sĩ, 23-3-1954). Tờ Thời báo (Times) ở Luân Đôn cũng vậy, dành bài xã luận ngày 30 tháng 3 cho vấn đề đó nhưng ngược lại, kết luận rằng phương Tây quá thiên về việc đặt cọc trên những bất đồng về quan điểm có thể có giữa Trung Quốc và Liên Xô75 (The Times, 30-4-1954. Tổng kết trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Mát-xi-gli/Luân Đôn/số 1320-1323/30-4-1954).


Tóm lại, có nghĩa là nếu Chính phủ Bắc Kinh coi lời mời của hội nghị Béc-lin là rất tích cực thì ít ra họ cũng đánh giá là địa vị quốc tế của Trung Quốc không được thừa nhận đầy đủ và gán một phần trách nhiệm cho Liên Xô. Đoạn nói về không công nhận ngoại giao ghi trong thông cáo ngày 18 tháng 2 theo đòi hỏi của Mỹ, đặc biệt làm cho Trung Quốc tức giận có lẽ vì họ đã hi vọng rằng nhờ sự ủng hộ của Liên Xô, vấn đề sẽ được bỏ qua.


Vậy hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ diễn ra gay go, không phải vì các vấn đề sẽ đưa ra thảo luận mà cũng là do quy chế mập mờ của đoàn đại biểu Trung Quốc76 (Để khỏi nêu ra vấn đề đại diện của các quốc gia liên kết của Việt Minh và phe cực tả Lào và Cam-pu-chia).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 01 Tháng Mười Hai, 2019, 07:55:02 pm
Trung Quốc chuẩn bị hội nghị Giơ-ne-vơ


Trung Quốc đả kích Mỹ

Phản ứng của Trung Quốc đối với tin triệu tập hội nghị Giơ-ne-vơ cũng nói lên mối lo sợ sâu xa của Trung Quốc về cách cư xử của Mỹ. Xã luận Nhân dân nhật báo ngày 22-2-1954, trong đó Trung Quốc cho biết cảm tưởng đầu tiên của mình, đã nhấn dài dòng đến những thái độ dè dặt của Mỹ đối với cuộc họp đã dự liệu và đến những mối nguy cơ mà một thái độ như vậy sẽ đem lại. Chính phủ Bắc Kinh không giấu diếm rằng họ rất lo ngại là ở Mỹ: những phần tử hiếu chiến tìm cách gây trở ngại cho thỏa thuận đạt được ở hội nghị Béc-lin. Theo tờ báo Trung Quốc, tình hình đó kêu gọi những ai yêu chuộng hòa bình phải cảnh giác cao độ77 (Nhân dân nhật báo, 22-2-1954).


Thực tế, trong tháng 3 và tháng 4, Trung Quốc tố cáo một cách có hệ thống mọi sáng kiến của chính sách Đa-lét, hàng ngày nhắc đi nhắc lại, dưới hình thức này hay hình thức khác rằng "phải chú ý nghiêm chỉnh đến những âm mưu của Mỹ phá hoại hội nghị Giơ-ne-vơ"78 (Thế giới tri thức, 15-3-1954. Dẫn trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, điện Bu-đôn/Hồng Công/số 72-73/19-3-1954).


Theo Trung Quốc có nhiều nhân tố buộc Mỹ phải chấp nhận thương lượng tại Giơ-ne-vơ. Đầu tháng 3, tờ Quang minh nhật báo liệt kê một mớ nào là "Mỹ hết ảo tưởng nắm được bí mật nguyên tử", nào là "chiến dịch chạy đua vũ trang (của Mỹ và chư hầu) làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản", nào là "những khó khăn thương mại của các nước tư bản chủ nghĩa" và nhất là "sức mạnh của phe hòa bình dân chủ và chủ nghĩa xã hội". Vì tất cả những lý do đó, nhưng cũng là để khỏi bị "cô lập với các nước phương Tây khác", đoàn đại biểu Mỹ tại Béc-lin đã phải chấp nhận nguyên tắc họp hội nghị Giơ-ne-vơ79 (Quang minh nhật báo, 11-3-1954).


Nhưng một khi chấp nhận rồi, Mỹ làm mọi việc có thể được cho hội nghị thất bại. Một mặt, họ tiếp tục "phát triển nhanh các lực lượng của bù nhìn Lý Thừa Vãn (..) vi phạm hiệp định đình chiến Triều Tiên" và "ủng hộ Lý Thừa Vãn trong mọi hành động đe dọa và gây áp lực"80 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 19-3-1954). Mặt khác, về Đông Dương, Mỹ trắng trợn "đưa nhân viên không quân (...) đến tham gia trực tiếp vào việc tàn sát nhân dân các nước Việt Nam, Cam-pu-chia và Pa-thét Lào"81 (Peoplés china, 1-4-1954). Ngoài ra, Bộ Ngoại giao và nghị sĩ quốc hội Mỹ không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng "không thể giải quyết vấn đề (...) bằng phương thức hòa bình".


"Đồng thời hãng Thông tấn Tân hoa viết tiếp: Mỹ ép buộc Pháp phải theo đuổi cuộc chiến tranh mất lòng dân. Bộ máy tuyên truyền của Mỹ reo rắc câu chuyện hoang đường nói rằng địa vị cường quốc của Pháp sẽ lung lay nếu Pháp chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương. Mỹ còn reo rắc không khí lạc quan về các trận đánh mặc dù bị thiệt hại nặng trên chiến trường. Mục đích của tất cả những việc đó là làm cho nước Pháp phản đối việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, bên ngoài vòng cương tỏa của Mỹ"82 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 19-3-1954).


Ngoài những âm mưu thủ đoạn đó, theo Trung Quốc còn phải thêm việc Chính phủ Oa-sinh-tơn khuyến khích chính sách tái vũ trang Nhật Bản, việc xây dựng các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Lan, Phi-luật-tân, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. "Nếu người ta gắn với những việc làm đó với mục đích của hội nghị Giơ-ne-vơ-như Mỹ cũng đã chấp nhận là giải quyết các vấn đề cấp bách ở châu Á bằng thương lượng nhằm làm dịu tình hình quốc tế-người ta buộc phải nhận thấy khoảng cách kỳ lạ giữa lời nói và việc làm của những nhà lãnh đạo Mỹ"83 (Như trên).


Trong ba tuần lễ tháng 4 trước ngày khai mạc Hội nghị Giơ-ne-vơ, Trung Quốc càng đả kích Mỹ nhiều hơn và kịch liệt hơn. Vì vậy "hành động chung" giữa các đồng minh do Đa-lét đề nghị trong diễn văn quan trọng ngày 28-3 ở Câu lạc bộ báo chí hải ngoại của Mỹ (Oversea Press Club of America): đã gây nên một sự phản ứng mạnh mẽ trong giới báo chí Trung Quốc. Mọi hình thức quốc tế hóa cuộc chiến tranh bao giờ cũng bị Trung Quốc kiên quyết tố cáo. Ví dụ như Trung Quốc đã tỏ ra rất lo ngại trước ý định của Thái Lan hồi tháng 4-tháng 5-1953, đưa ra trước Liên hiệp quốc84 (Về điểm này, cần nhấn mạnh là Pháp cũng lo sợ như Trung Quốc về sự can thiệp có thể xảy ra của Liên hiệp quốc. Việc đó có thể đẩy nhanh việc đưa đến Đông Dương những quân chí nguyện Trung Quốc như ở Triều Tiên (M.Guốc-tốp, sách đã dẫn, tr.39). Đại tá Ghi-éc-ma lúc đó là tùy viên quân sự Pháp tại Băng Cốc đã được giao trách nhiệm giải thích điều đó cho Chính phủ Phi-bun xong-khram. Về phương diện này, lập trường của Pháp gần với Trung Quốc hơn là với Mỹ hay với Anh. Ngoài ra cần lưu ý rằng chính Mỹ đã thúc đẩy Thái Lan đi theo con đường đó, nhưng Chính phủ Băng Cốc thì có vẻ do dự, sách đã dẫn, tr.165), lời kêu gọi ngày 25-12-1953 của Lào gửi các nước trong thế giới tự do chống lại sự xâm lược của Việt Minh, cũng như trước đề nghị của Nam Triều Tiên vào đầu tháng 2 năm 1954, gửi một sư đoàn tới Lào để chiến đống chống cộng sản xâm lược. Chính phủ Bắc Kinh luôn luôn khẳng định lại rằng toàn bộ chính sách của họ ngược lại, là làm cho "chiến tranh Triều Tiên không tái diễn ở bất cứ nơi nào ở châu Á"85 (People's China, 1-1-1954 và cả 1-4-1954). Vậy, đối với Trung Quốc, hành động chung của Mỹ đề nghị chỉ có thể đưa đến một xung đột mới theo kiểu Triều Tiên: "Cái gọi là hành động chung đó sẽ dẫn đến đâu? (...). Cuộc chiến tranh Triều Tiên đưa ra câu trả lời"86 (Tân Hoa xã, Bắc Kinh, 3-4-1954, Nhân dân nhật báo, 3-4-1954). Điều duy nhất mà Mỹ nghĩ đến chỉ là làm căng thẳng thêm tình hình mới về quân sự của Mỹ87 (Về thái độ của Trung Quốc đối với cánh nhìn mới. Xem bài của Cheng Wan, Thế giới tri thức, số 4, 20-2-1954), của sự đoa dọa hạt nhân, những cuộc thí nghiệm nhiệt hạch ở quần đảo Mác-san (Marshall) các ngày 1 và 26 tháng 3 năm 195488 (Phản ứng của Trung Quốc trong bản tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 1-4-1954 đăng lại trong Survet of China Mainland Press, số 780, 2-4-1954), và của những cuộc tập trận về không quân ở Nam Triều Tiên89 (Nhân dân nhật báo 3-4-1954, Survey of China Mainland Press, số 781, 3-5-1954. Cũng xem Nhân dân nhật báo, 30-3-1954, tr.4 (bản đồ các căn cứ quân sự của Mỹ ở Viễn Đông đe dọa các nước xã hội chủ nghĩa). Việc tăng cường tiềm lực quân sự của Trung Hoa quốc gia (với sự giúp đỡ của Mỹ) trên các đảo ven biển Kim Môn và Mã Tổ90 (H.C.Hinton, Communist China in world Politics (Cộng sản Trung Quốc trong chính trị thế giới) London, Melbourne Mac Milan 1966), cũng như tuyên bố của Thủ tướng Trần Thành ngày 18 tháng 4, nói rằng Trung Hoa quốc gia "sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu trong chừng mực mà sự can thiệp của Trung Hoa quốc gia là một bộ phận của kế hoạch chung"91 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, điện Cat-tan Đài Bắc, số 212/20-4-1954. Tuyên bố nói tiếp như sau: "Một kế hoạch như vậy tùy thuộc vào việc thực hiện một mặt trận thống nhất giữa các quốc gia tự do. Sự thống nhất đó chưa có vì một vài cường quốc (Anh, Pháp) còn mang ảo tưởng về khả năng thỏa hiệp với Cộng sản". Xem hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp châu Á-châu Đại dương, bản ghi nhớ về vấn đề "Tình hình ở Đài Loan", 30-11-1953), chỉ làm tăng thêm mối lo ngại của Trung Quốc. Báo Nhân dân nhật báo, ngày 24 tháng 4 trả lời một cách lạnh lùng: chúng tôi tán thành hòa bình và phản đối chiến tranh. Nhưng chúng tôi không khoanh tay làm ngơ nếu có một cuộc xâm lược vũ trang chống lại chúng tôi"92 (Nhân dân nhật báo, 21-4-1954, hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, điện Sài Gòn gửi các quốc gia liên kết 22-4-1954).


Cũng theo cách đó, hoạt động ngoại giao của Mỹ trong tháng 4 bị chỉ trích không kém dữ dội. Các thông cáo công bố về kết quả các cuộc gặp gỡ một mặt giữa Đa-lét và I-đơn, và mặt khác giữa Đa-lét và Bi-đôn, ngày 13 và 14 tháng 4 gây nên sự phản đối kịch liệt: trong cả hai trường hợp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ bị lên án là phá hoại hội nghị Giơ-ne-vơ bằng cách lôi kéo Anh và Pháp đi theo chính sách xâm lược về "hành động chung"93 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 15-4-1954 và 21-4-1954, hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, điện Buy-đôn/Hồng Công/số 137-138, 20-4-1954). Diễn văn ngày 16 tháng 4 của Phó tổng thống Nich-xơn đơn thuần đề nghị gửi quân đội Mỹ đến Đông Dương, cũng bị tố cáo mạnh mẽ, như một "diễn văn của tên lái súng", một "lời kêu gọi chiến tranh"94 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 19-4-1954 và Tân hoa xã, 20-4-1954).


Khi hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, lập trường của Trung Quốc đối với Mỹ cứng rắn hơn bao giờ hết. Chính sách của Mỹ đã được giải thích, không phải là không có vài lý do, như một âm mưu lớn nhằm đè bẹp nước Trung Hoa mới. Ở Bắc Kinh người ta cho rằng Đông Dương chỉ là một yếu tố của hệ thống xâm lược mà Mỹ cố gắng xây dựng dọc biên giới và bờ biển Trung Quốc. Tuy nhiên, thái độ của Trung Quốc không phải là vì vậy mà hoàn toàn tiêu cực. Đôi khi ở Bắc Kinh người ta thích nói đến tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và nhân dân Mỹ, và nói đến cả hy vọng được cùng tồn tại trong hòa bình với nhân dân Mỹ95 (Thế giới tri thức, số 8, 20-4-1954, tr.12). Khả năng thương lượng đã được sắp xếp như vậy.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 01 Tháng Mười Hai, 2019, 07:57:57 pm
Thái độ của Trung Quốc đối với Pháp

Giọng điệu của các bản tuyên bố của Trung Quốc đối với Pháp hoàn toàn khác hẳn. Chắc chắn là có thể lập một bảng dài về những lời lên án mạnh mẽ chống những hành động của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương, nhưng vẫn tưởng chúng toát ra khi đọc báo và nghe đài Trung Quốc. Về điểm này là một ý định có hệ thống đẩy Chính phủ Pari giữ những khoảng cách với Oa-sinh-tơn.


Đôi khi Anh cũng được trình bày như là nạn nhân của chính sách của Mỹ. Ví dụ như hồi tháng 8 năm 1953, Nhân dân nhật báo đã đánh giá những kết luận của hội nghị Oa-sinh-tơn (từ 10 đến 14 tháng 7) như là do Mỹ áp đặt và đi ngược lại lợi ích của Anh và Pháp trong chừng mực hội nghị đó đã hủy bỏ một dự án về hội nghị cấp cao bốn nước lớn và thay bằng cuộc họp chỉ ở cấp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà thôi96 (Nhân dân nhật báo, 14-8-1953). Cũng theo cách đó, việc giảm khối lượng buôn bán giữa Anh và Pháp đã được trình bày như là kết quả của chính sách Mỹ nhằm cố ý gạt Anh ra khỏi thị trường châu Á97 (People's China, 1-10-1953. Xem chương V ở đoạn sau).


Nhưng chính là hướng về nước Pháp mà Trung Quốc tăng lên nhiều lần những lời kêu gọi rời bỏ đường lối chính trị của Mỹ với hiểu biết rõ rằng những luận điểm như vậy có nhiều khả năng có được tiếng vang nào đó ở Pari hơn là Luân Đôn98 (Chính sách của Trung Quốc đối với Pháp (và ở mức thấp nhất đối với Anh) biểu hiện trước chừng nào một chính sách tương lai của Trung Quốc ở châu Âu, Xem chương XI).


Chắc chắn là chiến dịch dư luận đó đã được phát triển để làm hậu thuẫn cho một chính sách, còn khá cứng rắn ở nhiều khía cạnh. Ngày khai mạc Hội nghị Béc-lin, 25 tháng 1-sự trùng hợp ngày tháng này không phải là ngẫu nhiên-cũng là ngày các nhà đương cục Trung Hoa tịch thu tài sản của hai công ty Pháp: Tiết kiệm quốc tế và Địa ốc Trung Hoa (International Saving Society và Foncière de Chine) và của một công ty Anh-Pháp về đầu tư đất đai (Anglo-French Land Investment Company), cả ba đều đặt trụ sở ở Thượng Hải99 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Mát-xi-gli/Luân Đôn/số 297-298/25-1-1954). Tuy vậy ở một bình diện khác, những cuộc vận động qua trung gia Liên Xô và Thụy Sĩ để trả lại tự do những kiều dân Pháp cuối cùng còn bị giam giữ (đa số là những nhà tu hành) và cho phép một số người khác được rời khỏi Trung Quốc, đã đạt được vài kết quả phải chăng bởi vì trước khi hội nghị họp, có 11 nhà truyền giáo được thả và có thể rời Trung Quốc qua Hồng Công. Khi khai mạc hội nghị, ở Trung Quốc còn 17 người Pháp còn bị giam giữ, 2 người còn bị giam chặt và 2 người khác bị từ chối không được cấp thị thực xuất cảnh100 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về vấn đề "Những người Pháp bị giam giữ ở Trung Quốc", 27-4-1954. Tướng Ra-đa Đại sứ Pakistan tại Trung Quốc cũng đã có một vai trò nhận định trong việc giao trả tự do này. Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Ô-giê/Karachi/số 89-91/26-2-1954). Nhưng các tháng 2, 3, 4 năm 1954 là những tháng Việt Minh được Trung Quốc viện trợ lớn nhất. Nếu việc chuyển giao viện trợ đó nằm trong lô-gích của một chính sách giúp đỡ công cuộc giải phóng nhân dân Việt Nam và nếu những viện trợ đó theo quan điểm của Trung Quốc, nhằm biện hộ cho sự cần thiết của cả Trung Quốc lẫn Việt Minh giành thế mạnh trong thương lượng một khi họ đã hướng về thương lượng thì theo quan điểm của Pháp, những viện trợ đó không phải là như vậy mà chỉ có thể coi là những bằng chứng rõ ràng về sự ngoan cố của Trung Quốc.


Ở Pari, thái độ ngoan cố đó chỉ có thể củng cố chiều hướng dư luận có lợi cho một cuộc can thiệp của Mỹ ở Đông Dương.

Vì vậy, có lẽ để giảm nhẹ hậu quả do chính sách của mình, có thể gây ra, Trung Quốc đã chủ động phát động ngay sau hội nghị Béc-lin một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi nhằm tách càng xa càng tốt nước Pháp khỏi đồng minh là Mỹ, làm mọi việc để chứng minh lợi ích của Pháp chỉ có thể được bảo vệ nếu chống lại Mỹ. "Chính sách của Oa-sinh-tơn đối với Đông Dương-tạp chí People's China (nhân dân Trung Quốc) viết: không phải chỉ chống lại lợi ích của nhân dân các nước Đông Dương mà còn chống lại lợi ích của nhân dân Pháp"101 (People's China, 1-4-1954, tr.9).


Theo hướng đó, đại sự ký do tạp chí Thế giới trí thức công bố cuối tháng 4 năm 1954 đã đăng lại một số lớn những lời tuyên bố của các nhân vật Pháp đối lập các lợi ích của Pháp với lợi ích của Mỹ. Ví dụ như, một tuyên bố của Lê-ông Pi-nhông (Leon Pignon), Cao ủy Pháp ở Đông Dương, vào tháng 5 năm 1950, đã tố cáo những nguy cơ can thiệp của Mỹ vào các công việc chính trị Đông Dương đang tăng lên theo sự phát triển của viện trợ Mỹ102 (A Chronicle of Principal Events Relating to the Indo-China Question (Đại sự ký về các các sự kiện chính liên quan đến vấn đề Đông Dương), sách đã dẫn, 12-5-1950), hoặc là một báo cáo kinh tế Pháp năm 1951 nhấn mạnh đến việc Mỹ âm mưu chiếm đoạt tài nguyên của Việt Nam và chính sách của chính phủ Mỹ trái với lợi ích của tư bản Pháp ở Đông Dương103 (Như trên, ngày 16-3-1951, về điểm này cũng xem P.E-ly, sách đã dẫn, tr.32, đã khẳng định một phần sự phân tích này); hoặc một tuyên bố của Pôn Rây-nô (Paul Raynaud) tháng 8 năm 1951 nói rằng Đông Dương cung cấp cho Mỹ 89% nhu cầu về cao su thiên nhiên và 52% nhu cầu về thiếc và do đó, việc bảo vệ bán đảo phù hợp với việc  bảo vệ lợi ích của quốc gia họ104 (Như trên. Ngày 20-9-1951 (có vẻ như những con số liên quan đến cả Đông Nam châu Á hơn là chỉ nói riêng về Đông Dương). Hai năm sau, Hội nghị Giơ-ne-vơ, tướng Na-va viết không có gì khác: Nguy cơ nghiêm trọng nhất của viện trợ Mỹ là về mặt chính trị. Viện trợ đó sẽ đưa đến sự thay thế dần dần ảnh hưởng của chúng ta bằng ảnh hưởng của Mỹ bên cạnh các quốc gia liên kết. Chúng ta đã đi đến tình trạng trái ngược là nhận viện trợ Mỹ thì hầu như chắc chắn là chúng ta mất Đông Dương, ngay cả nếu sự viện trợ đó giúp chúng ta chiến thắng (H.Na-va, sách đã dẫn, tr.28, 66-67, 96-97/113-138)) v.v...


Theo Trung Quốc, cuộc chiến tranh Đông Dương, phân tích đến cùng đã bị các tổ chức độc quyền Mỹ lợi dụng. Một sự phân công lao động thực sự đã hình thành, Mỹ cung cấp vũ khí (do những người đóng thuế trả tiền) và nước Pháp "cung cấp xác chết". Nước Pháp đã kiệt quệ, trên bờ của sự phá sản, biên giới không còn được  bảo vệ, bấy nhiêu sự suy yếu đó cho phép mỹ kiểm soát chặt chẽ tốt hơn nước Pháp cũng như Đông Dương105 (People's China, 1-7-1954). Ngoài ra, Chính phủ Oa-sinh-tơn đã sẵn sàng thay thế Pháp ở Đông Dương. Nhân dân nhật báo kết luận: "Những âm mưu đen tối của Đa-lét đang đưa nước Pháp đến ngõ cụt, hiển nhiên là xung đột với lợi ích của Pháp"106 (Nhân dân nhật báo ngày 19-4-1954, dẫn trang hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Buy-đôn/Hồng Công/số 136-138, 20-4-1954).


Vậy thái độ duy nhất hợp lý, đáp ứng lợi ích căn bản của Pháp là chính sách hòa bình, độc lập với những âm mưu xâm lược của Mỹ. Theo Trung Quốc, nhân dân Pháp nhất trí đòi hỏi một chính sách nhằm giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương và giải phóng nước Pháp khỏi sự can thiệp và kiểm soát của người Mỹ107 (Nhân dân nhật báo, 16-3-1954, dẫn trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Buy-đôn/Hồng Công/số 66-70, 18-3-1954). Rất nhiều tuyên bố của các chính khách Pháp tán thành thương lượng đã được dẫn ra để chứng minh cho luận điểm đó, những tuyên bố của Guy Mô-lê, Mô-ri-xơ Pô-rơ, v.v... mà người ta còn nhớ rằng đã được phát biểu trong một cuộc hội nghị có Trung hoa nhân dân tham dự108 (People's China, ngày 1-4-1954, tr.4. Ngoài ra nên nhớ rằng tổng thống Ô-ri-ôn cũng như Mit-tơ-răng, Plee-ven bao giờ cũng tán thành một cuộc thương lượng như vậy (V.Ô-ri-ôn, sách đã dẫn, tr.195, 295, 507 v.v...)).


Vậy kết quả của hội nghị Giơ-ne-vơ tùy thuộc rộng rãi vào thái độ của Pháp: các đại diện bán chính thức của chính phủ Trung Quốc tại Hồng Công như Fei Yiming, Tổng biên tập của tờ Đại công báo ở địa phương và Pe-rey Chen, cố vấn pháp luật, luật sư bào chữa cho các cơ quan cộng sản ở Hồng Công, đã cho biết một trong những nhiệm vụ đầu tiên của đoàn đại biểu Trung Quốc sẽ là xác định "xem lập trường của Pháp lệ thuộc hoàn toàn vào chính sách đối ngoại của Mỹ, hoặc ngược lại Pháp có thể khẳng định rõ ràng ý muốn giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương hay không109 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Hồng Công/số 129-140 và 141-146/20-4-1954). Tờ Nhân dân nhật báo xác nhận điều đó một cách gần như chính thức: "Nhân dân toàn thế giới chăm chú theo dõi Chính phủ Pháp, chờ xem họ có chính sách như thế nào tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Không còn nghi ngờ gì nữa là nước Pháp có thể hy vọng nhìn vào tương lai với điều kiện Pháp khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, và cố gắng lập lại hòa bình ở Đông Dương, phù hợp với lợi ích của nước Pháp"110 (Nhân dân nhật báo ngày 19-4-1954, dẫn trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Buy-đôn/Hồng Công, số 137-138/20-4-1954. Cũng xem Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về vấn đề "Lập trường của Trung hoa nhân dân sắp đến ngày họp Hội nghị Giơ-ne-vơ, 24-4-1954). Đó là những lý lẽ mà một số nhà quan sát và nhà thương lượng của Pháp không thể tỏ ra vô tình111 (Xem chương V ở đoạn sau).


Khi Hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, lập trường quốc tế của Trung Quốc là tương đối rõ ràng. Xem ra lập trường đó được tóm tắt đầy đủ trong bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Pháp đề ngày 24 tháng 4 năm 1954:

-Trung Hoa cộng sản mong muốn vai trò cường quốc thứ năm.

-Địa vị ưu thế của Trung Quốc ở châu Á phải được thừa nhận: Không có vấn đề nào ở đây có thể được giải quyết mà không có sự góp sức của Trung Quốc.

-Tự do trao đổi buôn bán giữa Đông và Tây phải được khôi phục vì lợi ích của tất cả các bên112 (Điểm này sẽ được nghiên cứu chi tiết ở chương V).

-Chính sách của Trung Quốc là một chính sách hòa bình dựa trên nền độc lập của các dân tộc.

-Ngược lại, chính sách của Mỹ là một chính sách chiến tranh. Mỹ tìm cách bao vây Trung Quốc bằng một vành đai căn cứ quân sự. Ở Đông Dương, họ cố gắng tăng cường chiến tranh và thay thế địa vị của Pháp.

-Hòa bình phải được lập lại ở Đông Dương trên cơ sở tôn trọng độc lập của các dân tộc. Lợi ích của nước Pháp là tách khỏi chính sách của Mỹ và ký kết hòa bình113 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về vấn đề: "Lập trường của Trung hoa nhân dân gần đến ngày họp hội nghị Giơ-ne-vơ" 24-4-1954. Bản này thêm một điểm cuối cùng: "Hòa bình ở Đông Dương phải được thương lượng trực tiếp hoặc giữa Pháp và Việt Minh hoặc giữa Việt Nam (ngụy-N.D) và Việt Minh". Vấn đề cụ thể về những thủ tục có thể có được của giải pháp cho cuộc xung đột Đông Dương theo quan điểm của Trung Quốc, sẽ được đề cập sau, xem chương IV: "Những bước đầu của Hội nghị về Đông Dương").


Đó là thực sự tinh thần các luận điểm mà đoàn đại biểu của Trung Quốc sẽ  bảo vệ và phát triển ngay từ những gia đoạn đầu của cuộc thương lượng.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:53:46 pm
PHẦN THỨ HAI
NGĂN CẤM MỸ VÀO ĐÔNG DƯƠNG

CHƯƠNG IV
KHAI MẠC HỘI NGHỊ


"Thực chất của vấn đề là bọn can thiệp Mỹ sợ hòa bình"
(Chu Ân Lai: Giơ-ne-vơ 12-5-1954)

"Phải tránh làm mất mặt Trung Quốc, vì Việt Nam là nước đầu tiên chịu đau khổ về sự phản ứng của họ"
(Hoàng thân Bửu Lộc, tháng 4 năm 1954)


ĐOÀN ĐẠI BIỂU TRUNG QUỐC

Đoàn đại biểu Trung Quốc rất sớm đã có vẻ bề ngoài đường bệ. Trong lúc người ta nói đến đoàn Liên Xô có 160 người, đoàn Bắc Triều Tiên 60 người thì về đoàn Trung Quốc, con số được nêu ra là 200* (Tài liệu chưa được phép công bố). Ngoài ra ngay từ đầu tháng 3, Chính phủ Thụy Sĩ đã đồng ý đặt cơ quan Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ. Lập tức Ôn Bằng Cửu, Tham tán công sứ sứ quán Trung Quốc tại Béc-nơ từ 19501 (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có quan hệ ngoại giao với Liên bang Thụy Sĩ từ 14-9-1950 (Hướng dẫn nước Trung Hoa, sách đã dẫn, tr.222. Công sứ tại Béc-nơ từ ngày đó là Phùng Huyền (Chinese Communist, who's who, Taipei, Institude of International relations, 1970-1971)-Tiểu sử nhân vật cộng sản Trung Quốc. Đài Bắc-Viện quan hệ quốc tế 1970-1971, 2 tập, tập 1, tr.22). Bắt đầu từ 1956, Đoàn đại diện Trung Quốc tại Thụy Sĩ mới được nâng lên Đại sứ quán) được chỉ định lãnh đạo cơ quan với nhiệm vụ chuẩn bị về vật chất cho đoàn đại biểu Bắc Kinh sắp sang2 (Hãng thông tấn United Press, Béc-nơ, số 45, 18-3-1954). Qua lãnh sự mới, Trung Quốc đã yêu cầu Thụy Sĩ cho thuê một khách sạn 200 buồng và một biệt thự từ 30 đến 35 căn phòng để làm chỗ ở cho Đoàn và nhân viên tùy tùng. Nhà đương cục Thụy Sĩ đã gợi ý hai đoàn Trung Quốc và Liên Xô ở một nơi, nhưng tổng lãnh sự Trung Quốc đã lập tức cho biết rằng đã có chỉ thị yêu cầu tuyệt đối ông ta không nhận sự sắp xếp như vậy.


Sẵn có trong tay một bản danh sách các khách sạn ở Giơ-ne-vơ, người đại diện Trung Quốc đã cho người đối thoại Thụy Sĩ biết Chính phủ ông ta yêu cầu thuê một trong 5 khách sạn loại nhất hiện có trong thành phố-bằng con số các cường quốc trên thế giới3 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (Điện Sô-ven) Béc-nơ, số 45, 18-3-1954). Cuối cùng người Trung Quốc nhận phân tán các chỗ ở ra 7 khách sạn hay ngôi nhà khác nhau4 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (Điện Lục) Béc-nơ, số 76, 14-4-1954).


Các đại biểu chủ chốt trong Đoàn sẽ ở trong một ngôi biệt thự rộng rãi tên là "Grand Mont Fleuri" (Ngọn núi lớn đầy hoa), ở bên kia Véc-xây, cách thành phố 7 km. Người ta nói ngôi nhà đã được thuê trong 6 tháng5 (Sô-ven, sách đã dẫn, tr.63). Ngoài ra, Thủ tướng Chu Ân Lai cho đem đến từ Trung Quốc toàn bộ đồ đạc, thảm rất đẹp, đặt ở đó một kiểu bảo tàng dân tộc. Ông ta làm như thể một Đại sứ quán, hiển nhiên là tính kéo dài nhiều tháng-một sứ mệnh ở châu Âu mà theo ý nghĩa của ông ta, hội nghị Giơ-ne-vơ chỉ là "hồi thứ nhất" như G.La-cu-tuya và P.Đơ-vi-le6 (G.La-cu-tuya và P.Đơ-vi-le, sách đã dẫn, tr.113. G.Sô-ven, sách đã dẫn, viết nôm na hơn: "Người Trung Quốc đã cho đem đến đồ đạc, thảm, đồ trang trí để bố trí chỗ ở. Tất cả những cái đó gợi lên hình ảnh một thương điếm ở Thượng Hải. Sự sang trọng và tinh tế trong chỗ ở của Chu Ân Lai đã gây ấn tượng sâu sắc đối với Măng-đét Phrăng, khiến ông ta bình luận: ông Chu Ân Lai muốn ra khỏi xóm nghèo của ông (Nguyên văn từ chữ ghetto: xóm của người Do Thái ở) (Cuộc nói chuyện ngày 3-7-1975). (J.Lacouture và P.Devillers đã nhận xét).


Tầm quan trọng về số lượng thành viên của đoàn đại biểu Trung Quốc, sự chăm lo bố trí về vật chất, phản ánh đầy đủ sự quan tâm lớn lao của Trung hoa nhân dân dành cho cuộc thương lượng.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:55:23 pm
Chu Ân Lai và đại biểu chủ chốt của Trung Quốc


Đoàn đại biểu này, mà chính người Liên Xô thừa nhận "mạnh nhất và có chất lượng tốt hơn" đoàn của họ, như lời thú nhận của một bí thư Đại sứ quan Liên Xô tại Luân Đôn7 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Mát-xi-gli/Luân Đôn/số 1820-1822/24-4-1954), trong gần suốt thời gian hội nghị đặt dưới sự lãnh đạo đầy quyền lực của Chu Ân Lai.


Sinh năm 1898 ở Giang Tô, Chu Ân Lai lúc đó đã 56 tuổi8 (Về tiểu sử Chu Ân Lai, có thể tham khảo Hsu Kai yu, Chou En Lai, China's Gray Eminence (Chu Ân Lai chất xám cao siêu của Trung Quốc) Garden City (N.Y). Doubleday, 1968, XVIII, 294 trang có tranh ảnh, bản đồ, thư mục, chỉ dẫn tên riêng v.v... (Bản dịch Pháp văn: Chou En Lai, Eminence grise de la Chine, Paris, Mercure de France, 1968, 334 trang), cần sử dụng một cách thận trọng nhất là bản dịch Pháp văn. Cũng xem Li Tien Min, Chou En Lai, Đài Bắc-Viện quan hệ quốc tế 1970, 426 trang, có ích nếu tham khảo thêm: D.W.Cle-in, A.B. Clác, sách đã dẫn, tr.204-219). Tất cả, từ cách cư xử, thái độ, đến cách phản ứng, đều thể hiện rõ một người Trung Quốc có học vấn. Cha ông, Chu Vân Lương, một nhà nho truyền thống thuần túy, bản thân ông cũng qua bậc cao đẳng ở Nhật Bản 1917, rồi trường Đại học Nam Khai ở Thiên Tân. Về phương diện này, Chu Ân Lai chắc chắn là con người của chế độ cũ, không những ông ta biết rõ chế độ đó mà chính ông còn là sản phẩm của nó.


Chính trong thời kỳ sinh viên mà dần dần ông bị lôi vào hoạt động chính trị, nhất là trong phong trào Ngũ Tứ ngày 4 tháng 5 năm 1919 mà ông đã nhiệt tình tham gia, do đó ông bị kết án 6 tháng tù. Rồi năm 1920, ông sang Pháp, để làm việc và học thêm. Chu Ân Lai là một trong những "người từ Pháp về" mà khá nhiều người đã dần dần leo lên những địa vị chính trị cao nhất trong những thập kỷ tiếp theo; Trần Nghị, Đặng Tiểu Bình, Lý Phú Xuân, Lý Duy Hán, Lý Lập Tam, Nhiếp Vinh Trăn và nhiều người khác. Ngoài ra, chính là ở Pari cùng với Lý Lập Tam mà Chu Ân Lai năm 1921, đã tổ chức "Nhóm thanh niên Trung Quốc theo chủ nghĩa xã hội" và năm sau cùng với mấy đồng chí khác, lập ra "Phân bộ châu Âu của Đảng cộng sản Trung Quốc". Trở về Trung Quốc năm 1924, ông đã giữ nhiều chức vị, trong đó có chức Giám đốc Cục chính trị Học viện quân sự Hoàng Phố, lúc đó do Tưởng Giới Thạch đứng đầu 1925. Được bầu vào Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ngay từ 1927, ông đã tham gia vào tất cả những thời điểm của bản anh hùng ca cộng sản: Khởi nghĩa Nam Xương (tháng 8 năm 1924), những hoạt động của Đệ nhất Hồng quân mà ông là Tổng chính ủy năm 1932, tham gia "Vạn lý trường chinh" năm 1934, 1935 v.v... Nhưng rất nhanh, chính trong vai trò nhà ngoại giao có tài mà ông ngày càng nổi bật. Từ 1936 đến 1949, Chu Ân Lai đã tham gia tất cả các cuộc thương lượng quan trọng giữa Đảng cộng sản và Quốc dân đảng. Sự kiện Tây An tháng 12 năm 1936, đàm phán thành lập Mặt trận thống nhất chống Nhật tháng 2 năm 1937, liên lạc giữa Đảng cộng sản và Quốc dân đảng ở Trùng Khánh từ 1940 đến 1945, rất nhiều đợt thương lượng giữa hai đảng kình địch từ 1945 đến 1949. Chính trong lĩnh vực đó mà ông đã tỏ ra xuất chúng; dần dần ông đã tự khẳng định như con người không thể thiếu được và đương nhiên vào tháng 10 năm 1949 khi Đảng muốn có một người đứng đầu Chính phủ có khả năng chủ tọa cuộc hợp tác tạm thời giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản dân tộc thì chính ông là con người Đảng lựa chọn. Là anh hùng của cuộc cách mạng Trung Quốc, kiêm nhiệm chức vụ Thủ tướng Quốc vụ viện và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao9 (Ông giữ chức vụ này cho đến tháng 2 năm 1958, là lúc ông để lại cho Nguyên soái Trần Nghị), người lãnh đạo quan trọng nhất sau Chủ tịch Mao Trạch Đông, được Mao hoàn toàn tín nhiệm, Chu Ân Lai có lẽ là người duy nhất có khả năng điều khiển nền ngoại giao Trung Quốc vào thời gian này. Ông xuất hiện ở Giơ-ne-vơ như một nhân vật có uy tín và quyền lực to lớn. Thực tế, trong suốt quá trình hội nghị, những đức tính đó không ngừng được khẳng định.


Đại sứ Sô-ven người giao thiệp với Chu Ân Lai nhiều tuần lễ dòng, sau đó rất lâu, đã ghi lại hình ảnh con người có tài năng và đáng khâm phục như sau:

"Ông thuộc một lớp người thông minh, có học, giữ được phong cách tốt đẹp cổ xưa. Hiển nhiên là ông hơn rất nhiều so với trung bình những người trong lớp đó, nhưng trong các biểu hiện của ông, sự hơn hẳn đó không có gì là khác thường. Tóm lại, ông xuất thân từ một gia đình quan lại. Tôi nhớ lại khuôn mặt tươi cười, trắng trẻo, với đôi lông mày rậm. Chắc chắn là ông lúc nào cũng ăn vận như các đồng bào của ông ngày nay, nhưng tôi khó mà diễn tả ông ta khác hơn là một người mặc chiếc áo dài với hai bàn tay ở trong tay áo. Tuy nhiên ông đã có một thời kỳ ở Pháp, làm việc ở nhà máy Rơ-nô (Renault) tham dự Đại hội Tua (Tours). Hiển nhiên là ông nói được tiếng Pháp. Ông nói là ông đã quên10 (Ông Ghi-éc-ma (6-1-1974) đã khẳng định với chúng tôi điều này. Xem thêm Humphrey Trevelyan, Worlds apart: China 1953-1955, Soviet Union 1962-1963. (Những thế giới riêng biệt: Trung Quốc 1953-1955, Liên Xô 1962-1965). Londres, Mc Millan 1971, tr.87-88 cho biết thêm là Chu Ân Lai hiểu và cũng nói được một ít tiếng Anh, Chu Ân Lai (trái ngược với Hồ Chí Minh) không dự Đại hội Tua). Nhưng tôi nhìn thấy ông ngồi ở bàn hội nghị, trước mặt tôi, lưng quay ra ánh sáng, tay cầm bút chì, đọc chăm chú những tài liệu bằng tiếng Pháp mà tôi vừa cho phân phát. Đầu bút chì di chuyển thong thả, nhưng đi theo hướng các dòng chữ. Chúng tôi chỉ trao đổi đôi lời về thời kỳ ông ở Pháp. Cũng không phải là vấn đề Đại hội Tua. Ông bám vào vấn đề thảo luận, đó là phương pháp hay. Ông nói rõ ràng và rành mạch. Người ta biết rất nhanh cùng với ông, người ta đang ở đâu, điều đó là việc làm của người Trung Quốc thuộc loại tốt nhất. Nhưng điều gây cho tôi ấn tượng đặc biệt sâu sắc là sự thích nghi nhanh chóng của ông với những điều kiện mới đối với ông"11 (G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr.59. Cũng xem chân dung (của Chu Ân Lai) mà H.Tơ-ri-vi-li-ôn phác họa trong sách đã dẫn, tr.86-88).


Rõ ràng nếu Chu Ân Lai là kiến trúc sư chủ yếu của nền ngoại giao Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ, ông còn được nhiều cố vấn có tài giúp việc. Trong số những người này có Vương Bính Nam, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao từ khi thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân, nay đảm nhiệm chức Tổng thư ký của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ, và với danh nghĩa đó, ông ta giữ một vai trò khá quan trọng trong quá trình đàm phán. Về phía Pháp, ông ta thường xuyên gặp gỡ với đại tá Ghi-éc-ma là người quen biết ông ta khi còn làm Tùy viên quân sự tại Trung Hoa quốc gia.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:57:49 pm
Vương Bính Nam là người cộng tác với Chu Ân Lai từ nhiều năm nay12 (Về tiểu sử Vương Bính Nam, có thể xem Who's Who in Communist China (Tiểu sử nhân vật của Trung Hoa cộng sản) Hong Kong Union Research Institute, 1966, tr.611-612, nhất là D.W.Clê-in, A.C.Clacs, sách đã dẫn, tr.920-923). 48 tuổi, quê ở Thiểm Tây, ông thuộc số đông thanh niên Trung Quốc vào đầu thế kỷ này đã học tại Đức. Ngoài ra, chính tại Béc-lin năm 1925, ông lao vào hoạt động chính trị, hoạt động trong phong trào sinh viên Trung Quốc ở Đức. Ông đã gia nhập phân bộ quan trọng của Đảng cộng sản Trung Quốc tại Đức, được Chu Ân Lai tổ chức từ hai năm trước13 (Ông học tiếng Đức trong thời gian này trong hội nghị Giơ-ne-vơ ông nói với Đại tá Ghi-éc-ma là ông còn nói được tiếng Đức trái lại đã quên tiếng Anh. (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, bản ghi nhớ về vấn đề "Tiếp xúc với đoàn đại biểu Trung Quốc nhân dân về vấn đề chuyển thương binh ra khỏi Điện Biên Phủ", 7-5-1954)). Năm 1935, ở Luân Đôn, ông lấy một cô gái Đức, tên là An-na Phôn Clây-xtơ14 (Hai người sống chung với nhau đến tận 1955, An-na Phôn Clây-xtơ thân thích với nữ bá tước A-xta Phôn Clây-xtơ là vợ của đại sứ Giăng Pôn Bông-cua, đại biện của Pháp tại Trung Quốc từ 1941-1943, sau đó làm đại sứ của Pháp tại Thái Lan từ 1951-1953, và đến hội nghị Giơ-ne-vơ thì đảm nhiệm Thư ký của các cuộc thảo luận về Đông Dương (Who's Who in France, Paris 1969, tr.1143). Năm 1964, Anna Phôn Clây-xtơ dưới tên An-na Vương xuất bản 1 cuốn sách mang tên Ich Kampfte fur Mao, Hambourg, Ch.Wenger, 1964 (Bản dịch tiếng Pháp: Tôi đã chiến đấu cho Mao, Paris, Gallimard 1967, 297 trang).


Trở về Trung Quốc, lúc chiến tranh Trung-Nhật sắp bùng nổ, ông sớm đến Tổng hành dinh Cộng sản ở Diên An, trong tỉnh quê hương Thiểm Tây của ông, sau đó được giao phụ trách liên lạc với các lực lượng quốc gia ở Trùng Khánh. Cũng chính vào thời kỳ này, ông là thư ký riêng, do đó trở thành một trong những người cộng tác trung thành nhất của Chu Ân Lai. Sau chiến tranh, lòng ham thích của ông đối với công tác đàm phán và ngoại giao đã được khẳng định. Sau khi tham dự các cuộc đàm phán hòa bình ở Nam Kinh năm 1946 giữa Đảng cộng sản và Quốc dân đảng, ông được cử làm Phó trưởng ban Ban đối ngoại của Ban chấp hành Trung ương Đảng cho đến khi thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân tháng 10 năm 1949. Lúc đó, vào tuổi 43, ông trở thành Tổng thư ký Bộ Ngoại giao15 (Ông giữ chức vụ này đến năm 1955). Chức vụ này cho phép ông, từ 5 năm nay, theo sát các bước phát triển quan trọng của nền ngoại giao Trung Quốc và có quan hệ tiếp xúc thường xuyên và chặt chẽ với Chu Ân Lai. Điều đó có nghĩa là Vương Bính Nam có sự hiểu biết tuyệt diệu các hồ sơ về chính sách đối ngoại, nhưng cũng có cả một thói quen công tác hoàn hảo với ông Bộ trưởng. Đó là hai chủ bài làm cho ông ta ở Giơ-ne-vơ thành một nhà thương lượng khôn ngoan và có năng lực16 (Tiếp đo, đến tháng 3 năm 1955, Vương Bính Nam làm đại sứ Trung Quốc tại Ba Lan, và do đó, phụ trách các cuộc tiếp xúc Trung-Mỹ tại Vác-xa-va. Ông ở chức vụ này 9 năm (đến tháng 4 năm 1964). Thành viên của Đoàn đại biểu Trung Quốc tại Hội nghị Giơ-ne-vơ lần thứ hai, năm 1961-1962, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao vào tháng 4 năm 1964. Bị đả kích trong cách mạng văn hóa cùng với con trai là Vương Lý Minh (là con với người vợ Đức An-na Phôn Clây-xtơ) năm 1975 ông xuất hiện trở lại với chức Chủ tịch Hội hữu nghị với nước ngoài).


Đội ngũ cố vấn của Chu Ân Lai còn gồm ba thứ trưởng Bộ Ngoại giao nữa.

Người thứ nhất trong số này là Lý Khắc Nông, người đã tham gia nhóm quan sát viên cộng sản theo dõi Hội nghị Béc-lin17 (Ông này cùng với Ngô Tín Tuyên và Kiều Quán Hoa đều là thành viên của đoàn đại biểu Trung hoa nhân dân tại Liên hiệp quốc, tháng 11 năm 1950 cùng với Trần Bá Đạt) sau này, sẽ chính thức cầm đầu đoàn đại biểu Trung Quốc khi Chu Ân Lai vắng mặt ở Giơ-ne-vơ vào tháng 618 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (Danh sách tạm thời các đoàn đại biểu, tập 2, 5-7-1954) tr.9 và danh sách 14-7-1954. Chúng tôi lưu ý rằng trong phần phụ lục của công trình đã duyệt lại này, từ ngữ Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc được dùng cho chính Chu Ân Lai chứ không phải Lý Khắc Nông. Đối với các đoàn đại biểu khác cũng vậy. (Bi-đôn chứ không phải Sô-ven, v.v...). Sinh năm 1898, vào Đảng năm 1926, tham gia "Vạn lý trường chinh", ông sớm trở thành người phụ trách ngành tình báo và công an. Năm 1938, ông làm Phó cục trưởng Cục tình báo của Ban chấp hành trung ương, và giữ chức vụ này trong suốt cuộc chiến tranh Trung-Nhật. Năm 1945-1946 một thời một ông giữ việc liên lạc giữa những người cộng sản và người Mỹ. Từ khi thành lập chế độ cộng hòa nhân dân, ông được cử làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao đồng thời làm Giám đốc Ủy ban về công tác xã hội của Đảng, thực chất là phụ trách các hoạt động tình báo19 (D.W.Clee-in, A.B.Clác, sách đã dẫn, tr.509-512. Hoặc còn xem trong Who's Who in Communist China, sách đã dẫn, tr.350. Sau Hội nghị Giơ-ne-vơ, ông thôi chức này để năm sau trở thành Tổng tham mưu phó quân đội, ông giữ chức vụ này đến khi chết, ngày 9-2-1962). Trong thời gian Hội nghị, ông xử sự như một nhà quan sát hơn là nhà thương lượng. Đại sứ Sô-ven sau này viết về ông ta như sau "Tâm tình ông có lẽ không phải xấu nhưng giọng nói của ông là của người tỉnh nhỏ và thô kệch đến nỗi những người thạo tiếng Trung Quốc của chúng ta cũng chẳng hiểu gì cả"20 (G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr.76).


Vương Gia Tường cũng là Thứ trưởng Ngoại giao từ 1949. Sinh năm 1907, ông theo học ở Thượng Hải rồi Mát-xcơ-va. Tham gia "Vạn lý trường chinh" như Lý Khắc Nông, ông đã làm chính ủy trong quân đội. Sau khi thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân, ông đã làm Đại sứ 2 năm tại Mát-xcơ-va (1949-1951)21 (D.W.Klein, A.B.Clark, sách đã dẫn, 895-900. Who's who in Communist China, sách đã dẫn, 597. Biết tiếng Nga và tiếng Anh. Năm 1954 rất thân Liên Xô. Trở thành Thứ trưởng Ngoại giao đến 1959. Bị đả kích trong Cách mạng văn hóa vì theo đường lối "đầu hàng chủ nghĩa" trong quan hệ với Liên Xô. Chết năm 1974).


Người thứ ba trong số Thứ trưởng Ngoại giao là Trương Văn Thiên, mới được cử vào chức vụ đó chỉ trước khi lên đường đi Giơ-ne-vơ ngày 14 tháng 4. Sinh năm 1898, ông đã từng theo học ở Nhật Bản và ở Mỹ. Ông vào Đảng năm 1925, được Đảng cử đi học ở trường đại học Tôn Dật Tiên ở Mát-xcơ-va. Từ khi còn trẻ, ông đã ham mê văn học. Vả lại ông đã viết nhiều tiểu thuyết (Chuyến du hành, Mộng thanh niên v.v...) và dịch một số lớn tác phẩm phương Tây (của D'Annuzio, Oscar, Wilde, Tolstoi, Tourguenieff). Như Vương Gia Tường, ông thuộc "nhóm 28 người bôn-sê-vích"22 (Về nhóm học trò của Pavel Mif ở trường đại học Tôn Dật Tiên và vai trò của họ trong vụ Lý Lập Tam năm 1930-1931, xem J.Guillermaz. Historie du Parti Communiste Chinois (Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sách đã dẫn, tr.202-204)), trở vè Trung Quốc năm 1938, từ năm đó ông trở thành Tổng biên tập tạp chí Hồng Kỳ. Được bầu vào Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị tháng 1 năm 1931, tham gia "Vạn lý trường chinh" ông trở thành Tổng bí thư của Đảng năm 1935, sau đó đảm nhiệm nhiều chức vụ khác trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật. Là người phụ trách quan trọng của khu Đông Bắc (Mãn Châu) sau 1949, ông được cử làm đại diện của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc năm 1950 (nhưng tất nhiên đã không bao giờ được thừa nhận). Sau đó, tháng 4 năm 1951 ông thay Vương Gia Tường làm đại sứ tại Mát-xcơ-va, và giữ chức vụ này đến khi Hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc23 (D.W.Klein, A.B.Clark, sách đã dẫn, tr.61-67. Who's who in Communist China, sách đã dẫn trang 41-43. Ông này trở thành Đại sứ tại Liên Xô cho đến tháng 1 năm 1955 và Thứ trưởng Ngoại giao đến tháng 9 năm 1959. Trong Cách mạng văn hóa bị đả kích vì đã đi theo "tập đoàn chống Đảng" Bành Đức Hoài). Sự tham gia thật sự của ông vào cuộc thương lượng lại là một trong những sự tham gia hạn chết nhất. Không phát biểu nhiều, ông cư xử như một nhà quan sát hơn là nhà ngoại giao. Người ta thấy Vương Gia Tường và Trương Văn Thiên đã làm cho đoàn đại biểu Trung Quốc có màu sắc khá thân Liên Xô.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 26 Tháng Giêng, 2020, 10:41:08 am
Các chuyên viên của đoàn

Đoàn đại biểu Trung Quốc còn gồm một số lớn cố vấn và thư ký, phần nhiều đều là những nhà ngoại giao thành thạo và một số trong những năm tiếp theo, đảm nhiệm những trọng trách nổi bật.

Trong số này, có 5 cố vấn giúp việc các đại biểu, chiếm một vị trí đặc biệt: Shih Che, Trần Gia Khang, Hoàng Hoa, Hoạn Hương và Lôi Anh Phu24 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. (Danh sách các đoàn đại biểu do Ban thư ký Hội nghị soạn). 5 và 14-7-1954).


Người thứ nhất Shih Che (?), ít người biết đến, là bí thư của Vụ chính trị Bộ Ngoại giao từ năm 195225 (Who's who in Communist China (Tiểu sử nhân vật của Trung Quốc cộng sản) sách đã dẫn, tr.506). Hình như ông này đã không đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nghị.


Trái lại Trần Gia Khang là một nhân vật rõ ràng nổi bật. Rất gần gũi với Chu Ân Lai từ hồi Diên An, ông đã đi nhiều nơi và tham dự nhiều cuộc thương lượng hoặc gặp gỡ quan trọng. Nhất là ông đã tham gia đoàn đại biểu Trung Quốc đi San Phrăng-xi-xcô (San Francisco) năm 1945 để thành lập Liên hiệp quốc và đã giúp việc Chu Ân Lai trong các cuộc thương lượng giữa Đảng cộng sản và Quốc dân đảng sau khi chiến tranh kết thúc. Tháng 5 năm 1950, ông trở thành Phó Vụ trưởng Vụ châu Á Bộ Ngoại giao, rồi Vụ trưởng từ tháng 7 năm 1952. Với chức vụ này, ông tham gia Đoàn đại biểu Trung Quốc tại hội nghị Giơ-ne-vơ26 (Như trên, tr.80. Ông chuyên nghiệp làm ngoại giao, lúc nào cũng rất gần gũi với Chu Ân Lai. Đại sứ ở Ai Cập rồi ở Yemen. Năm 1966 ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao).


Hoàng Hoa, cựu sinh viên trường đại học Yên Thành (?) Bắc Kinh, trước kia làm phiên dịch cho nhà báo Etga Xnâu (Edgar Snou) (1936). Cũng như Trần Gia Khang, từ năm 1954 ông đã thực thụ là một nhà ngoại giao. Vào lúc thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân, ông được cử làm Giám đốc Ngoại vụ Thượng Hải, rồi Giám đốc Hoa kiều vụ ở thành phố này năm 1952, cuối cùng là cố vấn Bộ Ngoại giao năm 1953. Với danh nghĩa này, ông tham dự các cuộc thương lượng về Triều Tiên. Là phiên dịch tiếng Anh rất giỏi, ông là người phát ngôn của đoàn đại biểu Trung Quốc tại hội nghị Giơ-ne-vơ27 (D.W.Klein, A.B.Clark, sách đã dẫn, tr.393-395. Ông trở thành Đại sứ ở Ghana, rồi cộng hòa A Rập thống nhất, Đại diện Trung Quốc tại Liên hiệp quốc sau khi Trung Quốc vào Liên hiệp quốc năm 1971 và trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao năm 1976).


Hoạn Hương, cựu sinh viên trường Kinh tế Luân Đôn (London School of Economic)28 (Không có chú thích gì trong nguyên bản), đã theo đuổi nghề làm báo, nhất là ở tòa soạn tờ Văn hối báo. Quay về với chế độ (cộng sản) trong những năm 1940, ông được cử giữ chức Vụ trưởng Vụ Tây Âu và châu Phi Bộ Ngoại giao năm 1949, chức vụ này ông còn giữ khi ông đến Giơ-ne-vơ. Mấy tuần sau đó, Hoạn Hương sẽ là đại biện Trung Quốc đầu tiên phái đến Luân Đôn sau khi Trung Quốc và Anh thỏa thuận đặt cơ quan đại diện ngoại giao29 (Who's who in Communist China, sách đã dẫn, tr.267-268. Về hiệp định Trung Quốc-Anh, xem đoạn sau, chương V. Ông ở Luân Đôn tới 1962 và dự hội nghị Giơ-ne-vơ lần thứ hai năm 1962).


Lôi Anh Phu, ngược lại là sĩ quan quân giải phóng nhân dân. Người ta biết ít về ông này, chỉ biết là trong những năm 1944-1947, ông đã cầm đầu cơ quan liên lạc quân sự với Quốc dân đảng30 (Một bản ghi nhớ không đề ngày trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp nêu ông này là "vô danh". Ông này cũng sẽ trở lại Giơ-ne-vơ, tham dự Hội nghị lần thứ hai về Lào).


Ngoài ra, đoàn đại biểu Trung Quốc còn gồm một số thư ký và phó thư ký mà chức vụ của nhiều người ít được biết rõ31 (Danh sách chính thức do Đoàn thư ký Hội nghị lập, gồm những tên sau đây: Li Hai Chan, PuShan, Hsiung Hsiang-hui, Chen Ting Min, Chung Yung-chi, Shik ku, Chang Yi, Lin Feng, Tsao Kuci-Sheng, Tung Ning Chuan. Chỉ có hai người Hsiung Hsiang Hui và Lin Feng có tên trong Who's who in Communist China, sách đã dẫn, tr.231 và 380, Chinese Communist Who's who, sách đã dẫn, tr.277 hoặc D.W.Klein, A.B.Clark, sách đã dẫn, tr.553), nhưng sự có mặt của họ tại Giơ-ne-vơ không được nói đến trong các quyển sách về tiểu sử nói trên. Trong số này có Tsao Kuei-Sheng, là tùy viên phòng Đông Nam Á Vụ châu Á (tin tức do chính ông này đưa ra, Pari, 25-9-1974). Tháng 8 năm 1954 ông theo đại sứ La Quí Ba sang Bắc Việt Nam với danh nghĩa Bí thư thứ hai (Tân Hoa xã, Bắc Việt Nam 1 tháng 9 năm 1954). Rất nhiều người trong số này có lẽ là sinh viên ngoại giao chỉ được phép đến Giơ-ne-vơ để rèn luyện trong thực tiễn các cuộc hội nghị quốc tế lớn).


Ngoài ra, còn nhiều cố vấn khác cũng theo đoàn đến Giơ-ne-vơ mặc dù tên tuổi không đưa vào danh sách chuyển cho đoàn thư ký hội nghị. Trong số này phải kể đến Lôi Nhiệm Dân, thứ trưởng Bộ Ngoại thương từ 1951, người sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tiếp xúc thương mại32 (Who's who in Communist China, sách đã dẫn, tr.324-326) mà H.Tơ-ri-vi-li-an (Trevelyan) đại biện Anh tại Bắc Kinh và thành viên đoàn Anh tại Giơ-ne-vơ giữ kỷ niệm về người uống rượu Mao đài rất khỏe, không ai bằng33 (A.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.82); Kiều Quán Hoa nguyên là quyền Vụ trưởng Vụ châu Á Bộ Ngoại giao, và cựu tổng biên tập tạp chí People's China (Trung hoa nhân dân)34 (Who's who in Communist China, sách đã dẫn, tr.117-118), và bà vợ là Cung Bành, Vụ trưởng Vụ thông tin Bộ Ngoại giao35 (Như trên, tr.309), mà Maria Antonietta Macciochi đã làm quen với bà từ lúc đó đã phác họa chân dung bà đầy cảm phục36 (Maria Antonietta Macciochi, De la Chine (về Trung Quốc) Paris, Le Seuil, 1981, tr.408-409: "Cung Bành, là người phát ngôn của đoàn đại biểu Trung Quốc và là một trong những người cộng tác quí báu của Chu Ân Lai, đã gây cho tối ấn tượng mạnh mẽ. Người phụ nữ Trung Quốc đó, với một sự nhạy cảm chính trị pha lẫn hài hước, đã đương đầu với các cuộc tiến công của các phóng viên các tờ báo lớn trên thế giới, đối với tôi là một cảnh tượng tuyệt đối khác thường (...). Hết nghiêm khắc đến dịu dàng, bà ta ngồi ở bàn họp báo, và lòng tự tin của bà ta trước hàng trăm nhà báo, đối với tôi dường như thể hiện hết thảy mọi đức tính của nữ giới (...). Tôi nhớ lại khuôn mặt trái xoan với đường nét hài hòa, dưới mái tóc đen nhánh và mềm mại của bà. Mỗi lần kết thúc những cuộc thảo luận, đôi khi sôi động với các nhà báo, Cung Bành ra ngay ô tô có phủ rèm lụa màu kem và người ta chỉ thấy đôi bàn tay trắng xinh đẹp, bất động, để lên nhau trước bụng theo phong tục cổ xưa của Trung Quốc. Bộ mặt nghiêm nghị làm tăng vẻ đẹp mơ mộng không còn căng thẳng và giận dữ. Đối với tôi bà tỏ ra tuyệt đối tự tin, thông minh và vững vàng và đường hoàng, bà bước đi một mình, yên lặng rời khỏi đám nhà báo! (Cung Bành đã mất năm 1970); Khai Bái Niên, Vụ trưởng Vụ Mỹ-Ô-xtrây-li-a37 (Who's who in Communist China, sách đã dẫn, tr.308); Wu Leng Hsi lúc đó là Phó Giám đốc Tân Hoa xã và trong thời gian hội nghị đã đi theo Chu Ân Lai trong chuyến đi Ấn Độ và Miến Điện38 (Như trên, tr.644).


Tóm lại, đây là một đoàn đại biểu đông người39 (Nguồn: Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, công văn về vấn đề "Đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ trong tập danh sách các đoàn đại biểu (do đoàn thư ký Hội nghị lập) ngày 5 và 14-7-1954), nhưng đồng thời có chất lượng, và có lợi thế khi so sánh với các đoàn của bốn nước lớn khác. Bước vào sân khấu quốc tế, Trung Quốc đã phái đến Giơ-ne-vơ những đại biểu ưu tú nhất của đội ngũ ngoại giao. Rất nhiều người đã từng học ở nước ngoài, nhất là Tây Âu (Vương Bính Nam, Kiều Quán Hoa) và Mát-xcơ-va (Vương Gia Tường, Trương Văn Thiên). Nhiều người đã tham dự các cuộc gặp gỡ quốc tế, như Hội nghị San Phrăng-xi-xcô năm 1945 (Trần Gia Khang), các cuộc thương lượng khác nhau từ 1945 đến 1947 giữa Đảng cộng sản, Quốc dân đảng và các phái đoàn thiện chí của Mỹ do tướng Marshall rồi đại sứ Leighton Stuart dẫn đầu (Vương Bính Nam, Lý Khắc Nông, Trần Gia Khang), những cuộc thảo luận tại Liên hiệp quốc năm 1950 (Kiều Quán Hoa), các cuộc đàm phán Trung-Xô (Trần Gia Khang, Lôi Nhiệm Dân) hoặc những cuộc thương lượng về Triều Tiên (Hoàng Hoa). Cuối cùng, đa số trong bọn họ đã từ lâu quen làm việc với Chu Ân Lai và tính thuần nhất của ê-kíp sẽ là một chủ bài phụ trong cuộc thương lượng.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:09:22 pm
Bảng 8

ĐOÀN ĐẠI BIỂU TRUNG QUỐC TẠI HỘI NGHỊ GIƠ-NE-VƠ VỀ ĐÔNG DƯƠNG

1. Thành viên có tên trong danh sách chính thức của đoàn thư ký tại Hội nghị

(https://i.imgur.com/25HxV8K.jpg)


2. Thành viên không đưa vào danh sách chính thức của Đoàn thư ký Hội nghị (Danh sách không hạn chế)

(https://i.imgur.com/kjl3j0b.jpg)


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:11:25 pm
Giai đoạn đàm phán về Triều Tiên

Thông cáo cuối cùng công bố ngày 18 tháng 2 về kết quả Hội nghị Béc-lin đề nghị "một cuộc hội nghị những đại diện các nước Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Triều Tiên, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và các nước khác có lực lượng tham chiến ở Triều Tiên muốn tham dự, sẽ họp tại Giơ-ne-vơ ngày 26 tháng 4 nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên"40 (Văn kiện Hội nghị Béc-lin, sách đã dẫn, tr.98, cải chính).


Theo những cam kết đã thông qua tại cuộc họp Béc-lin, ngày 26 tháng 2 Mỹ đã mời các nước có quân chiến đấu ở Triều Tiên dưới quyền Bộ chỉ huy Liên hiệp quốc cử đại biểu đến Giơ-ne-vơ41 (The State Departement Bulletin (Bản tin Bộ Ngoại giao Mỹ) 8-3-1954, tr.347). Trừ Liên bang Nam Phi, tất cả đều nhận tham dự42 (Tức là ngoài Mỹ, Pháp và Anh còn có Ox-trây-lia, Bỉ, Canada, Colombia, Etiopia, Hi Lạp, Luyxembua, Niu Di Lân, Hà Lna, Phillipin, Nam Triều Tiên, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ). Đồng thời, Liên Xô cũng đứng ra mời các nước Cộng sản khác có liên quan43 (Trung Quốc và Bắc Triều Tiên).


Như vậy tất cả có 19 nước gồm có 4 nước "lớn", Trung Quốc, hai bên Triều Tiên và 12 (trong tổng số 13) nước, theo thời gian quy định trước, ngày thứ hai 26 tháng 4 họp tại Giơ-ne-vơ để đề cập đến điểm 1 ghi trong chương trình nghị sự đã xác định ở Béc-lin "Việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên".


Tất cả những nhân vật chính trị trọng yếu nhất trên thế giới lúc đó đã đến họp. Các đoàn đại biểu cộng sản đến đầu tiên, từ thứ bảy 24 tháng 4. Tướng Nam Nhật và đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên, Chu Ân Lai và các cố vấn của ông (đoàn gây được hiếu kỳ của mọi người) và đồng thời Mô-lô-tốp, I-đơn và Đa-lét chủ nhật mới đến và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bi-đôn (Georges Bidaull thì sáng thứ hai mới tới). Các đoàn đại biểu của ba nước phương Tây, cũng như của Trung Quốc và Liên Xô đều có nhiều thành viên có năng lực. Phụ tá cho J.F.Da-lét có tướng Bơ-de Xmit, Thứ trưởng Ngoại giao44 (Người tích cực bênh vực chủ trương Mỹ không nên can thiệp vào Đông Dương-C.Ronning. A Memoir of China in Revolution (Hồi ký về nước Trung Hoa đang làm cách mạng), New York, Pantheon Books, 1974, tr.215) (ngày 1 tháng 5 mới đến), Oan-tơ Rô-béc-sơn (Walter Robertson) Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Viễn Đông và Alếch-xít Giôn-sơn (Alexis Johnson) Đại sứ tại Pra-ha. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Anh có Thứ trưởng ngoại giao Denit Alen (Dennis Allen), Huân tước Ri-đinh (Lora Reading) và H.Tơ-ri-vi-lian giúp việc. H.Tơ-ri-vi-lian là cố vấn ngoại giao lâu năm của Nê-ru (Nehru), sau đó làm đại diện của Anh tại Bắc Kinh, là người hiểu biết Chu Ân Lai hơn cả45 (J.Lacouture, Ch.Devillers, sách đã dẫn, tr.118). Về phía Pháp, chủ yếu là Giăng Sô-ven (Jean Chauvel) Đại sứ Pháp tại Bec-nơ (Berne), giúp việc cho Gioóc-giơ Bi-đô, ngoài ra còn có các cộng sự khác như Guy Đơ-la Tuốc-ne (Guy de la Tourrnelle), Tổng Giám đốc chính trị, Rây-mông Ophroa (Raymond Offroy), tham tán ngoại giao tại Sài Gòn rồi đại sứ Pháp tại Thái Lan, Giắc-cơ Ru (Jacques Roux) Giám đốc Vụ châu Á, hoặc Giăng Laloy (Jean Laloy), Tham tán Đại sứ quán.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:13:02 pm
Thái độ của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên

Giai đoạn đàm phán về Triều Tiên-mà mọi người đều thấy không bao giờ hấp dẫn vì quá rõ ràng là trước mắt không thể đạt được sự thỏa thuận nào-khai mạc ngày thứ hai 26 tháng 4 dưới quyền chủ tọa của hoàn thân Wan Waithayakon, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan46 (Về Hội nghị bàn về Triều Tiên, xem những bằng chứng của Sir Anthony Eden, hồi ký, sách đã dẫn, tr.120-165 và của C.Ronning, sách đã dẫn, tr.214-239). Phiên họp đầu tiên chỉ bàn về thủ tục. Người ta quyết định xác nhận, không phải tranh cãi gì, những thỏa thuận giữa các đoàn đại biểu đã thông qua từ nhiều tuần nay: việc dùng 5 thứ tiếng chính thức (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên) và các trưởng đoàn đoàn đại biểu Thái Lan, Liên Xô và Anh luân phiên chủ tọa các phiên họp47 ("Lâu đài các dân tộc" đã được Liên Xô đồng ý làm địa điểm hội nghị sau khi tham khảo ý kiến Trung Quốc (Niu Oóc thời báo 18-3-1954, theo hãng thông tấn TASS). Về tiếng chính thức, lúc đầu Liên Xô muốn loại bỏ tiếng Triều Tiên để khẳng định rõ hơn nữa đây là cuộc họp 5 nước lớn nhưng sau đó đã bỏ ý định này. Việc chỉ có các nước Thái Lan, Liên Xô và Anh thay nhau làm chủ tịch hội nghị là theo quan điểm của Mỹ với mục đích loại bỏ Trung Quốc. (R.F.Randel, sách đã dẫn, tr.157-158). Về tiếng chính thức và phiên dịch, xin xem cuốn sách nhỏ của đại tá Robert B.Ekvall, Faithfull Echo (tiếng vang đáng tin cậy) New York, Twayne Publishers, 1960, 125 trang, Đại tá R.B.Ekvall là phiên dịch tiếng Trung Quốc của đoàn đại biểu Mỹ tại Giơ-ne-vơ).


Bắt đầu từ 27 tháng 4, các trưởng đoàn lần lượt đọc các bài diễn văn dài dòng. Lập tức, Bắc Triều Tiên đề nghị một kế hoạch chi tiết về "lập lại nền thống nhất quốc gia": tổng tuyển cử, thành lập chính phủ thống nhất, rút lực lượng quân sự nước ngoài trong thời hạn 6 tháng, đảm bảo quốc tế cho sự tiến triển của Triều Tiên đến thống nhất48 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Đoàn Thư ký Hội nghị. Văn kiện số 2 ngày 27-4-1954/"Đề nghị của đoàn đại biểu Cộng hòa nhân dân Triều Tiên về việc lập lại nền thống nhất quốc gia và tổ chức tổng tuyển cử trên toàn cõi Triều Tiên").


Ngay hôm sau, 28 tháng 4, Đa-lét đưa ra nhận xét rằng vấn đề đặt ra ở đây không những là số phận Triều Tiên mà cũng là "quyền lực của Liên hiệp quốc". Ông đã bác bỏ kế hoạch đó, theo ông ta vì nó đã không chú ý chút nào đến những khuyến cáo của tổ chức thế giới49 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/biên bản phiên họp 28-4-1954 (tiếng Pháp) tr.2-13. Cũng xem bản tin Tân hoa xã Giơ-ne-vơ 28-4-1954).


Chính lúc này Chu Ân Lai, lần đầu tiên từ khi đến Giơ-ne-vơ, đã có thể trình bày lập trường của Chính phủ Trung Quốc. Trước hết ông ta nhấn mạnh tính chất đặc biệt của một hội nghị họp lần đầu tiên giữa một bên là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và một bên là "những nước khác liên quan" đến hòa bình ở châu Á50 (Như trên, tr.13). Chu Ân Lai đã nhắc lại ở đây lập luận phát triển trong bài xã luận của Nhân dân nhật báo ra ngày 22 tháng 2 vừa qua, trong đó cuộc họp đã được trình bày như một "Hội nghị năm nước lớn"51 (Xem lại chương III). Bất chấp việc ba nước phương Tây đã bác bỏ lần cuối cùng trong công hàm chung gửi Liên Xô ngày 23 tháng 452 (Xem lại chương III). Trung Quốc vẫn coi quy chế dành cho mình tại Giơ-ne-vơ giống như bốn cường quốc khác. Sau đó, như mọi người chờ đợi, Thủ tướng Trung Quốc đã phát biểu dài dòng lập luận của mình nhằm chứng minh rằng Chính phủ ông ta đại diện đầy đủ ý chí của toàn thể nhân dân Trung Quốc53 (Xem hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, biên bản phiên họp ngày 28-4-1954, tr.14-15). Tuy nhiên, không lúc nào ông ta đề cập đến việc Trung Quốc gia nhập Liên hiệp quốc mà chỉ nói đến lòng mong muốn giải quyết mọi vấn đề bằng phương pháp hòa bình.


Chu Ân Lai, tiếp đó đã đề cập đến bản thân vấn đề Triều Tiên, nhắc lại những sự kiện từ 1950, nhấn mạnh đến sự quan tâm lớn của Trung Quốc đối với đất nước chỉ "cách Trung Quốc một con sông". Ông ta đặt câu hỏi làm sao nhân dân Trung Quốc lai có thể coi việc quân Mỹ vượt vĩ tuyến 38 không đe dọa "nền an ninh của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa"?54 (Như trên, tr.17). Vì vậy cần thiết vĩnh viễn lập lại hòa bình ở bán đảo Triều Tiên. Chính vì vậy "đoàn đại biểu Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hoàn toàn ủng hộ những đề nghị do Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Nam Nhật đưa ra nhằm lập lại nền thống nhất quốc gia Triều Tiên bằng tổng tuyển cử tự do"55 (Như trên, tr.20).


Cuối cùng, để kết luận bản trình bày, đại biểu Trung Quốc đã nhắc lại quan điểm của chính phủ mình về vấn đề Đài Loan, việc vũ trang lại Nhật Bản với sự giúp đỡ của Mỹ, những hoạt động của Mỹ nhằm lập hệ thống an ninh chung ở Thái Bình dương56 (Như trên, tr.22). Và để khẳng định mạnh mẽ hơn nữa vai trò của nước Trung Hoa mới trên thế giới, Chu Ân Lai nói thêm "Nhân dân Trung Quốc (...) không những quan tâm lo lắng đến việc gìn giữ hòa bình ở châu Á mà còn ở cả châu Âu và trong những phần khác trên thế giới", tố cáo nhiều nhất việc phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Đức và chạy đua vũ trang57 (Như trên, tr.23).


Tất cả những điều nói trên không có gì mới đối với các nhà quan sát nước ngoài. Báo chí Trung Quốc đã phát triển rộng rãi những luận điệu đó từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên, những luận điệu đó phản ánh rõ ràng ý muốn của Trung Quốc phát biểu về vấn đề Triều Tiên nhân danh cường quốc thế giới (không phải chỉ là cường quốc châu Á) cũng như nhân danh sự thống nhất bề ngoài của các nước cộng sản.


Cuộc thảo luận trong những ngày tiếp theo không đem lai yếu tố gì độc đáo. Chu Ân Lai sau khi hội đàm với Mô-lô-tốp và Nam Nhật ngày 29 tháng 4, đã lại phát biểu dài trong phiên họp ngày 3 tháng 5. Lần này, ông đả kích kịch liệt những âm mưu, thủ đoạn của Mỹ ở Liên hiệp quốc, chứng minh "một lần nữa Liên hiệp quốc không có tư cách để quan tâm đến vấn đề Triều Tiên"58 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Đoàn thư ký Hội nghị/văn kiện số 15 ngày 4-5-1954/Tuyên bố và đề nghị của Chu Ân Lai (...) ngày 3-5-1954, tr.2-3). Sau đó ông ta đề nghị thông qua những quân đội cho phép hồi hương những tù binh Triều Tiên và Trung Quốc còn đang bị "giam giữ" tại Triều Tiên, lập ủy ban gồm một bên là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Liên Xô và bên kia là hai bên Triều Tiên để giám sát việc thực hiện59 (Như trên, tr.7-8 Ronning nhận xét Chu Ân Lai nói mạnh hơn Mô-lô-tốp, ông này có vẻ như lùi sau Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc. C.Ronning, sách đã dẫn, tr.222).


Trước đề nghị của phía Trung Quốc, các nước phương Tây tỏ ra chia rẽ sâu sắc. Tại Ủy ban 16 nước60 (Nam Triều Tiên và các nước đã gửi quên sang Triều Tiên, không kể Nam Phi) phụ trách phối hợp thái độ giữa các nước đồng minh, hai xu hướng khác nhau đã xuất hiện. Một khuynh hướng cứng rắn do Nam Triều Tiên làm đại biểu, được Mỹ ủng hộ, khước từ mọi thỏa hiệp, nhất là về tổ chức tuyển cử ở miền Nam là nơi đã tổ chức rồi. Một khuynh hướng thứ hai có tính cách dung hòa hơn, do các nước khác nhất là các nước trong khối Thịnh vương chung, Pháp, Hà Lan đưa ra, tán thành tổng tuyển cử ở hai miền Triều Tiên dưới sự kiểm soát quốc tế mà Liên hiệp quốc có thể chấp nhận được61 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (ở Giơ-ne-vơ), bản ghi nhớ về "Hội nghị Giơ-ne-vơ về Triều Tiên" 25-6-1954, tr.7, xem thêm C.Ronning, sách đã dẫn, tr.221-225). Nhưng sức ép của Mỹ-Triều Tiên kiên quyết đến nỗi các đoàn phương Tây khác, thực tế không muốn làm tan vỡ mặt trận thống nhất bề ngoài mà họ muốn gìn giữ, đã phải tránh bên vực quá cứng rắng lập trường của họ và đã làm cho cuộc thương lượng bế tắc rất nhanh chóng. Việc thành lập từ ngày 1 tháng 5 một Ủy ban thu hẹp gồm Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Quốc, hai bên Triều Tiên đã chẳng thay đổi bao nhiêu tình hình.
Đúng là trong những ngày đầu tiên của Hội nghị, nếu không nói gì Liên Xô Trung Quốc đã không tỏ dấu hiệu mềm dẻo bao nhiêu. Trong bữa ăn trưa giữa I-đơn, Chu Ân Lai và Mô-lô-tốp ngày 30 tháng 4, bộ trưởng Trung Quốc đã dùng những lời lẽ "thù địch" đối với Mỹ, phản đối kịch liệt việc Đa-lét về Oa-sinh-tơn (đã dự kiến sẽ đi ngày 3 tháng 5) sợ rằng việc đó, về phía Mỹ, có thể là dấu hiệu khước từ giải quyết vấn đề Đông Dương62 (Về điểm này, xem bản tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ 3-5-1954. Cũng xem Quang minh nhật báo, 4-5-1954). Thái độ kiên quyết của Chu Ân Lai cũng đã đưa đến chỗ ông ta gạt ra ngoài những lời ám chỉ của I-đơn liên quan đến khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Bắc Kinh và Luân Đôn bằng cách nhắc lại thái độ của Anh trong các cuộc thảo luận tại Liên hiệp quốc về sự gia nhập của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa63 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ, bản ghi nhớ về vấn đề "Hội đàm với một thành viên đoàn đại biểu Anh, 4-4-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:13:46 pm
Việc chuẩn bị hội nghị về Đông Dương

Triển vọng hết sức mong manh về giải pháp cho vấn đề Triều Tiên và đồng thời, bước ngoặt bi thảm do tình hình quân sự ở Điện Biên Phủ đem lại, đã rất nhanh chóng làm cho các cường quốc chính xem cuộc thảo luận về Triều Tiên chỉ là phụ so với cuộc thảo luận về Đông Dương sắp khai mạc nay mai.
Vấn đề rất khó là thành phần hội nghị. Vấn đề này đã được các nước phương Tây thảo luận từ nhiều ngày nay. Thực ra tại cuộc họp ba bộ trưởng Ngoại giao tại Pari ngày 22 tháng 4, Bi-đôn đã chỉ ra rằng nếu "Liên Xô nhấn mạnh" thì cũng có thể mời Việt Minh nhưng "với quy chế thứ yếu hơn" so với người Việt Nam (chỉ ngụy quyền Bảo Đại-người dịch)* (Tư liệu chưa được phép công bố). Nhân danh ba nước phương Tây, Bộ trưởng Pháp được giao trách nhiệm một mình thương lượng vấn đề này với Liên Xô (bằng cách tránh để Trung Quốc trực tiếp dính líu vào các cuộc nói chuyện này). Vì vậy ngày 27 tháng 4 tại Giơ-ne-vơ hai Bộ trưởng Pháp và Liên Xô gặp nhau để thảo luận vấn đề này. Ngay lập tức Bi-đôn đề nghị mời năm nước như đã nêu ra trong thông cáo Béc-lin, ba quốc gia liên kết ở Đông Dương và có thể thêm hai nước láng giềng là Thái Lan và Miến Điện. Mô-lô-tốp liền đưa ra một công thức đối lại: năm nước nêu trong thông cáo Béc-lin, cộng với bốn quốc gia hữu quan ở Đông Dương (đó là ba quốc gia liên kết cộng với Việt Nam dân chủ cộng hòa). Ngoài ra, Bộ trưởng Liên Xô còn đề nghị I-đơn và bản thân ông ta sẽ luân phiên làm Chủ tịch hội nghị về Đông Dương*64 (A.E-den Mémoirês-Hồi ký sách đã dẫn, tr.132, John Kotelawala. Thủ tướng Xây-lan vào thời gian này viết trong Hồi ký của ông rằng tên ông được Pháp đề nghị làm Chủ tịch Hội nghị về Đông Dương nhưng Liên Xô phản đối. Sir John Kotelawala, An Asian Prime Minister's Story. (Câu chuyện của một Thủ tướng châu Á). London, Harrap-Cie, 1956, 203 trang, index, tr.126).


Hai cuộc gặp khác, sáng và chiều hôm sau, đã không đem lại điều gì mới về quyền đại diện của Việt Minh nếu không phải chỉ là những khả năng mới đã được gợi lên: Ấn Độ, In-đô-nê-xia, nhất là Ox-trây-lia. Cuối cùng ngày 2 tháng 5, ba nước phương Tây đã qua đại sứ Sô-ven, thông báo cho Liên Xô biết họ chấp nhận công thức do Mát-xcơ-va đề nghị (Hội nghị có 9 bên tham dự kể cả Việt Minh) đồng thời Việt Nam (ngụy quyền Bảo Đại-người dịch) cũng tán thành trong chừng mực sự tham gia đó không bao hàm sự công nhận về pháp lý65 (J.Lacouture, P.Devillers, sách đã dẫn, tr.122-123). Được mời ngày 3 tháng 5, đoàn đại biểu của Việt Minh đã tới Giơ-ne-vơ ngay ngày 4.


Ngoài ra, ngay trong lúc các cuộc thương lượng về Triều Tiên và về Đông Dương tiếp diễn, đã có những sự kiện khác xảy ra trên sân khấu ngoại giao ở châu Á và không phải là không liên quan đến các cuộc thương lượng ở Giơ-ne-vơ, nhất là đối với Trung Quốc.


Thứ nhất là việc ký kết Hiệp ước Trung-Ấn ngày 29 tháng 4, chỉ 3 ngày sau hôm khai mạc hội nghị về Triều Tiên. Sự trùng hợp này không phải là hoàn toàn ngẫu nhiên.

Từ khi kiến lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào tháng 4 năm 1950, quan hệ Trung-Ấn đã dần dần được cải thiện, đặc biệt là nhờ sự thúc đẩy của đại sứ Ấn Độ tại Bắc Kinh Panikkar, ông này còn cố gắng đóng vai trò trung gian giữa hai bên tham chiếm ở Triều Tiên. Cuộc chiến tranh kết thúc, cả hai thủ đô liền cố gắng cải thiện quan hệ hai nước, nhất là về vấn đề Tây Tạng là nơi di sản của thời kỳ thực dan chưa bao giờ được hoàn toàn làm sáng tỏ. Đầu tháng 1 năm 1954, các cuộc đàm phán đã mở tại Bắc Kinh, kết quả là Hiệp ước Trung-Ấn về Tây Tạng được ký kết ngày 29 tháng 4.


Trên thực tế, Hiệp ước này bao gồm những gì?66 (Văn bản tiếng Trung Quốc trong "Trung hoa nhân dân cộng hòa quốc giao thiệp chí", sách đã dẫn, tập III, tr.1. Hiệp ước này đã được bổ sung cũng trong ngày hôm đó bằng trao đổi công hàm dự kiến việc rút các đơn vị quân sự Ấn Độ ra khỏi Tây Tạng và chuyển giao cho Trung Quốc một số thiết bị của Ấn Độ (bưu điện, điện tín, quán trọ cho người hành hương và thương nhân v.v...). Xã luận Nhân dân nhật báo ngày 30-4-1954 đánh giá rằng việc ký các hiệp nghị đó "chứng minh mọi vấn đề quốc tế đều có thể giải quyết hợp lý thông qua thương lượng khi các nước trung thành với nguyên tắc cùng tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, bình đẳng và hai bên đều có lợi và cùng tồn tại hòa bình". Văn bản tiếng Anh của hiệp ước "Tibet (1950-1967)" Hong Kong, Union Research Institute 1968, tr.66-72. Bản tiếng Pháp trong Notes et Etdudes Documentaires (Documentation francaise) số 2562, 6-8-1959 (Textes et Documents sur le Tibet 1950-1959)).


Các điều khoản của Hiệp ước đều nói về các lĩnh vực kỹ thuật mà bản thân các tiêu đề có thể cho một ý niệm về nội dung: Các đại lý thương mại (điều 1), thị trường (điều 2), việc hành hương (điều 3 và điều 4), quy định các chuyến du hành và từ chối nhập cảnh (điều 5). Trung Quốc nhận cho Ấn Độ đặt 3 đại lý thương mại ở Tây Tạng (đã có sẵn từ trước). Ngược lại Ấn Độ cũng cho Trung Quốc đặt 3 cơ quan thương vụ tại Niu Đê-li, Can-quýt-ta và Ka-lim-pong. Thương nhân hai nước có thể tiếp tục công việc buôn bán truyền thống giữa Tây Tạng và Ấn Độ ở một số thị trường và theo những điều kiện nhất định. Những người hành hương Ấn Độ và Tây Tạng muốn đi đến một số nơi thờ cúng dễ dàng như nhau. Cuối cùng, hiệp ước đã được ký cho 8 năm67 (Nghĩa là cho đến 1962, năm nổ ra xung đột biên giới Trung-Ấn).


Nhưng dù những biện pháp có tính chất địa phương đó là đáng quan tâm, nhưng đó không phải là nội dung chủ yếu của hiệp ước. Thực tế, có 3 điểm có thể lưu ý ngay các nhà quan sát:

Một mặt Hiệp ước, xuất phát từ một tình hình được thừa nhận, nói đến "khu Tây Tạng của Trung Quốc" tức là về mặt pháp lý, Ấn Độ (lần đầu tiên) thừa nhận Tây Tạng là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc. Đối với nền ngoại giao Bắc Kinh, đó là một thắng lợi đáng kể, loại trừ trở ngại chủ yếu có thể có cho việc nhích lại gần giữa Trung Quốc và Ấn Độ, mà thủ tướng Nê-ru rất mong muốn. Ý đồ liên minh giữa Trung Quốc và Ấn Độ từ nay đã trở thành hiện thực bởi vì vấn đề Tây Tạng do đế quốc Anh để lại đã được giải quyết.


Kết quả lô-gích của nhận xét đầu tiên này là từ phần mở đầu của Hiệp ước, hai bên đã xác nhận "5 nguyên tắc" làm nền tảng cho quan hệ Trung-Ấn: "1. Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau; 2. Không xâm lược lẫn nhau; 3. Bình đẳng và hai bên đều có lợi; 5. Cùng tồn tại hòa bình". Lần đầu tiên, Trung hoa nhân dân đặt chữ ký của mình bên dưới những nguyên tắc đó. Ấn Độ thì thấy đó là một thắng lợi của nền ngoại giao của mình: Trung Quốc không giống tý nào cái hình ảnh đáng ghê sợ mà J.F.Đa-lét cố gán cho Trung Quốc trong lúc đó tại Giơ-ne-vơ. Điều chứng minh là có thể thỏa thuận được với chính phủ Bắc Kinh. Về phần mình, Trung Quốc ở một thế thuận lợi hơn khi ký một Hiệp ước như vậy. Nếu không có vấn đề tổ chức lại châu Á đối địch bằng vũ lực với Trung Quốc thì ngược lại, hoàn toàn có thể thương lượng đi đến một thế cân bằng mới mà mọi người có thể chấp nhận được. Đó là ý nghĩa của bản Hiệp ước.


Cuối cùng cần lưu ý rằng, hiệp ước đã không có đoạn nào nêu vấn đề về đường biên giới Trung-Ấn. Nếu từ việc đó Ấn Độ có quyền cho rằng Trung Quốc coi "đường Mac-Mahon" như đã được thừa nhận, thì chính phủ Bắc Kinh, về phần mình, tỏ ra rằng họ không có ý định khuấy động những vấn đề thứ yếu trong quá trình thương lượng mà chủ đề cuộc thương lượng đó vô cùng rộng lớn và quan trọng hơn.
Tất cả những điều đó không thể không có hiệu quả đối với hình ảnh hòa bình mà nước Trung Hoa mới cố gắng tự gán cho mình lúc đó68 (Xem cách giải thích của A.Trevelyan trong sách đã dẫn, tr.73).


Ngoài ra, ngày 28 tháng 4, hai ngày sau hôm khai mạc hội nghị Giơ-ne-vơ về Triều Tiên, năm nước châu Á (Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Xây-Lan, Miến Điện và Pa-ki-xtan) họp ở Côn-lôm-bô để xem xét, ngoài những vấn đề khác, những khả năng đem lại hòa bình ở Đông Dương69 (Xem Sir John Kotelawala, sách đã dẫn, tr.117-125). Trung Quốc, về phần mình đã chăm chú theo dõi cố gắng đó. Chắc chắn là năm nước khác ý kiến, đặc biệt là Ấn Độ và Pa-ki-xtan, nhưng trong thông cáo cuối cùng công bố ngày 2-5, năm nước đã cùng nhau khẳng định ý chí chung là quan tâm giữ gìn hòa bình ở châu Á70 (P.V.Curl, Documents on American Foreign Relations, 1954. (Văn kiện về quan hệ đối ngoại của Mỹ, 1954). New York Harper and Row, 1955, tr.272-276. Dưới con mắt Trung Quốc, nghị quyết của Hội nghị Cô-lôm-bô có điều không lợi lớn là khuyến khích Liên hiệp quốc can thiệp chính thức vào các công việc Đông Dương "Nhằm có thể sử dụng sự trung gian và guồng máy của tổ chức Liên hiệp quốc để làm dễ dàng nhiệm vụ của hội nghị Giơ-ne-vơ và thực hiện những nghị quyết về Đông Dương, các thủ tướng bày tỏ ý kiến rằng hội nghị Giơ-ne-vơ phải thông báo cho Liên hiệp quốc biết về tình hình tiến triển các cuộc thảo luận về Đông Dương"). Về phần mình, nước Anh luôn luôn chú ý đến những động tĩnh của khối Thịnh vượng chung, đã nhìn thấy ở năm nước Cô-lôm-bô một khả năng đảm bảo quốc tế của các hiệp định tương lai về Đông Dương. Ngoài ra, ngày 5 tháng 5, Nê-ru đã gửi một thông điệp tới I-đơn bày tỏ ý muốn của chính phủ Ấn Độ là tán thành lập lại và duy trì hòa bình ở Đông Dương71 (A.E-den, Mémoires (Hồi ký). Sách đã dẫn, tr.129. Tại phiên họp ngày 12 tháng 5 về Đông Dương, E-den đồng ý với nghị quyết Hội nghị năm nước Cô-lôm-bô, tỏ ý tán thành có sự kiểm soát của Liên hiệp quốc. Xem hồ sơ Bộ Ngoại giao Pháp: Conférence de Genève sur l'Indochine (8 tháng 5-21-7-1954). Procès verbaux des séances-Propositons. Documents finaux; Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (8 tháng 5-21-7-1954). Biên bản các phiên họp các đề nghị-văn kiện cuối cùng). Paris, Imprimerie Nationale, 1955 470 trang, tr.72).


Nếu người ta thêm vào đó, sự ủng hộ của năm nước Cô-lôm-bô đối với việc Trung Quốc gia nhập Liên hiệp quốc, ý muốn của Anh bênh vực ở Giơ-ne-vơ nền an ninh của một phần khác của Khối thịnh vương chung là Mã Lai và Sin-ga-po, nhu cầu của chính phủ Niu Đen-li đi tìm đồng minh trong sự kiện Ca-sơ-mia (Cachemire) và ý muốn của chính phủ Bắc Kinh thắt chặt thêm sự liên minh với Ấn Độ để nhích lại gần hơn nữa phong trào Á-Phi mới nảy nở. Rõ ràng là những ý kiến của Hội nghị Cô-lôm-bô có thể là một điểm gặp nhau giữa lợi ích Anh và lợi ích Trung Quốc. Khuôn khổ châu Á của vấn đề Đông Dương sẽ dần dần được xác định trong suốt 2 tháng rưỡi thương lượng.


Cuối cùng, trước ngày khai mạc hội nghị về Đông Dương, tại Bắc Kinh, từ 3 đến 6-5-1954 đã có cuộc họp của Ủy ban hòa bình châu Á và Thái Bình dương72 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 6-5-1954), và từ 5 đến 8-5-1954, có cuộc họp của các đại biểu công đoàn các nước Ấn Độ, Xây-lan, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam Mông Cổ và Liên Xô73 (Như trên, Bắc Kinh, 9-5-1954 (Thông cáo cuối cùng ngày 8-5-1954)). Cả hai cuộc họp này đều kết thúc với lời kêu gọi hòa bình ở Đông Dương, mà mục tiêu hiển nhiên là hưởng ứng chính sách cùng tồn tại hòa bình của Trung Quốc.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:18:40 pm
BƯỚC ĐẦU CỦA HỘI NGHỊ VỀ ĐÔNG DƯƠNG

Trung Quốc về vấn đề thương binh ở Điện Biên Phủ

Từ trước khi Điện Biên Phủ thất thủ 7 tháng 5 và hội nghị về Đông Dương khai mạc 8 tháng 5, đoàn đại biểu Pháp đã cố gắng giải quyết vấn đề đáng lo ngại là không thể săn sóc chu đáo các thương binh nặng ở trong tập đoàn cứ điểm74 (Khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, có khoảng 4500 thương binh. A.Na-va, sách đã dẫn, tr.228. P.Rocolle-sách đã dẫn, tr.549). Cuộc thương lượng đầu tiên đó đã đánh dấu bước đầu thật sự của hội nghị về Đông Dương.


Để Việt Minh đồng ý một thời gian ngừng bắn cần thiết cho việc di chuyển thương binh ra khỏi Điện Biên Phủ, Bi-đôn đã quyết định trước hết nói chuyện với Mô-lô-tốp. Trong các cuộc gặp đầu tiên với Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô ngày 27 và 28 tháng 4, Bi-đôn đã yêu cầu là số phận của những con người đó phải được quan tâm trước mọi vấn đề khác. Trước đây Bộ chỉ huy quân đội Pháp đã ưng thuận cho Việt Minh được hưởng những "cuộc ngừng bắn cứu thương" thì ngay nay Bi-đôn nói thêm rằng chỉ là công bằng nếu quân đội viễn chinh cũng được hưởng những sự dễ dàng tương tự. Đây không chỉ là một biện pháp nhân đạo, ngoài ra còn phù hợp với luật cổ truyền về chiến tranh. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp yêu cầu đoàn đại biểu Liên Xô can thiệp với Việt Minh để công việc di chuyển thương binh được sớm tiến hành.


Đối với lập luận đó, Mô-lô-tốp đã trả lời vấn đề "thuộc thẩm quyền của Việt Minh và phải được giải quyết trực tiếp giữa hai bên". Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô đã nhận xét rằng việc giải quyết vấn đề này cũng như việc khai mạc hội nghị về Đông Dương chỉ tùy thuộc vào thái độ của Pháp. Sự có mặt của "bên kia" là điều kiện của chính bản thân hội nghị và về giải pháp riêng về vấn đề thương binh75 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. Điện ngày 30-4-1954 gửi Luân Đôn, Sài Gòn và Oa-sinh-tơn). Trong cuộc nói chuyện tối ngày 28 tháng 4 với Bi-đôn, Mô-lô-tốp cũng đã tuyên bố rõ ràng rằng "ông ta sẵn sàng góp phần vào việc giải quyết vấn đề thương binh, nhưng việc đó còn tùy thuộc vào sự tham dự hội nghị của Việt Minh"* (Nguồn tư liệu chưa được phép công bố). Đoàn đại biểu Pháp kết luận rằng Liên Xô rõ ràng nhằm đạt được việc mời Việt Minh tham dự hội nghị mà không cần xác định danh nghĩa là thế nào và không bị hạn chế gì, và cuộc họp sẽ có 9 bên tham gia..."76 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. Điện ngày 30-4-1954 gửi Luân Đôn, Sài Gòn và Oa-sinh-tơn).


Về phần mình, ngày 30 tháng 4, Mô-lô-tốp đã khẳng định lại lập trường đó trong một cuộc nói chuyện với I-đơn và Chu Ân Lai; và Chu Ân Lai tỏ ra còn "cứng rắn" hơn đồng nghiệp Xô-viết của ông ta77 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện của Bi-đôn gửi Bộ Ngoại giao Paris/số 76-83/30-4-1954, theo biên bản tiếng Anh của cuộc nói chuyện, đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề: tình hình thương lượng về Đông Dương tại Giơ-ne-vơ đến ngày 3 tháng 5 năm 1954/3-5-1954).


Trước thất bại đó, Bi-đôn-quyết định quay sang phía Trung Quốc là những người duy nhất ngoài người Nga ra, có quan hệ tiếp xúc với Việt Minh. Ngày 5 tháng 5, đại tá Ghi-éc-ma theo chỉ thị miệng của Sô-ven yêu cầu gặp Vương Bính Nam78 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bộ Ngoại giao về vấn đề tiếp xúc với đoàn đại biểu Trung Quốc về vấn đề di chuyển thương binh ở Điện Biên Phủ/7-5-1954). Ông này nhận lời tiếp Ghi-éc-ma ngay hôm đó lúc 14g30 ở khách sạn "Bơ hồ xinh đẹp" (Beau rivage). Sau khi đã trình bày những lý do mà Bi-đôn đã nêu ra mấy hôm trước với Mô-lô-tốp, Đại tá hỏi Tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc liệu đoàn Trung Quốc có thể thu xếp khai thông cuộc tiếp xúc với thành viên có trách nhiệm của Việt Minh hay không? Vương Bính Nam hứa sẽ báo cáo cho Chu Ân Lai.


Ngày hôm sau, đại biểu Trung Quốc báo cho Đại tá Ghi-éc-ma lập trường của Thủ tướng Trung Quốc: "Vấn đề di chuyển thương binh có thể thảo luân ngay hôm khai mạc sắp tới của hội nghị, qua tiếp xúc trực tiếp giữa đại biểu Pháp và đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa79 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ về vấn đề "Hội đàm với Tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc"/6-5-1954/Đến lúc này việc mời Việt Minh đến hội nghị đã giải quyết xong. Tiếp đó người Trung Quốc không ngừng nhấn mạnh là Việt Minh và Pháp nên trực tiếp đàm phàn với nhau. Chu Ân Lai tự đứng làm trung gian giữa Sô-ven và Phạm Văn Đồng, hai người gặp nhau bắt đầu từ ngày 20 tháng 6 tại nơi Chu Ân Lai ở (Nói chuyện của tác giả với Sô-ven, ngày 24-6-1975). Phải chăng người Trung Quốc đã báo cho Việt Minh biết việc Pháp vận động họ? "Ông Vương Bính Nam bảo đảm rằng ông ta chỉ tự giới hạn trong việc chuyển quan điểm của Pháp cho ông Chu Ân Lai và ông ta không rõ ông Chu Ân Lai có thông báo cho người ngoài biết không", nhưng đã cẩn thận nhấn mạnh rằng "vấn đề di chuyển thương binh là một phần của vấn đề tìm kiếm lập lại hòa bình ở Đông Dương"80 (Như trên, tường thuật của Trung Quốc về sự kiện này trong bản tin Tân hoa xã tại Giơ-ne-vơ ngày 7 và 8-5-1954). Nói một cách khác, vấn đề đó không thể giải quyết riêng rẽ chỉ vì lý do nhân đạo hay chỉ vì lý do khẩn cấp. Đó là một vấn đề trong những vấn đề khác, một trong những yếu tố của nội dung thảo luận tại hội nghị.


Ngay hôm sau, Bi-đôn điện về Pháp: "Đáng lưu ý là sau nhiều giờ chờ đợi, đoàn đại biểu Trung Quốc đã trả lời cho chúng tôi y như Mô-lô-tốp đã nói cách đây 8 hôm". Ngày hôm sau Bi-đôn ra một thông cáo báo chí nói rằng "cuộc tiếp xúc (...) với đoàn đại biểu Trung Quốc (...), sau khoảng hai chục tiếng đồng hồ chờ đợi đã không cho biết điều gì khác hơn là gợi ý đưa lại vấn đề khẩn cấp và thuần túy nhân đạo này ra thảo luận chung tại hội nghị"81 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện của Bi-đôn gửi Bộ Ngoại giao số 190-191/6-5-1954: cũng xem văn bản các lời tuyên bố của Trung Quốc về vấn đề này, bản tin Tân hoa xã Giơ-ne-vơ, ngày 7 và 8-1954).


Một cuộc bút chiến nhỏ đã nổ ra xung quanh vụ này. Người ta kết tội ông Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã rủi ro nghi ngờ những tình cảm nhân đạo của cộng sản. Schwoebel viết trong báo thế giới (Le Monde): "Đã chẳng khéo léo gì trong việc công khai thử thách tinh thần nhân đạo của người Nga và người Trung Quốc và làm như vậy đã khiêu khích tính nhạy cảm vốn rất sắc bén của họ về vấn đề đó"82 (Báo Le Monde ngày 9 và 10-5-1954, J.Lacouture và Phlippe Devillers nhắc lại trong sách đã dẫn, tr.134). G.Bi-đôn cũng đã gửi một bức điện dài cho Su-man để bác bỏ từng đoạn một trong bài báo đó83 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, điện Bi-đôn gửi về Bộ Ngoại giao Pari/số 252-262/11-5-1954).


Dù cái gọi là "vụng về" của đại biểu Pháp trong việc này có thế nào đi nữa, một trong những kết luận rút ra là Trung Quốc triệt để đứng cùng một lập trường với Liên Xô, không hề có ý tỏ ra có tinh thần hòa giải tối thiểu ở điểm nào mà Liên Xô còn cứng rắn. Trung Quốc cũng không phải là con đường vòng để liên hệ với Việt Minh khi đại biểu Liên Xô đã từ chối đứng ra dàn xếp. Bề ngoài, không được nuôi bất cứ hy vọng nào theo hướng đó, dù rằng như chính Bi-đôn cũng đã nhận xét trái với người Nga, "giọng điệu (...) lần này đã tỏ ra lịch sự"84 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Bi-đôn/Giơ-ne-vơ/số 190-191/6-5-1954. Những phiên họp đầu của hội nghị mà Bi-đôn tham dự cũng đã để lại cho Đa-lét cảm tưởng rằng Trung Quốc triệt để đứng về phía lập trường của Liên Xô (R.F.Randle, sách đã dẫn, tr.173-174).


Về số phận các thương binh, mãi 3 ngày sau, ngày 10-5-1954 sau khi Điện Biên Phủ thất thủ (chiều tối 7-5-1954), mới có cách giải quyết, khi đoàn đại biểu Việt Minh công khai công bố quyết định của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cho phép di chuyển họ khỏi Điện Biên Phủ85 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.131). Tuy vậy có một chi tiết có vẻ chỉ ra rằng lập trường của Trung Quốc đã không quá cứng nhắc như trưởng đoàn đại biểu Pháp đã nghĩ. Ngay sau lời tuyên bố chờ đợi từ lâu đó, người phát ngôn Việt Minh đưa ra một vài điều bảo lưu về việc áp dụng quyết định đó đối với thương binh quốc tịch Việt Nam. Vậy, không thể không cho rằng, về điểm này người Trung Quốc đã có một vài trò hòa giải bên cạnh Việt Minh. Thực thế, cùng ngày hôm đó, lúc 22 giờ, Việt Minh đưa ra một thông cáo xác định rằng khi nói "quân viễn chinh Pháp" thì phải hiểu là "tất cả các đơn vị dưới quyền chỉ huy của tướng Cát-tơ-ri (Castries) ở Điện Biên Phủ, bất kể quốc tịch của họ thế nào". Thông cáo này là tiếp theo một quyết định, theo lời của chính Mô-lô-tốp, sau một cuộc họp chung giữa Việt Minh và người Trung Quốc86 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Bi-đôn/Giơ-ne-vơ/11-5-1954). Bi-đôn đã nhận ra điều đó, báo cáo ngay về Pari, nhưng thực ra không rút được một kết luận trực tiếp nào về khả năng hòa giải của Trung Quốc.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:20:33 pm
Chu Ân Lai trình bày lập trường tổng quát về Đông Dương (12 tháng 5)

Chính là buổi chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, căn cứ Điện Biên Phủ buộc phải chấm dứt cuộc chiến đấu. Tấn bi kịch đã kết thúc với bản tổng kết hết sức nặng nề: 1.500 tử trận, 1.600 mất tích, 1.100 đào ngũ, 4.500 thương binh, 5.500 tù binh; tổng cộng gần 15.000 người bị loại khỏi vòng chiến đấu87 (P.Rocolle, sách đã dẫn, tr.548-549). Từ hai tháng nay báo chí thế giới theo rõi từng ngày bao vây Điện Biên Phủ. Những phút cuối cùng thật ghê sợ. Sự choáng váng về tâm lý còn lớn hơn nữa. Có lẽ tướng Na-va đã không lầm khi, sau này ông viết rằng quân đội Pháp đã chịu "trận thua rất đau về chiến thuật" nhưng không phải là bị đánh bại trong chiến tranh88 (H.Na-va, sách đã dẫn, tr.264). Tuy nhiên về mặt tâm lý, và do đó về mặt chính trị, sự thất bại là rõ ràng.


Vì vậy sự căng thẳng đã lên đến cực điểm khi ngày hôm sau, thứ 7 ngày 8 tháng 5 hồi 16 giờ, đại biểu của 9 nước tham dự tề tựu ở lâu đài các dân tộc để khai mạc hội nghị về Đông Dương. Phiên họp đầu tiên đặt dưới quyền chủ tọa của I-đơn. Sau khi đã giải quyết xong mấy vấn đề chi tiết thuộc về thủ tục, Gióoc-giơ Bi-đôn lại có vinh dự-đáng sợ trong giờ phút khó khăn này-mở đầu các cuộc thảo luận.


Sau khi tưởng niệm những người chết trận tại Điện Biên Phủ, ông Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, trước hết đã dựng lại lịch sử vấn đề Đông Dương, không quên nhắc đến "các nước cộng sản giúp đỡ ngày càng nhiều cho quân đội của Việt Minh"89 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.16). Sau đó ông đưa ra những đề nghị cụ thể của giải pháp: "chấm dứt toàn bộ các cuộc xung đột ở Đông Dương, dựa trên những sự bảo đảm cần thiết về an ninh"; tách riêng các vấn đề Khơ-me và Lào một bên, vấn đề Việt Nam một bên khác; rút quân xâm lược ra khỏi Cam-pu-chia và Lào với hệ thống kiểm soát quốc tế; đối với Việt Minh, chấm dứt xung đột, tập kết quân đội chính quy hai bên vào những vùng có ranh giới rõ ràng và do những Ủy ban quốc tế kiểm soát, trong khi chờ đợi tổng tuyển cử tự do, từ đó sẽ đề ra giải pháp cuối cùng90 (Như trên, tr.17-18. Phản ứng của Trung Quốc về bài diễn văn xem bản Tân hoa xã Giơ-ne-vơ, 10-5-1954). Một văn bản theo hướng này đã được đưa ra Hội nghị91 (Như trên, tr.395).


Phạm Văn Đồng, thay mặt cho Việt Minh, đọc tham luận tiếp theo ngay bản trình bày của Bi-đôn. Sau khi nhắc lại lòng mong muốn hòa bình sâu sắc của nhân dân châu Á và nhân dân thế giới, nhưng tạm tránh không đề cập đến lịch sử của vấn đề, đại biểu Việt Minh đã yêu cầu hội nghị tán thành mời đại biểu chính thức của các chính phủ kháng chiến Khơ-me và Lào đến dự hội nghị92 (Như trên, tr.19. Văn bản đề nghị của Phạm Văn Đồng, tr.396).


Phần cuối của phiên họp thứ nhất đã dành cho việc thảo luận đề nghị của Việt Minh giữa Bơ-đen Xmit (Be dell Smith), Chu Ân Lai, Mô-lô-tốp, Bi-đôn, I-đơn, Sam Sary (Campuchia), Phạm Văn Đồng và Phoui Sananikone (Lào), nhưng đã không đi đến một kết luận nào.


Về phần mình Chu Ân Lai đã tham luận hai lần để, như Mô-lô-tốp, hoàn toàn ủng hộ đề nghị của Việt Minh93 (Như trên, tr.21), và tán thành ý kiến của Liên Xô là thảo luận vấn đề này giữa "năm nước lớn"94 (Như trên, tr.27-28).


Phiên họp thứ hai ngày 10 tháng 5 đã có tiến bộ rõ rệt do Việt Minh thỏa thuận cho phép di chuyển các thương binh nặng ra khỏi Điện Biên Phủ. Rồi Phạm Văn Đồng đã trình bày hết sức dài về vấn đề Đông Dương, tố cáo mạnh mẽ như nhau chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc Mỹ95 (Như trên, tr.32-48). Cuối bản tham luận, đại biểu Việt Minh cũng đề nghị một kế hoạch khá chi tiết về lập lại hòa bình ở Đông Dương: Đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương; thừa nhận chủ quyền và độc lập của Việt Nam, Khơ-me và Pa-thét Lào; quân đội nước ngoài rút khỏi ba nước; tổ chức tổng tuyển cử nhằm lập chính phủ duy nhất ở mỗi nước; ba nước gia nhập Liên hiệp Pháp trên những cơ sở sẽ thương lượng sau; thừa nhận quyền lợi đặc biệt về kinh tế và văn hóa của nước Pháp ở 3 nước; không truy nã những người cộng tác với đối phương; trao đổi tù binh96 (Như trên, tr.397-398).


Tiếp theo tham luận của Phạm Văn Đồng là các phát biểu của các đại biểu Campuchia, Lào, Anh, Mỹ, Việt Nam (ngụy-ND) và Pháp, trước hết nhấn mạnh đến những sự xuyên tạc không thể chấp nhận được của đại biểu Việt Minh đối với lịch sử gần đây của Đông Dương. Cuộc thảo luận trong ngày thứ hai này đã kết thúc bằng việc Việt Minh phân biệt đối xử giữa lính Pháp và lính Việt Nam (ngụy-Người dịch) trong bản tuyên bố về việc di chuyển thương binh. Người ta nhớ lại rằng, ngay tối hôm đó, vấn đề này cuối cùng đã được giải quyết khi Việt Minh đã chấp nhận rằng sẽ trao trả hết thương binh nặng ở Điện Biên Phủ "bất kỳ quốc tịch họ thế nào"97 (Xem đoạn trên).


Đến phiên họp toàn thể lần thứ 3 ngày 12 tháng 5, tiếp theo Tep-chan (Campuchia) và Nguyễn Quốc Định (Việt Nam), Chu Ân Lai, lần đầu tiên, công khai trình bày lập trường tổng quát của đoàn đại biểu Trung Quốc về vấn đề Đông Dương.


Giống như Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Trung Quốc cũng mở đầu bản tham luận bằng việc nhắc lại các sự kiện. Lịch sử Đông Dương gần 90 năm qua là lịch sử của cuộc đấu tranh lâu dài chống thực dân pháp. Bỏ qua những quan hệ thân thuộc và đối lập trong suốt nhiều thế kỷ qua đã đánh dấu lịch sử quan hệ Trung-Việt, cũng như bỏ qua những điều kiện của cuộc chinh phục thực dân và của sự trưởng thành của chủ nghĩa dân tộc không cộng sản, ông ta chuyển ngay sang thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ông chỉ nhớ đến một điểm của thời kỳ này "Chỉ có Việt Nam độc lập đồng minh, (Việt Minh) do Hồ Chí Minh đứng đầu, và các tổ chức yêu nước Khơ-me và Pa-thét Lào đã dẫn đường cho các dân tộc ở Đông Dương kề vai sát cánh đấu tranh với quân Đồng minh"98 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.65). Khi giải phóng đất nước, Việt Nam đã tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong khi ở Campuchia và Lào đã thành lập chính phủ kháng chiến. Còn nước Pháp đã xâm chiếm Đông Dương một lần nữa, lao vào một cuộc chiến tranh qui mô lớn để chiếm lại thuộc địa. Chu Ân Lai nói tiếp: "Nếu hội nghị Giơ-ne-vơ được triệu tập chính là để chấm dứt cuộc chiến tranh đó"99 (Bình luận Điện Biên Phủ thất thủ, tờ Nhân dân Nhật báo đã viết "Thời gian (...) đã chín muồi để chấm dứt chiến tranh Đông Dương". Tân hoa xã, Bắc Kinh (9-5-1954)).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:22:55 pm
Điều kiện đầu tiên để lập lại hòa bình, theo trưởng đoàn Trung Quốc, là nước Pháp phải chấm dứt cuộc chiến tranh thực dân, phải hiểu rằng sức mạnh của các dân tộc Đông Dương là vô địch, phải thừa nhận "các dân tộc Việt Nam, Khơ-me và Pa-thét Lào có toàn quyền giành độc lập, thực hiện thống nhất quốc gia, được hưởng quyền tự do dân chủ và sau cùng được sống trong hòa bình ở tổ quốc mình"100 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, sách đã dẫn, tr.64). Ngoài ra, thủ tướng Trung Quốc còn nhận xét, như báo chí Trung Quốc đã từng làm hàng tháng nay, rằng đó là lợi ích đúng đắn của nước Pháp. Thực ra cuộc chiến tranh này đã gây ra "sự thiệt hại lớn lao đến vị trí quốc tế của nước Pháp"101 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, sách đã dẫn, tr.68). Vậy chính phủ Pari phải khẩn thiết hướng về một giải pháp hòa bình, như đa số nhân dân và nhiều chính khách Pháp mong muốn.


Điều kiện thứ hai-đó là "thực chất của vấn đề" là Mỹ phải chấm dứt sự can thiệp vào cuộc xung đột. Một lần nữa, những luận điểm tuyên truyền cổ điển của Trung Quốc được nhắc lại nguyên si. Chu Ân Lai tố cáo chính sách Mỹ đã được tiến hành ở Đông Dương từ 1947. Từ đó đến nay, Mỹ luôn luôn can thiệp ngày càng công khai vào cuộc xung đột, đến mức ngày nay Mỹ đã đài thọ 70% cố gắng chiến tranh của Pháp và ngoài ra, Mỹ, không che giấu ý đồ thay thế Pháp ở Đông Dương, nơi đây, nếu không chấm dứt quá trình can thiệp (của Mỹ), "rốt cuộc sẽ trở thành thuộc địa của Mỹ"102 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, sách đã dẫn, tr.67). Trầm trọng hơn nữa, chính phủ Oa-sinh-tơn cố gắng lập ở Đông Nam Á một "chuỗi những cái gọi là các khối phòng thủ" chẳng có liên quan gì đến an ninh của bản thân nước Mỹ, nhưng không nhằm mục đích nào khác hơn là lôi kéo các quốc gia trẻ tuổi vào cuộc phiêu lưu quân sự có thể dẫn đến một cuộc "chiến tranh tổng lực".


Nếu hai trở ngại nói trên được loại trừ thì không còn gì chống đối việc lập lại hòa bình. Trung Quốc, như Liên Xô, không can thiệp vào Đông Dương, luôn luôn mong muốn đi đến một giải pháp chính trị và cũng như nhân dân các nước Đông Dương, chỉ mong muốn nhanh chóng chấm dứt chiến sự. Ngoài ra các dân tộc khác ở châu Á cũng tán thành hướng đó, nhất là các nước Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Miến Điện, Pa-ki-xtan vừa mới họp hội nghị Cô-ôm-bô103 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, sách đã dẫn, tr.69. Trung Quốc không kể nước Xây-lan-nước thứ 5 dự hội nghị Cô-lôm-bô có lẽ bởi vì nếu Xây-lan đã thừa nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, hai nước vẫn chưa kiến lập quan hệ ngoại giao (năm 1957 mới đặt quan hệ ngoại giao). Ngoài ra, trong hội nghị Cô-lôm-bô, Chính phủ Xây-lan đã khẳng định rõ rệt lập trường chống cộng (The Times-3-5-1954). Chính bản thân Thủ tướng Kotelawala cũng viết trong hồi ký: Tôi là kẻ chống đối công khai và kiên quyết chống chủ nghĩa cộng sản"104 (Sir John Kotelawala, sách đã dẫn, tr.123). Hoặc khi nói về việc máy bay Mỹ chở hàng tiếp viện cho quân Pháp ở Đông Dương ghé qua Cô-lôm-bô: "Tôi không thấy có lý do gì để giữ trung lập có lợi cho mục đích xấu xa (của những người cộng sản)"105 (như trên, trang 127). Theo Kotelawala, người ta đã xác nhận điều này, Liên Xô đã phản đối việc đề cử ông làm Chủ tịch hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (Như trên, tr.126)). Như ông ta đã làm tại phiên họp ngày 8, Chu Ân Lai chỉ hoàn toàn ủng hộ đề nghị của Việt Minh, xóa tan mọi lời đồn đại về khả năng có sự bất đồng giữa hai đoàn đại biểu. Nhưng ông ta không đưa ra một nhân tố độc đáo nào về giải pháp hoặc về đàm phán. Cùng ngày Nhân dân nhật báo đưa lên đề mục "Hàng triệu người mong muốn hòa bình"106 (Nhân dân nhật báo ngày 12-5-1954).


Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn những đề nghị nói trên, có thể cho phép phát hiện ở đó một vài nhân tố đáng phấn khởi. Như tuyên truyền của Trung Quốc vẫn luôn luôn làm như vậy, tuyên bố của Thủ tướng tố cáo sự can thiệp của Mỹ mạnh mẽ hơn nhiều so với việc đả kích chủ nghĩa thực dân Pháp. Phải chăng đó là một cách khuyến khích gián tiếp nước Pháp đi đến đàm phán một cách độc lập nhưng tích cực? Về phương diện này, đáng chú ý rằng Trung Quốc tránh không tố cáo tuyên bố Pháp-Việt ngày 28 tháng 4107 (Tuyên bố chung về ý định của Pháp muốn trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Văn bản trong Articles et Documents (Bài báo và văn kiện) Paris-Phủ thủ tướng và Bộ Ngoại giao La Documentation francaise, số 50, 29-4-1954), trong khi tại buổi họp hôm trước Phạm Văn Đồng, về phần mình, đã trình bày "cái gọi là chính phủ quốc gia" của Việt Nam như một sản phẩm của Mỹ108 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.42. Đúng là đương nhiên chính Việt Minh phải nêu vấn đề này ra vì nếu Trung Quốc nêu ra, người ta sẽ qui kết Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam).


Ngoài ra, việc nói đến các đề nghị hòa bình của các nước Cô-lôm-bô cũng có thể được coi như một dấu hiệu của sự hòa giải của lòng mong muốn đi đến kết quả, trong mức độ thông cáo ngày 2 tháng 5 có nhắc đến, một vai trò có thể có được của Liên hiệp quốc trong việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải pháp mà từ nhiều năm nay Trung Quốc đã không ngừng tố cáo mạnh mẽ nhất. Đoạn nói về những cố gắng hòa bình của Pa-ki-xtan cũng xứng đáng được nêu lên, trong khi chính phủ Karachi đang đàm phán với Mỹ về một hiệp định quân sự sẽ được ký kết mấy ngày hôm sau109 (Hiệp định ngày 19-5-1954 về các cuộc thương lượng này xem Chronique de politique érangére (Thời sự chính sách đối ngoại, tập VII, số 3, tháng 5-1954, tr.360-372). Phải chăng đó là bấy nhiêu "bước đi trước" với nước Anh mà Trung Quốc biết là đặc biệt "nhạy cảm" với dư luận năm nước Cô-lôm-bô đã bày tỏ?


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:25:58 pm
Những phản ứng của phương Tây

Trên thực tế, người ta đánh giá thái độ của Trung Quốc, cũng như trong sự việc thương binh ở Điện Biên Phủ, rất là nguyên tắc. Một văn thư của Bộ Ngoại giao Pháp sơ kết mấy ngày đầu đàm phán vừa qua, đã kết luận "Chu Ân Lai giáo điều, cứng nhắc và không có vai trò nổi lên hàng đầu"110 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Dự thảo về báo cáo tổng kết về Hội nghị Giơ-ne-vơ, tr.150).


Thực tế mấy ngày Hội nghị vừa qua đã cho phép đánh giá rõ ràng hơn bản chất quan hệ của Trung Quốc với Liên Xô và Việt Minh và cách tiến hành đàm phán của ba đoàn cộng sản.

Cũng như sau Hội nghị Béc-lin, có nhiều dấu hiệu khác nhau có vẻ cho thấy rằng quan hệ Trung-Xô là khó khăn. Theo báo cáo của một đại biểu Pháp ở Niu-Oóc, một nhà ngoại giao Liên Xô đang công tác tại Liên hiệp quốc đã chỉ ra rằng mục tiêu của Liên Xô tại Giơ-ne-vơ không phải là "thống nhất Việt Nam dưới quyền lực của một mình Hồ Chí Minh" bởi vì "một giải pháp như vậy sẽ có nghĩa là trực tiếp làm Việt Nam phải tuân thủ Trung Quốc". Vậy, chính phủ Mát-xcơ-va "chủ yếu làm cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ không được sử dụng Đông Dương làm căn cứ quân sự"111 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Hoppenot/New York/số 1240-1242/10-5-1954). Cũng tại Giơ-ne-vơ, trong khi Chu Ân Lai không đưa ra một ý kiến nhỏ nào về Mô-lô-tốp thì ngay từ bước đầu đàm phán, Mô-lô-tốp đã nói riêng với B.Xmit rằng Trung Quốc "rất khó hiểu"112 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Dự thảo báo cáo tổng kết về Hội nghị Giơ-ne-vơ, tr.150). Cũng đáng chú ý là Mô-lô-tốp trong các cuộc nói chuyện với Bi-đôn ngày 27 và 28 tháng 4 đã không bao giờ nêu vấn đề đại diện của Pa-thét Lào hay của Ủy ban Khơ-me It-xa-rắc113 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Jacquet/Giơ-ne-vơ, số 108-109/2-5-1954). Ông ta chỉ nêu vấn đề đó trong phiên họp toàn thể ngày 8 tháng 5 sau khi Phạm Văn Đồng yêu cầu các đại biểu cách mạng Lào và Khơ-me phải được mời tham dự hội nghị và Chu Ân Lai đã ủng hộ những đòi hỏi của Việt Minh114 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.19-21).


Tuy vậy, thái độ của Trung Quốc phần nhiều tỏ ra như lặp lại một cách trung thành thái độ của Liên Xô. Mặt trận Trung-Xô không thể hiện một sự rạn nứt riêng biệt. Một văn thư của đoàn đại biểu Pháp đề ngày 4 tháng 5, điểm lại các lập trường của các nước khác nhau về những cuộc trao đổi đầu tiên về Đông Dương sau khi tóm tắt lập trường của Liên Xô đã xác định lập trường của Trung Quốc là "giống như"Liên Xô115 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao (Đoàn đại biểu Pháp/Giơ-ne-vơ, Văn thư gửi ông Su-man (Schumann) 4-5-1954)).


Sự nhất trí giữa Trung Quốc và Việt Minh có vẻ như cũng vững chắc như vậy. Không những không hề có sự bất đồng nào xuất hiện giữa hai đoàn mà bài diễn văn của Chu Ân Lai chỉ tự giới hạn trong việc ủng hộ những đòi hỏi và đề nghị của Phạm Văn Đồng, không thêm thắt một lời chú giải độc đáo nào. Lời kết luận của Bi-đôn cũng là kết luận của khá nhiều nhà quan sát phương Tây: (...) Có một sự đoàn kết chặt chẽ ngự trị trong phe đối phương. Nó đã được tô đậm bằng sự ủng hộ ngay lập tức của các ông Mô-lô-tốp và Chu Ân Lai đối với đề nghị của Việt Minh"116 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao/điện Bi-đôn Giơ-ne-vơ/số 223-235/9-5-1954).


Tất cả những điều nói trên chỉ củng cố ý kiến của đoàn đại biểu Mỹ. Những đề nghị của Bắc Triều Tiên, theo lời lẽ của chính tổng thống Ai-xen-hao, chỉ là "sự sao chép của Trung Quốc dự thảo của Liên Xô về thống nhất nước Đức117 (Diễn văn ngày 5-5-1954. Niu Oóc thời báo, 6-5-1954). Tướng Bơ-đen Xmít (Bedell Smith) trong cuộc nói chuyện với I-đơn và Bi-đôn ngày 12 tháng 5 đã nói rõ là theo nguồn tin nhận được "tình hình Bắc Triều Tiên là bi thảm, tại đó những cuộc di cư ồ ạt (giống như Liên Xô đã làm ở U-cơ-ren) đang nhanh chóng biến nước này thành một tỉnh của Trung Quốc"118 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao/điện Bi-đôn/Giơ-ne-vơ/số 286-289/12-5-1954). Đại sứ Pháp tại Mỹ đã ghi lại nhân dịp này: "Kỷ niệm về việc mất Trung Hoa lục địa luôn luôn dai dẳng trong tâm trí những người lãnh đạo đảng Cộng hòa119 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao/điện Bonnet/Oa-sinh-tơn, số 2981-2989/8-5-1954). Khi trở về Oa-sinh-tơn, Đa-lét tỏ ra kiên quyết hơn bao giờ hết trong việc thúc đẩy dự án về an ninh tập thể ở Đông Nam châu Á120 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao, điện Bơn-nê/Oa-sinht-ươn. Số 1627/4-5-1954).


Còn các đại biểu các nước liên kết, về phần họ, nếu trước nhất họ chống đối những luận điệu của Việt Minh thì, cũng như Bơ-đen Xmít và Bi-đôn họ tố cáo mạnh mẽ những hoạt động của chính phủ Bắc Kinh. Đại biểu Việt Nam-Nguyễn Quốc Định đã kết tội Việt Minh là "chư hầu" của Trung Quốc121 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.62 (Phiên họp ngày 12 tháng 5)). Đại biểu Campuchia Tep-phan cũng phát biểu theo hướng đó, khẳng định rằng cái gọi là Chính phủ Khơ-me Ít-xa-rắc là hoàn toàn do Việt Minh và Trung Quốc tạo nên và chỉ là công cụ của họ122 (Như trên, tr.76 (phiên họp ngày 12 tháng 5)).


Về phần Anh, những cuộc tiếp xúc đầu tiên với Chu Ân Lai đã tỏ ra hơi thất vọng. Bi-đôn phản đối nhờ cậy Anh để tiếp cận với đoàn đại biểu Trung Quốc (như một vài thành viên của Chính phủ Pháp đã nghĩ tới), đã cố gắng để xóa bỏ tình trạng lạnh nhạt trong các mối quan hệ đó. Ông ta điện về Pari "Sẽ sai lầm nghiêm trọng nếu nghĩ rằng Anh có ảnh hưởng nào đó với Bắc Kinh"123 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao/điện Bi-đôn/Giơ-ne-vơ/số 170-171, ngày 5-5-1954).


Tuy nhiên, sự cứng rắn bề ngoài trong thái độ của Trung Quốc đã không ngăn cản một số người-không phải chỉ ở nước Anh-tỏ ra lo ngại về tính chất thô bạo của các luận điểm của Mỹ đối với Chính phủ Bắc Kinh. Một việc có ý nghĩa là mấy ngày trước hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, hoàng thân Bửu Lộc, đứng đầu Chính phủ Việt Nam, đã chẳng viết cho đại sứ Việt Nam tại Oa-sinh-tơn là "Phải tránh làm mất mặt Trung Quốc vì Việt Nam sẽ là người đầu tiên phải chịu những hậu quả nặng nề về sự phản ứng của họ"124 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao/điện Ngoại giao/châu Á-châu Đại dương/số 36/26-4-1954/Bản ghi nhớ về vấn đề "Ý kiến hoàng thân Bửu Lộc về Trung Hoa cộng sản"). Phần lớn báo chí ở nước ngoài nhất là ở châu Á cũng phản ứng tương tự. Trong bài xã luận ngày 6 tháng 5 báo Nihon Keizai ở Tô-ki-ô phát triển cùng một luận điểm như vậy:

"Phải chăng là sẽ thông minh hơn nhiều đối với nền đại dân chủ Mỹ là nhớ lại bài học còn sốt dẻo của lịch sử, thừa nhận chế độ Mao Trạch Đông ngày nay đã đứng vững, cũng như trước đây thừa nhận chế độ Lê-nin và Sta-lin một khi chế độ đó tỏ ra sẽ bền vững? (...). Phủ nhận địa vị cường quốc hiện nay đang tồn tại trên thực thế của Trung Hoa cộng sản chẳng có lợi ích gì cho hòa bình. Nước Nhật, không được quên vị trí địa lý và những khó khăn kinh niên về kinh tế của mình, chỉ muốn lập quan hệ bình thường và có lợi với lục địa Trung Hoa".


Bước vào vũ đài quốc tế, nước Trung Hoa đã chọn phương thức cứng rắng và lập trường triệt để đứng về phía Liên Xô. Ngoài ra ít nhất là trong thời gian ban đầu, làm sao Trung Quốc có thể làm khác được nếu không dựa vào chính phủ Mát-xcơ-va và giữa đoàn kết chặt chẽ với Việt Minh? Sự thù nghịch, nhất là của Mỹ mà Trung Quốc phải đương đầu125 (Nghĩ lại thời gian đầu hội nghị-đây là câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa-Chu Ân Lai và Sô-ven gặp mà không chào nhau. Phải nhiều ngày sau đó, hai người mới bắt tay nhau. G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr. 64-65), cũng như sự yếu kém về truyền thống ngoại giao đã không để cho Trung Quốc có lối thoát nào khác. Một lần nữa, Trung Quốc chỉ có thể "ngả hẳn về một bên".


Rồi thì phải tính đến những nhân tố khác, những nhân tố chủ quan. Dù là một nhà ngoại giao tài ba như Chu Ân Lai, phải chăng đây là lần đầu tiên, ông tiếp xúc với một hội nghị quốc tế? Đôi chút vụng về lúng túng trong thời gian đầu, có cái gì đó "căng thẳng, nghiệt ngã và thô bạo", chỉ mấy tuần sau ông mới trở lại dáng vóc thực sự của ông126 (G.La-cu-tuya và Ph.Đơ-vi-lơ, sách đã dẫn, tr.114. Xem thêm G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr.60, trong đó ghi nhận: "Kỹ thuật của ông ta hoàn hảo trước giờ nghỉ giải lao"). Phải chăng đó là một giải thích khác nữa về tính cứng rắn trong những lời phát biểu đầu tiên của ông.


Nhưng những sự kiện tiếp theo sẽ nhanh chóng chứng tỏ rằng lập trường của Trung Quốc không phải chỉ phản ánh một cách đơn giản lập trường của Liên Xô. Từ giữa tháng 5, Chu Ân Lai bắt đầu có phương thức hoạt động riêng của mình, khôn khéo hơn, rất nhanh chóng làm vẻ vang cho nền ngoại giao Trung Quốc.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:28:47 pm
Chương V
Mở rộng phạm vi thương lượng


Tầm quan trọng về số lượng của đoàn Trung Quốc, việc chăm lo đến chỗ ở lâu dài, cũng như việc báo chí Trung Quốc từ nhiều tháng nay nêu ra hàng loạt vấn đề khác nhau đủ chứng tỏ việc giải quyết vấn đề Đông Dương không phải chỉ là mục tiêu duy nhất mà Chu Ân Lai theo đuổi ở Giơ-ne-vơ. Chắc hẳng rằng, sau kinh nghiệm Triều Tiên, sự tiến triển của chiến tranh Đông Dương và nhất là sự tham gia của Mỹ ngày càng tăng lên chỉ có thể là mối lo lắng chủ yếu của Trung Quốc. Có lẽ Chính phủ Bắc Kinh đã coi việc giải quyết nhanh chóng vấn đề này như một mục tiêu hàng đầu vì lý do chính trị chung, kinh tế và chiến lược. Nhưng một khi sự đe dọa của Mỹ bị đẩy lùi ở bán đảo, thì chắc hẳn Mỹ còn theo đuổi chính sách "ngăn chặn, bao vây". Trung Quốc vẫn tiếp tục vấp phải những trở ngại như trước do Chính phủ Oa-sinh-tơn gây ra ở châu Á và những nơi khác.


Bị loại khỏi tổ chức Liên hiệp quốc, chỉ có một số nhỏ các nước không cộng sản thừa nhận, không có quan hệ kinh tế đáng kể với thế giới phương Tây, Trung Quốc không thể không lợi dụng hội nghị Giơ-ne-vơ để cố gắng nới lỏng gọng kìm.


Chắc chắn rằng chính sách hòa hoãn đã bắt đầu từ châu Á và bây giờ sắp đặt ra đối với Tây Âu là kết quả một phần của những đòi hỏi cấp bách về kinh tế. Vả lại Trung Quốc nhấn mạnh ý muốn của mình, nhưng cũng nhấn mạnh đến nhu cầu tăng cường sự trao đổi với bên ngoài cùng với sự phát triển nền kinh tế của họ. Những phương tiện của Liên Xô và các nước Dân chủ Đông Âu mạnh thật đấy, nhưng không phải là không có giới hạn. Bởi vậy không thể loại trừ việc tìm kiếm những sự trao đổi cân đối với có chọn lọc với phương Tây.


Nhưng những nhân tố kinh tế, dù quan trọng đến đâu có lẽ cũng không phải là nhân tố duy nhất ở trong ván bài mà Trung Quốc tính toán. Một cách có ý nghĩa Trung Quốc cố không liên kết quá chặt chẽ vào khối kinh tế lập ra giữa Liên Xô và các nước Đông Âu. Nếu chính phủ Bắc Kinh quyết định "ngả hẳn về một bên" thì xem ra đúng là Trung Quốc đã lường trước được chính sách đó nguy hiểm, gây nguy cơ cho nền độc lập về kinh tế, chính sự và quân sự của đất nước. Vì vậy, tuy không đặt vấn đề xem xét lại nền tảng liên minh (Trung-Xô) năm 1950, Trung Quốc không thể không muốn cố gắng cân đối hơn nữa trong năm 1954, những mối quan hệ với bên ngoài bằng cách mở một vài cửa sổ với thế giới phương Tây1 (Vả lại đó là một ý kiến được tin cậy ở phương Tây. Ví dụ: W.W.Rostow, sách đã dẫn, tr.92-93, 289, 291-292 và 302).


Nhìn bề ngoài, đó là toàn bộ hướng hoạt động của đoàn đại biểu Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ ngoài lề của cuộc thương lượng về Đông Dương; hd đó sẽ phát triển theo hai hướng bổ sung cho nhau; giảm bớt việc cấm buôn bán và tiếp xúc chính trị tay đôi với một vài nước Tây Âu, đặc biệt là Pháp và nhất là Anh.


Trung Quốc muốn buôn bán với phương Tây

Chính sách cấm buôn bán đối với Trung Quốc

Những biện pháp hạn chế đầu tiên về buôn bán với các nước cộng sản do Mỹ đề ra là từ năm 1948. Ban đầu nhằm vào Liên Xô và những nước dân chủ Đông Âu, những biện pháp đó được mở rộng dần đối với Trung hoa nhân dân bắt đầu từ mùa hè năm 1950, sau khi nổ ra chiến tranh Triều Tiên. Trước hết, giới hạn vào những sản phẩm dầu lửa, những biện pháp đã sớm được áp dụng đối với ngày càng nhiều loại mặt hàng. Trong sáu tháng cuối năm 1950, Hồng Công, Phi-lip-pin rồi Nhật Bản (lúc này còn đặt dưới quyền ủy ban công quản của đồng minh) đều lần lượt đi theo quy định của Mỹ2 (Về chi tiết, Xem Hsin Ying: The Foreign Trade of Communist China (Ngoại thương của Trung Hoa cộng sản). Hong Kong. The Union Research Institute, Mars 1954, tr.8-11. Về phản ứng của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của chính sách cấm vận của Mỹ, xem Đại công báo. 15-12-1950).


Bắt đầu từ năm 1951, sau khi quân "chí nguyện" Trung Quốc vào Triều Tiên, các mặt hàng cấm lại còn tăng thêm nữa. Theo sáng kiến của Oa-sinh-tơn, vào tháng 5 nam 1951, Liên hiệp quốc đã thông qua những nghị quyết tương tự. Sau cùng, ngày 26 tháng 10, Mỹ ban bố một văn bản quy định sẽ cắt mọi khoản viện trợ đối với những nước xuất khẩu những loại hàng có giá trị chiến lược3 (Mutual Defence Assistance Control Act (thường gọi tắt là Batle Act) (Văn thư kiểm soát việc giúp đỡ phòng thủ chung)) cho Trung Quốc (hoặc các nước cộng sản khác). Từ đó thực tế là đã cấm buôn bán hoàn toàn với Trung Quốc.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:33:07 pm
Chính sách cấm buôn bán đã nhanh chóng thấy ngay hậu quả đối với thương mại. Trong khi đến cuối năm 1949, quan hệ trao đổi với bên ngoài đang tiến triển bình thường thì từ năm 1952 trở đi, những quan hệ ấy thực sự đã tan vỡ, như những thống kê về thương mại Trung-Mỹ đã chứng minh:


(https://i.imgur.com/4aqGWiX.jpg)


Tháng 7 năm 1953, việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên tất nhiên đã đảo lộn các dữ kiện của vấn đề. Các nước phương Tây bị thị trường các nước cộng sản thu hút, đã từng bước, cố giải thích danh sách hàng cấm xuất khẩu, theo nghĩa ngày càng linh hoạt hơn. Thêm vào, những sự bất đồng dần dần xuất hiện giữa Mỹ và đồng minh đến mức năm 1953 tại Pari đã thành lập "Nhóm tư vấn" có nhiệm vụ phối hợp các thái độ khác nhau giữa các nước thi hành việc cấm buôn bán. Bên trong "nhóm tư vấn" đó, đã lập ta một ủy ban đặc biệt kiểm soát buôn bán với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên gọi là Chin-com (China Committe)4 (Về vấn đề này, xem U.S.Foregin Operations Administration (Cơ quan quản trị giao dịch của Mỹ với nước ngoài): World Wide Enforcement of Strategic trade Controls (Tăng cường kiểm soát việc buôn bán hàng chiến lược trên toàn thế giới) Mutual Defence Assistance Control, 3 tháng 10. Tường trình trước Quốc hội, Oa-sinh-tơn D.C.11-1953).


Nhưng bất chấp quy định nghiêm ngặt đó, đối với Trung Quốc còn cứng rắn hơn đối với Liên Xô, một luồng thương mại nào đó vẫn được duy trì, thậm chí còn phát triển với Trung Hoa lục địa, kể cả đối với những mặt hàng gọi là chiến lược. Trong tám tháng đầu năm 1953, chính người Mỹ đã đánh giá là các nước không cộng sản đã xuất khẩu sang Trung Quốc 375 triệu đôla hàng cấm5 (Tuyên bố của Harold Stassen, phụ trách cơ quan quản trị giao dịch với nước ngoài (Foreign Operations Administration) chịu trách nhiệm thi hành chính sách đó ở Mỹ (Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Hồng Công, 30-9-1953) Hsin Ying, trong sách đã dẫn, tr.14. Sự phát triển của việc buôn bán này không phản ánh trong các thống kê hải quan của các nước phương Tây vì phần lớn trường hợp qua nước thứ ba (thương mại tam giác) tiến hành qua Béc-lin và Ba Lan. Trong trường hợp nước Pháp, thống kê hải quan đã bị xuyên tạc nhằm che giấu việc buôn bán này (nói chuyện với một quan chức cao cấp ở cục Quan hệ kinh tế với nước ngoài, tháng 4-1974). Để có thí dụ về xuất khẩu sang Trung hoa nhân dân, xem báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng ngày 24-2-1953 trong sách đã dẫn của V.Ô-ri-ôn, tr.66). Nghĩa là các nước phương Tây, mặc dù Mỹ gây sức ép, đến cuối năm 1953-đầu 1954, đã ủng hộ xu hướng muốn linh hoạt mềm dẻo đối với các quy định cấm buôn bán.


Ngoài ra, từ nhiều tháng nay, các cuộc tiếp xúc giữa đại diện thương mại Trung Quốc và các công ty phương Tây được tăng lên gấp bội. Vào tháng 4 năm 1952, nhân dịp hội nghị kinh tế quốc tế họp ở Mát-xcơ-va, một đoàn đại biểu Trung Quốc đã ký kết những hiệp định thương mại trị giá trên 200 triệu đôla với các công ty hàng chục nước, trong đó có Anh, Pháp, Tây Đức, Bỉ, Ý và Thụy Sĩ. Năm 1953, hai đoàn Anh và Pháp, đi Trung Quốc để đàm phán những hợp đồng mới6 (People's China số 19, 1-10-1953, tr.16-17 và số 2, 16-1-1954, tr.8-9. Một hợp đồng trị giá 20 triệu bảng Anh đã ký ngày 5-6-1953 với phái đoàn kinh tế Pháp (Nhân dân nhật báo 7-7-1953). Xem thêm bài báo của Bernard de Plas (người cầm đầu phái đoàn Pháp đi Trung Quốc) trên tờ Le Monde, 16-7-1953. Xem thêm Le Monde 15-8-1953. Hợp đồng ký kết với Anh trị giá 60 triệu bảng Anh).


Nhằm khai thác chiều hướng tỏ ra thuận lợi cho việc nối lại buôn bán với mình, từ nhiều tháng nay, Trung Quốc cũng tiến hành một chiến dịch báo chí rộng lớn nhằm chứng minh chính sách cấm buôn bán, gây thiệt hại cho chính bản thân các nước phương Tây. Vì thế, như Lôi Nhiệm Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, thành viên của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ, trong một bài đăng trên báo Nhân dân Trung Quốc (People's China) số tháng 1 năm 1954 đã tố cáo những mục tiêu thật sự của cách cư xử của Mỹ mà Trung Quốc đã giải thích như sau:

"Chính phủ Mỹ, bằng những biện pháp ích kỷ và phản động đã gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho nền ngoại thương các nước tư bản khác trên thế giới. Dưới nhãn hiệu "bao vây", "cấm buôn bán", Mỹ tìm cách đẩy mạnh sự xâm nhập kinh tế của Mỹ vào các nước đó và nắm độc quyền thị trường tư bản chủ nghĩa thế giới"7 (Lôi Nhiệm Dân. "Trade with Capitalist Countries" (buôn bán với các nước tư bản chủ nghĩa), People's China số 2, 16-1-1954. Nhiều khi báo chí phương Tây cũng giải thích sự việc như vậy. Ví dụ, xem bài "Cuộc cạnh tranh chiếm thị trường Trung Quốc diễn ra kịch liệt giữa Mỹ và Anh" báo Les Echos (Tiếng vang) ngày 9-7-1953. Mỹ cũng bị lên án là tự hủy việc cấm vận bằng cách mượn tên các công ty Nhật để buôn bán với Trung Quốc).


Rất nhiều bài báo khác nhấn mạnh ý của Trung Quốc muốn phát triển thương mại quốc tế trên cơ sở bình đẳng và hai bên đều có lợi. Theo Chính phủ Bắc Kinh, những quan hệ kinh tế quốc tế lành mạnh là một trong những điều kiện tiên quyết cho việc thật sự cùng tồn tại hòa bình giữa các nước8 (Ví dụ Yeg Chou "For Peace and Trade" (Vì hòa bình và thương mại), People's China, số 12, 16-6-1954. Cũng xem Đại công báo, 13-6-1954 (Xã luận)). Báo chí Trung Quốc khẳng định: Thị trường Trung Quốc (chiếm 1/4 số dân thế giới) là một trong những thị trường quan trọng nhất trên thế giới. Ngoài ra, thị trường đó đang mở rộng. Công nghiệp hóa tiến hành trong khuôn khổ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đòi hỏi phát triển mạnh nền ngoại thương của Trung Quốc. Ngoài ra, người ta còn bảo đảm rằng sức mua của nông dân và công nhân tăng nhanh. Điều này đã đưa lại nhiều hy vọng. Nếu buôn bán giữa Trung Quốc và thế giới tư bản còn yếu kém, lý do duy nhất là Mỹ đã dựng lên những hàng rào giả tạo, nhằm thống trị nền kinh tế của chính các nước phương Tây. Tóm lại, cũng như nước Pháp trong vấn đề Đông Dương được khuyến khích tách khỏi Mỹ để  bảo vệ tốt hơn lợi ích của mình và làm cho nền độc lập dân tộc của mình được tôn trọng, các nước đồng minh của Oa-sinh-tơn cũng được cổ vũ tách khỏi chính sách cấm buôn bán của Mỹ để  bảo vệ tốt hơn sức mạnh và nền độc lập về kinh tế của họ.


Đó là những quan điểm của Lôi Nhiệm Dân có trách nhiệm truyền bá ở Giơ-ne-vơ. Và nếu đoàn Trung Quốc không bao giờ chính thức nêu vấn đề cấm buôn bán (Cả vấn đề gia nhập Liên hiệp quốc) trong quá trình thương lượng về Đông Dương, thì trái lại, họ đã tiến hành song song một cuộc đàm phán thật sự về kinh tế đối với nhiều nước phương Tây. Ngoài ra, để lôi cuốn dư luận chú ý hơn về vấn đề này, ngày 15 tháng 5, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Trung Quốc còn tổ chức cuộc họp nổi bật về vấn đề ngoại thương của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trước 150 nhà báo, Lôi Nhiệm Dân nhắc lại những luận điểm chính đã được Trung Quốc phát triển từ nhiều tháng nay. Ông ta kết thúc bản thuyết trình bằng một lời kêu gọi thực sự việc bình thường hóa thương mại9 (Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 15-5-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:35:01 pm
Những cuộc tiếp xúc buôn bán của Trung Quốc với các nước phương Tây

Nhìn bề ngoài, chính sách này gây nên sự quan tâm thực sự của các giới kinh tế châu Âu, và cho phép Trung Quốc phát triển thêm các cuộc tiếp xúc mà cho tới nay Trung Quốc mới chỉ tiến hành được với họ qua các cơ quan thương vụ ở Đông Béc-lin và Béc-nơ hoặc đại diện tại Hồng Công.


Về phần Mỹ đối với việc buôn bán với Trung Quốc ngay từ trước khi hội nghị khai mạc, họ đã khẳng định sự quyết tâm ngăn cản mọi quá trình tự do hóa trong lĩnh vực này. Tại hội nghị Oa-sinh-tơn tháng 7 năm 1953, Đa-lét đã mong muốn "việc ký hiệp định đình chiến Triều Tiên không kéo theo một sự nới lỏng nào về các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc". Ông ta cũng đã bày tỏ hy vọng rằng nước Pháp sẽ đồng ý xiết chặt thêm việc cấm buôn bán, theo ông Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ-đó là cách tốt nhất để gây sức ép với Chính phủ Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên cũng như về vấn đề Đông Dương* (Nguồn tư liệu chưa được phép công bố). Sau này, lập trường đó được khẳng định lại nhiều lần. Gần đến hội nghị Giơ-ne-vơ, một lần nữa Mỹ trở lại vấn đề này. Tháng 3, họ đã thẳng thừng cải chính những tin tức của báo chí (tờ Thời báo chủ nhật-Sunday Times) nói rằng việc cấm buôn bán có thể được nới ra10 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Massigli/Luân Đôn, số 1094/17-3-1954). Mác Cô-nao-ghi (Mac Conaughy), Vụ trưởng Vụ Trung Quốc ở Bộ Ngoại giao Mỹ, còn nói rõ thêm rằng đề nghị duy nhất có thể được đưa ra tại Giơ-ne-vơ sẽ là không tăng cường thêm những sự hạn chế hiện hành11 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Daridan, Oa-sinh-tơn/số 341-345/18-3-1954). Về phía Mỹ, có nghĩa là tình thế hoàn toàn bị phong tỏa.


Bởi vậy, Trung Quốc hướng những cố gắng chủ yếu vào các nước Tây Âu. Từ đầu tháng 5, các cuộc tiếp xúc được tiến hành với các đại diện giới kinh tế Tây Đức, nhất là Ủy ban Công nghiệp và Thương mại Đức (Deutch Industrie und Handelstag)12 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bộ Ngoại giao không có tiêu đề và ngày tháng về vấn đề "Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước phương Tây"). Ngoài ra, ở Giơ-ne-vơ, đoàn đại biểu Trung Quốc tiến hành mấy cuộc thương lượng với Ủy ban kinh tế Tây Dức với Viễn Đông (Comité économique Ouest allemand pour l' Extrême-Orient) để ký một hiệp định trao đổi hàng trị giá 400 triệu mác mà Chính phủ Bon đã chấp nhận về nguyên tắc. Mấy tuần lễ sau hội nghị, Trung Quốc mời một phái đoàn thương mại Tây Đức đến Trung Quốc13 (Bản tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 3-9-1954). Vào tháng 6, người Trung Quốc còn tiến hành nhiều cuộc đàm phán tương tự với một phái đoàn Ý đại diện Tổng liên đoàn thương mại Ý (Confederazione Generale Italian del Comercio) và các nhóm công nghiệp và ngân hàng khác nhau của Mi-lăng (Milan) và Rôm (Rome)14 (Dalmine S.P.A (Milan) Italviscosa S.P.A (Milan) Ente Nazionale I drocarburi (Rome) Banca Nazionale de Lavoro (Chi nhánh Milan)). Đến Giơ-ne-vơ ngày 12 tháng 6, phái đoàn Ý hội đàm trong hai ngày với những giới kinh doanh hữu trách Trung Quốc, đặc biệt với Lôi Nhiệm Dân ngày 13 tháng 615 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 13-6-1954). Ủy ban xúc tiến mậu dịch Trung Quốc của Hà Lan (Comité Hollandais pour le Commerce avec la Chine) cũng cử đến Giơ-ne-vơ một đoàn đoàn đại biểu do Sikkles và Korteweg dẫn đầu để gặp giới hữu trách Trung Quốc vào ngày 9, 10 và 29 tháng 616 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 13-6-1954). Người Bỉ, đến lượt họ, cũng cử một phái đoàn mười ba nhà kinh doanh, nhất là những đại diện các công ty gang thép lớn17 (Xí nghiệp chế tạo Điện Charleroi, Nhà máy cán thép La Rochette, Liên Đoàn Bơ thực vật Bỉ, Công ty Thép Delloye Mathieu, Công ty Hợp tác Hạt và Dầu thảo mộc, hãng thép Mathieu, Xí nghiệp rèn ép Jemmapes, Công ty xuất nhập khẩu Continentale de Compensation, Công ty Titan Anversois, Công ty Hỏa xa Trains de Roue du Centre). Họ được Lôi Nhiệm Dân tiếp ngày 30 tháng 618 (Tin Tân hoa xã Giơ-ne-vơ, ngày 1-7-1954). Ngoài ra, hai tuần sau, một phái đoàn mậu dịch Trung Quốc do Shi-chih-ang, Phó giám đốc Tổng Công ty xuất nhập khẩu dẫn đầu, cũng lên đường đi Bỉ19 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, ngày 16 và 17-7-1954).


Những cuộc tiến công thương mại của Trung Quốc chủ yếu nhằm vào nước Pháp và nhất là Anh.

Chính phủ Pháp, về phần mình đã chấp nhận việc nới lỏng cấm buôn bán20 (Tổng thống Ô-ri-ôn lúc đó, tuyên bố rõ ràng nới lỏng việc cấm vận V.Ô-ri-ôn, sách đã dẫn, tr.10). Chắc hẳn là tại Hội nghị Oa-sinh-tơn và Béc-muýt năm ngoái, Bi-đôn đã đảm bảo với Đa-lét rằng Pháp sẽ tiếp tục gây sức ép về kinh tế Trung Quốc* (). Đồng thời ở hội nghị Béc-lin, Bi-đôn cũng đã nhắc lại những lời hứa hẹn trên bằng cách, cũng như Mỹ, bác bỏ kiến nghị của Liên Xô ghi vấn đề phát triển thương mại quốc tế vào chương trình nghị sự của hội nghị năm nước21 (Văn kiện về Hội nghị Giơ-ne-vơ, sách đã dẫn, tr.19). Nhưng đằng sau thái độ cứng rắn ngoài mặt do sự ngoan cố của Mỹ áp đặt, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ngay từ lúc hội nghị Giơ-ne-vơ chưa họp đã nghị đến thương lượng với Trung Quốc việc bán một số thiết bị công nghiệp nếu Trung Quốc tỏ ra có thái độ hoa giải về vấn đề Đông Dương22 (Nói chuyện với một nhân sĩ Pháp (5-7-1958)). Từ cuối năm 1953, Vụ Kinh tế và tài chính của Bộ Ngoại giao Pháp còn cho biết Vụ tán thành giảm bớt danh mục các loại hàng cấm xuất khẩu cho Trung Quốc và ủng hộ những cuộc tiếp xúc kín đáo với đại biểu giới kinh doanh Trung Quốc ở Béc-nơ. Một bản ghi nhớ đề tháng 11 năm 1953 về vấn đề đó, đã kết luận như sau:

"Về phần chúng ta, chúng ta có nhiệm vụ không được để các đối thủ vượt lên trên chúng ta và phải chuẩn bị lấy lại vị trí truyền thống của chúng ta đã giành được ở Trung Quốc một khi nước này mở cửa trở lại với phương Tây, nhằm tham gia càng rộng càng tốt, vào việc triển khai một chương trình rộng lớn về trang bị (công nghiệp) đã được Chính phủ Bắc Kinh đề ra ngay từ bây giờ, giống như chúng ta đã từng định làm trong những năm 1947 - 1948"23 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Vụ Kinh tế và Tài chính/Bản ghi nhớ gửi lên Tổng thống về vấn đề "Buôn bán với Trung Hoa lục địa"/27-11-1953).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:36:55 pm
Biết được những ý định chính thức của Pháp, phái đoàn mậu dịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Đông Béc-lin, từ tháng 2, đã yêu cầu để các nhà "kinh doanh" Trung Quốc được phép đến nước Pháp24 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Charpentier/15-2-1954). Vì vậy, đương nhiên là các cuộc tiếp xúc tăng lên gấp bội trong thời gian hội nghị. Chẳng hạn như từ cuối tháng 4 hay những ngày đầu tháng 5, đoàn đại biểu Trung Quốc đã yêu cầu Công ty Tchhneider phái một đại diện đến Giơ-ne-vơ, chính là đích thân Phó tổng Giám đốc Công ty Thép Crơ-đô (Creusot)25 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện vụ kinh tế-Tài chính gửi đoàn đại biểu Pháp tại Hội nghị Giơ-ne-vơ/6-5-1954).


Tuy nhiên, trong lĩnh vực này do vị trí của mình ở Hồng Công, Anh tỏ ra hấp dẫn với Trung Quốc hơn là Pháp. Ngoài ra, người ta đều biết rằng trong số ba nước phương Tây, Anh là nước tán thành hơn cả việc nối lại buôn bán với Trung Hoa lục địa. Điều đó chứng tỏ rằng trong số các nước có liên quan, Anh là nước bị thiệt hại nặng nhất vì chính sách cấm buôn bán. Ban hành sau khi các tài sản của Anh ở Trung Quốc bị tịch thu, những biện pháp hạn chế của Mỹ đưa ra trong năm 1950 và của Liên hiệp quốc trong năm 1951 đã đặc biệt ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu của bản thân nước Anh, đến quan hệ buôn bán giữa Hồng Công và lục địa, hoạt động của cảng Xin-ga-po và đến nền ngoại thương của Mã Lai. Bởi vậy những lý do tán thành việc tự doa hóa thương mại trong chừng mực nào đó với Trung Quốc, có rất nhiều ở Luân-đôn hơn là Pari.


Ngay tại hội nghị kinh tế quốc tế họp ở Mát-xcơ-va đã có nhiều hợp đồng quan trọng được ký kết giữa Trung Quốc và các hãng của Anh. Trong lúc vào đầu năm 1952, việc buôn bán giữa hai nước mới đạt trung bình 354.000 đôla mỗi tháng thì đến sáu tháng cuối năm, đã lên tới 1.820.000 đôla mỗi tháng rồi đến đầu năm 1953 lên tới 5.698.000 đôla mỗi tháng26 (Hsin Ying, sách đã dẫn, tr.104). Ngoài ra, năm 1952 ở Luân-đôn đã thành lập Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế của Anh (British Council for the promotion of International Trade) khá được chú ý về mặt chính trị, cũng như một nhóm kinh doanh (Nhóm 48-"48 Group") tất cả đều mong muốn phát triển buôn bán giữa hai nước27 ("Thương mại của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" Notes et Etudes documentai res, Paris, La documentition France asie, số 3220, 21-9-1965, tr.46). Năm 1953, nhiều cố gắng mới được triển khai ở hai thủ đô đã đưa đến việc ký kết vào tháng 7 một hợp đồng thương mại trị giá 30 triệu bảng Anh và có giá trị đến tháng 7 năm 195428 (Hsin Ying, sách đã dẫn, tr.104). Ngày 22 tháng 4 năm 1954, bốn ngày trước khi khai mạc hội nghị Giơ-ne-vơ, một đoàn các nhà kinh doanh đã lại đến Đông Béc-lin một lần nữa để tìm cách ký những hợp đồng nhất định với đoàn mậu dịch Trung Quốc29 (Manchester Guardian, 23-4-1954).


Chỉ riêng sức ép của các giới kinh tế đã giải thích lập trường dè dặt của Chính phủ Luân-đôn đối với chính sách cấm buôn bán của Mỹ. Cho nên tại hội nghị Oa-sinh-tơn, đại biểu Anh đã chấp nhận sẽ tiếp tục gây sức ép kinh tế đối với Trung Quốc, nhưng lại là người duy nhất đưa ra nhận xét rằng họ có thể sẽ có một ngày "thích hợp để xem xét lại các quy định này"*. Mấy tháng sau, tại hội nghị Béc-muýt, ngài I-đơn còn đi xa hơn nữa bằng cách công khai vạch những điều bất lợi của việc cấm buôn bán đối với phương Tây, như vậy là trùng hợp với lập luận của Trung Quốc:

"Về lĩnh vực thương mại, ông ta đã nhắc lại nước Anh không bao giờ muốn tán trợ Trung Quốc; Anh chỉ tìm cách tự giúp cho bản thân mình và giúp đỡ bạn bè của mình. Những nước này cần có thị trường nhất là ở Đông Nam châu Á. Nếu họ không tìm ra, nền kinh tế của họ sẽ sa sút và chính những người cộng sản sẽ lợi dụng. Về vấn đề đó, không nên quên rằng trái ngược với Xây-lan và In-đô-nê-xi-a, Mã-lai30 (Năm 1954, Mã-lai chưa được độc lập), không bán cao su và thiếc cho Trung hoa nhân dân"*.


Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã tìm cách khai thác tình hình này. Ngay từ năm 1951, Bộ trưởng thương nghiệp Trung Quốc đã khẳng định với một phái đoàn hữu nghị Anh sang thăm Trung Quốc rằng chính phủ Trung Quốc mong muốn phát triển quan hệ buôn bán với Anh không phải chỉ vì lý do kinh tế mà cũng còn vì lý do chính trị31 (Hội nghị Anh-Trung Quốc, Britons in China (Người Anh ở Trung Quốc) Watford Herts, Farleigh press Ltd, (1951) tr.12. Chúng tôi nhấn mạnh). Đa số các bài báo trên báo chí Trung Quốc khi trình bày chỗ trang trọng nói về triển vọng Trung-Anh-Tất cả những dư luận ở Anh tán thành nối lại buôn bán với Trung Quốc đều được ghi lại một cách hệ thống32 (Chi CHao-ting, Tổng thư ký Ủy ban xúc tiến mậu dịch Quốc tế của Trung Quốc, The Vast Possiblities of Chinese-British Trade (khả năng rộng lớn về thương mại Trung-Anh People's China, số 15, 1-8-1954). Trung Quốc nhấn mạnh đến những điều bất lợi của việc cấm buôn bán đối với bản thân nền kinh tế Anh, đối với Ma-lai33 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh. 30-5-1954), và đối với Hồng Công. Theo báo chí Trung Quốc, chính sách đó chỉ có lợi cho Mỹ là nước nhờ việc cấm buôn bán, Mỹ cắm sâu được vào thị trường châu Á34 (Không muốn đi vào tranh luận hoàn toàn về kinh tế, rõ ràng là so với trước chiến tranh, địa vị của Anh trên thị trường Viễn Đông đã thụt lùi rõ rệt trước sự cạnh tranh của Mỹ (Hsin Ying, sách đã dẫn, tr.127-128).


Trong bối cảnh đó, hội nghị Giơ-ne-vơ là một cơ hội mới thuận lợi cho cố gắng tăng cường các cuộc tiếp xúc buôn bán với Anh, cơ hội sẽ được khai thác rộng rãi.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:41:49 pm
Cuối tháng 5, Chu Ân Lai mời Uyn-sơn (Harold Wilson), cựu chủ tịch "Ủy ban Thương mại" (Board of Trade) 1947-1951) của chính phủ Át-li (Attlee), nghị sĩ bảo thủ gắn bó với các giới doanh nghiệp luyện kim đến gặp Chu Ân Lai ở Giơ-ne-vơ. Một phiên họp làm việc đầu tiên kéo dài ba tiếng rưỡi ngày 29 tháng 5, có Lôi Nhiệm Dân, Thứ trưởng Ngoại thương và Sih Chih-ang, Phó giám đốc Tổng công ty xuất nhập khẩu Trung Quốc35 (Xem báo cáo về cuộc họp do Harold WIlson công bố trong báo Manchester Guardian số ra ngày 2 và 3-6-1954. Báo cáo về vấn đề này trong hlst Bộ Ngoại giao Pháp/Luân đôn/Bản ghi nhớ về vấn đề "nói chuyện của Chu Ân Lai với các nghị sĩ Anh tại Giơ-ne-vơ-Trao đổi buôn bán với Trung Quốc"/3-6-1954/Tóm tắt hai bài của báo Manchester Guardian đăng trong bản tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 4-6-1954, Bản dịch tiếng Pháp trong báo Le monde, 8-6-1954) cùng dự.


Như thường lệ, các đại biểu Trung Quốc tránh mọi tuyên truyền đề cập một cách thực dụng đến những vấn đề kinh tế tồn tại giữa Anh và Trung Quốc. Họ giải thích dài dòng cho hai nghị sĩ Anh về những khả năng quan trọng đang mở ra cho việc buôn bán giữa hai nước. Về phía Trung Quốc, người ta mong muốn nhất là nhập các thiết bị cơ bản: dụng cụ cơ khí và điện, vật tư đường sắt, xe, tàu thủy. Còn nước Anh thì có thể nhập các sản phẩm truyền thống mà xưa kia vẫn mua của Trung Quốc (đậu tương, dầu thảo mộc, lông lợn, v.v...) cũng như một vài loại sản phẩm hóa chất, thực phẩm (lợn, gạo), thuốc lá, thảm, lông thú và đồ thủ công mỹ nghệ. Ngược lại, Trung Quốc không thể xuất khẩu tungsten hoặc thiếc.


Sau đến vấn đề bằng những con đường nào có thể tiến hành việc buôn bán ấy. Người Anh đã trình bày những khó khăn về tiếp xúc với đoàn đại biểu mậu dịch Trung Quốc tại Đông Béc-lin, họ đi đến thỏa thuận là những đại diện của Tổng công ty xuất nhập khẩu của Trung Quốc khi rời Giơ-ne-vơ, có thể đi Luân-đôn và nhiều trung tâm công nghiệp khác ở nước Anh.


Sau cùng, hai bên đề cập đến vấn đề thanh toán. Những đại diện Trung Quốc giải thích rằng, trong chừng mực có thể được, những cuộc trao đổi hàng phải cân đối nhưng nếu cần thiết, Trung Quốc có thể có ngoại tệ dự trữ từ các nguồn thu nhập vô hình. Ngược lại, họ nhấn rất mạnh đến việc ở Bắc Kinh người ta từ chối thẳng thừng ký kết các khoản vay nợ nước ngoài để thanh toán nhập khẩu. Sau cùng, khi kết luận, Thứ trưởng Lôi Nhiệm Dân đưa ra con số 100 triệu đô-la (36 triệu bảng Anh) như là mục tiêu ban đầu cần đạt tới, điều nay H.Uyn-xơn thấy có vẻ không thực hiện được chừng nào chưa hủy bỏ những hạn chế đối với một số mặt hàng chiến lược.


Sáng hôm sau, một cuộc gặp gỡ thứ hai nữa. Giữa hai bên, lần này có Chu Ân Lai tham dự36 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 30-5-1954). Trở lại vấn đề trao đổi buôn bán giữa hai nước, nhưng cũng có những vấn đề quan hệ chính trị Trung-Anh cũng như những tiến bộ đạt được trong hội nghị về Đông Dương, về vấn đề này, Thứ trưởng Trung Quốc tỏ ra lạc quan37 (Xem đoạn sau ở chương VI). Đồng thời, Ten-năng (Tennant) Giám đốc hải ngoại của Liên đoàn công nghiệp Anh (Federation of British Industries) cũng đến Giơ-ne-vơ để thăm dò ý định của Trung Quốc38 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 7-6-1954). Ông này cũng được Lôi Nhiệm Dân tiếp. Trong các cuộc hội đàm này, người Anh và người Trung Quốc lập bảng danh mục khá chính xác về các sản phẩm có thể trao đổi buôn bán giữa hai nước39 (Times, 4-6-1954. Cũng xem Chroniques Etrangères, La documentation francaise, số 263, 5-7-1954). Ten-năng thay mặt cho Liên đoàn của ông ta nhưng cũng thay mặt cho cả Phòng Thương mại Luân-đôn và "Hội Trung Quốc" (China Association). Tổ chức này, thành lập năm 1889, từ 1950 do Ngày Xây-mua (Sir Horace Seymour), cựu đại sứ tại Trung Quốc lãnh đạo, tập hợp tất cả những công ty lớn buôn bán với Trung Quốc-từ hàng chục năm nay: Liên đoàn Ngân hàng Thượng Hải và Hồng Công (Hong Kong and Shanghai Banking Corporation), công ty Giác-đin (Jarrdines Ltd.Co), v.v... Cuối năm 1949 hội này đã là một trong những nhóm gây sức ép có trọng lượng nhất đối với quyết định của Chính phủ Luân-đôn trong việc công nhận Chính phủ Bắc Kinh40 (Brian Porter, Britain and the rise of Communist China: a Study of British Attitudes, 1945-1954 (Người Anh và việc cộng sản Trung Quốc vùng dậy: Nghiên cứu về thái độ của Anh, 1945-1954), Oxford University Press, 1967, tr.153). Từ đó, hội không ngừng phần đấu cho việc nới lỏng việc cấm buôn bán và nối lại buôn bán với Trung Quốc. Lôi Nhiệm Dân có ở đó một điểm tựa gắn bó chặt chẽ với các giới bảo thủ Anh và do đó nó có thể cực kỳ ích lợi đối với Chính phủ Bắc Kinh.


Những cuộc tiếp xúc kinh tế mà Trung Quốc cho rằng chúng có một tầm quan trọng lớn lao như vậy, đã chứng tỏ là tương đối tích cực trong một thời hạn nhất định. Theo lời mời của Liên đoàn công nghiệp Anh (Federation of British Industries), một phái đoàn mậu dịch Trung Quốc một tháng sau, quả là đã đến Anh, từ ngày 28 tháng 6 đến 14 tháng 7 do Tsao Chung-shu và Shih Chih-ang, cả hai đều là Phó giám đốc Tổng công ty xuất nhập khẩu Trung Quốc (China National Import Export Corporation) dẫn đầu41 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 28 và 29-6-1954, 14-7-954). Tổng kết các cuộc thương lượng đó, Chi Chao-ting, Tổng thư ký Ủy ban xúc tiến mậu dịch quốc tế của Trung Quốc viết một bài báo dài, tỏ ra hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của việc buôn bán Trung-Anh, theo ông ta có thể lên tới 80 đến 100 triệu bảng Anh trong 12 tháng tới42 (Chi Chao-Ting, tài liệu đã dẫn, đăng trong tạp chí People's China số 15, 1-8-1954, tr.23-26. Xem thêm bản tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 9-7-1954, Đại công báo, 13-7-1954). Về phía Anh, người ta cũng bắt đầu nuôi một vài hy vọng về triển vọng thương mại có vẻ đang mở ra giữa hai nước. Mấy tuần lễ sau, "Hội Trung Quốc" tổ chức một "Ủy ban Thương mại Trung-Anh" (Sino British Trade Committee) với một số nghiệp đoàn giới chủ và phòng thương mại, ủy ban này ngay tháng 11 năm 1954 cử một phái đoàn đầu tiên đi Trung Quốc43 (Le commerce extérieur de la R.P.Chine (Ngoại thương của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa), sách đã dẫn, tr.46).


Những cố gắng của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ trong việc đặt quan hệ trực tiếp với các giới kinh tế Tây Đức-Thụy Sĩ, Pháp hay Anh sẽ góp phần thật sự vào việc tăng khối lượng buôn bán giữa Trung Quốc và Tây Âu. Trong khi năm 1954, khối lượng đó chỉ lên tới tổng số là 173,4 triệu đô-la, thì đến năm 1955 đã đạt 226,2 triệu và đến năm 1956 đạt 326 triệu. Có nghĩa là trong hai năm, Trung Quốc đã tăng được gấp hai lần việc trao đổi buôn bán với các nước Tây Âu.


Tuy nhiên, doanh số thương mại Trung-Anh không bao giờ đạt 80 đến 100 triệu bảng Anh như người Trung Quốc ước mong. Năm 1956, mới chỉ đạt 1/4 số đó. Ngoài ra, phần của Tây Âu trong tổng khối lượng ngoại thương của Trung Quốc mới chiếm khoảng 7% năm 1954, chỉ mới có 8% năm 1955 và 10% năm 1956. Điều đó có nghĩa là những cuộc thương lượng tại Giơ-ne-vơ không đi tới thay đổi căn bản vị trí của các nước Tây Âu trong quan hệ kinh tế đối ngoại của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, không phải trực tiếp vì những cuộc hội đàm thương mại, cũng không phải gián tiếp vì hòa hoãn về chính trị gây nên.

Bảng X

(https://i.imgur.com/Wuh4CIh.jpg)


Nhưng điều quan trọng là đã có những cuộc tiếp xúc có tính chất thương mại. Xét theo quan điểm Trung Quốc, cuộc thương lượng tại Giơ-ne-vơ có một tầm vóc kinh tế không thể xem thường. Tuy vậy, chắc chắn là sẽ đi quá xa nếu chỉ dựa vào sự quan sát thuần tùy kinh tế để giải thích thực chất thái độ của Trung Quốc. Trái lại, chúng tôi sẽ cố gắng chỉ ra rằng động cơ chủ yếu của chính sách của Trung Quốc là hoàn toàn khác. Vả lại, thương lượng kinh tế bao giờ cũng đi song song với thương lượng chính trị. Không bao giờ người Trung Quốc, nhìn bề ngoài, sẽ lấy việc hủy bỏ cấm buôn bán dù bỏ từng phần, làm điều kiện không có không được của một hiệp định chính trị về Đông Dương.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:53:55 pm
Những quan hệ chính trị song phương giữa ta và người Ăng-lô Xắc-xông ở Giơ-ne-vơ


Trong quá trình những cuộc nói chuyện đó mà hội nghị đã tạo nên cái khung cảnh và duyên cớ, Trung Quốc cũng tiến hành vài cuộc thương lượng thứ yếu, những cuộc thương lượng thuần túy về chính trị. Chín tháng sau đình chiến Triều Tiên, Trung Quốc cần phải bắt đầu đánh đổ bức tường thù nghịch do việc đưa quân "chí nguyện" sang Triều Tiên gây nên.


Để riêng những trường hợp đặc biệt của Anh, Mỹ và Pháp mà chúng tôi sẽ phải nói lại-dài dòng hơn-những cuộc thương lượng tại Giơ-ne-vơ thực sự là cơ hội để Trung Quốc có những cuộc tiếp xúc chính trị khác nhau với vài nước phương Tây. Chính vì vậy mà Chu Ân Lai sẽ tiếp các Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ, Phần Lan44 (G.V.Astafev và A.M.Dubinski, sđ, tr.98), các đại sứ Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan45 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 17-6-1954. Lúc này Trung Quốc đàm phán với Na Uy về một hiệp định công nhận ngoại giao và với Phần Lan về một hiệp định thương mại (sẽ được ký kết hai ngày sau)). Tiếp theo, Chu Ân Lai còn có quan hệ với những quốc gia da trắng trong khối Thịnh vượng chung. Ngày 18 tháng 6, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc còn hội đàm với Ri-sa Ca-sây (Ruchard G.Casey), Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a46 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 18-6-1954. Richard G.Casey đã công bố hồi ký của mình từ năm 1954, nhưng nội dung hồi ký chỉ viết đến tháng 4 năm đó thì dừng lại. Do đó tập hồi ký không nói đến giải pháp về Đông Dương và các cuộc hội đàm với Chu Ân Lai. Tuy nhiên đặc điểm của tập hồi ký là tinh thần chống cộng ở Ô-xtrây-li-a lúc đó. Richard G.Casey, Friends and Neighbours: Australia and the World (Bạn bè và láng giềng; Ô-xtrây-li-a và thế giới) Melbourne, F.W.Cheshire, 1954, 166 trang, kể cả bản đồ, bản chỉ dẫn), rồi ngày 22 tháng 7 đúng trước lúc lên đường, hội đàm với Đu-glát Cô-plăng (Douglas Coplang), Trưởng đoàn đại biểu Ô-xtrây-li-a tại Hội đồng kinh tế và xã hội của Liên hiệp quốc47 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 22-7-1954). Đồng thời, Đoàn đại biểu Canada tại hội nghị về Triều Tiên đã được đoàn Trung Quốc quan tâm đặc biệt. Đại sứ Sét-tơ Rô-ninh (Chester Ronning) quen thân với Trung Quốc48 (Sinh năm 1894 tại Trung Quốc. Vào ngành ngoại giao Canada năm 1945. ban đầu công tác lại Trùng Khánh và Nam Kinh với chức vụ Đại biện, đến năm 1951. Từ đó đến năm 1953, giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Mỹ và Viễn Đông ở Bộ Ngoại giao, được cử làm Đại sứ tại Na Uy năm 1954, cầm đầu đoàn đại biểu Canada tại Hội nghị Giơ-ne-vơ), có nhiều cuộc tiếp xúc với người Trung Quốc, được Chu Ân Lai tiếp ngày 19 tháng 649 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 19-6-1954), và còn đạt kết quả giành được việc phóng thích một phi công Canada bị bắt làm tù binh ở Mãn Châu trong cuộc chiến tranh Triều Tiên50 (C.Ronning, sách đã dẫn, tr.235-239. Xem thêm hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Hubert-Guérin/số 476-477/Ottawa/31-7-1954. Bức điện này kể lại việc trao trả tự do cho kiều dần Canada ở Đông Dương nhờ sự can thiệp của Chu Ân Lai. Có lẽ đây là những kiều dân Canada tại Trung Quốc thì đúng hơn).


Nhưng nhiều nhất và quan trọng nhất là cuộc thương lượng với Pari và Luân Đôn. Bị Mỹ bao vây phần lớn các mặt trận-Liên hiệp quốc, Triều Tiên, Đài Loan-Trung Quốc có hai lý do để nghĩ rằng Đông Dương sẽ là miếng đất tốt nhất để tiếp cận với Pháp, với Anh. Lần này, hai cường quốc đó liên quan trực tiếp lợi ích dân tộc của họ, khác rõ rệt với lợi ích của Mỹ, có thể sẽ được thừa nhận. Từ đó, có lẽ có khả năng cô lập một phần chính phủ Oa-sinh-tơn và chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể mở ra với một phần của thế giới không cộng sản.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 09:55:49 pm
Những cuộc thương lượng Trung Quốc-Anh về quan hệ ngoại giao giữa hai nước

Tình thế của Luân Đôn hoàn toàn khác biệt. Trước hết là vì lý do vấn đề Hồng Công. Là thuộc địa của Hoàng gia Anh từ năm 1843, đảo Hồng Công và lãnh thổ kế cận bị sáp nhập năm 1860 và năm 1898 chưa bao giờ là đề tài yêu sách nhỏ nhất của Trung hoa nhân dân. Quyết tâm của người Anh duy trì địa vị chủ nhân ông ở đó, được khẳng định rõ rệt năm 1949 và nhất là lợi ích kinh tế mà lãnh thổ Hồng Công đem lại cho chế độ mới, đã đưa hai chính phủ kéo dài "nguyên trạng" mà mỗi bên rõ ràng là có lợi. Chắc rằng có vài lần nổ rao những vụ rắc rối, nhất là năm 1950 khi người Anh áp dụng những biện pháp đầu tiên nhằm ngăn chặn dòng người di cư vào Hồng Công51 (Phản kháng của Trung Quốc tháng 5-1950. Xem Winberg Chai (nhà xuất bản) The Foregin Relations of the People's Republic of China (Quan hệ đối ngoại của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) New G.P.Putnam's, 1972, tr.270-272). Nhưng không bao giờ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đặt vấn đề tranh cãi về quy chế thuộc địa của lãnh thổ Hồng Công (Vả lại điều này không chứng tỏ rằng Trung Quốc đã thừa nhận quy chế đó).


Sự có mặt của Anh ở Mã Lai và Sin-ga-po là một yếu tố thứ hai có trọng lượng trong quan hệ giữa hai nước. Là nước xuất khẩu cao su thiên nhiên và thiếc, và về mặt này bị ảnh hưởng về những hạn chế đè nặng lên việc buôn bán với Trung Quốc, các chế độ bảo hộ Mã Lai, từ năm 1848 phải đối phó với cuộc nổi dậy của cộng sản, trong đó Trung Quốc có lẽ có một vai trò không thể coi thường được52 (Về điểm này, chủ yếu xem Gene. Z.Hanrahan, The Communist Strunggle in Malaya (Cuộc chiến đấu chống cộgn sản ở Mã Lai) xuất bản lần thứ hai, Kuala Lampur, University of Malaya Press, 1971, tr.131-133 (theo tác giả này, năm 1954, cộng sản nổi loạn ở Mã Lai, có thể có một trung tâm liên lạc đặt tại Nam Ninh trong tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc). Xem thêm J.H.Brimmel Communism in South East Asia-a Political Analysis (Chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam châu Á-một sự phân tích chính trị) London, New York, Toronto, Oxford University Press. 1959, tr 321-328 chủ yếu nêu lên ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao đối với Đảng cộng sản Mã Lai; Victor Purcell, Malaya: Communist or Fress (Mã Lai: Cộng sản hay tự do). London, Victor Gollancz, 1954, tr.131-150; Stephen Fitzgerald, China and the Over sea Chinese: A Study of Peking's changing Policy, 1949-1970 (Trung Quốc và người Hoa ở hải ngoại: Nghiên cứu về sự thay đổi chính sách của Bắc Kinh, 1949-1970) Cambridge, Cambridge University Press, 1972, tr.91-98, (trong cuốn sách vai trò của Trung Quốc trong cuộc nổi dậy ở Mã Lai chưa xác định rõ), Lucian W.Pye, Guerrilla Communism in Malaya. Its Social, and Polotical Meaning (Du kích cộng sản ở Mã Lai. Ý nghĩa chính trị và xã hội của nó) N.J.Princeton, University Press, 1956, 369 trang). Vào mùa xuân năm 1954, chắc chắn là tình hình quân sự đối với người Anh-Mã Lai không nghiêm trọng bằng những năm 1948-1951. Nhưng đất nước còn nằm trong tình trạng giới nghiêm và quân đội Anh dính líu vào những cuộc hành quân tốn kém chống du kích, đó là bấy nhiêu yếu tố làm kéo dài việc mất an ninh đáng lo ngại53 (Về tình hình Mã Lai năm 1954, ngoài những sách trên đây xem thêm Coral/Bell, sách đã dẫn, tr.304-311).


Đi xa hơn, đặt ra toàn bộ vấn đề "Khối thịnh vượng chung" ở châu Á. Mối lo lắng chủ yếu của Anh trong lĩnh vực này là việc duy trì một sự thống nhất nào đó giữa các nước trước đây đã tạo thành đế quốc Anh. Vậy mà Ấn Độ từ bốn năm nay đã có một thái độ quyết tâm hòa giải với Trung Quốc và tìm cách tổ chức ở Đông Nam châu Á và Nam Á một tổng thể trung lập, tất cả những cái đó được Chính phủ Luân Đôn tiếp nhận một cách thiện cảm, vì Luân Đôn thấy ở đó một phương tiện làm dịu tình hình ở Viễn Đông và  bảo vệ những lợi ích quốc gia của Anh trong vùng này của thế giới.


Đó là toàn bộ những yếu tố quân đội lập trường của Anh đối với vấn đề Đông Dương. Về điều này I-đơn giải thích rõ ràng:

"Chiến dịch của chúng ta chống du kích cộng sản ở Mã Lai đang trải qua một giai đoạn gay go, làm chúng ta phải hết sức quan tâm đến cơn lốc Đông Dương. Những nước liên kết trong Khối thịnh vượng chung đặc biệt là Ấn Độ cũng như bản thân chúng ta đều bị ảnh hưởng như vậy"54 (A.Eden, Mémoires, sách đã dẫn, tr.86 hoặc tr.97-98: "Mối quan tâm chủ yếu của tôi đối với Mã Lai").


Và Pôn Muýt (Paul Mus) tóm tắt thái độ đó trong một câu:

"Thực ra chính là các đầu nhọn của compa đặt ở Hồng Công và Xingapore mà các ông bạn láng giềng của chúng ta đo đạc toàn vùng Viễn Đông"55 (Paul Mus: "Ai muốn chia cắt Việt Nam" (báo France Obervateur số 216, 1-7-1954)).


Những lý do đó có tính chất chính trị nhiều hơn, bổ sung cho những nhân tố thuần túy thương mại cần được nêu lên, hơn nữa đã là trung tâm của mối quan hệ Trung-Anh từ năm 1949. Ít nhất đối với những người bảo thủ, những lý do đó, với mối quan hệ Anh-Mỹ, đã là đề tài chủ yếu trong cuộc tranh luận tại Quốc hội mùa đông 1949-1950 về sự công nhận chế độ mới của Trung Quốc56 (B.Porter, sách đã dẫn, tr.25-44, chương II "vấn đề công nhận").


Người ta biết rằng vấn đề công nhận được quyết định từ tháng 11 năm 1949 đã được chính thức tuyên bố ngày 6 tháng 1 năm 195057 (Văn bản công hàm Anh trao cho chính phủ Trung Quốc đăng trong bản tin hàng ngày (La Documentation Francaise) 7-1-1950. Về sự công nhận đó và về những năm đầu quan hệ Trung-Anh, xem H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.16-18 và 51-56).


Tháng 2, Hút-chi-xơn (Hutchison), Tổng lãnh sự ở Nam Kinh, được chuyển về Bắc Kinh trong khi chờ đợi việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước được đầy đủ hơn. Nhưng rất nhanh, những khó khăn lại tăng lên gấp bội. Vấn đề người tị nạn ở Hồng Công, rồi việc ký kết hiệp ước liên minh Trung-Xô là những trở ngại đầu tiên. Ngoài ra, việc giữ lại Lãnh sự quán Anh tại Tan-shui để duy trì quan hệ với nhà đương cục quốc gia ở Đài Loan, đối với Trung Quốc là không thích hợp với việc công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa58 (Tanshui nằm trên cửa sông cùng tên, cách Đài Bắc khoảng hai chục kilomet về phía tây bắc, Lãnh sự quán ở đây về nguyên tắc chỉ quan hệ với nhà đương cục trên đảo đặt ở Tai-chung. Cơ quan này cũng đại diện quyền lợi cho cả Canada, Ô-xrây-li-a và Nu-ven-Zây-lan ở Đài Loan, xem"Foregin Ministry Spokesman on Sino-British Negociations" (Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao về các cuộc thương thuyết Trung-Anh) tạp chí People's China, số 11, 1-6-1950, tr.26). Rồi việc gửi quân "chí nguyện" Trung Quốc sang Triều Tiên, việc Liên hiệp quốc lên án "sự xâm lược đó", và việc quyết định những biện pháp hạn chế buôn bán với Trung Quốc đã hoàn toàn chặn đứng quá trình bình thướng hóa quan hệ giữa Anh và Trung Quốc. Trong khi tại Hội đồng bảo an tháng 1 năm 1950, Anh đã không tỏ thái độ về vấn đề quyền đại diện của Trung Quốc và tháng 10, Anh đã đề nghị cho Trung Quốc được gia nhập một số cơ quan thuộc tổ chức Liên hiệp quốc59 (B.Porter, sách đã dẫn, tr.58) thì từ mùa đông năm 1950-1951, Anh đã không bao giờ ngừng bỏ phiếu giống như Mỹ. Sức ép của chính phủ Bắc Kinh đối với những công ty cuối cùng của Anh đặt ở Trung Quốc đã buộc họ phải rời khỏi nước này vào tháng 5 năm 1952. Lần lượt các lãnh sự quán Anh đã bị đóng cửa: năm 1954 ngoài một bộ phận lãnh sự ở Bắc Kinh, chỉ còn lãnh sự quán tại Thượng Hải.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 10:00:12 pm
Cho đến trước hội nghị Giơ-ne-vơ, bức tranh về quan hệ Trung-Anh có thể coi là khá tiêu cực60 (Về quan hệ Trung-Anh năm 1954, xem Coral Bell, sách đã dẫn, tr.247-250). Gần toàn bộ tài sản của Anh-200 đến 250 triệu bảng Anh-theo I-đơn khẳng định trước Hạ nghị viện đã bị tịch thu61 (H.Revelyan, sách đã dẫn, tr.53-55 (đưa ra con số 300 triệu)). Chỉ còn vài chục kiều dân Anh còn ở lại Trung Quốc, một số đang chờ xin thị thực xuất cảnh mà họ không thể xin được62 (Như trên, tr.18 và 52). Còn về quan hệ ngoại giao, từ tháng 1 năm 1950, không có tiến bộ gì. Ba đại biện Anh kế tiếp nhau ở Bắc Kinh mà người Trung Quốc bao giờ cũng gọi là "Ying kuo t'an-p'an t'ai-piao (Anh quốc đàm phán đại biểu)63 (Hutchison, Lamb, từ khi trở thành Đại sứ tại Berne (Thụy Sĩ) và với danh nghĩa này ông cầm đầu đoàn đại biểu Anh trogn lúc vắng mặt E-den và Trevelyan cũng là thành viên của đoàn đại biểu Anh tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Cơ quan đại diện Anh tại Trung Quốc gọi là Văn phòng (Bureau) chứ không được gọi là Đại sứ quán và không được hưởng quy chế ngoại giao H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.17, 35, 51), tức là "Trưởng đoàn đại biểu Anh tại các cuộc đàm phán" (về kiến lập quan hệ ngoại giao)64 (H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.51).


Sau cùng, không bao giờ Trung Quốc cử đại biện đến Luân Đôn, đây là điểm người ta rất nhậy cảm ở Anh.

Mặc dù vậy, đại bộ phận dư luận Anh mong muốn bình thường hóa quan hệ ở mức độ nhất định giữa Trung Quốc và các nước phương Tây. Một cuộc thăm dò dư luận tiến hành hồi tháng 3 năm 1954 đã cho biết 45% người Anh nghĩ rằng Trung Quốc phải được nhận vào Liên hiệp quốc, trong khi chỉ có 17% phản đối và 38% không bày tỏ ý kiến. Một cuộc điều tra thứ hai thực hiện cuối tháng 6 khi hội nghị Giơ-ne-vơ đã tiến hành được hai tháng, đã phản ánh việc tăng cường hết sức rõ rệt khuynh hướng này (xem bảng XI)

Bảng XI

(https://i.imgur.com/wyOQ2Bb.jpg)


Thái độ đó chủ yếu là do nhiều đảng viên Bảo thủ và Công đảng gặp nhau trên vấn đề Trung Quốc, Bảo thủ thì tán thành vì lý do kinh tế và ảnh hưởng ở Viễn Đông, còn Công đảng thì vì lý do chính trị nhiều hơn. Những đảng viên Bảo thủ mong muốn Anh không để mất một thị trường có tầm quan trọng bậc nhất một khi hủy bỏ việc cấm buôn bán với Trung Quốc; còn đảng viên Công đảng thì mong muốn theo đuổi chính sách mà chính họ đã khơi mào từ năm 1950 khi họ còn đang cầm quyền. Ba tháng trước hội nghị Giơ-ne-vơ, cựu thủ tướng Clê-măng Át-li (Climent Attlee) đã giải thích điều đó rất rõ ràng trong một tạp chí Mỹ:

"Người Trung Quốc cảm thấy bị xúc phạm vì Mỹ phủ nhận địa vị mà Trung Quốc có quyền được hưởng trong các hội đồng của thế giới. Tôi tin rằng thái độ của Mỹ là thiếu khôn ngoan (...). Tôi cho rằng khi nào Trung Quốc chấm dứt việc ủng hộ xâm lược, thì phải cho chính phủ nhân dân chiếc ghế của Trung Quốc tại Hội đồng bảo an"65 (Foregin Affiars (Tạp chí đối ngoại Mỹ) tháng 1-1954. Bản dịch tiếng Pháp trong Articles et Documents-La Ducumentation francaise)-Bài báo và văn kiện số 16, 9-2-1954, tr.5)
Tình hình đó cho phép Trung Quốc tiến hành hoạt động ngoại giao trên một địa bàn tương đối thuận lợi như trong lĩnh vực thương mại.


Những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa I-đơn và Chu Ân Lai ở Giơ-ne-vơ khá lạnh nhạt. Ngày 30 tháng 4, tại một bữa cơm tối do Mô-lô-tốp khoản đãi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh đã chủ động nêu ra với đồng nghiệp Trung Quốc vấn đề quan hệ ngoại giao giữa hai nước, bày tỏ hi vọng được thấy Trung Quốc cử một đại biện đến Luân Đôn như Anh đã làm đối với Trung Quốc. Đối với việc tiếp cận đầu tiên này, Chu Ân Lai đã "phản ứng một cách rất lạnh nhạt, cho rằng không nên đặt ra vấn đề đó trước khi Trung Quốc vào Liên hiệp quốc và Hội đồng bảo an"66 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Bi-đôn/Giơ-ne-vơ, số 170-171/5-5-1954). Ngoài ra, chính sự "lạnh nhạt" trong quan hệ Trung-Anh đã thúc đẩy Bi-đôn, ngay từ đầu cuộc đàm phán bác bỏ ngay lập tức ý kiến của một số thành viên chính phủ Pháp về việc nhờ Luân Đôn làm trung gian để làm quen với người Trung Quốc67 (Như trên nhiều nhân vật chính trị Pháp đã gợi ý nên nhờ New Delhi. Đó là trường hợp Pleven, xem V.Ô-ri-ôn, sách đã dẫn, tr.507, 508, ý kiến này hình như không hấp dẫn lắm đối với Bi-đôn).


Nhưng thực ra, thái độ của Chu Ân Lai sẽ nhanh chóng biển đổi. Tại một cuộc gặp sau, vào cuối tháng 4, khi I-đơn tỏ ý phàn nàn là Trung Quốc không có cơ quan đại diện tại Luân Đôn thì thủ tướng Trung Quốc, trái ngược với điều đã nói cách đó bốn tuần lễ đã trả lời rằng ông ta cũng đang có ý muốn mở cơ quan đại diện (tại Luân Đôn) khi nào có thể được68 (A.Eden, Mémoires, sách đã dẫn, tr.140).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 10:01:55 pm
Có lẽ bắt đầu từ ngày đó, diễn ra các cuộc đàm phán kỹ thuật giữa Trung Quốc và Anh về vấn đề trao đổi cơ quan đại diện. Hum-phrây Tơ-ri-li-an, đại biểu về phía Anh trong các cuộc đàm phán này kể lại rằng chính ông ta đã tiếp xúc liên tiếp với Hoạn Hương, Vụ trưởng Vụ Tây Âu và châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao và Lôi Nhiệm Dân, Thứ trưởng Ngoại thương Trung Quốc69 (H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.182). Trong cuộc gặp mặt H.Uyn-sơn ngày 30 tháng 5, Chu Ân Lai gợi lại vấn đề. Ông ta bảo đảm với thủ lĩnh Công đảng rằng sự có mặt của Anh ở thuộc địa Mã Lai không làm Trung Quốc phải do dự gì trong việc cử một đại diện ngoại giao đến Anh, trái ngược với thái độ của Luân Đôn tại Liên hiệp quốc đã làm Bắc Kinh rất khó chịu. Thứ trưởng Trung Quốc kết luận rằng đúng là ông ta đến Giơ-ne-vơ với ý muốn thảo luận với I-đơn về những biện pháp cụ thể có thể tiến hành để cải thiện quan hệ giữa hai nước và không lâu nữa, sẽ đi tới những quyết định theo hướng đó70 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Công văn/Londres về vấn đề "Các cuộc nói chuyện của nghị sĩ Anh với Chu Ân Lai ở Giơ-ne-vơ, Trao đổi thương mại"/3-6-1954). Hôm đó, một sự bình thường hóa nào đó về quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Luân Đôn thế là đã được quân đội về nguyên tắc. Chính H.Tơ-ri-vi-li-an cũng kể lại rằng, những khó khăn đối với kiều dân Anh ở Trung Quốc cũng dần dần được khắc phục. Những thị thực xuất cảnh được cấp, những cuộc thương lượng về việc đóng cửa các hãng buôn Anh được tiến hành, một người Anh ở Hồng Công chạy trốn sang Trung Quốc được các nhà đương cục cộng sản trao trả, hết thảy những người Anh bị giam giữ (trừ có hai người) đã được phóng thích, những nhân viên ngân hàng và nhân viên các công ty thương mại có thể được luân phiên thay thế71 (H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.82).


Thỏa thuận cuối cùng về kiến lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Anh và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dạt được ngày 17 tháng 6 năm 195472 (Niên giám của Trung Quốc đều ghi ngày 17-6 là ngày kiến lập ngoại giao giữa hai nước, xem La Chine (Trung Quốc, sđ, tr.222. Cùng ngày Tân hoa xã đưa tin về thỏa thuận kiến lập ngoại giao giữa Trung Quốc và Anh (17-7-1954). Còn Trevelyan thì chỉ rõ ràng nguyên tắc về sự thỏa thuận này đã được chấp nhận trong bữa cơm tối do A.Eden thết Chu Ân Lai (sách đã dẫn, tr.83). Có lẽ, phải chăng là bữa cơm tối 1-6 mà Trevelyan cũng có mặt. Ngày 17-6 là ngày công bố sự thỏa thuận hơn là ngày ký kết chính thức. Đây là sự thỏa thuận miệng (sách đã dẫn, tr.86). W.Churchill thông báo cho Hạ viện Anh biết về sự thỏa thuận đó. Cũng vào ngày 17-6 (Parliamentary Debates, House of Comons (Biên bản họp hạ viện Anh) tập 528, cột 2275)). Hai ngày trước đó, hội nghị về Triều Tiên đã thất bại73 (Về vấn đề này, xem chương VI ở đoạn sau). Trước đó, để tránh cho hội nghị về Đông Dương chịu chung số phận, Chu Ân Lai đã đưa ra một đề nghị quan trọng về Campuchia và Lào, đáp ứng hoàn toàn các mục tiêu mà các đoàn đại biểu Pháp và Anh theo đuổi74 (Xem chương VII ở đoạn sau). Nhắc lại một cách đơn giản như vậy trình tự thời gian các sự việc xảy ra đủ để làm sáng tỏ quyết định của Trung Quốc ngày 17 tháng 6. Chu Ân Lai nhằm hai mục đích: Một mặt, quyết định kiến lập quan hệ ngoại giao với Anh sẽ cô lập Mỹ, làm sâu sắc thêm nữa những sự bất đồng sẵn có giữa Oa-sinh-tơn và Luân Đôn; mặt khác, nó xác nhận quan điểm của Anh và Trung Quốc tương đối giống nhau trong một số điểm, do đó minh họa một khả năng nào đó "cùng tồn tại hòa bình" giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau như hiệp ước Trung Quốc-Ấn Độ về Tây Tạng ký kết một tháng rưỡi trước đó. Ngoài ra, Thủ tướng Trung Quốc còn nhấn mạnh điều đó trong một buổi hội đàm thu thanh vào cuối thời gian hội nghị với Moóc-gan Phi-líp (Morgan Philips), Thư ký của Công đảng75 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 20-7-1954).


Chắc chắn là sự thỏa thuận đó còn hạn chế. Đại diện Anh tại Bắc Kinh được công nhận đầy đủ là đại biện trong lúc về phía Trung Quốc, cam kết theo nguyên tắc có đi có lại cử đến Luân Đôn một viên chức cấp bậc tương đương. Hai bên thỏa thuận rằng cả hai nhà ngoại giao sẽ là những viên chức cấp thấp76 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Sô-ven Giơ-ne-vơ/số 789-790/18-6-1954). Chính là Hoạn Hương chuyên viên của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ, Vụ trưởng Vụ Tây Âu và châu Phi tại Bộ Ngoại giao từ năm 1949, sẽ được cử đi Luân Đôn vào tháng 9 năm sau77 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 10-9-1954). Và để đánh dấu tình hình mới, Chu Ân Lai lần đầu tiên tiếp H.Tơ-ri-vi-li-an với tư cách đại biện Vương quốc Anh tại Trung Quốc, điều mà ông này chưa bao giờ đạt được78 (H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.83). Cuối cùng như đã thỏa thuận, chính phủ Bắc Kinh cấp thị thực xuất cảnh cho kiều dân Anh còn bị giữ lại trên lãnh thổ Trung Quốc79 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Sô-ven/Giơ-ne-vơ/số 789-790/18-6-1954. Ngày 10-7 nhà đương cục Trung Quốc phóng thích 9 thủy thủ Anh bị bắt ngày 1-6, trong hải phận Trung Quốc, ngoài khơi Hồng Công. Tin Tân hoa xã Bắc Kinh, 11-7-1954).


Nhưng, tuy nhiên sự kiện này có ý nghĩa rất lớn mà thoạt đầu chưa thể thấy được. Một mặt, vì sự thỏa thuận kiến lập ngoại giao Trung Quốc với Anh đã đạt được mà Trung Quốc không đợi Anh phải đóng cửa Lãnh sự quán tại Tanshui80 (Chỉ đến năm 1972, cơ quan lãnh sự này mới đóng cửa, khi quan hệ hai nước đã nâng lên hàng đại sứ). Sự nhượng bộ của Trung Quốc về điểm này lại rất quan trọng: Nó chứng minh Trung Quốc quan tâm đến quan hệ với Anh và nói chung, với các nước Tây Âu81 (Về vấn đề này, cần lưu ý rằng một đại diện của chính phủ Hà Lan đã đến Bắc Kinh ngày 26-5 để đàm phán về việc kiến lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (Tin Tân hoa xã Bắc Kinh, 26-5-19554). Những mối quan hệ đó đã kiến lập ngày 19-11 cũng ở cấp đại biện. Những quan hệ tương tự sẽ được thiết lập với Na Uy ngày 5-10-1954. Tại Giơ-ne-vơ, Chu Ân Lai đã tiếp đại sứ Na Uy ở Thụy Sĩ, M.P.Anker ngày 17-6 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 17-6-1954)). Đặc biệt nó đã chứng tỏ rằng khi lợi ích dân tộc đòi hỏi thì Trung Quốc hoàn toàn dám thỏa hiệp về các vấn đề "thể diện", trái ngược với ý kiến rất nhiều lần được chấp nhận. Mặt khác, quyết định Trung-Anh này là gần gũi với đoạn trong thông báo Béc-lin, do Đa-lét yêu cầu đưa vào, nói rằng họp hội nghị Giơ-ne-vơ không được coi "như là dẫn đến việc công nhận ngoại giao trong trường hợp chưa có sự công nhận đó". Chắc chắn đây không phải là sự công nhận ngoại giao giữa Trung Quốc và Anh vì sự công nhận đó đã có từ bốn năm trước rồi. Nhưng việc thỏa thuận giữa hai nước đạt được ở Giơ-ne-vơ trong thời gian hội nghị, trong lúc Mỹ vừa tuyệt giao với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, không thể không xem như một thắng lợi đối với Trung Quốc82 (Hai tháng sau, cuộc đi thăm Trung Quốc của một đoàn đại biểu quan trọng của Công đảng Anh do Atlee dẫn đầu cũng được coi như là một thắng lợi của Trung Quốc, xem chương XI).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 29 Tháng Hai, 2020, 10:03:59 pm
Trung Quốc lo ngại về hành động của Mỹ và vấn đề người Mỹ bị giam giữ ở Trung Quốc

Những "quan hệ" tay đôi của đoàn đại biểu Trung Quốc với Mỹ có tính chất hoàn toàn khác. Không có một vấn đề nào mà lập trường hai nước không khác nhau về căn bản. Những cuộc đả kích của Trung Quốc đối với Mỹ trước khi hội nghị họp mà chúng tôi đã phân tích83 (Xem lại chương III. Về thái độ của Oa-sinh-tơn đối với Trung Quốc trước khi Hội nghị Giơ-ne-vơ, xin xem bản thuyết trình đăng trong hai chuyên san của Bộ Ngoại giao Mỹ: The China Problem and U.S.Policy (Vấn đề Trung Quốc và chính sách của Mỹ) sách đã dẫn và China in the Shadow of Comunism (Trung Quốc dưới bóng chủ nghĩa cộng sản) Department of State Publication 5383, Far Eastern Series 63, tháng 2-1954 của Walter P.Mc Conaughy Vụ trưởng Vụ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ) đã đủ biện minh điều đó. Cố gắng làm bảng liệt kê về vấn đề đó là trở lại việc gợi lên toàn bộ các vấn đề Đông Á.


Chỉ tự giới hạn trong riêng quá trình diễn biến cuộc hội nghị và các cuộc thương lượng song song kèm theo, đã có hàng loạt sự kiện không thể không làm đoàn đại biểu Trung Quốc lo ngại.

Một mặt, quá rõ ràng là Đa-lét tỏ ra do dự đối với bất kỳ giải pháp chính trị nào về Đông Dương. Tất cả các bài diễn văn và các cuộc hội đàm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ ở Giơ-ne-vơ cũng như ở Mỹ chứng tỏ rõ ràng là chính phủ Oa-sinh-tơn không tin rằng các cuộc thương lượng đang tiến hành có thể thật sự dẫn đến một giải pháp. Ngoài ra, việc Đa-lét vội vã rời Giơ-ne-vơ ngay từ ngày 3 tháng 5, bỏ lại cho B.Xmít cầm đầu đoàn đại biểu Mỹ đã làm Chu Ân Lai hết sức tức giận84 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Nói chuyện với một thành viên đoàn đại biểu Anh"/4-5-1954). Nói chung, người Trung Quốc nghi ngờ người Mỹ đã có ý đồ can thiệp vào Đông Dương, thậm chí trù tính cả việc gây xung đột đối với chính lãnh thổ của họ nữa85 (A.E-dén, Mémoires, sách đã dẫn, tr.136). Có thể gọi đó là lập trường cơ bản của họp. Vả lại, chính là với luận điểm nay mà Chu Ân Lai đã bắt đầu lên án chính sách của Mỹ ở Đông Nam châu Á, trong bản tham luận ngày 12 tháng 5. Ông nói:

"Thực chất của vấn đề là ở chỗ chính bọn can thiệp Mỹ sợ hòa bình (...). Cần phải nói rằng hoạt động của Mỹ trong việc lập các khối xâm lược ở châu Á không tách rời khỏi mục tiêu của chúng là chuẩn bị chiến tranh tổng lực" (...)86 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...), sách đã dẫn, tr.66 và 68).


Yếu tố thứ hai có thể đặc biệt gây đe dọa đối với Trung Quốc là việc nối lại các cuộc thương lượng Pháp-Mỹ về khả năng can thiệp quân sự của Mỹ ở Đông Dương. Thực vậy, ngày 13 tháng 5, sau hôm Chu Ân Lai đọc tham luận trình bày quan điểm của Trung Quốc về Đông Dương, tờ Thời báo Niu Oóc đăng tin Pháp đã yêu cầu Mỹ phải hành động ngay nếu cuộc thương lượng không đi đến kết quả. Thực ra, bài báo nói đến cuộc vận động của Đại sứ Pháp Bon-nê (Bonnet) tại Oa-sinh-tơn với Đa-lét mà người đại diện của Pháp đã thật sự đặt một vấn đề như vậy. Bốn mươi tám giờ sau, Đại sứ Mỹ Đi-lông (Dillon) tại Pháp, đến gặp Su-man (Shumann), trả lời cho biết việc dính líu của Mỹ vào cuộc chiến tranh Đông Dương, trong trường hợp hội nghị Giơ-ne-vơ thất bại, phụ thuộc vào bảy điều kiện sau đây:

"1. Pháp và ba quốc gia liên kết phải đưa ra yêu cầu Mỹ giúp đỡ.

2. Yêu cầu nói trên của Pháp và ba nước phải đưa ra với các nước sau: Thái Lan, Philippin, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lơn, Anh, Mỹ sẽ cho là đủ điều kiện để hành động khi hai nước đầu đáp ứng tích cực và hai nước sau dự kiến là có thể như vậy (vì phải đợi kết quả tuyển cử ở Ô-xtrây-li-a vào tháng 8 ) và Anh, nếu không muốn tham gia, ít nhất cũng chấp nhận yêu cầu đó.

3. Liên hiệp quốc phảu "che đậy" cho công cuộc (giúp đỡ) này. Nhằm mục đích đó, người ta có thể dự kiến rằng Thái Lan hoặc Lào hay Campuchia yêu cầu Liên hiệp quốc cử quan sát viên đến để phát hiện hay ngăn chặn mọi âm mưu xâm lược. Thủ tục này phải được tổ chức càng nhanh càng tốt.

4. Chính phủ Pháp khẳng định lại nền độc lập hoàn toàn của ba quốc gia (liên kết). Chính phủ Pháp nói rõ rằng ba quốc gia đó có thể đi đến thoát ly khỏi Liên hiệp Pháp.

5. Trong suốt thời gian diễn ra hành động chung, chính phủ Pháp nói rõ rằng Pháp cam kết không rút quân đội của mình (khỏi Đông Dương), thỏa thuận rằng cố gắng của Mỹ trước hết là hải quân, không quân, nhưng cũng có thể hiểu là cả lực lượng trên bộ nữa. Ý căn bản là các đơn vị Mỹ sẽ đến bổ sung các lực lượng hiện có chứ không phải để thay thế các lực lượng này.

6. Các hiệp định sẽ được ký kết giữa Mỹ và Pháp để tổ chức việc chỉ huy, phân công nhiệm vụ và huấn luyện quân đội Việt Nam.

7. Yêu cầu viện trợ của Pháp phải được Nghị viện Pháp thông qua"87 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/Bộ Ngoại giao, trình Bộ trưởng về vấn đề "Tình hình thương lượng Pháp-Mỹ hiện nay"/31-5-1954, tr.1-2).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Năm, 2020, 09:49:20 pm
Thật khó mà chính phủ Pháp tiếp nhận toàn bộ các điều kiện đặt ra như vậy. Vì vậy, các cuộc thương lượng tiếp tục thêm vài ngày nữa, bằng đường ngoại giao thông thường. Ngày 29 tháng 5, Thủ tướng La-ni-en (Laniel) tiếp Đại sứ Đi-lông và nói rằng, "ít nhiều đã đạt được" thỏa thuận về chính trị. Từ đó, tướng Ê-li (Ely) được phép tiến hành các cuộc hội đàm về quân sự ở Oa-sinh-tơn88 (Như trên, tr.3-4). Như một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Pháp kết luận, chính phủ Pari đã "dính líu sâu vào kế hoạch Pháp-Mỹ"89 (Như trên, tr.4). Những cuộc thương lượng này được giữ kín, ngay cả với người Anh vì I-đơn tuyên bố đã được báo chí Thụy Sĩ ngày 15 tháng 5 cho biết90 (A.E-den. Mémoires, sách đã dẫn, tr.135). Càng ngày, tờ Thời báo Niu Oóc đã cung cấp một bản báo cáo chính xác về một phần những điều kiện mà Mỹ đòi hỏi.


Chắc chắn là Trung Quốc cũng như Liên Xô, chỉ có thể biết những vấn đề này qua tin tức báo chí phương Tây đưa ra. Nhưng cũng quá đủ để làm họ lo ngại91 (Chính là ý kiến của E-den, như trên, tr.136): phải chăng đã không chứng minh được việc Mỹ đã không từ bỏ việc can thiệp quân sự vào Đông Dương, như người ta đã tưởng lúc trước khi Điện Biên Phủ thất thủ? Ngay hôm sau, phóng viên tờ Quang Minh nhật báo tại hội nghị đã viết rằng: "Nước Pháp chơi trò nguy hiểm bằng cách đàm phán ngầm với Mỹ, ở hậu trường Giơ-ne-vơ". "Chính sách thực lực" đã hoàn toàn phá sản; ngoài ra, về mặt can thiệp là nguy hiểm. Bài báo kết luận: "Tìm cách duy trì quyền lợi thuộc địa ở Đông Dương, nước Pháp sẽ đi đến chỗ mất cả nền độc lập của mình"92 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 26-5-1954).


Đương nhiên, hết thảy mọi lý lẽ của Trung Quốc đưa ra đều hoàn toàn có cơ sở. Một bị vong lục ngay 24 tháng 5 của đô đốc Rát-pho (Radford) đã không để lại một chút nghi ngờ nào về điểm này. Bản bị vong lục viết: "phải dùng không quân tiến công những mục tiêu quân sự của Trung Quốc trên đất liền, ở đảo Hải Nam và những đảo ven biển do cộng sản chiếm giữ và trực tiếp sử dụng. Trong giai đoạn thứ hai, dự kiến sẽ tiến công các mục tiêu quân sự mới, bao vây bờ biển Trung Quốc, chiếm đóng hoặc vô hiệu hóa đảo Hải Nam, dùng lực lượng vũ trang của Trung Hoa quốc gia đổ bộ vào lục địa Trung Quốc. Ở mỗi giai đoạn nói trên, vũ khí nguyên tử đều có thể được sử dụng. Nếu Trung Quốc không can thiệp, việc sử dụng vũ khí nguyên tử sẽ giới hạn ở Đông Dương và quân đội Philippin và Thái Lan có thể nhập vào với quân đội Liên hiệp Pháp93 (The Pentagon Papers, Tài liệt mật Bộ Quốc phòng - sách đã dẫn, tr.44-46. Cần chú ý rằng một cuộc hội nghị quân sự giữa ba nước khối ANZUS, Anh và Pháp họp vài ngày sau đó ở Oa-sinh-tơn từ 3 đến 11 tháng 6. Xem thông cáo chung đăng trong New York Times ngày 12-6-1954. Về việc sử dụng vũ khí nguyên tử, xem thêm K.Lacouture et Ph.Devillers, sách đã dẫn, tr.196). Toàn bộ kế hoạch đã đệ trình lên Tổng thống Ai-xen-hao ngày 28 tháng 5, Tổng thống đã duyệt y những phương hướng lớn, chỉ còn vấn đề can thiệp trực tiếp của Trung Quốc vào cuộc xung đột thì xem ra không chắc chắn94 (D.D.Eisenhower, sách đã dẫn, tr.361. Tổng thống nêu lên nhiều lẫn những lời cảnh cáo ("warnings") trực tiếp hoặc gián tiếp (qua Molotov) đối với Trung Quốc (tr.338 và 362) nhưng không chỗ nào nói đến bản chất các lời cảnh cáo đó).


Những nỗi lo ngại của Trung Quốc còn được khẳng định trong những ngày tiếp theo, ít nhất là về điều kiện thứ ba, mà Mỹ đòi hỏi, - sự "che đậy" của Liên hiệp quốc - mà báo chí Mỹ đã nói đến. Thực tế, ngay từ 15 tháng 5, Bơ-đen Xmít đã cho I-đơn và Bi-đôn biết đã "đến lúc đưa Liên hiệp quốc vào bối cảnh Đông Nam châu Á bằng cách thành lập một ủy ban quan sát tại chỗ Liên hiệp quốc, có nghĩa là thực hiện kế hoạch của Thái Lan95 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Hội đàm ba bên tại nhà riêng của E-den" 15-5-1954). Kế hoạch này nêu lên việc gửi đến Đông Dương và Thái Lan những quan sát viên của Liên hiệp quốc để điều tra về sự đe dọa của cộng sản trong vùng, mà dự án của Chính phủ Băng Cốc thảo ra năm trước đã có nói đến. Quả nhiên, ngày 25 tháng 5, tại Giơ-ne-vơ, hoàn thân Wan thông báo ý định của chính phủ ông ta gửi lời kêu gọi tới Liên hiệp quốc. Ngày 29, tổ chức Liên hiệp quốc chính thức nhận được đơn yêu cầu của Thái Lan theo hướng đó, đến nay đã được ghi vào chương trình nghị sự của Hội đồng bảo an ngày 3 tháng 696 (R.F.Randle, sách đã dẫn, tr.238-239. Bức thư của đại biểu Thái Lan gửi Chủ tịch Hội đồng bảo an (29-5-1954) đăng trong Articles et Documents số 65, 10-6-1954. Dự thảo nghị quyết do Thái Lan đưa ra Hội đồng bảo an ngày 16-6-1954 đăng trong Articles et Documents số 69, 19-6-1954. Ngày 18-6-1954 Liên Xô phủ quyết và vấn đề này cuối cùng đã hủy bỏ). Tất cả các cuộc vận động đó đã xác nhận những tin tức của báo chí đưa ra về khả năng can thiệp của Mỹ. Tờ Đại công báo bình luận lời kêu gọi của Thái Lan ở Liên hiệp quốc bằng những lời lẽ như sau:

"Người ta nhận rõ đằng sau kế hoạch của Mỹ là ý đồ phá hoại hội nghị Giơ-ne-vơ và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương (...). Việc sử dụng Liên hiệp quốc làm công cụ phá hoại hội nghị sẽ vấp phải sự phản đối của quần chúng khao khát hòa bình và chỉ làm cho họ tăng cường cảnh giác".


Nhắc lại một luận điểm mà Trung Quốc đã nhiều lần phát triển, tờ báo kết luận:

"Thử hỏi nước Pháp có lợi gì trong việc mở rộng cuộc chiến tranh như vậy? Pháp sẽ mất hết ảnh hưởng ở Đông Dương và sẽ mở cửa cho Mỹ nhảy vào"97 (Tin Tân hoa xã Bắc Kinh, 30-5-1954. Cũng xem tin Tân hoa xã Bắc Kinh, 31-5-1954 và Nhân dân nhật báo ngày 5-6-1954. Về việc Trung Quốc tố cáo chính sách quân phiệt của Thái Lan, xem tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 8-6-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Năm, 2020, 09:51:27 pm
Cuối cùng, từ khi hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, trên suốt vùng ngoại vi Trung Quốc, lực lượng quân sự của Mỹ xem ra được tăng cường không ngừng98 (Để làm ví dụ, xem tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 13-6-1954 ("Mỹ tăng cường chuẩn bị chiến tranh ở châu Á")). Một hiệp định hợp tác với Pakistan được ký vào tháng 5, cho phép Mỹ được hướng những thuận lợi quan trọng về quân sự trên đất Pakistan. Đó là bước đầu của quá trình đưa Chính phủ Karachi, bốn tháng sau, đi đến ký kết hiệp ước Manila thành lập SEATO (Khối phòng thủ chung Đông Nam châu Á). Thái Lan và Philippin được Mỹ hỏi ý kiến hồi tháng 4 cũng đã công khai tán thành việc ký kết hiệp ước phòng thủ chung Đông Nam châu Á. Xa hơn về phía Bắc, Trung Quốc coi sự có mặt của Mỹ ở Triều Tiên như một yếu tố đe dọa chủ yếu của Mỹ đối với lãnh thổ Trung Hoa. Ngoài ra, chính phủ Oa-sinh-tơn đã nghĩ đến việc gửi bộ binh Nam Triều Tiên đến Đông Dương để đối phó với sức ép của Việt Minh ở vùng châu thổ Bắc bộ99 (Phái đoàn quân sự Pháp tại Oa-sinh-tơn điện về: "Đô đốc Radford lúc nào cũng thấy hấp dẫn vì khả năng của quân đội Nam Triều Tiên. Đó là những sư đoàn vững vàng, được huấn luyện tốt, có chất lượng rất cao. Đó là những sư đoàn độc nhất có thể can thiệp trong vài ngày, ngay trong lúc đang có chiến sự tại Bắc kỳ. Đó có thể là sự giúp đỡ của người châu Á (...). Nếu chính phủ Pháp hay tốt hơn, chính phủ Việt Nam kêu gọi Triều Tiên giúp đỡ, chưa đầy ba tuần, người Mỹ có thể chở đến Hải Phòng ba sư đoàn bộ binh Nam Triều Tiên cùng với vũ khí nhẹ. "Hồ sơ Bộ Ngoại giao Pháp/điện của tướng Valluy/Oa-sinh-tơn/Frenchemildeleg/số 397/9-6-1954). Sau cùng vấn đề Đài Loan, tình hình không ngừng căng thẳng. Từ đầu năm, được sự giúp đỡ của Mỹ, lực lượng Trung Hoa quốc gia đã tăng cường đáng kể tiềm lực quân sự của họ ở các đảo ven biển: Đại Trần, Kim Môn, và hậu quả là tăng thêm hiệu lực của việc bao vây bờ biển Trung Quốc giữa Thượng Hải và Quảng Châu100 (H.Hin-tơn, sách đã dẫn, tr.258-261). Việc hải quân của Trung Hoa quốc gia khám xét một chiếc tàu hàng Ba Lan đến Trung Quốc là một biểu hiện mới đây101 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 26-5-1954. Ngày 23-6, một sự kiện tương tự xảy ra ở phía Nam Đài Loan giữa một tàu chở hàng Liên Xô và hải quân Mỹ (Nhân dân nhật báo 27-6-1954). Về thái độ của Trung Quốc đối với toàn bộ vấn đề tự do thông thương ở biển Đông, xem Nhân dân nhật báo, 16-7-1954 (xã luận) và 20-7-1954). Ngoài ra, Chính phủ Bắc Kinh còn tin rằng, song song với hiệp ước phòng thủ chung Đông Nam châu Á, Mỹ đang cùng với đồng minh Triều Tiên, Nhật Bản và Đài Loan, chuẩn bị một hiệp ước phòng thủ Đông Nam châu Á.


Tình hình căng thẳng ngày càng trầm trọng giữa Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh hình như ngăn cản mọi tiếp xúc tích cực giữa hai đoàn Trung Quốc và Mỹ tại Giơ-ne-vơ. Điều có ý nghĩa là Đa-lét còn không chịu bắt tay Chu Ân Lai khi Chu chìa tay ra102 (New York Times, 6-5-1954 R.F.Randle kể lại trong sách đã dẫn, tr.172, nhận xét một cách đúng đắn rằng, Dulles không thể xử sự khác vì phải tính đến dư luận ở Mỹ có thể công khai chống đối nếu công bố một bức ảnh chụp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ bắt tay Thủ tướng Trung Quốc. Sau này Chu Ân Lai sẽ nói lại với Edgar Snow vấn đề này. The Other Side of the River (Bên kia sông) New York, Randon House, 1961, tr.94-95). H.Tơ-ri-vi-li-an, đại biện Anh tại Bắc Kinh ghi lại rằng các đại biểu Mỹ đã rất cẩn thận tránh né một cách hệ thống như thế nào mọi cuộc gặp gỡ với người Trung Quốc, đặc biệt trong lúc nghỉ họp. Một tháng, sau ngày khai mạc hội nghị, giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa có cuộc tiếp xúc nào, ngay cả giữa Rô-béc-xơn (Robertson) và Vương Bính Nam mặc dù đã biết nhau ở Trung Quốc, vài năm trước đây khi có cuộc đàm phán giữa Quốc dân đảng và Đảng cộng sản Trung Quốc, lúc đó Rô-béc-xơn là cố vấn chính trị của tướng Mác-san và Vương là người cộng sự của Chu Ân Lai. Nhưng đại biện Anh liền thêm: "Ông Rô-béc-xơn là người chống đội cộng sản Trung Quốc cuồng tín nhất trong chính phủ Mỹ"103 (H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.79-80. Kenneth T.Young, Negociating with the Chinese Communists: The United States Experiences, 1953-1967) New York, Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao, đã làm phó đại diện của Mỹ tại các cuộc hội đàm Bàn Môn Điếm và, do đó, đã dự hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954. Chúng ta cũng nhớ lại rằng những chỉ thị của Dulles gửi cho Bedel Smith cấm không được chủ động với người Trung Quốc (Điện của Dulles ngày 12-5-1954 trong Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.43).


Nhìn bề ngoài, chính là người Trung Quốc đi bước đầu tiên trong cố gắng nhờ người Anh làm trung gian tổ chức cuộc gặp với đoàn đại biểu Mỹ. Đóng vai trò chủ yếu trong việc này là H.Tơ-ri-vi-li-an, người được bán chính thức giao việc coi sóc quyền lợi của kiều dân Mỹ bị giữ ở Trung Quốc104 (K.T.Y)oung, sách đã dẫn, tr.37. Cần lưu ý rằng theo quan điểm Trung Quốc, việc "đi vào tiếp xúc (...) về một vấn đề định trước) có giá trị như một công nhận về thực tế (defacto). Xem "Về vấn đề kiến lập quan hệ ngoại giao và những vấn đề khác "Thời sự thủ sách", số 11, 10-6-1956, tr.41-43).


Ngày 26 tháng 5, Hoàng Hoa, người phát ngôn của đoàn đại biểu Trung Quốc, tổ chức họp báo về quan hệ Mỹ-Trung105 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 26-5-1954). Sau khi nhấn mạnh trong những năm 1950-1953, khoảng 1.500 kiều dân Mỹ đã có thể rời lãnh thổ Trung Quốc, Hoàng Hoa nhận rằng hiện còn 80 người nữa. Họ có thể ra khỏi Trung Quốc chừng nào họ không bị liên can vào tội dân sự hoặc tội hình sự. Người phát ngôn Trung Quốc còn nhắc lại rằng ngược lại, một số lớn kiều dân Trung Quốc, nhất là 5.000 sinh viên còn bị giam giữ ở Mỹ và bị đối xử tàn tệ đủ thứ. Hoàng Hoa kết luận: "Điều đó không những trái ngược với nguyên tắc luật pháp quốc tế mà còn hoàn toàn không phù hợp với chủ nghĩa nhân đạo". Cuộc họp báo đó đã kết thúc bằng một lời kêu gọi thương lượng. Hoàng Hoa nói rõ thêm "Tôi xin nói là nếu chính phủ Mỹ muốn thảo luận vấn đề thả những người Mỹ bị giữ lại ở Trung Quốc, về phần minh, Trung Quốc không bao giờ từ chối thảo luận những vấn đề như vậy.

Mặt khác, việc đoàn đại biểu hai nước cũng có mặt ở đây, chẳng phải là sự thật hay sao?"106 (Tin U.P.Giơ-ne-vơ, 26-5-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Năm, 2020, 09:53:47 pm
Ba ngày sau, đoàn đại biểu Mỹ tại Giơ-ne-vơ công bố một bản tuyên bố dài dòng bác bỏ những lý lẽ của Hoàng Hoa về vấn đề những người Mỹ bị giam giữ ở Trung Quốc, cũng nhữ về kiều dân Trung Quốc cư trú tại Mỹ107 (Bản tin Bộ Ngoại giao Mỹ, số 782, 21-6-1954, tr.949-950). Nhưng tropng lúc đó, người Anh cố nài để Mỹ có thể tiến hành ở cấp khá cao như người Trung Hoa mong muốn. Lập trường của người Trung Quốc khá đơn giản và tóm lại là logic. Hoặc Mỹ tiếp nhận thương lượng trực tiếp với họ, hoặc Mỹ thừa nhận chính thức đại biện Anh, ông H.Tơ-ri-vi-li-an là đại diện quyền lợi cho Mỹ tại Trung Quốc. Chu Ân Lai biết chắc rằng Mỹ sẽ không nhận giải pháp thứ hai trong chừng mực giải pháp đó tương đương với sự công nhận gián tiếp chế độ cộng sản108 (H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.83-84). Vậy chỉ còn lại khả năng tiếp xúc trực tiếp.


Quả nhiên, những ngày đầu tháng 6, Oa-sinh-tơn mới trả lời đồng ý; người Anh chuyển ý kiến đồng ý của Mỹ cho đoàn đại biểu Trung Quốc, và họ chấp nhận ngay nguyên tắc về cuộc họp109 (Cần lưu ý rằng vào thời điểm đó, phái đoàn Lansdale đến Sài Gòn ((The Pentagon Papers, sách đã dẫn, tr.54 và tiếp theo. Cũng xem Edward Geary Lansdale, In the Midst of Wars) An American Mission to Southeastovs Asia). Ở giữa cuộc chiến tranh. (Một phái đoàn Mỹ ở Đông Nam Á), New York, Harper and Rơ. 1972, 387 trang, bản chỉ dẫn, bản đồ). Ngày 4 tháng 6, Vương Bính Nam, Tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc, có Kha Bái Niên và Hoạn Hương cùng đi, gặp A-lếch-xít Giôn-xơn (Alexis Johnson) đại sứ Mỹ tại Tiệp Khắc và là thành viên của đoàn đại biểu Mỹ tại hội nghị Giơ-ne-vơ110 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 5-6-1954), trong ba mươi phút tại trụ sở Liên hiệp quốc tại Giơ-ne-vơ. Do Mỹ đứng ra tổ chức, cuộc họp đầu tiên này đã được dự kiến càng ít nghi thức lễ tân càng tốt. Cuộc họp đã không đem lại kết quả nào cụ thể111 (Kenneth T.Young, sách đã dẫn, tr.38 và tiếp theo). Ngày hôm sau, ngày 5 tháng 6, Bộ Ngoại giao công bố một thông cáo thứ hai khẳng định ý muốn làm mọi việc để các công dân Mỹ bị giam giữ ở Trung Quốc được phóng thích, và đã đi đến cho phép Đại sứ Giôn-xơn được đi theo Hum-phrây Tơ-ri-vi-li-an đại biện Anh tại Trung Quốc, đến một cuộc họp với một đại diện của đoàn đại biểu Trung Quốc. Thông cáo kết luận rằng: Đã thỏa thuận rằng quyết định đó không bao hàm việc công nhận ngoại giao, đối với "chế độ đỏ Trung Quốc"112 (Bản tin Bộ Ngoại giao số 782, 21-6-1954, tr.950. H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.84).


Một cuộc gặp thứ hai, vào ngày 10 tháng 6, lần này do người Trung Quốc đứng ra tổ chức, mang nhiều tính chất chính thức hơn, nhưng cũng vẫn có mặt của H.Tơ-ri-vi-li-an113 (H.Trevelyan, sđ, tr.85). Mỗi đoàn đại biểu ngồi mỗi bên của cùng một bàn họp (điều người Mỹ muốn tránh). Vương Bính Nam trình bày lại lập trường của Trung Quốc, gần giống như bài phát biểu của Hoàng Hoa trong cuộc họp báo ngày 26 tháng 5. Đại biểu Trung Quốc chủ yếu nói rõ thêm rằng từ năm 1949, có 1.485 kiều dân Mỹ đã rời Cộng hòa nhân dân Trung Hoa114 (582 người trong năm 1950, 727 người trong năm 1951, 143 người trong năm 1952 và 33 người trong năm 1953 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 10-6-1954)). Đến lần thứ ba ngày 15 tháng 6, chỉ mấy tiếng đồng hồ trước khi hội nghị về Triều Tiên thất bại115 (Xem đoạn sau ở chương VI), cuộc gặp mới đạt được kết quả đầu tiên: Trung Quốc đã chấp nhận rằng thường dân và quân nhân còn bị giam giữ tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được phép liên lạc với gia đình qua Hội chữ thập đỏ Trung Quốc làm trung gian116 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 15-6-1954). Sự nhượng bộ không phải là nhỏ nhưng đó là nhượng bộ cuối cùng.


Thực vậy, cùng thời gian đó, Trung Quốc phát triển một chiến dịch báo chí về việc tiếp đón Hoa kiều ở nước ngoài buộc phải rời nơi cư trú, trở về Tổ quốc để tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội117 (Xem China News Service (Đài phát thanh) Quảng Châu, 11-6-1954, Như trên, Côn Minh 13-6-1954; Đại công báo Hồng Công, 15-6-1954, Tân hoa xã, Quảng Châu, 19-6-1954; China News Service Phúc Châu, 21-6-1954; Đại công báo, Hồng Công, 24-6-1954 v.v...). Cho nên theo tinh thần đó, trong cuộc gặp thứ tư ngày 21 tháng 6, Vương Bính Nam đề nghị hai chính phủ ra thông cáo chung, trong đó hai bên cam kết cho phép kiều dân nước bên kia được tự do rời khỏi nước mình để trở về nước theo ý muốn. Ngoài ra, Trung Quốc còn gợi ý rằng quyền lợi của kiều dân và sinh viên Trung Quốc cư trú tại Mỹ và quyền lợi của kiều dân Mỹ hiện còn ở Trung Hoa nhân dân, theo một thỏa thuận chung được giao cho một nước thứ ba có quan hệ ngoại giao với cả hai nước118 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 21-6-1954, trong đó có dự thảo thông cáo chung do Vương Bính Nam đề nghị. Cùng ngày, một nhóm Hoa kiều tại Mỹ trở về Quảng Châu (Đại công báo, Hồng Công 25-6-1954)). Về phần mình, Trung Quốc đề nghị giao địa vị đó cho Ấn Độ119 (H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.84). Cuối cùng, người Mỹ từ chối đề nghị của Vương Bính Nam nhằm xóa bỏ những khó khăn giữa hai nước ngang với đẩy mạnh tuyên truyền của Trung Quốc. Còn về vấn đề Hoa kiều tại Mỹ, tình hình phức tạp thêm. Ngay tại Mỹ, một nhà báo Mỹ gốc Trung Quốc của tờ China Daily News (Tin Trung Quốc hàng ngày) ở New York tên là Mei Tsang-tien (Eugene Moy) bị kết án hai năm tù vì đã vi phạm quy chế cấm tất cả công việc buôn bán với Trung Hoa nhân dân120 (Tin Tân hoa xã, Berlin, 24-6-1954). Tại Bắc Kinh, tờ Nhân dân nhật báo tố cáo kịch liệt hơn bao giờ hết chính sách của Mỹ đối với Hoa kiều tại Mỹ121 (Nhân dân nhật báo, 24-8-1954). Ba tuần sau mới có cuộc gặp lần thứ năm vào ngày 16 tháng 7 giữa các viên chức cấp thấp hai bên: về phía Mỹ là A.Gien-kin (Jenkins), và về phía Trung Quốc là Phú Sơn (Pu Shan), Phó bí thư ở Bộ Ngoại giao. Phú Sơn chỉ làm cái việc nhắc lại gợi ý của Vương Bính Nam về việc chọn một nước thứ ba có thể đứng ra bảo hộ quyền lợi cho cả kiều dân Mỹ tại Trung Quốc và kiều dân Trung Quốc tại Mỹ122 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 16-7-1954). Cuộ gặp lần cuối cùng là vào ngày 21 tháng 7 cũng giữa những người đối thoại như lần trước. Phú Sơn báo tin sáu người Mỹ được thả, nhưng cuộc họp không có một tiến bộ nào khác123 (Như trên, Giơ-ne-vơ, 16-7-1954). Tuy nhiên, người Trung Quốc lẫn người Mỹ đều đồng ý sẽ tiếp tục các cuộc tiếp xúc ở cấp bậc đại diện lãnh sự tại Giơ-ne-vơ124 (Kenneth T.Young, sách đã dẫn, tr.40. H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.85. Về kết quả các cuộc tiếp xúc vào tháng 7 và tháng 8-1954, xem tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 28-8-1954). Chắc chắn là kết quả còn mỏng manh. Tuy nhiên, đường dây liên hệ đã nối khiến hai chính phủ sẽ duy trì được với nhau một phương tiện liên lạc qua đường ngoại giao trong mười bẩy năm ròng ở Giơ-ne-vơ rồi Vác-xô-vi125 (Từ 1954 đến 1955, có 17 cuộc họp Trung-Mỹ tại Giơ-ne-vơ. Saud dó, các cuộc thương lượng được nối lại ở cấp Đại sứ (Vương Bính Nam và Johnson) và đưa đến thỏa thuận ngày 10-9-1954 về việc phóng thích kiều dân bị giữ lại ở mỗi nước. Sau đó các cuộc thương lượng này chuyển về Varsovie và kéo dài đến năm 1971, khi Tiến sĩ Kissinger đi Bắc Kinh. Việc người Trung Quốc cố nài chỉ định nước thứ ba làm trung gian giữa hai chính phủ đã nói lên khá rõ ý đồ của họ muốn duy trì mối liên hệ với Mỹ). Trước mắt, những cuộc gặp gỡ đó, ở một mặt nào đó có thể coi như một thắng lợi ngoại giao của Anh, đã chứng tỏ sự vội vã của người Trung Quốc khi tiếp nhận các cuộc tiếp xúc trực tiếp với Mỹ. Thực ra, những cuộc thương lượng như vậy có hai cái lợi ngoài việc móc nối quan hệ với Mỹ, một mặt, làm cho việc thương lượng với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày càng trở nên không tránh khói; do đó tăng cường tính đại diện của nước này trước dư luận Mỹ và thế giới; mặt khác, chấm dứt, trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa, tình trạng gần như độc quyền của Liên Xô trong đàm phán chính trị với Mỹ126 (Xem ở đoạn sau những lời bình luận của Medès France về yêu cầu ngày 10-7-1954 của Molotov đưa vấn đề Pháp công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về ngoại giao). Trong mọi trường hợp, những cuộc nói chuyện đó, cũng như các cuộc thương lượng với người Anh, đã thể hiện rõ ràng ý đồ của Trung Quốc muốn coi hội nghị Giơ-ne-vơ như một phương tiện mở cửa sang thế giới phương Tây, như vậy là vượt xa những mục tiêu do cuộc họp quốc tế ở Berlin đề ra chỉ bàn về vấn đề Đông Dương. Do đó, các cuộc tiếp xúc với Mỹ hoàn toàn phù hợp với lòng mong muốn của Trung Quốc ngay từ tháng 2 đã nói rằng hội nghị Giơ-ne-vơ không phải chỉ bàn về giải pháp cho các vấn đề nóng bỏng nhất ở Viễn Đông, mà còn tao thuận lợi cho việc giải quyết các "vấn đề quốc tế sống còn".


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Năm, 2020, 09:55:32 pm
Những mối quan hệ tay đôi giữa Trung Quốc và Pháp

Tình hình quan hệ giữa hai nước

Đến trước hội nghị Giơ-ne-vơ, tình hình quan hệ Trung-Pháp trong một mức độ nào đó, có thể so sánh với tình hình quan hệ Trung-Mỹ127 (Muốn biết tình hình chung về quan hệ Pháp-Trung Quốc từ 1945, Xem André Claise "Les relations franco-chinoises 1945-1973" (Quan hệ Trung-Pháp từ 1945 đến 1973), Notes et Etudes documentaires, Paris, La Documentiation francaise, số 4014-4015.3-9-1973, 57 trang). Sự giống nhau giữa hai tình huống đó không phải là ngẫu nhiên. Vì nhiều lý do chính trị kinh tế và quân sự, chính phủ Pháp đối với vấn đề Trung Quốc đã rập khuôn theo thái độ của Mỹ.


Khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập ngày 1 tháng 10 năm 1949, Pari cũng như Oa-sinh-tơn đã có một lập trường tương đối mềm dẻo, đương nhiên là không loại trừ bất kỳ một sự bình thường hóa nào sau đó. Một cơ quan đại diện Pháp rất nhỏ đã được duy trì ở Nam Kinh. Thực ra, người ta mong đợi tình hình ở Trung Hoa lục địa sẽ lắng dần mà không vội vã đi theo hướng này hoặc hướng khác. Như vậy, ngay từ giữa tháng 10, khi một bộ phận nhân viên trong sứ quán Trung Quốc (cũ) tại Pháp, đã chuyển sang ủng hộ chế độ mới, Bộ Ngoại giao Pháp đã quyết định tiếp tục cho họ được hưởng quy chế ngoại giao đến 31 tháng 12 miễn là các nhà ngoại giao đó không hoạt động chính trị gì hết128 (Bộ Ngoại giao Pháp-Vụ Thông tin-Báo chí, Thông tư số 294 IP về vấn đề Đại sứ quán Trung Quốc tại Pari, 13-10-1949). Cũng như tại Mỹ, một vài giới không loại trừ khả năng có một "chủ nghĩa Ti-tô" Trung Quốc129 (Xem báo Le Monde, 15-10-1949. Chủ yếu là ý kiến của Tổng thống Ô-ri-ôn/Ông ta tuyên bố với Pleven: "Cố gắng làm một Tito, cách đây 5 năm tôi đã nói điều đó lúc Mao Trạch Đông chưa giành được thắng lợi và chưa giúp Hồ Chí Minh"-V.Ô-ri-ôn, sách đã dẫn, tr.508 (nói chuyện ngày 15-11-1953)), cho phép hy vọng có một quyền tự trị tương đối của Trung Quốc đối với chính phủ Mát-xcơ-va.


Nhưng Pháp không có một Hồng Công của mình như trong trường hợp Anh, để có khả năng hướng chính phủ Pháp tỏ ra có một nền độc lập được khẳng định thật sự đối với nền ngoại giao Mỹ. Cũng không có cả "Khối Thịnh vương chung" của Pháp để có thể gây sức nặng đến quyết định của Pari như các nước ở tiểu lục địa Ấn Độ đã làm đối với Anh. Chỉ có mỗi một vấn đề có thể hướng chính phủ Pháp đến chỗ công nhận ngoại giao đối với chế độ mới của Trung Quốc, đó chính là vấn đề Đông Dương. Vậy nay nó lại dẫn đến kết quả thật sự trái ngược.


Thật vậy, rất nhanh, triển vọng của việc bình thường hóa giữa hai nước trở nên mù mịt. Trên một bình diện chung, thái độ của Pháp đã tỏ ra rất gần với Mỹ. Bỏ phiếu chống lại Trung Quốc vào Liên hiệp quốc, gửi một đơn vị tượng trưng sang Triều Tiên, nghiêm chỉnh thực hiện việc cấm buôn bán đối với Trung Quốc lục địa. Quyết định ngày 6 tháng 1 năm 1950 của Anh đã không có tiếng vang gì ở Pari. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý rằng tổng thống O-ri-ôn (Auriol) đã tuyên bố tán thành công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ năm 1949 và tình cảm của ông ta về điều này đã không hề thay đổi cho đến hết nhiệm kỳ bảy năm của ông130 (V.Ô-ri-ôn, sách đã dẫn, chương X. Tháng 5-1953, ông ta tuyên bố: "Nước Pháp không hiểu tại sao Mỹ ngoan cố ủng hộ Tưởng Giới Thạch" (tr.168): Tháng 9 năm đó, ông ta cùng tuyên bố như vậy. (tr.149)).


Trong bối cảnh như vậy, quan hệ tay đôi giữa hai nước đã xấu đi nhanh chóng. Ngày 14 tháng 1 năm 1950, những bất động sản công cộng của Pháp tại Bắc Kinh đã bị tịch thu. Bốn ngày sau, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã công nhận Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng thời tố cáo kịch liệt nhà đương cục Pháp ở Đông Dương đã đối xử tàn tệ với Hoa kiều ở bán đảo (Đông Dương)131 (Xem đoạn trên ở chương II). Ngay từ đó, mọi hi vọng làm dịu quan hệ giữa hai nước tiêu tan. Một vài mối liên hệ còn lại giữa Bắc Kinh và Pari thì lần lượt bị cắt đứt. Sứ quán Pháp tại Nam Kinh bị đóng cửa vĩnh viễn tháng 1 năm 1951; các lãnh sự quán tại Thiên Tân và Thượng Hải bị đóng cửa tháng 9 năm 1952; viên chức ngoại giao cuối cùng của Pháp rời thủ đổ Trung Quốc tháng 10 năm 1953, chỉ để lại có một nhân viên của Bộ Ngoại giao phụ trách trông coi các ngôi nhà của Sứ quán. Trong lúc đó, nhiều việc tranh chấp không thể bỏ qua được đã tích lại: trường hợp những kiều dân Pháp bị giữ lại ở Trung Quốc132 (Người ta thấy một số đã được phóng thích vào lúc hội nghị Giơ-ne-vơ. Xem đoạn trên, ở chương III. Chúng tôi không tìm thấy tư liệu gì trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp liên quan đến cuộc thương lượng về điểm này tại Giơ-ne-vơ. Tuy nhiên Vương Bính Nam đã đảm bảo cho đoàn đại biểu Pháp rằng ông ta cố gắng giải quyết một vài vụ liên quan đến các kiều dân Pháp tại Trung Quốc. Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ gửi đại sứ Sô-ven về vấn đề "Hội đàm Guillermaz-Vương Bính Nam (6-7-1954)"/Giơ-ne-vơ/17-7-1954), các trụ sở ngoại giao bị tịch thu, các công ty Pháp (Fano, wecter) bị gây khó dễ, Công ty xe điện Thượng Hải bị tịch thu tháng 11 năm 1953, v.v...


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Năm, 2020, 09:56:54 pm
Quan hệ giữa Pháp và Đài Bắc cũng không tốt đẹp gì hơn. Thêm vào những kỷ niệm cay đắng của những khó khăn trong những năm 1945-1946 là thái độ mập mờ của Pháp trong việc chống cộng không được quyết như chính phủ Đài Loan hằng mong đợi133 (A.Claisse, sách đã dẫn, tr.48). Khi hội nghị Béc-lin quyết định triệu tập hội nghị Giơ-ne-vơ, có mời Trung hoa nhân dân tham dự thì quan hệ giữa Pari và Đài Bắc trở nên hoàn toàn căng thẳng134 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Cattand/Đài Bắc/Số 65-69/13-2-1954. Các nhà đương cục quân sự của Trung Hoa quốc gia từ chối một đề nghị của Pháp về việc trao đổi tin tức tình báo về lục địa Trung Hoa. Trái lại, ông Guillermaz cho chúng tôi biết Đài Loan quan tâm đến việc hợp tác với Pháp trong lĩnh vực này (nói chuyện với Guillermaz ngày 19-9-1975)). Tuy nhiên, một hiệp định thương mại và trả tiền vẫn được ký kết giữa Pari với Đài Bắc ngày 12 tháng 5, đúng vào ngày Chu Ân Lai ở Giơ-ne-vơ lần đầu tiên trình bày lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Đông Dương135 (A.Claisse, sách đã dẫn, tr.55. Moniteur officiel du commerce international (Người hướng dẫn chính thức việc buôn bán quốc tế), Pari, số 1613 và 1964, tr.1731. Sáng kiến này khá kinh ngạc, không phải là cách tốt nhất thúc đẩy thương lượng có tính cách xây dựng với Trung hoa nhân dân trong lúc nước này bị Đài Loan bao vây chặt. Có lẽ nó phản ánh một sự phối hợp tồi giữa các cơ quan hơn là một ý đồ chính trị thật sự).


Nhưng ngoài ra, những lợi ích chính trị và kinh tế có thể thúc đẩy Pháp và Trung hoa nhân dân đi đến thương lượng cũng không kém mạnh mẽ. Giống như ở Anh, một vài giới kinh doanh Pháp sợ rằng chính sách cấm buôn bán với Trung Quốc do Mỹ và Liên hiệp quốc áp đặt sẽ loại Pháp ra khỏi thị trường Trung Quốc. Cho nên có những nhóm người gây sức ép đấu tranh cho việc tăng cường mạnh mẽ quan hệ thương mại, không tùy thuộc vào mọi quan hệ ngoại giao thông thường136 ("Ủy ban quan hệ kinh tế Pháp-Trung Quốc" đã xuất bản một bản tin theo hướng đó kể từ 1950). Các giới dư luận khác thì mong đợi chính phủ Pháp, trước ngày họp hội nghị Giơ-ne-vơ, xem xét lại quan hệ chính trị thuần túy với Bắc Kinh. Chính là trường hợp nhiều nhóm nghị sĩ khác nhau đã thấy ở đó một điều kiện cần thiết cho việc giải quyết vấn đề Đông Dương. Một nghị sĩ tên là Forcinal đã đưa ra trước Ủy ban đối ngoại của Quốc hội một kiến nghị "yêu cầu chính phủ Pháp chủ động mở cuộc thương lượng nhằm nhanh chóng công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa". Ngoài những người cộng sản, có nhiều nghị sĩ Đảng Xã hội cũng ủng hộ bản kiến nghị đó137 (Robert Lacoste "La reconnaissasnce de la République Populaire de chine serait un acte de paix" (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là một hành động hòa bình), tạp chí France Observateur, số 214, 17-6-1954).


Không đi xa như thế, Bộ Ngoại giao Pháp cũng cho rằng tình hình quan hệ với Trung Quốc dịu đi (chưa phải là một liên minh với Trung Quốc) là một trong những điều kiện thành công của hội nghị Giơ-ne-vơ138 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Đại sứ quán Pháp tại Luân Đôn/bản ghi nhớ về vấn đề "Cơ sở về một giải pháp hòa bình ở Đông Dương"/10-4-1954/tr.1). "Có lẽ là không thận trọng (...), theo sự đánh giá của Đại sứ Pháp tại Mát-xcơ-va, nếu giáng những đòn dồn dập vào Trung Quốc (...) trong khi (...) có cơ hội thấy Trung Quốc dễ dãi hơn người ta tưởng"140 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Joxe.Mát-xcơ-va.số 1242-1249/25-4-1954). Người ta đặc biệt nghĩ đến những sự nhượng bộ về đường sắt Vân Nam141 (Về vấn đề này, xem "Đường sắt Vân Nam" Notes Documentaires et Etudes, Paris, Văn phòng Quốc vụ khanh phủ Thủ tướng phụ trách Thông tin, số 316, 31-5-1946), đến những quyền lợi thương mại và hải quan đặc biệt trong khu vực Hải Phòng. Tóm lại, ý kiến nêu ra là mở lại cuộc thương lượng lần này với Trung hoa nhân dân về bản hiệp định ký năm 1946 giữa Pháp và chế độ Trùng Khánh142 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bộ Ngoại giao đã dẫn, ngày 10-4-1954. Xem hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ của Tùy viên quân sự tại Băng Cốc/số 76/AM/25-2-1954). Trong các giới Ăng-lô Sắc-xông, người ta còn nói cả việc tin tưởng (không phải là cường điệu) rằng Pháp sẵn sàng "thương lượng về giải pháp cho Đông Dương với gần như bất cứ giá nào-kể cả hủy bỏ sự hạn chế buôn bán với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và công nhận Bắc Kinh", như Đại sứ C.Ronning khẳng định143 (C.Ronning, sách đã dẫn, tr.218). Phải chăng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Plê-ven (Plével) đã đi đến khẳng định với các nhà báo Mỹ rằng vấn đề Đông Dương chỉ có thể giải quyết bằng cách nhượng bộ Trung Quốc, điều mà họ đang đi tìm: đó là công nhận ngoại giao và hủy bỏ việc cấm buôn bán144 (D.D.Eisenhower, sách đã dẫn, tr.346).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Năm, 2020, 09:59:05 pm
Bản chất các cuộc hội đàm Trung-Pháp tại Giơ-ne-vơ

Thực ra, diễn biến các cuộc hội đàm Trung-Pháp tại Giơ-ne-vơ đã làm nổi lên rất nhanh thái độ của Trung Quốc khác xa với điều mà các nhà ngoại giao trông đợi.

Chỉ riêng trong cuộc nói chuyện ngày 15 tháng 5 với đại tá Ghi-éc-ma, Vương Bính Nam đã nhắc lại rằng trong các cuộc gặp trước đây khi giải quyết việc đưa thương binh ra khỏi Điện Biên Phủ (ngày 5 và 6 tháng 5), Đại tá đã gợi ý về khả năng có các cuộc gặp gỡ mới. Đại tá liền mời Vương đến ăn cơm tối ngày 18 tháng 5 cùng với Tung Ninh Chuân, cựu sinh viên du học ở Pháp và Thụy Sĩ làm phiên dịch cho đoàn đại biểu Trung Quốc và Pôn Bông-cua (Paul Boncour), đại sứ Pháp và tổng thư ký ở hội nghị145 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Cuộc gặp gỡ Vương Bính Nam, Tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc"/19-5-1954).


Ngày hôm sau, 16 tháng 5, một viên chức Trung Quốc của Văn phòng Lao công quốc tế là Hu Hsiao Fong146 (Tên phiên âm của Hu Hsiao Fong trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp phiên âm sang tiếng Anh không chắc đúng), đã từng làm việc cho chính phủ Đài Bắc nhưng có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh, đến liên hệ gián tiếp với người Pháp để cho họ biết ý muốn của đoàn đại biểu Trung Quốc muốn có quan hệ càng sớm càng tốt với một thành viên của đoàn đại biểu Pháp. Nếu đoàn Pháp đồng ý cử một viên chức ngoại giao làm việc đó thì đoàn đại biểu Trung Quốc cũng chỉ định một viên chức có cấp bậc tương đương để đáp lại. Những cuộc nói chuyện đó cần được giữ bí mật triệt để147 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ để thông báo (không có tiêu đề khác)). Theo Hu Hsiao Fong, đoàn đại biểu Trung Quốc muốn cho người Pháp biết rằng các cuộc đàm phán này có thể không những bàn về các vấn đề Đông Dương, mà cả "toàn bộ vấn đề quan hệ Đông-Tây" và về điểm sau, chính phủ Pháp theo con mắt của Trung Quốc, có thể có vai trò ngay tại Giơ-ne-vơ. Ví dụ như Pháp có thể góp phần làm cho chính phủ Mỹ thay đổi hoàn toàn thái độ về việc Trung Quốc gia nhập Liên hiệp quốc mà Chính phủ Bắc Kinh rất quan tâm148 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ, bản ghi nhớ về vấn đề "Chỉ dẫn về thái độ của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ đối với Pháp"/17-5-1954. Theo chúng tôi biết, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi mà Trung Quốc nêu vấn đề gia nhập Liên hiệp quốc).


Bấy nhiêu dấu hiệu đã nói lên khá rõ hai mục tiêu của người Trung Quốc vừa muốn có một số các cuộc thương lượng tay đôi, vừa mở rộng đề tài các cuộc gặp gỡ sang các lĩnh vực rộng hơn, trong khuôn khổ quan hệ Đông-Tây.


Cuộc gặp đầu tiên vào ngày 18 tháng 5 giữa Vương Bính Nam, Ghi-éc-ma và Pôn Bông-cua. Ngoài các vấn đề chỉ trong phạm vi Đông Dương149 (Nghiên cứu các cuộc nói chuyện này trong nội dung thuần túy Đông Dương sẽ được đề cập ở chương sau). Vương Bính Nam còn đề cập đến vấn đề tiếp xúc với các nước mà Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chưa có quan hệ ngoại giao như trường hợp nước Pháp, những cuộc tiếp xúc đó có tầm quan trọng lớn lao đối với Trung Quốc. Cuộc gặp gỡ đã kết thúc bằng lời đảm bảo của Vương Bính Nam rằng khi nài đoàn đại biểu Pháp muốn, ông có thể làm trung gian họ thông báo cho Chu Ân Lai về vấn đề riêng này giúp hoặc vấn đề riêng khác150 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ, ngày 19-5-1954).


Từ ngày đó, các cuộc hội đàm Trung-Pháp tăng lên nhiều. Một cuộc gặp mặt khác diễn ra ngày 27 tháng 5 giữa Vương Bính Nam, Ghi-éc-ma và Pôn Bông-cua trong đó, phía Pháp "ghi nhận rằng người Trung Quốc bày tỏ ý muốn tiếp tục và có lẽ muốn mở rộng các cuộc tiếp xúc với đoàn đại biểu Pháp"151 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bộ Ngoại giao về vấn đề "Cuộc nói chuyện mới đây với ông Vương Bính Nam, Tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ"/29-5-1954. G.La-cu-tuya và Ph.Đơ-vi-le, sách đã dẫn, tr.187, cho biết ngày 24-5 có cuộc "tiếp xúc đầu tiên" giữa Chu Ân Lai và Bi-đôn, nhưng chúng tôi không tìm thấy chỉ dẫn nào. Biên bản các cuộc gặp ngày 1-6 giữa hai trưởng đoàn hình như chứng minh khá rõ là trước ngày đó không hề có cuộc gặp nào).


Từ 30 tháng 5 đến ngày 7 tháng 6, có năm cuộc hội đàm khác đã diễn ra hoặc giữa Chu Ân Lai và Bi-đôn152 (Ngày 1 và 7 tháng 6) hoặc giữa Vương Bính Nam và Sô-ven153 (30 tháng 5, 5 và 6 tháng 6).


Nhiều lần người Trung Quốc khẳng định lại ý muốn của họ duy trì các cuộc tiếp xúc đều đặn với đoàn đại biểu Pháp154 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ vấn đề "Cuộc hội kiến giữa Sô-ven và Vương Bính Nam, Tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc, 5-6-1954"/7-6-1954). Một cách kín đáo, Vương Bính Nam còn gợi ý cho Sô-ven, ngày 6 tháng 6 rằng có lẽ nên lợi dụng cuộc gặp được dự kiến vào ngày hôm sau giữa Chu Ân Lai và Bi-đôn "để nêu bất cứ vấn đề gì đang tồn tại, dù bản chất vấn đề ra sao"155 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Cuộc hội kiến ngày 6-6-1954 giữa đại sứ Sô-ven và ông Vương Bính Nam, Tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ/7-6-1954. Có gạch dưới trong văn bản). Sau buổi gặp này (ngày 7 tháng 6), Bộ trưởng Ngoại giao Pháp bình luận về cuộc hội đàm của ông với thủ tướng Trung Quốc trong Điện gửi cho đại diện Pháp tại Đài Bắc: "Chu Ân Lai và các cộng sự của ông ta thường giữ thái độ kiên quyết, đôi khi thô bạo ở hội nghị, nhưng lại tỏ ra vồn vã rõ rệt với chúng ta trong hậu trường và tìm kiếm những khả năng nói chuyện với chúng ta"156 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Bi-đôn/Giơ-ne-vơ, số 655-657/6-6-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 04 Tháng Năm, 2020, 10:06:16 pm
Tuy vậy, các cuộc họp riêng đó không bao giờ đề cập thật sự đến vấn đề quan hệ tay đôi giữa hai nước. Riêng vấn đề công nhận ngoại giao đã không được người Trung Quốc nhắc đến trong các lần gặp Bi-đôn, kể cả với các lần gặp Măng-đét Phrăng sau này157 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Pari/số 9556-61 (Luân Đôn) và 8652-57 (Oa-sinh-tơn)/25-6-1954. Xác nhận trong cuộc nói chuyện với G.Sô-ven ngày 21-6-1975. Ông Sô-ven nhận xét rằng vấn đề này chỉ được đặt ra tại cuộc hội nghị Giơ-ne-vơ lần thứ hai, năm 1951-1962. Ông Mendès France trong cuộc nói chuyện ngày 3-7-1975 cũng xác nhận như thế và nói thêm rằng chỉ có Molotov đặt vấn đề ra trong cuộc gặp ngày 10-7 (không thấy ghi trong biên bản). Cựu thủ tướng Pháp Mendès France còn nói thêm Molotov còn tỏ ra là người phát ngôn duy nhất, có tài của khối xã hội chủ nghĩa). Ngày 1 tháng 6, trong lần gặp Chu Ân Lai, Bi-đôn phác họa "mấy nét về viện trợ kỹ thuật". Thủ tướng Trung Quốc cũng không vồ vập158 (G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr.65). Tình trạng cũng như vậy khi Chu Ân Lai tiếp chuyện với vài đại diện cánh tả ở Pháp. Ví dụ, như khi Xa-va-ry (Savary) và La-cô-tơ (Lacoste), cả hai đảng viên Đảng xã hội đến Giơ-ne-vơ vào giữa tháng 6 nhân danh Đa-ni-en May-ê (Daniel Mayer), Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Pháp, gặp Chu Ân Lai. Cuộc gặp này do đoàn đại biểu Trung Quốc chủ động. Thủ tướng Trung Quốc nói chủ yếu về Đông Dương, ít nói về Pháp, nhấn mạnh sự cần thiết phải để cho người Việt Nam tự quyết định vận mệnh của mình, và tránh mọi sự can thiệp của các nước lớn. Theo Chu, những nước lớn phải tự bó hẹp trong đơn giản là làm trung gian. Chu Ân Lai đọc một câu tiếng Pháp làm Xa-va-ri ngạc nhiên đến choáng váng: "Bảo đại chính là Lu-i XVI". Nhưng không hề có lúc nào Chu Ân Lai nói đến vấn đề công nhận ngoại giao giữa Pháp và Trung Quốc hay sự ủng hộ của Pháp ở Liên hiệp quốc, Thủ tướng Trung Quốc chỉ tự hỏi lúc nào thuận tiện để chính phủ ông mời một đoàn Quốc hội Pháp sang thăm Trung Quốc159 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ gửi Đại sứ/27-6-1954. Cuộc nói chuyện với ông Savary ngày 1-7-1975 cũng cho biết như vậy).


Có lẽ chính sự thận trọng của Chu Ân Lai đối với các vấn đề không trực tiếp gắn liền với giải pháp Đông Dương mặc dù người Trung Quốc rõ ràng muốn mở rộng phạm vi các vấn đề được đề cập, đã khiến cho đại sứ Sô-ven viết về người đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc: "Bản thân ông ta đứng vững ở vấn đề cần giải quyết, đó là một phương pháp hay"160 (G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr.59).


Thực thế, Trung Quốc xử sự một cách hết sức thận trọng. Nếu đoàn đại biểu Trung Quốc làm mọi cách để có thể có thật nhiều cuộc tiếp xúc thương mại, thì ngược lại, không bao giờ họ định giành những sự nhượng bộ kinh tế của phương Tây để đổi lấy sự mềm dẻo trong lập trường của họ trong vấn đề Đông Dương. Có vẻ như họ cố ý không muốn gợi những vấn đề đó trực tiếp với các đoàn phương Tây, muốn duy trì tính chất hoàn toàn bán chính thức của các cuộc thăm dò thương mại đó. Theo chúng tôi, điều đó chỉ nói rõ lên thứ tự ưu tiên của Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ mà mục tiêu hàng đầu hình như là việc giải quyết ngay vấn đề Đông Dương nhằm loại trừ sự đe dọa của Mỹ trên bán đảo này. Từ đó, đối với Trung Quốc không thể có vấn đề làm phức tạp thêm cuộc thương lượng về Đông Dương-như người ta sẽ thấy rất khó khăn-bằng cách đặt các điều kiện kinh tế cho sự thỏa hiệp sắp tới về chính trị.


Các cuộc hội đàm chính trị tay đôi, do Chu Ân Lai tiến hành tại Giơ-ne-vơ đều toát lên cùng một cảm tưởng như vậy. Về quan hệ ngoại giao với Anh, đoàn đại biểu Trung Quốc ngay từ đầu tránh chủ động thương lượng nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước, ngược lại, cố gắng tỏ ra đáp ứng những yêu cầu của Anh. Cũng như đối với Pháp, không một lúc nào Chu Ân Lai nêu vấn đề thái độ của Pari tại Liên hiệp quốc hay vấn đề khả năng bình thướng hóa giữa hai thủ đô. Đoàn đại biểu Pháp cũng không thể thương lượng về những nhân nhượng đã chuẩn bị sẵn, ví dụ một sự thu hẹp nào đó việc cấm buôn bán với Trung Quốc, nhất là một cuộc thảo luận mới về những hiệp định năm 1946 về đường sắt Vân Nam và khu vực Hải Phòng. Có lẽ chỉ có sự vội vã muốn có tiếp xúc với Mỹ-tất cả chỉ dừng lại ở vấn đề người Mỹ bị giam giữ ở Trung Quốc và sinh viên Trung Quốc tại Mỹ-là có thể đem lại một vài khía cạnh cho việc đánh giá thái độ của Trung Quốc.


Đáng nhấn mạnh cách xử sự của người Trung Quốc được xác nhận trong các cuộc họp hạn chế và tay đôi về Đông Dương sắp tới. Hình như điều đó minh họa rất rõ quan niệm của Trung Quốc năm 1954 về "cùng tồn tại hòa bình" với thế giới phương Tây. Ở giới hạn đó, cách xử sự của người Trung Quốc soi sáng khá tường tận toàn bộ chính sách đối ngoại của họ giữa những năm 1950161 (Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này một cách chi tiết hơn trong phần cuối cùng).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Năm, 2020, 09:46:22 pm
Chương VI
Tránh cho hội nghị khỏi thất bại


"Chúng tôi đến đây không phải để ủng hộ quan điểm của Việt Minh mà để làm hết sức mình lập lại hòa bình"

(Vương Bính Nam nói với Đại tá Ghi-éc-ma tại Giơ-ne-vơ ngày 18-5-1954)

"Với tư cách là láng giềng của Việt Nam (...) chúng tôi phải làm mọi việc có thể để góp phần chấm dứt cuộc xung đột..."

(Chu Ân Lai nói với Bi-đôn tại Giơ-ne-vơ ngày 1-6-1954)


Cuộc thương lượng về Đông Dương không tiến triển được bao nhiêu. Từ khi Chu Ân Lai trình bày tổng quát lập trường về Đông Dương ngày 12 tháng 51 (Xem chương IV ở trên), các đại biểu lần lượt lên diễn đàn nhưng chẳng đưa ra được đề nghị nào thực sự xây dựng.


Tại phiên họp toàn thể ngày 14, đến lượt Mô-lô-tốp trình bày dài dòng về lập trường tổng quát của Liên Xô về vấn đề Đông Dương. Sau khi nhấn mạnh một lần nữa rằng hội nghị Giơ-ne-vơ là một cuộc họp giữa các Bộ trưởng ngoại giao các nước Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô và các nước hữu quan khác2 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.80), như vậy Cộng hòa nhân dân Trung Hoa như là một trong "năm cường quốc"3 (Như trên, tr.81). Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô đã phác qua lịch sử lâu dài của cuộc xung đột, và kết luận bằng lời lẽ như sau: "Tất cả những việc đó đã làm sáng tỏ rằng thật là không đúng sự thật nếu trình bày phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương như là chịu ảnh hưởng của bên ngoài, ví dụ như của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa"4 (Như trên, tr.86). Rồi, cũng như Chu Ân Lai, Mô-lô-tốp đã tố cáo mạnh mẽ, chính sách của Mỹ5 (Như trên, tr.87-88), với mức độ ít nhất cũng tương đương khi tố cáo chính sách của Pháp. Tuy hoàn toàn tán thành kế hoạch lập lại hòa bình của Việt Minh đưa ra ngày 10 tháng 5, Bộ trưởng Liên Xô đã đề nghị bổ sung một đoạn về "thành lập một ủy ban kiểm soát gồm những nước trung lập"6 (Như trên, tr.403).


Sau một tuần lễ làm việc, hội nghị đã đạt được một vài nhượng bộ của các bên (đến lúc đó, Trung Quốc đã không đưa ra một sáng kiến nào). Liên Xô, chủ yếu đã chấp nhận ngay từ đầu sự tham gia của Việt Nam, Campuchia và Lào (ngụy-N.D); về phần mình, Pháp đã chấp nhận sự có mặt của Việt Minh. Trong dịp này, Mô-lô-tốp đã tránh không ám chỉ đến "Pa-thét Lào" và "Khơ-me". Và nếu ba phiên họp đầu tiên đã không đem lại điều gì thực sự xây dựng, thì ngược lại trong phiên họp ngày 14 tháng 5, đại biểu Liên Xô đã tán thành ý kiến của Pháp về việc ác nước bảo đảm có thể tham khảo lẫn nhau nhằm thông qua những biện pháp tập thể nếu hiệp định bị vi phạm7 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề nhân nhượng lẫn nhau ở Đông Dương/22-5-1954).


Nhưng đó là một bản sơ kết rất khiêm tốn, so với những khó khăn rất lớn còn phải vượt qua. Chắc chắn là các đoàn đại biểu chính cần phải trình bày chi tiết những quan điểm của họ. Nhưng một khi giai đoạn sơ bộ đã qua, việc thương thuyết thật sự trở nên cấp bách.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Năm, 2020, 09:47:50 pm
Những sáng kiến đầu tiên của Trung Quốc

Mở những cuộc thương lượng hạn chế



Lo ngại về những cuộc tranh cãi dài dòng của một vài đại biểu cho nên I-đơn đã đưa ra ý kiến tiếp tục hội nghị dưới hình thức các phiên họp hạn chế (số người dự-N.D) dành riêng cho Trưởng đoàn, mỗi người chỉ đem theo hai hay ba cố vấn, không đưa cho các nhà báo một thông cáo nào về tiến trình của công việc. Ngay từ 13 tháng 5, ông ta đã trình bày đề nghị của mình cho Bi-đơn Xmit (Bedell Smith) và Bi-đôn (Bidault) được hai người này chấp nhận. Ngày hôm sau, Mô-lô-tốp và Chu Ân Lai cũn tán thành8 (A.E-den, Mémoires (Hồi ký), sách đã dẫn, tr.134), điều đó chứng tỏ rẽ rệt là Liên Xô và Trung Quốc mong muốn đi đến một cuộc thương lượng nghiêm chỉnh, gạt bỏ mọi ảnh hưởng tuyên truyền. Phiên họp hạn chế đầu tiên được ấn định vào thứ hai 17 tháng 5. Phóng viên Tân hoa xã ở Giơ-ne-vơ lúc đó đã viết: "Những con mắt của nhân dân thế giới giờ đây hướng về các cuộc họp hạn chế sẽ quyết định hòa bình hay tiếp tục chiến tranh ở Đông Dương", và viết tiếp:

"Rõ ràng các cuộc họp hạn chế này chỉ có thể tiến triển nếu hai bên đều mong muốn thật sự đi đến một giải pháp. Các đoàn đại biểu của Việt Nam dân chủ cộng hòa, Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã bày tỏ ý muốn đi đến hiệp định và đã đưa ra một loạt biện pháp tích cực. Giờ đây còn phải xem đoàn đại biểu Pháp có chịu nhượng bộ trước sức ép của Mỹ theo hướng tăng cường can thiệp, tôn trọng nguyện vọng hòa bình của nhân dân Pháp, chấm dứt xung đột và lập lại hòa bình ở Đông Dương hay không?"9 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 17-5-1954).


Phiên họp kín đầu tiên diễn ra ngày 17 tháng 5, khi đó báo chí phương Tây vừa tiết lộ việc nối lại các cuộc thương lượng giữa Pháp và Mỹ về vấn đề Đông Dương. Phiên họp mở đầu bằng việc bàn về vấn đề thương binh ở Điện Biên Phủ mà việc di chuyển đang vấp phải những khó khăn to lớn ở ngay tại chỗ10 (Hôm trước, bộ tham mưu của tướng Na-va đã báo cáo tạm ngừng di chuyển thương binh và tiếp tục oanh tạc đường 41 (mà tướng Giáp lợi dụng việc trung lập hóa (ngừng ném bom-N.D.) trên con đường này để đưa quân đội Việt Minh về đồng bằng). Về điểm này, một lần nữa, thái độ ôn hòa của Chu Ân Lai, đã được chứng minh từ trước đó mấy ngày11 (Xem lại chương IV), lại được thể hiện khi Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc tuyên bố giữa cuộc thảo luận với Mô-lô-tốp, B.Xmit, Bi-đôn, Phạm Văn Đồng và Nguyễn Quốc Định: "Mọi trở ngại, bất kỳ từ đâu đến, đều đáng lên án"12 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/số 360-369/17-5-1954. Xem thêm Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, sách đã dẫn, tr.102. Chúng tôi gạch dưới). Phần đầu cuộc thảo luận kết thúc khi I-đơn nêu nhận xét rằng hội nghị đã thỏa thuận là không có sự phân biệt đối xử nào giữa thương binh Việt Nam và thương binh không phải là Việt Nam và mong rằng việc di chuyển cần tiến hành chót lọt càng nhanh càng hay và nếu cần, các cuộc tiếp xúc giữa các đoàn đại biểu tại Giơ-ne-vơ sẽ tạo ra mọi sự dễ dàng cho việc đó13 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, sách đã dẫn, tr.103).


Sau đó, cuộc thảo luận chuyển sang vấn đề chính là lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngay từ phiên họp ngày 17, đáp ứng lòng mong muốn của đoàn đại biểu Pháp, Mô-lô-tốp đồng ý rằng hội nghị xem xét trước hết vấn đề quân sự14 (Như trên, chúng tôi gạch dưới). Hai ngày sau, tại phiên họp hạn chế thứ ba, Mô-lô-tốp còn nói rõ thêm ý nghĩ của ông bằng cách chỉ ra rằng cuộc thảo luận có thể bắt đầu trên cơ sở đoạn 1 trong đề nghị của Pháp và đoạn 8 trong đề nghị của Việt Minh15 (Như trên, tr.121. Điểm 1 trong đề nghị của Pháp ngày 8 tháng 5 là "Việc tập hợp các lực lượng chính quy trong các vùng tập kết sẽ do hội nghị xác định sau theo đề nghị của các bộ tổng chỉ huy". Điểm 8 trong đề nghị của Việt Minh ngày 10 tháng 5 là "Ngừng bắn hoàn toàn và đồng thời trên toàn lãnh thổ Đông Dương đối với các lực lượng vũ trang tham chiến trên bộ, trên biển và trên không. Để củng cố đình chiến trong mỗi nước Đông Dương, hai bên hiện diện sẽ tiến hành điều chỉnh các vùng đóng quân. Mỗi bên không được ngăn cản quân đội bên kia đi qua vùng của mình để đi về các vùng chiếm đóng của bên đó"). Sự nhân nhượng này quan trọng. Được chấp nhận là các vấn đề quân sự và chính trị sẽ tách ra từng phần riêng biệt, đoàn đại biểu Pháp có thể hi vọng rằng Việt Minh sẽ không khai thác từ chiến thắng Điện Biên Phủ lợi thế chính trị đã thấy trước được.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Năm, 2020, 09:49:24 pm
Chu Ân Lai trong phiên họp hạn chế đầu tiên, thực tế là không tham luận gì, chỉ thông qua phương pháp làm việc do Mô-lô-tốp đề nghị. Nhưng đồng thời, ông ta nhắc lại rằng "sứ mệnh giao phó cho hội nghị là chấm dứt cuộc xung đột trên toàn lãnh thổ Đông Dương kể cả Khơ-me và Pa-thet Lào"16 (Như trên, tr.104). Trong khi Mô-lô-tốp đã tránh né vấn đề, đại biểu Trung Quốc trả lời tiêu cực một trong năm câu hỏi I-đơn đặt ra hôm 12 tháng 5 trong phiên họp toàn thể: Có thừa nhận rằng Lào và Campuchia nằm trong một phạm trù đặt biệt và các lực lượng Việt Minh phải rút khỏi lãnh thổ hai nước đó hay không?17 (Như trên, tr.102). Mục tiêu cộng sản theo đuổi hiển nhiên là: Bằng cách gắn liền các vấn đề thuộc ba nước Đông Dương, họ có thể hy vọng rằng tình hình quân sự có lợi cho họ ở Việt Nam sẽ buộc phương Tây phải có những nhân nhượng về chính trị áp dụng đồng thời cho cả Lào và Campuchia18 (Tình hình ở hai nước này sẽ được đề cập chi tiết hơn ở chương sau). Từ đó, Liên Xô cũng như Trung Quốc, cả hai có lẽ đều bị Việt Minh thúc đẩy, muốn rằng các giải pháp áp dụng cho ba nước Đông Dương đều giống nhau, như vậy đòi hỏi một cuộc thương lượng cả ba vấn đề. Nhưng về điểm này, thái độ của Trung Quốc trong bước đầu hội nghị rõ ràng là cứng rắn hơn Liên Xô19 (A.E-den, Mémoires (Hồi ký), sách đã dẫn, tr.134-135).


Vả lại, vấn đề này dần dần sẽ được đặt vào trung tâm các cuộc thảo luận giữa 9 đoàn đại biểu. Cả hai phiên họp ngày 18 và 19 tháng 5 đều dành cho vấn đề đó nhưng không đạt được kết quả nào.

Nhận thấy hội nghị sa lầy trong cuộc tranh luận có vẻ vô bổ, cuối cùng ngày 19, theo đề nghị của I-đơn, người ta quyết định ngừng các cuộc thảo luận trong 24 tiếng. Các phiên họp hạn chế được nối lại ngày 21, lần này thảo luận về vấn đề thủ tục và chương trình nghị sự. Thảo luận khó khăn và chậm rãi, trong đó Chu Ân Lai không đóng góp những yếu tố tích cực. Tại hai phiên họp ngày 21 và 24 tháng 5, trưởng đoàn đoàn đại biểu Trung Quốc chỉ làm cái việc ủng hộ đề nghị của Mô-lô-tốp và của Phạm Văn Đồng và nhắc lại những luận điểm riêng của mình: Định nghĩa về những nguyên tắc chung của giải pháp20 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...), sách đã dẫn, tr.128-129), cần ngừng bắn đồng thời trên toàn Đông Dương21 (Như trên, tr.124), tính chất không thể tách rời của các vấn đề quân sự và chính trị22 (Như trên, tr.136), lợi ích đề cập nhanh chóng các vấn đề thuần túy chính trị23 (Như trên, tr.141). Trong phiên họp ngày 25, Phạm Văn Đồng trình bày những nguyên tắc theo quan điểm của Việt Minh về phân định rõ khu vực tập kết các lực lượng24 (Như trên, tr.146). Chu Ân Lai cũng không phát biểu gì.


Vì vậy một vài tiến bộ đạt được trong các cuộc họp hạn chế đều không phải do sáng kiến của Trung Quốc. Thực ra, những tiến bộ đó không được bao nhiêu: thỏa thuận thảo luận các nguyên tắc chung có thể áp dụng cho việc đình chỉ chiến sự ở ba nước Đông Dương (nhân nhượng của các đoàn phương Tây cho Cộng sản) rồi xem xét việc áp dụng các nguyên tắc đó vào hoàn cảnh riêng từng nước một (nhân hượng của cộng sản cho các đoàn phương Tây25 (Thỏa thuận đạt trong phiên họp ngày 21. Như trên, tr.122-130. Xem thêm hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "nhân nhượng lẫn nhau về vấn đề Đông Dương"/22-5-1954. A-den, Mémoires (Hồi ký), sách đã dẫn, tr.141, viết về vấn đề này: "Với sự giúp đỡ của Mô-lô-tốp, Chu Ân Lai và đại biểu Việt Minh đã bị thuyết phục, nhận ký kết hiệp định đình chiến riêng cho mỗi nước liên kết ở Đông Dương". Chúng tôi gạch dưới); Việt Minh thỏa thuận thảo luận việc áp dụng các nguyên tắc chung vào hoàn cảnh Việt Nam trước rồi tìm một thể thức các bên có thể chấp nhận được cho Campuchia và Lào26 (Phiên họp ngày 24 tháng 5. Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...), sách đã dẫn, tr.138. Xem thêm Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ dẫn ra ở trên); hoàn thành một danh mục bảy vấn đề quân sự để các đại biểu xem xét27 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...), sách đã dẫn, tr.131).


Sau ba tuần thảo luận, kết quả thật nghèo nàn. Đây mới chỉ là những vấn đề thủ tục, nhưng về thực chất thì chưa thấy xuất hiện thậm chí phác thảo được một bước đầu thỏa thuận nào. Tuy nhiên đoàn đại biểu Trung Quốc tỏ ra khá hài lòng. Sau hôm khai mạc phiên họp hạn chế, một vài thành viên của đoàn đại biểu Trung Quốc nói với Anh rằng Thủ tướng Chu Ân Lai lạc quan về kết quả cuối cùng của hội nghị. Người Trung Quốc ý thức được rằng không đạt được tiến bộ nào về vấn đề Triều Tiên, và bằng lòng giữ nguyên trạng ở đó, nhưng họ sẽ cho rằng trong vài tuần nữa người ta sẽ đi đến ngừng bắn ở Đông Dương. Việc tách các vấn đề Lào, Khơ-me theo đề nghị của Pháp, Anh và các quốc gia hữu quan khác đã tìm được cách giải quyết và không thể gây nguy hiểm cho kết quả các cuộc thương lượng28 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ về vấn đề "Sự lạc quan của Trung Quốc"/Không có ngày tháng). Đồng thời sau phiên họp ngày 21, trong đó đã đạt được sự thỏa thuận thảo luận các nguyên tắc chung về lập lại hòa bình và việc áp dụng các nguyên tắc đó vào hoàn cảnh riêng từng nước, đài phát thanh Bắc Kinh đã nói đến "kết quả nổi bật" của Hội nghị29 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Sài Gòn/điện Cao ủy/số 5004/25-5-1954). Sau cùng, ngày 26 tháng 5, tờ Đại công báo viết: "Các kế hoạch của hai phe tại hội nghị Giơ-ne-vơ nhích lại gần nhau đủ để có thể đi đến thỏa thuận đình chiến ở Đông Dương"30 (Đại công báo 26-5-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Năm, 2020, 09:51:42 pm
Đề nghị ngày 27 tháng 5 của Trung Quốc

Ngày 27 tháng 5, mấy giờ sau khi gặp I-đơn31 (Về các cuộc tiếp xúc Trung-Anh, xem đoạn sau), trong một cuộc họp hạn chế mà Bộ trưởng Ngoại giao Anh sau này ghi lại là "buổi chiều ảm đạm" và "quá nhiều rối rắm"32 (A.E-den, hồi ký, sách đã dẫn, tr.142), đến lượt Chu Ân Lai, lần đầu tiên từ hôm hội nghị khac mạc, đưa ra đề nghị sáu điểm về chấm dứt chiến sưở Đông Dương như sau:

"Các nước tham dự hội nghị Giơ-ne-vơ đã thỏa thuận về các nguyên tắc căn bản sau đây, liên quan đến việc chấm dứt chiến sự ở Đông Dương.

1.Ngừng bắn hoàn toàn cho tất cả các lực lượng vũ trang của hai bên tham chiến (gồm hải, lục, không quân) phải xảy ra cùng một lúc trên toàn bộ lãnh thổ Đông Dương.

2. Hai bên cần bắt đầu các cuộc thương lượng về việc điều chỉnh thích hợp những vùng chiếm đóng của mình, về việc chuyển vận quân đội của hai bên trong khi điều chỉnh, về những vấn đề khác có thể đặt ra trong lĩnh vực này.

3.Việc đưa từ bên ngoài vào Đông Dương mọi loại binh chủng mới và nhân viên quân sự cũng như tất cả các loại vũ khí đạn dược phải chấm dứt cùng một lúc với việc chấm dứt các cuộc xung đột trên toàn lãnh thổ Đông Dương.

4.Những ủy ban liên hợp gồm đại biểu bộ chỉ huy hai bên sẽ kiểm soát việc thi hành các điều khoản của hiệp định đình chỉ chiến sự. Sự kiểm soát quốc tế do một ủy ban các nước trung lập cũng sẽ được đặt ra đối với việc thi hành hiệp định nói trên.

5.Các nước tham gia hội nghị Giơ-ne-vơ cam kết bảo đảm việc thi hành hiệp định. Vấn đề tính chất của những nghĩa vụ mà các nước liên quan cam kết tông trọng sẽ được xét riêng.

6.Hai bên sẽ thả tù binh và dân thường bị bắt giam33 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...), sách đã dẫn, tr.410. Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 27-5-1954). Chắc chắn là đề nghị này còn lâu mới trở thành một sự kiện giật gân. Đa số các điều khoản đã được nhiều đoàn khác nhau chấp nhận hoặc đề nghị một cách mặc nhiên hoặc rõ ràng trong các cuộc họp trước. Tuy nhiên, nó cũng thể hiện sự mềm dẻo đáng kể trong lập trường của Trung Quốc, một sự mềm dẻo còn rõ rệt hơn nếu tham khảo những lời giải thích miệng của Chu Ân Lai trong buổi họp.


Điểm thứ nhất liên quan đến một cuộc ngừng bắn đồng thời-chỉ là sao chép lại đoạn 8a trong đề nghị ngày 10 tháng 5 của Việt Minh và đoạn 1 trong đề nghị ngày 21 của Liên Xô-thoạt đầu có thể xem như một sự nhắc lại đơn thuần luận điểm về tính đồng thời đã được đoàn đại biểu Trung Quốc bênh vực từ trước đến nay. Nhưng lời bình luận đôi chút tế nhị của Chu Ân Lai đã phản ánh một cách hoàn hảo sự tiến triển trong lập trường của Trung Quốc: "Việc đình chỉ chiến sự phải đồng thời (nhưng) trái lại, người ta có thể chấp nhận rằng do chiến trường  phân tán nên thời điểm ngừng bắn có thể thay đổi theo từng vùng"34 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...), sách đã dẫn, tr.156. Tuy vậy, bài tường thuật của Tân hoa xã, cùng ngày hôm dó, lại căn bản khác: "Việc các khu vực chiến đấu ở Đông Dương rải rác chỉ là một vấn đề kỹ thuật, không ảnh hưởng gì đến nguyên tắc ngừng bắn đồng thời". Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 27-5-1954).


Cũng như vậy về điểm hai liên quan đến việc tập kết quân đội và điều chỉnh vùng-đề nghị của Trung Quốc cũng lặp lại những yếu tố của đoạn 8a trong đề nghị của Việt Minh và đoạn 2a trong đề nghị ngày 21 của Liên Xô. Nhưng ở đây nữa, lời bình luận của Chu Ân Lai thể hiện một sự thay đổi không thể xem thường về lập trường của Trung Quốc: "Tình hình ở mỗi nước Đông Dương khác nhau và (...) một khi chấp nhận nguyên tắc điều chỉnh, phải chiếu cố đến tình hình thực tế trong khi áp dụng và phải dự kiến những biện pháp khác nhau tùy theo từng trường hợp". Ngoài ra, thủ tướng Trung Quốc nhắc đến vấn đề khu phi quân sự mà ngày 24, Bi-đôn đã nêu ra và cho rằng "đề nghị đó đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng"35 (Như trên, tr.156). Tập kết và thành lập khu phi quân sự36 (Ngược lại, bản tiếng Anh của bài tường thuật của Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 27-5-1954 nói đến "demilitarized areas" (những vùng phi quân sự). Bản tiếng Trung Quốc không cho biết rõ hơn Chu Ân Lai nghĩ đến một hay nhiều vùng): phải chăng như vậy đã chấp nhận ý kiến về một sự chia cắt Đông Dương hay ít nhất chia cắt Việt Nam thành hai vùng rõ rệt?


Về điểm ba-không đưa quân đội và thiết bị quân sự-cũng là nhắc lại đoạn 8b trong đề nghị của Việt Minh và đoạn ba trong đề nghị của Liên Xô. Chu Ân Lai một lần nữa đã chỉ ra đâu là sự quan tâm thật sự của ông bằng cách nói rõ đây là "nhân viên và thiết bị quân sự Mỹ" và kết luận "Đây là điểm quan trọng nhất"37 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...), sách đã dẫn, tr.156).


Điểm bốn-kiểm soát việc thi hành hiệp định-lấy lại đoạn 8c trong đề nghị của Việt Minh về các ủy ban liên hợp địa phương và đề nghị ngày 14 của Liên Xô liên quan đến ủy ban quốc tế kiểm soát gồm các nước trung lập. Điểm năm-bảo đảm các hiệp định-cũng chỉ là sao chép phần đầu đoạn ba trong đề nghị ngày 8 tháng 5 của Bi-đôn mà không một đoạn nào đưa ra một ý kiến phản đối thật sự về vấn đề này. Ngoài ra, về điểm này, Chu Ân Lai còn tán thành luận điểm của Liên Xô nói rằng trong trường hợp vi phạm hiệp định, "các nước bảo đảm sẽ phải tham khảo ý kiến nhau để có những biện pháp tập thể hơn là biện pháp riêng rẽ". Cuối cùng, điểm sáu-thả tù binh và dân thường bị bắt giam-cũng theo một hướng như đoạn bảy trong đề nghị ngày 10 của Việt Minh, và điểm này cũng chẳng gây khó khăn gì.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Năm, 2020, 09:54:12 pm
Tóm lại, có nghĩa là đề nghị của Trung Quốc thận trọng đứng về một phía những đề nghị của Việt Minh và của Liên Xô. Phạm Văn Đồng đánh giá đề nghị đó là "bản tổng hợp có thể chấp nhận được"38 (Như trên, tr.160). Theo hướng đó, phiên họp ngày 27 tháng 5 không tạo ra một bước ngoặt gì có tính chất quyết định trong cuộc thương lượng. Và điều này giải thích tại sao I-đơn đã có thể coi phiên họp đó là một "buổi chiều ảm đạm" rối rắm hơn là xây dựng. Nhưng theo con mắt riêng của người Trung Quốc, thì đây là thời điểm đáng ghi lại. Một mặt nó đánh dấu ý muốn của Trung Quốc là đóng một vai trò năng động trong tiến trình của hội nghị về Đông Dương, hơn là vai trò từ hôm đầu cho tới nay có đôi chút thụt lùi đằng sau sáng kiến của Liên Xô và Việt Minh. Nhưng trước hết, điều đó báo hiệu khá rõ việc từ bỏ thái độ tương đối cứng rắn của đoàn đại biểu Trung Quốc từ đầu cuộc thương lượng cho tới nay. Một bản tin của Tân hoa xã từ Giơ-ne-vơ gửi về trong cùng ngày hôm đó đã trình bày đề nghị của Trung Quốc "như một cố gắng xây dựng lớn lao"39 (Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 27-5-1954).


Ngoài ra, các cuộc thảo luận nhiều lúc gay go trong những ngày tiếp theo, đã tạo cho đoàn đại biểu Trung Quốc nhiều cơ hội đặt lại hoặc thậm chí thúc đẩy cuộc thương lượng, điều mà họ đã làm thật sự nhiều lần. Chẳng hạn như trong phiên họp hạn chế ngày 29 tháng 5 dành cho việc xem xét đề nghị của Anh liên quan đến họp đại biểu quân sự hai bên tại Giơ-ne-vơ và ở Việt Nam. Phạm Văn Đồng đã tưởng là thuận lợi khi nhắc lại dài dòng vấn đề thương binh ở Điện Biên Phủ và một lần nữa tố cáo thái độ của Pháp trong việc này. Sau bài phát biểu của đại biểu Việt Minh, Chu Ân Lai cũng như Mô-lô-tốp tán thành bằng những lời lẽ khá ngắn gọn đề nghị của I-đơn, coi đó là đề tài duy nhất của phiên họp, như vậy mặc nhiên bác bỏ lời phát biểu rõ rệt là lạc đề của Phạm Văn Đồng40 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.162). Sức éo của đại biểu Liên Xô và Trung Quốc cuối cùng đã làm cho đề nghị nói trên được thông qua và đưa Việt Minh đến chỗ ấn định, trong vòng 48 tiếng, thời gian đại biểu hai bộ Tư lệnh gặp nhau buổi đầu tiên để thảo luận thể thức tập kết quân đội. Rõ ràng là như Nhân dân nhật báo nhấn mạnh, đó là"một bước quan trọng đi tới lập lại hòa bình"41 (Phản ứng của Trung Quốc về sự thỏa thuận này, xem Nhân dân nhật báo, 31-5-1954 và Đại công báo, 2-6-1954).


Ngược lại, hai phiên họp hạn chế ngày 31 tháng 5 và ngày 2 tháng 6 mà một phiên dành cho việc thảo luận các đề nghị ngày 27 tháng 5 của Trung Quốc, đã tỏ ra kém tích cực hơn. Một cuộc tranh cãi vô bổ nổ ra giữa B.Xmit và Chu Ân Lai về sự điều hành của ủy ban kiểm soát ở Triều Tiên, sau đó trở thành một cuộc thảo luận lộn xộn mà không đi đến đâu. Tuy nhiên, đại biểu Mỹ cũng kết luận một cách thận trọng: "Để thể hiện con số 1, người phương Tây vạch một đường dọc, người Trung Quốc vạch một đường ngang. Chỉ còn có thể nghiên đầu sang một bên và đến lúc đó các đường sẽ gặp nhau"42 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.172. Tường thuật của Trung Quốc về phiên họp ngày 31-5, trong tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 31-5-1954). Về phần mình, Groo-mi-cô (Gromyko) khẳng định rằng "lý tưởng là một việc, và hợp tác để duy trì hòa bình lại là một chuyện khác"43 (Như trên, tr.173), điều này ít nhất cũng chứng tỏ rằng tính chất hạn chế của các cuộc họp cho phép người ta thật thà ít nhiều. Trong phiên họp sau, Chu Ân Lai sẽ còn tán thành công thức này44 (Như trên, tr.194). Còn về phần Bi-đôn thì ông ta cố cãi lại Thủ tướng Trung Quốc bằng việc trích dẫn lời của Mao Trạch Đông45 (Như trên, tr.194), một ý định châm chọc hơn là xây dựng. Tóm lại, nếu từ lúc hội nghị tạm gác vấn đề tách Lào và Campuchia ra khỏi Việt Nam để xem xét riêng, hội nghị đã có đôi chút tiến bộ thì bây giờ lại dẫm chân tại chỗ, lần này vì vấn đề kiểm soát quốc tế được dự kiến cho việc thi hành hiệp định sắp tới.


Một lần nữa Chu Ân Lai lại cố làm cho cuộc thương lượng tiến triển bằng cách đưa ra trong phiên họp ngày 3 tháng 6 mấy đề nghị về chức năng của các ủy ban đó:

"Vậy cần phải đặt ra sự kiểm soát quốc tế trung lập, mà chức năng sẽ là hai loại:

a. Kiểm soát các khu phi quân sự46 (Người ta nhận xét rằng bài tường thuật bằng tiếng Pháp dùng số nhiều (xem đoạn trên về phiên họp ngày 27-5, chú thích 36), phân cách hai bên ở Đông Dương.

b. Kiểm soát việc cấm đưa thêm các đơn vị quân đội và trang bị quân sự mới vào toàn Đông Dương và dọc theo biên giới các nước đó bằng đường bộ, đường biển và đường không.

Về chức năng thứ nhất ủy ban hỗn hợp47 (Gồm đại biểu các bên tham chiến, theo đề nghị của Việt Minh ngày 10-5, (đoạn 8c)), sẽ đảm nhận giám sát hai bên thi hành hiệp định trong các khu phi quân sự. Ủy ban trung lập48 (Gồm đại biểu các nước trung lập sẽ xác định sau, theo đề nghị ngày 14 tháng 5 của Liên Xô), sẽ hoạt động trong cùng một lĩnh vực. Như vậy, hai loại cơ cấu tổ chức này sẽ cùng làm việc trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Mặt khác, ủy ban Trung lập có trách nhiệm trực tiếp trong việc kiểm soát biên giới. Là hợp lý nếu nói rằng đó là chức năng quan trọng nhất của Ủy ban Trung lập. Quân đội hay vũ khí được đưa vào bằng đường biển, đường bộ hay đường không, và xuất xứ của chúng từ đâu, điều đó không quan trọng49 (Lần này Mỹ không còn bị chỉ đích danh), điều cốt yếu đối với hòa bình Đông Dương là phải ngăn cấm việc đó (...).


Còn việc Ủy ban trung lập chịu trách nhiệm trước quyền lực nào, thì theo ý kiến của đoàn đại biểu Trung Quốc, đó chính là bản thân Hội nghị Giơ-ne-vơ, 9 nước tham dự đều đứng ra bảo đảm (...). Nếu Ủy ban trung lập kết luận không thể giải quyết một sự kiện nào, thì sẽ báo cáo lên các nước bảo đảm. Những nước này sẽ tìm các biện pháp tập thể thích đáng để giải quyết sự tranh chấp"50 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.193-194. Tường thuật của Trung Quốc về phiên họp ngày 3-6 trong bản tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 3-6-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Năm, 2020, 09:55:37 pm
Ngoài ra, Chu Ân Lai còn bác bỏ cách Bi-đôn dẫn lời chủ tịch Mao Trạch Đông để giải thích vấn đề trung lập, nói rõ rằng đối với Đông Dương cũng như Triều Tiên, phải hiểu những nước trung lập theo đúng nghĩa của nó là những nước không tham gia cuộc xung đột51 (Cũng xem bài bênh vực lập trường này trong Nhân dân nhật báo ngày 12-6-1954). Sau cùng, đại biểu Trung Quốc rõ ràng bác bỏ đề nghị của Việt Nam (ngụy-N.D) đưa ra trong buổi họp hôm đó, nhằm giao việc kiểm soát ngừng bắn cho Liên hiệp quốc52 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, sách đã dẫn, tr.194. Mô-lô-tốp nói rõ thêm điều đó ngày 4-6: "Liên hiệp quốc không phải là cơ quan thích hợp phải chăng vì sự thật là một dân tộc 500 triệu người đã không được hưởng quyền của mình ở đó". (Như trên, tr.199)).


Ở đây không có nhượng bộ đặc biệt nào về phía Trung Quốc53 (Về vấn đề này, cần lưu ý rằng, trái ngược với nội dung bản ghi nhớ của đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ dẫn ở trên (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về "Những nhân nhượng lẫn nhau về vấn đề Đông Dương"/22-5-1954), dường như Chu Ân Lai đã thừa nhận lúc đó rằng ủy ban trung lập "sẽ có thể giải quyết các cuộc tranh chấp nội bộ các ủy ban liên hợp trong trường hợp hiệp định đình chiến bị vi phạm". Đại biểu Trung Quốc cũng đã tuyên bố rõ: "Hai cơ cấu tổ chức nói đây là song hành với nhau. Có sự phân công về nhiệm vụ và liên hệ với nhau. Nhưng không cơ cấu nào ở trên cơ cấu nào. Trong bất kỳ trường hợp nào, Ủy ban quốc tế kiểm soát không được ở trên Ủy ban liên hợp" (Như trên, tr.193)), nhưng chỉ là sự sắp xếp lại một số ý kiến đã nêu ra, nhằm làm cho thương lượng tiến triển dễ dàng, điều mà rõ rệt là Chu Ân Lai mong muốn đi đến kết quả54 (Ngày 4 tháng 6, phóng viên Tân hoa xã tại Giơ-ne-vơ viết bài dưới nhan đề "Hội nghị Giơ-ne-vơ có tiến bộ chậm nhưng thực tế". Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 4-6-1954). Vào đầu tháng 6, đoàn đại biểu Trung Quốc bắt đầu đóng vai trò thực chất trong tiến trình của hội nghị. Cũng như đề nghị ngày 27 tháng 5, tham luận ngày 3 tháng 6 của Chu Ân Lai là một sự minh họa mới về vai trò đó.


Tuy nhiên, những phiên họp sau rõ ràng là đáng thất vọng một cách đặc biệt. Phiên họp ngày hôm sau, ngày 4 tháng 6, cũng vẫn họp hạn chế, chẳng đem lại yếu tố gì mới mẻ cho cuộc thảo luận; đoàn đại biểu Trung Quốc cũng không phát biểu55 (Tường thuật của Trung Quốc đăng trong bản tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 4-6-1954. Phóng viên Trung Quốc, một lần nữa, đã ghi lại một cách lạc quan rằng "người ta đã đạt được một vài tiến bộ"). Rồi cuộc hội đàm chính thức về Đông Dương hoãn trong nhiều ngày, giành thời gian cho các cuộc gặp riêng56 (Nhất là giữa Trung Quốc và Pháp. Xem đoạn sau) và các cuộc họp về Triều Tiên. Chỉ đến ngày 8 và ngày 9 tháng 6, hội nghị về Đông Dương mới được nối lại dưới hình thức họp toàn thể. Trong hai ngày đó, nhiều tham luận hết sức găng được trình bày trước hội nghị, đánh dấu trên thực tế một sự cứng rắn của các lập trường thương lượng57 (Tường thuật về phiên họp ngày 8 tháng 6 đăng trong bản tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, ngày 8-6-1954). Ngày 9, Chu Ân Lai trình bày một bản tổng kết chung công việc của hội nghị và các đề nghị của Trung Quốc bằng những lời lẽ khá rõ ràng, dứt khoát. Ông nhắc lại một cách quả quyết những luận điểm đã phát triển nhiều lần: ngừng bắn đồng thời ở ba nước Đông Dương, bênh vực vai trò của các phong trào kháng chiến Campuchia và Lào, từ chối không chấp nhận mọi quan hệ phụ thuộc giữa Ủy ban liên hợp hai bên và Ủy ban quốc tế trung lập, tố cáo các âm mưu trao cho Liên hiệp quốc có một vai trò nào đó, đả kích mạnh chính sách của Mỹ và các hiệp ước Pháp-Việt được ký tắt ngày 4 tháng 6; sự cần thiết cấp bách đề cập đến vấn đề chính thức, v.v...58 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...), sách đã dẫn, tr.250-260. Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 9-6-1954). Bình luận về hai phiên họp ngày 8 và ngày 9 tháng 6; sau khi nhận xét các lập trường của cộng sản đã cứng rắn hơn trước, và nhận xét rằng đại biểu Việt Minh và Liên Xô đã trình bày kết luận của họ bằng "lời lẽ mạnh mẽ", Bi-đôn đã nhận xét: "Đoàn đại biểu Trung Quốc hôm đầu đã ghi tên phát biểu rồi lại xin xóa, đến ngày thứ hai mới nói vào cuối buổi họp. Họ đã phát biểu với những lời lẽ khách quan, theo những điểm trong đề nghị ngày 27 tháng 5"59 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/Điện Bi-đôn/Số 700-704, 10-6-1954. Bi-đôn nói tiếp như sau: "Trong năm giờ nghỉ, tôi đã hỏi một thành viên trong đoàn đại biểu Trung Quốc; câu trả lời là bai diễn văn của Chu Ân Lai không đem lại yếu tố nào cụ thể và có vẻ như điều đó có nghĩa là không có yếu tố tích cực nào).


Nhưng rõ ràng là hội nghị dẫm chân tại chỗ. Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đã thành thật nêu lên điều đó trong phiên họp ngày 9 tháng 6: "Hơn một tháng đã qua, kể từ ngày 8 tháng 5, hội nghị bắt đầu xem xét việc lập lại hòa bình ở Đông Dương (...). Tuy vậy, nếu người ta so sánh một mặt, thời gian một tháng và mặt khác, những điểm hội nghị đạt được, thì kết quả rất là đáng phàn nàn; nhịp độ tiến độ của hội nghị rất chậm; chúng ta còn xa mới đáp ứng được hi vọng của nhân dân thế giới"60 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, sách đã dẫn tr.251. Nhiều tác giả đã thấy trong thái độ của Chu Ân Lai (và Molotov) một ý định tác động đến cuộc tranh luận tại Quốc hội và như vậy thay thế được Bi-đôn đứng đầu đoàn đại biểu Pháp bằng một nhân vật có tinh thần hòa giải hơn (R.F.Randle, sách đã dẫn, tr.272, J.Lacouture và Ph.Devillers, sách đã dẫn, tr.205)). Về phần mình, tờ Nhân dân nhật báo nêu lên sự ngoan cố và thiếu sáng kiến của đoàn đại biểu Pháp. Tờ báo Trung Quốc nhận xét rằng đó là kết quả của sức ép của Mỹ. Nhưng dư luận ở Pháp ngày càng mong mỏi chính phủ cam kết theo con đường giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương. Tờ báo kết luận từ nay, hòa bình ở bán đảo Đông Dương tùy thuộc vào nước Pháp61 (Nhân dân nhật báo, 10-6-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Năm, 2020, 09:59:14 pm
Sự phát triển các cuộc tiếp xúc Trung-Anh và Trung-Pháp

Những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chu Ân Lai và I-đơn

Trong một vài tiến bộ đã đạt được ở hội nghị, một phần đáng kể là do nhiều sáng kiến của A.I-đơn. Rất nhanh chóng, ông đã giành được vị trí ngày càng quan trọng trong các cuộc thương lượng này. Và nếu cho tới nay, trong các cuộc họp toàn thể cũng như họp hạn chế, nền ngoại giao Trung Quốc tỏ ra khá dè dặt thì ngược lại, nó hoạt động trong các cuộc nói chuyện tay đôi được tiến hành mau lẹ giữa người Trung Quốc và người Anh.


Tuy nhiên những cuộc nói chuyện đó đã gặp khó khăn trong lúc đầu. Người ta nhớ lại Chu Ân Lai đã gặp I-đơn lần đầu tiên ngày 30 tháng 4 trong một bữa ăn tối ở nhà Mô-lô-tốp. Rồi hai người có những cuộc hội đàm mới trong những ngày tiếp theo. Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh chép lại trong hồi ký của ông ta, biên bản ghi nhanh thể hiện rõ không khí các cuộc trao đổi với thủ tướng Trung Quốc: "Thái độ của Chu Ân Lai, ít nhất trung lúc đầu hoàn toàn khác, với Mô-lô-tốp. Ông ta lạnh lùng và chống Mỹ quyết liệt và cuộc tiếp xúc đầu tiên với ông ở biệt thự của tôi, là khô khan và khó chịu. Chúng tôi trao đổi không nể nang nhau những câu nói gay gắt và thô bạo. Chính vào dịp này, ông ta bác bỏ thẳng thừng gợi ý của tôi về một cuộc ngừng bắn để di tản thương binh ra khỏi Điện Biên Phủ"62 (A.E-den, Mémoires (Hồi ký, sách đã dẫn, tr.131-132)).


Cũng chính vào dịp đó-hội nghị về Đông Dương chưa khai mạc-mà Chu Ân Lai đã bác bỏ "với một thái độ lạnh nhạt" đề nghị của Anh về việc Trung Quốc cử một đại biện ở Luân Đôn63 (Xem chương trước).


Nhưng chẳng bao lâu, thái độ của Trung Quốc đã thay đổi. Một cuộc gặp mới đã diễn ra ngày 14 tháng 5, I-đơn đã hỏi thủ tướng Trung Quốc xem ông ta có cho là đã đến lúc đưa cuộc hội nghị đi vào thương lượng thực sự chưa, sau khi các đại biểu khác nhau đã trình bày quan điểm của mình. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh còn hỏi Chu Ân Lai là ông ta nghĩ thế nào về năm câu hỏi I-đơn đặt ra tại phiên họp toàn thể ngày 12 tháng 5 ngay sau khi trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đọc tham luận64 ("1.Chúng tôi có đồng ý rằng tất cả quân đội của hai bên phải tập kết trong một vùng nhất định không? 2.Chúng ta có chấp nhận luận điểm nói rằng Lào và Campuchia ở trong một loại đặc biệt và chúng ta có đồng ý rằng lực lượng Việt Minh phải rút khỏi lãnh thổ các nước đó không?. 3.Ai sẽ quyết định vấn đề xem đâu sẽ là những vùng tập kết đối với Việt Nam? 4.Chúng ta có đồng ý rằng khi tất cả quân đội đã tập kết vào một số vùng nhất định, tất cả các đơn vị không chính quy sẽ bị tước vũ khí không? 5.Chúng ta có tán thành kiểm soát quốc tế không, nếu có thì dưới hình thức nào?").
Để trả lời, Chu Ân Lai đã nhận xét rằng việc các đoàn đại biểu khác nhau muốn trình bày công khai quan điểm của họ là điều bình thường. Rồi ông ta nhấn mạnh đến sự thật là các câu hỏi của người Anh "cố ý xem thường các vấn đề chính trị". Do đó, ông ta đã hỏi "việc quản lý dân sự các vùng lãnh thổ quân đội đối phương rút đi" có tính chất như thế nào? Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh tránh đi vào chi tiết, đã nhận xét một cách đơn giản rằng các nước lớn phải "bỏ qua những mối lo lắng có tính chất địa phương" và "không được quên những suy nghĩ về chính sách chung trong việc thảo luận vấn đề Đông Dương". Đến đây, Chu Ân Lai "nổi giận ngay tức thì"65 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Bi-đôn gửi Bộ Ngoại giao Pháp Pari, số 322-328/14-5-1954. Theo một cuộc nói chuyện cùng ngày với Harold Caccia). Một không khí căng thẳng, nhưng không vì vậy mà gây trở ngại cho một vài câu hỏi và trả lời, nghĩa là khai thông cho cuộc thương lượng.


Một cuộc gặp gỡ mới vào sáng ngày 20 tháng 5 cũng không có nhiều tính cách xây dựng hơn. A.I-đơn ghi lại: "Đến 11 giờ, Chu Ân Lai và chúng tôi đã thương lượng với nhau trong một tiếng đồng hồ. Cuộc thảo luận có thể kéo dài hơn nếu tôi không quyết định mời ông ta phát biểu. Ông ta trình bày luận điểm của ông mà không đếm xỉa đến luận điểm của người khác, và rất khó mà lay chuyển được ông ta"66 (A.E-den, Mémoires (Hồi ký) sách đã dẫn, tr.137).


Như ông ta đã làm trong phiên họp hạn chế ngày 17, trong khi ủng hộ đề nghị của Mô-lô-tốp, Chu Ân Lai thừa nhận rằng các vấn đề quân sự và chính trị có thể thảo luận tách riêng ra. Nhưng theo ông ta, điều quan trọng là ngừng bắn phải được thực hiện ở ba nước Đông Dương và có những điều khoản giống nhau. Tuy nhiên, thủ tướng Trung Quốc, trong khi thông báo rằng thỏa thuận chỉ đạt được vào buổi họp ngày hôm sau, 21 tháng 5, còn nói thêm: "sau đó, trong giải pháp chính trị người ta có thể tính đến những sự khác nhau có thể xuất hiện giữa vấn đề Việt Nam và các vấn đề khác". Sau cùng, với thái độ bớt cứng rắn hơn là trong buổi họp, Chu Ân Lai thừa nhận rằng: "các chính phủ kháng chiến Khơ-me (...) và Pathet Lào (...) có ít ảnh hưởng hơn là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa". Nhưng ông kết luận: "tuy nhiên các chính phủ kháng chiến đó (Khơ-me và Pathet Lào) vẫn tồn tại"67 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện đoàn đại biểu Pháp/số 419-422/20-5-1954, hội đàm với đồng nghiệp Mỹ và Pháp do chính E-den kể lại).


Mấy ngày sau68 (Giữa ngày 21 và 26 tháng 5) I-đơn mời Chu Ân Lai cùng vài cộng sự của ông đến ăn cơm tối. Thực tế, hai trưởng đoàn đã chú ý tránh thảo luận các công việc của hội nghị. Chu Ân Lai kể lại vài kỷ niệm về "cuộc trường chinh". Từ lúc này, không khí khác hẳn các cuộc gặp trước. Ngoài ra nhân dịp đó, thủ tướng Trung Quốc thừa nhận đã đến lúc Trung Quốc chỉ định một đại biện ở Anh giống như chính phủ Luân Đôn đã làm ở Trung Quốc ngay từ 195069 (Xem chương trước).


Ngày 27 tháng 5, đến lượt I-đơn đến thăm Chu Ân Lai. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh, "thái độ của ông ta (Chu Ân Lai) vui vẻ hơn nhiều so với các cuộc nói chuyện trước đây". Chủ yếu hai người nói về vấn đề Lào và Campuchia lúc này là trung tâm các cuộc thảo luận ở các phiên họp hạn chế và cũng là vấn đề nước Anh quan tâm trước hết, vì Anh nhìn thấy đó là một "vật cản" (từ ngữ của chính bản thân ông I-đơn) đối với sự bành trướng của cộng sản ở Nam Á (tiểu lục địa Ấn Độ) và Đông Nam châu Á (Mã Lai - Singapore) I-đơn ghi lại ngắn gọn về cuộc gặp gỡ hôm đó: "Tôi nghĩ rằng cuộc thảo luận của chúng tôi về Lào và Campuchia có thể là bổ ích"70 (A.E-den, Mémoirés (Hồi ký), sách đã dẫn, tr.141-142).


Vào thời gian đó (cuối tháng 5) các cuộc nói chuyện Trung-Anh về Đông Dương, hiển nhiên là không đưa lại yếu tố gì quyết định sự tiến bộ (có mức độ) của cuộc thương lượng. Một vài kết quả đạt được, chủ yếu là nhờ ở các cuộc gặp giữa hai đồng chủ tịch hội nghị: I-đơn và Mô-lô-tốp. Tuy nhiên ở một thời điểm mà các cuộc nói chuyện Trung-Pháp còn chưa phát triển71 (Cuộc gặp đầu tiên giữa Vương Bính Nam và Sô-ven chỉ diễn ra ngày 30-5. Xem đoạn sau), các cuộc tiếp xúc Trung-Anh đã góp phần rất nhiều đưa nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào trung tâm thật sự của cuộc thương lượng ở Giơ-ne-vơ: các cuộc nói chuyện bán chính thức giữa các trưởng đoàn ở bên ngoài các cuộc họp toàn thể hay họp hạn chế. Ngoài ra, mấy cuộc gặp đó đã dần dần khẳng định cảm tưởng của I-đơn là "sự kiên nhẫn có thể được trả giá"72 (A.E-den, Mémoires (Hồi ký), sách đã dẫn, tr.140), hay nói một cách khác, một cuộc thương lượng được tiến hành khéo léo với Trung Quốc có thể có kết quả tốt hơn là chính sách đôi khi cứng đờ mà Mỹ đang theo đuổi. Bấy nhiêu yếu tố sẽ giúp đỡ nhiều vào kết quả tích cực của hội nghị.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Năm, 2020, 10:02:32 pm
Sự phát triển các cuộc hội đàm Trung-Pháp

Cũng như người Anh, người Pháp hoàn toàn ý thức được sự cần thiết phải đưa Trung Quốc vào trung tâm của cuộc thương lượng về Đông Dương. Một trong những mục tiêu chủ yếu mà Bộ Ngoại giao theo đuổi đúng là làm cho chính phủ Bắc Kinh "cam kết không can thiệp vào các vấn đề Đông Dương"73 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Schumann gửi đoàn đại diện Pháp tại Béc-lin/Thủ tướng Laniel gửi Bi-đôn/số 725-727/2-2-1954): Mấy tuần lễ trước khi bắt đầu Hội nghị Giơ-ne-vơ, người ta cho rằng "mục đích chủ yếu của hội nghị là đưa Trung Quốc đến chỗ cam kết không dính líu vào công việc Đông Dương và chấm dứt viện trợ cho Việt Minh"74 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Dejean/Cao ủy Pháp/Sài Gòn/số 94/26-2-1954). Đầu tháng 4, người đứng đầu Chính phủ Pháp còn nhắc lại rành rành trên diễn đàn Quốc hội: "Điều kiện cần thiết của việc lập lại hòa bình ở Đông Dương là phải chấm dứt viện trợ của Trung Quốc cho Việt Minh"75 (Báo Le Monde (Thế giới) 12-4-1954). Đó là điều mà sau này tướng Na-va, để chỉ trích mạnh hơn, gọi là "tư tưởng lớn" của Bộ Ngoại giao: các nhà ngoại giao của chúng ta "tưởng rằng (...) chúng ta có thể làm cho Trung Quốc rời bỏ Việt Minh để đổi lấy một sự nhượng bộ. Khi người ta nhắc lại việc Tito đã cố tình bỏ rơi quân khởi nghĩa Hi Lạp thì đó cũng là "tư tưởng lớn" của Bộ Ngoại giao"76 (H.Na-va, sách đã dẫn, tr.293-294). Đương nhiên, những quan điểm đó đều nhắc đến những cuộc gặp riêng giữa Pháp và Trung Quốc.


Ngoài những cuộc tiếp xúc đã được móc nối ngay từ trước khi khai mạc hội nghị về Đông Dương để tìm cách giải quyết vấn đề thương binh ở Điện Biên Phủ77 (Các cuộc gặp ngày 5 và 6 tháng 5. Xem đoạn trước, chương IV), người ta còn nhớ cuộc gặp bán chính thức đầu tiên, ít nhiều quan trọng, giữa Pháp và Trung Quốc vào ngày 18 tháng 5, trong bữa cơm tối giữa Vương Bính Nam, đại tá Ghi-éc-ma chuyên viên đoàn đại biểu Pháp, Pôn Bông-cua đại sứ Pháp, tổng thư ký hội nghị và Tung Ninh Chuan phiên dịch của đoàn đại biểu Trung Quốc78 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Gặp gỡ với Vương Bính Nam, tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc"/19-5-1954. Đoạn trình bày sau đây liên quan đến cuộc gặp ngày 18 tháng 5 sẽ hoàn toàn theo bản ghi nhớ này, và sẽ không dẫn ra nữa).


Thực ra những cuộc nói chuyện đó chỉ mang ý nghĩa thăm dò và khá chung chung. Tuy nhiên ngay tại cuộc gặp đó, đại biểu Trung Quốc đã đưa ra mấy nhận xét khá có ý nghĩa soi sáng cho đoàn đại biểu Pháp trên nhiều điểm quyết định. Sau khi nhắc lại rằng Trung Quốc đã triển khai kế hoạch 5 năm lần thứ nhất từ năm ngoái, rằng cố gắng kinh tế mà kế hoạch đó đòi hỏi, hơn bao giờ hết, sẽ hướng chính sách ngoại giao của Trung Quốc vào việc giải quyết hòa bình các vấn đề quốc tế đặt ra, Vương Bính Nam muốn biểu thị khá rõ tính độc lập của đoàn đại biểu Trung Quốc, nhất là đối với đoàn đại biểu Việt Minh. Vì vậy, người cộng sự của Chu Ân Lai đã đi tới mức tuyên bố với Đại tá Ghi-éc-ma: "Chúng tôi đến đây không phải để ủng hộ quan điểm của Việt Minh mà để làm hết sức mình lập lại hòa bình". Một lát sau, ông ta cũng khẳng định với Pôn Bông-cua rằng "Trung Quốc không nhất thiết khuyến khích Việt Minh hướng hoạt động quân sự về vùng đồng bằng", một câu nói trọng yếu giữa lúc việc phòng thủ khu vực Hà Nội-Hải Phòng là mối quan tâm lớn nhất của các giới hữu trách quân sự Pháp. Phải chăng đây chỉ là sự khôn khéo ngoại giao nhằm nhấn mạnh một lần nữa rằng Trung Quốc không can thiệp vào Đông Dương hoặc ngược lại là một dấu hiệu về đường lối mà chính phủ Bắc Kinh đã định? Tiến trình say này của hội nghị sẽ chỉ ra rằng cách giải thích thứ hai có lẽ gần với thực tế hơn.


Cũng các nhà đối ngoại nói trên sẽ lại còn gặp nhau lần nữa tối 27 tháng 5 sau khi Chu Ân Lai, trong phiên họp hạn chế lúc ban chiều đưa ra đề nghị sáu điểm liên quan đến đình chỉ chiến sự79 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Cuộc nói chuyện mới với Vương Bính Nam, tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc/29-5-1954. Đoạn trình bày sau đây liên quan đến cuộc gặp ngày 27 tháng 5 sẽ viết hoàn toàn theo bản ghi nhớ này, sẽ không dẫn ra nữa). Vấn đề trao đổi gồm cả tiến trình chung của hội nghị và kế hoạch của Trung Quốc. Sau khi nhận xét rằng các đại biểu này đã có ba kế hoạch về những "vấn đề cụ thể"-của I-đơn, Bi-đôn và Chu Ân Lai80 (Đây là đề nghị ngày 8 và 24 tháng 5 của Pháp, đề nghị ngày 25 tháng 5 của Anh và đề nghị ngày 27 của Trung Quốc. Vậy phải chăng Trung Quốc không coi đề nghị ngày 10 tháng 5 của Việt Minh là một kế hoạch về "các vấn đề cụ thể"?)-Vương Bính Nam một lần nữa đã nhấn mạnh ý của ông ta muốn hội nghị "đi đến một kết luận". Cũng nói như Chu Ân Lai ở cuộc họp, Tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc họ Vương đã thừa nhận rằng "trường hợp của Việt Nam không phải giống như Pa-thet Lào và Campuchia". Đi xa hơn Bộ trưởng của ông, ông ta đã nói thêm: "Về phương diện này, lập trường của đoàn đại biểu Trung Quốc phù hợp với đoàn đại biểu Pháp". Hai người đối thoại, Pháp thấy ngay được điều khẳng định chủ yếu này, tuy nhiên cũng không làm cho Vương Bính Nam nói rõ hơn ý nghĩ của ông ta. Rồi với một "giọng nói thoải mái hơn" cuộc gặp lần trước, như Đại tá Ghi-éc-ma đã phải ghi lại,-cuộc thảo luận tiếp tục trên nhiều vấn đề khác nhau nêu ra tại các phiên họp trong mấy ngày qua. Đó là dịp mà Vương Bính Nam một lần nữa, đưa ra những nhận xét thú vị. Khi "người ta nói đến thương lượng, tức là hai bên đều có nhu cầu ngang nhau", điều này có thể hiểu là một sự xác nhận về sự mệt mỏi của Việt Minh81 (Người ta biết rằng một vài giới quân sự Pháp cho rằng Việt Minh đã hết khả năng (hoạt động) và từ đó trách cứ Chính phủ Pháp vội vàng "giải quyết bằng mọi giá". Xem H.Na-va, sách đã dẫn, tr.306-315). Hoặc các vùng tập kết "phải được xác định tùy theo hình thái bố trí lực lượng về quân sự hơn sự tán thành dễ dàng của Chu Ân Lai đối với đề nghị ngày 17 tháng 5 của Mô-lô-tốp là phải xem xét trước hết các vấn đề quân sự.


Ngày 30 tháng 5, vào cuối buổi chiều, các cuộc nói chuyện đó lại tiếp tục tại nhà riêng của tổng lãnh sự Pháp tại Giơ-ne-vơ, lần này về phía Pháp có thêm đại sứ Sô-ven dự82 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Cuộc gặp ngày 30-5"/31/5/1954. Đoạn trình bày sau đây liên quan đến cuộc gặp ngày 30-5 viết hoàn toàn theo bản ghi nhớ này và sẽ không được dẫn ra nữa. Trong cuốn Commentaire (bình luận) tr.65, Đại sứ Sô-ven với đôi chút dè dặt về sự trung thành của trí nhớ của ông ta, đã ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Chu Ân Lai, vài cộng sự của Chu, bản thân Sô-ven, đại tá Ghi-éc-ma và phiên dịch người Pháp (A.Rygasloff), nhưng chúng tôi không tìm thấy tư liệu gì về cuộc gặp này trong Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao). Nhắc đến cuộc tranh cãi ở các buổi họp giữa các đoàn khác nhau về tính chất "trung lập" của những nước sẽ được mời vào Ủy ban quốc tế kiểm soát, hai bên hướng ngay cuộc trao đổi vào vấn đề đó. Điều đó cho phép Vương Bính Nam lần đầu tiên nói rành rọt rằng theo ý kiến đoàn đại biểu Trung Quốc, phải chọn các nước trung lập ngoài những nước tham dự hội nghị. Quả thực giải pháp này có vẻ được Sô-ven chấp nhận, ông này nhân đó "nói thoáng qua rằng ông Mơ-nông (Menon) tỏ ra quan tâm đến vấn đề này". Vương Bính Nam lưu ý đến nhận xét đó nhưng nói thêm rằng chưa có vấn đề cụ thể nào được đề cập giữa đoàn của ông ta với phái viên Ấn Độ83 (Mơ-nông đến Giơ-ne-vơ ngày 23 tháng 5. Các cuộc nói chuyện Trung-Ấn liên quan đến Đông Dương sẽ được đề cập ở chương VIII nhân dịp Chu Ân Lai thăm Ấn Độ). Sô-ven kết thúc cuộc gặp mà không khí là "thẳng thắn và thông cảm", bụng bảo dạ rằng "tin chắc rằng ông Bi-đôn sẵn sàng nghe những gì ông Chu Ân Lai có thể nói với ông ta...".


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Năm, 2020, 10:03:50 pm
Thật vậy, cuộc gặp giữa hai trưởng đoàn diễn ra ngày 1 tháng 6. Bi-đôn tiếp Chu Ân Lai hết sức bí mật84 (G.La-cu-tuya và Ph.Đơ-vi-lê, sách đã dẫn, tr.206, ghi lại rằng ngay khi đứng trước những đả kích kịch liệt của Măng-đét Phrăng, Bi-đôn không bao giờ nói về cuộc gặp gỡ này. Ngoài ra ông cũng không nói đến trong hồi ký của ông. Hãng thông tấn Tân hoa xã của Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ chỉ nói đến cuộc gặp này khi đưa tin về cuộc gặp lần thứ ba ngày 17 tháng 6, giữa hai bộ trưởng. Măng-đét Phrawng xác nhận rằng trong cuộc gặp Chu Ân Lai ngày 23 tháng 6 ở Berne (xem chương VIII ở đoạn sau) ông ta không biết gì về cuộc gặp ngày 1 tháng (và cả những cuộc gặp tiếp theo) giữa Bi-đôn và Chu Ân Lai (nói chuyện với Măng-đét Phrăng ngày 3-7-1975). Điều này khá ngạc nhiên bởi vì nếu cho rằng những cộng sự của Bi-đôn (nhất là Sô-ven) đã giấu không cho Măng-đét Phrăng biết (đó là lập trường của M.Phăng) thì ít ra Măng-đét Phrăng cũng phải biết về cuộc gặp ngày 17 tháng 6 do Tân hoa xã tại Giơ-ne-vơ đưa tin. Đúng là có thể báo chí phương Tây đã hoàn toàn bỏ qua tin đó của Tân hoa xã) ở biệt thự Joli Port (cảng đẹp)85 (G.Sô-ven, sđ, tr.65, ghi lại "Ông Bi-đôn đến nhà của đồng nghiệp Trung Quốc ngày 1 tháng 6 vào lúc chập tối. Nhưng đây phải là sự lầm lẫn về trí nhớ về biên bản về cuộc gặp do phiên dịch ghi đã mở đầu như sau: "Tôi (Bi-đôn) rất biết ơn ông Chu Ân Lai đã đến nhà tôi để..." Ngược lại cuộc gặp lần thứ hai giữa hai người vào ngày 7 tháng 6 đúng là ở nhà của Chu Ân Lai sau 9 giờ tối), có Sô-ven cùng dự. Sau này, Sô-ven ghi lại về cuộc gặp gỡ đầu tiên đó:

"Tôi hơi lo ngại vì ông bộ trưởng của tôi tối hôm đó có vẻ không được khỏe. Cuộc nói chuyện mở đầu một cách chật vật. Ông Bi-đôn thản nhiên đưa ra những công thức mà ý nghĩa chưa rõ ràng và các phiên dịch phải làm việc khá vất vả. Ông tỏ ra xuất sắc hơn mọi khi. Ông bộ trưởng Trung Quốc không hiểu rõ người đối thoại của mình sẽ đi đến đâu, dù sao cũng đáp lại một cách lễ độ. Ông ta đã không có dịp gặp những nhân vật Nhà nước của Pháp ở Tua (Tours)86 (Chúng tôi đã có dịp nhận xét rằng trái với Hồ Chí Minh, Chu Ân Lai không tham dự Đại hội Tours) hay ở Bi-lăng-cua (Billancourt), ông ta có thể nghĩ rằng thủ trưởng của tôi là con người lịch thiệp"87 (G.Sô-ven, (sách đã dẫn, tr.65. Về phần mình đại sứ C.Ronning ghi lại rằng đối với Chu Ân Lai "Bi-đôn là một người rất khó hiểu", sách đã dẫn, tr.238).


Cuộc nói chuyện không vì thế mà kém đậm đà "hữu nghị", và là dịp trao đổi những câu chuyện lý thú88 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Hội đàm Bi-đôn-Chu Ân Lai, ngày 1-6-1954"/2-6-1954: Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về Hội đàm giữa trưởng đoàn Bi-đôn và ông Chu Ân Lai, ngày 1-6-1954. Đoạn trình bày sau đây liên quan đến cuộc gặp ngày 1-6 hoàn toàn sẽ viết theo hai bản ghi nhớ này, và sẽ không dẫn ra nữa). Trước hết, Chu Ân Lai nhấn mạnh mối quan tâm của Trung Quốc là tránh mọi sự mở rộng cuộc xung đột, bằng cách tố cáo những kẻ "muốn trương lên sự đe dọa". Luận điệu này, dĩ nhiên nhằm vào Mỹ, nhưng cũng có thể đả kích kín đáo chính sách của Pháp vào lúc mà, một lần nữa, người ta nói đến các cuộc thương lượng Pháp-Mỹ về khả năng Mỹ có thể can thiệp ở Đông Dương. Ba ngày trước đó, ngày 29 tháng 5, Liên hiệp quốc đã nhận được yêu cầu của Thái Lan cử quan sát viên đến điều tra tại chỗ về sự đe dọa của cộng sản ở bán đảo89 (Xem đoạn trước, chương V). Về điều này, Chu Ân Lai hết sức dứt khoát: "Chúng tôi tin là có nguy cơ can thiệp của Mỹ, sự can thiệp này chẳng có lợi gì cho Pháp cũng như cho Đông Dương và Đông Nam châu Á. Nó có hại cho an ninh của Đông Nam châu Á và của Trung Quốc, và đó là mối quan tâm của chúng tôi". Và Thủ tướng Trung Quốc kết luận: "Chúng tôi tin chắc là về phía các ngài, các ngài có thể giúp chúng tôi ngăn chặn sự đe dọa đó".


Rồi, sau nhiều lần gợi ý là đoàn đại biểu Pháp nên thảo luận trực tiếp với Việt Minh, Chu Ân Lai cố gắng làm dịu bớt quan điểm của đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cho rằng "không một bên nào cần phải dừng lại ở những giải pháp từ bỏ" và một nền hòa bình trong danh dự là có thể được, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đi đến mức khẳng định rằng: "Ông Phạm Văn Đồng không đòi hỏi giành được ở hội nghị những gì ông ta không thể giành được trên chiến trường". Câu đó có thể gần với lời lẽ của Vương Bính Nam trong buổi gặp ngày 27 tháng 5 với đại sứ Pôn Bông-cua và Đại tá Ghi-éc-ma, nói rằng "Khi người ta nói đến thương lượng tức là hai bên có nhu cầu ngang nhau".


Từ nay, thế là các cuộc nói chuyện Trung-Pháp dứt khoát được triển khai. Ngày 5 và 6 tháng 6, Vương Bính Nam lại gặp Sô-ven lần nữa. Tại cuộc gặp ngày 590 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/Bộ Ngoại giao về "Cuộc nói chuyện giữa Sô-ven và Vương Bính Nam, Tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc, 5-6-1954/7-5-1954), sau khi cho đại diện Trung Quốc biết các cuộc hội đàm tay đôi với Việt Minh dẫm chân tại chỗ, Sô-ven tìm cách hướng cuộc thảo luận vào việc lựa chọn những nước có thể lập thành Ủy ban quốc tế kiểm soát. Như hôm 30 tháng 5, đại sứ Sô-ven lại nêu ra khả năng chọn Ấn Độ. Nhưng một lần nữa, Vương Bính Nam lảng tránh và chỉ nói rằng đã có hai đề nghị được đưa ra là Liên hiệp quốc và Nhật Bản và đều không được Trung Quốc chấp nhận. Trái lại, ông ta nhấn mạnh đến ý muốn của đoàn đại biểu Trung Quốc là đi tới một sự kiểm soát toàn bộ (trên không, trên biển và trên bộ) đối với mỗi nước Đông Dương, làm thế nào để Mỹ không thể đặt một căn cứ quân sự nào ở Lào hay Campuchia.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Năm, 2020, 10:04:20 pm
Cũng những đề tài này lại được đề cập đến trong buổi gặp hôm sau91 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Cuộc nói chuyện ngày 6-6-1954 giữa đại sứ Sô-ven và ông Vương Bính Nam, Tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc"/7-6-1954). Không hơn gì hôm trước, Vương Bính Nam không phát biểu ý kiến về trường hợp Ấn Độ. Ông ta nói: "trong lúc này chúng tôi ủng hộ đề nghị Liên Xô tức là đề nghị về bốn nước trung lập. Chúng tôi cũng nghiên cứu quan điểm của ông Sô-ven và chúng tôi tin là nếu tỏ ra thực tế thì có thể tìm ra một thỏa thuận". Người ta chỉ có thể nhận xét rằng đoàn đại biểu Trung Quốc đã chậm chạp trong việc đồng tình với đề nghị của đoàn đại biểu Pháp (và cả của Anh về việc Ấn Độ tham gia Ủy ban kiểm soát, một sự chậm chạp đáng ngạc nhiên trong lúc ở Bắc Kinh cũng như ở Niu Đêli người ta nhiệt liệt chào mừng tình hữu nghị gắn bó nhân dân hai nước. Sau đó người ta đồng ý thu xếp một cuộc gặp lần thứ hai giữa Chu Ân Lai và Bi-đôn, lần này tại nhà riêng của thủ tướng Trung Quốc. Cuộc hội đàm đã kết thúc và Đại sứ Sô-ven đã ghi lại một cách văn vẻ trong cuốn "Bình luận" (Commentaire) của ông: "Trước mặt chúng tôi là ngọn núi trắng (Mont Blanc) bị mây che phủ. Lúc các vị khách của chúng tôi sắp ra về, mây tan đi và ánh mặt trời chiếu sáng lớp tuyết trên đỉnh núi. Tôi lấy cảnh đó để bày tỏ hi vọng rằng tình thế cũng sẽ biến chuyển như vậy"92 (G.Sô-ven, sđ, tr.64. Chúng tôi lưu ý rằng đại sứ đưa ra nhận xét này trong cuốn Commentaire (Bình luận) của ông về cuộc gặp đầu tiên với Vương Bính Nam (tức là ngày 30 tháng 5), trong khi câu chuyện này lại xảy ra trong cuộc hội đàm ngày 6-6-1954). Đại sứ viết thêm: "Tám năm sau, cũng ông Vương Bính Nam ấy, gặp lại cũng Đại tá Ghi-éc-ma tại hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Lào, đã nhắc lại nhận xét đó".


Ngày 7 tháng 6, Trưởng đoàn Bi-đôn gặp Chu Ân Lai lần thứ hai93 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Hội đàm Bi-đôn-Chu Ân Lai ngày 7-6-1954/8-6-1954 (biên bản phiên dịch). Đoạn trình bày sau đây liên quan đến cuộc gặp ngày 7-6 hoàn toàn viết theo hai bản ghi nhớ này và sẽ không dẫn ra nữa). Vấn đề kiểm soát lại là trung tâm cuộc thảo luận. Trong lúc Bi-đôn lại nêu Ấn Độ và nhấn mạnh sự cần thiết phải lập một ủy ban đủ sức quyết đoán. Trưởng đoàn Trung Quốc lần này cũng từ chối phát biểu ý kiến về những nước có thể tham gia Ủy ban quốc tế nhưng nhấn mạnh rằng ủy ban đó phải làm việc trên cơ sở nhất trí, và mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết. Sau đó, ông bộ trưởng Pháp tìm cách mở rộng cuộc thảo luận sang các vấn đề khác ở châu Á

"Chính phủ tôi cũng như bản thân tôi không bao giờ muốn thấy cuộc nói chuyện chỉ thu hẹp vào vấn đề Đông Dương, vấn đề đó không thể tách khỏi vấn đề chung. Chúng tôi nghĩ rằng đến lúc nào đó sẽ có một giải pháp hợp lý cho vấn đề Đông Dương (...) Tất cả mọi vấn đề khác có thể được giải quyết thích đáng khi vấn đề Đông Dương ít nhất có được giải pháp bước đầu (...) Đối với tôi cũng như đối với Chính phủ Pháp, điều đó có nghĩa là có thể có các cuộc nói chuyện chung về châu Á".


Với sự khai thông đó, người ta có thể hình dung thấy nước Pháp sẵn sàng đề cập các vấn đề khác ngoài vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương-ví dụ như vấn đề Đài Loan, vấn đề đại diện của Trung Hoa tại Liên hiệp quốc-các quan hệ tay đôi Pháp-Trung về chính trị, về kinh tế. Nhưng đối với đề nghị đó của Bi-đôn, cuối cùng trên thực tế Chu Ân Lai đã bác bỏ.


Sau khi chỉ ra rằng Triều Tiên và Đông Dương đúng là hai vấn đề châu Á cấp bách nhất cần phải giải quyết, Thủ tướng Trung Quốc nói thẳng: "Lúc đầu ở hội nghị người ta đã nói rằng đoàn đại biểu Trung Quốc đến Giơ-ne-vơ với nhiều điều kiện. Thế mà chúng tôi không đề ra một điều kiện nào. Chúng tôi chỉ đơn giản muốn có hòa bình". Câu trả lời rõ ràng: đối với Bắc Kinh, không có vấn đề chấp nhận thương lượng toàn bộ các vấn đề trong đó những chủ bài của đối phương ở Liên hiệp quốc hay ở chỗ khác có thể đối lập với chủ bài của Trung Quốc ở Triều Tiên hay ở Đông Dương. Chắc chắn là chính phủ Trung Quốc muốn nhân dịp họp hội nghị về Đông Dương tại Giơ-ne-vơ đề cập với phương Tây nhiều vấn đề khác với chủ đề của cuộc hội nghị quốc tế này. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẵn sàng thương lượng những vấn đề đó đồng thời với vấn đề Đông Dương. Ít nhất đó cũng là một trong những kết luận rút ra từ các cuộc hội đàm Trung-Pháp. Như sau này Đại sứ Sô-ven ghi lại: "Vậy phải xem xét và chỉ giải quyết riêng vấn đề của chúng ta như nó thể hiện ra trên bản đồ"94 (G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr.65. Có một điểm khác với sách của G.La-cu-tuya và Ph.Đơ-vile, sách đã dẫn, tr.221. Hai tác giả J.La-cu-tuya và Ph.Đơ-vi-le, viết: "Bi-đôn không góp hần được bao nhiêu vào việc làm cho người Trung Quốc phải nhượng bộ". Cần lưu ý rằng hai ông không biết có cuộc gặp ngày 7 tháng 6 giữa Bi-đôn và Chu Ân Lai bởi vì hai ông viết cuộc gặp ngày 17 tháng 6 là cuộc gặp thứ hai sau cuộc gặp ngày 1 tháng 6 (thực tế cuộc gặp 17 tháng 6 là cuộc gặp thứ ba mới đúng) (tr.219)).


Theo một cách nào đó, những cuộc nói chuyện Trung-Pháp cũng còn cho thấy rằng sự đe dọa can thiệp quân sự của Mỹ vào Đông Dương không có sức nặng như ở Pari người ta đã hi vọng trước khi hội nghị họp và trong giai đoạn đầu của hội nghị. Quá nhiều dấu hiệu, nhất là nhiều diễn văn của các nhân vật quan trọng ở Mỹ, cho thấy rằng nếu Oa-sinh-tơn can thiệp quân sự vào Đông Dương thì đó không phải là những tình huống mà nước Pháp mong đợi cũng như chấp nhận95 (Vấn đề này, xem R.F Randle, sách đã dẫn, tr.250 và những trang tiếp theo và G.La-cu-tuya, Ph. Đơ-vi-le, sách đã dẫn, tr.191 và những trang tiếp theo). Ít nhất đó cũng là suy nghĩ riêng của ông Bi-đôn khi điện cho Đại sứ Pháp tại Mỹ mấy ngày sau đó: "Cảm giác rút ra từ thái độ của Mỹ là, ở Pháp cũng như tại Giơ-ne-vơ, đối với người Pháp cũng như đối phương của chúng ta, mối đe dọa mà chúng ta tìm cách tác động đến Trung Quốc và Việt Minh, coi đó ít ra như một yếu tố thương lượng, là không thực tế"96 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao/điện Bi-đôn gửi Oa-sinh-tơn Pari/15-6-1954/số 8163-8178. Đến lúc này rõ ràng là Mỹ tỏ ra thận trọng về thời gian và cách thức họ muốn can thiệp. Đại sứ Pháp tại Mỹ sau khi gặp bộ trưởng Ngoại giao Đa-lét, đã viết: "Qua cuộc trao đổi ý kiến của chúng ta đã lộ rõ chính là chính phủ Mỹ chưa sẵn sàng có những cam kết kiên quyết về Đông Dương, ngay cả sau khi chúng ta đã hứa là sẽ thỏa mãn những điều kiện khác nhau mà họ đặt ra cho sự can thiệp của họ". Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Bonnet/Oa-sinh-tơn/18-6-1954/số 3660-3669). Bức điện đó viết một cách rõ ràng về tương lai như sau: "Tôi đã trả lời ông ta (Bộ ngoại giao Đa-lét) rằng tôi nghi ngờ hơn là thấy ông Mô-lô-tốp và Chu Ân Lai sẽ bị đánh lừa bởi ảo tưởng mà họ nhận thấy quá muộn, tôi cũng nghi ngờ hơn là thấy một ngày kia khi Mỹ, do không kịp thời ủng hộ chúng tôi sẽ phải lo sợ thấy phần còn lại của Đông Nam châu Á sụp đổ và sẽ không do dự nữa để hành động"). Người ta còn nhớ mấy ngày trước đó, tờ Quang minh nhật báo đã viết một cách cũng thực tế như vậy, rằng: "chính sách dùng sức mạnh" đã hoàn toàn phá sản.


Một nước Trung Quốc không muốn đưa vào không ràng buộc mật thiết với nó, một nước Mỹ không nhận cam kết gì về nguyên tắc về hành động của họ ở Đông Nam châu Á: nhất định vấn đề Đông Dương sẽ chỉ được thương lượng "như nó thể hiện ra trên bản đồ".


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 05 Tháng Năm, 2020, 10:08:47 pm
Thất bại của hội nghị bàn về Triều Tiên

Cuộc thương lượng dẫm chân tại chỗ

Tiến hành đồng thời với cuộc thương lượng về Đông Dương, hội nghị về Triều Tiên diễn ra trong tình trạng hoài nghi hoàn toàn. Người ta còn nhớ ngay từ 27 tháng 4, Bắc Triều Tiên đã đưa ra một kế hoạch "lập lại nền thống nhất quốc gia" mà Chu Ân Lai đã hoàn toàn ủng hộ trong hai bản tham luận ngày 28 tháng 4 và 3 tháng 5, còn Đa-lét thì ngược lại bác bỏ ngay lập tức97 (Xem đoạn trước, ở chương IV).


Nhìn bề ngoài, hai phe đối lập nhau ít nhất về hai vấn đề quan trọng hàng đầu: tổng tuyển cử để thống nhất đất nước và quân đội nước ngoài rút khỏi Triều Tiên. Về điểm đầu, Mỹ và Nam Triều Tiên kiên quyết bám giữ chủ trương chỉ hỏi ý kiến nhân dân ở miền Bắc dưới sự kiểm soát của Liên hiệp quốc, tương tự như đã tiến hành nhiều lần ở miền Nam. Thực tế Oa-sinh-tơn và Hán Thành loại trừ việc tổ chức lại tuyển cử ở miền Nam vì ở đây tuyển cử đã được tổ chức đều đặn dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc. Theo họ thì làm như vậy là xâm phạm đến uy tín và quyền lực của tổ chức Liên hiệp quốc. Còn Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thì đề nghị tổ chức tổng tuyển cử ở cả hai miền vì theo Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, chỉ có tổng tuyển cử như vậy mới thành lập được Quốc hội và Chính phủ thống nhất; việc kiểm soát tuyển cử, theo kế hoạch của Bắc Triều Tiên, sẽ do một ủy ban toàn Triều Tiên gồm đại biểu của hai bên Triều Tiên bảo đảm. Còn về việc rút quân đội nước ngoài, phía Trung-Triều đề nghị việc đó phải hoàn toàn và đồng thời, trong khi phía Mỹ-Nam Triều Tiên từ chối mọi sự so sánh ngang nhau giữa quân đội Liên hiệp quốc và quân xâm lược Trung Quốc, ngược lại họ đòi quân Trung Quốc phải rút trước khi tuyển cử98 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/đoàn đại biểu Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Hội nghị Giơ-ne-vơ về Triều Tiên"/25-6-1954, tr.3-5).


Thực ra, những lập trường nguyên tắc đó có lẽ che giấu ý muốn của hai phe là giữ nguyên trạng. Đó chủ yếu là tinh thần của Bộ Ngoại giao Pháp:

"Có thể coi như chắc chắn rằng người Nga và người Trung Quốc không bao giờ chấp nhận vùng của ông Lý Thừa Vãn kéo dài đến sông Áp Lục. Việc họ tích cực thúc đẩy công cuộc xây dựng lại nền công nghiệp ở Bắc Triều Tiên không để lại chút nghi ngờ gì về quyết tâm của họ đối với vấn đề đó. Mục tiêu của họ hình như là muốn có thời gian xả hơi để xây dựng có kết quả nước Cộng hòa nhân dân phồn vinh trở thành một cực hấp dẫn đối với miền Nam quá đông dân và đang ở tình trạng mất cân đối về kinh tế (...)"99 (Như trên, tr.12-13).


Trong suốt tháng 5, các diễn văn của các đoàn đại biểu nối tiếp nhau, nhiều khi không đem lại một yếu tố tiến bộ nhỏ nhất nào. Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7, cuộc hội nghị về Đông Dương khai mạc ngày hôm sau: hiển nhiên là sự chú ý của các "nước lớn" không còn hướng vào cuộc thương lượng về Triều Tiên, mà ngay từ đầu không một ai chờ đợi ở đó một kết quả thật tích cực nào100 (C.Ronning xác nhận về thái độ của Chu Ân Lai (sách đã dẫn, tr.237). Ngược lại, đại sứ Canada ghi lại một cách hoàn toàn bất ngờ ở trang đầu rằng ngay từ đầu Hội nghị, Chu Ân Lai đã hy vọng giành được một hiệp ước hòa bình ở Triều Tiên (sách đã dẫn, tr.236)).


Tuy nhiên, Trung Quốc không thể chấp nhận kết thúc Hội nghị trong thất bại hoàn toàn sau nhiều tháng dòng cho rằng những hành động của Liên hiệp quốc không đem lại điều gì tốt đẹp, Trung Quốc buộc phải chứng tỏ rằng một hội nghị năm nước "lớn" với sự có mặt của Trung Quốc, có thể giải quyết một vài vấn đề. Từ đó loại trừ cả giả định về một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên, trong thâm tâm Trung Quốc không thể chấp nhận được rằng cuộc thương lượng ở Giơ-ne-vơ kết thúc một cách hoàn toàn tiêu cực101 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ 25-6-1954 dẫn ra ở trên, tr.10).


Hình như chính lý lẽ đó đã khiến cho Chu Ân Lai ngay từ phiên họp ngày 22 tháng 5, đưa ra một đề nghị đầu tiên để tránh cho hội nghị sa lầy quá rõ ràng. Ông ta tuyên bố:

"Cuộc hội nghị này đã được triệu tập để tìm các biện pháp khác (hơn là những nghị quyết phi pháp của Liên hiệp quốc) nhằm đi đến một giải pháp hợp lý cho vấn đề. Chúng ta không được để hội nghị kéo dài sự bế tắc hiện nay. Như một vài đại biểu đã nhấn mạnh, không phải là không thể tìm ra được một miếng đất thỏa hiệp cho một giải pháp hòa bình về vấn đề Triều Tiên"102 (Ban thư ký hội nghị Giơ-ne-vơ/Triều Tiên/Văn kiện số 27/22-5-1954/ "Diễn văn Chu Ân Lai, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", tr.5).


Rồi, sau khi tố cáo dài dòng vai trò của Liên hiệp quốc trong chiến tranh Triều Tiên, vai trò làm cho tổ chức đó từ nay không thể "giải quyết vô tư vấn đề Triều Tiên", thủ tướng Trung Quốc đề nghị thành lập một "ủy ban kiểm soát gồm các nước trung lập" có nhiệm vụ "kiểm soát tuyển cử trên toàn bộ nước Triều Tiên"103 (Ban thư ký hội nghị Giơ-ne-vơ/Triều Tiên/Văn kiện số 28/22-5-1954/ "Đề nghị của đoàn đại biểu Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 22-5-1954" Xem thêm Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ/điện số 450 và 452/22-5-1954). Những nước nói trên sẽ do chính hội nghị này chỉ định.


Tóm lại, Trung Quốc gợi ý thành lập một cơ quan như loại đang hoạt động giám sát thi hành hiệp định đình chiến ở Triều Tiên104 (Ủy ban các nước trung lập gồm đại biểu Thụy Điển, Thụy Sĩ, Ba Lan và Tiệp Khắc. Điều 37 của hiệp định đình chiến ngày 27 tháng 7 năm 1953. báo cáo về kết quả công tác của Ủy ban trung lập ở Triều Tiên đã làm được và khả năng về một giải pháp tương tự ở Đông Dương đăng trong Nhân dân nhật báo ngày 11-6-1954), hoặc như loại Liên Xô đề nghị ngày 14-5 để kiểm soát thi hành hiệp định sắp tới về Đông Dương, và bản thân Chu Ân Lai đã nhắc lại trong đề nghị ngày 27 tháng 5105 (Xem đoạn trên). Sự nhượng bộ của Trung Quốc-vì đây chính là sự nhượng bộ-chắc chắn không phải là đáng kể. Mỹ không chấp nhận cách giải quyết này vì kinh nghiệm của ủy ban kiểm soát ở Triều Tiên là một thất bại hoàn toàn. Đề nghị của Trung Quốc không hề đem lại một nhân tố nào làm cho cuộc thương lượng thực sự tiến triển. Nhưng nó cũng thể hiện mối lo lắng của Trung Quốc tránh cho hội nghị khỏi bế tắc rõ rệt. Trong phiên họp ngày 5 tháng 6, Chu Ân Lai nhắc lại gần như từng chữ những điều ông ta đã nói ngày 22 tháng 5: "Trên thực tế có thể tìm ra một miếng đất thỏa hiệp chung để giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên". Và để chứng minh rằng hội nghị năm nước không thể đánh dấu bằng sự thất bại, ông kết luận: "Chúng ta không có quyền làm thất vọng sự mong đợi của nhân dân tất cả các nước"106 (Ban thư ký Hội nghị Giơ-ne-vơ/Triều Tiên/Văn kiện số PPV 13/7-6-1954/Biên bản tốc ký tạm thời (không chính thức) của phiên họp toàn thể thứ 13 ở Lâu đài các dân tộc tại Giơ-ne-vơ ngày thứ bảy 5 tháng 6 năm 1954, hồi 15g05, tr.15 và 20. Xem thêm Nhân dân nhật báo ngày 1 tháng 6 năm 1954. Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ 3-6-1954. Toàn văn tuyên bố ngày 5-6 của Chu Ân Lai trong tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ ngày 5 tháng 6-1954. Cùng ngày tại Bắc Kinh, 14 tổ chức Thiên chúa giáo ra thông cáo ủng hộ hoạt động của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 5-6-1954)).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 06:33:52 am
Trung Quốc thất vọng sau khi Mỹ cắt đứt đàm phán

Tuy vậy, cùng ngày 5 tháng 6 đó, ủy ban "16 nước" họp một phiên quyết định trong đó đại biểu Mỹ nói thẳng thừng rằng chính phủ ông không còn mong đợi một kết quả nào của hội nghị. Theo B.Xmit nếu chính nguyên tắc về thẩm quyền của Liên hiệp quốc trong việc thống nhất Triều Tiên không được cộng sản thừa nhận, thì an ninh tập thể cũng chẳng đi đến đâu. Mỹ không thể nhân nhượng về điểm đó, theo con mắt của họ, là một điểm căn bản. Nếu các cường quốc phương Đông không nhượng bộ thì chỉ còn cách kết thúc cuộc thương thuyết. Mặc dù một vài đoàn đại biểu tỏ ý ngập ngừng-như đoàn Canada chẳng hạn-sự quyết định của Mỹ là không thể đảo ngược. Một tuần sau, Mỹ còn chính thức thông báo cho từng đoàn đại biểu về quuyết định của mình107 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ/Bộ Ngoại giao về vấn đề "Hội nghị Giơ-ne-vơ về Triều Tiên"/25-6-1954. tr.9).


Người Liên Xô, người Trung Quốc và người Bắc Triều Tiên càng thấy rõ hơn thái độ cứng rắn của Mỹ vì trong những ngày đầu tháng 6 này, cuộc thương lượng về Đông Dương cũng đang gay go108 (Phiên họp hạn chế ngày 4-6 và các phiên họp toàn thể ngày 8 và 9-6. Xem đoạn trước nói về thái độ của Trung Quốc. Xem tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 7-6-1954. Quang minh nhật báo cùng ngày). Vì vậy nhằm tránh mọi sự tan vỡ thô bạo chỉ có hại cho chính sách của họ, ba đoàn đại biểu xã hội chủ nghĩa cố gắng cứu vãn tình hình bằng cách đưa ra những nghị quyết ấn định ít nhất một số nguyên tắc căn bản để tạm thời tránh né các vấn đề cụ thể. Ngày 5 tháng 6 theo tinh thần đó, Liên Xô đưa một văn kiện đầu tiên gồm năm điểm trong đó không từ bỏ những luận điểm mà Mô-lô-tốp cho tới nay vẫn bênh vực, nhưng "xem xét bổ sung" những điểm ứng dụng tranh cãi nhất109 (Ban thư ký Hội nghị Giơ-ne-vơ/Triều Tiên/Văn kiện số 37/5-6-1954/ "Đề nghị của V.M.Mô-lô-tốp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô ngày 5-6-1954").


Ủng hộ sáng kiến của Liên Xô và tỏ ra hết sức lạc quan, Chu Ân Lai trong phiên họp ngày 11 tháng 6, một lần nữa, cố gắng thuyết phục hội nghị rằng có thể đi tới một thỏa thuận:

"Trong quá trình thảo luận về việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên, chúng ta đã đi đến nhất trí về nhiều điểm (sic). Không có lý dõ gì để không tiếp tục (...) (Nếu đại biểu Mỹ) cho rằng hội nghị không còn cần tiếp tục công việc nữa, chúng tôi không thể tán thành ý kiến đó. Chúng tôi cho rằng dư luận thế giới cũng không cho phép như vậy"110 (Ban thư ký Hội nghị Giơ-ne-vơ/Triều Tiên/Văn kiện PPV 15/16-6-1954/biên bản tốc ký tạm thời (không chính thức) về phiên họp toàn thể lần thứ 14 ở Lâu đài các dân tộc tại Giơ-ne-vơ, thứ sáu 11-6-1954 hồi 15g05, tr.7. Xem thêm Nhân dân nhật báo 8-6-1954, tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 11-6-1954).


Nhưng từ lúc này, hiển nhiên là hội nghị bế tắc hoàn toàn111 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 11-6-1954). Ngày hôm sau, 12 tháng 6, các nước đồng minh của Mỹ được chính phủ Oa-sinh-tơn thông báo cho biết Mỹ muốn chấm dứt cuộc thương lượng.


Cuộc họp cuối cùng về Triều Tiên diễn ra ngày 15 tháng 6112 (Nhắc lại rằng ngay buổi sáng hôm đó, trong một buổi gặp thứ hai với người Mỹ, Vương Bính Nam đã chấp nhận quân nhân và thường dân (Mỹ) còn bị giam giữ ở Trung Quốc được liên lạc với gia đình qua Hội chữ thập đỏ Trung Quốc. Xem lại chương V. Về phiên họp 15-6, Xem C.Ronning (sách đã dẫn), tr.231, 235). Do I-đơn làm chủ tọa, buổi họp bắt đầu bằng một bài diễn văn dài dòng của đại biểu Cộng hòa nhân dân Triều Tiên, Nam Nhật, kết thúc bằng một đề nghị hội nghị thông qua một văn kiện sáu điểm "nhằm đảm bảo các điều kiện hòa bình ở Triều Tiên"113 (Ban thư ký Hội nghị Giơ-ne-vơ/Triều Tiên/Văn kiện số PPV 15/16-6-1954/biên bản tốc ký tạm thời (không chính thức) của phiên họp toàn thể thứ 15 ở lâu đài các dân tộc ở Giơ-ne-vơ, thứ ba 15-6-1954, hồi 15g05, tr.6-7).


Thế là lộ rõ ý chí kiên quyết của các nước cộng sản muốn hội nghị thông qua một nghị quyết chung có thể xoa dịu dư luận quốc tế về hậu quả của một thất bại quá rõ ràng. Sau đó, Chu Ân Lai kế tiếp Nam Nhật nhắc lại một lần nữa rằng "không có một lý do gì để hội nghị này không tiếp tục công việc"114 (Như trên, tr.7). Nhằm mục đích đó Trung Quốc đề nghị họp hạn chế giữa bảy nước, Trung Quốc, Liên Xô, Anh, Mỹ, Pháp, Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên để xem xét các biện pháp củng cố hòa bình ở Triều Tiên115 (Như trên, tr.11. Tuyên bố của Chu Ân Lai, Xem tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 15-6-1954). Tiếp theo, Mô-lô-tốp gợi ý, một cách đơn giản hơn nữa, thông qua một thông cáo tuyên bố ngắn gọn rằng: "các nước tham dự hội nghị Giơ-ne-vơ thỏa thuận rằng, trong khi chờ đợi một giải pháp cuối cùng cho vấn đề Triều Tiên trên cơ sở thành lập một nước Triều Tiên thống nhất độc lập và dân chủ, không được có một hành động nào có thể đe dọa việc giữ gìn hòa bình, ở Triều Tiên (...)"116 (Như trên, tr.19).


Đây là lần đầu tiên, các đoàn đại biểu cộng sản bộc lộ rõ rệt như vậy cái thế rút lui của họ: xác nhận nguyên trạng Triều Tiên, và buộc "16 nước" phải chịu trách nhiệm về việc không giải quyết vấn đề Triều Tiên. Bởi vậy các đoàn đại biểu Liên Xô, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đã thất vọng to lớn khi Hoàng thân Wan, đại biểu Thái Lan, thay mặt "16 nước" đọc một bản tuyên bố chung khẳng định rằng "thật là vô ích nếu hội nghị tiếp tục xem xét vấn đề Triều Tiên"117 (Như trên, tr.32-33).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 06:40:11 am
Một lần nữa, Chu Ân Lai tìm cách cứu vãn tình hình bằng cách đưa ra một đề nghị cuối cùng để các đoàn đại biểu thông qua:

"Các nước tham gia hội nghị Giơ-ne-vơ thỏa thuận tiếp tục cố gắng nhằm đi đến một giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên trên cơ sở xây dựng một nước Triều Tiên thống nhất độc lập và dân chủ. Địa điểm và thời gian nối lại các cuộc đàm phán sẽ được các nước hữu quan quyết định riêng từng nước bằng con đường thương lượng"118 (Như trên, tr.40).


Một lát sau, khi trả lời câu hỏi của Spác (Spaal), đại biểu Bi, trưởng đoàn Trung Quốc nói thêm rằng nếu đề nghị không được chấp nhận, "thì đó là một kinh nghiệm cay đắng đối với sự tham gia đầu tiên của ông vào một hội nghị quốc tế (...)"119 (Như trên, tr.45. Tường thuật của Trung Quốc còn kể lại một cách tẻ nhạt hơn nữa rằng Hội nghị bác bỏ đề nghị đó thì "việc từ chối thương lượng và hòa giải sẽ có ảnh hưởng rất xấu đối với các cuộc Hội nghị quốc tế" (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 15-6-1954)).
Kinh nghiệm cay đắng bởi vì, trước sự phủ quyết của Mỹ, theo đề nghị của I-đơn, người ta đành đưa dự thảo tuyên bố của Trung Quốc và Liên Xô vào biên bản hội nghị120 (Như trên, tr.51. Bình luận chi tiết về cuộc họp ngày 15 tháng 6, trong Nhân dân nhật báo ngày 20-6-1954. Về phản ứng của Trung Quốc, xem thêm Quang minh nhật báo/19-6-1954 (xã luận)). Lúc đó là 20g40. Đại sứ Sô-ven ghi lại giờ phút quyết định đó như sau: "Người Mỹ đã phá đám (cuộc thảo luận) một cách trơ trẽn. Tôi còn nhớ, bằng một động tác mạnh và tiêu cực của cánh tay, B.Xmít cắt ngang bài diễn văn hòa giải của Xpác. Cả Chu Ân Lai cũng không quên. Năm 1965, ở Bắc Kinh ông còn nhắc lại với tôi: "Ông còn nhớ cánh tay của ông (B.Xmit) chứ? Tôi muốn tất cả các nhà báo trên thế giới đều nhìn thấy cánh tay ấy"121 (G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr.48. Ở đây tác giả kể tên Đa-lét thay cho P.Smith, nhưng không thể coi/là lầm lẫn, bởi vì trang sau (tr.49) ông viết: Ông Đa-lét rời Giơ-ne-vơ ngày 3 tháng 5).
Trong phiên họp cuối cùng đó, Chu Ân Lai đã chiếm được ưu thế rõ rệt và đã đưa ra đề nghị của ông với "một nghệ thuật cao"122 (J.Guillermaz, Le Parti communiste chinois au pouvoir (Đảng cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền), sách đã dẫn, tr.172, chú thích 2). Nhưng tuy vậy vẫn thất bại. Đại sứ C.Ronning viết: "Người đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc bị xúc động mạnh và hơi run run"123 (C.Ronning, sách đã dẫn, tr.233). Sô-ven ghi lại "Trung Quốc ở đó, với tư thế là một cường quốc và đại diện của nó khao khát thể hiện điều đó (...)". Người Mỹ (...) có được vai trò mà chính ông ta (chỉ Chu Ân Lai-N.D.) muốn có"124 (G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr.60). Bình luận về buổi chiều "không thể quên được" đó, tạp chí Trung hoa nhân dân (People's China) kết luận: "Không có gì có thể xóa được các sự việc đã khắc sâu trong trái tim mọi người"125 (People's China, số 14, 16-7-1954).


Theo con mắt của Bắc Kinh, cuộc họp đó phải chứng tỏ trước dư luận thế giới rằng các vấn đề châu Á có thể dễ dàng giải quyết bằng một cuộc hội nghị năm nước lớn hơn là tổ chức Liên hiệp quốc do chính phủ Oa-sinh-tơn giật dây. Thất bại hiển nhiên của cuộc thương lượng đã hoàn toàn lật ngược lại mục tiêu đó. Trung Quốc không thể tha thứ việc bôi đen sự gia nhập của mình vào thế giới như vậy. Và rồi, mai đây, hội nghị về Đông Dương cũng có nguy cơ bị tan vỡ do sức ép của Mỹ nữa không?126 (Dù sao, đó là tình cảm của E-den (A.Eden), sách đã dẫn, tr.146).


Vậy thì phải chăng lúc này là thuận lợi để có một vài nhượng bộ về vấn đề Đông Dương? Ví dụ, chấp nhận rõ ràng như các đoàn đại biểu Anh và Pháp đòi hỏi từ hàng tuần nay, là vấn đề Lào và Campuchia sẽ không giải quyết trên cùng một bình diện như vấn đề Việt Nam? Một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Pháp đã kết luận rõ ràng theo hướng đó: "Trong khi tỏ ra không sẵn sàng để hội nghị  kéo dài, cũng không nhận một nghị quyết bề mặt nào để che giấu sự bất đồng căn bản, các nước đồng minh chắc chắn đã không quên tác động vào thái độ của khối cộng sản đối với vấn đề Đông Dương"127 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Đoàn đại biểu Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Hội nghị Giơ-ne-vơ về Triều Tiên"/25-6-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 06:49:13 am
PHẦN THỨ BA
ÁP ĐẶT NHỮNG NGUYÊN TẮC
CÙNG TỒN TẠI TRONG HÒA BÌNH


CHƯƠNG VIII
TRUNG QUỐC TRIỂN KHAI LẠI CUỘC
THƯƠNG LƯỢNG VỀ CAMPUCHIA VÀ LÀO


Về chủng tộc, tôn giáo, tiếng nói và văn hóa, nhân dân hai nước này chủ yếu khác với nhân dân Việt Nam. Những kẻ xâm lược Việt Minh không chỉ vượt qua một biên giới chính trị. Họ đã vượt qua biên giới ngăn cách hai nền văn minh lớn của châu Á, văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa.
(A.I.đơn, Giơ-ne-vơ, 10-6-1954)


Nếu người Trung Quốc coi thất bại của cuộc thương lượng về Triều Tiên ngày 15 tháng 6 như một sự kiện quan trọng của hội nghị thì các đoàn đại biểu khác cũng giải thích việc đó như một yếu tố quyết định tương lai các cuộc thương lượng về Đông Dương. Hơn bao giờ hết, thái độ do dự có nhiều ẩn ý của Mỹ cũng như lập trường cứng rắn của cộng sản đã bộc lộ công khai. Hiển nhiên rằng từ nay phải lựa chọn giữa sự đối chọi vô ích có thể dẫn tới tan vỡ bất cứ lúc nào và việc tìm kiếm một sự thỏa hiệp có thể chấp nhận được với tất cả các bên. Nhưng cách giải quyết sau đòi hỏi một trong những đoàn đại biểu phải chủ động thúc đẩy các cuộc thảo luận tiến triển trở lại bằng cách đưa ra những đề nghị mới.
Diễn biến chính trị ở Pháp đã củng cố thêm cảm giác không chắc chắn đó. Phái đoàn quân sự do tướng Ê-ly cầm đầu sang Đông Dương ngay sau thất bại Điện Biên Phủ, đã trở về Pari ngày 25 tháng 5 và đã tường trình trước ủy ban Quốc phòng ngày 26. Việc lộ tin tức ra ngoài tiếp sau cuộc họp bí mật đó, đã gây nên việc từ chức vào ba ngày sau của Mac Giắc-kê (Marc Jacquet), Quốc vụ khanh về các quốc gia liên kết. Ngoài ra, để đối phó với tình hình quân sự sa sút trên chiến trường , ngày 28 tháng 5, chính phủ đã quyết định gọi nhập ngũ một số quân trù bị và gửi thêm quân tiếp viện sang Đông Dương. Sau cùng ngày 2 tháng 6 tướng Ê-ly đã được chỉ định làm cao ủy Đông Dương thay thế Đờ-Giăng (Dêjean) và tướng Na-va. Ê-ly đã nhận chức ngày 6 tháng 6.


Trong khi đó tình hình ở Quốc hội đã không ngừng xấu đi. Thái độ của Bi-đôn tại Giơ-ne-vơ mà phái đoàn đã chê trách là không thật sự mong muốn hòa bình, bị chỉ trích ngày càng mạnh ở hai viện. Nhất là Măng-đét Phrăng đã kết tội ông Bộ trưởng là chơi "một ván bài quá tồi"1 (Công báo "Thảo luận tại Quốc hội" 10 tháng 6 năm 1954, tr.2851, (phiên họp ngày 9-6-1954)). Bị thiểu số lần đầu đêm 9 rạng ngày 10 tháng 6, chính phủ La-ni-en (Laniel) cuối cùng bị đổ ngày 122 (Khó mà nghe theo Thủ tướng La-ni-en khi ông này viết rằng giải pháp cho cuộc xung đột ở Đông Dương "thật sự đã có từ 12 tháng 6" J.Laniel, Jours de gloire et jours cruels (Những ngày vinh quang và những ngày cay độc), sách đã dẫn, tr.286). Hai ngày sau, Tổng thống Cô-ty (Coty) đã giao cho Măng-đét Phrăng nhiệm vụ lập nội các mới. Ngày 14 và 15 tháng 6 trong lúc hội nghị về Triều Tiên đang hấp hối, Thủ tướng mới chưa được Quốc hội tấn phong sẽ chỉ được tấn phong vào đêm 17 rạng 18 đã bắt đầu nghiên cứu hồ sơ về Đông Dương3 (Về phản ứng của Trung Quốc đối với việc chỉ định Măng-đét Phrăng, xem đoạn sau. Về bối cảnh chính trị nước Pháp vào giữa tháng 6, Xem G.La-cu-tuya và Ph.Đơ-vi-le, sách đã dẫn, tr.203 và tiếp theo Guy le Chambre, kế tục Frederic Dupont ở Bộ các Quốc gia liên kết và tướng Koenig thay René Pléven ở Bộ Quốc phòng, Măng-đét Phrăng nắm Bộ Ngoại giao).


Việc có một nhân vật mới đã từng nhiều lần khẳng định lại ý chí làm mọi việc để có hòa bình lên làm thủ tướng chính phủ Pháp cũng như đòn tối hậu của Mỹ giáng vào cuộc thương lượng về Triều Tiên đã thay đổi sâu sắc sân khấu Giơ-ne-vơ trong hai ngày. Có một bước xuất phát mới. Lần này Chu Ân Lai có lẽ ở hàng đầu. Không đầy 24 giờ sau khi hội nghị về Triều Tiên kết thúc, ông ta đã chọn thời điểm này để triển khai trở lại cuộc thương lượng về Đông Dương, đưa ra một đề nghị cốt tử về Lào và Campuchia là nơi đã khá rõ là tình hình không thể hoàn toàn nhập cục với tình hình ở Việt Nam.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 06:51:03 am
Vị trí của Lào và Campuchia trong vấn đề Đông Dương

Một thế giới căn bản khác với tổng thể Trung-Việt


Chỉ là do mệnh lệnh của bộ máy cai trị thuộc địa Pháp mà hai "nước này đã cùng với Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ-tóm lại là Việt Nam-thành một Liên bang". Nhưng không có gì hoặc gần như thế, nếu không phải là địa lý, đã làm các miền lãnh thổ đó gần gũi nhau. Đường ranh giới các nước đó, đồng thời là biên giới chính trị, thực sự là biên giới văn hóa. Một bên là Việt Nam, từ lâu chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, trong tâm hồn của họ thuộc về thế giới nho giáo và nền văn minh chữ nho, (chữ viết cấu tạo bằng các nét thể hiện một ý niệm, một hình tượng-N.D). Bên kia, trái lại là những vương quốc, từ nhiều thế kỷ qua đã là những khuôn mẫu có tính chất Ấn Độ.


Chắc chắn rằng Lào, Campuchia, cũng như các Nhà nước trước đó trong quá trình lịch sử, đã duy trì những mối quan hệ đôi khi thân thiết với Trung Quốc. Một số yếu tố trong nền văn minh hai nước đó-thường là những yếu tố vật chất, là từ Trung Quốc sang. Ngoài ra, cả hai nước Lào và Campuchia đã từng triều cống Trung Hoa. Lệ triều cống ở Campuchia kéo dài đến thế kỷ XV, còn ở các lãnh địa Lào, đến lúc sắp trở thành thuộc địa của Pháp. Không thể chối cãi được rằng trước đây, trong nhều thế kỷ qua, hai nước đó là những yếu tố quan trọng của nền hòa bình mà Trung Quốc cố gắng kiểm soát trên biên giới của mình bằng hệ thống triều cống. Và việc đi tìm một "nền hòa bình kiểu Trung Quốc" ở Đông Nam châu Á-bán đảo, theo một cách nào đó là được che giấu kỹ bên trong thái độ của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ4 (Muốn biết quan niệm cổ truyền của Trung Hoa về quan hệ với các nước triều cống có ảnh hưởng ra sao đến mối quan hệ Trung-Lào hiện nay, xem ChaeJin Lee, Communist China Toward Laos; Acase Study 1954-1957 (Trung Hoa cộng sản đối với Lào) (Lawarence), Trường Đại học KANSAS 1970, tr4.6). Nhưng không bao giờ giữa hai nước đó và Trung Quốc có một sự "tương đồng", mà chúng tôi đã nhấn mạnh khi nói về Việt Nam5 (Xem chương 1 (tương đồng tạm dịch từ chữ "correspondance" trong nguyên bản N.D), chỉ có thể hiểu được giữa hai nước cùng theo Nho giáo. Không bao giờ Campuchia và Lào tham gia vào trật tự Trung Hoa với cùng danh nghĩa như Đại Việt trong nhiều thế kỷ trước, hay như nước Việt Nam ngày nay. Tất cả những đặc điểm có ý nghĩa của văn minh đã gắn liền hai nước đó với thế giới Ấn Độ hóa. Tôn giáo-Phật giáo "tiểu thừa" theo truyền thống Pa-li chứ không phải là "đại thừa" theo truyền thống phạm ngữ như ở Trung Quốc-chữ viết, từ vựng bác học, những đề tài văn học, luật học, quan niệm và tổ chức Nhà nước, đã khiến cho hai nước đó là những bộ phận hợp thành của "Ngoại Ấn". Hầu như không có cái gì thuộc cốt lõi thực chất của nền văn minh của họ phỏng theo mẫu mực Trung-Việt.


Các đại biểu Campuchia và Lào tại hội nghị cũng đã nhiều lần nhấn mạnh điều đó, đôi khi với một giọng thống thiết. Để dẫn chứng sau đây là trích tham luận của Tep Phan đại biểu Vương quốc Khơme tại một phiên họp hạn chế thảo luận về việc tách riêng vấn đề Lào và Campuchia.Việt Minh là xa lạ với Campuchia về dân tộc, nòi giống và hệ tư tưởng. Về nòi giống, người Việt Nam là con cháu của một giống người bản địa ở nam Trung Quốc di cư xuống Đông Dương, họ thuộc văn minh Trung Hoa trong khi người Campuchia là thuộc văn minh Ấn Độ6 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, sách đã dẫn, tr.107 (phiên họp ngày 18 tháng 5)). A.I-đơn, vốn rất quan tâm đến các vấn đề của hai nước này, đã nhân cơ hội thuận lợi nhấn mạnh về tình hình đó.


"Về nòi giống, tôn giáo, tiếng nói và văn hóa, nhân dân hai nước này chủ yếu khác với nhân dân Việt Nam. Những kẻ xâm lược Việt Minh đã không phải chỉ vượt qua một biên giới về chính trị, họ đã vượt qua biên giới ngăn cách hai nền văn minh ở châu Á, văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa"7 (Như trên, tr.268 (phiên họp ngày 10 tháng 6) Xem thêm A.Eden, Mémoires, (Hồi ký) sách đã dẫn tr.87).


Từ cuối thế kỷ XIX, đúng là sự thống trị thuộc địa do Pháp áp đặt một cách nhất loạt đối với ba nước Đông Dương đã đưa ba nước này tiến triển theo những nhịp độ gần giống nhau trong cùng một thể thống nhất. Ngoài ra, còn có đặc điểm là chính Đảng cộng sản do Hồ Chí Minh thành lập năm 1930, được gọi là Đảng cộng sản "Đông Dương" chứ không phải là "Việt Nam", và những tham vọng cách mạng của Đảng đó không bao giờ chỉ giới hạn ở Việt Nam mà thôi. Đại biểu Lào Phui Sananikone đã nhắc lại điều đó một cách cả quyết: Việt Minh đang lặp lại khái niệm thực dân về một thể Đông Dương. Rất dễ thấy trong đó bằng chứng về những mưu đồ đế quốc chủ nghĩa của họ8 (Như trên, tr.120 (phiên họp ngày 19 tháng 5). Xem thêm những lời kết tội rất nghiêm khắc của Sisouk na Champassak đối với chủ nghĩa đế quốc Việt Nam, là chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa nối dài ở Đông Dương. Tempête sur le Laos (Bão táp bên đất Lào) Pari, La Table Ronde 1961, tr.29-30. Cũng nên xem Arthur J.Dommen, Conflict in Laos; The Politics of Neutralization (xung đột ở Lào; chính sách trung lập hóa). New York Praeger 1971, tr.71-72 và tr.318 và những trang tiếp theo).


Nhưng mặc dù những mối liên hệ liên bang áp đặt lên ba nước, riêng Campuchia và Lào đã không đi theo con đường hoàn toàn giống Việt Nam, phải chăng vì sự phát triển kinh tế thực dân bao giờ cũng tuyệt đối chậm chạp ở phía tây hơn là phía đông dãy Trường Sơn. Chẳng hạn như ở Campuchia và Lào, thực tế là đến năm 1945 không có một phong trào dân tộc quan trọng nào trong khi đó ở Việt Nam phong trào dân tộc đã có bốn chục năm lịch sử.  Về điểm này điều nhận xét có ý nghĩa là ảnh hưởng Trung Quốc dù sâu sắc đối với Việt Nam (dù là ở cánh hữu-Quốc dân đảng, hay cánh tả-Đảng cộng sản) nhưng lại không có tiếng vang gì ở hai nước khác ở Đông Dương, nên không phải là trong nội bộ thiểu số người Hoa hay người Việt ở những nước đó.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 06:52:13 am
Ngay từ khi Nhật Bản thua trận năm 1945, tại Vương quốc Lào xuất hiện một phong trào "nước Lào tự do" (Lao Issara) do Hoàng thân Phetsarath, đại biểu chính của giòng họ Viên Chăn và Thủ tướng từ năm 1941, cầm đầu9 (Về sự phát triển chung của tình hình ở Lào trong những năm trước hội nghị Giơ-ne-vơ, xem Francoise Cayrac Blanchard và những tác giả khác trong cuốn L'Asie du SUd Est (Đông Nam châu Á), Paris, J.Sirey, tập II, 1971 (Lào: tr.645-715); (George Mc Turran) Hahin, Gouvernment and Polictics of Southeast Asia (Những chính phủ và chính trị của Đông Nam châu Á), Ithaca, Cornell University Press, xuất bản lần thứ hai, 1964, "Lào" tr.527 và tiếp theo. Về những công trình nghiêm cứu khác về tình hình chính trị Lào trước năm 1954, xem danh mục sách tham khảo đoạn IX/1 và 2, cũng như đoạn X/3). Lợi dụng chỗ trố do sự thủ tiêu bộ máy cai trị của Pháp và sự tan rã của quân đội Nhật tạo nên, phong trào Lào Issara đã tìm cách xác nhận vĩnh viễn nền độc lập mà năm tháng trước, chính phủ Tokyo đã cho Vua Sisavangvong tuyên bố. Tháng 10 năm 1945, một chính phủ của "nước Lào" (Pathet Lào) đã được thành lập gồm Hoàng thân Souvana Phouma, anh của Hoàng thân Phetsarath, và tháng 10 năm sau Hoàng thân Souphanouvong người em cùng cha khác mẹ của họ cũng tham gia và giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng tl các lực lượng vũ trang Lào Issara. Ê-kíp lãnh đạo mới tất nhiên là không thuần nhất, tạm thời họ thống nhất với nhau về ý chí tranhd dấu đòi chấm dứt chế độ thực dân Pháp. Theo nghĩa đó họ còn được sự ủng hộ của quân đội Trung Hoa quốc gia, có nhiệm vụ tước vũ khí quân đội Nhật ở Lào cũng như ở Việt Nam. Nhưng sau khi chính phủ Trùng Khánh nhận rút quân đội khỏi Đông Dương, Pháp liền nhanh chóng đặt lại bộ máy cai trị ở Vương quốc này. Hết thảy những người cầm đầu Lào Issara đều chạy trốn sang Xiêm10 (Để khỏi so sánh quá xa, người ta có thể coi Xiêm đối với chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam: có chung nền văn hóa, quan hệ giữa hai dân tộc vừa hấp dẫn nhau, vừa đối lập nhau mạnh mẽ, nguồn ảnh hưởng, nơi trốn tránh, v.v...). Phần lớn trong bọn họ ở lại đây cho đến tháng 10 năm 1949, sau khi có "Hiệp định chung Pháp-Lào" (19 tháng 7) thỏa thuận cho Lào quy chế quốc gia độc lập liên kết với nước Pháp, phong trào Lào Issara tuyên bố tự giải tán. Chỉ có hoàng thân Phetsarath còn sống lưu vong ở Băng Cốc cho đến năm 195411 (Ông ta ở lại đây đến năm 1957). Kể từ lúc đó, nền độc lập của Lào được hoàn tất, dần dần qua các cuộc thương thuyết với nước Pháp12 (Nhất là những bản phụ lục Hiệp định Pháp Lào ngày 6-2-1950 và Hiệp ước "thân thiện và liên kết" Pháo Lào ngày 22-10-1953), và được Mỹ và Anh công nhận ngày 7 tháng 2 năm 1950 cùng một lúc với nền độc lập của Việt Nam.


Đó chính là tình hình mà đại diện Lào tại hội nghị Giơ-ne-vơ đã trình bày ngay từ ngày đầu để bác bỏ lập luận của Việt Minh cho rằng cần thiết phải chấp nhận một đoàn đại biểu của Pathet Lào đến bàn hội nghị:

"Vương quốc Lào đã trở thành một nước độc lập và dân chủ. Việc đó đã được thực hiện với sự giúp đỡ của người dân trong nước. Phong trào Lào Issara hay Pathet Lào đã tồn tại đến năm 1949, hội viên của phong trào này trông đợi một số bảo đảm trước khi chấp nhận chế độ được thiết lập trong nước. Năm 1949 họ tỏ ra hài lòng những bảo đảm đó. Phong trào Lào Issara hoặc Pathet Lào (tức Lào tự do) đã tự giải tán và hội viên của phong trào này đã trở về nước lúc ký kết với Chính phủ Phủ một hiệp định thừa nhận nền độc lập của Lào, hiệp định này đã được tham khảo ý kiến với hội viên của phong trào Lào Issara và họ cũng có đại diện dự lễ ký kết hiệp định đó".


"Ngay sau khi trở về nước, những hội viên của Lào Issara tham gia mật thiết vào sinh hoạt quốc gia và bộ máy chính quyền trong khuôn khổ những quy tắc hợp với Hiến pháp. Hiện nay có hai Bộ trưởng trong chính phủ Vương quốc gồm chính cả Thủ tướng Chính phủ đã từng tham gia phong trào Lào Issara. Tôi nhắc lại rằng phong trào đã tự ý giải tán một cách trong thể ngày 24-10-1954. Việc giải tán này là hoàn toàn và không có ẩn ý gì, đa số hội viên trong phong trào đã trở về nước.


"Vương quốc đã thực sự nhất trí về tinh thần sau sự hòa hợp hoàn toàn này"13 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương... sách đã dẫn, tr.29, phiên họp ngày 8 tháng 5).


Chính cũng trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng mà ở Campuchia xuất hiện chủ nghĩa dân tộc thật sự Khơme14 (Về sự phát triển tình hình chung của Campuchia những năm trước hội nghị Giơ-ne-vơ, xem F.Cayrac Blanchard và những tác giả khác trong cuốn L'Asie du Sud Est (Đông Nam châu Á) sách đã dẫn (tập II) Campuchia, tr.58 và tiếp theo, G.M.Kahin, sách đã dẫn (Campuchia, tr.595 và tiếp theo), John P.Armstrong, Sihanouk speaks (phát biểu của Sihanuok) New York, Walker và Cty 1964, 161 trang, bản đồ, tranh ảnh, bản chỉ dẫn. Và những công trình nghiên cứu khác về tình hình chính trị Campuchia trước 1954, xem danh mục tài liệu tham khảo ở cuối sách, đoạn IX/4). Sau cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945, chính phủ Tokyo đưa được Norodom Xihanouk ra tuyên bố Vương quốc độc lập và hủy bỏ mọi hiệp ước ký với Pháp vào ngày 12 tháng 3. Tiếp đó là một thời kỳ tổ chức rất nahnh dưới sự bảo trợ của Nhật và nhiều xu hướng dân tộc được phát triển. Nhưng ở đây cũng như ở Lào, sự sụp đổ của Nhật Bản và việc quân đội Pháp quay lại đã nhanh chóng bắt buộc những người tán thành trật tự Nhật Bản phải khuất phục. Ở Phông-pênh, Thủ tướng Sơn Ngọc Thành bị người Pháp bắt giam từ 16 tháng 10 và cùng ngày hôm đó chính phủ của ông phải từ chức. Kể từ ngày đó, nhà Vua thấy rõ sự bất lực của mình không bảo vệ được độc lập giành được bảy tháng trước đây, đã phải chọn giải pháp do Pháp đưa ra: là ngay tức khắc được tự trị trong khuôn khổ Đông Dương, rồi thương thuyết về một nền độc lập ở dưới quyền chi phối của Pháp. Một bản tạm ước đầu tiên xác nhận nền tự trị trong nước đã được công bố, được ký ngày 7 tháng 1 năm 1946 giữa đại diện Pháp và Hoàng thân Monireth, thủ tướng mới của Campuchia từ tháng 10. Một năm sau, Vương quốc ban bố hiến pháp quy định Campuchia theo chế độ quân chủ lập hiến. Rồi một hiệp ước Pháp-Khơme ký ngày 8 tháng 11 năm 1949, đã công nhận nền độc lập của Vương quốc (điều 1) liên kết với Pháp cường quốc thực dân cũ trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Nhưng tình hình Pháp sôi động, sinh hoạt chính trị trong nước và mối lo sợ của nhà Vua không theo kịp chủ nghĩa dân tộc cấp tiến mà hiện thân là Đảng dân chủ, cộng với đồng minh của thái độ lần lữa quanh co của những người có trách nhiệm chính trị ở Pháp, đã đưa Vua Norodom Sihanouk vào mùa xuân năm 1953 thân hành cầm đầu một "Đội thập tự chinh đòi độc lập". Dưới sức ép của hoạt động của nhà Vua, nhiều cuộc thương thuyết Pháp-Khơme đã diễn ra vào mùa hè và từ tháng 8 năm 1953 đến tháng 3 năm 1954. Pháp chuyển giao cho Vương quốc phần lớn quyền hạn mà Pháp còn nắm. Đến cuộc hội nghị Giơ-ne-vơ nền độc lập của Campuchia đã được khẳng định rõ ràng hơn là ở Việt Nam.


Vì vậy cũng như đại diện Lào, ngay từ đầu, đại diện Campuchia trả lời những đòi hỏi của Việt Minh đã nhấn mạnh tình hình đó: "Chúng tôi đã giành lại được độc lập đơn thuần chỉ bằng thương lượng với những người bạn Pháp của chúng tôi. Chúng tôi đã được độc lập và nếu các Ngài định thành thật tìm hiểu vấn đề thì chỉ cần đọc lại những nghị định thư Pháp-Khơme mà sau khi cần cù làm việc, ủy ban Liên hiệp Pháp-Khơme đã thông qua mới đây tại Phnong-pênh. Những văn kiện đó nói rõ việc chuyển giao quyền hạn và sau đó đã được thực hiện. Với hiệp nghị đó, rõ ràng nền độc lập của Campuchia đã được hoạch định (...)"15 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.25 (phiên họp ngày 8 tháng 5)).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 06:54:12 am
"Pathet Lào" và "Khơ-me Issarak"

Tuy nhiên ở Lào cũng như ở Campuchia, sự thống nhất về tinh thần đâu có rõ ràng như đại biểu hai nước đó khẳng định.


Ở Lào, phong trào Lào Issara, tiền thân của Pathet Lào, đã tách làm hai nhóm khá riêng biệt trong thời gian lưu vong ở Xiêm (1946). Một nhóm quan trọng hơn và cũng ôn hòa hơn, lấy Băng Cốc làm nơi xuất phát, nhóm này về sau quay về hợp tác với chế độ Viên Chăn năm 1949. Nhóm thứ hai, trái lại chẳng bao lâu đã xây dựng căn cứ ở mạn đông bắc nước Lào, gần biên giới Việt Nam. Do Hoàng thân Souphanouvong lãnh đạo, khước từ mọi thỏa hiệp với Pháp, chịu ảnh hưởng của ông Hồ Chí Minh, nhóm này rất nhanh chóng xích lại gần với Việt Nam và được Việt Minh giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho những nhu cầu hết sức cấp bách của họ16 (Ngay từ tháng 11 năm 1945, Hoàng thân Souphanouvong đã nhân danh chính phủ Pathet Lào, ký một hiệp ước sơ bộ, về việc viện trợ quân sự với chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (Un quart de siècle de lutte opiniâtre et victorieuse (Một phần tư thế kỷ đấu tranh gian khổ và thắng lợi, 1970, tr.62). Về nhân vật Souphanouvong hãy đọc chương sách của Sisouk na Champassk nói về ông, sách đã dẫn, tr.31-37. Về quan hệ giữa Pathet Lào và Việt Minh, tham khảo Paul F.Langer và Joseph J.Zasloff, North Việt Nam and Pathet Lào (Bắc Việt Nam và Pathet Lào), Harvard University Press Combridge Mass, 1970, 262 trang. Về Pathet Lào tham khảo sách đã dẫn của Chang Ta-chun).


Những xu hướng cực đoan này đã khơi ngày càng sâu thêm hố ngăn cách giữa hai nhóm. Ngay từ mùa thu năm 1947, Hoàng thân Souphanouvong đã về ở mạn bắc Thái Lan, trong vùng Nam và Chiêng-rai gần biên giới Lào. Một năm rưỡi sau, tháng 2 năm 1949, ông đã dứt khoát quay về bưng biền ở vùng biên giới Lào-Việt. Cuối cùng đến tháng 5 năm đó, chính phủ Lào Issara ở Băng Cốc đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng tư lệnh quân đội của ông. Từ đó, hai nhóm công khai đoạn tuyệt với nhau. Mấy tháng sau đó, trong lúc Hoàng thân Souvana Phouma quay về Viên Chăn thì Hoàng thân Souphanouvong được Việt Minh và những phần tử cực tả trong tổ chức Lào Issara tìm cách xây dựng Pathet Lào hoàn toàn phỏng theo gương của Việt Nam dân chủ cộng hòa.


Từ 13 đến 15 tháng 8 năm 1950, Pathet Lào họp "Đại hội quốc dân lần thứ nhất" tại Tuyên Quang trong vùng Việt Minh, thật ra là một cuộc họp chừng 150 người từ vùng Sầm Nưa đến. Lập lại công thức trước đây của Cộng sản Trung Quốc và sau họ là Việt Minh đã sử dụng, một mặt trận thống nhất dân tộc Lào (Neo Lao Issara) đã được thành lập. Hoàng thân Souphanouvong đã được bầu làm chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận. Đồng thời một chính phủ lâm thời cũng ra mắt, nhằm thay thế chính phủ đã giải thể năm ngoái ở  Băng Cốc. Hoàng thân cũng được cử làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ngoại giao. Ban đầu đặt ở Sầm Nưa, sau đó chính phủ này được đưa về Trung bộ Việt Nam rồi về Trung Quốc17 (Một vài nguồn tin Trung hoa quốc gia nói rằng Đại hội năm 1950 như là được triệu tập theo sự xúi giục của Trung hoa nhân dân. Xem Chiang T'ao ("Âm mưu của Cộng sản Trung hoa nhằm xích hóa nước Lào"-Fei Ching Yen-chiu (Bắc Kinh nghiên cứu) số 13 tháng 1 năm 1968, tr.69)).


Tháng 2 năm 1951, Hoàng thân Souphanouvong đã tham dự Đại hội thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và một tháng sau, ngày 11 tháng 3 đã ký với Việt Minh (và phong trào kháng chiến Khơ-me) một hiệp định, theo đó hai phong trào giải phóng cam kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chung chống đế quốc Pháp, Mỹ. Kể từ đó, Pathet Lào xuất hiện ngày càng rõ nét như sự tiếp nối của tổ chức Việt Minh trên lãnh thổ Lào. Vũ khí, cán bộ, sáng kiến18 (Như trên, tr.69 đã nói đến việc Trung hoa nhân dân gửi thiết bị quân sự cho Lào đầu năm 1952. Đồng thời tác giả Chiang T'ao trình bày cuộc tiến công năm 1953 của Cộng sản ở Lào như một sáng kiến có lẽ do Trung hoa nhân dân thúc đẩy), tất cả đều từ Việt Nam dân chủ cộng hòa đưa tới. Ngoài ra chính quân đội của Việt Minh tháng 3 năm 1953 đã tạo điều kiện cho chính phủ lâm thời Lào trở lại, đóng ở Sầm Nưa.


Từ đây chính phủ này đã ra tuyên bố cho mình là "Chính phủ hợp pháp duy nhất của Pathet Lào19 (Về vấn đề này chúng tôi ghi lại một cuốn sách của Từ Lâm mà chúng tôi chưa được xem "chính phủ Souphanouvong, chính phủ duy nhất hợp phaps của Pathet Lào", Việt Bắc (Sự thật) 1954, 59 trang, bằng tiếng Việt). Tuy nhiên do thiếu cán bộ vào mùa thu 1954, chính phủ đó ngày càng trở nên "một câu chuyện hoang đường hơn là một thực tế". Nó lệ thuộc ngày càng nhiều vào Việt Minh. Những tài liệu bắt được đầu năm chứng tỏ rằng tất cả những quyết định của nó đều phải được đưa cho Việt Minh thông qua. Bản thân những thông cáo chiến thắng cũng do Việt Minh thảo ra, vì chính phủ Pathet Lào tự cho rằng "không biết rõ tình hình lắm". Một tài liệu tình báo kết luận rằng "Chính phủ Pathet Lào ngày nay được Việt Minh đặt ở đầu cánh tay, chính phủ đó không có thật và không có chút ảnh hưởng gì đối với nhân dân Lào"20 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, bản ghi nhớ không có tiêu đề (tháng 6 năm 1954) "Đông Dương" đoạn B, "Những chính phủ mà Pathet Lào và Khơ-me Issarak" tr.4-12. Pathet Lào nói là họ kiểm soát một phần ba dân số và một nửa lãnh thổ Lào vào tháng 2 năm 1954. (Tân hoa xã, Bắc Kinh ngày 1 tháng 2 năm 1954)).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 06:55:36 am
Mặc dù có vài điểm giống nhau bề ngoài, tình hình Khơ-me Issarak (Campuchia tự do) có khác với tình hình Pathet Lào.

Tiếp theo những sáng kiến của Nhật Bản vào mùa xuân năm 1945 có lợi cho một vài nhân vật theo chủ nghĩa quốc gia người Khơme, một số phong trào Khơ-me Issarak khác nhau đã lập ra lúc đó. Nhưng việc Nhật Bản thua trận và việc người Pháp quay trở lại ở đây cũng như ở Lào, đã xoay ngược tình thế. Một số người cầm đầu phong trào cũng chạy trốn sang Xiêm, ở đây họ được chính phủ Pridi Panomyong ủng hộ, họ đã có thể lập được chính phủ lưu vong, số đông trong bọn họ đã quay về Campuchia ngay từ 1947.


Một nhóm khác trái lại đã bám rễ ở miền Nam Campuchia gần biên giới Nam kỳ. Nhóm này do Pach Chhoeun một người theo chủ nghĩa quốc gia cấp tiến đứng đầu. Chẳng bao lâu khu du kích này đã đặt được quan hệ với các vùng Việt Minh ở châu thổ sông Cửu Long. Nhưng sau cuộc hành quân đầu tiên của Pháp năm 1946, các vùng Việt Nam bị tan vỡ kéo theo sau sự tan rã của tổ chức nổi loạn Khơ-me Issarak này, cuối năm 1950 Pach Chhoeun ra hàng nốt.


Sơn Ngọc Minh, một người Khơ-me lai Việt, một trong số những đảng viên Cộng sản hiếm hoi của Campuchia những năm 1930 nắm lại ngọn đuốc cách mạng. Nhưng dần dần nhiều Khơ-me Issarak quay về với chính phủ và sát nhập vào các tổ chức chính trị mới của Campuchia, nhất là Đảng dân chủ thành lập mùa xuân năm 1946. Xung quanh Hoàng thân Youthevong. Nhóm nhỏ xíu Sơn Ngọc Minh, còn được các nhà chức trách Pháp gọi là Khơ-me Việt Minh đã nhanh chóng biến chất, chỉ còn là một công cụ của Việt Minh trên lãnh thổ Campuchia. Được Việt Minh giúp đỡ, những khu du kích dần dần được tổ chức vào đầu những năm 1950 và đến năm 1954 đã kiểm soát được một phần các tỉnh phía Nam: Preyveng, Takeo, Kampot. Từ sau hội nghị 19 tháng 4 năm 1950, toàn bộ các khu du kích đều đặt dưới quyền lãnh đạo của "Ủy ban dân tộc giải phóng Khơ-me" do Sơn Ngọc Minh đứng đầu. Ngoài ra Sơn Ngọc Minh còn tuyên bố Campuchia độc lập ngày 19 tháng 6 năm 1950. Nhìn bề ngoài, chính là Ủy ban này đã lấy tên là chính phủ Nhân dân Khơ-me tự do, vẫn do Sơn Ngọc Minh làm chủ tịch21 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ đã dẫn ở trên, tr.11 và hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.115) trong lúc Việt Minh tiến công vào lãnh thổ Campuchia tháng 4 năm 1954 ngay trước khi hội nghị Giơ-ne-vơ họp.


Thực tế phong trào Khơ-me Issarak năm 1954 không có quan hệ mấy với phong trào cùng tên xuất hiện năm 1945, mối quan hệ đó còn ít hơn quan hệ giữa Pathet Lào năm 1954 với Lào Issarak năm 1945. Ảnh hưởng của nó trong quần chúng rất hạn chế. Đảng nhân dân cách mạng Campuchia chịu ảnh hưởng Cộng sản, được thành lập năm 1951, là nòng cốt của tổ chức Khơ-me Issarak, chỉ có khoảng 150 người Campuchia năm 1952 và đến năm 1954 không quá 400 người22 (Như trên năm 1952, tổng số đảng viên là 1934 người có nghĩa là Việt kiều ở Campuchia chiếm đa số tuyệt đối. Tình hình này cũng giống như ở Lào, nơi đây năm 1951, tin tình báo của Pháp nói đến con số 2.091 đảng viên Neo Lào Issara, trong đó chỉ có 81 người Lào). Điều đó có nghĩa là còn hơn ở Lào, ở Campuchia phong trào cách mạng cực tả được Việt Minh hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích23 (Tuy vậy các nguồn tin Trung hoa quốc gia nói đến sự giúp đỡ trực tiếp của Trung hoa nhân dân đối với những người cách mạng Campuchia. Xem Chiang T'ao "Nghiên cứu về mối quan hệ giữa Cộng sản Trung Hoa và Campuchia". Fei Chi'ing Yen Chiu (Tạp chí Bắc Kinh nghiên cứu số 10, tháng 10 năm 1967, tr.40). Nhưng nguồn này rất đáng nghi ngờ vì chỉ ít dòng sau, tác giả không do dự nhắc đến sức ép điên cường của Cộng sản Trung Hoa đã thuyết phục được hội nghị Giơ-ne-vơ phải mời đại biểu cộng sản Campuchia (và Lào) tham gia công việc của hội nghị).


Đó là hai chính phủ, một của Hoàng thân Souphanouvong thành lập tháng 8 năm 1950, và một của Sơn Ngọc Minh thành lập tháng 4 năm 1954 mà Phạm Văn Đồng cố gắng đưa đến bàn Hội nghị bằng cách ngay từ ngày đầu tiên đã đưa ra dự thảo nghị quyết sau đây:

"Căn cứ vào tình hình tại các nước Đông Dương và để giúp hội nghị nhận xét một cách đầy đủ và khách quan vấn đề chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương, hội nghị thừa nhận sự cần thiết mời các đại biểu các chính phủ kc Khơ-me và Pathet Lào tham gia công việc của Hội nghị bàn về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương"24 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.396. Phiên họp ngày 8 tháng 5. Cần nhắc lại rằng nhiều đại biểu của Pa-thet Lào đã ở trong đoàn đại biểu Việt Minh, trong số này có Nouhak Phomsavan).


Rồi đến phiên họp ngày 18 tháng 5, đại biểu Việt Minh đã trình bày lập trường về vấn đề này. Ông ta đã giải thích rằng ở Đông Dương hòa bình không thể phân chia. Do đó buộc phải thảo luận vấn đề Lào và Campuchia trên cùng một danh nghĩa như đối với vấn đề Việt Nam. Đối với Phạm Văn Đồng, điều đó chỉ có thể thực hiện nếu đại biểu hai chính phủ cách mạng hữu quan được mời dự Hội nghị. Ông ta đã tuyên bố:

"Souphanouvong và Sơn Ngọc Minh là những nhà yêu nước. Họ đứng đầu các chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia và tiêu biểu cho những nguyện vọng sâu xa của nhân dân nước họ. Người ta không thể phủ nhận rằng các chính phủ ấy kiểm soát các vùng rộng lớn và có uy tín lớn trong nhân dân. Muốn lập lại hòa bình, phải chú ý đến những thực tế cơ bản ấy. Tìm cách giải thích phong trào giải phóng và kháng chiến như một cuộc xâm lăng của Việt Minh không phải là một phương pháp đúng đắn để đi đến ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Đông Dương"


Rồi ông kết luận:

"Như vậy, những vấn đề quân sự và chính trị như nhau đều đặt ra ở Việt Nam cũng như ở Khơ-me và Pathet Lào. Vậy một giải pháp đòi hỏi phải: ngừng bắn cùng một lúc trên toàn Đông Dương và giải quyết các vấn đề quân sự tương ứng. Về phương diện chính trị, giải pháp phải là thống nhất đất nước và giải quyết các vấn đề chính trị kèm theo. Kết luận lại là không thể rách riêng Việt Minh khỏi Pathet Lào và Khơ-me"25 (Như trên, tr.107-108. Thuật ngữ "thống nhất đất nước" là khá mập mờ).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 07:01:38 am
Thái độ của Trung Quốc đối với Pathet Lào và Khơ-me Issarak trong thời gian trước và đầu Hội nghị

Về phần mình, báo chí Trung Quốc đã nói đến sự tồn tại của Chính phủ nhân dân của Hoàng thân Souphanouvong và Ủy ban dân tộc giải phóng của Sơn Ngọc Minh từ lúc thành lập. Nhưng từ năm 1950 có rất ít bài xã luận nói về tình hình Lào và Campuchia. Vấn đề của hai nước đó thường được đề cập trong các bình luận chủ yếu nói về Việt Nam. Một câu hay một đoạn, thường vào cuối bài, chỉ đơn giản nhắc lại rằng chính sách dân tộc đúng đắn của chính phủ Việt Nam (dân chủ cộng hòa) đã thực hiện được sự hợp tác chặt chẽ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào và Campuchia chống kẻ thù chung26 (Ví dụ tạp chí People's China số 12 ngày 16-12-1950, tr.12. Ngoài ra còn lưu ý rằng Trung Quốc chỉ giới hạn trong việc trích dẫn báo chí Việt Minh hơn là trực tiếp chỉ trích. "Nhà Vua bù nhìn Lào" và "Chính phủ bù nhìn Sihanouk". Ví dụ: Tin Tân hoa xã Bắc Kinh 7-6-1954 trích dẫn báo Nhân dân).


Thực ra chính phủ Bắc Kinh chưa bao giờ có quan hệ rất mật thiết với hai phong trào cách mạng đó. Chắc chắn là Hoàng thân Souphanouvong đã sang Trung Quốc ở vài tháng trong những năm 1951-195227 (Susouk Na Champassak, sách đã dẫn, tr.35, cũng xem Chao Jin Lee, sách đã dẫn, tr.14), ông còn gửi nhiều con28 (Mongkhoi Katay Sasorith, Les forces polotiques et la vie politique au Laos: các lực lượng chính trị và đời sống chính trị ở Lào, Luận án in roneo, Trường Đại học Pari I, tháng 10-1973, tr.87) sang học ở Trung Quốc, tháng 10 năm 1952 ông cũng đã lãnh đạo đoàn đại biểu phong trào kháng chiến Lào tham dự Đại hội hòa bình châu Á và Thái Bình Dương họp ở thủ đô Trung Quốc. Nhưng không lúc nào cuộc đời hoạt động chính trị của ông, (của một con người như Sơn Ngọc Minh thì còn kém hơn nữa), lại gắn có chặt chẽ với Đảng cộng sản Trung hoa như cuộc đời của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và nhiều người khác. Nếu đôi khi tìm lại được trong khu du kích Lào và Campuchia những dấu vết tư tưởng nhắc đến chủ nghĩa cộng sản Trung hoa-Ví dụ như đề tài "chủ nghĩa dân chủ mới" trong cương lĩnh năm 1950 của chính phủ Neo Lào Issara-thì đây là ảnh hưởng gián tiếp từ Việt Nam đưa sang.


Tất cả đã xảy ra đến lúc đó như là chính phủ Bắc Kinh giao phó cho Việt Minh lãnh đạo cuộc cách mạng trên toàn bán đảo Đông Dương và đã đồng ý coi Việt Minh như người phát ngôn tự nhiên của hai dân tộc khác ở Đông Dương. Chẳng hạn như, trước khi họp hội nghị Giơ-ne-vơ, lời tuyên bố của Hồ Chí Minh trả lời báo Ét xprét-xen (Espressen) (29-11-1953) được báo chí Trung Quốc trình bày như là thể hiện "không những nguyện vọng của nhân dân Việt Minh mà cũng là nguyện vọng của nhân dân Khơ-me và nhân dân Lào"29 (People's China số 7 ngày 1-4-1954, tr. 8 ).


Có lẽ tình hình đó chỉ là kết quả của một tình trạng thực tế. Nhưng nó cũng có thể được hiểu như là một dấu hiệu của sự thận trọng về chính trị của Trung Quốc. Chính phủ bạo động Lào lẫn ủy ban Khơ-me giải phóng đều không có được cơ sở trong nhân dân và một nền tảng quân sự có thể so sánh được với Việt Minh. Do đó mọi cam kết quá lộ liễu đối với hai chính phủ đó chỉ thể hiện chủ nghĩa "phiêu lưu"30 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/Bản ghi nhớ vấn đề "Hội nghị Giơ-ne-vơ và chính sách đối ngoại của Trung Quốc", 12-6-1954, tr.5). Ngoài ra chưa bao giờ Trung Quốc đặt vấn đề công nhận ngoại giao đối với chính phủ Pathet Lào hay chính phủ Khơ-me tự do. Chứng cớ là Chính phủ Trung Quốc phân biệt rất rõ một bên là tình hình Việt Nam khác hẳn với một bên khác là tình hình Lào và Campuchia.


Vì vậy thái độ của đoàn đại biểu Trung Quốc từ đầu hội nghị Giơ-ne-vơ không phải không có đôi chút mập mờ.

Một mặt Chu Ân Lai cũng như Mô-lô-tốp đã ủng hộ lập trường của Việt Minh về Lào và Campuchia. Trong bản trình bày về lập trường tổng quát ngày 12 tháng 5, Chu Ân Lai phần lớn đề cập đến vấn đề Việt Nam, tuy nhiên đã xếp chính phủ cách mạng Pathet Lào và Khơ-me ngang hàng với chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau khi đánh giá việc Bi-đôn không đồng ý để đại biểu các chính phủ đó dự hội nghị là không hợp lý và không phù hợp với nguyên tắc thương lượng, bình đẳng với nhau, Chu Ân Lai bày tỏ sự ủng họ hoàn toàn đối với đề nghị của Phạm Văn Đồng31 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.70-71). Rồi tiếp theo vấn đề I-đơn nêu ngày 12 tháng 532 (Có thừa nhận rằng Lào và Campuchia thuộc vào loại đặc biệt và lực lượng Việt Minh phải rút khỏi hai nước đó không? Như trên, tr.402), khi hội nghị hướng vào việc tách riêng trường hợp của Lào và Campuchia, Chu Ân Lai một lần nữa khẳng định sự đoàn kết với Việt Minh; về điểm này Thủ tướng Trung Quốc nói: "Các chính phủ kháng chiến ở Khơ-me và Lào từ nay là những chính phủ quốc gia"; cần phải đi đến một giải pháp toàn bộ cho cả ba nước theo điều 8a trong đề nghị ngày 10 tháng 5 của Việt Minh, về "ngừng bắn hoàn toàn, cùng một lúc trên khắp lãnh thổ Đông Dương"33 (Như trên, tr.110, phiên họp ngày 18 tháng 5). Tại phiên họp ngày 19 tháng 5, Chu Ân Lai đã kết luận rất rõ ràng: Không thể có sự phân biệt trong việc ngừng bắn ở nước này hoặc nước khác34 (Như trên, tr.120. Chủ đề này được báo chí Trung Quốc đăng lại rộng rãi (Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 19-5-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 07:03:14 am
Nhưng mặt khác, đằng sau sự ủng hộ hình thức như vậy có thể phát hiện nhiều dấu hiệu chứng tỏ lập trường của Trung Quốc có một số sắc thái khác. Trước hết, không hơn gì Liên Xô, Trung Quốc không coi việc các đại biểu cách mạng Lào và Campuchia tham dự hội nghị là điều kiện có trước cho việc bắt đầu cuộc thương thuyết. Ngoài ra, sự phân tích có so sánh các tuyên bố của Việt Minh và Trung Quốc chứng tỏ lập trường của Chu Ân Lai bao giờ cũng thụt lùi so với lập trường của Phạm Văn Đồng. Người ta hoàn toàn hiểu rằng để tránh khỏi bị lên án là can thiệp vào công việc nội bộ một nước khác, đoàn đại biểu Trung Quốc bao giờ cũng cố gắng để đại biểu Việt Minh trình bầy tỉ mỉ tình hình chính trị, quân sự ở các vùng rừng núi, cũng như phần còn lại của Việt Nam. Nhưng đối với Lào và Campuchia mà chính phủ kháng chiến không được dự hội nghị, lý lẽ đưa ra không được vững chắc như thế. Chắc chắn là khác với Phạm Văn Đồng, không bao giờ Chu Ân Lai thật sự làm nổi bật những lập luận để đấu tranh theo hướng gắn liền vấn đề Lào và Campuchia với vấn đề Việt Nam. Điều này bộc lộ đặc biệt trong phiên họp ngày 19 tháng 5. Trong lúc đại biểu Việt Minh muốn "chứng minh" sự tồn tại của các phong trào giải phóng Khơ-me và Pathet Lào bằng cách thuật lại lịch sử hai nước này từ thế kỷ XIX35 (Như trên, tr.114, 117), thì Chu Ân Lai chỉ đọc một bài phát biểu rất ngắn, nhấn mạnh sự cần thiết phải lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương36 (Như trên, tr.120). Sau cùng, điều đó có ý nghĩa hơn nữa là trong các cuộc nói chuyện tay đôi với người Anh và người Pháp, đoàn đại biểu Trung Quốc đã hét ra rằng lập trường của Trung Quốc về vấn đề này có thể mềm dẻo. Người ta còn nhớ, ví dụ như ngày 27 tháng 5, Vương Bính Nam không những đã nhắc lại cho Pôn Bông-cua và đại tá Ghi-éc-ma nội dung phát biểu của Chu Ân Lai trong buổi họp ban chiều, tức là trường hợp Việt Nam không giống như trường hợp Lào và Campuchia, mà cũng còn nói thêm "về phương diện này, lập trường của đoàn đại biểu Trung Quốc giống như lập trường của đoàn đại biểu Pháp"37 (Xem đoạn trên chương VII, G.V.Astafiev và A.M.Dubinski, sách đã dẫn, tr.96, nêu bật thái độ của Trung Quốc không sốt sắng mấy trong việc đòi cho các phong trào cách mạng Campuchia và Lào được cử đại biểu tham dự Hội nghị).


Vậy tình đoàn kết giữa Trung Quốc và Việt Minh không loại trừ quan điểm thực dụng của Trung Quốc trong vấn đề Lào và Campuchia. Cho tới nay, nếu Chu Ân Lai bám giữ nguyên tắc thống nhất giải pháp về vấn đề Đông Dương như ông đã nhấn mạnh khi gặp trưởng đoàn Bi-đôn ngày 7 tháng 638 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Đoàn đại biểu Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Hội đàm giữa Bi-đôn và Chu Ân Lai ngày 7-6-1954/8-6-1954, tr.9) - chính là trước hết để tránh không cho Mỹ lợi dụng, việc tách rời những vấn đề khác nhau để xây dựng căn cứ quân sự ở Lào và Campuchia. Ngoài ra việc đoàn đại biểu Trung Quốc bênh vực càng lâu càng tốt Pathet Lào và Khơ-me Issarak là quan trọng ở chỗ nhằm công khai làm rạng rỡ vai trò mà Trung Quốc muốn có là người chiến sĩ cách mạng châu Á39 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Đoàn đại biểu Pháp/Giơ-ne-vơ/bản ghi nhớ về vấn đề "Hội đàm giữa Bi-đôn và Chu Ân Lai ngày 7-6-1954/8-6-1954, tr.5).


Nhưng Trung Quốc ít thiên về ủng hộ các phong trào mà họ biết là còn yếu kém, biết rõ rằng cả người Mỹ, vì lý do chiến lược chung, lẫn người Anh còn đang nghĩ về Mã Lai và cả các nước trung lập ở châu Á đều không thừa nhận quyền cộng sản tồn tại ở hai Vương quốc này40 (Như trên, tr.4).


Sau cùng cần nói thêm rằng, chính phủ Bắc Kinh sau khi tổ chức lại các giới Phật giáo Trung Quốc, đang tiến hành vào thời gian đó một cuộc tiến công rộng lớn trên Mặt trận tuyên truyền nhằm vào các đạo hữu tôn giáo châu Á41 (Hội Phật giáo Trung Quốc thành lập tháng 6 năm 1953, chủ tịch danh dự là Đạt Lai-Lạt Ma và Ba Thiền-Lạt Ma. Xem Holmes Welch "Buddhisme under the Communist" (Phật giáo dưới chế độ Cộng sản) "The China Quarterly (Trung Quốc từng quý) số 6 tháng 4 và tháng 6 năm 1961 Richard C.Bush, Religion in Communist China (tôn giáo ở nước Trung hoa Cộng sản), Nashville and New York, Abingdon Presss 1970, chương IX, tr.297 và tiếp theo). Do đó đối với Lào và Campuchia42 (Cần nhớ rằng các hiến pháp năm 1947 của Lào và Campuchia đều lấy Phật giáo làm quốc giáo. Theo truyền thống của các nước chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ ở Đông Nam châu Á, trong cả hai trường hợp này nhà Vua là người "bảo hộ tôn giáo". Có nghĩa là mối liên quan chặt chẽ giữa việc tôn trọng đạo Phật và việc thừa nhận chế độ quân chủ) là hai nước rất sùng đạo Phật, Trung Quốc khó có một thái độ có thể làm phật lòng dư luận các nước khác, ở đó đạo Phật giữ vị trí khống chế như ở Sri Lanka và nhất là Miến Điện, cả hai đều là thành viên của nhóm Cô-lôm-bô. Một chính sách như vậy chắc chắn sẽ làm mất tác dụng tích cực của việc ký kết hiệp ước Trung-Ấn về Tây Tạng mấy tuần lễ trước đó. Chính sách đó chắc cũng làm mất lòng Ấn Độ vốn quan tâm đến sự tiến triển của Cộng đồng Ấn Độ ở Đông Nam châu Á43 (Trong cuộc đi thăm Miến Điện (xem chương VIII ở đoạn sau) Chu Ân Lai sẽ có dụng ý đi thăm ngôi chùa nổi tiếng Shwe-Dagon ở thủ đô Răng-gun (Tân hoa xã Răng-gun 29-6-1954)).


Đó là bấy nhiêu nhân tố đã làm Chu Ân Lai, ngay từ sau thất bại của cuộc thương thuyết về Triều Tiên quyết định chọn con đường tách riêng vấn đề Lào và Campuchia để triển khai trở lại hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 07:08:15 am
Đề nghị ngày 16 tháng 6 của Trung Quốc

Những nhượng bộ của Trung Quốc


Phiên họp cuối cùng về Triều Tiên kết thúc lúc 20 giờ 40. Ngay từ ngày 16, lúc 12 giờ 30, Chu Ân Lai có thị trưởng Trương Văn Thiên đi cùng, vội vã đến nhà I-đơn (Molotov đã đến từ chiều hôm trước). Hai ông đã hội đàm với nhau gần một tiếng đồng hồ44 (Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ 16-6-1954; Nhân dân nhật báo 17-6-1954. Cần nhớ rằng chính là ngày hôm sau, Anh và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về trao đổi đại diện Ngoại giao ở hai nước (Xem chương V ở đoạn trước)) và cuộc gặp rõ ràng là có tính chất quyết định.


Quả vậy, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đã nói riêng với I-đơn rằng ông ra nghĩ rằng có thể "thuyết phục được với Việt Minh rút khỏi Lào và Campuchia45 (A.I-đơn, Mémoires (hồi ký sách đã dẫn, tr.146. Thái tử Norodom Sihanouk khẳng định rằng đó là "theo lời khuuyeen của các đồng minh, nhất là của Chu Ân Lai" mà Việt Minh phải từ bỏ yêu sách về Khơ-me đỏ" Norodom Sihanouk, L'Indochine vue de Pekin (Đông Dương nhìn từ Bắc Kinh), Paris, le Seuil 1972, tr.54-55). Qua đó Trung Quốc đã đi một bước rất dài theo luận điểm của người Campuchia, người Lào, người Anh và người Pháp. Điều đó bao hàm việc thừa nhận rằng Việt Minh đúng là kẻ xâm lược ở hai nước đó, ngược lại với luận điểm lâu nay của Việt Minh. Đó cũng coi là các vấn đề Lào và Campuchia không giống như vấn đề Việt Nam. Ngoài ra Chu Ân Lai còn nói sẵn sàng công nhận tính chất hợp pháp của các chính phủ Vương quốc Lào và Campuchia ngay khi ông ta được đảm bảo rằng không một căn cứ quân sự nào của Mỹ được xây dựng ở hai nước này46 (A.I-đơn, Mémoires (hồi ký) sách đã dẫn, tr.146). Tóm lại nếu Trung Quốc đạt được mục tiêu luôn luôn ưu tiên của họ là ngăn cấm mỹ vào Đông Dương, thì họ sẵn sàng đánh đổi lại bằng cách không coi việc công nhận chính thức các chính phủ của Hoàng thân Souphanouvong và Sơn Ngọc Minh như một điều kiện tiên quyết của một giải pháp. Cả hai nhượng bộ này còn làm sao có thể khác thế được, chứng tỏ rõ rằng cái giá mà Trung Quốc trả cho nên hòa bình là loại trừ vĩnh viễn sự uy hiếp của Mỹ ở bán đảo Đông Dương47 (G.V.Astafiev và A.M.Dubinski, sách đã dẫn, tr.95 viết về vấn đề " đại biểu Trung Quốc đã có (...) một lập trường khác hẳn với các lực lượng chống đế quốc khác". Hai tác giả tố cáo xu hướng (của Trung Quốc) liên minh với các chính phủ Vương quốc Lào và Campuchia "là nhượng bộ (của Trung Quốc) về vấn đề quy chế pháp lý và chính trị của các lực lượng yêu nước kháng chiến Lào và Campuchia").


Sáng kiến của Chu Ân Lai sẽ được chứng minh rất nhanh chóng trong các sự kiện tiếp theo-hoàn toàn có thể làm cho cuộc thương lượng48 (Cần thêm rằng từ ngày 11 tháng 6, các cuộc gặp bí mật và nửa chính thức đã được tổ chức giữa sĩ quan Pháp và Việt Minh trong quá trình đó đại biểu Việt Minh đã chấp nhận một sự chia cắt tạm thời Việt Nam làm hai vùng. Xem G.La-cu-tuya và Ph.Đơ-vi-le, sách đã dẫn, tr.211 và những trang tiếp theo) triển khai trở lại.


Buổi chiều hôm đó, hội nghị họp phiên thứ 21 (hạn chế). Cuộc thảo luận mở đầu bằng tham luận của Tep Phan, thay mặt Campuchia, một lần nữa đòi quân đội "Việt Minh rút khỏi Campuchia"49 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.300). Đại biểu Campuchia kết thúc bài phát biểu của mình bằng một nhận xét mà Chu Ân Lai không thể không nhạy cảm. "Mai đây người ta không thể trách Campuchia là tìm cách tự  bảo vệ bất kỳ phương tiện nào, khi người ta từ chối không thừa nhận quyền chính đáng của Campuchia và khi người ta tìm mọi cách để ngăn cản Campuchia được sống trung lập tự do và hòa bình trên đất nước của mình50 (Như trên, tr.302). Tiếp đó Phoui Sananikone, thay mặt Lào đưa ra đề nghị cũng đòi rút lực lượng Việt Minh khỏi Lào51 (Như trên, tr.300, 303 và 418).


Chính là lúc đó tiếp theo các đại biểu Campuchia và Lào đến lượt Chu Ân Lai phát biểu ý kiến. Sau khi vào đề ngắn bằng cách nhắc lại đề nghị ngày 27 tháng 5, ông ta khẳng định lại một vài nguyên tắc mà Trung Quốc vẫn thường bám giữ cuối cùng thủ tướng Trung Quốc trình bày một đề nghị mới gồm 6 điểm dưới đây:

"Những nước tham gia hội nghị Giơ-ne-vơ đã thỏa thuận như sau:

1.Việc đình chỉ chiến sự sẽ tuyên bố đồng thời ở Lào và Campuchia và cùng một lúc với Việt Nam.

2. Đại diện các bộ chỉ huy hai bên tham chiến bắt đầu thương lượng trực tiếp với nhau ở Giơ-ne-vơ và tại chỗ ở Đông Dương về đình chỉ chiến sự ở Lào và Campuchia.

3.Sau khi đình chỉ chiến sự không được đưa quân đội và nhân viên quân sự thuộc hải lục không quân và các loại vũ khí, đạn dược mới từ bên ngoài vào Lào và Campuchia. Xác định trong một cuộc thương lượng khác về số lượng và các loại vũ khí cần thiết để tự vệ có thể đưa vào các nước này.

4.Thẩm quyền của Ủy ban kiểm soát trung lập sẽ mở rộng phạm vi sang cả Lào và Campuchia, có chú ý đến những đặc điểm của các nước này.

5.Sau khi các bộ chỉ huy đã thỏa thuận, sẽ tiến hành việc trao đổi và thả tù binh và thường dân bị bắt.

6.Không được khủng bố những người đã hợp tác với đối phương trong chiến tranh"52 (Như trên, tr.303, 304 và 419. Sự phân tích tiếp theo hoàn toàn dựa vào biên bản này sẽ không dẫn ra nữa).


Tham luận của Chu Ân Lai và nội dung đề nghị trên đem lại ba yếu tố mới so với tình trạng thương lượng trước đó.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 07:09:27 am
Một mặt phải mở ra các cuộc hội đàm quân sự về vấn đề Lào và Campuchia và trong lĩnh vực này phải có sự phân biệt giữa "các trường hợp lực lượng địa phương bản xứ" và "lực lượng bên ngoài" phải được rút ra khỏi hai nước này. Tóm lại, ở đó Chu Ân Lai nhắc lại một cách chính thức sự nhượng bộ cách đây mấy giờ, vì không còn nghi ngờ gì, cách nói "lực lượng bên ngoài" nhằm cả quân đội Liên hiệp Pháp lẫn quân đội Việt Minh. Mặt khác, Trung Quốc thừa nhận (điểm 3) khả năng để cho Lào và Campuchia có thể, sau ngừng bắn, nhập số vũ khí cần thiết cho công việc phòng thủ, vì không một nước nào được phép lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ bất kỳ một trong ba nước Đông Dương. Lý lẽ bênh vực của Tep Phan đã được lắng nghe. Sự nhượng bộ của Trung Quốc về điểm này là đáng kể bởi vì cuối cùng nó cho phép trang bị quân đội chính phủ hiện nay đang đấu tranh chống du kích Pathet Lào và Khơ-me Issarak và trong tương lai có thể đẩy lùi mọi hoạt động mới của Việt Minh ra bên ngoài biên giới Việt Nam.
Cuối cùng Chu Ân Lai đề nghị (điểm 4) rằng thẩm quyền của Ủy ban quốc tế kiểm soát sẽ mở rộng sang cả hai Vương quốc53 (Cần chú ý rằng đề nghị của Trung Quốc không nói gì đến các ủy ban liên hợp gồm đại biểu Bộ tư lệnh hai bên mà Chu Ân Lai đã đưa ra trong đề nghị ngày 27 tháng 5 (điều 4), cần nhớ rằng trong phiên họp ngày 14 tháng 6, Liên Xô đã đưa ra một đề nghị hết sức chi tiết về sự kiểm soát và đảm bảo quốc tế đối với hiệp định (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.415-417. Bình luận của Trung Quốc và đề nghị của Chu Ân Lai, trong bản tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ 18-6-1954 và Nhân dân nhật báo cùng ngày).


Hai điểm đầu hoàn toàn nằm trong chiều hướng các mục tiêu của các đoàn đại biểu phương Tây theo đuổi, và hiển nhiên cũng thể hiện rõ ý chí của Trung Quốc là muốn tìm một miếng đất thỏa hiệp54 (G.V.Astafiev, A.M.Dubinski, sách đã dẫn, tr.96 viết: Về điểm này đoàn đại biểu Trung Quốc đã nhập cục với các nước quốc tế). Đó là lần đầu tiên từ khi bắt đầu hội nghị, Trung Quốc đã để lợi ích dân tộc lên trước lợi ích của những người cách mạng Đông Dương một cách rõ nét đến thế. Vì thế Phạm Văn Đồng đã phản ứng mạnh.


Phát biểu sau Chu Ân Lai, đại biểu Việt Minh thừa nhận rằng "giải pháp cho các vấn đề Khơ-me Và Pathet Lào không phải giống như đối với vấn đề Việt Nam và phải chú ý đến hoàn cảnh riêng của mỗi nước"55 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn tr.305). Song giọng nói còn hết sức gay gắt hơn. Trong khi cuộc thảo luận được đề nghị của Trung Quốc thúc đẩy xoay quanh các vấn đề quân sự liên quan đến Campuchia và Lào, thì Việt Minh như một tháng trước đây, nêu lại sự cần thiết, đề cập đến vấn đề chính trị và còn đưa ra một đề nghị về vấn đề này56 (Như trên, tr.420). Ngoài ra, Phạm Văn Đồng kiên trì giữ vững lập trường cứng rắn của mình về Pathet Lào và Khơ-me Issarak. Ông tuyên bố:

"Lô gích của sự thật đòi hỏi người ta phải công nhận phong trào giải phóng ở hai nước này và bác bỏ những lời khẳng định có dụng ý xấu của những ai muốn giải thích các phong trào đó là do ảnh hưởng từ bên ngoài. Đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa (nguyên văn: Việt Minh-Người dịch) chào mừng với mối thiện cảm và sự kính trọng các phong trào giải phóng đó, sản phẩm của sự áp bức dã man tàn bạo, bắt nguồn sâu xa từ trong nhân dân và không thể nào tạo nên một cách giả tạo và từ bên ngoài được"57 (Như trên, tr.305 (Chúng tôi gạch dưới). Giọng điệu khác nhau này không chỉ ở nội dung mà cả hình thức, vì đại biểu Việt Minh tiếp tục chỉ nói đến Pathet Lào ).


Đó là những lời lẽ gay gắt đến mức mà người ta có thể tự hỏi là những lời lẽ đó nhằm đúng vào ai trong bối cảnh đó58 (Có lẽ đề nghị của Chu Ân Lai gây phản ứng gay gắt đối với các nhà quân sự Việt Nam hơn là bản thân Phạm Văn Đồng (theo Chauvel-cuộc nói chuyện 24-6-1975).


Bi-đơn Xmit liền nêu rõ ngay giọng điệu người Trung Quốc khác giọng điệu của Việt Minh nếu như (tuyên bố của Chu Ân Lai) có nghĩa là đúng như điều ông ta muốn nói, thì đó là những lời lẽ ôn hòa và biết điều. Tiếc thay lời tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng tiếp theo sau đã đưa lại ấn tượng không ôn hòa mà cũng chẳng biết điều. Song lần đầu tiên, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thấy trong đề nghị của Chu Ân Lai có điểm mà đoàn đại biểu Mỹ có thể tiếp nhận được59 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.308). Thay mặt Pháp, Chauvel cũng đưa ra những nhận xét tương tự như vậy, thú nhận rằng ông ta đã lo sợ "đến lúc nào đó đại biểu Việt Minh bác bỏ đề nghị của Chu Ân Lai". May sao, đã không xảy ra như vậy bởi vì những đề nghị của Chu Ân Lai "quả là có nhiều yếu tố bổ ích"60 (Như trên, tr.306 và 307).


Rõ tàng là lập trường của Trung Quốc và của Việt Minh không giống nhau. Trước đó mấy tiếng đồng hồ Chu Ân Lai trong cuộc gặp I-đơn trước đã nói là ông ta "nghĩ rằng có thể thuyết phục được Việt Minh" nhưng rõ ràng là ông ta chưa hoàn toàn đạt được kết quả đó61 (Điều này đặt ra vấn đề quan hệ giữa Việt Minh và Trung Quốc một cách rộng hơn nhiều và sẽ được đề cập sau đây ở chương VIII). Ngược lại, những đề nghị của Chu Ân Lai đã đưa hội nghị ra khỏi chỗ bế tắc mà hội nghị đang lâm vào. Những phản ứng của phương Tây không để lại nghi ngờ gì về điểm này. Và đó đúng là mục đích chủ yếu của Trung Quốc62 (Biên bản của Trung Quốc về cuộc họp này đăng ở bản tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ 16-6-1954. Nhớ rằng cũng vào ngày 15 tháng 6 đã công bố tin là sẽ có cuộc gặp ngày 25 ở Washington giữa Ai-xen-hao, Dulles, Sooc-sin và I-điwn. Trong khi có những nhượng bộ như vậy Trung Quốc có lẽ mong muốn ủng hộ luận điểm của Anh nói rằng hội nghị Giơ-ne-vơ có thể đi đến kết quả tích cực).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 07:11:03 am
Ảnh hưởng của những đề nghị của Trung Quốc đối với hội nghị

Nhận thức được tầm quan trọng của các sự phát triển đó63 (Nói thêm rằng tại phiên họp ngày 16-6 Molotov đã không còn giữ ý kiến về số đại biểu ngang nhau của các nước Cộng sản trong Ủy ban quốc tế kiểm soát và đề nghị một thành viên thứ 5 nữa có thể sẽ là Indonesia hoặc chỉ lập Ủy ban ba nước thôi gồm Ấn Độ, Ba Lan và Indonesia (hoặc một nước châu Á khác). Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, sách đã dẫn, tr.309, xem đoạn sau ở chương VIII), I-đơn đã cố nài Bi-đôn, lúc đó là quyền Bộ trưởng Ngoại giao Pháp một lần nữa đi gặp Thủ tướng Trung Quốc để đi sâu thêm về đề nghị mới đó64 (A.E-den, Mémoires (Hồi ký) sách đã dẫn, tr.146). Trưa hôm sau ngày 17 tháng 6 ở biệt thự Bocage (Rừng cây nhỏ) trụ sở của đoàn đại biểu Pháp Bi-đôn đã gặp Chu Ân Lai trong hơn một tiếng. Ngoài các trưởng đoàn, về phía Pháp có thêm Chauvel, Ru-xơ, Ghi-éc-ma, phía Trung Quốc có Trương Văn Thiên và Kha Bái Niên cùng dự.


Cũng trong buổi gặp I-đơn hôm trước, sau khi nhấn mạnh ý định tìm mọi cách để hội nghị về Đông Dương khỏi thất bại như hội nghị về Triều Tiên, thủ tướng Trung Quốc đã cho Bi-đôn biết là trước khi các Bộ trưởng Ngoại giao lên đường như đã dự định là ông ta muốn đạt được một số thỏa thuận sơ bộ và hạn chế trong khi chưa đi đến một hiệp định toàn bộ và cuối cùng. Rồi Chu Ân Lai xác định một cách hết sức rõ ràng ông đã nghĩ về tương lai chính trị của Lào và Campuchia như thế nào. Nội dung phát biểu của Chu Ân Lai đáng được trích dẫn dài sau đây vì đó là những ý kiến có tính chất quyết định:

"Chúng tôi muốn thấy hai nước đó trở thành những nước dân chủ và hòa bình, theo kiểu các nước mới ở Đông Nam châu Á như: Indonesia, Miến Điện và Ấn Độ. Các nước đó có thể tham gia Liên hợp Pháp nếu họ muốn như vậy, và cùng tồn tại hòa bình với tất cả các nước (...). Nhưng chúng tôi không muốn Lào và Campuchia trở thành căn cứ quân sự của Mỹ (...). Đó sẽ là một sự đe dọa đối với an ninh của Trung Quốc. Làm sao chúng tôi có thể bàng quang với tình hình đó được?"

"Vệt mặt chính trị, các vấn đề Lào và Campuchia phải được giải quyết một cách dân chủ, chỉ cần dựa vào ý nguyện của nhân dân. Nếu chế độ quân chủ hiện nay được nhân dân ở hai nước đó chấp nhận, thì làm sao lại không có thể duy trì (...)


Việc giải quyết vấn đề quân sự phải bao gồm hai phương diện:

1.Hai nước đó phải thừa nhận sự tồn tại của các quân đội kháng chiến quốc gia. Có lẽ ở Campuchia lực lượng không nhiều bằng ở Lào. Vì vậy trong khi ở Campuchia một cuộc ngừng bắn (tại chỗ, theo giải thích của một trong hai biên bản) có thể lập tức dẫn theo những cuộc thương lượng trực tiếp giữa hai bên giải pháp thuần túy chính trị. Vì ở Lào là nơi có phong trào kháng chiến mạnh hơn cần phải công nhận cho lực lượng kháng chiến một khu vực tập kết ở gần biên giới Việt Nam và biên giới Trung Quốc.

2.Những nguyên tắc rút quân đội nước ngoài phải được chấp nhận trong mọi trường hợp. Đúng là quân đội tình nguyện Việt Nam đã vào lãnh thổ Lào và Campuchia do những yêu cầu của các hoạt động quân sự trước đây. Phần lớn lực lượng đó đã không còn ở đó nữa. Nhưng những lực lượng còn lại cũng sẽ rút về nốt (...)"65 (Chúng tôi gạch dưới).


Chưa bao giờ có một bản trình bày nào lại rõ ràng và chính xác hơn thế. Những điều nói ra trong cuộc họp hạn chế hôm trước đã được khẳng định lại một cách mạnh mẽ hơn nữa. Trung Quốc muốn Lào và Campuchia trở thành những nước trung lập, có thể duy trì chế độ quân chủ. Hai nước được hoàn toàn tự do gia nhập Liên hiệp Pháp giống như Ấn Độ chẳng hạn vẫn còn là thành viên của khối Thịnh vượng chung66 (Nhưng tấm gương của Miến Điện ra khỏi khối Thịnh vượng chung ngay sau khi tuyên bố độc lập năm 1948 có thể hiểu như một lời khuyên nhủ Lào và Campuchia được tự do hoàn toàn đối với Liên hiệp Pháp. Trường hợp của Indonesia cũng thế vì quá trình đã bắt đầu như vậy để rốt cục đi tới bãi bỏ khối Liên hiệp Hà Lan-Indonesia ngày 10 tháng 8 năm 1954); có lẽ Trung Quốc cho đó là một đảm bảo chống lại việc Mỹ có thể đặt căn cứ quân sự ở hai nước này. Một lần nữa sự thật về quân đội Việt Minh thâm nhập vào hai nước Lào và Campuchia đã được thừa nhận một cách rõ ràng, vậy họ sẽ phải rút. Nhưng ngược lại có một đòi hỏi chưa bao giờ được nói ra rõ ràng: Việc phân vùng tập kết ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc67 (Trước đây đoàn đại biểu Pháp đã nêu ra ý kiến này. Xem hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/đoàn đại biểu Pháp/Giơ-ne-vơ. Bản ghi nhớ về vấn đề Hội nghị Giơ-ne-vơ và chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày 12-6-1954, tr.5).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 07:12:35 am
Phiên họp hạn chế ngày 18 tháng 6 đã đạt được những tiến bộ đầu tiên. Mở đầu bằng một bài tham luận hết sức gay gắt của Rô-béc-sơn (Robertson) một trong hai người phó của Bi-đơn Xmit, đã nhân danh nước Mỹ, khăng khăng tuyên bố rằng đề nghị của Trung Quốc là "không thể chấp nhận được"68 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.318). Ngay cả I-đơn, mặc dù vẫn quan hệ chặt chẽ với người Mỹ cũng phải đánh giá lời chỉ trích đó là "hoàn toàn bất ngờ"69 (A.E-den, Memoires (hồi ký) sách đã dẫn, tr.147). Bây giờ ngày càng hiển nhiên là Mỹ từ chối mọi thương lượng. Cùng ngày hôm đó, Ngô Đình Diệm một người theo chủ nghĩa quốc gia, theo đạo Thiên chúa và cấp tiến, thay thế Hoàng thân Bửu Lộc đứng đầu nội các Việt Nam. Mọi người đều biết những quan hệ thân thiết của Diệm với Mỹ cũng như tình cảm chống Pháp của hắn. Cả hai sự kiện này, thái độ của Mỹ tại Giơ-ne-vơ và việc Ngô Đình Diệm lên cầm quyền ở Sài Gòn-không thể không có liên hệ chặt chẽ với nhau. Hơn nữa hai sự kiện đó không thể không làm người Trung Quốc lo ngại. Có lẽ đó là lý do đưa Chu Ân Lai, mặc dù những lời lẽ khá cứng rắn của Rô-béc-sơn, đến chỗ không chọn con đường tranh luận mà lại kiên trì con đường hòa giải mà ông đã bắt đầu lao vào từ 48 tiếng đồng hồ70 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.316-317).


Các đại biểu Campuchia và Lào công khai thừa nhận những cố gắng của Trung Quốc và không đi theo thái độ ngoan cố của Mỹ, họ đề nghị những ý kiến trên thực tế khá gần với đề nghị của Trung Quốc ngày 16 tháng 671 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.312-317). Còn Phạm Văn Đồng, ông ta cũng tỏ ra thái độ hòa giải và tuyên bố "Có quân tình nguyện Việt Nam ở hai nước đó (Lào và Campuchia). Họ đã rút, nếu còn, họ cũng sẽ rút"72 (Như trên, tr.318. Cũng xem Nhân dân nhật báo 20-6-1954). Một sự khẳng định như vậy của người đại diện Việt Nam dân chủ cộng hòa, chứng tỏ một ý muốn hòa dịu thật sự. Chauvel và Molotov lấy cớ đó để nhấn mạnh đến nhiều điểm gặp nhau giữa văn kiện của Trung Quốc và đề nghị của Campuchia và Lào. Pháp được giao dự thảo một văn kiện thỏa hiệp sẽ trình hội nghị vào hôm sau.


Ngày hôm đó không kết thúc bằng một sự thỏa thuận rõ rệt nào, song được coi như tích cực. Từ nay một điều được thừa nhận là việc Mỹ từ chối thương lượng không nhất thiết làm cho hội nghị thất bại "Lời kêu gọi" của Trung Quốc đã được Pháp, Anh, Lào và Campuchia đáp ứng thuận lợi.


Ngày hôm sau, 19 tháng 6 Chu Ân Lai luôn luôn có Trương Văn Thiên cùng đi, đến gặp I-đơn lần nữa73 (Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ 196-1954). Thủ tướng Trung Quốc thừa nhận rằng "Khi đã hoàn chỉnh xong các điều khoản của một giải pháp quân sự đề ra cho mỗi nước trong ba nước" thì cũng sẽ giải quyết dễ hơn các vấn đề khác, nhất là vấn đề kiểm soát74 (A.I-đơn, Mémoires (hồi ký) sách đã dẫn tr.147). Sau đó, hội nghị tiếp tục họp để nghiên cứu văn kiện do Đại sứ Chauvel khởi thảo hôm trước75 (J.Chauvel. Sách đã dẫn, tr.72, ghi lại rằng trước phiên họp đó, ông đã gặp gỡ rất lâu với Chu Ân Lai để tham khảo ý kiến về nội dung văn kiện này. Tuy nhiên Đại sứ nói thêm rằng ông ta không giữ lại một kỷ niệm rõ rệt nào về cuộc gặp này nhưng biên bản đã gửi về Paris có thể tìm thấy dễ dàng trong hồ sơ Bộ Ngoại giao Pháp. Thực ra chúng tôi không tìm được tài liệu nào như vậy. Hình như Chauvel đã lẫn lộn với cuộc gặp gỡ ngày 22 tháng 6 sau này với Chu Ân Lai để chuẩn bị cho cuộc nói chuyện tại Berne giữa hai thủ tướng Pháp và Trung Quốc. Nhân dịp đó đại biểu Pháp đã trao cho thủ tướng Trung Quốc một văn kiện về vấn đề Lào và Campuchia. Xem đoạn sau). Sau một vài nhận xét về chi tiết76 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.323-327), tất cả các đoàn đại biểu (kể cả Mỹ) thông qua: Các cuộc hội đàm về quân sự liên quan đến Campuchia và Lào sẽ được tổ chức77 (Như trên, tr.424. Bình luận của Trung Quốc trong tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 196-1954) theo cách thức như đã tiến hành từ 29 tháng 5 cho tới nay về Việt Nam.


Sau 5 tuần làm việc, kết quả đạt được chắc chắn còn khá mỏng manh, nhưng đối với Trung Quốc đó là kết quả đáng kể. Các Bộ trưởng Ngoại giao sẽ rời Giơ-ne-vơ với một thỏa thuận đảm bảo rằng "các cuộc thương thuyết sẽ được tiếp tục". Đó là điều Chu Ân Lai mong muốn như ông ta đã nói cho Bi-đôn biết ngày 1778 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/đoàn đại biểu Pháp/bản ghi nhớ về vấn đề "Hội đàm Bi-đôn-Chu Ân Lai tại trụ sở đoàn đại biểu Pháp ngày 17-6-1954, tr.2). Vậy sáng kiến mà ông đưa ra ngày 16 đã tránh cho hội nghị về Đông Dương không phải chịu chung số phận như hội nghị về Triều Tiên. Phải chăng điều đó đã chứng minh rằng chính phủ Bắc Kinh thật sự mong muốn đi đến giải quyết hòa bình các vấn đề châu Á nói chung, và vấn đề Đông Dương nói riêng, trong lúc chính phủ Washington ngược lại, từ chối mọi thảo luận có tính cách xây dựng. Tự nó, phải chăng đó đã là một kết quả quan trọng đối với dư luận thế giới. Vì vậy Trung Quốc tỏ ra lạc quan một cách hợp lý. Trong lúc các buổi phát thanh của Việt Minh ít nói về hội nghị, nhưng lại dành phần lớn các bài bình luận của họ nói về các hoạt động quân sự đang tiếp diễn, thì đài phát thanh Bắc Kinh trái lại đã hoan nghênh thỏa thuận ngày 19 tháng 6 như "một thắng lợi quan trọng" cho phép hy vọng hội nghị sẽ đem lại kết quả tốt đẹp trong vòng ba tuần lễ nữa79 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Cao ủy Pháp/Sài Gòn/23-6-1954. Khoảng thời gian ba tuần, ấn định theo tuyên bố của M.France (xem đoạn sau) đã được hội nghị coi là thời hạn mà các tiểu ban quân sự phải báo cáo công việc cho hội nghị). Về phần mình Chauvel trong báo cáo về hội nghị, đánh giá sáng kiến của Trung Quốc "có tính cách thúc đẩy quyết định"80 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Hội nghị Giơ-ne-vơ, Báo cáo của J.Chauvel/15-11-1954, tr.5).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 07:14:28 am
Những cuộc nói chuyện giữa Trung Quốc và Campuchia, giữa Trung Quốc và Lào:

Những tiến bộ của hội nghị về vấn đề Campuchia và Lào còn cho phép Chu Ân Lai, trước khi rời Giơ-ne-vơ có những cuộc nói chuyện tay đôi bổ ích với đại biểu hai nước đó.

Kết thúc phiên họp ngày 19 tháng 6, Chu Ân Lai đã bày tỏ ý muốn nói chuyện với các đại diện của hai Vương quốc81 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Chauvel/Giơ-ne-vơ,s ố 815-820/21-6-1954. Toàn bộ biên bản các cuộc gặp gỡ Trung Quốc-Campuchia và Trung Quốc-Lào là rút từ điện trên đây sẽ không dẫn ra nữa. Các cuộc nói chuyện với nhiều đại biểu trong đoàn Việt Nam khẳng định là không hề có cuộc gặp Trung-Việt (ngụy) trong thời gian hội nghị). Thế là cuộc gặp được ấn định vào ngày hôm sau, trước hết là với người Campuchia. Trong gần một giờ, ngày 20 tháng 6, Tep Phan lần đầu tiên có dịp được nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc, lần này Thứ trưởng Lý Khắc Nông và Vụ trưởng vụ châu Á Trần Gia Khang82 (Tin Tân hoa xã Giơ-ne-vơ, 20-6-1954) cùng dự. Một cách hết sức thân ái, Chu Ân Lai lần lượt nhắc lại từng điểm trong lập luận mà ông đã phát biểu tại các phiên họp ngày 16, 18 và 19 tháng 6, cũng như trong buổi họp ngày 17 với Bi-đôn, ông ta nhắc lại quân tình nguyện Việt Minh sẽ phải rút hết khỏi lãnh thổ Campuchia: rằng sau đình chiến không một lực lượng nào có thể được đưa vào Campuchia và đặc biệt Trung Quốc rất coi trọng việc không có bất cứ căn cứ quân sự nào của Mỹ trên lãnh thổ của Vương quốc. "Về vấn đề chính trị đối nội, do có sự tồn tại của phong trào kháng chiến, chính phủ Campuchia phải giải quyết vấn đề đó có lợi cho đoàn kết dân tộc" và mỗi người đều có chỗ của mình trong cộng đồng Campuchia. Chu Ân Lai còn cho biết ở Trung Quốc cũng đã có vấn đề tương tự, sau đó đã tìm ra giải pháp: vậy có thể cũng phải tìm ra một giải pháp cho Campuchia83 (Đúng là sự so sánh có thể gây ra lo ngại đối với các lực lượng quốc gia (ngụy)).


Tóm lại, Trung Quốc khuyến khích chính phủ Vương quốc thương lượng về các vấn đề lực lượng ly khai trở về với tập thể quốc gia.

Không có gì mới thật sự so với lập trường của Chu Ân Lai về vấn đề Campuchia đưa ra từ bốn ngày nay. Tuy nhiên giọng nói của đại biểu Trung Quốc không phải là không làm cho người Campuchia phải xiêu lòng. Trung Quốc xem ra thật thà mong muốn Campuchia thực hiện hòa hợp dân tộc và thoát khỏi mọi sự thao túng của bên ngoài, dù là của Việt Minh hoặc nhất là của Mỹ. Có điều chú ý, chẳng hạn, không một lúc nào Chu Ân Lai đề cập vấn đề quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia, ông ta cố ý bỏ qua vấn đề đại diện của Đài Loan tại Phnôm-pênh84 (Quả thật có một lãnh sự Trung hoa quốc gia được phái đến bên cạnh chính quyền Bảo hộ Pháp ở Phnôm-pênh từ 1946; Khi Pháp tuyên bố trao trả độc lập cho Campuchia thì viên lãnh sự này hãy còn ở đó nhưng lại không được ủy nhiệm làm việc với các nhà đương cục Campuchia. Ông này ở Phnôm-pênh đến năm 1958 là năm kiến lập ngoại giao giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Campuchia (nguồn tin của Meyer cựu cố vấn của Thái tử Sihanouk 298-2-1954). Cần nhớ lại rằng ba ngày trước đó, ngày 17-6, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thỏa thuận với Anh trao đổi đại diện giữa hai nước mà không buộc Anh phải rút lãnh sự khỏi Đài Loan (xem đoạn trước ở chương V)). Như vậy thì tại sao lại nghi ngờ lòng trung thành của Trung Quốc khi Trung Quốc đề nghị với các nước Đông Nam châu Á một công thức cùng tồn tại hòa bình, cho phép mỗi nước được sống yên ổn.


Ngày hôm sau, 21 tháng 6, đến lượt Phủi-Sananikone, đại diện Lào gặp Chu Ân Lai, Lý Khắc Nông và Trần Gia Khang85 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, ngày 21-6-1954). Thủ tướng Trung Quốc nói cho đại diện Lào biết sự quan tâm của đoàn đại biểu Trung Quốc bằng những lời lẽ không khác mấy so với buổi hôm trước nói chuyện với Tep Phan: rút lực lượng Việt Minh, chống lại việc Mỹ đặt căn cứ quân sự tại Lào, khả năng để Lào vẫn ở lại trong Liên hiệp Pháp v.v... Tuy nhiên Chu Ân Lai tỏ vẻ lẩn tránh các vấn đề nội bộ của Vương quốc, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của phong trào kháng chiến Lào một cách rõ ràng hơn khi nói với đoàn đại biểu Campuchia. Có lẽ đó là hậu quả của những bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Minh trong vấn đề Pathet Lào86 (Trong khi Chu Ân Lai nói với Bi-đôn ngày 17 tháng 6 về một khu tập kết ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc (Hồ sơ Bộ Ngoại giao Pháp/Đoàn đại biểu Pháp/Bản ghi nhớ về vấn đề "Hội đàm giữa Bi-đôn và Chu Ân Lai tại trụ sở phái đoàn đại biểu Pháp ngày 17-6-1954", tr.5, thì cùng lúc đó Việt Minh lại đòi "kiểm soát quá nửa Lào, nhất là phần lớn Trung và Hạ Lào, kể cả gần toàn bộ cao nguyên Bô-lô-ven" (Hồ sơ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Chauvel/Giơ-ne-vơ/số 923-927/27-6-1954)). Khi Sananikone tỏ ý muốn gặp Phạm Văn Đồng, Chu Ân Lai hứa sẽ tạo mọi sự dễ dàng cho cuộc tiếp xúc đó87 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp ngày 29-6-1954/Biên bản về cuộc gặp Chu Ân Lai ngày 21 tháng 6 do Sananikone điện về Viên Chăn (bản sao lưu ở hồ sơ đoàn đại biểu Pháp)). Trước mắt Chu Ân Lai mời Sananikone ngay buổi tối hôm đó, đến dự bữa tiệc ông ta chiêu đãi đoàn đại biểu Việt Minh.


Bữa cơm tối 21 tháng 6 thực tế là dịp để người Trung Quốc, Lào, Campuchia và Việt Minh gặp nhau88 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Roux/Giơ-ne-vơ số 878-885/27-6-1954). Về phía Trung Quốc số lượng đông đảo nhân vật có mặt nói lên tầm quan trọng của cuộc chiêu đãi: ngoài Chu Ân Lai chủ tọa còn có tướng Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông, Vương Bính Nam, Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang, Wang Cho Ju (?)89 (Tin Tân hoa xã Giơ-ne-vơ 21-6-1954). Như điện báo cáo sau đó của đại diện Lào gửi về Viên Chăn, buổi chiêu đãi tối hôm đó diễn ra hết sức thân mật. Chu Ân Lai đem lại cho tất cả mọi người "ấn tượng về ý muốn chân thành của ông góp phần hòa giải các bên có liên quan"90 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/29-6-1954/Điện báo cáo của Sananikone gửi về Viên Chăn đã dẫn ở trên). Mấy tiếng đồng hồ trước khi Chu Ân Lai lên đường thăm Ấn Độ, đây là một kết quả rất tích cực đối với Trung Quốc, tô đậm nét hơn nữa hình ảnh người chiến sỹ hòa bình ở châu Á. Trong lúc chính phủ Mỹ cố gắng chứng minh rằng "cùng tồn tại hòa bình" do các nước phương Đông đề nghị chỉ là lừa bịp thì ngược lại Trung Quốc muốn chứng minh đúng là một cách khiêm tốn ý muốn thật sự giúp vào việc giải quyết vấn đề Đông Dương bằng cách đưa các đoàn đại biểu các phe đối địch ngồi lại với nhau. Các đoàn này cho tới nay mới chỉ có thể trao đổi quan điểm trong khuôn khổ các buổi họp toàn thể hay hạn chế. Thực tế, Chu Ân Lai đã giúp cho Phạm Văn Đồng có thể gặp riêng Tep Phan ngày 22 và 24 tháng 691 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Roux/Giơ-ne-vơ số 878-885/22-6-1954), gặp Sananikone ngày 23 tháng 6 tại nơi làm việc của đoàn đại biểu Trung Quốc. Cũng tại nơi này bắt đầu từ 20 tháng 6 đã diễn ra các cuộc gặp riêng giữa Đại sứ Chauvel và trưởng đoàn đại biểu Việt Minh92 (G.Chauvel sách đã dẫn, tr.74 và 76. Được khẳng định bằng cuộc nói chuyện ngày 4-6-1975 với Chauvel).


Từ nay Chu Ân Lai hoàn toàn làm chủ ván bài của mình. Người ta thấy ở ông tầm cỡ thực sự của một nhà ngoại giao sắc sảo. Nói một cách đơn giản hơn với đề nghị ngày 16 tháng 6, ông đã thành công trong việc xóa nhòa thất bại của hội nghị về Triều Tiên. Cuộc gặp M.Phrăng ngày 23 tháng 6 còn khẳng định thêm ấn tượng này, đồng thời mở ra cho hội nghị Đông Dương những triển vọng tốt đẹp hơn.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 07:16:46 am
Những cuộc hội đàm tại Berne

Thái độ của Trung Quốc đối với chính phủ mới của Pháp


Từ lâu, thái độ của chính phủ Lanienl, nhất là thái độ của Bộ trưởng Ngoại giao Bi-đôn tại Giơ-ne-vơ đã là đối tượng đả kích gay gắt của Trung Quốc. Khi cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra ở Pháp, những cuộc đả kích ấy còn kịch liệt hơn nữa. Báo chí Trung Quốc chỉ trích chính phủ Laniel chơi trò "hai mặt" một mặt tại Giơ-ne-vơ, Bi-đôn ra vẻ muốn đi đến hòa bình, nhưng mặt khác ở Paris, những quyết định nối tiếp nhau chứng tỏ ngược lại là người ta tìm cách mở rộng chiến tranh. Ví như chính phủ Pháp đã tham gia tích cực các cuộc "hội nghị về quân sự giữa năm nước"93 (Đây là cuộc họp giữa các bộ tham mưu Mỹ, Pháp, Anh, Ô-xtrây-lia, Niu Di-lân. Xem đoạn trước chương II. Phiên họp cuối cùng đã được triệu tập sớm mấy ngày ở Washington) và ủng hộ lời kêu gọi của Thái Lan tại Liên hiệp quốc94 (Lời kêu gọi ngày 29 tháng 5-1954 yêu cầu Liên hiệp quốc cử quan sát viên để điều tra về sự uy hiếp của Cộng sản ở Đông Dương, xem chương V). Trong lúc nhân dân Pháp mong muốn chấm dứt cuộc "chiến tranh bẩn thỉu", chính phủ Laniel quyết định gọi nhập ngũ trước thời hạn nửa thứ hai lớp tân binh khóa 195495 (Nhân dân nhật báo ngày 6-6-1954. Quyết định cuối cùng này xảy ra ngày 8 tháng 5). Việc Phê-đê-rích Đuy-pông (Féderic Dupont) thay thế Mác Giắc-kê làm quốc vụ khanh Bộ các quốc gia liên kết không được Trung Quốc hoan nghênh mấy vì Trung Quốc đánh giá người phụ trách mới của Bộ các quốc gia liên kết là một trong những phần tử cực hữu của phản động cực đoan trước chiến tranh thế giới lần thứ hai96 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 4-9-1954). Đồng thời việc cử tướng Ê-ly thay thế tướng Na-va cũng vậy, chứng tỏ rằng đối với báo chí Trung Quốc, Pháp quyết định theo đuổi ở Đông Dương một chính sách thuộc địa, trung thành với lợi ích của Mỹ97 (Như trên). Hết thảy các bài báo Pháp và nước ngoài, lên án Bi-đôn có thái độ lấy lòng chính phủ Washington đều được hãng thông tấn Tân hoa xã trích đăng một cách hệ thống98 (Ví dụ như tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, ngày 7-6-1954 trích dẫn báo Tribune des Nations (Diễn đàn các dân tộc), Paris 4-6-1954). Những sự việc vụn vặt nhất cũng được giải thích theo hướng mở rộng chiến tranh của giới hiếu chiến Pháp mà hiện thân là Chính phủ Laniel, chẳng hạn như việc mở phòng tuyển mộ của đội Lê dương ở Cologne99 (Như trên, Bắc Kinh 8-5-1954).


Những cố gắng của các phái đối lập với chính phủ cũng được Trung Quốc chăm chú theo dõi với mức độ tương tự. Những cố gắng của M.Phrăng càng mở rộng bao nhiêu thì báo chí Trung Quốc càng gán cho chúng tầm quan trọng bấy nhiêu. Những tham luận của M.Phrăng ở hạ viện ngày 1 và 2 tháng 6 đã được báo chí Trung Quốc đăng lại một cách chu đáo nhất là những câu chất vấn Laniel liên quan đến quyền tự do hành động của đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ không phụ thuộc vào Mỹ100 (Tin Tân hoa xã/Giơ-ne-vơ 4-6-1954). Bài diễn văn tại bữa việc ăn trưa ngày 9 tháng 6 tại Hội báo chí Anh-Mỹ đã được hoan nghênh đặc biệt. Tại đó nghị sĩ cấp tiến M.Phrăng đã tuyên bố rằng chính sách của Laniel và Bi-đôn đi ngược lại lợi ích dân tộc của Pháp. Bình luận lời tuyên bố đó, báo chí Trung Quốc khẳng định rằng việc tiếp tục chiến tranh không những gây tổn thất về người và tiền bạc mà cũng còn là một nguyên nhân làm suy yếu cả châu Âu nữa; mỗi lần gửi tiếp viện sang Đông Dương lại làm sâu sắc thêm tình trạng mất cân bằng giữa Pháp và Tây Đức, lợi ích của Pháp là tìm kiếm ở Giơ-ne-vơ một giải pháp hòa bình cho vấn đề Đông Dương101 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, ngày 12-6-1954).


Vì vậy mấy ngày sau việc chính phủ Laniel đổ đã được Trung Quốc giải thích như một bằng chứng về thất bại của "trò chơi hai mặt" của Bi-đôn ở Giơ-ne-vơ từ bảy tuần nay và đó là một sự kiện làm cho người ta tin tưởng vào kết quả của hội nghị102 (Như trên, Giơ-ne-vơ, 14-6-1954). Chắc chắn là sẽ có nhiều nguy cơ Mỹ sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng này để làm hội nghị thất bại, nhưng ngược lại, nhân dân Pháp-như tờ Nhân dân nhật báo đã khẳng định-sẽ không tha thứ cho chính sách phản động của nhóm thân Mỹ, Laniel, Bi-đôn nữa103 (Nhân dân nhật báo, 15-6-1954). Nếu M.Phrăng được nhân dân tín nhiệm chính là vì ông ta đã hứa sẽ đem lại "hòa bình trong vòng một tháng". Bây giờ ông ta cần kiên quyết chọn một thái độ độc lập đối với Mỹ. Những đề nghị xây dựng của Trung Quốc đưa ra ngày 16 tháng 6 đã loại trừ mọi lý do mà các nước phương Tây viện ra để ngăn cản hội nghị tiến triển. Từ nay đã có cơ sở vững chắc cho một giải pháp hòa bình ở Đông Dương104 (Đại công báo 20-6-1954 (Xã luận). Báo cáo trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Buzon Hồng Công số 201-203/22-6-1954). Ngoài ra ngay tại Giơ-ne-vơ, Chu Ân Lai đã cho một vài vị khách đến thăm biết lòng mong muốn của ông ta được thấy hội nghị tiến triển với chính phủ mới lên cầm quyền ở Pháp. Vì vậy ngày 19 tháng 6 Chu Ân Lai đã tiếp Ronning (Chester Ronning), người cầm đầu phái đoàn Canada tại hội nghị Giơ-ne-vơ về Triều Tiên105 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 19-6-1954). Ông này đã từng làm đại diện ở Trung Quốc năm 1949 và biết rất rõ thủ tướng Trung Quốc. Vì vậy Chu Ân Lai đã nói chuyện với ông ta khá thoải mái về sự tiến triển của hội nghị, đã gợi lại rất lâu về thời gian du học tại Paris, rồi kết luận: "tôi yêu mến nước Pháp (...) Ý muốn tha thiết của tôi, ông hãy tin như thế, là được thấy nước Pháp phục hồi sức mạnh của mình, điều đó chỉ có thể thực hiện được một khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt (...). Vì vậy tôi sung sướng thấy nước Pháp có một chính phủ khá mạnh để hành động (...). Vì vậy tôi sung sướng thấy nước Pháp có một chính phủ khá mạnh để hành động (...). Ông M.Phrăng đã tháy được tình hình và đã hành động một cách khôn ngoan"106 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, tin của Voillery Reyjavik số 250 SG/8-8-1954. Ronning sau đó được cử làm đại sứ Canada tại Islande, kể lại câu chuyện này cho đại sứ Pháp tại Reykjavik. Ông ta nói thêm về thái độ đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ như sau: "Người Trung Quốc... Không lệ thuộc vào Liên Xô như người ta thường nghĩ như vậy. Thực tế là họ muốn có hòa bình ở Đông Dương, nhất là sau thất bại ở Hội nghị về Triều Tiên, nền hòa bình đó rất cần đối với họ để thực hiện dự án to lớn về công nghiệp hóa đất nước và do đó cũng có nền an ninh và độc lập của họ - họ đã buộc người Nga phải tôn trọng ý muốn đó (...)").


Ngoài ra chính Chu Ân Lai là người chủ động yêu cầu đoàn đại biểu Pháp tổ chức cuộc gặp giữa ông ta và thủ tướng mới của Nội các Pháp107 (J.C.Chauvel sách đã dẫn, tr.73). M.Phrăng cũng đã nghĩ đến một cuộc gặp như vậy108 (M.Phrăng đã cho B.Smith biết ông muốn gặp Chu Ân Lai từ ngày 19 tháng 6 (D.D.Eisenhower, sách đã dẫn, tr.308) nên rất hoan nghênh ý kiến đó và đề nghị ngay lập tức một cuộc họp ở ngoại ô Paris109 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Chauvel/Paris số 1076/20-6-1954. Ông M.Phrăng nói là ông ta đề nghị chọn thành phố Dijjon làm nơi hội đàm với Chu Ân Lai (nói chuyện ngày 4 tháng 7 năm 1975)). Đại tá Ghi-éc-ma được giao nhiệm vụ đi bàn với đoàn đại biểu Trung Quốc. Nhưng phía Trung Quốc cho biết thủ tướng Trung Quốc không thể đi Pháp vì vậy đề nghị cuộc họp sẽ tổ chức ở một thành phố nào đó của Thụy Sĩ110 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện đoàn đại biểu Pháp/Giơ-ne-vơ/số 807/2-6-1954). Theo gợi ý của Chauvel, Berne111 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện đoàn đại biểu Pháp/Giơ-ne-vơ/số 828/22-6-1954; J.Chauvel, sách đã dẫn, tr.73) đã được chọn làm hai thủ tướng gặp nhau. Thời gian được ấn định là 23 tháng 6. Địa điểm gặp là Đại sứ quán Pháp tức là lãnh thổ Pháp, điều này đối với Trung Quốc là một cử chỉ thiện chí rõ rệt112 (Nhận xét của M.Phrăng (nói chuyện ngày 3 tháng 7 năm 1975)).


Để chuẩn bị cho cuộc họp, ngày 22 tháng 6, Chauvel đến gặp Chu Ân Lai113 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Giơ-ne-vơ/Bản ghi nhớ về vấn đề "Hội đàm giữa Chauvel và Chu Ân Lai ngày 22-6-1954/22-6-1954, 4 trang). Sau khi giới thiệu cho đại biểu Pháp hai ông Lý Khắc Nông, Thứ trưởng Ngoại giao và Trần Gia Khang, Vụ trưởng vụ châu Á sẽ lãnh đạo đoàn đại biểu Trung Quốc trong thời gian ông ta vắng mặt, thủ tướng Trung Quốc đề cập đến bản thân cuộc hội nghị. Thật ra người ta không trông đợi cuộc nói chuyện này thêm điều gì rõ ràng cả. Chauvel đưa cho Chu Ân Lai hai dự thảo và về các vấn đề Lào và Campuchia, nhưng trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc muốn dành câu trả lời cho đến khi Cu-dơ-nết-xốp đến Giơ-ne-vơ cầm đầu đoàn đại biểu Liên Xô. Tối hôm đó hãng thông tấn Tân hoa xã báo tin về cuộc gặp dự kiến vào ngày hôm sau giữa Chu Ân Lai và M.Phrăng114 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ 22-6-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 07:18:45 am
Cuộc gặp giữa Chu Ân Lai và Măng-đét Phrăng

Cuộc hội đàm giữa hai vị đứng đầu chính phủ diễn ra ngày 23 tháng 6 bắt đầu từ 15 giờ trong sứ quán Pháp tại Berne115 (Cần lưu ý rằng cuộc gặp này diễn ra trong lúc Molotov đã lên đường trở về Liên Xô). Cùng đi với Chu Ân Lai có Lý Khắc Nông, Feng Hsuan (?), công sứ Trung Quốc tại Liên bang Thụy Sĩ và Hoàn Hương, vụ trưởng Vụ Tây Âu và châu Phi116 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 23-6-1954. Hai thứ trưởng khác Trương Văn Thiên và Vương Gia Tường đã rời Giơ-ne-vơ từ hôm trước. Cùng dự với M.Phrăng có Chauvel, Roux, Guillermaz). Chauvel ghi lại "Hôm đó trời đẹp. Tôi đưa các vị khách ra sân thượng, mời họ uống chè Tàu nhưng không ai uống còn nước cam thì được mọi người ưa chuộng. Sau đó cuộc nói chuyện bắt đầu117 (G.Chauvel, sách đã dẫn, tr.74).


Thực ra cuộc hội đàm bắt đầu khá khó khăn, Chu Ân Lai biết ít về M.Phrăng, trong giờ phút đầu tiên, ẩn mình trong sự dè dặt hoàn toàn chính thức đối với người đối thoại mới118 (Như trên, nhớ lại rằng trong các cuộc thảo luận tại Quốc hội M.Phrăng đã bác bỏ những ý kiến của các nghị sĩ cộng sản, báo chí Trung Quốc không hề nói đến việc này). Ông ta tuyên bố ngay lúc bắt đầu câu chuyện, như để đánh dấu rõ rệt hơn việc chuyển sang giai đoạn mới của hội nghị119 (Điều đó có thể được giải thích như một số phản ứng đối với các biện pháp quân sự mới của M.Phrăng nếu hội nghị đi đến thất bại). "Chắc là ngài không thể không biết rằng Trung Quốc không sợ đe dọa và không thừa nhận sự đe dọa như là những thủ tục đàm phán". Rồi ông thủ tướng trình bày dài dòng tất cả những điểm đã thỏa thuận và tất cả những điều nhượng bộ của Trung Quốc. Tức là ông ta lần lượt gợi lại, như ông đã làm từ một tuần nay với từng  đoàn đại biểu ở ba nước Đông Dương về những tình hình khác nhau ở mỗi nước, tương lai của Lào và Campuchia, quân đội Việt Minh cần rút khỏi hai nước đó, về ý muốn của Trung Quốc không để Liên hiệp quốc can thiệp vào cuộc xung đột này và ngăn cấm Mỹ không được đặt căn cứ quân sự ở bán đảo Đông Dương, ba nước Đông Dương có thể ở lại trong khối Liên hiệp Pháp, v.v... đó là những ý kiến đậm màu sắc ôn hòa và chứng minh ý muốn thật sự đi đến một giải pháp có thể thỏa mãn được các bên.


Nếu, nhìn chung cuộc nói chuyện không đem lại điều gì căn bản mới mẻ so với những điều đã trình bày với Bi-đôn hôm 17 tháng 6120 (Măng-đét Phrăng cho rằng trong cuộc gặp hôm 23 tháng 6, Chu Ân Lai sẽ nói đến những ý kiến quyết định về Campuchia và Lào. (Nói chuyện với M.Phrăng ngày 3 tháng 7 năm 1975). Thực ra Thủ tướng Trung Quốc chỉ khẳng định lại nội dung đã nói với Bi-đôn hôm 17 tháng 6 mà M.Phrăng không được biết)), nó cũng cho phép xác định rõ hơn những ý kiến cho tới nay còn khá mập mờ. Chu Ân Lai đã nói rõ rằng ở Việt Nam tiếp theo ngừng bắn là "tuyển cử tự do", mở đường đi tới thống nhất đất nước. Ngoài ra ông cũng cho M.Phrăng biết Việt Minh cũng như Trung Quốc "sẵn sàng thừa nhận chủ quyền độc lập, thống nhất của Campuchia và Lào". Thủ tướng Trung Quốc cũng khẳng định rằng ông thúc đẩy "đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa nhích lại gần không những với nước Pháp mà với cả Việt Nam của Bảo Đại". Nhận xét sau cùng này là mới mẻ một cách đáng ngạc nhiên.


Trong thông báo về nội dung cuộc họp này gửi cho các sứ quán Pháp tại Luân Đôn và Washington vào ngày hôm sau. M.Phrăng nêu lên năm điều đáng ghi nhớ lại121 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện ngoại giao/Paris/số 9556-9561 (Luân Đôn) và 8652-9657 (Washington) 25-6-1954). Một mặt Trung Quốc đã không tìm cách đòi sự đền bù nhỏ nhất nào đối với những nhượng bộ của họ về vấn đề Lào và Campuchia122 (Người ta nhớ lại từ lâu, người Pháp sẵn sàng nhân nhượng cho Trung Quốc một số quyền lợi nhất là ở Bắc kỳ. Xem đoạn trước ở chương V). Thứ hai, Chu Ân Lai không những khẳng định lại sự đồng ý cần thảo luận các vấn đề quân sự trước các vấn đề thuần túy chính trị,  mà còn - đây là điều chủ yếu - lần đầu tiên tuyên bố rằng sau khi giải pháp quân sự, giải pháp chính trị có thể tiến hành theo nhiều bước trong một thời gian khá dài. Thứ ba, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đã thừa nhận cần thiết phải đẩy nhanh việc thương lượng về tập kết quân đội Việt Nam-Chu Ân Lai đã nói đến thời hạn ba tuần lễ-còn nói thêm rằng Việt Minh cũng mong muốn Hội nghị nhanh chóng đi đến kết quả. Thứ tư, Trung Quốc đã không hề đề cập đến vấn đề Pháp công nhận về ngoại giao, cũng như vấn đề Đài Loan và vấn đề Trung Quốc gia nhập Liên hiệp quốc. Người ta bèn nhanh chóng báo cho Đài Bắc biết tin này. Cuối cùng Chu Ân Lai không tìm cách đòi chính phủ mới của Pháp phải có nhượng bộ đặc biệt gì.


Tóm lại người đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc đã không hề tìm cách khai thác những khó khăn chính trị mà nước Pháp đang trải qua. Chẳng những thế, trước thủ tướng mới của Nội các Pháp, ông ta còn xác định những mục tiêu hành động của ông ta đúng với mức độ của nó. Ông tuyên bố "Đoàn đại biểu Trung Quốc chỉ có mục đích duy nhất là lập lại hòa bình ở Đông Dương, chứ không có tham vọng nào khác. Đoàn đại biểu Trung Quốc không đặt điều kiện gì". Sau đó hai bên từ biệt nhau với "một ấn tượng tốt đẹp", thừa nhận tiếp xúc tay đôi có lợi123 (G.Chauvel, sách đã dẫn, tr.75). Cuối buổi chiều hôm đó, Hoàng Hoa tổ chức họp báo tại Berne nói về cuộc gặp gỡ này124 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 23-6-1954).


Chưa thỏa thuận điều gì có tính chất quyết định cả, tuy nhiên, cuộc hội đàm đã làm náo động dư luận. Nếu ở Pháp và ở Anh, báo chí đưa về sự kiện đó một cách bình thường hoặc thích thú, thậm chí chỉ có thiện cảm125 (Ví dụ báo Times 24-6-1954. Báo cáo trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Masigli/Luân Đôn số 2576/24-6-1954), các báo hàng ngày ở bên kia Đại Tây Dương, trái lại phản ứng hoàn toàn khác. Đi đầu là tờ thời báo New York: "Một sự thỏa hiệp chính trị về Đông Dương giữa Bắc Kinh và Paris"126 (Báo New York times 25-6-1954. Báo cáo trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Bonnet/Washington, số 3752/25-6-1954). Còn trên tờ diễn đàn New York hai anh em Alxop viết bài dưới đầu đề "Sắp xảy ra một vụ Munich châu Á"127 (The New York Herald Tribune 25-6-1954). Mấy ngày sau khi quân đội Liên hiệp Pháp rút khỏi đồng bằng Bắc bộ (cuộc hành quân Auvergne128 (Cuộc hành quân Auvergne là trên đặt cho việc rút quân đội Liên hiệp Pháp khỏi đồng bằng Bắc bộ và tập trung xung quanh Hà Nội-Hải Phòng. Hai địa phận công giáo Bùi Chu, Phát Diệm đã bị bỏ lại. Thực ra những quyết định về mặt quân sự như vậy là tình hình nguy ngập của quân đội Liên hiệp Pháp đòi hỏi và do Chính phủ Laniel ban hành, không có liên quan gì đến cuộc hội đàm ở Berne) thì cái gọi là sự cấu kết Pháp-Hoa "xuất hiện càng rõ hơn nữa đối với một số người. Bất chấp nhiều lời cải chính của các giới chính thức Pháp, các nghị sĩ Mỹ-như nghị sĩ Cộng hòa Bentley-tuyên bố họ tin rằng cuộc rút lui ấy chỉ là giai đoạn đầu của sự thỏa hiệp giữa M.Phrăng và Chu Ân Lai. Phản ánh mối quan tâm của Bộ Ngoại giao, tờ thời báo viết rằng những giới chính thức Mỹ không được thông báo đầy đủ về tính chất các cuộc gặp riêng ở Berne, đến mức như tờ báo New York này cho rằng người ta có thể tự hỏi phải chăng liên minh Pháp-Mỹ đã phai nhạt?129 (The New York Times 4-7-1954. Cũng xem The New York Herald Tribune 7-7-1954. Báo cáo trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Bonnet/Washington/4004-4007/7-1954. Cảm giác này cũng còn do Pháp đã không ủng hộ Mỹ ở Liên hiệp quốc hai tuần trước đó trong cuộc khủng hoảng Guatemala). Một vài cơ quan báo chí, kể cả ở châu Âu, thậm chí có thể đề xuất rằng nước Pháp đã nhận là sẽ công nhận Trung hoa nhân dân và ủng hộ việc gia nhập của Trung Quốc và Liên hiệp quốc130 (Thí dụ như Tribune de Geneve/Diễn đàn Giơ-ne-vơ 25-6-1954). Cộng với nỗi lo sợ đã cảm thấy ở Washington đối với thái độ của Anh, những tin đồn ấy thậm chí đi đến chỗ làm nổ ra ở thủ đô Mỹ một chiến dịch dư luận thật sự, do các thượng nghị sĩ Nao-lên và Giôn-sơn nuôi dưỡng, chủ trương Mỹ rút khỏi Liên hiệp quốc nếu Trung hoa nhân dân được kết nạp vào tổ chức này131 (R.F.Randle, sách đã dẫn, tr.302-303. Những người đề xướng hành động này đã không làm cho Quốc hội Mỹ đi đến một quyết định như thế, nhưng Hạ nghị viện đã thông qua một nghị quyết phản đối việc gia nhập của Liên hiệp quốc và đòi hỏi tổng thống điều trần trước các nghị sỹ về việc Mỹ tiếp tục ở lại tổ chức thế giới này trong trường hợp chính phủ Bắc Kinh được nhận vào Liên hiệp quốc. House Résolution, số 167, 15-7-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 07:22:58 am
Còn báo chí Trung Quốc thì giữ thái độ hết sức kín đáo, Tân hoa xã chỉ đạo cho biết có cuộc gặp gỡ giữa Chu Ân Lai và M.Phrăng trong đó hai vị chính khách đã tự do trao đổi ý kiến, cho phép kết luận rằng hội nghị "sẽ có tiến bộ"132 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 23-6-1954). Ngoài ra, Trung Quốc đăng lại các bài xã luận báo phương Tây biểu đồng tình với sự kiện đó133 (Như trên, Giơ-ne-vơ, 25-6-1954). Nhưng Trung Quốc không hề lúc nào khai thác các cuộc hội đàm Berne vào mục đích tuyên truyền đơn thuần. Sự thật đây mới chỉ là cuộc tiếp xúc đầu tiên, có lẽ chính phủ Trung Quốc muốn giữ thái độ dè dặt trong khi chờ đợi Thủ tướng mới của chính phủ Pháp có những sáng kiến cụ thể trong những ngày tới.


Khi từ biệt Chu Ân Lai, M.Phrăng đã cho biết ông ta sẽ có những chỉ thị rõ ràng cho đoàn đại biểu Pháp tiếp tục thương thuyết và hy vọng rằng về phía đoàn đại biểu Việt Minh cũng nhận được chỉ thị như vậy134 (Có phải là M.Phrăng qua đó muốn nói rằng Trung Quốc sẽ phải chỉ thị cho đoàn đại biểu Việt Minh không?). Đúng như thế, ngay hôm sau, Thủ tướng Pháp họp riêng với một ủy ban hạn chế, đề ra những chỉ thị hướng dẫn cho Chauvel thương thuyết với Phạm Văn Đồng: Tập kết quân đội bên trong hai khu vực lớn đường chia cắt vĩ tuyến 18, trung lập hóa các địa phận công giáo ở bên trong khu vực Việt Minh (và có thể lập một khu trung lập ở phía Nam nếu Việt Minh yêu cầu). Pháp giữ Hải Phòng càng lâu càng tốt135 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/"Cuộc họp ngày 24 tháng 6 hồi 13 giờ dinh thủ tướng M.Phrăng"/Paris 24-6-1954 (có mặt hôm đó, ngoài M.Phrăng, có Guy la Chambre, Parodi, Chauvel và tướng Ê-ly. Cũng xem G.Chauvel, sách đã dẫn, tr.75-76). Kể từ lúc này việc chia cắt Việt Nam đã trở thành mục tiêu chính thức của đoàn đại biểu Pháp. Giai đoạn thứ hai của cuộc thương lượng về Đông Dương sắp bắt đầu.


Tất nhiên bản thân việc một chính phủ mới lên cầm quyền ở Pháp cũng đã giải thích nhiều việc triển khai trở lại hội nghị. Nhưng thái độ của Trung Quốc kể từ ngày 15 tháng 6 đã góp phần đưa cuộc thương lượng ra khỏi bế tắc mà Mỹ sẵn sàng thúc đẩy. Đề nghị ngày 15 tháng 6 của Trung Quốc chắc chắn làm nẩy sinh những hy vọng mới về giải pháp thông qua thương lượng. Ngoài ra cuộc gặp giữa Chu Ân Lai và M.Phrăng một tuần sau đó, cũng đã góp phần xóa nhòa thất bại của hội nghị về Triều Tiên. Trái ngược với cảm tưởng đã bao trùm buổi họp chiều 15 tháng 6 (trong hội nghị về Triều Tiên-người dịch), từ nay đã được chứng minh rõ ràng rằng việc đưa nước Trung Hoa mới tham gia các cuộc thảo luận giữa các nước lớn-đó là toàn bộ ý nghĩa của các cuộc hội đàm ở Berne-đúng là làm cho dễ dàng giải pháp hòa bình đối với các vấn đề đang còn gác lại.


Ngoài ra các hậu quả trực tiếp, đề nghị ngày 16 tháng 6 của Trung Quốc là những bài học phong phú về bản chất chính sách đối ngoại của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Trung Quốc kế tục một cách rõ ràng truyền thống lâu đời của "nền hòa bình kiểu Trung Quốc". Ở Đông Nam châu Á lục địa nền hòa bình kiểu đó nhiều khi là kết quả của thế cân bằng được vun trồng và kiểm soát một cách khéo léo hơn là do những cuộc can thiệp quân sự ồ ạt. Chúng ta còn nhớ, triều đại Thanh đã gắn chặt mối quan hệ chư hầu với các lãnh địa Phật giáo Lào trong khi các lãnh địa này cùng một lúc chịu thần phục nước Đại Việt bành trướng (sau này là Việt Nam)-cũng lại là chư hầu của Trung Quốc. Theo một cách nào đó, thái độ của Trung Quốc đối với Lào và Việt Minh, năm 1954 làm người ta nhớ lại một phần tình hình xảy ra ngày trước136 (Và điểm này, xem đoạn sau ở chương VIII).


Thật vậy, tách các vấn đề Lào và Campuchia khỏi vấn đề Việt Nam đem lại cho bán đảo Đông Dương một nhân tố cân bằng, điều này hoàn toàn không thấy có trong lập trường ban đầu của Việt Minh. Kỳ thực, Trung Quốc đã đặt ở đó nền tảng mà chính sách Đông Dương của mình là: ủng hộ cộng sản Việt Nam nhưng cũng tôn trọng tính đặc thù-có thể nói là tính trung lập-của các Vương quốc Lào và Campuchia, nhưng nơi cộng sản Việt Nam nuôi tham vọng. Tính chiến đấu cách mạng và lý trí quốc gia pha trộn với nhau không sao giải quyết được137 (Tướng De Brébisson người đối thoại chủ yếu của Việt Minh ở Giơ-ne-vơ nghĩ rằng khi Trung Quốc giữ cho hai Vương quốc thoát khỏi sự thao túng của Việt Minh, thực tế là duy trì khả năng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc (nói chuyện với De Brébission ngày 6 tháng 2 năm 1976)).


Xét theo quan điểm của Lào và Campuchia, đề nghị của Trung Quốc đặt cơ sở cho một chính sách cùng tồn tại hòa bình giữa Trung Quốc và Đông Dương không xã hội chủ nghĩa. Bản thân Chu Ân Lai đã nói rõ điều đó: ông ta quan niệm hai Vương quốc sẽ mang hình ảnh của Ấn Độ, Miến Điện hay Indonesia, đúng là những nước mà Trung Quốc xây dựng quan hệ hữu nghị trên cơ sở năm nguyên tắc (cùng tồn tại hòa bình-Người dịch). Nhưng sáng kiến của Trung Quốc còn đi xa hơn thế, vì nó lôi kéo Việt Nam dân chủ cộng hòa đi theo một con đường với hai nước láng giềng Lào và Campuchia. Trung hoa với tư cách là một nước, và cũng là thế giới Trung hoa (bao gồm cả Việt Minh) với tư cách là một địa bàn văn minh, như vậy là đã đem lại khả năng duy trì một thế cân bằng xây dựng trên nguyên tắc "cùng tồn tại"138 (Khó mà tin theo các phân tích của Trung hoa quốc gia nói rằng thái độ của Trung hoa nhân dân tại Geneva đơn thuần chỉ là một bước thực hiện âm mưu của Trung cộng nhằm biến Lào thành cộng sản. Xem Chiang T'ao/Trung cộng xích hóa... bài đã dẫn, tr.71). Với phần khác của châu Á được gọi là miền ngoại Ấn (trong đó có cả Lào và Campuchia). Người ta hiểu rằng một triển vọng như vậy đã cám dỗ ngay lập tức Paris, Luân Đôn hay Niu Delhi (mới chỉ kể đến ba thủ đô đó). Nhưng người ta cũng hiểu rõ rằng trong khi Việt Nam dân chủ cộng hòa bị bắt buộc-còng dùng chữ gì khác-phải tán thành quan điểm của Trung Quốc thì giữa hai nước đã xuất hiện một số bất đồng. Chuyến đi châu Á của Chu Ân Lai, và nhất là cuộc hội đàm với ông Hồ Chí Minh gần biên giới Trung-Việt là nhằm tìm cách khắc phục những bất đồng ấy.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 09:34:10 pm
Chương VIII
Chu Ân Lai đi thăm châu Á


"Tôi tin rằng việc củng cố tình đoàn kết giữa Trung Quốc và Ấn Độ-những nước chủ yếu ở châu Á-vì sự nghiệp hòa bình chỉ có thể làm tăng thêm khả năng thành công của hội nghị Giơ-ne-vơ".
(Chu Ân Lai phát biểu tại Niu Delhi ngày 27-6-1954)


"Cách mạng không thể đem xuất cảng..."
(Thông cáo chung Trung-Miến
Yangon ngày 29-6-1954)


Đặt chân tới Giơ-ne-vơ hai tháng trước đây, Thủ tướng Trung Quốc đã cho biết rằng ông ta không coi hội nghị như là một phương tiện đơn thuần chỉ để giải quyết vấn đề Đông Dương mà cũng còn là một dịp thương thuyết trong những khuôn khổ khác nhau, nhằm củng cố vị trí quốc tế của Trung Quốc. Vì vậy rời Thụy Sĩ lên đường đi thăm Ấn Độ, Chu Ân Lai không phải là không còn quan tâm đến hội nghị Giơ-ne-vơ1 (Một vài nhà bình luận cho rằng việc trở lại Bắc Kinh qua ngả châu Á chứ không phải là qua Mát-xcơ-va là một dấu hiệu ý muốn tự chủ của Trung Quốc đối với Liên Xô. Coral Bell, sách đã dẫn, tr.73). Ông ta chỉ thay đổi địa bàn hoạt động nhằm đưa đối phương, chủ yếu là Mỹ vào một trận địa mà Mỹ đã không lựa chọn và ở đó Mỹ không làm chủ. Ở Giơ-ne-vơ, Trung Quốc ở vào thế phòng ngự: người ta thấy rõ trong buổi họp hôm 15 tháng 6 (về Triều Tiên-N.D.). Ở châu Á, Trung Quốc sẽ ở vào tình thế tốt hơn, thể hiện được tính năng động của nền ngoại giao của họ và củng cố thế đàm phán của họ ở trong giai đoạn cuối cùng. Phép biện chứng có mặt ở khắp mọi nơi.


Các cuộc gặp gỡ Trung-Ấn và Trung-Miến

Tầm quan trọng của Ấn Độ trong ván bài ngoại giao Trung Quốc

Ấn Độ là một địa bàn hoàn toàn đặc biệt để thử nghiệm những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình mà Chính phủ Bắc Kinh đề nghị với các nước "có chế độ xã hội khác nhau".

Từ một phần tư thế kỷ nay, một số nhà lãnh đạo Quốc hội Ấn Độ không ngừng xem Trung hoa như một đồng minh đáng mong muốn để chống đế quốc. Ngay từ năm 1927, tại Đại hội các dân tộc bị áp bức ở Bruxelles, người Ấn Độ và người Trung Quốc đã ra một bản tuyên bố chung bày tỏ sự cần thiết đối với nhân dân hai nước phải làm sống lại tình hữu nghị lâu đời của 3.000 năm lịch sử. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1939, Nê-ru đã đi xa hơn, tưởng tượng một kiểu liên bang phương Đông bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ là những thành phần chủ yếu. Và năm 1945, đảng của Nê-ru còn gợi lại nếu không phải là liên bang thì ít ra cũng là sự sự "phối hợp" giữa các nước châu Á, nhất là giữa Trung Quốc và Ấn Độ2 (W.F.Van Eekelen, Indian Foreign Policy and the Border Dispute with CHina (Chính sách đối ngoại của Ấn Độ và tranh chấp biên giới với Trung Quốc). La Haye, M.Nijhoff, xuất bản lần thứ hai 1967, tr.21-23).


Việc những người cộng sản lên cầm quyền ở Trung Quốc tất nhiên đã làm thay đổi triển vọng đó. Ông K.M.Panikkar đã từng làm đại sứ của Ấn Độ tại Trung Quốc đến lúc chế độ quốc gia sụp đổ và những năm đầu của chế độ Cộng hòa nhân dân, viết: "Như mọi người, tôi biết rằng với một nước Trung Hoa cộng sản, không có vấn đề xây dựng các mối quan hệ thân thiết"3 (K.M.Pankikkar, In two Chinas, Memoirs of a Diplomat (Ở hai Trung Quốc. Hồi ký của một nhà ngoại giao), Luân Đôn, George Allen và Unwin, 1955, tr.102. Chúng tôi gạch dưới). Nhưng ông cũng viết tiếp: "Tôi lại lạc quan về khả năng thành lập một khu vực hợp tác (với Trung Quốc) bằng cách loại bỏ những nguyên do không hiểu nhau, cạnh tranh với nhau v.v...". Cuối cùng chính phủ Niu Delhi là nhà nước không cộng sản đầu tiên đặt quan hệ ngoại giao với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Bốn năm sau, hiệp ước Trung-Ấn về Tây Tạng4 (Xem đoạn trước, chương IV) được ký kết, đã chỉ ra con đường mà Ấn Độ sẵn sàng đi tới để đón lấy tình hữu nghị của Trung Quốc.


Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc đã có một cái vốn cảm tình trong một số giới Ấn Độ, vẫn còn có nhiều biểu hiện dè dặt đối với Trung Quốc còn tồn tại nhiều khó khăn đằng sau dự bình thướng hóa bề ngoài của các mối quan hệ giữa hai nhà nước. Dư luận Ấn Độ quan tâm sâu sắc đến việc quân giải phóng nhân dân chiếm đóng Tây Tạng từ mùa thu 1950. Chính phủ Niu Delhi đã chính thức phản kháng với chính phủ Bắc Kinh về việc sử dụng vũ lực5 (Công hàm ngày 26-10-1950, đăng trog Bulletin quotidien de presse étrangèra (Bản tin hàng ngày về báo chí nước ngoài), số 1723 ngày 8-11-1950) và nhiều nhân vật chính trị Ấn Độ đã lên án những hành động của Trung Quốc cũng như thái độ thụ động của Ấn Độ trước những hành động đó6 (Trong số những người phản đối có Tiến sĩ Ambedknr, lãnh tụ "của tầng lớp tiện dân", giáo sư N.G.Ranga, Bí thư Quốc hội Acharya Kripalani, lãnh tụ đảng Praja xã hội chủ nghĩa, M.R.Masani, nghị sĩ v.v... Xem W.F.van Eekelen, sách đã dẫn, tr.34). Sau cùng phong trào nông dân vũ trang theo kiểu các xô viết Trung hoa những năm 1920 và 1930 nổ ra ở Telegana (đông bắc Ấn Độ) chỉ làm tăng thêm mối lo ngại đó đối với Trung Quốc7 (Về điểm này, xem "Trung Quốc và phong trào cộng sản Ấn Độ", Tạp chí Asia Quarterly (châu Á tam cá nguyệt), Bruxells, 1971-1972, trang 161-180).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 09:36:39 pm
Về phần mình, báo chí Trung Quốc thường tỏ ra rất cứng rắn đối với Ấn Độ. Nền trung lập của Ấn Độ bị kịch liệt tố cáo: Trung Quốc trách cứ Ấn Độ chủ yếu là nấp dưới cái vỏ của lực lượng thứ ba không thể có được để phục vụ mưu đồ của chủ nghĩa đế quốc Anh-Mỹ8 (Về vấn đề này, nhớ lại bài viết năm 1949 của Mao Trạch Đông "Kinh nghiệm (...) chứng tỏ rằng những người Trung Quốc đứng về phía hoặc chủ nghĩa đế quốc hoặc chủ nghĩa xã hội; ở đây không có ngoại lệ. Không thể cưỡi một lúc trên hai con ngựa. Không có con đường thứ ba. Chúng ta (...) phản đối ảo tưởng về con đường thứ ba" (Tuyển tập, sách đã dẫn, tập IV, tr.34, "Về chuyên chính dân chủ nhân dân", 30-6-1954)). Sáng kiến đầu năm 1949 của Nê-ru về việc triệu tập hội nghị quốc tế ở Ấn Độ để thảo luận việc phi thực dân hóa Hà Lan tại Indonesia sau này cũng bị Bắc Kinh xem như "một cái cớ để tiến hành thảo luận sơ bộ nhằm thành lập một liên minh Đông Nam châu Á"9 (W.F.van Eekelen, sách đã dẫn, tr.26). Hành động của New Delhi đối với vùng "Ngoại Ấn" có lẽ đã làm cho chính phủ mới của Trung Quốc lo ngại10 (Hiệp ước hữu nghị Ấn Độ-Indonesia được ký tháng 3 -1951). Rồi đến vấn đề Tây Tạng trong những năm 1950-1951, một cơ hội để chính phủ Bắc Kinh chỉ trích rất ác độc Ấn Độ, lên án can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc11 (Xem công hàm ngày 30-10-1950 của Trung Quốc trong Bulletin quotidien de presse étrangère, sách đã dẫn. Về toàn bộ quan hệ Trung-Ấn về Tây Tạng từ 1949 đến 1954. Xem thư mục sách tham khảo, đoạn XI/3). Phải đợi đến khi ký kết "hiệp định về việc hòa bình giải phóng Tây Tạng" ngày 23 tháng 5 năm 1951 rồi đến việc xác định dần dần chính sách tự do đối với Phật giáo trong những năm 1951-1953 thì sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ mới hạ thấp dần. Nhưng cuộc thương lượng về Tây Tạng kéo dài từ 31 tháng 12 năm 1953 đến 29 tháng 4 năm 1954, việc Trung Quốc chưa chịu cho mở lại lãnh sự quán Ấn Độ tại Kashgar (Tân Cương) và Ấn Độ chưa cho Trung Quốc đặt lãnh sự quán tại tây bắc Ấn Độ (ở Almora hoặc Simla)12 (Hindustan Times (Thời báo Ấn Độ)-New Delhi, 4-5-1954, W.F.van Eekelen trích trong sách đã dẫn, tr.37), chứng tỏ rằng ngay đến lúc sắp họp hội nghị Giơ-ne-vơ, quan hệ giữa hai thủ đô vẫn còn vấp phải nhiều trở ngại quan trọng.


Tuy nhiên, đã đến lúc không để xảy ra những sự xích mích nữa mà là chào mừng tình hữu nghị. Với số dân đông đúc, đất đai rộng lớn cũng như nền văn minh cổ xưa, chỉ riêng Ấn Độ cũng đã là một nhân tố quan trọng của thế giới thứ ba mà Trung Quốc mong muốn đối thoại. Ngoài ra vai trò ưu thế và uy tín về mặt tinh thần trong công cuộc phi thực dân hóa đã làm cho Ấn Độ có vị trí hàng đầu trong các nước Á-Phi và ở Liên hiệp quốc: đó là thêm một lý do nữa khiến Trung Quốc quan tâm đến Ấn Độ mặc dù lúc này khác Trung Quốc có thể tố cáo nguyên tắc về nền trung lập của Ấn Độ. Ngoài ra, việc Ấn Độ ở trong khối thịnh vượng chung có thể giúp cho Chính phủ Bắc Kinh dễ dàng tìm kiếm việc mở cửa ra thế giới phương Tây. Cuối cùng thái độ ôn hòa của chính phủ New Delhi đối với vấn đề Đông Dương lúc này đã hé cho thấy một vài khả năng liên minh cụ thể để giải quyết vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay13 (Về thái độ của Ấn Độ, xem D.R.Sardesai, Indian Foregin Policy in Cambodia, Laos and Vietnam (Chính sách đối ngoại của Ấn Độ ở Campuchia, Lào và Việt Nam) 1947-1964,-Berkely, trường đại học California xuất bản, 1968, tr.6-51. Xem thêm Tôn Thất Thiện, India and South East Asia. (Ấn Độ và Đông Nam Á) 1947-1960. Geneve, Dro, 1963, tr.119-131, 185-204 và 285-307. Xem những kiến nghị về hòa bình ở Đông Dương do Thủ tướng Nê-ru trình bày ngày 24-4-1954 trong A.B.Cole, sách đã dẫn, tr.180-183. Về thái độ chung của Nehru đối với các vấn đề lớn trên thế giới vào thời kỳ này, xem Tibor Mende: Conversations avec Nehru (Nói chuyện với Nehru), Pariss, Le Seuil, 1956, 205 trang).
Do đó việc nhích lại gần với Ấn Độ đã trở nên một trong những đề tài nổi bật của báo chí Trung Quốc. Lịch sử đã đóng góp khá nhiều sự kiện để minh họa truyền thống từ ngàn xưa về những mối liên hệ hữu nghị gắn bó hai dân tộc. Người ta thi nhau nhắc đến việc mô tả Ấn Độ của các sử gia Tư Mã Thiên (thế kỷ thứ 2 trước công nguyên), Bàn Cổ (thế kỷ thứ 1 sau công nguyên)14 (People's China, số 7, 1-4-1954, tr.25), việc đạo phật được truyền bá dần dần ở Trung Quốc bắt đầu từ đời nhà Hán, những mối quan hệ nhiều mặt giữa văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ, tơ Trung Quốc đưa vào Ấn Độ và bông Ấn Độ đưa sang Trung Quốc, những chuyến viễn du của thầy tăng Huyền Trang sang tiểu lục địa (thế kỷ thứ 7 sau công nguyên)15 (People's China, số 9, 1-5-1954 tr.25. Cần nhớ rằng về phía Ấn Độ, những đề tài này cũng được in trong cuốn sách nhỏ của Sardar Panikkar, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc từ 1948 đến 1952 nhan đề: India and China. A study of Cultural Relations (Ấn Độ và Trung Quốc, nghiên cứu về quan hệ văn hóa), Bombay, Asia Publishing House, 1957, XII, 107 trang) v.v... Mặc dù có chung biên giới khá dài, hai dân tộc đã không bao giờ gây chiến tranh với nhau. Tất cả những điều đó không làm nhân dân hai nước gần gũi với nhau hay sao? Phải chăng đây không phải là hai dân tộc châu Á, bên này cũng như bên kia "đã cùng chung cảnh ngộ bị cuộc xâm lược đầy tội ác của bọn đế quốc, dày xéo hay sao?"16 (Như trên). Nếu như quan hệ giữa Ấn Độ và khu Tây Tạng đã mang "tính chất không bình thường" phải chăng tội lỗi độc nhất thuộc về chủ nghĩa đế quốc Anh? "Tất nhiên, nước Cộng hòa Ấn Độ không có trách nhiệm gì đối với tình trạng đó". Từ nay, hiệp định Trung-Ấn về Tây Tạng đã được ký kết: không những nó thanh toán mọi tranh chấp mà còn chứng tỏ cần phải thiết lập mối quan hệ giữa các nước châu Á như thế nào và phải xây dựng nguyên tắc "cùng tồn tại hòa bình" qua những cuộc thương lượng hữu nghị như thế nào17 (Như trên, số 10, ngày 16-5-1954, tr.19). Sự liên minh giữa hai dân tộc, một bên là 600 triệu, bên kia là 360 triệu mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lẽ đương nhiên là những kẻ gây chiến tranh phải khiếp sợ trước liên minh đó18 (Như trên, số 7, ngày 1-4-1954, tr.26).


Những ý định của Trung Quốc đối với Ấn Độ đã khiến Chu Ân Lai hết sức chú ý đến cố gắng ngoài lề hội nghị Giơ-ne-vơ của Krit-na Menon, đại biểu Ấn Độ tại Liên hiệp quốc. Ngày 18 tháng 5, thủ tướng Trung Quốc đã nói chuyện với bà Amrit Kaur Bộ trưởng y tế trong chính phủ Ấn Độ19 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 18-5-1954), lại tiếp Krit-na Menon ngay khi ông này mới đến Giơ-ne-vơ, ngày 23 tháng 520 (Như trên, Giơ-ne-vơ, 23-5-1954). "Rồi những ngày sau, Chu Ân Lai và Menon đã gặp nhau nhiều lần"21 (Ngày 25, 27 và 28 tháng 5. Như trên, Giơ-ne-vơ 25, 27 avf 28-5-1954. Về thời gian ở lại Giơ-ne-vơ lần thứ nhất của K.Menon, D.R.Sardesai, trong sách đã dẫn, tr.46, kể ra 8 cuộc gặp giữa Chu Ân Lai và đại biểu Ấn Độ). Theo những tin tức mà bản thân đại biểu Ấn Độ nói riêng với nhiều nhân vật phương Tây, có vẻ như các cuộc hội đàm chủ yếu đã bàn về việc tách vấn đề Việt Nam ra một bên, các vấn đề Lào và Campuchia sang một bên khác. Về điểm này, lập trường của Ấn Độ giống với Anh, Pháp, Mỹ và hai vương quốc có liên quan. Có thể là những lời biện hộ của K.Menon đã là một trong những nhân tố làm cho Chu Ân Lai, vốn lo lắng về phản ứng của Ấn Độ, đã phải đưa ra đề nghị ngày 16 tháng 6. Đại biểu Ấn Độ nêu ra rằng văn kiện được thông qua ngày 19 tháng 6 về việc mở các cuộc đàm phán quân sự về Lào và Campuchia "lặp lại đúng nội dung đề nghị của ông ta đã trao cho Chu Ân Lai và đã được ông này tiếp nhận"22 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Hoppenot/New York/số 1554-1556/20-6-1954. Đại sứ Chauvel đã phản ứng ngay rằng chính ông ta khởi thảo văn kiện đó: Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Chauve/Geneve/số 987-909/26-6-1954. Nếu lối giải thích của K.Menon là đúng, thì Chu Ân Lai đã quân đội nguyên tắc của sự nhượng bộ này ngay từ cuối tháng 5 tức là hai tuần lễ trước khi đưa ra hội nghị Giơ-ne-vơ). Vấn đề kiểm soát quốc tế cũng đã được K.Menon và Chu Ân Lai đề cập đến. Theo lời của chính đại biểu Ấn Độ thì Chu Ân Lai đã kiên quyết không nhận, chỉ giao Ủy ban trung lập riêng cho các nước Cô-lôm-bô, đặc biệt vì không một nước nào trong khối này công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng cũng là vì Chu Ân Lai chủ yếu cho rằng nhất thiết phải có 1 hay 2 nước cộng sản trong ủy ban đó23 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Hoppenot/New York/số 1664-1669/1-7-1954). Ngoài ra, rất có thể là hai người đã nói đến vai trò của Ấn Độ trong ủy ban này, nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn không có một tư liệu gốc nào về điểm này. Chỉ cần nhớ lại là ngày 30 tháng 5 rồi một lần nữa ngày 5 tháng 6 Vương Bính Nam đã nói cho đại sứ Chauvel biết rằng trong lĩnh vực này chưa thỏa thuận gì cụ thể với K.Menon cả24 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Geneve/Bản ghi nhớ về vấn đề "Hội đàm ngày 30-5", 31-5-1954 và Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Genene/Bản ghi nhớ về vấn đề "Hội kiến giữa Chauvel và Vương Bính Nam, tổng thư ký đoàn đoàn đại biểu Trung Quốc, 5-6-1954"./7-6-1954/Xem đoạn trước, chương VI). Mãi đến ngày 16 tháng 6 Liên Xô mới đưa ra đề nghị liên quan đến vấn đề kiểm soát, chính thức dự kiến Ấn Độ sẽ làm Chủ tịch ủy ban đó25 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương. sách đã dẫn, tr.309). Tập hợp những nhân tố khác nhau đó lại khiến người ta nghĩ rằng vấn đề cụ thể này, những cuộc hội đàm tháng 5 giữa Chu Ân Lai và K.Menon chưa quyết đoán được gì. Nhưng trái lại lúc thủ tướng Trung Quốc sắp lên đường đi New Delhi, các nước cộng sản đã chính thức tính đến việc chọn Ấn Độ làm Chủ tịch Ủy ban kiểm soát và việc đó thực tế đã được hội nghị chấp nhận.


Nói một cách khác, ngoài những lý do chung thức đẩy đến chỗ phải gần gũi Ấn Độ, Trung Quốc đã hoàn toàn thừa nhận vai trò quan trọng của chính phủ New Delhi góp phần giải quyết vấn đề Đông Dương ở ngoài lề hội nghị và ngay lúc đó đã thương lượng với Ấn Độ theo hướng đó. Các cuộc hội đàm Chu Ân Lai-Nehru ở trên hai bình diện riêng biệt nhưng bổ sung cho nhau: một mặt là về quan hệ tay đôi giữa hai nước, đó là tấm gương sinh động về cùng tồn tại hòa bình do Trung Quốc đưa ra với các nước khác nhất là các nước châu Á; mặt khác là sự thi hành cụ thể vào trường hợp Đông Dương những tiền đề của hòa bình và hợp tác mà bản thân chúng chứa đựng sự phát triển của các mối quan hệ đó.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 09:39:15 pm
Cuộc đi thăm của Chu Ân Lai ở New Delhi

Có Kiều Quán Hoa, nguyên Vụ trưởng Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao và Wang Cho Ju phụ trách lễ tân26 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 23-6-1954) cùng đi, Chu Ân Lai rời Giơ-ne-vơ sáng sớm ngày 24 tháng 627 (Như trên, Giơ-ne-vơ, 24-6-1954). Sau khi ghé lại một thời gian ngắn tại Le Caire mà ông ta đã nhân dịp đó nhắc lại mối thiện cảm của nhân dân Trung Quốc đối với nhân dân Ai Cập trong cuộc đấu tranh giành độc lập28 (Như trên, New Delhi, 25-6-1954. Vào lúc này Ai Cập hãy còn chưa công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trong suốt thời gian hội nghị, sự ủng hộ của những người đứng đầu Hồi giáo đối với hoạt động của Chu Ân Lai thường được nêu bật (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 19-5-1954). Vấn đề đặt ra là phải đối chiếu chính sách đối với Phật giáo ở trong nước và ngoài nước), người đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc đến New Delhi vào sáng hôm sau, được thủ tướng J.Nehru-mà Chu Ân Lai gặp lần đầu tiên-và nhiều bộ trưởng trong chính phủ Ấn Độ đón tiếp. Trong lời phát biểu đầu tiên, Chu Ân Lai nhắc lại rằng "hòa bình và hữu nghị giữa Trung Quốc và Ấn Độ với dân số hai nước tổng cộng 960 triệu người, là một nhân tố quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình ở châu Á và trên thế giới"29 (Như trên, New Delhi, 25, 26 và 27-6-1954).


Ba ngày lưu lại Ấn Độ là dành cho các cuộc hội đàm về chính trị giữa Chu Ân Lai và Nehru-gần 10 tiếng đồng hồ-cùng tham dự từng phần một về phía Trung Quốc có Kiều Quán Hoa, Wang Cho Ju và Yuan Chung-hsien, đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, về phía Ấn Độ có K.M.Panikkar, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc. Ngoài ra thủ tướng Trung Quốc đọc hai bài diễn văn quan trọng, một bài vào ngày 26 trong cuộc chiêu đãi của Nehru30 (Như trên, New Delhi, 25, 26 và 27-6-1954) và một bài vào ngày 27 tại đài phát thanh Ấn Độ31 (Như trên, New Delhi, 25, 26 và 27-6-1954). Nhưng chắc chắn rằng văn kiện căn bản của chuyến đi là bản thông cáo chung 8 điểm được công bố ngày 28 tháng 632 (Như trên, New Delhi, 25, 26 và 27-6-1954).


Nội dung các cuộc hội đàm của hai thủ tướng về Đông Dương đương nhiên gồm toàn bộ các vấn đề, tuy vậy một vài đề rài rõ rệt phản ánh mối quan tâm của Ấn Độ đã ở trung tâm của các cuộc hội đàm. Vì vậy vấn đề cụ thể về Lào và Campuchia đã được đem ra thảo luận rất lâu. Chu Ân Lai thừa nhận cái giá phải trả cho việc duy trì độc lập của hai vương quốc này33 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Ostrorog/New Delhi/số 75-759/28-6-1954 (Thông báo của K.M.Panikkar cho đại sứ Pháp tại Ấn Độ). Như đã từng nói với các người đối thoại ở Giơ-ne-vơ, thủ tướng Trung Quốc đảm bảo với Nehru rằng ông ta "sẽ làm cho quân đội Việt Minh phải rút khỏi Lào, nhưng điều cần thiết là phải được giải quyết thích đáng địa vị của Pathet Lào"34 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/ĐiệnMassigli/London/số 2704/5-7-1954 (Thông báo của đại diện Anh cho đại sứ Pháp tại Anh theo những tin tức thu thập được ở New Delhi)). Về phía Ấn Độ, thủ tướng Nehru, có lẽ do người Anh xúi giục, đã lưu ý Chu Ân Lai rằng nếu Việt Minh mở cuộc tấn công mới ở đồng bằng Bắc bộ thì có thể gây trở ngại nghiêm trọng đối với kết quả của hội nghị. Cũng về điểm này, như tại Giơ-ne-vơ, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc cố gắng làm Nehru an tâm, để ông ta hiểu rằng lập luận như vậy là đúng35 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Massigli/London/số 2686/3-7-1954 (Thông báo của Bộ Ngoại giao Anh)). Ngoài ra có lẽ vấn đề tuyển cử cũng được bàn đến. Những nguồn tin tình báo mà các nhà đương cục New Delhi nhận được của đại diện Ấn Độ tại Sài Gòn báo về là rất rõ ràng: một cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức trong thời hạn do Phạm Văn Đồng đòi hỏi chắc chắn sẽ đem lại thắng lợi cho cộng sản. Nếu người ta muốn "Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc"-bởi vì đó là lập trường của Ấn Độ, theo ý kiến của lãnh sự Ấn tại Sài Gòn-thì cần phải có một khoảng thời gian từ 18 đến 24 tháng36 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện S.S./Saigon/số 396-397/10-9-1954). Không có một tài liệu nào cho phép khẳng định là Nehru đã đưa ra với Chu Ân Lai một thời hạn như vậy, nhưng không phải là không có việc đó. Hai nhà chính khách cũng đề cập vấn đề nước Pháp. Chu Ân Lai thông báo với thủ tướng Ấn Độ về cảm tưởng tốt đẹp ông rút ra từ những cuộc hội đàm ở Berne: theo ông ta, một cuộc ngừng bắn ở Đông Dương có thể thành sự thật trong tương lai rất gần và có thể dẫn đến giải pháp chính trị nếu Chính phủ Pháp rõ ràng là có thể đứng vững. Ngoài ra, thủ tướng Trung Quốc khẳng định lại ông ta tán thành duy trì những quyền lợi riêng của Pháp ở bán đảo Đông Dương37 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Ostrorog/New Delhi/số 758-759/28-6-1954. Về vấn đề này, cần chú ý rằng lúc này, các cuộc nói chuyện Pháp-Ấn về các thực dân địa của Pháp ở Ấn Độ gặp bế tắc (Xem thông cáo ngày 4-6-1944 đăng trong Articles et Documents, số 65, 10-6-1954). Về việc này Trung Quốc vừa chỉ trích sự giúp đỡ của Mỹ cho Pháp ở Pondichéry vừa chỉ trích bản thân thái độ của Pháp (Tân hoa xã, New Delhi, ngày 24-6-1954).


Cuối cùng hai bên không thể không thảo luận kỹ càng đến vai trò của các nước Cô-lôm-bô nhất là vai trò của bản thân Ấn Độ trong bộ máy kiểm soát ngừng bắn, nhưng ở đây nữa, không có tư liệu nào cho phép xác minh một cách chắc chắn hai chính phủ đã xem xét vấn đề đó ra sao.


Một cách tổng quát, giọng điệu của các cuộc nói chuyện đó gần giống như bài diễn văn của Nehru ngày 24 tháng 4 tại Hạ nghị viện Ấn Độ38 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh ngày 26-4-1954, trong bài diễn văn này Nehru đề nghị ngừng bắn, các nước Đông Dương hoàn toàn độc lập, các bản tham chiến ở Đông Dương trực tiếp đàm phán với nhau, không có can thiệp của nước ngoài). Trên nhiều điểm, Trung Quốc và Ấn Độ nếu không phải là hoàn toàn giống ý kiến nhau thì ít ra cũng có chung một nguyện vọng là muốn hội nghị Giơ-ne-vơ đi đến một giải pháp thông qua thương lượng. Điều này đã thể hiện trong thông cáo chung nói rằng "mục tiêu chủ yếu" của các cuội hội đàm Trung-Ấn là đi đến sự hiểu biết rõ nhất về các quan điểm của mỗi bên nhằm góp phần giữ gìn hòa bình bằng cách hợp tác giữa hai nước và với các nước khác"39 (Đoạn 2 của thông cáo. Chúng tôi gạch dưới. Chú ý rằng báo chí quốc tế có nói đến một đề nghị của Trung Quốc ký kết một hiệp ước không xâm lược với Ấn Độ nhưng đã bị Nehru bác bỏ. (New York Time 29-6-1954). Do thiếu hồ sơ lưu trữ về vấn đề này nên không thể xác minh được, nhưng trước hết một thái độ như vậy của Ấn Độ là mâu thuẫn với tư tưởng của Nehru về quan hệ Trung-Ấn. Cũng cần lưu ý thêm rằng vấn đề cộng đồng người Hoa ở Nam Á và Đông Nam Á đã được đề cập đến trong cuộc nói chuyện giữa Nehru và Chu Ân Lai. Nehru đã ám chỉ đến vấn đề này trong diễn văn đọc tại Hạ viện Ấn Độ tháng 9-1954. Xem Stephen Fitzgerald, sách đã dẫn, tr.104).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 09:41:56 pm
Trong quan hệ tay đôi giữa hai nước, Chu Ân Lai tỏ ra có thái độ cũng hòa giải như vậy. Việc ký kết hiệp ước về Tây Tạng, mà Trung Quốc đã chuẩn y ba tuần trước đó40 (Ngày 3 tháng 9. Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 3-6-1954), đã làm tiêu tan trở ngại lớn nhất: từ nay phạm vi áp dụng năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình được rộng rãi hơn. Theo một cách nào đó, Chu Ân Lai cố gắng chứng minh rằng chính phủ Trung Quốc muốn thực hành ngay những nguyên tắc đó. Trước khi lên đường đi Ấn Độ, một phóng viên tờ báo người Ấn Độ (The Hindu) của bang Madras tại Giơ-ne-vơ, yêu cầu "nói một vài điều về cuộc đời và sự nghiệp của Găng-đi", thủ tướng Chu Ân Lai đã trả lời: "Nhân dân Trung Quốc kính trọng Găng-đi đã hiến dâng trọn đời cho cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Một cuộc đấu tranh trong suốt một đời người như vậy có một ảnh hưởng sâu sắc đối với nhân dân Ấn Độ"41 (Tin Tân hoa xã, Geneve, 25-6-1954 (cuộc nói chuyện ngày 22 tháng 6)). Cử chỉ đầu tiên của Chu Ân Lai khi mới đến thủ đô Ấn Độ là đặt một vòng hoa tại mộ Thánh Găng-đi tại Raj-ghat42 (Như trên, New Delhi, 25-6-1954). Trong khi Liên Xô và theo sau là Đảng cộng sản Ấn Độ, cũng như bản thân Trung Quốc vẫn thường cho rằng chủ nghĩa Găng-đi phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản phản động Ấn Độ, thì chỉ có thể hiểu một lời tuyên bố và một cử chỉ như vậy của Chu Ân Lai như một cố gắng rất lớn về tư tưởng nhằm làm cho Bắc Kinh và New Delhi xích lại gần nhau được dễ dàng hơn. Cố gắng đó càng có ý nghĩa ở chỗ những nguyên tắc của Thánh Găng-đi hoàn toàn đối lập với những nguyên tắc của Mao Trạch Đông và chính trong lúc Chu Ân Lai thăm Ấn Độ, Đảng cộng sản Ấn Độ tố cáo một cách ác độc phong trào hiến ruộng của Vinoba Bjave, người kế tục nổi tiếng nhất của Găng-đi43 (Chi-shi-hu. Peskin et le mouvement communiste indien (Bắc Kinh và phong trào cộng sản Ấn Độ). Pariss, A.Colin. 1972, tr.42-43, dẫn câu trong, dẫn câu trong tạp chí New Age (Thời đại mới) của Đảng cộng sản Ấn Độ số tháng 6 năm 1954: "Phong trào (của Vinoba Bhave) đã được phát minh trong lúc tấm gương sáng chói về giải phóng dân tộc của người anh em Trung Quốc đã làm rung động trái tim của người nông dân Ấn Độ". Về vấn đề đối lập giữa chủ nghĩa Găng-đi và chủ nghĩa Mao, xem Jayantanuja Bahdyopadhyaya, Mao Tse Tung and Gandhi (Mao Trạch Đông và Găng-đi). Bombay, Allied Publishers, 1973, 156 trang). Một sáng kiến như vậy của người lãnh đạo Trung Quốc có thể bênh vực những người lãnh tụ Nehru, nghĩ rằng con đường chắc chắn nhất để đưa nước Trung hoa mới đến thái độ ôn hòa không phải là "ngăn chặn" mà trái lại là giúp cho Trung Quốc gia nhập hệ thống quốc tế. Sáng kiến đó dù sao cũng là một sự ủng hộ gián tiếp Thủ tướng Ấn Độ trong tình hình khó khăn với những người cộng sản. Trong mọi phát biểu công khai khác Chu Ân Lai tỏ ra có tinh thần hòa dịu như vậy. Cho nên, khi ông đề cập đến vấn đề biên giới giữa hai nước là để nhấn mạnh đến chiều dài tột bực của nó (gồm 3.000 km) đã "gắn bó hai dân tộc"44 (Tin Tân hoa xã, New Delhi, 27-6-1954. Người ta biết rằng hiệp ước Trung-Ấn ngày 29-4-1943 không đề caapjd dến vấn đề biên giới. Về biên giới Trung-Ấn, có thể tham khảo Alastair Lamb, Asian Frontiers. Studies in a continuing problem (Biên giới châu Á. Nghiên cứu về một vấn đề đang tiếp dẫn). New York. Washington, Londres, Praeger, 1968, tr.111-136). Trong cuộc họp báo cùng ngày hôm đó ông ta tuyên bố rõ ràng rằng nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình có nghĩa là "cách mạng không thể đem xuất cảng"45 (Như trên, New Delhi, 27-6-1954). Ở đây nữa, các quan điểm được Trung Quốc bênh vực đã tiến triển đáng kể nếu người ta so sánh sự khẳng định đó với các bài diễn văn những người lãnh đạo Trung Quốc được bốn năm trước đây khi cách mạng Trung Quốc được xem như mẫu mực đối với các nước thuộc địa và nửa thuộc địa46 (Tham khảo bài diễn văn của Lưu Thiếu Kỳ đọc tại Hội nghị Liên hiệp công đoàn thế giới họp tại Bắc Kinh tháng 11 năm 1949: "Con đường mà nhân dân Trung Quốc đã theo để chiến thắng chủ nghĩa đế quốc và bè lũ chó săn của chúng và xây dựng nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa là con đường mà nhân dân nhiều nước thuộc địa cũng phải theo trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và vì dân chủ nhân dân. Tân hoa nguyệt báo, Tập I, số 12, tr.440-441).


Thông cáo chung công bố lúc kết thúc cuộc đi thăm-Trung Quốc tuyên truyền hết sức nêu lên trong lời mở đầu của hiệp ước ngày 29 tháng 4. Nhưng lần này, hai thủ tướng công khai đề nghị những nguyên tắc đó dùng làm nền tảng cho các mối quan hệ quốc tế ở châu Á và phần còn lại của thế giới: "Nếu những nguyên tắc đó được áp dụng, không những giữa một số nước mà một cách rộng rãi hơn, trong quan hệ quốc tế, chúng sẽ là một cơ sở vững chắc cho hòa bình và an ninh, và những mối lo sợ và nghi ngờ đang ngự trị hiện nay sẽ nhường bước cho lòng tin cậy"47 (Đoạn 3 của thông cáo). Trong trường hợp Đông Dương, những nguyên tắc đó sẽ làm cho dễ dàng việc "thiết lập các nhà nước tự do, dân chủ, thống nhất48 (Đoạn viết về các nước thống nhất nhằm trước hết vào Việt Nam. Như vậy, hai chính phủ đồng ý coi sự chia cắt Việt Nam sắp tới chỉ là tạm thời) và độc lập, để các nước này không được sử dụng vào mục đích xâm lược, hoặc bị nước ngoài can thiệp"49 (Đoạn 5). Nếu trong bản Thông cáo chung không có chỗ nào chỉ đích danh Mỹ thì rõ ràng Ấn Độ và Trung Quốc chính thức lên án chính sách của Mỹ ở Đông Nam châu Á: Đối với Trung Quốc đó là kết quả chủ yếu của cuộc đi thăm này50 (D.R.Sardesai, sách đã dẫn, tr.48, ghi lại về vấn đề này rằng, với thông cáo chung, Chu Ân Lai đã giành được sự ủng hộ của Nehru để ngăn cản Mỹ đặt căn cứ quân sự ở Đông Dương, làm cho Ấn Độ xa lánh dứt khoát các dự án của phương Tây về các khối liên minh ở Nam Á và Đông Nam Á. Để đối lại, cũng theo tác giả Sardesai, Trung Quốc cam kết sẽ gây sức ép với Việt Minh để rút quân khỏi Lào và Campuchia và thừa nhận chính phủ Vương quốc ở hai nước này). Báo người Ấn Độ viết ít lâu sau rằng chính sách hòa bình của Chu Ân Lai đã "gây ấn tượng mạnh"51 (The Hindu, ngày 3-7-1954) và tờ Thời báo Ấn Độ (The Hindustan Times), cơ quan ngôn luận của Quốc hội, đã nhân danh năm nguyên tắc phê phán dự thảo hiệp ước quân sự Đông Nam châu Á của phương Tây52 (The Hindustan Times, ngày 28-6-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 09:44:22 pm
Dừng lại ở Yangon

Hình như do Nehru khẩn khoản mà Chu Ân Lai quyết định ghé lại Yangon trên đường về Trung Quốc53 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Ostrogog/New Delhi/số 758-759/28-6-1954). Việc thủ tướng Trung Quốc ghé thăm thủ đô Miến Điện chỉ được thông báo ngày 26 tháng 6, ở New Delhi54 (Tin Tân hoa xã, New Delhi, 26-6-1954). Đến Yangon trưa ngày 28, người đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc ở lại Miến Điện không đầy 36 tiếng đồng hồ, dành phần lớn thời gian ở thăm cho các cuộc thảo luận chính trị với thủ tướng U Nu.


Theo quan điểm Trung Quốc, tình hình ở Miến Điện giống Ấn Độ trên nhiều điểm55 (Về tình hình Miến Điện lúc này, xem Coral Bell, sách đã dẫn, tr.296-305). Là thuộc địa cũ của Anh (ngược lại với Ấn Độ đã ra khỏi khối Thịnh vượng chung), ngày 18 tháng 12 năm 1949 Miến Điện là nước đầu tiên không phải xã hội chủ nghĩa công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và ngày 8 tháng 6 năm 1950 là một trong những nước đầu tiên lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.


Ngay từ khi giành được độc lập, Miến Điện hướng theo chính sách đối ngoại trung lập và trong hai năm 1949-1950, chính sách này đã bị Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ56 (Về lập trường của Trung Quốc đối với Miến Điện trong những năm 1949-1950, xem Palph Pettman, China in Burma's Foreign policy (Trung Quốc trong chính sách ngoại giao của Miến Điện), Canberra, Australia National University Press, 1973, tr.5-10. Ví dụ, bài của Tân hoa xã viết: "Thakin Nu đã được đế quốc chọn làm thủ tướng và một chính phủ bù nhìn phản động thù địch với giai cấp lao động đã được thành lập để tiến hành thương lượng bí mật theo chiến lược mới của chủ nghĩa đế quốc Anh là lập lại nền thống trị của các đế quốc" (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 23-11-1949). Những lời đả kích này cũng giống như những lời đả kích trong thời gian này nhằm vào những người đứng đầu các nước dân tộc chủ nghĩa ở châu Á: Nehru, Hatta hay Sukarno. Nhưng đồng thời cũng lưu ý rằng Miến Điện đã ủng hộ hành động của Liên hiệp quốc ở Triều Tiên năm 1950. Trái lại mấy tháng sau, Yangon đã từ chối tham gia nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc lên án Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng như không tán thành cấm buôn bán với Trung Quốc. Xem Frank N, Trager, Patricia Wohlgemuth, Lu Yu Kiang. Burma's Role in the United Nations (Vai trò Miến Điện ở Liên hiệp quốc) 1948-1950, New York, Institue of Pacific Realations, 1956, tr.7. Về chủ nghĩa trung lập nói chung, xem Wiliam C.Johnstone, Burma's Foreign Policy: A Study in Neutralism (chính sách đối ngoại của Miến Điện: Nghiên cứu về chủ nghĩa trung lập), Mass, Cambridge, Harvard University Presss, 1963, IX, 339 trang). Sau đó Miến Điện liên kết với nhóm Cô-lôm-bô và đã chính thức tuyên bố cho Mỹ biết Miến Điện từ chối tham gia bất cứ liên minh nào ở Đông Nam châu Á57 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 18-5-1954. Ngoài ra năm 1951, Miến Điện đã từ chối ký hiệp ước hòa bình San Francisco với Nhật Bản,rồi năm 1953, thôi không nhận viện trợ Mỹ. Xem Sean Bériault, Les objectifs de la politicque étrangère chinoi-Je a l'égard de la Birmanie (1949-1972) (Những mục tiêu của chính sách đối ngoại Trung Quốc đối với Miến Điện (1949-1972), Pariss, 1976, 354 trang (luận án cấp 3, không công bố)). Lo lắng giữ gìn quan hệ với nước Trung hoa mới, chính phủ Yangon cũng như chính phủ New Delhi, đã quân đội lựa chọn chính sách ôn hòa đối với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Kết quả cụ thể đầu tiên của thái độ đó là việc ký kết ngày 22 tháng 4 một hiệp định thương mại Trung-Miến cho ba năm 1954-195758 (Trung hoa nhân dân Cộng hòa giao thiệp chí, sách đã dẫn, tập III, trang 133 và tiếp theo. Trung Quốc xuất sang Miến Điện thực phẩm và vải, nhận gạo, gỗ và cao su, theo giá thị trường thế giới tính bằng đồng Sterling), một hiệp định nếu sửa đổi thích đáng thì có thể tương đương với hiệp ước Trung-Ấn về Tây Tạng. Điều đó có nghĩa là quan hệ giữa Trung Quốc và Miến Điện, mặc dù còn sơ sài59 (Chỉ có hai nhân vật Miến Điện đã thăm Trung Quốc là Bộ trưởng Văn hóa và Bộ trưởng phụ trách quốc hữu hóa ruộng đất, năm 1952) nhưng hình như ít ra cũng đã báo hiệu những triệu chứng tốt.


Tuy nhiên, có bốn vấn đề quan trọng có thể ngăn cản sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa Bắc Kinh và Yangon:

Thứ nhất là vấn đề biên giới giữa hai nước-dài trên 1500 km-chưa bao giờ được hoạch định chính xác trên toàn bộ chiều dài60 (Về lịch sử vấn đề này, xem Les accords frontaliers entre la Birmanie et la Chine (Hiệp định biên giới giữa Miến Điện và Trung Quốc) Pariss, Văn phòng Tổng thư ký chính phủ và Bộ Ngoại giao, 1964, tr.5-6. Cũng xem A.Lamb, sách đã dẫn, tr.150-158). Vậy mà từ 1950, Trung hoa nhân dân đã công bố những bảo đồ địa lý lặp lại những yêu sách lâu đời của đế quốc Trung hoa cũ và của Trung hoa quốc gia đối với những vùng quan trọng ở miền đông bắc Miến Điện. Ngay từ năm 1951, chính phủ Yangon đã yêu cầu giải thích bằng con đường ngoại giao và được trả lời rằng các cơ quan đồ bản Trung Quốc do thiếu thời gian nên đành in lại những bản đồ cũ mà không duyệt lại61 (H.C.Hinton. China's Relations with Burma and Vienam: a Brief Survey (Nhìn qua quan hệ của Trung Quốc với Miến Điện và Việt Nam) New York, Viện quan hệ Thái Bình Dương, 1950, tr.40). Nhưng những tài liệu của Trung Quốc công bố năm 1954 còn trình bày phần đông bắc của tỉnh Myitkyina như là lãnh thổ Trung Quốc và biên giới giữa miền Nam vùng này và tỉnh Vân Nam như là chưa xác định62 (Thế giới trí thức thủ sách, Bắc Kinh và Thượng Hải, 1950, tr.40).


Vấn đề thứ hai làm chính phủ Yangon lo ngại nhất là sự có mặt ở Miến Điện của hàng vạn tàn quân (theo chính phủ Miến Điện là 12.000 tên) của quân đoàn 8 Quốc dân đảng chạy trốn sang đó từ đầu 1950 khi bị quân đội Giải phóng nhân dân đánh đuổi63 (KMT (Kumointang) Aggression (Cuộc xâm lược của Quốc dân đảng). Govt Printing and Stationery, Yangon, 1953, 10 trang. Xem thêm Olivier E.Clubb Jr., The Effect of Chinese Nationalist Military Activities in Burma on Burmese Foreign Policy (Hậu quả của những hoạt động quân sự của Trung hoa quốc gia ở Miến Điện đối với chính sách đối ngoại của Miến Điện), Santa Monica (California). The Rand Corpoation (P.1959 RC, 20-1-1959). Về điểm này, chúng tôi không thể tham khảo luận án (không công bố) của Kenneth R.Young: Nationlist Chinese Troops in Burma: Obstacle in Burma's Foreign Ralations, 1949-1961. (Quân đội Trung hoa quốc gia ở Miến Điện: trở ngại trong quan hệ ngoại giao của Miến Điện 1949-1961). New York, 1970, 254 trang). Song nguy cơ còn lớn hơn nhiều nữa là ở chỗ Trung Quốc có thể chủ động can thiệp bằng quân sự để chấm dứt tình trạng này và tàn quân Quốc dân đảng ở đúng vào các cùng đang tranh chấp về chủ quyền. Do đó chính phủ Miến Điện đã đưa vấn đề này ra trước Liên hiệp quốc từ tháng 3 năm 1953. Tháng sau, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua quyết nghị lên án sự có mặt của các lực lượng nước ngoài đó trên lãnh thổ Miến Điện và đã thành lập một ủy ban bốn nước lớn (Miến Điện, Trung hoa quốc gia, Thái Lan và Mỹ) chịu trách nhiệm tiến hành tước vũ khí và đưa lực lượng đó về Đài Loan. Tuy nhiên đến tháng 6 năm 1954 việc đó vẫn chưa giải quyết xong64 (H.C.Hinton. China's Relations (Quan hệ của Trung Quốc), sách đã dẫn, tr.41) mặc dù một tháng trước đó, từ Đài Bắc, tướng Li Mi, tỉnh trưởng cuối cùng của phe Quốc gia ở Vân Nam đã chính thức rời bỏ ban chỉ huy quân đoàn 865 (R.Pettman, sách đã dẫn, tr.120).


Hai vấn đề đó-hoạch định biên giới và sự có mặt của tàn quân Quốc dân đảng-có lẽ là những vấn đề đáng quan tâm nhất đối với nhà đương cục Miến Điện66 (K.M.Panikkar sách đã dẫn, tr.169). Nhưng đó không phải là những vấn đề duy nhất làm vẩn đục quan hệ giữa Yangon và Bắc Kinh. Quan hệ giữa Đảng cộng sản Miến Điện và Trung Quốc cũng thành một duyên cớ có thể gây va chạm giữa hai Nhà nước. Đảng cộng sản Miến Điện do Thakin Than Tun thành lập năm 1943 ban đầu trưởng thành trong sự chi phối của Đảng cộng sản Ấn Độ, rồi sau khi Nhật Bản thua trận, đảng chia làm nhiều phe phái và đến năm 1948, khi Miến Điện tuyên bố độc lập thì bắt đầu đấu tranh vũ trang chống chính phủ U Nu, chủ yếu ở miền Bắc Miến Điện. Bắt đầu từ 1949 một trong những phe phái đó, phái "Cờ Trắng" do Thakin Than Tun cầm đầu, hình như ngày càng ngả về phía Trung Quốc, đặt quan hệ khá chặt chẽ với Trung Quốc. Tình hình lại càng nghiêm trọng hơn đối với chính phủ Miến Điện vì trong thời gian này, các bộ lạc Kachin gây tình trạng mất an ninh thường xuyên ở vùng này; phái Cờ Trắng và Trung Quốc có thể dính líu vào67 (H.C.Hinton, China's Relations, sách đã dẫn, tr.42-43, M.Gurtov, sách đã dẫn, tr.92-94, J.H.Brimmel, sách đã dẫn, tr.313-318).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 09:45:27 pm
Cuối cùng, như trong phần lớn các nước Đông Nam châu Á, ở Miến Điện có một cộng đồng Hoa kiều đông đảo, có nguồn gốc rất xa xưa, nhưng đặc biệt phát triển từ cuối thế kỷ XIX. Vào khoảng năm 1954, cộng đồng này có lẽ trên 300.000 người, chủ yếu tập trung ở miền đồng bằng (vùng Yangon), ở các bang Shan ở phía đông và ở Tenasserim68 (Victor Purcell, The Chinese in Southeast Asia (Hoa kiều ở Đông Nam Á), sách đã dẫn, tr.55-101). Cũng như ở nơi khác, cộng đồng Hoa kiều ở Miến Điện có vai trò quyết định trong nội và ngoại thương. Có nhiều phần tử nổi tiếng là thân cộng sản kiểm soát một vài nhà ngân hàng, trường học, và báo tiếng Trung Quốc69 (H.C.Hinton, China's Relations, sách đã dẫn, tr.48-49).


Có nghĩa là mặc dù đặt quan hệ ngoại giao từ 1950, nhưng quan hệ Trung-Miến vấp phải nhiều trở ngại. Nhưng đúng là điều đó đã làm cho việc Chu Ân Lai dừng lại ở Yangon mang tính chất hoàn toàn đặc biệt và có ý nghĩa. Ý muốn của Trung Quốc về cùng tồn tại hòa bình lại càng được chứng minh rõ hơn nữa nếu ý muốn đó có thật. Miến Điện đã đưa ra một bản liệt kê đủ mọi thứ khó khăn có thể vấp phải trong quan hệ giữa nước Trung hoa mới và các nước Đông Nam châu Á.


Vì vậy, cũng như ở Ấn Độ, Chu Ân Lai đã cố gắng giữ thái độ hòa dịu đối với những người lãnh đạo Miến Điện. Cũng như việc đến viếng mộ Thánh Găng-đi ở Rajhat (Ấn Độ), việc đến thăm ngôi chùa lớn Shwe Dagon70 (Tin Tân hoa xã, Yangon, 29-6-1954. Cũng vậy, khi đến thăm chính thức Trung Quốc tháng 12-1954, thủ tướng U Nu sẽ thăm đền Vĩnh Lạc ở Bắc Kinh (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 4-12-1954) ở Miến Điện ngày 29 tháng 6 phải chăng là một cử chỉ thân thiện đối với một nước rất hâm mộ đạo Phạt và đối với một thủ tướng mà ai cũng biết là rất sùng đạo?71 (Như chúng tôi đã nhận xét, điều này gắn với chính sách tôn giáo của Trung Quốc đối với Phật giáo trong cùng thời kỳ này). Hình như là người đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc trong hội đàm với U Nu mà thông cáo chung đánh giá là "rộng rãi và thẳng thắn"72 (Đoạn 1 thông cáo 29-6-1954) đã bảo đảm với người Miến Điện về nhiều điểm đã gợi lên ở trên. Cũng như thông cáo chung Trung-Ấn, thông cáo chung Trung-Miến công bố ở Yangon nói rằng năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình sẽ làm cơ sở cho quan hệ giữa hai nước. Tức là việc Chính phủ Trung Quốc cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không xâm lược và không can thiệp vào công việc nội bộ là câu trả lời đầu tien đối với các vấn đề biên giới, đối với cộng đồng Hoa kiều và thậm chí cả vấn đề tàn quân Quốc dân đảng.


Nhưng có một sự khác biệt chủ yếu giữa thông cáo ở Delhi và thông cáo ở Yangon và hình như người ta thường quá coi nhẹ tầm quan trọng của thông cáo Yangon. Ở Ấn Độ, Chu Ân Lai đã tuyên bố rõ là "cách mạng không thể đem xuất cảng" nhưng ý kiến này không được đưa vào thông cáo chung Trung-Ấn. Trái lại, nó lại được thể hiện rõ ràng trong thông cáo chung Trung-Miến73 (Đoạn 4 thông cáo 29-6-1954). Điều cam kết này có thể coi như một sự bảo đảm chống lại việc sử dụng một só phần tử trong cộng đồng người Hoa ở Miến Điện vào mục đích cách mạng. Nhưng trước hết nó phải được hiểu như một lời đảm bảo đối với chính phủ Miến Điện rằng Trung Quốc không ủng hộ các du kích cộng sản hay các dân tộc ít người nổi dậy chống chính phủ Miến Điện74 (Cần lưu ý rằng lệnh giới nghiêm ban bố năm 1952 đã được hủy bỏ mấy ngày sau đó, ngày 31-7-1954). Đi xa hơn, đó là điều Trung Quốc muốn nói một cách gián tiếp với các nước Đông Nam châu Á mà tình hình có thể so sánh với Miến Điện, hoặc về sự có mặt của cộng đồng Hoa kiều hoặc nhất là về sự tồn tại của các trung tâm du kích cộng sản. Mặc dù được soạn thảo với một nước mà trọng lượng quốc tế không thể so sánh được với Ấn Độ, nhưng đối với các nước Đông Nam châu Á thông cáo chung Trung-Miến có thể có ý nghĩa lớn hơn so với thông cáo với Ấn Độ. Đây không phải là quan hệ giữa hai nước lớn của thế giới thứ ba mà là giữa Trung Quốc và một loạt các nước nhỏ xưa kia đã từng triều cống Thiên triều ở mức độ khác nhau và ngày nay đang lo ngại về những tham vọng có thể có của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Có nghĩa là nếu phân tích đến cùng, Lào và Campuchia có thể tìm thấy ở thông cáo Yangon một định nghĩa thứ hai của nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình mà Chu Ân Lai đã đề nghị với họ ở Giơ-ne-vơ kể từ 16 tháng 675 (Đi xa hơn các nước đó, người ta có thể nghĩ đến Thái Lan là nơi trong thời kỳ này Trung Quốc có lẽ còn nuôi dưỡng một số trung tâm hoặc nhóm cách mạng. Xem M.Gurtov, sách đã dẫn, tr.16. Người ta cũng có thể nghĩ đến Mã Lai, và ở đó sự bảo đảm của Chu Ân Lai có lẽ nhằm mục tiêu gián tiếp là trấn an nước Anh). Cũng có nghĩa là việc thủ tướng Trung Quốc dừng lại ở Miến Điện đúng là ở trọng tâm cuộc thương lượng về Đông Dương và tầm quan trọng của nó đối với cuộc thương lượng cũng không kém mấy so với các cuộc hội đàm Trung-Ấn mặc dù cuộc đi thăm Miến Điện ở trên một bình diện hơi khác.


Cả hai cuộc đi thăm của Chu Ân Lai ở New Delhi và Yangon cộng lại đã gó phần đáng kể vào việc thắt chặt quan hệ tay đôi giữa Trung Quốc và Ấn Độ một bên và giữa Trung Quốc và Miến Điện một bên khác. Nhưng hiển nhiên là ý nghĩa của chuyến đi thăm đó đã vượt xa khuôn khổ chật hẹp đó. Trước hết Trung Quốc xích lại gần một cách rõ rệt nhóm Cô-lôm-bô, dù ngay cả trên một vài vấn đề quan trọng-chẳng hạn như vai trò có thể có của Liên hiệp quốc trong giải pháp về Đông Dương, hoặc việc công nhận ngoại giao đối với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa-song vẫn tồn tại những bất đồng không thể chối cãi được. Tuy vậy cả hai thông cáo New Delhi và Yangon đánh dấu điểm xuất phát các quan hệ phong phú hơn nhiều giữa Trung Quốc và các nước đó.


Ngoài ra, ý niệm về cùng tồn tại hòa bình từ nay không còn chỉ là một công thức tuyên truyền đơn thuần nhằm che giấu tính không khoan nhượng hoàn toàn của chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Sự tiến triển trong thái độ của Trung Quốc về các vấn đề cũng căn bản như chủ nghĩa trung lập Ấn Độ hay tính chất tiêu biểu của các chính phủ Nehru và U Nu phải chăng đã chứng tỏ rằng năm nguyên tắc có thể trở thành một cơ sở có hiệu lực của các mối quan hệ quốc tế ưa chuộng hòa bình hơn? Ngoài ra, Trung Quốc và Ấn Độ và sau hai nước này là nhóm Cô-lôm-bô đã công khai tuyên bố ủng hộ việc thi hành năm nguyên tắc đó để giải quyết vấn đề Đông Dương.


Cuối cùng thắng lợi của chuyến đi thăm của Chu Ân Lai ở Ấn Độ và Miến Điện đã xác nhận vai trò của Trung Quốc là kẻ đầu đàn trong hàng ngũ các nước châu Á, nhưng theo cách nói rất hay của đại sứ Chauvel, ít ra chính phủ Bắc Kinh cũng đã ứng cử vào chức trách đấy. Mấy ngày sau, Thủ tướng Trung Quốc sẽ trở lại Giơ-ne-vơ "với uy tín tăng thêm và một tình thế đã rồi" làm cho ông ta có được một quyền uy mới về tinh thần76 (J.Chauvel, sách đã dẫn, tr.60). Trước mắt ông ta sắp phải sử dụng nó trong khi thương thuyết với ông Hồ Chí Minh nhằm dung hòa lập trường của Trung Quốc và Việt Minh.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 09:46:56 pm
Trung Quốc và Việt Minh

Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Minh từ khi bắt đầu hội nghị


Chúng tôi hiểu biết rất ít về tình trạng mối quen hệ giữa Trung Quốc và Việt Minh, cũng như mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô trong thời gian hội nghị Giơ-ne-vơ và đây là một vấn đề căn bản thì điều thiếu sót đó lại càng đáng tiếc hơn nữa. Do hoàn toàn không có nguồn lưu trữ hay hồi ký nào nên trong bất cứ trường hợp này không thể rút ra những kết luận dứt khoát về vấn đề này. Vì vậy những sau đây không có mục tiêu nào khác là phân tích những dấu hiệu hiếm hoi đã có và đưa ra một vài giả thuyết để nghiên cứu.


Đối với chúng tôi, việc xem xét tỉ mỉ thái độ của Trung Quốc từ đầu hội nghị tới nay hình như đã chứng tỏ rằng trong nhiều trường hợp, lập trường của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Việt Minh không phải lúc nào cũng giống hệt nhau. Ngay từ ngày thứ ba của hội nghị khi cuối cùng Việt Minh chấp nhận rằng việc họ cho phép đưa thương binh ra khỏi Điện Biên Phủ cũng được áp dụng đối với cả binh sĩ người Việt, người ta có thể nghĩ rằng có quân đội này là do sức ép của Trung Quốc sau buổi họp chung với đoàn đại biểu Trung Quốc77 (Như trên, chương IV). Sau này, những cuộc gặp gỡ Trung-Pháp đôi khi cũng là cơ hội để thấy được một vài bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Minh. Người ta còn nhớ chẳng hạn như Vương Bính Nam ngày 18 tháng 5 nói rằng Trung Quốc không phải đến Giơ-ne-vơ "để ủng hộ Việt Minh", nhưng mà để tìm cách "lập lại hòa bình", ngoài ra còn khẳng định thêm rằng "Trung Quốc không nhất thiết khuyến khích Việt Minh hướng hoạt động quân sự về vùng đồng bằng"78 (Như trên, chương VI). Ngày 27 tháng 5 trong một cuộc gặp khác giữa Trung Quốc và Pháp, viên tổng thư ký đoàn đại biểu Trung Quốc đã đánh giá rằng vấn đề Lào và Campuchia, lập trường của Trung Quốc và của Pháp "gặp nhau", trong lúc Việt Minh không chịu công nhận tính đặc thù ở hai vương quốc, thì nhận xét của phía Trung Quốc chỉ có thể phản ánh mối bất đồng đáng kể giữa Bắc Kinh và đồng minh Việt Nam của họ.


Ngoài ra, một vài nhà phân tích, như H.C.Hinton79 (H.C.Hinton, China's Ralations, sách đã dẫn, tr.17-18), đánh giá rằng chính là trong các vấn đề Lào và Campuchia mà quan điểm của người Trung Quốc và của Việt Minh khó xích lại gần nhau nhất. Chúng tôi đã nhấn mạnh buổi thảo luận thể hiện rõ nhất các bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Minh chính là vào hôm 16 tháng 6 khi Trung Quốc đưa ra đề nghị liên quan đến hai vương quốc Lào và Campuchia80 (Như trên, chương VII). Buổi sáng hôm đó, chẳng phải Chu Ân Lai đã nói với I-đơn rằng ông ta nghĩ "có thể thuyết phục" được Việt Minh rút quân khỏi Lào và Campuchia là gì?81 (Như trên). Hôm sau, trong cuộc gặp Bi-đôn, thủ tướng Trung Quốc đã nói đến "một khu vực tập kết quân Pathet Lào ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc" trong lúc cũng ngày hôm đó, Việt Minh đã thay mặt chính phủ của Hoàng thân Souphanouvong đòi "độc quyền kiểm soát trên một nửa nước Lào"82 (Như trên). Bấy nhiêu yếu tố chí có thể giải thích là phản ánh sự bất đồng khá sâu sắc giữa Trung Quốc và Việt Minh ít nhất là trong vấn đề Lào. Ngoài ra, liệu Việt Minh có hoan nghênh hay không các cuộc tiếp xúc giữa Chu Ân Lai với các đại biểu Viên Chăn và Phnôm-pênh, từ khi ông ta đưa ra đề nghị ngày 16 tháng 6 đến ngày ông ta lên đường đi New Delhi? Chưa có tài liệu nào cho phép khẳng định điều này, nhưng có thể là Việt Minh đã nhận thấy ở các cuộc tiếp xúc đó ý đồ của Trung Quốc áp đặt ở Đông Dương ý niệm về cùng tồn tại hòa bình có hại cho ảnh hưởng cách mạng của bản thân họ.


Chuyến đi thăm của Chu Ân Lai ở New Delhi và Yangon cũng có thể làm Việt Minh phải lo ngại. Trước hết, vì tình đoàn kết chiến đấu đang phát triển giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và một cách rộng rãi hơn giữa Trung Quốc và các nước Cô-lôm-bô chỉ có thể làm lu mờ vai trò của Việt Nam dân chủ cộng hòa, 9 năm sau khi tuyên bố thành lập vẫn chưa được nước nào trong số năm nước công nhận. Tiếp đó, vì Việt Minh biết Nehru và U Nu rất coi trọng việc tách Lào và Campuchia ra khỏi ảnh hưởng của cộng sản. Tính nguyên tắc cách mạng không thể đem xuất cảng mà Chu Ân Lai tuyên bố ở New Delhi và được ghi trong Thông cáo chung Trung-Miến phải chăng nhằm vào chính sách Trung Quốc ở Nam Á bao nhiêu thì cũng nhằm vào chính sách của Việt Minh ở Đông Dương bấy nhiêu?


Một số khá đông các nhà phân tích nhấn mạnh rõ rệt thái độ ôn hòa của Trung Quốc đã tác động đối với đồng minh Việt Minh trong thời gian hội nghị. La-cu-tuya và Đơ-vi-le chẳng hạn đã nêu lên song song một cách có ý nghĩa việc Chu Ân Lai và Molotov vắng mặt và thái độ cứng rắn hơn lên của Việt Minh vào cuối tháng 6 và cho thấy rằng hiện tượng thứ nhất có thể giải thích hiện tượng thứ hai83 (J.Lacouture, Ph.Devillers, sách đã dẫn, tr.239-240). Ngoài ra hai tác giả còn nhận xét rằng phải chăng Việt Minh đã có ít nhiều chua chát khi thấy Việt Nam dân chủ cộng hòa không được Pháp "đối xử ngang hàng với Trung Quốc"? Trong lúc Măng-đét Phrăng ít lâu sau khi cầm quyền đã lo gặp Chu Ân Lai, thì không một nhân vật cấp Bộ trưởng nào được phái đến tiếp xúc với Phạm Văn Đồng84 (Như trên, tr.237-238. Ông M.Phrăng mãi đến 11 tháng 7 mới gặp Phạm Văn Đồng lần đầu tiên. Xem đoạn sau chương IX). Về phần mình R.F.Randle, lặp lại cũng luận điểm đó, nhận thấy trong sự bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Minh một cách nhìn căn bản khác nhau: trong lúc chính phủ Bắc Kinh xem xét tình hình thế giới trong tổng thể của nó, và kết luận rằng tuyệt đối cần thiết phải có một thời kỳ giảm căng thẳng để tránh mọi đụng độ mới với Mỹ thì Việt Minh, về phần mình không theo đuổi mục tiêu nào khác là tiến hành đến cùng cuộc chiến tranh giải phóng mà họ đã dấn thân vào. Có nghĩa là đối với Việt Minh, việc thuyết phục các nước hội viên khối Cô-lôm-bô về những ý định hòa bình của các nước xã hội chủ nghĩa, có lẽ hoàn toàn là một mục tiêu thứ yếu85 (R.F.Randel, sách đã dẫn, tr.313). Gurtov cũng phân tích giống như vậy và kết luận rõ ràng rằng đói với Trung Quốc "mối lợi ngoại giao của một giải pháp về Đông Dương đáng giá với sự hy sinh tạm thời các mục tiêu cá nhân của ông Hồ Chí Minh đối với miền Nam Việt Nam"86 (M.Gurtov, sách đã dẫn, tr.128). Đi xa hơn nữa, H.C.Hinton không do dự khẳng định rằng một trong những mục tiêu ta theo đuổi tại Giơ-ne-vơ là chấm dứt cuộc xung đột "để nhằm làm cho Việt Minh không trở nên quá mạnh và quá độc lập"87 (H.C.Hinton, China's Ralations, sách đã dẫn, tr.19).


Khó mà ủng hộ giả thuyết này hay giả thuyết khác nhưng đối với hết thảy các tác giả đó, sự tồn tại mối bất hòa giữa Trung Quốc và Việt Minh vào cuối tháng 6 năm 1954 cũng không thể hoài nghi được. Ngược lại bản chất, mức độ của mối bất hòa ấy đến đâu, đó là những điều hoàn toàn chưa được biết rõ.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 09:48:49 pm
Cuộc gặp gỡ giữa Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau các chuyến đi thăm New Delhi và Yangon, trên đường về Trung Quốc, Chu Ân Lai dừng lại ở phía nam Trung Quốc để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc hội đàm diễn ra từ 3 đến 5 tháng 7 tại một địa điểm không biết rõ trên biên giới Trung-Việt88 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 7-7-1954).


Người ta gần như không biết gì về cuộc thương lượng này. Thông cáo báo chí do Tân hoa xã công bố tại Bắc Kinh hai ngày sau chỉ cho biết "Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao đổi quan điểm toàn diện về hội nghị Giơ-ne-vơ, về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và các vấn đề có liên quan"89 (Current Background (kiến thức phổ thông) số 128, 16-8-1954, trang 5, Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 13-8-1954). Ba tuần lễ sau khi ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ trong "Báo cáo về công tác đối ngoại" đọc ngày 11 tháng 8 năm 1954 trước ngày Hội đồng chính phủ nhân dân Trung Quốc, Chu Ân Lai tuyên bố rằng trong cuộc gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh "bày tỏ ý kiến rằng năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình hoàn toàn có thể áp dụng để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam, Lào và Campuchia"90 (H.C.Hinton, China's Realations, sách đã dẫn, tr.20).


Theo hiểu biết của chúng tôi, đó là những văn kiện chính thức duy nhất của Trung Quốc liên quan đến các cuộc thương lượng đó. Một lần nữa, có nghĩa là không thể vượt qua phạm vi giả thuyết. Đối với H.C.Hinton, thông cáo ngày 7 tháng 7 có thể có nghĩa là "Chu Ân Lai dùng mọi lý lẽ và mọi sức ép cần thiết để tìm kiếm sự tán thành của ông Hồ Chí Minh đối với một cái gì đó không phải là thắng lợi hoàn toàn"91 (H.C.Hinton, China's Ralations, sách đã dẫn, tr.20). Đối với K.C.Chen, sức ép của Chu Ân Lai đối với Hồ Chí Minh chủ yếu là trong các vấn đề giới tuyến quân sự tạm thời giữa các miền, tuyển cử nhằm thống nhất đất nước, và nền trung lập của Lào và Campuchia92 (K.C.Chen, sách đã dẫn, tr.314). M.Gurtov căn cứ vào thông cáo chung Anh-Mỹ ngày 29 tháng 693 (Xem đoạn sau, Thông cáo này bày tỏ ý muốn chung của Mỹ và Anh "xúc tiến các kế hoạch phòng thủ chung ở Đông Nam Á") đã cho rằng để nhanh chóng giải quyết vấn đề Đông Dương, có lẽ Chu Ân Lai thấy "cần phải chặn đứng tham vọng của Việt Minh bằng cách hứa hẹn một sự ủng hộ của Trung Quốc trong tương lai"94 (M.Gurtov, sách đã dẫn, tr.127). Nguyễn Ngọc Bích cũng nghĩ rằng Trung Quốc có lẽ phản đối mọi cuộc tiến công quân sự mới của Việt Minh nhưng đã đảm bảo với Việt Minh về sự ủng hộ trong tương lai đối với vấn đề thống nhất đất nước95 (Nguyễn Ngọc Bích "Viet Nam, An independant view point" (Việt Nam, một quan điểm độc lập) trong P.J.Honey North Vietnam Today (Bắc Việt Nam ngày nay). New York, Praeger, 1962, tr.129).


Tuy không nên khẳng định như thế nhưng hình như khá rõ ràng là cuộc gặp giữa Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực tế đã có kết quả làm cho thái độ của Việt Minh mềm dẻo hơn. Ngay sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp giám đốc Thông tấn xã Việt Nam96 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 8-7-1954). Chủ tịch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các thông cáo chung New Delhi và Yangon và cho rằng tinh thần hai bản thông cáo đó "cũng áp dụng được vào việc giải quyết vấn đề Đông Dương". Những lời tuyên bố đó được đăng lại và bình luận rộng rãi ở Trung Quốc. Mấy ngày sau, một bài xã luận dài của tờ Đại công báo tán dương "sự ủng hộ nhiệt tình" của Trung Quốc đối với những lời phát biểu đó, và coi đó là một bằng chứng về "nguyện vọng chân thành của nhân dân Việt Nam cùng sống hữu nghị với nhân dân Pháp"97 (Đại công báo, 11-7-1954). Tuy vậy ở Việt Nam, người ta đưa tin về những lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách phải chăng hơn nhiều và giọng điệu của báo chí Việt Minh hãy còn tương đối cứng rắng. Báo Nhân dân bình luận về cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai rằng "việc lập lại hòa bình ở Đông Dương không thể chỉ do một phía quyết định"98 (Việt Nam thông tấn xã, tiếng Anh, 10-7-1954). Trong bối cảnh đó, nhận xét như vậy ít ra cũng là không rõ ràng.


Giả thuyết nói rằng sự mở rộng viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam dân chủ cộng hòa phụ thuộc vào việc Việt Minh phải chấp nhận trước những mục tiêu Trung Quốc theo đuổi ở Giơ-ne-vơ, có vẻ như khá vững chắc. Quả vậy, ngay sau hôm Chu Ân Lai trở về Bắc Kinh, ngày 7 tháng 7, ba nghị định thư được ký kết giữa Trung Quốc và Việt Nam dân chủ cộng hòa99 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 8-7-1954). Nghị định thư thứ nhất, ký với Bộ Ngoại thương, quy định việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước trong năm 1954 với dự kiến khối lượng giao dịch "quan trọng hơn rất nhiều" so với năm 1953. Trung Quốc cung cấp cho Việt Minh vải mặc, dụng cụ mổ xẻ và giấy. Để đổi lại, Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ giao cho Trung Quốc kim loại không có chất sắt, thực phẩm. Thỏa thuận thứ hai, ký với Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, nói về quan hệ tiền tệ ở vùng biên giới Trung-Việt. Cuối cùng văn kiện thứ ba, và là văn kiện độc nhất được công bố100 (Trung hoa nhân dân cộng hòa quốc giao dịch chí, sách đã dẫn, tập III, 1954, tr.102-105) nói về buôn bán tiểu ngạch vùng biên giới giữa hai nước. Chắc chắn là-như tính chất kỹ thuật của văn kiện thứ ba đã chứng minh-đã phải mất một thời gian khá dài mới thương lượng xong các nghị định thư này. Ngoài ra có một trong các văn kiện nói về trao đổi thương mại năm 1954: việc ký kết đó chắc hẳn cũng khá cấp bách trong những ngày đầu sáu tháng cuối năm này. Bấy nhiêu dấu hiệu hình như chứng tỏ rằng những văn kiện kinh tế có lẽ đã chuẩn bị xong từ lâu nhưng phải đợi kết quả cuộc hội đàm giữa ông Chu Ân Lai và ông Hồ Chí Minh, tức là một sự thỏa thuận về chính trị giữa hai chính phủ, rồi mới được ký kết. Đối với chúng tôi, hình như đó là một luận chứng không thể bỏ qua được để làm chỗ dựa cho thuyết nói rằng có lẽ Chu Ân Lai đã gây sức ép để ông Hồ Chí Minh phải đi đến chỗ chấp nhận những quan điểm của Trung Quốc liên quan đến giải pháp cho cuộc xung đột101 (Một nhà quan sát thông thạo như đại sứ Chester Ronning viết rõ ràng như sau: Đó là những nhân nhượng của Chu Ân Lai và cũng là những điều ông ta đã làm cho ông Hồ Chí Minh phải nhân nhượng để giúp M.Phrăng giành được những hiệp định về Việt Nam, Lào và Campuchia". C.Ronning, sách đã dẫn, tr.240).


Chúng tôi không được biết chi tiết về những điều Việt Minh có thể nhân nhượng, song đối với Trung Quốc, hình như một trong những kết quả chủ yếu của cuộc hội đàm đó là việc ông Hồ Chí Minh tán thành coi những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình có thể chi phối quan hệ giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và hai Vương quốc Lào và Campuchia102 (Người ta còn nhớ trong cuộc hội đàm ở Berne, Chu Ân Lai đã tuyên bố với M.Phrăng rằng ông ta thúc đẩy Việt Nam dân chủ cộng hòa nhích lại gần không những với nước Pháp mà với cả Bảo Đại (xem chương VIII). Đương nhiên, rất cần biết xem Chu Ân Lai có nhắc lại ý kiến đó trong hội đàm với ông Hồ Chí Minh hay không và nếu có, cuộc hội đàm sẽ kết luận như thế nào về điểm này). Đó là-người ta đã nhận xét-ý kiến mà Chu Ân Lai sẽ nhấn mạnh khi trình bày trước Hội đồng Chính phủ nhân dân trung ương vào tháng 8 sau đó.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 09:52:06 pm
Cuộc thương thuyết tại Giơ-ne-vơ trong lúc Chu Ân Lai vắng mặt

Trong lúc đó tại Giơ-ne-vơ, các cuộc thương thuyết vẫn tiếp tục không có gì nổi bật. Phiên họp hạn chế ngày 19 tháng 6 là phiên họp cuối cùng giữa các bộ trưởng, trong đó các bên đã đạt được thỏa thuận mở các cuộc họp về quân sự liên quan đến Lào và Campuchia. Từ đó tất cả các đoàn đại biểu đều do các quyền trưởng đoàn cầm đầu. Đối với Trung Quốc, Chu Ân Lai nhường chỗ cho Lý Khắc Nông, thứ trưởng Bộ Ngoại giao; hai thứ trưởng khác, Trương Văn Thiên và Vương Gia Tường đều đã rời Giơ-ne-vơ từ 22 tháng 6103 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 22-6-1954). Mục tiêu duy nhất của các phiên họp hạn chế từ ba tuần nay là chứng minh cho dư luận thấy rằng hội nghị vẫn tiếp diễn trong khi đợi kết quả của các cuộc thương thuyết về quân sự về Việt Nam, Lào và Campuchia.


Chỉ có hai vấn đề được đề cập trong sáu phiên họp hạn chế trong khoảng thời gian các bộ trưởng vắng mặt tại Giơ-ne-vơ, tức là từ 22 tháng 6 đến 9 tháng 7: cuối tháng 6 là các thể thức kiểm soát ngừng bắn và đầu tháng 7 là vấn đề đưa các huấn luyện viên và thiết bị quân sự vào Lào và Campuchia.
Chỉ có hai vấn đề được đề cập trong sáu phiên họp hạn chế trong khoảng thời gian các bộ trưởng vắng mặt tại Giơ-ne-vơ, tức là từ 22 tháng 6 đến 9 tháng 7: cuối tháng 6 là vấn đề đưa các huấn luyện viên và thiết bị quân sự vào Lào và Campuchia.


Vấn đề kiểm soát đã được hội nghị xem xét rất lâu. Đến cuối tháng 6, đã có nhiều đề nghị được đưa ra bàn. Đề nghị mới đây nhất và được xây dựng công phu nhất là đề nghị ngày 14 tháng 6 của Liên Xô. Còn ba vấn đề căn bản chưa có giải pháp: cơ cấu ủy ban kiểm soát quốc tế trung lập, thành phần và quan hệ của nó với ủy ban liên hợp gồm hai bên tham chiến. Về điểm thứ nhất, các đoàn đại biểu cộng sản bám vào ý kiến thành lập một ủy ban duy nhất cho toàn Đông Dương104 (Campuchia đã yêu cầu lập ủy ban quốc tế riêng. Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, sách đã dẫn, tr.333. Tham luận ngày 22-6 của Sam Sary), ủy ban này có thể điều hành công việc một cách khác nhau ở mỗi nước tùy theo đặc điểm tình hình mỗi nước, quyết nghị theo sự nhất trí của các thành viên (ít nhất đối với một số vấn đề) và báo cáo lên các nước bảo đảm những bất đồng trong nội bộ ủy ban và giữa ủy ban kiểm soát và ủy ban liên hợp hai bên105 (Xem đề nghị ngày 14 tháng 6 của Liên Xô. Như trên, tr.415-417). Còn các đại biểu phương Tây thì bác bỏ nguyen tắc nhất trí và mong muốn chỉ lấy các quyết nghị theo đa số để tránh cho ủy ban khỏi đi đến chỗ tê liệt106 (Như trên, tr.340-341 (Tham luận của Chauvel, phiên họp ngày 25 tháng 6)). Ngoài ra họ muốn sự kiểm soát mở rộng trên toàn bọ lãnh thổ mỗi nước, nhưng các nước phương đông đã bác bỏ điều này107 (Như trên, tr.331 (Tham luận của Johnson-Mỹ) và tr.337 (tham luận của Novikov-Liên Xô, phiên họp ngày 25 tháng 6)). Về phần ủy ban, hôm 16 tháng 6, Liên Xô đề nghị không phải bốn mà là năm thành viên (Ấn Độ, Ba Lan, Tiệp Khắc, Pakistan và Indonesia) hoặc là ba (Ấn Độ, Ba Lan, Indonesia hoặc một nước châu Á). Trong cả hai trường hợp, Ấn Độ đều làm Chủ tịch108 (Như trên, tr.309 (Tham luận của Molotov, phiên họp ngày 16 tháng 6). Còn Mỹ thì đề nghị Liên hiệp quốc, giải pháp này cũng được Việt Nam (ngụy.N.D) tán thành, hoặc những nước Cô-lôm-bô (Anh cũng ủng hộ giải pháp này), hoặc những nước Cô-lôm-bô và đặt dưới quyền Liên hiệp quốc109 (Như trên, tr.353 (Tham luận của Johnson, phiên họp ngày 29 tháng 6))), nhưng loại trừ sự tham gia của bất kỳ nước xã hội chủ nghĩa nào110 (Như trên, tr.300 (Tham luận của Johson, phiên họp ngày 22 tháng 6)). Cuối cùng các đại biểu phương Đông chủ trương hai ủy ban "Đều hoạt động trong những lĩnh vực song song với nhau nhưng không bên nào phụ thuộc bên nào"111 (Như trên, tr.415. Đề nghị của Liên Xô ngày 14 tháng 6, đoạn 3). Ngược lại các đại biểu phương Tây nghĩ đến một sự phụ thuộc của ủy ban liên hợp vào ủy ban quốc tế trung lập112 (Như trên, tr.331-332. (Tham khảo của Johnson và Lord Scading, phiên họp ngày 22 tháng 6). Người ta thấy con đường đi tới thỏa thuận còn dài.


Đối với toàn bộ các vấn đề, Lý Khắc Nông đã đọc tham luận ba lần, ngày 22, 25 tháng 6 cũng như ngày 6 tháng 7. Trong mỗi lần, đại biểu Trung Quốc khẳng định lại niềm tin tưởng hội nghị "sẽ đi đến điều hòa các quan điểm"113 (Như trên, tr.329 (phiên họp ngày 22 tháng 6) xem thêm tr.341 (phiên họp ngày 25 tháng 6) và tr.362 (phiên họp ngày 6 tháng 7). Bình luận của Trung Quốc về các phiên họp cuối tháng 6 đăng trong tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 3-7-1954). Thực ra các tham luận của ông ta luôn luôn hòa dịu và lạc quan, nhưng không lúc nào đem lại một yếu tố gì mới dù là nhỏ nhất. Mỗi lần phát biểu, Lý Khắc Nông chỉ lặp lại sự ủng hộ của đoàn đại biểu Trung Quốc đối với đề nghị của Liên Xô mà theo ông ta, có thể dùng làm cơ sở thảo luận114 (Như trên, tr.330, 346 và 364). Ông ta nhắc lại rằng theo ý ông, đúng là ủy ban liên hợp "phải chịu trách nhiệm chính" trong việc kiểm soát115 (Như trên, tr.330) và tuyệt đối không cần "phải nhấn mạnh tính chất bắt buộc" của các khuyến cáo của ủy ban trung lập116 (Như trên, tr.363) như Chauvel117 (Như trên, tr.340) và những người khác yêu cầu. Mọi việc xảy ra như là đại biểu Trung Quốc muốn (hay đã nhận được chỉ thị phải...) triệt để đi theo Liên Xô đồng thời trong chừng mực có thể, gây ấn tượng về ý muốn thỏa hiệp thật sự. Nhưng không một lúc nào bản thân ông ta tỏ ra có một sáng kiến xây dựng dù nhỏ nhất. Nhưng tính chất nổi bật trong lời lẽ của ông ta càng rõ nét hơn khi đem so sánh với những lời lẽ của Cu-dơ-nét-sốp, ba tuần qua đã thể hiện một thái độ năng động hơn nhiều.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 09:54:20 pm
Bắt đầu từ phiên họp ngày 6 tháng 7, người ta đề cập đến vấn đề thứ hai, vấn đề đưa huấn luyện viên và thiết bị quân sự vào Lào và Campuchia118 (Tường thuật của Trung Quốc về phiên họp đăng ở tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 6-7-1954). Đề nghị ngày 16 tháng 6 của Trung Quốc, nói rõ ở đoạn ba rằng "một cuộc thương lượng riêng sẽ xác định rõ các chủng loại và số lượng vũ khí cần thiết để tự vệ có thể đưa vào trong các nước này". Ngoài ra, các đại biểu Campuchia và Lào đã yêu cầu xem xét cùng một lúc vấn đề cố vấn quân sự, theo họ, cần được phép ở lại trong hai vương quốc với việc nhập các thiết bị cần thiết cho việc phòng thủ ở hai nước đó119 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...), sách đã dẫn, tr.365-367, phiên họp ngày 6 tháng 7).


Trên mọi điểm đó, Lý Khắc Nông và Chauvel đã có cuộc nói chuyện lâu. Vào ngày 8 tháng 7 sau bữa cơm tối do Lý Khắc Nông thết Chauvel, về phía Trung Quốc có cả Trương Văn Thiên vừa từ Mát-xcơ-va trở về và trong ngày hôm đó, Vương Bính Nam, Trần Gia Khang và Hoàn Hương cùng dự120 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 9-7-1954). Hai đại biểu đều hoàn toàn đồng ý là việc nhập các vũ khí vào Lào và Campuchia phải triệt để hạn định trong nhu cầu tự vệ của hai nước và Mỹ không được đặt căn cứ quân sự ở hai nước này121 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Đoàn đại biểu Pháp ở Giơ-ne-vơ/"Nói chuyện giữa Chauvel và ông Lý Khắc Nông ngày 8 tháng 7"/9-7-1954 và Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Chauvel/Geneve/số 1071-1072/9-7-1954. Toàn bộ biên bản của cuộc gặp này dựa trên hai văn bản trên, sẽ không dẫn ra nữa). Nhưng Chauvel muốn đẩy cuộc nói chuyện đi xa hơn khi đề cập đến vấn đề căn cứ quân sự Pháp ở Lào. Đại sứ Pháp tìm cách nhấn mạnh chính là do nhu cầu đặc biệt của nước này mà chính phủ ông ta đã cam kết duy trì hai nơi đóng quân ở vương quốc này122 (Chauvel khẳng định là những nhà cầm quyền Lào muốn có nơi đóng quân). Vậy phải tìm một giải pháp về điểm này để có thể làm vừa lòng người Lào mà không gây lo ngại cho các nước láng giềng. Lý Khắc Nông không đưa ra câu trả lời nào và lái câu chuyện sang cuộc thương thuyết giữa các chuyên viên quân sự mà ông ta khẳng định là không biết tình hình tiến triển ra sao123 (Nếu đúng như vậy thì điều đó có thể chứng minh những khó khăn có lẽ tồn tại giữa Trung Quốc và Việt Minh trong thời kỳ này. Tuy nhiên cần nhớ rằng ba đoàn đại biểu cộng sản, mỗi đoàn trong phạm vi thẩm quyền của mình tỏ ra tiến hành thương thuyết một cách độc lập với nhau trong suốt thời gian hội nghị).


Thực tế, các cuộc nói chuyện tay đôi giữa Pháp và Việt Minh từ cuối tháng 6 đến nay đang bị khủng hoảng nghiêm trọng vì ý đồ của Việt Minh là, một mặt đòi cho Pathet Lào có một khu tập kết, thực tế bao gồm một nửa vương quốc, mặt khác đòi từ nay lấy vĩ tuyến 13 làm đường giới tuyến ở Việt Nam. Ngay khi được thông báo về cuộc khủng hoảng thực sự đó, người Trung Quốc can thiệp ngay với Việt Minh để tìm cách giải quyết. Vương Bính Nam đã tổ chức một cuộc họp bí mật giữa Đại tá Ghi-éc-ma và thứ trưởng Bộ Tư pháp của Việt Minh Trần Công Tường, trong cuộc gặp này, Trần Công Tường đã đọc một bản tuyên bố rất hòa dịu124 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ gửi Bộ Thưm mưu quân đội-Cục 2/số 245-AM/Băng Cốc/31-8-1954, tr.5. Trong cuộc nói chuyện ngày 19-9-1975, ông Guillermaz cũng nhấn mạnh đến giá trị của sự can thiệp này của Trung Quốc để làm thí dụ minh họa ý muốn giành được giải pháp bằng thương lượng dù cho có phải gây sức ép với Việt Minh). Đây là một sự vận động một lần nữa chứng tỏ một cách nổi bật ý muốn của Trung Quốc giúp vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng bằng thương lượng.


Cho nên, trong cuộc gặp ngày 8 tháng 7, đại sứ Chauvel nhắc lại các khó khăn đó, trước hết là các vấn đề liên quan đến khu tập kết của các lực lượng Pathet Lào. Về điểm này, Lý Khắc Nông đánh giá thái độ của Việt Minh là "đáng tiếc". Sau khi nói rõ "mong muốn duy nhất" của Trung Quốc ở các vùng đó là không có căn cứ quân sự Mỹ, thứ trưởng Trung Quốc kết luận rằng nếu điều kiện đó được thỏa mãn, Trung Quốc sẵn sàng giúp Pháp trong cuộc thương lượng. Rồi đại sứ Chauvel đề cập đến "tham vọng" của Việt Minh về đường giới tuyến ở Việt Nam. Ông ta nói thêm rằng để tìm ra một giải pháp, đoàn đại biểu Pháp sẽ dự thảo một bản tuyên bố; văn kiện này, độc lập với hiệp định ngừng bắn, có thể nói lên những nguyên tắc của một giải pháp chính trị sau này cho vấn đề Việt Nam. Đại sứ kết luận rằng ý kiến đó đã được Phạm Văn Đồng quan tâm đến. Lý Khắc Nông coi sự phát triển đó là tích cực nhưng hình như Việt Minh đã không cho ông ta biết.


Đoàn đại biểu Trung Quốc trả lời các vấn đề Campuchia và Lào ngay trong phiên họp hạn chế vào ngày hôm sau, 9 tháng 7. Trước hết, họ đưa ra nhận xét là các đoàn đại biểu Campuchia và Lào đã chấp nhận rằng chiểu theo chủng loại và số lượng, các vũ khí có thể nhập vào hai nước này nhằm duy nhất thỏa mãn nhu cầu phòng thủ hai nước đó; ngoài ra các nước này cam kết ngăn cấm việc đặt mọi căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của họ125 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...), sách đã dẫn, tr.369). Ngoài ra, Lý Khắc Nông còn ghi nhận ý kiến của hai Chính phủ Campuchia và Lào muốn sử dụng nhân viên quân sự Pháp để huấn luyện quân đội của họ, nhưng ông ta kết luận: "Có thể thảo luận vấn đề đó khi xem xét vấn đề rút quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài"126 (Như trên, tr.370. Tường thuật của Trung Quốc về phiên họp này trong tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 9-7-1954). Cũng như về vấn đề kiểm soát, về vấn đề cố vấn quân sự, đại biểu Trung Quốc đã giữ nguyên lập trường cũ, không làm ai thỏa mãn. Thật vậy, về vấn đề giới hạn vũ khí, trong phần kết luận, Lý Khắc Nông đề nghị đưa vấn đề ra bàn tại các ủy ban quân sự. Chauvel phản đối ngay, cho rằng đây là một vấn đề thuộc thẩm quyền của hội nghị toàn thể, không chỉ của Việt Minh và Bộ chỉ huy Pháp127 (Như trên, tr.373). Sam Sary liền ủng hộ nhận xét đó bằng cách nêu ra rằng "không phải là kẻ xâm lược (Việt Minh) được hạn chế những phương tiện phòng thủ của nạn nhân sự xâm lược"128 (Như trên, tr.374). Ngoài ra, đại biểu Campuchia còn đặc biệt lưu ý đại biểu Trung Quốc rằng đây không chỉ là dụng cụ và nhân viên quân sự Pháp mà Campuchia dành quyền thỉnh cầu bất cứ ai theo ý muốn. Sam Sary kết luận: "Không được áp đặt một ngoại lệ nào cho việc củng cố nền độc lập"129 (Như trên, tr.374-375). Vấn đề này sẽ lại nổi lên một cách nghiêm trọng vào đêm 20 rạng ngày 21 tháng 7, chúng ta sẽ trở lại vấn đề đó.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 09:55:47 pm
Tính chất bất động-sẽ là quá mạnh nếu nói đó là cứng rắn-của lập trường Trung Quốc là dễ hiểu thôi. Một mặt trong lúc không có Chu Ân Lai tại Giơ-ne-vơ, Lý Khắc Nông có lẽ phải tuân theo những chỉ thị không để ông ta được tự do hành động bao nhiêu. Vả lại thời hạn một tháng mà Măng-đét Phrăng đề ra cho cuộc thương lượng chắc đã khuyến khích những người cộng sản giữ nguyên lập trường của họ trong khi chờ đợi kết quả vào giờ phút chót. Trong thư gửi Chauvel ngày 2 tháng 7, thủ tướng nội các Pháp đã viết: "Chính là đến tối ngày 19, các bên sẽ phải ngả lá bài của mình"130 (J.Lacouture và Ph.Devillers, sách đã dẫn, tr.242). Ngoài ra cuộc thương thuyết đã không thể tiến triển được bao nhiêu chừng nào chưa có kết luận của các ủy ban quân sự. Chắc hẳn tất cả những điều đó đã nói lên thái độ thận trọng của Lý Khắc Nông.


Nhưng trước hết có nhiều sự kiện xảy ra ở ngoài hội nghị có thể làm cho người Trung Quốc giữ thái độ hết sức dè dặt. Thoạt tiên là thông cáo công bố ở Washington ngày 29 tháng 6 vào lúc kết thúc cuộc hội đàm Mỹ-Anh. Một vài đoạn trong thông cáo có lẽ làm Trung Quốc lo ngại đến cao độ. Thực vậy, Mỹ và Anh tuyên bố "đã xem xét lại hậu quả của tình hình do việc không thể ký được một (...) hiệp định" về Đông Dương và hai bên muốn "xúc tiến kế hoạch phòng thủ chung Đông Nam châu Á"131 (Ban tin Bộ Ngoại giao Mỹ (The Department of State Bulletin) 12-7-1954, tr.49). Từ đó liệu Anh có đáng thay đổi căn bản thái độ của mình không? Sau một thời gian rất dài từ chối không dính líu quá sâu vào việc dự thảo hiệp ước Đông Nam châu Á để khỏi làm giảm khả năng thành công của hội nghị Giơ-ne-vơ, phải chăng Anh vừa mới chấp nhận luận điểm của Mỹ cho rằng ký một hiệp ước như thế là cách tốt nhất làm cho người Trung Quốc có thái độ ôn hòa? Rồi đến ngày 7 tháng 7 tại quốc hội Pháp, Măng-đét Phrăng lại tuyên bố chính phủ ông ta đã quyết định phái sang Đông Dương những đơn vị mới gồm toàn người trẻ trong lực lượng tổng dự bị, và đã có tất cả những biện pháp để tiếp tục cuộc chiến đấu nếu hội nghị thất bại132 (Articles et documents, số 77, 8-7-1954. Nói thêm rằng ngày 12 tháng 7, I-đơn báo cáo trước Hạ nghị viện rằng đã thành lập một nhóm nghiên cứu Anh-Mỹ về dự thảo Hiệp ước phòng thủ chung ở Đông Nam Á. C.V.Curl, sách đã dẫn, tr.69). Vậy, chính sách hòa bình của Thủ tướng mới của Chính phủ Pháp thật sự là gì? Phải chăng Mỹ đã thành công trong việc buộc Pháp phải tiếp tục những cố gắng chiến tranh? Bấy nhiêu câu hỏi đầu vào tháng 7 đã không thể không làm cho đoàn đại biểu Trung Quốc phải bối rối và trong lúc Chu Ân Lai vắng mặt, đó có lẽ là nguồn gốc gây nên thái độ thiếu chủ động của họ.


Dấu hiệu của sự lo âu này thực ra còn bộc lộc trên báo chí Trung Quốc. Một bài dài đăng trên Nhân dân nhật báo ngày 2 tháng 7 đã nêu song song các cuộc hội ở New Delhi, Yangon và cuộc hội đàm ở Washington. Tờ nhật báo Trung Quốc tố cáo mạnh mẽ các kế hoạch Anh-Mỹ về Cộng đồng phòng thủ châu Âu và Hiệp ước an ninh chung Đông Nam châu Á. Theo bài báo, cả hai dự án này không có mục đích nào khác là lập ra các khối quân sự hiếu chiến vi phạm chủ quyền và độc lập của các nước châu Âu và châu Á. Do đó, chúng đi ngược lại hoàn toàn với những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình do Trung Quốc đề nghị. Hơn nữa chính là vì các nhà lãnh đạo Mỹ lo sợ trước tình đoàn kết giữa các dân tộc châu Á được tăng cường mà biểu tượng là các cuội hội đàm Trung-Ấn, Trung-Miến, mà chúng quyết tâm đi bước trước trong mưu đồ xâm lược của chúng133 (Nhân dân nhật báo, 2-7-1954, Quang minh nhật báo, xã luận ngày 4-7-1954 và Nhân dân nhật báo ngày 6-7-1954 cũng phát triển như vậy). Còn tờ Đại công báo thì nói thêm rằng các tác giả của thông cáo Washington buộc phải nói đến Hiến chương Đại Tây dương chính là để tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng đang phát triển của năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình: nhưng đương nhiên điều đó chỉ là hoàn toàn giả nhân giả nghĩa134 (Đại công báo, 5-7-1954). Cùng trong lúc đó, báo Trung Quốc còn tố cáo kịch liệt chuyến công du châu Á của tướng Mỹ Van Fleét, "đại biểu của tập đoàn cầm quyền nước Mỹ thù nghịch với nhân dân Trung Quốc" đã từng là chỉ huy quân đoàn 8 của Mỹ ở Triều Tiên. Là phái viên đặc biệt của tổng thống Eisenhower, chuyến đi thăm châu Á của ông ta lúc này chỉ bóc trần "chính sách chiến tranh của Mỹ ở phần này của thế giới"135 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 7-7-1954. Đồng thời Đại công báo 13-7-1954 và Tân hoa xã, Bắc Kinh, 17-7-1954). Trung Quốc đã đặc biệt lên án việc Van Fleét dừng lại ở Triều Tiên, ở đây người ta đã gợi đến khả năng gửi quân Triều Tiên hải ngoại đến Đài Loan mà người ta đã nói đến liên minh phòng thủ tương hỗ giữa Mỹ và "những tàn quân ăn cướp Tưởng Giới Thạch"136 (Hiệp ước này sẽ được ký ngày 2-12-1954), và ở Nhật Bản, nơi Mỹ đang tiến hành vũ trang lại một cách điên cuồng137 (Nhân dân nhật báo 9-7-1954. Mấy ngày trước đó,  Trung Quốc đã tố cáo những đơn đặt hàng quan trọng về vũ khí của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Nhật Bản với các nhóm công nghiệp Nhật. Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 26-6-1954).


Đối với Trung Quốc, những sự phát triển của tình hình như vậy biểu hiện rõ ràng các kế hoạch xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Nếu Chu Ân Lai lúc này có mặt ở Giơ-ne-vơ, có lẽ những sự phát triển trên đã thúc đẩy Bắc Kinh có thể có những sáng kiến mới nhằm ngăn chặn nguy cơ do một tình hình như vậy đưa đến. Nhưng vắng mặt Thủ tướng Trung Quốc, những sự phát triển của tình hình đó ngược lại chỉ làm cứng rắn thêm lập trường của các đại biểu vốn không quen thương lượng mà không có bộ trưởng của họ.


Ngay sau hội nghị dẫm chân tại chỗ sau khi các trưởng đoàn rời khỏi Giơ-ne-vơ, đã làm nổi bật thêm các hoạt động của các trưởng đoàn. Đối với Chu Ân Lai, những thông cáo chung công bố ở New Delhi, Yangon cũng được xem như những sự kiện rất lớn. Vị trí của Trung Quốc được củng cố thêm sau những sự kiện đó. Từ Việt Minh đến Ấn Độ đã xuất hiện một thứ nhất trí có lợi cho quan niệm của Trung Quốc về cùng tồn tại hòa bình và cho việc áp dụng những nguyên tắc đó vào việc giải quyết vấn đề Đông Dương. Tầm vóc của sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc ở châu Á (và ngay cả ở châu Âu) sẽ làm tăng thêm hiệu lực cho chính sách của họ vào lúc kết thúc hội nghị. Liên tục tiến hành các cuộc thương lượng, những cuộc gặp gỡ của Chu Ân Lai với Nehru, U Nu và Hồ Chí Minh đã làm cho nền ngoại giao Trung Quốc tiến lên một bước đáng kể138 (Tuy nhiên cần chú ý rằng hình như các nhà ngoại giao phương Tây không quan tâm đến khía cạnh này (nói chuyện với Chauvel ngày 24-6-1975). M.Phrăng đã nhận thấy điều đó và cho rằng từ châu Á trở về, Chu Ân Lai hết sức mong muốn cuộc thương lượng về Đông Dương đi đến kết quả (nói chuyện với M.Phrăng, 3-7-1954)).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 09:59:41 pm
Chương IX
Giai đoạn cuối cùng của hội nghị


Từ nay, hội nghị chỉ còn mười ngày để Măng-đét Phrăng thực hiện lời cam kết đối với Quốc hội Pháp. Molotov là người đầu tiên trở lại Giơ-ne-vơ ngày 8 tháng 7. Thủ tướng Pháp, đến ngày 10 và trong liền ngày đó ông có cuộc hội đàm quan trọng với trưởng đoàn đại biểu Liên Xô, hôm sau ông ta đã gặp Phạm Văn Đồng. Còn Chu Ân Lai thì ngày 12 tháng 7 mới trở lại, cùng đi có các cố vấn của ông ta Shih Che và Kiều Quán Hoa và phụ trách lễ tân Wang Cho Ju1 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 12 tháng 7 năm 1954). Cùng ngày, Chu Ân Lai đã nói chuyện với Molotov, rồi với Phạm Văn Đồng. Ngày 13 tháng 7 ông gặp Măng-đét Phrăng, rồi gặp I-đơn2 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, ngày 13 tháng 7 năm 1954) trước khi ông này cùng đi với Johnson3 (Đại sứ Johnson tiếp tục lãnh đạo đoàn đại biểu Mỹ với danh nghĩa quyền trưởng đoàn) trở lại Paris để gặp Dulles.


Một lần nữa lại náo động trong giới ngoại giao. So sánh kết quả được trong hai tháng qua, đúng là khối lượng các vấn đề phải giải quyết trong có mỗi một tuần đã chứng minh cho việc đẩy nhanh đột ngột cuộc thương lượng.


Nối lại các cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng

Những vấn đề phải giải quyết

Vấn đề thứ nhất là vấn đề giới tuyến. Các cuộc hội đàm giữa tướng Delteil và Tạ Quang Bửu, lúc đầu là đáng phấn khởi, vì trên thực tế ngay từ 10 tháng 6, Việt Minh đã chấp nhận sự chia cắt ở vĩ tuyến 17° hay 18°4 (Về vấn đề này xem những văn kiện Brebisson trong Fredéric Dupont, sách đã dẫn, tr.171-173 ám chỉ đến việc vạch một đường phân chia hai vùng ở gần Huế. Xem thêm J.Laniel, le drame indochinois (Tấn thảm kịch Đông Dương) Sách đã dẫn, tr.112, lại nói đường giới tuyến giữa 17° và 18°). Ngoài ra từ 24 tháng 6 đoàn đại biểu Pháp nhận được chỉ thị phải làm sao đạt được việc lấy vĩ tuyến 18° làm đường phân giới5 (Xem lại chương VII ở trên). Sau cùng trong bị vong lục Anh-Mỹ trao cho chính phủ Paris ngày 29 tháng 6, Anh và Mỹ đã lấy việc "tôn trọng hiệp định-nếu đạt được-tùy thuộc vào việc định giới tuyến ít nhất là ở vĩ tuyến 17°, như vậy là một bước lùi so với mục tiêu của Pháp* (Nguồn tư liệu chưa được phép công bố). Giữa những lập trường khác nhau đó, một giải pháp thỏa hiệp có thể đạt tới một cách dễ dàng. Vậy mà từ 25 tháng 6 một cảm tưởng ngược lại toát ra từ sự tiến triển của các cuộc hội đàm Pháp-Việt Minh. Tạ Quang Bửu và đại tá Hà Văn Lâu tỏ ra cứng rắn hơn thái độ lúc đầu, nay lại đòi giới tuyến lùi hẳn xuống phía nam, ở vĩ tuyến 13°6 (Cần lưu ý rằng vĩ tuyến 13° (và vĩ tuyến 14°) sẽ làm cho Việt Nam dân chủ cộng hòa có biên giới chung với Campuchia. Phần đề nghị này là một bước lùi khá xa so với đề nghị ngày 10 tháng 6 (xem đoạn trước)). Nhiều cuộc gặp sau đó đã không làm lập trường Việt Minh về điểm này mềm dẻo hơn. Vả lại vấn đề này đã là trọng tâm thảo luận giữa Măng-đét Phrăng và Molotov ngày 10 tháng 77 (Có lẽ hồi ký Khrushchev (sách đã dẫn) ám chỉ đến cuộc hội đàm ngày 10 tháng 7 trong đoạn viết sau đây: Ngay từ phiên họp đầu tiên của hội nghị, Măng-đét Phrăng, lúc đó đứng đầu Chính phủ Pháp đề nghị rút quân Pháp về bên kia vĩ tuyến 17. Tôi thú nhận là lúc nghe tin này chúng tôi miệng há hốc vì ngạc nhiên và vui sướng. (tr.157). Đoạn trên đây gây ra nhiều bình luận. Một mặt về câu chữ "phiên họp đầu tiên của hội nghị", thực ra là cuộc gặp đầu tiên giữa Molotov và Măng-đét Phrăng: vì cuộc hội nghị đã kéo dài được hai tháng. Mặt khác theo quyết định ở (Pariss ngày 24 tháng 6 (xem đoạn trước ở chương VII). M.Phrăng không nêu vĩ tuyến 17 mà là vĩ tuyến 18°. Cuối cùng chính là Việt Minh chứ không phải M.Phrăng, hôm 10 tháng 6 trong cuộc hội đàm Delteil-Tạ Quang Bửu, một tháng trước đó đã đề nghị giới tuyến ở phía trên Huế. Bấy nhiêu yếu tố hình như không phù hợp với tính chân thực của tập "Hồi ký Khrushchev". Ở một đoạn khác, Khrushchev viết: Việc rút về bên kia vĩ tuyến thực ra là yêu cầu sách tối đa mà từ đó chúng tôi tính chuyện thương thuyết. Chúng tôi đã chỉ thị cho các nhà ngoại giao của chúng tôi nêu vấn đề từ đó chỉ là nhằm mục đích duy nhất là đưa một lập trường cứng rắn vào ván bài thương lượng". (tr.457). Bởi vậy nếu đoạn trên là đúng sự thật, thì hình như Việt Minh lúc đầu (đề nghị ngày 10 tháng 6 theo gần đúng chỉ thị của Liên Xô, đề nghị phân ranh giới ở vùng Huế như một yêu sách tối đa mà thôi. Nhưng thấy yêu sách này khá gần với lập trường của Pháp, nên Việt Minh có lẽ quyết định đưa cao yêu sách lên (đề nghị vĩ tuyến 13°). Rồi hai đồng minh cộng sản của họ, để nhằm đạt tới một giải pháp họ đang cần đến, có lẽ đã gây sức ép để Việt Minh rút về lập trường ban đầu mà họ hoàn toàn hài lòng. Do đó ngày 19 tháng 7, Trung Quốc đưa ra đề nghị đặt giới tuyến ở vĩ tuyến 17 (xem đoạn sau). Trừ ra một vài điều không đúng, tập Hồi ký Khrushchev về phương diện đó, có lẽ phù hợp với diễn biến thật sự của cuộc thương lượng như chúng tôi đang dựng lại ngày nay). Chính trong lúc cuộc thương lượng đang ở giai đoạn đó, hôm sau (11 tháng 7) Chu Ân Lai trở lại Giơ-ne-vơ. Giữa vĩ tuyến 13° mà nay Việt Minh đòi hỏi và vĩ tuyến 18 do Pháp đề nghị, chủ yếu là có các thành phố Huế và Đà Năng, phần lớn Tây Nguyên cũng như đoạn cuối của đường số 9 nối liền Savanakhet với Quảng Trị, lối thoát duy nhất của Lào về hướng Nam Việt Nam. Có nghĩa là lập trường của các bên đều rất xa nhau.


Về vấn đề Lào, cuộc thương thuyết cũng không đạt kết quả nhỏ nhất nào từ khi Trung Quốc đưa ra kiến nghị 16 tháng 6 và sau khi thông qua đề nghị có sửa đổi ngày 19 tháng 6 và sau khi thông qua đề nghị có sửa đổi ngày 19 của Pháp8 (Xem lại chương VII). Sau ngày Molotov và Chu Ân Lai lên đường, thái độ của Việt Minh về vấn đề này cứng rắn lên khá nhiều. Nhân danh Pathet Lào, Tạ Quang Bửu đi đến chỗ đòi hỏi cho chính phủ cách mạng Lào được kiểm soát phần nửa phía đông nước Lào, kể cả cao nguyên Bô-lô-ven ở phía nam. Việt Minh cũng đặt vấn đề như vậy trong một thời gian khi đợi công nhận quyền của Khơ-me Issarak được có một vùng lãnh thổ. Như vậy là rất xa với những lời bảo đảm của Chu Ân Lai lúc sắp lên đường đi thăm Ấn Độ, nếu không kể bị vong lục Anh-Mỹ ngày 29 tháng 6 đã đặt vấn đề giữ gìn toàn lãnh thổ của Lào và Campuchia làm điều kiện đầu tiên cho việc London và Washington "tôn trọng" mọi hiệp định về Đông Dương. Ở đây những trở ngại còn phải vượt qua là rất lớn. Tuy vậy ngày 10 tháng 7, Molotov đã cho M.Phrăng biết rằng "Theo ông ta không nên gây nhiều rắc rối đối với lãnh thổ Lào và Campuchia". Một lạc quan làm cho người ta nhẹ nhõm, nhưng lúc đó chưa dựa trên cơ sở ban đầu nào về giải pháp.


Về thành phần và hoạt động của ủy ban kiểm soát, các vấn đề phải giải quyết cũng còn nhiều9 (Thực tế, đây là một vấn đề mà người Liên Xô bảo lưu như một hôm Vương Bính Nam đã nêu với đại tá Ghi-éc-ma (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ gửi bộ tham mưu các lực lượng vũ trang-Cục 2 Paris/về vấn đề "Trung hoa nhân dân ở Giơ-ne-vơ"/Số 245-AM/Băng Cốc/31-8-1954 tr.6). Người ta còn nhớ, trong khi các Bộ trưởng vắng mặt hội nghị đã đề cập đến vấn đề này trong 5 phiên họp nhưng không đạt được tiến bộ nào10 (Phiên họp ngày 22, 25 và 29 tháng 6 cũng như các phiên họp ngày 2 và 6 tháng 7. Xem chương VIII đoạn trên). Quyền trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Lý Khắc Nông đã phát biểu nhiều lần nhưng không đem lại yếu tố tích cực nào. Đại sứ Johnson cũng phát biểu tại cuộc họp rằng Mỹ không thể chấp nhận sự có mặt của bất kỳ đại biểu cộng sản nào trong ủy ban đó. Vào đầu tháng 7, nếu như đại biểu Pháp nghĩ ngày càng nhiều đến một cơ cấu gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada, thì cũng càng khó đi đến một thỏa thuận nào về thành phần và nhất là về hoạt động của thể chế này.


Thêm vào tất cả các vấn đề đã được thảo luận kéo dài từ hai tháng nay, còn có thêm một loạt vấn đề nữa không kém quan trọng nhưng gần đây mới được đề cập hoặc mới nói đến một cách rất mập mờ. Chẳng hạn như trường hợp về các thể thức rút quân Liên hiệp Pháp khỏi các vùng sẽ trao cho Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong lúc Việt Minh mong muốn việc rút quân nói trên sẽ hoàn thành trong thời hạn 90 ngày, thì người Pháp yêu cầu thời hạn 380 ngày. Ngoài ra có những điểm căn bản mà chưa có đề nghị cụ thể nào được đưa ra trình bày: như vấn đề về thời hạn tổng tuyển cử hoặc tính chất các bảo đảm của các nước tham gia hội nghị đối với hiệp định. Đó là bấy nhiêu vấn đề cần giải quyết mà Chu Ân Lai rất khẩn trương sắp phải làm việc trong tuần lễ cuối cùng của cuộc thương lượng.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 10:01:27 pm
Các cuội hội đàm mới giữa Trung Quốc và Pháp và sức ép của Trung Quốc đối với Việt Minh

Ngay sau khi từ Bắc Kinh trở lại Giơ-ne-vơ, ngoài cuộc gặp Molotov ngày 12 tháng 7, chính là với Măng-đét Phrăng mà người đứng đầu nền Ngoại giao Trung Quốc phải nối lại các cuộc nói chuyện. Có Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông và Vương Bính Nam cùng dự, Chu Ân Lai đã nói chuyện trong hơn một giờ đồng hồ với thủ tướng Nội các Pháp ngay từ sáng ngày 13 tháng 711 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 13-7-1954). Từ sau cuộc hội đàm được mọi người biết đến ở Berne, đây là cuộc gặp lần thứ hai giữa hai vị chính khách.


Sau khi Chu Ân Lai tổng kết một cách lạc quan chuyến đi thăm châu Á, cuộc thảo luận đi ngay vào các vấn đề từ mấy ngày nay là trung tâm các cuộc hội đàm giữa các Bộ trưởng12 (Tường thuật dựa vào các nguồn sau đây và sẽ không dẫn ra nữa: Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ về vấn đề "hội đàm giữa M.Phrăng và Chu Ân Lai". Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Chauvel/Giơ-ne-vơ/số 1109-13-7-1954). Cũng như đã nói với Molotov hôm 10 tháng 7. M.Phrăng cũng bắt đầu trình bày lý do khiến đoàn đại biểu Pháp chọn vĩ tuyến 18° làm đường phân chia hai vùng tập kết: Vùng này là vùng Cổng An Nam "một biên giới" vừa "ngắn" vừa có ý nghĩa "lịch sử". Sau mấy lời trao đổi về lợi, hại của phương án này và của phương án do Việt Minh đưa ra, Chu Ân Lai kết luận rằng "về vấn đề này hai bên đều phải nhân nhượng lẫn nhau. Ông nói với M.Phrăng: "Tôi tin là nếu các Ngài tiến lên một bước thì bên kia sẽ đi nhiều hơn về phía các Ngài". Một lúc sau, Chu Ân Lai lại nhấn thêm ý kiến đó. Nếu nước Pháp nhượng bộ một ít thì Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ nhượng bộ nhiều. Như vậy là nói rõ ra rằng Việt Minh sẵn sàng có những nhượng bộ quan trọng. Phải chăng việc Molotov và Chu Ân Lai trở lại Giơ-ne-vơ đã có tác động đến Phạm Văn Đồng. Chu Ân Lai kết luận "ông ta (chỉ Phạm Văn Đồng) có nhiều điều lý thú muốn nói (...) khiến vị trưởng đoàn đại biểu Pháp thấy cần chăm chú lắng nghe".


Rồi một cách mập mờ hơn nhiều, thủ tướng Trung Quốc nói sang các vấn đề khác như: Bản tuyên bố chính trị cuối cùng phải "chú ý đến lợi ích của nhân dân Việt Nam" hoặc về những "quan hệ hữu nghị", mà Việt Nam sẽ phải thiết lập với Pháp. Cuối cùng để kết thúc cuộc hội đàm, Chu Ân Lai đả kích mạnh mẽ chính sách của Mỹ mà theo ông ta là tìm cách "phá hoại hội nghị (...) bằng cách không cử Bộ trưởng Ngoại giao đến dự".


Theo sự thỏa thuận của hai vị đứng đầu chính phủ Trung Quốc và Pháp, ngay chiều hôm đó, đại sứ Chauvel đến gặp Chu Ân Lai để trao và giải thích thêm bản dự thảo và tuyên bố chính trị cuối cùng do đoàn đại biểu Pháp chuẩn bị. Văn kiện này rất chung, sẽ là một bộ phận của các văn kiện cuối cùng của hội nghị mà mục đích duy nhất là nhân danh tất cả các bên tham dự hội nghị nói lên một số nguyên tắc nhằm hướng dẫn các bên trong việc tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Đông Dương. Thủ tướng Trung Quốc chỉ nghe đại sứ Chauvel giải thích, không nêu vấn đề gì khác và trả lời sẽ cho biết sau những nhận xét của đoàn đại biểu Trung Quốc13 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ về vấn đề Chauvel đến gặp Chu Ân Lai ngày 13 tháng 7 năm 1954; hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Chauvel/Giơ-ne-vơ số 1121-13-7-1954).


Điểm chủ yếu của những cuộc hội đàm mới giữa Trung Quốc và Pháp chắc chắn là sự đảm bảo của Chu Ân Lai rằng Việt Minh sẵn sàng có những nhượng bộ quan trọng. Đúng như thế, ngay sau đó cũng vào sáng 13 tháng 7, M.Phrăng đến gặp Phạm Văn Đồng. Chính là trong cuộc hội đàm ngắn ngủi đó, trưởng đoàn đại biểu Việt Minh đã đưa ra đề nghị lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến mà không giải thích gì thêm* (Nguồn tư liệu chưa được phép công bố). Như vậy Phạm Văn Đồng đột nhiên bỏ toàn bộ Tây Nguyên cũng như nhiều thành phố khác mà Việt Minh đứng vững ở đó từ lâu, nhất là Quảng Ngãi và Quy Nhơn.


Sự nhượng bộ đúng là quan trọng. Thế là Pháp đã giành được sự nhượng bộ mà không phải đi "bước trước" như Chu Ân Lai đã nói một tiếng đồng hồ trước đó. Một cách khôn khéo, Măng-đét Phrăng chỉ nhận xét: "Đà Nẵng, Huế và đường số 9 thiết yếu đối với đường giao thông của Lào với thế giới bên ngoài, lại ở phía trên vĩ tuyến 16". Phạm Văn Đồng đáp lại rằng có thể dự kiến một sự thu xếp về việc sử dụng con đường đó. Lập tức thủ tướng Pháp bèn nói luôn rằng kinh nghiệm hành lang Berlin "đưa ông ta đi đến kết luận là những người sử dụng con đường nào thì chính họ phải kiểm soát con đường đó"* (Nguồn tư liệu chưa được phép công bố). Vì vậy Pháp vẫn giữ phương án ban đầu.


Thực tế ngày 13 tháng 7 là ngày có tính chất quyết định: buổi chiều cùng ngày, Phạm Văn Đồng cùng đi có Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, trong đoàn đại biểu Việt Minh, đến gặp lần đầu tiên các đại biểu của Quốc gia Việt Nam. Cuộc hội kiến quan trọng và có ý nghĩa: Chủ yếu hai bên đề cập đến vấn đề thống nhất lại đất nước mà người ta đang chia cắt. Về điều này Việt Minh đưa ra đề nghị đầu tiên về tổ chức tổng tuyển cử trong thời hạn 6 tháng14 (J.Lacouture và Ph.Devillers, sách đã dẫn, tr.258. Được khẳng định qua cuộc nói chuyện với ông Trần Văn Đỗ, lúc đó là trưởng đoàn đại biểu Việt Nam. Trong cuộc gặp đó, trái với điều nói với M.Phrăng, sáng hôm đó Phạm Văn Đồng còn ám chỉ đến việc chia cắt ở trên vĩ tuyến 13° (nói chuyện với Trần Văn Đỗ ngày 23-1-1976)). Đó là một vấn đề sẽ ở vào trung tâm các cuộc thương thuyết của tuần lễ cuối cùng này.


Trước những phát triển của tình hình như vậy, cần có ngay những bình luận về vai trò của Trung Quốc trong quá trình tiến triển của thái độ Việt Minh. Sự trái ngược giữa những yêu sách họ đưa ra từ cuối tháng 6 lập trường mềm dẻo kể từ 13 tháng 7 là nổi bật. Có thể đưa những giải thích khác nhau nhưng hình như tất cả đều quay về Trung Quốc. Có thể là việc Dulles đến Paris là một trong những nhân tố khiến Phạm Văn Đồng phải hạn chế tham vọng của mình. Vả lại M.Phrăng đã nói rõ ràng điều đó với Bộ trưởng ngoại giao Mỹ trong cuộc hội đàm ngày 13 tháng 7: "Chính là mối lo ngại thấy Dulles đến Giơ-ne-vơ đã đưa Phạm Văn Đồng đến chỗ nhân nhượng như vậy (đề nghị về vĩ tuyến 16)* (Nguồn tư liệu chưa được phép công bố). Đứng về quan điểm Việt Minh, nếu Dulles trở lại Giơ-ne-vơ cầm đầu đoàn đại biểu Mỹ, thì chỉ có thể gây trở ngại cho thương lượng. Từ đó tăng thêm nguy cơ hội nghị thất bại, cuộc xung đột tiếp tục và mở rộng. Trước mắt điều đó buộc Việt Minh phải phụ thuộc ngày càng nhiều vào các đồng minh cộng sản của mình, trước hết là lệ thuộc vào Trung Quốc. Người ta không thể tóm tắt tốt hơn những lời nói của hoàng thân Bửu Lộc cách đây một tháng về những mối lo ngại có thể có được về Việt Nam dân chủ cộng hòa. Theo ông ta Việt Minh lo ngại Mỹ can thiệp không phải vì bản thân cuộc can thiệp ấy đáng sợ mà vì nó có thể "làm tăng thêm" sự lệ thuộc của họ vào người Trung Quốc, do người Trung Quốc sẽ phải tăng cường viện trợ cho Việt Minh, đồng thời tăng cường những đòi hỏi của họ. Vào đầu tháng 6, Hoàng thân viết "Vậy nay những người cộng sự của ông Hồ Chí Minh đã phải lo lắng đến sự lệ thuộc ấy sẽ làm hại nhân dân Việt Nam vốn là kẻ thù truyền kiếp của nước Trung hoa dù theo chủ nghĩa quốc gia hay theo chủ nghĩa cộng sản. Họ cũng sợ rằng sự thao túng của Trung Quốc mạnh đến mức tổn thất nghiêm trọng đến độc lập và ngay cả tương lai xứ sở. Vì vậy, những người lãnh đạo Việt Minh tuyên bố sẵn sàng nhượng bộ khá nhiều để thỏa hiệp với chính phủ Quốc gia Việt Nam"15 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Dejean/Cao ủy phủ/Sài Gòn, số 31504-08-8-1954. Tuy vậy Nguyễn Quốc Dinh cho rằng văn kiện này không phản ánh ý kiến của đoàn đại biểu quốc gia Việt Nam. Ông phải viết như vậy để làm dễ dàng hơn với nhiệm vụ của đại sứ Việt Nam ở Washington đối với nhà đương cục Mỹ, nhưng vấn đề không còn là tranh chấp giữa cộng sản và tự do mà là giữa Trung Quốc và Việt Nam (nói chuyện ngày 30-6-1954)).


Cuộc hội kiến ngày 13 tháng 7, giữa Việt Minh và những người quốc gia được giải thích cho một lập luận tương tự. Sự nhượng bộ về giới tuyến có lẽ là kết quả của mối lo ngại mà Việt Minh cảm thấy đối với đồng minh hùng mạnh của họ đồng thời có lẽ là do sức ép của Trung Quốc đối với họ. Người ta hãy nhớ lại điều Chu Ân Lai đã thổ lộ cho thủ tướng M.Phrăng hôm gặp nhau ở Berne. "Đoàn đại biểu Trung Quốc đang thúc đẩy đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa nhích lại gần không những với nước Pháp mà còn với Việt Nam của Bửu Lộc"16 (Xem chương VII). Người ta hãy nhớ trong lúc Chu Ân Lai vắng mặt, Vương Bính Nam đã vận động để thứ trưởng Bộ tư pháp Việt Minh đọc cho Đại tá Ghi-éc-ma một bản tuyên bố lời lẽ ôn hòa nhằm vượt qua những khó khăn đang gây trở ngại cho cuộc thương thuyết Pháp-Việt Minh17 (Xem chương VIII). Điều có ý nghĩa là sự nhượng bộ của Phạm Văn Đồng đã xuất hiện ít lâu sau khi Molotov và Chu Ân Lai trở lại Giơ-ne-vơ, hoặc nói cho đúng hơn, ngay sau cuộc hội đàm giữa Chu Ân Lai và M.Phrăng. Từ đó, làm sao không thấy được, ít nhất là một phần, kết quả của sức ép Trung-Xô, đây là lối giải thích như người ta đã ghi lại, hoàn toàn thích hợp với cách nói rằng chuyến đi của Dulles đến Paris là nguyên nhân làm cho lập trường Việt Minh mềm dẻo hơn. Ngày hôm sau, 14 tháng 7 tờ Nhân dân nhật báo hài lòng ghi nhận rằng "Hội nghị Giơ-ne-vơ bước vào giai đoạn mới" và cuộc hội đàm giữa Chu Ân Lai và M.Phrăng là một "cống hiến quan trọng" vào sự nghiệp hòa bình18 (Nhân dân nhật báo, ngày 14 tháng 7 năm 1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 10:02:42 pm
Trung Quốc góp phần vào thỏa hiệp cuối cùng

Thành phần ủy ban kiểm soát


Đối với đoàn đại biểu Trung Quốc, những cuộc hội đàm ngày 13 tháng 7 giữa Chu Ân Lai và M.Phrăng đánh dấu bước mở đầu của một hoạt động khẩn trương. Trong một cuộc gặp Tổng thư ký Vương Bính Nam vào hôm sau, đại tá Ghi-éc-ma nhận thấy Trung Quốc quá vội vã để sớm hoàn thành những công việc cuối cùng của hội nghị19 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ gửi đại sứ Chauvel về vấn đề "Hội đàm Guillermaz-Vương Bính Nam/Giơ-ne-vơ/14-7-1945").Trong cuộc gặp này, Vương Bính Nam còn tuyên bố rõ ràng: "Chỉ còn vài khó khăn cuối cùng nữa để đi đến hiệp định, chúng tôi không thể nghĩ đến khả năng thất bại"20 (Như trên-Ba ngày sau, Bộ trưởng ngoại giao Pakistan Rahin, đi ngang qua Paris, đã cho Bộ Ngoại giao biết rằng những tin tức mới nhận được từ Đại sứ quán Pakistan tại Bắc Kinh đã nói lên... "nguyện vọng sâu sắc của Trung Quốc muốn có một quyết định hòa bình trong thời hạn đã định". Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp: Điện Guérin de Beaumont/Paris/số 1570/17-7-1954...). Cùng ngày, một bài xã luận dài của Nhân dân nhật báo nhắc lại sự cần thiết phải nhanh chóng ký kết hòa bình ở Đông Dương. Hơn lúc nào hết Trung Quốc kêu gọi ý chí độc lập của nước Pháp: "Một chính sách đi ngược lại lợi ích của nước Pháp không thể đem lại kết quả nào cả. Nước Pháp là một cường quốc thế giới. Nó phải có con đường độc lập và danh dự của riêng nó. Nó phải có con đường độc lập và danh dự của riêng nó. Điều này có nghĩa là nước Pháp phải theo chính sách đối ngoại độc lập, coi trọng lợi ích dân tộc của Pháp và lợi ích hòa bình thế giới"21 (Nhân dân nhật báo, ngày 14 tháng 7 năm 1954).


Trong tất cả các vấn đề còn chưa giải quyết, vấn đề thành phần ủy ban kiểm soát phải được xem xét đầu tiên. Người ta chỉ nhớ lại rằng nước Pháp đã từ ít lâu nay, đề nghị một ủy ban ba bên gồm có Ấn Độ (chủ tịch), Canada và Ba Lan. Còn về phía các đoàn đại biểu cộng sản đề nghị cuối cùng do Liên Xô đưa ra ngày 1 tháng 6 nói đến hoặc một công thức năm nước, hoặc một công thức ba nước và trong trường hợp này có thể là Ấn Độ (chủ tịch), Ba Lan và Indonesia hoặc một nước châu Á khác. Sự có mặt của hai nước châu Á trong ủy ban quốc tế hiển nhiên là sự nhượng bộ của Liên Xô đối với Trung Quốc, ngay từ đầu muốn thấy được các nước trong khu vực có một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Đông Dương. Vả lại trong công thức ủy ban năm nước cũng do Liên Xô và Trung Quốc đề nghị, có một nước châu Á khác là Pakistan.


Về vấn đề này, có vẻ như Trung Quốc đóng vai trò nổi bật nhất trong những bước phát triển cuối cùng của hội nghị. Trong khoảng thời gian từ 13 đến 16 tháng 7, ngày nào Chu Ân Lai cũng gặp Krista Menon, ông này cũng đến Giơ-ne-vơ vì hội nghị sắp đi đến kết thúc22 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 13, 14, 15 và 16-7-1954). Người ta còn chưa có tin tức chính xác về các cuộc hội đàm Trung-Ấn, nhưng rất có thể là vấn đề kiểm soát chiếm vị trí ưu thế trong các cuộc hội đàm đó.


Ngoài ra, ngày 17 tháng 7, vấn đề được bàn thêm giữa M.Phrăng, Molotov và I-đơn* (Nguồn tư liệu chưa được phép công bố) lần này không có mặt Chu Ân Lai. Trong dịp này, trưởng đoàn đại biểu Anh đưa ra một đề nghị mới, ủy ban kiểm soát nên gồm các nước Cô-lôm-bô, một nước cộng sản và một nước phương Tây. M.Phrăng tán thành ý kiến này. Còn Molotov chỉ nhắc lại rằng về vấn đề cũng cần coi trọng ý kiến của Trung Quốc và của Việt Minh. Cùng ngày23 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 17-7-1954) có thêm cuộc họp giữa Molotov và Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng.


Cuối cùng "bước quyết định" được vượt qua vào hôm sau, 18 tháng 7, sau một phiên họp hạn chế của hội nghị, khi thủ tướng Trung Quốc cho I-đơn bảo ông ta đồng ý ủy ban gồm có Ấn Độ, Canada và Ba Lan, tức là ba nước theo đề nghị của Pháp24 (A.I-đơn, Memoires (hồi ký), sách đã dẫn, tr.160). Mỹ cũng đồng tình với cách giải quyết này, mặc dù có Ba Lan trong ủy ban kiểm soát-còn về các đại biểu cộng sản, họ tiếp nhận rất nhanh khi có sửa đổi một vài chỗ, dự án thỏa hiệp do Pháp khởi thảo về các thủ tục bỏ phiếu và về các vấn đề quan hệ giữa ủy ban quốc tế và ủy ban hỗn hợp như sẽ được ghi trong các hiệp định cuối cùng.


Sự diễn biến và kết quả các cuộc thương thuyết về vấn đề kiểm soát chứng tỏ trong vấn đề này thêm một nhân nhượng thực sự của Trung Quốc. Điều có ý nghĩa là công thức công bằng giữa một nước phương Tây và một nước xã hội chủ nghĩa chung quanh một hay nhiều nước trung lập đã được hình thành trong cuộc họp giữa Liên Xô và phương Tây ngày 17 tháng 7, mà Chu Ân Lai không tham dự; là nước bị từ chối không được vào ủy ban kiểm soát lại là nước có quan hệ với Trung Quốc (Indonesia hoặc một nước châu Á) và cuối cùng là chính Chu Ân Lai đã đi gặp I-đơn để vận động ông ta về một công thức sau này được hội nghị chấp nhận. Đúng là công thức đã được thông qua khá tiêu biểu cho nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình mà vị đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc bênh vực.


Ngược lại công thức đó có lẽ lai không chứng minh được điều Trung Quốc rất mong muốn là các nước châu Á theo ý của Trung Quốc, phải có địa vị ưu thế trong việc giải quyết các vấn đề ở trong khu vực.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 10:04:01 pm
Thời hạn tuyển cử ở Việt Nam

Về tổng tuyển cử ở Việt Nam, thái độ của Trung Quốc cũng tỏ ra là muốn hòa giải như vậy. Ngay trong cuộc hội đàm ngày 23 tháng 6 ở Berne, Chu Ân Lai đã nhận rằng, một khi đã đạt được đình chiến, giải pháp chính trị có thể chia ra nhiều bước trong một thời gian khá dài... Điều này đã được M.Phrăng xem như một kết quả rất tích cực của cuộc hội đàm với thủ tướng Trung Quốc25 (Xem lại chương VII). Từ hôm đó, vấn đề này-là vô cùng quan trọng vì nó quyết định toàn bộ khả năng chống đỡ về chính trị của Quốc gia Việt Nam trong trường hợp có tuyển cử. Về phía mình, đoàn đại biểu Pháp cho rằng cần thiết ra là hai năm để chính phủ Sài Gòn có thời gian chuẩn bị, đã đưa ra con số từ "hai đến ba năm là ít nhất"26 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ gửi đại sứ Chauvel về vấn đề: Hội đàm Guillermza-Vương Bính Nam (phần thứ 2) ngày 19 tháng 7 năm 1954 hồi 18 giờ 30/Giơ-ne-vơ 19-7-1954. Đại tá Guillermaz đã lưu ý Vương Bính Nam rằng Trung Quốc đã đề ra hai năm chuẩn bị tổng tuyển cử bầu Quốc hội và trong điều kiện đó, người ta không thể từ chối một thời hạn ngắn hơn ở Việt Nam (nói chuyện với tướng Guillermaz ngày 14 tháng 3 năm 1975). Nguồn tài liệu chưa được công bố). Như vậy lập trường các bên về vấn đề này còn rất xa nhau.


Molotov và M.Phrăng đã bàn bạc kỹ vấn đề này trong cuộc hội đàm ngày 15 tháng 7. M.Phrăng tỏ ra muốn định rõ bất kỳ thời hạn nào cho cuộc tuyển cử. Ông ta muốn hội nghị chỉ nên nhắc nhỏ nguyên tắc hiệp thương thôi. Về phía mình, Molotov đưa ra ý kiến nên giao việc định thời hạn tuyển cử cho các đại biểu hai bên Việt Nam và Việt Minh và chính phủ Sài Gòn* (Nguồn tài liệu chưa được công bố). Hôm sau, vấn đề lại được đem ra bàn trong cuộc nói chuyện ba bên giữa M.Phrăng, I-đơn và Molotov. Đại biểu Liên Xô lúc đó đã đề nghị nếu thời hạn tháng 6 năm 1955 gần quá thì nên theo công thức "trong năm 1955". Điều này không làm thủ tướng Nội các Pháp hài lòng hơn* (Nguồn tài liệu chưa được công bố).


Trong cuộc họp ngày 17 tháng 7, Chu Ân Lai và M.Phrăng chỉ đề cập sơ qua vấn đề này. Thủ tướng Trung Quốc nhận xét rằng đây là một trong "những vấn đề quan trọng" phải được thương thuyết trực tiếp giữa Pháp và Việt Minh27 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ về vấn đề Hội đàm giữa M.Phrăng và Chu Ân Lai tr.5), như vậy lặp lại lập trường của Molotov đưa ra hai ngày trước đây. Tuy nhiên trong cuộc gặp Đại tá Ghi-éc-ma ngày 19 tháng 7, Vương Bính Nam tuyên bố rằng sau khi suy nghĩ về các lý lẽ của M.Phrăng, Chu Ân Lai đưa ra "đề nghị hợp lý là cuộc tuyển cử nên hoãn lại hai năm cho đến năm 1956, còn thời hạn chính xác sẽ do đại biểu hai miền Nam Bắc thỏa thuận với nhau"28 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp: Bản ghi nhớ gửi đại sứ Chauvel về vấn đề hội đàm Guillermaz-Vương Bính Nam (phần thứ 2), ngày 19 tháng 7 hồi 18 giờ 30/Giơ-ne-vơ 19-7-1954, tr.9). Một lần nữa sự nhượng bộ là có ý nghĩa quyết định; 24 tiếng đồng hồ trước kỳ họp do M.Phrăng ấn định, sự nhượng bộ đó đã loại bỏ một trong những trở ngại cuối cùng. Quan niệm của Trung Quốc về cùng tồn tại hòa bình ở Đông Dương không loại trừ việc củng cố về chính trị đối với "Quốc gia Việt Nam" bởi vì rõ ràng là như vậy chế độ đó sẽ được hai năm làm tăng thêm một cách đáng kể cơ hội (thắng thế) trong cuộc tổng tuyển cử được dự kiến. Một cử chỉ như vậy soi sáng một cách rất đặc biệt chính sách của Trung Quốc ở Đông Dương29 (Xem đoạn sau chương XIII).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 06 Tháng Năm, 2020, 10:06:19 pm
Đường giới tuyến ở Việt Nam và vấn đề Lào

Vấn đề định giới tuyến ở Việt Nam gắn liền với giải pháp về vấn đề Lào. Tự thỏa mãn với nhượng bộ của Việt Minh ngày 13 tháng 7 về việc đặt giới tuyến ở vĩ tuyến 16 có ý nghĩa là bỏ lại cho Việt Nam dân chủ cộng hòa con đường số 9 từ Savanakhet đi Quảng Trị là con đường duy nhất của Vương quốc Lào ra khỏi biển Đông Dương. Một lần nữa, cuộc thương lượng trở lại vấn đề căn bản tức là vấn đề độc lập của Lào đối với Việt Minh, một đề tài khiến tất cả các kẻ thù, kể cả Bắc Kinh hết sức chú ý.


Ngày 14 tháng 7, trong lúc Dulles hãy còn ở Paris, người ta được biết rằng Mỹ đã quyết định bổ sung viện trợ quân sự cho Thái Lan30 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh ngày 14-7-1954). Ngày hôm sau, báo chí Trung Quốc tố cáo kịch liệt chứng cớ mới đó về âm mưu xâm lược của Mỹ ở Đông Dương. Tờ Công báo ở Thiên Tân kêu gọi Thái Lan "không nên làm công cụ xâm lược cho Mỹ ở châu Á". Một lần nữa, Trung Quốc cảnh cáo các nước trong khu vực, không có gì tốt sẽ đến với họ (...) nếu làm công cụ phục vụ âm mưu thực dân mới của Mỹ31 (Đại công báo 15-7-1954). Vào lúc chỉ còn có vấn đề thành lập liên minh quân sự ở Đông Nam Á mới ngăn cản cộng sản tràn xuống vùng này, sáng kiến của Mỹ quả là có khả năng làm cho nhà đương cục Trung Quốc lo ngại đến cực độ. Điều đó nghĩa là sáng kiến đó chỉ làm cho lập luận của Pháp về các con đường thoát ra ngoài của Lào có thêm sức nặng hơn nữa.


Gặp Vương Bính Nam cùng ngày hôm đó, Đại tá Ghi-éc-ma trình bày lần nữa rằng "nền kinh tế của Lào không thể tồn tại nếu thiếu một số trục đường bộ ở phía bắc vĩ tuyến 16, đặc biệt con đường dẫn đến Quảng Trị" và ông nói thêm rằng "càng phải chú ý đến lợi ích của Lào vì nước này thật sự gắn với Việt Nam chỉ có qua nước Pháp mà thôi. Không nên để Lào bị cám dỗ quay sang phía khác"32 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ gửi đại sứ Chauvel về vấn đề "Hội đàm Guillermaz-Vương Bính Nam/Giơ-ne-vơ 14-7-1954). Vương Bính Nam nghe xong chỉ khẳng định rằng "Vĩ tuyến 16 do Phạm Văn Đồng đề nghị, đối với ông ta là hợp lý. Tuy nhiên điểm này, ông ta kết luận rằng "Trung Quốc luôn luốn cố gắng hết sức để làm cho hội nghị thành công và luôn luôn sẵn sàng giúp vào việc tìm kiếm các giải pháp"33 (Như trên).


Ngày 17 tháng 7, vấn đề lại được đem ra bàn trong cuộc gặp giữa Chu Ân Lai và M.Phrăng, thủ tướng Trung Quốc giống như hôm 13 tháng 7, nhắc lại rằng nếu nước Pháp "tiến một bước về vấn đề định giới tuyến, ông Phạm Văn Đồng cũng sẽ tiến một bước dài hơn nhiều34 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp "Hội đàm giữa M.Phrăng và Chu Ân Lai"). Rồi khi Chu Ân Lai, tỏ ý lo ngại về tác động của minh ước do các nước phương Tây dự thảo đối với nền độc lập của các nước Đông Dương. Thủ tướng nội các Pháp trở lại vấn đề Lào, lại dùng lý lẽ về con đường ra biển bằng con đường số 9. Thủ tướng Trung Quốc tỏ ra nhạy cảm hơn các cuộc gặp trước. Ông ta phải thừa nhận "Có một thực tế là Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyệt nhiên không cần đến đường số 9. Còn chữ "đường thoát" mà Ngài vừa dùng thì đáng được ghi lại cũng như sự cần thiết của Lào phải có con đường ra bên ngoài mà Ngài đã nói đến35 (Như trên). Đó là cách nói khá mới, rõ ràng là mềm dẻo hơn so với Việt Minh.


Vào chiều ngày 19 tháng 7, Vương Bính Nam gặp lại Ghi-éc-ma và cho biết đoàn đại biểu Trung Quốc đã xác định lần cuối cùng lập trường của mình về giới tuyến. Coi trọng những nhận xét của thủ tướng M.Phrăng nêu ra với Chu Ân Lai trong cuộc hội đàm ngày 17 tháng 7 về vấn đề Đà Nẵng, Huế và con đường số 9, "đoàn đại biểu Trung Quốc chấp nhận và đã làm cho Việt Minh chấp nhận đường giới tuyến ở phía Bắc đường Quảng Trị 10km". Vương Bính Nam nói thêm "Đó là một nhượng bộ cuối cùng, từ nay đến khi hội nghị kết thúc chỉ còn ít thời gian không còn có thể trở lại vấn đề này được nữa". Còn đoàn đại biểu Anh cũng được phía Trung Quốc cho biết quyết định cuối cùng về lập trường của họ. Đại tá Ghi-éc-ma liền nhận xét rằng đề nghị đó là dung hòa, nhưng việc quy định giới tuyến như vậy ở phía Bắc Quảng Trị 10km có tính chát quy ước quá và sẽ đặt vấn đề cắm mốc. Một đường thiên nhiên, thậm chí một đường hành chính có thể tiện lợi hơn. Đối với ý kiến này, Vương Bính Nam đặc biệt không phản đối gì36 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ gửi đại sứ Chauvel về vấn đề "Hội đàm Guillermaz-Vương Bính Nam (phần thứ 2) 17-7-1954 hồi 18 giờ 30/Giơ-ne-vơ/19-7-1954. Chúng tôi gạch dưới. Dùng chữ "nhân nhượng" là để so sánh với yêu sách trước đây của Việt Minh. Nhưng nếu tính chất xác thực của Hồi ký Khrouchetchev được thừa nhận thì đề nghị này đã hoàn toàn làm thỏa mãn ít nhất là người Liên Xô vì họ đã không hy vọng gì được như vậy" (sách đã dẫn, tr.457. Xem đoạn trước)). "10 km phía bắc con đường Quảng Trị": đó là cách vĩ tuyến 17° vài km. Đó là suýt soáy với giải pháp đạt được 24 tiếng đồng hồ sau đó37 (Phụ bản kèm theo Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ở phần một đã vạch "giới tuyến quân sự tạm thời từ Đông sang Tây: Cửa sông Bến Hải (sông cửa Tùng) và dòng sông đó (trong vùng  núi sông này tên là Rào Thành) cho đến làng Bô-hô-su rồi từ Bô-hô-su đi thẳng theo đến biên giới Lào-Việt. Đường này không hoàn toàn phù hợp với việc vạch giới tuyến ở 10km bắc đường số 9 nhưng chỉ xa nhau có vài km). Các cuộc hội đàm vào chiều ngày 20 tháng 7 tại trụ sở đoàn đại biểu Pháp giữa I-đơn, M.Phrăng, Molotov Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng38 (Tin Tân hoa xã, 20-7-1954) về điểm này chỉ làm việc xác nhận đề nghị của Trung Quốc đưa ra hôm trước39 (J.Lacouture và Ph.Devillers, sách đã dẫn, tr.268, trình bày việc chấp nhận vĩ tuyến 17 như là một nhượng bộ của Liên Xô tại phiên họp ngày 20 tháng 7. Thực ra văn bản chúng tôi vừa trình bày chứng tỏ rằng phần đóng góp của Trung Quốc vào việc nhượng bộ này quan trọng hơn là hai tác giả nghĩ đến và Trung Quốc đã nhượng bộ từ 19 tháng 7. R.F.Randle (sách đã dẫn, tr.339) chỉ là nhắc lại J.Lacouture và Ph.Devillers (sách đã dẫn), G.V.Astafiev và A.M.Dubinski (sách đã dẫn, tr.97) nói đến sức ép của Trung Quốc đối với Việt Minh đến chỗ nhận vĩ tuyến 16. M.Phrăng xác nhận rằng đó là nhân nhượng của Trung Quốc hơn là của Liên Xô (nói chuyện ngày 3 tháng 7 năm 1975)). Người ta chỉ thông qua một xác định mới tức là lấy dòng sông Bến Hải cho đến làng Bô-hô-su rồi từ đó đi thẳng đến biên giới Lào-Việt, điều này làm cho Việt Nam lợi thêm vài km nữa so với đề nghị của Trung Quốc. Cùng thời gian này, bản thân vấn đề Lào cũng có vài tiến bộ. Ngày 14 tháng 7, Chu Ân Lai tiếp chuyện lâu với Sananikone40 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 4-7-1954), ngày 18 tháng 7, ông ta lại gặp lần nữa41 (Như trên, Giơ-ne-vơ, 18-7-1954). Bắt đầu từ lúc đó, có vẻ như lập trường của Pháp, cụ thể là vấn đề quy định "các trung tâm tập kết" các lực lượng Pathet Lào mà sau này các ủy ban Liên hợp sẽ giải quyết sáp nhập họ với quân đội Vương quốc Lào, Đại tá Ghi-éc-ma đã trình bày côn thức đó cho Vương Bính Nam ngay từ buổi gặp ngày 14 tháng 7. Vương Bính Nam nghe xong không phát biểu gì nhưng cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên với một kế hoạch rất xa với yêu sách của Việt Minh, bởi vì đến lúc đó Việt Minh luôn luôn đề nghị cắt dọc nước Lào theo hướng bắc nam dài 1000km42 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ gửi đại sứ Chauvel về vấn đề "Hội đàm Guillermaz-Vương Bính Nam, Giơ-ne-vơ, 14-7-1954). Gặp M.Phrăng ngày 17 tháng 7, về điểm này Chu Ân Lai chỉ nói rằng đoàn đại biểu Trung Quốc ưa thích ý niệm "khu tập kết" hơn là "điểm tập kết"43 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp hội đàm giữa M.Phrăng, Chu Ân Lai). Vậy là Trung Quốc từ chối không ủng hộ đòi hỏi của Việt Minh nhưng cũng không dễ dàng nhận ngay giải pháp của Pháp.


Vấn đề lại được đem ra bàn lần nữa trong cuộc hội đàm ngày 19 tháng 7 giữa I-đơn-Chu Ân Lai và M.Phrăng. Sau cuộc thảo luận gay go, cuối cùng thủ tướng Trung Quốc "miễn cưỡng rút lui" ý kiến "về vùng tập kết". Ở mỗi tỉnh quy định "một khu đóng quân tạm thời" để từ đó tổ chức việc di chuyển lực lượng Pathet Lào về tập kết tại hai tỉnh Phongsaly và Sầm Nưa. Để bù lại, Chu Ân Lai yêu cầu có "những bảo đảm cụ thể đối với những lực lượng cộng sản Lào trong thời gian từ lúc đình chiến đến khi có tổng tuyển cử". Nhằm mục đích này đoàn đại biểu Lào sẽ chuẩn bị một dự thảo "Dụ" nhà Vua nói về quy chế ưu đãi đối với các lực lượng chống đối cũ44 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ viết tay về vấn đề "Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (từ 20/6 đến 21/7) 23-7-1954. Hôm sau, đoàn đại biểu Việt Minh cuối cùng từ bỏ sự bảo đảm này).


Về phần mình, đoàn đại biểu Trung Quốc, trong sự vội vã đưa hội nghị đến kết quả, vào cuối ngày 19 tháng 7 đã cho rằng những khó khăn gay cấn nhất đã được giải quyết. Sáng ngày 20 tháng 7 hãng thông tấn Tân hoa xã điện từ Giơ-ne-vơ: "Đêm khuya hôm qua (tức 19 tháng 7) đã đạt được sự thỏa thuận về các vấn đề chủ yếu liên quan đến ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Đông Dương: giới tuyến tạm thời ở Việt Nam, những nơi tập kết ở Lào, thành phần ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến, tổng tuyển cử, thời hạn rút các lực lượng vũ trang về các khu vực tập kết". Vì vậy, trong ngày hôm nay (20 tháng 7) hội nghị sẽ họp phiên toàn thể để xác nhận các thỏa thuận đó45 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 20-7-1954). Tuy nhiên Việt Minh "thì không tỏ dấu hiệu vội vã gì để tuân theo lời khuyên ôn hòa của người Trung Quốc"46 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, Bản ghi nhớ viết tay về "Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (từ 20-6 đến 21-7) 23-7-1954). Trái ngược với điều Vương Bính Nam đã báo cho Đại tá Ghi-éc-ma, Phạm Văn Đồng vẫn chưa chấp nhận nguyên tắc định giới tuyến ở 10 km phía bắc đường số 9 và kiên quyết giữ vĩ tuyến 16. Ngoài ra, giải pháp về Lào do Chu Ân Lai đưa ra không làm cho Phạm Văn Đồng hài lòng. Chỉ đến phút cuối cùng, trong cuộc gặp ngày 30 tháng 7 vào cuối buổi chiều giữa Chu Ân Lai, Molotov, M.Phrăng, I-đơn và Phạm Văn Đồng, thì lần này dưới sức ép của Liên Xô, Phạm Văn Đồng nhận vĩ tuyến 17°, thời hạn hai năm tổ chức tổng tuyển cử và công thức "khu đóng quân tạm thời đối với Lào"47 (Như trên). Khoảng cách hiển nhiên giữa thái độ của Trung Quốc và Việt Minh trong giờ phút cuối cùng cuộc thương lượng hình như càng xác minh luận điểm nói rằng Chu Ân Lai đã gây sức ép với Phạm Văn Đồng48 (Nhiều nhà phân tích chấp nhận cách giải thích này. Ví dụ như K.C.Chen, sách đã dẫn, tr.319, 320). Đúng là sự phân công trách nhiệm giữa Liên Xô và Trung Quốc, Liên Xô phụ trách các vấn đề chung, Trung Quốc các vấn đề khu vực, tất nhiên làm cho đoàn đại biểu Trung Quốc có thái độ áp đặt đối với Việt Minh rõ rệt hơn là đoàn đoàn đại biểu Liên Xô49 (Nói chuyện với Chauvel ngày 24-6-1975).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 07:13:15 am
"Trung lập hóa" Đông Dương và bảo đảm các hiệp định

Từ hơn một tháng nay-nói một cách chính xác, từ khi hội nghị về Triều Tiên thất bại-lập trường của Trung Quốc, dưới con mắt của tất cả các nhà quan sát tại Giơ-ne-vơ là hết sức rõ ràng: Chính phủ Bắc Kinh chủ yếu mong muốn đi đến một hiệp định về Đông Dương để tránh mọi sự can thệp của Mỹ. Không có một sáng kiến nào của Trung Quốc trong năm tuần qua có thể được giải thích một cách khác với nhận xét đó: tách vấn đề Lào và Campuchia, gây sức ép với Việt Minh về vấn đề định giới tuyến, thời hạn tuyển cử v.v... Vậy mà sắp đến thời hạn kết thúc mà M.Phrăng đã ấn định, vẫn chưa ai biết được tính chất sự bảo đảm của các nước tham gia các hiệp định sẽ ra sao, các bảo đảm đó sẽ được xác nhận như thế nào, cả đến thái độ cuối cùng của Mỹ cũng chưa hiểu. Đứng về quan điểm của Trung Quốc thì chính là ở đó tồn tại sự hoài nghi là chủ yếu.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 07:15:07 am
Vấn đề "trung lập hóa" Đông Dương

Chuyến đi của Dulles đến Paris đã gây lo ngại sâu sắc cho Chu Ân Lai. Khi tin này được đưa ra, báo chí Trung Quốc một lần nữa giận dữ đả kích cái mà họi xem như những mưu toan cuối cùng nhằm phá hoại hội nghị Giơ-ne-vơ. Tờ Quang minh nhật báo viết rằng bất chấp nguyện vọng hòa bình của các nước châu Á, bọn "phản động cực đoan" Mỹ chỉ nghĩ đến quốc tế hòa tình hình căng thẳng và mở rộng đế chế thực dân của chúng50 (Quang minh nhật báo, 13-7-1954). Cùng ngày tờ Nhân dân nhật báo nhấn mạnh đến sự phá sản không tránh khỏi của chính sách chống Trung Quốc của Mỹ51 (Nhân dân nhật báo, 13-7-1954). Về phần mình, Tân hoa xã trình bày việc Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ từ chối không chịu đến Giơ-ne-vơ như là chứng cớ về ý đồ xâm lược của ông ta, và chuyến đi Paris của ông ta như là chứng cớ về sức ép của Mỹ đối với đồng minh Anh, Pháp của họ để ngăn cản mọi sự thỏa thuận về Đông Dương52 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 13-7-1954). Tuy nhiên bản tin Tân hoa xã ngày 14 tháng 7, ngày thứ hai của các cuộc hội đàm Paris, sau khi nhắc lại những đề tài cũ, đã kết luận "Nhưng ông Dulles không thể ngăn cản các cuộc tiếp xúc ngày càng nhiều giữa các Bộ trưởng ngoại giao ở Giơ-ne-vơ nhằm nhanh chóng đi đến thỏa thuận"53 (Như trên, Giơ-ne-vơ, 14-7-1954).


Đối với Trung Quốc, thông báo Paris công bố ngày 14 tháng 7 được xem như một phần thất bại của Mỹ không lôi kéo được Anh và Pháp hoàn toàn tán thành quan điểm của Mỹ54 (Như trên, Giơ-ne-vơ, 15-7-1954). Trung Quốc cũng không lạ gì ý đồ phương Tây, nhất là về những quan hệ tương lai có thể có giữa ba nước Đông Dương và về Liên minh (phòng thủ chung) do Mỹ đề xướng ở Đông Nam Á. Sau các cuộc hội đàm Paris, cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Trung Quốc và Pháp là cuộc gặp ngày 16 tháng 7 giữa Vương Bính Nam và Đại tá Ghi-éc-ma. Một trong những vấn đề mà vị tổng thư ký đại biểu Trung Quốc nêu lên chính là muốn biết Pháp nghĩ thế nào về tin các hãng thông tấn nói có thể bao gồm Lào và Campuchia vào dự án của Mỹ về phòng thủ chung Đông Nam Á. Đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người Trung Quốc có thể thấy rõ.


Từ bây giờ thỏa thuận về Đông Dương, ít nhất về các khía cạnh kỹ thuật đã trông thấy rõ và Trung Quốc còn nhìn xa hơn nữa. Đại tá Ghi-éc-ma kết luận: "Tôi hiểu rằng mối lo lắng của ông Chu Ân Lai không chỉ là những vấn đề thuần túy Đông Dương nữa mà là tình hình ở Đông Nam Á do sự kết thúc tốt đẹp các cuộc thương lượng có thể tạo nên"55 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. Bản ghi nhớ gửi Đại sứ Chauvel về "Hội đàm Guillermaz-Vương Bính Nam (16 tháng 7)" Giơ-ne-vơ, 17-7-1954). Ngay hôm sau, phóng viên Tân hoa xã tại Giơ-ne-vơ gửi tin về nước nhấn mạnh sự "vội vã điên cuồng" của Mỹ đang cố sức đưa Việt Nam, Campuchia và Lào vào trong "khối xâm lược" ở Đông Nam Á nhằm làm thất bại hội nghị56 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 17-7-1954). Vấn đề đặt ra đúng là vấn đề "trung lập hóa" Đông Dương57 (Về quan niệm trung lập của Trung Quốc lúc đó, xem Tung Cheng "trung lập quốc (các nước trung lập) trong Thời sự thủ sách số 12 ngày 20-6-1954, tr.32, 33) đến mức nào đó.


Đề tài này cũng được Chu Ân Lai nêu lại với I-đơn trong cuộc gặp ngày 17 tháng 7. Trước hết là thủ tướng Trung Quốc, sau khi đưa ra một lời giải thích đen tối các cuộc hội đàm tay ba ở Paris khẳng định rằng các nước phương Tây sắp chia Đông Nam Á làm hai vùng với một liên minh chống cộng. Rồi Chu Ân Lai-người đã thừa nhận (như Việt Minh) rằng "hai căn cứ mà Pháp được phép duy trì ở Lào bằng hiệp ước ký với Lào được để ra ngoài không tính vào việc rút toàn bộ quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Lào, lại nhấn mạnh với đại biểu Anh rằng ba nước Đông Dương phải được "độc lập, chủ quyền và trung lập"58 (A.I-đơn, Mémoires (Hồi ký), sách đã dẫn, tr.159, 160, chúng tôi gạch dưới). Những cuộc hội đàm diễn ra cùng ngày đối với M.Phrăng thể hiện những mối quan tâm tương tự: Chu Ân Lai giải thích cho M.Phrăng "Người ta nói rằng Mỹ muốn lôi kéo ba nước Đông Dương vào khối quân sự mới. Những tin dồn dập đó không khỏi làm chúng tôi lo lắng (...). Phải chăng hội nghị Paris đã thông qua một vài cam kết"? Nghe xong, M.Phăng liền đáp lại rằng (hội nghị Paris đã) không trù tính một biện pháp nào như vậy59 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/"Hội đàm giữa M.Phrăng và Chu Ân Lai ngày 17 tháng 7").


Những lời đảm bảo của M.Phrăng và I-đơn đối với Chu Ân Lai đã đưa Trung Quốc đi đến kết luận rằng chỉ có Mỹ mới có thể gây trở ngại cho việc "trung lập hóa" Đông Dương. Có thể đó là lý do khiến thủ tướng Trung Quốc tìm cách thăm dò người Mỹ về vấn đề này. Hôm 18 tháng 7, Hoàng Hoa người phát ngôn của đoàn đại biểu Trung Quốc tiếp xúc với một phóng viên của hãng thông tấn Mỹ Associated Press và nói với anh ta rằng "Vấn đề mấu chốt" bây giờ là xem "các cường quốc phương Tây có thật sự đồng ý trung lập hóa Đông Dương" không? Hoàng Hoa còn giải thích rằng việc Mỹ tổ chức liên minh quân sự Đông Nam Á "uy hiếp mọi sự thỏa thuận có thể đạt được về Đông Dương" và về phương diện đó, thành công hay thất bại của hội nghị Giơ-ne-vơ (có thể) tùy thuộc thái độ của đoàn đại biểu Mỹ đối với vấn đề này"60 (The Pentagon Papers. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, sách đã dẫn, tr.47-49). Thực tế người ta không nghĩ rằng với cách vận động như vậy làm sao có thể thúc đẩy lập trường của Mỹ theo hướng "trung lập hóa" Đông Dương mà Trung Quốc mong ước? Nhưng ngược lại, nó thể hiện tầm quan trọng chủ yếu mà Chu Ân Lai gán cho vấn đề đó. Như ông ta đã nói cho M.Phrăng hôm trước, việc lập lại hòa bình ở Đông Dương chỉ có ý nghĩa đối với Trung Quốc nếu nó loại trừ mọi khả năng đặt căn cứ quân sự của Mỹ ở ba nước đó, tức là nếu nó bao hàm "trung lập hóa" Đông Dương61 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Hội đàm M.Phrăng và Chu Ân Lai).


Thực ra, Trung Quốc có những điều thỏa thuận với Mỹ về vấn đề "trung lập hóa" đó? Một trong bảy điều kiện do Mỹ đưa ra trong bị vong lục ngày 29 tháng 6 về việc Mỹ tôn trọng các hiệp định tương lai về Đông Dương rõ ràng là không được áp đặt bất cứ một hạn chế nào đối với Lào, Campuchia và Nam Việt Nam, có thể làm giảm khả năng của họ duy trì các chế độ không cộng sản vững chắc "và có thể" làm hại đến quyền duy trì các lực lượng thích hợp để giữ an ninh trong nước, "quyền nhập khẩu vũ khí và sử dụng cố vấn nước ngoài"* (Nguồn tư liệu chưa được phép công bố). Chắc hẳn là Trung Quốc không thể biết tường tận văn kiện bí mật đó. Nhưng toàn bộ thái độ của đoàn đại biểu Mỹ tại Giơ-ne-vơ cũng như rất nhiều tuyên bố của những người đứng đầu nước Mỹ từ nhiều tuần nay chẳng phải đã không chứng tỏ rằng chính phủ Washington, trong trường hợp hội nghị thất bại cũng như thành công, muốn chờ dịp để trở lại vấn đề phòng thủ Đông Nam Á trên những cơ sở mới mà thực tế là loại trừ mọi ý nghĩ "trung lập hóa" đó sao?

Ngoài ra, liệu Trung Quốc có thật sự mong muốn đưa nước Mỹ đến chỗ chấp nhận một cách chính thức việc trung lập hóa bán đảo Đông Dương không? Công thức trung lập có lợi là đặt chính phủ Mỹ vào một thế khó khăn trong việc ủng hộ về quân sự một chế độ chống cộng sản này hay một chế độ chống cộng sản khác ở Đông Dương nhưng nó cũng đem lại một vài điều bất tiện không thể bỏ qua. Một mặt, một sự thỏa thuận như vậy cũng gây trở ngại đối với chính sách của Trung Quốc ở Đông Dương ngang như đối với chính sách của Mỹ. Mặt khác lý lẽ còn vững chắc hơn nữa-nếu Mỹ đảm bảo sự trung lập đó thì Trung Quốc không còn xuất hiện như là người kiến trúc sư thật sự của nền hòa bình đã giành được, chỉ nhờ có ý muốn cùng tồn tại hòa bình của Bắc Kinh (và của Mát-xcơ-va), bất chấp sự phản đối của Mỹ. Có lẽ chính là lập luận này đã khiến Hoàng Hoa trong câu chuyện với phóng viên Mỹ ngày 18 tháng 7 đã không loại trừ khả năng đạt được một hiệp định đình chiến ngay cả trong trường hợp Mỹ từ chối không tham gia62 (The Pentagon Papers, tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, sách đã dẫn, tr.47).


Chỉ đến ngày cuối cùng của hội nghị, Chu Ân Lai mới rút lui ý kiến về "trung lập hóa" thật sự đối với Đông Dương. Trong bữa ăn trưa với M.Phrăng63 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 20-7-1954), thủ tướng Trung Quốc cuối cùng đã phải nhận rằng chỉ những liên minh nào có những điều khoản trái với Hiến chương Liên hiệp quốc thì mới bị ngăn cấm đối với Mỹ mà thôi64 (J.Lacouture và Ph.Devillers, sách đã dẫn, tr.266. Chúng tôi tham khảo sách này vì không tìm được tài liệu nào trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp liên quan đến cuộc hội đàm này. Vả lại có thể vào giờ phút cuối cùng (rất sôi động) của hội nghị, đã không kịp làm biên bản về các cuộc tiếp xúc). Về phía Trung Quốc, sự nhượng bộ đó càng có ý nghĩa quan trọng khi tuyên bố cuối cùng của hội nghị nhắc đến tổ chức Liên hiệp quốc mà đúng là Trung Quốc còn ở ngoài rìa do hành động của Mỹ. Như vậy là sự nhân nhượng của Trung Quốc đã để rộng quyền cho ba nước Đông Dương trong quan hệ với bên ngoài về quân sự, nó còn thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết ý muốn của Trung Quốc là đi đến-có lẽ phải viết: bằng bất cứ giá nào-một hiệp định về giải quyết hòa bình (cuộc xung đột ở Đông Dương).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 07:16:41 am
Vấn đề ký kết các hiệp định và sự cam kết của các nước

Cuối cùng còn vấn đề xác định tính chất và hình thức cam kết của các nước tham gia hội nghị.
Từ lâu, rõ ràng là Mỹ không nhận chịu sự ràng buộc của bất cứ văn kiện nào. Trong phiên họp hạn chế ngày 18 tháng 7, Bi-đơn Xmits còn tuyên bố rằng nếu hội nghị đi đến những hiệp định với tính chất mà chính phủ ông ta có thể "tôn trọng" được thì lúc đó Mỹ sẽ tuyên bố đơn phương là Mỹ sẽ "không đe dọa hoặc dùng vũ lực để vi phạm các hiệp định đó"65 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.377). Điều đó chứng tỏ ngay trong trường hợp đi đến giải pháp mà chính phủ Washington có thể chấp nhận được, Mỹ cũng từ chối không chịu chính thức ký kết. Vả lại, do nhiều nước tham dự chưa đặt quan hệ ngoại giao với nhau, nhất là giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Mỹ, thật cũng rất khó mà cùng ký tên vào một văn kiện chung. Tất cả những lý do đó đã hướng hội nghị từ nhiều tuần nay vào việc chuẩn bị những hiệp định riêng biệt về ngừng bắn cho mỗi nước ở Đông Dương, thêm vào đó là những bản tuyên bố đơn phương của các nước tham dự và một "bản tuyên bố cuối cùng" của hội nghị ghi nhận những văn kiện nói trên. Nhằm mục đích đó, từ ngày 12 tháng 7 đoàn đại biểu Pháp đã chuẩn bị nhiều dự thảo khác nhau về "bản tuyên bố cuối cùng"66 (Có tất cả bốn dự thảo của Pháp (12, 16, 17 và 20 tháng 7) Liên Xô đưa ra một dự thảo khác ngày 15 tháng 7. Nhìn bề ngoài, Trung Quốc không có dự thảo nào, để cho đoàn đại biểu Liên Xô chịu trách nhiệm về văn kiện cuối cùng này). Tuy nhiên, đến giờ phút chót của cuộc thương thuyết, vấn đề ký tên vào văn kiện đó vẫn còn được đặt ra.


Về điểm này, thái độ không thay đổi của Trung Quốc là tất cả các nước tham dự, kể cả Mỹ phải đảm bảo việc thi hành những nghị quyết của hội nghị và cam kết bằng chữ ký của mình. Hôm 18 tháng 7 trong lúc gặp phóng viên của hãng thông tấn Associated Press của Mỹ đã nói ở trên, Hoàng Hoa đã để lộ ra rằng Trung Quốc mong muốn có sự cam kết rõ ràng của phía Mỹ67 (The Pentagon Papers, tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, sách đã dẫn, tr.47. Bản tiếng Anh dùng hai từ "Stamp" và "Subscribe" có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn từ "ký tên" (signature)). Nếu Mỹ từ chối, người phát ngôn đoàn đại biểu Trung Quốc nói thêm, "giải pháp cuối cùng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng"68 (Như trên tr.48). Chiều ngày 19 tháng 7, Vương Bính Nam nhắc lại với đại tá Ghi-éc-ma rằng "hội nghị chỉ có thể có ý nghĩa nếu tất cả mọi người thừa nhận kết quả của nó". Ông ta nói thêm "Tại phiên họp toàn thể ngày 20 tháng 7, giả sử các đoàn đồng ý thì tất cả sẽ ký tên vào bản tuyên bố cuối cùng"69 (Sáng 20 tháng 7 mới có phiên họp toàn thể này). Khi người đối thoại hỏi lại rằng chữ ký có phải là quyết định thành công của hội nghị không thì Vương Bính Nam trả lời một cách tự nhiên: không. Nhưng sáng ngày 2970 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ gửi đại sứ Chauvel về vấn đề Hội đàm Guillermaz-Vương Bính Nam (phần thứ 2) ngày 19 tháng 7 hồi 18 giờ 30/Giơ-ne-vơ, 19-7-1954. Chúng tôi gạch dưới), ông ta gọi điện thoại cho đại biểu Pháp nói rằng trái ngược với điều ông ta khẳng định tối hôm trước, chữ ký là tuyệt đối cần thiết71 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ của tùy viên quân sự ở Băng Cốc gửi bộ tham mưu các lực lượng vũ trang, (Cục 2)/Băng Cốc số 245-AM, 31-8-1954, tr.9). Thế là đến phút chót, ngược lại với người Liên Xô72 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ gửi đại sứ Chauvel về vấn đề "Hội đàm Guillermaz-Vương Bính Nam (phần thứ 2) ngày 19 tháng 7 hồi 18 giờ 30/Giơ-ne-vơ 19-7-1954. Việc Liên Xô không ủng hộ Trung Quốc trong việc này là đáng chú ý. Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ của tùy viên quân sự tại Băng Cốc đã dẫn ở trên). Trung Quốc vẫn gây ấn tượng rằng ký tên vào văn kiện đó là một điều thành công của hội nghị. Đúng là Trung Quốc có mọi lý do để khuấy động vấn đề này, bởi vì, dù kết quả thế nào, nó có thể làm chính phủ Mỹ phải lúng túng, khó xử trước dư luận công chúng và Quốc hội Mỹ nếu có ký và trước dư luận quốc tế, nếu không ký. Ngoài ra, trong trường hợp có ký tên, văn kiện của hội nghị như vậy là đã thừa nhận về thực tế sự tồn tại của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với Mỹ, và sự thừa nhận đó càng có giá trị đối với Trung Quốc vì nó được đưa vào một văn kiện trong đó chính phủ Washington thực tế tán thành việc ông bạn đồng minh Pháp từ bỏ Đông Dương.


Cuối cùng vấn đề chỉ được giải quyết vào ngày 21 tháng 7 lúc sắp bước vào phiên họp kết thúc hội nghị. Thực vậy, hai vị đồng chủ tịch hội nghị Molotov và I-đơn, sẽ đồng ý đưa vào phần đầu của bản tuyên bố cuối cùng danh sách các nước tham dự hội nghị, điều này miễn cho các đoàn đại biểu khỏi ký tên vào văn bản73 (A.E-den, Memoires (hồi ký), sách đã dẫn, tr.161). Như vậy Trung Quốc đã phải thôi không đòi 9 đoàn cam kết bằng chữ ký, chắc chắn là do sức ép chung của Liên Xô và của Anh74 (Tuy nhiên đoàn đại biểu Trung Quốc không tỏ rõ ra quá thất vọng vào lúc đó (nói chuyện với Chauvel ngày 24 tháng 6 năm 1975)). Ý muốn của Trung Quốc đi đến một thỏa thuận sẽ là mạnh mẽ nhất. Điều đó hình như khẳng định rằng thái độ cứng rắn của Trung Quốc về điểm này trong những ngày thương lượng cuối cùng đúng là nhằm mục đích chủ yếu gây khó khăn cho Mỹ, nhưng không bao giờ Trung Quốc nghĩ đến làm hại đến kết quả đã giành được chỉ vì vấn đề đơn giản là ký tên.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 07:17:09 am
Kết thúc hội nghị

Vào buổi tối ngày 20 tháng 7, khi các trưởng đoàn chủ yếu Molotov, Chu Ân Lai, M.Phrăng và I-đơn-đã làm cho Việt Minh phải nhận những nhân nhượng cuối cùng không còn gì gây trở ngại cho việc kết thúc hội nghị một cách tích cực, điều mà Trung Quốc mong đợi từ lâu. Và không phải chỉ có một minh Trung Quốc mong đợi. Và không phải chỉ có một mình Trung Quốc mong đợi. Phiên họp trọng thể bế mạc được ấn định vào lúc 21 giờ. Không nói chính xác giờ, Tân hoa xã đã khẳng định sự kiện này từ buổi sáng75 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 20-7-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 07:18:14 am
Một sự nhượng bộ cuối cùng-Các căn cứ quân sự ngước ngoài ở Campuchia và Lào

Tuy nhiên ở phút chót, đã nổi lên một khó khăn sau cùng: Sam Sary "Đại diện riêng của nhà Vua" từ chối tham gia vào một văn kiện mà đối với ông ta là đã xâm phạm chủ quyền của Campuchia. Đối với đại biểu Campuchia thì nền tự do của Vương quốc là không thể chia cắt: không thể ngăn cấm Campuchia tham gia một liên minh nào, kể cả việc cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Khơ-me.


Ngay sáng hôm 20 tháng 7 trước khi ăn trưa với thủ tướng M.Phrăng, Chu Ân Lai đã gặp Tep Phan, trưởng đoàn đại biểu Campuchia trong hai tiếng đồng hồ76 (Như trên). Nhìn bề ngoài, không có điều gì nghiêm trọng đến như vậy được nêu ra. Đối với thủ tướng Trung Quốc, đây là một lý do phụ để ông ta hốt hoảng về những khó khăn vào giờ chót mà phản ứng đầu tiên là Mỹ không thể không biết đến. Ngay lập tức đoàn đại biểu Trung Quốc mời Đại tá Ghi-éc-ma đến và nhấn mạnh là M.Phrăng phải liên hệ với hai đồng chủ tịch hội nghị. Cần phải giải quyết nhanh chóng nhất tình hình nguy hiểm này vì sự thành công của hội nghị77 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ của tùy viên quân sự tại Băng Cốc đã dẫn ở trên/31-8-1954. Tác giả Bản ghi nhớ này đã nhận xét về cuộc hội đàm với Trung Quốc nhân dịp này, đại biểu Trung Quốc-nhân danh Việt Minh đã có những nhượng bộ mới (nhưng không nói rõ nhượng bộ gì)). Một lần nữa mối lo lắng của Trung Quốc là rõ ràng.
Phải mất gần 5 tiếng đồng hồ mới vượt qua được khó khăn đó. Quả vậy, mãi đến khoảng 2 giờ sáng 21 tháng 7, tại nhà I-đơn có mặt M.Phrăng ở đó, nhưng không có Chu Ân Lai, Molotov nhận đưa vào bản tuyên bố của Campuchia một đoạn nói về khả năng của nước này có thể cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Campuchia78 (Để đề cập vấn đề một cách hạn chế, bản tuyên bố của Campuchia sẽ không gia nhập một hiệp định nào với nước khác nếu hiệp định đó quy định "chính phủ Vương quốc Campuchia có nghĩa (.) thiết lập trên lãnh thổ Campuchia những căn cứ quân sự cho lực lượng vũ trang của nước ngoài chừng nào nền an ninh của Campuchia không bị đe dọa". Đoạn này được đưa lại toàn văn vào điều 7 của hiệp định đình chỉ chiến sự ở Campuchia) trong trường hợp có sự uy hiếp đối với an ninh đất nước. Rồi theo yêu cầu của M.Phăng một điều khoản tương tự đối với Lào được chấp nhận79 (Về giai đoạn này, xem thêm J.Lacouture và Ph.Devillers, sách đã dẫn, tr.269-272). Cả hai điều nhân nhượng mới này được xác nhận trong đoạn 5 của bản tuyên bố cuối cùng80 (Đoạn 5 của bản tuyên bố cuối cùng được viết như sau: "Hội nghị (...) cũng ghi nhận những lời tuyên bố của hai Chính phủ Campuchia và Lào nói rằng hai Chính phủ đó sẽ không ký kết bất cứ một hiệp định nào với nước khác nếu hiệp định đó buộc họ (...) lập những căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Campuchia và Lào khi mà an ninh hai nước này không bị đe dọa". Việc biên tập cuối cùng đoạn này đã dự liệu khả năng hai nước này có thể cho phép nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ nếu an ninh bị đe dọa, trái ngược về căn bản với dự thảo cuối cùng mà Hội nghị đã thông qua hồi 20 giờ ngày 20 tháng 7, dự thảo này loại trừ mọi khả năng lập căn cứ quân sự nước ngoài ở trên lãnh thổ hai nước Campuchia và Lào "Hội nghị (...) cũng ghi nhận những lời tuyên bố của các Chính phủ Campuchia và Lào nói rằng hai Chính phủ sẽ không ký kết bất cứ hiệp định nào với nước khác nếu hiệp định buộc họ phải để nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia và Lào (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Dự thảo 4 của Pháp về tuyên bố cuối cùng, 20-7-1954 hồi 20 giờ)).


Như vậy trở ngại cuối cùng đã được vượt qua. Nhưng theo chúng tôi, trong những điều kiện hoàn toàn có ý nghĩa đối với quan điểm của Trung Quốc. Nếu sự vận động của đoàn đại biểu Trung Quốc với đoàn đại biểu Pháp tối 20 tháng 7 chứng tỏ Chu Ân Lai tha thiết bao nhiêu đến việc góp phần thanh toán khó khăn cuối cùng này, thì cũng thấy rằng ngoài Chu Ân Lai, cá nhân Molotov cũng có đóng góp81 (Măng-đét Phrăng đánh giá rằng Molotov chắc chắn sẽ nhận phương án này, sau khi thỏa thuận với Chu Ân Lai (nói chuyện với M.Phrăng ngày 3 tháng 7 năm 1975). Vấn đề căn cứ nước ngoài-tức là của Mỹ-đã được giải quyết vội vã giữa 21 giờ và 2 giờ sáng trong đêm 20 rạng ngày 21 tháng 7, phải chăng đó là một trong những vấn đề mà đoàn đại biểu Trung Quốc đã đấu tranh kịch liệt nhất là từ hai tháng rưỡi nay. Đến phút chót, phải chăng Liên Xô đã mở cửa cho "sự xâm lược" của Mỹ? Bởi vì cuối cùng thế nào là an ninh bị đe dọa? Sự đe dọa đó có thể từ đâu tới?82 (Hoàn thân Norodom Sihanouk, sách đã dẫn, tr.55-57, ghi lại về vấn đề đó, khi ông ta (Sam Sary) nói đến sự uy hiếp từ bên trong, ông ta chỉ nghĩ đến cộng sản Việt Nam hay Trung Quốc). Phải định nghĩa câu chữ này như thế nào? Sau 75 ngày thương thuyết trong đó mỗi chữ đều cân nhắc, mỗi điểm thỏa thuận đều được tranh cãi đến hàng trăm lần, một điều khoản chủ yếu như vậy đã được đưa vào văn bản hiệp định không được xem xét kỹ càng không có một bảo đảm bằng lời văn. Ai có thể khẳng định được mai đây-chúng ta hãy để ra một bên thái độ của bản thân Trung Quốc-một vụ rắc rối biên giới này xảy ra giữa Lào và Việt Nam dân chủ cộng hòa hay một vụ đụng độ kia giữa các lực lượng Chính phủ và lực lượng cách mạng Campuchia lại không thể giải thích ở Viên Chăn hay Phnôm-pênh như một sự đe dọa đối với an ninh lãnh thổ, khiến các thủ đô phải kêu gọi Washington can thiệp?


Một mối nguy cơ lớn lao-như người ta đã hiểu-khiến Trung Quốc lo ngại. Nhưng Molotov đã đồng ý rồi. Lúc đó đã 3 giờ rưỡi sáng-Thiếu tướng Đen-tây và Tạ Quang Bửu vừa mới ký tắt xong các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và ở Lào83 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 21-7-1954). Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Campuchia sẽ được ký vào cuối buổi sáng84 (Như trên). Dự kiến đến 3 giờ chiều hội nghị sẽ họp phiên bế mạc. Hiển nhiên là người Trung Quốc không thể phản ứng gì được. Vả lại, vào lúc giải pháp đạt được đến nơi rồi, liệu có bất kỳ hành động khó chịu nào của Chu Ân Lai lại không rơi vào kế của Mỹ?


Lần đầu tiên từ nhiều năm, lực lượng hòa bình tỏ ra mạnh hơn lực lượng chiến tranh.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 07:20:23 am
Tuyên bố cuối cùng của Trung Quốc và Chu Ân Lai lên đường về nước

Vào cuối buổi sáng ngày 21 tháng 7, Chu Ân Lai lại gặp riêng I-đơn lần cuối cùng85 (Như trên) sau đó cùng với Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông và Vương Bính Nam đến ăn cơm trưa với Măng-đét Phrăng86 (Như trên. Chúng tôi không tìm được tài liệu gì trong Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp nói về các cuộc nói chuyện trong bữa ăn trưa hôm đó). Cuối cùng lúc 3 giờ chiều bắt đầu phiên họp thứ 31 và cũng là phiên họp cuối cùng do người đứng đầu nền ngoại giao Anh làm trưởng đoàn điều khiển. Chắc chắn là một thời điểm long trọng nhưng chẳng có gì nổi đình đám cả đâu.


Phiên họp mở đầu bằng tham luận của Trần Văn Đỗ, đại biểu quốc gia Việt Nam trong đó ông ta phản đối chia cắt đất nước như đã dự liệu trong các hiệp định mới đạt được của hội nghị87 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.378-379). Các bộ trưởng bỏ qua điều đó, lần lượt thông qua các hiệp định được đưa đến từng người. Sau đó, đến lượt các đoàn đại biểu trình bày những nhận xét cuối cùng của Chính phủ họ đối với kết quả hội nghị Bi-đơn Xmits, như đã nói hôm 18 tháng 7 khẳng định rằng Mỹ không sẵn sàng tham gia vào bản tuyên bố cuối cùng, và nhằm mục đích đó, đã đọc một "bản tuyên bố đơn phương"88 (Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (...) sách đã dẫn, tr.378-379).


Các đoàn đại biểu cộng sản đưa ra ba bản tham luận dài có tính cách chung. Bài tham luận của Molotov đáng chú ý đặc biệt, có một đoạn ca ngợi đóng góp của Trung Quốc vào tiến bộ của hòa bình. "Hội nghị Giơ-ne-vơ chứng tỏ sự hợp tác quan trọng, và tích cực của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách". Công việc của chúng ta đã chứng minh rằng những trở ngại giả tạo mà người ta định dựng lên để ngăn cản sự tham gia đầy đủ và hoàn toàn của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào việc giải quyết nhiều vấn đề khác nhau là hành động của các giới hiếu chiến mà cuộc sống sẽ có nhiệm vụ lật đổ chúng89 (Như trên, tr.386).


Về phần Chu Ân Lai, ông ta đọc một bài phát biểu rất ôn hòa90 (Như trên, tr.388-390). Ông ta nhắc lại rằng "ba nước ở Đông Dương sẽ không tham gia vào bất kỳ khối liên minh quân sự nào và không một nước ngoài nào được phép thành lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ". Đó không phải là ý nghĩa của các văn bản nhưng rõ ràng là một lời cảnh cáo. Sau đó, Chu Ân Lai bênh vực dài dòng cho nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình ở châu Á cũng như các nơi khác trên thế giới. Cuối cùng ông kêu gọi "Mặc dù việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên không đi đến thỏa thuận, nhưng vấn đề này lúc nào cũng vẫn được ghi trong chương trình nghị sự". Dù Mỹ từ chối không tham gia văn bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc vẫn kết thúc bài phát biểu của mình với chủ đề về hòa dịu: không trực tiếp hoặc gián tiếp đả kích Mỹ, không đòi hỏi một cách hùng hổ quyền đại diện của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên hiệp quốc. Đến Giơ-ne-vơ với tư cách người đóng góp cho hòa bình, Chu Ân Lai chấm dứt bài phát biểu bằng câu: "Chúng ta hãy hết sức tin tưởng và tiếp tục đấu tranh để  bảo vệ hòa bình thế giới".


Sau phiên họp cuối cùng bế mạc hội nghị, người đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc đã dành phần hơn trong thời gian ba mươi sáu tiếng còn lại cho các công việc lễ tân: Ăn tối với Molotov và Phạm Văn Đồng91 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 21-7-1954), hôm sau ăn trưa với Pôn-bông-cua, thư ký hội nghị92 (Như trên, 22-7-1954). Nhưng đồng thời chúng ta cũng ghi lại một vài cuộc tiếp xúc chính trị: Nói chuyện lần cuối cùng với Sananikone ngày 22, gặp gỡ với một nhà ngoại giao Ô-xtrây-li-a hoặc gặp lần cuối cùng với K.Menon93 (Như trên).


Chúng ta đáng chú ý, nhất là bữa ăn tối ngày 22 tháng 7 với đại biểu Lào Sananikone, đại biểu Campuchia Tep-phan, hai đại biểu Việt Minh là Phạm Văn Đồng và Tạ Quang Bửu, và nhất là lần đầu tiên94 (Hôm 21 tháng 6 Chu Ân Lai tập họp được trong cùng một cuộc chiêu đãi Phạm Văn Đồng, Sananikone và một đại biểu Campuchia, những không có mặt đại biểu Nam Việt Nam) một đại biểu của Nam Việt Nam Ngô Đình Luyện95 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ 22 tháng 7 năm 1954. Trần Văn Đỗ đã từ chối lời mời của Chu Ân Lai (nói chuyện với Trần Văn Đỗ ngày 25 tháng 1 năm 1976) và cử Ngô Đình Luyện, thành viên Đoàn đại biểu Nam Việt Nam là anh em của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Toàn bộ tường thuật bữa ăn tối này là do Ngô Đình Luyện kể lại trong bữa nói chuyện với tác giả ngày 9 tháng 2 năm 1976). Như vậy là đoàn đoàn đại biểu Trung Quốc đã tập họp các đại biểu của bốn nước ở Đông Dương như để làm sáng tỏ một lần cuối cùng quan niệm cùng tồn tại hòa bình mà đoàn Trung Quốc không ngừng đề cao từ hai tháng rưỡi nay. Ngoài ra trong dịp này Chu Ân Lai đã đưa ra những đề nghị quan trọng với Nam Việt Nam. Sau khi nâng cốc chúc sức khỏe Bảo Đại, ông ta nhắc một cách không vui đến tình trạng chia cắt của Trung Quốc, khẳng định rằng ở phía bên kia eo biển Đài Loan, nhiều người muốn thực tâm phục vụ đất nước. Xét đến cùng Chu Ân Lai nói tiếp, chủ nghĩa Mác chỉ là một thủ đoạn, người ta gắn bó với nó vì nó đem lại kết quả tốt đẹp, nhưng không bào giờ được quên rằng mục tiêu tối cao vẫn là thống nhất nước Trung Hoa. Để khỏi ám chỉ một cách quá lộ liễu và trực tiếp đến sự cần thiết hòa hợp giữa người Việt Nam với nhau, thủ tướng Trung Quốc liền đề cập đến vấn đề cùng tồn tại của hai Việt Nam. Sau đó bữa tiệc bắt đầu. Trong khi người Campuchia và người Lào ngồi chung quanh hai cái bàn hơi cách xa một tí, Chu Ân Lai xếp Ngô Đình Luyện ngồi cùng một bàn với mình, giữa Phạm Văn Đồng và Tạ Quang Bửu. Một cuộc nói chuyện kéo dài ba tiếng đồng hồ. Trưởng đoàn đoàn đại biểu Trung Quốc hết sức cố gắng đưa Ngô Đình Luyện và Tạ Quang Bửu vốn là bạn học cũ ở Pháp-trở về những kỷ niệm thời niên thiếu. Khi nói về nước Việt Nam thời quá khứ, Ngô Đình Luyện nhận xét rằng chiến tranh đã phá hủy một phần đền, miếu ở Hà Nội do vua Minh Mạng xây dựng theo kiểu mẫu Trung hoa, Chu Ân Lai tỏ ý lấy làm tiếc và nói thêm "Bên chúng tôi, những đền, chùa miếu mạo đều được giữ gìn,-nếu ngài muốn, xin mời đến Bắc Kinh để xem nguyên mẫu". Khi Ngô Đình Luyện hỏi Chu Ân Lai có thể đến Bắc Kinh với danh nghĩa nào, người đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc liền trả lời luôn không chút do dự: "Tại sao không đặt một cơ quan đại diện (nguyên văn: "công sứ quán-N.D) tại Bắc Kinh? Phạm Văn Đồng giật nẩy người khi nghe thấy lời mời bất ngờ này. Chu Ân Lai nói rõ thêm ý nghĩ của ông ta: "Tất nhiên Phạm Văn Đồng gần gũi hơn với chúng tôi về tư tưởng nhưng điều đó không loại trừ việc có đại diện Nam Việt Nam tại Bắc Kinh. Sau nữa, hai người đều chẳng phải là người Việt Nam cả sao và tất cả chúng ta đây chẳng phải là người châu Á cả đó sao?".
Tuy nhiên sự việc dừng lại ở đó96 (Ngô Đình Luyện chuyển lời "yêu cầu" cho anh mình là tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng ông Diệm từ chối có đại diện tại Bắc Kinh. Đối với Ngô Đình Luyện, cuộc nói chuyện này chứng tỏ Chu Ân Lai đã nghĩ đến sự tồn tại kéo dài của hai nước Việt Nam). Những gợi ý của Chu Ân Lai-sự gợi ý mà Việt Minh tuyệt nhiên không được báo trước, sự phản ứng của Phạm Văn Đồng chứng tỏ điều này-đã nói lên khá rõ sự thật về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Chỉ hai mươi bốn giờ sau khi các hiệp định được ký kết, Chu Ân Lai đã nghị đến tổ chức một Đông Dương mới trong đó cả Việt Nam miền Bắc và Việt Nam miền Nam đều có quyền ngang nhau, bất chấp mọi lý do về tư tưởng. Nhận xét của thủ tướng Trung Quốc nêu ra với Măng-đét Phrăng hôm nào về việc Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam của Bảo Đại cùng tồn tại, hôm nay đã có đầy đủ ý nghĩa.


Trong lúc tại Bắc Kinh, ngày 23 tháng 7, Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi điện đến Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng kết quả của hội nghị Giơ-ne-vơ97 (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ, 23-7-1954). Chu Ân Lai, sau khi phát biểu lần cuối cùng tỏ ra rất lạc quan98 (Như trên), rời Giơ-ne-vơ lên đường đi Berlin, Warszawa và Ulan Bato99 (Ngày 22 tháng 7 năm 1954 Tân hoa xã đăng thông cáo chỉ nói đến Chu Ân Lai được mời đến thăm Cộng hòa dân chủ Đức, Ba Lan và Mông Cổ (Tin Tân hoa xã, Giơ-ne-vơ 22-7-1954). Phải chăng đến lúc thủ tướng Trung Quốc còn chưa được mời đến Mát-xcơ-va? Cuộc đi thăm Liên Xô chỉ được đưa ra ngày 24 tháng 7 ở Berlin (Tin Tân hoa xã Berlin, 24-7-1954)).


Thủ tướng Trung Quốc đã thắng trong trận đấu của mình. Sau này, đại tá Ghi-éc-ma viết: "Chỉ cần xem niềm vui mừng có kiềm chế nhưng đúng là vui mừng thật sự, mà ông ta lộ ra trong hai ngày 20 và 21 tháng 7 dễ có thể đo được sự hài lòng cho lợi ích và uy tín của Trung Quốc"100 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ gửi Bộ Tham mưu các lực lượng vũ trang, Cục 2, Paris/về nước Trung hoa nhân dân ở Giơ-ne-vơ/Số 245-AM/Băng Cốc/31-8-1954). Phải mất 75 ngày thương lượng mới đi đến hòa bình. Nhưng hòa bình đã được ấn ninh theo "giờ Bắc Kinh" 8 giờ sáng ngày 27 tháng 7 ở Bắc Bộ Việt Nam, 8 giờ sáng ngày 1 tháng 8 ở Trung Bộ Việt Nam, 8 giờ sáng ngày 6 tháng 8 ở Lào, 8 giờ sáng ngày 7 tháng 8 tại Campuchia, và 8 giờ sáng ngày 11 tháng 8 ở Nam Bộ Việt Nam.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 07:24:00 am
PHẦN THỨ TƯ
Ý NGHĨA MỘT GIẢI PHÁP


Chương X
Trung Quốc giải thích và thi hành các hiệp định
(Tháng 7 đến tháng 12 năm 1954)


Phản ứng của Trung Quốc đối với thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ

Ảnh hưởng quốc tế của hiệp định Giơ-ne-vơ đối với Trung Quốc

Lợi ích đầu tiên của các hiệp định ký ngày 21 tháng 7 tại Giơ-ne-vơ đối với Trung Quốc, là đẩy lùi nguy cơ của Mỹ ở Đông Dương.


Quả vậy, từ nay ba nước ở bán đảo Đông Dương được đặt dưới một qui chế quốc tế, theo cách nào đó, tương đương như sự trung lập hóa. Không một căn cứ quân sự nước ngoài nào được thiết lập ở Việt Nam và không bên nào của hai miền Việt Nam được tham gia một khối liên minh quân sự1 (Hiệp định về Việt Nam, điều 9. Toàn văn các hiệp định Giơ-ne-vơ đăng trong "Văn kiện về hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương" (21-7-1954) (Notes et Etudes Documentaires-Paris-La Documentation francaise số 1901. 30-7-1954 và các hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương. Như trên, số 1909, 18-8-1954), đó là những điều khoản chủ yếu của hiệp định được hội nghị ghi nhận trong tuyên bố cuối cùng2 (Tuyên bố cuối cùng, điều 5). Có nghĩa là không một trường hợp nào Nam Việt Nam có thể cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Chắc chắn đối với Lào và Campuchia hoàn toàn là không như vậy. Tuy nhiên các chính phủ Lào và Campuchia đã long trọng cam kết không cho phép đặt căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ mình chừng nào an ninh của họ không bị đe dọa3 (Tuyên bố của Chính phủ Campuchia và Lào, tham khảo điều 4 và 5 của bản tuyên bố cuối cùng). Và nhất là trong trường hợp của Lào, Pháp còn giữ hai căn cứ: một ở Seno và một ở thung lũng sông Mê Công4 (Hiệp định về Lào, điều 8 ). Đối với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là Vương quốc Lào láng giềng trực tiếp của Trung Quốc muốn tiếp tục trao một phần việc phòng thủ cho Pháp chứ không phải cho Mỹ.


Ngoài ra, ba nước Đông Dương lại bị hạn chế về mặt trang bị vũ khí. Không bên nào của hai miền Việt Nam được phép đưa từ ngoài vào các loại khí tài để tăng cường tiềm lực quân sự của mình5 (Hiệp định về Việt Nam, điều 17). Ngược lại, Lào và Campuchia có thể nhập từ ngoài vào các loại vũ khí đạn dược và dụng cụ quân sự trong chừng mực-một công thức rất mập mờ-chỉ nhằm mục đích  bảo vệ lãnh thổ6 (Hiệp định về Lào, điều 9; Hiệp định về Campuchia, điều 7).


Cuối cùng, trong khi cả hai miền Việt Nam đều bị cấm không được cầu xin thêm nhân viên quân sự mới từ ngoài vào7 (Hiệp định về Việt Nam, điều 16), thì Lào được phép giữ lại 1500 sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp để giúp vào việc huấn luyện quân đội8 (Hiệp định về Lào, điều 6) (đối với Trung Quốc điều này hình như để loại trừ việc nhờ cố vấn Mỹ) và Campuchia lại có thể nhận cố vấn nước ngoài cần thiết cho việc phòng thủ9 (Hiệp định về Campuchia, điều 7).


Đối với Trung Quốc, đó là bấy nhiêu điều khoản nhằm ngăn cấm sự dính líu quân sự của Mỹ ở bán đảo Đông Dương hoặc trực tiếp (căn cứ) hoặc gián tiếp (cố vấn quân sự và chuyển giao vũ khí). Nhưng nhược điểm chủ yếu là ở chỗ, không kể những ngoại lệ đối với Lào và Campuchia-Mỹ (và Nam Việt Nam) từ chối không chịu cùng với các nước khác thừa nhận bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị. Chính phủ Washington chỉ làm cái việc "ghi nhận" ba hiệp định đình chỉ chiến sự và 12 điều đầu của bản tuyên bố cuối cùng, đồng thời cam kết không gây trở ngại cho việc thi hành các văn kiện đó10 (Tuyên bố của Bedell Smith ngày 21-7-1954. Điều 13 (và là điều cuối cùng) của bản tuyên bố nói về các nước tham gia hội nghị sẽ hội ý kiến nhau về các vấn đề do Ủy ban kiểm soát quốc tế đưa ra).


Ngoài những biện pháp thuần túy quân sự đó, nhiều điều khoản khác của các hiệp định có vẻ hết sức có lợi cho chính sách Trung Quốc ở Đông Dương. Việc định giới tuyến ở vĩ tuyến 17, tạo nên một quốc gia Bắc Việt Nam ở vùng biên lãnh của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, làm rộng thêm chu vi an toàn của Trung Quốc. Với địa giới gần giống như nước An Nam dưới thời đô hộ của nhà Đường, quốc gia Bắc Việt này gần như tương ứng với lãnh vực ảnh hưởng ưu đãi của Trung Quốc ở Đông Dương. Bị cắt mất vùng lúa gạo thừa thãi ở Nam kỳ, Bắc Việt chỉ còn có thể hướng về Trung Quốc để bổ sung những nguồn thực phẩm còn thiếu, ở Lào việc tập kết các lực lượng Pathet Lào ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ11 (Hiệp định về Lào, điều 14), mà Phong Sa Lỳ là nối liền với lãnh thổ Trung Quốc, làm cho Trung Quốc tiếp xúc được thường xuyên với những người cách mạng Lào mà lâu nay Trung Quốc không có quan hệ (về địa lý và chính trị).


Ngoài ra, nền độc lập của các nước ở Đông Dương được củng cố sau cuộc thương thuyết12 (Tuyên bố của Pháp ngày 21-7-1954, tham chiếu điều 11 của tuyên bố cuối cùng). Một phạm vi hoạt động mới được mở ra cho nền ngoại giao Trung Quốc. Việc chọn Ấn Độ làm chủ tịch Ủy ban quốc tế thời kỳ quan hệ Trung-Ấn nhích lại gần nhau nhanh chóng cũng như chọn Ba Lan làm thành viên Ủy ban quốc tế, là những con chủ bài bổ sung cho ván bài của Trung Quốc ở Đông Dương. Ngoài ra, như Chu Ân Lai đã ước mong trong hội nghị Giơ-ne-vơ một sự có mặt nào đó của Pháp vẫn được duy trì ở 3 nước Đông Dương13 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. Công văn của tùy viên quân sự Bộ tham mưu các lực lượng vũ trang "Trung hoa nhân dân tại Giơ-ne-vơ" số 245 AM/Băng Cốc 31-8-1954, tr.19) có thể gây trở ngại cho đế quốc Mỹ.


Cuối cùng các hiệp định đó đã không được các nước tham gia đứng ra bảo đảm và trách nhiệm thi hành các hiệp định ấy tức là Pháp, các nước đồng minh của Pháp ở Đông Dương và Việt Minh14 (Xem phân tích chi tiết về pháp lý của các hiệp định và tuyên bố cuối cùng trong R.F.Randle, sách đã dẫn, tr.389 và những trang sau). Có nghĩa là giải pháp không ràng buộc Trung Quốc có nghĩa vụ nào khác hơn là việc tham khảo ý kiến một vài nước tham dự hội nghị trong trường hợp hiệp định không được tôn trọng căn cứ vào nhận xét của Ủy ban kiểm soát quốc tế chuyển tới15 (Điều 13 của tuyên bố cuối cùng).


Ngoài ra một điều khoản cũng quan trọng là dự kiến về các cuộc tuyển cử ở Việt Nam vào tháng 7 năm 1956 chỉ được phản ánh ở tuyến bố cuối cùng16 (Điều 7 của tuyên bố cuối cùng). Trách nhiệm thi hành điều này thuộc hoàn toàn về Ủy ban quốc tế trong đó các nước xã hội chủ nghĩa chỉ có 1 đại biểu17 (J.Lacouture và Ph.Devillers, sách đã dẫn, tr.285). Cuối cùng trong trường hợp các hiệp định tỏ ra bất lực trong việc duy trì hòa bình ở Đông Dương Trung Quốc sẽ là một trong 4 nước xã hội chủ nghĩa hữu quan-Liên Xô, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Ba Lan và Trung Quốc-trách nhiệm ít liên can nhất vì Trung Quốc không phải là nước đồng chủ tịch như Liên Xô, không phải là một bên thi hành hiệp định như Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng không phải là thành viên Ủy ban kiểm soát quốc tế như Ba Lan.


Các hiệp định này không những đã chấm dứt một cuộc xung đột mà việc mở rộng tức là việc quốc tế hóa nó, có lẽ là trái với lợi ích của Trung Quốc mà còn mở ra cho Trung Quốc những triển vọng chính trị rất hấp dẫn trong khu vực mà trong thực tế Trung Quốc sẽ tìm cách khai thác triệt để nhất.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 07:25:12 am
"Một thắng lợi mới vĩ đại của thương lượng hòa bình"

Mong đợi từ lâu, Trung Quốc hoan nghênh ngay các hiệp định đã ký kết. Ngay từ số ra ngày 22-7-1954 tờ Nhân dân nhật báo đăng xã luận dài nhan đều: "Một thắng lợi mới vĩ đại của thương lượng hòa bình" nói lên sự phản ứng bán chính thức đầu tiên của Trung Quốc18 (Nhân dân nhật báo, ngày 22-7-1954, bản tiếng Anh trong People's China, số 15, 1-8-1954/Báo cáo trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Travert/Hồng Công/số 225-228 24-7-1954).


Nhan đều bái báo chỉ ra khá rõ: trước hết các hiệp định là thắng lợi của thương lượng đối với chiến tranh. Chúng tượng trưng cho tinh thần cùng tồn tại hòa bình mà Trung Quốc cố gắng nhen nhóm trong quan hệ quốc tế từ nhiều tháng nay. Thêm vào đó-mặc dù điều này không có trong văn bản-là thảm bại của các cuộc thương thuyết về Triều Tiên cuối cùng đã phai nhạt dần. Cuộc thương lượng đã đi đến kết quả-lưu ý các thuật ngữ được dùng-nhờ "tinh thần hòa giải" của các đoàn đại biểu Việt Minh và Pháp cũng như sự "giúp đỡ kiên quyết" của các đoàn đại biểu Liên Xô, Trung Quốc và Anh. Giọng của xã luận báo Trung Quốc khác hẳn giọng xã luận của báo Nhân dân của Việt Nam 3 ngày sau đó, cho thắng lợi của hội nghị Giơ-ne-vơ là tiếp nối thắng lợi của Điện Biên Phủ (mà xã luận báo Trung Quốc không hề nhắc đến)19 (Nhân dân, trích dẫn trong bản tin Việt Nam thông tấn xã phát tiếng Anh, ngày 25-7-1954).Cũng khác cả phát biểu của Hoàng thân Suphanuvong trong "lời kêu gọi nhân dân Lào" ngày 23-7-1954 coi các hiệp định là kết quả của cuộc "đấu tranh" của đoàn đại biểu Việt Minh20 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 25-7-1954), khác cả Sơn Ngọc Minh-tuy nhiên đây là phản ứng của Campuchia duy nhất được hãng thông tấn Tân hoa xã trích dẫn-đã không nói đến cả sự có mặt của Trung Quốc (và của Liên Xô) tại Giơ-ne-vơ21 (Lời kêu gọi quân đội và nhân dân Khơ-me 23-7-1954. Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 25-7-1954. Người ta lưu ý về vấn đề này rằng mặc dù thái độ hòa giải của Chu Ân Lai tại hội nghị Giơ-ne-vơ đối với chính phủ Vương quốc Campuchia, và Vương quốc Lào hãng thông tấn Tân hoa xã không ám chỉ đến phản ứng nào khác phản ứng của Pathet Lào và Khơ-me Issarak (phải chăng để khỏi mếch lòng các đồng minh Đông Dương của Trung Quốc)).


K.C.Chen trong khi phân tích các buổi phát thanh Trung Quốc trong thời gian từ 10 đến 22 tháng 7, đã chứng minh rõ trong những ngày cuối cùng của cuộc thương lượng, Trung Quốc đã quan tâm một cách tha thiết hơn cả Liên Xô và hơn cả Việt Minh, trình bày trước dư luận thế giới ý nghĩa của những cố gắng của họ nhằm giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Đông Dương, như thế nào (xem bảng XII).


Về phần chúng tôi, chúng tôi đã ghi nhận trong những ngày sắp kết thúc hội nghị, Chu Ân Lai đã tìm cách mở rộng phạm vi hội đàm sang toàn bộ Đông Nam Á như thế nào22 (Xem chương IX). Xã luận Nhân dân nhật báo ngày 22 tháng 7 là sự tiếp tục của thái độ đó, đáng chú ý nhất việc nêu lên những điều khoản có tầm vóc quốc tế. Bài báo nhấn mạnh "không một nước nào ở Đông Dương được gia nhập bất kỳ khối liên minh quân sự nào và không một nước ngoài nào được phép đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ các nước đó". Phải chú ý để điều này được tôn trọng.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 07:43:12 am
Bảng XII-So sánh các buổi phát thanh của Việt Nam-Trung Quốc và Liên Xô về hội nghị Giơ-ne-vơ (10 - 22-7-1954)

(https://i.imgur.com/WIbVom1.jpg)


"Tất cả các nước hữu quan phải bảo đảm việc thi hành Hiệp định", ngoài ra, việc giải quyết cuộc xung đột bằng thương lượng phải được dùng làm mẫu mực để giải quyết các vấn đề đang tồn tại ở châu Á cũng như ở các nơi khác của thế giới. Ngoài Trung Quốc và Bắc Việt Nam, quan niệm về hòa bình tập thể đã được Ấn Độ, Miến Điện chấp nhận. Nó phải làm thất bại mọi âm mưu hiếu chiến của Mỹ dựa trên "chính sách thực lực" ở Viễn Đông.


Cuối cùng bài học về các sự kiện vượt qua khuôn khổ địa phương chật hẹp này. Lần đầu tiên, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã được chấp nhận với tư cách là một cường quốc, đứng ra thảo luận với Mỹ, Liên Xô, Pháp và Anh về những vấn đề quốc tế sống còn: "nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thấy quy chế cường quốc thế giới của mình được thừa nhận một cách phổ biến".


Một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi đã được phát động để chào mừng giải pháp Giơ-ne-vơ. Toàn bộ báo chí ở trung ương và các tỉnh nhắc lại các luận điểm đã được phát triển trong Nhân dân nhật báo. Trong xã luận ngày 22 tháng 7, tờ Đại công báo kết luận một cách cương quyết hơn về ý chí của Trung Quốc lấy lại Đài Loan23 (Đai công báo ngày 22-7-1954. Tân hoa xã đưa lại trong bản tin phát từ Bắc Kinh ngày 23-7-1954. Một bài xã luận khác của cùng một tờ báo đó ra ngày hôm sau, lại phát triển chủ đề "Liên minh không gì phá vỡ nổi" giữa Nhân dân ba nước ở Đông Dương). Bốn ngày sau, tờ Quang minh nhật báo viết rằng còn nhiều vấn đề Triều Tiên, giải trừ quân bị, an ninh tập thể châu Âu và vấn đề Đức: như vậy là Trung Quốc muốn biểu thị sức mạnh cường quốc của mình là thảo luận tất cả các vấn đề quan trọng trên thế giới24 (Quang minh nhật báo, 25-7-1954, Tân hoa xã Bắc Kinh đưa lại, ngày 26-7-1954). Ngoài ra, tất cả các bài báo nước ngoài-nhất là ở châu Á đi theo chiều hướng Trung Quốc đều được khai thác một cách có hệ thống. Tất cả những lời tuyên bố của các nhân vật nước ngoài xét ra tán thành Trung Quốc, nhất là của những chính khách ở các nước trung lập châu Á cũng đều được ghi lại hoặc đăng lại (xem bảng).


Thống kê của Tân hoa xã về trích dẫn các bài báo nước ngoài và tuyên bố của nhân vật nước ngoài về hiệp định Giơ-ne-vơ (tuần lễ từ 21 đến 28-7-1954)

(https://i.imgur.com/mLZ5RnI.jpg)


Trong bảng thống kê của Tân hoa xã có một điểm đáng chú ý: không thấy trích dẫn các báo cáo Liên Xô hoặc tuyên bố của các chính sách Liên Xô về hiệp định Giơ-ne-vơ trong tuần lễ sau khi ký kết.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 07:48:51 am
Cuối cùng, để được đầy đủ, phải kể đến nhiều kiến nghị và hội họp của các tổ chức quần chúng Trung Quốc chào mừng thành công của hội nghị Giơ-ne-vơ: đại hội toàn quốc lần thứ nhất các hợp tác xã, ủy ban hòa bình Trung Quốc, các đảng phái dân chủ, các "quân tình nguyện của nhân dân Trung Quốc ở Triều Tiên", liên đoàn thanh niên dân chủ Trung Quốc, các sinh viên Trung Quốc, những người đứng đầu Thiên chúa giáo và Phật giáo v.v... Bản thân kiến nghị và các cuộc hội họp đó không có gì đặc biệt, nhưng có ý nghĩa ở chỗ các nhà cầm quyền Trung Quốc muốn cho các sự kiện đó có một tiếng vang trong nước ngang với mức độ thỏa mãn của họ.


Về mặt chính thức hơn, phản ứng đầu tiên của Trung Quốc là điện mừng của Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ 23 tháng 725 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh 23-7-1954). Nội dung vô thưởng vô phạt, tuyệt nhiên không đả động gì đến vấn đề thống nhất đất nước Việt Nam, trái lại nặng về các triển vọng của hòa bình và an ninh tập thể châu Á không phải là những mặt mà Việt Minh quan tâm nhất. Những sự phân tích mới đây của Liên Xô cũng nhận xét rằng bức điện mừng đó không đả động gì đến hoạt động của Liên Xô trong việc tranh thủ được hòa bình26 (G.V.A-xta-phi-ép và A.M.Du-bin-xki, sách đã dẫn, tr.100-101). Nhưng lập luận như vậy có vẻ ít có cơ sở vì đây là một văn kiện chỉ nói về quan hệ Trung-Việt, trong đó ca ngợi cố gắng của Liên Xô là không đúng chỗ. Đối với chúng tôi, thái độ im lặng hoàn toàn của Tân hoa xã trước phản ứng của Liên Xô về việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ, hình như có ý nghĩa nhiều hơn.


Những lời tuyên bố của Chu Ân Lai khi ghé thăm Berlin, Warsawa, Mát-xcơ-va27 (Về vấn đề này, người ta lưu ý rằng Tân hoa xã đưa lại phần lớn những bài phát biểu công khai của Chu Ân Lai trong những thủ đô khác nhau và những lời đáp của bên chủ nhà, chỉ trừ những lời đáp của Mát-xcơ-va. Cũng như tạp chí People's China (Trung hoa nhân dân) số 17, 1-9-1954, trong phần phụ trương, chỉ đăng lại những bài diễn văn đọc ở Berlin, Warsawa và Ulan Bato. Vào thời gian đó, Liên Xô gửi 2 công hàm chỉ riêng cho các nước phương Tây, một vào ngày 24 tháng 7, một vào ngày 4 tháng 8 đề nghị họp trù bị an ninh châu Âu giữa Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp. Nhưng người ta không hiểu rằng Trung Quốc, sau hội nghị Giơ-ne-vơ đã nuôi hy vọng về quy chế quốc tế của mình đến mức Trung Quốc có thể thất vọng khi không được Liên Xô mời dự một cuộc hội nghị như vậy và sự thất vọng đó là nguông gốc gây nên sự bất bình của Trung Quốc) và Ulan Bato không đem lại thêm yếu tố gì về vấn đề Đông Dương28 (Tuyên bố của Chu Ân Lai ở Berlin và Warsawa, ngược lại giúp cho thấy phần nào lập trường của Trung Quốc đối với các vấn đề ở châu Âu (xem chương XI ở đoạn sau)). Ngày cả những bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc tại Warsawa trong lúc Ba Lan vừa chính thức nhận tham gia Ủy ban quốc tế kiểm soát cũng không có gì đáng chú ý đặc biệt về phương diện này29 (Xem bài diễn văn của Chu Ân Lai đọc tại Berlin ngày 23 và 24 tháng 7 (Tân hoa xã, Berlin 24 và 25-7-1954) Thông cáo về cuộc hội đàm Trung-Đức ngày 26 tháng 7 (Tân hoa xã Berlin ngày 26-7-1954 và diễn văn của Chu Ân Lai đọc tại Warsawa 26 và 27-7 (Tân hoa xã, Warsawa 27, 28-7-1954)).


So sánh các bài diễn văn của Phạm Văn Đồng và Chu Ân Lai trong dịp Phạm Văn Đồng đi qua Bắc Kinh từ 2 đến 4 tháng 8 trái lại, lý thú hơn nhiều. Thật vậy, không thể không nêu lên sự khác nhau về giọng nói, khá ý nghĩa giữa hai bên. Chắc chắn là đối với hai vị chính khách, hiệp định mới chỉ là "một giai đoạn đầu tiên". Nhưng đối với Phạm Văn Đồng, đó là giai đoạn hòa bình trong một nước Việt Nam phải tiếp tục "đấu tranh kiên quyết để thực thống nhất" trong khi đối với Chu Ân Lai, đó là giai đoạn hòa bình trong một thế giới mà người ta phải tiếp tục đấu tranh để làm dịu tình hình quốc tế30 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh 2-8-1954, Diễn văn của Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng). Làm sao lại không nhận thấy rằng trong nhiều bài phát biểu người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần chào mừng tình đoàn kết nhất trí giữa Trung Quốc và Việt Nam nhưng lại không một lần nào nói đến việc thống nhất của bản thân nước Việt Nam31 (Như trên, xem bài chào mừng ngày 3 tháng 8, Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 3-8-1954). Hoặc giả có sự khác nhau nữa đáng chú ý khi nói về triển vọng: trong lúc Phạm Văn Đồng không bao giờ quên gắn "Khơ-me, Pathet Lào" với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam32 (Chẳng hạn như bài phát biểu chào mừng ngày 3-8-1954) thì Chu Ân Lai lại chỉ giới hạn trong vấn đề Việt Nam, như vậy là qua đích thân Phạm Văn Đồng, Trung Quốc muốn đề cao người đại diện của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn hơn là người đại diện cho cách mạng Đông Dương nói chung. Phân tích một cách cô lập những bài diễn văn đó thì không đi đến những kết luận chắc chắn được. Nhưng đặt chúng sau nhiều dấu hiệu bất đồng đã thể hiện giữa Trung Quốc và Việt Minh trong suốt thời gian hội nghị, những sự giải thích đôi khi không cân xứng với nhau về kết quả cuộc thương lượng có vẻ khẳng định khá rõ có sự bất đồng từng phần giữa hai nước nhất là về vấn đề thống nhất Việt Nam, cũng như về vấn đề Campuchia và Lào33 (Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở đoạn sau).


Trong báo cáo dài về công tác đối ngoại đọc trước Chính phủ ngày 11 tháng 8, Chu Ân Lai một lần nữa nói lại lập trường của Trung Quốc đối với giải pháp Giơ-ne-vơ. Phần lớn nội dung báo cáo nói về vấn đề Đài Loan và chính sách của Mỹ ở châu Á, còn về Đông Dương, chỉ nhắc lại những chủ đề đã được Thủ tướng Trung Quốc phát triển gần 3 tuần nay. Tuy nhiên cần lưu ý rằng chính ông là người đầu tiên thừa nhận rằng "các hiệp định đó có vài điều khoản không hoàn toàn thỏa mãn"34 (Toàn văn báo cáo trong tạp chí People's China (Trung hoa nhân dân) số 17, 1-9-1954, và trong tạp chí Curent Background (lập luận thông thường) số 288, số 16-8-1954, tr.1 đến 8 ). Đó là một trong những điều bảo lưu hiếm hoi về hiệp định Giơ-ne-vơ mà Trung Quốc chính thức bày tỏ vào thời gian này35 (Sau này, với một thái độ khiêm tốn giả tạo, Chu Ân Lai giải thích hiệp định có điều khoản không thỏa mãn là do thiếu kinh nghiệm hoạt động ngoại giao của ông: "Vào thời kỳ Giơ-ne-vơ, chúng tôi mới ở bước đầu hoạt động quốc tế. Chúng tôi có rất ít kinh nghiệm, làm sao chúng tôi lại chịu để Mỹ xòe bàn tay của chúng khất nợ, không chịu ký vào hiệp định mà lại chỉ tuyên bố miệng: chúng hứa là sẽ tôn trọng nhưng chúng đã chuẩn bị phá hoại hiệp định". Tuyên bố với Alain Peyrefitte, Quand la Chine's s' éveillera (Khi Trung Quốc thức tỉnh) Paris, Fayard, 1973, tr.71, và "Font de la Solidarité Indochine: autoủ d'un voyage à Peskin (Mặt trận đoàn kết Đông Dương: Chung quanh một chuyến đi Bắc Kinh), Paris, Maspero, 1971, tr.20. Năm 1957, Mao Trạch Đông viết gọn hơn: Ở Triều Tiên, chẳng phải chúng ta, để thỏa hiệp với Mỹ ở vĩ tuyến 38, và ở Việt Nam, chẳng phải chúng ta cũng đã thỏa hiệp với Pháp hay sao? (Tuyển tập, tập 5, tr.559)).


Vậy tóm lại, thái độ của Trung Quốc đối với hiệp định Giơ-ne-vơ là hết sức hoan nghênh, khác hẳn Liên Xô và Việt Minh. Giọng các bài báo và các bài phát biểu chính thức, quy mô của chiến dịch quần chúng được phát động để chào mừng thắng lợi của hội nghị Giơ-ne-vơ chứng tỏ sự hài lòng sâu sắc của Chính phủ Bắc Kinh.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 09:42:32 pm
Bước đầu thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ thái độ và phản ứng của Trung Quốc

Việc thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ là một vấn đề rộng lớn và còn là cốt lõi của vấn đề Đông Dương trong hai chục năm sau. Hiển nhiên rằng việc xem xét vấn đề đó vượt ra ngoài khuôn khổ chính xác của công trình nghiên cứu này. Tuy nhiên khó mà phân tích đầy đủ thái độ của Trung Quốc đối với hiệp định ngày 21 tháng 7 nếu không nhắc lại ít nhất thời kỳ đầu thi hành hiệp định đó. Chúng tôi sẽ giới hạn vào khoảng 5 tháng cuối năm 1954 đề cập đến cách sử sự của Trung Quốc về hai phương diện: một mặt là việc Trung Quốc tôn trọng những điều khoản trực tiếp nhằm vào bản thân họ (chủ yếu là việc chấm dứt viện trợ quân sự cho Việt Nam dân chủ cộng hòa) mặt khác việc Trung Quốc phản ứng trước những khó khăn trong việc thi hành hiệp định do phương Tây gây ra.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 09:43:34 pm
Vấn đề Trung Quốc đưa dụng cụ quân sự vào Bắc Việt Nam

Theo hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, miền Bắc cũng như miền Nam có thể thay thế một đổi một những dụng cụ chiến tranh vũ khí và đạn dược đã bị phá hủy, hư hỏng, hao mòn hoặc chết sau khi đình chỉ chiến sự36 (Điều 17 của Hiệp định). Nhằm mục đích đó, 14 "cửa khẩu" đã được quy định, trong đó 7 ở miền Bắc là Lao Kay, Lạng Sơn, Tiên Yên, Hải Phòng, Vinh, Đồng Hới và Mường Xén37 (Điều 20 của Hiệp định). Trái lại từ nay cấm đưa thêm mọi dụng cụ quân sự và đạn dược. Việc kiểm soát sẽ do Ủy ban quốc tế đảm nhiệm thông qua các đội cố định đóng ở 7 "cửa khẩu" nói trên ở Bắc Việt Nam và các đội lưu động dọc biên giới đường bộ và đường biển38 (Điều 35 của Hiệp định). Đối với Lào hiệp định đình chỉ chiến sự cũng cấm đưa vào Lào các dụng cụ quân sự, trừ những thứ "cần thiết cho việc phòng thủ" đất nước39 (Điều 9 của Hiệp định). Đương nhiên "điều khoản này loại trừ việc đưa dụng cụ quân sự, vũ khí đạn dược vào Lào cho "quân tình nguyện Việt Nam" sẽ phải rút khỏi Lào trong thời hạn 120 ngày cũng như cho các đơn vị chiến đấu Pathet Lào sẽ tập kết trong cùng thời hạn đó, vào hai tỉnh Phong Sa Lỳ và Sầm Nưa. Trong 7 đội kiểm soát cố định đóng ở Lào, có 2 đội đặt trong vùng Cộng sản: Phong Sa Lỳ và So Phao (tỉnh Sầm Nưa)40 (Điều 26 của Hiệp định). Đối với Trung Quốc, những hiệp định đó ngăn cấm mọi viện trợ quân sự cho quân đội cộng sản ở Lào và mọi sự cung cấp dụng cụ quân sự và đạn dược để Bắc Việt Nam tăng cường tiềm lực của mình.


Những việc kiểm soát biên giới Trung Quốc đã rất nhanh chóng trở thành một trong những vấn đề hóc búa nhất trong việc thi hành hiệp định. Đối chiếu với bề dài và địa hình các vùng cần phải kiểm soát thì cơ cấu bộ máy kiểm soát lại rất nhỏ bé. Chỉ có 2 đội kiểm soát đặt dọc biên giới đường bộ giữa hai nước Trung-Việt, một ở Lao Kay trên sông Hồng và một ở Lạng Sơn, trên đường đi Nam Ninh. Hai địa điểm này đúng là có các đường quan trọng trong suốt thời gian chiến tranh, Trung Quốc vận chuyển đều đặn hàng viện trợ cho du kích Việt Minh41 (Xem đoạn trên ở chương II). Nhưng còn rất nhiều con đường khác không được kiểm soát. Còn về 4 đội khác đặt ở Tiên Yên, Hải Phòng, Vinh và Đồng Hới, thì hoàn toàn không đủ để kiểm soát các đường từ biển vào Bắc Việt Nam. Cuối cùng hai đội đặt ở Phong Sa Lỳ và So Phao cũng không mong gì kiểm soát được việc đưa vũ khí và dụng cụ quân sự vào Lào42 (Về hoạt động của Ủy ban quốc tế ở Lào, xin đọc những trang viết với giọng hài hước của Sisouk Na Champassak, sách đã dẫn, tr.45-52)


(https://i.imgur.com/ButVXYK.jpg)


Trong 5 tháng cuối năm 1954, việc kiểm soát các biên giới hết sức lỏng lẻo. Việc lập các đội theo dự kiến, tiến hành rất chậm, tháng 9 ở Lạng Sơn, Lao Kay và Đồng Hới, tháng 10 ở Hải Phòng, Tiên Yên và Vinh43 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, tướng De Beaufort, trưởng phái đoàn liên lạc Pháp bên cạnh ủy ban quốc tế/Hà Nội/9-7-1955/ "Báo cáo về hoạt động của ủy ban quốc tế ở Việt Nam trong thời gian tập kết 300 ngày" phụ lục III, tr.1). Có nghĩa là nhiều tháng trôi qua trước khi Ủy ban quốc tế bắt đầu kiểm soát có hiệu quả. Ngoài ra từ tháng 8, các nhà đương cục Pháp đã yêu cầu tăng cường việc kiểm soát, nhất là ở Lai Châu và Cao Bằng là những nơi không dự kiến đặt đội cố định. Đúng như thế, Cao Bằng là một trong những đường tốt nhất đi từ Trung Quốc vào Việt Nam, ở vùng này đã sửa sang lại 2 đường bộ để đảm bảo việc đi lại qua biên giới44 (Như trên, tr.3). Nhưng việc nước Pháp từ chối không chịu để kiểm soát dụng cụ quân sự của họ trong những tháng đầu sau ngừng bắn, gây ra những khó khăn trong nội bộ ủy ban quốc tế, đã trì hoãn khá lâu việc cải tiến bộ máy kiểm soát. Mãi đến tháng 2 năm 1955, sau những cuộc thảo luận kéo dài trong đó Ba Lan đã gây ra nhiều trở ngại, Ủy ban mới quyết định cử một đội đến Lai Châu, một đội thứ hai đến Cao Bằng, và một tổ lưu động đến Đồng Đăng (gần Lạng Sơn)45 (Như trên, tr.4), làm việc trong 1 tháng. Trái lại, cho đến cuối năm 1954 (và cả sau đó) việc kiểm soát các bờ biển còn rất thiếu sót46 (Như trên, tr.5).


Trong thời gian tại những nơi nào có đặt các đội kiểm soát, Ủy ban quốc tế cũng không bao giờ tìm được chứng cớ về việc nhập lậu dụng cụ quân sự từ Trung Quốc sang. Cuối tháng 11, sau hai tháng rưỡi làm việc, đội Lạng Sơn mới chỉ nhận xét được một chuyến hàng quan trọng47 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện của Cao ủy Pháp/Sài Gòn/số 10.641/28-11-1954). Cũng vào thời gian này, đội Lao Kay đã không thể tiến hành kiểm soát vì lý do đường xấu (tình hình đường sá ở đây cũng gần như không thể chuyên chở gian lận gì được). Hoạt động của đội chỉ giới hạn vào việc kiểm soát đi lại trên sông rất thưa thớt48 (Như trên, số 32.791-97/3-12-1954). Bản báo cáo đầu tiên của Ủy ban quốc tế ở Việt Nam về thời gian từ 11 tháng 8 đến 10-12-1954, và bản báo cáo thứ hai về thời gian từ 11-12-1954 đến 10-2-1955 cũng không ghi nhận được một sự thâm nhập nhỏ nào về dụng cụ quân sự từ Trung Quốc vào Bắc Việt Nam49 (First and Second Interim Reports of the International Commission for Supervision and Control in Viet Nam (August 11, 1954 to December 10, 1955 and December 11, 1954 to February, 10,55. Báo cáo sơ bộ thứ nhất và thứ hai của Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế ở Việt Nam, từ 11-8-1954 đến 10-10-1954 và từ 11-12-1954 đến 10-2-1955). London, Her Majesty's Itationery Office Cmd 9461) march 1955, 56 trang. Đúng là sở dĩ báo cáo của Ủy ban quốc tế im lặng trước những vi phạm của Trung Quốc là do Bắc Việt Nam và Ba Lan ngăn cản hoạt động điều tra của Ủy ban).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 09:49:36 pm
Như vậy phải chăng luồng viện trợ liên tục về quân sự của Trung Quốc cho Việt Minh, trước đây đạt khoảng 4000 tấn một tháng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã đột nhiên ngừng hoàn toàn sau ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ? Chỉ riêng kết luận của Ủy ban quốc tế không đủ chứng minh. Đại biểu Ba Lan trong các đội luôn luôn có thái độ nghiêng về phe xã hội chủ nghĩa, làm cho tính chất khách quan của các kết luận là đáng nghi ngờ. Trong nhiều trường hợp, bản thân các đại biểu Ấn Độ cũng có một lập trường tương tự50 (Về vấn đề này, xem Sardesai, sách đã dẫn, tr.56-59 và Tôn Thất Tiên, sách đã dẫn, tr.132-133). Tuy vậy tướng Ely thừa nhận rằng "việc kiểm soát các dụng cụ chiến tranh đưa qua các biên giới Trung-Việt và các cảng (...) Ủy ban quốc tế đã tiến hành một cách chật vật nhưng vô tư"51 (P.Ely (sách đã dẫn, tr.235)). Thực ra người ta phải tỏ thái độ dè dặt về sự kiểm soát không phải vì tính chất khách quan của nó cũng như vì điều kiện vật chất có hạn. Ngoài số lượng rất ít, phương tiện đi lại eo hẹp, các đội kiểm soát gồm các sĩ quan không quen địa phương, đến cuối 1954 không thể đi kiểm soát một đoạn nào dọc theo biên giới, vì không được quân đội nhân dân Bắc Việt Nam cho phép đi lại qua các đầu mối giao thông là những nơi gần chỗ đặt trụ sở52 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện cao ủy Pháp, Sài Gòn số 32/791-97-3-12-1954), tính hiệu lực của sự kiểm soát như vậy, làm sao có thể kiểm soát được việc chuyên chở mà trước đây quân đội viễn chinh Pháp với hàng ngàn người đã không ngăn chặn nổi?


Đại sứ Desai Chủ tịch Ủy ban quốc tế, đã phải nhìn nhận tình trạng như trên thì ông thừa nhận trong một cuộc họp báo ở Sài Gòn tháng 2 năm 1955 rằng không thể (đến lúc đó nữa) đảm bảo rằng dụng cụ chiến tranh đã không được đưa vào miền Bắc Việt Nam bằng các đường bí mật53 (UPI, Sài Gòn 24-2-1955).


Còn bộ chỉ huy Pháp thì tin rằng Trung Quốc tiếp tục cung cấp cho Việt Nam dân chủ cộng hòa khối lượng lớn về vũ khí kể cả vũ khí nặng. Tháng 11, tướng Ely điện về Paris: "theo nguồn tin chắc chắn, tôi biết rằng viện trợ Trung Quốc tiếp tục tràn vào rất nhiều"54 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao/điện của Cao ủy Pháp, tướng Ely Sài Gòn, số 726, 27-11-1954). Mấy hôm sau, vị tổng chỉ huy quân đội Pháp đã tâm sự điều đó với Desai55 (Như trên, số 736, 2-12-1954). Vào cùng thời gian đó Federic Dupont cựu Bộ trưởng phụ trách các quốc gia Liên kết, đi thăm Đông Dương về cũng tố cáo Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Việt Nam dân chủ cộng hòa. Theo nhân vật này nói thì Việt Minh đã cố gắng rất nhiều để sửa sang đường bộ và đường sắt nối liền với Trung Quốc. Hàng ngàn dân phu được tuyển mộ vào việc này. Từ nay, vũ khí nặng của Việt Minh nhiều gấp 4 lần so với lúc ngừng bắn56 (Báo Le Figaro, 11-11-1954 sứ mạng nước Pháp ở châu Á sách đã dẫn, tr.164-165 và nhất là tr.206, tác giả dẫn ra trong thời gian từ 20 tháng 7 đến 11-11-1954 việc chuyển giao 180 đại bác 105 ly, 340 đại bác không giật cỡ 75 ly, 80 đại bác cỡ 75 ly, và 470 mortar nói thêm rằng đây là "dụng cụ Trung Quốc hoàn toàn mới"). Cũng ý như vậy tháng 7 năm 1955, tướng Beaufort, trưởng phái đoàn liên lạc Pháp bên cạnh Ủy ban quốc tế cũng viết trong "báo cáo về hoạt động của Ủy ban quốc tế ở Việt Nam trong thời gian tập kết 300 ngày" rằng: "theo nguồn tin tình báo rất chắc chắn nhưng không thể kiểm tra được, Việt Minh đã đưa lén lút một số lượng quan trọng vũ khí nặng trong 3 hay 4 tháng đầu sau ngừng bắn"57 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, "Báo cáo" đã dẫn, tr.17). Theo báo cáo đó, việc đưa vào bị đứt quãng ít ra bằng đường bộ, bắt đầu từ tháng 1 năm 195558 (Như trên, phụ lục, tr.4) cho đến khi rút khỏi Hải Phòng, việc đưa lén lút này đã được tiến hành bằng đường biển qua cửa Vạn Hoa (Port Wallut) và các cửa sông hay bãi biển giữa Trà Lý và Vinh59 (Như trên, phụ lục tr.5). Về đường bộ, tháng 12 năm 1954, Bộ chỉ huy Pháp cho rằng việc chuyên chở bí mật đó từ điểm tận cùng của đường sắt Trung Quốc được đưa vào Việt Nam qua ngả Cao Bằng và Đông Khê60 (Như trên, Điện cao ủy Pháp/Sài Gòn số 32.791-97.3-12-1954).


Những dữ kiện đó cũng phải được tiếp nhận một cách thận trọng. Mặc dầu "chắc chắn", những nguồn tin tình báo đó, theo báo cáo của Bộ tham mưu Pháp, không thể là những "chứng cớ" được. Do đó không thể dùng làm cơ sở để khiếu nại với Ủy ban quốc tế61 (Như trên, phiếu ngày 3-2-1955 khiếu nại của 2 bên trước Ủy ban quốc tế). Bộ chỉ huy Pháp cũng tự nhận không có những nguồn tin đầy đủ. Bộ chỉ huy không có tin tức gì về các cuộc vận chuyển trên tuyến Cao Bằng, Đông Khê mà theo họ là con đường chuyển tải các dụng cụ quân sự để tránh khỏi phải qua Lạng Sơn, tại đây có trạm kiểm soát của ủy ban quốc tế. Bộ chỉ huy Pháp cũng không hay biết gì về việc sử dụng con đường Lai Châu là nơi dụng cụ chiến tranh của Trung Quốc đã đưa vào trong chiến dịch Điện Biên Phủ62 (Như trên, điện cao ủy Pháp, số 32-791-97, 3-12-1954).


Cuối cùng các nguồn tin của Trung hoa quốc gia (phải hết sức thận trọng khi sử dụng) cũng nói đến sự viện trợ quân sự quan trọng từ Trung Quốc chuyển cho Pathet Lào sau ngừng bắn. Đó là vào tháng 12 năm 1954 và tháng 1 năm 1955, Trung Quốc đã cung cấp cho những người cách mạng Lào, một khối lượng lớn vũ khí đạn được và dụng cụ quân sự63 (Chang Ta-chun, sách đã dẫn, tr.42: 50.000 lựu đạn, 8.000 súng lục, 245.000 viên đạn, 80 xe, 80.000 ca uống nước, 80.000 chăn bộ đội, 80.000 bộ quân phục). Vào khoảng cũng thời gian đó, 260 cán bộ quân sự và chính trị Trung Quốc đã từ Côn Minh đến Sầm Nưa để giúp Pathet Lào tổ chức lại quân đội64 (Như trên, tr.43).


Từ những yếu tố trái nhau như vậy, người ta không biết kết luận theo hướng nào. Cả báo cáo của Ủy ban quốc tế, lẫn sự khẳng định của Bộ chỉ huy quân sự Pháp đều không hoàn toàn có giá trị thuyết phục65 (Về sự khẳng định của Bộ chỉ huy Pháp, việc lục lại hồ sơ của quân đội có lẽ đưa đến kết luận khác hẳn. Nhưng báo cáo duy nhất của các nhà đương cục quân sự mà chúng tôi có thể tham khảo trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp thì rất chung chung và có rất ít chi tiết chính xác. Tuy nhiên những chú thích như "nguồn tin chắc chắn nhưng không thể kiểm tra được" hoặc "những nguồn tin của chúng tôi chắc chắn nhưng không thể dùng làm chứng cớ được" khiến cho chúng tôi nghĩ rằng những hồ sơ lưu trữ này không có lẽ không đem lại chứng cớ gì dứt khoát cả). Cả Ủy ban quốc tế lẫn Bộ chỉ huy Pháp đều không thể kiểm soát hay biết được những sự vận chuyển qua biên giới. Vậy, tạm thời chúng ta ghi nhận rằng, với hiện tình tư liệu có thể khai thác được, việc Trung Quốc có thể vi phạm các điều khoản liên quan đến sự tăng cường tiềm lực quân sự Bắc Việt Nam chưa thể xác định được. Do đó việc vũ khí Trung Quốc đưa vào Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ồn ào dư luận cuối 195466 (Chẳng hạn như "Red Army Growth in Viet Nam causes, US-French alarm" (Sự phát triển của quân đội đỏ trong sự nghiệp Việt Nam: báo động Mỹ-Pháp) đăng trong New York thời báo, 20-11-1954), lúc này cũng không thể đem ra để đánh giá thái độ của Trung Quốc sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Cuối cùng chúng ta lưu ý rằng ngay dù sự vi phạm đó được chứng minh thì cũng còn phải chứng tỏ thêm nữa rằng viện trợ của Trung Quốc cho Việt Minh không phải chỉ duy nhất nhằm duy trì tiềm lực quân sự của Việt Minh mà còn tăng cường khả năng tấn công trong những cuộc hành quân xâm lược sau này. Chỉ trong trường hợp này mới có thể thấy trong việc xuất khẩu (giả thiết) dụng cụ quân sự đó, dấu hiệu một cách xử sự mới khác hẳn với thái độ ôn hòa của chính phủ Bắc Kinh trong cuộc thương lượng ở Giơ-ne-vơ67 (Cần chú ý rằng Trung Quốc đã hoặc sắp ký những hiệp ước phòng thủ với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa có chung đường biên giới, chỉ trừ Bắc Việt Nam (ký với Liên Xô 1950, với Mông Cổ 1960, Bắc Triều Tiên 1961). Ghi chú trong Y.C. Hsing, Law and Policy in China's foregin Relations; Astudy of Attitudes and practice (Luật pháp và chính sách trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc; nghiên cứu về thái độ và thực tiễn) New York and London Columbia University Press, 1972, tr.300).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 09:52:24 pm
Nước Trung hoa nhân dân và việc phương Tây tôn trọng hiệp định

Trong những tháng tiếp theo ngay sau khi ký kết ngừng bắn, Trung Quốc, về phía mình hết sức cảnh giác theo dõi các nước phương Tây tôn trọng hiệp định và tố cáo một cách hệ thống tất cả những hành động có thể được giải thích như là vi phạm hiệp định.


Nước Pháp, người có trách nhiệm chính đối với các nước phương Tây trong việc thi hành hiệp định, là đối tượng của nhiều cuộc đả kích của Trung Quốc. Các nhà đương cục Pháp bị trách cứ là không tôn trọng các điều khoản liên quan đến tù binh, như không làm gì để đảm bảo những điều kiện giam giữ thích đáng, nhất là về y tế68 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 22-8-1954) hoặc trả trả chậm trễ một cách phi pháp hàng ngàn người trong số tù binh69 (Như trên, Bắc Kinh, 15-11-1954). Lực lượng Liên hiệp Pháp bị lên án vi phạm những hành động tàn bạo trong các vùng họ phải rút đi hoặc các cùng họ chiếm đóng, giết hại dân làng không chịu làm việc cho họ, hành quyết những người yêu nước đã chiến đấu chống lại họ trong cuộc cách mạng70 (Như trên, Hà Nội, 10-11-1954). Trung Quốc tố cáo việc cướp đi "những tài sản" của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mà Pháp phải bàn giao lại như chuyển vào Nam những thiết bị đáng lẽ phải để lại miền bắc, đặc biệt trong khu vực Hà Nội và Hải Phòng71 (Như trên, Bắc Kinh, 10-11-1954, 6-12-1954). Nhưng những lời buộc tội nhiều nhất là về việc cưỡng bức "di cư" nhân dân miền Bắc vào miền Nam nhất là dân công giáo ở các địa phận Phát Diệm và Bùi Chu. Tất cả những công cuộc chuyên chở bằng tàu thủy hoặc máy bay hàng vạn người bị coi là những sự vi phạm hải phận và không phận của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa72 (Như trên, Bắc Kinh, 10-11-1954, 14-11-1954). Theo cách thức như vậy, nước Pháp cũng bị trách cứ là không tôn trọng các hiệp định về Lào và Campuchia73 (Như trên, Hà Nội, 30-12-1954).


Mặc dù báo chí Trung Quốc đưa nhiều tin về Pháp vi phạm hiệp định đình chiến-thí dụ có thể nhiều gấp bội-thái độ của Trung Quốc nói chung là tương đối ôn hòa đối với chính phủ Paris. Toàn bộ những lời tố cáo trên chỉ là lấy theo tin của hãng thông tấn Bắc Việt Nam. Nhiều khi, Tân hoa xã chỉ là đưa lại-làm sao có thể miễn được việc làm đó-mà không thêm bình luận riêng của Trung Quốc. Ngoài ra, còn đáng chú ý là trong các báo hàng ngày của Trung Quốc, người ta hầu như không thấy có bài xã thuyết nào khác các tin tức lẻ tẻ để tố cáo một cách khái quát hơn thái độ của nước Pháp đối với việc thi hành hiệp định. Người ta cũng không thấy một ám chỉ nhỏ nhất nào đối với việc Pháp vi phạm hiệp định mà Trung Quốc coi là đe dọa trực tiếp đến an ninh của Trung Quốc hoặc an ninh của Hoa kiều ở Việt Nam.


Thực ra, một lần nữa, chính là cách xử sự của Mỹ mới là đối tượng đả kích kịch liệt nhất của Trung Quốc74 (Đúng là cách xử sự này không phù hợp với "tinh thần Giơ-ne-vơ". Thí dụ như những hoạt động của phái đoàn Lansdale ở Bắc Việt Nam bắt đầu từ tháng 8 năm 1954 trong "Hồ sơ mật Bộ Quốc phòng Mỹ", sách đã dẫn, tr.53 và sau đó. Một trong những hoạt động đầu tiên của phái đoàn đó là ngay trước khi hiệp định được ký kết, tung ra những "tin bịa đặt" và những hành động ngược đãi của quân đội cộng sản Trung Quốc mà người ta khẳng định là đã được đưa vào bắc Việt Nam. Xem Edward Geary Lansdale, In the Midst of Wars: an American Mission, to Southeast Asia (ở giữa các cuộc chiến tranh: một phái đoàn Mỹ ở Đông Nam Á) New York, Harper and Row, 1972, tr.139. Về hoạt động của Lansdale sau 29-7-1954, xem như trên, tr.163 và tiếp theo). Một vài lời lên án đó cũng như trong trường hợp của nước Pháp là nhằm các điểm riêng biệt. Chẳng hạn như hoạt động của sứ quán Mỹ tại Băng Cốc bị tố cáo là đe dọa trực tiếp hòa bình trên toàn bán đảo Đông Dương. Dự án của Mỹ về "Liên hiệp Mê Công", theo Trung Quốc chỉ nhằm sử dụng Thái Lan để "kiểm soát Campuchia và Lào và phá hoại hiệp định ngừng bắn ở Đông Dương"75 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 8 tháng 8 và 24-8-1954). Lực lượng Mỹ cũng bị lên án là công khai tham gia vào việc "di cư" người Bắc Việt Nam vào miền nam và lập các "trại tập trung" để cưỡng bức họ sinh sống tại các vùng cao nguyên dân cư thưa thớt76 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 8 tháng 8 và 24-8-1954). Đặc biệt Trung Quốc lên án vai trò của Mỹ trong việc cưỡng ép Hoa kiều ở Bắc Việt Nam di cư vào miền nam hoặc tệ hại hơn nữa về Đài Loan-một cuộc di cư mà Bắc Kinh xem như một "sự lăng nhục" thật sự đối với Trung Quốc mà Ủy ban công tác Hoa kiều đã chính thức phản kháng77 (Như trên, Bắc Kinh, 16-8-1954). Chính phủ Trung Quốc cũng lên án mạnh mẽ vai trò quân sự ngày càng tăng của Mỹ ở Nam Việt Nam: cung cấp trực tiếp trang bị quân sự, không qua tay Pháp gửi sĩ quan Mỹ đến giám sát các huấn luyện viên Pháp v.v...78 (Như trên, Bắc Kinh, 19-8-1989 và 13-12-1954).


Những lời đả kích cay độc nhất tăng lên gấp bội, nhất là vào lúc hội nghị Manila cho ra đời, tháng 9 năm 1954 tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (Gọi là OTASE hoặc SEATO)79 (OTASE gồm có Mỹ, Australia, New Zeland, Anh, Pháp, Pakistan, Philippin và Thái Lan) mà Trung Quốc xem như "một sự vi phạm trắng trợn Hiến chương của Liên hiệp quốc"80 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 19-8-1954). Trung Quốc còn cho rằng Campuchia, Lào và hơn thế nữa Nam Việt Nam không thể nằm trong khu vực bảo hộ của OTASE81 (Khu vực bảo hộ của Hiệp ước mở rộng về phía Bắc đến vĩ tuyến 21°30' tương ứng với biên giới Trung-Việt). Nghị định thư theo dự kiến cho tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á khả năng can thiệp trong trường hợp 3 nước ở Đông Dương bị đe dọa, đã bị Trung Quốc cho là một sự vi phạm cực kỳ nghiêm trọng đối với Hiệp định Giơ-ne-vơ. Về điểm này, trong báo cáo về công tác của Chính phủ đọc trước Quốc hội Trung Quốc ngày 23-9-1954, thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố rằng "sự bảo hộ của OTASE đối với các nước đó" là "mâu thuẫn rõ ràng với lời cam kết của các nước tham dự hội nghị Giơ-ne-vơ về Campuchia, Lào và Việt Nam" và thêm rằng tất cả các nước đã tham dự hội nghị nói "có nghĩa vụ bảo đảm triệt để thi hành hiệp định"82 (Báo cáo của Chu Ân Lai đăng trong bản tin Tân hoa xã, Bắc Kinh 23-9-1954). Tờ Đại công báo kết luận rằng "đánh giá thấp nguy cơ của kế hoạch xâm lược của Mỹ là một sai lầm", "kết quả của hội nghị Giơ-ne-vơ và tiến bộ của hòa hoãn quốc tế sẽ bị thủ tiêu nếu nhân dân châu Á và các lực lượng hòa bình thế giới không kịp thời chấm dứt chính sách điên cuồng của Mỹ"83 (Đại công báo, 11-9-1954).


Ngoài những lời đả kích đó mà tầm cỡ hẳn là vượt xa các lời lên án đối với nước Pháp, báo chí Trung Quốc định kỳ đang những bài tổng hợp dài chống lại chính sách của Mỹ ở Đông Dương mà báo chí Trung Quốc cho là nhằm mục tiêu duy nhất là phá hoại đình chiến. Do đó, tờ Đại công báo, từ tháng 8 đã tố cáo những hoạt động của tướng O'Daniel, trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ ở Sài Gòn (US.Military Assistance Adviory Group)-(MAAG), những hoạt động nhằm đặt Đông Dương dưới sự kiểm soát quân sự chính trị và kinh tế của Mỹ84 (Như trên, 20-8-1954). Còn tờ Nhân dân nhật báo thì cho rằng toàn bộ chính sách của Đại sứ Mỹ tại miền nam Việt Nam, Collins, nhằm loại phe thân Pháp của tướng Nguyễn Văn Hinh và biến tổng thống Ngô Đình Diệm thành "một Lý Thừa Vãn thứ hai" nhằm áp đặt trật tự thực dân mới của Mỹ ở Đông Dương85 (Nhân dân nhật báo, 20-12-1954). Theo báo chí Trung Quốc ngay từ cuối năm 1954, Mỹ đã thúc đẩy chính phủ nam Việt Nam có "một loạt biện pháp phát xít để phá hoại tổng tuyển cử tự do theo hiệp định Giơ-ne-vơ quy định". Trong lúc đó chúng "tìm cớ để can thiệp trực tiếp vào Đông Dương"86 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 22-12-1954).


Tóm lại, điều Chính phủ Bắc Kinh chê trách nước Pháp nhất là Pháp đã không "thực hiện lời cam kết long trọng tại Giơ-ne-vơ để rộng đường cho Mỹ tự do tiến hành chính sách xâm lược"87 (Nhân dân nhật báo, 20-12-1954). Không đầy 5 tháng sau ngừng bắn; việc Trung Quốc tìm cách giữ Pháp lại ở Đông Dương để đảm bảo cho an ninh của Trung Quốc đã rõ ràng là một ảo tưởng. Vì vậy, theo cách nhìn của Trung Quốc, giám sát việc thi hành hiệp định thực chất là giám sát hoạt động của Mỹ ở bán đảo Đông Dương. Sau hội nghị Giơ-ne-vơ chỉ có tham vọng đế quốc Mỹ, chứ không phải hậu quả của thời kỳ thuộc địa, mới có thể gây trở ngại cho chính sách của Trung Quốc ở Đông Dương.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 09:54:15 pm
Hiệp định Giơ-ne-vơ coi như điểm xuất phát một chính sách mới của Trung Quốc ở Đông Dương


Quan hệ Trung Quốc và Bắc Việt Nam sau hội nghị


Trong một bức điện gửi Ủy ban hòa bình của Trung Quốc, Lê Đình Thám, Chủ tịch Ủy ban  bảo vệ hòa bình của Việt Nam chào mừng việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ đã đánh giá hiệp định là "một thắng lợi của tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam"88 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 6-8-1954). Thực tế, quan hệ Trung-Việt đã rất mật thiết về quân sự, kinh tế cũng như về tư tưởng89 (Xem đoạn trên, chương II) lúc sắp họp hội nghị Giơ-ne-vơ, trở nên đằm thắm hơn nữa sau ngừng bắn90 (Về điểm này, xem P.J.Honey-Communism in North Việt Nam (chủ nghĩa cộng sản ở Bắc Việt Nam)-Cambridge (Mass). M.J.T.Press, 1963, tr.43 và tiếp đó). Quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Việt Nam được thắt chặt hơn sau hiệp định Giơ-ne-vơ cũng tương tự như quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên được mật thiết hơn sau hiệp định Bàn Môn Điếm, nhưng có sự khác nhau căn bản là ở Bình Nhưỡng, ảnh hưởng Trung Quốc đã thay thế ảnh hưởng của Liên Xô, còn ở Hà Nội ảnh hưởng của Trung Quốc chỉ được tăng cường thêm mà thôi.


Trong mọi lĩnh vực, Bắc Việt Nam thừa nhận Trung Quốc như là nguồn cổ vũ chủ yếu. Chỉ sau 3 tháng sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Võ Nguyên Giáp trong một bức điện gửi tướng Chu Đức nhân dịp ngày quân đội của Trung Quốc, đã đảm bảo rằng "quân đội nhân dân Việt Nam phải học tập kinh nghiệm vô giá của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc"91 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 1-8-1954). Một cách rộng rãi hơn nữa, Hoàng Minh Giám dẫn đầu đoàn đại biểu Bắc Việt Nam dự lễ kỷ niệm quốc khánh 1 tháng 10, đã tuyên bố ở Bắc Kinh rằng "những thành tựu của nhân dân Trung Quốc trong mọi mặt của công cuộc xây dựng đất nước là nguồn cổ vũ thường xuyên đối với nhân dân Việt Nam"92 (Như trên, 30-9-1954). Về mặt đối ngoại, Bắc Việt Nam hoàn toàn theo đường lối Trung Quốc. Bình luận báo cáo của Chu Ân Lai đọc ngày 11 tháng 8 trước hội đồng Chính phủ93 (Xem đoạn trên) báo Nhân dân mấy ngày sau đó, đã viết "Nhân dân Việt Nam thừa nhận rằng 5 nguyên tắc (cùng tồn tại hòa bình) là những nguyên tắc căn bản để phát triển quan hệ hữu nghị giữa 3 nước ở Đông Dương với nhau và giữa 3 nước đó với nước Pháp"94 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 25-8-1954). Cũng như đối với cuộc khủng hoảng Đài Loan, cơ quan của Đảng lao động Việt Nam hoàn toàn ủng hộ lập trường của Trung Quốc và kết luận là cần thiết phải tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam95 (Nhân dân, 14-12-1954 (xã luận, xem thêm "Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam dân chủ cộng hòa 26-12-1954, đăng ở bản tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 26-12-1954).


Sự nhất trí về tư tưởng và chính trị tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhanh chóng quan hệ tay đôi giữa Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Ngày 11-8-1954, Chính phủ Trung Quốc cử La Quí Ba làm Đại sứ tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa96 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 19-8-1954 về nhân vật La Quí Ba, xem đoạn trước ở chương II). Mấy ngày sau tại biên giới Trung-Việt, La Quí Ba được 5 quan chức Việt Nam nghênh đón đặc biệt linh đình97 (Như trên, Bắc Việt Nam, 28-8-1954. Chúng tôi sẽ trở lại ý nghĩa của cuộc đón tiếp này ở chương XII tiếp theo). Ngày 1 tháng 9, ông trình quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh98 (Như trên, Bắc Việt Nam, 1-9-1954. Xem đoạn sau về những lời tuyên bố trong ngày lễ này). Trong số các cộng tác viên của ông có Đào Quế Sinh (Tsao Kuei Sheng)? người đã tham gia đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ99 (Như trên, Đào Quế Sinh, xem đoạn trước chương IV).


Kể từ ngày đó, quan hệ giữa hai nước ngày càng mật thiết. Ngày 23 tháng 9, trước Quốc hội mới, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố rằng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có thể được đảm bảo về sự ủng hộ hoàn toàn của nhân dân Trung Quốc để xây dựng lại nền kinh tế100 (Báo cáo của Chu Ân Lai đăng tron bản tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 13-9-1954). Một tuần lễ sau, nhân dịp quốc khánh Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng "Việt Nam và Trung Quốc đã là những nước anh em từ thời xưa" và ngày nay "nhân dân Việt Nam lại được hưởng sự ủng hộ anh em của nhân dân Trung Quốc"101 (Tân hoa xã Bắc Kinh, 1-10-1954). Ngày 3 tháng 10, trong một bức điện mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng tin tưởng rằng việc bầu Chủ tịch Mao Trạch Đông làm chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ tăng cường hơn nữa tình đoàn kết giã nhân dân hai nước102 (Như trên, Bắc Kinh, 3-10-1954).


Trên một bình diện cụ thể hơn, một phái đoàn Bắc Việt Nam do Nguyễn Văn Trân, Thứ trưởng Bộ giao thông cầm đầu, lên đường đi Bắc Kinh để thảo luận việc phục hồi giao thông và phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước103 (Như trên, Bắc Kinh, 16-101-1954). Sau một tháng rưỡi đàm phán, ngày 24-12-1954, hai bên ký một loạt 5 hiệp định về đường sắt (phục hồi đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng và nối với hệ thống đường sắt Trung Quốc) về bưu điện và viễn thông (mở liên lạc bưu điện giữa 2 nước kể từ ngày 1 tháng 1-1955) về đường bộ, hàng không và thủy lợi. Trong tất cả các lĩnh vực đó, Trung Quốc cam kết cung cấp cho Bắc Việt Nam tất cả thiết bị và những kỹ thuật viên cần thiết. Thông cáo chung Trung Quốc-Bắc Việt Nam nói rằng các hiệp định đó là "sự mở đầu tốt đẹp cho sự hợp tác kinh tế rộng rãi hơn giữa Trung Quốc và Việt Nam"104 (Như trên, sách đã dẫn, Bắc Kinh, 28-12-1954. Năm 1955 hai nươc sẽ ký 11 hiệp định mới nữa. Xem (Đ.M) Johnson và Hungdah Chiu, sách đã dẫn, tr.271). 5 tháng sau khi Việt Nam bị chia cắt thành hai miền tách rời nhau, miền Bắc gắn bó mật thiết hơn với nền kinh tế Trung Quốc, từ nay là nguồn cung cấp duy nhất có khả năng đáp ứng nhu cầu chủ yếu của một nước không thể tự cung tự cấp được. Người ta có thể nghĩ rằng tình trạng đó, từ nay sẽ là một chủ bài quan trọng đối với chính sách Trung Quốc ở Bắc Việt Nam.


Tuy nhiên, trong xã luận ngày 30 tháng 12, báo Nhân dân của Bắc Việt Nam nhấn mạnh "viện trợ anh em" của Trung Quốc là "dựa trên tình đoàn kết hữu nghị và tinh thần chủ nghĩa quốc tế"105 (Như trên, Hà Nội, 30-12-1954). Ngoài ra để thể hiện tốt hơn sự vô tư của mình, Trung Quốc cho không Bắc Việt Nam 10.000 tấn gạo và 5 triệu mét vải. Trong xã luận ngày 25-12-1954, báo Nhân dân viết rằng, trái với viện trợ Mỹ chỉ là một hình thức "xâm lược được ngụy trang chống lại các nước thuộc địa và phụ thuộc" viện trợ của Trung Quốc chứng tỏ "sự ủng hộ, sự tôn trọng và tình anh em" của Trung Quốc đối với Việt Nam106 (Nhân dân, 25-12-1954 (xã luận)).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 09:55:33 pm
Thế cân bằng ở bán đảo Đông Dương

Sự tràn ngập các bài báo Trung Quốc và Việt Nam chào mừng "tình đoàn kết nhất trí" giữa hai nước đã không che giấu được sự khác nhau căn bản về các lập trường của mỗi bên Trung Quốc và Việt Minh.
Trong thời gian hội nghị Giơ-ne-vơ, cũng như khẳng định rằng mục tiêu cuối cùng là thống nhất đất nước. Vậy mà người ta đã ghi nhận biết bao sự phản ứng ngay lập tức của Trung Quốc và Bắc Việt Nam ngay sau khi ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ chứng tỏ có sự khác nhau về điểm này107 (Xem đoạn trước). Cuối 1954, ấn tượng đó đã được khẳng định rõ rệt.


Trong lễ trình quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 1-9-1954, Đại sứ La Quí Ba nhắc lại vai trò của ông ta ở Bắc Việt Nam "là củng cố và thúc đẩy tình đoàn kết và hữu nghị hợp tác kinh tế và văn hóa giữa hai nước"108 (Tân hoa xã, Bắc Việt Nam, 1-9-1954), nhưng ông không đả động một tiếng nào đến sự thống nhất của Việt Nam. Đối với vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nói lại: "Hiện nay hòa bình đã lập lại, nhiệm vụ của chúng tôi là thực hiện thống nhất nước nhà, độc lập và dân chủ trong cả nước"109 (Như trên). Ba tuần lễ sau, Thủ tướng Trung Quốc trong báo cáo đọc trước Quốc hội đã bảo đảm với Bắc Việt Nam về sự ủng hộ của Trung Quốc trong công cuộc xây dựng lại nền kinh tế, nhưng ông cũng không ám chỉ gì đến việc thống nhất 2 miền110 (Như trên, Bắc Kinh, 23-9-1954). Nhân dịp kỷ niệm ngày 1 tháng 10, Đại sứ La Quí Ba nhắc lại những lời lẽ đúng như của Chu Ân Lai và cũng không đi xa hơn về vấn đề thống nhất111 (Như trên, Bắc Việt Nam, 3-10-1954). Trong lúc các nhà lãnh đạo và báo chí Bắc Việt Nam luôn luôn lên tiếng ủng hộ các tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan là thuộc về nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thì việc Trung Quốc bỏ qua một cách hệ thống không nói đến vấn đề thống nhất của Việt Nam lại càng trắng trợn. Sau khi dự quốc khánh Trung Quốc, rời Bắc Kinh về nước, Hoàng Minh Giám tuyên bố: "Chúng tôi hy vọng sự nghiệp giải phóng Đài Loan và thống nhất hoàn toàn lãnh thổ Trung Quốc"112 (Như trên, Bắc Kinh 7-10-1954. Đồng thời báo nhân dân, 14-12-1954, cùng xem tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, 26-12-1954 trong bản tin tiếng Anh, Việt Nam thông tấn xã, 26-12-1954). Nếu Trung Quốc thật sự mong muốn cho Việt Nam được thống nhất, Trung Quốc đã không quên gắn liền hai hoàn cảnh của hai nước và đảm bảo với nhân dân Việt Nam về sự ủng hộ đối với sự nghiệp thống nhất Tổ quốc cũng như nhân dân Việt Nam đảm bảo với nhân dân Trung Quốc về sự ủng hộ đối với công cuộc giải phóng Đài Loan113 (Khoảng cách hiển nhiên giữa lập trường của Trung Quốc và Bắc Việt Nam có thể so sánh với sự khác nhau giữa 2 bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình và Lê Duẩn, trong dịp Lê Duẩn thăm chính thức Bắc Kinh tháng 9 năm 1975 sau ngày "Giải phóng" Sài Gòn).


Cuộc đàm phán với Chu Ân Lai trong thời gian hội nghị Giơ-ne-vơ đã làm Mendès France tin rằng Trung Quốc rõ ràng tán thành kéo dài tình trạng chia cắt Việt Nam (từ khi Nam Việt Nam không còn chịu sự chi phối của nước ngoài) và một cách rộng hơn, tán thành có nhiều nước tồn tại ở biên giới phía Nam của Trung Quốc114 (Nói chuyện với Mendès France, 3-7-1954). Rõ ràng có vẻ như chính phủ Bắc Kinh hạn chế những đòi hỏi của Việt Nam trong thời gian hội nghị bởi vì Bắc Kinh quan tâm đến một giải pháp hòa bình và mau chóng cho cuộc khủng hoảng, nhưng một khi cuộc khủng hoảng được vượt qua, Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép với Việt Nam dân chủ cộng hòa để giảm bớt tham vọng của họ nhất là đối với miền Nam. Chính sách đó có thể đáp ứng hai điều quan tâm khác nhau. Một mặt trong thời gian ngắn nó nhằm tránh làm bùng nổ trở lại một cuộc khủng hoảng trái với lợi ích của Trung Quốc, về xây dựng kinh tế cũng như về vị trí quốc tế. Nhưng mặt khác, chính sách đó có thể nhằm xây dựng thế cân bằng mới ở Đông Dương trên cơ sở chia cắt lâu dài (hay mãi mãi) Việt Nam115 (Phải chăng người ta có thể để cho đối xứng, so sánh thái độ với việc Liên Xô xây dựng thế cân bằng mới ở châu Âu trên cơ sở chia cắt vĩnh viễn nước Đức).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 09:56:35 pm
Đối với Trung Quốc, một tình hình như vậy có lợi là bắt buộc Việt Nam dân chủ cộng hòa nhích gần Chính phủ Bắc Kinh một cách rõ rệt hơn nữa. Nhưng hiệp định ký ngày 24-12-1954 giữa Trung Quốc và Bắc Việt Nam là biểu hiện đầu tiên. Ngoài ra, ngay từ cuối năm 1954, tất cả các nhà quan sát đều tin rằng nước Pháp không còn có thể buộc chính phủ Nam Việt Nam phải thi hành những điều khoản chính trị của hiệp định Giơ-ne-vơ. Từ đó, Chủ tịch Ủy ban quốc tế Đơ-sai kết luận: "Việt Minh chỉ còn có một giải pháp, đó là tin cậy hoàn toàn vào đồng minh vĩ đại của họ"116 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện tướng Ely/Sài Gòn/số 38 22-1-1955; cũng xem "Công văn của Thiếu tướng De Beaufort, Trưởng phái đoàn liên lạc của Pháp, bên cạnh Ủy ban quốc tế gửi Đại tướng Cao Ủy Pháp, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương"/không số/tháng 2-1955).


Nhưng ngược lại, thế cân bằng mới ở Đông Dương mà Trung Quốc ước mong có nguy cơ đẩy miền Nam đi với Mỹ. Ngay sau hội nghị Giơ-ne-vơ, thái độ của Chính phủ Bắc Kinh hoan nghênh hiệp định đình chiến chứng tỏ rằng mặc dù rất lo ngại về chính sách của Mỹ ở Đông Dương, Bắc Kinh đánh giá nguy cơ can thiệp của Mỹ đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam đã tạm thời bị đẩy lùi. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc chia cắt lâu dài nước Việt Nam mà Trung Quốc dự liệu, sẽ là một trong những nhược điểm chủ yếu trong chính sách của họ ở Đông Dương.


Đối với Bắc Kinh, thế cân bằng ở Đông Dương không phải chỉ đưa lại miền Bắc Việt Nam đối lập với miền Nam Việt Nam. Thế cân bằng còn bao gồm cả các thành phần Lào và Campuchia mà Trung Quốc rất coi trọng. Cuộc đàm phán ở Giơ-ne-vơ đã đủ chứng tỏ rằng Chính phủ Trung Quốc quan tâm giữ gìn nền độc lập của hai vương quốc đối với Mỹ cũng như đối với Việt Minh. Ngay hôm sau hội nghị, người ta đã chú ý đến việc Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng đề cập đến vấn đề Lào và Campuchia khác nhau như thế nào trong dịp Phạm Văn Đồng đi qua Bắc Kinh, Chu Ân Lai muốn tách biệt rõ rệt các vấn đề liên quan đến mỗi nước ở Đông Dương, còn Phạm Văn Đồng trái lại, gắn chặt cuộc đấu tranh của Pathet Lào và của "Khơ me" với cuộc đấu tranh của Việt Nam117 (Xem ở đoạn trên). Cách nhìn của Trung Quốc về một Đông Dương đa dạng trong đó Lào và Campuchia phải là đối trọng với Việt Nam đã được thể hiện rõ ràng khi có cuộc khủng hoảng sau ngừng bắn, cách nhìn đó sẽ còn là một nhân tố thường xuyên của chính sách Trung Quốc ở Đông Dương. Thủ tướng Chu Ân Lai trong báo cáo đọc trước Quốc hội đã nhấn mạnh đến những triển vọng sắp tới của nền ngoại giao Trung Quốc đối với hai Vương quốc Lào và Campuchia: "Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã bảo đảm nền độc lập của Lào và Campuchia, đồng thời Lào và Campuchia cũng tự mình cam kết không tham gia khối liên minh quân sự nào. Điều đó làm cho nước ta có thể thiết lập quan hệ bình thường với hai Vương quốc này"118 (Báo cáo của Chu Ân Lai đăng tron bản tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 23-9-1954). Nhưng trong lĩnh vực này, phải mất nhiều năm mới thấy rõ hiệu quả đầu tiên của chính sách của Trung Quốc. Chỉ đến năm 1956119 (Công nhận về thực tế 1956, về pháp lý năm 1958) Campuchia mới công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đến 1962, Lào mới theo gương Campuchia, sau khi hội nghị Giơ-ne-vơ lần thứ 2 năm 1962 kết thúc.


Phân tích những phản ứng của Trung Quốc đối với ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ, thái độ của họ đối với hiệp định và chính sách của họ đối với Bắc Việt Nam trong những tháng cuối 1954 đối với chúng tôi hình như hoàn toàn khẳng định được những kết luận rút ra từ việc nghiên cứu cách xử sự của Trung Quốc trong thời gian hội nghị. Tất nhiên là người ta thấy ở đó những đường hướng chủ yếu trong chính sách Đông Dương của Trung Quốc.


Trước hết là ý muốn ngăn ngừa mọi can thiệp của Mỹ vào bán đảo Đông Dương. Rõ ràng là Trung Quốc nghĩ rằng có thể đạt được ý muốn đó nhờ các điều khoản của hiệp định ngừng bắn, dự kiến một sự trung lập hóa nhất định các nước ở Đông Dương và sự bảo lãnh của các nước tham dự hội nghị. Việc Mỹ từ chối không chịu ký vào bản tuyên bố cuối cùng lúc đó hình như không làm Chính phủ Bắc Kinh phải lo nghĩ gì. Nhưng chắc là ngay từ những tháng tiếp theo hội nghị Giơ-ne-vơ, Trung Quốc lo ngại thấy trọng lượng của nước Pháp ở miền Nam Việt Nam giảm đi nhanh chóng đến mức Pháp không đủ sức ngăn cản những hành động của Mỹ120 (Có lẽ người ta có thể so sánh sự lo ngại này với việc Trung Quốc lo sợ sự rút lui của Mỹ ở Đông Nam Á có thể để ngỏ cửa cho sự xâm nhập của Liên Xô). Ngoài ra sự phát triển của cuộc khủng hoảng Đài Loan đã làm cho vấn đề này có một khuôn khổ mới.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng hình như sự phân tích đó xác nhận vị trí của Trung Quốc đối với sự phân chia về chính trị ở Đông Dương. Càng quan tâm duy trì một thực thể liên bang Đông Dương nằm trong Liên hiệp Pháp nhằm loại trừ ảnh hưởng của Mỹ, thì Bắc Kinh lại càng không muốn thấy Việt Minh trở thành người kế tục duy nhất sức mạnh thuộc địa của Pháp ở Đông Dương. Một cuốn sách mới đây của Liên Xô đã viết về vấn đề này như sau:

"Lập trường của Đoàn đại biểu Cộng hòa nhân dân Trung Hoa như vậy, chứng minh khuynh hướng muốn tạo ra nhiều nước riêng biệt ở bán đảo Đông Dương, muốn "ban căng hóa" Đông Dương dĩ nhiên điều này dẫn đến sự chia rẽ sự đoàn kết giữa những người yêu nước ở các nước Đông Dương, làm suy yếu các mặt trận cách mạng và dân chủ ở Lào và Campuchia đang hướng về chủ nghĩa xã hội trên thế giới"121 (G.V.Astafiev và A.M.Dubinski, sách đã dẫn, tr.96).


Từ phán xét trên đây, chúng tôi thấy rằng chữ "Ban căng hóa" hình như không có vẻ gì là quá mạnh để xác định thái độ của chính phủ Bắc Kinh. Việc Trung Quốc quan tâm duy trì sự phân biệt nhất định về chính trị ở vùng biên giới của họ, kể cả trong trường hợp tình trạng phân biệt đó có nguy cơ làm dễ dàng cho chính sách của Mỹ, kẻ thù chủ yếu lúc đó, đã đặt ra một vấn đề khác biệt về thực chất mà chúng tôi sẽ trở lại sau này. Đó là vấn đề thử xem đâu là phần cổ truyền, đâu là phần cách mạng trong chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc122 (Xem đoạn dưới, chương XII).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 09:58:32 pm
Chương XI
Địa vị mới của Trung hoa nhân dân
trên thế giới sau hội nghị Giơ-ne-vơ

Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thấy địa vị cường quốc thế giới của mình được mọi người thừa nhận.
(Nhân dân nhật báo 22-7-1954)


Mùa hè năm 1954 ở Giơ-ne-vơ, chỉ một trận, Trung Quốc đi vào thế giới và bắt đầu đóng vai trò chính đáng trong số các nước hùng mạnh nhất thế giới
(Tiến sĩ Hewlett Johnson, Tu viện trưởng tu viện Canterbury, đăng trong tạp chí People's China Bắc Kinh 1-10-1954)


Ở Giơ-ne-vơ, ngoài một giải pháp về vấn đề Đông Dương phù hợp với lợi ích chủ yếu của mình, vị trí quốc tế của Trung Quốc đã được tăng cường mạnh mẽ. Không phải vì hội nghị đã kết thúc-không kể thỏa thuận ngày 17 tháng 6 với Anh về việc trao đổi đại biện1 (Xem đoạn trên ở chương V) - bằng những lời bảo đảm rõ ràng về công nhận ngoại giao hoặc bằng các hiệp định buôn bán. Về mặt thuần túy pháp lý, quy chế của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vẫn tương tự như trước khi họp hội nghị Berlin. Nhưng ba tháng dòng dã, Trung Quốc đã có thể trình bày những nguyên tắc chính trị của mình, có những cuộc tiếp xúc mới và tự cho mình một hình ảnh đổi mới. Về chính trị, Chính phủ Bắc Kinh đã được khẳng định vững vàng trên trường quốc tế.


Tuy nhiên, những kết quả đạt được lại rất khác nhau tuy theo trường hợp. Không có gì so sánh được giữa tình trạng đối kháng không hề thay đổi trong quan hệ Trung-Mỹ, nhiều cuộc tiếp xúc chính trị và kinh tế của đoàn đại biểu Trung Quốc với Tây Âu và uy tín của Trung Quốc được phục hồi ở châu Á.


Trung hoa nhân dân trong tình hình đối kháng của chiến tranh lạnh

Giới hạn của liên minh với Liên Xô


Vào lúc hội nghị Giơ-ne-vơ sắp họp, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, trước hết Trung Quốc được xem như đồng minh chủ yếu của Liên Xô, trong nội bộ khối cộng sản. Chắc chắn là có rất nhiều giới hữu trách chính trị và chuyên gia đánh giá rằng giữa Bắc Kinh và Mát-xcơ-va có những cách đánh giá ít nhiều khác nhau2 (Xem đoạn trên, chương I). Thực tế, sự phản ứng của Trung Quốc đối với nghị quyết của hội nghị Berlin đã khẳng định những cảm tưởng đó3 (Xem đoạn trên, chương III). Tuy nhiên, nói chung, chính là trên cơ sở liên minh gắn bó hai nước Trung-Xô mà các nước phương Tây lấy đó làm căn cứ xây dựng chính sách của họ đối với thế giới xã hội chủ nghĩa.


Thật vậy, trong thời gian đàm phán tại Giơ-ne-vơ, hoạt động của hai đoàn đại biểu Trung-Xô đã tỏ ra hoàn toàn ăn ý với nhau. Điều này đã được tất cả các đại biểu phương Tây xác nhận4 (Nói chuyện). Và ngay dù Molotov đã không phải lúc nào cũng sử dụng tính kiên trì vốn có của mình, phải chăng là người duy nhất trong các cuộc hội đàm đứng ra bênh vực việc công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về ngoại giao*5 (Trong cuộc gặp M.France ngày 10-7-1954 (xem đoạn trên ở chương V) và ngày 21-7-1954) trong lúc chính Chu Ân Lai đã không bao giờ đề cập vấn đề đó trong các cuộc hội đàm tay đôi với người Pháp? Đối với các vấn đề chủ yếu trong cuộc thương lượng, Trung Quốc và Liên Xô đã hành động như hai nước đồng minh với nhau. Giữa hai nước, không bao giờ xuất hiện những bất đồng quan trọng tương tự như bất đồng giữa Mỹ và các ông bạn châu Âu của Mỹ. Cuối cùng, những tuyên bố chính thức của chính phủ Liên Xô công bố ngay sau hội nghị Giơ-ne-vơ bề ngoài đã thể hiện sự giống nhau về quan điểm giữa hai thủ đô: Thông cáo ngày 22-7-1954 của Liên Xô đã vạch ra rằng:

"Hội nghị Giơ-ne-vơ và kết quả của hội nghị đã nêu bật vai trò quan trọng của nhân dân Trung Quốc vĩ đại và Nhà nước của mình là nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế. Vai trò của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại hội nghị Giơ-ne-vơ là một sự chứng minh mới về ảnh hưởng và uy quyền quốc tế của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc. Ngoài ra, một lần nữa hội nghị Giơ-ne-vơ đã chứng minh rằng những âm mưu của các giới xâm lược ở một số nước và trước hết là Mỹ, muốn loại trừ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không cho tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng nhất là hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của việc củng cố hòa bình"6 (Pour une paix durable (Yapj chí "vì hòa bình lâu dài...") 30-7-1954. Người ta cũng có thể đi theo chiều hướng giống như thế. Trích dẫn các báo chí Xô Viết (Sơ kết trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Le Roy/Moscou/số 1901/22-7-1954) của báo chí các nước dân chủ nhân dân Đông Âu (ví dụ như sơ kết các báo Tiệp Khắc, trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Boisanger/Prague số 451/25-7-1954).


Cái đó, cảm tưởng về một sự phối hợp hoàn toàn giữa Trung Quốc và Liên Xô trong thời gian hội nghị Giơ-ne-vơ, chúng tôi cần được diễn tả tỉ mỉ với những sắc thái khác nhau.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 10:00:18 pm
Một mặt, có những dấu hiệu khẳng định sự thỏa thuận phân công trách nhiệm giữa hai nước. Trong báo cáo về hội nghị, đại sứ Chauvel viết: "Sự phát triển của hội nghị đã không làm xuất hiện sự đối lập hay bất đồng quan điểm nào giữa ml và Chu Ân Lai nhưng chỉ là (...) trong sự phân công trách nhiệm về thẩm quyền, Molotov phụ trách giải quyết các vấn đề chung còn để Chu Ân Lai chịu trách nhiệm về các vấn đề ở châu Á. Làm như vậy là tạo cho Đoàn đại biểu Trung Quốc hình ảnh về người cầm đầu ở châu Á. Chuyến đi của Chu Ân Lai ở New Delhi và Yangon làm mọi người chú ý là theo một đường lối vạch sẵn"7 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Báo cáo của Jean Chauvel, 15-11-1954, tr.8 ). Lập trường của Liên Xô, thực tế là hạn chế Trung hoa nhân dân trong vai trò một cường quốc khu vực mà thôi. Đại tá Ghi-éc-ma khi kiểm điểm lại các cuộc tiếp xúc với người Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ, sẽ ghi lại sự kiểm soát các cuộc đàm phán khi nào vấn đề đem ra tranh cãi là những nguyên tắc chung hay khi vấn đề nâng lên mức toàn cầu"8 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ của Tùy viên quân sự gửi Bộ tham mưu lực lượng vũ trang-Cục 2/Paris; về vấn đề "Trung hoa nhân dân ở Giơ-ne-vơ.../số 245.AM/Băng Cốc/31-8-1954 tr.8 ). Từ đó, làm sao một thái độ như vậy lại không đụng chạm đến mưu đồ của Trung Quốc về tư cách là cường quốc thứ năm có sứ mệnh giải quyết các vấn đề thế giới nói chung? Có nhiều chứng cớ về không có sự bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc, nhưng phải thấy tình hình như vậy là kết quả của sự yếu kém tạm thời của một nước Trung hoa buộc phải theo đường lối của Liên Xô. Nhưng chắc chắn là sự ăn ý ngoài mặt của hai đoàn đại biểu che giấu một đối lập rõ ràng của Trung Quốc chống lại cách thức của Liên Xô về sự phân công trách nhiệm quốc tế trong nội bộ khối các nước xã hội chủ nghĩa9 (Vấn đề lãnh đạo phe xã hội chủ nghĩa sẽ là một trong những đề tài lớn gây bất đồng trong cuộc tranh cãi Xô-Trung sẽ nổi lên mấy năm sau).


Mặt khác, điều này hình như được khẳng định bằng nhiều bằng chứng của các đại biểu hoặc người quan sát của hội nghị thường hay nhấn mạnh cách xử sự rất độc lập của Trung Quốc.


Kritna Menon, đại sứ Ấn Độ tại Mát-xcơ-va, kiêm nhiệm tại Warsawa, vốn có nhiều quan hệ với Thủ tướng Trung Quốc, ngay từ những tuần lễ đầu của hội nghị đã cho đại sứ Pháp tại Ba Lan biết rằng "mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Mát-xcơ-va tuyệt nhiên không giống với quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Warsawa". Kinh nghiệm thu lượm được ở Trung Quốc, nơi K.Menon đã làm đại sứ, khiến cho ông ta "nghĩ rằng người Liên Xô không phải là không nghi ngại người Trung Quốc và Mao Trạch Đông về thực tế tự coi như cao hơn Malenkov"10 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Dennery/Warsawa, số 615-616/20-5-1954). Một tháng sau, ông ta đã tâm sự với đại diện Pháp tại Liên hiệp quốc rằng "sẽ là một sai lầm lớn nếu tin rằng các đoàn đại biểu Trung Quốc và Việt Minh mù quáng theo đuôi những chỉ thị của Mát-xcơ-va"11 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Hoppenot/New York số 1540-1551/20-6-1954). Một nhà quan sát thạo tin như H.Trevelyan cũng cho rằng Chu Ân Lai "không bao giờ tỏ ra dễ bảo đối với các chỉ thị của Liên Xô"12 (H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.85). Nhưng chứng cớ rõ nhất về cách xử sự độc lập một cách thẳng thừng của Trung Quốc khiến Liên Xô đã phải lo ngại, là nhận xét sau đây của Molotov thổ lộ với Bi-đơn Xmit trong đàm phán: "Nước Trung hoa mới (...) là một nước non trẻ. Dân của họ lúc nào cũng vẫn là Trung hoa, họ không chấp nhận lối suy nghĩ theo người châu Âu. Chính chúng tôi cũng không lúc nào không lo ngại về họ"13 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Đoàn đại biểu Pháp/Giơ-ne-vơ số 458-467/24-5-1954. Chúng tôi gạch dưới. Câu nói này chưa biết chính xác đến đâu. Ở đây chúng tôi tự giới hạn vào việc nhắc lại câu nói của Khrushchev sau chuyến thăm Trung Quốc tháng 9-tháng 10 năm 1954, được đưa vào tập Hồi ký Khrushchev "cuộc xung đột với Trung Quốc là không thể tránh được" (sách đã dẫn, tr.444)).


Chắc chắn là những nhận định trên chỉ nhằm chứng minh rằng Trung Quốc có lập trường độc lập với Liên Xô. Tuy nhiên trong thái độ đó làm sao không nhìn thấy biểu hiện của một ý chí dân tộc không chịu lẫn lộn những lợi ích riêng của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với những mục tiêu chung của phe xã hội chủ nghĩa mà đến lúc đó Liên Xô vẫn là người phát ngôn duy nhất? Trên cơ sở những nguồn tư liệu có thể sử dụng được, chúng tôi không thể kết luận được rằng việc nghiên cứu về hội nghị Giơ-ne-vơ đem lại một chứng cớ nào đó về sự tồn tại ngay từ 1954 những bất đồng Trung-Xô14 (Tuy nhiên, chính là dư luận ngày nay của nhiều nhà chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc. Ví dụ như James Hsieh Hsiung sách đã dẫn, tr.54 và tiếp theo. Tác giả cuốn sách này lưu ý rằng bộ sách Trung Quốc hiện đại sử của Liu Pei Hua, xuất bản ở Bắc Kinh 1954 là cuốn sách đầu tiên đưa ra một bản đồ về các vùng đất của Trung Quốc bị nước Nga Sa hoàng chiếm cứ). Nhưng ngược lại, thái độ độc lập của Trung Quốc lúc đó có vẻ được khẳng định đến nỗi khó có thể không coi đó như một hiện tượng không bình thường trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa mà đặc điểm chủ yếu ở thời ký đó là sự thống nhất thành một khối vững chắc không phải bàn cãi gì. Có lẽ không cần phải lược bớt câu kết luận của báo chí Nam Tư nói rằng hội nghị Giơ-ne-vơ đã chứng tỏ Trung Quốc không phải là một nước Cộng sản như những nước khác, Trung Quốc nghĩ bằng cái đầu và nói bằng cái lưỡi của chính họ15 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Tin của E.Burin des Roziers/Belgrade/số 807 E.U/29-7-1954).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 10:03:21 pm
Tình trạng đối kháng không suy chuyển trong quan hệ Trung-Mỹ

Về quan hệ Trung-Mỹ, hội nghị Giơ-ne-vơ trước hết đã chứng minh ràng trong trường hợp cần thiết, mọi sự bình thường hóa giữa hai thủ đô là không thể có được.


Đúng là phần lớn cố gắng của Trung Quốc đều nhằm chống lại Mỹ một cách có hệ thống. Toàn bộ hoạt động ngoại giao của Chu Ân Lai đều nhằm đạt được một giải pháp tránh không để Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương, đồng thời đảm bảo chống lại khả năng Mỹ nhúng tay vào công việc nội bộ của ba nước ở Đông Dương. Nhưng ngoài những mối quan tâm đến tình hình bản thân Đông Dương, toàn bộ chính sách của Trung Quốc triển khai ở Giơ-ne-vơ đều đụng chạm đến chính phủ Washington. Đại tá Ghi-éc-ma tóm tắt chính sách ấy như sau:

"Tất cả để nhằm cô lập Mỹ về tinh thần và về chính trị trước dư luận thế giới (...). Người ta cám dỗ nước Pháp bằng cách giúp vào việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, cám dỗ nước Anh bằng cách đưa ra những đề nghị tăng gấp bội về hợp tác kinh tế, cám dỗ các nước Đông Nam Á bằng những dẫn chứng có thể được về sự vô tư. Chỉ có một kẻ thù là Mỹ và Mỹ bị đả kích về mọi nhược điểm trong chính sách viễn đông của mình"16 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ của tùy viên quân sự gửi Bộ tham mưu lực lượng vũ trang-Cục 2-Paris về vấn đề "nước Trung hoa nhân dân tại Giơ-ne-vơ/số 245. AM/Băng Cốc, 31-8-1954, tr.14).


Sự phản ứng của Mỹ đối với lối xử sự của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ càng tiêu cực hơn nữa như ở Viễn Đông lúc này, tình hình căng thẳng không ngừng tăng lên, nhất là vùng eo biển Đài Loan. Vào cuối tháng 7 năm 1954, trong lúc London và Paris quan sát Trung Quốc từ Giơ-ne-vơ, còn Washington thì quan sát họ từ Đài Bắc.


Không đầy 48 tiếng đồng hồ sau lúc bế mạc hội nghị, nhiều vụ rắc rối nghiêm trọng xảy ra ở biển Trung Hoa. Đúng thế, ngày 23 tháng 7 tại ngoài khơi đảo Hải Nam, hai máy bay khu trục Trung Quốc đã tấn công một tàu buôn của hãng Cathay Pacific lâu nay vẫn đảm bảo nối liền đều đặn Hồng Công và Băng Cốc. Trong số nạn nhân có 6 người Mỹ. Hai ngày sau, ngày 25 tháng 7 đến lượt máy bay Mỹ hạ máy bay khu trục Trung Quốc ở vùng khu vực ấy17 (Thông cáo của Bộ Ngoại giao đăng ở thời báo New York 28-7-1954, Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng ở trang bản tin Tân hoa xã Bắc Kinh 27-7-1954. Phản ứng của Trung Quốc đăng ở Đại công báo 2-8-1954). Tổng lãnh sự Pháp tại New York báo cáo về thái độ phản ứng trong dư luận Mỹ như sau:

"Không phải chỉ có báo chí mà đông đảo quần chúng nhiệt liệt vui mừng về tin hai máy bay hải quân Mỹ đã "hạ" hai máy bay Trung Quốc. Tin này đưa đến vào lúc tôi đang dự tiệc buổi trưa. Tất cả những người có mặt trong bữa tiệc, không trừ một ai, đều hoan ngênh sự giáng trả của Mỹ, chứng tỏ tằng Mỹ đứng lên khi cần phải đối phó với cường quốc Trung hoa"18 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Tin điện của Lagarde/về vấn đề đình chiến ở Đông Dương số 229/New York/28-7-1954. Xem thêm "Le Monde" (báo Thế giới) 28-7-1954).


Ngày hôm sau 26 tháng 7, tổng thống Lý Thừa Vãn đến Mỹ trong một cuộc đi thăm chính thức bốn ngày19 (Về cuộc đi thăm này, xem Coral Bel, sách đã dẫn, tr.278-280). Tại quốc hội Mỹ ngày 28, ông ta đọc một bài diễn văn hùng hổ nói rằng theo ý kiến ông ta, sự thất bại của hội nghị Geneva về Triều Tiên làm cho hiệp định đình chiến tháng 7 năm 1953 không còn hiệu lực nữa. Từ đó, không còn trông vào đâu được nữa ngoài vũ khí: quân đội Nam Triều Tiên và Trung hoa quốc gia, với sự yểm trợ của không quân Mỹ có thể thống nhất Triều Tiên và tiêu diệt luôn chế độ cộng sản Trung Quốc20 (Toàn văn bài diễn văn đăng ở Thời báo New York 29-7-1954. Phản ứng của Trung Quốc trong Đại công báo 31-7-1954, Bản tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 31-7-1954; Nhân dân nhật báo 3-8-1954). Tất nhiên, đề nghị của người đứng đầu Nam Triều Tiên chỉ tìm thấy tiếng vang trong các giới cực đoan của Mỹ. Nhưng trong năm bầu cử, đề nghị đó gây nên những cuộc tranh cãi nội bộ về các vấn đề châu Á, cũng như sự phản ứng của dư luận trước sự kiện trên không phận đảo Hải Nam không thuận lợi cho một sự đánh giá nghiêm chỉnh về cách xử sự của Trung Quốc tại hội nghị Geneva.


Bối cảnh đó đủ giải thích những bình luận nhiều khi thù nghịch của báo chí Mỹ21 (Cũng phải kể đến sự trỗi dậy cuối cùng nhưng nghiêm trọng của chủ nghĩa phát xít Maccaty. Xem D.D.Eisenhower, sách đã dẫn, tr.316-331) về thái độ và vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Đông dương. Chắc chắn là có một vài người viết xã luận cố gắng phân tích sâu sắc và đưa ra những khía cạnh khác nhau về lập trường của chính phủ Bắc Kinh. Ví dụ như tờ Thời báo New York viết "Trung Quốc đã hành động thận trọng" và là đồng minh của Liên Xô nhưng không phải vì vậy là "đồ chơi" của Liên Xô (ally of Russia, but not puppet)22 (New York Times, 21-8-1954). Nhưng kiểu phản ứng như vậy khá hiếm. Nói chung, sau hội nghị Geneva, Trung Quốc bị báo chí Mỹ đánh giá nghiêm khắc với mức ngang như năm trước, sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Ngoài ra điều đáng chú ý là phần ớn các giới hữu trách chính trị và các nhà bình luận báo chí thường nói về sự đe dọa cộng sản nói chung hơn là hành động của chính Trung Quốc. Như Welliam Bullit đã từng làm Đại sứ Mỹ tại Liên Xô và Pháp viết trong tạp chí Look (Nhìn xem) rằng việc giải phóng lục địa Trung hoa đã trở nên cấp bách để thay đổi thế cân bằng lực lượng trên thế giới:

"Việc giải phóng lục địa Trung hoa là chìa khóa của toàn bộ châu Á, đã đưa lại một sự thay đổi thế cân bằng lực lượng như vậy, nếu bây giờ chính phủ Mỹ tổ chức một cuộc tiến công phối hợp chống những người cộng sản Trung Quốc, không sử dụng lính Mỹ nào khác hơn là những đơn vị đóng ở Triều Tiên, nhưng dùng hải quân Mỹ để bao vây bờ biển Trung Quốc và không quân Mỹ để oanh tạc các mục tiêu thích hợp. Một phần lớn gánh nặng các cuộc hành quân trên bộ sẽ giao cho người Triều Tiên và người Trung hoa tự do đảm nhiệm, bằng cách tăng gấp đôi quân số hiện nay của họ. Như vậy lục địa Trung hoa có thể lấy lại từ tay Cộng sản và những quả bom hiện nay đã được Liên Xô chuẩn bị để tiêu diệt chúng ta có thể không bao giờ ném xuống (...). Để sống, nếu chúng ta chọn con đường Viễn đông, chúng ta sẽ thấy ở Đài Loan những chiến sĩ chỉ yêu cầu được sử dụng để trả lại sự đóng góp của 450 triệu người Trung hoa ở lục địa cho thế giới tự do. Họ sẵn sàng chết vì tự do của họ, và vì tự do của chúng ta"23 (Look (Nhìn xem) 10-8-1954, William Christian Bullit 1891-1967 nguyên là Đại sứ Mỹ tại Liên Xô từ 1933 đến 1936 và ở Pháp từ 1936 đến 1941).


Đúng là những luận điệu như vậy, không xa lạ mấy với những tuyên bố cực đoan của Thượng nghị sĩ Knowland hay của Tổng thống Lý Thừa Vãn, có lẽ không phản ánh dư luận áp đảo của công chúng Mỹ. Nhưng trái lại, nó phản ánh tình cảm của một vài giới cầm quyền nhậy cảm với tình hình căng thẳng đang phát triển ở eo biển Đài Loan hơn là với thái độ ngoại giao hòa giải của Chu Ân Lai ở Geneva.
Tình hình xấu đi ở Viễn đông trong những tháng tiếp theo hội nghị Geneva sẽ làm cho dư luận Mỹ tin tưởng thêm rằng Trung hoa nhân dân theo đuổi một chính sách chủ yếu là xâm lược ở Đông Á. Ngày 3-9-1954 bắt đầu những trận pháo kích đầu tiên của Cộng sản vào đảo Kim Môn do những người quốc gia chiếm giữ. Hai tháng sau, đến lượt đảo Đại Trần bị pháo kích. Thượng nghị sĩ Knowland, lãnh tụ Đảng cộng hòa, yêu cầu dùng hải quân Mỹ phong tỏa bờ biển Trung Quốc để trả đũa. Cuối tháng 11, chính phủ Bắc Kinh trả lời lại bằng cách kết án tù về vội gián điệp đối với 11 phi công Mỹ bị bắt ở Triều Tiên24 (Về việc kết án các phi công nói trên, xem bản án trong tin Tân hoa xã, Bắc Kinh ngày 23-11-1954). Bấy nhiêu sáng kiến đó chỉ có thể làm gay gắt thêm những tình cảm chống Trung Quốc trong dư luận Mỹ. Tờ thời báo New York cũng vậy, bình luận về vụ phi công bị kết án, với lời lẽ hêt sức cứng rắn: "Danh sách dài dằng dặc về các vụ lăng nhục chưa kết thúc. Không có một dấu hiệu nào là nó sẽ chấm dứt ít nhất trong tương lai gần (...). Trung hoa đỏ tăng gấp bội các lời lẽ đường mật nhưng lại hành động một cách điên cuồng. Nếu người Mỹ "ngoan cố" thì họ cũng có lý do để họ ngoan cố"25 (New York Times, 28-11-1954).


Nhưng ngược lại, nhìn từ Bắc Kinh, chính sách của Mỹ ở Viễn đông cũng tỏ ra đe dọa như vậy. Đến tháng 9 sẽ ký kết tại Manila hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á mà Washington đã trù liệu việc thành lập từ nhiều tháng nay, và không bao giờ che giấu tính chất chống Trung Quốc của nó26 (Về phản ứng của Trung Quốc đối với hiệp ước Manila xem đoạn trên ở chương X). Rồi đầu tháng 12, Mỹ sẽ ký một hiệp ước phòng thủ chung với Cộng hòa Trung hoa (Đài Loan), mà Bắc Kinh sẽ tức giận coi như xúc phạm đến toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.


Có nghĩa là trong những tháng tiếp theo ngay hội nghị Geneva, quan hệ giữa hai nước sẽ hết sức căng thẳng. Ở Trung Quốc, diễn văn, phản kháng, xã luận nối tiếp nhau không ngớt, đả kích kịch liệt hơn bao giờ hết đế quốc Mỹ. Tại Mỹ, hình ảnh của Trung Quốc xuống thấp nhất từ chiến tranh Triều Tiên. Tháng 12 năm 1954, A.S.Jenkins phụ trách theo dõi Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kết luận bằng một bài diễn văn tố cáo cái gọi là "tiến công hòa bình" của Trung Quốc như sau:

"Tôi tin rằng cảnh tượng ngạc nhiên và kỳ quặc nhất mà tôi chưa bao giờ thấy là trong lúc những người cộng sản Xô viết và Trung Quốc ở Geneva nhắc lại rằng chế độ cộng hòa nhân dân có "quyền" đối với chiếc ghế của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, thì những hành động không hợp pháp và sự khinh thị Liên hợp quốc của chế độ đó lại là lý do cần thiết triệu tập hội nghị này. Tính chất rõ ràng không thực của cảnh tượng đó có lẽ sẽ thú vị nếu nó được đặt trong khuôn khổ thích hợp của một cuốn tiểu thuyết viễn tưởng hơn là trong khuôn khổ của những sự thực nghiêm túc nhất. Sự có mặt của nước Trung hoa cộng sản tại Liên hợp quốc không những là nguy hiểm, không ai mong muốn mà còn hoàn toàn không thể quan niệm được trong hoàn cảnh hiện tại và trong tương lai trước mắt"28 (China and the Communist "Peace offensive" (Trung Quốc và tiến công hòa bình của cộng sản), Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington, tr.7. Trái với điều muốn nói trong bài này, người ta đã ghi nhận sự kín đáo của Chu Ân Lai trong thời gian hội nghị, đối với vấn đề đại diện của Trung Quốc tại Liên hợp quốc).


Đại sứ Chauvel đã tuyên bố tại một cuộc hội nghị các đại diện ngoại giao của Pháp tại Đông Nam Á, họp tháng 9 năm 1954 ở Băng Cốc: "Người Mỹ tuyệt nhiên không tỏ ra sẵn sàng lấy việc thay đổi thái độ của họ đối với Trung hoa nhân dân để trả giá cho những biện pháp của Bắc Kinh nhằm chấm dứt chiến tranh Đông dương"29 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Dự thảo báo cáo về hội nghị Băng Cốc (10-10-1954)). Ngoài các cuộc tiếp xúc được móc nối giữa đại diện lãnh sự Trung Quốc và Mỹ ở Geneva, hội nghị đã không đem lại một sự cải thiện rõ rệt nào trong quan hệ Trung-Mỹ. Nếu tinh thần cùng tồn tại hòa bình có tiến triển ít nhiều ở Geneva, tinh thần chiến tranh lạnh còn ngự trị trong toàn bộ quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 10:05:01 pm
Phác qua một chính sách độc đáo của Trung Quốc tại Tây Âu

Nếu thái độ của Trung Quốc ở Geneva rõ ràng là do thái độ của Mỹ ở Viễn đông chủ yếu quyết định thì trái lại, khi kết thúc một cuộc hội nghị có mục đích giải quyết một cuộc khủng hoảng ở Đông Nam Á mà tự hỏi về vị trí của Tây Âu trong chính sách của Trung Quốc lúc đó là có vẻ ngược đời. Mới thoạt nhìn vào đề tài các cuộc thương lượng, cũng như thời gian thương lượng quá sớm trong lịch sử quan hệ đối ngoại của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, sự suy nghĩ như vậy hình như không thích hợp.


Đối với Trung Quốc, vấn đề Đông dương trực tiếp dính líu đến Trung Quốc không phải chỉ trong thời gian nhưng cũng là trong không gian. Đó là cái cấp bách nhất. Vậy chính là để giải quyết nó mà Chu Ân Lai đã tập trung phần lớn cố gắng của mình vào đấy. Tất cả các cuộc thương lượng mà ông ta đã có thể tiến hành song song luôn luôn được ông ta coi là phụ và giải quyết như một vấn đề phụ. Ngoài ra, mặc dù có sự đối lập, có lẽ chia rẽ Liên Xô với Trung Quốc trong một vài điểm mà chúng tôi cố gắng nêu lên trong chừng mực các nguồn tin của chúng tôi cho phép, mối quan hệ Xô-Trung năm 1954 là những mối quan hệ đồng minh. Điều đó có nghĩa, một mặt những khía cạnh chống Liên Xô là đặc điểm của chính sách Trung Quốc ở Tây Âu mấy năm sau-mặt khác sự phân công trách nhiệm giữa hai nước-Trung Quốc chỉ đóng vai trò năng động đối với các vấn đề Viễn đông-không tạo thuận lợi được bao nhiêu cho việc phát triển một chính sách độc đáo của Trung Quốc ở châu Âu. Chính vì vậy, Trung Quốc đã có thể tiến hành thương lượng ở Geneva mà không bao giờ đả động đến vấn đề cộng đồng phòng thủ châu Âu là vấn đề nổi bật nhất ở châu Âu lúc đó30 (Tuy nhiên, chúng ta lưu ý rằng trong khi yêu cầu Daniel Mayer là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại trong Quốc hội Pháp, cử một đoàn nghị sĩ đến gặp ông ta ở Geneva, Chu Ân Lai đã nói rõ rằng ông ta ước ao đoàn Quốc hội đó sẽ gồm các nghị sĩ đối lập với cộng đồng phòng thủ châu Âu (CED) (Do đó đã chọn Savary và Lacoste). Xem đoạn trên ở chương V. Nói chuyện với ông Savary ngày 1-7-1954), trong khi vấn đề này, trái lại, đã giữ một vị trí quan trọng trong lập luận của Liên Xô31 (Thực ra vấn đề đặt ra là tình trạng quan hệ kinh tế Trung-Xô).


Mặc dầu có những sự dè dặt đó mà người ta không được hạ thấp trọng lượng của nó, chúng ta vẫn có thể phát hiện thấy trong cách xử sự của Trung Quốc ở Geneva một vài "mầm mống" của một chính sách châu Âu sẽ được phát huy đầy đủ, rất muộn về sau này, trong một bối cảnh khác nhau về căn bản.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 10:07:13 pm
Những mâu thuẫn Mỹ-Tây Âu

Trước hết, ngay từ thời kỳ này Trung Quốc đã tìm cách móc nối các quan hệ riêng biệt về kinh tế với Tây Âu. Chắc chắn là mục tiêu của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa trong lĩnh vực này trước hết là để đối phó trực tiếp với chính sách cấm vận của Mỹ. Tức là chính phủ Bắc Kinh chủ yếu mong muốn tăng gấp bội các hiệp định buôn bán với bất cứ nước ngoài nào cũng được. Vì vậy mà trong thời gian hội nghị Geneva, người ta đã thấy Trung Quốc ký kết hoặc đàm phán để ký kết các hiệp định với nhiều nước khác nhau như Phần Lan, Anh hay Indonesia. Về phương diện này, Tây Âu chỉ là một trong những khu vực mà Trung Quốc mong muốn phát triển việc trao đổi buôn bán.


Tuy nhiên, cũng rõ ràng là trong hàng loạt các nước đó, các nước công nghiệp phát triển nhất ở Tây Âu được Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Chỉ cần nhắc lại danh sách một vài công ty có tiếp xúc với các cơ quan thương mại của Trung Quốc ở Geneva cũng đủ để thuyết phục như Công ty rèn, ép Jemmapes (Forges et Laminoirs de Jemmapes) công ty thép Creusot (Aciéries du Creusot). Trung Quốc chủ yếu mong muốn nhập thiết bị cơ bản và sản phẩm chế tạo theo trình độ kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng đòi hỏi của việc thực hiện kh 5 năm lần thứ nhất. Không kể Liên Xô và các nước anh em khác ở Đông Âu32 (Lúc này như thế nào? Tư liệu của chúng tôi dĩ nhiên không đủ để trả lời câu hỏi này. Chúng tôi chỉ lưu ý rằng nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa không bao giờ tham gia Hội đồng tương trợ kinh tế (COMECON) thành lập năm 1949. Về vấn đề này, xem Sidney Klein, sách đã dẫn, và Robert O.Freedman, Economic Warfare in the Communist Bloc. A Study of Soviet Economic Pressure aganist Yugoslavia, Albania and Communist China (Chiến tranh, kinh tế trong khối cộng sản. Nghiên cứu về sức ép kinh tế của Liên Xô đối với Nam Tư, Albania và Trung hoa Cộng sản) Praeger, New York, 1970, tr.103-111), các mặt hàng này chỉ có thể tìm thấy ngoài Tây Âu, ở các nước Mỹ và Nhật. Vậy mà hoàn cảnh quốc tế ngăn cấm Trung Quốc hy vọng đạt được quan hệ buôn bán thực chất với hai nước đó. Vậy thì Tây Âu là khu vực duy nhất có thể đem lại những triển vọng hứa hẹn. Nếu tiêu chuẩn chính trị đóng vai trò quyết định trong sự đối kháng Trung-Mỹ, kể cả trong tình trạng hai nước không có quan hệ kinh tế với nhau, ngược lại tiêu chuẩn đó hình như lại không hướng Trung Quốc vào nước Tây Âu này hơn nước Tây Âu khác. Tại Geneva, Trung Quốc đã nói chuyện với bất kể là với Thụy Sĩ (là nước duy trì quan hệ với chế độ Bắc Kinh ở mức đại biện) hay với Pháp, Tây Đức, Bỉ, Italia (là những nước hãy còn chưa công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung hoa). Tình hình đó sẽ lại xuất hiện mấy năm sau trong quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Tây Âu33 (Năm 1970, ngoại thương của Trung Quốc với các nước Tây Âu chia ra như sau (tính ra triệu đôla). Tây Đức: 270 (chưa Công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung hoa. Anh: 212 (đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung hoa năm 1950. Pháp: 154 (đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung hoa năm 1964). Ý: 132 (đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung hoa năm 1970). Hà Lan: 58 (đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung hoa năm 1950)).


Nhưng nếu người ta muốn nói đến nguồn gốc chính sách của Trung Quốc đối với châu Âu nhân dịp họp hội nghị Geneva, không phải lý do ở những cuộc tiếp cận thương mại đầu tiên, đó mới chỉ là khía cạnh hoàn toàn nhỏ bé của vấn đề. Điều chủ yếu là ở chỗ khác, ở tình hình thuần túy chính trị.


Từ hội nghị Berlin đến hội nghị Geneva, Trung Quốc không ngừng khẳng định như là một cường quốc, quan tâm đến toàn bộ vấn đề trên thế giới, đặc biệt là vấn đề châu Âu34 (Xem đoạn trên ở chương IV). Sau khi đã có thể thảo luận ngang hàng với các cường quốc phương Tây về hai trong các vấn đề quốc tế. Vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông dương-nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa cho rằng hơn lúc nào hết, mình được phép thảo luận các vấn đề quan trọng khác để xây dựng thế cân bằng quốc tế. Rút ra những kế quả của các hiệp định về Đông dương, Chu Ân Lai tuyên bố ở Berlin ngày 24 tháng 7: Nhân dân Trung Quốc liên quan đến hòa bình không phải chỉ ở châu Á mà cũng ở châu Âu nữa35 (Tân hoa xã, Berlin 25-7-1954. Câu này được Chu Ân Lai nhắc lại trong báo cáo trước Hồng đồng Quốc vụ viện 21 tháng 8 ). Thông cáo Trung Quốc-Đức công bố hôm sau nói về quan hệ hai nước, đồng thời nói về an ninh tập thể ở châu Âu và việc vũ trang lại Tây Đức36 (Như trên, Berlin, 26-7-1954). Ngày 27 tháng 7 tại Warsawa, thủ tướng Trung Quốc nhắc lại hai chủ đề này37 (Như trên, Warsawa, 28-7-1954). Trong cùng thời gian, tờ Nhân dân nhật báo cũng đăng một bài dài về an ninh châu Âu38 (Nhân dân nhật báo, 27-7-1954).


Nhưng về các vấn đề khác, nhân hội nghị Geneva, Trung Quốc biết tỏ thái độ, rút cục lại là những nhân tố đầu tiên của chính sách đối với Tây Âu. Thường hơn cả, là thực tế đem đối lập lợi ích của Tây Âu với lợi ích của Mỹ. Người ta còn nhớ, lúc sắp họp hội nghị, Trung Quốc đã nhấn mạnh đến lợi ích của châu Âu (nhất là của Pháp và của Anh) ở châu Á. Cũng thế, khi thông cáo Trung Quốc-Đức ngày 26 tháng 7 ca ngợi sự phát triển và tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Cộng hòa liên bang Đức và Trung Quốc đó là "chiếu cố đến lợi ích của nhân dân Đức"40 (Xem đoạn trên ở chương III). Bản thông cáo nói tiếp: "Một bộ phận lớn các giới kinh tế Tây Đức không tán thành các mối quan hệ một chiều giữa Cộng hòa liên bang Đức và lợi ích của các độc quyền Mỹ"41 (Tân hoa xã, Berlin, 26-7-1954). Để tố cáo hơn nữa dự án của Mỹ về phòng thủ chung ở Đông Nam Á, tờ Nhân dân nhật báo đã nhắc lại rằng liên minh này đi đến "đánh bật Anh và Pháp ra khỏi vùng này"42 (Nhân dân nhật báo, 22-7-1954 (Xã luận)). Người ta có thể nhận xét rằng khi đánh giá những khác nhau về chính sách của Bi-đôn và Măng-đét Phrăng, báo chí Trung Quốc thường kèm theo việc phân tích lối xử sự của hai người đó đối lập nhau trong thái độ đối với Mỹ, vì vậy, trong bài xã luận ngày 22-7-1954, Nhân dân nhật báo so sánh hai thái độ của hai vị chính khách Pháp trong cuộc thương lượng về Đông dương đã viết: "Đoàn đại biểu Pháp của Chính phủ hiếu chiến Laniel Bidault đã đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân Pháp, theo đuôi chính sách tiếp tục và mở rộng chiến tranh của Mỹ". Đúng vậy, rõ ràng tiêu chuẩn quyết định đối với Trung Quốc là chính sách của mỗi bên trong hai chính phủ đó đối với cuộc khủng hoảng Đông dương. Trong trường hợp thứ nhất, Trung Quốc có nguy cơ phải đối phó với một cuộc can thiệp của Mỹ ở Đông dương; trong trường hợp thứ hai, khả năng về một nền hòa bình thông qua thương lượng loại trừ mối đe dọa của Mỹ có nhiều hơn. Nhưng ngoài những sự quan tâm trước mắt, giọng của báo chí Trung Quốc cũng như thái độ của Chu Ân Lai tại Geneva có vẻ như phản ánh ý muốn lâu dài là khai thác những khó khăn giữa Mỹ và Tây Âu để cô lập Mỹ.


Nói một cách tổng quát, thái độ của Trung Quốc đối với Tây Âu, như đã được bày tỏ trong thời gian hội nghị Geneva, tỏ ra phụ thuộc chặt chẽ vào Liên Xô trong những điểm chủ yếu, nhất là về vấn đề Đức và an ninh tập thể. Chỉ nhớ rằng đối với Trung Quốc, có hai mục tiêu ưu tiên:

1.Đi tới bình thường hóa quan hệ với các nước Tây Âu, trước mắt là về thương mại (đây là khía cạnh duy nhất được đoàn đại biểu Trung Quốc đề cập trong các cuộc đàm phán tay đôi ở Geneva). Về lâu dài về ngoại giao.

2.Khẳng định sứ mệnh của Trung Quốc với tư cách là cường quốc thứ 5, được thảo luận các vấn đề châu Âu cũng như các vấn đề quốc tế khác.


Ngoài những phương hướng cơ bản được thể hiện khá rõ rệt với các nhà thương thuyết và nhà quan sát đương thời, chúng tôi còn thấy trong giai đoạn Geneva-mặc dù chưa có chứng cớ rõ rệt-đã ló ra cái quan niệm của Trung Quốc về một Tây Âu thống nhất ở mức độ nhất định do có mâu thuẫn giữa Tây Âu và Mỹ43 (Ở đây chúng tôi dùng chữ thống nhất (UNITÉ) trong nghĩa của phương Tây về "thống nhất châu Âu-Unité européenne (năm 1954 sự thống nhất này chưa có mấy) không bằng nghĩa của Trung Quốc về: "thống nhất" (cuộc đấu tranh) của các dân tộc cùng chung cảnh ngộ bị đế quốc áp bức: Do đó cũng vào lúc này Trung Quốc nói đến thống nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong chừng mực hai nước đã chịu khổ vì chủ nghĩa thực dân Anh); trước hết là ở châu Á mà Trung Quốc có thể hy vọng lợi dụng được, thậm chí trong một phạm vi tổng quát hơn (buôn bán quốc tế, quan hệ ngoại giao, Liên hợp quốc). Thực ra đến năm 1954, khía cạnh này trong chính sách của Trung Quốc chắc là chưa dễ thấy nhất đâu44 (Không có tài liệu tổng hợp nào của Bộ Ngoại giao Pháp nói về khía cạnh đó của chính sách Trung Quốc. Chauvel đã xác nhận điều này (buổi nói chuyện ngày 24-6-1975). Ông Guillermaz cũng cho rằng năm 1954 Trung Quốc chưa có chính sách gì về châu Âu chẳng hạn, ông nhận xét rằng tại Geneva Chu Ân Lai không có phân biệt gì giữa Bidault biểu tượng của chủ nghĩa Đại Tây dương và Mendès France là người lúc đó đã chuyển sang một chính sách độc lập hơn với Mỹ (cuộc nói chuyện ngày 14-3-1973). Bối cảnh của "chiến tranh lạnh" đương nhiên làm cho ngoại giao của Trung Quốc phải hoàn toàn giống Liên Xô cùng theo đuổi những mục tiêu tương tự. Nhưng có lẽ bối cảnh chiến tranh lạnh báo hiệu một cách chính xác nhất chính sách tương lai của Trung Quốc đối với châu Âu, đặc biệt là những lý thuyết về "khu vực trung gian thứ hai" ra đời vào những năm 1960 và về "thế giới thứ hai" những năm 197045 (Dĩ nhiên bối cảnh của thời kỳ này là cuộc xung đột Trung-Xô căn bản khác với tình hình năm 1954. Nhưng ý kiến về một Tây Âu bị Mỹ bóc lột, được nói ra từ năm 1954 sẽ là nền tảng của "mâu thuẫn" giữa "khu vực trung gian thứ hai" với chủ nghĩa đế quốc Mỹ).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 10:11:07 pm
Hình ảnh Trung Quốc ở Tây Âu

Bối cảnh chiến tranh lạnh ở Tây Âu cũng như ở Mỹ, làm cho việc xem xét chính sách của Trung Quốc thiếu khách quan. Trong lúc Điện Biên Phủ bị bao vây, việc Trung Quốc viện trợ ồ ạt cho Việt Nam đã làm chấn động một bộ phận dư luận Pháp. Rồi sau khi hội nghị Geneva bế mạc, vụ một máy bay thương mại-một phương tiện chở thư của một công ty Anh ở Hồng Công bị người Trung Quốc hạ ở ngoài khơi đảo Hải Nam ngày 23 tháng 7 gây ra ở Anh một sự xúc động dễ hiểu. Những sự kiện như vậy chỉ có thể nhen lên những tình cảm chống Trung Quốc của một bộ phận lớn trong dư luận Tây Âu. Dù sao tình hình đó cũng không thuận lợi mấy cho việc đánh giá thận trọng tính đặc thù trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng như lợi ích có thể khai thác được về mặt thế cân bằng quốc tế.


Tuy nhiên, khung cảnh châu Âu rất xa lạ với khung cảnh ở Mỹ. Về đối nội, châu Âu không hề có biểu hiện của chủ nghĩa Maccarthysme-chủ nghĩa phát xít mới ở Mỹ-N.D). Nhưng về đối ngoại có những quan điểm đối chọi nhau kịch liệt, giữa Tây Âu và Mỹ. Một mặt, như Trung Quốc thường nhấn mạnh đúng là trước và trong thời gian hội nghị Geneva, trong nhiều trường hợp lợi ích của Mỹ và của Tây Âu không ăn khớp với nhau, nhất là ở Viễn đông. Một bộ phận dư luận, nhất là các giới kinh tế, ý thức được vấn đề đó. Mặt khác đối với PHáp cũng như đối với Anh, việc kết thúc chiến tranh Đông dương, trái ngược với điều xảy ra ở Mỹ, được đón nhận như một sự an ủi lớn lao hơn là một thất bại. Cuối cùng, trong cuộc khủng hoảng Đài Loan là vấn đề gay cấn nhất ở Viễn đông sau chiến tranh Triều Tiên và Đông dương, Tây Âu lại ít dính líu hơn rất nhiều, do đó dư luận cũng kém nhậy cảm hơn so với Mỹ. Bấy nhiêu nhân tố cắt nghĩa tác động rất khác nhau mà Trung Quốc thấy được ở Tây Âu về kết quả của cuộc thương lượng ở Geneva.


Đặc biệt là ở Anh; từ tháng 4 năm nay, chính phủ London giữ thái độ ôn hòa đối với vấn đề Trung Quốc, phần lớn báo chí bảo thủ cũng như báo chí Công Đảng đã tán thành những cố gắng của I-đơn cùng với Chu Ân Lai tìm ra công thức thỏa hiệp ở Đông dương. Dư luận rất hoan nghênh việc Trung Quốc cam kết tôn trọng độc lập của Lào và Campuchia mà Anh đặc biệt quan tâm46 (Ví dụ Times (Thời báo) 16-7-1954. Báo cáo trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Massigli/London/số 2862 16-7-1954). Một cách tổng quát hơn, báo chí đã hoan nghênh ý muốn của Trung Quốc đi đến một giải pháp bằng thương lượng47 (Ví dụ Times (Thời báo) 19-7-1954. Báo cáo trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Massigli/London/số 2876 19-7-1954) trùng hợp với mục tiêu của Anh. Vì vậy phản ứng của báo chí đối với hiệp định ngày 21 tháng 7 căn bản khác với phản ứng ghi được ở bên kia Đại Tây dương.


Tờ báo Người bảo vệ Manchester (Manchester Guardian) nêu bật ý chí hòa bình của Trung Quốc: "Về tinh thần, chúng ta sẽ ở thế yếu nếu chúng ta từ chối thương lượng trong lúc người Trung Quốc tỏ ra yêu chuộng hòa bình hơn. Đóng hết các cửa với người Trung Quốc, không đếm xỉa đến họ như nhiều người Mỹ mong muốn, sẽ là một chính sách yếu đuối và khờ dại"48 (Manchester Guardian (Người bảo vệ Manchester) 21-7-1954. Báo cáo trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Massigli/London/ số 2902/21-7-1954). Về phần mình, tạp chí Nhà kinh tế học (The Economist) nhận xét rằng Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ mới hướng về mục tiêu của họ là cơ được quy chế cường quốc"49 (The Economist (Nhà kinh tế học) 24-7-1954). Có thể trích dẫn nhiều bài xã luận khác để minh họa tính chất rất thực tế và xây dựng của các kết luận của Anh. Chắc chắn là điều đó không ngăn cản tờ báo đó lên tiếng cùng với nhiều báo khác ủng hộ việc thành lập tổ chức Hiệp ước liên minh phòng thủ chung Đông Nam Á, nhưng so với báo chí Mỹ thì giọng ôn hòa hơn nhiều. Tờ Điện tín hàng ngày (Daily Telegraph) viết rằng để có hiệu lực, một hiệp ước như vậy không được để cho các nước trong nhóm Cô-lôm-bô phản đối50 (Daily Telegraph (Điện tín hàng ngày) 21-7-1954. Báo cáo trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Massigli/London/số 2902/21-7-1954), điều này có nghĩa là làm cho hiệp ước đó mất đi, càng nhiều càng hay, tính chất chống Trung Quốc mà lâu nay người ta thường gán cho Washington.


Nhưng ngoài những bài xã luận tức thời, trong những tháng tiếp theo, thường xuyên có một chiều hướng dư luận ủng hộ việc đề cập vấn đề Trung Quốc một cách thực dụng và nghiêm túc. Đây là đặc điểm nổi bật nhất của sự phản ứng của Anh. Bối cảnh các mối quan hệ tay đôi Trung-Anh sẽ càng ủng hộ nhiều cho tình hình trên. Như vậy đối với London, kết cục của sự kiện nghiêm trong ở đảo Hải Nam ngay từ hôm 26 tháng 7 sẽ là một công hàm xin lỗi của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh giải thích rằng chiếc máy bay đã bị hạ vì tưởng lầm là của "bè lũ Quốc dân đảng". Trung Quốc tỏ ý tiếc về sự hiểu lầm này, tỏ lời chia buồn đến các gia đình nạn nhân và nhận sẽ bồi thường51 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 26-7-1954. Về vấn đề này xem H.Trevelyan sách đã dẫn, tr.110-111. Anh đòi bồi thường 367.000 bảng Anh. Trung Quốc bắt đầu trả từ tháng 12. Coral Bell, sách đã dẫn, tr.248). Một kết cục khác hẳn thấy ở Mỹ đối với vụ rắc rối xảy ra 24 tiếng đồng hồ trước đó khi máy bay hải quân của Mỹ đã hạ 2 máy bay Trung Quốc để trả đũa. Rồi sau đó mấy ngày, một phái đoàn quan trọng của Công Đảng do Attlee (sẽ được Chủ tịch Mao Trạch Đông tiếp) và Bevan đích thân cầm đầu lên đường đi Bắc Kinh theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc. Đó sẽ là cơ hội để báo chí Anh trong hầu hết tháng 8, nói trở lại về tiến bộ của Trung Quốc, việc thành lập các cơ chế chính thức, sự cố gắng công nghiệp hóa. Như báo Người bảo vệ Manchester đăng bài về chính sách đối nội của nhà cầm quyền Trung Quốc nhan đề "Một chính phủ thanh liêm đang hoàn thành một công tác vĩ đại"52 (Manchester Guardian, 3-9-1954. Trong báo chí Trung Quốc, xem các bài của Morgan Philipps trong báo Le Populaire 3-9-1954 và của Chauvel Attlee trong Aurore 7, 8, 9, 10, 13, 14 và 15-9-1954).


Nhưng đó cũng sẽ là dịp để nhà cầm quyền Bắc Kinh trở lại vấn đề cần thiết củng cố các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Anh, nhất là trong lĩnh vực kinh tế53 (Về chuyến đi này, xem chủ yếu H.Trevelyan, sách đã dẫn, tr.118-120. Về các bài bình luận Trung Quốc liên quan đến chuyến đi thăm này, xem Nhân dân nhật báo, Đại công báo, Quang minh nhật báo, 15-8-1954 cũng như People's China 16-8-1954. Báo chí Trung Quốc đã dành cho chuyến đi thăm này, tầm quan trọng nổi bật). Một không khí rất khác với không khí về cuộc khủng hoảng Đài Loan ở cùng thời gian này mà Mỹ tỏ ra nhậy cảm. Điều này đã giải thích hình ảnh của Trung Quốc sau hội nghị Geneva được tiếp nhận một cách trái ngược nhau giữa Washington và London.


Là cường quốc phương Tây duy nhất công nhận Trung hoa nhân dân, đã từ chối tham gia "hành động chung" để cứu Điện Biên Phủ, có quan hệ chặt chẽ với nhóm Cô-lôm-bo, Anh đã được chọn làm đồng chủ tịch hội nghị Geneva, thực sự đóng vai trò trọng tài ở Geneva. Vì vậy, Anh phải có một tầm nhìn rộng đối với các vấn đề vì đặt vấn đề Trung Quốc trong một triển vọng càng rộng lớn càng hay. Đương nhiên tầm nhìn như vậy thể hiện trong dư luận Anh nhất là trong báo chí54 (Một trong các bài đáng ngạc nhiên nhất là về phương diện này, nhưng chắc là không tiêu biểu lắm của dư luận trung bình ở Anh là các bài của Tiến sĩ Hewlett Johnson, đứng đầu tu viện Canterbury đăng trong People's China, số 19 ngày 1-10-1954, tr.42.43).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 10:13:36 pm
Trái lại, nước Pháp trực tiếp dính líu đến cuộc khủng hoảng. Do phải cố gắng đáp ứng nhu cầu hàng ngày về sức người, về vật chất và chính trị cho Đông dương, Pháp không thể suy nghĩ sâu sắc về thế cân bằng mới đang hình thành ở Viễn đông và về vị trí có thể có của nước Trung hoa mới. Cuộc khủng hoảng Chính phủ xảy ra nhiều đã làm sói mòn chế độ từ nhiều năm, gây trở ngại cho mọi hành động liên tục và cả mọi tư tưởng chiến lược quy mô lớn về châu Á. Ngày nay đều nhận thấy nổi bật là các nhà lãnh đạo chính trị và chỉ huy quân sự Pháp chịu trách nhiệm về Đông dương vào thời kỳ đó đã rất ít nói về Trung Quốc trong các bài viết của mình. Sau ngừng bắn, nhiều mối quan tâm cấp bách khác thay thế cho những sự lo ngại về quân sự trước đó: mưu đồ của Mỹ, khó khăn với chính phủ Ngô Đình Diệm, sự chống đối của các giáo phái, chuyển giao chính quyền cho các quốc gia liên kết v.v...55 (Về tình hình Hải ngoại, không kể đến tình hình đang xấu đi ở Maroc và Tunisie). Có nghĩa là bị thu hút vào các việc, nước Pháp-những người đứng đầu cũng như dư luận công chúng-không bao giờ có thì giờ vượt lên trên các vấn đề trước mắt của Đông dương và xem xét tình hình chung với tầm nhìn như Anh. Cuối cùng cần thêm rằng sự có mặt của Anh ở Hồng Công và sự dính líu của họ vào các công việc của Trung Quốc từ giữa thế kỷ XIX sâu hơn Pháp, dĩ nhiên là làm cho Anh chú ý đến cách xử sự của chính phủ Bắc Kinh.


Điều này không có nghĩa là sau hội nghị Geneva, một số nhà chính trị chuyên gia hoặc người viết xã luận Pháp đã không phân tích đúng đắn chính sách của Trung Quốc và cố gắng rút ra những kết. Vào đúng hôm bế mạc hội nghị, khi mlt hỏi chính phủ Paris có trù liệu thay đổi quan hệ đối với Trung Quốc không, Măng-đét Phrăng đã tuyên bố: "Tôi đã có thể hợp tác nhiều lần với ông Chu Ân Lai và tôi mong ràng tình hình sẽ được bình thường hóa sao cho phù hợp với thực tế"* (Nguồn tư liệu chưa được phép công bố). Đồng thời, trong báo cáo tổng kết về "Nước Trung hoa nhân dân tại Geneva", đại tá Ghi-éc-ma là người thường xuyên giao thiệp với đoàn đại biểu Trung Quốc trong suốt thời gian hội nghị đã nêu lên chính sách thông minh của Chu Ân Lai. Ông ta viết: "Nhất là chính sách đó tỏ ra đối lập với "sự hiếu chiến" của Mỹ chỉ lo đến hiệp ước liên minh và viện trợ quân sự, còn thiện chí của Trung Quốc đều hướng về hòa bình, sự cùng tồn tại, và các giải pháp thương lượng. Chính sách đó không thể không làm yên lòng đa số các nước châu Á và khuyến khích họ đi vào con đường trung lập. Sắp đến hội nghị Manila, chúng ta có thể đo được kết quả của chính sách đó". Điều đó neeuy lên một vấn đề cần tiến hành các cuộc tiếp xúc thực tế với chính phủ Trung Quốc. Ông ta kết luận: "Hôm nay tôi tự giới hạn vào việc dặt vấn đề đó; đương nhiên vấn đề bao gồm nhiều giải pháp khác nhau, giải pháp quan hệ ngoại giao chính thức chắc chắn là giải pháp tốt nhất đối với Pháp"56 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ của Tùy viên quân sự gửi Bộ Tham mưu các lực lượng vũ trang. Cục 2 Paris/về vấn đề "Trung hoa nhân dân tại Geneva/số 245 AM/Băng Cốc/31-8-1954, tr.4 và 20). Những phản ứng như vậy chứng tỏ rằng ở Paris cũng như London, ít nhất ở trình độ nào đó, người ta tin tưởng vào sự cần thiết phải xem xét lại chính sách của phương Tây đối với châu Á tùy theo những ý định thật sự của Trung Quốc đã nắm được ở hội nghị.


Tuy nhiên, tại Quốc hội Pháp, các cuộc thảo luận ngày 22 và 23 tháng 7, sau khi hiệp định Geneva được ký kết, đã chứng tỏ các nghị sĩ không quan tâm mấy đến khía cạnh Trung Quốc của vấn đề. Chỉ có Waldeck Rochet thay mặt Đảng Cộng sản Pháp, công khai bênh vực từ bỏ chính sách phân biệt đỗi ử đối với Trung hoa nhân dân đã đóng vai trò lớn lao như vậy tại Geneva, đòi cho Trung Quốc được gia nhập Liên hợp quốc57 (Công báo. Thảo luận quốc hội-quốc hội, 24-7-1954, phiên họp ngày 23-7, tr.3575). Trái lại, hoàn toàn đi ngược với bài học rút ra ở hội nghị, tướng Benouville thuộc phe hữu, đánh giá Trung Quốc đã thúc đẩy Việt minh xóa bỏ mọi ảnh hưởng của Pháp ở Đông dương58 (Như trên, tr.3537).


Sự phản ứng của báo chí phản ánh tâm trạng lưỡng lự của dư luận Pháp đối với nước Trung hoa mới. Ngoài báo Nhân đạo (l'Humanité) chỉ có vài bài báo gợi lại khả năng bình thường hóa với chính phủ Bắc Kinh. Như R.Guillian viết trên tờ Thế giới (Le Monde) về chính sách chìa bàn tay ra của người Trung Quốc tại Geneva và gợi ý cử "một người tiền trạm đi Bắc Kinh để đàm phán về các điều kiện nối lại quan hệ ngoại giao" (nhưng dễ nhận xét rằng chưa làm được việc gì theo hướng này)59 (Le Monde, 3-12-1954). Tuy nhiên, giọng điệu các nx liên quan đến Trung Quốc thường là rất thất vọng. Tướng Cornion Molinier viết trong tờ Báo Paris (Paris Presse) trong hiệp định chỉ thấy sự bắt đầu của "cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng" giữa Pháp và Trung Quốc ở Đông dương60 (Paris Presse, 26-7-1954).


Nhiều khi, những nhà bình luận thích nhấn mạnh Trung Quốc không thể hợp tác được với Việt Minh. Báo Chữ Thập (La Croix)61 (La Croix, 27-7-1954) nhận xét: "Nước Trung hoa, que ehwowng của chủ nợ quá quen thuộc, không bao giờ được ưa thích ở Việt Nam". Đối với tờ Cải Lương (Ré forme) trái lại, Việt Minh "có nguy cơ ngả vào vòng tay của Trung Quốc" mà nước Pháp chỉ có thể cứu vãn bằng cách giữ quan hệ chặt chẽ với họ62 (Réforme). Về mặt kinh tế, ý kiến phổ biến nhất là "Cộng hòa Nhân dân Trung hoa sắp sửa thay thế Pháp, nhưng chính phủ Hồ Chí Minh lo giữ độc lập đối với Trung Quốc, đành cho các công ty Pháp một vài hy vọng về quan hệ kinh tế với Bắc Việt Nam"63 (Les Echos, 29-10-1954). Trái lại, báo chí chuyên ngành đánh giá việc tăng cường buôn bán giữa Trung hoa nhân dân và nước Pháp sau khi hiệp định Geneva được ký kết, là không chắc chắn mấy. Ví dụ báo Kinh tế (l'Économie) nói:

"Sự phát triển trao đổi buôn bán với Trung Quốc đòi hỏi phải giúp đỡ rất nhiều về tài chính cho nước này cũng như mọi nước chậm phát triển khác. Ngay cả trong một tình hình quốc tế ít căng thẳng hơn nhiều so với tình hình hiện nay, có vẻ đúng là dành những thuận lợi như trên cho các nước chậm phát triển ở Viễn đông có một chế độ xã hội và những nguyện vọng chính trị ít xa lạ với chúng ta sẽ được tán thành dễ dàng hơn"64 (Économie, 30-9-1954).


Nếu có một số bài xã luận, nhất là về kinh tế, không phải là không có cơ sở, nói chung, những phản ứng của báo chí Pháp thường lộn xộn và thiển cận, thể hiện sự thiếu quan tâm và không hiểu sâu sắc tình hình Trung Quốc ở trong nước65 (Từ năm 1949, rất ít sách có giá trị viết về Trung hoa nhân dân được xuất bản ở Pháp). Trái lại với tình hình bên kia biển Manche (chỉ nước Anh), dư luận công chúng ở Pháp không nhận thức được bao nhiêu tầm cỡ của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này và nhất là việc Trung Quốc giải quyết quộc khủng hoảng đó. Nhận thức về chính sách của Trung Quốc chắc chắn là có tiến triển nhưng hạn chế hơn ở Anh rất nhiều. Có lẽ Trung Quốc gặp ở Pháp một miếng đất khó khăn hơn, do việc tuyên truyền cho nguyên tắc "cùng tồn tại hòa bình" của Trung Quốc lại nhập cục với cuộc vận động của Đảng cộng sản Pháp cho hòa bình ở Đông dương thường bị một bộ phận dư luận cho là một sự phản bội thật sự đối với đất nước.


Việc xem xét các phản ứng công cộng ở các nước Tây Âu khác-là những nước cũng chú ý nhưng lại ở xa cuộc khủng hoảng-kém ý nghĩa hơn nhiều. Vả lại, muốn làm việc đó, tất phải nghiên cứu chi tiết bối cảnh bên trong cũng như bên ngoài của riêng từng nước, mà sự hiểu biết là cần thiết để phân tích những phản ứng như vậy. Có thể kể làm ví dụ những bài bình luận của báo Hà Lan, lúc này, nhậy cảm với quan điểm của Washington hơn là của London. Những báo hàng ngày khác nhau như tờ Maasbode, khuynh hướng công giáo, Hetparool, xã hội chủ nghĩa độc lập, hoặc Nieuwe Haagche Courant, công giáo quốc gia, đều gặp nhau ở chỗ chỉ nhìn thấy kết quả cuộc thương lượng tại Geneva như là "một thắng lợi của Trung hoa Cộng sản đối với phương Tây"66 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Garnier/La Haye/số 276/22-7-1954). Nhưng sự nghiêm khắc bề ngoài của các bài bình luận đó chỉ có thể hiểu được nếu người ta gắn nó với những khó khăn của Hà Lan trong việc đòi cho đại diện của họ tại Bắc Kinh được hưởng quy chế ngoại giao chính thức trong khi Hà Lan đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung hoa từ 195067 (Việc trao đổi đại biện giữa Bắc Kinh và La Haye sẽ được hai bên thỏa thuận ngày 19-11-1954) cũng như những khó khăn mà Ha Lan cảm thấy vào mùa hè 1954 đối với một nước Indonesia trung lập đang bị chính sách đối ngoại của Trung Quốc quyến rũ68 (Khối liên hiệp Hà Lan-Indonesia kết thúc ngày 10-8-1954).


Tuy nhiên, nói chung, theo những bài bình luận của các nhà chính trị và báo chí được các đại diện ngoại giao của Pháp tại nhiều thủ đô khác nhau ở Tây Âu tập hợp, thì trong đa số các trường hợp, thái độ của Trung Quốc trong cuộc hội nghị đã luôn luôn được chăm chú quan sát và nhiều khi được tiếp nhận một cách hài lòng. Khi tuyên bố "ông ta phấn khởi nhận thấy cuộc hội nghị mà lần đầu tiên có bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Trung Quốc tham dự đã đạt được một kết quả đáng hài lòng"69 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Bourdeillette/Cophenhague/Số 238/22-7-1954), bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch-đúng là Đan Mạch đặt quan hệ ngoại giao bình thường với Cộng hòa Nhân dân Trung hoa từ 1950-chắc chắn là đã thể hiện một tình cảm khá phổ biến70 (Ngoài Tây Âu, hình như đó cũng là trường hợp của Canada. Vì vậy mà Holmes, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tuyên bố với Đại sứ Pháp tại Ottawa rằng: "Nhân cách của ông Chu Ân Lai chắc chắn đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với đoàn đại biểu Canada tại Geneva và ông ta lo ngại rằng việc Trung hoa Cộng sản vắng mặt tại New York làm cho Liên hợp quốc đứng ngoài các giải pháp về các vấn đề quốc tế quan trọng (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Hubert Guerin/Ottawa/số 476-477/31-7-1954). Đồng thời Reid, Cao ủy Canada tại New Delhi, tâm sự với đại diện Pháp rằng chính phủ ông mong muốn một công thức ở Đông dương không mang lại đe dọa đối với Trung Quốc (ám chỉ khối SEATO) và trong tinh thần đó, ông ta lo ngại về những dự án viện trợ của Mỹ cho Thái Lan (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Ostrorog/New Delhi/Số 834-36/23-7-1954).


Ra khỏi hội nghị Geneva, nếu quy chế ngoại giao của Cộng hòa Nhân dân Trung hoa vẫn không thay đổi (sự thỏa thuận Trung Quốc-Anh là một ngoại lệ) rõ ràng là thái độ hòa giải của Trung Quốc đã được nêu cao ở phần thái độ hòa giải của Trung Quốc đã được nêu cao ở phần nhiều các thủ đô Tây Âu và được một bộ phận dư luận thông cảm. Chắc chắn là chiến tranh lạnh, trước mắt không cho phép rút ra tất cả những kết luận của tình hình này. Nhưng ngay lúc này, Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra ở Tây Âu một không khí vô cùng thuận lợi cho họ hơn là ở Mỹ. Đó là những kết quả đầu tiên mà 10 năm sau sẽ làm cơ sở cho chính phủ Bắc Kinh xây dựng chính sách Tây Âu của mình.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 10:14:53 pm
Trung hoa nhân dân, cường quốc mới ở châu Á

Trung hoa nhân dân đề nghị một thế cân bằng mới đối với châu Á


Đối với tất cả các nước châu Á, hiệp định ngày 21 tháng 7 đánh dấu sự kết thúc một cuộc xung đột mà nhiều người lo nó mở rộng. Nhưng với một số trong các nước đó, hội nghị Geneva có thêm một ý nghĩa nữa: một nước Trung hoa đang hồi sinh bước lên sân khấu quốc tế đặt ra với các nước láng giềng châu Á một thế cân bằng quốc tế mới.


Một điểm rõ là: chủ đề về nước Trung hoa được giải phóng, người dẫn đường và mẫu mực của các cuộc cách mạng châu Á đã bị bỏ rơi (ít nhất là tạm thời). Không một lúc nào, Chu Ân Lai lại tỏ ra muốn áp đặt "con đường Trung Quốc" hay "mô hình Trung Quốc" đối với bất cứ ai, mà hoàn toàn ngược lại. Chắc chắn là ông ta luôn luôn (nếu không phải là hoàn toàn) ủng hộ Việt Minh rất gần gũi với Trung Quốc mới về mặt tư tưởng. Nhưng sự ủng hộ đó đã dành cho Việt Minh mang danh là lực lượng quốc gia chiếm ưu thế ở Đông dương, một tư cách mà ở châu Á không phải chỉ có chính phủ Bắc Kinh mới thừa nhận đối với phong trào của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trái lại những cuộc thương thuyết về Lào và Campuchia đã chứng tỏ Trung Quốc mong muốn được kiểu chế độ xã hội nào bao quanh. Chẳng phải là Thủ tướng Trung Quốc đã tuyên bố cho Trưởng đoàn Bidault trong cuộc gặp lần thứ ba ngày 17 tháng 6: "chúng tôi muốn thấy Lào và Campuchia trở thành những nước dân chủ và hòa bình, theo gương các nước Đông Nam Á như Indonesia, Miến Điện hoặc Ấn Độ (...). Nếu chế độ nhà Vua hiện nay được nhân dân ở hai nước này chấp nhận tôi không thấy vì lẽ gì lại không duy trì nó"71 (Xem đoạn trên ở chương VII). Vậy là Trung Quốc không mong muốn lần lượt thiết lập các nhà nước cách mạng dập khuôn theo kiểu Trung Quốc như một vài tuyên bố những năm 1949-1950 đã cho thấy. Việc xuất hiện các nước dân chủ và hòa bình trên nền tảng chủ nghĩa quốc gia chân chính như các nước thuộc nhóm Cô-lôm-bô72 (Ngoại trừ Pakistan và Sri Lanka), trái lại, tỏ ra hoàn toàn thuận lợi đối với thế cân bằng quốc tế mới mà Trung Quốc mong đợi ở châu Á.


Đương nhiên, mục tiêu công khai của một chính sách như thế là chấm dứt ảnh hưởng của phương Tây trong vùng này của thế giới. Vả lại không phải là chấm dứt ảnh hưởng quá nhiều đối với Anh (mà ảnh hưởng ở đây khiêm tốn thôi) vì Ấn Độ được đề nghị như một mẫu mực thì vẫn thuộc khối Thịnh vượng chung (Commonwealth)-Chu Ân Lai hoan nghênh điều này73 (Chu Ân Lai đã tuyên bố điều này với Phó Tổng thống Ấn Độ, Tiến sĩ Radhakrishnan. Xem Manchester Guardian 30-6-1954) hoặc quá nhiều đối với Pháp vì Trung Quốc đã tuyên bố tán thành giữ các quốc gia ở Đông dương trong Liên hiệp Pháp. Nhưng chủ yếu là chấm dứt ảnh hưởng của Mỹ như là kẻ thù chính của toàn bộ châu Á. Nhằm mục đích đó, Trung Quốc khuyến khích tất cả mọi thứ chủ nghĩa quốc gia. Do đó, mấy ngày sau hội nghị Geneva bế mạc, tờ Nhân dân nhật báo đã có bài ở đầu trang nói về phát biểu của cựu Thủ tướng Thái Lan Pridi Panomyong, kịch liệt tố cáo chính phủ Băng Cốc theo đuôi Mỹ và tán dương một chính sách độc lập hoàn toàn cho đất nước74 (Nhân dân nhật báo, 29-7-1954). Trung Quốc đưa ra công thức "hòa bình chung" dựa trên việc tôn trọng năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình để đối lập với dự án của Mỹ về "Hiệp ước phòng thủ chung ở Đông Nam Á" mà Trung Quốc mô tả như một biểu hiện xâm lược của đế quốc Mỹ để phương Tây tăng cường bóc lột các dân tộc châu Á75 (Xem People's China số 20, 16-10-1954 ("For Collective Peace in Asia"-Vì một nền hòa bình chung ở châu Á).
Nhưng đi đôi với những lời cổ vũ và những đề nghị như trên. Trung Quốc còn phải làm cho châu Á yên tâm về ý đồ thật sự của mình. Đó là mục đích chủ yếu của Chu Ân Lai đối với các nước châu Á trong suốt thời gian hội nghị Geneva. Việc ký kết hiệp ước Trung-Ấn về Tây Tạng ngày 29-4-1954, đã đưa lại một kết quả tốt đẹp về hướng vấn đề Lào và Campuchia và lập trường của họ thường ôn hòa hơn Việt Minh đã chứng minh cho thiện chí của Trung Quốc. Sau hết, chuyến đi thăm Ấn Độ và Miến Điện, không nhằm mục tiêu nào khác là làm cho các nước châu Á an tâm: "cách mạng không thể đem xuất khẩu" như đã nhắc lại trong điều 4 của thông cáo Trung-Miến ngày 29 tháng 6 năm 1954.


Ngoài ra, ngay tại Geneva, ngoài vấn đề Đông dương, đoàn đại biểu Trung Quốc đã thường xuyên tìm cách làm dịu bớt sự lo ngại của các nước châu Á. Chu Ân Lai đã tiếp xúc với nhiều nhân vật châu Á, kiên trì trình bày với họ những mục tiêu hòa bình của nước Trung hoa mới: Krishna Menon (gặp 9 lần), bà R.A.Kaur, bộ trưởng Y tế Ấn Độ (18 tháng 5), ông Y.D.Gundevia, đại sứ Ấn Độ tại Thụy Sĩ (Trương Văn Thiên tiếp ngày 18-5), ông A.Agung, đại sứ Indonesia tại Pháp (15 tháng 5 và 22 tháng 7), không kể những đại diện không cộng sản của ba nước ở Đông dương để được xếp hàng chục lần trong bốn tuần lễ cuối cùng của cuộc thương thuyết76 (Gặp Tep Phan các ngày 20 tháng 6, 14, 17, 20 và 22 tháng 7, gặp Sanani Kone các ngày 21 tháng 6, 14, 18 và 22 tháng 7, gặp Ngô Đình Luyện ngày 22 tháng 7. Các cuộc nói chuyện này đều được Tân hoa xã ở Geneva đưa tin liền trong ngày). Về phần mình, Trần Gia Khang, vụ trưởng vụ châu Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong bữa cơm tối thết đãi đoàn đại biểu Pháp, ngày 3 tháng 7 đã nói chuyện với đại sứ Ghi-éc-ma về vấn đề Hoa kiều ở Đông Nam Á, nói rõ rằng nếu cần, Trung Quốc sẽ vui lòng đón họ trở về lục địa để chấm dứt mối lo ngại của các chính phủ địa phương77 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ của Tùy viên quân sự giữa Bộ tham mưu các lực lượng vũ trang. Cục 2/Paris/số 245-AM/về vấn đề "Trung hoa nhân dân ở Geneva Băng Cốc/31-8-1954/tr.13). Một cách rõ ràng hơn nữa, ngày 21 tháng 7, lúc sắp rời Geneva, Chu Ân Lai xác nhận với Ghi-éc-ma rằng "ông ta đặc biệt chú ý việc Hoa kiều lựa chọn giưa thái độ trung lập tuyệt đối về chính trị hay là sự đồng hóa bằng cách nhập quốc tịch các nước hộ cư trú". Biết rằng đại tá sắp đi Thái Lan nhận chức tùy viên quân sự, ông ta nói thêm "Nếu ở Băng Cốc, người ta còn lo ngại, ông có thể trả lời ràng Trung Quốc không đe dọa ai, rằng chính sách của chúng tôi là yêu chuộng hòa bình như chúng tôi vừa chứng minh ở Geneva, và ông hãy tin chắc vào sự bảo đảm của bản thân Chu Ân Lai"78 (Như trên).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 10:21:46 pm
Uy tín của Trung hoa nhân dân ở châu Á

Không cường điệu quá mức, nhưng chắc chắn rằng thái độ hòa giải đó đã có kết quả đáng kể đối với hình ảnh của Trung Quốc ở châu Á.

Ngay tại Geneva, Chu Ân Lai đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với đa số người đối thoại châu Á. Những luận điệu ôn hòa, và dịu giọng của ông ta đã gây ấn tượng tốt với các đoàn đại biểu Lào và Campuchia, được tất cả các nhà quan sát, nhất là đoàn đại biểu Pháp chú ý79 (Nói chuyện với Guillermaz, 21-5-1975). Nói về đại diện riêng của ông ta ở hội nghị, thái tử Sihanouk sau này xác nhận là "tại Geneva, thủ tướng Trung Quốc đã hoàn toàn quyến rũ được đoàn đại biểu của tôi, mặc dù là rất chống cộng"80 (N.Sihanouk, sách đã dẫn, tr.55. Đúng là tình thế của thái tử Sihanouk trong lúc tuyên bố như vậy ở Bắc Kinh vào tháng 7-1971 có thể làm cho tính chất khách quan của nhận xét là đáng nghi ngờ. Ngoài ra, những cuộc nói chuyện của chúng tôi với các đại biểu Việt Nam đã xác nhận rõ ràng ấn tượng tốt mà Chu Ân Lai đem lại cho họ (nhất là cuộc nói chuyện với Ngô Đình Luyện, ngày 9-2-1976).


Nhưng ngoài cảm tưởng của đại biểu này hay đại biểu khác chính là phản ứng của nhiều nhân vật lãnh đạo và một bộ phận báo chí châu Á đối với vai trò của Chu Ân Lai ở Geneva cho phép xác định được hình ảnh mới của Trung Quốc sau hội nghị.


Cho nên những người đứng đầu các chính phủ trung lập ở châu Á, trong điện văn gửi thủ tướng Trung Quốc chúc mừng những mầm mống hòa bình mà các hiệp định ký kết đem lại, đã nhấn mạnh vai trò chủ yếu của Trung Quốc trong suốt quá trình thương lượng. Thủ tướng Nehru viết: "Tôi xin gửi tới ngài và chính phủ ngài lời chúc mừng chân thành về hiệp định đạt được ở Geneva về Đông dương trong đó ngài đã góp phần to lớn nhất và xuất sắc". Còn John Kotelawala, thủ tướng Sri Lanka thì tỏ ý tin chắc rằng "Trung Quốc sẽ bảo đảm quyền của nhân dân Đông dương được quyết định tương lai của mình"81 (Điện Nehru (Ấn Độ) Mohamed Ali (Pakistan) Ali Sastroamidjojo (Indonesia) và Kotelawala (Sri Lanka) đăng trong bản tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 24-7-1954). Đúng là những công thức ngoại giao nhưng cũng là hy vọng của những người có trách nheiemj trong nhóm Cô-lôm-bô về sự tồn tại hòa bình ở châu Á mà Trung Quốc ca ngợi có thể ngăn cản không cho chiến tranh lạnh biến thành những cuộc đụng độ mới. Trả lời các điện mừng đó vào mấy hôm sau, đến lượt Chu Ân Lai nhấn mạnh những khả năng hòa bình mà đường lối chính trị của nhóm Cô-lôm-bô đem lại. Đối với thủ tướng Nehru hay thủ tướng Ali Sastroamidjojo, ông ta nhắc lại sự mong muốn có hợp tác lớn hơn nữa giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Ấn Độ và Indonesia82 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 5-8-1954). Dè dặt hơn đối với Pakistan (vì lập trường thân Mỹ của Karachi), Chu Ân Lai đành lòng trả lời cho thủ tướng Mohamed Ali rằng việc lập lại hòa bình ở Đông dương có thể loại trừ nguy cơ "chia rẽ và đối kháng giữa các quốc gia châu Á"83 (Như trên).


Trong những tuần lễ tiếp theo, vừa do phản ứng với dự án của Mỹ về hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á, vừa tin tưởng sâu sắc vào ý định hòa bình của Trung Quốc, việc tỏ lập trường tán thành thái độ của Trung Quốc tăng lên gấp bội. Ngày 25 tháng 8, tại Hạ nghị viện, thủ tướng Nehru tuyên bố rằng sự có mặt của Trung Quốc ở hai cuộc hội nghị về Triều Tiên và về Đông dương là có ý nghĩa đối với vị trí của châu Á trong thế giới hiện đại. Ông ta kết luận rằng "thủ tướng Trung Quốc (...) đã sử sự như một chính khách có tinh thần xây dựng" và "tại hội nghị, ông ta đã tỏ ra nhận thức sắc bén về thực tế của châu Á mới"84 (Như trên, New Delhi, 26-8-1954). Chuyến đi thăm chính thức của Nehru vào tháng 10 cũng như cuộc đi thăm của U Nu vào đầu tháng 12 năm 1954 sẽ là dịp để chào mừng một lần nữa liên sự liên minh giữa ba nước, những triển vọng mở ra ở Nam Á và Đông Nam Á, do việc kết thúc tốt đẹp hội nghị Geneva đưa lại và để cùng nhau đả kích hiệp ước Manila ký mấy tuần lễ trước đó85 (Như trên, Bắc Kinh, 20-10-1954 (diễn văn của Chu Ân Lai và Nehru) và 2-12-1954 (diễn văn của Chu Ân Lai và U Nu). Trở về Ấn Độ, thủ tướng Nehru mà tiếng nói đã được lắng nghe ở châu Á, tuyên bố trước Quốc hội Ấn: "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bảo đảm với tôi là họ mong muốn (tạo một không khí thuận lợi hơn để nghiên cứu và giải quyết các vấn đề) và tôi không nghi ngờ gì họ suy nghĩ đúng điều họ nói bởi vì hoàn cảnh hiện nay chỉ đứng về lợi ích quốc gia không thôi cũng đòi hỏi phải làm như vậy"86 (Như trên, New Delhi, 23-11-1954, Nehru cũng nhận xét như vậy với Ely. Xem P.Ely, sách đã dẫn, tr.324), một nhận xét có giá trị ở bản thân nó cũng như ở việc hãng thông tấn Tân hoa đưa lại. Cảm kích về những điều đã nhìn thấy ở Trung Quốc, thủ tướng Ấn Độ trong bài diễn văn dài đọc ngày 28-11-1954 tại New Delhi đả kích kịch liệt những người cộng sản ở trong nước đã mù quáng đi theo một ý thức hệ của châu Âu ở thế kỷ XIX và không thể áp dụng ở Ấn Độ năm 195487 (Học đòi lý luận Mác-xít và áp dụng nó ở Ấn Độ hiển nhiên là một việc làm thiếu thông minh. Theo chiều hướng đó, đó là một việc làm phản động), nhưng ngược lại, ông ta lại ca ngợi không giấu diếm những thành tích của các nhà lãnh đạo Trung Quốc mà ông ta đánh giá là "rất thông minh" vì đã biết áp dụng chủ nghĩa cộng sản phù hợp với nhu cầu của bản thân họ88 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện, thư/Cao ủy Canada/New Delhi/số 1427, 15-12-1954).


Còn cuộc đi thăm của U Nu kết thúc bằng một thông cáo chung trong đó hai chính phủ đồng ý mở tổng lãnh sự quán ở hai nước, phục hồi liên lạc đường không, đường bộ và bưu điện, và phát triển buôn bán giữa hai nước. Ngoài ra thông cáo chung viết:

"Hai thủ tướng cam kết rằng mỗi nước khuyến khích kiều dân của mình cư trú ở nước khác tức là kiều dân Miến Điện cư trú ở Trung Quốc hoặc kiểu dân Trung Quốc cư trú ở Miến Điện, tôn trọng pháp luật và tập quán xã hội của nước họ cư trú và tuyệt nhiên không tham gia hoạt động chính trị ở nước đó (...). Về vấn đề quốc tịch của những kiều dân đó, hai chính phủ sẽ tiến hành càng sớm càng tốt những cuộc đàm phán bằng đường ngoại giao thông thường".


Cuối cùng, Bắc Kinh và Yangon cam kết sau này sẽ hoạch định đường biên giới chung giữa hai nước trong tinh thần hòa bình89 (Văn kiện bản thông cáo đăng ở bản tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, 12-12-1954).


Văn kiện này có tầm quan trọng hàng đầu. Nó chứng minh cho các nước ở Đông Nam Á khả năng họ có thể liên minh được với nước Trung hoa mới một khi họ nhận 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình như Ấn Độ và Miến Điện đã làm. Lời nói của Trần Gia Khang và Chu Ân Lai xác nhận lại với đại tá Ghi-éc-ma lần đầu tiên đã được thực hiện. Rõ ràng là một văn kiện như vậy không thể không làm dư luận chung ở châu Á chú ý.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 07 Tháng Năm, 2020, 10:30:12 pm
Tuy nhiên trong các nước nhóm Cô-lôm-bô, những bình luận không phải là nhất trí. Còn tồn tại mối lo sợ Trung Quốc tiến hành chính sách lật đổ ở Nam Á và Đông Nam Á. Đại biện Pháp tại Miến Điện nêu lên rằng, theo một số giới hữu trách Miến Điện, việc Chu Ân Lai qua Yangon và cả ngừng bắn ở Đông dương cũng "không xua tan được mối lo ngại của Miến Điện về những mục đích đang theo đuổi của những người cộng sản ở Viễn đông"90 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Royère/Rangoun số 296-298/22-7-1954). Ngoài ra, phần lớn báo chí Miến Điện chia sẻ dư luận đó đồng thời nhận xét rằng Trung Quốc đã nâng cao được uy tín thật sự qua việc ký kết hiệp định Geneva91 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Roy è re/Rangoun/số 271-AS/30-7-1954, dẫn nhưng báo hàng ngày: Commentatonr, Bamakhit, Rangoun Daily, Hantawaddy, Oway, Tribuneet Nation). Ở New Delhi năm cũ sẽ kết thúc với một ấn tượng xấu vì những bản đồ xuất bản ở Bắc Kinh đã vẽ vào lãnh thổ Trung Quốc cả những phần đất rộng của Cộng hòa Ấn Độ92 (The Times (Thời báo Ấn Độ) 31-12-1954 và 1-1-1955 về vấn đề trao đổi văn thư giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến những sự kiện biên giới, xem W.F.van Eekelen, sách đã dẫn, tr.82).


Các giới lãnh đạo Pakistan cũng quan tâm đến việc "người Mỹ bị loại khỏi Đông dương) làm Trung Quốc trở thành người trọng tài thật sự của tình thế và để Miến Điện phải chịu ảnh hưởng của kẻ chinh phục khổng lồ"93 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Pierre Salade/về vấn đề đình chiến ở Đông dương/Karachi/không số/24-7-1954).


Trong một vài nước được coi là ủng hộ chính sách của phương Tây, sự phản ứng không đem so sánh với những bình luận cực đoan ở Đài Loan94 (Ngày từ 21 tháng 7, K.C.Yeh, Bộ trưởng ngoại giao Đài Loan cho công bố một bản tuyên bố lên án một hiệp nghị cho phép cộng sản đi đến một giai đoạn mới trong kh chinh phục thế giới của họ (tuyên bố của M.George K.C.Yeh, Bộ trưởng ngoại giao, phòng thông tin chính phủ, 21-7-1954). Tất cả các báo ở Đài Loan đều tố cáo tính chất hai mặt của Anh và Pháp đối với Trung Quốc cộng sản (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Cattand/Đài Bắc/số 311-316/24-7-1954), đã không kém phần dè dặt đối với chính sách của Trung Quốc. Nhất là trường hợp Thái Lan. Những bài đăng ở những báo hàng ngày của Trung Quốc vào tháng 7, đặc biệt bài báo ngày 29 tháng 7 của Pridi Panomyong95 (Đại công báo 15-7-1954 (Xã luận) Nhân dân nhật báo. 29-7-1954. Về lập trường của Trung Quốc đối với Thái Lan lúc này, xem David A Wilson: "China, Thailand and the Spirit of Bandung" (Trung Quốc, Thái Lan và tinh thần Băng-đung), The China Quarterly số 30 Avril-Juin 1965 tr.158-165)) làm chính phủ Băng Cốc lo ngại về những ý đồ thật sự của Bắc Kinh. Vì vậy báo chí Thái Lan kết luận một cách khá nhất trí về sự cần thiết tổ chức liên minh phòng thủ Đông Nam Á do Mỹ đề ra96 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Schonen/Băng Cốc, số 298/24 tháng 7). Tại Singapore, báo Straits Times (Thời báo Eo biển) phát triển những ý kiến gần tương tự, cũng như các báo theo khuynh hướng Trung hoa quốc gia, như những báo của Đài Bắc lại hết sức bi quan về khả năng từng bước ngăn chặn bước tiến của cộng sản ở phía Nam vĩ tuyến 1797 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện về vấn đề: báo chí và hiệp định Geneva số 497-IP/Singapore/27-7-1954).


Nhưng hay nhất là những phản ứng của Nhật Bản. Vào lúc hiệp định Geneva đã được ký kết, Trung Quốc tiến hành một cuộc vận động lớn để lôi kéo Tokyo98 (Về quan hệ Trung-Nhật năm 1954, xem Coral Bell, sách đã dẫn, tr.266-267). Một phái đoàn quốc hội Nhật Bản và của Ủy ban hòa bình Nhật đến thăm Bắc Kinh được Quách Mạt Nhược và Liêu Thừa Chí, chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban hòa bình Trung Quốc tiếp99 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 3-8-1954). Các xã luận báo Trung Quốc thường xuyên ủng hộ việc phát triển tình hữu nghị Trung-Nhật100 (Chẳng hạn như Đại công báo 5-11-1954) có ý muốn nói rõ rằng hai nước có thể nhích gần lại với nhau, nếu Nhật Bản cắt quan hệ với Đài Bắc và tỏ ra độc lập với Mỹ. Đúng vào giữa lúc cuộc vận động kéo dài nhiều tháng nay, việc Trung Quốc có mặt tại Geneva đã tác động mạnh mẽ đến dư luận Nhật Bản. Phần lớn báo chí Nhật Bản trong khi phân tích tình hình theo tinh thần chủng tộc rõ rệt, đã hoan nghênh vai trò nổi lên hàng đầu của Chu Ân Lai trong cuộc thương lượng tại Geneva101 (Người ta dẫn ra làm ví dụ: "Tám năm đấu tranh, đưa lại độc lập của một chủng tộc" (báo Asahi). "Phải chăng sự thức tỉnh của các chủng tộc châu Á, tạo nên vận mệnh của họ bằng cách tách khỏi phương Tây, đánh dấu một thời đại của lịch sử thế giới" (báo Mainichi). "Một thắng lợi của tư tưởng chủng tộc Á châu" (báo Yomiuri). Báo cáo trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện Levi/Tokyo/số 741-743/22-7-1954). Tờ Yomiuri nhấn mạnh tính chất châu Á chân chính trong chính sách của thủ tướng Trung Quốc102 (Như trên, Bắc Kinh, 3-10-1954). Tạp chí một tháng ra hai kỳ, Shukan Asahi, cũng cho rằng "Về phía những người cộng sản, chính Chu Ân Lai đã đóng vai trò nổi bật từ đầu đến cuối". Tạp chí viết tiếp "do vậy người ta có thể đánh giá rằng (...) từ nay Liên Xô không thể xem thường những ý muốn của Bắc Kinh"103 (Báo Yomiuri, 21-6-1954). Bình luận, một số lớn các phản ứng đi theo chiều hướng đó. Đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản kết luận: "giữa các dòng chữ đó, người ta đọc thấy sự hài lòng về việc trả thù đã được các anh em cùng chủng tộc thực hiện dù là các nhà lãnh đạo Việt Minh hay Trung Quốc cộng sản"104 (Như trên).


Jenkins phụ trách các vấn đề chính trị của phòng Trung Quốc (office of Chinese Affiairs) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, kết thúc bài diễn văn tháng 12 năm 1954 nói về "cuộc tiến công hòa bình" của Trung Quốc bằng cách khẳng định rằng gọi là "uy tín" (sự nổi tiếng mà Trung Quốc đã có thể giành được) chắc chắn là sự lạm dụng nghĩa của một từ thường được định nghĩa uy tín là do sự khâm phục hay sự kính mến chung mà có105 (Như trên, sách đã dẫn, Bắc Kinh, 28-12-1954. Năm 1955 hai nước sẽ ký 11 hiệp định mới nữa. Xem (Đ.M) Johnson và Hungdah Chiu, sách đã dẫn, tr.271). Thực ra, nhận xét đó nói lên cái khẩu vị dạy đời của Mỹ hơn là hoàn cảnh quốc tế thật sự của Trung Quốc sau hội nghị Geneva. Chắc hẳn là hình ảnh của Cộng hòa Nhân dân Trung hoa hãy còn rất không đều tùy trường hợp. Người ta đã nhận thấy hình ảnh đó là xấu như thế nào ở Mỹ vừa là do ấn tượng của cuộc chiến tranh Triều Tiên, vừa là do bối cảnh của mùa hè 1954. Ở Tây Âu, ngược lại thái độ hòa giải của Trung Quốc được chú ý nhưng không đi đến chỗ cho rằng hội nghị Geneva đã căn bản làm biến đổi dư luận chung về vấn đề Trung Quốc. Tuy nhiên rõ ràng là dư luận đã tiến triển theo hướng đỡ bất lợi hơn cho chính phủ Bắc Kinh. Cuối cùng ở châu Á, tiến bộ còn rõ rệt hơn nữa. Không những các nước trong nhóm Cô-lôm-bô tạo nên một chỗ dựa chắc chắn đối với Trung Quốc mà thái độ của Trung Quốc tại Geneva đã củng cố thêm, nhưng ở một số nước khác đặc biệt là Nhật Bản, nhiều trào lưu tư tưởng nhạy cảm với chính sách hòa bình của Trung Quốc đã được tăng cường.


Nếu rốt cuộc việc Mỹ từ chối không ký vào bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị Geneva có thể gây lo ngại cho Trung Quốc và những ý đồ thật sự của Mỹ ở Đông dương, thì trước mắt nó lại giúp ích rất nhiều cho Bắc Kinh. Đối chiếu với sự phản đối của Mỹ đối với hiệp định Geneva, ý chí hòa bình của chính phủ Bắc Kinh càng thêm nổi bật. Sự khôn khéo về ngoại giao của Chu Ân Lai và thái độ ngoan cố lì lợm của Dulles gặp nhau một cách trái ngược làm cho sự tham gia của Trung Quốc vào Hội nghị Geneva có một thắng lợi quốc tế thật sự.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 06:36:12 am
Chương XI
Việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ nhất và chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay


Truyền thống và cái mới trong chính sách của Cộng hòa Nhân dân Trung hoa - Trường hợp Đông dương năm 1954

Đã có nhiều công trình nghiên cứu bàn về vị trí của các yếu tố cổ truyền trong chính sách của Trung Quốc hiện nay, ở Đông dương1 (Ví dụ: Chae Jin Lee, sách đã dẫn, tr.4-6. Về chính sách Trung Quốc ở Lào sau 1954, K.C.Chen, sách đã dẫn, tr.328-329 về chính sách của Trung Quốc ở Bắc Việt Nam sau hội nghị Geneva) và ở các nơi khác, nên chúng tôi không đề cập vấn đề đó khi nghiên cứu cách xử sự của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Đông dương năm 1954. Ngoài ra, chính chúng tôi cũng đã nhiều lần bàn sơ qua vấn đề này2 (Xem chương I và chương VII).


Thực ra vấn đề đó đặt ra đối với toàn bộ chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Vì vậy có lẽ cần phải có cả một công trình nghiên cứu so sánh giữa tư tưởng của Trung Quốc ngày nay về "cùng tồn tại hòa bình" với "các nước có chế độ xã hội khác nhau" và tư tưởng "cùng tồn tại hòa bình" với các "man di" trước đây của các tác giả cổ xưa như Tư Mã Thiên, Bàn Cổ hay những nhà bình luận về họ3 (Ví dụ: J.K.Fairbank, sách đã dẫn, tr.39-40. Đúng là thủ tướng Nehru cũng đã truy căn nguyên 5 nguyên tắc (cùng tồn tại hòa bình) đến tận đời Vua Ashoka (W.F.Van Eekelen), sách đã dẫn, tr.39). Tuy nhiên chúng tôi sẽ tự giới hạn vào một trường hợp duy nhất, đó là chính sách của Trung Quốc ở Đông dương, và đặc biệt hơn là ở Việt Nam, trung tâm của cuộc khủng hoảng năm 1954 và là mối quan tâm đặc biệt về phương diện đó.


Sự dai dẳng của các hình thức cổ truyền

Trước hết chính là hình thức quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày nay đôi khi thúc đẩy việc đặt vấn đề này để nghiên cứu. Ví dụ như, chúng ta hãy nhắc lại cuộc đi thăm chính thức của Phạm Văn Đồng ở Trung Quốc từ 2 đến 4 tháng 8-1954 khi trên đường từ Geneva về.


Nhận xét đầu tiên rút ra từ cuộc đi thăm Bắc Kinh của Phạm Văn Đồng là nếu đến năm 1954 vẫn tồn tại một vài hình thức cổ truyền của các mối quan hệ Trung-Việt, đó cũng là do cả hai bên Việt Nam, lẫn Trung Quốc. Đó là toàn bộ nét đặc sắc của thí dụ này. Bởi vì cuối cùng, không có gì bắt buộc các nhà lãnh đạo Việt Nam phải xử sự rõ ràng như thế. Nhiều tác giả cố gắng chứng minh rằng Trung hoa nhân dân, đối với Việt Nam xã hội chủ nghĩa thường đã hành động như một "bá chủ" thật sự như đế quốc Trung hoa xưa kia đối xử với nước Việt Nam trước kia là thuộc địa, chúng tôi thấy cách giải quyết sự việc như vậy là phiến diện. Thực ra hiện tượng phức tạp hơn nhiều. Đúng là về phía Việt Nam có thể nêu lên khá nhiều trường hợp các nhà lãnh đạo Việt Nam xử sự một cách tự nhiên như những "chư hầu". Đó là một tình hình có vẻ mâu thuẫn và ngược đời nhưng hoàn toàn là sự kế tục của truyền thống. Toàn bộ thái độ của Việt Minh trong cuộc chiến tranh Đông dương và cách giải quyết tại cuộc hội nghị Geneva là thái độ của một đảng theo chủ nghĩa dân tộc sâu sắc, chủ nghĩa dân tộc đó đã dẫn đến va chạm với Trung Quốc trên nhiều điểm nhưng Việt Minh lại tìm thấy ở Trung Quốc không những sự giúp đỡ về vật chất mà đồng thời cả sự mô phỏng về ý thức hệ cần thiết đối với họ. Việt Minh luôn luôn chống lại Trung Quốc và cùng với Trung Quốc bảo vệ nền độc lập của Việt Nam, vừa đối lập với Trung Quốc, lại vừa phục tùng Trung Quốc. Chúng ta không quên rằng những sự bất đồng giữa Phạm Văn Đồng và Chu Ân Lai trong và sau hội nghị Geneva là nằm trong bối cảnh của sự đồng nhất sâu sắc về ý thức hệ của hai chế độ4 (Về vấn đề này, chúng tôi lưu ý rằng những nhà sử học về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc cũ và mới luôn luôn tự hỏi về vị trí của chính trị, văn hóa và thương mại trong chế độ triều cống xưa kia. Người ta cũng có thể tự hỏi như thế trong quan hệ Trung Quốc-Việt Minh từ 1950 đến 1954 sự giống nhau hoàn toàn về ý thức hệ, các nhu cầu kinh tế và quân sự cần thiết cho lực lượng kháng chiến có vị trí như thế nào để giải thích cách xử sự của Việt Minh đối với Trung Quốc).


Vậy kết luận đầu tiên về điểm này có thể được trình bày như sau. Thừa nhận năm 1954 còn phần nào tồn tại các hình thức cổ truyền các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo chúng tôi không có nghĩa là người ta tán thành giải thích một cách đơn giản chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày nay giống như hôm qua với ý muốn thống trị đế quốc đối với Việt Nam. Đây chẳng qua là tán thành ý kiến nói rằng các mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam chỉ có thể hiểu được, vào lúc này nếu coi đó như một sự đối chọi giữa một hoàn cảnh lịch sử căn bản mới và cung cách suy nghĩ còn rơi rớt một phần của quá khứ, về phía Trung Quốc cũng như về Việt Nam. Qua đó xin nhắc lại ở đây những ý kiến chúng tôi đã trình bày ở phần mở đầu chính sách của Trung Quốc, ít nhất là ở Việt Nam5 (Nhưng người ta có thể đặt câu hỏi về nhiều nước khác: Triều Tiên, Nhật Bản, Ngoại mông, v.v...). Không thể trình bày như chính sách của Liên Xô hay của Mỹ đối với cùng đất nước này.


Đối với sự bài bác luôn luôn được phát triển, có thể có nhiều cách trả lời. Một mặt, vào cuối triều đại Mãn Thanh, ngay trước khi xảy ra sự can thiệp của nước ngoài, giữa thế kỷ XIX, hệ thống bá quyền của Trung Quốc đã từng phần mất nội dung ban đầu của nó. Việc Trung Quốc nhận cống phẩm, trong một số trường hợp được coi như một nghi thức không còn mang chút thực tế chính trị nào. Từ đó, không muốn vận dụng nghịch lý vì bản thân nghịch lý, làm sao lại không đem so sánh chủ nghĩa hình thức của quá khứ với chủ nghĩa hình thức hiện nay, và ít ra ở mức đó, kết luận rằng đó là sự nối tiếp lịch sử nào đó.


Nhưng theo con mắt chúng tôi, lập luận quyết định là ở chỗ khác. Phải chăng người ta có thể kêu là "hình thức" một kiểu quan hệ đã đứng vững trước những sự đảo lộn hoàn toàn như cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XIX? Thực ra nếu cái gọi là "chủ nghĩa hình thức" trong quan hệ giữa hai nước đã tồn tại lâu dài không tùy thuộc vào các chế độ chính trị Trung Quốc và Việt Nam, đó là vì nó thể hiện cái thực tế sâu xa là có sự "trùng hợp" giữa hai nước. Xưa kia là giữa 2 nước được tổ chức theo cùng một nguyên tắc nho giáo; năm 1954 là giữa hai nước cùng chung ý thức hệ cách mạng. Chính là sự "trùng hợp" đó mà Chu Ân Lai muốn gợi ra khi ông ta chào mừng sự "nhất trí" giữa Trung Quốc và Việt Nam trong diễn văn ngày 2 và 3 tháng 8 đọc trước Phạm Văn Đồng6 (Xem chương X).


Chúng ta hãy bỏ qua phương diện hình thức-"trong thế giới Trung hoa", tầm quan trọng của hình thức không thể coi nhẹ-để đề cập đến vấn đề thực chất và giải đáp câu hỏi: Trong chừng mực nào, chính sách của Trung Quốc đối với Đông dương, năm 1954, là có hay không gần gũi với chính sách cổ truyền của đế chế Trung hoa trong vùng này7 (Chính sách mà chúng tôi đã nêu lên một cách sơ lược đặc trưng của nó ở chương I).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 06:41:56 am
Một chính sách Đông dương tiếp nối chính sách của các triều đại Hoàng đế xưa kia

Một trong những nét nổi bật nhất của chính sách đó là ý muốn thường xuyên của Trung Quốc duy trì hòa bình ở sườn phía Nam dựa trên thế cân bằng lập ra từ nhiều sự cạnh tranh giữa các nước khác nhau ở trong vùng. Một "nền hòa bình kiểu Trung Quốc" (pax sinica) có lẽ là sự hợp thành vô hiệu của các lực lượng đối lập nhau. Một chính sách khá gần gũi với chính sách chia để trị (divide ut regnes) cổ xưa ở hình thức sơ đẳng nhất, chỉ cần đánh đổ mọi bá quyền là có thể phá vỡ thế cân bằng và buộc nó phải can thiệp trực tiếp. Nhằm mục đích đó, đế chế xưa kia luôn luôn quan tâm gìn giữ sự hài hòa của các mối quan hệ với các nước láng giềng hùng mạnh nhất, nhưng cũng duy trì quan hệ trực tiếp càng nhiều càng tốt với các nước yếu nhất. Trung Quốc đối với tất cả các chư hầu phải chăng là phải tỏ ra "vô tư"8 (Về vấn đề này xem Wang Gung-wu, "Tư tưởng vô tư" (The Idea of Impartiality) trong J.K.Fairbank, sách đã dẫn, tr.50-54. Từ ngữ do Hàn Dũ (768-824) đưa ra).


Năm 1954, chúng tôi thấy chính sách của Trung Quốc ở Đông dương tiến triển theo đường thẳng của truyền thống đó. Thắng lợi của Việt Minh làm Trung Quốc hài lòng vì đó là thắng lợi của đồng minh được ưu đãi. Nhưng thắng lợi đó phải nằm trong một số giới hạn nhất định. Thái độ của Trung Quốc đối với Việt Minh là thái độ của một cường quốc ủng hộ kiên quyết đồng minh của mình chừng nào mà mục tiêu của đồng minh đó có thể khớp được với thế cân bằng đang tìm kiếm (cùng tồn tại hòa bình) nhưng cũng biết áp đặt một vài điều bó buộc trong trường hợp ngược lại. Theo chúng tôi trong thời gian hội nghị Geneva, ít nhất là trên 3 điểm, Trung Quốc đã ngăn cản tham vọng của Việt Minh một cách gợi lại rõ rệt chính sách cổ điển của họ. Trước hết ngày 16-6, trong khi đề nghị tách vấn đề Lào và Campuchia khỏi vấn đề Việt Nam, Trung Quốc đã góp phần tăng cường tính chất đại diện của các chính phủ Vương quốc Viêng Chăn và Phnom-pênh sau thắng lợi Điện Biên Phủ và qua đó tiêu tan những hy vọng của Việt Minh liên quan đến việc thành lập ở sườn phía Tây và Tây Nam các chính phủ cách mạng trung thành với Việt Minh. Đồng thời ngày 23 tháng 6, tại Berne trong lúc cho Măng-đét Phrăng biết ông ta thúc đẩy "Việt Nam dân chủ cộng hòa nhích lại gần Việt Nam của Bảo Đại" rồi ngày 19 tháng 7 tại Geneva với đề nghị thời hạn 2 năm để tổ chức tổng tuyển cử trong toàn cõi Việt Nam, Chu Ân Lai đã tỏ ý của Trung Quốc là về phần mình, không phản đối việc Việt Minh cũng bị chặn bước tiến về phía Nam. Cuối cùng, trong lúc tỏ ra nhậy cảm với lập luận của thủ tướng Pháp nói rằng cần cho Lào một lối ra, không phải đi qua Bắc Việt Nam hay Thái Lan và nhằm mục đích đó, đề nghị giới tuyến đi qua phía Bắc đường số 9, thủ tướng Trung Quốc đã áp đặt với đồng minh Việt Minh điều bắt buộc cuối cùng cần thiết để Trung Quốc duy trì thế cân bằng chung ở Đông dương. Tóm lại Việt Minh, lực lượng cách mạng chiếm ưu thế và năng động nhất ở Đông dương, thấy là bị bao vây chặt bởi các chính phủ được Trung Quốc coi là hợp pháp. Xứ Đông dương mà cuộc cách mạng cũng như chế độ thuộc địa trước đây đã làm thống nhất lại, nay nhường chỗ cho một Đông dương trở thành đa dạng, biểu tượng bằng bữa cơm tối cuối cùng ngày 22 tháng 7 của Chu Ân Lai, quan khách có Phạm Văn Đồng (Bắc Việt Nam) Ngô Đình Luyện (Nam Việt Nam) Sananikone (Lào) và Tepphan (Campuchia). Qua đó phải chăng người ta đã thấy lại cách đối xử "vô tư" xưa kia, dưới cái vỏ trật tự nho giáo, thường chỉ phục vụ lợi ích chính trị của đế chế Trung hoa.


Huống hồ, Trung Quốc không phải chỉ giới hạn trong việc gây nên ở Đông dương một thế cân bằng đưa lại nền hòa bình mà Trung Quốc đang cần. Ngoài ra, Trung Quốc còn bắt buộc Việt Minh phải thừa nhận sự đúng đắn của công thức "cùng tồn tại hòa bình" của Trung Quốc và thực hiện công thức đó vì lợi ích riêng của Trung Quốc ở Đông dương. Trong thời gian hội nghị, chẳng phải Chu Ân Lai, đã thúc đẩy Việt Minh "nhích lại gần không những nước Pháp mà cả Việt Nam của Bảo Đại" đó sao?9 (Xem chương VII). Trong bc trước Chính phủ ngày 11 tháng 8, thủ tướng Trung Quốc chẳng phải đã nói rằng ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết "5 nguyên tắc hoàn toàn có thể áp dụng được để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam, Lào và Campuchia"10 (Xem chương VIII... và Tân hoa xã, Bắc Kinh, 25-8-1954, dẫn theo 1 bài trên báo Nhân dân của Việt Nam dân chủ cộng hòa) hay sao? Về phương diện đó, người ta lưu ý rằng nhà cầm quyền hai giới báo chí ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi họ nói đến "cùng tồn tại hòa bình" đã không đả động gì đến chính sách chung của khối xã hội chủ nghĩa mà thường dẫn "5 nguyên tắc" như đã ghi cụ thể trong các thông cáo Trung-Ấn và Trung-Miến ngày 28 và 29 tháng 6. Đó là trường hợp diễn văn của Phạm Văn Đồng đọc ngày 3 tháng 8 tại Bắc Kinh: "Nhân dân Việt Nam sẽ phát triển quan hệ với nhân dân các nước Đông Nam châu Á trên cơ sở 5 nguyên tắc tuyên bố trong các thông cáo chung Trung-Ấn và Trung-Miến"11 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 3-8-1954. Từ ngữ dùng ở đây không phải chỉ là phép lịch sự ngoại giao nhân dịp đi thăm chính thức Bắc Kinh vì người ta cũng còn thấy xuất hiện trên mặt báo của Việt Minh). Tóm lại, Trung Quốc đã hướng Việt Minh một mặt chấp nhận một chính sách quốc tế chung do Trung Quốc đề ra tùy thuộc mục tiêu bên trong và bên ngoài của chính mình, mặt khác áp dụng chính sách ấy trong trường hợp riêng biệt về quan hệ giữa Việt Nam, Lào và Campuchia12 (Chúng ta lưu ý rằng 5 nguyên tắc chung sống hòa bình đối với một nước như Ấn Độ (hay Miến Điện) gắn liền với các quan niệm triết học, đạo lý và chính trị thuần túy dân tộc, điều này hiển nhiên không phải là trường hợp của Việt Nam)... Qua đó, theo chúng tôi, chính sách của Trung hoa nhân dân tiến hành ở Đông dương giống hệt như chính sách của đế chế Trung hoa trước kia.


Kết thúc một công trình nghiên cứu tập thể dưới sự hướng dẫn của giáo sư J.K.Fairbank, nhan đề The Chinese World Order (Trật tự thế giới Trung hoa), B.I.Schwartz nhận xét: "Tôi thiên về cách nghĩ rằng ý niệm của Trung Quốc về trật tự thế giới, cũng thực tế như trong quá khứ, đã bị lung lay tận gốc vào thế kỷ XIX rồi. Vì vậy chúng ta phải hết sức thận trọng đối với những ai gán cho nó một tầm quan trọng lớn lao để giải thích chính sách hiện tại và tương lai của Trung Quốc"13 (J.K.Fairbank, B.I.Schwartz, sách đã dẫn, tr.284). Người ta chỉ có thể chấp nhận sự thận trọng đó. Tuy nhiên nghiên cứu chính sách của Trung Quốc ở Đông dương năm 1954 cho ta nghĩ rằng ở thời gian này ý niệm của Trung Quốc về trật tự thế giới, ít nhất là trong trường hợp cụ thể này, lại không phải là kém sinh động hết sức. Vả lại, làm sao có thể khác được, chế độ mới chẳng qua mới làm sầy da một truyền thống nho giáo có từ bao thế kỷ nay? Cho nên chúng tôi cảm thấy gần với B.I.Schwartz hơn khi ở vài dòng sau, ông viết thêm: "Cho rằng quan niệm cũ của Trung Quốc về trật tự thế giới đã hoàn toàn biến mất là hoàn toàn ngu ngốc"14 (Như trên, chúng tôi đã nhấn mạnh).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 06:46:34 am
Vị trí của các yếu tố mới

Tuy nhiên, chính sách của Trung hoa nhân dân ở Đông dương không thể không bị ảnh hưởng về những sự hỗn loạn xảy ra ở bên ngoài cũng như bên trong đất nước từ năm 1949. Nước Trung hoa của năm 1954 đương nhiên không còn là nước lớn duy nhất ở châu Á có quan hệ quốc tế như là vào đầu thế kỷ XIX. Trong số các cường quốc mà Trung Quốc từ nay phải tính đến, dĩ nhiên có Liên Xô đồng minh chủ yếu của mình.


Thoạt đầu, đúng là việc Trung Quốc, liên kết với phe xã hội chủ nghĩa đã làm cho chính sách đối ngoại của họ ở Đông dương cũng như ở nơi khác mang tính chất quốc tế chủ nghĩa hơn. Từ đó, phải chăng một mình dữ kiện mới đó đã không đủ thay đổi tình thế để ngăn cản mọi sự nhích lại quá nhanh giữa chính sách cổ xưa và chính sách mới của Trung Quốc ở Đông dương.


Tuy nhiên, việc nghiên cứu cách xử sự của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Đông dương, hình như dẫn đến một kết luận trái ngược. Tại Geneva, việc Chu Ân Lai được rộng quyền hành động so với đoàn đại biểu Liên Xô chỉ có thể giải thích bằng quan hệ liên minh đã đoàn kết hai nước. Tất cả các chứng cớ khớp lại để thừa nhận rằng tại hội nghị, người Nga và người Trung Quốc đã phải chia nhau với các vấn đề cần giải quyết: người Nga phụ trách các vấn đề chung, người Trung Quốc phụ trách các vấn đề có tính chất khu vực hơn. Chính nhờ sự phân công này mà đoàn đại biểu Trung Quốc có thể đóng vai trò quyết định chẳng hạn như kiến nghị của họ ngày 16 tháng 6 và những nhượng bộ của họ vào Moscow và Bắc Kinh càng chặt chẽ, thì Trung Quốc càng được rộng quyền hơn đối với một vấn đề châu Á như vấn đề Đông dương15 (Một kết luận như vậy không thể mở rộng vào các vấn đề ngoài châu Á). Có nghĩa là, rút cục, trái ngược với điều có vẻ như vậy, chính là liên minh Trung-Xô đã làm cho những khuynh hướng cổ truyền nhất của chính sách Trung Quốc ở Đông dương còn được thể hiện một cách công nhiên vào năm 1954. Sau đó, cuộc xung đột Trung-Xô, ngược lại sẽ dẫn chính phủ Bắc Kinh đến đổi mới căn bản hơn nữa chính sách của họ.


Trái lại, chính sách của Mỹ ở Viễn đông đặt ra cho Trung Quốc một vấn đề hoàn toàn mới, chưa từng có như thế trong lịch sử quan hệ đối ngoại của họ. Thật vậy, mới bởi sức mạnh quân sự và kinh tế mà Mỹ sẵn có: về điều này, Cộng hòa Nhân dân Trung hoa còn chưa đủ sức kháng cự lại nên chỉ có thể (tạm thời) dựa vào đồng minh Xô-viết của mình. Nhưng cũng là mới ở tính chất toàn cầu của việc Mỹ bao vây Cộng hòa Nhân dân Trung hoa. Nói một cách khác, về vấn đề Đông dương. Trung Quốc không thể coi như một cuộc khủng hoảng cục bộ đơn giản, và giải quyết theo cách cục bộ như thời đế chế16 (Ngoài ra, Chính phủ trung ương thường giao choc ác quan tổng đốc các tỉnh phía Nam, trách nhiệm giải quyết các cuộc khủng hoảng (ở Việt Nam) bằng ngoại giao hoặc quân sự). Trái lại, vấn đề Đông dương liên quan chặt chẽ với các vấn đề khác mà đất nước đang phải đối phó, nhất là các vấn đề Đài Loan, Triều Tiên, Liên hợp quốc, các quan hệ ngoại giao, vấn đề bao vây kinh tế hoặc dự án hiệp ước quân sự phương Tây ở châu Á và Đông Nam châu Á.


Vì vậy, chỉ riêng việc liên minh với Liên Xô, đã có thể cho phép chính phủ Bắc Kinh chống đỡ được sức ép nhiều mặt của Mỹ. Có nghĩa là trong bối cảnh hai cực ở điểm cao của chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã có thể đóng vai trò hàng đầu một phần bởi vì trong trường hợp quốc tế hóa cuộc xung đột, Mỹ phải tính đến khả năng hành động của Liên Xô. Điều này, người ta đã nhận xét là không chắc có thể xảy ra như ở Triều Tiên. Nhưng nó không phải không tồn tại. Về phương diện này, tình hình năm 1954 đối với Trung Quốc là không giống với những kinh nghiệm trước đây (trừ trường hợp Triều Tiên).


Tóm lại, chúng tôi thấy cả liên minh Trung-Xô lẫn quy mô thách thức của Mỹ đều không làm biến chất về căn bản chính sách cổ truyền của Trung Quốc ở Đông dương. Ngược lại, chúng tôi thấy sự che chở của Liên Xô đã đem lại cho Trung Quốc những phương tiện can thiệp vào một ván bài chiến lược và ngoại giao vượt xa rõ rệt trình độ, năng lực quân sự của bản thân họ. Vậy yếu tố mới do việc Trung Quốc đứng vào phe xã hội chủ nghĩa tạo nên đã ít làm thay đổi bản chất chính sách về Đông dương của họ, và Trung Quốc đã không thực hiện được chính sách ấy trươc sự đe dọa của Mỹ.


Song, nếu tính chất Mác-xít Lê-nin-nít của ý thức hệ Trung Quốc không tỏ ra đậm nét trong cách xử sự của Cộng hòa Nhân dân Trung hoa đối với Đông dương-đây mới đúng là ý nghĩa kết luận của chúng tôi-thì ít nó cũng làm cho mối quan hệ Trung-Việt ở trong khuôn khổ căn bản khác với khuôn khổ cổ truyền.


Khẳng định như vậy, tuyệt nhiên chúng tôi không nghĩ rằng một thứ chủ nghĩa quốc tế vô sản nào đó đã làm cho chính sách mới của Trung Quốc có một mức độ vô tư chưa từng có ở thời đế chế hay cộng hòa. Chúng tôi loại trừ những nhận xét như vậy khi phân tích các mối quan hệ quốc tế. Đúng là báo chí Bắc Việt Nam đã nhấn mạnh rằng viện trợ của Trung Quốc - chẳng hạn như món quà tặng 10.000 tấn gạo và 5 triệu mét vải vào tháng 12-1954-là "đặt trên nền tảng của tình đoàn kết hữu nghị và tinh thần quốc tế"17 (Xem đoạn trên, ở chương X). Thực ra ở đây nữa, có thể là nhắc lại truyền thống cũ, R.A.Scalapino đưa ra thí dụ món quà của Trung Quốc tặng Miến Điện năm 1961 để đánh dấu việc phê chuẩn hiệp ước biên giới giữa hai nước (2,4 triệu mét vải và 600.000 đồ vật bằng sứ) và về vấn đề đó, gợi đến các hoàng đế xưa kia "ban lại tặng phẩm" cho các nước triều cống, chỉ có khác là ngày nay, tặng phẩm như vậy không dành cho triều đình mà cho nhân dân18 (Robert A.Scalapino. "Tradition and transition in the Asian Policy of Communist China" (Truyền thống và quá độ trong chính sách châu Á của Trung hoa Cộng sản) trong Edward Szczepanik (nhà xuất bản), Symposium on Economic and Social Problems of the Far East (Hội nghị chuyên đề về các vấn đề kinh tế và xã hội ở Viễn đông, Hồng Công, Hong Kong University Press. 1962, P.265. Mark Mancall nhắc lại trong The Annals of the American Academy of Political and Social Science (Biên niên sử của Viện hàn lâm khoa học chính trị và kinh tế Mỹ) 1954, tr.24).


Theo cách giải thích như vậy, người ta coi tặng phẩm của Trung Quốc cho Bắc Việt Nam tháng 12 năm 1954 như bằng chứng của các kiểu quan hệ cổ xưa còn tồn tại mãi đến bây giờ hơn là chứng cớ của "tinh thần quốc tế".


Thực ra, phải tìm cái mới được ý thức hệ Mác-xít Lê-nin-nít đưa vào quan hệ Trung-Việt trong kết quả của chính sách Trung Quốc hơn là trong quá trình xây dựng chính sách. Xưa kia, sự tương đồng về tư tưởng gắn bó hai nước là từ nguồn gốc tôn ti trật tự và quy phục. Nho giáo làm cho Việt Nam đối với Thiên triều giống như thần dân đối với Hoàng đế. Từ sự "tương đồng" ấy dĩ nhiên phải sinh ở bên này cũng như bên kia một quan niệm bảo thủ quan hệ giữa hai nước. Ngược lại ý thức hệ Mác-xít Lê-nin-nít mà Trung hoa nhân dân ngày nay dùng để ủng hộ công cuộc phát triển của Việt Nam đã nhìn thế giới như là đầy rẫy mâu thuẫn gay gắt và không ngừng đổi mới. Việt Nam sẽ có vị trí như thế nào trong một xã hội quốc tế, trong đó cuộc đấu tranh giai cấp đã thay thế trật tự xã hội nho giáo? Cái chủ nghĩa hỗn hợp giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa Mác-Lê-nin mà Việt Minh cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc đã biết vận dụng sẽ có tác động như thế nào đối với quan hệ giữa hai nước? Nếu như xưa kia, Trung Quốc và Việt Nam tỏ ra gắn bó với nhau bằng một ý thức hệ chung, đó là học thuyết nho giáo, thì hay hai nước cũng gắn bó với nhau không kém bằng một ý thức hệ chung, là học thuyết Mác-Lê-nin, một ý thức hệ về mâu thuẫn thay thế cho ý thức hệ về sự hài hòa của nho giáo, và cũng như xưa kia, đến một lúc nào đó, quan hệ Trung-Việt không thể không bị đảo lộn sâu sắc vì ý thức hệ.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 06:47:05 am
Quan niệm của Trung Quốc về cùng tồn tại hòa bình năm 1954

Với hiệp ước Trung-Ấn về Tây Tạng ký ngày 21 tháng 4, hội nghị Geneva xuất hiện như một trong tất cả những biểu hiện đầu tiên của chính sách cùng tồn tại hòa bình của Trung Quốc. Vì vậy, không phải là không bổ ích khi phân tích những mục tiêu và nội dung của chính sách ấy vào lúc nó phát sinh cũng như những biến đổi sâu sắc sẽ làm thay đổi dần dần ý nghĩa của nó trong những năm tiếp theo19 (Chúng tôi trở lại vấn đề này trong phần kết luận).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 06:48:09 am
Những mục tiêu đề ra

Ngay từ đầu công trình nghiên cứu này, chúng tôi đã lưu ý tầm quan trọng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Trung Quốc triển khai từ 1954. Không phủ nhận được là sự quan tâm mong muốn phát triển nền kinh tế trên hết mọi lý do khác đã khiến Trung Quốc bắt đầu từ giữa năm 1953 hướng về một chính sách thương lượng, trước hết là ở Triều Tiên, sau đó là ở Đông dương. Sự hòa hoãn bên ngoài là cần thiết cho Trung Quốc không những để có thể giảm bớt chi tiêu quân sự, tăng vốn đầu tư vào sản xuất, nhưng cũng là để phát triển buôn bán quốc tế với các nước ngoài phe xã hội chủ nghĩa.


Có nghĩa là chính sách cùng tồn tại hòa bình bắt nguồn từ ưu tiên phát triển nền kinh tế trong nước của Trung Quốc. Điều quan tâm đặc biệt hơn của chúng tôi trước hết chính là Trung Quốc kiên quyết hướng vào một chính sách hòa bình để khỏi phải cố gắng về quân sự và kinh tế viện trợ cho Đông dương ngang với mức Trung Quốc phải chịu đựng ở Triều Tiên và dành toàn bộ tài nguyên vào việc phát triển đất nước. Câu hỏi muốn biết là chính sách cùng tồn tại hòa bình do Chính phủ Bắc Kinh đề nghị có thành thật hay không-năm 1954 thường xuyên có câu hỏi này-là không có mục đích. Lập luận của thủ tướng Nehru là dứt khoát: "Tôi không nghi ngờ gì (các nhà lãnh đạo Trung Quốc) suy nghĩ đúng điều họ nói ra bởi vì hoàn cảnh hiện nay chỉ đứng riêng về lợi ích trong nước mà xét cũng đòi hỏi họ phải làm như vậy"20 (Xem đoạn trên, ở chương XI).


Nhưng chính sách cùng tồn tại hòa bình của Trung Quốc cũng đáp ứng nhiều mục tiêu đối ngoại (ngoài việc tăng cường buôn bán với nước ngoài).

Do liên minh với Liên Xô, Trung Quốc đã bảo đảm được an ninh ở biên giới phía Bắc. Do can thiệp vào Triều Tiên, Trung Quốc đã góp phần mạnh mẽ vào việc duy trì một quốc gia đệm là Bắc Triều Tiên có lợi cho mình. Cuối năm 1953, chỉ còn phải đảm bảo an ninh ở sườn phía Tây Nam và Nam (ngoài an ninh mặt biển gắn liền với vấn đề Đài Loan). Rõ ràng đó là một trong những mục tiêu đối ngoại của chính sách cùng tồn tại hòa bình. Ngoài ra, nếu người ta tin vào những sách của Liên Xô xuất bản mới đây-Chu Ân Lai, trong cuộc họp ở Moscow chuẩn bị cho Hội nghị Geneva đã vạch ra rằng nước ông ta không thể can thiệp vào Đông dương để giúp Việt Minh được "vì điều đó sẽ làm Trung Quốc đối lập với các nước Đông Nam Á và tạo cho Mỹ khả năng thành lập một khối (quân sự) bao gồm từ Ấn Độ đến Indonesia"21 (Xem đoạn trên ở chương II). Vậy biểu hiện đầu tiên của chính sách này là hiệp ước Trung-Ấn về Tây Tạng ký đúng lúc khai mạc hội nghị Geneva bàn về Triều Tiên. Năm nguyên tắc trình bày ở phần mở đầu của hiệp ước theo định nghĩa rất hay của Eekelen thể hiện "một thế cân bằng đáng chú ý giữa bảo đảm (của Ấn Độ) với Trung Quốc không can thiệp vào Tây Tạng và không tham gia vào các liên minh chống Trung Quốc và lời hứa của Bắc Kinh không can thiệp vào công việc nội bộ các nước láng giềng"22 (W.F.Van Eekelen, sách đã dẫn, tr.43).


Nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình đề nghị cho Đông dương tại Geneva rất rõ ràng trong cùng một đường lối như vậy. Trong lúc Trung Quốc công nhận rõ ràng sự tồn tại của 2 nước quân chủ thân phương Tây ở Lào và Campuchia và mặc nhiên chấp nhận sự tồn tại của một nước Nam Việt Nam, đối với những nước này Trung Quốc cam kết tôn trọng 5 nguyên tắc, đổi lấy việc đòi 3 nước này không được tham gia mọi liên minh chống Trung Quốc (hiệp định tay đôi hoặc SEATO) và thừa nhận có một quốc gai đệm là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Như vậy thế cân bằng, nghĩa là nền an ninh được bảo đảm ở biên giới phía nam nhờ có sự thỏa thuận tại Geneva cũng như đã có bảo đảm an ninh phía Tây Nam nhờ có hiệp ước Trung-Ấn. Điều đó cho phép Trung Quốc chỉ còn tập trung cố gắng trên có mỗi một đoạn "biên giới", ở đó an ninh trực tiếp của họ còn bị đe dọa, tức là Đài Loan, điều mà Trung Quốc sắp phải làm ngay sau khi hội nghị Geneva kết thúc.


Vậy, trong thời gian đầu, vào năm 1954 "cùng tồn tại hòa bình" là một phương tiện đảm bảo an ninh của Trung Quốc ở một phía sườn còn bị hở để có thể hoàn thành sự nghiệp "giải phóng" lãnh thổ của mình23 (Cách tiến triển của cuộc khủng hoảng Đài Loan sẽ thay đổi từ 1955 cái quan niệm đầu tiên về cùng tồn tại hòa bình. Nhưng đối với điều xảy ra năm 1954, chúng tôi hoàn toàn tán thành nhận định của Francis Joucelain trong cuốn sách nhỏ: Le Parti Communiste Francais et la première guerre d'Indochine (Đảng Cộng sản Pháp và chiến tranh Đông dương lần thứ I), Paris, Maspéro, Collection, "Cahiers Rouges", 1973 tr.54-55. Về phần Trung Quốc (...), Trung Quốc cũng có lợi nếu tìm được một giải pháp thỏa hiệp để có thể phát triển nền kinh tế của mình trong điều kiện có thể phát triển nền kinh tế của mình trong điều kiện có an ninh (...) Hội nghị Geneva (...) cho thấy về phía 2 nước lớn trong phe xã hội chủ nghĩa mối quan tâm hàng đầu là đảm bảo an ninh cho chính quốc gia của họ (...)"). Cũng như mục tiêu kinh tế mà Trung Quốc theo đuổi, mục tiêu an ninh, tức là lợi ích dân tộc càng củng cố nhận định của Thủ tướng Nehru về sự "thành thật" của chính sách này.


Tuy vậy, nếu giới hạn chính sách cùng tồn tại hòa bình do Trung Quốc đề nghị, trong những lý do an ninh thông thường chắc là sẽ giảm quy mô của chính sách ấy xuống mức quá chật hẹp. Trong thái độ của Chu Ân Lai ở Geneva (cũng như trong cuộc đi thăm Ấn Độ và Miến Điện) rõ ràng có một ý muốn tranh thủ về chính trị vượt qua quá những lý do về an ninh trực tiếp. Về mặt này, Geneva đã đi trước Bangdung về quan hệ Trung Quốc với các nước Nam Á và Đông Nam Á. Một vài chủ đề sau này sẽ là trung tâm của các mối quan tâm của Trung Quốc tại hội nghị Á-Phi (ở Bangdung)-ví dụ như những sự bảo đảm về Hoa kiều-đã được Chu Ân Lai đề cập đến ở hội nghị Geneva. Có lẽ không phải là quá, nếu nói hội nghị Geneva về Đông dương như cuộc gặp gỡ đầu tiên, về con người hay về chính trị tùy theo trường hợp giữa nước Trung hoa mới và những người cầm quyền ở châu Á, một cuộc gặp gỡ trong đó năm nguyên tắc đã giúp đỡ mạnh mẽ Cộng hòa Nhân dân Trung hoa nhích lại gần với thế giới thứ ba ở châu Á là nơi họ hãy còn rất ít liên hệ.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 06:49:39 am
Những tính chất chủ yếu của chính sách cùng tồn tại hòa bình

Những mục tiêu của Trung Quốc khi khuếch trương chính sách cùng tồn tại hòa bình ở Đông dương giải thích những tính chất chủ yếu của chính sách ấy. Nếu người ta chỉ liên hệ đến trường hợp Đông dương, thì trước hết, cùng tồn tại xuất hiện như một hệ thống trung lập hóa từng phần. Quan niệm của Trung Quốc về "nước trung lập", theo những văn bản của thời kỳ này, là theo đúng nghĩa của nó, là nước không tham gia vào một hành động nào đối với các đối phương khác nhau, nói theo ngữ nguyên học, là nước "đứng ở khoảng cách đều nhau" (trung lập) giữa các kẻ đối địch nhau24 (Xem Tung Cheng "Trung lập quốc" (thế giới trí thức) số 12, 20-6-1955, tr.32-33 ). Hiển nhiên, đó không phải là mục đích Trung Quốc tìm kiếm ở Đông dương, trái lại Trung Quốc mong muốn loại Mỹ ra khỏi bán đảo bằng cách ủng hộ việc ra đời các nước có thể chống lại sức ép của Mỹ ra khỏi bán đảo bằng cách ủng hộ việc ra đời các nước có thể chống lại sức ép của Mỹ nhờ ở thế cân bằng của họ, nhưng cũng nhờ sự ủng hộ từ bên ngoài. Tóm lại, theo quan điểm của Trung Quốc, việc áp dụng nhằm mục đích chủ yếu là loại trừ một sự có mặt hoặc can thiệp quân sự của Mỹ. Ngược lại Trung Quốc đã dễ dàng chấp nhận duy trì sự có mặt về quân sự của Pháp ở Việt Nam, Campuchia và ngay cả ở Lào mặc dù là nước tiếp giáp với Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã ưng thuận để ba nước ở Đông dương thuộc liên hiệp Pháp (cũng như đã thừa nhận Ấn Độ, Pakistan hay Srilanka là thành viên của khối Thịnh vượng chung). Nghĩa là quan niệm trung lập mà Trung Quốc gắn với quan niệm cùng tồn tại hòa bình, chủ yếu là chống Mỹ. Khác rất xa với quan niệm về "chủ nghĩa trung lập" - từ nay không bao giờ thấy có trong văn kiện của Trung Quốc-mà các nước thuộc nhóm Colombo dễ dàng gắn với quan niệm về "Panchasila". Đặc biệt, quan niệm về trung lập của Trung Quốc không mang tính chất dứt khoát chống chủ nghĩa thực dân như chủ nghĩa trung lập của các nước Nam Á và Đông Nam Á (nhất là Miến Điện và Indonesia) bởi vì việc Trung Quốc thấy việc duy trì một vài cơ cấu kiểu thực dân (cũ), trái lại, là phương tiện để giữ các nước trong vùng thoát khỏi sự xâm nhập trắng trợn của Mỹ.


Như vậy, khái niệm cùng tồn tại hòa bình mang một khía cạnh bảo thủ, rõ ràng là khác với thái độ của Trung Quốc năm 1949-1951. Chẳng hạn như chúng ta hay nhớ lại một đoạn trong bài báo của Mao Trạch Đông viết tháng 6 năm 1949 về vấn đề: "Bàn về chuyên chính dân chủ nhân dân":

"Kinh nghiệm tích lũy được trong bốn mươi năm (của Tôn Dật Tiên) và trong hai mươi tám năm (của Đảng Cộng sản Trung Quốc), chứng tỏ rằng Trung Quốc phải đứng hoặc về phía chủ nghĩa đế quốc hoặc về phía chủ nghĩa xã hội, ở đây không có ngoại lệ. Không thể một mình cưỡi ngựa, không có con đường thứ ba. Chúng ta chống tập đoàn phản động Tưởng Giới Thạch ở về phía chủ nghĩa đế quốc và chúng ta cũng chống lại những ảo tưởng về con đường thứ ba"25 (Về chuyên chính dân chủ nhân dân (30-6-1949), Tuyển tập Mao Trạch Đông, tập IV, tr.434, chúng tôi gạch dưới).


Hoặc còn một văn kiện hết sức nổi tiếng của Lưu Thiếu Kỳ đọc tháng 11 năm 1949 tại cuộc họp của Liên hiệp công đoàn thế giới tại Bắc Kinh:

"Con đường của nhân dân Trung Quốc để chiến thắng chủ nghĩa đế quốc và lũ chó săn của chúng, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa là con đường mà nhân dân nhiều nước thuộc địa và nửa thuộc địa phải theo, trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và vì dân chủ nhân dân (...). Con đường đó là con đường của Mao Trạch Đông. Con đường đó cũng có thể trở thành con đường căn bản mà nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa khác có những điều kiện tương tự, giành giải phóng đất nước"26 (Tân hoa nguyệt báo, tập 1, số 12, tr.440-441, bản dịch trong S.Schram và H.Carrère d'Encausse, le Marxisme et l'Asie (chủ nghĩa Mác và châu Á) Paris, A.Colin-1965, tr.379, 382).


Lập trường mà Chu Ân Lai bảo vệ ở Geneva cũng như trong cuộc đi thăm Ấn Độ và Miến Điện hình như trái ngược với những lời tuyên bố năm 1949. Chẳng phải Thủ tướng Trung Quốc đã tặm với Trưởng đoàn Bidault từ hôm 17 tháng 6 rằng chế độ nhà vua Lào và Campuchia làm Trung Quốc hài lòng đó sao?27 (Xem đoạn trên ở chương VII). Mấy ngày sau, Chu Ân Lai bảo đảm ở Ấn Độ, rồi ở Miến Điện rằng "cách mạng không thể đem xuất cảng được"28 (Xem đoạn trên ở chương VIII). Chẳng phải là Trung Quốc đã gây sức ép với Việt Minh để Việt Minh giảm bớt sự ủng hộ đối với Pathet Lào, một phong trào khác ở Đông dương duy nhất phát triển các luận điểm cách mạng rất gần gũi với họ đó sao? Một trong những kết luận rõ ràng nhất đã có thể rút ra từ các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình do Chu Ân Lai đưa ra trong thời kỳ hội nghị Geneva là Trung Quốc đã từ bỏ sự tín ngưỡng cách mạng năm 1949. Chính là qua đó mà 5 nguyên tắc đã đưa vào chính sách của Trung Quốc một sắc thái bảo thủ hết sức mới mẻ. Nhưng người ta cũng có thể nghĩ rằng khía cạnh ý thức hệ đó của Trung Quốc đụng chạm đến Liên Xô và Liên Xô đã gây sức ép để Trung Quốc phải từ bỏ.


Chính có lẽ để uốn nắn ấn tượng đó mà Trung Quốc, trong cùng thời gian đó, cố gắng giải thích cùng tồn tại hòa bình như là "sản phẩm đầu tiên của sự phát triển của một bộ luật quốc tế mới", như việc bắt đầu thay thế luật chiến tranh bằng một "bộ luật hòa bình" mà hiệp định Trung-Ấn năm 1954 (là) mẫu mực cho việc ký kết các hiệp ước trên cơ sở bình đẳng và hai bên đều có lợi29 (Chou Keng Sheng "Ts'ung Kuo-chi falun hoping kung-ch'u te yuan ts'e" Tòng quốc tế pháp luận hòa bình cộng sứ đích nguyên tắc (Bàn về cùng tồn tại hòa bình theo công pháp quốc tế) Chính pháp nghiên cứu, số 6, 1955, tr.37-41). Thực ra bộ luật hòa bình chẳng có gì mới bao nhiêu vì mỗi nguyên tắc, dưới những hình thức khác nhau đều đã có ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc rồi30 (Nguyên tắc 1 ở điều 2 chương I và chương 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, nguyên tắc 2 ở điều 2 chương 4 và điều 1 chương 1, nguyên tắc 3 ở điều 2 chương 7, nguyên tắc 4 ở điều 2 chương 1 và nguyên tắc 5 ở điều 1 chương 1 và chương 3). Nhưng xét theo quan điểm Trung Quốc, nó tỏ ra có lợi rất lớn ở chỗ đây không phải là bộ luật do phương Tây nặn ra và nói rõ hơn, do một tổ chức mà trong đó Cộng hòa Nhân dân Trung hoa bị loại ra (thời kỳ Chính phủ Bắc Kinh đúng là đang cố gắng xin vào thì lại không nói như thế). Ngoài ra, bộ luật hòa bình đó mở ra khả năng tổ chức đời sống quốc tế ở Đông dương (giữa các nước ở Đông dương với nhau và với các nước ngoài) trên một cơ sở khác hơn là bộ luật từ một tổ chức mà Bắc Kinh phủ nhận mọi thẩm quyền trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tóm lại, người ta lại thấy ở đây Trung Quốc đối lập về căn bản với Mỹ. Bộ "luật quốc tế mới", nội dung của năm nguyên tắc là một sự bác bỏ tổng quát luật phương Tây (không phải là hoàn toàn không có trong tư duy của Trung Quốc) thực ra là phản ánh việc Trung Quốc từ chối tôn trọng ở Đông dương và ở nơi khác, những quy định pháp lý của Liên hợp quốc mà Mỹ đã tham gia khởi thảo.


Tuy nhiên, cuộc thương lượng tại Geneva chứng tỏ rằng một trong những nguyên tắc lớn điều hành tổ chức quốc tế tức là vai trò đặc biệt của năm nước lớn trong việc gìn giữ hòa bình đã được Trung Quốc chấp nhận, thậm chí bênh vực nữa. Phản ứng đầu tiên của Trung Quốc về thông cáo (hội nghị) Berlin tháng 2 năm 1954 đã nhấn mạnh điều đó. Trong bài xã luận quan trọng ngày 22 tháng 2, tờ Nhân dân nhật báo viết: "Các nước lớn có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo vệ hòa bình và an ninh giữa các dân tộc". Rồi trong những tuần lễ trước khi họp hội nghị Geneva cũng như trong thời gian hội nghị, Trung Quốc-như người ta thường nhận thấy-luôn luôn cho đây là một cuộc họp năm "nước lớn" và những nước có liên quan. Thái độ đó càng đáng chú ý khi vấn đề cần phải giải quyết lại là ở châu Á.


Điều đó có nghĩa là trong khi cổ vũ cho châu Á một hệ thống hòa bình tập thể dựa trên những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, Trung Quốc thừa nhận rằng trong trường hợp khủng hoảng, trách nhiệm đặc biệt thuộc về năm "nước lớn" ở châu Á cũng như phần còn lại của thế giới. Qua đó Trung Quốc đứng về phía quan niệm cũ của phương Tây về an ninh tập thể, không có liên quan gì (thậm chí mâu thuẫn) với cách xử sự cổ truyền của Trung Quốc trong lĩnh vực chính sách đối ngoại.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 07:01:57 am
Phong cách ngoại giao của Trung Quốc

Đường lối tư tưởng và việc thực hiện chính sách đối ngoại


Việc giải quyết cuộc xung đột lần thứ nhất ở Đông dương cho thấy ở hai trình độ khác nhau, một bức tranh mẫu mực về sự linh hoạt của chính sách đối ngoại của Trung Quốc: một mặt trong việc quyết định đường lối tư tưởng chung, mặt khác trong việc thực hiện đường lối ấy.


Tình trạng thông tin của chúng tôi không cho phép phân tích sâu sắc quá trình khởi thảo đường lối tư tưởng áp dụng vào một thời điểm nhất định trong lĩnh vực chính sách quốc tế. Muốn vậy, cần hiểu chi tiết cơ cấu và sự điều hành bộ máy ngoại giao với các bộ máy khác (Đảng, quân đội, các bộ kinh tế, v.v...), tất cả những cái đó, mặc dù đã có những công trình nghiên cứu31 (Chẳng hạn như H.F.Schurmann, Ideology and Organigation in Communist china (Tư tưởng và tổ chức trong nước Trung hoa Cộng sản Berkely, 1966, 540 trang)) nhưng hãy còn rất tối tăm, nhất là trong một thời kỳ như năm 1954.


Ngược lại việc so sánh giữa các chủ đề phát triển trong thời gian 1949-1950 và những chủ đề đã được trình bày ở Geneva chứng tỏ đường lối đó đã thay đổi nhanh chóng đến mức nào. Trong một trường hợp, người ta đã nhắc lại việc lên án triệt để mọi "con đường thứ ba", ở một trường hợp khác, ý muốn thấy Lào và Campuchia trở thành những "nước dân chủ và hòa bình theo gương các nước mới ở Đông Nam Á như Indonesia, Miến Điện hoặc Ấn Độ". Việc tập trung quyền hành ở một số nhỏ những người có trọng trách và không có gần như hoàn toàn dư luận công chúng (nhất là về chính sách đối ngoại) giải thích một phần lớn sự linh hoạt này, có lẽ phải thêm vào đó-nhưng cái đó lại đưa chúng ta trở lại truyền thống-ý nghĩa coi mình là thượng đặng, hôm qua là đối với thế giới "man di" hôm nay đối với bọn "phản cách mạng", có lẽ đưa những người lãnh đạo Trung Quốc đến chỗ coi thường hậu quả đối với bên ngoài của những thay đổi đột ngột như vậy. Ngoài ra, nhận xét này có giá trị nhiều đối với Mao Trạch Đông là người đến lúc đó, hầu như không có kinh nghiệm gì về ngoại giao quốc tế, hơn là với bản thân Chu Ân Lai, đã từ nhiều năm, từng giao thiệp với người nước ngoài.


Ở một trình độ khác, hội nghị Geneva là một thí dụ điển hình của chủ nghĩa thực dụng, đặc trưng của nền ngoại giao hiện đại của Trung Quốc. Đằng sau lập trường nguyên tắc bề ngoài tỏ ra không nhượng bộ, diễn đạt bằng thuật ngữ mạnh mẽ, Chu Ân Lai biết tỏ thái độ hoàn toàn thực tế. Những cuộc nói chuyện nửa chính thức với các trưởng đoàn Bidault và Măng-đét Phrăng cũng như với các đại biểu các quốc gia liên kết32 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Bản ghi nhớ gửi Bộ tham mưu các lực lượng vũ trang, Cục 2/về vấn đề: nước Trung hoa nhân dân tại Geneva/Tùy viên quân sự/Bangkok, số 245-AM/31-8-1954, tr.2) hoàn toàn không thấy để lộ những lý do tư tưởng. Tuy theo diễn biến tình hình, thủ tướng Trung Quốc đã chứng tỏ đoàn đại biểu của ông ta có thể nhanh chóng đưa ra một sáng kiến như thế nào. Chỉ 16 tiếng đồng hồ sau thất bại của hội nghị bàn về Triều Tiên, ông ta đã đến gặp I-đơn để nói rằng ông ta nghĩ "có thể thuyết phục Việt Minh rút" khỏi  Lào và Campuchia. Chính là cũng trong thời hạn rất ngắn mà Vương Bính Nam, trong lúc Chu Ân Lai vắng mặt, mấy ngày sau đó đã làm Pháp và Việt Minh gặp nhau để tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng của các cuộc hội đàm quân sự giữa hai đoàn đại biểu. Cuộc hội nghị, Chu Ân Lai đã nhận những nhượng bộ quan trọng một cách nhanh chóng và thực tiễn. Ví dụ như việc Mỹ không chịu ký tên vào bản tuyên bố cuối cùng hay những việc vi phạm các điều khoản liên quan đến các căn cứ quân sự ở Campuchia và Lào. Chắc chắn người ta có thể nghĩ rằng sự linh hoạt trong thương thuyết là của Chu Ân Lai hơn là của cả bộ máy ngoại giao Trung Quốc nói chung33 (Về điểm này, chúng ta lưu ý rằng, vừa là thủ tướng vừa là Bộ trưởng ngoại giao, không một sự quan liêu nào có thể làm chậm trễ hoạt động của ông). Đúng là trí thông minh chính trị vô song của Thủ tướng Trung Quốc không thể đánh giá thấp được. Tuy nhiên, cũng một sự linh hoạt như vậy của nền ngoại giao Trung Quốc sẽ được nhận thấy trong các cuộc thương lượng sau này với sự vắng mặt của Chu Ân Lai. Cũng như thế mà chẳng hạn như A.Lall nêu lên sự linh hoạt của đoàn đại biểu Trung Quốc do Trần Nghị dẫn đầu trong cuộc hội nghị Geneva lần thứ 2 những năm 1961-196234 (Arthur Lall. How Communist China Negociates. (Cộng sản Trung hoa thương thuyết như thế nào) New York, Columbia, University Press, 1968, tr.27, nêu lên rằng tính chất linh hoạt đó cho phép Trung Quốc thương lượng về một số vấn đề quốc tế bất chấp trở ngại bề ngoài tưởng như không vượt qua nổi). Nhưng cũng phải thấy rằng Trần Nghị cũng như Chu Ân Lai thuộc về thế hệ cách mạng đầu tiên được đào tạo theo tư tưởng cổ điển, điều đó chắc chắn có ảnh hưởng lớn lao đến phong cách ngoại giao của Trung Quốc những năm 1950 (và sau đó).


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 07:02:58 am
Một quan niệm độc đáo về đàm phán

Mặc dù đôi khi rất khó phân biệt trong cách xử sự của Trung Quốc tại Geneva, đâu là thuộc về phần cá nhân Chu Ân Lai, đâu là phần của nền ngoại giao Trung Quốc nói chung, hội nghị này không kém phần tạo nên một tấm gương hoàn toàn đặc biệt về cách Trung Quốc đề cập một cuộc đàm phán.


Tầm quan trọng về số lượng của đoàn đại biểu Trung Quốc ở Geneva-có lẽ 200 người-đã làm những nhà quan sát đặc biệt chú ý. Trong nhiều cuộc hội nghị về sau, Trung Quốc sẽ giữ những đoàn cũng đông người như thế tại Bangdung mấy tháng sau đó. Tình hình đó có thể giải thích theo nhiều cách. Một mặt ở Trung Quốc cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác, tất cả nhân viên báo chí đều được kể trong đoàn đại biểu chính thức, làm cho số người của đoàn phình ra rất lớn. Ngoài ra tại Geneva cũng như tại nhiều cuộc hội nghị quốc tế khác, một số lớn thực tập ngoại giao đã tham gia đoàn đàm phán. Nhưng trong trường hợp nước Trung hoa nhân dân bao giờ cũng cố gắng xây dựng sức mạnh trên số lượng, có thể đó cũng là kết quả của một chính sách cố tình-đó là giả thuyết do một vài tác giả đưa ra35 (Như trên, tr.1-3) nhằm nhắc nhở rằng trong mọi cuộc thương lượng, các đại biểu của nhân dân Trung Quốc là thay mặt cho 600 triệu người36 (Chúng ta còn nhớ, cũng vào lúc này, Chu Ân Lai và báo chí Trung Quốc thường hay nhấn mạnh Trung Quốc thay mặt cho 960 triệu con người. Người ta cũng biết là tầm quan trọng về dân số là một trong các lý lẽ mà Trung Quốc luôn luôn phát triển để đòi chiếc ghế cho mình tại Liên hợp quốc). Vả lại, thói quen thảo luận mọi vấn đề trong các nhóm đông người có thể giải thích sự có mặt tại hội nghị những viên chức và cán bộ chính trị bề ngoài không tham gia trực tiếp vào các cuộc hội đàm nhưng chắc là đóng vai trò không nhỏ trong việc quyết định chủ trương của đoàn đại biểu Trung Quốc. Cuối cùng, hết thảy các nhà quan sát đều thừa nhận mỗi một yếu tố của hồ sơ đàm phán đều được Trung Quốc chuẩn bị tỉ mỉ. Rất rõ ràng là một sự phân tích kỹ lưỡng các sự vật như vậy đòi hỏi phải có rất nhiều người37 (A.Lall, sách đã dẫn, tr.36 cũng nhận xét như vậy về Hội nghị Geneva lần thứ 2).


Nhưng ngoài các lý do riêng biệt đó, chính là toàn bộ quan niệm của Trung Quốc về đàm phán mới là vấn đề cần phải bàn. Ngoại giao Trung Quốc ít khi đề cập các vấn đề cùng một lúc, mà họ thích khoanh các vấn đề thảo luận lại để giải quyết tốt hơn. Đối với Trung Quốc, một cuộc đàm phán bao giờ cũng có nhiều mặt. Vì vậy đàm phán phải dài-lúc mới đầu, Chu Ân Lai tính phải ở Geneva nhiều tháng dòng-phải phân tán, đôi khi phải bất ngờ, nhưng cũng toàn diện hơn. Công trình nghiên cứu lý thú của Scott A.Boorman gắn chiến lược của Trung Quốc (cả về quân sự lẫn chính trị) với cách chơi cở vây (Wei ch'i) đã đưa ra sự giải thích vừa khích lệ vừa thuyết phục về điều này38 (Scott A.Boorman, Gô et Mao (Gô và Mao) Dịch từ tiếng Mỹ, Paris, Le Seuil, 1972, 215 trang và bản đồ). Ông ta thấy thủ đoạn ngoại giao của Trung Quốc là sự vận dụng chiến lược bao vây trong quan hệ quốc tế. Nhắc lại ý kiến của Boorman, Francis Audey định nghĩa quan niệm của Trung Quốc về bao vây như sau:

"Trong suy nghĩ của người Trung Quốc (...) đây là sự phối hợp các lực lượng hãy còn phân tán trong một hành động chung. Khái niệm bao vây xóa bỏ mọi sự phân biệt đối với những lĩnh vực hoạt động khác nhau: chiến lược quân sự, sự kết hợp chính trị-kinh tế, chính trị, ngoại giao và nhất là văn hóa, đều có thể tham gia cùng chung một tư tưởng chỉ đạo"39 (Francis Audrey, La Chine 25 án, 25 siècles (25 năm, 25 thế kỷ của nước Trung hoa) Paris, Le Seuil, 1975, tr.157-160).


Chúng tôi thấy đúng là phần lớn thủ đoạn ngoại giao của Chu Ân Lai trong thời gian hội nghị Geneva nằm trong định nghĩa trên. Bề ngoài, hành động của ông ta hình như phân tán. Người ta thấy ông tiếp các nhân vật khác nhau từ nghệ sĩ Charlie Chaplin đến chủ ngân hàng, nhà kinh doanh, các trưởng đoàn đại biểu dự hội nghị, đại sứ các nước thuộc thế giới thứ ba... Thủ tướng Trung Quốc chỉ đạo hoặc phối hợp các cuộc thương thuyết trên nhiều vấn đề khác nhau như quam hệ ngoại giao Trung-Anh, buôn bán với nước ngoài hoặc quan hệ với Mỹ. Giữa thời gian hội nghị, ông tiến hành cuộc đi thăm nổi tiếng ở Ấn Độ và Miến Điện.


Thực ra, khi tất cả những vấn đề đó đã gắn chặt vào nhau, Trung Quốc mới tìm cách thận trọng đẩy con tốt của mình vào nơi nào xem ra sức chống đỡ của đối phương yếu nhất. Qua Ấn Độ, Trung Quốc mon mén đến với khối Thịnh vượng chung; Trung Quốc quan hệ với Tây Âu qua con đường buôn bán cũng như với Đông dương qua chiêu bài "Trung lập hóa". Nhưng ngược lại, không bao giờ đặt vấn đề chiếc ghế tại Liên hợp quốc hoặc công nhận ngoại giao đối với Trung Quốc. Tóm lại, kỹ thuật đàm phán đó đa dạng mà lại hoàn toàn liên kết với nhau, nếu đem phân tích từ nhiều tiêu chuẩn riêng: Một mặt có ý kiến cho rằng ván bài ngoại giao mà Trung Quốc đã tham gia "không hề có giới hạn về thời gian"40 (S.A.Boorman, sách đã dẫn, tr.178) và vì vậy nhịp độ của nó có thể rất chậm ("thời gian ủng hộ Trung Quốc"); mặt khác lại có ý kiến cho rằng ván bài ấy là toàn cầu và đa dạng, do đó trong giai đoạn đầu hãy chỉ bao vây những điểm lẻ loi, bề ngoài là thứ yếu hoặc bị cô lập, nhưng có thể dễ dàng kiểm soát. Sau này đến lúc những điểm đó nối liền với nhau và tạo thành một "thế trận" liên hoàn thì từ đó Trung Quốc có thể hy vọng giành thắng lợi cho nền ngoại giao của mình.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 07:04:17 am
Kết luận


Nghiên cứu chính sách của Trung Quốc đối với Đông dương năm 1954 trong phạm vi hạn chế về không gian và thời gian, người ta đi đến những kết luận khá rõ ràng.


Toàn bộ thái độ của đoàn đại biểu Trung Quốc đã chứng tỏ rằng mục tiêu hàng đầu của họ, từ đầu đến cuối cuộc khủng hoảng là tránh cho chiến tranh Đông dương khỏi quốc tế hóa như đã xảy ra ở Triều Tiên 4 năm trước. Vậy buộc phải nhanh chóng đi đến một giải pháp thông qua thương lượng, tước bỏ của Mỹ mọi lý do hay mọi cớ can thiệp vào bán đảo Đông dương. Trong triển vọng đó, việc duy trì sự có mặt nào đó của Pháp được xem như là một đối trọng đối với tham vọng của Mỹ ở khu vực này.


Ngoài ra, Trung Quốc đã bày tỏ rõ ràng ý muốn của mình là xây dựng một Đông dương mới, chắc chắn là như vậy, nhưng tôn trọng tính đặc thù của mỗi dân tộc hợp thành cũng như tính đa dạng về nguyện vọng của họ. Nhằm mục đích đó, đoàn đại biểu Trung Quốc đã đi đến chỗ hạn chế tham vọng của Việt Minh ở Việt Nam cũng như ở Lào và Campuchia. Ngược lại, Chu Ân Lai đã đóng góp tích cực vào việc củng cố tính đại diện của các chính phủ nhà Vua-Viêng Chăn và Phnom-pênh-những chính phủ này sẽ là những trở ngại tất nhiên đối với tính năng động cách mạng của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay cả trong vấn đề Việt Nam, lập trường của trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc có thể giải thích như một sự bảo lãnh ngầm của Trung Quốc đối với sự tồn tại thật sự của một Nhà nước Nam Việt Nam.


Bên cạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng Đông dương, Chu Ân Lai đã muốn làm an tâm Nam Á và Đông Nam Á. Ông ta đã tìm cách làm cho các nước ở vùng này hiểu rằng sự xuất hiện một nước Trung hoa mới không đe dọa chút nào an ninh của họ, trái lại, có thể tạo nên một nhân tố ổn định ở trong vùng. Nhằm mục đích đó, Trung Quốc đưa ra nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình mà các nước khác nhau như Ấn Độ, Miến Điện hay Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tiếp nhận. Tại Geneva, Chu Ân Lai đã đem lại cho chính sách đó một nội dung cụ thể bằng cách làm dễ dàng cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Đông dương trên cơ sở 5 nguyên tắc. Tại New Delhi và tại Yangon, ông ta công khai cam kết đi theo chiều hướng đó. Không những chiến lược đó đáp ứng những đòi hỏi cấp bách về kinh tế của Trung Quốc mà còn có thể, trong một thời gian nhất định, cách ly Mỹ với một số đồng minh châu Á. Trước mắt, chiến lược đó làm cho hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á, do Washington khởi xướng, không với được đến các nước trong khối Colombo. Về lâu dài, nó có thể khoét sâu các mâu thuẫn âm ỉ giữa Mỹ và đồng minh Tây Âu và cho phép Trung Quốc nối với Tây Âu một số quan hệ buôn bán, thậm chí cả quan hệ chính trị sau này.


Một vài kết luận mà chúng tôi cố gắng đi sâu trong phần thứ tư, có thể gây ngạc nhiên: Nước Trung hoa nhân dân tự khẳng định bản thân trước là "nửa thuộc địa", từ 1949 đã hăng hái đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, cuối cùng chấp nhận một lập trường hết sức ôn hòa đối với việc thi thực dân hóa Đông dương. Năm 1949, tự coi mình là người dẫn đường cho công cuộc cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, Trung Quốc không e ngại gì trong việc gây sức ép đối với một phong trào triệt để chống thực dân và cách mạng như Việt Minh.


Trong 4 năm qua, đặc biệt là do cuộc chiến tranh Triều Tiên, một phần những sáng kiến trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc là nhằm chống phương Tây, thì tại Geneva, rõ ràng Trung Quốc đã tìm cách cải thiện quan hệ với nhiều nước châu Âu, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Từ năm 1949, Trung Quốc thực tế đã không đề cập đến vấn đề đó trong cuộc thương lượng, ngay cả trong các cuộc hội đàm tay đôi, nửa chính thức. Cuối cùng, cuộc cách mạng 1949 sâu sắc và triệt để, vẫn có thể tìm thấy trong chính sách đối ngoại của Nhà nước mới, những yếu tố không thay đổi, ít nhất là ở Đông dương và trên một số điểm, làm cho chế độ nhân dân không những là người thừa kế mà còn tiếp nối chính sách của nước Trung hoa xưa kia.


Tuy nhiên những kết luận đó không thể được coi như phổ biến ở mọi nơi và mọi lúc.

Nghiên cứu lập trường của Trung Quốc đối với Đông dương và Triều Tiên năm 1954, giới hạn nó trong các vấn đề nghiêm trọng ở ngoại vi trực tiếp của Trung Quốc (trường hợp Đài Loan có tính cách hoàn toàn khác) làm nổi bật sự khác nhau căn bản trong chính sách của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa đối với hai khu vực. Đó là cùng một ý muốn đẩy lùi sự uy hiếp của Mỹ đã giải thích thái độ ôn hòa của Trung Quốc trong vấn đề Đông dương và thái độ cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên. Trong lúc ở Triều Tiên, sự có mặt của Mỹ có nguy cơ làm dễ dàng việc phục hồi ảnh hưởng nào đó của một mẫu quốc thực dân cũ-là Nhật Bản-mà Trung hoa nhân dân chỉ có thể kịch liệt phản đối, ngược lại Trung Quốc cho rằng, duy trì sự có mặt của Pháp ại Đông dương chính là ngăn chặn được sức ép của Mỹ ở đây. Và những thí dụ như vậy có thể còn rất nhiều. Những năm sau đó, rõ ràng là Trung Quốc thay đổi chính sách của mình ở Đông dương. Về phương diện đó, một sự phân tích so sánh thái độ của Trung Quốc tại hội nghị Geneva năm 1954, rồi hội nghị Geneva năm 1961-1962 về Lào, lập trường của Trung Quốc đối với hội nghị nhân dân Đông dương ở Phnom-penh năm 1965 và ở Quảng Châu năm 1970 và cuối cùng cách xử sự của Trung Quốc đối với hội nghị Paris về Việt Nam năm 1973 có thể chứng minh rõ rằng chính sách của họ đã có nhiều thay đổi và không thể khái quát hóa các kết luận rút ra từ việc nghiên cứu giải pháp năm 1954 về Đông dương.


Vào lúc này, đúng là ý muốn ưu tiên của Trung Quốc đẩy lùi sự uy hiếp của Mỹ đã chi phối hành động của họ và đặt họ ở trong khuôn khổ một chính sách phối hợp với Liên Xô. Từ đó rút ra những kết luận đã nêu lên ở trên: phân công trách nhiệm giữa Bắc Kinh và Moscow, khả nằng để Trung Quốc tiến hành hoạt động tương đối độc lập trong phạm vi được phân công, chỗ dựa của chính sách đó là sức mạnh quân sự của Liên Xô, khởi thỏa những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, nội dung lặp lại những nguyên tắc của Liên Xô.


Bảy năm sau, tại hội nghị Geneva về Lào, mục tiêu ưu tiên của Trung Quốc hơn bao giờ hết vẫn là chấm dứt sự can thiệp đang tăng lên của Mỹ ở bán đảo Đông dương. Nhưng tranh chấp Trung-Xô đã thay đổi về căn bản những dữ kiện của vấn đề. Nếu Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, cũng như Liên Xô và Bắc Việt Nam tiếp tục bênh vực giải pháp về chính phủ liên hợp Lào có khả năng giữ cho Lào được trung lập thật sự, thì rõ ràng là nội dung của trung lập, xét theo quan điểm Trung Quốc, không phải như năm 1954 nữa. Từ lúc này quan điểm của Trung Quốc về cùng tồn tại hòa bình, đã nặng về chống Liên Xô. Bởi vậy, việc Liên Xô giữ đỡ cho phái trung lập ở Lào đã dần dần thúc đẩy Trung Quốc thay đổi chiến lược. Từ nay, đằng sau hành động ủng hộ chính thức chính phủ của Hoàng thân Souvana Phouma, Trung Quốc đã tỏ ra ít muốn kiềm chế tham vọng của Việt Minh ở Lào như năm 1954, lại muốn tăng cường phương tiện cho Pathet Lào, lôi kéo Pathet Lào đi vào quỹ đạo của Trung Quốc để ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ lẫn thâm nhập của Liên Xô. Ngoài ra năm 1964, cuộc khủng hoảng ở Lào lại bùng lên, thúc đẩy Trung Quốc đi xa hơn nữa, công khai chỉ trích Hoàng thân Souvana Phouma là phục vụ lợi ích cảu phái hữu thân Mỹ.


Sự kiện vịnh Bắc Bộ (tháng 8 năm 1964) đánh dấu bước đầu của chính sách "leo thang" của Mỹ ở Việt Nam, còn làm biến đổi tận gốc bối cảnh Đông dương và dẫn Trung Quốc đến chỗ thay đổi một lần nữa chính sách của họ. Với lập trường ngày càng cứng rắn thêm lên rất nhanh chóng, Trung Quốc đi đến chỗ từ chối, gợi ý triệu tập một cuộc hội nghị Geneva lần thứ 3 ít nhất là về vấn đề Campuchia, với thành phần tham dự giống như năm 1961-1962, như vậy là loại trừ mọi cuộc thương lượng với Ấn Độ, Thái Lan, Nam Việt Nam v.v... Rồi, bắt đầu từ năm 1966, lần này là về vấn đề Việt Nam, Trung Quốc bác bỏ mọi khả năng họp hội nghị các nước ở Geneva, viện lẽ rằng sáng kiến như vậy là nguy hiểm đối với tương lai của Đông dương do có sự "câu kết" giữa Liên Xô và Mỹ. Trong suốt các năm chiến tranh, tương ứng với năm tháng của cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc không những chính phủ Bắc Kinh bảo đảm một cách có hệ thống những sáng kiến của chính phủ Hà Nội, nhưng đôi khi, trái ngược với điều đã xảy ra năm 1954, Bắc Kinh hình như còn có thái độ không khoan nhượng hơn cả Hà Nội. Chính vì vậy mà báo chí Trung Quốc trong nhiều tháng phớt lờ cuộc thương lượng ở Paris khai mạc tháng 5 năm 1968.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 07:05:27 am
Bắt đầu từ những biến cố ở Campuchia, tháng 3 năm 1970, dẫn đến việc lật đổ thái tử Sihanouk, Trung Quốc, trái ngược với chính sách đã qua, nay bảo vệ nguyên tắc không thể phân chia cuộc đấu tranh chống đế quốc ở 3 nước Đông dương. Vì vậy, tháng 4 năm 1970, Trung Quốc chủ động triệu tập một cuộc họp cấp cao nhân dân các nước Đông dương ở gần Quảng Châu. Ngày 28-4-1970, chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố phản đối mọi hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề Campuchia, ngược lại, cổ vũ 3 nước chiến đấu sát cánh bên nhau, cùng chung căm thù, chống địch. Tất cả những cái đó hoàn toàn ngược lại với chính sách của Trung Quốc năm 1954.


Cách mạng văn hóa chấm dứt, rồi cuộc đi thăm của Kissinger ở Bắc Kinh tháng 7 năm 1971 và tháng 2 năm 1972, Nixon sang thăm Trung Quốc, đã đi đến kết luận phải tiến hành xem lại lập trường của Trung Quốc. Việt rút lui của Mỹ khỏi Đông dương, đối với Trung Quốc, có vẻ như không thể đảo ngược. Tháng 2-3 năm 1973, Trung Quốc tham dự hội nghị Paris, ghi nhận hiệp định Mỹ-Việt ký kết 1 tháng trước đó. Lần này Trung Quốc giành được điều Mỹ đã từ chối năm 1954, tức là cùng ký vào một văn kiện bảo đảm hòa bình ở Việt Nam cũng như nền trung lập của Lào và Campuchia.


Lướt qua thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề Đông dương trong hai chục năm qua tiếp sau Hội nghị Geneva năm 1954, chúng tôi thấy khá rõ là Cộng hòa Nhân dân Trung hoa trong suốt thời kỳ đó, tùy theo bối cảnh quốc tế và trong nước cực kỳ sôi động, đã phải không ngừng thích nghi chính sách của mình ở bán đảo Đông dương như thế nào. Về phương diện quốc tế, cuộc xung đột Trung-Xô, cuộc can thiệp vũ trang của Mỹ ở Việt Nam rồi hòa hoãn giữa Bắc Kinh và Washington, về mặt đối nội, phong trào giáo dục xã hội chủ nghĩa như năm 1962-1965, rồi cuộc cách mạng văn hóa và cuối cùng sinh hoạt chính trị ở Trung Quốc dịu đi sau sự kiện Lâm Bưu (1971) là những nhân tố chủ yếu trong 20 năm qua làm cho chính phủ Bắc Kinh phải thường xuyên xem xét lại chính sách về Đông dương đề ra năm 1954.
Tuy nhiên, có một vài yếu tố có ý nghĩa của chính sách đó định ra từ 1954, không thay đổi bao nhiêu trong những năm sau đó. Ngoài những sự thay đổi mà chúng tôi vừa nhấn mạnh và không được lạm dụng để khái quát lên, thái độ của Trung Quốc đối với Đông dương trong 20 năm, so sánh với chính sách năm 1954, có một sự liên tục đáng chú ý trên một số điểm.


Điểm không thay đổi rõ ràng nhất có lẽ là ý muốn mà Trung Quốc luôn luôn thể hiện, kể cả vào những thời kỳ căng thẳng nhất, là duy trì một thế cân bằng nào đó giữa các nước ở Đông dương. Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng chính phủ Bắc Kinh để cho kỳ hạn tổ chức tổng tuyển cử ở Việt Nam được dự kiến vào tháng 7 năm 1956, qua đi mà không nêu lên những khó khăn thật sự nào. Đối với chúng tôi, hình như điều đó củng cố đáng kể ý kiến từ 1954, rằng Trung Quốc đã hoàn toàn chấp nhận sự tồn tại của một Nhà nước Nam Việt Nam, và tồn tại trong một thời gian dài. Ngay sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ )1963), ít nhất trong thời gian đầu, Trung Quốc còn tỏ ra có một vào gượng nhẹ đối với tập đoàn quân sự lên thay thế, chắc là mong muốn, trước khi hành động, quan sát xem thái độ của họ đối với Mỹ ra sao. Cũng như năm 1954, chính là thái độ xử sự của Nam Việt Nam đối với Mỹ đã làm chính phủ Bắc Kinh phải lưu tâm hơn là những tiến bộ của Mặt trận dân tộc giải phóng thành lập năm 1960.


Nhưng năm 1964 sẽ đánh dấu bước đầu của một tiến trình không còn chỗ nào nghi ngờ được nữa. Kể từ năm đó, trong khi luôn luôn ủng hộ quy chế trung lập của Lào và Campuchia, Trung Quốc tỏ ra gắn bó rõ rệt hơn với tính đa dạng của Đông dương. Tháng 5 năm 1964, chính phủ Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ triệu tập một cuộc hội nghị mới ở Phnom-penh để khẳng định lại nền trung lập của Lào nhằm ngăn cản sự can thiệp của Mỹ vào Lào. Đồng thời, Trung Quốc ủng hộ đề nghị của thái tử Sihanouk về việc triệu tập một hội nghị quốc tế nhằm bảo đảm nền trung lập của Campuchia. Ngày 2-5-1965, một bản tuyên bố của Trung Quốc nói rõ thêm rằng Trung Quốc phản đối mọi chủ trương gắn các vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia với nhau. Và chủ yếu chính là đối với người bảo vệ và tượng trưng cho nền trung lập của Campuchia mà năm 1970, Bắc Kinh đã mời cư trú. Chắc chắn là từ hội nghị Quảng Châu-như người ta đã nhận xét-Trung Quốc, để làm thất bại chính sách của Liên Xô, ngược lại nhấn mạnh sự thống nhất của cuộc đấu tranh ở Đông dương. Tuy nhiên Định ước mà chính phủ Bắc Kinh ký ngày 2-3-1973 ở Paris, ghi nhận sự cam kết của Mỹ và 3 bên Việt Nam tôn trọng nền trung lập của Lào và Campuchia. Về điểm này, như vậy là hội nghị Geneva năm 1954 đã mở đầu một chính sách mà 20 năm dòng Trung Quốc không bao giờ chịu lùi bước.


Người ta cũng có thể nhắc lại trong 10 năm, Trung Quốc đã nói đến hiệp định năm 1954 về Việt Nam với sự kiên trì ghê gớm. Trong dịp quốc khánh lần thứ X, chính phủ Trung Quốc tuyên bố: "chưa phải là quá chậm để trở lại hội nghị Geneva năm 1954". Mấy ngày sau sự kiện vịnh Bắc bộ (5-8-1964), nguyên soái Trần Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết cho Xuân Thủy, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bắc Việt Nam: "... hai đồng chủ tịch hội nghị Geneva đặc biệt có trách nhiệm mà họ không thể thoái thác được" (thư đề ngày 12 tháng 8). Chỉ hai năm sau, vào lúc cao độ của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và cao độ của cuộc cách mạng văn hóa, chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ nói với Mỹ: "Bởi vì các người đã hoàn toàn xé bỏ hiệp định Geneva năm 1954, dĩ nhiên là để ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, chính phủ và nhân dân Trung Quốc từ nay không còn bị ràng buộc bởi hiệp định Geneva nữa" (Tuyên bố ngày 22-7-1966). Trung Quốc cũng vẫn ký Định ước Paris ngày 2-3-1973, qua điều 1, ghi nhận hiệp định Mỹ-Việt ngày 27 tháng 2 trước đó, trong đó có nhiều điều khoản còn dựa trên những văn kiện năm 1954. Ngoài ra chính là dựa trên quyền lực của các quyết định Geneva mà trong 20 năm qua, Trung Quốc đã không ngừng cự tuyệt mọi thẩm quyền của Liên hợp quốc đối với công việc Đông dương, một điểm mà chính sách của chính phủ Bắc Kinh tỏ ra không lay chuyển.


Cuối cùng ngoài những nhận định về phương diện pháp lý ấy, người ta không thể không chú ý đến thái độ hết sức thận trọng trong hành động của Bắc Kinh ở Đông dương trong suốt thời gian này. Cũng trên phương diện đó, năm 1954 mở đầu một cách xử sự của Trung Quốc mà những biến cố sau đó cũng không làm nó thay đổi gì. Ngay cả nếu người ta có thể nghĩ rằng, trong cách nhìn thuần túy quân sự, thái độ ôn hòa đó, nhiều khi chỉ là dấu hiệu của một sự bất lực, trong những thời kỳ gay go nhất của cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ hai, cách cư xử của Trung Quốc cũng vẫn luôn luôn tỏ ra không kém thực tế. Vả lại tình trạng quan hệ Trung-Xô làm cho chính phủ Bắc Kinh không thể có một khả năng nào khác. Chính vì thế mà những lời phát biểu quá trớn, những cuộc biểu dương vô chính phủ của cách mạng văn hóa đã không bao giờ ảnh hưởng sâu sắc lắm đến chính sách của Trung Quốc ở bán đảo Đông dương. Có nghĩa là mặc dù có những sự đảo lộn rộng lớn trong đời sống quốc tế giữa hai cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ nhất và lần thứ hai, nhưng chủ trương của Trung Quốc ngay từ 1954 đã thể hiện chính sách của họ ở khu vực trong 20 năm qua. Một chính sách, mặc dù có sự thích nghi thường xuyên vào các tình thế khác nhau, luôn luôn theo đuổi cùng những mục tiêu chung, và từ đó chính sách ấy hầu như bao giờ cũng coi hiệp định Geneva là sự tham khảo chủ yếu.


Chắc chắn là việc thống nhất nước Việt Nam, việc mở rộng ảnh hưởng của Việt Nam ở Lào và sự có mặt ồ ạt của Liên Xô ở hai nước này lại một lần nữa đã hoàn toàn thay đổi dữ kiện của vấn đề, theo một chiều hướng căn bản trái ngược với điều ước mong của Trung Quốc. Có nghĩa rằng đối với Bắc Kinh cũng như đối với tất cả các nước có liên quan, hiệp định Geneva vĩnh viễn thuộc về quá khứ và ngày nay không còn có thể áp dụng gì được nữa.


Paris, ngày 23-4-1976


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 07:06:33 am
Phụ lục


Đại sự ký hoạt động của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Geneva và chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thời gian đó
(24 tháng 4 - 23 tháng 7 năm 1954)


Đại sự ký dưới đây được soạn ra dựa theo các bản tin của Tân hoa xã. Trong những trường hợp ngược lại, nguồn được ghi trong ngoặc đơn.


Trong mỗi ngày, các sự kiện được xếp đặt theo giờ. Những sự kiện nào không ghi rõ giờ nhưng được liệt kê giữa các sự kiện có ghi rõ giờ thì cũng coi như xếp theo thứ tự đó. Ngược lại, những sự kiện nếu không có ghi chú gì thì được tập hợp riêng ở cuối bảng kê của mỗi ngày.


24 tháng 4
15g30: Chu Ân Lai và các cố vấn của ông đến Geneva. Tuyên bố của Chu Ân Lai


26 tháng 4
Chiều: Hội nghị về Triều Tiên họp phiên đầu tiên. Đoàn đại biểu Liên Xô tổ chức chiêu đãi Chu Ân Lai. Cùng dự, về phía Trung Quốc, còn có Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông, Vương Bính Nam, Shhi che (?) và Kiều Quán Hoa


27 tháng 4
Chiều
17g30: Hội nghị về Triều Tiên họp phiên thứ hai. Cuộc họp báo đầu tiên của Hoàng Hoa.


28 tháng 4
Chiều: Hội nghị về Triều Tiên họp phiên thứ ba. Phát biểu của Chu Ân Lai.
17g15: Cung Bành họp báo. Đến 20 giờ, tiếp tục họp báo do Hoàng Hoa chủ trì.
Ăn tối: Chu Ân Lai mời cơm Molotov. Cùng dự, về phía Trung Quốc có Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông, Vương Bính Nam, Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang, Hoàng Hoa và Wang Cho Ju (?)


29 tháng 4
Chiều: Hội nghị về Triều Tiên họp phiên thứ tư. Hội đàm giữa Chu Ân Lai, Molotov và Nam Nhật. Hiệp định Trung-Ấn và Tây Tạng được ký kết tại Bắc Kinh. Công bố tại Bắc Kinh thông cáo về việc ký kết này.


30 tháng 4
Chiều: Hội nghị về Triều Tiên họp phiên thứ năm.
Ăn tối: Ăn tối giữa Eden, Chu Ân Lai và Molotov.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 07:07:44 am
1 tháng 5
19g00: Hoàng Hoa họp báo về vấn đề Triều Tiên.


3 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Triều Tiên họp phiên thứ sáu. Chu Ân Lai đọc tham luận.
19g00: Hoàng Hoa họp báo (công bố sự thỏa thuận về danh sách các bên tham dự hội nghị về Đông dương)


4 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Triều Tiên họp phiên thứ 7. Hoàng Hoa họp báo.


5 tháng 5
14g30: Vương Bính Nam gặp đại tá Guillermaz tại khách sạn "Bean Rivage" bàn về vấn đề thương binh ở Điện Biên Phủ (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp)


6 tháng 5
Sáng: Vương Bính Nam lại gặp Guillermaz (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp)
Chiều: Hoàng Hoa chiêu đãi các phóng viên báo chí tại Geneva


7 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Triều Tiên họp phiên thứ tám.
Ăn tối: Chu Ân Lai mời cơm Nam Nhật. Cùng dự, về phía Trung Quốc, còn có Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông, Vương Bính Nam, Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang, Hoàng Hoa và Wang Cho Ju (?). Người phát ngôn của đoàn đại biểu Trung Quốc cải chính tin của báo "Người bảo vệ Manchester" (Manchester Guardian) liên quan đến việc buôn bán giữa Trung Quốc và phương Tây và cải chính tuyên bố của đoàn đại biểu Pháp về vấn đề thương binh ở Điện Biên Phủ.


8 tháng 5
16h00: Hội nghị về Đông dương họp phiên (toàn thể) đầu tiên.
Ăn tối: Chu Ân Lai mời cơm Phạm Văn Đồng. Cùng dự, về phía ta có Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông, Vương Bính Nam, Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang, Hoàng Hoa và Wang Cho Ju (?). Tân hoa xã đưa tin đoàn đại biểu Trung Quốc đã nhận được điện chúc mừng từ Thụy Sĩ, Pháp và các nước khác gửi tới. Người phát ngôn của đoàn đại biểu Trung Quốc đổ trách nhiệm cho Pháp đã làm chậm trễ việc mở cuộc thương lượng về Đông dương.


9 tháng 5
Tại Bắc Kinh, những người đứng đầu các "đảng phái dân chủ" ủng hộ đề nghị của Chu Ân Lai tại Geneva. Tại Geneva, đoàn đại biểu Trung Quốc tiếp đoàn đại biểu công nhân khuân vác cảng Marseille.


10 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên (toàn thể) thứ hai. Trung Quốc và Việt Minh họp bàn về vấn đề thương binh ở Điện Biên Phủ (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp).
Tại Bắc Kinh, những người đứng đầu các "đảng phái dân chủ" ủng hộ hoạt động của Chu Ân Lai tại Geneva.


11 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Triều Tiên họp phiên thứ chín. Hoàng Hoa họp báo. Tại Bắc Kinh, Lai Jo-yu (?), Chủ tịch Tổng công hội Trung Quốc ủng họ đề nghị của Chu Ân Lai về quyền đại diện của Pathet Lào và Khmer.


12 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên (toàn thể) thứ ba. Chu Ân Lai trình bày lập trường tổng quát đối với vấn đề Đông dương.
Chiều: Hoàng Hoa họp báo.
Tối: Đoàn đại biểu Trung Quốc tổ chức chiêu đãi tại nhà hát quảng trường Saint Pierre ở thành phố Geneva cổ.
Tại Bắc Kinh, Tan Kah-kee và Seto Mee Tong cầm đầu tổ chức Hoa kiều, ủng hộ hoạt động của Chu Ân Lai tại Geneva.
Tại Bắc Kinh, Liao Cheng Chih, chủ tịch đoàn thanh niên dân chủ Trung Quốc, ủng hộ hoạt động của Chu Ân Lai tại Geneva.
Tại Bắc Kinh, 6.000 người họp mít tinh ủng hộ hành động của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Geneva.


13 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Triều Tiên họp phiên thứ mười.


14 tháng 5
10g-10g30: Chu Ân Lai gặp Eden
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên (toàn thể) thứ tư.
Chiều: Hoàng Hoa họp báo. Ông ta phủ nhận tính chân thực của tài liệu "Hand book for Political Workers Going to Vietnam" (Sổ tay dùng cho những người làm chính trị đi Việt Nam).
Tối: Đoàn đại biểu Trung Quốc chiêu đãi đại diện giới báo chí. Chu Ân Lai và Molotov tán thành đề nghị của Eden về việc tổ chức các cuộc họp hẹp về Đông dương.


15 tháng 5
Chu Ân Lai tiếp Anak Agung, đại sứ Indonesia tại Pháp


17 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ năm (họp hẹp).


18 tháng 5
Sáng: Trương Văn Thiên tiếp Yidegrd Dinshaw Gundevia, đại sứ Ấn Độ tại Thụy Sĩ
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ sáu (họp hẹp).
Chiều: Chu Ân Lai tiếp bà Rajkumari Amrit Kaur, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ.
Ăn tối: Vương Bính Nam gặp Paul Boncour và Guillermaz. Đbt tiếp đoàn đại biểu Hội đồng hòa bình toàn quốc Pháp.


19 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ bảy (họp hẹp).
Tại Bắc Kinh, một lãnh tụ Hồi giáo ủng hộ hoạt động của Chu Ân Lai tại Geneva.


20 tháng 5
11g-12g: Chu Ân Lai gặp Eden
Tối: Đoàn đại biểu Trung Quốc tiếp các đại diện giới báo chí.


21 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ tám (họp hẹp).
Tân hoa xã đưa tin việc tiếp nhiều đoàn đại biểu Pháp tới chức mừng đoàn đại biểu Trung Quốc.
Ikuo Oyama, Chủ tịch Ủy ban hòa bình toàn quốc Nhật ủng hộ hoạt động của Chu Ân Lai tại Geneva.


22 tháng 5
15g45: Họp báo của Cung Bành và Hoàng Hoa.
18g45: Hoàng Hoa tố cáo việc tiến công các tàu buôn đang đi giữa biển trên đường đến Trung Quốc.
Chiều: Hội nghị Triều Tiên họp phiên thứ 11. Đề nghị của đoàn đại biểu Trung Quốc.
Tối: Phùng Xuân chiêu đãi các quan khách Thụy Sĩ và các nhà ngoại giao nước ngoài tại Geneva.


23 tháng 5
15g00: Chu Ân Lai tiếp Menon


24 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ chín (họp hẹp).


25 tháng 5
10g30: Chu Ân Lai tiếp Menon
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 10 (họp hẹp).
Tại Berlin, Quách Mạt Nhược, Phó chủ tịch Hội đồng hòa bình khai mạc hội nghị Hội đồng hòa bình thế giới.


26 tháng 5
Hoàng Hoa họp báo về quan hệ Trung-Mỹ. Một đoàn đại biểu Hà Lan đến Bắc Kinh thương lượng việc thiết lập quan hệ ngoại giao.


27 tháng 5
10g30-11g: Chu Ân Lai tiếp Eden
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 11 (họp hẹp). Đề nghị của Trung Quốc.
Ăn tối: Cuộc gặp mới giữa Vương Bính Nam, Paul Boncour và Guillermaz.
21g00-22g: Chu Ân Lai tiếp Menon


28 tháng 5
Chiều: Hội nghị Triều Tiên họp phiên thứ 12.
Chiều: Hoàng Hoa họp báo.
19g30: Chu Ân Lai mời cơm Menon. Cùng dự, về phía Trung Quốc còn có Phùng Xuân, Trần Gia Khang, Wang cho-ju và Wen Peng-chiu (?)


29 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 12 (họp hẹp).
Đoàn đại biểu Mỹ ra tuyên bố bác bỏ những luận điệu của Hoàng Hoa đưa ra ngày 26 tháng 5 liên quan đến quan hệ giữa hai nước.
Hội đàm thương mại giữa Shih Chihang, Phó chủ tịch "Công ty xuất khẩu Trung Quốc" và Harold Wilson, cựu chủ tịch của Board of Trade (Ủy ban thương mại) của Anh.


30 tháng 5
Sáng: Gặp gỡ giữa Chu Ân Lai và Harold Wilson. Lôi Nhiệm Dân cũng có mặt tại cuộc gặp.
Tối: Vương Bính Nam gặp Chauvel


31 tháng 5
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 13 (họp hẹp). Tham luận của Chu Ân Lai.
Đoàn đại biểu Trung Quốc tiếp 8 đại biểu của Ủy ban hòa bình toàn quốc Thụy Sĩ.
Tân hoa xã đưa tin 25 đoàn đại biểu nhân dân Pháp tổng cộng gồm 267 người đã đến thăm đoàn đại biểu Trung Quốc.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 07:08:50 am
1 tháng 6
Ăn tối: Eden mời cơm Chu Ân Lai. Cùng dự, về phía Trung Quốc còn có Trương Văn Thiên và Hoàn Hương.
Chu Ân Lai gặp Bidault lần đầu tiên. Các nhà đương cục Trung hoa bắt giữ 1 tàu Anh trong khu vực Hương Cảng.


2 tháng 6
Sáng: Báo người bảo vệ Manchester (Manchester Guardian) (ngày 2 và 3 tháng 6) công bố những cảm tưởng của Harols Wilson sau cuộc gặp Chu Ân Lai tại Geneva.
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 14 (họp hẹp).
Phùng Xuân tiếp Morgan Philips, tổng thư ký công đảng nhằm chuẩn bị cho việc đoàn đại biểu Công đảng đi thăm Trung Quốc.


3 tháng 6
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 15 (họp hẹp). Tham luận của Chu Ân Lai.
Tại Bắc Kinh, phê chuẩn hiệp ước Trung-Ấn về Tây Tạng.


4 tháng 6
Sáng: Cuộc họp đầu tiên giữa Trung Quốc và Mỹ. Tham dự về phía Trung Quốc có Vương Bính Nam, Kha Bá Niên và Hoàn Hương.
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 16 (họp hẹp).


5 tháng 6
Chiều: Hội nghị Triều Tiên họp phiên thứ 13. Chu Ân Lai đọc tham luận.
Hoàng Hoa họp báo tuyên bố rằng tài liệu công bố ở Mỹ về một chính sách đối ngoại của Trung Quốc là không thật.


6 tháng 6
Vương Bính Nam gặp Chauvel


7 tháng 6
21g00: Cuộc gặp lần thứ hai giữa Chu Ân Lai và Bidault. Tân hoa xã đưa tin 1 phái đoàn thương mại Trung Quốc sắp sang Anh.
Mời 1 đại biểu các tổ chức thanh niên Anh tới Bắc Kinh.


8 tháng 6
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên (toàn thể) thứ 17.
Chiều: Hoàng Hoa họp báo.
20g00: Chu Ân Lai thết cơm tối Eden. Về phía Trung Quốc còn có: Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông, Vương Bính Nam, Kiều Quán Hoa, Hoàn Hương và Wang Cho Ju cùng dự. Sau bữa tiệc có chiếu phim.


9 tháng 6
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên (toàn thể) thứ 18. Chu Ân Lai đọc tham luận.
Chiều: Hoàng Hoa họp báo.
Hội đàm thương mại Trung Quốc-Hà Lan tại Geneva.


10 tháng 6
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên (toàn thể) thứ 19.
Cuộc gặp lần thứ hai Trung Quốc-Mỹ. Vương Bính Nam dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc.
Hội đàm thương mại Trung Quốc-Hà Lan tại Geneva.


11 tháng 6
Chiều: Hội nghị Triều Tiên họp phiên thứ 15. Chu Ân Lai đọc tham luận.
Chiều: Hoàng Hoa họp báo.


12 tháng 6
Sáng: Chu Ân Lai và Hoàng Xuân tới Berne thăm Max Petitpierre, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ, rồi thăm R.Rubattle, tổng thống liên bang Thụy Sĩ.
Ăn tối: R.Rubattel mở tiệc chiêu đãi Chu Ân Lai. Về phía Trung Quốc còn có: Trương Văn Thiên, Vương Bính Nam, Lôi Nhiệm Dân, Hoàng Hoa, Hoàn Hương, Wang cho ju và Phùng Xuân cùng dự.
Một đoàn thương mại Ý tới Geneva để gặp các đại biểu mậu dịch Trung Quốc.


13 tháng 6
Lôi Nhiệm Dân tiếp đoàn thương mại Ý đã tới Geneva hôm trước. Đoàn đại biểu Trung Quốc rời Bắc Kinh đi Stockholm dự hội nghị về làm dịu tình hình quốc tế.


14 tháng 6
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 20 (họp hẹp). Chu Ân Lai đọc tham luận.


15 tháng 6
Sáng: Cuộc gặp lần thứ ba Trung Quốc-Mỹ giữa Vương Bính Nam và Johnson.
Chiều: Hội nghị Triều Tiên họp phiên thứ 15 (phiên cuối cùng). Tham luận của Chu Ân Lai.


16 tháng 6
10g30-13g20: Chu Ân Lai cùng Trương Văn Thiên gặp Eden.
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 21 (họp hẹp). Những đề nghị của Trung Quốc.
Chiều: Hoàng Hoa họp báo.


17 tháng 6
12g-13g15: Cuộc gặp lần thứ ba giữa Chu Ân Lai và Bidault. Về phía Trung Quốc: Trương Văn Thiên, Kha Bá Niên và Tung Ning Chuan (phiên dịch) cùng dự. Tân hoa xã đưa tin về cuộc gặp này và nhân đó nhắc lại hai cuộc gặp ngày 1 và 7 tháng 5.
14g00: Chu Ân Lai gặp Peter Martin Anker, đại sứ Na Uy tại Thụy Sĩ.
Ăn tối: Chu Ân Lai chiêu đãi T.L.Hammarstrom, cựu đại sứ Thụy Điển tại Trung Quốc và Helge von Knorring, cựu đại sứ Phần Lan tại Trung Quốc. Thỏa thuận Trung Quốc-Anh về các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước.


18 tháng 6
12g00: Chu Ân Lai gặp Richard. Casey, Bộ trưởng Ngoại giao Úc. Cùng tham dự có Kha Bá Niên.
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 22 (họp hẹp).


19 tháng 6
11g45-12g30: Chu Ân Lai gặp Eden, về phía Trung Quốc có Trương Văn Thiên cùng dự.
12g30: Chu Ân Lai tiếp Chester E.Ronning, trưởng đoàn Canada, có Kha Bái Niên cùng dự.
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 23 (họp hẹp).


20 tháng 6
12g30-14g30: Chu Ân Lai gặp Tep Phan, về phía Trung Quốc có Lý Khắc Nông và Trần Gia Khang cùng dự.


21 tháng 6
Sáng: Cuộc gặp thứ tư giữa Trung Quốc và Mỹ. Đoàn Trung Quốc gồm Vương Bính Nam bà Kha Bái Niên.
Sáng: Hoàng Hoa họp báo về cuộc gặp Trung-Mỹ lần thứ tư.
12g-13g: Chu Ân Lai gặp Sananikone, về phía Trung Quốc có Lý Khắc Nông và Trần Gia Khang cùng dự.
Ăn tối: Chu Ân Lai mở tiệc chiêu đãi các phái đoàn Việt Minh, Lào và Campuchia. Về phía Trung Quốc còn có: Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông, Vương Bính Nam, Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang và Wang cho-Ju (?) cùng dự.
Ký kết tại Helsinki hiệp định thương mại Trung Quốc-Phần Lan trong năm 1954-1955.


22 tháng 6
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 24 (họp hẹp).
Phạm Văn Đồng gặp Tep Phan tại nơi ở của Chu Ân Lai (không có mặt nhân vật Trung Quốc nào). Tân hoa xã đưa tin ngày hôm sau Chu Ân Lai sẽ gặp Mendès France tại Berne.
Trương Văn Thiên và Vương Gia Tường rời Geneva. Chu Ân Lai gặp Chauvel chuẩn bị cho hội đàm Trung Quốc-Pháp dự tính vào ngày hôm sau tại Berne.


23 tháng 6
15g00: Chu Ân Lai gặp Mendès France đại sứ quán Pháp ở Berne, về phía Trung Quốc có Lý Khắc Nông, Phùng Xuân và Hoạn Hương cùng dự.
Chiều: Hoàng Hoa họp báo về các cuộc hội đàm tại Berne.
Phạm Văn Đồng gặp Sananikone tại nơi ở của Chu Ân Lai (không có mặt nhân vật Trung Quốc nào). Tân hoa xã đưa tin về cuộc thăm Ấn Độ của Chu Ân Lai. Chu sẽ rời Geneva cùng Kiều Quán Hoa và Wang Choju, các bí thư Chang wen-chin, Pu Shou-chang và Ma-lieh, cùng với mười người khác nữa.
Một phái viên mới của Na Uy tới Bắc Kinh để thương lượng về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Na Uy.
Kết thúc hội nghị Stockholm về việc làm dịu tình hình quốc tế.


24 tháng 6
Sáng: Chu Ân Lai lên đường thăm Ấn Độ.
14g00: Chu Ân Lai dừng chân tại Le Caire. Phạm Văn Đồng gặp Tep Phan tại nơi ở của Chu Ân Lai (không có mặt nhân vật Trung Quốc nào).


25 tháng 6
07g15: Chu Ân Lai tới New Delhi.
09g30: Chu Ân Lai gặp Rajendra Prasad, tổng thống cộng hòa Ấn Độ.
10g15: Chu Ân Lai gặp Radhakrishnan, phó tổng thống cộng hòa Ấn Độ.
11g00: Cuộc gặp đầu tiên giữa Chu Ân Lai và Nehru.
15g30-18g15: Tiếp tục hội đàm giữa Chu Ân Lai và Nehru.
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 25 (họp hẹp).
Tối: Tổng thống cộng hòa Ấn Độ mở tiệc chiêu đãi Chu Ân Lai.


26 tháng 6
8g-10g: Chu Ân Lai thăm Delhi.
10g30-12g15: Hội đàm giữa Chu Ân Lai và Nehru tại New Delhi.
Ăn trưa: Tổng thống cộng hòa Ấn Độ mời cơm trưa Chu Ân Lai.
17g00: Phó tổng thống cộng hòa Ấn Độ mời cơm trưa Chu Ân Lai.
19g00: Chu Ân Lai tiếp kiều dân Trung Quốc tại New Delhi.
20g30: Nehru mở tiệc chiêu đãi Chu Ân Lai. Tân hoa xã đưa tin Chu Ân Lai sẽ đi thăm Yangon vào ngày 28 tháng 6.


27 tháng 6
6g00-12g00: Chu Ân Lai thăm quan thành phố Agra (Ấn Độ).
15g02-17g30: Hội đàm giữa Chu Ân Lai và Nehru tại New Delhi.
18g00: Chu Ân Lai họp báo tại New Delhi.
20g45: Chu Ân Lai dự cơm tối tại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ.
22g45: Chu Ân Lai phát biểu trên đài phát thanh Ấn Độ.


28 tháng 6
07g15: Chu Ân Lai lên đường thăm Miến Điện.
13g45: Chu Ân Lai đến Yangon
19g45: Tổng thống Miến Điện mời cơm tối Chu Ân Lai. Phái đoàn mậu dịch Trung Quốc do các phó chủ nhiệm công ty xuất nhập khẩu Trung Quốc Tsao Chung Shu và Shih Chih ang dẫn đầu đến Anh và sẽ ở thăm nước Anh đến 14 tháng 7.
Công bố thông cáo chung Trung-Ấn sau cuộc đi thăm của Chu Ân Lai ở Ấn Độ.
Humphrey Trevelyan, đại biện Anh tại Trung Quốc trở lại Bắc Kinh.


29 tháng 6
09g30: Chu Ân Lai tham quan chùa Shwe Dagon ở Yangon.
10g00: Hội đàm giữa Chu Ân Lai và U Nu.
Ăn trưa: U Nu mời Chu Ân Lai ăn trưa.
16g00: Yao Chung-ming, đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện mở tiệc chiêu đãi chào mừng Chu Ân Lai.
18g00: Bộ trưởng Ngoại giao Miến Điện mở tiệc chiêu đãi Chu Ân Lai.
20g30: Chu Ân Lai rời Yangon. Công bố tại Yangon thông báo chung Trung-Miến.
Hội đàm thương mại Trung Quốc-Bỉ tại Geneva. Hội đàm thương mại Trung Quốc-Hà Lan tại Geneva.


30 tháng 6
10g00: Chu Ân Lai đến Quảng Châu, cùng đi có Kiều Quán Hoa và Wang cho-ju. Tại Geneva, Lôi Nhiệm Dân tiếp đoàn kinh doanh Bỉ.


Tiêu đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: quansuvn trong 08 Tháng Năm, 2020, 07:09:45 am
2 tháng 7
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 27 (họp hẹp).


3 tháng 7
Ăn tối: Tại Geneva, Lý Khắc Nông mời cơm tối Chauvel, về phía Trung Quốc có Vương Bính Nam, Trần Gia Khang và Hoạn Hương cùng dự (theo cuộc nói chuyện với Guillermaz ngày 19-9-1975). Chu Ân Lai bắt đầu hội đàm với Hồ Chí Minh tại biên giới Trung-Việt. Về phía Trung Quốc còn có Kiều Quán Hoa cùng dự.


5 tháng 7
Kết thúc hội đàm giữa Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh trên biên giới Trung-Việt.


6 tháng 7
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 28 (họp hẹp).
Chu Ân Lai về đến Bắc Kinh sau khi hội đàm với Hồ Chí Minh.


7 tháng 7
Tại Bắc Kinh, ký kết hiệp định thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam dân chủ cộng hòa.


8 tháng 7
Chiều: Tại Bắc Kinh, Chu Ân Lai đọc báo cáo trước Ủy ban thường vụ Hội nghị Hiệp thương của nhân dân Trung Quốc.
Chiều: Tại Bắc Kinh, Trevelyan trình bày thư ủy nhiệm với Chu Ân Lai.
Chiều: Trương Văn Thiên trở lại Geneva.
Ăn tối: Tại Geneva, Chauvel mời ăn tối Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông cùng với Vương Bính Nam, Trần Gia Khang và Hoạn Hương.


9 tháng 7
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 29 (họp hẹp).
Chu Ân Lai rời Bắc Kinh đi Geneva. Cùng đi theo có Hoàng Văn Hoan, đại sứ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Trung Quốc.


10 tháng 7
Chu Ân Lai dừng chân tại Moscow. Nhà đương cục Trung hoa thả 9 thủy thủ Anh bị bắt giữ ngày 1 tháng 6.


12 tháng 7
15g40: Chu Ân Lai đến Geneva, cùng đi theo Shih Che, Kiều Quán Hoa và Wang cho-ju.
19g00: Hội đàm Chu Ân Lai-Molotov. Về phía Trung Quốc còn có Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông và Shih Che cùng dự.
21g00: Hội đàm Chu Ân Lai-Phạm Văn Đồng. Về phía Trung Quốc còn có Trương Văn Thiên và Lý Khắc Nông cùng dự.


13 tháng 7
10g30-11g45: Chu Ân Lai gặp Mendès France. Về phía Trung Quốc còn có Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông và Vương Bính Nam cùng dự.
11g45-12g15: Chu Ân Lai gặp Eden. Về phía Trung Quốc còn có Trương Văn Thiên, Vương Bính Nam và Hoạn Hương cùng dự.
12g30: Chu Ân Lai gặp Krishna Menon.
21g00: Chu Ân Lai gặp Phạm Văn Đồng. Về phía Trung Quốc có Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông cùng dự.


14 tháng 7
10g30-12g00: Vương Bính Nam gặp Guillermaz (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp).
13g00: Đoàn đại biểu thương mại Trung Quốc sau khi đi thăm Anh trở về Geneva.
14g00: Chu Ân Lai gặp K.Menon.
15g47: Chu Ân Lai gặp Sananikone.
17g00: Chu Ân Lai gặp Tep Phan.
20g00: Ăn tối giữa Chu Ân Lai, Molotov và Phạm Văn Đồng. Về phía Trung Quốc còn có Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông, Vương Bính Nam, Shih Che, Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang, Hoàng Hoa và Wang cho-ju cùng dự.


15 tháng 7
11g30: Chu Ân Lai gặp K.Menon, về phía Trung Quốc có Kiều Quán Hoa cùng dự.


16 tháng 7
10g00: Gặp gỡ Trung-Mỹ lần thứ năm. Đoàn Trung Quốc do Pu Shan, trưởng phòng tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc cầm đầu.
22g00: Chu Ân Lai gặp K.Menon. Về phía Trung Quốc còn có Kiều Quán Hoa cùng dự.
23g00-0g30: Vương Bính Nam gặp Guillermaz (lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp).
Đoàn mậu dịch Trung Quốc do Shih Chih-ang, phó chủ nhiệm công ty xuất nhập khẩu Trung Quốc cầm đầu rời Geneva đi Bruxelles.


17 tháng 7
10g00-11g20: Chu Ân Lai gặp Tep Phan.
11g40-12g30: Chu Ân Lai gặp Eden (hồi ký Eden).
13g00-13g45: Hội đàm giữa Chu Ân Lai, Molotov và Phạm Văn Đồng.
16g50-17g40: Chu Ân Lai gặp Mendès France. Về phía Trung Quốc có Lý Khắc Nông, Vương Bính Nam và Tung Ning chuan cùng dự.


18 tháng 7
11g30-11g45: Chu Ân Lai gặp Sananikone.
Chiều: Hội nghị về Đông dương họp phiên thứ 30 (họp hẹp).
Chiều: Chu Ân Lai gặp Eden (hồi ký Eden).
Chiều: Chu Ân Lai gặp Mendès France.
Chiều: Hội đàm giữa Chu Ân Lai, Molotov và Phạm Văn Đồng.
19g00: Chu Ân Lai mời cơm tối Charlie Chaplin. Hoàng Hoa gặp Popping, đại diện hãng thông tấn Associated Press (tài liệu Lầu Năm góc).


19 tháng 7
13g00-14g00: Hội đàm giữa Chu Ân Lai, Eden và Mendès France.
18g30: Vương Bính Nam gặp Guillermaz (lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp).
19g00: Chu Ân Lai tiếp Morgan Philips, thư ký Công Đảng Anh. Cuộc hội đàm được hãng BBC đưa tin.
20g00: Chu Ân Lai mời cơm ăn tối K.Menon.


20 tháng 7
11g00-13g00: Chu Ân Lai gặp Tep Phan.
14g00: Mendès France mời ăn trưa Chu Ân Lai. Về phía Trung Quốc có Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông và Vương Bính Nam cùng dự.
Chiều: Chu Ân Lai, Molotov, Phạm Văn Đồng, Mendès France và Eden gặp nhau tại trụ sở đoàn đại biểu Pháp. Chu Ân Lai, Molotov và Phạm Văn Đồng gặp nhau lâu.


21 tháng 7
10g00: Trung-Mỹ gặp nhau lần thứ sáu. Đoàn đại biểu Trung Quốc do Pu Shan cầm đầu.
11g45: Chu Ân Lai gặp Eden lần cuối cùng.


13g30: Chu Ân Lai ăn trưa với Mendès France, về phía Trung Quốc còn có Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông, Vương Bính Nam cùng dự.
15g00: Hội nghị về Đông dương họp phiên (toàn thể) thứ 31. Tuyên bố của Chu Ân Lai.
Chiều: Hoàng Hoa họp báo.
20g00: Chu Ân Lai chiêu đãi Molotov và Phạm Văn Đồng, về phía Trung Quốc còn có Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông, Vương Bính Nam, Lôi Nhiệm Dân, Shih Che, Phùng Xuân, Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang, Hoạn Hương, Wang cho-ku và Lei Ying-fu cùng dự.
Đoàn mậu dịch Trung Quốc sau 5 ngày thăm Bỉ trở lại Geneva.


22 tháng 7
9g30-10g30: Chu Ân Lai tiếp Anak Agung, đại sứ Indonesia tại Pháp.
11g00-11g45: Chu Ân Lai gặp Sananikone.
13g00: Chu Ân Lai mời ăn trưa Pail Boncour.
14g30: Chu Ân Lai tiếp Douglas Copland, trưởng phái đoàn Oxtraylia tại Hội đồng kinh tế và xã hội Liên hợp quốc.
15g00: Chu Ân Lai gặp K.Menon.
19g00: Chu Ân Lai chiêu đãi Phạm Văn Đồng, Sananikone, Tep Phan và Ngô Đình Luyện (trong đoàn đại biểu quốc gia Việt Nam). Về phía Trung Quốc còn có Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông, Vương Bính Nam, Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang, Lei Ying-fu và Wang cho-ju cùng dự.


23 tháng 7
08g00: Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên, Vương Bính Nam, Lôi Nhiệm Dân, Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang rời Geneva.
Tuyên bố của Chu Ân Lai tại sân bay.
Chu Ân Lai sẽ thăm Đông Berlin, Warsawa và Ou lan Bator trước khi về Bắc Kinh.