Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tác giả chủ đề:: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:25:13 pm



Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:25:13 pm
Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Nhà xuất bản Tiến bộ Matxcơva
Người số hóa: macbupda

Cuốn sách này viết về cuộc phòng thủ anh dũng để bảo vệ Lêningrat trong thời Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, về chiến công bất tử của nhân dân Lêningrat và các chiến sĩ Quân đội xô-viết đã giữ vững thành phố Lênin.

Tác giả là Nguyên soái Liên-xô Kirin Afanaxiêvich Mêrexcôp – người đã tham gia tích cực vào vũ công anh hùng đó đó. Thời kỳ đầu cuộc Chến tranh vệ quốc vĩ đại, ông là đại diện của Bộ Tổng tư lệnh ở Lêningrat; mùa thu năm 1941, dưới quyền chỉ huy của ông, Tập đoàn quân độc lập 7 đã chặn đứng bạch quân Phần-lan tại sông Xvia, không cho chúng hội quân được với cánh quân phát-xít Đức ở phái đông Lêningrat. Từ cuối 1941, K. A. Mêrexcôp làm tư lệnh Mặt trận Vônkhôp – năm 1943, bộ đội của Mặt trận này cùng với bộ đội của Mặt trận Lêningrat đã phá vỡ vòng vây của quân địch và chuyển sang tấn công tiêu diệt hoàn toàn bầy rợ phát-xít Đức ở quanh Lêningrat. K. A. Mêrexcôp cũng đã chỉ huy bộ đội Mặt trận Carêli, năm 1944 đánh tan quân địch ở Nam Carêli, trừ bỏ mối uy hiếp Lêningrat từ phía Bắc.

(https://lh3.googleusercontent.com/INt_xvhYiv3VIpUNYt3_F50fcT31K2s1TYWE0NO5b5_iZk08i_HeVWICARJ7AzS3j9lL0_YT53J05QSRj9FBpAXEaJAL_xaG2f7MfXw4GMdyhuFKzQL7XCebGEtU9JZzkSejUVLeITq3XKkf-2i1yRgUjLit5zEfYPVtI7wI7-1g08TJHbme6w8s1_xWtvJM5p7mK2Wv9YhdRIWeF_cMJeNA_4mHTLXdk1NXnUTQ_j9o668xk9Ax2rdikYNfCl2i9xyUPB8MesjYurxBMzjOfMEAgZ8Ok4-p5-6vHtCxKeV9DQEgllyShmwj7ZBytRbb-vLpKuPWYJQ8hZ3zsWo3TLQTq46o-d5_kr0A7BkmNJm2wnLyvPnVvESMLCQM2wVdES4AkZCO__uQRg5-VwhtQo9Gt879q3Yo1QTwDArJECVnECjwP4lozDTAzvX963RjcZByFDe6dgZ-61kS5zE3pKXuboP1hjXeNWzhT-XbwL5XVJF22KS-75_c7Uo28aSEoZwTI3v9lrNJ2eGsK2OFBiwiPs0MIDDrsd2wVNqWo73VrRlXinCMEHKcr0ZvzU6gTbYp5vyJlP7koeKiWzDmbXVkDm5p3x43I3ho4Io=w405-h640-no)


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:29:14 pm
HÔM TRƯỚC CHIẾN TRANH

Khi tôi cầm bút viết những dòng này, thì trên tờ lịch đề ngày 21 tháng sáu... Vào cái năm 1941 đầy nguy hiểm ấy, thì đó là ngày hòa bình cuối cùng đối với Liên-xô, hôm trước cuộc tấn công phản trắc của quân đội phát-xít vào đất nước xô-viết. Đối với tuyệt đại đa số nhân dân Liên-xô, thì đó là một ngày bình thường, một ngày thứ bảy. Còn đối với tôi, một quân nhân giữ chức vụ khá cao trong Bộ dân ủy Quốc phòng(1), thi đó là một ngày đầy lo âu. Vậy tôi xin bắt đầu kể từ hôm đó.

Khi đó, tình hình căng thẳng ở biên giới phía Tây đã lên đến cực độ. Nước Đức phát-xít, với sự đồng lõa của các chính khách “Muynich” phương Tây, đã chiếm đóng nhiều nước Tây Âu và đã tạo ra được một bộ máy quân sự hùng mạnh để tấn công Liên-xô.

Chính phủ Liên-xô đã đem hết sức cố gắng nhằm ngăn chặn chiến tranh. Đồng thời – đề phòng trường hợp những cố gắng ấy không đạt được kết quả - cũng đã thi hành nhiều biện pháp trọng yếu để củng cố quốc phòng của đất nước xô-viết. Những thành tựu xây dựng xã hội chủ nghĩa trong những năm thực hiện các kế hoạch 5 năm trước chiến tranh đã tạo ra cơ sở vật chất – kỹ thuật cần thiết để làm việc đó. Vào những năm đó, chúng ta đã sản xuất được nhiều hơn đại bác và súng bộ binh, máy bay và xe tăng, đạn dược và quân trang quân dụng. Quân số các lực lượng vũ trang của đất nước cũng tăng lên một cách đáng kể. Song tiếc rằng không phải tất cả mọi chủ trương về mặt củng cố quốc phòng đều đã được thực hiện xong. Ngoài ra, lại còn có những sai lầm trong việc phán đoán thời gian kẻ địch có thể tấn công vào Liên-xô và do đó đã có những thiếu sót trong việc chuẩn bị đánh trả lại những đòn đầu tiên của kẻ thù xâm lược.

Chiến tranh đã có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chính phủ đã cho phép báo cho các bộ tư lệnh các quân khu biên giới và Hải quân về nguy cơ ngày càng tăng và lệnh cho họ đưa bộ đội vào tư thế sẵn sàng chiến đấu. Bộ dân ủy Quốc phòng đã phái các cán bộ có trách nhiệm đi tới các quân khu. Tôi được cử đi ngay Lêningrat.

Ngay tôi hôm đó, tôi từ giã Matxcơva. Con tàu tốc hành chọc thẳng tấm màn đêm bằng ánh đèn pha sáng chói, đưa tôi lên tây- bắc. Quân khu Lêningrat đối với tôi vốn quen thuộc. Kế hoạch của họ đưa bộ đội vào tư thế sẵn sàng chiến đấu, từ lâu tôi đã biết. Vậy mà trong lòng vẫn cứ không yên. Liệu chúng ta có chuẩn bị kịp không, hay kẻ địch lại đi trước chúng ta? – vẫn một câu hỏi đó day dứt mãi.

Việc nổ ra chiến tranh chỉ còn tính bằng ngày, giờ và có thể là phút thôi. Vậy mà các Lực lượng vũ trang của đất nước còn chưa hoàn toàn được đưa vào tư thế sẵn sàng chiến đấu Một phần quan trọng của bộ đội có nhiệm vụ chặn địch ở ngay biên giới, hãy còn đóng quân khá xa, ở sâu trong vùng nội địa của các quân khu. Không còn có hy vọng rằng các đơn vị đó ngay khi bắt đầu chiến tranh có thể kịp tiến ra tuyến triển khai của mình để bảo vệ biên giới.

Trang bị của các đơn vị về căn bản vẫn còn là những vũ khí, khí tài kiểu cũ. Súng bộ binh tự động, các loại xe tăng, máy bay, phương tiện chống tăng và phòng không kiểu mới hãy còn sản xuất được ít. Việc trang bị lại cho quân đội kỹ thuật mới hãy còn đang trong quá trình thực hiện.

Đất nước của chủ nghĩa xã hội chiến thắng có đầy đủ mọi tiền đề, trong tất cả các thành quả của mình, để đánh bại cuộc xâm lược của chủ nghĩa đế quốc ngay từ đầu. Song chiến tranh đối với Liên-xô đã bắt đầu trong một hoàn cảnh không được thuận lợi. Bộ máy chiến tranh khổng lồ của nước Đức Hitle không chỉ bao gồm những gì mà bọn phát-xít đã tạo ra được trong những năm chúng thực hiện khẩu hiệu “Đại bác thay chọ bơ”, mà còn tất cả những gì mà chúng đã kịp vơ vét được trong nhiều nước châu Âu bị chúng xâm chiếm.

Đánh Liên-xô, bọn Dức đã huy động 190 sư đoàn của chúng và của bọn chư hầu gồm 5,5 triệu người, gần 5 vạn súng cối và pháo dã chiến, gần 3 nghìn tăng và pháo tự hành, 5 nghìn máy bay. Toàn bộ số quân đố đã được động viên hoàn toàn, đã có kinh nghiệm hai năm chiến tranh và đã được bố trí sẵn thành từng cụm mạnh theo hướng của những mũi tiến công chính.


(1) K. A. Mêrexcôp khi đó là thứ trưởng Bộ dân ủy Quốc phòng – B.T.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:35:12 pm
Làm thế nào để đối phó với tình thế đã xảy ra? Phải bắt đầu từ đâu để có thể cấp tốc đưa bộ đội quân khu Lêningrat ra sẵn sàng chiến đấu? Cần phải làm gì để củn cố phòng thủ của thành phố và của các cửa ngõ dẫn đến thành phố? Những vấn đề ấy và nhiều vấn đề khác nữa đã đặt ra trong tâm trí tôi trong cái đêm hè ngắn ngủi ấy.

Khi ánh ban mai tràn vào trong toa xe, tôi ngước nhìn ra qua cửa sổ. Dọc theo con tàu chạy, hết những cánh rừng xanh rậm rạp lại đến những đầm lầy đầy nước lướt qua. Rồi đến lúc bánh xe lăm ầm ĩ trên cầu sắt, và trước mắt hiện ra con sông Vônkhôp, mặt nước rộng và phẳng lặng. Tiếp đến lại là sình lầy, rừng, rồi lại sình lầy...

Tất nhiên, khi ngắm nhìn địa phương này, tôi đã không hề nghĩ rằng chỉ nay mai thôi nơi này sẽ vang lên tiếng xích sắt và tiếng ồn ào của chiến trận, vá sông Vônkhốp trong một hai năm sẽ là chiến tuyến ngăn cách giữa các đạo quân giao chiến. Khi đó, không một ai nghĩ ràng quân thù có thể sẽ vào sâu đến thế, tới sát Lêningrat, gần Matxcơva và đến tận bờ sông Vônga,.

Đặt chân lên đất Lêningrat, người khách nào mà không bồi hồi xúc động. Đây là nơi mà mọi vật đều nhắc ta nhớ đến quá khứ vĩ đại của dân tộc Nga, nơi mà V. I. Lênin – vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản quốc tế - đã sống và làm việc nhiều năm, là thành phố từ năm 1934 đã được mang tên vẻ vang của Người.

Do vua Piôt lập ra, Pêtecbua từ năm 1712 đến tháng ba 1918 đã là thủ đô của nước Nga. Nó đã giữ một vai trò lớn trong lịch sử của đất nước. Trong ý thức của nhân dân, vinh quang của nước Nga và vinh quang của thành phố này hòa vào làm một. Đại thi hào Puskin, người đã phấn khởi ngợi ca “Tác phẩm của Piôt”, đã viết ra những dòng thơ thật là tiên tri:

Hãy tươi đẹp lên, hỡi thành phố của Piôt!
Và hãy đứng vững, không gì lay chuyển nổi như nước Nga...

Những nhà kiến trúc đại tài đã dựng lên những quần thể kiến trúc mỹ lệ, biến thành phố này thành một trong số những đô thành đẹp nhất thế giới. Trụ sở Bộ tư lệnh Hải quân, viện Ecmitajơ, Viện hàm lâm mỹ thuật, quảng trường Cung điện, quảng trường Macxôvô, những đường bờ sông Nêva và sông Pôntaca, những lâu đài và công viên với vẻ đẹp độc đáo ở Puskin, Paplốpxcơ, Pêtegôf và Oranienbaum đã làm cho tất cả những ai tới thành phố này đều phải thán phục.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Pêtecbua đã trở thành một trung tâm khoa học, văn hóa và nghệ thuật. Ở đây đã sống và làm việc những nhà bác học thiên tài: Lômônôxôp, Menđêlêep, Timiriazep, Xêchênôp, Paplôp. Ở đây, các nhà văn và nhà soạn nhạc Nga vĩ đại – Puskin, Gôgôn, Nêcraxôp, Đôxtôepxki, Xauưcôp-Sêđrin, Glinca, Muxoocxki, Bôrôđin, Rinxki-Coocxacốp – đã cho ra đời những tác phẩm bất hủ của mình. Các danh họa Nga Craxcôi, Xuricôp, Brunlôp và Rêpin cũng đã sáng tác ở đây.

Trước lúc bắt đầu cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, ở Lêningrat có 60 trường đại học và 101 trường trung học chuyên nghiệp, trong đó có 12 vạn sinh viên theo học, 100 viện nghiên cứu khoa học, 28 nhà hát, 146 câu lạc bộ và nhà văn hóa, 722 thư viện, 43 viện bảo tàng. Các cung điện và các viện bảo tàng ở đây là nơi cất giữ và chưng bày nhiều tác phẩm ưu tú của nền văn hóa Nga và thế giới.

Từ đầu thế kỷ trước Pêtecbua là một trung tâm chủ yếu của phong trào cách mạng. Ở đây, năm 1825, từ quảng trường Xênatxcaia những người tháng chạp(1) đã công nhiên khiêu khích chế độ Nga hoàng. Từ nơi đây, các nhà dân chủ cách mạng(2)  Bêlinxki, Ghecsen, Checnưsepxki, Đôbrôlubôp đã kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh giành tự do.


(1) Những “người tháng chạp” là những nhà cách mạng Nga thuộc giới quý tộc, đấu tranh chống chế độ nông nô và chuyên chế. Họ đã nổi lên, cầm vũ khí chống chế độ Nga hoàng vào tháng chạp 1825. – B.T.
(2) Những nhà dân chủ cách mạng là những người tham gia phong trào cách mạng giải phóng ở Nga, là những nhà tư tưởng của chủ nghĩa dân chủ nông dân, đấu tranh chống chế độ nông nô và những tàn tích của chế độ đó sau cuộc cải cách năm 1861, chủ trương lật đổ chế độ chuyên chế bằng một cuộc cách mạng nhân dân. Khác với những “người tháng chạp” cách biệt với nhân dân, các nhà dân chủ cách mạng nhận thức được sự cân thiết phải có đông đảo quần chúng tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng.
Trong hàng ngũ những nhà dân chủ cách mạng đã sản sinh ra những nhà hoạt động xã hội và chính trị lớn, những nhà bác học, triết học và văn sĩ cự phách. – B.T.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:37:56 pm
Tại nơi đây, năm 1878, Victo Opnocxki và Xtêpan Khanturin đã lập ra tổ chức chính trị của giai cấp vô sản – “Hội công nhân miền Bắc”(1). Năm 1895, V. I. Lênin đã thống nhất các nhóm mác-xit ở Pêtecbua lại thành “Liên minh đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân”, tổ chức này đã này đã là mầm mống của đảng mác-xit cách mạng kiểu mới.

Rất nhiều nơi trong thành phố Lêningrat gắn bó với tên tuổi của V. I. Lênin. Những xóm thợ ở ngoại ô xưa kia, nơi Lênin đã tiến hành hoạt động cách mạng; ngôi nhà ở phố Đại hội, nơi Người trong cuộc tranh luận với bọn men-sê-vích hồi tháng sáu năm 1917, tại Đại hội I các Xô-viết toàn Nga, đã nói lên câu bất hủ: “Có một đảng như thế đấy!”, như báo trước một cách tiên tri về thắng lợi của Đảng cộng sản bôn-sê-vích sắp tới; quảng trường trước nhà ga Phần-lan, điện Xmônnưi, nơi đóng trụ sở của bộ tham mưu cuộc khởi nghĩa Pêtrôgrat tháng mười năm 1971.

Lêningrat là thành phố của ba cuộc cách mạng. Cả cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất 1905-1907 lẫn cuộc cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai 1917 đều đã bắt đầu tại đây. Còn trong những ngày tháng mười 1917, thì từ đây đã mở đầu cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ nơi này, từ thành phố Lênin, cái nôi của Đại cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, đã vang đi toàn thế giới những lời lịch sử về việc thành lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Từ nơi này, thực hiện ý chí của toàn dân đã đập tan gông xiềng đáng nguyền rủa của ách nô lệ tư bản chủ nghĩa. Chính phủ xô-viết vừa mới thành lập đã gửi đến nhân dân các nước đang giao chiến lời kêu gọi chấm dứt cuộc chém giết đế quốc chủ nghĩa và ký kết một hòa ước công bằng, dân chủ.

Trong những năm Chính quyền xô-viết, Lêningrat đã trở thành một trung tâm kinh tế lớn bậc nhất ở Liên-xô. Công nghiệp của thành phố Lênin đã cung cấp cho đất nước xô-viết chiếc máy kéo đầu tiên, máy cán thô đầu tiên, chiếc tuôc-bin đầu tiên và cao su nhân tạo đầu tiên. Nhiều nhà máy và xí nghiệp, nhiều nông trường quốc doanh và nông trang tập thể ở khắp đất nước đã biết các máy móc do Lêningrat chế tạo. Không có một nơi nào ở Liên-xô mà sản phẩm của nền công nghiệp Lêningrat không tới.

Vào buổi sáng chủ nhật hôm đó, cái buổi sáng đã trở thành một cái mốc lịch sử quan trọng trong đời sống của Nhà nước xô-viết và sẽ làm thay đổi các ý niệm và thói quen của người ta trong nhiều năm trời – vào cái buổi sáng ấy, Lêningrat vẫn đang sống một cuộc sống bình thường. Sau một tuần làm việc, người dân Lêningrat nghỉ ngơi. Họ vội vã để ra ngoại thành, ra bãi biển, tới các công viên và các vườn hoa.

Thế rồi, thình lình giữa cuộc sống thanh bình đó có một tiếng dữ dội đột nhập vào: “Chiến tranh!”. Nhân dân túm tụm lại xung quanh các loa phóng thanh, lắng nghe lời tuyên bố của Chính phủ xô-viết. trên mặt ai nấy đều lộ vẻ lo lắng cho số phận của đất nước, của thành phố quê hương, cho cuộc sống của những người ruột thịt và thân tích.

“Cuộc tấn công quái dị này vào đất nước chúng ta, - bản tuyên bố viết, - là một sự phản trắc xưa nay chưa từng có trong lịch sử các dân tộc văn minh. Cuộc tấn công vào nước chúng ta đã được tiến hành mặc dầu Liên-xô và Đức đã ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau và Liên-xô đã hết sức trung thực thi hành mọi điều khoản của hiệp ước dó”.

Chính phủ kêu gọi toàn dân xô-viết, các quân nhân trong các Lực lượng vũ trang và nhân dân lao động ở hậu phương hãy xiết chặt hàng ngũ hơn nữa xung quanh Đảng cộng sản và trung thực hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc.

Bản tuyên bố đã kết thúc bằng những lời mà sau này đã trở thành những khẩu hiệu chiến đấu trong cuộc đấu tranh chống quân phát-xít Đức xâm lược: “Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa. Quân thù sẽ bị tiêu diệt. Thắng lợi sẽ về chúng ta”.


(1) “Hội công nhân miền Bắc” – một trong những tổ chức cách mạng đầu tiên của công nhân Nga. Hội ra đời ở Pêtecbua cuối năm 1878. Những người sáng lập là hai công nhân Pêtecbua: thợ nguội V. P. Opnocxki (1856-1920) và thợ mộc X. N. Khanturin (1856-1882). – B.T.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:39:39 pm
QUÂN THÙ CỐ XÔNG TỚI THÀNH PHỐ

Sau khi đột nhập vào lãnh thổ Liên-xô, các đơn vị thiết giáp của bày rợ phát-xít Đức cố tiến về phía Lêningrat, Matxcơva, Kiep. Bè lũ Hitle trù tính rằng, sau khi nhanh chóng chiếm được ba trung tâm chính trị và kinh tế quan trọng bậc nhất đó và tiêu diệt được bộ đội xô-viết ở miền dọc Bantich, Bêlôrutxi và Ucren, thì chúng sẽ làm tê liệt được việc cai quản đất nước và trong một thời hạn ngắn ngủi, chừng một tháng rưỡi – hai tháng, sẽ đạt được thắng lợi hoàn toàn đối với Liên-xô.

Tiến đánh Lêningrat có phương diện quân “Bắc” gồm hai tập đoàn quân dã chiến 16 và 18, tập đoàn tăng 4 và tập đoàn không quân 1. Hỗ trợ cho các đơn vị này có tập đoàn tăng 3 và lực lượng chính của tập đoàn quân dã chiến 9 thuộc phương diện quân “Trung”. Tổng cộng, bộ tư lệnh Đức đã ném vào cuộc tấn công Lêningrat 42 sư đoàn, trong đó có 7 sư đoàn tăng và 6 sư đoàn môtơ hóa, quân số cả thảy 725 nghìn lính và sĩ quan. Vũ khí của đạo quân khổng lồ này gồm 13 nghin đại bác và súng cối, 1.500 tăng và 1.200 máy bay.

Đứng đầu phương diện quân “Bắc” là một tên tướng Phổ nhà nòi, đại diện của trường phái quân sự của hoàng đế Đức cũ – đại tướng fôn Lêep, đã từng tỏ ra xuất sắc trong việc chọc thủng phòng tuyến “Maginô” năm 1940. Còn bọn chỉ huy các tập đoàn quân và các quân đoàn trong phương diện quân này thì đều là những tướng lĩnh có tên tuổi của Hitle, đã tham gia đánh chiếm Ba-lan và Pháp.

Ngoài quân phát-xít Đức ra, tiến đánh Lêningrat còn có lực lượng củ yếu (hai tập đoàn quân dã chiến) của nước Phần-lan Mannecgây, đã tham gia chiến tranh trong liên minh với Hitle. Một trong hai đạo quân ấy – tập đoàn quân Đông-Nam – gồm 7 sư bộ binh, đã được tung ra, nhằm thẳng vào Lêningrat. Với nhiệm vụ tiêu diệt bộ đội xô-viết ở eo Carêli và nện vào Lêningrat từ phía bắc. Còn tập đoàn quân khác- Carêlii – thì tấn công ở địa vực giữa hai hồ Lađôga và Ônejơxcôe, nhằm hướng sông Xvia, và có nhiệm vụ hỗ trợ cho quân phát-xít Đức tiêu diệt các lực lượng vũ trang xô-viết ở mạn đông Lêningrat và hội quân với quân Hitle.

Trong kế hoạch tấn công của bọn phát-xit, Lêningrat đã được coi là một trong những mục tiêu chiến lược chính. Chúng hy vọng rằng đánh chiếm được thành phố này sẽ làm cho chúng thống trị được miền Bantich, liên lạc được với quân Phần-lan Mannecgây và rảnh tay để tiến đánh Matxcơva.

Bộ tư lệnh Đức trù tính sẽ chiếm được Lêningrat và cuối tuần thứ ba của cuộc chiến tranh chống Liên-xô. Trong kế hoạch “Bacbarôtxơ” (tên đặt cho kế hoạch chiến tranh của Đức chống Liên-xô), có nhấn mạnh rằng chỉ sau khi hạ được thành Lêningrat thì mới “nên tiến hành các chiến dịch tấn công nhằm chiếm lấy trung tâm giao thông và công nghiệp quốc phòng quan trọng nhất là Matxcơva”.

Bọn Hitle đã trông mong rất nhiều vào nhân tố tâm lý. Bọn chúng tin rằng việc mất Lêningrat ngay trong thời kỳ đầu chiến tranh – một thành phố mà chưa từng có kẻ xâm lăng nào đặt được chân lên đường phố và quảng trường của nó – sẽ giáng một đòn rất mạnh vào tinh thần của nhân dân xô-viết, làm cho họ nhụt chí kháng chiến.

Khi nhân dân Lêningrat đứng quanh các loa phóng thanh nghe bản tuyên bố của Chính phủ xô-viết về cuộc tấn công phản trắc của phát-xít Đức, thì chiến tranh đã cháy bùng trên cả một giải không gian rộng lớn từ biển Barensep đến Hắc-hải. Bộ đội biên phòng và những đơn vị ở tuyến một đã phải đương đầu với đòn đầu tiên của các đoàn tăng địch, họ đã dũng cảm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc xô-viết.

Các đơn vị thuộc Mặt trận Tây-bắc đã giữ cửa ngõ tiến vào Lêningrat từ phía tây-nam, chặn đánh những sư đoàn thuộc phương diện quân “Bắc”. Cửa ngõ vào Lêningrat từ phía bắc, từ eo Carêli thì do tập đoàn quân 23 thuộc Mặt trận Bắc bảo vệ. Còn lực lượng khác của Mặt trận này thì án ngữ trên biên giới với Phần-lan trên cả một chiều dài tới tận biển Baresep.

Ngay sau khi có thông báo của Chính phủ, Hội đồng quân sự của quân khu Lêningrat đã họp. Hội đồng đã nhận định thình hình và vạch ra những biện pháp cấp tiết để đưa quân khu và thành phố vào tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt là, đã quyết định: tăng cường chuẩn bị chiến đấu cho khu phòng thủ trên hướng Peơxcôp-Oxtrôp; cấp tốc chuẩn bị trận địa phòng ngự dọc sông Luga; đưa ngay khu phòng thủ ở bắc Lêningrat vào tư thế sẵn sàng chiến đấu, điều thêm một số đơn vị cần thiết tới đây; tiến hành tỉnh sát thực địa và xây dựng tuyến phòng ngự trên hướng Vônkhôp.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:40:20 pm
Như sau này đã rõ, việc thực hiện các biện pháp này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Lêningrat.

Tin bọn Đức gây chiến đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong nhân dân lao động ở thành phố này. Những cuộc mit-tinh đông đảo đã diễn ra ở các nhà máy và công xưởng, ở các học viện và cơ quan. Công nhân, kỹ sư, các nhà khoa học thề sẽ cống hiến mọi sức lực để bảo vệ Tổ quốc.

Cũng ngày đó, một sắc lệnh của Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên-xô đã đặt Lêningrat, cũng như nhiều thành phố khác ở phần châu Âu của đất nước, vào tình trạng thời chiến.

Cuộc động viên bắt đầu. Và đã diễn ra một cách ngăn nắp, có tổ chức, chóng vánh. Các cán bộ Đảng và chính quyền đã giúp tổ chức chu đáo công tác của các địa điểm tiếp nhận tân binh, của các cơ quan quân vụ địa phương và của ngành đường sắt.

Trong vòng máy tiếng đồng hồ, hầu hết mọi người có nghĩa vụ quân sự đều có mặt tại các địa điểm động viên ở Lêningrat. Họ đã tự động viên, không đợi giấy gọi của phòng quân sự khu phố. Họ đã đến để được đi bảo vệ tự do và độc lập của Tổ quốc, bảo vệ thành phố của mình và hạnh phúc của mình.

Dòng người cuồn cuộn đổ tới các địa điểm động viên. Họ đi từng người hay từng nhóm, từng gia đình, từng cơ quan, từng tổ chức cômxômôn và học viện.

Ở các địa điểm ghi tên vào dân quân, người ta cũng xếp thành hàng dài. Công nhân, viên chức, trí thức đã gia nhập dân quân. Trong số họ, có những thanh niên mới lớn lên và những lão chiến binh thời nội chiến, tóc đã bạc, có những phụ nữ và thiếu nữ, những chỉ huy trù bị và những lính trơn. Tất cả họ đều xung vào đội ngũ của những người bảo vệ Lêningrat và được biên chế thành tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn.

Chỉ trong hơn tuần lễ một chút, đã có 16 vạn người vào dân quân, trong số đó có 32 nghìn phụ nữ làm cứu thương và ý tá. Còn tổng cộng cả về sau này thì đã có hơn 30 vạn nhân dân lao động xung vào đạo dân quân Lêningrat.

Mỗi ngày, cao trào yêu nước của nhân dân thành phố lại tăng lên lớn mạnh hơn trước. Trong một nghị quyết của những người Lêningrat thông qua hồi đó, có nói:

“Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả cho việc phòng thủ! Theo tiếng gọi đầu tiên của Đảng và Chính phủ, tất cả những ai cầm được súng sẽ tình nguyện vào Hồng quân, còn những người ở lại nhà máy sẽ đem hết sức mình làm việc để mau chiến thắng quân thù”.

Hơn 70% đảng viên cộng sản và 90% đoàn viên thanh niên cộng sản của thành phố Lêningrat đã ra mặt trận. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng và chính quyền đã được phái vào quân đội. Khắp nơi đều có đảng viên cộng sản; trong các đơn vị Quân đội tiêm kích ở các xí nghiệp và trong các đội đặc biệt về phòng thủ nội địa, được lập ra để chống bọn biệt kích, bọn gián điệp, bọn nhảy dù và để bảo vệ các cơ quan, kho tàng Nhà nước ở vùng giáp mặt trận.

Dân quân Lêningrat được tổ chức thành 10 sư đoàn và 16 tiểu đoàn súng máy – đại bác độc lập. Vũ khí và trang bị cho họ do các xí nghiệp và cơ quan Lêningrat cung cấp. Súng trường và các vũ khí bộ binh khã đã lấy ở các trường và các học viện quân sự, ở cảnh binh và ở các tổ chức của “Hội giúp đỡ quốc phòng và việc xây dựng không quân – hóa học”. Xe tăng do nhà máy Kirôp (tức Putilôp cũ) cung cấp, và xe thiết giáp do nhà máy Ijora. Còn các xưởng “Xcôrôkhôt”, “Thắng lợi của vô sản” v.v… đã cung cấp cho các chiến sĩ giày, các xưởng may cung cấp quân trang, nhà máy chế biến kim loại Êgôrôp cung cấp nồi niêu xoong chảo và khí tài công binh.

Trong những ngày đó, ở các công viên và vườn hoa, trên các đại lộ và đường phố, đâu đâu nhân dân Lêningrat cũng khẩn trương tập luyện quân sự. Dân quân học bắn súng, ném lựu đạn. Học đánh tăng, cài mìn, bắn máy bay địch. Chương trình học cấp tốc. Mặt trận không thể đợi chờ.

Ngày 10 tháng bảy, sư đoàn dân quân Kirôp là sư đầu tiên tiến ra chặn địch. Sau mấy ngày, các sư Matxcơva và Frunze cũng xuất trận.

Ngày 27 tháng sáu 1941, Ủy ban Xô-viết đại biểu nhân dân lao động Lêningrat đã ra nghị quyết về việc huy động dân cư nội ngoại thành làm nghĩa vụ lao động. Một trật tự quân sự nghiêm ngặt đã được thiết lập trong thành phố.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:42:38 pm
Ở CỬA NGÕ XA

Chiến tranh chưa đụng đến Lêningrat ngay. Chiến sự đã bắt đầu ở cách xa thành phố mấy trăm cây số, tại các biên giới phía nam của các nước cộng hòa miền Bantich. Tại đây, cùng với các đơn vị biên phòng, các sư bộ binh trong tập đoàn quân 11 của tướng V. I. Môrôxôp và trong tập đoàn quân 8 của tướng P. P. Xôbennicôp (Mặt trận tây-bắc) đã phải chống đỡ với đợt tấn công đầu tiên của quân phát-xít Đức. Bị phân tán trên một mặt trận rộng và bị đánh bất ngờ, các đơn vị của Mặt trận Tây-bắc đã không đương đầu lại được với các mũi nhọn tăng của phương diện quân “Bắc” và buộc phải rút lui, để địch lại trong khói lửa của các thành phố và làng mạc quê hương bốc cháy. Khi rút lui, họ đã lợi dụng từng cao điểm, từng địa hình có lợi để ngăn chặn bước tiến của quân thù, và gặp khi có điều kiện thuận lợi họ đã chuyển sang phản kích, giáng trả lại địch những đòn nên thân. Trong các cuộc chiến đấu ác liệt đó, bộ đội xô-viết đã gây cho địch nhiều thiệt hại, đã kìm hãm bước tiến của chúng, làm cho kế hoạch của chúng bị vỡ.

Những trận gay go đã diễn ra trong ngày thứ hai của cuộc chiến tranh ở bên bờ sông Đubix (tây-bắc Caunax) và sông Nêman. Cho đến 25 tháng sáu, các binh đoàn tăng Liên-xô đã kìm lại được các sư địch đang cố xông lên ở các hướng đó. Song lực lượng hai bên đã rất chênh lệch. Chống với ba sư tăng của ta, ba sư này đã bị tổn hại lớn trong đợt tấn công bất ngờ của không quân địch ngay trong ngày đầu chiến tranh, quân địch đã tung ra một số sư tăng và bộ binh nhiều gấp bội.

Các cố gắng của bộ tư lệnh Mặt trận Tây-bắc tổ chức phòng ngự ở hữu ngạn sông Đơvin Tây cũng không thu được kết quả. Các sư môtơ hóa và sư tăng của địch đã tràn qua lỗ hổng giữa hai tập đoàn quân 8 và 11. Đến ngày 30 tháng sáu, chúng đã vượt sông Đơvin Tây trong hành tiến, ở quãng Đaugappinxơ và Cruxpinxơ, và bắt đầu tiến theo các hướng đông và đông-bắc. Để không bị rơi vào vòng vây, các binh đoàn bộ binh xô-viết làm nhiệm vụ bảo vệ Caunax và Vinnux, đã buộc phải rút lui. Miền duyên hải tây biển Bantich cùng với các hải cảng (trừ Talin) đã rơi vào tay quân địch. Hạm đội Bantich của ta đã lâm vào một tình thế khó khăn, buộc phải bỏ căn cứ Litva và Latva.

Sau những trận đánh kìm hãm gay go, ngày 6 tháng bảy thành phố Oxtrôp thất thủ, và sau đó ba ngày quân địch lại chiếm được thêm Pơxcôp. Quân phát-xít Đức đã chiếm được hầu hết miền Pribantich và đã lọt vào địa giới của tỉnh Lêningrat. Việc địch có thể chọc được đến sông Luga và tiếp đó đến Lêningrat đã trở thành một nguy cơ trước mắt.

Do lực lượng địch mạnh hơn gấp bội, bộ đội xô-viết cũng đã phải rút lui ở nhiều mặt trận khác nữa. Minxcơ, Vitepxcơ, Jitoomia đã rơi vào tay quân địch. Các thiết đoàn phát-xít đang xông về phía Matxcơva và Kiep. Tổ quốc xô-viết thậm nguy.

Đảng và Chính phủ đã kêu gọi nhân dân chấm dứt mọi tư tưởng thái bình, ra sức bảo vệ từng thành phố, mỗi xóm làng, và khi rút đi không được để lọt một thứ gì vào tay quân địch, tích cực tiêu diệt bọn xâm lược đến cùng.

Đánh chặn bước tiến điên cuồng của kẻ địch và rút vào sâu trong đất nước, các chiến sĩ xô-viết vẫn không mất lòng tin ở thắng lợi. Họ bị nhiều tổn thất, song đồng thời cũng đã tiêu hao nặng quân địch, tiêu diệt nhiều phương tiện chiến đấu của chúng và kìm hãm bước tiến của chúng. Thây lính Đức và vũ khí, khí tài của quân địch bị phá hủy rải đầy đường từ biên giới Đông Phổ đến hồ Chutxcôê. Mặc dầu chúng đã tấn công Liên-xô bất ngờ, sự thiệt hại của quân phát-xít Đức ngay trong những ngày đầu chiến tranh đã nhiều hơn gấp bội những sự thiệt hại của chúng ở Tây Âu cả về mặt sinh lực lẫn vũ khí, khí tài, không thể nào so sánh được. Tuy nhiên, quân xâm lược vẫn còn ưu thế trong một thời gian lâu. Bộ tư lệnh Hitle khi đó vẫn còn có thể bổ sung thiệt hại tương đối nhanh.

Tính đến ngày 10 tháng bảy, phương diện quân “Bắc” của Đức đã trội hơn bộ đội Mặt trận Tây-bắc về bộ binh: 2,4 lần, về đại bác: 4 lần, về súng cối: 5,3 lần, về tăng: 1,3 lần. Ưu thế trên không cũng thuộc về kẻ địch.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:44:19 pm
Sau khi lấy được Pơxcôp và Oxtrôp, quân thù đã cho rằng thế là con đường tiến tới Lêningrat đã mở. Các chiến lược gia của Hitle đã tin chắc vào khả năng của quân đội chúng đến nỗi chúng đã vạch ra cả một thời khắc biểu thu phục các thành phố Liên-xô, kể cả Lêningrat và Matxcơva. Khi còn ở vùng Siaulai, còn cách xa Lêningrat đến mấy trăm cây số, chúng đã định ngày duyệt binh ở quảng trường Cung điện, đã in và phát cho binh lính và sĩ quan những bản đồ chỉ dẫn việc đi chơi ở Lêningrat và thậm chí đã in cả thiếp mời dự tiệc liên hoan ở khách sạn “Axtôria”. Và quả thật là cấu trúc phòng ngự ở trên tuyến Luga khi đó vẫn chưa xong. Còn cửa ngõ trực tiếp và Lêningrat từ phía tay-nam nói chung vẫn chưa được củng cố. Trước chiến tranh, chưa ai hề nghĩ tới việc quân địch có thể tiến đến thành phố từ phía đó. Sông Luga, rộng 40-60 mét, ở nhiều quãng các đơn vị cơ giới có thể vượt qua. Thế mà tuyến Luga đã trở nên khó vượt, là nhờ những người đã bảo vệ nó. Bố trí trên tuyến này, từ thành phố Kinghixep đến hồ Inmen, 4 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn dân quân, trường lục quân Lêningrat mang tên Kirôp và lữ đoàn khinh binh đánh núi độc lập đã án ngữ các ngả đường vào Lênningrat. Họ đã dũng cảm đương đầu với quân đoàn môtơ hóa 41 của địch tiến đến bờ Luga ngày 12 tháng bảy, và đã chặn chúng lại.

Xe tăng địch đã bốc cháy vì hỏa lực chính xác của pháo binh và những chai xăng đặc của bộ binh ta. Chỉ riêng tiểu đoàn pháo binh của đại úy Xiniapxki thuộc cụm pháo của đại tá F. G. Ôđinsôp đã tiêu diệt 37 tăng trong một trận, và đại đội pháo của thượng úy A. V. Iacôplep đã tiêu diệt 10 tăng. Các chiến sĩ của các sư bộ binh 177, 235 và 237 đã gan lì giữ vững trận địa. Sư đoàn dân quân 2 cũng ngoan cường không kém, sư này chủ yếu gồm những người lao động thuộc các khu phố Matxcơva và Lêningrat của thành phố Lêningrat lập ra.

Trong những ngày đó, các cựu công nhân của nhà máy Kirôp đã gửi cho các chiến sĩ Kirôp và cho toàn thể các chiến sĩ dân quân Lêningrat, nội dung như sau: “Các đồng chí thân mến! Những người con và anh em của chúng tôi! Các đồng chí đã vào dân quân để đem thân mình bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Xin các đồn chí cứ yên tâm: ở nhà các máy của các đồng chí vẫn chạy hết công suất đấy! Các bà mẹ và vợ, con, em gái của các đồng chí đang đứng bên các máy đó... Các đồng chí hãy gan dạ, quả cảm trong chiến đấu, hãy phát huy truyền thống vẻ vang của công nhân Petrôgrat, hãy xứng đáng là con của thành phố Lênin. Chớ tiếc đời mình trong cuộc chiến đấu vì tự do, vì danh dự, vì Tổ quốc!”.

Nhân dân lao động ở nhiều xí nghiệp khác cũng gửi thư cho các chiến sĩ dân quân và bộ đội xô-viết đang chặn đường các sư địch tiến về Lêningrat. Các thư và những lời kêu gọi đó của nhân dân Lêningrat gửi cho các chiến sĩ bảo vệ thành phố vĩ đại đã củng cố sự thống nhất của hậu phương với tiền tuyến và đã cổ vũ các chiến binh xô-viết lập chiến công trong cuộc đấu tranh chống lại quân thù mạnh và hung bạo.

Đáp lại thư của các công nhân nhà máy Kirôp, các chiến sĩ sư đoàn dân quân 1 đã cam đoan với các bạn bè trong nhà máy và toàn thể nhân dân lao động của thành phố rằng họ sẽ quyết giữ bằng được chiếc nôi của cách mạng vô sản – Lêningrat thân yêu.

Cuộc phòng ngự ngoan cường của các đơn vị dân quân và bộ đội xô-viết đã chặn đứng cuộc tấn công của địch. Song bộ tư lệnh phương diện quân “Bắc” rõ ràng là không chịu cảnh thất bại đó của quân chúng. Chúng tung tăng ra, khi thì sọc vào chỗ này, khi thì sọc vào chỗ khác, dò điểm yếu trong hàng phòng ngự của ta, và sử dụng hàng trăm phi cơ oanh tạc bổ nhào, hòng đánh vào “cân não”. Song, ngoài việc bị thiệt hại thêm, chúng chẳng đạt được một cái gì. Tuyến phòng ngự Luga đã được các đơn vị xô-viết giữ vững.

Cũng vào khi đó, tập đoàn quân 11 đã đánh một đòn phản kích hiệu quả vào quân đoàn tăng Manstêin định tiến về Nôpgôrôt. Từ 14 đến 18 tháng bảy, ở vùng Xomsư, bộ đội xô-viết đã tiêu diệt sư tăng 8 và tiêu hao nặng sư bộ binh môtơ hóa 3 của địch. Trong trận này, sư bộ binh 70, huân chương Lênin, đã chiến đấu đặc biệt xuất sắc. Quân Đức đã phải lùi lại 40 cây số, bỏ lại nhiều xác tăng và thây lính., Sau này, Manstêin đã phải thú nhận rằng tình hình của quân đoàn hắn khi đó thật thảm hại.

Tinh thần ngoan cường và tích cực tiêu diệt địch của bộ đội xô-viết đã làm đảo lộn kế hoạch của bọn chiến lược gia Hitle. Mưu toan của bộ tư lệnh phát-xít Đức định chiếm Lêningrat trong hành tiến đã bị thất bại. Trong những trận dai dẳng, đẫm máu ở tuyến Luga, quân địch đã bị thiệt hại nặng về người và vũ khí. Thế là yếu tố thời gian – một trong những điều kiện quan trong nhất trong kế hoạch ban đầu để giành thắng lợi, của bọn chiến lược gia Hile thảo ra, trông mong vào một thắng lợi chớp nhoáng – đã đi mất, không trở lại nữa.

Sau nhiều lần cố gắng đánh về phía Lêningrat, đến tháng bảy quân Đức đã buộc phải từ bỏ hoạt động tấn công. Bộ đội và dân quân phối hợp đã chống lại các đợt tấn công mãnh liệt của địch và trong gần một tháng đã giam chân quân địch lại ở bên sông Luga.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:46:15 pm
Ở CỬA NGÕ GẦN

Bị chặn lại, không tiến thẳng được về Lêningrat qua sông Luga, kẻ địch đã tìm cách đi đường vòng. Đồng hời, chúng đã đưa thêm nhiều lực lượng mới.

Đầu tháng tám, tập trung một lực lượng ưu thế gấp bội bộ đội xô-viết ở các sườn của khu phòng ngự Luga, quân Đức lại mở cuộc tấn công về phía Lêningrat. Địch đã tung về hướng Vôlôxôvô và Gatchina một lực lượng hùng hậu gồm 2 sư tăng, 1 sư môtơ hóa và 2 sư bộ binh. Diện tấn công của các lực lượng này là các đơn vị thuộc sư dân quân 2, các đại đội của trường lục quân Lêningrat mang tên Kirôp và sườn phải của sư bộ binh 90. Bộ binh, pháo binh, xe tăng, công binh, tất cả các chiến sĩ và chỉ huy của tất cả các binh chủng quân ta đều chiến đấu dũng cảm và ngoan cường. Ai nấy đều chung một ý chí: không để cho địch tiến tới Lêningrat.

Cho đến ngày 12 tháng tám, tại vùng làng Ivanôpxcôe, các đơn vị thuộc sư 2 dân quân và sư 90 bộ binh đã đánh bật được cuộc tấn công của quân địch mạnh hơn. Chỉ sau khi đã tung ra thêm một sư tăng và tạo ra một ưu thế lớn về súng cối và không quân, địch mới lấn được các chiến sĩ bảo vệ tuyến Luga và vượt ra được đường cái dẫn đi Kinghixep và chạy về phía Gathchia.

Sư bộ binh 281 và một số đơn vị khác cấp tốc điều đến hướng này đã không thể ngăn địch lại được: lực lượng quá ư chênh lệch – các đơn vị của ta phải chống lại với 3 sư tăng địch và liên tục quần nhau với máy bay địch. Đặc biệt gay go là những trận đánh để giành nhau Vôlôxôvô. Trong ngày 18 tháng tám, địa điểm quan trọng này đã mấy lần chuyển qua chuyển lại tay ta và tay địch. Nhưng bộ đội ta đã không đủ sức để giữ được nó. Đến chiều hôm đó, ta đã phải bỏ Vôlôxôvô và rút về hướng đông-bắc. Ngày 19 tháng tám, những đơn vị tiền phương của khu phòng ngự Cận vệ đỏ - một trong sáu khu phòng ngự trong nội thành Lêningrat – đã phải nổ những phát súng đầu vào các đơn vị địch đã đột nhập vào ngoại vi phòng ngự của khu này ở mạn nam ngoại thành.

Bộ tư lệnh phát-xít Đức cũng đã cho một đạo quân mạnh, gồm 6 sư bộ binh và 2 sư môtơ hóa tiến về phía Nôpgôrôt – Chuđôvô, nhằm chiếm con đường sắt Tháng mười và đánh quặp Lêningrat từ phía đông. Trong ba ngày đêm liền, từ 10 đến 13 tháng tám, các đơn vị trong tập đoàn quân 48 do tướng X. Đ. Akimôp chỉ huy đã phải chống trả những đợt tấn công điên cuồng dữ đội của địch. Sang ngày thứ tư, quân Đức tập trung ưu thế hơn ta gấp hơn ba lần, đã chọc thủng phòng ngự của ta ở vùng Simxcơ và ngày 15 tháng tám đã chiếm bộ phận tây của thành phố Nôpgôrôt.

Quân địch reo mừng hể hả. Thế là bây giờ đường tới Lêningrat đã khai thông, bọn chiến lược gia Hitle đã tuyên bố như thế. nhưng khi bộ tư lệnh phát-xít Đức bắt tay vào thực hiện kế hoạch của chúng và đưa lực lượng chính của chúng ngoặt về phía Chuđôvô thì tập đoàn quân 34 của tướng K. M. Cachanôp và một phần lực lượng của tập đoàn quân 11 thuộc Mặt trận Tây-bắc đã giáng một đòn phản kích bất ngờ vào chúng từ khu Xtaraia Rutxa. Quân ta đã tiến được gần 60 cây số và tạo nên một mối uy hiếp thọc vào sau lưng tập đoàn quân địch đóng ở Nôpgôrôt. Để đỡ lại đòn phản kích đó, bộ tư lệnh phát-xít Đức đã buộc phải rút ở Nôpgôrôt và Luga đi 2 sư môtơ hóa để tung chúng vào vùng Xtarai Rutxa, ngoài ra lại còn phải tăng không quân hoạt động ở hướng này. Do đó, tốc độ tấn công của quân địch về phía Lêningrat đã bị chậm lại một phần. Địch đã phải mất 5 ngày để vượt quãng đường 70 cây số từ Nôpgôrôt đến Chuđôvô, Và khi cuối cùng chúng cũng đã chiếm được thành phố này, thì chúng đã bị tiêu hao mệt nhược vì phải tác chiến liên miên, đến nỗi không còn có thể tiếp tục tấn công ngay được nữa. Tuy vậy, vòng cánh cung của quân thù bao quanh Lêningrat cứ mỗi ngày một thắt lại dần.

Về phía eo Carêli, bọn bạch quân Phần-lan cũng tăng sức ép mạnh. Trước sức địch mạnh hơn, ngày 20 tháng tám quân ta đã phải rút khỏi Vưbooc. Chủ lực của tập đoàn quân Đông-nam Phần-lan ùn ùn tiến về phía Lêningrat. Dòng sắt thép gồm các tăng màu vàng và xanh nhạt cùng các xe tải chở đầy lính vác tiểu liên chảy trên khắp các ngả đường. Từ tây-nam, giữ tuyến đường sắt Bantich và bờ nam vịnh Phần-lan, hai quân đoàn trong tập đoàn quân này tấn công; từ phía nam, các sư tăng và môtơ hóa xông lên; từ đông-nam, dọc theo đường sắt Tháng mười, một bộ phận của hai quân đoàn môtơ hóa tiến tới. Quân phát-xít Đức đã tràn về phía Gatchina. Bọn xâm lược Hitle chỉ còn cách thành phố không phải là hàng trăm, mà vài chục cây số. Đài phát thanh Beclanh đã vội vã rêu rao khắp thế giới: “Việc Lêningrat – cái thành trì này của các Xô-viết trên bờ Bantich – thất thủ chỉ còn tính hàng giờ nữa mà thôi!”.

Song Lêningrat đã đứng vững không phải hàng giờ, hàng tháng, mà trong nhiều năm. Trong giờ phút cực kỳ gian nan đó, khi quân địch đã đột nhập vào vùng ngoại thành, các chiến sĩ bảo vệ Lêningrat đã hông hề nghĩ tới sự đầu hàng. Họ làm việc ngày đêm để củng cố công sự; vào dân quân; và đứng mấy ngày đêm liền không rời máy để sản xuất vũ khí, mìn và đạn dược.

Ngày 21 tháng tám 1941, tư lệnh bộ đội hướng Tây-bắc, các bí thư tỉnh ủy và thành ủy Lêningrat và chủ tịch ủy ban Xô-viết thành phố Lêningrat đã gửi lời hiệu triệu đến toàn thể nhân dân lao động trong thành phố.

“Hỡi nhân dân Lêningrat, các đồng chí và các bạn thân mến! – bản hiệu triệu viết. – Thành phố quê hương và thân yêu của chúng ta đang bị nguy cơ tấn công của quân đội phát-xít Đức trực tiếp đe dọa. Quân thù đang tìm cách đột nhập vào Lêningrat. Chúng muốn phá hủy nhà cửa của chúng ta, chiếm các công xưởng và nhà máy, cướp bóc của cải của nhân dân, tưới các đường phố và các quảng trường bằng máu của những người vô tội, chà đạp lên dân lành, biến các người con tự do của Tổ quốc ta thành nô lệ của chúng. Nhưng điều đó quyết không thể xảy ra được! Lêningrat – cái nôi của cách mạng vô sản, trung tâm văn hóa và công nghiệp lớn của đất nước ta – đã và không bao giờ chịu lọt vào tay quân thù. Cúng ta sống và làm việc trong thành phố tuyệt đẹp của chúng ta, chúng ta đã bằng đôi tay của mình xây dựng lên những công xưởng và nhà máy hùng mạnh của Lêningrat, những tòa nhà và những vườn hoa mỹ lên, không phải là để cho những thứ đó rơi vào tay quân ăn cướp phát-xít Đức! Quyết không đời nào để xảy ra như thế!

Muôn người như một, tất cả chúng ta hãy đứng lên bảo vệ thành phố của chúng ta, tổ ấm, gia đình, danh dự và tự do của chúng ta!”.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:47:58 pm
Trong những lời đầy chí khí đó, gửi cho các chiến sĩ mặt trận và nhân dân Lêningrat, mỗi người đều thấy nói lên những ý nghĩ thầm kí của lòng mình. Bộ đội và nhân dân Lêningrat đã thề không để phải hổ thẹn với truyền thống của giai cấp vô sản Petrôgrat, quyết giữ vững Lêningrat thân yêu.

Nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tổ chức thành phố Lêningrat, theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, từ ngày 23 tháng tám mặt trận Bắc được chia ra làm hai mặt trận: Carêli và Lêningrat. Bộ tư lệnh của Mặt trận Lêningrat mới thành lập có điều kiện để tập trung mọi cố gắng vào việc phòng thủ Lêningrat. Đồng thời, Bộ Tổng tư lệnh cũng điều đến bờ đông sông Vônkhôp hai tập đoàn quân mới nữa – tập đoàn quân 52 và 54.

Tuy nhiên, tình hình ở quanh Lêningrat vẫn tiếp tục xấu đi.

Sau khi lấy lại sức và chấn chỉnh lực lượng, ngày 25 tháng tám, quân phát-xít Đức ở vùng Chuđôvô lại tiến về Lêningrat. Chống lại những đơn vị của ta giữ hướng này, hướng dẫn tới hồ Lađôga, bộ tư lệnh quân Đức đã tung ra một quân đoàn môtơ hóa và một số binh đoàn độc lập. Cuộc tấn công của lục quân được một lực lượng không quân mạnh yểm trợ.

Không đủ sức chặn một lực lượng địch mạnh hơn rất nhiều, bộ đội giữ hướng này đã buộc phải rút lui. Một bộ phận rút về đông-bắc, tới sông Vônkhôp, còn bộ phận khác, rút theo hướng tây-bắc, về sông Nêva. Như vậy là việc phòng ngự ở trên hướng tiến thẳng lên phía bắc (qua Tôxnô, Mơga… đến bờ nam hồ Lađôga) đã bị yếu đi. Ngày 28 tháng tám, các đơn vị tiền đạo của địch chiếm Tôxnô và ngày 29 tháng tám, tiến tới Cônpinô. Ở đây, chúng lại đụng phải các đơn vị của tập đoàn quân 55 của tướng I. G. Lazarep, và bọn Đức đã phải dừng lại. Song chúng cũng đã chiếm được Mơga – một đầu mối xe lửa quan trọng, và đã cắt được con đường phương Bắc – con đường sắt cuối cùng nối Lêningrat với đại hậu phương.

Trên các hướng khác, cuộc chiến đấu cũng diễn ra ác liệt. Tập đoàn quân 42 đã bẻ gãy được mũi tiến của quân Đức mưu toan chiếm lấy Gatchina trong hành tiến. bị thiệt hại nặng nề, địch phải quay về phòng ngự. Các sư đoàn dân quân và các tiểu đoàn súng máy – đại bác của họ, nằm trong tập đoàn quân 42, đã tạo ra được ở trên hướng Gatchina một mặt trận, tuy không sâu, nhưng dày đặc, che chở cho Lêningrat từ tây-nam.

Việc quân địch đã tiến được tới Gatchina và Cônpinô tạo ra một tình thế nguy hiểm cho các đơn vị của ta phòng ngự ở vùng Luga. Họ đã phải vượt vòng vây và vừa đánh vừa rút về với quân mình. Một số đơn vị đã rút được về với nguyên vẹn vũ khí, sau khi đã vượt hàng trăm cây số qua rừng và sình lầy. Các pháo thủ của sư bộ binh 70, dưới quyền chỉ huy của chủ nhiệm pháo binh sư đoàn – trung tá Pôtluski, đã không để một khẩu đại bác nào lọt vào tay quân địch. Họ đã tự tay mình bắc 12 cây số cầu nối qua sình lầy để kéo pháo và, sau khi đã đánh lui nhiều đợt tấn công của quân Đức truy kích họ, họ đã trở về với quân mình ở vùng Cômpinô.

Các chiến sĩ xô-viết cũng đã bảo vệ Tanlin với một tinh thần ngoan cường đặc biệt. Cho tới ngày 28 tháng tám, họ đã phải đánh trả những đợt tấn công liên miên của quân thù, thu hút về mình một phần quan trọng lực lượng địch. Cùng với các chiến sĩ của quân đoàn bộ binh 10, các thủy binh Bantich đã chiến đấu rất dũng cảm. Bộ tư lệnh hạm đội đã thành lập 14 đơn vị và phân đội thủy binh đánh bộ và phái đến tăng viện cho lục quân. Từ ở ngoài biển Tanlin, suốt ngày đêm, pháo trên các tàu chiến của ta đã nã vào các trận địa của địch. Và chỉ sau khi quân Đức đã tới được bờ nam vịnh Phần-lan và đột nhập được vào Tanlin, thì hạm đội và các đơn vị đóng trong thành phố, được phép của Bộ Tổng tư lệnh, mới chuyển về Crônstat để tăng cường phòng thủ Lêningrat.

Cuộc chiến đấu phòng ngự bền bỉ ở Tanlin đã có một tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ Lêningrat. Trong một thời gian dài, quân ta đã giam chân ở đây hơn 5 sư địch, rất cần cho bộ tư lệnh quân Đức để tấn công về hướng Lêningrat.

Trong cuộc chiến đấu để bảo vệ bán đảo Khancô (Gangut) – một pháo đài nhỏ ở trên bờ đá lởm chởm tại cửa vịnh Phần-lan – các thủy binh Bantich và chiến sĩ bộ binh cũng đã tỏ ra dũng cảm phi thường. Bạch quân Phần-lan đã công phá bán đảo này từ mặt biển, từ trên không và từ đất liền. Chúng đã rải truyền đơn kêu gọi đầu hàng. Mannecgây đã nhiều lần định ra kỳ hạn hạ Khancô, tung ra chống các chiến sĩ bảo vệ pháo đài cho không quân, nào chiến xa, nào lục quân được huấn luyện đặc biệt. Quân thù mạnh hơn gấp bội lực lượng phòng thủ của ta, song chúng đã không làm thế nào đè bẹp được sức đề kháng của các chiến sĩ xô-viết.

Gần sau tháng trời, pháo đài Bantich – Gangut Đỏ - đã dứng vững như bức tường thành không gì lay chuyển nổi và đã thu hút một lực lượng lớn của địch. Trong suốt thời gian đó, các chiến sĩ bảo vệ Khancô đã không lùi một bước. Họ chỉ rút khỏi bán đảo ngày 5 tháng chạp 1941 sau khi được lệnh của cấp trên.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:49:55 pm
QUYẾT KHÔNG ĐỂ CHO QUÂN THÙ QUA ĐƯỢC!

Trong khi các đơn vị bộ đội và dân quân kìm hãm bước tiến của quân phát-xít Đức ở ngoài các cửa ngõ xa dẫn tới Lêningrat, thì nhân dân trong thanh phố tích cực chuẩn bị để bảo vệ thành phố của mình. Công việc làm công sự ở các cửa ngõ gần của thành phố và ở ngay trong thành phố đã diễn ra liên tục suốt ngày suốt đêm. Người ta đào chiến hào và hào chống tăng, xây đắp các ụ súng, các lô cốt và các hòa điểm, cấu trúc hệ thống chướng ngại chống tăng và chống bộ binh. Trong tháng bảy và thám tám, hàng ngày đi là công việc đó có tới nửa triệu người, phần lớn là phụ nữ. Rất nhiều người trong số đó trước kia chưa cầm đến cuốc xẻng bao giờ. Song tất cả họ - những bà mới hôm qua chỉ biết việc nội trợ và những cựu nữ sinh viên, nữ công nhân và nữ viên chức, thiếu nữ và phụ nữ đã đứng tuổi – đều đem hết sức mình cống hiến cho việc củng cố phòng thủ của thành phố quê hương. Cụ M. Carêlina, nữ công nhân 57 tuổi ở nhà máy thuốc lá, đã viết lời tâm sự sau đây gửi phụ nữ Lêningrat:

“Các bạn cũng biết, ở vào tuổi tác của tôi, chân tay chậm chạp, cầm cuốc cầm xẻng chẳng phải dễ gì. Song, trong những ngày tai biến này, phụ nữ Liên-xô liệu có thể đứng ở ngoài cuộc chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ danh dự và tự do, được chăng?

Cùng với một nhóm nữ công nhân đã có tuổi ở nhà máy chúng tôi, tôi đã xung phong đi vào công sự. 18 ngày liền, không nghỉ, chúng tôi làm việc, mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ. Đất rất cứng, nhiều khi phải dùng cuốc chim bổ mới được… Tại đây, những công sự kiên cố đã mọc lên trước mắt tôi. Và chúng tôi lấy làm hãnh diện rằng đã có phần lao động của mình trong đó.

“Những chiến hào viên” – người ta gọi đội quân lao động xây dựng công sự kihi đó như vậy, những người hàng ngày bị cái chết đe dọa. Quân thù phá việc làm công sự, thường cho máy bay oanh tạc và bắn vào những người đào hào. Song công việc không vì thế mà bị ngừng trệ.

Trong một thời gian ngắn ngủi chưa từng thấy, người ta đã cấu trúc xong một tuyến phòng ngự, tổng số chiều dài là 3 vạn cây số! Tuyến công sự bao quanh làng Craxnôê, Gatchina, Pêtergôt, Paplôpxcơ, Côpinô, Mơga, Puskin.

Ở các vùng ngoại ô Lêningrat và ngay trong thành phố, người ta đã dựng lên các chiến lũy, đắp các ụ súng và các lô cốt. Nhiều nhà đã đục lỗ châu mai. Cửa kính của các cửa hiệu và các công sở đã được che bằng lưới sắt. Rất nhiều hầm hố và hào trú ẩn đã được đào ở khắp nơi. Trên các quảng trường và các đường bờ sông, các ụ súng cao xạ bố trí. Tổng cộng ở Lêningrat, người ta đã lập ra 25 cây số chiến lũy, xây đắp 4.126 ụ súng và lô cốt, và rất nhiều bãi chướng ngại đủ thứ. Người ta cũng đã cấu trúc 4.600 hầm hào chống bom chứa được hơn 90 vạn người

Người cổ vũ và tổ chức mọi công việc đó là Đảng bộ Lêningrat. Một tiểu ban đặc biệt, do bí thư thành ủy A. A. Cuzơnêsôp làm chủ tịch, đã trực tiếp chỉ đạo công tác kiến trúc công sự phòng thủ. Trong tiểu ban này còn có các viện sĩ: B. G. Galeckin (nhà xây dựng) và N. N. Xêmênôp (nhà hóa học). Nhiều viện sĩ khác đã tham gia công tác của tiểu ban, như: nhà luyện kim A. A. Baicôp, nhà vật lý A. F. Iôffê, nhà đóng tàu iển A. N. Cưlôp, và nhiều nhà bác học nổi tiếng khác.

Công tác sôi nổi ở khắp mọi nơi: ở nơi xây dựng các tuyến phòng ngự cũng như ở các xí nghiệp Lêningrat. Công nghiệp thành phố đã chuyển sang sản xuất cho nhu cầu tiền tuyến. Các nhà máy và công xưởng Lêningrat đã sản xuất ra các vũ khí bộ binh và pháo binh, các mũ sắt, dây thép gai và các dụng cụ công binh.

Phụ nữ và thiếu nữ, người già và thiếu niên thay thế cho các nam công nhân đã ra trận. Công nhân làm việc hai ba ca một ngày. Nhiều ngày đêm liền, họ không rời khỏi xưởng. Nhận rõ lao động của mình giúp cho Hồng quân mau chóng tiêu diệt quân phát-xít xâm lược, nên ai nấy đều cố gắng gấp đôi, gấp ba.

Theo chủ trương của thành ủy, nhân dân đã được huấn luyện quân sự một cách phổ biến. Ai cũng biết bắn súng, ném lựu đạn, đốt tăng và làm công tác cấp cứu. tại các xí nghiệp, những đội công nhân được lập ra để bảo vệ nhà máy chống các cuộc oanh tạc và đám cháy, và nếu địch đột nhập vào thì đánh trả lại chúng.

Tất cả nhân dân Lêningrat đều trải qua một lớp huấn luyện bắt buộc về phòng không. Họ đã làm hầm hố tránh máy bay, theo dõi việc che ánh sáng và cảnh giác chống bọn chỉ điểm. Các đội viên tự vệ canh gác và giữ gìn trật tư.

Công tác của hàng nghìn người đã đưa lại kết quả. Lêningrat đã biến thành một pháo đài không thể công phá được. Và cho dù nếu quân địch có đột nhập được vào thành phố, thì từ khắp mọi nơi: từ cửa sổ, từ hầm nhà, từ mái nhà, chúng sẽ bị một biển lửa dội vào đầu, và những hàng cây đổ xuống để cản đường xe tăng của chúng.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:52:47 pm
Địch tấn công ngày một mạnh. Bọn phát-xít vội vã. Chúng như ngựa bị quất lồng lên khi thấy đô thành lớn đã ở ngay trước mặt, và vì những lời quả quyết của Hitle rằng việc chấm dứt chiến sự tùy thuộc vào việc chiếm nhanh được Lêningrat. Không kể gì đến thiệt hại, quân Đức tấn công đi tấn công lại các trận địa của bộ đội xô- viết.

Trong suốt 10 ngày đã diễn ra trận đánh dữ đội ở trên hướng Slixenbuôc. Tại đây, ở thượng nguồn sông Nêva, bộ tư lệnh Đức định hội quân với những đơn vị của Mannecgây đang tấn công Lêningrat từ phía bắc, để khép chặt vòng vây Lêningrat lại.

Các chiến sĩ của ta đã chiến đấu đũng cảm và ngoan cường. Sư đoàn của Bộ dân ủy Nội vụ(1), các phân đội thủy binh đánh bộ và các đơn vị biên phòng đã bảo vệ từng tấc đất một. Họ đã được các pháo thủ và các thủy binh của hạm đội nhỏ trong hồ Lađôga tích cực chi viện. Tuy vậy, họ đã không thể ngăn được các sư đoàn địch tiến đến bờ nam hồ Lađôga. Và ngày 8 tháng chín địch đã tràn vào Slixenbuôc.

Từ hôm đó, Lêningrat chỉ có thể liên lạc được với đất nước bằng đường thủy qua hồ Lađôga, hoặc bằng đường không. Tất các các đường khác đều đã bị cắt đứt.

Sau khi chiếm được Slixenbuôc, quân Đức đã định vượt sông Nêva bằng bè. Song các phân đội bộ đội và các đội tự vệ công nhân bảo vệ hữu ngạn con sông đã buộc chúng phải bỏ ý định ấy. Quân Đức cũng không gặp được quân Phần-lan Mannecgây đồng minh của chúng. Bọn này đã bị các đơn vị của tập đoàn quân 23 và hỏa lực của các pháo đài mạnh ở Crônstat chặn lại ở các sông Nêva mấy chục cây số.

Còn đám quân Phần-lan tiến vòng hồ Lađôga thì khi đó đã bị mắc kẹt ở eo Lađôga – Ônejơxcôe. Các đơn vị của tập đoàn quân 7 phòng ngự kiên cố, đã chặn đường tiến của chúng từ phía đông tới Lêningrat.

Từ sáng 9 tháng sáu, ở các cửa ngõ nam và tây-nam Lêningrat, các trận đánh lại diễn ra kịch liệt hơn.

Quân Đức tập trung một lực lượng rất lớn ở tây Gatchina và tiến theo hướng làng Craxnôê – Urixcơ – Lêningrat. Một cánh khác của địch từ phía nam Cômpinô đánh dọc theo đường Matxcơva. Với cuộc tấn công này, địch định công kích thẳng vào Lêningrat và hạ thành bằng đợt tổng công kích đó.

Chiều 8 tháng chín, không quân phát-xít đã đánh phá dữ dội Lêningrat. Chúng đã ném hơn 6 nghìn bom cháy, làm bùng nổ 178 đám cháy. Các đội cứu hỏa, các đội tự vệ và hàng nghìn công nhân viên chức đã lao vào vật lôn với lửa. Những trận oanh tác thành phố còn tiếp tục trong những ngày sau. Dã man hơn nữa, quân thù đã chọn những khu nhà ở đông đúc nhất, để trả thù nhân dân Lêningrat về những thất bại của chúng ngoài mặt trận.

Thế mà tình hình của quân Đức, tuy rằng chúng đã tới được vịnh Phần-lan ở vùng Xtrenna và đến được vùng ngoại thành phía nam Lêningrat vẫn không phải là sáng sủa gì lắm. Mục đích cơ bản của cuộc tấn công vẫn như trước: chưa đạt được. Chúng đã định bằng một cuộc tổng công kích ngắn ngủi mà lấy được thành phố, nhưng không xong; trận đánh đã đẩy đưa kéo dài. Dọc đường tới Lêningrat và ở quan thành, tới cuối tháng chín, đã có 17 vạn quân quan địch phải phơi thây. Địch đã mất hàng nghìn đại bác, hàng trăm chiến xa và phi cơ, rất nhiều liên thanh và vũ khí khác.

Quân phát-xít đã tấn công điên cuồng lên cao điểm Puncôvô. Chúng đã tập trung ở hướng này một lực lượng tăng rất lớn và tới 2 sư bộ binh, hòng bằng con đường ngắn nhất chọc thẳng vào Lêningrat. Suốt hai tuần liền, các đợt công kích nối tiếp nhau không ngớt, song lần nào quân địch cũng buộc phải rút lui, để lại trên sườn đồi phía nam hàng trăm xác chết.

Địch cũng đã tấn công liên miên như thế vào các ga xe lửa Ligôvô và Urixcơ. Từ những nơi này, chúng đã nhìn thấy rõ Lêningrat. Thành phố có thể nói là đã ở trong tầm tay với tới được. Điều đó đã kích thích bọn phát-xít tợn. Trận đánh đã diễn ra cực kỳ ác liệt. Ga Ligôvô đã mấy lần ta và địch chiếm đi chiếm lại. Cuối cùng, bọn phát-xít đã chiếm được các địa điểm đó, song chúng đã không thể tiến xa được hơn nữa. Đài kỷ niệm dựng lên hiện nay ở ngã ba đường đi về Pêtegôf và Làng Craxnôê, đánh dấu chỗ này là nơi các chiến sĩ xô-viết đã chặn quân phát-xít lại, không cho chúng tiến đến Lêningrat.

Bị thất bại ở Urixcơ, quân Đức đã lao vào hướng khác. Tập trung một lực lượng bộ binh và chiến xa rất lớn, chúng quyết định đột phá vào Lêningrat qua Puskin. Sau rất nhiều đợt công kích và đánh phá dữ dội của không quân, địch đã đột nhập được vào phần phía bắc của thành phố Puskin. Song chúng đã không thể phát triển tấn công được nữa. Hỏa lực mãnh liệt của bộ đội phòng ngự tuyến này đã buộc địch cả hướng này nữa cũng phải quay sang thế thủ.

Những cố gắng của địch hòng tiến vào Lêningrat qua phía Cônpinô cũng không đạt được kết quả. Bộ đội và công nhân ở Ijora đã đánh bật tất cả các đợt công kích của địch, biến Côpinô thành một pháo đài bất khả xâm phạm.

Trong cuộc chiến đấu để giữ Cônpinô, tiểu đoàn tình nguyện Ijora – mà khi đó cũng đã nổi tiếng rồi – đã tỏ ra vô cùng gan dạ và dũng cảm. Gồm toàn công nhân nhà máy, mà nhiều người lần đầu tiên mới cầm súng trong tay, tiểu đoàn không những đã kiên cường giữ vững trận địa phòng ngự của mình, mà còn giáng cho địch nhiều đòn nên thân. Trong đêm 16 rạng ngày 17 tháng chín, cùng với các đơn vị khác, tiểu đoàn Ijora đã quét sạch địch ra khỏi ngoại ô Cônpinô, tổng cổ chúng về phía nam. Các chiến sĩ trong tiểu đoàn đã dũng mãnh quần nhau với quân thù. Để lại hàng trăm xác chết và hàng chục xác xe tăng, quân Đức thế là cũng không tiến lên được ở hướng này.


(1) Bộ dân ủy Nội vụ Liên-xô phụ trách bảo vệ trật tự trị an trong nước, bảo vệ sở hữu xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo các cơ quan đăng ký việc hộ, v.v... Sau khi thành lập Bộ Nội vụ Liên-xô thì các chức trách này do Bộ Nội vụ đảm nhiệm. – B.T.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:58:23 pm
Trong khi các chiến sĩ bộ binh, xe tăng và pháo binh đánh bật các đợt tấn công của quân phát-xít cố sống cố chết tiến tới Lêningrat, thì các phi công ra sức bảo vệ thành phố từ trên không. Mỗi ngày họ giao chiến với không quân địch nhiều lần và hầu như ngày nào cũng đánh phá các sân bay địch.

Trong những ngày đó, phi công khu trục hầu như không có nghỉ ngơi. Họ tuần tiễu trên thành phố, che chở cho bộ đội dưới mặt đất chống lại với không quân địch, tấn công tiền duyên của địch và bắn phá các sân bay địch. Chỉ riêng trong một tháng – từ 15 tháng tám đến 15 tháng chín – không quân của Mặt trận Lêningrat đã tiến hành mấy trăm lượt chiếc xuất kích. Trong những trận ở cửa ngõ gần vào Lêningrat, bọn phát-xít đã mất trong tháng đó 505 máy bay, trong số có 299 chiếc bị không quân ta ta hạ trong các trận không chiến và 206 chiếc bị diệt trên phi trường.

Cùng với lục quân và không quân, hạm đội Bantich Cờ đỏ cũng đã tích cự tham gia tác chiến ở quanh Lêningrat. Hơn 8 vạn thủy binh của hạm đội này đã rời tàu chiến xuống bộ chiến đấu sát cánh với các chiến sĩ bộ binh, xe tăng, pháo binh. Còn những người ở lại trên hạm tàu thì đã dùng hỏa lực pháo binh chi viện cho các đơn vị chiến đấu với quân phát-xít ở bờ vịnh Phần-lan.

Cuộc chiến đấu đẫm máu ở quanh thành Lêningrat vẫn tiếp diễn hầu suốt tháng chín. Bằng những trận ném bom dã man, quân thù hòng khủng bố tinh thần của dân thường. Và đôi lúc tưởng chừng không có sức nào có thể ngăn chặn sự tấn đánh ồ ạt của những đoàn thiết giáp phát-xít.

Những trận kịch chiến sống mái, mà cả hai bên đều dốc hết sức ra, thật không thể nào tả được bằng lời. Quân Đức đã đổ xuống các trận địa của bộ đội xô-viết hàng nghìn, hàng nghìn mìn và trái phá, đã tung ra hết đợt không quân này đến đợt không quân khác, đã giáng liên tiếp những đòn bằng xe tăng, song chúng vẫn không sao bẻ gãy được sức đề kháng của các chiến sĩ bảo vệ thành phố. Những loạt pháo chính xác của quân ta đã làm cho các chiến xa phát-xít đã từng xông xáo mãnh liệt ở các nước châu Âu, phải tan xác; đại bác và súng máy của chúng tung lên không trung. Xác bọn xâm lược phủ đầy mặt đất.

Quân phát-xít Đức lấn được tới chân thành Lêningrat, đã buộc phải dừng lại. Đến ngày 26 tháng chín thì rõ là quân Đức trên khắp mặt trận ở phía nam Lêningrat đang đào chiến hào toàn thân. Quân thù tìm cách rúc vào lòng đất.

Thế là Quân đội Xô-viết và nhân dân Lêningrat đã phá vỡ kế hoạch của bộ tư lệnh phát-xít. Với sự ủng hộ của toàn dân Liên-xô, họ đã chặn đứng cuộc tấn công điên cuồng của bày rợ phát-xít và đã giữ vững thành phố Lênin. Hitle đã buộc phải đổi thời hạn chiếm thành phố là ngày 1 tháng tám sang ngày 15 tháng tám, sau đó lại lùi lại ngày 1 tháng chín. Và cuối cùng, điều mà chính bộ Tổng tư lệnh Hitle cũng không sao ngờ tới, là chúng đã phải hoàn toàn từ bỏ việc đánh chiếm Lêningrat.

Chiến tuyến mà quân Đức đã không thể nào vượt qua được và sau này đã trở thành tuyến xuất phát tấn công thắng lợi của Quân đội xô-viết, chạy dài tới phía bắc và phía nam Lêningrat, đông dựa vào hồ Lađôga và tây dựa vào vịnh Phần-lan.

Ở phía bắc thành phố, tại eo Carêli, mặt trận đã ổn định lại theo tuyến nam Tappari – Vôxkêlôvô – Bêlôôxtrôp – Xextnôrexcơ. Tuyến này do tập đoàn quân 23 phòng thủ.

Ở mạn nam Lêningrat, tuyến mặt trận chạy từ vịnh Phần-lan qua ngoại ô ở bắc Urixcơ, qua Puncôvô, Puskin, nam Cômpinô, Uxti-Tôxnô và tiếp theo, dọc hữu ngạn sông Nêva cho đến Slitxembuôc (Pêtrôcrêpôx). Đoạn chiến tuyến từ vịnh Phần-lan đến đường sắt Vitepxcơ do tập đoàn quân 42 phụ trách. Dọc hữu ngạn sông Nêva, từ Uxti-Tôxnô đến Slitxenbuôc là trận địa phòng ngự của các đơn vị gọi chung là tập đoàn chiến dịch Nêva.

Các binh đoàn trong tập đoàn quân 8 cùng với các đơn vị phòng ngự trên bờ của hạm đội Bantich và bộ đội đã rút từ tuyến Kinghixep về, phụ trách giữ một bàn đạp không lớn dọc vịnh Phần-lan, phía tây Oranienbaum. Mảnh đất nhỏ này, nhân dân Lêningrat gọi là đất Oranienbaum, hay là bàn đạp Primoocxcôi, và các đơn vị phòng ngự ở đó được gọi chung là tập đoàn chiến dịch Primoocxcôi.

Tập đoàn quân 54 của Mặt trận Lêningrat ở ngoài vòng vây, trên “Đất liền”, phụ trách phòng thủ theo tuyến Lipca – đông Mơga và tiếp theo, dọc đường sắt Mơga – Kirisi, đối diện với quân địch đóng ở Mơga và ở giáp Slitxenbuôc.

Buộc quân phát-xít phải chuyển sang phòng ngự, các chiến sĩ bảo vệ Lêningrat đã giam chân một đạo quân không lồ của địch – gần 35 sư đoàn tinh nhuệ - nằm bẹp ở chân thành Lêningrat.

(https://lh3.googleusercontent.com/2lCAFr8gdFGDLKGwYCMwyk_LAC-akS55hqVkfmVR52hUzeLoMspKHIcTliZL5Invr8sAaJN9Po2QrHtOuE6_vxe50-KSO-gJiE-dqKdpeUY8-eLbT9S6gSjICR8bKGWqOuo5VqQ9YOOamgLPhtcfXYmTa5LEvW3wOP3bRFjYsoOjfb7htoLv2pjRuBRmDH7irCGRYbTvm99tNvPXYiedbHYYmMqwQfz4H4ojEW53qZpp3zC_e95N3scNP3zmwtTU4YO1fUs4FrT7OnpJOjAA8YOAacUw5Bsp9n9_Meicdf8EUclwdU9PW7Wb_OdvGJQeKp3MXCjJ2veoxDX1VTrwRcGlpLhRrBwpqS6W_TTgyRtMpWQA0k_Kp7MH48e5cVRgeHg7tx7IIsEsh9CMQui5IcNzylrJKjWmkvnzT9uicwwab9BD5OK_xVFXGZW_mIZSWOK76bz6xnEMXOxczCdM97Xcu-gSRu-wPBoKyMlGKTgWtO-B25LBXX5pGzBAV26BPEiwxFkJhYVtrVNOqjxrhgTaBYblOB0l3DkwNIaxbUVFeihz9ReekImbm5VCwBegsGz_VCzwTvDzk5ditbaJMZ_0BMvTam3jtU2hbUM=w800-h615-no)


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 03:59:26 pm
TRONG VÒNG VÂY HÃM CỦA ĐỊCH

Sự kiện là một vật bướng bỉnh. Việc các chiến sĩ xô-viết đã bằng sức mạnh chiến đấu của mình, và nhân dân Lêningrat bằng sức đề kháng anh dũng của mình, bắt quân địch phải dừng lại trước thành phố vĩ đại hồi cuối tháng chín 1941 – đó là một sự kiện không thể bác bỏ được. Song, trong số những học giả nước ngoài nghiên cứu về cuộc phòng thủ Lêningrat anh dũng chưa từng có, vẫn có kẻ xuyên tạc sự thật một cách thô bỉ. Những kẻ này dèm pha vu khống thành phố anh hùng và các chiến sĩ dũng cảm, ngoan cường đã bảo vệ nó.

Chẳng hạn, Lêông Guaxơ, trong cuốn “Cuộc vây hãm thành Lêningrat” in ra năm 1962, đã khẳng định không phải bộ đội Liên-xô đã bắt quân phát-xít Đức phải dừng lại trước chân thành Lêningrat, mà là… “lòng nhân đạo” của Hitle đối với dân cư thành phố này, những người mà hình như “tiêu diệt đi cũng chẳng được, mà nuôi sống cũng chẳng xong”. Guaxơ viết: “Điều này tựa hồ như là một trong những sự ngược đời nhất của cuộc đại chiến thứ hai, rằng chính Hitle chịu trách nhiệm về việc thành phố đã được cứu khỏi bị xâm chiếm… Hitle đã quyết định không chiếm lấy thành phố khi mà đax có cơ thắng nhất”.

Thật là nói lá hết chỗ nói! Bọn phát-xít chẳng phải đã nghĩ đến chuyện làm thế nào để nuôi dân cư Lêningrat, mà là làm thế nào để tiêu diệt họ và san bằng thành phố khỏi mặt đất. Trong một bản mệnh lệnh mật “Về tương lại của thành phố Pêtecbua”, đề ngày 22 tháng chín 1941, chúng đã viết rằng: “Nếu do tình thế ở trong thành phố xảy ra mà có đề nghị xin hàng, thì cũng kiên quyết bác…”. Điều đó cũng được nhắc lại trong bản huấn lệnh ngày 7 tháng mười 1941 của chúng, trong đó nói trắng ra rằng “không được tiếp nhận sự đầu hàng của Lêningrat, cũng như sau này của Matxcơva”.

Đó không phải là những lời tuyên bố ngẫu nhiên của bọn sói lang phát-xít, mà là đường lối chung của bọn thủ lĩnh nước Đức Hitle. Chính bởi đường lối đó mà hàng triệu đàn ông và phụ nữ, người già và trẻ em đã bị bọn phát-xít tiêu diệt trong những vùng chúng chiếm đóng, bị hành hạ đến chết trong các trại tập trung và bị đốt cháy trong các lò thiêu người Oxvensim và Maiđanêch.

Thế mà sau những sự kiện đó, Lêông Guarơ còn cả gan viết về Hitle như là cứu tinh của Lêningrat! Thậm chí bọn phát-xít cũng chả dám nói lên một điều quá ư vô lý đến thế. Kể cả đại tướng Manstêin là kẻ đã phải điêu đứng trong cuộc công phá Lêningrat, kể cả viên tướng cũ của Hitle – Cuôctơ Tippenxkiêc – là kẻ đã cho ra một pho sách dày cộp về lịch sử đại chiến thứ hai, cũng đều không có một lời nào dám nói như vậy. Trais lại, bọn này đã tìm đủ mọi cách đổ lỗi cho Hitle về việc quân phát-xít đã bị tiêu diệt ở quanh Lêningrat. Song cả họ nữa cũng không có lý. Vị cứu tinh thực sự của Lêningrat là nhân dân Liên-xô, là các chiến sĩ Hồng quân, là những người dân Lêningrat.

Không còn hy vọng vào việc chiếm lấy Lêningrat bằng một cuộc công thành, bộ tư lệnh quân phát-xít Đức đã quay ra dùng cách vây hãm hòng đè bẹp sức kháng cự của những người bảo vệ thành phố. Chúng đã trông mong vào nạn đói, vào những cuộc pháo kích và oanh tacj. Kế hoạch man rợ nhằm tiêu hủy thành phố và bắn giết dân cư đã được chúng thực hiện ngay từ khi chúng còn hy vọng chiếm thành phố bằng một cuộc công thành. Ngày 4 tháng chín, quân Đức đã dùng trọng pháo tầm xa đặt ở vùng Tôxnô bắn loạt đầu tiên vào Lêningrat. Sau khi tiến được tới ngoại thành phía nam thành phố, chúng đã dùng thêm trọng pháo dã chiến để bắn phá thành phố. Hằng ngày, không quân địch oanh tạc Lêningrat.

Những cuộc oanh tạc của không quân và bắn phá của trọng pháo địch đã giết hại nhân dân, tiêu hủy những kiệt tác của trí tuệ con người, phá hủy nhà ở và nhà máy. Đối với bọn phát-xít thì không có gì là thiêng liêng cả. Chúng đã độc ác và ngu xuấn rắc bom bừa bãi, không kể đó là nhà máy hay bệnh viện, chỉ huy sở hay vườn trẻ, trận địa cao xạ hay viện bảo tàng.

Nhân dân Lêningrat đã đáp lại các cuộc oanh tạc và pháo kích dã man của quân thù bằng tính tổ chức ngày càng tăng. Hàng vạn người đã gia nhập các nhóm tự vệ. Người ta cũng cố gắng gấp bội trong công tác nhằm củng cố hơn nữa sức phòng thủ của thành phố. Trong một thời gian nắn, tiền duyên ở tuyến Urixcơ – Puncôvô – Cônpinô đã được củng cố bằng những công trình công binh kiên cố. Dọc đoạn đường sắt Ôcrujơnaia, một giải phòng ngự thứ hai đã được lập ra và giải phòng ngự thứ ba thì đã được củng cố - giải này bao quanh ngoại ô của thành phố. Còn bản thân thành phố thì chia thành sáu khu phòng ngự: Kirôp, Matxcơva, Vôlôđacxki, Primooocxki, Vưboocxki và Cận vệ đỏ, mỗi khu này có chừng mười lăm tiểu đoàn địa phương. Tổng cộng trong sáu khu của thành phố, đã lập ra 99 tiểu đoàn địa phương.

Để bảo vệ thành phố, khi cần đến còn huy động công an thành phố, bộ đội của Bộ dân ủy Nội vụ, các đội cứu hỏa và các đơn vị công nhân.

Ở các đường phố, các quảng trường và các công viên, người ta đã dựng thêm những chiến lũy mới, cấu trúc thêm những hỏa điểm và những ụ súng. Các hầm nhà đã được sửa sang để làm nơi trú ẩn phòng không và phòng pháo kích. Những mục tiêu quan trọng, những tòa nhà có giá trị lịch sử và các tượng đài kỷ niệm đã được ngụy trang kỹ lưỡng.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 04:00:23 pm
Lực lượng phòng không của Lêningrat cũng được tăng cường. Theo quyết định của Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, tất cả các lực lượng và phương tiện phòng không trong khu vực Mặt trận Lêningrat, kể cả các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ con đường thủy qua hồ Lađôga và các con đường sắt đi tới hồ đó, đều trực thuộc Hội đồng quân sự Mặt trận Lêningrat. Lực lượng chính của không quân khu vực trực thuộc lực lượng phòng không được dùng vào việc đánh chặn không quân địch đến oanh tạc thành phố. Ở các vùng ngoại ô thành phố, trên các chiến hạm và các xà lan đậu ở vịnh Phần-lan, trên các công viên và các quảng trường ở trong thành phố đều có các tiểu đoàn và trung đoàn pháo cao xạ bố trí trận địa hỏa lực. Cứ tối đến, các khinh khí cầu phòng không lại bay lên bầu trời, và ở nhiều nơi trong thành phố các ngọn đèn pha lại rạch màn đêm bằng những tia sáng xanh.

Trong cuộc chiến đấu chống không quân địch đã có hàng trăm chiến sĩ và cán bộ chỉ huy – không quân, cao xạ, bộ đội đèn pha, bộ đội khinh khí cầu – nêu gương dũng cảm. Không có một chuyến nào của không quân địch đột nhập vào thành phố mà không bị trừng phạt. Trong một trận không chiến ban đêm, khi phi công A. T. Xêvaxitanôp đã bắn hết đạn, đồng chí đã dùng máy bay của mình đâm vào máy bay địch đang bỏ chạy. Trong lịch sử không quân, đó là vụ đâm máy bay ban đêm đầu tiên.

Lực lượng phòng không của thành phố cứ mỗi ngày lại lớn mạnh và hoạt động tích cực. Bọn phát-xít đã phải trả mỗi cuộc tấn công vào thành phố bằng một giá đắt. Chỉ riêng trong tháng chín, 318 phi cơ địch đã bị hạ. Các chiến sĩ bảo vệ bầu trời Lêningrat – phi công và pháo thủ cao xạ - đã làm cho bọn phát-xít mất thói đánh phá Lêningrat bị bao vây bằng những chuyến bay tập trung đông phi cơ hàng loạt. Bị thiệt hại đau, không quân địch đã buộc phải chuyển sang hoạt động bằng những tốp phi cơ nhỏ, và chủ yếu là hoạt động về ban đêm.

Chống lại với pháo tầm xa của địch có phần phức tạp hơn. Ta không đủ trọng pháo. Nhân dân Lêningrat lúc đầu lại không biết phòng tránh pháo địch. Còn bọn phát-xít lại cứ nhè những chỗ đông người nhất mà tập kích. Nên trong những ngày đầu, đã có rất nhiều người bị thiệt mạng. Có khi chỉ một quả trái phá mà đến vài chục người bị thương vong.

Nhiều biện pháp đã được thi hành để bảo vệ nhân dân thành phố khỏi pháo kích. Trong các vườn và các công viên, trong các sân nhà và các phân xưởng của các xí nghiệp, người ta đã đào các hào để tránh đạn đại bác. Trên các tường nhà, có kẻ lời chỉ dẫn: “Đồng bào! Khi bị pháo kích thì bên này là đường phố nguy hiểm hơn cả”. Nhân dân ở các khu phố Kirôp và Matxcơva, giáp mặt trận, được tản cư vào trong những khu phố ít bị bắn phá hơn.

Một đoàn phản pháo đã được tổ chức ra để chống lại với pháo binh địch tập kích vào Lêningrat. Đoàn này gồm có những tiểu đoàn và trung đoàn trọng pháo của mặt trận và pháo của hạm đội Bantich. Bằng những đòn chính xác, các pháo thủ Liên-xô đã gây cho pháo địch nhiều thiệt hại nặng. Họ đã theo dõi sát sự di chuyển của mỗi khẩu pháo Đức và đã chủ động giáng đòn đầu tiên vào vị trí quân thù.

Cường độ pháo kích của địch do đó đã giảm đi một cách rõ rệt. Tuy nhiên pháo của quân bảo vệ thành phố đã không có đủ ưu thế cần thiết để bắt pháo địch phải câm họng. Nên trái phá địch vẫn tiếp tục nổ ở trên đường phố và quảng trường Lêningrat, reo chết chóc.

Nguy hiểm hơn cả các cuộc oanh tạc và pháo kích là nạn đói. Dự trữ lương thực đã hầu cạn. Còn việc chở tới thì, sau khi địch chiếm được Slitxenbuôc, đã hầu như bị ngừng hẳn. Con đường duy nhất thông với đất nước – thông qua hồ Lađôga – lại không được tiện lợi và không chở được là bao, so với nhu cầu của thành phố và mặt trận.

Ngay từ 2 tháng chín, Ủy ban Xô-viết Lêningrat đã buộc phải giảm bớt tiêu chuẩn cấp phát bánh mì cho nhân dân. Mười ngày sau – 12 tháng chín – khẩu phần bánh mì lại phải giảm bớt đi nữa. kể từ ngày đó, công nhân được lĩnh mỗi người một ngày 500 gam, viên chức và trẻ em: 300 gam, còn những miệng ăn khác trong gia đình: 250 gam. Tất cả các kho lương thực đều được kiểm kê chặt chẽ. Người ta đã thi hành nhiều biện pháp để tiết kiệm thực phẩm, để tìm ra những nguồn thức ăn phụ. Người ta đã pha thêm vào bột mì thứ lúa mạch thường cho ngựa ăn, bã kho dầu hạt bông và thậm chí cả chất xenluylô đã được đặc biệt chế biến thành thực phẩm.

Mặt khác, nhiều biện pháp đã được thi hành để chuyên chở tới thành phố lương thực và những thứ khác, tối cần thiết cho đời sống nhân dân và bộ đội. Người ta đã cấp tốc xây dựng một bến cảng trên bờ tây hồ Lađôga, ở vịnh Oxinôvet, để nhận hàng tiếp tế. Từ bờ đông hồ Lađôga, ngày và đêm, trong mưa gió và bão táp, quần nhau với không quân địch, các tàu chiến đấu hạm đội nhỏ ở hồ Lađôga, đã chở tới cảng này lương thực, đạn dược, nhiên liệu, và đã chở về hậu phương người, thiết bị công nghiệp quý giá.

Cuối thu, khi hồ Lađôga bắt đầu đóng băng, tàu bè không đi lại được, thì không quân vận tải đã đến chi viện cho thành phố bị bao vây. Chống trả các khu trục địch, các phi công đã bay liên tiếp nhiều chuyến cả ngày lẫn đêm, không kể thời tiết thế nào: mưa, tuyết mù mịt hay là mây thấp. Họ chở tới Lêningrat lương thực và thuốc men, khi quay về lại chở người.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 04:03:18 pm
Song khối lượng mà máy bay chở tới thật chẳng thấm tháp vào đâu, so với ngay cả nhu cầu tối thiểu của nhân dân và bộ đội. Nên khẩu phẩn bánh mì và các thứ thực phẩm khác lại phải rút xuống nữa. Cả bộ đội cũng phải ăn đói. Song cả cái đó lẫn những cuộc oanh tạc và pháo kích thành phố của quân thù, cả sự tuyên truyền lừa bịp của bọn phát-xít đều không thể làm cho những người xô-viết nản chí được. Cuộc bao vây phong tỏa đã không đem lại cho quân phát-xít kết quả mong muốn. Lêningrat không hàng phục. Nhân dân Lêningrat tin rằng Đảng cộng sản và Chính phủ xô-viết, cùng toàn thể đất nước, sẽ không bỏ họ trong cơn hoạn nạn; và lòng tin ấy đã tăng thêm sức mạnh cho họ. Họ đã chịu đựng mọi gian khổ hy sinh của cảnh bị bao vây với một lòng dũng cảm phi thường. Ngày nào, công nhân cũng đứng máy để rèn ra vũ khí. Xong việc, họ lại cầm lấy khẩu súng trường hoặc nằm bên súng máy tập bắn.

Bộ đội Mặt trận Lêningrat và thủy binh của hạm đội Bantich đã tích cực tiến hành phòng ngự. Họ không chờ được giải vây mà chính mình tích cực đánh địch.

Ngày 20 tháng chín năm 1941, các đơn vị của các sư đoàn bộ binh 115, 86, và của lữ đoàn thủy binh 4 cùng các binh đoàn khác trong tập đoàn chiến dịch Nêva đã vượt sông Nêva ở vùng Nepxcaia Dubrôpca và chiếm được một bàn đạp nhỏ ở tả ngạn sông này, gần Matxcôpxcaia Đubrôpca. Những trận ác liệt đã diễn ra ở đây nhiều tháng ròng. Song quân ta đã không mở rộng được bàn đạp và phát triển tấn công vào tung thâm địch, vì không đủ lực lượng. Trong khi giữ vững mẩu đất đã giành được của quân địch đó, các chiến sĩ xô-viết đã tỏ ra gan dạ, ngoan cường và anh dũng tuyệt vời. Họ đã chống chọi lại với nhiều đợt tấn công của bộ binh và xe tăng, với những đòn mãnh liệt nhất của pháo binh và không quân địch, và đã gây cho bọn phát-xít nhiều thiệt hại.

Quân thù cũng không được yên ổn cả ở các hướng khác. Bộ đội và thủy binh ta, khi ở chỗ này khi ở chỗ khác, đã tích cực mở những đợt công kích cục bộ, tập kích sâu táo bạo vào trong lòng địch, làm cho bọn phát-xít luôn luôn căng thẳng.

Ngọn lửa chiến tranh giải phóng toàn dân trong vùng đất đai bị địch chiếm đóng, thuộc tỉnh Lêningrat, cũng ngày càng lan rộng. Trong những cánh rừng từ hồ Inmen đến nam ngoại thành Lêningrat, vào mùa đông 1941-1943, đã có đến mấy chục chi đội du kích hoạt động. Các dội này đã tiêu diệt nhiều đồn trại của địch, phá hủy đường dây điện thoại của chúng, đánh đổ các cầu xe lửa, đốt phá kho tàng.

Để đối phó với du kích, quân địch đã phải rút bớt một lực lượng quan trọng ở mặt trận đi. Không đạt được kết quả trong cuộc chiến đấu trực diện, bọn phát-xít đã dùng đến thủ đoạn phao tin đồn nhảm về tình hình ngoài mặt trận, rồi báo và truyền đơn khoác lác về “chiến công” của chúng và về “tình thế tuyệt vọng” của Lêningrat và của Liên-xô.

Song nhân dân ta đã một lòng tin tưởng ở thắng lợi và đã không chịu mắc mưu khiêu khích và dụ dỗ của kẻ thù. Một hôm, một chi đội du kích đọc thấy trong một tờ báo Đức thông báo rằng chúng đã chiếm được Lêningrat, họ bèn ghi trong biên bản cuộc họp bất thường như sau:

“Được nghe: thông báo trong báo của bọn phát-xít nói rằng chúng đã chiếm được Lêningrat.

Quyết nghị: chúng tôi cho rằng Lêningrat không bị chiếm và không bao giờ có thể bị chiếm được”.

Để bắt bộ đội và nhân dân Lêningrat đình chỉ kháng chiến, bọn phát-xít đã quyết định cắt đứt con đường cuối cùng, qua hồ Lađôga, nối liền thành phố bị bao vây với đất nước, và hoàn toàn vây chặt thành phố lại. Ngày 16 tháng mười, chúng đã tung ra 2 quân đoàn và một lực lượng không quân quan trọng. Từ vùng Chuđôvô, quân đoàn môtơ hóa 39 của tướng Smit, đã được bổ sung và tăng cường thêm xe tăng, đã tiến về hướng Buđôgôx, Tikhơvin và tiếp theo đến sông Xvia nhằm bắt liên lạc với quân Phần-lan. Còn các sư đoàn của quân đoàn 1 trong tập đoàn quân thì tiến theo hai bờ sông Vônkhôp về hướng đầu mối đường sắt Vônkhôp, nhằm đích cuối cùng là bờ đông hồ Lađôga. Đồng thời bộ tư lệnh Đức cũng cho một số đơn vị nữa tiến về Visêra Nhỏ và Bôlôgôe, nhằm đón mũi tiến cánh trái của phương diện quân “Trung”, mũi này sau khi đã chiếm được thành phố Calinin giờ đây sắp tấn công đến Visnii Vôlôtsêc.

Thế là trên đất đai Lêningrat, tiếng sắt thép của binh khí kỹ thuật của giặc lại ầm ầm nổi lên. Sông Vônkhôp và những cánh đồng, những giải rừng kế cận lại vang lên tiếng động cơ, tiếng sấm sét của các loạt pháo và tiếng ròn đanh của các khẩu súng máy và tiểu liên.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 04:06:34 pm
CHIẾN THẮNG LỚN ĐẦU TIÊN TRÊN MẶT TRẬN LÊNINGRAT

Từ khi quân Đức bắt đầu tấn công, Tikhơvin – một thị trấn nhỏ, cách Lêningrat về phía đông 180 cây số - đã trở nên đặc biệt quan trọng. Đây là nơi con đường sắt cuối cùng chở hàng tới bờ nam hồ Lagôđa để tiếp tế cho Lêningrat chạy qua. Đây cũng là nơi mà quân phát-xít Đức muốn hội quân với quân Phần-lan phải đi qua.

Bọn phát-xít rất vội vã, vì mùa đông đã sắp tới. Chúng không tiếc sức, đưa vào chiến đấu nhiều đơn vị môtơ hóa và tăng mới, và rất nhiều không quân. Cũng như trong các chiến dịch trước, bộ tư lệnh Đức trông mong vào quả đấm thiết giáp để chọc thủng hàng phòng ngự của bộ đội xô-viết và mở đường cho chúng tiến đến Tikhơvin, rồi sau đó đến sông Xvia. Nhưng bộ đội ta phòng ngự ở Vsêra Nhỏ và Buđôgôx (những địa điểm này nằm trên đường đi Tikhơvin) đã sửa lại kế hoạch của địch một cách quan trọng. Bằng sự đề kháng ngoan cường, họ đã kìm các sư đoàn của địch lại trong hơn một tuần lễ. Lợi dụng các chướng ngại thiên nhiên có nhiều ở vùng này – sông ngòi, đầm lầy, rừng rậm – các đơn vị đã đánh trả lại địch rất quyết liệt. Tuy vậy, quân Đức cuối cùng vẫn tiến được đến Tikhơvin và ngày 8 tháng một thì chúng chiếm thị trấn này.

Gần như cùng một lúc ở hướng Vônkhôp địch cũng đã tiến được tới gần thành phố Vônkhôp và ga xe lửa Vôibôcalô. Chúng chỉ còn cách hơn 20 cây số một chút thì tới Lađôga Mới – địa điểm trên bờ nam hồ Lađôga, nơi chứa hàng để chuyển vào Lêningrat.

Sau khi chiếm được Tikhơvin, địch cố tiến lên phía bắc, tới sông Xvia, đâm vào sau lưng tập đoàn quân độc lập 7, và về phía đông, dọc đường sắt và đường ô tô, - tới Vôlôcđa. Chúng cố sao để hội quân với quân Phần-lan đang mắc kẹt ở bên sông Xvia thật nhanh, và như thế là khép chặt vòng vây lại.

Một nguy cơ ghê gớm đang đe dọa Lêningrat.

Tuyên tuyền phát-xít reo lên. “Bây giờ thì Lêningrat sẽ buộc phải đầu hàng mà quân lính Đức không cần phải đổ máu”, - báo chí Đức viết như vậy. Cả Hitle cũng lên giọng tiên tri. Phát biểu tại Muynich hôm quân Đức tiến vào Tikhơvin, hắn nói: “Tự Lêningrat sẽ phải dơ tay lên. Sớm muộn thì nó cũng thất thủ. Không một ai sẽ thoát khỏi, không một ai có thể lọt qua được các tuyến đã được lập ra, - Lêningrat sẽ phải chết đói”.

Muốn phá vỡ vòng vây của địch và duy trì được đường tiếp tế cho Lêningrat, thì cần phải, đặ biệt là, lấy lại Tikhơvin ở trong tay quân địch và sau đó phát triển tấn công về tây-bắc. Đơn vị gần nhất đã chặn địch lại, là tập đoàn quân độc lập 7 đang án ngữ ở bên sông Xvia. Và tác giả những dòng này, khi đó chỉ huy tập đoàn quân 7, đã nhận được lệnh lâm thời chỉ huy cả tập đoàn quân 4 đang rút lui trên hướng Tikhơvin. Trước khi đáp máy bay đến tập đoàn quân 4, tôi đã ra lệnh đưa tất cả các lực lượng dự bị của tập đoàn quân 7 tiến ngay ra tăng viện cho các đơn vị đang kìm địch ở tây-bắc Tikhơvin.

Trời đã tối, khi máy bay chúng tôi chạm bánh xuống đường đậu của sân bay và vừa làm tung tóe tuyết lên, nó vừa lắn tới chỗ đậu. Sân bay vắng tanh. Sau lưng tôi, có tiếng nói:

- Có phải đúng phi trường mà ta định xuống đây không? – có ai đó thắc mắc hỏi.

- Phải đấy, phải đấy, - tôi làm yên lòng các đồng chí cùng đi, khi thấy một thiếu tá ăn vận binh phục không quân đang bước nhanh lại phía chúng tôi. Thiếu tá tự giới thiệu (đồng chí là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn phục vụ sân bay) và báo cáo rằng tiểu đoàn đã sẵn sàng để rút lui, còn sân bay thì sẽ phá đi.

Biết tin chúng tôi tới, các sĩ quan bắt đầu kéo đến nhà ăn, nơi người ta đã dẫn chúng tôi vào. Câu chuyện lúc đầu còn rời rạc. Những người chúng tôi hỏi chuyện chỉ trả lời nhát gừng, không sốt sắng bắt chuyện. Và khi thấy tôi nói địch sắp bị đánh lui khỏi Tikhơvin, thì một số mỉm cười có vẻ hoài nghi. Tôi nghĩ bụng: “Tình hình tư tưởng thật chẳng tốt gì. Rõ ràng là hoàn cảnh phái rút lui liên miên và tác chiến không thắng lợi đã làm cho một số người giảm mất lòng tin ở thắng lợi. Cần phải tạo ra một bước ngoặt. Và trước hết là phải nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ đội”.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 04:09:31 pm
Vừa nghĩ như vậy, tôi vừa lắng nghe các sĩ quan dần dà cởi mở hơn trong câu chuyện. Hầu hết họ đều đã rút qua Tikhơvin. Song thành phố đã bị mất như thế nào, thì chẳng ai nói được cho ra đầu ra đũa. Cứ theo lời họ, thì thành phố đã bị địch bất ngờ chiếm lấy. Một số đơn vị và phân đội đã mất sự chỉ huy ngay từ khi còn chiến đấu ở các cửa ngõ Tikhơvin, đã rút qua thành phố mà không chịu dừng lại.

Ngày hôm sau, tôi đã gặp một số sư đoàn trưởng của các đơn vị rút lui. Theo lời họ thì đã chẳng có gì để chặn địch lại được, mỗi sư đoàn chỉ có hơn một nghìn quân, mà lại rời rạc, thiếu tổ chức, hoạt động lẻ tẻ từng phân đội một, thiếu một sự chỉ huy thống nhất. Ngoài ra các binh đoàn trong tập đoàn quân này đã bị yếu đi rất nhiều, thiếu vũ khí, đạn dược, quần áo ấm và thức ăn nóng.

Cùng với các tướng tá đi cùng với tôi đến tập đoàn quân này, chúng tôi bắt tay vào việc tổ chức chỉ huy và cung cấp cho bộ đội. Các sư đoàn trưởng được lệnh tập hợp các phân đội và bộ đội tản mác ở trên các ngả đường và trong các cánh rừng về những địa điểm tập trung, tại đây có tổ chức những chỗ nghỉ cho bộ đội, có thức ăn nóng, quân trang, đạn dược và thuốc men. Các cán bộ chính trị đã tiến hành sâu rộng công tác giải thích tình hình và nhiệm vụ.

Thế là các phân đội và bộ đội rút lui về hướng Xvia đã được củng cố thành các đơn vị có khả năng chiến đấu, và ngày 10 tháng một họ đã chặn lại được các mũi tăng của địch. Sang ngày 11 tháng một, cùng với đội dự bị của tập đoàn quân 7 (một lữ tăng và một trung đoàn bộ binh), họ đã tấn công trong hành tiến vào bọn quân địch đang tiến về Xvia và đã đánh bật chúng trở lại 12-13 cây số, về ngoại ô bắc Tikhơvin. Cả cánh quân địch tấn công về hướng Vôlôcđa cũng bị một số phận như vậy.

Bị đánh trả, quân phát-xít dồn về Tikhơvin và bắt đầu xây dựng phòng ngự xung quanh thành phố. Chúng cấp tốc dựng lên các chướng ngại công binh, trong các tòa nhà bằng đá chúng bố trí đại bác và súng máy, xây đắp các ụ súng và lô cốt, cài mìn dày đặc tất cả các lối vào thành phố.

Không có sức để tiếp tục tấn công, bộ tư lệnh phát-xít Đức quyết định sống chết giữ cho bằng được thành phố Tikhơvin để do đó mà tăng cường được việc phong tỏa Lêningrat.

Mất Tikhơvin đã làm cho đường tiếp tế Lêningrat bị một đòn nặng nề và đã gây nhiều thiệt hại cho quân ta phòng ngự. Các đoàn xe lửa chở lương thực bây giờ phải đỗ lại ở ga nhỏ Zaborie, cách Vônkhôp 160 cây số. Thế mà trước mắt lại không thể tổ chức ngay việc chuyển tiếp bằng ô tô. Vì ở vùng này, ngoài đường rừng và đường làng ra, không có một đường cái nào cả. Trong khi đó, dự trữ bộ mì ở Lêningrat đã sắp cạn.

Do đó, việc giải phóng vùng Tikhơvin đã trở nên một vấn đề cấp thiết. Đó là vấn đề sống còn đối với Lêningrat và Mặt trận Lêningrat. Nhưng chuyển ngay sang tấn công quyết liệt thì ta lại không có lực lượng. Tập đoàn quân 4, tuy đã chặn lại được bước tiến tiếp tục của giặc, nhưng phát triển tấn công để giành lại ngay Tikhơvin thì không đủ sức.

Nên khi nhận được bổ sung, chúng tôi trước hết đã dùng vào việc củng cố cho các đơn vị đã bị hao hụt quá nhiều của tập đoàn quân 4, trang bị cho họ vũ khí, đạn dược và cấp phát quân trang ấm cho chiến sĩ. Ngoài việc bổ sung bằng bộ đội chính quy ra, chúng tôi còn thành lập, bằng nguồn dự trữ của bản thân tập đoàn quân và cán bộ của Đảng và chính quyền địa phương, một lữ đoàn bộ binh nữa, gọi là lữ “lính lựu đạn” (vì phần lớn các phân đội trong lữ này lúc đầu chỉ được trang bị độc có lựu đạn; mà, như mọi người đều biết, hồi thế kỷ XVII-XVIII, người ta gọi lính ném lựu đạn là lính lựu đạn).

Đồng thời, Hội đồng quân sự Mặt trận Lêningrat đã tìm cách mở đường đưa lương thực đến Lêningrat. Đã đi tới một quyết định mạnh bạo là mở đường vòng Tikhơvin. Tới ngày 6 tháng chạp thì bộ đội và nông trang viên ở các làng lân cận đã hoàn thành một con đường dài 200 cây số, mà họ đã khởi công làm từ cuối tháng một. Song cũng chỉ sử dụng con đường này được có mấy ngày thôi. Vì bội đội ta, sau khi tiêu diệt quân phát-xít ở Tikhơvin, đã lấy lại được con đường sắt.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 04:11:22 pm
Khi thấy các đơn vị ta bao quanh Tikhơvin tăng cường hoạt động, quân Đức đã tích cực chuẩn bị đề phòng. Chúng lại càng ra sức củng cố công sự trong thành phố và ở các địa điểm dân cư lân cận, và đưa viện binh tới. Trong những ngày 20 tháng một, bộ tư lệnh Đức đã vội vã điều tới vùng Tikhơvin sư bộ binh 61 từ Pháp sang. Việc điều quân này của địch đã không lọt qua mắt bộ tư lệnh xô-viết. Ta đã thi hành nhiều biện pháp làm cho sư địch không những di chuyển bị chậm trễ, mà còn bị thiệt hại khá. Sư 61 của địch mãi mới tới được Tikhơvin và đã bị sứt mẻ nặng. Tuy thế, cụm quân địch đóng ở Tikhơvin đã được tăng cường và bây giờ lên tới 5 sư đoàn cả thảy. Ngoài ra, vào những lúc khác nhau, chúng cũng đã tăng viện đến đây một trung đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn cầu đường, một tiểu đoàn vận tải và một số đơn vị khác nữa.

Các lực lượng của tập đoàn quân 4 cũng đã lớn mạnh lên. Nó đã được bổ sung thêm sư bộ binh 65 đang xung sức của đại tá P. K. Côsêvôi, hai tiêu đoàn tăng và một số đơn vị khác. Điều đó đã cho phép tạo ra một ưu thế tương đối hơn địch về bộ binh, đại bác và súng cối, tuy vẫn còn thua chúng về xe tăng. Mặt khác, tập đoàn quân 4 vẫn còn thiếu nhiều đạn dược, không đủ súng máy và một số trang bị khác. Sau hết, tổ chức của tập đoàn quân bị sộc sệch trong chuyến rút lui vừa qua, vẫn chưa được chấn chỉnh hẳn hoi.

Để khắc được tất cả những thiếu sót đó, thì cần phải có thời gian. Thế mà thời gian thì lại không có. Tình hình nghiêm trọng ở Lêningrat và những sự thúc giục của Bộ Tổng tư lệnh đòi phải mau chóng giải phóng Tikhơvin đã buộc phải tích cực chuyển sang phản công. Và ngày 19 tháng một, tuy chưa hoàn toàn làm xong mọi việc chuẩn bị, tập đoàn quân 4 đã mở cuộc tấn công.

Cuộc tấn công này đã phát triển chậm chạp. Khắp nơi, các đơn vị trong tập đoàn quân đều vấp phải sự chống cự quyết liệt của địch. Trong những ngày đầu của cuộc phản công, trên khắp khu vực, hoạt động chiến đấu chủ yếu mang tính chất tạo ngộ chiến. Không đủ đạn cối và đại bác, nên nhiều khi bộ binh phải đánh vào các điểm tựa của địch, khi hệ thống hỏa lực của chúng vẫn chưa bị đè bẹp hoàn toàn.

Đặc biệt gay go là trận đánh ở Lazarêvich – cứ điểm phòng ngự kiên cố nhất của địch, ở tây Tikhơvin. Chỉ sau nhiều lần công kích và tiêu diệt hầu hết sinh lực địch ở đây, thì các phân đội trong sư bộ binh 44 của đại tá P. A. Actusencô mới lấy được cứ điểm đó. Quân địch đã đem hết sức ra để khôi phục lại tình thế. Cuộc chiến đấu để tranh đoạt Lazarêvich lại nổ ra dữ dội hơn. Quân Đức đã tung không quân và xe tăng ra. Sau khi tạo ra được một ưu thế quan trọng về người và vũ khí, chúng lại chiếm được Lazarêvich trong một thời gian ngắn.

Cuộc chiến đấu ở đông-nam ngoại vi Tikhơvin cũng diễn ra không kém phần gay go. Sư bộ binh 65 tấn công ở đây, sau khi chiếm được một số địa điểm dân cư, đã buộc phải dừng lại trước những công sự kiên cố của địch. Sư đoàn bèn chuyển hướng đánh vào ngoại ô nam thành phố, song ở đây cũng lại vấp phải sức kháng cự ngày càng mạnh của quân địch. Họ chỉ tiến được mấy trăm mét, rồi mấy ngày sau thì dừng lại hoàn toàn.

Cánh trái của tập đoàn quân đã tấn công có hiệu quả hơn. Các đơn vị ở cánh này tiến theo hướng tây-bắc để tạo ra một mối uy hiếp cho giao thông của địch. Song chẳng bao lâu cả ở đây nữa, địch cũng hoạt động mạnh lên.

Quân Đức ngày càng phản kích lại. rõ ràng là chúng muốn cướp lại quyền chủ động đã mất và củng cố tình thế của chúng đang bị lung lay. Song, do kết quả hoạt động tấn công, quân ta đã làm cho địch bị thiệt hại khá nặng và làm yếu cụm phòng ngự của địch ở Tikhơvin. Hỏa lực của pháo binh ta đã kiểm soát được một đoạn đường sắt dài ở tây Lazarêvich, làm cho quân Đức không thể di chuyển được từ Tikhơvin về phía tây. Quân địch chỉ còn có mỗi con đường ô tô chạy từ Tikhơvin đến Buđôgôx. Cần phải đánh chiếm con đường này. Đầu tháng chạp, ta tập trung cố gắng chính vào cánh trái của tập đoàn quân, ở vùng sông Xiaxi, nam Tikhơvin.

Từ sáng 5 tháng chạp, tập đoàn quân 4 lại tiếp tục tấn công. Đến cuối ngày hôm đó thì các đơn vị của tướng Ivanôp đã cắt ngang được đường ô tô Tikhơvin – Vônkhôp, của các đơn vị tấn công lên Tikhơvin từ phía nam thì, sau khi đã chiếm được một số địa điểm dân cư, đã tiến ra sát đường ô tô Tikhơvin – Buđôgôx.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 04:14:01 pm
Cảm thấy nguy cơ bị bao vây, quân địch từ sáng 6 tháng chạp đã liên tiếp tiến hành nhiều đợt phản kích. Song quân phát-xít đã không thu được một kết quả nào.

Lần lượt, các điểm tựa của địch, che chở cho Tikhơvin từ đông-bắc, rơi vào tay bộ đội xô-viết. Bị thiệt hại nặng nề, địch đã buộc phải rút lui. Vòng vây các đơn vị Đức chiếm đóng Tikhơvin ngày càng thắt lại.

Trong đêm rạng ngày 9 tháng chạp, cuộc tổng công kích vào Tikhơvin bắt đầu. Gần 200 khẩu pháo nhất loạt nhả đạn vào trận địa địch. Không chịu nổi sức công phá của pháo binh và sức tấn công của bộ binh ta, địch bắt đầu rút lui, để lại hàng trăm xác chết, hàng chục xác tăng, đại bác và xe cộ. Đến sáng thì Tikhơvin được giải phóng. Trong chiến dịch Tikhơvin này, chỉ riêng bị chết địch đã mất hơn 7 nghìn binh lính và sĩ quan, và đã phải bỏ lại nhiều vũ khí và quân trang quân dụng.

Tàn binh của các sư đoàn phát-xít cố sống cố chết chạy về tây-nam, về phía Buđôgôx, và một phần về phía tây, về hướng Vônkhôp. Chúng vứt bỏ cả xe cộ đồ đạc, khí giới, đốt các kho lương thực, đạn dược và nhiên liệu, chạy cho mau. Song khắp nơi chúng đều bị đánh túi bụi. Không kể gì mệt nhọc, quân ta đã liên tục truy kích địch về hướng tây. Vượt qua đầm lầy và rừng rậm, lội trong tuyết sâu, đi tắt đón đầu quân địch một cách táo bạo, quân ta đã cắt ngang đường rút của địch và tiêu diệt chúng.

Trong khi đó thì sư đoàn cận vệ 4 thuộc cánh quân của tướng Iacôplep đã đánh bật quân Đức ra khỏi Xitômli và cắt ngang đường đi Buđôgôx. Cánh quân địch ở vùng này đã bị lọt vào vòng vây.

Những trận gay go đã diễn ra trong nhiều ngày, và quân ta đã thắng. Các đơn vị địch rút lui đã buộc phải đầu hàng hoặc trốn qua rừng chạy xuống tây-nam. Bộ đội ta truy kích đã lấy được của quân phát-xít nhiều ô tô, đại bác và súng máy, đã bắt được một số lớn tù binh, trong đó có cả một trung đoàn pháo của sư bộ binh 61.

Các đơn vị trong tập đoàn quân 54 Mặt trận Lêningrat cũng tấn công thắng lợi. Sau khi nhận được bổ sung từ Lêningrat, ngày 3 tháng chạp họ đã tấn công dọc tả ngạn sông Vônkhôp và đã bắt đầu đẩy quân địch về phía nam.

Ngày cũng như đêm, các đơn vị bộ binh và tăng của tập đoàn quân 54 đã không để cho quân giặc được yên. Họ đã đánh địch ở trước mặt trận và đã vượt qua tuyết dày đánh tập hậu vào sau lưng địch, đã đánh chiếm đường xá và đã tống cổ quân Đức từ trong làng xóm ra ngoài cánh đồng băng giá.

Trong khi các sư đoàn tàn binh của địch chạy khỏi Tikhơvin bị quân ta đuổi đánh, thì ở quanh Matxcơva Quân đội xô-viết đã mở cuộc phản công vĩ đại. Những tin thắng lợi từ hướng Trung tâm đưa tới lại càng làm tăng sĩ khí của các chiến sĩ bảo vệ Lêningrat và cổ vũ họ tiến lên lập chiến công mới. Tới ngày 24 tháng chạp thì cụm quân địch bị tiêu diệt hoàn toàn và đường sắt Tikhơvin – Vônkhôp hoàn toàn được giải phóng.

Bộ đội tiến đến đâu, các đội sửa chữa đường sắt tới ngay đó để sửa chữa cầu đường bị địch phá hủy. Và khi bộ đội hãy còn đuổi nốt những tên lính Đức cuối cùng sang bên kia sông Vônkhôp thì từ Tikhơvin đã có những chuyến xe đầu tiên chở lương thực đến cho Lêningrat.

Chiến thắng Tikhơvin đã có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với số phận của Lêningrat. Tới ngày 9 tháng một, dự trữ bột mì ở Lêningrat chỉ còn được 9-10 ngày. Ăn uống quá thiếu, đã làm cho số người chết mỗi ngày một tăng nhanh.

Tikhơvin được giải phóng và việc vận chuyển trên đường sắt phương Bắc tới ga Vôibôcalô được khôi phục đã cho phép chở tới Lêningrat được nhiều lương thực hơn, do đó đã cứu được hàng ngàn người khỏi bị chết đói.

Để bào chữa cho thất bại ở Mặt trận Lêningrat, Hitle đã đổ lỗi cho viên tư lệnh phương diện quân “Bắc”, đại tướng fôn Lêep, và cho viên thượng tướng (sau này thành đại tướng) fôn Cukhơle đến thay.

Tất nhiên, vấn đề không phải là Lêep. Tên này đã chỉ huy quân phát-xít chẳng kém gì những tên tướng khác của Hitle. Nguyên nhân thất bại chính là ở chính sách xâm lược điên dại của bọn đầu sỏ phát-xít, ở tính chất sai lầm và phiêu lưu của các kế hoạch của chúng đã không tính đến tinh thần bất khuất và dũng cảm vô song của nhân dân Liên-xô.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 04:16:26 pm
MÙA ĐÔNG TRONG VÒNG VÂY HÃM

Bị đánh đau ở Tikhơvin, quân Đức buộc phải chịu cảnh đồn trú mà đông ở chân thành Lêningrat. Sợ bị bộ đội xô-viết tấn công, chúng càng rút sâu hơn nữa xuống đất, mở rộng thêm lưới điểm tựa, cắm thêm cọc chống tăng, cài thêm mìn và rào thêm dây thép gai.

Cùng với mùa đông tới, trên các cửa ngõ trực tiếp dẫn vào Lêningrat cũng có một sự im ắng tương đối. Cả hai bên đều quay ra phòng ngự trận địa chiến. Hàng ngày thông báo chiến sự đưa tin: “Không có gì quan trọng xảy ra”, “hoặc: “Ở Mặt trận Lêningrat không có gì thay đổi”. Thỉnh thoảng mới có tin về những trận đánh có tính chất cục bộ.

Song đằng sau những lời vắn tắt của các thông báo chiến sự đó là cả một cuộc đấu tranh gay go, tàn khốc, dai dẳng ngày đêm.

Một phong trào bắn tỉa đã xuất hiện trong các chiến sĩ Mặt trận Lêningrat. Người mở đầu là Fêôđôxi Xmôliatscôp, chiến sĩ thuộc tiểu đoàn trinh sát của sư bộ binh 13. Đồng chí đã được Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên-xô truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên-xô. Trước khi từ trận, đồng chí đã bắn tỉa chết 125 tên phát-xít.

Phong trào bắn tỉa đã có tác dụng rất lớn. Các thiện xạ viên đã tiêu diệt hàng nghìn lính và sĩ quan địch.

Mùa đông 1941-42 là một mùa đông tuyết nhiều và băng giá cao độ. Tuyết hình như nhiều hơn bao giờ hết. Tuyết chất thành những đống chướng ngại vật trên các đường phố và quảng trường, đóng băng lại thành từng tầng từ trên nóc và các đường viền của các tòa nhà rủ xuống. Những tàu bị mắc băng trên sông Nêva nom giống như một đoàn lữ hành bị chôn chân giữa đầm băng Bắc cực. Và trên tất cả cái thế giới của tuyết đó là cái rét buốt thấu xương ngự trị. Các ống dẫn nước đóng băng lại, hệ thống thoát nước bị hỏng. Các nhà tắm và hiệu giặt phải đóng cửa. Các nhà máy điện phải ngừng chạy vì thiếu nhiên liêu. Các phương tiện giao thông của thành phố ngừng hoạt động. Các xe điện và xe điện không ray đứng chết ở giữa phố, tuyết phủ đầy thành những núi tuyết.

Nhân dân Lêningrat không có nước, không có điện, không có hơi sưởi ấm. Họ đã gặp phải những nỗi gian khổ và cơ cực chưa từng thấy. Những con người đói lả và kiệt sức đó hằng ngày phải vượt qua nhiều cây số đường phố đầy tuyết để tới công xưởng và nhà máy. Còn ai không đủ sức đi thì phải sống ngay tại nơi làm việc. Phụ nữ, các cụ già và trẻ em phải lê bước theo các đường mòn trong tuyết để tới sông Nêva và các sông đào đã đóng băng để lấy nước dùng. Để giảm bớt phần nào khó khăn của nhân dân, người ta đã đặt ở các phố những vòi nước và cột nước, song ngay cả những thứ này cũng thường hay bị đóng băng lại.

Trong các căn nhà, những chiếc lò sưởi bằng sắt lâm thời đã xuất hiện. Người ta dùng cả ghế, tủ, sàn nhà, sách, giậu, nhà kho, nhà gỗ để làm củi. Song tất cả những thứ đó cũng chả được bao lâu. Người ta đã phải quấn vào người tất cả những gì có thể được và tụm năm túm ba trong từng gian phòng nhỏ, dùng hơi thở của mình mà sưởi ấm cho không khí băng giá.

Mùa đông đầu tiên trong vòng vây hãm – đó là một bản anh hùng ca về ý chí rắn rỏi và tinh thần anh dũng vô song của nhân dân xô-viết.

Cựu nữ công nhân nhà máy Kirôp, Anna Nilôpna Caocpuxnôva, kể lại rằng:

“Tuyến mặt trận khi đó có thể trông thấy rõ từ nóc nhà hiện nay tôi ở. Thế mà nhà này lại không xa ngõ của nhà máy. Khi giao thông của thành phố còn hoạt động, thì tàu điện cũng chỉ chạy tới ngõ ấy là cùng, đến bên ấy là người bán vé báo: “Hết đường rồi, ngoài kia là mặt trận!”. Và thật vậy, ụ súng đánh đai lấy suốt nhà máy; chúng tôi đã quyết định nếu quân thù tới thì diệt chúng ngay ở đây. Mặc dầu nhiều công nhân đã bị chết vì các cuộc oanh tạc, hàng nghìn người đã di dân quân, nhiều máy móc đã chuyển về hậu phương, vì đói và đại bác cũng chết khá nhiều, song nhà máy vẫn sống và không ngừng hoạt động một ngày nào. Chỉ riêng trái phá địch nổ ở sân nhà máy cũng có tới năm nghìn rưởi, không kể hàng trăm bom nổ và hàng nghìn bom cháy! Cũng có người bị kiệt, lả đi vì đói, chữa chạy qua ở bệnh xá nhà máy, lại ra đứng máy ngay. Ngay cả các cụ già, nói thế nào cũng không chịu nghỉ, vẫn đứng ở vị trí của mình”.

Từ 20 tháng một, khẩu phần bánh mì của mỗi người lại phải rút xuống mức thấp nhất: công nhân được phát 250 gam mỗi ngày, còn tất cả những người khác thì được 125 gam thứ cám đóng bánh lại, ôi khét, gọi là bánh mì.

Sức khỏe của mọi người giảm sút một cách kinh khủng. Nạn chết đói đe dọa mỗi người dân Lêningrat. Hàng ngày, hàng nghìn đàn ông, phụ nữ, trẻ em bị chết.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 04:18:09 pm
Bọn phát-xít thấy thế hí hửng. Chúng tưởng rằng bị giầy vò và kiệt quệ vì đói rét, vì những trận oanh tạc và pháo kích liên miên, nhân dân Lêningrat sẽ không chịu đựng nổi, sẽ thôi làm việc và sẽ giao thành phố cho chúng. Trong nhật lệnh năm mới gửi quần chúng đang bị bao vây Lêningrat, Hitle đã khoác lác tuyên bố rằng chỉ ba-bốn tuần lễ nữa là cùng “Lêningrat sẽ như một quả táo chín rụng xuống chân chúng ta”.

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Không một sự hy sinh gian khổ, thiếu thốn ghê gớm và nặng nề đến đâu đi nữa, đã có thể làm nhụt được tin thần của những người Lêningrat dũng cảm và làm cho họ chán nản, tuyệt vọng. Ăn đói, thiếu ngủ, ngã rụi đi vì kiệt sức, họ vẫn làm việc, vẫn đấu tranh chống lại các trận đánh phá của không quân địch, giúp đỡ lấn nhau, vì quên hết thảy, chỉ nhớ mỗi một điều là: quân thù phải bị tiêu diệt.

Trong điều kiện cực kỳ gian khổ, khi nguyên liệu, nhiên liệu và dụng cụ đều thiếu thốn, trong xưởng thì lạnh cóng, địch lại không ngớt pháo kích và oanh tạc nhà máy, vậy mà những con người bị kiệt đi vì đói và lao động mệt nhọc vẫn đứng máy mấy ngày đêm liền để làm kịp hàng cấp tốc cho tiền tuyến. có khi đang đứng máy thì bị mảnh trái phá hay kiệt sức quá, họ ngã xuống và không bao giờ trở dậy nữa. Khi đó, lại có những người khác đứng vào chỗ các đồng chí đã hy sinh.

ơ quan lãnh đạo phòng thủ đã đem hết mọi cố gắng ra để mong làm giảm bớt khó khăn trong đời sống của nhân dân, cứu họ khỏi bị chết đói và chết rét. Tại các nhà ăn, trong các tòa nhà lớn và ở ngoài phố, người ta đã mở ra các trạm phân phát nước sôi; người ta cũng lập ra nhiều nơi điều trị để cứu chữa cho những người đã kiệt sức. Trong công việc khó khăn và quan trọng này, các đoàn viên thanh niên cộng sản Lêningrat đã giúp một tay đắc lực. Họ đã tập hợp nhau lại thành những đội phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, tự đảm nhiệm việc trông nom các trẻ em không có cha mẹ, săn sóc người ốm và những người đã kiệt sức vì đói. Bản thân các nam nữ đoàn viên cômxômôn ấy cũng bị đói và nhược, song đối với những ai không đi lại được thì họ giúp chặt củi, gánh nước, lĩnh khẩu phần bánh mì và thức ăn ở nhà ăn mang về, quét dọn căn nhà ở và úy lạo bằng lời nói thương yêu, thông cảm.

Trong những ngày bị bao vây phong tỏa, phụ nữ Lêningrat cũng đã biểu hiện một tinh thần hy sinh quên mình hiếm có. Họ đã phải gánh vác phần lớn công việc lao động và chăm sóc gia đình. Họ đã đứng máy quay cho nam giới ra trận, đã khắc phục khó khăn để kiếm củi sưởi cho trẻ con, đã lặn lội đi lấy nước từ ở xa, rồi mỗi bận máy bay địch bắn phá, họ đã túc trực trên các mái nhà để chống lại bom cháy, và còn trăm công nghìn việc khác nữa đều do bản tay đảm đang của những người nữ lao động Lêningrat vẻ vang lo toan đảm nhiệm. Bằng lao động của mình, bằng ý chí quyết thắng, phụ nữ Lêningrat cũng đã góp phần làm cho giờ thắng lợi tới gần.

Có một cuộc gặp gỡ mà suốt đời tôi còn nhớ mãi. Đó là vào cuối tháng một năm 1942. Từ trên chiến hạm của hạm đội nhỏ ở hồ Lađôga bước xuống đất Lêningrat, chúng tôi – những người từ Vônkhôp tới – trước hết đã trông thấy trên các hè đường sắt những người phụ nữ đang mải khuân vác, xếp thành từng chồng những bao vá hòm bột mì, ngũ cốc, đường và các thứ thực phẩm khác. Chúng tôi đã lại gần họ, hỏi thăm xem họ sống và làm việc thế nào, tâm tư ra sao. Về phần các chị em, thấy chúng tôi từ phía “Đất liền” lại, họ cũng tíu tít hỏi thăm tình hình hậu phương và Matxcơva ra sao và, cuối cùng, gặng hỏi đã sắp tới ngày quân đội ta đuổi hết lũ phát-xít xâm lược ra khỏi đất đai xô-viết chưa.

Nhìn nét mặt của các bà, các chị, tôi không thấy có một chút nghi hoặc nào về sự tất thắng của ta cả. Trong những đôi mắt mệt mỏi của họ, vẫn ánh lên một ý chí kiên quyết và sẵn sàng cống hiến mọi sức lực để giành thắng lợi và quyết đánh cho kỳ được. Tôi đã trò chuyện với người phụ nữ đứng bên cạnh, dáng thấp và có khuôn mặt Nga chất phác. Mùa đông đầu trong vòng vây hãm, chị Môzơgalêva Nađejơđa Alecxanđrôpna đã phải để tang chồng, tiếp đến con trai chị lại tử trận trong trận ở Đubrôpca Nepxcaia. Còn người con trai thứ hai đang phục vụ trong hạm đội Bắc thì họa hoằn mới có thư về. Bây giờ chị sống có một mình, nhưng vẫn không ngã lòng nản chí. Đối với người thiếu phụ quả cảm ấy, cũng như đối với hàng ngàn nữ anh hùng khác, liệu người ta có thể không kính phục được chăng? Bằng lao động quên mình và ý chí sắt đá của mình, những người phụ nữ lao động Lêningrat thật đáng để cho người ta dựng tượng về họ, cũng như dựng tượng người chiến sĩ vô danh.

Các nhà văn nghệ còn ở lại trong thành phố cũng đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung chống kẻ thù. Họ đã sáng tác những tác phẩm mới, đã tới biểu diễn cho các đơn vị ở ngoài tiền duyên, ở các phân xưởng nhà máy và ở trên đài phát thanh. Tuy đã bị lả đi vì đói và bị khổ sở vì những cuộc báo động liên miên, người ta không chỉ nghĩ đến bánh mì và sự yên tĩnh, mà vẫn thèm được nghe hát, thèm âm nhạc và thơ ca. Nữ thi sĩ Onga Becgôn ở Lêningrat đã hồi tưởng lại: “tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ người ta còn nghe ngâm thơ, như những người Lêningrat đói rét, sưng phù, hầu như chỉ còn thoi thóp sống, đã nghe ngâm thơ của các nhà thơ Lêningrat trong mùa đông ấy”.

Các chiến sĩ ngoài mặt trận cũng vậy, họ thích được nghe hát, nghe pha trò, châm biếm. Các nhà văn nổ tiếng A. Fađêep, N. Tikhônôp, V. Visnepxki... đã nhiều lần đếm thăm các đơn vị của mặt trận Lêningrat; các nhà thơ V. Inbe, O. Becgôn, V. Rôjơđextơvenxki đã ngâm thơ cho các chiến sĩ nghe.

Khó mà kể lại được hết nhiệt tình và tinh thần lao động quên mình của các nhà khoa học và hoạt động văn hóa Lêningrat. Một nhóm các nhà bác học nổi tiếng của Liên-xô – các viện sĩ I. I. Mêsanicôp, L. A. Oocbêli và I. Iu. Cratscôpxki – đã lãnh đạo việc tổ chức lại các tập thể nghiên cứu khoa học của thành phố nhằm tập trung sức lực vào việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc kháng chiến và đến việc đánh bại quân thù. Các nhà khoa học đã chỉ đạo việc xây dựng các công sự phòng ngự, đã sáng chế ra các máy chuyên dùng để dọn dẹp nhà cửa bị tàn phá, đã thảo ra quy trình công nghệ khai thác thế phẩm làm thức ăn. Các thày thuốc đã tìm cách đấu tranh chống bệnh loạn dinh dưỡng và những chứng bệnh khác thường xảy ra với người dân ở thành phố bị bao vây. Các nhà hoạt động văn hóa đã tìm mọi cách để giữ gìn kho tàng nghệ thuật của thành phố bảo tàng khỏi bị hủy hoại.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Sáu, 2018, 04:19:50 pm
Nhân dân Lêningrat đã gặp phải những khó khăn không thể tưởng tượng được. Song họ đã dũng cảm chịu dựng mọi thử thách, họ biết rằng cả đất nước ủng hộ họ và đang tìm mọi cách để giảm bớt khó khăn cho họ. Từ khắp nơi trên đất nước, các chuyến tàu chở lương thực, đạn dược, nhiên liệu, chất đốt được phái đi tiếp tế cho Lêningrat.

Cùng với những lời chào mừng nồng nhiệt, nhân dân lao động Xibêri, Tasken, Viễn Đông và Muôcmanxcơ đã gửi tới thành phố anh hùng rất nhiều quà quý: hoa quả và bột mì, bơ và thuốc lá, thịt, cá. Song tất cả những chuyến hàng đó bị đọng lại ở bên kia hồ Lađôga. Thế là khi đó, người ta đã nảy ra một ý kiến táo bạo: mở một con đường vận tải ô tô qua mặt nước dóng băng của hồ Lađôga – con đường này về sau nhân dân Lêningrat đã gọi một cách biết ơn là “Con đường sống”.

Những người đầu tiên đã đặt chân lên mặt băng còn chưa cứng của hồ Lađôga là các trinh sát viên. Họ đã đi dò để và chỉ ra con đường tương lai trên mặt băng, nghiên cứu định ra những nơi cần dừng lại để sưởi và địa điểm để đặt trạm y tế. Đến ngày 22 tháng một 1941 thì những chiếc ô tô đầu tiên đã chạy qua con đường đó.

Song không phải ngay lúc đầu đã sử dụng được con đường đó để vận tải bằng ô tô được nhiều. Thời gian đầu, mặt nước đóng băng còn mỏng không chịu được xe tải chở nặng. Các xe này bị thut xuống hoặc bị mắc kẹt vào những chỗ nước xói. Đầu mùa đông đã băng giá nhưng rồi có lúc lại tan giá. Lớp băng không chịu dày lên cho. Ô tô đi lại còn bị càn trở bởi những chỗ chưa đóng băng hẳn, bởi những cơn tuyết xuống ùn lại và bởi những hố bom, hố trái phá của địch. Vì con đường chỉ chạy cách tiền duyên địch có 8-12 cây số.

Song dần dà con đường đã mạnh lên. Khối hàng chuyên chở ngày một tăng. Ngày 22 tháng chạp, tức là một tháng sau khi mở đường, người ta đã chở được tới Lêningrat 700 tấn hàng, và ngày hôm sau: 800 tấn. Nhờ vậy, cơ quan lãnh đạo phòng thủ Lêningrat đã có thể tăng tiêu chuẩn bánh mì từ ngày 25 tháng chạp lên thêm 100 gam cho công nhân và thêm 75 gam cho viên chức, trẻ em và các miệng ăn khác trong giai đình. Tuy khẩu phần bánh mì được tăng thêm đó vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu của những người đã kiệt sức, song bản thân việc tăng này đã cổ vũ thêm nhân dân trong thành phố bị bao vây, làm cho họ có thêm nghị lực và củng cố thêm lòng tin rằng nạn đói chẳng bao lâu nữa sẽ chấm dứt.

Chính từ hôm đó, nhân dân Lêningrat đã gọi con đường xuyên qua mặt băng ấy là “Con đường sống”.

Để đẩy mạnh việc tiếp tế, nhân dân đã ra sức để mở rộng thêm đường. Đầu tháng giêng đã có 4 con đường chạy qua mặt hồ, sau đó ít lâu thì thành 6 đường. Ba đường dùng cho ô tô cơ lương thực, thuốc men, đạn dược và nhiên liệu tới Lêningrat, còn ba đường kia để ô tô khi quay về, chở trẻ em, phụ nữ, người già và người ốm.

Theo quyết định của Ủy bna Quốc phòng Nhà nước, một mạng lưới đường sắt đã được đặt từ ga Vôibôcalô đến Cabôna (một địa điểm ở ngay trên bờ hồ Lađôga). Từ 10 tháng hai 1942, các đoàn xe lửa đã tiến đến tận bờ đông hồ Lađôga. Do đó đã rút ngắn được đường xe tải đến một nửa, và nhờ vậy đã tăng được thêm chuyến chở hàng tới Lêningrat. Song ngay từ cuối tháng giêng, con đường trên băng đã trở thành một tuyến giao thông vận tải thường uyễn hoạt động. Nên chẳng bao lâu khối lượng hàng chở tới đã tăng lên khá, làm cho khả năng tăng tiêu chuẩn bánh mì lần thứ hai. Từ 24 tháng giêng 1942, phiếu bánh mì của công nhân Lêningrat đã làm 400 gam, còn viên chức là 300 gam, còn của trẻ em và các miệng ăn khác là 250 gam. Đó chính là công lao của những ai đã mở “Con đường sống”, đã lái xe, thợ sửa chữa, điều chỉnh viên, liên lạc viên, nhân viên y tế, những quân nhân làm những nghề không hẳn là chiến đấu ấy, song bằng lao động dũng cảm của mình, họ đã phá tân âm mưu dã man của giặc định làm cho thành phố chết đói.

Theo “Con đường sống”, thư từ và quà cáp từ hậu phương đã được chuyển tới các chiến sĩ và nhân dân Lêningrat. Cũng theo đường ấy, các đoàn đại biểu của Matxcơva, Uran, Klêcghizi, Uzơbêkixtan, Cazăcxtan và của các nước cộng hòa và các tỉnh khác nữa, đã tới thăm đồng bào Lêningrat.

Theo nghị quyết đặc biệt của thành ủy Lêningrat, 700 đảng viên cộng sản đã được phái đi công tác tại “Con đường sống”.

Tất cả những ai đã làm việc trên con đường này rất xứng đáng được giữ một chỗ vinh dự trong số những người anh hùng của cuộc phòng thủ Lêningrat.

Bộ tư lệnh phát-xít Đức đã không phút nào rời mắt khỏi hồ Lađôga. “Con đường sống” không ngớt bị ném bom và pháo kích. Các cuộc đánh phá của không quân và pháo binh địch đã gây ra thiệt hại, song không thể làm ngừng sự vận chuyển. Những nơi có hố bom và trái phá, các đội coi đường đã kịp thười làm bảng báo hiệu và làm những con đường vòng. Để chống lại sự phá hoại của địch, ta đã bố trí cao xạ bảo vệ đường và phi cơ khu trục Liên-xô thường xuyên tuần tiễu trên không.

Quân Đức thậm chí đã mưu toan cắt con đường này. Vào một đêm tháng giêng tối như mực, khoảng hai đại đội lính địch trượt tuyết đã từ Slitxenbuôc mò ra Oxinôvet và sục ra con đường trên hồ. Song ở đây, chúng đã bị phát hiện và sau một trận chóng vánh thì chúng đã bị đánh bật lại. Đó là lần đầu mà cũng là lần cuối quân Đức cả gan đánh vào “Con đường sống”. Tuy vậy, bộ tư lệnh Mặt trận Lêningrat vẫn tính đến khả năng địch có thể xâm phạm vào con đường này, nên đã tăng cường việc bảo vệ nó bằng những đơn vị đặc biệt. Suốt dọc con đường, bộ đội đã dựng lên những cấu trúc phòng ngự và những hỏa điểm, đắp bằng tuyết và băng.

Cho đến khi xuân về, băng tuyết tan, thì “Con đường sống” đã chuyên chở được hơn 20 vạn tấn lương thực, đạn dược, dầu xăng, thuốc men, và đã chở đi tản cư khỏi Lêningrat được hơn nửa triệu người.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:20:57 am
XUYÊN QUA RỪNG VÀ SÌNH LẦY

Chính vào lúc Lêningrat gặp khó khăn nhất, khi cái đói và cái rét đã làm thiệt mạng hàng nghìn người và áp sát chân thành phố là một đạo quân địch khổng lồ sẵn sàng xông lên công thành bất cứ lúc nào, thì Bộ Tổng tư lệnh xô-viết đã có chủ trương giải tỏa cho thành phố khỏi kìm kẹp của địch.

Tôi đã được biết về chủ trương này ở Matxcơva, tại hành dinh ủa Bộ Tổng tư lệnh mà tôi được triệu tập về hồi giữa tháng chạp 1941. Tai cuộc họp ở Bộ Tổng tư lệnh, Nguyên soái Liên-xô B. M. Sapôsnicôp đã báo cho biết rằng, nhằm mục đích liên kết các tập đoàn quân đang hoạt động ở phía đông sông Vônkhôp cũng như mới tập trung đến vùng này, Bộ tổng tư lệnh đã quyết định thành lập Mặt trận Vônkhôp. Mặt trận này có nhiệm vụ chủ yếu là, cùng với Mặt trận Lêningrat, tiêu diệt đạo quân địch đang vây Lêningrat và giải phóng thành phố khỏi bị vây hãm.

Cũng trong cuộc họp đó, tôi được biết rằng tôi được cử làm tư lệnh mặt trận Vônkhôp. Ý đồ của chiến dịch sắp tới chủ yếu là phát triển liên tục cuộc phản công mà các đơn vị của mặt trận Vônkhôp (hai tập đoàn quân 4 và 52) và tập đoàn quân 54 của Mặt trận Lêningrat đã tiến hành, thành một cuộc tấn công mới, mãnh liệt hơn. Nhằm mục đích đó, cần phải đưa vào chiến đấu những lực lượng mới và sử dụng vào chiến dịch bộ đội của Mặt trận Tây-bắc.

Mặt trận Vônkhôp phải đóng vai chính trong chiến dịch lớn có mục tiêu vĩ đại này và được giao nhiệm vụ tấn công theo hướng tây-bắc, dọc tuyến Luban – Vôlôxôvô. Mặt trận Lêningrat phải bằng hành động tích cực giúp cho Mặt trận Vônkhôp tiêu diệt quân địch. Còn Mặt trận Tây-bắc có nhiệm vụ đánh về hướng Xtaraia Rutxa – Xonxư và phối hợp với bộ đội của Mặt trận Vôn-khôp cắt đứt đường rút của địch ở phía Nôpgôrôt và Luaga.

Ý đồ của chiến dịch phù hợp với tình huống khi đó và có tính kiên quyết và mục đích tính.

Song dù cho ý đồ có hay đến đâu đi nữa, nếu nó không được củng cố về mặt vật chất, nếu bộ đội không được cung cấp đầy đủ phương tiện chiến đấu, đạn dược, lương ăn và nhiên liệu, thì cuộc tấn công vẫn trở nên bấp bênh ngay cả khi có ưu thế về lực lượng. Một tình thế tương tự như vậy đã xảy ra với quân ta. Mặt trận Vônkhôp trội hơn địch về người, về pháo và cả về tăng. Song nó lại có ít máy bay, súng máy, phương tiện vận chuyển và thông tin. Đặc biệt là rất thiếu đạn đại bác và cỏ cho lừa ngựa.

Cuộc tấn công đã phải tiến hành trong những điều kiện rất khó khăn và phức tạp. Đang giữa mùa đông, rừng thẳm tuyết dài trở ngại cho cuộc tiến quân. Đường xá không có. Việc cơ động rộng rãi, phải loại trừ. Thêm vào tất cả những cái đó, lại không thể tính đến chuyện bất ngờ được. Quân địch đã biết về cuộc tấn công sắp tới và đã chuẩn bị đối phó.

Trong hoàn cảnh khó khăn và phức tạp như vậy, không có đủ mọi điều kiện cần thiết để phát triển chiến đấu thắng lợi, cuộc tấn công của Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat đã bắt đầu.

Bộ đội thuộc tập đoàn quân 55 của tướng V. P. Xviriđôp (Mặt trận Lêningrat) đã đánh đòn đầu tiên. Ngày 20 tháng chạp họ đã tấn công trận địa địch ở Craxnưi Bo, nhằm chiếm lấy Ulianôpca và Tôxnô, thọc vào sau lưng cụm quân địch ở Mơga và tiêu diệt chúng. Đáp lại các trận tấn công của các đơn vị tập đoàn quân 55, địch đã tiến hành phản kích lại và cấp tốc điều thêm lực lượng mới và pháo binh đến tăng viện. Cuộc chiến đấu đã diễn ra quyết liệt, đẫm máu, và sau năm ngày thì biến thành một cuộc đọ đại bác và súng cối. Bộ đội của tập đoàn quân 55 bám được vào ngoại ô bắc Craxnưi Bo, củng cố ở đó và chuyển sang phòng ngự.

Ngày 13 tháng giêng 1942, bộ đội Mặt trận Vônkhôp và của tập đoàn quân 54 thuộc Mặt trận Lêningrat chuyển sang tấn công. Các đơn vị của Mặt trận Vônkhôp đánh về phía tây đường sắt và đường ô tô ở Matxcơva – Lêningrat, vòng tránh trận địa kiên cố của địch ở Chuđôvô, còn các đơn vị tập đoàn quân 54 thì tiến về hướng Pôgôxtiê – Tôxnô.

Bằng cuộc tấn công này, bộ đội Mặt trận Vônkhôp đã mở đầu cuộc chiến đấu lâu dài và bền bỉ để giải phóng Lêningrat. Sau này, trong suốt hai năm rưỡi, cho đến khi thành phố hoàn toàn được giải vây, những người lính Vônkhôp đã chiến đấu sát cánh với các chiến sĩ của Mặt trận Lêningrat. Các binh đoàn của Mặt trận Vônkhôp đã phải chiến đấu trên một địa hình hiểm trở, rất khó cho sự vận động. Mãi mãi còn in sâu trong trí nhớ những khu rừng trùng điệp, những sình lầy, những cánh đồng than bùn ngập nước, những con đường sụt lở. Để sống và chiến đấu, bộ đội ở đây đã phải làm ra những hàng rào bằng gỗ hai vách, có rắc đất ở giữa, thay cho chiến hào, và những ụ đất nổi thay cho hố xạ kích; họ đã phải kiến thiết những cầu nối và những đường lót khúc cây dài nhiều cây số, và cấu trúc ra những ụ súng nổi bằng gỗ cho pháo và súng cối.

Song chúng ta hãy trở lại câu chuyện về cuộc tấn công đã bắt đầu. Cuộc tấn công ấy đã phát triển chậm chạp. Địch chống lại quyết liệt. Ta đã phải cố gắng ghê gớm để giành giật từng mẩu đất, để vượt qua mỗi thước rừng vá sình lầy phủ đầy tuyết và cài mìn.

Tập đoàn quân mũi nhọn 2 đã tấn công thắng lợi hơn cả. Các đơn vị của nó đã vượt sông Vônkhôp, chọc thủng trận địa phòng ngự thứ nhất của địch chạy dọc bờ sông, và đến ngày 21 tháng giêng thì tiến tới trận địa phòng ngự thứ hai của địch, ở khu vực Xpatxcaia Pôlixti – Miaxnôi Bo, cấu trúc dọc theo đường sắt và đường ô tô Chuđôvô – Nôpgôrôt.

Cuộc chiến đấu để giành những địa điểm dân cư này đã diễn ra rất ác liệt. Cuối cùng, sau ba ngày tấn công, trong đêm rạng ngày 24 tháng giêng, bộ đội của tập đoàn quân mũi nhọn 2 đã chiếm được Miaxnôi Bo và chọc thủng trận địa phòng ngự chính của địch ở hướng này. Quân đoàn kỵ binh 13 của thiếu tướng N. I. Guxep lập tức tràn qua lỗ hổng đó. Theo chân họ, các đơn vị trong tập đoàn quân mũi nhọn 2 đã bắt đầu tiến nhanh về phía Luban, bọc lấy cụm quân địch ở Chuđôvô từ phía tây-nam.

Việc các đơn vị của Mặt trận Vônkhôp đã tràn qua các trận địa phòng ngự của chúng làm bộ tư lệnh phát-xít lo sợ. Tên đại tướng Cukhơlê mới đến nhậm chức thay tư lệnh phương diện quân “Bắc” vội tìm mọi cách để bịt lỗ hổng. Y đã ném vào chiến đấu ngày càng nhiều đơn vị mới, rút đi từ các khu vực khác của mặt trận, kể cả từ tuyến sát với Lêningrat.

Phát triển tấn công, tập đoàn quân mũi nhọn 2 đã cắm sâu vào trong đội hình địch. Đến cuối tháng hai, tập đoàn quân này đã chiếm thêm được mấy địa điểm dân cư, đã cắt con đường sắt Lêningrat – Nôpgrôrôt và tiến sát tới trận địa phòng ngự của địch ở cửa ngõ Luban.

Các đơn vị trong tập đoàn quân tiếp tục tấn công vào trận địa địch. Song họ đã mệt và hết sức, nên không thể bẻ gãy được sức chống cự của những sư đoàn địch mới đến tăng viện.

Tập đoàn quân 54 khi đó đã được tăng cường bằng lực lượng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh, ngày 28 tháng hai, đã chọc thủng phòng ngự của địch ở hướng Luban từ phía Pôgôxtiê. Qua những trận ác liệt kéo dài suốt thượng tuần tháng ba, tập đoàn quân này mới tiến được 20 cây số. Và kết thúc thắng lợi ở đây. Và tuy về sau quân địch đã cắt được giao thông của tập đoàn quân mũi nhọn 2, làm chúng tôi phải rút nó về, song chiến dịch được tiến hành cũng đã có ảnh hưởng quan trọng đến ý định của bộ tư lệnh quân phát-xít Đức. Vì đã tiêu hết dự trữ trong việc chống đỡ lại quân ta, nên quân địch buộc phải từ bỏ ý định tổ chức một cuộc tấn công mới vào Lêningrat và ý định tổ chức thêm một vành đai phong tỏa thứ hai. Chúng không còn có cách nào khác là rúc sâu hơn nữa xuống đất, củng cố phòng ngự và đợi thời. Và chúng đã làm như thế.

Cũng vì vậy mà bộ tư lệnh phương diện quân “Bắc” đã không chi viện được gì cho phương diện quân “Trung” đang bị Quân đội xô-viết đánh cho dồn dập trong cuộc phản công thắng lợi ở tây Matxcơva. Không những thế, sợ quân chúng ở quanh Lêningrat bị tiêu diệt, bọn chỉ huy phát-xít từ tháng giêng đến tháng ba còn tăng cường thêm cho phương diện quân “Bắc” 6 sư đoàn rút ở Đức, Pháp, Đan-mạch và Nam-tư tới.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:22:12 am
PHÁ VỠ CUỘC TẤN CÔNG MỚI CỦA ĐỊCH VÀO LÊNINGRAT

Cái gì rồi cũng có tận cùng. Những tháng khó khăn chưa từng có, khủng khiếp của mùa đông 1941-1942 cuối cùng rồi cũng chấm dứt. Mùa xuân đã về. Nó đã đem lại sự ấm áp cho những con người đã kiệt quê. Thời rét mướt kinh khủng với những hậu quả ghê gớm của nó đã qua.

Nhân dân thành phố bèn bắt tay vào dọn dẹp phố phường, quảng trường, các đường bờ sông và các sân nhà khỏi tuyết và rác rưởi. Chỉ trong một thời gian rất vắn, thành phố đã trở nên sạch sẽ phong quang; và chỉ có những vết lõm trên các tường nhà và những trái phá và bom nổ đây đó trong thành phố là còn nhắc tới chuyện quân địch đang ở bên cạnh. Song dịch bệnh đã không còn đe dọa Lêningrat nữa.

Khi tuyết đã tan và đất đã khô lại, thì hàng chục vạn dân Lêningrat đã cầm lấy cuốc thuổng, bờ cào và thùng tưới. Ở các trang trại ngoại thành và các nông trường, ở các vườn hoa và công viên trong thành phố, ở các sân nhà và các bãi trống – đâu đâu cũng người người tấp nập. Họ sới đất, trồng khoai tây, bắp cải, hành, củ cải đỏ. Rau do nhân dân Lêningrat trồng ra, không những đã đỡ đần rất nhiều cho họ mà còn cho cả bộ đội phòng thủ thành phố.

Bước vào mùa xuân, du kích trong tỉnh Lêningrat cũng bắt đầu tích cực hoạt động mạnh hơn. Họ đã giải phóng hai huyện và lập ra căn cứ du kích. Tiến hành cuộc chiến đấu gian khổ trong lòng địch, quân du kích chẳng những đã chi viện cho Lêningrat bằng vũ khí mà còn bằng lương thực nữa. Vào tháng ba 1942, với sự phối hợp của các đơn vị tiền vệ của bộ đội, các chiến sĩ du kích đã chọc thủng tuyến mặt trận và đưa tới Lêningrat được 225 xe ngựa lương thực do nhân dân trong địch hậu quyên góp. Việc này đã biểu dương hùng hồn sự thống nhất của nhân dân xô-viết và tấm lòng tha thiết của họ đối với thành phố vĩ đại.

Xuân hè 1942, hoạt động của bộ đội Mặt trận Lêningrat cũng mạnh lên. Điều đó không chỉ do cung cấp cho bộ đội được cải thiện và có thêm lương thực bổ sung, mà còn do Mặt trận Lêningrat đã có vị tư lệnh mới là trung tướng I. A. Gôvôrôp. Là một người từng trải đời và từng trải chiến đấu, đồng chí đã nhanh chóng nắm được tình hình đặc thù của mặt trận này và loại trừ tất cả những cái gì cản trở việc phòng ngự tích cực. Từ khi đồng chí đến, pháo binh địch không được yên, chúng thường phải đối phó với pháo binh ta, thay đổi vị trí, tháo chạy và bắn vào thành phố ngày một thưa hơn.

Bộ tư lệnh của Hitle đã yêu cầu tên thượng tướng Kenle, tư lệnh tập đoàn không quân 1, phải chặn phá cho được đường tiếp tế vào Lêningrat. Song chúng đã không thực hiện được lệnh đó. Không quân Mặt trận Lêningrat và của hạm đội Bantich Cờ đỏ đã tỏ ra mạnh hơn không quân địch. Họ đã giành và giữ vững đượ quyền làm chủ trên không ở trên đường Lađôga, bảo đảm cho các tàu bè tiếp vận qua hồ Lađôga không bị ngừng trệ.

Lo ngại trước hoạt động tích cực của quân ta quanh Lêningrat, bộ tư lệnh quân phát-xít không đợt kết cục của trận đánh lớn trên sông Vônga, đã quyết định mở cuộc tấn công đánh chiếm lấy thành phố. Quyết định này nằm trong kế hoạch chung của bọn Hitle định ra cho mùa hè năm 19423, - nhằm đạt những mục tiêu mà chúng đã không đạt được trong năm 1941, tức là đánh quỵ Liên-xô và kết thúc chiến tranh ở phương Đông.

Tên đại tướng Erich Manstêin, “chuyên gia về công thành”, đã được phái đến bờ sông Nêva. Hitle đã giao cho hắn phải “thanh toán” cho xong Lêningrat và những người bảo vệ thành phố này.

Từng đoàn tàu chở quân địch, khí tài, đạn dược nối tiếp nhau đến Lêningrat. Lực lượng chính của tập đoàn quân 11 và trọng pháo công thành đã tham gia đánh chiếm Xêvaxtôpôn, đã được địch điều cấp tốc từ Crưm tới.

Như vậy là quân địch ra sức cố gắng để tạo cho được một lực lượng đột kích thật mạnh đủ sức chiếm lấy Lêningrat trong một thời hạn ngắn.

Kế hoạch đánh chiếm Lêningrat, mà sau này Erich Manstêin thuật lại trong hồi ký của y, chủ yếu nhằm bọc lấy thành phố bằng một vành đai khép chặt. Cuộc đánh chiếm định bắt đầu từ phía nam bằng một lực lượng đột kích là 3 quân đoàn của tập đoàn quân 11 với sự yểm hộ mãnh liệt của pháo binh và không quân. Quân địch định rằng, sau khi chọc thủng được phòng ngự của bộ đội Mặt trận Lêningrat, và tiến được vào ngoại ô nam thành phố, sẽ cho hai quân đoàn ngoặt sang phái đông, vượt sông Nêva và cắt đứt mọi liên lạc của Lêningrat với đất nước.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:22:55 am
Song kế hoạch này đã bị thất bại, có thể nói là còn nặng hơn các kế hoạch trước, vì vào cuối tháng tám bộ đội của hai Mặt trận Vônkhôp và Lêningrat đã chuyển sang tấn công, nên quân Đức thậm chí đã không kịp bắt đầu kế hoạch của chúng. Số là Bộ Tổng tư lệnh Quân đội xô-viết đã có chủ trương cho các đơn vị của Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat mở chiến dịch tấn công và đã chọn mũi nhô (mà bọn Đức gọi là “cổ chai”) Slitxenbuôc – Xiniavin làm địa bàn cho chiến dịch đó. Đó là một địa đoạn trọng yếu trong vành đai của lục quân địch bao vây Lêningrat. Tất cả địa đoạn này chỉ rộng 12-15 cây số, bị địch đóng, đã chia cắt bộ đội Mặt trận Lêningrat với các đơn vị của Mặt trận Vônkhôp ra. Mà đó là địa đoạn thế nào kia chứ! Hầu hết là sình lầy hiểm trở, những cánh đồng than bùn và ở nam Xiniavin là những rừng sình lầy. Và ở khắp mọi nơi: dọc sông hồ, dọc mương sói và đầm lầy, trên các cao điểm và trong các cánh rừng là những trận địa phòng ngự của địch với nhan nhản là những đầu mối đề kháng và những điểm tựa. Trong 12 tháng mà bọn phát-xít đã làm chủ mảnh đất này, chúng đã dốc hết sức ra làm cho cái mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin trở thành bất khả xâm phạm.

Trung tâm phòng ngự của địch là những điểm cao Xiniavin, từ đó chúng có thể kiểm soát và bắn ra xung quanh hàng nhiều cây số. Ngày 27 tháng tám 1942, tập đoàn quân 8 của Mặt trận Vônkhôp đã nhằm hướng các điểm cao đó tiến đánh. Các đơn vị địch phòng ngự ở đây đã bị nghiền nát. Sau khi chọc thủng phòng ngự địch, bộ đội ta đã tiến sát tới Xiniavin.

Bộ tư lệnh quân phát-xít vội vã điều đến nơi bị đột phá một số bộ đội và phân đội rút từ các khu vực khác trên mặt trận và tăng cường mật đổ hỏa lực súng máy. Nhưng khi thấy cả việc này cũng vô hiệu quả, chúng lại cấp tốc điều thêm pháo binh, hầu hết không quân đóng ở quanh Lêningrat và ném vào cuộc chiến tất cả những gì mà chúng có trong tay.

Sự chống cự của quân địch mỗi ngày một mạnh thêm. Ngày 29 tháng tám, trên chiến trường xuất hiện một sư bộ binh của tập đoàn quân 11 của Manstêin, vừa ở Crưm tới. Sư này được tăng cường thêm tăng rút từ khu vực Nêva trên Mặt trận Lêningrat, liền tấn công trong hành tiến vào các đơn vị của tập đoàn quân 8 đang tiến quân.

Những trận đánh tao ngộ dữ dội đã nổ ra.

Về phần mình, Bộ tư lệnh Mặt trận Vônkhôp cũng đưa vào chiến đấu những lực lượng mới. Đi vòng Xiniavin từ phía nam, họ đã thọc sâu vào hàng phòng ngự của địch thêm 2-3 cây số. Chỉ còn hơn 6 cây số nữa thì tới bờ sông Nêva. Cuộc bao vây phong tỏa của địch có nguy cơ thực tế bị phá vỡ.

Thấy thế, bộ tư lệnh Hitle lo cuống cả lên. Theo lời Manstêin thuật lại thì khi đó, để tránh xảy ra tai họa, Hitle đã đề nghị với y lập tức nắm quyền chỉ huy khu vực mặt trận đó. Và Manstêin, thay cho việc tấn công vào Lêningrat như đã dự định, đành phải làm việc chống đỡ lại với cuộc tiến quân của bộ đội Mặt trận Vônkhôp, và tiếp đó là của Mặt trận Lêningrat. Hòng khôi phục lại tình thế, y đã ném tập đoàn quân 11 vào vòng chiến, đưa thêm pháo binh định dùng để tấn công vào Lêningrat đến vùng này và tập trung một lực lượng không quân lớn.

Phi pháo địch đã ném xuống đội hình chiến đấu của quân ta hàng nghìn tấn bom và trái phá. Pháo binh và không quân Mặt trận Vônkhôp cũng cũng đem hết uy lực ra đánh đòn trả lại. Thế là cả một vùng rừng và sình lầy, nơi diễn ra cuộc chiến đấu, rung chuyển trên dưới tiếng nổ của bom, trái phá và đạn cối. Lửa cháy ngùn ngụt trên rừng và sình lầy, phủ khói dày dặc cả chiến trường.

Mặc hỏa lực ác liệt của pháo địch và những trận oanh tạc không ngớt của không quân địch, quân ta vẫn tiếp tục tiến công, đồng thời chống lại các cuộc phản kích của địch.

Các cán bộ chính trị trung đoàn và sư đoàn thường xuyên có mặt ở các đại đội và pháo đội. Bằng lời nói và bằng hành động gương mẫu, họ đã nâng cao tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, động viên họ xông lên đánh chiếm các trận địa của địch. Khi chỉ huy bị hy sinh thì các cán bộ chính trị và sĩ quan tham mưu đã dẫn đầu các đơn vị xung phong. Trong cuộc chiến đấu đó, chính ủy tiểu đoàn Cônôvalôp, chủ nhiệm chính trị sư bộ binh 374, đã lập một chiến công anh hùng. Một lần địch đột kích vào khu vực bố trí cơ quan tham mưu, đồng chí đã chỉ huy một nhúm quân nhân trong tham mưu sư đoàn dũng cảm xông ra đánh chặn địch. Cônôvalôp hy sinh, song cuộc phản kích của địch đã bị đánh lui.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:23:38 am
Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in trong óc hình ảnh của người chỉ huy gan dạ đại đội pháo 3 thuộc trung đoàn pháo cận vệ 71 - thượng úy cận vệ Bakhơtin. Cùng với 8 chiến sĩ Hồng quân, đồng chí đã 7 ngày ở trong vòng vây để dùng vô tuyến điện điều chỉnh xạ kích cho các pháo dội của mình. Nhiều lần, Bakhơtin đã gọi pháo bắn thẳng vào chỗ mình. Các dũng sĩ ấy đã đánh bật tất cả các đợt xung phong của địch, đã thoát vòng vây với đầy đủ vũ khí và điện đài.

Cuộc chiến đấu diễn ra mỗi ngày một dữ dội và ác liệt. Ngày 9 tháng chín, tập đoàn chiến dịch Nêva của Mặt rận Lêningrat bước vào tấn công. Họ đã đánh qua sông Nênva, nhưng không thành công. Phi pháo địch đã mau chóng tiêu hủy mất các phương tiện vượt sông, làm cho cuộc vượt sông bị đình lại.

Hai tuần sau, ngày 26 tháng chín, các đơn vị này lại đánh vào các trận địa phòng ngự của địch ở bên kia sông Nêva. Họ đã vượt được sông ở khu vực Đubrôpca và Annexki, và đã chiếm lĩnh được một số nơi ở bờ đông Nêva.

Trong những ngày đó, tiểu đoàn bộ binh cảu thượng úy Blinôp đã quần nhau quyết liệt với quân phát-xít. Tiểu đoàn phụ trách một tuyến quan trọng. Các chiến sĩ trong tiểu đoàn đã thề quyết giữ vững tuyến này, không lùi một bước. Họ hiểu rằng nếu lùi một bước là làm cho quân địch tiến sát vào Lêningrat. Và những người dũng sĩ ấy đã giữ lời thề.

Địch đã tung ra chống tiểu đoàn này một lực lượng mạnh hơn gấp bội và đã dùng súng lớn bắn phá mãnh liệt. Những đám mây khói và bụi dày dặc trong một bức trường thành lơ lửng trên trận địa của tiểu đoàn. Tưởng chừng như không còn có gì có thể sống được ở đó. Song đó chỉ là tưởng thế thôi. Thực ra, tiểu đoàn vẫn sống và chiến đấu. Lần lượt các thê đội của địch bị hất lại đằng sau, mỗi lần lại phủ đầy chiến địa xác của quân quan chúng. Liên tiếp đánh mãi sang đến ngày thứ tư cũng chẳng được, bọn phát-xít đành phải quay ra phòng ngự.

Bộ tư lệnh tập đoàn quân đã tuyên dương công trạng toàn thể quân nhân trong tiểu đoàn và đã đề nghị lên chính phủ khen thưởng những cán bộ và chiến sĩ đặc biệt xuất sắc.

Nhân dịp này, cục chính trị của tập đoàn quân đã in ra một tờ truyền đơn đặc biệt, kêu gọi các chiến sĩ phòng thủ thành phố vĩ đại:

“Các đồng chí cán bộ và chiến sĩ!

Hãy noi gương các dũng sĩ tiểu đoàn của thượng úy Blinôp đập chết bọn chó phát-xít bất kỳ ở đâu mà chúng thò cái mõm đẫm máu của chúng vào!

Hãy tiêu diệt quân phát-xít khốn kiếp như các chiến sĩ tiểu đoàn của đồng chí Blinôp đã làm!”

Sau khi tung hết mọi lực lượng dự bị ra và phải chịu trả một giá rất đắt, quân địch đã trừ bỏ được múi dùi do bộ đội của Mặt trận Vônkhôp cắm vào mảnh đất nhô ra ở Slitxenbuôc – Xinavin, và khôi phục lại được tình thế ban đầu của chúng.

Trong những cánh rừng đông-nam Xiniavin, chiến trận sôi nổi chấm dứt vào ngày 20 tháng chín. Còn ở bờ đông sông Nêva, cuộc chiến đấu còn tiếp diễn đến ngày 6 tháng mười. Bộ tư lệnh quân Đức đã tốn rất nhiều công sức hòng đánh bật vác đơn vị của tập đoàn chiến dịch Nêva ra khỏi những khu vực mà họ đã chiếm được trên tả ngạn sông Nêva. Song các chiến sĩ của Mặt trận Lêningrat vẫn giữ được hai bàn đạp nhỏ.

Đến đây, chiến dịch Xiniavin (như sau này gọi tên như vậy) đã kết thúc. Và tuy bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat đã không thực hiện được nhiệm vụ đề ra cho họ là phá vỡ vòng vây Lêningrat, chiến dịch này vẫn có một tầm quan trọng lớn đối với công cuộc bảo vệ Lêningrat và miền bắc đất nước. Kế hoạch của bộ tư lệnh phát-xít định đánh chiếm Lêningrat bằng một cuộc tấn công mới đã bị phá sản hoàn toàn.

Như vậy là, kết quả trực tiếp của các trận trong tháng chín ở đông-nam Xiniavin là đã phá tan cuộc tấn công của giặc vào Lêningrat định vào mùa thu 1942 và tiêu diệt các lực lượng dự bị của chúng, trong đó có cả những đơn vị mà chúng định dùng để hạ thành Lêningat. Chỉ riêng bị giết và bị bắt, giặc đã mất hàng vạn quân. Nhiều phương tiện chiến tranh của địch bị mất và bị phá hủy. theo lời khai của các tù binh thì trong phần lớn cá sư đoàn địch mỗi đại đội chỉ còn 18-20 người. Lính của tập đoàn quân Manstêin nói với nhau: “Thà ba lần ở Xêvaxtôpôn, còn hơn một lần ở đây, tại miền Bắc này!”

Kết quả thứ hai, không kém phần quan trọng của chiến dịch này là đã làm cho bộ tư lệnh phát-xít Đức một thời gian dài phải chú ý tới hướng Tây-bắc. Địch không những không sử dụng được lực lượng dự bị có ở đây vào các hướng khác, mà còn buộc phải tăng cường cho phương diện quân “Bắc” bằng các đơn vị lấy ở Tây Âu, ở các mặt trận miền Nam và Trung bộ. Về phương diện này, cuộc tấn công của bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat đã phần nào làm giảm nhẹ cuộc chiến đấu của Quân đội xô-viết chống bày rợ phát-xít bên bờ sông Vônga.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:24:38 am
CHIẾN DỊCH “TỈA LỬA”

Đã sắp tới mùa dông thứ hai trong vòng vây hãm. Qua mùa hè, Lêningrat đã khỏe lên, đã tăng thêm sức lực. Và tuy cuộc sống trong thành phố bị vây hãm vẫn đầy khó khăn, gian khổ như trước kia, nhân dân Lêningrat vẫn tin tưởng nhìn về tương lại. Họ không ngơi tay lao động sản xuất cho nhu cầu của tiền tuyến, anh dũng chiến đấu trong hàng ngũ Quân đội xô-viết và ở quanh thành phố, trong các chi đội du kích.

Quân thù cũng đã khác trước. Khí thế tấn công của chúng, sau khi tập đoàn quân 11 của Manstêin bị đánh tan tác ở Xiniavin, ở bên bờ Vônga đã làm cho tên Cukhơle, tư lệnh phương diện quân “Bắc”, luôn luôn phải ngoái xuống miền nam, nơi không ngớt đòi hỏi tiếp viện.

Suốt mùa thu, quân phát-xít ở trên khắp cả Mặt trận Lêningrat lo củng cố hầm hào, hy vọng có thể yên ổn rút vào trong đó cho qua mùa đông. Những cuộc oanh tạc và pháo kích dã man vào thành phố vẫn tiếp tục. Quân thù vẫn tưởng đâu rằng thành phố sẽ không đứng vững nổi và sẽ sụp đổ.

Đã mất hết hy vọng dùng không quân có thể ngăn cản được việc tiếp tế cho Lêningrat bị bao vây, vào cuối mùa thu 2942 giặc Đức đã mưu toan chiếm lấy đảo Xukhô trên hồ Lađôga để cắt đường tiếp tế của ta. Một ít quân ta ở trên đảo, gồm thủy binh và chiến sĩ biên phòng, đã dũng cảm chống lại một lực lượng địch mạnh hơn gấp bội. Các chiến hạm của hạm đội nhỏ trong hồ Lađôga và máy bay của hạm đội Bantich đã đến chi viện cho họ và làm cho thế trận ngã ngũ hẳn. trong số 26 tàu địch tấn công đảo này thì 16 chiếc bị đắm và 1 chiếc ta bắt được còn nguyên vẹn, số còn lại bỏ chạy. Con đường Lađôga vẫn tiếp tục hoạt đọng với cường độ cao.

Vào mùa xuân 1942, khi con đường trên mặt băng không còn nữa, thì đã có nguy cơ là thành phố sẽ hết nhiên liệu. Theo quyết định của Ủy ban Quốc phòng Nhà nước người ta đã đặt ống dẫn dầu ngầm ở dưới đáy hồ Lađôga. Công binh xây dựng, không quản những cơn sóng lớn mùa xuân, không quản những trận bắn phá của địch và thiếu thốn ngay cả những thứ tối cần thiết, trong 50 ngày đã đặt xong một đường ống dẫn xăng dài 30 cây số, và ngày 19 tháng sáu bộ đội và thành phố đã nhận được những tấn nhiên liệu đầu tiên. Đến mùa thu thì cũng hoàn thành xong cả đường dây tải điện ngầm dưới nước. Nhà máy thủy điện Vônkhôp đã tiếp điện cho thành phố bị bao vây.

Nhớ lại mùa đông băng giá năm trước, nhân dân Lêningrat đã tận dụng mọi khả năng để sửa chữa nhà cửa, lắp kính vào cửa sổ, dự trữ tiềm tiệm một ít củi và than bùn. Hầu hết trong mọi nhà, ống dẫn nước và hệ thống thoát nước bẩn đều hoạt động. Ngoài phố, tàu điện chạy đều.

Trong mùa hè và mùa thu 1942, lại thêm khoảng nửa triệu người nữa, phần lớn là trẻ em, phụ nữ và người ốm, được tản cư đi khỏi Lêningat. Trong thành phố bây giờ chỉ còn lại người có sức lao động. Đến mùa thu thì công nghiệp Lêningrat đã phục hồi sản xuất nhiều thứ hàng quân sự. Trong các xí nghiệp của thành phố khi đó, người ta đã làm ra súng cối, tiểu liên, trái phá, mìn, sửa chữa xe tăng, đại bác và những thứ vũ khí khác.

Đến giữa tháng chạp, khi mặt băng trên hồ Lađôga đã dày cứng lại, thì “Con đường sống” lại bắt đầu hoạt động. Trên đường đó, cũng như mùa đông đầu, hàng đoàn ô tô lại chạy tới Lêningrat, chở đầy vũ khí, đạn dược, lương thực.

Những người Lêningrat đã nhận được hàng ngàn bức thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 cuộc Đại cách mạng tháng Mười sắp đến. Đầu tháng một, báo “Sự thật Lêningrat” đã đăng một bức thư ân cần khích lệ của Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên-xô M. I. Calinin.

“Có thể mạnh dạn nói rằng, - M. I. Calinin viết trong thư, - không có một nơi thâm sơn cùng cốc nào trong khắp đất nước rộng lớn của chúng ta mà ở đó người ta lại không quan tâm theo dõi và vui buồn với mỗi tin nhận được từ Mặt trận Lêningrat. Lêningrat từ xưa vẫn là thành phố yêu dấu của nhân dân xô-viết, giờ đây hơn bao giờ hết nó lại càng là thành phố yêu dấu của toàn thể nhân dân Liên-xô trong khắp tất cả các miền”.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:25:23 am
Tổ quốc đã đánh giá cao ý chí ngoan cường bất khuất và lòng quả cảm của những người bảo vệ Lêningrat. Sắc lệnh của Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên-xô ngày 22 tháng chạp 1942 đã đặt ra huy chương “Bảo vệ Lêningrat:”. Huy chương này đã lóng lánh trên ngực của tất cả những ai đã cầm vũ khí trong tay bảo vệ Lêningrat. Cũng như những ai bằng lao động của mình đã góp phần củng cố sức phòng thủ của thành phố. ở mặt phải của huy chương, bên hình người lính và thủy binh có hình nam và nữ công nhân, điều này tượng trưng cho sự thống nhất của quân đội, hạm đội và nhân dân thành phố đã sát cánh với nhau giữ vững Lêningrat.

Tình hình Mặt trận Lêningrat biến chuyển từng tháng một. Tuy quân địch còn đóng quanh thành phố, song lực lượng và tinh thần của chúng đã bị sứt mẻ nhiều. Các lực lượng dự bị chiến lược thì phải đưa đi đến bờ sông Vônga, Bắc Côcazơ, Vôrônejơ, Đêminanxcơ, Vêliki Luki, Rơjep, nơi Quân đội xô-viết đang mở rộng tấn công mãnh liệt. khoảng 7 sư đoàn của phương diện quân “Bắc” cũng bị rút đi các hướng đó.

Tình thế ở Lêningrat trở nên có lợi cho quân ta. Nhận thấy như vậy, Bộ Tổng tư lệnh đề nghị với hai mặt trận Lêningrat và Vônkhôp lại mở cuộc tấn công vào mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin.

Bộ đội đã chuẩn bị cho chiến dịch này về thực chất, ngay sau khi đập tan tập đoàn quân Manstêin ở Xiniavin. Mùa đông đến đã không gây trở ngại, trái lại, nó càng tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch định tiến hành. Mùa đông làm cho cá sình lầy khô cứng lại và sông ngòi có rất nhiều ở vùng này đóng băng lại. Bộ đội nhân đó có thể cơ động một cách rộng rãi hơn.

Cuối tháng một 1942, Bộ Tổng tư lệnh đã phê chuẩn kế hoạch chiến dịch nhằm chọc thủng vòng vây Lêningrat và đặt cho nó ám danh là “Tia lửa”.

Tư tưởng của kết hoạch chiến dịch này là: tiếp theo đợt hỏa lực chuẩn bị cực kỳ mãnh liệt bằng pháo binh và không quân, dùng lực lượng đột kích mạnh của Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vônkhôp chọc thủng phòng ngự của địch ở nam hồ Lađôga, tiêu diệt cụm quân địch ở Slitxenbuôc – Xiniavin và do đó mà phá vỡ vành đai bao vây của địch.

Hạ quyết tâm đột phá vòng vây của địch ở chính mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin, bộ tư lệnh quân ta không chỉ xuất phát từ chỗ đây là chỗ gián cách ngắn nhất giữa bộ đội của Mặt trận Lêningrat với bộ đội của Mặt trận Vônkhôp, mà còn tính đến tình huống này: ở mạn bắc Xiniavin, qua những đầm lầy than bùn, trong quá trình chiến tranh, ta chưa lần nào có hoạt động tấn công quyết liệt ở đây cả. Do đó, địch đã ít để ý đến khu vực này. Nhân tố bất ngờ ta có thể đạt được đó, có thể bù lại những khó khăn sẽ gặp phải trong việc khắc phục địa hình sình lầy và trận địa phòng ngự mạnh của địch.

Thế mà khó khăn thì lại không ít. Trên đường tiến quân của ta là những sình lầy bao la, nơi đây trước kia có những mỏ than bùn lớn. Vào mùa ấm áp, những sình lầy đó là chướng ngại rất khó vượt qua. Về mùa đông thì bộ binh có thể đi qua được cùng với súng lớn loại nhẹ kéo trên ván trượt tuyến. Còn các loại phương tiện nặng như tăng, pháo, ô tô, thì chỉ có thể đi trên các con đường tuyết sau khi đã lót thêm đường bằng vật liệu cần thiết.

Bộ tư lệnh phát-xít không thể không thấy nguy cơ bị quân ta tấn công vào mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin khi mùa dông tới. Nên chúng đã ra công làm cho khu vực này trở thành bất khả xâm phạm. Suốt cả khu vực này đầy dẫy những tuyến phòng ngự, và được bao phủ bởi mạng lưới dày đặc những đầu mối đề kháng và những điểm tựa mạnh, làm cho mũi nhô này thành một khu phòng ngự dã chiến rất kiên cố.

Địch đã đặc biệt tăng cường củng cố công sự sau những trận hồi tháng chín, khi thấy trận địa của chúng ở đây đã có thể bị quân ta chọc thủng. Đầu mối đề kháng ở cánh rừng nhỏ Cruglaia đã được củng cố lại hoàn toàn. Ở đây có tới hơn một trăm hỏa điểm súng máy và đại bác, một số rất lớn hầm hào cố thủ. Chúng cũng đã đắp ở đây hai thành lũy rộng và cao tới 1,5 mét. Để đối phó với quân ta tấn công, quân giặc đã lấy nước dội lên, làm cho những thành lũy đó biến thành băng đá, rất khó vượt qua.

Một chướng ngại quan trọng khác là sông Nêva, chiều rộng của nó ở giải tấn công của tập đoàn quân 67 là 500 – 600 mét. Muốn vượt qua khoảng cách đã đóng băng, bằng phẳng và hoàn toàn trống trải đó, thì nhất thiết phải đè bẹp được mọi phương tiện hỏa lực của địch bố trí ở bên kia bờ sông Nêva.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:26:03 am
Vậy mà suốt bờ sông ấy lại chằng chịt những chiến hào và giao thông hào, chi chít những hỏa điểm dày dặc các hàng rào dây thép gai và bãi mìn. Ở sườn dốc đứng của bờ ấy thì băng trơn.

Pháo và lực lượng dự bị của địch đặt ở trên các cao điểm Xiniavin nằm giữa mũi khô. Từ đây, chúng có thể bắn pháo và tung đội dự bị ra phản kích ở bất cứ hướng nào.

Mật độ quân địch ở mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin cao hơn là quy định trong điều lệnh của quân Đức nhiều. 5 sư bộ binh của tập đoàn quân Đức 18 phòng ngự ở đây. Ngoài ra, ở khu Mơga còn có 1 sư đoàn nữa làm dự bị. hầu hết tất cả các đơn vị của địch đều được bổ sung quân số đầy đủ, trang bị tốt và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu tấn công cũng như chiến đấu phòng ngự, đặc biệt là trong điều kiện địa hình rừng rú – sình lầy.

Qua tất cả những điều đó ta thấy rằng toàn thể cán bộ và chiến sĩ tham gia chiến dịch này đã phải có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và mọi mặt như thế nào, phải có một bản lĩnh quân sự cao cường và tinh thần dũng cảm vô song như thế nào, mới đè bẹp được một quân địch cố thủ sâu trong đất và có hàng ngàn đại bác, súng cối, súng máy và các hỏa khí khác tua tủa vây bọc như vậy, để mà phá được vành đai bao vây của chúng.

Trong gần hai tháng, mọi công tác chuẩn bị khẩn trương đã diễn ra cả ở hai phía của mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin. Bộ đội các binh đoàn và phân đội kéo đên các khu vực tập trung. Hậu cần lập các kho đạn dược, lương thực và các đồ dùng quân sự khác. Con đường tiếp tế trên hồ Lađôga vận chuyển đến mức tối đa.

Trong khi đó, các đơn vị đóng ở tuyến sau tích cực học tập khẩn trương. Cán bộ chỉ huy các cấp và các binh quân chủng học nắm vững nghệ thuật phức tạp về việc điều khiển các binh đoàn, các bộ đội và phân đội trong chiến đấu tấn công. Công sự và bố trí phòng ngự của địch được làm theo đúng như các ảnh trinh sát máy bay cho bộ đội tập. Ở thao trường của sư bộ binh 327 của đại tá N. A. Pôliacôp, là sư sẽ tấn công vào hướng rừng con Cruglaia, người ta đã dựng lên một thành lũy bằng băng đá đúng hệt như của địch.

Trên các thao trường, bộ đội ráo riết luyện tập cách đánh chiếm những công sự kiên cố của địch, vượt qua những khu sình lầy trống trải, những chướng ngại do địch dựng lên, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu tấn công trong điều kiện phức tạp của địa hình rừng rú – sình lầy.

Các đại đội và tiểu đoàn của tập đoàn quân 67, là những đơn vị có nhiệm vụ tấn công đầu tiên qua sông Nêva, đã luyện tập cách vượt qua mặt nước đóng băng, qua những chỗ nước còn chưa đóng băng hẳn, tập cách trèo lên dốc băng trơn của bờ sông dưới hỏa lực của địch, khiêng súng cối và đại bác lên bờ và xung phong chiếm công sự phòng ngự của địch trên bờ sông.

Vào đầu tháng giêng 1943, với tư cách là tư lệnh Mặt trận Vônkhôp, tôi đã đến Lêningrat lần thứ hai, trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch đột phá vòng vây mùa đông ấy, để gặp tư lệnh Mặt trận Lêningrat – L. A. Côvôrôp. Trong lần gặp đầu – đó là vào cuối tháng mười -, chúng tôi đã thỏa thuận với nhau về hướng tấn công chính, đã vạch ra tuyến hội quân của bộ đội hai Mặt trận, đã thảo luận về hướng chủ công của cá lực lượng đột kích sau khi hội quân và quy định thời hạn dự kiến để bắt đầu tấn công. Giờ đây, trong lần gặp này, chúng tôi thảo luận các chi tiết về việc hội quân và quyết định xem sẽ hiệp đồng với nhau như thế nào.

Những tin vui liên tiếp từ miền nam đưa tới. Ở đó, bên sông Vônga, Quân đội xô-viết ngày 19 tháng một 1943 đã chuyển sang phản công, giờ đang đang vây chặt hơn 33 vạn quân Đức và đang phát triển tấn công mãnh liệt trên suốt cả cánh phía nam của mặt trận Xô-Dức. Các chiến thắng vẻ vang của quân ta bên bờ sông Vônga, sông Đông và ở Bắc Côcazơ đã nâng cao thêm sĩ khí của các chiến sĩ Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vônkhôp.

Đảng bộ Lêningrat đã tổ chức những buổi công nhân ở các nhà máy và xí nghiệp gặp mặt các chiến sĩ sắp đi chiến dịch. Nhân dân kể cho bộ đội nghe về những khó khăn trong đời sống và trong công tác ở thành phố bị bao vây, về ý chí rắn rỏi và tinh thần dũng cảm của người dân Lêningrat.

Nhân dân lao động Lêningrat đã viết thư cho các chiến sĩ tập đoàn quân mũi nhọn 2 của Mặt trận Vônkhôp, thiết tha kêu gọi họ đột phá trận địa phòng ngự của địch ở quanh Lêningrat, phá vỡ vành đai bao vây của quân thù, giải phóng thành phố Lênin.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:27:30 am
 Các chiến sĩ đã viết trả lời nhân dân Lêningrat:

“Giờ phút chờ đợi lâu này đã tới. Chúng tôi đang đi đến với người đây, hỡi Lêningrat đau thương...

Chúng tôi sẽ tiến lên, và chỉ có tiến lên phía trước. Trong chúng tôi, sẽ không có ai hèn nhát và dao động. Chúng tôi sẽ noi gương đồng bào can trường và dũng cảm của Lêningrat yêu quý. Chúng tôi không có con đường nào khác. Hoặc là chết, hoặc là chiến thắng. Chúng tôi xin thề với Lêningrat: nhất định thắng!”

Và họ đã làm đúng như lời thề đó.

Ngày 12 tháng giêng năm 1943, hồi 9 giờ 30 phút, khi những ánh ban mai đầu tiên vừa mới xuyên qua tấm màn sương mù băng giá và ròi xuống bờ sông Nêva phủ đầy tuyết và xuống những đỉnh thông non trên vùng sình lần Xiniavin, thì pháo binh của hai Mặt trận Lêningrat và Vônkhôp và của hạm đội Bantich Cờ đỏ bắt đầu bắn pháo chuẩn bị. Các loạt pháo ầm ầm trộn lẫn vào nhau như sấm nổ rền không bao giờ tắt. Trong suốt hơn hai tiếng đồng hồ, hơn 4.500 khẩu pháo và súng cối đã ra sức làm công việc phá hoại của chúng. Các ụ súng, lô cốt và chiến hào của địch bị phá hủy, sinh lực và hỏa lực của chúng bị đè bẹp. Mật độ xạ kích tới 2-3 trái phá trên một mét vuông. Theo lời khai của tù binh, trận đòn pháo này của quân ta đã làm cho bọn phát-xít thất đởm kinh hồn. Đạn đã rơi rất trúng vào các hầm hào và các hỏa điểm.

Đến 11 giờ 45 phút, khi hỏa lực pháo binh đạt tới điểm mãnh liệt nhất, thì bộ đội xuất phát tấn công. Đánh qua sông Nêva là những sư đoàn ưu tú của tập đoàn quân 67 Mặt trận Lêningrat: sư bộ binh 368 của đại tá X. N. Boocsep, sư bộ binh 136 của tướng N. P. Ximônlăc và sư bộ binh 86 của Anh hùng Liên-xô – đại tá V. A. Trubachep. Từ bàn đạp ở khu Đubrôca Nepxcaia, sư bộ binh cận vệ 45 của tướng A. A. Craxnôp cũng xông lên tấn công.

Đi hàng đầu mỗi sư đoàn là những đội đột kích mũi nhọn và những đột phá chướng ngại và công sự địch. Họ đã vượt qua mặt nước đóng băng của sông Nêva trong 8-10 phút và lập tức mở đường qua bãi mìn và hàng rào dây thép gai của bộ binh và xe tăng tiến.

Khi đã hoàn hồn, bọn phát-xít tới tấp bắn xuống mặt sông bằng những hỏa khí chưa bị phá hủy. Nhưng không kịp nữa rồi. Lên tới bờ, các chiến sĩ xô-viết liền đánh bật địch ra khỏi các công sự phòng ngự. Quân địch điên cuồng chống cự, tiến hành những đợt xung phong. Trận đánh mỗi lúc một thêm quyết liệt. Tiếp theo bộ binh, xe tăng của ta cũng vượt sông Nêva và xông vào chiến đấu. Sau khi đã lên được bờ sông dốc đứng, các chiến xa của ta bắt đầu nghiền nát và bắn diệt các hỏa điểm và sinh lực của địch. Đại úy xe tăng Đ. P. Tuparep đã tả xung hữu đột như mãnh hổ giữa bầy dê. Xe tăng của đồng chí đã thọc sâu vào đội hình phòng ngự của địch, đã diệt 3 pháo chống tăng, 1 khẩu đội súng cối của địch, đã nghiền nát 4 hỏa điểm súng máy, 2 hầm cố thủ và bắn chết hơn 30 tên phát-xít.

Trong khi đó, liên tiếp nhiều phân đội khác vượt sông Nêva. Đó là thê đội hai của ác trung đoàn và sư đoàn bộ binh và bộ đội pháo chuyển trận địa hỏa lực. Trái phá của ta nổ ngày càng xa bờ sông Nêva. Sau khi đánh gục quân địch ở tiền duyên, các đơn vị của tập đoàn quân 67 tiến vào tung thâm phòng ngự của địch.

Trong ngày đầu của chiến dịch, các đơn vị của các sư bộ binh 368 và 136 đã đạt được nhiều kết quả hơn cả. Họ đã đột phá giải phòng ngự chính và thọc sâu vào tung thâm phòng ngự của địch từ 1,5 đến 2 cây số.

Các chiến sĩ xô-viết đã chiến đấu với một ý chí quyết thắng và một tinh thần ngoan cường chưa từng thấy. Họ đã dùng tiểu liên lia chết quân địch hàng loạt, dùng lựu đạn diệt hầm cố thủ và dùng lưỡi lê đánh giáp lá cà với địch. Ngay trong ngày đầu chiến dịch, trong khắp toàn quân, đã truyền tin về chiến công bất tử của chiến sĩ thông tin sư bộ binh 136 – Đmitri Môlôtsôp, đã lập chiến công theo gương Matrôxôp. Để cứu đồng đội của mình khỏi bị hỏa lực ác liệt của một khẩu súng máy địch, đồng chí đã lấy thân mình bịt lỗ châu mai. Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên-xô đã truy tặng binh nhất Đmitri Mônlôtsôp danh hiệu Anh hùng Liên-xô.

Cũng trong những ngày đó, mọi người đã được tin về chiến công của thượng úy phi công Ivan Pantêlêep và báo vụ viên kiêm xạ thủ, thượng sĩ Piôt Xôlôgubôp. Khi máy bay của họ bị trúng đạn, lẽ ra họ có thể nhảy dù hoặc cho máy bay đỗ xuống một nơi trong vùng địch. Song họ đã không làm như vậy, mà đã cho chiếc máy bay đang bốc cháy đâm thẳng vào một đoàn ô tô của quân Đức.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:30:01 am
Đến cuối ngày đầu chiến dịch, bộ đội của tập đoàn quân 67 đã giành được của địch một bàn đạp rộng 6 cây số và sâu 3 cây số.

Còn về phía khác của mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin, cuộc chiến đấu cũng diễn ra gay go trong khu vực tấn công của bộ đội thuộc tập đoàn quân mũi nhọn 2 Mặt trận Vônkhôp. Họ đã ngoan cường đánh chiếm các trận địa của địch, ra sức tiến lên để gặp các đơn vị của bạn từ Lêningrat đánh tới, mở đường đi đến thành phố Lênin.

Trong đội ngũ các đơn vị tấn công của tập đoàn quân mũi nhọn 2, có 5 anh em nhà Sumôp: Alecxađrơ, Vaxili, Luca, Ivan và Apxenti. Người ta có thể thấy họ với khẩu cối 120 li ở những nơi nguy hiểm nhất. Không biết mệt là gì, không tiếc tính mệnh của mình, các chàng dũng sĩ quê ở Xibêri ấy đã xông xáo trút lửa căm thù vào đầu quân phát-xít. Hàng trăm tên xâm lược bị giết, hàng chục súng cối và súng máy của giặc bị diệt là kết quả chiến đấu của mỗi người trong số anh em đó. Cả 5 anh em đã được thưởng huân chương cùng một lúc: Alecxanđrơ – huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng II, còn 4 người khác – huân chương Sao đỏ.

Địch điên cuồng chống lại. Pháo của chúng đặt trên cao điểm Xiniavin lên tiếng. Không quân địch xuất trận. Song chẳng có gì kìm được sức tấn công mãnh liệt của quân ta. Đến cuối ngày đầu chiến dịch thì trên suốt khu vực ta tấn công, tiền duyên phòng ngự của địch đều bị chiếm.

Sư đoàn bộ binh 327 của đại tá N. A. Pôliacôp đã đạt được nhiều kết quả hơn cả. Họ đã tấn công quyết liệt vào quân địch ở cánh rừng nhỏ Cruglaia và đã tiến được ra cửa rừng phía tây. Đám địch phòng ngự cánh rừng nhỏ này đã bị tiêu diệt. Về đám quân địch phòng giữ cánh rừng nhỏ Cruglaia này, thì ngay trong chiến địch Xiniavin hồi tháng chín 1942 tuyên truyền phát-xít đã làm rùm beng rất lâu và rất nhiều. Chúng đã quảng cáo không hết lời về sự gan dạ của binh lính nước Đức phát-xít. Ảnh của tên Vengle, chỉ huy đám quân ở đây, đã không ngớt xuất hiện trên các trang báo và tạp chí Đức. Vì có công phòng giữ cánh rừng nhỏ này, hắn đã được ban cho Thập tự sắt bội tinh.

Vậy mà trung tâm đề kháng quan trọng bậc nhất này, che chở cửa ngõ dẫn vào Xiniavin, nay đã bị các chiến sĩ sư đoàn bộ binh 327 lấy mất. Không những thế, ta còn thu được 25 đại bác, gần 100 súng máy và bắt được nhiều tủ binh. Địch đã bỏ lại trên chiến trường hơn 1 nghìn xác binh lính và sĩ quan.

Tư lệnh tập đoàn quân, trung tướng Rômanôpxki đã tuyên dương công trạng toàn thể quân nhân trong sư đoàn. Và mấy ngày sau thì sư đoàn này đã được tặng danh hiệu Sư đoàn cận vệ 64.

Khi đã bớt choáng váng vì đòn đầu tiên bất ngờ của bộ đội Liên-xô, bộ tư lệnh phát-xít bèn đem hết cố gắng ra để ngăn việc hội quân của bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat. Đưa thêm từ các khu vực khác trên mặt trận, đến vùng Xiniavin, chúng đã tung các đơn vị đó ra chống lại tập đoàn quân 67 và tập đoàn quân mũi nhọn 2 đang tiến công. Những trận đánh tao ngộ dữ dội nổ ra. Đặc biệt là quân địch cố sống cố chết giành lại cánh rừng nhỏ Cruglaia. Trong cuộc chiến đấu để giữ vững tuyến này, tiểu đoàn pháo chống tăng của đại úy Rôđiônôp đã chiến đấu rất dũng cảm. sau khi chiếm lĩnh trận địa hỏa lực ở cửa ừng nhỏ, trước một bãi rừng thưa, tiểu đoàn đã dùng hỏa lực chính xác nhiều lần bắt tăng địch phải quay đầu tháo chạy. Và khi bộ binh địch đi vòng định đánh vào sườn của tiểu đoàn thì các pháo thủ đã quay một phần pháo lại, đánh vào bộ binh địch.

Cuộc chiến đấu rất gay go, ác liệt đó đã kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Tất cả khu đất trước trận địa hỏa lực của tiểu đoàn phủ đầy xác địch. Ở trên địa hình trắng xóa tuyết, đã có đến gần một chục tăng địch bị bắn hỏng đứng đen xì bốc khói. Song, quân Đức lại chấn chỉnh đội ngũ và cứ thế hết đợt này đến đợt khác bò lên, định đè bẹp sự chống trả ngoan cường của một nhóm dũng sĩ bằng bất cứ giá nào. Lần lượt các khẩu pháo ngừng bặt, các pháo thủ ngã xuống dưới làn đạn của quân thù, song tiểu đoàn vẫn giữ vững vị trí, không gì lay chuyển nổi. Rồi đến khi họ chỉ còn 3 khẩu pháo chưa bị hỏng và mấy chiến sĩ với đại úy Rôđiiônôp đứng đầu. Rồi cả họ cũng không còn nữa. Khẩu pháo cuối cùng đã im bặt và đại úy Rôđiônôp đã ngã xuống trên giá pháo, bị trúng đạn quân thù.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:32:18 am
Tuy vậy, địch vẫn không qua được tuyến này. Bộ binh đến chi viện đã kịp chặn chúng lại. Không những thế, các chiến sĩ xô-viết còn bền bỉ tiến lên với một ý chí thép. Vượt qua các lớp tuyết dày và đập tan sức đề kháng của địch, họ đã từng bước tiến gần lại Xóm công nhân số 5 – nơi hội quân của các đơn vị Lêningrat và các đơn vị Vônkhôp.

Đến tối ngày 14 tháng giêng, sư bộ binh 18 của tướng M. N. Ôpchinicôp thuộc tập đoàn quân mũi nhọn 2 (Mặt trận Vônkhôp) và sư 136 của tướng Ximôniăc thuộc tập đoan quân 67 (Mặt trận Lêningrat) chỉ còn cách nhau khoảng 2 cây số. Bộ phận quân địch phòng ngự ở khu Lipca – Slitxenbuôc và trong các cánh rừng nam hồ Lađôga thế là có nguy cơ bị bao vây.

Nhằm cứu đám quân đó và ngăn việc hội quân của các đơn vị Vônkhôp với bộ đội Lêningrat, bộ tư lệnh phát-xít đã điều tới khu vực Xóm công nhân số 5, Xiniavin lực lượng chính của hai sư bộ binh và một sư khinh binh đánh núi, cùng một số đon vị của các sư đoàn khác nữa. Đồng thời địch tiếp tục tăng cường lực lượng ở sườn nam đột phá khẩu. Song những cố gắng của chúng đều vô hiệu. Bộ đội Vônkhôp và đơn vị Lêningrat vừa tiêu diệt vừa đánh lui quân địch, mỗi lúc lại tiến gần nhau. Đến tối ngày 16 tháng giêng, ở khu Xóm công nhân số 5, họ chỉ còn cách nhau có mấy trăm thước, nhưng đây là chỗ rất kiên cố và dày dặc binh lực và hỏa lực của địch.

Tảng sáng ngày 17 tháng giêng, các binh đoàn cánh trái của tập đoàn quân 67 tổng công kích vào Slitxenbuôc: sư bộ binh 86 của Anh hùng Liên-xô, đại tá V. A. Trubachep đánh vào thành phố từ phía nam, lữ đoàn trượt tuyết độc lập 34 của đại tá A. F. Pôtêkhin quặp lấy thành phố từ phía đông, cắt đường rút lui của quân địch. Từ phía hồ Lađôga, các thê đội của lữ đoàn thủy binh đánh bộ của đại tá Buôcmixtrôp tiến qua mặt băng đánh vào.

Địch phòng thủ Slitxenbuôc rất mạnh. Song chúng vẫn không chặn nổi sức tấn công vũ bão của quân ta. Đến chiều hôm đó, sau những trận đánh dữ dội trong các phố thì quân ta lấy được thành phố đó.

Sư bộ binh 128 của tập đoàn quân mũi nhọn 2 cũng tấn công có hiệu quả. Sau 5 ngày tác chiến, họ đã đè bẹp sức đề kháng của địch ở Lipca, một cứ điểm rất kiên cố.

Tại tuyến Xóm công nhân số 1 và số 5, lực lượng đột kích của hai mặt trận đã tiến sát tới ngoại vi của các cứ điểm đó và đã chuẩn bị giáng đòn quyết định.

Đó là sang ngày 18 tháng giêng 1943. Vừng đông chỉ vừa mới hé lên, pháo binh địch đã nổ liên hồi, tiếp đến là các thê đội địch xuất hiện. Hòng phá cuộc tấn công của ta, quân Đức đã chủ động đánh trước. Chúng mưu toan mở rộng cái hành lang mà chúng còn giữ được để giúp cho đám quân chúng bị chia cắt trong các cánh rừng ở nam hồ Lađôga thoát vây.

Gặp phải hỏa lực mạnh của quân ta, giặc đã phải để lại trên chiến trường hàng trăm xác và lùi lại vị trí ban đầu. Khi đó, bộ đội thuộc tập đoàn quân mũi nhọn 2 và tập đoàn quân 67 liền nhất tề xông lên tấn công. Đã sắp đến lúc gặp nhau nên họ càng đánh địch mãnh liệt.

Bộ tư lệnh phát-xít đã ném vào cuộc chiến đấu thêm nhiều lực lượng mới. Trong đêm vừa qua, chúng đã điều đến khu Xóm công nhân số 5 những phân đội của sư đoàn Xanh Tây-ban-nha, của sư bộ binh 215 và một số đơn vị khác. Ngay từ đầu, cuộc chiến đấu đã có tính chất ác liệt đặc biệt. Với sự ngoan cố của những kẻ đã đến bước đường cùng, quân giặc cố thủ từng thước đất bị trái phá và đạn cối cày sới, song chúng vẫn không sao cản được sức tiến vũ bão của quân ta.

Đến 9 giờ 30 phút ngày 18 tháng giêng năm 1943 thì hai mũi của Mặt trận Lêningrat và của Mặt trận Vônkhôp đã gặp nhau – một cuộc hội quân không bao giờ quên được! Tại ngoại vi Xóm công nhân số 1, các chiến sĩ lữ đoàn bộ binh 123 Mặt trận Lêningrat đã gặp các chiến sĩ trung đoàn 1.240 sư bộ binh 372 Mặt trận Vônkhôp và ôm chầm lấy nhau. Và hồi 11 giờ 45 phút, sau khi đánh tan đợt phản kích của địch, ở bắc và nam Xóm công nhân số 5, các chiến sĩ sư bộ binh 136 của tập đoàn quân 67 đã gặp các chiến sĩ sư bộ binh 18 của tập đoàn quân mũi nhọn 2. Đến cuối ngày hôm đó thì các binh đoàn và bộ đội khác của tập đoàn quân 67 Mặt trận Lêningrat và của tập đoàn quân mũi nhọn 2 Mặt trận Vônkhôp cũng hội quân với nhau.

Kết quả là suốt cả bờ nam hồ Lađôga không còn một bóng tên địch. Cái hành lang khai thông được đó tuy còn chưa rộng mấy – tất cả khoảng 8-11 cây số -, nhưng đó là con đường bộ nối Lêningrat với đất nước.

Chiến thắng bao giờ cũng nâng cao sĩ khí. Song một sự hồ hởi như trong dịp ấy thì có lẽ cả trước khi phá được vòng vây lẫn những năm về sau này, cũng không bao giờ thấy có. Người ta chúc mừng nhau, ôm chầm lấy nhau, hôn nhau. Mặc các cán bộ và chiến sĩ đều rạng rỡ một niềm hân hoan, cảm động đặc biệt. Và quả thật là đáng phấn khởi biết bao! Điều mà nhân dân xô-viết bấy lâu hằng nghĩ tới, điều mà bộ đội Lêningrat và đơn vị Vônkhôp trong suốt 16 tháng chiến tranh mong đạt tới, thì bây giờ đã được thực hiện: vòng vây Lêningrat đã bị phá vỡ!

Nhân dân Lêningrat đã vô cùng phấn khởi, khi nhận được tin thắng trận ấy. Tin phá vỡ vòng vây vừa truyền tới thành phố anh hùng là người ta thức dậy đổ xô ra ngoài phố. Nhiều cuộc mít-tinh đông đảo tự phát nổ ra. Cờ mọc khắp nơi trong thành phố.

Sáng 19 tháng giêng, đài phát thanh truyền đi thông cáo của Nha thông tin Liên-xô trong đó có nói rằng:

“Sau khi chọc thủng dải phòng ngự được củng cố lâu ngày của địch sâu tới 14 cây số và vượt qua sông Nêva, quân ta sau bảy ngày chiến đấu quyết liệt đã đập tan sức đề kháng cực kỳ ngoan cố của địch và đã chiếm thành phố Slitxenbuôc, những cứ điểm phòng ngự quan trọng: Marinô, Môtxcôpxcaia Đubrôpca, Lipca, các Xóm công nhân số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, ga Xiniavin và ga Pôtgoocnaia.

Như vậy là sau bảy ngày chiến đấu, bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat ngày 18 tháng giêng đã nối lại với nhau và thế là đã phá vỡ vòng vây Lêningrat”.

Trong chiến dịch này, bọn phát-xít đã bị thiệt hại nặng: hơn 13 nghìn binh lính và sĩ quan bị giết, hơn 500 đại bác và súng cối bị tiêu hủy, 100 máy bay bị bắn rơi và rất nhiều vũ khí, khí tài phải bỏ lại trên chiến trường.

Đó là một thắng lợi rất quan trọng của quân ta. Từ nay, Lêningrat không còn bị nạn đói đe doạ nữa. Hơn hai tuần sau, đường sắt đã được đặt trên dải đất quân ta đã giành lại được và những chuyến tàu chở lương thực, đạn dược và nhiên liệu đã nối đuôi nhau chạy tới Lêningrat. Khẩu phần bánh mì được tăng lên, công nghiệp cũng cho ta nhiều sản phẩm hơn. Thành phố bắt đầu cuộc sống mới.

Vòng vây Lêningrat bị phá vỡ có nghĩa là những tính toán của quan thù hòng bóp chết Lêningrat trong gọng kìm vây hãm đã bị phá sản hoàn toàn, có nghĩa là quân phát-xít đã thất bại về mặt quân sự và về mặt tinh thần.

Việc chọc thủng vòng vây đó là một bước ngoặt trong cuộc chiến đấu để bảo vệ Lêningrat. Sau khi bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat hội quân được với nhau, thì đã có những điều kiện thực tế để hiệp đồng chặt chẽ hơn nữa giữa hai mặt trận để cùng nhau công phá kẻ thù nhằm hoàn toàn tiêu diệt chúng ở quanh Lêningrat và giải phóng miền Tây-bắc Liên-xô khỏi bọn xâm lược.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:33:57 am
Ở CAO ĐIỂM XINIAVIN

Ngay sau khi hội quân với nhau, tập đoàn quân 67 và tập đoàn quân mũi nhọn 2 quay xuống phía nam nhằm mở rộng địa bàn đã đột phá được. song địch đã điều tới khu Xiniavin thêm nhiều lực lượng mới và một số lớn pháo, chủ yếu là trọng pháo, đã đánh lui mọi đợt công kích của ta. Các đơn vị của tập đoàn quân 67 và tập đoàn quân mũi nhọn 2 buộc phải chuyển sang phòng ngự những tuyến đã chiếm được. Họ đã củng cố địa bàn đã đột phá được, tạo ra trên địa bàn mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin một số tuyến phòng ngự quay mặt về phía nam. Tuy vậy, nguy cơ địch có thể chiếm lại địa bàn ta đã giành được và như vậy là lại khép chặt vòng vây vẫn chưa hết. Quân Đức vẫn còn giữ được các cao điểm Xiniavin, là một tuyến rất có lợi không chỉ để phòng ngự mà còn để tấn công.

Nên cần phải đánh bật quân địch ra khỏi các cáo điểm Xiniavin và mở rộng địa bàn đột phá được ít nhất là tới đường sắt Lêningrat – Matxcơva. Hầu suốt năm 1943 đã diễn ra cuộc đấu tranh để mở rộng địa bàn đột phá đó.

Địch đã không muốn, và nếu tính đến cả sự rất cần đối với chúng phải giữ thể diện, thì chúng đã không thể cam chịu nhìn thấy kế hoạch của chúng bị phá sản. Bọn phát-xít đã rêu rao quá lâu rồi về sự diệt vong tất yếu của thành phố nằm trong gọng kìm vây hãm của chúng, về sự bất khả xâm phạm của trận địa kiên cố của chúng ở quanh Lêningrat, nên không dễ gì từ bỏ ý kiến đó. Khi vành đai bao vây bị chọc thủng, chúng đã tự an ủi bằng một hy vọng mơ hồ rằng sẽ chẳng có một chuyến tàu hỏa nào chạy lọt qua được cái hành lang bị chọc thủng đó, rằng tất cả sẽ không thoát khỏi hỏa lực pháo binh của chúng tiêu diệt. Đến khi hy vọng đó cũng bị sụp đổ nốt, bộ tư lệnh giặc liền vội vã củng cố các cao điểm Xiniavin, điều thêm sinh lực tới và chuẩn bị tấn công, hòng lại nống ra hồ Lađôga và hàn lại chỗ thủng trong vành đai bao vây.

Về phía mình, bộ tư lệnh xô-viết không thể nào chịu được cảnh các đoàn tàu chạy tới Lêningrat bị địch bắn phá và hành lang đã mở ra được luôn luôn bị giặc uy hiếp xâm phạm tới. Nên ngay sau khi phá được vòng vây, một nhiệm vụ đã được đặt ra trước bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat là: chiếm lấy các cao điểm Xiniavin và tiêu diệt cụm quân địch ở Mơga – Xiniavin. Quân ta đã cố gắng giải quyết nhiệm vụ này ngay từ hồi tháng hai và tháng ba 1943, nhưng đã không tạo ra được ưu thế binh hỏa lực cần thiết nên đã không giành được thắng lợi quyết định.

Từ tháng tư, trên các Mặt trận Lêningrat và Vônkhôp tương đối yên tĩnh. Bộ đội chuyển sang phòng ngự, bận với những công việc thường ngày: hoàn thiện hệ thống công sự, đi trinh sát, bắn tỉa binh lính và sĩ quan địch, nâng cao bảnh lĩnh chiến đấu.

Từ hạ tuần tháng tám, quân Đức tăng cường hoạt động rõ rệt.

Tù và hàng binh cho ta hay bộ tư lệnh phát-xít đang chuẩn bị tấn công về phía hồ Lađôga nhằm khôi phục vòng vây Lêningrat.

Tính đến tháng sáu, trong khi Xiniavin, địch có 3 sư bộ binh ở thê độ một và khoảng 5-6 sư làm đội dự bị. Con tất cả quanh Lêningrat, địch đã tập trung 19 sư đoàn và một số lớn pháo.

Thế là Lêningrat lại bị nguy cơ bao vây trực tiếp đe dọa, mà ta cần phải trừ bỏ bằng mọi cách cho kỳ được.

Theo đề nghị của hai Hội đồng quân sự Mặt trận Lêningrat và Vônkhôp, Bộ tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch nhằm tiêu diệt hoàn toàn cụm quân địch ở Xiniavin. Giao cho hai Mặt trận Lêningrat và Vônkhôp tiến hành chiến dịch này, Bộ Tổng tư lệnh đồng thời còn nhằm mục đích sao cho giam chân được nhiều sinh lực địch ở hướng Tây-bắc này, không cho chúng đưa quân đi tiếp viện cho hướng trung bộ. Bởi vậy, mục đích chính của chiến dịch không phải là chiếm lấy đất đai, mà là tiêu diệt đám quân địch đã chuẩn bị tấn công và tạo điều kiện để hoàn toàn diệt hết chúng sau này.

Bên Mặt trận Vônkhôp, ở khu vực định mở màn chiến dịch, có tập đoàn quân 8 của tướng F. N. Xtaricôp đang đóng. Tập đoàn quân này liền được sử dụng để tiến hành chiến dịch. Còn bên Mặt trận Lêningrat thì sử dụng tập đoàn quân 67. Sớm ngày 22 tháng bảy 1943, cuộc chiến đấu dữ dội trên các cao điểm Xiniavin bắt đầu.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:36:53 am
Trong vòng một tháng, đất rung lên dưới những loạt pháo và bão lửa quật tới bời vào trận địa phòng ngự của địch. Quân Đức bị thiệt hại rất nặng về người và vũ khí. Song, có sẵn lực lượng dự bị trong tay, chúng đã nhanh chóng bổ sung được những sự mất mát. Pháo binh ta phá hủy trận địa phòng ngự và sát thương sinh lực địch, song bộ tư lệnh phát-xít đã tung ra những lực lượng mới và làm cho tương quan lực lượng trở lại như cũ. Trong quá trình chiến dịch, địch đã đưa các đơn vị của 11 sư đoàn ra trận. Cuộc sát thương sinh lực địch và tiêu hủy các phương tiện chiến tranh của chúng đã diễn ra như vậy. Nhờ có ưu thế về pháo binh, bộ tư lệnh xô-viết đã giải quyết thắng lợi nhiệm vụ đó.

Từ 29 tháng bảy, không quân tầm xa dưới quyền chỉ huy của thượng tướng không quân A. E. Gôlôvanôp đã xuất trận. Trong thời gian chiến dịch, các phi công ta đã bay hơn 1.500 lượt-chiếc và ném vào quân địch hơn 1.700 tấn bom các loại.

Để chặn cuộc tấn công của ta, địch đã tung ra tất cả các lực lượng dự bị mà chúng có ở hướng này. Và khi thấy vẫn còn chưa đủ, chúng đã đi tới những biện pháp cực đoan: rút hai sư bộ binh ở sát Lêningrat đi và ném chúngvào trận đánh ở khu này. Chỉ nhờ đã liều lĩnh như vậy mà địch đã bịt được lỗ hổng ở tiền duyên trong khu Pôrêchi.

Cường độ tấn công của quân ta giảm dần. Cảm thấy bộ đội đã mệt và không còn đủ đạn cho pháo. Ngày 22 tháng tám, các đơn vị của tập đoàn quân 67 và tập đoàn quân 8 chuyển sang phòng ngự.

Khi đó, bộ tư lệnh Mặt trận Lêningrat và bộ tư lệnh Mặt trận Vônkhôp có đầy đủ lý do để đình chỉ hoạt động tấn công: bộ đội mỏi mệt, đạn pháo thiếu, thương vong nhiều, thiếu lực lượng dự bị. Song, tôi phải thú nhận rằng, một tháng sau, chúng tôi đã lấy làm tiếc là đã quyết định như thế. Tù binh bắt được sau khi chiến dịch kết thúc cho hay rằng quân Đức đã bị thiệt hại rất nặng nề, đã bị tiêu hao và kiệt quệ vì các trận phi pháo của ta, cơ hồ không đứng vững nổi nữa. “Chỉ cần quân Nga thúc mạnh thêm một cái nữa, - bọn tù binh khai, - thì chúng tôi đã quỵ hẳn rồi và mặt trận đông Mơga đã vỡ mất”.

Một cái thúc làm vỡ mặt trận địch như thế đã được chuẩn bị, nhưng ở một nơi khác, ngay sát Lêningrat và Nôpgôrôt. Về việc này sẽ nói tới ở chương rau. Còn bây giờ, ta hãy xem chiến dịch Mơga đã đem lại những gì.

Kết quả chủ yếu của chiến dịch này là đã phá tan kế hoạch của địch mưu phục hồi vành đai bao vây Lêningrat. Đó là kế hoạch cuối cùng của chúng trong âm mưu này. Sau khi bị đập nát trong chiến dịch Mơga, quân Đức không còn nghĩ tới chuyện phục hồi vành đai bao vây nữa, chứ đứng nói tới chuyện công phá thành Lêningrat.

Một kết quả không kém phần quan trọng của các trận trong tháng tám đó là đã làm suy yếu quân địch ở quanh Lêningrat đi nhiều. Hơn 10 sư bộ binh, nhiều tiểu đoàn và trung đoàn pháo cùng nhiều đơn vị khác nữa của địch tham gia các trận đó đã bị đánh cho thiệt hại nặng, không thể phục hồi được nữa, về thực chất, là bị tiêu diệt hẳn. Thế mà đó lại là lúc quân phát-xít đang thua to ở miền nam và đang rất cần đến quân tiếp viện. Bằng hoạt động tích cực của mình trong mùa hè 1943, bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat đã giam chân 68 sư đoàn và 6 lữ đoàn địch.

Để kiếm ra quân cơ động, bộ tư lệnh Đức đã phải chọn một trong những nước cờ dỡ bí hơn cả. Chúng đã quyết định từ bỏ kế hoạch tấn công ở phương bắc để đưa lực lượng dự bị xuống phương nam. Song trong khi đó thì ở phương bắc, lực lượng dự bị đã bị nướng sạch mất rồi: chúng đã bị các bộ đội của Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat tiêu diệt trong chiến dịch Mơga. Bọn Đức đành phải thi hành một phương sách bất đắc dĩ: rút ngắn một phần tuyến mặt trận lại. Chúng đã quyết định hy sinh cái bàn đạp Kirisi ở hữu ngạn sông Vônkhôp mà chúng đã điên cuồng có sống cố chết giữ gịt trong hai năm nay, và rút quân của chúng ở đó đi.

Trong năm ngày (từ 3 đến 8 tháng chín), sử dụng chướng ngại vật và dùng một lực lượng hậu vệ mạnh yểm hộ, quân Đức vừa chống đỡ vừa rút khỏi bàn đạp Kirisi.

Việc quân địch phải rút bỏ căn cứ này là kết quả của cả quá trình diễn biến trên mặt trận Xô-Đức năm 1943. Song, chắc chắn nguyên nhân trực tiếp đã buộc địch phải hành động như vậy là chiến dịch Mơga đã nghiền nát những lực lượng dự bị cuối cùng của địch và đã tạo ra những điều kiện để hoàn toàn tiêu diệt quân địch trên hướng Tây-bắc.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:43:11 am
ĐÒN QUYẾT ĐỊNH

Những thắng lợi tuyệt vời mà Quân đội xô-viết đã giành được trong năm 1943 ở bên sông Vônga và ở gần Lêningrat, ở Bắc Côcazơ và ở Cuôc, ở bên sông Đơnep và ở gần Xmôlenxcơ, đã làm cho gần hai phần ba đất đai Liên-xô tạm thời bị bọn xâm lược chiếm đóng được hoàn toàn giải phóng. Hàng chục triệu nhân dân xô-viết thoát ách nô lệ phát-xít.

Cùng với các chiến sĩ ngoài mặt trận, những người lao động ở hậu phương khắc phục khó khăn và gian khổ của thời chiến cũng đã rèn đúc nên chiến thắng đó. Được Đảng cộng sản cổ vũ, họ đã hoàn thành việc chuyển kinh tế thời bình sang thời chiến. Tiền tuyến không còn bị thiếu thốn vũ khí và đạn dược nữa. Ưu thế của nước Đức phát-xít về mặt số lượng xe tăng, máy bay, súng cối đã hoàn toàn bị thủ tiêu. Sang năm 1944, Quân đội xô-viết đã hơn quân phát-xít về quân số, về vũ khí và trang bị. Bắt đầu giai đoạn quét sạch quân thù ra khỏi đất đai xô-viết. Giờ đây đã có đủ điều kiện cần thiết để hoàn toàn đánh tan nước Đức phát-xít.

Bắt tay vào việc thực hiện nhiệm vụ lịch sử đó, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định trong những tháng đầu năm 1944 đánh một loạt đòn quyết liệt vào những cánh quân địch ở hai bên sườn bắc và nam. Việc tiêu diệt nhưng cánh quân địch này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ con đường tiến sang nước Đức.

Đòn đầu tiên trong số mười đòn lớn nhất mà quân phát-xít đã bị nện trong năm 1944 trên Mặt trận Xô-Đức, là ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt. Ta đã chủ trương đánh đòn này không chỉ vì lý do chiến lược, mà còn vị sự cần thiết phải làm cho nhân dân Lêningrat mau thoát khỏi những trận pháo kích dã man của địch. Nhiệm vụ này được đề ra cho các lực lượng sau đây cùng nhau thực hiện: bộ đội ba Mặt trận – Lêningrat, Vônkhôp và bờ biển Bantich 2, - hạm đội Bantich Cờ đỏ, không quân tầm xa và các chi đội du kích hoạt động trong các rừng ở nam Lêningrat và tây Nôpgôrôt. Bộ đội của Mặt trận Lêningrat và Vônkhôp giữ vai trò chủ công. Họ có nhiệm vụ đập tan hai cánh sườn của địch ở tây-nam Lêningrat và ở vùng Nôpgôrôt, rồi sau đó cùng đánh về hướng Luga, bao vây và tiêu diệt quân địch phòng ngự ở đây.

Mặt trận bờ biển Bantich 2 có nhiệm vụ kìm giữ chủ lực của tập đoàn quân Đức 16, không cho chúng chi viện cho đám quân địch ở quanh Lêningrat.

Cuộc tấn công dự định sẽ bắt đầu vào giữa tháng giêng, vào lúc quân ta theo kế hoạch của Bộ tổng tư lệnh mở rộng cuộc tấn công ở trung bộ mặt trận Xô-Đức và ở Ucren Hữu ngạn.

Ý đồ của chiến dịch nhằm tiêu diệt quân phát-xít Đức ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt rất là giản đơn nhưng đồng thời cũng khác thường. Mặt trận Lêningrat phải đánh hai đòn vào quân địch: một từ bàn đạp Oranienbaum, bằng lực lượng của tập đoàn quân mũi nhọn 2; một từ khu vực Puncôvô, bằng lực lượng của tập đoàn quân 42; cả hai mũi này đều tiến về Rôpsa. Tập đoàn quân 67 đang phòng ngự ở bắc Mơga có nhiệm vụ: tích cực hoạt động để giam chân đánh quân địch phòng ngự ở đây lại, sau đó phối hợp với tập đoàn quân 8 của Mặt trận Vônkhôp bao vây và tiêu diệt cụm quân địch ở Mơga đó. Mặt trận Vônkhôp phải đánh một đòn chính bằng lực lượng của tập đoàn quân 59 vu hồi Nôpgôrôt từ phía bắc, và một đòn bổ trợ - vượt qua hồ Inmen, trên mặt băng, vu hồi Nôpgôrôt từ phía nam. Còn hai tập đoàn quân khác thuộc mặt trận này (TĐQ 8 và TĐQ 54), hợp thành cánh phải của mặt trận, thì có nhiệm vụ tích cực hoạt động để giam chân địch phòng ngự ở khu vực của mình, không để cho chúng đưa quân đi tiếp viện được cho hướng Lêningrat và Nôpgôrôt.

Sau trận đại bại của quân Đức ở Cuôc, quyền chủ động chiến lược đã hoàn toàn chuyển sang tay Quân đội xô-viết. Cái thời những thắng lợi “chớp nhoáng” đối với quân phát-xít đã qua hẳn. Quân giặc không còn cách nào khác là phải quay ra phòng ngự. Trong tình hình đó, nhiệm vụ đặt ra cho phương diện quân “Bắc” là phải giữ cho bằng được các vị trí của chúng, những vị trí này là nền tảng của toàn bộ cánh trái của Mặt trận phía Đông của quân đội Đức quốc xã. Chuyển sang phòng ngự ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt, bộ tư lệnh phát-xít hy vọng che chở được các cửa ngõ dẫn tới miền bờ biển Bantich, giữ được liên lạc với quân Phần-lan và bảo đảm cho hạm đội Đức ở Bantich có thể tự do hoạt động.

Giao cho phương diện quân “Bắc”, và đặc biệt là cho tập đoàn quân 18, nhiệm vụ như vậy, bộ tư lệnh Đức trông mong vào sự kiên cố của trận địa phòng ngự của chúng, một trận địa được xây dựng, củng cố và hoàn thiện trong hơn hai năm rồi, nhất là từ sau trận quân ta chọc thủng vòng vây Lêningrat.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:44:26 am
Ở các cửa ngõ gần của Lêningrat, địch đã cấu trúc hai dải phòng ngự, cách nhau từ 8 đến 12 cây số và chiều sâu từ 6 đến 8 cây số mỗi dải. Địch đã biến Urixcơ, Làng Craxnôê, Rôpsa, Puskin, Gatchina (Craxnôgvađâyxcơ), Uxti-Tôxnô, Mơga và nhiều địa điểm dân cư khác thành những đầu mối đề kháng mạnh. Những cứ điểm đó tua tủa những súng lớn súng nhỏ, chi chút ụ súng và chướng ngại chống tăng và chống bộ binh, làm thành một vành đai dày đặc bao quanh lấy Lêningrat.

Ở hướng Nôpgôrôt, hàng phòng ngự của địch sâu tới 40-60 cây số và gồm 3 dải phòng ngự với rất nhiều công sự và công trình chướng ngại. Trung tâm của tuyến phòng ngự này là Nôpgôrôt mà địch đã biến thành một khu phòng ngự rất kiên cố. Bộ tư lệnh địch đã đặt rất nhiều hy vọng vào các trận địa phòng ngự ở Nôpgôrôt, mà mặt chính diện được che chở bởi con sông Vônkhôp rộng và sâu, cửa sông này ngay cả mùa đông cũng không bị đóng băng.

Toàn bộ tung thâm phòng ngự của địch ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt sâu tới 250 cây số. Các tuyến và các dải phòng ngự kiên cố ở đây do 20 sư bộ binh và môtơ hóa, cùng mấy lữ độc lập và một số lớn đơn vị tăng cường, chiếm giữ. Quân Đức ở đây có hơn 4.500 đại bác và súng cối (không kể pháo phòng không và súng hỏa tiễn) và một số lớn máy bay.

Che chở cho hướng Lêningrat bằng những trận địa phòng ngự kiên cố như vậy, mà bọn phát-xít gọi là “thành lũy phương Bắc”, và rất ỷ vào sự kiên cố không thể công phá được của các trận địa đó, bộ tư lệnh phát-xít hy vọng có thể đứng vững được ở quanh Lêningrat.

Ngay sau khi chọc thủng vòng vây Lêningrat, bộ đội Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vônkhôp đã bắt đầu chuẩn bị việc đập nát quân địch ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt. Bằng con đường sắt mà ta đã mở ra được dọc theo bờ nam hồ Lađôga, các đoàn tàu liên tiếp chở đến Lêningrat quân bổ sung, phương tiện chiến đấu, đạn dược và lương thực. Còn ở những khu hậu phương của hai mặt trận đó, như một năm về trước, trong thời kỳ chuẩn bị chiến dịch phá vỡ vòng vây của địch ở Lêningrat, quân ta lại cấu trúc các thao trường và ra sức luyện tập nghệ thuật chiến đấu tấn công.

Trong khi chuẩn bị cho chiến dịch tới, bộ tư lệnh mặt trận đã rất chú trọng công tác giáo dục tư tưởng cho bộ đội. Trong các buổi huấn luyện và học tập, bộ đội của hai Mặt trận Lêningrat và Vônkhôp được giải thích nhiệm vụ đặc biệt là phải trừ bỏ hẳn nỗi uy hiếp đối với thành phố Lênin và làm tăng thêm vinh quang đã giành được trong phòng ngự bằng những thắng lợi mới trong cuộc tấn công sắp tới.

Tất cả mọi quân hân, từ tướng đến binh sĩ, đều chung một ý nghĩ, một khát vọng: chiến thắng quân thù.

Tới giữa tháng giêng 1944 thì mọi việc chuẩn bị cho chiến dịch tấn công đã xong.

Ở bàn đạp Oranienbaum, tập đoàn quân mũi nhọn 2, dưới quyền chỉ huy của tướng I. I. Fêđuninxki, sẵn sàng chờ lệnh xuất trận. Họ đã được các thủy binh hạm đội Bantich chở đến bàn đạp này. Trong những đêm đông, theo vịnh nước đã bắt đầu đóng băng, ở ngay trước mũi quân địch, các thủy binh đã chuyên chở hàng vạn bộ đội, hàng trăm tăng và đại bác, hàng nghìn tấn đạn dược. Vậy mà địch vẫn chẳng hay biết gì.

Tập đoàn quân mũi nhọn 2 là tập đoàn quân thiện chiến hơn cả, thoạt đầu thuộc Mặt trận Vônkhôp, sau thuộc Mặt trận Lêningrat, đã tải qua một trường học lớn về chiến đấu tấn công. Đó là tập đoàn quân đã tiêu diệt các sư đoàn phát-xít ở trong các khu rừng bắc Nôpgôrôt mùa đông 1942 và đã phá vỡ vòng vây Lêningrat mùa đông 1943. Bây giờ nó lại được giao cho nhiệm vụ cùng với các tập đoàn quân khác của Mặt trận Lêningrat, tiêu diệt các lực lượng địch bao quanh thành phố anh hùng.

Ở khu Puncôvô, tập đoàn quân 43 của tướng I. I. Maxlenicôp đã chuẩn bị xong để bước vào cuộc tấn công.

Ở nơi cách xa Lêningrat, tại mạn bắc và mạn đông thành phố Nga cổ kính Nôpgôrôt, các sư đoàn trong tập đoan quân 59 của Mặt trận Vônkhôp, dưới quyền chỉ huy của tướng I. T. Côrôpnicôp, cũng đã triển khai xong. Trên các cánh đồng phủ tuyết tại bàn đạp tấn công, hàng trăm đại đội pháo và súng cối nín thở chờ lệnh phát hỏa; xe tăng náu mình sau các bụi rậm và dọc theo vô số chiến hào và giao thông hào bộ binh lũ lượt tiến ra tiền duyên.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:45:49 am
Cả bốn tập đoàn quân khác của Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vônkhôp cũng đã sẵn sàng để xuất kích.

Và ngày giờ mong đợi bấy lâu đã tới.

Sáng ngày 14 tháng giêng năm 1944, một trận bão lửa dữ dội đã trút xuống đầu quân phát-xít ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt. Đòn hỏa lực khủng khiếp của quân ta quật liên hồi hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Cùng với pháo binh của tập đoàn quân mũi nhọn 2, có các pháo đài hùng mạnh của Crônxtat, các pháo đội của Craxnai Goocca, Xêraia Lôsađi và các pháo của hạm đội Bantích cũng tới tấp nhả đạn vào công sự địch. Tiếng nổ rền của pháo ta mỗi lúc một rung chuyển cả đất trời. Nó vang tới cả các quảng trường và phố phường Lêningrat. Người ta dừng chân đứng lại, lắng nghe rồi bảo nhau với một giọng phấn khởi nghẹn ngào:

- Pháo của ta đấy!

Bọn phát-xít không ngờ tới việc bộ đội Mặt trận Lêningrat lại tấn công chúng từ phía bàn đạp Oranienbaum. Chúng không thể tưởng tượng được rằng, trong điều kiện vịnh Phần-lan bị hỏa lực pháo binh của chúng kiềm chế ngặt nghèo, bộ tư lệnh xô-viết lại đã có thể đưa được tới bàn đạp này một số lượng đầy đủ bộ đội và vũ khí như thế. Nên khi bị đòn vũ báo của pháo binh ta quật cho tới tấp thì quân Đức có thể nói là đã bay hết hồn vía. Qua làn sóng điện, chúng rối rít kêu cứu: “Bị thiệt hại nặng... Chiến hào bị phá hủy... Bộ binh Nga đã xông lên tấn công... Chúng tôi buộc phải trút lui... yêu cần bắn cản đường...”

Song cả pháo bắn cản đường, cả những đợt phản kích điên cuồng của địch đều không thể ngăn được bước tiến của các chiến sĩ tập đoàn quân mũi nhọn 2. Bám sát xe tăng, các chiến sĩ của ta đã đột nhập vào các chiến hào, bộc phá các hỏa điểm, bắn giết sinh lực địch, mỗi lúc một tiến sâu vào đội hình của chúng.

Thượng úy A. I. Xprin, đại đội trưởng đại đội tăng thuộc trung đoàn tăng độc lập 98, đã xông xáo giữa trận tiền không biết sợ là gì. Vượt qua các chiến hào và nghiền nát các ụ súng máy của địch, xe tăng của đồng chí đã không ngừng tiến lên. Chiếc tăng của đồng chí đã diệt được mấy khẩu pháo chống tăng và bắn cháy hai xe tăng địch. Nhưng một viên trái phá đã trúng vào nó và giờ đây chiếc xe đã phải dừng lại. Bị thương và điếc cả tai, Xpirin phải vất vả lắm mới chui ra được khỉ chiếc tăng đang bốc cháy. Trong khi đó, bọn lính phát-xít đang xông lại. Người sĩ quan quả cảm biết rằng xe của mình đã vượt lên trước bộ binh khá xa, và đồng chí tự nhủ:

- Xe đã bị loại, nhưng còn người còn chiến đấu.

Và nằm xuống bên xe, Xpirin dùng tiểu liên bắn bọn địch đang xông tới. Đồng chí đã đánh bật mấy đợt xung phong của địch, bảo vệ chiếc tăng của mình cho tới khi bộ binh ta tới, 60 tên giặc đã bị chết vì hỏa lực tiểu liên của đồng chí. Sắc lệnh của Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên-xô ngày 13 tháng hai 1944 đã tặng cho thượng úy A. I. Xpirin danh hiệu Anh hùng Liên-xô.

Đến chiều hôm đó thì các đơn vị tiền đạo của tập đoàn quân mũi nhọn 2 đã tiến xa tuyến xuất phát tiến công. Đánh tan tiền duyên phòng ngự của địch trên suốt một địa đoạn 10 cây số đột phá khẩu, họ đã thọc sâu vào trận địa địch, giải phóng nhiều địa điểm dân cư.

Sáng ngày 15 tháng giêng thì lại có một loạt tiếng nổ rền vang vọng đến Lênningrat, lần này thì từ phía Puncôvô. Đó là mở màn pháo bắn chuẩn bị của tập đoàn quân 43. Hơn một nghìn đại bác và súng cối trong gần hai tiếng đồng hồ đã cày xới trận địa của địch ở nam Lêningrat. Và khi pháo hiệu đỏ vọt lên thì bộ đội của cá tướng I. P. Anfêrôp, N. P. Xminôniăc và I. V. Khazôp xuất kích.

Quân đoàn bộ binh cận vệ 30 đã đánh vào đoạn giữa đột phá khẩu của tập đoàn quân về hướng Làng Craxnôê. Đánh thốc một mạch ba cây số, ngay trong giờ đầu chiến dịch, họ đã chiếm được những cứ điểm rất kiên cố của địch ở trên đồi Vitôlôp.

Khi đã hoàn hồn lại sau đòn đầu tiên của quân ta, địch bắt đầu kháng cự điên cuồng. trong ngày 15 tháng giêng, bộ đội xô-viết đã đánh bật 30 lần phản kích của địch có tăng yểm hộ.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:46:36 am
Trong ngày hôm đó, thiếu úy cận vệ A. I. Vôncôp, trung đội trưởng trung đội bộ binh thuộc trung đoàn cận vệ 131, sư đoàn cận vệ 45, đã lập một chiến công bất tử. Trung đội của đồng chí đã đánh vào cứ điểm kiên cố của địch ở tây nam Puncôvô. Giữa lúc quân ta đang xung phong thì hai hỏa điểm của địch bắn quét dữ dội khiến các chiến binh phải nằm xuống. Lúc đó, Vôncôp đã lao tới một ụ súng và bắn tiểu liên trúng vào lỗ châu mai. Làm khẩu đại liên của địch phải câm họng. Rồi đồng chí bò tiếp tới hỏa điểm thứ hai. Lỗ châu mai đây rồi. Vôncôp nhằm tiểu liên vào đó bóp cò, song không có tiếng nổ: băng đạn đã rỗng. Liền ngay đó, các chiến sĩ đã trông thấy người chỉ huy của mình đứng phắt dậy và hô lớn: “Vì Tổ quốc! Vì Lêningrat” – rồi ngã đè lên ụ súng, lấy thân mình bịt lỗ châu mai. Đại liên địch ngừng bặt. Các chiến sĩ trong trung đội nhất tề xông lên, theo sau họ các đại đội cũng xung phong và chiếm được cứ điểm kiên cố của địch. Thiếu úy cận vệ A. I. Vôncôp đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên-xô.

Chiến trận phát triển, mỗi lúc một lan rộng ra. Quân phát-xít cố chết cản bước tiến của bộ đội xô-viết và thu hẹp cửa mở của quân ta. Chúng cấp tốc ném đội dự bị vào chiến đấu, tăng hỏa lực pháo binh, cho phi cơ đến chi viện, không kể gì những sự thiệt hại to lớn, phản kích hết đợt này đến đợt khác. Song chúng đã không thể nào chặn được bước tiến của quân ta sau khi đã phá vỡ trận địa phòng ngự của chúng. Đánh lui các phân độ phản xung phong và phá hủy các công sự và chướng ngại của địch, bộ đội tập đoàn quân mũi nhọn 2 và tập đoàn quân 43 kiên cường tiến đến chỗ gặp nhau. Cuối ngày 17 tháng giêng thì khoảng cách giữa các đơn vị tiền đạo của hai đạo quân ấy chỉ còn 18 cây số. Đám quân địch phòng ngự ở bắc Rôpsa và Làng Craxnôê có nguy cơ bị bao vây. Thấy vậy, bộ tư lệnh giặc liền đem hết sức ra để giữ hai con đường cái Rôpsa – Kipen và Làng Craxnôê – Gatchina, và rút quân và pháo của chúng xuống phía nam.

Máy bay của tập đoàn không quân 13 và của hạm đội Bantich đã đánh phá những đám quân và pháo ấy của địch tụ tập trên đường cái. Trong ngày hôm đó, máy bay ta đã xuất kích 300 lượt-chiếc. Đây là một trong những tấm gương về anh dũng phục vụ Tổ quốc. Trong khi đánh vào đoàn xe địch, máy bay của thượng úy M. F. Sarônôp, phi đội trưởng thuộc trung đoàn khu trục 191, đã bị trúng đạn và bốc cháy. Người quân nhân dũng cảm đó đã lao chiếc máy bay khu trục đang bốc cháy của mình vào giữa đoàn xe địch.

Chiến cuộc mỗi ngày một quyết liệt. Hai bên đều đưa thê đội hai và đội dự bị vào chiến đấu. Tốc độ tấn công tăng lên. Ngày 19 tháng giêng, các đơn vị của tập đoàn quân mũi nhọn 2 đánh chiếm được điểm tựa kiên cố và là đầu mối giao thông trọng yếu – Rôpsa. Cũng ngày đó, bộ đội tập đoàn quân 42, tấn công từ phía Puncôvô lại, đã chiếm được làng Craxnôê. Phát triển chiến quả, hai cánh quân đó tối 19 tháng giêng đã gặp nhau ở khu Putxcô – Vuxôski. Sớm ngày 20 tháng giêng, bộ đội của hai tập đoàn quân cũng đã nối lại với nhau ở khu Rôsa. Các đơn vị địch còng đóng ở đông-nam Pêtergôf và ở khu Xtrenna đã bị bao vây và trong ngày 20 tháng giêng thì bị tiêu diệt hết.

Thế là cái “thành lũy phương Bắc” trứ danh, mà tuyên truyền của Hitle hằng khoe khoang rầm rĩ là bất khả công phá, đã bị phá vỡ. Qua sáu ngày chiến đấu liên tục, bộ đội của Mặt trận Lêningrat và đã chọc thủng hai cánh vành đai bao vây Lêningrat, tiến được 20 cây số và mở rộng đột phá khẩu ở mỗi hướng là 40 cây số chính diện.

Địch đã bỏ lại trên bãi chiến trường khoảng 2 vạn xác lính và sĩ quan. Một nghìn lính Đức bị bắt làm tù binh. Ta thu được 265 đại bác, 159 súng cối, 30 xe tăng, 18 kho đạn dược và nhiều đồ quân dụng khác.

19 tháng giêng năm 1944, hồi 21 giờ, Matxcơva – thủ đô đất nước xô-viết – đã bắn pháo hoa long trọng chào mừng bộ đội vẻ vang của Mặt trận Lêningrat. Và ngày hôm sau, cũng vào giờ đó, Matxcơva đã bắn pháo hoa chào mừng bộ đội của Mặt trận Vônkhôp đã giải phóng thành phố Nga cổ kính Nôpgôrôt.

Trận này đã diễn ra như sau. Bộ đội của tập đoàn quân 59 tấn công ở phía bắc Nôpgôrôt, đã đánh hiếm được địa điểm dân cư Pôthêriôzê – một đầu mối đề kháng quan trọng của địch, và đã cắt ngang đường Chuđôvô – Nôpgôrôt. Bộ đội của tướng Xviklin đã cắt đứt đường sắt Nôpgôrôt – Sinxcơ và đã mở rộng được một bàn đạp 6 cây số chính diện và 5 cây số tung thâm. Thế là đám quân địch ở Nôpgrôrôt cũng bị lâm vào nguy cơ sẽ bị bao vây. Song địch đã không chịu thua. Điều thêm lực lượng dự bị đến Nôpgôrôt, chúng đã không ngớt phản kích lại ta.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:48:35 am
Tiến hành những mũi thọc sâu vu hồi qua những nơi không đường xá, xuyên qua rừng rú và sình lầy, đập tan sức chống cự của kẻ thù, quân ta vẫn tiếp tục tiến lên. Và đây đã đến giờ phút quyết định, 19 tháng giêng, bộ đội ta chiếm tất cả các đườn chạy từ thành phố Nôpgôrôt về phía tây. Quân Đức bèn rút lui, song đã muộn mất rồi. Sáng 20 tháng giêng, các đơn vị của tập đoàn quân 59 hoàn thành việc bao vây quân địch và đánh chiếm Nôpgôrôt.

 Thành phố chết và điêu tàn như sau một trận động đất. Ở nhiều phố không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn, chỉ có những đống gạch vụn và những bức tường may mắn còn sót lại. Những đền thờ cổ kính bị sụp đổ và phá hoại. Một di vật vĩ đại của thời xưa – nhà thờ Xpax-Nêrêđisa, xây năm 1198, chỉ còn là một đống hoang tàn. Những bích họa hiếm có của thế kỷ XII đã bị hủy hoại. Nhà thờ lớn Xôfia, xây trong các thế kỷ XI-XII, đã bị cướp phá, còn mái tròn của nó đã bị cạo mất vàng. Bọn phát-xít đã đào chân tượng đài “Nghìn năm nước Nga”. Chúng định cướp đi, song không kịp. Vào Nôpgôrôt, các chiến sĩ xô-viết đã trông thấy trên quảng trường Cremlanh những cánh tay bằng đồng đen đồ sộ, thò ra ở dưới tuyến, của những pho tượng các tổ tiên vĩ đại của mình: Alecxađrơ Nepxki, Đmitri Đônxki, Cusơma Minin, Đmitri Pajarxki, Piôt Đại đế, Alecanđrơ Xuvôrôp...

Bộ đội đi qua thành phố Nôgôrôt đã đau buồn nhìn những tội ác mà bọn man rợ phát-xít đã gây ra. Song những xác địch ngổn ngang ở hai bên đường đã làm cho mỗi người lại nhớ tới câu nổi tiếng, thường được truyền tụng, của vị thống soái Nga vĩ đại – Alecxanđrơ Nepxki(1):

“Kẻ nào đến với chúng ta với gươm kiếm, thì sẽ chết vì gươm kiếm!”.

Trong trận giải phóng Nôpgôrôt, bộ đội thuộc tập đoàn quân 59 đã bắt được hơn 3 nghìn sĩ quan và binh lính địch. Số địch bị chết và bị thương còn nhiều hơn nữa. Tàn binh của các sư đoàn địch còn “giữ được cờ” sau này được tập hợp lại thành những “đội chiến đấu”.

Trong trận giải phóng Nôpgôrôt, các chiến sĩ cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị của ta đã tỏ ra có một khí thế tấn công cao, một tinh thần quả cảm và chủ nghĩa anh hùng.

Việc phá vỡ các trận địa phòng ngự kiên cố của địch ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt và giải phóng nhiều địa điểm dân cư, trong đó có những thành phố như Pêergôf, Xtrenna, Làng Craxnôê, Rôpsa, Nôpgôrôt, là một thắng lợi to lớn của Quân đội xô-viết. Vì thành tích vẻ vang và tinh thần anh dũng biển hiện trong các cuộc chiến đấu tấn công đó, tất cả cá đơn vị tham gia đã được Bộ Tổng tư lệnh tuyên dương công tạng, còn các đơn vị xuất sắc nhất thì được tặng phiêu hiệu danh dự là bộ đội hay binh đoàn Craxnôxenxki, Rôpsinxki, Nôpgôrôpxki.

Giặc Đức vẫn gòn giữ được đầu mối đường sắt quan trọng Mơga, tả ngạn sông Nêva ở quãng giữa và những cứ điểm kiên cố trong khu Puskin và Paplôpxcơ. Nhằm thanh toán nốt quân địch ở các địa điểm đó và phát triển đột phá vào tung thâm chúng, bộ đội của Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vônkhôp đã tiếp tục phát huy cố gắng của mình.

Trên khắp trận tuyến dài hơn 300 cây số, chạy từ vịnh Côpoocxki tới hồ Inmen, đâu đâu quân địch phải lùi bước. Cả những lời hò hét của thượng cấp (“Phải cố chống giữ đến tên lính cuối cùng!”), cả những trận địa phòng ngự sâu với nhiều thê đội đều đã không giúp được gì cho quân Đức. Bộ đội ta khắc phục mọi trở ngại đã giải phóng đất đai quê hương khỏi quân phát-xít xâm lược.

Trong những ngày đó, tin giải phóng ga xe lửa Mơga là một niềm vui lớn đối với nhân dân Lêningrat. Ga này đã gắn liền với những biến cố gay go trong đời sống của thành phố Lênin; với việc đình chỉ giao thông đường sắt trong tháng chín 1941 và những cuộc chiến đấu ác liệt kéo dài. Không phải vô cơ mà bọn phát-xít đã gọi là Mơga là “cái khóa của Lêningrat” và Slitxenbuôc (dịch từng chữ là: “Thành phố chìa khóa”) là “cái chìa khóa để mở vào Lêningrat”. Nắm được các địa điểm ấy trong tay, trong hơn hai năm quân Đức đã cấm cửa những người bị vây hãm đi về phía dông. Giờ đây, cả Mơga, cả Slitxenbuôc đã sung sướng được thấy ngày giải phóng.


(1) Alexanđrơ Nepxki (1220-1263) là một trong những anh hùng dân tộc được nhân dân Nga yêu mến. Trong trận đánh trên mặt băng của hồ Chutxcôê ngày 5 tháng tư 1242, bộ đội Nga dưới sự chỉ huy của A. Nepxki đã đập nát bọn xâm lược Đức và hoàn toàn tống cổ chúng ra khỏi bờ cõi nước Nga. Thắng lợi đó (trận đánh trên băng) đã làm cho A. Nepxki được liệt vào hàng các thống soái vĩ đại trong lịch sử thế giới. – B.T.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:50:18 am
Khắc phục rất nhiều công sắc của đầu mối phòng ngự Mơga, bộ đội ta đã triển khai tiến mạnh về hướng Tôxnô, quét sạch quân địch khỏi tả ngạn sông Nêva và đường sắt Kirôp.

Cũng trong khi đó, đè bẹp sức chống cự của địch, các đơn vị khác phát triển tấn công về hướng Gatchina. Một bộ phận đã vòng xuống Puskin và Paplôpxcơ và ngày 24 tháng giêng đã giải phóng các thành phố này. Đến ngày 26 tháng giêng, sau những cuộc chiến đấu đường phố gay go, họ đã vào Gatchina.

Các chiến sĩ xô-viêt đã thấy một cảnh tượng đáng buồn ở các thành phố bảo tàng này. Các cung điện bị cướp bóc và đốt phá. Những di tích cổ bị hủy hoại. Các công viên đẹp đẽ bị chặt hết cây cối. Khắp nơi là dấu vết của chiến tranh, là cảnh tàn phá và điêu tàn.

Nhìn thấy tất cả các cảnh tượng đó, các chiến sĩ càng xiết chặt tay súng, rảo bước tiến lên... Họ hiểu rằng chỉ có tiêu diệt hết quân giặc man rợ mới cứu được đất đai xô-viết khỏi bị chà đạp.

Matxcơva đã bắn pháo hoa chào mừng những người đã giải phóng Gatchina.

Mỗi ngày lại đem lại những tin mới về thắng lợi của quân ta. 27 tháng giêng, các binh đoàn của tập đoàn quân mũi nhọn 2 đã đánh chiếm được đầu mối phòng ngự quan trọng và ga xe lửa lớn Vôlôxôvô, trên đường đi Kinghixep. Cũng vào những ngày đó, ta đã giải phóng Tôxnô, thành phố Luban và sau đó Chuđôvô. Mặt trận ngày càng tiến xa Lêningrat, tiếng ồn ào của chiến trận cũng ngày một xa.

Đến cuối tháng 27 tháng giêng 1944, các đơn vị của Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vônkhôp đã đuổi quân địch ra xa Lêningrat 70-100 cây số và đã giải phóng các con đường nối thành phố với trung tâm đất nước.

Tối hôm ấy, ở Lêningrat đã bắn pháo hoa, báo tin cho toàn thế giới biết vành đai bao vây thành phố đã bị xóa bỏ hoàn toàn.

Trong những năm chiến tranh, ở Lêningrat, 840 xí nghiệp công nghiệp đã bị phá hủy, hơn 3 nghìn nhà bị cháy và đổ nát, 7 nghìn nhà bị hư hại, 9 nghìn nhà gỗ bị dỡ ra làm củi. Lêningrat đã bị mất hơn 5 triệu mét vuông nhà ở.

Lần đầu tiên, sau 900 ngày bị vây hãm, người dân Lêningrat đã nhìn thấy thành phố của mình buổi tối trong ánh đèn pha. Với thương tích đầy mình, song bất khuất, nó vẫn đẹp như xưa. Nhiều người không cầm được nước mắt vì sung sướng. Các cuộc mít tinh tự phát nổ ra. Nhân dân thành phố cảm ơn Tổ quốc, cảm ơn Đảng, cảm ơn các chiến sĩ Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vônkhôp, cảm ơn các thủy binh hạm đội Bantich và quân du kích, cảm ơn toàn thể nhân dân Liên-xô đã chi viện cho thành phố trong những ngày bị vây hãm khó khăn, và đã giải phóng nó thoát vòng vây địch.

Cả đất nước vĩ đại của chúng ta đều vui mừng cùng với nhân dân Lêningrat.

Việc đập tan quân địch ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt đã tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng toàn bộ tỉnh Lêningrat khỏi bọn phát-xít xâm lược và để tiến quân sang miền bở biển Bantich. Các tập đoàn quân của Mặt trận Lêningrat liền tiến về Gơđôp, Nacva, về phía Luga. Còn bộ đội Mặt trận Vônkhôp thì vừa đánh địch vừa vượt qua rừng rú và sình lầy tiến về Batexcaia, Luga.

Các chiến sĩ du kích đã hỗ trợ rất đắc lực với các đơn vị đang tấn công. Họ đã đánh sập cầu, đột kích vào các cơ quan tham mưu của địch, đánh mìn các đoàn tàu và đoàn ô tô chở binh lính và khí tài của địch, lùng quét địch ở các địa điểm dân cư, các ga và các thành phố. Các chi đội du kích đã phối hợp với bộ đội giải phóng Luga, Gơđôp, Liađư và nhiều thành phố, làng mạc khác của tỉnh Lêningrat.

Các lữ đoàn du kích do các đồng chí K. Đ. Cariski, N. I. Xinennicôp, N. A. Bretnicôp, I. G. Xvetlôp, I. Đ. Đmitriep, M. I. Timôkhin, V. V. Egôrôp... chỉ huy đã làm nên nhiều công trạng vẻ vang. Theo số liệu của bộ chỉ huy phong trào du kích Lêningrat thì trong chiến dịch hoàn toàn phá tan vòng vây Lêningrat, quân du kích đã tiêu diệt gần 22 nghìn tên phát-xít Đức, đã đánh đổ 136 đoàn tàu địch, phá hủy 1.620 ô tô, 811 xe ngựa, làm sập gần 300 cầu, bắn cháy 33 tăng và 4 phi cơ địch. Sau khi quân địch bị quét sạch khỏi tỉnh Lêningrat, đã có 22 nghìn chiến sĩ du kích gia nhập bộ đội thuộc Mặt trận Lêningrat.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:51:50 am
Truy kích quân Đức, bộ đội ngày càng tiến về phía tây. Cuối tháng hai, họ đã tiến đến tuyến Nacva – hồ Chutxcôê – Pơxcôp – Oxtrôp, đuổi quân địch ra xa Lêningrat 220 – 280 cây số.

Trong tiến trình tấn công, quân ta đã giải phóng hầu hết tỉnh Lêningrat, nhiều huyện của tỉnh Calinin và đã tiến sang địa phận của nước cộng hòa Extôni.

Chiến thắng ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt không chỉ đưa đến việc giải vây hoàn toàn cho Lêningrat và đánh tan tác phương diện quân “Bắc” mà theo như tờ báo Anh “Ngôi sao” đã nhận xét đúng, nó còn gieo hoang mang vào trong hàng ngũ quân Đức, “Chiến thắng đó đã làm cho bọn Đức thấy rằng chúng chỉ là những chủ nhân tạm thời ở Pari, Bruxen, Axmtecđam, Vacsava, Ôxlô”. Tinh thần của nhân dân Đức và của bọn đồng minh của chúng càng sa sút thêm.

(https://lh3.googleusercontent.com/TIj4CQzzEf0R_idAI3d5So2GRN7vrpEGQ9NLqucMsX0xtA1Eu7LkryoT2tPIb16uiJ77EjUufEnalFpLkQG_Ej_PbbvG91TsuSfC76byEi-CFFtzA3sVQS_wU4Sk7cBum8cwInoZwKBbye1JiJ006Jwobt5qeQK4c23U7GEJ6duC3FjZStG80kU-urUELxOAyF0TnCPRm75jJ6oaI_PVU4PbjWVA-Dl2MZ3Au-ouVhqP1jTH30lmJpFFC6WYzdampvuMmK3zW5ITaMjHZt3UDH9f6LIARSdbh0ONs5CVQsKr5ElagnnTCB6c9QTVhGAK2z-A56RwGjb0mNi54_tTaFUDtTVRKHRF1Na3Bmnvt0ZaibyugMcNqDuLFWpfU6AoMpgP2lABCOVSahqC9jn5wE_4ZTWPgQ80me0CJR-VURek4fRER_j0hoxdwewJBbHKwJNDtMbVgp08VyL81umrhCWZ5u0UH3IfTIGDQDfvUhZOFYke5BD3L-zg3nVqokGMhzzf13DPCY0Cl0N73Di3v09aVRsljRPIRN2HjwREU5lSvuETW7IdD7F4QEo5s1QFRwF1MFvKZAvoV_N26czCWeQOb6jpVLb8ErG3NzI=w592-h832-no)

Chiến thắng của bộ đội xô-viết đã làm cho các cửa ngõ dẫn vào thành phố anh hùng từ phía nam và đông được quét sạch khỏi bọn xâm lược. Song quân thù vẫn còn đóng ở mạn ngoại vi bắc Lêningrat. Và tuy bọn quân phiệt Phần-lan sau thất bại của phương diện quân “Bắc” đã im ắng đi, và chính phủ Phần-lan thậm chí đã định ra đường ngoại giao dò hỏi điều kiện bãi chiến, song quân Phần-lan vẫn không muốn tự nguyện rút khỏi đất đai xô-viết. Vậy cần phải dùng sức mạnh của vũ khí mà tống cổ chúng đi.

Bộ đội của Mặt trận Lêningrat đã mở cuộc tấn công đầu tiên vào trận địa của quân Phần-lan. 10 tháng sáu 1944, hồi 6 giờ sáng, pháo binh của mặt trận và của hạm đội Bantich Cờ đỏ đã phát hỏa dữ dội vào tuyến phòng ngự của địch ở eo Careli.

Đã từ hơn hai năm, bọn quân phiệt Phần-lan, với sự viện trợ tích cực của phát-xít Đức, đã củng cố các trận địa phòng ngự, còn mạnh hơn “Tuyến Mannecgây” cũ, đã bao phủ cả một địa bàn từ vịnh Phần-lan tới hồ Lađôga với tung thâm là 100 cây số.

Eo Carêli là một khu phòng ngự rất kiên cố. Cứ mỗi cây số trận tuyến của mỗi dài phòng ngự ở đây có từ 4 đến 6 ụ súng bằng bê tông cốt sắt và tới 20 cấu trúc công sự khác nữa. Tất cả những nơi mà quân ta có thể tiếp cận được, chúng đều cắm cọc bê tông cốt sắt và lèn đá chống tăng, đặt những bãi mìn và nhiều lớp rào dây thép gai, đào hào chống tăng và dựng ra nhiều thứ chướng ngại khác. Ở những địa điểm quan trọng nhất, chúng cấu trúc những công sự thật kiên cố, có tính chất lâu dài, như là lô cốt “Triệu phú” 22 mét ở gần Bêlôôxtrôp. Đó là một thứ lô cốt có nhiều lỗ châu mai và gồm nhiều tầng ăn sâu xuống đất, còn phần nhô lên mặt đất thì được bao bọc thêm bằng một lũy đất nện. Tường của nó dầy 2 thước. Để diệt cái lô cốt đó, đại đội pháo của đại úy cận vệ I. I. Vêtmêđencô đã phải ngắm thẳng vào nó, ở cự ly 800 mét, 96 phát trái phá hạng nặng.

Địa hình nhiều rừng rú, sình lầy và nhan nhản sông hồ lại càng làm cho phòng ngự của địch thêm vững chắc và ta khó triển khai hoạt động tấn công.

Thế mà bộ đội của Mặt trận Lêningrat đã tấn công vào những trận địa tưởng chừng như không thể phá vỡ được ấy, do những sư đoàn Phần-lan tinh nhuệ nhất phòng giữ, liên kết lại thành cụm “Eo Carêli”. Sau đợt phi pháo chuẩn bị, các đơn vị của tập đoàn quân 21 của tướng Đ. N. Guxep đã vượt sông Xextra và đến cuối ngày đầu của cuộc tấn công đã thọc sâu vào trận địa địch được 15 cây số về phía bắc Bêlôôxtrôp. Khuyếch trương chiến quả, tập đoàn quân 21 phối hợp với bộ đội của tập đoàn quân 23 của tướng A. I. Chêrêpanôp lại tiến sâu tới 24 cây số, chiếm Cuôccala, Têriôki và nhiều địa điểm dân cư. Quân Phần-lan không cưỡng lại được với sức tiến công của ta, đã rút vào những công sự bê tông cốt sắt ở dải phòng ngự thứ hai.

Sáng 14 tháng sáu, ta lại tiến hành một đợt phi pháo chuẩn bị nữa. Cơn bão lửa đã quật vào dải phòng ngự thứ hai của quân Phần-lan trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Và khi pháo chuyển làn vào tung thâm địch, thì bộ binh xuất kích xung phong.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:53:08 am
Đó là một trận đánh rất gay go. Trên đường tiến, bộ đội ta lại gặp phải lô cốt và ụ súng, những cọc đá chống tăng, những hàng rào dây thép gai dày 6 lớp và nhiều chướng ngại khác. Quân địch điên cuồng chống cự lại, song ý chí quyết thắng, tinh thần dũng cảm và bản lĩnh chiến đấu của quân ta đã quyết định thắng lợi. Đến 18 giờ ngày 14 tháng sáu, quân ta đã đánh chiếm được các điểm tựa mạnh của địch trong dải phòng ngự thứ hai.

Các hỏa điểm lần lượt câm họng, các cứ điểm kiên cố của địch lần lượt bị hạ. Trên tất cả các hướng, quân Phần-lan buộc phải rút lui

Đến 17 tháng sáu, quân ta đã tiến sát vào dải phòng ngự thứ ba của quân Phần-lan, dựng lên ở khu “Tuyến Mannecgây” cũ. Hàng nghìn đại bác và súng cối lại bắn tới tấp vào công sự địch. Tới tối 19 tháng sáu, “Tuyến Mannecgây” đã bị chọc thủng trên một chính diện là gần 50 cây số. Tăng, pháo tự hành, xe bọc thép, pháo binh và công binh của ta đã ào ào tiến qua lỗ hổng đó. Nhằm hướng Vưbooc, cách không đầy 20 cây số.

Sáng 20 tháng sáu, sau khi đè bẹp sức đề kháng của quân địch ở các cửa ngõ gần của Vưbooc, các đơn vị của tập đoàn quân 21 sau một đợt pháo chuẩn bị ngắn, đã tổng công kích vào thành phố. Hòng ngăn quân ta tiến vào thành, quân Phần-lan đã phá sập hết cầu, song chúng vẫn không thể cản được sức tiến vũ báo của quân ta. Tối 20 tháng sáu, cờ đỏ đã phấp phới tung bay trên ngọn tháp cổ kính của pháo đài Vưbooc. Quân ta đã lấy lại được thành phố này.

Những đợt pháo thắng lợi ở Vưbooc còn chưa tắt thì Quân đội xô-viết lại giáng hco quân Phần-lan một đòn nữa, lần này ở Nam Carêli, 21 tháng sáu 1944, các đơn vị của tập đoàn quân 7 thuộc Mặt trận Carêli, dưới quyền chỉ huy của tướng A. N. Cruticôp đã vượt sông Xvia ở khu Lôđâynôe Pôle và bắt đầu tấn công về Ôlônet dọc bờ bắc hồ Lađôga. Cũng như ở eo Carêli, quân Phần-lan đã dựng lên những dải phòng ngự kiên cố, phủ đầy công sự tất cả địa bàn giữa hồ Lađôga và hồ Ônejơxcôe. Cứ mỗi cây số của tuyến chúng chiếm đóng có tới 12 công tình phòng ngự cấu trúc bằng bê tông cốt sắt hay bằng gỗ và đất với nắp bọc thép. Những dãy cọc chống tăng chạy dài hàng nhiều chục cây số, dãy sau mạnh hơn dãy trước; bằng đá có, bằng bê tông cốt sắt có, và bằng cọc gỗ ghép lại. Những đường rừng, bờ sông và đường độc đạo đều bị ngả cây chắn đầy và cài mìn dầy đặc. Chỉ riêng trên các ngả đường từ Lôđâynôe Pôle đi Ôlônet, công binh ta đã gỡ đi 4 vạn quả mìn. Không phải vô cớ mà quân Phần-lan đã gọi khu tác chiến này là “rừng rậm Carêli”.

Một chướng ngại quan trọng khác là con sông Xvia đầy nước. Chiều rộng của nó có nhiều chỗ tới 5-6 trăm thước. Những người đầu tiên lội xuống sông Xvia là 12 đoàn viên thanh niên cộng sản đã tình nguyện xin đi làm một nhiệm vụ nguy hiểm là phát hiện các hỏa điểm của địch; đó là các đoàn viên Nemchipôp, Iunôxôp, Tikhônôp, Paplôp, Mutarep, Zajighin, Pôpôp, Pancôp, Mackêlôp, Barưsep, Bêcbaxunôp, Malưsep. Quấn pháo bơi vào người, họ vừa bơi về phía bờ của địch vừa đẩy ở đằng trước những mảng con chở những hình nộm binh lính. Bọn Phần-lan đã bắn vào những hình nộm đó mà chúng tưởng là quân đổ bộ. Lập tức pháo ta nhè vào những hỏa điểm của địch mà giã. Sang tới bờ bên kia, các đoàn viện thanh niên ấy đã chiếm được một bàn đạp nhỏ và khai chiến với quân địch. (sau này tất cả họ đều được tặng danh hiệu Anh hùng Liên-xô). Tiếp theo những người cômxômôn anh hùng ấy là các xe lội nước chở quân đổ bộ vượt sông.

Mỗi ngày bộ đội của Mặt trận Carêli lại càng tiến xa về phía tây. 25 tháng sáu, cùng với quân đổ bộ của hạm đội nhỏ ở hồ Lađôga đã lên cửa sông Tulôcxa, các đơn vị của tập đoàn quân 7 đã đánh chiếm được khu phòng ngự Ôlônet và thành phố Ôlônet. 29 tháng sáu, bộ đội tập đoàn quân 32 của tướng F. Đ. Gôrêlencô đã cùng với các thủy binh của hạm đội ở hồ Ônejơxcôê giải phóng thành phố Pêtrôzavôtxcơ.

Sau khi quét sạch quân địch khỏi eo Carêli và nam phần Carêli, làm chủ được Vưbooc và Pêtrôzavôtxcơ, bộ đội xô-viết thế là đã trút bỏ hết mối nguy đối với Lêningrat. Trận tuyến của quân Phần-lan là một mắt xích trong vành đai bao vây Lêningrat, đã không còn nữa. Bị tống về biên giới nước chúng, quân Phần-lan đình chỉ chiến tranh và xin cầu hòa.

Từ nay thành phố Lênin không còn bị địch uy hiếp ở bất cứ phía nào. Các bộ đội đã bảo vệ Lêningrat tiếp tục hành quân thắng lợi về phía tây.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 07:57:32 am
(https://lh3.googleusercontent.com/zzy9HPuTcQv7XOvGNogKdCBu0XaMbSArXWMY_28PdrbwypZNI_VLPgRMtKFpWfeuJGqR_awavOE5EUs-lpkkRTAB_A3rf1dZzz9FjVzDWjIS4eqJUXhss2Gdh_hxjKTGUyGDH6BHNef6Q_Fhw5XucOaCi9CN_v2CSL__5pfzqIyD7kPweFspUxxVQAVHu2upzTGuMhGAV1hTNghmtY5yDeSxx-j03xAtJqosXT57K1fjL0KfOS46eGSOAhB7PsF_h-Eao_A6ici3ItKhlA0IXseXyPzWXTS0QmnUslV3DDm5sqVi2JLhLrQci8JE8x6damxxftVaWeMFthMWKdHMhAevEjn0spzsfhMWQQrY78k5CRT1C3wjQ2tojBMI_oYYD0fScN0XTnHRlo_aPN4zToPmBB1zNkJk5xa0YgxS0StMds1CfP3FPAO8Z0H4SHFb8-NEo1dDS9tT5tS7VE-qMI7QjAKnnunbVpM5xe12Qzxszsly2QIrxkBVKwE-y38Hm4AqJk3pTGjZ1AwSXdC4XheEvW4zDz8-MugF9F-UkXBkvdoeLT_DLuwRkl1PJBdicrEUGQFDZy_QqKUJVuNwf8x7g3X4XclO1JrgTaw=w800-h455-no)


(https://lh3.googleusercontent.com/QQDhwIjn6OHnHdnBo1hhUJHzupyIM4twLdJeAddRaVva-N23UgiaPS2ym0Ycqozn3YLZN7kVbQn4oLubtX0M-4K1W5pnHtCN5v9JmH9ifj1iDueNx7XJlRbZLk6TcIXuOnoqv3CTO_JgeJXjTlvMKIJxVRUh5h7AqpLoWhnFfoATHnep2kKxC4JcUw7TYdvIh4ktGmX_tdJj54-WBrbMA2wNEwrsVf9-Cmd7vFoHWXcsEXf51RHX58uY5w52RKBHIrhM3jPbSGsdK-WweqsPqtk8aH6BOzjQd0B52sIRdJm3FCFYKhdIgIR8BM0RKxJJPLK9kgh3WxdGClfXpnK9ZMDbe2HB_x4HHsjxNdsJloDJB5wiNkY0e4puKAXd62ZmGFdC7_Ix2T3351jmYr_YE_VydiuSYxJFQLlz9eWOELfL7BOG5Ey6eAl8gMPvkvpe6W-M2yhdflogwSU1e1CC20lO1SOhK-aFGkyjvhNzOCRvkFdMPFjIZ18defROp85PofcTzll3d8kIxJgCYjP0UNf6Bda1XWNl4_9viHcDlYUfI2QxnAhuNQuvVXhRhdwi3CtB47FHFjxtrM5E5bg-t4Hf1bxjFk8B-mFFWcc=w800-h531-no)

Sau trận oanh tạc của địch...

(https://lh3.googleusercontent.com/WCHsVBmYox0dQ0oGGrS_KHMSgGtpYvarwiDFSyb2bh-LC1ENtY2IZ75nNi3BrpP1WPU_tpsj68XMbSMxge0M8HvFj3Dyahr7BvQsrXkcMo0_Ho1p9y856bOhJ8q4cKbm5VPrhahfrUAdyZBLxm4ot_gJQwx4Yrq2kPJQ7CtIObAzO0Rx7lZtX3XPw-XC1mkBGYrAVTm44XinfM8Xp8Kv8o0PPG4nIuWCBnsKo0cE0URkJgxzAHf_z-RkQR9FWDKEnI3xeYSSLajLBv3BLGAEB3KVe9uVVQlMbjrO8yiP7RYCUNdhVDffHtqhCzPavY7XfMS9ETBk-yYNmEAdSlsEKC9-eBEFNghNoOBNEoDvcgBqrepFoIgmxeOKKZokSnq2p8j3rs_5J6by-6dv0qD91OydAe30QxeXPE2l5WlcGCqrSsGsU3n2eiFUdLeVvKnLyqprfLoCWGOAJk-ImDisqytQBmHAGgiAynrIKt6O8Q-JH0uPLEBliW4sgWdX32AyHwyx-wOP25n32M_gmM76ZvJOXa3BniF_dJg18_4rrrZ8PG7s_j3QHLR5t38V-pCto4cT1jLw4y6HOREQpzRdHkMB8ejfL5BXHMLRuPQ=w800-h513-no)

Ngoại thành Lêningrat. Nơi đây đã có ngôi nhà chôn rau cắt rốn.

(https://lh3.googleusercontent.com/b7OEnkzHs-344ShEnLe89kDqk6mfoEh2eg6i5HAsjfMOHbMXW2LrWfXHpwQb48lQcRDAAJAMePbidfJUZN-ZQdqVHDkRUMQPhuw8Q8B_RIkd8eq6cGoeooG8HNBZAdW7m2nImC2S_BuEQvSnQxBlB1mNahPhChAypcJQbNwoWdCdEQg9oGUdyfuLzxqreqjVM4eR84cFgwHZDbBSM8e3WGD5_6IlfnPzbnFyFOTUt26-lPM_uvIZxcYqiTbRy3NZJVUB3i12ilT32i12T7R0-nawGr9CfsWr6CBgb1UhbEXN9EGAIvrt-f9ZE9NJghSWNXhzJEAmJ0v-sdLOSKZJjv7MML654D64yUvbQvG0lsBwrgCIJHrtKhsDqCf82Zr41tgyytDgMK1TXmyfpAhy62GvOn27C-lFI86CyCXF5bWaL_3NOVDymxpXk4M0J2YjzPkxSQvTYsa1K8dDwrkDPkF--2VLzWffMrXjf3ogCt5OaGB9VpDc9U6_ZGLTep8ntUNnaNwg1HNHD6oYn4KchLnWmpopXTRxCyF_GE_p5y7uLXCEBWQfdV_62GblqJ_tso6gr6A-2bnQx4I5nYCQF-0v_HZlSaNycmi_tyM=w800-h503-no)

Cứu giúp người bị nạn.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 08:02:21 am
(https://lh3.googleusercontent.com/3OC18nqO1OWRXi5bVJtqR2mbReN4MSSz1Io_5hULqBnm83b-n0w0bzX3VbkcQHD3sDX-_ZnML4lffzxp0-5ZmX740l-aoDkh1oNKqrL0MvMeofUw4mH-b7EbsSd4tn446TSSaeYFBQXy9WMDIkuarJiT6XemUXzTq0YPdhdHpGEB6nk3xvCD9Iv4X3pFLHSMLyPxTzO2r_evYp8NpOBEcuadmyDw2uQQPPdK5XvC18N6xLxhMD9at25I7i5G0gQ8NMG9WtfNbmTMi-mtDLtq4Gpd9gFBWEvz3Pya2AwEzvYTzvNcwzFsd5MYU14tS4hYamR28tZUNx1CBjqHG5t1TEqp6ctQfioZrKp2rkc04VCaUOuWjoV4tOipLnCVP4nV2BErjj1HWnH3fv9v4XuWGcLz6yFQlJLKQadvYPRgErvkKO2FpinOFO7_vRl-3T-VbBWtegZ3Z-9kXNwjBj32v2Hc-T9edx6vpBsy61StReUnplGRUG5jsR7nRUBB36qYG07w1HZB0klci4n_rlPbjLuu4AsYG_t7LGRhvhrueOVaOq41B0azQvAJCuBpvjq4iGuUPZGqvIHbr-xu8StRxh4YBhxiaRFnFy8mtuo=w800-h545-no)

Lớp nọc trong hầm trú ẩn.

(https://lh3.googleusercontent.com/T_KGyQJe0sof9tU2ZWgs04My837VLpjnqBeJulmDm_5z0dnluk75PsaehhH6nAVLoOc35zIx63nMzk7Y2yIF0I-4VeWIDMloBJMSJm2VgMOR7Rlr27tT7-pyz6yvJfM9FncEo7lhcl-_D1EWsgwOD4IdGzwIugGkDoDmoHFTKNkt-skCNHaIAqNX0hlyDVPLd3vJvRdjf-YV3pJelcR351Oh14jQM4zJuU8TJvEQfwCukp1yn7Gix5Bw0uThKv53XTV8PhxLjJtOLrZSJBryJHFszZTqmC_Ecutu-mYuDH5vc_VZ3WqkcLGSDr_ZLl8QtJ_fLXjFQAYjnc8zyi-jz9Kz2_MCTMwoD0JepJWZLG4xIBgqdF7L7w75V4J2YjHpsMAWZcgOmbpnTCeOPIfTcSGlrpFaqQCqeexzNCsrvKQmlH3ylaQyMvNnu90z_lBTtgfdmEjeZSp6GCMIiGy3ULzUuypQ9jfvpmUudHl7aN25sy36PNgOxilerbBsxYBQr1SABnGWaQTg0Gr6gTH1m_hp0EUUrdwRmwcDuwiWilSx7D9fwzEjeA8JlW7ZDr1417MQcrHM9bXCZaL04bhnGA_LwDYR2kbsJCvPlvY=w800-h460-no)

Lêningrat trong vòng vây hãm. Mùa đông 1942. Nhân dân thành phố không có điện, nước, đồ để sưởi.

(https://lh3.googleusercontent.com/CKfMCTieSqrqFG8vaEsERbhA-sVfDyueEV0DouRS3dS2qswyoXjRrEvKrDOqGcu3XwWZclU57Hb5vuq_30czHltvCviYLzpFzGI3j9cFGBAQRvXCQ8dplubfw-EeqxsVk3LxtZBZRE3lMiGR6ZLTnrA2QYlcC7hvNjjVese3Z38gULmPgJ6lbhNde-WDobDDRU4wfqvjeDuBKoHmThkdJObYVH5DcuDMXB_IeB5ZQA8Q4wTvi2dLPcCd4LdC_UtThi3lBvJZxesRUm1XZfrSBrSv544AI1-WR1p9K4luoKb2Qrg0WtIj2gc4ZWjauvLYQ8fnPr0vwUy-8s2g-vVNhWZBcFq4VIabwoP7-E8Y-MyGS-BOiMRi1ILOLepL36Yj1joLcoQzguKtRz71MFsekSnLL0nlkWBLQwGYzJ1YJG3TnJlxAGGBMQIDS2G8aw1GEHLEZr4iW25tipaJyww6VZEv75BcZrChGx4odwpNruwfSirDramHzg8qFnUYQeRzLwC9E8fHKJY39x7xqO8ebDpYsqCXwNOr-0zHNVlesXYDoKwfKYhPUsWgx1DkBk3craZjJSl2qCku_HJvSW2qOuPSgXXuwJRyJX1c8y4=w800-h522-no)

Tất cả cho tiền tuyến! Công nhân một nhà máy ở Lêningrat đang sản xuất đạn pháo

(https://lh3.googleusercontent.com/pyMH3bZfloMYzwg0UbcD6x628gGnvUCDxv3xSC7og1MFaHug5oqbQzz4AaRmZQOT8LdeL2SLcM50uzu0MOX8P8Ia2fk3XBwk-CRgfG-pN-XGuVcO2oqcwgwUVKuI6DNSAsdU_6vyXESElB1BZNFrrrQcPoVVMn0gCCPAxKEkHiU-dLu5u2xf6sntqX9GCyNL7dRG-_nm4USh5uT5nNuCnEl-6GNlFIrSQJiDMbNOC1rvEaMT2WY1zTD336qmbw8Of4qt_8aDApu96PEvAriCsD0ePExB8VEEDcXhBNNftRbsO5OvcGXbP_jllQhfzWj5evawOPFekCGYSu5X1op0BSYwrjLlwEuhXkHx0ygu3GgZ0x8HpBL-kB0kc51OVoRoQmWVZrLRj-7xzcSQd7R2Rbpjk31DQtUXFGcaNKEIWWfmfWUIOxV7gZX_9X7NdzIVRB4c-nXYLiC6CvJ-nUv9Ao9749R0d3EsF0HCVtS9mVJU30d9OGw9mYYKtxRjVlBHLlWlycBZ6jjuHYWrz62fsFOgn07cvY4UZp3pLJbocOnxJ7juZKLuqAeB7Yl2nL38latdOUhzt8ffEx-1Qn7QUcNYa5UyVW8jveYBeMA=w800-h456-no)

Con đường sống.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 08:08:12 am
(https://lh3.googleusercontent.com/w4MKQ8fyRb-dA4eM3tVQ3c0kX34LzCRuH71B8JlOzA30uRenol857QunWOHwI2FITh0iMHQsou5smeZ3S95J2wfPk2Q_p2a2FmLH-2zdtAEqnwmHfr2a8clcBqBipewR96C-Ew9yJpG6qW2jyX81tvb8SsjYIPTbhfGWRQucRQzQ31no63zNDbQsBRccNHDYmx87rlHheoltuasO6InsVSW98Zk-l2hFoIbhk2bCtGpDgK6g6uyU81TfPUTGX3Dx0PCQDw1w06Yf9DIRVDRzbyZY-RAQeUIc8uT-lCwJ_SSV35niCbRtfKqWCTYM_z4UJ5Wc__U3EJNHuXmiYPKgZo5Cdx-ZMX5rGiM85YkT9tlW69UDj8TlXl-rlyXTa2Lb-21_IVymV7muBzv2xyEtFk4gv8H_IFT9dLo1OHMRBD6TMP2CgLxAYERpaKF0qVUChv4dYymzRfZGUXMP8zFiyIbtEgcwtN-YB1k7pFAUwiBcgJuQq2ttX56lFiE-5AX4ysIhP9hk3A2z9Znx-h94UQZQeYjkkrNiutvTZU_uS5iOkeJ2dlSeuxSUACgVSicEvf59dOHltrQ1XkktZTBJipKfioFvdzmWIwzenBE=w570-h832-no)

Hè 1943 ở miền ngoại vi Lêningrat. Nông trang viên ở căn cứ du kích đang đi cắt cỏ.

(https://lh3.googleusercontent.com/WzGUnyKrX8U2cJBHN1IkPHJ-OGcSf8oFFhVEBdhSoIp2z8y-uCCYnVlhQ7S62wxFjp4r2oTBrLlxc8gO7a81fnUpEji5lr53gSjpJaCtxQopqhz9jsoDeuCzLiEdwCWa2M-SkRxPcZsYZv0JrW1L8bDkxaYobQTaBS23lCixqSe_tMTSlOSZ1hhheaAt6z1uKupB7-LSY6MtiuY4svi5JbQUsBP_7TaebnI9vG9TCKElMjddqrAK3KRfsVMIb_VnUHjoRomvS1GqbZ0pMGWhXSpqvPwWBdRth96aRIiqzE4zOTgqEBYPQIgIqhbnfileYu0FsZ9IQvgV1JWhP6MxKTVFA1HGQscm4ej61A_YAzRmTcjpbhysdgqJZYQr1-781r7bdOxE2-YcUwOB1Vmlh8sC7F5g9kB_hCqYDUv2S6B_RxycUFwhRi1fYAR-wm4R_4FEgJHI-MKkTARFva5tK6aDXACE94gS0WgpsHjJT0k_GD4PYGWQ5Qn2wseGVO7BdZONca4ZlZ-DIN6viz9QCjApdQC_Bq7ReqrtJkM-mlRMdI1rXMz3AkEqQBoD2qPDvfIdx327AP-Upf09KzTIPEpx0XpDRvytQ7UEOnQ=w800-h533-no)

Pháo binh cao xạ bảo vệ bầu trời Lêningrat.

(https://lh3.googleusercontent.com/ekLEOmLiB5ZgxzoL_1BzaiUMcNa3sgrgsjGrEvSnBpJZFettHD_fvomSNL1l04Id1sVH8arR0v_BeoQwl0uWl0PeAEwRLSWhPN6hnc5aIBe-cC67UGtARsMQgl2VKOL54LrjCIslyvDJbI2L6UZ5ABo_Ege6WGulUQHRPEseaAviAMETeJYO0t_5X0Oc90eWrkBAObfvBiQMywnyDL0YHapigUqkGo0p2MJwQGDZcVrO15IrW3TkGRMBNDJ_v26loy6VEO6trGOo9GgA3XtPlz_ukP4WwzV2vPZ_F9z0mzsq-JIcQ8-Q4cXnkSr-aQAhCfWfJaYIBLaWp-5fBTHahAHhPA612FuUDxoOYd93PGm_nuLCW1zsIf3UqOmMPcSKMU_NYg_u_IQBSpvod590p_pyHucWZ9L8ukH2L3ZBbM-Vhl4hPhlB9bvtZMuFyV_sP8QN8IEPO4YIcdfTOCEScrBDlW_0g2RWrVwPXVCaOhaVMt0S8wrKXp4nTHID3ho6ledptpuy1qdQtN9igIuQAVwBLiFAqxutEpSAnlqVo5ZkqxutbaeN-t5th7ZyfUeKP7Fi_I7azRSY5bNg1blQlG9rFlmgiwXs9yOxoT4=w800-h389-no)

Ngắm bắn thẳng.


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 08:11:41 am
(https://lh3.googleusercontent.com/fy_u1OG58CEY6s_O1KatFaQUpqmio4QrYNekbCeMSXanqff909DAEbSdjLsTZKmU6aouOXCrCKnb7MEd_9XIvsME-poxuCkdxdaOcERT6YKQ5Ro9s0gyJo8EN6D7ZtehO73jhhAi87w9Mwvx2RVIq3eM7kZ61Vb3r1ACOYwrJ_5BITjuRY3Kv6amhmhEN0zBkeWqGWT9Gkn-Ol-2f3RVSnryvN1ScxWEd8fbWW1r3JojV6o9dckXUJTNqIEchoXha4jXCyIPpTqBk5qf_AagdJKygu8R690CshnFrGafkMscxQRlbBFm1ncl-EAmtnWR6ZUuCMy1Gnh3JuCGT3RhgHaBTmJwOAH_pyRNe1ncsDc4RB3aFT6FgNPcEL5IDDS_UyC7WJexKqq7kSb6kAobMvvgT-YV9pqOOGyS1F-5V09gZiXj-ZdVF2gtL6DMOeVukxsCEh9xEusQEQzazT6UGjRS6zjQs28_hm67J_JAPympSBDSrSCAoiG8Nsr_VuAoLGazx_aIuNp-tA9ukbX8PNskq1iWsKnlEWLOGMhPsfjtoj1_Wdhs8xj2Z7hGyuD-Ae3pmFvKKZwJ-k6lPU2mK3oCFeTcUJ-EBHIf6-g=w800-h548-no)

Các chiến sĩ truy kích địch.

(https://lh3.googleusercontent.com/qVF6IpCb696MHjM2Zy7hZE2mFbjaD1Nv1cXEPQ2weiz9TLdJTyIGApWUj8f9M2wRmHNkDICjVP-m21I92fhlTI4GM8bibymtZA9l_2Gy8pl_GA99cmHVjM_N_N2NKzTBP2xh9MckTOCNSLlE9fWBeJVPV6FUFjh9G5nibmSgAgvQyyapp6tICznq9sJVE-OiMhTHK4hs1fqtVU2iiFAKediiQ71rjz6j1_o9fEIQ5oMS47eIbp8ejZqx8b0OX5iNbjIRhXrFa-cVkWEaQNJbtUa_U7Dr9c2NVMpNsLQSrz9C5-TKUkGPIo8XwEPSqK6q8wqCY0EmozMVMBP5a2KzrBVG6B_-QFBo3t-if1ClI3e-tVKhKY6ybEdmbDeApoMSBCQ1VO4E-9dLYiY6MZTd-vLS5dRMmWFU5bA31cVkkG57UtEadbzxYvjS9jazGKN4jWaDH6IAMlSU9gUWqqDdlF-RAmZFL7KgIEG0wuJs1vs0v11nccYdovm6wEjuWtGsTvUSuOSV4la6ZwZMOZSayCh3Tatp62TlB65UubJhB_AgAlj1NwQGdLmOHfmB3pnsal3alH0ZdiHRL90kxrOzgd_e0LvI863jNCXpQJw=w800-h412-no)

Cuộc hội quân của Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vonkhôp ở Xóm công nhân số 4.

(https://lh3.googleusercontent.com/rvwt8D4OP7cjBfmOICme1a0zZ8m2uyRFemlxUnmoqkquRtn8XC_8_Dtvc-KphK7HQGH92YyBriVMm7vvp7ma8kcpGPGW_-mJLeRlUk6pNs3Xw1PrRhUOpxvyCHjjAisyBh_SoO8_NFGGwX9IdggFQUN5tgHQW_0GuJTWIaNeAiwV3CgVjnwv4xEpymZxIXtsTNKKxrRJ77agk6KSvUhcKw7eJSL_LqIui-6VUF5O_WW3J_AAuzguDAAY6SRwYp_xMJPAUBonjqaxKkIM9KftgJ6t980c-8QyKEnE84gjbBK-EGwTMjr-xB22wKc9frCse0uScNYjh_bMIGUKQE45EXA4k7-EnEHHs9OBaGcNbdsDVyGDlbP_vqzam09v1sjowqSB7FR2HhBaSPp7eqM4mRrXUKMkDeOPgx3F3R6zUizRQOhyYbTblMcETBuaaxj5sLT8IroLpy7OtdtIrJ1GUDwKKyGmf90xhNOEfApqmUP-4f-qW1vR0Y_QzbylOcdIMJBcQQ0Gx8-eTuhHhgNsSItQfBGpYL8Y2RKv7ecK51FydJjXzLYAzn1d5U96IeusmQqccjmFfNT3j6istyDt19Ivqg48Xjyhrpym-Vs=w800-h488-no)

Ở vị trí phòng thủ thành phố.

(https://lh3.googleusercontent.com/08vFlZJU-Aeop5NMGpJK-GE3K-5lICtnLcDIx7200Bw1YkY_FMhSRa-kQ426CbsdVtYJ6PHo6DUeP2sawrVMBgQj5SqJNZm-gB9fzSwgBXVR_Aii_4HTssuZYXlPouuRBrkfkqTAjXwvEpraJxVO2phYioltKg1d--vU2evlktvUlx57bPrjAWz94VjMR0FCbTrMcikRYwlMai2BDgnAbADk70wQfLiu2lUUY0BNRAY8it2GL8zjrbUrh_O_PPUzYxLyopNN4iAGZD2eeQpaTxSMKqZBt4vwrONArW3GcaBVqRueALI3q_njNtxk_I8j-Og2mw2Ag7E_SkDGLs04OkLUmtTvaUgtv8gHx2Xc-VRgScOPEfiPGU79-z-sgJD_Z1MMmjHp5yU5DPdJSOMht4-BI8Exq-tsTOrX4CXhTfHKcjNIbbm3DdIa3LYC8Y4cFez1Vu49XglMBzegw8FsvR-WfoavNXvTJzwAwa41gOSC-zRvkPUVQuv0ay0NyG5P5r8udh0x2TUqSPh7TjYso-C5XDLfCpFXSSsq0yEOINweOIpwSdiEjhHwDaFw8EYUG4HerVy9L25dUWgeR70NpDrBMRIBVyv6k8ZAAmc=w800-h518-no)

Lêningrat ngày 27 tháng giêng 1944. Vòng vây của địch đã bị phá tan!


Tiêu đề: Lêningrat giữ vững thành đồng – K. A. Mêrexcôp
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Sáu, 2018, 08:12:33 am
LỜI BẠT

Chín trăm ngày không thển nào quên được. Lêningrat đã hiên ngang chống lại lực lượng vũ trang của chủ nghĩa phát-xít. Chín trăm ngày, nhân dân Lêningrat đã tiến hành một cuộc chiến đấu can trường và anh dũng tuyệt vời chống một kẻ thù hung hăng, vô cùng tàn ác. Cả cái đói và cái rét, cả các cuộc oanh tạc và pháo kich tàn khốc của địch, cả cái chết luôn luôn đe dọa, cũng đã không hề làm nhụt được ý chí thép và tinh thần yêu nước của những người Lêningrat. Họ đã ngoan cường chịu đựng tất cả mọi nỗi gian truân. Chiến thắng đó nhất định không thể có được nếu không có sự chi viện to lớn của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản, của Chính phủ Liên-xô và của toàn thể đất nước đối với thành phố này. Toàn thể nhân dân xô-viết đều đã ở bên những người chiến sĩ vẻ vang bảo vệ thành phố anh hùng. Họ đã làm mọi việc để chi viện cho thành phố bị bao vây trong suốt những năm tháng khó khăn. Chủ nghĩa anh hùng của những người bảo vệ thành phố và sự giúp đỡ của toàn dân đã làm cho Lêningrat trở thành một pháo đìa bất khả công phá mà bày rợ phát-xít đã phải chịu đại bại ở dưới chân thành của nó.

Tổ quốc đã đánh giá cao chiến công của những người bảo vệ Lêningrat. Vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng, vì chí kiên cường và chủ nghĩa yêu nước tuyệt vời, biểu hiện trong những ngày đấu tranh khốc liệt với bọn phát-xít Đức xâm lược, Lêningrat đã được tặng huân chương Lênin và phong danh hiệu Thanh phố anh hùng.

Khi trao phần thưởng cao quý – huân chương Lênin – cho nhân dân Lêningrat trong dịp kỷ niệm lần thứ nhất việc tiêu diệt quân thù – ngày 27 tháng giêng 1945, M. I. Calinin đã nói:

“Tôi có thể quả quyết rằng thế giới chưa từng thấy một chủ nghĩa yêu nước nào như chủ nghĩa yêu nước mà nhân dân của thành phố Lênin vĩ đại đã biểu hiện ra trong cuộc chiến đấu chống một kẻ thù độc ác nhất của loài người tiến bộ, một kẻ thù đã dám có mộng tưởng điên cuồng bắt loài người phải quy phục một bầy tối phản động đã hóa rồ.

Nhiều thế kỷ sẽ qua, song sự nghiệp mà nhân dân Lêningrat – nam giới và phụ nữ, các cụ già và các trẻ em của thành phố này – đã làm nên, thì sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của những thế hệ xa xôi nhất”.

Những năm gian khổ của cuộc chiến tranh chóng phát-xít đã lui vào quá khứ. Với một tốc độ nhanh phi thường, Lêningrat đã hàn gắn xong những vết thương do chiến tranh gây ra. Không còn dấu vết của những sự tàn phá khủng khiếp. Chỉ có những hàng chữ còn lại ở một số tường nhà: “Đồng bào! Khi địch pháo kích, bên này đường phố nguy hiểm hơn” là còn nhắc đến điều mà nhân dân Lêningrat đã phải trải qua trong những ngày bị vây hãm.

Ngày nay khó mà nhận ra Lêningrat cũ nữa. Thành phố đã to ra và đẹp hơn trước chiến tranh. Nhiều khu nhà ở mới nhiều tầng đã xuất hiện. Những chỗ hoang địa ở bên kia đồn Môtxcôpxcaia và trên đảo Crextôpxki đã trở thành những công viên bát ngát. Nhiều đại lộ và phố phường ở trung tâm cũng được xây dựng lại. Ngoại ô và trung tâm thành phố được nối lại với nhau thành một đường tàu điện ngầm với những nhà ga và những lâu đài rất đẹp ở trong lòng đất.

Sau chiến tranh, Lêningrat lại là một trung tâm lớn bậc nhất của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, một cơ sở trọng yếu của ngành chế tạo máy điện, một lò của tiến bộ kỹ thuật. Nó đã cung cấp cho đất nước những tuôcbin và những máy phát điện khổng lồ dùng cho các nhà máy điện lớn nhất thế giới, những tàu biển hiện đại chạy nhanh, những máy kéo mạnh và nhiều máy móc khác. Những người sản xuất cơ khí ở Lêningrat đã chế tạo ra những tuôcbin hơi nước công suất từ 20 đến 80 vạn kilôoát và những tuôcbin thủy lực độc nhất vô song, công suất hơn 50 vạn kilôoát. Những người đóng tàu ở Lêningrat đã làm ra chiếc tàu nguyên tử phá băng đầu tiên trên thế giới – tàu “Lênin”. Hàng năm Lêningrat sản xuất ra hơn 500 thứ máy móc và bộ máy mới. Công nghiệp chế tạo và hóa chất cũng phát triển với tốc độ nhanh.

Vẫn như trước kia, Lêningrat đã là một thành phố có hàng chục trường đại học và trung học chuyên nghiệp, viện nghiên cứu khoa học, bảo tàng, nhà hát và thư viện. Nhiều công trình của các nhà bác học Lêningrat không chỉ nổi tiếng ở Liên-xô, mà còn ở nước ngài. Các nhà văn, họa sĩ, nhà soạn nhạc, cán bộ điện ảnh Lêningrat đã sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật chân chính, xuất sắc. Các nghệ sĩ Lêningrat đã được khán giả nhiều nước hoan nghênh.

Vẻ đẹp khác thường của thành phố, những di tích lịch sử và cách mạng của nó đang thu hút rất nhiều người dân Liên-xô tham quan và du lịch.

Thời ian ngày càng đưa chúng ta đi xa những cuộc chiến đấu quyết liệt để bảo vệ Lêningrat. Trong tâm trí của người ta, nhiều cái đã dịu đi, có những đường nét mới, ít sắc nhọn hơn. Song việc phòng thủ thành phố Lêningrat – bản anh hùng ca về chí kiên cường, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng, đã từng làm cho những người đương thời phải kinh ngạc và thán phục, - thì vẫn còn mãi lưu lại trong tâm khảm người ta như là một tượng trưng về sự vô địch của Nhà nước xã hội chủ nghĩa vĩ đại.

Tại nghĩa trang Pixcarep ở Lêningrat, nơi an táng thi hài những nười đã hy sinh trong cuộc phòng thủ, trên mộ chí chung có khắc dòng chữ: “Không một ai bị quên và không một cái gì quên đi được”. Những chữ đó vang lên như một lời thề thiêng liêng trên mộ những người anh hùng. Bản anh hùng cả vẻ vang Lêningrat – trước hết đã là một tấm gương chói lọi về lòng trung thành vô bờ bến đối với tổ quốc. đồng thời đó cũng là lời nhắc nhở nghiêm khắc về những thảm họa của chiến tranh, về sự cần thiết phải kiên quyết chống lại tất cả những kẻ hiện đang ôm ấp âm mưu đen tối gây ra một cuộc chiến tranh mới.

Bản anh hùng ca Lêningrat lả một bộ phận hợp thành của toàn bộ lịch sử đáng ghi nhớ của cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cuộc chiến tranh này đã kết thúc bằng việc tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa phát-xít. Trong cuộc chiến đấu với đội đột kích mũi nhọn của phe phản động quốc tế và chủ nghĩa đế quốc, Đất nước xô-viết đã đóng một vai trò quyết định. Việc đánh bại nước Đức phát-xit và bọn đồng minh của nó ở châu Âu và châu Á đã có một ý nghĩa lịch sử toàn thế giới: chiến thắng này đã mở ra cho nhiều dân tộc và nhiều nước trên thế giới con đường đi tới tự do, độc lập và tiến bộ xã hội. Cuối cùng, chiến thắng đó chứng tỏ rằng hiện nay không có lực lượng nào có thể đảo ngược những cuộc cải tạo cách mạng mà cuộc Đại Cách mạng xã hội chủ nghĩa đã bắt đầu ngay từ tháng Mười 1917.