Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 06:56:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một chuyện chép ở bệnh viện  (Đọc 30952 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #10 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2009, 08:05:36 pm »

  Khi tôi vén màn lên, trước mắt tôi, chồng tôi đang ôm con ngủ. Con gái tôi nằm ngoan ngoãn trong lòng cha nó. Gò má nó áp vào ngực anh ấy. Thỉnh thoảng nó lại liếm đôi môi chút chút. Tôi đứng cận đấy, có thể ngửi được từ đôi môi nó cả cái mùi sữa thơm dịu. Nhìn vẻ mặt chồng, tôi thấy anh rắn rỏi hơn trước nhiều. Gương mặt của ảnh không khác trước mấy, nhưng đen sạm đi. Tôi đứng như thế có tới năm mười phút. Đáng lẽ phải là lên ngủ với chồng con, nhưng tôi vẫn cứ không lên được. Sau cùng thấy anh ấy không đắp chăn, tôi tìm chăn khẽ đắp cho cả hai cha con. Bỗng anh ấy cựa mình. Tôi vội bỏ nhẹ chéo màn xuống và đi ra.

  Trong nhà không còn chỗ ngủ nào nữa. Tôi đến tựa lưng vào đống lưới chất trong góc nhà. Vì thức gần trọn đêm, ngồi một chốc tôi ngủ lúc nào không hay. Cho đến lúc trời rực sáng. Con tôi trong buồng thức trước tôi. Nó ú ớ lên tiếng trong giấc ngủ của tôi. Thường thế đấy anh ạ. Tôi nghĩ thật không có tiếng gì đánh thức tôi nhanh chóng bằng tiếng con nó khóc gọi. Cái tiếng "ma... má" của nó vừa cất lên đã lay tôi tỉnh ngay. Tôi dụi mắt chỗi dậy. Lúc mở mắt ra, tôi bỗng thấy nhà tôi đã ngồi bên cạnh tôi từ bao giờ. Tôi tưởng là tôi chiêm bao.
Chợt nhớ tới đêm qua mới tin rằng đó là thật. Im lặng một lúc, tôi mấp máy.

  - Anh...

  Nhà tôi nhìn thẳng vào tôi, rồi nói với tôi:

  - Tư à. Anh mới về hồi đầu hôm. Nghe ba nói Tư lên Hiệp Lộ, anh đợi hoài mà không thấy Tư về.

  - Dạ...

  Tôi "dạ" một tiếng nhỏ nhắn. Cảm thấy câu đáp chưa trọn, tôi nói tiếp.

  - Em đi sanh cho một chị trên đó, mới về hồi gần sáng.

  - Sao không vô buồng ngủ mà ngủ ở ngoài này?

  Tôi cúi đầu không đáp. Tư Khoa lấy tay rẽ mấy sợi tóc trước trán tôi, khẽ hỏi:

  - Có thấy anh nằm ở trong buồng không?

  - Dạ có.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #11 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2009, 08:07:05 pm »

  Đáp xong, tôi cúi đầu thấp hơn một chút nữa, như là người phạm tội. Không dằn được nỗi tủi thân chất chứa bấy lâu nay trong lòng, tôi nấc lên. Rồi nhoài người sang đống lưới bên cạnh, tôi bắt đầu khóc mùi mẫn. Tưởng như lúc ấy tự mình không có cách gì ngăn lại được. Tôi mang trong lòng nỗi khổ nhục, sáu tháng qua đã nhiều lần khóc, nhưng giờ đây trước mặt nhà tôi, cái khóc nó mới thấm thía làm sao. Nhà tôi lúc đó không nói gì cả, lúc thì nhìn tôi, lúc day mặt chỗ khác. Khi đó hình như anh cứ để cho tôi buông hết nỗi tủi hờn. Mãi sau ảnh mới đặt bàn tay lên đôi vai đang rung lên của tôi. Đứa con chúng tôi trong buồng sau khi khóc gọi, nằm nín một chập, giờ nhận ra tiếng khóc của tôi, liền rọ rạy khóc theo. Tình thế đó làm nhà tôi luống cuống, anh quàng tay kéo tôi vào lòng. Một tay ảnh rút chiếc khăn trên đầu tôi xuống, chùi những giọt nước mắt đang ướt đầm trên má tôi.

  Vừa lau nước mắt cho tôi ảnh vừa nói:

  - Thôi, đừng khóc nữa. Con nó cũng đã khóc rồi kìa.

  Biết rằng khi chồng đã khuyên dỗ, rất không nên khóc nữa. Nhưng tôi vẫn chưa nín ngay được, cứ ngồi mà sùi sụt. Nhà tôi khẽ nới tay tôi đứng dậy. Anh ấy vào buồng bế con ra. Con bé được bế, nó nín khóc, nhưng chợt nhận ra người lạ, lại nhoài người không chịu. Qua một giấc ngủ dài, con bé đã quên hồi đầu hôm nhà tôi đã bế nó một lần. Anh ấy chùi nước mắt cho nó, với chiếc khăn mà anh ấy đã lau nước mắt cho tôi.

  Bây giờ tôi đã bình tĩnh hơn. Tôi với hai tay sang chồng, vừa liếm môi vừa nói nho nhỏ hơn:

  - Anh... đưa con đây cho em.

  - Thôi nó nín rồi.

  Quả thật con tôi đã nín, sau khi tôi đã dịu cơn khóc. Nhà tôi cứ giữ lấy con nói:

  - Tư à. Tư tưởng tôi về đây hành hạ Tư nữa sao. Lần này tôi về đâu có phải để mà dằn vặt Tư. Tôi không muốn Tư khổ thêm và tôi đau đớn nữa. Bọn chúng nó đã làm cho mình khổ, giờ tụi mình phải làm dịu mối đau khổ đó.

  Nhà tôi nói chuyện mà xưng bằng tiếng "tôi" như thế thường là lúc bị xúc động nhất. Anh ấy dừng lại, ngó mông ra biển, rồi nói tiếp, lần này lại xưng "anh":

  - Hồi trước Tư cũng biết. Anh đi đây đi đó. Đi nhiều nơi, khi sung sướng khi cực khổ, cực khổ là phần nhiều. Rồi anh gặp Tư, lần Tư ở trong nhà bảo sanh đòi trốn theo anh, Tư nhớ không, lúc đó anh không muốn cho Tư trốn, coi sự bỏ trốn là hèn quá. Cái chuyện nó bắt mình phải thoát ra khỏi chỗ tù túng để được tự do mà không thoát ra là mình dại. Cho tới lúc vô tù, anh em giác ngộ cho, anh mới biết. Chẳng những biết cách đòi tự do, mà còn phải biết yêu thương những người cùng đi một đường với mình. Người chí thiết nhất trong số người đi cùng đường với anh là Tư. Trên con đường đi đó, chẳng may Tư bị thương. Vết thương xuyên qua người Tư, và cả anh. Nếu không cùng rịt dấu cho chóng lành thì cả hai sẽ chết, người nào cũng như thế thì người đó cũng sẽ chết...".

  Anh ấy nói luôn một hơi. Nói xong đôi mắt anh hấp háy. Tôi lắng nghe không sót một tiếng. Lòng tôi chan hòa mối xúc cảm. Tôi ngước mặt lên, khóe mắt ráo đọng. Như thể được chắp cánh, tôi ngã người tới trước gục đầu vào chân anh ấy. Tôi để mặc những giọt nước mắt mình tha hồ giàn giụa chảy.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #12 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2009, 08:09:27 pm »

  Sáng đó cha tôi bỏ đi biệt tới trưa mới về, lúc về vác trên vai một bị tôm, cua. Nhà tôi giữ con cho tôi nấu nướng. Thấy tôi làm bếp thoăn thoắt, cha tôi có ý mừng lắm. Có lẽ người đoán biết nhà tôi đã an ủi tôi nên tôi mới vui vẻ như vậy. Với cái sung sướng ấy, cha tôi biểu lộ ra bằng chỉ âu yếm với cháu. Từ trong nhà đi ra cha tôi vờ như không thấy con bé. Người cất tiếng gọi:

  - Con Hai, con Hai đâu rồi!

  Con tôi nghe tiếng gọi của ông nội, ngó quanh quất tìm. Cha tôi thụp trốn sau lưng nhà tôi. Con bé tìm mãi không được. Sau cùng cha tôi mới nhô lên kề miệng mà hôn nó. Con bé bị râu của ông nội cà nhột, dấu đầu vào ngực nhà tôi cười rúc rích từng chập. Nhà tôi cũng cười, rồi bế con đi vào bếp ngồi bên cạnh tôi. Anh ấy nói:

  - Lâu lắm mới được ăn một bữa tôm.

  - Chỗ anh không có tôm sao?

  - Không có. Thỉnh thoảng mới được ăn một lần.

  - Ba với em ăn hoài cũng ngán.

  Anh ấy ngồi một chốc, và sực nhớ ra điều gì, ảnh hỏi tôi:

  - Tư à?

  - Dạ.

  - Tên con đặt chưa?

  - Dạ chưa.

  Ảnh cười hỏi: - Ai đặt tên con nhỏ là Hai vậy?

  Tôi lúng túng đáp: - Dạ... kêu đỡ vậy thôi, chứ có kêu thiệt đâu!

  Anh ấy tắc lưỡi nưng cằm con gọi nhại "- Con Hai, con Hai". Làm tôi không nhịn được cười.

  Sau bữa cơm trưa đó, còn có chú Chín Tốt là một người đi lưới trong xóm đến đi khơi với cha tôi. Quên nói, sau trận bố, cha tôi góp nhóp tiền cố sắm được một chiếc ghe lưới khác, lại tiếp tục đi làm nghề.

  Những chiếc ghe lưới cắm tận ngoài xa, nước lớn lên bồng bềnh muốn trôi. Cha tôi lội ra kéo vào. Chín Tốt vất lưới lên khoang. Tôi và nhà tôi cũng từ trên bế con xuống. Tôi đem theo bật lửa, thuốc hút và hai chai nước đặt trước mũi ghe. Những thứ đó bao giờ tôi cũng chuẩn bị sẵn mỗi khi cha tôi sắp ra khơi. Cha tôi đứng trên ghe lấy tay ngoắc ngoắc cháu:

  - Cho nó xuống đây!

  - Con ra biển với nội nghe.

  Tôi vừa nói với con vừa cầm tay nó giơ lên vẫy. Con bé liền giơ hai bàn tay nhỏ xíu ra ngoắc lia lịa. Cha tôi gọi với lại:

  - Tối con Tư nhớ đem đèn ra cắm nghe. Nếu gặp cá bầy ba sẽ đi khuya, sợ gió đổi hướng.

  Nhà tôi nghe nói nói cũng tỏ vẻ biết ngay. Tuy rời biển đã lâu, nhưng thuở nhỏ ảnh cũng đã từng cắm đèn trên bãi như thế. Người ở vạn lưới chúng tôi ra khơi khuya, sợ lúc về gió đổi chiều quên hướng nên thường dùng một chiếc đèn lục lăng tháp kính đỏ, mắc lên một cây tre cao rồi cắm trên bãi. Nếu có lạc hướng, ghe lưới sẽ theo ánh đèn ấy mà vào.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #13 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2009, 08:12:50 pm »

  Tôi bế con đến bên nhà tôi nói:

  - Dạo chưa tổ chức du kích, ban đêm hễ thấy đèn là bọn lính bót rõn vô ngồi đợi. Những chuyến ghe lưới đêm về là tụi nó xổ ra giựt lấy cá.

  - Bây giờ nó có thường vô nữa không?

  - Nó hết dám đi rồi anh à. Ở trong bót còn bị du kích bắn huống chi ra ngoài.

  Nhà tôi kéo tay tôi ngồi xuống cát. Trời đã xế bóng. Nắng chiếu chênh chếch trên bãi cát trắng phau. Về phía vàm Hiệp Lộ, một đàn cò lượn mấy vòng rồi đáp xuống bãi. Bãi cát ở vàm Hiệp Lộ chúng tôi trắng lạ. Cát trắng đến nỗi những đàn cò như thế, với sắc lông trắng toát của nó, khi đáp xuống là như hòa biến trong cát không còn phân biệt được nữa.

  Nhà tôi hỏi:

  - Tư à, một tháng trung bình Tư đi sanh cho bà con mấy lần?

  Tôi đáp: - Không biết chừng, khi nhiều khi ít, nhưng cứ đi luôn. Ba xã mà chỉ có một mình em.

  - À, hồi đêm qua cái chị vợ lính đẻ ra sao?

  Tôi lắc đầu nói:

  - Cũng bình yên. Nhưng tội quá, không có ai chăm sóc. Đứa em thì khờ quá. Còn chồng thì ở ngoài bót. Anh ta có trốn về nhà, nhưng lúc đó thì chị vợ đã được người ta chở vô ấp trong để gặp em. Anh ta định theo vào, nhưng lại sợ đằng mình. Rốt cuộc thằng xếp cho lính vô lôi anh ta về bót.

  - Đi làm như thế ủy ban xã cấp cho em mỗi tháng bao nhiêu?

  - Mỗi tháng ba giạ lúa.

  Nhà tôi ái ngại nhìn tôi nói:

  - Anh chỉ lo Tư với con sống thiếu thốn.

  - Không đến nỗi nào đâu anh à. Lúa của em cả nhà ăn dư, ba thì đi lưới bán được cá luôn. Lúc rảnh thì em lại dệt.

  Tôi than thở về cái khung cửi bị đốt, đến nay chưa đóng cái khác được, cứ phải đi dệt nhờ trên Hiệp Hưng.

  Nhà tôi hỏi tôi về chuyện học hành. Tôi nói là không có ai dạy thêm, chỉ đọc sách mượn của ủy ban và của mấy chị phụ nữ Huyện gởi về cho.

  - Tư đã đọc những cuốn gì rồi?

  Tôi hơi lúng túng:

  - Có cuốn nào coi cuốn đó, không kể là cuốn gì.

  - Anh ở đơn vị có nhiều sách, chừng nào về dưới anh gởi cho Tư.

  Gió biển lùa vào bãi. Tôi kéo con vào lòng. Chồng tôi lại chợt hỏi:

  - À, Tư này, từ giờ đừng gọi con nó là Hai nữa nghe!

  - Vậy đặt con tên gì?

  - Anh định đặt cho nó tên Thủy, lót chữ Ngọc. Như vậy được không? Tên con gái đặt thế được chứ?

  Tôi lặp lại: Ngọc Thủy à?

  Anh ấy gật đầu. Ảnh lại hỏi tôi lần nữa là có đồng ý không. Tôi nghĩ bụng thấy cái tên cũng dễ nghe, vừa đẹp lại vừa thùy mị, nên đáp: "Được". Như vậy là chúng tôi đã đặt tên chính thức cho con gái đầu lòng của chúng tôi trong buổi chiều đó. Trên bãi biển nắng dịu và gió lộng thổi. Những luồng gió từ biển thổi tới, ve vuốt, làm khô ráo cát ướt ở mé bãi. Nhà tôi bồng lấy con trên tay tôi. Hai chúng tôi đứng lên trước gió. Chim nhạn liệng từng đàn trên đầu chúng tôi. Ngoài khơi, cánh buồm ghe lưới của cha tôi bấy giờ chỉ còn thoáng hiện bằng ngón tay út. ở dưới chân chúng tôi, sóng biển vẫn ào ạt cuốn vào.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #14 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2009, 08:15:01 pm »

  Chồng tôi về nhà được ba ngày. Tối hôm ấy ảnh sửa soạn đi. Tôi lấy một bộ đồ tơ mới xếp vào ba lô anh ấy, không quên coi lại những sợi dây ba lô đã thật chắc chưa. Từ ngày trước, quần áo anh ấy có cái nào sờn rách tôi đều vá mạng lại cẩn thận. Tôi lấy bớt ra năm mươi đồng bạc xanh trong số tiền dành dụm được đưa cho anh ấy. Biết chồng sắp sửa xa con, không hẹn chừng nào lại được về nữa, cho nên suốt cả ngày hôm đó, trừ những lúc cho con bú, tôi cố để ảnh được bế và chơi với con. Khi nỗi đau đớn và lo lắng của tôi được anh ấy làm dịu đi thì hy vọng và niềm vui lại rào rạt trong tôi. Ở anh ấy, tôi thấy vẻ đau đớn, nhưng anh ấy cố dằn, lấy nghĩa tình một người đàn ông biết suy nghĩ mà làm dịu nỗi xót tủi của người vợ khốn đốn như tôi.

  Ngày hôm kia, cả ngày hôm qua, tôi thấy ảnh không nhắc lại chuyện buồn đó nữa. Trong mọi lời nói và cử chỉ. Tôi thấy rõ ràng ảnh muốn cho tôi quên đi. Đêm qua nằm ngủ với nhau, anh ấy âu yếm ôm tôi một cách thật lòng. Rồi sau đó anh ôm quàng cả hai mẹ con tôi mà hôn, hết hôn tôi lại hôn con Thủy. Trong những phút ấy, tôi ứa nước mắt. Làm sao không khóc được khi chồng thấu hiểu nỗi đau xót của mình, vẫn hết lòng tin cậy yêu thương mình. Không thể quên được là sau khi hôn tôi và con xong, ảnh nâng đầu tôi áp vào ngực ảnh mà bảo rằng: "Tư ráng làm việc và thay anh nuôi nấng con Thủy. Cái nghề của Tư có thể giúp cho bà con, có thể làm được công tác. Nếu các đồng chí đó đặt vấn đề kết hợp đẻ với công tác ngụy vận thì Tư cứ nhận. Anh đã nó với ba rồi, nhà mình không đến nỗi chật vật lắm. Nhưng anh dặn Tư phải cẩn thận mới được. Con thì còn nhỏ, anh thì đi xa, chỉ trông vào một tay Tư chăm sóc nuôi nấng nó. Con Thủy là hy vọng của anh và Tư, đáng lẽ anh phải trực tiếp lo cho con, lo cả cho Tư, nhưng bây giờ thì anh chưa lo được nên anh giao nó cho Tư.
Lúc anh ấy nói xong, tôi ngước mắt trong bóng tối tìm cặp mắt của anh ấy và run run cất lên một tiếng dạ. Tôi nghĩ rằng tiếng dạ của tôi lúc đó thật không phải là một tiếng thường, mà là lời nhận thừa hành bổn phận của tôi đối với xã hội và gia đình. Trong lòng tôi chan hòa nỗi sung sướng với lo lắng. Tôi nghĩ bụng: "Một đứa con gái mồ côi như mình, gặp được anh ấy thật đã may mắn như vậy. Từ đây chẳng lẽ lại không làm được gì để đáp lại một tấm lòng tốt như thế hay sao?"

  Trời sụp tối, tôi tiễn chồng ra bãi. Tôi mang ba lô, nhà tôi thì bế con. Cha tôi theo ra tới cửa. Chồng tôi nhìn thấy cặp mắt của cha tôi nhấp nháy và hơi đỏ, ảnh nói:

  - Ba nhỏ thuốc con mắt cho thường, hết thì bảo vợ con nó gởi mua chai khác.

  Chúng tôi ra tới bãi thì sương đêm đã xuống. Tôi lấy khăn phủ lên đầu con Ngọc Thủy. Xuồng liên lạc chưa đến. Chúng tôi ngồi xuống trên một mỏm đá. Sóng biển cũng như mọi ngày, không ngớt vùng vẫy. Những ngọn sóng thi nhau cất đầu đùa rỡn với làn sương xuống sớm. Nhà tôi chỉ ra ngoài xa, một hòn cù lao tím mờ, nói:

  - Hòn Con Nghê, hồi nhỏ anh có theo ba ra đó một lần.

  Tôi nghe nhà tôi nói, nhìn hòn cù lao ẩn trong sương, nghĩ đến phút chia tay đã gần kề, lòng bùi ngùi. Anh ấy biết tâm trạng tôi, một tay bế con, một tay kéo tôi vào vai:

  - Anh đi rồi ít lâu anh lại về. Tư ở lại cố ráng nghe.

  Anh ấy chỉ nói với tôi có bấy nhiêu lời. Vừa lúc đó từ phía nam Hiệp Lộ, một chiếc xuồng chèo tới. Tôi ngẩng dậy, chiếc xuồng chèo sát vào bãi. Trên xuồng vọng lên một tiếng hỏi: "- Ai đó? Có phải Khoa không?"

  - Phải rồi, tôi đây!

  Chồng tôi vừa đáp vừa đứng dậy. Anh ấy nâng mặt con Ngọc Thủy lên. Con bé ngủ yên trên tay ảnh từ lâu, đang ngáy đều và khẽ. Nhà tôi kề miệng hôn con mấy cái hôn dài. Hôn xong mà hình như anh ấy vẫn chưa thỏa. Tôi trao ba lô cho ảnh.

  Chiếc xuồng rấn mũi lên cát. Nhà tôi vội vàng ôm lấy tôi, ghì mạnh. Có độ nửa phút mới buông tôi ra, chạy lại xuồng. Tiếng chú Tư Bường hỏi:

  - Ai đứng đó, thím Tư phải không?

  Tôi đáp: - Dạ phải!

  - Cha chả, lặn lội đưa chồng ra tới đây, dữ ác hôn. Thôi bồng con nhỏ về đi thím Tư, coi chừng nhiễm sương đa.

  - Dạ.

  Nhà tôi ngồi trên xuồng không biết có nghe tiếng "dạ" cuối cùng của tôi không, tôi không rõ. Chỉ biết rằng lúc đó, xuồng từ từ lui ra, tôi bồng con đứng tại mỏm đá thấy anh ấy vẫn ngồi ngoái nhìn hai mẹ con tôi. Cho tới bây giờ mỗi lần nghĩ đến nhà tôi, cái mà tôi nhớ nhất là hình ảnh chiếc xuồng nhỏ nhảy nhót trên sóng rồi lẩn đi trong sương mờ mịt.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #15 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 04:02:17 pm »

Chương 4


  "- Hậu à, chị đã nói với em rồi, giờ em thấy thế nào?"

  Chị Ba Dương vừa hỏi vừa ngước nhìn tôi. Đôi mắt của người bí thư phụ nữ huyện ấy chứa đựng một cái gì hy vọng vừa trìu mến. Chị ta bế con Thủy tôi trên tay, áp sát nó vào khổ người hơi gầy gò của chị, rồi lấy tay nựng cằm nó - cái bàn tay đã mất hết bốn ngón.

  Tôi nói:

  - Chị Ba, em không ngại gì hết, chỉ sợ con em còn nhỏ quá, đi như vậy rồi biết gửi nó cho ai. Với lại em đương có nghén. Bấy lâu nay em cũng vẫn đi đỡ cho bà con, em đâu có nề hà gì... em muốn... như vậy nè, chị Ba coi có được không nghe...

  Thấy tôi ngập ngừng, chị Ba Dương hỏi:

  - Sao? em cứ nói đi!

  Tôi nắm tay chị ấy nói:

  - Từ giờ em cũng đi đỡ cho bà con như thường... nhưng khoan lãnh nhiệm vụ mới. Khi em sanh rồi, em nhận.

  Chị Ba nghe tôi nhận lời thì mắt sáng lên, ghì chặt tay tôi:

  - Thiệt không?

  - Tôi nói: - Em hứa với chị như vậy!

  Chị Ba Dương đặt bàn tay trụi ngón của chị lên tay tôi, nói giọng sung sướng:

  - Miễn em đồng ý là được rồi, còn chuyện con cái sanh đẻ của em, em đừng lo. Em sanh thì cũng như người khác sanh, chuyện đó phải vậy rồi. Công việc của trên giao đâu phải là chuyện một ngày một buổi. Nó là công việc trường kỳ Hậu à. Hậu coi, đây em đi vào địch hậu đỡ đẻ rồi em biết. Ban đầu phải làm cho họ đừng ngại mình. Sau khi họ dạn rồi thì mình phải làm sao cho họ mến mình. Chừng mình với họ có tình cảm khăng khít rồi, lúc đó mình tuyên truyền họ...

  Tôi nghe nói rất lo. Tôi lắc đầu:

  - Em biết gì mà tuyên truyền. Em dốt lắm.

  Chị Ba Dương cười. Tôi càng lo lắng thêm, mới bảo:

  - Thôi chị à, đừng giao cái đó cho em. Em cứ lo việc hộ sinh đỡ đẻ. Họ có cảm tình với mình, với kháng chiến là được rồi. Còn chuyện này khác, em dốt thiệt...

  Chị Ba thôi cười. Nét mặt đứng tuổi và khắc khổ của chị vụt trở nên lặng lẽ. Hình như chị cảm thấy điều chị vừa nói với tôi hơi sớm quá.
Chị bảo:

  - Em không lo. Dần dà rồi em sẽ biết... như chị trước đây cũng vậy. Thiệt còn dốt hơn em nữa. Không lo, rồi sẽ quen dần em à.

  - Chị nói thì em tin chị...
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #16 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 04:04:29 pm »

  Chị Ba Dương lộ vẻ xúc động, nắm tay tôi rất chặt. Chị đưa mắt nhìn ra mạn biển và hỏi tôi:

  - Em biết tại sao hồi trước chị bị đày đi Côn Lôn không?

  - Tại chị đi biểu tình chống thuế ở huyện Long Hưng nên tụi nó bắt chị.

  - Em nói sai rồi, kỳ đó nó đâu có bắt được chị... Nhưng đó chỉ là một việc thôi. Cái chính tại vì chị thấy bọn phụ nữ mình khổ cực quá.

  Câu nói của chị Ba Dương khiến tôi rùng mình. Trong phút chốc, tôi thấy bồi hồi, vày như là nước mắt lại có cơ hội chảy ra. May mà nước mắt nó chỉ vừa đọng nặng ở quanh mi tôi thôi. Chị Ba Dương lại nói tiếp:

  - Nhưng làm cách mạng thì phải chịu cực. Cực khổ hơn đời sống thường ở nhà mình nhiều. Có khi chết không ai biết, đổ máu phải bấm bụng chịu.

  Chị Ba thôi nói, lại ngó mông ra biển. Hồi sau chị quay lại áp sát má vào làn tóc đen nhánh của con Thủy tôi. Tôi ngó chị Ba, thấy thương cho chị quá. Người chị có tuổi này, tôi quen hai năm nay. Mỗi lần gặp chị tôi cảm thấy chị thật là tốt, thật là một người chị lớn. Chị ta nói mấy câu làm tôi tủi thân quá chừng. Bấy lâu tôi cũng thấy cuộc đời của chúng tôi là cực, nhưng chỉ thấy một cách mang máng. Hoặc giả thấy thế rồi thì chỉ có trông cậy vào đàn ông thanh niên giải thoát cho, chứ có bao giờ nghĩ rằng chính mình có thể tự tháo gỡ ra được đâu. Khi ấy tôi để nguyên bàn tay tôi nằm trong bàn tay trụi ngón của chị Ba, bồi hồi nghĩ ngợi.

  Thấy trời đã xế bóng, tôi hỏi chị:

  - Chừng nào chị Ba về trên huyện?

  - Chị tính về ngay bây giờ.

  - Ở lại ăn cơm với em rồi hãy đi, còn sớm lắm.

  Chị Ba gật đầu. Tôi đi vo gạo nấu cơm. Tôi nói:

  - Chị cứ để cháu xuống ván nó chơi.

  Chị Ba đặt bé Thủy xuống. Con bé hí hửng dợm lần tới đầu vách, nơi đó có treo một hàng lục lạc làm bằng càng cua biển. Ở bãi Sao, khi bắt được cua to lúc ăn, chúng tôi giữ cái càng lại. Rút thịt trong càng ra rồi xoi lỗ, bỏ vào đó một con ốc len nhỏ làm thành lục lạc cho con nít chơi. Lục lạc cua treo trên vách nhà ngoài. Gió biển thổi vô, những cái lục lạc bằng càng cua đỏ tươi cứ khua lắc cắc lụp cụp. Con Thủy thích lắm. Nó cứ lần đi từ đầu vách tới cuối vách, cố ngước đầu lên nghe tiếng lục lạc khua. Đi hết lượt nó ngoái nhìn chị Ba như để khoe. Chị Ba vỗ tay khen. Bé Thủy cười quýnh lên rồi chập chững đi nữa. Chợt nhớ ra điều gì, chị Ba hỏi tôi:

  - Bác Bảy đi đâu rồi em?

  - Ba em lên Long Hưng.

  - Mắt bác Bảy dạo này có đỡ hơn trước không?

  - Cũng không đỡ mấy. Hễ gió chướng thì mắt ba xốn lắm!

  Chị Ba lấy trong túi ra một chai nhỏ đưa cho tôi:

  - Chị mua cho bác Bảy chai thuốc đau mắt. Em cất để nhỏ cho bác, nhớ nhỏ trước khi đi ngủ nghe.

  - Cảm ơn chị!
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #17 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 04:06:16 pm »

  Vừa lúc ấy, ngoài nhà có tiếng chân ai bước vào. Kế đó có tiếng hỏi:

  - Thím Tư có nhà không? Đi đâu mà bỏ con nhỏ một mình vậy kìa.

  Tôi nhận ra tiếng chú Tư Bường, liền nói ra:

  - Cháu có nhà đây, chú Tư ơi!

  - Thím Tư có thơ đây.

  - Dạ.

  Tôi chạy ra. Chú Tư liên lạc trao cái thư cho tôi. Tôi nói:

  - Chú Tư ở ăn cơm rồi hẵng đi.

  - Tôi ăn rồi. Thôi, tôi đi... gấp quá.

  Chú Tư Bường nói rồi liền đi. Tôi nhìn qua bao thơ, thấy không phải là chữ của nhà tôi, nhưng đúng là đơn vị của nhà tôi gởi. Tôi vừa xé thơ vừa nói với chị Ba:

  - Lạ quá, thư của đơn vị anh ấy gởi.

  - Đâu đọc coi.

  Tôi rút mảnh giấy trong bao thơ ra. Mới nhìn lướt qua mấy hàng chữ đầu, mắt tôi hoa lên. "Chị Nguyễn Thị Hậu. Chúng tôi viết thư này cho chị thật là bất đắc dĩ. Chúng tôi biết chị sẽ đau đớn còn hơn chúng tôi đau đớn, nhưng chẳng lẽ chúng tôi lại giấu chị. Xin chị hãy giữ bình tĩnh và can đảm..." Tôi rùng mình và thấy lạnh gai người. Chân tôi như bắt rễ xuống đất. Tôi vội vàng đưa mắt đọc tiếp. Đọc chưa xong bức thư, tôi đứng hết vững. Tôi kêu trời và lảo đảo tựa người xuống bộ phản, không khóc được, không nói được. Chị Ba Dương hốt hoảng chạy tới đỡ tôi, một tay chị dằng lấy bức thư đọc. Đọc xong chị cắn môi lặng lẽ nhìn tôi và nhè nhẹ vuốt vai tôi. Tôi ngẩng mặt lên, mắt lóa đi không còn nhìn thấy gì nữa. Chị Ba cầm bức thư đọc lại cho tôi nghe. Đơn vị công binh xưởng báo tin chồng tôi chết trong một trận chống giặc nhảy dù, bảo vệ xưởng. Tôi cứ nghĩ là không khi nào lại như thế được. Nhưng những dòng chữ, con dấu và chữ ký của đồng chí xưởng trưởng rành rành ra đó. Sự thật quả là như thế đó. Đúng là nhà tôi đã hy sinh rồi. Chỗ nương tựa chắc chắn nhất của tôi giờ như bị lìa đứt, khiến tôi cảm thấy trơ trọi ghê gớm. Tôi vùng dậy khóc nức, quờ quạng tay bíu lấy chị Ba Dương như bíu lấy một cái gì có thể làm cho nỗi trơ trọi khủng khiếp kia bớt đe dọa tôi. Chị Ba ngồi ghé bên đầu phản. Bên ngoài con tôi lần vách cháu đang gọi: "Má... má..." Chị Ba đi ra bế nó vào. Chị ngồi bên vuốt tóc tôi. Con bé tôi vùng khỏi tay chị Ba, vụt ôm lấy tôi kêu "má má" liền miệng. Tôi ngước nhìn con, như nói với nó: "Con ơi, từ đây má với con sẽ sống ra sao đây?".

  Chị Ba nói từng lời một:

  - Em Hậu, việc đã xảy ra rồi. Chú ấy mất, có khóc chú ấy cũng không sống lại được nữa. Cố mà bình tĩnh... Chị khuyên em. Chị biết, em đau đớn... Nhưng chị khuyên em, lúc này cần phải có gan chịu đựng. ở bên em, còn có chị và bà con, còn có bác Bảy. Em nên nhớ là em đang có thai, em phải chịu đựng mà nuôi con Thủy, nuôi đứa con nhỏ mà em sắp sanh nó ra đây...

  Tôi gục khóc lặng người. Lòng tôi nặng trĩu cô đơn. Chưa lúc nào nỗi đau đớn và cô đơn xâm chiếm lòng tôi cách cực mạnh như lúc này. Cha và mẹ tôi mất hồi tôi chưa biết khóc thương. Lớn lên tôi đã biết thế nào là số phận mồ côi, cái bơ vơ lạc loài của một đứa trẻ không cha không mẹ. Tôi đã sống qua những phút tê tái nhục hờn của một người vợ, một người mẹ, bị kẻ địch làm mất trinh tiết. Song tất cả từng ấy khổ não, chưa cái nào dằn vặt cấu xé tâm hồn tôi bằng cái tin buồn bất ngờ đến với tôi hôm nay. Là vì người vừa mất hôm nay chính là người đã dìu dắt tôi ra khỏi chỗ bơ vơ, là người đã làm an dịu được vết thương tủi nhục trên người tôi.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #18 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 04:07:49 pm »

  Tôi vừa khóc nấc vừa gọi:

  - Chị Ba, chị Ba... Mẹ con em biết làm sao bây giờ...

  Chị Ba dỗ tôi:

  - "Em nghe lời chị, gắng lên. Chú ấy mất em buồn là phải. Nhưng theo chị, em nên lấy làm vinh dự, vì chú Tư chết cách xứng đáng. Em thấy trong thư các đồng chí đó nói không. Chú Tư cùng với anh em thợ chiến đấu trọn ngày, giết trên ba mươi tên địch, cứu cả xưởng thoát khỏi vòng vây. Đó... như vậy đó. Hậu, em thấy chưa? Em không hổ thẹn có được một người chồng như thế. Con Thủy và cả đứa em nó sắp ra đời, em phải nuôi cho chúng nó khôn lớn. Sau này, em nói cho chúng nó biết rằng chúng nó có một người cha như vậy..."

  Tôi càng nghe càng khóc. Không biết lúc ấy nước mắt của tôi ở đâu mà lắm thế. Đến chiều tôi bỏ cơm không ăn. Chị Ba cán bộ xới cơm đút cho bé Thủy. Đêm đó chị ngủ lại với tôi.

  Chị Tư Hậu kể cho tôi nghe tới đây thì dừng lại. Chị không khóc, nhưng đôi mắt đỏ lên. Chị ngó đăm đăm về phía hàng cây xa. Chiều đông lạnh, lá cây se mình run rẩy. Tôi ngồi im trên ghế đá. Chị Tư Hậu cũng ngồi im rất lâu. Có đến mươi phút sau chị mới nói: - Những ngày sau khi nhà tôi chết, trời u ám quá. Ban trưa hết sức nồng nực, mồ hôi trong người cứ vã ra. Đến chiều cơn giông gió từ xa đi tới ù ù, nghe như tiếng hàng ngàn cái cối xay lúa đang xay cùng một lúc. Mặt biển tối đen như mực. Biển như đầy bụng, no căng lên. Trên trời những tảng mây màu trắng bấy giờ bị vẩn đục, quyện lại. Gió cứ nổi lên, thổi mây bay rất nhanh và thấp lướt qua đầu các ngọn sao. Đứng tại bãi biển chiều hôm giông tới, người yếu bóng vía có thể cuống lên mà bỏ chạy anh ạ. Lúc đó, con người trở nên bé nhỏ lạ lùng. Gió thổi trên những ngọn cỏ loại nhọn đầu và sắc, rít lên hu hú nghe thật dễ sợ. Chính gió ấy làm cho động biển. Rồi mưa sa đầy trời...

  Tôi, tôi đã sống qua những chiều hôm như thế.

  Cha tôi vốn không hay khóc, lúc hay tin nhà tôi chết, người từ thị trấn về tới nhà, thở ra mấy tiếng, rồi tiện đống lưới gần đấy người dựa lưng nằm vật ngửa. Tối đến cha tôi khêu nhỏ ngọn đèn mỡ cá rồi thu người ngồi lặng lẽ như một cái bóng, còn tôi thì cứ ôm con ngồi giường trong. Trong đầu tôi hiện ra không biết mấy mươi lần, hình ảnh của trận ác chiến, chỗ chồng tôi hy sinh. Nghe nói nơi đó là một cánh rừng tràm láng nước, có những thân tràm to nhỏ mọc đứng và Tây nhảy dù trên đầu những ngọn tràm ấy... Cứ thế mà tôi hình dung, nghĩ ngợi. Bên ngoài cha tôi vẫn ngồi trên bộ vạt. Đêm trước cha tôi cũng ngồi thức như thế. Tới khuya người đem rượu ra uống khan một mình. Biết cha tôi đau mắt uống rượu có hại, nhưng tôi không dám can.

  Đêm thứ ba, cảnh trời giông gió bên ngoài càng làm tôi tê tái, cô đơn. Con Thủy tôi hãy còn bé quá, nó chưa biết gì. Ngồi trên lòng tôi, hai tay nó cứ bíu tôi hoặc bò quanh quẩn ở góc giường. Mỗi lần sét đánh ầm một cái, con bé vùng nhào lại ôm choàng lấy tôi. Tôi ôm lấy con. Bên ngoài, giông gió ngày một lớn. Mặt biển gào thét dữ dội. Tiếng sóng cả vỗ bờ, tưởng chừng như không lâu sau nó sẽ tràn vào đến nơi mẹ con tôi. Đêm tháng mười động biển như đe dọa tôi, đe dọa con gái lên hai và cả đứa con sắp sửa ra đời của tôi. Trong tiếng gầm gào ấy, tôi nghe vẳng tới lời nói của nhà tôi: "... Con thì còn nhỏ, anh thì đi xa, chỉ trông vào một tay Tư chăm sóc nuôi nấng nó. Con Thủy là hy vọng của anh và Tư, nhưng giờ anh chưa lo được nên anh giao nó cho Tư..." Lời nói khiến tôi đầy xúc động cất lên một tiếng dạ trong đêm nọ, làm thấm thía lòng tôi bấy lâu nay, hóa ra là những lời trăn trối thật. Tôi không mê tín đâu, nhưng tôi tưởng rằng những người trước khi chết, câu nói của họ nó lạ lắm.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #19 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 04:08:42 pm »

  Tâm trạng đầy đau xót lẫn âu lo, tôi thầm nghĩ: "Số phận mình như thế rồi, từ nay đành chịu côi cút nuôi con. Xin miễn cho mình sống, sống cực khổ mấy cũng được, để nuôi con nó khôn lớa nghĩ tôi vừa áp đầu con Thủy vào mặt. Trong bóng tối, những giọt nước mắt của tôi ứa ra khóe, từ từ lăn qua gò má và rơi xuống mái tóc đứa con bé bỏng. Bấy giờ bé Thủy đã nằm yên, ngoan ngoãn nghẹo đầu ngủ. Tôi đặt nó nằm xuống giường, kéo chăn đắp lên người nó. ánh sáng chiếc đèn bên ngoài lọt qua kẽ vách, chiếu mờ vào gian buồng. Con Thủy ngủ say. Trên gương mặt nó từ đôi mi mắt đen nháy đến đôi gò má mũm mĩm đều không thấy gợn lên một chiều tư lự nào. Tôi ngồi nhìn con, thấy nó thật đáng tội nghiệp. Con gái đầu lòng của tôi càng lớn lên càng ngoan ngoãn tốt nết. Khổ nỗi, nó lại xinh xẻo nữa. Ngay khuôn mặt, đôi mắt của nó, trông tươi thắm lắm. Không phải vì quá thương con mà dưới mắt tôi con tôi hóa ra đẹp. Rõ ràng cái xinh xắn thơ ngây của nó đã bắt đầu đượm vẻ dịu dàng thùy mị. Nhưng nó còn nhỏ quá, chỉ biết bập bẹ nói cười, ăn và ngủ. Giờ đây nó chưa cảm biết nỗi khổ của tôi. Lúc nó mới bập bẹ nói tiếng nói đầu tiên, mỗi lần đút cơm cho con, tôi thường chìa muỗng cơm bảo: "Bé Hai, bé Hai kêu ba đi". Thế là nó vừa kêu "ba ba" vừa đón lấy muỗng cơm. Đút cho nó ăn một muỗng, tôi lại nói: "Bé Hai ăn cho mau lớn, ba về ba bồng bé Hai nghe!" Cứ thế tôi tập cho con. Đại để cũng như bao nhiêu người mẹ khác tập con gọi cha gọi mẹ. Giờ tôi thấy thật là hoài công quá. Phải chi ban đầu đừng dậy như thế, để tránh được những tiếng gọi gợi thành tủi xót cho tôi và chỉ đem tới thất vọng cho con từ đây trở đi. Nhớ lại một lần, con bé nghe nói ba, nó ngơ ngác tìm, một cô em lối xóm đến chơi liền trỏ ra biển: "Kia, kìa". Con tôi nó quay nhìn ra. Ngoài khơi nó chỉ thấy sóng chao lượn chớ không có người nào là ba nó. Tôi rày cô em nọ và ôm con nói: "Không có đâu, chừng nào ba về thì má bảo". Tôi không muốn nói gạt con, dù là một việc nhỏ, khi nó bắt đầu tiếp xúc được với sự vật xung quanh.

  Đứa con mà nhà tôi giao phó cho tôi ấy vừa lớn lên một chút thì mầm thai đứa con thứ hai đã tượng hình trong người tôi. Nó là cái kết quả, cái kỷ niệm sâu sắc của những ngày hạnh phúc trong đau thương - những ngày anh ấy về biển, an ủi khuyến khích và tỏ nghĩa tình đối với tôi. Sau ngày nhà tôi đi, lâu sau tôi thấy trong người có sự thay đổi, sự thay đổi mà tôi đã trải qua một lần. Tôi có viết thư cho anh ấy. Một tháng trước khi nhận được tin anh ấy chết, anh ấy còn gởi thư về căn dặn tôi đủ điều. Khuyên tôi ráng giữ gìn sức khỏe cẩn thận tránh mọi tai vạ bất ngờ để sanh con và nuôi con. Bức thư ấy tôi hãy còn cất đây. Nhưng tai họa không đến với tôi mà lại đến với chồng tôi. Tôi thấy như nhà tôi đã gánh lấy cái chết cho mẹ con tôi vậy.

  Trong lúc tôi nghĩ ngợi lan man, bé Thủy đã ngủ được một giấc dài. Nó cựa mình quờ tay tìm tôi. Tôi nằm xuống với nó, nhưng vẫn không tài nào ngủ được. Bên ngoài mưa không ngớt hột. Và biển vẫn gào thét mãi không thôi. Hết nghĩ tới cái chết của nhà tôi, tôi lại nghĩ về những ngày sắp tới. Tôi suy tính và lo lắng trước gánh nặng từ nay đè trĩu trên vai. Người cha mà tôi phải phụng dưỡng thay cho chồng, con cái tôi phải nuôi dạy, nhiệm vụ mà tôi phải lo cho những người mẹ. Bằng từng cái ấy, tôi phải làm tròn. Lại thêm cái việc mới mẻ của chị Ba, bí thư phụ nữ huyện, bàn với tôi hôm trước mà tôi đã nhận lời nữa. Nhưng thôi... có lẽ là tôi sẽ nói với chị Ba cho tôi thôi việc ấy - tôi định thế. Nhưng tính thế rồi, đâu đây những lời của chồng tôi lại vẳng tới"... Cái nghề của Tư có thể giúp cho bà con, có thể làm được công tác, nếu các đồng chí trên có đặt vấn đề đỡ đẻ kết hợp với ngụy vận thì Tư cứ nhận..." Thế là tôi đâm băn khoăn nghĩ lại. Có nên thoái thác không? Nếu tỏ ý thoái thác với chị Ba, chẳng hóa ra mình sai hứa với chính mình, sai hứa với người thân yêu đã khuất. Nỗi cay đắng thân thể bị ô nhục, cái đau đớn chồng chết, hai sự kiện đó như nung như đốt tim tôi - thứ lửa cháy âm ỉ không bốc ngọn, nhưng nóng bỏng lạ lùng. Thực tâm tôi muốn nhận việc, cả trước và sau khi hay tin chồng chết. Tôi biết công việc chị Ba nói với tôi là một công việc hệ trọng, mà tôi có nhiều thuận lợi để làm. Cái trở ngại cho tôi là bận con mọn, không biết bỏ nó cho ai... Qua hai đêm không chợp mắt, mải suy tính lo nghĩ, tôi mỏi mệt ngủ thiếp đi...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM