Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 05:53:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam  (Đọc 109573 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hiephoa2000
Thành viên
*
Bài viết: 377



« Trả lời #90 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2008, 08:52:22 pm »

nói thật với các bác, em về vấn đềnày chỉ ngồi há mồm ra mà đọc thôi ạh Huh
Logged

D Vượt sông , E 476 CB . QK7
wolf07
Thành viên

Bài viết: 2


« Trả lời #91 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2009, 03:36:06 pm »

Xin cảm tạ những người lính đã cho tôi hiểu thêm một phần sự thật bi hùng, những chuyện mà tôi đã và vẫn đang luôn thần tượng từ ngày thơ ấu nhưng chưa từng có dịp được tìm hiểu
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #92 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2009, 08:51:32 am »

       Chào tất cả các CCB và các bạn,

      Trong phần đầu của topic này, tôi đã post giùm 4 cấu chuyện của Hoa Hướng Dương viết theo lời kể của chồng mình. Tuấn "tròn", tên người lính tình nguyện CPC, là một người lính vận tải thuộc c25, trung đoàn 52, sư 320. Anh không trực tiếp cầm súng, nhưng câu chuyện tác chiến ở CPC dưới góc nhìn của một người lính vận tải cũng rất đáng để chúng ta quan tâm.

     Lần này, TS lại post tiếp 1 câu chuyện (tiếp theo mạch 4 câu chuyện trên) của Tuấn "tròn", được thể hiện dưới ngòi bút của Hoa hướng Dương, vợ anh.


 MẤT MÁT VÀ HY SINH

      

      Lúc này là giữa mùa khô, cái nắng thật gay gắt. May mà  chúng tôi vẫn ở trong cánh rừng già nên vẫn còn được chút mát mẻ. Mấy ngày nay tiếng súng tạm lắng xuống và lại những đợt bổ sung quân. Trong cánh rừng đại ngàn bỗng chốc lại ồn ào vui vẻ. Tiểu đội tôi cũng được bổ sung thêm lính  mới. Toàn lính 78, trẻ măng. Lính Hà bắc, Thái Bình , Hưng Yên , Hải phòng. Ba lính mới tò te: Thằng Giảng, Thằng Hùng người Hà Bắc, đặc biệt có thằng Thao người Hưng Yên cũ, trẻ quá. Tôi hỏi:

        - Thế chú mày bao nhiêu tuổi rồi? làm gì đã đủ tuổi mà đi lính?
          Nó bảo:

      - Em phải đi thay cho chị em, để cho chị em ở nhà. Em 17 tuổi rồi.

      - Sao chị mày là con gái mà cũng phải đi lính à? - Tôi hỏi tiếp.

      - Em chả biết. Thấy xã họ bảo phải đi cho đủ chỉ tiêu của xã nên em  xung phong đi thay chị em .

      Trông cậu ta quá trẻ mà thật xinh trai. Hai hàng lông mi cứ cong vút như con gái và nụ cười thật hồn nhiên. Tôi liền nói:
          - Thôi chú mày nằm cạnh anh. Anh đi đâu phải đi theo đấy nghe chưa? Kẻo mày bị sao, chị mày lại trách anh. Thế chị  chú mày có xinh không?
          Cu cậu toét mồm cười thật thà :
          - Chị em xinh nhì làng đấy ạ.
          - Thế thì phải bảo chị chú mày chờ anh nhé.


  
                          ***

      Sắp xếp cho 3 lính mới xong, tôi lên đại đội họp giao ban. Lại chuẩn bị chiến dịch rồi. Lần này ta đánh lớn. Có tin là mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia đã được thành lập để lật đổ chính quyền Pô pốt. Họ đang tìm cách bắt liên lạc với ta. Không khí chuẩn bị cho chiến dịch thật chu đáo. Đạn dược, luơng thực, thực phẩm được chuyển đến  không thiếu thứ gì.      

      Chiến dịch. Hai từ "chiến dịch " tôi chỉ được xem trong phim và đọc truyện nên đã biết và hình dung nó ra thế nào đâu. Suốt từng ấy thời gian, chúng tôi chỉ có mỗi việc từ Trung đoàn xuống các tiểu đoàn rồi thì xuống chốt lấy thương binh tử sĩ, có gặp được mấy ai? Vậy mà nay vào chiến dịch, cả trung đoàn rầm rập chuyển quân. Các đơn vị thuộc trung đoàn bộ cùng các tiểu đoàn từ trong rừng túa ra... Sao mà đông đến thế! Cả khu rừng như vỡ òa ra. Cảm giác lúc đó thật là náo nức như ngày hội .
 
           Chúng tôi không còn cảm thấy  bị lẻ loi nữa. Gặp gỡ bao nhiêu anh em bạn bè cũ từ ngoài Bắc vào. Dũng con bị thương nhẹ ngay từ những  ngày đầu, được chuyển về làm vệ binh trung đoàn bộ. Hai thằng chúng tôi gặp nhau mừng quá chả nói được gì, cứ ôm nhau cười.  
 
           Bỗng có tiếng gọi:

      - Tuấn tròn! Tuấn tròn!  
           Tôi quay lại :
           - Ôi !Vinh lãng tử!

      Rồi An, rồi Minh sứt, Thỏa ở công binh trung đoàn bộ. Trời ạ! ở với nhau  trong cùng một khu rừng suốt gần một năm trời mà bây giờ chúng tôi mới được gặp nhau. Mừng mừng, tủi tủi...

      Thằng Vinh nói oang oang:  
           - Trận đầu… mẹ kiếp! Tao đ. bắn được phát nào. Trận  thứ 2 bắn được có nửa băng.
           - “Kém tắm” thế! – Bọn tôi cười rộ lên.
           Nó lại hềnh hệch:  
           - Mẹ… Lúc ấy, chúng nó bắn  như mưa tối tăm cả mặt mũi, có biết đằng nào mà bắn lại đâu. Còn bây giờ ấy à, tao cởi trần mà xung phong. Bắn đã thì thôi. Mẹ... cho chúng biết thế nào là lính Hà Nội. - Nói xong, nó nháy mắt cười thật tươi ...


           Hút với nhau chưa hết điếu thuốc, chỉ kịp thông tin cho nhau biết thằng còn thằng mất, chúng tôi lại phải  vội vã chia tay nhau về đơn vị của mình chuẩn bị cho trận đánh mới...
 
            Lần đầu tiên đánh lớn, hợp đồng binh chủng. Thật là khí thế! Tiếng súng của ta đã nổ rộ lên kèm với tiếng hô xung phong ào ào như lốc từ các đơn vị ở gần đấy vọng lại. Tin tức báo về liên tục, ta phát triển thuận lợi, đã chiếm được cao điểm 13. Tiểu đoàn 5 báo về: “thời cơ thuận lợi xin được đột kích tiếp”. Hầu như tất cả các hướng báo về đều tốt. Cho đến 10 g sáng thì ở tất cả các hướng tiếng súng nổ càng lúc càng dữ dội. Đặc biệt ở hướng tiểu đoàn 5 thương binh và tử sĩ đã có rất nhiều. Cả đại đội tôi lao vào tải thương, tải đạn. Lúc này tôi mới nhận ra  rằng tất cả thương binh nặng hay nhẹ, câu đầu tiên tôi nghe thấy đều là: “Mẹ ơi, con đau quá! Mẹ ơi con chết mất!". Có anh bị mìn cụt mất bàn chân, chỉ còn trơ xương ống chân. Anh đau quá cứ đạp cái ống chận cồng cộc xuống đất mà kêu Mẹ. Chúng tôi phải buộc  ống chân  anh vào một cành cây và nẹp chặt  lại cho anh khỏi đạp. Thế mới biết, trong những lúc đau đớn, kề cận với cái chết hai tiếng  "Mẹ ơi " mới kỳ diệu làm sao , có lẽ nó làm cho bất cứ nỗi đau nào cũng đều cảm thấy êm dịu và ngọt ngào.


           12 giờ trưa .

      Tin xấu báo về: “Tiểu đoàn 4 bị vây hãm”. Hóa ra tiểu đoàn 4 đánh nhanh quá nên bỏ xa các tiểu đoàn bạn và bị chúng vây chặt. Chúng tôi vừa mới ở đấy về, vừa mang đạn xuống và lấy thương binh tử sĩ. Lúc nãy, gặp Long Khùa – bạn tôi bị thương, bị một viên găm vào phổi .Đã kịp nói chuyện gì với nhau đâu. Tôi chỉ kịp nói với bạn: "Tiểu đoàn mày bị vây rồi. Thôi ra ngoài chóng lành nhé!". Long nắm chặt tay tôi, thều thào:

"Cố mà sống Tuấn tròn nhé!". Thương bạn, tôi gượng cười, gật đầu.
       Vậy là cả trung đoàn tôi bị kẹt ở cao điểm 13. Các đơn vị bạn, E64 , E48 cử các tiểu đoàn cùng với trung đoàn tôi đi  phá vây cho tiểu đoàn 4. Bọn Pôn pốt đã dùng cả một sư đoàn định vây trung đoàn 52 chúng tôi, nhưng vì tiểu đoàn 4 thọc sâu quá, nên chúng chỉ vây được tiểu đoàn 4. Tình hình vô cùng căng thẳng. Không tiếp tế được đạn dược cho tiểu đoàn 4, mà thương binh tử sĩ cũng không thể nào mang về được.  

***


          Hai ngày…  rồi năm ngày.  

          Tình hình vẫn không mấy sáng sủa. Giữa mùa khô nóng nực này cả trung đoàn bộ  nằm giữa cánh rừng khoọc nắng như thiêu như đốt mà chỉ có mỗi một  hố bom nước dành cho cả mấy trăm con người. Mọi người dùng hết sức tiết kiệm nhưng cũng chỉ sang ngày thứ 6 thì nước ở hố bom đã cạn sạch. Chỉ còn một thứ nước sền sệt những bùn là bùn, để cả ngày cũng không lắng được chút nào nước trong. Tất cả những ai còn nước ở trong bình tông  đều phải để dành cho thương binh. Thiếu gì còn được chứ thiếu nước thì thật khốn khổ. Đưa đạn xuống các tiểu đoàn phá vây, khiêng thương binh về  rất mệt mỏi, cổ họng chúng tôi khát khô rang, đi nhiều mồ hôi vã ra lại càng khát. Khát kinh khủng! Cảm giác như muốn phát điên lên. Môi người nào người nấy nứt nẻ hết cả .


         Sang đến ngày thứ 9,  lúc này hầu như ai cũng đã gần mất hết sức chiến đấu thì may mắn làm sao có xe của trung đoàn đi lấy nước đã về kịp. Nước về, cơn khát của chúng tôi phần nào cũng dịu bớt.


          Mãi sang ngày  thứ 11. Bên ta phá được vòng vây, đánh mạnh buộc chúng phải rút về phía sau. Cả trung đoàn đã di chuyển lên phía trước, chiếm được trận địa của chúng bên cạnh một dòng suối. Chúng tôi  sung sướng vô cùng, nhảy ào xuống tắm rửa thỏa thích. Chưa tắm xong thì đã có lệnh của  Trung đoàn: “Toàn bộ đại đội C25 chuẩn bị mỗi người mang ít nhất phải được 20 lít nước đem xuống các chốt cho các chiến sĩ bộ binh tắm rửa”. Huy động cả cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn bộ  gùi  nước xuống. Chúng tôi đùm nước vào túi nilon, rồi cho vào balô. Đây là phần thưởng  quý nhất cho  các chiến sĩ bộ binh thời điểm này.


          Xuống đến nơi, C25 ở lại lấy tử sĩ. Lần này ta tổn thất quá lớn. Cả tiểu đoàn 4 chỉ sống sót được vài chục người. Lại đi! Đi cả đêm. Các chiến sĩ bộ binh nhìn thấy nước mà cứ run run, không ai có thể nói nổi một tiếng cảm ơn vì quá khát. Khi mọi người uống no nê, chúng tôi bảo anh em rửa ráy cho mát, nhưng ai cũng ngần ngại không dám rửa. Phải để dành thôi! có cho cả trăm lít cũng chả ai dám phung phí, vì anh em đã phải đái ra mà uống mất mấy hôm rồi.


          Sau khi đã lấy lại sức, chúng tôi được anh em ở chốt đưa đi tiền nhập luôn. 4 giờ sáng, chúng tôi đến sát khu vực anh em tử sĩ nằm. Lại cái mùi tử sĩ quen thuộc bốc lên nồng nặc. Mệt đứt cả hơi, muốn nhắm mắt một tí để lấy lại sức mà không tài nào ngủ được vì mùi nặng quá. Xác định rất gần đây thôi, thế nào cũng có anh em mình hy sinh nằm, tôi quay sang hỏi tay trinh sát tiểu đoàn 3: “Địch ở phía nào?”. Anh chỉ: “Ở bên kia bãi trống, anh em hy sinh nằm cả phía trước và có thể ở quanh đây”. Quả như anh nói, tờ mờ sáng, khi đã thấy được mọi vật, lần theo mùi tử sĩ chỉ cách tôi 5m, tôi đã thấy một cái mũ cối và một ba lô. Tôi tiến gần đến và nhặt được một cái gương nhỏ, lật đằng sau có ghi hàng chữ: “Nguyễn văn Trung - Kim Động, Hải Hưng”. Tôi huýt sáo khẽ gọi Thao lại nhặt các thứ đó và theo tôi. Cách 10 m nữa thì thấy khẩu AK, không thấy người đâu cả. Đi tiếp mấy bước nữa và nhìn sang bên kia bờ suối cạn, tôi thấy một anh đang nằm ở tư thế bò lên bờ suối. Anh nằm với một tư thế thật tự nhiên, đầu nghiêng một bên, tay phải nắm lấy một gốc cây nhỏ, tay trái đang cầm quả lựu đạn. Nhìn tư thế bất động của anh, tôi đoán: "Chắc anh đã cố hết sức để dành lấy sự sống mà không được". Anh bị quá nhiều vết thương. Tôi miên suy nghĩ trong lúc tiếng súng đã nổ từ lúc nào mà tôi không hay. Tôi và Thao vội lấy tăng võng liệm anh lại  rồi để  anh luôn đấy làm điểm tập kết tử sĩ . Lần này đã có kinh nghiệm và đã quá quen với công việc. Chúng tôi cho mấy trung đội tản ra xung quanh tìm. Còn ngoài bãi trống, cứ bò lên nhằm chỗ nào có nhặng xanh bay lên là đúng chỗ anh em mình nằm. Rất nhiều chiến sĩ ta bị thương, bị chúng bắt được trói chặt và chôn sống. Chúng lấy thắt lưng trói tay chân lại ở tư thế ngồi xổm và đào cái hố vừa người ngồi rồi chúng chôn các anh ở tư thế như vậy. Nhìn anh em hy sinh như vậy thật đau lòng. Chúng tôi cứ thế dùng tay moi, cào đất rồi bế các anh lên, vì các anh hy sinh  đã nhiều ngày nên chúng tôi không biết làm thế nào mà để các anh nằm thẳng ra được, đành cứ để các anh ngồi tập trung lại. Chúng tôi người đứng, người ngồi lẫn với các anh cứ như thể các anh vẫn còn sống và đang  ngồi nói chuyện cùng chúng tôi vậy.

Nghĩ thế tôi bỗng thấy ngồ ngộ.  
 
         Trận này, chúng chống trả  không quyết liệt lắm, vì thế đến 2, 3 giờ chiều thì chúng tôi đã  đưa được toàn bộ mấy chục anh em  hy sinh về tuyến sau.


 
 ***

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #93 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2009, 08:52:24 am »

(Tiếp...)

          Trung đoàn tôi vẫn vừa đánh vừa vận động tiến sâu về phía địch. Bắt đầu tấn công về phía có bản làng. Nhưng lạ, đánh vào bản  không thấy một bóng người  dân nào. Không phải vì dân họ bỏ chạy, mà tôi nhìn thấy  tất cả các nhà dân ở đây đều đã hoang phế. Dây leo và cỏ đã mọc bò hết vào trong nhà. Chắc họ đã đi khỏi đây từ lâu lắm rồi . Bản làng thật tiêu điều hoang tàn. Thì ra bọn Pôn pốt đã xua họ đi trại tập trung  từ năm 75. Chúng tôi tạm thời dừng chân và đóng quân ở rừng cao su, cánh rừng cao su bạt ngàn .Ngoài mấy bản bỏ hoang thì chỉ có mấy căn nhà nhỏ , có vẻ là có người ở. Xác lính Pônpốt chết nằm rải rác khắp nơi. Vẫn còn lại mấy con bò, mấy con ngựa. Cả xe bò và xe ngựa nữa. Thấy xe bò chỉ có mỗi một càng xe ở giữa, lính Bắc chúng tôi lạ lắm, chửi thề lung tung: “Xe kiểu này thì biét mắc kiểu gì hả?". Nhìn ngắm một hồi, tôi mới chợt nhớ và à lên một tiếng bảo thằng Thao:

Mày dắt hai con bò lại đây cho anh!
Thằng Thao ngơ  ngác dắt bò lại. Tôi đóng bò có vẻ ngon lành làm cả Trung đội

cứ tròn xoe mắt ngạc nhiên. Thằng Vọng tròn mắt lên:

Ông này ở Hà Nội sao lại biết mắc bò kiểu này  nhỉ?
Tôi cười, vênh mặt lên nói:
- Tao xem trong phim cao bồi Mỹ, nó làm như thế nên tao bắt chước  thôi". Có gì mà không biết.

 Sướng quá, bây giờ mà dùng xe bò chở đạn, gạo xuống các tiểu đoàn thì khỏe re. Đang vui vì chuyện cái xe bò, chợt thấy anh em  xục xạo đi lại khắp nơi. Tôi hoảng hốt, quát to :
           - Không ai được đi lại lung tung! tôi nói chưa dứt lời thì: "Ầm!" và tiếp theo đó là tiếng thằng Bình kêu: "Mẹ ơi! Ối chân tiệp ơi là chân tiệp!"
          Tôi vội chạy lại, thấy Bình "chân Tiệp" đang ôm lấy chân vì dẫm phải mìn. Thật tôi không thể tưởng tượng nổi, lính già như nó lại bị thương một cách quá đơn giản như vậy.Vừa tức, lại vừa xót xa cho bạn. Garô xong đưa nó lên xe bò chở về, thằng Vòng làm một câu:
         - Sướng nhất mày, được ngồi xe bò đầu tiên nhá!"
         Đang đau mà thằng Binh cũng phải bật cười hinh hích.

 *****

 
 
 
        Vậy là không còn phải ở trong rừng sâu nữa, đã ra ngoài có đường có xá hẳn hoi . Cứ chở đạn và gạo xuống tiểu đoàn bằng xe bò, xe ngựa tha hồ nhàn nhã. Mấy ngày liền xe bò chở đạn, không mệt nhọc gì, chúng tôi  tha hồ ngó nghiêng, chuyện trò. Lúc về, tôi đang lững thững đi, vừa đi ngắm hàng cây cao su thẳng tắp, chợt nghĩ đến câu ca dao xưa: "Cao su đi dễ khó về ... " thì nhìn thấy một con dao găm Trung Quốc rất đẹp ở một cái hố rất rộng ven đường -  cái hố này có một lớp đất mỏng có vẻ mới phủ lên. 
          Vì Ần đi phía trước, tôi mới gọi :  "Ần ơi, xuống kia nhặt con dao găm đẹp quá! 
           Ần ta nhìn thấy chạy xuống liền. Nhưng hắn đi được mấy bước thì cứ thấy bập bùng dưới chân. Ra gần đến nơi, hắn không dám bước nữa vì có lẽ hắn thấy ghê ghê bởi mùi thối bắt đầu bốc lên nồng nặc. Hắn vội co một chân, cúi xuống nhặt con dao. Vì phải với, nên chân Ần thụt sâu tới tận háng. Hoảng quá  nó vội vàng  vùng vẫy lung tung. Trời ơi! Kinh khủng quá, dưới lớp đất mỏng… tôi không thể ngờ.  Ần  cứ đạp đến đâu, xương cốt, đầu lâu đã phân hủy thi nhau trồi lên đến đó. Tôi sợ, đứng bất động như trời trồng. Thằng Ần cứ như bơi trên cái thứ nước sình lầy đen kịt lẫn với đầu lâu, xương xẩu đó . Có mấy mét mà không  đếm được bao nhiêu cái  đã trồi lên như vậy. Tôi thò tay kéo  được Ần lên , thiếu chút xíu nữa là nó ngất xỉu vì quá kinh sợ. Hóa ra đó là hố chôn người của bọn Pônpốt. Lúc ấy chúng tôi mới đưa  mắt nhìn xung quanh. Còn mấy hố nữa nhưng bởi dọc đường cũng có nhiều xác lính Pônpốt chết nên không ai để ý đến sự hôi thối cả . 
     

        Tôi  khẩn trương cho người về báo cáo trung đoàn đến xem xét. Thế là chúng tôi đã phát hiện hố chôn người tập thể đầu tiên trên đất Campuchia. Hàng trăm  xác chết trong một hố. Tất cả trẻ con lẫn người già, phụ nữ… đều bị chúng  đập chết bằng cuốc, vì chúng tôi nhận thấy tất cả các hộp sọ đều bị vỡ. Lúc ấy chưa ai hiểu được sự dã man của  bọn Pônpốt mãi cho tới khi sư đoàn điện xuống: "Phải chụp ảnh. Đó là sự diệt chủng của Pônpốt Iêng xari !" thì chúng tôi mới thấy rõ được bản chất tàn bạo của chúng.

 
 
  ****

 
         Cũng từ hôm đó Ần thấy ít nói hơn, nó có vẻ lầm lì suy tư. Thỉnh thoảng nó lại lầm bầm: "Việt Nam, Việt Nam tứ đời chiến tranh". Tôi nghĩ nó vẫn còn ghê vì cảm giác bơi trong đám sọ người nên tôi thường kéo nó đi mỗi khi có việc gì đó. Hôm đó, chúng tôi đưa hai xe bò đạn gạo xuống tiểu đoàn , lúc quay về chúng tôi ngồi trên xe vừa đi vừa nghêu ngao hát .Chợt tôi nhìn thấy bên đường có bụi tre, nhiều măng lắm. Tôi bảo: "Thao và Sáng, theo tao bẻ mấy cái măng về xào ăn đi!". Nghe tôi nói thế, bọn nó hào hứng đi ngay, để lại thằng Ần ngồi một mình trên xe sau. Ần thấy buồn lại nhảy lên xe trước ngồi. Sáu thằng lại hát hò với nhau như không hề có chiến trận. Bẻ được lưng ba lô măng, chúng tôi vui mừng vừa chạy, vừa gọi với theo: " Bọn mày ơi! Chờ bọn tao với!" . Gọi chưa kịp dứt câu thì: "Rầm"  một tiếng,  rồi sau đó là tiếng ào của gió bạt... cách gần 5, 6 chục mét mà tôi cũng bị sức gió đẩy ngửa ra sau. Trúng mìn rồi. Tôi chỉ kịp nhìn cả sáu đồng đội của tôi trên xe bò trước đã như những cánh vạc bay vút lên không trung. Tôi cố nhổm dậy thật nhanh trong cột khói đen mịt mù. Vấp ngã. Tôi lại vấp ngay phải thằng Ần. Tôi gào lên: "Ần ơi ! mày có sao không? Tất cả chúng mày có  đứa nào còn sống không?". Tôi gào lạc cả giọng...

 
            Không thấy thằng nào trả lời tôi, cả không gian tĩnh lặng  kéo dài tưởng chừng như vô tận, còn thời gian như ngưng lại, đứng im đến tê dại. Thằng gần nhất cũng cách quả mìn cỡ 25 m. Tôi hoảng hốt ngẩng lên, xác thằng Giảng vẫn còn mắc trên ngọn cây cao su. Bánh xe bò đã đè lên quả mìn chống tăng. Tôi ngồi chết lặng bên thằng Ần. Bỗng nghe Ần rên lên yếu ớt. Tôi vội hô  Sáng và Thao  bế Ần lên chiếc xe bò còn lại. Tôi ngồi ôm chặt lấy Ần,  còn Ần – chắc nó cố chút sức tàn còn lại mấp máy: "Mẹ ơi! Việt nam tứ đời chiến tranh thế hả mẹ?”. Thế là Ần lịm đi, nó đã hy sinh  trong vòng tay của tôi như vậy. Tôi chợt như một người mộng du, gào lên: "Sao mày bỏ tao? sao chúng mày bỏ tao? Không thằng nào ăn măng tao vừa kiếm được à? Thằng Bình  thì cụt chân, rồi đến bọn mày, cả 6 thằng chê tao không thèm ở  với tao nữa. Mà toàn những thằng hiền lành cả. Sao mấy thằng ngổ ngáo như tao, Vòng, Sáng thì vẫn không việc gì, lại trơ trơ như thổ địa? Sao chúng mày bỏ ta..o...o ?". Tôi cứ gào lên như thế giữa cánh rừng...
 
          Tôi buồn bã thiếu hụt mất mấy ngày. Đành rằmg tôi đã tiễn đưa biết bao người hy sinh, nhưng tại sao cùng một lúc cả 6 người  vào sinh ra tử với tôi bao ngày lại ra đi cùng một lúc chứ? Lúc nào tôi cũng thấy chúng nó như đang quanh quẩn bên mình, cả tuần liền tôi vẫn gọi nhầm tên chúng nó.
           Anh Long Funro cứ động viên tôi mãi: "Thôi số chúng nó như vậy, buồn làm gì nhiều ..." Nếu có việc phải đi, anh lại bảo : "Thôi mày ở nhà để tao đi cho "
           Vậy là anh đi thay tôi, rồi cũng vì đi thay tôi mà anh cũng bỏ tôi đi mãi. Khi xuống tới tiểu đoàn, anh Long Funro của tôi đã bị đạn 37ly bắn tà âm vào giữa ngực. Toàn bộ lồng ngực của anh mất hết. Xuống khiêng anh về mà nứoc mắt tôi cứ trào ra trong tiếng nấc ầng ậc... 

           Tình trạng của tôi lúc đó thật thảm hại. Không phải vì tôi sợ, mà  tôi buồn vì hẫng hụt và mất mát đến với tiểu đội tôi quá lớn. Trung đoàn muốn giúp tôi nguôi ngoai nên đã cử tôi đi học lớp tập huấn một tháng . Đợt tập huấn này là để chuẩn bị cho một chiến dịch mới trong nay mai...
 
 
Thủy Hướng Dương. (tức Hoa Hướng Dương)


Logged
bigradeon
Thành viên
*
Bài viết: 19


« Trả lời #94 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2009, 02:46:47 pm »

Chiến tranh tàn ác quá, đúng là Việt Nam tứ đời chiến tranh, âu cũng vì lẽ con nhân nước Việt thông minh anh dũng kiên cường, đất nước oai hùng trung kiên bất khuất, giặc ngoại xâm hết đứa này đến đứa khác, vì  sợ cái oai linh và nòi giống tiên rồng, nên ngày đêm mưu toan gây chiến, kìm hãm thời khắc hóa rồng của dân tộc ta. Đọc lại cháu có cảm tưởng là Pốt nó tính hết rồi, nó để xe lại, để bò lại, nó biết mình sẽ tận dụng chuyên chở hàng, nên gài sẵn mìn chống tăng, đúng là thời đó thiếu thốn đủ bề, không thì cho công binh lên rà hết.
Logged
haanh
Thượng tá
*
Bài viết: 5795


HOT nhất forum


« Trả lời #95 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2009, 03:17:36 pm »

hehe , nếu đây là chuyện sáng tác thì đề nghị đưa xuống box văn công còn nếu là chuyện thật thì ném cục đá chơi : ở K nên gọi là phum , sóc cho nó đúng chứ không nên gọi là bản làng , trớt he à Grin, đạp trúng mìn không thằng nào kêu la ngay được vì lúc đó bị sốc , choáng và cũng chẳng có chuyện ôm nổi cái chân trúng mìn . Chuyện cười càng không có , lúc đó hoặc là nằm im thiêm thiếp hoặc gào khóc chửi bới . Vận chuyển thương binh trúng mìn bằng xe bò là 1 cực hình vì thương binh nằm dài trên xe cái chân cụt bị treo cao lủng lẳng dằn xóc cực kỳ , thằng lì thì nghiến răng trào nước mắt , thằng nhát thì khóc lóc kêu la nghe nẫu cả ruột . Anh em tụi tui ngáng nhất là vụ cáng mấy ca này , nó tra tấn mình về tâm lý dữ lắm .
Logged

NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ .
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #96 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2009, 03:37:21 pm »

Tôi đã đọc cơ bản các bài ở mục này ,  các bác cũng bàn tán nhiều nhất là chuyện lấy tử sỹ ,xin mạn phép các bác có vài ý thế này : nếu là hồi ức thì có lẽ đã được cường điệu , gọi  là truyện ngắn thì đúng hơn
 - Khi tử sỹ đang nằm phía trên tôi cam đoan với các bác không ai dùng DH để quét cây mà quan sát  vì như vậy là giết anh em lần thứ hai , nếu dùng DH để đánh mở cửa thì BB phải bám vào đó để xung phong , nếu đã đặt được mìn Dh thì cũng đồng nghĩa với bí mật bò lên cột dây vào chân anh em kéo về được
 _Ở chiến trường có chỉ huy và phân cấp đàng hoàng , Vận tải E thường chỉ vác đạn đến D và đưa thương binh ở đó về không thể có việc vận tải E bò lên lấy tử sỹ mà vận tải D ngồi uống trà được và tử sỹ của đơn vị nào đơn vị đó tổ chức lấy đưa về sau  cho vận tải D ,chứ vận tải D nó cũng không bò lên trước BB để lấy đâu , ( trừ trường hợp được tăng cường vận tải nhưng bao giờ cũng xuống một cấp :tức là e xuống D, D xuống C và đương nhiên thằng vận tải không bao giờ bò trước bộ binh
 _ Làm D v mà không hiểu lấy tử sỹ phải dùng dây kéo để tránh bị bẫy thì lạ quá
 _ Giữa 2 làn đạn mà bình tĩnh trải võng  , khênh anh em đặt vào đó thì bái phục ,
_ Tôi tiếp xúc với anh em cán bộ f320 nhiều nhưng cũng chưa bao giờ nghe chuyện P bắt được thương binh ta rồi chôn sống.Trên Tây nam không bao giờ lính ta chịu để bắt tù binh ,thường là cùng quá thì tự sát
   Đôi lời với tác giả
    Trân trọng

 
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Tám, 2009, 03:43:18 pm gửi bởi tai_lienson » Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #97 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2009, 04:34:09 pm »

Hehe, haanh, mỗi lần thấy xe ngựa hay xe bò ghé vô cổng bệnh viện 7D là có chuyện!  Grin

Tội nghiệp mấy thằng lính đi chuyển thương. Nhìn tụi nó hốc hác, bụi bám vào vết mồ hôi bợt bạt, ánh mắt mệt mỏi nhưng vẫn không quên quan tâm đến đồng đội nằm lịm trên xe bò!

Cũng may là hồi đấy đơn vị tớ có hẳn 1 e kíp cấp cứu ngon lành, ít ra là về tinh thần nhiệt tình, khẩn trương. Xe vừa đến cổng là vệ binh nhào ra đón vào, y tá y sĩ trực phòng khám có mặt ... từ xa thấy mấy bố ấy quơ quơ tay là rồi ... máy điện khởi động, phòng mổ cấp cứu nhao nhác, y tá chạy đi chạy lại, tiếng gọi nhau, tiếng la kiếm bác sĩ (  Grin ) í ới ... phần bọn tớ cũng mệt vì mỗi lần như thế thì dịch truyền dùng nhiều lắm, lại phải è lưng, cởi trần ra mà đốt lò nấu nước cất pha "nước biển" bổ sung ...

Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #98 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2009, 04:42:15 pm »

Hehe, bệnh viện 7D của tớ đây! Bọn gu gồ ớt mới đưa hình lên. Thấy rõ cổng vệ binh, đường chạy dọc ở giữa và 6 dãy trại bệnh 1 bên. 7D nằm cạnh nhà máy dệt, thị trấn Công pông Xiêm.

Tiếc là hình không rõ hơn được để thấy cái lò đun trấu của tớ!  Grin
Logged
khanhhuyen
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1957

Cao điểm 1100/85 E2 F3 SV


« Trả lời #99 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2009, 07:25:55 pm »

.....đạp trúng mìn không thằng nào kêu la ngay được vì lúc đó bị sốc , choáng và cũng chẳng có chuyện ôm nổi cái chân trúng mìn . Chuyện cười càng không có , lúc đó hoặc là nằm im thiêm thiếp hoặc gào khóc chửi bới . .....

Vụ đạp mìn,tôi có thể kể chính sác 03 trường hợp mà tay tôi tự băng bó và xác dịnh rõ được luôn vị trí đạp mìn chỗ nào của bàn chân.

Người thứ nhất,đó là thằng Dũng sứt.Nhà ở,nhà máy gỗ diêm cầu Đuống.Khi bị thương do mìn cụt chân phải,nó còn đứng khom trong hào có nắp để tôi băng cho nó.Quả mìn nổ,cắt ngọt cả bàn chân lên tới 1/3 ống chân,vát từ trong lòng bắp chân lên phía ngoài bên phải bắp chân.Để lòi một khúc xương ngà ngà vàng,có vết phớt đỏ của máu.Theo kinh nghiệm,nó đạp phải mìn có sát thương nhỏ.Vị trí quả mìn khi đạp phải,gót chân lệch về bên phải tạo thành vết thương vạt chéo,bên bắp ngoài của chân phải.
Lúc tôi băng cho nó,nó đứng khom khom chìa cái hàm răng khểnh ra nhìn tôi có ý lo lắng,dò hỏi,không tỏ vẻ đau đớn gì.

Người thứ 02,đó là thằng Võ Nguyễn Hồng Nha.Nhà ở,trường trung cấp quản lý kinh tế bộ công nghiệp Châu Quỳ,Gia Lâm.Khi bị thương do mìn cụt chân trái,vết thương tiện đứt bàn chân.Bay nguyên phần trước của cẳng chân,vát từ gót trên lên hướng đầu gối,tới quá nửa ống chân,còn nguyên cái gân to bằng ngón tay cái chạy từ bắp chân xuống gót.Theo dự đoán của tôi,nó đạp phải mìn có sát thương nhỏ.Khi đạp phải mìn,vị trí đạp phải là ở giữa bàn chân,đang ở tư thế chạy thấp.Khi tôi băng cho nó,nó nằm như chết rồi.Người nó từ chân lên tóc,nhuốm đen thuốc và những cục đất nám đen khói thuốc nổ,xen lẫn máu,thịt và xương vụn.Quanh ống xương bị đứt bắt đầu ứa máu,giống như bị ra máu ở chân răng,lý do là nó bị thương cỡ hơn 30 phút rồi.Sau khi bị sức ép của trái nổ,máu đã lưu thông chở lại.Bắt buộc tôi phải garo trước khi băng phần dưới,khi băng phần dưới vì vương cái ngân chân thò ra khoảng 20 cm.Tôi kêu lấy cho tôi con dao,con dao làm bàng mảnh pháo rất sắc.Cầm con dao tôi cứa,chặt cái gân đó mấy cái không được.Tôi vừa tiếp tục cứa tiếp,nó từ từ chậm dãi nói: tao đau lắm,....đừng cắt....
Sau khi băng xong,tôi kiểm tra lần cuối khắp người nó và bảo anh em,chuẩn bị 02 người đưa nó xuống.Thấy ở đúng cái cục uyết hầu của nó đầy đất,quện khói thuốc có dòng máu chảy nhẹ ra.Tôi lấy ngón tay ngạt xem,bàn tay chạm vào một vật màu sám hơi tròn một bên và một bên là vết vỡ tương đối phẳng.Rút miếng đó ra để lên ngực nó,tôi lấy quận băng quấn quanh cổ mấy vòng.Sau đó mới nhìn cái mảnh đã cắm vào cổ nó,đó là mẩu xương mắt cá chân.

Người thứ 03 va là người cuối cùng bị thương của đơn vị.Đó là thằng Mai,người làng Vân,Hà Bắc.Bị thương do mìn nhỏ,vị trí đạp phải mìn gót chân.Vết thương do quả mìn nổ,thổi bay ngót tới mắt cá chân.Cái ngân trước của bàn chân còn nguyên,treo lủng lẳng cái bàn chân mềm rũ như tầu là chuối bị cháy nắng rủ xuống,năm ngón chân duỗi tự do như lớn hơn,phần nối với ngót còn mỗi cá ngân.
Nó nằm ngửa dưới hào mặt hơi tái có phần bàng hoàng,vết thương chưa ra máu.Tôi gập phần bàn chân sát vào với bắp chân và băng lại,nó bị thương ở 1050,chỗ này là phạm vị của vận tải D hoặc có thể nếu có anh em cùng C lên thì gửi đi kèm không chờ vận tải D.Trường hợp bị thương của cậu Mai,đúng lúc có cậu Xá người Dương Xá,Gia Lâm lên tôi yêu cầu cõng xuống.
Về vấn đề tải thương xuống,cậu Dũng bị thương ở tổ phục,cử 01 người dìu xuống tới hầm chỉ huy.Từ hầm chỉ huy sẽ có anh em từ 1050 cùng đơn vị sẽ chuyển tiếp tới sườn 1050,ở đây sẽ có anh em vận tải phía sau được phái vận động lên cáng về phía sau.Trường hợp của cậu Nha,bị thương ở tiền tiêu,bị nặng cần 02 người đưa xuống hầm chỉ huy,trình tự tiếp theo như trường hợp của cậu Dũng.
Tại sao không có vận tải,tải thương lên sát tuyến.
Theo tôi thứ nhất,anh em không quen với địa hình,với tình hình địch dễ bị thương vong hơn,sẽ gây khó khăn thêm cho đơn vị.
Thứ hai là,địa hình chật hẹp không thể dồn đông người lên được.
Thứ ba là,cách vận động của anh em tải thương sẽ không phù hợp với nơi giáp tuyến,dễ gây lộ vị trí,dễ bị địch phát hiện,dễ bị trúng đạn hay mảnh pháo găm.
Có lẽ vì lẽ đó,tổ chức và phân tuyến tải thương rất rõ ràng.Còn khi bị trúng mìn chưa thấy ai la,thét,khóc.Tuyệt đại đa số tự vận động bằng cách lăn,bò,trườn về nơi,về vị tri an toàn.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Tám, 2009, 07:49:24 pm gửi bởi khanhhuyen » Logged

TA LÀ CON CỦA BỐ TA,MẸ TA. - H3/85 - CÁC BẠN ĐANG THẢO LUẬN CÙNG KHANHHUYEN,XIN CẢM ƠN.!
NGƯỜI ....CHIẾN SỸ ẤY... AI ĐÃ GẶP ANH... KHÔNG.. THỂ NÀO QUÊN .KHÔNG.. THỂ NÀO....QUÊN...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM