Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 01:04:17 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ván bài lật ngửa  (Đọc 132133 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #190 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 09:00:08 pm »

TUYÊN BỐ CỦA PHÁI ĐOÀN MAC NAMARA

Thay mặt đại tướng Taylor và những nhân viên khác trong phái đoàn chúng tôi, tôi xin cảm tạ tất cả quý vị đã sốt sắng giúp đỡ chúng tôi trong lúc chúng tôi lưu lại ở Việt Nam Cộng hòa.
Trong tuần lễ qua, đại tướng Taylor và tôi cùng các nhân viên trong phái đoàn đã đi thăm khắp nơi ở Việt Nam. Chúng tôi đã chuyện trò với hàng trăm người. Chúng tôi đã đến thăm cả 4 vùng chiến thuật. Chúng tôi đã tiếp xúc với dân chúng ở mọi tầng lớp. Chúng tôi đã hội đàm với Tổng thống Ngô Đình Diệm, Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và những viên chức trong chính phủ.
Chúng tôi đã đàm luận với các nhân viên quân sự Việt và Mỹ, ở mọi cấp bậc, từng người cũng như từng nhóm. Chúng tôi đã viếng thăm các cơ sở huấn luyện và đặt chân đến những bộ chỉ huy hành quân ở trận tuyến. Chúng tôi đã thu hoạch được rẩt nhiều kết quả tốt đẹp trong một tuần lễ.
Tối hôm nay, chúng tôi rời Việt Nam để trở về Washington và sẽ đệ trình lên Tổng thống Kennedy bản phúc trình của chúng tôi, bổ sung bản phúc trình mà dư luận đã được thông báo. Trong hoàn cảnh tế nhị của chúng ta, chúng tôi nghĩ là không nên nói những gì tạo ra nghi vấn về thái độ của nước Mỹ quyết đứng bên cạnh Việt Nam Cộng hòa và dân chúng của nước này.

*
Bỗng nhiên Tòa đại sứ Mỹ được tăng thêm lực lượng bảo vệ khác thường. Một hàng rào chiếm đến nửa đường Hàm Nghi, nhiều tốp quân cảnh Mỹ đứng đằng sau các bao cát, tiểu liên cực nhanh như sẵn sàng nhả đạn. Trên tầng cao các nhà đối diện, cảnh sát dã chiến Nam Việt cũng ở trong tư thế tương tự. Tin đồn về một sự phẫn nộ của dân chúng có thể dẫn đến một cuộc tấn công đập phá sứ quán, ám sát nhân viên ngoại giao Mỹ, kể cả đại sứ Cabot Lodge đã đặt tòa nhà đại sứ vào tình trạng báo động. Hình như chính đại sứ quán nhận được nhiều cú điện thoại hăm dọa.
Nhu bực bội. Anh ta đích thân nói chuyện với Cabot Lodge, đảm bảo rằng sẽ không thể nào xảy ra bất cứ điều gì gây tổn hại cho đoàn ngoại giao Mỹ nhưng Tòa đại sứ vẫn thi hành biện pháp mà họ cho là “đề phòng”.
- Người Mỹ muốn tạo ra không khí bất ổn ở ngay thủ đô chúng ta. Họ rất cần một cái cớ!
Nhu nói với Luân.
- Jones Stepp có trao đổi gì với anh không? – Nhu hỏi, đôi mắt sau thăm thẳm.
Luân lắc đầu.
- Tôi biết sắp thêm một vài vụ tự thiêu nữa làm quà cho phái đoàn điều tra của Liên hiệp quốc... chẳng lẽ chúng ta khoanh tay?
Nhu gieo những bước nặng nề trên hành lang. Anh ta tự nêu câu hỏi và không trả lời.
- Tổng nha cảnh sát mà để cho một Phật tử tự thiêu, tôi tống cổ Tổng giám đốc vào khám!
Luân lặng lẽ song đôi với Nhu. Đến bây giờ, Luân biết nhiều bí ẩn hơn Nhu, qua Saroyan. Và ngay cả Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia không phải đã báo cáo với Nhu mọi tin tức mà Tổng nha nắm. Về mặt này, Dung biết cũng nhiều hơn Phủ Tổng thống.

Quả có nhiều cú điện thoại hăm dọa đại sứ quán, quả tình báo Mỹ bắt được một kế hoạch ám sát, đập phá nhằm vào nhân viên và sứ quán Mỹ. Song, tất cả là tác phẩm của chính CIA, dưới hình thức thông báo mật của tướng Trần Văn Đôn – thông báo miệng, tất nhiên. Điện thoại được ghi âm và chuyển sang Phủ tổng thống coi như bằng chứng. Người gọi điện thoại nếu không phải thủ hạ của Đỗ Mậu thì của Mai Hữu Xuân.

Washington xếp các bằng chứng ấy vào một hồ sơ đặc biệt và Tổng thống Mỹ đọc chúng không phải hằng ngày mà hằng giờ.
Cái mà Kennedy sốt ruột chờ đợi là nhận xét của phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc – chỉ cần phái đoàn thừa nhận chính phủ Nam Việt đang theo đuổi chính sách trấn áp những người theo đạo Phật thì lập tức tổng thống Mỹ bắn tín hiệu xanh cho Cabot Lodge. Dẫu sao, Kennedy cũng không thích bị dư luận kết án thọc quá sâu vào nội tình một nước đồng minh...

- Tại sao Việt Cộng dạo này tấn công thưa thớt? – Nhu lại hỏi Luân, đột ngột.
Luân không trả lời vì anh biết Nhu bày tỏ một nguyện vọng hơn là đặt một câu hỏi. Giữa lúc này, Mặt trận Giải phóng đánh mạnh sẽ hậu thuẫn cho lập luận của Nhu: giới Phật giáo gây rối nên bị Việt Cộng khai thác.

Cái gì là mâu thuẫn đan chéo đều bộc lộ trong thời điểm hiện nay. Tấn bi hài kịch, thắt nút từ lâu, cần bật tung cho một kết thúc đúng đòi hỏi của sân khấu – không thể hạ màn thiếu cao trào...
Hai người bước tới lui ở hành lang đến nửa giờ. Nếu thỉnh thoảng Nhu không nói, người ngoài dễ nghĩ rằng đôi bạn đang tản bộ cho tiêu cơm. Chỉ mới hai ngày thôi, Nhu từ trạng thái thoải mái – khi tiếp Luân sau chuyến Luân đi “Tam giác vàng” – đổi sang cau có. Nhu cố che đậy song Luân thấy rõ anh ta lo lắng
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 09:01:41 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #191 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 09:08:34 pm »

Chương 5

Họp báo của bà cố vấn Ngô Đình Nhu ở Nữu Ước

Hôm thứ tư vừa qua, bà cố vấn Ngô Đình Nhu đã xuất hiện lần đầu tiên tại Nữu Ước, trong ánh sáng của các máy chụp hình trước hơn sáu trăm ký giả và độ một nghìn người chen lấn nhau trong phòng khách danh dự lộng lẫy ở khách sạn Waldorf – Astoria
Bữa “tiệc họp mặt” này do Câu lạc bộ Báo chí Nữu Ước tổ chức, nhưng lẫn lộn trong đám ký giả ngoại quốc ở Hoa Kỳ, còn có một số người đủ các thành phần – nhà xuất bản, hội trưởng các hội phụ nữ.. và điều đáng chú ý là có cả sự hiện diện của một vị chức sắc “Phật giáo Hoa Kỳ”, đại đức Cakya Anatta, tên thật là Edward Elbuch, từ thành phố New Jersey đến để dự cuộc họp mặt này, trong bộ áo cà sa màu vàng nghệ.
Trong một bài diễn từ đọc sau bữa tiệc, bà Nhu cho biết ngay rằng bà đến Hoa Kỳ không phải để đấu khẩu nhưng, khi gián tiếp nhắc về việc bà đến thăm Hoa Kỳ đã làm cho chính quyền ở Hoa Thịnh Đốn bối rối, và nhất là cuộc đón tiếp vô cùng nồng nhiệt mà báo chí tại đây đã dành cho bà – trái hẳn với sự lạnh nhạt của chính quyền – bà đã cho biết rằng bà đã từ chối nhiều cuộc phỏng vấn vô tuyến truyền hình vì bà không muốn các nhân vật chính thức Hoa Kỳ oán hận bà.
Về tình hình báo chí Mỹ tại Sài Gòn, bà Ngô Đình Nhu nhận định rằng các ký giả ngoại quốc tại Sài Gòn không có thiện cảm với chính sách của tổng thống Ngô Đình Diệm và vì thế, “những tin tức họ đưa ra đều sai lạc vì họ bị những cảm xúc chi phối”. Bà nói tiếp, “các ký giả không tiếp xúc nhiều với chính phủ” và “tiếc rằng tổng thống Diệm là một người ít nói và không có tài hùng biện”. Bà Ngô Đình Nhu nói tiếp: “Nhưng trái lại, các ký giả rất được “những người đối lập với chính phủ” nhất là Phật giáo đồ trọng đãi và họ có xu hướng bênh vực cho các người này”.
Trong phần còn lại của diễn từ, bà Ngô Đình Nhu đã trình bày về sự liên lạc chặt chẽ giữa các tổ chức Phật giáo với Việt Cộng, kế hoạch chính trị hoá Phật giáo Việt Nam để tìm cách biến Phật giáo thành một quốc gia trong quốc gia. Bà cũng xác nhận lại một lần nữa rằng những nạn nhân trong các vụ xảy ra ở Huế - các vụ này đã khởi đầu cho các vụ rối ren sau này - đều do các chất nổ gây ra, chớ không phải vì cảnh sát bắn vào nhóm biểu tình.
Sau hết, sau khi đã trả lời rất nhiều những câu hỏi của ký giả - trong đấy có những câu rất xấc xược – bà Ngô Đình Nhu đã được mọi người tán đồng khi bà hô hào cần phải có sự đoàn kết giữa Hoa Kỳ và quốc gia đồng minh Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Cộng và bỏ qua những “hiểu nhầm” và mục đích của bà đến đây là đánh tan những hiểu nhầm đó. Cuối cùng, bà Nhu đã rời diễn đàn với sự vỗ tay của đa số các cử toạ.
Trong khi bên trong khách sạn, bà Ngô Đình Nhu đang nói chuyện, thì ở bên ngoài khoảng năm mươi người thuộc nhiều hội tiến bộ hoặc hoà bình tụ họp, phân phát những truyền đơn chống lại tổng thống Ngô Đình Diệm và chống việc tiêp tục chiến tranh tại Việt Nam và họ đã âm mưu tổ chức một cuộc biểu tình chống tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng thất bại.
Công chúng Mỹ chưa được kích động đúng mức đối với Việt Nam để có thể biểu tình vì Việt Nam. Về phần bà Ngô Đình Nhu, người ta có thể nói rằng bà đã qua một thời kỳ sơ khảo trước báo chí Hoa Kỳ và đã đậu ưu hạng, và từ nay bà tỏ ra có đủ điều kiện để thuyết phục cả nước Hoa Kỳ

*
**
Tường thuật trên một tờ báo Mỹ kia lẽ ra khích lệ Nhu nhưng, Nhu chưa lú lẫn đến mức không phân biệt tờ báo ít tiếng tăm, số phát hành hạn chế với những tờ báo mà ấn bản lên hàng mấy triệu và thật sự làm chủ dư luận Mỹ - họ mô tả không khí của cuộc họp báo hoàn toàn khác hẳn. Nhu biết Lệ Xuân chi rộng rãi cho các cây bút hạng nhì, hạng ba và thuê hẳn số cột của tờ báo theo giá cao hơn quảng cáo.
- Tôi đọc báo Mỹ, cuộc họp báo của chị khá tốt! – Nhu ngó Luân. Trong một thoáng, Luân nhận mình sai lầm khi nhận xét như vậy.
- Anh nói thật hay anh định an ủi tôi? – Nhu xẵng giọng. Và, chính Nhu đã gỡ rối cho Luân.
- Anh nên bình tĩnh… - Luân gián tiếp trả lời.
- Nhà tôi chủ quan quá. Và, bài báo lá cải làm sao đổi ngược ý định của tổng thống Mỹ…
- Tôi đã quyết định! – Nhu nói rất nhỏ song thật dứt khoát – anh kiểm tra lần chót kế hoạch của ông Đính và báo cáo với tôi càng sớm càng hay.
Nhu bắt tay Luân, bước thật nhanh vào phòng làm việc.
Luân đủng đỉnh bước xuống bậc thềm, lên xe. Đầu óc anh căng thẳng, làm gì? Phải làm gì? Có thể làm gì? Làm với cái gì?
Xe dừng tận sân nhà mà Luân vẫn còn ngồi thừ, mãi tới khi bé Lý gõ vào cửa xe gọi “ba, ba”, anh mới chợt tỉnh.

… Một đêm trôi qua. Một đêm Luân không ngủ. Dung cũng không ngủ.
- Anh phải đến nhà chị Cả!
Nhà chị Cả là nơi có lần Ngọc đưa Luân đến tạm trú sau vụ Luân bị rượt đuổi ở Hoà Hưng, cách đây tám năm.
Dung không ngăn. Chắc chắn chỗ chị Cả an toàn, như những tài liệu công an mà Dung nắm.
Luân gọi Thạch. Gọi mấy lần. Thạch không thưa. Cửa phòng Thạch vẫn mở.
- Đầu hôm, cậu Thạch nói với tôi đi mua thuốc hút, nhờ tôi đóng cửa… Rồi tôi quên lửng…
Chị Sáu cho Luân và Dung biết bấy nhiêu
- Thạch bị bắt cóc! – Luân bảo Dung.
Thông cáo của Ban chấp hành Trung ương Phong trào phụ nữ liên đới:
Một vài hãng thông tấn nước ngoài nhằm đầu độc mối bang giao Mỹ - Việt đã thuật lại sai hẳn nội dung của nó một câu trong bài tuyên bố của bà Ngô Đình Nhu tại La Mã, và do đó gây ra một sự hiểu lầm trong một vài giới người Mỹ.
Lời tuyên bố đó, chính đã được bà Ngô Đình Nhu nói ra trong hoàn cảnh sau đây: để trả lời câu hỏi về cảm tưởng của bà Ngô Đình Nhu đối với cuộc viếng thăm của phái đoàn Mac Namara, bà chủ tịch đã nói rằng:

“Tôi rất hài lòng được biết ông Mac Namara tới Sài Gòn để xem công việc của người Mỹ ở đây được điều khiển ra sao. Một vài viên chức cấp dưới giúp việc tại các cơ quan Mỹ đã có những thái độ và hành động như những lính trẻ tuổi phiêu lưu giang hồ. Họ không hiểu nổi những gì đang xảy ra xung quanh họ. Do thái độ vô trách nhiệm của mình, họ đã dồn các cấp chỉ huy của họ theo một chính sách mơ hồ”

Danh từ “lính” đây không có nghĩa là quân nhân, chỉ có nghĩa là bọn phiêu lưu có mộng lập vương tại xứ người ta. Thế mà các hãng thông tấn nói trên lại bóp méo ra như sau:
“Những sĩ quan trẻ tuổi của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã hành động một cách vô trách nhiệm như những tên lính trẻ tuổi phiêu lưu giang hồ”.
Người ta còn nhớ rằng trong mấy tuần lễ vừa qua, bà Nhu còn tố cáo “những kẻ phiêu lưu quốc tế” âm mưu phá hoại an ninh của Quốc gia Việt Nam.
Bà cố vấn đã nói rằng hạng người đó có lối một nửa tá. Các điện tín, báo chí đều đồng ý về điểm này. Và ai ở Sài Gòn cũng đều biết một nửa tá đó là dân sự, không phải quân sự Hoa Kỳ.
Bà Ngô Đình Nhu cũng đồng quan điểm rằng nhân dân Mỹ không được biết rõ về những sự thật ở Việt Nam tới mức đáng được biết, nhất là về vụ Phật giáo. Sở dĩ có tình trạng đó cũng vì chiến dịch đầu độc dư luận quốc tế trong đó “những kẻ phiêu lưu quốc tế” nói trên đã đóng một vai trò chủ chốt.

Chính bà Nhu đã nói tại La Mã về đám người nửa tá phiêu lưu quốc tế này.
Ngoài ra mới đây nhân việc một phái đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ có thể sẽ sang quan sát tại Việt Nam, bà Ngô Đình Nhu đã tuyên bố rằng phái đoàn đó sẽ được Việt Nam đón tiếp niềm nở, vì mọi cuộc thăm viếng như vậy sẽ giúp cho các vị đại biểu của nhân dân Mỹ hiểu biết tại chỗ tình hình Việt Nam, một tình hình thật sự rất khác hẳn những điều mà bọn nửa tá “lính trẻ tuổi phiêu lưu giang hồ” nói trên đã cố ý muốn làm cho nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ tin theo lời họ nói.
Như vậy là rõ rệt: bà Ngô Đình Nhu không hề ám chỉ một binh sĩ nào, cũng như không hề chỉ trích tinh thần trách nhiệm và tinh thần hy sinh của các cố vấn quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam thuộc cấp trên cũng như cấp dưới. Vì theo lời khai của các thượng toạ, tăng ni và sinh viên, bọn phiêu lưu đang mộng lập vương kia đều thuộc giới dân sự cả.
Bà Ngô Đình Nhu cũng như tất cả các đoàn viên Phong trào phụ nữ liên đới Việt Nam bao giờ cũng kiên quyết và đích xác tố cáo những hành động đáng chê trách của bọn nửa tá phiêu lưu quốc tế đang tìm cách phá rối những mối giao hảo quốc tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhưng ngược lại, phong trào phụ nữ liên đới Việt Nam luôn luôn rất khâm phục cũng như rất biết ơn các cố vấn quân sự Mỹ và qua các vị này, phong trào liên đới cũng rất khâm phục và rất bíêt ơn nhân dân Hoa Kỳ, nhất là các bà mẹ và vợ con của các chiến sĩ Mỹ đang chiến đấu cho chính nghĩa chung Mỹ - Việt, tại Việt Nam cũng như các nơi khác trên thế giới.
Đó là một điều hợp với lý trí, công bằng và đoan chính.

*
**
Thạch bị bắt cóc… Không còn nghi ngờ gì nữa. Từ trước tới nay, chưa bao giờ Thạch vắng nhà nửa tiếng đồng hồ.
- Em gọi Nha cảnh sát đô thành nhé! – Dung gợi ý
- Em cứ gọi họ cử người đến đây… Song, anh linh tính Thạch không còn nữa…
Thấy Dung ngơ ngác, Luân nói thêm:
- Bọn bắt cóc khai thác Thạch, chúng cần nhanh. Làm sao giữ Thạch lâu được? Lộ hết… Và tới giờ này Thạch không về, có nghĩa là chúng không khai thác được gì ở Thạch và thủ tiêu chú ấy.
Nước mắt Luân trào. Dung ôm mặt, nức nở. Chị Sáu không hiểu, đứng chết trân.
- Bọn nào? – Dung hỏi
- Còn bọn nào nữa? Mai Hữu Xuân!
- Nên báo với Nhu không?
- Anh sẽ báo!
- Saroyan?
- Khoan… Đừng tỏ ra hốt hoảng. Rất có thể Jones Stepp đứng sau lưng Xuân.
- Em không nghĩ như vậy. CIA cần gì ở anh Thạch?
- Cần, rất cần. Họ dùng trắc nghiệm theo lối Mỹ để đánh giá anh thật chính xác. Họ muốn từng nghi vấn nhỏ phải được giải đáp trước khi họ xếp các quân cờ trên bàn cờ mới.
Chuông cổng reo. Một thiếu tá cảnh sát vào nhà.
- Người bảo vệ kiêm lái xe của tôi đi mất từ chập tối hôm qua… Anh ta bảo với chị nấu bếp là đi mua thuốc lá. Rồi, không quay về.
- Thiếu uý Thạch? - Người thiếu tá cảnh sát hỏi.
- Đúng.
- Đại tá cho phép tôi báo cáo về Nha bằng điện thoại, còn tôi sẽ phăng mối từ đây… Từ chỗ bán thuốc lá gần nhất. Tôi sẽ hỏi lực lượng công an chìm được bố trí quanh đây…
- Thiếu tá cứ làm nhiệm vụ…
Sau đó, Luân gọi điện cho Nhu, Nhu vặn lại: Liệu Thạch chơi bời đâu đó, chưa về? Luân khẳng định không thể có việc đó.. Tới lượt Nhu sửng sốt:
- Sao kỳ quặc đến thế! Ai dám?
- Vào lúc này, ai cũng dám cả - Luân trả lời.
- Chúng định cảnh cáo cả tôi à? Được, nếu quả Thạch bị bắt cóc hay bị một cái gì đó, chúng sẽ biết tay tôi.
- “Chúng” là ai? – Luân hỏi, hơi mỉm cười.
- Anh đừng hỏi đố tôi, cả anh và tôi đều biết “chúng “ là ai…

Mệnh lệnh số 5 của Tổng thủ lãnh thanh niên Cộng hoà
Qua tình hình quốc gia gần đây, anh chị em thanh niên chắc đã ý thức được tình thế trầm trọng trong quốc nội gây nên bởi sự hiệp đồng giữa những thế lực chống chế độ cộng hoà chúng ta trong và ngoài nước.
Nguyên nhân của sự trầm trọng đó là do một số sư sãi trong Tổng hội Phật giáo đã có những “hành vi, ngôn ngữ và thái độ bất chấp đến “ý chí hoà giải tột bực” của Tổng thống và chính phủ Việt Nam cộng hoà, coi ý chí hoà giải đó là biểu hiện của một sự nhu nhược.
Người ta biến các chùa chiền thành những trung tâm khuấy rối, khủng bố các vị chân tu, hàng ngày mạt sát và đả kích chính phủ. Rồi cứ thế được đà, người ta đã tiến tới những âm mưu vận động phá hoại an ninh quốc gia. Súng đạn đã được mang vào các chùa chiền, một mặt uy hiếp các vị chân tu, một mặt tổ chức đảo chính, người ta công khai thiết lập bàn giấy tuyển mộ những lực lượng chiến đấu dưới hình thức “tuyển mộ thanh niên bảo vệ Phật giáo”.
Toàn thể anh chị em thanh niên Cộng hoà cũng như toàn thể dân chúng đều thấy rõ hàng nghìn những sự việc thuộc loại trên không có tính chất tôn giáo, chỉ nhằm mục đích không giấu giếm là khuynh đảo chính phủ, phá hoại an ninh quốc gia. Những người ngoại quốc ở trên nước này vô tư và khách quan cũng điều công nhận điều đó là đúng.
Mặc dù thế, Tổng thống và chính phủ Việt Nam cộng hoà vẫn theo đuổi thực hiện ý chí hoà giải: luôn trong mấy tháng, vẫn nhẫn nhục đọc những bức thư mà Uỷ ban liên phái gửi tới, giọng khiêu khích và khinh mạn, vẫn chứng kiến những cuộc tụ tập để mạt sát chính phủ, để phổ biến những tài liệu ngoại quốc chống đối lại quốc gia Việt Nam. Chính phủ đã bãi bỏ lệnh giới nghiêm.
Thái độ nhẫn nhục của Chính phủ đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết đã bị nhiều người kết tội là nhu nhược và bị người ta hiểu lầm là “bất lực” không tìm được biện pháp thích nghi để giải quyết vấn đề Phật giáo.
Tới nay thì tình thế không cho phép Tổng thống và Chính phủ Việt Nam cộng hoà chờ đợi sự hưởng ứng của những phần tử đã tiếm đoạt danh nghĩa Tổng hội Phật giáo. Những cuộc vận động phá hoại an ninh quốc gia đã tới mức độ đòi hỏi Tổng thống và Chính phủ Việt Nam cộng hoà phải có thái độ cương quyết chặn đứng những hành động phá hoại trong quốc nội để kịp thời đối phó với Cộng sản.
Anh chị em thanh niên Cộng hoà tất phải tự hỏi tại sao “ý chí hoà giải tột bậc” của Tổng thống Việt Nam cộng hoà không được sự hưởng ứng của Tổng hội Phật giáo? Tôi có thể trả lời ngay rằng Uỷ ban liên phái đại diện cho Tổng hội Phật giáo đã bị một số người đầu cơ chính trị, lợi dụng tôn giáo khủng bố, thao túng và giật dây. Tôi tin rằng một ngày gần đây chính phủ cũng như nhân dân sẽ lột mặt nạ những kẻ đó và đưa ra ánh sáng.
Tôi tin rằng thái độ và hành động kiên quyết của những người chịu trách nhiệm về vận mệnh của Việt Nam cộng hoà sẽ mang lại bình ổn trong nước.
Nhiệm vụ của anh chị em thanh niên cộng hoà lúc này là đóng góp vào nỗ lực của lãnh đạo quốc gia. Một trong những công việc quan trọng của anh chị em là chấp hành kỷ luật, sát cánh cùng lực lượng an ninh và quân đội đập tan mọi mưu toan phản loạn, gây rối, ám sát, bắt cóc, cấu kết với ngoại bang. Không còn có thể nào lùi bước được nữa!
Nhân danh Tổng thủ lãnh thanh niên Cộng hoà, tôi đặt toàn bộ lực lượng thanh niên trong tình trạng trực chiến. Mệnh lệnh này cần được phổ biến rộng rãi bằng các phương tiện của quốc gia. Tôi uỷ nhiệm Phó Tổng thủ lãnh Cao Xuân Vĩ ban hành các biện pháp cụ thể và hữu hiệu. Ký tên: Ngô Đình Nhu…

Tổng thống Ngô Đình Diệm trả lời báo Pháp France Soir
- Sài Gòn – “Việc cần phải gây dựng tại miền Nam Việt Nam, là một cuộc cách mạng nhân dân chống Cộng Sản và hướng về nền kỹ nghệ hoá”, đó là lời tuyên bố của Tổng thống Việt Nam cộng hoà trong một cuộc phỏng vấn giành cho ký giả Eugene Manoni, đặc phái viên báo France Soir.
Tổng thống nói tiếp “cuộc chiến tranh hiện nay bắt buộc miền Nam Việt Nam phải thực hiện cuộc cách mạng đó một cách thận trọng, nhưng dầu sao đi nữa cũng phải thực hiện”.
Tổng thống Việt Nam cộng hoà cũng đã nhấn mạnh rằng: “chính trong bối cảnh lịch sử đó, trong cuộc chiến tranh không trận tuyến đó mà người ta cần phải tìm hiểu để có quan niệm khách quan về những người chỉ trích nhắm vào những người thân cận của tôi”.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 10:21:37 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #192 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 09:11:30 pm »

Tổng thống giải thích thêm rằng “chúng tôi là một nước đang lâm vào cảnh chiến tranh, và không phải những người thân cận của tôi đã gây ra cuộc chiến tranh đó với những hậu quả của nó”. Tổng thống cũng đã nhấn mạnh rằng “chung quy chính tôi là người mà người ta đang tìm cách ám hại, bởi vì tôi không phải là một con bù nhìn, và cũng bởi vì tôi được quốc dân mến chuộng”.

Trong đoạn kết luận, Tổng thống nói: “Tất cả những người bạn của chúng tôi trong thế giới tự do cần phải giúp đỡ chúng tôi cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần, và nhất là đừng âm mưu chia rẽ chúng tôi trong lúc chúng tôi đang phải đương đầu với kẻ thù chung”.

- Câu hỏi thứ 1: Kính thưa Tổng thống, theo ý Tổng thống, người ta có thể rút ra được những bài học nào về những biến cố vừa qua ở quý quốc?
-Trả lời: Mọi người đều nói đến Cộng Sản và vấn đề kém mở mang. Nhưng, trong lĩnh vực chính trị cũng như trong lĩnh vực thông tin, rất ít người có trách nhiệm trong thế giới tự do hiểu được tận gốc, mà lại còn tỏ ra không chú tâm đến các vấn đề đó, mặc dầu những vấn đề đó là những hiện tượng trọng yếu của thế kỷ 20. Tại những quốc gia tiên tiến phương Tây, vấn đề Cộng Sản nội bộ được đặt ra một cách khác hẳn. Quả vậy, những tiến bộ kỹ thuật và kinh tế, thực hiện được một phần cũng nhờ sự khai thác các thuộc địa trong thời kỳ cực thịnh của chủ nghĩa tư bản, đã làm cho những cuộc tranh chấp xã hội và lý tưởng mất hẳn tính chất khao khát của nó. Như vậy, dĩ nhiên là những nhà lãnh đạo chính trị cũng như những nhà lãnh đạo dư luận không thể nào có được một ý niệm rõ rệt về điều kiện nhân sinh tại các nước chậm tiến. Thêm vào đó, lại còn có tệ trạng các quốc gia tiền tiến nghiễm nhiên nắm độc quyền trên thị trường quốc tế cũng như trong lĩnh vực phổ biến nền cao học. Tổng hợp lại các hiện tượng đó, người ta mới hiểu được các nỗi khó khăn mà những dân tộc như dân tộc chúng tôi đã vấp phải trong các mối bang giao với các nước tiên tiến, và cũng mới hiểu rõ được niềm thất vọng cũng như nỗi cay đắng của chúng tôi.
Tất cả những sự cách biệt về mặt kỹ thuật, kinh tế và tâm lý giữa các quốc gia tiền tiến và những quốc gia mới thâu hồi độc lập đều bị lợi dụng với mục đích gây ra một cuộc chiến tranh mà trong đó người ta dễ lâm vào cảnh đánh bạn hơn là đánh kẻ thù chung.

- Câu hỏi 2: Những người thân cận của Tổng thống đã bị chỉ trích. Người ta đã nghĩ như thế nào về lời chỉ trích đó?
- Trả lời: Đó cũng là một hình thức của cuộc chiến tranh không trận tuyến nhằm mục đích làm xáo trộn tình thế, và cô lập hoá chúng tôi. Chúng tôi đang ở trong tình trạng khẩn cấp, đạo quân thứ năm thuộc mọi phần tử, những vụ phản bội, những âm mưu phục kích, tình trạng chợ đen…
Mọi người đều có những kẻ thân cận của mình. Nhưng, người ta chỉ trích những kẻ thân cận của tôi với những lý luận cụ thể nào, ngoài những lời đồn đãi?
Tôi hoàn toàn đồng ý về điểm phải để ý tới những lời chỉ trích đó, nhưng không phải theo cái lối mà một vài người bạn theo phái tự do đã noi theo. Tôi thiết nghĩ rằng trước hơn hết phải phân tích cái gì là đúng và cái gì là không đúng trong những lời chỉ trích đó. Rồi phải có CAN ĐẢM CÔNG KHAI tỏ một thái độ khách quan về tất cả vấn đề này. Nếu chúng ta làm cách khác, thì cũng ví như chúng ta chấp nhận trước là sẽ bị đánh bại vì dư luận thế giới bị đầu độc bằng những mánh khoé vu khống và tin đồn thất thiệt – mà chẳng có ai dám đứng lên đánh tan những tin đồn đó – và như vậy là người ta đánh bại những người chống Cộng hữu hiệu nhất.

- Câu hỏi 3: Theo ý Tổng thống, thì có những biện pháp nào khả dĩ?
a) Tái lập được tình trạng hết căng thẳng ở quý quốc?
b) Đánh tan được cái trạng huống khó chịu mà người ta đã nhận thấy trong các mối bang giao Mỹ - Việt?
- Trả lời: Vì nhiều lý do nước tôi rất dễ bị mọi thứ chủ nghĩa xâm nhập, trong khi đang phải đương đầu với chiến tranh và phải cấp tốc giảm bớt sự chậm tiến quá lớn lao của mình về mặt kỹ thuật, kinh tế và xã hội.
Việc cần phải gây dựng tại miền Nam Việt Nam, là một cuộc cách mạng nhân dân và hướng về nền kỹ nghệ hoá, nghĩa là cần phải cố gắng gấp bội chứ không phải chỉ lo nghỉ ngơi. Đó là việc mà phần đông nếu không nói là tất cả, những quốc gia Á – Phi đang thực hiện
Vì đó là giai đoạn lịch sử, giai đoạn tiến từ nền văn minh này tới một nền văn minh khác, mà những nước ấy phải thực hiện cho được bằng xương máu của mình, không phải chỉ có một vài cải cách nhỏ nhặt không đáng gì là được đâu!

- Câu hỏi 4: Như vậy Tổng thống có nghĩ rằng lời tuyên bố mới đây của Đại tướng De Gaulle là có thể giúp được phần nào để tìm một giải pháp cho những nỗi khó khăn vừa qua chăng?
- Trả lời: Tôi rất khâm phục đại tướng De Gaulle vì ông là một nhà đại ái quốc, và lúc cần đến, ông dám có quyết định không được lòng dân ngay lúc đó, nhưng sau mới tỏ ra là có ích cho quyền lợi lâu dài của nhân dân Pháp.
Bây giờ không còn là thời kỳ mà người ta có thể chỉ định nghĩa dân chủ bằng những danh từ tự do chính trị và chính thể đại nghị; dân chủ ngày nay đòi hỏi phải có kỹ nghệ và kế hoạch; chính trị và các nghị viện cần phải đáp ứng theo sự đòi hỏi lịch sử đó.
Vả lại, Việt Nam không phải là nước Pháp. Việt Nam không còn hạ tầng cơ sở, cũng như không có các cán bộ như nước Pháp, và nhất là kém dân tộc Pháp về tinh thần yêu nước sáng suốt biết chống lại mọi sự xâm nhập của bất cứ phần tử ngoại lai nào.
Hiệu triệu của Đại đức Lâm E
Từ mấy tháng nay, sự tranh chấp cho năm nguyện vọng của Phật giáo đồ kéo dài quá lâu làm cho có người len lỏi và lợi dụng thời cơ để biến thành một cuộc đấu tranh có màu sắc chính trị.
Thật vậy, sau trường hợp đáng tiếc xảy ra ở Huế nhân ngày Phật đản 8/5/63, Chính phủ đã hết sức cố gắng dàn xếp mọi việc trong ý chí hoà giải. Nhờ thế bản “thông cáo chung” đã được ký kết vào ngày 16/6/63 làm toàn thể Phật giáo đồ toàn quốc vui mừng là đã chấm dứt được sự ngộ nhận của đôi bên. Nhưng trong Uỷ ban liên phái, một số người quá khích đã cố tình reo giắc căm thù, đào hố sâu chia rẽ giữa Phật tử và chính quyền làm cho tình trạng trở lại trầm trọng hơn trước đến nỗi Chính phủ phải ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.
Kính thưa toàn thể Phật tử
Sau những điều trình bày trên đây, toàn thể quý vị Phật tử đều thấy rõ là cuộc vận động của Phật giáo không còn nguyên vẹn ý nghĩa tôn giáo nữa.
Là Phật tử, chúng ta không thể nhắm mắt để cho những người chuyên lợi dụng, lấy đó làm đà để đấu tranh cho tham vọng cá nhân.
Nhân danh Đại đức Tăng trưởng và Chủ tịch Trung ương giáo phái Therevada tại Việt Nam, chúng tôi tuyên bố tự rút khỏi Uỷ ban liên phái và chúng tôi thành khẩn kêu gọi toàn thể Phật tử Việt Nam nói chung và các vị Đại đức tăng cùng các Phật tử giáo phái Therevada nói riêng, hãy bình tĩnh, sáng suốt tin tưởng vào sự tự do của chính quyền.
Hãy đề phòng, hãy cảnh giác đừng để cho những người lợi dụng đưa Phật giáo chúng ta vào con đường phiêu lưu vô định có lợi cho cộng sản.
Chúng ta cần phải thành tâm góp sức thực thi bản “thông cáo chung” để sớm chấm dứt tình trạng hiện tại.
Chúng tôi đặt cả niềm tin nơi sự sáng suốt của toàn thể Phật tử và thành tâm tin tưởng nơi sự anh minh của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Ngô Đình Nhu ghi vào góc bản hiệu triệu của Lâm E lời phê bằng mực đỏ: “Gửi ông Lê Trọng Hiếu. Liệu Lâm E có thể tổ chức một cuộc tổng biểu tình gồm vài chục vạn người diễu hành trên đường phố để báo chí và đài truyền hình nước ngoài tường thuật, quay phim không? Tốn bao nhiêu, bảo Cao Xuân Vỹ”.
Ngô Trọng Hiếu gặp ngay Cao Xuân Vỹ. Cuộc mặc cả bắt đầu.
- Tôi có thể huy động hai chục nghìn người…
- Tốt lắm. Nhưng phải hai chục nghìn tín đồ Phật giáo, và ít ra cũng vài nghìn nhà sư cả phái Therevada và các phái khác - Vỹ bảo.
- Cần tới vài nghìn nhà sư sao? - Hiếu lo lắng.
- Chứ sao! Vài nghìn là ít…
- Hơi khó… Áo vàng thì dễ, áo dà không may kịp… còn cạo tóc nữa!
- Chẳng lẽ ông tổ chức một cuộc biểu tình của dân thường? Đó là việc của tôi. Tôi có thể trong ngày tập hợp bốn năm chục nghìn thanh niên Cộng hoà. Song, ông cố vấn muốn cuộc tổng biểu tình giới Phật giáo kia!
- Ông chi chừng bao nhiêu tiền?
- Tuỳ ông… Mỗi “tín đồ” hai trăm đồng được không?
- Ít quá, ba trăm…
- Ừ, ba trăm. Còn mỗi nhà sư?
- Sư của Lâm E và mấy ông thầy cúng thì giá hơi cao, hai nghìn đồng một người, riêng Lâm E và các tay trùm phải tính bạc vạn…
- Cũng được.!
- Bạc Việt hay đôla?
- Sao lại đôla?
- Lâm E và các tay trùm đòi đôla…
- Họ đòi hay ông đòi?
- Tôi đòi làm gì! Cần lối hai chục ngàn đôla. Không có thì không tổ chức nổi.
- Tôi phải xin ý kiến ông cố vấn…
- Chớ! Chớ! Tôi với ông thoả thuận là xong mà…
- Vậy tôi ghi ba chục nghìn đôla…
- Phần ông bao nhiêu?
- Tôi một nửa, ông một nửa…
- Ít quá, ghi năm chục nghìn đi! Tôi mười lăm nghìn, ông mười lăm nghìn…
- Ôkê!
- Còn nữa…
- Cái gì?
- Mướn báo, truyền hình… Năm chục nghìn đôla thêm…
- Ông đừng chơi trội! Tôi được chia bao nhiêu?
- Thôi, ông lấy mười nghìn vậy!
- Ôkê! Nhưng, nhắc ông: ông cố vấn sẽ đếm người biểu tình, không đủ số thì khó mà nuốt trôi…
- Đếm làm sao nổi?

Cuộc biểu tình dự định chưa kéo đi đã giải tán: gom góp không được một nghìn người.
Ngô Trọng Hiếu và Cao Xuân Vỹ sợ mất mật. Nhưng, Nhu quên cái lệnh của anh ta…

*
**
Báo cáo của Nha cảnh sát đô thành về trường hợp Thạch như sau:
Bảy giờ tối, Thạch đến chỗ bán thuốc lá đường Đinh Tiên Hoàng, mua một tút Bastos xanh. Người bán thuốc quen mặt Thạch nên không thể lầm lẫn. Thạch cầm tút thuốc rời chỗ bán thì có một chiếc xe hơi chờ sẵn, vì bóng tối, người bán thuốc không rõ điều gì xảy ra, xong thấy hình như có cãi cọ hay xô đẩy gì đó, rồi xe chạy. Thạch lên xe hay không người bán thuốc không rõ… Xe du lịch, sơn màu hột gà; hiệu và biển số xe thì người bán thuốc không thể biết.
Một cảnh sát viên gác ngã tư Tự Đức – Đinh Tiên Hoàng – cách nơi bán thuốc chừng năm mươi thước và cách chiếc xe chừng ba mươi thước cho biết: Vào lúc bảy giờ, một xe Peugeot 240 dừng dưới bóng tối do tàn cây che khuất đèn, hai người xuống xe, đón một người từ nơi bán thuốc lá đi tới, hỏi han việc gì đó, hình như ấn người cầm thuốc lá vào khoang sau, và xe phóng chạy; người cảnh sát chỉ kịp thấy biển xe mang chữ NBO, còn số thì nhìn không kịp, nhưng chắc chắn con số bắt đầu bằng số 2. Xe phóng thẳng đường Đinh Tiên Hoàng, không rẽ qua Phan Thanh Giản.
Một cảnh sát viên gác ngã tư Phan Thanh Giản – Đinh Tiên Hoàng cho biết: Chiếc NBO vượt đèn đỏ, anh thổi còi, song xe phóng luôn. Không kịp đọc số xe vì một xe tải che khuất, nhưng anh chắc chắn người ngồi cạnh tài xế, qua đèn đường, có bộ mặt choắt và hình như cằm mọc một chùm lông đen…

Tin của Việt tấn xã
Gần đây báo chí nước ngoài đề cập đến một cuộc vận động của chính phủ Việt Nam cộng hoà qua một nhân vật ngoại giao thuộc một nước thứ ba để tiến tới sự dàn xếp gặp gỡ giữa chính phủ Việt Nam cộng hoà và chính quyền Cộng sản Bắc Việt. Đó là loại tin đầy ác ý. Việt tấn xã được phép bác bỏ sự bịa đặt lố bịch kia.

Thông cáo về phái đoàn điều tra của Liên hiệp quốc
Ngày 24 tháng 10, với sự thoả thuận của chính phủ Việt Nam cộng hoà, một phái đoàn của Liên hiệp quốc sang Sài Gòn để điều tra về cái gọi là “vấn đề Phật giáo”, theo nghị quyết ngày 7 tháng 10 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã tới Sài Gòn trên chuyến bay thường lệ của Pan America. Phái đoàn mang bức thư riêng của Tổng thư ký Liên hiệp quốc U Thant gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm và nghị quyết Đại hội đồng Liên hiệp quốc do chủ tịch khoá này là Carlos Sosa Rodriquez ký. Phái đoàn gồm có: Abdul Rahman Pazhwak, A Phú Hãn, trưởng đoàn và các đoàn viên, các ông: Correa Da Costa, đại diện Ba Tây: Seneral Gunewardere, đại diện Tích Lan, Fernado Volis Jimenez, đại diện Costa Rica; Louis Ignacioi Pinto, đại diện Dahomey; Ahmeh Tabi Benhima, đại diện Maroc, Matrica Prasad Koirala, đại diện Nepal
Mọi phí tổn của phái đoàn do Liên hiệp quốc đảm nhiệm để bảo đảm cho sự vô tư của cuộc điều tra. Tổng chi phí ước tính 33 nghìn đôla Mỹ.
Đón phái đoàn tại phi cảng Tân Sơn Nhất có ngoại trưởng kiêm nhiệm Trương Công Cừu.
Theo dự tính, ngày 25 tháng 10, phái đoàn sẽ được Tổng thống Việt Nam cộng hoà tiếp.

Lần đàu tiên, Sài Gòn nhắc đến Hà Nội
Tin A.P - Việt tấn xã, cơ quan thông tin chính thức của Chính phủ Việt Nam cộng hoà vừa phát một số đoạn trong bài xã luận của tờ “Nhân dân” cơ quan trung ương của Đảng Lao động (Cộng sản) Bắc Việt. Đó là những đoạn mà Hà Nội lên tiếng kịch liệt phản đối việc Đại hội đồng Liên hiệp quốc cử đoàn điều tra sang Sài Gòn để thu thập tài liệu về vụ Phật giáo. Theo “Nhân dân”, việc làm này là “một thủ đoạn của đế quốc Mỹ nhằm tước đoạt danh nghĩa của Liên hiệp quốc và bành trướng sự can thiệp cùng chiến tranh xâm lược tại miền Nam Việt Nam, vi phạm thô bạo hiệp định Geneve năm 1954 về đình chỉ chiến sự và giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương. Cũng theo “Nhân dân”, việc điều tra phải thuộc thẩm quyền của Uỷ hội quốc tế…
Đây là lần đầu tiên trong vòng tám năm nay, Việt tấn xã trích trung thực những đoạn của tờ “Nhân dân” và điều đáng lưu ý là Việt tấn xã không hề để vào ngoặc kép những từ “đế quốc Mỹ”, “chiến tranh xâm lược”, “vi phạm thô bạo hiệp định Geneve”… Người ta có thể hiểu rằng Sài Gòn muốn cho thấy, trên một số vấn đề nào đó, họ không khác ý kiến của Hà Nội, điều mà trước đây họ coi như cấm kỵ. Đồng thời Sài Gòn, qua nguồn tin này, thả chiếc bóng thăm dò nhiều phía - cả Bắc Việt lẫn Mỹ.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 10:25:05 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #193 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 10:33:57 pm »

Mặc dù rất lo lắng cho số phận của Thạch – và anh đã hình thành trong đầu phương án hành động sau khi đọc đoạn báo cáo của Nha cảnh sát đô thành liên quan đến gã ngồi cạnh tài xế chiếc Peogeut – “có bộ mặt choắt và chùm lông trên cằm” – Luân vẫn đến nhà chị Cả. Chỉ cách này, mong manh song còn hy vọng, anh tìm liên lạc với lãnh đạo.

Luân đỗ xe trước Bar Kim Sơn; bây giờ thì anh phải tự lái, gọi cà phê. Luân ung dung uống, kín đáo quan sát. Không có “cái đuôi” nào bám theo anh. Căn phố lầu số 31 bên kia đường Trần Hưng Đạo mang bảng hiệu: Hồng Hoa store. Anh không nhớ lần Ngọc dẫn anh trốn, cửa hàng này có chưa? Và chị Cả còn ở đấy không? Anh ngó lên tầng lầu, cửa đóng kín. Phải sang hỏi thôi…
Anh băng qua đường, vào cửa hiệu

- Ông đến có việc gì? - Một trung niên ngồi sau chiếc bàn chất đầy giấy tờ, đứng lên lễ phép hỏi Luân.
Cả căn phố bày la liệt mẫu hàng cùng với những bánh, những thùng – có vẻ đây là một hiệu buôn đồng thời kho hàng vải sợi.
- Tôi xin hỏi: người chủ căn phố này còn ở đây không? Tôi muốn thăm, tôi là bà con…
- Ông là bà con với bà chủ nhà?
- Dạ, đúng vậy! - Hai tiếng “bà chủ” khiến tim Luân đập mạnh
- Bà chủ ở tầng trên… Ông đến thang lầu cách đây ba căn
Luân theo chỉ dẫn, gõ cửa tầng trên
- Ai đó? - một giọng phụ nữ hỏi. Giọng trẻ, không phải của chị Cả.
- Tôi là bà con của chị Cả…
- Chị Cả nào? Ở đây, không ai là chị Cả… - Rõ sàng, sau cánh cửa, đôi mắt qua một lỗ nhỏ nhìn Luân
- Vậy là tôi nhầm. Xin lỗi – Luân chán nản, quay lưng
- Ông kỹ sư! - Vẫn giọng đó và một luồng lạnh chạy theo cột sống của Luân - nhất thời anh chưa phân định được mừng hay sợ.
Cánh cửa hé – hé một chút
- Mời ông vào!
Luân lách qua cửa. Cửa khép sau lưng anh. Gian nhà hơi tối. Luân chỉ nhận ra một bóng nhỏ nhắn. Đèn bật sáng. Luân sững sờ: Mai đứng trước mặt anh.
Anh chụp tay Mai, siết mạnh:
- Cô bình yên!
Luân không giấu nỗi mừng. Mai thoát khỏi tay Trần Kim Tuyến, điều thật lạ.
- Mời ông kỹ sư ngồi!
Mai trở chiếc ghế tựa. Vẫn là chiếc ghế tựa năm xưa, khi anh được Ngọc đưa đến đây, sau trận bị bộ hạ của Mai Hữu Xuân truy đuổi ở Nhị Tì Quảng Đông, năm 1955.
- Tôi bình yên, nhờ ông kỹ sư… Ông kỹ sư nhắc tôi mấy lần về tâm địa của đảng Đại Việt – Mai nói, giọng xúc động – Tôi chuyển chỗ ở trước. Quả, gần trưa ngày 27/2, công an chụp căn phòng tôi ở…Không có dấu vết gì. Tất nhiên, do Phạm Phú Quốc khai…
Giọng Mai bỗng như lạc:
- Chú tôi…
Cô ôm mặt khóc. Thế là, Luân hiểu, người lao công Sở thú không còn nữa – cái chết thảm khốc ở P42, mồi cho một con cọp nào đó…. Luân chợt nhớ tới Ngọc. Chiếc đi văng kia! Anh lấy khăn lau mũi. Mai khó đoán lý do cái đau của Luân.
- Mỗi người trong cuộc chiến đấu này đều phải chịu mất mát… - Luân nói thầm.
Anh hỏi con của Mai
- Tôi gửi đi xa…
Người mẹ ngậm ngùi nghe nhắc con, nhưng Luân tìm thấy trong câu trả lời của Mai sự yên tâm - hẳn cô đã gửi con ra miền Bắc. Luân không dám hỏi tin chồng Mai. Đủ rồi…
Bây giờ, Luân ngắm Mai. Cô gày rạc, tóc lốm đốm bạc. Trong khoảnh khắc, Luân nhớ liền khuôn mặt của Mai giống một người…
- Chú Sáu khoẻ không, cô?
- Chú Sáu nào? – Mai hơi bối rối
- Tôi tin chú Sáu là ba cô…
Mai ngó Luân trân trối:
- Tại sao ông kỹ sư biết ba tôi?
- Biết. Biết và chịu ơn…
Luân thuật vắn tắt cho Mai nghe trường hợp chú Sáu giúp Luân an toàn ra khỏi trạm kiểm soát của công an trên đường Phụng Hiệp đi Cần Thơ khi anh rời chiến khu về thành…
- À, tôi có nghe ba tôi nói. Ba tôi nói một cán bộ rất lớ ngớ trước công an… Không ngờ người đó là ông kỹ sư

Không khí bỗng nhẹ nhàng. Bao nhiêu hình ảnh buổi ban sơ vụt sống lại. Luân hơi mỉm cười. Đúng, anh lớ ngớ thật, anh nghi kỵ, sợ hãi nữa. Nhưng, người anh gặp lại là chú Sáu, một người dân tốt bụng. Dẫu sao, người tốt bụng vẫn đông hơn…
- Chắc chú Sáu vào khu…
Mai không xác nhận và cũng không phủ nhận
- Chị Cả vẫn ở đây?
- Vẫn ở đây… Chị đi chợ, sắp về…
- Có tin gì của anh Cả không?
- Có..
Hai người thầm thì một lúc.

*
**
Bị kẹp giữa hai người lưng nách. Thạch không thể vùng vẫy. Hai khẩu súng chọc hai bên thông Thạch đau nhói – còn khẩu súng của anh, chúng tước ngay khi ấn anh vào xe.
- Mày ngồi yên! Hễ kêu lên hay ra dấu cho tụi cảnh sát gác đường thì coi như mày theo ông bà ông vải ngay lập tức…
Gã ngồi băng trước, quay lại doạ Thạch.
- Thiếu tá Hùng, như vầy là sao?
Thạch hỏi. Thiếu tá Hùng chẳng xa lạ gì với Thạch.
- Là sao? – Hùng cười khẩy – là như vậy đó!
- Các ông làm sai luật. Tôi là người của Nha cảnh sát… - Thạch vẫn nói cứng.
- Im! - Thiếu tá Hùng quát - Luật lệ là cái con mẹ gì? Mày sẽ trả lời, chút nữa thôi. Nên nhớ mày chỉ có nhiệm vụ trả lời chớ không được cãi. Hiểu chưa con?
Xe quay về đường Hiền Vương, chạy một lúc, rẽ ngoặt vào một hẻm tối om.
Thạch hiểu số phận của anh: khi thiếu tá Hùng không cần giấu mặt thì có nghĩa là chúng sẽ khử anh.
Xe chui qua một cổng đã mở sẵn. Khi cánh cửa sắt đóng lại, hai gã kè Thạch bước lên bậc thềm một ngôi biệt thự.
- Còng nó lại! - Thiếu tá Hùng ra lệnh.
Thạch bị đẩy vào một chiếc ghế.
- Mày muốn sống hay muốn chết? – Hùng hỏi.
Thạch bây giờ thấy sợ.
- Ai mà không muốn sống!
- Ừ, biết điều đa! – Hùng cười hô hố, chùm lông cằm rung rinh.
- Mày biết thiếu tá Lưu Kỳ Vọng?
Tất nhiên là Thạch biết tay trưởng Ty cảnh sát Kiến Hoà.
- Tại sao thiếu tá Vọng chết?
Thạch thuật lại những điều anh chứng kiến ở Trúc Giang. Anh chưa lấy lại bình tĩnh nên không rõ lý do cuộc cật vấn này - Thiếu tá Vọng và thiếu tá Hùng vốn là bạn chí thân.
- Tao không hỏi mày chuyện đó. Tao hỏi mày vậy chớ thiếu tá Nguyễn Thành Luân tổ chức giết thiếu tá Vọng như thế nào? - Giọng Hùng gay gắt.
- Dạ, tôi đâu rành… Tôi… - Thạch lắp bắp.
- Mày rành! Mày phải rành! Ở bên cạnh thằng Luân mà mày không rành sao được…
Thạch chưa bao giờ nghĩ Luân dính vào một tội ác. Tuy sợ, anh vẫn lắc đầu:
- Không có chuyện đó đâu…
- Hà? Mày không chịu khai hả? - Thiếu tá Hùng chồm tới, dang tay định tát Thạch.
Cửa phòng xịch mở. Thiếu tá Hùng vội thu tay về, đứng thẳng người:
- Kính chào thiếu tướng!
Thạch nhìn lên, gặp nụ cười của Mai Hữu Xuân
- Sao lại còng thiếu uý Thạch? – Xuân nghiêm mặt.
Còng được tháo.
- Ta bắt đầu - Xuân ngồi xuống ghế, đối diện với Thạch. Thiếu tá Hùng vẫn đứng.
- Thiếu uý uống cà phê? – Xuân hỏi Thạch.
Không đợi Thạch trả lời, thiếu uý Hùng bước ra ngoài.
- Tụi nó chắc làm thiếu uý sợ… Không có gì nguy hiểm đâu, thiếu uý cứ yên tâm.. Xuân nhồi thuốc vào pipe sau đó, nhấc bao thuốc Capstan về phía Thạch.
- Hút đi!
Thạch hoang mang thực sự. Lạ lùng quá. Anh rút điếu thuốc mà tay lẩy bẩy.
Thiếu tá Hùng trở vào với hai tách cà phê, rón rén đặt lên bàn.
- Mời thiếu uý! – Xuân bảo.
- Chắc thiếu tá Hùng vừa cật vấn với thiếu uý về cái chết của thiếu tá Lưu Kỳ Vọng, đúng không?
Thạch khẽ gật đầu, lấm lét ngó Hùng
- Tầm bậy! – Xuân xoay người nhìn thiếu tá Hùng - Thiếu tá lẫn lộn chuyện chung với tình cảm riêng tư… Ta cần thiếu uý Thạch ở điểm khác.
Thạch không thể phân biệt Xuân khiển trách Hùng thật hay giả. “Họ cần gì ở mình?”. Thạch hớp một tách cà phê mà như hớp một thứ nước đăng đắng chẳng ra mùi vị, dù Thạch nghiện cà phê.
- Tôi muốn thiếu uý trả lời mấy câu hỏi của tôi, mấy câu hỏi bình thường thôi… - Xuân hút thuốc, phả làn khói xám toả rộng, quanh ông ta - Thiếu uý làm việc với đại tá Nguyễn Thành Luân bao năm rồi?
- Dạ, tám năm…
- Lâu dữ há?
- Dạ, cũng lâu…
- Thiếu uý có khi nào định xin thôi việc cạnh ông Luân không?
- Dạ… dạ không…
- Tại sao?
- Dạ, ông Luân đối với em rất tốt…
- Vợ anh ở Thân Cửu Nghĩa, Mỹ Tho?
- Dạ, phải.
- Vùng do Việt Cộng kiểm soát?
- Dạ, không. Vùng cửa an ninh…
- Nghĩa là ban đêm thì Việt Cộng, ban ngày là quốc gia?
- Dạ
- Tại sao anh không đưa vợ con anh lên Sài Gòn?
- Dạ, em còn cha mẹ già, còn miếng vườn. Lên Sài Gòn sống không nổi.
- Ừ, ừ… Tại sao gia đình anh không bị Việt Cộng làm khó dễ?
- Em không biết…
- Ừ, ừ… Nhà anh có ai theo Việt Cộng không?
- Dạ, không.
- Tôi hỏi chơi anh. Chớ nếu có người theo Việt Cộng, anh làm sao biết được. Ở xóm anh, người ta biết anh bảo vệ ông Luân không?
- Dạ, gia đình em giấu việc này… Dân thì không biết, nhưng một số người trong hội đồng hương, chính đồn trưởng, chỉ huy trưởng sân bay Thân Cửu Nghĩa biết.
- Tại sao hôm rồi vợ anh đau nặng, gọi anh về, anh lại không về?
- Dạ, em ngại…
- Ngại cái gì?
- Ngại Việt Cộng gài bẫy…
- Ừ, ừ… Rồi anh báo với đại tá?
- Dạ.
- Đại tá cho xác minh. Chỉ huy sân bay trả lời vợ anh không ốm. Phải không?
- Dạ, phải.
- Nếu bây giờ tôi báo với anh vợ con bắt bị bắt, anh tính sao?

Thạch rơi điếu thuốc, mồ hôi rịn.
- Dạ… vợ con em bị bắt… dạ, ai bắt?
- Việt Cộng chớ còn ai
Xuân ngó chăm chăm nét mặt của Thạch và, Thạch đã tỏ ra không đủ bản lĩnh trước một tay mật thám cỡ Xuân: anh thở phào, tuy nhè nhẹ mà cả Xuân và Hùng đều nghe, mặt anh giãn ra.
- Đủ rồi… - Xuân cười nửa miệng – Anh có cảm tình với Việt Cộng nếu không nói anh chính là Việt Cộng!
- Thiếu tướng dạy sao? - Thạch dường như nghe nhầm – Em mà Việt Cộng?
- Anh đừng đóng kịch nữa.. Hoặc anh nghĩ đến việc nhờ đại tá Luân can thiệp để Việt Cộng thả vợ con anh.
Nghe vợ con bị Việt Cộng bắt, Thạch hết sợ. Vì anh tin Việt Cộng không cớ gì hãm hại vợ con anh như anh từng theo dõi các vụ trừng trị của Việt Cộng; anh không phải hạng ác ôn. Nhưng, câu sau của Xuân thì anh chưa nghĩ tới - thật kỳ cục nếu Luân can thiệp và nếu như vậy thì chắc chắn Việt Cộng sẽ trị vợ con anh. Việt Cộng từng nhiều lần khử Luân.
- Dạ không. Việt Cộng mà nghe em là người của đại tá thì họ giết vợ con em liền! Việt Cộng oán đại tá thấu xương….

Đôi mắt sắc của Xuân xoáy vào Thạch. Kinh nghiệm nghề nghiệp của ông ta kết luận là Thạch nói thật.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 10:39:49 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #194 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 10:34:32 pm »

- Việt Cộng không oán đại tá Luân đâu. Anh thử xin đại tá giúp cho… - Xuân tiếp tục trò chơi dụ dẫn tuy ông ta đã có phần cụt hứng.
- Dạ… em không dám! - Thạch trả lời xuôi xị.
- Thôi được. Tôi hỏi anh, anh muốn đặc cách lên lon đại uý không?
- Dạ, muốn thì muốn nhưng em chỉ theo đúng quy định chung, cấp trung uý đã quá sức em rồi…
- Tôi tặng cho anh một cơ hội lớn. Vừa rồi anh và đại tá đi đâu?
- Thưa, đi “Tam giác vàng”…
- À! – Xuân chống tay lên cằm, cau mày – Anh thuật cho tôi nghe chuyến đi của anh… Thật tỉ mỉ!
Trong lúc Thạch thuật. Xuân lim dim mắt, chốc chốc hỏi xen. Thạch thuật xong, Xuân lại ngồi thừ.
- Một chuyến đi chỉ với mục đích nghiên cứu bảo vệ nơi sản xuất bạch phiến… - Xuân như tự nói.
Rồi ông ta bỗng hoạt bát hẳn.
- Anh ký tên vào tờ cung.
- Dạ. Tờ cung gì?
- Tờ cung về việc đại tá Nguyễn Thành Luân buôn lậu bạch phiến… Anh ký xong, ngày mai sẽ nhận được quyết định thăng đại úy.
Thạch cắn môi. Không thể làm việc tồi bại như vậy được. Đại tá đâu có buôn bạch phiến.
- Dạ, em sẽ ký tờ cung như em vừa trình với thiếu tướng… Em không mong được thăng đại uý, em cũng không thể nói sai sự thật. Đại tá không đi buôn, buôn bất kỳ thứ gì, chứ đừng nói đến á phiện…
- Anh thật ngu! Anh nhất định không ký?
Thạch dứt khoát: - Dạ!
Mai Hữu Xuân hất đầu ra hiệu cho thiếu tá Hùng. Thạch đoán: anh sắp chết. Tự nhiên, nước mắt anh trào. Anh sắp quỳ xuống xin Xuân tha mạng.
- Anh ký chớ?
Thạch ngồi vững lại, không thể ký. Vợ Thạch từng dặn Thạch ăn ở với Luân sao cho phải… và, Luân Dung đối đãi với Thạch… Không thể ký!
Anh lắc đầu, chấm dứt mấy phút nặng nề mà Xuân hau háu nhìn anh. Xuân vỗ bàn, không nói gì, đứng phắt lên. Thạch biết, thế là hết. So với lần ở khách sạn Vị Lai, anh tuyệt vọng.
Thiếu tá Hùng bấm chuông. Ngay lúc đó, một sĩ quan bước vào… Thạch lạnh toát người nhưng, viên sĩ quan dập gót chân báo cáo.
- Trình thiếu tướng, trung tướng Jones Stepp nói chuyện điện thoại với thiếu tướng.
Mai Hữu Xuân vội vã ra khỏi phòng. Tiếng Xuân văng vẳng ở điện thoại. Bây giờ, một người nữa bước vào, một gã đen trũi, áo phanh ngực bày dấu xăm xanh lè, cặp mắt ti hí lừ lừ của thiếu tá Hùng, đưa chiếc còng vào tay Thạch. Đã đến lúc phải liều, Thạch chụp chiếc còng và đánh cùi chỏ thật mạnh vào bụng gã, rồi lao vào thiếu tá Hùng. Gã đen trũi đau quá, ôm bụng, sụm xuống. Thiếu tá Hùng bị bất ngờ, không kịp tránh chiếc còng vụt vào đầu hắn vang một tiếng “bốp” khô khan. Hùng té ngửa. Thạch định tước súng Hùng, và anh tính, nếu Mai Hữu Xuân bước vào, anh sẽ bắn…. Rồi ra sao thì ra… Thạch chưa mở được bao súng của Hùng thì cửa mở.
- Cái gì? – Mai Hữu Xuân kinh ngạc và ông ta hiểu liền.
- Đừng lộn xộn, đứng dậy, đưa tay lên… - Xuân ra lệnh cho Thạch, hai vệ sĩ giương nòng tiểu liên về phía Thạch.
- Trung tướng Jones Stepp sẽ đến đây trong mươi phút nữa để gặp thiếu uý… - Xuân bảo Thạch.
Gã đen trũi và Hùng được đỡ ra khỏi phòng. Máu tuôn ướt đẫm mặt Hùng. Việc lau quét khẩn trương. Xuân mời Thạch ngồi và ông ta cũng ngồi. Xuân nhìn Thạch khá lâu.
- Đại tá Luân dạy một bảo vệ đúng là một bảo vệ…
- Tôi không rõ đã phạm tội gì mà các ông cư xử tệ như vậy… Thiếu tướng ra lệnh trả khẩu súng của tôi cho tôi… Tôi muốn nói chuyện với đại tá!
Thạch đổi cách xưng hô, không thèm ngó Mai Hữu Xuân. Anh không cần biết Jones Stepp đến là tốt hay xấu với anh.

- Chi mà gấp… Gặp trung tướng Mỹ xong, ta sẽ tính… - Xuân nói, giọng đủng đỉnh.
“Ta sẽ tính?” Nghĩa là mạng sống của Thạch chỉ được kéo dài thêm một ít nữa. Không! Thạch mím môi.

Jones Stepp vào phòng. Xuân chào theo điều lệnh còn Thạch chỉ đứng lên.
Jones bắt tay Thạch, người thông ngôn ngồi cạnh. Cửa ra vào, hai quân cảnh Mỹ thay thế cho hai vệ sĩ của Xuân.
- Thế nào? – Jones hỏi Thạch
- Tôi xin phép được nói chuyện với đại tá Luân - Thạch nhắc đòi hỏi lúc nãy.
- Chưa được! – Jones trả lời lạnh lùng. Jones bước ra ngoài cùng Xuân. Hai quân cảnh vẫn lăm lăm tiểu liên.

Ngoài hành lang, Jones bảo Mai Hữu Xuân:
- Đại tá Nguyễn Thành Luân gọi điện thoại cho tôi về vụ người bảo vệ kiêm lái xe của ông ấy mất tích và đại tá quả quyết thiếu tướng là tác giả. Cả ông Ngô Đình Nhu cũng nghĩ như ông Luân…
Mai Hữu Xuân hiểu rằng Jones, qua vụ này, đánh giá nghề nghiệp của ông ta. Tai Xuân nóng bừng.
- Chỉ vì cảnh sát nhận dạng được người của thiếu tướng. Mặt như khỉ, có chòm lông ở cằm… Một chi tiết không đáng kể nhưng nó phá vỡ mọi công phu của thiếu tướng.

Mai Hữu Xuân bực dọc. “Cái thằng Hùng, bảo nó cạo quách chòm lông, nó không nghe. Phen này, mày sẽ chết với tao!”. Xuân nghĩ trong bụng.
- Thiếu uý Thạch! Tôi chỉ muốn hỏi thiếu uý một câu thôi – Jones trở vào phòng, bắt đầu hỏi.
- Thưa trung tướng, trước khi trung tướng hỏi và, dĩ nhiên tôi có phận sự phải trả lời ngay thẳng, tôi xin phép trung tướng cho biết vì sao tôi bị bắt, bị xử tử?
- Xử tử?… - Jones trố mắt
- Dạ phải… Nếu trung tướng đến trễ…
- À, ra vậy… - Jones quay sang Mai Hữu Xuân – Tí nữa, thiếu tướng sẽ giải thích cho tôi hiểu… Còn bây giờ - ông trở lại với Thạch – tôi giải thích ngay cho thiếu uý về lí do tôi hỏi thiếu uý. Thiếu uý là người luôn đi sát đại tá Luân, theo thiếu uý, sở thích của đại tá là gì?
- Tôi chưa hiểu thật rõ câu hỏi của trung tướng - Thạch đáp lại, rụt rè
- Chẳng hạn, có bao giờ đại tá muốn có một đồn điền, một nhà máy… ở Việt Nam hoặc ở ngoại quốc?
Thạch lắc đầu. Quả là anh chưa từng nghe Luân nói một việc tương tự như vậy.
- Hoặc là đại tá muốn mở một tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông hay Thuỵ Sĩ…
Thạch lắc đầu.
- Hoặc đại tá muốn trở thành một nhân vật chính trị, một tướng lĩnh, một bộ trưởng?
Thạch vẫn lắc đầu
- Thiếu uý không nghe nhưng ít ra cũng đoán được… Có khi nào đại tá phàn nàn ông Diệm, ông Nhu?
- Có… - Thạch gật đầu – Có một số lần, thậm chí gọi ông Diệm, ông Nhu, bà Xuân là ngu.
- Về việc gì?
- Tôi không nhớ hết, song về nhiều việc. Tôi nghe lỏm khi ông bà đại tá trao đổi với nhau. Gần đây, đại tá phiền vụ Phật giáo…
- Đại tá có khó chịu về “Tam giác vàng” không?
- Tôi đoán, chắc có…
- Suốt thời gian đại tá đi, ở, về trong chuyến “Tam giác vàng”, thiếu uý không rời đại tá?
- Dạ, không…
- Cả ban đêm?
- Dạ, tôi ngủ chung phòng với đại tá.
- Đại tá thường nghe radio không?
- Không thường lắm…
- Nghe đài nào?
- Tôi không rõ, những khi tôi gặp, đại tá thường nghe đài tiếng Anh…
- Thú tiêu khiển của đại tá là gì?
- Câu cá, đi bách bộ, nghe nhạc, nhất là xem sách.
- Còn thể thao?
- Đại tá tập thể dục nhiều, thỉnh thoảng chơi tennit
- Uống rượu? Rượu gì?
- Ít lắm… Bia là chính.
- Thuốc lá?
- Hút nhiều…

Thạch vừa trả lời vừa ngó Jones Stepp, có vẻ lạ lùng về các câu hỏi linh tinh kia.
- Đại tá thích ăn món gì? Cá, thịt?
- Cá…
- Vợ chồng đại tá đầm ấm không?
- Đầm ấm
- Đại tá thường gặp người anh, kỹ sư Gustave?
- Lâu lâu một lần.
- Con của kỹ sư Gustave có đến nhà đại tá không?
- Cũng lâu lâu…
- Ông bà đại tá thường đến nhà bác sĩ Soạn không?
- Chiều chủ nhật, nếu đại tá không bận.
- Khách đến nhà đại tá là những ai?
- Nhà ít khác… Trung tá James Casey, trung tá Nguyễn Thành Động, thiếu tướng Lâm, nhà báo Fanfani và…

Thạch bỗng ngập ngừng
- Và bà Saroyan! – Jones Step nói luôn
- Dạ…
- Trước khi rời Sài Gòn, bác sĩ Tuyến có gặp đại tá?
- Dạ, có…
- Anh biết một trung tá, Lê Khánh Nghĩa?
- Dạ, biết…
- Ông Nghĩa đến với đại tá thường không?
- Tôi biết một lần. Nhân đại tá có việc vui gì đó, tôi quên. Trung tá Nghĩa đến cùng thiếu tướng Lâm, trung tá Động và một thiếu tá, quận trưởng ở Kiến Tường…
- Thiếu tướng Trương Tấn Phụng, quận trưởng Tuyên Nhơn….- Jones bổ sung giữa sự kinh ngạc của Thạch – Anh có bao giờ gặp một phụ nữ tên Mai?
- Dạ, không…
- Đại tá thức khuya không?
- Thường đại tá nghỉ sau mười một giờ đêm.
- Đọc sách?
- Tôi không rõ vì đại tá ở trong phòng làm việc…
- Chị Sáu là người như thế nào? Chị Sáu nấu bếp ấy…
- Thế nào là sao?
- Đại khái, hiền lành hay trái lại, mến ông bà đại tá không?
- Hiền, ít nói. Chắc là rất mến ông bà đại tá.
- Có bao giờ đại tá sai chị Sáu đi đâu vắng lâu không? Nửa ngày chẳng hạn?
- Không. Chị Sáu phải lo cơm nước mà.
- Thư từ ở hộp thư ngoài cổng, ai nhận mỗi ngày?
- Tôi nhận.
- Bà đại tá có thường mang các giấy tờ ở Tổng nha về nhà không?
- Tôi không rõ.
- Anh biết Vũ Huy Lục hiện ở đâu?
- Vũ Huy Lục chết rồi - Thạch trả lời, chưng hửng.
- À, tôi nhớ rồi. Lục chết ở Nha Trang – Jones Stepp nói, mép hơi nhếch.
- Từ hôm từ “Tam giác vàng” về, thiếu tá Thuần có đến thăm đại tá không?
- Dạ, không.
- Cảm ơn thiếu uý! – Jones đứng lên, chìa tay cho Thạch - Thiếu uý có thể kể cho đại tá nghe về những gì tôi đã hỏi thiếu uý.

Jones bắt tay Mai Hữu Xuân. Xuân tiễn Jones ra khỏi phòng.
- Tôi phải làm gì, thưa trung tướng? – Xuân hỏi.

Jones nhún vai
- Thiếu tướng tự định liệu… Đại tá Luân sẽ biết những câu hỏi của thiếu tướng, của thiếu tá Hùng, biết cách cư xử của thiếu tướng. Nếu thiếu tướng đủ gan và đủ mưu thì cứ khử gã tài xế… Nhưng, nên nhớ, tôi sẽ tự coi mình không hay biết cái chết của gã Thạch. Và, nếu chứng cứ buộc tội đủ thiếu tướng thì tôi phải làm cái việc vô nhân đạo là đứng về phía đại tá Nguyễn Thành Luân.

Jones Stepp lên xe, vẫy tay tạm biệt Mai Hữu Xuân
Thiếu tá Hùng được băng bó, tên đen trũi cũng hết đau. Cả hai hồng hộc chạy tới
- Thằng chó đẻ đó đâu rồi? Bắn bể đầu nó! - Thiếu tá Hùng rít lên
- Đồ ngu! – Mai Hữu Xuân quát to – Hai đứa bây lủi khuất mắt tao…
Hai đứa lỡ bộ, đứng chết trân… Xuân xem đồng hồ: mười giờ
- Hỏi thiếu uý Thạch cần ăn gì không? Lo chỗ ngủ tử tế. Nhưng không được để anh ta thoát khỏi nơi đây. Sáng mai, tao sẽ gặp lại. Cấm đụng đến anh ta, cấm nói bậy bạ… Nghe chưa?

Xuân bảo trỏng. Hùng đứng nghiêm: Xin tuân lệnh!

“Các câu hỏi của Jones Stepp đã bộc lộ các ý đồ của Mỹ, nếu không phải của chính Kenedy thì cũng là của Cabot Lodge, chí ít, của William Porter. Cũng có thể của Marc Cone… Phức tạp. Một con bài! Không đời nào mình để thằng Luân trở thành con bài của Mỹ. Mụ Saroyan… Hừ…!”

Mai Hữu Xuân tiếc đã không giết được Saroyan trước kia. Bây giờ, thật khó. Jones Stepp nhất định đã nghe Saroyan ỉ ôi. Thằng tướng già mê Saroyan, hiển nhiên rồi. Xuân chợt rùng mình. Nếu Jones Stepp ra một dấu hiệu khử Xuân, ông ta có chạy lên trời cũng không thoát. Nhưng, Jones Stepp là tướng tình báo thâm trầm. Chưa hẳn nó buông lỏng nghề nghiệp đến độ trả thù cho vợ… Xuân thấy yên tâm đôi chút.

Chìm trong mớ ý nghĩ, suy tính khá lộn xộn. Mai Hữu Xuân bỗng giật nảy mình khi nghe xe chở ông ta dừng lại. Không có gì. Đã đến nhà.. Ngày mai vụ của Thạch… làm sao đây?
Mai Hữu Xuân uể oải bước lên thềm nhà….
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 10:45:29 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #195 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 10:46:15 pm »

Chương 6

Điểm báo Nữu Ước (VTX):
Tờ Nữu Ước thời báo hôm thứ tư đã viết:

“Vị đệ nhất phu nhân” của Việt Nam đã đến rồi thì không lẽ người Hoa Kỳ có tiếng là hay nói thẳng, lại còn dè dặt không chịu nói thẳng trong khi bà Ngô Đình Nhu đã thẳng thắn trong những lời nói của bà... Khi bà từ giã chúng ta, bà sẽ biết được thái độ của người Mỹ về vấn đề Việt Nam”.
Đoạn tóm tắt thái độ ấy, tờ Nữu Uớc thời báo viết: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh có tính chất chính trị nhiều hơn quân sự: chỉ có một chính phủ được lòng dân mới có thể dẹp tan bọn phiến loạn Cộng sản.
Mặc dù nếu có thể làm việc ấy, người phương Tây cũng có thể tự mình chọn lựa chính phủ, hoặc chính mình đảm đương cuộc nội chiến trong một nước châu Á”.

Tờ Nữu Uớc thời báo viết tiếp:
“Chính nhân dân Việt Nam phải tự giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước của họ. Vai trò của Hoa Kỳ là làm cho họ hiểu rằng cuộc viện trợ và sự ủng hộ của Hoa Kỳ là không thể kéo dài vô thời hạn. Chúng tôi hy vọng rằng “quan điểm ấy của người Mỹ” sẽ được trình bày rõ ràng với bà Nhu, và nếu bà trở về Sài Gòn với ý niệm rõ ràng đó, thì cuộc viếng thăm của bà tại Hoa Kỳ không phải là không hữu ích”.

*
Tin của Helen Fanfani (Financil Affairs):
Ngày 26-10 - một ngày thứ bảy - trôi qua, không có một xáo trộn nhỏ nào. Nhưng, lần đầu tiên từ khi ông Ngô Đình Diệm giành được quyền bính, đây là lễ Quốc khánh tẻ nhạt nhất. Chế độ cố sức thổi phồng quang cảnh tưng bừng, thế mà cả thành phố nín thở chờ đợi một cái gì ghê gớm bùng nổ.
Diễn từ chiếm các trang nhất mọi tờ báo, đài phát thanh ra rả đọc mãi cái điệp khúc do Bộ Thông tin chỉ huy. Nguyễn Đình Thuần, thay mặt các bộ, phát một diễn từ ca ngợi Tổng thống hết lời. Đại tướng Lê Văn Tỵ, nhân danh quân đội, tuyên thệ trung thành với Tổng thống, hẳn bài viết của ông đóng hai chữ FM (1) đỏ chót. Tỉnh trưởng từ Quảng Trị đến An Xuyên điện về tới tấp. Ngoại giao đoàn đến chào Tổng thống tại dinh Gia Long. Nguyên thủ nhiều quốc gia chúc mừng Việt Nam Cộng hòa. Điện của Tổng thống Kennedy hết sức thắm thiết: “Tôi xin đảm bảo với Ngài, chính phủ Hoa Kỳ và cá nhàn tôi, chúng tôi xem sự hợp lực với chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Ngài đừng đầu là một trong những sứ mệnh cao cả của Chúa giao phó. Chín năm trước Nam Việt đứng trên bờ vực sụp đổ, ngày nay Việt Nam Cộng hòa trở thành tiền đồn chống Cộng hữu hiệu ở Đông Nam Á”.
Buổi chiều, Ngô Đình Diệm mở tiệc chiêu đãi ngoại giao đoàn. Đại sứ Cabot Lodge cụng ly với Diệm. Phái đoàn điều tra của Liên hiệp quốc cũng có mặt - từ trưởng phái đoàn đến đoàn viên không che giấu vẻ hả hê. Sau tiệc, quan khách xem phim tư liệu: “Việt Nam Cộng hòa - miền tự do dược chinh phục”.
Tuy nhiên, sự giả tạo vẫn là biểu trưng của ngày Quốc khánh. Ông Diệm ý thức rõ thực tế đó - nụ cười của ông chợt tắt và chốc chốc, ông như rơi và trạng thái lơ đãng ngay cả trước những cử chỉ xã giao vồ vập của một số đại sứ.

*
Điểm báo Tây Đức:
Born (VTX)

Báo chí tại Cộng hòa Liên bang Đức đã bình luận rất nhiều về bản phúc trình của hai ông
Mac Namara và Taylor về tình hình Việt Nam.
Tờ “Franxfurter Allgemeine Zeitung” cho rằng quyết định của Hoa Kỳ muốn ngưng toàn thể viện trợ cho Việt Nam kể từ năm 1965 không làm cho báo ấy ngạc nhiên, và theo báo đó, thì Hoa Kỳ không thể bỏ rơi Việt Nam, ít cũng trong tình thế hiện tại.
Nhưng Hoa Kỳ rất muốn làm như vậy. Ngoài ra, báo này còn nhận xét rằng tướng Taylor không muốn tập trung nhiều binh sĩ Hoa Kỳ tại một căn cứ hoạt động mà muốn sử dụng những phương tiện chuyên chở tối tân để di chuyển quân đội một cách linh động hơn tới một vùng bị đe dọa.
Ông Mac Namara xưa nay vẫn theo đuổi chính sách tiết kiệm tài chính trong vấn đề quốc phòng, cũng đã chấp nhận lý thuyết này.
Chính phủ Mỹ đã chịu ảnh hưởng của báo chí Mỹ về vấn đề Việt Nam. Tại Hoa Thịnh Đốn, người ta không thích đọc những tin tức về “sự thối nát của tình hình miền Nam Việt Nam”.
Hơn nữa, các báo cáo của những nhà ngoại giao và những ký giả nhiều khi không phù hợp với những tin tức của quân đội và mật vụ.
Vị tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cố ý làm giảm sút mối giao hảo với chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông Bộ trưởng Mac Namara và đại tướng Taylor đã phải củng cố mối bang giao đó.
Ông Bộ trưởng quốc phòng Mỹ có cảm tưởng rằng các nước đồng minh sẽ không chiến thắng nếu họ không được sự ủng hộ của nhân dân. Sau khi tiếp xúc với các nhà quân sự, ông Bộ trưởng nhận thức rằng các ký giả đã phác họa tình hình thành một bức tranh quá đen ám... Theo ông thì Tổng thống Ngô Đình Diệm “rất vững”...

*
Luân đánh giá toàn cảnh buổi chiêu đãi ở dinh Gia Long – một hiện tượng tranh tối tranh sang diễn ra trước mắt anh. Tôn Thất Đính xum xoe đến chào Diệm và hàng tướng lĩnh đều làm như vậy, song hình như tất cả, kể luôn Diệm đều hiểu sâu sắc rằng họ đang đóng kịch. Nhu tuy lánh mặt, qua máy thu hình truyền bằng dây vào phòng riêng, anh ta xác định: không thể không ra tay. Anh ta đã bảo Luân như vậy, sau đó.

Paul Harkins, nhân khoảng giữa bữa tiệc và buổi chiếu phim, đi bách bộ với Luân ngoài tiền sảnh.
- Đại tá nghĩ gì về tương lai? – Paul Harkins hỏi.
- Thưa tướng quân, tôi nghĩ về tương lai thông qua nghĩ về hiện tại. Bất cứ tương lai nào cũng định đoạt ngay từ hiện tại...
- Đúng! – Harkins vui vẻ. – Đại tá, một quân nhân lại có khiếu về chính trị, về triết học...
- Cám ơn tướng quân quá khen...
- Hiện tại không mấy tốt, tôi đồng ý, nhưng làm sao chuyển tình thế tốt hơn?
- Mọi người đang chơi ván bài chính trị, xử lý mọi xung khắc bằng điển từ, âm mưu, dàn cảnh... trong khi chúng ta thích nghiên cứu bản đồ. Tình thế sẽ tốt hơn nếu mọi người cùng đứng trước bản đồ.
- Tôi quan tâm số phận của quân lính Mỹ. Còn hai tháng nữa, một số cố vấn và binh sĩ Mỹ sẽ về nước dự lễ Noel như tướng Taylor và Bộ trưởng Mc Namara long trọng hứa với dân chúng và Tổng thống Mỹ... Liệu tôi có thể thực hiện điều đó không?
- Thưa tướng quân, tôi không nghĩ đại tướng và ngài Bộ trưởng tin vào cái họ hứa! E rằng, chúng ta sẽ chứng kiến nhứng đáp số trái ngược.
- Đại tá hơi bi quan chăng?
- Thưa tướng quân, rất hạnh phúc nếu nhận xét của tôi sẽ thực tế là bi quan. Tôi không nói về nội tình và những bất đồng giữa chính phủ hai nước mà tướng quân và tôi đều trung thành. Tôi nói về chuyện khác, chuyện nước Mỹ tách xa ý định ban đầu khi mở rộng ảnh hưởng đến khu vực này. Tôi nhớ một ý kiến rất sắc sảo của tiến sĩ Kissinger: “Ở Nam Việt, Việt Cộng sẽ thắng nếu không thua, còn Mỹ sẽ thua nếu không thắng... ”. Cao Ly kết thúc bằng “Match nul” (2). Nam Việt khe khắt hơn: không có hòa. Hai chục nghìn quân Mỹ, con số đẻ con số, lúc đầu dưới dạng toán cộng nhưng ai dám quyết đoán là nước Mỹ sẽ không buộc phải dùng phép toán nhân? Bởi vậy, tôi cho rằng tướng quân sửa soạn bài toán trừ là hơi sớm!

Harkins không phản ứng trước lời nói – theo phong cách quân sự - khá vô lễ giữa một đại tá với một đại tướng. Ông ta, một lúc sau, thở dài:
- Cánh quân nhân chúng ta chỉ là bức màn khói. Họ - các nhà chính trị ấy – cần chúng ta như cần một dữ kiện để dẫn chứng, để ví dụ, thế thôi...
Các nhân viên lễ tân đã mời quan khách vào phòng lớn xem phim. Harkins siết tay Luân:
- Đại tá có thể trở thành nhà chính trị! Đại tá thích không?
Luân cười, tránh trả lời - anh quyết định giữ thái độ lửng lơ như vậy.

*
Buổi sáng nay, Ngô Đình Nhu dàn dựng một kịch mới: Phu nhân của đại tá Huỳnh Hữu Hiền, tư lệnh không quân, viếng hải quân tại bến Bạch Đằng, nhận làm “mẹ đỡ đầu Hỏa vận hạm 471”. Có mặt trên chiến hạm đại tá Hồ Tấn Quyền, tư lệnh hải quân và trung tướng Trần Văn Đôn, quyền Tổng tham mưu trưởng, đại úy hạm trưởng, phu nhân của thiếu tướng Trần Thiện Khiêm và đại tá Nguyễn Thành Luân, thay mặt cố vấn Ngô Đình Nhu. Phu nhân đại tá Huỳnh Hữu Hiền, dong dỏng cao, mặc chiếc áo dài lụa trắng đẹp lộng lẫy. Bà ta rất trẻ, toát lên sức quyến rũ đến nỗi trung tướng Đôn nhìn mãi bà, từ chiếc cổ cao trắng ngần, đôi má ửng hồng đến các bộ phận nảy nở bốc lửa khác trên cơ thể bà. Trung tướng ghé vào tai Luân: Lão Hiền tìm đâu ra một hoa hậu của hoa hậu? Luân không đánh giá bà đại tá đến mức đó – anh so bà ta với Dung của anh và không thiên lệch, anh vẫn thấy Dung của anh đẹp hơn, đẹp kín đáo hơn. Bà đại tá cười luôn. Trung tướng không rời bà và có vẻ bà cũng thích gần trung tướng. Vài va chạm như vô tình – ngón thon thả hơi lâu một chút...
Thỉnh thoảng, bà cũng nhìn Luân, cố làm vẻ hờ hững. Đáng lẽ lễ “đỡ đầu” tiến hành nửa giờ, nhưng trung tướng kéo dài suốt buổi sáng.

Hồ Tấn Quyền than với Luân: “Ông André thấy bà Hiền y như mèo thấy mỡ!”.
Khi chia tay, phu nhân đại tá, môi ướt rượt, cho trung tướng một cái hẹn.

“Nhu muốn móc gan của tướng Đôn đây!” – Luân mỉm cười.
Bà Hiền bắt gặp cái mỉm cười đó, tiến lại chỗ Luân:
- Tạm biệt đại tá! Lẽ ra tôi phải làm quen với đại tá từ lâu...
- Cám ơn bà!
- Không nên làm quen với đại tá Luân. – Trung tướng Đôn cười – Bà đại tá Luân ghen dữ lắm!
- Tôi nghe nói bà đại tá rất đẹp, đúng không?

Luân hơi đỏ mặt.
“Thế là Nhu dấn vào cuộc phiêu lưu với bất cứ thủ đoạn nào.” – Luân nghĩ. Sự phô trương không quân và hải quân đoàn kết chỉ có giá trị tuyên truyền, còn thực chất là vợ của Hiền phải xỏ mũi cho kỳ được tướng Đôn mà Nhu hiểu là tay hoạt động và tổ chức những đòn tấn đánh chế độ - nếu được Mỹ đồng ý. Nhu nặng về chiến thuật – đúng ra, nặng về mưu mẹo vặt thậm chí không được sạch. Bà Hiền – hình như một nữ sinh, tên Ly Ly, chưa đỗ tú tài đã trở thành vợ của một tư lệnh không quân – nhận vai trò này hẳn qua ý kiến của chồng. Xét tới cùng, Nhu đang bí lối, thần kinh mất nhạy bén. Sai lầm của Nhu sẽ thúc đẩy chế độ chóng tan rã...

*
Trong ba tuần lưu lại Hoa Kỳ, bà Ngô Đình Nhu đi thăm 12 thành phố, tham gia 17 chương trình phát thanh, đọc 17 bài diễn thuyết, dự 15 đại tiệc... và bà đã qua kỳ thi sơ khảo trước báo chí Hoa Kỳ và đã đậu ưu hạng.

Nữu Ước (VTX):
Hôm thứ tư vừa qua, bà Ngô Đình Nhu tố cáo một số cơ quan thông tấn Hoa Kỳ tại Việt Nam là đã liên can tới một vụ âm mưu lật đổ chính phủ Việt Nam. Bà tuyên bố: “Nếu đã có một vụ âm mưu lật đổ chính phủ như thế, tôi có thể đoán chắc với quý vị là âm mưu ấy đã thất bại”.
Đây là lần đầu tiên bà Ngô Đình Nhu nói chuyện với công chúng từ khi bà tới Mỹ Quốc ngày thứ hai. Trong một cuộc phỏng vấn vô tuyến truyền hình, bà tuyên bố rằng bà không tin các cấp lãnh đạo ở Hoa Thịnh Đốn đã tán thành “âm mưu ấy”. Nhưng bà cho biết thêm là các hãng thông tấn Hợp chủng xã (United Press International), Mỹ liên xã (Associated Press), đài phát thanh “Tiếng nói Hoa Kỳ” (Voice of America) và cả tờ “Nữu Ước thời báo” (New York Times) đều có dính líu tới vụ âm mưu kể trên. “Chỉ vì họ không ưa chúng tôi, thế thôi”, bà tiếp.
Trong khi bà Ngô Đình Nhu trả lời phỏng vấn, thì khoảng hơn một chục người biểu tình trước khách sạn Waldorf Astoria và khi bà nói chuyện tại “Câu lạc bộ báo chí” thì bọn đó lại tập hợp cách đó chừng vài dẫy nhà. Những người biểu tình đó tự xưng là sinh viên.
“Sau đó, bà Ngô Đình Nhu chỉ trích các ký giả Mỹ ở Việt Nam. Bà xác nhận đã có lần chính phủ Việt Nam dự định truy tố 6 ký giả Mỹ ra trước tòa án về tội “ngăn cản” cảnh sát thi hành nhiệm vụ trong một cuộc biểu tình của bọn phiến loạn.
Nhưng Hoa Kỳ đã yêu cầu chính phủ Việt Nam đừng khởi tố 6 ký giả Mỹ đó. Nếu nghe theo lời yêu cầu ấy, chính phủ Việt Nam sẽ bị mất thể diện, chúng tôi cảm thấy rằng chính phủ Việt Nam cần phải để cho tòa án quyết định về việc này”.
Bà Ngô Đình Nhu cũng cải chính tin nói rằng chính phủ Việt Nam đã bắt giam “hàng nghìn người”. Bà nói: “Chính phủ đã bắt giam 10 nhà sư phản loạn, còn những người khác có bị giữ ít lâu nhưng đã được trả lại tự do”.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 10:52:17 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #196 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 10:47:35 pm »

Bà Ngô Đình Nhu tuyên bố tiếp:

“Chúng tôi không tự hào là chính phủ Việt Nam Cộng hòa được toàn thể nhân dân ủng hộ, nhưng các phần tử chống đối chính phủ ở nước tôi rất ít.
Chính phủ Việt Nam chỉ bắt giữ những người nào có những hoạt động phá hoại.
Chính phủ Việt Nam đã cho bắt giữ một số nhà sư phản loạn vì chúng tôi không muốn bị những phần tử phá hoại khoác áo cà sa lừa gạt.
Việt Nam không là một quốc gia độc tài. Mặc dầu sống trong tình trạng chiến tranh từ chin năm nay, chúng tôi đã tổ chức được năm cuộc bầu cử dựa trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu cho những người đã trưởng thành. Nói rằng những cuộc bầu cử ấy đều là “bịp bợm” thì rất dễ nhưng “lấy gì làm bằng cớ?”

Bà Ngô Đình Nhu cho biết là Hoa Kỳ đã đem ông cố vấn và bà ra làm bia đỡ đạn. Bà tuyên bố:
“Từ bao năm nay, tôi đã khuyên chồng tôi đừng bị các công chức lợi dụng. Nếu chồng tôi còn ở lại chính quyền cốt là để giúp đỡ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng khi Hoa Kỳ đòi hỏi chồng tôi là: “cứ ở lại” nếu chính phủ Hoa Kỳ không thể nói rõ lý do vì sao mà chồng tôi phải bỏ rơi chính phủ”.

*
Thạch đến nhà đúng lúc Luân từ chỗ chị Cả trở về. Luân nghe Thạch báo cáo tất cả diễn biến.
Đêm qua, Thạch không ngủ, anh bị giam lỏng và bọn vệ sĩ dọa anh: hễ rời khỏi phòng thì bọn chúng nổ súng. Thiếu tá Hùng biến mất, sau khi trả lời cho lại cho Thạch khẩu súng nhưng lấy hết đạn. Sáng, Thạch được ăn điểm tâm, uống cà phê, xong rồi ngồi đó. Vệ sĩ không trả lời câu hỏi của Thạch: bao giờ thì anh mới được tự do. Mãi gần 9 giờ, Mai Hữu Xuân đến, gặp Thạch tại phòng khách sạn hôm qua.

- Tôi cho phép anh về! – Mai Hữu Xuân bảo.
- Anh có thể tường trình mọi việc tại đây với đại tá Luân. Tôi hành động theo lợi ích quốc gia, qua đó, đại tá sẽ hiểu. Ở đây không hề có việc tư thù: tôi và đại tá chẳng có hiềm khích cá nhân. Nhưng, nếu đại tá cố chấp thì tôi đành chịu – cuộc nói chuyện sau này sẽ không qua những bộ hạ cấp dưới như anh mà giữa tôi và đại tá... Dĩ nhiên, riêng với anh tôi nói rõ: thái độ lỗ mãng đối với anh là của thiếu tá Hùng, anh ta sẽ bị kỷ luật; vả lại, anh không thiệt thòi bao nhiêu khi hai người kia đều nhận ở anh mấy đòn chí mạng!

“Mai Hữu Xuân chọn cách tốt nhất – không giấu giếm. Hắn dằn mặt mình. Như vậy, có hai yếu tố: một, hắn dựa vào ai đó, kể cả Jones Stepp; hai, tình thế sẽ díễn ra có lợi cho hắn và sẽ diễn ra không lâu. Hắn không sợ Nhu trừng phạt, công khai thách thức quyền lực của Nhu... Thật rõ ràng”. Luân rút ra kết luận đó. Anh an ủi Thạch. “Thạch là con người trung thực”, Luân bắt tay Thạch, không nói lời cám ơn nhưng đôi mắt Luân nhìn Thạch hết sức tha thiết.

- Đại tá... đại tá chịu thua bọn họ sao? – Thạch lung bung.
- Đừng nghĩ đến chuyện ăn thua! – Luân dặn thêm: - Không hé răng với ai. Nhắn vợ con chú lên.
Thạch không thể hiểu vì sao Luân lại “chịu thua”.

*
Thiếu úy Tường đến nhà Luân. Đây là lần đầu anh ta đến, xe đỗ ngoài cổng. Tường khập khiễng bước vào.
- Tôi xin phép nói chuyện cơ mật với đại tá...
- Liệu ở đây tiện không? - Tường nhìn phòng khách và Luân hiểu anh ta sợ bị nghe trộm.
- Anh cứ nói. Không có máy ghi âm...
- Thời giờ không nhiều, tôi xin nói ngay: Bác sĩ Trần Kim Tuyến gửi thư cho tôi, dặn tôi báo với đại tá.
- Anh vẫn giữ liên lạc đều với bác sĩ?
- Vâng, rất đều...
- Anh đã thông báo với bác sĩ về chuyến đi “Tam giác vàng” của chúng ta?
- Vâng! – Tường trả lời không do dự.
- Bác sĩ vẫn còn ở Bangkok?
- Vâng!
Trong các “đầu mối” mà Tuyến giao lại, không có Tường. “Chắc chắn không chỉ riêng trường hợp Tường”.
- Anh nói đi...
Tường rút trong túi ra mảnh giấy nhỏ.
- Đây là thư của bác sĩ, thư mã hóa, tôi đã giải mã...
Luân nhận mảnh giấy.

“Tiến hành gấp phương án Y. Đừng để bọn ta chỉ là hạng đứng bên ngoài vỗ tay khi đại cục kết thúc. Gặp C7, hỏi giờ giấc của thằng cha đó và bàn với C7: có cách nào “điệu hổ ly sơn” không, nếu thằng cha đó vẫn núp trong hang”
Phương án Y – C7 – Thằng cha đó – Hang – trong bốn mật danh, Luân biết mình là C7. Nghĩa là, còn những C1, C2... và C8, C9 v.v... Nghĩa là còn A, còn B... Thế mà, Tuyến chẳng hé cho anh một tý gì. Và, rốt lại, cũng như cách của Nhu, mọi người đối với Tuyến đều là loại tốt, một tay sai không hơn không kém.

- Tôi xin giải thích – Tường nói – C7 là đại tá...
- Còn C6? – Luân cướp lời Tường.
- Xin phép đại tá, tôi không có quyền trả lời những câu hỏi khác ngoài những cái ghi trong thư... -

Tường nói, giọng kể cả.

“Té ra, ngay thằng này cũng là “cấp trên” của mình!” – Luân cười lạt.
- Đến một lúc nào đó đại tá sẽ rõ tất cả. - Tường dịu giọng – “Thằng cha đó” là Ngô Đình Nhu. Còn “phương án Y” là kế hoạch ám sát Nhu!

Tường thông báo một chủ trương khủng khiếp cỡ đó với thái độ thản nhiên. “Chúng nó dự định từ lâu rồi”, Luân hiểu. Và, có “phương án Y” tức có các phương án A, B...
- Cho tôi biết chi tiết về kế hoạch?
- Tôi không biết! – Tường trả lời cộc lốc.
- Được rồi... Tôi phải đưa ông cố vấn ra khỏi “cái hang” – dinh Gia Long, đúng không?
- Đúng...
- Ra khỏi dinh thôi, còn đi đâu cũng được?
- Đúng... Chỉ cần Nhu ra khỏi vòng rào của Liên binh phòng vệ...
- Bao giờ?
- Từ nay đến cuối tháng...
- Chỉ còn 4 ngày!
- Phải, thời gian hạn độ bấy nhiêu...
Luân khoanh tay trước ngực, ngó ra vườn.Tường theo dõi Luân – anh ta đinh ninh Luân suy tính mưu kế “điệu hổ ly sơn”. Nhưng, Luân suy tính hướng khác: Biến cố có thể xảy ra đầu tháng 11. Liệu Mai kịp móc liên lạc giúp anh không? “Phương án Y” hết còn bí mật với Luân – nhóm nào đó sẽ khử Nhu khi Nhu rời dinh Gia Long. Tức là Tuyến và phe Tuyến không đặt được người trong dinh, một phát phóng lựu M79, một băng tiểu liên là đủ nhưng Nhu phải ra khỏi “hang”. Tức là dinh Gia Long bị bao vây ngầm.
- Tôi cố gắng. Hơi khó, nhưng tôi cố gắng...

Mắt Tường sáng lên. Anh ta chào Luân.
Luân gọi điện cho Dung, nhưng Dung không về buổi trưa được, Luân ngồi vào bàn, cầm bút. Anh vẽ, xóa, vẽ... như trò giải trí, với những hình thù kỳ dị...

James Casey đến.
- Chào đại tá! – James Casey bắt tay Luân, ngồi vào ghế, không đợi Luân mời.
- Ta uống cái gì? – Luân hỏi.
- OK! Nhưng nhẹ nhẹ...
Vẻ tất bật của viên sĩ quan Mỹ lây sang Luân – anh hồi hộp.
Sau vài hớp bia, James Casey nói:
- Tôi gặp đại tá với sự ủy nhiện của phó đại sứ William Porter...
- Không có sự ủy nhiệm đó, tôi vẫn tiếp trung tá như đã từng tiếp... - Luân chặn ngang cách rào đón của Casey.
- Tất nhiên... Tất nhiên... chúng ta cùng làm việc chung không phải mới ngày hôm qua. Nhưng dù sao, tôi muốn báo với đại tá buổi nói chuyện này thuộc loại chính thức. Để kiểm tra tính chất chính thức đó, đại tá chờ... - James Casey xem đồng hồ tay – Nửa phút nữa.

Gã uống tiếp, rồi châm thuốc. Chuông điện thoại reo. Gã nháy mắt, cười:
- Đại tá cứ nghe điện thoại đi.
- Tôi hân hạnh tiếp ai ở đầu dây đây? – Luân hỏi... - Tôi, Luân đây... Xin chào ngài đại sứ. Vâng, trung tá James Casey đang ngồi tại phòng khách nhà tôi... Vâng, tôi hiểu. Chào ngài.
Luân gác máy, trở lại ghế.
- Rõ rồi, phải không? – James Casey ngó Luân – Tôi được ủy quyền, báo với đại tá: đại sứ Mỹ muốn biết đại tá cần bao nhiêu tiền – tiền Việt và dollar?
- Tôi chưa hiểu... - Luân từng đoán rằng sẽ có lần một người Mỹ nào đó đặt vấn đề như vậy với anh. Nhưng anh vẫn làm như bị bất ngờ.
- Có gì khó hiểu đâu? – James Casey cười – Trong công việc sắp tới – sắp tới nghĩa là rất gần, thậm chí bây giờ - đại tá cần chi phí... Bao nhiêu?
- Bao nhiêu à? Tôi không rõ...
- Tiền Việt để chi trả những món nhỏ. Dollar để chi trả những món lớn, giao tiền mặt một phần, một phần quan trọng hơn sẽ gửi ngân hàng; ngân hàng nào tùy đại tá và “thân chủ” của đại tá định...
- Thú thật, tôi rất dốt về món này... - Luân cau mày.
- Tôi dự đoán đại tá sẽ coi như bị xúc phạm. Nhưng, đây không hề là một hành động mua chuộc.
James Casey nói rất trân trọng:
- Ai mà mua chuộc nổi đại tá Nguyễn Thành Luân!
- Tôi sẽ không nhận, dù là một xu. Nhưng, khi cần, tôi sẽ báo với trung tá, như vậy tiện hơn...
James Casey lắc đầu nguầy nguậy:
- Không được! Ngài Porter muốn mọi thứ đều lên sổ sách.

“Bọn Mỹ chi li mọi thứ, kể cả mưu mô đảo chính, đều phải biểu hiện bằng con số - đồng Việt, đồng dollar”. – Luân suy nghĩ. “James Casey muốn chính mình cho giá”.

- Theo trung tá bao nhiêu? – Luân buộc kẻ mở miệng phải là phía Mỹ.
- Bao nhiêu à? Tôi đâu rõ. Đại tá là người nắm “thân chủ”...
- Cứ xem như trung tá cần tiền cho một việc cỡ việc mà trung tá sự kiến...
- Tôi nói theo lối bịt mắt đi đêm nhé... Hai trăm nghìn dollar và năm trăm triệu đồng Việt... Đủ không?
- Tôi không biết lấy gì để đối giá nên xin nghe trung tá. Và, tôi nhắc lại: khi nào cần, tôi báo chớ không nhận...

- OK! Một trương mục ngân hàng Hồng Kông sẽ mang tên... Tên gì? À, Lý Dung... Hay lắm, rất có vẻ người Hoa. Cháu bé và bà đại tá... Đại tá nhận được ngân phiếu trong vòng vài hôm. Còn tiền Việt, một tài khoản mang ký hiệu... Ký hiệu gì? À, Hoàng Nguyễn – họ của ông bà... Tại chi nhánh ngân hang Mahattan – Sài Gòn. Ổn chứ?
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 10:56:20 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #197 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 10:47:45 pm »

Ổn hay không, Luân không quan tâm. James Casey đi rồi, Luân trở vào bàn viết, tiếp tục vẽ, xóa, vẽ các hình kỳ dị... Nhưng, anh không thể tập trung suy nghĩ, bởi một người khách lại đến. Bây giờ là John Hing. Và đề tài của John giống hệt của James Casey về cơ bản, chỉ khác chi tiết. Hoặc, cũng có thể xem John chính là “con đường nối dài” của James.

- Việc trang bị cho quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ đặt ra gay gắt. Đặt ra cho hàng triệu quân, từ dân vệ đến quân thường trực. Tôi muốn biết đại tá sẽ chọn hãng sản xuất vũ khí nào – đưa yêu cầu mới hoặc mua loại cũ. Hãng Mỹ, Pháp, Tây Đức, Ý, Thụy Điển, Bỉ, Canada... Vũ khí bộ binh, nặng nhẹ. Các khí tài khác kể cả xe tăng, máy bay, tàu, bom, xe lội nước, phương tiện truyền tin và, công trình sân bay, quân cảng... Đại tá qua tôi, sẽ được thỏa mãn. Tất nhiên, đây là phần thuộc ngân sách của Việt Nam Cộng hòa. Phần của Mỹ, tôi đã làm việc với người đại diện của Ngũ Giác Đài.

“ Vui thật! Mình gặp toàn “trùm” buôn lậu á phiện, buôn lậu khí tài chiến tranh, buôn lậu chính trị! – Dù sao, Francisci vẫn lương thiện một phần nghìn lần hơn John Hing, gã Tây Corse không thu lợi trên sinh mạng con người một cách thô bạo”. Và John Hing cung cấp cho Luân một cơ sở nhận định quan trọng: Mỹ quyết thắng để không thua. Sau biến cố, nhất định sẽ xảy ra, tình hình chiến tranh chỉ thêm khốc liệt. Với Luân, đó là một tai họa cho đất nước. Làm sao tránh đây?

Luân rơi vào những day dứt đau xót, không để ý lắm lời của John Hing:
- Tôi sẽ mở trương mục cho đại tá. Tùy đại tá lựa chọn, nhưng có lẽ ngân hàng Thụy Sĩ là thuận lợi...
- Trương mục gì?- Luân choàng tỉnh.

John Hing cười – hắn ngỡ Luân giả ngây thơ.
- Không ai làm không công cho người khác. Đại tá xứng đáng được trả công.
- Trả công? – Luân nổi nóng. Lớn tiếng xong, Luân hối hận: “Nên như vậy không... ”
John nhìn sững Luân:
- Đại tá không thích tiền?
Luân lắc đầu.
- Tuy đại tá không thích, tôi vẫn phải thực hiện đúng nhiệm vụ. Tôi nhắc lại, trang bị tương lại cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đại tá gọi tôi, đại tá sẽ hài lòng...
- Tôi quyết định thế nào nổi việc to tát ấy!
- Nổi, nổi! Tất nhiên, đại tá là một tiếng nói và tôi chỉ cần đại tá nói, thế thôi.
John Hinh ngó Luân:
- Đại tá có nghe hãng Izui Syozi không?
Luân nhớ mang máng hình như anh đọc một tài liệu nào đó nói về hãng này... Phải rồi! Hãng ngụy trang “nhóm đặc biệt Phòng châu Á” chuyên xuất vũ khí khu vực Đông Nam Á. Hãng cạnh tranh với các công ty Mỹ, kể cả công ty “Ngựa bay” Colt và công ty Keytesville mà tướng Taylor có phần hùn.

Thấy Luân nhớ ra, John Hing nói liền:
- Hãng Izui Syozi có thể cung cấp máy bay, từ trinh sát hai chỗ ngồi, trực thăng H.9 đến máy bay vận tải C1, xe tăng cải tiến, các loại xe vận tải chuyên dụng, xe tải 6 hoặc 7 tấn, tàu kéo, súng cầm tay... Tóm lại, thỏa mãn cho nhu cầu một quân đội lớn, hiện đại.
- Tôi nghĩ là Izubissi Busan đủ kinh nghiệm hơn!

John Hing trợn mắt:
- Hóa ra đại tá không phải là tay mơ... Chắc Francisci mách cho đại tá chớ gì... Không! Izubissi cũ kỹ lắm. Izui tân tiến hơn. Tăng 61 – sản xuất năm 1961, đại tá nhớ cho, 35 tấn, gắn pháo 90 ly, tốc độ 45 cây số/giờ, tổ lái chỉ cần 4 người. Tuyệt! Phải không? Tôi sẽ đưa đại tá catalogue, cả phim 8 ly...
- Ông có phần hùn trong Izui?
John Hing nheo mắt:
- Đó là chuyện phụ. Chuyện chính, những khẩu súng cầm tay gọn nhẹ, nước sơn trông sướng mắt. Sản xuất năm ngoái.
John Hing nói đến vũ khí mà như nói về các cô gái hơ hớ. Luân cố kìm chế.
- Ta thỏa thuận nhé... Trương mục của đại tá sẽ mang ký hiệu 761921...
- 761921... Cái gì vậy?
- Đơn giản quá, thưa đại tá. Ngày sinh 7-6-1921, không phải của đại tá sao?

Luân suýt kêu to kinh ngạc. Bọn tình báo chẳng bỏ một chi tiết nào về anh.
- Số tiền, mà đại tá toàn quyền sử dụng sẽ là 100.000 franc Thụy Sĩ, tương ứng 44.050 dollar, tính theo hối đoái hiện hành, tức 2.28 franc Thụy Sĩ ăn 1 dollar...
- Tôi không thể nhận một món tiền lớn như vậy mà lý do không rõ ràng. – Luân kiên quyết.
- Lý do rất rõ ràng... Công ty của tôi, công ty rau quả California chia lại cho đại tá theo cổ phần mà đại tá đóng, từ 1955 đến nay.
- Tôi không đóng bất kỳ một cổ phần nào...
- Hay đại tá thích công ty đồ hộp San Francisco? – John Hing chẳng thèm để ý thái độ của Luân.
- Tôi đã nói là không...
- Thưa đại tá, chúng tôi đã nói là đại tá có!
Đại tá phải nhận. Hoặc đại tá giữ trương mục ở ngân hàng Thụy Sĩ, hoặc đại tá không có gì cả. Không có gì cả không nói về tiền đâu. Chúng tôi quyết định rồi.
John Hing bắt tay Luân rất lịch sự, ung dung ra cửa. Âm thanh “chúng tôi” vẫn tiếp tục vang trong đầu Luân.

Luân lại phải vào dinh Gia Long.
Nhu trao đổi lần nữa với Luân kế hoạch “Bravo”.

- Tôi định nổ vào ngày 31-10 hoặc 1-11... Chi tiết đây, anh xem...
Luân tập trung đọc bản kế hoạch mà anh biết do Tôn Thất Đính thảo – đúng hơn, do Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim thảo...
- Anh thấy thế nào? – Luân đọc xong, Nhu hỏi.
- Tôi cần suy nghĩ kỹ trước khi trả lời anh. Hẹn anh ngày mai.
- Được! Nhưng không quá ngày mai. Chiều mai, vì sáng mai tôi tiếp phái đoàn Liên hợp quốc...
- Anh tiếp ở đâu?
- Tại đây!
- Tốt...

Thấy Luân ngập ngừng, Nhu hỏi:
- Anh ngại?
- Tại đây thì sao. Tôi khuyên anh đừng ra khỏi dinh trong lúc này.
- Tôi hiểu. Cám ơn anh... À, thiếu úy Thạch thế nào?
- Bình yên. Tôi muốn ta đừng bận tâm những chuyện trẻ con như vậy...
- Không trẻ con đâu. Tôi lột da thằng Mai Hữu Xuân!
- Anh bình tĩnh. Còn nhiều cái lớn lao hơn đòi hỏi anh đối phó...
- Thôi được, tôi tạm nghe anh. Nhưng tôi không bỏ qua.

Luân đứng lên.
- Tôi đã trình Tổng thống, anh sắp nhận quân hàm thiếu tướng... - Nhu bắt tay Luân, thông báo.
- Không nên trong lúc này! Dư luận nhắc mãi danh từ “gia đình trị”. Tôi thăng cấp tạo cớ cho dư luận mở rộng...
- Tôi không chịu thua anh lần này! – Nhu kiên quyết – Tổng thống đã ký, anh có chối cũng không xong...

Luân lắc đầu, hỏi sang chuyện khác:
- Chị thế nào?
Nhu chợt rầu rầu:
- Lệ Thủy điện về báo mẹ nó xỉu... Căng thẳng quá tội nghiệp.
Luân về đến nhà thì Dung báo có hai khách chờ anh.
- Chà, hôm nay “được mùa” khách! Ai?
- Hai đại diện phong trào sinh viên.
Luân cau mày, không biết hai người.
- Em sẽ cung cấp tài liệu cho anh, nội đêm nay. Nhưng em báo trước: họ thuộc cánh Phật giáo Thích Tâm Châu. Họ là Tô Lai và Võ Như...

---
(1) Franchise Militaire (Trung thực quân sự), dấu hiệu thời Pháp ghi trên phong bì thư từ quân nhân để khỏi dán tem.
(2) tỷ số hòa
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 10:59:13 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #198 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 11:01:47 pm »

Chương 7

Ngày đêm 20 rạng ngày 21 tháng 8, tức đêm kế hoạch “Nước lũ” mở màn, đại sứ quán Mỹ mở một phiên họp đặc biệt. Chủ trì phiên họp là Williams Porter, phó đại sứ. Tham dự, ngoài số nhân viên tình báo đặc trách các vấn đề chính trị, còn có Jones Stepp.

- Tôi cho rằng sức ép của chúng ta chưa đủ mạnh... - Porter mở đầu phiên họp khi đồng hồ điểm một tiếng - Tôi xin nói rõ ý tôi: Sức ép thông qua phong trào Phật giáo coi như đến điểm cao nhất, song rõ ràng chỉ với danh nghĩa Phật giáo, chúng ta khó khuất phục ông Diệm và em của ông ta. Ngài Mac Cone nhắc nhở chúng ta: Dư luận thế giới, dư luận Mỹ và bản thân Tổng thống chưa được kích động đúng mức, nếu không nói phần nào phân vân vì cuộc khủng hoảng chính trị rốt lại chỉ là sự xung đột tôn giáo. Ở châu Âu và châu Mỹ, các vị đều hiểu như tôi. Phật không được chấp nhận như người ta chấp nhận Chúa...
- Tôi xin phép cắt lời ngài phó đại sứ. - Jones Stepp hắng giọng - Hiện nay toàn bộ tình hình đã được trình bày dưới dạng “vi phạm nhân quyền”, nghĩa là vượt khỏi lằn ranh xung đột tôn giáo...
- Thưa tướng quân! - Porter cười mỉm - Đó chỉ mới là ý nghĩ của chúng ta. Hẳn tướng quân theo dõi chặt chẽ tin tức công bố khắp thế giới, danh từ “Phật giáo” chiếm gần hết tỷ lệ các bài, các mẩu tin... Đúng, nếu chúng ta chuyển được tình hình hiện nay ra một chất khác - một nhãn khác, tùy cách nhận thức của mỗi người - như nhân quyền, thì kế hoạch “Cao áp” sẽ đạt hiệu quả như tướng quân mong muốn...
Tiếng interphone vang lên: “Một nhà sư xin tỵ nạn, đang đứng bên ngoài vòng rào sứ quán...”
Jones Stepp không nhúc nhích - ông ta đang suy nghĩ điều mà Porter vừa nêu. “Mac Cone có lý...”.
- Nhà sư nào? - Một nhân viên hỏi.
- Tôi biết! - Porter trả lời - Tất nhiên, ta cần ông ấy. Nhưng, giữ bí mật đến độ có thể giữ được vì ông Diệm có thể cột chúng ta vào điều khoản “can thiệp nội bộ một quốc gia có chủ quyền”. Ngài đại sứ không thích trong lúc này lại phải phân trần với dư luận.
Jones Stepp hất hàm về một người ngồi ở cuối bàn:
- Louis! Việc của ông đấy!...
Louis đứng lên, chiếc trán hói bóng lộn như đánh xira, nhún vai:
- Sớm hơn tôi dự liệu!
- Dù sao, cũng phải tiếp ông ta đàng hoàng. Con bài dự trữ... - Porter ra lệnh - Các ông không nên bao giờ quên: khi Phật giáo thành lực lượng chính trị, tất yếu sẽ có phân hóa: trong số các nhà sư tiêu biểu, có vẻ chúng ta chỉ nắm được các nhà sư mà đạo hạnh không mấy sáng. Về phương diện này, ông Diệm cũng giống ta. Các sư được mọi người tôn trọng chưa đồng tình với chúng ta lắm. Ngay hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết, tôi đọc rất nhiều thông tri, cáo bạch của ông ta, ông ta tránh đả động đến chính trị. Còn ông Thiện Hoa, Thiện Hòa, Trí Tịnh... Hình như tướng quân Stepp chưa thấy vị trí của họ. Họ là người miền Nam... Tiện đây, tôi nhắc ông Louis: nên tốp nhỏ máy phát thanh Thích Đức Nghiệp, Thích Tâm Giác, cả Thích Tâm Châu. Họ tỏ ra quá mẫn cán khi muốn ký biên nhận dollar của ông Louis bằng cách quảng cáo chống Cộng, “Bắc tiến”. Trò trẻ con đó không “Best-seller” (1) hiện nay. Tôi trở lại nhà sư tỵ nạn: sẽ có dịp dùng và dùng đúng dịp. Cứ coi như chuyện ông ta chọn sứ quán Mỹ như vì bước đường cùng và không bao giờ - tôi nhấn mạnh - không bao giờ để ông ấy tuyên bố chống Cộng.

Louis gật đầu, ra khỏi phòng.
- Ta hãy suy tính xem... - Porter buông thõng.
- Về các tướng lĩnh... - James Casey nói. Porter ngăn James Casey và liếc một người đứng tuổi, dáng phục phịch, luôn im lặng: Conein...
- Hôm nay, ta không bàn việc đó.
- Tôi nghĩ là còn cái kho trí thức và sinh viên Huế đi trước một bước. - Jones Stepp vừa nói vừa mở cặp.
- Mời tướng quân! - Porter khuyến khích.
Jones Stepp đặt lên bàn xấp giấy khá dày.
- Sau khi linh mục Cao Văn Luận bị bãi chức Viện trưởng Viện đại học Huế, các khoa trưởng đồng loạt từ chức: Lê Khắc Quyến - khoa trưởng Y, Bùi Tường Huân - khoa trưởng Luật, Tôn Thất Hạnh - khoa trưởng Khoa học, cùng 32 người nữa gồm giáo sư, nhân viên, giảng huấn có tên tuổi như Cao Huy Thuần, Bùi Nam, Lê Tuyên, Nguyễn Văn Tường...
- Và chỉ có bấy nhiêu! - Porter gay gắt - Đã hơn 2 tháng rồi! Vả lại, trong việc này, bóng của linh mục Cao Văn Luận trùm lên quá rõ. Vị linh mục do ngài Fishell nặn ra, luôn luôn tự coi mình như trung tâm của vũ trụ, huênh hoang quá đáng. Ngài Mac Cone không hài lòng.

Jones Stepp cụt hứng, nhét xếp giấy vào cặp.
- Không phải những người trí thức Huế từ chức đều tán thành chúng ta. Mỗi người có lý do riêng. Họ chống ông Diệm, không có gì phải bàn cãi, song Cộng sản chống ông Diệm còn quyết liệt hơn bất kỳ ai... Tôi nói rõ ý của tôi: Hãy đưa tình trạng Huế vào Sài Gòn và hãy bấm nút: sinh viên! Các ông kiểm tra xong đã có gì trong tay, Nguyễn Hữu Thái, Chủ tịch Tổng sinh viên là người thế nào?
Jones ngó một người - trẻ, đẹp trai.
- Joseph, anh trả lời!
- Phải lật đổ tay này thì mới nắm được Tổng hội Sinh viên. Thái là phần tử tự do...
- Anh ra quan hệ với Việt Cộng? - Porter hỏi.
- Cho tới nay, chưa có bằng chứng. Nhưng anh ta giao du rộng.
- Sinh viên trường nào? - Porter có vẻ chú ý.
- Thưa, Kiến trúc.
- Cần lật đổ không?
- Theo tôi, phải lật đổ...
- Anh có chủ bài trong tay chưa?
Joseph cười nhẹ, như gián tiếp trả lời là đã có, khá dồi dào nữa.
- Tốt! - Porter nói xong, xem đồng hồ. Hai giờ 15 phút.
Interphone lại vang lên:
- Xung đột dữ dội ở chùa Xá Lợi...
- Có đổ máu không? - Porter hỏi.
- Tất nhiên, có! - Tiếng interphone trả lời.
- Bao nhiêu người chết? - Porter nôn nóng chờ trả lời.
- Hình như không ai chết...
- Tồi! Làm ăn tồi! - Porter cáu gắt.
- Bí số K.4 xin được báo cáo bằng điện thoại...
- Thông dây vào interphone, chúng tôi cùng nghe.
- Ông ta nói tiếng Anh không thạo lắm!
- Tại sao phải nói tiếng Anh? Cứ nói tiếng mẹ đẻ của ông ta.
Interphone rè rè. Toàn cảnh “Nước lũ” được phản ánh.
- Ông ta sẽ là hội chủ, thay cho ông Tịnh Khiết trở thành nhân vật tượng trưng. - Jones Stepp bảo với mọi người.
- Không thể tìm được một người miền Nam sao? - Porter cau mày.
- Chúng tôi sẽ cố gắng, song K.4 đi với chúng ta “cả xác thịt lẫn linh hồn”, nếu dùng một cách văn vẻ.
- Ông Nhu có khá nhiều tài liệu về K.4 của tướng quân. Cả ảnh không mấy đẹp.

Jones Stepp đưa tay lên trời:
- Biết làm sao khi chúng ta không thuyết phục ông ta về giáo lý và ông ta đi với chúng ta không bằng giáo lý!
- Tôi chỉ muốn cảnh cáo các ngài: ông Diệm thất bại một phần vì linh mục Hoàng Quỳnh. Phương ngôn Á Đông có một câu rất hay: xe trước đổ, xe sau nên tránh!
Porter cười độ lượng.
- Vấn đề sau cùng: không một ai được lộ với tướng Harkins những gì chúng ta bàn, dù một chi tiết vặt vãnh.
Cả Conein lẫn Jones Stepp đều gật đầu.
Câu dặn dò rất nghiêm ấy của Porter kết thúc cuộc họp.

*
Tổng thống Ngô Đình Diệm triệu tập nội các bất thường trễ hơn sứ quán Mỹ: 5 giờ 30 sáng.
Nhu sửa soạn cho phiên họp khá chu đáo. Song, anh ta không liên lạc được với Luân - nghe tin Luân kẹt ở chùa Xá Lợi, Nhu hơi bực. Anh ta xẵng giọng với Dung và sau đó “quạt” Trần Văn Tư một trận. Anh ta không nghe lời phân trần của Tư:
- Các anh thật ngu... Tôi muốn cách chức tất cả! Đại tá có mặt có nghĩa là đại tá muốn điều chỉnh các hoạt động của anh, lẽ ra các anh phải xin ý kiến của đại tá.
- Thưa, thiếu tướng Xuân trông thấy đại tá, nhưng không dặn chúng tôi...
- Ai? Ai chỉ huy các anh? Tôi! Nghe rõ không! Tôi có nghĩa là đại tá Nguyễn Thành Luân. Anh đem Mai Hữu Xuân dọa tôi à? Anh có mắt không? Có đầu không?

Cuộc họp nội các căng thẳng. Tuy Nhu đã dặn trước nhưng Diệm vẫn bị bất ngờ. Sau khi Diệm thông báo chính thức quyết định của chính phủ, người ngơ ngác đầu tiên là Phó tổng thổng Nguyễn Ngọc Thơ. Thái độ của Thơ rất bất lợi cho Diệm. Ông ta lúng túng trước các cặp mắt thăm dò của thành viên nội các. Ngồi trong phòng riêng, qua máy truyền hình, Nhu tự trách: Lẽ ra, nên cho lão Thơ hay trước và hôm nay, để lão chủ tọa phiên họp, có lợi hơn.
Dù sao thì cũng không còn cứu vãn kịp.

“Vì Cộng sản xâm nhập các tỉnh lỵ, thị trấn và ngoại vi Sài Gòn, cho nên tôi quyết định thiết quân luật”. Diệm giải thích thêm. Toàn thể chính phủ im lặng. Thật ra, hơn phân nửa đã được phổ biến sự việc - một số tham dự hẳn vào kế hoạch “Nước lũ” như Nguyễn Đình Thuần, Trương Công Cừu, một số nghe mang máng. Chẳng có gì phải quan tâm. Số còn lại bây giờ mới rõ - họ nghe ồn ào nhưng chẳng hiểu lý do.
Người duy nhất nói trong buổi họp là Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu. Ông nói khá tế nhị: “Nếu quả thật có sự đột nhập của Việt Cộng vào ngoại ô Sài Gòn thì đã đủ lý do để giải thích sự việc...”
Diệm phật ý. “Nếu quả thật...”. Tay luật sư này quả là đáo để. Chẳng lẽ Tổng thống nói láo? Nhưng, không phải là lúc thích hợp để dạy cho Vũ Văn Mẫu bài học ghi chú cẩn thận. Mẫu tự lái xe và tiếp xúc với giới trí thức.

- Tại sao chú không cho bắt Mẫu? - Diệm nói gần như quát.
- Tại sao lại bắt ông Mẫu? - Nhu hỏi lại, giọng lạnh lùng - Ông ta không phải là Việt Cộng, không phải là tình báo Mỹ, không phải Đại Việt, bắt ông ta là đánh vào số trí thức đứng giữa. Em thích Vũ Quốc Thúc cạo đầu… Bắt kẻ như Thúc mới đập đúng đầu rắn. Bọn CIA khôn ranh lắm. Anh tin Trần Quốc Bửu, em không tin. Chúng xem như đây là cơ hội ngóc dậy. Những loại đó, hề rục rịch, em tóm cổ ngay! Còn ông Mẫu, anh cứ cho ông ta được nghỉ “vì lý do sức khoẻ”. Nghe đâu ông ta xin đi Ấn Độ hành hương, cùng gia đình, anh cứ cho phép. CIA sẽ tịt ngòi.
Nước cờ của Nhu khá cao. Thích Tâm Châu gọi điện báo với Jones Stepp và Jones Stepp chỉ khuyên nhà sư mang mật danh K.4 nên tìm mục tiêu khác.
Thích Tâm Châu không cần tấn công. Lệnh thiết quân luật kích động cả thành phố. Ngay chiều 21-8, sinh viên Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ bãi khóa được một số giáo sư đồng tình. Chiều 22-8, giáo sư Phạm Biểu Tâm khoa trưởng Y khoa từ chức. Sáng hôm sau, ông bị Trần Văn Tư bắt. Không khí náo động, trường Y đông nghẹt sinh viên các khoa.
Nhu nhận được tin vào giữa trưa. Trần Văn Tư bị gọi vào dinh Gia Long.
- Ai cho phép anh bắt bác sĩ Tâm? - Nhu hỏi, mắt đổ lửa.
- Thưa, ông Thuần truyền lệnh của Tổng thống...
- Không có ai được ra lệnh trong lúc này, trừ tôi! Anh thả ngay bác sĩ Tâm...

Giáo sư Phạm Biểu Tâm được thả. Ra khỏi Nha cảnh sát, ông rơi vào một cuộc bao vây khác. Lấy cớ mừng giáo sư thoát nạn, một bộ phận sinh viên mời giáo sư đến trường đại học Y.
- Thưa giáo sư! - Một sinh viên, đầu cạo trọc nhẵn, nói trước micro - Xin thầy cho biết lập trường của sinh viên lúc này nên như thế nào?
- Tôi xem các anh như những người lớn, các anh làm những gì các anh muốn làm, tuy nhiên cũng đừng quá khích...
Cuộc họp mau chóng biến thành một cuộc mít tinh và một số sinh viên viết ngay đoạn đầu trong câu nói của giáo sư Tâm như khẩu hiệu: “Sinh viên là người lớn, muốn làm những gì sinh viên muốn làm!”.
Người sinh viên cạo trọc đầu thét to một câu bằng tiếng Pháp: “Nous sommes dépourvus de tous” (2). Trong cảnh gần như hỗn loạn ấy, một “Ủy ban chỉ đạo sinh viên Liên khoa” công bố thành lập, gồm 19 người, do Tô Lai, khoa Luật, chủ tịch và Đường Thiệu Đồng, Lâm Tường Vũ, Nguyễn Đông, Võ Như... trong ban chỉ đạo.
“Ủy ban chỉ đạo” đương nhiên thay thế Tổng hội Sinh viên. Người ta nghĩ rằng “Ủy ban chỉ đạo” đã đập mạnh Vũ Quốc Thúc, khoa trưởng Luật khoa, nhưng không; Vũ Quốc Thúc chỉ bị một số sinh viên cảnh cáo.
Người được “Ủy ban chỉ đạo” hoan hô dữ dội là giáo sư Nguyễn Văn Bông - ông ta tham gia biểu tình với sinh viên.

Ngô Đình Nhu ra lệnh: Bắt ngay Nguyễn Văn Bông. Nhưng lệnh của Nhu không có hiệu lực. Porter chính thức điện cho Nhu. Nhu ném chiếc gạt tàn vỡ tan tành. “Thằng Đại Việt đầu sỏ, thằng CIA này mà không trị thì thật nguy...”
“Ủy ban chỉ đạo” huy động một lực lượng hùng hậu, số sinh viên khoa học bãi thi APM và APD - bao vây văn phòng Viện trưởng Viện đại học Sài Gòn, giáo sư Lê Văn Thới. Giáo sư Thới lánh mặt. Văn phòng bị đập phá.
- Tại sao các anh không làm nhục được Lê Văn Thới?
Thích Đức Nghiệp xộc đến trụ sở “Ủy ban chỉ đạo” chất vấn.
- Thằng ấy có anh đi theo Việt Cộng!
Thích Đức Nghiệp không ngờ câu hằn học của y ta phân hóa phong trào sinh viên - một số khá đông ghét Diệm nhưng hoàn toàn không muốn gắn việc làm của họ với khẩu hiệu chống Cộng.

*
Tuyên ngôn
Trong khi toàn dân, toàn quân đang nỗ lực đẩy lưu âm mưu thôn tính miền Nam của Cộng sản; trong khi những người quốc gia yêu nước đang phải siết chặt hàng ngũ trước nguy vong của đất nước, mọi hành động chà đạp lên tự do tín ngưỡng của chính quyền miền Nam bằng cách khủng bố, hành hạ các tu sĩ tức là xâm phạm đến tín ngưỡng và công bình xã hội, đều có lợi cho đối phương.
Trước tình trạng đó, nhân dân không còn biết đâu là tự do, và vì thế cuộc chiến đấu chống Cộng sản bảo toàn đất nước sẽ mất phần hữu hiệu.

Chúng tôi, toàn thể sinh viên, học sinh Việt Nam
- Không phân biệt tôn giáo.
- Không chịu sự chi phối của bất cứ một đảng phái chính trị nào.
nhận thức rằng: Cộng sản và độc tài là kẻ thù của dân tộc, đồng thanh cương quyết thành lập Ủy ban chỉ đạo sinh viên học sinh tranh đấu cho tự do để:
1) Yêu cầu chính phủ thực sự tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng.
2) Yêu cầu chính phủ trả tự do cho những tăng ni, tín đồ Phật giáo, sinh viên, học sinh, giáo sư hiện bị giam giữ. Họ không phải là Cộng sản và vô tội.
3) Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng khủng bố, bắt bớ, hành hạ tín đồ Phật giáo.
4) Yêu cầu chính phủ giải tỏa chùa chiền, ban bố tự do ngôn luận.
Sinh viên, học sinh Việt Nam nguyện đem mồ hôi, xương máu tranh đấu cho bốn nguyện vọng khẩn thiết trên.
Đồng bào hãy sát cánh cùng chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho tự do và đòi được quyền phụng sự Tổ quốc.
Làm tại Sài Gòn, ngày 23-8-1963
Ủy ban chỉ đạo
Sinh viên học sinh

*
Ngô Đình Nhu phản ứng ngay lập tức: đóng cửa các trường. Phản ứng của Nhu đúng ra là quá trễ. Học sinh, nhất là học sinh các lớp trên cùng sinh viên không ai còn thiết đi học. Mọi người chờ đợi một cái gì đó sẽ nổ ra. Và, ngòi pháo được châm lửa.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 11:12:45 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #199 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 11:02:18 pm »

Báo cáo của Joseph Stainer, Phân cục tình báo Mỹ.

Theo sự vận động của Ủy ban chỉ đạo Sinh viên Liên khoa, học sinh, sinh viên Sài Gòn sẽ tập trung tại trường Dược, đường Công Lý để tổ chức biểu tình vào sáng 25-8-1963. Nhưng khi mọi người tới đây thì lực lượng cảnh sát đã chiếm đóng trường này và phong tỏa tất cả các trường tại thủ đô từ chiều hôm trước.
Bởi vậy, học sinh, sinh viên phải đổi địa điểm tập trung từ trường Dược qua chợ Bến Thành.
8 giờ sáng ngày 25-8-63, học sinh, sinh viên từ 8 ngã kéo về Công trường Diên Hồng, người người chật nghẽn đường lối. Dân trong chợ Bến Thành đổ ra hưởng ứng biểu tình cùng sự góp mặt của thanh niên, thanh nữ trong gia đình Phật tử và các đoàn thể Phật giáo, đã biến nơi trung tâm đô thành này thành một biển người.
Một vài biểu ngữ vừa được trương lên thì lập tức lực lượng cảnh sát chiến đấu ào tới đàn áp và cuộc xung đột diễn ra. Cảnh sát giơ cao dùi cui, đập túi bụi vào đám học sinh, sinh viên, bất kể nam nữ. Để chống lại, nữ sinh tháo guốc đưa cho nam sinh nhắm đầu cảnh sát quăng tới tấp...
Thình lình, súng nổ vang lên. Tiếng súng từ bót cảnh sát Lê Văn Ken hướng vào toán nữ sinh đang xô với nhân viên cảnh sát. Một nữ sinh gục xuống và nhiều người khác ngã theo. Học sinh, sinh viên hoảng hốt chạy tán loạn. Lực lượng cảnh sát săn đuổi ráo riết, thắt chặt vòng vây rồi tiếp tục khủng bố, đánh đập.
Trong cuộc biểu tình này, ngoài những nữ sinh bị thương, riêng Quách Thị Trang, nữ sinh đệ nhị bị bắn một viên đạn vào thái dương nên chết ngay sau khi đưa tới bệnh viện được ít phút.
Chính quyền Ngô Đình Diệm hết sức che đậy cái chết này.
Cái chết của một nữ sinh tại chợ Bến Thành chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ sau đã được loan truyền khắp thủ đô, khiến không những học sinh, sinh viên mà cả công chúng đều căm phẫn. Người ta không rõ nữ sinh đã bỏ mình là ai: là Quách Thị Trang, là Mỹ Hạnh hay Lê Thị Hạnh nhưng người ta chỉ biết và biết rõ ràng máu của một nữ sinh thơ ngây, vô tội đã đổ.
Sau cuộc biểu tình này, có trên 2000 nam nữ học sinh, sinh viên bị bắt đưa về nhốt tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung.

*
Điện khẩn:
Hàng nghìn sinh viên Việt Nam ở các tỉnh Lyon, Grenoble, Toulouse, Montpellier... kéo về Paris phản đối vụ gọi là “tàn sát Quách Thị Trang”. Dư luận chung cực kỳ bất lợi cho ta. Xin cho chỉ thị.
Phạm Khắc Hy, đại sứ.

*
Điện khẩn:
Phúc điện cho đại sứ, nên cố gắng tổ chức phản biểu tình. Phân tích xem trong số sinh viên kéo về Paris gồm những xu hướng nào? Thân Cộng bao nhiêu? Có Đại Việt không? Thái độ của chính phủ Pháp và đại sứ quán Mỹ. Thái độ của nhóm Vương Văn Đông, Trần Đình Lan?
Ký:
Ngô Đình Nhu.

*
Điện khẩn:
Trong số sinh viên, hầu như đủ xu hướng, tất nhiên số thân Cộng nòng cốt. Đang tiếp xúc phản biểu tình nhưng rất khó. Chính phủ Pháp tỏ ra trung lập, cảnh sát chỉ giữ trật tự mà không can thiệp. Không ai thấy đại sứ quán Mỹ tiếp xúc với sinh viên. Vương Văn Đông, Trần Đình Lan, Quách Sến gặp nhau luôn. Hội đoàn Việt kiều do Cộng sản nắm, được Cộng sản Pháp hỗ trợ chống chính phủ Việt Nam Cộng hòa như từ trước.
Ký:
Phạm Khắc Hy, đại sứ.

*
Báo cáo của Joseph Stainer:
Chất lượng của phong trào sinh viên Sài Gòn bị pha loãng do sự xuất hiện đột ngột của học sinh. Nữ sinh các trường Trưng Vương, Gia Long, Marie Curie, kêu gọi học sinh toàn quốc chống ông Diệm. Thật ra, nếu không quy mô ở đây, với các trường nữ này, chưa phải là điều chúng ta lưu ý, kể cả sự tham gia sau đó của trường Jean Jacques Rousseau. Nói chung, với số đông trong họ thuộc gia đình quyền quý và mộ đạo Phật, chúng ta thu lợi nhiều hơn. Nhưng, khi học sinh các trường Võ Trường Toản, Chu Văn An, Lê Văn Duyệt, Hưng Đạo, Trường Sơn, Văn Lang, nhất là trường kỹ thuật Cao Thắng nhảy vào vòng chiến, tình thế phức tạp. Số này không làm như nhóm sinh viên Đinh Quốc Ân (Y khoa), Nguyễn Trọng Nho (Nông lâm), Phạm Đức Khoan (Văn khoa) trích huyết viết kiến nghị gửi ông Diệm cốt khoa trương và tạo tên tuổi, nhắc nhở chúng tôi rằng họ đang có mặt và họ cũng xứng đáng được đối xử nhu Tô Lai, Võ Như... Học sinh đông hằng mấy vạn không chịu sự kiểm soát của Ủy ban chỉ đạo và có vẻ muốn tự lập. Không thể không nghi ngờ Việt Cộng len lỏi vào phong trào học sinh, nơi chúng có điều kiện hơn trong sinh viên vì tuyệt đại đa số học sinh là con nhà lao động, thân nhân dính líu với Việt Minh trước đây. Cứ xem các cuộc xung đột trên đường phố thì ta có thể kết luận được rằng Ủy ban chỉ đạo lần lần để vuột khỏi tay mình lực lượng đông nhất. Trong Ủy ban chỉ đạo lại phát sinh tranh chấp ngôi vị lợi quyền. Tôi trực tiếp chứng kiến cuộc đụng độ ngày 9-9, cảnh sát dã chiến với học sinh trường Cao Thắng - một trận đánh hẳn hoi mà tôi có thể minh họa bằng hình ảnh Công xã Paris: chướng ngại vật, các loại vũ khí nào búa, gậy, dao cầm cự suốt nửa ngày với lựu đạn cay, phi tiễn, dùi cui, vòi rồng... Tình hình trường Chu Văn An rất gay go, tuy nhiên biểu thị tính cách Phật giáo rõ hơn. Học sinh hạ cờ Việt Nam Cộng hòa, kéo cờ Phật giáo và đánh nhau với cảnh sát. Cuối cùng, 1200 học sinh bị áp giải... Tôi đề nghị thiếu tướng Jones Stepp nên cùng Tổng nha cảnh sát trao đổi. Yêu cầu của chúng ta là không để phong trào học sinh vượt khỏi lằn ranh cho phép và nhất là không để phong trào học sinh trở thành nòng cốt dẫn dắt trở lại phong trào sinh viên. Trong vụ Chu Văn An đã lọc được 72 tên tình nghi cảm tình Việt Cộng trong khi toàn bộ Cao Thắng có lẽ do Việt Cộng chỉ huy.

*
Luân thay quần áo, mặc bộ quân phục ra phòng khách. Hai sinh viên có vẻ sốt ruột.
- Xin lỗi, tôi vừa đi làm về.... Nào, ta cần gì nhau? - Luân bắt tay Tô Lai và Võ Như.
- Chúng tôi xin tự giới thiệu... - Tô Lai nói.
- Khỏi! Tôi biết hai anh là ai. Báo chí đăng khá nhiều hình các anh, đặc biệt anh Tô Lai... Một Vũ Văn Mẫu hay một Đỗ Mậu? - Luân cười cười, ngó cái đầu cạo nhẵn của Tô Lai.
- Thế thì chúng ta có thể vào đề ngay. Nhưng chúng tôi muốn biết chúng tôi phải xưng hô với ông thế nào cho đúng?

Luân cười, ngó thẳng Tô Lai:
- Tôi là đại tá Nguyễn Thành Luân...
- Nếu ông thích quân hàm đại tá, chúng tôi sẽ xưng hô theo ý thích của ông.
- Ở đây, không có chuyện theo ý thích. Hai anh là sinh viên, tôi gọi là anh. Còn chủ tịch Ủy ban chỉ đạo, tôi không biết!
- Một đại tá thân cận với Tổng thống Diệm mà không biết chủ tịch Ủy ban chỉ đạo sinh viên, học sinh?
- Có thể tôi không biết. Có thể tôi không cần biết. Cái tôi cần biết là hai anh đến gặp tôi có chuyện gì? Tôi đã quá tuổi sinh viên từ lâu, cho nên chức vị của hai anh không khiến tôi phải mất thì giờ.
- Chúng tôi chống ông Diệm!
- Đó là quyền của các anh. Tôi hiểu.
- Nhưng, chúng tôi muốn đại tá tỏ thái độ...
- Tại sao tôi phải tỏ thái độ? Và thái độ gì?
- Người ta nói với chúng tôi rằng đại tá có uy tín với quân đội, với người Mỹ. Sinh viên muốn đại tá đứng về phía chúng tôi...
- Quân nhân chúng tôi không được quyền làm chính trị. Các anh biết luật lệ đó, nhất là anh, anh Tô Lai, sinh viên khoa Luật! - Luân châm biếm.
Luân đang cố phân tích xem hai người gặp anh thực chất nhằm mục đích gì.
- Tôi xin hỏi thẳng hai anh: Phong trào mà hai anh đứng đầu chống ông Diệm đàn áp Phật giáo, đúng không?
- Đúng...
- Đã đến lúc tình thế phải ngã ngũ. Ngã ngũ không có nghĩa là nếu ông Diệm thôi đàn áp Phật giáp thì đâu sẽ vô đó... Đúng không?
Hai người hơi lúng túng, ngó nhau, chưa tìm ra câu trả lời.
- Giả tỷ ông Diệm thôi đàn áp Phật giáo, các anh sẽ thất vọng, đúng không?
Vẫn không có câu trả lời.
- Nhiệm vụ của các anh là làm thế nào để cho ông Diệm không thể thôi đàn áp Phật giáo - bây giờ, thì đàn áp cả sinh viên, học sinh, trí thức... Đúng không?
Võ Như lắc đầu:
- Hai chữ “nhiệm vụ” mà đại tá dùng, mơ hồ quá!
Luân cười rộ:
- Chẳng lẽ hai anh không tự đặt cho mình một nhiệm vụ nào cả? Đùa hả? Đùa với sinh mạng Quách Thị Trang hả?
- Nếu theo nghĩa đó, chúng tôi có nhiệm vụ. Nhiệm vụ hoặc lý tưởng... - Tô Lai lấy lại giọng bình tĩnh.
- Tôi không cần đi sâu vào danh từ. - Luân ngó hai người với đôi mắt người lớn - Sau khi lật đổ ông Diệm, cứ giả định như vậy, các anh định làm gì?
- Xây dựng một chế độ tự do thật sự ở Nam Việt. - Võ Như nói như tuyên cáo.
- Nghĩa là mọi người đều được luật pháp bảo vệ? - Luân hỏi.
- Tất nhiên, trừ Việt Cộng! - Võ Như tiếp tục khẳng định.
- Thế thì vấn đề hòa bình sẽ giải quyết như thế nào? Chúng ta đang có chiến tranh và chiến tranh khá khốc liệt.
- Không có cách nào khác hơn phải đánh đổ chế độ Cộng sản Bắc Việt! - Võ Như trả lời thật dứt khoát.
- Bằng cách nào?
- Đại đức Thích Đức Nghiệp đã chủ trương. Chúng tôi sẽ thành lập quân đoàn giải phóng miền Bắc...
- Tiếc quá! - Luân hóm hỉnh - Báo Tự Do có anh ký giả tên Vũ Bắc Tiến. Tôi biết không phải một trong hai anh mang tên đó... Chuyện của hai nhân vật “Ủy ban chỉ đạo” mà trẻ con đến cỡ này sao? - Giọng Luân từ châm biếm sang khinh miệt.
- Ông Diệm và cả ông nữa, các ông không làm nổi sự nghiệp thống nhất giang sơn, chúng tôi làm! - Võ Như câng câng mặt.
- Người Mỹ! Tôi nhắc lại! Người Mỹ cũng chưa dám nghĩ tới chuyện đó mặc dù họ có thể sẽ lên mặt trăng không bao lâu nữa. Các anh chống ông Diệm, tôi không có ý kiến vì nó thuộc về quyền của các anh. Tôi là quân nhân song tôi không biệt những loại chính kiến trong phạm vi những người Quốc gia với nhau. Tôi chỉ khuyên các anh: Làm người lớn phải có cái đầu người lớn. Các anh đừng tự phơi bày mình như một thứ hình nộm ai muốn giật dây cũng được. Tôi nói thật nghiêm chỉnh đó. Cái đầu cạo láng của anh không nâng anh lên một chút nào. Các anh cứ ghi nhớ: các anh sẽ bị xô giạt bên lề và chính các anh hối hận.

Luân nói giọng khô khốc.
- Chúng tôi muốn đại tá làm cố vấn cho Ủy ban chúng tôi! - Tô Lai dịu hẳn giọng.
- Tôi vừa làm cố vấn cho các anh... Không đủ sao? Nếu cần thêm, tôi lưu ý các anh: Đừng làm con két!
Hai người ngượng nghịu bắt tay Luân.
- Tập tễnh làm chính khách! Thế lực không lớn, tìm chỗ dựa. CIA nắm, song không nắm được hạng có ý thức. Các cậu sẽ rơi đài sớm thôi!
Luân trầm ngâm với ý nghĩ riêng cho đến khi Thạch mang vào chiếc phong bì có dấu mật và gắn xi.

*
Điện mật:
Một đoàn đại biểu Phật giáo do Pháp Tri, phái Tiểu Thừa dẫn đầu, bí mật vượt biên giới và đã đến Nam Vang. Họ viết một bức huyết thư gửi ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hợp quốc và thái tử Sihanouk đồng thời liên lạc với Nhất Hạnh cùng Cao Thị Phượng đang ở Mỹ và Mẫn Giác ở Ấn Độ. Họ đã gặp cả hai vua sãi Cambot Phanmayut và Manahica.
Ký:
Tổng lãnh sự VNCH tại Nam Vang.

*
Bản sao điện mật chẳng gợi cho Luân một ý nghĩa nào. Sự thể đã phát triển quá xa. Số mạng của chế độ Ngô Đình Diệm không còn đếm từng ngày mà từng giờ. Kề cái chết, họ giãy giụa nhưng càng giãy giụa, sợi thòng lọng càng thít chặt. Tự nhiên Luân nhớ đến Ngô Đình Thục, nhớ cái hôm chia tay.
Luân mời Giám mục đến nhà ăn cơm và Dung tự nấu. Bữa ăn chung ở dinh Gia Long thật buồn, bữa ăn ở nhà Luân cũng chẳng hơn. Với Giám mục, ông chỉ linh cảm thôi nhưng chừng ấy điều xảy ra dồn dập cũng cho linh cảm của ông những cơ sở phán đoán.
Thức ăn ngon, hợp khẩu vị Giám mục - thường thì Giám mục vừa ăn vừa khen - nhưng hôm nay, ông lơ đễnh, mắt như ngó đâu.
- Tình hình rối quá, con hỉ? - Ông hỏi.
Luân không biết trình bày sao cho hợp với buổi chia tay - Luân cũng linh cảm Giám mục sẽ không bao giờ về Việt Nam nữa.
- Thưa Đức cha, tuy rối, song cũng còn đường ra...
Mặt Giám mục không hé một chút phấn khởi.
- Cha nghĩ lão linh mục Hoàng có lý. Đặng Sĩ cũng có lý. Giá mà Tổng thống nghe lời thím Nhu, mạnh tay vào, bọn Phật giáo bị triệt từ tháng 5. Sai một nước cờ, hư cả bàn cờ!
Luân càng thấy thương hại người cha nuôi của mình. Cũng không nên trách ông. Ông không thể có cách suy nghĩ khác.
- Cha sẽ trình bày cho dư luận Công giáo thế giới biết sự thật... Cả Đức Thánh cha cũng cần được thông báo các chi tiết. Đức khâm mạng Tòa thánh cho Cha hay, theo ngài thì chế độ của chúng ta khó thoát khỏi cơn thử thách định mệnh này. Để tránh hậu quả tai hại cho Công giáo, ngài thúc Cha đi La Mã sớm dù Công đồng chưa họp. Cha muốn gặp Đức Hồng y Spellman.. Nhưng, ra đi như thế này, Cha bứt rứt trong lòng... Chúa vốn công bằng, sao lại đưa Tổng thống và gia đình ta vào thế hiểm nghèo? Đức khâm mạng đã dạy, Cha nghĩ ngài nghe được cái gì đó...
Ngưng một lúc, Giám mục bảo Luân:
- Con sống với gia đình chúng ta thấm thoát 9 năm, bằng thời gian con kháng chiến... Cha, Tổng thống, chú Nhu, mọi người đều xem con và vợ con như ruột thịt. Cha biết con giỏi. So với chú Nhu, con suy tính nhiều việc kỹ, sâu hơn. Cho nên, trước khi ra đi, Cha mong con trước sau như một, hết sức vì gia đình. Con cũng đoán ra, suốt 9 năm, nhiều kẻ ghen ghét toan hãm hại con, song Cha, Tổng thống một mực tin con. Đã qua, con xứng đáng lắm. Trên mình con, bao nhiêu vết thương chí mạng là vì họ Ngô. Không ai không nhớ... Con thường thư cho Cha. Công đồng họp khá lâu, Cha cần tin tức ở nhà.. Cha sẽ năng thư cho con.

Khi Giám mục và anh ôm nhau, Luân rưng rưng nước mắt. Ngô Đình Thục thuộc gia đình mà cách mạng không thể không triệt hạ - tội ác của họ cao như núi - nhưng, mặt khác, nếu không được Thục che chở, Luân không bị giết thì cũng trút bộ lốt hiện giờ từ lâu, khó thực hiện được gánh nặng mà anh Hai trực tiếp giao, mà A.07 trực tiếp chỉ đạo...
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 11:18:16 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM