Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 01:13:34 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời quân ngũ  (Đọc 242925 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #50 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2013, 09:07:46 am »

SANG CAMPUCHIA CHIẾN ĐẤU
Khoảng Tháng 8 dương lịch năm 1978, chúng tôi được lệnh di chuyển toàn bộ đơn vị sang đất bạn. Trước lúc lên đường, chúng tôi được học 9 điều quy định khi làm nhiệm vụ quốc tế. Địa bàn tác chiến của sư đoàn 320 bàn giao lại cho F331 -QĐ3 ( hình như ở ngoài Bắc mới bổ sung vào quân đoàn? - Vì lúc đó tôi là chiến sĩ nên bạn thông cảm). Chúng tôi hành quân bằng xe cơ giới, đi ngược lại về ngã 3 Đồng Ban, lên Cà Tum, qua đường Trần Lệ Xuân và vượt qua ngầm do lữ 273 CB QĐ3 thi công dài khoảng 1km. Đến khi nhìn thấy cây thốt nốt nhiều mọi người mới bàn tán đã sang K rồi. Đường xe chạy "gập ghềnh biên giới" tốc độ rất chậm chạy qua nhiều ngầm được đan ngang bằng cây ( chống lún) dài vài trăm mét. C20 chúng tôi đóng trong rừng cây tếch, ở miền Bắc tôi không thấy có cây này, nghe nói để làm que diêm hoặc làm giấy, lá to như lá bàng. Ở đây cách đường 7 khoảng 2km, thực tế trên bản đồ đường 7 của bạn chạy dọc theo biên giới Việt Nam thì ở đây là khu vực gần Việt Nam nhất. Hằng ngày thấy xe thùng chở liệt sĩ ra nhiều quá chúng tôi hiểu rằng phía trước sẽ là một cuộc chiến đấu gay go ác liệt đang chờ. Cũng ở vị trí trú quân này do khi tìm vị trí mắc võng, hai người đồng hương cùng nhập ngũ với tôi do đặt ba lô vào đúng chỗ quả mìn râu tôm nên đ/c Nam ( xóm 1 Nghi Trung Nghi Lộc Nghệ An hi sinh tại chỗ) và đ/c Lượng bị thương ở sọ não ( Tuy vậy sau này vẫn về học ĐH và làm giám đốc xí nghiệp thanh niên ở phường Nghi Hải - TX Cửa Lò - NA. Năm 2005 mất do tái phát vết thương). Như vậy mới vào chiến đấu chưa lâu trong 8 anh em chúng tôi bổ sung vào C20 thì đã hi sinh 1 và bị thương 2 đ/c ( đ/c Sanh ở xã Nghi Liên- Nghi Lôc - NA bị thương lò Gò). Tôi hiểu rằng đây mới thực sự là chiến trường, và cũng từ hôm nay sẽ mở đầu cho nhiều câu chuyện kỷ niệm chiến tranh mà rồi đây tôi sẽ tâm sự cùng đồng đội. Một điều cũng không thể quên đây là ngày đầu tiên nằm tăng võng mở đầu cho 340 ngày sau đó ( tận ngày ra Bắc) nằm ngủ võng liên tục. Các bạn có tin không? Còn bản thân tôi giờ cũng không tin nổi mình đã sống được như vậy. Nhưng đó lại là sự thật 100%. Không phải là riêng mình tôi mà cả sư đoàn 320 đều như vậy ... ( Còn nữa) !
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Chín, 2013, 04:46:47 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
vaphothotu
Thành viên
*
Bài viết: 496


Một thời. Ai có nhớ?


« Trả lời #51 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2013, 11:35:30 am »

Chào bác Vetran
Đọc bài của bác trên potic của Duccuong tôi mới chợt nhớ ra, suốt thời gian ở bên K tôi chẳng bị sốt rét lần nào cả.Mặc dù thể trạng của mình cũng khiêm tốn chẳng mập mạp gì.Trong khi đó nhiều đồng đội khỏe như voi nhưng cũng ngã đùng vì sốt rét. Có thằng 60 kí, sau sốt rét ác tính chí còn hơn bốn chục.
   
Logged

Mời các đồng chí xem thông tin chi tiết trên Blog http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/         
 và blog Quê cha đất tổ http://blogtiengviet.net/Phan2
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #52 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2013, 12:03:07 pm »

Nỗi đau nơi xóm vắng
     Một quyết định liên quan đến tính mạng một con người hẳn đó là một quyết định đặc biệt cần phải cân nhắc kỹ. Cho đến bây giờ đã gần U60 mà tôi vẫn còn day dứt  bởi đúng hay sai về một quyết định tập thể của tổ trinh sát mà lúc đó đều ở tuổi 20 . Câu chuyện thế này.
     Khoảng tháng 10/ 1978, đội hình sư đoàn 320A đã sang tác chiến bên kia biên giới thuộc huyện Mi mút tỉnh Công phông chảm. Đây là huyện miền núi biên giới của nước bạn giáp tỉnh Tây Ninh của ta. Đại đội 20 trinh sát sư đoàn đóng ở phía Đông cao điểm 200. Nói là cao điểm nhưng thực ra đó là 1 đồi thấp, được phủ toàn bộ cây cao su đã nhiều năm tuổi. Vào buổi chiều, lúc này ở Căm pu chia là đầu mùa khô, đ/c Đại đội trưởng gọi toàn tổ lên giao nhiệm vụ luồn sâu đặt đài quan sát đường 78 từ ngã ba Suông đi đầm Be. Công việc chủ yếu là theo dõi, ghi chép sự di chuyển lực lượng của địch thời gian 5 ngày về báo cáo trực tiếp tại ban trinh sát.
     Nhận lương thực thực phẩm xong chúng tôi lên đường ngay. Riêng đ/c Duyên tổ trưởng và Thịnh thông tin 2W cả hai đều là người Hà Bắc, còn đ/c Tư người khối Tân Phú xã Nghi Hòa ( Cửa Lò bây giờ) đến chập chiều xác định vị trí đứng chúng tôi biết cách chốt cuối cùng của BB khoảng 1km nữa. Rừng cao su mênh mông muỗi nhiều vô kể, trời đã nhá nhem tối, chúng tôi quyết định nghỉ lại sáng mai đi tiếp để tránh BB ta bắn nhầm. Trước mắt chúng tôi là bản nhỏ nằm giữa rừng cao su. Do làng bản ở K khó đọc nên lính ta thấy trên bản đồ hình thù thế nào, đặc trưng gì thì gọi như vậy. Nào là bản đỏ, bản vuông, bản dài, bản đu đủ ( vì có nhiều đu đủ)... Bản chúng tôi dừng nghỉ là bản vuông. Chúng tôi nhẹ nhàng tiếp cận, bản này cách đây 1 tuần địch còn kiểm soát. Bản vắng lặng hoang tàn không một bóng người. Có lẽ khi chiến tranh đến dân bỏ chạy vào rừng sâu cả. Chúng tôi leo lên sàn, tổ trưởng phân công tôi cảnh giới còn 3 đ/c còn lại  mắc võng và đổ nước vào bao gạo sấy. Nhà dân ở Cam pu chia 100% là nhà sàn như nhà dân tộc bên ta.    
   Tôi ngồi quan sát ở cửa sổ để theo dõi. Chỉ có tiếng xào xạc của gió rừng, tiếng gà con lạc mẹ, tiếng chim lợn bắt đầu đi ăn đêm. Bỗng nhiên nghe tiếng sột soạt ngày càng rõ, tôi tắc lưỡi 3 cái ra tín hiệu SSCĐ. Tôi nhìn thấy 1 người đang bò 1 cách nặng nhọc tiến về phía chân cầu thang rồi chui vào ổ rơm. Tôi nâng khẩu AK lên nhưng tổ trưởng ra ký hiệu không được bắn. Phương án tác chiến hình thành nhanh chóng trong tích tắc, Tư và Thịnh cảnh giới còn tôi và Duyên cùng nhảy xuống dùng võ thuật bắt sống. Hai chúng tôi bất ngờ cùng nhảy xuống và hô: " Lớc lai lơn" (giơ tay lên). Vốn tiếng K quá ít ỏi của chúng tôi chỉ đủ dùng bắt tù binh thôi. Nó không giơ tay. Ồ thì ra đây chỉ là 1 thằng oăt con nó không có dấu hiệu sợ sệt ngước mặt nhìn như lóe sáng niềm hi vọng, có lẽ nó tưởng dân làng hay bố mẹ về cứu nó. Nụ cười tắt vội trên môi thay vào đó là 2 hàng nước mắt, trước mắt nó là 2 người lính ngoại quốc, súng lăm lăm trong tay. Ngôn ngữ bất đồng nên chúng tôi không thể có cách gì để diễn đạt được ý nghĩ của mình. Tội nghiệp thằng bé khoảng 9 - 10 tuổi, da đen sạm gầy còm, trên tay còn cầm miếng cơm khô có lẽ do ai đó rơi nồi nấu cơm sót lại khi bỏ chạy. Nó gầy yếu quá bước không nổi nhìn vào ổ rơm thấy còn có mấy bắp ngô khô và vài củ sắn nữa có lẽ đây là "kho" lương thực của nó. Chúng tôi bế thằng bé lên sàn, người nóng quá có lẽ nó sốt cao. Rồi chúng tôi cùng ăn, nó ăn một cách ngon lành mắt nhìn chúng tôi ra vẻ cảm ơn. Ăn no rồi nó nằm thiếp đi có lẽ do đã nhịn đói nhiều ngày.
Chúng tôi thì thầm nói chuyện với nhau phán đoán tại sao thằng bé nông nổi như thế này. Tôi là người hay nói đưa ra nhận định đầu tiên:
- Đây sẽ là nhà của nó. Nó quá yếu không leo được nên nằm dưới chân cầu thang để chờ bố mẹ về cứu.
Tư nói:
- Có lẽ nó đi học xa nên khi trở về dân làng đã chạy vào rừng hết biết đâu mà tìm?
Tổ trưởng Duyên thì thầm:
- Cậu kém thế. Khơ me đỏ làm gì có trường dạy văn hóa mà học, nó đang thực hiên chính sách ngu dân mà!
Tư nhận định:
- Vậy thì có thể dân làng, bố mẹ nó bỏ chạy khi đi chăn trâu hay vào rừng làm rẫy?
- Cũng có thể. Duyên trả lời.
Tư nói:
- Nó đói nhiều ngày quá mà sốt cao có lẽ nó chết mất. Ta phải đưa nó đi anh à, mai để em cõng cho.
Trời đã tối song tôi thấy Tư đưa tay lên như lén gạt nước mắt. Tổ trưởng Duyên nói:
- Thôi thay phiên nhau ngủ lấy sức mai ta bàn quyết đinh nhưng nhiệm vụ ta dài ngày nặng nề lắm nếu đưa nó đi theo e không hoàn thành nhiệm vụ.
Chúng tôi thay phiên nhau ngủ, song tôi thấy hình như cả bốn đều trằn trọc thâu đêm có lẽ vì chuyện thằng bé.
    Sáng sớm dậy cả bốn cùng bàn để có quyết định nhọc nhằn này. Tư và Thịnh ý kiến phải đưa thằng bé đi theo vì để lại nó sẽ chết. Nhưng tổ trưởng đã quyết định để lại bởi đường đi còn dài gặp địch cơ động sẽ khó khăn. Chúng tôi bớt khẩu phần ăn mỗi người 1 ngày để lại cho thằng bé cà cho nó uống thuốc cảm với hi vọng ngày quay trở lại nó còn sống sẽ đưa nó về đơn vị. ( Lính trinh sát trên dây lưng chiến đấu khi nào cũng có dao găm, bi đông nước, túi bao đạn, túi thuốc cá nhân. Còn lưng đeo gùi vải đựng quần áo, tăng võng, LTTP). Trao "tiêu chuẩn" cho thằng bé chúng tôi không quên múc cho nó vò nước để cạnh thầm nhủ rằng: "chỉ cần em sống đến ngày các anh trở về thì cuộc sống sẽ dang tay đón em". Trước lúc chia tay chúng tôi muốn nói với em nhiều lắm song ngôn ngữ bất đồng đành nhìn em yên lặng. Chúng tôi vẫy tay chào, nhìn thấy ánh mắt em đượm buồn nhưng vẫn ánh ngời niềm hi vọng. Em đâu biết được rằng cái chết đang chờ em phía trước. Tôi thấy trong mắt thằng đồng hương đa cảm, nước mắt đã lăn dài trên má. Đi đã được vài chục bước như sực nhớ gì đó Tư chạy quay trở lại hình như dấu chúng tôi cho nó thêm phong lương khô.
    Đến chốt cuối cùng của ta chúng tôi hiệp đồng thời gian quay trở lại để tránh bắn nhầm. Các đ/c BB nói rằng hãy cẩn thận vì cách đây 2 ngày địch đánh vào chỗ này. Đúng 4 ngày sau hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi quay trở lại. Đến gần bản Vuông đi càng nhanh, Tư lúc nào cũng đi trước, những ngày thực hiện nhiệm vụ chúng tôi lúc nào cũng nhắc về em. Tư nói đi nói lại mấy lần: "Thương nó quá, nó bằng tuổi em út mình"! Kia rồi, em vẫn nằm kia. Chúng tôi ùa chạy lại. Trời ơi thằng bé đã cứng lạnh rồi, trong tay vẫn còn cầm miếng lương khô ăn dở. Mắt vẫn mở như đang trông chờ chúng tôi trở về. Chúng tôi vuốt mắt cho em khá lâu mới được chứng tỏ em chết chưa lâu, tuy vậy ruồi nhặng đã bay đậu như đàn ong. Chúng tôi nhanh chóng mai táng em ngay vườn nhà rồi để quần áo, dép của nó ngay trên mộ với hi vọng sau này bố mẹ nó còn nhận ra được, vừa đào, rồi lấp mà tất cả chúng tôi mắt đều ứa lệ.
Xong việc chúng tôi cắt đường về đơn vị, không ai nói câu nào mà đều tự thấy lòng mình nặng trĩu. Hãy tha thứ cho các anh, các anh đã về muộn vì sự hoàn thành nhiệm vụ, vì cứu cả đất nước hồi sinh nên đành lòng bỏ em lại để rồi lương tâm bứt rứt cho đến bây giờ.
   Cuối tháng 7/1979 chúng tôi ra Bắc đóng quân ở Đại Từ - Thái Nguyên. Vào dịp chào mừng ngày thành lập Quân đội 22/ 12 năm đó, bởi chữ đẹp tôi được chi đoàn C20 TS F320A chọn vào ban biên tập báo tường. Đó là số báo đầu tiên khi trở về đất Bắc chuyên đề chào mừng ngày thành lập quân đội. Đa số bài đều viết về kỷ niệm chiến tranh song có 1 bài thơ làm nhức nhối tim tôi. Đó là bài thơ " Qua xóm vắng" của tác giả Ngô Thanh Tư với dòng ghi chú: " Kỷ niệm chuyến công tác qua bản Vuông". Tôi đọc đi đọc lại mà nước mắt dâng trào tự trách mình vô cảm,thằng Tư ít nói mà trái tim giàu đến vậy. Tôi không thể sửa một ngôn ngữ nào bởi nghĩ rằng hãy để yên cho trái tim đồng đội rung động, hãy để cho dòng nước mắt tự chảy. Trong bài thơ này có cả trăn trở của tôi, của Thịnh, của anh Duyên và sẽ như bao người lính tình nguyện VN trong hoàn cảnh đó.
Cho đến bây giờ đã 34 năm trôi qua. Quãng thời gian không ngắn trong đời mỗi con người, tôi còn nhớ 8 câu thơ mở đầu bài "qua xóm vắng":
             Trên đường công tác anh gặp em
              Bản hoang nhà vắng cảnh điêu tàn
              Mình em bơ vơ nơi xóm nhỏ
              Ổ rơm ai lót đặt em nằm
              Em nhỏ mới lên độ 9 - 10
              Có biết gì đâu lứa tuổi chơi
              Đã mấy ngày nay em sống vậy
              Không gạo không tiền không mẹ cha

                  ...  ...      ...     ...   ...      ...

Và 4 câu cuối:
              Chiến tranh lửa khói ngợp trời mây
              Tràn đến bản em miền quê vắng
              Anh khắc mãi một lời tâm niệm
              Em là nạn nhân của chiến tranh
   Đức Cường trân trọng cảm ơn những ai đã đọc câu chuyện này và hãy giải cho chúng tôi đáp số của một quyết định day dứt mà đến bây giờ vẫn chưa biết đúng hay sai.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Chín, 2013, 06:07:32 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
china
Thành viên
*
Bài viết: 517


« Trả lời #53 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2013, 12:58:45 pm »

Chiến tranh! Bác Cường làm thế là đúng, không có cách khác, nếu mang theo đứa bé rất nguy hiểm cho cả tổ, và sau đó có khả năng nhiều chiến sĩ khác sẽ hy sinh vì lộ thông tin, các Bác đã làm tất cả có thể cho đứa bé rồi.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #54 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2013, 09:04:01 pm »

            Chào bác chú Chào các bác! Nhà cửa của bác chủ mới xây mà đã thấy thật đông vui. Lại thêm những hình ảnh của vợ chồng anhtho-vetran về thăm Xứ Nghệ, Về thăm quê Bác,. Những câu chuyện một thời của vetran khi xuống đơn vị thực tế nữa chứ càng làm cho ngôi nhà mới này hứa hẹn nhiều chuyện, chuyện buồn thời quân ngũ.

            Câu chuyện đúng ra là ký ức về mẩu chuyện qua xóm vắng của bác chủ thật hay. Thật cảm động. thật nhân văn tình người. Tình cảm của những người Lính Việt Tình nguyện đã cứu giúp cho Dân Tộc Cho đất nước Ăng Co khỏi họa diệt chủng. Mẩu chuyện nhỏ mà không nhỏ. Nó thể hiện cái tâm, cái Đức, cái chất của Dân tộc. Một cách xử lý tình huống của chiến tranh và nỗi niềm của người ccb cao tuổi đã nói lên tất cả. Khi giờ đây Đất nước và Dân Tộc Khơme đã thật sự hồi sinh và phát triển. Tranphu nghĩ chuyện này có thể phải đưa vào sách sử để ghi lại và giáo dục truyền thống cùng sự tỏa sáng những tình đoàn kết của 2 nước Việt Nam- Cămpuchia.

          Tranphu341 hy vọng là được nghe nhiều câu chuyện hay nữa về một thời Lính Tình Nguyênj của bác chủ. Chúc bác chủ cùng gia đình luôn có nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui cuộc sống!
Logged
vaphothotu
Thành viên
*
Bài viết: 496


Một thời. Ai có nhớ?


« Trả lời #55 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2013, 09:01:28 am »

"Đó là bài thơ " Qua xóm vắng" của tác giả Ngô Thanh Tư với dòng ghi chú: " Kỷ niệm chuyến công tác qua bản Vuông". Tôi đọc đi đọc lại mà nước mắt dâng trào tự trách mình vô cảm,thằng Tư ít nói mà trái tim giàu đến vậy. Tôi không thể sửa một ngôn ngữ nào bởi nghĩ rằng hãy để yên cho trái tim đồng đội rung động, hãy để cho dòng nước mắt tự chảy. Trong bài thơ này có cả trăn trở của tôi, của Thịnh, của anh Duyên và sẽ như bao người lính tình nguyện VN trong hoàn cảnh đó".
Đọc đoạn văn trên của Duccuong, tôi thấy lòng mình xốn xang.Xúc động.
     Xúc động trước một nghĩa cử cao đẹp của người lính tình nguyện Việt Nam.Hình ảnh đôi dép các anh để lại trên mộ em bé đã lay động trái tim bao người.Hẳn khi trở về không nhìn thấy đứa con yêu thương.Nhìn thấy đôi dép đặt ngay ngắn trên mộ. Người mẹ sẽ hiểu điều gì đã xảy ra với con mình và thầm biết ơn nghĩa cử cao đẹp của người lính tình nguyện Việt Nam .
Tôi tâm đắc với đoạn thơ của đồng đội anh:
              "Trên đường công tác anh gặp em
              Bản hoang nhà vắng cảnh điêu tàn
              Mình em bơ vơ nơi xóm nhỏ
              Ổ rơm ai lót đặt em nằm
              Em nhỏ mới lên độ 9 - 10
              Có biết gì đâu lứa tuổi chơi
              Đã mấy ngày nay em sống vậy
              Không gạo không tiền không mẹ cha"
Tôi chợt nhớ đến bài thơ Chạy giặc của cụ Đồ Chiểu:
             Tan chợ vừa nghe tiếng súng tây
             Một bàn cờ thế phút sa tay
             Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
             Mất ổ bầy chim dáo dát bay
Có lẽ trong cảnh chiến tranh loạn li ấy, trẻ em là những sinh linh bé bỏng cần được che chở,nâng niu  nhất.Nhưng súng đã nổ,khói lửa ngút trời, mạnh ai nấy chạy.Cha em đâu? Cha bị bắt đi lính cho Pốt rồi. Mẹ em đâu?  Mẹ đang "lặn lội thân cò nơi quãng vắng" để mưu sinh, không kịp về để đón con.Nên "Mình em bơ vơ nơi xóm vắng" Và cảnh màn trời chiếu đất đã đến với em" Ổ rơm ai lót đặt em nằm ?". Rồi cảnh đói khát "Không gạo! không tiền! không mẹ cha!".Có lẽ phải đặt thêm ba dấu chấm cảm nữa trước ba cái "không" ấy mới thấy hết cái "cảnh"đau thương của em bé và thấu hết cái "tình" rộng mở của anh lính trẻ.
   Cái hay, cái sâu lắng của bài thơ là cách xưng hô.Các anh không gọi là thằng bé, đứa bé, không xưng tôi mà gọi bằng em, xưng anh "Trên đường công tác anh gặp em".Có lẽ trong trái tim của các anh, đứa trẻ như là em út ruột thịt của các anh vậy.Tình yêu thương này có lẽ chỉ có ở người lính tình nguyện Việt Nam.
 Cảm ơn bạn. Cảm ơn bạn đã đem đến cho chúng tôi, những người lính tình nguyện một bài viết xúc động.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Chín, 2013, 09:52:43 am gửi bởi vaphothotu » Logged

Mời các đồng chí xem thông tin chi tiết trên Blog http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/         
 và blog Quê cha đất tổ http://blogtiengviet.net/Phan2
mauphuongtim_258
Thành viên
*
Bài viết: 25


« Trả lời #56 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2013, 10:14:10 am »

Đọc bài " Nổi đau nơi xóm vắng " của bác Đức Cường mà em xúc động quá !
Đúng như China đã nhận xét " Chiến tranh! Bác Cường làm thế là đúng, không có cách khác, nếu mang theo đứa bé rất nguy hiểm cho cả tổ, và sau đó có khả năng nhiều chiến sĩ khác sẽ hy sinh vì lộ thông tin, các Bác đã làm tất cả có thể cho đứa bé rồi." Không còn cách nào khác !

Chuyện của anh Cường thật giống câu chuyện của các chiến sĩ tàu không số. Vì hoàn cảnh éo le của chiến tranh mà chấp nhận tình huống này :
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,690.20.html  ( đoạn gần cuối trang )
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Chín, 2013, 10:24:05 am gửi bởi mauphuongtim_258 » Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #57 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2013, 02:24:22 pm »

SANG CAMPUCHIA CHIẾN ĐẤU
Khoảng Tháng 8 dương lịch năm 1978, chúng tôi được lệnh di chuyển toàn bộ đơn vị sang đất bạn. Trước lúc lên đường, chúng tôi được học 9 điều quy định khi làm nhiệm vụ quốc tế. Địa bàn tác chiến của sư đoàn 320 bàn giao lại cho F331 -QĐ3 ( hình như ở ngoài Bắc mới bổ sung vào quân đoàn? - Vì lúc đó tôi là chiến sĩ nên bạn thông cảm). Chúng tôi hành quân bằng xe cơ giới, đi ngược lại về ngã 3 Đồng Ban, lên Cà Tum, qua đường Trần Lệ Xuân và vượt qua ngầm do lữ 273 CB QĐ3 thi công dài khoảng 1km. Đến khi nhìn thấy cây thốt nốt nhiều mọi người mới bàn tán đã sang K rồi. Đường xe chạy "gập ghềnh biên giới" tốc độ rất chậm chạy qua nhiều ngầm được đan ngang bằng cây ( chống lún) dài vài trăm mét.

Chào bác Đức Cường.

Tôi là lính F10 cùng sang K với đơn vị bác quãng thời gian đó. Hồi ấy đang mùa mưa, đường Trần Lệ Xuân rất tồi tệ. Anh em công binh phải làm cầu cạn xe ô tô mới qua được. Chúng tôi ném thuốc lá cho họ và gấp gáp nhận đồng hương. Dẫu sao ở Tân Biên cách chỉ 1 đoạn đường, vẫn là hậu phương so với nơi đây. Nhìn anh em dính đầy bùn đất, mắt đỏ đọc vì thiếu ngủ nên càng cảm nhận sức nóng ở tuyến trước. (Đường Trần Lệ Xuân xuyên qua rừng già, rất nhiều cây cổ thụ. Thật dễ dàng nhận ra những chùm Phong lan tuyệt đẹp đang khoe sắc, bất chấp chiến tranh...)

Đây là vùng giáp ranh, không biết nơi đổ quân của các bác đã là đất K chưa? Nơi đổ quân của bọn tôi thì chưa (lúc ấy thấy cán bộ bảo vậy). Thực ra điều ấy cũng không quan trọng lắm. Sau đó đánh nhau...hành quân...Chẳng rõ mình xuất ngoại lúc nào nữa. Grin

Là lính tráng, nên hồi ấy chỉ biết F10 ở khu vực này, sau này mới biết có F320 là hàng xóm. Hình như khi ấy bên F320 có trận đánh đẫm máu ở cao điểm 200. Có cả tăng phối thuộc, bác Đức Cường có biết trận ấy không?
Rất mong chờ các bài viết của bác!


« Sửa lần cuối: 09 Tháng Chín, 2013, 04:47:58 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #58 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2013, 02:46:46 pm »

SANG CAMPUCHIA CHIẾN ĐẤU
Khoảng Tháng 8 DL năm 1979, chúng tôi được lệnh di chuyển toàn bộ đơn vị sang đất bạn. Trước lúc lên đường, chúng tôi được học 9 điều quy định khi làm nhiệm vụ quốc tế. Địa bàn tác chiến của sư đoàn 320 bàn giao lại cho F331 -QĐ3 ( hình như ở ngoài Bắc mới bổ sung vào quân đoàn? - Vì lúc đó tôi là chiến sĩ nên bạn thông cảm). Chúng tôi hành quân bằng xe cơ giới, đi ngược lại về ngã 3 Đồng Ban, lên Cà Tum, qua đường Trần Lệ Xuân và vượt qua ngầm do lữ 273 CB QĐ3 thi công dài khoảng 1km. Đến khi nhìn thấy cây thốt nốt nhiều mọi người mới bàn tán đã sang K rồi. Đường xe chạy "gập ghềnh biên giới" tốc độ rất chậm chạy qua nhiều ngầm được đan ngang bằng cây ( chống lún) dài vài trăm mét.

Chào bác Đức Cường.
Đoạn tô đỏ, bác gõ nhầm chút xíu. Grin

Tôi là lính F10 cùng sang K với đơn vị bác quãng thời gian đó. Hồi ấy đang mùa mưa, đường Trần Lệ Xuân rất tồi tệ. Anh em công binh phải làm cầu cạn xe ô tô mới qua được. Chúng tôi ném thuốc lá cho họ và gấp gáp nhận đồng hương. Dẫu sao ở Tân Biên cách chỉ 1 đoạn đường, vẫn là hậu phương so với nơi đây. Nhìn anh em dính đầy bùn đất, mắt đỏ đọc vì thiếu ngủ nên càng cảm nhận sức nóng ở tuyến trước. (Đường Trần Lệ Xuân xuyên qua rừng già, rất nhiều cây cổ thụ. Thật dễ dàng nhận ra những chùm Phong lan tuyệt đẹp đang khoe sắc, bất chấp chiến tranh...)

Đây là vùng giáp ranh, không biết nơi đổ quân của các bác đã là đất K chưa? Nơi đổ quân của bọn tôi thì chưa (lúc ấy thấy cán bộ bảo vậy). Thực ra điều ấy cũng không quan trọng lắm. Sau đó đánh nhau...hành quân...Chẳng rõ mình xuất ngoại lúc nào nữa. Grin

Là lính tráng, nên hồi ấy chỉ biết F10 ở khu vực này, sau này mới biết có F320 là hàng xóm. Hình như khi ấy bên F320 có trận đánh đẫm máu ở cao điểm 200. Có cả tăng phối thuộc, bác Đức Cường có biết trận ấy không?
Rất mong chờ các bài viết của bác!



 Tháng 4/78 E 866/f31 thay cho e 28/f10 chốt sa mát
                              E 922/f31 thay cho f320 chốt lò gò
                              e 977/f31 thay cho E 24?? chốt cầu 15
          Thực hiện kế hoạch A 58 của Quân đoàn   Ngày 12/6/78 e 866/f31 đánh chốt địch tại khu Rừng Xanh , e 66/f10 đánh chốt địch tại cao điểm 62 .Cả 2 trận đánh của 2 e có số hiệu 66 trong ngày 6x2 của tháng 6 đều' thất bát' ( 78) kế hoach của Quân đoàn thay đổi
     cũng trong tháng 6/78   đầu tháng 7/78 f 10 và f 320 sang Mi mốt .Đến tháng 8/78 f 31 sang Mi mốt
     Tháng 8/78 e 64 rút khỏi Phum Sâm.
      tháng7 hoặc tháng 8/78 f 320 để mất cao điểm 200, 201, sang đầu tháng 8 /78 Quân đoàn mở chiến dịch A 78 trong đó sử dụng E 28 /f 10 tăng cường D2/E866 đánh mở rộng vùng sở 3, f 320 đánh lấy lại 200 và 202
    Đó là những gì tôi biết về giai đoạn đó
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Chín, 2013, 02:52:23 pm gửi bởi tai_lienson » Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #59 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2013, 07:08:33 pm »


Cám ơn bác tai_lienson, bác đúng là sử gia qđ3 trên VMH. Grin

Ngày trước tôi có đứa bạn bên F320, lính 76 Hà nội. Có lần nó nói, ấn tượng nhất trong đời lính là trận Cao điểm 200. Lính ta hy sinh nhiều, tăng bị bắn cháy. Vì không còn liên lạc, nên tôi không biết chắc chắn trận đó sảy ra vào thời điểm nào.

Tháng 8-1978 (ngày thì tôi không nhớ, nhưng tháng thì đúng đấy ạ) E24 chúng tôi bàn giao chốt Cao điểm 62 cho đơn vị nào đó thuộc F31 (Chúng tôi thường tếu với nhau là giao lại chốt cho Sư cuối tháng). E24 tiếp tục đi đánh mở rộng hành lang đường 7. Là hóng vậy. Chứ cỡ lính tép riu bọn tôi biết quái gì, bẩu đi đánh đâu thì đi thôi. Grin
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM