Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 02:22:57 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 11  (Đọc 126086 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #30 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 12:43:04 am »


Cùng với cải tạo nông nghiệp và công, thương nghiệp, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh việc cải tạo thủ công nghiệp và những người buôn bán nhỏ. Đến cuối năm 1960, 81% thợ thủ công đã vào các hình thức hợp tác xã. Toàn miền Bắc có tới 2.760 hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp (không tính các hợp tác xã đánh cá, làm muối, khai thác gỗ), thu hút 87.969 thợ thủ công vào con đường làm ăn tập thể.

Cũng thời gian này, 60% số người buôn bán nhỏ được cải tạo tham gia vào các tổ mua bán hoặc hợp tác xã mua bán. Đến giữa năm 1961, 180.000 tiểu thương (chiếm 80%) được tổ chức lại, trong đó có trên 60.000 người chuyển hẳn qua sản xuất, 3.000 người được chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực mậu dịch quốc doanh.

Đi đôi với cải tạo các ngành kinh tế, Đảng, Nhà nước rất chú trọng đến việc phát triển các ngành kinh tế đó.  Để phát triển nông nghiệp, ngoài việc động viên các ngành, các cấp phát huy vai trò trách nhiệm và khả năng của mình, Nhà nước đã tăng cường đầu tư vốn gần gấp đôi so với kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế ba năm trước đó (bình quân mức đầu tư mỗi năm của Nhà nước cho nông nghiệp trong kế hoạch ba năm 1958-1960 là 57,5 triệu đồng/năm, trong khi đó mức đầu tư bình quân mỗi năm trong kế hoạch khôi phục phát triển kinh tế năm 1955-1957 chỉ có 29,3 triệu đồng).

Với sự đầu tư thích đáng của Nhà nước và nỗ lực cao của giai cấp nông dân cộng với sự tác động tích cực của quan hệ sản xuất mới, nông nghiệp miền Bắc sau ba năm thực hiện kế hoạch từ năm 1957 đến năm 1960 đã có tổng sản lượng nông nghiệp tăng bình quân mỗi năm 5,6%. Năm 1959 sản lượng lương thực miền Bắc đạt 5.193.000 tấn thóc, so với năm 1939 tăng gấp hơn hai lần. Năm 1960, mặc dù mất mùa do thiên tai, sản lượng lương thực tuy không bằng năm 1959 nhưng vẫn tăng 30 vạn tấn so với năm 1957. 

Đối với công nghiệp, đầu tư của Nhà nước tăng gấp ba lần so với kế hoạch ba năm trước đó (đầu tư Nhà nước cho công nghiệp trong kế hoạch năm 1955-1957 là 172,2 triệu đồng thì đến kế hoạch năm 1958-1960 tăng lên 544,5 triệu đồng).  Phương châm của Đảng và Nhà nước ta về phát triển công nghiệp trong kế hoạch năm 1958-1960 là: ra sức phát triển công nghiệp sản xuất các tư liệu sản xuất, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. 

Thực hiện phương châm này, Nhà nước tập trung vào xây dựng một số cơ sở công nghiệp lớn. Trong ba năm 1958-1960, ta đã xây dựng và mở rộng 130 công trình công nghiệp trên hạn ngạch, trong đó có một số cơ sở công nghiệp nặng như Khu gang thép Thái Nguyên, Nhà máy cơ khí Hà Nội, Nhà máy điện Uống Bí, Vinh, Thanh Hoá. . .  Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, Nhà máy phân lân Văn Điển. . .

Kết thúc kế hoạch ba năm cải tạo, phát triển kinh tế (1958-1960), giá trị sản lượng công nghiệp của miền Bắc đã chiếm 41% tổng giá trị kinh tế quốc dân tăng 10% so với năm 1957). Công nghiệp quốc doanh chiếm 90,8% sản lượng công nghiệp...

Đồng thời với khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, phát triển văn hoá, để miền Bắc trở thành hậu phương lớn, làm “cái gốc’, “cái nền” cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, vấn đề xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng được chú trọng và là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Đảng và nhân dân ta.

Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9-1954 xác định: Tăng cường Quân đội nhân dân là một nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng, Chính phủ và toàn thể nhân dân ta.  Cần phải xây dựng Quân đội nhân dân thành một quân đội cách mạng, chính quy, tương đối hiện đại.  Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống ‘thực dân Pháp, Tổng Quân uỷ đã tập trung chỉ đạo các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ tập kết chuyển quân, khẩn trương chấn chỉnh một bước tổ chức và cải tiến trang bị, chuẩn bị bước vào xây dựng chính quy, hiện đại.

Các đại đoàn bộ binh 303, 308, 312, 316, 325, 320 ra đời từ trong kháng chiến chống Pháp nay được thống nhất tên gọi là sư đoàn bộ binh.

Các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết, bộ đội tình nguyện tại Lào, Campuchia và một số đơn vị chủ lực của khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện trên miền Bắc được biên chế thành 8 sư đoàn và 5 trung đoàn bộ binh. Trong đó, bộ đội Liên khu V tập kết được xây dựng thành 2 sư đoàn (305, 324) và 1 trung đoàn (120). Bộ đội Nam Bộ tập kết được xây dựng thành 2 sư đoàn (330, 338). Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào và Campuchia được xây dựng thành 1 sư đoàn (335) và 1 trung đoàn (640).
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #31 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 12:44:48 am »

Một số trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực và địa phương thuộc Liên khu Việt Bắc và Liên khu III được tập trung xây dựng thành 3 sư đoàn (350, 328, 332). Hai trung đoàn 148 và 246 chủ lực Liên khu Việt Bắc chuyển thành trung đoàn bộ binh độc lập trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh.  Lực lượng pháo binh (2 trung đoàn) thuộc Đại đoàn công pháo 351 (thành lập trong kháng chiến chống Pháp) và một số phân đội pháo binh của các chiến trường được tập trung xây dựng thành 3 sư đoàn (675, 45, 349) trực thuộc Bộ Tư lệnh pháo binh.

Lực lượng công binh thuộc Đại đoàn công pháo 351 (1 trung đoàn) và các tiểu đoàn, đại đội công binh các chiến trường được tập trung xây dựng thành 4 trung đoàn (333, 444, 555, 506) thuộc Cục Công binh.

Lực lượng phòng không thuộc Bộ Tổng tư lệnh và một số phân đội súng máy của các chiến trường được xây dựng thành Sư đoàn 367.

Một số trung đoàn chủ lực và tiểu đoàn bộ đội địa phương thuộc vùng ven biển được tập trung xây dựng thành 5 trung đoàn (269, 271 thuộc Liên khu IV; 244, 713 thuộc Khu Tả  Ngạn, 248 thuộc Khu Đông Bắc) và Tiểu đoàn 500 thuộc Liên khu IV.

Một số tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương các tỉnh có biên giới với nước bạn Lào được chuyển thành bộ đội biên phòng (có 10 tiểu đoàn).

Đến cuối năm 1956, toàn quân căn bản hoàn thành việc chấn chỉnh tổ chức, biên chế và trang bị. Với kết quả này, quân đội ta từ đơn thuần là bộ binh, hoạt động phân tán trên chiến trường ba nước Đông Dương đã được tập trung xây dựng thành một quân đội có các binh chủng, biên chế và trang bị tương đối thống nhất. Đây là cơ sở ban đầu để chúng ta xây dựng quân đội chính quy và tương đối hiện đại theo kế hoạch 5 năm xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng (1955-1959) mà Tổng Quân uỷ đã xác định.

Tháng 3-1957, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn mới là: “Bảo vệ công cuộc củng cố và xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và an ninh của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, chủ yếu là chủ nghĩa đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai” 1.  Để làm tốt nhiệm vụ trên, Trung ương chỉ đạo phải tích cực xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại.

Cũng tại hội nghị này, Trung ương Đảng đã phê chuẩn kế hoạch 5 năm xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng (1955-1959) mà Tổng Quân uỷ đã chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị từ năm 1955. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập quân đội ta được xây dựng theo một kế hoạch dài hạn và tương đối toàn diện. Nội dung cơ bản của kế hoạch bao gồm các vấn đề:

1. Tổ chức biên chế.

2. Cải tiến vũ khí, trang bị.

3. Đẩy mạnh huấn luyện chính quy trên cả bốn mặt quân sự, chính trị, văn hoá, thể lực.

4. Huấn luyện cán bộ là khâu trung tâm của công tác huấn luyện bộ đội.

5. Thực hiện các điều lệnh chung của quân đội.

6. Kiện toàn cơ quan tham mưu các cấp, nhất là Bộ Tổng tham mưu.

7. Xây dựng và nâng cao cơ sở vật chất trong quân đội lên chính quy và tương đối hiện đại.

8. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị.


_____________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 18, tr. 194- 195.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Sáu, 2009, 05:11:21 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #32 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 12:46:51 am »

Nhằm quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, tháng 5-1957, một đợt sinh hoạt chính trị trong quân đội được tổ chức với lớp đầu tiên cho cán bộ cao cấp toàn quân và cán bộ trung cấp thuộc các cơ quan Bộ Quốc phòng. Lớp học vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện. Người kêu gọi cán bộ trong lớp học: “... Phải đề cao trách nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng quân đội trước mắt là hoàn thành tốt chỉnh huấn cán bộ sơ cấp và chiến sĩ” 1 .

Sau lớp học đầu tiên hai tháng, các lớp học dành cho cán bộ trung, sơ cấp và chiến sĩ trong toàn quân được tiến hành.  Theo báo cáo của Tổng cục Chính trị tại Hội nghị Tổng Quân uỷ (mở rộng) tháng 3-1959: “Qua học tập, cán bộ, chiến sĩ được giác ngộ bước đầu về chủ nghĩa xã hội. . . Một số cán bộ mắc sai lầm đã tỉnh ngộ. Những kẻ cơ hội hoặc mang tư tưởng đối địch với Đảng đã dần tự lột mặt nạ” 2

Đúng một năm sau Hội nghị Trung ương lần thứ 12, Tổng Quân uỷ quyết định điều chỉnh kế hoạch 5 năm xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng với nội dung chủ yếu:

1. Giảm tổng quân số, cải tiến trang bị, vũ khí, xây dựng các đơn vị binh chủng chính quy, tương đối hiện đại.

2. Xúc tiến việc đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống nhà trường quân đội.

3. Đẩy mạnh công tác huấn luyện và nghiên cứu khoa học quân sự, tận dụng khả năng của quân đội trong việc xây dựng kinh tế.

Về thời gian thực hiện kế hoạch, Tổng Quân uỷ quyết định kéo dài thêm 1 năm (đến năm 1960) cho phù hợp với kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, văn hoá của Nhà nước. 

Ngay trong tháng 3- 1958, sau khi Tổng Quân uỷ điều chỉnh kế hoạch, Bộ Quốc phòng ra quyết định thống nhất tổ chức, biên chế, trang bị các đơn vị trong lục quân (kể cả đơn vị địa phương) và những đơn vị đầu tiên của không quân, hải quân.

Theo đó, lục quân, ngoài bộ binh là binh chủng chủ yếu được tổ chức thành 7 sư đoàn (308, 312, 320, 304, 324, 325, 330), 6 lữ đoàn (216, 350, 305, 338, 335, 341) và 12 trung đoàn độc lập (19, 42, 46, 50, 53, 120, 148, 238, 244, 246, 248, 271), còn có các đơn vị binh chủng như phòng không, pháo binh, công binh, thông tin, thiết giáp, vận tải, phòng hoá... 

Mỗi sơ đoàn bộ binh được biên chế 8.689 người gồm 3 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh và các đơn vị bảo đảm với trang bị gồm 6.645 súng bộ binh, 200 khẩu pháo mặt đất và súng cối, 42 khẩu pháo và súng máy cao xạ, 281 ôtô vận tải và kéo pháo, 37 máy vô tuyến điện và nhiều khí tài khác. 

Lữ đoàn bộ binh được biên chế 3.500 người gồm 4 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ và các phân đội thông tin, công binh, trinh sát, vận tải, phòng hoá, quân y.

Không quân biên chế 2.000 người, tổ chức thành 1 trung đoàn không quân vận tải 919 và 1 trung đoàn không quân chiến đấu, sẵn sàng đón cán bộ, chiến sĩ đang học tập, huấn luyện ở nước ngoài về.

Hải quân có 1.300 người, biên chế trong 2 đoàn tàu tuần tiễu ven biển 130, 135 với 4 tàu trọng tải 50 tấn và 24 tàu trọng tải 79 tấn.

Tháng 1-1959, Cục Không quân và Cục Hải quân trực thuộc Bộ Tổng tham mưu chính thức được thành lập.  Với sự điều chỉnh về biên chế các đơn vị lục quân và các quân, binh chủng, năm 1960, quân đội ta đã có tỷ lệ bộ binh và các binh chủng kỹ thuật khá cân đối (51% bộ binh, 49% binh chủng kỹ thuật) .

Cùng với điều chỉnh biên chế tổ chức quân, binh chủng, các quân khu trên miền Bắc cũng được tổ chức lại cho phù hợp với thế bố trí chiến lược chung và yêu cầu chỉ đạo xây dựng quân đội trong tình hình mới.


_______________________________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.392.
2. Báo cáo của Tổng cục Chính trị tại Hội nghị Tổng Quân uỷ tháng 3- 1959, lưu trữ Bộ Quốc phòng, hồ sơ 235/QUTW.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #33 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 12:48:12 am »


Theo sắc lệnh số 017/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 3-6-1957, miền Bắc được chia thành 6 quân khu là Quân khu Việt Bắc, Quân khu Đông Bắc, Quân khu Tây bắc, Quân khu Hữu Ngạn, Quân khu Tả Ngạn và Quân khu 4. Các quân khu có nhiệm vụ chỉ đạo mọi công việc chuẩn bị tác chiến, huấn luyện bộ đội, duy trì trật tự an minh ở địa phương thời bình, chỉ đạo chỉ huy các lực lượng vũ trang quân khu tác chiến thời chiến. Dưới quân khu, các cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, huyện, xã được thống nhất tên gọi là tỉnh đội, huyện đội, xã đội.

Các tổng cục và cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng được chấn chỉnh một bước cho phù hợp với yêu cầu chỉ đạo và tăng cường hiệu lực chỉ huy. Tổng cục Cán bộ được tổ chức lại thành Cục Cán bộ thuộc Tổng cục Chính tn. Tổng cục Quân huấn được tổ chức thành Cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng tham mưu. Cục Quân giới sáp nhập với Cục Quân khí lấy tên là Cục Quân giới thuộc Tổng cục Hậu cần . . . 

Trên cơ sở kiện toàn biên chế tổ chức và thống nhất trang thiết bị trong toàn quân, công tác huấn luyện cũng từng bước đi vào nề nếp. Từ giữa năm 1957, việc huấn luyện tác chiến hiệp đồng binh chủng cấp trung, sơ đoàn đã được tiến hành ở một số đơn vị. Nhiều cuộc diễn tập cấp sư đoàn được Bộ Tổng tham mưu tổ chức đạt kết quả tốt. Nhờ vậy, sức chiến đấu của quân đội được nâng cao.

Vào thời điểm này ở miền Nam, hoạt động quân sự hỗ trợ cho đấu tranh chính trị được tăng cường. Tháng 2-1959, Tổng Quân uỷ triệu tập hội nghị mở rộng bàn việc thực hiện nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam. Tổng Quân uỷ quyết định đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng quân đội cách mạng chính quy, hiện đại mà Hội nghị Trung ương lần thứ 12 đã đề ra, chuẩn bị sẵn sàng đưa một bộ phận lực lượng quân chính quy miền Bắc vào miền Nam chiến đấu. 

Tháng 5-1959, Tổng Quân uỷ quyết định thành lập cơ quan nghiên cứu việc mở đường vận tải trên bộ để đưa lực lượng, vũ khí chi viện cho miền Nam. Cơ quan mang tên Phòng nghiên cứu công tác chi viện miền Nam. 

Ngày 19-5-1959, Đoàn vận tải quân sự 559 chính thức được thành lập. 440 cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 305, quê ở miền Nam tập kết ra Bắc được tuyển chọn để lập ra Tiểu đoàn 301 vận tải đường bộ - lực lượng nòng cốt đầu tiên của Đoàn 559, làm nhiệm vụ khai phá, mở đường chiến lược xuyên Trường Sơn vào Nam.

Tháng 8-1959, sau bao khó khăn, vất vả, Tiểu đoàn 301 đã đưa được 500 kg hàng đầu tiên vào đến Pa Lin (tây Thừa Thiên) giao cho Khu V. Đến cuối năm 1959, bằng sức người gùi thồ bộ, Tiểu đoàn 301 đưa đến trạm Pa Lin 1.667 súng bộ binh, 188 kg thuốc nổ, 788 dao găm và nhiều đồ dùng quân sự khác. Cũng theo con đường xuyên Trường Sơn mới mở, 500 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên cơ yếu, thợ sửa chữa vũ khí hành quân bộ vào tăng cường cho miền Nam. 

Song song với vận tải đường bộ, để tăng cường việc đưa vũ khí vào miền Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chiến trường, tháng 7-1959, Tổng Quân uỷ quyết định tổ chức tuyến vận tải trên biển mang tên Đoàn 759. Lực lượng đầu tiên của đoàn là Tiểu đoàn 603. Để giữ bí mật, tiểu đoàn hoạt động dưới danh nghĩa là Tập đoàn đánh cá sông Gianh. 

Đêm 30 tết Canh Tý (đầu năm 1960 dương lịch), Tiểu đoàn 603 vận tải biển chở 10 tấn vũ khí rời bến sông Gianh tiếp tế cho miền Nam. Chuyến đi không thành công vì gặp bão lớn. Tổng Quân uỷ quyết định tạm dừng việc tiếp tế chi viện cho miền Nam theo đường biển để tiếp tục nghiên cứu thêm và đề nghị Bộ Chính trị điện cho các tỉnh miền Nam đưa thuyền ra Bắc nhận vũ khí để vừa rút kinh nghiệm, vừa thăm dò đường, bến bãi để tiếp tục tổ chức tuyến vận tải biển.

Nhìn lại chặng đường sáu năm (1954-1960) xây dựng và củng cố miền Bắc, có thể thấy, thành tựu mà nhân dân miền Bắc đạt được rất đáng tự hào. Miền Bắc không những đã khôi phục, cải tạo và phát triển một cách có hiệu quả kinh tế, văn hoá qua hai lần thực hiện kế hoạch ba năm (1955-1957 và 1958-1960) mà còn củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân từng bước chính quy, hiện đại.

Trong những thành tựu đó, đáng chú ý là chúng ta đã hoàn thành công cuộc cải cách ruộng đất, xác lập được quan hệ sản xuất mới trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và công cụ đắc lực để bảo vệ chính quyền ấy là Quân đội nhân dân vững mạnh. Đây là những cơ sở vững chắc để miền Bắc trở thành “cái gốc”, “cái nền” cho cuộn đấu tranh giải phóng miền Nam.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #34 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 01:13:12 am »


IV- MIỀN NAM ĐỒNG KHỞI

Đầu năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước tình thế cực kỳ nghiêm trọng do Mỹ - Diệm phát xít hoá đến cao độ. Cán bộ, đảng viên, quần chúng bức xúc, khát khao chờ đợi Đảng chỉ ra con đường và phương pháp cách mạng cho phép nhân dân miền Nam đứng lên đánh đổ quân thù. 

Đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và đòi hỏi của lịch sử, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng). Hội nghị đã kiểm điểm tình hình trong nước từ khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đề ra nhiệm vụ, đường lối cách mạng chung của cả nước và đường lối cách mạng miền Nam. 

Hội nghị phân tích đặc điểm của cách mạng Việt Nam từ sau năm 1954, do sự can thiệp xâm lược của đế quốc Mỹ, nhân dân miền Nam ngày càng bị đẩy đến bước đường cùng, mất hết quyền tự do, đời sống cơ cực, nên đế quốc Mỹ và tập đoàn bán nước Ngô Đình Diệm không chỉ là kẻ thù của nhân dân miền Nam mà là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam.  Điều đó làm nổi bật hai mâu thuẫn cơ bản của cách mạng Việt Nam:

Một là, mâu thuẫn giữa một bên là đế quốc Mỹ xâm lược và giai cấp địa chủ, phong kiến, tư sản mại bản quan liêu thống trị miền Nam với một bên là dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước Việt Nam bao gồm nhân dân miền Bắc và nhân dân miền Nam.

Hai là, mâu thuẫn giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc.  Hai mâu thuẫn này tuy tinh chất khác nhau, nhưng quan hệ biện chứng, thể hiện sự đối kháng gay gắt giữa dân tộc Việt Nam mong muốn hoà bình, thống nhất với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam hiếu chiến. 

Trên cơ sở phân tích một cách khách quan, khoa học đặc điểm, tính chất và các mâu thuẫn cơ bản của cách mạng Việt Nam, hội nghị khẳng định: “Hiện nay, cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo bao gồm hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau, nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau, nhằm phương hướng chung là giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội” 1.
 
Hội nghị đề ra nhiệm vụ chung của cả nước là: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh để giữ vững hoà bình; thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước; ra sức củng cố miền Bắc và đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới” 2

Về đường lối cách mạng miền Nam, hội nghị chỉ rõ, miền Nam đã trở thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ. Chính quyền Ngô Đình Diệm là chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, của bọn phong kiến và tư sản mại bản thân Mỹ phản động nhất ở miền Nam. Mâu thuẫn chủ yếu ở miền Nam là mâu thuẫn giữa nhân dân ta ở miền Nam và đế quốc Mỹ, mâu thuẫn giữa nhân dân miền Nam, trước hết là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến mà tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm là kẻ cầm đầu.

Hội nghị chỉ ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” 3. Trước mắt, phải “đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh phong đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới” 4


____________________________
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t, 20, tr.62, 63.
3. 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 20, tr. 63, 81.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #35 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 01:15:23 am »


Về phương hướng phát triển của cách mạng ở miền Nam, hội nghị khẳng định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng à chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân” 1 .

Hội nghị cũng lưu ý: “Cách mạng ở miền Nam vẫn có khả năng hoà bình phát triển, tức là khả năng dần dần cải biến tình thế, dần dần thay đổi cục diện chính trị ở miền Nam có lợi cho cách mạng. Khả năng đó hiện nay rất ít, song Đảng ta không gạt bỏ khả năng đó, mà cần ra sức tranh thủ khả năng đó” 2. Nhưng, “vì Mỹ - Diệm quyết tâm bám lấy miền Nam, chúng không thể tự nguyện từ bỏ chính quyền, từ bỏ hành động bạo lực nhằm tiêu diệt cách mạng ở miền Nam và xâm lược miền Bắc, cho nên Đảng ta vẫn phải tích cực chuẩn bị về mọi mặt theo phương hướng căn bản là khởi nghĩa đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm” 3.

Để đạt được mục tiêu của cách mạng miền Nam, hội nghị cho rằng cần phải có một quá trình đấu tranh lâu dài, gay go, gian khổ và phức tạp. Trong quá trình đó, ‘hình thức đấu tranh chính trị là chủ yếu. Song do quân thù quyết dìm cách mạng trong máu lửa, do nhu cầu của phong trào cách mạng ở miền Nam, cho nên trong một chừng mực nhất định và ở những địa bàn nhất định, đã xuất hiện những lực lượng vũ trang tự vệ và vũ trang tuyên truyền để trợ lực cho đấu tranh chính trị. Đó là điều cần thiết” 4

Xác định Mỹ là tên đế quốc hiếu chiến nhất, Trung ương dự kiến: “Trong những diều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới: đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta” 5 .

Về sách lược đấu tranh, trong tình hình phức tạp của cách mạng ở miền Nam, hội nghị chủ trương: “Phải biết triệt để lợi dụng mâu thuẫn nội bộ của chế độ Mỹ - Diệm, luôn luôn chủ động và tranh thủ thêm bạn, bớt thù, làm cho hàng ngũ cách mạng ngày càng lớn mạnh, thế lực của địch ngày càng suy yếu và bị động” 6.

Để làm được việc đó, trong công : tác phải làm cho tổ chức đảng không ngừng ăn sâu trong quần chúng, phải nắm vững các phương châm khéo công tác, khéo che giấu lực lượng, khéo kết hợp các hình thức đấu tranh . . . tích cực xây dựng cơ sở, tích trữ lực lượng. . .

Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cách mạng miền Nam. Nghị quyết đã đề ra một cách toàn diện đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam. Nó đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của cách mạng miền Nam và nguyện vọng của quần chúng nhân dân lúc bấy giờ. Nhờ vậy, nó đã tạo bước tiến nhảy vọt cho phong trào cách mạng ở miền Nam.

Mặc dù vậy, do tình hình lịch sử trong và ngoài nước lúc đó Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 phải nhấn mạnh đấu tranh chính trị là chính, chưa đặt nặng vị trí, vai trò của đấu tranh vũ trang, khiến cho cấp uỷ ở một số địa phương nhận thức chưa thật đầy đủ tinh thần cơ bản của nghị quyết và ý định của Trung ương, dẫn đến vận dụng một cách máy móc  hoặc lúng túng trong chỉ đạo thực hiện, làm hạn chế đến kết quả hoạt động đấu tranh, thậm chí có nơi bị tổn thất. 

Hội nghị Trung ương lần thứ 15 họp đợt 1 tháng 1-1959, đến tháng 5-1959 họp đợt 2, văn bản chính thức của nghị quyết mới được thông qua. Trong khỉ đó, tại chiến trường miền Nam, do tình hình quá bức xúc, các cấp uỷ đảng ở địa phương và đảng viên, cán bộ nằm vùng, nắm bắt được chiều hướng phát triển của tình hình cách mạng đã mạnh dạn phát động quần chúng ở một số nơi có đủ điều kiện nổi dậy đập tan bộ máy chính quyền cơ sở của địch, giành quyền làm chủ, tạo đà cho Nghị quyết 15 vào đến miền Nam nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tiêu biểu cho Công cuộc nổi dậy đầu tiên ở Khu V là Vĩnh Thạnh (Bình Định) và Bác Ái (Ninh Thuận). 

Vĩnh Thạnh - một huyện miền núi phía tây tỉnh Bình Định, có diện tích khoảng 140 km2, dân số gần 5.500 người, phần đông là dân tộc Bana. Từ rất sớm, đồng bào Bana ở đây đã hun đúc nên truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm.


_______________________________
1, 2, 3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.20, tr.82, 83, 84, 85. 
5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 20, tr.85, 86.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #36 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 01:16:18 am »

Tháng 5-1955, Mỹ - nguỵ thế chân Pháp vào tiếp quản Vĩnh Thạnh nhưng đến năm 1957, chúng vẫn không thiết lập được chính quyền tay sai ở các làng bản thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Trước tình hình đó, địch chủ trương gom dân về gần quận lỵ để dễ bề kiểm soát và thanh lọc “cán bộ nằm vùng”, cắt đứt mối liên hệ giữa dân với Đảng.

Kế hoạch của địch là gom sáu xã ở rìa rừng trước. Tà Lốc, Tà Léc là hai làng địch chọn gom thí điểm. Địch bắt các già làng về quận ép phải đưa dân xuống vùng xuôi. Già làng tìm kế hoãn binh nhận đưa dân xuống quận nhưng phải đến Tết âm lịch và yêu cầu phải để cho dân phát rẫy làm nương, xuống xuôi mua bán bình thường. Địch chấp thuận yêu sách của các già làng. Tranh thủ thời gian này, đồng bào chuẩn bị vật chất, dụng cụ lao động, sẵn sàng dời làng. Đồng bào làng Tà Lốc, Tà Lốc luôn nuôi ý nghĩ phải vào rừng dù khổ cực cũng cam chịu, chứ không xuống xuôi. Ý chí kiên quyết của đồng bào làng Tà Lốc, Tà Lốc là ngòi nổ của cuộc nổi dậy ở Vĩnh Thạnh. 

Ngày 6-2- 1959 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Mậu Tuất - 1958), chỉ còn bốn ngày nữa là đến hẹn xuống quận, đồng bào ở ba làng Hà Ri, Tà Lốc, Tà Lốc nhất loạt nổi dậy, bỏ làng cũ vào rừng sâu (Đắc ló) lập làng mới, sống bất hợp tác với địch. Ngay sau đó, tám làng khác là hai làng Tà Diệt, hai làng Kon Rơn và các đàng Kon Ria, Kon Rít, Kon Đơn, Bờ Nậm thuộc hai xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp cũng nổi dậy dời làng vào rừng sâu.

Sau khi dời làng vào rừng sâu, nhân dân đã chủ động tổ chức cắm chông, thò, gài cạm bẫy ở tất cả các con đường vào làng cũ và làng mới. Mỗi làng còn tổ chức một tiểu đội tự vệ tuần tra canh gác ngày đêm sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 17-2-1959, một đại đội bảo an do tên Đinh On, người làng Hà Ri phản bội dẫn đường kéo lên khủng bố làng mình. Du kích làng phát hiện, dùng ná diệt tên trung uý chỉ huy và ba tên lính. Số còn lại hoảng sợ tháo chạy. Du kích diệt một số nữa. Cuối cùng địch phải rút.  Sau đó, địch còn nhiều lần tổ chức càn quét vào Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp nhưng đều thất bại.

Không giành được thắng lợi bằng tiến công quân sự, địch quay sang dùng biện pháp vừa đe doạ vừa chiêu dụ. Để bớt căng thẳng và tranh thủ thời gian chuẩn bị thêm lực lượng và vật chất, Huyện ủy Vĩnh Thạnh chủ trương đưa Vĩnh Hảo ra công khai ở thế hợp pháp. Nhưng địch lại lật lọng.  Tháng 4- 1959, nhân dân Vĩnh Hảo một lần nữa nổi dậy dời làng sống bất hợp pháp để chống giặc.

Cuộc nổi dậy của nhân dân Vĩnh Hảo lần này lôi cuốn các xã vùng cao huyện Vĩnh Thạnh cùng nổi dậy. Toàn huyện, gần 60 làng lớn nhỏ với 5.000 dân chuyển lên thế làm chủ đấu tranh công khai với địch. Chỉ còn bốn làng thuộc xã Vĩnh Bình do địa hình trống trải, lại làm lúa nước nên phải duy trì thế hợp pháp. 

Cuộc nổi dậy ở Vĩnh Thạnh là cuộc nổi dậy đầu tiên ở miền núi Khu V, nổ ra trước khi có Nghị quyết Trung ương 15. Điều này chứng tỏ trước sự bức bách, o ép của địch, không chịu nổi, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã dũng cảm kiên quyết dời làng sống bất hợp tác với địch.

Thắng lợi của cuộc nổi dậy ở Vĩnh Thạnh đã cổ vũ các vùng lân cận thuộc huyện An Lão, Bình Khê, Hoài Ân vũ trang tự vệ chống địch.  Chỉ một ngày sau cuộc nổi dậy ở Vĩnh Thạnh, đêm 7-2-1959 (tức đêm 30 Tết Kỷ Hợi), nhân cơ hội bọn địch bỏ về nhà ăn tết, cán bộ, đảng viên nằm vùng trong khu tập trung Brâu, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã vận đống nhân dân nổi dậy phá khu tập trung, bung về buôn làng cũ làm ăn, xây dựng căn cứ.

Học tập kinh nghiệm của Brâu, tháng 4- 1959, đồng bào ở khu tập trung Tầm Ngân cũng nổi dậy phá khu tập trung, chạy lên núi lập làng mới. 5.000 dân thuộc huyện Bác Ái thoát khỏi ách kìm kẹp của Mỹ - Diệm.

Để bảo vệ thành quả của cuộc nổi dậy, Huyện uỷ Bác Ái đã tổ chức đơn vị vũ trang đầu tiên của huyện và các tổ đội bảo vệ buôn làng, xây dựng làng chiến đấu, tăng cường sản xuất, ổn định đời sống. Nhờ vậy, địch nhiều lần càn quét, đánh phá căn cứ Bác Ái đều không thành. 

Vĩnh Thạnh, Bác Ái hai cuộc nổi dậy ở hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều ở vào một tình thế hết sức bức xúc không thể đấu tranh chính trị đơn thuần đối với chế độ độc tài phát xít, cai trị nhân dân bằng lưỡi lê và súng đạn. Phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của Mỹ - Diệm, mới tự giải phóng được khỏi xiềng xích nô lệ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #37 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 01:17:35 am »


Giữa năm 1959, nghị quyết Trung ương 15 được phổ biến tới các tỉnh Khu V, tiếp sau là các tỉnh Nam Bộ. Nghị quyết 15 đến các tỉnh miền Nam không cùng một thời gian, nhưng đến đâu nó cũng mang đến một luồng sinh khí mới, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận với lòng khát khao mong đợi từ lâu. Khát vọng của nhân dân được giải quyết.  Mọi người vui sướng, săn sàng vào trận. Nghị quyết Trung ương 15 đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng vốn đã âm ỉ lâu ngày thành những đám cháy lan toả khắp đồng bằng, rừng núi và đô thị.

Do tương quan lực lượng giữa ta và địch ở từng vùng khác nhau nên nổi dậy ở các vùng không đều nhau. ở những nơi liền kề với các căn cứ kháng chiến cũ, ta có điều kiện xây dựng, tổ chức lực lượng vũ trang tương đối khá.  Đây cũng là nơi địch có nhiều sơ hở. Điển hình như miền tây các tỉnh Khu V và Tây Nguyên, vùng giáp căn cứ U Minh, Đồng Tháp Mười (Nam Bộ). Tại đây, từ mùa Thu năm 1959, nhiều cuộc nổi dậy chống chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, trong đó nổi bật là khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi.

Trà Bồng là một trong bốn huyện miền núi (Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tư) phía tây Quảng Ngãi. Dân Trà Bồng chủ yếu thuộc bơn dân tộc Kinh, Cor, Cà Dong, Hơ rê, nơi có truyền thống đấu tranh chống đế quốc, thực dân từ rất sớm.

Tháng 10-1954, Mỹ - nguy tiếp quản Trà Bồng và các huyện miền tây, nhưng phải đến cuối năm 1955, địch mới xây dựng được bộ máy cai trị cấp quận. Từ giữa năm 1956, địch củng cố được bộ máy cai trị ở các huyện đồng bằng, bắt đầu đàn áp dã in an các cơ sở cách mạng qua các chiến dịch tố cộng, diệt cộng. Cán bộ, đảng viên tổn thất, hy sinh nhiều, số còn lại phải dạt lên rừng.

Nhận thấy những điều kiện thuận lợi của miền núi, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã chủ trương xây dựng các huyện miền tây thành căn cứ cách mạng của tỉnh.  Tháng 2- 1958, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi họp quán triệt Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6-1956 và thảo luận Đường lối cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn.

Tháng 5- 1958, Tỉnh uỷ họp nghe phổ biến ý kiến chỉ đạo của khu uỷ và ra nghị quyết xây dựng căn cứ miền tây và đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ở miền núi. 

Tháng 6-1958, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi triệu tập Hội nghị miền tây mở rộng tại làng Búp xã Trà Phong (Trà Bồng) để triển khai việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về xây dựng căn cứ, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, chính trị, chuẩn bị khởi nghĩa.

Nhằm tập hợp lực lượng toàn dân đoàn kết, thống nhất hành động, chuẩn bị tiến tới vũ trang khởi nghĩa, ngày 7-7-1958, Tỉnh uỷ Quãng Ngãi tổ chức Đại hội nhân dân các dân tộc Trà Bồng tại Gò Rô thuộc xã Trà Phong. Đây là Hội nghị Diên Hồng thời chống Mỹ của nhân dân Quảng Ngãi. Tham dự đại hội có 200 đại biểu thuộc các dân tộc Kinh, Cor, Cà Dong Hơ rê của bốn huyện miền tây Quảng Ngãi.

Các đại biểu dự hội nghị đều nói lên ý chí, quyết tâm chững Mỹ - Diệm của dân tộc mình: “Đoàn kết xung quanh Đảng, Bác Hồ, dốc lòng hợp sức để đánh đổ Mỹ - Diệm. Mọi người, không phân biệt dân tộc, già, trẻ, gái, trai phải tham gia lực lượng vũ trang, luyện tập quân sự, làm vũ khí. . . sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền” 1.

Sau đại hội, nhân dân các dân tộc miền tây Quảng Ngãi khẩn trương củng cố căn cứ, xây dựng phát triển lực lượng, tích trữ lương thực, thực phẩm, tìm kiếm vù khí... sẵn sàng nổi dậy. Ngày 3-3-1959, đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh được tổ chức mang phiên hiệu 339. Đơn vị có 33 cán bộ, chiến sĩ (có 27 thanh niên dân tộc Cor).

Tháng 6-1959, Nghị quyết Trung ương 15 được phổ biến đến Quảng Ngãi. Nghị quyết đã mang lại niềm vui vô bờ bến cho các đồng khí lãnh đạo của tỉnh. Nó giúp Tỉnh uỷ nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của cách mạng miền Nam, chỉ ra phương châm, phương pháp đúng đắn, xoá đi băn khoăn, lo ngại, củng cố niềm tin vững chắc vào con đường mà tỉnh đã lựa chọn.


_____________________________
1. Báo cáo về Đại hội Gò Rô ngày 7-7-1958, tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ngãi.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #38 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 01:31:22 am »


Vào thời gian này, Mỹ - Diệm đang ráo riết chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội bù nhìn. Chúng đưa quân đi càn quét khắp nơi, nhằm hỗ trợ cho các chiến dịch tuyên truyền, dụ dỗ, mua chuộc nhân dân. Ở miền tây Quảng Ngãi, chúng đưa Sư đoàn 22 nguỵ đánh phá ác liệt hòng khuất phục, bắt nhân dân phải đi bỏ phiếu.

Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi chủ trương: chuẩn bị sẵn sàng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, tìm mọi cách làm thất bại cuộc bầu cử của địch, kiên quyết bảo vệ căn cứ cách mạng, sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền ở vùng cao.

Thực hiện chủ trương này, ngày 19-8- 1959, tỉnh thành lập đơn vị vũ trang thứ hai mang phiên hiệu 89. Đơn vị gồm 36 cán bộ, chiến sĩ, phần đông là người dân tộc Rè và Cà Dong. 

Giữa lúc nhân dân Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi khẩn trương chuẩn bị, thì ngày 23-8-1959, địch điều quân lên Trà Bồng, bủa vây các xã, dùng sức mạnh quân sự buộc dân phải đi học tập, bầu cử. Ở một vài nơi trong huyện đã diễn ra đụng độ giữa ta và địch. Tình hình chuyển biến mau lẹ và phức tạp.

Ngày 25-8-1959, Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi họp bất thường và chủ trương: “Tìm mọi cách tổ chức cho nhân dân tránh né không đi bầu cử và tránh xô xát với địch, triệt để chuẩn bị đầy đủ hơn cho cuộc khởi nghĩa vũ trang rộng lớn. Nếu địch lấn tới khủng bố quần chúng thì kiên quyết lãnh đạo nhân dân cầm vũ khí đánh trả để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở, giữ vững khí thế cho quần chúng. Riêng đối với vùng trung tâm căn cứ thì bất luận thế nào cũng không cho địch xâm nhập, phải trừng trị chúng ngay lúc mới đặt chân lên” 1 .

Càng gần ngày bầu cử, địch càng ráo riết lùng sục, vừa dụ dỗ, vừa đe doạ đồng bào. Những cuộc đấu tranh chống địch cưỡng bức đi bầu cử càng quyết liệt. 

Ngày 27-8-1959, địch càn vào Trà Phong trong lúc đồng bào đang đào hầm bố phòng. Chúng bắn chết một thanh niên, làm bị thương hai thanh niên khác. Lòng căm thù, phẫn uất dồn nén trong nhân dân bấy lâu nay đã thổi bùng thành ngọn lửa đấu tranh không gì cưỡng lại được. 

Mờ sáng ngày 28-8- 1959, cuộc khởi nghĩa Trà Bồng đã nổ ra. Với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, 16.000 đồng bào các dân tộc Trà Bồng nhất loạt nổi dậy, đánh chiếng, mõ, rúc tù và vang trời, bao vây lùng diệt quân địch. Trước khí thế nổi dậy mãnh liệt của nhân dân, địch hoảng sợ chạy trốn vào các thôn, nóc. Một số tên chạy thục mạng về đồn Eo Chim và quận lỵ.

Bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở bị đập tan. Các hòm phiếu bị phá bỏ. Khởi nghĩa giành được thắng lợi to lớn. Toàn huyện có 16 xã nguy quyền bị quét sạch, 7 đồn bị bức rút, 161 tên địch bị diệt, hàng trăm tên bị thương, nhiều tên ác ôn có nợ máu với nhân dân bị trừng trị. 

Từ vùng cao Trà Bồng, cuộc khởi nghĩa lan nhanh ra các huyện khác ở miền tây như Sơn Hà, Ba Tư, Minh Long.  Huyện Sơn Hà có 9 trên 10 xã được giải phóng. Ba Tơ có 11 xã giành quyền làm chủ. Còn ở Minh Long, nhiều vùng đất đai thoát khỏi sự kìm kẹp của Mỹ - Diệm. 

Khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi là cuộc khởi nghĩa lớn nhất không chỉ ở Khu V mà cả miền Nam lúc bấy giờ. Đó là cuộc tiến công có ý nghĩa chiến lược, là trận đột phá khẩu xuất sắc của quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Tỉnh uỷ Quảng Ngãi vào khâu yếu nhất của chủ nghĩa thực dân kiểu mới Mỹ ở miền Nam Việt Nam, giành quyền làm chủ một vùng rộng 3.600 km2 có tầm chiến lược quan trọng.

Đây là sản phẩm đầu tiên của việt vận dụng Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 với sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị và vũ trang để đánh đổ chính quyền nguỵ ở cơ sở. Khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi “mở ra một trang sử mới đấu tranh chính trị và vũ trang song song, là đỉnh cao nhất trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Ngãi lúc bấy giờ... Nó có giá trị lớn và đã cung cấp được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc vận dụng Nghị quyết 15 không chỉ ở Quảng Ngãi mà ở trong toàn khu” 2.


________________________________
1. Nghị quyết Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi ngày 25-8-1959. Tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ngãi.
2. Phát biểu của đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu uỷ khu V - tại Hội nghị sơ kết cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và Tổng kết tình hình đấu tranh 1954 - 1960 của Quảng Ngãi, tháng 2-1960, tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ngãi.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Sáu, 2009, 01:35:15 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #39 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 01:35:04 am »


Cùng thời gian với khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi, ở Nam Bộ, nắm được tinh thần Nghị quyết Trung ương 15, một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh hoạt động vũ trang, gây cho địch nhiều thiệt hại. 

Đêm 25 rạng ngày 26-8-1959 ở Cà Mau, Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng kết hợp với du kích xã Khánh An, tiến công đồn Vàm Cái Tàu, cách thị xã Cà Mau 10 km, diệt trung đội dân vệ và Hội đồng xã Khánh An, bắt sống 12 tên, thu 57 súng các loại. Được sự hỗ trợ của Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng, các xã Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Khánh Lâm . . . thuộc huyện Trần Văn Thời nổi dậy vây đồn, diệt ác ôn, giải tán tề nguỵ, giành quyền làm chủ.

Đêm 23-9-1959, tại Rạch Giá, Tiểu đoàn Ngô Văn Sở kết hợp với cơ sở nội tuyến tiến công tiêu diệt chi khu quận lỵ Xẻo Rô, diệt 20 tên, bắt 50 tên, trong đó có tên quận trưởng, thu 50 súng các loại. Đây là trận tiến công vào chi khu quận lỵ đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long.

Với việc đánh chiếm được quận lỵ, chiến thắng Xẻo Rô có tác dụng động viên, cổ vũ và hỗ trợ đắc lực cho các xã xung quanh quận ly nổi dậy ‘ diệt ác ôn, phá vỡ bộ máy kìm kẹp của địch. 

Tại tỉnh Kiến Phong, ngày 26-9-1959, Tiểu đoàn 502 của tỉnh đã tổ chức phục kích, đánh thắng cuộc càn của Chiến đoàn 42 đặc nhiệm quân Cộng hoà ở Giồng Thị Đam (xã Tân Hội Cơ, huyện Hồng Ngự), diệt 74 xuồng, bắt sống 105 tên (có cả tên đại úy tiểu đoàn trưởng), thu 365 súng các loại, có 11 súng trung liên và cối. Số tù binh ta đưa về Gò Quản Cung giáo dục rồi phóng thích tại chỗ.

Buổi chiều, Tiểu đoàn 2 của địch mở cuộc càn vào Gò Quản Cung (nơi Tiểu đoàn 502 lui về sau trận đánh ở Giồng Thị Đam) bị Tiểu đoàn 502 đánh diệt thêm một số. Lực lượng địch còn lại vội tháo lui.  Kết quả, trong cả hai trận, ta loại khỏi vòng chiến đấu Tiểu đoàn 3, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 của Chiến đoàn 42, Sư đoàn 23 nguy.

Trận Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung là trận đánh lớn nhất tính tới thời điểm đó không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà trên toàn miền Nam. Nó gây tiếng vang lớn, có tác dụng củng cố niềm tin và cổ vũ khí thế đấu tranh của nhân dân, nâng cao uy thế cách mạng.

Sau thắng lợi của trận Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung, hoạt động vũ trang của ta ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sôi nổi hẳn lên. Báo cáo tình hình Quân khu 5* tháng 12-1959 của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hoà thừa nhận: “Tình hình đặc biệt nghiêm trọng bởi ngoài các vụ khủng bố, ám sát thường xuyên, hoạt động vũ trang của Việt cộng gia tăng. Nhiều vụ phục kích các toán tuần tiễu của ta và đột nhập vào các cơ sở hương thôn Việt cộng còn tấn công cả ban ngày bằng súng máy và phóng lựu vào Châu Thành, tỉnh Kiến Tường. Rõ ràng Việt cộng tiếp tục theo đuổi chủ trương tập trung và vẫn cố gắng tạo thế chủ động với các hoạt động táo bạo như chấp nhận giao tranh... nhất là ở các tỉnh Kiến Phong, Kiến Tường, An Xuyên, Kiên Giang...” 1

Tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện ở nhiều vùng nông thôn miền Nam, nhất là Nam Bộ, đúng như đồng chí Lê Duẩn đã đánh giá: Cuối năm 1959, đầu năm 1960, “chế độ thống trị ở miền Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Tuy ở thành thị địch còn tương đối mạnh, nhưng trong nhiều vùng nông thôn rộng lớn, địch không thể cai trị nhân dân một cách bình thường được nữa, nguy quyền cơ sở nhiều nơi đã suy yếu và bất lực, còn quần chúng nhân dân, đặc biệt là đông đảo nông dân thì sục sôi cách mạng đã tỏ ra kiên quyết và sẵn sàng chiến đấu sống chết với quân thù. Đó là điều kiện chín muồi, cho phép phát động quần chúng nông thôn nổi dậy khởi nghĩa từng phần đập tan khâu yếu nhất trong hệ thống cai trị của địch” 2.

Tháng 11- 1959, Xứ uỷ Nam Bộ triệu tập Hội nghị lần thứ tư Xứ uỷ nhận định: “Trong thời gian qua, với chính sách võ lực tàn bạo của địch, về mặt nào đó, địch đã chủ động thực hiện âm mưu của chúng, ta phải bị động đối phó hằng ngày với địch. Nhưng xét về căn bản thì tuy ta có gặp một số khó khăn mới, tùy từng nơi từng lúc ta có bị động đối phó với địch, nhưng nhìn về toàn cục thì đường lối chính trị hoà bình dân tộc dân chủ của ta ở thế chủ động, ta ngày càng tranh thủ được đông đảo các từng lớp nhân dân theo đường lối chính trị của ta.


_________________________________
* Quân khu 5 theo tổ chức quân sự nguỵ bao gồm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
1. Tóm tắt tình hình Quân khu 5 trong tháng 12-1959 của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, tài liệu lưu trữ Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
2. Lê Duẩn: Hăng hái tiến lên dưới ngọn cờ vĩ đại của cách mạng tháng Mười, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1969, tr.41.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM