Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 04:50:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 11  (Đọc 126074 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #20 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2009, 11:30:55 pm »


Nổi bật là phong trào đòi hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Phong trào phát triển khá rầm rộ kể từ khi Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ra tuyên bố. “Sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với nhà đương cục ở miền Nam bắt đầu từ ngày 20-7-1955 để bàn vấn đề tổ chức tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc vào tháng 7-1956”.

Cũng trong tháng này, Mặt trận Liên Việt Nam Bộ kêu gọi các tầng lớp nhân dân và ngoại kiều đấu tranh đòi mở hội nghị hiệp thương. Hưởng ứng lời kêu gọi này, ngày 3-7-1955, công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn tổ chức hai cuộc biểu tình lớn đòi hiệp thương tổng tuyển cử và trả tự do cho những người trong Uỷ ban cứu trợ nạn nhân chiến tranh.

Trong đợt ngày 20-7-1955, riêng ở Nam Bộ có 500.000 lượt người tham gia.  Tại miền Trung, trong tháng 7 và tháng 8- 1955, ở hầu hết các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận, Ninh Thuận, nhân dân liên tiếp biểu tình, đưa kiến nghị đòi hiệp thương. Cùng thời gian này, nhân dân Thừa Thiên mít tinh, lấy được 7 vạn chữ ký gửi lên chính quyền nguỵ đòi chấm dứt khủng bố, đòi hoà bình.  Ngoài các phong trào kể trên, ở miền Nam còn có phong trào đấu tranh của đồng bào miền Bắc bị cưỡng ép di cư vào Nam.

Có thể nói, từ giữa năm 1954 đến cuối năm 1955, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam diễn ra sôi nổi và rộng khắp, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.  Nội dung đấu tranh hết sức phong phú, từ đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ đến chống khủng bố, đàn áp... nhưng tập trung nhất vẫn là đòi địch phải thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ.  Phong trào đã thu được kết quả, làm phân hoá hàng ngũ kẻ thù, buộc địch phải chùn bước.

Mặc dù vậy, trong hai năm đầu đấu tranh chính trị đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ, ta còn thiếu sót trong việc vận dụng phương châm, sách lược và tổ chức đấu tranh, có nơi sớm bộc lộ lực lượng, phong trào bị tổn thất trước sự khủng bố của địch, nhất là khi địch tiến hành các chiến dịch tố cộng.

Thực tiễn hai năm đấu tranh chính trị, chứng tỏ, với “chế độ độc tài phát xít của tư sản mại bản và phong kiến thân Mỹ phản động nhất” mà Mỹ dựng lên ở miền Nam, thì đấu tranh bằng phương pháp hoà bình là không có hiệu quả. Đảng phải kịp thời chuyển hướng đấu tranh tìm ra phương pháp và hình thức thích hợp, nhằm giữ gìn và phát triển lực lượng để khi có thời cơ kịp thời phát động quần chúng đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân.

Tháng 6- 1956, Bộ Chính trị họp và ra nghị quyết về tình hình, nhiệm vụ và công tác miền Nam. Bộ Chính trị khẳng định: "tính chất cuộc vận động cách mạng của ta ở miền Nam là dân tộc và dân chủ. Nhiệm vụ cách mạng của ta ở miền Nam là phản đế và phản phong kiến” 1.

Tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp nên cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam nhất định phải kéo dài và có nhiều khó khăn, gian khổ. Bởi vậy chúng ta phải chọn:

“Hình thức đấu tranh của ta trong toàn quốc hiện nay là đấu tranh chính trị, không phải là đấu tranh vũ trang. Nói như thế không có nghĩa là tuyệt đối không dùng vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định hoặc không tận dụng những lực lượng vũ trang của các giáo phái chống Diệm” 2.

Bộ Chính trị chủ trương: “Cần củng cố lực lượng vũ trang và bán vũ trang hiện có và xây dựng các căn cứ làm chỗ dựa. Đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng vững mạnh làm điều kiện căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang. Tổ chức tự vệ trong quần chúng nhằm bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng và giải thoát cán bộ khi cần thiết” 3. Bộ Chính trị coi việc củng cố Đảng ở miền Nam là một trọng tâm công tác có tính nhất quyết định.

Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6-1956 đánh dấu sự chuyển hướng rất quan trọng trong chỉ đạo cách mạng ở miền Nam. Nghị quyết chỉ ra những vấn đề cơ bản của cách mạng miền Nam như vấn đề vũ trang tự vệ để bảo vệ phong trào đấu tranh của quần chúng, bảo vệ cơ sở và cán bộ, vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, vấn đề xây dựng Đảng và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm.


________________________
1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 17, tr.224, 225, 228.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #21 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2009, 11:34:24 pm »


Hai tháng sau, Hội nghị Bộ Chính trị, tháng 8-1956, đồng chí Lê Duẩn - Uỷ viên Bộ Chính trị, người trực tiếp thay mặt Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo cách mạng miền Nam, qua hoạt động thực tiễn tại miền Nam, kết hợp vận dụng quy luật đấu tranh cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể của ta, đã thảo ra Đề cương Đường lối cách mạng miền Nam. 

Đề cương khẳng định: “Chính quyền miền Nam hiện nay không phải chỉ là một chính quyền của đế quốc, phong kiến bại trận, nó là một chính quyền thực dân kiểu mới của một đế quốc xâm lược đương muốn gây chiến tranh, là đế quốc Mỹ. . . Chính bọn đế quốc xâm lược muốn gây chiến tranh này đương cầm đầu bọn phong kiến Ngô Đình Diệm hiếu chiến, trả thù, sự câu kết ấy đã phát sinh ra một chế độ độc tài phát xít tàn ác thâm độc” 1.

Vì vậy, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là “Phải đánh đổ chính quyền độc tài phát xít Mỹ - Diệm, thực hiện một chính quyền liên hiệp dân chủ có tính chất độc lập dân tộc, để giải phóng nhân dân miền Nam ra khỏi ách đế quốc, phong kiến, độc tài phất xít Mỹ - Diệm để cùng với toàn quốc thực hiện hoà bình, thống nhất, độc lập dân tộc” 2.

Đường lối cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chỉ đạo cách mạng miền Nam. Tài liệu này cùng với các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị đã chỉ đạo cách mạng miền Nam chuyển hướng đấu tranh đúng đắn.

Dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng và Đường lối cách mạng miền Nam, tháng 12-1956, Xứ uỷ Nam Bộ đã triệu tập hội nghị nhằm đánh giá tình hình, đề ra phương hướng và nhiệm vụ cấp bách cho cách mạng miền Nam. 

Xứ uỷ nhận định: “Chế độ Diệm là chế độ độc tài, độc đoán cá nhân, gia đình và một nhóm người thân tín Diệm, chúng là tay sai đắc lực của đế quốc Mỹ, chúng đang thực hiện một chính sách hung bạo, thẳng tay áp bức bóc lột nhân dân, tích cực phá hoại hoà bình, thống nhất, âm mưu chia cắt nước ta lâu dài, ráo riết chuẩn bị chiến tranh đánh miền Bắc” 3.

Xứ Uỷ đề ra nhiệm vụ cho các đảng bộ ở Nam Bộ: “1-Chống chính sách phát xít của Mỹ - Diệm về chính trị, kinh tế, đòi tự do cơm áo; 2- Chống chính sách gây chiến, đòi hoà bình thống nhất, trước hết đòi quan hệ hai miền; 3- Xây dựng thực lực của ta, chủ yếu là củng cố Đảng, củng cố khối công - nông liên minh, mở rộng mặt trận dân tộc, đi sâu vào các cơ sở chính quyền của Diệm” 4.

Ở Khu V, cuối năm 1957, cán bộ, đảng viên trong khu đã được quán triệt Nghị quyết Bộ Chính trị (6-1956) và học tập tài liệu Đường lối cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn. Giữa năm 1958, Liên khu uỷ họp ra nghị quyết về xây dựng căn cứ địa cách mạng và bước đầu xây dựng lực lượng vũ trang.

Liên khu uỷ chủ trương: “Cần củng cố lực lượng vũ trang và nửa vũ trang hiện có và xây dựng căn cứ địa cách mạng làm chỗ dựa, đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng vững mạnh làm điều kiện căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang” 5.

Dựa vào điều kiện cụ thể của địa phương, Liên khu uỷ chỉ đạo đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở miền núi và xây .  dựng căn cứ địa miền núi. Phương châm hoạt động là: “kết hợp đấu tranh vũ trang bộ phận với đấu tranh chính trì . . .  phải biết kết hợp đấu tranh vũ trang tự vệ hay đấu tranh vũ trang bộ phận trong những hoàn cảnh nhất định, mức độ nhất định nhằm mục đích hạn chế tính chất phát xít của địch, mở rộng cơ sở chính trị của ta” 6.


_____________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 17, tr. 787.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 17, tr. 788.
3, 4. Xứ uỷ Nam Bộ: Nhiệm vụ năm 1957, tài liệu lưu trữ Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
5. Nghị quyết Liên khu uỷ V (giữa năm 1958), tài liệu lưu trữ Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
6. Chỉ thị của Liên khu uỷ V về xây dựng căn cứ miền núi cuối năm 1958, tài liệu lưu trữ Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #22 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2009, 11:35:17 pm »


Đến đây có thể thấy, từ giữa năm 1956, với Nghị quyết Bộ Chính trị, rồi Đường lối cách mạng miền Nam, Nghị quyết Xứ uỷ Nam Bộ, Liên khu uỷ V, Đảng ta đã có chuyển hướng rõ rệt về đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam, trong đó vai trò của lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang được chú ý hơn. Nhờ vậy phong trào cách mạng ở miền Nam từ năm 1957 có chuyển biến rõ rệt.
 
Đấu tranh chính trị tuy không sôi nổi, rầm rộ thành những đợt, những cao trào như thời gian trước, song mỗi năm, số lượt người tham gia đấu tranh vẫn tăng lên. Nếu năm 1957 chỉ có 2 triệu lượt người tham gia đấu tranh, thì năm 1958 là 3,7 triệu và năm 1959 lên tới gần 5 triệu lượt.  Nội dung đấu tranh tập trung vào đòi các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, chống độc tài phát xít. . .

Các cuộc đấu tranh được tổ chức chu đáo, có sự lãnh đạo chặt chẽ hơn.  Tiêu biểu là cuộc biểu tình ngày 1-5-1957 ở Sài Gòn có tới 28 vạn người tham gia. Ngày 1-5-1958, cũng ở Sài Gòn, biểu tình lên tới nửa triệu người. Quyết liệt hơn cả là đấu tranh chống địch tố cộng, diệt cộng. Phong trào này diễn ra rộng khắp với nhiều hình thức phong phú. ở các tỉnh Bà Rịa, Long An, Bến Tre, Chợ Lớn, bà con nông dân viện cớ bận việc đồng áng từ chối học tập tố cộng do địch tổ chức. Nếu không tránh được, khi địch bắt học thì bà con thay nhau chất vấn đội tố cộng làm buổi học không có kết quả.

Ở Khu V, địch bắt dân tập trung tại sân đình làng hoặc trụ sở nguỵ quyền xã học tập tố cộng, phát giác cán bộ nằm vùng, ly khai Đảng, xé cờ Tổ quốc, v.v. . Nhiều người vin cớ ốm đau không đi. Một số bị địch lùa đến chỗ tập trung thì phần đông bà con ngồi im, không “tố”, không hô khẩu hiệu, nhưng lại phẫn nộ đả đảo tố cộng, vạch trần bộ mặt phản động bán nước của bọn tay sai. 

Ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam), nhân dân đã biến buổi học tố cộng thành cuộc đấu tranh vạch mặt kẻ thù, đòi chính quyền phải trả tự do cho những người bị bắt và trừng trị bọn ác ôn.  ở nhiều nơi, nhân dân ta kết hợp đấu tranh chống địch tố cộng với chững bắt lính, chống dinh điền, chống cướp đất, chống tăng tô . . .

Nét nổi bật trong phong trào đấu tranh chống địch tố cộng của nhân dân miền Nam trong những năm 1957 - 1959 là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đấu tranh của nông dân ở nông thôn với các tầng lớp nhân dân lao động ở thành thị, đặc biệt là sự liên kết của phong trào công nhân. Hầu như mỗi khi có một cuộc đấu tranh của ngành sản xuất nào đó lập tức các ngành khác cùng hưởng ứng, tạo nên quy mô lớn. Chẳng hạn khi công nhân bến tàu Lăng Tô đình công một tuần đòi tăng lương (1957) thì có hàng ngàn công nhân Thương Khẩu ủng hộ. Công nhân hãng dầu Catex bãi công (28-2- 1958) thì công nhân hãng dầu Shell, đèn Chợ Quán, công nhân xe lửa... cùng phối hợp đấu tranh. 

Sự phối hợp trên chứng tỏ ý thức chính trị, trình độ tổ chức, chỉ đạo đấu tranh của cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân lao động được nâng lên rõ rệt. Điều này càng chứng minh chất lượng đấu tranh chính trì đã cao hơn thời gian trước.

Do chỉ sử dụng hình thức đấu tranh hợp pháp, đấu tranh chính trị đơn thuần nên nhiều tổ chức đảng ở cơ sở các tỉnh đồng bằng tan vỡ. Tình hình cách mạng miền Nam mỗi lúc một khó khăn. Các cấp uỷ đảng Nam Bộ, Khu V bắt đầu chú trọng xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang tuyên truyền, vũ trang tự vệ, xây dựng căn cứ để yểm trợ cho đấu tranh chính trị chống địch tố cộng, diệt cộng.

Từ giữa năm 1957 những khu căn cứ cách mạng hình thành: căn cứ U Minh (Tây Nam Bộ), Đồng Tháp Mười (Trung Nam Bộ), Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đ đồng Nam Bộ) có từ thời chống Pháp, nay được xây dựng và củng cố. Nét mới đáng chú ý trong thời kỳ này là ở Nam Bộ, trong khi chống địch tố cộng dồn dân, một số gia đình kháng chiến cũ, gia đình có người đi tập kết và quần chúng cách mạng ở các huyện Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Cái Nước, Thới Bình (Cà Mau) đã vào rừng cư trú từ phía nam U Minh đến rừng đước Ngọc Hiển, hình thành những làng rừng đầu tiên. Tỉnh uỷ Cà Mau lãnh đạo xây dựng những làng rừng này thành những căn cứ cách mạng.

Đến cuối 1958, tỉnh Cà Mau đã xây dựng được 15 làng rừng với 20.000 dân. Đây là những làng, xã cách mạng tự do đầu tiên được thiết lập ở miền Nam, là những căn cứ đứng chân của lực lượng cách mạng, nơi tích trữ vật chất cho kháng chiến.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #23 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2009, 11:44:01 pm »


Tại vùng căn cứ miền Đông Nam Bộ, Xứ uỷ tập trung các đội nhóm vũ trang và điều thêm 2 đại đội từ miền Tây Nam Bộ lên thành lập được 6 đại đội vũ trang (C50, C60, C70, C80, C200, C300). Một số tỉnh thành lập đơn vị vũ trang. Đến cuối năm 1957, toàn Nam Bộ đã có trên 30 đại đội vũ trang.  Tháng 10-1957, đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của miền Đông Nam Bộ cỡ tiểu đoàn chính thức được thành lập 1. Đó là Tiểu đoàn 250. Giữa năm 1958, Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ được tổ chức để chỉ huy lực lượng vũ trang Đông Nam Bộ. 

Ở Khu V, mùa Hè năm 1958, Liên khu uỷ họp, quyết định xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Tây Nguyên và miền tây các tỉnh Trung Bộ. Cuối năm 1958 đã có nhiều trung đội vũ trang đứng chân trên các vùng căn cứ miền Trung được thành lập tại các vùng căn cứ địa cách mạng.

Nhận thấy tầm quan trọng của Tây Nguyên trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, mùa Thu năm 1958, Trung ương đã ra chỉ thị về nhiệm vụ trước mắt ở Tây Nguyên, trong đó nêu rõ: “Xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ cách mạng của ta ở miền Nam, phá âm mưu xây dựng trung tâm căn cứ của Mỹ - Diệm, tạo điều kiện đón thời cơ, tranh thủ chủ động trong mọi tình thế” 2 .

Cuối năm 1958, nhiều căn cứ đã hình thành ở Hiên (Quảng Nam), Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tư (Quảng Ngãi), Vĩnh Thạnh (Bình Định), Thồ Lồ, Ma Dù (Phú Yên), Bác Ái (Ninh Thuận) . . .

Cùng với sự hành thành và phát triển của các lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, từ năm 1957 hoạt động vũ trang tuyên truyền, diệt ác trừ gian xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp các địa phương. Cuối năm bắt đầu có những trận đánh của các đơn vị tập trung cỡ nhỏ nhằm hạ uy thế địch, hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, bảo vệ cán bộ và giải quyết một phần nhu cầu vũ khí, trang bị của các lực lượng vũ trang.

Chống địch tố cộng, diệt cộng lúc này không chỉ đấu tranh chính trị đơn thuần, mà đã có vũ trang hỗ trợ. Nhân dân miền Nam khéo kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với vũ trang hỗ trợ trong những điều kiện cụ thể đã đẩy lùi địch từng bước, những tên ác ôn, những đội bình định đêm đêm phải về quận hoặc căn cứ quân sự của chúng để lẩn trốn. 

Thanh thế của cách mạng đã cắm rễ sâu trong nhân dân, củng cố niềm tin cho họ. Lực lượng vũ trang cách mạng tuy còn nhỏ, nhưng chẳng những nó hỗ trợ trực tiếp cho nhân dân đấu tranh chính trị chống địch tố cộng, mà còn mở những trận tiến công đánh vào nới đóng quân của địch, diệt đồn bốt và sinh lực, làm cho địch hoang mang. Nổi bật trong những tháng cuối năm 1957 là các trận tiến công của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ.

Ngày 10-8-1957, bộ đội tỉnh Thủ Dầu Một, Đại đội 20 của Tây Ninh, Đại đội 60 của miền Đông tiến công thị trấn Minh Thạnh (Thủ Dầu Một), diệt bọn cảnh sát và quân nguỵ, làm chủ thị trấn, thu 10 xe GMC, nhiều vũ khí, lương thực, tiền bạc và các chiến lợi phẩm khác. Tuy không diệt được nhiều sinh lực địch, song đây là một trận đánh có quy mô tương đối lớn của lực lượng vũ trang tập trung miền Đông Nam Bộ vào thời điểm đó, gây tiếng vang lớn.

Hơn một tháng sau, ngày 18-9-1957, lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hoà (Đại đội 250) tiến công Trại Be, một cơ sở khai thác gỗ của Trần Lệ Xuân, đồng thời cũng là vị trí quân sự án ngữ phía nam Chiến khu Đ do một tiểu đoàn bộ binh và một số cảnh sát dã chiến, thám báo nguy đóng giữ. Bị đánh bất ngờ, quân địch ở đây không kịp trở tay, ta nhanh chóng diệt 1 đại đội, làm thiệt hại nặng 2 đại đội khác, thu 80 xe quân sự và 80 khẩu súng.

Tháng 12-1957, địch dùng một tiểu đoàn càn vào căn cứ của ta, lực lượng vũ trang ta ở miền Đông tổ chức trận phục kích ở Lò Than (Biên Hoà) diệt 1 đại đội địch, bẻ gãy cuộc càn của địch.

Cùng vào thời gian này, ở đồng bằng sông Cửu Long, lực lượng vũ trang các tỉnh tích cực hoạt động vũ trang, tuyên truyền. ở Cà Mau, Tiểu đoàn Ngô Văn Sở diệt ác ôn, phát động quần chúng đấu tranh chống địch tố cộng. ở Sóc Trăng, Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng phục kích diệt 1 trung đội biệt kích của quận Phước Long, thu 12 súng, sau đó đột nhập vào thị trấn Ngã Năm, tuyên truyền phát động quần chúng đấu tranh.


_______________________________
1. Danh nghĩa là tiểu đoàn, thực chất quân số chỉ tương đương đại đội.
2. Những sự kiện lịch sử Đảng, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tr. 102. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #24 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 12:04:51 am »


Ở tỉnh Vĩnh Long, Tiểu đoàn Trần Hưng Đạo tiến công địch ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình diệt 1 trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí. Bước sang năm 1958, hoạt động vũ trang, tuyên truyền đã trở thành phổ biến. Hàng loạt tên ác ôn khét tiếng bị trừng trị ở Cà Mau, Cần Thơ, Bến Tre . . .  nhiều đồn bốt địch bị tiến công, tiêu diệt.

Trong lúc đó, ở miền công Nam Bộ đã xuất hiện những những trận đánh quy mô tương đồi lớn như trận tiến công quận lỵ Dầu Tiếng (10-10-1958), ở phía bắc thị xã Thủ Dầu Một, cách Sài Gòn khoảng 70km. Lực lượng địch ở đây có 2 tiểu đoàn cộng hoà, 1 đại đội và 1 trung đội bảo an cùng lực lượng cảnh sát, dân vệ tại chỗ. Lực lượng ta có 2 đại đội của miền Đông, bộ đội tỉnh Tây Ninh, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, tổng cộng khoảng 1.500 người.

Đêm 10 rạng ngày 11-10- 1958, trận đánh bắt đầu. Ta nổ súng khống chế đồn Bến Củi rồi tiến công vào quận lỵ Dầu Tiếng. Sau 30 phút chiến đấu, ta diệt và làm bị thương 200 tên, bắt 30 tên, thu nhiều súng và đồ dùng quân sự, làm chủ quận lỵ suốt 24 giờ. Quân địch đóng ở 20 đồn bốt xung quanh hoang mang bỏ chạy.

Đây là trận đánh lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, cũng là trận đầu tiên trong không chiến chống Mỹ ta đánh diệt chi khu, quận lỵ. Những trận đánh này thể hiện thế và lực mới của cách mạng ở miền Nam đang lên có tác dụng củng cố niềm tin, động viên, khích lệ nhân dân miền Nam đấu tranh chống Mỹ - nguỵ.

Nhìn chung, trong năm 1958, cách mạng miền Nam chuyển biến tích cực. Hoạt động diệt ác, trừ gian diễn ra liên tục đã phần nào hỗ trợ cho đấu tranh chính trị của quần chúng phát triển, ta đã tạo được những nhân tố cơ bản để tiến lên. Mặc dù vậy, đường lối đấu tranh chưa được xác định cụ thể cho sát với thực tế diễn biến của tình hình. Việc chỉ đạo thực hiện cũng thiếu thống nhất, trong khi đó Mỹ - Diệm đẩy mạnh tố cộng, diệt cộng gây cho ta tổn thất không nhỏ. Cách mạng ở miền Nam vẫn chưa ra khỏi thời kỳ khó khăn.


III- XÂY DỰNG, CỦNG CỐ MIỀN BẮC LÀM “CÁI GỐC”, “CÁI NỀN”
CHO CUỘC ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG MIỀN NAM


Trong lúc nhân dân ta ở miền Nam kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ áp đặt chủ nghĩa thực dân mới thì ở miền Bắc, nhân dân ta khẩn trương xây dựng, củng cố miền Bắc về mọi mặt, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Miền Bắc là cái nền, cái gốc của cuộc đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà” 1.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương bảy (3- 1955) và Hội nghị Trung ương tám (8- 1955) cũng xác định: Miền Bắc là chỗ đứng của ta, bất kể tình huống nào, miền Bắc cũng phải được củng cố. “củng cố miền Bắc về mọi mặt cũng là nhiệm vụ rất quan trọng, vì miền Bắc có được củng cố ta mới có đủ lực lượng để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc” 2.

Để củng cố miền Bắc, việc đầu tiên chúng ta phải làm là tiếp thu, tiếp quản các vùng quân Pháp rút đi. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề bởi trong quá trình rút khỏi miền Bắc, thực dân Pháp cấu kết với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai thực hiện nhiều thủ đoạn nham hiểm như dụ dỗ, cưỡng ép dân di cư vào Nam, phá hoại, di chuyển những tài sản, vật tư, máy móc, đốt hoặc lấy đi các hồ sơ, tài liệu, đóng cửa các nhà máy, hãng buôn, trường học, sa thải công nhân. . . gây cho ta nhiều khó khăn trong việt tiếp thu và sử dụng các cơ sở kinh tế, văn hoá chúng để lại.

Chúng còn cho nổ mìn phá hoại các công trình công cộng, những di tích lịch sử, văn hoá như chùa Một Cột (Hà Nội), cầu Đồng Lạc (Vĩnh Yên), cầu Thạch Lỗi (Sơn Tây), Nhà máy điện Uông Bí... gây ra những vụ phá rối trật tự trị an ở Bùi Chu (Nam Định), Phát Diệm (Ninh Bình), Ba Làng (Thanh Hoá) , Diễn Châu (Nghệ An) . . .


_____________________________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.8, tr.189. 
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 16, tr.209.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #25 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 12:06:28 am »


Quá trình tiếp quản các thành phố, thị xã, nông thôn là quá trình nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh chống địch di chuyển, phá hoại tài sản, cưỡng ép đồng bào di cư và tổ chức xây dựng chính quyền nhân dân.  Tại Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Thành uỷ Hà Nội đã chỉ đạo công nhân, viên chức và các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống các thủ đoạn phá hoại của địch.  Công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy điện Bờ Hồ, Nhà máy nước, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Ga Hàng Cỏ...  đấu tranh giữ máy móc thiết bị, bảo đảm điện, nước phục vụ nhân dân trong những ngày tiếp quản.

Tại các cơ sở y tế như Bệnh viện Bạch Mai, Phủ Doãn, các công sở, trường học... nhân viên, công chức các cơ quan tìm mọi cách giấu thuốc men, dụng cụ y tế, các hồ sơ, tài liệu, phương tiện... không cho địch đốt phá hoặc mang đi. 

Trong vòng 80 ngày thực hiện tập kết chuyển quân theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội đã có 20 cuộc đấu tranh, đáng chú ý là hai cuộc đấu tranh lớn của công nhân Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy điện Bờ Hồ. Kết quả, ta buộc địch phải trả lại hết số than mà chúng đã chuyển đi, bảo đảm đủ số than dự trữ cho đến ngày tiếp quản. 

Hải Phòng, Quảng Ninh - vùng 300 ngày chuyển quân, tập kết - tình hình diễn ra phức tạp hơn nhiều. Đấu tranh ở đây khá quyết liệt. Tiêu biểu là đấu tranh của 2.000 công nhân và nhân dân lao động chống địch tháo dỡ Nhà máy nước Hải Phòng ngày 26- 11- 1954. Địch đàn áp làm 7 người bị thương nặng, 250 công nhân bị bắt. Tính đến tháng 3- 1955, ở Hải Phòng đã diễn ra hơn 100 cuộc đấu tranh, Hồng Gai có 30 cuộc với hàng vạn công nhân mỏ than tham gia.

Vấn đề quan trọng nhất trong việc tiếp quản theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9-1954 là “phòng ngừa tình trạng hỗn loạn: phòng ngừa bọn phản động, bọn lưu manh, côn đồ lén lút trong thành phố lợi dụng thời cơ quấy rối, phòng ngừa những hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, vô trật từ có thể xảy ra trong một số bộ đội và đơn vị, trong một số dân quân du kích ở nông thôn và quần chúng nông dân vào thành” 1.

Nhận thức sâu sắc điều này, các tổ chức đảng hết sức coi trọng công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, bộ đội, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ vừng ý chí chiến đấu.  Tám chính sách của Chính phủ đối với các thành thị mới được giải phóng và 10 điều kỷ luật đối với quân đội, cán bộ, nhân viên làm công tác tiếp quản được quán triệt đầy đủ tới từng người. Nhờ vậy, việc tiếp quản các thành thị lớn và vùng nông thôn mới giải phóng ở miền Bắc được.thực hiện tốt đẹp. Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8-1954, ta tiếp quản nhanh gọn các vùng nông thôn. Ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Ngày 16-5-1955, tên lính viễn chinh cuối cùng của thực dân Pháp phải rút khỏi miền Bắc nước ta. Một nửa đất nước Việt Nam hoàn toàn về tay nhân dân .

Cùng với tiếp quản vùng mới giải phóng, Đảng, Nhà nước ta và nhân dân miền Bắc lo đón tiếp và bố trí công việc, học tập cho 120.000 cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết; tiếp thu 68.000 quân nhân, cán bộ và đồng bào yêu nước bị Pháp bắt trong kháng chiến trao trả cho ta theo quy định của Hiệp định Giơnevơ. Đây là một công việc lớn, dù có nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước ta đã tập trung công sức, tiền của chăm lo cho lực lượng này vẹn toàn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Song song với những việc trên, để củng cố miền Bắc, trước hết phải kiện toàn chính quyền nhân dân các cấp, đồng thời hoàn thành cải cách ruộng đất vì “có đẩy mạnh cải cách ruộng đất mới đoàn kết được đại đa số nhân dân, củng cố được công - nông liên minh, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng; mới có thể khôi phục kinh tế một cách nhanh chóng và có thêm điều kiện tăng cường Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng” 2.

Cải cách ruộng đất đã được Đảng và Nhà nước ta tiến hành từ cuối năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Bước đầu, ta làm thí điểm ở 6 xã thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (từ ngày 25-12-1953 đến ngày 30-3-1954).  Miền Bắt được hoàn toàn giải phóng, Đảng ta chủ trương tiếp tục hoàn thành cải cách ruộng đất nhằm chia ruộng đất cho nông dân, xoá bỏ chế độ sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ.


_____________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 15, tr.291.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 16, tr.210.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #26 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 12:08:08 am »


Sau đợt 1 làm thí điểm, đợt 2 cải cách ruộng đất được bắt đầu từ ngày 23- 10- 1954 đến ngày 15- 1-1955 ở 210 xã thuộc các tỉnh Thái Nguyên (22 xã), Phú Thọ (100 xã), Bắc Giang (22 xã) và Thanh Hoá (66 xã).

Đợt 3 cải cách ruộng đất được tiến hành từ ngày 18-2-1955 đến ngày 20-6-1955 ở 466 xã thuộc các tỉnh Phú Thọ (106 xã), Bắc Giang (84 xã), Vĩnh Phúc (65 xã), Sơn Tây (22 xã), Thanh Hoá (115 xã), Nghệ An (74 xã).

Đợt 4 từ ngày 27-6 đến ngày 31-12-1955) được thực hiện ở 859 xã thuộc Phú Thọ (17 xã), Bắc Giang (1 xã), Vĩnh Phúc (111 xã), Bắc Ninh (60 xã), Sơn Tây (71 xã), Hà Nam (98 xã), Ninh Bình (47 xã), Thanh Hoá (207 xã), Nghệ An (5 xã), Hà Tĩnh (227 xã).

Đợt cuối cùng và cũng là đợt lớn nhất được tiến hành từ ngày 25-12-!955 đến ngày 30-7-1956 tại 1.720 xã thuộc 20 tỉnh và 2 thành phố Hà Nội, Hải Phòng. Trong đợt này, ta đã  tịch thu, trưng thu, trưng mua của địa chủ 334.000 ha ruộng đất chia cho nông dân.

Trong toàn bộ cuộc cải cách ruộng đất, ta đã tịch thu, trưng thu, trưng mua 810.000 ha ruộng đất, 106.448 trâu, bò, 148.565 ngôi nhà và 1.846.000 nông cụ các loại do giai cấp địa chủ chiếm giữ chia cho 2. 104. 138 hộ nông dân lao động 1.
 
Với thành tựu này, ta vĩnh viễn xoá bỏ chế độ phong kiến về chiếm hữu ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, giải phóng giai cấp nông dân, tăng cường và củng cố khối liên minh công - nông. Từ người nô lệ lên địa vị làm chủ là sự đổi đời của nông dân miền Bắc. Mơ ước ngàn đời của họ đã được thực hiện. Đó là thắng lợi to lớn của cải cách ruộng đất, là thành quả của cách mạng dân tộc, dân chủ. 

Mặc dù vậy, trong cải cách ruộng đất, chúng ta đã phạm nhiều sai lầm, nhất là trong việc chỉ đạo thực hiện. “Đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài về nhiều mặt, những sai lầm về những vấn đề nguyên tắc, trái với chính sách của Đảng, trái với nguyên tắc và điều lệ của một Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, trái với chế độ pháp luật của Nhà nước dân chủ nhân dân. Những sai lầm đó không những đã hạn chế những thắng lợi đã thu được, mà lại gây ra những tổn thất rất lớn cho cơ sở của Đảng, của chính quyền, của các tổ chức quần chúng, ảnh hưởng tai hại đến chính sách mặt trận của Đảng ở nông thôn cũng như ở thành thị, ảnh hưởng nhiều đến tình cảm và đời sống bình thường của nhân dân ta, làm cho tình hình nông thôn căng thẳng, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết và phấn khởi trong Đảng và trong nhân dân, đến công cuộc củng cố miền Bắc, đến sự nghiệp đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà” 2.

Trong chỉnh đốn tổ chức đã vi phạm điều lệ, nguyên tắc của Đảng, phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng, phổ biến và kéo dài nhiều mặt, đã xử lý oan nhiều cán bộ, đảng viên, gây căng thẳng ở nhiều vùng nông thôn. Nguyên nhân sai lầm này là do không nắm vững những biến đổi về sở hữu ruộng đất, về giai cấp địa chủ và chế độ phong kiến ở nông thôn miền Bắc sau năm 1954. 

Mặt khác, không giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, áp dụng máy móc, giáo điều kinh nghiệm của nước ngoài nên quá trình chỉ đạo, cán bộ ta đã cường điệu tính chất đấu tranh giai cấp ở nông thôn, ngả sang tả, đánh nhầm vào nội bộ Đảng, nội bộ nông dân. Lợi dụng sai lầm cải cách ruộng đất, một số văn nghệ sĩ từng đi theo kháng chiến đã dao động, hoài nghi chính sách của Đảng, quay sang viết báo, làm thơ, viết văn. . . đả kích, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, chế độ của Nhà nước, truyền bá tư tưởng tự do tư sản. Họ cho xuất bản tờ báo Nhân văn và tập san Giai phẩm in những nội dung độc hại trên.

Đợt cải cách ruộng đất sắp kết thúc, nhiều đơn, thư kêu oan của những cán bộ cách mạng bị quy sai đã đến Trung ương và Bác Hồ, giúp cho Đảng nhận ra sai lầm trong cải cách và chỉnh đốn tổ chức, lập tức Đảng chỉ thị phải sửa chữa sai lầm ngay.


______________________________
1. Cách mạng ruộng đất ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968, tr. 136.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 17, tr.439-540.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #27 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 12:10:02 am »


Ngày 18-8-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới đồng bào nông thôn và cán bộ, đảng viên. Người nêu rõ thắng lợi to lớn của cải cách ruộng đất và chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện. Người nêu hướng sửa chừa khuyết điểm và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường đoàn kết xung quanh Đảng và Chính phủ để xây dựng, củng cố miền Bắc, làm nền tảng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.  Đồng thời với sửa sai cải cách ruộng đất, ta đã đóng cửa báo Nhân văn và tập san Giai phẩm, mở đợt học tập chấn chỉnh công tác văn nghệ, củng cố lập trường, nâng cao tư tưởng cho văn nghệ sĩ cách mạng.

Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng (9-1956) chủ trương: “Kiên quyết sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, phát huy những kết quả và thắng lợi đã thu được. . . Nhằm đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, gây tinh thần phấn khởi, để đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành tốt công tác cải cách ruộng đất và trên cơ sở đó đẩy mạnh công cuộc củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam và đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà” 1

Với thái độ nghiêm khắc, tích cực và thận trọng, đến cuối năm 1957, việc sửa sai cơ bản đã hoàn thành. Theo báo cáo của các khu, tỉnh ở đồng bằng và trung du, trong số 63. 113 hộ bị quy là địa chủ trong cải cách ruộng đất, đến tháng 9-1957 có 31.844 hộ đã được sửa sai không bị quy là địa chủ nữa. Khu tự trị Việt Bắc, theo báo cáo, đã có 1.861 hộ trong tổng số 2.245 hộ bị quy là địa chủ được sửa sai.  Kết quả sửa sai đã củng cố lòng tin của nhân dân, cán bộ đối với Đảng, làm ổn định tình hình chính trị, giữ vững được trật tự trị an chính quyền nhân dân được củng cố, khối đoàn kết toàn dân được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường.

Đây chính là những tiền đề cơ bản để chúng ta khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, củng cố quốc phòng.  Cùng với hoàn thành cải cách ruộng đất, trước tình hình miền Bắc bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, Đảng chủ trương tập trung nỗ lực cao nhất để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, ổn định và bước đầu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Nông nghiệp là ngành sản xuất chính, đồng thời cũng là ngành bị tàn phá nặng nề nhất trong chiến tranh. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, có 144.300 ha ruộng đất bị hoang hoá, nhiều đê, đập bị hơ hỏng.  Để nhanh chóng phục hồi nông nghiệp, trước tiên phải khôi phục những ruộng đất bỏ hoang, khôi phục và phát triển thuỷ nông, củng cố và tăng cường hệ thống đê điều, đẩy mạnh sản xuất phân bón, gây dựng lại số trâu, bò bị thiệt hại trong chiến tranh, giúp dân lựa chọn giống tốt, cải tiến nông cụ và phương thức canh tác.

Với những biện pháp trên, đến năm 1957, trên 125.000 ha trong tổng số 144.300 ha ruộng đất bỏ hoang được khai phá, 8 hệ thống thuỷ nông được phục hồi cùng với 4 hệ thống thủy nông khác bảo đảm tưới tiêu cho 628.000 ha (tăng gần gấp đối so với năm 1939). Nhờ vậy, sản lượng lương thực thu hoạch được tăng nhanh. Năm 1956, miền Bắc sản xuất được hơn 4 triệu tấn lương thực năm 1939 là 2,5 triệu tấn).

Sau nông nghiệp là công nghiệp. Đi lên từ điểm xuất phát rất thấp kém, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nên công nghiệp miền Bắc sau giải phóng chiếm tỷ trọng không đảng kể. Cuối năm 1954, giá trị sản lượng công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng công - nông nghiệp chỉ chiếm l,5%. Để đáp ứng yêu cầu cải thiện nhanh chóng đời sống công nhân, việc khôi phục công nghiệp cần chú ý phục hồi và xây dựng ngay một số công xưởng chế tạo hàng cần thiết cho đời sống nhân dân, xưởng sửa chữa phương tiện giao thông vận tải và một số công xưởng thuộc công nghiệp nhẹ, bỏ vốn ít mà hiệu quả nhanh.

Nhờ có chủ trương và giải pháp đúng đắn, trong 3 năm (1955-1957), ta đã khôi phục được 19 xí nghiệp ở vùng tự do, 9 xí nghiệp ở vùng mới giải phóng, xây dựng mời 18 cơ sở. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp quốc doanh tăng từ 28 tỷ đồng năm 1955 lên 232 tỷ đồng năm 1957. Tỷ trọng công nghiệp hiện đại trong tổng giá trị công - nông nghiệp tăng từ 1,5% năm 1954 lên 9,3% năm 1957 2.

Giao thông vận tải cũng là một trong những lĩnh vực bị chiến tranh tàn phá nặng. Nó không chỉ bị địch phá mà cả ta cũng phá một phần khi thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”. Cả miền Bắc có 1.152 km đường sắt thì có tới trên 1. 000 km bị phá; đường ôtô bị phá 10.700 km. Giao thông vận tải có vị trí đặc biệt trong việc khôi phục và phát triển kinh tế, là cầu nối giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng này và vùng khác, và ra cả nước ngoài. Khôi phục mạng lưới giao thông vận tải bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển sản xuất, củng cố quốc phòng là yêu cầu cấp thiết ở miền Bắc sau giải phóng.


___________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 17, tr.558.
2. Xem: Ba năm khôi phục kinh tê, phát triển văn hoá (1955-1957), Cục Thống kê Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1959, tr.42.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #28 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 12:39:51 am »


Nhận thức rõ điều này, ngay trong năm đầu sau giải phóng, Nhà nước đã đầu tư khá lớn vào lĩnh vực giao thông. Cả giao thông vận tải và bưu điện,  số vốn đầu tư năm 1954 chiếm 54,40% tổng số mức đầu tư cho xây dựng và kiến thiết cơ bản. Năm 1956, tỷ trọng đó là 28,4%, năm 1957 là 20,9%.

Nhờ vậy, giao thông vận tải được khôi phục nhanh chóng. Đường sắt cả bốn tuyến với tổng chiều dài 657 km, 168 cầu, cống được phục hồi sau 3 năm (1955-1957). Đường bộ khôi phục được 1.624 km, sủa chừa lớn 1.660 km, làm mới gần 600 km đường trục chính. Vận chuyển do vậy tăng đáng kể. Năm 1956, tổng sản lượng vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt vượt 2 1% kế hoạch, đường thuỷ vượt 17%, đường ôtô đạt 86% kế hoạch vận chuyển hàng hoá nhưng lại vượt 70% kế hoạch vận chuyển hành khách. 

Về thương nghiệp, Nhà nước đẩy mạnh phát triển mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán. Năm 1955, cả miền Bắc mới có 4 tổng công ty chuyên nghiệp, năm 1956 tăng lên 6 tổng công ty và năm 1957 là 10 tổng công ty. Số cửa hàng bán lẻ và thu mua năm 1955 là 474, năm 1957 tăng lên 906.  Doanh thu năm 1954 là 64.900 triệu đồng, năm 1955 đã tăng lên 237.000 triệu đồng. Mạng lưới hợp tác xã mua bán ở nông thôn phát triển nhanh. Năm 1955 mới có 35 cơ sở và 122 cửa hàng bán lẻ, năm 1957 đã có 154 cơ sở, 609 cửa hàng, mức bán lẻ tăng 33,7 lần so với năm 1955 1.
 
Ngoại thương tuy chiếm tỷ lệ thưa cao trong nền kinh tế, nhưng kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời đến lúc này, ta mới thực sự có nền ngoại thương theo đúng nghĩa của nó. Phương hướng phát triển ngoại thương được Quốc hội xác định cụ thể là: “Phát triển trao đổi hàng hoá với các nước bạn, tranh thủ buôn bán với nước Pháp và các nước Đông Nam á theo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, bình đẳng và hai bên cùng có lợi” 2.

Cùng với khôi phục kinh tế, cải thiện đời sống vật chất cho nhân dân, các ngành văn hoá, giấc dục cũng từng bước được phát triển nhằm nâng cao đời sống tinh thần, góp phần xây dựng tiềm lực con người, phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Với chính sách ngu dân, thực dân pháp đã để lại hậu quả nặng nề về văn hoá khi miền Bắc được giải phóng. Có tới 3,5 triệu người ở độ tuổi từ 12 đến 50 thất học, mù chữ. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là phải xoá bỏ nạn mù chữ trong nhân dân. Đảng và Nhà nước ta chủ trương củng cố và phát triển bình dân học vụ, đẩy mạnh bổ túc văn hoá cho cán bộ, công nhân viên, quân đội và nhân dân.

Chưa bao giờ phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hoá phát triển rộng như những ngày này. Kết quả là từ năm 1955 đến năm 1957, miền Bắc có hơn 1 triệu người thoát nạn mù chữ. Số người được bổ túc văn hoá cấp I và cấp II tăng nhanh (năm 1955 là 124.000 người, năm 1956 lên 632.000 người).

Đi đôi với củng cố, phát triển bình dân học vụ, đẩy mạnh bổ túc văn hoá, Đảng và Nhà nước chủ trương thống nhất và củng cố ngành học phổ thông, chú trọng phát triển giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp.

Về giáo dục phổ thông, hai hệ thống giáo dục ở vùng tự do và vùng tạm chiếm trước đây được thống nhất thành hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm. Nhiều trường cấp I, cấp II,  cấp III ở vùng đồng bằng, miền núi được mở thêm 18 trường học sinh miền Nam nội trú được xây dựng. Năm học 1956-1957, toàn miền Bắc có 65 vạn học sinh phổ thông, trong đó học sinh dân tộc là 6 vạn em.

Giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp, trong những năm thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, Nhà nước đã mở thêm 6 trường đại học, 16 trường trung học chuyên nghiệp. Số sinh viên đại học tăng nhanh.  Năm 1955- 1956, miền Bắc mới có 1.122 người, năm học 1956-1957 đã tăng lên 2.984 người. Học sinh trung học chuyên nghiệp năm học 1955-1956 mới có 2.780 người, năm học 1956-1957 tăng lên 7.933 người 3.


_________________________
1. Xem: Lê Hữu Chính: Kinh tế thương nghiệp Việt Nanh dân chủ cộng hoà, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1962, t.1, tr. 92. 
2. Lý Ban: Vấn đề ngoại thương của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.28.
3. Xem: Ba năm khôi phục kinh tế phát triển văn hoá, Sđd, tr. 140.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #29 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 12:41:31 am »


Đồng thời với phát triển giáo dục, trên lĩnh vực văn hoá cũng có những chuyển biến tích cực. Tàn dư văn hoá tư sản, phong kiến lạc hậu từng bước bị đẩy lùi, những thói hơ, tật xấu, mê tín, dị đoan trong xã hội được bãi bỏ. Nền văn hoá mới từng bước được xây dựng. Đội ngũ văn hoá, văn nghệ phát triển. Mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, công tác khám, chữa bệnh được quan tâm thích đáng hơn. Tính đến năm 1960, toàn miền Bắc có 263 bệnh viện, 300 trạm y tế, nhà hộ sinh.

Ba năm thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá (1955-1957), trong điều kiện hết sức khó khăn cả về khách quan và chủ quan, hậu quả của những năm chiến tranh khá nặng nề, địch lại ra sức phá hoại nhiều mặt, song với nỗ lực vượt bậc, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu đáng kể. Chế độ người bóc lột người về căn bản đã bị xoá bỏ, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa bước đầu được thiết lập nhân dân lao động trở thành người chủ của đất nước. 

Nhờ đó, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đã đạt mức của năm 1939. Kinh tế quốc doanh đã năm toàn bộ hoặc phần lớn một số ngành then chốt (ngân hàng, xây dựng cơ bản, đường sắt 100%, ngoại thương 98, 1%). Văn hoá, giáo dục, y tế phát triển nhanh chóng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Đánh giá những kết quả đã đạt được sau ba nạm khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Nhân dân ta ở miền Bắc đã ra sức khắc phục khó khăn, lao động sản xuất, thu được những thành tích to lớn trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hoá, giảm bớt khó khăn và dần dần cải thiện đời sống cho nhân dân, ở cả đồng bằng và miền núi. Cải cách ruộng đất căn bản đã hoàn thành, công việc sửa chữa sai lầm phát huy thắng lợi trong nhiều địa phương đã làm xong và thu được kết quả tốt. Nông nghiệp đã vượt hẳn mức trước chiến tranh. Công nghiệp đã khôi phục các xí nghiệp cũ, xây dựng một số nhà máy mới.  An ninh trật tự được giữ vững, quốc phòng được củng cố” 1

Tiếp sau kế hoạch khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, nhằm đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, tháng 11-1958, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ở miền Bắc thực hiện kế hoạch cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hoá (1958-1960) với nhiệm vụ cơ bản là:

1. Ra sức cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội, khâu   chính là đẩy mạnh hợp tác hoá nông nghiệp, đồng thời tích cực phát triển và củng cố thành phần kinh tế quốc doanh. 

2. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, lấy sản xuất nông nghiệp làm khâu chính, chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề lương thực, đồng thời sản xuất công nghiệp, tăng thêm tư liệu sản xuất và giải quyết phần lớn hàng tiêu dùng.

3. Trên cơ sở sản xuất phát triển, nâng cao thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá cho nhân dân, nhất là nhân dân lao động, tăng cường củng cố quốc phòng.  Với quyết tâm cao, nhân dân miền Bắc đã thu được những thành tích đáng kể.

Trong cải tạo nông nghiệp, nếu tháng 6- 1958, toàn miền Bắc mới có 134 hợp tác xã, đến cuối năm 1958 con số này đã tăng lên 4.721 và tháng 11-1960 đã có 41.401 hợp tác xã với 85% tổng số hộ và 76% diện tích đất canh tác. Đây là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng đối với nông thôn và nông dân miền Bắc. Nó tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho nhân dân, góp phần chi viện nhân tài, vật lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam.

Với việc cải tạo công, thương nghiệp tư bản tư doanh, trong ba năm (1958-1960), có 783 hộ tư sản công nghiệp (100%), 826 hộ tư sản thương nghiệp chiếm 97,l%), 319 hộ tư sản vận tải cơ giới (99%) được cải tạo 2. Toàn bộ cơ sở công, thương nghiệp tư bản tư doanh sau cải tạo được tổ chức thành các xí nghiệp công tư hợp doanh, các xí nghiệp hợp tác , công nhân được giải phóng khỏi sự bóc lột của giai cấp tư sản, trở thành chủ nhân của các xí nghiệp. 


_____________________________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.483.
2. Xem: 50 năm hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb.  Sự thật, Hà Nội, 1979, tr.143.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM