Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 07:13:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bảo vệ Trường Sa 14/3/88  (Đọc 479473 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #470 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2014, 03:47:50 pm »

http://laodong.com.vn/chinh-tri/gac-ma-khac-khoai-mot-noi-dau-bai-2-tam-nguoi-con-duoc-tro-ve-dat-me-223018.bld

Gạc Ma - Khắc khoải một nỗi đau (bài 2): Tám người con được trở về đất mẹ

Phải 20 năm sau trận chiến bi hùng ngày 14.3.1988, xác tàu HQ 604 được tìm thấy dưới đáy biển cách đảo Gạc Ma 1 hải lý, vùng biển vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. 8 bộ hài cốt mà các thợ lặn tàu dân sự Thành Công 07 đưa lên khỏi lòng biển lạnh, qua giám định ADN được xác nhận là 8 trong số 56 chiến sĩ hải quân hy sinh cùng con tàu HQ 604….

Cuộc tìm kiếm dưới lòng biển lạnh
64 cán bộ chiến sĩ hải quân hy sinh trong trận chiến ngày 14.3.1988. Ngoài một số hy sinh trên đảo Sinh Tồn với những vết thương chí tử và một số thi thể đã được đồng đội đưa ngay về; còn 56 thi thể khác vẫn nằm lại nơi chiến trường biển sâu. Cùng những người lính anh dũng của mình, con tàu HQ 604 chìm tại khu vực cách đảo Gạc Ma 1 hải lý về phía tây, cách đảo Cô Lin 3,72 hải lý về phía nam, như một ngôi mộ tập thể. Thế nhưng, phải 20 năm sau mới xác định vị trí xác tàu và bước đầu lặn vớt, đưa được một số hài cốt các anh lên khỏi đáy biển lạnh.
Chuyện là ngày 10.8.2008, khi đang đánh bắt hải sản tại khu vực gần đảo Cô Lin, tàu cá Quảng Ngãi QNg 96219 phát hiện 1 xác tàu vận tải quân sự Việt Nam nằm ở độ sâu 21m, trong tàu có hài cốt của nhiều người. Lập tức ngư dân báo cho Ban chỉ huy đảo Cô Lin, để rồi rất nhanh chóng, thông tin trên được báo cáo lên Sở chỉ huy Vùng 4 Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân. Theo nhận định của Quân chủng Hải quân, đây chính là tàu HQ 604 bị chìm trong trận đánh với hải quân Trung Quốc ngày 14.3.1988.

Cùng ngày phát hiện xác tàu HQ 604, tàu Thành Công 07 chuyên nghề lặn thu gom phế liệu đang có mặt trên vùng biển Trường Sa. Hai chủ tàu này vốn quen biết nhau, nên sau khi chủ tàu QNg 96219 cho biết Quân chủng Hải quân nhờ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông Võ Văn Chức - thuyền trưởng tàu Thành Công 07 - lập tức chỉ huy con tàu cùng đội thợ lặn tới ngay khu vực tàu đắm.
Việc khảo sát, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hôm ấy gặp vô vàn khó khăn, nguy hiểm. Không chỉ vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mà còn vì liên tiếp 3 lần tàu Thành Công 07 bị tàu hộ vệ tên lửa 557 của Trung Quốc thường trực ở đảo Gạc Ma lao ra truy đuổi. Tới 16 giờ ngày 10.8.2008, ông Võ Văn Chức vào đảo Cô Lin cung cấp thông tin: Tàu chìm dưới biển không rõ số hiệu, chiều dài khoảng 45m, rộng 7,5m, cao 6.5m.

Tàu có 2 khoang, giữa 2 khoang có 1 trụ cẩu, kiểm tra sơ bộ 1 khoang có 6 xương ống chân và nhiều xương vụn. Đồng thời bàn giao những vật thu gom được bước đầu cho Ban chỉ huy đảo Cô Lin: 1 khẩu B41 cùng 3 quả đạn, bệ khóa nòng và thoi đẩy của tiểu liên AK, 1 cuốc chim. Ngoài ra, thợ lặn còn mang lên được một đôi dép nhựa, dù ở sâu dưới lòng biển ngót hai chục năm vẫn còn rõ dòng chữ “Triển lãm thành tựu kinh tế Việt Nam - HCV - dép nhựa Tiền Phong, Hải Phòng”.

Tới 15 giờ hôm sau, ngày 11.8.2008, tàu Thành Công 07 tiếp tục bàn giao cho đảo Cô Lin một bao tải hài cốt gồm 4 xương sọ, một số xương ống chân, cánh tay, xương sườn và vài vật dụng cá nhân. Toàn bộ số hài cốt, vật dụng này lập tức được các chiến sĩ trên đảo Cô Lin lau rửa cẩn thận, tiến hành hương khói. Theo các thợ lặn tàu Thành Công 07 thì trong ngày 11.8 thực ra họ đã gom được số hài cốt nhiều hơn, đặt vào 2 bao tải, thì xảy ra sự cố 1 thợ lặn chết trong quá trình lặn tìm, nên chỉ đưa lên được 1 bao hài cốt.
Sau sự cố trên, tàu Thành Công 07 đã nhiều lần quay lại khu vực tàu HQ 604 chìm, nhưng vị trí tìm kiếm chỉ cách đảo Gạc Ma 1 hải lý nên bị tàu quân sự Trung Quốc xông ra truy đuổi quyết liệt. Vì vậy, chiếc bao tải đựng hài cốt liệt sĩ chưa kịp đưa lên, vẫn nằm lại với xác con tàu.
Đưa các anh về đất mẹ
Hài cốt liệt sĩ từ đảo Cô Lin được đưa về đất liền, chuyển đến Viện Pháp y Quân đội, được bảo quản và ngày đêm hương khói. Theo phán đoán ban đầu của các bác sĩ Viện Pháp y Quân đội, thì số hài cốt này của khoảng 7 đến 8 người. Không có bộ nào trọn vẹn, có hài cốt chỉ còn vẻn vẹn chiếc xương ống tay, xương sườn...
Bộ Tư lệnh Hải quân đã thành lập 3 đoàn công tác đi đến từng gia đình của 56 chiến sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma, lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN, cung cấp cho Viện Pháp y Quân đội. Thượng tá Phạm Văn Minh (trợ lý Phòng Chính sách - Quân chủng Hải quân Việt Nam) nhớ lại: Trong số 56 chiến sĩ hy sinh, chỉ có 4 đồng chí có vợ, con, còn lại đều là thanh niên độc thân. Khi chúng tôi tìm đến, nhiều gia đình chiến sĩ bố mẹ đã mất cả, anh chị em thì sống ở nhiều nơi khác nhau, rất khó khăn cho việc lấy mẫu sinh phẩm. Yêu cầu của mẫu sinh phẩm là phải lấy, đem về Viện Pháp y Quân đội ngay trong ngày thì mới cho kết quả chính xác, nên chúng tôi phải chạy đua với thời gian.

Cùng thời điểm, tại Hà Nội, các bác sĩ Viện Pháp y Quân đội xác định được số hài cốt đưa về từ xác tàu HQ 604 thuộc về 8 chiến sĩ. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam làm nhận dạng hài cốt có số lượng mẫu so sánh lớn như thế đối với các hài cốt bị lẫn lộn. Như vậy, cứ một mẫu hài cốt phải lần lượt so sánh, đối chiếu với 56 mẫu sinh phẩm để xác định đó là hài cốt của ai trong số 56 chiến sĩ hy sinh trên tàu HQ 604.
Sau quá trình nghiên cứu, so sánh đối chiếu mẫu ADN, danh tính 8 liệt sĩ đã được xác định, các anh là người con của 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An và Quảng Bình. Ngày 20.11.2009, Bộ Tư lệnh Hải quân đã phối hợp với Viện Pháp y Quân đội tổ chức công bố kết quả giám định ADN và bàn giao hài cốt cho thân nhân liệt sĩ. Biểu tượng Tổ quốc ghi công làm bằng khối pha lê có chứa giọt gene ADN của mỗi liệt sĩ cũng được trao cho 8 gia đình.
Đại tá Nguyễn Kiều Kinh - Trưởng phòng Chính sách (Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Hải quân) - chia sẻ: Trước đó, xe của Bộ Tư lệnh Hải quân đã về tận nhà đón thân nhân của liệt sĩ đưa về nhà khách Hải Thành (TP.Hải Phòng), nghỉ lại một đêm rồi 4 giờ sáng hôm sau lên Hà Nội. Đêm đó, chẳng ai ngủ, họ đều thao thức đếm từng phút để được “gặp mặt” người thân sau bao nhiêu năm xa cách.

Sau khi công bố kết quả giám định và bàn giao cho thân nhân gia đình từng liệt sĩ, những chiếc xe quân đội gắn vòng hoa trang trọng tỏa về các hướng: Hải Phòng (liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch ở quận Lê Chân, liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải ở huyện Thủy Nguyên), Thái Bình (liệt sĩ Trần Văn Phòng ở huyện Kiến Xương, liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm ở huyện Hưng Hà), Nghệ An (liệt sĩ Đậu Xuân Tư và liệt sĩ Hồ Văn Nuôi đều ở huyện Nghi Lộc) và Quảng Bình (liệt sĩ Trần Văn Quyết ở huyện Quảng Trạch, liệt sĩ Trần Quốc Trị ở huyện Bố Trạch).

Đã 6 năm trôi qua kể từ ngày đón nhận hài cốt liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch, nhưng ông Đoàn Tuấn Nghĩa (bố liệt sĩ Hoạch) vẫn rưng rưng xúc động: “Con trai chúng tôi hy sinh từ năm 1988 ở Trường Sa, 20 năm sau tôi được đề nghị xét nghiệm ADN, lúc đó tôi cũng chẳng hy vọng gì nhiều, vì nghĩ bao nhiêu người hy sinh ở đất liền còn chẳng tìm thấy xác nữa là giữa biển cả bao la.

Hình hài của con trai tôi chỉ còn lại một mảnh xương sọ có vết đạn bắn xuyên thủng và một đoạn xương chày phải đặt trong tiểu sành phủ cờ Tổ quốc, nhưng chừng đó cũng khiến chúng tôi được an ủi rất nhiều. Tôi mong sao một ngày không xa, hài cốt những đồng đội của con trai tôi sẽ được cất bốc, đưa về an táng tại quê nhà”. Nỗi niềm của ông Nghĩa cũng là tâm sự, nỗi day dứt của những người lính hải quân, của người dân Việt.
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #471 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2014, 10:47:54 am »

http://laodong.com.vn/chinh-tri/gac-ma-khac-khoai-mot-noi-dau-bai-3-ky-vat-ay-van-vang-len-bai-ca-giu-nuoc-223478.bld

Gạc Ma - khắc khoải một nỗi đau (bài 3): Kỷ vật ấy vẫn vang lên “bài ca giữ nước”

Kỷ vật, nhất là kỷ vật của liệt sĩ thì bao giờ chúng cũng “biết nói”. Song, hơn thế, các liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm và Trần Văn Phòng ở Thái Bình còn để lại vợ trẻ, con thơ, với kỷ vật biết cất lời ái quốc theo đúng nghĩa đen: Ấy là hai chiếc radio 26 năm qua chưa bao giờ trục trặc. Kỷ vật “biết nói” của liệt sĩ Trần Văn Phòng.
“Con đi chuyến này, không biết biển khơi thăm thẳm sẽ ra sao, cứ để cái đài này ở lại nhà cho bố nghe” - ông Trần Văn Thiêm, 84 tuổi - cụ thân sinh của liệt sĩ Phòng - nhắc lại lời con, rồi tiện tay vặn nút mở radio.
Tất cả chúng tôi lặng đi, như có một sự xui khiến màu nhiệm nào đó của trời đất, như cơ duyên thế nào đó, làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam ở thời điểm đó lập tức vang lên, đúng vào khoảnh khắc các chiến sĩ hải quân nói về hải đảo, về “bài ca giữ nước” còn nóng hổi từ xửa xưa...
Tình cờ đến khó tin

Hôm ấy là sáng 1.7, chúng tôi mang quà của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đến thăm từng gia đình, thắp nhang cho từng liệt sĩ. Tại thôn Dương Liễu 2 (xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), anh Tiến, anh Toàn, 2 cán bộ xã và chúng tôi, nghe chiếc đài của liệt sĩ Trần Văn Phòng nói về sự hy sinh và biển đảo, tất cả cùng buột miệng hỏi cụ Thiêm “cụ cài sẵn băng đĩa nói về Trường Sa, Hoàng Sa trong này phải không ạ?”.

Cụ Thiêm ngạc nhiên: “Nó là radio Na-ti-o-nan, có băng đĩa gì đâu nhỉ. Đài tiếng nói Việt Nam đang “nói” đấy chứ! 26 năm rồi, đêm nào tôi cũng vẫn nghe mà”. Một sự tình cờ đến khó tin.

Sinh năm 1963, trong một gia đình 8 anh em, trong đó có tới 6 người là bộ đội, Trần Văn Phòng cũng sớm nhập ngũ rồi học ở ngôi trường danh tiếng dành cho sĩ quan hải quân. Công tác ở trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân, từ đầu những năm 1980, anh Phòng đẹp trai, oai phong, là niềm tự hào của cả gia đình.

Bà Bùi Thị Mùi - 85 tuổi, mẹ liệt sĩ Phòng - nhớ lại: “Trước khi đi ra Trường Sa công tác “vì nhiệm vụ đặc biệt”, hình như nó có linh cảm rằng có thể không bao giờ còn gặp lại cha mẹ hay sao ấy. Nó về, tặng bố cái đài nó rất quý, bấy giờ là cả đống tiền đấy. Nó mua áo gụ tặng tôi rồi nói chuyện rất cảm động”. Chị Huệ - con dâu bà Mùi - bổ sung: “Chú ấy tặng áo cho bà, rồi quay ra tươi cười bảo các chị dâu, em nợ quà các chị đấy nhé. Chúng tôi còn đùa, gớm 5 bà chị dâu thế này thì chú sẽ phải mệt vì quà đấy. Ai ngờ đó là lần gặp cuối”.

Tiếng khóc rấm rứt khắp nhà, bà Mùi vẫn dấm dẳng: “Bao đêm tôi không ngủ được, khóc đến mờ cả mắt. Ngẫm đau xót cho thằng bé tình cảm nhất, hoạt bát nhất nhà ấy. Lúc nào nó cũng tươi cười nhé. Nó đi bộ đội vào thời bình, hết đánh Pháp, hết đánh Mỹ, hết cả đánh Tàu năm 1979 rồi nhỉ. Thế mà ai ngờ, thời bình năm 1988, nó hy sinh ở tít ngoài hòn đảo xa xôi ấy”.

Tai nặng đặc, nói rõ nhưng không nghe rõ chúng tôi nói gì, bà Mùi bật cái đài oang oang mà vẫn nghĩ là người “nhà đài” người ta chưa “ra nhời”. Ông Thiêm nói thật to: “Đài nó nói rồi bà ơi” “điếc đã 3 năm rồi, càng ngày càng điếc”, rồi cả hai gạt nước mắt cười gượng. “Nó nằm mấy chục năm ngoài hòn đảo ấy, dưới đáy biển lạnh ấy, rồi người ta mới mặc quần áo người nhái lặn, bơi vào khoang tàu đắm, mang được mấy mảnh xương của nó về. Nó mới về quê được vài năm nay thôi. Ông nhà tôi lại được nhà nước mời đi lên Hà Nội, gặp lãnh đạo và thăm đơn vị của con, nhưng lần này là đi nhận xương cốt của nó”.

“Lúc nghe đài người ta đọc oang oang trên loa ngoài cây cột điện, có danh sách Trần Văn Phòng hy sinh trên đảo Gạc Ma, bà nhà tôi ngất xỉu, tôi thì thấy người nó cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Nó mới cưới vợ xong, vợ trẻ, con gái còn chưa kịp chào đời. Mấy chục người dưới đáy biển khơi, mà mấy mươi năm mới chỉ tìm được có vài mảnh xương tàn của 8 con người thôi. Có nỗi đau nào hơn thế không?”, chợt giọng ông Thiêm trở nên cay xót.

Mong các anh ngậm cười nơi chín suối

Xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bà Nguyễn Thị Dư - mẫu thân của liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm - dù ở tuổi 90 tuổi, qua đủ 10 lần sinh nở trong nghèo đói, đến nay, giọng vẫn tròn vành và vô cùng khúc chiết. “Không phải nó chết rồi thì tôi mới nói thế đâu, nhưng thằng Tâm là đứa tuyệt vời nhất của tôi. Đi chiến trường vệ quốc là vinh quang, thì có sống có chết, nhưng thử hỏi lòng mẹ làm sao không đau được? Sau mấy chục năm, người ta tìm thấy di cốt con tôi mang về mai táng ở nghĩa trang địa phương, giờ tôi chết cũng “phấn khởi” được rồi đấy”.

Cô giáo Phan Thị Quý - vợ của liệt sỹ Tâm - đã khóc ngay từ khi chúng tôi ngỏ ý đến thắp nhang cho người quá cố. Giấy khen, huy chương, rồi thư chồng viết tay trên giấy nâu đen thời cũ, cô giữ y nguyên cả. Có lá thư chỉ đến tay cô Quý trước vài ngày so với thời điểm anh ra Gạc Ma và hy sinh.

Thư nào cũng một mực “em phải chăm hai con ăn học cẩn thận, em là cô giáo, chịu khó rèn cặp các con, có chữ là có tất cả”. “Anh ấy đi suốt 1 năm ròng của năm 1987 mà không về phép ngày nào, anh bảo, để sang năm “cộng phép” vào anh về nhân thể. Mẹ con tôi nuôi rất nhiều gà, cứ để dành đến tết, thể nào anh ấy cũng được về. Và sẽ mở tiệc. Tết, anh viết thư rằng có nhiệm vụ khẩn cấp ngoài Trường Sa. Mẹ con tôi chờ đợi, chờ mãi đã 26 năm. Các con giờ đều tốt nghiệp đại học, học lên cao học, đứa dạy ở huyện Vũ Thư, đứa làm cho ngân hàng ACB ngoài Hà Nội. Ở “dưới ấy”, anh Tâm chắc cũng sẽ ngậm cười vì tâm nguyện nuôi con học nên người ngày ấy.

Liệt sĩ Tâm để lại nhiều kỷ vật cho gia đình, trước lúc lên đường làm nhiệm vụ vinh quang và nguy hiểm kia. Một cái đài Sông Hồng, một đồng hồ đeo tay, cả cái ca uống nước thân thương của một thời. Kỷ vật biết nói theo đúng nghĩa đen kia, giờ đây con gái liệt sĩ mang theo bên mình để nghe Đài tiếng nói Việt Nam mỗi ngày.

Năm 1988, cũng qua làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, cô giáo Quý đang chào cờ giữa sân trường cấp 2 vào một ngày đầu tuần, thì vang lên bản danh sách những người ngã xuống trong hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. “Chồng tôi đứng thứ 53 trong bản danh sách. Tôi ngất xỉu, cảm giác như mình rơi tự do từ vách đá nghìn mét xuống vực thẳm. Nửa ngồi nửa nằm ở cái bậc bước lên bể nước ngoài trường. Mọi người bảo, có nhiều người bị Trung Quốc bắt cóc sang bên kia chưa trao trả, biết đâu anh Tâm chả nằm trong số đó, vì thế mà mãi rồi nhà nước chưa báo tử... Tôi hơi hy vọng, lại có người bảo, đừng lo lắng, đừng đau đớn quá, mà anh ấy còn sống đâu đó ngoài đại dương hay bên phía những kẻ bắt cóc, anh ấy lại nóng ruột không làm được việc lớn”.

Tuy thế, cuối cùng thì cô giáo trẻ cũng đã lờ mờ hiểu, lá thư anh gửi kia là lá thư cuối cùng. Thương chồng, thương con, cô giáo Quý đã mua một cái quán lợp tranh ở xóm bên, tranh thủ bao ngày tháng xe đất về lấp các khoảnh ao để có mặt bằng dựng một căn nhà nhỏ, một lòng chăm sóc hai giọt máu buốt xót còn lại của người chồng anh hùng.

Gần đây, đồng đội ở ngành hải quân đến thăm, họ bảo “nhà của vợ con sĩ quan hải quân sao tranh tre lụp xụp thế”, họ đã hỗ trợ 50 triệu đồng để chỗ tưởng nhớ anh Nguyễn Minh Tâm được khang trang như hôm nay. Đồng đội cũng kể, anh Tâm đã can trường đứng trên nóc tàu quan sát và chỉnh lại lá cờ tổ quốc, rồi đạn của kẻ thù bắn vào vai anh.

Đêm ấy, trước khi rời Thái Bình, đi dọc con đê lầy thụt, chúng tôi vào tặng quà và thắp nhang cho liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Chức ở xã Canh Tân. Đồng đội và xã hội quan tâm lắm, nhưng không hiểu sao căn nhà hiu quạnh toàn bát nhang và bàn thờ ấy vẫn cho tôi cảm giác tủi phận thay cho anh Chức.

Khác với anh Phòng, anh Chức ra đi, khi chưa có vợ con gì, bố mẹ già khuất núi, chỉ còn bà chị Trần Thị Khánh bị bệnh lý tâm thần cứ ngẩn ngơ ra vào. Biết hương khói ra sao? Chị Khánh đã bớt cảnh nhảy xuống ao tát nước bắt cá, khóc cười, soi gương vô hạn độ rồi, nhưng thử hỏi làm sao tránh được cảnh khói lạnh hương tàn? Lực lượng hải quân cũng đang xúc tiến dựng lại căn nhà ấy, căn nhà có những viên gạch kia do chính tay anh Chức đóng trước khi quả cảm ra với đại dương mãi mãi.
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #472 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2014, 12:39:59 pm »

Khảo sát thiết kế “Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma”: Biểu tượng bất khuất của dân tộc

Sau khi đi khảo sát thực địa xây dựng “Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma” tại bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) và thăm Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, chiều 4.10, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã giao lưu với 28 kiến trúc sư (KTS) đến từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng dự thi thiết kế khu tưởng niệm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã tham gia cuộc giao lưu đầy ý nghĩa này.

Phải thiết kế tượng đài Gạc Ma mang tầm vóc quốc tế

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng phát biểu nhấn mạnh: Việc triển khai cuộc thi ý tưởng kiến trúc công trình Gạc Ma nhằm tuyển chọn phương án tốt nhất đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức, đảm bảo tính khả thi, bền vững và thỏa mãn yêu cầu góp phần giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ và đề cao giá trị thẩm mỹ, trở thành điểm đến tham quan du lịch. Giải thưởng thiết kế công trình này là tấm lòng của mỗi KTS. Vì vậy, sự hiện diện của các KTS là niềm vinh dự của chúng tôi trong việc thực hiện xây dựng “Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma” (KTN Gạc Ma). Các KTS đã có tâm tham gia và cố gắng thiết kế hình tượng người Việt Nam chiến đấu bảo vệ đất nước không bằng súng, mà bằng ý chí, lòng căm thù, đấu tranh lẽ phải, bằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế...

“Đây là công trình có ý nghĩa to lớn tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến tại đảo Gạc Ma (ngày 14.3.1988), được xây dựng tại bán đảo Cam Ranh gắn với huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Vị trí đặt tượng đài sẽ được tổ chức thành quảng trường, hòa quyện với không gian xung quanh tạo nên công viên Gạc Ma là biểu tượng đoàn kết bất khuất của dân tộc VN. Cảm ơn các KTS đã tích cực tham gia chương trình thiết kế KTN Gạc Ma” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh nói. Các KTS đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến bổ ích trong việc thiết kế KTN Gạc Ma. KTS Vũ Duy Tùng - Phó phòng Quy hoạch Khu Du lịch bắc BĐ Cam Ranh - cho biết, BQL đang lập quy hoạch xây dựng dải cây xanh ven biển tạo không gian xanh, giữ lại các đồi cát cho cả khu vực và công viên xây dựng KTN Gạc Ma. KTS Lâm Quang Nới (TPHCM) cho rằng, có đến 10 nhóm KTS tham gia cuộc khảo sát này là thành công của ban tổ chức. Trong khi đó, KTS Trần Việt Hùng (Khánh Hòa) hiến kế phải thiết kế tượng đài Gạc Ma mang tầm vóc quốc tế.

Tại buổi giao lưu, nhiều KTS đã xúc động rơi nước mắt khi xem những thước phim giới thiệu chương trình giao lưu “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” và tư liệu trận chiến Gạc Ma, do Báo Lao Động tổ chức tại Đà Nẵng. Chị Nguyễn Thị Hồng Vân - nữ KTS trẻ duy nhất đến từ Hà Nội - mắt đỏ hoe nói: “Đọc nhiều, xem nhiều tư liệu về lịch sử đấu tranh của dân tộc, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được xem phim tư liệu về Gạc Ma. Tôi cảm nhận sâu sắc sự mất mát, đau thương mà các chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc. Tôi tâm nguyện sẽ cống hiến hết mình để thiết kế biểu tượng Gạc Ma!”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh bộc bạch: Đoạn phim tư liệu gợi lại những giây phút chiến đấu anh dũng vì biển, đảo của tổ quốc; cho ta thấy được những khó khăn, gian khổ, hy sinh của các chiến sĩ...

Khai mở ý tưởng thiết kế qua điền dã, tham quan

Sáng cùng ngày, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng, Tổng Biên tập Báo Lao Động Trần Duy Phương cùng đoàn 30 KTS đã khảo sát thực địa, tìm hiểu thực tế tại địa điểm xây dựng KTN Gạc Ma tại bắc bán đảo Cam Ranh; dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại tượng đài hữu nghị quân nhân Nga - Việt ở Cam Lâm; thăm Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng trao đổi với các KTS về việc chọn địa điểm khu bắc bán đảo Cam Ranh để xây dựng KTN Gạc Ma là khá lý tưởng, là điểm nhấn nằm trong công viên nối liền vùng biển huyện đảo Trường Sa, gần sân bay quốc tế Cam Ranh,... Mong muốn mỗi KTS và mỗi người dân cùng góp từng “viên đá” để xây dựng khu tưởng niệm này.

  Tại Vùng 4 Hải quân, Chuẩn Đô đốc Phạm Thanh Hóa - Chính ủy Vùng 4 Hải quân - đã bày tỏ xúc động trước sự quan tâm của Tổng LĐLĐVN, của đoàn KTS đã đến thăm, động viên giúp cán bộ, chiến sĩ hải quân phát huy những thành tích 39 năm qua mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Các KTS đã giao lưu, nghe đại tá Nguyễn Văn Thắng - Chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), Chủ tịch HĐND huyện đảo Trường Sa - kể chuyện về gương các chiến sĩ Gạc Ma. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: “Đoàn KTS không đơn thuần chỉ thăm, mà còn tìm hiểu sự chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ hải quân. Các KTS rất muốn biết, muốn thấy các di vật, câu chuyện về những thân nhân liệt sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma. Qua đó, các KTS thể hiện tài năng, lòng nhiệt huyết tham gia thiết kế tượng đài Gạc Ma”.

Được thăm bảo tàng, tìm hiểu bức phù điêu khắc họa lại sự kiện Gạc Ma năm 1988 trước nhà truyền thống của Vùng 4 Hải quân, KTS Lâm Quang Nới (TPHCM) hào hứng nói: “Chúng tôi được thị sát tại địa điểm xây dựng tượng đài Gạc Ma; được ghi lại mỗi tấm ảnh, di vật của các chiến sĩ đã hy sinh để lại tại phòng truyền thống của Bộ Tư lệnh Vùng 4. Đây là những chất liệu sẽ tạo niềm cảm hứng cho chúng tôi có ý tưởng thiết kế tượng đài Gạc Ma”. KTS Trần Văn Khanh (Hà Nội) nói: “Cảm ơn ban tổ chức đã tạo điều kiện cho các KTS được tiếp cận thực địa, đi điền dã, tham quan Bộ Tư lệnh Vùng 4 và xem tư liệu Gạc Ma. Ban tổ chức cần cung cấp thêm bản đồ hiện trạng, địa hình, quy hoạch tổng thể không gian toàn khu vực. Qua đó, các KTS sẽ có cơ hội đầu tư sáng tác ý tưởng thiết kế xây dựng KTN Gạc Ma.

Công viên KTN Gạc Ma sẽ được Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng theo nguyện vọng có một không gian thiêng liêng, để gia đình, thân nhân, đồng bào cả nước thăm viếng, tưởng niệm những chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa của tổ quốc. Vị trí khu đất khoảng 20.000m2 tại khu 2 - khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, phía bắc giáp khu quy hoạch công viên, phía nam giáp khu đất quân sự, phía đông giáp biển, phía tây giáp bãi đậu xe trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

http://laodong.com.vn/chinh-tri/khao-sat-thiet-ke-khu-tuong-niem-cac-chien-si-gac-ma-bieu-tuong-bat-khuat-cua-dan-toc-253303.bld

Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
CONNHALINH_HAIQUAN
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #473 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2014, 01:05:55 pm »

chào các chú các bác ccb, tình cờ cháu dọc diễn đàn của các bác đã lâu, song bây giờ mới đang ký làm thành viên, chác thuộc thế hệ 8x, con nhà lính, nhân sự kiện GACMA cháu muốn kể câu chuyện không biết các bác một thời trong quân chủng HẢI QUÂN có biết bác này không?
bố cháu là lính HẢI QUÂN trước ở vận tải 125 sau chuyển sang đạc công nước 126, tham gia tiếp quản SONG TỬ TÂY_ TRƯỜNG SA,sau đổ bộ sihanoukville chiến trường camphuchia, hôm rồi cháu có đưa ông lên TPhồ chí minh gặp lại đồng đội, tham gia cuộc vui của các cụ có ông đại tá LÊ VĂN SỢI người làng của cháu, tĩnh gia thanh hóa, trong câu chuyện các bác kể trên và báo đài cũng nói, thì chính bác NGUYỄN VĂN DÂN là bạn học chung với bác SỢI cùng nhập ngũ với nhau và là ngừoi cùng huyện, khác xã, bác Dân ở xã  BÌNH MINH bác Sợi ở NINH HẢI xã cháu,ông kể trong quân chủng HẢI QUÂN thời đó, chỉ có bác Sợi là đi trường sa mà không bị lạc,chính đô đốc GIÁP VĂN CƯƠNG từng nói với ông " thằng này thế mà được" cũng vì tính khí ngay thẳng, đôi khi nóng nảy mà không dc phong ANH HÙNG, nghe ông kể thì còn rất nhiều cái phía sau mà báo chí chúng ta chưa thể khai thác dc, gian nan vất vả thì nói nhiều rồi, song như khi sảy ra chiến sự vì sao lính mình không dc nổ súng mặc dù đã có điện xin về cục tác chiến, trình lên bộ tham mưu....vì sao SU22 lại không ra lúc đó, vì sao 2 tầu chiến trực phía DK lại không lên, rồi có những giai thoại như cưa ống luồng sơn xanh giả làm pháo....những điều trên vì là hậu sinh nên chưa giám khẳng định nó đúng hay sai, chỉ mong có bác ccb nào cùng thởi với các bác nói trên may ra mới kiểm chứng dc, hiện ông đang sống tại quận bình thạnh, đối diện cau lặc bộ thể thao quân chủng hải quân, gần Tân cảng,
Logged
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #474 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2014, 08:44:31 am »

http://laodong.com.vn/phong-su/gac-ma-tuong-dai-cua-tinh-than-qua-cam-269030.bld

Gạc Ma - tượng đài của tinh thần quả cảm

“24 phương án tham gia cuộc thi thiết kế “Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma” với nhiều cá nhân, tập thể đến từ khắp cả nước nhưng tựu trung ấy là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự hào dân tộc. Còn đó một Gạc Ma bi hùng, một vết thương của tổ quốc dường như chưa bao giờ lành mà mọi con dân Việt Nam không bao giờ quên” - ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam, Phó Trưởng ban giám khảo Cuộc thi Thiết kế phương án “Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma” - xúc động chia sẻ tại vòng sơ khảo cuộc thi diễn ra vào ngày 16.11 tại Văn phòng B - Tổng LĐLĐ Việt Nam.
“Có điều gì đó thiêng thiêng lắm!”

Trong số những cá nhân tham gia cuộc thi, có lẽ đặc biệt hơn cả là vợ chồng ông Lâm Quang Nới và bà Lý Thị Liễu, đến từ TPHCM. Ông Nới nay đã 65 tuổi, còn bà “thì trẻ lắm, mới chỉ 62 thôi”. Ông bà gửi đến cuộc thi hai phương án thiết kế mà theo bà Liễu là “hơn 60 năm ở trên đời, chúng tôi đã nghe, đã nhận quá nhiều từ đất nước, từ Gạc Ma. Tham gia cuộc thi này, đó là việc làm cụ thể mà chúng tôi có thể làm cho đất nước, cho Gạc Ma bi hùng của dân tộc”. Bà kể, khi nghe được thông tin Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động cuộc thi, cả hai vợ chồng đều có những ý tưởng của riêng mình. Sau chuyến khảo sát thực địa xây dựng tại bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vào đầu tháng 10.2014, ông bà bắt tay vào thiết kế phương án. “Có điều gì đó thiêng liêng, thôi thúc mình, làm chúng tôi không hề thấy mệt mỏi”, ông Lâm Quang Nới nói. “Chúng tôi có thể làm bất kỳ lúc nào. Nửa đêm. Một, hai giờ sáng, khi nảy ra một ý tưởng nào đó, tôi lại bật dậy vẽ lại ngay”, bà Liễu tiếp lời.

“Gạc Ma mãi là một phần thân thể của tổ quốc, là vết thương chưa bao giờ lành. Tổ quốc, dân tộc Việt Nam không bao giờ quên. Trận hải chiến ngày 14.3.1988 là cuộc chiến không cân sức giữa hải quân của ta và quân đội Trung Quốc, khiến 64 chiến sĩ của ta hy sinh. Đau đớn hơn cả là cho đến nay, 64 hài cốt các chiến sĩ vẫn còn nằm lại ở biển khơi… Chính nỗi niềm đau đáu ấy đã trở thành chủ đề tư tưởng chủ đạo xuyên suốt cho sáng tác tác phẩm của tôi - “Những người nằm lại phía chân trời”” - bà Lý Thị Liễu xúc động chia sẻ.

Để lại ấn tượng mạnh mẽ với hội đồng giám khảo trong buổi sơ khảo là ông Huỳnh Việt Dũng, đến từ Cty mỹ thuật Tìm Đẹp (TPHCM). “Thái độ khi trình bày ý tưởng của tác giả Huỳnh Việt Dũng làm tôi thật sự xúc động. Ông cẩn thận, trau chuốt từng chi tiết, từng cảnh. Ở ông Dũng, đó là một tình yêu đất nước chân thành, là cái tâm trong, tấm lòng sáng”, ông Khương Đình Mười - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM nhận xét.

Ông Huỳnh Việt Dũng có thời gian công tác ở huyện đảo Trường Sa với công việc trang trí phòng truyền thống ở đảo Nam Yết. Ông kể, chỉ hơn 1 năm đi và về Trường Sa và đất liền (2012-2013) nhưng đó là công việc khiến ông biết bao tự hào. Và khi nhận được thông tin có cuộc thi thiết kế phương án “Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma”, ông đã dành gần như toàn bộ tâm sức của mình thiết kế với một tâm niệm “sẽ làm được một việc gì đó cụ thể cho Gạc Ma”. Ông đến buổi sơ khảo từ rất sớm, một mình ông vận chuyển toàn bộ mô hình lên phòng thi. Cẩn thận và tỷ mỉ, ông sắp xếp từng chi tiết. Ông kể, để tạo hình được hai nhân vật Trần Văn Phương và Nguyễn Văn Lanh, ông đã thay đổi đến gần 70 lần, và hình ảnh 3 chiếc tàu ông chỉ kịp hoàn thành trước ngày gửi bài đi dự thi 3 ngày.

“Tôi không ngại thay đổi miễn sao thể hiện được trên tượng đài, tinh thần quả cảm, đoàn kết của chiến sĩ hải quân ta - những người “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ của Quân chủng Hải quân anh hùng”” - Ông Dũng rưng rưng.

Hơn cả tình yêu, đó là máu thịt

Trong phần trình bày của mình, ông Dũng không có bất kỳ tài liệu cầm tay nào. Ông bảo: “Suốt thời gian dài tìm hiểu về Gạc Ma, ba tháng làm việc liên tục khi xây dựng phương án, tất cả như là ruột gan, máu thịt của mình thì cần gì tài liệu nào”.

 
 “Những chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến năm ấy cũng bằng tuổi tôi bây giờ. Có những người biết chắc đi sẽ không trở về, sẽ có mất mát, sẽ có hy sinh, biết là gian nguy nhưng các anh vẫn tiến lên. Đó không phải là mưu sinh, không phải là tôn giáo mà đó là lý tưởng, từ Bạch Đằng Giang đến Gạc Ma, ngàn năm nay vẫn là tinh thần vệ quốc. Bấy lâu nay, tôi vẫn tiếp nhận thông tin về Gạc Ma nhưng đó đơn giản chỉ là tiếp nhận, để thật sự cảm được chỉ khi tôi bắt đầu tham gia cuộc thi này. Cuộc thi nào cũng chỉ có một phương án được chọn, nhưng kết quả như thế nào, cái chúng tôi được nhất chính là tình yêu đối với đất nước, với Gạc Ma gần gũi, cụ thể hơn bao giờ hết”, Trần Anh Tuấn, tác giả đến từ Hà Nội, chia sẻ.

“Trong 24 nhóm tác giả, cá nhân tham gia cuộc thi, có rất nhiều bạn trẻ đến từ các tỉnh thành trong cả nước, đó là một tín hiệu đáng mừng. Trong đó, có nhóm tác giả trẻ đến từ Trung tâm nghiên cứu Kiến trúc - Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM với phương án “Hành trình khát vọng” lọt vào nhóm 3 tác phẩm xuất sắc nhất. Ở phương án của mình, các bạn có những đột phá, sáng tạo mới mẻ nhưng vẫn có sự hào hùng, bi tráng ở đó”, ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM đánh giá.

“24 phương án tham dự đều thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, đa phần bám sát yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi đưa ra. Tuy nhiên, nhiều tác giả “tham” nhiều thứ quá, khiến cho ý tưởng của họ bị loãng ra. Có tác phẩm lại ảnh hưởng bởi các đồ án, dự án quốc tế. Có những phương án tốt nhưng có một vài chi tiết gần như làm hỏng cả tổng thể, có tác phẩm bi thương quá”, ông Nguyễn Tấn Vạn nhận xét.

Kết thúc vòng sơ khảo, ban giám khảo đã chọn ra 3 phương án thiết kế gồm: “Giọt nước mắt thiên thu” của tác giả Lâm Quang Nới; “Những người nằm lại phía chân trời” của tác giả Lý Thị Liễu và “Hành trình khát vọng” của nhóm tác giả trẻ đến từ Trung tâm nghiên cứu Kiến trúc - Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM. Theo giám khảo Khương Đình Mười thì 3 tác phẩm này có có bi nhưng không bi thương mà lại hùng tráng. Ở đó, có cả quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai.

Thay mặt Ban tổ chức, ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, gửi lời cảm ơn đến tất cả các tác giả đã gửi phương án đến dự thi. “Với 3 tác phẩm được chọn, hội đồng ban giám khảo sẽ có những góp ý để các tác giả hoàn chỉnh lại sản phẩm của mình. Sẽ có một buổi nữa để 3 phương án trình bày và sẽ chọn một tác phẩm sau cùng để lên phương án xây dựng”, ông Đặng Ngọc Tùng cho biết.

“Đến lúc này, có hai điều tôi thấy tiếc nuối đó là tôi đã nhiều lần xin được ra Trường Sa nhưng chưa được duyệt. Tôi chưa có cơ hội được tiếp xúc, trò chuyện nhiều với các thân nhân của các chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma nên có thể trong tác phẩm của mình có đôi chỗ còn thiếu, chưa thể hiện tới. Tôi hy vọng sẽ nhận được sự góp ý của ban giám khảo để tác phẩm, phương án của mình được hoàn chỉnh hơn”, ông Lâm Quang Nới nói.

Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #475 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2014, 08:53:13 am »

http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/tri-an-liet-si-gac-ma-519177.html

Tri ân liệt sĩ Gạc Ma
22/12/2014 05:50

Hội Cựu chiến binh TP.Đà Nẵng, Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại TP.Đà Nẵng hôm qua đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND VN, lễ tri ân những liệt sĩ đã hy sinh thân mình bảo vệ Gạc Ma, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân liệt sĩ Gạc Ma

Hơn 100 cựu binh bộ đội Trường Sa, thân nhân 10 liệt sĩ (những người con Đà Nẵng, Quảng Nam) đã hy sinh tại Gạc Ma, những cựu binh các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị từng tham gia trận chiến Gạc Ma (1988) cũng tham gia buổi tri ân xúc động này. Dịp này, Hội Cựu chiến binh TP.Đà Nẵng đã trao 10 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho gia đình 10 liệt sĩ Gạc Ma (ảnh).

Đại diện Mặt trận và các đoàn thể H.Triệu Phong (Quảng Trị) cũng đã có mặt, trao 14 suất quà (2 triệu đồng/suất) cho gia đình các liệt sĩ, cựu binh (Đà Nẵng, Quảng Nam) tham gia bảo vệ Gạc Ma.



Lấy ý kiến người dân về thiết kế Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma
Sáng 21.12, tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM, Tổng LĐLĐ VN, LĐLĐ TP.HCM tổ chức triển lãm 3 đồ án thiết kế xây dựng Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma để tham khảo ý kiến của cán bộ, đoàn viên và người dân (từ ngày 21.12 - 31.12).
3 đồ án được triển lãm là: “Hành trình khát vọng” của nhóm tác giả trẻ đến từ Trung tâm nghiên cứu kiến trúc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, “Giọt nước mắt thiên thu” của tác giả Lâm Quang Nới, “Những người nằm lại phía chân trời” của tác giả Lý Thị Liễu thuộc Công ty TNHH nhiếp ảnh Oanh Vũ. (Đình Phú)
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #476 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2015, 01:43:41 pm »

Khánh thành nhà tình nghĩa cho cựu binh Gạc Ma
Thứ sáu, 06/02/2015, 02:52 (GMT+7)
(SGGP).- Ngày 5-2, tại phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa đã tổ chức tặng quà, chúc mừng cựu binh Lê Hữu Thảo (50 tuổi, quê ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) và khánh thành ngôi nhà mới khang trang.
Cựu binh Lê Hữu Thảo là tiểu đội trưởng của một trong hai trung đội chiến đấu mà Lữ đoàn 146 gấp rút lập ra trước khi tàu HQ-604 được lệnh rời Cam Ranh ra bảo vệ đảo Gạc Ma đầu tháng 3-1988. Trong trận hải chiến lịch sử ngày 14-3-1988, ông Thảo được giao xuống bãi đá ngầm san hô cảnh giới và bảo vệ cho lực lượng công binh dựng cờ. Trong khi chỉ có hai khẩu AK, nhưng họ phải đối mặt với hơn 50 lính Trung Quốc trang bị súng và tàu chiến hiện đại. Ông Thảo đã một mình bơi ra cứu Hoàng Bùi Hải - nay là đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 4-2014, ông Thảo vẫn ở phòng trọ tại TP Hà Tĩnh. Nhịp cầu Hoàng Sa đã giúp ông mua một lô đất hết 340 triệu đồng, góp 60 triệu đồng giúp xây căn nhà rộng 110m2 và vận động chi nhánh Tôn Hoa Sen tại Hà Tĩnh tài trợ tôn trị giá 32 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị khác cũng giúp đỡ ông Thảo.
 http://sggp.org.vn/xahoi/2015/2/374952/
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #477 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2015, 08:20:09 am »

Quà Tết của bạn đọc Tuổi Trẻ cho gia đình liệt sĩ Gạc Ma

TTO - Ngày 11-2, Báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi gặp mặt và trao quà tết từ số tiền ủng hộ của bạn đọc cho gia đình các liệt sĩ hi sinh tại trận chiến bảo vệ Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Có 10 suất quà, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng được trao cho thân nhân 10 liệt sĩ để các mẹ, các chị có thêm ít tiền kịp sắm sửa ngày cho ngày tết.

Có mặt tại buổi gặp gỡ, cựu binh Nguyễn Văn Tấn, trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng ,chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng xúc động với tấm lòng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ thông qua những chương trình Góp đá xây Trường Sa, Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông.

Đây là những hành động thiết thực nhằm góp phần bảo vệ biên cương Tổ quốc, nơi mà chúng tôi và các anh em liệt sĩ đã đóng góp tuổi thanh xuân gìn giữ.

Chúng tôi luôn bị thôi thúc bởi ý nghĩ phải làm gì cho anh em đã nằm xuống được an lòng và dốc sức lo cho các mẹ, thân nhân các anh.

Còn rất nhiều gia đình liệt sĩ Trường Sa gặp khốn khó cần giúp đỡ, chúng tôi vui mừng là trong thời gian qua có báo Tuổi Trẻ thường xuyên làm bạn đồng hành.

Hôm nay tôi thay mặt cho gia đình những thân nhân đã ngã xuống tại trận Gạc Ma năm xưa xin cảm ơn tấm lòng bạn đọc quý báo. Đây cũng là dịp để gặp gỡ các mẹ, các chị dịp tết đến xuân về”.

Còn mẹ Huỳnh Thị Kế (83 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn ở quận Hải Châu) xúc động nói: “Tôi có hai đứa con, Đoàn là con trai duy nhất, nó hi sinh rồi. Đứa con gái của tôi thì đi lấy chồng nên từ ngày chồng mất tôi sống có một mình. Cứ mỗi độ tết đến như thế này thấy lòng xót xa vì không có con trai bên cạnh. Đau đớn thì không kể xiết nhưng đôi lúc nghĩ lại tôi cũng rất tự hào về con trai, nó đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc”.

Mẹ Kế cũng cho biết bà ở một mình nên được bà con lối xóm hết mực thương yêu giúp đỡ, chính quyền địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi động viên.

Bà nói đến nhận món quà của Báo Tuổi Trẻ bà không nghĩ gợi gì đến vật chất nhưng cứ mỗi dịp như thế này cảm thấy như con trai mình được vinh danh, xã hội nhớ đến con mình nên vô cùng cảm động và vui.

Trước đó, chiều 10-2, đại diện báo Tuổi Trẻ cùng đoàn thanh niên xã Điện Thắng Trung (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cũng đến thăm và trao số tiền 5 triệu đồng ủng hộ gia đình liệt sĩ Nguyễn Bá Cường.

Bà Trương Thị Ngò, mẹ liệt sĩ Cường xúc động nói: “Con tôi mất khi nằm xuống Trường Sa để bảo vệ Tổ quốc nhưng tôi lại có thêm nhiều đứa con khác.

Đó là sự quan tâm của các cháu, các ban ngành đoàn thể. Tôi chỉ mong mình sống tới ngày được nhìn thấy đền tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma vì cháu hi sinh không tìm được xác”.

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150211/qua-tet-cua-ban-doc-tuoi-tre-cho-gia-dinh-liet-si-gac-ma/710481.html
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #478 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2015, 01:16:43 pm »

Tướng Hoàng Kiền - người đưa đất ra Trường Sa
Cập nhật : 10:00 | 24/02/2015

Đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83, Thiếu tướng Hoàng Kiền đã có ý tưởng tuyệt vời là mang đất ra Trường Sa để các chiến sỹ trồng rau xanh cải thiện bữa ăn, làm xanh các hòn đảo quanh năm vốn khô cằn trong nắng và gió biển.

Niềm trăn trở và ý tưởng bất ngờ

Thiếu tướng Hoàng Kiền có khoảng mười năm gắn bó với Trường Sa. Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Học viện Lục quân, với quân hàm thiếu tá, ông được điều động về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83 ở Đà Nẵng. Ngay khi về công tác ở đây, ông đã có mặt tại Trường Sa, thiết kế, chỉ đạo thi công các công trình chiến đấu. Điều khiến ông trăn trở là các đảo ở Trường Sa đều rất khô cằn, thứ cây có thể sống được chỉ là phong ba, muống biển. Các chiến sĩ thiếu rau xanh, ăn uống toàn đồ hộp trong khi thời gian nghĩa vụ quân sự thì dài, với chiến sĩ thì khoảng ba năm, còn cán bộ có khi tới chục năm.

"Đồng chí An quê Hà Nam, đảo trưởng đảo Song Tử Tây cũng mười mấy năm ở đảo. Do chế độ ăn uống nên anh em ở lâu dễ bị bệnh đường ruột. Mỗi lần trung đoàn ra đảo xây dựng, quà cho anh em chiến sĩ không có gì quý bằng rau xanh. Ai bị ốm, quà tới thăm hỏi cũng là rau củ để bồi bổ sức khỏe. Lúc ốm, thứ quý nhất lại là rau đấy", Thiếu tướng Hoàng Kền nhớ lại.

Nhưng nhu yếu phẩm của anh em đều trông vào các chuyến tàu tiếp tế của Hải quân. Mà mỗi năm, theo chương trình của Vùng 4 Hải quân ra đảo để cấp hàng thì chỉ có hai chuyến, một chuyến vào giữa năm và một chuyến vào dịp Tết. Trong số các nhu yếu phẩm, rau xanh đưa ra cho anh em cũng chỉ được vài ngày.
Từng là một người lính công binh Trường Sơn, những năm bảy mươi, thời kỳ bom đạn ác liệt nhất đi khảo sát, mở đường cũng như thời giant hi công ở đảo Bạch Long Vĩ, ông rất hiểu sự thiếu thốn của các chiến sĩ, cũng là đồng đội của mình. Ngay khi ấy kỹ sư Hoàng Kiền đã nghĩ phải làm như thế nào đó để giúp anh em có rau ăn, vừa cải thiện cuộc sống, vừa thêm gắn bó tình nghĩa giữa bộ đội ở đảo với công binh, vì các chiến sĩ hỗ trợ công binh trong xây dựng rất nhiều. Nhưng giúp cách nào khi đất màu không có, nước ngọt lại rất hiếm. Trước đó, bộ đội ở đảo cũng đã nghĩ nhiều cách, mỗi lần nghỉ phép đều mang hạt giống ra nhưng việc trồng rất khó khăn.

Một ý tưởng đã hình thành rất nhanh chóng: Phải đưa đất màu ra đảo, mà người đưa ra không ai khác là công binh. Trung đoàn Công binh Hải quân 83 (nay là Lữ đoàn Công binh hải quân 83) là đơn vị xây dựng các công trình ở Trường Sa từ năm 1976 đến bây giờ. Mỗi năm, đơn vị ra đảo xây dựng công trình khoảng sáu tháng, tháng ba tới tháng tám, sang tháng chin vào mùa mưa bão thì rút về để huấn luyện.
"Mỗi năm chúng tôi đưa vật liệu ra Trường Sa bằng tàu vận tải loại bốn trăm tấn và loại nghìn tấn của Hải quân và Tổng cục Hậu cần. Để có thể đưa vật liệu ra cả đảo nổi, đảo chìm thì bình quân mỗi năm có khoảng bảy mươi chuyến cả tàu nhỏ, tàu to. Vậy thì, không có cách nào tốt hơn là mang đất ra đảo bằng chính những chuyến tàu ấy", Thiếu tướng Hoàng Kiền kể.

Nhưng việc mang đất ra đảo cho bộ đội trồng rau không phải là nhiệm vụ của công binh, việc này cũng chả có cấp trên nào giao cho. Ông chủ động đem ý tưởng này ra bàn với Ban Chỉ huy Trung đoàn. Đây là vấn đề rất quan trọng vì liên quan đến việc phối hợp với tàu, công binh phải chuẩn bị và chuyển đất, nên sau đó được đưa ra Đảng ủy họp, thống nhất thực hiện và đưa vào nghị quyết mang ra Trường Sa giúp bộ đội trồng rau.

Lên rừng lấy đất chuyển ra đảo

Để có cả ngàn tấn đất đưa ra Trường Sa là cả một kỳ tích của Trung đoàn Công binh Hải quân 83. Hải quân Việt Nam đóng giữ chín đảo nổi gồm: Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Song Tử Tây, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, An Bang, Phan Vinh; 12 đảo chìm (các bãi đá ngầm) với tổng số 33 điểm đóng quân. Như thế cần một khối lượng đất rất lớn mới có thể cung cấp hết cho các đảo. Trong khi đó, Trung đoàn đóng quân ở Đà Nẵng, tàu chở vật liệu xây dựng ra đảo thì lại ở quân cảng Nha Trang và Cam Ranh. Nhưng tại Cam Ranh và Nha Trang không có đất màu. Vậy là anh em phải đưa xe lên rừng cách đấy hai, ba chục cây số, xúc đất màu, rồi tới trang trại nuôi trâu bò xin phân mang về phơi khô đem trộn lẫn với đất, đóng vào từng bao.
"Trên mỗi chuyến tàu chở vật liệu ra đảo, chúng tôi gửi một xe đất, khoảng bảy tấn. Một năm khoảng bảy mươi chuyến tàu thì lượng đất mang ra là rất lớn. Bắt đầu từ năm 1991 cho tới khi tôi không còn công tác ở Trung đoàn Công binh Hải quân 83 nữa (năm 1997), cả ngàn tấn đất đều đặn được mang ra các đảo", Thiếu tướng Hoàng Kiền kể.

Đưa được đất lên đảo cũng là một kỳ công. Các điểm đảo đều rất xa đất liền, đảo gần nhất cũng khoảng 500km, đảo xa thì lên đến 1.000 km. Các đảo độc lập, không có cầu cảng, ngoại trừ Trường Sa Lớn, vì vậy các tàu đều phải neo cách đảo từ nửa cây số đến một cây số. từ tàu phải thả dây vào đến đảo, cột chặt lại, rồi thả xuống xuống, cẩu hàng xuống xuồng kéo vào bờ. Những năm sau chuyển sang thùng xuồng máy kéo.


"Khi mang được đất ra rồi, chúng tôi lại bàn với đảo, đề xuất với Bộ Tư lệnh Hải quân xem nên quy hoạch hòn đảo như thế nào, trồng rau ở đâu.Với đảo lớn, có thể làm vườn thì công binh giúp xây, vây quanh, che kín lại vì gió to, mùa mưa hứng nước, mùa mưa xây hố để thu nước tắm giặt để tưới.
Các đảo có diện tích nhỏ thì đào hố trồng bầu bí mướp leo lên giàn. Kết hợp trồng rau. Với đảo chìm, mỗi năm xây dựng xong, gỗ cốt pha rất nhiều, công binh tận dụng đem đóng thành hộc, cho đất vào đem tặng cho các chiến sĩ xếp quanh nhà để trồng rau.
Lần nào ra, chúng tôi cũng mang hạt giống ra, nhiều nhất là hạt rau cải, hạt rau muống. Hạt giống một phần do trên cấp, một phần chúng tôi mua để tặng an hem mỗi đảo một ít", Tướng Hoàng Kiền kể.

Xây kè quanh đảo
Vấn đề còn lại là làm thế nào để có nước ngọt sinh hoạt cũng như tưới cây. Đảo chìm thì ngập quanh năm, đảo nổi thì toàn đá, cát, san hô. Do độ xốp của đá cát phong hóa từ san hô nên khi trời mưa xuống, trừ những đảo lớn còn tích được một ít nước lợ, có thể tắm giặt; các đảo khác nước mưa trôi hết. Các đảo đều bị xói lở nghiêm trọng do sóng đánh vỡ cả công trình mà trung đoàn Công binh Hải quân 83 xây dựng.


"Lực lượng công binh Hải quân chúng tôi đề xuất vói quân chủng hải quân báo cáo lên bộ tham mưu xây kè quanh đảo. Đầu tiên xây bằng đá, nhưng sau thấy không an toàn nên chuyển sang đổ bê tông. Làm bê tông vây quanh đảo thành cái giếng kín, khi mưa đổ chúng tôi sẽ giữ nước ngọt lại, từ đó mới có nước ngọt cho sinh hoạt, nước được giữ lại thì cây xanh mới lên được", Thiếu tướng Hoàng Kiền kể lại.
Như thế từ ý tưởng đưa đất, đưa phân ra Trường Sa cho đến đề xuất xây kè chống xói lở, cũng là kè giữ nước ngọt của Thiếu tướng Hoàng Kiền các đảo đều có kè xung quanh, rau xanh cũng đã được trồng. Khi những mần rau nhỏ li ti nhú lên, không gì có thể lột tả niềm vui của các chiến sĩ nơi đảo xa. Lòng người chỉ huy Trung đoàn công binh Hải quân 83 dũng cảm thấy vô cùng ấm áp.

Những đóng góp của Thiếu tướng Hoàng Kiền đã để lại ấn tượng và tình cảm sâu sắc vói các chiến sĩ ở Trường Sa. Mặc dù đã gần 20 năm nay, Thiếu tướng Hoàng Kiền không còn công tác ở Trung đoàn Công binh 83, cũng là bằng ấy năm ông không còn thiết kế, chỉ đạo công trình ở đây, nhưng bây giờ nhắc tên ông thì không chiến sĩ nào ở Trường Sa không biết. Anh em chiến sĩ nhắc đến Thiếu tướng là nhắc đến người có công đầu khi đưa đất ra Trường Sa

http://m.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/221804/tuong-hoang-kien---nguoi-dua-dat-ra-truong-sa.html

http://baotintuc.vn/xa-hoi/tuong-hoang-kien-nguoi-co-cong-dau-dua-dat-ra-truong-sa-20150215214531720.htm
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Hai, 2015, 01:27:24 pm gửi bởi vietkieu_cuuquocquan » Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #479 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2015, 09:22:23 am »

http://phapluattp.vn/thoi-su/gap-mat-truyen-thong-bo-doi-truong-sa-532661.html

Gặp mặt truyền thống bộ đội Trường Sa

(PLO) - Tối 24-2, tại thành phố biển Nha Trang đã diễn ra cuộc gặp mặt truyền thống của trên 150 cựu chiến binh (CCB) bộ đội Trường Sa.

Các cựu chiến binh từ TP.HCM, Phú Yên và Khánh Hoà, từng nhập ngũ ngày 24-2/1987 và ra Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng các điểm đảo tại quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa) đã tạo nên một cuộc gặp mặt đầy cảm động
Tại buổi gặp mặt, các CCB Trường Sa đã kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ đồng đội hy sinh tại Trường Sa (64 liệt sĩ tại đảo Gạc Ma và 3 liệt sĩ khác hy sinh trong khi lao động và xây dựng đảo). Đồng thời ôn lại những tháng năm gian khổ nơi đầu sóng ngọn gió, sau quân ngũ lại tiên phong làm kinh tế giỏi, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, tích cực hoạt động nghĩa tình Trường Sa

Các CCB còn tặng quà đầu xuân cho 4 gia đình liệt sĩ, cho 5 CCB có hoàn cảnh khó khăn (Mỗi CCB một triệu đồng). Trước đó, CCB đã quyên góp hỗ trợ cho CCB Phạm Văn Phê (ở Nha Trang bị bệnh tim) 12 triệu đồng.
Theo truyền thống, kết thúc cuộc gặp mặt, các CCB Trường Sa bùi ngùi thả hoa tươi xuống biển để tưởng nhớ đến các đồng đội đã anh dũng hy sinh, trong đó nhiều người vẫn còn nằm lại dưới lòng đại dương.

http://static.phapluattp.vn/uploaded/phuongdung/2015_02_25/p1150021_dbwr.jpg?width=470

http://static.phapluattp.vn/uploaded/phuongdung/2015_02_25/p1150037puuq_tjct.jpg?width=470

http://static.phapluattp.vn/uploaded/phuongdung/2015_02_25/p1150061rqnz_apuh.jpg?width=470

http://static.phapluattp.vn/uploaded/phuongdung/2015_02_25/p1150009rmen_fezo.jpg?width=470

Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM