Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 04:43:11 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xuân giải phóng  (Đọc 41521 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 07:13:55 pm »


        Chả là trong đêm ấy, khi cả 2 trung đoàn về đến Plây Cu, thì đường 19 và đường 19 kéo dài-từ Bình Định đến biên giới Việt-Miên đã như một con giun đất, bị quằn quại dưới những trận bão lửa kinh hồn, xưa nay chưa từng có. Đoạn từ Lệ Trung đến Plây Cu, cầu bị phá; ngay tại thị xã, sân bay Cù Hanh bị pháo kích, bị thiệt hại nặng; đoạn từ Plây Cu đi An Khê nhiều cứ điẻm như A Dun, suối Đỗi, nhiều điểm chốt bị “tràn ngập”; còn đoạn từ An Khê đi Bình Định thì chỉ trong một đêm cả 9 cái chốt của tiểu đoàn 2, trung đoàn 42 ngụy đều bị sư đoàn 3 Quân giải phóng san bằng. Cầu cống bị phá sập khá nhiều.

        Sau một đêm thứ 7 và suốt ngày chủ nhật, vui chơi ở Nha Trang, Vũng Tàu, không ai nghĩ rằng tình hình Tây Nguyên lại xoay chuyển nhanh đến thế. Thị xã Plây Cu, trong nháy mắt đã như “trứng để đầu đẳng”, bốn chung quanh nơi nào cũng có Quân giải phóng. Phú cho là mình đã sáng suốt, có quyết tâm cao nên mới nắm chắc được hai trung đoàn bộ binh trong lúc này. Sáng hôm sau, lập tức tung liên đoàn 4 biệt động quân là lữ 2 kỵ binh ra để khai thông đường 19, bắt liên lạc với sư đoàn 22 ở Bình Định.

        Ngờ đâu, có khai mà chẳng có thông. Trên đường 19, hết điểm này đến điểm khác, lần lượt rơi vào tay Quân giải phóng. Nhưng Phú vẫn không hề nao núng, với một lực lượng hùng hậu như thế này, ông ta tin là có thể giữ vững Plây Cu. Mãi đến lúc này vẫn cứ đinh ninh là mục tiêu chính của chiến dịch này.

        Ngồi ở sở chỉ huy chiến dịch, trong giờ phút này, lòng dạ mọi người đều cảm thấy bồn chồn, ngồi đứng không yên. Một tiếng cành cây khô gãy sau nhà, tiếng chân người thình thịch dẫm trên đường mòn khô cứng ở chung quanh, một hồi chuông điện thoại ngắn, đều làm cho mọi người, nghiêng tai, nghe ngóng. Trung tướng Hoàng Mình Thảo phá tan sự im lặng:

        - Liên lạc với anh Kim Tuấn (sư đoàn 320) vẫn tốt chứ?

        - Đồng chí trực ban tác chiến đáp: tốt, anh ấy hiện đã ra đến sở chỉ huy chính thức rồi.

        Nhìn vào bản đồ chiến sự đang trải rộng giữa bàn trước mặt, tôi như thấy hiện ra trước mắt cái dây thòng lọng, đang từng phút từng giây xiết chặt mấy vạn quân ngụy trên chiến trường nóng bỏng này. Nỗi lo sợ xưa nay vẫn ám ảnh đối phương là bị chia cắt chiến lược, đã đến với họ như thế đó: ngày 4 tháng 3 hằng mong đợi, đến đây rồi. Từ giờ phút này trở đi, Tây Nguyên hoàn toàn bị cô lập. Trên đường 21, tuy chưa nổ súng, nhưng trung đoàn bộ binh 25 cũng đã sẵn sàng.

        Để cho trận đánh vào Buôn Ma Thuột được thuận lợi hơn nữa, A75 chỉ thị phải cho 1 tiểu đoàn bí mật vượt qua bố trí ở phía đông đường 14, cắt đứt con đường tỉnh lộ 487 chạy từ Cheo Reo đến Thuần Mẫn; còn toàn bộ sư đoàn 320 thì dịch dần đội hình ra gần đường hơn, nhưng vẫn phải nằm im, trong tư thế hổ rình mồi.

        Đáng buồn cười là phen này hổ xám lại đi sợ một con chuột nhắt. Cả sư đoàn 320 phải thu mình, lo né tránh những loạt đạn pháo, những loạt rocket của máy bay bắn thăm dò vu vơ dọc đường; hay những tên thám báo, biệt kích, khờ khạo, lăm le đổ bộ lùng sục vào sau đội hình của sư đoàn. Chúng muốn vuốt râu hùm ư?

        Ý định của cấp trên là tuyệt đối không được để lộ ý định chiến dịch, đặc biệt trong những ngày này. Các lực lượng đánh Buôn Ma Thuột đang bắt đầu triển khai đội hình. Sự xuất hiện một lực lượng ở phía bắc thị xã sẽ cộm ngay và tình hình sẽ thêm phức tạp. Cho nên, những trận chiến đấu nhỏ ở trong khu vực này, nhằm xua đuổi bày ruồi nhặng bám chung quanh sư đoàn đều phải có sự tính toán cân nhắc rất kỹ càng và nhất nhất đều phải thỉnh thị cấp trên, cả ở sát gần.

        8 giờ sáng. Sau cuộc họp ngắn gọn, bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: ta đã chủ động đưa địch vào thế trận, ta mong muốn. Trung đoàn 45 đã bị thu hút về Plây Cu, tình hình Buôn Ma Thuột vẫn không có gì thay đổi. Đã đến lúc hạ quyết tâm cuối cùng là đánh địch ở Buôn Ma Thuột theo phương án địch không có phòng ngự dự phòng.

        Tuy vậy vẫn phải đẩy mạnh hoạt động nghi binh hơn nữa, để giữ chặt địch ở Plây Cu, Kon Tum; nhanh chóng và bí mật triển khai lực lượng đánh Buôn Ma Thuột. Biện pháp thực hiện cụ thể là:

        - Nắm chắc sư đoàn 320.

        - Tăng thêm đạn được cho sư đoàn 968.

        - Lệnh cho trung đoàn 149, sư đoàn 316 vượt đường 14 để hành quân đến vị trí tập kết cuối cùng ở nam thị xã Buôn Ma Thuột.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 07:28:41 pm »


        Ngày 5 tháng 3, trung đoàn 25 diệt một đoàn xe 80 chiếc trên đường 21. Lúc bấy giờ, Phú mới thấy rõ được là cả Tây Nguyên chứ không riêng gì Plây Cu đã hoàn toàn bị cô lập với đồng bằng. Thế bị bao vây về chiến dịch đã rõ, nhưng hướng chủ yếu là đâu thì vẫn còn cân nhắc: trong khi đường 14 vẫn còn thông, thì chưa thể kết luận là Plây Cu hay Buôn Ma Thuột. Trưa hôm ấy, một đoàn xe địch từ Plây Cu xuống đến bắc Thuần Mẫn, sư đoàn 320 phán đoán có lực lượng tăng cường cho Buôn Ma Thuột nên cho xuất kích một bộ phận nhỏ diệt 8 xe, thoát 7 xe trong đó có phó tư lệnh sư đoàn 23, thu 2 pháo. Cung tù binh cho biết đây cũng chỉ là sự vận chuyển bình thường, chiến trường lại yên tĩnh.

        Trên hướng tây nam thị xã Buôn Ma Thuột, bắc cầu Srepok 1 kilômét, trung đoàn 149 thuộc sư đoàn 316 đang chỉnh đốn lại đội hình trong một khu rừng rậm. Đã hai hôm rồi, ra bố trí ở đây, chờ địch. Đến nay các ngả đường đã khóa chặt, có nghĩa là lực lượng địch ở Buôn Ma Thuột sẽ không tăng thêm nữa, Bộ tư lệnh chiến dịch mới có lệnh dứt khoát trở về phương án 1. Trung đoàn 149 có hai tiểu đoàn phải làm nhiệm vụ từ phía nam thị xã đánh lên, hợp điểm tại sư đoàn bộ 23. Cách đánh có thay đổi, nên tổ chức chiến đấu cũng có sự thay đổi. Do nhiệm vụ của trung đoàn phức tạp như vậy, nên sư đoàn trưởng, đại tá Đàm Văn Ngụy phải trực tiếp chỉ huy đơn vị này. Theo chỉ thị của anh Tuấn, còn phải tăng cường thêm một số pháo cơ giới và pháo cao xạ có xe kéo. Đường hành quân nằm lọt giữa hai vị trí pháo của địch. Đơn vị phải dựa vào đường đi làm gỗ của đồng bào, nên rất dễ lạc và cũng rất dễ lộ. Nhìn vào bản đồ 1 trăm phần nghìn, chỉ thấy một đoạn ngắn thôi, theo đường chim bay, nhưng trên thực tế, sau khi vượt qua khỏi đường 14, tiếp tục đi suốt cả đêm mà chưa vượt nổi sông Srepok. Ở thượng nguồn sông này, nước vẫn sâu, chảy xiết, phương tiện vượt sông hoàn toàn không có. Khó khăn chưa phải là hết. Điều mà đại tá Đàm Văn Ngụy lo lắng nhất là vấn đề thông tin liên lạc. Bằng điện thoại ư? Làm thế nào căng được dây? Bằng vô tuyến điện ư? Ai cho lên tiếng? Làm cách nào mà báo cáo tình hình lên Bộ tư lệnh xin ý kiến giải quyết? Làm thế nào mà hợp đồng với cánh quân phía bắc? Trong một trận đánh lớn như thế này, đảm nhiệm một nhiệm vụ quan trọng là ngay từ đầu đánh thẳng vào quả tim địch, vấn đề thông tin liên lạc phải luôn luôn được thông suốt chứ không phải như trường hợp độc lập tác chiến được.

        Sau hai đêm hành quân ròng rã, sáng sớm ngày 7 tháng 3, bộ phận đi đầu vừa từ dưới sông Srepok bước lên, đã thấy hàng trăm đồng bào, già, trẻ, lớn, bé chạy đến niềm nở bắt tay, đón mừng. Loáng thoáng thấy có người mang chiêng trống, mấy lá cờ mặt trận phấp phới giữa lùm cây. Sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy chưa hiểu tình hình ra sao, còn đang ngơ ngác, thì bỗng thấy hai thanh niên, một nam, một nữ, căng lên một tấm biểu ngữ đỏ to tướng mang dòng chữ vàng: “Hoan nghênh bộ đội giải phóng Buôn Ma Thuột”.

        Mặc dù vừa ở dưới nước lên, chân tay còn cóng, mặc dù sương sớm của núi rừng Tây Nguyên lạnh tê người, đại tá vẫn cảm thấy nóng ran, toát mồ hôi. Thế này là thế nào nhỉ?

        - Đồng bào đi đâu đấy?

        - Nổi dậy, nổi dậy chứ đi đâu. Nổi dậu phối hợp với bộ đội giải phóng Buôn Ma Thuột.

        Một người đàn ông trạc 50 tuổi, có chòm râu khá đẹp, mặc một chiếc áo vét đã sờn vai, đóng khố, bồng bột trả lời.

        - Chết, chết, ai bảo thế?

        - Cấp trên.

        - Cấp trên nào?

        - Cấp trên là trên huyện, trên tỉnh, chứ còn cấp trên nào?

        - Yêu cầu đồng bào cuốn hết cờ băng lại, về buôn thôi.

        - Không được. Cấp trên đã có lệnh nổi dậy là lũ làng phải đi thôi.

        Trong lúc đồng chí Ngụy còn đang bối rối chưa biết xử trí ra sao, thì đồng chí Đoàn cũng vữa ở dưới sông bước lên, chạy đến. Đồng chí Đoàn là cán bộ của tỉnh Đắc Lắc, từ trước đến nay hoạt động ở vùng này nên được đồng bào quen biết nhiều. Vừa rồi đồng chí Đoàn cũng đã tham gia đi trinh sát thực địa ở cánh bắc với đồng chí Nguyễn Năng, nhưng hôm nay, thấy nhiệm vụ của đồng chí Ngụy rất phức tạp, nên Bộ tư lệnh lại cử đến giúp đỡ trung đoàn.

        Thuyết phục hồi lâu, đồng chí Đoàn phải cam đoan sẽ chịu trách nhiệm với cấp trên, mới giải tán nổi đám người quá bồng bột, hăng hái này, sau khi đã căn dặn, hết sức giữ bí mật những điều tai nghe mắt thấy ở đây. Thấy đồng chí Ngụy hãy còn chưa an tâm, đồng chí Đoàn nói ngay:

        - Đồng bào Tây Nguyên như thế đấy. Một là một, hai là hai, dặn như thế đủ rồi.

        Ở sở chỉ huy không ai biết tí gì về việc này.

        Sáng hôm sau, thiếu tá Thông, lại cũng đồng chí Thông-chạy đến báo cáo:

        - Đêm hôm qua trong lúc vượt đường 14, một cán bộ của trung đoàn 149 có đánh rơi một quyển sổ tay.

        - Sao biết? Ai nhặt được?

        - Địa phương quân Quảng Đức.

        - Lộ hết cả rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 07:38:06 pm »


        Tuy đường đã bị khóa chặt cả rồi, nhưng phải đề phòng chúng tăng cường bằng đường không.

        - Đơn vị A72 có nhiệm vụ khống chế sân bay Hoà Bình đã hành quân đến đâu rồi?

        - Còn ba ngày nữa mới đến nơi, và còn phải chuẩn bị chiến đấu, mất thêm một ngày nữa.

        - Lệnh ngay cho đơn vị Lâm Đồng,, đơn vị pháo nòng dài, phải gấp rút chuẩn bị trận địa, chuẩn bị phần tử để khống chế sân bay Hoà Bình.

        Báo cáo ngay về A75. Đề nghị: quyết tâm không thay đổi.

        Sau này trong lời khai của đại tá Võ Ấn, có đoạn viết:

        “Ngày 4 tháng 3, nghĩa quân đồn trú tại Doris có bắn pháo vào những nơi nghi ngờ có quân của đối phương tập trung. Sáng hôm sau đi lục soát, lấy được một quyển sổ tay, ghi đầy đủ công tác và nhiệm vụ tác chiến Buôn Ma Thuột vào khoảng từ 7 đến 10 tháng 3 năm 1975. Bản tin này do tỉnh Quảng Đức phổ biến đến cấp quân đoàn, sư đoàn, tỉnh Buôn Ma Thuột, trung đoàn 53 và tất cả các đơn vị trực thuộc.

        Qua các tin tức trên, chúng tôi nghi chắc chắn Quân giải phóng sẽ đánh Buôn Ma Thuột. Quan niệm của tôi là:

        - Tỉnh Buôn Ma Thuột là một tỉnh ở cao nguyên trù phú nhất. Quân giải phóng cần phải hạ, để nền kinh tế ở đó không thể đóng góp một phần lớn ngoại tệ cho chính phủ Nguyễn Văn Thiệu.

        - Về chiến lược và chiến thuật, chiếm Buôn Ma Thuột thì tỉnh Quảng Đức sẽ bị cô lập cũng như tỉnh Phước Long. Hơn nữa, tỉnh Quảng Đức, kinh tế cũng gần như Buôn Ma Thuột, đã đóng góp một phần lớn cho chính phủ.

        - Có một cạnh sườn để đánh vào Plây Cu, Kon Tum và Phú Bổn.

        Ba yếu tố trên là điều kiện thuận lợi để chiếm hoàn toàn cao nguyên, mà một khi đã chiếm được cao nguyên, thì duyên hải là ở trong tầm tay, bởi vì chúng tôi cũng đã nghĩ: quân đội nào thắng cao nguyên, thì quân đội đó nắm chắc phần thắng miền Nam”.

        Lệnh tạm ngừng mọi công tác chuẩn bị ở phía bắc thị xã Buôn Ma Thuột đã làm cho anh em dưới rất lúng túng, các chủ nhiệm pháo binh, xe tăng, công binh, thông tin và cả ban chỉ huy trung đoàn 95B mới vào, ngồi đứng không yên. Ai nấy đều lo lắng có khả năng không thực hiện đúng theo yêu cầu của kế hoạch. Hướng bắc là hướng tiến công chủ yếu bằng hai mũi: đông bắc và tây bắc, lại cũng là nơi tập trung nhiều binh khí kỹ thuật hơn, thì cũng là hướng mà đối phương đề phòng nhiều nhất. Ngoài hệ thống cứ điểm dày đặc: Thuần Mẫn, Chư Nga, Me Van, Bản Đôn và những khu tập trung dân, khu nào cũng có ít nhất một trung đội dân vệ, từ đầu tháng 3 đến nay, liên tục đi sục sạo. Càng gần đến ngày nổ súng càng phát hiện thêm nhiều triệu chứng, càng đề phòng tợn.

        Sau khi đã cân nhắc kỹ, để hạn chế bớt những hoạt động nói trên của đối phương ta chủ trương dùng một lực lượng nhỏ, vừa đủ bảo đảm diệt gọn cứ điểm Chư Xê ngày 7 tháng 3. Sau 40 phút, dứt điểm. Trung đoàn 53 co ngay về thị xã.

        A75 còn khêu gợi, cần mở rộng địa bàn hơn nữa để được rảnh tay khi đánh vào mục tiêu chính, đồng thời chuẩn bị điều kiện để sau này đánh viện được thuận lợi. 6 giờ sáng ngày 8 tháng 3, một trung đoàn thuộc sư đoàn 320, được tăng cường ba khẩu pháo 85 và hai khẩu 105 đánh quận lỵ Thuần Mẫn ở bắc Buôn Ma Thuột. Sau 20 phút chiến đấu diệt 1 tiểu đoàn bảo an, cơ quan chi khu, hai trung đội cảnh sát, bắt 121, giết 219. Quận trưởng chạy thoát.

        Lúc bấy giờ, Phú mới giật mình, thấy Buôn Ma Thuột bị uy hiếp nghiêm trọng. Lập tức ông ta dùng máy bay đưa liên đoàn biệt động quân 21 đến sân bay Hoà Bình, rồi từ đấy tiến về Buôn Hồ. Mặc khác, khẩn thiết xin Sài Gòn tăng viện thêm cho Tây Nguyên một liên đoàn biệt động quân nữa.

        Pháo nòng dài của ta, đến giờ phút này vẫn chưa chiếm lĩnh xong trận địa, chưa đặt được đài quan sát, nên không khống chế được.

        Sáng ngàu 9 tháng 3, Phú dùng trực thăng đi thị sát thị xã Buôn Ma Thuột và chỉ thị ba điểm:

        - Cử đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó sư đoàn 23, làm tư lệnh chiến trường Đắc Lắc.

        - Kiểm soát lại hệ thống phòng thủ thị xã.

        - Phân phối và phân tán các kho xăng, kho đạn.

        Rồi chuồn thẳng. Kể ra, cách đối phó như vậy, giản đơn thật. Liền trong đêm đó, ta nổ súng đánh Đức Lập.

        Trời vừa hửng sáng. Nhưng trong thung lũng âm u này, sương mù còn dày đặc. Bầu không khí tĩnh mịch trước giờ nổ súng làm rạo rực lòng người. Những lô cốt địch dần dần hiện ra rõ nét trong các kính ngắm của pháo 85 và 122. Trong sở chỉ huy, đồng chí trợ lý tác chiến, ghì lấy ống nghe, cho dính chặt vào tai, nheo mắt như muốn loại trừ mọi ảnh hưởng của các giác quan khác, để cho thính giác được tập trung hơn, cố không để sót một từ nào của đầu dây nói bên kia.

        - A lô, a lô, thấy rồi hả? Mấy lô cốt? Lô cốt nào? Đã xác định được lô cốt mẹ chưa?

        Lật cánh tay, vén áo lên xem, nhìn đồng hồ: 5 giờ 30 phút.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 07:50:06 pm »


        Theo sự phân công trong bộ chỉ huy, trung tướng Hoàng Mình Thảo và đại tá Đặng Vũ Hiệp đã ra sở chỉ huy tiền phương chiến dịch, cạnh bờ sông Srepok từ đêm hôm trước, thiếu tướng Vũ Lăng và tôi vẫn còn phải nằm lại ở sở chỉ huy cơ bản để trực tiếp chỉ huy trận đánh Đức Lập, đồng thời chỉ huy việc chiếm lĩnh các cánh quân đánh vào Buôn Ma Thuột, vì trong lúc này, đường dây thông tin giữa sở chỉ huy tiền phương với tất cả các cánh chưa nối được.

        Ở hướng Đức Lập phải diệt một lần 5 cứ điểm có cái có cả một tiểu đoàn quân Cộng hoà, đâu có phải là một trận đánh nhỏ. Nhưng thiếu tướng Vũ Lăng cũng như tôi, đều đặt rất nhiều tin tưởng vào sư đoàn 10. Một khi đã chiếm lĩnh được thuận lợi, thì chắc chắn là sẽ giải quyết xong thôi. Dù đối phương có sớm biết đề phòng, cơ động cả hai tiểu đoàn của trung đoàn 53 và hai chi đội thiết giáp đang ở thị xã Buôn Ma Thuột ra đây, để phản kích cứu nguy cho Đức Lập; dù bộ tư lệnh sư đoàn 10, gần như đã trắng tay, không còn một đơn vị nào làm lực lượng dự bị, chúng tôi cũng không một chút lo ngại, vì cự ly Đức Lập-Buôn Ma Thuột khá xa, những trên 50 kilômét; nếu có ra đến đây, thì cũng phải mất nhiều thời gian. Nơi đang có nhiều vấn đề phải xử trí hơn, vẫn là Buôn Ma Thuột. Và sự tính toán của chúng tôi đã không sai. 5 giờ 35 phút ngày 9 tháng 3 năm 1975 pháo bắn dồn dập theo kế hoạch hoả lực đã vạch ra từ trước, nhất là ở căn cứ hành quân 23 ở Đức Lập. Địch chống trả yếu ớt. Hơn một giờ sau, mấy chiếc xe tăng xông ra phản kích, bị trung đoàn 66 hạ ngay tại chỗ. Sau hai tiếng đồng hồ, giải quyết xong. Ở cứ điểm Núi Lửa, nơi có một tiểu đoàn bảo an đóng, trung đoàn 23 cũng dứt điểm sau 20 phút chiến đấu. Chỉ riêng tại quận lỵ Đức Lập, cuộc chiến đấu kéo dài. Một phần vì địch ở đây rất ngoan cố, viên chỉ huy tiểu khu nhất định không đầu hàng - phần khác, vì sau khi giải quyết xong căn cứ 23, lực lượng phải vận động sang, đánh trong hành tiến, nên việc chỉ huy, hợp đồng có phức tạp hơn. Sau khi điều chỉnh lại lực lượng, tăng thêm hai tiểu đoàn bộ binh nữa mới dứt điểm được. Cùng ngày một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 28 và một tiểu đoàn đặc công đánh chiếm Đắc Song, còn ở Đắc Sác thì vừa nghe pháo ta bắn, địch đã bỏ chạy rồi. Kết quả sau hai ngày chiến đấu ở khu vực Đức Lập, ta diệt tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 53, một tiểu đoàn bảo an, thu 14 pháo, 20 xe tăng. Trung đoàn phó trung đoàn 53 và quận trưởng Đức Lập chạy thoát. Đúng theo kế hoạch, khi giải quyết xong căn cứ 23, Núi Lửa, thì tiểu đoàn 6 trung đoàn 24, sư đoàn 10 lập tức cơ động bằng ô tô để mờ sáng ngày hôm sau có thể tham gia chiến đấu ở thị xã Buôn Ma Thuột và sau đó hai ngày thì toàn bộ trung đoàn 66 cũng ra đến nơi.

        Đồng chí Vũ Lăng và tôi vô cùng sốt ruột, muốn đến ngay sở chỉ huy tiền phương, vì biết rằng đêm nay, các đơn vị bước vào chiếm lĩnh, là giai đoạn rất phức tạp, thường hay phát sinh vấn đề. Báo cáo xin ý kiến anh Tuấn thì nhận được chỉ huy như sau: “Các đồng chí chỉ được rời sở chỉ huy cơ bản khi nào giải quyết xong Đức Lập, và anh Thảo nắm được tất cả các cánh quân”. Lại kẹt về vấn đề thông tin liên lạc đây. Nguyên nhân là vì, sở chỉ huy cơ bản đã được thiết lập từ trong thời kỳ chuẩn bị chiến dịch, mạng lưới thông tin liên lạc với tất cả các nơi đều đã được tổ chức vững chắc; trái lại sở chỉ huy tiền phương thì mới xây dựng được mấy hôm gần đây thôi. Hôm làm kế hoạch hiệp đồng, bộ tư lệnh đã nhấn khá mạnh đến vấn đề thông tin, nhất là vấn đề liên lạc giữa sở chỉ huy và các cánh quân trên hướng bắc. Do đó, suốt từ sáng ngày 8 tháng 3, khi được lệnh tiếp tục làm công tác chuẩn bị, để cho thật bảo đảm, chính uỷ và chủ nhiệm chính trị của trung đoàn thông tin, kẻ ở phía đông sông Srepok, người ở phía tây sông, cách nhau mấy chục cây số, mỗi người cầm một đầu dây tìm gặp nhau tại bờ sông, để móc nối với nhau. Mặc dù hai người đã quy định từ trước điểm gặp nhau, nhưng suốt cả ngày hôm ấy vì phải tránh đồng bào, nên đi lạc. Trong một đêm, phải chỉ huy chiếm lĩnh 12 đơn vị trung đoàn trên tất cả các hướng, cách nhau 30-40 kilômét, vừa bộ binh vừa binh chủng, vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu, trong điều kiện đường sá, tuy có phần dựa vào đường có sẵn, nhưng phải khắc phục mìn, lựu đạn và những tốp địch chốt lẻ tẻ dọc đường; có hướng phải vượt sông, v.v… nên khá vất vả.

        Trên hướng bắc, các đồng chí Nguyễn Năng và Phí Triệu Hàm trực tiếp chỉ huy. Vừa chập tối, công binh đã toả ra làm đường cơ động; còn bộ đội đặc công, thì đã lọt vào sân bay thị xã, nằm nép mình dưới bụng các trực thăng. Các đơn vị bộ binh nhích dần đội hình lên theo. Pháo binh yểm hộ cho cánh này cũng chiếm lĩnh được sớm. Đạn dược thì đã có các đoàn bộ binh đi bổ sung, ùn ùn đưa lên. Trên hướng tây bắc, bộ đội đi lạc suốt cả đêm. Pháo binh của cánh này đến cách vị trí một kilômét, không thấy người đến đón, hạ càng nằm chờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 11:14:07 pm »


        Trên hướng tây, bộ đội đặc công cũng đã lọt vào “túc trực” trong các kho Mai Hắc Đế, còn pháo thì đang bị sa lầy.

        Ở hướng nam, trong lúc hành quân chiếm lĩnh, gặp đồng bào. Phải tạm giữ hàng trăm người và tạm dừng cạnh đồn tiền tiêu địch, cách thị xã 10 kilômét.

        Vào khoảng quá nửa đêm, trên hướng đông bắc, khi vừa đến vị trí chiếm lĩnh, còn cách mục tiêu 3 kilômét, một chiến sĩ vô ý làm nổ một quả lựu đạn, 3 hy sinh, 7 bị thương. Địch chưa có phản ứng gì. Hình như chúng đã quen tai với những tiếng nổ giữa đêm khuya. Cùng lúc ấy một đơn vị cao xạ của ta vào chiếm lĩnh trận địa, cách thị xã 7 kilômét, gặp dân vệ gác đường. Bọn này chạy về ấp báo cáo. Cả thị xã đang ngủ yên, bỗng nhiên ở các khu quân sự náo nhiệt hẳn lên: báo động. Lúc này là 1 giờ 55 phút ngày 10 tháng 3.

        Bộ phận đặc công, ém ở sân bay thị xã, chớp thời cơ đánh luôn. Theo kế hoạch, các cánh đều lấy tiếng bộc phá nổ làm hiệu lệnh tiến công. Lập tức các pháo thì nhau nhả đạn vào các mục tiêu đã được phân công. Đèn vụt tắt, địch chống trả yếu ớt. Trong nháy mắt, ta làm chủ các mục tiêu quan trọng sân bay thị xã, kho Mai Hắc Đế và một số nơi khác.

        Những loạt phát sáng, từ các căn cứ của địch vút lên. Những đèn dù lơ lửng, soi sáng kêu cứu liên tục. Đối với các đơn vị chúng ta, ánh sáng này quý hoá vô cùng: pháo dễ dàng chỉnh hoả lực, các đơn vị bộ binh tranh thủ nhích đội hình lên. Trên hướng tây bắc, các pháo thủ xúm nhau mới lôi được một khẩu pháo bị sa lầy từ hồi đầu hôm. Đến 5 giờ sáng, cánh đông bắc đã chiếm lĩnh được các vị trí có lợi, một bộ phận đã thọc sâu vào đến ngã sáu, trung tâm thị xã. Lợi dụng lúc pháo bắn, xe tăng mở hết tốc lực, tiến. trời sáng dần, địch cũng gượng lại dần, sự chống cự cũng càng quyết liệt hơn. Bộ binh trong các lô cốt, trước cổng các doanh trại, ở các ngã ba, ngã tư đường, có trang bị tên lửa chống tăng và có cả xe thiết giáp, điên cuồng phản kích, nhưng không kết quả. Hết đợt này đến đợt khác, ta liên tục tiến công và cố phát triển rộng đầu cầu ra, đến 15 giờ chiếm được tiểu khu, một mục tiêu quan trọng trong thị xã, sau đó chiếm luôn khu hành chính và khu quân cảnh. Riêng cánh đông bắc này, trong ngày diệt 400, bắt 500, bắn cháy 5 xe tăng, bắt sống 5 xe tăng, bắn rơi 3 máy bay A37, phá huỷ 8 trực thăng.

        Trên hướng đông bắc, trung đoàn 2, sư đoàn 316 có nhiệm vụ đánh vào căn cứ pháo binh và khu thiết giáp. Đồng chí Hải Bằng chỉ huy cánh này, chỉ mới nắm được hai tiểu đoàn, tăng pháo vẫn chưa tìm ta. Khi bộ binh lên mở cửa, hoả lực trong ba cứ điểm bắn ra rất rát, đơn vị bị thương vong vì thiếu yểm trợ, cả buổi không nhích lên được một bước nào. Trung đoàn đề nghị pháo chiến dịch chi viện. Sau nửa giờ, kho đạn giữa trận địa pháo của địch nổ tung. Lợi dụng kết quả này ban chỉ huy trung đoàn 148 - lúc bấy giờ mới nắm thêm được mấy chiếc xe tăng - nhảy lên xe, dẫn tiểu đoàn 4 xung phong vào khu thiết giáp, đồng thời tung lực lượng dự bị ra cùng với xe tăng tiến công vào khu pháo binh. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 16 giờ thì bắt được liên lạc với trung đoàn 95B, ở giữa thị xã.

        Trên hướng tây nam, sáng sớm ngày 10 tháng 3, trung đoàn 174 chiếm được cao điểm Chư Duê. Địch từ hậu cứ sư đoàn 23 ra phản kích quyết liệt. Vì không nắm được xe tăng và pháo binh, trung đoàn phải dùng hoả lực đi cùng, diệt từng hoả điểm, tiến rất chậm. Đến trưa, báo cáo đã chiếm được sư đoàn bộ 23, kỳ thực chỉ mới đánh đến khu tiếp liệu, còn cách mục tiêu một khoảng khá xa. Việc nhầm lẫn này đã gây ra khá nhiều rắc rối trong sở chỉ huy: các trợ lý tác chiến thì báo cáo đã chiếm được rồi, nhưng bên quân báo thì bảo chưa. Ngồi nghe, chẳng biết đâu mà lần.

        Tiến song song với trung đoàn 174 là mũi thọc sâu gồm có tiểu đoàn 4 của trung đoàn 24 và một tiểu đoàn xe tăng. Bộ binh đã hành quân bộ từ đầu hôm, còn cơ giới thì lợi dụng pháo bắn và pháo sáng của địch, mở hết tốc lực, từ vị trí tập kết, lao nhanh trên đường cái lớn, tiến một mạch về thị xã, nhờ có đường điện cao thế làm lộ tiêu. Khi còn cách mục tiêu 3 kilômét, tạm dừng, đón bộ binh lên xe, 7 giờ đến tuyến bắn. Tất cả các loại súng của hai binh chủng thì nhau nhả đạn. 8 giờ mở cửa, thọc sâu. Địch tập trung hoả lực bắn vào đội hình, nhưng xe tăng cứ thọc thẳng vào sâu bên trong, bỏ qua khu Mai Hắc Đế và các lô cốt dọc đường, rồi đánh quật trở lại. Máy bay lồng lộn ném bom bừa bãi vào các dãy nhà trong khu truyền tin, quân y nhưng không ngăn nổi sức tiến công của đoàn quân sắt thép này. Đến chiều, báo cáo là đã chiếm được sở chỉ huy sư đoàn 23, kỳ thực cũng chỉ đến khu thông tin thôi. Lần thứ hai trong ngày cuộc tranh luận giữa hai cơ quan tác chiến và quân báo lại nổ ra, và phần đúng lại thuộc về những người đã nghe lỏm được địch đang ra lệnh cho nhau chuẩn bị đánh phản kích. Tuy nhiên, trong đây ấy, tiểu đoàn 4 cũng áp sát được vào rìa phía tây sư đoàn bộ 23.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 11:17:58 pm »


        Ở hướng nam, năm giờ sáng, ta đánh vào một đại đội địa phương trên cao điểm 491. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, giải quyết xong. Để lại 1 tiểu đoàn chiếm lĩnh, còn đại bộ phận thuộc 2 tiểu đoàn 7 và 8 thuộc trung đoàn 149 thì tiến thẳng về thị xã, đánh vào khu hành chính và nhà thờ quân đội. Đến 8 giờ sáng, một tiểu đoàn thuộc liên đoàn biệt động quân 21 của địch, từ Đắc Lý, đông bắc thị xã tiến vòng về phía nam, phản kích định chiếm lại sư đoàn bộ 23 và kho Mai Hắc Đế. Ý định trước tiên của chúng là phải chiếm lấy điểm cao 491 để làm bàn đạp. Được mấy chiếc xe tăng chi viện, nên chúng đánh rất quyết liệt. Tình huống rất gay go. Trước một kẻ địch đông hơn ta gấp bội, tiểu đoàn phòng ngự ta chiến đấu rất ngoan cường, sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy đã phải tung đại đội dự bị ra và động viên mọi người trong sư đoàn bộ quyết giữ lấy cao điểm. Máy bay rà sát ngọn cây để chi viện cho bộ binh, vì so với các hướng khác thì lực lượng cao xạ của ta ở đây yếu hơn nhiều nên chúng mặc sức tung hoành.

        Ở sở chỉ huy, khi được tin này, mọi người lấy làm ngạc nhiên, vì không nắm được liên đoàn biệt động quân đã về đây từ trước, nên các đồng chí quân báo, sau khi ra soát xét lại, vẫn chưa xác định được đơn vị nào lại có thể ra phản kích; còn các cơ quan tác chiến thì lại căn cứ vào báo cáo của các đợt phản công. Mãi đến chiều, sau khi đánh lui các đợt phản công, bắt sống được 2 xe tăng và tên đoàn trưởng, sự việc mới rõ ràng. Khai thác ngay tại trận, vừa nói rõ phiên hiệu, tên này vừa chửi ngay bọn cấp trên. Hắn nỏi:

        “Bộ chỉ huy sư đoàn 23 là cả lũ ăn hại. Chúng tôi đã nói với họ, kinh nghiệm Tết Mậu Thân là các ông sẽ đánh từ phía nam lên, vì các ngả đường trên các hướng bắc, đông, tây đều đã bị chặn cả rồi. Lẽ ra phải chiếm phía nam này trước đây vài ngày:, ý hắn muốn nói rằng chiếm phía nam là giữ được Buôn Ma Thuột. Trong lúc đang đánh nhau, không ai buồn để ý đến ý kiến của nó cả.

        Khu nhà lao, tuy không kiên cố, chỉ có mấy cái lô cốt, ít dây thép gai, nhưng rất khó giải quyết. Theo chỉ thị của anh Tuấn, không được để đạn lọt vào trong nhà vì có anh em ta ở đây. May quá, khi tiểu đoàn 8 từ nhà ngân khố phát triển sang, vừa nổ một vài loạt súng, bắn chỉ thiên, lính gác đã ù té chạy. Ta nhanh chóng chiếm ngay các lô cốt. Cơ sở đã đưa được anh em tù ra an toàn.

        Ở sở chỉ huy tiền phương, Trung tướng Hoàng Mình Thảo và đại tá Đặng Vũ Hiệp đã nắm được các cánh quân trước giờ nổ súng. Chiến sự ở Đức Lập cũng đã căn bản kết thúc, nên sáng ngày 10 tháng, anh Tuấn đồng ý cho anh Vũ Lăng và tôi rời sở chỉ huy cơ bản để đến đấy. Tất cả chúng tôi đều muốn bay ra đấy ngay. Các đơn vị đang đánh nhau quyết liệt, tình hình diễn biễn từng giây từng phút, mà mình thì ngồi rục trong xe. Để cho nhanh, chúng tôi đi theo đường triển khai của xe tăng đếm hôm trước. Đường xấu quá, xóc kinh người. Mặc, vẫn phải phóng hết tốc lực.

        Càng tiến ra phía trước, tiếng súng nghe càng rõ, gan ruột cứ lồng lên. Vừa đến nơi, Bộ tư lệnh chiến dịch họp ngay để nhận định tình hình trong ngày. Ta đã chiếm được đại bộ phận các mục tiêu trong thị xã: sân bay, tiểu khu, khu hành chính, hậu cứ của thiết giáp, pháo binh, khu truyền tin, quân y và các vị trí quan trọng ở cùng phụ cận như cao điểm Che Duê, Chư Bua, 491, 576, v.v… thế rất vững. Tuy vậy, đầu não của địch và một bộ phận lực lượng vẫn còn trong thị xã. Chúng còn kiểm soát được một số nơi quan trọng, đặc biệt là lực lượng cơ động ở ngoài rìa thành phố. Lúc này ta đã phát hiện được liên đoàn biệt động quân 21 từ Đắc Lý về căn cứ 45. Chúng còn có khả năng phản kích mạnh. Chủ trương của ta lúc bấy giờ là tập trung lực lượng, nhanh chóng giải quyết sư đoàn bộ 23 và các mục tiêu còn lại, đồng thời triển khai nhanh đánh quân giải toả, khống chế bằng được sân bay Hoà Bình hãy còn chống cự mạnh và những nơi địch có khả năng đổ bộ bằng đường không.

        Có một việc làm cho mọi người phải suy nghĩ lúc bấy giờ. Vào khoảng giữa trưa hôm ấy, có ba chiếc trực thăng ở thị xã, bay lên: một chiếc bị bắn rơi ngay tại chỗ, một chiếc lủi trốn, còn một chiếc đã bốc lên rồi, lại cố sống cố chết hạ xuống ngoài rìa phía đông thị xã, trong nháy mắt, bốc lên ngay rồi chuồn thẳng về hướng bắc.

        Ai đến? Ai đi? Để làm gì? Nhân vật nào mà quan trọng đến thế?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 11:19:43 pm »


        Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân đoàn 2 chăng? Không thể liều được. Ai mà dám liều lĩnh xông ra trước lửa đạn như thế này? Đến để làm gì? Đến để tăng cường chỉ huy sao lại bốc đi ngay? Như vậy, thì có thể kết luận là trực thăng bốc người đi, chứ không phải người đến. Tư lệnh phó sư đoàn 23 chăng hay là tiểu khu trưởng? Đều không đúng cả, vì hai người này, đang còn phải chỉ huy. Giữa cảnh nước sôi lửa bỏng như thế này, mà chỉ huy đánh bài chuồn, thì sự đề kháng ở thị xã, ngày mai ra sao? Cuối cùng, chúng tôi nghiêng về giả thuyết, có một nhân vật nào đó, không phải là người chỉ huy trực tiếp-nhưng rất quan trọng-có thể là một trùm CIA đánh bài chuồn.

        Câu chuyện đến đây chưa chấm dứt. Ít lâu sau trong báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ có đoạn viết: “Liên đoàn biệt động quân 21 đi giải vây cho Buôn Ma Thuột ngày 10 tháng 3 năm 1975 bị Lê Trung Tường, tư lệnh sư đoàn 53 ra lệnh huỷ bỏ cuộc phản kích, để rút một tiểu đoàn, bảo đảm bãi đáp ngoài rìa tỉnh lỵ để bảo đảm cho vợ con y di tản”. À ra thế! Tính tò mò do nghề nghiệp bắt các đồng chí quân báo đi tìm cho được mấy tù binh là nhân chứng câu chuyện này để hỏi cho rõ ngọn ngành. Thì ra, báo cáo của DAO cũng chỉ đúng được một nửa sự thật mà thôi. Chẳng là trong những ngày đầu tháng 3 năm 1975, Tường cũng như Phú, đinh ninh rằng, ta sẽ đánh Plây Cu, nên vội vã đưa vợ về Buôn Ma Thuột, với một sư mệnh cực kỳ quan trọng và bí mật, la mang theo một số quỹ công rất lớn. Nếu Plây Cu bị đánh, thì sư trưởng đã có sẵn trực thăng trong tay, vèo về Buôn Ma Thuột, và khai báo với Thiệu là số tiền này, đã rơi vào tay Việt Cộng. Có trời mà điều tra ra. Ai dè, Buôn Ma Thuột mới là nơi có chiến sự, cho nên lệnh của sư trưởng là phải cứu cho được phu nhân bằng bất cứ giá nào. Theo lời khai của Vũ Thế Quang, sư đoàn phó, thì suốt cả buổi sáng hôm đó, phần lớn cán bộ tham mưu của sư đoàn phải tập trung vào để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Chỉ huy đã rối, càng rối thêm.

        Đã có người hỏi Quang:

        - Thế lúc bấy giờ, nếu để mặc con mẹ ấy, tập trung vào chỉ huy có được không?

        - Không được, Tường là sư trưởng, tôi là sư phó, kỷ luật nhà binh mà.

        Trở lại phòng tập họp của Bộ chỉ huy chiến dịch, trong một góc phòng, một đồng chí cán bộ áp sát tai vào máy thu thanh bán dẫn, cố nghe cho được bản tin buổi chiều của đài BBC.

        - Tin nói về Buôn Ma Thuột đấy.

        Trung tướng Hoàng Mình Thảo nói:

        - Vặn to lên cho mọi người cùng nhe. Ta nghỉ một tý.

        “Tại thành phố Buôn Ma Thuột, thủ phủ cao nguyên trung phần, Việt Cộng đã pháo kích suốt đêm. Một bộ phận đặc công đã lọt được vào thành phố, nhưng sáng ra, đều bị đánh bật ra xa. Tình hình trong thành phố trở lại yên tĩnh. Quân đội Cộng hoà đang truy quét tàn quân…”

        Chưa hết. Tiếp đó, đài phát thanh của quân đội Cộng hoà còn loan báo một tin giật gân hơn. Cũng trong ngày 10 tháng 3, quân đội Cộng hoà có bắt được mấy chiếc xe tăng của Quân giải phóng ở Buôn Ma Thuột và Thiệu đã đặt giải thưởng đặc biệt cho những đơn vị nào đã lập được những kỳ công như thế nữa.

        - Kể ra thì các đài phát thanh nói trên, có lúc cũng có ích đấy chứ, vì trong lúc này, chúng ta đang cần “miếng” hơn là “tiếng”.

        Cả phòng họp cười ran. Họ lừa bịp nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, lừa bịp luôn cả với tổng thống Mỹ nữa.

        Màn đên phủ lên trên cái thị xã hẻo lánh này, mới đêm trước, hãy còn rực sáng ánh đèn neong. Chốc chốc lại một loạt hoả châu, từ những ổ đề kháng còn sót lại, vút lên giữa bầu trời tối om. Một vệt ánh sáng vút lên giữa không trung xé toác không gian u ám, lơ lửng bay theo chiều gió, hạ dần, yếu dần rồi tắt hẳn. Cảnh vật như ngập sâu hơn dưới màn đêm dày đặc. Đây không phải là những dấu hiệu báo động như đêm hôm trước, mà là cách kêu cứu của địch. Chúng báo tin cho nhau bằng ánh sáng. Từng loạt đạn pháo rít lên trong không trung, trên đỉnh thị xã, tiếng nổ từ các sân bay Hoà Bình, căn cứ 45 ở hướng đông vọng lại; những tràng liên thanh đanh và giòn chở rộ lên ở các khu vực quân sự… Đêm nay, bọn ngụy ở đây sống với tâm trạng hãi hùng của con cá nằm trên thớt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 11:22:06 pm »


        Về phía ta, bộ tư lệnh sư đoàn 316, suốt cả tuần lễ nay, từ lúc chia tay nhau, mỗi người đi theo một hướng, một cánh quân, đến giờ phút này, vẫn chưa liên lạc được với nhau bằng điện thoại. Làm thế nào mà tổ chức trận chiến đấu ngày mai cho tốt? Một vài lời trao đổi ngắn gọn trong lúc này, vàng ngọc biết bao nhiêu! Những người chiến sĩ thông tin của sư đoàn, cảm thông với nỗ lo lắng băn khoăn của cấp chỉ huy, đã thấy được trách nhiệm rất nặng nề của mình. Những chàng trai này, mới năm ngoái còn ngồi trên ghế nhà trường, nghe kể chuyện cổ tích. Thế mà nay chính họ lại là những người trong cuộc. Sinh ra và lớn lên trên đồng ruộng lúa, sau luỹ tre xanh, lần đầu tiên họ đặt chân lên mảnh đất nóng bỏng này, bàng hoàng, bỡ ngỡ như bước vào một thế giới huyền ảo: nhà cao, cửa lớn nguy nga, đường sá thênh thang, ngõ ngách chằng chịt. Tất cả đều vắng tanh, vắng ngắt, không một bóng người. Trận địa ban đêm không rộn rã, náo nhiệt như ban ngày, thậm chí có những lúc còn lặng lẽ đến kinh hoàng, nhưng cái chết không ở ngoài gang tấc: một khẩu tiểu liên, một quả lựu đạn gài đâu đó… Sương khuya phủ xuống đôi vai người chiến sĩ một cảm giác lành lạnh, nhưng họ vẫn cảm thấy nóng ran cả người, một sức mạnh vô hình, một sự thôi thúc cấp bách, đòi hỏi họ, nhất định trong đêm nay, phải tìm cho ra các sở chỉ huy đặt tạm đâu đó, trong một góc vườn tối om hay một căn nhà bỏ trống… Mỗi lần móc nối được một đầu mối, nghe bên kia đầu dây tiếng nói quen thân trả lời, là họ quên tất cả mọi gian lao, nguy hiểm. Chiến công của họ lặng lẽ, âm thầm, nhưng to lớn vô cùng. Họ đã làm dịu bớt nỗi lo âu của các cấp chỉ huy đang hồi hộp trông chờ, mà nhất định trận đánh ngày mai sẽ được tăng thêm sức mạnh rất nhiều, vì được hợp đồng chặt chẽ, trận chiến đấu sẽ kết thúc chóng vánh, chắc thắng.

        Quá nửa đêm, tư lệnh trưởng Đàm Văn Ngụy đã nói chuyện được bằng điện thoại với tư lệnh phó Hải Bằng. Ôi! Còn vui sướng nào hơn!

        Ngày 11 tháng 3, trời vừa sáng, chưa nhìn rõ mặt người. Không hiểu len lỏi từ ngõ ngách nào, tên Luật, đại tá tiểu khu trưởng Đắc Lắc, đã có mặt tại sư đoàn 23. Luật gặp Quang để tìm cách đối phó; nhưng quân lính đã rã rời về tinh thần và tổ chức, nên không giải quyết được vấn đề gì. Hy vọng duy nhất của chúng đều đặt vào liên đoàn 21 biệt động quân ở phía đông thị xã.

        Đến 6 giờ sáng, ta bắt đầu tiến công vào sư đoàn bộ 23 từ bốn mặt. Đây là một cuộc hợp điểm vô cùng đẹp mắt. Một đại đội của trung đoàn 95B, với bốn xe tăng, từ ngã sáu đánh vào mặt đông. Máy bay đến ném bom chặn đường. Hai xe tăng bị hỏng nhẹ, lập tức hai chiếc khác ở sau tiến lên thay thế.

        Tiểu đoàn 4 thọc sâu, với hai xe tăng, xông vào mở cửa. Kho xăng gần đấy bốc cháy, chắn ngang lối đi. Vòng lên phía bắc, bắt liên lạc với trung đoàn bộ binh phối hợp tiến công. Máy bay đến ném bom vào phía tây, trúng ngay đội hình bọn chúng. Luật và Quang ù té chạy ra rừng cà phê. Cơ quan của trung đoàn 24 đã chờ sẵn ở đây từ lâu, đón bắt được Luật, còn Quang thì chạy về hướng Nam.

        Trung đoàn 174, thành một mũi từ phía tây nam đánh lên, bắt liên lạc với tiểu đoàn 4 thọc sâu. Đài quan sát báo cáo có hai chiếc xe gíp, mở hết tốc lực, chạy về hướng Thọ Thanh ở tây nam thị xã, tiểu đoàn được lệnh truy quét hướng này đánh vào đài phát thanh. Chuột chạy cùng sao, Quang bị bắt, lúc 12 giờ tại Buôn A Lê. Trong đám người bị bắt, ngoài 2 đại tá, còn có nhiều người nước ngoài: hai thành viên của uỷ ban quốc tế núp trong nhà đại diện tổng lãnh sự Mỹ, cùng với 8 người dân ngoại quốc, một số nhà truyền giáo và gia đình…

        Chập tối, đài BBC vẫn còn ra rả: “Chiến sự đang diễn ra ác liệt, hai bên đang đánh nhau trên đường phố…”

        Ở dinh Độc Lập, Thiệu họp với Cao Văn Viên, Trần Thiện Khiêm và Đặng Văn Quang. Ông ta trải rộng tấm bản đồ lên mặt bàn và khẳng định: Buôn Ma Thuột quan trọng hơn Plây Cu nhiều và Quân đoàn 2 phải tử thủ bằng mọi giá. Quyết định này, theo Thiệu là xuất phát từ cán cân lực lượng bất lợi ở trong nước và khả năng viện trợ của Mỹ trong tương lai.

        Với ý định như, đài phát thanh quân đội Cộng hoà, ra rả hô hào: “Tử thủ, tử thủ Buôn Ma Thuột…”. Rủi thay, vì không nắm được ý đồ của Thiệu, nhà báo Pháp Paul Leandri đã dám nhạy bén và liều lĩnh đưa tin: Buôn Ma Thuột đã bị thất thủ.

        Lập tức, được gọi đến và bắn ngay tại chỗ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 11:25:01 pm »


Chương 11

TẠO THỜI CƠ MỚI

        Sáng ngày 11 tháng 3 trong lúc Buôn Ma Thuột, tiếng súng truy quét tàn quân địch còn đang nổ giòn, thì ở Hà Nội, thường trực Quân uỷ Trung ương họp.

        Trở lại nền nếp cũ của những năm trước đây, mỗi lần bước vào những đợt hoạt động lớn, có ý nghĩa chiến lược như tết Mậu Thân, chiến dịch Quảng Trị, hàng ngày, đến giờ giao ban. Thường trực Quân uỷ nghe Bộ Tổng tham mưu báo cáo tình hình. Để giảm bớt bận rộn cho dưới, các đồng chí trong Bộ Chính trị cũng đến dự họp, trao đổi tình hình, thảo luận chủ trương và có ý kiến chỉ đạo kịp thời các chiến trường. Lần này có một số đồng chí vắng mặt, nên chỉ có anh Ba, anh Trường Chinh, anh Sáu Thọ, anh Văn, anh Hoàn và anh Nghị. Ngoài ra còn có anh Thái, anh Tấn và anh Đạo.

        Anh Thái và anh Tấn báo cáo rất ngắn gọn diễn biến trận đánh ngày hôm qua và nhận xét: ta chuẩn bị tốt, nghi binh giỏi, nên giữ được bất ngờ, nổ súng đúng thời gian. Địch không phán đoán nổi ý đồ của ta, sư đoàn dù vẫn còn đang bị giam chân ở Đà Nẵng, tinh thần chiến đấu xuống rất nhanh. Đề nghị phương hướng phát triển là Phú Bổn, đường 19, bao vây Plây Cu, Kon Tum. Trong lúc chưa điều động lực lượng lớn đến kịp thì dùng lực lượng đặc công và pháo binh đánh vào thị xã, làm cho địch nguy khốn, tiến tới dứt điểm hai thị xã này. Trước mùa mưa năm 1975, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên.

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu lộ sự đồng tình, nhất trí, nói:

        - Mặc dù ta đã có dự kiến, nhưng vẫn chưa thấy được hết vấn đề là địch sẽ suy sụp nhanh. Mới chỉ là trận đánh mở đầu thôi, mà đã thấy xuất hiện tình hình mới… tình hình thường phát triển trước sự suy nghĩ của chúng ta. Đối với Phú Bổn, tôi đồng ý với đề nghị của Bộ Tổng tham mưu. Nhưng chưa nên lấy danh nghĩa của Bộ Chính trị hay Quân uỷ, mà chỉ lấy danh nghĩa của Bộ để khêu gợi với anh em trong đó trước đã. Còn chờ vài hôm nữa xem ra sao. Trong lúc này, ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp chiến trường. Trị Thiên bao giờ mới nổ súng? Khu 8 hãy còn im ắng quá. Bộ Tổng tham mưu cần giúp đỡ những nơi nói trên. Đối với chiến trường Tây Nguyên bây giờ không nhất thiết phải đánh vào công sự vững chắc, mà phải tìm cách bao vây rồi truy kích để tiêu diệt. Như vậy, ít tốn xương máu hơn.

        Đồng chí Lê Đức Thọ đứng dậy nói rất sôi nổi:

        - Phải mạnh dạn hơn nữa, thắng đến đâu, đẩy tới đó. Khu 5 phải tập kích vào Đà Nẵng, còn ở nam Tây Nguyên thì nên thực hiện đề nghị của Bộ Tổng tham mưu, nhưng trong tháng 5 này chứ không nên để chậm. Trước đây, ta dự kiến đến tháng 11, thì nay đã lạc hậu rồi. Ở miền Đông, sư đoàn 7 nên hướng ngay về phía đường 20, Bảo Lộc, Đà Lạt.

        Anh Trường Chinh:

        - Nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công. Về cách đánh thì vẫn phải lấy vấn đề tiêu diệt là chính. Phải nắm vững mối quan hệ giữa tiêu diệt và tiêu hao: tiêu diệt và giải phóng đất đai.

        Anh nói tiếp:

        - Trong lúc này, nếu chỉ nắm vấn đề tiêu diệt không thôi, thì chủ quan, cứng nhắc và máy móc; nói tiêu diệt là bao gồm cả giết, bắt sống, làm tan rã, gọi hàng. Đánh rồi thì phải chiếm. Trong lúc này, ở miền Nam, hoàn toàn có khả năng mở rộng và hoàn chỉnh vùng giải phóng. Làm như vậy thì có vấn đề phải giải quyết đời sống cho nhân dân. Phải sớm nghĩ đến việc giải phóng Huế, Đà Nẵng, giải phóng Quảng Trị đến Quảng Nam.

        Khoan thai, anh Ba đứng dậy phát biểu, giọng đầy xúc động:

        - Trước đây ta đặt vấn đề hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ giải phóng miền Nam trong hai năm. Năm ngoái ta có Khu 9, Thượng Đức; năm nay ta có Phước Long, Buôn Ma Thuột. Ta còn có thể đẩy mạnh hơn nữa. Đây có phải là bước đầu của cuộc tổng tiến công không? Các đồng chí hãy suy nghĩ đi…

        Nhìn lên tấm bản đồ treo trên tường, anh vừa chỉ vừa nói:

        - Dân ta, quân đội ta phấn khởi. Ở Sài Gòn, nhân dân rất phấn khởi. Phía bắc: Huế, Đà Nẵng, ta có hai quân đoàn, phía nam ta cũng có hai quân đoàn… lúc này, phải nắm chắc lực lượng chủ lực trong tay, không nên phân tán nắm lấy thời cơ, đẩy mạnh Sài Gòn… chuẩn bị phát triển nhanh.

        Hội nghị bế mạc lúc 11 giờ 30 phút.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 11:30:13 pm »


        Cùng lúc ấy ở thị xã Buôn Ma Thuột tiếng súng truy quét địch cũng chấm dứt.

        Sự nhất trí cao độ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đem đến sức mạnh vô cùng to lớn cho các chiến trường và tạo nên bước ngoặt lịch sử này. Dân tộc Việt Nam, lại phát huy truyền thống của Phù Đồng Thiên vương thuở trước, vươn mình đứng dây, cầm gậy sắt, nhảy lên ngựa sắt, lao lên phía trước.

        Hôm sau, anh Tuấn nhận được điện của Quân uỷ Trung ương hướng dẫn thêm:

        - Ở Buôn Ma Thuột, vừa phát triển ra xung quanh, chú ý tiêu diệt các đơn vị còn lại, và sẵn sàng đánh phản kích. Càng tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, càng mở rộng phạm vi vùng giải phóng, thì khả năng chi viện của địch càng giảm.

        - Nhanh chóng phát triển về hướng Cheo Reo. Nên cho lực lượng đi trước bao vây ngay thị trấn này, đồng thời tiêu diệt địch ở trong vùng.

        - Từ bây giờ, hình thành ngay thế bao vây Plây Cu, khống chế chặt các con đường tiếp tế, chuẩn bị tiêu diệt thị xã này. Đối với Kon Tum thì cô lập để tiêu diệt sau.

        - Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho chiến trường nam Tây Nguyên, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ thị cho Khu 5 lệnh cho sư đoàn 3 mở rộng phạm vi kiểm soát trên đường 19, thực hiện chia cắt chiến lược, bao vây và chuẩn bị tiêu diệt An Khê.

        Hướng phát triển về phía nam sẽ làm sau một bước.

        Trong quá trình phát triển tiến công, chú trọng nắm vững chủ lực, tránh phân tán. Phải có kế hoạch nhanh chóng củng cố và đảm bảo hậu cần. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương nhiệt liệt khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, anh chị em công nhân viên, đã nêu cao tinh thần quyết thắng, chiến đấu anh dũng, mưu trí và sáng tạo, táo bạo và khẩn trương, giành thắng lợi lớn trong những ngày đầu của chiến dịch. Cần kịp thời nắm thời cơ thuận lợi, giành thắng lợi to hơn nữa.

        Như đã nói trên, dưới con mắt của ngụy quyền Sài Gòn, Buôn Ma Thuột không phải chỉ có giá trị về mặt chiến lược quân sự, mà về kinh tế cũng chiếm một vị trí rất quan trọng. Bản thân một số tướng tá ngụy, cũng có nhiều người có của chìm, của nổi ở đây cho nên việc phản kích để giành lại địa bàn quan trọng này phải đặt lên hàng đầu.

        Hai mươi bốn tiếng đồng hồ, sau khi ta làm chủ hoàn toàn thị xã, Thiệu vẫn còn ra lệnh “Phải giữ Buôn Ma Thuột bằng bất cứ giá nào; trách nhiệm chỉ huy thống nhất mặt trận này do tư lệnh sư đoàn 23, chuẩn tướng Lê Trung Tường đảm trách”.

        Phú nghĩ khác. Thị xã Plây Cu và con đường 10 đã ghi một ấn tượng rất sâu sắc vào đầu óc ông ta. Ông ta cứ nơm nớp lo sợ thị xã Plây Cu sẽ bị tiến công bằng xe tăng, ông ta có thể bị bắt làm tù binh một lần nữa, lo sợ chia cắt chiến lược; thậm chí đến ngày 12 tháng 3 sau khi mất Buôn Ma Thuột, ông ta vẫn đinh ninh cho đó là hoạt động nghi binh, chần chừ và do dự, chưa muốn tung lực lượng đi cứu viện; phải chờ đến lúc Thiệu ra lệnh, mới chịu thi hành.

        Về phần ta, nhiệm vụ chính trong lúc này là tiêu diệt địch còn lại trong vùng, chuẩn bị đánh phản kích, hai nhiệm vụ có liên quan chặt chẽ với nhau.

        Ở ngoại vi thị xã Buôn Ma Thuột, địch vẫn giữ các hậu cứ 45, 53, trường huấn luyện, Chư Nga, Châu Sơn, sân bay Hoà Bình… xa hơn một chút là Bản Đôn, Đạt Lý, Buôn Hổ, Phước An v.v… Trong ngày, trung đoàn 24 cùng một đại đội xe tăng tiến công vào hậu cứ 45 và trung tâm huấn luyện của sư đoàn 23. Sau hai giờ, giải quyết xong. Cùng lúc đó một bộ phận của trung đoàn 174, sư đoàn 316, tiến công địch ở cầu Srepok, bắt 300 tù binh. Ở phía đông, trung đoàn 9, sư đoàn 320 tiến công vào Buôn Hồ, đến 9 giờ sáng phát triển sang Chư Pao, Đắc Lý. Ngày 13 tháng 3, ta đánh chiếm Châu Sơn, giải phóng quận lỵ Lạc Thiện trên đường đi Đà Lạt; ngày 14 tháng 3 địch ở Bản Đôn ra hàng. Như vậy, chỉ trong vòng 2 ngày, tỉnh Đắc Lắc gần như hoàn toàn giải phóng.

        Thế nhưng ở sân bay Hoà Bình, trận chiến đấu kéo dài suốt cả một tuần lễ. Trong khu vực này có nhiều cứ điểm. Bên cạnh sân bay là các hậu cứ của các trung đoàn 44 và 53. Trước kia, đây là một trại lực lượng đặc biệt của Mỹ. Tất cả đều xây dựng trên địa hình bằng phẳng, trống trải, chung quanh có ba lớp dây thép gai, bên trong có một vành đai ụ đất, cách 15 thước có một hay hai cái hầm có bao cát chung quanh. Trong căn cứ của trung đoàn 53 lại có 10 chiếc hầm lớn, giành cho ban chỉ huy, có thể chống lại được các loại pháo cỡ lớn. Chu vi khoảng 1 kilômét, toàn bộ ở đây khoảng 1.000 tên.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM