Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 06:37:12 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xuân giải phóng  (Đọc 41513 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 12:34:13 am »


        Trước khi lên đường vào chiến trường, tôi đến gặp được Đại tướng chỉ thị thêm:

        - Đồng chí vào chờ tôi ở bộ tư lệnh Trường Sơn. Bàn trước với đồng chí Đổng Sĩ Nguyên về vấn đề bảo đảm hậu cần cho chiến dịch và bảo đảm cơ động lực lượng… nhớ bố trí đón cho được đồng chí Lê Ngọc Hiền đang trên đường từ Tây Nguyên ra. Chúng ta sẽ họp ở đấy bàn tiếp một số vấn đề.

        Như vậy, có nghĩa là phương án đã được thông qua hôm 9 tháng 1 thì cứ thế mà tiến hành, không mảy may thay đổi. Đối với Buôn Ma Thuột, dù có khó khăn thế nào cũng phải dứt điểm.

        Khi tôi đến bộ tư lệnh Trường Sơn thì đồng chí Hiền đã có mặt ở đấy rồi. Đồng chí rất lo lắng: việc chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột Bộ đề ra gấp quá, đoàn cán bộ 316 thì vào chậm, nên mãi đến ngày 6 tháng 2 mới bắt đầu đi trinh sát địa hình, chưa biết ngày nào về kịp để hạ quyết tâm lần cuối cùng. Với tình hình như hiện nay, nghĩa là chỉ có vài trung đoàn chủ lực quân đội Cộng hoà ở Đắc Lắc, số còn lại là quân địa phương thì lực lượng ta, ngoài sư đoàn 316 ra, cần phải có thêm một sư đoàn bộ binh nữa hay ít ra là hai trung đoàn. Các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Tây Nguyên thì đều đã có nhiệm vụ cả rồi, cũng đang xúc tiến việc chuẩn bị, nên không còn lấy đâu ra được nữa. Nếu để chậm lại mươi ngày, nửa tháng nữa để điều cho được sư đoàn 10 ra Buôn Ma Thuột, sau khi giải phóng xong Đức Lập, thì tình hình sẽ khác đi nhiều, đối phuơng sẽ tăng thêm lực lượng, như trước đây họ đã từng làm, thì rồi chẳng biết tình hình sẽ ra sao đây.

        Vấn đề bảo đảm vật chất, cũng khá nan giải. Số lượng hậu cần chiến dịch tiếp nhận được còn quá ít, lại còn để ở đâu đâu. Với khả năng hiện có, từ lúc hạ quyết tâm đến lúc triển khai được công tác vận chuyển, đưa vật chất đến địa điểm theo yêu cầu của kế hoạch, phải mất cả tháng nếu mọi việc đều được trót lọt. Đặc biệt công tác đưa được một số gạo, đạn tối thiểu vào phía Nam và phía đông Buôn Ma Thuột, trên đường quốc lộ 21 và 21 Bis thì hầu như không thực hiện nổi vì các hành lang vượt qua đường quốc lộ 14 đều bị phong toả rất chặt.

        Đồng chí Hiền muốn xin trực thăng, ra ngay Hà Nội, dù chỉ một buổi chiều thôi, để báo cáo hết các vấn đề với Quân uỷ Trung ương và xin ý kiến. Đại tướng trả lời qua điện thoại: không đồng ý vì Quân uỷ cũng đã có sự cân nhắc kỹ trước khi hạ quyết tâm, và một khi đã hạ quyết tâm thì Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Hậu cần phải tìm đủ mọi cách khắc phục khó khăn mà triển khai lực lượng.

        Sáng hôm sau Đại tướng cùng vào. Đoàn lấy bí danh là A75. Cùng đi, có đồng chí Đinh Đức Thiện vừa là uỷ viên Quân uỷ Trung ương vừa là chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Cuộc họp diễn ra chóng vánh. Sau khi nghe đồng chí Hiền báo cáo tình hình chuẩn bị và nêu lên những khó khăn như trên, Hội nghị thảo luận kỹ và đi đến kết luận: chủ động điều địch hơn nữa, tăng cường công tác nghi binh, giữ nguyên hiện trang ở Buôn Ma Thuột để bằng mọi cách nổ súng đánh Buôn Ma Thuột sớm, chậm nhất là 24 tiếng đồng hồ sau Đức Lập. Về lực lượng, sau khi đã cân nhắc kỹ, Đại tướng đồng ý tăng cường thêm cho chiến dịch trung đoàn bộ binh 95B, lấy ở mặt trận Trị Thiên đưa vào ngay; còn về vấn đề bảo đảm vật chất, bảo đảm cơ động thì các đồng chí Đinh Đức Thiện và đồng chí Đổng Sĩ Nguyên hứa sẽ giải quyết đầy đủ các yêu cầu.

        Một buổi sáng đầu năm 1975, đoàn A75 từ Sở chỉ huy đoàn Trường Sơn, trên bờ sông Bến Hải, lên đường vào chiến trường. Tuy đoàn chỉ có 7 chiếc xe con, nhưng vẫn chia làm hai bộ phận để hành quân cho đỡ lộ bí mật. Đồng chí Hiền và tôi đi trước, nửa tiếng đồng hồ sau anh Dũng xuất phát. Chúng tôi đi theo đường 49 vào đường 9 lên Hương Hóa rồi rẽ vào đường Trường Sơn Đông. Trời nắng ráo, quang cảnh trên đường vô cùng nhộn nhịp: những đoàn xe vận tải, xe chở quân bổ sung nối đuôi nhau chạy vào không ngớt. Hai bên đường, trên những bãi đất trống, cao ráo, là những đống bao gạo xen kẽ giữa các trạm tiếp nhận hàng viện trợ của các tỉnh, các quân khu ở miền Nam. Những chiếc máy húc, máy ủi, sơn màu vàng để la liệt, bên cạnh các máy cày, máy kéo sơn màu đỏ chói. Giá như những năm trước, thì những thứ này là những mục tiêu rất ngon lành của các loại máy bay Mỹ; nhưng bây giờ thì đã khác trước rất nhiều. Máy bay của quân đội Cộng hoà, thoảng hoặc mới có lảng vảng đến đây; mà có đến thì cũng bay tít trên cao, vì thừa biết rằng ở đây đã có mấy trung đoàn tên lửa ngày đên ở trong tư thế sẵn sàng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 12:36:14 am »


        Vượt qua hai cái dốc nổi tiếng A Pông, xe chúng tôi đi vào thung lũng A Sầu, A Lưới. Mấy năm qua, chất độc hóa học đã làm biến dạng hẳn cái thung lũng sầm uất, đẹp đẽ này. Những thân cây cao trơ trụi, cháy đen như những cánh tay khẳng khiu nổi bật lên giữa đám lau lách, bạt ngàn, như muốn tố cáo với đất trời, tội ác của quân thù.

        Hình như đại tá Phan Khắc Hy, phó tư lệnh binh đoàn Trường Sơn, người có nhiệm vụ hướng dẫn A75 trên đường hành quân, muốn gián tiếp báo cáo với Đại tướng về kết quả làm đường trên một năm nay, nên có nhã ý đưa chúng tôi đi theo con đường mới làm, vì đường cũ thì chật ních những đoàn xe vận tải đang nghìn nghịt chạy vào, len lỏi lách lên cho được, tốn rất nhiều thì giờ và rất vất vả. Đường rộng thênh thang, thẳng tắp, xe lao vun vút với tốc độ 60 kilômét/giờ. Lán trại của các đơn vị công binh dựng san sát hai bên đường. Không còn nhớ đã vượt qua bao nhiêu công trường, nơi làm cầu, nơi đúc cống, nơi đắp nền dường, nơi nghiền đá, nơi rải nhựa. Ở một vài đoạn, anh em còn phải sử dụng các dụng cụ thô sơ như xẻng, cuốc, xe ba gác v.v… nhưng chủ yếu vẫn là máy móc. Chỉ vào những cỗ máy sơn màu vàng, to lớn, cao lênh khênh, đồng chí Hy nói:

        - Máy móc của Cu Ba giúp ta đấy? Bạn phải bán đường, lấy đô la mua của Nhật rồi gửi sang đây cho ta. Ông cha mình thường nói: “Khó giúp nhau mới quý!”. Thật đúng như vậy. Gặp khó khăn, mới hiểu hết lòng bạn bè. Ban đầu vừa rời cái xẻng, cái cuốc, anh em đơn vị từ chỉ huy đến chiến sĩ, chưa ai biết gì về thi công cơ giới cả. Nói cho đúng, thì cũng có một số, nhưng trước nay, chỉ quen với máy móc của phe ta thôi. Nhưng nhờ có kinh nghiệm của tổ chức và lãnh đạo, chỉ huy, anh em ra đều thấy trách nhiệm nặng nề của mình phải nhanh chóng nắm lấy kỹ thuật, làm chủ các máy móc này. Xây dựng được càng nhanh bao nhieu tức là thiết thục góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam sớm bấy nhiêu, nên ra sức học tập, “học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm”, có hôm học cả dưới trời mưa tầm tã. Công trường và lớp học là một. Các đồng chí Cu Ba, nhiệt tình và hăng hái hết chỗ nói, hết lòng hướng dẫn từng ly, từng tý, đem hết sự hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân từng người ra dạy. Anh em ta tiếp thu cũng rất nhanh, nhờ vậy chỉ sau 4 tháng tay nghề đã khá vững; đến nay đa sử dụng được tất cả những máy móc này, bạn khen lắm. Thử tính xem với một vạn mét khổi đá trên một kilômét như thế này mà cuốc với choòng thì đến bao giờ mới làm ra được đường? Một khí thế thi đua sôi nổi, tưng bừng nhộn nhịp bừng lên từ đầu đến cuối thung lũng A Sầu này, biến nó thành “A Vui” vui lắm anh ạ! Các anh xem nhé, núi rừng hiểm trở như thế này mà trên bắt phải đạt cho được các chỉ tiêu làm đường cơ bản núi cấp cấp bốn, trên một kilômét không được quá 8 cái cua, độ dốc dưới 8 độ, bán kính đường vòng không dưới 20 thước. Trên đường Trường Sơn, có thể nói đây là đoạn đường khó ăn nhất vì nó có dãy núi Xương cá chắn ngang chạy ra đến biển. Mấy tháng nay, có thêm sự cộng tác, giúp đỡ của các giáo sư, sinh viên trường Đại học giao thông phái vào đây, vừa tăng cường cho đoàn, vừa thực tập luôn thể. Anh em cũng cơm đùm cơm nắm, lặn lội suối sâu, đèo cao, đi khắp cả vùng núi mới tìm được tuyến đường lý tưởng này. Kể ra, nếu các anh trong Bộ Tổng tham mưu cho trực thăng đi khảo sát, thì cũng nhanh hơn và cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Đằng này thì tư lệnh cũng như anh em, đều phải xắn quần móng lợn, băng núi, lội rừng khảo sát đến đâu, duyệt luôn tại chỗ. Như vậy thì tất nhiên là nganh chuyên môn người ta có ý kiến, nhưng biết làm thế nào được. Thời gian quá gấp cho nên ở đây phải lấy yêu cầu của quốc phòng làm chính. Nếu chỉ ngồi ở nhà, chờ các đoàn khảo sát đi về báo cáo, rồi mới bắt tay vào nghiên cứu, duyệt đi duyệt lại thì đến năm 1980, chưa chắc đã thi công được. Đấy, các anh em như A Pong, Pé Ker, vừa rồi các anh đi qua thấy đấy, độ dốc 10 phần trăm. Như vậy là phải khảo sát lại, chọn tuyến khác hay tìm cách hạ độ dốc hơn nữa. Có thế thì các binh khí kỹ thuật nặng mới cơ động được.

        Chỉ vào những đống gạo to tướng, phủ ni lông, đồng chí Hy cười nói:

        - Những thứ này là của quân đoàn cả đấy chứ, chúng tôi có gì đâu? Rồi đồng chí chỉ vào chúng tôi, con đường đất đỏ ở lưng chừng dãy núi trước mặt, nói tiếp:

        - Đường 96 đấy. Đường này do cán bộ của quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 cùng làm, nó chạy về Tả Trạch-Nam Đông, Khe Tre, rồi bắt mối vào đường 14 cũ, chạy vào đèo Mũi Trâu, ở phía tây bắc Đà Nẵng.

        Mấy tháng nay, xe của quân đoàn chạy về hướng đấy nhiều lắm. Có cả mấy đơn vị phòng nòng dài nữa. Hình như họ đang lập chân hàng ở núi Bạch Mã thì phải.

        Và đồng chí cười to, nói tiếp, với một giọng rất Quảng Bình:

        - Như rứa thì con đường chiến lược Huế-Đà Nẵng bị cắt đến nơi rồi, còn chi mô?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 12:38:33 am »


        Đoàn lại tiếp tục cuộc hành trình. Đến ngã ba đường 12, đi về thành phố Huế, lác đác đã có những chòm nhà của đồng bào, mới từ nơi sơ tán về, chen lấn giữa những trại sản xuất của quân khu, quân đoàn. Một sức mới đang vươn lên trên cảnh điêu tàn, hoang dại, mà Mỹ-Thiệu đã có tình gieo rắc trong cái thung lũng phì nhiêu, đẹp đẽ này. Những làn khói lam, nhè nhẹ lướt trên nóc các nhà tranh; tiếng gà gáy nghe vọng từ trong khe núi, làm cho khách bộ hành cứ ngỡ mình đang đi giữa một vùng đồng bằng trù phú. Một đám trẻ con người dân tộc, vừa tan học về, cách sách chạy lon ton trên đường. Quần áo bết đầy bùn và đất, đa số để đầu trần; chỉ có một vài em đội mũ tai bèo, vành trẽ xuống tận vai, có lẽ là quà của các chú giải phóng hành quân qua đây. Có em mặc cái áo của người lớn, dài đến đầu gối, chẳng còn một cái cúc nào, hai vạt áo quét gần sát mặt đường. Gần một nửa số em quàng khăn đỏ. Cảnh tượng này làm cho tôi vô cùng xúc động. Nhớ lại buổi chiều mùa thu năm 1963, tôi đang báo cáo tình hình miền Nam với Thượng tướng Văn Tiến Dũng tại phòng làm việc của đồng chí thì chợt tiếng gõ cửa.

        Bác đến bất thình lình, Bác đội mũ cát két bằng dạ, mặc cái áo cổ kín màu xanh công nhân, chân đi dép cao su. Thượng tướng chạy ra, rước Bác vào ngồi trên ghế dựa đặt ở giữa phòng. Sau vài lời thăm hỏi thường lệ, Bác lấy thuốc ra hút, nhìn quanh cả một lượt rồi đứng dậy, lại gần tấm bản đồ nổi gắn trên tường. Đột nhiên, Bác quay lại hỏi tôi:

        - Chú hãy chỉ cho Bác con đường mòn Hồ Chí Minh.

        - Báo cáo Bác, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, con đường ấy chạy qua Bà Rền - U Bò rồi vào đến chiến khu Dương Hoà - Nam Đông - Bút Lốp - Hiên, vượt dốc Giảm Thọ, sang đèo Le…

        Bác cười:

        - Ai đặt cho cái tên quái gở thế? Thế ngày nay?

        Tôi lúng túng, và để cho được thật chính xác, đề nghị thượng tướng cho gọi đồng chí Thượng tá Võ Bẩm, người đầu tiên phụ trách Đoàn Trường Sơn, từ ngày mới thành lập-tháng 5 năm 1959-đến.

        Một lát sau, đồng chí Võ Bẩm đến, vừa thở vừa báo cáo:

        - Ngày nay, ta vào làng Ho, vượt đỉnh một nghìn linh một vào Bản Đông, La Hạp, đi trên đất Lào rồi lại A Ró - Tang Non trên đất ta. Cháu cũng vừa ở trong ấy ra.

        Bác chăm chú nghe, nhìn theo ngón tay của đồng chí Bẩm đang di chuyển trên bản đồ.

        - Đời sống của đồng bào ta trên đường dây dạo này còn cực khổ lắm không?

        - Báo cáo Bác, cực lắm ạ. Gạo không đủ ăn, phải ăn sắn, ngôi, mà có lúc cũng không đủ, phải ăn củ rừng. Thường xuyên lạt muối, quân sự thì không có, chỉ được cái khố, mà cũng rách bươm…

        Bác có vẻ đăm chiêu, suy nghĩ. Tôi thấy Bác lấy khăn tay ra lau kính và lau mắt. Tôi đâm hoảng, nháy mắt, ra hiệu cho đồng chí Bẩm, dịu dịu bớt lại, vì sợ Bác buồn.

        Ngón tay của Bác lần lần chỉ vào Khe ve, Xuân Sơn, Bản Đông; rồi lại đưa về Làng Ho, Tà Cơn, A Sầu, Bù Lệch, Bến Giằng… ở những nơi có cứ điểm như Tà Cơn, A Sầu, hay những nơi mà mặt bản đồ nổi lên cao như A Pông - Bù lếch, ngón tay của Bác dừng lại gõ nhè nhẹ. Bác gật đầu khe khẽ, chòm râu bạc rung rinh. Bác tháo kính rồi quay về chỗ ngồi.

        - Các chú phải làm như thế nào đưa được muối, vải và nếu đuợc thì thêm một ít gạo cho đồng bào nhé!

        - Thưa Bác, được ạ.

        Chờ không thấy chỉ thị gì thêm, đồng chí Bẩm và tôi bước ra khỏi phòng để Bác và Thượng tướng làm việc. Tôi không được biết sau đó Bác có chỉ thị gì thêm cho thượng tướng nữa hay không; nhưng cũng từ ngày ấy, Quân uỷ Trung ương hạ quyết tâm kéo dài đường Trường Sơn, và mở rộng thêm để thông xe cơ giới vào đến Tây Nguyên. Nhiều đơn vị công binh lần lượt được điều động đến, trước tiên là trung đoàn 98 - cả người và xe máy - và sau đó là nhiều đơn vị khác nhau nối tiếp nhau, kéo dài con đường cho đến ngày hôm nay. Đường đã thông, có nhiều đoạn chưa tốt lắm, nhưng nhìn đám trẻ con đang đi kia, tôi nhận thấy đã có sự đổi đời rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 11:39:09 am »


        Có thể là chưa được như ý Bác mong muốn, nhưng được tiếp xúc với anh em dân tộc trên suốt dải Trường Sơn, tôi chưa thấy ở đâu trẻ con được như thế này. Ở những nơi, mà năm nào, Bác đã lấy ngón tay gõ nhẹ lên mặt bản đồ vì có địch đóng hay vì núi quá cao, thì nay, địch cũng đã chạy rồi, mà núi cũng đã bị xẻ dọc, san bằng, xe cộ qua lại dễ dàng hơn. Cái vạch dài mà năm nào Bác đã lướt nhẹ ngón tay, nay đã có ít nhất hai trục đường lớn, đủ rộng cho xe chạy hai chiều công khai; và 5, 7 trục đường nhỏ, kín, chạy song song với nhau để chạy một chiều, bí mật, giữa ban ngày, trong những ngày đánh phá ác liệt  nhất. Ở những đoạn vượt sông, đã có sãn 5, 6 cái ngầm hoặc cầu. Hôm đoàn xe đầu tiên bắt đầu lăn bánh đến đây, đồng bào ở các buôn làng xung quanh, kéo ra xem rất đông. Dân ở các huyện Nam Giang, Bắc Giang này, không ai lạ gì với chiếc xe ô tô, và trước đây, thực dân Pháp cũng đã làm đường xuyên ngang Trường Sơn, từ Đà Nẵng sang Lào. Nhưng không bao giờ đồng bào lại nghĩ rằng, có ngày giải Trường Sơn hùng vĩ lại bị xẻ dọc, và xe ô tô lại đến được giữa núi rừng sâu thẳm trong những ngày âm u mưa lũ như thế này. Đường vươn dài đến đâu, ấm no hạnh phúc đến đấy. Con cháu chúng ta sau nếu có dịp đi dọc Trường Sơn, để tìm lại dấu vết của chiến trường, của cha ông đánh Mỹ, có thể sẽ phê phán chúng ta đã làm những việc phi kinh tế: làm đường vận chuyển thế nào mà cứ chạy song song với nhau trên một trục, trùng lặp lung tung như một trận đồ bát quái, đến nỗi chỉ trên một đoạn đường chưa đến 1.000 cây số đường chim bay; từ Lao Bảo đến Lộc Ninh, mà tổng khối lượng đã xây dựng, duy tu bảo dưỡng lên đến trên một vạn cây số. Chính đây là chỗ làm cho đế quốc Mỹ phải điên đầu, cam chịu thất bại trong chiến lược ngăn chặn và làm cho cả thế giới phải kinh ngạc và khâm phục. Đế quốc Mỹ đã bỏ ra bao nhiêu triệu đô la để kiểm soát khoảng không gian dài ngót 1.000 cây số, rộng 60-70 cây số cũng chẳng làm gì nổi ta, mặc dù hết đưa ra thủ đoạn “săn đuổi” lại bày ra trò “tìm diệt sinh lực cơ động trên hệ thống đường vận tải”, v.v… Họ đã phải huy động đến 500-600 lần chiếc máy bay trong ngày, trong đó có cả hàng trăm lần chiếc B.52, đánh phá rất điên cuồng, làm sụt từng mảng núi đã, lấp cả từng đoạn khe, rồi lại đưa ca bộ binh ra càn quét chiếm lĩnh dài ngày. Nhưng tất cả mọi thủ đoạn đều tỏ ra vô hiệu: hàng ngày, xe vẫn nối đuôi xe mà chạy vào, chạy ra, và xe ta đã đi là khắc đến. Năm 1972, tiểu đoàn xe vận tải 101, xuất phát 146 xe, đến đích 144 là một bằng chứng hùng hồn. Không có một sức mạnh nào có thể ngăn chặn nổi ý chí của một dân tộc, khi dân tộc ấy đã thấm nhuần chân lý: Không có gì quí hơn độc lập tư do. Chúng ta có thể sung sướng báo cáo với Bác rằng: xẻ núi, ngăn sông  là việc khó, nhưng con cháu của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và được sự giáo dục của Bác, đã đứng lên đạp bằng mọi khó khăn gian khổ; và với trí thông minh, đầu óc sáng tạo của mình; với sự nỗ lực phi thường, quyết thực hiện cho kỳ được những điều mà Người mong muốn và Người đã chỉ ra.

        Cho đến nay, nhìn chung trên toàn miền Nam Việt Nam, hệ thống đường chiến lược Bắc-Nam vẫn mang cái tên vô cùng trìu mến và vĩ đại-đuờng mòn Hồ Chí Minh-đã căn bản hoàn thành; chỉ còn phải nâng cấp lên, bảo dưỡng, quản lý cho tốt để hiệu suất ngày càng cao hơn. Từ đương chiến lược này, đã toả ra trên địa bàn từng quân khu, từng mặt trận, một hệ thống đường chiến dịch, mỗi trục có đôi ba đường. Báo chí phương Tây cũng thường nhắc khéo đối phương phải thường xuyên theo dõi và hết sức cảnh giác đối với những con đường này. Nó hướng về đồng bằng, bò dần ra sát biển. Đó là những lưỡi  kiếm đang ẩn mình dưới tán cây, bóng núi để chờ đến lúc nào đó, sẽ được vung lên và trong nháy mắt, sẽ cắt đứt “khúc ruột miền Trung dằng dặc” từ Quảng Trị đến Nam Bộ, ra làm nhiều mảnh, để lần lượt tiêu diệt quân thù. Lúc ấy, sẽ không còn một sức mạnh nào có thể ngăn chặn nổi. Đường bò ra đến đâu các trận địa pháo, kho tàng, v.v… nhích dần theo đến đấy. Chỉ cần có lệnh là bão lửa khủng khiếp sẽ dội lên đầu thù, dù chúng có trốn tránh bất cứ nơi nào cũng không thoát khỏi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 11:41:36 am »


        Trong hành quân lần này, thì yếu tố giữ bí mật phải đặt lên trên hết. Nếu đối phương phát hiện ra có Đại tướng vào, thì nhất định toàn chiến trường miền Nam sẽ báo động. Vì vậy, kế hoạch bảo mật phải hết sức chu đáo. Đồng chí Phan Khắc Hy, đồng chí cán bộ bảo vệ thường vượt lên trước, để bàn với các Bộ chỉ huy binh trạm thật tỷ mỷ về cách đưa đón.

        Qua khỏi Khâm Đức, đường bắt đầu xấu. Người ta đang mở rộng đường 14 cũ. Xe húc, xe ben và cả xe ba gác dàn ra chật cả lối đi. Đại tướng cho dừng lại xuống xe và tặng cho anh chị em thanh niên xung phong mấy gói quà: nam thì vài gói thuốc lào, nữ thì mấy cuộn chỉ khâu, mấy cái kẹp tóc. Giá trị của một món quà không nên tính bằng tiền. Giữa rừng núi âm u này mấy gói thuốc lào-lại là thuốc lào Vĩnh Bảo chính cống-như đáp ứng được sự mong mỏi của anh em, chỉ một tiếng gọi nhau, họ đổ xô lại, bất chấp lệnh của chỉ huy, mỗi người lấy cái điếu cày dắt sẵn bên lưng, chuyền tay nhau rít mạnh từng hơi dài, như muốn cho cả khói thuốc, lẫn mùi vị của quê hương thấm vào tận tim phổi.

        Đoàn đón giao thừa ở binh trạm 470, một địa điểm gần biên giới Việt-Miên-Lào. Từ đây trở vào, thỉnh thoảng máy bay đánh phá, nên tổ chức binh trạm vẫn còn giữ hình thức cũ, nghĩa là còn đủ các binh chủng. Cũng từ đây, đường vận tải chiến lược và chiến dịch chồng lên nhau; cho nên các lực lượng của binh trạm; bộ binh, cao xạ, pháo binh, công binh đều trực tiếp tham gia vào các chiến dịch sắp đến trên các chiến trường Tây Nguyên cũng như miền Đông Nam Bộ.

        Trong một dịp tổng kết công tác của Đoàn Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Phải đánh giá cho đúng khả năng và sức mạnh của Đoàn. Rồi đây, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ chuyển dần sức mạnh tổng hợp của khối lực lượng dự trữ này về phía Đông. Lúc đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nó có thể tăng cường cho bất cứ khu vực nào làm cho so sánh lực lượng ở khu vực ấy, đột nhiên có lợi cho ta”.

        Trong lúc hai bên ngồi bàn cãi ở Paris, đoàn đại biểu Mỹ cứ một hai đòi cho được lực lượng “Bắc Việt” phải rút về miền Bắc. Ta nhất định không nghe, nên mới có thắng lợi ngày nay. Có điều là chẳng bao giờ thấy họ đả động gì đến Binh đoàn Trường Sơn-lực lượng dự trự chiến lược này cả. Có lẽ họ đinh ninh rằng, đây chẳng qua là lực lượng vận tải, không có gì đáng kể? Dư luận phương Tây còn cho rằng: sau khi ký Hiệp định Paris, Chính phủ cách mạng lâm thời bị hãm vào một tình thế rất bất lợi; một vùng giải phóng chỉ có đất mà có rất ít dân. Nếu tổ chức một cuộc tổng tuyển cử tự do, thì đa số phiếu sẽ rơi vào tay ngụy quyền Sài Gòn. Để khắc phục tình trạng bất lợi này “Bắc Việt” phải đưa hàg vạn người và đóng chốt ở miền Nam, để sau này có thêm một số phiếu cho Chính phủ cách mạng lâm thời, một cái nêm nhỏ trong các chốt lớn.

        Đúng là họ vào đây gần chục vạn bộ đội, mấy vạn thanh niên xung phong, nhưng không phải nhằm mục đích để đi bỏ phiếu, mà để đảm bảo cho việc đưa người, đưa binh khí kỹ thuật, đạn dược, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, v.v… nói gọn là tất cả nhu cầu cho chiến tranh, vào cho nhân dân miền Nam. Chỉ tính riêng lực lượng chiến đấu của Đoàn Trường Sơn, cũng đã xấp xỉ một Quân đoàn.

        Như vậy, có phải đây là một cái nêm nhỏ, trong các chốt lớn, như họ nói không?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 11:45:59 am »

         
Chương 9

TRƯỚC GIỜ NỔ SÚNG

        Vượt qua khỏi đèo Lò So, một cái đèo khá cao ở nam Khâm Đức, mùa xuân lùi lại ở sau tôi. Từ đây trở đi là thời tiết cao nguyên. Mùa hè như đã đến từ lâu. Nắng hơi gắt. Đi đường không gì khổ hơn là bụi. Bụi phủ dày hai bên, cứ tưởng như mặt đường được trải rộng thêm ra, trông trên mặt thì phẳng phiu, nhưng những tay lái xe cứng nhất cũng phải kiềng dè chừng với những ổ voi giữa đường. Vô phúc mà để bánh xe lọt xuống đấy thì ngập lút bụi, chẳng khác gì rơi xuống bãi lầy; dấn thêm ga, máy nổ như muốn vỡ, bánh xe cứ quay tít, bụi bay mù mịt mà xe vẫn đứng im. Bụi bám vào những ngọn cây làm thành một vệt đỏ dài, nổi bật lên tàn lá xanh. Đứng dưới đất tưởng đã kín, nhưng trên trời nhìn xuống, thì con đường rõ mồn một. Khách bộ hành không quen, mỗi khi gặp máy bay bắn xăm đường, đứng nép vào gốc cây, tưởng an toàn, hóa ra đứng trong vòng mục tiêu mà không biết. Khổ nhất là những ai đi xe đoàn. Qua cửa kính, đất trời mù mịt, cách nhau 3, 4 thước đã chẳng thấy nhau. Mọi người đều phải đeo khẩu trang. Ngang lỗ mũi, 2 chấm tròn hiện rõ trên nền vải trắng. Không ai biết bụi đã lọt vào buồng phổi bao nhiêu. Ngôi trên xe, ai cũng đều đội mũ, thế mà, mỗi lúc đến trạm nghỉ, rửa mặt, mái tóc hoa râm gội đến 3 chậu nước mà nước vẫn còn đục ngầu như nước sông Hồng trong ngày mưa lũ.

        Gần đến Plây Cần, đoàn A75 vượt một đoàn xe chở quân. Chỉ cần một vài cái nháy đèn, đã nhận ra được ngay đó là trung đoàn vận tải 574 và những người ngồi trên xe là quân của sư đoàn 316. Được giáo dục kỹ về ý nghĩa, mục đích của cuộc ra quân lần này, được chuẩn bị tư tưởng chu đáo và được chỉ huy chặt chẽ nên các chiến sĩ lái xe, cũng như anh em các đơn vị, đều chấp hành rất nghiêm những quy định bảo mật: ngồi đúng vị trí, yên lặng tuyệt đối, giữ đúng tốc độ, giữ đúng cự ly, v.v… Sau này nắm lại tình hình, được biết thêm là suốt cả cuộc hành quân đường dài trên một nghìn cây số, toàn sư đoàn không để xảy ra va quệt nhỏ, một sự chẫm trễ nào. Cho đến ngày nổ súng, đối phương vẫn không hề phát hiện ra phiên hiệu của đơn vị này.

        Thiếu tướng Vũ Lăng và đại tá Đặng Vũ Hiệp ra tận bãi xe đón đoàn. Không phải vì thành phần của đoàn có khách quý, nhưng chắc là hai anh đều nôn nóng, muốn biết kết luận của hội nghị ở sở chỉ huy binh đoàn Trường Sơn vừa rồi thế nào. Các đồng chí trợ lý Cục tác chiến Thăng, Truyền, Lý, v.v… nghe tin đoàn đến, cũng chạy ra đón, tay bắt, mặt mừng.

        Đồng chí Lê Ngọc Hiền vui vẻ nói: Lần này Cục tác chiến ra quân đông nhỉ! Đồng chí Hiền cũng như đồng chí Vũ Lăng đều là cán bộ cũ của Cục này cả. Đồng chí Vũ Lăng gầy hơn lúc ở Hà Nội, nước da sạm hơn và mái tóc cũng bạc hơn. Nghỉ ngơi một lát, chúng tôi bắt tay ngay vào việc. Đồng chí Vũ Lăng nói:

        - Tôi vừa đi chuẩn bị chiến trường về hôm kia. Cùng đi có đầy đủ cán bộ của sư đoàn 10 và sư đoàn 316, chủ nhiệm các binh chủng và cán bộ của ba cơ quan. Mất gần một tháng trời. Với các cứ điểm Đức Lập, Núi Lửa, thì đã có đủ tài liệu; cán bộ sư đoàn đã mò vào được đến bờ rào ngoài cùng để quyết định điểm đột phá, còn trinh sát thì cũng đã vào được bên trong các cứ điểm đó rồi. Các trận địa hoả lực cũng đã chọn xong, đường triển khai thuận lợi.

        - Đắc Song thế nào?

        - Chúng tôi chủ trương, ngày thứ nhất chỉ dùng một đơn vị bộ binh nhỏ cùng với một đơn vị cối bao vây, nên không điều tra kỹ, sẽ giải quyết nó trong quá trình phát triển chiến đấu. Cán bộ của trung đoàn 174, sư đoàn 316 cũng đã chọn xong nơi đánh viện, từ cầu Srepok đến Đức Lập, mấy cái chốt lớn của địch nằm rải rác, dọc đường 14 cũng đã điều tra xong. Chúng tôi đã đắp sa bàn của các mục tiêu nói trên, sau đây mời các anh đến xem. Đối với nhiệm vụ diệt các cứ điểm nói trên, mở hành lang, như quyết tâm ban đầu của Bộ Chính trị, thì có thể bảo đảm chắc chắn còn với nhiệm vụ diệt vài ba chiến đoàn trên đường 14 trong vận động thì phải nghiên cứu kỹ hơn, vì địa hình ở đây tuy dễ đánh những rất khó diệt gọn. Núi rừng miên man, đường sá như mạng nhện.

        Đồng chí Hiền hỏi:

        - Đường gì mà nhiều thế, không thấy có trên bản đồ?

        - Đây là đường người ta đi làm gỗ, làm theo kiểu đường quân sự làm gấp, để cho xe bò vàng đi. Chỗ nào xe cũng chạy được. Cho nên ở đây, vấn đề giữ bí mật là rất đáng lo. Nhân dân đi làm ăn trong rừng rất sâu, thậm chí có khi còn vào cả đến khu chúng ta đang trú quân là khác. Anh em cán bộ của sư đoàn 316, phần thì chưa quen chiến trường, phần lại quen với lối đánh ở nơi khác, đánh xua địch nhiều, nên rất khó diệt gọn, và sẽ có hiện tượng đánh tan ra nhiều hơn…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 11:49:01 am »


        Ngừng một lát, đồng chí Vũ Lăng báo cáo tiếp:

        - Trên đường 14, cán bộ của sư đoàn 320 cũng đã đi trinh sát địa hình chiến trường đánh viện xong, đoạn từ cầu Eo Hleo trở về và nhân thể cũng có nghiên cứu luôn cả quận lỵ Thuần Mẫn nữa. Nói chung thì không có vấn đề gì lớn lắm. Nhưng vừa rồi, có một thượng sĩ của đơn vị thông tin bị địch bắt trong lúc đi nghiên cứu địa hình.

        Đồng chí Lê Ngọc Hiền mở đôi mắt, cặp lông mày nhíu lại. Anh rút khăn lau mồ hôi trán và nói giọng bực tức:

        - Thôi, bỏ mẹ rồi! Và dồn dập hỏi luôn một thôi, một hồi: tên tuổi, tư tưởng, công tác, tính tình, trường hợp bị bắt, những điểm mà người bị bắt được biết trong lúc đi làm nhiệm vụ, v.v…

        Đồng chí Vũ Lăng trả lời từng điểm một: nhưng điểm sau cùng, thì không được rõ ràng lắm.

        Ngừng một lát, đồng chí tiếp:

        - Trung đoàn 198 đặc công, đi trinh sát sân bay Hoà Bình ở phía nam thị xã Buôn Ma Thuột, thì có nhiều khó khăn lắm. Chỉ có một việc trinh sát đường hành quân cũng chật vật lắm rồi. Có lẽ hôm nay đoàn cán bộ mới đến nơi, mất gần nửa tháng ròng rã, và gạo thì cũng sắp hết rồi. Phải đi vòng xuống phía nam thị xã gần đến quận lỵ Lạc Thiện, rồi mới vòng lên, vì đồng bào đi làm rẫy rất đông, rất xa, đi đâu cũng dễ gặp, để lộ bí mật. Trung đoàn 25 bộ binh, đi chuẩn bị trận địa chặn viện, trên đường 21, thì khó khăn nhất vẫn là vấn đề tiếp tế. Các đường ô tô của địa phương làm trước đây, chạy ngang qua quốc lộ 14 để bảo đảm tiếp tế cho các đơn vị đứng ở phía đông đường, thì nay địch đã rải mìn, đủ các loại dày đặc và phục kích thường xuyên. Cho nên ta chỉ có thể đưa được một số ít lực lượng qua đông đường được thôi, chứ đưa cả trung đoàn thì tiếp tế khó khăn. Nhưng nếu đưa ít lực lượng thì làm thế nào để đánh chặn địch từ Ninh Hoà, Khánh Dương, lên được. Đây cũng sẽ là một cánh quân phản kích quan trọng của chúng, một khi đường 19 bị cắt.

        - Thế còn “A”?

        - “A” à. Sau khi được biết Bộ Chính trị và Quân uỷ hạ quyết tâm phải diệt “A”, ngay trong đợt đầu của chiến dịch và hơn nữa phải xem đó là nhiệm vụ chính của chiến dịch, chứ không phải là diệt khi có điều kiện thuận lợi, thì như anh đã biết, chúng tôi phải thay đổi cả kế hoạch chuẩn bị, nhưng không kịp, giá biết như thế này, thì chúng tôi sử dụng sư đoàn 10 vào Buôn Ma Thuột cho chắc tay, chứ sư đoàn 316 là đơn vị xưa nay chúng tôi chưa hề chỉ huy, không nắm chắc đưởc trình độ tác chiến của nó đến đâu. Mãi đến ngày 6 tháng 2, đồng chí Nguyễn Năng, tư lệnh phó, mới kéo đoàn cán bộ đi chuẩn bị; đến nay mới được nửa tháng. Vả lại, đoàn đồng chí Năng cũng chỉ có kế hoạch đi trinh sát ở cánh tây bắc thị xã với đồng chí Thơi, tư lệnh phó sư đoàn; còn cánh đông bắc cũng là một cánh chủ yếu trong kế hoạch tác chiến, thì mãi đến hôm nay cũng chưa thấy tăm hơi đâu cán bộ của trung đoàn 95B. Cánh tây nam do đồng chí Đàm Văn Ngụy, tư lệnh trưởng sư đoàn 316 đi chuẩn bị, thì chưa thấy ai về cả. Hẹn nhau đến ngày 20 tháng 2 thì về báo cáo, thế mà mãi đến hôm nay, gần hết tháng rồi vẫn chưa thấy gì, chúng tôi sốt cả ruột. Các anh xem cơ quan chúng tôi có bao nhiêu người đâu, mà đi sạch ráo, không còn lấy một mống ở nhà. May nhờ có các đồng chí Nguyễn Đức Nguyên, đồng chí Hoà ở Học viện và các đồng chí ở Cục tác chiến vào tăng cường cho cơ quan tham mưu, nếu không thì rối to… các đồng chí ở Bộ làm việc tốt lắm, vừa có kinh nghiệm công tác, mà cũng chẳng nề hà gì, xếp vào việc là làm đêm làm ngày thôi, nhờ đó mà công việc cũng đã bắt đầu đi vào nền nếp. Tôi lo nhất là vấn đề vật chất. Xe vào thì rất nhiều, nhưng họ cứ đi thẳng tuốt vào Nam Bộ, chứ có đổ hàng cho chúng tôi đâu?

        Đồng chí Vũ Lăng vừa nói, vừa nghiêng nghiêng gọng kính trắng nhìn vào tôi, nửa muốn thăm dò, nửa muốn trách móc.

        Tôi trả lời:

        - Yên trí! Đâu sẽ vào đấy cả.

        Các đồng chí trong bộ tư lệnh mỉm cười, chưa tin. Riêng đồng chí chính uỷ, đại tá Đặng Vũ Hiệp thì đưa tay ra nắm chặt lấy tôi:

        - Nhớ nhé! Yên chí nhé!

        Buổi chiều, cơm nước xong, đồng chí Hiền và tôi đi thẳng về sở chỉ huy tiền phương, còn đồng chí Vũ Lăng và đồng chí Đặng Vũ Hiệp thì ra bờ sông Srepok để kịp đêm nay đón Đại tướng vào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 11:53:50 am »


        Vượt qua suối Dakdam, ngoặt ra hướng bắc 3 kilômét rẽ vào A75, đường quân sự làm gấp, chạy dưới rừng khộp trụi lá. Thực ra thì công binh chỉ mới phát dọn qua loa thôi, vì tuyệt đối không được đào đắp, để trên trời nhìn xuống không thấy dấu đất mới. Ngồi trên xe, xóc không thể tả. A75 cũng mới được xây dựng cách đây vài hôm, dưới một rừng cây xăng lẻ. Tán dầy, thân cây thẳng, cao, vỏ cây trắng, nên vừa kín trên đầu, nhưng dưới thì thoáng, không ám u như những nơi khác. Chỉ có tám cái nhà cách biệt nhau, nhà họp và giao ban rộng hơn các nhà khác một chút. Nhà của Đại tướng thì âm đến bung, chung quanh đắp đầy đất dầy. Trước nhà, có một cái sân rộng vừa đủ để chiều chiều, đội bóng chuyền nghiệp dư-mà Đại tướng là một thành viên chính thức-ra búng bóng, một môn thể thao rất được anh ưa thích.

        Sở dĩ phải đặt A75 ở đây, cũng là để giữ bí mật, không phải đối với địch, mà lại đối với ta. Nếu đặt gần sở chỉ huy chiến dịch thì không tiện, cán bộ chiến sĩ sư đoàn 316 mà biết được có sở chỉ huy của Đại tướng ở sau lưng mình, thì chắc chắn là sẽ rất phấn khởi, tin tưởng; nhưng không khỏi có những lời bán tán thì thầm, nhỡ đến tai đối phương thì nguy hiểm vô cùng. Chúng tôi đều biết, Đại tướng nhất định sẽ không bằng lòng với địa điểm này nên bàn với nhau chọn một địa điểm dự bị, ở gần Buôn Ma Thuột hơn.
        Từ nay trở đi, ta bắt đầu làm quen với cái bí danh mới của Đại tướng: Anh Tuấn.

        Vì đêm qua đoàn đến chậm, nên sáng hôm sau họp muộn.

        Đồng chí Vũ Lăng báo cáo tình hình đã chuẩn bị. Để ý thấy anh Tuấn hỏi rất tỷ mỷ về tình hình và hành động của địch gần đây, những quy luật hoạt động của chúng. Anh rất ít hỏi về hai khu chiến thuật chủ yếu là Buôn Ma Thuột và đường 14; vì biết rằng đồng chí Vũ Lăng cũng chưa nắm chắc được gì nhiều hơn khi các đoàn đi chuẩn bị chiến trường chưa về, chờ nghe những ngườ đến tận nơi, mắt thấy tai nghe về báo cáo, thì mới chắc chắn được. Đây cũng là một cách làm việc riêng của anh.

        Báo cáo về tình hình chuẩn bị của bộ đội, đồng chí Vũ Lăng đánh giá sư đoàn 10 và sư đoàn 320 đều đã làm tốt mọi việc. Cán bộ từ cấp sư đoàn trở xuống đều được tập huấn về kỹ thuật đánh công sự vững chắc, vận động tiến công kết hợp chốt, có diễn tập thực binh đến cấp tiểu đoàn, trung đoàn, riêng về chiến thuật đánh thành phố thì mới chỉ nghiên cứu qua được mấy hôm, nhờ các đồng chí ở Bộ vào phổ biến, tập huấn cho. Đối với sư đoàn 316, đồng chí Vũ Lăng có nhiều lo lắng, cán bộ mới nhiều mà cơ quan thì không được mạnh. Về kỹ chiến thuật, trước ngày lên đường nửa tháng, thiếu tướng Tổng tham mưu phó Cao Văn Khánh có đến kiểm tra và lên lớp một số loại hình chiến thuật, nhưng với chiến thuật đánh thành phố thì chưa được học qua tí gì.

        Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Vũ Lăng báo cáo:

        - Chúng tôi đã cho thẩm tra lại, thì 65 phần trăm quân số, kể từ cán bộ trung đội trở xuống, anh em phần nhiều sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Tuyển quân vào, huấn luyện mấy tháng, thì cũng quanh quẩn ở các thôn xóm, núi, đồi rồi đi ngay, chưa hình dung được cái thành phố ra sao cả. Một số khá lớn chưa hề thấy chiếc xe tăng, và cũng chưa hành quân bằng cơ giới bao giờ. Vì vậy, vừa rồi, trong hành quân, có được bao nhiêu gà tự túc, nhốt vào lồng, khi lên xe lại đặt ngay trên miệng ống xả,lúc đến nơi, hoá thành gà quay tất…

        Cả phòng họp phá lên cười. Anh Tuấn cũng cười.

        - Các đồng chí đã có cách gì khắc phục chưa?

        - Vừa rồi đồng chí Nguyễn Thế Nguyên ở học viện vào có mang theo tài liệu đánh thành phố vừa mới biên soạn và cũng mới được Bộ duyệt. Lại có mấy bộ phim huấn luyện kỹ thuật đánh thành phố, cũng đã đưa ra chiếu cho anh em xem rồi.

        Khi báo cáo về các mặt bảo đảm, đồng chí Vũ Lăng lại được thêm một dịp “tố khổ” nữa. Đủ thứ lo trên đời: đạn pháo, đạn xe tăng, đạn cối, thuốc nổ, gạo, thực phẩm, xăng dầu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 11:57:08 am »


        Anh Tuấn quay sang hỏi tôi:

        - Những vấn đề này đã giải quyết đến đâu rồi?

        - Hôm ở sở chỉ huy binh đoàn Trường Sơn, tôi đã hợp đồng với đồng chí Đổng Sĩ Nguyên và cũng làm việc cụ thể với cơ quan tham mưu vận tải của đồng chí ấy rồi. Từ nay đến thượng tuần tháng 3, sẽ giao đủ cho mặt trận tại các điểm đã quy định trong kế hoạch. Các đội điều trị và các đơn vị cao xạ, bộ binh, công binh lấy của binh đoàn Trường Sơn để tăng cường cho chiến dịch, cũng sẽ giao đầy đủ, các đồng chí phó tư lệnh đoàn, hiện đang đi xuống các binh trạm để đôn đốc đưa nhanh vào. Những mặt hàng nào không có trên tuyến đường Trường Sơn thì đồng chí Đinh Đức Thiện đã điện cho Hà Nội biết, để hoả tốc đưa thẳng vào. Để cho thật bảo đảm, tôi cũng đã bàn với cơ quan hậu cần chiến dịch huy động tất cả các xe tải hiện có của mặt trận, kể cả 100 xe dự trữ còn niêm cất cho vận chuyển tất cả các loại đạn lớn ở các kho phía bắc Kon Tum, đưa hết xuống. Như vậy, nếu cộng cả hai nguồn lại, thì khối lượng vật chất sẽ vượt yêu cầu của chiến dịch. Về xe cộ thì sau khi trung đoàn 25 vận tải đưa trung đoàn bộ binh 95B vào, tôi sẽ giữ lại một tiểu đoàn cho chiến dịch. Giữ lại tất cả thì lãng phí, mà tuyến ngoài hiện cũng đang cần rất nhiều xe. Khi nào cần cơ động lực lượng thì tôi sẽ tập trung xe trên tuyến giao liên, dùng tạm mấy hôm, cũng bảo đảm được.

        Đến giờ giải lao, đồng chí Vũ Lăng đứng giữa sân thấy tôi, nói ngay:

        - Này, cậu moi vừa vừa chứ! Cậu đáo để lắm. Ai có của để dành dự trữ, để ở đâu cũng biết, lấy hết kho của chúng mình đi à?

        - Sẽ còn moi nữa, moi cho đến khi chúng mình cạn chén với nhau giữa dinh Độc Lập mới thôi.

        Chính uỷ Hiệp nghe chừng yên tâm hơn nói:

        - Tôi đã ghi vào sổ tay câu nói của đồng chí Phan Hàm rồi: “Các anh cứ yên chí”.

        Thượng uý Võ Văn Sáng, cán bộ bảo vệ luôn luôn ở bên cạnh anh Tuấn từ bao nhiêu năm nay, mang cái máy ảnh Rolek Plet, chạy đi chạy lại, ra vẻ một phóng viên. Anh Tuấn cười nói:

        - Tất cả lại đây. Chụp một vài bức ảnh lưu niệm cho vui.

        Tôi không bao giờ nghĩ rằng, những bức ảnh nghiệp dư này lại có ngày được in trên các báo chí trong và ngoài nước như ngày nay…

        Vào họp tiếp, đồng chí Vũ Lăng báo cáo kế hoạch chiến dịch. Sau khi nói về tình hình, cách bố trí của địch trên toàn bộ chiến trường, đồng chí kết luận.

        Nếu ta giữ được bí mật, thì tình hình vẫn như hiện nay, nghĩa là rất sơ hở trên hướng Đắc Lắc là hướng tiến công chủ yếu của ta; nhưng địch phát hiện được ý định của ta thì có thể tăng cường ngay cho Buôn Ma Thuột vài trung đoàn và 1 thiết đoàn.

        Khi ta tiến công Buôn Ma Thuột, nếu các đường bộ bị cắt đứt thì sau 3 ngày địch có thể đưa đến 1 trung đoàn bằng đường không.

        Để thực hiện ý định tiêu diệt địch, giải phóng Buôn Ma Thuột, Đức Lập, Thuần Mẫn mà mục tiêu chủ yếu là tiến tới giải phóng Cheo Reo, Gia Nghĩa, chúng tôi đề nghị hai phương án: đánh địch trong tình huống sơ hở như hiện nay hoặc có thay đổi chút ít nhưng không đáng kể; hoặc đánh địch đã có phòng ngự dự phòng. Từ đó có 3 thời cơ hạ quyết tâm dứt điểm Buôn Ma Thuột.

        Một là: bất ngờ đánh nhanh, giải phóng Buôn Ma Thuột, Đức Lập, trước khi địch tăng cường. Bước đầu sư đoàn sư đoàn 316 cùng với trung đoàn bộ binh 95B, trung đoàn đặc công 198, tăng cường binh khí kỹ thuật mạnh đánh chiếm những mục tiêu quan trọng trước. Saukhi đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ ở Đức Lập, dần dần cơ động lực lượng đến Buôn Ma Thuột để nâng dần sức đột kích lên và có lực lượng dự bị ngày càng mạnh thêm để đánh địch phản kích, giải toả.

        Hai là: nếu địch tăng thêm lực lượng cho Buôn Ma Thuột trước, thì diệt Đức Lập xong, kéo địch ở Buôn Ma Thuột ra giải toả mà đánh và nhân lúc chúng tan tác chạy về mà phát triển thẳng vào thị xã phối hợp với một lực lượng bộ binh nhỏ đã ém sẵn sát gần, nhằm khi có thời cơ, thì xông lên chiếm ngay các mục tiêu quan trọng bên trong.

        Ba là: địch cố thủ trong thị xã với một lực lượng mạnh. Ta chuyển sang bao vây, tranh thủ giải phóng các quận lỵ thị trấn xung quanh để tạo điều kiện dứt điểm Buôn Ma Thuột.

        Phương án 1 là tốt nhất. Yêu cầu là phải triệt để cô lập Buôn Ma Thuột ngay từ đầu. Sư đoàn 3 của Quân khu 5 và trung đoàn 95A có nhiệm vụ cắt đường 19 trong suốt cả thời gian chiến dịch; trung đoàn 25 cắt quốc lộ 21 còn đường 14 là hướng chi viện chủ yếu từ Plây Cu xuống thì giao cho sư đoàn 320.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 12:00:19 pm »


        Anh Tuấn và mọi người đều chăm chú lắng nghe. Sau khi có một số ý kiến trao đổi qua lại. Anh chỉ thị:

        - Tôi đồng ý với nhận định, đánh giá và các phương án chiến dịch của các đồng chí. Phương án 1 là tốt nhất, phải quyết tâm nỗ lực, bảo đảm thực hiện cho kỳ được. Điều thuận lợi rất lớn đối với ta ở đây, là các chiến trường trong toàn Miền đều có kế hoạch phối hợp: Miền Đông đánh Dầu Tiếng; Khu 5 đánh Phước Lâm-Tiên Phước; Trị Thiên đánh Núi Bông-Mỏ Tàu. Có thể các nơi bắt đầu hoạt động trước sau một vài hôm, cái đó không thành vấn đề gì. Như vậy lực lượng cơ động của địch, đặc biệt là sư đoàn dù và sư đoàn thuỷ quân lục chiến sẽ bị kìm chặt ở vùng chiến thuật 1. Cho nên, sau khi ta nổ súng, chưa phải là địch sẽ đến ngay đâu, chúng còn chờ xem hướng chính của chúng ta ở đâu đã; nhận ra được rồi thì còn phải điều động lực lượng, mất một số thời gian. Nếu ta dứt điểm nhanh Buôn Ma Thuột, Đức Lập, thì sau đó chúng có đến bao nhiêu cũng sẽ là cơ hội để chúng ta tiêu diệt được càng nhiều thôi. Về Mỹ thì Phước Long chúng đã không can thiệp thì Buôn Ma Thuột dù có lớn hơn, quan trọng hơn, chắc cũng thế thôi. Cái khó chính của Mỹ là do tình hình ở ngay trong nước Mỹ, chứ không phải ở đây đâu. Tuy vậy về kế hoạch chiến dịch, chúng ta phải đề phòng chúng can thiệp bằng không quân chiến lược.

        Anh quay sang hỏi tôi:

        - Các đơn vị tên lửa của đồng chí Quang Hùng, đưa vào đến đâu rồi?

        - Bộ phận tiền trạm mới đến. Ngày kia anh Quang Hùng và cơ quan tham mưu sẽ đến đây nhận nhiệm vụ.

        - Đưa tên lửa vào đây là nhằm để đối phó với không quân chiến lược B.52 của Mỹ; còn đối với không quân của ngụy thì không cần, có đủ cao xạ rồi.

        Vấn đề tiêu diệt quân cơ động là một vấn đề then chốt trong chiến dịch này. Không phải chỉ đặt vấn đề chặn viện để bảo đảm cho trận đánh Buôn Ma Thuột mà thôi. Ta phải đặt vấn đề loại khỏi vòng chiến đấu cả sư đoàn 23 và các liên đoàn biệt động quân đứng ở Tây Nguyên thì cục diện chiến trường mới có chuyển biến lớn. Lực lượng địch ở Buôn Ma Thuột hiện nay chưa phải sinh lực lớn; nếu có bị tiêu diệt toàn bộ chăng nữa, thì ít hôm sau, chúng sẽ khôi phục lại thôi, và bất quá, cũng chỉ mất một thị xã, một số quận lỵ, mùa mưa đến sẽ phản kích lấy lại như: Kom Tum, Quảng Trị năm 1972 thôi. Vì vậy tôi không đồng ý đề nghị của các đồng chí rút bớt một trung đoàn của sư đoàn 320 xuống đứng gần Buôn Ma Thuột, để làm lực lượng dự bị cho trận đánh thị xã. Sẽ tính cách khác: Sư đoàn 10 phải dứt điểm cho nhanh Đức Lập. Tôi cũng không đồng ý, chờ khi giải quyết xong Đức Lập rồi mới chuyển lực lượng sang đánh Đắc Song, phải đánh đồng thời. Đồng chí Phan Hàm phải nắm chắc các đơn vị xe và chịu trách nhiệm về việc cơ động lực lượng và bảo đảm vật chất. Chậm nhất là 24 tiếng đồng hồ sau khi nố súng đánh Đức Lập, ít nhất phải có một trung đoàn của sư đoàn 10 rút ở Đức Lập ra, phải có mặt ở Buôn Ma Thuột, chứ không phải chờ đến 9 hay 10 ngày sau mới đến như các đồng chí tính toán. Đó là hành quân bộ kia. Sử dụng xe cộ như vậy, tất nhiên là sẽ có ảnh hướng ít nhiều đến việc giao quân bổ sung cho Nam Bộ. Tôi biết ở trong ấy, các anh cũng đã mong quân đến sớm, nhưng được cái này thì đành phải chậm cái kia mất mấy hôm. Tôi sẽ trao đổi với anh Phạm hùng. Vì lợi ích chung chắc các anh Trung ương Cục cũng vui lòng thôi. Ngoảnh về phía đồng chí Lê Ngọc Hiền, anh Tuấn tiếp:

        - Đặt vấn đề như thế, nên tôi muốn có một đường dây trực tuyến từ đây đến chỗ Bộ tư lệnh sư đoàn 320 có được không?

        Đồng chí Lê Ngọc Hiền đáp:

        - Được ạ. Đồng chí Hoàng Niệm có nhiều khó khăn nhưng rồi cũng phải khắc phục mà làm thôi.

        Anh Tuấn nói tiếp:

        - Vấn đề nghi binh quan trọng lắm. Giai đoạn đầu, các lực lượng nghi binh có nhiệm vụ thu hút cho được sư đoàn 23 và các liên đoàn biệt động quân hướng về Kon Tum, Plây Cu, giữ chặt chúng ở đó; nhưng sau khi ta giải quyết xong Buôn Ma Thuột, thì nó sẽ chuyển thành một hướng tiến công. Các đồng chí cần xem lại kế hoạch của sư đoàn 968, nếu anh em có gì khó khăn, phải giải quyết cho tốt… Tôi đang suy nghĩ nhiều về đòn nổi dậy và binh vận. Chưa rõ lắm. Tôi sẽ gặp anh Chín Liêm và các đồng chí trong tỉnh uỷ Đắc Lắc để tìm hiểu thêm tình hình nhân dân, kế hoạch của địa phương, nắm lại tình hình các cơ sở binh vận. Dân số khu chiến bao nhiêu nhỉ?
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM