Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 09:44:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xuân giải phóng  (Đọc 41518 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #170 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:33:20 pm »

       
Chương 25

MỞ MÀN VÀ... KẾT THÚC

        Từ sáng sớm ngày 26 tháng 4, sau khi phân đội trinh sát của sư đoàn 304 diệt mấy tên địch đang đi tuần tra, đối phương phát hiện được ta đang tiến gần đến căn cứ Nước Trong. Chúng dùng trực thăng vũ trang, điên cuồng đánh phá vào đội hình trung đoàn 9 và các trận địa cao xạ của ta. Bị bắn rơi một chiếc A37, nên càng lồng lộn, đánh trả quyết liệt bằng bom, rocket và cả bằng hoả lực pháo binh. Đến 11 giờ trưa, ném bom trúng vào đội hình của trung đoàn 101, tiểu đoàn bộ và đại đội hoả lực của tiểu đoàn 2 bị tổn thất nặng. Tiếng súng thưa dần, hoạt động của phi pháo cũng giảm hẳn. Càng về chiều, trạng thái hầu như trở lại bình thường. Tưởng thế là xong. Các tướng tá ngụy gồm chỉ huy trưởng các đơn vị bộ binh, thiết giáp, thuỷ quân lục chiến, trường cảnh sát, kéo nhau về họp tại trường bộ binh và nhận định: chiến sự trong ngày 26 tháng 4 coi như đã chấm dứt. Lại có một kế hoạch mới: đêm đến sẽ có thêm lữ đoàn thuỷ quân lục chiến đến tăng cường cho mặt trận phía đông này. Đã quen với lối sống trong những nhà cao cửa lớn, nên trong những giờ phút sôi động, nóng bỏng nhất, họ vẫn túm tụm nhau lại trong ngôi nhà đồ sộ này, để họp bàn kế hoạch tác chiến, vì có đầy đủ thiết bị, tiện nghi. Chính nơi đây, những cán bộ pháo binh của ta cũng thường hay chú ý đến, nếu không chọn làm mục tiêu bắn thử thì cũng là vật chuẩn rất tốt.

        Y như rằng! Đúng 17 giờ, mặt trời chưa tắt hẳn, bão lửa ập xuống, khói bụi phủ kín cả mấy ngôi nhà. Lại bị bất ngờ rồi! Họ đoán rằng ngày 27 tháng 4, ta mới nổ súng. Điều đó khá chính xác. Nhưng trước đấy, vì thấy đường tiến quân vừa xa hơn, lại phải vượt qua nhiều sông ngòi, nên trung tướng Lê Trọng Tấn đã đặc phái trung tá Lê Phi Long từ Rừng Lá, ngày đêm đi gấp về sở chỉ huy chiến dịch ở Lộc Ninh để đề nghị cho Cánh Đông được nổ súng tiến công trước các nơi, đúng 17 giờ ngày 26, và đã được Bộ tư lệnh chiến dịch phê chuẩn. Như một bầy ong vỡ ổ, mạnh ai, nấy chạy. Người nào nhanh chân hơn, nhảy kịp lên xe gíp, phóng một mạch về ngay đơn vị; kẻ chậm chân, vứt cả xà cột, kéo nhau lóp ngóp chạy bộ. Sau 40 phút bắn dồn dập, bộ binh ta xông lên như vũ bão.

        Ở Nước Trong, trung đoàn 9 là mũi đột kích chính. Tiểu đoàn 3 vừa mở cửa xong, bộ binh lên chiếm đầu cầu, thì tiểu đoàn 2 đã diệt được tiền đồn do một tiểu đoàn bảo an chống giữ, bắn cháy một xe tăng, rồi xông lên mở rào. Pháo chống tăng 85 ly cũng được đưa lên kịp thời, bắn trực tiếp vào các ụ súng, lô cốt trước mặt. Đối phương phát hiện ra được đây là hướng đột phá chủ yếu của sư đoàn, nên tập trung sức đối phó: dùng pháo bắn chặn và đưa xe tăng ra bịt cửa mở. Lập tức, ta bắn cháy ngay một chiếc. Toàn bộ địch ở đây tháo chạy, tiểu đoàn 2 nhanh chân truy theo sát gót, đánh thẳng vào sở chỉ huy của trường thiết giáp, đến 18 giờ 45, hoàn toàn làm chủ khu vực này. Bộ binh, xe tăng, hợp đồng rất chặt chẽ, phát triển rất nhanh, vượt qua lưới lửa dày đặc, chỉ 2 giờ sau phát triển đến rừng cao su. Nhưng khi còn cách quốc lộ 15 khoảng 3-4 cây số, thì bị chặn lại.

        Để chặn đứng làn sóng tiến công của ta hướng về đường 15, 22 giờ đêm hôm ấy, Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh vùng 3, đã đích thân đến ngã ba đường 15 và đường quốc lộ 1, gọi là để thị sát mặt trận. Phát hiện ra hướng tiến công chủ yếu của ta: Nước Trong, Long Bình, cầu xa lộ, ông ta thành lập bộ chỉ huy hỗn hợp gồm có bộ binh, thuỷ quân lục chiến, thiết giáp và cử đại tá, chỉ huy truởng trường thiết giáp phụ trách chung. Trong đêm, còn điều thêm chiến đoàn 318, chiến đoàn 313 đến Long Bình, rút chiến đoàn 322 từ Hố Nai trên đường quốc lộ 1 xuống để tăng cường thêm cho hướng này. Suốt cả ngày 27 tháng 4, một trăm bốn mươi lần chiếc máy bay, hết bổ nhào đến bay bằng, ném bom tọa độ, hết bom chát đến bom dù, bom bi, quyết chặn đứng hướng tiến công chủ yếu này. Trung đoàn 9, tổ chức tiến công ở ngã ba Nước Trong lần thứ hai, giành đi giật lại từng nhà, từng lô cốt. Khi thấy hướng chính diện bị chặn lại, trung đoàn phái ra 2 đại đội, bí mật vòng sang sườn tây bắc, đánh vào lưng đối phương, đập tan cuộc phản kích, họ lại về rừng cao su. Bên cánh trái của sư đoàn 304, sư đoàn 325, lúc đầu phát triển thuận lợi: sau đợt pháo bắn chuẩn bị, bộ binh và xe tăng xung phong lên, chiếm được ngã ba đường 10 và đường 15, áp sát quận lỵ Long Thành. Đối phương chống trả quyết liệt, kết hợp chặt chẽ giữa hoả lực và trực thăng vũ trang với hoả lực bộ binh, bố trí trên các nhà tầng. Chúng bắn cháy một xe tăng ta trên ngã ba đường vào quận lỵ. Thủ đoạn đối phó của địch ở đây rất xảo quyệt. Khi ta tràn qua thị trấn, sự chống cự không lấy gì làm mạnh lắm, nhưng chờ khi quân ta lướt qua mục tiêu, địch từ các ngõ ngách ngóc đầu dậy, đánh vào lưng đội hình ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #171 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 09:53:05 am »


        Trung đoàn 101, buộc phải đưa tiếp đội dự bị vào, tổ chức tiến công lại; mãi đến chiều ngày 27 tháng 4, kết hợp chặt chẽ với xe tăng và được sự chi viện tích cực của các cụm pháo binh sư đoàn, quân đoàn, ba mũi đột phá trên hai hướng: tiểu đoàn 2 từ hướng đông bắc, tiểu đoàn 3 từ hướng bắc đánh xuống; xe tăng từ ấp Thái Lạc ở phía nam đánh lên. Đến 18 giờ 30, mới chiếm được toàn bộ quận lỵ Long Thành, diệt liên đoàn 938, sở chỉ huy quận, bắt 500 tù binh. Trên toàn mặt trận phía đông này, ta hạ 5 máy bay trong ngày. Trung đoàn 46, lúc đầu tiến khá nhanh: 18 giờ ngày 26, sau khi pháo chuyển làn, bắn sâu vào tung thâm, tiểu đoàn 3 đã chiếm được cầu Đông Hữu, vượt qua đường 15, phát triển lên Phước Thiềng. Tiểu đoàn 1, tổ chức tiến công trong đêm thị trấn này, nhưng không dứt điểm được. Nhiệm vụ chiếm cầu và ngã ba Phước Thiềng, tạo điều kiện chia cắt địch, hỗ trợ cho hướng chủ yếu, thì hoàn thành tốt; nhưng sức tiến công chưa mạnh, nhanh, giải quyết ấp Thái Lạc chậm.

        Nhìn lại sau 24 giờ chiến đấu, nhiệm vụ trước mắt của sư đoàn chưa hoàn thành. Việc bảo vệ sườn trái cho hướng chủ yếu làm tốt; lực lượng đối phương lăm le phản kích từ phía đông lên đã bị đập tan, nhưng nhiệm vụ phải làm chủ Nhơn Trạch, Cát Lái, Thành Tuy Hạ, một khu vực cực kỳ quan trọng, đối diện với cảng Sài Gòn, đúng ngay trước mặt quận I, để sớm đặt trận địa pháo ở Nhơn Trạch, khống chế sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời làm tê liệt hẳn lối ra vào bằng đường sông như trên giao, thì chỉ mới thực hiện được một nửa. Ở đây địch có kế hoạch tác chiến trì hoãn, rút từng bước, có tổ chức để ngăn chặn ta, và khi ta phát triển sâu vào phía sau, thì cố khôi phục lại để đánh vào sau lưng ta. Tình hình thiếu đạn pháo-sư đoàn chỉ có một cơ số-thiếu xăng-chỉ mới có nửa cơ số-cũng có ảnh hưởng đến tốc độ tiến công của sư đoàn.

        Phối hợp chặt chẽ với Quân đoàn Hương Giang, trên mặt trận phía đông thành phố Sài Gòn-Gia Định, vẫn là Quân đoàn Cửu long, với cả ba sư đoàn 341, 7, 6 và lữ đoàn 52.

        Không giờ ngày 27 tháng 4, sư đoàn 341 phát hiện địch ở Bầu Cá, sông Thao, đang rút chạy về Trảng Bom; thì cũng là lúc pháo ta bắt đầu bắn chuẩn bị. Đến 7 giờ sáng hôm sau, chiếm được Trảng Bom địch chạy về suối Đỉa. 10 giờ sáng thì phát triển được đến ga Long Lạc; nhưng sau đó, địch lại cho một bộ phận vòng ra phía sau, chiếm lại suối Đỉa. Chúng lại dở cái trò buộc ta phải đánh đi đánh lại như ở Long Thành; nhưng đến khi thấy ta vẫn tiếp tục tiến, các mục tiêu nằm trên đườn quốc lộ số 1 đều có nguy cơ mất nhanh, thì lại phải tập trung lực lượng về giữ Hố Nai, co luôn cả chiến đoàn 318, mới đêm hôm trước đưa xuống cứu nguy cho Long Thành. Mặc dù đường sá thuận lợi, tốc độ tiến công của ta rất chậm. Cho đến chiều ngày 28 tháng 4, sư đoàn 341 mới đến được Hố Nai.

        Ngồi ở sở chỉ huy chiến dịch, mọi người đều vô cùng lo lắng: nếu địch phá huỷ các cầu thì làm thế nào? Như trên đã nói: một trong những đặc điểm của Sài Gòn-Gia Định là nằm giữa những con sông lớn, đi vào bằng hướng nào cũng phải vượt qua vài ba cái cầu: ngắn như cầu Buông, chỉ có hơn vài chục thước, địch chỉ mới phá nham nhở mà cũng đã chặn đứng được cả thê đội 1 của sư đoàn 304 trong cả một ngày ròng rã, vẫn không qua được; thì nói gì đến các cầu lớn khác? Chỉ tính riêng trên đường tiến quân của sư đoàn 304, phải vượt qua những 7 cái cầu: cầu Buông, cầu xa lộ Đồng Nai, cầu Rạch Chiếc, cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát, cầu sông Sài Gòn và cầu Thị Nghè.

        Đêm 27 tháng 4, trong lúc pháo đạn nổ tứ tung, rầm trời, hoả châu đèn chiếu lên sáng rực, liên tục, thì các chiến sĩ đặc công vẫn rón rén, lặng lẽ nhích dần từng tý một áp sát các đầu cầu. Bỗng, nhanh như chớp, trong nháy mắt, đoàn 313 đã chiếm được cầu Rạch Chiếc, cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát. Địch phản kích cố chiếm lại. Đoàn 116 tiến công cầu xa lộ Đồng Nai, rồi trụ lại đánh phản kích, cứ giành đi, giật lại với địch ròng rã hết cả ngày trời. Xa xa về phía đông, trên cánh trái của binh đoàn, sư đoàn 3, chỉ sau mấy giờ tiến công, đã hoàn toàn chiếm được chi khu Đức Hạnh, khu nhà máy nước Bà Rịa, đến 15 giờ ngày 27 thì làm chủ hoàn toàn thị xã Bà Rịa, sau đó phát triển về cầu Cỏ May, trên đường đi Vũng Tàu. Phối hợp với sư đoàn 3, tiểu đoàn địa phương Bà Rịa và hai đại đội địa phương huyện Long Đất tiến công vào Đất Đỏ, Long Điền, giải phóng khu vực Bình ba, Hoà Long, Phước Long và núi Nhọn. Đến 17 giờ ngày hôm ấy, hoàn toàn làm chủ từ Long Hải đến Phước Vinh.

        Các đơn vị pháo binh chiến dịch ở Hiếu Liêm cũng hoàn thành nhiệm vụ rất xuất sắc. Sân bay Biên Hoà bị tê liệt. Địch phải di tản số máy bay còn lại về Tân Sơn Nhất, Cần Thơ. Sở chỉ huy quân đoàn 3 cũng phải cuốn gói, chạy về Gò Vấp, ngay từ chiều ngày 28 tháng 4.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #172 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 09:57:02 am »


        Trong những ngày vừa qua, chiến sự trên hướng tây bắc Sài Gòn cũng diễn ra rất quyết liệt. Xe tăng, bộ binh địch, dốc sức phản kích vào khu vực Phước Mỹ và nam Trảng Bàng. Các chiến sĩ của trung đoàn 148 và 149 thuộc sư đoàn 316 đã kiên cường bám trụ, đánh lui hai đợt phản kích, buộc đối phương phải co về Trảng Bàng. Trung đoàn 149 chớp thời cơ, đưa đội hình lên áp sát, vây chặt phía bắc chi khu này. Địch vô cùng hoang mang, hoảng sợ, đến 13 giờ ngày 28 tháng 4, toàn bộ tiểu đoàn thuộc trung đoàn 50 kéo cờ trắng đầu hàng.

        Trên hướng tây nam, việc cắt đứt hoàn toàn quốc lộ 14 đã được các đơn vị của Đoàn 232 thực hiện xuất sắc. Âm mưu của Thiệu, muốn đùm túm nhau chạy về Cần Thơ, dựa vào địa thế sông ngòi chằng chịt của đồng bằng sông Cửu Long để tổ chức kháng chiến lâu dài đã bị đập tan. Sáng ngày 27 tháng 4, tiểu khu Hậu Nghĩa và các đồn dọc tuyến sông Vàm Cỏ trong các xã An Bình, An Lộc, phát hiện pháo của Quân giải phóng ở phía tây sông Vàm Cỏ và một đại đội bộ binh đang vượt sông. Trung đoàn 46 và trung đoàn 10 thiết giáp quân đội Cộng hoà ra sức ngăn chặn, cố giải toả lộ 10 nhưng không được, vì hoạt động của phi cơ giảm, pháo gần như bị tê liệt, nên phải co về giữ thị xã. Họ rút chạy về Trảng Bàng, thì chi khu này đã đầu hàng. Như vậy là cánh cửa phía tây Sài Gòn được mở toang.

        Trên hướng tây nam, sư đoàn 22 bộ binh quân đội Cộng hoà được tăng cường 6 khẩu 105 và 5 vạn bao cát để lập tuyến phòng thủ quốc lộ 4. Bước sang ngày 27 tháng 4, đường này bị cắt đứt làm nhiều đoạn từ cầu Voi đến Bình Chánh. Trung đoàn 41 và một chiến đoàn thiết giáp, suốt cả ngày 27, cố giải toả nhưng không kết quả. Trung đoàn 42 thì cố giữ cho được cầu và chi khu Bến Lức. Các chi khu, các đơn vị dọc lộ bị pháo kích và tiến công liên tục, mặc dù có thêm sư đoàn 4 không quân trực tiếp yểm hộ, tiểu khu Long An vẫn không giải toả nổi quốc lộ 4 mà lại còn phát hiện thêm sư đoàn 8 bộ binh Quân giải phóng đang di chuyển về phía nam Sài Gòn.

        Kết quả sau 48 giờ chiến đấu, từ 17 giờ ngày 26 tháng 4 đến 17 giờ ngày 28 tháng 4, thủ đô Sài Gòn bị teo lại như một miếng da trên lửa đỏ: Trảng Bom, Long Thành, Bà Rịa đã bị ta chiếm được; ta đã làm chủ được một số cầu quan trọng ở phía đông. Các lộ quan trọng 4 và 15 bị cắt đứt; sông Lòng Tàu bị phong toả. Trên tất cả các hướng, các đơn vị đều đã chiếm được các mục tiêu và đang triển khai trên các tuyến đã quy định, chờ lệnh tiến công mới.

        Giữa lúc trên các cửa ổ rền vang tiếng súng, thì tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất im lặng như tờ.

        Từ lúc vợ Thiệu, bỏ chạy sang Bangkok, mang theo khá nhiều vàng bạc thì ông ta làm ra vẻ bình tĩnh hơn ai cả. Sẵn có trực thăng trong tay, lúc nào cũng chực sẵn trong sân dinh Độc Lập, ông ta còn lo nỗi gì nữa. Anh Thiệu - Nguyễn Văn kiểu - đại sứ ở Đài Loan, mấy hôm nay, cố thuyết phục Thiệu ra đi, nhưng Thiệu không nghe. Chẳng biết thân phận, Thiệu nói với Hoàng Đức Nhã: “Nếu có phả đi, thì cũng phải đi trong danh dự, với cả bộ tham mưu cùng đi theo”. Hương không dám buộc Thiệu ra đi, vì sợ những người ủng hộ Thiệu trả thù, muốn mượn tay Martin, nhưng ông này cố tránh, không muốn dính dáng gì đến việc hạ bệ Thiệu, như Ca-bốt-lốt trước kia đối với anh em Diệm-Nhu. Cuối cùng, vẫn là những khẩu pháo 130 đặt ở trận địa phía đông mới làm cho Thiệu đột nhiên thay đổi ý kiến, vội vã rời khỏi đất nước này mà không có một ban tham mưu nào, không trống, không kèn, không danh dự, không giấy phép của người Việt Nam. Người đứng ra tổ chức cho chuyến bay di tản chính là Ch.Times.

        Đêm hôm ấy, trời quang mây tạnh, trăng sáng như ban ngày. Giờ giới nghiêm đã qua lâu rồi. Đường phố Sài Gòn vắng tanh. Một vài tên cảnh sát, quần áo trắng, núp mình dưới gốc cây hay đứng co ro trên các ngả đường lấm lét nhìn ra xung quanh. Thỉnh thoảng, một vài loạt đạn, đanh gọn, nổ vàn từ một công viên nào đó, để cảnh cáo những người dân bất chấp nghiêm lệnh của nhà cầm quyền… Một chiếc xe Mercedes, lao vun vút trên đường cách mạng tháng 11; thừa lúc không ai chú ý, chui tọt vào cổng số 1 Bộ Tổng tham mưu, vòng phải, rồi đỗ ngay trước nhà Trần Thiện Khiêm. Hai người bước xuống. Người thứ ba chính là Ch.Times, còn ngồi nán trên xe, vì đang nhét vội khẩu súng ngắn xuống dưới nệm xe. Trong trường hợp hỗn quân hỗn quan này, mạng người rẻ như bèo, phòng xa là hơn cả. Biết đâu, trên đường đi ra sân bay, tuy không đầy một cây số, bọn kiêu binh lại không giở trò như chúng đã từng làm với anh em họ Ngô trước đây? Một người Việt Nam tầm thước, tóc chải ngược, mặt láng bóng vì xoa dầu, quần áo xám đậm khệ nệ bước xuống xe, vào nhà. Một lúc sau, mấy người ỳ ạch khiên ra một cái va ly rất to, nhét vội vào hòm xe. Tiếp theo là Nguyễn Văn Thiệu, Ch.Times và hai người nữa. Nhìn trước nhìn sau, chẳng thấy ai, họ vội vã chui vào trong xe như lẩn trốn. Cửa đóng sập lại, đèn tắt tối om. Thế là ổn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #173 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 11:26:31 am »


        - Thưa ngài tổng thống! Vì lợi ích của ngài, xin ngài ngồi xuống. Ch.Times nói. Mùi rượu Whisky xông lên nồng nặc, trộn lẫn với mùi nước hoa và thuốc lá đắt tiền. Bầu không khí trong xe hơi căng thẳng. Mỗi người đang đeo đuổi một ý nghĩa riêng của mình. Bỗng Ch.Times phá tan sự im lặng:

        - Vợ con ngài bây giờ ở đâu?

        - Đã đi London để mua đồ cổ rồi.

        Những người nước ngoài lặng im, mỉm cười. Họ thừa biết đây chỉ là câu trả lời qua rào hay láo toét mà thôi.

        Chiếc xe lượn vòng dưới bóng những hàng cây, ra khỏi cổng, lúc đầu còn chầm chậm như sợ người ta trông thấy. Vừa ngoặt sang phải đã dấn thêm ga, lao vút về phía trước. Gần đến cổng sân bay, dưới ánh đèn pha, đài kỷ niệm những người Mỹ chết vì Việt Nam hiện ra trước mắt mọi người, lo láo, lạc lòi. Nguyễn Văn Thiệu nhìn vào dòng chữ: “Không bao giờ quên sự hy sinh cao quý của binh lính đồng minh”. Ông thở dài, quay mặt nhìn vào trong xe cho đỡ ngượng. Thiệu nắm chặt tay Ch.Times, dường như để phân trần, an ủi nhau. Xe chay thẳng vào sân đỗ. Một chiếc máy bay của không quân Mỹ đã chờ sẵn ở đó. Mấy tên lính thuỷ đánh bộ mặc thường phục và lính bảo vệ đi lại xung quanh máy bay. Martin đã chực sẵn ở cầu thang. Đại sứ hôm nay ăn mặc có vẻ chải chuốt hơn mọi ngày, mắt vẫn đeo kính bầu dục. Điều này không phải là không có ý nghĩa: người ta muốn xua đổi những ý nghĩa không tốt về một quá khú sai lầm và tội lỗi.

        Cửa xe bật ra, Thiệu vỗ vào vai người Mỹ ngồi trước mặt: Thank you! rồi chậm rãi, chui ra khỏi xe. Thấy không có gì đáng lo ngại, ông ta đứng dậy bắt tay Martin rất lâu. Cả hai đều nghẹn ngào, chẳng nói lên lời, cố giữ cho nước mắt khỏi trào. Động cơ máy bay rú lên. Thiệu giật mình bước vội lên cầu thang, trong lúc Martin vẫn còn muốn nắm chặt lấy cầu thang, không nỡ buông tay. Họ như còn đang vấn vương với nhau về dĩ vãng.

        Ông ta chua chát nhớ lại lúc ban chiều khi được Chính phủ Pháp báo tin là công thức chính trị trong đó Minh cầm đầu một chính phủ theo tinh thần hoà giải dân tộc là có thể chấp nhận được. Chưa hết mừng, thì liền sau đó có người thông báo là Hà Nội thông báo: xoá bỏ toàn bộ chính phủ Sài Gòn, quân đội Cộng hoà và đang kêu gọi lực lượng thứ ba hãy cùng nhân dân đứng lên khởi nghĩa…

        Tiếng pháo nổ ầm ầm từ hướng đông vọng lại, càng về khuya nghe càng rõ, tưởng như mặt trận mỗi lúc một nhích gần thêm vào trung tâm thành phố hơn. Chiếc thang máy bay êm thấm tách rời dần khỏi chiếc máy bay. Martin rơi về với thực tại. Ông ta thở dài: kết thúc của một đời làm đại sứ cuộc can thiệp hao người tốn của Hoa Kỳ, sau 20 năm đằng đẵng…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #174 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 11:36:16 am »


Chương 26

ĐIỂM TRÚNG HUYỆT

        Thiếu tướng Lê Văn Tri cúi xuống, mắt nhìn chăm chăm vào tấm bản đồ tình huống đang trải rộng trước mặt. Những mũi tên đỏ đã đánh dấu vị trí các Quân đoàn đang áp vào Sài Gòn.: Quân đoàn 2 ở Nước Trong, đang tiến đánh căn cứ này. Quân đoàn 4 ở Hố Nai, chuẩn bị đánh vào Biên Hoà. Quân đoàn 3 át sát Đồng Dù. Quân đoàn 1 ở Lai Khê, trên đường 13. Đồng chí nói:

        - Cái khó nhất của ta hiện nay là xác định cho được vị trí các trung đoàn phản kích của các quân đoàn.

        Trừ mái tóc của thiếu tướng đã chớm trở sang màu tiêu muôi, những mái tóc đen nhanh của đại tá Hoàng Ngọc Diêu, thượng tá Trần Hanh, trung tá Hồng Nhị chụm sát vào nhau. Họ đang nghiên cứu phương án của trận chiến đấu sắp đến.

        - Hồi phục được mấy chiếc rồi?

        - Việc chuẩn bị kỹ thuật đã có thiếu ta Hồ Thanh Minh hướng dẫn. Anh em thợ máy cũ ở đây có thêm số thợ máy ở Đà Nẵng vào tiếp sức nên tốc độ hồi phục được nâng lên nhanh chóng. Ngày 26 mới được 2, chiều nay có thể thêm 3.

        Đại tá Hoàng Ngọc Diêu mừng rỡ ra mặt:

        - Anh Tuấn cho phép nếu chỉ được một chiếc cũng cứ cho đánh, huống gì bây giờ ta được những 5. Thời tiết trong khu chiến thế nào nhỉ? Có ai nắm được không?

        - Dạo này hay có mưa nhiều. Bộ phận khí tượng đang theo dõi chặt. Xếp tấm bản đồ tình huống sang một bên, lại giở bản đồ Sài Gòn-Gia Định ra, tấm bản đồ tỷ lệ 1:10.000 màu hồng nhạt mới lấy ở trung tâm Đà Lạt đưa về. Những khoanh tròn vẽ bằng màu xanh, nổi lên rất rõ trên nền giấy trắng. Đó là những căn cứ lớn của địch ở nội thành. Cuộc thảo luận để lựa chọn mục tiêu diễn ra khá sôi nổi, tập trung vào ba điểm chủ yếu: Người thì đề nghị đánh vào dinh Độc Lập, nơi đầu não của chính quyền Sài Gòn nhưng có người đề nghị nên đánh vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Cộng hoà để làm rối loạn chỉ huy, hay là đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất để chặn đường rút lui của Mỹ vì bọn đầu sỏ trong chính quyền Sài Gòn.

        Trong những người ngồi họp ở đây, chưa ai biết qua thành phố này. Có người vừa mới hỏi Nguyễn Thành Trung, mới ở Lộc Ninh ra, cũng chỉ biết thêm được một vài nét lớn: đây là dinh Độc Lập, Toà đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất…

        Trao đi đổi lại hàng giờ, cuối cùng mới thống nhất được ý kiến: ném bom vào dinh Độc Lập hay Bộ Tổng tham mưu đều được cả, nhưng ít tác động, và để cho bộ binh chiếm lĩnh cũng được. Đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất thì sẽ cắt đường rút lui bằng máy bay có cánh cố định. Cũng không nên vào đường hạ cất cánh, vì nếu bị hỏng, sau này ta sẽ mất nhiều thời gian để sửa chữa, mới có thể tiếp tục máy bay ta được. Cho nên tốt nhất là đánh vào sân đỗ máy bay trực ban. Phương án này rất hợp, rất khớp với ý của anh Tuấn. Có người hỏi:

        - Thế thì trại David ở chỗ nào? Qua báo chí thấy nói ở trong sân bay Tân Sơn Nhất. anh Tuấn có căn dặn: cố gắng tránh những nơi này ra. Không biết Nguyễn Thành Trung có nắm được chắc không.

        - Anh ta chỉ biết được cơ quan DAO, nơi ở của phái đoàn Hungary, Ba Lan là giỏi lắm. Làm thế nào mà biết được trại David? Việt cộng nằm vùng như Nguyễn Thành Trung, thì có dám bao giờ bén mảng đến nơi này. Thậm chí, đối với những người lái trực thăng, máy bay vận tải, thường kỳ bay ra vùng giải phóng, Trung ương cũng chẳng bao giờ dám lân la đến gần, đả động đến vấn đề này. Lộ bí mật thì chết. Có thế thì hôm nay, Trung mới có mặt ở đây với chúng ta…

        Mọi người đều cười.

        Vấn đề chọn đường bãy cũng sôi nổi không kém. Trước đây, giặc lái Mỹ, sừng sỏ như Su-mê-cơ, phi công vũ trụ của Mỹ mà đã phải thừa nhận, chọn cho được đường bay vào Hà Nội là rất khó; có lúc, vòng lên phía bắc đánh xuống, vì vào hướng nào cũng vấp phải lưới lửa của ta. Có ai nghĩ rằng, chiều nay, tại sân bay Thành Sơn này, những người chỉ huy và anh em phi công của ta cũng phải chọn đường bay để vào đánh Sài Gòn - Gia Định? Nhắc lại chuyện hôm kia, khi chiếc máy bay trực thăng Mi8 của đồng chí Hồng Nhị đi tiền trạm, vừa đáp xuống sân bay Nha Trang, đã bị quân ta ở mặt đất bắn cháy ngay tại chỗ. May mà không ai việc gì. Đáng buồn cười là chọn đường bay không phải cốt để tránh lưới lửa phòng không của đối phương, mà lại là để tránh các đơn vị pháo cao xạ của ta. Cho đến bây giờ, các đơn vị cao xạ, tên lửa ỏ chung quanh thành phố này đều đã triển khai xong. Lưới lửa tuy không dày đặc như ở Hà Nội trước đây, nhưng cũng khá chặt chẽ. Để giữ yếu tố bất ngờ, nên cấp trên chưa phổ biến ý định tác chiến này cho các quân đoàn; lần này lại sử dụng toàn máy bay chiến lợi phẩm, làm sao tránh khỏi mặt đát bắn nhầm? Phương án được mọi người chấp nhận là phải bay dọc theo bờ biển để bảo đảm an toàn, và như thế thì đường bay phải kéo dài thêm 50 cây số, mút tầm bay, rất nguy hiểm. Những hạn chế nói trên vẫn không làm nản lòng những người chỉ huy giàu kinh nghiệm, mà càng làm cho mỗi người thêm quyết tâm, phát huy cao độ tinh thần chiến đấu, phát huy hết tính năng động chủ quan của mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #175 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 11:41:01 am »


        Trưa ngày 28 tháng 4, 5 chiếc máy bay A37 từ sân bay Phù Cát vừa hạ cánh xuống sân bay Thành Sơn, thì cũng là lúc, mọi công tác chuẩn bị cũng hoàn thành. Trong lúc những người phục vụ lo chuẩn kỹ thuật thì thượng tá Trần Hanh và Hồng Nhị, phổ biến kế hoạch cụ thể cho tổ lái. Đến 13 giờ 30, thiếu tướng Lê Văn Tri động viên ngắn gọn:

        - Tôi thay mặt Đảng uỷ và Bộ tư lệnh quân chủng, ra lệnh cho các đồng chí xuất kích, tiêu diệt mục tiêu đã được bộ tư lệnh sư đoàn phổ biến.

        Việc tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử này có một ý nghĩa vô cùng trọng đại. Đây cũng là một ngày lịch sử của quân chủng chúng ta. Tôi xin nhắc lại: chỉ có một ngày, chỉ có một lần này mà thôi.

        Chúc các đồng chí thắng lợi.

        Đúng 16 giờ 37 phút, vào lúc ở Sài Gòn Dương Văn Minh đang làm lễ nhận chức tổng thống, thì trên sân bay Thành Sơn, một pháo hiệu đỏ bắn lên, cả 5 phi công lên máy bay. Một phút sau, hai phát pháo hiệu: bắt đầu nổ máy. Rồi 3 phát: cả biên đội lần lượt xuất kích, dẫn đầu là Nguyễn Thành Trung.

        Họ chỉ huy như thế đấy    không dùng VTĐ. Khi bay đến gần mục tiêu, nghe đài đối không ở sân bay Tân Sơn Nhất hỏi:

        - A37 thuộc phi đoàn nào?

        Không ai trả lời. Thời tiết nhiều đám mây tích điện dày đặc, bồng bềnh từ Trường Sơn, ùn ùn kéo ra hướng bắc. Thấp thoáng hai chiếc AD6 đang bay ngược chiều. May trời bỗng trở nên quãng đãng, bay ở độ cao, Nguyễn Thành Trung lao xuống mục tiêu. Theo sự phân công từ trước Trung, Lục, Đễ lần lượt vào đánh; Quảng, Vượng cảnh giới   đánh chặn máy bay địch.

        Công kích vào một nơi mà mình đã thuộc như lòng bàn tay, từng dãy nhà chứa những gì, có những ai ở, Trung đều biết rất rõ. Anh càng biết rõ hơn là hệ thống phòng không của đối phương trong khu vực này, nhất là gần đây, được biết là Mỹ cũng đã tháo gỡ những dàn tên lửa Hawk, nên lại càng bình tĩnh. Lấy đúng độ cao dự định, anh bổ nhào, cắt bom. Một tình huống hết sức bất ngờ: bom không ra, Đễ, Lục, rồi Vượng, Quảng bám sát nhau, lần lượt xông vào đánh. Mười hai tiếng nổ liên tiếp nhau. Lục cũng như Trung, chưa cắt được bom. Quảng, Vượng lại phải vọt ra ngoài sẵn sàng yểm hộ cho Lục, Trung tiếp tục vào đánh. Lần này bom vẫn không ra.

        - Xin phép cho vào đánh lần thứ 3.

        Hoàn thành xong nhiệm vụ chiến đấu, Đễ mới trả lời:

        - A37 sản xuất tại Hoa Kỳ đấy.

        Biên đội không thể bay theo ven biển như khi vào, vì nhiên liệu sắp cạn, nên dù biết lượt ra sẽ rất nguy hiểm, mà vẫn phải bay theo đường quốc lộ. Những người dướt đất, chỉ nghe những tiếng xẹt, rạch không khí, sát bên tai, mất hút. Tưởng đã làm cho những người dưới đất bất ngờ, ai dè theo anh em phi công kể lại, thì trong lúc bay ra, ngoái nhìn về sau, thấy đạn đỏ rực trên lưng!

        Gian truân chưa phải đã hết. Khi gần đến sân bay Thành Sơn, phải để cho Đễ hạ cánh trước, vì sắp hết dầu. Lục tiếp theo. Đến lượt Quảng vừa định bổ nhào, thì lại phải nhường cho Vượng xuống trước, vì dầu sắp hết. Tình thương yêu đồng đội, đã trở thành gần như bản năng của những người phi công tài ba này. Bên cạnh trình độ kỹ thuật điêu luyện, còn có thêm đức tính cao cả của những con người cộng sản; sẵn sàng nhận lấy sự nguy hiểm chết người này, dành ưu tiên cho bạn. Đến lượt Nguyễn Thành Trung là người hạ cánh sau cùng, thì trời đã sẩm tối. Máy bay vừa chạm đất, đã phải bật đèn pha lên để lăn bánh.

        Đứng dưới đài chỉ huy, Bộ tư lệnh Quân chủng: thiếu tướng Lê Văn TRi, đại tá Hoàng Ngọc Diêu, các thượng tá Trần Hanh, Hồng Nhị, đã sắp thành hàng ngang. Họ đếm: một, hai, ba, bốn rồi năm. Họ ôm chầm lấy nhau, vứt cả mũ xuống đất, hò hét như những đứa trẻ con, vì quá vui mừng, sung sướng. Khi biết ta ném bom vào Tân Sơn Nhất, hai chiếc AD6 đã gặp trên đường đi vào, vội vàng quay trở lại, vừa hạ xuống định ném bom bị pháo cao xạ hạ luôn: một chiếc bị thương, một chiếc rơi tại chỗ. Đêm 28 hai chiếc F5 cố đánh trả thù: nhưng vì trời tối quá, bom rơi cả ra cánh đồng…

        Hai mươi quả bom ném trúng vào khu nhà chứa máy bay và khu kho ở sân bay Tân Sơn Nhất, rồi tiếp theo đó là hàng loạt quả rocket của các đơn vị địa phương và đạn pháo 130 ly, trận địa vừa đặt ở Nhơn Trạch đã hợp thành một bản hoà tấu tuyệt vời, làm rung chuyển không những chỉ ở Sài Gòn mà cả đến Toà nhà trắng và Lầu năm góc. Cuối thế kỷ này, chẳng cần phải có bom nguyên tử mới làm nên chuyện động địa kinh thiên. Ford phải triệu tập phiên họp khẩn cấp hội đồng an ninh quốc gia có đầy đủ những tai to, mặt lớn, để có những quyết định mới. Lại cãi nhau nhưng vẫn không nhất trí với nhau được. Ở Sài Gòn những kẻ đàn em, chẳng còn biết làm gì khác hơn, là gửi cho phái đoàn một bức điện khẩn cấp vừa lạc lõng, vừa lỗi thời: “Phái đoàn Mỹ cực lực phản đối việc các ngài bắn pháo bừa bãi đe dọa sự an toàn của chúng tôi và yêu cầu các ngài, ngay lập tức, bảo đảm an toàn cho chúng tôi, theo thoả thuận về các quyền ưu đãi và miễn trừ…”. Điện trả lời của phái đoàn ta rất ngắn gọn, rõ ràng và sòng phẳng: “Chúng tôi cũng như các ngài thôi, chúng ta đang cùng ở trong một con thuyền”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #176 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 11:59:37 am »


        Tuy nói vậy, nhưng thái độ của mỗi người trong con thuyền lại rất khác nhau. Để độc giả hình dung được nỗi khủng khiếp, hãi hùng của những người Mỹ, ở trong thành phố lúc bấy giờ, xin mượn lời của một nhân chứng người Mỹ: “Tiếng nổ như muốn lật nhào cả phòng tôi đang ở. Tôi lần ra khỏi giường, lổm ngổm bò trên sàn. Trong bóng tối, mò tìm chiếc mũ sắt và áo giáp. Bò ra đến cửa sổ, tôi lắng nghe một loạt tiếng nổ nhỏ hơn tiếp theo, cố xem cách tôi bao nhiêu xa: vài dặm! Có lẽ là ở Tân Sơn Nhất. Phía rặng cây, tôi nhìn thấy những quả cầu lửa khổng lồ, bốc lên bầu trời ban đêm. Chân trời loé lên những ánh chớp của đạn pháo. Chiếc máy thu thanh đặt trên bàn, phát ra một giọng nói: Tân Sơn Nhất đang bị tên lửa và đạn pháo 130 ly. Tôi ra cầu thang, lao lên nóc nhà, nhìn… một quả tên lửa rơi ngay cạnh chiếc C.130 trên đường lăn, bóc toang cái vỏ ngoài của thân máy bay, dễ dàng như người ta bóc 1 tờ giấy bóc kẹo. Quả thứ ba, rồi quả thứ tư, rót vào trạm gác: hai hạ sĩ Ma-nông và Mớt chết ngay tại trận. Một quả tên lửa khác, bay qua khu nhà làm thủ tục và rơi vào trong sân rộng của cơ quan DAO. Một nghìn rưởi người Việt Nam đang đứng giữa trời, gần bể bơi, nháo nhác như những cây lúa bị gió giật. Họ cố bám lấy những người ở gần mình nhất, ấn họ nằm xuống đất, va anh ta suýt nữa bị hàng trăm người khác giẫm lên mình. Mấy giây sau, một quả đánh sập góc nhà thể dục, bóc đi một mảng mái và quảng vào một người nhà đứng ở giữa sân. Ba bốn trăm người bị mắc kẹt ở trong nhà thể dục, bám lấy những bức tường sắt, cố chui ra ngoài. Cách đất mấy trăm mét, mặt đất vỡ toác và phụt lên trời một chùm lửa, khi có một quả rocket vào đó. Tướng Smith bị sức ép quật ngã. Trên gác, một chiếc may điều hoà không khí bị bật ra khỏi tường, rơi cạnh giường ngủ một sĩ quan. Viên sĩ quan này hoảng hồn vơ vội lấy khẩu M.16, lao ra khỏi nhà và nhảy bừa xuống một cái hào. Một lát sau, anh ta mới nhận ra là mình chưa kịp mặc quần. Từ trên nóc nhà chúng tôi, cách đó ba dặm, cứ 5 giây đồng hồ, lại thấy một tia chớp loé lên, tiếp theo là một tiếng nổ rung cả mặt đất. Một trong những kho xăng ở cạnh Tân Sơn Nhất, bị trúng đạn pháo, tung ngay cả lên trời một đám mây đỏ rực, toé xăng ra hàng trăm phía. Vài giây sau, lại một quả nữa, vạch màn đêm, rơi vào cái lò thiêu người này. Phía Chợ Lớn, một khoảng trời đỏ ửng lên, chẳng khác gì một cơn giông lửa gặp gió…”.

        Cảnh nháo nhào trên đây, vẫn chưa đủ để làm cho đại sứ Martin bỏ thói lần khần. Ông ta vẫn còn vững tin mình, đặt nhiều hy vọng vào một cuộc đàm phán, thương lượng cuối cùng nào đó. Trước đó mấy tiếng đồng hồ, ông ta còn bảo đảm đối tướng Smith rằng: “Chúng ta sẽ ở đây cho đến tháng 7 hoặc tháng 6”. Vợ ông tướng này nghe lỏm được, từ Bangkok vội đáp máy bay về ngay Sài Gòn, nên phải một phen mất vía.

        Trong lúc pháo binh ta đang dội bão lửa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, thì ở Lộc Ninh lại nhận được điện của Bộ Chính trị: “Toàn thể các cán bộ và chiến sĩ, với quyết tâm lớn nhất, hãy nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch, với khí thế hùng mạnh của một quân đội trăm trận, trăm tháng, đập tan mọi sức đề kháng của địch, giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn-Gia Định và giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch lịch sử, mang tên Bác Hồ vĩ đại…”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #177 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 12:02:48 pm »

           
Chương 27

CHIẾN ĐẤU VÒNG NGOÀI

        Mười năm sau ngày giải phóng, trở lại chiến trường, thấy dấu vết bom đạn cày xới đã bị thời gian và bàn tay lao động của con người xoá sạch, không khỏi có người nghĩ rằng sau khi Thiệu, Khiêm bỏ chạy; Viên, Quang di tản, sự chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu đã rã rời và nhất là đến cuối ngày 28 tháng 4, khi Trần Văn Hương lóp ngóp tụt xuống vũ đài chính trị và Dương Văn Minh chuẩn bị lên thay thì mọi sự chống cự của phía đối phương coi như đã chấm dứt.

        Thực tế không phải như vậy. Chính trong những giờ phút cuối cùng này, trong ngày 29 tháng 4, mới diễn ra những trận chiến đấu vô cùng ác liệt. Chính trong những giờ phút này, cán bộ và chiến sĩ của ta đã nêu cao tinh thần chiến đấu, nêu lên tấm gương hy sinh vô cùng cao cả: thắng lợi đã ở trong tầm tay rồi, hạnh phúc chung và hạnh phúc riêng đang chờ đón mọi người, nhưng cán bộ và chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh, nhận lấy sự hy sinh riêng mình, mà không mảy may tính toán thiệt hơn.

        Sau hai ngày chiến đấu, nhận thấy tất cả các cánh quân đều thực hiện đúng kế hoạch, Bộ tư lệnh chiến dịch ra lệnh công kích trên toàn mặt trận, đánh thẳng vào các mục tiêu đã quy định:

        Rạng ngày 29 tháng 4, thường vụ Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân đoàn Tây Nguyên sau khi nghe thông báo tình hình phát triển tiến công trên các hướng trong những ngày qua, đã lệnh cho sư đoàn 316 tiếp tục vây chặt khu Trảng Bàng, nắm thời cơ, nếu địch rối loạn, thì phát triển tiến công, dứt điểm khu này. Sư đoàn 320A có nhiệm vụ tiêu diệt Đồng Dù; còn sư đoàn 10, được phối thuộc thêm trung đoàn 64 của sư đoàn 320A và trung đoàn 198 đặc công, chuẩn bị thọc sâu vào trung tâm thành phố.

        Đồng Dù là căn cứ của sư đoàn 25 Mỹ “Tia chớp nhiệt đới” trước đây. Nó nằm trên hướng tây bắc Sài Gòn-Gia Định, cách trung tâm thành phố 30 kilômét, diện tích khoảng 8 kilômét vuông, bốn bề dây thép gai chằng chịt; giữa lô cốt mẹ, lô cốt con, bãi xe, bãi pháo, nhà kho, nhà lính chẳng chịt. Trước kia Đồng Dù được dùng làm bàn đạp để tiến công vào căn cứ Tam giác sắt nổi tiếng. Trong thời buổi Việt Nam hoá chiến tranh, nó là điểm tựa cơ bản trong tuyến phòng thủ tây bắc Sài Gòn; và trong chiến dịch này, nếu không diệt được nó, thì nó là bàn đạp phản kích vào sau lưng, bên sườn của binh đoàn thọc sâu.

        Không xa Đồng Dù bao nhiêu, đường quốc lộ 1, chạy từ Trảng Bàng về Sài Gòn, phải vượt qua cánh đồng lúa rộng mênh mông, giữa có một cái cầu không dài lắm: cầu Bông; và phía bắc nó, trên đường 15, lại có một cái cầu nhỏ khác: cầu Sáng. Cả hai đều ngắn, trông chẳng ra gì, nhưng rất ác hiểm. Những trinh sát viên, đi điều tra ban ngày, đã đến tận nơi xem xét kỹ càng về báo cáo lại, càng làm cho Bộ tư lệnh quân đoàn thêm lo lắng. Hai bên đường là ruộng lầy, ở các đầu cầu, địch đã đặt sẵn những khối thuốc nổ to tướng. Vận động giữa đồng trống, trên những con đường độc đạo này, xe tăng và các loại xe cơ giới khác của ta sẽ là những cái bia di động rất tốt cho các khẩu pháo phòng tăng của địch, bố trí sẵn trên các mỏm đồi, hay trong rìa xóm làng ở gần đây. Kế hoạch tiến công Đồng Dù của sư đoàn 320A và đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng của trung đoàn đặc công 198 liên quan mật thiết đến việc thọc sâu của sư đoàn 10. Chỉ cần phối hợp không chặt chẽ, nổ súng không đúng thời cơ, là đối phương có thể gây khó khăn cho ta: nếu đánh chiếm hai cầu sớm một chút, họ ở Đồng Dù sẽ tung xe tăng ra phản kích vào đặc công; ngược lại, nếu đánh Đồng Dù sớm và khi cứ điểm này có nguy cơ bị tiêu diệt, họ sẽ giật mình, phá sập cầu, làm ngăn trở đường tiến công vào nội thành. Đây chính là chỗ mà người cán bộ chỉ huy phải tỏ bản lĩnh của mình. Sau khi cân nhắc, tính toán kỹ, Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định thời cơ đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng và bàn đạp Hóc Môn là lúc mà 320A đã xiết chặt vòng vây chung quanh căn cứ Đồng Dù, nhốt chặt sư đoàn 25 trong hàng rào kẽm gai rồi.

        Đúng 2 giờ 30 phút ngày 29 tháng 4, các cụm pháo binh của các trung đoàn 40, 675 và cụm pháo của sư đoàn 32A bắt đầu bắn phá Đồng Dù. Cùng lúc này, các chiến sĩ đặc công của trung đoàn 198 nhanh chóng đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng, phát triển đánh tan tiểu đoàn biệt kích dù ở đây. Chớp thời cơ, đại đội 10 và trung đoàn 64 lên chốt chặn trên đường quốc lộ 1, đánh phản kích, bảo vệ cầu Bông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #178 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 08:56:54 pm »


        Hoà trong tiếng súng ở cầu Bông, cầu Sáng, tại căn cứ Đồng Dù, các đơn vị bộ binh bộc phá mở cửa. Trên hướng tây bắc, đại đội 3 thuộc trung đoàn 48, trong nháy mắt đã phá được hai lớp hàng rào ngoài cùng. Địch phát hiện hướng cửa mở, vãi đạn vào đội hình đơn vị. Bộc phá viên bị chặn lại trước cửa mở. Đại đội trưởng Tăng cho tập trung hoả lực: súng B40-B41 được điều động lên nã đạn vào tuyến lô cốt ngoài cùng. Súng cối của khẩu đội Trần Văn Thành, dựng gần đứng, bắn vào bên trong tường đất. Hoả lực địch tạm tắt. Nhanh như sóc, bộc phá viên xông lên đánh tiếp được hai lớp rào; địch lại ngóc đầu dậy bắn như mưa. Trong ánh lửa, người ta thấy bóng Nguyễn Khắc Bảo, ôm bộc phá lao lên. Lại một hàng rào nữa bị đứt, nhưng người bộc phá viên dũng cảm kiên cường ấy đã ngã xuống anh dũng hi sinh. Được trung đội 7 hoả lực tập trung chi viện đắc lực. Nguyễn Văn Linh theo gương Bảo lao lên, cùng với cả khối thuốc nổ, phá tan hàng rào cuối cùng., Vũ Văn Sơn, trung đội trưởng trung đội 9 - dẫn đơn vị lên chiếm đầu cầu.

        Cửa mở thứ hai của trung đoàn 48 do đại đội 11 phụ trách. Đơn vị dùng mìn liên kết, phá tung 5 lớp rào ngoài. Cũng như trên hướng đại đội 3, địch vãi đạn như trấu vào đột phá khẩu, một chiếc xe tăng, từ trong tung thâm chạy ra, nấp sau ụ đất lớn, định dùng khối sắt thép này bịt cửa mở chặn các chiến sĩ ta đang ôm bộc phá lao lên. Đội hình ùn lại, nguy hiểm vô cùng. Đại đội trưởng Nguyễn Công Bạ, lùi ra sau, điều ngay chiến sĩ B41 Nguyễn Tiến Ngọ lên. Bạ nổ một loạt tiểu liên, tháp pháo của xe tăng địch vừa quay sang thì Ngọ đã ôm súng lách sang một bên tránh đạn, giương súng, bấm cò. Chiếc xe tăng bị cháy, sáng rực một góc đồn. Địch vẫn chống trả quyết liệt. Lại thương vong. Đại đội trưởng vớ ngay một khẩu B40 của một chiến sĩ bị thương nằm ngay bên cạnh, gọi bộc phá viên Lê Văn Sử đến. Quả đạn của Bạ vừa nổ, khói trùm cả khẩu đại liên, cũng là lúc Sử xông lên, đặt bộc phá vào lớp hàng rào thứ 6. sau một tiếng nổ long trời chuyển đất, cửa mở toang. Khi làn sóng người xông lên chiếm được hậu cứ của trung đoàn địch, thì trời đã sáng từ lâu.

        Ở hướng tây nam, trung đoàn 9 đang mở cửa thì hai đại đội địch, từ hướng Củ Chi ra phản kích, đánh vào sau lưng đơn vị. Sau khi đưa hai đại đội ra, để chặn địch lại, toàn bộ trung đoàn cùng với đại đội 11 trợ chiến, chia làm hai mũi vòng sang cổng chính, theo cửa mở sẵn của trung đoàn 48, chọc thẳng vào tung thâm. Mặt trời càng lên cao, sức tiến công của tiểu đoàn 1 cũng yếu dần, vì số xạ thủ B40-B41 của đại đội 3 đã thương vong gần hết, ban chỉ huy trung đoàn 48 phải tung tiểu đoàn 2 và 4 xe tăng là lực lượng dự bị, vào chiến đấu, đi theo cửa mở của đại đội 3, phát triển vào khu vực công binh.

        Trận đánh Đồng Dù là trận đánh gay go ác liệt nhất, trong tuyến phòng thủ tây bắc Sài Gòn. Nhờ có chỉ huy quyết tâm, lãnh đạo chặt chẽ, hiệp đồng gắn bó, cán bộ và chiến sĩ sũng cảm, mưu trí, linh hoạt nên đến 11 giờ trưa hôm ấy, sư đoàn 320A hoàn toàn làm chủ chiến trường. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, trốn ra rừng cao su, bị nhân dân và dân quân du kích Củ Chi bắt sống.

        Tại chi khu Trảng Bàng, cách Đồng Dù 10 cây số về phía bắc, sau những ngày chốt chặn, bao vây, áp sát, sư đoàn 316 nhân lúc địch hoang mang dao động, chuyển sang tiến công. Bị pháo binh ta dần cho bốn ngày liền, sư đoàn 25 ngụy ở Bến Kéo, Cẩm Giang, Tà Vo, Đồng Chua, suối Sâu, Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ tan rã từng mảng. Toàn bộ hai trung đoàn 46 và 49, liên đoàn bảo an 251, một chiến đoàn thiết giáp địch bị sư đoàn 316 cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích Tây Ninh bắt làm tù binh. hệ thống phòng ngự, từ Đồng Dù đến Gò Dầu Hạ bị quét sạch. Một bộ phận thiết giáp và liên đoàn biệt động quân 32, từ Khiêm Hạnh kéo chạy về, bị diệt luôn một số, số còn lại tan rã tại chỗ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #179 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 08:58:44 pm »


        Trong lúc sư đoàn 320A ghì chân địch lại để tiêu diệt, thì sư đoàn 10 nhanh chóng và khôn khéo vòng qua Đồng Dù; táo bạo lướt qua hệ thống đồn bốt địch chưa bị tiêu diệt, tiến vào Hóc Môn. Trung đoàn 24 và một tiểu đoàn xe tăng vòng sang tây bắc Củ Chi, theo quốc lộ 1, vượt qua cầu Bông. Trung đoàn 28, trung đoàn 4 pháo binh, tiểu đoàn 2 xe tăng thì rẽ qua Phú Hoà Đông, Tân Quy, theo tỉnh lộ 15 qua cầu Sáng. Trung đoàn 66 làm dự bị, đi sau. Đến 11 giờ, một cánh quân lớn của địch từ Hậu Nghĩa tiến ra ngăn chặn, bị sư đoàn 10 cùng với trung đoàn 1 Gia Định đánh tan, rồi tiếp tục tiến về Củ Chi. Ở đây, đã diễn ra cuộc chiến đấu rất quyết liệt giữa trung đoàn 64 của sư đoàn 320A, được phối thuộc cho binh đoàn thọc sâu, với thiết đoàn 10 xe tăng địch. Vừa lúc ấy, bộ phận đi đầu của trung đoàn 24 xốc tới, tiến công hợp đồng. Bị đánh cả trước mặt lấn sau lưng, thiết đoàn 10 xe tăng tháo chạy, rút qua cầu Bông, thì bị ngay tổ chốt của trung đoàn 64 và tiểu đoàn 20 đặc công chặn lại. Từ phía sau, trung đoàn 64 và 9 xe tăng dồn đánh thốc tới. Địch tán loạn, lao bừa xuống ruộng lầy. Trên mặt đường, đại đội 9 xe tăng của ta, ung dung diệt từng chiếc một, trong lúc chúng đang ngụp lặn dưới vũng bùn sâu. 28 chiếc xe tăng và xe bọc thép, hàng chục xe GMC bốc cháy, không thoát một chiếc. Toàn bộ địch, bị diệt không sót một người nào. Trung đoàn 24 tiếp tục phát triển đánh chiếm thành Quan Năm - Hóc Môn. Từ trung tâm huấn luyện Quang Trung, địch dùng xe tải làm vật cản, phối hợp với bộ binh, xe tăng ra ngăn chặn ta. Trung đoàn 24 đánh địch mở đường. Đến 16 giờ đến xướng dệt Vinatexco, lại gặp một tiểu đoàn địch, máy bay ném bom hoá học để ngăn chặn, nhưng đơn vị vẫn tiếp tục tiến về hướng Bà Quẹo.

        Trên đường 15, trung đoàn 28 cũng bị chặn ở Phú Hoà Đông. Đơn vị tổ chức đánh phản kích, tiến đến Tân Quy thì trời đã về chiều. Thời gian công kích vào nội thành, theo kế hoạch đã ấn định, sắp đến nơi rồi. Vượt qua cầu Sáng, thì cầu đã sập, đường tắc. Không cách nào vòng tránh được, nên trung đoàn phải quay trở lại Ba Ri-Tân Quy, theo tỉnh lộ 8, vượt qua Đồng Dù, tiến sang cầu Bông, chiếm khu tây nam trại huấn luyện Quang Trung, đến 18 giờ 30, đến cầu Hàm Luông.

        Trong một ngày tiến công, Quân đoàn Tây Nguyên đã đập tan tuyến phòng thủ trên hướng tây bắc Sài Gòn, quét sạch hệ thống đồn bốt trong dải phòng ngực từ Tân Quy qua Đồng Dù đến Gò Dầu Hạ; tiêu diệt sư đoàn 25, thiết đoàn 10, các liên đoàn biệt động quân số 32, 9; liên đoàn công binh 6 cùng toàn bộ lực lượng bảo an, biệt kích dù, cảnh sát, mở toang cánh cửa vào Sài Gòn-Gia Định. Vì sao sư đoàn 10, sau gần một tháng trời, hành quân vất vả vòng quanh cao nguyên Lang Biên, qua Ninh Thuận, Lâm Đồng, mãi đến ngày 25 tháng 4 mới về đến vị trí tập kết ở Dầu Tiếng an toàn. Thế mà, vừa đến nơi đã lao ngay vào chiến đấu, trên một địa hình có nhiều sông ngòi, đường sá như mạng nhện, rất phức tạp. Đây cũng là một chuyện thần kỳ. Thành tích của đơn vị này không thể tách rời khỏi sự đóng góp rất to lớn của lực lượng tại chỗ và đồng bào vùng Tam giác sắt kiên cường, Củ Chi đất thép.

        Từ sáng sớm, địch ở Hậu Nghĩa và Củ Chi, đã bị trung đoàn 1 Gia Định, chặn đánh ở Tân Thới Nhất, Xuân Thời Thượng thuộc quận Tân Bình, diệt và bắt trên 1 nghìn tên. Quần chúng nổi dậy giành chính quyền, giải phóng các xã trên, truy lùng ác ôn. Đến chiều thì diệt một chốt ở ngã ba Nhà Dòng, trên quốc lộ 9, bức hàng một đại đội biệt động, vận động quần chúng san bằng đồn bốt, thu chiến lợi phẩm. Một bộ phận quân dù lên phản kích thì bị trung đoàn 115 đặc công chặn đánh, giải phóng luôn xã Tân Thới Hiệp, quận Gò Vấp. Cùng lúc, tiểu đoàn 4 đánh chiếm cầu chợ Mới, bộ đội biệt động đánh thiệt hại nặng cầu Bình Phước và tiến công vào đài phát thanh Quán Tre. Trung đoàn 2 Gia Định cũng hoạt động sôi nổi: suốt cả ngày 29, chặn đánh tàn quân của trung đoàn 50 từ Đồng Dù chạy về dọc theo các tỉnh lộ 18, 15, diệt và bắt trên 300 địch, giải phóng xã Tân Thạnh Đông.

        Thực hiện khẩu hiệu xã giải phóng xã, du kích các xã Trung Lập Thượng, phối hợp với bộ đội địa phương đánh chiếm đồn bốt, chiếm phân chi khu Tân Hoà. Trên chiến trường bắc Sài Gòn-Gia Định, các nơi hoạt động rất đều. Ở Gò Vấp, tiểu đoàn 80 và các đội biệt động tiến công vào tiểu đoàn 61 và trại thiết giáp, đánh địch tại An Phú Đông, Xuân Thới Thượng, Cục cảnh sát Tân Sơn Nhì và cùng quần chúng đứng lên làm chủ ấp Đông Xuyên và cầu Rạch Bà.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM