Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 01:08:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tảng sáng  (Đọc 38799 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #50 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2011, 09:21:25 pm »

Ông Bảy Hoá có một người cháu gọi ông bằng chú ruột, bấy lâu đi làm ăn xa, nay có dịp về thăm ông ở chùa Hoà Phước. Người cháu đó tên là chú Tám. Chú Tám về thăm ông Bảy chỉ mặc bộ đồ cộc bằng vải thô, đội chiếc nón cũ, đi chân đất. Chú Tám không phải “dân thầy”, tay chân không mượt mà trắng trẻo. Chú giúp ông Bảy cuốc vườn trồng khoai. Về Hoà Phước được vài hôm, bà con trong xóm ai cũng mến. Đi ngang qua nhà bà Hiến thấy có tấm phên bị đứt, chú Tám bước đến buộc lại. Ông Bốn Rị che nơi ở tạm, chú Tám chẻ tre, đan phên che giúp. Chú làm từ sáng sớm đến tối như công việc nhà mình. Chú Tám có lời nói dễ nghe. Ai đáng vai cô bác, khi chuyện trò chú dùng chữ thưa, chữ dạ. Nết ăn, ý ở của chú Tám làm ai ai cũng mến. Hôm mới về chùa, gặp tôi, chú bảo:

- Này Cục! Cục mặc áo trái kia kìa. Mặc vậy coi chưa đẹp.

Tôi không hiểu vì sao chú Tám vừa đến đã biết tên tôi. Chú bảo vừa đến chùa đã nghe nhiều người khen tôi bơi lội vào loại khá, gánh củi vào loại giỏi. Chú Tám biết tôi có nhiều tiến bộ, tôi đã bỏ thói vật lộn, trêu chó, biết chăm chỉ học hành, đã có lúc được thăng làm thầy dạy học. Đối với thằng Cù Lao, chú Tám không chỉ biết những việc hiện nay, mà còn biết những việc đâu đâu. Cha nó xưa kia bị ai đánh, bỏ làng đi đâu, sinh nó nơi nào. Thằng Cù Lao rất ngạc nhiên. Chú Tám giảng giải: Mỗi khi ta làm một việc gì, đều được ghi lại trên mặt, trên mắt, trên mũi, trên má. Một ý nghĩ nhỏ nhất cũng để lại dấu vết trên trán. Hiện nay có sách vở dạy cách đọc những dấu vết đó. Chú Tám lúc đi làm ăn ở Sài Gòn may gặp được ông thầy, ông truyền lại cho chú cách đọc.

Tôi hỏi:

- Chú làm được như thầy bói không? Thầy bói gieo quẻ biết hết. Hậu vận giàu, nghèo, mấy con, mấy vợ đều biết trước.

Chú Tám quả quyết:

- Không học bói cũng biết được. Biết được cái trước và cái hiện nay, biết được cái sau này nữa…
Chú Tám bảo thằng Cù Lao xoè hai bàn tay, chìa đầu chìa cổ cho chú xem. Xem xong , chú Tám kết luận:

- Thằng Cù Lao sau này sung sướng, nhưng không giàu. Chỉ có một vợ. Vợ mất đi, Cù Lao vô cùng thương nhớ, nên cứ ở vậy suốt đời.

Tôi chìa đầu chìa tay hỏi:

- Còn tôi?

Chú Tám bắt tôi cười, bắt tôi giả vờ khóc, bắt tôi bước tới, bước lui, ngồi xuống, đứng lên, chìa trán cho chú xem, chú nói:

- Sau này Cục được ăn rất ngon, mặc rất sang, ở nhà rất rộng, có vợ rất đẹp. Nhưng tại sao… không sướng!

Chú rất thích chuyện trò với thằng Cù Lao, hỏi nó lắm chuyện tỉ mỉ: Có khi nào nó gặp bọn lính ở lô-cốt Hoà Phước không? Mấy đứa là Tây, mấy đứa là người mình? Chúng cầm súng gì, đội mũ gì, mặc áo gì? Chỉ
có một khẩu súng chú cũng hỏi hình thù, dài ngắn, to nhỏ ra sao.

Thằng Cù Lao hỏi:

- Biết những thứ đó làm chi chú?

- Để mà tránh! Cái gì còn mù mờ là không tránh được. Ma quỷ dễ trà trộn với người là vì cứ mù mờ, dễ lầm lẫn, khó tránh.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #51 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2011, 09:22:20 pm »

Chú Tám còn biết được trên cây sung ở đầu làng có một cái hốc lớn. Chú ra chỗ cây sung, tìm hiểu về cái hốc. Anh Bốn đã dặn tôi và thằng Cù Lao giúp chú Tám mọi việc.

Thằng Cù Lao mách chú Tám:

- Phải có cọc sắt. Trước đây chú Năm Mùi lấy cọc sắt đem đóng làm nấc thang… Làm vậy chú Năm leo lên
được chỗ chót vót.

- Khó lắm!

- Sao?

- Đóng cọc sẽ làm ồn! Có một cái khó: Đóng xong, phải giữ nguyên cọc trên cây để còn leo xuống. Như
vậy mọi người biết hết.

Chú Tám còn hỏi thằng Cù Lao rất tỉ mỉ cách gỡ tổ yến ngoài cù lao Chàm. Vách đá thế nào? Hốc núi ra sao? Cách cầm dây, cách vứt cọc, cách đứng, cách leo lên chỗ tổ yến?

Chú Tám dòm dòm ngó ngó lên cây sung. Chú lắc đầu:

- Cách gỡ tổ yến cũng không dùng được. Dây vứt lên sẽ vướng nhiều cành. Nhưng không chịu thua, thế nào chú cháu ta cũng lên ngồi chơi chỗ cái hốc để hóng mát.

Chú Tám bảo tôi đi tìm một lưỡi rựa. Tôi tìm cho chú được lưỡi mác. Chú đi hạ tre, chẻ thành lạt, tước mỏng, bện thành một đàng dây dài rất chắc. Chú chặt tre làm một cây sào dài. Chú Tám đã tìm được cách leo lên cái hốc trên cây sung. Phải leo lên ba đợt. Trước tiên phải buộc dây vào đầu sào. Chú Tám dựng sào lên, dùng sào móc dây vào cành thấp nhất. Móc xong, chú Tám níu dây leo lên. Khi đã leo lên ngồi vững vàng trên cành thấp, chú Tám lại dừng sào móc dây lên cành bên trên. Rốt cuộc chú đã thành công. Chú đã ngồi trong cái hốc. Chú giơ tay báo hiệu chiến thắng. Khi leo xuống chẳng cần phải sào. Chú Tám bảo tôi đứng dưới cứ việc vác sào về cất.

Chú Tám cho thằng Cù Lao đã tìm được cái hốc và cách leo. Chú chỉ tìm ra cách móc dây. Công việc của tôi mới thật là quan trọng. Vì tôi vác sào, vì không có đứa nào vác sào thì không thể leo lên chỗ cái hốc.

*

*   *

Chùa Hoà Phước lại được đón thêm một vị cao tăng ở chùa Non Nước đến thăm. Pháp danh của ngài là Kiết Ma hoà thượng. Hoà thượng Kiết Ma còn trẻ nhưng đã tu hành đắc đạo, lên đến chức hoà thượng. Tất cả ở ngài đều toá ra sự khổ hạnh của một vị chân tu. Nước da ngài xanh xao nhợt nhạt như người bị đói lâu năm. Đôi má ngài tóp lại, xương mặt ngài nhô lên, xương quai hàm bạnh ra. Cặp mắt ngài lim dim như đang nhìn về cõi Nát Bàn xa xăm của Phật. Hai bàn tay của ngài xương xẩu thường vòng trước rốn. Gặp ai ngài cũng vái: Nam mô Phật! Ở ngài có một cái khiến tôi và thằng Cù Lao vô cùng trọng nể. Đó là cái đầu của ngài. Nó trọc lóc, bóng loáng như cái đầu chày. Muốn có một cái đầu như vậy, hoà thượng đã chịu biết bao đau khổ! Ít nhất hàng tháng ngài phải đưa đầu chịu một hình phạt ghê gớm: cạo trọc! Thằng Cù Lao nói nhỏ vào tai tôi:

- Thôi chẳng lên Nát Bàn. Cạo trọc đau quá!

Hoà thượng chỉ biết trường trai, nghĩa là chỉ ăn được hoa quả với năm loại ngũ cốc, không thể ăn thịt. Khi biết tôi và thằng Cù Lao đã ăn chuột đồng và nhái bén, hoà thượng thở dài:

- Nam mô a di đà Phật! Xin chớ để chúng sinh qua lại ngoài đồng, rủi cái tên bay đạn lạc!

Hoà thượng gặp người đến lễ bái thường nói những lẽ huyền vi của Phật tổ. Đối với ngài tất cả những gì thấy chung quanh cũng đều là hư, nghĩa là không có. Ngài thuyết cho ông Kiểm Lài hiểu là cái lô-cốt ta thấy, cái tiếng nổ ta nghe, chẳng qua là do cái tâm ta tạo nên, giống như cái bóng trong gương soi. Lấy gương đi, bóng không còn nữa, vì vậy không nên quá sợ!
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #52 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2011, 09:23:10 pm »

Ông Kiểm Lài nghe hoà thượng thuyết lí, khoé mắt và lỗ mũi bỗng đầy nếp nhăn, vòng tay thưa:

- Bạch hoà thượng, đi qua lô-cốt, nó nổ đoàng! Tôi nổi da gà, lạnh toát xương sống!

Tôi và thằng Cù Lao cho hoà thượng nói rất đúng. Cái lô-cốt thực ra không có. Nhất là khi có cơn mưa, cái lô-cốt biến mất. Đối với bà Bảy Đá, ngài vạch rõ cái hòm tiền cũng vì ta tưởng nó là ông chủ, tưởng nó “có” mà thôi. Bà Bảy nghe thông lẽ huyền vi của hoà thượng, vì đã quá rõ, tiền bà có rồi không đó! Ngài đếm tràng hạt đi qua làng, vừa đi vừa niệm Phật. Ngài đi lạc vào chỗ hàng rào vây quanh lô-cốt. Bọn lính giương súng:

- A lê hấp! Thằng thầy tu kia, cút mau!

Nói xong, nó nện cho thầy một đá. Hoà thượng xem việc đó như ảo, như không hề xảy ra, tuy hoà thượng phải đi cà nhắc. Theo ông Bảy Hoá, hoà thượng Kiết Ma đã đắc đạo vì ngài đã tu nhiều kiếp. Ngài đã hoá thân, có kiếp làm con ếch, có kiếp làm con chim, có kiếp làm con voi trắng. Sau đó hoá kiếp làm thầy bốc thuốc cứu được hàng trăm nhân mạng. Cuối cùng được đầu thai làm vị hoà thượng. Khi đã lên được chức hoà thượng thì người tu hành không còn ở bến mê mà đã đi đến bến giác. Lúc đầu, tôi tưởng cái bến mê hay bến giác ở đâu ngoài biển hay ngoài sông. Sau khi hoà thượng cắt nghĩa tôi mới hiểu ra, bến mê có nghĩa là còn mê muội, còn chủ quan ngu ngốc. Ở bến giác có nghĩa là đã hiểu mọi sự vật, cái gì cũng biết. Hoà thượng biết được nhiều việc cũng vì đã ở bến giác. Việc đó có thực. Vừa đến vãng cảnh chùa, ngài đã biết trước kia thằng Cù Lao tên là Biển, vì nó sinh ra ở ngoài biển. Tên Biển đổi thành Cù Lao. Thằng Cù Lao chửa đến bến giác nhưng cũng đã rời khỏi bến mê. Vì nó có học ở Đà Nẵng, được dự thính một lớp huấn luyện. Sau đó có được gặp bọn lính Tưởng Giới Thạch, bọn lê dương, biết rõ bọn này rất dữ tợn!
Có nhiều tối hoà thượng biến mất. Hoà thượng thú thật đã đi rong chơi. Không phải rong chơi ở Hoà Phước mà ngài đã phiêu diêu ra khỏi trần tục. Hoà thượng có phép lạ biết đằng vân, giá võ, chỉ một đêm ngài có thể đi từ đông sang tây, đi vòng quanh quả đất, đi nhanh hơn gió.

*

*   *

Thằng Cù Lao học được cách xưng hô đối với một vị hoà thượng. Nó vòng tay thưa:

- Bạch hoà thượng! Kiếp trước của hoà thượng là con ếch, sau đó là con voi. Làm sao biết được?

Hoà thượng nhìn ra xa:

- Khi đã đến bến giác thì có thể thấy lại các kiếp trước của mình. Nguyên kiếp trước của bần tăng là một
nhà giàu đi làm quan. Khi đó bần tăng có tất cả, thứ gì cũng nhiều! Tiền bạc, ruộng nương, danh vọng, tớ thầy… nhưng bần tăng thiếu một cái. Cái đó lại rất quan trọng. Đó là cái hiểu được nỗi đau khổ của chúng sinh. Lòng dạ bần tăng cứng dần lại. Thấy vậy, Phật tổ nói: “Lòng dạ của người sắp hoá đá, ta phải cho người đầu thai làm con ếch”. Bần tăng đã làm con ếch. Khủng khiếp quá! Vì không quần áo, bần tăng đã cảm được cái rét của mùa đông. Vì ở trong một cái hang, bần tăng hiểu được cái ngột ngạt của bóng tối… Bần tăng đã “qua cầu” hiểu được thế nào là đói, là rét, là sợ sệt, là cô đơn, dần dần hiểu ra được ý nghĩa của cuộc sống. Đó là hiểu thấu mọi nỗi đau của chúng sinh và ra sức làm giảm nỗi đau đó”.
Hoà thượng mắt lim dim ngồi im một lúc, thở ra:

- Sau kiếp làm ếch, bần tăng được đầu thai làm con voi trắng. Bần tăng đã sống trong một đàn voi có đến bảy nghìn thớt voi. Voi đầu đàn có bảy ngà. Một hôm, bảy nghìn thớt voi phải đi qua một con đường hẻm. Đó là một con đường độc đạo, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm. Ngay giữa đàng hẻm có một tổ chim con. Theo lệnh của voi đầu đàn, tất cả phải đi vòng một con đường khác. Đàn voi phải đi mất mười năm mới vượt hết con đường vòng đó. Chỉ mình thằng voi sáu nghìn chín trăm chín mươi chín không tuân theo lệnh của voi đầu đàn. Nó đã giẫm chết chim con. Thằng voi đó sau phải đầu thai làm quỷ sứ. Quỷ sứ sinh con đẻ cháu, đó là bọn xâm lược.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #53 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2011, 09:24:35 pm »

Hoà thượng thăm cảnh chùa Hoà Phước được bốn hôm thì chú Tám lại quay về. Chú Tám hiện ra trước cửa chùa vào lúc nhá nhem, theo sau còn có một người lạ mặt. Hai người bước vào liền đóng chốt cửa.
Hoà thượng đứng dậy ra đón. Ba người như đã biết nhau từ trước. Chú Tám trải chiếu trên nền gạch bên gian trái. Ba người yên lặng nằm nghỉ.

*

*   *

Ban đêm tôi và thằng Cù Lao ngủ trong chùa. Chúng tôi trải chiếu trên nền gạch nằm dồn về một góc bên gian trái. Tiếng tụng kinh của ông Bảy Hoá đều đều nghe buồn thiu. Ngọn đèn dầu lù mù trên bàn thờ rải chung quanh những bóng chập choạng. Bọn ma quỷ trên tranh Thập điện Diêm Vương như sống dậy cứ thập thò. Mờ mờ bóng một chú ếch to bằng chiếc chum ngồi chom hỏm căng mồm rộng hoác. Tôi giật mình, bàng hoàng tỉnh giấc. Thì ra tôi vừa nằm mơ. Quanh chùa lặng im, im cả một làn gió nhẹ. Chân tôi bị chuột cắn nghe đau nhói. Có tiếng ai đang khấn vái trước bàn thờ. Tiếng rất khẽ. Chợt tôi nghe rõ:

- Cặp gà trống thiến… chỉ huy lô-cốt… Cửu Cang…

Tiếng thì thầm lại chìm xuống. Chợt nổi lên mấy tiếng loáng thoáng:

- Tên là Nguyễn Văn Cục… ở xóm trên…

Tôi giật thót. Có người đã gọi tên tôi. Tai tôi phút chốc đã vểnh cao, chõ về phía có tiếng nói, hứng mọi tiếng động nhỏ nhất.

- Cái lô-cốt… vào bên trong… rõ được…

Tôi biết đó là tiếng của vị hoà thượng. Một chốc sau có tiếng thì thầm, không phân biệt được tiếng của ai:

- Lí trưởng là Cửu Cang. Thuyết phục nó.

Chợt tiếng của hoà thượng Kiết Ma như vui lên:

- Cặp gà trống thiến… Dâng bọn ở lô-cốt… Nhờ Cửu Cang đưa vào… Ta đi theo… Phải cho nó gà trống
thiến.

Tiếng cười khe khẽ. Một vật gì rơi đánh đốp trên bàn thờ. Tất cả trở lại im lặng. Tiếng chú Tám hỏi:

- Địa bàn có chưa?

- Đủ rồi, gọn!

Có tiếng mở cửa rồi tiếng bước chân đi mờ dần trong đêm tối.

Sáng hôm sau chú Tám và người lạ mặt đi đâu mất. Hoà thượng Kiết Ma ở lại chùa. Tôi nhìn hoà thượng thấy như có một cái gì khác trước vì trước kia hoà thượng luôn luôn dạy bảo tôi và thằng Cù Lao không nên bắt chuột, không nên giết hại một con kiến. Hoà thượng cũng không ngớt khuyên bảo mọi người chỉ nên ăn dưa với muối, nay giữa khuya lại bàn việc mua gà trống thiến và phải cho ăn gà… Buổi sớm hoà thượng đến dạo chơi chỗ cây sung. Tối đến tôi thấy hoà thượng bước ra trước cửa chùa rồi tan biến trong cõi hư vô mù mịt. Khắp làng xóm cũng chẳng còn những ngọn lửa bếp reo vui hoặc những ngọn đuốc múa nhảy. Chưa mờ sáng, chú Tám lại quay lại chùa. Chú khụt khịt thở to coi bộ mệt nhọc như vừa cuốc đất. Chú vừa nằm xuống thì chợt đâu anh Bốn Linh lại tạt vào chùa. Vừa nhìn thấy tôi, anh liền bảo tôi và thằng Cù Lao phải dậy thật sớm, theo dõi thật kĩ tiếng mõ đánh để chạy cắm nò và rút nò. Tôi cũng rất ngạc nhiên là anh Bốn Linh như đã quen thân với chú Tám đâu từ trước. Anh bàn rất thoải mái về chuyện ông Cửu Cang được giặc đưa ra làm lí trưởng trước đây. Anh kể rõ cho chú Tám biết là vừa rồi ông Cửu Cang có nói với đồng bào. Ông nói như thế này:

- Ông Một ở lô cốt bắt tôi đi tìm gà. Tôi biết chắc là thịt xào nấu ở đây là thịt chuột! Ở đây không có vịt gà! Bà con có vịt gà tôi không mách cho ông Một biết đâu. Bà con muốn nuôi gì cứ việc nuôi. Còn việc kê khai dân số, bà con chết đường chết sá tôi biết chi mà khai! Ông Một hỏi chi, tôi nói không biết. Tôi cam đoan như vậy, xin bà con cho tôi ở yên!

Nói xong anh Bốn, chú Tám cùng cười. Anh Bốn vội vã đứng dậy để đi nơi khác. Trời vừa tảng sáng.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #54 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2011, 09:25:43 pm »

*

*   *

Mới tinh mơ đã có tiếng mõ báo động, nghe rõ ba tiếng: cốc, cốc, cốc, to hơn mọi hôm. Thằng Cù Lao vụt chạy ra sông cắm cây nò. Trong chùa, ông Bảy Hoá, chú Tám đã thức giấc. Sau mái chùa, ngôi sao Mai chưa nhạt hẳn. Tôi định phóng theo thằng Cù Lao, đột ngột một tiếng “véo” vút qua đầu, tiếp theo là một tiếng nổ dữ dội. Hoà Phước như bị xé tan. Gió táp vào mặt. Khắp chùa tung lên. Lại một tiếng nổ khác rất đanh. Mái chùa như bị xốc. Một hòn ngói vỡ lăn lông lốc. Tôi hoảng quá, chỉ kịp chui trước ngách cửa. Một cột khói đùn lên ngay giữa đường làng. Pháo các nơi câu về Hoà Phước. Những loạt súng máy tằng, tằng! Tiếng cắc bọp, cắc bọp nổi lên ngoài bãi dâu. Các tiếng súng lẫn vào nhau gầm rít, hỗn loạn!

Ông Bảy thét to:

- Giặc tới kia kìa!

Ông chỉ về phía bãi dâu. Một toán lính lô nhô đang trèo lên dốc bãi. Chú Tám bước đến, nhanh nhẹn chui dưới bàn thờ bên phải. Chú hất nhanh đồ đạc để dưới bàn thờ, đẩy chiếc mâm đồng ra một bên, giở cái nắp gỗ. Một cái hầm hiện ra. Chú Tám thu người nhảy xuống hầm. Ông Bảy chạy đến đậy nắp hầm lại, đặc chiếc mâm đồng lên trên, đặt mọi đồ đạc nguyên lại chỗ cũ. Ông gọi tôi:

- Thắp hương lên các bàn thờ!

Ông lấy áo cà sa khoác vào, đội chiếc mũ ni, đến ngồi trước bàn thờ gõ chuông tụng niệm.

Ông Bảy ra dấu bảo tôi bước đến, nói xoắn vào tai tôi:

- Nó bắn cũng nói không biết, nghe chưa! Cha mày bảo vậy đó!

Các loại súng đang gào thét chợt im lặng. Bên ngoài có tiếng xì xào, tiếng quát, tiếng súng. Một tiếng nổ to trước cửa chùa. Cửa chùa ngả sập. Một bọn quỷ sứ xoè nanh xoè vuốt ập vào chùa. Tay cầm súng chĩa về phía trước, chúng dòm ngó, đi qua, đi lại. Ông Bảy vẫn ngồi im tụng niệm.

Một đứa gầm lên:

- Có Việt Minh đây không?

Ông Bảy đứng lên:

- Thưa, già chỉ biết niệm Phật, không biết Việt Minh là ai cả.

Một thằng chĩa súng:

- Có Việt Minh không?

Ông Bảy vẫn bình tĩnh:

- Không có!

Tất cả ầm ầm kéo ra, dồn lại trước cửa chùa. Có tiếng hò hét bên ngoài. Chúng lại kéo vào:

- Ông lớn ra lệnh phải sục cho kĩ! Việt Minh hay núp trong chùa!

Một thằng rút lưỡi lê thọc vào các xó tường. Nó cúi xuống dưới bàn thờ bên phải, hất chiếc mâm đồng. Một chiếc mâm gỗ lòi ra, nó đâm mạnh lưỡi lê vào chiếc mâm gỗ. Chiếc mâm gỗ muốn bật. Nó hất thêm. Chiếc mâm gỗ bật lên lại rơi xuống chỗ cũ. Tim tôi như ngừng lại. Chú Tám vừa chui dưới chiếc mâm đó. Nó thét vào mặt ông Bảy:

- Có hầm bí mật không?

- Không có!

- Tìm ra Việt Minh tao bắn chết!

Nó sục một lúc, lại thét to:

- Chẳng có cái mốc gì cả!

Tôi thở phào! Chúng hú hí gọi nhau bước ra ngoài vườn chùa. Tiếng giày đinh xa dần. Tiếng tụng kinh của ông Bảy và tiếng chuông chùa cứ vang lên đều đều trong sáng sớm lẫn với tiếng súng nổ.

*

*   *

Giặc chia thành ba toán quét Hoà Phước và mấy thôn lân cận. Một toán từ trên xuống, đi dọc mé sông Thu Bồn, đâm thẳng vào Hoà Phước. Một toán từ đường cái quan thọc lên. Toán thứ ba từ phía bắc thọc vào. Toán này khi đến chòm đa Lý bị du kích ta ném lựu đạn, chết ba đứa. Ở Hoà Phước chúng chĩa súng bắt bảy người. Thằng Cù Lao chạy cắm cây nò về chưa đến chùa giặc đã tràn đến. Bí quá, nó chạy dọc bờ bụi đến nép trong cây sung. Ở các thôn khác, giặc bắt mười một người. Tất cả đều bị tập trung ở cuối con đường cái vào đồn Giao Thuỷ. Chúng bắt mỗi người đào một cái hố. Đào xong, chúng bắt xếp thành một hàng dọc. Mười bảy phát súng nổ. Cứ mỗi phát súng là một người ngã gục. Còn lại người thứ mười tám, đó là ông Kiểm Lài, chúng chừa lại. Bắn xong, thằng chỉ huy sai chặt mười bảy cái đầu cho cắm trên mười bảy cây cọc, đóng thành hàng dọc bên con đường cái. Làm xong việc đó, giặc đuổi ông Kiểm Lài về, dụng ý để ông nói lại cho mọi người biết cách trừng phạt của chúng!
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #55 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2011, 09:27:38 pm »

9

Mùa mưa lại đến. Gió và mưa! Mưa và gió! Gió đập ầm ầm vào cây sung tơi tả. Mưa xối ào ào như có ai cầm chĩnh trút nước. Trời Hoà Phước tối lại. Lô-cốt Hoà Phước xoá mất trong mưa. Mưa tầm tã như không bao giờ dứt. Lách tách! Tôm, tôm, tôm! Mưa gõ nhịp đều đều nghe buồn đến chảy nước mắt! Chùa Hoà Phước càng hiu quạnh. Thằng Cù Lao hay nhắc đến cha nó. Tôi cũng trông mẹ hồi cư…

Thấy mưa, ông Bảy Hoá nói:

- Ông cứ mưa! Có bao nhiêu nước cứ trút xuống. Mưa nhiều càng tốt…

Chú Năm Mùi giữa đêm ghé vào chùa, nói với ông Bảy:

- Mưa to mà hay! Mình đi đâu đố thằng địch biết được! Mưa là trời giúp!

Mưa xoá hết vết chân của cán bộ. Mưa che kín hình dáng anh Bốn Linh, chú Năm Mùi, anh Bảy Hoành về hoạt động ở Hoà Phước. Mưa phủ trên sông, che kín chuyến đò qua lại. Anh Bốn Linh đến thăm những gia đình có người bị giặc giết. Ông Quý nói:

- Thằng em tôi chúng giết! Một mạng người phải đền mười mạng! Anh cho tôi mượn cây súng của tự vệ.
Cho tôi mười viên đạn.

Bà Điểu gạt nước mắt:

- Chú Năm Mùi nói giặc đến nhà đàn bà phải đánh! Anh Bảy bày tôi cách đánh giặc với.

Con đò Hoà Phước hoạt động lại. Đò chỉ đưa trong đêm. Khi mưa to, dù địch đốt pháo sáng cũng không thấy được. Thằng Cù Lao giỏi việc lèo lái, từng theo bà con đi khơi, từng gặp mưa to gió lớn, nay lái một chiếc đò qua lại con sông nhỏ hẹp, thấy chẳng khó gì! Con đò làm bằng một chiếc xuồng nhẹ hai chèo. Ban đêm, có mưa đổ đò lại đưa. Người đi đò phải ngồi bệt giữa lòng xuồng, một tay bíu chặt vào be, một tay ôm chiếc pháo tre có sẵn. Thằng Cù Lao giương buồm. Buồm chỉ nhỏ bằng chiếc chiếu. Chiếc đò trong tay thằng Cù Lao hoá linh hoạt. Nó biết tính hướng gió. Có lúc nó chống thuyền lui xuống thật xa mới cho đâm ngang. Có lúc chống thuyền lên xa mới giương buồm chạy!

Chị Ba cho biết như vậy là thằng Cù Lao đã được lên công tác ở huyện. Tôi tưởng lên công tác ở huyện là phải ngồi trên huyện. Ai ngờ, nó đi chèo đò! Tôi cũng được lên công tác ở xã. Cụ thể là phải qua xóm Cây Thị để… nấu cơm.

*

*   *

Tôi và thằng Cù Lao về xóm Cây Thị. Xóm Cây Thị có nhiều thay đổi. Nhiều người lạ mặt kéo đến. Ban ngày thấy vắng lặng, ban đêm lại đông vui. Một vài chú ở xa đến, giọng nói trọ trẹ rất khó nghe. Có người đeo súng lục. Đeo súng lục là loại cỡ. Một thanh niên có cái ống dòm. Anh đặt ống dòm lên mắt, vừa vặn vặn vừa dòm. Anh nói với bạn bè xung quanh:

- Nó đã về kia, nó đứng trước miếu kia.

Tôi đưa mắt nhìn lên miếu chẳng thấy ai về cả.

Chị Ba chỉ cái ống dòm, nói với thằng Cù Lao:

- Cái ống thiên lí “xa soi nghìn lối” của thầy Lê Hảo kia!
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #56 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2011, 09:29:12 pm »

Tôi được anh thanh niên cho nhìn vào ống dòm. Tôi nhìn lên miếu. Bỗng nhiên, ngôi miếu nhích lại gần, nom rõ được cả cái bậu cửa. Tôi thấy rõ một người ngồi trước cửa miếu, mồm đang nhóp nhép. Tôi cứ xin được ngắm ống dòm. Anh thanh niên biết tôi mê ống dòm, khi nhờ việc gì, anh gạ:

- Chạy mau! Về đây anh sẽ cho xem ống dòm!

Ở xóm Cây Thị, một hôm tôi rất ngạc nhiên gặp lại chú Tám. Trông chú diện quá! Áo sơ mi trắng, mũ cối mới tinh. Đầu tóc mới hớt, tóc chải ngược, trán chú hoá cao, trông oai phong hoạt bát, không còn hom hem như lúc ở chùa Hoà Phước. Chú ôm choàng chúng tôi, hỏi chúng tôi về xóm Cây Thị hôm nào, chú ở trên Miếu Đôi nên không biết.

Chú Tám xổ bọc, tìm gương tìm lược để chải tóc, tôi thấy trong xắc chú có cái ống dòm.

Tôi kêu lên:

- Ối! Cái ống dòm!

Thì ra cái ống dòm của anh thanh niên là cái ống dòm của chú Tám cho anh ấy mượn.

Thằng Cù Lao mỉm cười:

- Chú lấy ống dòm, ngồi trên hốc cây sung dòm vào lô-cốt Hoà Phước, phải chưa?

Chú Tám cười:

- Sao Cù Lao biết?

Thằng Cù Lao thú thật nó nói chặn ngọn, thế mà trúng. Chú Tám cho biết ống dòm chỉ dòm được bên ngoài lô-cốt. Muốn biết bên trong địch có súng gì, bố trí ra sao, ta phải vào nhìn tận mắt. Việc đó địch không cho phép. Nhưng ta cũng phải có mẹo.

*

*   *

Thằng Cù Lao thỉnh thoảng biến mất ở xóm Cây Thị. Có khi vài hôm nó mới quay về.

Bữa ăn, chị Ba nói:

- Thằng Cù Lao đi theo các anh trinh sát, chưa về đâu!

Nó lộn về dẫn theo một chú bộ đội đeo súng lục mặc quân phục màu xám. Chú bộ đội làm tôi ngờ ngợ, không biết chú có bà con gì với hoà thượng Kiết Ma không? Chú có má tóp, quai hàm bạnh ra, có tai vểnh giống như tai hoà thượng Kiết Ma. Nhưng đôi mắt lại khác. Mắt chú này luôn luôn mở to, vui vẻ. Không như mắt của hoà thượng lim dim như buồn ngủ. Chú này nhanh nhẹn như con thoi, hoà thượng lờ đờ như người bị đói. Chú đội một chiếc ca-lô vừa to vừa rộng bao kín cả đầu, tôi không thể biết đầu chú có trọc như đầu hoà thượng Kiết Ma hay không.

Tôi cười với thằng Cù Lao:

- Nè Cù Lao, chú bộ đội đi với mày sang quá!

- Ừ, sang quá!

- Chú tên chi?

- Vĩnh Xương.

- Chú có bà con chi với ngài Kiết Ma không?

Thằng Cù Lao mỉm cười:

- Không biết!

Tôi hỏi nhỏ:

- Có thấy được cái trốc chú không?

- Không thấy!

Chú Vĩnh Xương và thằng Cù Lao đi với nhau, cùng tâm sự xem rất ăn ý. Có lúc, chú Vĩnh Xương gọi nó là mày, xưng là tớ, thân mật như quen biết từ lâu. Chị Ba đã nói lập trường của nó kiên định, việc gì nó cũng giỏi. Nó được cấp trên tín nhiệm là phải.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #57 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2011, 09:30:12 pm »

*

*   *

Tôi cũng được gặp chú Vĩnh Xương. Việc đó được anh Bốn Linh tin tôi biết trước. Thằng Cù Lao đưa tôi đến gặp chú.

Chú Vĩnh Xương đón tôi bằng cái bắt tay rất chặt. Chú giở mũ ca-lô. Rõ ràng hoà thượng Kiết Ma vừa hiện ra trước mặt. Đầu tóc chú ngắn không khác đầu một ông sư. Chú cười:

- Có phải hoà thượng Kiết Ma không nào?

Tôi cười. Hai bên đã hiểu nhau. Chú Vĩnh Xương hỏi tôi có muốn học thêm các miếng vật không. Chú hứa sẽ bày cho tôi vài thế vật mới. Đó là việc sau này. Nay chú muốn hỏi tôi vài việc. Chú rút ra một tờ giấy nói rõ từng tiếng một:

- Đây là tên họ một số đồng bào ở Hoà Phước. Tất là là bảy người. Chú sẽ đọc từng tên. Trong bảy người này, người nào Cục biết mặt thì nói biết. Phải biết rất rõ, ở xa vài mươi thước cũng nhận ra được, nghe chưa?

Chú Vĩnh Xương đọc tên từng người. Người nào tôi cũng biết rõ, cũng quen. Chú Vĩnh Xương xếp giấy bỏ vào túi:

- Đây là những người tốt cả. Nhưng họ hay ra vào nhà ông Cửu Cang. Ta tin, nhưng phải đề phòng.

Chú Vĩnh Xương nhìn thẳng vào tôi:

- Công việc phải gấp. Tớ phải gặp ông Cửu Cang, nhờ ông Cửu Cang giúp ta một việc. Chỗ gặp phải an toàn. Nơi đó phải trống, phải nhìn xa được xung quanh. Từ xa, có ai đi đến là ta phải thấy trước. Anh Bốn Linh đã chọn chỗ cây duối gần đám khoai của nhà Cục. Chỗ đó là tốt nhất.

Chú Vĩnh Xương biết nhà tôi có một đám khoai ở giữa đồng. Chú nói càng rành rọt hơn:

- Ngày mai đúng lúc nửa chiều Cục ra đám khoai để làm cỏ khoai. Nhớ mang theo cái cuốc. Đám khoai đó là của Cục. Cục đến làm cỏ, chẳng ai nghi ngờ chi hết. Sẽ có một người đưa ông Cửu Cang đến chỗ cây duối. Cục vừa ngồi nhổ cỏ vừa chú ý xung quanh. Nhớ là phải ngồi. Nhưng nếu thấy có ai đi đến, Cục phaả đứng lên giả vờ hốt cỏ. Nếu có người nào trong số bảy người này đi đến, Cục phải cầm lấy cuốc giả vờ vun trồng khoai. Tóm tắt có ba dấu hiệu: ngồi, đứng và cuốc đất.

Chú Vĩnh Xương thấy tôi có vẻ xúc động, chú ngồi im một lúc mới nói tiếp:

- Đây là việc rất bình thường. Ta phải gặp người làm cho địch, nhờ họ làm cho ta vài việc, có gì lạ đâu!
Chú Vĩnh Xương bảo tôi lặp lại tên bảy người chú vừa đọc, lặp lại đến lần thứ ba những việc chú đã nói. Chú còn dặn thêm: Phải tuyệt đối giữ bí mật, phải luôn luôn bình tĩnh, phải rất đúng hẹn. Vừa rồi, chú có gặp cha tôi ở tiểu đoàn 17. Cha tôi cũng dặn tôi những điều đó. Tôi là đội viên, đây còn là công tác của đội giao cho. Chú Năm Mùi sẽ gặp tôi, dặn tôi một số việc khác.

*

*   *

Tôi theo chú Tám sang đò về ngay Hoà Phước, vào ở trong chùa. Xế hôm sau, tôi vác cuốc ra chỗ đám khoai ngồi làm cỏ đúng như chú Vĩnh Xương đã dặn. Một chốc sau thấy chú Vĩnh Xương đến. Chú mặc quân phục, áo có bốn túi, đeo quân hàm, oai phong như một vị tướng. Tôi rất ngạc nhiên. Các chú bộ đội tôi thấy không ai có quân hàm, nay thấy chú Vĩnh Xương đeo quân hàm, oai quá! Tôi nhìn ra xa, một chú bộ đội nai nịt gọn gàng đi với Cửu Cang cũng vừa đến. Chú bộ đội đến trước mặt chú Vĩnh Xương rút tay chào, như báo cáo với cấp trên đã thi hành mệnh lệnh. Chú Vĩnh Xương làm động tác cho phép rút lui. Chú quặt tay ra sau lưng nhìn thẳng ông Cửu Cang. Ông Cửu Cang đứng yên cúi đầu, hai tay vòng trước bụng. Không biết chú Vĩnh Xương đang nói gì, ông Cửu Cang thả rơi hai tay gật đầu lia lịa. Tôi liếc nhìn rồi lại nhổ cỏ. Chú Vĩnh Cương chỉ tay về phía lô-cốt Hoà Phước, ông Cửu Cang lại vòng tay, lại gật gật. Tôi nhìn khắp chung quanh. Xa xa rải rác vài người làm đồng. Chốc chốc, họ đứng lên rồi lại cúi xuống lặng im làm việc.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #58 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2011, 09:31:24 pm »

Ông Cửu Cang gập người chào chú Vĩnh Xương, đi về ngả xóm dưới. Chú Vĩnh Xương đi về ngả trên, biến mất sau phía chòm sung. Tôi về nhà bà Hiến. Đêm xuống được một lúc, anh Bốn Linh đến gặp tôi. Anh dắt tôi len lỏi qua nhiều xóm làng đến gặp một con đò. Qua đò xong, chúng tôi đi một lúc lâu, lại gặp một con đò khác. Qua đò xong, chúng tôi đi đến khuya về đến xóm Cây Thị.

*

*   *

Các chợ có bán đủ loại gà. Nhưng không ai bán gà trống thiến. Chị Ba phải đến hỏi các nhà giàu mới mua đuợc một cặp gà trống thiến.

Tôi ngứa ngáy, giả vờ hỏi:

- Chà, gà trống thiến! Béo quá! Ngon phải biết! Bao giờ làm thịt hở chị Ba?

Chị Ba quắc mắt:

- Mày bắt mà làm thịt! Của anh bộ đội đó!

- Anh bộ đội mua để làm chi, chị Ba?

- Để đi lễ thầy dạy học đó!

Chị Ba cười. Tôi biết không ai đi lễ thầy dạy học cả một cặp gà trống thiến. Đi lễ thầy học một gà trống choai cũng đã ít ai làm. Tôi nhớ đến chuyện gà trống thiến của hoà thượng Kiết Ma ở chùa Hoà Phước trong đêm khuya nọ: “Cặp gà trống thiến… Dâng bọn chỉ huy lô-cốt… Ta theo vào”. Chuyện gà trống thiến đêm hôm nọ ở chùa cũng chính là chuyện chị Ba sắm gà trống thiến hôm nay. Vì hoà thượng Kiết Ma không phải ai khác mà là chú Vĩnh Xương. Chính chú Vĩnh Xương đã bày ra kế dâng gà trong khuya hôm nọ. Tôi đã hiểu hết kế hoạch của chú Vĩnh Xương để điều tra bên trong cái lô-cốt. Chú Vĩnh Xương thông minh thật! Chú dùng tay sai của giặc giúp ta điều tra tình hình của giặc. Cửu Cang lấy cớ dâng gà, nhập vào bên trong lô-cốt, địch không nghi ngờ gì được.

*

*   *

Chị Ba đi vắng. Tôi chạy lên chỗ Miếu Đôi tìm thằng Cù Lao. Mấy hôm nay thằng Cù Lao hay lại qua trên đó. Quanh miếu vắng người, trong miếu lại thấy đủ cả, có anh Bốn Linh, chú Năm Mùi, cả chú Tám và chú Vĩnh Xương cũng ngồi trong đó. Anh Bốn Linh bảo nhỏ tôi đi nơi khác. May có chú Vĩnh Xương ra dấu hiệu cho phép tôi ngồi lại.

Chú Năm Mùi mở bọc giấy lấy ra một áo đen đưa cho thằng Cù Lao:

- Mặc thử coi.

Thằng Cù Lao mặc áo vào. Chú Năm giúp thằng Cù Lao xóc cổ, cài khuy. Đó là một áo dài vào loại sang. Áo bằng loại sa đen gọi là sa văn minh có bông rất đẹp.

- Khăn đen đây!

Chú Năm vừa nói vừa đưa cho thằng Cù Lao một khăn đen để nó đội lên đầu. Chú Năm đưa thêm cho nó
một quần trắng có nếp là thẳng tắp.

Anh Bảy Hoành cười:

- Diện quá! Công tử Bạc Liêu không bì kịp!
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #59 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2011, 09:32:35 pm »

Tôi cũng không ngờ áo quần làm thay đổi con người đến vậy. Thằng Cù Lao hom hem lúc bắt cá đã biến thành một vị công tử phong lưu. Nếu tôi được mặc một bộ đồ như vậy nhất định tôi phải bỏ thói thích vật, đi rông và trêu chó. Hoà thượng Kiết Ma mặc một bộ đồ như vậy nhất định không bị bọn lính ở lô-cốt đá cho một đá phải đi cà nhắc. Chú Vĩnh Xương bảo thằng Cù Lao ăn mặc như vậy mới đủ lễ nghĩa làm người đệ tử xách lồng gà đi lễ các quan lớn trong lô-cốt. Chú dặn thằng Cù Lao phải nhớ kĩ những điều chú chỉ bảo. Mọi việc đã rõ: Thằng Cù Lao được vinh dự đóng vai người đệ tử đi theo ông Cửu Cang vào điều tra bên trong lô-cốt Hoà Phước.

*

*   *

Thằng Cù Lao gặp chú Vĩnh Xương, hai người giữa khuya sang đò về Hoà Phước, mang theo bu gà thiến. Thằng Cù Lao, chú Vĩnh Xương, chú Tám, anh Bốn Linh đều vắng ở xóm Cây Thị. Xóm Cây Thị không còn như trước, nhà cửa vắng tanh. Bộ đội thường về lúc trời tối. Họ trình giấy tờ, ngủ lại một đêm. Trời chưa sáng họ đã thức dậy, đến một xóm khác ở xa trong núi, tên là Xóm Mới. Phải băng qua nhiều ngọn đồi đầy gai góc mới vào đến Xóm Mới. Ở đó chẳng thấy gì mới, chỉ thấy có một ngôi chùa cũ, trống hoác, chẳng có Phật chẳng có sư. Xung quanh Xóm Mới chẳng thấy xóm làng. Có một trạm gác đặt trước chùa. Tôi phải dừng lại ngoài trạm gác. Bộ đội sau khi trình giấy được vào thẳng trong chùa. Anh Bốn Linh, chú Năm Mùi, du kích Hoà Phước cũng thấy ra vào đó. Có cả chú Tám. Chú thấy tôi liền giơ tay ra hiệu. Thằng Cù Lao vừa thấy tôi chạy vụt ra mừng rỡ:

- Vừa mới đến hả?

- Mày làm chi đây?

- Lo nước nôi cho hội nghị.

- Hội nghị chi?

- Hội nghị… sa bàn…

Chú bộ đội đứng gác ra hiệu cho thằng Cù Lao phải quay vào, và tôi phải quay ra.

Khi có người vào Xóm Mới, chị Ba nói:

- Các anh vào trong đó nhớ mang luôn mấy thứ này.

Đó là những gạo, những mắm, những cá khô. Các chú bộ đội dồn ba lô cho nhau, xung phong khiêng gánh. Có lúc tôi đi dẫn đường. Chị Ba viết vài chữ gửi vào Xóm Mới. Xóm Mới đưa một số bộ đội ra xóm Cây Thị. Họ theo chị Ba lên Miếu Đôi, mở thùng gỗ, lấy những lựu đạn, những bộc phá, to bằng núm tay, bằng cổ chân, có cần, có râu nom dễ sợ, sẵn sàng nổ “đoàng”, biến Miếu Đôi thành mây khói. Các chú bộ đội lấy ra, đặt vào thúng gánh vào Xóm Mới như người bán gạo, bán mắm.

*

*   *

Ông Bảy Hoá và ông Kiểm Lài đột ngột hiện ra ở xóm Cây Thị. Hai ông lên Miếu Đôi nhận những thùng chông sắt. Ông Bảy nhận thêm những võng gai, xẻng nhỏ, đợi đến khuya mang về Hoà Phước. Thầy Lê Hảo, ông Bốn Rị, ông Quý cũng có ở xóm Cây Thị. Người nào cũng nhanh chân nhanh tay làm không kịp thở. Họ gặp anh Bốn Linh trao đổi chuyện riêng. Thầy Lê Hảo cùng anh Bốn Linh đi dọc bến đò dòm dòm ngó ngó. Ông Bốn Rị gặp anh Bốn Linh, vội vàng chạy ra bến đò giúp việc cất giấu những chiếc xuồng nhỏ, ông chạy lên Miếu Đôi lăng xăng giặt rửa giường chiếu, quét dọn xung quanh như sắp có lễ. Đột ngột, chị Tuyết Hạnh cũng về ở Miếu Đôi. Chị cười lém lỉnh:

- Về đây để dự giỗ tổ!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM