Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:37:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện văn  (Đọc 27666 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 09:45:40 am »

Rừng xưa xanh lá

Bùi Ngọc Tấn

1
Cơm áo không đùa với khách thơ
Xuân Diệu
Cơm áo không đùa với bất kỳ ai. Lại càng không đùa với các nhà văn nhà thơ. Nhất là vào cái thời cuối thập niên 80 (của thế kỷ trước) nền kinh tế cả nước đang chuyển từ hệ thống bao cấp sang kinh tế thị trường. Biến động mạnh từ suy nghĩ, quản lý, hàng hoá, giá cả tới bản thân giá trị đồng tiền.
Ðình Kính, nhà văn quân đội với đồng lương đại uý (ngày ấy anh đeo lon bốn sao một vạch) mà phải cùng vợ nuôi hai con nhỏ đang đi học, đó là chưa kể bố mẹ già. Không dám ước vọng cao xa ti vi cát xét tủ đứng tủ li. Chỉ nghĩ đến cái ăn để tồn tại, có đủ tiền mua sách bút, đóng tiền học cho con và có đủ tiền mua được manh áo ấm cho bố mẹ vợ con mỗi khi gió rét từ biên giới thổi về. Lại còn phấn đấu có một chút dự trữ chiến lược phòng khi ốm đau.
Phải có tiền. Tiền là tiên là phật, sức bật tuổi trẻ, sức khoẻ tuổi già.. . Và cũng chỉ còn mỗi cách kiếm tiền: Viết thuê. Dùng nghề nghiệp của mình kiếm sống. Thôi thì đành gác lại những trang sách vẫn nghiền ngẫm nung nấu, những tác phẩm sẽ được viết ra bằng tim gan mình. Hãy để lại sau. Ðể đến bao giờ chưa biết, nhưng trước mắt là kiếm sống.
Ðình Kính đã đi viết thuê và đã kiếm được tiền. Bữa ấy anh lang thang vào tận vùng rừng núi Ðồng Nai, tìm ra được một ông giám đốc một lâm trường quốc doanh và cũng là một đồng hương. Ông là người đi đầu trong việc tháo gỡ cơ chế cũ, táo bạo, dám nghĩ dám làm, một người có thể tuyên dương anh hùng được mà bắt bỏ tù cũng được theo như quan niệm của thời đầu mở cửa. Anh đã hoàn thành một bộ phim về ông, về lâm trường. Phim đã chiếu cho lâm trường xem và còn được phát cả trên màn ảnh nhỏ. Không thể diễn đạt được xúc động của lâm trường, của ông giám đốc khi thấy hình ảnh mình trên ti vi. Với lâm trường, Ðình Kính là một thiên tài, là hiện thân cho sức mạnh toàn năng của nghệ thuật. Phấn khởi đầy lòng, ông giám đốc nọ nhờ Ðình Kính giúp cho một tập sách về đơn vị.
Nghĩ ngay đến những bạn bè cũng đói rách như mình, nhưng Ðình Kính vẫn làm ra vẻ cân nhắc, đắn đo:
- Sếp nói rất chính xác. Giấy trắng mực đen bình thường thôi nhưng vô cùng quan trọng. Nó đi vào từng gia đình, từng người. Nó đi vào chiều sâu lòng người. Nó đi vào thư viện. Con cháu chúng ta vào thư viện là sẽ biết cha ông chúng đã sống và làm việc như thế nào. Phim cũng quan trọng nhưng không thể ví với sách được. Nhưng đây là một việc khó khăn, một mình tôi không làm nổi. Phải vài người cùng làm mới bảo đảm được thời gian. Ðể kỳ này ra Hà Nội tôi nói khó với mấy anh ngoài ấy.
It ngày sau Ðình Kính đưa hai nhà văn khác cùng vào. Giám đốc rạng rỡ nét mặt khi được giới thiệu đó là hai nhà văn nổi tiếng, những cái tên ông đã nghe thấy từ lâu mà hôm nay ông mới vinh dự được gặp. Với thói quen của một người làm kinh tế, giám đốc cho thảo hợp đồng gồm những nội dung chủ yếu: Thời gian hoàn thành bản thảo là hai tháng, ăn nghỉ, tầu xe ra vào lâm trường lo, khi bản thảo được duyệt và thông qua, mỗi nhà văn sẽ được bồi dưỡng một chỉ vàng! (Giám đốc giải thích thêm: Phải quy ra vàng các đồng chí ạ. Nếu tính nhuận bút bằng tiền tôi sợ thiệt cho các nhà văn. Ba trăm đồng tháng này là ba trăm, tháng sau còn trăm rưởi, tháng sau nữa chỉ còn một trăm. Cho nên ta cứ tính thành vàng, vàng bản vị, các nhà văn tán thành không? Nhất trí! Tiếng ba nhà văn đồng loạt cất lên.) Mỗi người một chỉ vàng! Một tài sản khó mà hình dung được ngày ấy!
Như mở cờ trong bụng, ba nhà văn nhanh chóng dự các cuộc họp, nghe báo cáo, xuống các đội sản xuất, vào rừng vẩn vơ, nhìn suối chẩy, nghe chim hót để lấy... không khí.
Ba người không viết ở lâm trường. Ðích thân giám đốc đưa họ xuống biển, xuống Long Hải, một khu nghỉ mát sang trọng, yên tĩnh, cách Vũng Tầu hơn mười ki lô mét. Chả lâm trường còn liên doanh với một đơn vị du lịch và có những khách sạn sát biển. Ông giám đốc họp toàn thể cán bộ nhân viên khách sạn để giới thiệu ba nhà văn:
- Trân trọng giới thiệu với các đồng chí ba nhà văn quốc gia! Ba nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội. Các đồng chí vào giúp chúng ta viết và xuất bản một tập sách về lâm trường. Ðây là nhà văn Ðình Kính mà các đồng chí đều đã biết. Ðây, nhà văn Chu Lai, nhà văn quân đội kiêm kịch sĩ. Còn đây nhà văn Nguyễn Quang Thân, tác giả nhiều tập tiểu thuyết, truyện ngắn mà các đồng chí đã đọc.
Các nhà văn lần lượt đứng lên, cúi đầu chào, nở nụ cười khiêm tốn, lịch sự, nụ cười ra mắt. Ông giám đốc ôm vai từng người như những chiến hữu cánh hẩu trước bao con mắt kính phục của các nhân viên dưới quyền. Ông nói về việc bố trí phòng ở "mỗi người một phòng, trong phòng phải có cả bàn viết", về tiêu chuẩn ăn, về lượng bia phải có hàng ngày, không được để các đồng chí ấy thiếu thốn cái gì:
- Còn khoản thuốc lá nữa. Các nhà văn hút nhiều, hút nặng đấy. Mỗi người một ngày một bao thuốc lá Jet. Nhớ là thuốc lá Jet. Các đồng chí ấy chỉ hút thuốc lá Jet. Ðừng có mang Ba số đến. Ðừng tưởng ai cũng thích Ba số cả đâu!
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Ba, 2021, 11:38:43 am gửi bởi ptlinh » Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 09:46:15 am »

- Mỗi nhà văn một ngày một bao Jet! Ông nhắc lại một lần nữa và nhìn lướt đám nhân viên của ông như nhắc họ chớ quên điều quan trọng ấy.
Ðám cán bộ nhân viên xì xào:
- Mình thì cứ cho Ba số là nhất. Khách nào cũng Ba số.
Những tiếng thì thầm ấy đến tai giám đốc. Ông cười, hài lòng. Còn anh chị em nhân viên khách sạn từ ấy nhìn giám đốc của mình với đôi mắt hoàn toàn khác: Sếp không chỉ là người quản lý tài ba táo bạo, mà còn là chiến hữu với các nhà văn lớn, những nhà văn quốc gia, hiểu biết cặn kẽ những điều nhỏ nhất trong sở thích của họ.
*
*    *
Ba nhà văn của chúng ta bắt tay vào việc bán chữ. Tất nhiên là sau khi tắm biển, uống bia, ăn sáng và phì phèo thuốc lá Jet.
Chu Lai, Ðình Kính hút thử một hơi và ho sặc sụa. Cả hai đều không biết hút. Còn Nguyễn Quang Thân hút vào lại thở ra, không có tí khói nào lọt tới họng, phì phò như một cái bễ. Thân hút thuốc lào, Thân chịu được, không ho. Thân nhận trách nhiệm thỉnh thoảng làm một điếu trước đám nhân viên khách sạn. Ba phòng làm việc của ba nhà văn lúc nào cũng có ba bao thuốc lá bóc dở và có tàn thuốc trong ba cái gạt tàn. Nguyễn Quang Thân chẳng viết được một dòng nào, nhưng bù lại, Thân bập bập thuốc lá chăm chỉ. Cứ xuất hiện giữa đám nhân viên khách sạn là Thân bật lửa châm thuốc. Ác cái là loại thuốc Jet này quá nặng. Chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà ông giám đốc anh hùng kia lại tuyên bố là các đồng chí ấy chỉ hút thuốc lá Jet. Ðừng có mang Ba số đến. Ðừng tưởng cứ Ba số là hay đâu. Không. Ba số hay lắm chứ đồng chí giám đốc ơi. Ba số có bập bập thế này cũng không ho. Ba số dễ bán. Giá cao. Bán ở đâu cũng được. Ba người đã đi chung quanh khu nghỉ mát, rụt dè hỏi han xem người ta có mua thuốc lá Jet không. Họ đều lắc. Ở đây không ai hút Jet. Ở đây người ta chỉ hút thuốc thơm. Ba số, Dunhill, bét ra cũng Capstan. Jet không bán cho ai được.
Không bán được, không hút nhưng vẫn nhận thuốc đều đặn. Một tháng đầu đã 90 bao thuốc Jet. Trừ ba bao để ở ba phòng cho Nguyễn Quang Thân hút nghi binh còn 87 bao. Chỉ trông cái túi du lịch phồng căng cũng đủ sốt ruột. Cho nên thật tỉnh người khi Chu Lai nguyên chiến sĩ đặc công nước từ đâu chạy về khách sạn:
- Mình đã tìm được nơi bán thuốc lá Jet rồi. Chỗ này nó không mua thuốc gì khác ngoài thuốc Jet.
Chuyện cứ như đùa. Cứ như thần thoại.
- Thật không ?
- Ở đâu ?
Chu Lai nhấn mạnh:
- Nó không mua thuốc gì! Nó chỉ mua thuốc Jet! Nó đang chờ mình ở cuối bãi tắm! Ði nhanh!
Thế thì thật rồi! Ðặc công có khác! Giỏi thật! Cả ba ôm túi du lịch chứa đầy thuốc lá ra khỏi khách sạn. Ông chủ nhiệm khách sạn đang ngồi trong phòng Reception tươi cười :
- Vừa tắm rồi các nhà văn đã lại tắm nữa à? Máu thế?
Ðình Kính cười tít mắt:
- Biết làm sao. Lại thích bơi!
Cả ba bước nhanh ra bãi tắm, còn nghe tiếng trầm trồ của ông chủ nhiệm :
- Chịu mấy ông. Giữa trưa nắng thế này mà cũng rủ nhau đi tắm biển. Ðúng là văn nghệ sĩ!
Ba nhà văn cuốc thẳng ra bãi tắm, cười rinh rích về phẩm chất nghệ sĩ của mình.
- Ðâu? Nó đâu?
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 09:46:43 am »

Chu Lai chỉ tay về một chấm đen ở cuối bãi. Tới nơi, một thanh niên ngồi trên xe 67 chờ sẵn. Chu Lai ôm túi du lịch nhẩy lên ngồi sau xe, vênh mặt nhìn hai người, đắc thắng. Xe vút nhanh phóng ngược trở lại. Cát bay mù mịt. Nguyễn Quang Thân, Ðình Kính đứng nhìn theo mãi chiếc Honda 67 rũi bụi dọc bãi tắm và khuất vào khu khách sạn. Hai người rất ngạc nhiên thấy chiếc xe quay về ngay, lần này phóng nhanh hơn lần trước, tiếng rú rít lên giận dữ.
Từ trên xe, Chu Lai xách túi du lịch nhẩy xuống, cái túi vẫn căng phồng như thế. Dừng lại một tí. Hình như là để cãi cọ. 67 phóng đi. Rồ ga. Thổi bụi vào mặt Chu Lai.
- Sao ? Sao lại quay lại ?
- Không bán được à ?
Chu Lai nhăn nhó:
-Tưởng bán ở đâu. Ai ngờ nó lại bán cho đúng khách sạn ba thằng mình ở!
*
*      *
Thuốc lá rồi cũng bán được. Ði xa hơn. Bán ít một. Giá rẻ. Thế thôi.
Còn lại là viết. Nhưng chỉ Chu Lai, Ðình Kính viết. Nguyễn Quang Thân không. Không được chữ nào. Lại còn hay sang quấy nhiễu:
- Cách đây mấy năm tớ đi dự tổng kết của một ngành. Trong hội nghị có lựa ra một số ít cốt cán tin cậy cho đi xem vi đê ô. Vi đê ô ngày ấy còn là của hiếm. Mấy ai được xem. Mình được chọn. Nhà văn nhé. Ðảng viên nhé. Không được đi thì còn ai vào đấy. Mình vẫn ức cái dạo xem phim Chiến tranh và hoà bình. Cán sự ba mới được xem. Mình mới cán hai. Lần này thì không trệch được. Ðúng giờ các đồng chí cốt cán xếp hàng một đi xem trước bao con mắt thèm thuồng ghen tị của các đại biểu khác. Bọn này hồi hộp đi không một tiếng động. Tới một cầu thang đã có người đứng chờ sẵn. Kéo rèm. Bấm đèn. Hất hàm ra hiệu để chỉ lối. Tới một thang gác khác. Lại kéo rèm. Lại đèn pin lập loè, thì thầm: Các đồng chí đi lối này. Tối tối rợn rợn đến nỗi có lúc mình tưởng như đang đi xem thử bom nguyên tử.
Thân cười khặc khặc:
- Mà hôm ấy chiếu một phim rất vớ vẩn. Một băng tâm lý sướt mướt của Ðài Loan.
Hôm khác Thân lại sang, mồm phì phèo điếu Jet:
- Này. Tớ kể cho các cậu chuyện này...
Lần này bị cự tuyệt thẳng thừng:
- Thôi. Ông về cho người ta viết. Ông có muốn vỡ hợp đồng không thì bảo.
Thân về nhưng lại sang. Không cười mà cứ ấp úng:
- Mình muốn nói với các cậu. Nhưng không biết có nên không. Mình cứ nói nhé.
Ðược khuyến khích, Thân mạnh dạn :
- Mình nhớ Dạ Ngân quá. Không biết có cách nào kéo Dạ Ngân ra đây được không?
Ðề nghị ấy được cả nhóm ủng hộ ngay. Có Dạ Ngân, chắc chắn Thân sẽ để yên cho hai người viết. Kính đặt vấn đề với chủ nhiệm khách sạn. Ô kê. Nguyễn Quang Thân toại nguyện. Chu Lai, Ðình Kính không bị quấy rầy, năng suất tăng hẳn.
Cứ thứ bẩy ông giám đốc lại từ rừng xuống biển. Tiếng ông oang oang giữa đám nhân viên dưới quyền.
- Chuẩn bị nhé. Hôm nay làm việc khuya đấy.
Ông về duyệt những trang bản thảo vừa được viết trong tuần. Ông có tác phong làm việc dứt điểm. Duyệt từng phần. Và cuối cùng duyệt lại một lượt toàn bộ là xong.
- Tuần trước ăn gì rồi nhỉ. Cháo chim à? Hôm nay thay món khác đi. Làm món gì nhẹ nhưng lại có thể lai rai được. Gà à? Không. Có đồ biển gì không? Mới ăn cua xong à? Ðồ biển ăn nhiều rồi à? Hay là ăn thịt nai rừng ?
Cả khách sạn sôi động lên khi sếp từ rừng về với những mệnh lệnh oang oang. Họ biết thế là lại bao nhiêu trang sách, những dòng văn chương viết về họ, bạn bè họ, tuôn chẩy từ những bộ óc nhà văn hẳn là rất đặc biệt và khác thường kia. Ðã bao lần họ nín thở nhìn trộm qua cánh cửa khép, thấy những cái lưng cong cong, cái đầu bù xù cúi xuống và bàn tay cầm bút bò chậm chạp trên trang giấy. Ôi! Thật là cao cả thiêng liêng! Lại còn những lúc các nhà văn ngồi thừ thượi nhìn vào những dòng vừa viết. Nhìn như muốn xuyên thủng giấy. Nhìn, mắt rỗng không. Nhìn đấy nhưng chẳng nhìn thấy gì. Cả khi họ đẩy cửa đem vào phích nước sôi mới. Viết văn, quả là ghê. Lao tâm khổ tứ, vắt óc, bại người, tổn thọ. Bây giờ mình đã nhìn thấy người ta viết văn rồi. Mấy ai được như vậy!
Vốn là chuyên gia trong việc viết thuê, Ðình Kính, Chu Lai biết phải viết như thế nào. Phải có tình hình gay go. Phải có lúc tưởng như bế tắc. Phải có những đêm khuya trằn trọc trăn trở. Phải có những ngày dài bức xúc. Phải có tinh thần trách nhiệm. Những cuộc họp. Những phút giây loé sáng. Những dám nghĩ dám làm. Phải có đối thoại. Phải có tả cảnh. Không ai bảo ai, cả hai cùng thống nhất một văn phong. Ðó là thứ văn không phải để xem bằng mắt mà để nghe bằng tai. Bởi vì ông sếp không xem. Ông sếp chỉ nghe đọc lại.
Tối nay làm việc đến khuya. Ba nhà văn quốc gia của chúng ta tề tựu đông đủ. Chu Lai ngồi cầm xếp bản thảo vừa hoàn thành trong tuần, rỗ rỗ xuống mặt bàn cho ngay ngắn, lật lật vài trang, nhíu mày chăm chú, hoặc cầm bút chữa một chữ nào đấy, có khi chỉ là tô lại một nét mờ, hoặc xem lại chỗ nào cần uốn giọng, cần nhấn mạnh, cần ngẩng đầu lên. Nguyễn Quang Thân khoanh chân vòng tròn, bắn một điếu thuốc lào, móp má kéo cho thật đã, để rồi sau đó có thể chăm chỉ thực hiện nhiệm vụ bật lửa bập bập thuốc lá Jet. Ðình Kính hết nhìn mấy cô phục vụ bưng vào những bia, những nước ngọt, lại nhìn ông giám đốc tanh tách bật lửa ma nhê tô hút ba số. Sếp toàn hút ba số. Thế mà lại đi tuyên bố bọn mình chỉ hút thuốc lá Jet. Chẳng ra làm sao! Cũng may đã tìm được nơi bán. Ở đây người ta ít hút thuốc này lắm. Chỉ mấy anh xích lô, mấy chú xe lam. Mỗi ngày bán được vài bao là nhiều. Có, các chú cứ mang ra đây. Vài bao. Vài là ba. Vừa quá. Mỗi ngày bọn mình cũng chỉ ba bao.

Dù tiết mục duyệt bản thảo này đã được tiến hành mấy lần rồi nhưng vẫn cứ căng thẳng. Vẫn cứ hồi hộp. Căng thẳng hồi hộp cho đến khi sếp tuyên bố ta bắt đầu làm việc thôi các đồng chí nhé. Như chỉ đợi có vậy, Ðình Kính tóm tắt những đoạn đã được duyệt kỳ trước và sau đó giọng đọc của Chu Lai bắt đầu một tối làm việc tới khuya.
Ðình Kính kéo Chu Lai đi đánh thuê là có cân nhắc kỹ lưỡng. Không phải chỉ vì Chu Lai là một nhà văn đã thành danh, dễ dàng gây nên cú sét mến phục từ cái nhìn đầu tiên, cũng không phải Chu Lai từng là đặc công đã lăn lộn ở vùng này. Ðiều chủ yếu Ðình Kính chấm Chu Lai là ở giọng đọc. Không chỉ lão luyện ở những chiêu văn hùng tráng, là một diễn viên kịch nói, Chu Lai có một giọng đọc không chê vào đâu được. Ấm. Vang. Âm. Sang sảng. Lăn vào lòng người.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 09:48:08 am »

Cái trò đọc truyện đêm khuya không là cái đinh gì với Chu Lai. Nhưng không được chủ quan. Dù chính là người viết ra nó, anh vẫn đọc kỹ lại một hai lần, để thể hiện đúng tình cảm. Chu Lai như đã nhìn thấy trước hiệu quả của từng chữ phải nhấn mạnh, những chỗ tạm ngừng, những từ phải đọc uốn cong lên mà anh hình dung ra ngay từ khi còn đang cầm bút viết.
Ông giám đốc im lặng đốt ba số. Lắng nghe. Ðình Kính, Nguyễn Quang Thân cúi đầu, thỉnh thoảng lại liếc trộm ông giám đốc, dò tìm phản ứng trên nét mặt đăm chiêu của ông. Sao ông ta lại chau mày. Ðoạn này có gì không ổn đâu. Chỉ là nói về nghị quyết đảng bộ lâm trường thôi. Sao ông ta lại ngả hẳn người ra ghế lim dim mắt thế kia nhỉ? Hay ông ta ngủ. Kìa. Sếp đã cười. Sếp còn gật gật nữa. Chắc ăn rồi. Thắng rồi. Chắc chắn sản phẩm của mình đã làm vừa lòng sếp, đã được sếp duyệt, sếp OTK rồi. Mà không ưng sao được khi giọng oanh vàng của Chu Lai ngân nga: Rừng xưa lá úa. Nhưng những con người đến cùng rừng hôm nay đã thay lá cho rừng. Không phải đất trời, sự vận động của thời tiết, của bốn mùa đã làm nên điều kỳ diệu ấy. Mà chính là những con người(...) (...) Con đường mới mở trong rừng đâu phải chỉ làm bằng máy móc. Trước hết nó được làm bằng trí tuệ, bằng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước yêu chủ nghĩa xã hội của những người làm việc âm thầm không cần ai biết đến, lặng lẽ giản dị như những gốc cây rừng (...) (...)Ngồi trên chiếc xe lu lăn trên con đường xuyên rừng đang được hoàn thiện, họ có cảm giác đây là con đường tiến vào thế kỷ 21 và thả tâm hồn vào thiên niên kỷ tới. Giám đốc không ưng sái cổ sao được khi vẫn cái giọng tuyệt vời của một diễn viên đã bao lần chinh phục khán giả trên sàn diễn tiếp tục: Rừng thay lá. Rừng sống lại. Rừng lại hát khúc ca hùng tráng của rừng. (Ðọc đến đây Chu Lai ngừng lại, ngước nhìn lên mà chẳng nhìn ai, với cặp mắt thẫn thờ thăm thẳm chiều sâu.) Ðình Kính cha đẻ của những dòng văn ấy và cả Nguyễn Quang Thân không đóng góp một chữ nào cũng thấy sởn hết cả gai ốc vì xúc động. Giám đốc kêu lên :
- Tốt! Tốt! Cứ như vậy là rất tốt!
Và quay ra cửa hét to:
- Các đồng chí chuẩn bị ăn khuya đến đâu rồi? Xin phép các nhà văn, tôi ra xem anh em họ làm ăn ra sao.
Ngồi trong buồng còn nghe thấy giám đốc nói với chủ nhiệm khách sạn ngay phía ngoài cánh cửa (rõ ràng đủ to cho bên trong nghe thấy):
- Ðồng chí có trách nhiệm hỏi ba nhà văn xem có cần giải trí không? Nhà văn cũng là người chứ! Cũng cần giải trí chứ! Ðả thông các đồng chí ấy đừng ngại. Các đồng chí ấy giải trí không phải vì các đồng chí ấy, mà vì chúng ta, vì công việc, vì lâm trường!
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 09:48:56 am »

Hai tháng qua nhanh. Bản thảo đã hoàn thành. Hợp đồng đã kết thúc. 180 bao Jet trừ ba bao để ở ba phòng, còn lại một trăm bẩy bẩy bao đã được bán, tiền đã được cho vào túi. Tên tác phẩm đã được đặt. Ðứa con tinh thần ấy được các ông bố thống nhất đặt tên là RỪNG XƯA XANH LÁ. Nhưng lại xẩy ra một trục trặc nhỏ: Những ai là tác giả, những ai đứng tên ngoài bìa sách? Nguyễn Quang Thân tự xét mình không đóng góp một chữ nào cho tập sách này, nhất định không chịu ký tên:
- Bỏ tên tớ ra. Tớ không muốn là kẻ đạo văn.
Chu Lai trừng mắt:
- Ông đã được ở đây hai tháng. Ăn uống. Bia bọt. 59 bao thuốc Jet. Lại đón Dạ Ngân ra. Không ký tên là không xong đâu!
Ðình Kính ôn tồn:
- Ông Thân không ký tên cũng được. Thôi thì tiền thuốc lá Jet chúng tôi cho ông. Nhưng cái khoản một chỉ vàng ông phải để lại. Hai thằng tôi cưa đôi.
Ðòn ấy làm Thân choáng. Coup décisif! Thân đành chấp nhận ký tên, chấp nhận làm kẻ đạo văn.
Sau bữa liên hoan chia tay có cả sâm banh, có cả bia và đủ thứ sơn hào hải vị, ba nhà văn được ông giám đốc trực tiếp nong vào ngón tay mỗi người một chiếc nhẫn một chỉ vàng kết thúc hợp đồng. Nguyễn Quang Thân tút về Cần Thơ với Dạ Ngân. Chu Lai, Ðình Kính về thành phố Hồ Chí Minh. Từ bến xe, hai người hai chiếc xe đạp khung dựng guồng về khu nhà nghỉ của Hải Quân. Ðình Kính vừa đạp xe vừa ngắm chiếc nhẫn vàng óng trên ngón tay nắm ghi đông. Một chiến công. Một thắng lợi dòn dã. Ðây là chiếc nhẫn vàng thứ hai trong đời Ðình Kính. Chiếc nhẫn vàng thứ nhất mua cách đây không lâu. Biết bao phấn đấu, tằn tiện của hai vợ chồng mới có được. Mua về, gói vào vải, bọc túi ni lông, cho vào tủ rồi, nằm ngủ rồi, lại tung chăn, dậy mở tủ lấy nhẫn ra ngắm, rồi lại gói lại bọc lại cất, mới vào màn ngủ được. Chỉ vàng to lắm, mấy ai có...
Ðang ngẫm ngợi như vậy thì đã tới Thảo cầm viên. Một đám đông con gái trẻ măng ríu rít ùa ra, vây lấy hai đồng chí bộ đội. Một cuộc tập kích bất ngờ. Người nắm ghi đông. Người nắm tay. Người ôm vai. Người bóp đùi. Người kéo áo. Hoảng. Hoảng quá. Không còn biết ra sao nữa. Dù họ trẻ. Dù họ đẹp. Họ nũng nịu. Họ tươi như hoa. Dù họ ríu rít như chim:
- Hai anh. Ði đâu mà vội thế?
- Dừng lại. Ði chơi với chúng em.
- Ði. Chút xíu thôi mà, anh Hai.
- Anh Hai. Xem em nè.
Vội xuống xe, kẻo ngã. Họ nài nỉ. Họ thơm tho. Họ nưng nức nước hoa. Họ phụng phịu như dỗi. Họ nắm chân nắm tay, họ ôm lấy hai người.
Cố gắng gạt bầy tiên nữ ấy ra, hai nhà văn thoát khỏi vòng vây, lên xe guồng một mạch về nhà nghỉ. Vừa đặt ba lô xuống, thoáng nhìn bàn tay đeo nhẫn, Ðình Kính rụng rời: Chiếc nhẫn vàng trên ngón tay không còn nữa!
- Chu Lai ơi! Cái nhẫn của mình mất rồi! Giọng Ðình Kính thất thanh.
Chu Lai giật mình giơ tay lên. Nhẫn vẫn còn.
Ðình Kính nằm vật xuống giường không nói được một lời. Tiếc đã hẳn. Nhưng giận. Giận điên lên, cái lũ con gái khốn nạn ấy. Và cuối cùng thì phục. Cái nhẫn khi ông giám đốc đeo vào ngón tay mình còn chật cơ mà. Không hiểu nó lấy cách nào nhanh thế.
Lại phải cười vì Chu Lai cứ giơ bàn tay có nhẫn ra trước mặt như khiêu khích. Ðình Kính bảo:
- Mất. Tức thì tức thật nhưng phải công nhận chúng nó tài. Nó đã nâng lên hàng nghệ thuật.
Một lúc sau lại:
- Tài thật! Tài thật!
Chu Lai tiếp:
- Tài đến thế là cùng! Tiên sư em Tào Tháo!
Ðang đau như hoạn cũng phải cười. Ðang cười bỗng im bặt. Giật mình. Sục vội tay vào túi quần. Thở phào. Chỗ tiền bán thuốc lá Jet vẫn còn.
Lời cuối truyện: Xin lỗi các bạn Ðình Kính, Chu Lai, Nguyễn Quang Thân và cả Dạ Ngân nữa. Nếu các bạn không bằng lòng, hãy cứ coi đây là chuyện...bịa.
Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 09:49:59 am »

2

Chuyện ở thành phố Hồ Chí Minh: Một lần Dương Tường đưa nhóm hoạ sĩ 5 người (gang of five) từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh mở triển lãm. Nguyễn Quân mời tất cả tới khách sạn chiêu đãi. Dương Tường đi xích lô, tay cầm tờ Vietnam News cẩn thận, bước vào khách sạn. Người gác cửa khách sạn to lớn, mặc sắc phục nắm chặt vai anh đẩy ra vỉa hè:
- Không được bán báo ở trong ấy! Ði ra ngoài kia mà bán!
Chuyện ở Hà Nội:
Một ngày giáp tết, nghe mấy hoạ sĩ trẻ rủ rê, Dương Tường đi chợ hoa với họ. Vào chợ, họ tản mát khắp nơi để chọn bằng được một cành đào ưng ý. Lơ ngơ một mình giữa chợ, Tường mua đại một cành đào, vác ra ngoài cổng chợ đứng chờ. Ðang cầm cành hoa mới mua, xo ro trong mưa dầm gió bấc, bỗng một bàn tay nắm lấy vai anh, đẩy anh vào trong chợ:
-Không được bán hoa ở đây! Mang vào trong chợ mà bán!
Ðó là người bảo vệ chợ.
Người ta nhầm Dương Tường là người bán báo, người bán hoa. Nhưng học theo cách nói của Nguyễn Tuân, tôi nghĩ chưa ai nhầm Dương Tường là nhà thơ, nhà văn hoá cả...

Buổi biểu diễn kết thúc, đèn bật sáng trong những tràng vỗ tay ran và khán giả đứng dậy ra về, gặp tôi trong hành lang nhà hát, lối thông lên sân khấu, bà Lorelle Browning vẫn giữ nguyên nụ cười trước thành công của buổi diễn. Thấy tôi, bà tiến sĩ người Mỹ này dừng lại, chắp hai tay trước ngực, xá tôi một xá và cúi đầu chào tôi một cách rất phương Ðông:
-Chào ông. Tôi là bạn của ông Dương Tường.
Tất nhiên bà phát âm lơ lớ, kiểu phát âm của một người ngoại quốc đang tập nói những câu giao tiếp tiếng Việt. Và một trong những câu đầu tiên bà học để có thể tự nói bằng tiếng Việt là câu nói trên. Tôi là bạn của ông Dương Tường. Trong câu chuyện giữa chúng tôi đó là câu duy nhất bà nói không phải qua phiên dịch. Còn cứ là phải nhờ "phiên dịch" Thu Hà, một nữ nghệ sĩ sân khấu xinh đẹp, người vừa từ sàn diễn trong vai một phu nhân lộng lẫy quyền quý của Giấc mộng đêm hè bước xuống.
Hồi chiều, khi đoàn kịch nói Việt-Mỹ (tôi cứ tạm đặt tên như vậy) vừa từ Hà Nội về Hải Phòng, còn đang nhận phòng tại khách sạn Hoà Bình trước cửa ga, tới thăm nữ nghệ sĩ Thu Hà, tôi đã gặp bà Lorelle Browning tại đó. Bà cùng ông chồng ở phòng gần bên. Thu Hà giới thiệu tôi với bà một cách vắn tắt nhất:
-Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, bạn của nhà thơ Dương Tường.
Bà reo lên:
-A!
Và đứng thẳng người, chắp hai bàn tay trước ngực, xá tôi một xá:
-Chào ông. Tôi là bạn của ông Dương Tường.
Ðó là một cách nói: Tôi với ông là bạn. Bởi chúng ta cùng có một người bạn chung: Ông Dương Tường. Nó cũng đồng thời như một chứng chỉ bà là người bạn của nghệ thuật Việt Nam.
Chúng ta còn nhớ năm 1999, một đoàn kịch nói Việt Nam đã sang Mỹ diễn Hồn Trương Ba da hàng thịt. Một tháng rưỡi đoàn lưu diễn ở các trường đại học. Diễn tiếng Việt nhưng phụ đề màn hình bằng tiếng Anh. Tưởng như sẽ khó khăn cho việc tiếp nhận nghệ thuật, cho việc giao lưu tình cảm giữa sàn diễn và người xem. Nhưng kết quả có thể nói là vượt sự mong đợi. Dư luận Mỹ rất hoan nghênh. Hoan nghênh về nghệ thuật. Hoan nghênh về một hình thức giao lưu văn hoá mới, về sự hiểu nhau thêm giữa hai dân tộc. Mặc cho một số Việt kiều quá khích ở Los Angeles biểu tình phản đối, những buổi biểu diễn của đoàn kịch Việt Nam vẫn cứ đầy ắp người xem. Diễn xong khán giả còn đứng dậy hoan hô (đứng dậy hoan hô là một hình thức hoan nghênh đặc biệt tại Mỹ).
Một năm sau, năm 2000, chương trình hợp tác sân khấu Việt Mỹ lại có những sáng kiến mới. Không chỉ là đoàn kịch nói Việt Nam sang Mỹ như trước, hay ngược lại, một đoàn nghệ sĩ sân khấu Mỹ tới biểu diễn ở Việt Nam, mà là các diễn viên Mỹ và Việt Nam cùng diễn chung một vở, diễn viên Việt nói tiếng Việt, diễn viên Mỹ nói tiếng Anh, tất nhiên là phải dùng đến phụ đề trên màn hình vi tính. Vở được chọn là Giấc mộng đêm hè của Sêch-xpia. Và Những con thú thuỷ tinh (The glass menagerie) của Tennessee Williams, Mỹ. Tôi gặp bà Lorrelle trong dịp đoàn về Hải Phòng công diễn hai vở trên trước khi bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Bà Lorrelle là chủ nhiệm chương trình. Diễn ở các thành phố lớn Việt Nam rồi sẽ sang Mỹ biểu diễn. Chắc chắn chương trình giao lưu nghệ thuật này có tác dụng góp phần vào việc nhân dân hai nước hiểu nhau hơn, một bước tiến trong quá trình hai dân tộc cùng nhau hướng tới tương lai.
Nhưng thật ít người biết được rằng sáng kiến gây tiếng vang này lại nẩy sinh trong một buổi trò chuyện về sân khấu giữa Dương Tường với bà Lorrelle. Là tiến sĩ văn khoa, giảng dạy ở trường đại học Pacific University, bà tới Việt Nam giảng dạy về Sêch-xpia ở trường Ðại học Huế và trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Những lúc rỗi rãi bà muốn có người trò chuyện. Một hôm bà ngỏ ý ấy với cô Diana, một người nước ngoài làm phóng viên cho tờ Vietnam News: Giá có ai ở Hà Nội mà nói chuyện về Sêch xpia được thì thích quá nhỉ?
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 09:50:30 am »

Cô Diana tươi cười bảo bà:
- Có chứ. Sao lại không?
Cô Diana đưa bà Lorrelle Browning đến nhà Dương Tường, 3B Phan Huy Chú. Thế là chuyện dứt không ra. Rất tâm đầu ý hợp. Tường nói cho bà biết Tường đã dịch Sêch-xpia, sân khấu Việt Nam đã từng dựng Sêch-xpia: Rô-mê-ô và Juy-li-et, vua Lia. Ô-ten-lô thì đang dựng dở... Bà Lorrelle nói về Sêch-xpia bên Mỹ, về những nhà hát đã công diễn Sêch-xpia, về sự mãi mãi say mê của công chúng Mỹ đối với nhà viết kịch vĩ đại...
Bỗng nhiên Tường hỏi:
-Sao bây giờ chúng ta không làm một cuộc trao đổi sân khấu giữa Việt Nam và Mỹ nhỉ?
Ðó là một ngẫu hứng, một ngẫu hứng "nhiều khi không phải xuất phát từ những kế hoạch định sẵn, mà nảy ra từ sự gặp gỡ giữa con người với con người cụ thể" như một bài báo đã viết về anh.
Lorrelle Browning im lặng. Bà suy nghĩ và như đang cân nhắc những vấn đề gì đó. Rồi bảo:
-Tôi phải xem sân khấu Việt Nam thế nào đã.
Dương Tường đưa bà khách Mỹ, một chuyên gia về Sêch xpia của nước Mỹ tới gặp những người có trách nhiệm trong Hội Nghệ sĩ sân khấu. Trọng Khôi, Nguyễn Ðình Nghi vốn từ lâu đã là những người bạn của anh. Ðôi bên thống nhất trước tiên hãy cử một đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ công diễn một vở kịch Việt Nam, tất nhiên là diễn bằng tiếng Việt. Bà Lorrelle đề xuất sáng kiến khắc phục rào cản ngôn ngữ bằng phụ đề. Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ được chọn. Nhạc sĩ Xuân Oanh dịch kịch bản. Dương Tường hiệu đính. Tường cùng Trọng Khôi làm dự toán. Bà Lorrelle không biết mỏi mệt trong việc chạy thủ tục, chạy kinh phí. Cuối cùng ông Oscar người Thuỵ Ðiển đại diện quỹ Ford-Foundation tại Việt Nam đồng ý tài trợ cho cả chuyến đi.

Dương Thụ nói rằng Dương Tường là người của giao tiếp.Vợ con anh bảo anh ham vui, thích lang bang nơi này nơi khác. Ngay từ thập kỷ 60, thời gian rất căng thẳng, mặc dù đã bị công an thẩm vấn nhiều lần, mỗi bước đi đều bị giám sát chặt chẽ, anh vẫn cứ lang bang. Anh tin rằng rồi người ta sẽ hiểu anh, anh chỉ đến với nghệ thuật và như vậy chẳng có gì để sợ. Với lại cảm giác "nhồn nhột sau gáy"[1], anh đã quen rồi. Như anh quen với việc một số người, trước đây từng là bạn, lảng tránh anh. Những người anh đến chơi cũng đều là những người đã quen "giật mình một cái vỗ vai"[2] như quen với sự hiện diện của anh. Thế giới giao tiếp của anh thật đa dạng. Từ ông chủ tịch hội nghệ sĩ sân khấu tới các diễn viên trẻ, từ những ông tổng biên tập báo tới các phóng viên mới vào nghề, từ những hoạ sĩ còn hàn vi, vẽ tranh bảo hộ lao động kiếm sống đến những nhân vật tiếng tăm như Nguyễn Tuân, Sĩ Ngọc, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên... Anh chơi thân với Văn Cao, với Trịnh Công Sơn. Nhà anh giống một câu lạc bộ. Câu lạc bộ đa ngành đa nghề. Trong đám khách đánh tá lả thâu đêm trên tầng gác mới xây thêm ở Mai Gallery ngõ số 3B Phan Huy Chú ta dễ dàng bắt gặp nhóm hoạ sĩ trẻ Hà Trí Hiếu, Ðinh Quân, Ðặng Xuân Hoà, Ðỗ Phấn...Cũng có khi là một đám khách "tạp" nhiều ngành nghề uống bia chuyện gẫu: Hoàng Cầm, Nguyễn Quân, Bảo Ninh, Dương Thu Hương. Và đoàn xe nổ máy ầm ầm đang ngoặt vào nhà anh mời anh đi ăn cơm cá bống kho phố Lò Ðúc kia là Thanh Sơn, nữ phóng viên báo Tuổi Trẻ Thuý Nga vừa từ thành phố Hồ Chí Minh ra, Ngô Hà Thái và Phạm Xuân Nguyên. Lại nữa, một ông già tuổi trên 90 nhưng còn rất nhanh nhẹn, khoẻ mạnh và cả vui tếu nữa: hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn đang dán mũi vào một tập tranh in. Vợ chồng Ðỗ Minh Tâm, Vũ Bích Thuỷ về nhà "chú Tường" như về nhà mình. Hoàng Ðức Nhuận từ Huế xuống ga Hàng Cỏ tới thẳng nhà Tường, quẳng ba lô trèo lên giường ngủ vùi, ngủ như chưa bao giờ được ngủ. ở Sài gòn anh có không biết bao nhiêu bạn : Cao Xuân Hạo, Nguyễn Thanh Bình, Lưu Công Nhân, Trịnh Cung, Trần Tiến, Hồ Thu Hồng, Tường Vân...Tôi nhớ vào buổi sáng sau khi bế mạc đại hội nhà văn một ngày, Nguyễn Thị Minh Thái và con gái lại nhà Dương Tường kéo chúng tôi đi ăn sáng tại một nhà hàng Lý Thường Kiệt và gặp Phú Quang ở đó,
Phú Quang mời Dương Tường vào thành phố Hồ Chí Minh dự một chương trình biểu diễn ca khúc của anh, Dương Tường nhận lời và hôm sau bay cùng Phú Quang tắp lự.

Châu Diên đã viết một bài về Dương Tường mà ngay đầu đề cũng đã nói đúng cái chất Dương Tường: Rồng rắn lên mây...Ông Tường có nhà không? Với ông Tường thì cẩn thận réo lên như thế cũng không thừa. Vì ông ... không bao giờ có nhà, ông vắng nhà ngay cả khi ông có nhà theo cái nghĩa dung tục đời thường. Ông đang vớ vẩn đâu đó... Ta cứ việc réo lên rồi ta cứ xộc đến với ông. Ông không từ chối ai hết.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 09:51:02 am »

Giờ đây người ta đã hiểu toàn bộ con người anh là thuộc về nghệ thuật. Câu nói hơi có vẻ to tát này chỉ để nói một điều: Ðã bớt đi những câu hỏi đặt ra về sự giao du phức tạp, đáng ngờ của anh và sự phức tạp đáng ngờ của chính bản thân anh. Bớt đi thôi vì ngoài những người "có vấn đề" lại còn cánh tây đầm cứ ra vào nhà ông Tường tơi tới. Luôn có những người châu Âu châu Mỹ, cao mét tám, hai mét, tóc vàng, tóc bạch kim, mắt xanh, mũi lõ, quần bò, quần soóc, váy dài, váy ngắn, đàn ông, đàn bà khoác ba lô, mang túi đi từ ngõ vào, hỏi những người trong ngõ bằng một giọng lơ lớ mà chỉ về sau mới quen, mới hiểu còn lúc đầu nghĩ mãi không ra:
-Tôi hoi nha ôn duôn tuôn.
Vào nhà ông Tường một lúc. Rồi ra. Chẳng biết chuyện với nhau những gì. Chỉ biết khi vào, tay xách một gói vuông vắn. Khi ra tay không. Xóm phố nhìn anh bằng cặp mắt soi mói ngờ vực. Anh được mời ra đồn làm việc. Và không quên phải cầm theo cái gói nhỏ người nước ngoài tặng anh: Một gói sách.
Ðầu năm 1990 Joren Gerhart, nhà nhiếp ảnh người Thuỵ Ðiển từ Hồng Kông tới Hà Nội và tìm đến Dương Tường do nữ phóng viên Shelly Goll giới thiệu. Chàng trai (bằng tuổi Hải Âu con trai anh) cao một mét chín tám này làm ảnh cho một số tạp chí của Hồng Kông, trong đó có chuyên mục chân dung nghệ sĩ cho tờ Asian art News. Anh ta ngỏ ý muốn được chụp ảnh một số văn nghệ sĩ Việt Nam. Rất vui vẻ, Tường kéo anh ta đi ăn cơm bụi, đi chơi, đến nhà những người bạn của anh ở Hà Nội, toàn những người Gerhart sẽ phải chụp ảnh. Anh chàng phóng viên nhiếp ảnh rất phấn khởi:
-Shelly Goll đã đúng. Cô ấy bảo cứ đến ông là gặp đủ mọi người.
Trần Phương Mai, con gái anh đưa Gerhart đến những địa chỉ phải đến. Chỉ ít ngày sau, Gerhart đã có trong tay chân dung những văn nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội. Rồi Mai đưa Gerhart vào Huế gặp Bửu Chỉ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, tổ chức chụp ảnh các văn nghệ sĩ Huế. Chưa hết, Mai còn đưa Gerhart vào thành phố Hồ Chí Minh... Kết quả chuyến đi của Gerhart là collection ảnh những văn nghệ sĩ tiêu biểu của Việt Nam. Và...Mai Gallery. Chính Gerhart gợi ý với anh là nên mở phòng tranh. Ðến nhà Dương Tường, đi cùng hai bố con anh, hiểu được kiến thức của anh đối với hội hoạ nói riêng và nghệ thuật nói chung cũng như sự quen biết rộng rãi của anh và bằng con mắt của một người am hiểu sinh hoạt văn hoá khu vực Ðông Nam Á, Gerhart cả quyết Gallery không chỉ giải quyết những khó khăn về kinh tế của gia đình anh mà còn giới thiệu được hội hoạ Việt Nam ra thế giới.
Mai Gallery ra đời.
Rồi Stephen Mac Guinness chủ Gallery Plum Bossoms được Trịnh Cung và Thi Uyên đưa từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đến thăm anh. Lại một phút giây xuất thần loé sáng: Dương Tường, Trịnh Cung cùng Nguyễn Quân làm việc với Gallery 7 Hàng Khay (do Việt Hải phụ trách) và Stephen, đề xuất một kế hoạch giới thiệu có hệ thống hội hoạ Việt Nam ra nước ngoài. Thế là năm 1991 lần đầu tiên hội hoạ Việt Nam được giới thiệu với một quy mô lớn ra quốc tế. Gallery Uncorked Soul (có nghĩa Tâm hồn bộc bạch) Hồng Kông đã giới thiệu và trưng bầy tranh Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Công Thành, Phạm Việt Hải, Trần Lưu Hậu, Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Hoàng Ðăng Nhuận, Ðỗ Thị Ninh, Bửu Chỉ, Nguyễn Quân, Nguyễn Thân, Buì Suối Hoa, Ðặng Xuân Hoà, Trần Trọng Vũ... Ðể đạt kết quả trên, Nguyễn Quân, Trịnh Cung, Dương Tường đã làm việc không mệt mỏi. Tường tập hợp cánh hoạ sĩ để họ chọn tranh. Nhà Tường lúc nào cũng đông hoạ sĩ. Jeffry nhà phê bình hội hoạ Mỹ được Plum thuê sang Việt Nam giám định tranh. Lúc đầu không có Trần Trọng Vũ. Tường đưa Plum đến nhà Trần Dần. Jeffry quyết định chọn Vũ. Lần đầu tiên, tác phẩm của Vũ được ra nước ngoài. Cùng với triển lãm, một catalogue được phát hành. Ðó là một cuộc triển lãm mang tính đột phá trong quá trình hội nhập của hội hoạ Việt Nam.
Ở Hồng Kông sau này có một gallery chuyên giới thiệu tranh và bán tranh của hoạ sĩ Việt Nam: Gallery Lã Vọng. Chủ gallery, bà Shirley Hui, một tiến sĩ người Mỹ gốc Hoa tới Việt Nam và đến Dương Tường. Gallery Lã Vọng là kết quả của những lần anh dắt bà Hui đến chơi Ðặng Xuân Hoà, Nguyễn Tư Nghiêm, nhóm 5 người (gang of five). Trong tập sách đầu tiên của Gallery Lã Vọng có đoạn viết:" Ông này (Dương Tường), nhà thơ và nhà phê bình lỗi lạc đã soi sáng cho tôi rất nhiều khía cạnh của văn hoá Việt Nam" (The latter, eminent poet and critic, has enlightened me greatly on many aspect of Vietnamese culture). Bà Shirley Hui còn kéo thêm bà Judith Day cộng tác và sau này khi bà Judith Day rời Hồng Kông về Mỹ, chưa có điều kiện mở gallery, bà lập salon tranh, triển lãm tranh Việt Nam ở Si-ca-gô, Nữu Ước và vài nơi khác.
Khi David Thomas, cựu chiến binh, giáo sư hoạ sĩ trường đại học Emmanuel, người đầu tiên tổ chức triến lãm mỹ thuật Việt-Mỹ mang tên "Nhìn từ hai phía" sang Hà Nội tìm đến Dương Tường, cảm phục nhiệt tình và kiến thức sâu rộng của anh đối với hội hoạ đã tới Hội đồng Văn hoá Châu Á (Asian cultural council) xin tài trợ để có thể mời anh cùng với Nguyễn Quân, Ðặng Xuân Hoà sang Mỹ, dự triển lãm thứ hai do David tổ chức với tên gọi "Cách nhau một đại dương". Ðó là vào năm 1995. Hộ chiếu đòi hỏi nhiều thủ tục không đơn giản. Một trong những thủ tục bắt buộc: anh phải là người của Hội Nghệ sĩ tạo hình. Mà Tường thì chưa ở trong bất kỳ một hội nghệ thuật nào (Cho đến tận bây giờ anh vẫn chưa có chân trong Hội Nhà văn). Anh phải làm đơn xin vào Hội Nghệ sĩ tạo hình, ngành lý luận phê bình. Hội đồng lý luận không giới thiệu anh lên ban chấp hành, mặc dù đơn của anh được Trần Lưu Hậu, chủ tịch Hội Ðồng nghệ thuật và Thái Bá Vân nhà lý luận hàng đầu ký tên giới thiệu. Mà thời hạn đi Mỹ đã gần kề. Bà Vũ Giáng Hương khi đó là Tổng thư ký Hội biết chuyện phát biểu:
-Anh Dương Tường viết những bài phê bình, giới thiệu hội hoạ rất có chất lượng, và viết nhiều hơn bất cứ một nhà phê bình chuyên nghiệp nào. Hai anh Thái Bá Vân, Trần Lưu Hậu đã giới thiệu. Nếu cần tôi xin là người thứ ba giới thiệu anh Dương Tường.
Dương Tường được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ tạo hình. Anh được cấp hộ chiếu đi Mỹ với tư cách là nhà phê bình nghệ thuật.
"Tường đã sang thăm Hoa Kỳ, đã tới Boston -Châu Diên viết như vậy- đã đi nhiều ngả, đã đến bên đài kỷ niệm có tên Bức tường Việt Nam. Một ngày cuối tháng chạp năm 1995, Tường ngồi thụp xuống chân đài kỷ niệm viết vội những dòng thơ bằng tiếng Anh, vẫn như mọi lúc, không bao giờ có ý định công bố, thơ viết vội cho chính mình, đơn giản là thơ, thế thôi. Tuy chỉ là ghi vội cho mình, song bài thơ đã lọt vào mắt xanh một chuyên san đại học Yale. Nữ nhiếp ảnh Ellen Kaplowitz đã xin phép viết bài thơ lên một tấm pa nen lớn đặt ngoài cửa ra vào triển lãm của chị. Còn hoạ sĩ Rodney Dickson thì in bài thơ của Tường vào thiếp mời triển lãm của mình có tên là Life~Death (Sống~Chết) đầu tháng 2-2001 ở New York".
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 09:52:40 am »

Tên Dương Tường cùng ngôi nhà của anh đã trở thành quen thuộc với nhiều người làm văn hoá nghệ thuật ở nhiều nước. David về Mỹ nói với bạn bè:
-Gia đình Hà Nội của tôi là nhà Dương Tường.
Anh được Cộng đồng Pháp ngữ mời sang Pháp. Anh sang Ðức trong Festival Gặp Việt Nam của Ðức. Tôi nói đùa với Dương Tường:
- Chỉ vì ham vui mà ông làm được khối việc ra đấy. Có thể gọi ông là Vụ văn hoá đối ngoại nghiệp dư. Ðược không? Dù lúc đầu có hơi phiền phức, nguy hiểm.
Tường cười:
-Cũng là do cái tính của mình.
Báo Lao Ðộng cũng đã phỏng vấn anh về đề tài này, tất nhiên không như chúng tôi đùa bỡn cùng nhau. Bài báo viết: ... không thể là ngẫu hứng, nó là kết quả của những tình bạn thâm giao với các văn nghệ sĩ tài năng từ lúc họ còn hàn vi, đến các hoạ sĩ trẻ thời mở cửa được "lăng xê" một cái là lên như diều...Ông được tiếng là người chu đáo tận tình với bạn bè. Và Tường đã bộc bạch: "Tôi yêu quý các nghệ sĩ, ở thế hệ đàn anh, đó là phẩm chất mà người Pháp gọi là "intégrité morale", tức là một sự toàn vẹn "nguyên khôi" hết mình, trung thực không thể chê trách. Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Trần Dần là những người như thế. Ðáng buồn là những con người như thế ngày càng ít. Với thế hệ trẻ tôi "sướng" lây cái sướng của họ: Không mặc cảm, không ràng buộc, với người đi trước họ không đạp đổ, vẫn kính trọng nhưng không bị đè...Tôi yêu văn hoá Việt Nam, nghệ thuật Việt Nam. Và tôi yêu tấm lòng đối với văn hoá Việt Nam của những người nước ngoài đến với Việt Nam, đến với tôi, một cô hoạ sĩ Hà Lan tôn thờ Trần Trung Tín của mình còn hơn Van Gogh, một David Thomas lặn lội gõ cửa các nơi để giới thiệu "Bẩy cột trụ hội hoạ Việt Nam" cho dân Mỹ.
Nói Tường ham chơi, ham vui là một cách nói yêu. Anh là người lao động nghiêm túc. Anh đã dịch hơn 50 đầu sách từ tiếng Anh, tiếng Pháp ra tiếng Việt. Ðó là những tác phấm nổi tiếng của văn học thế giới, những tác phẩm luôn gợi mở cho những người cầm bút Việt Nam những suy nghĩ mới mẻ về sáng tác, những tác phẩm mà Nguyễn Quang Thân nói đọc xong thay đổi cả nhận thức như Anna Karenina (Lev Tolstoi), Alexis Zorba (Nikos Kazantzaki, Hy lạp). Và Ðất dữ ( Jorge Amado, Brazil), Cuốn theo chiều gió (Margarret Mitchel, Mỹ), Ðồi gió hú (Emily Bronte, Anh), Cội rễ (Alex Haley, Mỹ), Con đường xứ Flandres (Claude Simon, Pháp), Bức thư của người đàn bà không quen (Stefan Zweig, áo), Người dưng (Albert Camus, Pháp), Truyện ngắn Tchekhov, nhiều vở kịch của Shakespeare như Othello, Anthony và Cleopatra, Ðêm thứ 12 v.v...Hiện Tường đang đánh vật với tiểu thuyết Trống thiếc của Gunter Grass, nhà văn Ðức, Nobel văn học 1999.
Không chỉ chọn sách dịch, Tường luôn cố gắng hết sức mình để đạt được một chất lượng chuyển ngữ tốt nhất. Những bản dịch của anh đọc thật sướng. Rất nước ngoài nhưng cũng rất Việt Nam. Và đặc biệt, rất Dương Tường. Anh quan niệm dịch văn học như sau: "Tôi muốn người dịch là đồng tác giả, làm sao vượt lên định kiến "dịch là phản", bản dịch phải là kết quả trong đó có 100 phần trăm tác giả và 100 phần trăm dịch giả, làm sao có thể ký tên (nói cho vui) Nguyễn Du-Dương Tường dưới bản dịch Truyện Kiều. Nói cách khác, bản dịch phải thể hiện cá tính của dịch giả trong từng chữ. Ðiều đó cũng tựa như trong âm nhạc, biểu diễn nhạc là "dịch" một tác giả theo cách của mình; cũng là Chopin, nhưng Chopin do Ashkenazy đánh là ký tên Ashkenazy, Chopin do Ðặng Thái Sơn đánh là ký tên Ðặng Thái Sơn...Tôi thích làm cái khó, làm cái gì hơn mình một tý, như người kiễng chân từng mi-li-mét. Tôi muốn mình phải dịch những gì có thể tác động đến văn học Việt Nam, đến người làm nghề văn thì mới bõ. Ðối với văn học đương đại, vấn đề không phải là viết khó hay dễ, mà cần phải biết có bao nhiêu con đường khác nhau, đó là gợi ý để mình thám hiểm. Ðừng ăn sẵn, dù là ăn sẵn của ông cha hay ăn sẵn của thiên hạ, phải phăng những con đường mới."
Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho những điều anh nói trên là tập "Những con đường xứ Flandres" của Claude Simon, Nobel văn học. Tường nói với tôi:
- Những con đường xứ Flandres chưa đến 400 trang mà tôi dịch lâu gấp đôi "Cuốn theo chiều gió" dầy cả ngàn trang. Tôi dịch vì nghĩ đến anh em viết mà chưa được đọc quyển này thì thiệt quá. Nhiều lúc rất mệt nhưng cố.
Trong lời giới thiệu in đầu sách, Tường viết: Tôi dám khẳng định: cuốn sách này sẽ chỉ có một công chúng hạn hẹp. Nó không dành cho những người tìm khoái thú dễ dàng ở một cốt truyện nhiều tình tiết ly kỳ hay éo le hấp dẫn theo cách thông thường. Chúa chứng giám là tôi tuyệt nhiên không có ý làm nản lòng độc giả, mà quả thực là ngay cả ở Pháp, quê hương của tác giả, thái độ của nhiều trí thức trung bình đối với sách của Claude Simon cũng chỉ "kính nhi viễn chi" mà thôi.
Song tôi lại dám nói những ai tìm đến cuốn sách này với lòng ham muốn khám phá đích thực sẽ như bị bùa mê và sẽ đọc lại nó chí ít vài lần nữa.
Lời giới thiệu này dành cho loại độc giả đó. Hy vọng nó sẽ cung cấp được một số đường dây khả dĩ giúp họ tìm được lối trong mê cung kỳ thú trong thi pháp tiểu thuyết của Simon.
"Những con đường xứ Flandres" đúng là một mê cung. Mê cung đối với người đọc, mê cung đối với người dịch vì nó là mê cung ngay cả đối với Claude Simon, người viết ra nó. Chính tác giả đã làm việc 8 tháng ròng trên từng đoạn nhỏ, trên từng dòng lẫn lộn không phân biệt, đến nỗi ông phải dùng những sợi chỉ mầu đánh dấu mới có thể định hướng được trong cái mê cung do chính ông tạo ra. Ðánh giá đúng công sức cố gắng của anh chuyển ngữ mê cung "Con đường xứ Flandres", Hội Nhà văn đã trao giải thưởng về văn học dịch cho anh.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 09:53:50 am »

Tổng kết về Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên viết:
Ông là nhà báo? dịch giả? nhà phê bình văn học? nhà phê bình mỹ thuật? nhà phê bình âm nhạc? nhà phê bình sân khấu? nhà thơ?
Ðúng cả.
Sau khi dẫn chứng về nhà báo, nhà dịch thuật của Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên chứng minh anh là nhà phê bình văn học:
"Hãy nghe ông Tường giải một nỗi buồn của Nguyễn Tuân: "Xưa nay, người ta ưa nhìn Nguyễn Tuân như một mặc khách không ngừng bị ám ảnh bởi nỗi khát khao xê dịch, luôn luôn thèm đi, cuồng đi. L'invitation au voyage -mà anh dịch rất hay là Thỉnh Du- đó là một khúc nhạc quyến rũ nhất đối với lòng chàng lãng tử họ Nguyễn. Nhưng những năm cuối đời, những chuyến đi xa dường như không cám dỗ anh nữa. Phải chăng nỗi cuồng đi đã nguội lạnh trong anh? Tôi, tôi nghĩ thế này: Có lẽ, như Celine làm cuộc viễn du đến tận cùng đêm, anh cũng thấy cần dành thời gian còn lại để hoàn thành cuộc viễn du đến tận cùng lòng mình. Vả chăng, theo tôi, cuộc hành trình lớn nhất, dài nhất trong đời anh- mà anh chưa đi hết- đó là cuộc hành trình chữ. Với anh, mỗi lần động bút là một chuyến phiêu du-du lịch trên địa đồ chữ nghĩa." Còn đây, ông viết về Raymond Carver-một Chekhov của nước Mỹ hậu hiện đại: Truyện ngắn của Carver tựa như những mẩu giáo khoa về phân huỷ. Làm thế nào để đánh hỏng đời mình và đời người khác, để nẩy sinh hằn thù điên loạn và tội ác? Carver đã tạo ra một thế giới thiếu vắng tình yêu, thiếu vắng đến độ dã man. "Chúng tôi nói gì khi bàn về tình yêu" là đầu đề một kiệt tác ngắn của ông. Thật kỳ lạ, từ lâu lắm rồi người ta đã quên hẳn không còn biết nói gì, nói thế nào về tình yêu. Trái tim bị xâm thực bởi quá nhiều tham vọng nhỏ nhoi đã trở nên khô héo cằn cỗi không còn biết đến nhịp đập yêu thương."
Cùng với Phạm Xuân Nguyên, tôi dẫn ở đây một Dương Tường phê bình hội hoạ bằng những gì tôi có trong tay: Một trích đoạn anh viết về Nguyễn Quân "Hành trình vào cái không nhìn thấy":
(...)Những tác phẩm gần đây của Nguyễn Quân vẫn lúa túa hình sắc, vẫn ươm những mảng mầu mát rượi như da thịt người con gái vừa tắm, song có phần u trầm hơn, vẫn chan chứa nhục cảm song chín mọng tịch lặng hơn. Xem tranh Quân, có lúc tôi tự nhủ: Này đừng mắc lừa! Lật cái lớp sum suê rực rỡ bên trên, ta sẽ thấy ở tầng sâu cái mà các nhà hiện tượng học hiện sinh gọi là "cô đơn bản thể". Nói cách khác là cái tâm thái bơ vơ lạc lõng mà vì nó, người nghệ sĩ cần đến nghệ thuật để hoà nhập trở lại vào âm dương vũ trụ...
Và những dòng anh viết về Hà Trí Hiếu: Hà Trí Hiếu có nỗi đam mê vừa cuồng nhiệt vừa e ấp, thể hiện ở độ ào ạt của mầu sắc và sự tinh tế của ánh sáng dường như được cổ vũ bởi sức sống bao lâu bị nén lại nay bỗng một lúc vọt trào: những bộ mặt không có nét với những cái hốc trắng thay vì miệng từ đó cất lên những khúc ca im lặng. Những con bò có khi dài ngoằng mà vẫn gợi một cảm giác vuông vức, thường là một mầu đất trầm tĩnh như cuộc đời người nông dân. Ở Hiếu, dạt dào cái trữ lượng đồng quê của một tâm hồn thôn dã chưa kịp thành thị hoá. Bút pháp và mảng mầu ngày càng thiên về xuất biểu của hoạ sĩ, nghịch lý thay, chẳng những không đối chọi mà còn bổ sung cho cái trữ tình của những Quê Việt, Khúc ca quê, Thôn nữ và Bò, cái trữ tình ngăn ngắt xanh trong đó lời ru của Mẹ quyện với giếng nước luỹ tre làng và trăng ca dao tưới sầu lên nỗi tủi phận của những cô gái lỡ thì.
Dương Tường là nhà báo (hẳn rồi vì anh là phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam) là nhà dịch thuật, là nhà phê bình hội hoạ, Phạm Xuân Nguyên còn khuyên chúng ta hãy lắng cùng Tường Văn Cao và xung động Icare, để thấy anh là một nhà phê bình âm nhạc, hãy nhìn cùng anh Vua Lear n chiều để thấy anh là nhà phê bình sân khấu. Và chắc chắn Dương Tường còn là một nhà thơ. Báo Lao Ðộng đã phỏng vấn anh: Liệu có quá nhiều "nhà" trong một ông Dương Tường? Hay dùng một hình ảnh trong câu thơ ông (được bạn bè sửa đi một chữ): "những ngón tay mưa, Dương Tường trên mái", ông thích nhất ngón tay nào của mình? Dương Tường đã trả lời : Thích nhất là ngón tay... thơ.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM