Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:36:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện tình của lính  (Đọc 3499 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 11 Tháng Tư, 2023, 03:26:08 pm »


- Tên sách: Chuyện tình của lính
- Tác giả: Nguyễn Ngọc Chiến
- Nhà xuất bản: Hà Nội
- Năm xuất bản: 2012
- Số hóa: giangtvx, ptlinh, chuongxedap





BỘ CỜ NGÀ VOI


Đây là lần thứ hai Xáng gặp ông Lãm, được đấu trí với ông trên bàn cờ. Chỉ có khác là lần này cuộc chơi không diễn ra ở nơi hội hè đông đúc như lần trước mà diễn ra ở ngay tại ngôi nhà hai tầng của ông Lãm, trên một chiếc chiếu hoa Trung Quốc được trải ngay ngắn giữa nhà, trên một nền gạch hoa cũng của Trung Quốc nhẵn bóng. Cuộc chơi chỉ có hai người nên không ồn ào, mất trật tự như trận thi đấu trước. Gã còn nhớ, ở cái lần đầu tiên gặp ông Lãm ấy, gã là một trong những tay cờ được ban tổ chức chọn vào trận chung kết sau khi gã đã thắng liên tiếp các tay cờ khác ở vòng loại. Gã trở thành đối thủ của ông Lãm và gã không ngờ bị ông hạ “nốc ao” luôn cả ba ván, đành chấp nhận đoạt giải nhì, xếp sau ông ta. Gã thua nhưng lòng gã vẫn cảm thấy lâng lâng. Bởi hôm ấy gã một mực cho rằng gã không thua ông Lãm, tay cờ của gã không thể thấp hơn ông Lãm. Sở dĩ gã phải xếp ở vị trí thứ hai là do hôm ấy tinh thần gã không ổn định khiến gã không thể dồn hết tâm trí cho cuộc chơi. Thứ nữa, ở một nơi đông vui, nhộn nhịp như hội cờ cũng có lắm yếu tố tác động đến tâm lý thi đấu của gã làm gã mất bình tĩnh nên mới bị bại trận. Trước đó gã chưa từng thua cờ ai. Ở bất cứ trận đấu nào, gặp bất cứ đối thủ nào, gã luôn luôn là người chiến thắng. Gã nhất quyết nếu tỷ thí chỉ có hai ngươi, gã sẽ chiến thắng, thế là gã quyết tìm cho được nhà ông Lãm, quyết thi đấu một trận để chứng minh hắn không thua bất kể ai.

Trước khi phóng xe vượt chặng đường gần ba mươi cây số đến nhà ông Lãm, Xáng đã tìm hiểu sơ qua về con người này. Gã nghe người ta nói rằng, ông Lãm không chỉ là một tay cờ cự phách, mà dòng dõi ông ta từ hai ba đời nay đều là những tay cờ khét tiếng. Nghe đâu, ngoài chơi cờ giỏi, ông Lãm còn là chủ nhân của một bộ cờ tướng có một không hai. Đó là bộ cờ mà tất cả các quân cờ đều được làm bằng ngà voi. Thế nên, ngoài việc chứng minh cho ông Lãm thấy tài chơi cờ thật sự của mình, gã còn rất muốn được chiêm ngưỡng bộ cờ quý giá ấy. Và nếu có thể, gã sẽ xin ông Lãm mang bộ cờ ấy ra chơi với gã. Gã rất muốn được một lần sờ tay lên các quân cờ đó, muốn biết cái cảm giác được chơi bộ cờ làm bằng ngà voi nó lạ lùng, sung sướng ra sao. Nào ngờ khi đến nơi, ông Lãm chỉ chấp nhận đáp ứng một trong hai nguyện vọng của gã. Đó là chơi cờ. Còn nguyện vọng kia thì ông từ chối. Nghĩa là gã không những không được chơi cờ ngà voi, mà ngay cả việc được nhìn thấy nó, gã cũng không thực hiện được. Tuy vậy, gã vẫn tỏ ra vui vẻ. Vì gã cho rằng bất cứ ai trong trường hợp này, kể cả gã, cũng đều xử sự như thế.

Trước khi bước vào cuộc chơi, gã cũng kịp đảo mắt nhìn ngắm qua quýt đồ nội thất trong nhà. Quả là giàu có và sang trọng, mà đến cả nằm mơ gã cũng không bao giờ có được. “Chắc hẳn ông Lãm là một người giàu, rất giàu là đằng khác. Thì cứ nhìn vào ông ta, từ cách ăn mặc chải chuốt, cho đến cái da mặt đỏ như thịt gà chọi cũng đủ biết ông ta đang sống một cuộc sống giàu sang, sung sướng đến thế nào. Nhưng thôi, kệ ông ta, mình phải tập trung vào chơi cờ, phải hạ gục ông ta trong lần gặp này” - Xáng thầm nghĩ và bắt đầu ngồi xuống nhìn chăm chăm vào bàn cờ trước mặt. Cái bàn cờ gỗ cũ kỹ, những quân cờ gỗ cũng cũ kỹ, xem ra nó đã được ông Lãm sử dụng từ rất lâu. Dẫu sao được chơi cờ trên cái bàn cờ gỗ cũ kỹ này gã vẫn thấy thú hơn nhiều so với chơi trên bàn cờ giấy hoặc bàn cờ nhựa ở nhà hắn. Chơi trên bàn cờ gỗ, gá khoái nhất là lúc bắt quân, được cầm quân cờ của mình mà đập đến “chát” một cái lên quân cờ của đối phương, nếu là các quân chủ lực như xe, pháo thì cái cảm giác khoan khoái càng tăng lên bội phần.

Nửa giờ trôi qua. Rồi một giờ trôi qua. Nắng thu vàng óng đã bắt đầu rót những tia nắng xuống hiên nhà. Những tia nắng chênh chếch xuyên qua giàn thiên lý trước sân, đậu trên ngưỡng cửa, rồi nhích dần, nhích dần về tấm chiếu hoa nơi ông Lãm và Xáng đang ngồi. Cuộc tỷ thí giữa hai kỳ thủ đã kết thúc ván thứ nhất! Đánh thêm một ván Xáng thôi không đánh nữa. Bởi đã ván thứ hai rồi mà gã vẫn thua, mà lại thua nhanh chóng hơn ván trước. Nếu tiếp tục đánh ván thứ ba chắc chắn gã sẽ lại thua nốt. Rút cục, cả hai lần gập ông Lãm gã đã không thắng nổi ông ta một ván nào. Đến lúc này thì gã phải thừa nhận là gã thua, chứ không thể đổ lỗi cho bất kỳ lý do nào được nữa. Đúng là lời đồn về tài chơi cờ của ông Lãm quả không sai tý nào. Ông ta thật cao cờ, thật mưu lược tựa như một vị tướng cầm quân tài ba, xuất trận là bách chiến bách thắng. Những nước đi của ông ta như làm chủ thế trận, như nhìn thấy ruột gan, óc não của đối phương. Từ xuất xe, vào pháo, nhảy mã, giục tốt, lên tượng... rồi các đường tiến, hồi, qua phải, qua trái, cắm, chọc, nhử, vây, kẹp, chặn, bắt... của ông ta thật là thiên biến vạn hoá không sao mà lường được. Ông ta có cách chơi dồn đối phương vào thế bí, chặn cứng các ngả, khiến quân cờ của gã tiến không xong mà thoái cũng chẳng được. Cờ của ông ta thì tung hoành ngang dọc, quân này giữ quân kia, bắt được một quân của ông ta phải đổi vài ba “mạng”. Cứ thế ông ta bao vây tứ phía, hạ dần xe, pháo của gã để rồi cuối cùng đánh tan sĩ, tượng, giáng một đòn chí mạng khiến gã phải bó tay. Ở ván thứ nhất, vài ba nước đầu gã còn có vẻ tự tin một chút, hy vọng một chút, nhưng đến những nước sau thì càng đánh gã càng lâm vào thế bí. Mồ hôi gã bắt đầu túa ra nhỏ tong tong xuống bàn cờ. Gã vò đầu bứt tai tìm đủ cách chống đỡ nhưng vẫn không sao đảo ngược được tình thế. Đến ván thứ hai thì ở ngay nước đi thứ mười bốn, gã đã hoàn toàn không làm chủ được thế cờ nên gần như phó mặc cho ông Lãm chi phối. Càng đánh, Xáng càng khám phá ra những nước cờ mà gã cho là vừa độc đáo vừa độc địa của ông Lãm. Đó là những nước cờ chớp nhoáng, xuất quỷ nhập thần, đầy ma lực, đầy sức mạnh. Những nước cờ như đánh vào tâm trí gã, buộc gã phải suy nghĩ đến đau cả óc để tìm cách gỡ rối. Những nước cờ như kim châm vào huyết mạch gã khiến gã phải tối tăm cả mặt mày, mụ mị cả đầu óc, để rồi cuối cùng không còn biết xoay sở ra làm sao. Trong khi đó thì ông Lãm cứ tỉnh bơ, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Cũng như các quân cờ đầy khí thế chiến thắng của ông, trông ông thật ung dung, đĩnh đạc. Một sự ung dung, đĩnh đạc của người chiến thắng. Sau mỗi nước đi, thấy đối phương gãi đầu gãi tai, nhấc lên đặt xuống quân cờ trong tay mà chưa biết phải đặt vào vị trí nào thì ông khẽ nhếch mép một cái rồi lấy chai rượu “Ông già chống gậy” đặt sẵn bên cạnh, rót ra ly tự thưởng cho mình một hớp. Xong, ông “khà” một tiếng, vuốt vội một cái lên mép rồi mới lại chăm chú nhìn xuống bàn cờ. Ông Lãm cũng rót cho Xáng một ly, những lúc gỡ được thế bí, gã cũng nâng ly rượu lên, hớp một hớp. Nhưng sao gã thấy rượu hôm nay đắng ngăn ngắt, dù gã biết rằng rượu của ông Lãm không phải là rượu xoàng.

Xong ván thứ hai, thấy gã cứ ngồi đực mặt ra không chịu xếp cờ, ông Lãm phải lên tiếng:

- Thôi à?
- Vâng, thôi!
- Tay cờ của cậu còn non lắm làm sao bì được với tôi.
- Vâng!

Sau tiếng “vâng”, gã chào ông Lãm rồi lầm lũi dắt xe ra về. Ra khỏi cổng nhà ông Lãm, gã phóng xe trên con đường đất bụi mù mịt. Lòng gã uất ức, tắc nghẹn, về đến nhà, gã nằm dài ra giường, thở dốc lên. Chưa bao giờ gã thấy nhục nhã như hôm nay, bực bội như hôm nay. Gã căm giận gã, căm giận ông Lãm, căm giận tất cả. Tại sao chứ? Tại sao gã lại có thể thua cờ ông Lãm, một người không có máu mặt trong chốn cờ bạc như gã? (câu này hơi tối nghĩa, lẽ ra phải là “Một người có máu mặt trong chốn cờ bạc như gã tại sao lại có thể thua cờ ông Lãm?”-cxđ) Đã bao giờ gã thua ai mà lại thua một cách đau đớn như thua ông Lãm. Không! Gã chưa bao giờ thua ai cả, chưa bao giờ thua ai lấy một ván, một trận lại càng không! Trong vùng, từ những tay chơi cờ có tiếng cho đến những người mới võ vẽ tập chơi cờ, ai ai cũng nể phục tài cờ của gã. Người ta coi gã như một con ma cờ, nể trọng gã như bậc đàn anh đàn chị. Thế mà nay gã phải thua ông Lãm tới hai trận, hai trận mà không gỡ lấy được một ván. Ừ! Ở trận đầu, trong hội cờ, gã còn đổ cho lý do này lý do kia, chứ trận này gã đã dốc toàn tâm toàn ý, có bao nhiêu mưu ma chước quỷ gã đều đã tung cả ra mà cái ông Lãm ấy vẫn dễ dàng dồn gã đến chân tường, hạ gục gã. Cứ nghĩ đến cái lúc ông ta nhếch mép nâng ly rượu lên hóp một hớp rồi “khà” một cái là gã lại thấy sôi cả ruột lên. Đúng là cái cử chỉ ngạo mạn, ta đây, coi người khác không ra gì. Thôi, thế là từ nay cái danh hiệu “vô địch cờ” đã không còn là của gã nữa! Cái danh hiệu ấy đã bị ông Lãm cướp mất rồi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2023, 03:27:29 pm »


Sau hôm ở nhà ông Lãm về gã đau đớn đến mất ăn mất ngủ, người gã gầy rộc đi. Vợ con gã hoảng hồn phải thay nhau động viên gã mới hồi phục trở lại. Nhưng nỗi ám ảnh về trận cờ thua ông Lãm thì cứ đeo bám gã. Rồi gã tính đến chuyện phục thù. Gã phải gặp ông Lãm một lần nữa và quyết đấu với ông ta một trận nữa. Gã phải giành lại cho bằng được niềm vinh quang của gã. Gã phải chứng minh cho ông Lãm biết rằng, ở cái đất cờ này, thằng Xáng này chưa bao giờ chịu thua cờ ai. Suy nghĩ tới sự phục thù và gã lại sực nhớ tới bộ cờ ngà voi của ông Lãm. Bộ cờ đã từng mang đến niềm tự hào tột đỉnh cho gia đình ông ta. Giá mà ở lần chạm trán thứ ba này, ông Lãm chịu chơi với gã bằng bộ cờ ngà voi ấy!

Thế là gã đi, quyết ra đi một lần nữa dù trời rét buốt đến thấu xương gã vẫn phóng xe đến tìm ông Lãm. Lòng gã đầy tự tin, đầy kiêu hãnh. Gã lôi ra một chai rượu mà gã phải bỏ ra hơn một trăm ngàn đồng để mua rồi xin phép ông Lãm tự tay xuống bếp nổi lửa làm gà. Bếp lửa đỏ rực xua đi cái lạnh buốt giá làm ấm cả gian bếp. Hai người trải chiếu ngay bên cạnh bếp lửa vừa nhâm nhi vừa trò chuyện. Ông Lãm lên tiếng:

- Chà! Rượu ngon quá! Lại còn có cả gà nữa! Cậu bày vẽ ra làm gì cho tốn kém. Loại này tôi dùng thường xuyên ấy mà!

Gã nhã nhặn đáp lại:

- Có gì đâu chú! Chú cháu mình lâu ngày gặp nhau, cháu muốn mời chú uống với cháu một chén. Tiện thể hôm nay đến đây, cháu muốn hầu chú vài ván may ra học được ở chú ít nước...

- Chơi thì chơi cho vui thôi, chứ cậu có học cả đời cũng làm sao theo được cờ tôi. Mà dẫu có học được cậu cũng làm sao địch nổi tôi!

- Dạ! Chú là người cao cờ, vô địch thiên hạ, cháu nào dám!

Xáng làm bộ khúm núm nhưng trong lòng gã thì như đang có một ngọn lửa bùng lên. Gã không ngờ ông Lãm cũng là một người hiếu thắng, coi chiến thắng là trên hết, chẳng khác gì gã. Ông khoe với gã rằng ông đã biết chơi cờ hơn bốn mươi năm nay. Kể từ ngày ấy, với hàng ngàn cuộc so tài, ông luôn luôn là người chiến thắng. Ông còn nói thêm rằng, từ bây giờ trở đi ông vẫn sẽ là người chiến thắng, không một địch thủ nào có thể đè bẹp được ý chí ấy ở ông. Cho nên ông Lãm đã nói thẳng vào mặt Xáng: “Cậu đừng bao giờ nuôi ảo tưởng là có thể đến đây học được gì ở tôi!”

Khi chai rượu đã lưng lưng, Xáng mới đả động đến bộ cờ ngà voi và một mực nài nỉ ông Lãm cho được tận mắt nhìn thấy nó. Gã nói rất tha thiết rằng gã rất yêu cờ, mê cờ, rằng gã có thể đánh đổi tất cả những gì đang có để được suốt đời sống chết với cờ. Vì yêu cờ, coi cờ là sự nghiệp của bản thân nên gã rất muốn được thưởng thức những bộ cờ độc đáo. Và nếu như một lần, chỉ một lần thôi được hầu cờ với chủ nhân của bộ cờ ngà voi ấy gã sẽ xem đó như một vinh hạnh của cuộc đời. Gã nói và bỗng dưng nước mắt gã ứa ra. Ông Lãm hình như cũng động lòng trước những giọt nước mắt và những lời lẽ chân thành như mật rót vào tai ấy của gã nên ông đã đồng ý. Nhưng ông không vội đưa ngay bộ cờ ấy ra, mà cứ thủng thẳng, túc tắc kể cho gã nghe về nguồn gốc, xuất xứ của nó trước đã. Đây là việc ông vẫn thường làm đối với bất cứ ai trước khi người đó được sờ tay vào bộ cờ ngà voi của ông. Và ông rất lấy làm kiêu hãnh về điều này.

Ông Lãm kể rằng, bộ cờ ngà voi của ông đã có từ cách đây hơn một trăm hai chục năm. Nó nguyên là của một vị vua triều Nguyễn nổi tiếng tài cao, đức rộng, đam mê cờ tướng. Ông nội của ông Lãm xưa kia là một người chuyên đi làm thuê kiếm sống từ bé. Nhưng ông là một người thông minh, ham học. Nhờ nghe lỏm bài giảng của người gia sư dạy học cho con chủ nhà mà ông trở nên hiểu rộng biết nhiều, lại được chủ nhà thương yêu nên đã nhận làm con nuôi, cho ăn học tử tế. Và cũng nhờ tư chất thông minh mà ông học một biết mười, mỗi năm hai lớp. Rồi khi đi thi ông đỗ Trạng nguyên, được vua giữ lại trong cung dạy học cho con vua và các quan đại thần. Ông còn là một người chơi cờ tướng rất giỏi, không ai địch nổi. Nhân một lần nhà vua tổ chức thi đấu cờ, ông đã hạ gục tất cả các đối thủ, giành ngôi vô địch. Mến mộ đức tài của ông, vua đã ban tặng ông bộ cờ bằng ngà voi của ngài. Bộ cờ ấy sau này được ông truyền lại cho con ông, tức cha ông Lãm. Cha ông nối nghiệp ông nội ông được cả đức lẫn tài và cũng là một tay cờ nức danh, cả tổng cả huyện không ai là không biết. Rồi khi cha ông mất, bộ cờ bằng ngà voi ấy cùng với bí quyết chơi cờ “trăm trận trăm thắng” của tổ tiên được ông thừa hưởng và kế nghiệp. Ông không làm quan to nhưng tay cờ của ông thì càng ngày càng cao, càng ngày càng lan xa toả rộng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2023, 03:28:21 pm »


Ông Lãm cất giữ bộ cờ ngà voi ấy rất kỹ, coi như báu vật. Chẳng mấy khi ông chơi cờ bằng bộ cờ đặc biệt ấy. Rủi khi có khách tới chơi nhà ngỏ ý muốn hầu ông đôi ván, ông cũng chỉ đem ra những bộ cờ thông thường. Trong nhà ông có tới hai mươi bộ cờ khác nhau. Mỗi bộ cờ là một sự tích oanh liệt trong đời cờ của ông. Tùy mặt khách mà ông chọn bộ cờ nào để chơi. Những người có may mắn được ông cho chơi cờ ngà voi phải là những người ông đặc biệt mến mộ hoặc nể trọng, nhưng con số cũng không nhiều lắm. Và trước khi chơi, một việc đầu tiên ông phải làm đó là mở tủ sắt lấy bộ cờ ấy ra trân trọng đặt lên bàn thờ thắp hương vái cầu xin tổ tiên trước đã. Đối với Xáng, ông nói sở dĩ ông cho gã được hưởng đặc ân này không phải ông mến mộ hay nể trọng gì gã mà là vì ông thương tình gã.

Ông Lãm nói đến đâu Xáng dạ dạ, vâng vâng đến đó. Lúc này đây ruột gan gã như đang có lửa đốt và gã chỉ mong sao ông Lãm mang ngay cái bộ cờ ấy ra. Gã nhìn xoáy vào mặt ông Lãm nhủ thầm: rồi ông sẽ thấy hôm nay bằng bộ cờ ngà voi của ông tôi sẽ chơi với ông thế nào; tôi sẽ cho ông biết nỗi đau thua cờ nó xót xa, nhục nhã thế nào...

Trong lúc gã đang mải nghĩ thì ông Lãm đã đi vào nhà. Chắc ông đang làm cái việc trang trọng ấy trước tổ tiên ông như ông vẫn từng làm. Một lúc ông đi ra mang theo một chiếc hộp gỗ và một cái bàn cờ gỗ. Ông đặt chúng trước mặt Xáng rồi ông ngồi xuống từ tốn mở cái hộp ra, thong thả nhặt ra từng quân cờ. Đôi mắt Xáng như bị hút vào đó. Gã gần như nhảy cẫng lên, hét lên vì sung sướng và cả vì ước muốn của gã đã toại nguyện. Quả là một bộ cờ đẹp đến mê hồn. Gã nhặt lên từng quân, lật bên này, lật bên kia ngắm nghía như để thỏa nỗi thèm khát. Gã không kìm nén được cảm xúc mà thốt lên: Đúng là những quân cờ được làm bằng ngà voi thật rồi! Trông chúng thật nõn nà, tròn trịa và trắng muốt như những viên đá hoa cương. Mỗi quân cờ đều được chế tác, cắt gọt, trau chuốt hết sức công phu. Trên mặt cờ, mọi họa tiết từ màu sắc, đường tròn, các chữ tên của quân cờ... đều được chạm khắc tinh xảo, sắc nét. Cái bàn cờ cũng không chê vào đâu được. Nó được làm bằng gỗ mun, mặt đen bóng, phản chiếu như pha lê, có thể soi mình vào trong đó. Quả đúng là bộ cờ độc đáo, hoàn hảo và tuyệt mỹ như một tác phẩm nghệ thuật.

“Thế nào, đã bắt đầu chưa? - Ông Lãm lên tiếng và nói thêm: - Thắng thua chỉ một ván thôi đấy, không có ván thứ hai đâu!”. Xáng “Vâng” một tiếng rồi lanh lẹ xếp cờ. Gã bên cờ chữ xanh. Ông Lãm bên cờ chữ đỏ. Nhìn bàn tay phủ đầy lông của Xáng cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt trên từng quân cờ, tim ông Lãm như thắt lại. Ông xót xa kêu lên:

- Ấy... ấy, cậu hãy từ từ và nhẹ tay cho một tý. Cờ này không thể vội vàng và hấp tấp thế được! Nhân đây tôi cũng cần nhắc cậu một điều, ấy là khi chơi, cờ này tuyệt đối không được “bốp, chát” như cờ thường đâu đấy nhé! Phải nhẹ nhàng, thật nhẹ nhàng! Thế này này... Thật nhẹ nhàng!

- Vâng!

Xáng trả lời cụt lủn “Vâng!”. Mặt Xáng tươi như bình minh vừa hé rạng. Lúc xếp xong cờ, bỗng gã ngẩng lên nhìn ông Lãm, đổi cách xưng hô, không “chú chú, cháu cháu” nữa, mà “ông ông, tôi tôi” và dõng dạc tuyên bố:

- Hôm nay, bằng bộ cờ ngà voi này tôi sẽ thắng ông!

Ông Lãm trố mắt nhìn Xáng như nhìn một con vật lạ.

Rồi ông bỗng cười khẩy và cũng đổi cách xưng hô:

- Chú mày mà thắng được ta, ta xin từ bỏ cờ không bao giờ chơi nữa. Nào, ta nhường chú mày đi trước!

Mặt Xáng vênh lên:

- Hãy khoan, hôm nay chơi với ông tôi còn muốn chấp ông một con xe và một con pháo.

Trong lúc ông Lãm chưa có phản ứng gì thì gã đã đưa tay nhón luôn hai quân cờ bên phần cờ của gã. Nhưng gã không đặt hai quân cờ đó xuống bên bàn cờ mà cứ nắm nó khư khư trong tay như không bao giờ chịu buông ra. Vẻ mặt ông Lãm đang dương dương tự đắc bỗng ỉu xìu, biến sắc khi ông nhìn vào tay Xáng. Bàn tay gã trông mới gồ ghề, gân guốc làm sao! Ông có cảm tưởng như bàn tay dữ dằn, gớm ghiếc đang nắm chặt kia của gã có thể sẽ làm sây sát hoặc cũng có thể vung lên, giáng một cái xuống nền nhà, đập nát hai quân cờ của ông. Chao ôi, nếu đúng như thế thật thì bộ cờ ngà voi của ông sẽ không còn nguyên vẹn nữa. Nó sẽ trở nên què quặt, sẽ không còn có ý nghĩa, giá trị gì nữa. Rồi ông biết ăn nói thế nào với tổ tiên, dòng họ mỗi khi đứng trước bàn thờ thắp hương? Mới chỉ nghĩ thế thôi ông Lãm đã thấy héo hắt cả ruột gan. Ông vội vàng nói với Xáng:

- Thôi thôi, hôm nay chú mày thắng ta, nhất định thắng ta. Chú mày cứ bỏ hai quân cờ đó xuống, ta chơi đều cờ, thắng thua không thành vấn đề. Mà ngộ nhỡ chú mày có thua ta thì ngày mai ta cũng sẽ tuyên bố khắp thiên hạ là ta thua chú mày... ta thua chú mày, được chưa?

Mặt Xáng vẫn trơ lỳ như đá và tay gã vẫn bóp chặt hai quân cờ. Ông Lãm lại cố nói:

- Hay là chú mày cần cái cơ ngơi nhà cửa này của ta, ta cũng cho chú mày tất. Chỉ cần chú mày bỏ hai quân cờ đó xuống. Nào! Cậu Xáng, nghe tôi, bỏ hai quân cờ đó xuống rồi chơi!

- Không! Tôi không cần gì cả, tôi chỉ cần đánh bại ông!

Tiếng Xáng rít lên và tay gã dang ra liệng thẳng cả hai quân cờ vào bếp lửa. Mọi việc diễn ra chỉ trong nháy mắt. Ồng Lãm hét lên một tiếng thất thanh rồi nhảy bổ tới bê chậu nước hắt vào bếp. Nhưng muộn quá rồi! Không còn kịp nữa rồi! Khi ngọn lửa được dập tắt, ông Lãm vục tay vào bếp mò mẫm một lúc mới moi được hai quân cờ nhưng cả hai quân đã bị biến dạng. Mặt ông bê bết tro than, mắt ông đờ đẫn nhìn hai quân cờ, rồi bằng một cử chỉ trân trọng, ông nâng hai quân cờ méo mó trên hai bàn tay mình. Cả người ông run lẩy bẩy, nước mắt trào ra trên hai khóe mắt. Rồi ông bỗng ngửng lên nhìn về phía Xáng. Hai con mắt già nua của ông long lên sòng sọc và vằn lên những tia máu như muốn ăn tươi nuốt sống ngay kẻ đã phá hại cổ vật. Như một con hổ vổ mồi, ông chồm tới, một tay túm tóc Xáng, một tay vớ thanh củi vung lên... Nhưng nghĩ sao, ông buông Xáng ra, lùi lại, hầm hầm chỉ tay vào mặt Xáng quát to:

- Đồ súc sinh, đồ tiểu nhân bỉ ổi! Tao sẽ tính chuyện này sau, còn bây giờ... bây giờ... tao... tao phải chơi với mày… chơi với mày để mày biết ai là người chiến… thắng…

Thấy ồn ào người trong xóm đổ xô tới vây lấy hai người. Và cuộc cờ bắt đầu diễn ra. Dù có lợi thế hơn hẳn Xáng hai quân cờ chủ lực là xe và pháo, nhưng ở ván cờ này do quá đau xót về bộ cờ ngà voi đã vĩnh viễn mất đi hai quân, ông Lãm đã không còn đủ minh mẫn để làm chủ được thế trận. Và ông đã thua Xáng. Đó là trận thua đầu tiên trong đời của ông. Với Xáng đó cũng là “trận thắng oanh liệt nhất” trong đời của gã.

Ôi một trận cờ! Một trận cờ mà lần đầu tiên Xáng được thỏa thích chiêm ngưỡng, thỏa thích sờ mó những quân cờ độc nhất vô nhị. Một trận cờ mà gã cho là bg đời cờ của mình, gã chưa bao giờ được tận hưởng niềm chiến thắng ngọt ngào, hân hoan đến thế. Mặc dù chỉ ngay sau khi kết thúc cuộc đấu. gã đã phải trả giá bằng một trận đòn nhừ tử từ những người nhà ông Lãm và phải cắp đít bỏ chạy đến bán sống bán chết. Còn ông Lãm, người mà trước trận đấu hãy còn là một tay cờ uy danh, tiếng tăm lừng lẫy, giờ phải bó gối ngồi đó, ủ rũ bên bàn cờ. Rồi cả cái phong thái ung dung, đĩnh đạc vốn có ở con người ông trong những lần ông “điều binh khiển tướng” trước đây cũng như biến mất để thay vào đó là một vẻ mặt âu sầu và một tinh thần rệu rã. Hẳn ông Lãm đang rất khổ tâm, không biết do mắc lừa Xáng để đến nỗi thất bại thảm hại trước tay cờ của gã hay vì bộ cờ ngà voi, kỷ vật tổ tiên để lại mà ông coi như báu vật nay không còn nguyên vẹn nữa? Cũng có thể do ông nghĩ cao xa hơn, rằng ông đã làm tổn thương đến gia phong, nề nếp, đến truyền thống tốt đẹp vốn có của gia đình, dòng họ ông? Càng nghĩ, ông càng thấy xót xa, ân hận. Giá mà ông biết kìm nén lòng huênh hoang, không tự kiêu, tự đại, biết nhường nhịn kẻ yếu, biết xem thường chuyện hơn thua trong các cuộc chơi... thì mọi chuyện chắc đã rất khác... rất khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2023, 08:40:10 am »


BỐ CHỒNG TÔI

Quê tôi ở một tỉnh trung du phía Bắc, nơi có những rừng cọ, đồi chè, từng một thời đi vào thơ ca nhạc họa. Để đến bây giờ sau mấy chục năm “cất bước theo chồng về xứ lạ”, chỉ cần nghe ai đó nhắc đến câu thơ về rừng cọ, đồi chè thôi là trong lòng tôi đã lại trào dâng một nỗi nhớ thương da diết về mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Thời con gái, tôi yêu anh Mừng là bộ đội xe tăng đóng quân ở làng tôi. Anh Mừng năm ấy gần ba mươi tuổi và đã là một sĩ quan trưởng xe. Tuy hơn tôi gần chục tuổi, nhưng trông anh vẫn rất trẻ. Anh lại có một thân thể khỏe mạnh và cường tráng, đúng với mẫu đàn ông mà tôi hằng ao ước về người bạn đời của mình. Đám cưới của hai chúng tôi do gia đình tôi và đơn vị anh đứng ra tổ chức. Nhà trai do điều kiện thời chiến, lại xa xôi, nên không ai có mặt. Tuy vậy đám cưới vẫn rất vui. Đặc biệt là tôi và anh Mừng sau thời gian yêu nhau nay thành vợ chồng, chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc. Sau đám cưới, trong một đêm nằm bên nhau, chồng tôi có bàn với tôi là sau này sẽ đưa tôi về sống cùng với gia đình anh ở một tỉnh của miền Trung. Tôi chưa một lần đến quê anh, nhưng nghe anh kể thì tôi biết quê anh cũng là vùng nông thôn nghèo khó như quê tôi vậy. Chỉ có điều quê anh ở miền biển, miền gió Lào cát trắng. Thuyền theo lái, gái theo chồng, tôi nghĩ vậy nên đồng ý ngay. Tuy nhiên đó mới chỉ là lời bàn, còn đi hay không và bao giờ đi thì chúng tôi vẫn chưa ấn định được thời gian cụ thể. Thế rồi chỉ sau đó không lâu, đơn vị chồng tôi có lệnh hành quân gấp vào chiến trường. Lệnh đến từ chiều hôm trước thì đến tối hôm sau đã phải lên đường. Dù bất ngờ, nhưng anh cũng kịp sắp xếp để đưa tôi cùng về quê với anh. Vậy là tranh thủ luôn được chuyến xe của đơn vị. Thủ trưởng đơn vị cũng đồng ý cho tôi cùng đi, vì đằng nào khi vào chiến trường xe cũng ngang qua đấy. Vì dẫn vợ về ra mắt nên chồng tôi còn được đơn vị cho nghỉ thêm hai ngày để đưa tôi về tận quê. Về quê chồng dù thời gian của anh gấp gáp, nhưng chúng tôi vẫn có những giây phút mặn mà bên nhau. Và anh, điều may mắn hơn cả là được gặp lại quê hương, người thân trước khi vào chiến trường ác liệt.

Hai chúng tôi vừa về đến nhà đã thấy mấy người đứng ở cửa. Anh dắt tay tôi đến trước mặt một người và nói: “Đây là bố, em chào bố đi!”. Tôi lễ phép cúi đầu: “Con chào bố ạ!”. Bố chồng tôi nhìn tôi rất trìu mến. Nhưng bố chưa kịp nói gì thì chồng tôi đã nhanh nhảu nói: “Thưa bố, đây là Lan vợ con. Con đưa vợ con về đây sống cùng bố và em”. Một thoáng ngỡ ngàng trên khuôn mặt già nua khắc khổ của bố. Rồi như chợt hiểu ra, bố lại nhìn tôi: “Ừ, bố rất vui! Các con vào nhà đi! Vào đi! Nào con, - bố nói với tôi - con đưa túi đây bố xách cho”. Hai tay bố đỡ lấy chiếc túi xách từ tay tôi và dẫn chúng tôi vào nhà. Trước đây khi mới yêu nhau, tôi cũng đã được chồng tôi cho biết là gia đình anh ở quê chỉ có bố anh và cô em gái. Mẹ anh mất cách đây đã lâu. Nhà anh chỉ có hai anh em. Hồi anh đi bộ đội thì Vui, em gái anh đang học cấp ba. Nay chúng tôi về, Vui đã là một thiếu nữ xinh xắn vừa tròn tuổi hai mươi. Trong bữa cơm thân mật vừa để giới thiệu tôi với họ hàng, vừa để chia tay chồng tôi vào chiến trường, bố tôi ngậm ngùi nói: “Nghe đài, bố biết tình hình trong ấy bây giờ đang có những chuyển biến lớn, có lợi cho ta. Quân địch ngày càng lâm vào thế bị động và bị ta tấn công khắp nơi. - Bố tôi nhìn chồng tôi: - Con cứ an tâm mà ra đi, không phải lo nghĩ gì, mọi việc ở nhà đã có bố lo liệu. - Rồi nhìn sang tôi, bố nói: - Đầu năm nghe các con tổ chức lễ cưới, bố mừng lắm mà không biết làm sao để có mặt trong ngày vui của các con được. Bố thật có lỗi với con và ông bà ngoài ấy quá! Bây giờ thì bố rất vui vì con đã về đây sống cùng bố. Tuy nhiên, bố cũng rất hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của con hiện tại... Nhưng rồi chiến tranh sẽ kết thúc, chồng con sẽ trở về, vợ chồng lại đoàn tụ cùng nhau con ạ! Con hãy cố gắng lên! Còn bây giờ thì hãy sống vui vẻ cùng bố và em. Từ nay cha con ta sẽ dựa vào nhau...”.

Đêm ấy, nằm với chồng tôi trong buồng, tôi thấy bố cứ thỉnh thoảng lại ngồi dậy mở cửa đi ra ngoài sân. Một lúc lại thấy bố đi vào ngồi lặng lẽ một mình trong đêm tối. Rồi lại thấy bố đi đến bên bàn thờ nơi đặt di ảnh của mẹ chồng tôi. Tôi thấy bố thắp hương thì thầm khấn vái rất lâu. Tôi đoán chắc là bố đang rất buồn vì chỉ sáng mai thôi là chồng tôi sẽ lên đường về đơn vị. Bố muốn nói gì đó với mẹ về chồng tôi, về tôi, và cả những gì đang âm thầm day dứt trong lòng bố. Hai năm xa cách nay bố con anh mới gặp lại nhau, lại chỉ có hai ngày để rồi phải xa nhau. Tôi để ý từ hôm qua đến nay, hầu như lúc nào bố cũng ở cạnh anh, khi ngoài bờ ao, lúc bên bàn nước, hai cha con luôn nhỏ to trò chuyện. Tôi hỏi thì chồng tôi bảo là bố chỉ dặn dò, động viên anh. Nhưng anh cũng bày tỏ là bố rất buồn và rất lo khi anh phải ra trước đường tên mũi đạn. Bố sợ nếu chẳng may anh có mệnh hệ gì thì làm sao bố sống được. Rồi còn cả tôi nữa, tôi sẽ sống ra sao, nếu vắng anh? Bố lo nghĩ, khi chồng tôi vào chiến trường, tôi có vui vẻ, có an tâm mà sống ở đây cùng bố không? Bởi theo bố, bây giờ dẫu sao cũng còn có em Vui ở nhà, tôi sẽ có chị có em, mọi chuyện vui buồn chị em có thể thủ thỉ tâm sự cùng nhau, nhưng chỉ nay mai, Vui cũng sẽ đi, bố biết xoay sở thế nào. Không phải là bố ngại khó ngại khổ. Vì tôi, bố có thể làm bất cứ điều gì để tôi được sống vui vẻ. Nhưng còn nhiều điều tế nhị khác. Thà ở vị trí bố là một người mẹ chồng, mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Bố rất vui khi biết tôi đã mang thai. Bố an ủi chồng tôi sẽ chăm sóc tôi, lo cho tôi được mẹ tròn con vuông.

Đêm ấy, vợ chồng tôi cũng không ai ngủ được. Chỉ còn một đêm ở bên nhau, sáng sớm mai anh lên đường, mà chưa biết bao giờ gặp lại. Có thể nơi chồng tôi đến sẽ là mặt trận nóng bỏng và ác liệt nhất. Có thể một mai chiến tranh sẽ vĩnh viễn cướp đi người chồng thân yêu của tôi... Suốt đêm tôi cứ trằn trọc, thao thức bởi những suy nghĩ vớ vẩn ấy. Càng nghĩ, tôi càng thấy thương anh và lo cho hạnh phúc của mình. Tôi thực sự hoang mang lo lắng bởi mới làm vợ anh, đang có thai lại sống ở một nơi xa lạ với quê hương tôi. Tôi nằm bên anh, vùi đầu vào ngực anh. Anh cũng quàng tay ôm chặt lấy tôi, thủ thỉ tâm sự cùng tôi rất nhiều chuyện. Anh thương tôi về đây vất vả, mà anh thì lại không được ở bên cạnh để chăm sóc, giúp đỡ tôi hàng ngày. Đã thế, vắng anh, mọi việc ở nhà chỉ còn biết trông cậy cả vào tôi lo liệu. Anh nhờ tôi chăm sóc bố thay anh, và cả chờ anh ngày chiến thắng trở về. Nước mắt tôi thấm đẫm trên vai anh, trên ngực anh, còn anh cũng nghẹn ngào rơi lệ. Sáng hôm sau, chồng tôi ra đi rất sớm. Cả nhà tôi tiễn anh ra tận con đường đầu làng. Trước lúc bước lên chiếc xe quân sự, anh nắm tay tôi, ấp cả hai bàn tay tôi lên ngực anh. Rồi như không ngăn được cảm xúc của mình, anh ôm chặt lấy tôi, nhìn âu yếm vào mắt tôi. Giọng anh nghẹn ngào: “Lan hãy chờ anh! Nhất định anh sẽ trở về!”. Tôi không nói được câu nào, chỉ khẽ áp mặt vào ngực anh. Tiếng xe nổ như thúc giục, anh vội vã hôn một cái lên môi tôi rồi từ từ buông tay tôi ra. Tôi đứng lặng nhìn theo đoàn xe cho đến khi khuất hẳn mới trở về nhà. Nằm một mình trong buồng tôi nhớ anh da diết. Tự dưng nước mắt tôi lại trào ra.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2023, 08:46:06 am »


Tôi về nhà chồng được khoảng ba tháng thì Vui - em chồng tôi - có giấy báo đi thanh niên xung phong. Thực ra em không nằm trong diện phải đi trong đợt này, nhưng thấy bạn bè hết lượt này đến lượt khác nô nức lên đường ra tiền tuyến, nên Vui cũng đâm đơn xin đi cho kỳ được. Từ hôm em Vui vào chiến trường nhà cửa trở nên quạnh quẽ, vắng lặng. Đã thế nhà tôi lại ở một mình thoi loi giữa đồng, ít người lui tới nên càng thêm trống trải. Bố tôi bảo, xưa kia nhà tôi ở trong xóm, nhưng từ hơn chục năm nay do đam mê với nghề nuôi cá nên bố đã xin chuyển hẳn ra ở ngoài này cho tiện việc nuôi giữ. Vậy nên, cùng một làng một xã mà nhà tôi như tách hẳn ra thành một cõi riêng biệt. Tuy vắng vẻ, nhưng ở đây quanh năm lúc nào cũng mát mẻ, nhất là về mùa hè, gió cứ lồng lộng suốt từ sáng đến tối. Lại được cái, ngay từ hồi mới ra ở, bố tôi đã trồng rất nhiều các loại cây lưu niên quanh nhà nên giờ nhìn bốn phía nơi nào cũng rợp bóng cây xanh, trông rất hiền hòa và thơ mộng. Ở ngoài này bố tôi vừa tham gia tổ cày của đội sản xuất, vừa nuôi cá, rồi còn kiêm luôn cả việc làm nhân viên bảo vệ cho hợp tác xã. Lúc nào tôi cũng thấy bố luôn chân luôn tay, chả mấy khi được nghỉ ngơi. Từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi hoàng hôn buông xuống lúc nào bố cũng cùi cụi ngoài đồng. Từ hôm em chồng tôi đi thanh niên xung phong, mọi việc đều dồn cả lên vai bố. Tôi thỉnh thoảng vẫn giúp bố việc nhà nhưng bố đều gạt đi. Bố bảo, “con cứ tạm thời nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, khi nào sinh nở xong rồi hẵng làm gì thì làm, chứ bây giờ con làm thế, nhỡ ra có chuyện gì, sau này bố biết ăn nói thế nào với chồng con”. Bố rất lo cho sức khỏe của tôi nên không để tôi phải nhúng tay vào bất cứ việc gì. Tôi để ý từ khi bước chân về nhà chồng, không gặp bố thì thôi, chứ đã gặp bao giờ tôi cũng thấy bố cười, một nụ cười vừa ấm áp vừa trìu mến, khiến tôi quên dần đi những lo toan, bỡ ngỡ ban đầu. Trong những bữa cơm, bố thường tự tay gắp thức ăn bỏ vào bát tôi. Bố bảo, “con hãy ăn nhiều, thật nhiều để giữ gìn sức khỏe!”. Thái độ của bố đối với tôi thật ân cần, tựa như người mẹ chăm chút cho con cái.

Chồng tôi vào chiến trường đã hơn nửa năm mà không một chút tin tức gửi về. Cả em chồng tôi cũng vậy. Trong khi đó thì đài báo ngày ngày vẫn đưa tin về chiến sự ở miền Nam. Chiều nào tôi cũng lững thững một mình ra đứng trước nhà nhìn về phương Nam mà lòng đầy thấp thỏm lo âu. Con đường phía bên kia cánh đồng, cách nhà tôi không xa lắm, ngày ngày vẫn tấp nập, hối hả những đoàn người, đoàn xe hướng ra tiền tuyến. Những đám bụi mù mịt bốc cao. Tiếng xe gầm rú, tiếng hò hát của bộ đội, của thanh niên xung phong nghe rộn rã cả một quãng đường. Những lúc ấy tôi cảm thấy mình vui hẳn lên. Tôi chỉ muốn chạy đuổi theo đoàn quân ấy, níu áo các anh các chị, gửi lời thăm hỏi chồng tôi. Và đã một lần tôi định đuổi theo đoàn quân. Tôi đem chuyện ấy kể với bố tôi. Nghe xong, bố tôi cười bảo, “con làm cứ như ai ra mặt trận cũng đều được gặp nhau không bằng. Chiến trường rộng lớn lắm, làm sao người ta lại có thể gặp được thằng Mừng mà con gửi lời hỏi thăm nó được”. Thấy tôi buồn, bố lại an ủi, động viên tôi, “nhưng mà Lan à, biết đâu sẽ có người vào trong ấy rồi gặp được chồng con cũng nên. Quả đất xoay tròn mà. Để hôm nào bố ra ngoài ấy gặp các anh bộ đội chuyển lời của con cho nó”. Tôi để ý thấy bố nói chuyện với tôi thì có vẻ rất vô tư, vui vẻ, nhưng trong lòng bố thế nào tôi biết cả. Hơn cả tôi, bố cũng mong tin chồng tôi và em chồng tôi từng ngày một. Mỗi buổi chiều đi làm về, tôi thường thấy bố ra đứng ở bờ ao với vẻ mặt đầy tư lự. Hoặc trong những bữa cơm, tự dưng bố buông đũa rồi ngồi ngẩn ra. Lại có những đêm bố liên tục ngồi dậy vấn thuốc hút. Rồi cả những tiếng thở dài mà tôi vốn quen thấy ở bố từ ngày chồng và em chồng tôi vào chiến trường. Dù chưa một lần bố than thở với tôi điều gì, nhưng tôi cũng hiểu được những âu lo quặn xé trong lòng bố. Bằng cảm giác của một người vợ có chồng ra trận, tôi hiểu bố đang lo nghĩ rất nhiều cho các con mình. Trong khi đó, thì chỉ riêng ở một cái làng quê nhỏ bé này thôi, thỉnh thoảng lại có giấy báo tử từ chiến trường gửi về. Những vòng khăn tang lại trắng xóa trên những mái đầu của biết bao người vợ, người mẹ, người con... Vừa mất đi người thân của mình. Và trên con đường được gọi là “con đường chiến lược” cách nhà tôi không xa ấy, lẫn trong những đoàn xe ra trận vẫn có những chiếc xe chạy ngược chiều. Đó là những chiếc xe chở những người lính bị thương, những người không còn khả năng chiến đấu trở về hậu phương.

Tôi tính từng ngày một và biết rằng mình đã mang thai đến tháng thứ tám, không mấy nữa là tôi ở cữ. Tôi đi đứng nặng nề, chậm chạp, lạch bà lạch bạch chẳng khác gì chú vịt xiêm. Bố mua về một ít vải, loại vải màu trắng đục mỏng như màn, mà nghe đâu phải khéo nói lắm người ta mới bán cho, bảo tôi cắt may lấy ít tã lót. Còn bố, bố cũng chặt tre đan sẵn một cái nôi thật đẹp để đấy. Biết tôi gần đến ngày sinh nở bố chăm lắm! Bố lo cho tôi từ bữa ăn giấc ngủ, căn dặn tôi từng ly từng tý một. Tôi không ngờ bố là một người đàn ông mà lại biết nhiều việc mà người phụ nữ trước khi sinh nở phải làm. Bố không chỉ lo trước, tính sau chuẩn bị cho tôi sinh nở mà còn làm giúp tôi cả việc giặt giũ. Có một lần, áo quần tôi thay ra ngâm ở chậu chưa kịp giặt đã thấy bố giặt và phơi ở dây rồi. Tôi ái ngại quá, nói với bố thì bố bảo cái thềm giếng rất trơn, bố sợ tôi ra đó rồi ngã. Bố dặn tôi, khi nào cần tắm táp hay giặt giũ gì thì đừng có ra ngoài giếng nữa mà hãy vào hẳn trong nhà tắm. Từ hôm đó, chiều nào bố cũng múc nước để sẵn trong nhà tắm cho tôi. Rồi bố còn dặn tôi, khi nào con thấy trong người có hiện tượng gì khác thì hãy nói ngay cho bố biết để bố còn kịp gọi nhân viên y tế. Thời gian này bố ít đi làm xa. Có đi đâu bố cũng chỉ nhoáng một lát rồi nhanh nhanh về cùng tôi. Bố đứng ngoài cửa buồng nhìn vào và khi đã chắc chắn tôi vẫn bình thường bố mới lại ra vườn quẩn quanh làm gì đấy. Những lúc như thế tôi vừa thấy buồn cười vừa thương bố vô cùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2023, 08:47:08 am »


Mùa đông năm ấy đến sớm hơn thường lệ. Mới chỉ tháng mười ta mà đã có những đợt rét đậm đầu mùa, trời lại suốt ngày mưa. Mưa dầm dề, tê tái. Mưa dai dẳng kéo từ ngày này qua ngày khác tưởng như không bao giờ dứt. Cây sầu đông trước cửa nhà tôi mới ngày nào đó còn sum suê cành lá mà nay đã trơ trụi dần. Tôi nhẩm tính ngón tay và biết rằng ngày sinh nở của tôi đã rất gần. Chắc cũng chỉ còn trên dưới nửa tháng nữa. Người ta bảo, người mẹ mang thai đủ chín tháng mười ngày mới sinh, nhưng tôi để ý trong thực tế mấy ai được đúng rắp như thế. Có người còn đẻ non cả tháng trời nữa cơ mà! Tôi mang thai con so nên chả có tý chút kinh nghiệm gì về bản thân. Thôi thì cứ phó thác cả cho tạo hóa.

Một đêm đã rất khuya, có lẽ phải quá nửa đêm, trời lại đang giữa lúc gió mưa tầm tã, tự nhiên tôi thấy đau râm rẩm ở bụng. Tôi nghĩ chắc là đau bụng do gió máy như mọi khi nên vội ngồi dậy xoa tý dầu cao vào bụng. Không ngờ cơn đau cứ càng lúc càng tăng rồi đau dữ dội. Tôi chưa từng đau như thế bao giờ. Người tôi mồ hôi vã ra. Tôi rên lên và bấu chặt vào tấm chăn. Đến lúc này thì tôi biết chắc chắn là tôi đã trở dạ. Nhưng sao lại có thể sớm hơn những chục ngày so với thời gian mà tôi đã tính toán từ trước. Đúng ra phải là gần cuối tháng này mới đến ngày tôi sinh nở. Vậy là tôi thiếu ngày, chính xác là thiếu tới hơn một chục ngày! Bây giờ phải làm sao đây giữa đêm hôm khuya khoắt, gió mưa này? Chẳng có nhà ai ở quanh, chỉ có cánh đồng và mưa gió. Đã thế, trạm xá xã lại ở tít tận trong xóm. Liệu bố tôi có kịp đi gọi người làng đến đưa tôi ra trạm không? Từ gian ngoài nghe tiếng tôi kêu rên, bố tôi lật đật chạy vào. Bố vặn to ngọn đèn rồi ngồi xuống cạnh tôi, hai tay bố cứ lóng nga lóng ngóng mà không biết phải làm gì. Phải một lúc sau bố mới thốt được nên lời: “Chắc là con chuyển dạ rồi đấy con ạ!”. Lúc ấy tôi chỉ biết kêu: “Bố ơi, con đau lắm! Đau không thể chịu nổi! Con chết mất bố ơi! - Tôi cắn chặt mép chăn cố nói với bố: - Bố... bố đi gọi bà đỡ cho con đi bố...”. “Không kịp nữa đâu... Từ đây ra trạm xá gần nửa cây số... không kịp đâu... Để... để bố đưa con đi...”. Bố nói rồi chạy ra gian ngoài mang vào một tấm nilon. Bố đỡ tôi ngồi dậy, quàng nilon lên người tôi. Bố còn cẩn thận khoác thêm một lấm nilon khác ra bên ngoài cho thật kín rồi mới nói với tôi: “Bây giờ con chịu khó để bố đưa con ra ngoài trạm xá. Nào, nhanh đi con!”. Vừa nói bố vừa bế bổng tôi lên. Một tay bố đỡ hai chân, tay kia bố đỡ lấy lưng tôi. Bố bảo tôi quàng tay ôm lấy cổ bố. Rồi cứ thế bố lao ra giữa trời mưa. Dọc đường bố vừa đi vừa chạy. Mưa vẫn ràn rạt quất vào nilon lộp bộp, lộp bộp từng hồi không dứt. Rồi gió rít. Gió quất lên từng hồi như muốn xô đổ hai bố con tôi. Lúc ấy tuy rất đau, nhưng tôi vẫn mường tượng được điều gì đang diễn ra. Tôi biết bố đang rất mệt khi phải gắng gượng làm một việc quá sức. Có lúc tôi thấy bố loạng choạng khi bước những bước nặng nhọc trên con đường đất lầy lội trơn như đổ mỡ. Lại có lúc tôi thấy cả người bố chao đảo như không thể bước được nữa. Trong khi đó thì trời lại tối đen như mực và gió mưa vẫn từng hồi trút xuống. Cả người bố từ đầu đến chân chắc đã ướt sũng. Bởi nhà chỉ có hai tấm nilon mà bố đã quàng cả cho tôi. Tôi có cảm tưởng bố như đang run lên trong gió mưa giá lạnh. Và có thể bố sẽ cạn kiệt sức lực mà ngã khuỵu xuống bất cứ lúc nào. Nhưng không! Bố vẫn cứ đi. Hình như có một sức lực nào đó tiếp thêm cho bố, giúp bố kịp đưa tôi ra đến nơi. Tôi đã sinh ngay khi vừa đến trạm xá. Một bé trai kháu khỉnh, bụ bẫm, khuôn mặt giống chồng tôi như đúc.

Hôm từ trạm xá về nhà, mặc dù đang bị cảm lạnh chưa khỏi hẳn, bố vẫn ra tận đầu ngõ đón mẹ con chúng tôi. Có một cái gì đó bất chợt dâng lên trong lòng ngực khiến tôi nghẹn ngào khi vừa nhìn thấy bố. Tôi phải cố nén để nước mắt đừng trào ra. Nhưng đến khi vào nhà trao cháu nội cho ông bế, tôi không thể kiềm chế được nữa, tôi quàng tay ôm lấy bố, ôm lấy con, rồi gục đầu vào vai bố òa khóc nức nở.

Mùa đông đi qua. Rồi mùa xuân đến. Cho đến khi con trai tôi chập chững biết đi, rồi bập bẹ tập nói, tôi vẫn không nhận được một tý ty tin tức gì về chồng tôi. Riêng cô em chồng thì mới đây nhờ có người làng về phép, chúng tôi mới biết là Vui vẫn khỏe và hiện đang cùng đơn vị bám trụ ở một cung đường Trường Sơn đâu đó trong Quảng Bình. Bố tôi vẫn ngày hai buổi làm hợp tác, vẫn thức khuya dậy sớm với ao cá của mình. Tôi thì ngày ngày vừa trông con vừa đỡ đần bố việc nhà. Đến khi cháu đủ tuổi vào mẫu giáo tôi mới rảnh rỗi thời gian để tham gia việc hợp tác xã cùng bố. Trong căn nhà heo hút giữa cánh đồng giờ cũng đã bớt vắng lặng, không còn buồn tẻ như trước. Có thêm cu Sơn, con trai tôi, không khí trong nhà như thay đổi hẳn. Hằng ngày chỉ cần nghe tiếng cháu bi bô thôi là bố con tôi đã thấy vui, nhà cửa cũng thêm ấm cúng. Rồi mỗi khi cháu khóc, cháu cười, được nựng cháu, dỗ cháu, đó là niềm vui, hạnh phúc lớn của bố con tôi. Tuy nhiên, mỗi lần ngắm nhìn khuôn mặt con, tôi lại nghĩ đến chồng tôi. Những lúc ấy ruột gan tôi lại cồn cào nhớ anh. Có những đêm nằm ôm con ngủ, đầu óc tôi chỉ toàn nghĩ về anh. Tôi nhớ như in cái ngày cách đây gần bốn năm về trước khi lần đầu tôi gặp anh. Đó là một buổi chiều mùa hè giữa rừng cọ quê tôi. Tôi không thể quên được ánh mắt của anh đã nhìn tôi trong cái buổi chiều rất nên thơ ấy. Để rồi sau này, trong những ngày tiếp theo, ánh mắt ấy của anh cùng với những lời yêu thương luôn hiện hữu trong tôi. Hình như cái duyên cái số của tôi và anh “ông trời” đã sắp sẵn ngay từ lần đầu gặp gỡ ấy. Chả thế mà khi anh ngỏ lời yêu, tôi đã bằng lòng ngay mà không một chút đắn đo, suy tính. Rồi khi tình yêu đã sâu sắc hơn, mỗi lần bên nhau, anh vẫn thường nói với tôi, lấy chồng bộ đội thời chiến là rất khổ, có khi vợ chồng chỉ ở bên nhau được vài ngày rồi biền hiệt xa nhau hàng năm, thậm chí hàng chục năm trời. Nhưng đó chưa phải là tất cả, có rất nhiều trường hợp mà người vợ còn phải gánh chịu sự mất mát, thương đau gấp cả trăm vạn lần sự xa cách kia. Hồi ấy anh có nói gì tôi cũng chỉ để ngoài tai. Tôi chỉ biết là mình yêu anh và chấp nhận tất cả. Bây giờ đây cũng vậy. Dù mong ngóng chồng từng phút từng giây, tình yêu tôi cũng không hề đổi thay hay vơi cạn. Có chăng đó chỉ là sự nhớ thương anh ngày một khắc khoải.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2023, 08:47:59 am »


Bố tôi rất chiều chuộng cu Sơn nên lúc nào cũng xem cháu như cục cưng. Nó cũng yêu quý ông chẳng kém. Hàng ngày ông đưa cháu đến lớp, rồi đón cháu về. Chiều chiều ông lại đưa cháu ra bờ ao hóng mát. Ở đó bố tôi dựng lên một túp lều nhỏ, bên trong có đặt sẵn một chiếc chõng tre. Mỗi lần nghe ông bảo ra ngoài lều chơi là cu Sơn thích lắm! Dù đang ở bên tôi, nó cũng bỏ mẹ mà chạy theo ông ngay. Sau này tôi mới biết sở dĩ nó thích vậy là vì ra ngoài ấy ông thường kể chuyện cho nó nghe. Thằng bé tuy ít tuổi nhưng rất thông minh và hóm hỉnh. Có lần nó hỏi tôi về bố nó, vì nó bảo ở lớp bạn nào cũng có bố. Bố hay chở các bạn đến lớp bằng xe đạp. Tại sao nó lại không có bố, không được bố cho đi xe đạp? Tôi nhìn con mỉm cười và cố giấu đi nỗi nhớ mong chồng mà giải thích là bố con đi bộ đội đánh Mỹ, mai kia thống nhất bố sẽ về, bố sẽ chở cu Sơn bằng xe đạp như các bạn. Từ đó ngày nào nó cũng hỏi tôi, bao giờ thì bố nó về. Và ngày nào cũng như ngày nào, mỗi lần nghe nó hỏi, tôi lại phải nói dối nó, rằng chỉ nay mai thôi là bố con sẽ về. Cho đến một ngày nó cũng hỏi tôi như vậy, nhưng tôi đã không còn nói dối con được nữa. Bởi, chồng tôi đã không bao giờ về nữa! Bố của con trai tôi đã không bao giờ về nữa!

Tin chồng tôi hy sinh ban đầu chỉ là lời đồn nên cả tôi và bố không ai tin. Vì trước nay trong làng ngoài xã vẫn thường có những tin đồn thất thiệt như thế. Có gia đình đã phải mất ăn mất ngủ, khóc sưng cả mắt chỉ vì những tin đồn vô căn cứ đó. Nhưng dẫu sao, khi phải nghe những tin dữ như vậy cả tôi và bố đều hết sức lo lắng. Đã thế, gần đây đêm nào tôi cũng chiêm bao thấy chồng tôi. Những cơn mơ cứ lặp đi lặp lại, thực thực, hư hư, nhưng cũng có khi rất rõ ràng, cụ thể. Có đêm, tôi thấy chồng tôi y như giữa đời thực. Anh nói gì, làm gì, khi tỉnh dậy tôi vẫn nhớ như in. Nhưng cũng có khi mơ thấy anh, sáng ra tôi không nhớ gì nữa. Sau mỗi lần như thế, khi thức dậy, người tôi bàng hoàng, mồ hôi vã ra như tắm. Tôi cảm nhận có một cái gì đó rất khác thường trong con người tôi mà tôi không sao cắt nghĩa được. Tôi cũng không hiểu những mộng mị mà tôi thường gặp ấy là điềm lành hay dữ? Liệu đó có phải là điều không hay đang xảy ra với gia đình tôi không? Và những giấc chiêm bao đêm đêm đến với tôi có phải là dự báo trước về điều chẳng lành ấy?

Và rồi cái gì đến cũng đã đến. Một ngày cuối năm, chỉ cách tin đồn đó không lâu, tôi nhận được tin chồng tôi hy sinh. Tôi đã bàng hoàng suýt ngã gục xuống khi cầm tờ giấy báo tử do đơn vị anh chuyển về tận nhà cùng một số tư trang còn lại của anh. Còn bố như chết lặng người, giọt nước mắt khẽ lăn trên khóe mắt, bố lầm lũi đi về cái lều bên cạnh ao. Cả xóm kéo đến chia sẻ nỗi buồn với gia đình tôi. Tôi bỏ ăn nằm bệt một chỗ liền mấy ngày. Tôi đã khóc không biết bao nhiêu là nước mắt. Bấy lâu chờ đợi, nhớ mong, nước mắt tôi hình như đã cô lại, đặc quánh nằm sâu trong tâm khảm thì nay như được dịp tan chảy ra, vỡ òa xối xả. Tôi khóc ngày, khóc đêm. Khóc cả khi đang ngủ. Khóc cả trong giấc mơ. Sự hy sinh của chồng tôi quả là một mất mát quá lớn với gia đình tôi, nước mắt chỉ có thể vơi đi phần nào, còn nỗi đau vẫn hằn rõ trên khuôn mặt cha con tôi.

Một tháng trôi qua mà tôi vẫn suy sụp không sao gượng dậy được. Đôi khi tôi cố làm ra vẻ cứng rắn để động viên bố, nhưng những hình ảnh, kỷ niệm về chồng tôi ùa tới làm tôi ngã gục. Chính những lúc như thế, bố lại là người nâng đỡ tôi, động viên tôi. Tôi biết bố không khóc, không kêu trời gọi đất như tôi khi được tin con trai hy sinh, nhưng ẩn sau vẻ mặt già nua, khắc khổ ấy là cả một nỗi đau chẳng dễ gì phôi phai được. Có thể bố không khóc, nhưng mỗi sợi tóc trên đầu bố qua một đêm lại bạc trắng thêm ra. Cái dáng dấp nhanh nhẹn như cũng không ở lại cùng bố nữa. Và cả nụ cười trìu mến ngày ngày tôi gặp cũng như lụi tàn đi nhanh chóng để nhường chỗ cho một vẻ mặt đăm chiêu, sầu muộn. Có những lần tôi thấy bố ngồi ủ rũ một mình ngoài bờ ao hàng giờ đồng hồ. Tôi đến sát bên, bố vẫn không hay biết. Rồi khi tôi gọi, phải lần thứ mấy bố mới giật mình nhận ra. Tôi thấy bố gầy hẳn đi, trông xác xơ, tiều tụy. Đã thế bố chẳng mấy khi chăm chút cho mình. Ngay cả việc cạo râu là việc bố rất siêng, nhưng giờ bố cũng để mặc. Cả tóc bố cũng vậy, chẳng mấy khi bố chải cho ngay ngắn như trước đây khi có việc phải ra khỏi nhà. Đau thương đã làm bố già đi rất nhiều. Tôi thương bố, thường âm thầm giấu đi những giọt nước mắt không để bố biết. Nhưng khi ở cạnh bố, chỉ cần thấy bố không còn vui cười như trước, hay trong các bữa ăn, mỗi khi bố buông đũa đứng dậy là tim tôi lại nhói đau. Tôi không biết phải làm gì để động viên chính mình, càng không biết phải làm gì để động viên bố nên đành cứ để mặc cho nỗi đau trôi theo thời gian.

Những lúc buồn tôi thỉnh thoảng lại lục giở tư trang của chồng tôi mà đồng đội anh mang từ chiến trường về. Từ chiếc ba lô cũ kỹ, đến đôi giày vải, rồi chiếc mũ tai bèo... tất thảy mọi thứ đều làm tôi rưng rưng khi được nâng niu chúng trong tay. Cuốn sổ nhật ký của anh tôi đọc đi đọc lại đến thuộc lòng. Trong gần hai trăm trang anh ghi lại những sự kiện đáng nhớ kể từ ngày nhập ngũ cho đến lúc anh hy sinh thì có tới mấy trăm lần anh nhắc đến tên tôi. Anh dành rất nhiều trang nhật ký để viết về tình yêu của chúng tôi kể từ buổi đầu gặp gỡ. Rồi những ngày ở chiến trường. Hầu như không lúc nào là anh không nghĩ đến tôi. Anh dành trọn vẹn niềm thương nỗi nhớ cho tôi. Anh khao khát sớm được trở về cùng tôi. Trong trang nhật ký đề ngày 17 tháng 3 năm 1968, chỉ hai ngày trước khi hy sinh, anh đã viết cho tôi như một bức thư: “Lan ơi! Chỉ còn ít ngày nữa thôi đơn vị anh sẽ bước vào cuộc chiến đấu mới, sẽ tấn công lên cao điểm Làng Vây - Khe Sanh. Đây là trận đánh hợp đồng binh chủng lớn nhất từ trước đến nay mà anh được tham gia. Đêm nay, bên bờ sông Xêpôn nằm đợi giờ xuất kích, trong cái không khí lành lạnh của sương đêm, trong cái âm u, tĩnh mịch của núi rừng Trường Sơn… anh bỗng thấy nhớ em vô bờ vô bến. Giờ này em còn thức hay là em đã ngủ? Em có biết rằng lúc này đây, trước khi vào trận đánh, anh đang nghĩ gì không? Vậy là vừa tròn ba năm vợ chồng mình xa nhau rồi Lan nhỉ? Chắc em đã sinh con? Con của chúng ta là gái hay trai hả em? Anh hỏi em thế thôi, chứ gái hay trai anh đều vui. Anh ước mình có được đôi cánh thần tiên để ngay từ bây giờ bay về với em và con. Anh chỉ cần được ở bên em và con một lát, một lát thôi, như thế cũng mãn nguyện lắm rồi. Lan ơi, anh yêu em và nhớ em nhiều lắm! Có những lúc anh nhớ em mà cảm thấy ruột gan cồn cào, đau đớn. Anh tự trách mình đã không làm gì để em được hạnh phúc. Thôi thì mai này nước nhà thống nhất, anh sẽ trở về bù đắp lại tất cả cho em, em nhé! Còn bây giờ anh xin dừng lại đây. Anh hon em và con!”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2023, 08:49:36 am »


Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ngày càng mở rộng ra miền Bắc. Con đường cạnh nhà tôi vốn yên ả, thanh bình nay cũng trở thành mục tiêu đánh phá của các loại máy bay Mỹ. Thì ra kẻ địch đã đánh hơi được vị trí chiến lược của con đường này. Ban đầu chúng chỉ ném bom vào các vị trí cầu cống hoặc đánh vào các mục tiêu mà chúng phát hiện ra. Sau mật độ đánh phá ngày một dày đặc hơn. Chúng đánh ngày, đánh đêm, đánh vào bất cứ thời tiết nào. Bầu trời lúc nào cũng u u tiếng tàu bay và ầm ầm tiếng nổ của các loại bom đạn mà kẻ địch trút xuống. Làng tôi ở cạnh con đường ấy nên cũng nằm trong tầm đạn bom của địch. Thế là cả làng lại phải đào hầm trú ẩn. Lực lượng thanh niên, phụ nữ được biên chế vào các đơn vị dân quân trực chiến bắn máy bay Mỹ. Một đơn vị bộ đội pháo cao xạ cũng được điều về đây để bảo vệ con đường. Tôi xin bố gia nhập lực lượng dân quân. Bố tôi đưa cu Sơn, năm ấy đang học lớp vỡ lòng sơ tán đến một xã khác cùng với người già và trẻ em trong làng. Mỗi tuần bố và tôi lại thay nhau lên thăm bé Sơn một lần. Ở dưới này tôi vừa tham gia sản xuất vừa trực chiến cùng bộ đội và dân quân. Tôi khuyên bố lên ở với cháu nhưng bố không nghe. Bố bảo bố đã già cả gì cho lắm mà phải đi sơ tán. Ở huyện bên còn có cả một trung đội dân quân là các cụ phụ lão vẫn ngày ngày bám trụ chiến hào bắn cháy máy bay Mỹ thì sao?

Đã gần bốn năm kể từ ngày chồng tôi hy sinh, tôi thấy bố chưa một lần than vãn điều gì. Bố chỉ buồn và nỗi buồn cũng chỉ âm thầm, lặng lẽ trong lòng, chứ chưa một lần bố thốt ra thành lời. Nhiều lần tôi để ý thấy bố như muốn nói với tôi một điều gì đó nhưng rồi lại thôi. Tôi nghĩ chắc là bố chưa tiện nói ra. Mãi gần đây, trong một lần khi hai bố con đang ở nhà, tự nhiên bố gọi tôi lại và bảo: “Lan à, con đã về đây sống với bố được mấy năm nay. Ngọt bùi chưa thấy đâu mà đắng cay thì đã muôn phần con chịu. Tình cảm bố dành cho con thế nào con cũng biết. Nay, chồng con vì đất nước mà hy sinh, để con phải dang dở giữa chừng. Nếu con vẫn thuận lòng ở lại đây cùng bố thì từ nay bố xin được xem con như là con gái của bố. Con có điều gì cần chia sẻ thì cũng đừng ngại cứ giãi bày với bố nghe con. - Tôi chưa kịp trả lời thì bố lại nói: - Nhưng bố cũng không muốn con phải phí hoài tuổi xuân của mình chỉ vì những chuyện đã qua. Bởi, tất cả những chuyện đó đã vĩnh viễn mất đi, không bao giờ còn lấy lại được nữa rồi. Con còn trẻ, tương lai của con còn rất dài. Con hãy dành cho mình cái quyền được làm lại hạnh phúc từ đầu. Bố sẵn sàng ủng hộ con và lúc nào bố cũng mong con hạnh phúc…”. Tôi hiểu được trong câu nói của bố là cả một tấm lòng của người cha dành cho con gái. Có lẽ là vì bố thương tôi, không muốn tôi phải chịu cảnh góa bụa, không muốn tôi phải giam hãm đời mình trong cảnh đơn côi. Bố muốn tôi đi bước nữa. Bố muốn tôi tìm cho mình một người đàn ông khác để trao thân gửi phận, xây đắp hạnh phúc mới. Chắc hẳn bố phải cân nhắc kỹ lắm, suy đi nghĩ lại nhiều lắm, bố mới có thể nói với tôi như vậy.

Chồng tôi hy sinh đã mấy năm, dù nỗi đau đã phần nào nguôi ngoai, nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ là tôi sẽ tìm cho mình một người đàn ông khác. Tôi biết tôi vẫn trẻ. Và theo như đánh giá của cánh đàn ông mà tôi tình cờ nghe được, thì về mặt hình thức tôi vẫn còn mặn mà, duyên dáng lắm! Có người còn cho tôi là trẻ đẹp không thua kém gì các cô gái mười tám, đôi mươi. Chả thế mà có không ít người đàn ông đã theo đuổi, tán tỉnh tôi. Trong số những người theo đuổi tôi, người mà có tình cảm tha thiết và chân thành hơn cả là anh Lường, sĩ quan đơn vị pháo cao xạ.

Anh Lường gặp và làm quen tôi trong những lần tôi cùng dân quân đi tham gia trực chiến với đơn vị anh. Anh Lường rất đẹp trai, tính tình lại vui vẻ, nên lần đầu khi gặp anh, mới chỉ tiếp xúc sơ sơ, không những tôi, mà các chị, các cô ai cũng mến. Ban đầu tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản tôi và anh quen nhau cùng lắm thì cũng chỉ là tình anh em, tình quân dân, chứ có gì mà phải giữ kẽ. Không ngờ anh đã tìm hiểu về tôi khá kỹ từ hồi nào. Càng về sau tôi càng để ý thấy anh muốn tìm cách gần gũi để được trò chuyện với tôi. Biết anh là người đàng hoàng, vui tính, nên tôi cũng hết sức cởi mở, có lúc tôi còn tỏ ra quý mến anh hơn hẳn những người khác trong đơn vị. Thế rồi trong một lần tiễn tôi về nhà, anh đã bất ngờ tỏ tình. Tôi một hai từ chối anh, không có ý lưu luyến. Nhưng anh đã không tỏ ra giận dỗi hay thất vọng mà trái lại mọi cử chỉ, lời nói của anh càng hết sức từ tốn. Anh nói vì quá thương tôi, yêu tôi, nên anh mạnh dạn tỏ tình với tôi. Lời tỏ tình của anh có hơi bất ngờ với tôi, thậm chí trong một chừng mực nào đó còn có phần suồng sã, nhưng với anh thì anh không thể không nói ra nỗi lòng mình. Anh sợ từ nay về sau sẽ không có một cơ hội nào tốt hơn nữa để anh tỏ bày tình cảm với tôi. Anh cũng biết là khi nói ra điều hệ trọng này chắc chắn tôi sẽ từ chối. Nhưng anh mong tôi hãy tha thứ và đừng giận anh về sự tỏ tình đường đột này. Dù sau này tôi có bằng lòng hay không bằng lòng yêu anh thì anh cũng không bao giờ trách cứ hay giận dỗi gì tôi cả. Sau lần ấy anh Lường còn chủ động gặp tôi mấy lần nữa. Những lần sau này tôi không thẳng băng từ chối như lần trước, nhưng cũng không hẳn đã nhận lời anh. Trước tình cảm chân thành của anh tôi thấy tôi như một kẻ đang đứng trước ngã ba đường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2023, 08:50:40 am »


Chuyện giữa tôi và anh mới chỉ đến đó mà đã có nhiều người biết, có người bàn ra tính vào. Mấy chị cùng làng khuyên tôi là nên đến với anh Lường ngay đi, đừng để tuột mất cơ hội... ngàn vàng này. Qua cách nhìn nhận, đánh giá của các chị thì anh Lường đúng là mẫu đàn ông lý tưởng mà không phải người phụ nữ nào cũng có cơ may với được. Có chị còn bướm ong hoa lá rằng, mày dại lắm Lan ơi, ôm khư khư gì nỗi đau quá khứ cho thiệt thân, hãy tỉnh ngộ lại đi mà đón chào một ngày mới tươi đẹp với rất nhiều hoa thơm và nắng hồng ở phía trước! Mỗi người một cách nhưng xem ra ai cũng góp ý chân thành. Tôi biết trái tim tôi chưa đến nỗi lạnh băng nên không phải không rung động trước những tình cảm tốt đẹp mà anh Lường đã dành cho tôi. Từ nơi sâu thẳm của lòng mình, tôi biết tôi đã dành một góc nho nhỏ cho riêng anh. Mỗi lần nghĩ đến anh thì chính từ nơi sâu thẳm của trái tim, nơi đã phải chịu đựng sự mất mát ấy lại dấy lên một tình cảm vừa âm thầm vừa mãnh liệt. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn chưa đủ tự tin để cởi mở lòng mình. Có lẽ qua người này người kia bố tôi cũng đã ít nhiều biết được chuyện tình cảm của tôi với anh Lường. Tôi cứ lo sợ bố biết sẽ buồn, nhưng bố không những biết mà còn rất quan tâm và ủng hộ. Tôi nghe anh Lường kể là đã có lần bố tôi ra tận trận địa pháo để gặp anh. Bố gọi anh ra một góc hỏi han anh đủ thứ. Rồi bố nói với anh đại để, “con Lan nó là con dâu tôi nhưng cũng là con gái tôi, vì thế tôi cần phải biết anh là người thế nào”. Sau, bố đổi cách xưng hô, nhẹ nhàng nói với anh, “nếu cháu thực lòng thương yêu con Lan nhà bác và sau này nhất định mang lại hạnh phúc cho nó thì bác sẽ hết lòng vun vén cho hai đứa. Có lẽ bây giờ nó còn ngập ngừng chưa dứt khoát với cháu, lý do gì chắc cháu cũng hiểu... Nhưng rồi bác tin là nó sẽ đồng ý. Cháu hãy kiên trì và chờ đợi”. Nghe anh kể lại, tôi thấy lòng thật bâng khuâng, bộn bề, bố thực sự lo lắng cho hạnh phúc của tôi, có lần bố nói với tôi rất vui vẻ:

- Chuyện giữa con với anh bộ đội bố đã nghe qua, bố rất mừng. Thôi thì con hãy bằng lòng với người ta đi. Cái anh bộ đội tên Lường ấy bố thấy được lắm! Bố nhìn người bố biết. Anh ấy thực lòng thương yêu con đấy, con hãy cho anh ấy một cơ hội. Với lại con cũng đừng quá nặng lòng với chồng con nữa. Hãy vui lên mà đón lấy hạnh phúc đang đến với con. Chồng con dưới suối vàng chắc cũng mong con như vậy. Nếu như nó biết nó sẽ hy sinh thì bố tin lời trăng trối cuối cùng của nó dành cho con là thấy con được hạnh phúc chứ không phải thấy con sống mãi như thế trong khổ đau…

Tôi rơm rớm nước mắt nói với bố:

- Nhưng con không muốn xa bố. Bố đã mất nhà con rồi, bây giờ lại mất thêm con nữa, bố sẽ sống ra sao. Con chỉ muốn cả đời này được ở cạnh bố, được đói no bố con bên nhau thôi.

Bố gạt đi:

- Đi lấy chồng chứ mất cái gì mà mất! Thôi, nghe lời bố đi! Chiều nay thằng Lường nó sẽ đến chơi, liều liệu mà tiếp nó, đừng để nó ra về mặt mày ủ rà ủ rủ bố thấy tội lắm!

Một năm sau tôi và anh Lường tổ chức lễ thành hôn. Nói thì to tát thế chứ lễ cưới của chúng tôi chỉ gọn ghẽ có mấy mâm cơm, còn chủ yếu là bánh kẹo, cau trầu... cốt để chúng tôi chính danh nghĩa vợ chồng và gặp gỡ đôi bên gia đình cô dâu chú rể. Thật buồn cười khi anh chính trị viên đơn vị giới thiệu sự hiện diện của hai gia đình. Tưởng có ai lại hóa ra chỉ có bố tôi, vợ chồng em Vui là đại diện cho nhà gái và mấy anh bộ đội thay mặt đơn vị đại diện cho nhà trai. Khách đến dự chỉ toàn bộ đội và dân quân. Do điều kiện chiến tranh, nên trước đó cả tôi và anh Lường cùng bàn với nhau là không nên mời bố mẹ đẻ hay bất kỳ ai ruột thịt ở ngoài Bắc vào dự lễ cưới. Sau này mọi việc xong xuôi sẽ chỉ báo tin vui. Anh Lường cũng nhất trí với tôi là chỉ tổ chức đơn giản vì điều kiện đang chiến tranh, và với anh chỉ cần chúng tôi vui và hạnh phúc là trên hết.

Sau lễ cưới không lâu thì Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Anh Lường theo đơn vị hành quân vào phía trong. Rồi cứ thế, anh đi một mạch cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mới trở về. Lúc ấy bé gái của chúng tôi đã gần hai tuổi, cu Sơn đã bước vào lớp bốn. Anh Lường chuyển về công tác ở bộ tư lệnh quân khu với quân hàm trung tá. Hàng tuần cứ vào ngày chủ nhật anh lại về nhà. Anh nói với bố là sau này khi nghỉ hưu anh cũng sẽ ở lại đây. Anh sẽ coi noi đây là quê hương thứ hai của anh. Mấy năm sau nữa, theo nguyện vọng của bố, vợ chồng tôi vào chiến trường Quảng Trị, tìm và cất bốc hài cốt anh Mừng đưa về quê nhà.

Bố tôi năm ấy tròn tám mươi tuổi nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm! Mấy năm nay bố chỉ quẩn quanh ở nhà trông cháu, hoặc đến chơi với mấy ông bạn già trong xóm. Những khi nhớ việc, buồn bã chân tay, bố thường ra bờ ao cho cá ăn. Hoặc cũng có khi bố ra tận ngoài đồng xem lúa má một lúc rồi về. Năm ấy, anh Lường được nghỉ phép, vợ chồng tôi xin phép bố đưa các cháu về thăm quê một chuyến. Nhưng vừa ra đến quê chưa được mấy ngày thì tôi nhận được tin bố tôi đang ốm rất nặng, khả năng không qua khỏi. Chúng tôi vội vã ra bến xe bắt xe để về gấp. Và mãi hơn một ngày sau chúng tôi mới về đến nhà thì lúc đó bố đã trong tình trạng hôn mê. Tôi lao vào ôm lấy bố lay gọi. Thật kỳ lạ, đã mấy ngày bất tỉnh, vậy mà khi tôi cất tiếng gọi thì bố tôi từ từ mở mắt ra nhìn tôi. Lúc ấy ai cũng bảo là bố chỉ chờ tôi về, gặp cho được tôi rồi bố mới đi. Bàn tay bố lần nắm tay tôi. Đôi môi bố mấp máy như còn muốn dặn dò tôi điều gì. Tôi không biết bố nói gì nhưng cũng cứ gật đầu lia lịa với bố như là mình đã nghe rõ. Tôi thấy trên mắt bố hai giọt lệ lăn ra. Rồi chỉ lát sau bố tắt thở. Tôi choàng tay ôm lấy bố, gục đầu trên ngực bố, cả người tôi rung lên theo những tiếng nức nở...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2023, 02:13:23 pm »


MỘT THỜI NÔNG NỔI


Tôi vốn là đứa trẻ ham chơi, nghịch ngợm nhất làng. “Chọc trời khuấy nước mặc dầu. Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Nói như ai đó thì hai câu thơ trên nếu đem ví với tôi thì có tới chín phần tôi lãnh đủ. Học dốt, lại lười học, nên lẹt đẹt mãi tôi mới có được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông. Thấy người ta thi đại học, tôi cũng thi. Nhưng kết quả thì đến cái xét tuyển nguyện vọng đợt ba tôi cũng bị loại. Bố tôi - một cựu binh Trường Sơn - thấy thế liền bàn với mẹ tôi cho tôi được đăng ký nghĩa vụ quân sự. Bởi theo như phân tích của bố tôi thì chỉ có môi trường quân đội, dù chỉ hai năm nghĩa vụ, nhưng với kỷ luật thép, may ra mới có thể thuần hóa được những người cứng đầu cứng cổ như tôi. Và thế là tôi nhập ngũ.

Kết thúc khóa huấn luyện, tôi được bổ sung về đơn vị mới. Đó là một đơn vị cơ động đóng quân ngay trong thị xã. Thú thật là tôi đã suýt nhảy cỡn lên khi nghe anh sĩ quan quân lực đọc đến tên tôi được biên chế về đơn vị này. Là người lính mới nhập ngũ, không phải lên rừng xuống biển, được đóng quân ngay ở thành phố, thị xã, thật không có gì vui sướng cho bằng. Cái thị xã tỉnh lỵ này nằm ngay ngã ba sông, quy mô nhỏ nhưng rất đẹp và thơ mộng. Ở đây còn có cả Quốc lộ 1A chạy ngang qua và một trục đường lớn nối thị xã với một thị trấn ở biên giới. Từ đây muốn qua Lào, Thái Lan và mấy nước nữa ven sông Mêkông cũng đi theo con đường này. Còn dòng sông thì quanh năm nước trong xanh thăm thẳm, đứng từ trên một ngôi nhà cao tầng nhìn xuống sẽ thấy dòng sông uốn lượn bao quanh thị xã tựa như một dải lụa hững hờ vắt qua. Thị xã tuy nhỏ, nhưng nhờ mấy năm nay liên tục được nâng cấp, xây mới, nên giờ cũng đã khá sầm uất. Thị xã nhỏ với những đường phố ngang dọc, xe cộ suốt ngày ngược xuôi; những dãy nhà cao tầng, công viên, khách sạn, rạp hát; những đêm đèn điện rực sáng; những buổi chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật; những cuộc ăn chơi, nhậu nhẹt, hát karaoke, cửa hàng internet... Rồi cả những chàng trai, cô gái thị thành ăn mặc sành điệu, má phấn, môi son... Tất cả luôn là sự hấp dẫn đối với tôi một chàng trai nhà quê lần đầu được biết đến phố phường phồn hoa đô hội.

Thời gian đầu khi mới về đơn vị, tôi chấp hành điều lệnh khá nghiêm túc. Đi đâu cũng thể hiện đúng lễ tiết tác phong của một người quân nhân. Mọi công tác của tiểu đội, trung đội giao tôi đều hoàn thành xuất sắc. Trong đơn vị, từ anh cán bộ đến người chiến sĩ chẳng ai chê trách được tôi điều gì. Qua mỗi dịp tổng kết tôi luôn luôn là người được biểu dương, khen ngợi. Ấy vậy mà chỉ sau đó không lâu, cái thị xã nhỏ ấy đã bắt đầu cuốn hút tôi. Ban đầu, tôi chỉ ra phố vào những ngày nghỉ, những lúc có việc thật cần thiết. Hay những lúc mà tiểu đội, trung đội phân công đi làm một việc gì đó. Sau, do quen dần với không khí vui nhộn bên ngoài, nên không cần chờ đến ngày nghỉ, không cần chờ đến đơn vị phân công, tôi vẫn cứ ra phố. Cứ thế rồi thành quen lệ khi nào tôi không hay. Nếu như cái tốt đến với con người chậm, thì thói xấu lại tiêm nhiễm vào con người rất nhanh, với tôi thật quả không sai. Vì quen mà thành nếp khó bỏ, nên mỗi tuần không được dạo qua phố một lượt là tôi lại thấy nhơ nhớ thế nào ấy. Có cảm giác như không được lang thang trên các vỉa hè hay sà vào một cái quán nào đó là tôi cảm thấy bứt rứt trong người, thấy ăn không ngon, ngủ không yên. Trước đây khi ra khỏi doanh trại tôi còn báo cáo, xin phép hẳn hoi và chỉ huy có đồng ý tôi mới dám đi. Còn bây giờ, nhiều lần thấy có cơ hội là tôi lẩn đi. Nhìn trước ngó sau, lấm la lấm lét như thằng ăn trộm, thoắt một cái, tôi đã có mặt ngoài phố rồi. Những chuyện đó tôi chẳng để một ai biết, Bởi tôi thường trốn đơn vị vào những lúc mà không ai để ý, ví như vào buổi trưa, lúc mọi người đang ngủ, hoặc vào buổi tối, khi mà anh em vừa sinh hoạt xong đang túm tụm lại chơi bài “tiến lên”. Thói xấu ăn sâu vào tôi tới mức, tôi nghĩ nếu ai đó biết tôi cũng không sợ, cùng lắm thì chỉ một lời nhắc nhở, chứ ai hơi đâu mà để ý tới những chuyện vặt vãnh ấy. Tôi nghĩ thế và lấy làm an tâm lắm.

Anh Hàn, trung đội trưởng trung đội tôi, một thiếu úy hơn tôi độ chục tuổi, là người quê ở Bắc Ninh, có giọng hát quan họ rất hay. Anh em trong đơn vị đã từng ngất ngây khi nghe anh hát bài “Người ơi người ở đừng về”. Một lần, anh hát xong, cả trung đội vỗ tay rào rào tán thưởng. Riêng tôi, đợi ngớt tiếng vỗ tay thì đứng phắt lên reo to: “Hoan hô trung đội trưởng! Trung đội trưởng hát hay quá! Giá em là con gái, em sẽ yêu trung đội trưởng ngay. Hôm nào trung đội trưởng hát karaoke với em một bài có được không ạ?”. Tôi vừa dứt lời thì cả trung đội cười ồ, làm tôi ngượng chín mặt. Có người còn cho tôi là bất nhã, thiếu lịch thiệp với cấp trên. Còn trung đội trưởng chẳng có ý kiến gì anh chỉ hơi mỉm cười. Mãi hôm sau, nhân tình cờ gặp tôi anh mới gọi tôi vào phòng, nhẹ nhàng bảo: “Này Huy, anh để ý thấy em dạo này có phần sa sút đấy! Tối qua, khi nghe em nói hát karaoke, anh bỗng nhớ ra một việc cần phải nói với em, có phải dạo này em thường ra thị xã hát karaoke đúng không?”. Tôi không một chút gượng gạo mà trả lời luôn: “Dạ, trung đội trưởng nói đúng đấy, em thỉnh thoảng có đi hát karaoke... Nhưng anh Hàn này, hát karaoke thì có hại gì mà anh bảo là sa sút ạ? Bên ngoài người ta công khai làm dịch vụ này cơ mà! Nếu có hại chắc đã cấm từ lâu rồi”. Trung đội trưởng cười rồi nói với tôi rất nhiều điều rằng, không ai bảo hát karaoke là có hại, là sa sút về đạo đức, tác phong. Nhưng hát karaoke trong một chừng mực nào đó cũng ảnh hưởng đến việc học tập, công tác. Vì mình là bộ đội, không phải lúc nào cũng dư dả thời gian để lãng phí vào những việc đó. Hát karaoke rất dễ tạo cho con người một thói quen khó bỏ. Có khi do say mê quá mà quên đi những việc khác. Và sau cùng hát karaoke ít nhiều cũng tốn kém về mặt tiền bạc. Người lính mới nhập ngũ phụ cấp mỗi tháng không được bao nhiêu. Đó là số tiền phải được sử dụng vào những việc thiết thực. Không thể cứ vài ba bữa đã ném sạch vào những trò chơi vô bổ đó để rồi lại ngửa tay xin tiền của bố mẹ. Trung đội trưởng góp ý với tôi là nên hạn chế để rồi dần dần bỏ hẳn thói quen vô bổ ấy. “Mình là quân nhân không nên la cà quán xá làm mất đi vẻ đẹp của người chiến sĩ”. Anh nhẹ nhàng nhắc nhở tôi và anh còn gợi ý nếu như tôi thực sự có khiếu văn nghệ, thì nay mai khi trung đoàn thành lập đội tuyên truyền xung kích, anh sẽ giới thiệu tôi về đó. Cuối cùng, trung đội trưởng chỉ ra những sa sút gần đây của tôi. Đó là những biểu hiện lơ là trong công tác, trong chấp hành điều lệnh, điều lệ quân đội. Anh dẫn ra những bằng chứng cụ thể, như đi chơi không báo cáo, lễ tiết tác phong thiếu nghiêm túc, ăn mặc lôi thôi, tóc tai bù xù... Và đặc biệt gần đây thỉnh thoảng tôi còn tụm năm tụm ba, kể cả với người ngoài đơn vị để rượu chè, nhậu nhẹt. Trung đội trưởng khuyên tôi nên sớm khắc phục những khuyết điểm kể trên khi chưa muộn.
Logged
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM