Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 12:38:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hoa lửa đường về  (Đọc 6728 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:14:11 am »

Tên sách: Hoa lửa đường về
Tác giả: đại tá Nguyễn Văn Nỹ
Nhà xuất bản: Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số hóa: macbupda


LỜI GIỚI THIỆU

Sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo, Nguyễn Văn Nỹ học dở dang tại trường Pháp-Việt, theo tiếng gọi Cách mạng, lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ quê hương. Tháng 9 năm 1954 tập kết ra miền Bắc và tháng 4 năm 1965, ông tình nguyện trở về miền Nam chiến đấu tại các chiến trường Trị-Thiên, 3 tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ cho đến chiến trường Sài Gòn-Gia Định đến tận ngày chiến thắng 30.4.1975. Ông lần lượt kinh qua các chức vụ Tiểu đoàn trưởng, Tham mưu phó trung đoàn, Trưởng ban tác chiến Phân khu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công, cán bộ tham mưu tác chiến của Bộ tư lệnh Miền. Sau chiến thắng 1975, ông là Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện chiến thuật chiến dịch cho cán bộ Trung cao cấp phía Nam (do Quân khu 7 quản lý) và cuối năm 1991 được Đảng và Quân Đội cho nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

Từ một học sinh trung học dở dang đi tham gia Cách mạng và sau đó tự hoàn thiện kiến thức văn hóa trong môi trường Quân đội, cả cuộc đời đại tá Nguyễn Văn Nỹ gần như gắn liền với hầu hết các chiến trường miền Nam từ Trị-Thiên trải dài đến Tây Nguyên và sau đó là Đông Nơm Bộ cho đến Sài Gòn-Gia Định. Chính vì thế mà những trang Hồi ký (ông khiêm tốn gọi là chuyện tự kể) đầy sinh động, hừng hực không khí chiến đấu hào hùng, là bản trường ca bất tử của những người lính cầm súng lao lên phía trước, quyết chiến hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ Quốc thân yêu. Hình ảnh những người chiến sỹ bộ đội qua hồi ký của ông đầy những nét lạc quan đáng yêu, và cũng đầy gan dạ, mưu trí dũng cảm khi chiến đấu với Mỹ-ngụy, những kẻ vũ khí hiện đại gấp hàng chục lần, quân số cũng đông hơn hàng chục đến trăm lần nhưng các anh vẫn chiến đấu và chiến thắng. Tuy nhiên bên cạnh đó, ngòi bút của ông đôi lúc cũng chùng lại, ngậm ngùi trước nhưng hy sinh mất mát to lớn của biết bao nhiêu người lính trẻ tuổi tròn đôi mươi đã ngã xuống, chưa yêu và một nụ hôn cũng chưa có. Đến nay các anh vẫn nằm rải rác đâu đó trong những cánh rừng già miền Nam, thậm chí qua tận đất bạn Campuchia. Cũng như ông phẫn nộ về một vài cá nhân này khác đi vào cuộc chiến của dân tộc với những mưu tính nhỏ nhen, không xứng danh người lính cụ Hồ. Đấy chỉ là những trường hợp cực kỳ cá biệt nhưng cũng là những nét chấm phá làm cho hồi ký của ông thêm phần sinh động, với những sự thật của cuộc chiến vốn là như vậy.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, hồi ký của đại tá Nguyễn Văn Nỹ như muốn nhắc nhở với các thế hệ con cháu ngày nay rẳng. Để có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay, biết bao nhiêu con người đã đổ máu xương hy sinh vì Tổ Quốc. Chúng ta phải nhớ, không quyền được lãng quên.

Nhà xuất bản Công an Nhân dân trân trọng giới thiệu với các bạn.

NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:16:13 am »

LỜI NGƯỜI VIẾT

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc giải phóng miền Nam đã kết thúc được 25 năm, tôi bắt đầu viết trang đầu tiên cho tập Chuyện tự kể này. Lúc bấy giờ tôi đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hi”.

Tôi là một chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc tháng 9 năm 1954. Đến tháng 4 năm 1965 tôi rất vinh dự được trở về cùng đồng bào đồng chí đánh Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam.

Đường về từ lúc vượt qua đầu nguồn sông Bến Hải đến điểm dừng chân cuối cùng tại đô thành Sài Gòn vừa chẵn 10 năm.

Sự kiện xảy ra thì nhiều, khả năng viết lách diễn tả của tôi hạn hẹp kém cỏi, tôi chỉ mạo muội kể lợi đôi điều mắt thấy tai nghe. Phần lớn chuyện, tôi là người trong cuộc.

“Chuyện tự kể” do lòng tôi nghĩ sao viết vậy, thấy sao kể vậy. Phán xét là quyền người đọc.

Đường về gặp phải Lừa từ sắt thép bùng ra, từ khốc liệt gian khổ. Mà củng từ ý chí nung nấu “Ra đi theo ánh lửa từ trái tim này…” quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trong mỗi chiến sĩ chúng tôi.

Nhưng chúng tôi vẫn luôn có Hoa nở trong tâm hồn. Nếu không, làm sao chúng tôi có được niềm tin, lạc quan và chịu đựng để xông tới.

Vi vậy tập “Chuyện tự kể” có tên HOA LỬA ĐƯỜNG VỀ

Đối tượng người đọc tôi viết dành cho con cháu trong nhà. Chủ ý để chúng biết sở dĩ có cuộc sống tốt đẹp hôm nay, đã và đang nên cây xanh trái ngọt phải trả giá bằng xương máu của hàng triệu đồng bào chiến sĩ ngã xuống; hàng vạn người tuy đang sống nhưng cơ thể không còn lành lặn và đến nay vẫn còn rất nhiều người phải mang không biết bao nhiêu nỗi đau.

Tôi xin lỗi với người đọc vì chắc chắn tập chuyện này mắc nhiều sai sót. Xin được góp ý. Chân thành cảm ơn.


Thành phố Hồ Chí Minh
                                                                                                                               
Mùng 2 tháng 9 năm 2006
Nguyễn Văn Nỹ
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:17:42 am »

1

TẾT VÀ CHUYỆN ĐÁNG NHỚ
Ở CHIẾN TRƯỜNG TRỊ THIÊN - TÂY NGUYÊN

Sau những đợt hoạt động tác chiến vùng Sa Thầy, trung đoàn 88 được Bộ Tư lệnh B3 (Tây Nguyên) điều động xuống phía Nam. Tháng 1 năm 1967, trung đoàn đứng chân địa bàn tỉnh Gia Lai ven biên giới Việt Nam - Campuchia.

Mấy ngày hành quân không nghỉ, tiểu đoàn 7 vượt lộ 19 trú quân bắc cao điểm 732 và sông Iadrăng (nam Tây Nam huyện lỵ Đức Cơ). Đây là vùng đồi núi với những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn. Vào rừng nếu không quen thuộc địa hình, không địa bàn trong tay khó xác định phương hướng. Cây cao vời vợi, tàn lá ken dày nhiều tầng không thấy bóng mặt trời. Hiếm hoi mới bắt gặp một vài tia nắng. Tám giờ sáng mới nhìn rõ mọi vật. Ba giờ chiều đã xâm xẩm tối. Nhiều cây đường kính ước chừng cả mét. Phổ biến là các loại cây gần một người ôm. Hôm đi nghiên cứu địa hình vùng đóng quân, đồng chí Tham mưu trưởng suýt xoa luôn miệng: “Cả một kho báu, kho báu khổng lồ đồng chí Tiểu đoàn trưởng ạ! Người ta nói rừng vàng biển bạc đâu sai. Đồng chí xem này, vô vàn các loại cây quý: Gõ, Cẩm Lai, Giáng Hương, cha ơi! Cả Lim và Trắc nữa... Có lẽ bao thứ gỗ đắt giá trên đời đều hội tụ cả đây...”. Đồng chí ấy thao thao bất tuyệt về lai lịch từng loại cây. Là cán bộ đại đội thời đánh Pháp, miền Bắc độc lập, đồng chí được chuyển ngành đi học lớp trung cấp lâm nghiệp, rồi Đại học Nông lâm, trở thành kỹ sư giỏi nghề rừng. Đánh Mỹ giải phóng miền Nam, đồng chí tình nguyện trở lại quân ngũ. Sau mấy lớp tập huấn quân sự, đồng chí được điều về làm Tham mưu trưởng tiểu đoàn tôi. Quét mắt qua, đồng chí phân biệt rành rẽ từng loại cây và giá trị của nó. Tôi tuy sống bám rừng nhiều năm thời kháng chiến đánh Pháp ở miền Nam. Tập kết ra Bắc đóng quân ở Nghệ An cũng mất cả năm “đẵn tre chặt gỗ trên ngàn” đưa về xuôi làm doanh trại. Thế mà hiểu cây rừng tôi như... Đi lạc vào rừng chả biết mô tê gì. Tôi chỉ châm bẩm đến thứ nấm mối, cây riềng, quả gùi.... Nấm mối sản sinh trong rừng ăn không chê vào đâu được. Nó mọc từng cụm, từng vạt nhỏ khoảng nửa mét vuông đến bằng chiếc chiếu trải. Gặp được tụt ngay bồng hoặc cởi áo nhặt túm mang về. Được nó quý hơn ăn rau củ nào khác có ở rừng. Chỉ một bụm bỏ vào nồi nước đun sôi, thêm chút muối, không cần bột ngọt, cả tiểu đội có món canh ngon lành. Nước ngọt lịm như nước gà luộc. Bỏ miếng nấm vào miệng như nhai thịt gà xé phay. Còn riềng, thứ gịa vị không thể thiếu khi làm món giả cầy. Với lính vượt Trường Sơn, nó là thứ ưu đãi trời cho nơi hoang dã, băm nhỏ trộn với muối hột trở thành thức ăn chủ lực hàng ngày. Nó không phải dễ tìm, thỉnh thoảng mới gặp.

Tiểu đoàn đóng quân trong cụm rừng già chưa dấu chân người lai vãng. Một con suối cạn lưng chừng ống quyển nước trong như lọc, nhìn thấy cả sỏi màu sắc óng ánh dưới đáy. Tre lồ ô to bằng bắp chân, cao hàng chục mét ken dày với cây rừng tha hồ sử dụng làm lán trại. Đã có tre ắt có măng. Măng non nhiều vô kể. Có được thứ thực phẩm dễ chế biến ăn độn thêm càng chắc bụng. Ở đây kín đáo yên tĩnh. Suốt ngày không nghe tiếng pháo ùng oàng từ căn cứ Mỹ từng chập vãi đạn vào rừng. Chỉ bị quấy rầy lỗ tai bởi tiếng động cơ như chuông ngân của loại máy bay do thám Xi-ben lượn lờ tầm cao tọc mạch dòm ngó. “Cho mày tìm, ở đây kín lắm. Bọn ông giữ nghiêm kỷ luật lửa khói đếch sợ”. Nói thế chứ vừa đặt balô, việc đầu tiên của lính là tháo cuốc đào ngay công sự. Đề phòng phi pháo và tránh bị tập kích bất ngờ ở mặt đất xem như chuyện ăn ngủ, chuyện thở của lính thường ngày. Ai dám khinh địch, chủ quan đồng nghĩa với đổ máu. Điều này với lính ta là bài học nằm lòng.

Trong hai ngày toàn tiểu đoàn hoàn thành lán trại, công sự. Nghị quyết Đảng ủy được quán triệt từng chi bộ cấp đại đội, từng tổ Đảng cấp trung đội. Được biến thành quyết tâm khi đưa ra Hội đồng quân nhân. Trú quân bất kỳ đâu từ một đến hai ngày được phép nằm võng. Hai ngày trở lên phải nằm sạp. Lâu hơn phải có lán trại hẳn hoi. Điều này lúc đầu chấp hành vì tính tổ chức kỷ luật, sau trở thành thói quen tự giác có nếp, chỉ huy không phải đôn đốc nhắc nhở. Cứ tổ ba người một lán. Lán có sạp nằm mắc được màn. Vách thưng lá đùng đình hoặc tre nứa đập dập ghép lại. Mái lợp bằng tre lồ ô chẻ đôi úp chồng lên nhau. Làm thế không hề có một giọt nước dột. Nếu trú quân trong tầm khống chế hỏa lực địch, thay cho lán nổi trên mặt đất bằng lán âm phải sâu một mét trở lên.

Hôm ấy 29 Tết âm lịch. Còn một ngày hết năm Bính Ngọ (1966) bước sang Đinh Mùi (1967). Tuổi tôi sắp qua ba con giáp chẵn: Ai nấy phấn khởi được cấp trên cho về đây nghĩ ngơi đón Tết dưỡng sức sau một năm hoạt động liên miên bất kể ngày đêm.

Tôi đi kiểm tra việc ăn ở, phòng thủ của các đại đội về tiểu đoàn bộ. Đồng chí trợ lý hậu cần báo cáo việc cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bộ đội. Nghe qua ai cũng mừng rơn. Chắc chắn được một cái Tết xôm tụ. Mỗi khẩu phần được hai lạng rưỡi thịt tươi, ba lạng nếp, ba lạng đường trắng, một lạng đậu xanh, một lạng kẹo, ba điếu thuốc lá Tam Đảo. Mỗi tổ một hộp sữa nước, một gói trà Ba Đình loại hai, nửa ký thịt chà bông. Mỗi tiểu đội có bộ bài Tây và bàn cờ tướng. Thế quá đủ trong điều kiện muôn vàn khó khăn hạn chế ở chiến trường. Sự chăm lo chu đáo của Đảng, Chính phủ, nhân dân cả nước với chiễn sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc làm ai cũng xúc động. Chỉ nỗi buồn đón Tết không ai ngoài lính với nhau cùng cây rừng và những hòn đá tảng to tướng...

Đây là cái Tết thứ hai của chúng tôi khi về lại chiến trường Miền Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:18:11 am »

*
*   *

Cuối tháng 1 năm 1966, Nông trường 10 (bí danh sư đoàn bộ binh 10) tập kết quân miền rừng núi biên giới Tây Thừa Thiên giáp Lào. Mọi sự chuẩn bị khẩn trương để mở chiến dịch vùng Aso-Alưới. Dự kiến khi chiến dịch nổ ra, khả năng Mỹ-ngụy có thể đổ quân bằng đường không đánh phá hậu cứ, cắt chặn hành lang vận chuyển tiếp tế của ta ra phía trước khi chiến dịch mở màn và lui quân sau đó. Phương án dự phòng được bàn đến, nhưng chỉ mới xác định trên bản đồ. cần nghiên cứu thẩm định trên thực địa bổ sung hoàn chỉnh.

Ai sẽ làm nhiệm vụ đi nghiên cứu địa hình? Tôi được giao trọng trách này. Trước đó tôi đang chỉ huy tiểu đoàn bộ binh 2 thuộc trung đoàn 18. Đột nhiên được điều động về làm trợ lý tham mưu tác chiến sư đoàn. Điều bất ngờ ngoài ý muốn không thú vị gì. Song tôi phục tùng mệnh lệnh vì đó là thuộc tính của người lính. Tôi vác ba lô về sư đoàn bộ không một lời phàn nàn.

Cùng đi khảo sát địa hình với tôi có một cán bộ và 5 trinh sát thông thạo nghiệp vụ.

Sáng sớm hôm ra đi ngược đường lên hướng Bắc, cây rừng ướt đẫm như sau trận mưa to. Gió núi thổi thông thốc vào mặt nhưng vẫn không xua tan sương mù dày đặc bao phủ cả một vùng đồi núi bao la. Cái lạnh se thắt giữa đông ở một ngọn núi lưng chừng của dãy Trường Sơn làm các bộ phận trong cơ thể như co rúm lại. Lúc tiễn chân lên đường, đồng chí Tư lệnh mặt trận Vũ Lăng vỗ nhẹ vào lưng tôi giọng thân mật: “Tin tưởng đồng chí sẽ làm tốt nhiệm vụ. Bảy ngày sau có mặt ở Bộ Tư lệnh. Đang còn nhiều việc chờ đồng chí đấy”.

Tôi vừa dọ dẫm từng bước khi xuống cái dốc trơn trợt vừa tính nhẩm thời gian. Mục tiêu tôi đến là khu vực Bản Đôn trên đất Lào. Số điểm khác nằm Đông - Tây một đoạn sông XêPôn nơi phân chia ranh giới hai nước Việt Lào. Đường đi đến đó và nối liền các điểm cần khảo sát nghiên cứu cộng đường về phải hơn 100 km. Đó là đo trên mặt phẳng bản đồ. Thực tế leo đèo lội suối vượt núi băng rừng phải nhân đôi. Bảy ngày chừng ấy cây số đường, mỗi ngày chúng tôi phải vượt khoảng 30 km.

Hôm nay 25 tháng chạp âm lịch. Ngày này ở quê tôi người ta kéo nhau về nghĩa trang gia tộc với hương hoa trà nước cúng lễ ông bà, làm sạch đẹp mồ mả tổ tiên chuẩn bị đón năm mới. Thời gian công tác chỉ trong 7 ngày, tính ra đúng mùng một tết tôi phải có mặt ở Bộ Tư lệnh. Như vậy chúng tôi phải làm việc cật lực. Sẽ không chút rảnh rang nào để đứng trên đỉnh cao ngắm cảnh hoàng hôn xuống, bình minh lên. Chẳng còn hơi sức đâu tựa lưng vào gốc cây hay phiến đá hòa giọng qua cây Harmonica với dòng suối reo và tiếng vượn hú từ xa vọng lại. Tôi không có thời gian để mơ mộng thả hồn đón gió bắt mây trong cảnh thiên nhiên hoang dã. Những lúc như thế với tôi rất thu vị, là chút hạnh phúc ít ỏi riêng tư mỗi khi dừng quân nghỉ ngơi nơi nào đó ở Trường Sơn Đông hay Trường Sơn Tây.

Có chuyện xảy ra trên đường đi tôi nhớ mãi.

ĐỔI GÀ LẤY ÁO

Một chiều dừng chân bên khe suối, chúng tôi tìm được hốc đá kín đáo để nấu bữa cơm tối và trú đêm. Mọi người loay hoay theo phần việc của mình. Có tiếng báo cáo của đồng chí cảnh giới. Tôi quay ra gặp một cụ già người Lào. Ông lão tóc bạc trắng da đen sạm, cơ bắp còn rắn chắc. Trời rét cắt ruột thế mà ông mình trần, vận chiếc khố túm vá nhiều chỗ mong manh. Tay ông ôm một con gà mái đẻ nặng ít ra cũng ký rưỡi. Ông nói một tràng dài tiếng Lào để lộ hai hàm chẳng còn mấy cái răng. Tôi không hiểu ý ông nói. Một đội viên biết chút ít tiếng địa phương dịch lại tôi nghe. Té ra ông muốn đổi con gà lấy một cái áo ngắn tay cổ vuông. Đây là loại áo lót may bằng vải thường nhuộm màu trông như áo kaki vàng. Lên đường đi B (vào chiến trường miền Nam) mỗi người chúng tôi được phát hai cái. Ông lão thấy mấy chiếc áo anh em đang hong khô bên bếp lửa. Ông muốn đổi con gà lấy một cái. Nhìn thấy gà mắt ai cũng trố lên. Lâu lắm, nhiều tháng không còn cảm nhận cái hương vị thơm ngon của miếng thịt gà. Ai cũng thèm. Bây giờ nó đang trước mắt. Một cái áo cỡ này chẳng giá trị mấy, nhưng có con gà luộc xé phay ngay lúc đói, thèm ăn thì quá tuyệt. Nước luộc đổ thêm chén gạo sẽ có nồi cháo bốc hơi ngon lành. Được gà bồi dưỡng bù lại những ngày vất vả. Ông già cần áo chống rét, mình cần gà. Một cuộc đổi chác công bằng sòng phẳng chẳng thiệt ai - ai cũng nghĩ thế. Nhưng một luồng tư tưởng khác mạnh hơn lấn lướt.

Trước chuyến đi vài hôm, hội nghị chi bộ Đảng được triệu tập để quán triệt nghị quyết của Đảng ủy mặt trận. Nhiều vấn đề đưa bàn, trong đó, việc tuyệt đối chấp hành kỷ luật dân vận: không xin, mua bán, đổi chác bất cứ vật gì với dân. Ở đây không có ai ngoài bảy người trong cuộc đồng thuận và ông già. Sẽ chẳng tai tiếng nào đến tai lãnh đạo. Nhưng, tuy lúc này có bảy người bằng xương bằng thịt ngồi đây còn có lương tri của quân nhân cách mạng và ý chí của người cộng sản.

Tôi lúc còn ở đơn vị là tiểu đoàn trưởng, thường vụ Đảng ủy tiểu đoàn, về sư đoàn bộ binh làm trợ lý trở thành đảng viên thường. Dù cương vị nào tôi vẫn là đảng viên cộng sản. Tôi phải gương mẫu chấp hành triệt để nghị quyết Đảng. Đó là sức mạnh của Đảng, của quân đội không thứ vũ khí nào đánh bại. Chấp nhận để có những miếng thịt tươi chúng tôi sẽ phá bỏ nghị quyết Đảng ư? Câu trả lời: Không! Điều suy nghĩ này mọi người như tôi. Trong nhóm chúng tôi có 3 Đảng viên. Khi tôi nêu vấn đề này ai cũng đồng tình kể cả anh em ngoài Đảng. Không một ai tỏ ra tiếc rẻ.

Trong lúc chờ đợi quyết định đổi áo lấy gà, mắt ông lão cứ hấp háy dán vào chiếc áo trong tay anh đội viên trẻ. Anh vụt đứng dậy cầm áo bước lại chỗ ông, nhiều anh lừ mắt có ý cản. Anh nói:

- Em xin phép tặng không ông ấy chứ không đổi gà.

Đồng chí đội trưởng trinh sát giọng sôi nổi:

- Ậy, đồng chí không nhiều áo, vả lại nó mong manh không đủ ấm. Tôi còn thừa một chiếc sợi đan đây để tôi tặng ông ấy. Vừa nói anh tròng vào người ông lão chiếc áo sợi màu tím than khá dày, tay dài cổ đứng. Phủ trùm lên nét mặt nhăn nheo là nụ cười rạng rỡ lan tỏa khuôn mặt ông. Ông cầm con gà dúi vào người đội trưởng ra dấu như muốn nói: “Anh cho tôi áo anh phải lấy gà. Trông đây, nó béo chứ, sắp đẻ trứng đấy”.

Đồng chí đội trưởng xua tay lắc đầu lia lịa. Anh đội viên bập bẹ tiếng Lào phải giải thích mãi với ông. Phần gạo chưa kịp vo anh trút vội vào cái túi mây đan của lão đeo lủng lẳng bên hông. Ông đứng đó tần ngần, người như lặng đi. Nơi hai khóe mắt già nua những giọt nước long lanh lăn dài xuống đôi má sạm đen nắng gió.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:19:13 am »

*
*   *

Năm ngày qua, chúng tôi lặn lội hết cụm rừng này đến đồi núi kia. Công việc hoàn thành. Giờ phải quay về đúng hẹn. Những binh trạm trên đường đi qua hay tá túc lại đều sốt sắng giúp đỡ.

Chiều 30 Tết về đến binh trạm C được anh chị em cán bộ nhân viên đón tiếp niềm nở. Được bố trí chỗ nghỉ đêm có sạp nằm, vách thưng kín gió. Chúng tôi sẽ đón giao thừa ở đây với cái bụng lép kẹp. Số gạo mang theo chỉ đủ dành cho buổi trưa mai. Đói, không một ai nhắc bàn đến chuyện Tết nhất. Cố mà quên đi.

Có tiếng đồng chí trạm trưởng mời chúng tôi nhân tiễn năm cũ mừng năm mới. Nghe cứ tưởng đồng chí đùa chọc vui cho qua cơn buồn nỗi nhớ mông lung. Nhưng không, thái độ đồng chí trang trọng, lời mời nghiêm túc. Nhận ra điều mời thật lòng làm chúng tôi quá ngạc nhiên, ở các trạm khác dù các đồng chí tử tế mấy cũng chỉ cho phép chúng tôi được nghỉ ngơi trong trạm. Điều ưu tiên này dành riêng cán bộ cao cấp từ sư đoàn, quân khu đến Trung ương. Cỡ cán bộ trung đoàn trở xuống mắc võng nằm ở bãi khách. Quy định của tổ chức đường dây là thế.

Có chỗ nghỉ được mời ăn trong khi lương cạn bụng đói có khác chi nắng hạn gặp mưa rào. Thật vui như mở cờ trong bụng. Ngỡ tưởng được “chiêu đãi” bữa ăn đạm bạc cơm hẩm với tí muối, thế đã sang. Nào ngờ trên mặt bàn bằng cây rừng ghép, món ăn bày ra làm lóa mắt những cái mồm háu ăn của cánh lính trinh sát. Mấy con cá chép to bằng bàn tay trẻ nít rán vàng béo ngậy. Thịt gà xé phay trộn bóp lá chanh rừng. Hai cái bánh chưng to tướng được bọc lá chồng lên nhau. Thịt heo kho trứng, nồi thịt đông, đĩa chả lụa. Có cả món dưa hành cải muối. Rau cải bẹ xanh... Nhìn thấy những thức ăn không kém bữa tiệc thịnh soạn của một gia đình khá giả vùng tự do. Mọi người trố mắt hết nhìn các món ăn lại nhìn nhau. Không ai đụng đến muỗng đũa, e rằng một va chạm nhỏ những thứ trên sẽ tan biến đi.

Đồng chí trạm trưởng lên tiếng làm chúng tôi sực tỉnh. Hình như đoán được tâm trạng khách, giọng xứ Nghệ chắc nịch, anh phân bua: “Năm cũ sắp qua, năm mới ngấp nghé đến, xin chúc mừng. Các bạn đừng ngại. Chuyện “nhường cơm sẻ áo”, “nhịn miệng đãi khách” là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, vả lại cánh ta đều con cháu Bác Hồ. Chúng tôi có điều kiện hơn các đồng chí. Trạm có trại sản xuất nhỏ trỉa đôi sào nếp, vài bát đỗ xanh. Nuôi vài con lợn, bầy gà đẻ để thỉnh thoảng cải thiện chất tươi lúc tết nhất lễ lạt. Cá sẵn ngoài sông với giàn lưới bỏ ít công sẽ được một vài ký. Rau củ tự trồng... Các đồng chí là khách đặc biệt được Bộ Tư lệnh mặt trận yêu cầu giúp đỡ nếu các đồng chí ghé qua”.

Không đợi mời mọc thêm, mọi người cầm đũa. Khi đói gặp bữa ăn ngon chắc sẽ “ăn như hổ đói”. Nhưng không, ai cũng chậm rãi từ tốn. Hình như ai cũng muốn kéo dài tận hưởng cái đậm đà chất xuân không những toát ra từ mùi vị thơm ngon của thức ăn mà còn từ con tim và những tấm lòng ưu ái.

Bốn giờ sáng mùng một Tết năm Bính Ngọ (1966) chúng tôi từ giã trạm lên đường. Giữa trưa về đến binh trạm Đ. Nếu bộ đội hành quân phải tới ba giờ chiều mới đến. Trạm Đ nằm ngay ngã ba trục Bắc - Nam và nhánh rẽ xuống đồng bằng nam Thừa Thiên - Quảng Đà. Ẩn mình trong khu rừng nguyên sinh, trạm có hội trường, nhà ở, nhà bếp phòng ăn... khang trang như một doanh trại khá chính quy. Theo hẹn nơi đây có người đón chúng tôi đưa về địa điểm mới của cơ quan Bộ Tư lệnh. Ai cũng hy vọng ngày đầu năm sẽ được đón tiếp như các trạm đã qua. Gạo hết nhẵn chỉ còn đủ cho vắt cơm trưa mang theo. May chiều qua được anh chị em binh trạm C thết cho bữa ăn nhớ đời. Sáng nay làm nồi cháo sườn đặc quánh tiễn khách. Nắm cơm giữ lại cho bữa ăn chiều. Bây giờ chỉ cần rá cơm tí muối. Chừng ấy thôi đã là may mắn.

Băng qua cạnh nhà ăn, anh đội viên khịt khịt mũi kéo áo tôi rồi hất đầu về phía lửa cháy đỏ rực trong cái bếp lộ thiên. Trên đó một chảo thịt to tướng đang sôi sùng sục bốc khói tỏa mùi thơm làm cồn cào ruột gan những kẻ háu ăn bụng đói. Trên sườn nhà treo mấy đùi thịt rừng béo lẳn đỏ tươi. Một chị tuổi trạc trung niên, thân hình cao lớn, miệng phì phèo điếu thuốc lá vấn to bằng ngón tay, đang dùng đôi đũa cả như cặp kiếm gỗ đảo thịt chẳng buồn ngước nhìn đáp lại lời chào của anh lính trẻ. Vẻ mặt lạnh băng của chị ta như muốn nói: “Ngó gì thế? Bộ thèm lắm hả. Cút ra suối nốc nước cho no. Đừng đứng đó nhím chằm chằm chảo thịt vướng tay bà...”.

Chúng tôi thả ba lô ngồi bệt xuống đất bên đống củi khô. Lòng tự trọng nổi lên. Không ai muốn lụy vì miếng ăn. Nghĩ thế, nhưng mùi thơm trong chảo thịt hấp dẫn quá. Nó cứ thách thức chúng tôi, cứ tự do xồng xộc xông vào mũi mỗi người. Nó không nể mặt cánh lính trinh sát vốn có chút kiêu căng ngạo mạn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:21:14 am »

Bên trong hội trường trang hoàng màu sắc rực rỡ. Có ảnh lãnh tụ, cờ Đảng cờ Tổ quốc, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Như ở nhà bếp, lủng lẳng nơi sườn nhà hàng chục đòn bánh tét to bằng ống tre lồ ô dài đến gang rưỡi tay. Xung quanh nhà ngập đầy giấy kẹo, bao thuốc lá thơm Cô táp, Cáptan, Rubi... Khác các trạm tôi đi qua, nhu yếu phẩm mang nhãn hiệu sản xuất tại miền Bắc (mấy năm trước tuyệt đối không để lộ, bây giờ công khai). Ở đây toàn hàng nước ngoài hoặc sản xuất tại Sài Gòn. Thuận tay tôi nhặt mấy hộp bìa cứng in nhãn đẹp. Té ra vỏ mấy chai rượu Tây. “Ô, họ chơi sang quá” - một đội viên chép miệng gật gật rồi lại lắc đầu. Anh vừa khen vừa chê cái xa hoa phù phiếm không đúng lúc đúng chỗ của những con người ở binh trạm Đ nói rặt toàn giọng Quảng. Một đồng chí khác lời lẽ thông cảm: “Tết nhất mà! Chắc lâu lâu họ được đồng bào vùng địch gửi ra biếu tặng. Không dùng cũng phí của trời. Đáng trách nếu họ xài tiền của nhân dân tiêu pha kiểu này”.

Có trên chục người vừa nam vừa nữ đang cười nói râm ran bu quanh sòng bài tú lơ khơ. Tốp khác vừa hò hụ vừa đập chan chát những quân cờ lên bàn cờ tướng. Cảnh tượng vui vẻ thanh bình, không ai nghĩ cái hiểm họa có thể bất chợt đến trong ngày đầu năm.

Phải đến lần thứ ba câu hỏi khá lễ độ của đội trưởng trinh sát xin được gặp người phụ trách mới được chú ý. Cả nhóm trố mắt nhìn chúng tôi. Họ có vẻ lạ lẫm với toán người như vừa dưới đất chui lên quấy rầy cuộc vui của họ. Thoáng chút sững sờ họ quay lại cuộc chơi bỏ mặc anh trinh sát đứng ngẩn tò te ngượng ngùng bối rối. Sợ anh bực tức không nén được cơn giận, tôi nắm tay anh kéo lui về sau vừa lúc một người tuổi trạc trung niên hất hàm hỏi:

- Đồng chí ở đâu đến, cần gì?

Tôi cố gắng lấy giọng từ tốn trình bày lý do. Anh ta không đáp, hất đầu ra hiệu cho một thanh niên bên cạnh. Anh này rút trong túi mảnh giấy con đưa tôi. Anh ta phát âm giọng rất nặng vùng biển Khu 5: “Không ai đón đưa các ông đâu. Cứ theo ghi trong giấy mà làm”. Anh ta phất tay như bảo chúng tôi: “Cút đi là vừa”. Tôi liếc qua mặt sau của bao thuốc lá Điện Biên là những con số ghi tọa độ vị trí cơ quan Bộ Tư lệnh theo ký hiệu mật.

Hình như để tống khứ những vị khách không mời mà đến, người trạc tuổi trung niên vừa đập bài vừa nói: “Các đồng chí đi đi cho kịp. Tối không mò ra đường đâu”.

Biết họ đuổi khéo mình, không chờ thêm lời thúc giục, chúng tôi vác ba lô đi ngay sau lời cám ơn miễn cưỡng chiếu lệ. Mùi thơm chảo thịt đã được bớt lửa cứ xồng xộc xông vào mũi. Đi hàng trăm mét nó vẫn vương vấn không tha. Cái mùi chết tiệt ấy không thể lan tỏa xa như thế, nhưng cảm giác hơi hướng của nó cứ lởn vởn trước mồm mũi mình. Nhìn chiếc đồng hồ đeo tay Pơgiôt sắp qua hết một giờ chiều.

Vượt khỏi trạm hơn nửa tiếng đồng hồ, leo lên một đỉnh dốc nhiều cây râm mát, chúng tôi đặt ba lô nghỉ bên một hốc đá đọng nhiều nước. Nước mát lạnh làm dịu hẳn cái bực bội nóng bức trong người, xua đi hơi hướng chảo thịt hâm sôi âm ỉ bốc khói. Chúng tôi bóc vắt cơm bằng nắm tay dùng bữa trưa với tí muối riềng.

Dò bản đồ xác định vị trí cơ quan Bộ Tư lệnh. Muốn đến đó phải vượt qua một hòn núi trọc nổi lên như cái vung úp có tên Api. Độ cao so mặt biển 400 mét dốc đứng. Chắc có đường đi nhưng không người dẫn, chúng tôi phải tự vạch lối mà đi. Điều này với lính trinh sát là chuyện thường ngày. Có tiếng vo vo lượn trên đầu. Thoáng nghe biết đó là chiếc OV10, loại máy bay thám thính hai thân thon nhỏ sơn màu bạc. Nó bay đảo nhẹ nhàng như tàu lượn thể thao. Có lúc bổ nhào như tiêm kích. Chút ít kinh nghiệm có được khi vào chiến trường, chúng tôi biết khi nó bay ngay đầu thì tầm quan sát của nó không phải chỗ mình. Nhìn theo vòng lượn, tôi đoán hướng chú ý của nó có thể binh trạm Đ. Nơi đây bếp núc lộ liễu quá, củi lửa cháy rần rật trên mặt đất làm sao tránh khỏi không có khói. Không hiểu sao họ khinh thường mà không làm theo kiểu bếp Hoàng Cầm. Có tiếng nói của đồng chí nào đó: “Mắt tên phi công nếu mù không nhìn thấy khói từ nhà bếp tỏa ra, mũi nó vẫn ngửi được mùi thịt hầm đang bốc lên tận trời xanh. Chà chà nghĩ đến chảo thịt là nước mồm nước miếng ứa ra”. Tiếp câu nói của anh đội viên trẻ là tiếng vút của rốc-két được phóng đi từ chiếc máy bay thám thính xuống mục tiêu. Đứng trên đồi cao chúng tôi nhìn thấy cái đầu đội mũ bay của tên giặc lái khi máy bay bổ nhào ngang tầm nhìn. Sau tiếng nổ bùng là cụm khói trắng tỏa lên. Có tiếng nói lớn; “Chà, nó chỉ điểm cho “bọn chó đẻ” đến kìa”. Tiếng gầm rít của tốp cường kích phản lực thay nhau bổ nhào ném bom chùm, bom nổ chụp, bom phát quang vào khu vực mục tiêu. Những thứ này nhằm gây thương vong bất ngờ sinh lực lộ trên mặt đất vừa làm lộ mục tiêu. Sau đó những tốp khác bay đến ném các loại bom sát thương người ẩn trong công sự.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:21:39 am »

Mới đây mấy mươi phút, không nói ra nhưng ai cũng ghét tính bủn xỉn keo kiệt của những con người ích kỷ ở binh trạm Đ. Qua họ so với anh chị em ở binh trạm C có đồng chí nói: “Cuối năm được hên, ngày đầu năm không may mắn thủ trưởng nhỉ”. Giờ đây lại lo cho sinh mạng họ. Không biết qua trận oanh kích của máy bay địch có ai hề hấn gì không? Mong sao mục tiêu của lũ cướp trời không phải binh trạm. Nếu đúng binh trạm thì đừng ai thương vong. Có tiếng nói đùa không đúng lúc: “Cả cái chảo thịt rừng đang hầm nhừ kia - lạy chúa - đừng bị vùi lấp”.

Chúng tôi nặng nề lê bước về hướng núi Api trong tâm trạng vừa giận vừa thương. Họ chơi không đẹp với bọn mình. Ngày đầu năm nhìn thấy thức ăn dư dả, họ chẳng cho ăn cũng không mời uống, nhưng đều là đồng đội đồng chí, anh em một nhà cùng chung mục đích đấu tranh. Tôi nhớ câu nói của binh trạm trưởng binh trạm C: “Nhịn miệng đãi khách là một nét văn hóa của dân tộc mình”.

Bốn giờ chiều chúng tôi đến chân núi. Núi không cao nhưng dốc đứng, toàn một màu đỏ sẫm của đất badan. Cây cỏ lưa thưa. Dưới chân núi trời đang sáng sủa. Leo được phần ba bỗng mây mù kéo đến phủ trùm. Trời tối sầm. Mưa bụi lất phất, gió lạnh buốt rát mặt. Dốc đứng trơn trợt. Chân này bấm sâu lấy đà chân kia nhích lên lại tụt về vị trí cũ, có khi tụt xa hơn. Anh em gác súng lên ba lô, tay nắm chặt từng bụi cây lùm cỏ trườn lên từng tấc một. Thân người ép sát đất chạm sỏi hoặc rễ cây nghiến cứa vào ngực vào bụng đau rát kinh khủng. Cứ thế chúng tôi lết từng chút một. Cuối cùng cũng đến đích.

Mệt phờ râu thở lấy thở để. Quần áo lấm lem như chui ra từ ao bùn. Vất vả nhưng chúng tôi mừng. Nhiệm vụ hoàn thành, về đúng hẹn. Đi đủ về không thiếu một ai. Lúc này đã hơn 6 giờ chiều. Có tiếng cú rúc đâu đó. Biết là tín hiệu của cánh trinh sát đón đợi bắt liên lạc. Gặp người mình mừng quá quên cả đói. Dùng đèn bấm soi đường, chúng tôi vượt qua những khối đá trơn trợt, lội dọc nhiều khe nước chảy siết, tám giờ đêm đến lán Bộ Tư lệnh.

Nghe tiếng các anh chồm dậy. Chiếc đèn bão nhỏ phủ kín một lớp vải đen bọc ngoài được vặn lên tỏa ra ánh sáng mờ mờ không soi rõ mặt người. Anh Trân phó Tư lệnh sư đoàn với giọng Huế hay pha trò thốt lên mừng rỡ thân mật: “Nỹ mày về đó à. “Chu choa” anh em không hề gì chứ? Bọn anh lo đến thắt cổ họng. Bên kỹ thuật báo trưa nay máy bay Mỹ oanh kích khu vực binh trạm Đ. Tớ đoán lúc này mấy cậu về đến đây. Chà không dính là hay”.

Thật ra chuyến đi này chúng tôi không phải chỉ gặp một trận bom ở binh trạm Đ. vả lại lúc ấy anh em đã rời xa trạm hơn nửa tiếng. Mấy ngày trước đó phía đông bản Đôn bên đất Việt, một lần B52 quét sát chỗ nghỉ đêm. Một quả bom đĩa rơi cách hầm trú ẩn chúng tôi 15 mét. Hầm bị sức ép, đất dồn vùi lấp chúng tôi gần cả nửa người. Ngày nào cũng gặp một hai trận: lúc B52 lúc cường kích phản lực. Đáng sợ lũ cắt bom trộm ban đêm rất bất ngờ. May mắn không lẫn nào chúng tôi bị chúng sát thương.

Đồng chí Tư lệnh Vũ Lăng lúc này mới lên tiếng. Giọng ông khàn đục do trời lạnh viêm họng: “Các đồng chí vất vả. về đúng hẹn an toàn. Tốt, giờ về Ban nghỉ, mai báo cáo”.

Trời tối đen mưa không dứt. Không gian mịt mờ. Gió rít ào ào. Cây rừng xào xạc nghiêng ngả. Tôi chưa biết nơi ở hướng nào.

Mấy bóng người ập đến cùng với tiếng reo chào đón. Kẻ gỡ ba lô người nắm tay lôi đi. Tôi lạnh run người nổi da gà, miệng đánh bò cạp mà lòng vẫn thấy ấm áp. Cái tình đồng chí đồng đội xua tan mọi vất vả nhọc nhằn.

Đồng chí Hưng trợ lý hóa học đem đến cho tôi một bát xôi đậu đen. Anh nói: “Tết với chúng mình duy nhất chỉ có thứ này. Biết anh hôm nay về cố dành phần”. Bù lại tôi lục túi lấy nửa bao Điện Biên được bọc kỹ trong mảnh ni lông của trạm trưởng binh trạm C tặng chia mỗi người một điếu. Điện Biên không phải thuốc lá hảo hạng nhưng sao lúc này khói thuốc tỏa ra thơm lừng, đọng lại mãi nơi những tàu lá chuối rừng được lợp che mưa.

Mọi câu chuyện đến lúc phải ngừng. Ai ở lán nào về lán nấy. Lán chúng tôi còn lại ba người. Không ai muốn nghỉ. Cả ba tựa lưng vào nhau ngồi hát. Hát đi hát lại, hát mãi những ca khúc mùa xuân trong những giờ phút còn lại trong đêm mùng một Tết, mặc cho ngoài trời ngập tràn mưa gió.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:23:09 am »

2

TRẬN ĐÁNH MỞ MÀN CHẶNG ĐƯỜNG DÀI CHỐNG MỸ

Một trong những yếu tố có tính quyết định giành thắng lợi trong chiến dịch chiến đấu là bảo đảm cung cấp hậu cần. Trong chiến tranh chống Mỹ điều kiện vận chuyển tiếp tế vô vàn khó khăn, trong đó vấn đề gạo nhiều khi đặt lên hàng đầu.

Nếu người chỉ huy đã nắm địch chắc, địa thế địa hình khảo sát kỹ, lực lượng trang bị vũ khí khí tài được điều động tập trung đủ. Cơ quan tham mưu đã xây dựng phương án tác chiến, tổ chức hiệp đồng hoàn thiện, nhưng lý do nào đó không có gạo thì mọi vấn đề trên đều phá sản. Người ta không thể đánh giặc bằng nước lã và không khí. Nhiều đồng chí lãnh đạo chỉ huy nói vui “gạo là nguyên soái” quả thế thật.

Điều này khi chủ trương tiêu diệt cứ điểm lớn của biệt kích Mỹ-Ngụy ở Aso (có nơi gọi Asầu), cơ quan chỉ đạo cấp trên và Bộ Tư lệnh chiến dịch rất quan tâm. Chỉ định trung đoàn bộ binh 88 không trực tiếp tham chiến tại Aso mà sử dụng 1 tiểu đoàn mạnh sẵn sàng cơ động bao vây tiêu diệt nếu địch liều lĩnh đổ bộ đường không khuấy rối phía sau, chặn phá hành lang vận chuyển tiếp tế và lui quân của ta. Phần lớn quân số trung đoàn tổ chức đường dây chuyển gạo từ sau ra phía trước phục vụ cho các trung đoàn 95B, 101B, các tiểu đoàn cối nặng 120 ly, cao xạ 12.7 ly, công binh, đặc công trinh sát, thông tin, quân y, đại đội sơn pháo 75, cơ quan chỉ huy và phục vụ...

Tính toán đường hành quân từ khu vực A Túc (giáp biên giới Lào) thọc xuống thung lũng Aso dự kiến 3 ngày. Hậu cần binh trạm đường dây 559 được lệnh cấp phát 3 ngày gạo ăn cho mỗi chiến sĩ lúc đi đường và 3 ngày gạo khi tập trung ở vị trí triển khai. Cộng chung phải đủ số gạo cho 6 ngày ăn. Mỗi ngày 6 lạng cho mỗi khẩu phần. Quá trình chiến đấu tiếp tục bổ sung.

Kế hoạch là thế nhưng thực tế không được thế. Bởi lẽ đường dây hậu cần lần đầu phải cung cấp cho lượng quân số quá lớn (hơn nữa không chỉ lo cho sư đoàn mà còn bao nhiêu đoàn ra đoàn vào). Dù cố gắng đến mức cao nhất đơn vị cung cấp vẫn không đủ số gạo theo yêu cầu. Khẩu phần thực lĩnh vì vậy chỉ 5 lạng/người/ngày. Đường đi và thời gian dự kiến 3 ngày do tính toán đo đạc trên mặt phẳng bản đồ. Bản đồ lại sản xuất từ thời thực dân Pháp thống trị năm 1911. Tỷ lệ bản đồ quá nhỏ 1/100.000. Nếu phải dùng, chỉ dùng trong các nhiệm vụ chiến lược. Trong chiến dịch và chiến đấu dùng không chuẩn xác. Nếu tính trên bản đồ đoạn đường 1 km, trên thực địa phải nhân ba. Địa hình vùng này rất phức tạp hiểm trở, dốc cao hố thẳm. Không có đoạn nào gọi là dễ đi. Leo qua những quả đồi toàn đất sét đỏ trơn trợt nhầy nhụa, không mấy ai còn dép mắc được vào bàn chân. Leo đốc đã khó xuống dốc còn khó hơn, chân tỳ tay bám từng chút một. Không ai trong ngày không vài ba lần đo đất chỏng vó lên trời. Vượt qua những vùng lầy lội hoặc những đám lau sậy cao quá đầu người, tuy đỡ nạn leo trèo tuột dốc nhưng gặp phải vô vàn đỉa vắt. Bước được lên rìa đất khô không ai không bị 5, 7 con vắt hoặc đỉa hút máu no tròn bám chặt vào chân. Qua con suối rộng không quá mươi, mươi lăm mét, nước chảy mạnh sau cơn mưa, dù được công binh bảo đảm điều kiện vượt ở các bến lội, một tiểu đoàn có khi phải mất hàng giờ đồng hồ mới vượt hết qua...

Tuy kế hoạch có dự kiến trừ hao nhưng không sao phù hợp với thực tế địa hình. Dự tính 3 ngày nhưng mất 6 đến 7 ngày mới đến nơi. Gạo ăn cho 3 ngày đi, 3 ngày ở vị trí triển khai, anh em tùng tiệm cũng ăn hết sạch khi hành quân. Đến nơi chẳng còn hột gạo nào.

Để đi nhanh kịp đến vị trí triển khai trước các đơn vị, đoàn chúng tôi một nhóm nhỏ mươi đồng chí, có sư đoàn trưởng Vương Tuấn Kiệt. Tôi đi cạnh ông. Ông gốc người Quảng Ngãi một du kích Ba Tơ lừng tiếng trước đây. Tính ông, trầm tĩnh ít nói, nhưng lúc này ông nổi cáu. Ông lo lắng tình trạng bộ đội hành quân buộc phải kéo dài ngày thế này làm sao kịp nổ súng đúng ngày N theo mệnh lệnh cấp trên. Không có gạo hoặc không đủ gạo lấy gì chiến sĩ ăn chiến đấu. Rối rắm như tơ vò, ông chửi vung lên. Ông chửi cái tệ quan liêu của “mấy cha” nào đó trong phòng ấm cúng đủ tiện nghi vẽ vời cái kế hoạch chẳng sát với thực tế chiến trường làm lính ông khổ. Nhiệm vụ chiến đấu hoàn thành sao đây? Mỗi lần ông ngã hay suýt ngã, ông lại chửi. Ông không kêu đích danh ai, ông chỉ chửi cái tệ quan liêu. Tôi bụm miệng để khỏi thốt ra tiếng cười to khi ông nói đến mấy cha “ngồi chai đít thủng đũng quần” ở Hà Nội. Ông không nêu tên người nào, nhưng tôi biết mấy cha ấy vốn bạn bè thân thiết với ông, đồng hương khu 5 cùng ông. Vốn thân quen nên ông không ngại “chửi cho nó biết mặt” để nguôi cơn giận. Chắc sau này gặp lại, bạn ông hỏi: “Cậu chửi mình, mình không có ở đó, mình ở tận Hà Nội, vậy là cậu chửi cậu nghe. Đúng không”. Rồi hai ông bạn già ôm nhau cười xòa, hết chuyện.

Đang đi ông quay lại nói với tôi: “Nỹ này, trước cậu chỉ huy tiểu đoàn, nay về làm tham mưu tác chiến. Chỉ huy hay tham mưu đều phải nhớ bài học này. Chấm bút chì sai một ly trên bản đồ, bộ đội phải đi xa hàng dặm, hàng chục dặm như tình huống này”.

Tôi khẽ đáp lời ông:

- Vâng thưa anh đúng thế. Tục ngữ có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” đấy ạ!

Ông cười phá lên:

- Cậu học tớ cũng học. Bài học này đáng nhớ lắm.

Một cái trượt dài làm ông suýt ngã. Lấy lại thăng bằng, ngẫu hứng ông đọc: “Giơ tay với thử trời cao thấp / xoạc cẳng đo xem đất vắn dài”, ông hỏi tôi có biết câu này của ai không? Trong lúc tôi đang lục lạo bộ nhớ trong não, ông tiếp: “Hai câu đó của Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm đấy”.

Từ cáu giận ông chửi vung chửi vít cái tệ quan liêu, bất thình lình ông chuyển sang bình thơ phú làm chúng tôi vui vẻ hẳn lên, quên một phần mệt nhọc của những bước chân nặng nề bì bõm trong bùn và cái nặng trĩu đang phải mang vác trên vai.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:23:34 am »

Nửa tháng sau chuyến khảo sát địa hình, tôi về, được Tư lệnh Vũ Lãng giao chấp bút phương án thành văn bản mệnh lệnh chiến đấu và hiệp đồng tác chiến. Tôi vui mừng nhìn các bản viết của tôi không phải sửa chữa từ nào. Đó là kết quả hơn hai năm phấn đấu học tập ở trường Sĩ quan lục quân khoá 10 Hà Nội (1956-1958).

Cuộc tiến công tiêu diệt căn cứ biệt kích Mỹ - ngụy ở thung lũng Aso diễn ra ác liệc. Trận ra quân đầu tiên của sư đoàn 10. Trước N vài ngày 2 trinh sát ta bị địch phục kích bắt được. Ý định lộ. Địch bổ sung quân tăng cường phòng thủ trong đó có 120 tên lính Nùng thuộc sư đoàn 5 của Voòng A Sán rất hiếu chiến. Không ngày nào vắng tiếng động cơ Ca-ri-pu, loại máy bay vận tải quân sự lên xuống sân bay trong căn cứ. Biệt kích tung ra do thám rình rập. Trinh sát trên không bay lượn suốt đêm ngày. Căn cứ này do Mỹ trực tiếp đứng ra tổ chức xây dựng trên diện tích hơn 3 hecta chưa kể sân bay có đường băng bằng đất nện dài trên 800 mét. Căn cứ được phân thành nhiều khu vực. Có thành luỹ bằng đất được chắn nhiều cây gỗ lớn cao hơn mét rưỡi. 11 lô cốt vòng ngoài bằng bêtông cốt thép được âm hai phần ba xuống đất. Mỗi lô cốt bố trí 1 tiểu đội chiến đấu có trang bị đại liên. Có nơi có trọng liên và súng phun lửa. Bên ngoài bố trí dây thép gai và mìn gài tự động dày đặc. Bên trong có trận địa pháo, cối, kho tàng trại lính, khu chỉ huy, đài quan sát. Hệ thống giao thông hào nối liền các khu vực với trung tâm, các ụ chiến đấu chằng chịt... Đây là căn cứ rất kiên cố vững chắc. Nơi đây thường xuyên có 1 tiểu đoàn từ 400 đến 500 biệt kích trấn giữ. Hơn 10 tên cố vấn tình báo Mỹ làm huấn luyện lính. Tại đây chúng cung cấp bổ sung quân cho lực lượng biệt kích phá các căn cứ ta ở miền Trung và cả miền Nam. Chúng lén lút tung ra phá hoại Miền Bắc.

Quyết tâm Bộ Tư lệnh, lộ vẫn đánh. Đánh sớm càng hay. Chậm khó khăn càng tăng. Giải quyết chuyện tiếp tế gạo khá nan giải. Trước tình hình này, Bộ Tư lệnh điện khẩn cấp yêu cầu các kho trạm đường dây bằng mọi cách vận chuyển đủ số gạo. Một mặt động viên trung đoàn 88 tổ chức bố trí người, cung trạm hợp lý, rút ngắn thời gian vận chuyển sao cho gạo đến được nhanh các đơn vị đang bước vào chiến đấu. Có gạo nhưng vẫn không bảo đảm đủ yêu cầu. Người cõng gạo cũng phải ăn, có khi ăn lố đến phần gạo tiếp tế với số lượng không nhỏ. Cái đói làm người ta khó dằn lòng cắt xén miếng ăn người khác. Vì vậy gạo đến mặt trận không đủ 6 lạng rưỡi mỗi khẩu phần trong một ngày mà chỉ được một lạng rưỡi. Chừng ấy không đủ cầm hơi. May mà từng chiến sĩ cán bộ được bồi dưỡng khá đầy đủ ở miền Bắc trước khi lên đường nên còn tích lũy chút ít năng lượng dự trữ trong cơ thể, chưa đến nỗi suy nhược trong trận chiến đấu đầu tiên cam go này.

Cứ mỗi chiều tôi được phát 2 vắt cơm bằng nắm tay. Một vắt cho chiều nay, vắt còn lại trưa mai. Có đồng chí nói vui: “Ăn cả hai vắt cùng lúc cũng chỉ đủ nhét kẽ răng chứ đừng hòng có miếng cơm nào tuột đến bao tử”.

Không nói ngoa đặt điều, chúng tôi chiến đấu bằng cái đầu. Đó là ý chí quyết tâm với trái tim rực lửa vì độc lập thống nhất Tổ quốc, vì đồng bào miền Nam ruột thịt. Khó khăn này cũng như mọi khó khăn khác chúng tôi phải vượt qua bằng cái bụng khá lép. Nếu không, nhiệm vụ tác chiến cho trận đánh mở màn chặng đường dài chống Mỹ không thực hiện được.

Trung đoàn bộ binh 95B đảm nhận vai trò chủ yếu trong tiến công. Là trung đoàn của tỉnh Quảng Trị từng chiến đấu ở Thừa Thiên thời chống Pháp. Tập kết ra Bắc, trung đoàn trong đội hình sư đoàn 325 trấn giữ vùng giới tuyến tạm thời Bắc Quảng Trị, nay về chiến đấu tại quê nhà nên thỏa lòng mong đợi mọi người. Tiểu đoàn 3 làm đơn vị chủ công của trung đoàn. Đồng chí Thìn vừa tốt nghiệp Học Viện quân sự Phờ-run-de ở Liên Xô về nước, được bổ nhiệm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn này. Trận đánh tiếp diễn ác liệt. Ta địch dành nhau từng căn phòng, từng góc nhà, từng đoạn hào, từng lô cốt... Chiến sĩ ta chiến đấu dũng cảm anh hùng nhưng thiếu người chỉ huy.

Thìn hy sinh, một tin làm bất thần thảng thốt mọi người. Xung trận tất yếu kẻ mất người còn. Mất đồng đội đồng chí ai cũng đau buồn. Thìn với tôi quen nhau qua đôi lần gặp trong các cuộc họp. Thế nhưng cả hai nhận thấy người bạn mới quen nhiều điểm tương đồng. Tôi gặp anh trong cuộc họp lần cuối ở Bộ Tư lệnh. Xiết tay nhau hẹn tái ngộ sau chiến thắng. Trận đầu tiên đánh Mỹ, anh sớm ra đi!

Thìn hy sinh, ai sẽ thay anh. Ước gì người đó là tôi.

Có lệnh gọi tôi lên gặp đồng chí Tư lệnh.

Vừa thấy thoáng tôi vào hầm chỉ huy, Tư lệnh đến bắt tay. Ông vỗ lên vai tôi cười nói: “Lúc này mới cần đến con bài dự trữ đây”. Nghe câu này tôi mừng như mở cờ trong bụng xen lẫn hồi hộp. Tôi sợ ông đùa. Tính ông nhộn như anh Trân.

Ra hiệu cho tôi ngồi trên cái hòm đạn bằng gỗ thông tạm làm ghế, ông hắn giọng nghiêm túc đi ngay vào đề không rào trước đón sau. Không chờ ông nói hết câu, tôi bật dậy đứng thẳng người: “Thưa Tư lệnh, cho phép tôi được thay đồng chí Thìn. Xin đi ngay”, ông gục gặc đầu: “Được, đồng chí đi bây giờ đúng lúc”. Không để ông nói tiếp, tôi biến nhanh khỏi hầm, chỉ sợ ông đổi ý gọi lại.

Cuộc chiến kéo dài 3 đêm 2 ngày kết thúc. Toàn bộ căn cứ kiên cố rộng lớn như một pháo đài bị san bằng, 650 tên biệt kích tinh nhuệ, cùng các cố vấn Mỹ và lính Nùng bị tiêu diệt và bắt sống. Ta thu toàn bộ chiến lợi phẩm.

Tiểu đoàn 3 chúng tôi trả giá không nhỏ. Trên 90 cán bộ chiến sĩ thương vong.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:24:06 am »

*
*   *

Căn cứ biệt kích ở thung lũng Aso, Mỹ tốn hao tiền của công sức tạo dựng nên bị tiêu diệt. Cú đau này đến thắt ruột, Mỹ lo lắng khi những binh đoàn lớn chủ lực Bắc Việt xuất hiện.

Ngụy dao động hoang mang.

Mỹ phải nhảy vào cuộc trấn an tinh thần quân ngụy, gỡ gạc một phần sĩ diện bị mất, quyết tâm tái chiếm Aso, đánh trả lại chủ lực Bắc Việt - Việt Cộng.

Một tiểu đoàn Mỹ (tôi không rõ phiên hiệu, có thể thuộc sư đoàn kỵ binh bay số 1) dùng trực thăng bất ngờ đổ chụp chốt đóng cao điểm 85 Đông nam thung lũng Aso. Mỹ muốn biến nơi đây thành căn cứ bàn đạp. Từ đây sẽ tăng cường quân số, phương tiện chiến tranh tiến công từng bước dần dần chiếm đóng lại Aso, kiểm soát thung lũng rộng lớn có ý nghĩa chiến lược này, đánh dạt lực lượng ta ra hướng biên giới Lào.

Trung đoàn bộ binh 95B được lệnh xuất kích đánh ngay khi địch đứng chân chưa vững.

Tiểu đoàn tôi đang củng cố sau tổn thất trận Aso nên làm thê đội dự bị của trung đoàn.

Tôi ém quân trong cụm rừng thưa nhìn về hướng cao điểm 85 cách hơn 1 nghìn mét mịt mờ lửa khói. Rừng nơi giao chiến bốc cháy. Tiếng nổ bom pháo rung rinh rền vang chấn động núi đồi. Tiếng phành phạch từng bầy trực thăng vũ trang, tiếng gầm rít như xé lụa của máy bay chiến đấu phản lực hết tốp này đến tốp khác rạch nát bầu trời...

Tôi nhấp nhỏm đợi lệnh xuất kích.

Một tin dữ đến: Đồng chí Cảnh hy sinh.

Tôi như ngớ ngẩn. Trận Aso kết thúc chưa kịp “nguội nòng súng”. Hàng trăm đồng đội thương vong. Trận này tiếp diễn. Con số hy sinh mỗi lúc một tăng. Mới được tin anh Cảnh cùng công tác trong trung đoàn chưa kịp gặp, anh đã mất.

Ở miền Bắc bốn năm trước anh là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2. lữ đoàn 324. Tôi, đại đội trưởng đại đội pháo 82 thuộc tiểu đoàn anh. Anh lớn hơn tôi 5 tuổi. Sống bên nhau không câu nệ tuổi tác cấp bậc, quan hệ chúng tôi như anh em bạn bè đồng lứa. Anh hiền, khiêm tốn bình dị. Tôi rất mến anh. Anh nể trọng tôi. Tuy dưới quyền anh, mọi việc huấn luyện tổ chức quản lý tiểu đoàn, anh đều tham khảo ý kiến tôi. Tiểu đoàn không có tiểu đoàn phó, tham mưu trưởng thường xuyên ở bệnh viện. Anh xem tôi như người cấp phó đích thực của anh. Xa anh khi tôi được điều động làm tham mưu trưởng tiểu đoàn 3 bộ binh của lữ đoàn. Vừa biết tin anh đảm nhiệm tham mưu trưởng trung đoàn, chưa kịp gặp bắt tay, quân thù cướp mất anh.

Bom đạn rền vang chấn động đất trời khủng khiếp. Ép mình vào thành công sự tôi thấy người run như cảm lạnh. Không rõ mình đau buồn, sợ hãi hay căm uất. Có lẽ những thứ đó hoà quyện vào nhau làm tâm trạng tôi giây phút thiếu tự chủ. Khoảnh khắc nào đó tôi giao động trước cái chết của Thìn và hàng trăm chiến sĩ cán bộ. Bây giờ là Cảnh cùng anh em khác. Con người ai chẳng muốn sống. Lằn ranh giới giữa sự sống và cái chết mỗi lần xung trận rất mong manh. Nhưng khi cần ta phải đối mặt với cái chết ta đâu ngần ngại chối từ.

Sẽ đến lượt mình, chưa biết lúc nào đấy thôi, tôi tự nhủ thầm!

Đánh chiếm cao điểm 85, Mỹ hiệp đồng phối hợp chặt chẽ giữa quân đổ bộ đường không với chi viện của pháo binh, không quân. Chúng sử dụng hoả lực tối đa. Bắn hàng nghìn đạn pháo (trong đó có quả chứa chất phốt pho), ném hàng trăm quả bom đủ loại đủ cỡ yểm hộ bộ binh.

Ta chỉ có vũ khí nhẹ, vận dụng chiến thuật vận động tập kích trong điều kiện không chuẩn bị. Bộ binh đơn độc khó triển khai hỏa lực pháo binh, phòng không ngoại trừ một số khẩu cối 60 và 82 milimét.

Bù cho sự khiếm khuyết trên là tinh thần dũng cảm vô song của quân ta. Bọn Mỹ co cụm và cố thủ trong các công sự chế sẵn được trực thăng cẩu đến.

Mờ tối tiểu đoàn tôi bước vào thay phiên chuẩn bị tiếp tục tấn công ngày hôm sau.

Rạng sáng hôm đó Mỹ bốc quân tháo chạy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM