Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:14:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ cây giáo đến khẩu súng - Tập 2  (Đọc 1952 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2022, 07:36:39 am »

Tên sách: Từ cây giáo đến khẩu súng - Tập 2
Tác giả: Dương Xuân Đống
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2001
Số hoá: ptlinh, ktqsvn


CÙNG BẠN ĐỌC


Sau khi "TỪ CÂY GIÁO ĐẾN KHẨU SÚNG" TẬP I đến tay bạn đọc (5-1998), tác giả đã nhận được khá nhiều ý kiến động viên. Ai nấy đều cho rằng từ một góc nhìn mới lạ, cuốn sách đã phần nào phát hiện được những thông tin hấp dẫn, thiết thực và bổ ích; đồng thời khuyến khích người viết phát huy hơn nữa khả năng ngòi bút của mình theo hướng công việc đang làm. Đáp lại sự cổ vũ nhiệt tình đó, "TỪ CÂY GIÁO ĐẾN KHẨU SÚNG" TẬP II được ra đời. Tiếp tục những nội dung của tập trước, tập này hình thành theo hai định hướng:    Thứ nhất, những bài viết về chiến tranh, về quân đội - vũ khí và về nghệ thuật quân sự đều được đặt dưới góc độ văn hóa nói chung, văn hóa quân sự nói riêng. Điều đó nghĩa là đặt chúng trong mối quan hệ hữu cơ với nhau, xem chiến tranh là một quá trình hoạt động của xã hội loài người, giống như quá trình sản xuất, quá trình sinh hoạt, mà đặc thù là đấu tranh vũ trang. Bởi thế, để đi tới mục đích đánh thắng, các bên tham chiến buộc phải tìm tòi, lựa chọn ra những phương pháp tiến hành chiến tranh, phương pháp tác chiến thích hợp và hiệu quả, thực chất là phương pháp sử dụng phương tiện - lực lượng vũ trang (con người và binh khí - kỹ thuật) - nhằm đạt kết quả cao nhất nhưng tổn thất lại ở mức thấp nhất.


Thứ hai, đặt các hoạt động quân sự dưới góc độ văn hóa đồng nghĩa là xem xét chiến tranh, quân đội - vũ khí và nghệ thuật quân sự trong nguyên lí phát triển của văn hóa với hai mặt: kế thừa và giao lưu. Kế thừa là gốc rễ, giao lưu là lá cành. Một nền văn hóa, nếu chỉ biết kế thừa, sẽ xơ xác, nghèo nàn, không theo kịp thời đại. Ngược lại nếu chỉ nặng về giao lưu, nền văn hóa đó sẽ mất gốc, không còn bản sắc riêng của mình. Là một bộ phận cấu thành của văn hóa, văn hóa quân sự được phản ánh qua các trang sách cũng không đi ra ngoài qui luật đó.


Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, tác giả xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, của các báo chí và của các bè bạn gần xa. Đồng thời, tác giả cũng hết sức thiết tha mong mỏi nhận được những ý kiến đóng góp, phê bình để chất lượng các tập sau được tốt hơn.

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2000
DƯƠNG XUÂN ĐỐNG
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2022, 07:41:54 am »

NGỜI SÁNG VĂN HÓA QUÂN SỰ VIỆT NAM


Lâu nay, đã có nhiều công trình, bài viết bàn về sự thất bại của quân Mãn Thanh trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam cuối thế kỷ XVIII như: do tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh, do tính kiêu ngạo của viên chủ tướng đạo quân viễn chinh... Bài viết này muốn đề cập đến một khía cạnh khác: sự thảm bại về một kiểu chiến lược quân sự của quân xâm lược Mãn Thanh: Chiến lược cơ động.


Chiến lược cơ động là gi? Đó là một hình thức chiến lược quân sự có nguồn gốc từ châu Âu. Ở châu lục này, từ thế kỷ XVII đã diễn ra quá trình thành lập các quân đội đánh thuê. Đối với loại quân đội như thế, cơ quan chỉ huy chiến lược thường không thể đặt ra những nhiệm vụ tác chiến kiên quyết. Bởi vậy, mục đích, mục tiêu của tác chiến chiến lược không chỉ là lực lượng quân đội mà còn là đất đai đối phương. Người ta coi thắng lợi cao nhất của chiến lược quân sự là chiếm lĩnh được lãnh thổ mà không cần phải tiến hành các hội chiến lớn, bắt buộc quân đội địch phải rút lui bằng cách chiếm đóng các đường giao thông vận chuyển, uy hiếp các căn cứ, kho tàng của đối phương1 (Bách khoa toàn thư quân sự Liên Xô, Nxb Quân đội nhân dân, H.1985, tuyển dịch, t.1, tr.120).


Giữa nguồn gốc chiến lược cơ động của phương Tây và sự hình thành chiến lược này của Trung Quốc lúc bấy giờ chưa rõ có mối quan hệ nào không? Thế nhưng, trong điều kiện lịch sử của chế độ phong kiến đương thời trên phạm vi toàn thế giới, một nhà nước thống trị ngoại bang, như triều đình Mãn Thanh, khi tổ chức cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, mà công cụ tiến hành là một đạo quân gồm hầu hết những binh sĩ được tuyển mộ từ những công dân người Hán đang bị chính người Mãn Thanh nô dịch - ở đây, mâu thuẫn giai cấp đang chồng lên mâu thuẫn dân tộc - thì làm sao có thể đi tới kết quả, với nhiệm vụ tác chiến kiên quyết, nếu không sử dụng đến kiểu chiến lược cơ động.


Để tìm hiểu về kiểu chiến lược này, chúng ta hãy đi sâu vào nội dung của sự chỉ đạo chiến tranh và thực hiện bằng những hoạt động tác chiến trên chiến trường.

Về sự chỉ đạo chiến tranh, khi giao nhiệm vụ cho đạo quân xâm lược, chỉ dụ của Càn Long - hoàng đế nhà Thanh - nhấn mạnh: "... Cứ từ từ, không gấp vội. Trước hết hãy truyền hịch để gây thanh thế, sau cho bọn cựu thần nhà Lê về nước tìm tự quân nhà Lê đưa ra đương đầu đối địch với Nguyễn Huệ. Nếu Nguyễn Huệ bỏ chạy thì cho Lê tự quân đuổi theo, mà đại quân của ta thì đi tiếp sau. Như thế, không khó nhọc mà thành công, đó là thượng sách.


Nếu như người trong nước, một nửa theo về Huệ mà Huệ không chịu rút quân thì phải chờ thủy quân Mân, Quảng1 (Mân là Phúc Kiến; Quảng là Quảng Đông) vượt biển, đánh vào Thuận, Quảng2 (Thuận là Thuận Hóa; Quảng là Quảng nam) trước, sau đó lục quân của Tôn Sĩ Nghị mới tiến công. Cả hai mặt, đằng trước đằng sau, Nguyễn Huệ đều bị đánh, tất phải qui phục. Ta nhân đó giữ cả hai. Từ Thuận, Quảng vào Nam thì cắt chia cho Nguyễn Huệ. Từ Hoan, Ái1 (Hoan là Nghệ An; Ái là Thanh Hóa), trở ra thì phong cho họ Lê. Mà ta thì đóng đại quân ở nước ấy để kiềm chế. Về sau sẽ có cách xử trí khác"2 (Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30, tờ 35).


Nếu sự chỉ đạo của Càn Long được triển khai thì sẽ dẫn tới hai trường hợp. Nếu quân Cần Vương nhà Lê tổ chức đánh quân Tây Sơn nhưng không thắng nổi quân Tây Sơn thì nhà Thanh buộc phải từ bỏ giấc mộng xâm lăng. Còn nếu chúng cứ liều lĩnh cho quân thủy, bộ từ hai mặt tiến đánh, thì dù không thắng được và bị tổn thất nhiều, cũng không đến nỗi bị tiêu diệt gọn và nhanh, như đã diễn ra trong lịch sử. Ở đây, chúng ta thấy Càn Long rất chủ quan, không biết người, biết ta, luôn luôn hợm hĩnh, cứ ngỡ là mình mạnh, có thể dùng quân đội đứng đằng sau gây thanh thế nhằm răn đe, kiềm chế, nhưng lại thường xuyên né tránh tác chiến, né tránh đổ máu, mà mưu dùng người Việt đánh người Việt, dùng quân Cần Vương nhà Lê chống lại quân Tây Sơn, để rồi từ đó giành lấy thành quả. Đó chính là đặc điểm trong chiến lược cơ động của Càn Long.


Nhằm đảm bảo chắc thắng cho cuộc chiến tranh xâm lược, hai trong tám "kỳ" - đơn vị kỵ binh chủ lực, chừng một vạn kỵ thủ người Mãn - tức 25% lực lượng vũ trang quốc gia, được điều động. Bên cạnh đó còn có bộ binh chủ lực và bộ binh địa phương thuộc bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu và lính "nghĩa dũng" thuộc các dân tộc ít người ở Điền Châu, Triều Châu. Trong dự kiến của Càn Long còn có cả lực lượng thủy quân hai tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông. Tôn Sĩ Nghị, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông - Quảng Tây) được cử làm Chinh Man đại tướng quân, thống lĩnh toàn khối lục quân 29 vạn người.


Ở trên, chúng ta đã tìm hiểu về sự chỉ đạo chiến tranh, còn việc thực hiện bằng những hành động tác chiến trên chiến trường của Tôn Sĩ Nghị như thế nào? Sau khi nhận được ấn kiếm chỉ huy, viên chủ tướng họ Tôn nghiên cứu tình hình và biết rõ quân đội Tây Sơn rất tinh nhuệ, quân Cần Vương ô hợp của nhà Lê không đủ sức thắng nổi. Nhưng ông ta lại đinh ninh rằng sẽ đánh bại Nguyễn Huệ một cách dễ dàng nên đã dâng sớ tâu trình lên hoàng đế, nêu ra những điều kiện thuận lợi và cần thiết phải tiến quân ngay vào Thăng Long: "Vâng lời thượng dụ: chỉ nên làm thanh viện cho họ, để họ tự lo lấy, không cần phải dấy quân, làm to chuyện. Kính tuân theo thánh chỉ ấy, thần đã tra xét kỹ càng các nơi đường sá qua lại, từ đài Chiêu Đức đến đô thành nước họ, quân đi chẳng qua chỉ mất sáu ngày, ở Lạng Sơn hơi có lam chướng. Qua khỏi đó, thủy thổ đều tốt lành. Đại quân tiến lên đóng ở La Thành1 (La Thành tức Thăng Long) vừa không nóng nực lại không có lam chướng, vả lại cũng cần diễu võ dương oai, phô trương thanh thế của quân ta ở đấy, để cho giặc biết là không thể địch nổi. Rồi sau đó mới sai phái các quân ứng nghĩa của nước họ tự đi đánh dẹp lấy. Quân ta sẽ không đến nỗi phải vấy máu mũi gươm, mà quân giặc đều bị bắt giết. Như vậy công trạng hẳn chóng thành"1 (Ngô Gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, H. 1970, tr.330-331).


Nếu như nói rằng chiến lược quân sự của Càn Long rất chủ quan thì cấp dưới của ông ta còn chủ quan hơn nhiều. Do nóng lòng muốn chiếm đóng Việt Nam ngay, hoàng đế Mãn Thanh đã chuẩn y và hạ lệnh cho Tôn Sĩ Nghị đưa quân vượt qua biên giới. Những hành động quân sự trên chiến trường được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, 22 ngày, từ ngày 25 tháng 11 năm 1788, khi binh lính Mãn Thanh rời Quảng Tây, đến ngày 17 tháng 12 năm 1788, khi tiến đến Thăng Long. Giai đoạn thứ hai, 46 ngày, từ ngày 17 tháng 12 năm 1788 đến ngày 31 tháng 1 năm 1789, khi chúng bị đánh tan ở Ngọc Hồi và Thăng Long. Hai giai đoạn này cũng tương ứng với hai giai đoạn tác chiến của quân Tây Sơn: giai đoạn rút lui, tạo thế và giai đoạn phản công, giáng đòn quyết định.


Giai đoạn thứ nhất nổi lên hai đặc điểm. Thứ nhất là quân Mãn Thanh đã chiếm được một vùng đất ở Bắc Hà và kinh thành Thăng Long trong một thời gian rất ngắn mà không phải tiến hành một trận đánh lớn nào. Những trận đánh của Phan Văn Lân ở vùng Thị Cầu chỉ có tác dụng ngăn chặn, làm chậm bước tiến của địch để quân ta đủ thời gian rút khỏi Bắc Hà. Khi đến Thăng Long, hầu như 29 vạn quân xâm lược vẫn còn nguyên vẹn. Từ thành tích đó, được Càn Long khen thưởng và bị Nguyễn Huệ dùng thư trá hàng khích động, Tôn Sĩ Nghị càng kiêu ngạo hơn. Ông ta cho rằng hành động của mình là duy nhất đúng vì đã được kiểm chứng. Bây giờ hãy cứ phô trương thanh thế để răn đe và "cứ từ từ, không gấp vội", nghỉ ngơi đã, muốn tiến công lúc nào cũng được. Điều đó hoàn toàn do mình. Suy nghĩ đó đã dẫn đến đặc điểm thứ hai: dừng tác chiến, tiến hành phòng ngự tạm thời. Gọi là "tạm thời" vì quân xâm lược đang ở đội hình tiến công. Đội hình phòng ngự được bố trí thành bốn khối quân lớn: một khối ở Bắc sông Hồng, một khối ở Nam sông Hồng, một khối ở Hải Dương và một khối ở Sơn Tây. Khối chủ yếu là ở phía Nam sông Hồng, khoảng 20 vạn quân, bao gồm hai tập đoàn lớn. Tập đoàn thứ nhất là chủ lực làm mũi nhọn, đóng tại Ngọc Hồi, quân số khoảng 11 vạn, là những đơn vị tinh nhuệ nhất. Tập đoàn thứ hai là lực lượng cơ bản, đóng tại Thăng Long cùng với Tổng hành dinh. Bên cạnh là các đơn vị "nghĩa dũng" đóng tại Khương Thượng. Tuy rằng cách bố trí như trên chứng tỏ Tôn Sĩ Nghị đã có tính toán, nhưng nhìn chung vẫn là thế trận của một quân đội nghỉ ngơi. Nhưng điều sai lầm nghiêm trọng nhất chính là sau khi chuyển từ thế tiến công sang thế dừng tác chiến, tiến hành phòng ngự tạm thời, Tôn Sĩ Nghị đã đánh giá quá thấp đối phương, nên đã tự để mất quyền chủ động chiến lược và sa vào thế bị động.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #2 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2022, 07:42:29 am »

Những đặc điểm của giai đoạn thứ nhất đã dẫn đến những đặc điểm của giai đoạn thứ hai: bị động và bất ngờ. Một quân đội không giành được quyền chủ động và luôn bị bất ngờ trong tác chiến thì chỉ là một cơ thể sống nhưng không có linh hồn. Như trên đã nói, dừng tác chiến, tổ chức phòng ngự tạm thời là rơi vào thế bị động. Thể hiện rõ nhất điều đó là bị động về phương an tác chiến. Nghiêm túc mà nói, khi bố trí đội hình, Tôn Sĩ Nghị cũng đã suy nghĩ kĩ đến việc tiến quân xuống phía Nam. Lúc đó, đội hình sẽ chia thành ba hướng. Lực lượng Lưỡng - Quảng sẽ theo triền sông Hồng xuống Vị Hoàng. Lực lượng "nghĩa dũng" Điền Châu, Triền Châu sẽ theo đường chính, qua Văn Điển xuống Gián Thủy. Lực lượng Vân - Quí sẽ từ Sơn Tây theo đường Chương Đức tiến xuống. Tam Điệp sẽ là nơi hội quân để rồi tất cả cùng công kích đối phương. Thế nhưng, cách tính toán của Tôn Sĩ Nghị hoàn toàn thiên về việc hành quân tác chiến ở xa mà không mảy may nghĩ đến phương án tác chiến ngay trên địa bàn đang trú quân. Với tư tưởng chủ quan, khinh địch, xem đối phương "như hạng trâu, dê", ông ta chỉ nghĩ đến việc đánh người, muốn đánh lúc nào cũng được, mà không nghĩ đến nơi đến chốn trường hợp bị đối phương đánh trả. Chính vì vậy, quân Mãn Thanh đã bị động cả về thời gian lẫn không gian tác chiến. Ông ta dự định xuất quân vào mồng 6 tháng giêng âm lịch, nhưng chiến sự lại diễn ra trước đó, đúng ngay vào dịp Tết, khi quân lính dưới quyền đang thỏa thích chơi bời. Ông ta dự kiến chiến địa sẽ là vùng Thuận - Quảng như đã từng lớn tiếng với Nguyễn Huệ: "Về Thuận Hóa chờ phân xử". Nhưng thực tế chiến sự lại diễn ra ngay, tại Thăng Long, thậm chí còn len lỏi đến tận phòng ngủ của viên chủ tướng. Ở đây có điều đáng nói là việc dừng tác chiến để quân lính nghỉ ngơi, phè phỡn quá lâu, tới 46 ngày, khiến cho tinh thần chiến đấu giảm sút, quân đội không còn sức mạnh, phương án tác chiến lại không rõ ràng, thì làm sao có thể chống đỡ nổi một khi bị tiến công. Chính vì không có phương án tác chiến cụ thể nên trước đòi hỏi của tình hình thực tế, Tôn Sĩ Nghị buộc phải "vá víu" lại để đối phó. Ví như ông ta phải đồng ý để vua tôi nhà Lê đưa một số lính bản bộ từ Sơn Tây xuống Gián Thủy, lập một đồn tiền tiêu, làm nhiệm vụ "che chân phía trước" cho quân đội Thiên triều. Và khi được tin đối phương chuẩn bị tiến ra Bắc Hà, Tôn Sĩ Nghị mới vội vã tăng cường lực lượng, củng cố lại các vị trí xung yếu, cử phó tướng Hứa Thế Hanh xuống trực tiếp chỉ huy đồn Ngọc Hồi. Nhưng mọi việc làm của ông ta ở thời điểm này đã tỏ ra quá muộn. Đó chỉ là sự phòng thủ thụ động, sự chờ đợi để đỡ đòn khi đối phương mang quân tới tiến công.


Như đã trình bày, Tôn Sĩ Nghị luôn tin rằng có thể dễ dàng đánh bại đối phương, rằng đối phương sợ hãi, không dám đánh lại vì sự "diễu võ dương oai, phô trương thanh thế". Nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không như thế. Ông ta không biết rằng bản thân đang ở thế bị động, thế bị đối phương điều khiển. Ngay cả chiến thắng lớn của ông ta ở giai đoạn đầu cũng là cách "nhử địch vào sâu" của quân Tây Sơn để chuẩn bị giáng đòn vào giai đoạn sau. Bởi thế, khi nhận được tín hiệu sắp sửa bị tiến công thì ông ta hoàn toàn bị bất ngờ. Sự bất ngờ ngày càng tăng. Lần thứ nhất (18-1-1789) được tin Nguyễn Huệ đang tuyển quân ở Thanh Hóa - Nghệ An và chuẩn bị tiến ra Bắc Hà, tuy có ngỡ ngàng nhưng Tôn Sĩ Nghị vẫn bình tĩnh tìm cách đối phó. Lần thứ hai (29-1-1789), tin quân Tây Sơn đã chiếm Hạ Hồi và chuẩn bị công kích Ngọc Hồi khiến ông ta bắt đầu hoảng hốt và lập tức cho quân tăng viện mặt trận phía Nam và chờ tin Ngọc Hồi. Lần thứ ba (đêm 29 rạng sáng 30-1-1789), mọi sự chú ý của Tôn Sĩ Nghị đang hướng về phía có chiến sự thì đột nhiên tiếng súng nổ ngay tại cung Tây Long. Sự bất ngờ quá đỗi này khiến viên tướng họ Tôn hoang mang đến cực độ và không có con đường nào khác là phủ định chức vụ "Chinh Man đại tướng quân" bằng cách lên ngựa tháo chạy, mặc cho quân lính tan tác và mặc cho số phận bi đát của cuộc chiến tranh xâm lược do chính ông ta chỉ huy và chịu trách nhiệm.


Về phía Nguyễn Huệ, lúc này đang ở Phú Xuân, ông nhận được tin cấp báo sau bốn ngày kể từ khi quân Mãn Thanh vào Thăng Long (tức ngày 21-12-1788). Ngay ngày hôrn sau, Nguyễn Huệ ra lệnh tiến đánh quân xâm lược. Cuộc hành quân chiến đấu bắt đầu. Thật ra, từ bốn tháng trước đó, ông đã nghe báo cáo về tình hình quân Mãn Thanh chuẩn bị binh mã. Thế nhưng vào lúc ấy, tình hình Gia Định cũng chưa yên ổn. Vùng đất này có nguy cơ rơi vào tay Nguyễn Ánh. Nguyễn Huệ chưa thể tiến quân ngay vào đấy được mà phải chờ cho tình hình thật chín muồi mới quyết định phương hướng tiến quân vào Nam hay ra Bắc. Nếu quân Thanh xâm phạm bờ cõi, thì trước nguy cơ mất nước, ưu tiên cao nhất là phải đưa gấp lực lượng ra Bác, nhanh chóng đánh tan quân xâm lược rồi mới tính đến việc đối phó với quân của Nguyễn Ánh.


Chính từ mục đích chính trị và tính chất của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà quân đội Tây Sơn, với tư cách quân đội dân tộc, phải thực hiện một chiến lược tiến công kiên quyết về tính chất và được biểu hiện thành chiến lược "thần tốc" về thời gian. Yêu cầu đặt ra là phải đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh cho quân xâm lược không kịp trở tay. Vấn đề đặt ra cho cuộc tiến quân ra Bắc là phải tiến hành một tổng hội chiến tiêu diệt lớn, chứ không chỉ dừng lại ở hành động răn đe hay vây hãm để làm kẻ thù dần dần mỏi mệt. Nhờ chủ trương chiến lược tiến công kiên quyết như vậy, mà những năm trước đó, Nguyễn Huệ đã liên tiếp giành thắng lợi suốt từ trong Nam ra đến ngoài Bắc.


Bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1789, quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy linh hoạt của Nguyễn Huệ, trải qua 18 năm chinh chiến gian lao, đã trưởng thành vượt bậc, không chỉ điêu luyện về đánh vận động mà còn thành thục cả đánh công kiên. Đó là điều mà quân xâm lược không nhận thức được. Đối với chúng, Ngọc Hồi là niềm kiêu hãnh so với toàn bộ các cứ điểm đóng quân khác và được xem như một vị trí "thách thức" đối phương. Nhưng chính điểm "rắn" đó lại được Nguyễn Huệ chọn làm nơi đột phá quyết định thắng lợi cho toàn cuộc chiến bằng kiểu công kích độc đáo chưa từng có trong lịch sử quân sự thế giới đương thời. Nó nằm ngoài bốn kiểu công kích ở châu Âu - cũng là ở trên phạm vi toàn thế giới - tính đến cuối thế kỉ XIX như Ph.Ăng-ghen từng nhận xét. Nó cũng không bố trí theo kiểu "trận đồ bát quái" quen thuộc của người Hán. Nội dung kiểu công kích này là: Tiến công phía trước kết hợp vu hồi phía sau. Đó là một kiểu công kích khác biệt, sáng tạo. Nó vừa mang theo phương pháp tác chiến kết hợp chính - kì phương Đông cổ xưa của vũ khí lạnh, lại vừa mang theo phương pháp tác chiến của đội hình giãn thưa kết hợp khối dọc của những người lính bộ binh sử dọng hỏa khí nòng trơn lúc bấy giờ. Nó còn là một kiểu công kích vừa thắm đượm bản sắc tư tưởng tiến công theo truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, lại vừa thể hiện rõ rệt tư tưởng đánh tiêu diệt ở đỉnh cao của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ. Không những thế, các cánh quân vu hồi - ngôn ngữ của Tôn Tử gọi là "kì" - lại được cài lồng vào nhau, tạo thành thế trận "vây đơn, vây kép, vây ngoài, vây trong", phía cạnh sườn kết hợp phía sau lưng, phía bên phải kết hợp phía bên trái. Ví như công kích Ngọc Hồi, có vu hồi gần ở Đầm Mực, vu hồi xa ở Thăng Long; công kích khối quân địch ở phía bờ Nam sông Hồng, có vu hồi gần ở Hải Dương, vu hồi xa ở Phượng Nhãn; các cánh vu hồi lại có phía trái vào Đầm Mực, ra Thăng Long, có phía phải đến Hải Dương, lên Phượng Nhãn. Tất cả mọi cánh quân đã tạo ra cho thế trận một chiều sâu lớn, một vòng vây chặt, khiến 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh - nhất là khối 20 vạn quân phía bờ Nam sông Hồng - bị đập tan trong một thời gian kỉ lục, chỉ vẻn vẹn có năm ngày đêm. Giá như không bị đợt gió mùa đông - bắc tràn về, làm chậm tốc độ cơ động của cánh thủy quân vu hồi của đại đô đốc Lộc thì Tôn Tổng đốc Lưỡng Quảng khó mà toàn thân về nước.


Tóm lại, chiến lược cơ động của quân Mãn Thanh trong cuộc chiến tranh xâm lược năm 1789, dù có mĩ miều "tô son, trát phấn", có khuếch trương thanh thế, qui mô thì thực chất cũng chỉ là sản phẩm của giai cấp phong kiến thống trị đang suy tàn mà phương tiện thực hiện là một đạo quân, bao gồm những người lính kém phẩm chất, thiếu tinh thần chiến đấu. Bởi vậy, khi chiến lược đó đụng độ với chiến lược quân sự tiến công kiên quyết của một dân tộc có truyền thống đánh giặc giữ nước lâu đời, với một quân đội thiện chiến, bao gồm những chiến sĩ hết lòng vì Tổ quốc, lại vừa được giải phóng thì sự thất bại của quân xâm lược cũng là điều hiển nhiên. Đến nay, hơn 210 năm đã trôi qua, nhìn lại lịch sử chiến tranh yêu nước hào hùng của dân tộc, giới sử học quân sự cho rằng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa nói riêng, chiến thắng quân Mãn Thanh năm 1789 nói chung, vẫn được xem là một ngôi sao ngời sáng của văn hóa quân sự Việt Nam.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #3 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2022, 07:43:16 am »

CHỮ TÍN VÀ CHỮ TRÁ TRONG CHIẾN TRANH


Trong chiến tranh, người ta hay nói đến chữ tín (tin cậy) và chữ trá (lừa dối). Vậy thử xem chúng được sử dụng ở đâu và sử dụng như thế nào?

Trước hết là nói về chữ tín. Phải khẳng định rằng, chữ tín chỉ xuất hiện trong chiến tranh chính nghĩa - chiến tranh giải phóng người nô lệ, giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Điều này có thể tìm thấy trong các cuộc chiến tranh yêu nước của dân tộc ta. Suốt cả chiều dài mấy ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm, nếu như thiếu một niềm tin tất thắng, chắc chắn tổ tiên ta đã không đủ sức đánh bại mọi kẻ thù. Đó là tin vào cơ quan lãnh đạo chiến tranh tối cao của đất nước. Điều này ngay ở thời cổ đại, trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhân dân ta đã biết trốn "vào trong rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư"1 (Đồ Thư là chủ tướng quân xâm lược Tần), ở thời Trần (thế kỷ XIII), mặc dù quân xâm lược Mông - Nguyên bao vây bốn phía, trăm bề khó khăn nhưng nhân dân ta vẫn vững lòng tin tuyệt đối vào triều đình suốt cả quá trình giết giặc giữ nước, ở thời hiện đại, niềm tin sắt son đó càng được thể hiện rõ vào sự lãnh đạo của Đảng suốt ba mươi năm, qua hai cuộc chiến tranh giải phóng. Không những thế, niềm tin của nhân dân ta còn được tỏa sáng từ khối đại đoàn kết toàn dân mỗi khi "sơn hà nguy biến", ví như trong cuộc chiến tranh giải phóng ở thế kỉ XV: "Giơ gậy làm cờ, bốn phương dân cày tập hợp; rượu hòa nước lã, một lòng tướng sĩ cha con"1 (Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo). Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường nhắc nhở: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công". Nhưng bên cạnh sự đoàn kết nhất trí đó, dù rằng là cơ bản, mà thiếu một phương pháp tác chiến thật ưu việt thì cũng không thể nào chiến thắng nổi binh hùng, tướng mạnh của quân xâm lược, ở đây, chính vì niềm tin mãnh liệt vào truyền thống nghệ thuật quân sự tất thắng của dân tộc - hình thành từ bao thế hệ - đã tạo ra những cách đánh giặc linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp với từng thời đại, từng kẻ thù cụ thể.


Tuy vậy, trong lịch trình chống ngoại xâm, người Việt Nam cũng hiểu rất rõ rằng càng tin vào đồng đội, đồng bào bao nhiêu thì lại càng phải cảnh giác với âm mưu địch bấy nhiêu. Trước bất cứ một hành động nào của kẻ thủ, tổ tiên ta đều không hề bỏ qua mà luôn luôn nghi hoặc, tìm mọi cách xét đoán thực hư. Với kẻ địch, tuyệt đối không được thật thà. Người cầm vũ khí chỉ có thể "tin" vào quân địch sau khi đã biết chính xác số quân, vũ khí và thủ đoạn của chứng, dù chúng muốn phô trương thanh thế hay muốn che giấu lực lượng.


Việc làm này đâu phải dễ dàng. Bởi vì, trong đấu tranh vũ trang, hai bên đối địch bao giờ cũng tìm đủ cách "ngụy trang" ý đồ thực của mình và luôn luôn tung các thứ "hỏa mù" để dẫn đối phương tới sai lầm. Đó chính là nội dung chữ trá trong chiến tranh. Thế nhưng ở chỗ này có điều cần nói là trong các quân đội xâm lược - khác hẳn trong các quân đội tiến hành chiến tranh chính nghĩa - sự dối trá không chỉ là cách thức đối phó với những người bên kia chiến tuyến mà nó còn là biện pháp che giấu mọi hành động ngay cả đối với những người trong hàng ngũ của mình. Tôn Tử cho rằng: "Việc binh là nghệ thuật dối trá". Đầu tiên, sự biểu hiện dối trá trong các đạo quân xâm lược là binh sĩ không bao giờ được biết rõ mục đích thực của cuộc chiến tranh. Những mục đích đó, cổ kim, đông tây, bao giờ cũng được núp dưới các chiêu bài mĩ miều, nào là "thảo phạt", nào là "khai hóa", nào là "bảo vệ thế giới tự do". Thậm chí trong các quân đội phong kiến xâm lược phương Bắc thời xưa, quân sĩ không được phép đọc các binh thư (sách lý luận quân sự), xem như là sách cấm. Thứ đến là việc lập thế trận trong các quân đội xâm lược. Hành động này cũng khác xa kiểu "nhân trận" của dân tộc ta - như Trần Quốc Tuấn đã từng nêu rõ. Đây là thế trận của lòng dân, được xây dựng nên từ tình yêu xóm làng, quê hương, Tổ quốc. Ngược lại, thế trận, theo quan niệm Tôn Tử: "Phàm quân lính bị vây hãm vào bước nguy hiểm thì sau đó mới có thể làm nên thắng bại". Quan niệm đó được thực hiện bằng những biện pháp cưỡng chế như ném quân lính" vào nơi không có đường chạy, họ sẽ chiến đấu dũng mãnh như Chuyên Chư, Tào Quệ"1 (Tôn Tử, Binh pháp thập tam thiên, Thiên Thủy kế, Thiên Cửu địa. Chuyên Chư, Tào Quê là những danh tướng thời Xuân Thu) hay "che đậy tai mắt của binh lính, khiến họ không hay biết gì”2 (Tôn Tử, Binh pháp thập tam thiên, Thiên Thủy kế, Thiên Cửu địa. Chuyên Chư, Tào Quê là những danh tướng thời Xuân Thu). Từ những kiểu cách lừa dối đó, chúng ta có thể thấy rõ những chuyện "hòa rượu", "hút máu"3 (Ngày xưa có một vị tướng giỏi, gặp người biếu một vò rượu, ông đem đổ xuống sông rồi bảo binh sĩ đón dòng nước mà uống. Ba quân do đó mà chiến đấu quên mình. Ngô Khởi rất giỏi dùng binh. Một người lính có nhọt, ông ta ghé mồm hút hết mủ, khiến người lính cảm kích mà ra sức xông pha) chỉ là những trò mị dân, phỉnh phờ binh sĩ, nhằm đưa họ vào chỗ chết vô ích cho quyền lợi của giai cấp cầm quyền.


Như vậy, rõ ràng là trong các đội quân xâm lược, nơi nơi đầy rẫy những chữ trá. Trái lại chữ tín chỉ có thể mọc lên trên mối quan hệ chân thật với nhau, quan hệ trên dưới một lòng giữa những con người cùng chung một lí tưởng chiến đấu cao cả.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2022, 07:45:14 am »

VŨ LỰC


Vũ lực, một cặ từ gốc Hán, được "Từ điển tiếng Việt" định nghĩa là "sức mạnh của quân đội". "Hán - Việt từ điển" của Đào Duy Anh định nghĩa là "sức mạnh về binh khí và quân đội "đồng thời ghi thêm tiếng Pháp "Force militaire".


Lực là sức thì đã rõ. Thế còn vũ? Tiếng Việt có năm từ đồng âm: vũ là lông chim; vũ là mưa, như vũ thủy, phong vũ biểu; vũ là múa, như khiêu vũ, vũ nữ; vũ là không gian, như vũ trụ và vũ là sức mạnh. Trong các từ vũ trên, chỉ đặc biệt có từ cuối cùng - chỉ sức mạnh - được đọc thành võ: vũ lực/võ lực, vũ trang/võ trang. Chính vì thế mà trong "Từ điển Hán - Việt", do Hầu Hàn Giang - Mạch Vĩ Lương (chủ biên), có năm từ vũ thì chỉ có riêng vũ là sức mạnh mới ghi là chuyển thành võ. Trong cuốn "Tìm về cội nguồn chữ Hán" (Hán tự tố nguyên) của Lí Lạc Nghị cũng ghi vũ/võ khi định nghĩa khái niệm sức mạnh. Ngược lại, trong tiếng Việt, hầu như không ai dùng: lông võ; võ thủy, phong võ biểu, khiêu võ, vỡ nữ; võ trụ.


Có thể trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải dành nhiều thời gian để tiến hành chiến tranh chống xâm lược nên vì thế mà từ tố vũ đã được chuyển thành võ cho phù hợp với cách phát âm của từng vùng. Từ Nghệ An trở vào, nhân dân đọc là võ, từ Thanh Hóa trở ra, nhân dân đọc theo cả hai cách: vũ/võ khí, vũ/võ sĩ... nhưng phần lớn thiên về vũ. Đó là trường hợp chỉ danh từ chung. Còn đối với danh từ riêng - họ Vũ, ghi theo dạng tự với nghĩa là sức mạnh - thì cách phát âm cũng vậy nhưng hơi khác một chút. Những người sinh trưởng từ Thanh Hóa trở ra, mang dòng họ này, chỉ ghi là Vũ. Trong khi đó, những người sinh trưởng từ Nghệ An trở vào lại chỉ ghi là Võ. Thậm chí, cùng một ông tổ nhưng con cháu thuộc các chi họ từ Thanh Hóa trở ra, chỉ ghi là Vũ (không ghi là Võ). Trái lại con cháu thuộc các chi họ từ Nghệ An trở vào lại chỉ ghi là Võ (không ghi là Vũ).


Về hiện tượng này, có người đã giải thích: Họ Vũ - Võ là một trong những dòng họ lớn nhất của Tổ quốc Việt Nam và lại là một trong số rất ít các dòng họ có chung một Thủy tổ, Thủy tổ Vũ Hồn, vừa là Thần tổ "Thành hoàng làng" vừa là Hương thủy tổ, thờ ở đình làng Mộ Trạch, xưa có tên là thôn Khả Mộ, huyện Đường An, nay thuộc xả Tân Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông vốn là một danh nhân nhà Đường sang Việt Nam dựng nghiệp từ năm 825, cho đến nay đã được 1175 năm.


Chi họ Vũ trên đất Bắc di chuyển vào phương Nam đã đổi sang họ Võ do phải kiêng tên chúa Nguyễn: Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765). Dòng họ Võ đầu tiên đặt chân vào lục tỉnh Nam Kỳ chính là phò mã Hoài Quốc công Võ Tánh, danh tướng của vua Gia Long. Vì trong chữ Hán, Vũ - Võ đều có chung một dạng tự nên người trong họ có câu rằng:

"Vũ - Võ hai âm, từ chỉ một
Bắc - Nam một dải, Tổ không hai"1 (Việt Thường: Dòng họ Vũ phương Bắc - Võ phương Nam; Hiếu nghĩa truyền gia, khoa danh Báo gia đình và xã hội, số 64, 4-2000).

Đến đầy cũng có hai cặp từ nữa mà chúng ta cần quan tâm là vũ đoán và vũ đài. Vũ đoán cũng được chuyển thành võ đoán. Từ này được "Từ điển tiếng Việt" của Hoàng Phê (chủ biên) định nghĩa là: "(phán đoán) chỉ dựa vào ý riêng chủ quan, không có căn cứ nào cả". "Hán - Việt từ điển" của Đào Duy Anh định nghĩa là: "Không đoái đến tình lí, tự mình quyết đoán". "Từ điển Hán - Việt” của Hầu Hàn Giang - Mạch Vĩ Lương (chủ biên) định nghĩa: "Vũ đoán là độc đoán". Ở cả hai cuốn tứ điển Hán - Việt, vũ đều ghi theo dạng tự với nghĩa là sức mạnh. Phải chăng người suy nghĩ theo lối võ đoán là ỷ vào sức mạnh trí tuệ của riêng mình, bất chấp lí tình người khác? Còn từ vũ đài thì có hai cách định nghĩa khác nhau. Hai cuốn từ điển Hán - Việt, như đã nêu ở trên, định nghĩa: "Vũ đài là sân khấu, chỗ diễn kịch". Và ghi thêm vào phần nghĩa bóng: "Vũ đài chính trị", "Trường chính trị - Trường văn hóa". Trái lại, "Từ điển tiếng Việt" của Hoàng Phê (chủ biên) viết: "Võ đài là đài đấu võ. Võ đài chính trị". Nếu như vậy, các tác giả trên đã mâu thuẫn với nhau qua dạng tự vũ, một bên là múa và một bên là sức mạnh. Bên thứ nhất cho rằng vũ là một từ gốc Hán nên đã tìm về từ nguyên của nó trong tiếng Hán. Nhưng nếu như vậy sẽ không giải thích được sự chuyển hóa giữa vũ và võ trong tiếng Việt. Bên thứ hai lại dựa trên sự sử dụng thực tế của tiếng Việt và lấy ngay chính bản thân nó làm đối tượng để giải thích. Vũ chuyển hóa thành võ, nghĩa của nó phải là sức mạnh. Cách giải quyết này hợp lý hơn vì "đối với từ, giá trị thông dụng quyết định tất cả"1 (Hoàng Tuệ, Ngôn ngữ và đời sống xã hội - văn hóa, Nxb Giáo dục, H.1996, tr.165).


Bây giờ, chúng ta trở lại tìm hiểu tiếp về mặt ý nghĩa xã hội của từ vũ là sức mạnh. Xét về dạng tự, nó bao gồm hai từ xếp theo phép hội ý: qua là một loại vũ khí lạnh thời cổ đại và chỉ là dừng lại. Phân tích về dạng tự này cũng có hai cách. Cách thứ nhất cho rằng: "Phần trên của chữ là qua (một loại vũ khí thời cổ), phần dưới là chỉ (bàn chân), biểu thị cầm vũ khí ra đi đánh trận"2 (Lý Tạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb Thế giới, H.1997, tr.875). Cách giải thích này không hợp lí. Nếu cho rằng phần dưới "biểu thị cầm vũ khí" thì phải dùng thủ (bàn tay) thay vì dùng chỉ mới đúng. Cách thứ hai cho rằng: "Chỉ là dừng lại, thôi; qua là một thứ binh khí đời xưa. Dùng vũ ngăn cấm điều bạo ngược, chỉnh đốn sự rối loạn, thôi việc can qua"3 (Nguyễn Khuê, Tự học Hán văn, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1995, tr.20). Xét về cách ứng xử truyền thống trong xã hội loài người từ xưa đến nay, suốt từ Đông qua Tây thì "dùng vũ ngăn cấm điều bạo ngược" vốn là hành động diễn ra thường xuyên nên cách phân tích này phù hợp hơn. Ở Việt Nam, người Thái miền núi Tây Bắc vẫn nói: "Rượu đến thì rượu mời, gươm đến thì gươm đưa”. Nhân dân ở đồng bằng lại nói: "Vỏ quít dày có móng tay nhọn". Trong tiếng Hán cũng có thành ngữ: "Dĩ độc chế độc" (lấy thuốc độc để trị thứ thuốc độc khác). Khi phân tích về hành động chống lại chiến tranh xâm lược ở châu Âu trong thế kỉ XIX, C.Mác cũng từng nói đại ý là vũ khí phê bình không thể thay thế việc phê bình bằng vũ khí.


Ai cũng thấy rằng từ những năm 70 của thế kỉ trước chủ nghĩa tư bản phát triển thành chủ nghĩa đế quốc. Các nước đế quốc phương Tây đã đưa quân đội với tàu to, súng lớn đi xâm chiếm thuộc địa. Để chống lại, nước nào cũng tìm cách xây dựng quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng, ở nước ta, từ sau Cách mạng tháng Tám, - nếu như thiếu một quân đội nhân dân hết lòng "trung với nước, hiếu với dân", làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, chắc chắn rằng dân tộc ta không thể chiến thắng được hai đế quốc to trong ba mươi năm chiến tranh giải phóng vừa qua.


Trên đây là những minh chứng cụ thể, ít nhiều cũng giúp chúng ta hiểu thêm được phần nào ý nghĩa xã hội và cách sử dụng từ vũ lực.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2022, 07:46:55 am »

TƯ MÃ, MARÉCHAL VÀ CON NGỰA


Tư mã là một từ tiếng Hán ở phương Đông, Maréchal là một từ tiếng Pháp ở phương Tấy. Thế nhưng trong cả hai từ đều có hình bóng con ngựa.

Về nghĩa đen, tư mã là người quản lí ngựa. Tư hay ti - là quản lí, như ti giáo dục, ti y tế, ti văn hóa thuộc cấp tỉnh ở nước ta trước đây. Mã là ngựa.

Bắt đầu từ thời Tây Chu (thế kỉ XI - 771 trước công nguyên), tư mã thành tên một quan chức cao cấp, phụ trách công việc quân sự của triều đình, đứng thứ tư trong hàng Lục khanh - sáu chức quan to - mà sau này là sáu quan thượng thư lục bộ. Là hàng quan chức cao cấp, Lục khanh xếp sau hàng Tam công - còn gọi là Tam thái - gồm thái sư, thái phó, thái bảo và hàng Tam cô - còn gọi là Tam thiếu, gồm thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo. Vì vậy cũng có khi người ta xếp tư mã ở vị trí thứ bảy trong hàng cửu khanh - chín chức quan to - gộp cả Tam thiếu và Lục khanh.


Cuối thời Xuân Thu (771 - 476 trước công nguyên), thuật ngữ tư mã đã đi vào lí luận quân sự với tên một cuốn binh thư nổi tiếng, được xem là một trong bảy cuốn sách quân sự kinh điển - Võ kinh thất thư - của Trung Hoa nói riêng và của loài người nói chung khi vũ khí lạnh đang sử dụng phổ biến trên chiến trường. Đó là cuốn Tư mã pháp - phép dùng binh của quan Tư mã - mà Điền Nhương Thư - giữ chức Đại tư mã nước Tề người có cùng một ông tổ - là Điền Hoàn - với Tôn Tử - là tác giả.


Về tư mã, chúng ta cũng nên hiểu nó chỉ là một thuật ngữ, một danh từ chung, chỉ chức danh quân sự, không phải là một danh từ riêng chỉ tên một dòng họ như trong Tư Mã Thiên, nhà sử học tài năng thời Tây Hán (206 trước công nguyên - 24), trong Tư Mã ý, một danh tướng thời Tam Quốc (220 - 280).


Ở Việt Nam cũng có tư mã. Vào cuối thế kỷ XIV, nhà Trần bắt đầu định ra chức danh này và phong cho Trần Khiên Ngô. Đầu thế kỉ XV, sau khi chiến tranh giải phóng thắng lợi, nhà Lê thành lập, chức danh quân sự đó cũng được phong cho Lê Sát1 (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Khoa học xã hội, H.1992, t.1, tr.463).


Bây giờ, chúng ta chuyển sang từ maréchal. Về từ này, từ điển Pháp - Latinh định nghĩa: maréchal là "gia nhân chăm sóc ngựa như palefrenier" - người giữ ngựa - trong tiếng Pháp. Và giải thích thêm "theo nghĩa đen, maréchal là faber ferrarius". Faber là sản xuất, là chế tạo các sản phẩm cứng, nhất là thợ rèn" - như fabriquer trong tiếng Pháp. Ferrius là sắt - như fer trong tiếng Pháp.


Bắt đầu từ thế kỉ XI, người Pháp viết maréchal - theo nghĩa dân gian - thành maréchal - ferrant. Và cho đến nay, người ta vẫn viết như thế mặc dù maréchal hay maréchal - ferrant, về nghĩa của cả hai, đều là thợ bịt móng ngựa.


Từ nghĩa ban đầu của maréchal, người ta đã có những từ phái sinh: maréchalerie là nghề bịt móng ngựa, là xưởng bịt móng ngựa; maréchale là một thứ than đốt lò của thợ bịt móng ngựa.

Đến thế kỉ XII, maréchal trở thành thuật ngữ quân sự. Nghĩa đầu tiên của từ này là sĩ quan phụ trách việc bảo dưỡng ngựa, sĩ quan của chuồng ngựa rồi sĩ quan kị binh. Sang thế kỉ XIII, maréchal được nâng lên một nghĩa mới: người chỉ huy quân sự nói chung. Từ thế kỉ XVI, ở nước Pháp đã xuất hiện cấp quân hàm quanh thuật ngữ maréchal với cấp cao nhất quân đội - thường gọi là vinh hàm: Maréchal de France - thống chế nước Pháp - và cấp thấp nhất, chỉ huy phiên chế nhỏ nhất là tiểu đội: maréchal des logis - trung sĩ (kị binh hoặc pháo binh).


Quanh thuật ngữ maréchal, người ta cũng có những từ phái sinh: maréchai de camps - thiếu tướng, maréchale - thống chế phu nhân; maréchalat - hàm, chức thống chế, nguyên soái, tương đương với thuật ngữ généralissime.


Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là tại sao phương Đông và phương Tây, xa cách nhau hàng vạn dặm mà chức danh của những người đứng đầu quân đội đều liên quan đến con ngựa? Nó có sức sống tới hơn ba ngàn năm, kể từ tư mã xuất hiện đầu tiên vào thế kỉ XI trước công nguyên ở Trung Hoa đến tư mã xuất hiện vào cuối thế kỉ XIV - đầu thế kỉ XV ở Việt Nam và maréchal xuất hiện vào thế kỉ XVI ở nước Pháp nhưng vấn đang còn thông dụng trong ngôn ngữ hiện đại vào năm cuối cùng của thế kỉ này.


Để trả lời chúng ta tìm về mục đích của việc quân nói chung và việc của lực lượng vũ trang nói riêng. Như lịch sử quân sự đã ghi, chiến tranh ra đời khi của cải xã hội ngày một tăng. Nó nhằm tiến công tước đoạt. Chống trả lại, đã có chiến tranh phòng thủ, bảo vệ. Từ mục đích của chiến tranh, dù chính nghĩa hay phi nghĩa, nhiệm vụ của quân đội nào tham chiến cũng phải đánh vào đối phương. Muốn đánh, quân đội nhất thiết phải đi. Không hề có một quân đội chỉ có đi mà lại không đánh. Khái niệm "hành quân" hiện chúng ta đang dùng, bao hàm đủ cả hai nghĩa đánh và đì. Bởi vì hành vừa có nghĩa là làm, là tác chiến lại vừa có nghĩa là đi, là di chuyển.


Khi xã hội loài người mới có chiến tranh thì tất cả mọi người lính đều là bộ binh. Nghĩa đen, bộ binh là "lính đi bộ", là di chuyển bằng chính đôi bàn chân của mình. Nhưng rồi chiến tranh ngày càng phát triển với nhịp độ khẩn trương hơn. Con đường ra chiến địa ngày càng dài, việc di chuyển phải có tốc độ cao mới kịp xử lí các tình huống trong tác chiến. Đôi chân trần của người lính, đến lúc ấy, không còn đủ sức để vận động, di chuyển được nữa. Tình hình trên đòi hỏi một phương tiện chuyển quân cùng với vũ khí, lương thảo thích hợp hơn. Từ đó, cỗ xe chiến, với sức kéo của con ngựa, ra đời. Trên chiến địa, xe chiến ngựa kéo được sử dụng khá lâu trong thời cổ đại. Nhưng rồi xe chiến cũng ngày càng lộ ra những nhược điểm, buộc phải có một "phương tiện đi" mới cho chiến trận. Xoay quanh con ngựa, các nhà quân sự đã phủ định "sức kéo" của nó để khai thác một tính năng mới là "sức cưỡi". Kị binh đã hình thành trên cơ sở đó và tồn tại hàng ngàn năm. Nếu tính cả sức ngựa kéo xe chiến trước đó nữa thì con ngựa đã có mặt ở chiến địa, trên qui mô toàn cầu, khoảng ba ngàn năm.


Những điều vừa nêu lên không chỉ là lí luận mà thực tế lịch sử quân sự đã cho ta những minh chứng sinh động, kể từ phương Đông đến phương Tây.

Ở đất nước Trung Hoa, dưới thời Hoàng đế, vào cuối thời đại đá mới, khoảng 4000 năm trước công nguyên, người Hoa Hạ đã có những phát minh quan trọng như nuôi tằm, dệt lụa, đặt ra chữ viết, đóng xe, thuyền. Từ xa là xe, một chữ tượng hình, gồm có thùng xe, hai bánh và trục xe. Xe di chuyển được, nhất thiết phải có sức kéo là trâu, bò và nhất là ngựa. Vì thế mà trong xã hội đã xuất hiện những chức danh xoay quanh con ngựa. Bên cạnh tư mã, còn có giám mã, mã phu... Đến thời Tây Chu, khi xe chiến trở thành công cụ chiến tranh thì xã hội Trung Hoa cổ đại cũng đã sử dụng loại công cụ này trong lao động tới 3000 năm. Và khi kị binh xuất hiện vào cuối thế kỉ IV trước công nguyên1 (Quách Mạt Nhược, Thanh Đồng thời đại, Tân văn nghệ xuất bản xã, 1951, tr.214) thì xe chiến ngựa kéo hoạt động trên chiến địa cũng đã tới 700 năm.


Từ chiến xa sang kị binh là một bước phát triển mới hết sức quan trọng về sức cơ động trong chiến trận ở phương Đông song suy cho cùng đấy cũng chỉ là sự chuyển đổi từ "sức kéo" đến "sức cưỡi" của con ngựa. Điều này từ ngữ đã phản ánh một cách rất trung thực. Tiếng Hán, điều khiển xe gọi là ngự và cưỡi trên lưng thú vật gọi là kị. Trong các thành phần của hai từ đó đều có mã.


Ở phương Tây, cụ thể là ở châu Âu, lấy nước Pháp làm một ví dụ, sự việc diễn ra không hoàn toàn như vậy tuy rằng việc cơ động trong chiến trận, trước khi xuất hiện máy hơi nước, cũng hình thành hai giai đoạn: giai đoạn sức người và giai đoạn sức ngựa. Từ Trung Cận Đông, xe chiến đi vào các quân đội Hi Lạp - La Mã cổ đại và phát triển bình thường như ở quê hương của chúng nhưng khi quân đội Hi Lạp xây dựng kị binh - vào thời kì chiến tranh Pê-lô-pô-ne-dơ, chiến tranh giữa các thành bang Hi Lạp (431-404 trước công nguyên) - thì thoạt đầu, đội kị binh A-ten có 300 quân, sau đấy là 600 và thậm chí 1.000, gồm toàn những công dân giàu có nhất. Điều này ảnh hưởng tới việc xây dựng lực lượng kị binh cho toàn châu Âu sau này. Thật ra ở Hi Lạp - La Mã cổ đại, kị binh không có vai trò gì to lớn lắm trừ kị binh của A-lếch-xăng-đrơ Ma-xê-đoan trong quá trình hành quân sang phía đông. Sau khi ông qua đời, không còn ai nhắc đến kị binh Hi Lạp nữa.


Sang thời trung đại, nhất là ở thế kỉ X, mối quan tâm đến kị binh -đã rời vùng Địa Trung Hải đi vào trung tâm châu Âu. Thế nhưng phương châm xây dựng kị binh vẫn hoàn toàn giống như của quân đội Hi Lạp cổ đại, nghĩa là thành phần đội kị binh vẫn phải là những người giàu có nhất và chắc chắn không thể ngoài những nhà quí tộc phong kiến. Chính vì thế mà mối quan hệ giữa những thuật ngữ quân sự chung quanh con ngựa thời này với những từ ngữ dân sự cùng thời và cả những thế kỉ sau đều đượm một màu sắc sang trọng của những bậc quyền quí nhưng lại pha thêm vẻ hào hiệp, kẻ cả của giai tầng thống trị thượng lưu. Trong tiếng Pháp, cheval là con ngựa có gốc la-tinh là caballus. Thí dụ như ngựa nói chung là cheval nhưng ngựa cái lại là cavale. Hay như cưỡi ngựa có từ là chevaucher lại cũng có từ là cavaler.


Theo ngôn từ thông dụng của tiếng Pháp thì hai từ chevalier và cavalier đều có nghĩa là người cưỡi ngựa nhưng xét theo ngôn ngữ học lịch sử, các từ đó đều mang theo những sắc thái riêng của xã hội trung đại châu Âu. Từ thứ nhất hình thành từ thế kỉ XI - khi kị binh giữ vai trò quyết định trên chiến trường - theo nghĩa dân gian là chiến sĩ quí tộc chiến đấu trên lưng ngựa. Còn từ thứ hai, ở thế kỉ XV nghĩa là nhà quí tộc, bậc hào hiệp, đấng quân tử, sang thế kỉ XVII là người hào hiệp đi theo bảo vệ một quí bà và đến thế kỉ XX là bạn trai khiêu vũ.


Bây giờ chúng ta tìm hiểu thêm hai từ nữa: chevalerie và cavalerie. Từ thứ nhất, ra đời từ thế kỉ XI - khi kị binh chiếm vị trí độc tôn của chiến trận - có nghĩa là tinh thần kị sĩ, đẳng cấp kị sĩ, tước hiệu kị sĩ, huân chương kị sĩ. Từ thứ hai ra đời từ thế kỉ XVI, có nghĩa là kị binh. Trong từ cavalerie chứa đựng hai thành phần: cheval và cavalier, về từ cheval thì đã rõ. Còn từ cavalier không chỉ đơn thuần có nghĩa là người cưỡi ngựa - kị sĩ - mà còn có nghĩa là, người hiệp sĩ quý tộc. Đây cũng là phương châm xây dựng đội kị binh ở Hi Lạp cổ đại xưa kia, khi binh chủng này bắt đầu hình thành ở phương Tây nói chung và ở châu Âu nói riêng.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #6 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2022, 07:47:42 am »

ÚY, TÁ, TƯỚNG, XƯA VÀ NAY


Ngày nay, quân đội nhân dân Việt Nam xác định sĩ quan cao cấp là tướng, trung cấp nói chung là tá (thực tế thì thượng tá, đại tá đã là cao cấp) và sơ cấp nói chung là úy (thực tế thì thượng úy, đại úy đã là trung cấp). Thế nhưng từ xưa đến nay, chung quanh những từ này đã có bao nhiêu biến đổi.


Trước hết nói về úy. Úy (cũng đọc là uất), từ thời cổ đại ở Trung Quốc, vốn chỉ các viên quan coi ngục và diệt trừ trộm cướp, giữ an ninh cho nhân dân như đình úy, huyện úy. Bắt đầu từ thời Tần, đầu thế kỷ III trước công nguyên, úy được dùng gọi tên những người chỉ huy quân sự cấp cao - úy quan - như thái úy, thiếu úy, hiệu úy... Thái, nghĩa đen là "tối cao, vô cùng", nghĩa bóng để chỉ nhà vua. Từ này vốn là chức danh ba viên quan đầu triều thời Tây Chu, gọi chung là "tam công" hoặc "tam thái": thái sư (thầy vua), thái phó (giúp vua) và thái bảo (nuôi vua). Đến thời Tần, do nhu cầu đánh dẹp, cần phải có một người lo liệu việc quân sự, ngang quyền với "tam công" nhà vua định thêm một chức danh mới là thái úy. Người đầu tiên nhận chức danh này là Mông Ngao, một viên tướng có công lớn với triều đình, và người kế nhiệm là cháu nội ông ta, Mông Điềm, người chăm lo việc xây dựng Vạn lý trường thành. Như vậy, thái úy là gười chỉ huy quân sự tối cao, bên cạnh nhà vua. Thiếu úy là người chỉ huy quân cấm vệ. Hiệu úy là người chỉ huy phiên chế "hiệu", một loại đơn vị chiến đấu cơ bản của quân đội thời cổ. Chủ tướng đạo quân Tần xâm lược Việt Nam ở thế kỷ III trước công nguyên là Hiệu úy Đồ Thư. Lí Ông Trọng, người Việt Nam, quê ở làng Chèm, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, từng làm quan dưới thời Tần Thủy Hoàng, cũng được phong là Tư lệ Hiệu úy.


Như vừa trình bày, "hiệu" là một loại đơn vị chiến đấu cơ bản nên có từ "hiệu trường" - thao trường luyện tập của binh sĩ. Và từ đó, những người chỉ huy từ một đến nhiều "hiệu", gọi chung là "hiệu quan". Theo thời gian, lực lượng sản xuất phát triển, quy mô chiến tranh mở rộng. Để giải quyết chiến tranh không chỉ là một trận mà phải nhiều trận lớn nhỏ khác nhau. Số lượng quân lính cũng tăng theo. Bên cạnh những phiên chế hành chính cơ bản như "kì", "hiệu", "quân" đã xuất hiện "tướng" - một loại phiên chế tác chiến mới. Và "tướng", quân hàm chỉ huy cao cấp ra đời. Từ đó, để gọi chung những người chỉ huy quân sự, trong thuật ngữ quân sự xuất hiện cặp từ "tướng - hiệu". Những người chỉ huy ’’hiệu" - cấp dưới - phải giúp những người chỉ huy "tướng" - cấp trên - trong tác chiến. Dần dần, từ "hiệu" được thay bằng từ "tá" - phò tá, giúp đỡ. Cách gọi đó được dùng tới ngày nay. Bây giờ, trong tiếng Hán hiện đại, sĩ quan cấp tá vẫn được gọi chung là hiệu quan: thiếu hiệu đến đại hiệu đồng nghĩa với thiếu tá đến đại tá.


Còn về tướng, tạp chí "Ngôn ngữ và Đời sống" cũng đã đăng một số bài. Lần này, chúng tôi muốn đề cập thêm một số khía cạnh nửa. Trong số từ Việt gốc Hán hiện nay có hai từ "tướng", nghĩa khác nhau với những dạng tự riêng. Từ thứ nhất, nghĩa gốc là "nhìn kĩ", "quan sát" và đọc là "tướng". "Tướng thử hữu bì" - Kinh Thi (Nhìn kĩ con chuột thấy nó có da). "Tướng thời nhi động" - Tả truyện (Quan sát thời cuộc mà hành động). Dạng tự của nó bao gồm từ "mục" là "mắt" và từ "mộc" là "cây". Từ "tướng" này chỉ những quan chức thời xưa, đứng đầu triều đình, giúp vua trị nước: tướng quốc, tể tướng, thừa tướng và quan chức đứng đầu chính phủ ở một số nước thời nay: thủ tướng. Những chức danh này, tiếng Pháp ghi là premier ministre và tiếng Anh ghi là prime minister, đều có nghĩa đen là "bộ trưởng thứ nhất". Từ thứ hai cũng đọc là "tướng", vốn là chức danh người chỉ huy phiên chế "tướng'' ở Việt Nam và Trung Quốc dưới thời trung đại. Riêng ở Việt Nam, chức danh này tồn tại mãi đến thế kỷ XVIII. Lúc đầu, "tướng" chỉ dùng để gọi những người chỉ huy phiên chế "tướng" nhưng dần dần nó đồng nghĩa với "người chỉ huy" nói chung. Từ đó, trong ngồn ngữ quân sự xuất hiện các từ: tiểu tướng, tì tướng, tùy tướng, bộ tướng... tên gọi những người chỉ huy đơn vị có số quân ít hơn phiên chế "tướng" rất nhiều mà ngày nay chúng chỉ tương đương với tiểu đội trưởng, đại đội trưởng... những sĩ quan sơ cấp. Vì vậy Trần Quốc Tuấn đã viết: "Tướng mà che điều gian, giấu điều họa, không nghĩ đến quần chúng oán ghét, tướng ấy chỉ huy được mười người. Tướng mà sớm dậy, khuya nằm, lời lẽ kín đáo, tướng ấy chỉ huy được trăm người''. Nếu như ở phương Đông, quân hàm cấp tướng ra đời vào đầu thời trung đại thì ở phương Tây đến cuối thời trung đại - đầu thời cận đại, loại quân hàm này mới xuất hiện. Nó xuất hiện ở Pháp vào thế kỷ XVI. Ở Nga, năm 1657, vua Pi-ốt I cũng mới đặt ra loại quân hàm này. Nhưng dù ở Pháp, ở Nga rồi sau này ở Anh, "tướng" cũng đều được ghi chung một từ - Général (Pháp), ΓehepaЛ (Nga), General (Anh) - có nghĩa đen là "tổng thể". Đây là một vấn đề khá thú vị, mong được trình bày vào một dịp khác.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2022, 07:48:33 am »

SEN ĐẦM


Sen đầm là một thuật ngữ quân sự, chỉ "Lực lượng vũ trang đặc biệt, chuyên giữ gìn an ninh chính trị ở các nước đế quốc, thuộc địa". Có ý kiến cho rằng nó còn một từ đồng nghĩa là hiến binh, một từ Việt gốc Hán.


Trong tiếng Hán không có từ sen đầm. Do đó, nó không phải là từ gốc Hán. Nó cũng không phải là từ thuần Việt. Nếu tách cặp từ này làm đôi để tra cứu thì thấy nghĩa của nó không hề dính dáng gì đến quân sự. Vậy sen đầm là một từ Việt gốc Pháp, được hình thành bằng phương pháp phiên âm qua từ gendarme.


Muốn hiểu rõ nội dung từ sen đầm, một từ phiên âm trong tiếng Việt, tốt nhất là tìm hiểu trực tiếp ngay chính từ gendarme trong tiếng Pháp.

Thật ra về chức năng, gendarme và hiến binh không giống nhau. Gendarme vốn bắt nguồn từ gens - là "người" - một từ gốc Hy Lạp genos - nghĩa là "dòng dõi, gia đình, nòi giống", ở thế kỷ XIV, từ này được viết dưới hình thức gens d’armes với nghĩa là "lính cưỡi ngựa". Không rõ gendarme viết liền xuất hiện từ khi nào nhưng chỉ biết rằng đến giữa thế kỷ XIX, dạng tự gens d’armes viết rời vẫn còn tồn tại. Trong bài "Kị binh" viết vào đầu năm 1858, Ph. Ăng-ghen đã viết từ này theo hình thức đó. Ở đây, ông còn cho biết sen đầm ra đời gắn chặt với một thời đại mới của kị binh, khi chế độ phong kiến mới hình thành ở châu Âu, giai đoan sơ kì của thời trung đại. Đó là vào khoảng đầu thế kỷ XVIII.


"Sự thiết lập chế độ quí tộc Tép-tôn ở tất cả các nước Tây Âu đã mở đầu cho một thời đại mới của kị binh. Ở mọi nơi, các tầng lớp quí tộc đều phục vụ trong kị binh với cái tên gens d’armes được tổ chức thành đội kị binh và trang bị đến mức nặng nhất, ở đây không những chỉ người mà cả ngựa nữa đều được che chở bằng những tấm áo giáp kim loại. Trận đánh đầu tiên mà kiểu kị binh này xuất hiện là trận Poa-chi-ê. Tại chiến địa này, năm 732, Các Mác-ten đã đánh bật cuộc tiến công như nước chảy của quân Ả-rập"1 (Ph. Ăng-ghen, Tuyển tập luận văn quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1978, t.2, tr.154) trên đường chúng đi chinh phục châu Âu.


Như đã trình bày, khi ra đời, cụm từ gens d'armes có nghĩa là "lính cưỡi ngựa" nhưng xét theo nghĩa đen thì nó là "người của" (gens de) "vũ khí" (armes). Với kết cấu ’’gens de....", đến thế kỷ XVIII, trong tiếng Pháp xuất hiện cụm từ gens de lettres - người của văn chương, nhà văn. Vì vậy, về sau, "gens de..." được dịch là "người làm nghề"... Ví như gens d'église - người làm nghề nhà thờ, thầy tu, giáo sĩ, gens de loi - người làm nghề luật pháp, luật gia, trạng sư; gens d’ épée - người làm nghề gươm đao, nhà quý tộc, quân nhân.


Trở lại từ sen đầm, chúng ta thấy, ngày nay từ khi ra đời, loại hình lực lượng vũ trang này đã có chức năng đàn áp, khủng bố mỗi khi nền an ninh, chính trị của đế quốc đó bị vi phạm như quân đội đế quốc Nga thời cận đại, quân đội đế quốc Mĩ thời hiện đại. Bởi thế cho nên sen đầm nổi bật lên hai đặc điểm: một là được trang bị đầy đủ nhất bằng những vũ khí ưu việt nhất đương thời, hai là có tính cơ động rất cao nên nó thường được gắn chặt với một binh, quân chủng tinh nhuệ nhất, ví dụ như kị binh nặng, kị binh có áo giáp kim loại trong quân đội Pháp ở giai đoạn sơ kì thời trung đại hay như hải quân với tàu to, súng lớn trong quân đội Nga Sa hoàng ở giai đoạn hậu kì thời cận đại. Đặc biệt ở thời hiện đại, đế quốc Mĩ - với vai trò "sen đầm quốc tế" - đã sử dụng quân chủng lính thủy đánh bộ, quân chủng không quân với các loại máy bay phản lực siêu âm tối tân nhất, đã nhiều lần phản ứng điên cuồng trước tình hình chính trị ở một số nước và đã can thiệp thô bạo và trắng trợn vào bán đảo Triều Tiên, vào Đô-mi-ních-ca-na, vào Grê-na-đa...


Với tính chất hung hăng, điên khùng, phản ứng mạnh mẽ của lính sen đầm mà tiếng Pháp gọi chung các tính chất đó là gendarmer (se).

Ở Việt Nam, trước Cách mạng tháng Tám, dưới chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp, hầu như không thấy có lính sen đầm. Làm nhiệm vụ cơ động đi đàn áp, khủng bố các phong trào đấu tranh của quần chúng chỉ có lính khố đỏ. Thế nhưng đây lại là lực lượng ngụy quân người bản xứ, thiếu độ tin cậy với cấp thống trị ngoại bang, việc trang bị do đó không được đầy đủ nên không đủ sức thực hiện chức năng của lính sen đầm. Chỉ từ sau năm 1940, khi phát xít Nhật kéo vào Việt Nam, nhân dân ta mới thấy trong quân đội chúng có hiến binh.


Ở trên đã nói, hiến binh và sen đầm hoàn toàn khác nhau về trang bị, biên chế; về nhiệm vụ, chức năng. Nếu như sen đầm được tổ chức thành một "lực lượng vũ trang đặc biệt" thì hiến binh chỉ đơn giản là những "cảnh sát vũ trang". Chức năng của sen đầm là "chuyên giữ gìn an ninh chính trị ở các nước đế quốc, thuộc địa", nghĩa là hoạt động trên một phạm vi rất rộng. Trái lại, chức năng của hiến binh chỉ là "tra xét những điều phạm tội hoặc bất pháp trong quân đội". So sánh như vậy để thấy ràng chức năng của hiến binh thấp hơn rất nhiều so với chức năng của sen đầm mà "trùng khít" với chức năng của quân cảnh (military police- tiếng Anh, police milỉtaire - tiếng Pháp). Bởi vì điều rõ ràng, hiến binh và quản cảnh đều có chung một định nghĩa là: "Cảnh sát vũ trang trong quân đội một số nước”.


Tóm lại về hình thức từ ngữ, sen đầm là một từ Việt gốc Pháp, được hình thành qua phương pháp phiên âm từ gendarme. Về nội dung khái niệm, mặc dù có ý kiến cho rằng sen đầm có một từ đồng nghĩa là hiến binh nhưng xét về tổ chức trang bị, về chức năng, nhiệm vụ, hai từ này hoàn toàn khác hẳn nhau.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2022, 07:49:45 am »

HÀNH TRANG NGƯỜI LÍNH RA TRẬN


Hành trang còn gọi là hành lí, được từ điển tiếng Việt định nghĩa "đồ dùng mang theo khi đi xa". Đây là một từ Việt gốc Hán. Hành là đi, trang là quần áo và lí là đồ dùng. Hành trang hay hành lí, tiếng Pháp đều gọi chung là bagage.


Như vậy, những thứ con người mang theo, có thể nhìn thấy là hành trang hữu hình. Nhưng trong thực tế, khi đi xa, ngoài quần áo và đồ dùng sinh hoạt, lữ khách còn luôn luôn có trong tim và trên đầu những tình cảm, những tư tưởng và những kiến thức. Đó là thứ hành trang vô hình. Bởi vậy mà trong tiếng Pháp, kiến thức khoa học có tên là bagage scientifique.


Định nghĩa là như thế. Bây giờ để hiểu rõ nội dung đó, chúng ta hãy so sánh hành trang của người lính chúng ta với hành trang của người lính xâm lược trong ba mươi năm chiến tranh giải phóng vừa qua.


Về hành trang hữu hình, lúc nào phía họ cũng "giàu có" hơn phía chúng ta, từ áo quần, giầy mũ đến vũ khí, từ đồ dùng sinh hoạt đến thuốc men. Ngược lại, người lính của chiến tranh chính nghĩa lại luôn có một thứ hành trang vô hình mà bất cứ một người lính xâm lược nào - từ trong quân đội thực dân Pháp đến quân đội đế quốc Mĩ - đều không thể có được. Đó là tình cảm với gia đình, làng xóm và Tổ quốc, trong đó lòng yêu nước báo trùm lên tất cả. Đó là lí tưởng chiến đấu vì tự do của nhân dân, vì độc lập của đất nước. Nghiêm túc mà nói người lính xâm lược cũng có thứ hành trang vô hình của họ. Đó là họ chiến đấu vì tiền. Từ lợi ích kinh tế, họ sẵn sàng chống lại hết thảy, không loại trừ cả đồng bào, Tổ quốc mình. Là người lính đánh thuê, làm sao họ có được tình cảm với gia đình, quê hương, đất nước trong chiến tranh phi nghĩa. Để thay vào đó, giới lãnh đạo chiến tranh đã mê hoặc, lừa bịp bằng cách trao cho họ sứ mạng "nhân danh văn hóa" đi "khai hóa”, đi "lập lại trật tự", đi "bảo vệ thế giới tự do" khi đặt chân lên vùng đất định lấn chiếm.


Trở lên trên, là sự so sánh về hành trang của hai người lính ở hai bờ chiến lũy. Còn phía chúng ta, hành trang của người lính cũng có những bước phát triển từ thấp đến cao, từ đơn sơ đến phong phú qua hai cuộc chiến tranh giải phóng cực kì gian khổ và đầy đủ tự hào. Như lịch sử quân sự ghi lại. Cách mạng tháng Tám mới thành công, dân tộc ta đã phải nhanh chóng đối phó với một cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Người lính ra trận lúc ấy với một hành trang hết sức khiêm tốn, thiếu thốn mọi thứ, tính từ áo quần đến giày mũ, "áo vải chân không đi lùng giặc đánh"1 (Hồng Nguyên, Nhớ, Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960, Nxb Văn học, H. 1960, tr. 175, 176). Rời làng xóm ruộng đồng, rời bản mường nương rẫy ra đi, đồ dùng sinh hoạt của họ chẳng có gì. Chiếc bát ăn cơm gọt bằng vỏ dừa, chiếc bi đông đựng nước cưa ra từ ống bương. Còn vũ khí? Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, người lính Nam Bộ chiến đấu chủ yếu bằng những cây gậy tầm vông vót nhọn. Có khá hơn thì người lính Trung Bộ và Bắc Bộ cũng chỉ dùng đến gươm dao, giáo mác. Đã thế nhưng vẫn thiếu, phải "chặt sắt đường tàu, rèn thêm dao kiếm"1 (Hồng Nguyên, Nhớ, Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960, Nxb Văn học, H. 1960, tr. 175, 176). Còn việc trang bị súng đạn thì người lính hành động theo phương châm "lấy súng giặc, diệt giặc". Gian khổ, vất vả trăm bề nhưng trên đường hành quân chiến đấu, trong trái tim người lính bao giờ cũng da diết một tình cảm đối với gia đình, với làng xóm, nhất là đối với Tổ quốc. Họ hiểu rõ mục đích của cuộc chiến tranh yêu nước: "Đàng nớ vợ chưa? Đàng nớ? Tớ còn chờ độc lập"2 (Hồng Nguyên, Nhớ, Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960, Nxb Văn học, H. 1960, tr. 175, 176). Và phải chống đến cùng kẻ thù xâm lược. "Người ta hỏi chuyện chồng con, lắc đầu nguây nguẩy, em còn đánh Tây”3 (Ca dao kháng chiến). "Đánh Tây, giành độc lập", một chân lí thật đơn giản mà cũng thật cao cả. Chính nhờ chân lí đó trong hành trang, người lính của chúng ta đã đi đến tận cùng của chín năm trường kì kháng chiến mặc dù khi mới tòng quân là "những người tứ xứ, gặp nhau từ hồi chưa biết chữ"4 (Hồng Nguyên, Nhớ, Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960, Nxb Văn học, H. 1960, tr. 175, 176). Thật vậy. Theo lịch sử của quân đội ta thì đến cuối năm 1947, toàn quân mới thanh toán xong nạn mù chữ"5 (Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (Dự thảo tóm tắt), Nxb Quân đội nhân dân, H.1977, t.1, tr.311). Không chỉ mù chữ mà ngay hiểu biết quân sự của những người "thợ cày đánh giặc" đó cũng còn ở trình độ "súng bắn chưa quen, quân sự mười bài"6 (Hồng Nguyên, Nhớ, Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960, Nxb Văn học, H. 1960, tr. 175, 176) nhưng "lòng vẫn cười vui kháng chiến"7 (Hồng Nguyên, Nhớ, Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960, Nxb Văn học, H. 1960, tr. 175, 176).


Bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ, nội dung hành trang của người lính đã có bước phát triển mới, nhất là phần hữu hình. Trong hành trang người lính đã có những bộ quân phục cùng một kiểu, đủ áo quần, giầy mũ. Bên cạnh đó, trong đồ dùng sinh hoạt của người lính không chỉ có gạo ăn mà còn có thêm lương khô thuốc men, chăn màn, bi-đông nước, ba lô... Tất cả đều được cấp phát thống nhất dù là người lính công tác ở miền Bắc hay đi chiến đấu ở miền Nam, loại trừ trường hợp ở những chiến trường quá xa hoặc ở những nơi quá sâu trong lòng địch, khiến công tác hậu cần không đủ khả năng với tới. Về vũ khí thì súng trường, súng tiểu liên được trang bị đến từng người lính với đầy đủ đạn dược. Với hỏa lực cá nhân đó, nếu không bị phi - pháo (máy bay và đại bác) chi phối thì sức chiến đấu riêng từng người lính xâm lược - kể từ trong quân đội Pháp đến quân đội Mĩ - đã dễ gì ăn đứt được riêng từng người lính của chúng ta. Thế nhưng dù có sự phối hợp của các loại vũ khí hiện đại đó, chung cục, phần thắng vẫn không ở phía quân xâm lược. Bởi lẽ hành trang hữu hình có nhiều lên về số lượng, cao lên về chất lượng thì cũng không làm thay đổi được hành trang vô hình của mọi chiến sĩ. Vì đó không chỉ là hành trang của người lính mà nó còn là bản sắc văn hóa dân tộc, người công dân yêu nước đưa vào cuộc đọ sức sống mái với kẻ thù xâm lược. Gia đình, làng xóm, Tổ quốc vốn là ba hằng số của văn hóa Việt Nam. Liệu có người lính đích thực nào của chúng ta khi ra chiến trường mà lại thiếu tình cảm với các hằng số văn hóa đó. Những hằng số văn hóa này đã là nền tảng tinh thần cho người lính trong ba mươi năm chinh chiến, đã là động lực thúc đẩy người lính chiến đấu đi tới mục đích độc lập, tự do và trên thực tế, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đưa dân tộc ta đi tới mục đích đó trên nửa phần lãnh thổ. Vào cuộc kháng chiến chống Mĩ, mục đích độc lập, tự đo vẫn không thay đổi nhưng ở thời điểm này, người lính cũng hiểu rằng để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng đó, mọi nỗ lực phấn đấu của sự nghiệp "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" là phải tập trung vào mục tiêu "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Bàn về nội dung hành trang người lính, trước khi kết thúc, có một điều đáng nói là trong hai cuộc kháng chiến trường kì, người lính của chúng ta đã phải hành quân đánh giặc ngót một phần ba thế kỷ, có mặt trên khắp các chiến trường Trung, Nam, Bắc. Nhưng bên cạnh đó, ngay chính trong hành trang của mình, người lính cũng đã làm một cuộc "trường chinh" không kém phần gian nan, vất vả là phấn đấu để từ một người chưa biết đọc, biết viết, từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, cho đến cuối cuộc kháng chiến chống Mĩ, vào đầu những năm 70, trở thành người có học lực bậc trung học phổ thông, chí ít cũng là bậc trung học cơ sở. Không những thế, trong hàng ngũ quân đội ta lúc bấy giờ còn có không ít những sinh viên, những người tốt nghiệp đại học và thậm chí còn có cả những nghiên cứu sinh, những tiến sĩ khoa học.


Câu chuyện hành trang của người lính ra trận là như vậy, phải đâu chỉ có khẩu súng khoác trên vai, chiếc ba lô cõng sau lưng và bộ quân phục mặc trên mình.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #9 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2022, 07:50:44 am »

TRANG BỊ, NẶNG RỒI NHẸ DẦN


Trước thế kỷ XVII, khi vũ khí nóng chưa được trang bị rộng rãi cho từng người lính thì thành phần chiến thuật chỉ mới có đột kích và cơ động, đánh và đi. Đột kích chiếm vị trí chủ yếu. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, trang bị của người lính phải "rắn chắc", "nặng nề" với đủ sức đè bẹp được đối phương.


Ví như ở thời cổ đại, tất cả mọi công dân tự do của nhà nước Hi Lạp - tức giai cấp chủ nô - đều phải thực hiện chế độ binh dịch. Vào quân ngũ, họ được tổ chức thành bộ binh nặng. Ban đầu, toàn bộ lực lượng vũ trang đều chỉ là loại bộ binh này và giữ vai trò quyết định kết cục trận đánh. Chính thế mà trang bị của nó cũng nặng nề nhất. Bên cạnh vũ khí - gồm giáo dài đánh xa và kiếm ngắn đánh gần - là phương tiện phòng hộ - gồm mũ sắt đội đầu, giáp sát che ngực, che chân và tấm mộc lớn bằng gỗ bọc da - đủ che cả người. Trong đội hình chiến đấu pha-lăng, bộ binh nặng đứng trên những hàng đầu. Phía sau họ là những công dân lệ thuộc và nô lệ. Những người này được tổ chức thành bộ binh nhẹ. Đúng như tên gọi, ngoài giáo và lao làm vũ khí, phương tiện phòng hộ của họ không có gì ngoài tấm mộc. Vào trận đánh, bộ binh nặng dùng giáo tiến công và khi đã lọt vào hàng ngũ địch thì dùng kiếm ngắn đánh giáp lá cà để mở đường tiến lên. Trong khi ấy, bộ binh nhẹ phối hợp tiêu diệt thương binh và những tên lính khác đang chống cự. Chiến thuật lúc bấy giờ chỉ đơn giản như vậy. Đột kích là chính còn cơ động hầu như chưa có. Trong hội chiến Ma-ra-tông (- 490), bộ binh nặng phát huy được vai trò của mình trước sức tiến công mạnh mẽ của kị binh không chính qui của quân xâm lược Ba Tư. Thế nhưng ở đây, vì quá nặng nề nên khi kẻ thù rút chạy, bộ binh nặng Hi Lạp không đủ sức cơ động để truy kích. Trong cuộc chiến tranh giữa các thành bang, chiến thuật giản đơn của quân đội Hi Lạp đã có những bước thay đổi. Trước đó, bộ binh vẫn chiến đấu theo đội hình song song, binh sĩ ở tuyến đầu được phân bố đồng đều trên toàn chính diện. Với đội hình này, một quân đội có ưu thế hơn về số lượng thì hoặc là sẽ tổ chức đội hình chiến đấu sâu hơn, hoặc là sẽ bao vây đối phương từ hai bên sườn. Trong hội chiến Lớt (- 371), với số quân khổng lớn, Ê-pa-mi-nông-đát, người chỉ huy quân đội Phíp, phải đương đầu với quân đội Xpác-tơ đông hơn mình. Đáng lẽ phải tiến công với đội hình có chính diện rộng thì ông lại tổ chức quân đội theo một khối dọc có chiều sâu rồi vận dộng tiến công vào một bên cánh của đối phương và đã thắng lợi. Từ đó, yếu tố cơ động trong chiến thuật được hình thành. Thêm vào đấy, trước mối đe dọa về cuộc xâm lăng của quân Ba Tư đã đòi hỏi phải tăng thêm số người thực hiện chế độ binh dịch. Trong danh sách những người được động viên vào quân đội bấy giờ đã phải ghi thêm giai cấp nghèo khổ nhất trong dân cư. Những người này được tổ chức thành bộ binh nhẹ. Loại bộ binh này của Hi Lạp đã được đánh giá cao về tính tháo vát và sự mau lẹ trong chiến đấu chính là vì trang bị gọn nhẹ. Bên cạnh đó, khi quân dội Hi Lạp, dưới sự chỉ huy của A-lếch-xăng-đrơ Ma-xê-đoan, mở rộng chiến tranh sang phía Đông thì bô binh nặng đã mất dần tác dụng, không còn đóng vai trò quyết định của trận đánh nữa bởi vì yếu tố cơ động đã không chấp nhận sự chậm chạp, nặng nề của loại binh chủng này. Chúng chỉ còn được dùng chủ yếu để canh giữ những thành phố đã chiếm được. Như vậy, rõ ràng việc trang bị của quân đội, do yêu cầu của tác chiến, nhất là khi yếu tố cơ động xuất hiện, đặc biệt là trong quân đội La Mã, trang bị nặng đã không còn thích hợp nữa mà xu thế chung là phải "nhẹ hóa" dần.


Trên cơ sở những thành phần mới của chiến thuật, cơ động và đột kích, sang thời trung đại, cho đến thế kỷ X, kị binh chiếm vai trò quyết định trên chiến địa, thay thế bộ binh nặng chính vì đã đáp ứng được yêu cầu của tác chiến đương thời: di chuyển nhanh và dẫm đạp mạnh. Thế nhưng rồi cách trang bị của kị binh cũng lại đi theo "vết xe đổ" của bộ binh thời cổ đại. Đội hình chiến đấu của kị binh cũng chẳng khác gì đội hình của bộ binh cổ đại. Ở phía trước vẫn là kị binh nặng - thời kỳ đó được mệnh danh là "kị binh hiệp sĩ". Toàn thân họ là bộ áo giáp nặng nề, cưỡi trên mình con ngựa cũng được che bẳng giáp sắt. Cả người lẫn ngựa nặng tới 300kg. Theo sau họ là những lính hầu cầm vũ khí và những lính cưỡi ngựa mang cung tên nhưng không có giáp che. Và cũng tương tự như bộ binh cổ đại, kị binh nặng giữ vai trò quyết định chiến tranh. Thế nhưng loại binh chủng này chỉ có khả năng đột kích còn như phải hành quân xa lại dài ngày thì chắc chắn những con ngựa, với những bộ giáp sát nặng nề sẽ nhanh chóng kiệt sức. Trái lại, do tính chất trang bị của mình, những người cưỡi ngựa bắn cung đã nhanh chóng được sử dụng làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu cùng bộ binh. Và chính như vậy mà đến thế kỷ XVI, để lực lượng kị binh cơ động được dễ dàng, đáp ứng được yêu cầu của tác chiến, kị binh nhẹ đã ra đời. Nó bao gồm những người lính bắn cung và không trang bị giáp sắt, như đã từng đứng phía sau kị binh nặng.


Đến đây, chúng ta thấy rõ một điều khi mà chiến thuật chỉ mới có thành phần đột kích, việc trang bị cho người lính, chưa ai nghĩ đến chuyện nặng và nhẹ. Nhưng khi chiến thuật có thêm thành phần cơ động và giữ vai trò quyết định thì tình hình đã có những thay đổi. Để tạo ra lực lượng, kịp thời ứng phó với mọi đột biến trong chiến trận, quân lính phải nhanh chóng cơ động từ chỗ này đến chỗ kia. Muốn thế, trang bị của người lính buộc phải nhẹ. Ở thời cổ đại, đó là việc cơ động trên đôi chân đi bộ. Sang thời trung đại, việc cơ động đã chuyển sang bốn chân con ngựa chiến. Dựa vào thể lực con ngựa, các nhà quân sự nghĩ rằng nó có thể chịu đựng nổi một trọng lượng trên lưng tới mấy trăm ki-lô-gam để rong ruổi trên đường chinh chiến. Nhưng người ta đã nhầm. Vì nếu như khi mà việc cơ động chỉ mới dựa trên đôi chân người thì bộ binh nặng không thể theo kịp bộ binh nhẹ, còn khi việc cơ động đã chuyển sang bốn vó ngựa thì rõ ràng kị binh nặng làm sao có thể chạy nhanh hơn kị binh nhẹ? Bởi thế, dù là bộ binh hay kị binh, muốn cơ động hiệu quả, trang bị của người lính nhất thiết phải gọn nhẹ trong khuôn khổ cho phép mới đáp ứng được yêu cầu tác chiến đương thời.


Vấn đề trang bị cho người lính đặt ra như vậy không chỉ là riêng cho thời đại vũ khí lạnh mà còn cho cả thời đại vũ khí nóng. Thật vậy, ở thời cận đại, khi mới ra đời, khẩu đại bác rất nặng nề. Việc di chuyển ít khi được đặt ra. Nhưng rồi do nhu cầu cơ động tác chiến và nhất là ở thời điểm mà người ta đã đưa "sức lửa" vào đột kích thay cho sức người và sức ngựa như từng được diễn ra ở những thời đại trước thì buộc người ta phải tính đến việc cải tiến khẩu pháo nhằm làm giảm dần trọng lượng trang bị của người lính. Từ đó, một mặt, khẩu pháo cồng kềnh được tái tạo thành những hỏa khí gọn nhẹ, có thể cơ động trên thuyền chiến, trên xe ngựa cùng các phân đội, binh đội, binh đoàn có đủ hỏa lực trong đột kích. Mặt khác, hỏa khí được thu nhỏ dần cho đến thế kỷ XVIII thì trở thành loại vũ khí cá nhân dưới hình thức khẩu súng trường khoác trên vai và khẩu súng ngắn đeo ngang sườn.


Tóm lại, dù là bộ binh thời cổ đại, kị binh thời trung dại và vũ khí nóng thời cận - hiện đại, việc trang bị cho người lính, lúc đầu có thể nặng - do hoàn cảnh cụ thể chi phối - nhưng rồi do nhu cầu tác chiến, nhất là do nhu cầu cơ động để tạo ra lực lượng trên chiến địa thì xu thế chung đều là thu gọn và nhẹ dần.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM