Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:14:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phong trào Nam tiến 1945-1946  (Đọc 4137 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« vào lúc: 20 Tháng Năm, 2021, 08:15:38 pm »

Tên sách: Phong trào Nam tiến 1945-1946
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 1997
Số hoá: ptlinh, quansuvn



LỜI NÓI ĐẦU


Từ ngày Nam Bộ kháng chiến (23 tháng 9 năm 1945) đến trước ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (19 tháng 12 năm 1946), một phong trào Nam tiến, hướng về Nam Bộ, chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ kháng chiến đã bùng nổ sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và trong các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp nối tinh thần quật khởi, toàn dân nhất tề đứng lên, đập tan chế độ thực dân phong kiến, giành lại độc lập dân tộc trong Cách mạng tháng Tám, phong trào Nam tiến thể hiện ý chí quật cường của toàn dân trước họa xâm lăng, khẳng định chân lý bất diệt: nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, Trung - Nam - Bắc là một nhà.


Phong trào Nam tiến tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng có ý nghĩa rộng lớn và vô cùng sâu sắc.

Những năm gần đây, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã tổ chức việc sưu tầm tư liệu và bước đầu nghiên cứu về phong trào Nam tiến. Năm 1995, cuốn sách "Chi đội 3 giải phóng quân Nam tiến" đã được xuất bản. Cuốn sách "Chi đội Vi Dân" chuẩn bị ra mắt bạn đọc. Ở các tỉnh phía Nam, đã có một số công trình nghiên cứu về phong trào Nam tiến, trong đó cuốn sách "Chi đội Hải ngoại 4 (chi đội Trần Phú)" của Thiếu tướng Lê Quốc Sản đã được xuất bản.


Được sự đồng ỷ của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, trong tháng 9 năm 1997, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã tổ chức cuộc Hội thảo khoa học nhằm tiếp tục sưu tập tư liệu và nghiên cứu về đề tài này.


Cuốn sách "Phong trào Nam tiến 1945-1946" tập hợp một số bài viết gửi đến cuộc hội thảo, chủ yếu là những bài viết của các cán bộ, chiến sĩ đã từng Nam tiến, từ Bắc Bộ, Trung Bộ và từ Hải ngoại (Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia) về nước cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang Nam Bộ, Nam Trung Bộ kháng chiến chống thực dàn Pháp xâm lược.


Viện Lịch sử quân sự Việt Nam rất mong sẽ tiếp tục nhận được nhiều tư liệu, nhiều bài viết về phong trào Nam tiến; mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phê bình cuốn sách này.


Nhân dịp cuốn sách "Phong trào Nam tiến 1945-1946" được xuất bản, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam chân thành cảm ơn các chiến sĩ Nam tiến, các nhà khoa học đã cung cấp tư liệu và viết bài cho cuộc hội thảo; cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã nhiệt tình và khẩn trương giúp cho cuốn sách được ra mắt bạn đọc.


VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2021, 08:16:28 pm »

HỒ CHÍ MINH

GỬI ĐỒNG BÀO NAM BỘ

Hỡi đồng bào Nam Bộ!

Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai mò lại. Trong 4 năm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa.


Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: "Thà chết tự do hơn sống nô lệ".

Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà.

Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng.

Tôi chỉ muốn dặn đồng bào Nam Bộ một lời: "Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước".

Nước Nam độc lập muôn năm.
Đồng bào Nam Bộ muôn năm.


Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 1945


Báo Cứu quốc, số 54, ngày 29-9-1945
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2021, 08:18:04 pm »

NAM BỘ KHÁNG CHIẾN


Nhạc và lời: TẠ THANH SƠN


Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.

Rền khắp trời lời hoan hô dân quân.

Nam nhịp chân tiến ra trận tiền.

Thuốc súng kém chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước.

Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng.

Cờ thắm tung bay ngang trời, sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền.    

Một lòng nguyện với tổ tiên.

Thề quyết chống ngoại xâm.

Thề quyết chống quân gian tham.

Ta đem thân ta liều cho nước.

Ta đem thân ta đền ơn trước.

Muôn thu sau lưu tiếng anh hào.

Người dân Việt Nam lắm chí cao

Xây giang san hạnh phúc muôn đời.

Nền độc lập khắp nước Nam.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2021, 09:55:05 pm »

NHỮNG NGÀY ĐẦU KHÁNG CHIẾN Ở
MIỀN NAM VÀ CUỘC NAM TIẾN TRONG THỜI ĐẠI MỚI


Trung tướng PGS NGUYỄN ĐÌNH ƯỚC
Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Viêt Nam


Cách đây 52 năm, vào lúc rạng sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, được quân Anh giúp sức, thực dân Pháp đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Sôi sục căm thù quân cướp nước, kiên quyết bảo vệ độc lập tự do vừa giành được trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, quân dân Sài Gòn dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề vùng dậy bằng mọi thứ vũ khí có trong tay tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng, anh dũng đánh trả quân địch ở tất cả các đường phố xung yếu, các đầu cầu, vây chặt chúng trong thành phố.


Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, ngay từ chiều ngày 23 tháng 9, nhân dân Sài Gòn đã triệt để tổng đình công, bãi công, bãi khóa, bất hợp tác với giặc. Các công sở, hãng buôn, nhà máy đều đóng cửa. Chợ không họp. Chướng ngại vật mọc lên khắp nơi. Nhiều vị trí đóng quân, kho tàng của địch bị đánh phá. Điện nước bị cắt. Công nhân các nhà máy vừa làm nòng cốt trong các hoạt động kháng chiến trong thành phố, vừa khẩn trương chuyển máy móc thiết bị ra ngoại thành, đến các vị trí an toàn để lập công binh xưởng. Các trận đánh ác liệt của quân và dân ta ở Cầu Bông, Thị Nghè, Khánh Hội, Gia Định, Đa Cao... đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Chỉ trong tuần lễ đầu hàng trăm tên giặc đã phải đền tội. 160 kho tàng, xí nghiệp, 80 tàu xuồng, 200 xe ô tô, 20 đầu máy xe lửa của chúng bị phá hủy. Quân đội viễn chinh Pháp bị vây chặt trong nội thành Sài Gòn hơn 4 tuần lễ. Kế hoạch đánh chiếm thành phố bằng "một cuộc hành quân cảnh sát" sau đó đánh chiếm Nam Bộ trong 18 ngày của bọn thực dân hiếu chiến ngay từ đầu đã bị thất bại. Mặc dù vậy, sau khi có thêm viện binh, lại được quân Anh và quân Nhật (theo lệnh quân Anh) giúp sức, từ cuối tháng 10 năm 1945, quân Pháp dần dần phá được vòng vây xung quanh Sài Gòn rồi mở rộng phạm vi đánh chiếm các thành phố, thị xã thuộc Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cũng giống như Sài Gòn, ở đâu địch cũng bị quân dân ta chặn đánh quyết liệt.


Với ý chí sắt đá vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc, nhân dân miền Nam là những người đi đầu trong cuộc kháng chiến, đã ngăn chặn từng bước, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu xâm lược và kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc của quân dân cả nước ta. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta ở miền Nam đã cống hiến những kinh nghiệm đầu tiên, nóng hổi và tạo điều kiện cho miền Bác chuẩn bị để bước vào cuộc toàn quốc kháng chiến (từ 19-12-1946).


Cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân ta ở Sài Gòn nói riêng, ở miền Nam nói chung ngay từ đầu đã được Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Ngày 23 tháng 9, sau khi nhận được điện báo của Xứ ủy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng họp khẩn cấp, nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương quyết định kêu gọi nhân dân cả nước huy động sức người sức của cho cuộc chiến đấu ở tiền tuyến miền Nam, thành lập ngay các đơn vị Nam tiến, cử nhiều cán bộ vào tăng cường cho mặt trận miền Nam. Ngày 26 tháng 9 quân dân miền Nam đã được nghe những lời thống thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đài tiếng nói Việt Nam từ Thủ đô Hà Nội truyền đi:


"Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp "Thà chết tự do hơn sống nô lệ".

Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà"...1 (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.27)


Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương còn cử nhiều đoàn cán bộ thay mặt Chính phủ đi thăm, động viên quân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ chiến đấu. Trong thư gửi các chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ, Nam Trung Bộ (tháng 12 năm 1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

"Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc.

Tôi, và tất cả đồng bào ở Bắc Bộ, và phía bắc Trung Bộ, đã bao nhiêu lần tức giận khi nghe bọn thực dân Pháp đạp lên lãnh thổ của ông cha ta, giết hại nòi giống ta.

Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh anh hùng của dân tộc tạo nên, đã bao nhiêu lần hồi hộp cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu của Tổ quốc.


Do đó, tôi càng tin chắc rằng: với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không bị mất lại một lần nữa"1 (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Sđd, tr.134).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam diễn ra sôi nổi khắp nơi với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.


Đặc biệt sôi nổi và rầm rộ là phong trào tòng quân xung phong Nam tiến. Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều lập "Phòng Nam Bộ" ghi tên những người tình nguyện. Hàng chục vạn thanh niên, phụ nữ, thiếu niên và cả các cụ phụ lão thuộc đủ mọi tầng lớp: công nhân, nông dân, thợ thủ công, học sinh, sinh viên, thầy thuốc, kỹ sư, nhà văn, nhà giáo, viên chức, cả những nhà sư, những kiều bào vừa về nước cũng tình nguyện gia nhập giải phóng quân xung phong vào miền Nam cùng đồng bào miền Nam chiến đấu chống xâm lược.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2021, 09:56:15 pm »

Với tinh thần đó, với ý chí đó, chỉ ba ngày sau khi giặc Pháp gây hấn ở Sài Gòn, chi đội Nam tiến đầu tiên của miền Bắc gồm 3 đại đội giải phóng quân Bắc Cạn, Bắc Sơn và Hà Nội đã lên đường từ ga Hàng Cỏ. Cùng đi với chi đội còn có 72 cán bộ quân sự vừa tốt nghiệp khóa 4 Trường quân chính Trung ương (tức Trường quân chính kháng Nhật trước đây) được Trung ương và Bộ Quốc phòng cử vào tăng cường cho mặt trận Nam Bộ. Tiếp theo, các chi đội: Bắc Bắc, Đông Triều, Nam Định, Ninh Bình, Kiến An, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... cũng lần lượt lên đường. Những tháng cuối năm 1945 và đầu năm 1946 hầu như không ngày nào không có quân Nam tiến, không có chuyến tàu nào không chở quân Nam tiến, ở tỉnh Quảng Nam cứ 100 thanh niên nhập ngủ thì có 37 người xung phong vào các đơn vị Nam tiến. Đông nhất là tỉnh Quảng Ngãi đã có 10 chi đội Nam tiến với khoảng 15.000 người, chiếm tới 85% tổng số bộ đội và tự vệ toàn tỉnh trong thời điểm đó.


Trong cuộc Nam tiến đầy khí thế hào hùng này của dân tộc đã có hàng vạn gia đình ở khắp mọi miền Tổ quốc gửi con em mình ra trận. Nhiều gia đình có ba bốn người con cùng xung phong Nam tiến. Việc bảo đảm mọi mặt cho bộ đội Nam tiến hoàn toàn do địa phương đảm nhận. Nhân dân các địa phương có bộ đội Nam tiến đều dành những tình cảm nồng thắm cho đoàn quân Nam tiến của địa phương mình, gửi tặng các chiến sĩ Nam tiến quần áo, thuốc men, thực phẩm. Những khẩu súng tốt nhất, những băng đạn mới nhất được dành cho đoàn quân Nam tiến. Những buổi lễ trao tặng vũ khí và tiễn đưa bộ đội Nam tiến được tổ chức hết sức trọng thể, xúc động. Hướng về miền Nam, tất cả vì miền Nam ruột thịt đã sớm trở thành tình cảm cao đẹp của mỗi người dân, thành truyền thống của quân dân cả nước trong thời đại mới. Thời đại mà dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, có Đảng cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, có cương lĩnh chính trị với mục tiêu chiến lược thống nhất, có quân đội cách mạng thống nhất của cả nước, thì sự tổ chức và động viên sức mạnh của cả nước cho chiến tranh giải phóng hoặc bảo vệ Tổ quốc dù diễn ra trên bất cứ địa bàn nào của đất nước là lẽ đương nhiên và là tất yếu.


Nam Bộ kháng chiến là biểu hiện sáng ngời của ý chí bất khuất, tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta ngay sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám. Và Nam Bộ lúc đó cũng là nơi hội tụ ý chí quyết chiến thắng, quyết không chịu mất nước một lần nữa của đồng bào cả nước, của kiều bào ta ở Thái Lan, ở Cam-pu-chia và ở Lào. Kiều bào ta đang sống ở các nước trên đã tổ chức các đội quân hải ngoại hành quân về tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nước cộng hòa non trẻ. Với Quân đội nhân dân Việt Nam, Nam tiến là một trang sử oanh liệt, là một cuộc hội quân của cả nước thể hiện chức năng, nhiệm vụ "Nước còn giặc còn đi đánh giặc", "Đâu có giặc là ta cứ đi'' như trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tháng 12 năm 1944) đã nhấn mạnh: "Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.


Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi khắp từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam"1 (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, sđd, tr.378).


Các đội quân Nam tiến là một biểu hiện rực rỡ ý chí chiến đấu cho độc lập thống nhất của đất nước, của toàn quân và toàn dân ta trong những tháng đầu của Nam Bộ kháng chiến. Sau đó các đội quân này đã hòa nhập vào cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam thành một khối thống nhất càng làm nổi bật sức mạnh và truyền thống của một dân tộc, một Đảng, một quân đội thống nhất.


Sự kiện Nam Bộ kháng chiến và cuộc Nam tiến của dân tộc cách đây 52 năm là một trang sử chói lọi trong những ngày đầu của thời đại mới của lịch sử dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh. Nam tiến là hình ảnh của cả nước ra trận, phản ánh ý chí "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Hình ảnh cả nước ra trận đã được thể hiện nổi bật trong cả cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên cả hai đầu của Tổ quốc.


Có thể nói những bài học lịch sử hơn 50 năm trước là vô cùng quý giá, luôn luôn mới. Tinh thần và ý chí của sự kiện lịch sử ấy đã, đang và sẽ tiếp tục cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, phát huy đồng bộ sức mạnh của cả nước để đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2021, 08:03:43 am »

CÁC "CHI ĐỘI NAM TIẾN" VÀ CÁC "CHI ĐỘI VIỆT KIỀU"
SỚM CÓ MẶT TRONG CUỘC "KHÁNG CHIẾN NAM BỘ"
TỪ NGÀY 23 THÁNG 9 NĂM 1945


GS. TRẦN VĂN GIÀU


Nửa đêm 22 rạng 23 tháng 9 năm 1945, đúng 28 ngày sau khi đồng bào Sài Gòn khởi nghĩa thành công, tiếp theo Hà Nội, Huế. Đêm ấy quân Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh, đánh chiếm một số trụ sở của chính quyền cách mạng. Nội sáng 23, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ phát hành lời hiệu triệu đồng bào:

... "Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng. Hỡi anh em binh sĩ, dân quân tự vệ! Hãy nắm chắc vũ khí, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu".


Hiệu triệu phát hành toàn Nam Bộ, lên Việt kiều ở Cam-pu-chia và ra Trung Bộ. Một bức điện khẩn xin ý kiến Trung ương được gửi ra Hà Nội. Đồng bào Sài Gòn, Nam Bộ vùng lên và cấp kỳ được tiếp sức bởi đồng bào cả nước và đồng bào ở những nước lân cận. Cả dân tộc một lòng.

Kháng chiến mới nổ ra thì tôi được tin Việt kiều các tỉnh Cam-pu-chia tiếp giáp với Nam Bộ gọi nhau về Châu Đốc đầu quân.

Không quá vài tuần sau, tôi từ Chợ Đệm (nơi trụ sở mới của Bộ chỉ huy mặt trận) phóng xe lên Xuân Lộc (Biên Hòa) để đón tiếp các đồng chí Vũ Đức, Quang Trung, Nam Long dẫn mấy chi đội Nam tiến vào tới rồi! Khó hiểu thật: đường hỏng, cầu sập, xe ọc ạch, làm sao mà hàng ngàn thanh niên với súng ống, đạn dược, lương thực vượt ngàn cây số từ Bắc vào Nam nhanh như Quang Trung ngày xưa điều quân ra Bâc đánh Tôn Sĩ Nghị. Tôi không có điều kiện để biết hết thành tích của các chi đội Nam tiến, nhưng tôi đã chứng kiến tinh thần phấn khởi, khó tả nổi của đồng bào Nam Bộ, trước hết là của quân dân Sài Gòn khi được tin và thấy tận mắt các chiến sĩ từ Bắc, Trung vào cùng với mình đánh trả quân thù cướp nước.


Từ tết năm 1946 tôi sang mặt trận miền Tây Đông Dương, nhằm mục đích là:

1) Cùng với người yêu nước Cam-pu-chia biến Cam-pu-chia thành một "cứ điểm chiến lược" - mà đồng chí Văn ở Hà Nội gọi là một Appui logistique cho cuộc kháng chiến, vừa để cho Pháp khó lấy người, lấy của, lấy lãnh thổ Chùa Tháp để đàn áp kháng chiến ở Nam Bộ, vừa để góp sức nhỏ mọn của bọn tôi cho 5 triệu người dân Cam-pu-chia cùng với người Việt Nam (ở Nam Bộ) đánh quân Pháp xâm lược, tạo cái thế "đông có mầy, tây có tao" căng địch ra mà diệt.

2) Tập hợp, động viên lực lượng của Việt kiều ở Thái và ở tây Cam-pu-chia, lập thành những bộ đội có võ trang đầy đủ, lần lượt đưa về Nam Bộ là nơi đã kháng chiến cả nửa năm trời rồi, mà cũng là nơi có ít súng, ít đạn, lại phải đối đầu với những sư đoàn thiết giáp và bộ binh của Massu Leclerc bên Pháp đưa qua.

3) Tự tạo ra điều kiện và với sự trợ lực của phe tiến bộ người Thái (Sirithai) trong và ngoài chính quyền để một mặt là tuyên truyền quốc tế cho kháng chiến Việt Nam, mặt khác là "kiếm" viện trợ về vũ khí ngay trên đất Thái và cả ở một vài xứ láng giềng của Thái.


Tất cả ba việc đó, bọn tôi đã làm được một phần đáng kể. Nếu không có cuộc đảo chính của tướng Phibul Songram năm 1948, thì bọn tôi có thể làm nhiều hơn.

Tôi chỉ xin ghi lại mấy việc thuộc vài đề tài của các bạn đề ra: Các chi đội Việt kiều về Nam Bộ. Tôi chỉ nói cái gì mà bài đội quân Việt kiều chưa nói ở trong báo cáo của các đồng chí; còn phân lớn điều các đồng chí nói thì tôi lại không biết vì tôi không lúc nào trực tiếp tác chiến cả! Cũng có, nhưng trong trận quân Khơmer Issarak và quân Việt kiều đánh Ampin, ở chân núi Đăngrek, tôi có đi "lược trận’’ mà trong túi dết tôi chỉ có cây súng lục 6/35 bắn ghen thôi! Có mặt ở chỗ súng nổ bom rơi chẳng qua là để anh em thấy chính trị viên cũng ra trận chớ không phải chỉ biết ở văn phòng!


Bộ đội số 1 do Ngô Thất Sơn và Vàng chỉ huy đi đường bắc Biển Hồ về biên giới Tây Ninh - Soài Riêng. Sơn là cận vệ thân thiết của tôi giỏi tiếng Khơmer sau gọi là Srivotha, lấy tên một người anh hùng.

Bộ đội số 2 là bộ đội Quạng Trung do Thuận, Hoàng Xuân Bình chỉ huy, đi đường nam Biển Hồ, định về hoạt động ở biên cảnh Tà Keo - Châu Đốc.

Bộ đội số 3 (cũng gọi là Cửu Long 2) do Phúc chỉ huy, đi về Nam dọc theo biển, đường núi gay go. Trước đó, tôi và Phúc có đi Mã-lai xin được khá nhiều súng đạn của du kích kháng Nhật, có cả mấy đồng chí Mã-lai cùng về Nam Bộ. Nói thêm rằng, trong số vũ khí của bộ đội này có súng đạn mà Phúc và tôi chở từ nhà của Nai Tiang và Thôngin buổi sáng sau khi Phibul Songram làm đảo chính. Nai Tiang và Thôngin nguyên là bộ trưởng.

Bộ đội 1, 2, 3 phần lớn là Việt kiều Báttambang.

Bộ đội số 4 (bộ đội Trần Phú) tất cả là Việt kiều ở Thái do các anh Sản, Tẩm... chỉ huy, bộ đội đông nhất. Về hoạt động ở vùng Tiền Giang, Tháp Mười, Sa Đéc.

Tất cả bốn bộ đội Việt kiều đều được trang bị tốt, hầu hết là tiểu liên Mỹ, đạn khá nhiều; nón sắt, quân phục tử tế. Tác chiến hết sức gan dạ. Trên đường về, người Cam-pu-chia ủng hộ. Về tới Nam Bộ, đồng bào ta nhiệt tình hoan nghênh.


Các đồng chí Việt Nam hoạt động chính trị ở Thái, ở Báttambang đã đem hết sức mình ở phía đông bắc thì giúp cho Lào tiếp tục kháng chiến, ở phía đông nam thì giúp Cam-pu-chia tổ chức và phát triển phong trào du kích chống Pháp. Về sau tôi không rõ, song những năm từ 1946, 1947, qua đến 1948, người Cam-pu-chia có Ủy ban dân tộc giải phóng hợp tác rất chặt chẽ với chúng tôi; trong ủy ban này có người Cam-pu-chia Trà Vinh sau này làm chủ tịch Ủy ban dân tộc được tổ chức ở miền Đông Nam Cam-pu-chia. Đó là đồng chí Sơn Ngọc Minh. Sơn Ngọc Minh đã từng đi từ Báttambang về Nam Bộ với hai chi đội Việt kiều về nước; đồng chí được người Cam-pu-chia vô cùng cảm phục, giống như Ngô Thất Sơn vậy. Ủy ban dân tộc giải phóng Cam-pu-chia tổ chức ở tỉnh Báttambang đã lập được nhiều đội du kích mạnh, một đội mạnh là đội của Saru, Savan, Đapchun đã có lần đánh chiếm tỉnh lỵ Xiêm Riệp rồi lên chiếm Đế thiên, Đế thích một thời gian, khi ấy bộ đội du kích của người Cam-pu-chia chiếm Xiêm Riệp được sự tiếp viện của một bộ phận chi đội Việt kiều số 1 của Sơn, Vàng.


Cuối 1948, hay đầu 1949 - tôi nhớ không rõ - tôi về Việt Bắc, từ đó không còn biết gì ở mặt trận miền Tây Đông Dương nữa.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2021, 08:05:58 am »

NGHIÊN CỨU VỀ CÁC LỰC LƯỢNG TỪ XA VỀ CHIẾN TRƯỜNG MIỀN NAM CHIẾN ĐẤU TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP, MỘT YÊU CẦU CÓ Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN


Thiếu tướng LÊ VĂN DŨNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7


Cách đây năm mươi hai năm, quân dân Nam Bộ với tinh thần "Độc lập hay là chết" đã nổ phát súng mở đầu cuộc kháng chiến ở miền Nam cũng đồng thời bắt đầu cuộc chiến tranh giải phóng hào hùng của dân tộc ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kéo dài ba mươi năm, thực hiện nhiệm vụ "đi trước" trong tình thế cực kỳ khó khăn của một đất nước vừa mới giành lại độc lập sau hơn tám mươi năm bị đô hộ.


Ngày 25 tháng 8 năm 1945 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành sứ mạng lịch sử cùng với nhân dân cả nước, khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.


Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào và Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.


Nhưng với ý đồ khôi phục lại quyền thống trị của chúng đối với Việt Nam và các nước Đông Dương, 0 giờ ngày 23 tháng 9 năm 1945 thực dân Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh, gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Chúng hy vọng nhanh chóng bình định Nam Bộ để làm bàn đạp tiến chiếm miền Trung và Bắc Việt Nam. Nhưng chúng đã lầm. Cuộc khởi nghĩa tháng Tám đã biến thành cuộc chiến tranh cách mạng của hàng triệu con người Nam Bộ sẵn sàng hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc.


Sáng ngày 23 tháng 9, Ủy ban nhân dân Nam Bộ ra tuyên cáo quốc dân kêu gọi đồng bào kháng chiến.

Sau khi lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân Nam Bộ phát ra, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã nhanh chóng bước vào cuộc chiến đấu đầy tự tin và quyết liệt.


Buổi chiều 23 tháng 9 tiếng súng diệt địch nổ vang kháp nội thành. Mười sáu khu tác chiến nội thành được thành lập. Ở ngoại thành ba mặt trận Đông, Tây và Nam, thành thế bao vây quân thù. Tuy vũ khí ít và thô sơ, nhưng quân và dân ta thật hăng hái và cực kỳ gan dạ. Chỉ trong vòng một tuần lễ, 138 xí nghiệp và công sở lớn, 22 kho tàng, 4 chợ, 30 tàu lớn, 51 tàu nhỏ, 200 xe hơi và một số cầu bị đốt phá. Gần 300 tên giặc bị đền mạng.


Gặp phải sức đề kháng quyết liệt của nhân dân ta, sau 8 ngày gây hấn, thực dân Pháp chỉ chiếm đóng được các vị trí, công sở then yếu ở khu vực trung tâm thành phố. Thành phố không họp chợ, không buôn bán, không điện nước, lương thực thực phẩm bị hao cạn. Viện binh chưa tới kịp. Bọn Việt gian tay sai ra mặt hoạt động bị thanh niên ta truy bắt, nghiêm trị. Nhiều lần dựa vào quân Anh, quân Nhật, đánh lấn ra ngoài, cố phá vỡ vòng vây, nhưng đều thất bại, quân Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn.


Trước tình hình đó, thực dân Pháp nhờ Gracey làm trung gian, xin thương lượng với Ủy ban nhân dân Nam Bộ để thực hiện ý đồ "dục hoãn cầu mưu", chờ đại quân của tướng Lecỉerc đến Sài Gòn rồi sẽ mở một đợt tấn công mới nhằm phá vỡ vòng vây và chiếm các tỉnh Nam Bộ. Ta biết như vậy, nhưng bên ta cũng cần một thời gian hòa hoãn để chuẩn bị đối phó với đợt tấn công mới của chúng.


Kết quả hơn một tháng vây hãm quân xâm lược trong nội thành Sài Gòn đã thể hiện khí phách anh hùng của nhân dân Nam Bộ và của cả nước, phá vỡ ý đồ nhanh chóng chiếm lại Nam Bộ của thực dân Pháp và tạo điều kiện cho các tỉnh Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ chuẩn bị kháng chiến.


Từ khi có viện binh cho đến ngày nổ súng tiến công Hà Nội, thực dân Pháp đã phải sử dụng toàn bộ lực lượng mà theo dự kiến ban đầu của chúng là để đánh chiếm cả Đông Dương, nhưng vẫn không lập được xứ "Nam Kỳ tự trị" mà trái lại chúng đã sa lầy vào một cuộc chiến tranh du kích.


Sau hơn một năm hai tháng hai mươi bảy ngày kháng chiến (23-9-1945 - 19-12-1946), quân dân Nam Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ "đi trước” mà lịch sử đã giao phó.


Tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt đồng bào cả nước tặng quân dân Nam Bộ danh hiệu vẻ vang Thành đồng Tổ quốc. Tuy nhiên, niềm vinh dự đó không chỉ dành riêng cho quân dân Nam Bộ mà là vinh dự chung của cả nước. Bởi vì ngay từ những ngày đầu cực kỳ khó khăn, quân dân Nam Bộ chiến đấu không đơn độc.


Ngày 8 tháng 9 năm 1945, hai ngày sau khi quân Pháp núp bóng quân Anh vào Sài Gòn, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi:

"... Hỡi đồng bào!

Hiện một số quân Pháp đã lọt vào nước ta. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu"1 (Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, tập I, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.19).

Nền độc lập dân tộc vừa giành được đang bị đe dọa, đồng bào ta trong, ngoài nước theo dõi từng bước chân quân xâm lược, đợi lệnh Chính phủ sẵn sàng lên đường ra mặt trận.


Sau đêm địch gây hấn ở Sài Gòn (23 tháng 9 năm 1945), Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại phát lời khẩn cấp gửi đồng bào cả nước: 

"Phải trút toàn lực vào đó, hy sinh hết thảy vì mặt trận miền Nam"1 (Những sự kiện lịch sử Đảng, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979, tập II, tr.129).

Có thể nói sau lời kêu gọi, cuộc kháng chiến ở Nam Bộ cúng là cuộc chiến đấu của cả nước. Nhân dân các dân tộc từ biên giới phía Bắc đến mũi Cà Mau, đồng bào Việt kiều ở Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan... hướng về Nam Bộ, tích cực và khẩn trương chuẩn bị cả người, vật chất để đưa ra tiền tuyến.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2021, 08:08:05 am »

Ngay trong những ngày Sài Gòn "trong đánh ngoài vây", những cuộc mít tinh, biểu tình sôi sục diễn ra trên cả nước, biểu thị lòng phẫn nộ và quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập. Khẩu hiệu "đả đảo thực dân Pháp xâm lược", "Nước Việt Nam của người Việt Nam", "Ủng hộ Nam Bộ kháng chiến"... giương cao khắp thành thị, nông thôn. Hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ lập "Phòng Nam Bộ" ghi tên những người tình nguyện vào những đoàn quân Nam tiến. Danh sách người tình nguyện có già, trẻ, gái, trai, công nhân, nông dân, kỹ sư, nhà văn, nhà giáo, viên chức, cựu binh sĩ... Một số nhà sư cũng cởi áo cà sa tình nguyện lên đường giết giặc. Ba ngày sau khi quân Pháp khởi hấn ở Sài Gòn đã có đơn vị Nam tiến đầu tiên rời ga Hàng Cỏ, Hà Nội.


Ngay từ đợt đầu, lực lượng Nam tiến đã có nhiều đơn vị, nhiều chi đội giải phóng quân từ Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, chiến khu Đông Triều, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, đội du kích Ba Tơ...


Chỉ một thời gian ngắn, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều tổ chức mỗi tỉnh từ một đến hai chi đội1 (Chi đội tương đương tiểu đoàn đến trung đoàn, cũng có chi đội tương đương đại đội) Nam tiến.

Suốt dọc đường Nam tiến, nhân dân mang cờ, băng khẩu hiệu, bánh trái, cơm nước ra đón bộ đội. Nam tiến trở thành hình ảnh cả nước ra trận và nói lên ý chí "nước Việt Nam là một".

Nhiều đơn vị Nam tiến đã kịp vào Nam tham gia chiến đấu trên mặt trận Thị Nghè, Cầu Bông... và suốt dải đất từ Sài Gòn đến Cực Nam Trung Bộ, miền Tây Nam Bộ.

Sát cánh đồng bào trong nước, cùng ý chí "độc lập hay là chết", "nước Việt Nam là một", theo tiếng gọi cứu nước, đồng bào Việt kiều trên đất Lào, Cam-pu-chia hướng về Tổ quốc khẩn cấp chuẩn bị sẵn sàng về Nam Bộ kháng chiến. Lúc bấy giờ bên bờ sông Mê Công thuộc đất Thái Lan đã có bốn vạn Việt kiều sinh cơ lập nghiệp, thêm sáu vạn Việt kiều từ Lào sang cũng sẵn sàng về nước chiến đấu. Tinh thần yêu nước của đồng bào Việt kiều luôn được nuôi dưỡng trong suốt quá trình tha phương sinh cơ ỉập nghiệp, được nung nấu từ các phong trào yêu nước thế kỷ XIX, từ khi Đảng cộng sản Đông Dương chuẩn bị thành lập, đặc biệt qua các lớp huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước trong đồng bào Việt kiều, do chính đồng chí Nguyễn Ái Quốc (lúc bấy giờ lấy tên là Thầu Chín) thực hiện, lại được sự đồng tình chống Nhật của Đảng Thái tự do (Sérithay); chiến khu Việt kiều cùng lực lượng "Việt Nam Độc lập quân" đã ra đời từ những ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương.


Việt kiều Thái Lan (một phần lớn cũng đồng thời là Việt kiều Cam-pu-chia sau này, vì lúc bấy giờ một phần đất Tây Bắc Cam-pu-chia thuộc Thái Lan) thực sự trở thành hậu phương trực tiếp của mặt trận Lào - Cam-pu-chia và là lực lượng tiếp tế về Nam Bộ. Nam Bộ kháng chiến bùng nổ, chiến khu Việt kiều trên đất Thái Lan phát triển mạnh, thu hút những người tình nguyện vào lực lượng vũ trang chuẩn bị về nước, xây dựng thành từng đơn vị Hải ngoại, có tổ chức Đảng lãnh đạo, được huấn luyện và trang bị mạnh, đồng phục, đặc biệt là được rèn luyện ý chí chiến đấu. Từ trước ngày toàn quốc kháng chiến đến tháng 6 năm 1947, các chi đội Hải ngoại mang những tên Độc lập số 1, Quang Trung, Trần Phú, Cửu Long 2, với quân số mỗi chi đội từ trên dưới 100 đến trên 400 người đã lần lượt hành quân về nước.


Bên cạnh lực lượng Hải ngoại còn một lực lượng con em Việt kiều mang tên "Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân" ra đời theo tiếng gọi thiêng liêng "cứu quốc".

Hướng về Tổ quốc, trên dưới hai tháng trời, chiến sĩ Hải ngoại vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số từ Thái Lan qua đất nước Cam-pu-chia đang bị địch chiếm đóng, băng qua núi cao, rừng rậm, sông suối, chịu đói, chịu khát, bệnh tật, đánh địch mở đường mà đi, lập chiến công ngay trên đường hành quân. Có những ngày ăn chuối xanh, ăn mít non thay cơm, có những chiến sĩ đã ngã xuống mà chưa được nhìn thấy Tổ quốc...


Nam Bộ, Cực Nam Trung Bộ, nơi "đi trước về sau" đã trở thành mảnh đất thiêng liêng của các lực lượng từ xa hội tụ về, biến lời kêu gọi "hy sinh hết thảy vì mặt trận miền Nam" của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hành động thực tế. Đồng bào miền Nam đặc biệt tin tưởng, ưu ái những người con từ xa về để cùng chung sức kháng chiến. Chín năm kháng chiến đầy gian khổ, các chiến sĩ bộ đội Nam tiến, bộ đội Hải ngoại, bộ đội Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân có mặt trên khắp chiến trường từ Cực Nam Trung Bộ đến mủi Cà Mau, từ đất liền ra hải đảo Phú Quốc thực sự hòa nhập, cùng lực lượng tại chỗ hợp thành tổ chức thống nhất lực lượng vũ trang cách mạng. Đặc biệt một bộ phận lực lượng Hải ngoại đã gia nhập đội quân tình nguyện quốc tế mang tên Sivôtha, hành quân lên đất Cam-pu-chia, cùng lực lượng cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia chiến đấu chống kẻ thù chung. Bất kỳ ở đâu, những chiến sĩ từ xa về Nam Bộ đều tỏ rõ bản chất quân đội cách mạng, đi dân nhớ, ở dân thương.


Các lực lượng từ phía Bắc vào, từ nước ngoài về đã góp phần quan trọng làm tăng sức mạnh chiến đấu của quân dân Nam Bộ, Cực Nam Trung Bộ, là một bộ phận đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang và sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang miền Nam thời chống Pháp nói riêng, của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung. Có nhiều chiến sĩ bộ đội Nam tiến, bộ đội Hải ngoại đã trở thành cán bộ cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, có những người đã trở thành anh hùng lực lượng vũ trang, trong đó có liệt sĩ Ngô Thất Sơn vừa là một chiến sĩ bộ đội Hải ngoại, vừa là một chiến sĩ quân tình nguyện.


Quá trình hình thành, xây dựng và hoạt động của các lực lượng từ xa về tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để lại những bài học quý giá về truyền thống, về khoa học xây dựng và hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng. Tuy nhiên trước nay đề tài này chưa được nghiên cứu tổng kết một cách có hệ thống và đầy đủ. Thực hiện công việc này là một yêu cầu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, góp phần làm rõ cuộc kháng chiến toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bổ sung và làm phong phú thêm các công trình lịch sử ba mươi năm chiến tranh giải phóng, lịch sử quân đội nhân dân... đồng thời góp phần giáo dục truyền thống, tổng kết kinh nghiệm lịch sử, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2021, 09:34:45 am »

VAI TRÒ, Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA PHONG TRÀO NAM TIẾN 1945-1946


NGUYỄN QUỐC DŨNG
PGS-PTS, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam


Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trước âm mưu xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã sớm dự liệu tình hình, chủ động chuẩn bị, tìm phương lược đối phó.


Sau lễ Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), chi đội Vi Dân, đơn vị vũ trang tập trung được hình thành từ đội công nhân xung phong thành Hoàng Diệu1 (Thành Hà Nội) đã tham gia giành chính quyền ở Thủ đô, được điều lên Chợ Bến (Hòa Bình) để tập trung huấn luyện quân sự, sẵn sàng cơ động khi có tình huống bất trắc. Tiếp đó, ngày 10 tháng 9, chi đội 3 giải phóng quân được điều vào Thanh Hóa, sẵn sàng đánh quân Pháp từ phía tây tràn sang.


Ở Sài Gòn và Nam Bộ, theo chủ trương của Trung ương, trong nửa đầu tháng 9 năm 1945, một mặt ta kiên quyết đấu tranh với phái bộ Đồng minh để giữ vững chủ quyền; một mặt khác ta thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ lo việc chuẩn bị kháng chiến ở Sài Gòn và các tỉnh; Sài Gòn - Chợ Lớn và vùng kế cận được chia thành 5 mặt trận, trong nội thành lập 14 tiểu khu và hơn 300 tổ, đội xung kích...


Tinh thần bảo vệ độc lập, bảo vệ chính quyền nhân dân hừng hực trong toàn dân, trên khắp cả nước.

Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp được quân Anh giúp sức, trắng trợn nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngay sáng hôm đó, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ ra lời kêu gọi: "Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược!".


Trên tư thế người dân nước độc lập, với khí thế quật cường sục sôi nhiệt huyết của những ngày Tổng khởi nghĩa vừa diễn ra chưa đầy một tháng, nhân dân Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ đã nhất tề đứng lên kháng chiến!


Đồng bào cả nước và Việt kiều ở nước ngoài sôi sục căm thù, một lòng hướng về Nam Bộ, hết lòng chi viện Nam Bộ kháng chiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư "gửi đồng bào Nam Bộ":

"... Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ.

Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà.

Tôi chắc và đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.27).


Theo lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một phong trào Nam tiến đã bùng lên, vô cùng sôi nổi, rộng khắp ở Bắc Bộ và cả trong Việt kiều ở nước ngoài. Nhiều nơi, nhân dân họp mít tinh, tuần hành, giương cao khẩu hiệu xin Chính phủ cho vào Nam Bộ đánh giặc, ở Hà Nội và các thành phố, thị xã đều có "Phòng Nam Bộ"; trên các đường phố có bàn ghi tên những người tình nguyện vào Nam Bộ chiến đấu.


Ngay trong đêm 23 tháng 9, Bộ Tổng tham mưu điện khẩn vào Chiến khu 5, Chiến khu 6 là địa bàn gần Nam Bộ nhất yêu cầu đưa ngay lực lượng vào chi viện cho Sài Gòn. Hai ngày sau (25-9), một đơn vị giải phóng quân Ba Tơ (Quảng Ngãi) hành quân vào đến cầu Bình Lợi (Sài Gòn). Ngày 26, chi đội 3 giải phóng quân làm lễ xuất phát từ ga Thanh Hóa. Tiếp đó, các chi đội Vi Dân, Thu Sơn, Hoa Lư (chi đội Độc lập 1), Bắc Bắc... là các đơn vị (tương đương trung đoàn) vũ trang tập trung, trang bị mạnh của Bộ và các địa phương lên đường Nam tiến. Nhận được điện, công văn có đóng dấu "hỏa tốc" của Trung ương, các chi đội giải phóng quân, các tỉnh, các trường quân chính đều khẩn trương chọn những cán bộ và vũ khí tốt, tổ chức các đội quân Nam tiến và gấp rút lên đường. Khẩn trương hơn nữa, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng lên Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên; xuống Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định... cùng lãnh đạo các địa phương, tổ chức và đôn đốc các đơn vị Nam tiến. Ga Hàng Cỏ (Hà Nội), đặc biệt là ga Nam Định và ga Ninh Bình trở thành nơi tập kết, là điểm xuất phát của các đoàn quân từ các tỉnh Bắc Bộ Nam tiến. Từ Thanh Hóa trở vào, tàu đến ga nào, nhất là các ga Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... ở đâu cũng có đông đảo nhân dân địa phương mang quà bánh ra úy lạo, hát vang các bài ca cách mạng, khích lệ và tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ lên đường Nam tiến. Nhiều chi đội đã được bổ sung từng trung đội, đại đội, hoặc nhiều thanh niên nam và nữ khỏe mạnh, hăng hái của các địa phương ngay trên đường hành quân.


Cùng với phong trào hướng về Nam Bộ, chi viện Nam Bộ, tổ chức các đơn vị vũ trang Nam tiến vô cùng rầm rộ ở khắp các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, một phong trào hướng về Tổ quốc, quyên góp tiền mua vũ khí tốt, động viên con em gia nhập các đơn vị vũ trang, tổ chức các chi đội hải ngoại, cứu quốc quân hành quân gấp về Nam Bộ tham gia chiến đấu củng phát triển sôi nổi trong Việt kiều ở Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia. Nhiều Việt kiều ở Pháp, trong đó có những trí thức giỏi tình nguyện về nước tham gia kháng chiến.


Nam tiến, không chỉ có nghĩa tiến vào phía Nam của các chi đội giải phóng quân lên đường từ Bắc Bộ và Trung Bộ mà còn có nghĩa tiến về Nam Bộ của các chi đội Hải ngoại từ nước ngoài. Đó là phong trào hướng về Nam Bộ, chi viện tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải cho Nam Bộ và cùng Nam Bộ kháng chiến của đồng bào, chiến sĩ cả nước và Việt kiều.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2021, 09:36:32 am »

Cho đến nay, vẫn chưa và thật khó có thể xác định chính xác đã có bao nhiêu đơn vị, bao nhiêu chi đội Nam tiến. Nhưng qua những sự kiện đã được lịch sử ghi lại, qua những dấu ấn không thể phai mờ trong nhân dân các địa phương trên cả nước, nhất là ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, cùng những kỷ niệm vô cùng sâu sắc của hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã lên đường Nam tiến hơn 50 năm về trước, nay nhiều người vẫn còn sống, còn nhớ và kể lại, viết lại thì có thể khẳng định, Nam tiến là một sự kiện lịch sử hào hùng, một hiện tượng vô cùng đặc sắc của lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.


1. Đó là phong trào yêu nước, chống xâm lược, hướng ra mặt trận, hành quân ra mặt trận, cổ vũ các đoàn quân và chi viện vật chất ra mặt trận vô cùng sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp của toàn dân Việt Nam, cả ở trong nước và ở nước ngoài. Đó là kết tinh của tinh thần quật cường trước họa xâm lăng, thà hy sinh tất cả, chứ quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ của toàn dân Việt Nam. Biểu hiện cụ thể của nó là phong trào tình nguyện vào và (từ nước ngoài) về Nam Bộ chiến đấu của hàng vạn thanh niên nam và nữ, được tổ chức thành các đơn vị Nam tiến và hành quân ngay ra mặt trận dưới sự lãnh đạo của Đảng; là phong trào toàn dân hướng về Nam Bộ, hăng hái động viên con em vào bộ đội, ủng hộ vật chất, khích lệ tinh thần các chiến sĩ lên đường Nam tiến đánh giặc cứu nước. Phong trào bùng nổ ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai và kéo dài sang năm 1946 khi chiến sự lan rộng ra các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, các đoàn quân Nam tiến hòa vào lực lượng tại chỗ, cùng quân và dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.


2. Bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống ngoại xâm của dân tộc, phong trào Nam tiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, do cấp ủy đảng và chính quyền nhân dân vừa được thành lập ở các địa phương phát động, tổ chức và lãnh đạo. Được toàn dân hưởng ứng và không ngừng tiếp sức, phong trào đã phát triển rất nhanh chóng, ngày càng sôi nổi trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược, trong nước và ngoài nước. Nhờ phân tích chính xác tình hình, có dự liệu từ sớm, ngay sau khi tiếng súng kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ và các địa phương đã cử ngay các đơn vị vũ trang tập trung vừa được hình thành và phát triển trước và trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám lên đường, đồng thời gấp rút lựa chọn những thanh niên ưu tú, chọn những vũ khí tốt nhất để thành lập thêm nhiều đơn vị mới, nhanh chóng tổ chức cho các đơn vị này hành quân ra mặt trận. Phần lớn học viên khóa 4 và khóa 5 Trường quân chính Việt Nam được điều vào Nam Bộ, hòa trong các đoàn quân Nam tiến, vừa kịp thời tăng cường cán bộ quân sự - chính trị cho các mặt trận, vừa có thêm cán bộ, giáo viên để mở các lớp huấn luyện tại chỗ, góp phần giải quyết khó khăn rất lớn do thiếu cán bộ quân sự, chính trị khi cuộc kháng chiến bùng nổ và ngày càng lan rộng, nhất là trong tình hình khá phức tạp về tổ chức và chỉ huy của các lực lượng vũ trang ở Sài Gòn và Nam Bộ những ngày đầu kháng chiến.


3. Khi thực dân Pháp xâm lăng, nhân dân Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ đã kiên quyết đứng lên kháng chiến. Có cuộc kháng chiến ở Sài Gòn và Nam Bộ mới có phong trào Nam tiến. Được phong trào Nam tiến cổ vũ, được các đoàn quân Nam tiến tiếp sức, nhân dân và các lực lượng vũ trang Sài Gòn, Nam Bộ và Nam Trung Bộ có thêm sức mạnh, càng quyết tâm và anh dũng chiến đấu. Cuộc kháng chiến anh dũng ở Nam Bộ và Nam Trưng Bộ lại tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ tinh thần, tạo chỗ đứng và chiến đấu cho các đoàn quân Nam tiến trong thế trận toàn dân kháng chiến. Đó là hình ảnh sống động của toàn dân và cả nước đứng lên chống xâm lăng, dù kẻ thù đến từ hướng nào, chiến sự bắt đầu bùng nổ ở vùng đất nào. Nhân dân cả nước, các đoàn quân từ Bắc Bộ, Trung Bộ từ hải ngoại đều coi Nam Bộ "là máu cửa máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam", phải "trút toàn lực vào đó, hy sinh hết thảy vì kháng chiến, hy sinh hết thảy vì mặt trận miền Nam!". Nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ và Nam Trung Bộ đón các chiến sĩ từ Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn; từ Vinh, Huế, Quảng Ngãi; từ Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia... Nam tiến, như đón những người con về với gia đình, cùng nhau chung vai sát cánh chống kẻ thù xâm lược đất nước mình; bảo vệ quê hương, gia đình mình. Đó là hình ảnh sống động của Trung - Nam - Bắc là một nhà. Hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, đất nước bị chia thành ba kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau. Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã đập tan xích xiềng nô lệ, khôi phục độc lập, lập nên chính quyền nhân dân thống nhất trên cả nước. Phong trào Nam tiến chống xâm lược của toàn dân và cả nước ngay sau đó đã góp phần củng cố thành quả của Cách mạng tháng Tám, xóa bỏ vĩnh viễn chế độ chia để trị của thực dân, khẳng định sự thống nhất tuyệt đối: nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một!


4. Các đoàn quân Nam tiến đã kịp thời chia lửa với quân và dân Sài Gòn, các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cùng tiến công và ngăn chặn quân Pháp xâm lược trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Chi đội 3 giải phóng quân vào đến cầu Bình Lợi (Sài Gòn). Một số phân đội vào đến các tỉnh đồng bằng Nam Bộ. Các chi đội Vi Dân, Thu Sơn, Bắc Bắc... vào chiến đấu ở Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên, Buôn Ma Thuột... Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân, các chi đội Hải ngoại từ Lào, Thái Lan, sau cuộc hành quân vô cùng gian khổ và anh dũng đã về đến Tây Ninh, Châu Đốc, Hà Tiên và các tỉnh Khu 9. Ngoài một số cán bộ, đảng viên đã được rèn luyện trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, đã học qua một số lớp quân chính ngắn ngày và một số cựu binh yêu nước, đi theo cách mạng, lực lượng đông đảo nhất trong các đoàn quân Nam tiến là thanh niên học sinh. Tràn đầy nhiệt huyết, tình nguyện xung phong vào Nam đánh giặc, nhưng hầu như chưa hiểu biết gì về quân sự, vũ khí trang bị lại rất thiếu thốn, thô sơ. Nhưng trên khắp các mặt trận, các chi đội Nam tiến, các chiến sĩ Nam tiến được động viên bởi tinh thần Nam Bộ kháng chiến và được tiếp sức, được sự phối hợp của các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã chiến đấu anh dũng trước quân xâm lược có vũ khí trang bị hiện đại hơn, góp phần, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm chậm bước tiến của chúng, góp phần giữ vững và đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tạo điều kiện cho cả nước có thêm thời gian chuẩn bị trước khi bước vào toàn quốc kháng chiến. Với tổ chức chặt chẽ, cán bộ và chiến sĩ một lòng quyết chiến, các chi đội Nam tiến được lãnh đạo chỉ huy các mặt trận, các tỉnh tin tưởng, coi như đơn vị vũ trang nòng cốt của địa phương, được giao trọng trách trên các hướng quan trọng và chia lực lượng đi nhiều hướng, chặn đánh quân xâm lược. Một số đơn vị vào đến Nam Trung Bộ vào lúc quân Pháp đã đánh rộng ra các tỉnh Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Buôn Ma Thuột... Có đơn vị bộ đội hải ngoại đặt chân về tới Tổ quốc khi địch đã đánh chiếm phần lớn các tỉnh Nam Bộ. Trong tình thế rất khó khăn, mặt trận bị vỡ, có đơn vị tạm thời mất liên lạc với trên, có đơn vị bị địch tập kích bất ngờ, lực lượng bị tổn thất, nhưng không ai nao núng, bàn lùi. Địch chiếm được tỉnh lỵ, nhưng không chiếm được lòng dân. Mặt trận bị vỡ nhưng bộ đội và lòng dân không vỡ. Với niềm tin sắt đá kháng chiến nhất định thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân và các đơn vị bạn, các chi đội Nam tiến đã vượt lên mọi khó khăn thử thách, kiên cường bám trụ, cùng quân và dân các địa phương tiếp tục chiến đấu. Một số cán bộ, chiến sĩ tình nguyện ở lại địa phương, hòa vào dân để xây dựng cơ sở, đánh du kích trong vùng tạm bị địch chiếm. Một số đơn vị được trên điều động, làm nòng cốt cùng với lực lượng vũ trang địa phương xây dựng thành các tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực của tỉnh và liên khu. Trong và cùng với sự phát triển của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, phong trào Nam tiến, các chi đội Nam tiến đã hòa vào, trở thành một bộ phận của lực lượng vũ trang và phong trào kháng chiến ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Cam-pu-chia. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Nam tiến đã trở thành cán bộ quân sự, chính trị ở các cơ quan, đơn vị vũ trang tập trung và ở các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Với phong trào Nam tiến, quân đội ta đã thực hiện thắng lợi chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người quyết định thành lập đội quân chủ lực đầu tiên - Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: "đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam". Sau bước phát triển nhảy vọt và được tôi luyện trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, trong phong trào Nam tiến năm 1945-1946, quân đội ta đã tiếp tục phát triển lên một quy mô mới, rộng khắp và thống nhất trên cả nước, đã có thể tổ chức những đơn vị cơ động trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam, cùng nhân dân và lực lượng vũ trang tại chỗ chiến đấu chống quân xâm lược.


Từ sau ngày cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các đơn vị vũ trang từ Bắc Bộ, Trung Bộ, và từ Hải ngoại về Nam Bộ chiến đấu những tháng cuối năm 1945 và năm 1946, không còn gọi là các đơn vị, các chi đội Nam tiến nữa. Nhưng trong lịch sử Việt Nam năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bộ đội Nam tiến, phong trào Nam tiến đã ghi lại một dấu son chói lọi. Trước họa xâm lăng, cả dân tộc Việt Nam đã đứng lên chiến đấu. Tinh thần quật cường của toàn dân Việt Nam một lần nữa lại bùng lên sau những ngày quật khởi Cách mạng tháng Tám. Cùng với Nam Bộ kháng chiến, phong trào Nam tiến đã tạo nên sức mạnh mới, niềm tin mới, động viên cao độ tinh thần và lực lượng của toàn dân, của cả nước vững bước tiến vào cuộc kháng chiến trường kỳ, nhất định thắng lợi.


Phong trào Nam tiến diễn ra cách đây đã hơn 50 năm. Rất nhiều vấn đề đã và đang được đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục sưu tầm tư liệu, nghiên cứu sâu sắc hơn, dựng lại bức tranh hoàn chỉnh, sinh động hơn về phong trào này. Đánh giá cao vai trò và ý nghĩa rộng lớn cửa phong trào Nam tiến trong lịch sử, chúng ta càng trân trọng những bài học sâu sắc của nó, trước hết là bài học đoàn kết thống nhất toàn dân, phát động và tổ chức toàn dân trong một phong trào, nhằm một mục tiêu chung, giải phóng dân tộc (trước đây) cũng như công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM