dongadoan
Administrator

Bài viết: 7256
Cái thời hoa gạo cháy...
|
 |
« vào lúc: 05 Tháng Chín, 2008, 06:46:54 pm » |
|
Tác giả: Phan Cao Toại. Nhà xuất bản: QĐND. Năm xuất bản: 2003. Số hóa: hoacuc, dongadoan. Một Đầu xuân năm 1968. Thời tiết ở khu vực Vĩnh Linh trở nên rét lạnh. Mấy ngày hôm nay, gió mùa đông bắc từng đợt tràn về. Trời âm u, từng đám mây màu chì xếp thành lớp cuồn cuộn trôi về phía tây. Thỉnh thoảng, trần mây nặng trĩu bị gió xé toạc, hé ra một khoảng trời màu xanh. Những đám mây khác lại trôi mau đến lấp vào khoảng trống xanh lam ấy. Tiếng pháo bên phía Cồn Tiên, Dốc Miếu vẫn thay tiếng sấm giã bùm bụp lên đồng ruộng, xóm làng. Càng gần sáng, tiếng pháo càng thưa. Im lặng dâng tràn. Chỉ có tiếng gió reo. Tiếng cá quẫy. Tiếng lách cách của ai đang kéo cần cơ bẩm. Tiếng ầu ơ của bà mẹ ru con trong những căn hầm chữ A... Sự im lặng giả tạo như trò chơi con trẻ, đánh lừa dòng sông, đánh lừa cỏ cây, đánh lừa mưa gió để rồi bất thình lình những cơn mưa đạn, mưa bom lại ào ào trút xuống. Bốn năm qua, tiếng pháo, tiếng bom của giặc như âm thanh thường trực với đất trời, với người dân vùng tuyến. Trong hầm chỉ huy của tiểu đoàn hai, nước mưa lút mắt cá chân. Căn hầm hình chữ nhật, rộng hai mét, dài bốn mét là chỗ phình ra của giao thông hào. Bốn cột gỗ vững chắc bốn bên được những cọc tre trợ lực chống chiếc đà ngang cũng bằng gỗ thành một mái che. Bên trên là một lớp đất dày. Thông với hầm chỉ huy là một chiếc hầm chữ A khá kiên cố. Nước trên nóc hầm thỉnh thoảng lại rỏ xuống lóc bóc. ở một góc, mấy chú cóc không biết từ đâu mò tới, nổi lềnh bềnh trên mặt nước hay bám vào cọc tre chống hầm, nghiến răng thành những tiếng ồm ộp, trầm buồn. Căn hầm lạnh lẽo sặc mùi ẩm mốc, mùi nồng tanh của đất đỏ ba dan, mùi ải mục của những lớp lá dương lót trên hầm. Tiểu đoàn trưởng Trần Thắng nằm trên võng hút thuốc rê. Chiếc võng nilon màu cánh gián sũm xuống vắt chéo từ bên này sang bên kia hầm, cách mặt nước chừng một gang tay. Khuôn mặt anh như sắt lại, hai má hõm xuống làm đôi môi dẩu ra. Đôi mắt sâu trũng, đói ngủ. Mới ngoài ba mươi mà tóc đã nhiều sợi bạc. Nét già nua ấy mới được Nhị, cô trung đội trưởng dân quân xã V phát hiện gần đây. Hôm ấy, chị lên trực báo. Khi nghe anh phổ biến âm mưu địch trong thời gian tới, Nhị chợt nhận ra những ánh bạch kim trên mái tóc rễ tre của anh. Lúc đầu, chị tưởng đó là ánh nắng lọt qua kẽ hầm. Nhìn kỹ, hóa ra không phải. Đó là những sợi tóc bạc mà ánh sáng xiên từ phía cửa hầm làm ngời lên. Tan buổi trực, chị quyết định ở lại, ngồi với anh giây lát làm "vệ sinh" những sợi tóc già nua, bệnh hoạn ấy. Nhị mới hai mươi sáu tuổi, thuộc lớp đàn em của Thắng. Hai người cùng ở một thôn, cùng tắm chung một bến nước. Khi Thắng nhập ngũ, Nhị mới bắt đầu học cấp hai. Những lần về phép thăm nhà, Thắng ngạc nhiên trước những đổi thay như lột xác ở cô nữ sinh trung học cùng làng. Học hết cấp ba, Nhị thành một cô gái mười tám tuổi xinh đẹp nhất trường. Thắng cũng vừa được gọi đi học sĩ quan. Lần về phép ấy, nhân lễ Quốc khánh, hai người cùng nhau ra cầu Hiền Lương xem văn công trung ương biểu diễn. Họ được mọi người khen là đẹp đôi nhất trong ngày hội ấy. Tiếng khen lọt cả vào tai hai người: "Con bé con cái nhà ai mà xinh quá!", " Thằng con trai cũng không kém. Hai đứa thành một đôi vợ chồng thì quá tuyệt". Lần ấy, bên vệ sông trăng, Thắng tỏ tình với Nhị. Giọng anh nghèn nghẹn, vụng về: "Ba năm nữa, anh ra trường, nếu em không chê anh là bộ đội, anh sẽ xin làm chồng em...". Nhị lặng im, cười thầm, để đôi tay nhỏ nhắn của mình trong tay Thắng. Và chị đột ngột nắm chặt tay anh, để cho những cảm giác ngọt ngào, dâng tràn từ trái tim mười tám tuổi đang rung lên dưới vạt áo mỏng truyền sang tay Thắng. Đêm ấy, trăng mưa đầy xuống vạt cỏ họ ngồi, lấp lánh những con mắt bạc lăn tăn trên sóng Hiền Lương. Bên kia sông, một toán cảnh sát ngụy đi tuần, thấy hai người ngồi trên bờ, vọng sang những câu đùa cợt tục tĩu. Lời tỏ tình hôm ấy của Thắng có dòng sông, có trăng sao chứng giám. Thắng mang kỷ niệm đêm trăng huyền ảo ấy trong tim mình ra đi, hẹn với Nhị sẽ thành vợ thành chồng sau ba mùa lúa trổ. Nhị không đậu vào đại học. Mỹ ném bom miền Bắc, cô vào trung đội dân quân của xã. Thắng đã học xong, trở lại quê nhà. Chiến tranh ngày một ác liệt, hai người ở hai vị trí công việc khác nhau, công việc liên quan đến sự sống còn của mảnh đất quê hương đầy kỷ niệm này. Hai người chưa một lần tính đến chuyện cưới xin. Nằm trên võng đung đưa với điếu thuốc rê đang tỏa khói trên đôi môi thâm xịt, tâm tưởng của Thắng bồng bềnh trôi trong dòng kỷ niệm, những kỷ niệm đẹp đẽ của anh và Nhị cứ hiện dần lên. Nhịp cầu Hiền Lương và lá cờ Tổ quốc lồng lộng trong gió, ngày hội mừng Quốc khánh tưng bừng của những người dân đất tuyến. Lọn tóc thề Nhị trao anh ngày trở về đơn vị. Cái chết đau thương của mẹ Nhị khi đang gặt lúa ngoài đồng. Vui và buồn lẫn lộn, tâm tưởng của anh được khói thuốc thăng hoa, bồng bềnh trôi mãi theo những nẻo đường quá khứ xa xăm.
|
|
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Sáu, 2020, 07:16:42 am gửi bởi Giangtvx »
|
Logged
|
Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
|
|
|
dongadoan
Administrator

Bài viết: 7256
Cái thời hoa gạo cháy...
|
 |
« Trả lời #1 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2008, 06:50:03 pm » |
|
Từ ngoài giao thông hào nối liền với hầm chỉ huy, Vinh, chiến sĩ cần vụ bê một xoong quân dụng đựng cơm đi vào. Một loạt pháo bên bờ nam bắn sang, nổ quá gần làm Vinh nghiêng ngả. Khói bay mù mịt, đất cát vãi như mưa. May mà hai tay Vinh vẫn giữ chặt xoong cơm, bờ vai phải đập mạnh vào vách hào, đất đỏ in một một vệt màu nâu lên cánh áo. Vinh chạy vội vào hầm, nói hấp tấp:
- Thiếu chút nữa chúng nó cướp mất cơm sáng của thủ trưởng!
Thắng vẫn điềm nhiên hút thuốc. Mùi thuốc "chú bác" khét lẹt, đặc quánh trong hầm. Chẳng ai còn ngại ngùng, lạ lẫm gì với chuyện bom pháo. Nó bắn là chuyện nó, mình làm gì là chuyện mình, hơi đâu mà bận tâm cho mệt! Nên chi, ở đây, ngoài đồng vẫn người cày người gặt, vẫn đi bứt bổi về làm phân, vẫn ra sông thả câu buông lưới. Nhịp sống không vì pháo bom mà dừng lại. Vinh để xoong cơm trên chiếc ghế đẩu, lấy chiếc bát B52 treo trên cọc tre, xới cơm. Thắng nhổm dậy, đón bát cơm đầy ụ có rắc muối vừng từ tay Vinh. Hình như quá đói, Thắng và tới tấp, nuốt không kịp, cơm đầy một bên miệng. Vinh nhìn tiểu đoàn trưởng ăn ngon lành, gật đầu cười, cởi chiếc bi đông bên hông đặt lên ghế. Cơm xong, cũng chiếc bát B52 đại chang ấy, Vinh tráng qua rồi rót đầy một bát nước chè đặc. Chè Vĩnh Linh không thơm nhưng được nước. Dân ở đây bảnh mắt là phải có bát nước chè đặc, đặc đến nỗi cắm đũa, đũa không ngã. Chẳng thế mà dân gian có hẳn một câu vè về nước chè: "Đàn ông thèm đọi nước chè đặc. Đàn bà thèm cái c. cho to!". Uống một hơi hết cả bát nước, Thắng khà một tiếng, với chiếc máy điện thoại, quay ba vòng. Tiếng cô điện báo viên đầu dây trong trẻo:
- Dạ tổng đài nghe!
- Cho tôi gặp xã T.
- Dạ, đường dây xuống xã T vừa bị pháo dập đứt.
Thắng dập máy, vẻ bực bội. Vinh dọn bàn, săm soi bước ra khỏi hầm. Từ ngoài giao thông hào, có tiếng chân thình thịch rồi tiếng đứt đoạn của một cô gái trẻ vừa nói vừa khóc:
- Eng Thắng ơi, cứu chị em nhà út với...!
Thắng nhìn ra, Tam, em ruột Nhị đầu tóc rối bù, quần xắn móng lợn bê bết bùn gục đầu vào bờ hào. Thắng chạy ra, dìu Tam vào hầm, hỏi dồn dập:
- Có chuyện gì vậy út? Chuyện gì, nói mau...!
Tam mếu máo, gạt nước mắt, lập bập mãi mới thành tiếng:
- Eng Thắng ơi, mạ...!
- Mạ làm sao? Mạ mất cả tuần nay rồi kia mà!
Tam nấc lên:
- Sáng nay, pháo nó lạ...i quật mạ lên... Thịt xương... tan nát... hết...!
Thắng bặm môi, lấy chiếc khăn trên đầu võng lau nước mắt cho Tam. Ở mảnh đất này, chuyện ấy đã nhiều lần xảy ra. Người ta đào giao thông hào, đào hầm, đào địa đạo cho người sống. Những người chết, đã mồ yên mả đẹp, dù mới chết hay đã chết từ mấy chục năm, thậm chí mấy trăm năm nay đều bị bom, pháo của Mỹ đào lên. Người ta thương người đã chết hơn cả người đang sống nhưng người ta không thể làm hầm làm hào cho họ! Cách đây một tuần, một loạt pháo từ Dốc Miếu bắn sang cánh đồng đã làm mạ Tam và hai người dân đang gặt lúa chết ngay tại chỗ. Thắng đã cùng đồng đội, bạn bè trong xã chôn cất tử tế cho mạ. Bộ ván ngựa đang kê dưới hầm làm giường cho cả nhà được ông Duệ lấy ra đóng hòm. Chiếc hòm gỗ mít vừa mới được bào lại có lẽ là chiếc hòm đẹp nhất, sang nhất dành cho người chết từ mấy năm nay. Thớ gỗ nổi rõ những nét hoa văn uốn lượn, tạo thành vòng xoáy sẫm màu trên một nền vàng óng. Bộ ván ngựa ấy cùng với một ít bát chén sót lại là kỷ vật cuối cùng của ngôi nhà mít ba gian của ông bà. Còn tất cả đã thành tro bụi trong hàng trăm lần bom pháo dội xuống. Ông Duệ không tiếc gì với người bạn đời thủy chung của mình, người bạn đã cho ông năm mụn con. Bà Duệ được mai táng trong nghĩa trang ngoài trảng cát, gần với trận địa 12 ly 7 của dân quân xã. Ngày nào gia đình cũng có người ra viếng, cắm lên mộ vài đóa hoa mua mới nở. Chiều qua, nhân đi kiểm tra trận địa của đại đội ba, Thắng cùng với Nhị vừa mới thắp hương cho bà. Thế mà giờ đây...
Thắng cũng bị sốc, đôi mắt đục mờ một màn sương nước mắt. Những giọt nước mắt to tròn đọng lại dưới bờ mi, lặng lẽ lăn trên gò má rám nắng và tóp lại của anh. Anh ôm Tam vào lòng, vuốt nhẹ lên mái tóc bê bết bùn của cô em gái, giọng lạc đi:
- Tội nghiệp mạ...!
Tam dụi đôi mắt sũng nước mắt vào tay áo, ngước nhìn Thắng:
- Eng xuống đi! Bọ và chị Nhị đang ngoài trảng...!
Thắng choàng tỉnh, nói dứt khoát:
- Đi! Anh em mình đi...!
Hai người bước ra khỏi hầm, chạy như bay dưới giao thông hào. Đi được mấy bước gặp Vinh và mấy chiến sĩ đang ăn cơm trong hầm anh nuôi. Thắng gọi to:
- Đồng chí Vinh báo với thủ trưởng Mẫn cứ đi họp trước. Tôi có việc xin lên muộn một tí!
- Báo cáo, rõ!
|
|
|
Logged
|
Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
|
|
|
dongadoan
Administrator

Bài viết: 7256
Cái thời hoa gạo cháy...
|
 |
« Trả lời #2 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2008, 06:06:48 pm » |
|
Giao thông hào uốn lượn vòng quanh nơi tiểu đoàn bộ đóng quân, nối với các thôn xóm khác của xã V. Trời mới mưa xong, một lớp bùn sền sệt bám vào đôi dép cao su của Thắng thành một lớp đất dính chặt dưới đế. Thỉnh thoảng, Thắng phải dừng lại, dùng một cành cây gạt bớt đất cho dễ đi. Tam đi chân đất, quần xắn móng lợn, để lộ bắp chân tròn lẳn, trắng hồng của cô gái tuổi hai mươi. Hai anh em cặm cụi đi, không kịp trả lời những câu chào của những người đi ngược chiều. Trời lạnh mà mồ hôi ướt đẫm vạt áo sau lưng Thắng. Cuối cùng, hai người đã ra đến trảng cát.
Trên trận địa 12 ly 7, Nhị cùng hai dân quân khác đứng bên giá súng, giữ chặt lấy báng, mắt dõi lên phía trời xanh. Nhị không khóc, bặm môi, đôi mắt lạnh và buồn cháy lên ngọn lửa căm thù. Trên trảng cát, ông Duệ cùng dân quân xã đang gom những mảnh ván, mảnh thi thể của ba người chết vào với nhau. Một quả pháo đã rơi xuống đúng chỗ ba ngôi mộ vừa chôn tuần trước. Thắng và Tam bước ra trảng. Từ xa, đã nghe một mùi nằng nặng, khen khét, tanh nồng của thịt người chết chưa kịp phân hủy. Tam không dám bước tiếp, lấy tay áo che miệng. Thắng vẫn bước như bay đến cạnh chỗ mấy anh dân quân. Anh chỉ kịp chào ông Duệ một tiếng: "Bọ...! " rồi cúi xuống nhặt những mẩu thi thể, da lẫn xương còn sót lại. Tất cả đều nhuộm một màu đen sạm của thuốc đạn và cát. Không còn phân biệt được của ai vào với ai. Chiếc hòm gỗ mít của bà Duệ vỡ tung, cháy sém. Hòm của một người khác bằng gỗ tạp đã bị phá nát. Người thứ ba chôn trong tấm nilon, tấm nilon ấy cũng đã vụn ra thành nhiều mảnh.
Một lúc sau, nắng ửng lên từ phía biển. Xác ba người được gom lại một chỗ. Cũng chẳng được là bao. Tất cả đã nát tan, lẫn vào trong cát. Thắng nghẹn ngào nói với ông Duệ:
- Bọ, con xin có ý kiến. Chừ không phân biệt được ai với ai, chỉ có hai cái đầu bị vỡ nát, cháy hết tóc. Một cái khác chắc bị vỡ tung nên con đề nghị chôn chung vào một mộ!
Ông Duệ nhìn người con rể tương lai. Suốt cả buổi, ông cố nén đau để khỏi bật ra tiếng khóc. Ông vẫn tỉnh táo bới từng đống cát cố tìm cho được những mảnh thi thể, dù là nhỏ nhất. Khi những mảnh vụn cuối cùng của ba người quá cố đã được gom lại, ông thấy như mình sa chân xuống bờ vực. Cảm giác đau đớn, hẫng hụt như một chiếc chuông khổng lồ chụp lên người ông. Tim ông như bị ai bóp chặt, đầu mọng nhức, hai chân như muốn rũ xuống. Ông đứng lặng im như một pho tượng xi măng, chân đầm trong cát, mặt ngước lên trời, miệng há hốc. Thắng đến bên ông, dìu ông ngồi xuống. Ông Duệ như không hay biết gì, đê mê làm theo như một cái máy. Thân nhân của hai người xấu số chết vì bom, được chôn cùng chỗ với bà Duệ đầu chít khăn trắng cũng không đưa ra được cách giải quyết gì. Nắng mùa đông nhàn nhạt, mong manh trải một lớp vàng mịn mơ hồ lên trảng cát. Cũng lúc ấy, từ phía biển những chấm đen xuất hiện, lặng lẽ và bất ngờ như những tên cướp. Tiếng Nhị dõng dạc phía trận địa kéo ông Duệ khỏi cơn mê:
- Khẩu đội chú ý, mục tiêu ba chiếc phản lực phía biển...!
Ba chiếc phản lực lớn dần, lớn dần, bay vút qua trận địa. Âm thanh chát chúa, xé tan không khí thanh bình của buổi sáng. Khẩu 12 ly 7 quay tít theo hướng ba chiếc máy bay kẻ cướp. Chúng sà xuống và cắt bom phía Dốc Sỏi. Tiếng bom nổ xa, nghe trầm đục. Những cột khói đen khổng lồ đùn từ dưới đất lên, từ xa trông như những chiếc nấm độc mọc sau mưa.
Ông Duệ nhìn về phía bom nổ, thở dài, quay sang nói với Thắng:
- Thương không biết để đâu cho hết. Dưới Vĩnh Quang, bom Mỹ đánh sập địa đạo, cả trăm người bà già, con nít chết vùi trong lòng đất, xác không lấy lên được đành phải đắp thành một nấm mồ chung... Đây ta đừng làm như vậy, có tội...
Thắng nhìn ông, phân vân:
- Ý của bọ là...?
Ông Duệ ngẫm nghĩ một lúc, quay mặt đi chỗ khác, trả lời:
- Phân ra thành ba ngôi mộ khác nhau... Thắng hiểu ý ông. Nhưng anh vẫn phải hỏi ý kiến thân nhân của những người chết đang có mặt ở đó:
- Của mấy anh ra sao...?
Một bà mẹ mắt mọng đỏ sửa lại chiếc khăn tang trên đầu, mếu máo:
- Chú ơi... chú làm lẹ lên... tui răng cũng được...!
|
|
|
Logged
|
Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
|
|
|
dongadoan
Administrator

Bài viết: 7256
Cái thời hoa gạo cháy...
|
 |
« Trả lời #3 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2008, 06:08:48 pm » |
|
Từ phía giao thông hào, Mẫn, chính trị viên tiểu đoàn 2 và Liễm, chủ tịch xã cùng mấy người thanh niên khoác AK trên vai đang đi về phía trảng cát. Mặc dù đã được ông Duệ giao trách nhiệm về những mảnh vụn của ba thi hài, Thắng thấy cần phải hỏi ý kiến của Liễm. Liễm còn trẻ, cùng lứa với Thắng, dáng thấp và gầy, mặc quần áo Tô Châu, vai đeo xà cột, đầu đội mũ tai bèo chạy nhanh đến bên Thắng và ông Duệ:
- Khu đội hoãn cuộc họp đến chiều để chúng tôi về đây với bác Duệ, với anh...
Mẫn bắt tay ông Duệ. Anh xiết chặt tay ông, thay cho lời chia buồn. Khuôn mặt ông Duệ tái đi, sạm lại, trông ông ngày thường đã khắc khổ, dầu dãi nay càng thêm tiều tụy, xác xơ. Dù đã chứng kiến nhiều cái chết thương đau trên mảnh đất này nhưng cái chết lần thứ hai của bà Duệ và hai người khác của thôn Đông làm Mẫn lạnh người. Nỗi đau bị đẩy lên đến tột cùng, một cảm giác buốt lạnh luồn sau lưng như rắn bò, mồ hôi vã ra như tắm, Mẫn có cảm giác như mình đang lên cơn sốt. Thần kinh anh tê dại, anh như người mất hồn đứng nhìn đống thi thể vụn nát của ba người bị pháo Mỹ giết chết lần thứ hai. Gió se se lạnh làm khô những giọt mồ hôi trên trán và Mẫn bừng tỉnh sau những phút giây hóa đá. Cái sống và cái chết quá gần nhau. Mới hôm nào chủ nhật, Mẫn cùng đi với Thắng xuống nhà bà Duệ ăn giỗ. Bà cùng với hai cô con gái mài sắn suốt đêm để sáng mai có bột làm bánh sắn cúng ông nội. ở Vĩnh Linh cỗ có cao, mâm đầy, dù có đủ sơn hào hải vị, chiếc bánh sắn gói trong lá chuối trắng mọng soi rõ con tôm vàng rộm bên trong vẫn không thể thiếu được. Đó là đặc sản cây nhà lá vườn của một miền quê. Bà Duệ làm bánh sắn thật khéo tay. Thứ để hông gói trong lá chuối. Thứ vắt thành những chiếc hình quai sanh nhỏ và xinh luộc lên rồi ngào lại với mỡ, hành, thêm chút ớt bột the the... Lần ấy, chính bà Duệ là người động viên an ủi Mẫn nhiều nhất. Vợ Mẫn, cô giáo dạy văn ở một trường cấp hai ngoài Quảng Bình bị bom Mỹ giết chết cùng với mười em học sinh. Nhìn chiếc băng tang hình quả trám trên ngực áo của Mẫn, bà Duệ ứa nước mắt, nói với anh một câu vụng về nhưng rất chân thành: "Nói trộm vong hồn thím, chờ cho nguôi ngoai, tui có mấy đứa con gái, chú ưng đứa nào, tui cho...". Mẫn hiểu, đó là câu an ủi từ sâu thẳm những nghĩ suy của bà, ý nghĩ mộc mạc như hạt lúa củ khoai của một người mẹ Việt Nam. Mẹ mong các con bằng an, hạnh phúc. Trước nỗi đau của các con, mẹ sẽ làm tất cả những điều gì mẹ có thể làm được. Đó không phải là một lời động viên sáo rỗng, lấy lòng. Sau lần ấy, anh cũng không có dịp nào trở lại thôn Đông thăm bà, chỉ được ăn những chiếc bánh sắn bà gửi cho anh nhờ Thắng chuyển. Thế rồi bà bị bom sát hại. Ngẫm lại, Mẫn thấy lần ấy bà nói những điều mà giờ đây chắp lại thì là những điềm báo trước cho một sự ra đi. Khi nhìn bà viên những chiếc bánh sắn hình quai vạc, bà nói: "Con Nhị thì làm bánh được rồi. Còn con Tam thì nhác lắm. Không chịu làm. Nhưng lại mê bánh sắn. Tui mà chết đi, không biết ai làm cho mấy đứa...". Bây giờ, đứng trước thi thể nát vụn của bà, Mẫn thấy cái chết và cái sống như lẫn vào nhau. Trong cái sống đã có cái chết và trong cái chết cũng đang tồn tại cái sống. Dù bà Duệ đã vĩnh biệt cõi đời này để đi sang thế giới bên kia nhưng trong tâm tưởng của Mẫn, bà không bao giờ mất.
Thấy Mẫn cứ đứng trơ trơ, Thắng đến bên, hỏi nhỏ:
- Ý của bọ không muốn gộp chôn chung vào một mộ.
Mẫn bừng tỉnh, trả lời:
- Bọ nói đúng...
Thắng ghé sát tai Mẫn:
- Bây giờ không lẽ chia ba...?
Mẫn giằn giọng:
- Chứ sao nữa...!
Ông Duệ nghe câu trả lời của Mẫn, bước đến bên:
- Tôi cũng rất đau lòng khi quyết định như vậy. Nhưng để chôn chung càng đau đớn hơn...
Mẫn không nói gì, móc túi lấy chiếc khăn mùi soa bịt miệng. Anh nói nhỏ với cậu dân quân đi cùng điều gì đó. Anh dân quân gật đầu, chạy đi, một lát sau mang lại ba tấm nilon. Thắng trải ngay ngắn trên mặt cát và Mẫn cúi xuống bắt đầu chia đống thi thể ấy.
|
|
|
Logged
|
Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
|
|
|
dongadoan
Administrator

Bài viết: 7256
Cái thời hoa gạo cháy...
|
 |
« Trả lời #4 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2008, 06:10:11 pm » |
|
Ba con người chỉ có hai đầu, bốn cánh tay, ba xương đùi, ba cột sống không đủ đốt, xương sườn vụn nát. Mẫn làm việc ấy với vẻ kiên nhẫn và trách nhiệm. Ai cũng có một phần của chân tay, không quá nhiều cũng không quá ít. Riêng hai hộp sọ thì không thể chia ba. Ông Duệ ngồi xổm, nhìn thấy vẻ lưỡng lự của Mẫn khi cầm hai chiếc đầu méo mó, không thể nhận dạng được trên hai tay. Anh không thể đưa ra quyết định cho ai. Chính lúc ấy, ông Duệ lên tiếng:
- Chú ơi, chú dành cho cô Bái và anh Hùng. Bà nhà tôi thiếu cũng được.
Nói xong câu ấy, những giọt nước mắt ông nuốt vào lòng từ sáng đến nay cứ chực trào ra. Ông vụt đứng dậy, lảo đảo chạy đi, nấc lên từng đợt. Tiếng khóc quặn lòng của người đàn ông nghe nặng và đau, nghe như xát muối.
Những người dân quân đang đắp cát lên ba nấm mộ. Dù chỉ một nắm xương trong mỗi ngôi mộ nhưng trông bên ngoài, ba ngôi mộ ấy vẫn to và rộng. Mẫn thắp ba nén nhang cắm lên trên. Thắng chạy khắp trảng, đào về ba cây mua trồng lên phía đầu ba người. Khói hương thoang thoảng bay về phía trận địa 12 ly 7. Mắt Nhị như đang đóng đinh lên nền trời, ngửi thấy mùi hương thoang thoảng trong gió, chị bỗng rùng mình quay về phía trảng. Nhị nói như ra lệnh:
- Đồng chỉ Thỏn, đồng chí Hà, đồng chí Minh thay chúng tôi trực chiến!
Ba chiến sĩ đứng vào vị trí bên khẩu súng đang vươn nòng lên trời. Nhị chạy về phía Thắng, gục lên mộ mẹ:
- Mạ ơi...!
Ông Duệ, Liễm, Mẫn, Thắng và những người đứng đó không ai cầm được nước mắt. Cũng lúc ấy, khẩu 12 ly 7 của trung đội dân quân xã V nhả đạn. Một chiếc F 4 sà xuống cắt bom mé đường số 1. Tiếng bom nổ làm rung mặt đất. Nhị không kịp lau nước mắt, chạy như bay về phía trận địa pháo. Những người trên trảng cát đều khẩn trương nhảy xuống giao thông hào. Liễm pha trò:
- Tụi hắn đi cắt bom mô về cũng để dành cho xã miềng một quả...
Khói bom bay mù trời, trùm lên cả giao thông hào. Chiếc máy bay đã bay về phía biển. Một lúc sau, khói tan. Ông Duệ cầm chặt tay Thắng và Mẫn:
- Tạt về nhà tui chút đã!
Mẫn xiết chặt tay ông trong tay mình:
- Con và anh Thắng chiều nay có cuộc họp trên khu đội. Chắc bác và anh Liễm chiều nay cũng phải lên trên đó.
Ông Duệ gật đầu:
- Có, có. Giấy triệu tập bí thư chủ tịch... Ba người men theo giao thông hào, đi về phía làng, nơi có rặng phi lao bị bom chém đứt, từ xa trông như những mũi chông chọc thẳng lên trời.
|
|
|
Logged
|
Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
|
|
|
dongadoan
Administrator

Bài viết: 7256
Cái thời hoa gạo cháy...
|
 |
« Trả lời #5 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2008, 05:38:35 pm » |
|
Hai Ông Duệ dậy sớm hơn thường lệ. Bên ngoài, trời chưa sáng. Một vài tiếng pháo từ Dốc Miếu bắn sang tan nhanh trong bầu trời mênh mông màu xám. Tiếng chim Từ Quy cất lên từ một rặng tre xa xa. Hình như loài chim đã quen với tiếng bom đạn, vẫn làm những việc như tổ tiên chúng vẫn làm: đi kiếm ăn, xây tổ ở một lùm cây và khi màu đen của đêm nhạt hơn, mầm sáng phía chân trời hé ra chuẩn bị cho một ngày mới bắt đầu, chúng cất lên tiếng hát. Ông Duệ thắp một nén nhang cắm lên chiếc vỏ đạn ba bảy làm lư hương trong túp lều dựng tạm bên cạnh hầm ngủ. Bàn tay ông run rẩy bật lửa từ chiếc "máy" được ông ủ ấm bên mình suốt đêm qua. Có hai vật " bất ly", đó là chiếc bật lửa và gói thuốc rê, luôn được ông để trong túi ngực và được cài lại bằng một chiếc kim băng. Bao nhiêu lần chạy bom chạy đạn, nhiều vật quan trọng, quý giá đã phải "chia tay", trong đó có cả một mảng cơ đùi trên cơ thể ông bị mảnh bom cướp đi nhưng gói thuốc rê và chiếc bật lửa thì vẫn còn. Ngọn lửa như một giọt vàng chảy ra không phải từ một khối sắt nhỏ xíu nằm gọn trong lòng bàn tay mà chảy ra từ tim ông, bén vào mấy cây nhang khẳng khiu, bén vào cả nỗi cô đơn làm biến dạng nó trong chốc lát. Mỗi lần thắp hương cho bà, ông như được sống lại với chút kỷ niệm nhỏ nhoi lấy từ kho tàng hai người cất giữ hơn ba mươi năm qua, từ khi ông và bà làm bạn với nhau. Và những lúc như vậy, ông thấy mình đỡ cô đơn. Ông thường nhìn ra ngoài về hướng trảng cát, nuốt thầm tiếng thở dài để mấy người con khỏi nghe thấy. Gió thổi khói hương sang cả hầm bên cạnh, nơi Nhị và Tam đang ngủ. Một gia đình còn lại bốn người vẫn phải chia ra ngủ trong hai hầm chữ A để tránh rủi ro. Ông Duệ mắc võng nằm phía trên trong căn hầm với Tứ. Nhị và Tam nằm chung một hầm. Trong năm đứa con, trừ Ngũ và Lục đã sơ tán và đang được ăn học ngoài Nghệ An, ba người ở lại ông thương Tứ hơn cả. Không phải anh là con trai duy nhất, người sẽ nối dõi tông đường mà việc nghe tin mạ mất, Tứ xin thôi học để về với ông làm ông nghẹn ngào. Ông Duệ vừa tiếc cho con đường học hành dở dang của Tứ, vừa phục lòng hiếu thảo của đứa con mới bước sang tuổi mười tám. Hôm ấy, Tứ về vào ban đêm, đi bộ từ Quảng Bình vào. Quãng từ Nghệ An trở vào đi nhờ được xe của bộ đội. Ông Duệ đi họp. Nhị đưa em ra viếng mộ mẹ. Tứ không khóc, hai hàm răng nghiến chặt, bờ vai rung lên. Nhị hỏi: "Răng em lại về?". Tứ đáp: "Em về với bọ và mấy chị". "Em đang đi học!". "Em nghĩ chán rồi. Hết chiến tranh học tiếp cũng chưa muộn". "Lỡ chiến tranh kéo dài?". "Em không tin như vậy!" Thực tình, từ ngày Tứ về, ông Duệ đỡ trống trải hơn. Việc đồng áng Tứ làm gần hết. Cày, bừa, gieo mạ. Tam cũng giúp làm phân làm bổi. Bà Duệ mất, ông Duệ có thói quen dậy sớm, nấu ấm chè xanh, luộc sắn cho bữa ăn sáng. Nghe tiếng ông múc nước trong lu, Nhị từ trong hầm hỏi vọng ra: - Bọ dậy chi sớm rứa? Ông Duệ bắc nồi sắn lên bếp, cho thêm củi vào bếp Hoàng Cầm, chụm miệng thổi. Những cành dương cháy bùng lên, biến cái bếp đen đúa, lạnh lẽo thành một cái hang vàng rực. Những tiếng nổ nhỏ lép bép rộn lên, biến cái hang ấy thành chốn mê cung, cuốn hút ánh mắt ông. Ông hơ hai bàn tay trước ngọn lửa, người một lúc một ấm lên. Dòng suy tư mệt mỏi suốt đêm dài chập chờn trong tiếng đạn pháo như tan biến đi khiến ông mơ màng, không chú ý câu hỏi của Nhị. Nhị vỗ vào vai Tam mấy cái. Tam ú ớ rồi lại quay mặt vào vách hầm, định ngủ tiếp. Nhị giục: - Dậy giúp bọ một tay. Sáng nay chị và bọ phải lên họp trên xã. Tam quay lại. Hai mươi tuổi, người cô chắc khoẻ, nước da bánh mật, tóc ngang lưng và khi nào cũng được tết lại thành hai lọn gọn gàng. Ngược lại với tính tình trầm lắng và kiên quyết của Nhị, Tam có vẻ sôi nổi và không chín chắn bằng. Cô ngồi hẳn dậy, ôm ngang lưng Nhị, thì thầm: - Đêm qua em nằm mơ thấy mạ. Quần áo rách bươm. Mà răng mạ có một chân, một tay và không có đầu! Nhị gắt: - Tầm bậy! - Thiệt. Em nhận ra mạ nhờ giọng nói...!
|
|
|
Logged
|
Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
|
|
|
dongadoan
Administrator

Bài viết: 7256
Cái thời hoa gạo cháy...
|
 |
« Trả lời #6 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2008, 05:41:50 pm » |
|
Nhị rùng mình, một thoáng sợ hãi tràn ngập. Hôm ở ngoài trảng cát, sau khi chôn cất cho bà Duệ xong, ông Duệ nói thật với Nhị tình cảnh của bà lúc ấy. Nhị đã an ủi ông: "Rứa là may, bọ ạ. Nhiều người bị bom còn tan hết cả xác. Mạ rứa là may...". Cả ông Duệ và Nhị không ai kể cho Tam biết gì về việc đã xảy ra với bà Duệ. Thế mà giờ đây, giấc mơ của Tam như là một sự báo mộng của bà với con cái. Bà xuống dưới âm ty với một cơ thể không trọn vẹn, thiếu đầu, thiếu chân tay... Giấc mơ của Tam cứ ám ảnh lấy Nhị. Để xua đuổi hình ảnh hãi hùng ấy khỏi nghĩ suy của Tam, Nhị hỏi sang chuyện khác:
- Đội cứu thương của xã sáng nay tập không?
- Mới học xong cách băng bó. Sáng nay anh Bỉnh hướng dẫn cách sơ cứu. Mỗi đứa được phát một túi cứu thương.
Dù Nhị đã lái sang chuyện khác, Tam vẫn không yên lòng. Cô tự nói với mình:
- Răng mà lạ rứa? Bữa trước có chị với bọ ngoài đó. Có thiệt là mạ bị mất tay chân, mất đầu không tìm thấy không?
Nhị gắt:
- Không có chuyện đó!
Tam hơi yên tâm. Nhưng Nhị thì bối rối. Không lẽ nói thật cả chuyện ấy với Tam. Chẳng để làm gì. Nói ra lại làm Tam khiếp đảm. Nhị im lặng dỡ những khúc sắn còn nghi ngút khói ra khỏi nồi, thuận tay cho một khúc vào miệng, xuýt xoa khen: "Bọ luộc sắn ngon thật!". Ông Duệ ngồi uống nước chè xanh và ăn sắn luộc với Tứ. Bát nước đặc sánh tỏa khói. Đĩa sắn luộc nóng hổi. Đang ăn, Tứ dừng lại. Miếng sắn nhai dở đọng lại trong miệng anh tạo thành một vị ngọt thoang thoảng.
- Bọ này - Tứ hỏi ông Duệ - con nghe chú Liễm nói chiều qua, cả khu vực sẽ thành lập một đại đội du kích sang bờ Nam chiến đấu...
Ông Duệ cười, khẳng định điều con trai mình vừa nói:
- Có, có đấy. Trên nhận định chúng sẽ điều thêm quân để củng cố thêm hàng rào Mắc Na-ma-ra đang bị ta đánh mạnh.
Tứ nhìn ông, chần chừ một lúc rồi nói rất nhanh:
- Con muốn xin đi đợt này. Con đã nói với chú Liễm rồi.
Ông Duệ bị bất ngờ, hỏi lại:
- Chú ấy nói sao...?
- Chú ấy nói chuyện này do bọ quyết định. Ông Duệ rót từ trong ấm thêm một bát nước khác, cuộn một điếu thuốc rê. Những lúc cần phải quyết định một điều gì quan trọng, ông thường tìm đến với điếu thuốc, như tìm đến với một người bạn. Người bạn ấy làm ông ấm lòng và tin cậy, không gây cho ông một sự xáo trộn, ngược lại, ông tìm được từ người bạn luôn im lặng ấy một sự dễ chịu cần thiết. Những lá thuốc màu nâu sẫm tỏa ra một mùi thơm dìu dịu được bàn tay thuần thục của ông cuộn lại như một điếu xì gà nho nhỏ. Nhị và Tam vừa rửa mặt xong, bước lại bên chiếc chõng tre. Hình như Nhị cũng đã nghe được mẩu đối thoại của Tứ và bố. Chị nói:
- Chị thấy được, em nên đi đợt này!
Một thoáng buồn hiện ra trên khuôn mặt khắc khổ của ông Duệ. Ông chần chừ, không muốn trả lời ngay. Không phải ông sợ con mình sẽ hy sinh. Không, chắc chắn không phải vì lý do ấy. Ông là bí thư đảng ủy xã. Nhị, con gái đầu của ông cũng là một đảng viên, trung đội trưởng dân quân xã. Tứ đã bước sang tuổi mười tám, cao một mét bảy mươi, rắn rỏi và khỏe mạnh, xứng đáng đứng trong hàng ngũ những người dân quân đất tuyến sang sát cánh đánh địch với đồng bào, đồng chí bên bờ Nam. Lý do khiến ông không thể trả lời ngay đó là một khoảng trống vắng ghê gớm đang khoét sâu vào tâm hồn ông. Mất bà, ông như mất nửa cuộc đời. Không nói ra nhưng ai cũng biết, chỉ có sự hiện diện của Tứ mới làm cho nỗi đau của ông dịu đi chút ít. Ngoài cương vị của một đứa con, Tứ còn là một người bạn, một người đàn ông để ông có thể sớm khuya bộc bạch tâm sự của mình. Bây giờ, nếu đồng ý để Tứ ra đi, ông sẽ sống ra sao? Hơn thế nữa, Tứ là con trai duy nhất trong gia đình. Với những điều kiện như vậy, nếu ông để Tứ ở bên bờ Bắc với ông, ở trong đội du kích xã, chắc trong đảng ủy và ủy ban xã không ai có ý kiến gì. Chính Liễm cũng đã trao quyền quyết định ấy cho ông. Song, khi cái quyền ấy nằm trong tay mình, ông lại muốn đẩy quyền ấy lại cho Liễm. Đắn đo một lúc, ông nói:
- Con hỏi lại chú Liễm. Nhân sự là bên ủy ban chứ không phải bên đảng ủy...! Nhị đã bắt đầu cảm thấy điều vô lý trong câu trả lời của bố. Thường thì các anh bên ủy ban rất tôn trọng ý kiến của ông, kể cả nhiều việc thuộc phạm vi chính quyền. Chuyện ông không đồng ý cho Tứ đi chắc chắn phải có lý do. Nhị đã cảm thấy được phần nào lý do ấy. Một lý do rất mơ hồ mà chỉ có mấy đứa con ông mới hiểu và thật sự thông cảm cho ông. Nhị nói với ông những điều chị vừa nghĩ:
- Bọ ạ, thôi để con đi cho... Con đi tiện hơn...
Ông Duệ trừng mắt nhìn con gái:
- Không phải chuyện tiện hay không tiện. Vấn đề là bên xã đội và ủy ban cử ai.
Tứ không nói gì thêm, lặng lẽ gói mấy khúc sắn vào một mảnh báo, rót nước đầy bi đông, quẩy đôi sọt nhảy xuống giao thông hào, chào ông Duệ bằng một câu gọn lỏn:
- Con đi bứt bổi!
Thái độ ngúng nguẩy, không bằng lòng ấy làm ông Duệ day dứt. Tứ vừa đi được một quãng, ông chạy theo, nói to:
- Chuyện ấy, để sáng nay bọ bàn với chú Liễm cái đã...!
Tứ vẫn không quay lại nhìn bố, mất hút sau bờ hào.
|
|
|
Logged
|
Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
|
|
|
dongadoan
Administrator

Bài viết: 7256
Cái thời hoa gạo cháy...
|
 |
« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2008, 09:12:49 pm » |
|
Nhị và Tam cũng ăn qua quýt. Khi Nhị và ông Duệ lên xã, Tam cũng rời khỏi lán. Bên ngoài, trời hửng nắng. Gió lạnh. Tam khóac áo Tô Châu, cổ quấn khăn dù, đầu đội mũ cối men theo giao thông hào đi đến trạm xá.
Căn hầm dùng làm trạm xá cũng là khúc giao thông hào phình ra. Hai hầm chữ A ở hai phía hào. Thường thì sơ cứu xong là chuyển lên bệnh viện khu vực. Hôm qua, chúng nó ném bom huỷ diệt dọc theo trục đường Cáp Lài, con đường chính nối các xã vùng tuyến với đường số một. Đường bị cắt, bệnh nhân ùn lại chật cả hai hầm, ngoài dân ra còn có cả bộ đội, dân quân. Khi Tam đến, Tú, y sĩ trưởng trạm đang to tiếng:
- Lề mề bỏ mẹ! Kế hoạch chuyển bệnh nặng chiều qua, giờ vẫn chưa nhúc nhích.
Một thanh niên, mặc chiếc áo khoác đã cũ, cãi lại:
- Eng có nhiệm vụ mấy eng, mấy út có nhiệm vụ mấy út. Chiều qua nó đánh dữ quá, đi mà chết à?
Tú gay gắt:
- Sợ chết ra ngoài Tân Kỳ mà ở. Đây không chấp nhận những thằng hèn nhát.
Người thanh niên đã không nén được giận, mặt đỏ gay, nhảy xổ đến trước mặt Tú, túm lấy cổ áo:
- Anh nói ai hèn nhát?
Tú núng thế, ú ớ, mặt tái mét. Nghe tiếng ồn, Tam chạy vào, gỡ tay người thanh niên, mắng xối xả:
- Bỏ tay ra! Mấy eng làm chi rứa!
Tam nhận ra, người thanh niên hùng hổ ấy là Tuấn, đội trưởng đội tải thương. Tuấn người thấp bé, chân vòng kiềng, khám bộ đội không lần nào trúng. Phải ở lại xã làm cái anh chuyển thương, Tuấn cũng "tâm trạng" lắm. Trai tráng trong làng, trong xã người có "máu mặt" đã vào bộ đội, bét ra cũng dân quân xã, còn Tuấn, xin mãi mới được xã cho giữ chân đội trưởng đội chuyển thương. Tú cũng trạc tuổi Tuấn, mới học y sĩ ngoài Quảng Bình về, được phân công làm trưởng trạm, là cấp trên của Tuấn, nói năng nhiều lúc không cân nhắc làm Tuấn rất tự ái. Thế là có chuyện lời qua tiếng lại sáng nay. Tú hơi ngượng với Tam nhưng Tuấn cũng rất cần cho công việc của trạm nên anh đành phải xuống giọng:
- Thôi, đừng có giận. Miềng cũng vì công việc!
|
|
|
Logged
|
Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
|
|
|
dongadoan
Administrator

Bài viết: 7256
Cái thời hoa gạo cháy...
|
 |
« Trả lời #8 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2008, 09:14:31 pm » |
|
Tam không nói gì thêm, chui vào hầm chữ A bên trái. Căn hầm chật, cả bảy tám người, lớp nằm võng, lớp nằm liếp như nêm. Mùi vết thương mưng mủ, mùi tanh nồng của máu khô, mùi mồ hôi người làm cô có cảm giác nghẹt thở. Phía trong cùng, một anh bộ đội còn trẻ. Tam chưa biết anh ta, liền hỏi:
- Tên anh là chi?
Anh bộ đội trả lời bằng giọng Bắc:
- Tôi tên là Minh.
- Anh ở đơn vị nào?
- Tôi mới được bổ sung vào tiểu đoàn hai.
- Đại đội mấy?
- Đại đội ba.
- Rứa anh là quân của thủ trưởng Thắng.
- Anh bị thương đơn vị đã biết chưa?
- Biết rồi. Tôi bị thương chiều qua trên đường về đơn vị.
Những thương binh nặng được chuyển ra hầm lớn bên ngoài. Tú trực tiếp khám bệnh, bổ sung hồ sơ. Tam và Hiền thay băng, chuẩn bị chuyển về bệnh viện khu vực và bệnh xá khu đội.
Vết thương của Minh không nặng lắm. Một mảnh bom xé toạc chiếc quần Tô Châu, cắm vào bắp vế. Mảnh bom đã được Tú lấy ra và băng lại. Khuôn mặt Minh đỏ bừng, tóc bết lại thành từng mớ dính lẫn cả bùn đất. Tam cắt rộng ống quần, mở băng kiểm tra vết thương cho Minh. Trên nền da đùi trắng xanh phủ một lớp lông tơ của chàng trai mới lớn, Tam đỏ mặt vì ân hận đã rạch ống quần quá cao. Vết thương phía trước đùi, hơi lùi vào phía trong, rất gần cơ quan quan trọng của người con trai làm cô lúng túng. Vừa mới dùng panh cặp lớp băng cũ thấm máu, Tam phải cắn môi khi lớp da màu hồng đỏ chín quanh vết khâu phù lên. Một lớp nước màu vàng sền sệt ứa ra. Minh đưa hai tay bịt mắt, người co lại khi Tam kéo những sợi vải từ chiếc băng dính chặt vào vết thương. Chiếc panh trên tay cô bỗng chùng lại. Cả một mảng băng cứ dính chặt vào vết thương. Máu đã bắt đầu rỉ ra. Tam đang ở trong một tâm lý giằng xé. Ngượng với một chàng trai chưa quen biết. Xót xa vì vết thương của Minh đã bắt đầu nhiễm trùng. Tháng trước, một thương binh bị thương ở vị trí thấp hơn, ngay sau cẳng chân bị nhiễm trùng hoại thư sinh hơi phải tháo bỏ cả chân. Bây giờ, dù Minh trong tình trạng còn tỉnh táo nhưng trong tâm tưởng của cô, hình ảnh người thương binh bị tháo mất một chân cứ chờn vờn. Tam rùng mình, thấy trước mắt mình từng đàn đom đóm đang bay. Trán cô vã mồ hôi, tim như có ai xiết mạnh. Cô chao đảo, đổ xuống người Minh, chiếc panh văng ra xa.
|
|
|
Logged
|
Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
|
|
|
dongadoan
Administrator

Bài viết: 7256
Cái thời hoa gạo cháy...
|
 |
« Trả lời #9 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2008, 09:16:05 pm » |
|
Một tiếng pháo nổ gần làm Tam tỉnh lại. Cô đang nằm trên cáng. Bệnh nhân đã được chuyển đi hết. Bên ngoài, nắng nhạt trên những ngọn phi lao phía trước hầm. Ông Duệ đang ngồi bên cô. Có cả chị Nhị. Bóng hai người nhòa nhạt trước mắt cô, rồi rõ dần, rõ dần. Tam cầm lấy tay ông Duệ:
- Bọ...!
- Con có sao không? Nhị lau những giọt mồ hôi còn vương lại trên trán em, vừa cười vừa đùa:
- Rứa mà cũng đòi học bác sĩ! Giọng Tam yếu ớt:
- Có lẽ tại em nhìn thấy máu. Anh Minh đâu rồi chị?
- Anh Minh nào...? Tam ngượng ngùng:
- Cái anh mà em đang thay băng...
- À, trên bệnh xá khu đội chuyển về rồi.
- Em thấy hơi lo lo. Vết thương đã bắt đầu nhiễm trùng... Ông Duệ trao cho Tam một bát nước chè pha đường, khuấy bằng một đôi đũa:
- Con uống đi. Trên bệnh xá khu đội có cả bác sĩ. Tam bê bát nước, uống ừng ực. Sáng nay, cô không ăn uống. Thường, cô cũng ăn rất ít. Cứ sợ ăn nhiều rồi mập ra. Hai chị em nhưng hai tính nết. Nhị rất thực tế, buổi sáng trước lúc đi khỏi nhà là phải ăn cho chắc dạ. Tam thì đỏng đảnh, lúc ăn, lúc không.
|
|
|
Logged
|
Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
|
|
|
|