Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:37:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức về sư đoàn phòng không cận vệ đỏ  (Đọc 14564 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 06:21:21 am »

      
        - Tên sách: Hồi ức về sư đoàn phòng không cận vệ đỏ

        - Tác giả: Thiếu tướng Trần Văn Giang

        - Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân

        - Năm xuất bản: 2003

        - Số hoá: ptlinh

        - Hiệu đính: Giangtvx
        
           
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
       
        Thiếu tướng Trần Văn Giang, nguyên Phó tư lệnh về chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân chủng Hải quân, nhưng đã từng công tác ở Binh chủng Pháo binh, nhất là có thời gian dài gắn bó với Quân chủng Phòng không - Không quân.
        
        Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, với cương vị Chính ủy Sư đoàn Phòng không 361- Sư đoàn phòng không Cận Vệ Đỏ, bảo vệ thủ đô Hà Nội, đồng chí đã góp phần lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn phối hợp, hiệp đồng cùng các đơn vị, địa phương bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của chúng vào Thủ đô Hà Nội và thành phố Cảng Hải Phòng tháng Chạp năm 1972. Sư đoàn đã được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
        
        Theo bước chân Sư đoàn, bằng những sự kiện, nhân chứng - tư liệu xác thực của một cán bộ dày dạn trận mạc, có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, với cách viết dung dị, rất trẻ, cuốn hồi ức đã tái hiện khá sinh động, phong phú ý chí quyết tử canh giữ bầu trời Tổ quốc của bộ đội Phòng không - Không quân, nhất là tập thể cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361 - những ngày đêm ác liệt bảo vệ Thủ đô trong trận "Điện Biên Phủ trên không".
        
        Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu.


NHÀ XUẤT BẢN            
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN        
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Sáu, 2020, 07:12:32 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 07:11:53 am »

       
Cuộc hành quân đầu tiên đến với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời
       
        Chiến dịch Đông Xuân 1952 - 1953 ta thắng lớn. Cả vùng Tây Bắc rộng lớn dược giải phóng. Tôi đang là Phó chủ nhiệm chính trị Đại đoàn 316 đóng quân tại vùng Sơn La thì có lệnh gọi về Bộ gấp đi làm nhiệm vụ mới. Lúc này cơ quan Bộ đóng ở vùng chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Anh Chu Huy Mân và Phòng Chính trị Đại đoàn 316 lưu luyến tiễn và cho tôi mượn xe đạp để đi cho nhanh. Lại cử đồng chí Quận đi theo giúp đỡ và bảo vệ, phòng bất trắc. Ngoài biệt kích thổ phỉ ra hồi này động rừng, hổ đói hay lang thang kiếm mồi, đã nhiều lần giữa ban ngày nhảy ra vồ bò, vồ cả dân công.
       
        Một cuộc hành quân cấp tốc gồm hai người, hai ba lô, hai bi-đông nước, hai túi lương khô, một súng ngắn, một cạc-bin và một xe đạp! tất cả trên chiếc xe đạp hồi đó không có đèo hàng. Hai anh em thay nhau gò lưng đạp. Gió tây bắc lạnh căm căm mà hai anh em mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Đường rừng núi Tây Bắc mới giải phóng lúc này rất vắng vẻ. Có khi đi hàng giờ chả gặp một người. Vừa đạp xe, tôi vừa bàn với Quận những động tác chiến đấu cần thiết khi gặp biệt kích và hổ.
       
        Cảnh núi rừng dọc đường sao mà đẹp! Sương chiều buông sớm xuống các dãy núi, rừng cây phủ một màu xanh lam bàng bạc. Hàng cây bên đường gió thổi ngả nghiêng như lưu luyến vẫy tiễn tôi lên đường! Đèo cao, dốc xuống, suối reo rồi lại đèo cao, trùng trùng điệp điệp… Đến cao nguyên Châu Mộc thì tối, sương xuống đầy trời phủ màu xanh thẫm lên cây cỏ và cả mặt đường. Phải vào hang Xồm Lồm nghỉ.
       
        Việc đầu tiên là nhặt củi đốt để chống cái lạnh thấu xương. Có ánh lửa rồi chọn tìm chỗ nằm an toàn nhất. Vơ lá vào làm giường hai anh em ngủ chung. Hơ cái bi-đông nước lên lửa để uống cho ấm bụng, mở lương khô ra ăn. Vừa ăn vừa trao đổi thêm về vị trí chiến đấu trong đêm. Giấc ngủ chập chờn nhưng cũng chợp được những lúc rất ngon. Gần sáng lạnh quá. Lạnh từ xương sống, cứ run cả người không ngủ được nữa, hai hàm răng cứ phải nghiến chặt. Cũng đã hơn 4 giờ sáng, dậy lấy đám lá nằm ra đốt dần cho đỡ cóng và lại hơ bi-đông lên đun nóng nước uống cho ấm bụng. Làm mỗi người một miếng lương khô rồi lại hăm hở lên đường. Cảnh Sơn La, rồi Hòa Bình, rồi Phú Thọ, Tuyên Quang lùi nhanh sau những bánh xe quay!
       
        Gần đến đèo Khế thì gặp anh Nguyễn Hải, đang ngồi uống nước trong quán dọc đường. Anh gọi tôi lại, hăm hở kéo tôi ra thật xa chỗ quán nước có người rồi mới ghé tai tôi lộ bí mật:
       
        - Chúc mừng Văn Giang! Cậu được chọn đi học nước ngoài chuẩn bị thành lập D.C.A.
       
        Rồi anh trợn mắt giơ tay: một tiểu đoàn đã 36 ki-lô-mét giây điện thoại rồi! Mà sáu tiểu đoàn cơ giới hóa tất! Hành quân cả trung đoàn dài hàng chục cây số! Hiện đại lắm!
       
        Bắt tay cám ơn anh, tôi lại hăm hở lên đường đạp về Bộ. Các anh ở Cục Cán bộ và Cục Tổ chức cho biết:
       
        - Đoàn hơn một trăm cán bộ đi học cao xạ pháo ở Trung Quốc do anh Nguyễn Quang Bích làm trưởng đoàn đã lên đến Thẩm Dương. Anh Văn Giang làm Chính trị viên, bí thư chi bộ, cần đi đuổi gấp.
       
        Qua các anh tôi được biết Bác Hồ trong dịp qua Liên Xô làm việc với Xta-lin, đã đề nghị Liên Xô giúp trang bị một trung đoàn pháo cao xạ. Nhờ uy tín của ông Cụ mà Liên Xô nhận giúp về vũ khí, còn Trung Quốc nhận giúp đỡ đào tạo cán bộ và chiến sĩ cho trung đoàn này.
       
        Nghe tin, tôi rất phấn khởi và sốt ruột xin đi ngay, đỡ muộn học nhiều quá. Tôi sang Văn phòng Tổng cục Chính trị tìm gặp đồng chí Huân xin cuốn Việt Hoa đối thoại loại nhỏ, bỏ túi mang đi phòng thân, chắc chắn là sẽ cần dùng đến.
       
        Chiều hôm đó, ra khỏi cơ quan Bộ tôi mời đồng chí Quận về chỗ nhà tôi sơ tán cách đấy khoảng gần 20 ki-lô-mét. Sau khi đứa con đầu lòng của chúng tôi qua đời, vợ tôi xin vào công tác tại Ban Quân y Đại đoàn 316. Đi chiến dịch Tây Bắc 1952 - 1953. Sau khi giải phóng Sơn La, vợ tôi được về hậu phương nghỉ vì bụng to, thai đã sáu, bảy tháng. Để vợ yên tâm chuẩn bị vượt cạn một mình, tôi đã nói với vợ là sắp đi công tác nước ngoài khoảng một hai năm. Sáng sớm hôm sau cuộc hành quân, hai người đèo xe đạp lại tiếp tục từ đường 3 vượt ngang qua Bình Gia, Bắc Sơn sang đường 1. Qua Lạng Sơn, Kỳ Lừa lên thẳng Đồng Đăng. Đến trước Hữu nghị quan tôi lưu luyến và xúc động chia tay em Quận, cám ơn em đã vì tôi mà vất vả mấy ngày đường. Cho em hai ngày phép về thăm gia đình ở Cao Bằng, sau đó mang xe đạp về trả và cám ơn Phòng Chính trị Đại đoàn 316.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 07:17:02 am »

       
        Chia tay Quận, tôi xốc ba lô bước vào Hữu nghị quan, đi bộ thẳng một mạch lên Bằng Tường cách biên giới khoảng ba, bốn giờ đi bộ tìm vào bộ phận tiền trạm của Biện xự xứ Việt Nam ở Nam Ninh. Các đồng chí đãi tôi một bữa cơm và mua cho tôi một vé xe lửa lên thành phố Nam Ninh. Gọi điện thoại cho cơ quan Biện xự xứ Việt Nam ở Nam Ninh ra đón tôi ở sân ga xe lửa.
       
        Các đồng chí ở Biện xự xứ Việt Nam và Biện xự xứ Trung Quốc ở Nam Ninh cho biết phải chờ khoảng bảy, tám ngày nữa mới có một cán bộ Giải phóng quân Trung Quốc biết tiếng Việt Nam và biết đường đi dẫn tôi lên thành phố Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc. Tôi không vui khi nghe tin này! Cán bộ Giải phóng quân không biết tiếng Việt cũng được, miễn là biết đường đi và chỗ đến!
       
        Khoảng ba giờ sau đó đồng chí Lý Dinh Trưởng (tiểu đoàn trưởng họ Lý) được giới thiệu sang dẫn tôi lên Bắc Kinh, giao tôi cho Bộ Tư lệnh Pháo binh Trung Quốc. Tôi được bố trí ngồi ở một toa xe tương đối lịch sự. Đồng chí Lý thì ngồi toa sau. Ngoài ba bữa ăn và lúc ngủ ra, tôi toàn sang ngồi .với Lý Dinh Trưởng và thực hành tập nói và nghe tiếng Trung Quốc (theo cuốn Việt Hoa đối thoại mang theo). Cả nói ngọng, cả viết chữ nho sai, cả vẽ tranh và cả làm hiệu tay khi cần! Tôi và Lý Dinh Trưởng nghe và hiểu nhau rất nhanh, trao đổi được vài câu cần thiết và nhanh chóng trở thành bạn. Nghe bạn Việt Nam hay nói những từ, những câu chắp ngô nghê Lý Dinh Trưởng cười vui, thú vị lắm. Đến lúc này tôi mới thấy lợi ích to lớn của việc tôi hay lê la học mót ở lớp học của cụ đồ nho Nghệ An dạy các anh và các chú hồi tôi còn năm, sáu tuổi và cả việc tôi hay quan tâm hỏi bố tôi về những chữ trên các đôi câu đối treo ở nhà thờ gia đình, ngoài đình, đền, miếu. Lại càng yên tâm vì từ cuối năm 1950, thành lập Trung đoànSơn pháo 675, tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc đồng chí cố vấn Trung Quốc của trung đoàn mà đôi khi không muốn phiền đồng chí phiên dịch.

*

*        *
     
        Gần đến ga Vũ Hán có mấy đồng chí Giải phóng quân Trung Quốc lên kiểm tra hành khách cùng toa tôi ngồi, một số hành khách được thương lượng rời xuống toa dưới. Một đồng chí hỏi tôi mấy câu dài, tôi không hiểu, tôi chỉ lắc đầu: "pu tửng” (chú thích: tiếng Trung Quốc nghĩa là không hiểu)
       
        Sau cùng đồng chí hỏi mãi bí quá, tôi viết mấy chữ “vấn Lý Dinh Trưởng tại…” và chỉ tay xuống toa sau. Lý Dinh Trưởng được mời lên. Khai những gì không rõ. Các đồng chí gật đầu chào thân thiện rồi đi. Đến ga Vũ Hán, một đoàn cán bộ Giải phóng quân lên tàu. Toàn mặc đồ dạ xám, người nào cũng hồng hào, to lớn, chắc là một đoàn cán bộ cao cấp của Giải phóng quân. Người đi đầu vừa bước vào toa thì đồng chí bộ đội kiểm soát bước ra chào và báo cáo gì đấy, tay trái chỉ vào tôi. Ông này đi thẳng vào, chủ động chào và ngồi xuống ghế đối diện với tôi, dáng vẻ rất vui mừng thân thiện. Ông cười nói:
       
        - Nỉ, Duể Nan putuây! (Đồng chí là bộ đội Việt Nam)
       
        Tôi cũng cười chỉ vào ông:
       
        -Nỉ Trung Quổ putuây (Đồng chí là bộ đội Trung Quốc)
       
        Ông lại cười cầm lấy tờ giấy có máy chữ Trung Quốc tôi đang học. Rồi lấy bút viết ba chữ: Hồ Chí Minh. Tôi cũng viết hai chữ Mao . . . Đông, không viết được chữ Trạch.
       
        Ông thân ái điền vào giữa chữ Trạch. Rồi lại viết tiếp hai chữ Trường Chinh. Tôi hí hoáy viết mãi mới xong ba chữ Lưu Thiếu Kỳ. Đồng chí cười vui chữa chỗ tôi viết sai. Rồi lại viết tiếp: Phạm Văn Đồng. Tôi bí quá không viết được chữ Chu, chữ Ân cũng quên. Ngập ngừng mãi, rồi tôichỉ vào chữ Phạm Văn Đồng và nói:
       
        -Duê Nan tơ Chu Ân Lai (nghĩa là ông Chu Ân Lai của nước Việt Nam).
       
        Thấy tôi dùng được chữ tơ (đích) trong một câu ngộ nghĩnh ông phá lên cười và vẫy gọi các đồng chí khác đến kể lại chuyện bút đàm của hai chúng tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 07:21:55 am »

       
        Nhìn ông nói, nhất là lúc ông cười tôi chợt nhớ ra: ông này mình quen mặt rồi và tôi nghĩ ngay đến danh sách và ảnh chụp 10 vị nguyên soái Trung Quốc đã tôn vinh - đăng trong một quyển báo ảnh của Trung Quốc. Ông này nguyên soái ư? Có thể đấy! Mình phải tìm cách, hỏi cho ra mới được. Tôi xin lỗi, giả vờ có việc đi xuống toa dưới hỏi thầm Lý Dinh Trưởng:
       
        - Tướng quân nào ngồi cạnh tôi đấy?
       
        Lý Dinh Trưởng nói vào tai tôi:
       
        - Tư lệnh dã chiến quân đấy!
       
        Đúng rồi! Nguyên soái rồi! tôi hấp tấp về chỗ cầm bút viết ngay hai chữ và quan sát nét mặt ông. Ông cười đọc: Lâm Bưu! - Mặt vẫn tỉnh bơ.
       
        Tôi lại viết hai chữ khác và quan sát nét mặt ông. Ông vẫn thản nhiên đọc: Trần Nghị. Tôi viết tiếp, lần này chỉ được một chữ Đức và khoanh tròn hai chỗ trống hai bên. Ông lại cười và thản nhiên điền thêm vào chỗ trống và đọc: Bành Đức Hoài!
       
        Tôi hơi thất vọng - Chu Đức tôi đã nhớ mặt trong các phim thời sự. Cả Hạ Long có bộ râu mép, tôi cũng nhớ. Thế là không phải năm ông rồi! Chữ Lưu Bá Thừa thì rất khó viết. Chữ Nhiếp Vinh Trăn thì tôi chưa biết bao giờ. Bí quá tôi chỉ vào ông và bập bẹ lấy được một câu:
       
        - Bộ đội Việt Nam rất kính trọng các đại tướng quân Trung Quốc!
       
        Ông cười rạng rỡ rồi nhổm lên đặt hai tay vào hai vai tôi nói:
       
        - Cám ơn! Cám ơn đồng chí Việt Nam.
       
        Rồi ông xoay ra hỏi tôi đã có vợ chưa? Tôi gật đầu và úp hai bàn tay khum khum vào bụng ra hiệu là vợ tôi đang sắp sinh con. Ông nói một câu mà tôi chỉ nghe được ba chữ. Tôi đoán là chúc vợ tôi sinh con trai nối nghiệp bố đi bộ đội đánh đế quốc.
       
        Sắp đến Bắc Kinh. Lý Dinh Trưởng đã thập thò ở cửa ra vào làm hiệu cho tôi. Tôi vừa rướn người lên để lấy cái ba lô thì ông đã nhanh tay cầm lấy rồi quàng ba lô vào một bên vai ông. Lý Dinh Trưởng mắt tròn xoe, lễ phép đến xin lại chiếc ba lô. Ông xua tay rồi thân mật dắt tôi xuống tàu. Ra cửa ga Bắc Kinh đã thấy hai chiếc xe của ông đến đón, nhưng ông chưa lên mà vẫn cầm tay tôi, đợi xe của Bộ Tư lệnh Pháo binh đến đón mới giao ba lô cho tôi, bắt tay chia tay tôi. Thật là ân cần, thật là chu đáo!
       
        Xe chạy rồi tôi hỏi Lý Dinh Trưởng:
       
        - Nguyên soái nào đấy?
       
        Đồng chí nhìn tôi vẻ hể hả:
       
        - Đại tướng Trần Canh dấy!
       
        Tôi giật mình: thôi chết rồi! Đại tướng Trần Canh mà tôi đã được gặp trong bữa tiệc Bác Hồ khao quân sau chiến dịch Biên Giới đại thắng! Sao mình lại có thể vô tâm đến nỗi không nhớ ra! Nếu tôi nhớ ra và viết được hai chữ Trần Canh thì hay biết bao! tình nghĩa biết mấy! Mỗi khi nhớ lại tôi lại tự trách mình!

*

*        *
       
        Đưa tôi vào Bộ Tư lệnh Pháo binh, Lý Dinh Trưởng chào từ biệt tôi. Tôi lưu luyến tiễn đưa người thầy đầu tiên dạy tiếng Trung Quốc cho tôi, người bạn đường đã ân cần giúp tôi trên đoạn đường mấy ngàn cây số ấy. Tôi nghỉ tại Bắc Kinh một ngày. Hôm sau một đồng chí khác tên là Lưu Đoàn Trưởng (Trung đoàn trưởng họ Lưu) - dẫn tôi lên thành phố Thẩm Dương ở vùng đông bắc Trung Quốc.
       
        Tại Trường Sĩ quan Cao xạ Thẩm Dương, chúng tôi được học tính năng và cấu tạo pháo cao xạ 37 mm, nguyên tắc chiến thuật của đại đội, của tiểu đoàn, của trung đoàn pháo cao xạ trong chiến đấu độc lập, chiến đấu hiệp đồng, và bảo vệ bộ binh trong chiến đấu tiến công, phòng ngự.
       
        Ngày 1 tháng 4 năm 1953, Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367. 2700 cán bộ chiến sĩ tập trung tại khu rừng xã Bộc Nhiêu huyện Định Hóa - Thái Nguyên. Sau đó lên đường sang Tân Dương thuộc tỉnh Quảng Tây nhận pháo mới, chuẩn bị thao trường và chuẩn bị đón chúng tôi về.
       
        Sau 5 tháng, lớp học chúng tôi kết thúc. Chúng tôi cùng về Quảng Tây làm khung cho các trung đội, đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn bộ. Anh Lê Văn Tri được quyết định làm Trung đoàn trưởng, anh Đoàn Phụng làm Chính ủy, các anh Nguyễn Quang Bích, Hoàng Khải Tiến làm Trung đoàn phó, anh Lê Văn Thiêm làm Trung đoàn phó - Tham mưu trưởng, anh Ngô Từ Vân, Phó chính ủy, tôi làm Chủ nhiệm chính trị, Phó chính ủy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 07:24:28 am »

       
        Giữa lúc đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ trong nước sang, đến thăm đơn vị, chuyển lời căn dặn của Bác Hồ:
       
        Không quân là chỗ mạnh của giặc Pháp. Muốn đánh thắng Pháp chúng ta cần có bộ đội pháo cao xạ mạnh để trị chỗ mạnh của chúng. Đừng quên những tội ác chồng chất của không quân Pháp với đồng bào ta. Muốn trả thù cho đồng bào phải bắn rơi nhiều máy bay địch. Muốn bắn rơi máy bay địch phải học tập tốt, giữ gìn súng đạn tốt.
       
        Một cuộc thi đua huấn luyện và học tập sôi nổi được phát động. Chiến sĩ tiến bộ rất mau mà cán bộ trưởng thành cũng nhanh chóng.
       
        Đầu năm 1954, trung đoàn chia làm ba đợt hành quân về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự xuất hiện của pháo cao xạ Việt Nam là một sự bất ngờ lớn đối với quân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ! Ta bắn rơi 52 máy bay các loại, bắn bị thương 117 chiếc khác, đẩy lui và giành lại quyền làm chủ bầu trời Điện Biên góp phần vào chiến thắng Điện Biên lẫy lừng.
       
        Hòa bình lập lại, ngày 21 tháng 9 năm 1954 Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đại đoàn 367 . Ngoài các tiểu đoàn cao xạ dã chiến đi theo các đại đoàn bộ binh có ba trung đoàn cao xạ pháo hỗn hợp (pháo cỡ nhỏ và cỡ trung). Tôi được bổ nhiệm làm Chính ủy của Trung đoàn 689 về tiếp quản Hải Phòng. Sau đó lên làm Phó chủ nhiệm Chính trị Đại đoàn cho đến năm 1959 được cử đi học chính trị cao cấp 10 tháng rồi được điều về làm Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân.
       
        Thế là cuộc hành quân đầu xuân 1953 từ Tây Bắc sang Việt Bắc đến Đông Bắc, vượt biên giới Việt Nam - Trung Quốc lên đông bắc Trung Quốc đã chuyển tôi từ lính bộ binh sang lính phòng không cao xạ. Từ hai năm cuối chiến tranh chống Pháp đến mấy năm sau hòa bình lập lại tôi đã được phục vụ bảy năm trong binh chủng pháo cao xạ. Trong bảy năm ấy tôi đã học được nhiều điều. Nhưng có lẽ điều học được sâu sắc nhất là lời căn dặn của Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sang Trung Quốc truyền đạt lại cho chúng tôi.
       
        Lời dặn của Bác chính là bài học vỡ lòng đối với chúng tôi về Binh chủng Pháo cao xạ nói riêng - lúc đó - cũng như nói chung với Quân chủng Phòng không - Không quân sau này.
       
        Về Hải quân, xa Binh chủng Pháo cao xạ chưa được 5 năm thì cuối tháng 4 năm 1965 đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, tôi lại được điều về làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 07:29:05 am »

       
Những thử thách đầu tiên của sư đoàn phòng không cận vệ đỏ
       
        Bầu trời Thủ đô từ xa xưa đã nổi tiếng bởi sự trong xanh với những đám mây trắng phau bềnh bồng trôi thanh thản. Có những ngày đông, mây xám nặng nề che phủ. Có những buổi trưa hè mây trắng vần vũ đầy trời. Nhưng mây rồi, mưa rồi, giông bão rồi, trời lại trong xanh, trong xanh đến tuyệt diệu.
       
        Mấy chục năm trước, hồi còn cắp sách đến trường, đã nhiều buổi tôi ngẩn ngơ ngắm cảnh trời mây tuyệt đẹp của Hà Nội lung linh trên mặt nước Hồ Gươm. Nhiều đêm, tôi đã thấy cả một trời đầy sao lộng lẫy, như gấm thêu hoa trên mặt nước bát ngát của Hồ Tây. Tôi nghĩ chắc hơn chin trăm năm trước, Lý Công Uẩn đến đây, cảnh trời đất nơi này cũng đẹp như thế.
       
        Những năm trước đây, mỗi khi chợt nghe âm điệu "Đây lắng hồn núi sông ngàn năm… đây Thăng Long… đây Đông Đô... đây Hà Nội… Hà Nội mến yêu…" là tôi lại thấy lòng bồi hồi xao xuyến.
       
        Cuộc đời đưa đẩy làm sao mà đầu tháng 5 năm 1965, khi Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội chuẩn bị thành lập, tôi được điều về làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Hà Nội.
       
        Để cứu vãn chiến lược "chiến tranh đặc biệt" đang thảm bại, Mỹ đã đổ bộ mấy chục vạn quân vào chiến trường miền Nam, đồng thời mở "chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc: Tham mưu trưởng không quân Mỹ Cơ-tit Li-may (Curtis Le May) tuyên bố huênh hoang rằng:
       
        "- Hà Nội hãy sờ lên gáy mình, dưới bom đạn Mỹ, Bắc Việt sẽ không chịu nổi vài tuần... Chúng ta phải phá hủy mỗi nhà máy, cơ sở công nghiệp bắt đầu bằng những phi vụ phá hoại lớn nhất, tốt nhất và không bao giờ ngừng cho đến khi không còn hai viên gạch dính vào nhau. Làm như thế tức là chúng ta kéo lùi Bắc Việt trở lại thời kỳ đồ đá".
       
        Hà Nội - mục tiêu nhạy cảm nhất, quan trọng nhất - tất nhiên là mục tiêu số 1 của Mỹ.
       
        Trong cuộc đọ sức thần kỳ này - theo lời anh Lê Quang Hòa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lúc đến thăm đơn vị: anh Văn Giang được bổ nhiệm về làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội - Sư đoàn Phòng không Cận Vệ Đỏ của Trung ương Đảng và Bác Hồ - có nhiệm vụ bảo vệ trái tim của cả nước, bảo vệ cơ quan đầu não cuộc kháng chiến thần thánh của toàn dân ta đang thực hiện quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhiệm vụ quan trọng và nặng nề thế nào không phải nói, chắc anh đã hiểu.
       
        Trong buổi giao nhiệm vụ, anh Phùng Thế Tài, Tư lệnh và anh Đặng Tính, Chính ủy Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân đã giới thiệu cặn kẽ tình hình và nhiệm vụ chung của Quân chủng, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của bộ đội phòng không Hà Nội. Giới thiệu xong, cả hai anh nhìn tôi cười, cái cười như bao hàm một câu hỏi, một sự khích lệ. Anh Tài cười với cái miệng rộng, hàm răng trắng đều dưới vầng trán hói tận đỉnh đầu; anh Tính có hàm răng khấp khểnh giữa bộ râu tua tủa, cặp mắt sắc sảo, ấm áp chân tình tôi đã cảm nhận ngay một tình đồng chí, đồng đội thật gần gũi, tin cậy.
       
        Tôi đến trình diện và báo cáo nhiệm vụ với các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền thành phố. Anh Nguyễn Lam - Bí thư Thành ủy, anh Trần Sâm - Phó bí thư, anh Trần Duy Hưng - Chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố và anh Trần Vỹ - Phó chủ tịch tiếp tôi trân trọng mà cũng rất thân tình. Các anh hỏi ngay những khó khăn hiện nay. Vừa mới thành lập, Bộ Tư lệnh chúng tôi ví như người mới ra ở riêng, thiếu thốn trăm bề, nhưng tôi chỉ trình bày một khó khăn là Sư đoàn bộ đang ở một chỗ quá chật chội. Nơi đây không đủ chỗ triển khai Sở Chỉ huy, ba cơ quan... lại còn một hội trường để họp và tập huấn cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn và có khi đến cả cấp đại đội. Ngay lập tức các anh quyết định cho mượn Trường Đảng Lê Hồng Phong trên đường Láng, ven sông Tô Lịch, rộng rãi, tiện nghi. Tiễn tôi các anh nói một câu tôi còn nhớ mãi:
       
        - Nhiệm vụ của các đồng chí cực kỳ quan trọng và hết sức nặng nề! Khó khăn trước mắt nhiều vô kể, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội rất tin tưởng vào các đồng chí và sẵn sàng cùng các đồng chí đánh giặc, bảo vệ Thủ đô.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 07:32:39 am »


*

*        *
     
        Phiên họp Đảng ủy đầu tiên thiếu anh Dương Hán, ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Tư lệnh Sư đoàn. Tư lệnh Quân chủng - Phùng Thế Tài tuyên bố xanh rờn:
       
        - Tư lệnh của các anh còn đang mắc nợ ở Ninh Bình. Bao giờ xách được đuôi máy bay Mỹ về nộp Quân chủng thì mới được về nhận nhiệm vụ ở Hà Nội.   
     
        Anh Hoàng Văn Ngữ, anh Hoàng Khoát gật gù tán thưởng câu nói của đồng chí Lê Quang Hòa: "Cả nước ta đến nay đã có nhiều sư đoàn nhưng Sư đoàn 361 chính là Sư đoàn Phòng không Cận Vệ Đỏ của Trung ương Đảng và Bác Hồ”. Ta cần chú trọng ý này để giáo dục trách nhiệm cho bộ đội phòng không Hà Nội. Đảng ủy thống nhất nhận định tình hình nhiệm vụ cách mạng, tính chất cực kỳ quan trọng của nhiệm vụ Sư đoàn Phòng không Hà Nội lúc này, đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương tập trung mọi cố gắng sẵn sàng chiến đấu thật nghiêm túc, tiếp tục huấn luyện quân sự theo chương trình, đồng thời nhanh chóng đưa Sở Chỉ huy và ba cơ quan vào cuộc; xây dựng chức năng - chế độ nền nếp và lập tức bắt tay vào xây dựng các phương án tác chiến của sư đoàn và từng đơn vị. Phương châm là kết hợp với sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu mà xây dựng đơn vị. Xây dựng đơn vị theo những yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ chiến đấu. Qua chiến đấu mà rút kinh nghiệm bổ sung vào nội dung và phương pháp xây dựng.
       
        Nghị quyết được triển khai xuống các trung đoàn đã bước đầu thống nhất được nhận thức tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ, bước đầu động viên được trách nhiệm và khí thế chung. Nhưng cũng đã dội lên quan điểm cho rằng: Thăng Long phi chiến địa! Chắc gì Mỹ đã đánh Hà Nội!... Giặc đến Bồ Đề là giặc phải tan cơ mà! Đồng thời với hiện tượng chân trong chân ngoài, đủng đỉnh chưa chịu vào cuộc, ngại khó, bàn lùi...
       
        Đảng ủy lại bàn, ra nghị quyết "3 khẳng định + 1 quyết tâm"
       
        - 1, khẳng định sắp tới Mỹ sẽ oanh tạc Hà Nội,
       
        - 2, khẳng định Hà Nội đang bước vào thời chiến, ngày càng gay go quyết liệt,
       
        - 3, khẳng định Sư đoàn Phòng không Hà Nội phải và có thể đánh thắng máy bay Mỹ bảo vệ tốt Hà Nội.
       
        - Và 1 quyết tâm là: dốc sức làm tốt mọi việc để Sư đoàn Phòng không Hà Nội đánh thắng máy bay Mỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ lịch sử của mình.

       
        Nghị quyết "3 khẳng + 1 quyết" có sức lay động mạnh tới nhận thức, tư tưởng và hành động của mọi người khẩn trương vào cuộc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 08:35:49 pm »

          
*

*          *

        Thật là những năm tháng gian khổ và hào hùng. Để đánh thắng bọn giặc trời chuyên nghiệp trang bị điện tử đến tận răng, những "thần sấm", "con ma" "kẻ đột nhập", "giặc nhà trời , "không người lái tầng cao”, "tầng thấp và rồi lại còn "ngáo ộp B52"... thời đó thật là ngổn ngang trăm mối khó khăn phức tạp…
        
        Những câu hỏi cứ luôn luôn luẩn quẩn trong đầu cán bộ chỉ huy chúng tôi: hôm nay địch có đánh không? Sáng? Trưa? Chiều? Hay tối? - Trời u ám, tầng mây thấp thế này địch sẽ đánh thế nào? Trời trong xanh rộng thênh thang bốn phương, tám hướng địch sẽ vào hướng nào? Tầng cao nào? Thủ đoạn nghi binh ra sao? Đánh vào mục tiêu nào?... Tất cả những điều này hoàn toàn do địch chủ động. Nhưng nhiệm vụ chúng ta là phải suy nghĩ và làm cho đúng, luôn sẵn sàng kịp thời đói phó mọi bất ngờ, bất kỳ tình huống nào cũng phải làm tốt nhiệm vụ.
        
        Đội hình nào? Cách đánh nào để bắn rơi các loại máy bay trinh sát? Đội hình nào, cách đánh nào đối phó với máy bay bay bằng ném bom rải thảm cả khu vực. Đội hình nào? Cách đánh nào đối phó với máy bay cường kích bổ nhào oanh tạc các mục tiêu điểm? Làm sao phát hiện máy bay địch từ thật xa, thật sớm để đưa bộ đội đàng hoàng vào cấp 1? Làm sao rút ngắn được từng phút, thậm chí vài giây để kịp thời đánh địch? Làm sao đối phó với các loại nhiễu phủ trắng màn huỳnh quang của ra-đa? Có thời kỳ rõ ràng ra-đa ta bắt được tín hiệu máy bay địch ở hướng đông nam, trong khi thực tế nó lại đang bay vào từ hướng tây bắc? Làm sao chống được nhiễu địch điều khiển vào rãnh đạn tên lửa ta, khiến quả đạn đang bay bị vít cổ rơi xuống đất? Làm sao pháo và tên lửa ta phát sóng ra-đa tìm địch không rước tên lửa không đối đất Sơ-rai (Shrike) theo cánh sóng điện tử ra-đa ta lao vào giữa trận địa?...
        
        Làm sao? Làm sao? Và làm sao?...
        
        Hàng trăm vấn đề đặt ra đều cực kỳ nghiêm túc, mà vấn đề nào cũng hóc búa, vấn đề nào cũng trực tiếp liên quan đến sự mất còn của mục tiêu bảo vệ, đến tính mạng và tài sản của đồng bào, đến xương máu của đồng đội! Sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, vừa chiến đấu vừa xây dựng mấy ngàn ngày đêm, người lính phòng không Hà Nội trải qua nhiều thời kỳ ăn không ngon, ngủ không yên và thật sự đã nhiều bữa không ăn, nhiều đêm thức trắng.

*

*         *
       
        Chúng tôi thường nhắc nhau: khắc đi là khắc đến! Cứ làm đi rồi sẽ có kinh nghiệm, sáng ra dần dần! Mà quyết tâm đánh thắng máy bay Mỹ bảo vệ Thủ đô đòi hỏi phải chiến đấu dũng.cảm ngoan cường, sẵn sàng xả thân, không ngại hy sinh gian khổ, tất nhiên rồi! Nhưng hoàn toàn không đủ! Quyết tâm đó lúc này còn đòi hỏi phải thể hiện ở chỗ tìm tòi ra những cách đánh giỏi và huấn luyện bộ đội giỏi để bắn trúng, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ và đồng thời cũng còn thể hiện ở chỗ nghiên cứu tổ chức cả cuộc sống phù hợp với cuộc chiến đấu lâu dài trên mặt trận Thủ đô.
        
        Các phương án chiến đấu của Sư đoàn đều được các cơ quan của Quân chủng giúp đỡ tận tình, xây dựng thành các phương án cụ thể: trưng cầu ý kiến cấp dưới, góp ý bổ sung đề nghị cấp trên phê duyệt, rồi khi phổ biến chính thức cho dưới lại lấy ý kiến của anh em bàn cách tổ chức thực hiện tốt nhất. Hai điều rất quan trọng là hàng ngày tập đánh theo phương án thật thục luyện và rút kinh nghiệm sau mỗi trận đánh cụ thể. Thường là sau chiến đấu phải tập trung giải quyết hậu quả chiến đấu lau chùi vũ khí, khí tài chuẩn bị cho trận đánh tới. Rồi khẩn trương tắm giặt, ăn cơm vội vàng rồi nhanh chóng xoay vào rút kinh nghiệm trận đánh. Trận đánh có ưu điểm gì khuyết điểm gì? Vì sao? Rút ra cái gì phải khắc phục bổ sung ngay vào động tác chỉ huy, động tác chiến đấu của từng người. Rút kinh nghiệm trận đánh cũng là loại hình chiến đấu không kém phần gay go phức tạp đòi hỏi lòng trung thành, dũng cảm vạch thẳng khuyết điểm của mình, của đồng đội, của chỉ huy, của cấp trên với tinh thần thật khách quan khoa học. Thường thì 23, 24 giờ đêm, khi có vấn đề khó khăn kéo đến 1, 2 giờ sáng mới nghỉ. Mà lên giường nằm rồi vẫn tiếp tục trằn trọc. Dù có phải suy nghĩ đến bạc đầu cũng phải tìm ra cách bắn rơi máy bay địch!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 08:43:12 pm »

       
        Cuộc sống người lính phòng không Hà Nội cũng cứ theo rút kinh nghiệm từng thời gian mà điều chỉnh, thay đổi bổ sung phù hợp với yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu từng thời kỳ. Doanh trại bộ đội được chuyển thành lán trại rồi tăng bạt ngay sát trận địa, cạnh các ụ pháo, ụ xe khí tài, vị trí chỉ huy, ụ tên lửa. Bốn bề tăng bạt vén lên thông thống hứng gió lạnh, nắng soi, mưa tạt; nhưng còi báo động của trực ban vừa cất lên là anh em đã bật dậy, chạy được ra cả bốn mặt. Đôi dép cao su dưới chân giường trước khi đi nằm đã kéo quai hậu xuống ôm dưới gót, có thể xỏ chân thật nhanh, không vướng, dùng hai ngón tay kéo bật quai hậu, ôm ngay vào gót chân. Những ngày mưa đường trơn anh em rắc xỉ than hoặc trấu dọc đường đến mâm pháo, xe khí tài để đỡ trơn ngã. Bữa cơm cũng mỗi người một bát to đùng đầy cơm, canh, rau, đậu… và một thìa lớn. Có khi ngồi ngay trên mâm pháo, xúc từng thìa lớn. Miệng nhai cơm mà đầu óc vẫn luẩn quẩn những câu hỏi chưa giải đáp được. Các đêm không có địch thì chia hai ca đi tắm khẩn trương. Có anh buồn ngủ quá, sẵn sàng "quên" cái tiết mục quá tốn kém thời gian này, tranh thủ "khò" nhanh một giấc! Giữa cuộc sống muôn màu muôn vẻ của Hà Nội ba mươi sáu phố phường, cuộc sống của cánh lính giữ trời thật chẳng giống ai! Nhưng rất phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ lúc ấy!

*

*        *
       
        Sáng 25 tháng 6 năm 1965, Đại đội 3 Trung đoàn pháo H20 đã lập công xuất sắc bắn rơi chiếc máy bay trinh sát RF4, được ghi là chiến công đầu của Sư đoàn Phòng không Hà Nội. Ngày 24 tháng 7 năm 1965, Ở khu vực Suối Hai, Hà Tây - hai Tiểu đoàn tên lửa 63 + 64, Trung đoàn H36 lần đầu xuất trận đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 400 trên miền Bắc và cũng tại đây đêm ấy tên lửa thật đã rút đi, ta bố trí trận địa tên lửa giả làm bằng khung tre bọc lá cót sơn như thật, cụm pháo phòng không của Trung đoàn H34 và Trung đoàn H24 cũng từ đội hình của Sư đoàn vừa rút ra cơ động phục kích nhử địch tiến công trận địa "Ra-kót" đã đánh thắng giòn giã bắn rơi năm máy bay địch.
       
       Năm đầu mới thành lập, Sư đoàn Phòng không Hà Nội nói chung thường chạm trán với các loại máy bay trinh sát của địch. Máy bay trinh sát không người lái tầng cao - 19-20 ki-lô-mét - bộ đội tên lửa dễ dàng bắn rơi, còn máy bay trinh sát không người lái tầng thấp bay dưới 500 mét ban ngày và thỉnh thoảng ban đêm có máy bay trinh sát có người lái xoẹt nhanh vào khu vực ngoại vi. Trong những ngày đầu mò mẫm đối phó với chiến tranh điện tử của địch, trình độ ta còn ấu trĩ, đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lần địch xoẹt vào một chiếc lại xoẹt ra nguyên vẹn một chiếc. Địch vào hai chiếc lại bay ra một... đôi! Chiến sĩ ta cay đắng nói khích nhau. Ở một đại đội pháo cỡ trung nọ, chiến sĩ làm thơ "vịnh đại đội trưởng":
       
ông Bội là ông Bội ơi!
Đánh dư trăm trận chẳng rơi chiếc nào.
       
        Ấy là anh em thấy Đại đội trưởng Bội đã chỉ huy nhiều đến ba bốn chục trận mà máy bay địch không rơi nên anh em cường điệu lên thành dư trăm trận. Kể cũng oan và cũng chẳng oan cho anh Bội. Tư lệnh Quân chủng cũng nói kháy anh em:
       
        - Hai bà bán mía, bán bưởi kể chuyện thời sự mới trong ngày rằng: đạn pháo cao xạ của các anh bộ đội nổ chỉ sau đuôi máy bay chừng hai cái đòn gánh.
       
        Còn anh em thì thấy có tiến bộ nhưng vẫn rất ngán ngẩm:
       
Pháo thủ trắc thủ thở dài
Đạn bắn có chụm, nhưng chụm ngoài mục tiêu.
       
        Ở một tiểu đoàn tên lửa có hai cán bộ chỉ huy là Hậu và Phiếu. Tiểu đoàn này ăn phải nhiễu rãnh đạn của Mỹ một quả rơi ùm xuống Hồ Tây còn một quả thì cứ tự do bay hết tầm mới nổ, nên anh em mới có thơ rằng:
       
Ông Phiếu một phát tìm cò
Ông Hậu một quả di mò Hồ Tây
       
        Thời kỳ đầu địch mới thả máy bay trinh sát điện tử không người lái tầng thấp vào Hà Nội, bộ đội ta nuốt phải quả đắng khá lâu, chưa tìm được cách trị nó. Nó bay rất thấp, thường là 300 mét. Ở độ cao đó nhiều vật che lấp và sóng địa vật nhiễu nhiều, các loại ra-đa ta chưa thu bắt được tín hiệu nó. Tốc độ bay rất nhanh, đường bay lại luôn luôn không ổn định, nó luồn lách rất tinh quái. Ra-đa tình báo của binh chủng chưa làm được nhiệm vụ phát hiện nó từ xa, tóm cổ nó và dẫn vào khu vực cho ra-đa của cao xạ, tên lửa bắn. Ra-đa của tên lửa cao xạ có quờ quạng nhưng cũng không phát hiện kịp nó, pháo thủ dù có ngồi sẵn trên mâm pháo cũng chỉ kịp nghe trinh sát trận địa thét to: hướng 12! không giặc lái! Nòng pháo chưa kịp quay sang nó đã xoẹt qua đầu. Nhanh cứ như thằng kẻ cắp chợ. Nhiều hôm nó quần bộ đội ta phát mệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2016, 07:26:40 pm »

       
        Hồi đó ở cơ quan Quân chủng rộ lên hai câu thơ nói "khích" Binh chủng Ra-đa, có đồng chí thủ trưởng tên là Sắt:
       
Ra-đa mặt sắt đen xì
Sai - sót - lọt - chậm - ngồi ỳ mặt ra

        (Sai - sót - lọt - chậm là những tình huống khuyết điểm của ra-đa).
       
        Nhưng anh em cũng rất thông cảm, động viên khuyến khích nhau:
       
Bao giờ nhanh - chuẩn - đủ - xa
Ra-đa lại nở như hoa mười giờ

        (xa - nhanh - đúng - đủ là những tình huống ưu điểm của ra-đa tình báo).
       
        Có những lần Quân chủng cho máy bay MiG của ta lên đánh nó. Nhưng thông báo ở cấp này cấp kia cũng có khi nhầm lẫn hoặc điện thoại xấu nghe tiếng được, tiếng mất tạo nên tình huống oái oăm: máy bay địch thì lại cứ tưởng là máy bay ta, ngồi rung đùi xem. Đến lúc máy bay ta thì có khi lại nghe ra đó là máy bay địch! Đạp cò "phết" cho một loạt. Đến đêm kiểm điểm rút kinh nghiệm, cán bộ chỉ huy bắn của đại đội than thân trách phận:
       
        - Không bắn, thì bảo là sao không bắn! Bắn thì lại hỏi tại sao bắn?!
       
        -. Không bắn, chết vì tội bỏ lọt địch!
       
        - Mà bắn, cũng chết vì tội "phết” vào máy bay ta!

*

*        *
       
        Thời kỳ này Ở Quân chủng Phòng không – Không quân và Sư đoàn 361 bắt đầu xuất hiện cụm từ "tiệc khan' như một sự phản ứng nhẹ nhàng có tính châm biếm, hài hước. Sau vài trận đánh máy bay trinh sát không người lái tầng thấp không thành công, Bộ Tư lệnh Quân chủng lại triệu tập hội nghị từ cán bộ trung đoàn trở lên gồm chủ yếu là Sư đoàn 361, Binh chủng Ra-đa, đôi khi có cả anh em Không quân, anh em Sư đoàn B67 và một số cơ quan lien quan để rút kinh nghiệm chiến đấu. Tất nhiên những cuộc họp này là tuyệt đối cần thiết và vô cùng có lợi. Nguyên nhân không bắn trúng, bắn rơi lại được phơi bày. Khuyết nhược điểm thì rõ ràng nhưng khắc phục được sự non nớt ấu trĩ của anh em cũng phải là một quá trình tự thân vận động vất vả đi lên. Tinh thần đấu tranh nội bộ là nguyên tắc bất di bất dịch và chính là động cơ thúc đẩy tiến bộ để giải quyết vấn đề. Một vài thái độ nôn nóng thiếu bình tĩnh, thiếu khách quan là khó tránh được. Có khi mải tập trung kiểm điểm đến mức quên cả nghỉ giữa giờ cho anh em uống nước. Anh em vẫn kiên nhẫn ngồi nghe nhưng lúc họp tan anh em chạy ra chỗ uống nước đã nhìn nhau cười ha hả:
       
        - "Đã bảo mà! Đi Quân chủng dự "tiệc khan" thì phải uống nước trước đã!”
       
        Có cậu nào đó tếu táo:
       
        - "Các cụ cứ riềng thế này thì anh em đến tỏi mất thôi".
       
        Nói thì nói vậy, chúng tôi vẫn yên tâm vì anh em đều rất quý mến các thủ trưởng của mình. Thấy trách nhiệm các anh quá nặng nề, công việc tất bật suốt ngày đêm mệt mỏi căng thẳng mà đơn vị đánh chưa được, anh em cũng rất ái ngại thì thào với nhau rằng:
       
        - Mình cứ đánh như thế này các thủ trưởng của mình mỗi khi lên Bộ Tổng cũng rát mặt chẳng tìm đâu ra cái lỗ nào mà chui.
       
        Cấp Sư đoàn chúng tôi thường động viên anh em phấn đấu mau chóng tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mới giải quyết được tình hình này.
       
        Hồi đó Sư đoàn cũng thường hay tổ chức rút kinh nghiệm. Hay làm vào đêm. Khi mãn cuộc thường tổ chức cho anh em bát cháo, bát chè để bồi dưỡng sức khỏe. Anh em thường gọi là hội nghị "3 bồi" - bồi dưỡng kiến thức kinh nghiệm - bồi dưỡng ý thức trách nhiệm và bồi dưỡng sức khỏe. Thỉnh thoảng vào những ngày âm u, mát trời thì tổ chức họp vào buổi chiều, kết hợp tổ chức bữa cơm chiều. Chẳng rõ vì sao và từ lúc nào, Sư đoàn bộ cũng giống như đơn vị dưới tổ chức món "mộc tồn” (thịt chó). Cũng từ đó xuất hiện "hai quái kiệt đầu bếp mộc tồn" Phạm Văn Chiêu (Trưởng ban Hành chính) và Nguyễn Văn Thăng (Trưởng ban Quân nhu). Hai đồng chí này làm thịt chó rất nhanh và thạo nấu nướng rất ngon nên mỗi lần tổ chức, Sư đoàn không quên mời mấy anh trong Bộ Tư lệnh Quân chủng xuống cùng chia ngọt sẻ bùi. Và không biết từ bao giờ xuất hiện cụm từ mới "R.T.C”. RTC là Rượu-thịt-chó nhưng anh em tán ra: RTC là ra-đa - tên lửa - cao xạ hợp đồng.

        Sau này khi chiến đấu tiến bộ, bắn rơi nhiều máy bay thì RTC càng nở rộ ra, cụm từ "tiệc khan" cũng ít được nhắc đến. Các anh Trần Duy Hưng - Chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố, Trần Sâm - Phó bí thư Thành ủy, Trần Vỹ - Phó chủ tịch ủy ban Nhân dân và một số anh em bên cơ quan Thành ủy và ủy ban Nhân dân thành phố cũng thường đến chung vui RTC với anh em 361 – Anh Trần Duy Hưng, vui tính hay khôi hài về cái khoản: "RTC truyền thống của 361". Có lần mở rộng "ý nghĩa sâu sắc của RTC”, giữa bữa ăn đông vui anh đứng dậy phát biểu:
       
        - "RTC tên tục của nó là rượu thịt chó. Nhưng RTC lại là ra-đa - tên lửa - cao xạ hiệp đồng. Và hiệu quả tất yếu của RTC sẽ là Rơi Tại Chỗ”. Rồi anh giơ tay hô to: RTC!- RTC! cứ RTC đi! Nhiều máy bay Mỹ cũng sẽ rơi tại chỗ! Rơi tại chỗ nữa!
       
*

*        *

        Tháng 4 năm 1966, 361 bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát điện tử không giặc lái tầng thấp đầu tiên! Nó rất khéo chọn chỗ cách Sở Chỉ huy Sư đoàn khoảng 200 mét để cắm đầu xuống! Nó lại khéo chọn thời gian rơi đúng ngày khai mạc kỳ họp Đại biểu Quốc hội năm 1966, thế mới hay chứ! Quân và dân Hà Nội rất hả hê kéo nhau đến xem mặt ngang mũi dọc cái thằng cướp chợ này thế nào! Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội đến xem những mảnh xác của nó đào từ lòng đất lên. Chủ tịch ủy ban Nhân dân, Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đại diện các đoàn thể đến thăm, mang theo một con bò kết hoa từ sừng đến đuôi.
       
        Hai ngày sau đó con bò được mổ thịt chia cho các đơn vị. Một đại đội pháo cao xạ cỡ nhỏ của Trung đoàn H34 để mãi sau 6 giờ chiều mới "liên hoan một tý”. Oái oăm thay anh em vừa vui vẻ gắp miếng "thịt bò không giặc lái", chưa kịp đưa lên miệng thì trực ban trận địa đã phất cờ đỏ thét lớn:
       
        - Hướng 34! Không giặc lái! và xoẹt một cái nó đã qua đầu. Thế là xong! Hết cả khí thế liên hoan - Một trợ lý Sở Chỉ huy Sư đoàn gật gù hai câu thơ ứng khẩu:
       
Liên hoan chiến thắng giết bò
Thịt chưa lên miệng tức và lo đã đầy đầu!

*

*        *
       
        Những ngày tháng nặng nề gian khổ và đầy ắp kỷ niệm thân thương đáng nhớ ấy rồi cũng qua đi để lại cho chúng tôi không biết bao nhiêu bài học vô cùng quý giá. Chúng tôi hiểu biết rõ hơn về thằng địch, nhất là những hình thái thủ đoạn chiến tranh điện tử của không quân Mỹ! Hiểu biết rõ hơn tính năng ưu việt của vũ khí khí tài mình có trong tay! Hiểu biết rõ hơn và càng tin tưởng vững chắc hơn về phương hướng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ củamình trong thời gian tới.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM