Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp

<< < (12/21) > >>

chuongxedap:

CHIẾN DỊCH SÓC TRĂNG 2
(Tiến công, từ ngày 12 tháng 5 đến ngày 25 tháng 6 năm 1951)


Từ quý 2 nărn 1951, địch ở địa bàn miền Tây Nam Bộ, tổ chức thêm những lực lượng đặc biệt chuyên đánh phá và kiểm soát các trục giao thông thuỷ bộ. Chúng trang bị các phương tiện cơ động nhanh, hoả lực mạnh, thông tin liên lạc tốt hơn như các xe nồi đồng, tàu nhỏ nhạy trên sông.... Ý định của địch là quyết tâm chia cắt cho được các địa bàn hoạt động của ta, kiểm soát dân chúng ở vùng du kích, vùng tạm chiếm. Năm 1951, là một trong những năm khó khăn nhất của Nam Bộ. Các vùng căn cứ của ta thường xuyên bị bao vây, chia cắt, phải đối phó với các cuộc càn quét liên tiếp của địch.

Ở tỉnh Sóc Trăng địch lập các khu tự trị vũ trang trong các sóc đồng bào Khơ-me và tổ chức lực lượng chiếm đóng trong 10 đồn bốt lớn (mỗi đồn một trung đội). Lực lượng ứng chiến của địch ở đây có hai tiểu đoàn: tiểu đoàn 2 BMO và tiểu đoàn thân binh ngụy (BVN). Chúng thường xuyên cho tàu chiến thọc sâu vào các sông và kinh sáng, bắn phá bừa bãi vào làng xóm ven sông, gây cho nhân dân ta nhiều tổn thất về người và của. Chúng ráo riết sử dụng lực lượng Cao Đài, Hoà Hảo phản động, đội quân của Lơ Roa tiến hành càn quét, cướp phá tài sản, thóc gạo của nhân dân. Lợi dụng ta sơ hở, địch tập kích một số căn cứ, phá công binh xưởng, cướp máy móc, vũ khí.

Để kịp thời đối phó với tình hình địch, tháng 5 năm 1951. Bộ tư lệnh Khu 9 quyết định mở chiến dịch Sóc Trăng 2. Địa bàn hoạt động ở các huyện Thạnh Trị, Vĩnh Châu, Long Phú, Châu Thành tỉnh Sóc Trăng. Trọng điểm là huyện Thạnh Trị.

Mục đích của chiến dịch là giành và nắm dân, giải phóng đồng bào Khơ-me đang bị kìm kẹp ở Sóc Trăng, mở rộng vùng giải phóng, củng cố và phát triển cơ sở của ta trong vùng địch kiểm soát, tước vũ khí các sóc Khơ-me vũ trang, phá hệ thống chiếm đóng của địch. Giành các cơ sở kinh tế về ta, phá kinh tế địch, nối liền giao thông liên lạc giữa Khu 9 và Khu 8.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm có trung đoàn Tây Đô và bộ đội địa phương, dân quân du kích ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ.

Ngày 3 tháng 5 năm 1951, Ban chỉ huy chiến dịch được thành lập do đồng chí Nguyễn Chánh, Quyền tư lệnh Khu, Chỉ huy trưởng chiến dịch, đồng chí Huỳnh Thu, trung đoàn trưởng trung đoàn Tây Đô, Chỉ huy phó; đồng chí Phan Văn Chiêu, Phó bí thư tỉnh uỷ Sóc Trăng, Chủ tịch tỉnh phụ trách chính trị; đồng chí Hoàng Thế Thiện, Chính trị viên trung đoàn Tây Đô, Chỉ huy phó chiến dịch.

Phương châm chiến dịch là kịp thời tận dụng thắng lợi quân sự, đẩy mạnh công tác dân vận, dân vận đi đôi với địch vận, tác chiến đi đôi với dân vận. Theo kế hoạch chiến dịch diễn ra trong hai đợt.

Đợt 1: Ngày 13 tháng 5 năm 1951, chiến dịch mở màn, tiểu đoàn 408 (tức tiểu đoàn 402 đổi tên) tiến công đồn xã Sang. Qua một ngày chiến đấu giằng co quyết liệt với địch, nhưng ta chỉ đánh thiệt hại nặng bốt chính: diệt bốn lô cốt nhỏ và tiêu hao một bộ phận quân địch từ Sóc Trăng đến tiếp viện. Trận này ta tổn thất nặng.

Ngày 14 tháng 5, tiểu đoàn 410 (tức tiểu đoàn 404 đổi tên) đánh đồn Xẻo Me. Sau ba giờ chiến đấu, ta tiêu diệt một đồn chính và bốn lô cốt. Tiếp đó, tiểu đoàn triển khai đánh quân viện của địch từ thị xã Bạc Liêu đến. Địch bắn pháo và thả bom napan vào trận địa quân ta. Bộ đội kiên trì bám trụ, chờ bộ binh địch đến gần mới nổ súng, diệt hai trung đội, phá huỷ bảy xe, số quân địch còn lại bỏ chạy. Đến 15 giờ, địch cho tiểu đoàn 2 BMEO từ Cần Thơ đến cứu viện, và cho máy bay ném bom bắn phá yểm trợ cuộc hành quân. Tiểu đoàn 410 chiến đấu dũng cảm, diệt 50 tên, buộc chúng phải rút lui trước lúc trời tối. Vừa đánh đồn và đánh viện, tiểu đoàn bị thương vong nặng, 30 người hy sinh và bị thương.

Trong các đêm từ 17 tháng 5 đến 9 tháng 6, du kích, bộ đội địa phương đánh nhỏ, quấy rối tiêu hao địch và tổ chức đánh địch càn quét vào xã Long Đức (26 tháng 5), gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Đợt 2: Ngày 10 tháng 6 chiến dịch dược bắt đầu bằng chín trận đánh của bộ đội địa phương và dân quân du kích. Ngày 11 tháng 6, tiểu đoàn 406 phục kích địch trên đoạn đường từ Cái Tắc đến Phụng Hiệp, diệt 70 tên, thuộc tiểu đoàn thân binh ngụy (BVN) bắn rơi một máy bay khu trục. Ngày 18 tháng 6, các đơn vị tập trung đánh đồn Xảo Cau, xã Phú Hữu, bao vây đồn Thông Thuyền và chặn đánh địch tiếp viện. Cuối đợt 2 trung đoàn Tây Đô, sử dụng tiểu đoàn 406 qua Kế Sách (Sóc Trăng), hỗ trợ địa phương phát triển chiến tranh du kích. Tiểu đoàn 410 tiến công căn cứ Vĩnh Hưng, diệt hàng trăm địch, đồng thời công kích vị trí Cầu Sập. Trong trận đánh Cầu Sập có trung đội “chiến sĩ hoà bình” tham gia (gồm binh lính Âu Phi phản chiến, bỏ hàng ngũ Pháp đứng về phía Quân đội Việt Nam kháng chiến). Tuy nhiên, trận đánh không thành công. Ngày 25 tháng 6, chiến dịch kết thúc.

Kết quả toàn chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 204 tên địch (có năm tên bị bắt). Thắng lợi về quân sự của chiến dịch này không cao, nhưng về chính trị đã tạo nên một khí thế mới trong quần chúng. Ta đã xây dựng được cơ sở cách mạng trong vùng sóc người Khơ-me có vũ trang ở hai huyện Thạnh Trị và Vĩnh Châu.

Những hoạt động quân sự trong Chiến dịch Sóc Trăng 2 đã góp phần rất có ý nghĩa đánh bại một bước âm mưu bình định gấp rút và phân công quyết liệt của địch. Tuy nhiên, chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương ở miền Tây Nam Bộ chưa phát triển rộng rãi và vững chắc. Thế kìm kẹp của địch trên chiến trường Nam Bộ đang đặt ra cho quân và dân ta nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết.

Điểm thành công trong nghệ thuật quân sự của Chiến dịch Sóc Trăng 2 là ta đã đạt được mục tiêu kết hợp hoạt động quân sự với tuyên truyền, vận động quần chúng và địch vận, củng cố một bước khối đoàn kết dân tộc, động viên nhân dân tham gia và ủng hộ kháng chiến, khắc phục khó khăn, chấp hành tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho địa phương phát triển cơ sở, phát động phong trào đấu tranh du kích, củng cố chính quyền, đoàn thể kháng chiến. Chiến dịch cũng để lại những khuyết điểm cần khắc phục, đó là việc chuẩn bị chiến dịch bị lộ, nên địch có kế hoạch đối phó, gây cho ta nhiều khó khăn. Ở hướng chính không thực hiện được nhiệm vụ hạ đồn bốt, kết quả vũ trang tuyên truyền bị hạn chế và tiêu diệt sinh lực địch chưa nhiều.

chuongxedap:

CHIẾN DỊCH HÀ NAM NINH1
(Tiến công, từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 20 tháng 6 năm 1951)


Trong quá trình đối phó với Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, thực dân Pháp vẫn tiếp tục đẩy mạnh chủ trương chiến lược của Đờ Lát, lấy đồng bằng Bắc Bộ làm trọng điểm phòng ngự, chuẩn bị điều kiện để phản công giành lại thế chủ động, nhanh chóng đè bẹp lực lượng kháng chiến, kết thúc chiến tranh. Đến tháng 3 năm 1951, địch tập trung tại chiến trường chính Bắc Bộ 89 tiểu đoàn bộ binh và quân dù, trong đó có 55 tiểu đoàn Âu - Phi và 34 tiểu đoàn ngụy, tổ chức thành hai lực lượng: 42 tiểu đoàn làm nhiệm vụ chiếm đóng và 47 tiểu đoàn làm nhiệm vụ cơ động. Đi đôi với phát triển lực lượng, Pháp vẫn tiếp tục xây dựng tuyến công sự mới, đẩy mạnh càn quét bình định trên khắp các chiến trường.

Địch chia Liên khu Nam đồng bằng Bắc Bộ gồm Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình thành bốn khu: Phủ Lý, Nam Định, Phát Diệm, Thái Bình. Tại Phủ Lý, Nam Định, Phát Diệm, địch chia mỗi khu thành các phân khu hoặc tiểu khu.

Khu Phủ Lý gồm hai phân khu: Phân khu Đồng Văn, sở chỉ huy ở Nhật Tựu; phân khu Thanh Liêm, sở chỉ huy ở thị xã Phủ Lý.

Khu Nam Định gồm ba tiểu khu: Tiểu khu Tây, sở chỉ huy ở núi Gôi; tiểu khu Nam, sở chỉ huy ở Đò Quan; tiểu khu Trung tâm, sở chỉ huy ở thị xã Nam Định.

Khu Phát Diệm gồm hai phân khu: Phân khu Phát Diệm, sở chỉ huy ở thị trấn Phát Diệm; phân khu Bùi Chu, sở chỉ huy ở Bùi Chu.

Toàn bộ lực lượng chiếm đóng ở khu vực Hà Nam Ninh có bốn tiểu đoàn và 27 đại đội ngụy. Lực lượng cơ động có bốn tiểu đoàn (hai tiểu đoàn ngụy) và một đại đội bộ binh, ba đại đội biệt kích, một đại đội thuỷ quân lục chiến và một thuỷ đội. Pháo binh ở Nam Định có 10 khẩu, Phủ Lý có bốn khẩu. Chúng đóng trên 100 vị trí, trong đó có 20 vị trí có lực lượng từ một đại đội trở lên, số còn lại có một đến hai trung đội; riêng khu Phát Diệm có 50 vị trí (chín vị trí có từ một đại đội trở lên). Tại khu vực này địch chưa làm công sự mới, các cứ điểm vẫn chỉ có hàng rào tre, lô cốt xây, tường gạch, một số nơi có lô cốt xi măng, hàng rào dây thép gai.

Địch phòng ngự cố thủ ở từng vị trí kết hợp với sự chi viện hoả lực từ các vị trí lân cận và quân cơ động đến ứng cứu. Lực lượng cơ động chiến lược đóng tại các vùng lân cận có tiểu đoàn Âu - Phi thuộc GM6 cũ ở Sơn Tây, hai tiểu đoàn dù, một tiểu đoàn Mường ở Hà Đông, một tiểu đoàn thuộc GM4 ở Ninh Giang.

Trong khu vực Hà Nam Ninh thì quân địch ở Ninh Bình yếu hơn cả, trong đó phân khu Phát Diệm là chỗ yếu nhất, và tương đối cô lập, các vị trí bố trí phân tán, lực lượng từ một đến hai trung đội, công sự yếu, lực lượng cơ động chỉ có một đại đội tự lực và một đại đội thuỷ quân lục chiến, không có pháo binh.

Về phía ta, sau Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chủ trương chiến lược của Đảng ta là “nhân lúc địch chưa kịp củng cố thế phòng ngự chiến lược ở đồng bằng, nhanh chóng chấn chỉnh bộ đội, tranh thủ thời gian tiến công nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, phá kế hoạch củng cố lực lượng và bình định đồng bằng của địch, giữ vững quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ”2.

Để tiếp tục kế hoạch tiến công địch ở Trung Du và đồng bằng, ngày 20 tháng 4 năm 1951, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Hà Nam Ninh, nhằm tranh thủ thời gian trước mùa mưa, tập trung một bộ phận chủ lực tiến công quân địch trên chiến trường Hữu ngạn Liên khu 3, để phá kế hoạch củng cố thế phòng ngự chiến lược của địch trên chiến trường Bắc Bộ3. Thay mặt Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích của chiến dịch là: Diệt sinh lực địch, phá khối ngụy quân; đẩy mạnh chiến tranh du kích; tranh thủ nhân dân.

Địa bàn được lựa chọn cho chiến dịch là ba tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình thuộc Khu Nam đồng bằng của địch. Ngày 4 tháng 5 năm 1951, Đảng uỷ Chiến dịch Hà Nam Ninh được thành lập gồm: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Đặng Kim Giang, Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Tư lệnh chiến dịch.

Đảng uỷ và Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra nguyên tắc chỉ đạo chiến dịch này là “Đánh ăn chắc; chắc thắng mới đánh; dù đánh lớn, đánh nhỏ đều phải đánh với điều kiện chắc phần thắng lợi”. Đây là chiến dịch lớn đầu tiên của Bộ mở ở đồng bằng, nên về mức tiêu diệt địch, vì sắp mùa mưa nên Đảng uỷ xác định là ba tiểu đoàn.
_______________________________________
1.Còn gọi là Chiến dịch Quang Trung.
2.Hồ sơ 412, phần A- Những chiến dịch lớn của ta ở Bắc Bộ, trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
3.Báo cáo kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu Xb 1963 t.1, tr.241.

chuongxedap:

Lực lượng tham gia chiến dịch có các Đại đoàn 304, 308, 320 và năm liên đội pháo (15 khẩu 75mm), một trung đoàn công binh và lực lượng vũ trang địa phương gồm bốn tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh, một số đại đội bộ đội địa phương huyện và toàn bộ dân quân du kích trong địa bàn chiến dịch. Sở chỉ huy chiến dịch đặt ở Hương Thi, sơ chỉ huy Đại đoàn 308 đặt ở Trường Yên, Đại đoàn 304 ở Thượng Khê, Đại đoàn 320 ở Nam Công.

Trước đó, công tác chuẩn bị chiến dịch đã được triển khai sớm, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo cho Liên khu 3 tiến hành chuẩn bị chiến trường. Sau khi có quyết định mở chiến dịch, Bộ Tổng tham mưu đã có những chỉ thị về chuẩn bị bộ đội như chấn chỉnh biên chế, trang bị, bổ sung lực lượng, rút kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện bộ đội. Tổng cục Chính trị ra chỉ thị về công tác chính trị chiến dịch, đặc biệt công tác dân vận được coi trọng, nhất là vận động đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Đảng uỷ chiến dịch nhấn mạnh: “Phải tăng cường sự lãnh đạo chính trị trong bộ đội, phải làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ đều hiểu rõ chính sách của Đảng trong vùng mới giải phóng, chính sách của Đảng đối với đồng bào Công giáo. Phải bí mật... kỷ luật bí mật phải nghiêm. Đảng uỷ chỉ ra “mấy vấn đề cần chú ý”, trong đó “về sự lãnh đạo tư tưởng, chú ý khác phục những tư tưởng sai lầm sau đây:

Không nhận định rõ sự quan trọng của nhiệm vụ, chủ quan khinh địch, coi thường đánh điểm diệt viện nhỏ, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm, không thông suốt vì phải chuyển hướng tác chiến sinh ra thắc mắc, tiếc rẻ, kém tích cực, không nhìn toàn cục, chỉ thấy một việc, chỉ nhìn vào lợi ích cục bộ, kém ý thức đoàn kết hiệp đồng học hỏi lẫn nhau... dẫn tới dễ đi đến thất bại.

Phải làm cho “Toàn thể cán bộ và chiến sĩ cần đề phòng và khắc phục những tư tưởng sai lầm trên, cần tập trung ý chí, thống nhất tư tưởng và hành động từ trên xuống dưới để hoàn thành nhiệm vụ”1.

Công tác hậu cần chuẩn bị khẩn trương, yêu cầu của chiến dịch lại lớn, phải đảm bảo vật chất cho gần 50.000 bộ đội và 45.000 dân công. Tháng 5 năm 1951, phải hoàn thành khối lượng vật chất gồm 2.870 tấn gạo, 1.450 tấn thực phẩm (trong đó có 80 tấn thịt), 190 tấn đạn, chuẩn bị cơ sở và phương tiện cứu chữa cho 2.000 - 2.500 thương binh với 5.100 giường bệnh. Đến ngày nổ súng, mọi công tác chuẩn bị đã đảm bảo để chiến dịch nổ súng đúng thời gian.

Ngày 21 tháng 5, trong hội nghị, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy chiến dịch đã cân nhắc các phương án tác chiến và đánh giá lại tình hình trên ba khu vực tác chiến chủ yếu là Phủ Lý, Vân Đình và Ninh Bình. Đảng uỷ nhận định: ta đã trinh sát nắm vững tình hình địch và chuẩn bị chiến trường khá chu đáo, nhưng dự kiến cuộc chiến đấu sẽ kéo dài, địch có khả năng tăng viện thêm một đến hai trung đoàn cơ động; ta phải vượt sông tiếp cận địch, nên việc giữ bí mật gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngày 23 tháng 5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch đã ra mệnh lệnh tác chiến số 1 nêu rõ: Trong ngày thứ nhất tiêu diệt địch ở thị xã Ninh Bình, cùng các vị trí Hoàng Đan thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, Yên Vệ, Chùa Dầu, Yên Mô Thượng, Cổ Đồi thuộc các huyện Yên Mô, Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; Bình Lục, tỉnh Hà Nam và một số vị trí giữa Phủ Lý - Nam Định, giữa Phủ Lý - Đoan Vĩ nếu có điều kiện.

Đêm 28 tháng 5, mở đầu chiến dịch, tiểu đoàn 79 trung đoàn 102 Đại đoàn 308, được quân báo tỉnh dẫn đường, hành quân tới nhà thờ Đại Phong ở thị xã Ninh Bình đánh đại đội Com-măng-đô Phrăng-xoa (Francois) đang hành quân qua đây đã chọn nhà thờ làm nơi nghỉ qua đêm. Trước sự xuất hiện bất ngờ của ta, những tên lính thuỷ quân lục chiến không trở tay kịp, bị tiêu diệt trong vòng 30 phút.

Trước tình hình đó, chỉ huy khu nam đồng bằng, đại tá Găm-bi-ê (Gambiez) lập tức điều động lực lượng dự bị của khu về phía sông Đáy. Tiểu đoàn bộ binh 1 và 2, đại đội biệt kích của hải quân được hải đoàn 3 chở gấp về Ninh Bình. Con trai của Đờ Lát là Béc-na (Benrnard), chỉ huy một đại đội trong tiểu đoàn này đến chiếm lĩnh những mỏm núi đá ở phía đông nam sông Đáy.

Đêm 29 tháng 5, tiểu đoàn 54 và 29, trung đoàn 102 Đại đoàn 308 tiến công diệt hai vị trí Non Nước và Gối Hạc. Lợi dụng thế núi hiểm trở bốn bề vách đứng, quân Pháp đã biến Non Nước thành một vị trí bảo vệ thị xã với hai tầng phòng ngự. Chân núi có tường khoét lỗ châu mai xung quanh kết hợp với hàng rào thép gai; lối lên duy nhất là con đường bậc thang uốn lượn bên vách đá. Lực lượng bảo vệ đồn khoảng hai đại đội. Cách Non Nước 100 mét là núi Gối Hạc, đứng án ngữ con đường vào thị xã. Trước khi ta nổ súng đánh Non Nước, viện bình địch mới từ Nam Định đến Gối Hạc, đã chia nhau đóng trên hai mỏm núi đá vôi tại đây.

2 giờ 15 phút ngày 30 tháng 5, được pháo binh chi viện, tiểu đoàn 54 sử dụng hai đại đội tiến công từ hai hướng vào cứ điểm Non Nước. Bằng chiến thuật tổ ba người dùng thang vượt vách đá, khắc phục vật cản, bộ đội ta nhanh chóng thọc sâu chia cắt đánh chiếm từng hầm ngầm, lô cốt, ngách hang. Đến rạng sáng ta làm chủ trận địa, diệt gần 200 địch, bắt sống chỉ huy. Cùng lúc, tiểu đoàn 29 tiêu diệt quân địch trên một mỏm núi ở Gối Hạc, địch ở mỏm bên bỏ chạy. Chỉ trong một đêm bộ đội ta đã tiêu diệt bốn đại đội địch, trong đó có tên quan hai Béc-na.

Ở Yên Mô, Yên Khánh, đêm 28 tháng 5, Đại đoàn 304 cùng bộ đội địa phương tiêu diệt sáu vị trí Chùa Dầu, Yên Vệ, Cổ Đôi, Yên Mô Thượng, Tuy Lộc và Bến Xanh, mỗi vị trí có một trung đội địch. Tiếp đó, đêm 29 tháng 5, ta đánh hai vị trí Lan Khuê (Bụt Nổi) và Chùa Cao nhưng không thành công. Sau khi hàng loạt vị trí bị diệt, địch ở các vị trí Chùa Hữu, Yên Ninh, Lan Khê, Yên Thịnh rút chạy, song chúng đều bị ta vây, diệt và bắt gần hết.

Trên hướng thứ yếu, đêm 28 và 29 tháng 5, Đại đoàn 320 tiêu diệt hai vị trí Cảnh Linh, Võ Giàng, diệt gần 100 tên địch; sau đó diệt tiếp vị trí Hưng Công, loại khỏi vòng chiến đấu 120 tên. Ba ngày sau, địch điều GM1 và đơn vị thuỷ quân lục chiến từ Nam Định sang chiếm lại thị xã Ninh Bình. Vì tương quan lực lượng đã chuyển biến bất lợi cho ta, nên ngày 30 tháng 5, Bộ chỉ huy chiến dịch không cho đánh Hoàng Đan, mặc dù trung đoàn 36 đã chiếm lĩnh xong trận địa. Ngày 31 tháng 5, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc đợt 1 chiến dịch để xác định lại kế hoạch tác chiến trước tình hình địch đã thay đổi.

Sau bốn ngày tác chiến, ta đã tiêu diệt 10 vị trí địch trong đó có vị trí địch ở thị xã Ninh Bình, tiêu diệt một bộ phận viện binh (chín đại đội), bức rút 16 vị trí khác, phá tan một mảng lớn ngụy quyền, làm rạn nứt phòng tuyến sông Đáy, giành thắng lợi giòn giã về quân sự và chính trị trong đợt đầu chiến dịch. Qua chiến đấu, bộ đội cũng bộc lộ những khuyết điểm như một số đơn vị thiếu tích cực nên bỏ lỡ cơ hội diệt địch, công tác chuẩn bị chiến đấu thiếu cụ thể nên phải hoãn tiến công, ảnh hưởng đến kế hoạch chung.

Từ đầu tháng 6 địch tăng cường lực lượng và bố trí lại như sau: Hướng Phủ Lý, ở thị xã có sở chỉ huy trung đoàn 4, cùng với tiểu đoàn 3 trung đoàn 4 Ma-rốc (3/4 RTM), một đại đội bộ binh cơ giới, một trung đội thiết giáp thuộc chi đoàn cơ giới số 2 (SGB2), một đại đội pháo binh. Tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma-rốc (1/4RTM) và một đại đội pháo binh ở Ngô Khê, Vĩnh Trụ; một đại đội bộ binh cơ giới ở Cầu Sắt; một bộ phận xe tăng ở Cầu Họ, một đại đội biệt kích ở Kẻ Sở, Kỳ Cầu. Hướng Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, sở chỉ huy cánh quân phía nam đóng tại Tân Cầu. Tiểu đoàn 1, trung đoàn 6 thuộc địa (l/6 RIC) và một bộ phận cơ giới ở Núi Già, Mai Sơn, Phương Nhi, Ý Yên. Sở chỉ huy trung đoàn 1 ở Núi Gôi; tiểu đoàn 2 trung đoàn 6 Ma-rốc (2/6 RTM) ở Vân Côi (Vụ Bản). Tiểu đoàn 4 trung đoàn 7 An-giê-ri (4/7 RTA); một tiểu đoàn pháo binh (tám khẩu) và một bộ phận cơ giới ở Tu Cổ, Ninh Xá, Tân Cầu. Tiểu đoàn 7 dù thuộc địa (7e BPC) ở Thu Mễ, Đông Biểu huyện Ý Yên. Tiểu đoàn 2 trung đoàn 1 An-giê-ri (2/1 RTA), một bộ phận cơ giới và một đại đội pháo binh ở Cầu Cổ, Non Nước. Đại đội biệt kích (Rô-ma-ri) ở Chùa Cao, Ninh Bình. Đại đội biệt kích (Văng-đen-be) đóng ở thị xã Nam Định. Tiểu đoàn 2 dù thuộc địa (2e BPC) ở thị xã Thái Bình.

So sánh lực lượng lúc này, về bộ binh ta và địch là: ta 66 đại đội, địch 60 đại đội; về pháo binh địch gấp 2,5 lần ta (ta chỉ có sơn pháo 75mm, địch có pháo 105mm).
_____________________________________
1.Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu Xb.1963, t 1 tr.247, 249.

chuongxedap:

Căn cứ vào tình hình địch - ta, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chia đợt 2 làm hai bước.

Bước 1: (Từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 6 năm 1951): Ta tiếp tục đánh điểm diệt viện.

Trên hướng chủ yếu, đêm 1 tháng 6, trung đoàn 57 Đại đoàn 304 đánh Cầu Bút, Ngọc Lâm, đều không thắng, ta thương vong 250 đồng chí. Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 đêm 2 tháng 6, đánh Núi Sậu, cũng không dứt điểm. Nhưng quân ta tiếp tục tổ chức vây ép, buộc địch ở đây phải ra hàng và buộc chúng phải rút thêm các vị trí Bình Hà, đình Phương Nại, chùa Phương Nại.

Ngày 3 tháng 6, trung đoàn 36 Đại đoàn 308 hai lần đánh viện, bắn chìm một ca-nô, diệt gần 100 địch trên sông Đáy và diệt hơn 100 tên hành quân trên đường Ninh Bình đi Yên Phúc Thượng. Ngày 4 tháng 6, trung đoàn 88 Đại đoàn 308 tiến công Chùa Cao. Đây là cứ điểm có công sự bằng gạch và xi măng khá kiên cố và do một đại đội com-măng-đô chiếm giữ. Được pháo binh chi viện từ xa, địch ngoan cố dựa vào công sự để chống cự. Bộ đội ta chiếm được phần lớn cứ điểm thì trời sáng. Địch đưa hải đoàn 3 và tiểu đoàn dù 7 theo đường sông tới giải vây. Trận này ta chỉ diệt được một trung đội địch, nhưng ta hy sinh 29 người, bị thương 174 người và mất tích 85 người. Đêm 6 tháng 6, ta tập trung 5 tiểu đoàn tiến công lần thứ hai, cũng không chiếm được cứ điểm và bị thương vong nặng (69 người hy sinh, 258 người bị thương). Đây là tổn thất lớn nhất của trung đoàn trong một trận đánh. Vì thủ đoạn đối phó của địch đã thay đổi, với khả năng bắn chính xác của pháo binh, địch đã tập trung pháo ngăn chặn những đợt tiến công ban đêm của ta, chờ tới lúc viện binh và không quân kịp can thiệp. Pháp đã phát huy tối đa sức mạnh không quân và pháo binh ở đồng bằng.

Trên hướng thứ yếu, ngày 3 tháng 6, trung đoàn 66, chống càn thắng lợi ở Đông Lương, diệt 200 địch, ta thương vong 12 người.

Như vậy, từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 6, ta tiến công một số cứ điểm, diệt trên hai đại đội địch, nhưng ta thương vong gần 1.000 người. Trong khi đó địch lại tăng cường đánh phá bằng không quân và pháo binh; tổ chức các cuộc càn với lực lượng từ một đến ba tiểu đoàn, nhằm đánh phá hậu phương ta.

Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến địch quyết định chuyển sang bước 2 (từ ngày 8 đến ngày 20 tháng 6), với chủ trương mới là đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ mùa màng, củng cố và khuếch trương thắng lợi chính trị của chiến dịch, phát triển binh vận, tranh thủ tiêu diệt thêm lực lượng địch. Từ đó, Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra chủ trương, mỗi đại đoàn để lại một trung đoàn hoạt động, khi phân tán, lúc tập trung và có thể luân phiên nhau; lực lượng còn lại về vùng tự do chấn chỉnh và chuẩn bị chiến đấu sẵn sàng trở lại chiến trường đánh địch.

Chấp hành chủ trương trên, ở Ninh Bình, trung đoàn 36 Đại đoàn 308 hai lần tập kích vị trí Cầu Cổ, Non Nước, chặn đánh địch lùng sục ra Chùa Cao, Phúc Am, Phú Khánh đồng thời đánh địch ở nhà thờ Đại Phong, phá cầu Yên, bắn bị thương một tàu LCT trên sông Đáy, chống càn quét ở Cẩm Giá diệt 60 tên, phá hủy 10 xe lội nước. Ở Yên Mô, Kim Sơn, trung đoàn 9 Đại đoàn 304 đánh địch ở Cối Tri, Quang Phục, diệt 62 lính Âu - Phi, bức địch rút Cổ Đôi và giúp dân gặt 80 mẫu lúa. Ở Hà Đông, trung đoàn 48 Đại đoàn 320 hoạt động ở vùng Chợ Cháy, ngày 17 tháng 6, tiêu diệt vị trí Phúc Lâm. Trung đoàn 64 tập kích địch ở Phố Cà (Mai Cầu), trên đường 1A, diệt 30 tên làm bị thương 20 tên khác.

Ngày 18 tháng 6, trong lúc hoạt động tác chiến lớn của ta đã giảm, thì địch mở cuộc càn quét lớn vào khu Chợ Cháy. Chúng tập trung tám tiểu đoàn bộ binh và dù, hai đại đội pháo 105mm phối hợp với lực lượng chiếm đóng quanh vùng cùng hành động. Cuộc càn này do Đờ-cát-tơ-ri (De castrie) chỉ huy. Tại đây, một tiểu đoàn của trung đoàn 48, cùng với lực lượng du kích địa phương đã kiên cường bám trụ, chặn đánh địch quyết liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Trong trận chống càn này ta đã diệt 220 địch, làm bị thương 140 tên và bắt 68 tên. Đêm 19 tháng 6, tiểu đoàn được lệnh rút ra khỏi vòng vây của địch và đưa nhân dân tạm lánh sang vùng Nho Quan.

Ở hướng phối hợp Tả ngạn sông Hồng, trung đoàn 42 cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích đã tiêu diệt 18 hương đồn, bức rút 12 hương đồn khác ở các huyện Phủ Cừ, Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, Gia Lộc, Bình Giang, tỉnh Hải Dương và Quỳnh Côi tỉnh Thái Bình.

Trong đợt 2 chiến dịch, các lực lượng vũ trang địa phương, thực hiện chủ trương: đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ mùa màng, củng cố và khuếch trương thắng lợi chính trị, phát triển ngụy vận, tranh thủ tiêu diệt thêm sinh lực địch. Đại đội 29 và du kích Yên Khánh dùng nội ứng diệt gọn vị trí Cầu Xanh, bắt 27 vệ sĩ. Đại đội 195 Kim Sơn đánh vị trí Tuy Lộc Hạ diệt gọn địch, thu vũ khí. Bộ đội địa phương, du kích Hà Nam tập kích phố Cà diệt một trung đội...

Căn cứ vào tình hình địch, ta và thời gian dự kiến, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch vào ngày 20 tháng 6 năm 1951.

Kết quả: Toàn chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 4.050 tên địch (có 40 phần trăm Âu - Phi của GM1, GM4). Riêng ở Hà Nam Ninh, địch chết 2.154 tên, bị thương 635, bị bắt 796 tên. Ta hy sinh 546 người, bị thương 1.700 người, mất tích 280 người1. Ta thu 832 súng trường, 123 tiểu liên, 62 trung liên, 10 đại liên, một trọng liên, 15 súng cối, 25 súng ngắn, 18 máy vô tuyến điện và số quân trang, quân dụng đủ trang bị cho một trung đoàn. Ngoài ra ta còn phá huỷ 14 xe lội nước, bắn hỏng một tàu chiến, đánh đắm năm ca nô, phá huỷ hai xe Jeép. Ta diệt 12 vị trí, bức rút chín vị trí, bức hàng hai vị trí và tiêu hao lực lượng địch ở tám vị trí khác. Về chính trị, bộ đội đã chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách dân vận, tôn giáo, địch vận, ngụy vận, tù hàng binh, nên đã tranh thủ được lòng dân, làm cho đồng bào vùng đạo Thiên Chúa hiểu thêm về kháng chiến, binh lính ngụy lầm đường theo giặc hiểu rõ chính sách và lượng khoan hồng của Đảng và Chính phủ ta. Nhiều cơ sở quần chúng trong địch hậu được khôi phục, nhiều cơ sở đang được xây dựng lại. Các lực lượng tham gia chiến dịch đã chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải coi trọng thắng lợi chính trị cũng như thắng lợi quân sự”.



Thắng lợi trên chiến trường Hà Nam Ninh đã thúc đẩy chiến tranh du kích ở dọc sông Đáy và ở Hữu ngạn sông Hồng, với hệ thống đồn bốt dày đặc của Pháp, có điều kiện phát triển mạnh hơn, làm cho vùng tạm chiếm ở cửa ngõ phía nam - tây nam Hà Nội bị uy hiếp mạnh, chiến tranh du kích ở Tả ngạn sông Hồng và đường số 5 càng sôi nổi, mạnh mẽ hơn. Thắng lợi về quân sự tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị. Sau một số năm sống dưới ách kìm kẹp và lừa gạt của địch, qua hoạt động của bộ đội và kết quả tiêu diệt địch trong chiến dịch, nhân dân ta càng phấn khởi, tin tưởng ở thắng lợi của cuộc kháng chiến. Hơn nữa, các chính sách của Đảng và Chính phủ về dân vận, về công giáo, về đối xử khoan hồng với ngụy quân, ngụy quyền khi bị bắt hoặc đầu hàng... được bộ đội ta thực hiện đúng đắn trong chiến dịch đã gây được ảnh hưởng lớn trong nhân dân đối với kháng chiến. Nhiều cơ quan quân, dân, chính, đảng ở địa phương, trong địa bàn chiến dịch, đã trở về bám dân, bám đất đẩy mạnh các hoạt động vũ trang tuyên truyền trong vùng địch. Thắng lợi chính trị của chiến dịch Hà Nam Ninh đã gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của những chiến dịch sau này2.

Trong chiến dịch Hà Nam Ninh, lần đầu tiên bộ đội ta tiêu diệt được quân chiếm đóng của địch trong một thị xã ở đồng bằng (thị xã Ninh Bình) bằng cách đánh bôn tập cường kích (từ xa tới tập kích bằng sức mạnh). Cũng là lần đầu tiên tiêu diệt bốn đại đội địch trong công sự vững chắc, sau hai đêm một ngày chiến đấu, mở ra một kỷ lục mới về đánh công kiên3. Đây là chiến dịch đầu tiên chủ lực ta tiến công vào hệ thống phòng ngự của quân Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi đối phương có nhiều thuận lợi về cơ động và hoả lực. Tuy tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, nhưng chiến dịch không đạt được yêu cầu đã đề ra. Những khuyết điểm trong chiến dịch này có phần thuộc về sự chỉ đạo chiến lược (chọn hướng mở chiến dịch, chuẩn bị bộ đội); có phần thuộc về chỉ huy chiến dịch (tạo lực, tạo thế, kế hoạch tác chiến, sử dụng lực lượng, cách đánh); và một phần do năng lực tổ chức chỉ huy, tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Song yếu tố tác động lớn nhất đến kết quả của chiến dịch vẫn là sự chỉ đạo chiến lược và chỉ huy chiến dịch. Do đó “hiệu suất chiến đấu thấp, chiến dịch kết thúc trong điều kiện so sánh lực lượng đã thay đổi bất lợi cho ta, quyền chủ động chiến dịch không còn”4. Đó là những hạn chế của ta trên bước đường trưởng thành từ đánh du kích tiến lên tác chiến tập trung, với quy mô nhiều đại đoàn.

Mặc đù, Chiến dịch Hà Nam Ninh không đạt được yêu cầu đã đề ra. Chúng ta đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, tạo nên một thắng lợi về chính trị trong chiến dịch. Do đó, ngày 27 tháng 6 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hà Nam Ninh đã tiêu diệt hơn 20 đại đội địch, “đã làm lay động tinh thần ngụy quân, đã phát triển chiến tranh du kích, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa màng”5.
______________________________________
1.Hồ sơ 412, trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng (tỷ lệ tổn thất là địch: 1,2 - ta 1.)
2.Hồ Sơ 412, trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
3.Đánh công kiên theo cách đánh mới: một điểm hai mặt, một đội bốn tổ.
4.Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, Nxb QĐND, H. 1995, tr. 122.
5.Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1995, tr.68.

chuongxedap:

CHIẾN DỊCH LÝ THƯỜNG KIỆT
(Tiến công, từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 31 tháng 10 năm 1951)


Sau Chiến dịch Hà Nam Ninh, tại đồng bằng Bắc Bộ, địch ra sức củng cố công sự, tăng cường càn quét vùng hậu địch, phá cơ sở nhân dân và kinh tế ta; đồng thời chúng đẩy mạnh kế hoạch củng cố vùng Tây Bắc. Địch tăng cường lực lượng củng cố Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái để giữ vựa thóc lớn của Tây Bắc và uy hiếp phía tây căn cứ Việt Bắc. Tại phân khu Nghĩa Lộ, lực lượng địch có một tiểu đoàn ngụy binh Thái (1e RTA) và bốn đại đội bổ sung chiếm đóng (LCSM), phân ra làm bốn điểm: Nghĩa Lộ, Gia Hội, Ba Khe, Thượng Bằng La, mỗi nơi có một đại đội, do một quan tư chỉ huy chung1.

Trước tình hình khó khăn ở hậu địch, Tổng Quân uỷ đề nghị với Trung ương cho mở một chiến dịch nhỏ ở hướng tây bắc và phát động một tháng chiến tranh du kích, buộc địch phải đối phó.

Ngày 11 tháng 9 năm 1951, Bộ Chính trị ra chỉ thị mở Chiến dịch Lý Thường Kiệt ở hướng tây bắc nhằm tiêu diệt một phần sinh lực địch, xây dựng cơ sở, đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá khối ngụy quân Thái. Hướng chính là phân khu Nghĩa Lộ. Lực lượng sử dụng là Đại đoàn 312, một liên đội sơn pháo 75mm, hai đại đội công binh, cùng với bộ đội địa phương các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang. Quân số tham gia gồm 8.479 người. Bộ Tư lệnh Đại đoàn 312 được Tổng Quân uỷ giao trách nhiệm điều hành chiến dịch. Hướng phụ do tiểu đoàn địa phương tỉnh Phú Thọ phụ trách, có nhiệm vụ uy hiếp Thượng Bằng La. Trung đoàn 148 tiến công Phòng Tô, Bình Lư, Tú Lệ. Quân số tham gia gồm 1.631 người.

Phương châm chiến dịch đặt ra là tranh thủ bất ngờ, bao vây tiêu diệt những cứ điểm, đánh chắc thắng, giải quyết nhanh, đánh liên tục cả đêm và ngày. Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, phục kích, tập kích, công kiên. Kết hợp tác chiến của chủ lực với các lực lượng vũ trang địa phương, phát triển chiến tranh du kích. Phối hợp chặt chẽ giữa tác chiến với vận động nhân dân và nguỵ binh.

Quán triệt phương châm trên, ngày 13 tháng 9, Bộ Tổng tham mưu ra chỉ thị cho các đơn vị khẩn trương bước vào chuẩn bị chiến dịch.

Ngày 25 tháng 9, Đại đoàn 312 vượt sông Hồng tiến vào Tây Bắc theo hai cánh. Cánh chính gồm hai trung đoàn 141, 209, cùng liên đội pháo 75mm vượt rừng núi hiểm trở, thâm nhập vào cánh đồng Nghĩa Lộ theo hướng bắc. Cánh phụ do trung đoàn 165 tiến theo đường 13, tiếp cận Nghĩa Lộ ở hướng đông nam.

Căn cứ vào nhiệm vụ chiến dịch và sau khi đi nghiên cứu thực địa, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Đại đoàn 312 quyết định kế hoạch tác chiến như sau: Trung đoàn 165 được phối thuộc một đại đội địa phương Yên Bái, một khẩu pháo 75mm, có nhiệm vụ tiến công Ca Vịnh, Ba Khe, Cốc Báng, Cửa Nhì, hai trung đoàn 141 và 209 cùng với liên đội pháo tiến công Bản Tú, Nghĩa Lộ, Gia Hội. Chỉ huy sở đại đoàn đặt ở giữa Khe Phong và Ngã Hai.

Về đảm bảo hậu cần, ngoài việc bố trí các kho gạo dọc đường đủ cung cấp cho bộ đội hành quân từ Phú Thọ lên Yên Bái, còn bố trí bên tả ngạn sông Hồng một số lượng gạo bổ sung cho toàn đại đoàn mỗi người 10 ngày ăn và mỗi dân công 21 kg trước khi sang sông. Kho dự trữ của đại đoàn khi tác chiến, một đặt ở Nậm Mười để cung cấp cho hai trung đoàn 141 và 209, một đặt ở gần Ca Vịnh để cung cấp cho trung đoàn 165.

Để phục vụ chiến dịch, vận chuyển hàng hoá, làm lán trại, bè mảng cho bộ đội qua sông, quân dân Tây Bắc đã huy động trên 29.000 dân công, cung cấp 522 ngựa thồ, vận chuyển 96.411 kg lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị cho bộ đội2.

Thời gian chuẩn bị chiến dịch tương đối đài, nhưng kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh chiến dịch thay đổi đến ba lần, nên công tác bảo đảm vật chất vẫn cập rập. Trong quá trình chuẩn bị, hướng tác chiến bị lộ, địch cho máy bay oanh tạc hậu phương và ngăn cản cuộc hành quân của ta. Các kho gạo Hào Gia, Cổ Phúc, Đại An bị máy bay đánh phá, thiệt hại 17 tấn gạo.

Trong khi ta tiến hành công tác chuẩn bị, do bị lộ, địch đã có những hành động đối phó. Ngày 16 tháng 9, địch ở Nghĩa Lộ thiết quân luật, tăng cường trinh sát bằng máy bay dọc sông Thao, ném bom bắn phá các cầu và những vùng nghi ta tập kết lực lượng. Tiếp đó, địch rút các đơn vị lẻ về tập trung ở các đồn chính. Ngày 27 tháng 9, địch rút Sai Trương về Nghĩa Lộ; ngày 28 tháng 9, địch rút Cốc Báng về Cửa Nhì; ngày 29 tháng 9, chúng rút Thượng Bằng La, Dông Bô và Khe Phìa. Mặc dù vậy, Bộ chỉ huy Chiến dịch vẫn quyết định mở màn đúng kế hoạch.

Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 9, phía cánh phụ trên đường 13, tiểu đoàn 115 trung đoàn 165 tiến công đồn Ca Vịnh. Lực lượng địch ở Ca Vịnh có 135 tên, do quan hai Rốc (Roch) chỉ huy, vũ khí có 12 trung liên, hai cối 61mm, một đại liên và nhiều súng trường, lựu đạn. 3 giờ 10 phút, ta nổ súng, đến 7 giờ 30 phút, ta mới phá huỷ được một phần công sự, địch chết nhiều ở giao thông hào, nhưng ta không giải quyết được hoàn toàn cứ điểm và phải rút ra ngoài, vì thương vong cao (hy sinh 36 người, bị thương 118 người)3. Ngày 1 tháng 10, địch bỏ Ca Vịnh rút về Ba Khe.

Đêm 1 tháng 10, ở cánh chính, tiểu đoàn 166 trung đoàn 209 tiến công Bản Tú (tiền đồn của Nghĩa Lộ). Địch ở đây có 120 tên, do quan một Rê-nar (Renoult) chỉ huy, vũ khí có sáu trung liên, hai cối 61mm và tiểu liên, súng trường. 23 giờ 30 phút, ta nổ súng, sau 5 phút đã mở được cửa mở và phát triển vào tung thâm. 24 giờ, ta hạ lệnh xung phong, địch rút về phía Nghĩa Lộ khoảng hai trung đội. Đến 24 giờ 40 phút, ta chiếm xong đồn, diệt 12 tên địch, bắt 16 tên (có tên quan một đồn trưởng). Trận này, ta hy sinh chín người, bị thương 71 người.

Lúc này, tiểu đoàn 1 Thái chia nhau cố thủ các vị trí Nghĩa Lộ, Gia Hội, Sơn Bục và gọi quân cứu viện. 17 giờ ngày 2 tháng 10, địch cho tiểu đoàn 8e BPC nhảy dù xuống Gia Hội, tây bắc Nghĩa Lộ 20 ki-lô-mét, đe dọa phía sau lưng quân ta. Đêm 2 tháng 10, trung đoàn 141 cùng một liên đội pháo tăng cường (năm khẩu), hai đại đội công binh, tiến công đồn Nghĩa Lộ. Quân ta công đồn quyết liệt, diệt một trung đội địch, tên quan tư chỉ huy Nghĩa Lộ bị chết tại trận, nhưng ta vẫn không chiếm được đồn này.
________________________________________
1.Hồ sơ 466, báo cáo Chiến dịch Lý Thường Kiệt, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
2.Số dân công trực tiếp phục vụ chiến dịch là 5000 người và trên 300 dân công làm nhiệm vụ cấp dưỡng, hộ lý tại bệnh viện hậu phương tuyến một đặt ở thôn Lưỡng (Hào Gia) cách thị xã Yên Bái bốn ki-lô-mét.
3.Hồ sơ 466, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

[*] Previous page