Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:07:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhà Tây Sơn  (Đọc 47299 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #60 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2010, 11:00:38 pm »

Các đại thần trung chính đều bất mãn. Một số quan văn, kẻ thì tìm kế xin về vườn, kẻ thì bị Tuyên tìm cớ giáng chức hay cách chức. Như:

- Võ Văn Cao, người Phú Yên, làm Quốc Tử Giám trực giảng, được thăng Thái Tử Trung Doãn đời Quang Trung, tánh cương trực, không chịu nổi thái độ và hành vi của Tuyên, nhân về cư tang cha mẹ, ở nhà cày ruộng. Có nhiều bài thơ chê Tuyên là gian thần. Tuyên rất giận. Khi Võ công chết, Tuyên bảo là giả chết bắt phá quan tài ra xem, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng phải can thiệp mới được miễn.

Lại như Trần Long Vỹ, người Hoài Ân, làm Thị Lang Bộ Lễ, cùng Tuyên là bạn đồng sự triều Quang Trung. Nhân lúc cao hứng làm một bài thơ Nôm Huề Mầm Thăng Huề Thượng, ngụ ý châm biếm Bùi Ðắc Tuyên, câu kết ngụ ý tự trào:

Tương chao xưa vẫn cùng chua mặn

Mình mãi lui cui quét lá đa.

Tuyên biết được bèn tìm cớ cách chức.

- Ðinh Sĩ An, người Bình Khê, thi đậu khoa Minh Kinh, được bổ vào Nội Các với Hàn lâm viện Ðãi Chiếu.Vì
thường qua lại cùng Trần Long Vỹ nên cũng bị Tuyên ghét đuổi về nhà.

Trần, Ðinh về Quy Nhơn thành lập một thi xã mệnh danh là Lưỡng Hoài, các danh sĩ ở ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn, hầu hết đều là xã viên. Trong số xã viên có Ngô Diên Diệu, Phan Bình Vân, Huỳnh Chiếu cùng với Ðinh Sĩ An được đời xưng là Tây Sơn tứ tài tử.

Về võ thần thì được trọng dụng nhất là Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng và Lê Văn Hưng.

Họ Ngô họ Phạm được ưu đãi vì nghiêng về phe Tuyên. Còn Lê Văn Hưng được Tuyên cho làm người thân cận chỉ vì là người đồng châu, tánh lại thật thà bảo sao làm vậy. Lê Văn Hưng là một quan võ giỏi đánh giặc chớ chữ nghĩa ít. Song hiệu lệnh của ba quân đều do họ Lê ban bố, quyền thế rất mạnh[85].

Tuy bảo sao làm vậy nhưng tánh Hưng lại trung trực, nên khi nhận thấy rõ Tuyên là một kẻ đại gian, thì phản ứng mạnh. Do đó bị Tuyên xúi Vua Cảnh Thịnh giết chết.

Các Võ thần đã cùng nhau ra sức dựng nghiệp cho nhà Tây Sơn đều đi trấn thủ ở các nơi hiểm yếu xa xôi. Ở trong triều một mình Bùi Ðắc Tuyên tác uy tác phúc.

-----------------

[79] Trong Ðại Nam Chánh Biên Liệt truyện chép là ngày 29 tháng 9 Nhâm Tý. Nhiều sách cũ nói về nhà Tây Sơn cũng chép theo Liệt truyện. Nhưng trong sách La Sơn Phu Tử, học giả Hoàng Xuân Hãn, đưa ra hai chứng nhân người Âu Châu là Gúerard và Labousse đều nói rằng Vua Quang Trung chết vào tháng September 1792. Tính theo Âm lịch thì September năm 1792 kéo dài từ 15 tháng 7 đến 15 tháng 8 năm Nhâm Tý. Còn ngày 29 tháng 9 năm Nhâm Tý thì nhằm ngày 13 November 1792. Chúng tôi nhận thấy rằng lời hai chứng nhân Âu Châu hợp lý hơn là nhà viết sử hậu sinh của nhà Nguyễn. Vậy Vua Quang Trung băng vào tháng 7 năm Nhâm Tý.

[80] Sử gọi dòng Nguyễn Huệ là Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh là Nguyễn Gia Miêu.

[81] Bài đăng trên Phổ Thông của Nguyễn Vỹ.

[82] Bản truyền thiếu một chữ.

[83] Tuyên là anh ruột bà hoàng hậu họ Bùi, là anh con bác ruột của Bùi Thị Xuân.

[84] Tuyên ở Xuân Hòa, Tú ở Phú Phong, hai làng giáp giới nhau (nay nhập thành một xã) cho nên hai bên
quen biết nhau từ lúc nhỏ.

[85] Về Lê Văn Hưng có một giai thoại rằng: Lúc còn trẻ ở nhờ nhà họ Dương, giao tình cùng với người tớ gái của chủ nhà tên là Ngọc Bích, Hưng tặng cho Ngọc Bích một chiếc nhẫn vàng hẹn 5 năm sau sẽ đến cưới. Quá hẹn không thấy Hưng đến, Ngọc Bích nhịn ăn mà chết

Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #61 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2010, 11:03:52 pm »

NGUYỄN PHÚC ÁNH NỔI DẬY
ÐÁNH TÂY SƠN

Vua Thái Ðức về già không có ý chí chiến đấu, những văn quan võ tướng có tài số qua đời, số về vườn, số theo Vua Quang Trung, số còn lại tuổi cũng đã cao, tài cũng đã tận. Lớp người mới không có người đủ tài kinh bang tế thế. Vì vậy thế nước vừa nổi lên cao lần lần xuống thấp, để rồi tàn.

Ðông Ðịnh Vương chỉ là một người có đức độ, không có tài trị nước yên dân. Những nhân tài ở Quy Nhơn vào phò tá chết lần, về hưu gần hết... Mà Gia Ðịnh lại đất rộng dân thưa, Vương không thể nào nắm vững được vây cánh. Nhà Nguyễn nhân đó chiếm đóng nhiều nơi hiểm yếu và thỉnh thoảng kéo binh đánh phá quân Tây Sơn. Trong xứ mất an ninh, lòng người ly tán. Nguyễn Phúc Ánh ở Xiêm La dò biết được tình hình, tháng 7 năm Ðinh Mùi (1787) đem cung quyến xuống thuyền về nước.

Nguyễn Phúc Ánh được vây cánh cũ kéo quân ra giúp. Quân thế khá vững. Tướng Tây Sơn là Phạm Văn Tham chống không lại, bỏ thành Sài Côn sang đóng ở Ba Thắc. Ðông Ðịnh Vương chạy về Quy Nhơn chịu tội cùng anh, rồi trở lên Kiên Mỹ thăm cố hương. Từ ấy biệt tích.

Nguyễn Phúc Ánh chiếm được Sài Côn tháng 8 năm Mậu Thân (1788).

Phạm Văn Tham cầm cự cùng quân Nguyễn Phúc Ánh cho đến mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Ðã đuối sức mà không thấy binh Quy Nhơn vào cứu. Phạm đem binh xuống thuyền, định ra bể về Quy Nhơn. Nhưng bị quân Nguyễn Phúc Ánh chận lại, phải trở lui Ba Thắc. Lâu ngày hết cả lương thực, Phạm đầu hàng và bị giết.

Từ ấy Gia Ðịnh thuộc về Nguyễn Phúc Ánh.

Làm chủ đất Gia Ðịnh rồi, Nguyễn Phúc Ánh một mặt lo sửa sang việc nước, một mặt nhờ Giám mục Bá Ða
Lộc (Evêque dAdran) đem Hoàng tử Cảnh sang Pháp xin cầu viện để đánh Tây Sơn. Ðược quân Pháp do Giám mục Bá Ða Lộc và Hoàng tử Cảnh rước về với hai chiếc tàu đồng do Chaigneau tục gọi là Nguyễn Văn Thắng, chỉ huy, và tàu Phụng do Vannier, tục gọi là Nguyễn Văn Chấn, điều khiển cùng một số tướng tá như Dayot (Dat-do), Olliver (Ô-ly-vi-ê), De Forcant (Ðờ Phot-xăng)... phò tá, quân lực của Nguyễn Phúc Ánh mỗi ngày mỗi thêm sung thiệm hùng cường.

Sau một năm chuẩn bị, tháng tư năm Canh Tuất (1790) Nguyễn Phúc Ánh sai Võ Tánh, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Câu... đem thủy lục quân ra đánh Tây Sơn ở Bình Thuận. Binh Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn chống cự kịch liệt, không tiến quân nổi, sau ba tháng giao tranh, phải rút về Gia Ðịnh.

Nguyễn Phúc Ánh nhận thấy mỗi năm bắt đầu từ tháng 3 có gió mùa thổi từ Nam ra Bắc, nên quyết định lợi dụng chiều gió để tấn công Quy Nhơn. Cho nên người đương thời gọi những trận Nguyễn Phúc Ánh kéo quân đánh Tây Sơn là giặc mùa.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #62 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2010, 11:04:32 pm »

Năm Nhâm Tý (1792 gió Nam vửa bắt đầu thổi, Nguyễn Phúc Ánh liền sai Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thành cùng hai người Pháp là Nguyễn Văn Phấn (Dayot), Nguyễn Văn Chấn (Vannier) đem chiến thuyền ra đánh Quy Nhơn. Quân nhà Nguyễn kéo vào cửa biển Thị Nại.

Cửa biển Thị Nại tức là cửa biển Quy Nhơn. Phía đông có dãy núi Phương Mai, phía tây có dãy núi Nhạn Châu tục gọi là Gành Ráng, làm cánh che. Từ thời Chiêm Thành đến đời Tây Sơn, cửa Thị Nại luôn luôn có quân phòng ngự. Vua Thái Ðức lại cho xây pháo đài ở hai dãy núi, và đặt đại bác ở trên núi bắn xuống mỗi khi bị giặc tấn công.

Nhưng lúc bấy giờ gió nam thổi mạnh, Binh Nguyễn dùng hỏa công đốt phá thủy trại Tây Sơn. Bị đánh thình lình lại có sức gió lửa quá mạnh, binh Tây Sơn không chống nổi phải bỏ Thị Nại chạy về Quy Nhơn. Quân Nguyễn đổ bộ, nhưng liền bị quân Tây Sơn từ Quy Nhơn kéo xuống đánh, phải rút lui.

Ở Phú Xuân, Vua Quang Trung (lúc bấy giờ còn sống) được tin quân Nguyễn kéo đánh Quy Nhơn, nổi giận liền chuẩn bị đại binh vào tận diệt nhà Nguyễn. Trần Quang Diệu đi đường Lào xuống đông Miên có tướng Miên O Nha Long hưởng ứng, còn nhà vua thì đem thủy binh vào cửa Cần Giờ. Trên đánh xuống, dưới đánh lên, mặt núi mặt biển đều bị bao vây. Nguyễn Phúc Ánh không còn lối thoát. Một mặt Vua Quang Trung tin cho Vua Thái Ðức biết dự định của mình để hai bên cùng tiến vào bao vây tiêu diệt toàn bộ lực lượng Nguyễn Phúc Ánh, một mặt gởi cho nhân dân Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Quy Nhơn bài hịch kêu gọi mọi người hăng hái tham gia cuộc tấn công sắp tới.

Bài hịch đại khái nói rằng:

Quân Tây Sơn đã lập được không biết bao nhiêu chiến công oanh liệt. Diệt quân Xiêm La, thắng quân Mãn
Thanh. Bao phen đánh quân nhà Nguyễn không còn mảnh giáp phải chạy ra cầu viện nước ngoài. Nay Nguyễn Phúc Ánh rước quân Pháp về phá rối nước nhà, vâng mệnh đức Hoàng Huynh, ta chuẩn bị một đạo thủy bộ hùng binh, sẽ thân hành kéo vào Nam diệt giặc. Giặc nhà Nguyễn chỉ là bè củi mục. Quân Tây Sơn sẽ thu hồi đất Gia Ðịnh trong nháy mắt.

Lại khuyên nhân dân không nên sợ bọn người Tây Dương. Chúng chỉ là nhứng xác chết. Những chiếc tàu đồng, những khinh khí cầu của chúng không có gì đáng sợ...

Tin Vua Quang Trung sẽ tấn công vào Gia Ðịnh làm cho nhân dân miền Nam phấn khởi, làm cho Vua tôi nhà Nguyễn và bọn Pháp vô cùng lo sợ. Nhưng cuộc hành binh không thực hiện được, vì đương mùa gió nam, thuyền đi vào bất lợi, nhất là tại khúc đường đi ngang qua bán đảo Triều Châu tại Quy Nhơn. Nơi đây tại Eo Vược gió thổi mạnh gấp ba gấp bốn gió ngoài khơi, gọi là nam lò. Ghe thuyền gặp lúc nam lò thổi thì khó tránh khỏi tai nạn. Cho nên khách hàng hải có câu:

Cha chết không lo

Hỏi thăm nam lò thổi dịu hay săng

Giáo sĩ Le Labouse gởi thư cho bạn, có đoạn rằng:

Tháng 2 năm 1792, chúng tôi phải rời bỏ con chiên để tránh quân địch Tây Sơn. Họ sẽ kéo đến vài chục
ngàn người, do đường Lào tiến vào Cao Miên. Người Cao Miên cũng dự tính theo họ nữa. Nguyễn Huệ sẽ đem hải quân ngăn chặn các cửa biển Nam Kỳ. Nếu dự định này được thi hành thì nhà vua và chúng tôi chỉ còn chờ chết. Nhưng nhờ ơn trên, dự định này không thấy thi hành. Chắc quân Tây Sơn e ngại các chiến hạm của người Âu Châu đóng đầy sông Sài Gòn do việc buôn bán....

Vua Quang Trung đợi sang thu, gió đông bắc thổi sẽ xuất chinh nhưng rủi bị cảm rồi băng. Vua Quang Trung băng, các nhà truyền giáo Kitô mừng. Nguyễn Phúc Ánh càng mừng.

Tháng 3 năm Quý Sửu. Nguyễn Phúc Ánh để Hoàng tử Cảnh ở lại giữ Gia Ðịnh với Giám mục Bá Ða Lộc, sai Tôn Thất Hội cùng Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Huỳnh Ðức đem bộ binh ra đánh Bình Thuận, còn mình cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem thủy binh đi đánh mặt bể.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #63 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2010, 11:05:20 pm »

Binh của Tôn Thất Hội đến Bình Thuận bị binh của Nguyễn Quang Huy chận đánh, không tiến nổi.

Thủy binh của Nguyễn Phúc Ánh vào cửa bể Nha Trang, đi ngược dòng sông Cù, kéo lên đánh Diên Khánh.
Quân Tây Sơn chận đánh tại bến Trường Cá làng Phương Sài. Hai bên kịch chiến. Thuyền chìm người chết đầy cả khúc sông. Cuối cùng quân Tây Sơn không chịu nổi sức súng của Pháp phải tan rã. Nguyễn Phúc
Ánh kéo lên Diên Khánh. Quân Tây Sơn bỏ thành về Quy Nhơn.

Thừa thắng Nguyễn Phúc Ánh đánh thẳng ra Phú Yên. Thành Phú Yên cũng bị thất thủ sau mấy ngày chiến đấu anh dũng.

Diên Khánh bị thất thủ, quân Bình Thuận mất hậu thuẫn, Nguyễn Quang Huy bị quân Tôn Thất Hội đánh thua, kéo quân chạy về Quy Nhơn chận quân Nguyễn.

Tôn Thất Hội chiếm được Bình Thuận thì liền được thư của Nguyễn Phúc Ánh bảo tiến binh ra hội với Thủy Sư ở Phú Yên để hai mặt cùng ra đánh Quy Nhơn.

Thủy binh Nguyễn Phúc Ánh vào cửa Thị Nại. Vua Thái Ðức sai Thái tử Nguyễn Bảo đem binh chống cự. Nguyễn Phúc Ánh mật sai Võ Tánh đem binh lẻn đi hội với toán quân Tôn Thất Hội. Nguyễn Văn Thành đánh tập hậu. Nguyễn Bảo bị đánh hai mặt, không chống nổi phải rút quân về thành Quy Nhơn. Quân Nguyễn Phúc Ánh kéo lên đánh thành Quy Nhơn.

Liệu thế không chống cự nổi, Vua Thái Ðức sai sứ ra Phú Xuân cầu viện.

Vua Cảnh Thịnh sai Thái Úy Phạm Công Hưng, Hộ Giá Nguyễn Văn Huấn, Ðại Tư Lộ Lê Trung và Ðại Tư Mã Ngô Văn Sở đem 17.000 bộ binh và 80 thớt voi đi đường bộ, lại sai Ðại Thống lĩnh Ðặng Văn Chân đem 30 chiến thuyền đi đường bể, cả hai đạo vào cứu Quy Nhơn.

Nguyễn Phúc Ánh nhận thấy viện binh hùng hậu, không thể chống nổi, liền rút đại binh về Diên Khánh.
Quân nhà Nguyễn rút ra khỏi Quy Nhơn, Vua Thái Ðức mở cổng thành đón binh Phú Xuân. Phạm Công Hưng vào thành truyền giải giáp quân Thái Ðức và sai quân chiếm giữ các kho tàng, Ngô Văn Sở can không được.
Vua Thái Ðức uất ức thổ huyết mà chết. Vua Thái Ðức ở ngôi được 16 năm (1778-1793) thọ 52 tuổi. Ngự cốt được đưa về an táng trong vùng núi Tây Sơn .

Vua Cảnh Thịnh phong cho Thái tử Nguyễn Bảo là Hiến Công, cho ăn lộc một huyện, gọi là Tiểu Triều, dinh đóng tại lỵ sở Tuy Viễn, bà chánh cung họ Trần đem hai người con nhỏ là Văn Ðức và Văn Lương về sống nơi quê hương Kiên Mỹ để được gần gũi lăng Vua, cho tiện việc hương khói.

Các đại thần của Vua Thái Ðức, nhờ Ngô Văn Sở can thiệp, khỏi bị hại. Phần nhiều lấy cớ tuổi già sức yếu xin về sống cùng vườn ruộng, một số ở lại làm việc, vì bảo rằng Vua Thái Ðức hay Vua Cảnh Thịnh cũng đều là người của đất Tây Sơn.

Vua Cảnh Thịnh để Lê Trung và Nguyễn Văn Huấn ở lại trấn thủ Quy Nhơn. còn Phạm Văn Hưng, Ngô Văn Sở, Ðặng Văn Chân cùng các tướng phò Vua Thái Ðức đều rút về Phú Xuân. Sau đó những quan văn quán Quy Nhơn cũng bị đưa đi phục vụ ở các nơi khác và đưa những người ở nơi khác, nhất là người Phú Xuân vào giữ những chức vụ quan trọng ở phủ huyện Quy Nhơn.

Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #64 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2010, 11:06:09 pm »

TÌNH HÌNH DIÊN KHÁNH VÀ PHÚ XUÂN

Nguyễn Phúc Ánh rút quân từ Quy Nhơn về Diên Khánh mùa thu năm Quý Sửu (1793). Nhận thấy địa thế Diên Khánh hiểm trở, Nguyễn Phúc Ánh cho xây thành đào hào ở phủ lỵ để làm Tổng hành dinh và cất trại lập xưởng ở dãy núi gần Trường Cá gần cửa bể Nha Trang để đóng tàu bè và giữ mặt bể.

Thành nằm trên địa phận hai thôn Phú Mỹ và Trường Thạnh. Chung quanh đắp đất, chu vi 366 trượng 4 thước, cao 8 thước 5 tấc. Trổ 6 cửa ra vào, xây gạch kiên cố, trên có vọng lâu tứ diện thông phong. Trên thành có đặt súng đại bác ở bốn mặt.

Trên dãy núi có trại xưởng ở Nha Trang cũng đặt súng đại bác và có thủy quân đóng. Do đó núi mang tên là núi Xưởng hay núi Trại Thủy[86].

Công việc phòng thủ lo xong, Nguyễn Phúc Ánh giao Diên Khánh cho Nguyễn Văn Thành trấn, còn mình thì kéo tướng sĩ về Gia Ðịnh. Sau đó cho Hoàng tử Cảnh và Giám mục Bá Ða Lộc ra tăng cường.

Năm Giáp Dần (1794), Vua Cảnh Thịnh sai Lê Văn Hưng vào đánh Phú Yên và Trần Quang Diệu vào đánh Diên Khánh.

Lê Văn Hưng kéo quân đến Cù Mông thì gặp Nguyễn Quang Huy.

Nguyễn Quang Huy sau khi bại binh ở Bình Thuận, không dám về Quy Nhơn, về quê hương ở Phú Yên, chiếm cứ một nơi hiểm yếu trong dãy Cù Mông đợi dịp lập công chuộc tội. Khi nghe binh Lê Văn Hưng kéo đánh Phú Yên thì liền đem quân ra hưởng ứng. Lê Văn Hưng vốn đã quen biết Nguyễn Quang Huy từ trước, nên vui mừng hợp tác với nhau.

Phú Yên được chiếm đóng dễ dàng, Lê Văn Hưng để Nguyễn Quang Huy ở lại trấn thủ, kéo binh về Phú Xuân.

Còn Trần Quang Diệu vào Diên Khánh, quân trong thành không dám ra đánh, đóng chặt cửa thành cố thủ.
Thành kiên cố, Trần Quang Diệu không hạ nổi đành bao vây chờ quân trong thành cạn lương thực.

Nguyễn Văn Thành cho người lẻn về Gia Ðịnh cáo cấp. Nguyễn Phúc Ánh bèn đem đại binh giải vây. Trần Quang Diệu rút quân về.

Nguyễn Phúc Ánh thấy quân Tây Sơn còn mạnh và lại đương mùa gió bấc, tiến binh không thuận tiện, đem Hoàng tử Cảnh và Giám mục Bá Ða Lộc về Gia Ðịnh, để Võ Tánh ở lại trấn thủ Diên Khánh thay Nguyễn Văn Thành.

Tháng giêng năm Ất Mão (1795), Trần Quang Diệu lại đem thủy binh và bộ binh vào đánh Diên Khánh. Võ Tánh giao chiến vài bận, liệu không đánh lại, đóng chặt cửa thành cố thủ, đợi Gia Ðịnh cấp viện binh. Ðến tháng 2, Nguyễn Phúc Ánh đem thủy sư ra cứu Diên Khánh.

Thủy quân Nguyễn Phúc Ánh không lên được Diên Khánh vì bị thủy binh Trần Quang Diệu chận đánh ở Trường Cá Phương Sài, phải đóng ngoài biển Nha Trang và các nơi hiểm yếu trên đất. Ngày ngày hai bên
đều có đánh nhau. Người trong xứ không làm ăn được yên ổn.

Thành Diên Khánh vẫn bị vây chặt. Ðoàn quân nào kéo ra cũng đều bị quân Tây Sơn tiêu diệt hoặc đánh lui, thủy quân nhà Nguyễn cũng không làm sao qua lại Trường Cá. Ưu thế nằm hẳn trong tay Trần Quang Diệu.

Chợt Trần Quang Diệu được tin Phú Xuân có biến!

Ở Phú Xuân, Bùi Ðắc Tuyên mỗi ngày mỗi thêm lộng quyền. Những người trước kia theo Tuyên như Ngô Văn Sở, Lê Văn Hưng... cũng không chịu nổi hành vi gian ác của Tuyên, nhiều khi tỏ thái độ bất bình. Tuyên muốn trừ khử nhưng chưa có dịp. Nhân Lê Văn Hưng, sau khi thắng trận ở Phú Yên, giao thành cho Nguyễn Quang Huy giữ, đem quân về Phú Xuân. Tuyên bắt tội là không thỉnh mệnh trước, tỏ ý muốn làm phản, tâu Vua chém đầu răn chúng. Vua Cảnh Thịnh nghe lời. Ngô Văn Sở can, nhưng không được. Quan Phụ Chánh Trần Văn Kỷ can thiệp, Tuyên nổi giận giáng chức, đày ra coi trạm Hoàng Giang. Sau đó Tuyên lại sai Ngô Văn Sở ra Bắc Hà thay cho Võ Văn Dũng và gọi Dũng về Phú Xuân. Dũng về đến Hoàng Giang[87] thì gặp Trần Văn Kỷ. Kỷ nói:

- Thái sư ngôi trùm cả nhân thần, cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết, nếu không sớm trừ đi, e bất lợi cho xã tắc. Ông nên lo liệu trước đi kẻo nữa ăn năn không kịp.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #65 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2010, 11:08:34 pm »

Võ Văn Dũng vốn tin trọng Văn Kỷ, liền nghe theo. Về Phú Xuân không vào triều, lén cho mời Phạm Công Hưng và Nguyễn Văn Huấn đến bàn mưu giết Bùi Ðắc Tuyên. Nhận thấy rõ lòng tàn nhẫn và tính phản phúc của Tuyên, Hưng và Huấn cùng lo ngại đến thân phận của mình, bèn hưởng ứng ngay lời Dũng. Ðêm đến kéo quân vây dinh Thái Sư. Chẳng ngờ đêm ấy Tuyên có việc ngủ trong cung. Bọn Dũng vây luôn cả cung và đòi Cảnh Thịnh giao Tuyên. Không dừng được, nhà vua phải bắt Tuyên đem giao, Dũng hạ ngục Tuyên rồi một mặt cho Nguyễn Văn Huấn vào Quy Nhơn bắt con Tuyên là Bùi Ðắc Trụ, một mặt giả chiếu ra Bắc Hà bắt Ngô Văn Sở,

Giải về Phú Xuân. Dũng phao cho Tuyên, Sở, Trụ mưu phản, đóng cũi nhốt đem dìm xuống sông Hương! Vua Cảnh Thịnh biết là oan, nhưng không sao ngăn cản được, đành gạt nước mắt khóc thầm!

Trần Quang Diệu nghe tin, thất kinh, nói cùng các tướng:

- Chúa thượng là người thiếu cương quyết để cho đại thần giết lẫn nhau. Nếu trong không yên thì đánh ngoài thế nào được.

Bèn ra lệnh rút quân về. Ði đường núi đã lâu lại không tiện, Trần Quang Diệu phải mở đường biển theo gió nam mà đi cho nhanh. Nguyễn Phúc Ánh không dám cản đường.

Trần Quang Diệu đến Phú Xuân, đóng quân tại An Cựu bên bờ phía nam sông Hương.

Võ Văn Dũng cùng Nội hầu Nguyễn Thế Tứ cũng đem quân bản bộ đóng ở phía bắc sông Hương, ỷ mệnh Vua cự nhau với Trần Quang Diệu.

Võ Ðình Tú lấy tình quen thân cả đôi bên, xin Vua Cảnh Thịnh cho phép đứng ra hòa giải. Nhờ vậy mà Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng nối lại tình xưa, đem binh vào thành, bệ kiến Vua Cảnh Thịnh.

Vua Cảnh Thịnh phong cho: Trần Quang Diệu làm Thái Phó, Nguyễn Văn Huấn làm Thái Bảo, Võ Văn Dũng làm Ðại Tư Ðồ, Nguyễn Văn Danh làm Ðại Tư Mã, gọi là Tứ Trụ đại thần, chung nắm quyền về dân sự và quân sự. Nhưng rồi có người dèm cùng Cảnh Thịnh rằng Diệu nắm uy quyền trọng quá, e có ý khác. Cảnh Thịnh bèn thu hết binh quyền, chỉ để Diệu giữ hư vị trong triều mà thôi. Diệu sinh nghi kỵ, thường cáo bệnh không đi chầu, và ngày đêm cắt kẻ thủ hạ 200 người mang vũ khí bên mình để phòng vệ.

Cảnh Thịnh lại sợ Võ Ðình Tú, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng là bạn cố giao, ở gần nhau bất lợi cho mình, bèn phong cho Tú chức Binh Bộ Tham tri vào coi quân ở Quy Nhơn và Phú Yên.

Kế đó Phạm Công Hưng bị bệnh mất. Nguyễn Thế tử bị thất sủng lén đem gia quyến đi khỏi Phú Xuân.
Nguyễn Văn Huấn đương trấn thủ Quy Nhơn bị Cảnh Thịnh triệu về kinh. Tư Ðồ Nghĩa được cử vào thay Huấn làm trấn thủ và Lại bộ Thị Lang Kính làm Hiệp Trấn giúp Nghĩa.

Huấn về đến Phú Xuân, Thượng thư Hồ Công Diệu tâu cùng Cảnh Thịnh rằng Huấn ở Quy Nhơn mưu kết thông cùng giặc, bị gọi về kinh tỏ ý bất bình. Cảnh Thịnh nghe lời, đợi lúc Huấn vào chầu ra lệnh bắt giết.
Nguyễn Văn Bảo nổi dậy đánh thành Quy Nhơn, nhưng quân lực quá yếu, nên liền bị đánh tan. Bảo bị bắt nhận chìm xuống sông đến chết.

Nghe tin dữ, bà họ Trần ở Kiên Mỹ liền đem hai con là Văn Ðức, Văn Lương và cháu nội con Nguyễn Bảo là Văn Ðẩu, chạy lên An Khê nương tựa cùng Cô Hầu ở Mộ Ðiểu. Tướng Cảnh Thịnh biết rõ, nhưng sợ tên
thuốc của người Thượng nên không dám đuổi theo.

Viên Thái Phó Lê Văn Ứng tâu cùng Cảnh Thịnh rằng nội biến của Tiểu Triều là do Lê Trung là người Quy Nhơn, trước có phò Vua Thái Ðức, Cảnh Thịnh tin lời, triệu Lê Trung vào triều, thét đao phủ quân bắt giết.
Con của Lê Trung là Lê Chất đương làm thủy quân Ðô Ðốc trấn giữ cửa Thị Nại, nghe tin nổi giận, chạy vào Gia Ðịnh quy hàng Nguyễn Phúc Ánh. Quyết trả thù, Lê Chất nói cho Nguyễn Phúc Ánh biết hết tất cả những cơ quan bí mật và những yếu điểm ở Thị Nại[88].

Dưới triều Thái Ðức, Quang Trung, Vua tôi tin cậy nhau, bạn bằng yêu kính nhau. Từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài, đều lấy nghĩa mà đối đãi nhau. Quan văn cũng như tướng võ, ai nấy đều lo tròn nghĩa vụ, quyền không ham, lợi không ham. Nhờ vậy mà nước được mạnh, dân được yên. Sang triều Cảnh Thịnh, Vua tôi nghi kỵ nhau, đình thần hãm hại nhau. Ai nấy đều lo quyền lợi riêng của mình, không nghĩ đến quyền lợi chung của dân của nước. Khiến thế nước càng ngày càng đảo khuynh, lòng người càng ngày càng ly tán. Do đó mà Nguyễn Phúc Ánh không tốn bao nhiêu công phu mà lập nên sự nghiệp lớn trong một thời gian ngắn.

-----------

[86] Dãy núi nằm ở địa đầu thành phố Nha Trang, hiện có chùa Hải Ðức và Kim thân Phật Tổ.

[87] Có sách gọi lá Hán Xuyên, hoặc Mỹ Xuyên.

[88] Có sách chép Lê Chất là rể Lê Trung.

Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #66 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2010, 11:09:39 pm »

CUỘC ÐẠI CHIẾN Ở QUY NHƠN
GIỮA HAI NHÀ NGUYỄN

Năm Ất Mão (1795), sau ki quân Trần Quang Diệu rút về Phú Xuân thì Nguyễn Phúc Ánh cũng rút quân về Gia Ðịnh lo tích trữ thêm lương thực, chiêu mộ thêm binh sĩ, quyết chí diệt Tây Sơn.

Tháng 3 năm Ðinh Tỵ (1797), mùa gió nam bắt đầu, Nguyễn Phúc Ánh để Tôn Thất Hội ở lại giữ Gia Ðịnh, cùng Hoàng tử Cảnh đem binh thuyền ra đánh Quy Nhơn. Bị thủy quân Quy Nhơn đánh lui, Nguyễn Phúc Ánh theo chiều gió ra đánh Quảng Nam.

Trấn thủ Quảng Nam là Phạm Văn Thọ, người Bồng Sơn, đi coi việc lương ở ngoài. Thành bị vây đánh. Người vợ là Lâm Thị Bạch, người An Nhơn, đóng cửa thành cố thủ. Ðịch đánh hăng quá, phu nhân liệu không giữ lâu nổi, bèn cắt tay lấy máu viết thư xin cứu viện với Tổng binh trấn Quảng Nghĩa là Nguyễn Văn Lộc. Binh Quảng Nghĩa ra cứu, quân Nguyễn Phúc Ánh phải lui. Phạm Văn Thọ trở về giữ thành. Nguyễn
Văn Lộc trở về giữ Quảng Nghĩa.

Nguyễn Phúc Ánh đánh Quảng Nam ngót hai tháng, quân lương hết phải rút trở về Gia Ðịnh.

Nguyễn Phúc Ánh về Gia Ðịnh, một mặt sai Nguyễn Văn Thụy sang Xiêm La xin Vua Xiêm đem quân theo đường Vạn Tường sang đánh lấy Thuận Hóa hoặc Nghệ An, một mặt sai Ngô Nhân Tịnh sang sứ nhà Thanh để cầu phong làm Quốc vương thay Nguyễn Quang Toản. Tháng 3 năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Phúc Ánh cử đại binh ra đánh Quy Nhơn.

Quy Nhơn trước kia, quan văn cũng như võ tướng phần nhiều đều là người địa phương. Tình nghĩa giữa quân và dân rất mặn nồng khăng khít. Từ ngày cháu cướp quyền bác, đưa người Quy Nhơn đi phục vụ ở nơi khác và đưa người nơi khác vào cai trị người Quy Nhơn, thì quân và dân trở thành dầu và nước. Kẻ có quyền không có đức lại gặp được hôn quân, liền hùa gió bẻ bắp, nhân dân phải chịu nhiều nỗi cay đắng, những mong có cuộc thay đổi. Do đó địa phương có câu:

Lạy trời cho chóng gió nồm

Cho thuyền chúa Nguyễn thuận buồm thẳng ra.

Vì vậy khi Nguyễn Phúc Ánh ra Quy Nhơn thì nhân dân ngấm ngầm ủng hộ.

Nguyễn Phúc Ánh vào cửa Thị Nại, tháng 4 năm Kỷ Mùi sai Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Ðức đem quân lên bộ đóng ở Hàm Long thuộc Tuy Phước, và Tống Viết Phước ra đóng ở núi Cung Quăng thuộc Bồng Sơn .

Hàm Long là một độc sơn không cao không lớn, nằm trong địa phận thôn Thuận Nghi. Hình giống như đầu rồng, miệng há rộng. Con sông Hà Thanh chạy từ Nam ra Bắc, qua khỏi núi thì quành xuống đông để ra đầm Thị Nại, tạo thành cánh tay ôm lấy chân núi ở mặt bắc và mặt tây. Núi còn một tên nữa là Cần Úc sơn. Núi tuy thấp bé, song có thế dụng binh.

Cung Quăng ở phía đông bắc Bồng Sơn. Mặt bắc của núi thuộc về Ðức Phổ, Quảng Nghĩa. Thế núi trập trùng, cây cỏ sầm uất. Dính liền với núi Sa Lung ở phía tây và núi Thạch Tân ở phía đông. Ba ngọn núi này hợp nhau thành một bức tường thành thiên nhiên che chở cho thành Quy Nhơn ở mặt bắc.

Những nơi hiểm yếu này cũng như các nơi khác trong vùng đất Quy Nhơn đều do Lê Chất và một số người chán ghét Cảnh Thịnh chỉ dẫn cho Nguyễn Phúc Ánh.

Chiếm cứ Hàm Long và Cung Quăng rồi, Võ Tánh và Tống Viết Phước lo việc bố phòng. Tống lo chận binh cứu viện ở Phú Xuân. Võ chờ thủy binh của Nguyễn Phúc Ánh kéo đánh mặt trước thành Quy Nhơn, sẽ kéo quân đánh bọc hậu.

Võ Ðình Tú đi kinh lý Phú Yên được tin quân Nguyễn Phúc Ánh đổ bộ Quy Nhơn, vội kéo quân về, đi thẳng lên Cần Úc đánh quân Võ Tánh.

Hai bên kịch chiến suốt hai ngày đêm, Võ Tánh trá bại, Nguyễn Huỳnh Ðức phục binh trên núi với cung tên và súng đạn. Võ Ðình Tú bị mắc mưu giục quân đuổi theo. Tên trên núi bắn xuống như mưa, chen vào những tiếng súng nổ. Quân Tây Sơn bị trúng tên lớp chết lớp bỏ chạy. Ðình Tú tả xung hữu đột, cây thiết côn gạt phăng bao nhiều mũi tên bắn vun vút vào người và ngựa. Nhưng không thể tránh khỏi đạn đồng. Bị thương nặng, máu chảy dầm mình, đuối sức ngã gục trên lưng ngựa. Ngựa hí một tiếng dài, nhảy ra khỏi trận tuyến, chạy một mạch về Phú Phong[89]. Ðến nhà thì ngựa ngã lăn ra chết. Võ Ðình Tú cũng đã lạnh hết chân tay.

Ðó là vào cuối tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799).
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #67 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2010, 11:10:26 pm »

Ðầu tháng 5, Nguyễn Phúc Ánh kéo quân lên vây thành Quy Nhơn, trấn thủ Quy Nhơn lúc bấy giờ là Lê Văn Thanh[90] đem quân ra chống cự.

Ở Hàm Long, Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Ðức kéo binh đánh đồn Trấp Xá ở Quán Chẹt. Tướng giữ đồn là Trương Tấn Túy chống cự không nổi, bỏ đồn chạy về Quy Nhơn. Quân nhà Nguyễn kéo đánh tiếp đồn Tháp Thi Thiện tục gọi là tháp Bánh Ít. Tướng giữ đồn là Lê Văn Thiệt bị trúng đạn chết trên bành voi. Quân sĩ đều tan rã. Quân Võ Tánh thừa thắng kéo ra Ngạc Ðầm tục gọi là Bàu Sấu ở thôn Thiết Trụ thuộc An Nhơn.
Bàu Sấu không rộng lắm nhưng rất sâu, nắng mấy cũng không cạn. Phía tây là thôn Ðại Bình, phía đông là thôn Thiết Tràng. Bốn mùa người ở phía tây, phía đông qua lại với nhau phải đi đò. Bên mé bàu phía đông có một dãy núi đất chạy dài ra phía bắc, tiếp nối với những gò đống, giống hình rồng uốn khúc, gọi là Kim Ðồng. Trên núi có bảy đồn lính đóng để canh giữ mặt sau thành Quy Nhơn.

Bảy đồn này có thế núi và nước, lại rất kiên cố. Quân Võ Tánh trào lên lớp nào bị quân trên đồn bắn chết lớp nấy, không sao tiến nổi, đành phải đóng lại dưới chân núi, phía tây bàu. Nguyễn Phúc Ánh đánh thành mấy ngày liền, nhưng không hạ nổi, Lê Văn Thành chống cự đã đuối sức, phải đóng cửa thành cố thủ để đợi quân cứu viện Phú Xuân. Nguyễn Phúc Ánh bao vây thành, và truyền Võ Tánh giữ vững mặt phía tây, Tống Viết Phước giữ vững mặt phía bắc, đề phòng binh Phú Xuân.

Binh Phú Xuân do Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy, kéo vào đến Quảng Nghĩa thì bị binh Tống Viết Phước chận lại, phải dừng lại Thạch Tân. Thừa lúc trời tối, Võ Văn Dũng lén đem quân theo đường Chung Xá, mưu đánh úp quân Tống Viết Phước. Chẳng ngờ khắp nơi đều có quân đóng giữ và canh phòng cẩn mật, binh Võ Văn Dũng bị thua to. May nhờ Trần Quang Diệu cứu ứng kịp, Võ Văn Dũng mới thoát nạn. Nhưng quân Trần Quang Diệu không sao đánh thủng quân Tống Viết Phước, nên không cứu được thành Quy Nhơn.

Lê Văn Thanh đợi không thấy viện binh mà trong thành lương thực lại hết, bất đắc dĩ phải mở thành cùng Thượng thư Nguyễn Văn Phác, thiếu úy Trương Tấn Túy ra hàng. Nguyễn Phúc Ánh vào thành Quy Nhơn, chém chết tướng tá Tây Sơn, và đổi tên là thành Bình Ðịnh.

Nguyễn Quang Huy ở Phú Yên nghe tin Quy Nhơn thất thủ, kinh hãi nói:

- Quy Nhơn mất rồi, nếu ở Diên Khánh đánh ra ở ngoài đánh vào Phú Yên lưỡng đầu thọ địch, không tài nào chống nổi.

Bèn bỏ Phú Yên kéo quân ra cứu Quy Nhơn.

Nguyễn Quang Huy đánh rất hăng. Một ngày đánh bại 25 viên tướng của Nguyễn Phúc Ánh. Nguyễn Phúc Ánh lấy làm lạ, lên thành đứng xem. Quang Huy trông thấy dùng cung Thiết Thai[91] bắn trúng cánh tay trái. Nguyễn Phúc Ánh té nhào bất tỉnh. Tướng sĩ đưa vào dinh cứu chữa. Tỉnh dậy, sai rút hết quân vào thành tạm nghỉ.

Quang Huy đóng quân trước thành.

Nguyễn Văn Thành ở Diên Khánh được tin Phú Yên bỏ trống liền đem quân ra chiếm đóng, rồi sẵn đường kéo thẳng ra Quy Nhơn.

Quân Nguyễn Văn Thành và quân Nguyễn Quang Huy giao chiến. Nguyễn Phúc Ánh sai Nguyễn Huỳnh Ðức mở cửa thành kéo quân ra tiếp ứng. Quân Quang Huy bị đánh hai mặt, hết sức chống đỡ nhưng quân nhà Nguyễn quá đông, giết lớp này lớp khác tràn tới. Sức đuối dần, quân Quang Huy bị ta rã. Quang Huy một người một ngựa chạy vào núi Dương An.

Núi Dương An cũng gọi là Phước An, nằm phía nam thành Quy Nhơn trong vùng Vân Canh, hình dáng kỳ đặc kiêu hùng, chu vi hơn trăm dặm, đỉnh cao chất ngất, lúc nào cũng có mây vần. Cây cối rậm rạp, phần nhiều là danh mộc sống lâu trên trăm năm và lớn từ một ôm trở lên. Sườn núi dốc và đá xanh chập chồng. Dù leo núi giỏi đến đâu cũng khó leo thấu đỉnh.

Chung quanh Dương An có nhiều núi cao nối liền nhau thành dãy Nam Sơn chạy dài từ dãy Tây Sơn vùng An Khê xuống đến biển Thị Nại.

Ðịa thế rất hùng hiểm.

Nguyễn Quang Huy vào Dương An chiêu mộ hào kiệt chờ dịp phục thù.

Còn Nguyễn Phúc Ánh bị vết tên quá nặng, phải đem tướng sĩ trở vào Gia Ðịnh, giao thành Quy Nhơn vừa
đổi tên Bình Ðịnh cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu trấn thủ. Tống Viết Phước vẫn canh giữ Cung Quăng để phòng ngự mặt bắc.

-----------

[89] Phú Phong là quê hương của Võ Ðình Tú - đã nói rõ trước kia.

[90] Mới vừa đến thay Tư đồ Nghĩa được mấy tháng.

[91] Cung lớn có nòng sắt, có sức mạnh mới kéo nổi dây cung. Bắn rất xa.

Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #68 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 07:00:15 pm »

TRẦN QUANG DIỆU CHIẾM BÌNH ÐỊNH
NGUYỄN PHÚC ÁNH CHIẾM PHÚ XUÂN

Ðược tin Quy Nhơn thất thủ, Cảnh Thịnh định thân chinh. Nhưng gặp tang Ngọc Hân, nên tạm hoãn, truyền Nguyễn Văn Giáp vào giữ sông Trà Khúc ở Quảng Nghĩa và gọi Trần Quang Diệu cùng Võ Văn Dũng ra giữ Quảng Nam (Kỷ mùi 1799).

Ngọc Hân Công Chúa vào Phú Xuân năm bính Ngọ (1786) và được phong Bắc Cung Hoàng Hậu năm Kỷ Dậu (1789). Năm Nhâm Tý (1792), Vua Quang Trung băng, Hoàng Hậu có một bài văn Tế và một bài Vãn, lời tha thiết não nùng.

Hoàng Hậu sống cùng Vua Quang Trung được bảy năm (1786-1792), sanh hạ được hai con, một trai một gái.

Vua Cảnh Thịnh ban tên thụy là Như Ý Trang Thân Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Phan Huy Ích phụng soạn năm bài văn tế bằng chữ Nôm:

- Một bài cho Vua Cảnh Thịnh đứng tế.

- Một bài cho các công chúa con Bùi Thái Hậu đứng tế.

- Một bài cho bà Phù Ninh Từ Cung, thân sinh Vũ Hoàng Hậu, đứng tế.

- Một bài cho các tôn thất nhà Lê đứng tế.

- Một bài cho bà con bên Ngoại Vũ Hoàng Hậu đứng tế.

Có nhiều câu, nghe qua là biết ngay được người được tế. Như:

* Giọt ngân phái câu nên vẻ quý, duyên hảo cầu thêm giúp mối tu tề.

Khóc thư châu thổi sánh tiếng hòa, khuôn nội tắc đã gây nền nhân nhượng.

* Hồ Ðỉnh ngậm ngùi cung nọ, đã sắp chìm châu lấp ngọc bởi từng nguyền.

Cung Khôn bận bịu gối nao, ép vì vun quế quến lan nên hãy gượng.

Trong các bài công chúa đứng tế:

* Thuở doành Hoàng tô vẻ, trau vàng chuốt ngọc vẹn mười phân.

* Trãi phen bến Vỵ đưa duyên, phiếm sắc xoang cầm vầy một thể.

* Dù gót ngọc vui miền Tây Thổ, nỡ nào quên hai chồi lan quế còn thơ.

* Dù xiêm nghê mến cảnh Thanh Ðô, nỡ nào lãng một bóng tang du sắp xế.

Trong các bài tôn thất nhà Lê:

Hẳn non Lam khí vượng đã tàn rồi

Nên vườn Lãng hoa tươi mà vội th
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #69 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 07:01:10 pm »

Tang lễ cử hành rất long trọng. Người người đều tỏ lòng thương tiếc.

Đương lúc trong triều ngoài nội, biến  cố xảy ra dồn dập, mà đình thần cứ lo khuynh loát lẫn nhau, vua không nghĩ đến nỗi mất còn của quốc gia, cứ lo ăn chơi và nghe lời nịnh nọt sát hại công thần, khiến mỗi nước càng ngày càng thêm rối rắm, lòng người càng ngày càng thêm ly tán.

Bọn Trần Viết Kiết, Hồ Công Diệu, Trần Văn Kỷ vốn ghét Trần Quang Diệu, nhân thành Quy Nhơn thất thủ, bắt tội Diệu là dồn binh không chịu tiếp ứng, tâu cùng Cảnh Thịnh, xin sai người đưa mật thư vào Quảng Nam báo Võ Văn Dũng bắt Diệu giết đi. Dũng được thư, tự nghĩ:

- Tội là tội của mình, Trần huynh đã có lòng tốt không cáo giác, sao nay mình nỡ hại ân nhân. Thà đắc tội cùng vùa còn hơn phạm tôi vong ân phụ nghĩa.

Bèn đưa thư cho Diệu Xem.

Diệu nổi giận:

- Chúng ta đem hết lòng hết sức ra phò Vua. Vua đã không nghĩ đến công lao thì chớ, còn nghe lời siểm nịnh hết phen này đến phen khác, sẵn tay giết chết chúng ta! Tình thế không thể để kéo dài mãi. Tôn huynh hãy ở lại đây ngừa giặc, tôi về kinh.

Trần Quang Diệu về đóng binh tại bờ phía nam sông Hương, Cảnh Thịnh cho ra vời, Diệu không phụng mệnh. Nhà vua sợ hãi, phải nhờ đến nữ tướng Bùi Thị Xuân.

Nữ tướng Bùi Thị Xuân là chị em thúc bá ruột với Bùi Thái Hậu. Võ nghệ đã tuyệt luân lại còn cùng chồng là Trần Quang Diệu góp một phần lớn trong việc dựng nghiệp cho nhà Tây Sơn. Nhưng vì là phận nữ lưu không được tham dự quốc sự, trải ba triều Thái Ðức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, bà chỉ lo việc bảo vệ hoàng thành và nội cung với 5.000 nữ binh và 200 thớt voi do bà tập luyện[93]. Thỉnh thoảng bà theo chồng ra trận, như trận đánh Ai Lao năm Quang Trung thứ hai (1785). Năm ấy vì quốc vương Ai Lao không nạp cống lễ, Vua Quang Trung sai Trần Quang Diệu đem một vạn quân đi vấn tội. Bà lãnh đi tiên phong. Ðến Vạn Tượng, chỉ xáp chiến một trận là hạ ngay được thành. Chiến thắng này vang dội tới Gia Ðịnh. Nguyễn Phúc Ánh rất sợ uy vợ chồng bà. Vua Quang Trung băng hà, bà thọ mệnh phò tá ấu chúa. Nhưng Cảnh Thịnh bị bọn gian thần do Bùi Ðắc Tuyên cấu kết, làm bức thành giữa bà và nhà vua. Mãi đến lúc có việc, Cảnh Thịnh mới nhớ đến bà.

Bùi nữ tướng đến gặp chồng, vợ chồng bàn với nhau .

Mối họa trong triều chỉ do bọn gian thần gây nên. Tận diệt bọn ấy thì mối giềng lập lại không đến nỗi khó.
Trần Quang Diệu xin Vua bắt bọn gian thần trị tội.

Trần Văn Kỷ đổ tội cho Trần Viết Kiết và Hồ Công Diệu rồi trốn mất. Nhà vua sai bắt Công Diệu và Kiết đem nộp cho Trần Quang Diệu. Trần Quang Diệu vào triều làm lễ cẩn, rồi lãnh đại binh trở vào Nam.

Tháng giêng năm Canh Thân (1800) Trần Quang Diệu vào Quảng Nam hợp cùng Võ Văn Dũng để vào Quy Nhơn. Nhưng tới Bình Ðê cũng bị quân Tống Viết Phước cản lại. Diệu bèn sai người ra Trà Khúc lấy binh của Nguyễn Văn Giáp, và hợp sức với trấn thủ Quảng Nghĩa là Nguyễn Văn Lộc, tìm mưu phá đường vào Quy Nhơn.

Nguyễn Văn Lộc biết rõ địa thế nơi ranh giới Quảng Nghĩa, Quy Nhơn, đề nghị chia quân là ba đạo: một đạo đi ngõ đèo Bến Ðá, một đạo theo đường hẻm phía tây núi Sa Lung, một đạo theo nẻo tắt xuyên qua núi Cung Quăng. Ba đạo đồng một lượt nổi trống chiêng và la ó, làm cho địch khiếp sợ, hoang mang không biết ngả nào mà chống đỡ. Rồi ba mặt sáp lại đánh địch tất phải thua.

Trần Quang Diệu y kế qua khỏi đèo Bến Ðá, thẳng vào thành Quy Nhơn.

Võ Tánh đem quân ra đánh. Nhưng đánh không lại, kéo quân vào thành cố thủ. Trần Quang Diệu một mặt cho bao vây công kích, một mặt phân công cho Võ Văn Dũng cầm thủy binh giữ cửa biển Thị Nại.

Quân nhà Nguyễn đã có tên lại có đạn, ở trên thành bắn xuống, quân Tây Sơn không thể đến gần chân thành. Trần Quang Diệu cho đắp trường lũy chung quanh thành vây khốn. Còn Võ Văn Dũng thì đem chiến thuyền Ðịnh Quốc và trăm dư chiến thuyển nhỏ, ra đóng giặng ngang cửa biển. Hai pháo đài ở Gành Ráng và Phương Mai bấy lâu bỏ hoang, được dùng sửa sang lại, và đặt súng đại bác để canh phòng.

Nguyễn Phúc Ánh nghe tin Quy Nhơn bị khốn, tháng 3 năm Canh Thân (1800), cử đại binh ra cứu viện.

Nguyễn Văn Thành cùng Lê Chất, Nguyễn Ðình Bắc, Trương Tấn Bửu đem bộ binh ra đánh Phú Yên rồi kéo
đóng ở núi Thị Dã, đợi thủy binh[94].

Thủy binh do Nguyễn Phúc Ánh chỉ huy, kéo ra đóng ở Cù Lao Xanh ngoài cửa Thị Nại[95]

Thủy binh cũng như bộ binh đều bị quân Tây Sơn ngăn cản không liên lạc được với nhau, mà cũng không tiến được. Ðành phải án binh bất động.

Võ Tánh đóng chặt cửa thành chờ viện binh.

Trần Quang Diệu cũng vây chặt chờ trong thành hết lương thực.

Lúc bấy giờ Ðiều quân Thượng đạo là Lưu Phúc Tường liên kết với người Vạn Tượng, Trấn Ninh công nhiễu các trấn Thanh Hóa, Nghệ An. Các thổ dân đều dấy binh sách ứng. Tín đồ Thiên Chúa giáo do các nhà truyền giáo Pháp cổ động, cũng nổi lên đánh phá lung tung.

Ngày 13 tháng 4 năm ấy, lúc giờ Thìn, bỗng hiện ba mặt trời giữa không, chà xát lẫn nhau. Qua giờ thân ngày sau, biến đi một mặt, còn hai mặt cũng cứ chà xát với nhau cho đến tối. Nước sông hồ cạn dần.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Mười Một, 2010, 10:50:21 pm gửi bởi TuongLinh » Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM