Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 05:50:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trước giờ nổ súng  (Đọc 55658 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 07:23:45 pm »

TRƯỚC GIỜ NỔ SÚNG (Tiểu thuyết)

Tác giả : Phan Tứ (Lê Khâm)
Rút trong tập “PHAN TỨ - Tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh”
Nhà xuất bản Văn học 2007

Số hóa : hoi_ls





I


   Mưa núi tỏa đều và nặng trên đồn Pà Thạc.

   Những nóc lô cốt chìm trong đêm, hằn trên nền trời vần vụ một đường sóng dài, chen đôi chỗ gãy góc. Ngọn đèn điện treo giữa cổng chính soi ánh vàng ệch xuống một mảng thép gai và mấy thân cọc lổn nhổn chạy vào bóng tối. Cái khối bê tông, gỗ, đá, thép gai úp tròn trên đỉnh đồi này nằm lịm, chỉ hé lên đôi chấm đèn ngái ngủ. Từng lúc, bọn lính trong hầm nói mê lầu bầu, nghiến răng, nhai tóp tép. Tiếng động luồn qua các lỗ châu mai như một hơi thở ngột ngạt, cắt ngang tiếng dế rên ti tỉ từ trong lòng đất thấm ra, rồi lắng đi.

   Tên lính gác vẫn đứng dựa vào tường lô cốt, gãi, ngáp, xốc cổ áo mưa sột soạt. Lưng hắn bịt giữa lỗ châu mai. Lính gác không đứng trước lỗ châu mai bao giờ. Nhưng hắn là lính mới, hắn ngốc. Hai giờ gác dưới mưa dài hơn hai canh bạc thâu đêm. Hắn vặn người, vươn vai một cái rõ mạnh. Rồi hắn giật thót bụng, bật người sang bên: Bàn tay hắn vừa chạm phải vật gì mềm mà tròn trên miệng lỗ châu mai. Như con rắn. Hắn lóng ngóng lên đạn, lại buông súng. Hắn đánh diêm, khum tay che mưa, soi. Không có gì. Chắc con rắn đã bò ra ngoài, hay là hắn mê ngủ cũng nên. Hắn xốc lại áo mưa, chập chờn ngủ đứng.

   Dưới chân hắn, cách đế giày độ một gang tay, nền đất không phẳng nữa mà cồn lên lượn xuống thành những nét lạ. Những nét ấy từ từ chuyển, từ từ chuyển, không một tiếng động, như con trăn gió nửa đêm trườn lên cây bắt khỉ.

   Đại đội trưởng Lương nhún mình trên mười đầu ngón tay, nhích lùi ra một gang nữa, rồi nằm im, dán người dọc chân tường. Thân hình trần truồng bôi kín đất đỏ lẫn vào màu đất sân đồn. Anh nheo mắt nhìn thằng lính gác ngờ nghệch đang ghếch cùi tay lên thành lỗ châu mai. Cáu không thể tả. Y như hắn đánh bạc bịp với Lương. Vừa rồi anh sốt ruột, nhoi lên gang lại chiều dày của tường lô cốt, bị hắn chạm phải tay suýt lộ. Giờ đây, đôi giày vải rách lại cắm sừng sững trước mặt anh như trêu tức. Từng luồng hơi thối khắm phọt qua lỗ thủng chỗ ngón chân út. Cái mảnh cao su đen tròn đính ngang mắt cá giày giống như một tròng mắt lồi nhìn Lương ngạo nghễ, không chớp.

   Tiếng giày đinh lệt sệt đến gần. Lương lé mắt nhìn nghiêng. Mấy bóng đen dừng lại. Một tia đèn bấm lóe, tắt. Thằng lính gác lập cập bước ra, nói ấp úng, bị thộp ngực day cho lạng chúi. Chỉ trong một loáng, Lương đã nhô lên, đo vội lỗ châu mai, và uốn người bò đi. Chậm mất rồi. Tiếng chân chó lép nhép trên bùn chạy vào, to dần. Lương duỗi tay, úp mặt, nín thở, cố nén tiếng tim đập nhanh và ồn ào quá.

   Hơi con chó nóng rà trên chân Lương. Như một đàn ong bò vẽ đang bò lổm ngổm trên da Lương, tìm chỗ đốt. Bình tĩnh, bình tĩnh... Lương nghiến răng, cố nghĩ sang một chuyện vớ vẩn gì đấy... Bập! Nó cắn rồi! Con chó béc giê nhay mãi cái xác chết kỳ lạ, có máu mặn ấm mà không có mùi người. Nó nhả bắp chân, hít hít trên đùi, trên lưng. Bỗng nó rít khẽ, dạng chân quắp đuôi, vừa lùi vừa gừ gừ, rồi chạy biến. Từ đầu đến cuối không một tiếng sủa.

   Lương đưa tay vuốt trán nóng như lửa, hít dài. Thoát nạn. Cũng không uổng công anh nằm dầm sương mấy đêm cho mất mùi mồ hôi, và bôi ít mỡ cọp vào lưng dọa chó. Không khí sao ngọt và thơm lạ, Lương thở mãi không chán.

   Nửa giờ sau, anh ra đến rào thép gai. Hai lần rào “cũi lợn” ngồn ngộn chặn trước mặt, ống bơ và mìn nhằng nhịt. Bụng dán sát đất, hai tay xoa xoa trước mặt dò những sợi dây nhựa nhỏ muốt gài mìn, anh nhích từng tấc một, kéo theo bó cọc dài hai tấc chống dây thép gai. Mìn nhảy chôn chi chít theo hình nanh cá sấu, chỉ đợi một ngón tay chạm mạnh là tống lên trời một quả thép bằng bắp chuối, nổ ngang tầm ngực. Xâu kim băng xỏ kíp mìn cứ vơi dần, lại đầy. Không được để lại dấu vết.

   Thân hình dẻo như bó gân ấy luồn sâu mãi vào giữa cái mạng nhện tưởng con muỗi qua không lọt. Đây là quãng đường vất vả nhất, nhưng ít nguy hiểm hơn chỗ sườn đồi trọc bị đèn pha quét loang loáng ngoài kia. Vào đồn thì “nhà nó cũng như nhà ta”, không có gì đáng ngại. Chả là thằng địch chỉ căng mắt dòm ra ngoài mà ít ngó xuống chân. Tự nhiên Lương nảy ra một cái thèm lạ lùng: hát một bài, chửi một tiếng thật to, hay giở một trò tếu gì đấy cho cái đồn ngốc nghếch này dựng tóc gáy lên mà chơi. Người ta ra vào như đi chợ mà cứ tưởng kiên cố lắm. Anh nhoẻn cười, gạt mồ hôi cằm, lại trườn.

   Một giờ sau, Lương ra đến rừng.

   Bức tường cây dựng lù lù trước mặt. Ba mẩu lá lân tinh cài hình tam giác sáng lập lòe trên một gốc cây to. Anh vạch lá chui vào mươi bước, chúm môi huýt sáo.  Cành khô gãy rắc bên cạnh. Một bóng người cao to nhô lên, cất giọng khao khao hỏi bằng tiếng Lào:

   - Xong rồi chứ?

   - Xong cả.

   Lương nghe tiếng mình khác hẳn đi. Suốt đêm không mở mồm, quai hàm và lưỡi cứng lại. Anh lập cập xỏ tay mặc áo. Mưa đã ngớt mà gió vẫn thổi xông xổng. Cái rét đêm vùng núi luồn qua lỗ chân lông, thấm vào buốt thịt. Đến bây giờ Lương mới thấy rét ghê gớm. Hai hàm răng gõ lách cách. Anh bực mình, tống một góc khăn vào đầy mồm, lại rút ra để hỏi anh cán bộ Lào:

   - Bên đồn B thế nào?

   - Chiếu đèn pha nhiều, nhưng không có tiếng súng. Trót lọt rồi.

   - Cái thằng Khiêm chúa nghịch. Cho nó đi, tôi cứ thấp thỏm.

   Đại đội trưởng Văn Thon buột mồm:

   - Thế còn tôi?

   - Anh bảo gì?

   Văn Thon im lặng. Hai con mắt lóng lánh nhìn Lương như muốn nói thêm. Lương cúi xoa xà phòng trên chân cho vắt đỡ bám. Chạm phải vệt máu chảy ấm tay, anh mới nhớ ra chỗ chó cắn đang ngứa ran. Anh rùng mình. Cả một chùm vắt rúc đầu vào vết thương, căng bụng mà hút, chồng lên nhau thành một nắm lầy nhầy. Anh đắp lên một nắm thuốc lá, xót nhói người, bắp thịt giật mạnh. Vắt co vòi rụng dần.

   - Lương này...

   - Gì thế?

   Văn Thon ngẫm nghĩ, rồi nói nhanh, giọng không tự nhiên:

   - À anh có vào nhà quan ba không?

   - Chỉ bò dưới cửa sổ. Lại con đĩ hôm nọ cứ ủn ỉn. Muốn đòm cho một phát đỡ ngứa tai... Ban nãy anh nói gì, tôi không nghe rõ.

   - Không…

   Phía đồn vẳng đến một tiếng nấc. Một đốm lửa vọt lên cao, đứt rời thành đường chấm lả tả gạch chéo những mảng mây mọng nước. Đèn dù bật sáng lòe, một cái ô ánh sáng úp xuống rừng và cái đồi mu rùa. Từ trong lòng đêm mưa, tất cả khối công sự chơm chởm vùng nhảy chồm ra như con thú tỉnh giấc. Một lỗ châu mai mở mắt chớp chớp tia lửa, phun mấy chùm đạn bay vu vơ. Vầng sáng xanh xuống dần, ngả sang màu vàng nẫu, tắt phụt. Lại con nhím, con cầy chạy vướng ống bơ trên đồn.

   Hai người vạch lá chui sâu vào rừng, đi về phía quả núi cao thắt cổ bồng. Văn Thon đi nhanh thoăn thoắt. Lương chập choạng theo sau, bấm đèn pin bọc vải xanh soi đường mà vẫn trượt ngã dúi. Một cành gai sắc vướng vào người Văn Thon, co lại như cánh cung, bật mạnh vào mặt Lương. Vừa gỡ được thì đôi vai đồ sộ đằng trước đã mất hút.

   - Văn Thon! Đợi tí đã. Mắt anh là mắt mèo có khác.

   - Tôi thuộc rừng, đi dễ. Anh mệt lắm à?

   - Thường thôi. Cơ sở bên làng Phi Lạt báo tin gì không?

   - Có về nhà tôi báo cáo.

   Văn Thon nhấn hai tiếng lai ngan (báo cáo) hơi mạnh, Lương chợt nhận ra Văn Thon có cái gì khác thường đã mấy hôm nay mà không muốn nói ra. Khó khăn trong công tác, hay va chạm với anh em trong đội? Theo thói quen, Lương biết là không nên hỏi ngay..

   Hai người băng rừng vài cây số, lội ngược một quãng suối dài cho nước xóa sạch dấu chân, rồi trèo lên sườn núi Vượn. Một con gà rừng gáy xa eo óc, tiếng lảnh lói khác hẳn gà nhà. Sương đặc như bông quấn ngang chỏm núi đã ửng màu da cam, mà mặt đất dưới vòm cành lá vẫn đen kịt, chỉ lập lòe những mảnh lá mục như in lại một nền trời nào đầy sao.

« Sửa lần cuối: 13 Tháng Ba, 2021, 11:40:38 am gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 07:27:15 pm »

*
*    *

   Trên bản đồ quân sự của mặt trận Tây Nam, vùng Pà Thạc nằm kẹp giữa hai con sông chảy song song: sông Xê Ban phía bắc, sông Nậm Đăm phía nam. Một vùng núi tiếp núi trập trùng, xô bồ, chông chênh, như một luồng sóng biển đột ngột bị đông lại thành đá phủ rêu xanh.

   Khu căn cứ du kích từ trên mạn bắc loang xuống đến sông Xê Ban là hết. Cách đó hơn một trăm cây số, về phía nam sông Nậm Đăm, lại một khu du kích lớn nữa nằm lọt thỏm trong lòng địch. Hai mảng đỏ trên bản đồ bị phòng tuyến sông Nậm Đăm cắt lìa: một đường xích chi chít những chấm vuông đen, cắm cờ xanh trắng đỏ. Nó như con dao bầu thiến ngang bụng mặt trận Tây Nam, xén đứt những đường dây liên lạc và tiếp tế giữa hai khu du kích. Qua bảy năm chiến tranh rồi, chưa hề có viên đạn nào bắn vào mười hai cứ điểm của phân khu Pà Thạc dọc bờ sông Nậm Đăm. Ngược lại, các làng vũ trang chung quanh đồn thường mang đầu cán bộ Itxala đến lĩnh muối thưởng.

   Giữa năm nay, Pháp tung ba trung đoàn vào khu du kích phía nam, càn đi quét lại như bừa xáo. Hai đại đội Itxala và Tình nguyện cùng với hơn nghìn du kích quần nhau với ngót vạn quân địch, đánh bật chúng ra. Pháp bỏ chiến thuật cũ, chuyển sang càn lâu quét kỹ, thắt dần túi lưới. Máy bay đổ đến như những đợt sóng lửa, giội na pan đốt làng. Bảy chục con voi dàn hàng ngang xéo lúa đều đặn từng khoảnh, từng ô. Không hạt muối mẩu sắt nào lọt được vào khu du kích. Nhân dân ăn củ rừng chấm tro nứa, chặt lưỡi cuốc lấy sắt rèn dao, cắm chông gài bẫy kín một vùng rộng hơn năm nghìn cây số vuông. Nhưng rồi bộ đội, du kích phải lùi từng bước vào núi. Vòng vây thắt dần. Điện báo nguy tới tấp bay về ban chỉ huy mặt trận, về Bộ Quốc phòng Chính phủ kháng chiến Lào.

   Theo quyết định của Mặt trận liên minh Lào - Việt - Khơme, một trung đoàn chủ lực Việt Nam được lệnh bí mật vượt biên giới, phối hợp với bộ đội Itxala và Quân tình nguyện đánh thốc xuống giữa rốn địch, tiêu diệt toàn bộ phân khu Pà Thạc. Ngọn đòn rất ác. Nó sẽ đánh gãy nát xương sống của Pháp ở vùng Tây Nam, phá vỡ trận vây quét dai dẳng dưới kia, nối liền hai khu du kích, đoạt lại vùng Pà Thạc hơn mười vạn dân. Bộ mặt của vùng Tây Nam sẽ thay đổi hẳn sau chiến dịch.

   Các tổ trinh sát của Itxala đang bám sát quốc lộ 13 rút về không kíp. Vì thế đội chuẩn bị chiến trường lần này gồm hầu hết là Bộ đội tình nguyện, do Lương chỉ huy. Đại đội trưởng Văn Thon cùng đi để rút kinh nghiệm, không trực tiếp nắm đội chuẩn chiến số 3.

   Hai tháng qua, đội đã luồn về vùng làng vũ trang của địch, vừa gây cơ sở nhân dân vừa điều tra mười hai đồn dọc sông Nậm Đăm. Đến nay công việc tạm xong, vừa đúng khi có điện của mặt trận gọi “đội CC3” về đón trung đoàn chủ lực và các đơn vị phối hợp.

   Chuyến vào đồn cuối cùng đã trót lọt. Đêm nay, các tổ trinh sát lần lượt trèo lên hang đá trên núi Vượn, nơi đội ở.

*
*    *

   Văn Thon nép mình vào chỗ hõm trong sườn núi, bíu những mấu đá ướt, từ từ chui qua dưới thác núi. Dòng nước đổ dựng đứng bên trái, rung đá đều đều dưới chân anh, tung bụi nước mù mịt. Một bước sẩy chân là lao theo thác xuống những mũi đá mấy chục thước bên dưới. Bò qua hết thác, anh quay lại, thốt lạnh người. Lương đâu rồi?

   Anh vành bàn tay lên miệng, gào:

   - Lương ơi! Lươơơng!

   Nước đổ rền như sấm, ấn tiếng gọi vào họng. Anh hớt hải bám đá bò ngược lại, sờ soạng trong đêm đen.

   - Lương ơơơi!

   Miệng gào mà tai không nghe. Bỗng một ánh đèn pin chớp rất gần, chìm trong bụi nước, bé như con đom đóm xanh. Lương ngồi vắt vẻo trên mấu đá, một tay bíu, một tay bóp chân. Văn Thon vồ lấy anh, quát vào tai:

   - Chân thế nào?

   - Chó cắn. Về đến đây nó rút gân đau quá.

   Máu phòi ngầu bọt từ những lỗ răng chó, loang nhợt màu trên bắp chân ướt. Lương nhăn mặt, nhún người đứng dậy. Anh nắm thắt lưng Văn Thon, lò cò trên đá trơn, chui qua thác. Đầu gối bên phải chỉ chực gập lại, nhức xói lên tận óc. Văn Thon quay lại:

   - Tôi cõng anh.

   Không đợi trả lời, anh xốc Lương trên lưng. Lương ôm cổ bạn, vừa mừng vừa ngượng. Chân anh không bước nổi nữa rồi. Văn Thon cõng anh đến thẳng cửa hang đá mới đặt xuống mà không thở mạnh. Văn Thon to như ông hộ pháp, khỏe gấp rưỡi người thường, cao hơn Lương một đầu.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 07:31:19 pm »

   Đống lửa cháy ngùn ngụt giữa cái hang rộng bằng hội trường tiểu đoàn, rắc kim cương trên vòm đá vôi. Những tai đá và mũi thạch nhũ lủng lẳng treo trên đầu. Một cây cột đá mé bên trái vặn mình vươn lên chống nóc hang, lồi lõm như xương sống voi. Tiếng cười đùa, tiếng chân nhảy huỳnh huỵch, tiếng đàn tre quyện theo luồng hơi ấm và ánh lửa lùa ra, phả trên mặt Lương. Anh cau mày nhìn quanh, mắt hấp háy. Gần sáng rồi, sao anh em không ngủ?

   Một người cởi trần đang đi bài quyền chờn vờn, đấm  dứ, đá gió. Thân hình ngang bè, bắp thịt nổi hằn con chuột trên ngực nhấp nhánh mồ hôi. Ấy là Chánh, đội viên giữ ragônô (máy phát điện quay tay). Chánh quần thảo với bóng mình trên vách đá, đọc hổn hển từng miếng võ:

   - Thanh long biên giang phụ tử tương tùy.
   Hè... hoành phát địa hổ song phi triển dực... hấp, này!
   Trong góc hang, liên lạc viên Lích ngồi xếp bằng tròn, gõ cái đàn tre dài ba gang trên đầu gối. Ống tre róc cật, chẻ tách một đường dọc, rung những tiếng từng tứng tưng rè rè. Lích mỉm cười một mình. Mái tóc xoắn tít tựa ngửa vào vách đá, đôi mắt hơi lồi lim dim.

   “Thi sĩ” Sử cắm cúi ghi nhật ký bên đống lửa. Tóc vẫn chải tròn úp gáy. Sử là hiệu thính viên kiêm mật mã kiêm thư ký của đội. Sử có cái mũi đỏ như quả cà chua chín và cặp kính cận thị nhẹ lúc đeo lúc không. Anh em giễu đủ nước: “Đèn đỏ đi trước, mắt cập-bà-lời, thầy bói sáng...”. Sử hay ngâm thơ và làm thơ chép sổ tay, không cho ai xem.

   Nghe tiếng sỏi động, Sử ngấc đầu, reo to:

   - Về rồi anh em ơi!

   Bốn năm người đổ xô ra cửa hang, Lích túm lấy Văn Thon, sờ nắn mãi cánh tay. Nhưng Văn Thon sầm mặt, đi thẳng vào ổ lá trong góc hang. Sử gọi với: “Anh lại xem vắt đã” Văn Thon lắc đầu, ngồi xuống ổ, châm điếu thuốc lá, rồi ngả lưng thở khói một mình.

   Lương đang trả lời những câu hỏi xoắn xuýt, cũng thoáng thấy dáng đi bực dọc của Văn Thon. Anh đến ngồi cạnh đống lửa, hỏi Sử:

   - Sao các cậu chưa ngủ?

   - Chánh nó đánh thức đấy. Nó kêu nhớ vợ không ngủ được, ngồi đốt lửa uống rượu với chuối xanh. Không biết kiếm đâu ra một chai lít cô nhắc. Hình như nhờ anh Văn Thon xin của cơ sở dưới làng để ngâm thuốc tê thấp...

   - Không ai can à?

   - Can, hắn phớt. Với lại... đêm nay các anh đi lần cuối sao nó cứ hồi hộp thế nào. Chả ai ngủ được.

   Mọi người đã đi nằm. Chánh bỗng bật giọng hát nghêu ngao một khổ chèo:

   - Đêm ới đêm khuya sao lặn mấy giăng tàn, chứ rơm để tình dưới khe nước chảy i ối i mà để mấy trên ngàn mấy trên ngàn thông reo. Cái con đường tình riêng nhớ ít tưởng nhiều...

   Lương nín cười, quay lại xẵng giọng:

   - Ngủ đi ông mãnh ạ. Mai tôi hỏi cho mà say.

   Anh soi chân, sờ nách, gỡ vắt ném vào lửa. Vắt no tròn như quả sim mọng, nở phình ra rồi nổ lục bục, để lại vệt máu đen trên than. Cái tên Pà Thạc nghĩa là rừng vắt. Trong mùa nắng sáu tháng, vắt thiếu nước không chết mà khô đét lại, nằm thẳng đờ như cái que mục. Mưa đổ xuống là chúng mềm ra, đo thoăn thoắt tìm ăn trả bữa. Người đi rừng mùa mưa thường nghe tiếng rào rào trên lá đuổi theo vây quanh: vắt đánh hơi người đang lâu nhâu phóng đến.

   Sử bắc cái nồi nhôm đun nước băng vết thương cho Lương. Trong đội Sử không thân với ai, chỉ phục sống phục chết anh đội trưởng. Nhiều khi Sử vô tình bắt chước cả cách ngồi, cách xòe tay đập gió khi nói của Lương.

   - Lần sau các cậu đừng tếu thế nữa. Ban đêm đốt lửa to dưới kia dễ thấy. Đùa ầm ầm mà không cắt người gác, có ngày mất mạng toi. Kỷ luật bí mật để đâu... À, báo cáo chép xong chưa?

   - Đây ạ.

   Mắt Sử lấp láy kiêu hãnh. Tập giấy dày cộp hơn bốn mươi tờ khổ lớn viết chữ nhỏ, xen những bản yếu đồ xanh đỏ, tất cả đều do tay Sử ghi, vẽ. Trên trang đầu, một hàng chữ tô mực đỏ thẫm: ANH HÙNG CA SỐ 5.

   Lương hất hàm, ra ý hỏi. Sử nhoẻn cười thú vị, đưa tay vuốt tóc:

   - Mật danh đấy. Báo cáo thường là “bài hát”. Báo cáo quân sự tối mật là “anh hùng ca”.

   - À… Anh hùng ca… nghe rôm rả chứ nhỉ !

   Lương lật nhanh từng tờ, gật gù. Bản báo cáo tổng kết viết sạch, gọn, đẹp, dễ hiểu. Văn hóa lớp chuyên khoa có khác. Con số 5 gợi lên một thoáng thương xót: Đồng chí liên lạc mang báo cáo số 4 về mặt trận bị phục kích chết giữa đường, nhưng kịp vất báo cáo xuống vực. Kế hoạch không lộ… Anh thì thầm đọc các dòng chữ lớn, đọc chậm như người nghiện nhấp từng ngụm rượu ngon:

   1. Yếu đồn công sự đồn A.
   2. Lực lượng và quy luật hoạt động đồn A.
   3. Tình hình nhân dân, ngụy quyền, vũ trang, gián điệp khu vực A…

   Những dòng chữ đen cựa quậy, đi lại, quát tháo, rên rỉ. Trên trang giấy hiện dần lên cảnh đồn bọc thép gai, nheo lỗ mắt châu mai nhìn ngang ngửa, những toán quân Xửa pa (cọp rừng) áo dù loang lổ đi sục làng, những chuỗi người rách tướp còng lưng khiêng gỗ xây lô cốt, những xe tăng Séc-man và xe bọc sắt Côventơri của Mỹ nghiến mặt đường xào xạo... Mỗi chữ mỗi câu ở đây có sức nặng hàng tạ, có chiều dày hàng thước bên dưới trang giấy, có cả một đời sống riêng mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu được qua mấy nét mực đơn sơ. Năm đêm liền vào đồn vì một con số lẻ: tường lô cốt dày một thước hay một thước ba? Cơ sở mất một người vì một chữ nhỏ: trong hầm cố thủ, có bốn khẩu súng cối 81 ly chứ không phải hai khẩu…

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 07:33:18 pm »

   Mắt dán vào tập báo cáo, Lương nói khẽ:

   - Nhớ đánh điện báo tin ngày kia đội về.

   - Vâng. Tiếng Việt hay tiếng Lào?

   - Tiếng Lào, để anh Văn Thon xem trước.

   Sử rửa vết thương, băng chân cho Lương theo kiểu quấn xà cạp khố đỏ, vừa chắc vừa đẹp không kém y tá lành nghề. Lương thầm khen con người khéo tay, giúp đội được bao nhiêu là việc. Sử thu dọn các thứ xong, mới sực nhớ:

   - Tối qua anh đánh rơi cái thư…

   Lương vơ cái phong bì giấy nứa vàng, ấn vội vào túi. Anh lại dò từng dòng chữ trên báo cáo, nhưng không tìm thấy những hình ảnh ban nãy. Chỉ còn lại những nét mực đen sì, lạnh ngắt, bám vào mặt giấy không chịu rời.

   Cái phong bì nằm trong túi áo ngực sao nóng bỏng như tấm sắt nung áp vào thịt. Trong đó có hai lá thư, Lương đọc mãi đã thuộc lòng. Nhưng tay anh vẫn như cái máy thò vào túi... Tờ giấy tròn góc, xé trong một cuốn vở ngoại khóa, nếp gấp đã sắp đứt rời. Nét chữ tròn, ngửa về đằng trước trông lạ mắt. Vợ anh viết báo tin gia đình anh bị giết sạch trong một trận đổ bộ, thuyền lưới cháy trụi. Vợ anh đi buôn xa nên thoát chết. Con anh được du kích bế ra ném vào bụi dứa giữa bãi tha ma, cũng thoát chết.

   …Anh đi bộ đội yên vui phần anh để gia đình nheo nhóc như thế rồi nay chết thảm chết thương như thế không biết anh còn nghĩ gì đến mẹ con tôi nữa không chứ cũng là bộ đội mà người ta dăm bảy tháng một lần về thăm nhà còn anh đi biệt tăm tích luôn sáu năm nay mới được có mấy lá thư đánh về. Thôi thì anh liệu đằng nào thì mẹ con tôi nhờ đằng ấy chứ cứ thế này tôi sông dở chết dở không biết trông cậy vào ai...

   Lá thư thứ hai, chữ viết li ti kín các lề giấy nội hóa xanh, phải xoay ngang lật ngược mãi mới đọc hết. Một người bạn vào thăm quê anh, cái làng kháng chiến lẫy lừng ở ven biển, đã kể tiếp sự tình. Làng anh được huân chương, cờ tặng, du kích vác trung liên và xì tốc. Vợ anh chạy ra vùng tự do, lấy chồng chủ hiệu chữa xe đạp, hiện mở quán giải khát gần thị xã. Một bà cụ trong xóm đón con anh về nuôi. Nó gầy, rách. Cho gói kẹo, nó nuốt nước bọt mà không cầm. Trung đội nữ du kích nhận nó làm cháu nuôi chung.

   Ba tháng trước tin dữ đến với Lương như viên đạn xuyên ngực. Díu một cái, anh lạng chúi người mà chưa kịp hiểu, mãi về sau mới thấm buốt tận óc. Rồi vết thương dần dần thành sẹo, tưởng như lành hẳn, nhưng đến khi trái gió trở trời lại đau thắt ruột từng cơn. Lương đã cố quên, cố lao vào công tác đến mụ người, mệt lử, nhưng lá thư cất kín trong gói áo lại rơi ra... Anh nhét cái phong bì vào túi, ngồi im.

   Ánh lửa nhảy loang loáng trên khuôn mặt đen trũi, gãy góc như đẽo bằng rìu. Con mắt bên trái bị mảnh đạn móc mất, chỉ còn cái hốc rỗng đo đỏ. Đầu húi trọc để khỏi vướng thép gai. Một nếp nhăn dọc từ tinh mũi ngược lên đến giữa trán khiến anh già hơn cái tuổi hăm tám. Anh ít cười, ít nói, hà tiện cả những cử chỉ thân mật, nom cứ lừ lừ như bộ đội đi tuần đêm. Đôi lúc vui anh vui em, Lương cười một cái cười lặng lẽ rất hiền, nó làm anh trẻ hẳn lại mấy tuổi. Không mấy ai trông thấy nụ cười ấy. Có người bạn đã nhận xét: “Mới gặp cậu, tớ cứ tưởng cậu hơi khô. Quen nhau hai năm, tớ thấy cậu đúng là khô thật!”.

   Lương chỉ cười, không nghĩ ra câu trả lời.

   Một cây củi tươi nổ lép bép, phì khói. Lửa bỗng reo phần phật, xoay tít ngọn. Lửa cười. Một tiếng cười trong trẻo từ đâu vọng về, xoáy vào tim Lương.

   - Con ơi!

   Anh giật mình khi nghe vách đá rền trả lại tiếng mình. Anh vừa buột mồm gọi con thành tiếng.
   Trước khi lên Lào, anh tạt qua thăm nhà được một ngày đêm. Đứa bé mới vào kỳ sổ sữa, mập nung núc. Anh xốc con lên, chúm miệng thổi trên da bụng nó “pù ù ù ù... pù ù ù… pụp!”. Nó cười sặc, đá cái chân tròn nần nẫn vào cằm bố. Anh thấy nó giống cả bố lẫn mẹ: nhìn vợ thì thấy giống mẹ, soi gương xem mặt mình lại thấy giống bố. Sáu năm trôi vèo, anh còn nhớ tiếng cười sặc, nhớ bàn chân con đá vào cằm như mới hôm qua...

   Một tiếng vượn hú rong róc bên ngoài, nấc dồn. Đống lửa lụi dần. Vòm hang sà xuống thấp, mé cửa hang hiện ra một mảng ánh sáng trắng đục. Lương ngồi gục đầu trên hai gối, ngủ say lúc nào không biết.

*
*    *

   Tiểu đội phó Khiêm xách các bin bước vào hang đứng dạng hai chân gọi lanh lảnh:

   - Dậy nhá! Mời bà con ngóc cái cổ cho được việc!

   Rồi Khiêm thổi luôn bài kèn mồm báo thức: “Te, te te te te tí tí te te tí tí te... tò !”

   Có tiếng lá khô sột soạt, tiếng gọi nhau, đập đen đét. Những bóng mờ từ trong tối lảo đảo bước ra cửa hang, ngáp ra từng luồng hơi trắng. Khiêm đảo mắt ngó quanh, rồi đi xộc vào chỗ Chánh nằm, túm một tay Chánh kéo dựng dậy.

   - Nhóc con, buông ra không?

   - Anh em tập hợp cả rồi kìa.

   - Tao... đau bụng.

   Khiêm cười khúc khích, thả tay Chánh:

   - Đau mắt chứ. Mày định tập nốt mấy ngón quyền cho đội cơ mà.

   Chánh mở mắt, ngơ ngác một loáng rồi vọt dậy:

   - Bỏ mẹ, suýt quên.

   - Hết đau bụng rồi hở?

   Chánh lườm Khiêm, phóng luôn ra cửa hang.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 07:35:10 pm »

   Đội chuẩn chiến tám người đã ra bãi cỏ mé sau hang, nhảy nhảy cho đỡ cóng chân. Bác Cống già khoác súng vào vai xuống gác dưới dốc, hai tay còn búi núm tóc củ tỏi trên đầu. Chánh biểu diễn cái thế võ tay không đoạt côn của địch thủ, miệng giảng tay vung, bắp thịt nổi cuồn cuộn.

   - Thấy nó hoa côn lên đừng có lùi, hiểu chưa? Hai tay chắp đứng, cây côn trượt dọc tay xuống đến nách thì quắp lấy, hiểu chưa? Giật côn, đạp luôn một cái vào dái nó, hiểu chưa?

   Chánh túm luôn Văn Thon đứng cạnh, ấn cây gậy vào tay anh:

   - Anh cứ phang cho tôi một hèo, khỏe vào!

   Sử nhắc lại bằng tiếng Lào. Văn Thon cười, gật gật, vụt luôn một gậy. Chánh chộp được đầu gậy, đạp mạnh, nhưng bị Văn Thon túm chân xốc ngược lên, ngã đánh hự. Văn Thon cười ha hả, đè ngửa Chánh ra cù luôn vào rốn một cái mới chịu dậy. Cả đội cười ầm, trêu Chánh vuốt mặt không kịp. Chánh cũng cười theo, không bực mình.

   Vừa lúc ấy Lương đi đến. Mặt và tay anh còn trát kín đất đỏ tối qua vào đồn chưa rửa, hai ống quần ướt sũng. Anh vừa đi rảo một vòng soát lại những chỗ gài mìn muỗi phòng địch đánh úp. Anh mỉm cười nhìn Chánh đang phân trần: “Cái lúc tớ đi ét ô tô phải tranh khách, cũng mỗi ngón ấy…”. Anh bước ra trước đội, xua tay:

   - Theo kế hoạch, sáng nay tập vượt rào cũi lợn có gài mìn. Các đồng chí chuẩn bị kim băng và cọc chống.

   Khiêm ớ ra:

   - Điều tra xong cả rồi mà?

   - Mới tạm xong. Mà xong lần này còn lần khác chứ.

   Cả đội tạnh cười. Anh em vốn không thích tập bò qua rào, vừa nhọc vừa bẩn. Khiêm và Sử tiu nghỉu đi vào hang. Chánh đi sau lầu ầu: “Hừ, máy móc bỏ mẹ!” Sử cau mặt:

   - Đừng có phát ngôn thế nhé!

   - Phát ngôn cái phải gió!

   - Đồng chí muốn phê bình thì…

   - Vâââng, tôi biết ông tiến bộ.

   Khiêm cười, can đôi bên:

   - Thôi im, chúng mày chỉ khỏe vặc nhau. Tối qua tao lấy được hộp kẹo trong đồn, chốc nữa chia. Bem đấy nhớ, anh Lương biết thì chết.

   Lương và Văn Thon ra góc bãi, chỗ cắm cọc căng dây tre giả làm rào thép gai, có đủ cả ống bơ treo lủng lẳng và mìn giả chôn ngầm chỉ thò lên ba cái mấu bằng que tăm, giăng sợi chỉ đen lẫn vào cỏ.

   - Hôm nay anh làm luôn động tác dò mìn.

   Văn Thon bò dán bụng xuống đất, xoa tay tìm mìn, chống cọc nâng từng sợi thép gai. Người anh to và nặng, hết chạm mông lại chạm vai, các ống bơ trên dây cứ đung đưa. Lương ngồi xổm, nheo con mắt lành, lắc đầu:

   - Anh chết bốn lần.

   Văn Thon bò chuyến nữa. Lại chết những sáu lần!

   Vừa lúc ấy anh em xách mìn giả và cọc chống đến, Sử nói hậm hực:

   - Báo cáo anh, Chánh nó kêu đau bụng. Có lẽ...

   Khiêm khẽ huých Sử, nháy. Sử im. Lương không để ý, quay lại:

   - Khiêm vượt cho anh Văn Thon xem.

   Khiêm cởi áo, quần dài. Cả người Khiêm cũng xoa bùn đỏ chưa kịp tắm, dưới bụng bết từng mảng đất.

   Khiêm nhìn lớp rào một loáng như lượng sức, rồi thoăn thoắt mở đường chui qua quãng rào rộng bốn thước chỉ mất có ba phút. Các ống bơ vẫn nằm yên.

   Nhưng Lương cau mày:

   - Động tác khá, phải cái chủ quan. Cậu vấp ở đây. Ban ngày mà còn thế, hỏng!

   Lương luồn tay chỉ một cái mấu mìn bị ngón chân út của Khiêm chạm phải. Rồi anh cởi áo quần, vơ bó cọc, làm động tác mẫu. Sử đứng trố mắt nhìn. Tài quá, nhanh và chắc đến thế là cùng!

   Lương vượt rào mất năm phút. Rồi anh bò ngược lại để Văn Thon thấy rõ hơn. Vừa đứng lên anh lại ngã ngồi, chân phải rung bần bật. Văn Thon chồm đến đỡ Lương, hỏi dồn. Lương nhăn trán nói khẽ:

   - Chỗ chó cắn hôm qua.

   Suốt một giờ Văn Thon bò qua bò lại dưới mạng dây tre. Đến lần cuối cùng anh không chạm mìn, các ống bơ cũng không động. Anh đứng lên, co tay ngắm hai vết tuột da đỏ hỏn ở cùi, cười thích chí. Lương chỉ gật đầu, buông một câu dè dặt:

   - Tạm ổn đấy. Hôm sau chuyển sang tập tránh đèn pha và pháo sáng được rồi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 07:38:30 pm »

II

   Đội chuẩn chiến họp bàn kế hoạch đánh Pà Thạc để đề nghị lên trên. Đây là công việc cuối cùng và hào hứng nhất của mọi cuộc chuẩn bị chiến trường. Nhưng hôm nay buổi họp nổi cơn sóng gió.

   Đại đội trưởng Văn Thon đứng chắp tay sau lưng, hầm hầm nhìn trung đội trưởng Đại đang ngồi xổm, mổ ngón tay lia lịa trên tờ yếu đồ như con cò ruồi, lại mổ gió về phía Văn Thon, nói oang oang những gì không hiểu. Cái lối chỉ mặt quát tháo thật dễ ghét, người Lào không xỉa xói vào mặt nhau thế. Từ đầu buổi họp, Đại đã bác hết ý kiến của Văn Thon, khi nghe anh phát biểu lại nhăn răng cười chế nhạo. Hai bàn tay Văn Thon vặn vào nhau. Anh giận lắm.

   Đại đang trình bày cách đánh của mình:

   - Theo chiến thuật nhất điểm lưỡng diện, thì tập trung binh lực diệt đồn A trước. Mũi phụ công đặt ở đồn B, mũi dương công tui cho ở hướng tây. Đánh rứa mới chắc ăn. Bộ đội biên chế thành tứ tổ nhất đội. Hàng rào thứ nhất giải quyết bằng mật bộc...

   Văn Thon thấy bác Cống đang dịch cho mình nghe bỗng luống cuống, quay sang hỏi Đại cái gì bằng tiếng Việt. Có lẽ bác nghe câu nói nặng lời nào đó. Anh đập vào tay bác, nói xẵng:

   - Bác dịch thật đúng cho tôi. Đừng bớt chữ nào.

   Trung đội phó Cống đang ù tai vì những danh từ mới của Đại, dịch không xuôi. Bác chặn Đại lần nữa:

   - Anh nói gì tứ tổ tứ đội?

   Đại tưởng bác Cống bẻ mình, càng nói nhanh, cái giọng Hà Tĩnh càng vang to:

   - Không tổ chức tứ tổ nhất đội thì công kiên mô được! Sáu tổ bộc phá tui cho nằm dọc đây, bộ phận hỏa lực yểm hộ tám trung liên tập trung khống chế hai hỏa điểm 3 và 4, còn xung kích một vô lọt đột phá khẩu sẽ phát triển tung thâm theo hướng ni...

   Trung đội trưởng Đại là cán bộ trinh sát của trung đoàn 217, được phái đi trước với đội chuẩn chiến. Trong đội chỉ một mình anh đội mũ lá bọc vải phủ lưới, mặc quân trang xanh xám, đi giày vải, đeo cái ba lô da đồ sộ như cái tủ đứng. Khẩu K.50 lạ mắt treo trên ngực. Anh bị bom hớt mất mẩu tai nên mọi người quen gọi là Đại sứt cho khỏi lẫn. Tính nết có phần trái ngược với nghề quân báo: nói nhiều, cười to, thích ồn ào quấy nhộn. Lại thêm cái tật hay khoe tỉnh Hà Tĩnh cái gì cũng đứng đầu toàn quốc, từ hội Mẹ Chị đến cây bút máy sừng trâu: “Ầy, thứ ni ở chỗ mền họ mần còn khéo tới mô...” Được cái hay nói đi đôi với hay làm, nên anh em đều mến.

   Văn Thon thấy nóng mặt. Cái cậu cán bộ non choẹt này định giở những tiếng lạ ra lòe cho anh khiếp chứ gì. Lại còn khinh người ra mặt. Anh ngồi xổm xuống, vớ cái que vạch lia lịa một sơ đồ trên nền hang. Sử nhìn anh, trố mắt kêu: “Vẽ đúng quá!” Văn Thon cắt ngang lời Đại:

   - Bác Cống dịch đi... Tôi không hiểu tại sao anh ấy chỉ muốn dùng sức mà không chịu dùng mưu. Mạng người rất quý, bắt bộ đội hy sinh vô ích là có tội. Ấy là chưa nói đến tiếp tế. Bắn hết đạn thì còn sức đâu đánh sâu xuống phía nam nữa?

   Đại không chịu thua:

   - Dân công tiếp tế chớ. Đến đại bác còn khiêng được nữa là...

   - Một viên đạn sang đến đây phải đi hai tháng đường núi. Một khẩu súng cối 82 mang theo ba chục đạn đánh xong đồn A hết nhẵn, rồi đào đâu ra đạn đánh trận khác? Bỏ đạn 81 ly vào mà bắn à?

   Văn Thon chắp tay sau lưng đi qua lại, đá một tảng vôi vỡ tung. Trong câu vặn của Đại, anh thấy một mũi nhọn châm biếm rõ rệt. Đại nói:

   - Tui tưởng sang đây cũng có dân công chớ.

   - Anh đi qua khu căn cứ, chính mắt anh thấy rồi đó. Làng cách nhau năm bảy cây số, con trai đi bộ đội cả. Huy động được vài trăm người là hết nước. Tôi đề nghị một lần nữa: cứ cho mấy tổ lảng vảng vào khu dồn dân, nhử địch ra càn quét, ta phục kích tiêu diệt bộ phận lớn trước đã rồi sau mới đánh đồn. Chỗ nào còn mạnh thì vây chặt, cắt đứt đường tiếp tế. Trái cây thắt cuống thì khắc nẫu, khắc rụng...

   Lương từ nãy vẫn cắm cúi xem bản đồ, so sánh hai lối đánh của Văn Thon và của Đại. Một đằng là vận động phục kích, một đằng cường tập, cả hai cách đều có chỗ hay chỗ dở. Tốt hơn hết là phối hợp giữa hai chiến thuật, bổ sung cho nhau... Anh mải nghĩ, không nghe Đại trả lời cáu kỉnh:

   - Cứ cái lối đánh du kích bọp xẹt! Đây ta cả mấy ngàn quân mạnh ra rứa, tội chi lại mần kiểu anh Văn Thon. Anh ta thấy địch đông là sợ thôi mà, tui hiểu.

   Trung đội phó Cống lại ra ngoài nhiệm vụ phiên dịch:

   - Kìa anh Đại! Ấy tức thị rằng là anh...

   - Bác cứ dịch y nguyên cho tui.

   Văn Thon nắm hai bàn tay chuối mắn, trừng mắt:

   - Dà phả-mạt koong-thặp Itxala hâu nơ! (Đừng coi khinh bộ đội Itxala chúng tôi nhé!)

   Lương giật mình ngẩng lên:

   - Đồng chí Đại ngồi xuống!

   - Anh ấy nổi tự ái…

   - Thôi!

   Đại “hứ” một tiếng vớt vát, quay sang lau khẩu K.50, ra điều ta không cần cãi nữa. Văn Thon lại giẫm bẹp một mẩu đá vôi, nuốt cơn giận đang trào lên cổ. Anh nói thong thả với Lương:

   - Ở đây các anh đa số, cứ quyết định lấy thôi. Bàn cãi thêm nhiều ý kiến rắc rối, phiền ra. Tôi đi theo đội để rút kinh nghiệm, không có quyền gì cả. Tôi rút lui ý kiến.

   - Anh Văn Thon ngồi đây ta bàn tiếp. Tôi thấy kế hoạch...

   - Các anh cứ họp.

   Văn Thon đưa mũi giày xóa những nét vạch trên đất. Một bắp thịt giật dưới bộ râu quai nón, nhưng khuôn mặt mai mái vẫn tỉnh như không. Sử thở dài, đeo kính trắng vào mắt, ngửa đầu ngắm trần hang mơ màng như đang làm thơ. Chánh ngủ gật từ lúc nào, một bàn tay lùa vào nách tìm rận. Khiêm ngơ ngác nhìn quanh, không hiểu gì trong cái trận cãi nhau bằng tiếng Lào lẫn tiếng Việt này. Lương vẫn cố nèo Văn Thon:

   - Anh xem, tôi định bố trí binh lực ở...

   - Các anh cứ họp tự nhiên.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 07:44:53 pm »

   Văn Thon lừng lững đi ra cửa hang, hai gò má đỏ rựng.

   Hôm mới về đây, anh va chạm một lần với Lương về việc phân công. Cái bộ ba Lương, Đại, Cống lúc nào cũng ăn ý nhau nói rập một giọng. Họ không muốn cho anh vào đồn nhiều, sợ nguy hiểm. Họ đẩy anh sang công tác dân vận. Họ nuông anh như đứa trẻ khó tính. Hình như lúc nào họ cũng nháy nhau sáu lưng anh: “Coi chừng, Văn Thon hay liều, hay tự ái đấy!” Đến nay, anh chàng Đại kia mới nói toạc ra rằng anh sợ địch. Hai năm rõ mười rồi: họ không tin anh. Họ vẫn coi thường người Lào, coi thường Itxala!

   Một mẩu đá vôi nữa vỡ dưới mũi giày vải chiến lợi phẩm, bốc khói trắng như quả lựu đạn nổ. Lích ngồi gác trước của hang quay đầu nhìn Văn Thon.

   - Lích ạ, xong chuyến này mình không đi với bộ đội Việt nữa.

   - Anh nói sao?

   - Vằn cọp nằm ngoài da, vằn người nằm trong bụng.

   Lích đang khâu lại cái bùa giữ mạng đeo cổ. Anh ngừng tay, phủi bụi vôi trên mái tóc xoắn tít như phoi bào:

   - Hoại! Cái gì vằn cọp, vằn người?

   - Cậu thích đi với bộ đội Việt không?

   Lích giương đôi mắt lồi, không hiểu ý Văn Thon.

   Lích là người thiểu số La Ven, nói tiếng Lào hơi cứng, thuộc rừng như lòng bàn tay. Anh hay ngồi khâu vá với bác Cống, tỉ mẩn kể chuyện người La Ven đánh Pháp hai mươi sáu năm tròn. Ôông Kẹo bị Pháp bắt mổ bụng mà không thấy có ruột. Cụ Côm Ma Đam cho chữ hiện trên da, dân chép lấy mà học. “Dân La Ven chúng tôi cứng như núi, như núi đá bác ạ!” Bác Cống rủ rỉ: “Phải phải. Người Lào lùm 1 cũng thế. Người Việt cũng thế”. Lích rất thú cái đội này, vui mà thân nhau như bà con. Khi ở làng, Lích với người làng là một. Rời làng ra ở một mình, không cọp vồ sấu nuốt thì cũng chết đói. Làm rẫy chung, được thóc về ăn chung, săn được nai cả làng cùng say rượu. Đi theo đội cũng giống hệt khi ở làng.

   Lích gãi tai, buông một câu quen miệng:

   - Mù pây tô cò pây! (Người ta đi mình cũng đi!)

   Ấy là câu đầu lưỡi của người Lào. Làm gì, đi đâu cũng phải theo .
   Văn Thon nín lặng. Cái bóng cao lớn hằn xuống đất trước cửa hang, nặng và tối như nỗi bực dọc trong bụng anh. Bàn tay xoa trên cằm, anh đi đi lại lại... Lương vào đồn chín lần, chỉ để anh vào bốn lần, những nơi dễ. Lương không nói ra nhưng hẳn là cũng đánh giá anh nhát gan. Họp đội lại kiểm thảo cũng vô ích, họ sẽ bênh nhau, chối biến... Văn Thon không chịu được nữa. Anh quay vào hang, định nói thẳng tuột hết với Lương.

   Nhưng bộ ba kia đã đi vắng. Hừ, lại ra rừng họp riêng, bàn mảnh, định cách đối phó với anh chứ gì?

   Sử mang đến cuốn sổ điện báo:

   - Đề nghị anh duyệt bức điện sắp đánh.

   - Tôi không xem.

   - Báo cáo anh, viết bằng chữ Lào...

   - Cất đi!

   Sử xịu mặt, đi vào góc hang. Chánh ngồi vào máy ragônô, quay rè rè. Máy điện tín ửng chấm đèn xanh, bắt đầu tí tách dưới tay Sử.

   Ngoài rừng, tổ Đảng họp vắt vẻo trên một tảng đá để tránh vắt. Đại xuề xòa nhận lỗi ngay: “Tính tui có hơi nóng, các đồng chí thông cảm”. Nhưng Lương vẫn dồn cho một hồi không kịp thở:

   - Hơi nóng à, không phải! Đồng chí coi thường Văn Thon ngay từ đầu. Mới hôm nọ đồng chí còn nói rằng Văn Thon chỉ biết đánh chim sẻ và quấy rối là gì!

   - Đồng ý tui có nói. Rứa thì sai chỗ mô?

   - Văn Thon nắm hai trung đội đánh kỳ tập mà lấy được đồn nó ngót trăm quân, đồng chí biết chưa? Một mình một dao dám nhảy lên đâm chết quan ba trên xe Gíp, có phải sợ địch không?

   - Là tui thấy anh không dám cường tập...

   - Không đánh cường tập tức là sợ địch à? Thế nghĩa là tất cả các đội du kích ở đây cũng như ở Việt Nam đều sợ địch chứ gì? Đồng chí lầm to. Văn Thon chỉ huy du kích giỏi số một ở mặt trận này đấy. Chúng tôi học mãi kinh nghiệm đánh đường rừng của Văn Thon mà không theo kịp. Anh ta không quen cường tập, đúng thế. Nhưng đồng chí chưa hiểu gì về chiến trường này cả!

   Đại ngạc nhiên thấy Lương nổi giận như chính anh bị quy là sợ địch. Lương nhăn trán, nói lắp, xòe tay đập gió lia lịa, ấy là anh đang nóng. Ở đơn vị, Đại lắm khi đốp chát với anh em trong khi bàn kế hoạch, nhưng chưa lần nào phải đưa ra tổ Đảng kiểm thảo. Cãi chán lại cười khì với nhau.

   - Thôi thôi, tui nhận khuyết điểm rồi. Việc bằng móng tay, các đồng chí cứ làm to ra...

   - Thế đồng chí không nhớ đây là đất Lào, Văn Thon là người Lào à?

   Trung đội phó Cống ngồi kiểu đầu gối quá tai, gật gù cái núm tóc củ tỏi búi sau gáy như người thiểu số. Bác đồng ý với Lương. Đại đuối lý, còn gượng một câu:

   - Răng anh ấy hay tự ái ngầm rứa hè? Không vừa bụng thì choạc luôn cho ra lẽ chớ!

   Cống chen vào:

   - Ai quy cho cậu sợ địch, cậu có tức không? Sờ lên gáy mà xem!

   - Thôi, tui nhận xin lỗi anh Văn Thon rồi mà.

   Cuộc họp ngừng mười phút để Đại và Lương bắt bầy vắt bò trên chân, chui vào ống quần.

   


------------------------------------------------------
(1) Người Lào ở vùng thấp, tức dân tộc đa số.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 07:49:42 pm »

   Lương trầm ngâm một lúc lâu, hút gần tàn điếu thuốc mới nói:

   - Hình như Văn Thon cũng giận tôi... Các đồng chí xem có phải tôi ôm đồm quá không? Hay là tôi chưa thật tin ở Văn Thon?

   Cái băn khoăn lớn nhất của Lương là ở đó. Văn Thon muốn sục vào đồn thật nhiều, nhưng người anh nặng nề, kỹ thuật vượt rào và giấu hình còn non, dễ bị hy sinh. Lương nhiều lần phải gạt khéo không để anh vào đồn với mình. Biết Văn Thon ấm ức, nhưng Lương chưa phân trần vội. Anh đợi ý kiến tổ Đảng.

   Bàn cãi một lúc lâu, bộ ba vẫn chưa ngã ngũ ra sao cả. Thật tình cái ranh giới giữa “thận trọng” và “chưa tin” trong trường hợp này rất khó vạch. Không biết bao nhiêu cán bộ Tình nguyện bị phê bình là bao biện nhưng vẫn lúng túng không hiểu nên cư xử thế nào cho phải.

   Vấn đề cuối cung đưa ra lại vấp. Lương đề nghị nếu có biến dọc đường thì toàn đội phải đưa Văn Thon về đến nơi. Cống gật đầu: “Tất nhiên!” Đại ngớ ra một giây, rồi gân cổ:

   - Không được. Phải bảo vệ anh Lương mới đúng.

   - Lại thế nữa!

   - Hai người là cán bộ đồng cấp, nhưng mà anh Lương là chỉ huy. Anh Văn Thon đi rút kinh nghiệm, lại nắm tình hình không chắc bằng anh Lương. Đối với chiến dịch anh Lương cần hơn.

   - Cậu chưa hiểu...

   - Hầy, tui hiểu. Không có nguyên tắc mô ngược đời rứa cả.

   Lương phát bẳn:

   - Cậu gàn bỏ mẹ đi ấy. Cứ rập khuôn bên ta không được đâu.

   - Chớ mọi hôm anh nói ra răng? Anh nhủ mình giúp người Lào làm cách mạng, không làm cách mạng thay cho người Lào. Chừ anh lại muốn bao lấy cả...

   Đại gằn hắt to tiếng. Lương nhìn cái tai sứt đỏ dừ, tự nhiên bật cười. Anh vỗ lưng Đại, xoa mấy cái:

   - Khẽ mồm chứ ông tướng. Tớ lại phải lên lớp tí đây. Muốn giúp họ làm cách mạng thì phải giúp họ đào tạo cán bộ, bảo vệ cán bộ. Bao giờ họ đủ cán bộ, đủ cơ sở, đủ lực lượng, chúng tớ rút béng ngay về Việt Nam tức khắc. Họ là chủ, mình là khách. Mất khách chẳng sao, mất chủ mới rầy rà to. Văn Thon đi chuyến này để rút kinh nghiệm về xây dựng đội trinh sát của Itxala đấy. Bên tình nguyện mất ngần này người chả ngại, chứ bên Itxala mất một Văn Thon thì bấn to. Nào, nhớ nhập tâm chưa hở?

   Đại ngồi ngây ra, nghĩ. Tưởng đánh Tây ở đâu cũng là đánh, chứ nào hay lên đây lại lắm chuyện rắc rối quá thể. Học tiếng Lào, tập đứng ngồi ăn nói cho đúng phong tục, rồi cả một lô những nguyên tắc về tôn trọng chủ quyền, về quan hệ Lào - Việt, rồi bao nhiêu là đường lối, phương châm, phương thức, chính sách... học đến mụ người vẫn cứ vấp. Kể ra cũng có đôi điều dễ nhớ. Rằng tiêu chuẩn cung cấp đã nằm lại bên Việt Nam, sang đây không lo cày ruộng phát nương thì xin cứ vui lòng ăn măng. Rằng lạc rừng là một sự tối ư nguy hiểm, vì Đại đã một lần rời lán đi ngoài, bị lạc luôn ba ngày đói meo.

   Lương và Cống về rồi, Đại vẫn ngồi trên tảng đá. Tay lau khẩu K.50, miệng lẩm nhẩm mấy câu tiếng Lào mới học: “Tha-hản Itxala... bộ đội Giải phóng. Thang ni pây xẩy …đường này đi đâu”. Lương dạy tiếng Lào cho Đại, Khiêm, Chánh. Đại không chịu học, bị tổ Đảng đập cho một trận về tinh thần quốc tế. Đến khiếp cái anh một mắt...

   - Tha-hản hâu xỉa chắc khôn? Bộ đội ta mất mấy người... Tha-hản hâu... xỉa... chắc khôn...

   Đại chợt nhớ đến cuộc tranh cãi vừa rồi. Có biến dọc đường, phải bảo vệ Văn Thon. Còn Lương? Vết chó cắn trên chân Lương bắt đầu sưng tấy. Anh đi hơi nhúc nhắc. Tám ngày leo núi... Đại bỗng cồn cào cả ruột. Đại vừa tức, vừa phục, vừa thương con người khắc khổ ấy.

*
*    *

   - Huýt huy… huýt huy…

   Tiếng huýt sáo bắt chước chim hót từ một ngách hang đá vọng đến. Bác Cống nhếch mép cười, nhận ra ám hiệu riêng của bố con bác gọi nhau. Bác đi vòng cái cột đá, chui ra phía “cửa sau”. Tiểu đội phó Khiêm, đứa con nuôi đẹp trai mà bất trị của bác, đứng đợi sẵn đấy. Khiêm lúng búng nói gì, rồi kéo tuột bác ra một góc suối vắng.

   - Con chó béo lắm, bố ạ.

   - Cái gì?

   - Chó lai tai cụp, nặng è cổ. Đây bố xem.

   Trong bụi rậm, một con chó béo hú nằm rên ư ử, bốn chân trói bó giò. Bác Cống trừng mắt thật dữ, đôi lông mày chọc vào nhau:

   - Mày lại giở trò nỡm. Chó của dân làng...

   - Không, của đồn mà. Con nói sai con chết. Nó bị xích cổ mòn một khoanh lông đây này.

   Bác Cống gầm khe khẽ, để nén cái cười đang rung quai hàm:

   - Đồn nó mất chó, nó đổ nháo đi tìm, nó thả chó đánh hơi lần theo đến đây. Ấy tức thị rằng là mày làm lộ bem rồi ông mãnh ạ. Sao mày dại thế hử?

   Khiêm đứng lặng cá, xịu mặt:

   - Thôi được, tôi mang đi thả. Đồng chí cứ giở nguyên tắc…

   - Bao nhiêu lần cấm, mày còn rờ rẫm đi trộm chó!

   - Lấy của địch mà đồng chí bảo là trộm?

   Khiêm chỉ gọi bác Cống bằng đồng chí khi hờn dỗi. Hai người nhận nhau làm bố con nuôi đã đầy năm nay. Bác Cống không có con gái lớn, nên không ai nghi ngờ gì cái động cơ nhận bố của Khiêm cả.

   Nghe Khiêm đổi giọng, bác nao nao bụng. Tội nghiệp, nó đang sức lớn mà độc có măng luộc chấm muối ăn trừ bữa.

   - E hèm... không phải đi nữa. Thả chó về, nó quen đường lại dẫn Tây lên mất. Thôi để đấy, vào thú thật với anh Lương, rồi kiếm con dao, cái nồi. Khéo chứ anh Văn Thon biết thì rầy rà to, nghe chửa?


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 07:51:19 pm »

   Khiêm tươi mặt, quẳng con chó đánh hự, phóng về hang đá. Cống chọc chọc ngón tay vào đùi chó, chép miệng: “Thằng khéo chọn. Của này đánh tiết canh mát phải biết!”. Dân Lào tởm thịt chó nên bộ đội Tình nguyện phải tự giác nhịn. Cái tài rựa mận, dồi và tiết canh chó của bác mai một dần. Bây giờ sự đã rồi, bác đành linh động một lần vậy. Chỉ sợ anh Lương bắt đem chôn như dạo nọ.

   Nửa giờ sau, con chó sạch lông. Bác Cống chặt phứt ngay đầu, đuôi, bốn chân, hẩy sang cho Khiêm:

   - Đem sang bờ bên kia, chôn sâu vào. Sả, riềng, húng chả có, nấu nướng thế nào đây... Đi bứt cho tao ít mùi tàu, lá lốt. Dọc suối đi lên, vô thiên lủng rau thơm.

   Dồi nướng bốc mùi thơm hắc. Bảy xâu chả rỉ mỡ xuống than xèo xèo. Tiếng chân người khua cành mục đến gần. Cống quờ tay chộp khẩu các bin, vừa lúc Văn Thon lên tiếng:

   - Làm gì đấy?

   Khiêm đáp ngay bằng một tiếng Lào mới học:

   - Tó phan (con mang).

   Văn Thon nhìn quanh, bật cười ồ:

   - Con mang cũng biết sủa à?

   Trên bãi sỏi bên kia suối, cái đầu chó nằm tênh hênh, nhe răng trắng hơn như cười chế nhạo. Cống đớ lưỡi, muốn chui tuột xuống đất. Thì ra nhóc con lười, chỉ ném hú họa qua suối, đầu chó va phải cây rơi bật lại cũng không biết!

   Văn Thon bỏ đi còn nói với:

   - Các đồng chí cứ ăn tự nhiên, việc gì phải giấu. Thật thà với nhau vẫn hơn chứ.

   Giọng anh lẫn chút mỉa mai. Cống ngồi thừ ra, ngượng chín cả người. Bác gắt Khiêm:

   - Chỉ tại mày, nhãi ranh ạ!

   - Tại con cái gì?

   Khiêm không hiểu mô tê nào cả, vẫn thổi lửa phù phù. Chỉ nghe Văn Thon cười, nói tiếng Lào, Khiêm tưởng anh có lời khen ai bắn được mang cho đội chén bữa tươi! Nhìn theo tay bác Cống trỏ, Khiêm phá lên cười sặc sụa, cười nôn ruột. Bác Cống bật cười theo. Cái thằng lỏi con sao nó dễ thương thế chứ!

   Một viên đá lăn trên sườn núi. Lương đứng trên đầu dốc, tay cầm một sợi dây dài, gọi to:

   - Về ngay! Nó tăng viện cho Pà Thạc ba trăm xe, toàn Âu Phi cả!

   Hai bố con sửng sốt một giây, rồi sấp ngửa chạy theo Lương. Khiêm ngoái cổ nhìn lui, nuốt nước bọt, lại vọt lên dốc. Khúc dồi chó tím mọng tỏa thơm nức đang sém dần trên bếp than.

   Trong hang đá, Lương hối hả đếm lại sợi dây dài thắt gút chi chít. Anh Chum, tổ trưởng Itxala bí mật làng Phi Lạt, đang kể với Văn Thon:

   - Loại xe tăng này to, nòng súng bằng bắp đùi. Lại còn xe bọc sắt bánh cao su chỏm tròn. Quân nó mặt đen như đít nồi, chỉ một ít da trắng…

   Lương kéo Văn Thon ra một góc, bàn thì thầm. Một phút sau, anh bước vào giữa vòng anh em đang hỏi Chum rối rít. Anh nói tiếng Lào:

   - Tất cả mọi công việc gác lại. Phải điều tra ngay binh đoàn Âu Phi này về Pà Thạc với ý định gì, đóng quân tại đây hay chỉ tạt qua. Tối nay, đồng chí Cống và Khiêm vào sân bay, tôi với Đại vào chỉ huy sở. Sử đánh điện cấp báo về mặt trận.

   Văn Thon giật tay áo Lương:

   - Tôi xuống đồn với anh.

   - Đề nghị anh với Lích nắm cơ sở, cho người làng vào đồn lấy tình hình.

   - Để người khác đi cũng được.

   Lương bối rối. Chuyến đi này rất nguy hiểm vì địch nhất định gác và tuần tra chặt chẽ gấp bội, mà kỹ thuật vào đồn Văn Thon chưa thạo. Với lại Văn Thon nắm cơ sở làng Phi Lạt vững lắm, nói ra một lời được mọi người nghe răm rắp. Uy tín của Văn Thon rất cần trong công tác dân vận.

   - Anh hiểu cho. Cử người khác xuống làng, e rằng cơ sở chưa tin…

   Văn Thon sầm mặt, quay ngoắt đi. Lương nhìn theo chỉ thoáng thấy đôi vai đồ sộ lắc mạnh, và một bàn tay nắm chặt như quả búa. Lương đưa mắt tìm Cống. Bác cũng đang ngó anh, khẽ gật đầu. Anh nhẹ người hẳn đi, vì có đồng chí hiểu mình.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 07:53:14 pm »

III

   Mặt trời đỏ bầm như đĩa tiết đông trôi bồng bềnh trong mưa bụi. Một dòng suối lửa vàng ủng chảy qua sông Nậm Đăm, lập lờ chết đuối trên mặt nước xám. Trên rẻo đất dài và hẹp chạy dọc theo bậc sông, có bốn cô gái đang cuốc đất. Mấy con chim cà xum lông đen cổ trắng trầm ngâm dạo bên cạnh. Tiếng ô tô rền như tiếng thác từ mé đồn Pà Thạc vẳng đến.

   Lả, cô trẻ nhất đám, đứng lên vặn lưng khục khục. Mưa ngấm vào lưng áo và sau váy, trông Lả như con chim hai màu, mặt trước nhạt, mặt sau sẫm. Lả rũ váy, cười:

   - Chị Pha hát đi!

   - Chịu.

   - Thôi chị đừng cuốc, cứ hát chúng em nghe, chúng em làm thay. Con trai không hút thuốc giống con khỉ, con gái không hát cũng giống con khỉ!

   Pha dừng tay cuốc, thở mạnh, cười nhợt nhạt. Nước mưa rắc trắng trên búi tóc chéo bên mang tai. Hai cô kia cũng giục Pha hát cái bài núi Vượn.

   Pha đỡ mệt, lại thấy đói cồn cào. Nắm củ rừng ăn ban sáng bay mất veo. Chân tay cứ nhão ra. Pha vuốt nước trên mặt, hát cho đỡ đói:

      Ô la no... ò!
      Ai cày ruộng cứ đánh trâu
      Ai rèn dao cứ đập sắt
      Lắng tai mà nghe tôi kể
      Kể chuyện nàng Mô La biến thành vượn hú khóc gọi chồng...


   Giọng hát ban đầu hơi khản, sau trong dần, rung êm êm như tiếng suối rừng. Lả đứng im, đôi môi bậu mấp máy nhẩm theo từng câu. Tiếng cuốc thưa mãi, rồi lắng hẳn.

      Trên núi Vượn có dòng suối mát
      Sợ mất đá cuội cứ đêm lóc cóc ngày đêm
      Trên núi Vượn có ngọn gió thơm
      Là nàng Mô La gội đầu quay tóc thơm thành gió
      Nàng đẹp như...


   Pha vụt đưa tay lên chặn ngực, ho khúc khắc mấy tiếng. Chị em xúm lại.

   - Thố! Chị xanh quá!

   - Tại mày bắt chị hát...

   - Về nghỉ thôi chị. Cuốc bỏ đấy em rửa. Em đưa chị về.

   Pha không nói sợ bật ho, chỉ gật đầu, vịn tay Lả trèo lên bậc dốc trơn, hai tay vẫn nắn nắn cổ. Đến đầu con đường mòn, Pha ẩy Lả quay lại. Lả chạy ù về chỗ vườn rau đang cuốc, toét mồm cười:

   - Hay là chị Pha ốm nghén chúng mày ạ.

   Ba cô cúi đầu thì thào một lúc. Rồi Lả thở dài:

   - Ho lao... chắc khó sống lâu nhỉ? Dà ơi! Thương chị quá.

   - Trước kia chị xinh thế…

   - Bây giờ chỉ thua mày thôi hở Lả?

   - Dơ! Thế hôm nọ quan đồn xuống chọn...

   Lả ngừng giữa câu, nhưng không kịp. Cô kia quay mặt khóc òa. Cả ba lại ném cuốc châu vào nhau hồi lâu. Khi ngẩng lên, mắt Lả còn ướt. Lả nhặt cuốc, nhếch môi cười qua nước mắt:

   - Chúng mày còn khá hơn chị Pha. Mới bị đói, bị hiếp chứ chưa ho lao. Cũng không có chồng theo Pháp.

   Lả cắn răng bổ từng nhát cuốc ngập đến đầu cán. Suốt buổi họ không nói gì thêm. Mưa bụi vẫn xoáy tròn sâu hun hút, trùm quanh ba cô gái cuốc đất trên bậc sông.

   Pha bước từng bước nặng như dũi đất. Con đường mòn quẫy hoài dưới chân. Pha chống chếnh bước hụt, ngã ngồi xuống bùn. Từng quả bong bóng nổ tung, rắc những đốm vàng lộn tít trước mắt Pha, réo vù vù.

   Một lát sau, Pha vẫn ngồi chống cằm trên đầu gối, rũ rượi. Tóc đổ xõa xuống chấm đất, áo dính bết vào hai vai tròn. Chỉ có đôi mắt còn sống. Dưới cái trán hơi dô bướng bỉnh, dưới đôi lông mày rậm đen hình nét mác, đôi mắt xếch lia ra ánh lửa, vừa sắc vừa dữ. Trai làng thường kháo nhau: “Con bé Pha xinh thật là xinh, nhưng mắt như mắt cọp, nom cứ chờn chợn thế nào”.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM