Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:20:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861  (Đọc 30603 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #40 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 09:40:44 am »

   Phần 3:    Con người và Xã hội An nam

Vóc dáng, tập quán, phong tục của người An nam, tác giả trình bày trong sách, chắc cũng có nhiều đìều đúng, nhiều điều thiếu sót. Tác giả đến Nam kỳ để đánh nhau vào năm 1861. Sách xuất bản năm 1864. Thời đó đường xá xa xôi, ông Bonard đến thay ông Charner cũng phải mất mấy tháng để đi từ Pháp sang xứ An nam. Sách còn phải đưa cho nhà xuất bản đọc và ưng thuận,lại phải xếp từng chữ để in, đâu có mau lẹ như bây giờ. Trong sổ tang ở cuối sách tác giả ghi tất cả những người Pháp đã ngã gục ở Nam kỳ đến hết năm 1862. Tôi nghĩ rằng tác giả viết xong quyển sách này trong khoảng thời gian 1863. Vì thời gian khá ngắn như thế, ta cũng không nên đòi hỏi tác giả nhiều hơn.

Phần tôi là cháu chít cũng chẳng biết gì để phê phán phong tục, tập quán của ông bà mình ngày xưa. Chỉ xin đề cập đến vài vấn đề hành chính và luật pháp mà tác giả trình bày khá chi tiết trong sách.

Hành chánh nhà nước áp đặt chỉ đến cấp huyện. Quan huyện do triều đình tuyển chọn bằng thi cử. Từ cấp huyện trở xuống hoàn toàn tự trị. Làng xã hoàn toàn do dân quản lý bằng bầu cử Cả một hệ thống liên đới chịu trách nhiệm với nhau: từ ông cai tổng, ông xã, ông lý trưởng, ông phó lý, ông cả, ông hương thanh, ông hương hào, ông cai đinh, ông hương gióng, ---cho đến anh áp. Ðây là một cách phân quyền hết sức rộng rãi, ngay cả huyện cũng không bắt buộc thường xuyên nhận lịnh và phúc trình với phủ. Họ tự quản lý lẫn nhau.

Việc cai trị dựa vào đạo đức và răn dạy. Hình phạt chỉ tượng trưng để cho dân sợ mà thôi. Hòa giải nhiều hơn xử phạt. Tác giả quyển sách, tuy có nêu lên nhưng không hiểu hết ảnh hưởng các điều này nên đánh giá quan quân An nam là nhu nhược, bộ luật An nam (thời Gia Long) có nhiều điểm ‘’thật thà’’. Tác giả cũng công nhận là nền hành chánh và pháp lý từ hạ tầng cơ sở cho đến các cấp quan quân của triều đình bổ nhiệm gần như hoàn hảo không tìm thấy chỗ sơ hở. Trước khi người Pháp đến, cả Nam kỳ miền dưới chưa có quá ba vụ án mạng trong một năm. Người Pháp đến xử tử nhiều lắm, nhưng toàn là tội chính trị. Quân cướp An nam chỉ lột sạch nạn nhân nhưng không giết người như ở Âu châu theo tác giả kể trong sách.

Tác giả có viết là căn nhà lợp lá dừa lùn của người nông dân được triệt để tôn trọng, nếu quan quân nào bước khỏi ngưỡng cửa là người đàn bà đánh liền. Khi người đàn bà nông dân ẳm con lên tìm quan phủ hay quan huyện thì không ai cản nổi. Ảnh hưởng của người phụ nữ An nam trong gia đình và xã hội làm cho tác giả phải ngạc nhiên.

Tác giả cũng công nhận người nông dân An nam biết luật lệ, quyền lợi, tranh luận, kiện thưa, hơn hẳn người nông dân Âu châu. Người An nam còn có quyền đưa đơn khiếu nại trực tiếp lên hoàng đế, không cần qua bất cứ một cấp bực hành chính hay pháp lý nào.

Tôi không hiểu tổ chức các nhà tù như thế ra sao, chưa nghe ai nói, hay phần lớn chỉ phạt theo luật rồi thả về hoặc là đày đi xa nếu là tội nặng? Ðiều làm tôi vô cùng ngạc nhiên là tác giả cho biết trong hệ thống tư pháp và hành chính An nam không bao giờ có bóng dáng một người lính. Như vậy là một tổ chức như cảnh sát ngày nay không có trong xã hội An nam ngày xưa?

Khi ta nhìn thấy chế độ quản lý hạ tầng ngày nay bằng tổ trưởng, đại diện khu phố, phường, quận, công an tổ, công an khu vực, công an phường v.v. và v.v. ta thấy đau đớn cho xã hội Việt nam biết bao nhiêu.

Nếu ta không đề cập tới vấn đề tín ngưỡng, thì có thể là một thiếu sót hay chỉ là một cách tránh né thiếu can đảm và lương thiện, vì điều khoản số 1 người Pháp đưa ra cho triều đình Huế là phải cho tự do hành đạo Thiên Chúa giáo. Mặc dù thế vấn đề này không phải là thắc mắc của cuốn sách, tác giả chỉ nêu lên một vài sự kiện có liên hệ thế thôi, chẳng hạn như vài người bị chặt đầu vì tín ngưỡng, vị phó vương trấn giữ thành Mỹ tho trả tự do cho những người theo đạo Thiên Chúa và bảo các người này hãy đi theo các người bạn Pháp của họ. Theo tác giả hành vi của vị phó vương thật nhân đạo, những người An nam sau này không ai làm nổi kể cả những kẻ thù của họ là người Pháp. Ta cũng không quên kể đoạn tác giả nói bóng gió những người truyền giáo trách đám quân viễn chinh là mưu mẹo, lạm quyền..., quân viễn chinh mở trường dạy tiếng An nam đào tạo thông ngôn để tránh khỏi phải nhờ vả vào các người truyền giáo (xem chương VII).

Tôi chỉ xin đưa ra một vài sự kiện làm đề tài suy nghĩ về những đổi thay của lịch sử. Thật sự thì tín ngưỡng phật giáo đã xâm nhập vào Âu châu rõ rệt nhất từ giữa thế kỷ thứ 19, tức vào thời kỳ Pháp bành trướng thuộc địa tại An nam. Ngày nay trên nước Pháp có 11% dân trên 15 tuổi, tức khoảng 5.000.000 người ‘’cảm tình’’ (sympathisants) với phật giáo (thống kê ngày 24-25 tháng 9 năm 1999) Trong số này có nhiều người ‘’gần’’ (proches) với phật giáo và lui tới chùa chiền. Một số hành đạo tại gia, một số đi tu hẳn. Có hơn 200 chùa và trung tâm ngồi thiền (dojo) tại Pháp. Kết quả thống kê thăm dò 903 người tới lui các chùa chiền ( 648 người thuộc chùa tây tạng, 255 người thuộc chùa phái thiền học) cho thấy trình độ học vấn (một trong các kết quả thăm dò) gồm có 5,9 % cấp trung học đệ nhất cấp, 8,7 % trung học đệ nhị cấp, 20.0 % trình độ tú tài, 23,1 % trình độ tú tài + 2 năm đại học, 36,4 % tú tài + 4 năm đại học hay cao hơn nữa, 5,9 % linh tinh. Tính chung 79,5 % là những người trí thức. Nếu suy rộng ra trên con số 5 000 000 người thì ta cũng có thể ước chừng được là bao nhiêu người trí thức trong tổng số chưa đến 60 000 000 dân.

Có những quyển sách về phật giáo xuất bản gần đây, bán được 200 000 đến 250 000 số mỗi quyển. Có một quyển sách bán đến 1 000 000 số sau nhiều lần tái bản. Trong 80 tác phẩm của ông Thích nhất Hạnh, hai mươi quyển đã được dịch ra tiếng Pháp. Ðài truyền hình số 2 của chính phủ Pháp mỗi sáng chúa nhật đều có chương trình về phật giáo.[30]

Quả thật lịch sử đã dành cho ta nhiều trớ trêu và bất ngờ. Người An nam không đưa ra bất cứ một điều khoản nào bắt người Pháp phải thực thi.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #41 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 09:41:43 am »

  Phần 4: Một vài cảm nghĩ về lịch sử

Tôi có nói qua ở lời tựa là ngày nhỏ tôi không thích lịch sử chút nào, ngay bây giờ cũng thế. Ðối với tôi lịch sử luôn luôn bị méo mó vì người viết sử, chính một sự kiện cũng trở nên méo mó qua nhân chứng. Những năm tháng đánh dấu lịch sử cũng chỉ dựa vào một mốc thời gian nào đó để tính ra thành năm, thành tháng. Ta không thể nào biết quá khứ một cách đầy đủ. Cũng dễ hiểu, vì ta không thể nào đem toàn vẹn quá khứ đặt vào hiện tại để quan sát và nghiên cứu; giản dị là hiện tại không đủ chỗ. Vì vậy lịch sử không thật sự là một khoa học theo định nghĩa thông thường của nó. Mặc dù không gian hiện tại trống rỗng, ta cũng không thể đem cái không gian quá khứ đặt vào đó vì tự nó đã trống rỗng rồi. Hoặc nói ngược lại, không gian hiện tại đã đầy ắp, không gian quá khứ cũng còn nguyên vẹn và đầy ắp. Ví dụ như một chén nước đầy, nếu ta cố thêm một giọt cũng làm cho nước trào ra ngoài, làm thế nào để mang quá khứ về hiện tại? Khoa học ngày nay, từ thuyết tương đối của Einstein, cơ học lượng tử (mécanique quantique) đến vật lý thiên văn (astrophysique) cho ta thấy thời gian chỉ vỏn vẹn là một kích thước thứ tư của không gian Quá khứ, hiện tại hay tương lai cũng chỉ nằm gọn trong một không gian, mặc dù không gian có thể cong (ảnh hưởng từ tính), teo nhỏ (trou noir), hay trương nở (big bang); khoa học đã chứng minh như vậy. Cứ nhìn hiện tại ta thấy quá khứ, hay ngược lại. Ðối với tương lai cũng thế, nếu ta đủ trầm tĩnh và sáng suốt để nhìn vào hiện tại ta cũng có thể thấy thoang thoáng một chút tương lai.

Quyển sách của L.Pallu cũng như một giọt nước có thể làm tràn bát nước, nhưng bát nước vẫn là một bát nước. Nếu bát nước trong veo, biết đâu khi nhìn vào đó ta cũng thấy được thoang thoáng hình bóng ta sau này, mặc dù bát nước đã đầy ta không thể nào thêm vào đó một giọt nước của tương lại.

Những cảm nghĩ của tác giả với tư cách một nhân chứng, tuy méo mó và chủ quan, cũng đã gây cho tôi nhiều xúc cảm Chính xúc cảm mới có thể vượt qua không gian và kích thước thứ tư của nó là thời gian, để len lén chen vào tim ta và tâm hồn ta Hiện tại không có chỗ cho quá khứ mà chỉ có chỗ cho xúc cảm mà thôi.

Vì vậy tôi xin trả cho quá khứ những gì thuộc quá khứ, tôi xin trả những gì thuộc lịch sử cho lịch sử. Tôi xin cám ơn và trả lại quyển sách này cho Léopold Pallu. Tôi cám ơn ông đã cho tôi những xúc cảm thật trong sáng và thanh cao. Tôi biết ơn tổ tiên tôi, nhưng tôi vẫn trả lại những gì của tổ tiên tôi Tôi xin bỏ tất cả, tôi xin quên tất cả, từ oán hận cho đến thương yêu, từ ước vọng cho đến kỷ niệm của một ngày xưa lịch sử. Tôi chỉ xin giữ lại một chút hơi ấm của xúc cảm trong tim, cái hơi ấm bốc lên từ những thửa ruộng sình lầy, từ xương thịt của tổ tiên xưa.

Lắm khi một tiếng tích tắc của thời gian cũng đủ làm vang lên trong lòng ta một bản hùng ca của giống nòi. Một giọt quá khứ rơi vào tâm hồn cũng làm tim ta rạt rào muôn ngàn ngọn sóng của đại dương lịch sử mênh mông.

 

                                                               Bures-Sur-Yvette, 12.03.01
Hết
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Chín, 2009, 09:53:05 am gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM