Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:51:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo vết xích xe tăng - Tập 2  (Đọc 75095 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #50 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 08:07:43 am »

Vào tới ngõ, vợ anh Bùi Minh chạy ra, mừng rỡ nói: “Mời các anh vào nhà”, rồi chị chạy vào trước reo to: “U ơi các anh ở đơn vị đến chúc Tết...”.  Tiếp chuyện tôi, chợt mẹ anh Bùi Minh hỏi: “Thế em nó có gửi thư về nhà không)” Tôi lạnh toát cả người vì vừa nói mình ở chiến trường ra, nhưng từ khi hỏi chuyện các cháu nhỏ ở đầu làng, tôi đã có chuẩn bì nên bình tĩnh đáp:

“Thưa bà, ở chiến trường bom đạn ác liệt lắm. Mỗi đơn vị phải ở cách xa nhau hàng hai ngày đường đi bộ, nên đơn vị đầu tiên cháu đến là đơn vị anh Minh nhà ta, sau đó đi vòng qua các đơn vị, cho tới lúc ra Bắc không có dịp trở lại. Khi ra cháu có nói điện thoại với anh Minh, anh chỉ nhắn bà, chị và cháu yên tâm. Nhìn nét mặt vợ Bùi Minh xịu xuống khi biết không có thư của chồng, tôi thấy lòng mình nặng trĩu... 

Không khí trong nhà lúc này khó nói ra được, gia đình thì nửa vui, nửa buồn. Vui vì nghe tin chồng, con khỏe mạnh, buồn vì không có lấy một mẩu thư, dù chỉ vài dòng... Còn chúng tôi thấy đau đớn, xót xa vì biết đồng chí mình đã hy sinh mà không thể nói lên tấm lòng mình và thắp được nén nhang. Tôi nghĩ tới những vành khăn tang trên đầu người mẹ, người vợ trẻ và cháu bé kia... Còn ở góc bàn, đối diện với tôi, một bác trung niên tuổi độ trên 40, từ khi chúng tôi vào nhà, bác vẫn yên lặng không nói, đôi khi liếc nhìn chúng tôi như dò xét, sau đó lại nhìn ra vườn vẻ đăm chiêu. 

May quá cháu nhỏ con anh Bùi Minh lon ton chạy đến cạnh tôi, thật là một cơ hội tốt, tôi bế cháu lên, ôm vào lòng, âu yếm hỏi: “Con bố Minh ở nhà có ngoan không? Bé thích quà gì để khi nào bố Minh về phép sẽ mang về cho?” Bé: “ứ ừ... cháu... cháu không lấy quà, cháu chỉ thích cục phấn cơ!”. ?. Sao lại thích cục phấn? - Tôi hỏi. Bà và mẹ cháu cùng cười nói: “ở nhà cháu thường lấy gạch vẽ nhì nhằng xuống sân làm thầy giáo dạy chữ cho chó và mèo đấy. Cháu muốn có cục phấn để làm thầy giáo”.

May quá - Bé đã làm cho tất cả đều vui. Tôi liếc nhìn người đàn ông, vẫn thái độ đăm chiêu và im lặng.  Tôi nghĩ có lẽ ông ta có bệnh nên không nghe và không nói được. Hai anh Phác và Huệ nhìn tôi, như muốn nhắc nên cáo từ. Tôi vội chúc Tết gia đình và xin phép ra về.

Lạ quá, người đàn ông đứng dậy đi theo chúng tôi, khi tôi sắp lên xe, ông đến nắm chặt tay tôi: nói trong nước mắt: “Tôi là bác của Bùi Minh, tôi là Thường vụ Đảng ủy xã, xã đã nhận được giấy báo tử rồi. Đảng ủy chúng tôi chủ trương giấu kín để gia đình họ hàng có cái Tết yên vui. Ra giêng mới làm lễ truy điệu. Xin cảm ơn các anh, đã mang lại cho gia đình tôi cái Tết yên vui” .

Tôi xúc động, lặng người đi run run đưa hai bàn tay nắm chặt tay ông, còn ông đứng yên, hai giọt nước mắt từ từ chảy dài trên má . . .
Trên ba mươi mùa xuân đã trôi qua, một thời gian đủ để một thế hệ lớn lên và trưởng thành. Nhân Tết Nhâm Ngọ, ngồi viết những dòng này, trước mắt tôi như hiện lên ngôi nhà đơn sơ ở cái làng nhỏ bé thuộc tỉnh Hải Hưng ngày ấy, nay chắc đã khang trang hơn. Trước sân những cây cam nặng trĩu, quả chín đỏ mọng.  Trong nhà, ở gian bếp một thanh niên còn trẻ trạc tuổi 30, quây quần bên anh, một tốp cháu nhỏ, có lẽ là học sinh đến chúc Tết thầy. Họ vui vẻ nói chuyện những ước mơ... gương mặt cả thầy và trò thật rạng rỡ. Ở gian nhà giữa, một phụ nữ trạc tuổi 50, nhưng tóc đã chớm bạc, đang ôm đứa cháu vào lòng, chỉ tay lên bàn thờ nói: “ông đấy... ông đấy...”. Còn cháu nhỏ bi bô nói theo: “ông... ông...”.

Trên bàn thờ có tấm ảnh một anh bộ đội còn trẻ,  trên ve áo nổi rõ phù hiệu xe tăng, sau làn khói nhang lung linh, huyền ảo, hình như anh bộ đội ấy đang mỉm cười ..

Tôi dừng bút, bâng khuâng nhìn ra sâng mưa nhè nhẹ bay như rắc những hạt ánh sáng rực rỡ phủ khắp nơi.

Một mùa xuân lại đến.

Hà Nội, 1-2002
Đ-V-X
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #51 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 08:22:24 am »

MÃNH HỔ ĐƯỜNG SỐ 9

Đại tá Nguyễn Đình Trìu
Nguyên Phó chủ nhiệm Kỹ thuật
BTL Tăng - Thiết giáp


Tiết trời năm nay thật lạ, hôm nay đúng ngày rằm Trung thu (15-8 Quý Mùi) mưa sụt sùi suốt ngày, như là mưa ngâu ấy. Trên ti vi đang chiếu cảnh các cháu thiếu nhi vui đón trăng rằm. Ngồi trong nhà, nhìn ra sân ướt át, lầy lội sao mà ngại thế. Tôi cầm cuốn “Theo vết xích xe tăng” Tập một mở một trang bất kỳ đọc cho vui, mở đúng trang 139 có bài: “niềm vui đi chiến dịch”, lại đúng chiến dịch tôi tham gia, đọc quên cả cảnh trời mưa...

Tôi quyết định mặc áo mưa, mang theo bản đề cương đang viết về chiếc xe tăng 555, đón xe buýt sang - nhà anh Đào Văn Xuân để trao đổi thêm về nội dung bài viết, tôi đi gặp anh không chỉ vì anh Xuân là Trưởng ban Biên tập cuốn Hồi ức chiến đấu -Theo vết xích xe tăng” tập hai, mà cái chính là cách đây 33 năm, anh dẫn đoàn cán bộ, chiến sĩ xe tăng chúng tôi vào Chiến trường B để thay cho số anh em đã chiến đấu ở trận Làng Vây, năm 1968.

 Trước khi trở ra Bắc anh có căn dặn chúng tôi: “... Song song với việc giáo dục tư tưởng, luôn chú ý kiện toàn tổ chức, tiểu đoàn phải nhanh chóng dồn sức làm thật tốt công tác kỹ thuật, để phát huy truyền thống: Đã ra quân là đánh thắng”. 

Ngày ấy tôi là Đoàn phó đoàn 198 phụ trách về công tác kỹ thuật, còn lần này, chiến dịch đường số 9 - Nam Lào, tôi được truyền đạt chỉ thị của anh, phải sửa chửa kỹ thuật cho cỗ xe tăng số hiệu 555, để đưa về Hà Nội... 

Ngồi trên xe buýt chạy từ nhà tôi, Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn, sang nhà anh, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, tôi miên man nghĩ đến, các cơ quan thông tin đại chúng ngày đó đưa tin về trận chiến thắng và gọi chiếc xe tăng 555 với “tít” rất ấn tượng: “Mãnh hổ đường số 9”... Tôi nhớ đến cái ngày xe tăng 555 về tới Hà Nội, nhớ tới cảnh các cháu thiếu. nhi chạy theo chiếc xe tăng vừa reo hò, vừa kêu to: “Mãnh hổ đường số 9”... “Mãnh hổ đường số 9”.

Cảm thấy lòng vui, tuy đã trên 30 năm, mà những sự kiện cũ như hiện ra trước mắt... :

Đầu năm 1971, ngày 8 tháng 3, quân Mỹ - ngụy chính quyền Sài Gòn, mở cuộc hành quân mang tên “Lam Sơn 719” đánh ra đường số 9 - Nam Lào, hòng cắt đứt tuyến đường chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn - miền Nam. Chúng huy động tới 550.000 quân, trong đó 15.000 là quân Mỹ, về phương tiện chiến tranh chúng tập trung cũng rất cao: 318 khẩu pháo, 578 xe tăng, xe bọc thép, 1.000 máy bay các loại trong đó có 50 chiếc chiến lược B52. 

Trong chiến dịch phản công này, theo kế hoạch của trên, Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã bí mật đưa vào chiến trường đường số 9 tới 88 xe tăng các loại. Tuy nhiên so với số xe tăng quân Mỹ - ngụy đã đưa ra đường số 9, thì quá ít song thực tiễn chiến tranh đã chỉ ra một chân lý: không phải cứ có quân đông, súng lắm là thắng.

Ngày 25 tháng 2 năm 1971, xe tăng và bộ binh của ta nổ súng tiến công Cao điểm 543, mở màn cho chiến dịch phản công, mang tầm cỡ chiến lược ấy. Lực lượng chiếm đóng điểm cao 543 có: sở chỉ huy Lữ đoàn dù số 3, Tiểu đoàn dù số 3, một tiểu đoàn pháo binh (thiếu một đại đội) và một đại đội công binh. Sau 5 giờ chiến đấu, quân ta đã làm chủ trận địa. Điều đặc biệt là trong trận này, xe tăng mang số hiệu 555 đã phát huy cao độ sức mạnh, dùng xích sắt nghiến nát các ổ đề kháng của địch, và cuối cùng đè lên hầm chỉ huy, tạo điều kiện cho bộ binh ta bắt sống Lữ đoàn trưởng Lữ dù số 3 - đại tá Nguyễn Văn Thọ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #52 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 08:22:35 am »

Gần cuối chiến dịch tôi được truyền đạt ý kiến của anh Đào Văn Xuân, giao nhiệm vụ khôi phục kỹ thuật cho xe tăng 555 để đưa về Hà Nội, tham gia triển lãm chiến thắng, sau đó đưa vào Bảo tàng Quân đội. Để thực hiện nhiệm vụ quang vinh ấy, tuy chỉ sửa chữa kỹ thuật cho một chiếc xe tăng thôi biết bao công việc đè nặng trên vai những cán bộ kỹ thuật và sửa chữa xe tăng chúng tôi.

Tiểu đoàn xe tăng lội nước PT76 đã phải hành quân bộ từ mảnh đất Hòa Bình vào chiến trường đường số 9 từ cuối năm 1967, lại qua trận đánh Làng Vây. Mùa xuân, Mậu Thân 1968, đặc biệt trong thời gian “ém quân” ở đường số 9 từ 1968, đã phải trải qua bao lần hành quân di chuyển địa điểm để tránh các đợt bom B52 để bảo vệ an toàn cho “đàn mãnh hổ đường số 9” ấy không ít cán bộ chiến sĩ đã hy sinh vì bom đạn. Còn bản thân “Mãnh hổ - thì “xương cốt” cũng rêu rã chứ đâu còn nguyên vẹn, sung sức... .

Qua kiểm tra kỹ thuật cỗ xe tăng 555 mà lo.  Giờ máy nổ của xe tăng PT76 chỉ có 400 giờ, nay giờ sử dụng đã hết. Phải có máy nổ mới thay thế.  . Hành trình xe tăng được tính bằng số ki-lô-mét đường bộ, hành quân trên đường trung bình, không quá xấu là 3.500km - 4.500km phải trung tu, còn tới 6.000KM phải đại tu.

Thực tiễn qua hành quân, chiến đấu xe tăng 555 qua kiểm tra bộ phận hành động thì: 80% mảnh xích hỏng nặng phải thay còn bánh đỡ nặng thì 50% đã bong hết lớp cao su, (yêu cầu về kỹ thuật thì - lớp cao su bong, không quá 1/10 chu vi bánh). Tóm lại không thể hành quân được.

Còn điện đài ư, do trú quân trong rừng lâu bị ẩm, mốc, đài bị lệch tần nghiêm trọng cũng phải sửa chữa.  Thật là: “Một núi” khó khăn chúng tôi phải vượt qua. Khó khăn gay cấn nhất của chúng tôi ngày đó là lấy đâu ra máy nổ mới để thay, các xe tăng còn lại của tiểu đoàn 198 cũng không “khỏe” hơn gì xe 555. 

Tục ngữ có câu: “cái khó bó cái khôn” nhưng cán bộ kỹ thuật và những người lính - thợ sửa chữa xe tăng chúng tôi, nhất quyết không để “cái khôn bị bó”. Chúng tôi bàn với nhau, với một hy vọng tuy mỏng manh nhưng tin là: Binh chủng thể nào cũng gửi các khí tài loại nặng ấy (máy nổ PT76 nặng 840kg) cho đơn vị theo tuyến vận chuyển 559. Thế là “Cái khó đã ló cái khôn”. 

Sau nhiều lần lùng sục, chúng tôi đến một bãi kho khí tài xe xích kéo pháo, và bất ngờ quá, chúng tôi đã phát hiện ra một máy nổ xe tăng PT76 trong đó.  Anh em reo to: -Rừng ơi! ta đã về đây... “ Còn tôi một cán bộ kỹ thuật, chịu trách nhiệm khôi phục xe tăng 555 ấy, đã tìm được cái chúng tôi đang cần, tôi không thể tả nổi cái vui lúc ấy... 

Đưa được máy nổ về lại gặp phải trở ngại mới. Tiểu đoàn có 4 xe công trình thì 3 đã bị bom địch đánh hỏng, còn một cái duy nhất lại vừa bị bom nổ rất gần, tuy xe công trình chúng tôi đều có hầm đào “âm” xuống mặt đất, nhưng nghe tin khu vực đó bị bom, tim tôi muốn rụng ra. Không có xe công trình thì lấy gì mà cẩu máy nổ ra khỏi xe tăng và đưa máy nổ vào v.v...  Thật may, sau khi kiểm tra kỹ, xe công trình chỉ bị hư hại nhẹ.

Máy nổ là quả tim của xe tăng, sau khi đã thay mới xong, còn bánh chịu nặng và xích không còn là trở ngại nữa, vì khi vào chiến trường trên lưng mỗi xe tăng đều theo ít mảnh xích và bánh chịu nặng, nên tập chung cả tiểu đoàn lại đủ khôi phục cho xe 555.  Sau một thời gian nỗ lực đã “cải lão hoàn đồng” cho -Mãnh hổ đường số 9” chuẩn bị lên đường ra Bắc. Vấn đề còn lại là chọn lái xe giỏi để đưa ra an toàn.

Ba mươi hai năm đã trôi qua các cháu thiếu nhi Hà Nội năm xưa nay chắc đã ở tuổi trung niên, nếu ai trong số các cháu ngày đó được đọc những dòng viết này, có lẽ cũng bồi hồi như chúng tôi, những cán bộ kỹ thuật và thợ sửa chữa xe tăng ngày ấy, bởi vì đưa được xe tăng 555 về Hà Nội, và có được tiếng reo hồn nhiên và đáng yêu của các cháu nhỏ: “Mãnh hổ đường số 9”, đã có biết bao mồ hôi, và cả xương máu đã đổ ra.

Phủ Lỗ - Sóc Sơn
5-10-2003
(ĐT: 04.8841778)
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #53 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 08:31:23 am »

CHUYỆN VUI VỀ CON NGƯỜI VÀ CUỘC SỐNG
Ở TRUNG ĐOÀN XE TĂNG 202
Trung tá Trương Quang Sinh,
nguyên Phó ban Tổ chức
Binh chủng Tăng - Thiết giáp

Lâu lắm rồi, đã trên 40 năm những cán bộ- của trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội ta, mới có dịp tập họp lại ở Hà Nội ngày 17-8-2003. Thật là cảm động và hạnh phúc.

Tôi bồi hồi nhớ lại cuộc đời Bộ đội của mình, mà một dấu ấn sâu sắc là thời kỳ tham gia xây dựng Trung đoàn xe tăng đầu tiên ấy. Tôi muốn kể lại vài chuyện vui bật ra trong tôi nhân ngày gặp mặt (tại cơ quan Bộ Tư lệnh Binh chủng. Toàn bộ chi phí cuộc họp mặt do gia đình Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước tài trợ).

“Lính xe tăng Việt Nam ăn cỏ mà lái giỏi, bắn giỏi”:

Đó là lời khen của cố vấn Liên Xô ngày ấy (1960), khi đến thăm bữa ăn của một đơn vị xe tăng. Trên bàn ăn nổi bật hơn cả là rau muống luộc phủ cao ngồn ngộn xanh rờn. Bạn gọi món ăn đó là cỏ. Phải chăng bạn ăn thịt nhiều hơn ăn rau và xứ sở bạn không có thứ rau quý giá này?

Thịt chim rừng “gâu gâu”

Cái món “Mộc tồn” không phải chỉ có lính xe tăng ưa thích, mà nói chung người Việt đại đa số là ưa thích.  Chả thế mà có câu nói vui: “Gọi trời bằng nó, gọi chó bằng anh”. Đại để thường vui miệng, gặp lúc mưa dầm, ngồi tán gẫu, thế là nẩy ra câu tán: “Nó mưa dầm thế này mà có anh cầy tơ và đánh chén thì thú nhỉ!”. Vì vậy có chén anh chén em thì phải có “Mộc tồn” mới linh đình.

Ngày ấy Trung đoàn có chuyên gia Liên Xô mọi người đều biết là “Tây” không quen ăn thịt chó, nhưng nẩy ra ý định mời bạn thưởng thức nên đã bí mật chuẩn bị công phu. Nào là nhựa mận, chả nướng, dồi v.v...  Khi ăn (tất nhiên là mâm riêng với các thủ trưởng), một thủ trưởng nghiêm túc giới thiệu: “Chúng tôi mới săn được con chim rừng rất hiếm, thịt rất ngọt - hôm nay mời các đồng chí thưởng thức”. Trời, tuyệt vời, ăn món “nhựa mận” bạn đã khen, đến món “dồi” bạn lại nói “tuyệt vời”.

Thế là đến các ngày lễ, bạn lại gợi ý: Có món chim rừng không? Đến một lần, lúc làm thịt con “chim rừng” ấy đang thui, khói mù mịt, bạn chạy đến xem thui -chim rừng”, thế là đồng chí phiên dịch phải giải thích.  Đến bữa ăn, vì bạn đã ăn quen và thấy ngon nên chủ động nâng cốc chúc: “Cám ơn các bạn, thịt chim từng kêu gâu gâu ngon lắm”.

Từ đấy trong “từ điển bách khoa” về các món ăn của Trung đoàn có tên một món ăn nổi tiếng: Món chim rừng kêu gâu gâu.

Những tài năng văn hóa xuất thân từ bộ đội Thiết giáp:

Binh chủng Thiết giáp quân không đông, thế thà sản sinh được khá nhiều những bông hoa nghệ thuật tên tuổi, như: Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Hữu Thỉnh, Nghệ sĩ ưu tú Ma Bích Việt, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hùng; Tổng biên tập báo Thể thao Việt Nam Hoàng Dự; Giám đốc xưởng phim Hoạt hình Việt Nam Đặng Vũ Thảo; họa sĩ - giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Lê Trí Dũng; nhà thơ Từ Ngàn Phố, nhà văn Nguyễn Thế Tường, nhạc sĩ Trần Vũ Trang; Trưởng phòng nghệ thuật Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội: Trương Quốc Lập v.v...  Hóa ra trên tháp pháo không những chỉ có “ngôi sao màu lửa” mà còn có cả bông hồng nghệ thuật nữa. Đó là nét đẹp hài hòa của Binh chủng thép vậy! Cây nào quả ấy phải thế chăng?

Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 202 đầu tiên - cái nôi của Binh chủng Thiết giáp có 3 cấp thủ trưởng mang cùng họ:

Có 3 trung đội trưởng trong một đại đội cùng họ Bùi: Bùi Minh Can, Bùi Mạnh Thường và Bùi Văn Tráng. Cả 3 đều tham gia chiến đấu và trưởng thành, trong đó Bùi Minh Can đã anh dũng hy sinh.  Có 3 đại đội trưởng trong một tiểu đoàn cùng họ Võ: Võ Bá Linh, Võ Bá Trác và Võ Ngọc Minh. Họ đều cầm quân chiến đấu xông xáo, đóng góp tích cực trong thành tích của Binh chủng.
.
Có 2 thủ trưởng trung đoàn (sau này là Bộ Tư lệnh Thiết giáp) cùng họ Đào: Trung đoàn trưởng Đào Huy Vũ và Chính ủy Đào Văn Xuân. Hai ông đã gắn bó với nhau từ trong kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, từ buổi đầu xây dựng đơn vị cho đến trận cuối “Đại thắng mùa xuân”.

Núi Đanh sừng sững năm ấy (1964) được hai ông cho quân khắc lên mình một khẩu hiệu cực lớn, mỗi một nét chữ to cao hơn một hình người nằm chìm vào lòng núi, trắng xóa màu vôi, từ xa hàng cây số nhìn thấy bóng núi là thấy hàng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Cái khẩu hiệu ấy bám theo người lính xe tăng mọi nơi, mọi lúc. Nó đã đi cùng năm tháng theo vết xích xe tăng từ hậu phương ra tiền tuyến lập công vang dội, xây nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”

Hai ông lại cùng lăn lộn trên nhiều chiến trường và cuối cùng đã hành quân trong đội hình chiến đấu của Binh chủng tới chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng, góp phần đưa Binh chủng trở thành Binh chủng Thiết giáp Anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Đà Nẵng 8-2003
T.Q.S
(Đ T. 05 11 . 953971)
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #54 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 09:11:27 am »

A7 XUNG TRẬN

Đại tá Võ Ngọc Hải
Nguyên Chính ủy Trung đoàn 202
Trung đoàn Bộ binh cơ giới đầu tiên (1965 - 1972)


Ngày 18 tháng 11 năm 1971, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Trung đoàn xe tăng 202 thành Trung đoàn bộ binh cơ giới đầu tiên của quân đội ta, đặt mật danh là A7. Trung tá Nguyễn Văn Lãng làm trung đoàn trưởng, tôi làm chính ủy. Ngoài lực lượng của bản thân, trung đoàn còn tiếp nhận tiểu đoàn bộ binh địa phương 244 của Quảng Ninh, Tiểu đoàn 66 của Nam Hà. Hàng ngàn chiến sĩ mới và cán bộ các nơi bổ sung.

Tôi đến Quân khu 3 và bộ chỉ huy quân sự các tỉnh nói trên để nhận quân và chỉ đạo hành quân về Trung đoàn đóng tại làng Cam Lâm xã Minh Quang, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú. Chất lượng các tiểu đoàn địa phương không được cao như các đơn vị xe tăng, cán bộ chưa có kiến thức gì về xe tăng, thiết giáp, về bộ binh cơ giới.

Cùng một lúc tiếp nhận nhiều trang bị mới, ta cải tiến một số xe tăng lội nước PT-85 (do Trung Quốc sản xuất) thành xe phóng hỏa tiễn phá rào đặt tên là FR. Bỏ tháp pháo, lắp trên đó một khung sắt, đặt bệ phóng, tuy là một sáng kiến, nhưng rất cồng kềnh khó cho việc cơ động nhất là bơi sông, trong thực tế không sử dụng được. Tổ chức trạm phẫu trên xe lưu động theo sát đội hình. Xây dựng các đơn vị hóa học thông tin cơ động vô tuyến điện thoại.

Có thể nói lúc bấy giờ Bộ Tổng tham mưu đã tập trung các trang bị tốt nhất của quân đội để một thời gian ngắn hiện đại hóa Trung đoàn. Cán bộ, chiến sĩ toàn Trung đoàn ngày đêm gắng sức tổ chức xây dựng, huấn luyện tác chiến theo phương thức tiến công trong hành tiến, tạo khả năng thọc sâu và có thể độc lập tác chiến trên một hướng.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Binh chủng và các cơ quan của Bộ Quốc phòng, sau 79 ngày đêm tổ chức, huấn luyện không nghỉ, tiến hành diễn tập thực binh... chạy đua với thời gian, đến đầu tháng 3-1972 mọi công tác chuẩn bị đã xong.

Là một cán bộ đã được học tập về xe tăng tôi chưa thể bằng lòng với mức độ chuẩn bị, song do yêu cầu cấp bách của chiến trường cũng không thể làm nhiều hơn nữa trong một thời gian quá gấp như vậy. Tuy cán bộ đầy đủ, vật chất, trang bị khá dồi dào, nhưng quan trọng là cán bộ phân đội và chiến sĩ lái xe tăng lội nước không được thực hiện huấn luyện lái dưới nước. Thợ sửa chữa chỉ được đào tạo và bổ túc từ 13 - 15 ngày. Cán bộ các phân đội bộ binh cơ giới sử dụng thông tin còn lúng túng. Tuy vậy khí thế hào hứng, sôi nổi, sẵn sàng lập công rất cao.

Lần đầu tiên lãnh đạo, chỉ huy cả một trung đoàn xe tăng - thiết giáp vào trận đánh lớn, chúng tôi cảm thấy trách nhiệm nặng nề. Trung tuần tháng 3-1972 toàn trung đoàn tạm biệt vùng đồi núi Tam Đảo tiến về nơi chiến trường vẫy gọi.

Ngày 12/13-3-1972 đơn vị đầu tiên lên xe lửa xuất phát từ ga Vĩnh Yên. Sau 23 ngày hành quân liên tục, Trung đoàn đã tập kết ở bắc núi Thị Vệ, nông trường Quyết Thắng, Quảng Bình. 

11 giờ 30 ngày 30-3- 1972 chiến dịch Trị Thiên nổ súng. Sau hai ngày, toàn bộ cụm vòng ngoài của địch đã bị tiêu diệt. Địch vội vã co về phòng thủ Đông Hà, Ái Tử, La Vang, Quảng Trị. Chúng tạo thành lớp vỏ thép dày với 3 thiết đoàn co cụm bảo vệ điểm Đông Hà, bố trí từng khu vực có chiều sâu quyết ngăn chặn ta. 

Để tấn công vào Đông Hà, Trung đoàn được lệnh hành quân đến vị trí tập kết để chiến đấu. Hành quân suốt đêm 31-3 từ rừng cao su nông trường Quyết Thắng đến mờ sáng 1-4 đến Vĩnh Thạch - Vĩnh Linh, ăn qua loa vài miếng lương khô, bộ đội bắt tay ngay vào kiểm tra xe, tra dầu mỡ, sửa chữa nhỏ...
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #55 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 09:11:50 am »

Trong chiến dịch Trị Thiên có hai đơn vị được giữ bí mật rất cao trước khi nổ súng: Đó là A7 và Sư đoàn bộ binh 308. Cán bộ chỉ huy, lãnh đạo phải đổi tên. Trung đoàn 202 được mệnh danh là Quang Trung. Tôi được mệnh danh là Hóa. Bộ đặt nhiều hy vọng vào A7. 

Tôi và anh Nguyễn Văn Lãng - đoàn trưởng đang bàn bạc công việc tại chỉ huy sở thì nhận được điện khẩn lúc 10 giờ ngày 1-4-1972 của Bộ chỉ huy chiến dịch: “4 giờ 2-4 pháo chuẩn bị, 5 giờ hiệp đồng với Sư đoàn 308 hành quân qua cầu Bến Hải, theo đường 1 vượt Dốc Miếu đánh thẳng vào Đông Hà”.

Thú thật nhận được điện tôi sửng sốt vì chiến trường chưa được nghiên cứu mà phải chiến đấu trong hành tiến theo bản đồ 1/100.000 in năm 1941 (!). Đơn vị bộ binh hiệp đồng không được gặp, không có đại diện của Mặt trận đến để bàn bạc kỹ kế hoạch. Tôi đã từng học ở Học viện xe tăng ở Liên Xô, những bài tập về hiệp đồng tác chiến trên bản đồ trong quá trình tiến quân cũng đã tập, song ở Việt Nam, địa hình phức tạp, quân đội ta chưa qua tác chiến như vậy, nên một mệnh lệnh như thế khó cho cấp dưới hoàn thành nổi nhiệm vụ. Nhưng “Quân lệnh như sơn” mà!

Chúng tôi bàn bạc nhanh, hội ý Thường vụ, không kịp họp Đảng ủy bằng mọi cách kiên quyết chấp hành mệnh lệnh. Phái một tổ trinh sát và cán bộ tham mưu xác minh đoạn đường từ cầu Hiền Lương đến Dốc Miếu.  Đồng thời chuẩn bị đường vượt sông nếu đường bộ bị tắc. Chọn Tiểu đoàn 66, mạnh hơn so với Tiểu đoàn 244 đi trước. Các đơn vị trực thuộc nhất là thông tin, trạm phẫu lưu động khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị. Cử một bộ phận cơ quan cùng đồng chí trung đoàn phó đi với Tiểu đoàn 66. Tập trung thợ sửa chữa, cán bộ kỹ thuật bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ một số xe, qua một đêm hành quân cho bộ đội nghỉ ít nhất một vài tiếng, chuẩn bị lương khô, nước uống trên xe.

Cấp tốc họp Chi bộ bất thường, xác định quyết tâm và bàn biện pháp lãnh đạo. Cơ quan chính trị dự thảo ngay chỉ thị công tác Đảng, công tác chính trị để 14 giờ chánh ủy thông qua phổ biến cho các đơn vị nhất là Tiểu đoàn 66. Cử một bộ phận cán bộ chính trị (gồm cán bộ của Trung đoàn và Bộ tăng cường) đi theo đội hình.

Anh Lãng trung đoàn trưởng thường trực tại chỉ huy sở nhận lệnh, chỉ đạo việc chuẩn bị. Tôi và anh Quỳnh chủ nhiệm kỹ thuật ra ngay Cửa Tùng để xem xét và hạ quyết tâm vượt sông khi cần. Cửa Tùng rộng mênh thông, ánh nắng chiều hè yếu ớt chiếu những tia nắng cuối cùng xuống dòng nước. Nước biển đang dâng vào sông. Không thể vượt sông ngay tại cửa mà phải lùi vào trong một ít, trên một đoạn hẹp hơn. Chúng tôi nhanh chóng trở về nơi trú quân mà lòng nặng trĩu.

Vẻ lo lắng của chủ nhiệm kỹ thuật Quỳnh lộ rõ trên nét mặt. Anh tốt nghiệp trường kỹ thuật xe tăng ở Trung Quốc.  Thường ngày trong công tác là một cán bộ có trách nhiệm, cần cù. Vậy đứng trước tình hình trên sao khỏi băn khoăn. Về đến chỉ huy sở thì trời sụp tối. Uống một ngụm nước mát lạnh của giếng sâu Vĩnh Thạch làm dịu bớt cái nóng của chiều đầu hè. Anh Lãng hội ý lại là đoạn đường từ cầu Hiền Lương đến Dốc Miếu bị bom đánh nát nhừ, hai bên ruộng nước lầy... Pháo của địch liên hồi bắn vào khoảng trống đó. Không thể vài tiếng đồng hồ khắc phục nổi vật chướng ngại, hơn nữa xe tăng không theo hướng đó không đạt yếu tố bất ngờ.

Tôi và anh Lãng đứng trước 2 hướng: một là báo cáo về chỉ huy sở không thể thi hành mệnh lệnh, hai là vượt sông Bến Hải, hành quân, theo ven biển đến mục tiêu tiến công. Chúng tôi chọn cách thứ hai, mặc dầu nghĩ rằng có thể phải trả giá rất đắt.

Trời vừa sập tối, Tiểu đoàn 66 hành quân, tôi cùng anh Quýnh, chủ nhiệm kỹ thuật và anh Khoái, chủ nhiệm chính trị ra tận bến chỉ huy vượt sông. Trung đoàn trưởng Lãng ở lại chỉ huy theo dõi chung, trực nhận lệnh, điều khiển Tiểu đoàn 244 chuẩn bị săn sàng. Nuốt vội bát cơm để nguội từ lâu, chỉ thị cho phó chủ nhiệm chính trị Hùng về công tác Đảng, công tác chính trị, tôi lên xe đi trước để đến bến. Cho đến lúc bấy giờ vẫn chưa chọn được bến cụ thể.

Chúng tôi đi bộ một quãng, gặp các o du kích tại giao thông hào dọc bờ sông Bến Hải. Nhờ sự chỉ dẫn của các o du kích, bến vượt được chọn cách Cửa Tùng 200m. Du kích đảm nhiệm việc canh gác. Tiểu đoàn 66 có 23 xe tăng thiết giáp lội nước tiếp cận bờ sông. Từ đường đất đỏ đến bờ sông phải vượt qua bãi cỏ đầy hố bom, lái xe phải hết sức cẩn thận để không bị sa hố, không được bật đèn để giữ bí mật.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #56 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 09:12:17 am »

Hội ý ngay với cán bộ phân đội và cơ quan ngay tại bến, chúng tôi đề ra những chỉ thị cần thiết:

- Thời cơ vượt sông tốt nhất là từ 18 giờ 00 đến 0 giờ 00 vì nước lớn, làm giảm lưu tốc của dòng chảy. Nếu lưu tốc nước 1m/s thì xe bơi là tốt nhất, ở biển miền Trung theo chế độ bán nhật triều không đều. Từ 18 giờ 00 - 0 giờ 00 thủy triều lên, sau đó đến sáng mới rút, lưu tốc nước mạnh, các cồn cát sẽ phơi bày, cản trở xe bơi.  Phái một tổ trinh sát, dùng ghe sang bờ Nam chiếm đầu cầu.

- Chọn một cán bộ tiểu đoàn đồng thời là trưởng xe đi ngay xe đầu dẫn đầu đội hình đảm bảo “đầu qua đuôi lọt.” Tôi đề cử anh Nguyễn Đức Bền chính trị viên Tiểu đoàn 66, người đã cùng học xe tăng tại Liên Xô với tôi- Anh Bền khỏe mạnh, có kiến thức tốt, lại tháo vát, biết kỹ thuật, đáng lẽ phải cử một số cán bộ chỉ huy đi trước nhưng tiếc là tiểu đoàn trưởng 66 lại không biết kỹ thuật xe tăng! Phải chăng đây cũng là một bài học về công tác cán bộ rất đáng quan tâm. Xe tăng đâu chỉ là “Xe xích trên chở khẩu pháo” như một thủ trưởng phụ trách công tác cán bộ của Tổng cục Chính trị đã nói. 
- Tập trung ngay các lái xe tại bến để chủ nhiệm kỹ thuật Quỳnh và kỹ thuật viên Huy hướng dẫn về cách lái xuống bến và cách thao tác khi bơi. Oái oăm thay nhiều lái xe tăng lội nước nhưng chỉ mới được học lái trên đồi, đến giờ ra trận mới bổ túc tay lái nước tại chiến trường.

- Sang bờ Nam được trung đội nào hành quân ngay trung đội ấy.

- Đường hành quân theo ven biển sát mép nước, đất chắc, nếu đi dọc cồn cát sẽ bị lún cát). Đến đụng con sông lớn Cửa Việt - Thạch Hãn rẽ sang phải đến Mai Xá Thị, đến ngã tư Sòng đường 1 hiệp đồng với Sư đoàn 308 thọc vào Đông Hà. Chỉ thị như vậy là theo bản đồ chứ bản thân tôi và các cán bộ khác cũng không ai biết địa hình.

- Tránh tác chiến dọc đường, khi trú quân phải ngụy trang kỹ, tổ chức phòng không.

- Xe nào bị hỏng dọc đường ở lại tự khắc phục và chờ đội hình phía sau lên.

- Xe quân y (trạm phẫu đặt trên xe thiết giáp) đi sau đội hình, xử lý vết thương ngay trên xe. Tử sĩ đưa về Vĩnh Linh.

Tuy ý định vượt sông vào thời điểm thuận lợi nhất nhưng biết bao vấn đề phát sinh trong thực tế nên loay hoay mãi đến 0 giờ 00 ngày 2-4, khi nước thủy triều bắt đầu xuống, xe đầu tiên mới bơi được sang sông. Chỉ còn 4 tiếng đồng hồ là đợt cấp tập đầu tiên của pháo vào Đông Hà (theo kế hoạch). Trong tình huống khẩn trương ấy phải cho các xe khác bơi chếch về phía thượng nguồn, bù cho sức đẩy của nước. 

Bốn xe vượt qua trót lọt, theo kế hoạch, cắm cờ giải phóng tiến lên. Bốn xe tiếp theo lần lượt bị mắc cạn giữa dòng. Không thể bơi qua được nữa. Vừa lúc ấy bỗng xuất hiện một chiếc ghe từ bờ Nam chèo băng băng qua bờ Bắc. Trên ghe có một người mang súng, một người chèo. Điềm lành hay dữ? Vừa cặp bờ Bắc, người dáng nhỏ nhắn, da men mét, mặt xương xương vội lên tiếng: “Các anh ơi không thể bơi theo đường cũ, sẽ mắc cạn hết, giữa dòng có một cồn cát”, các anh theo tôi đi đúng lạch. Tôi hỏi anh là ai? Người ấy không nói tên- mà bình thản giản dị nói: “Tôi là người dân yêu nước ở bờ Nam, theo dõi hành động của các anh từ chập tối hãy theo tôi”.

Tôi thực sự xúc động trước tấm lòng yêu nước của một người dân giấu tên ấy và ra lệnh tiếp tục vượt sông theo chiếc thuyền đó. Quả nhiên sang được thêm 9 chiếc nứa, cả thảy được 13/23 chiếc. Các xe bị mắc cạn ra sức khắc phục. Nhưng làm sao nâng được một khối thép trên chục tấn? Tôi bảo lấy hết súng đạn ra, chỉ để súng phòng không. Chặt cây ngụy trang như đóng chà giữa dòng, còn cho một người ở lại xe thường xuyên tát nước, trực phòng không, số còn lại lên bờ và bơi trở lại bờ Bắc. Sáng mai thủy triều lên sẽ nâng bưng xe lên và bơi trở lại bờ Bắc. (Khoảng một năm sau tôi từ Nam ra Bắc, lội bộ qua quãng sông này khi thủy triều rút, nước chỉ đến ngực).

13 xe theo mép nước tiến thẳng, trời mờ sáng, đến Cửa Việt sông Thạch Hãn. Quân ngụy bờ nam Thạch Hãn sững sờ hốt hoảng. Súng lớn, súng nhỏ nã vào đội hình chúng tôi. Mặc kệ, đội hình A7 vẫn tiếp tục tiến. 

Đến 5 giờ 50 ngày 2-4- 1972 đến Vinh Quang Thượng, cách Đông Hà 5km. Đã lỡ thời cơ hợp đồng đánh Đông Hà, các đơn vị khác đuổi đánh địch từ Quán Ngang đến Đông Hà bị chặn lại ở Bắc Cầu. Cầu bị phá, buộc dừng lại ở bờ Bắc. Ngày 9-4 cuộc tấn công tiếp vào Đông Hà không thành công. Phải đợi đến đợt 2 chiến dịch với cách đánh mới Đông Hà mới bị diệt (27-4-1972). 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #57 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 09:12:50 am »

Đội hình 13 xe phải đành tạm trú quân dày đặc trên một gò đất cây lưa thưa phía bắc Vinh Quang Thượng.  Lập tức pháo biển và máy bay Mỹ đến oanh tạc. Các chiến sĩ xe tăng dùng súng máy phòng không trên xe chiến đấu đánh trả quân địch suốt 5 giờ liền, bắn rơi một A37. 8 xe của ta bị hỏng, một số cán bộ chiến sĩ của ta hy sinh, trong đó có đại úy Nguyễn Văn Liêm, cán bộ Tuyên huấn của Phòng chính trị Binh chủng.

Đêm 4 rạng 5-4 đơn vị quay về Vĩnh Linh rút kinh nghiệm, củng cố, chuẩn bị cho đợt 2. Suốt đời tôi sẽ ghi nhớ mãi bài học xương máu: Nếu không chuẩn bị được đường sá, không hiểu biết địch tình, hiệp đồng chiến đấu quá sơ sài máu sẽ đổ nhiều và khó hoàn thành nhiệm vụ. 

Mở đầu đợt 2 chiến dịch, Trung đoàn không trực tiếp đánh Đông Hà và thị xã Quảng Trị. Nhiệm vụ chính là bao vây chặn đường ra biển, hỗ trợ nhân đần 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy giành chính quyền. Lần này có điều kiện chuẩn bị đường sá, vượt sông chu đáo.

Đêm ngày 27-4-1972, Trung đoàn gồm Tiểu đoàn 66 và Tiểu đoàn 244 hình thành hai mũi vu hồi phía đông Quảng Trị. Từ đêm 27-4 khi thủy triều lên Trung đoàn bơi qua Cửa Tùng, sông Bến Hải, Cửa Việt sông Thạch Hãn. 3 giờ 00 ngày 28-4, đến khu vực điều chỉnh ở thôn Hà Tây (nam Cửa Việt), cùng với Trung đoàn bộ binh 27 tấn công địch ở quận ly Triệu Phong. Khi vượt sông Thạch Hãn có 1 xe bị hỏng, 1 xe bị nước chảy vào máy nổ.

Cuộc chiến đấu trong hành tiến bắt đầu từ 4 giờ 30 ngày 28-4. Sau 5 giờ chiến đấu, bộ binh và xe tăng đã quét sạch địch ở Triệu Phong, đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn bộ binh địch, 1 chi đoàn thiết giáp, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cần phải nói đến mũi tấn công thứ 4 khi đánh địch ở Ngô Xá Tây, một xe thiết giáp của ta xông thẳng vào đội hình 6 chiếc M113 và M41 đang tháo chạy về đông Triệu Phong, bắt sống một M113. Điều đó cho thấy khi thời cơ cụ thể đã đến, khi kẻ địch hoang mang đến cực độ, ta có thể dùng ít đánh nhiều theo truyền thống của Binh chủng: “Một xe cũng tiến công” vẫn thu thắng lợi lớn. 

Huyện Triệu Phong được giải phóng. Phía tây địch ở Đông Hà, Ái Tử, thị xã Quảng Trị tìm đường rút chạy ra biển và xuống phía nam theo đường 1 bị Sư đoàn 324 chặn đánh quyết hệt nên chúng dồn lại Hải Lăng. Tiểu đoàn xe tăng 244 phát triển xuống Thượng Xá, Hải lăng diệt trên 100 tên, bắt 11 tù binh, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng, buộc địch phải co về quận ly Hải Lăng.  Đó là kết quả các ngày đánh địch căng thẳng từ tối 29-4 đến 2-5” 1972.

Trong đợt 2 chỉ huy sở Trung đoàn chỉ để bộ phận nhẹ ở Vĩnh Linh lo công tác hậu cần, tiếp nhận thương binh để điều trị. Toàn bộ đội hình vào chiến trường. Tiểu đoàn 66 và Tiểu đoàn 244 hoạt động phía đông, Tiểu đoàn 198 - phía tây. Trung đoàn trưởng đi cùng với đơn vị. Tôi cùng với bộ phận thông tin, một số cán bộ cơ quan đi tiếp sau.

Chúng tôi đi suốt đêm từ Vĩnh Linh đến Triệu Phong. Vì mang nặng và lần đầu tiên đi bộ xa, một số chiến sĩ thông tin (tân binh) rơi lại dọc đường. Với tuổi 42 tôi vẫn dẻo dai hành quân đến đích.  Một cán bộ Trung đoàn đến đón tôi một quãng đường và đưa đến chỉ huy sở đóng cách thành cổ Quảng Trị khoảng 1 km đường chim bay.

Khi chuyển sang đánh vào quận lỵ Hải Lăng, chỉ huy sở nhẹ chuyển xuống Hải Lăng. Mật độ hỏa lực địch rất cao. Riêng về pháo, hàng ngày chúng dội vào thành cổ Quảng Trị và xung quanh khoảng 2, 3 nghìn quả pháo 203mm từ tàu biển.  Có ngày khói mù mịt, đến ngạt thở vì khói của đạn pháo và hóa học.

Hầm của mỗi người trong Ban chỉ huy cách xa nhau, đi đến nhau bằng giao thông hào. Chỗ giao ban phải đào sâu xuống đất. Trong vòng một tháng địch 17 lần dùng B52 rải bom vào khu vực đóng quân.  Có hôm cấp trên báo trước, nhưng không thể dời đi đâu được vì khắp nơi bị cày xới vì bom đạn. Vả lại đến nơi mới phải đào công sự tốn thời gian. Các cây dương liễu dọc đường làng đã bị bom chặt bằng hết. Ván phải đem đi làm hầm.

Có một đêm tôi và chiến sĩ Cảnh liên lạc (nay anh đã là tiểu đoàn trưởng xe tăng) nằm dưới hầm ngay trong nhà bà mẹ 72 tuổi có con tập kết ngoài Bắc. Chúng tôi đào cho bà một hầm, nhưng trời nóng bà không xuống. Khoảng nửa đêm B52 đến dội bom vào chỉ huy sở ngay sát hầm tôi. Địch dùng bom phạt, sát thương trên mặt đất. Bom rơi hàng loạt trước sân và một phần nhà. Nhờ có rặng chuối rất dày nên hạn chế phần nào sức công phá. Chấn động của bom nổ làm sập một góc hầm. Đồng chí Cảnh nói như hét vào tai tôi “Coi chừng một loạt nữa là em và thủ trưởng bị chôn”.  Tôi chấn an Cảnh “B52 thông thường ném 3 loạt, loạt 1 giội trúng hầm ta nhưng không sập hẳn, loạt 2 và 3 sẽ ném xa hơn”.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #58 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 09:13:15 am »

Trận ném bom đó diễn ra đúng như vậy.  Chợt nghe tiếng kêu của bà chủ nhà. Bà bị thương đùi trái. Cảnh bò lên hầm kéo bà xuống hầm tôi. Chân thưa đứt hẳn, còn lắc lư, máu phụt ra, tôi làm garo, đợi dứt bom gọi quân y đến cấp cứu. Sau đó bà được đưa về Vĩnh Linh điều trị.

Vết thương quá nặng, chắc với cái tuổi cổ lai hy”, bà khó qua được, không kịp gặp con sau 18 năm chờ con, con dâu đi ở riêng, một mình, một bóng, trong túp lều tranh dột nát, nuôi hy vọng. Đến ngày đoàn tụ lại bị tai nạn chiến tranh.

Với tấm lòng người mẹ, bà thương yêu chúng tôi như con đẻ. Ở nhà có mấy con gà mái ghẹ cứ bảo chúng tôi giết thịt ăn, tôi nhất định không chịu. Có hôm bà nhờ cô gái láng giềng giết 2 con, nói là để cúng giỗ nhưng là cái cớ để cho tôi- Bà theo đạo Phật và tu tại gia. Đạo Phật có ngữ giới nên bà không sát sinh. Nơi đóng quân gần cảng Gia Đẳng, bà gởi mua cá trích về kho trong om trong nồi đất,  một lớp cá, một lớp ớt. Ở Triệu Phong hầu như nhà nào cũng trồng ớt để xuất khẩu, đợi lúc bộ đội ăn cơm bà đem niêu cá kho ớt ra chiêu đãi. Bộ đội Cụ Hồ ngoài bắc vào đến đâu cũng được dân yêu mến như thế cả, nói sao hết được tấm lòng yêu thương của nhân dân. 

Để chỉ huy đơn vị đánh vào quận lỵ Hải Lăng, chỉ huy sở trung đoàn đóng giữa cánh đồng trống trải trong một lùm cây vườn nhà dân, có gò đất cao. Địch rút kinh nghiệm phá hầm sâu của ta, thường dùng bom đào và đạn pháo đào. Có một đêm địch bắn hàng ngàn quả pháo vào chúng tôi. Hầm rung lên chao đảo, tưởng sập.  Sáng ra thấy một lỗ sâu hun hút từ ngoài vào hầm tôi.  Công binh đào lên thì đó là 1 quả pháo 203mm nổ chậm, đạn chui vào hầm tôi cách chừng 1m nhưng không nổ. Thật may mắn. Chiến tranh có biết bao cái ngẫu nhiên...

Cánh đồng Hải Lăng và Triệu Phong nhiều cá. Ở Triệu Phong dọc theo các con hói (con rạch nhỏ) trồng tre gai kín bít. Ếch lên nằm dưới gốc các bụi tre. Đồng bào không ăn thịt ếch vì theo đạo Phật. Thịt ếch là nguồn cải thiện bữa ăn của bộ đội. Đồng chí Cảnh liên lạc ra đồng dậm chân lên các chỗ có nước trũng là có thể bắt chí ít cũng 1/2kg cá về làm bữa tươi. Lúa đến mùa gặt nặng trĩu hạt. Hải Lăng và Triệu Phong là vựa lúa và cá của Quảng Trị.

Đánh quận lỵ Hải Lăng ta phải đột kích từ ngoài vào Tiểu đoàn 66 đã sử dụng 4 xe tăng - thiết giáp từ Phương Sơn tiến ra Cổ Lũy, cùng bộ binh thọc sâu vào quận lỵ. Đang hành tiến chợt phát hiện địch co cụm ở Mai Đẳng. Lập tức xe 776 do đại đội trưởng Đại đội 3 Tiểu đoàn 66 Phạm Văn Giới điều khiển, một mình xông vào đội hình địch, bắn cháy liền 3 xe M113, quần với địch ngay ở bãi cát Gia Đẳng. Qua vô tuyến điện, tôi nghe được giọng hốt hoảng của tên trung tá ngụy chỉ huy.

Cả đội hình cùng xe 776 như một mũi nhọn thọc mạnh Diên Sanh. Địch phản kích. Tiểu đội trưởng bộ binh cơ giới Đinh Văn Hòe đã dùng B41 bắn cháy 1 xe tăng địch, dùng súng 14,5mm bắn cháy một máy bay.  Đây là lần thứ hai anh lập công xuất sắc. Lần thứ nhất ở Triệu Phong, đã dùng súng máy trên xe M113 của địch bắn vào địch.

Viết những dòng này tôi ao ước có đôi cánh thần bay ngay đến xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, tìm đến nhà mẹ anh cúi đầu biết ơn bà mẹ, người đã sinh ra và dạy dỗ anh thành một chàng trai tuyệt vời. Anh Hòe vào bộ đội khi học hết lớp 10, không chọn con đường vào đại học mà vào chiến trường. Trong chiến dịch Quảng Trị, anh Hòe đã hy sinh anh dũng và được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang vào ngày 23-9- 1973.

Thương tiếc khi anh ngã xuống, tôi tự trách mình vì đã chậm gửi quyết định điều anh về đào tạo sĩ quan. Lòng say mê chiến đấu không muốn xa đồng đội, anh ở lại vài ngày chiến đấu thêm vài trận, quyết định chưa triển khai thì anh đã hy sinh.

Nói đến anh Hòe không thể không nói đến anh Vũ Xuân Mô xạ thủ 14,5mm, bị thương lần thứ hai không rời vị trí chiến đấu. Nhờ đồng đội buộc chân bị dập nát và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tên tuổi hai anh mãi mãi ghi vào lịch sử của Tiểu đoàn 66, Trung đoàn bộ binh cơ giới 202, của Binh chủng Thiết giáp Anh hùng như những dấu son rực rỡ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #59 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 09:13:46 am »

Chiến đấu ở đây giữa cái sống và cái chết cách nhau như sợi tóc.  Biết bao gương anh hùng và không hiếm kẻ hoang mang tìm cách trốn về Bắc, phóng đại mức độ ác liệt, phao tin người này chết, người khác bị thương. Chiến đấu sẽ có hy sinh. Biết có thể hy sinh nhưng người chiến sĩ chân chính vẫn bám trụ, không rời vị trí và tự nguyện làm một “viên gạch lót đường” để Tổ quốc đi đến nền độc lập tự do.

10 giờ 00 ngày 2-5- 1972, ta làm chủ quận lỵ Hải Lăng. Mất Hải Lăng và Triệu Phong địch ở La Vang, Quảng Trị hốt hoảng tháo chạy.

18 giờ 00 ngày 2-5-1972 ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Tiểu đoàn bộ binh cơ giới 66 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Trung đoàn 202, đơn vị bộ binh cơ giới đầu tiên của quân đội đã ra đời đúng lúc và phát huy được tác dụng. Trung đoàn có 3 tiểu đoàn, hai Tiểu đoàn 66 và 244 đánh ở phía đông, Tiểu đoàn 198 chiến đấu ở phía tây. Cả hai cánh đều góp phần xứng đáng vào chiến công chung - giải phóng hoàn toàn thị xã Quảng Trị ngày 2-5-1972, kết thúc đợt 2 chiến dịch. 

Phát huy kết quả đợt 2 ta phát triển tiến công địch ở bờ nam sông Mỹ Chánh trong khi địch đã điều lực lượng củng cố tuyến phòng thủ đó. Tướng ngụy Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân khu IV ra thay tướng Hoàng Xuân Lãm bị cách chức. Miền Bắc bị ném bom trở lại từ 6-4-1972. Hậu phương chiến dịch bị đánh phá ác liệt bằng phi, pháo làm khó khăn nhiều cho ta về công tác bảo đảm hậu cần, bổ sung quân số.

Cuộc tiến công mới của ta từ 20 đến 26-6-1972 không thành công.  Trung đoàn tham gia tấn công vào bắc Thừa Thiên Huế theo hai hướng: Tiểu đoàn 66 và 244 tiếp tục hoạt động ở hướng Đông, Tiểu đoàn 1 98 phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 304 đánh hướng tây đường số 1. Trung đoàn đã tham gia giải phóng 3 xã huyện Phong Điền. 

Tôi ghi lại vài nét về trận đánh vào Phong Điền của Tiểu đoàn 244. Lệnh cấp trên phải cho 1 đại đội chọc vào Phong Điền để đánh bọc sườn. Địa hình không biết, sông ngòi, rạch, đồng lầy là trở ngại lớn cho xe tăng.  Trung đoàn phái một đại đội xe tăng lội nước, hành quân suốt đêm, bị nhiều lần sa lầy, cản trở khi bơi qua sông, một số xe bị kẹt lại. Đội hình mờ sáng mới đến vị trí. Chưa kịp triển khai tấn công bị máy bay và pháo địch bắn. Ta chống trả quyết liệt, nhưng đơn độc, bầu trời bị địch khống chế, mặt đất không ai phối hợp. Cuối cùng đại đội bị thương vong nặng, không hoàn thành nhiệm vụ.

Một thất bại đau đớn, gần giống vượt sông Bến Hải ngày 2-4-1972. Trong trận chiến đấu này để lại cho chúng tôi một bài học sâu sắc: là một người chỉ huy giỏi phải có mệnh lệnh chính xác sẽ tiết kiệm được xương máu của cấp dưới và là cơ sở vững chắc của sự thành công và ngược lại là đổ nhiều máu, là thất bại.  Cái vĩ đại của người chiến sĩ là không hề tính toán, hễ có lệnh là đi là đánh, còn trách nhiệm người chỉ huy phải biết tính toán, chỉ huy bằng những quyết định khoa học.

Tiếp theo đợt 3 là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm từ 28-6 đến 16-9 bảo vệ thành cổ và thị xã Quảng Trị.  Địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 72 phản công ta quyết liệt ưu thế của chúng là phi pháo. Về bộ binh, chúng tung ra 3 sư đoàn và nhiều lực lượng bảo an, dân vệ. Riêng chủ lực chúng có 60.000 tên. Ta cố sức giữ vùng giải phóng, đặc biệt là thành cổ. Nhưng tình trạng chung là bộ đội ta chưa được chuẩn bị kỹ về phòng ngự. 

Trong đợt này, trung đoàn chuyển Tiểu đoàn 66 làm dự bị. Tiểu đoàn 244 và 198 phối hợp với đơn vị bạn chiến đấu ở đông, tây đường số 1. Tiểu đoàn 244 đánh một trận tốt ở Thanh Hương, thể hiện rõ tính năng động của anh em. Nhưng bị tiêu hao nặng và Tiểu đoàn 244 mất nhiều xe...

Quân số Trung đoàn thiếu hụt, cán bộ rất lo lắng, có một số ít có giao động. Phải đưa một số cán bộ cơ quan bổ sung cho phân đội chiến đấu. Đồng chí phụ trách hành chính trung đoàn bộ ra làm trung đội phó. Đồng chí đã hy sinh ngay trong trận đánh đầu tiên. Trung đoàn vẫn bám trụ cùng bộ binh chiến đấu quyết liệt với địch để giữ vững vùng giải phóng.

Trước ngày Hiệp định Paris có hiệu lực (8 giờ 00 ngày 28-1-1973), quân ngụy vội vã phái Lữ đoàn 1 kỵ binh mở cuộc hành quân mang tên “Sóng thần” để đánh chiếm lại Cửa Việt.  Cuộc hành quân Sóng thần của địch bắt đầu từ ngày 26- 1 - 1973.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM