Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:16:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam  (Đọc 89260 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 09:10:38 pm »


Cho đến khi đó, tôi đã thảo ra một danh sách bao gồm hơn 100 chủ đề mà tôi muốn đưa ra nghiên cứu và chuẩn bị những tài liệu về chúng. Trong nội bộ Bộ Quốc phòng nó mang tên hiệu là “Chín mươi chín chiếc kèn Trombon”. Nó đề cập toàn bộ các hoạt động của Bộ Quốc phòng, bao gồm cả các mối đe dọa mà chúng tôi phải đương đầu, một cơ cấu bố trí lực lượng cần thiết để đối phó với các mối đe dọa đó, các hệ thống vũ khí chủ chốt đòi hỏi phải có, và một bản đánh giá về kế hoạch tấn công hạt nhân của chúng ta.

Trong số các vấn đề khác, danh sách “Chín mươi chín chiếc kèn Trombon” đã giúp phát đi tín hiệu nói rằng: “Chúng tôi rất nghiêm túc trong công việc kiểm soát bộ của chúng tôi”. Vào năm 1961, một thập kỷ rưỡi sau khi bắt đầu chiến tranh lạnh, Bộ Quốc phòng đã phát triển thành một bộ máy khổng lồ. Có khoảng 4,5 triệu người làm việc cho Bộ Quốc phòng - trong đó 3,5 triệu là quân nhân và 1 triệu người là dân sự. Điều này làm cho Lầu Năm Góc trở nên lớn hơn tổng số của 25 đến 30 công ty hàng đầu của Mỹ gộp lại. Ngân sách hàng năm 280 tỷ đôla Mỹ (tính theo giá trị đồng đôla năm 1994) lớn hơn ngân sách quốc gia của bất cứ một nước đồng minh NATO chủ chốt nào của chúng ta. Lầu Năm Góc điều hành những tổ hợp khổng lồ về giao thông vận tải, liên lạc viễn thông, hậu cần và bảo dưỡng, cũng như các lực lượng lục quân, các hạm đội hải quân và không quân, đương nhiên kể cả kho vũ khí hạt nhân nữa.

Hiến pháp quy định quân đội Mỹ được đặt dưới sự kiểm soát dân sự có nghĩa là Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của Bộ Quốc phòng. Nhưng có điều là phần lớn những người tiền nhiệm của tôi khi bước vào công việc này với những tham vọng lớn, đã nhận thấy công việc chỉ huy cả một bộ máy quan liêu to lớn đã làm đầu óc họ luôn phải bận rộn với những suy tính. Họ đã thôi không còn làm theo những vị công chức kiểu cũ và các vị tướng, các đô đốc trong những vấn đề chi tiêu ngân sách, thu nhập, chiến lược và đôi khi thậm chí cả chính sách, trong khi thiếu sự hiểu biết đối với các vấn đề đó. Đó là do việc xây dựng quân đội đến lúc này đã phát triển quá phức tạp.

Tôi không đủ kiên nhẫn để nghe mãi câu chuyện hoang đường không thể quản lý được Bộ Quốc phòng. Đó là một tổ chức cực kỳ lớn, song nếu cho rằng đó là một lực lượng bất kham thì thật là vô lý. Tôi đã kinh qua 15 năm quản lý, quyết định các loại vấn đề và thúc ép các tổ chức, mà thường là trái với ý muốn của họ, phải suy nghĩ kỹ lưỡng và thực tế về các phương hướng hành động khác nhau cũng như hậu quả của chúng. Đội công tác của tôi và bản thân tôi đặt quyết tâm phải chỉ đạo Bộ Quốc phòng bằng cách nào đó để thực hiện được mục tiêu mà Tổng thống đề ra là đem lại an ninh quốc gia với cái giá thấp nhất có thể được.

Như tôi đã nói trong cuộc phỏng vấn của Đài vô tuyến truyền hình một tháng sau khi tôi bắt đầu công việc này: “Vai trò của một người quản lý nhà nước rất giống với vai trò của một nhà quản lý tư nhân; trong từng trường hợp anh ta phải lựa chọn một trong hai phương án hành động chính. Anh ta có thể hành động như một vị quan toà, hay như một nhà lãnh đạo... Tôi đã luôn tin tưởng và gắng sức để thực hiện vai trò tích cực của người lãnh đạo, khác với vai trò thụ động của ông qua toà”.

Trong chỗ riêng tư, tôi đã nói thẳng hơn nhiều về ý định muốn cải tổ mọi việc. Tôi đã nói rõ quyết tâm trong việc tự đặt cho mình nhiệm vụ phải làm cho các quyền lợi tổ chức to lớn của những dịch vụ quân đội khác nhau lệ thuộc vào một học thuyết rộng lớn về quyền lợi quốc gia. Tôi muốn thách thức thái độ phản đối của Lầu Năm Góc. Tôi chủ định là mọi quyết định lớn phải được đưa ra trên cơ sở có nghiên cứu và phân tích, chứ không phải chỉ bằng cách kéo dài mãi tình trạng cấp phát cho các cơ quan những bọc kinh phí rồi để tuỳ họ sử dụng khoản tiền đó theo ý của họ.

Chúng tôi đã phải tiến hành những thay đổi rộng lớn để đạt được các mục tiêu trên. Điều này có nghĩa là đưa các quan chức dân sự cao cấp đi vào quản lý các chương trình phòng thủ. Một phần của quá trình này là chúng tôi đã chuyển từ chỗ vạch kế hoạch cho từng năm sang lập kế hoạch cho cả một giai đoạn 5 năm. Sự thay đổi có tính cách mạng này giờ đây được áp dụng cho cả chính phủ. Chúng tôi đã thiết lập Hệ thống kế hoạch hoá, chương trình hoá và ngân sách hoá, nhằm làm rõ những khả năng lựa chọn trong mua bán vũ khí. Hệ thống này có tác dụng buộc các cơ quan phối hợp phải đưa ra những so sánh mang tính lâu dài về chi phí và hiệu quả của các hệ thống vũ khí, cơ cấu lực lượng và các chiến lược. Ngay cả nội dung chính các cuộc họp cấp chóp bu của Lầu Năm Góc cũng phải thay đổi. Các cuộc họp đó không còn mang tính đều đều chiếu lệ, mà ngày càng mang tính định hướng chính sách nhiều hơn trước.

Một trong những việc quan trọng nhất chúng tôi đã làm được là thay đổi một cách thực chất những tuyên bố về lập trường, tức là những báo cáo chính thức hàng năm của Bộ trưởng Quốc phòng gửi cho Quốc hội. Chúng tôi đã bắt đầu mỗi bản báo cáo bằng một tuyên bố về các mục tiêu chính sách đối ngoại của nước Mỹ, rồi trên cơ sở các mục tiêu đó, chúng tôi phân tích các mối đe dọa mà nước Mỹ sẽ phải đương đầu trong quá trình thực hiện những mục tiêu trên, chiến lược quân sự được áp dụng để đối phó với các mối đe dọa đó, cơ cấu lực lượng cần thiết đã thực hiện chiến lược trên và khoản ngân sách cần thiết để duy trì cơ cấu lực lượng này. Việc đưa được chính sách đối ngoại và ngân sách quốc phòng vào báo cáo là cực kỳ quan trọng. Đó là con đường duy nhất đúng để tiến lên. Lúc đó, có nhiều ý kiến chống đối cách đề cập của chúng tôi. Chẳng hạn, nhiều người trong Bộ Ngoại giao cho rằng với việc dự thảo văn bản tuyên bố về chính sách đối ngoại của Mỹ, chúng tôi đang lấn sân của họ. Nhưng đã không hề có một tuyên bố nào như vậy cả. Điều mà họ không biết là tôi đã đề nghị Dean Rusk rà soát từng từ của bản báo cáo trước khi tôi sử dụng nó làm cơ sở cho chiến lược quân sự cũng như các chương trình phòng thủ của chúng tôi.

Tất cả điều này đã phản ánh cách đề cập về tổ chức các hoạt động của con người mà tôi đã nêu ra tại Trường Harvard và áp dụng trong quân đội trong thời kỳ chiến tranh, cũng như sau này tại Công ty Frord và Ngân hàng Thế giới. Nói một cách rất đơn giản là phải xác định mục tiêu rõ ràng cho bất kỳ tổ chức nào mà mình gắn bó, rồi đưa ra kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó và theo dõi một cách hệ thống sự tiến triển trong việc thực hiện kế hoạch. Sau đó nếu thấy chưa có tiến triển thì người ta có thể hoặc là điều chỉnh lại kế hoạch hoặc là thực hiện biện pháp sửa chữa để đẩy nhanh tiến độ. Ngay từ đầu, đối với tôi mục tiêu của Bộ Quốc phòng là rõ ràng: bảo vệ cho nước Mỹ ít bị đe dọa nhất và với giá phải trả thấp nhất, và bất cứ khi nào tham chiến thì tổn thất về người cũng là ít nhất.

Ngay lập tức, chúng tôi đã xử lý một nhiệm vụ rất khẩn cấp, đó là kiểm tra và xác định lại chiến lược hạt nhân của chúng ta. Cuộc tranh luận có từ lâu về chiến lược đã thúc đẩy việc này. Trong những năm 50, bất chấp lời khuyên của một số nhà lãnh đạo quân sự cao cấp như Tham mưu trưởng lục quân, Tướng Maxwell Taylor, chính quyền Eisenhower đã ngày càng dựa vào vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước. Ngoại trưởng John Foster Dulles đã tóm tắt học thuyết “trả đũa ồ ạt” này khi ông tuyên bố Hoa Kỳ có mục tiêu răn đe xâm lăng bằng cách dựa “trước tiên vào khả năng to lớn có thể trả đũa tức thì bằng vũ khí hạt nhân bằng phương cách và ở những nơi mà chính chúng ta lựa chọn”.

Chính quyền Kennedy thì lo rằng việc dựa vào vũ khí hạt nhân không giúp chúng ta đánh trả được các cuộc tấn công phi hại nhân lớn mà không phạm sai lầm mang tính tự sát. Tổng thống Kennedy nói: chúng ta đã tự đặt mình vào thế buộc phải có sự lựa chọn trong một cuộc khủng hoảng giữa “sự rút lui nhục nhã hoặc sự trả đũa không giới hạn”. Chúng tôi đã quyết định mở rộng diện lựa chọn bằng cách tăng cường và hiện đại hoá khả năng quân sự để đánh một cuộc chiến tranh phi hạt nhân. Điều này đã dẫn tới sự thay đổi trong học thuyết từ trả đũa ồ ạt sang phản ứng linh hoạt, một chiến lược nhằm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Chúng tôi mới chỉ thành công phần nào trong việc nâng cao cái “ngưỡng” hạt nhân. Các đề nghị của chúng tôi đã được NATO tranh luận suốt 5 năm và sau đó đã chấp nhận với những sửa đổi lớn.

Dù sao đi nữa, trong những ngày đầu của chính quyền, chúng tôi đã làm việc miệt mài để phát triển các kế hoạch tăng cường lực lượng của chúng ta. Cuối tháng 3, Tổng thống Kennedy đã trình bày kế hoạch của chúng tôi trong bản thông điệp đặc biệt về quốc phòng trước Quốc hội. Ông xin thêm 650 triệu đôla cho Lầu Năm Góc để chúng tôi có thể triển khai các biện pháp tăng cường khả năng của chúng ta nhằm răn đe hoặc chống lại cuộc xâm lăng phi hạt nhân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 09:11:12 pm »


Ba tháng sau lễ nhậm chức của Tổng thống Kennedy, chúng tôi cảm giác như mình vẫn chưa có phương hướng. Tuy vậy, chỉ ít ngày sau khi Tổng thống tường trình bản kế hoạch quốc phòng trước Quốc hội, chúng tôi đã đương đầu với một quyết định cho thấy sự phán xét và may mắn của chúng tôi đều có những giới hạn ghê gớm.

Đầu năm 1960, chính quyền Eisenhower đã ủy quyền cho CIA tổ chức, vũ trang và huấn luyện bí mật tại Trung Mỹ một đội quân gồm 1.400 người Cuba lưu vong để xâm nhập vào Cuba và lật đổ chế độ của Fidel Castro. Castro đã nắm quyền trên hòn đảo này từ một năm trước đó và dường như đang đưa Cuba vào quỹ đạo của Liên Xô. Chính quyền Kennedy đã kế thừa ý đồ này và cho phép tiếp tục lập kế hoạch xâm nhập.

Giờ đây chưa đầy 90 ngày sau lễ nhậm chức, Kennedy đã phải quyết định có nên triển khai cuộc tiến công đó nữa không. Ông đã triệu tập các cố vấn của mình, có lẽ tất cả là 20 người chúng tôi, tới một cuộc họp tại Bộ Ngoại giao và hỏi xem cần phải làm gì. Ông đi vòng quanh bàn và hỏi ý kiến từng người. Chỉ trừ Thượng nghị sĩ J. William Fulbright (Đảng Dân chủ - Arkansas), người có quan điểm bất đồng rất mạnh, còn mọi người trong phòng đều ủng hộ hành động đó. Đó là một chiến dịch của CIA, nhưng tất cả các Tham mưu trưởng liên quân đều tán thành. Ngoại trưởng Dean Rusk và tôi mặc dù không nhiệt tình lắm nhưng cũng nói ủng hộ, cũng như Cố vấn an ninh quốc gia Mc George Bundy và tất cả các thành viên khác của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC).

Cuộc xâm nhập diễn ra hôm 17/4/1961 tại Vịnh Con Lợn trên bờ biển phía Tây-Nam Cuba. Như một nhà sử học đã viết, nó nhanh chóng cho thấy là “một thất bại hoàn hảo”. Người của Castro đã được cài kỹ vào đội quân đó, trái với các dự đoán của CIA, nhân dân Cuba đã không ủng hộ cuộc xâm nhập này. Castro đã huy động lực lượng trong vùng đó to lớn hơn và nhanh chóng hơn dự đoán. Sự yểm trợ không quân cho các cuộc đổ bộ đã không được đặt kế hoạch thoả đáng, còn lối thoát vào núi thì phải đi qua 80 dặm trên đầm lầy không tài nào vượt qua được. Bàn tay của Washington trong chiến dịch này, một khi bị phơi bày đã làm dấy lên sự công phẫn trên toàn cầu, danh sách của những sai lầm ngớ ngẩn cứ thế tiếp tục dài ra. Tổng thống Kennedy đã lên vô truyền truyền hình toàn quốc và nhận hoàn toàn trách nhiệm về sự thất bại này. Xem ông làm điều đó đã dậy cho tôi một bài học cay đắng. Tôi bước chân vào Lầu Năm Góc với vốn hiểu biết hạn chế về các vấn đề quân sự và thậm chí còn kém hiểu biết hơn nữa về các hoạt động bí mật. Việc thiếu hiểu biệt này đi đôi với mối bận tâm về các vấn đề khác, và việc tôi chiều theo CIA trong một việc mà tôi coi chỉ là một hoạt động ngầm, tất cả đã dẫn tôi đến chỗ chấp thuận kế hoạch trên một cách không có phê phán. Tôi đã nghe các cuộc tường trình dẫn tới cuộc xâm nhập đó. Thậm chí tôi cũng đã chuyển tới Tổng thống mà không bình luận gì một bản đánh giá mơ hồ của các Tham mưu trưởng liên quân cho rằng cuộc xâm nhập này chắc là sẽ góp phần lật đổ Castro ngay cả khi nó không thành công khi đó. Thực ra là tôi đã không hiểu rõ kế hoạch này và cũng không biết hết thực tế. Thế là tôi đã để cho mình trở thành một người thụ động đứng ngoài cuộc.

Ngày hôm sau, tôi đến phòng Bầu Dục và nói: “Thưa Tổng thống, tôi biết tôi đã ở đâu khi Ngài quyết định tiến hành cuộc xâm nhập. Tôi đã ở trong một căn phòng, nơi mà chỉ trừ một ngoại lệ, tất cá các cố vấn của Ngài, trong đó có tôi đã kiến nghị Ngài hãy xúc tiến. Tôi hoàn toàn sẵn sàng lên truyền hình để nói lên điều này”.

Nghe tôi xong. Kennedy đã trả lời: “Bob, tôi biết ơn vì tinh thần sẵn sàng nhận một phần trách nhiệm. Nhưng tôi là Tổng thống, tôi đã không nhất thiết phải làm những gì mà tất cả các anh kiến nghị. Vậy mà tôi đã làm. Tôi chịu trách nhiệm và tôi cũng sẽ không cố trút một phần lỗi lên anh, Eisenhower, hoặc bất cứ ai khác”.

Tôi đã khâm phục ông vì điều đó, và chuyện đó đã làm cho chúng tôi thân nhau hơn. Tôi quyết định sẽ không làm ông thất vọng nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 09:19:06 pm »


2
NHỮNG NĂM ĐẦU
NGÀY 19/1/1961 - 23/8/1963

Chúng ta cần phải sáng suốt trong những lúc
khởi đầu mọi việc. Vì, khi chúng mới bắt đầu
phát triển tốt, chúng ta thấy không hết mối
nguy hiểm, để đến lúc sự việc phát triển đầy
đủ thì chúng ta không biết chữa chạy bằng
cách nào.

Tiểu luận của MONTAIGNE




Mọi sự khởi đầu ở trên đời này đều nhỏ bé và câu chuyện về sự dính líu của tôi ở Việt Nam cũng chẳng khác gì. Khi John F. Kennedy trở thành Tổng thống, chúng tôi phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng ngày càng lớn và phức tạp ở Đông Nam Á bằng sự hiểu biết nghèo nàn, kinh nghiệm ít ỏi và những giả thiết đơn giản. Thời gian qua đi. chúng tôi mới nhận ra rằng những vấn đề gây rắc rối cho Nam Việt Nam và Ngô Đình Diệm, lãnh tụ của họ, còn phức tạp hơn nhiều so với như suy nghĩ ban đầu của chúng tôi. Giải quyết những vấn đề này như thế nào thì chúng tôi vẫn không sao nhất trí được với nhau.

Trong suốt những năm dưới thời Kennedy, hoạt động của chúng tôi dựa trên hai tiền đề mà kết cục cho thấy hoàn toàn trái ngược nhau. Một tiền đề cho rằng việc Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản sẽ đe dọa an ninh của nước Mỹ và thế giới phương Tây; còn tiền đề thứ hai lại cho rằng chỉ có người Nam Việt Nam mới có thể bảo vệ được đất nước họ và rằng Mỹ chỉ nên giới hạn vai trò của mình trong việc giúp đỡ hậu cần và huấn luyện. Theo quan điểm thứ hai, năm 1963, thực tế chúng tôi đã bắt đầu lên kế hoạch rút lực lượng quân đội Mỹ theo từng giai đoạn một, bước đi đã bị phản đối quyết liệt bởi những người cho rằng việc rút quân sẽ dẫn tới việc mất Nam Việt Nam và rất có thể cả châu Á nữa. Năm 1961, suy nghĩ của tôi về Đông Nam Á chẳng khác mấy so với suy nghĩ của những người Mỹ cùng thế hệ, những người đã từng phục vụ trong Chiến tranh thế giới thứ II và theo dõi công việc đối ngoại qua báo chí, nhưng không thạo về địa - chính trị và tình hình châu Á. Sau khi bỏ ra ba năm giúp đẩy lùi sự xâm lược của người Đức và người Nhật để chỉ được chứng kiến việc người Liên Xô tiếp quản Đông Âu sau chiến tranh, tôi chấp nhận tư tưởng của George F. Kennan nêu trong bài báo “X” nổi tiếng đăng trong tạp chí Foreign Affairs tháng 7/1947 rằng phương Tây, dưới sự lãnh đạo của Mỹ, phải ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản bằng một chính sách kiềm chế. Tôi xem đây là cơ sở thực tế để đưa ra những quyết định về an ninh quốc gia và nên sử dụng lực lượng quân sự của phương Tây.

Cũng như đa số người Mỹ, tôi coi chủ nghĩa cộng sản như một khối rắn chắc. Tôi tin là người Liên Xô và Trung Quốc đang hợp tác với nhau tìm cách mở rộng bá quyền của họ. Tất nhiên sau này, khi nhìn lại chúng ta mới thấy rõ rằng từ cuối những năm 50, họ không hề có chiến lược thống nhất, mà những rạn nứt giữa họ với nhau từ từ phát triển và ngày càng bộc lộ rõ. Lúc này chủ nghĩa cộng sản có vẻ như vẫn đang ở thế tiến công. Từ 1949, Mao Trạch Đông và những người theo ông ta đã kiểm soát Trung Quốc và đã cùng Bắc Triều Tiên chiến đấu chống lại phương Tây. Nikita Khrushchev đã tiên đoán về chiến thắng của cộng sản qua “những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” ở Thế giới thứ ba, và ông ta đã nói với phương Tây rằng: “Chúng tôi sẽ đào huyệt chôn các người”. Lời đe dọa của ông ta được người ta tin hơn khi Liên Xô phóng tàu vũ trụ Sputnik vào năm 1957, chứng tỏ vai trò đi đầu của họ trong kỹ thưật vũ trụ. Năm sau, Khrushchev bắt đầu gây không khí căng thẳng ở Tây Berlin và lúc này Castro đã biến Cuba thành đầu cầu của chủ nghĩa cộng sản ở bán cầu của chúng ta. Chúng ta cảm thấy bị bao vây và bị đe dọa. Chính nỗi sợ hãi này đã làm cơ sở cho chúng ta dính líu vào Việc Nam.

Tôi không xem mối hoạ cộng sản là không thể đối phó như cách nhìn của rất nhiều người cánh hữu. Đó là mối đe dọa mà tôi chắc rằng có thể đối phó được và tôi chia sẻ tình cảm của Tổng thống Kennedy khi ông kêu gọi nước Mỹ và phương Tây cùng chịu gánh nặng của một cuộc đấu tranh lâu dài và tù mù. Ông nói trong bài diễn văn nhậm chức: “Hãy để cho tất cả các quốc gia biết rằng dù họ muốn chúng ta khoẻ mạnh hay ốm yếu, chúng ta sẽ trả bất cứ giá nào, chịu đựng mọi gánh nặng, đương đầu với mọi khó khăn, hậu thuẫn bất cứ người bạn nào, chống lại bất cứ kẻ thù nào để đảm bảo sự sống còn và thắng lợi của tự do”1.

Tôi biết đôi điều về lịch sử cận đại của Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam. Tôi biết rằng Hồ Chí Minh, một người cộng sản, đã bắt đầu những cố gắng nhằm giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ I. Tôi biết Nhật đã chiếm đóng nước này trong Chiến tranh thế giới thứ II; tôi biết Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của Việt Nam sau khi Nhật Bản đầu hàng, nhưng Mỹ đã ngầm bằng lòng cho Pháp trở lại Đông Dương vì sợ rằng một sự rạn nứt Pháp-Mỹ có thể làm cho việc ngăn chặn Liên Xô bành trướng ở châu Âu trở nên khó khăn hơn. Thực tế là trong một thập kỷ sau đó, chúng ta đã phải bao cấp cho những hoạt động quân sự của Pháp chống lại các lực lượng của ông Hồ, được người Trung Quốc hậu thuẫn. Tôi biết rằng Mỹ coi Đông Dương là một bộ phận cần thiết trong chính sách, ngăn chặn của chúng ta - một bức tường thành quan trọng trong chiến tranh lạnh.
______________________________________
1. Các văn kiện công khai của Tổng thống Mỹ (gọi tắt là Các văn kiện công khai), John F. Kennedy, 1961 (Washington: Văn phòng in ấn của Chính phủ Mỹ, 1962), tr. 1-3.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 09:23:07 pm »


Trong những năm 50, hầu như rõ ràng rằng phong trào cộng sản ở Việt Nam có liên quan chặt chẽ với những cuộc du kích nổi loạn ở Mianma, Indônêxia, Malaixia và Philippin. Chúng tôi coi những xung đột này không chỉ là những phong trào dân tộc chủ nghĩa, mà còn là những dấu hiệu của nỗ lực thống nhất của cộng sản giành bá quyền ở châu Á (trong nhận thức sau này thì chủ yếu phong trào này mang tính dân tộc). Lối suy nghĩ này đã làm Dean Acheson - Ngoại trưởng thời Tổng thống Truman, gọi Hồ Chí Minh là “kẻ thù không đội trời chung của nền độc lập bản xứ ở Đông dương”1.

Tôi cũng biết rằng chính quyền Eisenhower đã đồng ý với quan điểm của chính quyền Truman rằng việc Đông Dương rơi vào tay chủ nghĩa cộng sản sẽ đe dọa an ninh của Mỹ. Mặc dù dường như không sẵn sàng đưa các lực lượng chiến đấu của Mỹ vào khu vực, chính quyền này lại lên giọng cảnh cáo về mối đe dọa cộng sản ở đó một cách rõ ràng và thường xuyên. Vào tháng 4/1954. Tống thống Eisenhower đưa ra lời tiên đoán nổi tiếng rằng nếu Đông Dương sụp đổ, phần còn lại của Đông Nam Á sẽ “sụp đổ rất nhanh” như “những quân bài Domino”. Ông còn thêm rằng “những hậu quả có thể xảy ra của mất mát này là không thể tính được đối với thế giới tự do”2. Vào năm đó, đất nước chúng ta thay Pháp đảm trách việc bảo vệ Nam Việt Nam theo đường phân giới 1954. Chúng ta cũng đồng thời đàm phán Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Mỹ cam kết sẽ bảo vệ Đông Dương một cách có điều kiện. Và từ 1955-1961, chúng ta đã bơm hơn 7 tỷ đôla viện trợ kinh tế và quân sự vào Nam Việt Nam.

Cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng trong những năm ở Thượng viện, John F. Kennedy đã lặp lại những đánh giá của Eisenhower về Đông Nam Á. Trong bài diễn văn được công bố rộng rãi vào năm 1956, ông đã nói: “Việt Nam là hòn đá tảng của Thế giới tự do ở Đông Nam Á. Đó là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó, không thể phớt lờ những nhu cầu của nó”3.

Sau khi tôi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, có hai sự kiện đã củng cố thêm cách nghĩ của tôi về Việt Nam: việc Cuba và Liên Xô tăng cường quan hệ và một đợt sóng khiêu khích mới của Liên Xô ở Berlin. Cả hai tình hình mới này dường như làm rõ thêm ý đồ hiếu chiến của chủ nghĩa cộng sản. Trong bối cảnh đó, nguy cơ mất Việt Nam, và qua việc sụp đổ của các con bài Domino, mất cả Đông Nam Á, làm cho việc tính tới khả năng mở rộng nỗ lực của Mỹ ở Việt Nam dường như là một điều hợp lý.

Tuy vậy, tất cả những hiểu biết đó chẳng hề làm cho tôi gần gũi hơn chút nào với một chuyên gia về Đông Á. Tôi chưa hề đến thăm Đông Dương và cũng chẳng hiểu biết hay đánh giá cao lịch sử, ngôn ngữ, văn hoá hay các giá trị khác của vùng này. Tuy ở mức độ khác nhau, cũng có thể nói như vậy đối với Tổng thống Kennedy. Ngoại trưởng Dean Rusk, cố vấn an ninh quốc gia Mc. George Bundy, cố vấn quân sự Maxwell Taylor và nhiều người khác. Khi bàn đến Việt Nam, chúng tôi thấy mình đang lập chính sách cho một vùng đất không ai biết tới.

Tồi tệ hơn, chính phủ chúng ta lại thiếu những chuyên gia để chúng tôi tham khảo ý kiến nhằm bù lại sự thiếu hiểu biết của chúng tôi. Khi cuộc khủng hoảng Berlin xuất hiện năm 1961 và trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, Tổng thống Kennedy đã có thể quay sang những người có trình độ cao hơn như Llewellyn Thompson, Charles Bohlen và George Kennan, là những người am hiểu sâu sắc về Liên Xô. Ở Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao lúc bấygiờ không có những quan chức cao cấp có kiến thức như vậy về Đông Nam Á. Ở Lầu Năm Góc tôi chỉ biết một sĩ quan có kinh nghiệm chống bạo loạn ở khu vực. Đại tá Edward Lansdale, người đã từng làm cố vấn cho Ramon Magsaysay ở Philippin và Diệm ở Nam Việt Nam. Nhưng Lansdale còn khá trẻ và thiếu kiến thức rộng về địa chính trị.

Điều mỉa mai là có khoảng trống đó chủ yếu là do những chuyên gia đầu ngành về Đông Á và Trung Quốc ở Bộ Ngoại giao như John Paton, David (Jr.), John Stewart Service và John Carter Vincent đã bị thanh lọc trong cơn cuồng loạn của McCarthy trong những năm 50. Không có những con người như vậy để cung cấp cho chúng ta hiểu biết thấu đáo và tinh tế, chúng ta, tất nhiên có cả tôi, đã hiểu sai thậm tệ những mục tiêu của Trung Quốc và lầm lẫn cho rằng những ngôn từ hiếu chiến của nó hàm ẩn động cơ giành bá quyền khu vực. Chúng tôi cũng hoàn toàn đánh giá thấp khía cạnh dân tộc chủ nghĩa trong phong trào của Hồ Chí Minh. Chúng tôi coi Ông, trước hết là một người cộng sản, rồi mới là một người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc.

Tại sao chúng ta lại thất bại trong việc đánh giá Trung Quốc và Việt Nam theo cách như chúng ta đã coi Nam Tư là một quốc gia cộng sản độc lập với Mátxcơva. Tôi tin là có một số lý do. Titô tỏ ra khác thường. Ông ta và Stalin đã bất hoà một cách công khai. Những ngôn từ cuồng nhiệt của Trung Quốc và Bắc Việt Nam làm chúng ta nghĩ rằng họ đang tìm kiếm bá quyền khu vực. Và việc Cuba gần đây ngả theo Liên Xô dường như minh hoạ cho các phong trào độc lập bề ngoài của Thế giới thứ ba đã nhanh chóng đặt mình vào quỹ đạo cộng sản như thế nào. Bởi thế chúng ta đã không đánh đồng Hồ Chí Minh với Nguyên soái Titô, mà ngang hàng với Fidel Castro.

Những phán xét thiếu cơ sở như vậy đã được chính quyền Kennedy chấp nhận mà không hề tranh luận vì những người tiền nhiệm của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà đã làm việc đó rồi. Chúng ta đã không phân tích một cách có phê phán những giả định của chúng ta lúc dó và cả sau này. Những cơ sở nền tảng quyết sách của chúng ta đã có nhiều sai sót nghiêm trọng.
______________________________________
1. Vụ Bản tin quốc gia, 13/2/1950, tr. 244.
2. Các văn kiện công khai, Dwight D. Eisenhower, 1954 (Washington: Văn phòng in ấn của Chính phủ Mỹ, 1960) tr. 382-384.
3. John F. Kennedy, “Những đóng góp của Mỹ ở Việt Nam”, Các diễn văn quan trọng, ngày 1/8/1956, tr. 617-619.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 09:25:03 pm »


Còn có những sai lầm khác nữa. Tôi sẽ tìm cách xác định, làm sáng tỏ và chắt lọc từ những sai lầm đó những bài học có thể áp dụng cho tương lai. Hàng loạt cuốn sách đã viết về Việt Nam. Họ mô tả tỉ mỉ cuộc xung đột. Tôi thấy không cần thiết lặp lại công việc của họ. Thay và đó, tôi sẽ tập trung vào 11 sự kiện hay những quyết định chủ yếu và thảo luận về những tác động hoặc tiến trình quyết sách liên quan đến mỗi sự kiện:

- Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Eisenhower và Tổng thống đắc cử Kennedy ngày 19/1/1961.

- Quyết định của Tổng thống Kennedy vào cuối 1961, rốt cuộc đã dẫn đến việc đưa 16.000 cố vấn quân sự Mỹ tới Nam Việt Nam để giúp huấn luyện người Nam Việt Nam tự bảo vệ mình, chống lại sức ép từ miền Bắc.

- Tuyên bố của Tổng thống Kennedy ngày 2/10/1963, hy vọng sứ mệnh huấn luyện sẽ hoàn tất vào năm 1965 và ông sẽ tiến hành rút các lực lượng huấn luyện Mỹ trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm đó (có nghĩa là trước 31/12/1963).

- Cuộc đảo chính 1/11/1963, dẫn đến vụ ám sát Tổng thống Diệm.

- Sự tan rã về chính trị ở Nam Việt Nam trong 12 tháng đầu nhiệm kỳ Tổng thống của Lyndon Johson và phản ứng của chính quyền đối với việc này.

- Những sự kiện ở Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8/1964, phản ứng của Tổng thống và nghị quyết tiếp sau của Quốc hội.

- Giác thư bước ngoặt của Mc. George Bundy và tôi gửi Tổng thống Johnson vào cuối tháng 1/1965; và mấy tuần sau thì Mỹ tiến hành ném bom Bắc Việt Nam.

- Quyết định mang tính định mệnh trong tháng 7/1965, đưa 175.000 quân chiến đấu Mỹ đến trước cuối năm đó để bảo vệ Nam Việt Nam và nhận thấy sau này vẫn có thể cần đưa thêm nữa.

- Những cố gắng liên tục, bắt đầu từ cuối năm 1965 và tiếp tục cho tới năm 1967, nhằm chấm dứt chiến tranh bằng cách đưa sáng kiến đàm phán, do chúng ta không có khả năng chấm dứt chiến tranh bằng quân sự.

- Mùa xuân năm 1966, quyết định đưa thêm 200.000 quân tới Việt Nam trước cuối năm; trong khi nhận thấy rằng không thể có khả năng kết thúc chiến tranh sớm.

- Cuộc tranh luận gay gắt trong năm 1967 về cách tiến hành chiến tranh và những đòi hỏi tăng cường hơn nữa lực lượng của Mỹ. Đây là cuộc tranh luận mà cuối cùng dẫn tới việc tôi ra khỏi chính phủ vào 29/2/1968.

Người ta cho rằng chính những báo cáo láo của những người lãnh đạo về chính trị và quân sự, trong đó có tôi, đã tác động tới cả những quyết định của chính phủ và phản ứng của công chúng đối với các sự kiện xảy ra ở Việt Nam suốt giai đoạn này. Tôi sẽ bàn về những lập luận này vào phần sau của cuốn sách.


Lần đầu tiên tôi chạm trán với vấn đề Đông Dương là tại một cuộc họp ngắn ngủi giữa Tổng thống Eisenhower và Tổng thống đắc cử Kennedy. Hôm đó là ngày 19/1/1961, ngày cầm quyền cuối cùng của Tổng thống Eisenhower. Ông và các cộng sự thân tín nhất của mình - Ngoại trưởng Christian Herter, Bộ trưởng Quốc phòng Thomas Gates, Bộ trưởng Ngân khố Robert Anderson và phụ tá tham mưu. Tướng Wilton Persons - đã gặp Tổng thống đắc cử Kennedy, các Bộ trưởng mới bổ nhiệm như Ngoại trưởng Dean Rusk, Bộ trưởng Ngân khố Douglas Dillon, Cố vấn về chuyện giao Clark Clifford và tôi để trình bày những vấn đề cấp bách của quốc gia mà chúng tôi sẽ phải đối phó*.
_______________________________________
* Cuộc họp là minh hoạ cho điểm yếu trong thể thức quản lý chính phủ của chúng ta - thiếu một cách thức hữu hiệu để chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm từ chính quyền này cho một chính quyền khác - và nó cũng cho thấy cái giá nặng nề chúng ta phải trả. Trong chế độ nghị viện, các bộ trưởng của chính phủ mới thường là những bộ trưởng đối lập trong vài năm trước khi họ cầm quyền. Ví dụ, tôi còn nhớ chuyện của Denis Healey của Anh và Helmut Schmidt của Đức trước khi họ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng của nước họ thì trên thực tế cả hai đã được đào tạo thông qua việc đảm trách là những lãnh tụ của đảng đối lập và nghiên cứu những vấn đề an ninh của đất nước trong nhiều năm. Trái lại, tôi đến Washington từ cương vị Chủ tịch Công ty ở tô Ford. Cuộc gặp gỡ giữa hai nhóm Eisenhower và Kennedy chỉ là một sụ thay thế tồi cho nhu cầu đào tạo như vậy. John Locke đã đúng khi ông viết: “Kiến thức của bất cứ ai cũng không thể vượt ra ngoài kinh nghiệm của người đó”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 09:41:36 pm »


Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đã bàn tới một loạt các chủ đề nhưng tập trung vào vấn đề Đông Dương. Tôi có thể chẳng hề tin vào trí nhớ của mình về những gì đã được nói tới; tuy vậy một vài người tham dự, trong đó có tôi đã viết những bản ghi nhớ để làm hồ sơ ngay sau đó. Những tài liệu này và những hồi ký sau này về cuộc gặp đó phản ánh những quan điểm khác nhau đối với những điều Eisenhower khuyên Kennedy về vấn đề then chốt là can thiệp quân sự ở Đông Nam Á.

Trong phần thảo luận đó, thực tế là Eisenhower chỉ tập trung vào Lào chứ không phải Việt Nam. Những người cộng sản Pathet Lào đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống lại các lực lượng của Phoumi Nosavan được Mỹ ủng hộ để giành quyền kiểm soát đất nước. Đây là những gì mà Clark Clifford đã viết “Tổng thống Eisenhower đã tuyên bố Lào là chìa khoá hiện nay cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Nếu Lào bị mất vào tay cộng sản sẽ tạo ra một sức ép không thể tin được đối với Thái Lan, Campuchia và Nam Việt Nam. Tổng thống Eisenhower tuyên bố rằng ông coi Lào (và qua đó là Việt Nam) có tầm quan trọng đến mức nếu đến một giai đoạn mà chúng ta không thể thuyết phục các nước khác cùng hành động với chúng ta, thì lúc đó ông sẵn sàng “như một hy vọng liều mạng cuối cùng là tiến hành can thiệp quân sự” (nhấn mạnh trong nguyên bản)1.

Dean Rusk nhớ về cuộc họp này chủ yếu giống như Clifford báo cáo. Ông cho rằng ông đã nghe Eisenhower khuyến nghị có hành động đơn phương ở Lào nếu đó là giải pháp thay thế duy nhất cho việc mất Lào vào tay chủ nghĩa cộng sản2.

Nhưng theo yêu cầu của Tổng thống Kennedy bản ghi nhớ của tôi được viết từ những ghi chép tôi ghi trong cuộc họp, lại cho thấy rằng thực ra Eisenhower đang đưa ra một thông diệp lẫn lộn. Tôi có cảm giác rằng ông ta rất không chắc chắn về hướng hành động thích hợp. Tôi viết: “Liên quan đến Lào. Tổng thống Eisenhower khuyên Mỹ không nên hành động đơn phương”, và tôi cũng nhận thấy rằng Eisenhower không trả lời thẳng câu hỏi của Kennedy: “Vậy có thể làm gì để giữ không cho những người cộng sản Trung Quốc vào Lào?” Tôi viết phần kết luận rằng “Tổng thống Eisenhower tuyên bố không dè dặt là “Nếu Lào tuột khỏi tay Thế giới tự do, trong tương lai, chúng ta sẽ mất cả Đông Nam Á”3.

Hồi ký của Douglas Dillon hoàn toàn phù hợp với bản ghi nhớ của tôi. Thậm chí Dillon còn đi một bước xa hơn, nói thêm về ấn tượng của ông rằng: “Cả Eisenhower và Herter (Ngoại trưởng) đều ngầm hài lòng về việc họ đã chuyển cho Kennedy một khó khăn tiềm tàng khó giải quyết nổi”4.

Theo tôi, cảm giác của Douglas hoàn toàn đúng: Eisenhower không biết phải làm gì ở Đông Nam Á và vui mừng phó thác việc này cho đảng Dân chủ. Tuy nhiên, tôi không thể trách cứ việc giao cho chúng tôi một vấn đề rắc rối mà không hề có hướng giải quyết. Theo cách định nghĩa của cả Eisenhower và chúng tôi, vấn đề Đông Dương là vô cùng khó khăn. Nhưng phải suối cả 14 năm sau đó, đất nước chúng ta mới thấy rõ một cách đau đớn tính nan giải của nó như thế nào.

Còn một bằng chứng cho thấy Eisenhower cảm thấy bế tắc. Sau này có tin rằng ba tuần trước buổi thông báo cho Kennedy, ông đã nói với nhân viên của mình: “Chúng ta không được để Lào rơi vào tay cộng sản, thậm chí nếu cần đến chiến tranh”5. Nhưng tuyên bố đó ngược hoàn toàn với lập trường của ông trong suốt cuộc khủng hoảng Điện Biên Phủ sáu năm trước đó: khi đó ông quyết định chống lại sự can thiệp của Mỹ. Có lẽ Eisenhower đã điều chỉnh quan điểm khi thế giới nổ ra hàng loạt sự kiện. Nhưng tôi không sao điều hoà được hai quan điểm này. Liệu rồi cuối cùng Eisenhower cũng đi đến chiến tranh ở Việt Nam như chúng ta đã làm hay không? Tôi không biết nữa.

Điều tôi biết được là chúng ta đã không nhận được những đánh giá chín chắn về vấn đề này và không hề có tranh luận điều hơn lẽ thiệt về những sự lựa chọn khác để giải quyết nó. Điều duy nhất người ta để lại cho chúng tôi là lời dự đoán gở rằng nếu mất Lào, cả Đông Nam Á sẽ sụp đổ. Do đó, phương Tây sẽ phải làm tất cả những gì cần thiết để ngăn chặn kết cục đó. Cuộc họp đã gây ấn tượng sâu sắc cho Kennedy và tất cả chúng tôi, và ảnh hưởng nặng nề đến cách đề cập của chúng tôi sau này đối với Đông Nam Á.

Trong vòng vài tuần tình hình trở nên rõ ràng là không chỉ ở Lào, ở Nam Việt Nam khó khăn rắc rối cũng đang phát triển nhanh hơn chúng ta dự đoán. Trong tháng 3, Tổng thống Kennedy thành lập một lực lượng đặc nhiệm gồm các quan chức nội các do Ros Gilpatric lãnh đạo để thăm dò các hướng hành động thay thế khác và nêu ra các kiến nghị. Trong báo cáo trình bày ngày 8/5, nhóm này kêu gọi điều mà theo chúng tôi thì hình như đó là việc tăng ồ ạt số lượng các nhân viên quân sự Mỹ ở Nam Việt Nam, từ mấy trăm lên tới vài ngàn. Tổng thống Kennedy đã cắt giảm lớn kế hoạch này, ông chỉ cho phép tăng một số lượng khiêm tốn gồm 100 cố vấn và 400 quân thuộc Lực lượng đặc biệt để huấn luyện người Nam Việt Nam các kỹ thuật chống nổi dậy.
___________________________________
1. Clark Clifford với Tổng thống Kennedy, Báo cáo tại buổi gặp gỡ giữa Tổng thống Eisenhower và Tổng thống mới được bầu Kennedy và các cố vấn của họ ngày 19/1/1961, ngày 24/1/1961, “Eisenhower, Dwight D., 17/1-9/12/1961”. Hồ sơ Văn phòng Tổng thống, Giấy tờ của John F. Kennedy, Thư viện John Fitzgerald Kennedy (sau đây gọi là JFKL).
2. Xem Dean Rusk nói với Richard Rusk, Như tôi thấy nó (New York: Norton, 1990), tr. 428.
3. Báo cáo gửi Tổng thống, 24/1/1961, in lại trong Tạp chí Lịch sử Nước Mỹ, tháng 6/1963, tr. 363.
4. Trích trong “Eisenhower đã nói gì với Kennedy về Đông Dương? Các chính sách của sự nhận thức sai lầm”, Fred I. Greenstein và Richard H. Immerman, Tạp chí Lịch sử Nước Mỹ, tháng 9/1992, tr. 583.
5. John S. D. Báo cáo của Eisenhower về cuộc gặp gỡ với Tổng thống, 31/12/1960, “Ghi chép của nhân viên - tháng 12/1960”, các Nhật ký của Eisenhower, Hồ sơ Whitman, Thư viện Dwight D. Eisenhower.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 09:48:30 pm »


Trong khi đó, tình hình ở Lào ngày càng xấu đi. Tới tháng 8, trong một cuộc họp ở Nhà Trắng, Dean Rusk kiến nghị rằng chúng ta cần phải tiếp tục đàm phán ngoại giao nhưng phải sẵn sàng có hành động quân sự để bảo vệ Đông Dương theo kế hoạch do SEATO chuẩn bị. Kế hoạch này đòi đưa 30.000 quân chiến đấu của các nước tham gia Hiệp ước. Trong đó có Anh, Pháp và Mỹ. Nhưng Anh và Pháp đã tuyên bố rõ rằng họ không hề có ý gửi quân tham gia. Và đề nghị của Dean lại đặt ra một vấn đề nữa. Tôi đã nói với Tổng thống Kennedy rằng, trước khi có bất cứ cam kết gì ở Đông Dương, ông ta nên cân nhắc so sánh Lào với các vấn đề thế giới khác. Cụ thể trong đầu tôi là Berlin: căng thẳng đã tăng lên đến mức mà chúng tôi đang dự tính chuyển 6 sư đoàn (khoảng 90.000 quân chiến đấu) đến châu Âu. Tôi lập luận không thể tưởng tượng được rằng chúng ta lại có khả năng làm như vậy và tiến hành một cuộc chiến ở Đông Nam Á mà không có cuộc tổng động viên. Tổng thống kết luận - và Dean đồng ý - rằng chúng ta không được ràng buộc mình với kế hoạch của SEATO mà không xem xét bất cứ một chuyện gì khó có thể xẩy ra trên thế giới1.

Tới mùa thu năm 1961, xâm nhập du kích từ Bắc Việt Nam vào Nam Việt Nam tăng mạnh và Việt cộng tăng cường các cuộc tấn công vào chính quyền Diệm. Tổng thống Kennedy quyết định cử Max Taylor và Walt Rostow, thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia, đi Nam Việt Nam để đánh giá tình hình và kiến nghị cách làm. Trong báo cáo của mình, Max và Walt yêu cầu tăng về căn bản sự giúp đỡ của chúng ta đối với Nam Việt Nam, bằng việc gửi thêm cố vấn, trang thiết bị và thậm chí một ít quân chiến đấu. Họ lưu ý rằng những bước đi như vậy sẽ có nghĩa là “một bước chuyển căn bản từ quan hệ tư vấn sang đối tác” trong chiến tranh2.

Ngày 8/11/1961, tôi trình cho Tổng thống Kennedy bản báo cáo được chuẩn bị một cách vội vã, ngắn gọn, trình bày ý kiến về những kiến nghị này. Nó phản ánh phản ứng ban đầu của tôi, cùng với phản ứng của các Tham mưu tưởng liên quân và Thứ trưởng của tôi, ông Ros Gilpatric. Tôi nhận thấy rằng báo cáo của Taylor-Rostow đặt ra hai câu hỏi cơ bản: liệu Mỹ có cam kết với mục tiêu ngăn không cho Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản? Và liệu chúng ta có hậu thuẫn cho cam kết đó bằng việc ngay lập tức đưa thêm nhân viên quân sự tới Nam Việt Nam trong khi đang chuẩn bị tăng chi viện sau đó, nếu việc này trở nên cần thiết? Tôi kết luận bằng cách nói rằng chúng tôi “thiên theo hướng kiến nghị”, chúng ta cần chấp nhận cả mục tiêu và các phương tiện để theo đuổi mục tiêu đó3.

Ngay từ lúc tôi gửi bản giác thư đó tới Nhà Trắng xong, tôi bắt đầu lo rằng chúng tôi đã quá vội vã khi cố vấn cho Tổng thống. Mấy ngày tiếp theo, tôi đào bới sâu hơn vào vấn đề Việt Nam. Càng đi sâu nghiên cứu, tôi thấy rõ hơn tính phức tạp của tình hình, sự không chắc chắn trong khả năng chúng ta giải quyết vấn đề bằng quân sự. Tôi đã nhận ra rằng ủng hộ giác thư của Taylor và Rostow là một thất sách.

Dean Rusk và các cố vấn của ông ở Bộ Ngoại giao cũng đi đến một kết luận tương tự. Ngày 11/11 tôi và ông ấy sau khi suy nghĩ và thảo luận thêm đã trình cho Tổng thống một giác thư chung, phản đối việc đưa quân chiến đấu đi như cách mà Max và Walt đã đề nghị. Trong khi thừa nhận rằng một ngày nào đó những lực lượng như vậy có thể cần thiết, chúng tôi chỉ rõ rằng chúng ta đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: “Nếu người Nam Việt Nam nỗ lực mạnh mẽ, thì có thể không cần đến quân chiến đấu Mỹ; nếu không có nỗ lực đó, quân đội Mỹ không thể hoàn thành sứ mạng của mình trong đám dân chúng thờ ơ hoặc thù địch”4.

Cuối ngày hôm đó, trong cuộc họp ở Nhà Trắng Tổng thống Kennedy đưa ra cả hai bức giác thư. Ông nói rõ là ông không muốn đưa ra một cam kết không điều kiện để ngăn chặn việc mất Nam Việt Nam và thẳng thừng từ chối phê chuẩn việc đưa quan chiến đấu Mỹ vào5.

Thế lưỡng nan mà tôi và Dean nêu lên đã ám ảnh chúng tôi trong nhiều năm. Nhìn lại hồ sơ của những cuộc họp đó, rõ ràng những phân tích của chúng tôi không hề đầy đủ. Chúng tôi đã không nêu ra năm câu hỏi cơ bản: có thật là nếu Việt Nam sụp đổ sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả Đông Nam Á? Liệu cái đó có tạo ra mối đe doạ nghiêm trọng đối với an ninh phương Tây? Kiểu chiến tranh gì - thông thường hay du kích sẽ phát triển? Chúng ta có thể thắng nổi cuộc chiến tranh này nếu quân đội Mỹ cùng chiến đấu bên cạnh quân Nam Việt Nam? Chúng ta có cần biết câu trả lời cho những câu hỏi này trước khi quyết định cam kết đưa quân vào?
______________________________________
1. Xem Ghi chép các cuộc nói chuyện, Cuộc họp tại Phòng Nội các ngày 29/8/1961 để thảo luận về Đông Nam Á, “Các cuộc họp với Tổng thống, Tướng lĩnh, tháng 7/1961-8/1961, “Hồ sơ An ninh quốc gia (viết tắt là NSF), hộp 317. JFKL.
2. Báo cáo của đoàn Taylor, ngày 3/11/1961, Bộ Ngoại giao Mỹ, Quan hệ đối ngoại của Mỹ (viết tắt là FRUS), 1961 – 1963, t.1, Việt Nam. 1961 (Washington, Văn phòng in ấn của Chính phủ Mỹ, năm 1988), tr. 477-532.
3. Báo cáo cho Tổng thống, ngày 8/11/1961, sách đã dẫn, tr. 559-561.
4. Ủy ban quân sự Quốc hội, Quan hệ Mỹ-Việt Nam, 1945-1967 (Washington: Văn phòng in ấn của Chính phủ Mỹ, năm 1971), trước 11, tr 359-366.
5. Xem Ghi chép tại các cuộc họp, Nhà Trắng, Washington, 11/11/1961, 12 giờ 10 phút trưa, FRUS, 1961 - 1963, t.1, tr. 577-578.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 09:53:11 pm »


Dường như không thể hiểu và tin nổi rằng chúng ta đã không buộc mình phải nhìn thẳng vào những vấn đề như vậy. Vì ngày nay, thật khổ tâm khi gợi lại sự ngây thơ và lòng tin trong cách chúng tôi đề cập lúc đó về vấn đề Việt Nam vào những ngày đầu của chính quyền Kennedy. Chúng tôi biết rất ít về khu vực này, thiếu kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng. Trong năm đầu tiên đó, nhiều vấn đề quốc tế cấp bách khác cũng thu hút sự chú ý của chúng ta. Xin chỉ nêu ba vấn đề: Cuba, Berlin và Cônggô. Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất là chúng tôi đang đương đầu với những vấn đề mà không có sẵn những câu trả lời khả dĩ. Tôi sợ rằng trong những hoàn cảnh như vậy, nhiều chính phủ và chắc chắn rằng hầu hết mọi người đều chỉ biết cắm đầu vào cát mà thôi. Điều này có thể giúp để giải thích chứ không phải để tha thứ cho hành động của chúng tôi. Mấy hôm sau, vào ngày 15/11, Tổng thống lại nhắc trước Hội đồng An ninh quốc gia những nghi vấn của mình đối với việc dính líu quân sự ở Nam Việt Nam. Ông nói rằng ông sợ sẽ bị cuốn hút cùng một lúc vào hai mặt trận ở hai phía đối lập của thế giới và vạch rõ tình hình ở Việt Nam trái ngược hoàn toàn với cuộc chiến tranh Triều Tiên như thế nào. Ở Triều Tiên, cuộc xâm lược của kẻ thù là rõ ràng, còn ở đây tình hình lại mơ hồ. Ông thấy có một cơ sở mạnh mẽ sẽ chống lại việc can thiệp vào một nơi cách xa 10.000 dặm để giúp đội quân bản xứ 200.000 người chiến đấu với 16.000 du kích. Chúng tôi đã chi vào đây hàng tỷ đôla mà chỉ giành được thành công rất nhỏ bé, nếu có. Ông nghi ngờ khả năng Mỹ sẽ nhận được giúp đỡ về quân sự từ các đồng minh SEATO. Khá rõ ràng là, ông không thích thú gì với tình hình này, nhưng cuộc họp đã chấm dứt một cách lửng lơ, không có kết luận1.

Trong những ngày tháng đầu đó, mặc dù không có sự nhất quán trong cách đề cập về Nam Việt Nam, nhiều người trong chúng tôi - trong đó có Tổng thống và tôi - đã tin rằng chỉ có người Nam Việt Nam mới giải quyết được vấn đề này. Chúng ta có thể cố gắng giúp họ qua huấn luyện và hỗ trợ hậu cần, nhưng chúng ta không thể đánh thay cuộc chiến của chính họ. Quan điểm của chúng tôi lúc đó là như vậy. Giá mà chúng ta bám chắc vào quan điểm đó, thì toàn bộ lịch sử của giai đoạn này đã có thể sẽ khác đi.

Tôi rất chú ý chuyển những tư tưởng của Tổng thống tới các Tư lệnh quân sự - cả ở Lầu Năm Góc và tới các Tư lệnh chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các hoạt động của chúng ta ở Việt Nam. Trong bức điện ngày 28/11, tôi đã nói với Đô đốc Hary Felt, Tổng tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương và Tướng Linoel Mc Garr, là quan chức quân sự cao cấp của Mỹ ở Nam Việt Nam: “Chúng ta phải tự điều chỉnh đối với một khuôn khổ chính trị không rõ ràng mang tính lâu dài và đối với… những giới hạn trong hành động quân sự”. Tôi nhắc lại những điểm này với Đô đốc Felt và tướng Mc Garr tại hội nghị đầu tiên của chúng tôi ở Hawaii tháng sau đó, nói với họ rằng quân chiến đấu Mỹ sẽ không được chuyển đến Nam Việt Nam2.

Nhưng vì các vấn đề cơ bản đã không được xem xét thẳng thắn dứt khoát hoặc được giải thích rõ ràng, nên nó vẫn được tranh luận trong chính phủ cho đến lúc Tổng thống qua đời, hai năm sau. Ngày 13/1/1962, các Tham mưu trưởng liên quân đưa tôi một bức giác thư và đề nghị tôi chuyển cho Tổng thống. Trong thư họ lập luận rằng quân chiến đấu Mỹ sẽ có tác dụng hữu hiệu ngăn không để Nam Việt Nam thất thủ, và họ thúc Tổng thống Kennedy cho phép triển khai quân vào. Các Tư lệnh tin rằng hành động như thế sẽ hoàn toàn phù hợp với chính sách của Mỹ. “Mỹ đã tuyên bố rõ ràng... một trong những mục tiêu không thể thay đổi là ngăn không cho Nam Việt Nam rớt vào tay xâm lược cộng sản”. Nhưng họ đã sai lầm: chính quyết định đó đã không được đưa ra.

Tôi chuyển giác thư của họ cho Tổng thống Kennedy hôm 27/1 với một lời bình cô đọng: “Tôi không sẵn sàng phê chuẩn quan điểm của các vị Tham mưu trưởng liên quân cho đến khi chúng ta đã có kinh nghiệm nhiều hơn với chương trình (huấn luyện) của chúng ta ở Nam Việt Nam”3.
______________________________________
1. Xem Ghi chép tại cuộc họp của Hội động An ninh quốc gia (NSC), Washington, 15/11/1961, 12 giờ 10 phút trưa, sách đã dẫn, tr. 607-610.
2. Xem Điện gửi cho Tổng Tư lệnh, Thái Bình Dương (Vùng) và Trưởng phái đoàn cố vấn quân sự, Việt Nam (McGarr), 28/11/1961, sách đã dẫn, tr. 740-741; và Edwin W. Martin gửi Sterling J. Conttrell, 18/12/1961, sách đã dẫn, tr. 742 - 744.
3. Báo cáo 33-62 của các Tham mưu trưởng liên quân (JCS) gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 13/1/1962, Văn kiện của Lầu Năm Góc: Lịch sử Bộ Quốc phòng về việc ra các quyết định về Việt Nam (viết tắt là PP), Thượng nghị sĩ Gravel hiệu đính (Boston: Beacon Press, 1971), t.2, tr. 663-666; và Báo cáo gửi Tổng thống, 27/1/1932, sách đã dẫn, tr. 662.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 09:56:55 pm »


Trong những tháng đầu năm 1962, Việt Nam chưa hề là vấn đề lớn nhất trong lúc chúng tôi tiếp tục củng cố Bộ Quốc phòng, nhưng không như những vấn đề mà tôi giao phó cho Ros Gilpatric, tôi ngày càng coi Việt Nam là trách nhiệm riêng của mình. Điều đó hoàn toàn đúng vì đó là nơi duy nhất mà người Mỹ đang tham gia cuộc chiến tranh nóng, dù với vai trò cố vấn. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm nặng nề và đã tham gia với hết khả năng của mình vào đó để sao cho có hiệu quả. Điều đó đã dẫn đến cái mà mọi người gọi là Cuộc chiến tranh Việt Nam của McNamara.

Trong năm 1962, khi tôi tiếp cận gần hơn với Việt Nam, tôi đã được biết đến Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi đã dự một số hội nghị dài ngày với ông ta dưới những chiếc quạt trần quay tít và những gồ mái nhũ vàng trong văn phòng cơ quan ông ta ở Dinh Gia Long. Tôi nghĩ mục tiêu của Diệm là đưa dân ông tới tự do và dân chủ. Việc ông đã học ở một trường dòng Thiên chúa giáo ở New Jersey vào đầu những năm 50 có vẻ chỉ ra rằng ông chia sẻ những giá trị phương Tây. Tuy vậy, khi chúng tôi càng ngày càng tiếp cận gần gũi hơn tình hình thì chúng tôi lại thấy ngược lại. Mặc dù quanh Diệm và cơ cấu chính trị mà ông ta dựng lên chẳng liên quan đến người Nam Việt Nam, nhưng ông không hề xây dựng mối gắn bó với họ. Chúng tôi đã hoàn toàn đánh giá sai điều đó.

Vì ông ta là một người kín đáo, lại xuất thân từ một nền văn hoá khác nên đối với tôi, và chắc chắn là với mọi người Mỹ đã gặp ông, Diệm là một con người khó hiểu. Tôi không hiểu được ông ta. Ông ta tỏ ra là con người độc tài, đa nghi, bí hiểm và tách biệt với dân chúng. Người ta nói rằng Diệm không quen với sự có mặt của đàn bà ở bên cạnh. Ông ta chưa bao giờ cưới vợ, và người ta tin là ông chưa hề có quan hệ tình dục. Nhưng một trong những người thân tín gần gũi nhất của ông là bà Nhu, cô em dâu của ông. Bà này là vợ của Ngô Đình Nhu, người em trai đa mưu và có ảnh hưởng tới Diệm, nhưng trong thực tế cũng như vợ của Diệm. Bà Nhu an ủi Diệm sau một ngày làm việc, giải thoát những căng thẳng của ông, thường tranh luận với ông và rõ ràng có vai trò quan trọng trong việc hình thành tư tưởng của ông. Tuy thế tư tưởng đó là gì, đối với tôi nó vẫn là một bí ẩn. Thậm chí giờ đây tôi vẫn chưa biết những gì là mục tiêu lâu dài mà Diệm đặt ra cho đất nước và nhân dân ông ta1. Giống như hầu hết những người Mỹ đã đến đất nước này, và theo tôi, cả nhiều người Việt nữa, tôi thấy bà Nhu là một người sáng sủa, mạnh mẽ và xinh đẹp, nhưng cũng độc ác và mưu mô - một mụ phù thủy thực sự.

Dù chúng tôi đã nhận thấy những hạn chế này, nhiều người trong chúng tôi vẫn đồng ý với cách đánh giá chung về Diệm, ví dụ như tờ Newsweek năm 1959, đã gọi ông là “một trong những lãnh tụ tự do có khả năng nhất của châu Á”. Những người thạo tin trong chính phủ, trong đó có Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, nguyên giáo sư về lịch sử Đông Á, rất khâm phục Diệm vì những thành tựu của ông trong thời kỳ quá độ đi đến nền độc lập năm 1954 và 1955. Năm 1963, Mansfield tuyên bố: “Trong giai đoạn đó, lòng dũng cảm, bản lĩnh, lòng quyết tâm và chủ nghĩa dân tộc chính hiệu của ông là những lực lượng trong việc chặn trước sự sụp đổ hoàn toàn của Nam Việt Nam và mang lại một mức độ trật tự và hy vọng từ trong loạn lạc, mưu mô và tham nhũng tràn lan”2.

Chúng tôi đã công nhận một cách đúng đắn rằng, Diệm đang đảm đương một nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhằm cố gắng xây dựng một quốc gia từng bị phân chia sâu sắc bởi những bất đồng về tôn giáo và chính trị, và rằng ông đã làm như vậy ngay trong lúc Bắc Việt Nam quyết tâm áp đặt quyền kiểm soát của họ. Dù ông ta có phạm rất nhiều những lỗi lầm thế nào đi nữa, tôi và những người khác vẫn tin rằng triển vọng kiếm được một người khá hơn Diệm chỉ là điều may rủi.

Nhưng liệu những đánh giá của chúng tôi về Tổng thống Diệm có đúng không? Quan điểm của chúng ta về những khó khăn phức tạp đặt ra trước chúng ta có thực tế hay không? Và kế hoạch của chúng ta, nhằm giải quyết những vấn đề này liệu có thành công? Làm sao chúng ta có thể biết được khi mà chúng ta đang vận động trong môi trường xa lạ, cùng với một dân tộc mà chúng ta không thể hiểu được ngôn ngữ, văn hoá của họ; một dân tộc có lịch sử, những giá trị và truyền thống chính trị khác biệt sâu sắc với chúng ta? Chẳng dễ dàng gì để trả lời những câu hỏi đó và hàng loạt những câu hỏi tương tự. Chẳng có ai trong chúng tôi - cả tôi, Tổng thống, Mac và Dean, Max - thoả mãn về những thông tin nhận được từ Việt Nam. Tất nhiên, chúng tôi đã yêu cầu và nhận được những báo cáo thực tế về những hoạt động quân sự của chúng ta và chúng tôi hau háu đọc những phân tích có tính chất tường thuật từ Đại sứ quán của chúng ta ở Sài Gòn gửi về. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi quyết định cần có những cuộc họp thường xuyên giữa các quan chức quân sự cao cấp của Mỹ ở Sài Gòn và Washington đang giải quyết những vấn đề này. Chính vì vậy mà bắt đầu từ cuối năm 1961, tôi thường có những chuyến công du tới Hawaii và Nam Việt Nam.

Những cuộc họp ở Hawaii được tổ chức tại Tổng hành dinh của Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương (CINCPAC), nhìn ra Trân Châu Cảng. Năm, sáu mươi người - quân sự và dân sự, từ Washington, Sài Gòn và Hawaii gặp nhau trong một phòng họp như một cái hang, để nghe hàng tràng các thông báo. Không khí chương trình nghị sự đông đặc thường làm cho chúng tôi khó tập trung vào những vấn đề thời sự và đảm bảo là chúng tôi đang nhận được những báo cáo thật và những kiến nghị chín chắn.
_____________________________________
1. Xem Sự hiểu biết của tướng Trần Văn Đôn, được báo cáo trong điện của CIA số 0265. Bộ phận Sài Gòn gửi về Cơ quan Trung ương, 24/8/1963, FRUS, 1961-1963, t.3, Việt Nam, tháng 1-8/1963 (Washington, Văn phòng in ấn của Chính phủ Mỹ, 1991), tr 615.
2. Ernest K. Lindley, “Có một đồng minh đáng giá”, Newsweek, 29/6/1959, tr. 31; và Các cuộc Điều trần để đánh giá các chiến dịch tại nước ngoài năm 1964 trước Ủy ban Đánh giá của Quốc hội (Washington: Văn phòng in ấn của Chính phủ Mỹ, 1963), tr. 90.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 09:58:25 pm »


Các hội nghị của chúng tôi ở Việt Nam cũng gần giống như thế. Chúng tôi thường được họp mặt ở các Trụ sở quân sự của Mỹ, lần thứ nhất tại một khách sạn từ thời thuộc địa đã được cải tạo ở đường Pasteur, trung tâm Sài Gòn và lần sau tại căn cứ không quân Tân Sơn Nhất ở ngoại vi phía Tây thành phố. Vì những địa điểm này Việt cộng biết rất rõ nên họ thường tìm cách phá rối cuộc họp. Có một lần, vào tháng 5/1964, họ đã âm mưu ám sát tôi bằng cách gài mìn ở dưới chiếc cầu mà họ biết là tôi sẽ đi qua để vào Sài Gòn. Cảnh sát Nam Việt Nam đã phát hiện và tháo gỡ khối chất nổ đó ngay trước lúc xe tôi qua cầu.

Sau này người ta chỉ trích, phê phán chúng tôi về việc tổ chức các cuộc họp như vậy, nhưng họ không biết rằng đây là nguồn thông tin duy nhất của chúng tôi. Tuy còn lâu mới được hoàn hảo, nhưng những cuộc họp ở Hawaii và Việt Nam cho phép những người ở Washington như chúng tôi chuyển những suy nghĩ và mục tiêu của Tổng thống tới các đồng nghiệp ở Việt Nam, và tạo cho họ cơ hội được báo cáo và kiến nghị cho những hoạt động tiếp theo. Tôi tin là chúng ta sẽ rơi vào tình trạng xấu hơn nhiều nếu không tổ chức những cuộc họp này.

Từ Washington, chúng tôi tới các hội nghị này trên chiếc phi cơ được gọi là máy bay Bà già 707. Một trong những hành động đầu tiên của tôi sau khi trở thành Bộ trưởng là hủy tất cả các hợp đồng phí phạm và không cần thiết xin thêm chiếc phi cơ thứ ba của Tổng thống và một số máy bay phản lực Lockheed đắt giá để dùng cho các quan chức lãnh đạo của Bộ Quốc phòng. Thay vào đó, tôi đã gợi ý với Chuẩn tướng George S. Brown (trợ lý quân sự của tôi, người sau này trở thành Tham mưu trưởng không quân và sau nữa là Chủ lịch Hội đồng Tham mưu liên quân) rằng chúng ta không được chi quá -20.000 đôla để thiết kế mấy chỗ ngồi có thể lắp tạm vào những máy bay chở hàng của không quân để các quan chức cao cấp dùng trong những chuyến công vụ đặc biệt.

Chiếc máy bay vận tải kiểu mô phỏng của chiếc máy bay chở dầu KC-135, được lắp những thùng nhiên liệu ở hai cánh có thể bay liên tục từ nơi này đến nơi khác trên thế giới. Trước khi loại máy bay 747 ra đời, chiếc máy bay này đã có thể bay thẳng từ Paris đến Sài Gòn và bay từ Sài Gòn đi Washington chỉ cần dừng một lần. Nhưng chiếc máy bay này có một điểm bất tiện là thiếu hệ thống cách âm, nhưng tôi đã từ chối cấp tiền lắp hệ thống này. Hậu quả là nói chuyện trong máy bay rất khó khăn. Nhưng dù có hệ thống cách âm thì Max Taylor và Trợ lý Ngoại trưởng W.Averell Harriman, hai người thường xuyên đi cùng tôi lại hơi nghễnh ngãng nên họ nói chuyện trên máy bay rất khó bởi vậy họ đành chấp nhận ngồi im.

Cuối cùng, tôi nới lỏng một chút giới hạn chi tiêu và chúng tôi dành một số tiền để lắp thêm mấy chiếc giường và một chiếc bàn làm việc cho thư ký. Từ đó chúng tôi có thể bay đi Sài Gòn hay Honolulu vào buổi tối, ăn tối, viết báo cáo gửi Tổng thống rồi đưa thư ký đánh máy, trong lúc chúng tôi ngủ để hôm sau khi về đến Washington có thể trình Tổng thống.

Hành trình của chúng tôi rất vất vả. Với những cuộc họp ở Hawaii, tôi thường rời Washington vào chiều chủ nhật, đến Honolulu lúc gần nửa đêm theo giờ địa phương, sau một chuyến bay dài 9-10 tiếng, gặp CINCPAC và Tư lệnh bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam (COMUSMACV) cả ngày thứ hai, tối thứ hai bay về, ngủ trong khi bay và báo cáo cho Tổng thống vào sáng thứ ba.

Bobby Kennedy nói với anh mình là lịch hoạt động như vậy sẽ làm tôi chết vì mệt. Vì thế, Tổng thống yêu cầu tôi đôi khi phải nghỉ thêm một ngày, đưa Marg đi cùng và dùng phi cơ Tổng thống của ông. Tôi cũng được phép nghỉ ở những biệt thự sang trọng do quân đội quản lý, chỉ dùng cho những nhân vật chóp bu và khách cấp cao ở Pháo đài DeRussy trên bãi biển Waikiki. Tôi chỉ ở như vậy có một lần và kết quả là cột báo của Drew Pearson trong tờ The Washington Post, một tờ báo được lưu hành trong cả nước đã thổi lên thành một vụ bê bối là đã lạm dụng tài sản của chính phủ phục vụ thú vui riêng của Bộ trưởng McNamara! Chúng tôi lại quay về với chiếc Bà già 707.

Như tôi đã nói, những chuyến đi của chúng ta tới Hawaii và Nam Việt Nam cho phép tôi và các cộng sự được trực tiếp nghe từ nhiều đồng nghiệp Mỹ và Nam Việt Nam. Ngoài những cuộc họp đó, chúng tôi thường tham khảo thêm những nhà quan sát độc lập. Đặc biệt, tôi thường nghe những lời khuyên về quân sự của anh hùng quân đội Israel, Tướng Moshe Dayan, và ngài Robert Thompson, chuyên gia về chống phản loạn của Anh. Thompson đã lãnh đạo thành công chiến dịch chống du kích ở Malaixia trong những năm 50, và hiện đang là trưởng phái đoàn cố vấn Anh tại Nam Việt Nam.

Trên cơ sở những gì chúng tôi nắm được từ tất cả những nguồn này, tôi và Dean cùng các cộng sự thường xuyên có báo cáo cho Quốc hội và báo chí. Liệu các báo cáo này có chính xác hay không? Báo cáo là phải chính xác. Nhưng sau này chúng tôi nhận ra rằng lời giải đáp cho câu hỏi trên là những báo cáo về tình hình quân sự, kể cả báo cáo của tôi - thường quá lạc quan. Tuy vậy, những báo cáo của tôi về tính ổn định của các thể chế chính trị - điều mà tôi luôn nhấn mạnh như là một điều kiện tiên quyết cho thắng lợi quân sự - lại chính xác hơn nhiều.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM