Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:02:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lời thú nhận muộn mằn  (Đọc 35226 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 05:49:32 pm »


Tên sách: Lời thú nhận muộn mằn
Tác giả: Marcel Bigeard
Dịch giả: Ngô Bình Lâm - Phạm Xuân Phương
Nhà xuất bản: Hà Nội
Năm xuất bản: 2004
Số hoá: ptlinh,chuongxedap




LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Marcel Bigeard giải ngũ năm 1975 với quân hàm tướng ba sao, được đề cao là viên tướng huyền thoại và đã từng được tổng thống Pháp bổ nhiệm làm quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng. Trong suốt bốn mươi năm binh nghiệp của mình, Bigeard đã ba lần sang tham chiến ở Đông Dương từ 10/45 đến 10/54. “Pour une parcelle de gloire” - Vì một mảnh của vinh quang - là cuốn hồi ký kể từ những ngày đầu nhập ngũ (1936) cho đến ngày giải ngũ (1975) của M. Bigeard.

“Lời thú nhận muộn mằn” là đoạn trích hai phần quan trọng trong cuốn hồi ký này, tác giả thuật lại quãng đời trong chín năm với ba lần sang tham chiến ở Đông Dương. Quá nửa cuốn sách, tác giả viết về thời kỳ phục vụ ở Đông Dương lần thứ ba với cương vị chỉ huy tiểu đoàn dù số 6 (10/52 - 5/54). Tiểu đoàn dù số 6 dưới sự dẫn dắt của thiếu tá Bigeard, nổi tiếng về kỷ luật nghiêm, tinh thần cao, ý thức tốt. Nhưng qua năm mươi hai ngày (16/3 - 7/5) nhẩy dù xuống ứng cứu cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, từ gần một ngàn quân - sau rất nhiều lần bổ sung - tiểu đoàn 6 còn lại hai mươi lăm người. Bigeard thú nhận đây là những ngày bi thảm nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Đó cũng là trang sử bi thảm nhất của đạo quân viễn chinh Pháp - là kết cục tất yếu cho những kẻ xâm lược Việt Nam.

Mặc dù ngoài ý muốn của mình, Bigeard vẫn phê phán gay gắt chủ trương chiến lược của Navarre và Cogny. Bên cạnh đó ca ngợi tài thao lược của đại tướng Võ Nguyên Giáp, ca ngợi ý chí, lòng quả cảm của các chiến sĩ bộ binh ta. Lẽ tất nhiên, với danh dự và ý chí của một sĩ quan dù, M. Bigeard có sự huênh hoang, đề cao mình và quân dù trong cuốn sách. Một số trận đánh được Bigeard miêu tả như là chiến thắng của tiểu đoàn dù số 6, cũng như những con số thương vong của quân đội Việt Nam rõ ràng là có sự thổi phồng, phóng đại, chỉ có thể coi như những tư liệu để tham khảo, không có cơ sở để khẳng định là chính xác.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cuốn sách “Lời thú nhận muộn mằn”, góp thêm một cái nhìn từ phía bên kia về chiến thắng lịch sử này với đông đảo bạn đọc xa gần.

NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 05:54:42 pm »


Phần thứ nhất

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG Ở ĐÔNG DƯƠNG
Từ 11-1945 đến 12-1950
______________________________________________________________________________________


I
THÁNG MƯỜI 1945, NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN Ở ĐÔNG DƯƠNG


Tháng mười 1945, Sài Gòn, những bước chân đầu tiên trên giải đất Đông Dương này. Lúc này, tôi vẫn còn chưa biết rằng sẽ còn có rất nhiều những bước chân khác nữa, nhiều nghìn kilômét đi qua... trong suốt những năm dài và rằng cũng như rất nhiều người khác, cái xứ sở hấp dẫn này đã để lại dấu ấn trong tôi đến trọn đời.

Tiểu đoàn, hàng ngũ tề chỉnh không chê vào đâu được, diễu hành trên đường phố, trước tiếng hoan hô của những cư dân người Âu. Chúng tôi tiếp bước hành tiến cho tới tận Gia Định, nằm ở phía Bắc cách Sài Gòn vài kilômét, ở đó chúng tôi sẽ đóng quân, hình thành điểm tựa. Hình như, quân Việt có mặt ít nhiều ở mọi nơi, nếu như tôi hiểu đúng thì việc chúng tôi tới đây là đúng lúc.

Các đại đội được phân bố ở nội ô cái thị trấn nhỏ bé này. Một nghìn con người để trấn giữ cái vùng hẻo lánh này là quá đủ. Được sắp xếp ở tầng một và tầng hai trong những căn nhà nhỏ xây gạch, tôi thấy ngạt thở khi nằm trong chiếc màn dã chiến... Một vài tiếng súng nổ trong đêm vắng, những chàng lính gác của chúng tôi nổi đóa.

Trạng thái ít hoạt động trên tầu thủy làm cho tôi khó ngủ. Tôi thử điểm lại tình hình: trong khuôn khổ cứng nhắc của cái diễn đàn này, tôi cảm thấy không thoải mái. Tôi vốn ưa thích được tự do hành động, thấy luyến tiếc cái nhiệm vụ của tôi ở Ariège1, trường học quân sự của tôi, các phân đội bao gồm những đồng ngũ thẳng thắn và kể cả những thú tiêu khiển của tôi. Ở đây, có cảm tưởng như mình là một con rô-bốt. Và tại sao tôi lại có mặt ở đây nhỉ? Vì tư tưởng thích phiêu lưu ư? Không, vì lý tưởng, nhưng không được giam hãm tôi quá nhiều trong một môi trường thiếu tính hiện thực. Rút cục, tôi có binh lính của tôi, các sĩ quan của tôi, ngày mai trời sẽ sáng.

Buổi tập thể dục đi bộ kéo dài lúc tảng sáng. Tôi tới thăm hỏi đại úy Pascal, một sĩ quan đẹp trai, rắn rỏi, từng bị trọng thương ở đảo Elbe2. Anh ấy chỉ huy đại đội láng giềng và đang lau chùi khẩu tiểu liên của mình, đạn trong hộp đã lên nòng, một loạt đạn bay vèo quanh người tôi. Pascal, mặt tái mét còn hơn tôi, quát to: “Đồ ngốc, suýt nữa thì tớ đã hạ gục cậu rồi”. Chuyến viễn chinh của tôi ở Đông Dương, chút nữa đã bị rút ngắn lại.

Tình thế sáng sủa ra dần dần. Chúng tôi sẽ rời khỏi Gia Định để không bao giờ quay trở lại đó nữa. Chúng tôi rong ruổi dọc ngang xứ Nam kỳ không có gì khó khăn, trong suốt bốn tháng trời. Quân Việt mới ở thời kỳ khởi đầu, hoạt động theo những nhóm nhỏ, đôi khi cùng với một vài tay súng thiện xạ những Snippery3 phần nhiều là người Nhật, những tay súng này gây cho chúng tôi nhiều tổn thất. Nhưng, một đại đội tốt, về nguyên lí có thể hành động độc lập.

Rồi tôi được tuyên dương một lần - tôi xin miễn cho các bạn phải đọc văn bản đó - khẳng định các trận đánh của tôi trong bốn tháng, chặng đường đã hành quân, các ngôi làng đã bị càn quét. Việc này thực tế chẳng nói lên điều gì cả, đánh nhau với địa hình nhiều hơn là với địch thủ. Chỉ cần quay lưng đi là quân Việt đã tái chiếm lại rồi.

Một vài kỷ niệm mờ nhạt vẫn còn hiện lên trong tâm trí tôi: cái dải đồng bằng trồng cói nổi tiếng mà toàn bộ đạo quân viễn chinh, cũng như những người Mỹ đã bình định đi, bình định lại. Nhưng ở đó quân Việt vẫn còn cứ hiện diện thường xuyên. Vùng đất chi chít nhằng nhịt những dòng kênh mương cuốn theo những xác chết thối rữa lúc thủy triều lên xuống, và ở đó tôi thực hiện việc liên lạc giữa các phân đội của mình được bố trí rải rác trong khu vực. Tôi ăn mặc cải trang giống như người dân thường, sải tay chèo trên một chiếc thuyền độc mộc bản địa, việc làm này tránh cho tôi phải mang theo một đội hộ tống để rồi rơi vào bẫy phục kích.

Một trận đánh duy nhất trong thời kỳ này, chiều hướng bất lợi quay về phía tôi. Đó là trận đánh chiếm một ngôi làng mang tên là chợ Đệm, được bao bọc xung quanh bởi những kênh mương và cánh đồng lúa. Sau một bước tiến khó khăn, chúng tôi tràn tới ngang tầm ngôi làng vào khoảng buổi chiều. Trái ngược với những lần chạm trán trước đây, lần này quân Việt có đông người, hầm hào công sự vững chắc. Trung đội dẫn đầu của tôi, gặp hỏa lực ác liệt, bị cột chặt xuống mặt ruộng, chúi mũi xuống lớp bùn.

Tôi bò lên, cùng với một một khẩu đại liên 12 ly 7 kèm theo các xạ thủ, với mục đích tăng cường thêm hỏa lực và tìm cách giải thoát cho các binh sĩ của tôi. Cây cối rậm rạp, một trận đánh thực sự trong một đường hầm, bùn lầy nhớp nháp, súng ống lần lượt bị kẹt hỏng, tình thế gay cấn. Không có cách nào cho các trung đội khác của tôi tràn lên.

Những giây phút dài lê thê! Đã hai tiếng đồng hồ ở trong cái trường đấu này. Hai tử vong, bốn bị thương cần phải tìm cách kéo về phía sau. May sao, màn đêm buông xuống và chúng tôi rút ra từng người một. Đây là một trong những thất bại hiếm hoi trong suốt ba nhiệm kỳ tôi có mặt ở Đông Dương và, tuy nhiên, rồi tôi sẽ có cơ hội đối mặt với những tình huống phức tạp khác nữa. Kể từ lúc này, tôi buộc phải cảnh giác hơn và nhìn nhận những người lính Việt nhỏ bé này một cách nghiêm túc. Kinh nghiệm thu thập được ở đây là từ trong máu, từ trong gian khổ.
__________________________________
1. Ariège: Một quận ở miền nam nước Pháp gần dãy núi Pyrenees.
2. Elbe: Hòn đảo của Ý, trên Địa Trung Hải, nơi vua Napoléon bị giam.
3. Snipper: Tiếng Anh có nghĩa người bắn tỉa - N.D

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 06:13:07 pm »


Thời kỳ này lẽ ra ít gây ấn tượng trong tôi. Có lẽ là thời kỳ buồn tẻ nhất trong quãng mười lăm năm chiến trận của tôi, nếu như không có chuyện được rong ruổi trên cái xứ sở tươi đẹp là vựa lúa gạo của Đông Dương, với những xóm làng quang đãng sạch sẽ, với những người dân cần cù lao động. Tôi đã mơ hồ cảm thất là chúng lôi có thể phải linh hoạt hơn, hoạt động có hiệu quả hơn, thích nghi tốt hơn với địa hình và với địch thủ.

Tiểu đoàn chắc chắn là tổ chức chặt chẽ, có những sĩ quan chỉ huy tốt, binh lính biết phục tùng, dù cho là ở nơi đâu chúng tôi cũng có bánh mì tươi, rượu vang, rau xanh... Phải, một tiểu đoàn kinh điển nhưng không phải là tiểu đoàn chống lại chiến tranh du kích. Có nghĩa là phải nắm được tình hình tốt hơn, linh hoạt, trang bị gọn nhẹ, hành động như loài báo, sinh sống dè sẻn như quân Việt.

Đầu tháng ba năm 1946, tướng Leclerc quyết định đổ bộ vào Hải Phòng, ở Bắc Kỳ cùng với sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 và một lữ đoàn thiết giáp của sư đoàn thiết giáp số 2 nổi tiếng... Cái xứ Bắc Kỳ này, ở đó có chìa khóa để giải quyết các vấn đề và cũng có cả chừng ba mươi ngàn người Pháp đang ở trong một tình thế bấp bênh, phó mặc số phận trong tay Việt Minh và quân Tầu.

Vĩnh biệt xứ Nam Kỳ, tôi sẽ không trở lại chiến đấu ở đó nữa. Một đoàn tầu thật ấn tượng bao gồm các chiến hạm và các tầu vận tải, bóng đen của những con tầu này nổi rõ lên cả ở phía trước và phía sau cho tận tới đường chân trời, dâng lên theo hướng bắc... Các tuần dương hạm Duquesne, Triomphant, Tourville và tầu LEmile Bertin phất phới lá cờ của tướng Leclerc, tầu hộ tống Savorgnan de Braffa, có mặt ở đây, hộ tống chiếc tầu sân bay Bearn được biến thành một quân y viện dã chiến. Có nhiều tầu vận tải và những chiếc tầu L.C.I. Trên một chiếc tầu L.C.I, binh lính và sĩ quan của tiểu đoàn tôi chen chúc nhau như cá hộp.

Trong nhóm tầu đi tiên phong của đoàn quân lớn này, thẳng tiến trên vùng biển Trung Hoa, làn nước phía sau đoàn tàu của chúng trở nặng làm bập bềnh vô số những chiếc thuyền gỗ đánh cá. Bắt đầu từ ngày 2 tháng 3, ở ngoài khơi xa tỉnh Quảng Ngãi, mặt biển động cuồn cuộn sóng dưới một bầu trời mây trở nên vần vũ, mọi người trú ẩn dưới các khoang tầu đùa cợt, hút thuốc, ngủ hay nôn oẹ.

Một lính thủy đánh bộ trẻ, tuổi mười chín, trên một chiếc tầu đi sau chúng tôi, vừa mới chết vì một cơn sốt ác tính, một hình hài màu trắng đầy đặn chìm xuống và biến mất giữa những con sóng, biến mất vĩnh viễn ở cái tuổi còn quá trẻ như vậy trong cái vùng biển xa lạ này... một nơi cách xa những người mà anh ta yêu quý.

Chuyến đi khoảng chừng một ngàn rưởi kilômét này có vẻ rất dài. Buổi chiều ngày 5 tháng 3, mưa phùn với màn sương mù nhỏ li ti của nó chào đón chúng tôi trong vịnh Hạ Long, một trong số các kỳ quan của thế giới, một bức tranh sơn thủy thơ mộng với vô số những hòn đảo đá lởm chởm được ban tặng thêm vài mét vuông dải cát vàng óng.

Ngày 6 tháng 3, buổi sáng, tiến lên theo hàng một, đoàn tầu chui vào cửa sông Cấm, dòng sông rộng hai trăm năm mươi mét, nước màu đỏ nhạt và đôi bờ ẩn mình sau dải thực vật dầy đặc.

Mười lăm kilômét tầu chạy trước khi đổ bộ lên Hải Phòng, ở đó hình như mọi việc đã được chuẩn bị sẵn. Quân Tầu của Tưởng Giới Thạch và Việt Minh đã nhất trí với nhau, khối cư dân người Âu nôn nóng chờ đợi cái khối hàng thịt tươi được chuyển tới từ mẫu quốc.

Chúng tôi đã nhận được lệnh sẽ điều hành thành phố ngay sau khi tới bến. Những chiếc tông-đơ cắt tóc hoạt động, những đôi giầy được đánh bóng loáng, trang bị, vũ khí được lau chùi tỉ mỉ. Được thư giãn, tì khuỷu tay trên lan can đài chỉ huy, tôi đưa mắt ngắm nhìn hai bên bờ sông, nghĩ tới những cư dân người Âu ấy, vốn đã phải chịu biết bao đau khổ với sự có mặt của người Nhật và sau đó lại đến quân Tầu... Và rồi, có điều gì đó không thể lý giải nổi toát ra từ cái xứ Bắc Kỳ này mà tôi không sao nói lên được.

Tiểu đoàn trưởng của tôi, Rocaboy, người mà tôi vừa biết được tên, yêu cầu tôi nói chuyện với anh em trong đơn vị rằng tiểu đoàn trưởng rất mong họ sẽ diễu hành một cách xuất sắc. Rocaboy, người vùng Bretagne1, tốt nghiệp trường Saint Cyr2 xưa kia là người chăn lạc đà, đã tham dự chiến trận của sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9, ngoại hình giống như Gabin3 trong những năm năm mươi. Anh ấy biết chỉ huy một cách không ồn ào, tôi đánh giá cao anh ấy nhưng đồng thời, riêng tôi, tôi có một quan niệm khác trong nghệ thuật dắt dẫn con người.

Tôi vừa kịp chấm dứt những suy nghĩ đúng lúc chúng tôi tiến ngang tầm thành phố. Những loạt đạn dầy đặc của các loại vũ khí tự động và vũ khí hạng nặng phát hoả một cách tàn nhẫn từ phía bờ bắc, đó là hỏa lực nhằm trúng đích. Quân Tầu bắn rất trúng, một chiếc L.C.I ở phía dưới chúng tôi chìm nghỉm, một chiếc khác bốc cháy, mọi người nhẩy vội xuống nước.
___________________________________
1. Bretagne: Vùng cực Tây nước Pháp, nông nghiệp giầu có và đánh cá + du lịch, trông ra Đại Tây Dương.
2. Saint Cyr: Trường đào tạo sĩ quan của Quân đội Pháp.
3. Gabin: một diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Pháp - N.D
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 06:14:20 pm »


Con tầu của chúng tôi đúng thực là một cái chao. Trung úy Ciais, bác sĩ quân y của tiểu đoàn bị trúng đạn ở bên cạnh tôi, tự anh theo dõi cái chết của bản thân mình. Vừa tự bắt mạch cho mình, anh vừa bảo: “Còn một tiếng đồng hồ nữa, còn nửa giờ. Trong vòng mười phút, sẽ chấm dứt”. Trẻ tuổi và đẹp trai; giản dị, được mọi người yêu quý. Tại sao lại là anh ấy? Cậu trợ lí trung thành của tôi, thân hình lực sĩ, bị tiện đứt làm đôi bởi một quả đạn pháo, những cơ bắp sung sức của cậu ấy còn run rẩy trong mấy giây nữa. Và rất nhiều thương vong khác.

Người ta phản kích. Người ta không biết ẩn nấp vào đâu được. Một sĩ quan tham mưu ra hiệu cho tôi, chỗ tốt nhất là các gian vệ sinh. Không có chuyện đó, tôi không có ý định kết thúc cuộc đời trong các gian nhà xí. Leclerc ở phía sau chúng tôi, hạ lệnh cho các khẩu đại bác trên tầu Triomphant phát hoả. Kết quả hết ý, những thùng súng đạn nổ tung, từng loạt xác quân Tầu văng lên không trung. Chúng tôi nhận được lệnh quay lại, một hành động khó khăn dưới làn mưa đạn. Tay thuyền trưởng trẻ tuổi, bình tĩnh điều khiển con tầu dưới làn đạn. Hải Phòng rời xa dần.

Trên con tầu Béarn neo đậu ở vịnh Hạ Long, khoảng một trăm thương binh được thu gom lại từ tất cả các con tầu, nét mặt bình lặng sau đợt thuốc gây mê, chờ đợi ngày mai để rên la và đau đớn. Chúng tôi chôn cất các tử sĩ trong khu nghĩa trang trong vịnh, cách xa nước Pháp nơi họ sinh ra mười hai nghìn kilômét. Quân Tầu xin lỗi, đây là một chuyện hiểu lầm.

Hai ngày sau, chúng tôi đổ bộ, quả là một không khí cuồng nhiệt. Những người Pháp hoan hô chào đón chúng tôi, những giây phút khó quên. Mọi người ưỡn ngực, có cảm tưởng như được thống trị thế giới. Các đại đội được phân bố trong nội ô thành phố. Đại đội của tôi ở trong một nhà máy bỏ hoang. Việc trú quân diễn ra nhanh chóng, một số tấm ván gỗ được dùng làm giường nằm, số hành trang của chúng tôi đảm bảo phần còn lại.

Cuộc sống được tổ chức cái thành phố này, ở đó ngự trị nhu cầu được sống, được kêu thét, được trốn chạy đối với những người đã phải chịu đau khổ, kể cả đối với chúng tôi, được đoạn tuyệt với mọi căng thẳng kể từ sáu tháng nay. Đó là bản Hiệp định Sơ bộ, là việc ngừng bắn. Hồ Chí Minh thương lượng ở Paris, chiến tranh có vẻ như kết thúc.

Chúng tôi chung sống trong thành phố với những người lính Việt nhỏ nhắn ấy. Các đội tuần tiễu trong thành phố là liên hợp: sáu lính thuỷ đánh bộ, sáu lính Việt cùng trên một chiếc xe tải... có nghĩa là bè bạn, nhưng nhìn nhau như những con hổ đói. Quân Tầu cũng có mặt, chiếm giữ những chiếc lô cốt được xây dựng trên các hè phố. Thật hổ lốn! Tất nhiên, một vài sự cố được dàn xếp bởi cấp trên, đòi hỏi chúng tôi phải biết ngoại giao và phải làm điều bất khả thi để tránh không làm nổ tung thùng thuốc súng là bầu không khí trong thành phố.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động huấn luyện ở mức nào đó. Rất nhiều hoạt động thể thao, hành quân, bắn súng, diễu hành trong tiếng hát. Nhưng sĩ quan chỉ huy và binh sĩ nghĩ nhiều đến giải trí vui chơi hơn là tập luyện. Các sĩ quan gặp nhau buổi tối ở nhà Thương Mại, trên phố Paul Bert một khách sạn - vũ trường lớn với đám vũ nữ Việt Nam và Trung Hoa, những tấm váy dài xẻ hai bên sườn của họ, họ rất xinh đẹp và rất hấp dẫn. Những cô gái Pháp trẻ vốn được tôn thờ ở hải ngoại, nước da rám nắng, cơ bắp nở nang, khỏe khoắn. Những cô con lai, sản phẩm Pháp - Việt đường nét xinh xắn, dịu dàng, âu yếm, rất xinh đẹp. Một và cô gái của A.F.A.T1 dễ có thiện cảm, hoàn chỉnh cái đám tạp nham giống cái này.

Các sĩ quan có tới tám mươi phần trăm, tùy theo sở thích và cả sự may mắn của họ, đã tìm được chỗ đứng. Khá nhiều các trung úy sau này sẽ hứa hôn, sẽ thành hôn với các cô gái trẻ này. Những người cưới vợ, không phải là những người cuối cùng, mà hoàn toàn ngược lại, đóng vai trò những người ngã xuống.

Theo phép lịch sự, để không trở thành trò cười của mọi người, phải tránh cảnh đi ra ngoài không có đôi, cũng như những người khác, cuối cùng tôi cũng bị đổ. Theo sở thích của tôi đó sẽ là cô bé đẹp nhất: Odette, mười chín tuổi, tuyệt xinh, quần mầu trắng. áo mầu xanh lơ, mái tóc dài hoe vàng rủ xuống tấm áo màu xanh lơ ấy. Tôi còn gặp lại cô mười hai năm sau trong trận chiến ở Alger2 ở đó, cô ấy giới thiệu với tôi chồng cô ấy và chúng tôi cùng nhau nhắc lại với một nỗi nuối tiếc về quãng ngày vui vẻ ở Bắc Kỳ.

Thực tế, tôi đã vi phạm đạo đức, đang đi tìm lại sự cân bằng của mình... Có người đàn ông nào trong suốt cuộc đời của mình mà lại không phạm phải một vài sai lầm? Có lẽ là sự mệt mỏi sau cuộc sống kéo dài kể từ năm 1936.... đã mười năm rồi còn gì? Một nhu cầu nào đó được âu yếm chăng? Và rồi, thử hỏi chúng ta làm gì vậy? Chúng ta phục vụ cho cái gì?

Một bức điện báo cho tôi biết cháu Marie France ra đời. Đó chính là chiếc ngòi nổ đã đặt tôi trở lại trục đứng của mình, hầu như vững vàng cho tới tận thời điểm này... Bằng bản năng, tôi biết rằng để tồn tại lâu dài, chế ngự được bản thân, tin tưởng vào vận may của mình, thì không được dối trá.
___________________________________
1. A.E.A.T: Viết tắt tên của tổ chức “Hội phụ nữ ủng hộ Lục quân”.
2. Alger: Thủ đô của nước Algérie, một thuộc địa cũ của Pháp - N.D

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 06:18:00 pm »


II
VÙNG THƯỢNG DU VÀ XỨ THÁI


Vào thời kỳ này, trung tá Quilichini, một trong những người tin cậy của tướng Leclerc, chỉ huy các đơn vị quân Pháp rút lui sang Trung Quốc sau cuộc tấn công của quân Nhật1 và vừa mới chiếm lại được một phần của xứ Thái ở phía tây tỉnh Sơn La. Quilichini, ba mươi tư tuổi, đã giữ cấp trung tá, yêu cầu bộ chỉ huy đạo quân viễn chinh cung cấp cho mình những đại úy tình nguyện, trẻ tuổi, năng động, “với một dòng máu mới”, để chỉ huy một vài đơn vị dưới quyền của ông.

Sau một cuộc trình bày với chỉ huy Rocaboy của tôi, lá đơn đề nghị của tôi được chuyển lên cấp trên với lời phê duyệt thuận lợi. Tôi thấy nhọc lòng khi phải chia tay với đại đội của tôi, nơi tôi đã sống trong một năm qua. Nhưng may là tôi để họ ở lại trong khung cảnh hòa bình ở Hải Phòng để một mình bước vào cuộc phiêu lưu trên cái vùng thượng du xa xôi ấy, ở đó các trận đánh nối tiếp nhau một cách thầm lặng, bất chấp có bản Hiệp định Sơ bộ.

Những người Thái cư trú ở vùng đất này, các thủ lĩnh của họ có trong tay mấy đại đội dân binh vũ trang, cán bộ chỉ huy một phần do chúng tôi cung cấp. Họ không ưa những người nhỏ bé ở vùng đồng bằng và chỉ có một mong muốn đuổi được đám người đó ra khỏi xứ sở đã nằm dưới quyền kiểm soát của họ khoảng một nửa. Trước khi đi tới xứ Thái, được các cựu binh đánh giá là vùng chó đẻ thượng dư, tôi nghĩ là cần thiết, trong vài dòng ngắn ngủi, đánh giá lại với các bạn vùng đất đó trong khuôn khổ toàn cảnh Bắc Kỳ.

Xứ Bắc Kỳ, nơi sẽ diễn ra những trận đánh ác liệt nhất của đạo quân viễn chinh, do sự có mặt của đội quân chính quy của quân Việt dựa vào Trung Quốc, có diện tích 115.000 kilômét vuông, bằng một phần năm của nước Pháp, dân số có mười triệu, tám phần mười số dân đó được đại diện bởi những người Bắc Kỳ nhỏ nhắn vùng đồng bằng, nguồn nhân lực chủ yếu của quân đội của tướng Giáp, và hai phần mười là những người vùng núi thuộc các tộc người khác nhau (Thái, Mán, Mường, Mèo... ). Xứ Bắc Kỳ bao gồm ba vùng chủ yếu: vùng đồng bằng, vùng trung du và vùng thượng du.

Vùng đồng bằng Bắc Kỳ, khoảng chừng hai mươi nghìn kilômét vuông, mà trung tâm rõ ràng là Hà Nội, nhìn từ trên máy bay và tùy theo mùa vụ, trông như một cánh đồng ngập nước, rải rác những xóm làng nhỏ bé hoặc một đồng cỏ mênh mông xanh mướt khi cây lúa đã mọc, để trở thành, vào vụ thu hoạch, cánh đồng xứ Beauce2 với những cây lúa mì đã chín vàng.

Những trận đánh trong vùng đồng bằng ác liệt và tệ hại. Lực lượng của chúng tôi chủ yếu đọ sức với những người Việt địa phương, họ nắm vững địa hình một cách đáng khâm phục, trên địa hình đó họ giăng bẫy và rải mìn một cách khôn khéo. Việc tiến lên trong đồng ruộng thật là nhọc nhằn, hành động rất khó khăn, với những cuộc chạm trán chết người. Nhưng bù lại được phục vụ tốt bởi một hệ thống đường sá quan trọng, bởi những đồn bốt bè bạn gần như có ở mọi nơi và người ta có thể tận dụng sự yểm trợ của pháo binh bất cứ lúc nào. Không quân với những sân bay ở gần bên cạnh có thể can thiệp nhanh chóng. Chắc chắn, người ta có thể chết ở đồng bằng nhưng ít cô đơn hơn ở vùng thượng du.

Tôi bỏ qua vùng trung du, cả loạt những quả đồi viền quanh vùng đồng bằng cũng như vùng thượng du ở phía đông con sông Hồng, với những cái tên làng sẽ nổi danh lâu dài trên báo chí, trước khi chìm vào quên lãng tiếp sau cuộc rút lui bi thảm của các đơn vị chúng tôi đồn trú trên con đường thuộc địa số 4: Cao Bằng, Thất Khê, Lạng Sơn...

Trong quá trình ba nhiệm kỳ sống dài ngày ở Đông Dương những nhọc nhằn gian khổ liên tục hầu như không dứt, số phận đã né tránh cho tôi vùng đất đó để đưa tôi tới những vùng đất khác, cũng không kém phần đẫm máu. Tôi sẽ chiến đấu một thời gian ngắn ở vùng đồng bằng. Nhưng nhất là thời kỳ ở xứ Thái nằm ở phía tây con sông Hồng và đặc biệt là ở dọc con đường thuộc địa số 413, nối liền vùng đồng bằng với Điện Biên Phủ và Lai Châu, đi qua Mộc Châu, Bản Thìn, Yên Châu, Chiềng Đông đèo Cò Nòi, Nà Sản, Sơn La, Thuận Châu, Tuần Giáo.

Bay trên xứ Thái, cái vùng đất rộng lớn này hiện ra mênh mông nhấp nhô hỗn độn những dãy núi, vách núi dựng đứng, được che phủ gần như hoàn toàn bởi một dải rừng cây rậm rạp, không tài nào vượt qua được, ngoại trừ đối với các đơn vị lính dù được huấn luyện đặc biệt, trang bị gọn nhẹ, biết tự bằng lòng với khối hành trang hạn chế đến mức tối thiểu. Đó là một vùng đất mà thiên nhiên (địa hình, cây cối, khí hậu, tài nguyên, dân cư) tác động một cách quyết liệt đến tính chất của các hoạt động tác chiến và hạn chế hình thái của các hoạt động đó. Ấy vậy mà chúng tôi sẽ vượt qua tiến đánh bất ngờ quân Việt bằng cách sử dụng những hành trình bất khả thi.
___________________________________________
1. Ý nói sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương ngày 9-3-1945.
2. Beauce: Một địa danh ở nước Pháp nằm trong địa phận ngoại ô của Paris nổi tiếng về cánh đồng phẳng rộng lớn trồng lúa mì và củ cải.
3. Tức là Đường số 6, theo cách gọi của Việt Nam - N.D

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 06:18:38 pm »


Ngồi trên chiếc máy bay Dakota chất đầy thực phẩm đưa tôi tới Điện Biên Phủ, khoảng cách ba trăm kilômét giúp tôi đủ thời gian để điểm lại tình hình: trang đời Hải Phòng đã được lật giở và chuyện phải là như thế, cái cuộc sống trong nhung lụa không thích hợp với tôi và trong cái tiểu đoàn với khuôn khổ hạn hẹp này, tôi đã không phải là chính tôi. Nhưng khi tới nơi này, tôi sẽ thấy được điều gì đây? Cái xứ sở Đông Dương rồi sẽ ra sao nhỉ? Liệu chúng ta có đi tới thoả ước không? Nhẩy dù xuống nước Pháp để giải phóng các đồng bào của tôi quả là việc dễ dàng hơn đấy... Rút cục, mektoub? Rồi chúng ta sẽ thấy rõ.

Tôi tới nơi đây rồi. Sao mà yên tĩnh đến thế! Một dải thung lũng nhỏ hẹp tuyệt mỹ ở nơi tận cùng thế giới, ở đó sẽ tha hồ mơ mộng: một ngôi làng xinh đẹp với những nóc nhà sàn san sát bên cạnh dòng sông Nậm U nước trong veo, đám cư dân niềm nở tươi cười, những phụ nữ cao to, nước da trắng ngần, thật là khỏe mạnh... Vùng đất lòng chảo này vài năm sau tôi sẽ còn quay lại đó lần thứ hai để đánh chiếm lại ngôi làng từ tay quân Việt và lần thứ ba sẽ giải cứu các đồng ngũ bị bao vây.

Một thượng sĩ tốt bụng và hai con ngựa bản địa nhỏ bé chờ đón tôi. Chúng tôi phải đi tới Thuận Châu, cách đây một trăm hai mươi kilômét, ở đó có sở chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Mennebode, chỉ huy mấy đại đội đang chạm trán với quân Việt. Ba chặng đường mỗi chặng bốn mươi kilômét, lúc đi bộ, lúc cưỡi ngựa. Tôi đưa mắt ngắm nhìn cái xứ sở sao mà khác xa với vùng đồng bằng, vừa tiến bước theo dải lụa của con đường thuộc địa số 41, rộng bốn mét, là một con đường cấp phối, thường xuyên bị kẹp chặt giữa một thảm thực vật dầy đặc, đôi khi là những khu rừng rộng hoặc bị án ngữ bởi những ngọn núi cao tưởng chừng như đè bẹp lấy con đường. Từng quãng, từng quãng, một mảng rừng thưa, một ruộng lúa, một ngôi làng nhỏ, vài con trâu, những con lợn lông đen, bầy gia cầm, một đám cư dân yên tĩnh. Chắc chắn đây là dấu hiệu tiềm ẩn của hạnh phúc.

Những nơi tạm nghỉ chân được đặc biệt mơ ước và đánh giá cao sau một chặng đường bốn mươi kilômét giữa cái xứ sở yên ả này, với những dải rừng rậm, những ngọn núi cao tới một nghìn hai trăm, một nghìn rưởi, một nghìn tám trăm mét. Cơn mệt mỏi lành mạnh của chúng tôi biến mất sau một lần tắm suối, một bữa ăn của người Thái, với những đôi đũa mà tôi sử dụng một cách khéo léo, có cơm, thịt lợn hoặc thịt gà vịt được thái miếng nhỏ, những ngọn măng tre, chút ít ớt quả và rượu cất bằng gạo. Các cư dân tỏ ra mến khách, những ngôi nhà sàn bằng tre của họ rất sạch sẽ. Bản Phóng, Tuần Giáo, Mường He và đây, Thuận Châu. Chuyến du hành tuyệt vời mà bẩy năm sau, quân Việt sẽ cho chúng tôi thực hiện trong những điều kiện khác hẳn.

Trung tá Quilichini có mặt ở Thuận Châu chờ gặp tôi. Thân hình vạm vỡ, dáng vẻ quyết đoán, thẳng thắn, “được Leclerc chú ý”, ông nói rõ nhiệm vụ và lực lượng của tôi: tôi phải tổ chức các đội xung kích bao gồm các binh sĩ tình nguyện và hoạt động xung quanh các đồn bốt của chúng tôi, nhằm vào hậu phương của quân Việt. Việc đó rõ ràng, năng động và thú vị. Thiếu tá Mennebode rầu rĩ, lầm lì, không có vẻ phấn khởi với việc xuất hiện của cái tay đại úy trẻ tuổi, tiếp nhận nhiệm vụ trực tiếp từ trung tá. Chẳng sao.

Đám tình nguyện viên, khoảng chừng một trăm người, đến với tôi từ khắp các đơn vị trong tiểu đoàn. Hạ sĩ quan, hạ sĩ, binh sĩ tái ngũ, tất cả đều in đậm dấu vết sự mệt mỏi, bệnh kiết lị, bệnh sốt rét. Sặc sụa hơi men, trang bị xộc xệch, tự tay họ vá víu lấy các trang bị bằng da, chân đi không giầy. Ngược lại, vũ khí họ được bảo quản một cách đáng khen: cơ bẩm súng đầy đủ dầu mỡ, được bọc kín bằng một mảnh giẻ lau. Một bầy đàn thật là nhốn nháo... Quilichini đã có lý khi yêu cầu có thêm một ít lực lượng trẻ, để lập lại một trật tự nào đó.

Tôi sẽ phải hành động với một khí cụ như vậy, những người tình nguyện, như vậy là họ muốn chiến đấu, xoá đi cuộc rút lui bắt buộc của họ trước quân Nhật. Tôi hình dung ra những gì mà các cựu binh này đã phải gánh chịu không có tin tức của gia đình họ, không biết bao giờ và bằng cách nào để một ngày kia có thể quay trở về quê hương. Về mặt tình cảm, tôi đã đứng về phía họ. Dưới một hình thái đặc biệt, tôi cảm thấy mình không biết mệt mỏi. Không có vấn đề gì, tôi cũng sẽ đi chân đất, sẽ sống ở xứ sở này, sẽ huấn luyện họ, dắt dẫn họ đi tới những đòn đánh đáng giá. Hải Phòng, đại đội của tôi, cô gái Odette mờ đi trong màn mưa phùn vùng đồng bằng Bắc Kỳ.

Tôi tổ chức bốn đội xung kích, mỗi đội hai mươi nhăm người, tôi luân phiên sử dụng bốn đội đó, tùy theo hoàn cảnh, hai hay ba đội xung kích sẽ được tập hợp lại để tham gia một hoạt động. Trong vòng bốn tháng trời, với nhịp điệu hai hay ba ngày trong một tuần lễ, chúng tôi hoạt động trong vùng đệm không người hoặc trong vùng hậu phương quân Việt. Phục kích, tập kích nối tiếp nhau, xuất phát từ căn cứ của chúng tôi ở Thuận Châu, quả đấm lên phía bắc, mũi vu hồi xuống phía nam, tấn công vào sở chỉ huy ở phía đông. Mỗi tuần, chúng tôi hành quân khoảng một trăm hai mươi kilômét.

Cái bộ dạng của tôi thật là kì lạ! Ba mươi tuổi, không biết mệt mỏi, một con thú hoang dã đích thực, các ngón chân của tôi bám vào những con đường mòn trơn trượt, theo kiểu của người Thái, ngón chân cái như một cái móc sắt. Nửa trên thân người để trần, một chiếc quần sóc, khẩu các bin khoác vai, lựu đạn đeo ngang lưng, một tấm khăn mỏng buộc chéo trên đầu. Cái bộ dạng này của tôi thích hợp với việc phục vụ ở chỗ tướng Giáp hay là để quay một bộ phim miền Viễn Tây hơn là đứng trong hàng ngũ đội quân chính quy của chúng ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 06:19:12 pm »


Tôi có thể kể ra hàng chục hoạt động có kết quả với tổn thất tối thiểu. Chúng tôi có đầy đủ thông tin nhờ vào các nhân viên chỉ điểm, vốn nắm vững khu rừng rậm của họ một cách đáng khen. Đôi khi phải phát cây rừng để mở đường, họ luôn luôn biết dắt dẫn chúng tôi đến nơi phải đến, nhờ vào cái bản năng định hướng vốn có của họ ngay từ lúc mới sinh ra.... để đổi lấy một ít muối, vài đồng bạc nhưng đặc biệt là vì sung sướng được ở trong số những người sẽ xua đuổi những người Kinh nhỏ bé ra khỏi quê hương của họ. Trong vùng đất này, chúng tôi không phải là những người đi chinh phục mà rõ ràng là những chiến binh giải phóng, những đồng minh của khối cư dân kiêu hãnh và dễ mến này.

Tôi nhớ lại rất rõ, mặc dầu đã một phần tư thế kỷ, về một trận phục kích. Chuyện này, về sau, tôi thường kể lại cho các bạn trẻ của tôi để giúp họ hiểu được rằng chỉ cần một điều sơ ý có thể làm hỏng cả một công việc mặc dù là công việc đó đã được chuẩn bị một cách tỉ mỉ.

Hai chỉ điểm viên của chúng tôi báo cho biết, hàng tuần nhiều lần có chừng ba mươi quân Việt đi qua, thực hiện đường liên lạc giữa căn cứ của họ ở Sơn La và con sông Mã, cách đây bốn mươi kilômét về phía nam.

Sau một cuộc nghiên cứu tỉ mỉ, nhiều cuộc bàn cãi dài dòng, chúng tôi đã có thể xác định được toạ độ trên bản đồ, thời gian cần thiết để tới địa điểm đó và các chi tiết khác. Ba mươi sáu tiếng đồng hồ được dự kiến để có mặt tại chỗ. Hai đội xung kích đi hàng một theo sau tôi, trên con đường mòn này thì đó là một đội hình dài, được che chở bởi tán lá rừng, ban ngày giúp cho chúng tôi tránh được ánh nắng và trong đêm tối, tựa như chụp xuống bóp nghẹt chúng tôi. Trèo lên, bước xuống, thở dốc, nhắm mắt ngủ trong vài tiếng đồng hồ; trao đổi với các chỉ điểm viên thông qua một người phiên dịch: “Các anh có đi đúng đường không đấy? Còn bao lâu nữa vậy?”. Uống nước suối, đổ đầy các bi-đông, ăn nắm cơm đã chuẩn bị sẵn với mấy miếng thịt trâu hun khói, mục tiêu là đến địa điểm dự kiến đúng kế hoạch.

Một vài người đã mệt mỏi. Một hạ sĩ quan bị sốt rét, thân nhiệt lên tới 40 độ. Một cựu binh tái ngũ, ba mươi tuổi bị kiết lị nặng. Tôi phải để họ ở lại tại chỗ cùng với một chỉ điểm viên và hai lính canh gác, chọn những người mệt mỏi nhất. Không có chuyện đưa họ về phía sau, bởi lẽ chúng tôi đã hành quân được hai mươi tiếng đồng hồ... Họ đã từng gặp những tình huống tương tự trong chuyến rút lui sang Trung Quốc. Họ phải chặt cây làm những chiếc cáng, mà chúng tôi sẽ sử dụng trên đường quay về. Thiếu đi bốn người không phải là chuyện nghiêm trọng. Chúng tôi khá đông để chọi nhau với ba mươi lính Việt nếu như đúng là có chuyện họ hành quân qua đây.

Ba giờ sáng. Đêm tối như mực. Cuối cùng đã tới được con đường mòn. Phải đợi cho trời sáng để có thể bố trí một đội hình vào trận nghiêm chỉnh. An toàn ở phía bắc và ở phía nam. Chúng tôi cố gắng ngủ một chút. Trời đã sáng. Chúng tôi bố trí lùi xuống một trăm mét về phía nam, ở đó bên rìa đường mòn có một số tảng đá, cho phép ngụy trang và giữ được an toàn thật sự. Ngoài ra, tầm nhìn cho phép trông thấy quân đối phương tới từ cách xa ba trăm mét. Các dấu vết của chúng tôi được xóa bỏ kỹ lưỡng.

6 giờ 30, 7 giờ. Liệu họ có tới không? Đến từ phía bắc hay phía nam? Bốn mươi nhăm con người của chúng tôi được rải ra trên đoạn dài một trăm mét ở phía tây đường mòn. Nếu như quân Việt có vài trinh sát, chúng tôi sẽ để cho đi qua và sẽ nổ súng vào đại bộ phận, một khi tất cả chui vào rọ. 8 giờ 30. Vẫn không động tĩnh, miễn sao mọi việc xảy ra hôm nay, nếu không phải đợi đến ngày mai. Tôi nghĩ tới các bệnh binh của tôi được để lại ở dọc đường, hi vọng là bệnh tình của họ không nghiêm trọng thêm.

9 giờ 30. Kia rồi... Bốn trinh sát, thoải mái tiến về phía chúng tôi. Phía sau họ cách năm mươi mét, hai mươi nhăm đến ba mươi lính Việt, đi theo hàng một. Hai trăm mét, một trăm mét, năm mươi mét, bốn trinh sát diễu qua cách có vài bước chân. Chúng tôi nín thở. Họ đã đi qua, không nhìn thấy mảy may. Số khác tiến đến. Các cựu binh của tôi bình thản, không hề động đậy, tất cả đã nằm trong rọ.

Nổ súng, những trái lựu đạn nổ tung trên đường mòn, các loại vũ khí cá nhân nổ ròn như pháo.Tiếc thay, những khẩu trung liên F.M, bố trí rất tốt, bắn được xuyên táo dọc con đường mòn, không thấy lên tiếng... Trước mặt là quang cảnh tan tác của đàn chim sẻ cất cánh, số sống sót biến mất vào trong rừng rậm, không nổ lấy một phát súng nào. Mười lăm lính Việt tử vong, hai bị thương nhẹ, bị bắt làm tù binh.

Trận phục kích thành công năm mươi phần trăm. Một khẩu F.M bị hỏng, xạ thủ để súng ở nấc khóa an toàn, lúc nhận ra chuyện đó thì đã quá muộn. Thật đáng tiếc và càng hay cho số còn sống sót, chắc sẽ nhớ đời về buổi sớm hôm đó, khi mà chúng thoải mái bước đi trên đoạn đường mòn ấy, vốn chưa hề xảy ra chuyện gì bao giờ.

Chúng tôi rút đi nhanh chóng sau khi đã ngụy trang che dấu trục đường rút lui. Tới nửa đêm, chúng tôi gặp lại số bệnh binh vẫn ở trong tình trạng như cũ. Vài giờ nghỉ ngơi và theo hướng Thuận Châu, nơi chúng tôi tới hai mươi tiếng đồng hồ sau, người mệt lử cùng với hai cáng thương.

Tôi chủ định nhắc lại trận phục kích này, một trong số biết bao trận phục kích khác, trò chơi dễ dãi, ít nguy hiểm, nắm đầy đủ thông tin và được chỉ đường tốt, chúng tôi như con cá trong ao, nhưng những hành động ấy lặp lại thì thật là nhọc nhằn. Chúng tôi về tới Thuận Châu, kiệt sức, trên người đầy các nốt muỗi đốt, cáng theo hai, ba chàng trai ốm nặng. Chúng tôi bị vô số những con vắt hút máu, lũ vắt này chờ đợi mình ở những nơi ẩm ướt lúc đầu chỉ to bằng đầu chiếc đinh ghim, luồn lách vào mọi chỗ: trên đôi cẳng chân, trên khắp người, giữa những chỗ tiếp giáp của cơ thể và khi phình lên đầy máu, chúng to bằng một nửa ngón tay. Mạnh tay rứt chúng ra thì da bạn bị xước và để lại những vết xước rớm máu. Chúng tôi dí điếu thuốc lá để đốt cháy chúng.

Bốn tháng đã trôi qua. Những người lính già của tôi, những người vốn không bao giờ nhăn mặt, cuối cùng sắp được hồi hương, gặp lại gia đình của họ, tổ quốc của họ. Cùng với họ, tôi đã học được cách sống, với nhu cầu hạn chế đến mức tối thiểu trong cái khu rừng rậm tệ hại, ở đó người ta tự cảm thấy sao mà thanh thản, cách xa những dục vọng thấp hèn của con người. Buổi chia tay thật xúc động. Tôi rất gắn bó với số anh em tình nguyện ấy, mong muốn kết thúc tốt đẹp công việc và mãi mãi là người chịu ơn họ. Những kilômét đi qua ấy, những gian khổ  thiếu thốn phải chịu đựng, trận chiến với quân Việt ấy, sẽ giúp ích cho tôi trong những năm tháng sau này và tôi tích luỹ được từ đây một vốn kiến thức trên khá nhiều lĩnh vực, ít nhất sẽ biết được điều gì tôi có thể đòi hỏi ở những con người có quyết tâm, có ý chí... Nhưng mà rồi đây tôi sẽ ra sao nhỉ?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 06:21:04 pm »


III
“BINH ĐOÀN BIGEARD”: TIỂU ĐOÀN THÁI VÀ ĐÁM DÂN BINH


Tôi tiếp tục được phân công ở vùng thượng du và tiếp nhận quyền chỉ huy đại đội thứ ba của tiểu đoàn tự trị người Thái, được tăng cường một số dân binh, tổng cộng khoảng bốn trăm người.

Không còn bản Hiệp định Sơ bộ, đó là trận oanh tạc Hải Phòng và chiến tranh lại bùng nổ dữ dội trên khắp xứ Đông Dương... trong bẩy năm nữa! Từ tháng mười 1946 đến tháng chín 1947, tôi tiếp tục hoạt động trên xứ sở này và đã thành công trong việc giành giật lại từ tay quân Việt gần hết toàn bộ vùng Thái đen, sau cuộc tấn công trên quãng đường một trăm tám mươi kilômét.

Đơn vị được tăng cường của tôi thực tế sẽ mang tên gọi là “Binh đoàn Bigeard”. Đơn vị được chỉ huy bởi các sĩ quan trẻ và một số hạ sĩ quan vừa mới đổ bộ sang Đông Dương để làm nghĩa vị quân sự với một nhiệm kỳ hai năm, tổng cộng khoảng hai chục hạ sĩ quan, và chừng ba chục người của quân đội Pháp. Số còn lại bao gồm toàn là người Thái, khỏe mạnh, biết sống một cách dè sẻn, tiết kiệm, đi chân đất, những chiến binh tốt khi mà mọi việc trôi chẩy... Rất lâu sau này, ở Điện Biên Phủ, bị bất ngờ trước một trận đánh tầm cỡ như vậy, họ sẽ bị đánh bại và không đứng vững nổi.

Kíp làm việc mà tôi sắp cùng chia sẻ thắng lợi và đau khổ trong vòng một năm, hoàn toàn không có nét gì của những người lính đánh thuê hoặc những anh chàng ưa phiêu lưu, mạo hiểm.

Trung úy Logier, tốt nghiệp trường Saint Cyr đẹp trai, điềm tĩnh, nhà trí thức của cả nhóm, viết lách tốt, sẽ là cấp phó của tôi. Hơi bị bất ngờ trước nhịp sống lúc ban đầu, sẽ nhanh chóng thích ứng. Thiếu uý Guilleminot, thân hình vững chắc như một tảng đá, hăng hái, to mồm, được binh sĩ khâm phục, một con dê hơi non, tự tin với ngôi sao của mình, sẽ bị tử vong ở Algérie mười năm sau này, cậu ấy là một chiến binh dũng cảm với nhiều huân, huy chương. Thiếu uý François, một sĩ quan đẹp trai, có cái nhìn đượm buồn sẽ là người tử vong đầu tiên trong vài tuần lễ sắp tới.

Chuẩn uý Bréau, ngạch dự bị, rất tế nhị, một tay ăn chơi, thường hay nhắc đến bà mẹ của mình, người mà cậu ấy tôn thờ, sẽ tử vong trong một trận bị phục kích. Chuẩn uý Duteuil, một con người toàn diện, một lính bộ binh ưu tú, hành động rất khôn khéo. Sẽ chỉ huy trung đội chịu trách nhiệm phát hiện địch thủ với tổn thất tối thiểu. Và thượng sĩ Bruillot của tôi, cao lớn, khẳng khiu, ông Bournazel1 trong đoàn quân. Chỉ có cái chết mới giữ được chân cậu ấy lại, người sẽ chỉ huy trung đội mũi nhọn đặc biệt trong tấn công. Được dẫn dắt bởi một ông hoàng như vậy, các binh sĩ của cậu ấy nhanh chóng có trình độ cao hơn các phân đội khác về nhiều mặt.

Nhưng mà chúng ta nên nhìn lại đôi chút cuộc tấn công của chúng tôi trên những nét chủ yếu:

- 31 tháng mười hai năm 1946, chúng tôi được lệnh tái chiếm Sơn La, lúc này do nhiều đại đội của Việt Minh trấn giữ. Một cánh quân bạn phải tấn công từ phía tây, phát triển trên con đường thuộc địa số 41, đến từ Thuận Châu. Tôi yêu cầu được tràn xuống từ phía bắc bằng cách sử dụng một đường mòn bất khả thi xuyên qua ngọn núi, con đường được mở ra cùng với các đội xung kích trước đây của tôi.

- Ngày một tháng giêng năm 1947, vào dịp năm mới, ở nước Pháp thì tốt lành yên vui trong lúc đó thì tôi đang lặng lẽ tiến lên từ mười hai tiếng đồng hồ nay, cùng với bốn trăm quân sĩ, đi theo hàng một, bị vắt cắn, muỗi đốt đầy người. Chúng tôi phải kéo theo các đài thông tin, súng cối, đạn pháo. Mọi người, để cho an toàn nên hành trang đã tính toán đơn giản đến mức tối đa, tuy nhiên lại chỉ mang theo ở mức tối thiểu đồ ăn để sống: gạo nếp cho ba ngày được đồ thành xôi lúc khởi hành, thịt trâu khô, một vài hộp cá trích và hành tỏi, bi-đông nước uống, một tấm áo len cụt tay để khỏi nhiễm lạnh trong những chặng dừng lại ban đêm. Cứ ba hoặc bốn tiếng đồng hồ, tôi lại đứng lại để quan sát đoàn quân đi qua và thấy được tình trạng mệt mỏi của cả đơn vị. Bốn trăm con người mồ hôi nhễ nhại, thở dốc, điểm này có vẻ rất xấu. Người ta có thể bám đuôi chúng tôi dựa vào mùi hơi người đọng lại lơ lửng trên cái con đường mòn kẹp giữa hai bên dốc đứng này.

- Ngày 2 tháng giêng, 5 giờ sáng. Sau ba mươi sáu tiếng đồng hồ hành tiến chúng tôi đã tới những mỏm núi đá vôi bao bọc Mường La, một ngôi làng ở cách phía bắc Sơn La ba kilômét. Chúng tôi đợi cho trời sáng và lấy lại một chút hơi thở. 7 giờ sáng: qua ống nhòm, quan sát thấy những lính Việt nhỏ bé đi lại trên đường làng. Họ chẳng mảy may ngờ vực điều gì. Tôi đã có thể chuyển một bức điện qua máy vô tuyến cho tiểu đoàn trưởng để báo tin. “Mọi việc trôi chẩy, sẽ tấn công Mường La lúc 8 giờ. Sau đó, phát triển đánh vào Sơn La. Đề nghị tiểu đoàn, nếu có thể, giữ chân quân Việt ở phía tây Sơn La bằng cánh quân bạn bắt đầu từ 9 giờ”.
_________________________________
1. Bournazel: Tên một sĩ quan kị binh Pháp, một trong số những anh hùng bình định xứ Marốc, chết 1993 - N.D
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 07:16:42 pm »


Nhanh chóng xác định kế hoạch với các trung đội trưởng của tôi: súng cối 81 ly theo lệnh của tôi, sẽ bắn một trăm trái phá từ trên vách núi cao. Sau màn hỏa lực đó, Bruillot, Guilleminot sẽ tấn công Mường La. Bréau, François là các phân đội dự bị về sau sẽ chuyển sang dẫn đầu và phát triển xuống Sơn La, tất nhiên là nếu như mọi việc diễn ra theo đúng dự kiến.

Từ trên các điểm cao, chúng tôi trèo xuống bằng những đoạn dốc gần như thẳng đứng; được cây lá che kín, chúng tôi tới cách ngôi làng hai trăm mét mà không bị phát hiện. Điều đó càng hay. Màn hỏa lực của một trăm quả đạn cối kết thúc. Bruillot Guilleminot, cùng với hai trăm quân sĩ, tiến lên xung phong trong tiếng la hét. Mọi việc diễn ra như dự kiến. Trước mặt tôi là cảnh hoảng loạn. Gần ba chục lính Việt chết và bị thương, mười lăm bị bắt làm tù binh, tài liệu, hai chục con ngựa, vũ khí đạn dược chiếm được. Chúng tôi có ba người bị thương.

Deteuil, Bréau, có vũ khí nặng tiến theo yểm trợ lúc này tiến xuống Sơn La và François bám theo sau. Bruillot ở lại Mường La, nắm tình hình ở đó, bảo vệ hậu phương của chúng tôi, tôi sẽ gọi cậu ấy tăng viện khi cần thiết. 9 giờ. Chúng tôi tới Sơn La từ phía bắc. Quân Việt, đại bộ phận ở phía tây và đối mặt với cánh quân bạn của chúng tôi, tiến thẳng đến từ con đường thuộc địa số 41. Bị đánh tập hậu, quân Việt hết sức hốt hoảng. Đó là một cuộc rút chạy hoảng loạn.

Đến 10 giờ, Sơn La nằm trong tay chúng tôi, mấy chục quân Việt tử vong, có nhiều tù binh. Một bản tuyên dương của tôi nêu rõ:

“Đại đội số 3 thuộc tiểu đoàn xứ Thái tự trị, đơn vị hăng hái nhất trong các đơn vị của tiểu khu Tây Bắc, dưới sự chỉ huy của đại úy Bigeard, đã đánh chiếm một mạch Mường La và Sơn La, ngày 2 tháng giêng”.

Mọi người không phải là thần thánh. Một số người có nhu cầu tình cảm, họ có thể mua được chuyện đó bằng vài trăm đồng bạc với những cô gái dân tộc trong làng. Ở cái xứ sở rất mến khách này, phải nói thật như vậy, có phong tục dâng hiến phái yếu để kiếm tiền. Người ta có thể cưới vợ bằng năm nghìn đồng bạc.

Có một buổi chiều cả một gia đình người Thái kéo tới sở chỉ huy của tôi: ông bố, bà mẹ, dẫn theo cô con gái của họ - kể ra cũng xinh xắn - và mấy đứa con trai, chắc hẳn là lũ em của cô gái. Ông bố mời tôi lấy con gái ông làm vợ. Tôi giải thích với họ rằng tôi rất xúc động trước ý định tế nhị của họ nhưng vì rằng đã có vợ, tôi không thể cưới vợ lần thứ hai và tôi tặng cho họ một món quà để thoát khỏi họ.

Ngượng ngùng, lúng túng, không biết trốn vào đâu được, tôi triệu tập kíp sĩ quan và hạ sĩ quan của tôi để giải thích với họ chuyện vừa xẩy ra. Tôi đã có lúc tỏ ra sợ sệt, mà họ nghĩ là “sếp” của họ cũng vậy, cũng cần một chút tình yêu… Tôi phải làm gương nếu không tôi thấy mình có nguy cơ trở thành một thủ lĩnh của bộ lạc và đây thì không phải lúc, bởi lẽ quân Việt không chịu ngồi im và họ mong đợi điểm sơ hở nhỏ nhặt nhất của chúng tôi.

Ngày 2 tháng tư, tay chân của chúng tôi báo tin có những hoạt động của quân Việt ở cách phía đông ba chục kilômét. Hai giải pháp: xuất quân trong đêm và nổ súng chiến đấu, hay là chờ đợi. Có thể đối phương sẽ tấn công chúng tôi chăng? Chúng tôi sẵn sàng tiếp đón. Trận địa phòng ngự của chúng tôi vững chắc. Các điểm tựa dựa lưng vào nhau, với đầy đủ vũ khí, đạn dược... Chắc chắn là tôi thích tấn công hơn là phòng ngự, nhưng lần này chúng tôi có thay đổi đổi chút.

Lệnh báo động được chấp hành triệt để. Chúng tôi ngủ ngay tại các vị trí chiến đấu, không còn chuyện “yêu đương” trong làng nữa. Ngày 4 tháng tư, lúc hai giờ sáng, các “chuông báo động” của tôi vừa rút lui, vừa nổ súng lẻ tẻ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là trận tấn công của quân Việt.

Nó diễn ra lúc bốn giờ sáng và kéo dài đến tận 12 giờ trưa. Tám giờ chiến đấu, tám giờ sử dụng các loại vũ khí tự động, các trái lựu đạn và những quả đạn cối nổ tung văng mảnh ra xung quanh. Đây là đơn vị duy nhất, đơn độc, ở cách xa mọi sự tăng viện, đã chiến đấu và chiến đấu tốt. Phải, hệ thống phòng ngự của chúng tôi tỏ ra là vững chắc. Quân Việt rút lui, mang theo các tử sĩ và thương binh của họ. Trận tấn công do một tiểu đoàn có sáu trăm người... Tổn thất của chúng tôi là nhẹ, tám bị thương và đau khổ thay, một người chết, đó là thiếu úy Françrois, người có đôi mắt u buồn.

Tôi chuẩn bị một giai đoạn tấn công mới. Ngày 20 tháng tư vào cuối buổi chiều chúng tôi luyến tiếc rời bỏ vĩnh viễn đồn bản Thìn mà chúng tôi đã chiếm lại được, ở đó được tắm rửa trong con sông nước trong vắt thật thú vị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 07:18:57 pm »


Cuộc sống dã chiến của một đại đội bộ binh lại bắt đầu. Ngả lưng nằm ngủ ở bất kỳ chỗ nào, nuốt cho được cái nắm xôi này, thường xuyên nắm chắc vũ khí. Chúng tôi hành quân suốt đêm để tới lúc tảng sáng tấn công bản Na Ngà, xa hơn mười lăm kilômét về phía đông. Ngày hôm sau, sẽ đến lượt Tú Nạng. Quân Việt bị xô đẩy, rút lui về phía bắc theo hướng Mường Lùm.

Mường Lùm không còn nằm ở ven con đường thuộc địa số 41 nữa. Đây là một ngôi làng nằm trong một cánh ruộng lớn ở dải rừng rậm, nằm ở khoảng giữa con đường và dòng sông Đà. Quân Việt nhận được tăng viện và bố trí phòng ngự với một tiểu đoàn, từ nơi này họ hi vọng hoạt động ra bốn phía xung quanh. Có lẽ họ không ngờ là chúng tôi sắp tìm tới họ ngay trong hang ổ. Trận tấn công diễn ra ngày 23 tháng tư. Thắng lợi mới. Tiểu đoàn quân Việt bị xô đẩy bất ngờ, bèn rút lui với nhiều tổn thất.

Hơn bao giờ hết, đơn độc giữa khu rừng rậm, chúng tôi chỉ có thể trông cậy vào chính bản thân mình. Việc di chuyển một bệnh binh, một thương binh về Sơn La lúc này là một cuộc viễn chinh thực sự và đòi hỏi bốn hoặc năm ngày... Uớc sao chúng tôi có được những chiếc trực thăng của người Mỹ!

Ngày 3 tháng năm, chúng tôi đóng những chiếc mảng bằng tre, luồng. Và ban đêm, vượt qua sông Đà, cách Vạn Yên mười lăm kilômét về phía tây cùng với một nửa quân số. Con sông Đà hùng vĩ, bao bọc bốn phía bởi rừng già, với chiều rộng hai trăm rưởi mét, với dòng nước chảy xiết, những đoạn thác nguy hiểm, ấy vậy mà, trên dòng sông này những tay chèo thuyền độc mộc người Thái đi lại cho tới tận Lai Châu, cách đây hai trăm kilômét.

Ngày 4 và 5 tháng năm, đám phiến quân liều mình đánh vào cái đầu cầu vững mạnh này, nhưng các quân sĩ của tôi, nằm trong các chiến hào, như cỗ máy được rà trơn, có các khẩu súng cối của tôi yểm trợ từ phía bờ sông bên kia, đã đối mặt với mức tổn thất tối thiểu.

Trong đêm ngày 5 rạng ngày 6, toàn bộ đội quân của tôi sẽ bố trí ở bên bờ bắc, không phải không khó khăn để vượt qua quãng sông như vậy với những chiếc mảng khó điều khiển, những chiếc mảng này thường đưa bạn đi sai lệch so với mục tiêu từ năm đến sáu trăm mét với những con người phải bám lấy bè mảng bằng đủ mọi kiểu... Rút cục, mọi việc cuối cùng cũng ổn thoả.

Sơn La. Tôi chỉ có mặt ở đó trong hai mươi tư tiếng đồng hồ. Tôi sẽ còn quay lại đó trong nhiệm kỳ thứ hai ở Đông Dương và nhiều lần khác trong nhiệm kỳ thứ ba. Sơn La sẽ trở thành tấm bản lề của đời tôi trong cái vùng thượng du “chó má” này. Lúc ấy tôi chưa biết là Gaby sẽ sống ở đó một thời gian, và rằng, khi là tù binh của quân Việt, tôi sẽ qua một đêm ở nơi ấy. Sơn La, thực tế là thủ đô của xứ Thái đen, đây là một đỉnh núi khá rộng, trên đỉnh núi ấy đã xây nên một khu trại, xưa kia giam giữ những người tù khổ sai của xứ Bắc Kỳ, ở đó còn có toà nhà của viên công sứ, một bệnh viện, dăm ba ngôi biệt thự nhỏ bé. Ngôi làng người Thái, gồm những mái nhà tranh nằm nép mình dưới chân ngọn núi.

Sơn La có tầm nhìn đáng sợ. Ở giữa cái xứ sở nhộn nhạo này, từ trên đỉnh núi, người ta có thể nhìn bao quát các dải thung lũng chạy về hướng tây nam, theo hướng về vùng đồng bằng và phía bắc về hướng con sông Đà. Một dòng sông nhỏ trong vắt chảy ở dưới chân núi. Nghỉ chân, lấy lại sức vài ngày trong một khung cảnh như vậy sẽ rất tốt... Nhưng không có chuyện đó, cần phải ra đi!

Từ ngày 3 đến ngày 20 tháng giêng, chúng tôi mở những trận đánh hầu như hàng ngày trong một vùng núi. Rất khó khăn nhưng đã đẩy lùi quân Việt ra xa năm mươi kilômét và chiếm được sân bay nhỏ Nà Sản, tên tuổi của sân bay này mấy năm sau, nổi bật lên trên một số các tờ nhật báo cùng với Mai Sơn, Hát Lót.

Tôi không nhận được các mệnh lệnh chỉ huy, mà hành động theo sáng kiến của mình, chỉ báo cáo về bước tiến lên của đơn vị. Đây là chiến tranh du kích theo nghĩa đích thực của cái từ ấy. Nắm vững thông tin nhờ vào các chỉ điểm viên, sau những cuộc di chuyển ban đêm đánh úp đối phương, để nguyên trang phục nằm ngủ tại các vị trí chiến đấu, ăn uống tại chỗ bằng các thực phẩm mua được: gạo và thịt trâu. Tinh thần chiến đấu cực kỳ tốt, chúng tôi là những người đứng trên quân Việt. Thương binh, bệnh binh được cáng về Sơn La.

Ngày 25 tháng giêng, bằng một hoạt động ngoan cường xuất phát từ vị trí ở đèo Cò Nòi đánh vào sau lưng quân Việt, chúng tôi buộc đối phương bỏ chạy trong cảnh hỗn loạn về phía đông, sau khi bám dai dẳng vào một ngôi làng nhỏ tên là bản Sớm, nơi mà trong kỳ tới Đông Dương lần thứ hai, tôi đã nhẩy dù xuống.

Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM