Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:45:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những gì tôi thấy ở Việt Nam  (Đọc 39342 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:14:48 pm »


CHƯƠNG VII
TRÍ THỨC SÀI GÒN VÀ NHỮNG NGƯỜI CÁCH MẠNG


“Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi1.” Đó là câu nói trong một lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng ngày 10 tháng Mười, người ta thấy câu nói ấy trích lại trong một bài viết của ông Ngô Công Đức, chủ nhiệm tờ Tia Sáng, tờ báo tư nhân duy nhất còn hoạt động sau ngày Sài Gòn giải phóng. Sau lời chào mừng đất nước trở lại thống nhất “nhờ những hy sinh vô bờ bến của nhân dân chúng ta”, người viết xã luận viết tiếp: “Mặc dù có những ảnh hưởng về địa lý, khí hậu, có những thói quen, phong tục, tập quán đôi khi khác nhau, chúng ta vẫn cơ bản giống nhau kể từ khi mới dựng nước. Khác với nhiều dân tộc khác trên thế giới, chúng ta may mắn có đặc điểm: càng nhiều thành phần dân tộc, chúng ta càng có thêm nhiều năng động sáng tạo. Vì vậy thống nhất đất nước không có nghĩa là tất cả mọi người đều phải xây dựng theo một khuôn mẫu giống hệt nhau, mà điều đó có nghĩa là hoàn thành việc tập họp tất cả lực lượng chúng ta lại thành một khối để cùng nhau xây dựng đất nước. Thống nhất đất nước, người viết nhấn mạnh, là một hành động có tính bổ sung, nó sẽ giúp chúng ta khắc phục được những nhược điểm mỗi miền và làm cho đất nước ngày càng mạnh hơn (...) Một khi đất nước thống nhất, chúng ta sẽ có một sức mạnh tập thể, sẽ có những nền tảng của chủ nghĩa xã hội, và đó là một quá trình không có gì phải bàn cãi để xây dựng đất nước giàu mạnh”, người viết kết luận. Đó là lời lẽ của một ông giám đốc hơi khác thường của một tờ báo ra bình thường trong Sài Gòn cách mạng. Không có gì báo hiệu trước là sẽ có một ngày ông Ngô Công Đức, khi ấy ba mươi chín tuổi, sẽ trở thành phó chủ tịch uỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng Sài Gòn.

Xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp tiền thân Pháp của xứ Nam Kỳ thuộc địa ngày trước, người bố là một điền chủ giàu có ở Vĩnh Bình đồng bằng Cửu Long, Ngô Công Đức có những mối quan hệ rộng rãi hết sức quý báu (một trong những người bà con của ông là giám mục Paul Nguyễn Văn Bình) để có thể thành đạt trong chế độ Sài Gòn cũ. Bố bị cách mạng trừng trị lúc Đức mười tám tuổi, Đức bắt đầu làm chính trị với ý thức chống cộng sản. Dưới thời Diệm, Đức đứng đầu tổ chức thanh niên dân tộc chống cộng ở tỉnh. Nhưng những gì chính quyền Diệm yêu cầu Đức làm đã nhanh chóng khiến Đức ghê tởm. Đức lao vào kinh doanh, vận chuyển hàng quá cảnh theo hợp đồng với Mỹ và làm cả nghề báo. Có vẻ như Đức là con người được dành cho một cuộc sống xa hoa hoang phí.

Nhưng bước ngoặt trong cuộc đời Đức đã đến với những cuộc bầu cử năm 1967: từ trước, Đức không phải là con người dửng dưng trước những hậu quả chiến tranh mà dân chúng phải chịu đựng. Nhưng ông ta cũng không giấu giếm rằng ra tranh cử lần đó đối với ông là một dịp để tránh khỏi bị động viên. Bây giờ ông thừa nhận: “Trước hết là tôi không muốn trở thành một người lính. Còn lúc đó thì tôi cũng chưa có những ý tưởng gì lớn, tuy rằng tôi và nhóm bạn của tôi cũng muốn làm một cái gì đó”.

Ba mươi mốt tuổi, Đức đắc cử dân biểu Vĩnh Bình, theo cánh của ông giáo già liêm khiết Trần Văn Hương, người sau này có mặt bên cạnh Thiệu và trở thành tổng thống được vài ngày trong tháng Tư năm 1975. Đức chọn phe đối lập với Thiệu và chẳng bao lâu đã trở thành người đứng đầu các nghị sĩ của phe chống đối. Và từ đấy, một lô những chuyện phiền phức bắt đầu đến với ông: nhà bố vợ bị tấn công, xe của ông bị đốt cháy, nhà ông ở Sài Gòn bị đánh mìn và đã nhiều lần ông bị đám tay chân của chính quyền gây khó dễ ở ngoài phố. Tờ Tia Sáng của ông cũng chịu đủ tình đủ tội: hai lần bị đánh mìn, còn lục soát tịch thu thì vô kể khiến nó cứ dần dần lụn bại. Bởi xu hướng của Đức ngày càng lộ rõ: phản đối chiến tranh của Mỹ và đòi Thiệu phải từ chức.

“Trong tờ Tia Sáng số đầu tiên, tôi không hề phê phán những người cách mạng, bởi ngay từ lúc đó tôi đã hiểu rằng có một ngày tôi sẽ ở bên họ.” Tuy đài phát thanh giải phóng của kháng chiến đã có một số lần trích đọc những bài xã luận của Đức, nhưng phải đến năm 1970 ở Paris, Đức mới được tiếp xúc với người của phái đoàn Chính phủ cách mạng miền Nam.

Bây giờ Đức giải thích sự phát triển ý thức của mình ra sao? “Nếu người ta là một trí thức miền Nam, ông nói, thì người ta sẽ không có một sự lựa chọn nào khác, bởi trước đây trong quá trình dấn thân tôi đã từng qua nhiều trải nghiệm. Ở miền Nam, nếu ai có đầu óc biết suy nghĩ thì người ấy không thể không thừa nhận rằng chính những người cách mạng mới là những người thực sự yêu nước. Cho nên muốn phục vụ đắc lực cho tổ quốc thì nhất thiết phải đi theo họ. Chúng tôi đã có những thử nghiệm với người này người khác và chúng tôi phải công nhận những người cách mạng là những người làm việc cho đất nước, cho nhân dân, chứ không phải cho riêng họ.”

Năm 1971, Ngô Công Đức ra tranh cử và ông đã bị đánh bại: Thiệu đã làm tất cả để loại trừ Đức, từ gian lận danh sách, đến doạ nạt cử tri. Năm ba mươi năm tuổi, bị mất quyền miễn trừ của một dân biểu, Đức khó tránh khỏi bị động viên. Đức chọn con đường tránh ra nước ngoài. Năm 1974, khi phong trào chống đối hoạt động trở lại thì Đức muốn quay về. Nhưng ông Đinh Bá Thi, trong đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam ở Paris đã khuyên can Đức nên ở lại vì ở nước ngoài hoạt động của Đức sẽ có lợi hơn. Tháng Ba và Tư năm 1975, trả lời các cuộc phỏng vấn của truyền hình và báo chí tại Mỹ, Đức đã kịch liệt công kích việc Mỹ viện trợ cho Thiệu. Ngày 29 tháng Tư năm 1975, Đức đáp chuyến máy bay cuối cùng từ băng Cốc trở về Sài Gòn: Đức muốn có mặt ở đây vào giờ phút thành phố được giải phóng. Nhưng khi tới nơi máy bay đã phải lượn nhiều vòng mà không sao hạ cánh được vì căn cứ Tân Sơn Nhất đã rơi vào tay quân cách mạng. Máy bay phải đỗ xuống Hồng Kông và một tháng sau, ngày 31 tháng Năm, Đức mới trở về tới Sài Gòn, tạt qua Hà Nội. Năm 1971, trên đường đi lưu vong Đức đã đi qua Pnông Pênh, Băng Cốc một chuyến đi huyền thoại.

Trở về tới Sài Gòn, Đức được chính quyền cách mạng khuyến khích ra lại tờ báo. Ông đã bỏ vào đấy tất cả những gì còn lại trong tài sản của mình: ngày 22 tháng Bảy báo được chính thức cấp giấy phép đi vào hoạt động. “Mục đích của chúng tôi là độc lập và thống nhất đất nước”, Đức nói rõ quan niệm của ông về tờ báo như vậy, nay mục đích đó đã đạt được rồi, tôi tự coi mình phải có nhiệm vụ tham gia vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tờ báo này chỉ là một phương tiện, và chính quyền không bắt nó phải chịu một sự kiểm duyệt nào hết. Tháng tháng chúng tôi có một cuộc họp với cơ quan báo chí Nhà nước: chúng tôi trao đổi quan điểm với nhau và đôi khi người ta cũng phê bình chúng tôi về cách đưa tin một số sự việc này khác. Nếu tôi không đồng ý, tôi vẫn có quyền giữ quan điểm của mình và chúng tôi vẫn tiếp tục làm như chúng tôi suy nghĩ. Báo của chúng tôi khác với báo chí ngoài Bắc, bởi độc giả trong Nam không quen với phong cách báo chí ngoài ấy. Cho đến bây giờ, chúng tôi không phải nhận một mệnh lệnh nào, người ta để chúng tôi tự do và lựa chọn nội dung “thế nào là mình chịu trách nhiệm.”
________________________________
1. Trích trong thư gửi Đồng bào Nam Bộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:15:46 pm »


Báo Tia Sáng phát hành 40.000 bản, chủ yếu ở Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng Cửu Long và thu được kết quả rõ rệt đối với các tầng lớp trung gian. “Trước hết chúng tôi tìm cách giúp cho tầng lớp trí thức hiểu thế nào là chính sách cách mạng và chủ nghĩa xã hội để hợp tác với chính phủ. Chúng tôi, một mặt thuyết phục những ai đến giờ vẫn có thái độ chống cộng, đồng thời mặt khác cũng làm cho cả một số cán bộ nào đó hiểu rõ hơn tâm tính của những người miền Nam.” Nhưng đối với Tia Sáng, không phải mọi việc đều trôi chảy; nếu nó được sự ủng hộ của một số cán bộ chủ chốt trong chính quyền thành phố thì ngược lại nó cũng gây phiền toái cho một số cán bộ khác vì cái giọng điệu nói năng “tự do” của nó. Tuy nhiên, đối với Ngô Công Đức cái khó lại ở chỗ khác: “Trước đây, khi báo chúng tôi đấu tranh chống chính quyền Thiệu thì khi đó chúng tôi là những triệu phú có nhiệm vụ chặt hạ cây, còn bây giờ thì lại khác, chúng tôi phải đảm đương nhiệm vụ của những người thợ mộc.”

Xung quanh Đức vẫn là những người bạn cố hữu: tám cựu nghị sĩ trong phe đối lập với Thiệu, những người của lực lượng thứ ba. Theo mong muốn của Đức, tờ báo sẽ làm việc như một hợp tác xã “xã hội chủ nghĩa”: ông sử dụng 160 người, kể cả các công việc tạp dịch. Lương giám đốc là từ 20.000 đến 24.000, lời lãi tất cả các thứ đều đầu tư vào báo. “Tôi cũng chưa thật suy nghĩ kỹ về quy chế của tờ báo, Đức nói. Nhưng điều tôi quan tâm nhất là nó phải phát triển, tiến bộ lên... chứ nó không thể giậm chân tại chỗ trên con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Nếu một ngày nào đó nó trở lên vô ích thì tôi sẽ không do dự để đóng cửa nó.”

Ngô Công Đức và tờ Tia Sáng có lẽ cũng phản ánh phần nào sự phát triển về ý thức của một bộ phận các tầng lớp trung lưu thành thị miền Nam. Vậy họ nghĩ gì về những vấn đề lớn mà việc thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội nêu lên? “Hiện thời có một vài sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam, Đức nói. Nhưng nó chỉ là tạm thời. Phong tục tập quán có thể có những nét riêng, song cái nền tảng của sự thống nhất thì nó đã tồn tại từ lâu đời rồi. Cho nên thay cho chữ “khác biệt” tôi có thể dùng chữ “đa dạng”. Những phong phú, đa dạng ấy sẽ bổ sung cho nhau, chứ không phải gây cản trở cho nhau. Hơn nữa, sự thống nhất sẽ giúp gắn kết những tình cảm dân tộc, khắc phục, sửa chữa những mặt yếu của nhau.” Còn về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì Đức cho biết: “Hiện thời tôi chưa có một phê bình nào để phát biểu về vấn đề này. Nam Việt Nam không có đa đảng ư? Nhưng liệu có những đảng nào khác có thể xứng đáng tồn tại ở miền Nam? Chỉ có một đảng duy nhất xứng đáng với cái quyền đó thôi và ai là người có thể tranh hay bác bỏ điều đó? Cho nên không có một lý do nào để cần thiết phải có một đảng khác ở miền Nam. Còn về chủ nghĩa Mác-Lênin, tôi mong sẽ có dịp và điều kiện để hiểu biết nó rõ hơn.” Đức không từ chối trở thành đảng viên của Đảng nếu như người ta nêu ra với ông vấn đề đó. Đối với Đức, vào Đảng là một cách để phục vụ đất nước tốt hơn”. Nhưng ông cũng nói thêm, “còn nhiều cách khác nữa để phục vụ đất nước... Riêng với tôi, tôi mới chỉ là một người tập sự làm cách mạng”.

Trong số những cộng tác viên của báo Tia Sáng, sự phát triển cá nhân của Nguyễn Ngọc Lan là một trường hợp khá tiêu biểu cho mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản và trí thức trong kháng chiến và từ đó về sau. Nguyễn Ngọc Lan là linh mục công giáo. Ông học ở Pháp, bảo vệ một luận án triết học về lịch sử khoa học. Ông viết cho báo Người làm chứng Thiên Chúa giáo. Nhưng khi ấy, ông không quan tâm đến chủ nghĩa Mác. Trở về Việt Nam năm 1965, ông tham gia đấu tranh cùng nhiều nhà trí thức khác trong đó có Châu Tâm Luận, nhà nông học đào tạo ở Mỹ, Lý Chánh Trung, giáo sư triết học và nhà báo, Lê Văn Thơi, người phụ trách về chương trình sử dụng năng lượng hạt nhân, trong một phong trào có tính chất hoà bình mà chẳng bao lâu tất cả họ đều nhận thấy những hạn chế của nó.

Những tiếp xúc đầu tiên của họ với Mặt trận Dân tộc giải phóng đã không thành, do có sự còn hoài nghi: sau khi từ chối cuộc gặp lần đầu, Nguyễn Ngọc Lan và sáu người nữa lại đến một cuộc hẹn gặp thứ hai được hẹn vào ngày trước cuộc Tổng tiến công tết 1968. Cũng trong thời gian đó, Mặt trận còn gặp một số nhân vật khác nữa của “liên minh các lực lượng trung lập” và rồi sau đó những người này đã ở lại luôn trên bưng biền.

“Trong thời kỳ ấy, Lan kể, tôi trước hết muốn giữ cho mình sự độc lập và ít nhiều tôi còn hoài nghi. Cho nên có đi với anh Châu đến cuộc gặp thì chẳng qua tôi cũng chỉ vì tình bạn với anh ấy”. Cuộc tiếp xúc năm 1968 được tiến hành qua sự trung gian của bà Huỳnh Tấn Phát khi ấy vẫn còn ở lại Sài Gòn. “Trong cuộc gặp, chúng tôi trao đổi quan điểm với nhau, thảo luận những vấn đề cơ bản nhất. Chúng tôi không hề chịu một sức ép nào cả và sau đó cũng vẫn thế”. Và đó là những điều mà Lan tâm đắc nhất. Cuộc gặp trực tiếp lần sau diễn ra vào năm 1972, do Lan yêu cầu và được Lan tổ chức tại tu viện dòng Benedictins ở Thủ Đức. Một cán bộ quan trọng của Đảng tới dự. “Cả một buổi sáng, chúng tôi dành ra để phân tích tình hình và những khả năng hành động, và đối với tôi, nhiều vấn đề lớn, như vị trí của người công giáo, vai trò của tổ chức sau giải phóng đã trở nên rõ ràng từ đó”. Cuộc gặp thứ ba là vào cuối năm 1974, lúc mà đấu tranh chính trị sôi nổi trở lại ở Sài Gòn và một cuộc tiến công lớn đã được quyết định: “Chúng tôi qua một ngày đêm để thảo luận về tình hình. Nhưng lúc ấy, người ta không dám chờ đợi là chỉ sáu tháng sau nữa miền Nam sẽ được hoàn toàn giải phóng.”

Từ năm 1967, Nguyễn Ngọc Lan cùng nhóm của ông tham gia vào tạp chí Đối diện, một tờ báo “kiểu” như tờ Người làm chứng Thiên Chúa giáo. “Qua tạp chí, Lan nói, chúng tôi nêu những vấn đề về chủ nghĩa đế quốc ở miền Nam và dành hẳn một số để nói về chủ nghĩa xã hội và miền Bắc”. Ra 40 số thì 29 lần bị tịch thu, tờ Đối diện gần như phải làm việc trong điều kiện hoàn toàn bí mật. Sau giải phóng nó lại được phép cho ra mắt.. “Trong suốt thời gian kể từ sau giải phóng đến nay, Đảng không bao giờ gây sức ép với tôi. Bây giờ với tờ tạp chí của tôi, tôi có thể làm tất cả những gì tôi muốn, hoàn toàn không có chuyện kiểm duyệt...”

Linh mục Lan nói thêm “tuy không phải cộng sản” nhưng ông ta thừa nhận là “từ năm 1930 đến nay, chỉ có Đảng Cộng sản là người lãnh đạo cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội.” “Đối với Đảng, ông nói tiếp, tôi là người bạn đồng hành cùng họ.”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:16:18 pm »


Trong Sài Gòn, lương tâm của con người phát triển với những bước tiến nhanh. Phần lớn các trí thức, những người ngày trước đã hoàn toàn dấn thân trong cuộc đấu tranh chống chế độ cũ mà thường chưa có những ý tưởng gì rõ rệt về tương lai, nay đã dứt khoát chấp nhận quyết định về việc thống nhất đất nước trên cơ sở của một phương thức phát triển xã hội chủ nghĩa.

Cơ hội chăng? Nếu biết những đoạ đầy mà nhiều người trong số họ đã phải chịu đựng cả về tinh thần lẫn thể chất trong thời kỳ chống chế độ cũ, thì ít ra người ta cũng phải khâm phục họ và hiểu rằng đối với những người này thì người ta không dễ gì áp đặt được ý kiến cho họ. Đơn giản là vì họ đã đấu tranh cho một ý tưởng nào đó nhân danh Tổ quốc của họ bị xúc phạm. Không một bước quanh co, giải phóng đã dẫn dắt họ đi thẳng từ “chủ nghĩa yêu nước lên chủ nghĩa xã hội”, như bà Ngô Bá Thành, một trong những gương mặt nổi bật nhất trong lực lượng thứ ba trước đây đã giải thích.

Thoạt nhìn, người phụ nữ mảnh mai nhỏ bé và lúc nào cũng sôi nổi này, tuy đã ở tuổi bốn mươi chín nhưng nom bà vẫn có vẻ của một cô nữ sinh trung học vừa nhận phần thưởng xuất sắc, đang lẩn vào đám đông những người lớn. Cho đến khi mà lai lịch của bà hé lộ ra cho người ta biết rằng đó là một phụ nụ không dễ gì bị lay chuyển.

Bởi trên tấm danh thiếp của bà, bên cạnh những học vị đạt được ở các bộ môn pháp lý ở Paris, Bacxơlôma, đại học Columbia, New York, người ta có thêm vào đấy những cái tên khủng khiếp nhất của hầu hết các nhà tù của Thiệu ở miền Nam.

Bà Ngô Bá Thành hình như từ lúc trẻ đã mắc chứng “tham học”: ba mươi chín tuổi, bà bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc làm một nhà luật học quốc tế, một việc làm đã đưa bà từ một người phụ trách những công trình khoa học ở khoa quốc tế về Luật so sánh đến phòng pháp lý của Liên hiệp quốc sau khi bà kịp tạt qua Luân Đôn để tốt nghiệp một bằng bổ túc. Trong thời gian ấy, vào tuổi hai mươi ba, bà đã có được bốn người con. Năm 1962, khi trở về ở Sài Gòn, bà đã lập một viện nghiên cứu Luật so sánh và ra một tạp chí. Những tưởng bà có thể sống một cuộc sống dễ chịu và đầy đủ mọi thứ giữa ngổn ngang những công việc của bà, thì rồi rất nhanh chóng, những vô vị, hão huyền của Luật ở một đất nước bị cai trị bởi bạo tàn và độc đoán, cùng với những thực tế đau lòng ở Nam Việt Nam đã đè nặng lên ý thức lương tâm.

Năm 1965, bà tham gia uỷ ban hoà bình và phong trào đấu tranh cho quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Chính việc tổ chức một chiến dịch đưa đơn kiến nghị đã đưa bà vào nhà tù lần đầu tiên, đồng thời tước mất của bà những chức vụ ở khoa Luật đại học Sài Gòn và có khả năng bà sẽ bị mất luôn cả quyền hành nghề. Cũng năm 1965, bà được tiếp xúc lần đầu tiên với kháng chiến. Chính ông Huỳnh Tấn Phát, một trong những nhà lãnh đạo cách mạng hàng đầu ở miền Nam đã tiếp bà tại bưng biền. Ông đề nghị bà tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng nhưng bà từ chối bởi “cho rằng sẽ có lợi hơn nếu tôi được độc lập và không dính dáng với mặt trận. Nhưng từ khi ấy, điều duy nhất thúc đẩy tôi là khát vọng đất nước được độc lập”, như bây giờ bà nói. Từ 1966 đến 1968, bà lại bị bắt, bị bỏ tù hai mươi lăm tháng vì “lý do an ninh”. Bà đã tập họp được mười bảy tổ chức phụ nữ trong “Phong trào vì quyền được sống hoà bình” do bà thành lập. Lần ở tù này, bà đã phải chịu đựng đủ mọi thủ đoạn tàn bạo của chính quyền Thiệu, đặc biệt là việc đã bị chúng giam với ba mươi lăm tên tù hình sự tại nhà lao Chí Hoà, nơi giam tù nam giới lớn nhất Sài Gòn.

Sau hiệp định Paris, bà lại một lần nữa bị bắt: một tấm hình hết sức xúc động cho thấy bà người chỉ còn da bọc xương sau sáu tháng trời đấu tranh tuyệt thực, bị đưa ra toà trên một chiếc cáng, ngạt thở vì bị một cơn hen quật đổ. Người phụ nữ nhỏ nhắn tự nguyện đấu tranh này đã làm cho chính quyền Thiệu khiếp sợ và chúng buộc phải thả bà ra. Tuy “chính thức” được trả tự do, nhưng trên thực tế, bà đã bị giam lỏng tại chỗ: lúc nào bà cũng có thể bị gọi đi kiểm tra căn cước, bị tra hỏi, thậm chí cả bằng đòn vọt tra tấn; ở giữa Sài Gòn mà nhà của bà xung quanh bị rào dây thép gai và thường xuyên có người giám sát. Như bà nói, bà chỉ thực sự được tự do vào ngày 30 tháng Tư và ngày hôm ấy lần đầu tiên sau mười năm, bà mới có cảm giác mình là một con người hoàn toàn tự do.

“Tôi thuộc số những trí thức yêu nước được đào tạo theo kiểu phương Tây, nhưng rồi đã bị phương Tây phản bội về cái mà chúng tôi yêu quý nhất, đó là Tổ quốc. Trong khi mà chúng tôi chờ đợi tất cả ở họ thì họ chỉ đến Việt Nam với bộ mặt của chủ nghĩa thực dân và sự xâm lược.” Rồi bà bình luận về chặng đường mà bà đã đi qua như sau: “Tôi đã được trông thấy nền dân chủ ở Pháp, rồi ở Mỹ... Nhưng nó chỉ được dành cho người Pháp, người Mỹ. Còn khi đến Việt Nam, họ đã làm ngược lại những gì họ đã tuyên bố: người Mỹ mượn tiếng đến đây để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, thế rồi họ đi sang Trung Quốc, sang Liên Xô. Còn người Pháp thì ngay đến giờ phút cuối cùng họ vẫn còn lợi dụng cái gọi là lực lượng thứ ba để thực hiện một giải pháp do họ áp đặt: một lần nữa, họ vẫn đối xử với chúng tôi như đối với những tên đầy tớ”.

Trong thâm tâm, bà cảm thấy mình gần giống với một chiến sĩ cộng sản bởi như bà nói: “Đó trước hết là một người yêu nước và anh ta đã chứng tỏ điều đó” - hơn là một người thuộc lực lượng thứ ba - mà bà ví nó như một “mớ tạp nham” - vì trong số họ đã có quá nhiều người dính líu với chế độ cũ. Đối với bà, “năm 1954, chúng tôi còn có thể do dự, nhưng bây giờ thì không. Bởi qua nhiều năm dài chiến tranh, chúng tôi đã có thể tổng kết lại. Tất cả mọi người đều có cơ hội ở Việt Nam, nơi mà chủ nghĩa xã hội đã đồng nhất với chủ nghĩa yêu nước. Đối với những trí thức yêu nước như tôi, con đường chúng tôi đi cũng là dựa trên cơ sở con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi: “Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội.”

Nhưng bà có sợ Đảng Cộng sản sẽ chiếm ưu thế trong một nước Việt Nam mới không? “Xin ông hãy nghe tôi, bà đáp. tôi không phải là người cộng sản. Nhưng người Mỹ và người Pháp đã lầm. Khi trước hết họ đã đánh giá thấp khát vọng độc lập của chúng tôi, và sau nữa là họ muốn đánh lừa mọi người rằng những người cộng sản, là những kẻ phản bội. Có một điều không bao giờ lầm, đó là thử thách. Thế mà trong bão táp, những người cộng sản đã xuất hiện như những người yêu nước đích thực, và đối mặt với họ từ bốn mươi năm nay thì người ta chỉ thấy những tên hề, những con rối. Vì vậy ngày nay, tôi nói chúng tôi thật vô cùng may mắn khi có một đảng kiên cường, già dặn và giàu kinh nghiệm như thế để lãnh đạo chúng tôi, và sẽ là hoàn toàn vô trách nhiệm nếu như chúng tôi phủ nhận điều đó hay đi tìm một cái gì khác.”

Bằng câu nói sau đây, bà Ngô Bá Thành đã tóm tắt động cơ thúc đẩy và dẫn dắt những tri thức yêu nước ngày nay:

“Một nước Việt Nam thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội là một nước Việt Nam sống với thời đại.”

Ngắn gọn nhưng rõ ràng như một sư thật hiển nhiên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:37:16 pm »


PHẦN BỐN
MIỀN BẮC, HẬU PHƯƠNG LỚN
________________________________________________________________________________________



CHƯƠNG I
CHIẾN TRANH Ở MIỀN BẮC


Tháng Tư năm 1973. Miền Bắc vừa ra khỏi cơn bão tố... Rời Hà Nội theo quốc lộ 1 hướng về phương Nam mà người ta chỉ có thể đi được tới vĩ tuyến 17, quang cảnh chạy dài hai bên đường làm dần dần lộ ra những tàn phá nặng nề của chiến tranh và khiến ngươi ta càng thấy rõ không quân Mỹ đã đánh phá miền Bắc ác liệt như thế nào. Nhất là ở phía bên kia vĩ tuyến 20 cách Hà Nội 160 km, khi con đường dẫn chúng tôi đi sâu vào những vùng gần như bị chiến tranh huỷ diệt. Từ Thanh Hoá ở vĩ tuyến 20 trở đi, người ta lần lượt bắt gặp những “bộ xương” còn lại của các thanh phố Vinh, Hà Tĩnh... để rồi đi tới Đồng Hới, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình... “Đây, chỗ này là khu nhà của các cơ quan hành chính; kia là khu thành cổ; còn từ đây chạy đi là đường phố lớn có nhiều cửa hàng buôn bán sầm uất...” Người ta mở to mắt, ngơ ngác: chẳng thấy có gì sất... Một chị cán bộ lãnh đạo của uỷ ban tỉnh mời chúng tôi đi “thăm” phố xá. Đó chỉ là một vùng đất trần trụi, hoang vắng, với những khu nhà tưởng tượng, những đám đông vắng bóng... Không một thứ gì còn lại. Có chăng chỉ còn đứng đấy trơ trụi, bơ vơ một mảng tường của nhà thờ, một mặt trước của một rạp hát. Năm 1965, sau những cuộc oanh kích đầu tiên của máy bay Mỹ, một nhà báo Việt Nam đã mô tả về thành phố này như sau: “Từ thành cao nhìn xuống, người ta có thể trông thấy bao quát toàn bộ thị xã và các làng mạc xung quanh (...) Bệnh viện Đồng Hới, niềm tự hào của thị xã với những khu nhà mới mái ngói đỏ tươi, tường quét vôi trắng xoá, là mục tiêu được máy bay Mỹ đặc biệt chú ý... Nhưng Đồng Hới vẫn đầy sức sống và giữ vững sức sống ấy. Đêm đến, mọi người quay trở lại và phố xá lại nhộn nhịp đông vui (...) Người ta ra chợ, đến cửa hàng lớn, Bách hoá để sắm sửa mua bán, như không có gì xảy ra...” Ngày nay, chẳng còn bệnh viện, cũng chẳng còn phố xá hay cửa hàng lớn. Và ở thành phố, ngùờỉ ta chỉ còn thấy sót lại những đống gạch vụn. Đồng Hới không còn nữa; thay vào đó giờ chỉ còn một vùng đất hoang tàn đổ nát, cỏ mọc lên cằn cỗi. Cả một thành phố trước đây có 18.000 dân sinh sống nay đã bị huỷ diệt...

Chính tại Quảng Bình, tỉnh vào loại lớn nhất đồng thời điều kiện sống ở đấy cũng khó khăn nhất miền Bắc mà cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ lại diễn ra ác liệt nhất: cánh đồng đang giăng trải ra trước mắt kia, theo hình thắt đáy lưng ong nằm giũa hai miền Nam và Bắc Việt Nam, và với Lào quả thực đã hình thành một nút giao thông tự nhiên của tất cả các con đường nối liền hai miền đất nước. Có quá nhiều núi nhưng Quảng Bình lại chỉ có một đồng bằng nhỏ hẹp nằm kẹp giữa dãy Trường Sơn và biển, bề ngang chỉ gần bảy kilômét, đất thì vừa chua vừa bị những đụn cát chạy dài suốt dọc ven biển lấn dần... Bọn Mỹ đã tập trung đánh phá vào mạng lưới những con đường chạy nối với “đường mòn Hồ Chí Minh”, con đường huyết mạch mà ngày đêm những dòng người và hàng của miền Bắc không ngừng chảy vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhìn từ máy bay xuống, Quảng Bình giống như một quang cảnh mặt trăng, đất lỗ chỗ những miệng hố bom: riêng từ 1965 đến 1968 máy bay Mỹ đã tiến hành 70.000 lần không kích vào đấy. Người Mỹ thì muốn cắt đứt cuống nhau này bằng bất cứ giá nào, còn người Việt Nam thì quyết giữ những con đường ấy bằng mọi giá...

Trước sự đánh phá ngày càng ác liệt của máy bay Mỹ, có những đoạn đường, những cây cầu bị hỏng, người ta không sửa lại nữa, mà tìm mọi cách để vượt qua: làm đường vòng tránh, bắc cầu phao, làm ngầm hay dùng phà..., còn chỗ nào sửa lại được thì tìm mọi cách để sửa; có khi thiếu vật liệu, người dân địa phương đã tự động dỡ cả nhà của mình đang ở để đưa ra dùng. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu sinh tử để bảo vệ và giữ vững tuyến đường giao thông huyết mạch này, đã có những hy sinh vô kể và họ đã quyết tâm không lùi một bước... Đó là một cuộc chiến tranh thực sự, được tổ chức một cách khoa học, đòi hỏi phải tính toán suy nghĩ và phối hợp chặt chẽ các lực lượng của quân và dân mà kết cục của nó là sự tồn tại của con đường, trong bất cứ tình huống nào. Mỗi đoạn đường đều được giao cho một hợp tác xã, ở những nơi không người thì có các thanh niên xung phong... Tôi còn nhớ một đêm tháng Mười một 1972, chúng tôi đi trên một trong những con đường đắp bằng đất ấy, gọi rất đúng là “đường chiến lược”. Chúng tôi phải mất đúng chín tiếng đồng hồ mới đi được quãng đường 70 km, trên một chiếc “com măng ca” chạy dưới ánh đèn gầm chỉ chiếu sáng ra xung quanh được hai mét. Suốt dọc đường, cứ cách một quãng lại có một đống cát và đá chuẩn bị sẵn để hỏng đâu là sửa luôn đấy. Hai mươi mét lại có những hầm trú ẩn làm bằng tre, gỗ, đất, và thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một đốm lửa lập loè của một người gác đang hút thuốc.

Hai giờ đêm, chúng tôi tới một cây cầu vừa bị máy bay đánh phá. Dưới ánh đèn mờ của một ngọn đèn pha ô tô, những bóng người đang hối hả sửa chữa. Tới gần người ta mới được biết mặt họ: đó là những cô gái còn rất trẻ, khéo chỉ độ mười lăm, mười sáu mà thoạt nhìn dáng dấp mảnh mai của họ, người ta không thể ngờ được rằng họ chính là các cô gái thuộc đội “thanh niên xung phong”.

Phần lớn trong các đội thanh niên xung phong là các cô gái trẻ. Một hôm, vào tháng Tư năm 1973, chúng tôi đã gặp đội thanh niên ấy ở một đoạn đâu đấy gần Đồng Hới về phía tây, trên con đường đi lên đèo Mụ Giạ nổi tiếng, một trong những trọng điểm của tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh... Nơi họ ở, rất vắng vẻ, cách xóm có người ở gần nhất cũng phải đi vài kilômét, ăn nghỉ trong một căn nhà đất mái lợp tranh và trước mặt họ là một con đường đất núi chạy ngoằn ngoèo được một đoạn rồi mất hút. Con đường đó sẽ chạy đến đâu, họ không biết được hết chỉ biết rằng nó còn đi xa lắm và cách họ năm kilômét nữa sẽ có một đội khác đảm nhiệm. Trên tuyến đường này, người ta phân công ra, năm hoặc mười kilômét tuỳ theo là thuộc về một đội. Những đoạn hiểm trở trên dãy Trường Sơn thì do những “đội xung kích” phụ trách. Họ gồm những cô gái trinh nguyên đi phục vụ chiến trường trong một hay hai năm.

Đội chúng tôi gặp ở đoạn gần Đồng Hới có mười hai cô, đúng hơn là mười hai chị phụ nữ trẻ, bởi phần lớn họ đã lập gia đình và đã có con. Họ có mặt ở đây từ tháng Một năm 1972, với nhiệm vụ là bất cứ thế nào, cũng phải bảo đảm được giao thông trên đoạn đường được giao trên có một cây cầu. Trước hết, họ cần phải tìm hiểu nhau, thông cảm và chấp nhận lẫn nhau. Bởi mặc dù đều tình nguyện đi làm nhiệm vụ “đánh Mỹ”, nhưng điều đó không đơn giản. Họ từ nhiều nơi ở Quảng Bình tới, có người là nông dân, có người trước là công nhân, tuổi đời và hoàn cảnh cũng khác nhau. Một số chị con còn nhỏ chưa thể rời mẹ nên phải đem chúng đi theo. Phần lớn chồng họ đã đi bộ đội và rất hiếm khi các anh có điều kiện về thăm. Bây giờ, trên một khu đồi suốt ngày nắng gió, tất cả sự sống động duy nhất đến với họ là từ con đường, nơi có những đoàn xe chưa bao giờ dừng lại mà chỉ vội vã đi qua... Sáng sáng họ thức dậy, trước mặt họ là con đường đỏ quạnh, nắng thì lắm bụi, mưa thì lầy bùn. Con đường... Trong mười tháng, cả ngày lẫn đêm, họ sống chỉ vì nó, và đổ ra biết bao mồ hôi, đôi khi cả máu nữa. Nhưng từ đoạn đường này cũng như từ nhiều đoạn đường khác mà thắng lợi của cuộc tiến công lớn năm 1972 đã phụ thuộc vào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:38:33 pm »


Ngày 25 tháng Tư năm 1972, lần đầu tiên máy bay Mỹ ném bom đoạn đường của họ. Có cả bom bi. Những chị có con, theo bản năng của người mẹ, đã vội chạy về với con. Sáng hôm sau, chị đảng viên phụ trách tiểu đội đã họp họ lại và đi đến quyết định là phải làm hầm trú ẩn vững chắc cho lũ trẻ con.

Từ đó, được yên tâm hơn, họ tập trung vào con đường.

Ngày 18 tháng Năm năm 1972, lúc 14 giờ, cầu bị đánh phá. Đến 18 giờ cầu sửa xong. Ngày 25 tháng Chín, lần đầu tiên, B-52 đến ném bom rải thảm. Khói bom chưa tan, các chị đã lao ra mặt đường, dùng tay, dùng cáng khiêng đất khiêng đá san lấp hố bom. 14 giờ ngày 28, B-52 lại đến đánh, lần này gây ra cho người một số thương vong. Tổng cộng, đoạn đường 5 kilômét này đã phải hứng chịu mười hai tấn bom B-52.

Nhưng con đường vẫn phải tiếp tục bảo đảm cho xe chạy, và nó đã tiếp tục bảo đảm. Bất chấp đạn pháo của tàu chiến Mỹ từ ngoài khơi bắn tới, các chị trong đội thanh niên xung phong vẫn ngày đêm bám giữ mặt đường, san lấp những chỗ bị hỏng, cứu người cứu xe khi bị đánh và hướng dẫn cho các đoàn xe đi qua...

Khi tôi đến các nơi hẻo lánh này, tôi thấy mấy cháu nhỏ con của các chị, đứa lớn trông đứa bé, đang bày trò chơi với nhau: tất cả đồ chơi của các cháu chỉ vẻn vẹn có mấy bông hoa làm bằng giấy. Một câu chuyện tóm lại là rất bình thường, ở một đất nước mà chủ nghĩa anh hùng đã trở nên bình thường, không tên tuổi và diễn ra hàng ngày. Thế nhưng ở Bắc Việt Nam, cũng như ở các vùng biển miền Nam, chủ nghĩa anh hùng không phải là dễ dàng hơn các nơi khác; nó đòi hỏi phải có sự thúc đẩy của những động cơ sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn...

Khi quốc lộ 1 rời Đồng Hới để đi tới Vĩnh Linh ở vĩ tuyến 17, trên khu phi quân sự nhìn sang hai bên đường, chúng tôi thấy trên chặng đường 65 kilômét giữa hai nơi này thỉnh thoảng vẫn còn có những đám ruộng lúa mọc khá tốt nằm cạnh các hố bom. Một dải cát nhấp nhô thành đụn chạy dọc theo con đường, lơ thơ mọc lên những búi thông nhỏ gầy guộc, suốt ngày phơi mình trong nắng gió...

Vĩnh Linh: chỉ còn ba chiếc cột đứng chơ vơ trên một ngọn đồi trọc, một khu nhà đổ nát mà những người lính đi qua tìm mãi mới thấy một góc tường còn tàm tạm đủ để mắc màn chăng võng. Sáu kilômét nữa là Bến Hải, và bờ bên kia là miền Nam...

Dải đất đau thương với một trăm kilômét chiều dài và mười bảy kilômét bề rộng này, từ 1965đến 1968 đã phải chịu đựng 43.197 lần bị bom đạn đánh phá, trung bình mỗi người dân phải chịu bảy tấn bom. Và những câu chuyện “bình thường”, “giản dị” kể sau đây, riêng nó cũng đã đủ để nói lên một khía cạnh sử thi của cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Vĩnh Linh.

Người bí thư Đảng bộ của “đặc khu” Vĩnh Linh, ông Trần Đông, năm mươi sáu tuổi là một con người mạnh mẽ. Khi ông cho biết ông sắp phải ra nước ngoài để chữa bệnh, có người tỏ ra ái ngại, thì ông phá lên cười nói: “Chả là tôi bị mắc bệnh “hiếu chiến” mà!”... “Năm mười bảy, mười tám tuổi, ông kể, một hôm tôi hỏi cha tôi: tại sao nhà mình nghèo thế? Cha tôi liền đáp: “Đó là do cái số, con ạ, Tôi lại tự hỏi vậy tại sao có những người cùng tuổi với cha tôi nghĩa là cùng chung một số, lại có những người giàu? Thế là tôi quyết định mình phải đi làm cao su... Nhưng đó chỉ là một cái trò ấu trĩ của tuổi mới lớn. Người ta hy vọng sống ở đó sẽ dễ thở hơn, nhưng thực ra, người ta chỉ càng bị bóc lột thậm tệ hơn, tinh vi hơn... Tôi đi đến kết luận, như các cụ ta thường nói, “chạy trời chẳng khỏi nắng”. Trời chỉ về phe với bọn tư bản, địa chủ mà thôi...”

Trần Đông gia nhập Đảng Cộng sản năm 1938. Ông đã từng nếm mùi tù đầy và cũng như phần lớn các nhà lãnh đạo Việt Nam, chính nhà tù đã trở thành trường đại học của ông.

“Như các ông biết đấy, so với thực dân Pháp thì đế quốc Mỹ nguy hiểm hơn, tàn bạo hơn. Chúng rất thực dụng và thực tế, đánh với chúng người ta không được phép đơn giản đâu...” Trần Đông xác định phẩm chất chủ yếu của một cán bộ lãnh đạo là phải “biết khơi sâu các vấn đề, vận dụng đường lối của Đảng không giáo điều, máy móc và dũng cảm dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Người chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận chứng tỏ lòng dũng cảm của mình bằng vũ khí nắm chắc trong tay. Còn người cán bộ lãnh đạo, đương nhiên là anh ta cũng phải có lòng dũng cảm ấy, nhưng cái chính là anh ta phải có dũng cảm chính trị để đưa ra những quyết định phù hợp với hoàn cảnh lúc đó và dám chịu trách nhiệm về mình.” Con đường ông ta đi cũng là con đường của nhiều cán bộ cách mạng Việt Nam: “Cá nhân tôi, tôi không phải là nhà trí thức. Tôi chỉ là một anh nông dân như nhiều người khác. Điều gì đã thúc đẩy tôi làm cách mạng, đó là lòng căm ghét sự bần cùng... Nhưng chúng tôi sẽ vừa chiến đấu vừa nâng cao hiểu biết, cả về chính trị cũng như về văn hoá... Điều quan trọng nhất theo tôi là lòng tin. Anh có thể có ý thức giai cấp, nhưng như thế vẫn chưa đủ, mà cần phải có nhiều kiến thức hơn nữa, hiểu biết sâu hơn nữa. Nhưng nữa cũng đừng nghĩ đến mình nhiều quá, bởi nó sẽ làm mình bị hạn chế, cần phải rèn thành thói quen là làm việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích chung...”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:39:29 pm »


Với Vĩnh Linh, mọi chuyện bắt đầu từ việc không quân và hải quân Mỹ ngụy đánh phá đảo Cồn Cỏ, là một hòn đảo nhỏ toàn đá, rộng không đầy 300 héc ta. Cồn Cỏ giống như một ngọn hải đăng thiên nhiên, một người lính đứng gác ở ngoài khơi cửa sông Bến Hải. Từ 1965 đến 1967, Mỹ đã nhiều lần đánh phá vào đấy. Mặc dù tình hình trên đảo hết sức gay go căng thẳng, nhưng các cán bộ lãnh đạo và chỉ huy Vĩnh Linh vẫn quyết tâm giữ vững đơn vị làm nhiệm vụ canh gác và bảo vệ Cồn Cỏ. Một số xã ở ven biển được phân công bảo đảm tiếp tế cho đảo và điều đó có nghĩa là phải đương đầu với máy bay và tàu chiến địch kiểm soát trên biển xung quanh đảo. “Làm thế nào mà chọc được vòng vây của địch để tiếp tế cho đảo? Trần Đông tự hỏi. Trên bản đồ, người ta có thể đo các cự ly rồi tính toán và đưa ra các quyết định này khác. Nhưng trên thực tế, nếu không dũng cảm, không quyết tâm thì mọi tính toán đều trở nên vô nghĩa.”

Quyết tâm tiếp tế cho Cồn Cỏ được giữ vững. Bằng biện pháp là dùng thuyền thúng núp dưới chân những con sóng để vượt qua eo biển, lẩn tránh con mắt của hạm đội 7. “Để bảo vệ cuộc sống thì cần phải biết lợi dụng biển. Dân chài họ đều là những tay bơi rất cừ. Nhưng khi họ chưa được động viên về tư tưởng và giáo dục về chính trị, thì họ cứ như thể không biết bơi. Song khi đã nhận thức được ý nghĩa của việc mình làm rồi thì họ có thể bơi hai ngày liền...” Trần Đông bình luận và nói tiếp: “Mới đầu chúng tôi chưa thể lường hết được các khó khăn. Nhưng chúng tôi cũng chẳng còn cách nào khác: cuộc sống khổ cực này trước như thế nào chúng tôi đã biết và đã quá ngán”...

Từ 1967 trở đi, Mỹ tăng cường đánh phá Vĩnh Linh và khu giới tuyến. Để đối phó, người ta quyết định “quân sự hoá đời sống”. Quyết định này chỉ có thể dựa vào quyết tâm của cả nhân dân, sẵn sàng chấp nhận mọi sự hy sinh một cách tự giác: những bố mẹ ở lại bám đất sẽ phải xa rời con cái nhiều năm, phải có lòng dũng cảm để chịu đựng gian khổ, vượt qua những căng thẳng từng ngày từng giờ, thậm chí có khi phải hy sinh tính mạng... Tất cả người già trẻ em đều phải sơ tán về phía sau ở ngoài vĩ tuyến 20. Chỉ còn thanh niên và lớp người đứng tuổi nhưng còn sức là ở lại để sản xuất và chiến đấu. Một chỉ thị chung được đưa ra: phải có một tổ chức gần như hoàn toàn quân sự cho mọi hoạt động xã hội, sản xuất hay văn hoá... Để tránh tổn thất về người vì bom đạn, các tổ đội lao động cần phải phân tán đội hình trong khi làm đồng và làm việc vào những giờ phút ít bị địch phá nhất tuỳ theo quy luật hoạt động của địch: địch đánh vào buổi sáng, xã viên làm vào buổi chiều, địch đánh vào khoảng 10 giờ, xã viên tranh thủ làm vào lúc sớm hơn. Căn bản là phải làm thế nào nắm vững phán đoán được chính xác quy luật hoạt động của địch... Đi đôi với việc ấy là tổ chức một hệ thống hầm trú ẩn và giao thông hào nối liền nơi này với nơi khác, trên cơ sở tính toán sao cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt và lao động của nhân dân: 913 kilômét giao thông hào đã được xây dựng như vậy, tạo thành những xóm làng thực sự nằm ngầm trong lòng đất, và cùng với quá trình đánh phá ngày càng ác liệt của bom đạn Mỹ, “hệ thống địa đạo” ấy càng ngày càng được củng cố vững chắc và ăn ngầm xuống sâu thêm. Mọi hoạt động đều có người phụ trách, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Nhân dân không được họp chợ, các trung tâm buôn bán phải phân tán, nhưng để bảo đảm sinh hoạt cho bà con, hợp tác xã đã có những tổ chức đứng ra lo việc mua bán và lưu thông hàng hóa. Sinh hoạt văn hoá văn nghệ ở một mức độ nhất định vẫn được duy trì, nhưng với số người tham gia hạn chế và lưu động đi phục vụ hoặc luân phiên người đến xem. Nhà cửa cũng được dỡ đi để xây hầm trú ẩn. Việc này đôi khi cũng gặp một số “vấn đề”, song “chúng tôi không ra lệnh cho bà con mà chủ yếu dùng cách thuyết phục. Câu hỏi chính chúng tôi đưa ra là: nhà cửa hay mạng sống, cái nào quan trọng hơn? Bà con nghe ra và vui vẻ chấp hành. Hơn nữa, qua thực tế bà con hiểu rõ rằng: dưới bom đạn ác liệt như thế này, không ai có thể sống được một mình, người ta cần phải dựa vào hợp tác xã: nếu nhà anh bị phá, hợp tác xã sẽ giúp anh làm lại... và chẳng may nếu anh bị chết, thì hợp tác xã sẽ đứng ra chăm lo cho gia đình anh. Hợp tác xã, đó cũng là một hình thức của chiến tranh nhân dân”.

Lúc chiến tranh diễn ra gay go căng thẳng nhất ở Vĩnh Linh, một vấn đề được đặt ra là có nên giữ hay không giữ các hợp tác xã nông nghiệp? Có người lập luận: hợp tác xã là gắn liền với sự phát triển của các cơ sở vật chất, nay cơ sở của nó đã bị địch phá mất thì sao ta còn có thể nói về hợp tác xã nữa. Bây giờ hợp tác xã chỉ còn là sự hợp tác giữa những con người. Vì vậy, để phù hợp với sự phân tán và cải thiện tình hình đó thì tốt hơn hết là ta nên chia lại ruộng đất cho các cá thể. Có người lại bảo: bây giờ cũng không nên cử cán bộ đi kiểm tra công việc như thời bình nữa, bởi làm thế có khác nào bắt họ phải phơi mình ra trước nguy hiểm một cách vô ích.

“Chúng tôi tự hỏi xem có cách tổ chức nào để bảo đảm nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu không? Bằng cách chia lại ruộng đất cho các cá thể ư? Thì nếu một quả bom rơi trúng vào mảnh đất chia cho anh thì như vậy mình anh hay gia đình anh sẽ có nguy cơ bị chết đói? Vả lại ở các túi bom - tức là ở những khoảng ruộng hay bị đánh nhất -việc cày cấy đòi hỏi phải được quân sự hoá một cách cao nhất và giao cho những đội xung kích. Cho nên nếu chia lại ruộng đất cho cá thể thì làm sao người ta có thể thực hiện được việc ấy?”... Vĩnh Linh đã sống, chiến đấu và sản xuất trong những điều kiện như vậy đấy, với biết bao khó khăn phải giải quyết, những hy sinh phải chịu đựng, những thử thách phải vượt qua. Sau chiến tranh, “đặc khu” Vĩnh Linh là một trong những nơi bị tàn phá nặng nề nhất ở miền Bắc, và thậm chí có thể trong cả nước...

Khi hoà bình lập lại, số bà con Vĩnh Linh đi tản cư trở về, nhiều người đã không nhận ra được quê hương mình nữa... Tất cả đã bị phá sạch... Nhưng, theo ông Trần Đông, chúng tôi đã có được một vốn lời lớn, đó là 20.000 các em trở về từ nơi sơ tán. Chúng đã học hết cấp 2, cấp 3... Chúng tôi hy vọng đám trẻ này sẽ giỏi giang hơn chúng tôi, nhưng cẩn thận đấy,... đã có đứa chê chúng tôi “văn hoá quá kém”. Tôi bèn trả lòi: “Phải, nhưng nếu không có đám chúng tao, thì bọn bay liệu có thể học đến trình độ đó không?”

Trần Đông kết luận: “Chúng tôi nhận thấy chúng tôi cần phải giáo dục mạnh về tư tưởng cho bọn trẻ hơn nữa, nhưng chúng tôi cũng không thể áp đặt cho bọn chúng những nhận thức của người già...”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:40:04 pm »


Hôm sau ngày ký Hiệp định Paris, Vĩnh Linh im ắng một cách lạ lùng. Do vắng tiếng bom đạn thường ngày? Hay do cảm giác của con người đứng trước hàng ngàn nấm mồ đang nằm la liệt trên mảnh đất bị tàn phá trong bão táp chiến tranh: mộ của dân thường và mộ của những chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch 1972...

Ở Vĩnh Giang, nằm đúng trên vĩ tuyến 17, 60.000 trái bom đã được máy bay Mỹ ném xuống 600 hecta đất của xã. Không kể hàng ngàn đạn pháo mà vào những thời kỳ cao điểm hạm đội 7 từ ngoài khơi nã vào hàng ngày. Cuối chiến tranh, Vĩnh Giang chỉ còn 1050 gia đình trong số 1100 gia đình xã có năm 1965. Năm mươi gia đình đã bị biến mất...

Chiến tranh đã để lại những vết thương khủng khiếp. Nhưng mặc dù người ta vẫn nhìn thấy nó ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, một người quan sát nước ngoài vẫn khó có thể nhận biết được đầy đủ những mất mát hy sinh mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng. Những mất mát hy sinh này là vô kể, không chỉ riêng trong chiến đấu mà nó có ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống thường ngày. Thế nhưng bất chấp những đau khổ vừa phải trải qua, vừa mới đứng trước ngưỡng cửa của một hòa bình mong manh, nhân dân Việt Nam lại hăng hái bắt tay vào xây dựng đất nước, sẵn sàng chấp nhận những nỗ lực mới. Vậy cái gì đã là những động cơ thúc đẩy họ và làm cho họ có một sự kiên trì ghê gớm đến thế để đối mặt với mọi hoàn cảnh, trong hoà bình cũng như trong chiến tranh?

Vĩnh Kim là một xã nhỏ nằm trong “đặc khu” cách vĩ tuyến 17 tám kilômét. Năm 1967, có lệnh phải đưa hai phần ba dân, người già, trẻ em, các bà mẹ... đi sơ tán lên mấy tỉnh phía Bắc ở cách đó 600 kilômét. Ở lại bám làng bám xã chỉ còn 800 người, được tổ chức thành các tổ, đội chiến đấu và sản xuất, trong đó 40% dân quân là nữ ở độ tuổi từ mười tám đến bốn mươi. Họ có nhiệm vụ không chỉ bảo vệ quê hương mà còn phải bảo đảm tiếp tế cho bộ đội hành quân vào Nam đi qua, và khi cần thiết thì bổ sung người cho quân đội, đặc biệt là trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Đã có một phần mười số dân lao động của xã lên đường ra mặt trận trong những điều kiện như thế.

Cũng trong thời kỳ ấy, dân vùng Vĩnh Linh, những người đã từng phải gánh chịu những tàn phá nặng nề của chiến tranh, còn phải đón tiếp những đồng bào miền Nam của mình từ Quảng Trị tránh bom đạn Mỹ chạy ra. 3.000 trong số 50.000 đồng bào đi lánh nạn ấy được phân đến ở tạm Vĩnh Kim. Những vấn đề do tình huống mới này đặt ra thật không đơn giản: chẳng những phải chia nhà chia cửa, nhường cơm sẻ áo cho đồng bào lánh nạn mà còn phải thông cảm với họ, châm chước cho họ về những thói quen trong nếp sống cũng như về tâm lý, tính tình của họ. Có người chạy ra còn mang theo cả ảnh... “Ông Thiệu” - một điều mà chúng ta thử hình dung xem: bà con Vĩnh Linh sẽ cảm thấy thế nào khi họ trông thấy mặt tên giết người trong ngôi nhà của họ, kẻ đã từng mang bom đạn, thậm chí còn ký tên vào bom đạn để gieo rắc cái chết xuống xóm làng quê hương họ... Thế nhưng “chúng tôi vẫn gắng thuyết phục bà con chạy nạn mà không đối xử thô bạo với họ. Chúng tôi có người còn xuống ngủ đất để nhường giường cho họ”, một cán bộ xã đã kể lại như vậy đó...

Phải đến tháng Bảy năm 1973, bà con Vĩnh Kim đi tản cư mới trở về. Họ thấy xóm làng gần như bị phá trụi, gia đình người còn người mất, sáu mươi hecta đất trồng trọt trước đây nay chỉ còn gần hai mươi hecta tạm gọi là làm được. Các cánh ruộng khác thì ngổn ngang những hố bom và lẫn lộn những mảnh bom mảnh pháo. “Vấn đề đầu tiên của chúng tôi là phải xốc lại tinh thần cho bà con, người cán bộ xã nói tiếp, bởi mọi người tỏ ý chán nản hay muốn nghỉ xả hơi... nhưng đó là điều không thể được. Thậm chí khi dựng lại nhà cửa, chúng tôi đã phải tính đến việc sản xuất ra cái ăn đã”.

Tháng Mười năm 1973, với sự giúp đỡ của một số chuyên gia từ Hà Nội vào, cấp uỷ Đảng bộ xã nghiên cứu một kế hoạch nhằm hợp lý hoá hoạt động sản xuất của các hợp tác xã. Cấp uỷ dự định sẽ khai phá 1.100 hecta đất bazan để trồng trên quy mô lớn hồ tiêu, chè, lạc... Kế hoạch được đưa ra thảo luận trong đảng bộ, chính quyền và rộng rãi trong toàn thể bà con xã viên để lấy ý kiến đóng góp rồi sau đó sửa chữa thông qua.

Việc hợp lý hoá sản xuất này không phải là một vấn đề đơn giản. Ví dụ, nó đòi hỏi phải di dời dân, quy hoạch lại các xóm, trong đó có việc phải đụng chạm đến các xóm cũ, nhà đất cũ, nơi mà người dân đã từng sinh sống và gắn bó với nó từ bao đời nay. Quả là không ít những điều khó nói trong chuyện đó. Như ở thôn Truyên Bắc, thôn được đánh giá là giàu nhất xã. Cả xã có 20 chiếc xe đạp, một thứ đồ quý hiếm và đắt tiền lúc bấy giờ, nhất là ở nông thôn, thì riêng Truyên Bắc đã chiếm 17 chiếc. Còn nhà ngói cây mít trồng thêm một ít chè, hồ tiêu thì cũng không thôn nào bằng Truyên Bắc. Đất ở đấy tốt, nhà cửa cơ ngơi lại tương đối đàng hoàng, thế mà bây giờ lại vận động dân ở đấy bảo họ dời đi thì tất nhiên chẳng mấy người muốn đi... “Không phải dân chúng tôi không thông chủ trương của xã đâu. Nhưng trước khi đi thì cũng phải trồng cây ở chỗ mới đã, rồi còn đợi cho cây cối nó lớn lên...

- Tức là trong bao lâu?

- Ba năm, một ông già trả lời.”

Rồi ông nói dứt khoát: “Ở đây, chúng tôi không ai muốn đi. Ở chỗ mới ấy à, đất thì hoang hoá, trơ trụi, tứ bề chỉ có nắng với gió...” Đoạn ông chỉ tay ra vườn: “Các ông trông những cây kia xem. Lâu lắm nó mới lớn được như thế. Phải mất mười năm rồi nó mới cho ta tiền. Thế mà bây giờ dọn đi thì chúng tôi sẽ phải đợi mười năm nữa...”.

Những lời nói ấy chứng tỏ đối với nông dân, kinh tế gia đình mới quan trọng làm sao và tại sao họ lại gắn bó với nó như thế, mặc dù có những khi nó đi ngược với lợi ích tập thể. Nhưng đối với những gia đình ấy, người ta không bao giờ dùng cưỡng bức mà chỉ kiên trì thuyết phục, vận động.

Tôi đã sống nhiều ngày trong một thôn nghèo nhất xã, nay đã dời đến chỗ mới, một khu đồi trọc suốt ngày gió Lào từ phía tây ào ào thổi tới. Mùa khô, tất cả đều trở nên khô kiệt và cát bụi bốc trong mù mịt rồi quyện với mồ hôi bám vào da tạo thành một lớp ghét đỏ quạnh... Đêm đến, trời trở lạnh và ngọn gió vẫn tiếp tục lùa vào dưới mái tranh.

Trong 30 gia đình của thôn, một điều đập ngay vào mắt tôi là không còn một người đàn ông nào trẻ, tuổi từ mười bảy đến ba mươi lăm. Tất cả ở độ tuổi ấy đều đã ra mặt trận. Những người còn lại đều trạc như ông chủ nhà tôi ở hoặc già hơn và cũng một kiểu người như thế: người nom sắt lại, có vẻ khắc khổ, mặt đầy nếp nhăn như có bao nhiêu nước thì đã bị nắng gió và cuộc đời gian lao vất vả vắt cạn kiệt mất...

Đối với những người đàn bà, ngày ở đây bắt đầu từ 3 giờ 30 sáng. Họ đi kiếm nước cho gia đình lấy ở giếng đào cách nhà nửa cây số. Rồi họ chuẩn bị bữa sáng: luộc một nồi sắn, rồi cả trưa cả chiều cũng vẫn là sắn, đôi khi kèm mấy củ khoai lang. Ở cái nơi cằn cỗi này, gạo được coi gần như một món ăn sang. Đàn ông 4 giờ đi làm đồng, kể cả trẻ con; dạo này chúng đang được nghỉ hè và lao động phụ của chúng được hợp tác xã tính thành công điểm.

Mùa nông nhàn, hợp tác xã giúp họ dựng lại nhà cửa trên những mảnh đất được chia theo lối bốc thăm. Tuy vẫn mái tranh vách đất nhưng nhà cửa khá đủ rộng để chia làm một gian hai chái theo kiểu truyền thống. Nét mới nhất của quang cảnh thôn xóm có lẽ là hàng trăm vỏ bom mẹ bằng nhôm sơn vàng, sơn trắng mà máy bay Mỹ “tặng” cho nhân dân trong vùng một cách hào phóng, nay được bà con lấy về để đựng nước.

Sau ngày Mỹ ngưng ném bom miền Bắc, khi hoà bình còn rất mong manh, cuộc sống của bà con trên mảnh đất bị tàn phá nặng nề này còn hết sức nhọc nhằn cơ cực. Nhưng ý thức tập thể và tình làng nghĩa xóm vẫn tồn tại và nó cố kết mọi người lại thành một cộng đồng xã hội vững chắc dựa trên cơ sở tương trợ, hợp tác. Điều đó được thể hiện rất rõ ở sự hưởng ứng của bà con đối với mọi công trình hợp tác xã đưa ra làm. Anh lái xe cho chúng tôi vốn là một nông dân quê ở Hải Hưng, một tỉnh đồng bằng sông Hồng, thừa nhận: “Ở đây, bà con cực hơn ở chỗ chúng tôi nhiều”.

Thế mà chính những người đàn ông đàn bà ấy đã là những người đương đầu với sức mạnh Hoa Kỳ... Bởi bây giờ, dù có khó khăn gian khổ đến mấy, cuộc sống của họ vẫn không thể sánh được nổi với những cơ cực mà họ cũng như cha ông họ đã từng phải nếm trải ngày xưa...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:40:43 pm »


Nếu cho đến 1972 ở miền Bắc, Mỹ chủ yếu tập trung đánh mạnh vào Liên khu 4 từ vĩ tuyến 20 trở vào, thì đến tháng Mười hai năm 1972, thủ đô Hà Nội đã trở thành nơi phải đương đầu với trận đánh ác liệt nhất của không quân Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tất nhiên, những trận ném bom vào Hà Nội trong dịp Noen và vào những trung tâm trọng yếu khác của miền Bắc là đều nằm trong những toan tính thời hậu chiến của Mỹ. Ngoài những nhân nhượng thứ yếu mà người Mỹ không quá hy vọng sẽ giành được trên bàn đàm phán, họ còn nhằm vào một mục tiêu xa hơn, đó là làm suy yếu một cách tối đa Bắc Việt Nam và do đó làm tăng thêm sức mạnh cho chế độ Thiệu trước khi ký hiệp định Paris...

Cuối tháng Mười năm 1972, văn bản Hiệp định - mà nội dung cốt lõi của nó sau này sẽ trở thành Hiệp định được ký kết vào tháng Một năm 1973 - đã được chuẩn bị xong. Tới mức mà tất cả các thủ đô trên thế giới, trừ Hà Nội, đều đinh ninh rằng nó sẽ được ký kết vào ngày 20 tháng Mười theo như dự định. Và khi sắp đến ngày bầu cử tổng thống, ở Nhà Trắng Nixon và Kissinger vui mừng hé lộ “hoà bình đã ở trong tầm tay...” Và rồi ngày 20 đã tới và các nhà lãnh đạo Mỹ... lẩn tránh. Cuộc hội đàm Kissinger - Lê Đức Thọ được nối lại từ ngày 20 đến 23 tháng Mười một, rồi từ 4 đến 13 tháng Mười hai. Phía Mỹ đòi những 126 sửa đổi đối với văn bản đã thoả thuận trước đây, trong đó có những điểm rất cơ bản từng là những mục tiêu của chiến tranh: họ muốn xoá bỏ điều 1 về những quyền cơ bản của Việt Nam, trở lại vấn đề tồn tại ở miền Nam, hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng chính trị mà tháng 10 vừa rồi họ đã thừa nhận và đó chính là những điểm chủ yếu để làm cơ sở cho những thoả hiệp... Cuối cùng Kissinger còn doạ là nếu chiến tranh kéo dài thì Mỹ sẽ không hạn chế nó như trong khuôn khổ hiện nay...

Ngày 13, hai phái đoàn chia tay nhau không một kết luận và cũng chẳng hẹn một ngày nào họp.

Ngày 15, Lê Đức Thọ rời Paris trở về Hà Nội.

Ngày 16, Kissinger mở một cuộc họp báo và ông ta tiết lộ gần như toàn bộ dự thảo Hiệp định.

Ngày 17, không quân Mỹ đánh một số mục tiêu gần Hải Phòng.

10 giờ sáng ngày 18, tại Paris, trưởng đoàn đại diện Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ông Võ Văn Sung thông báo với ngoại trưởng Pháp lúc bấy giờ là Maurice Shumann về khả năng một cuộc leo thang của không quân Mỹ trong những ngày, thậm chí những giờ sắp tới, và ông đề nghị chính phủ Pháp hãy có một lập trường kiên quyết đối với tình hình ấy. Nhưng ông Pompidou đã tránh không bày tỏ thái độ...

Cũng buổi sáng hôm ấy, Bộ chỉ huy quân sự tối cao ở Hà Nội được thông báo về những hoạt động chuẩn bị của loại siêu pháo đài bay B-52 và máy bay tiếp dầu của không quân Mỹ ở căn cứ Utapao trên đất Thái... Triệu chứng về một cuộc không kích ồ ạt của Mỹ mỗi lúc một lộ rõ.

16 giờ (giờ Hà Nội), Bộ chỉ huy tối cao Việt Nam thông báo cho quân khu thủ đô về một trận đánh sắp xảy ra. Các đơn vị tên lửa và phòng không được đưa lên báo động cấp 1 và sẵn sàng nhả đạn.

17 giờ, máy bay chở ông Lê Đức Thọ từ Paris trở về hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm...

Tuy nhiên, cuộc sống ở thủ đô Hà Nội vẫn tiếp tục nhịp điệu bình thường. 18 giờ 30, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 12 ngày thành lập quân giải phóng miền Nam, tại câu lạc bộ quốc tế sẽ có một buổi chiêu đãi các khách mời quốc tế với sự có mặt của phó thủ tướng Nguyễn Duy Trinh và tất cả các nhà ngoại giao đương nhiệm ở Hà Nội; mở đầu buổi chiêu đãi sẽ có trình chiếu phim... Nhưng đến giữa chừng, lúc 19 giờ, nó đã phải ngừng lại. Từ xa vẳng lại tiếng những tràng bom rền ầm ì như sấm và lúc đó trong hầm bê tông, phần lớn các nhà ngoại giao đều nhìn nhau tỏ vẻ hoài nghi, tuy ai nấy đều cố làm ra vẻ tự nhiên...

Chia làm ba đợt, 90 máy bay B-52 và hàng trăm máy bay khu trục đi yểm trợ đã lao vào đánh phá Hà Nội, vào lúc 19 giờ 25, 23 giờ 45 và 4 giờ 10 (ngày 19)...

Mục tiêu lựa chọn là nhà ga, sân bay quốc tế Gia Lâm, Đài tiếng nói Việt Nam... Nhưng bom ném xuống, chúng đâu có phân biệt chỗ nào được gọi là mục tiêu “chiến lược”, chỗ nào là nhà ở của dân thường... giữa mỗi đợt không kích, máy bay tiêm kích ném bom lại cố xông vào tiêu diệt các trận địa phòng không, bởi Mỹ đã thực sự vấp phải một lưới lửa dày đặc của quân và dân Hà Nội.

Các trận ném bom đã kéo dài trong mười hai ngày. Lượng bom bằng một phần tư quả bom nguyên tử ném xuống Hirôsima, tức 20.000 tấn T.N.T đã được máy bay Mỹ trút xuống Hà Nội và vùng phụ cận.

Nhưng dự kiến trước được tình hình nên từ đầu tháng Mười hai, nhân dân Hà Nội đã được lệnh sơ tán. Song nhiều người vẫn chưa muốn đi: đến ngày 18, tức ngày đầu tiên Mỹ bắt đầu đánh Hà Nội mới có 100.000 dân trong số 670.000 dân chịu rời thành phố. Những ngày sau đó việc sơ tán diễn ra dồn dập, 400.000 nghìn người đã tản ra vùng nông thôn xung quanh Hà Nội, ở ngoài tầm được coi là nguy hiểm. Mặc dù vậy Hà Nội vẫn có hàng nghìn người chết vì bom đạn Mỹ...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:41:15 pm »


Tuy nhiên, máy bay chiến lược B-52 cũng không làm lay chuyển được quyết tâm, ý chí của nhân dân Việt Nam. Trái lại, những tội ác man rợ của đế quốc Mỹ càng làm họ tăng thêm căm thù và xiết chặt hàng ngũ hơn nữa. Những nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam có mặt ở đó, tại thủ đô Hà Nội, và người ta thấy chủ tịch Tôn Đức Thắng, thủ tướng Phạm Văn Đồng, tổng bí thư Lê Duẩn... đã kịp thời đến những nơi bị đánh phá để thăm hỏi những gia đình bị nạn, động viên cán bộ, bộ đội và nhân dân... Thành phố đã cố kết thành một khối xung quanh các nhà lãnh đạo và ngày qua ngày, bao trùm Hà Nội là một không khí kỳ lạ, một quyết tâm kháng chiến được nhân lên bởi những đau thương phải chịu đựng mà ở đấy lòng căm thù đã trở thành một động lực có sức mạnh chẳng khác gì sức mạnh của tình yêu...

Đêm đầu tiên người ta có thể cảm thấy Hà Nội căng thẳng như một con thú đang đứng trước một mối nguy hiểm: nó căng mình nghe ngóng, vừa lo sợ nhưng lại vừa quyết tâm đánh trả tới cùng. Quả thực khi B-52 ném bom xuống Hải Phòng hồi tháng Tư, loại máy bay chiến lược ấy có gây cho người ta một nỗi khiếp sợ, nhưng khi ấy là Hà Nội chưa có chuẩn bị đề phòng. Song dần dần qua chiến đấu và chiến thắng, nỗi lo sợ ấy đã mờ nhạt đi, và nhường chỗ cho một quyết tâm mạnh mẽ, một sự tự tin kỳ lạ: điều đó có thể thấy được khi sáng sớm thức dậy, người ta chen nhau trước những quầy báo để mua lấy một tờ báo đọc những tin sốt dẻo thuật lại những chiến thắng trong đêm, hay ở trước những tấm panô lớn dựng ở ngoài trời, người ta túm tụm lại để vừa xem vừa bình luận tin tức chiến sự trong Nam ngoài Bắc... Dưới bom đạn, Hà Nội vẫn sống, sống một cách bình tĩnh công khai, người ta vẫn đều đặn làm vệ sinh đường phố, chăm sóc các vườn hoa... Giữa hai lần báo động, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, chỉ khác một điều là phố xá vắng vẻ hơn, vắng người già, vắng trẻ em, vắng người qua lại... Đêm đến là thời gian nổ ra những trận chiến ác liệt nhất... Sau những hồi còi dài hú lên rền rĩ báo động máy bay địch từ xa, là những giờ phút chờ đợi trong hầm trú ẩn, thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng thì thào, những tiếng ho thủng thẳng như nhắc với mọi người rằng cuộc sống vẫn đang tồn tại, thì bất thình lình đất trời rung chuyển và bầu trời đen kịt bỗng sáng rực lên nhoáng nhoáng những ánh chớp của bom đạn từ trên trời trút xuống và của đường đạn, của lưới lửa phòng không từ dưới đất bắn lên...

Trong đêm đầu tiên, bị nhiễu điện tử của pháo đài bay B-52, những con quái vật của công nghệ hiện đại Hoa Kỳ, lực lượng phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam những giây phút lúng túng ban đầu đã nhanh chóng đánh trả lại. Dựa trên những kinh nghiệm được rút trả ngay tại trận về phòng chống nhiễu và kịp thời phổ biến, các trận địa tên lửa và pháo phòng không Việt Nam bằng cách đối chiếu tầm, hướng, tốc độ bay của máy bay địch đã xác định được đúng điểm bay ngang qua của B-52 - Chúng thường bay ở độ cao 10.000 mét để bom rải xuống được tập trung hơn - và thế là B-52 đã rúc đầu vào những bức tường thực sự được dựng lên bởi những tên lửa S.A.M có tầm bắn tới 19.000 mét. Những đêm sau, nắm được quy luật hoạt động và tính năng kỹ thuật của B-52, lực lượng phòng không Việt Nam đã khéo léo chăng những lưới lửa phục kích và đánh trả chúng rất có hiệu quả... Trong chiến dịch dùng không quân chiến lược đánh phá Hà Nội, hai mươi ba B-52 đã bị hạ trên bầu trời Hà Nội, tức một phần tư lực lượng B-52 Mỹ ở Đông Nam Á... Ngày nay ở gần vườn Bách thú Hà Nội, người ta vẫn còn thấy xác của một trong số những con quái vật ấy nằm gần kề với những con thú bị nhốt trong chuồng cũi...

Hà Nội đất ngàn năm văn hiến, thanh lịch và duyên dáng, không hề chịu khuất phục mà trái lại nó đã chiến đấu kiên cường như vậy đấy... Cuối cùng trước sức kháng chiến mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam và bị thế giới cực lực phản đối, Nixon đã phải từ bỏ các trận đánh bom. 70% tiềm lực phát triển công nghiệp của Bắc Việt Nam đã bị phá huỷ.

Cuối tháng Một năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết: nội dung chủ yếu của nó vẫn là nội dung của bản dự thảo tháng Mười năm 1972.

Tổng kết lại, chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ đã gây thiệt hại cho miền Bắc như thế nào?

Tất cả các thành phố đều bị bom tàn phá, trong đó có ba thành phố bị huỷ diệt; 28 trong 30 thị xã bị phá huỷ. Trong số 5.708 xã của Bắc Việt Nam thì có đến 4.000 xã bị ném bom, trong đó có 300 xã ở khu 4 trở thành bình địa. Mỹ đã ném bom xuống 350 bệnh viện, trong đó 10 bệnh viện chỉ còn là những đống đổ nát. Nằm trong danh sách được coi là mục tiêu “quân sự” của bom Mỹ, còn có 1.500 bệnh xá và nhà hộ sinh, 3.000 trường học và trường đại học, 491 nhà thờ và 350 đình chùa...

Về tiềm lực kinh tế. 66 trong 70 nông trường quốc doanh, 1.500 đến 1.600 công trình thuỷ lợi và 1.000 đoạn đê bị ném bom. Sáu tuyến đường sắt cũng như phần lớn các cây cầu bị phá huỷ; cả một nửa số đầu máy cũng thế. Tóm lại là miền Bắc đã mất một phần ba số vốn cố định về công nghiệp của mình - máy móc, công trình xây dựng - do bom đạn Mỹ.

Trong nông nghiệp, 300.000 đến 400.000 hecta ruộng, tức một phần ba diện tích canh tác bị tàn phá; 40.000 con trâu, sức kéo chủ yếu của nông dân bị sát hại.

5 triệu mét vuông nhà ở bị phá huỷ...

Miền Bắc Việt Nam bước ra khỏi chiến tranh mình đầy thương tích; chỉ riêng đối với lực lượng chiến đấu ở cả hai miền Nam, Bắc, tổn thất về người đã lên tới một triệu.

Tuy nhiên, vượt lên mọi đau thương mất mát, bằng sức mạnh và nghị lực của chính mình, nhân dân Việt Nam lại một lần nữa quyết tâm tiến hành đến cùng cuộc tổng tiến công xuân 1975, mặc dù họ có phải hy sinh nhiều nữa. Ở đây không có chuyện phép màu. Nếu nhân dân Việt Nam đứng vững và chiến đấu kiên cường như thế thì đó là bởi vì họ có sự gắn bó và đồng tình sâu sắc với chế độ, và họ tìm thấy ở nơi đó sức mạnh và những khả năng để chiến đấu. Chiến tranh tàn phá một cách ghê gớm. Nhưng nhân dân Việt Nam không chỉ có chịu đựng, mà họ còn biết cách chế ngự nó, và giữa những lúc phong ba bão táp dữ dội điên cuồng nhất thì họ vẫn bình tĩnh chuẩn bị cho tương lai...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:42:46 pm »


CHƯƠNG II
CHIẾN TRANH ĐƯỢC CHẾ NGỰ


Trên thực tế, cuộc chiến tranh của Mỹ sẽ đẩy nhanh và xác nhận những lựa chọn của những người cách mạng Việt Nam mà phương hướng chủ yếu của những lựa chọn ấy đã được vạch ra từ Đại hội III của Đảng Lao động, tức Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó cũng sẽ kết thúc cuộc tranh luận về vai trò then chốt của khoa học và kỹ thuật, bởi từ những bom bi, đến bom từ trường được điều khiển bằng lade, từ những máy tính ở Tân Sơn Nhất đến những bộ tiền của Rand Corporation, Hoa Kỳ sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh về công nghệ và khoa học của họ vào chiến tranh ở Việt Nam. Để đương đầu với cuộc chiến tranh ấy, người Việt Nam cần phải khắc phục một cách nhanh nhất và tốt nhất những nhược điểm và hạn chế của một đất nước đương còn lạc hậu về trình độ khoa học kỹ thuật. Những lựa chọn của họ mang một tính chất cấp bách: họ phải chế ngự được cuộc chiến tranh mà Mỹ áp đặt cho họ để không bị đè bẹp. Bởi chỉ bằng ngọn tầm vông và chiến tranh du kích không thôi, họ sẽ không thể nào đánh bại được chiến tranh hiện đại...

Những điều người Việt Nam lựa chọn không phải là tuỳ tiện, chủ quan hay vô căn cứ: nó phản ánh những nhu cầu cần thiết.

Từ Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960, việc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc được gắn liền với nhu cầu quốc phòng và công cuộc giải phóng miền Nam. Văn kiện Đại hội III chỉ rõ: “Bắc Việt Nam là căn cứ cách mạng của cả nước. Tăng cường và củng cố miền Bắc chẳng những nâng cao tư tưởng và hăng hái của đồng bào miền Nam, mà còn giúp cho các lực lượng cách mạng tiến lên phía trước tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cách mạng miền Nam và để giành thắng lợi cuối cùng”.

Theo đường lối ấy, một chiến lược kinh tế thực sự sẽ được xác định để đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc, cũng như để tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Được áp dụng từ năm 1965, chiến lược kinh tế này được thủ tướng Phạm Văn Đồng xác định như sau: “1. Huy động tối đa toàn bộ các lực lượng của đất nước để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. 2. Duy trì và phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thời chiến để đáp ứng những nhu cầu trước mắt và đồng thời để chuẩn bị cho tương lai. 3. Thoả mãn những nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân về ăn, mặc, ở và phương tiện đi lại, bảo đảm cho nhân dân được học hành và chăm sóc sức khoẻ.”

Mỹ lao vào đánh phá Bắc Việt Nam. Nhưng không quân Mỹ đã tỏ ra kém hiệu lực khi được dùng để đánh vào một đất nước chậm phát triển mà nông nghiệp là chủ yếu. Nhận ra nhược điểm ấy và để bù lại nó, Mỹ quay ra đánh vào dân thường bằng đủ loại vũ khí sát thương cá nhân, như bom bi bom phóng mũi tên v.v... Song hành động dã man ấy của Mỹ đã bị dư luận thế giới cực lực phản đối và ít nhiều nó đã bị hạn chế.

Là nền tảng của xây dựng kinh tế, nông nghiệp cũng trở thành nền tảng tự nhiên của kháng chiến. Cho nên nhiệm vụ kinh tế hàng đầu của nhân dân miền Bắc là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Đồng thời với nó là bảo đảm giao thông và phân tán các cơ sở công nghiệp. Bởi đó là những khu vực dễ bị tổn thương nhất do chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Chiến tranh sẽ gây ra cho thị trường chung toàn miền cũng như giao thông những rối loạn không thể tránh khỏi. Để bù đắp và khắc phục tình trạng đó, kinh tế địa phương cần phải được phát triển. Nền kinh tế này sẽ được xây dựng thành những cơ cấu độc lập về chiến đấu và sản xuất, bảo đảm cho các địa phương có khả năng tự túc những nhu cầu của bản thân mình trong một thời gian dài. Trong trường hợp xảy ra cuộc chiến tranh trên bộ, nếu Mỹ liều lĩnh gây ra thì các địa phương được quy hoạch trên cơ sở từ 1 đến 1,5 triệu dân sẽ trở thành những “pháo đài” vừa có thể độc lập chiến đấu, lại vừa có thể phối hợp với nhau cùng chiến đấu. Tất nhiên đó là một sơ đồ tổ chức lý tưởng. Nó dựa vào sức mình là chính. Nhưng nó cũng cần phải có sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa...

Trong chiến tranh, nông nghiệp chẳng những phải làm ra đủ lương thực để cung cấp cho nhân dân và quân đội, mà nó còn phải dành ra một lực lượng quan trọng về nhân lực để bổ sung cho quân đội. Cho nên để đẩy mạnh sản xuất, nông nghiệp cần phải được nhanh chóng cải tiến về kỹ thuật và phương tiện sản xuất, đặc biệt là về thuỷ lợi và sử dụng đất và người một cách hợp lý.

Từ 1965, nông thôn miền Bắc thay hình đổi dạng. Những mảnh ruộng manh mún nay nhường chỗ cho những thửa ruộng rộng lớn được quy hoạch một cách hợp lý để tiện sử dụng nước. Việc đào đắp hơn 100 triệu mét khối đất chỉ có thể làm được bằng cách xây dựng những hợp tác xã bậc cao với trung bình khoảng trăm hecta đất. Số hộ nông dân ra nhập hợp tác ở nông thôn miền Bắc đã lên tới 95,7%.

Dựa trên công nghiệp địa phương, việc nửa cơ khí hoá trong nông nghiệp cũng phát triển. Nhiều máy móc nhỏ: máy xay xát, máy nghiền thức ăn gia súc, máy bơm nước... được đưa vào sử dụng. Từ 1965 đến 1972, số các hợp tác xã có trạm cơ khí nhỏ đã tăng lên từ 2,5% đến 52,3%. Máy cày cũng xuất hiện ngày một nhiều: nếu năm 1965, 2.750 hecta đất mới có một máy kéo 15 mã lực thì năm 1972, 390 hecta đất đã có một máy kéo.

Bên cạnh những cơ sở ban đầu của cuộc cách mạng kỹ thuật, nông thôn miền Bắc lại có thêm cuộc “cách mạng xanh”: từ 1966, các nhà nông học miền Bắc đã cung cấp cho nông dân một loại lúa mới - lúa xuân - vừa ngắn hạn vừa có năng suất cao, nhờ đó đã làm cho sản lượng thóc tăng lên một cách đáng kể. Máy bay Mỹ đã phá huỷ tất cả các nhà máy sản xuất phân bón hoá học. Đi đôi với việc phải nhập phân bón từ nước ngoài, nhà nước khuyến khích nông dân đẩy mạnh phong trào làm phân xanh. Kết hợp với cách mạng kỹ thuật, cách mạng xanh, các hợp tác xã cũng chú ý xây dựng một nền nếp làm việc dân chủ, chống thói quan liêu độc đoán của cán bộ cũng như những tư tưởng bảo thủ lạc hậu trong cán bộ và nông dân, đồng thời đẩy mạnh việc nâng cao trình độ văn hoá. Năm 1966, 17.000 nam nữ thanh niên xã viên đã được đào tạo qua một lớp sơ cấp về nông học; năm 1968, số trạm nghiên cứu nông học cũng tăng được 49,9% so với năm 1964.

Nhìn chung trong hoàn cảnh chiến tranh, miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã có nhiều cố gắng để hiện đại hoá nền nông nghiệp của mình và trên cơ sở đó củng cố các quan hệ sản xuất. Tuy nhiên, việc hiện đại hoá ấy cũng chỉ đạt tới một mức độ nhất định do thiếu sự hỗ trợ của công nghiệp bị chiến tranh tàn phá.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM