Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:34:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phản trắc  (Đọc 32424 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 05:00:26 pm »

Tên truyện : Phản Trắc
Tác giả : Hoàng Đình Quang

Tuy đã là một khu phố nội thành, có những ngôi nhà cao ngất ngưởng, trên đầu đội cái nón bằng ngói đỏ hon hỏn như cái nón chóp của thằng bù nhìn giữ chim, có những ngôi biệt thự trầm mặc như những bà già cắm cảu, hết thời, cả giận, có quán cà phê xập xình, có động gái điếm và những tay ma cô hiền lành... nhưng tổ hai mươi này vẫn được người ta nhắc đến bằng cái tên đã có cách đây hơn một trăm năm: Mả Cùi! Khu Mả Cùi, xóm Mả Cùi! Cái tên mộc mạc, người lạ mới nghe thấy rờn rợn, nhưng nghe riết thành quen, lại còn dễ thương, giống như ta gọi tên ai đó: Thanh Thúy, Cẩm Vân, Châu Giang, Gò Nổi, Bồng Lai...
Có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu xuất xứ cái tên Mả Cùi này. Gần một trăm năm trước, có một viên quan có nhiều chức quyền và bổng lộc của triều đình cũng như dân chúng. Ông quan này một cô gái xinh đẹp, dáng mảnh mai, mái tóc thời trang chấm gót chân. Đặc biệt có nước da trắng hồng, dù có bắt nắng bao nhiêu cũng không hề xám sạm. Khi cô ta tròn mười bảy tuổi thì có một ông thầy vừa làm thầy thuốc, vừa làm thầy pháp bắt ma trừ tà đi qua dinh quan lớn, xin vào yết kiến. Được rồi, ông quan mời ông thầy vào dinh. Qua bấm đốt ngón tay ông thầy phán rằng: trong nhà Ngài có một người mắc bệnh cùi, còn gọi là phong hay hủi.
-Không thể có! Làm sao mày biết?
-Người con gái có đôi má lúc nào cũng ửng đỏ là dấu hiệu của con "sâu cùi" đang ở trỏng. Nó đang ăn…
Ông quan nổi giận, cho là tên thầy lang bịa đặt, sai đem đánh ông thầy kia gần chết rồi quảng ra bờ sông.
Đúng hai năm sau, cô con gái phát bệnh. Khắp thân mình lở loét, mùi hôi thối xông lên không ai chịu nổi. Cô chờ chết, và cha mẹ cô cũng thế, chỉ mong cho cô chết. Nhưng cô lại không chết. Thời bấy giờ người ta đồn rằng: con sâu (vi trùng) cùi nó ở trong cơ thể người sống. Nhưng khi người bệnh chết, không còn máu để cho nó ăn, thì nó "bò ra" xung quanh, lây vào người sống khác. Ông quan tin thế và quyết định đem chôn cô con gái khi cô ta chưa chết. Nghĩa là chôn sống. Cuộc chôn sống được tiến hành vào ban đêm, nhưng sáng ra nhiều người đi làm còn nghe tiếng lục cục của cô gái tội nghiệp đang tìm cách đội mả trở dậy.
Khi biết nơi đây có một cái mả chôn người cùi, không ai dám bén mảng tới gần, vì nghĩ rằng bọn "sâu cùi" vẫn còn đang bò lổm ngổm ở đó. Khu này được gọi bằng cái tên Mả Cùi cho đến nay. Sáu mươi năm sau, không biết bọn "sâu cùi" đã chết hết chưa, nhưng những người dân tứ cố chạy lọan đã đến đây định cư.
Đường vào khu Mả Cùi nghe đâu ngày trước rậm rạp, hoang vắng, toàn lau sậy, một vạt rau muống của cánh người Bắc di cư, chiều chiều nghe tiếng ếch kêu dai dẳng, đêm đêm nghe tiếng la hét oai oái, của người hay của ma, không ai biết. Rồi chiến tranh kết thúc, hòa bình, rồi mở cửa, đổi mới... thành phố bỗng phình ra, có phần vạm vỡ như chàng trai dậy thì phổng phao, cựa quậy, nhưng cũng lại có phần giống như một lão già phù thũng, mưng mủ, nứt toạc áo quần!
Đường vào Mả Cùi lội qua một cái lạch nhỏ, nước đen ngòm, mảnh chai nằm loang loang dưới đó, trộn lẫn với bịch ny lông, bao cao su, vỏ đồ hộp, cả phân người, phân chó... Người đầu tiên bỏ tiền ra mua một khoảnh đất của một tay thương phế binh cụt giò có tên là Tám Kiệu sống lưu vong trong khu Mả Cùi, là ông Xích Hồng, một quan chức của Bộ ngoại thương. Ông Xích Hồng nhìn xa trông rộng thật, gần một mẫu đất, tức một héc-ta mà chỉ mất có hai triệu đồng, bằng một phần sáu cái xe hon đa cúp cánh én. Mà suy cho cùng, chả ai thiệt, bởi Tám Kiệu làm gì có đất, chẳng qua y ta hết đường sống, chui vào khu Mả Cùi, chăng dây, cắm cọc, nhận vơ nhận váo là đất của mình. Lúc bấy giờ, ai thèm để ý, đến cả khi bán cho ông Xích Hồng rồi, cũng chẳng ai thèm để ý. Ủy ban xã cộp cho cái dấu vào, nhận từ tay ông cán bộ ngoại thương một trăm ngàn, rồi xong. Ông Xích Hồng cũng cho quân vào cắm một hàng cột xi măng trắng toát, ngay ngắn như một dãy tiêu binh...
Ba năm sau, sốt đất! Cơn sốt trời cho ông Xích Hồng của cải. Mà cũng chẳng phải trời đất gì, nói thế oan cho Đấng bề trên. Đó chính là chính sách của nhà nước, ông Xích Hồng bảo thế. Rồi ông thuê hàng chục chiếc xe ô tô thùng sắt, tiếng máy nổ đinh đầu, khói phụt lên trời, đen kịt, chở đất vào san lấp, thành một khu đất có giá trị hàng tỷ bạc. Bây giờ ông Xích Hồng chết rồi, ông chết ở Bệnh viện Thống Nhất cơ, chứ không phải ở đây, đám ma cực to. Khu Mả Cùi bảo nhau, coi ông Xích Hồng như vị Thành Hoàng. Vị Thành Hoàng xóm Mả Cùi bán đất thu hàng chục tỷ bạc đem vào bệnh viện cúng cho Con Bệnh Ung Thư. Trước khi chết ông nhận ra cái gì đó, thều thào với bà vợ trẻ măng (bà sau mà):
-Nhiều tiền cũng chả làm gì được, mình ơi! May ra thì chỉ chữa được bệnh ghẻ!
Người giàu có chết cũng oai phong, lẫm liệt hơn người. Hoa ngút ngát, hoa thật, hoa giả bày từ cổng vào đến tận trong nhà, leo lên cầu thang...
                                                           *
Khu Mả Cùi bây giờ trở thành một khu phố sầm uất. Con đường ve chai và cứt chó ngày xưa đã thành một đại lộ mang tên một vị anh hùng du kích, chạy thông qua một cây cầu bê tông, hai bên trồng một hàng cây tuyệt đẹp, giống cây nhập ngoại, không biết tên, có người gọi là "cây viết", nhưng có lẽ không phải, nó chẳng giống cái viết (bút) tí nào. Khu đất của ông Xích Hồng ngày trước nay trở thành quyền sở hữu, hay quyền sử dụng của bảy ông cán bộ và hai thương gia gốc miền Tây lên làm ăn. Tất cả được quây quần với nhau thành một khu đẹp nhất, gọi lén là khu VIP, gọi lén nhau thế thôi chứ ai cho phép, ai công nhận.
Ở ngoài này, cách ngã ba rẽ vào khu VIP chừng non trăm thước có một cái quán thịt chó của Tám Kiệu. Sau khi bán quạng được miếng đất nhận đại của thiên hạ, Tám Kiệu quây một cái lều nhỏ với sáu đứa con, hai trai, bốn gái, cùng với vợ mở một cái quán. Lúc đầu bán các thứ nhậu lai ra cho cánh thợ hồ ngoài Bắc vào kiếm sống. Sau, thấy cánh này khoái món "cầy tơ", Tám Kiệu gả ngay cô con gái đầu cho một thằng thợ hồ Bắc kỳ, tên là Sản, mặt rỗ. Mặt Sản rỗ chằng rỗ chịt, nhưng tướng người phương phi, hùng dũng, lại khá hung hăng nên người ta chỉ dám nói là "rỗ hoa" thôi. Người Nam, vốn kiêng húy bà Chúa Hoa, nói trại "hoa" thành "huê", nên Sản có bộ mặt "rỗ huê". Để cho phải phép, để cho chính danh, người đời ở đây luôn ghép tên với một đặc tính nào đó của anh (hay chị) ta. Thế là Sản rỗ hoa thành danh: Sản Huê! Vừa được vợ, Sản Huê đứng ngay chân đầu bếp, chuyên chế biến món thịt chó "Lam Hà" cho bố vợ. Sản Huê có tài lắm, hắn thui chó bằng rơm, vàng ngậy, sau, nghe một thực khách người Đà Nẵng bảo rằng, thui chó bằng rơm thì đã ngon, nhưng nếu thui bằng cây thanh hao thì còn ngon gấp mười! Sản Huê vốn là đứa gan lỳ (mặt rỗ tổ gan), lại ưa suy diễn. Cây thanh hao hắn còn lạ gì, ở quê hắn, vùng núi Kim Bảng thường hay cắt về phơi khô rồi dùng chân đạp cho rụng lá, rụng hoa rồi đem ra chợ bán cho người ta làm chổi. Chổi thanh hao tốt lắm, bền lắm, nhất là để quét cổng, hay sân đất. Nó có mùi thơm thoang thoảng, cháy ác. Lửa bén vù vù, đỏ rực. Ừ mà khéo lấy nó đem thui chó thì chó ghẻ, chó chết cũng thơm phưng phức. Quả nhiên, chó của cha con Tám Kiệu - Sản Huê ngon nhất vùng. Cánh có đạo ở Hố Nai cũng chịu chết, cắn miếng thịt hấp ba rọi da-thịt-sụn của Tám Kiệu chỉ còn cách lắc đầu! Thế là có hẳn một đường dây chuyên cung cấp thanh hao từ Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Bình... cho Tám Kiệu - Mả Cùi. Sản Huê còn trẻ, nhưng do chén nhiều thịt chó nên bụng đã xệ, vú đã chảy, hai chân lạch bạch. Trong khi con vợ - tên là Hành, Hai Hành - tong teo như cái chân chó phơi khô, chỉ tài đếm tiền và hóng chuyện.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 05:01:02 pm »

Sản Huê đang thao thao với thằng Bèo Chột, thằng Tư Khỉ, hai thằng đàn em ma cô:
-Tao đố hai thằng chúng mày nhá. "Trùng trục như con chó thui, chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu", là con gì?
-Là con gì nhỉ, Bèo? Tư Khỉ nhồm nhoàm hỏi vào tai bạn. Thằng Bèo, có gương mặt sáng sủa, (phải tội hư một con mắt) mái tóc dài phủ gáy, đang gặm cái "điện thoại di động Êrickson" (cái đùi chó, chúng gọi thế đấy), mấy cái răng to của nó tạm ngưng hoạt động, càu nhàu:
-Đ.M., mày biết mày trả lời ổng, tao đâu biết con gì...
-Con gì anh Hai? Tư Khỉ hỏi Sản Huê bằng một giọng cầu tài. Mấy người học nhiều nói chuyện gì cũng thấy khó. Cứ như tui, nói dăm ba câu không nghe thì hù cho mấy nhát, nghe liền.
Sản mặt rỗ huê khoái chí, cái mắt ti hí của hắn lim dim:
-Tụi bây chỉ biết có bao nhiêu đó, xoàng lắm em ơi! Ra ngoài đời phải nhìn xa trông rộng, mới mong có cơ kiếm được miếng cơm cháy. Như tao đây, làm đủ thứ nghề, cũng có lúc lên hương lắm chớ, cuối cùng làm nghề bán thịt cầy...
-Ông làm cha người ta thì có. Thằng Bèo Chột đã thanh toán xong cái "điện thoại cầm tay", nốc cạn ly rượu trắng, quệt mép bằng cái ống tay áo bẩn thỉu. Có phải là đứa con gái hổng bận đồ không, anh Hai?
-Mày lúc nào cũng thế! Sản Huê ngả lưng ra cái ghế bố, giọng kẻ cả. Lúc nào cũng chỉ thấy đàn bà ở truồng. Thế nó có mấy mắt, mấy mũi, mấy đuôi, mấy đầu? Cái con heo Ngọc Bích của mày ấy?
Thằng Bèo nín khe. Nó đuối lý. Và bỗng dưng nó nhớ đến con Ngọc Bích, tròn ùng ục, nhão nhoét, mỗi khi không kiếm được khách, thường bắt nó "giải sầu" bằng được. Những lúc như thế, nó thường mơ thấy những cô gái mình giây, thậm chí ốm tong teo cũng được, như... như... Hai Hành, vợ Sản Huê. Nó bật cười khùng khục. Tư Khỉ nhìn nó, thắc mắc:
-Mày cười cái giống gì vậy, hả thằng chột?
Bèo không trả lời thằng bạn có khuôn mặt khỉ đột, nó nhìn Sản Huê, cười giả lả:
-Anh Hai nè, chị Hai chắc là phong độ lắm nhỉ?
Sản mặt rỗ đang mải suy nghĩ, nghe Bèo hỏi, giật mình:
-Mày nói gì?
-Em nói anh đừng cho là mất dạy, nhưng kiếm được cô vợ như chị Hai, quả cũng sướng thiệt...
-Mày bảo sướng chỗ nào?
-Không như con heo Ngọc Bích. Nhão nhoét như...
Sản Huê cười:
-Mày đúng là thằng mất dạy.
Đêm càng về khua xóm Mả Cùi càng trong veo, trở lạnh. Mấy chai xị đựng rượu nằm ngổn ngang dưới chân bàn, thỉnh thoảng xô vào nhau loong coong. Dưới ánh sáng xanh ngắt của ngọn đèn thủy ngân, thiêu thân, bướm đêm bay loạn xạ. Phía bên kia đường, một chiếc xe hon đa chở cô gái tụt xuống. Cô gái lặng lẽ đi vào ngõ hẻm, chiếc xe quay đầu rồ ga phóng đi. Bọn nhậu đêm tỏ ra hiền lành, ngáp vặt.
-Là con gì, anh Hai?
Thằng Bèo Chột vẫn chưa dứt ra khỏi câu đố của Sản Huê. Dường như mất hứng, anh chàng Bắc Kỳ mặt rỗ buông một câu nhạt thếch:
-Là con chó thui!
-Cái gì?
-Đéo mẹ tiên sư mày, thằng ngố! Chó thui thì nó chả chín đầu, chín mắt, chín đuôi là gì? Có nhiêu đó mà cũng không nghĩ ra! Đồ con heo!
Bèo cười khơ khớ, tiếng cười của thằng ma cô trong đêm, nghe vừa ghê rợn, vừa thảm hại.
-Dẹp quán, anh Hai!
Tư Khỉ uể oải, ngoái cái đầu trọc của nó về phía Sản Huê. Anh chàng mặt rỗ không nói gì, ý chừng nó đang mải nghĩ ngợi. Trong nhà phía sau, có tiếng nói mơ ú ớ. Lát sau Sản Huê lầm bầm:
-Hôm nay ngày gì à ế ẩm quá ta. Ê Bèo, xóm VIP hôm nay sao im ắng thế? Mày có biết gì trong đó không?
Thằng Bèo vươn cái cổ cáu ghét của nó nhìn qua bên kia đường, hàng rào im phăng phắc. Một thằng nhóc bán mì gõ vừa đi, vừa ngủ gật gõ hai thanh tre lách cách, giọng điệu cũng buồn ngủ.
-Trưa nay nhà ông Năm Tụ có đám giỗ, xe đậu cả ngoài đường! Bèo nói một mình.
-Chả trách, Sản Huê thở dài. Mọi bữa trong xóm VIP vẫn hay cử quân ra mua thịt chó của tao, hôm nay vắng ngắt. Thôi, hai thằng bây dọn quán dùm tao rồi lấy chỗ mà ngủ.
Bọn chúng đang lúi húi dọn dẹp thì có tiếng xe gắn máy, to dần rồi ánh đèn pha quét loang loáng. Chiếc xe đỗ xịch cửa quán, tiếng quát khá hách:
-Còn gì không cha con Tám Kiệu?
Không có tiếng trả lời, chỉ nghe Sản Huê lầu bầu "Còn cái con cặc!", chứng tỏ anh chàng đã nhận ra người hỏi là ai.
Trên xe còn một người nữa, ngồi sau lưng. Người cầm lái vẫn để tiếng xe nổ lịch bịch, bước ra khỏi ánh đèn pha sáng quắc. Sản Huê cười buồn ngủ:
-Có chuyện chi nhậu khuya vậy, đại ca?
Không nói không rằng, người đàn ông đi thẳng vào giữa quán, nhìn thấy hai thằng ma cô, anh ta quát:
-Sao giờ này còn ở đây hả ông nội?
-Dạ, thưa anh Tuấn, tụi em ngủ giữ quán cho bác Tám.
-Giữ quán hay giữ mấy con phạch? Liệu hồn, có ngày tao tống tất cả vào bót Mả Cùi.
Thằng Bèo cười hề hề, nhưng vẫn không giấu nổi cái giọng khê khê, nhừa nhựa, đểu giả:
-Ai chứ anh Tuấn đời nào lại xử tụi em như vậy, ha?
-Ừ, cứ đợi đấy. Anh Tuấn quay sang Sản Huê. Giờ này ba cái món đồ lòng ăn gì nổi, đau bụng đi cầu chết toi. Còn thịt luộc cắt cho một ký, Sản?
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 05:01:23 pm »

Sản uể oải:
-Luộc hết rồi. Còn có mấy cái điện thoại...
Tuấn quát:
-Có bán không?
-Em bảo hết luộc rồi mà!
-Còn gì? Còn gì cũng được, gói tất cả vào cái bịch này cho tao.
-Đem lên Phường à?
-Phường gì mà phường? Không thấy tao ăn bận thế này à?
Sản cười:
-Biết rồi! Hôm nay anh Tuấn không trực. Chắc lại tá lả hay tiến lên chứ gì?
Tuấn nắm lấy cái gáy nổi u của Sản, lắc lắc, khiến anh chàng mặt rỗ huê rụt cổ lại:
-Biết gì mà nói? Nhanh lên!
Một cái đùm thịt chó treo tòn teng trên tay lái xe hon đa, Tuấn quay đầu rồ ga, vừa nói vừa cười:
-Mai gặp tính, Sản nhá!
Chiếc xe vù đi. Hai tên ma cô nhìn Sản Huê cười như giễu. Sản Huê văng một câu tục. Bọn chúng lại tiếp tục công việc dở dang.
Bỗng từ phía xóm VIP vang lên một tiếng súng, đanh lắm. Sản Huê ngẩn nguời. Hai thằng Bèo và Tư Khỉ thì đứng như trời trồng. Chúng chưa kịp hỏi nhau thì lại một tiếng súng nữa vang lên, lần này nghe có vẻ như to hơn, gần ngay mang tai, nghe có cả tiếng đạn rít. Hai thằng ma cô nhát gan ngồi thụp xuống. Ông già Tàm Kiệu chui ra cửa ngơ ngác:
-Súng nổ ở đâu, tụi bây?
Chưa có tiếng trả lời, thì lại một phát đạn nữa, nổ chói gắt. Tiếng viên đạn bay trên đầu ngọn đèn thủy ngân xanh lè. Ông Tám Kiệu tưởng như nhắm vào mình, sợ quá chui trở vào. Hai thằng ma cô lăn ra đất, rúc vào gầm bàn. Chỉ có Sản Huê là còn gan (chuyện, "mặt rỗ, tổ gan" mà!), đứng nép sau cây cột, nhìn sang xóm VIP. Tiếng nổ có lẽ phát ra từ nhà Năm Tụ, ngôi biệt thự sơn màu hồng phấn, có cái bồn nước bằng i-nốc sáng loáng.
Chỉ có ba phát súng, Sản đợi xem có phát thứ tư không, nhưng đợi một lúc không thấy gì, nó xỏ tay áo phóng ra phía bờ tường. Hai thằng ma cô lò dò theo sau. Chợt từ trong nhà Năm Tụ vút lên một tiếng thét của đàn bà, rồi tiếng la hét, khóc lóc um sùm. Sản Huê và hai tên đàn em đứng nép sau cây cột điện bên này đường. Mấy ngõ bên kia cũng thấp thoáng bóng người.
Có tiếng còi hụ của xe cứu thương, rồi chiếc xe chạy vút vào sau bức tường ngôi biệt thự sơn màu hồng phấn. Lát sau, chiếc xe quay trở ra, tiếng còi hụ giục giã, như tiếng kêu la oai oái, ánh đèn xanh trên trốc chiếc xe hồng thập tự như cái lưỡi của loại quỷ cái, quét tua tủa vào từng nhà. Khi chiếc xe cứu thương đã ra khỏi xóm, thì xe cảnh sát ập đến. Xe của quận, xe của phường hú còi inh ỏi. Có một chiếc xe hon đa lượn vào, Sản Huê nhận ra Tuấn, anh cảnh sát khu vực vừa đến quán Tám Kiệu mua chịu thịt chó.
Chương 2
Án mạng ở xóm Mả Cùi, hầu như không năm nào không xảy ra. Đó là một điều ám ảnh gần như định mệnh, khiến nhà chức trách địa phương khó chịu. Đành rằng, sự sống với cái chết cách nhau không bao xa, nhất là đối với một vùng dân cư lèn chặt như thế này, nhưng vì bất kỳ một lý do gì mà giết nhau, đều không thể yên tâm được. Có lần Tuấn đã nói thế trước cửa quán thịt cầy của cha con Tám Kiệu - Sản Huê. Anh ta còn giảng giải một bài dài về nhân cách, về nghĩa vụ của con người sinh ra trên cõi đời này.
-Con người sinh ra trên cõi đời này để làm đẹp cuộc sống, chúng mày rõ chưa hả hai thằng ma cô? Tuấn nhắm câu hỏi vào Bèo và Tư Khỉ. Chúng mày sống lang thang, không nhà cửa, không gia đình, lại làm cái nghề bẩn thỉu, là chúng mày bôi bác cuộc đời. Vì sao tao chưa bắt ư? Đợi đấy, tao biết hết cả, nhưng chỉ nhắc nhở để chúng mày có cơ hội cải tà quy chánh, có cơ hội phục thiện làm người có ích cho xã hội. Đừng để rơi vào tay tao thì đừng có trách...
Hai thằng ma cô dẫn gái nín thinh. Chúng sợ. Nếu không phải là đại úy công an mà nói những điều đó trước mặt chúng, thì coi chừng, chí ít cũng bị một trận chửi ra trò, hay cao hơn nữa, một hòn đá cuội vào đầu. Mả Cùi mà! Cùi không bao giờ biết sợ, kể cả lở lói, loe loét. Nhưng Tuấn nói thì chúng im, chúng cũng hiểu được câu ngạn ngữ mà Sản Huê đã dạy: miệng nhà quan có gang có thép! Thằng Bèo cười cầu tài:
-Anh Tuấn nói như ti-vi!
-Chuyện, khỏi phải khen. Sản Huê đế vào sau phút tạm ngưng diễn thuyết của anh công an khu vực. Anh Tuấn có hai bằng đại học cơ mà, anh Tuấn nhỉ? Một bằng đại học chính trị, một bằng y tế!
Tuấn lừ mắt:
-Ai bảo mày bằng của tao là bằng y tế? Có kinh tế với y tế mà không phân biệt, bằng y tế làm y sĩ, còn bằng kinh tế làm quản trị kinh doanh. Hiểu chưa?
-Dạ hiểu! Sản Huê nhỏ nhẹ, chui vào cửa nách. Có tiếng xe lam bành bạch nổ trước nhà, phả khói trắng ra từng đụn, xen lần với những hạt dầu nhờn li ti. Tiếng thằng Bèo hô lên như thái giám trong phim Tàu:
-Thanh hao đến...!
Những vụ án mạng xóm Mả Cùi bao giờ cũng được giải quyết nhanh chóng, có khi tìm ra thủ phạm, cũng có khi không, nhưng toàn là những cái chết lãng nhách, của những con người tầm thường, có khi vô danh tính, vô thừa nhận.
Nhưng lần này khác hoàn toàn, án mạng đã tiến công vào đến khu VIP. Cái chết đã tấn công ngay vào ngôi biệt thự sơn màu hồng phấn, mà bên ngoài được bao bọc bởi bức tường rào cao bốn thước, bên trên có chăng dây thép gai và cắm những mảnh chai bể, sắc nhọn. Cũng những mảnh chai này mà thằng Tư Khỉ bảo rằng, nhà ông Năm phải dùng đến một-trăm-hai-mưới két vỏ chai bia đập bể ra mới đủ miểng để cắm. Nó nói xạo thôi, làm gì đến, có điều cái thằng mặt khỉ, mũi xanh có túm lông vàng này đến cái gì nó cũng quy ra "két", cũng như chúng ta, một thời cái gì cũng quy ra thóc, ra gạo.
Phía bên kia con hẻm, đối chéo với quán thịt chó Nam Hà của nhà Tám Kiệu là quán cà phê "Hai Chị Em" của hai chị em Mỹ Liên và Mỹ Châu. Đêm qua quán đóng cửa sớm (quán này ít khi mở khuya, khác với thịt cầy Nam Hà), hai chị em Mỹ Liên và Mỹ Châu vào nội thành cũng không về. Khoảng năm giờ sáng, khi chiếc taxi chở Mỹ Liên về đến đầu khu phố Hai mươi thì bị chặn lại bởi các anh em dân phòng, quần áo xanh màu cứt ngựa, tay cầm những cây gậy tầm vông, sơn khúc trắng, khúc đỏ. Mỹ Liên chợt giật mình, nhưng anh em dân phòng đã nhận ra chủ quán cà phê Hai Chị Em thì cho qua. Mỹ Liên hỏi một anh dân phòng quen mặt:
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 05:01:53 pm »

-Có chuyện gì mà chặn xe lại thế anh Đang?
Anh dân phòng tên Đang cúi sát vào cửa xe nói nhỏ:
-Án mạng! Đêm qua có án mạng, chị không biết à?
-Không, đêm qua tôi lên bà ngoại. Sáng nay mới về. Án mạng ở đâu? Ai giết ai?
Đang nhìn ra sau lưng, như thể ngó chừng cảnh giác:
-Khu VIP, nhà ông Năm Tụ. Ổng bị bắn trọng thương, đưa vô bệnh viện rồi...
-Ai bắn?
Đang đặt ngón tay trỏ lên miệng, lắc đầu. Anh tài xế trẻ măng nghe lọt câu chuyện, cũng trờn trợn, bấm còi "tin" một cái rồi nhả chân ly hợp, chiếc taxi vọt đi, không để cho Mỹ Liên nghe hết câu chuyện. Xuống xe, Mỹ Liên nhìn sang bức tường nhà ông Năm, quả là có sáng đèn hơn mọi ngày. Cánh cổng khép hờ, và cô nhận ra bóng dáng một người công an cầm súng dài đang đứng canh gác. Án mạng thiệt rồi, Mỹ Liên lẩm bẩm một mình rồi tra chìa khóa vào ổ khóa, mở cửa lách vào. Trong nhà ẩm mốc, xen lẫn mùi son phấn đã cũ, rất nặng mùi. Nhưng Mỹ Liên thấy yên tâm nhận ra mùi quen thuộc của căn nhà nhỏ, nhưng cô ngạc nhiên sao thấy nó có một vẻ gì lạ lẫm, âm u sau một đêm mệt mỏi trở về. Mùi bất hạnh, mùi chết chóc và mùi trụy lạc cùng lúc bốc lên. Cô vào bếp bật bếp ga, đặt ấm nước. Có hơi lửa, dần dần mùi lạnh lẽo cũng được xua tan, căn nhà ấm dần trở lại.
Người khách đầu tiên bước vào Hai Chị Em là "tiến sĩ" Han. Trông thấy tiến sĩ, Mỹ Liên không ngạc nhiên, cô chỉ khẽ mỉm cười gật đầu chào rồi quay vào trong nhà ngay. Đó là một thói quen. Trong khi cô chủ quán Mỹ Liên đang pha cà phê thì tiến sĩ Han ngồi lặng lẽ ngắm bức tường ngôi biệt thự sơn màu hồng phấn một cách say sưa. Mọi ngày, cũng ngồi vào chiếc ghế này, ở vị trí này, Han thấy nó tầm thường, nhạt nhẽo trong cái màu "đồ ngủ đàn bà", nhưng hôm nay, anh nhìn ngắm nó một cách chăm chú, kỹ càng như thể lần đầu khám phá ra nó. Lâu nay anh vẫn thầm ước đoán trong đó chỉ toàn những thứ sang trọng, đắt tiền, nhưng vô hồn, lạnh lẽo. Có chăng, chỉ có tiếng sủa oai vệ của con chó Berger lai Nga là xứng với tầm của ngôi biệt thự. Còn lại tất cả, tất cả đồ đạc cho đến con người đi lại trong đó chỉ là cái bóng, những cái bóng của một màn múa rối, tầm phào, giả dối. Nhưng hôm nay nó đã khác, đúng hơn là từ đêm khuya lúc Han vừa chợp mắt được một lát nhờ làn không khí ẩm lạnh dịu xuống, thì nghe tiếng súng nổ. Là người nhạy cảm với súng đạn nhờ hơn mười năm lăn lộn khắp mấy chiến trường, đánh dư trăm trận, Han nhận ra đó là tiếng nổ của một khẩu carbine. Tiếng súng đã bắn trúng mục tiêu ở cự ly rất gần. Han vùng dậy, theo phản xạ, anh vừa khoác tấm áo lên bộ khung thiếu mất hai xương sườn, chưa kịp lùa dép, thì tiếng súng thứ hai vang lên. Lần này là tiếng súng nổ vào một khoảng không, khoảng không nhỏ hẹp, có lẽ là căn phòng. Han ra khỏi cửa, mắt hấp háy trước luồng sáng của ánh đèn thủy ngân đầu ngõ, thì tiếng súng thứ ba, lần này bắn lên trời, phát súng đe dọa, uy hiếp chứ không nhằm vào mục tiêu. Han chạy tiếp và chờ đợi, nhưng không thấy gì. Ra đến mặt đường lớn, Han dừng lại nấp sau cột điện chờ tiếng nổ nhưng đợi mãi không có tiếng nào nữa. Lát sau là tiếng còi hụ của xe cứu thương và rồi cảnh sát. Han không xem nữa, anh lặng lẽ quay vào, trở lại chiếc giường sắt kêu ken két. Bên trong căn buồng nhỏ, sặc mùi ẩm mốc và nước đái chuột, vợ và đứa con gái của Han vẫn ngủ say. Họ không hề hay biết.
Mỹ Liên bưng cà phê ra, thấy khuôn mặt đăm chiêu của Han, cô hỏi:
-Anh Tiến sĩ, anh biết gì chưa?
-Biết gì là gì?
Liên kéo chiếc ghế ngồi xuống đối diện với tiến sĩ:
-Hồi đêm có án mạng, anh biết không?
Tiến sĩ Han quậy ly cà phê nghe rõ cả tiếng đường cát lạo xạo trong ly, giọng lạnh băng cố hữu:
-Đêm qua cô có nghe súng nổ không?
-Không! Mỹ Liên thật thà. Tối qua em đóng của quán sớm, rồi hai chị em về bà ngoại...
Han nhìn Mỹ Liên, nhếch mép:
-Bà ngoại hay ông ngoại?
-Xì, cái anh này! Đêm qua em không ở nhà thiệt mờ... Sáng nay lúc taxi về tới đầu đường bị dân phòng chận lại...
-Giết người! Han thở dài. Giờ này mà họ vẫn còn bắn nhau. Cuộc đời thật trớ trêu!
Liên làm bộ vùng vằng:
-Chán anh thiệt! Đúng là tiến sĩ gàn. Biết gì thì kể cho nghe, còn ở đó mà thở dài. Bộ ông Năm Tụ bị bắn thiệt hả?
-Tôi cũng không biết. Đêm qua tôi ra đầu hẻm thì thấy xe cứu thương chạy vô chở người đi, không biết ai...
-Tội nghiệp! Mà ai bắn vậy anh Han?
-Họ bắn nhau, người bắn người chứ còn ai!
-Họ nào? Không khéo cướp nó đột nhập vô nhà! Eo ơi, em sợ quá. Liên co người làm bộ rụt cổ lại.
Tiến sĩ Han phì cười, khuôn mặt càng trở nên khó khăn:
-Cô này hay nhỉ? Nếu có cướp thì nó tìm nhà có tiền, có vàng, hột xoàn nó bắn chớ cô với tôi thì có cái gì? À, mà cô thì có đấy...
Mỹ Liên hứ một tiếng đứng dậy:
-Nói chuyện với anh chán quá.
Han bắt đầu lặng lẽ thưởng thức vị cà phê, cái vị đắng, thơm lừng, nóng bỏng của loại hạt cây này đã gây cho anh một thói quen. Nghiện thì chưa hẳn, bởi vì nếu nghiện được cà phê phải là dân sành đời lắm chứ không phải ai cũng cứ nhận vơ, nhận váo là nghiện được. Nhưng nếu sáng ra, không ra ngoài quán Hai Chị Em mà ngồi, mà nhâm nhi, mà nghe, mà nói vài câu thì thật bụng dạ bồn chồn. Nghiện là nghiện quán, nghiện gió, và nghiện cả... chủ quán. Tội nghiệp! À mà Mỹ Liên vừa mới nói hai tiếng "tội nghiệp", cô ta tội nghiệp cho ai nhỉ? Có thể là cho người bị bắn đêm qua. Nhưng cô em ơi, cô mới là người đáng tội nghiệp. Cô bán cà phê khá ngon, khá đắt mối, thế mà lâu lâu lại phải dọn quán sớm để "về thăm bà ngoại". Bà ngoại của cô ư? Đó là một đêm hoan lạc, đêm quằn quại, bải hoải, và những đồng tiền xanh, đỏ... Gái bao! Tội nghiệp! Nhưng mà tốt bụng, thật thà, đôi khi ngây thơ!
Mỹ Châu, cô em gái về sau bằng xe ôm, có lẽ do trời đã tảng sáng, cô gái tiết kiệm. Cô gái móc trong cái bóp nhỏ xinh xinh ánh những hạt nhựa giả đá ra trả tiền xe. Anh xe ôm xòe mấy tờ giấy bạc trên hai ngón tay, vừa nhìn để đếm, rồi mỉm cười với Mỹ Châu. Chiếc xe Furture màu xanh quay đầu lướt đi. Thấy Han đang nhìn mình, Mỹ Châu bỗng cảm thấy xấu hổ, Han đã biết. Cô gái bước chậm lại, dáng đi e thẹn, hai đầu gối hở ra dưới ống váy ngắn khép sát lại, như dáng đi của mấy cô người mẫu. Cô nhoẻn cười, thầm nghĩ: kệ, Han biết hay ai biết cũng chẳng sao. Số phận là vậy. Sống trên cõi nhân gian này, mấy ai được may mắn.
-Anh Han! Chị Liên em pha cà phê cho anh chưa?
-Rồi! Bà ngoại khỏe không mà về sớm thế?
Mỹ Châu không nói, cô ghé sát vào khuôn mặt luôn khó đăm đăm của Han, thì thầm:
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #4 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 05:02:21 pm »

-Đêm qua có cướp à? Nhà anh có sao không?
-Có! Nó cứơp mất của tôi cái bô đi ỉa của con Méng rồi!
Châu không hiểu:
-Thiệt hả?
-Cô này, cô nghe ai nói nhà tôi bị cướp?
-Em nghe ngoài đường đồn hà rầm, xóm Mả Cùi bị tụi cướp tấn công đêm qua, súng nổ quá trời. Chúng bắn chết bao nhiêu là người. Em sợ quá, định không về, nhưng sợ...
-Cô sợ gì?
-Sợ chị Liên em, chỉ hay về sớm, đi khuya...
-Vớ vẩn!
Mỹ Liên từ trong nhà bước ra trong bộ đồ bà ba nền nã, tươi tỉnh, hỏi em:
-Mày về rồi, sao không vô thay đồ ra mà còn đứng đó hót? Vô duyên!
Mỹ Châu nhìn chị:
-Chị này! Em mới về tới, hót gì mà hót! Có chị sắp thành bà già vô duyên rồi đó.
Cô biến nhanh vào trong. Cô chị cũng vào theo, để Han ngồi một mình trong ánh sáng nhập nhòa của ngọn đèn thủy ngân vào ngày, chuyển sang màu vàng úa, nhợt nhạt. Han ngồi uống dè dặt, thình thoảng lại ngoái nhìn ra phía cổng ngôi biệt thự màu "đồ ngủ đàn bà".
Vừa lúc Han quay nhìn vào trong, nghe những tiếng lục cục, thì thào của hai chị em cô chủ quán, khi quay lại đã thấy một anh công an mặc sắc phục, tay cầm khẩu AK, tiến thẳng về phía Han. Anh ta cần gì?
Han nghĩ bụng, và bất chợt cảm thấy không yên tâm. Anh ta muốn gì nhỉ? Hay mình đi ra uống cà phê có sớm quá không? Điều tra? Nhân chứng? Không, tôi chẳng biết gì hết! Uống cà phê sáng là thói quen của tôi, cả xóm này đều biết, cả tay chủ ngôi biệt thự các anh đang canh gác cũng biết, mặc dù tôi không nghiện. Người công an xách súng đi những bước dài về phía Han, anh giả vờ quay đi, không biết. Đến khi người cảnh sát áo xanh kéo ghế ngồi vào cái bàn đối diện với Han, thì anh biết: anh ta cũng thích cà phê!
-Chào anh! Người cảnh sát lịch sự. Ai bán quán nhỉ, cho xin ly cà phê đá nào. Kèm theo là một tiếng thở dài mệt mỏi.
Han quay vào gọi to:
-Mỹ Liên, có khách uống cà phê này!
Cô em Mỹ Châu, đã thay sang bộ quần áo bà ba màu hoàng yến cắt bó sát, mà trong bóng tối tranh sáng, nhìn như không mặc gì, đến trước mặt người cảnh sát, vẻ sợ sệt:
-Thưa, anh dùng chi?
-Chị bán cho ly cà phê đá, đậm đậm vào một chút được không?
Mỹ Châu quay đi, anh ta nói, như để cho Han nghe:
-Chà, mệt quá, trắng đêm! May gần đây có cái quán, làm ly cà phê, buồn ngủ quá trời...
Han chưa muốn bắt chuyện, nhưng anh thấy để người côn an nói một mình, mà trong quán giờ này chỉ có hai người, e bất lịch sự. Người ta nói với mình đấy, Han nghĩ thế và bắt chuyện:
-Có chuyện gì thế ông anh?
Bằng một giọng cảnh giác, lại pha chút quyền uy có tính áp đảo, người cảnh sát nhìn Han:
-Anh ở đây hay ở đâu tới?
-Nhà tôi ở con hẻm bên kia...
-Đêm qua có nghe tiếng súng không?
-Có nghe, nhưng không biết là có chuyện gì? Bọn cướp có vũ trang hả ông anh?
Người cánh sát còn rất trẻ, chỉ bằng một nửa tuổi Han, nhưng rất đã đạo mạo:
-Cướp gì! À anh có biết ông chủ ngôi biệt thự không?
-Biết! Han quả quyết.
-Chắc cũng thỉnh thoảng gặp nhau ngoài đường thôi chứ gì? Cùng khu phố mà...
Han quyết định nói những điều mà người cảnh sát không ngờ tới:
-Tôi biết ông ta từ ba mươi năm nay!
-Thế kia à? Quả là người cảnh sát không ngờ. Có hay chơi thân với nhau không? Chắc là anh cũng làm cán bộ nhà nước.
-Không! Tôi nghỉ lâu rồi. Tên ông ta là Trịnh Quang Tụ. Ba mươi năm trước tôi cùng ở với ông ta, nhưng sau đó mỗi người một ngả, tôi quên ông ấy rồi. Không ngờ hai năm trước tôi gặp lại, nhưng ông ta không nhận ra tôi.
-Chà, hay đấy nhỉ? Người công an vẫn nói một mình.
-Trong nhà ông ấy có chuyện gì thế?
-Họ bắn nhau! Anh ta trả lời bằng đúng giọng công an.
-Sao thế? Han làm bộ ngạc nhiên. Nhà ấy yên ấm lắm mà...
Cà phê bưng ra, anh công an làm như sắp chết thèm, uống một hơi, khà ra, nhìn Han, cười:
-Đời là thế đấy! Chỉ khổ cho bọn tôi. Tiền đi, cô chủ!
Han nghĩ: chắc mấy cha công an đánh lảng dư luận.
Cướp! Đúng là cướp rồi. Máu đã đổ và tiền bạc đã giết người.
                                                           *
Trong khi nhà chức trách đang bắt tay vào điều tra về "vụ thảm sát" trong ngôi biệt thự của ông chủ Trịnh Quang Tụ, thì ở bên kia con đường bê tông nhựa phẳng lỳ, phần còn lại của xóm Mả Cùi, sau những mái nhà tạm bợ, lụp sụp đầy không khí bất lương cũng diễn ra một cuộc điều tra khác, không kém phần ráo riết. Người đứng đầu cuộc điều tra này không ai khác là tiến sĩ Han. Trợ thủ đắc lực của anh ta chính là hai tên ma cô trong xóm là Bèo Chột và Tư Khỉ. Và "trụ sở" của "đội điều tra" đương nhiên đựơc đặt tại quán thịt chó Nam Hà của vợ chồng Sản Huê, điều này làm Sản Huê vô cùng thích thú, đôi khi anh ta cũng góp vào một vài "nhận định" rất đáng chú ý. Thỉnh thoảng "văn phòng" của Han cũng có sự điều chỉnh, di chuyển về quán cà phê "Hai Chị Em" của hai chị em Mỹ Liên và Mỹ Châu, mỗi khi có "động", hoặc hết tiền mua rượu, mặc dù hai cô chủ quán này vốn ghét cay, ghét đắng thằng Bèo Chột có khuôn mặt sáng và Tư Khỉ mặt khỉ. Các cô có vẻ thích và nể Han, vì anh ta đã đứng tuổi lại là "tiến sĩ", có nhiều chuyện ngụ ngôn, răn dạy bon ma cô, có nhiều chuyện tiếu lâm, một con người đàng hoàng, rất "hảo hán".
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 05:02:46 pm »

Ngay buổi sáng hôm đó, khi người cảnh sát cầm khẩu AK đến quán Hai Chị Em, thằng Bèo đã tỏ ra nghi vấn:
-Nhất định trong nhà vẫn còn bọn cướp lẩn trốn, nếu không cảnh sát bao vây ngôi nhà ông Năm làm gì?
Sản Huê tỏ ra thông thạo hơn, bằng kiến thức mà nó nắm được trong phim "Cảnh sát hình sự":
-Mày ngu lắm, Chột ạ, cần phải bảo vệ hiện trường chứ. Trong đó chỉ còn in dấu vân tay của bọn cướp, chứ bọn chúng thì tẩu thoát ngay rồi...
Bèo ngồi thừ, thán phục:
-Có lẽ tiến sĩ Han biết đựoc nhiều tình tiết, giờ này chắc "bố già" đang ngồi ở quán Hai Chị Em... Mình qua đó đi, Tư Khỉ?
Tư Khỉ vần ngồi thu lu trong góc nhà. Nó là một thằng ngốc có khuôn mặt chưa tiến hóa ra khỏi loài khỉ, tuy thế Tư Khỉ lại có được sự lanh lợi, tháu cáy của loài khỉ, đặc biệt trong lĩnh vực ăn uống. Nghe Bèo Chột rủ vậy, nó toan đứng dậy, nhưng lại ái ngại:
-Qua đó có gì ăn không mầy? Chị em nhỏ Mỹ Châu nó ghét tao lắm!
Bèo cười ha há:
-Ai biểu mầy xấu chơi! Dẫn mối, bẻ cò ở đâu chứ ở cái xóm Mả Cùi nầy cũng phải để cửa mà đi về chớ? Phải không anh Hai? Nó nhướng cặp lông mày dài và đen nhánh về phía Sản Huê.
-Thôi, thằng Tư nó biết rồi, mày cứ lải nhải hoài cái chuyện đó làm gì. Mà thằng Bèo nói đúng đấy, ngay ca ông Năm, nhân vật tai to mặt bự của Khu VIP cũng còn phải nể mặt dân Mả Cùi nữa là...
Sản Huê đang giảng giải thì Hai Hành, vợ Sản từ trong nhà chui ra, trông chị ta như con mắm moi ra từ trong hũ. Tuy thế, gương mặt lại nhẹ nhõm, với nụ cười rất rộng:
-Lại chuyện hai chị em Mỹ Liên rồi, mới bảnh mắt ra mà các người đã nổ như bắp! Bị chị em con yêu tinh đó nó hớp hồn mà.
Hai thằng ma cô im thin thít, sản Huê lầu bầu:
-Chuyện đó thì làm sao? Hễ cứ nói tới là ăn ngay được đấy hẳn? Không mau sửa soạn đi chợ, còn đứng đó? Thằng Tư mày lấy xe chở chị Hai ra chợ nghen.
Tư Khỉ lồm cồm bó dậy, dạ một tiếng rồi vào nhà đẩy cái xe Dream Trung Quốc ra.
Hai Hành nguýt chồng một cái rõ dài rồi lủi vào nhà. Sản Huê ngồi nhìn những bóng người thấp thoáng ngoài đầu ngõ, tiếng hỏi chào râm ran. Thỉnh thoảng lại có tiếng cười rộ lên, the thé, hô hố…
Khi người công an cầm súng dài trở lại vị trí làm nhiệm vụ, để Han ngồi lại một mình, thì thằng Bèo lò dò tới. Nó nhìn trước nhìn sau, ngó vô thấy cái ô cửa sổ nhà Mỹ Liên thấp thoáng bóng người, nó chững lại.
-Vô đây biểu! Thập thò gì ngoài đó, Bèo?
Thằng Bèo rón rén lách qua hàng ghế nhựa sặp lộn xộn, cái đỏ, cái xanh... đến ngồi cạnh tiến sĩ Han, nó thì thào:
-Cướp hả chú?
-Ừ! tiến sĩ Han khẽ gật đầu, rồi nhìn cái bộ điệu vừa có vẻ khoái chí, lại vừa sợ sệt của thằng ma cô. Tối qua hai thằng bây ngủ đâu?
-Lúc nào ạ? Tui con đang dẹp quán cho anh Sản thì nghe súng nổ ở bển. Bèo nhóng cái cổ cò của nó về phía ngôi biệt thự.
-Mày thấy gì?
-Dạ, hổng có thấy gì...
-Bậy nào. Ngồi ngay quán Sản Huê mà nói không thấy gì là sao? Có thấy thằng nào vác súng chạy ra không?
-Con nói không thấy thiệt mà. Không tin chú Tiến sĩ cứ hỏi anh Hai Sản với thằng Tư Khỉ. Nó trả lời rắn chắc.
Han gật đầu:
-Vậy mày có thấy xe cứu thương với xe cảnh sát chạy vô không?
-Dạ, thấy. Con tưởng chú hỏi bọn cướp.
-Mầy uống cà phê không? Không đợi thằng Bèo trả lời, Han gõ muỗng vào cái ly thủy tinh, phát ra hai tiếng lẻng keng. Lát Sau Mỹ Châu ra, nhìn thấy thằng Bèo, cô gái chững lại, nhưng Han đã nói:
-Cho nó một ly đen!
Châu nguýt nguẩy đi vô. Thằng Bèo cười khùng khục. Nó vừa sợ lại vừa khoái chọc ghẹo được hai chị em cô chủ quán cà phê và coi đó là một kỳ tích. Bèo Chột rất quý hai chị em chủ quán, trong thâm tâm, nó luôn nghĩ, giữa chúng có một cái gì gắn bó, máu thịt, tuy nó không hiểu là cái gì. Bèo chỉ nghe người dân cuả xóm Mả Cùi nói với nhau rằng nó được người ta nhặt lên từ cái ao bèo lục bình mé cửa sông, từ khi còn đỏ hỏn, chưa cắt rún, còn Mỹ Châu và Mỹ Liên thì được bà Tám Còm tìm thấy trong cái bô rác ở bên kia chân cầu. Có điều, sau này chúng lớn lên, thì hai chị em Mỹ Liên có một người đàn bà đến nhìn họ là con ruột. Thế rồi bà ta đi không quay lại. Bà Tám Còm chết, hai đứa ở luôn ngôi nhà đó cho đến giờ. Nó càu nhàu với Han:
-Người đâu, đẹp thì có đẹp mà dữ quá!
-Dẹp cái chuyện đó đi, Bèo. Thằng Tư đâu?
-Dạ, nó chở chị hai Hành đi chợ rồi...
Tiến sĩ Han nghĩ ngợi một lúc rồi nói với Bèo:
-Nội trong ngày hôm nay, hai đứa bây phải dò cho được, coi đám cướp nào đêm qua tấn công nhà ông Năm Tụ nghen! Được không?
Thằng Bèo Sáng mắt:
-Dạ được! Nó trả lời ráo hoảnh, bỗng nó nảy lên. Ý, mà hổng được đâu chú Tiến sĩ ơi!
-Sao vậy?
-Tụi con chỉ rành dò la mối ăn chơi, dại gái chớ làm sao truy lùng được bon cướp. Tụi nó ghê lắm!
-Trời, cái thằng! Tao bảo tụi bây đi dò la, nghe ngóng, chớ có bảo tụi mày phải đi bắt chúng đâu mà sợ.
Thằng Bèo vẫn im lặng, hai mắt nó cụp xuống như mắt con chó bị la. Cái dũng khí của một thằng ma cô chuyên nghiệp tan biến. Mỹ Châu bưng cà phê ra, nhìn thằng Bèo ngồi xo ro trước mặt Han, cô cười:
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 05:03:11 pm »

-Chết thằng Bèo chưa? Nó ăn cắp hả anh Han?
-Bậy nào! Han mắng Châu. Ăn cắp tao chặt tay liền, ở đó mà múa mép. Để cà phê cho nó rồi đi chỗ khác chơi, để người ta bàn công tác.
Bèo ngẩng lên, con mắt sáng của nó trở nên dữ dằn:
-Đù mẹ, ai biểu tao ăn cắp? Nhìn cái mặt tao đi, con điếm?
-Thôi nào! Han gạt đi, bằng một giọng của người cha mắng đàn con. Động một tí là cãi lộn, chửi thề. Tao đập cái chết hết giờ.
Tiến sĩ Han mắng hai đứa rồi bỗng anh ngồi lặng đi. Anh buồn rầu nhìn ra phía ngõ lao xao. Ma cô, gái điếm, trộm cướp, rượu chè... dồn tụ cả vào bên đây con đường, mà chỉ phía bên kia, cách mấy bước chân, một thế giới khác, thế giới của phấn hồng, nước hoa, chó bẹc-giê, thịt bò Úc... Nhưng mà, truy dến cùng, cả hai bên đều giống nhau, cả hai bên đều hùng hục lao vào nhau, sờ nắn, hôn hít, mân mút, làm tình... cứ hùng hục như nhau, như con heo, con gà, con vật...
Bỗng nhiên Han thấy ngột ngạt quá, hình như không khí đẫm đặc hơi nước. Vết thương ở cổ Han hôm nay như cứng lên, chẹn ngang tầm nhìn mỗi khi anh muốn quay cổ nhìn về phía sau, như người trúng gió. Vết thương đó cũng từ một viên đạn carbine, trong trăm ngàn đường bay loạn xạ của những viên đạn từ những tay súng hoảng lọan, thế quái nào, một viên lại găm ngay vào cổ anh, vừa đủ để anh bị thương một cách an toàn, vừa phải mà không nhích lên hay tụt xuống vài phân để đưa Han về bên kia thế giới. Nhiều năm về sau này, nhất là những lúc tuyệt vọng, Han vẫn thầm nguyền rủa viên đạn, mà không hề căm giận kẻ đã bóp cò. Đằng đông phía xa lộ đã bắt đầu ầm ầm tiếng xe cộ, hình cây cầu vắt ngang qua con sông như được cắt bằng giấy, sắc cạnh và lạnh lùng.
Thằng Tư mặt khỉ về nhà không thấy Bèo, nó cắm cổ chạy sang quán cà phê, đeo dính lấy thằng bạn. Han nhìn Tư Khỉ, nhếch mép:
-Mày vừa ở chợ về?
-Dạ!
-Có nghe gì không?
-Dạ, nghe! Nó nhát gừng với ông tiến sĩ.
-Nghe sao nói lại tao nghe nào?
Thằng mặt khỉ dằng hắng như một kẻ hụt hơi, tuôn ra một tràng:
-Nghe đủ thứ chú ơi! Họ bảo có hai thằng mặc quần áo đen, bịt khăn đen kín mít, như Ninja vậy đó, trèo tường xông vào nhà ông Năm. Đầu tiên là nó đánh thuốc độc cho con chó béc-giê chết lăn quay ra đất rồi mới dùng chìa khóa vạn năng cậy cửa vô nhà. Không biết sau đó có chuyện gì, in như là ông Năm phát hiện ra, quát hỏi: "Ai? Giơ tay lên!", Ông Năm, ổng có súng, K54 hẳn hoi nha! Nhưng hai tên cướp đã nhanh chóng nổ súng bắn chết ông Năm. Vợ ông Năm và đứa con gái vừa lóp ngóp chui ra khỏi phòng ngủ cũng bị bắn chết luôn! Ghê quá ha! Thằng Tư giơ ba ngón tay lên trước mắt: ba người luôn đó chú Tiến sĩ!
Trong lúc khuôn măt khỉ của thằng Tư đang nhăn nhúm, nó ra bộ kinh hãi về câu chuyện nó kể, thì thằng Bèo lăn ra cười:
-Xạo quá mầy ơi!
-Thiệt chớ bộ. Tư Khỉ cãi. Mầy không tin ra ngoải mà hỏi người ta. Nè, tao nói cho mày hay: hai thằng cướp còn ra nhà lồng chợ chia tiền vàng. Nhiều lắm à nghen. Ông già Cùi ngủ ở cửa chợ còn lượm được một sợi dây chuyền năm chỉ vàng y nữa đó!
Tư Khỉ vừa nói xong, thè cái lưỡi nhỏ như lưỡi khỉ của nó ra liếm môi choanh choách, như thể chính nó đã nhìn thấy và giờ đây nó thèm thuồng sợi dây chuyền ấy lắm. Bèo vẫn chưa thôi cười:
-Xạo mầy! Chừng nào mầy có sợi dây chuyền năm chỉ đó tao mới tin...
Hai đứa còn chành chọe nhau một lúc, khiến Han nghe chăm chú mà bật cười:
-Thôi, nghe đủ rồi. Người ta đồn có cướp là có cướp, còn chuyện sợi dây chuyền năm chỉ của thằng Tư thì để nó đem tặng bồ nó. Thằng Bèo đừng có hỏi han, truy bức nó làm chi!
-Không phải của con, của ông già cùi ngoài ngoải! Tư Khỉ vẫn cố cãi, nó không biết cả thằng Bèo, bạn nó và chú tiến sĩ Han đang giỡn với nó, ghẹo nó.
-Ừ thôi, để cho ông già Cùi của mầy xài chơi. Bây giờ vầy nghe, từ giờ tới trưa, hai đứa bây thám thính tình hình xung quanh nhà ông Năm, có gì về nói lại với tao, nghe chưa? Tao có thưởng đàng hoàng, hả?
Chương 3
Đang nằm mơ, hình như ông Trân nằm mơ thấy ông đang ở nhà, quê ông, với vợ, với thằng cháu nội. Thằng cháu ông sún mấy cái răng cửa, nhưng lại nhồm nhoàm nhai kẹo. Nó có gương mặt sáng, cái trán gồ và hai tai to. Ông nhớ nó quá, nên ông hay mơ về nó, về ngôi nhà của ông cách xa nơi này những hai ngàn cây số. Bỗng ông mơ thấy nó chạy ra đường, nó chạy nhanh lắm, ông đuổi theo nó nhưng cứ gần tóm được nó, thì nó lại vuột khỏi tay ông, mà hai chân ông thì cứ quíu lại, gỡ ra không được. Ông vừa chạy, vừa réo tên nó, nhưng miệng ông cũng đông cứng. Thì bỗng dưng phía trước thằng cháu ông có một chiếc xe ô tô đang phóng tới. Chiếc xe phóng với tốc độ rất nhanh, ông nhìn mà chóng cả mặt. Thằng cháu ông thì không biết, và cứ thế nó lao thẳng vào chiếc xe. Mà chiếc xe rất quen, hình như ông vẫn thường nhìn thấy nó hàng này. Và thằng cháu đích tôn của ông bị biến vào trong chiếc xe ấy. Từ hai cánh cửa hai bên của chiếc xe quen quen, ông nhận thấy hai khuôn mặt cũng quen thuộc. Đúng rồi, đó là ông giám đốc Năm Tụ và phó giám đốc Tài. Nhưng sao cả hai khuôn mặt lại đều sưng vù, đẫm máu? Ông sợ quá, quên cả thằng cháu vừa bị chiếc xe nuốt vào, ông đến bên ông Năm, thều thào:
-Giám đốc ơi! Sao lại...
Ông giám đốc làm như không nghe lời ông già thăm hỏi, như mọi ngày, ông vung nắm đấm lên khỏi đầu và giáng mạnh xuống nắp ca-pô chiếc xe. Một tiếng "rầm...!" rung lên, làm ông Trân, bảo vệ đêm của công ty CHANDCO giật mình, thức giấc.
Tất cả đều là chiêm bao, ông Trân nghĩ thế, nhưng tiếng động "rầm" một cái thì hình như là thật. Cái gì nhỉ? Không có nhẽ lại kẻ trộm? Vào giờ này, người ta ngủ ngon dễ có trộm lắm, quân ăn đêm, bọn đạo chích cũng rành người đời lắm! Nhưng sự im lặng sau đó ngân nga, ong óng trong đầu ông già hưu trí, bỏ nhà đi làm bảo vệ, kiếm tiền, khiến ông nghĩ, không thể là kẻ trộm được. Đúng là con mèo! Nhưng mà mèo thì không hay lục lọi vào giờ này, dù là mèo hoang, mèo mả, kinh nghiệm cho ông thấy thế. Ông chui đầu ra khỏi mùng nhìn chiếc đồng hồ điện treo trên vách tường: ba giờ năm phút. Còn sớm!
Ông Trân kéo tấm mền mỏng đắp lên ngang cổ, nhắm mắt, ngủ tiếp. Chỉ ít phút sau ông đã ngủ, và lại rơi vào giấc chiêm bao. Ông lại mơ thấy hai ông chánh phó giám đốc công ty của ông, của nơi ông đang làm thuê. Lần này thì hai ông thong dong dắt tay nhau cùng đi vào, ông Trân vội chạy ra mở cửa. Ông lấy làm lạ là sao hôm nay ông giám đốc lại tươi cười, vồn vã với ông mà không lừ lừ, lạnh lùng như mọi ngày? Cả ông Tài cũng thế, cũng cười tươi lắm, cười tươi như hôm đón ông bộ trưởng đến thăm công ty.
Thường ngày, vốn là một ông già hưu non, làm hợp đồng kiếm thêm chút tiền giúp con, giúp cháu, không có được một vị trí chính danh nào trong công ty, ông Trân ít khi dám nhìn vào mặt hai ông này, mà cũng chả cần nhìn làm gì, ông nghĩ thế, họ là những con người danh tiếng, chức trọng, quyền cao, chỉ cần nghe tiếng nói, tiếng cuời, hoặc nhìn dáng đi từ sau lưng cũng biết họ là ai rồi. Cái thần, cái tướng, cái tinh của họ lộ ra không chỉ lời ăn, tiếng nói, mà cả cái cách ngửa cổ, lúc nào cũng nhìn lên trần nhà, hoặc trời xanh, cái cách vung tay, cái kiểu thả gót giầy...
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 05:03:42 pm »

Nhưng trong giấc mơ ngủ nướng, ông Trân lại mạnh bạo nhìn vào hai khuôn mặt lớn nhất của công ty. Ông Trân bỗng giật mình nhận ra: hai khuôn mặt này đều sưng tấy lên, méo mó, nhăn nhó. Họ cười, càng cười ông thấy họ càng nhăn nhúm, vẻ đau khổ, uất hận, nuối tiếc cứ giằng co trên từng thớ thịt trên mỗi bộ mặt của họ, nhất là ông Năm, ông giám đốc khả kính của ông!
-Trời ơi! Ông giám đốc ơi! Ông phó giám đốc ơi! Các ông làm sao thế này?
Ông Năm cúi xuống nhìn sát vào mặt ông, và nói bằng cái giọng đanh thép, trầm tĩnh mẫu mực như thường thấy:
-Ông Trân ơi! Tôi đi vắng một thời gian, ông ở nhà thay tôi làm giám đốc công ty nhé! Ông cười rất vang, hào sảng, tự tin như thường ngày ông vẫn cười.
Ông Trân sợ hãi, xua tay:
-Không! Tôi có ở trong biên chế đâu, tôi về hưu rồi, sao ông lại bắt tôi giữ cái chức vụ to thế? Tôi không làm nổi đâu! Ông bảo ông phó giám đốc Tài ấy, ông ấy là phó của ông, ông ấy phải thay ông mà làm chứ!
-Tài ư? Không tin nó được đâu! Nó là một con rắn, ông ạ! Ông đừng lo, làm giám đốc không khó đâu! Làm giám đốc tốt, được mọi người yêu mến, tâm phục, khẩu phục thì mới khó, chứ làm như tôi thì dễ thôi. Ở công ty này, ông là người tốt nhất. Ông phải làm giám đốc thay tôi.
Ông Trân kinh ngạc, bởi ông đã từng được nghe những lời này ở đâu rồi? Ai nói nhỉ, ai nói chứ không phải ông Năm giám đốc nói. Thôi đúng rồi, cậu Kha, cái cậu kỹ sư "dở người", không thích tiền ấy nó nói với ông thế đấy. Nhưng sao hôm nay, chính ông giám đốc cũng nói thế nhỉ? Chả còn biết ra làm sao nữa, chắc là ông Năm này sắp đi đâu xa thật! À mà có gì đâu, mơ mòng ấy mà. Người ta bảo, ban ngày anh nghĩ đến cái gì, là ban đêm anh chiêm bao thấy nó!
Ông Năm Tụ càng nói càng ghé sát mặt vào mặt ông Trân, một giọt máu nóng bỏng rớt vào mặt ông! Ông Trân hốt hoảng, giật mình, tỉnh cơn ác mộng.
Lần này thì ông Trân không dám ngủ lại nữa. Ông bần thần nhìn ra cửa, hai cánh vẫn đóng kín, không những thế, cái cửa sắt cuốn bên ngoài cũng vẫn chốt chặt. Nhưng trong bóng tối lờ mờ, hình như bóng dáng của hai con người, hai khuôn mặt to lớn nhất công ty vẫn đang ở đâu đây. Ông Trân, một con ngưới dày dạn sống với quỷ ma, chưa từng thấy ma quỷ bao giờ, nhưng, như mọi con người từng trải, kinh nghiệm đời cho ông biết, không tin vào ma, vào quỷ thần, vào mê tín, đồng cốt là không được. Nó là số phận! Số phận đã khoác vào ai rồi, người đó phải chịu. Như ông, ông làm thuê, làm thêm, ai bảo trách nhiệm không nặng, nghĩa vụ không cao cả? Như các ông giám đốc mà ông biết, quyền cao chức trọng, đi mây về gió, nói năng một tiếng là một chân lý, một cái gật đầu là một xấp tiền, nhưng ai bảo là sướng, là thảnh thơi?
Gió theo hành lang chạy rào rào, hun hút luợn theo những góc khuất, tạo ra những tiếng u u thầm thì quen thuộc. Ông Trân không ngủ nữa, mà cũng không dám ngủ lại nữa, ông sợ ông lại chiêm bao như hai lần mơ khi nãy. Ông không bật đèn mà lần mò đi vào bếp, cầm lấy cái bình thủy, lắc lắc, hãy còn đầy, nhưng có nhẽ đã nguội. Ông dốc bình thủy vào cái ca nhựa màu đỏ xậm, đã sứt sẹo, lởm khởm, thô ráp như bàn chân của một con thạch thùng. Tiếng nước ồng ộc, vài giọt âm ấm bắn vào mu bàn tay, làm ông Trân giật mình nhìn lên vách tường và càng giật mình hơn khi nhìn thấy cái bóng người lù lù lay động. Chết thật, bóng mình đấy mà, ông lẩm bẩm. Nhưng sao mọi ngày không thấy nhỉ? Đèn ở đâu hắt vào thế không biết? Ông Trân nghển cổ lên đứng vào đúng chỗ cái bóng, thì ra một ngọn đèn bóng tròn ở bên kia đường, một cái quán cà phê hay điểm tâm gì đó mới lấn ra vỉa hè.
Ông Trân đun nước bằng bếp ga, ngọn lửa xanh như cái lưỡi rắn thở phì phì, rồi chuyển sang đỏ bầm. Nước sôi, ông pha một bình trà rồi ngồi chờ ngấm...
Thế mà cũng đã sáu giờ, sáng rồi! Ông Trân ngồi uống nước một mình, lòng vẫn cứ băn khoăn về giấc mơ lúc rạng sáng. Giấc mơ vào nửa đêm trước là giấc mộng ảo, nhưng nếu chiêm bao vào nửa đêm về sáng thường là giấc mộng báo, ngày còn nhỏ, mẹ ông đã từng giảng giải cho ông như thế. Ông không còn nhớ, trong đời mình có dịp nào trải nghiệm giấc chiêm bao của mình chưa, nhưng lời bà mẹ ông từ thuở thiếu niên, thỉnh thoảng ông vẫn nhớ lại. Thế còn thằng cháu ông? Ông cũng mơ thấy nó gặp tai nạn vào lúc ba giờ sáng mà? Ông Trân bồi hồi quá, rít thuốc lá đến bỏng môi.
Ông đứng dậy đi xoay từng nắm đấm cánh cửa các phòng, không có gì suy suyển. Đến trước phòng giám đốc, ông dừng lại hơi lâu, rồi lại bồi hồi quay sang phòng phó giám đốc Tài kế bên. Nghĩ thế nào, ông đưa tay cầm vào cái nắm đấm bằng đồng. Một cảm giác lành lạnh của kim khí qua đêm. Ông nghĩ nó cũng sẽ nằm cứng như những phòng khác, nhưng thật bất ngờ, bàn tay ông hụt hẫng, và ông bị chúi theo đà đẩy, bất ngờ, chạy tọt vào phòng phó giám đốc Tài. Sao ông ta không chốt cửa trước khi ra về? Thì ra, ông phó này có tiếng là cẩn thận, chín chắn đến khó chịu, hai hàm răng nhỏ và đều, xít lại, rất khỏe mà cũng có lúc lơ đễnh. Quay ra, ông Trân định bấm chốt quả đấm, nhưng nghĩ thế nào, lại thôi. Ông thoáng nghĩ, biết đâu, ông phó lại chả thử xem, trong lúc ông ta không có mặt ở công ty, có ai lẻn vào không thì sao? Ai chứ ông Tài, dám lắm. Ông Trân lủi thủi bỏ xuống tầng dưới. Có tiếng chuông gọi cửa, tiếng chuông nghe gắt gỏng lắm, ai thế nhỉ?
Thường ngày, anh chàng Kha là hay đến cơ quan sớm lắm, có khi cậu ta còn để nguyên bộ đồ thể thao, đến cơ quan. Cậu ta bảo: "Nhà tôi ở lầu chung cư, xuống rồi ngại lên lắm! Tôi chạy buổi sáng, rồi đi làm luôn, đây, cứ thay cái áo sơ mi này vào là thành công chức chứ gì nữa, bác Trân nhỉ? Đến cửa, cậu ta cũng nhấn chuông rối rít, rồi ngồi lại làm với ông mấy tách trà, chuyện nhiều lắm, không hiểu cậu ta lấy đâu ra chuyện nhỉ. Cậu ta bảo đọc báo, đọc sách, đi nhậu, chịu khó nghe, về nghĩ lại, sửa lại đôi chút cho hợp với mình, như là mình, rồi in-téc-nét... thiếu gì chuyện. Đó là một người đàn ông mạnh bạo, xốc vác, tự tin, nhưng ác khẩu. Ông vừa thích, lại vừa không thích người như Kha. Nó cứ ào ào thế, có gì tội nó chịu, nhưng cứ chơi với những người như thế, dễ mang họa lây... Có điều lạ, mà ông Trân biết, nhưng không sửa được. Kha kém ông đến hơn chục tuổi, ông gọi hắn bằng cậu, cậu em, là phải phép, ấy thế mà ông giám đốc, cũng trạc tuổi Kha chứ mấy, mà ông cấm có dám gọi bằng tên, chỉ một hai ông giám đốc, hay ông Năm. Ông hay thằng, hóa ra nó lại phụ thuộc vào cái chức vị. Nếu một ngày nào đó giả dụ (giả dụ thôi đấy) Kha có làm giám đốc, không biết ông có gọi cậu ta bằng ông không nhỉ?
Chuông nhưng không phải Kha, ông Trân quả quyết, chuông của Kha gọi, vẫn có cái gì mạnh bạo, nhưng từ tốn, biết điều, thân mật hơn. Chuông này? Hay là của giám đốc? Chết rồi, ông ta mà đến sớm thì thế nào cũng có "vấn đề" rồi. Ông Trân chạy vội xuống cầu thang tối lờ mờ ra mở cửa. Vừa tra chìa khóa vào ổ khóa, ông vừa lên tiếng:
-Dạ... Xin chờ cho một chút...! Tôi ra ngay đây...
Ông Trân giật bắn người khi nhìn thấy anh công an đứng chắn ngay cửa. Đằng sau anh ta còn hai người nữa mặc thường phục, nhưng ông Trân biết chắc họ cũng là công an. Ông lắp bắp:
-Các... các đồng... chí... hỏi.... gì ạ?
Cả ba người không đợi mời đã nhanh nhẹn, thoắt cái bước vào phòng tiếp khách của công ty. Người mặc sắc phục công an lên tiếng:
-Công ty mấy giờ làm việc?
-Dạ, báo cáo anh, bảy rưỡi ạ!
Anh ta nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn hai người đi cùng, cũng nói một câu trống không:
-Còn sớm!
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 05:04:08 pm »

Rồi quay sang ông Trân:
-Có một mình bác ngủ lại tai văn phòng thôi à?
-Vâng! Có mình tôi. Ông Trân dần bình tĩnh lại, ông hiểu được họ muốn gặp ai rồi:
-Các đồng chí muốn gặp lãnh đạo chúng tôi phải không ạ? Vâng, quả là còn sớm! Ông cười.
Người mặc thường phục có mái tóc rất nghệ sĩ, nói bằng một giọng cũng du dương:
-Bác này, anh em chúng tôi đây là công an trên đội cảnh sát hình sự, có việc muốn gặp lãnh đạo cơ quan. Thế công ty ta, ngoài anh Tụ và anh Tài, ban lãnh đạo còn ai nữa không bác nhỉ?
Ông Trân thấy có cảm tình với con người này, mặc dù theo ông, cảnh sát điều tra hình sự mà đã đến, lại đến sớm thế này thì chẳng có việc gì lành rồi!
-Dạ, báo cáo các anh, có chuyện gì hệ trọng không ạ? Ngoài hai ông chánh phó giám đốc ra, chỉ còn các trưởng phòng...
Bầu không khí im lặng đến ngột ngạt, mỗi khi tiếng còi xe hơi gắt gỏng từ ngoài đường phố lọt vào, ông Trân lại giật mình: ông giám đốc tới! Nhưng, ông Trân chưa biết rằng, ông giám đốc của ông sẽ không bao giờ tới được nơi này, đi vào cái cửa kính bốn cánh lúc nào cũng bóng loáng, thả gót giày thong thả, vang lên những tiếng bước chân uy nghi, ngồi vào chiếc ghế bành xoay, tựa lưng cao khỏi đầu, thư giãn nheo cặp mát sáng, linh lợi sau cặp kính gọng vàng, ngắm nhìn ngọn quốc kỳ xinh xinh được cắm trong một chiếc bình bạc, sang trọng. Ông Trân không biết, nhưng những người công an ngồi đây đã biết, có thể chưa biết cụ thể, chi tiết, nhưng hình như họ đã biết số phận của ông Năm Tụ. Một trong hai người mặc thường phục, ngồi ngọ ngoạy trên ghế tỏ vẻ sốt ruột:
-Cơ quan dân sự làm việc thoải mái nhỉ? Anh ta nhìn đồng hồ tay. Bảy rưỡi cơ à? Nhưng mà anh chị em đến sớm hơn hay trễ hơn giờ làm?
Ông Trân tự biết trách nhiệm của mình là phải trả lời câu hỏi trên:
-Dạ vâng! Có cậu Kha, kỹ sư thường hay đến cơ quan sớm lắm, cậu ta son rỗi mà...
Người kia sốt sắng:
-Cậu Kha giữ chức vụ gì trong công ty?
Ông Trân cười:
-Chức vụ gì đâu cái cậu "dở hơi" đó...
-Cậu ta dở hơi như thế nào, bác?
-À, là anh chị em trong công ty vẫn thường nói lén cậu ta thế thôi! Làm cái chân "gác-đờ-co" ăn lương hợp đồng như tôi thì biết gì mà nói. Nhưng tôi thấy cậu ấy cũng bình thường như mọi người. Có lúc, có chuyện tôi thấy cậu ấy thông minh lắm...
Người ngồi kế bên xen vào câu chuyện:
-Thông minh lắm thành ra dở hơi! Bác thử "đơn cử"" một "hành vi dở hơi" của anh ta xem nào?
Ông Trân gãi cái đầu tóc bạc xơ cứng, húi, cố hiểu những từ ngữ của anh công an. Rồi ông cũng hiểu ra, lúng túng:
-Họ bảo... họ bảo cậu ấy không thích tiền!
Cả bốn người cùng cười, ông Trân cười dè sẻn hơn, mấy người khách cười thoải mái, để giết thì giờ.
Ông Trân đổ bã pha ấm trà khác. Có tếng người ngoài cửa:
-Làm gì mà hôm nay có khách sớm thế, bác Trân ôi...?
Tiếng của Kha, nghe cái tiếng "ôi", ông thấy yên tâm hơn, vì có đồng minh. Anh ta trong bộ quần áo thể thao, quần xanh có kẻ sọc trắng hai bên ống, áo thun cháo lòng, khăn mặt vắt vai, người đẫm mồ hôi. Thấy có mấy người khách lạ, lại có cả công an, Kha chững lại, nhìn ông Trân dò hỏi. Không có ai lên tiếng, Kha hơi khó chịu, nhưng anh vẫn cúi chào kiểu cách, thấy rõ vẻ giả tạo:
-Xin kính chào các ông!
Bấy giờ ông Trân mới chỉ vào khách:
-Các anh đây là công an hình sự đến tìm ông giám đốc công ty. Đến từ sớm lắm!
Kha giật mình: "Thế là cái gì phải đến, đã đến!". Ông Trân quay qua giới thiệu với các chiến sĩ công an, cũng bằng một giọng kiểu cách:
-Dạ, thưa các anh đây là cậu Kha, người mà các ông vừa hỏi!
Cả ba anh công an đều ngạc nhiên nhìn Kha. Một người đàn ông gầy gò, nhưng chắc chắn, đồ chừng tuổi năm mươi, dáng mạnh mẽ, mái tóc hoa râm, muối nhiều hơn tiêu và đôi mắt ánh lên vẻ diễu cợt. Đúng là một người dở hơi đây sao? Nghe ông Trân nói thế, Kha cười tươi:
-Thế ạ? Các vị vừa nói về tôi à? Tôi lại gặp rắc rối gì đây với pháp luật chăng? Hèn nào, tử vi của tôi nói...
Anh công an mặc sắc phục cười:
-Mời anh Kha ngồi chơi... uống nước! Anh Kha năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?
Kha làm ra vẻ rầu rầu:
-Báo cáo các anh, tôi năm nay ở vào cái tuổi người ta gọi là "về hưu thì non, mà công tác thì già". Năm mươi hai... chẵn! Bằng tuổi anh Tụ! Này, các đồng chí, xin hỏi thật nhé, các anh đến bắt ai thế?
-Thế anh nghĩ là chúng tôi đi đến đâu cũng chỉ để bắt người thôi à?
Kha châm điếu thuốc, phả khói dày đặc, một anh công an phất tay, tránh đám khói từ hai lỗ mũi Kha bay ra. Thấy thế, Kha vội "Xin lỗi, tôi vô ý", rồi dập tắt điếu thuốc xuống đế giày:
-Đó là chức năng, là nhiệm vụ chuyên chính vô sản. Bắt những kẻ xấu, kẻ phá hoại là một việc làm nhân đạo, phải không ạ? Các anh nên bắt, càng nhiều càng tốt...
Đúng là một ông dở hơi! Anh công an còn trẻ có bộ ria mép lờ mờ, cố tình để cho oai, thầm nghĩ, rồi nói ra miệng:
-Người ta bảo anh không thích tiền phải không?
-Bậy! Ai nói với anh thế? Lại bố Trân phải không? Tiền thì ai mà chẳng thích. Con chó nó cũng thích tiền kia mà!
-Không đúng! Anh công an trở nên vui tính, cãi lại nhận định của Kha. Con chó biết gì mà thích tiền?
-Có đấy, để tôi kể cho các anh nghe. Ông bạn tôi nuôi một con chó, suốt ngày xích nó ở cửa, để nó trông nhà. Có khách nào vào nó sủa lên đúng ba tiếng, không hơn, không kém để báo hiệu cho chủ nhà. Thế nhưng một hôm nó sủa vang rền, hàng chục tiếng. Mà tiếng sủa nghe như mừng rỡ, reo vui. Ông bạn tôi vội chạy từ nhà trong ra, thì thấy con chó đang lấy một chân đè lên tờ giấy bạc năm trăm đồng, còn mõm thì ngửa lên trời mà sủa một cách sung sướng! Chuyện có thật đấy! Con chó ấy, nếu ta ném cho nó một tờ giấy báo, nó bỏ qua, nhưng nếu đó là đồng tiền, nó lấy chân chặn lên, giữ chặt, mừng rỡ...
-Đúng! Có con chó khôn lắm, mình biết! Anh công an ngồi kế bên gật gù.
-Con chó nó còn thế, huống là con người, là tôi? Phải không bác Trân? Nhưng tôi biết vì sao có người bảo tôi "không thích tiền" rồi. Tôi đã hơn một lần từ chối kiếm tiền bằng cách phải hạ nhục, năn nỉ, thậm chí bán rẻ cả giá trị của cá nhân tôi, tập thể công ty tôi! Họ chỉ nhìn thấy có thế thôi, chứ không bao giờ thấy được bản chất của sự việc, mà có khi chỉ xảy ra ngay sau đó, sau lưng ta. Bác Trân chỉ nghe nói thôi chứ chưa biết được những việc cay đắng lắm đâu!
Một chiếc xe ô tô cũ kỹ, cũ cả về chất xe và mô-đen, rà sát vào lề đường rồi dừng hẳn. Từ trên xe có hai người đàn ông bước ra, vẻ mặt long trọng, rầu rĩ.
-Đây rồi! Anh công an mặc sắc phục nói thế rồi đứng dậy, đi ra bắt tay hai ông. Chúng tôi chờ anh lâu quá!
-Có chuyện gì mà các anh triệu tập chúng tôi sớm thế?
Anh công an không trả lời, đi vào nói với ông Trân và Kha:
-Đây là hai đồng chí trên đảng ủy khối, cùng xuống làm việc với chúng ta. Tôi ở phường, còn hai đồng chí này ở đội điều tra hình sự quận. Nào chúng ta bắt đầu vào việc...
Ông Trân, Kha và hai ông đảng ủy đứng như trời trồng, miệng mấp máy, nửa muốn hỏi, nửa không dám!
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 05:04:30 pm »

Sau khi ba người công an và hai ông cán bộ từ đảng ủy khối xuống rút đi, bầu không khí trong công ty CHANDCO xám xịt, ảm đạm. Những khuôn mặt lầm lì khó có thể đoán biết được tâm trạng của họ lo âu, buồn bã hay dửng dưng, chờ đợi. Chỉ có thể đoán được cái màu oi bức, tang ma xen lẫn sự đe dọa, trả thù. Hai cô kế toán Hường và Lý ngồi lặng thinh nhìn chồng hồ sơ vừa được xếp lại sau những giây phút lo lắng, hoảng sợ. Thỉnh thoảng Lý lại ngước mắt nhìn trộm kế toán trưởng. Làm như đang chăm chú đọc một tài liệu gì đó, chị Hảo kế toán trưởng công ty nhìn đăm đắm vào một vết mực in lem trên trang giấy của bản văn Luật Công ty. Vết mực in lem chỉ nhỏ như con loăng quang trong bồn cá vàng của chị, thế rồi nó cứ lớn dần lên, lớn mãi đến nỗi che kín cả hai con mắt Hảo, nhòa đi. Đấy là nước mắt, nước mắt tự nhiên rơi trên trang giấy, những giọt khác chảy dọc theo cái sống mũi dọc dừa, đẹp nổi tiếng của Hảo. Những giọt khác chảy ngầm trong sống mũi, tràn xuống miệng, Hảo cảm nhận được vị mặn của nước mắt, nó như nước biển Nha Trang chiều nào, mặn chát và nồng nàn. Nhưng bây giờ thì hết rồi, hết thật rồi. Hảo choàng tỉnh, chị nhận ra mình khóc trước mặt hai cô nhân viên, những cô bé mới vào làm việc, luôn luôn im lặng và thụ động cả trong công việc, cũng như quan hệ riêng tư, không thể biết được các cô phản đối hay đồng ý. Chỉ biết rằng họ là những cô gái tốt.
-Hai đứa ăn gì chưa? Hảo ngẩng lên, lau nước mắt và khịt mũi hỏi hai cô nhân viên dưới quyền.
-Dạ, tụi em... chưa! Tính vô cơ quan rồi chị em rủ nhau đi ăn, nào ngờ...
Hảo mỉm cười trở lại, cái vẻ ủ dột, thẫn thờ của người đàn bà bốn mươi hai tuổi, còn vương lại trên những sợi tóc mai, dưới hàng mi dài và đôi môi run rẩy, càng làm cho chị mặn mà hơn. Hảo mỉm cười thầm nghĩ, anh Tụ đã có lần nói: "Càng buồn, Hảo càng đẹp!". Có lẽ thế thật, chứ không phải anh ấy ga-lăng, nịnh đầm đâu nhỉ?
-Thôi, chuyện đâu có đó, chị em mình đi ra ngoài kiếm cái gì ăn đi, hôm nay chị bao nhé!
Ba người phụ nữ cùng nhìn lại mình một lần trong tấm gương lớn treo ở giữa phòng, rồi ra đi. Qua hành lang, nhìn vào phòng thiết kế, thấy Kha đang cắm cúi viết viết, xóa xóa cái gì đó, Hảo ngó vào:
-Anh Kha ăn sáng chưa? Đi ăn với tụi em nhé?
Bao giờ cũng thế, câu nói của Hảo luôn mang tính tích cực, không để người nghe, hay người được yêu cầu làm một việc gì thuận miệng chối từ. Chẳng hạn, chị nói "đi với bọn em nhé", để người đối thoại dễ dàng đồng ý, mà không bao giờ nói "đi với chúng em không?" để người ta dễ dàng nói "không". Vậy là Kha gật đầu:
-Nhưng anh không có tiền bao em đâu đấy! Anh chỉ còn có mười ngàn. Tiền thù lao mẫu của anh đưa giám đốc duyệt chi, mà sếp ngâm lâu quá. Tận hôm nay vẫn chưa có. Đúng là "vừa bé hạt thóc, vừa lâu đồng tiền", đã rẻ rúng lại còn lâu la...
Kha ra đến cửa, thấy có cả hai cô Hường và Lý thì chững lại, cười nheo một bên mắt "Có cả hai tiểu thư nữa hả?". Hảo nắm tay áo Kha kéo đi:
-Cái anh này, lúc nào cũng bông phèng được! Chả trách người ta bảo anh ác khẩu?
-Ừ, đúng là có đôi khi mình làm mất lòng sếp thật!
-Đôi khi gì? Nhiều khi, thậm chí "thường khi" ấy chứ!
Cả bọn kéo nhau ra quán bún bò Huế, ngay trên vỉa hè. Đây là quán bình dân, nhưng đúng người Huế nấu, tuy có pha thêm khẩu vị địa phương Nam bộ, nhưng vẫn đậm đà, "có bản sắc dân tộc" như Kha nói. Vừa ăn, cô kế toán Hường ngước lên hỏi Kha:
-Chú Kha có biết vì sao cả giám đốc với phó giám đốc của mình cùng "đi công tác đột xuất" không?
Đang dở một miếng trong miệng, Kha hất đầu về phía Hảo, ý như bảo hãy hỏi chị ấy. Hảo lấy miếng giấy lau miệng, đôi môi mỏng và hơi cong lên, hằn sâu đường nhân trung lấm tấm mồ hôi, nói:
-Em đang định hỏi anh đấy! Sao họ bí mật thế nhỉ?
Kha nhồm nhoàm nhai nột miếng gân bò, không trả lời. Hảo tiếp:
-Anh thân với giám đốc lắm mà, sao không biết chuyện gì à?
-Đó là ngày trước - Kha suýt soa vì vị cay quá cỡ của món bún bò Huế. Ngày trước chúng tôi là bạn đấy, thân lắm...
-Thế còn bây giờ? Cô Lý hỏi đế vào.
-Bây giờ không thân nữa, vì bị "phân hóa".
-Là sao, cháu không hiểu?
-Thế mà cũng gọi là cử nhân. Cử nhân mà không hiểu "phân hóa" là gì à?
-Nói làm người ta dễ tự ái. Hảo lấy nắm tay cầm miếng giấy lau miệng đấm nhẹ vào đầu gối Kha. Đâu phải người ta đến nỗi không biết thế nào là "phân hóa", nó cũng như ăn bún bò vào nó "hóa" ra "phân" thôi chứ gì?
Nói câu này, Hảo bịt miệng cười, Kha giơ một ngón tay cái lên ngụ ý khen:
-Đúng thế! Bọn này ngày trước được nhét chung vào một cái dạ dày bò...
-Cháu hỏi thiệt đó, chú Kha, sao hai người bỗng dưng không chơi với nhau nữa?
Kha trầm ngâm, tay bịt cái tăm ngậm trong miệng:
-Nói thế nào được nhỉ? Các em còn trẻ quá, đúng ra không nên nghe những chuyện này, đó là những chuyện của một lớp người lạc hậu, bảo thủ, cố chấp... Khi chưa lên phó tổng, kiêm giám đốc công ty con trong này, anh Tụ có nỗi niềm khác, nỗi lo khác, và anh ấy cũng hướng đến những con người khác, khả dĩ hỗ trợ anh ấy trong công việc. Anh ấy là con người của công việc. Các em về sau, chưa hiểu anh ấy, có thể hỏi chị Hảo thì biết...
Bàn tay tuy đã bắt đầu nhăn, nhưng vẫn ánh lên ánh sáng của nét đẹp kiều diễm, không chỉ ở bộ móng chải chuốt, mà còn từ làn da mềm mại của Hảo che cái tăm đang ngậm trên đôi môi mọng màu nâu sậm, gật gật đầu, tỏ ý đồng tình. Trong khi Hảo làm ra vẻ lắng nghe một cách lơ đãng thì hai cô gái trẻ lại nghiêng đầu chăm chú. Kha im lặng, lùa bàn tay vào trong mái tóc rối bù, ý chừng không muốn nói nữa.
-Chú Kha nói tiếp về sự phân hóa giữa hai người đi...
-Sự phân hóa cũng tự nhiên, kinh điển như các em đã học thôi. Khi người ta khác nhau về quyền lợi thì cũng có nghĩa là họ sẽ khác nhau về nhận thức. Điều này khách quan một cách tự nhiên chứ không hề mang ý nghĩa đạo đức. Đang từ một cán bộ cùng có quyền lợi như anh em, bỗng nhiên Tụ có những quyền lợi khác, phải nói là đặc quyền, mâu thuẫn với quyền lợi của số đông...
-Thế nhưng lúc bỏ phiếu tín nhiệm anh Tụ làm phó tổng, anh cũng ủng hộ đấy thôi? Hảo hỏi ngang.
-Tôi ủng hộ chứ! Tôi không chỉ ủng hộ công khai tại các cuộc họp, tại lần bỏ phiếu tín nhiệm Tụ làm phó tổng giám đốc công ty, mà tôi còn nỗ lực tuyên truyền, vận động hành lang để Tụ được bổ nhiệm làm phó tổng.
-Để đến bây giờ anh ân hận? Hảo đốp chát.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM