Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:49:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận chiến Làng Vây-Khe Sanh mốc son chói lọi !  (Đọc 123080 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thichcafefin
Thành viên
*
Bài viết: 24


« vào lúc: 06 Tháng Tư, 2009, 10:34:11 am »

Trong các trận chiến với Mỹ , quân đội ta đã có nhiều trận đánh vang dội và trận Làng Vây - Khe Sanh là một trong những trận đánh điển hình là một mốc son sáng chói của quân đội NDVN chúng ta . Em chưa có nhiều thông tin về trận này (Cho dù lên Wiki rồi) , em mạo muội tao topic này để các Bác và mọi người ai có thông tin đưa lên cùng tham khảo (Em muốn lưu giữ lại những thông tin quý báu mà diễn đàn chúng ta có , để thế hệ sau biết đến những trang sử oai hùng của Cha ông chúng ta) . Trân trọng kính cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của các Bác và mọi người!
Logged
thichcafefin
Thành viên
*
Bài viết: 24


« Trả lời #1 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2009, 11:05:31 am »

Em xin đưa ra một đoạn nội dung về trận Làng Vây trên Wiki như sau :
Trận Khe Sanh, còn được gọi là Chiến dịch Đường 9, là một trận chiến giữa trung đoàn 26, tiểu doàn 1 trung đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam VN) và 3 sư đoàn của Quân Đội Bắc Việt, diễn ra trong suốt 77 ngày từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1968. Đây là một trong những trận chiến ác liệt và được bàn thảo nhiều nhất. Chỉ huy căn cứ Khe Sanh lúc đó là đại tá Lownds (TQLC/HK), gồm có một tiểu đòan pháo binh, bốn tiểu đòan TQLC và sau đó nhận thêm tiểu đòan 37 Biệt động quân Việt Nam nâng tổng số quân tham chiến lên đến 6000 người vào cuối tháng giêng.

Thời gian 21 tháng 1 năm 1968 – 8 tháng 4 năm 1968
Địa điểm Khe Sanh, Quảng Trị - UTM Grid XD 852-418[1]
Kết quả Quân Mỹ thắng lợi về chiến thuật. Hai bên cùng tuyên bố chiến thắng
 
Tham chiến
Hoa Kỳ
Việt Nam Cộng hòa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Chỉ huy
David E. Lownds (tại chỗ)
William C. Westmoreland (toàn chiến trường) Võ Nguyên Giáp (toàn chiến trường)
Lực lượng
6.000 ~30.000
Thương vong
730 chết,
2.642 bị thương,
7 mất tích[2] Không có số liệu, ước lượng từ 10.000 tới 15.000[3]
.
Các Bác , các Chú có ai nắm thêm thông tin gì không ạ ? Cho em biết thêm với !
Logged
thichcafefin
Thành viên
*
Bài viết: 24


« Trả lời #2 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2009, 11:08:50 am »

Và đây là một thông tin về trận Làng Vây của chúng ta . Em trích dẫn trên Báo QĐNDVN !
Lính công binh hộ tống xe tăng chiến đấu
 
Những vật phẩm thu được của địch trong chiến dịch làng Vây trưng bầy tại bảo tàng TTG. Ảnh H.Anh
 

Chuyện bộ đội công binh làm đường, đào hầm, tạo bến vượt phục vụ các đơn vị chiến đấu hẳn chẳng mấy người không biết tới, nhưng lính công binh hộ tống xe tăng chiến đấu thì quả thật không nhiều và lần đầu tiên xuất hiện trong chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh năm 1968.


Trong giai đoạn thực hành chiến đấu, để bảo đảm cho đại đội tăng tiến công Huội San, bộ đội công binh đã sửa chữa cấp tốc 17km đường, 8 cầu, 8 bến lội và mở cửa mở cho xe tăng vượt qua bãi mìn. Do hỏa lực của địch quá mạnh, trong khi xe tăng chưa vượt qua được cửa mở, đồng thời bộ binh vẫn còn ở phía sau, để tận dụng tốt thời cơ có lợi, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, phó trung đội trưởng công binh Bùi Ngọc Dương đã trực tiếp chỉ huy hai tiểu đội công binh hộ tống xe tăng đánh sâu vào căn cứ địch, kết thúc trận đánh. Bước vào đợt chiến đấu thứ hai (6-2 đến 31-3-1968), mà trước hết là để bảo đảm cho hai đại đội xe tăng PT-76 tiến công cứ điểm Làng Vây, bộ đội công binh đã mở 18km đường, sửa chữa tăng cường 13 cầu, phối hợp với bộ đội xe tăng bí mật, khảo sát, thăm dò dòng sông Sê Pôn, xác định đường cơ động, bến và các biện pháp khắc phục vật cản dưới nước như: Cây cối, đá ngầm... Đặc biệt, ở nhiều đoạn sông khối lượng đá ngầm lớn, không có thời gian tiến hành khắc phục, bộ đội công binh đã ngâm mình dưới nước lạnh làm cọc tiêu chỉ đường cho xe tăng hành tiến bảo đảm thời gian cơ động. Với kinh nghiệm từ trận đánh trước, khi bộ đội thực hành xung phong đánh chiếm các mục tiêu của địch, bộ đội công binh tiếp tục hộ tống xe tăng tiến công phát triển vào tung thâm, phối hợp với các lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đánh giá khái quát về việc bảo đảm công binh phục vụ chiến đấu trong chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh, Đại tá Phạm Quang Xuân, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh cho rằng: Do chủ động nghiên cứu, nắm chắc địa hình, có biện pháp thực hiện phù hợp, nhất là khắc phục vật cản dưới nước và lợi dụng địa hình để xe tăng bí mật cơ động dọc sông Sê Pôn đã tạo nên sự bất ngờ lớn đối với địch. Việc mở đường sông dẫn đường cho xe tăng ta tiến công địch ở Làng Vây là nét độc đáo, thể hiện tính sáng tạo trong nghệ thuật bảo đảm công binh. Đó cũng chính là bước ngoặt phát triển mới về khả năng hiệp đồng quân, binh chủng nói chung và bộ đội công binh nói riêng trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.

 

Logged
thichcafefin
Thành viên
*
Bài viết: 24


« Trả lời #3 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2009, 12:04:52 pm »

Anh Tunguska ơi ! Anh có kinh nghiệm hãy giúp em với - Em cần nhiều thông tin và hình về trận Khe Sanh anh xem có thông tin gì hãy giúp em với ! Cảm ơn anh nhiều .
Logged
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2009, 12:31:26 pm »

 Cái "mốc son chói lọi" của bạn đã được nói rất nhiều ở đây cũng như ở đây. Bạn nên đọc kỹ các topic có trong diễn đàn trước khi hỏi!
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
thichcafefin
Thành viên
*
Bài viết: 24


« Trả lời #5 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2009, 02:06:02 pm »

Dạ em cảm ơn anh dongadoan ! ý em muốn là ngoài chuyện xe tăng của ta em muốn tham khảo thêm những cái khác như là số liệu quân ta tham chiến - chiến thuật và bao nhiêu liệt sĩ đến nỗi tổng thống Mỹ định ném bom nguyên tử Việt Nam để giải cứu Khe Sanh ; cũng như là những tư liệu thêm của các tướng tá Mỹ , VNCH và bên ta nữa . Anh là quản trị nên kiến thức rộng anh giúp em với . Em cảm ơn anh nhiều !
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Tư, 2009, 04:26:06 pm gửi bởi dongadoan » Logged
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2009, 04:25:31 pm »

 Dạ thưa bạn! Ý tôi là bạn nên đọc thật KỸ ạ! Về toàn bộ Mặt trận Khe Sanh đã có ở đây ạ!
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
thichcafefin
Thành viên
*
Bài viết: 24


« Trả lời #7 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2009, 07:22:36 pm »

Ôi ! em cảm ơn anh dongadoan ! Hay quá , em tìm thấy một phần ri , anh có nữa không chỉ cho em với - Có hình ảnh chiến sự liên quan đến Khe Sanh không anh . Những hồi ký của lính Mỹ về cứ điểm này và bị Bộ đội ta đánh tơi bời không anh . Nếu có anh cho em xin với nhé - Trân trọng cảm ơn anh nhiều .
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Tư, 2009, 07:31:39 pm gửi bởi dongadoan » Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #8 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2009, 10:50:55 am »

Bạn thichcafefin thân mến!
Xin đồng ý với bạn- Đây là trận đánh khá nổi tiếng trong LSQS vì lần đầu tiên có sự tham chiến của xe tăng VN tại chiến trường miền Nam. Việc tổng kết về trận đánh này BCTTG cũng đã tiến hành và có một số tài liệu. Rất tiếc là chưa đưa lên mạng nên bạn không tìm được cũng là lẽ thường. Còn nếu tra trên Google thì bạn có thể tìm được 1 số TL nhưng chủ yếu là do phía bên kia nên không thật chính xác.
Nếu bạn chỉ cần những thông tin thật vắn tắt thì đại loại thế này: Sau rất nhiều tranh cãi cuối cùng BỘ TTL cũng quyết định cho 1 tiểu đoàn xe tăng vào chiến trường tham gia chiến đấu- đó là tiểu đoàn 198 thuộc trung đoàn 203 (gồm đại đội 3 và đại đội 9, trang bị 22 xe tăng bơi PT76). Ngày 14.10.1967 tiểu đoàn làm lễ xuất quân từ Lương Sơn, Hòa Bình. Sau hơn 1 tháng thì TK ở khu vực đường Chín bên Lào và được chỉ định tham gia đánh Làng Vây do 1 d biệt kích ngụy cùng 25 cố vấn Mỹ trấn giữ. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị đánh Làng Vây thì đại đội 3 lại "bị" trên giao cho đánh Huội San- một cụm cứ điểm bên Lào, cách biên giới Việt Lào chừng hơn 10 km. Lần đầu tiên xe tăng xuất hiện, mặc dù chỉ 1 xe 555 (cái xe hiện ở Bảo Tàng LSQS ấy) vào được nhưng cũng làm cho địch hoảng sợ rút chạy. Có lẽ vì thế trận này ít được nhắc đến.
Đánh thắng ở Huội San nhưng cũng đã mất đi yếu tố bất ngờ vì địch đã biết có xe tăng ở khu vực đó. Vì vậy cách đánh Làng Vây phải sáng tạo hơn. Và một trong những nét sáng tạo là đã đưa được xe tăng xuống phía nam, lợi dụng lòng sông Sê Pôn để đưa đại đội 9 xe tăng tiếp cận Làng Vây rồi tiến công LV trên cả hai hướng (hướng tây là đại đội 3). Trận đánh đã thắng lợi giòn giã, ta chỉ mất có 4/16 xe tham chiến nhưng đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Làng Vây. Và điều quan trọng là chiến thắng này đã chứng tỏ: có thể sử dụng và sử dụng một cách hiệu quả TTG ở VN. Có lẽ chính vì thế nó được coi là trận thắng đầu tiên của xe tăng VN. Có một số chi tiết cần được cải chính như sau:
- Một số báo viết "Gùi tăng vào Làng Vây"- thì hơi quá. Bố ai gùi được cái xe tăng gần 20 tấn??? Tôi cũng không hiểu sao những người kể chuyện và những người viết bài lại không thấy ngượng mồm, ngượng tay!!! Thực ra, khi xe tăng đã tập kết ở đồi Pê Sai- nam LV khoảng 6 km thì cần phải thay một số mắt xích và bình điện yếu. Lúc đó đơn vị đã nhờ đồng bào Vân Kiều đi gùi những thứ này về. Nói chung cũng nặng vì mỗi mắt xích là hơn 5 kg, mỗi bình điện là 64 kg... nên bà con khá vát vả.
- Để đưa được xe tăng xuôi dòng Sê Pôn bộ đội công binh đã mất rất nhiều công sức để phá đá dọn dẹp lòng sông. Vì vậy, ở những chỗ đủ sâu xe PT76 được thả trôi và dùng sào để chống. Nhưng những đoạn cạn xe vẫn nổ máy để vượt qua nhưng với chân ga rất nhỏ, rất êm nên vẫn giữ được bí mật.
Trường hợp bạn muốn tìm hiểu thật kỹ thì xin mời đến Phòng KH-CN của BTL TTG. Hoặc sắp tới đây trận làng Vây sẽ được tái hiện trong tiểu thuyết Bão Thép (Tập 1).
 
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 10:48:34 am »

Lần đầu tiên tìm được số liệu của trận Làng Vây


Sử dụng trinh sát trận tiến công cứ điểm Làng Vây của Trung đoàn bộ binh 24
Ngày 6 tháng 2 năm 1968


Tiến công cứ điểm Làng Vây là trận đánh hiệp đồng binh chủng cấp trung đoàn bộ binh lần đầu tiên ta sử dụng xe tăng tiêu diệt cứ điểm tiểu đoàn địch phòng ngự trong chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh Xuân Hè năm 1968. Trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, tiêu diệt và bắt nhiều quân địch, thu nhiều vũ khí, trang bị, chiếm giữ được mục tiêu, thực hiện được ý định của cấp trên. Trận đánh đã để lại nhiều bài học quý báu về sử dụng trinh sát nắm địch, có thể nghiên cứu vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

I. Tình hình chung

A. Địa hình, thời tiết

Cứ điểm Làng Vây nằm ở phía tây nam Tà Cơn 8km, cách thị trấn Hướng Hoá 6km và cách đông Lao Bảo 7km, thuộc vùng rừng núi tỉnh Quảng Trị. Cứ điểm Làng Vây nằm trên 2 điểm cao 320 và 230, xung quanh có cỏ tranh xen kẽ rừng cây  non lúp xúp, tương đồi trống trải, tiện quan sát theo dõi hoạt động của địch. Bắc cứ điểm 3km có điểm cao 503, đông nam cứ điểm 3km có điểm cao 420, nam cứ điểm (nam sông Sê Pôn) có điểm cao 570 và 841; các điểm cao này tiện cho ta bố trí đài quan sát, vẽ sơ đồ, cảnh đồ cứ điểm trên các mặt bắc, đông và nam. Gần cứ điểm, cách hàng rào 40 đến 50m, địch ủi hết cây cối nên rất trống trải, gây khó khăn cho trinh sát tiếp cận để tiềm nhập vào bên trong.  

Phía bắc cứ điểm có suối Làng Vây; phía đông nam cứ điểm 2km có suối Làng Trài; phía tây nam cứ điểm khoảng 2km có sông Sê Pôn.

Thời tiết khi diễn ra trận đánh là mùa khô nên các sông suối trong khu vực nước cạn, ít ảnh hưởng đến hoạt động của trinh sát.


B. Tình hình địch

Địch ở cứ điểm Làng Vây thuộc lực lượng đặc biệt của quân ngụy, do Mỹ trực tiếp tổ chức huấn luyện và chỉ huy, làm nhiệm vụ biệt kích, thám báo bảo vệ cho tuyến phòng ngự của chúng trên đường số 9.

Lực lượng trong cứ điểm: Bộ phận chỉ huy có 25 tên cố vấn Mỹ (A101) và khoảng 20 tên sĩ quan ngụy. Bốn đại đội đặc biệt: 101, 102, 103, 104 (quân số mỗi đại đội từ 61 đến 72 tên), đại đội tân binh (83 tên), đại đội biệt kích (150 tên) chủ yếu là người Thượng, 4 toán trinh sát, 1 tiểu đội chiến tranh tâm lý và một số phân đội phục vụ, bảo đảm.

Trước ngày ta tiến công, có khoảng 350 tên từ cứ điểm Huội San chạy về Làng Vây nên quân số trong cứ điểm có khoảng 1.074 tên. Vũ khí, trang bị gồm có 4 khẩu cối l06,7mm,  4 khẩu cối 81mm, 16 khẩu cối 61mm, 2 khẩu ĐKZ 57mm, 1 khẩu ĐKZ 75mm, 27 khẩu M79 một số M72 và nhiều súng tiểu liên, trung liên, đại liên.

Bố trí cụ thể: Khu A có Đại đội 102 và trận địa cối 81mm; khu E có bộ phận chỉ huy và trận địa cối 106,7mm; khu G bố trí kho trạm hậu cần; khu B có Đại đội 103, trận địa cối l06,7mm, cối 81mm; khu C có Đại đội 104 và trận địa cối 81mm; khu D có Đại đội 101 và trận địa cối 81mm. Công sự gồm có 3 hầm ngầm, mỗi cái rộng 3m, dài từ 6,8 đến 14m, chia thành nhiều ngăn, được đúc bằng bê tông dày 20cm, trên nắp xếp bao cát; 17 lô cốt đúc bằng bê tông cốt thép, phía trên xếp bao cát, xung quanh có lỗ châu mai; 13 ụ súng làm bằng gỗ đất, bao cát...; trong từng khu còn có hầm ngủ của lính đúc bằng bê tông nửa chìm, nửa nổi, trên nóe xếp bao cát. Xung quanh cứ điểm có từ 5 đến 6 lớp hàng rào kẽm gai, gồm 1 lớp hàng rào mái nhà cao l5m, rộng 2m; 1 đến 2 lớp hàng rào cũi lợn cao 1,5m, rộng 3m; 1 đến 2 lớp hàng rào bùng nhùng (chồng 3 cuộn); 1 lớp hàng rào nhặng bộ binh cao 0,4m, rộng 1,6m; 1 lớp hàng rào đơn mắt cáo cao 2m. Các hàng rào được bố trí kết hợp với cát bãi mìn và hệ thống máy báo động. Bên trong cứ điểm có các hàng rào phân khu. Cứ điểm tiền tiêu được bố trí trên điểm cao 230, cấu trúc hình tròn, đường kính khoảng l00m, do 2 tiểu đội thuộc Đại đội 103 phòng ngự. Trong cứ điểm có 3 lô cốt, 1 nhà hầm, xung quanh có 3 lớp hàng rào kết hợp các loại mìn và hệ thống máy báo động.
 
Quy luật và thủ đoạn hoạt động của địch: Khi ta chưa mở chiến dịch, chúng thường dùng lực lượng khoảng trung đội, cao nhất là đại đội lùng sục ra vùng phía tây - tây bắc cứ điểm và nam đường 9, có lúc đến biên giới Việt - Lào. Khi bị ta phát  hiện và tiêu diệt một số tên thì chúng co lại, chỉ sục sạo xung quanh cứ điểm. Từ sau trận Huội San, địch chỉ lo củng cố cứ điểm, tăng cường canh gác và phục kích trong hàng rào, không dám lùng sục ra bên ngoài. Các vị trí canh gác và phục kích thường xuyên thay đổi. Ban đêm chúng thường ném lựu đạn, bắn súng tiểu liên, có lúc bắn pháo sáng ra trước tiền duyên. Đây là khó khăn lớn đối với trinh sát ta khi tiềm nhập. Đồng thời chúng sử dụng hỏa lực pháo binh, không quân đánh vào những nơi nghi ngờ ta tập kết lực lượng như các điểm cao 841, 519, 503 và dọc đường 9 lên Lao Bảo.

Địch liên quan: đông bắc Làng Vây 8km có căn cứ Tà Cơn, hướng tây và tây bắc Tà Cơn có 2 cứ điểm ở điểm cao 845, 832. Hướng bắn Tà Cơn có cứ điểm Động Tri. Hướng đông có căn cứ pháo binh 241 trực tiếp chi viện cho các lực lượng địch phòng ngự ở khu vực Khe Sanh.

Nhìn chung, cứ điểm Làng Vây là nơi phòng ngự mạnh của địch, có quân số đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, vật cản dày đặc, lực lượng biệt kích, thám báo thông thạo địa hình. Tuy nhiên, cứ điểm nằm trong thế cô lập dễ bị bao vây, chi viện cho nhau khó khăn.

Tóm lại: Địch phòng ngự có thời gian chuẩn bị, các mục tiêu tương đối ổn định trinh sát ta đã theo dõi bám nắm chúng từ đầu; các hoạt động của chúng thường thành quy luật, ta dễ phán đoán và chủ động theo dõi.

Tuy nhiên, địch bố trí vật cản dày đặc tổ chức cảnh giới chặt chẽ nên khó khăn cho trinh sát trong quá trình tiềm nhập điều tra. Các mục tiêu được chúng ngụy trang kín đáo, nhất là hệ thống hầm ngầm gây khó khăn cho trinh sát trong việc xác định vị trí, đặc điểm. Cứ điểm cấu trúc phức tạp, có nhiều hàng rào, trinh sát phải vào bên trong mới xác định  được cụ thể. Giai đoạn chuẩn bị chiến trường tiến hành trong điều kiện chiến dịch đã nổ súng nên định đã đề phòng, rất khó khăn cho trinh sát hoạt động. Chúng tăng cường cảnh giới, bố trí thêm mìn các loại ở phía bắc và tây nam cứ điểm, khó khăn cho trinh sát điều tra xác minh.


C. Tình hình ta

Trung đoàn bộ binh 24 là đơn vị chủ lực của Bộ đã được huấn luyện cơ bản; cán bộ, chiến sĩ có ý chí quyết tâm cao. Cùng phối hợp chiến đấu với Trung đoàn bộ binh 24 còn có Trung đoàn bộ binh 9 bố trí ở phía đông và Trung đoàn bộ  binh 6o bố trí ở bắt Làng Vây.

Tình hình trinh sát: Do kế hoạch chiến đấu thay đổi nên đơn vị chiến đấu và lực lượng trinh sát chuẩn bị chiến trường ở Làng Vây cũng thay đổi, cụ thể như sau:

Từ đầu tháng 11 năm 1967, một phân đội thuộc Đại đội 2 1 trinh sát Mặt trận và 9 cán bộ đặc công từ tổ trưởng 3 người trở lên) thuộc ĐàI đội 40 Đoàn 33 đặc công mặt trận bắt đầu điều tra tình hình cứ điểm.

Đến giữa tháng 12 năm 1967 có thêm tiểu đội trinh sát của Trung đoàn bộ binh 9 thuộc Sư đoàn 304 tham gia hoạt động. Từ ngày 10 tháng 1 năm 1968, trinh sát và đặc công của Sư đoàn 304 bắt đầu tham gia chuẩn bị.

Từ ngày 20 tháng 1 năm 1968 trinh sát Trung đoàn bộ binh 24 nhận nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường ở Làng Vây. Đại đội trinh sát Trung đoàn bộ binh 24 gồm 3 trung đội, quân số khoảng 70 đồng chí. Cùng tham gia hoạt động còn có trinh sát pháo binh, công binh, xe tăng và tiểu đội trinh sát Trung đoàn bộ binh 101 của Sư đoàn bộ binh 325.

Tóm lại: Tham gia chuẩn bị chiến trường cho đánh trận Làng Vây gồm có nhiều thành phần lực lượng; trinh sát Trung đoàn bộ binh 24 tuy lực lượng ít song được nhận bàn giao một số kết quả điều tra của trinh sát đặc công sư đoàn và mặt trận. Cán bộ, chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 24 có ý chí quyết tâm cao, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, đã có một số kinh nghiệm trong điều tra cứ điểm địch. Tuy nhiên, đến ngày 20 tháng 1 năm 1968 do phương án tác chiến thay đổi cơ bản, trước đây chủ yếu chuẩn bị ở hướng bắc và đông, chỉ có một bộ phận chuẩn bị ở hướng tây nam, nay chủ yếu chuyển xuống hướng nam, do vậy trinh sát gặp nhiều khó khăn.

Tình hình lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương: Liên quan đến nhiệm vụ nắm địch, địa hình cho trận tiến công cứ điểm Làng Vây có Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương huyện Hướng Hoá và dân quân du kích ở tây nam cứ điểm Làng Vây. Họ có khả năng giúp đỡ trinh sát như dẫn đường, cung cấp tình hình, lập bàn đạp để hoạt động. Nhân dân quanh vùng giải phóng sống bất hợp pháp với địch; số dân trong ấp chiến lược Làng Vây cũ bị địch kiểm soát, không cung cấp được tình hình cho trinh sát. Từ tháng 7 năm 1967 một số cơ sở của ta trong ấp chiến lược Làng Vây bị mất liên lạc.


II. Tổ chức, chuẩn bị chiến đấu

A. Chủ trương, ý định của cấp trên

1. Ý định của chiến dịch


Sau khi ta tiêu diệt cứ điểm Khe Sanh và Huội San, địch vẫn chưa ra ứng cứu, giải tỏa. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh ra lệnh cho Sư đoàn bộ binh 304 khẩn trương tiến công cứ điểm Làng Vây. Phối hợp chiến đấu với Sư đoàn bộ binh 304 ở phía bắc có Sư đoàn bộ binh 325 (thiếu) vây ép cứ điểm 832 và 84 dùng pháo binh khống chế cụm cứ điểm Tà Cơn đẩy quân địch vào tình thế nguy khốn, buộc dự bị chiến lược của chúng phải ra ứng cứu giải tỏa để tạo điều kiện cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy ở đồng bằng và đô thị.

2. Ý định của sư đoàn

Sử dụng Trung đoàn bộ binh 24 (thiếu) và lực lượng được tăng cường tiến công cứ điểm Làng Vây.

Sử dụng Trung đoàn bộ binh 66 sẵn sàng đánh địch ứng cứu giải tỏa từ Tà Cơn xuống Làng Vây và địch đổ bộ đường không xung quanh khu vực Làng Vây.

Trung đoàn bộ binh 9 sẵn sàng đánh địch ứng cứu, giải tỏa bằng đường bộ theo đường 9 lên Khe Sanh và địch đổ bộ đường không xung quanh khu vực Khe Sanh. Sau khi Trung đoàn bộ binh 24 hoàn thành tiến công cứ điểm Làng Vây, sẵn sàng đưa lực lượng vào vây ép ở nam và đông nam cụm cứ diềm Tà Cơn.


B. Nhiệm vụ của trung đoàn

Trung đoàn bộ binh 24 (thiếu 1 tiểu đoàn) được phối thuộc Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 101 thuộc Sư đoàn bộ binh 325, Đại đội đặc công 4 của Sư đoàn bộ binh 304, đại đội đặc công mặt trận, tiểu đoàn tăng (thiếu 1 đại đội), 1 đại đội súng máy phòng không 12,7mm, 1 trung đội súng phun lửa nhẹ và một số đơn vị bảo đảm khác. Quá trình chiến đấu được tiểu đoàn pháo Đ74 và 2 tiểu đoàn công binh của mặt trận trực tiếp chi viện. Có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây trong đêm 6 rạng ngày 7 tháng 2 năm 19o8. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, để lại một phần lực lượng chốt giữ điểm cao 320; lực lượng còn lại cơ động về phía đông nam Làng Vây 2km cùng với Trung đoàn bộ binh 9 sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không xuống điểm cao 420.


C. Ý định chiến đấu

1. Cách đánh


Dựa vào thế trận của cấp trên và của đơn vị bạn, bí mật cơ động lực lượng vào xây dựng trận địa xuất phát tiến công ở phía nam, tây, đông bắc cứ điểm, cách hàng rào địch khoảng 200m, xong trước 23 giờ ngày 6 tháng 2 năm 1968. Thực hành hỏa lực chuẩn bị 30 phút, mở nhanh 3 cửa mở. Phát huy sức mạnh hiệp đồng binh chủng đột phá chọc thủng phòng ngự của địch. Nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu chủ yếu, vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến đấu tiêu diệt từng bộ phận, đánh bại phản kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch, hoàn thành nhiệm vụ được giao trong đêm, sẵn sàng chiến đấu ban ngày. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ để lại một bộ phận chốt giữ trận địa đã chiếm, lực lượng còn lại cơ động về đông nam cứ điểm 2km sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo.

2. Mục tiêu, hướng tiến công, cửa mở

Mục tiêu tiến công chủ yếu: bộ phận cố vấn Mỹ ở khu E.

Hướng tiến công chủ yếu: phía nam cứ điểm theo đường ô tô vào bộ phận cố vấn Mỹ.

Hướng tiến công thứ yếu 1: hướng tây cứ điểm đánh vào khu B, khu A, phát triển vào khu E.

Hướng tiến công thứ yếu 2: hướng đông bắc cứ điểm đánh vào khu D, phát triển vào khu E.

Hướng đón lõng: đông cứ điểm.

Cửa mở: 3 cửa mở (số 1 và 2 cho xe tăng) .

3. Tổ chức hỏa lực tiêu diệt định

Hỏa lực chi viện cho hành quân chiếm lĩnh xây dựng trận địa xuất phát tiến công: tiểu đoàn pháo Đ74 của mặt trận bắn phá hoại từ 17 giờ đến 17 giờ 45 phút ngày 6 tháng 2 năm 1968.

Hỏa lực chuẩn bị 30 phút: từ 2 giờ đến 23 giờ 30 phút ngày 6 tháng 2 năm 1968; chi viện cho bộ binh, đặc công chuẩn bị mở cửa, đánh chiếm đầu cầu.

Hỏa lực chi viện trong quá trình tiến công, làm chủ trận đánh và rời khỏi chiến. đấu.

4. Tổ chức, sử dụng lực lượng

Trung đoàn tổ chức lực lượng thành các bộ phận:

Bộ phận tiến công trên hướng chủ yếu: Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 101 thuộc Sư đoàn bộ binh 325 được phối thuộc 2 đại đội đặc công (thiếu) và Đại đội tăng 9.

Bộ phận tiến công trên hướng thứ yếu 1: Tiểu đoàn bộ binh 5 được phối thuộc 2 tiểu đội đặc công và Đại đội tăng 3.

Bộ phận tiến công trên hướng thứ yếu 2: Tiểu đoàn bộ binh 4 (thiếu 2 đại đội).

Bộ phận đón lõng: Đại đội 2 của Tiểu đoàn bộ binh 4.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM