Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:22:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười  (Đọc 51628 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #30 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2009, 10:47:16 am »

Ngày 4/9/1961, Võ Duy Dương cho nghĩa quân tập kích đồn Bourdais (Chú thích: Đây vốn là đồn thứ 5 của ta trên tuyến phòng thủ rạch Bảo Định. chúng đã chiếm được ngày 10/4/1861, nhưng ta đã giết được tên Trung tá Bourdais. Chúng lấy tên viên trung tá đặt tên cho đồn.) đồn nằm trên rạch Bảo Định, cách Mỹ Tho 3 dặm nhằm bảo đảm sự liên lạc đường thủy của chúng giữa Mỹ Tho và Tân An. Chúng phải đưa tên trung tá hải quân Mac-Dermot đến tăng viện.

Trong khi đó Trần Xuân Hòa hoạt động mạnh ở vùng Thuộc Nhiêu, Mỹ Quý, Cai Lậy thu hút sự chú ý của bọn Pháp. Ngày 29/8 rồi ngày 15/9 Trần Xuân Hòa liên tiếp tấn công Cai Lậy (lỵ sở cũ của huyện Kiến Đăng) làm trở ngại công cuộc bình định của chúng ở khu vực này. Viên chỉ huy quân sự Pháp ở Định Tường, trung tá Desvaux phải tăng cường hỗ trợ cho Chasseriau (chỉ huy đồn Cai Lậy), bằng cách đích thân hắn ta trực tiếp hành quân ở “khu bốn công sự" (khu vực nằm giữa Cai Lậy và Mỹ Tho), đưa thêm chiếc Norsagaray vào trợ chiến. Ngày 23/9, chúng phá hủy các cản hàn trên rạch Gầm mở đường tấn công Thuộc Nhiêu, cách ngày sau (25/9) chúng tấn công Mỹ Quý, không tiêu diệt được Trần Xuân Hòa, chúng trả thù bằng cách bắn chết thân mẫu ông (Chú thích: có nơi chép là Pháp giết cha ông để trả thù. Nhưng sự thật, cha ông là Trần Tuyên đã bị giặc Miên giết chết dưới thời Thiệu Trị).

Để làm nhẹ bớt áp lực của giặc đối với Trần Xuân Hòa đồng thời để xây dựng một địa bàn làm đầu cầu liên lạc nhận tiếp tế lương thực, vũ khí từ Vĩnh Long. Ngày 14/10/1861, Võ Duy Dương cùng án sát Định Tường tổ chức đánh một trận lớn ở khu Cái Thia, Cái Bè. Tại Cái Bè, bọn Pháp đã tuyển người theo đạo Thiên chúa lập những đội lính mã tà, đóng đồn và dùng 2 tàu chiến cùng với pháo thuyền Gougeard tuần tiễu trên sông Tiền. Ngày 5/9 chúng đã tịch thu một ghe mành chở đầy súng của ta. Kết quả ta đã đánh chìm 2 tàu của bọn mã tà, giết chết 50 tên gồm lính Pháp và mã tà đồng thời tấn công pháo thuyền Gougeard.

Trước những cuộc tấn công tới tấp của nghĩa quân, thực dân Pháp có nhận xét: 

“Tại Mỹ Tho, có phủ Cậu (Trần Xuân Hòa) thống lĩnh nghĩa quân. ông lão này là người có quyền thế, hùng tâm; nhưng mắc phải bịnh phong, ba phần thân thể đều bất toại, song vẫn lo việc nước thật đáng khen; ông điều binh ra trận rất tài tình và rất lạ, suốt một năm trời chỉ đến khi bị bắt (theo P. Của: ông làm quan trước khi Pháp đến, có lẽ là sau khi làm quan mới bị bịnh).

Có một người chánh đảng khác đáng kể ra đây là ông Thiên Hộ Dương, cũng có đánh phá trong tỉnh Mỹ Tho nữa. Sau hết một ít tay đầu đảng nhỏ, đi rảo trong xứ cùng thu thế.. . " (Chú thích: Schreiner (Alfred) sđd.)

Chiến thắng có tầm cỡ chiến lược này đã cổ vũ phong trào nhân dân nổi dậy giết giặc cứu nước. Ngay ngày hôm sau (15/10) nghĩa quân tấn công mạnh vào đồn Cai Lậy; chợ và một số doanh trại giặc pháp bị đốt. Pháp trả đũa bằng cách đốt một số nhà thường dân. Ngày 22 nghĩa quân tấn công đồn Kỳ Hôn. Ngày 30/10 và 31/11 liên tiếp tấn công đồn Rạch Gầm làm một số lính tập bị thương lên đến 36 tên. Phát huy thế mạnh của mình, sau đó nghĩa quân đánh phá quấy rối giặc khắp nơi chặn đường phục kích giết bọn Pháp, ngày 17/10 ám sát một viên đội ở đồn Cai Lậy (Chú thích: De Grammont (L) Sđd, tt 490)

Mỹ Quí, một vị trí xung yếu trên địa bàn Ba Giồng, nối liền với Thuộc Nhiêu trở thành tuyến phòng thủ ngăn chặn giặc xâm nhập vào địa phận huyện Kiến Đăng (Cai Lậy) đồng thời nó còn có vai trò chia cắt và cô lập đồn tiền tiêu của giặc đóng ở Cai Lậy (lỵ sở cũ của huyện Kiến Đăng).

“Trên một nền đồn cũ, (nay thuộc ấp Quí Thành xã Nhị Quý) chung quanh có sẵn lũy tre dày bao bọc, Võ Duy Dương cho huy động nhân dân và nghĩa quân gấp rút xây dựng một đồn mới với đầy đủ các công trình phụ thuộc phục vụ chiến đấu: nhà kho, bến vựa, ao nước... Là một đồn mới xây dựng sau thành Chí Hòa nên được đồng bào gọi là Tân Thành Mỹ Quí (Chú thích: Đến nay vết tích “Tân Thành Mỹ Quí " còn lại là cột phường, nền vựa kho lúa, nền vựa kho tiền, ao, hào thành. Cách thành 500 mét có lũy tre bao bọc, đường ra Mỹ Lòng có cổng thành).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #31 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2009, 10:48:07 am »

Bên cạnh các hoạt động quân sự, Võ Duy Dương còn động viên ra lệnh dân chúng phong tỏa, bao vây kinh tế địch: 

“Trong khi người An Nam được lệnh phá hủy mùa màng trong nước hoặc giấu (lương thực) không cho chúng ta thấy, trong khi các làng ở gần nhứt có nhiệm vụ quấy rối các vùng phụ cận đồn bót chúng ta hoặc siết chặt dần chúng ta ở đó bằng cách đập chắn được tăng thêm và những đường chông đến gần ngoài phạm vi phòng thủ của chúng ta, thì những kẻ phản nghịch được tự do ở trung tâm lãnh thổ... "(Chú thích: De Grammont (L) Sđd. tí 285.). 

Để trừng trị những kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc, Võ Duy Dương ra lịnh trừng trị những người ra cộng tác nhận chức tước của thực dân Pháp. Chỉ nội trong các ngày 22, 23, 27/11 nghĩa quân đã ám sát trưởng các xã Mỹ Quí, Trung Lương, Tân Lý và Cai tổng Lệ (ở xã Mỹ An) do thực dân mới bổ nhiệm. Điều này làm cho bọn Việt gian hết sức hoang mang, hoảng sợ, phải xin từ chức.

Ngày 30/11/1861, Bonard đến Sài Gòn thay thế cho Charner.

"Liền ngay sau khi đến, Phó đô đốc Bonard nhận định phải gấp rút chiếm ngay Biên Hòa, nhưng việc chuẩn bị đã làm chậm lại, phải đến 15/12 mới khởi sự".

Nắm được ý đồ của giặc, nghĩa quân như có hiệp đồng tác chiến, đồng nổi dậy đánh địch khắp nơi buộc chúng phải rải quân ra đối phó, cố giữ phần đất đã chiếm, khiến chúng phải chật vật chống đỡ. Chính Lucien de Grammont, lúc ấy là Đốc Lý Bổn Quốc Sự vụ đã phải thú nhận:

"Vả lại được biết dự định của Tổng tư lệnh, họ (nghĩa quân) quyết định hành động trước dự định này, nếu có thể và cứu vị trí này (Biên Hòa) bằng cách nghi binh lớn thực hiện đồng thời trên nhiều điểm lãnh thổ của chúng ta.

Lần này, các cuộc chuyển quân của họ phối hợp tốt hơn diễn ra trong một thời gian ngắn, và hầu như tất cả các đồn bót của chúng ta đều bị tấn công mạnh mẽ từ ngày 14 đến 30 tháng 12" (Chú thích: De Grammont (L) Sđd tr 291)

Dù chúng ta “đã đẩy lùi được những người tấn công (nghĩa quân) nhưng chịu tổn thất rất lớn" (Chú thích: De Grammont (L) Sđd tr 291)

Sau khi chiếm được Biên Hòa, thực dân Pháp cho rằng đã giải tỏa được áp lực của nghĩa quân ở phía Đông nên phải tập trung quân bình định phía Tây.

Chiếm được Biên Hòa, tức là đã đoạt được chỗ dựa của bọn nghĩa ứng. Khi ấy chỉ còn Vĩnh Long, các cuộc phá phách đều tập trung về phía Tây, mạnh nhứt là Mỹ Tho. Ngày 4/1/1862 tất cả các đồn ở phía Tây đều bị bao vây, ta phải giải vây nó" (Chú thích: Đinh Xuân Lâm - Anh hùng Trương Định - NXB Giáo Dục 1976)

Tưởng cũng nên nhắc lại, trên địa bàn Ba Giồng, thực dân Pháp phải đối phó với hai lực lượng nghĩa quân lớn: Võ Duy Dương và Trần Xuân Hòa.

Trần Xuân Hòa lập căn cứ Thuộc Nhiêu, Võ Duy Dương đồn trú ở Mỹ Quí, chiếm một vị trí nằm giữa thành Mỹ Tho và đồn tiền tiêu Cai Lậy của Pháp. Đây là một khu có nhiều gò cát cao nằm trong hệ thống giồng thứ hai của đất Ba Giồng. Từ đây Võ Duy Dượng hiệp đồng với Trần Xuân Hòa tung nghĩa quân đánh phá Cai Lậy, Cái Bè. Rạch Gầm, Kỳ Hôn... .. Thực dân Pháp phải nhiều lần tập trung quân do chính tên trung tá Desveaux -Chỉ huy quân sự Pháp ở Định Tường lúc bấy giờ - chỉ huy đàn áp, nhưng không kết quả. 

Thuộc Nhiêu, Mỹ Quí trở thành cái gai trước mắt giặc. 

Ngày 6/1/1862, tên đại úy hải quân Rieuner bất thần mang quân bao vây vùng nằm giữa Cai Lậy và Cái Bè. Trần Xuân Hòa chỉ huy nghĩa quân chống cự quyết liệt, chẳng may bị bắt. Thực dân Pháp giải ông về Mỹ Tho tra tấn hết sức dã man.

Ông cắn lưỡi chết để bảo tồn khí tiết (vào ngày 7/1/1862) giặc Pháp điên cuồng chém và bêu đầu ông cùng với sáu nghĩa quân giữa chợ hòng uy hiếp tinh thần nghĩa quân và nhân dân. Nhưng vô ích, chúng phải công nhận rằng “cái gương đáng khiếp sợ đã không ngăn nổi phong trào khởi nghĩa” (Chú thích: Đinh Xuân Lâm: Anh hùng Trương Định - NXB Giáo dục 1976)

"Tưởng rằng tình hình viên quan bị phong (cùi) như vậy làm cho bọn An Nam theo ta vững lòng xem ra nếu có xử bằng cách khác cũng vậy thôi - cũng không làm phe nghịch nao núng, Phủ Cậu không thiếu chi tay hậu kế, lại càng đánh phá dữ dội hơn" (Chú thích: Schreiner - Alfred - Sđd. tr 386)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #32 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2009, 10:48:52 am »

Quả thật vậy, chỉ hai ngày sau thôi, nghĩa quân đã bao vây đồn Gia Thạnh và mang 10 chiến thuyền tấn công đồn Rạch Gầm, khiến viên trung úy Rolz de Couzalaz - chỉ huy đồn Rạch Gầm - phải chống trả đến viên đạn cuối cùng.

Liền sau đó, với tư cách là Chánh quản đạo, Võ Duy Dương, phân công phó quản đạo Nguyễn Hữu Quân đến Thuộc Nhiêu để ổn định tinh thần nghĩa quân đồng thời chiêu mộ nghĩa dõng bảo vệ căn cứ Thuộc Nhiêu.

Từ đây, dù chiến đấu dưới sự chỉ huy chung của Trương Định, nhưng Võ Duy Dương đã chỉ huy nghĩa quân dưới quyền hoạt động trên một địa bàn rộng lớn có tầm quan trọng nhất định về chiến lược. Võ Duy Dương đã thống nhứt lực lượng nghĩa quân trên đất Ba Giồng từ Bình Cách qua Thuộc Nhiêu Mỹ Quí đến Cái Bè. Cái Thia. Ba Giồng thật sự là một trung tâm kháng chiến ở phía Tây Bắc tỉnh Định Tường kết hợp với trung tâm Tân Hòa (Gò Công) của Trương Định đã đưa quân xâm lược Pháp vào tình trạng lúng túng về chiến lược giữa tập trung và phân tán binh lực.

Võ Duy Dương và Trương Định thường xuyên hợp đồng tác chiến, liên tục tập kích tấn công địch trên một tuyến đài từ Gò Công qua Gia Thạnh đến Bình Cách - Thuộc Nhiêu - Mỹ Quí - Cai Lậy - Cái Bè. Ngày 22/1, nghĩa quân đốt phá khu vực đồn rạch Kỳ Hôn; ngày 23 tấn công đồn Rạch Gầm; đến ngày 28, tiến đánh một lúc 4 đồn Cái Bè, Cai Lậy, Thuộc Nhiêu, Rạch Gầm và mưu toan đốt chiếc Shamrock... Càng lúc công cuộc bình định của thực dân Pháp càng trở nên khó khăn. Lucien de Grammont, đã phải viết:

“Vào cùng thời này (cuối 1861 đến 1862) tình hình tại Mỹ Tho chỉ xấu thêm. Viên chỉ huy quân sự được thúc đẩy bởi một nghị lực không mệt mỏi, chống cự bằng những lực lượng hết sức thiếu hụt với làn sóng vẫn gia tăng lên của các đám nổi dậy (nghĩa quân)... ở giữa trung tâm của khu bốn công sự, vụ Thuộc Nhiêu bị người bản xứ chiếm lại đã đẩy lùi chúng ta về các đường sông bên ngoài, và ở đây nữa, giao thông liên lạc đã hầu như bị ngăn chặn bởi đập chắn và vật cản đủ thứ dưới chân chúng ta" (Chú thích: De Grammont (l) Sđd. tr. 296)

Từ đầu năm 1862, Võ Duy Dương, đương nhiên trở thành lãnh tụ nghĩa quân cao nhứt ở Ba Giồng. Có lẽ, sau gần một năm quần nhau với giặc trên địa bàn này, các vị khâm phái và Võ Duy Dương đã thấy được tầm quan trọng của vị trí Mỹ Quí đối với cả vùng. Chính bọn Pháp cũng đánh giá như vậy:

Đồn Rạch Gầm ở vị trí thật trung tâm hơn, nhưng vì ít quan trọng, nên nó không có hiệu quả lớn. Khi nghĩ đến những gì đã xảy ra từ đó, phải chăng tốt hơn nên lập ngay từ đầu ở Mỹ Quí một vị trí quân sự mạnh để khống chế cả vùng xung quanh" (Chú thích: De Grammont (L) Sđd, tr 285)

- Do tầm quan trọng của vị trí Mỹ Quí, nên phía nghĩa quân cố giữ cho kỳ được, còn giặc Pháp cũng quyết lấy cho được. Vào tháng 4, tức là sau khi đồn xây dựng chưa được bao lâu, bọn Pháp tập trung quân tấn công. Thành vỡ, Võ Duy Dương lui về Bình Cách.

Về trận Mỹ Quí (tháng 4/1862), hiện nay có nhiều tư liệu trái ngược nhau, chúng tôi xin nêu ra để tiện tham khảo:

- Trong "Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện" "Lập đồn chính ở thôn Mỹ Quí, cầm cự với đại tướng của Lang sa 57 ngày, không may quân Nam bị thua, Đỗ Thúc Tịnh tử trận..." (Chú thích: Của Trần Văn Thông Sđd)

- Trong: "Histoire de la Cochinchine Francaise des origines au 1883" (Lịch sử Nam kỳ thuộc Pháp từ nguyên sơ đến l883): những toán quân Y Pha Nho và Pháp chiếm ngay thành này không mấy khó khăn" (Chú thích: của Schreiner - Bản dịch của Nguyễn Văn Nhàn - Sđd. Tr. 292)

- Trong: “Đại Nam Quốc lược sử" Đạo quân đó có trung tá Palanca Guttierez và trung tá hải quân Desvaux, chỉ huy tỉnh Mỹ Tho cầm đầu. Bên An Nam bị đuổi ra khỏi các nơi cố thủ xong, thì trung tá Tây Ban Nha trở về Sài Gòn..." (Chú thích: Của Schreiner - Bản dịch của Nguyễn Văn Nhàn - Sđd. Tr. 392)

Trong báo "Ấp Bắc" số đặc biệt (kỷ niệm 110 năm ngày hy sinh và lễ khánh thành tượng Nguyễn Hữu Huân) cũng viết tương tự “Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện " là trận đánh diễn ra suốt 57 ngày đêm" và còn cho biết thêm: "đồn do Đỗ Thúc Tịnh, Võ Duy Dương và Thủ Khoa Huân chỉ huy, cuối cùng Đỗ Thúc Tịnh hy sinh. Võ Duy Dương và Thủ Khoa Huân rút về Bình Cách".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #33 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 04:57:38 pm »

Riêng về cái chết của Đỗ Thúc Tịnh thì Đại Nam Thực lục (Chú thích: Phần Đệ tứ kỷ, quyển XXIX - tr. 296) ghi: “Mùa hạ, tháng 4 (tức tháng 5/1862-Tg) lãnh tuần phủ Định Tường là Đỗ Thúc Tịnh (người Quảng Nam đỗ đồng tiến sĩ) mất, truy tặng hàm tuần phủ...".

Không ghi chết vì lý do gì.

- Để làm chủ được vị trí xung yếu này, ngay sau khi chiếm được đồn Mỹ Quí, chúng liền tấn công Thuộc Nhiêu, bắt được Nguyễn Hữu Huân và giải ông về Sài Gòn (Chú thích: Về sự kiện này. dù hiện nay chưa có tư liệu xác minh; tuy nhiên trong quá trình kháng chiến của ông (Nguyễn Hữu Huân) với "ba phe chống chọi, mười năm trọn” (1859-1862-1863-1872-1875) cho thấy ông bị bắt lần đầu vào giữa năm 1862, bị đưa về Sài Gòn với sự “bảo lãnh" của Đỗ Hữu Phương. sau đó vào giữa đầu năm 1863, ông trốn thoát về Bình Cách cùng Võ Duy Dương tiếp tục hoạt động.)

Tưởng cũng nên nhấn mạnh thêm, sở dĩ vào thời điểm này, bọn Pháp tập trung quân của lính thủy lẫn bộ, cả Pháp lẫn Tây Ban Nha do hai sĩ quan cấp trung tá một của Pháp một của Tây Ban Nha chỉ huy đánh chiếm cho kỳ được Mỹ Quí và Thuộc Nhiêu là nhằm mục đích bảo vệ Mỹ Tho. Chớ kỳ thực, như trên đã nói đến tháng 3 năm 1862, tình hình của chúng rất bi đát. Chính Lucien de Grammont, đã thú nhận:

“Từ sau trận Chí Hòa (2/1861) tất cả binh sĩ chánh qui (của triều đình Huế) đều đào ngũ"... "Những cuộc thất bại của quân đội An Nam không chút ảnh hưởng gì đến tình hình ứng nghĩa của các vùng đã bị chiếm đóng" De Grammont còn nói rõ thêm: "mọi cơ cấu tổ chức cũ ở phần đất bị Pháp chiếm đóng đều sụp đổ, tất cả chỉ còn là một ‘khoảng trống lớn”.

Còn tên đô đốc Paze ghi trong hồi ký:

"Tôi sống giữa những người bịnh, những kẻ hấp hối, những người chết đủ loại. Một số chết vì dịch tả, số khác chết vì kiết lỵ, thương hàn, bệnh hoại huyết... Chúng tôi đã chết khốn khó không mục đích, không kết quả, bị dồn vào bước đường cùng trong nỗi bất lực... Và trong không khí chết chóc ấy, tôi không thể nào hình dung được sự phá hoại, kế hoạch chiến đấu, tấn công thành lũy và pháo đội của đối phương " (Chú thích: Amiral Paze peint par lui même ". B .S .E. I. 2c Scm. 1937. tr 43)

Bịnh hoạn, chết chóc bất ngờ thường xuyên đe doạ mạng sống của lính viễn chinh Pháp làm cho tinh thần chiến đấu của chúng ngày một suy sụp, nhiều lính Tagals (người Philippin), lính ngụy và cả lính Pháp đào ngũ chạy sang phía nghĩa quân, bán nhiều súng đạn cho ta" (Chú thích: Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm - Nguyễn Văn Sự- Lịch sử cận đại Việt Nam, Tập 1 NXB Giáo dục II. 1960)

Điều cơ bản nhứt mà chúng không giải quyết được để đạt được kết quả tốt trong công cuộc bình định là thiểu số quân - mặc dù chúng đã thành lập nhiều tiểu đoàn lính ngụy - đưa chúng đến tình trạng lúng túng giữa rải quân ra để giữ đất đai đã chiếm được hoặc co cụm lại để tránh thiệt hại. Prud' homme đã bộc lộ tình trạng đó:

“Những toán quân nhỏ bé của chúng ta đóng rải rác, cách xa nhau quá không thể hỗ trợ nhau có hiệu quả, cũng không thể chống cự nhau lâu dài với những hoạt động ngày một gia tăng của quân nổi loạn" (Chú thích: Prud' homme - Souvenir de l'expédition de Cochinchine (1861-1862) Paris, 1865. tr 161-165. Dẫn lại Nguyễn Phan Quang - Lê Hữu Phúc Khởi nghĩa Trương Định. NXB TP.HCM 1989)

Do hoạt động của nghĩa quân ngày một mạnh và lan rộng, đồng thời nhiều nơi trong khu vực Pháp chiếm đóng, dân chúng bỏ đi đến nơi khác tỵ địa (Chú thích: ĐNTL. Quyển XXIX. trang 238 chép: "Tháng 8 dân ba huyện Bình An, Nghĩa An: Long Thành (thuộc Biên Thành) ở gần chỗ thuyền Tây Dương đóng bỏ trốn đi đến 74 xã thôn") nên số tiền thuế của chúng thu được ngày một giảm dần đi (Chú thích: Theo Schreiner (Sđd): Năm 1860 Pháp thu thuế được 135.735.36 đồng qua năm 1861 còn thu được 48.994.60 đồng)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #34 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 04:58:32 pm »

Trước tình thế ngày càng bất lợi đó, quân Pháp không còn cách nào khác hơn là phải rút bớt các đồn lẻ xa căn cứ lớn để bảo tồn lực lượng:

"Ngày 1/3/1862, hải quân thiếu tướng Bonard truyền cho các đồn Gò Công, Chợ Gạo, Gia Thạnh, Cái Bè, đều rút đi hết và rút các sĩ quan cai trị các huyện Cần Giuộc (Phước Lợi), Tân An, Tân Hòa... Cùng với việc di chuyển khỏi trung tâm này, dưới mắt dân chúng, chúng ta cũng hết luôn quyền hành và pháp luật cũng như trên thực tế” (Chú thích: P. Vial - Les premières années de la Cochinchine T.I. Paris 1874. trang 141.)

Điều cần lưu ý là cuộc lui quân này của thực dân Pháp không hề bao hàm ý nghĩa từ bỏ cuộc xâm lược Nam kỳ mà đây chỉ là cuộc rút lui chiến lược nhằm đối phó với tình hình khó khăn trước mắt chúng. Các cuộc chiến tranh ở Syrie, Mexique và Trung Quốc đã ngốn chúng một lực lượng quân sự quan trọng, đã đưa nền kinh tế tài chính Pháp vào chỗ khủng hoảng thâm thủng nghiêm trọng.

Mặt khác, sau năm năm tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, thực dân Pháp ngày càng hiểu biết thêm một số đặc điểm về nội tình của Việt Nam; đánh nhau với quân đội chánh qui của triều đình, Pháp sẽ thu thắng lợi dễ dàng, nhưng đương đầu với lực lượng kháng chiến thì chúng khó lòng tiêu diệt được. Do đó, thực dân Pháp tìm cách triệt để khai thác những nhược điểm của triều đình Huế để thủ thắng trong giải pháp chánh trị một khi biện pháp quân sự không đạt được kết quả. Việc thực dân Pháp cố gắng chiếm thành Vĩnh Long vào cuối tháng 3/1862, sau cuộc rút chạy hồi đầu tháng, là chúng cố nhằm nắm lấy một vật bảo đảm cho giải pháp chánh trị sau này. Chính De Grammont đã nêu rõ ý đồ đó:

"Thật ra, người ta đã đánh giá quá cao tầm quan trọng của cuộc rút lui này, mà như tôi đã nói, nó không mang lại sự thay đổi rõ rệt trong hệ thống chiếm đóng của chúng ta. Thứ đến, tôi nghĩ nhất là trong chiến tranh cứu cánh sẽ biện minh cho phương tiện. Lấy Vĩnh Long không phải là đúng sao, bởi vì thành này đã trở thành vật bảo đảm quí giá trong tay chúng ta, từ cuộc nổi dậy sau cùng vào tháng 12/1861" (Chú thích: De Grammont. Sđd. tr 298)

Tình hình quân sự Nam kỳ vào cuối năm 1861 và đầu năm 1862 khiến thực dân Pháp phải nghĩ tới một giải pháp chánh trị: “Con bài Tạ Văn Phụng" là một bảo đảm nữa cho giải pháp chánh trị đó, một giải pháp mà trong đó không thiếu bóng dáng của các cố đạo.

Nguyễn Đức Hạnh (Chú thích: Tsuboi (Yoshiharu) - Sđd. tr 250) đã tiết lộ:

“Một người Việt Nam tên Tạ Văn Phụng, nguồn gốc không rõ, nhưng đã được rửa tội và nuôi dưỡng ở trụ sở Giáo hội tại Pinang, năm 1854, hô hào cuộc nổi dậy nhỏ ở Quảng Yên, dưới cái tên là Lê Duy Phụng, tức là đến phiên hắn ta xưng là hậu duệ nhà Lê. Giám mục Retord thuyết phục được Phụng ngưng hoạt động và lui về ẩn trốn ở Hương Cảng" 

Phụng lấy cố đạo Trường Legrand de la Liraye (Chú thích: Chính cố đạo này, vào ngày 14/10/1866 đã cùng đi với Paulin Vial với tư cách là thông ngôn ra Huế để bức bách Tự Đức nhượng luôn ba tỉnh miền Tây cho chúng) làm mưu sĩ. Trước đây Phụng có theo giáo sĩ Pháp ra nước ngoài, sau lại gia nhập hàng ngũ của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh Quảng Nam hồi Charner chỉ huy chiến cuộc tại địa phương này" (Chú thích: Phạm Văn Sơn - Việt sử Tân Biên (Việt Nam kháng Pháp sử) Q.V. Tập Thượng. Sai gon. 1962, tr 146.)

Sau cuộc tấn công vào Đà Nẵng của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha, Giám mục Retord muốn đưa ra một ông vua theo đạo Thiên chúa dưới sự bảo trợ của nước Pháp "và nghĩ đến Phụng. Hắn nhận lời trở lại Bắc kỳ vào giữa năm 1861 (Chú thích: Schreiner (Sđd) cho rằng: theo lời hai ông De Grammont và Vial thì thời điểm đó là đầu năm 1862" (tr 407)) và phất cờ nhà Lê (Chú thích: Tsuboi (Yoshiharu) Sđd tr 250) Phụng xuất hiện bất ngờ ở Bắc kỳ. Cuộc nổi dậy mau chóng lan tràn khắp nơi, chỉ trong vài tuần lễ Phụng chiêu mộ được một đạo quân giỏi có hơn 20.000
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #35 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 04:59:10 pm »

Charles Duval.

Trung sĩ Charles Duval bí mật đến Bắc kỳ vào đầu năm 1862 và tiếp xúc với Phụng nhằm mục đích đẩy mạnh cuộc nội chiến để gây áp lực với Tự Đức, với sự giúp đỡ của Duval. Phụng tung ra nhiều cuộc tấn công trong nhiều tỉnh ở Bắc kỳ, liên kết với những bọn giặc cướp. Những cuộc bạo động ở Bắc kỳ ngày càng trầm trọng; triều đình Huế rốt cuộc đành phải nhận ký hòa ước đình chiến với người Pháp và Tây Ban Nha ngày 5/6/1862" (Chú thích: Tsuboi (Yoshiharu). tr 251)

Đến đây số phận của "con bài Tạ Văn Phụng" được kết thúc, vì thực dân Pháp đã đạt được thắng lợi trong giải pháp chính trị.

Tự Đức sai Nguyễn Tri Phương dẹp loạn ở miền Bắc. Về phần Ch. Duval, bất kể tương lai cá nhân của Phụng và hài lòng về sự thành công của sứ mạng mình, đã rời Bắc kỳ ngày 17/7/1863. Việc ra đi này nguy hại cho cuộc nổi dậy của Phụng.

Trong năm 1864 đồng đảng của Phụng nơi này, nơi khác bị quân đội Nguyễn Tri Phương đánh tan, bị bắt và bị giết ở Huế" (Chú thích: Tsuboi (Yoshiharu). tr 251)

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng. lúc bấy giờ triều đình Tự Đức đang đứng trước muôn vàn khó khăn. Giặc cướp, nông dân nổi lên có đến hàng trăm vụ, nạn đói do lụt, hạn hán, sâu bọ; đường giao lưu từ Nam ra bị chiến tranh làm gián đoạn. Ở Nam kỳ có đến bốn tỉnh thành lọt vào tay giặc. Ở Bắc kỳ trong mấy tháng đầu năm 1862. Tạ Văn Phụng làm chúa tể gần trọn cả phía Đông miền Bắc " (Chú thích: Schrciner (Alfred) Sđd. tr 407 )

Nội bộ lại không thống nhứt về phương sách đương đầu với thực dân Pháp. Trong triều đình không có người am hiểu tình hình quốc tế nói chung, tình hình nước Pháp nói riêng. Xuất phát từ quan điểm lạc hậu về thế giới. hầu như chỉ có Trung Quốc mới được biết đến dưới dạng vừa “bậc thầy" về nhiều mặt là mẫu mực cần tham khảo đối chiếu vừa lại là kẻ thù đáng sợ. Nay phải đương đầu với kẻ thù hoàn toàn xa lạ rất hung hãn về vũ lực, rất xảo quyệt, già dặn trong ngoại giao nên triều đình Tự Đức sa vào tình trạng lúng túng phải ký hòa ước Sài Gòn 1862, tạm nhường ba tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp để rảnh tay đối phó với cuộc nổi dậy của Tạ Văn Phụng nguy hiểm hơn là lẽ đương nhiên.

Tuy nhiên, để mất đất vào tay giặc vì bất cứ lý do gì, vẫn là trách nhiệm trực tiếp của nhà cầm quyền lúc ấy là Tự Đức và triều đình. Tùy theo nhiệm vụ, mà mỗi người có trách nhiệm nặng nhẹ khác nhau trước lịch sử, trước hậu thế. Song, hậu thế không chỉ có việc qui tội cho cá nhân vị vua này, cá nhân ông quan nọ hay tập đoàn kia, mà cần phải bình tĩnh nhìn thấy ở sự kiện trọng đại đó có một nguyên nhân hết sức cơ bản.

Đó là sự tồn tại một cơ chế xã hội vô cùng lỗi thời ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX. Cơ chế đó là cả một hệ thống tư tưởng, học thuật, giáo dục, quan chế, triều chính, ngoại giao... đã được mô phỏng có khi rập khuôn từ một mẫu được xem là chuẩn mực mà chính nó đã kiềm hãm sức sống và sự phát triển dân tộc ta trong vòng lạc hậu, không theo kịp đà phát triển của thế giới, để tìm ra những bài học thiết thực có lợi ích cụ thể.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #36 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 05:00:06 pm »

II. Giai đoạn sau Hòa ước Sài Gòn (6-1862) đến trước lúc vào Đồng Tháp Mười (8-1864)

Hòa ước Sài Gòn 1862 đối với thực dân Pháp là một thắng lợi lớn lao vượt quá dự định của chúng.

Người ta ngạc nhiên về sự dễ dàng của người An Nam, trước kia đã từng bác bỏ ý định giảng hòa của chúng ta với bao nhiêu bực tức, đột nhiên lại đến yêu cầu một hiệp ước mà điều kiện hình như đắt giá với họ (Chú thích: P. Vial. Sđd tr 150, 156)

Còn Tự Đức thì không hài lòng về văn kiện mà mình phải chịu nhiều thiệt thòi này, đã gay gắt kết tội Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp.

“Hai người không chỉ tội nhân của bản triều mà còn là tội nhân của muôn đời nữa " (Chú thích: Phan Khoang - Việt Pháp bang giao sử.  tr 148, 149)

Và “vẫn rất quyết tâm lấy lại ba tỉnh đã mất, bằng cách nhờ vào người mà nhà vua coi là thuyết khách giỏi nhứt của mình" (Chú thích: Tsuboi Yoshiharu. Sđd tr. 198) nên cử Phan Thanh Giản làm tổng đốc Vĩnh Long để tiện giao thiệp với Pháp; để sau đó (ngày 21-6-1863) cử ông cầm đầu phái đoàn sang Pháp xin chuộc lại các tỉnh đã mất.

Việc nhượng đất bồi tiền như thế là không hợp, nhưng điều ước mới định mà cải nghị ngay vị tất họ chịu, vậy xin hai sứ thần (Phan, Lâm) đến ở gần, từ từ thương chước để chuộc lỗi trước. rồi sau sẽ sai sứ thông vấn? tùy cơ chước nghị” (Chú thích: Phan Khoang. Sđd tr. 1 48, 1 49)

Đối với lực lượng kháng chiến đang mặt đối mặt với kẻ thù thì đây là một hàng ước, một văn tự bán nước, một hành động phản bội không thể tha thứ được. Làn sóng căm phẫn nổi dậy khắp nơi. Thực dân Pháp ở Nam kỳ bị tấn công đều khắp như một cuộc tấn công khởi nghĩa. Chính bọn thực dân đã thừa nhận.

"Trừ Khmer tương đối yên và trừ ngoại ô trực tiếp Sài Gòn thì đây là cuộc Tổng khởi nghĩa lan tràn khắp Nam kỳ" (Chú thích: Thomazi (A) Laconquête de l'Indochine Payot Paris. 1934)

Những vị trí quân Pháp rút chạy hồi tháng 3 đã được nghĩa quân bố trí phòng thủ để đương đầu sự trở lại của chúng.

Nhưng hòa ước 1862 đã tạo cho quân Pháp một cơ sở pháp lý vững chắc. Để thi hành hòa ước, trước mắt Tự Đức hạ lịnh bãi binh trên ba tỉnh miền Đông, triệu Nguyễn Túc Trưng về kinh. Nguyễn Túc Trưng vâng lịnh triều đình vừa thăng chức lãnh binh cho Trương Định vừa bắt Trương Định giải tán nghĩa quân rồi đi An Giang nhận chức. Trước khi về kinh Nguyễn Túc Trưng đã lệnh Võ Duy Dương tập hợp nghĩa quân về Kiến Hòa (Vùng Bình Cách - Chợ Gạo) đến khi có lịnh mới (Chú thích: Gustave Janneau tài liệu đã dẫn.). Lực lượng kháng chiến sẽ lâm vào tình trạng khó khăn và có nguy cơ bị triều đình bỏ rơi nếu không tuân lệnh giải giáp.

Yoshiharu Tsuboi, trong một tác phẩm của mình (sách đã dẫn) ông đã cho rằng Tự Đức quyết tâm lấy lại các tỉnh đã mất bằng chánh sách hai mặt, ông viết: 

“Tự Đức đã dốc toàn lực để tìm cách lấy lại đất đã bị chiếm. Vua bí mật khuyến khích các quan trong vùng bị Pháp chiếm nổi dậy và vua tìm cách thương lượng với Pháp để chuộc lại các tỉnh ấy. Với mục đích đó vua cử một sứ bộ sang Pháp để thương lượng trực tiếp với hoàng đế Pháp, và Phan Thanh Giản một lần nữa được cử làm chánh sứ" (Chú thích: Yoshiharu Tsuboi - Sđd tr.198-262.)

Tsuboi cũng cho rằng Phan Thanh Giản đã hoàn thành sứ mạng của mình trong việc đi xin chuộc lại 3 tỉnh:

"Sứ mạng này là một thắng lợi ở chính quốc và ngày 15-7- 1864 kết thúc bằng một dự thảo mới về hòa ước, tiên liệu việc trả lại ba tỉnh" (Chú thích: Yoshiharu Tsuboi - Sđd tr. 198-262).

Georges Taboulet cũng đã xác nhận sự thành công đó của sứ bộ Phan Thanh Giản.

“Sau một thời gian lưu trú ngắn ở Madrid, các sứ thần trở về Sài Gòn ngày 18-3-1864 và từ đó họ ra Huế ngay, vui mừng báo tin cho nhà vua của họ sự thành công của công cuộc thương lượng tế nhị đã qua” (Chú thích: G. Taboulet - La Geste Francaise en Indochine Paris ( l955-1956.) T.2 tr. 483.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #37 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 05:01:01 pm »

Nhưng, vì bọn thực dân chủ trương bành trướng ở hải ngoại (Bonard, Chasseloup Laubat. De Lagrandière...) ráo riết can thiệp vào vấn đề này (Chú thích: xem thêm Tập san sử địa số7-8. Sài Gòn 1967) bản dự thảo hòa ước 1864 không được phê chuẩn. Cho nên thành công của phái bộ Phan Thanh Giản chỉ còn là làm chậm lại việc thi hành Hòa ước 1862 mà thôi.

Về việc Tự Đức ngấm ngầm khuyến khích trợ giúp lực lượng kháng chiến trong vùng Pháp chiếm đóng là một công tác vô cùng phức tạp diễn ra trong âm thầm bí mật, mặt khác bề ngoài triều đình phải chứng tỏ rằng đang thực hiện hòa ước 1862 để đánh tan sự ngờ vực đương nhiên phải có về phía thực dân Pháp. Qua Phan Thanh Giản, người thay mặt vua Tự Đức cao nhứt ở Nam kỳ, các chiếu chỉ, sắc dụ công khai ra lệnh kêu gọi các lãnh tụ nghĩa quân giải giáp, rút quân rồi sau đó là lệnh tầm nã thậm chí “yêu cầu" giặc Pháp bắt giúp... Trong trạng huống phức tạp đó, việc đánh giá thái độ của triều đình đối với lực lượng kháng chiến lúc này thật khó chính xác nếu thiếu thái độ bình tĩnh khách quan có lý có tình sẽ dễ rơi vào tình trạng úp chụp ngộ nhận đáng tiếc.

Thật vậy, nếu chỉ dựa vào nội dung bức “mật văn" của Phan Thanh Giản gởi cho Bonard ngày 7-2-1863 (Chú thích: Tập san sử địa số 22 (1971)) mà kết luận rằng Phan Thanh Giản là thỏa hiệp với giặc là phản quốc thì thật là quá vội vàng, vì bình tĩnh xem kỹ lại thì bức “mật văn” đó thiếu mất chữ ký của Phan Thanh Giản.

Trong văn thơ ngoại giao giữa đại diện nước này gởi cho đại diện một nước khác mà thiếu con dấu và chữ ký của người gởi, thiết tưởng cũng nên xét lại về mặt giá trị pháp lý của nó. Trong văn thư đề ngày 6-8 năm Tự Đức thứ 15 (tức 30-9-1862) cũng gởi cho Bonard, cuối thư Phan Thanh Giản viết: “do tân ấn vị phụng cấp đáo, nhưng dụng cựu quan phòng vi tín” tạm dịch là: “do ấn mới chưa kịp mang đến, tạm dụng ấn cũ làm tin”. Nhưng bên cạnh đó cũng không thấy đóng con dấu nào hết. Phan Thanh Giản quên hay cố tình không đóng dấu. Như vậy, văn bản đó có giá trị đến mức độ nào? Điều này cũng cho thấy được tư tưởng của Phan Thanh Giản. Theo quan niệm phong kiến, công văn không dấu là thái độ xem thường người đọc.

Chính Nguyễn Phan Quang, tác giả chủ trương chỉ trích gay gắt triều đình Tự Đức và Phan Thanh Giản cũng đã phải viết:

“Nếu bảo rằng triều đình có chủ trương hai mặt và lệnh bãi binh cách chức chỉ là bề ngoài, thì thật khó giải thích vai trò và hoạt động của Phan Thanh Giản (chiêu dụ Trương Định qui thuận, thúc giục giặc Pháp tiêu diệt nghĩa quân gửi mật thư cho tướng giặc yêu cầu bắt Trương Định "đền tội lỗi" v.v...) Hay là bản thân Phan Thanh Giản. trong khi thực hiện "sánh lược hai mặt" của triều đình đã “lỡ trớn" đi quá giới hạn cho phép? đây cũng là một chi tiết cần được tìm hiểu thêm" (Chú thích: Nguyễn Phan Quang - Lê Hữu Phước. Sđd tr. 109).

Còn nếu căn cứ vào tình trạng nghĩa quân bị cô lập trên địa bàn chiếm đóng của giặc sau Hòa ước 1862; vũ khí lương thực thiếu thốn nghiêm trọng. Nghĩa quân hoàn toàn phải dựa vào dân để chiến đấu, liên hệ với người Hoa để mua súng đạn... mà cho rằng triều đình bỏ rơi kháng chiến thì e rằng chưa xác đáng lắm, Vì lúc bấy giờ triều đình đang gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung lực lượng dẹp cuộc nổi dậy của Tạ Văn Phụng ở Bắc kỳ, Yoshiharu Tsuboi lý giải hành động đó như sau:

“Triều đình muốn có thì giờ để dẹp cuộc nổi loạn Lê Duy Phụng, cuộc nổi loạn này uy hiếp Bắc kỳ đối với triều đình quan trọng hơn Nam kỳ nhiều; Triều đình hy vọng sẽ lấy lại ba tỉnh ở Nam kỳ đã mất một khi giải quyết xong số phận của nhóm nổi loạn ở miền Bắc" (Chú thích: Yoshiharu Tsuboi - Sđd tr. 262.).

Hành động ngấm ngầm trợ lực của Triều đình Tự Đức đối với lực lượng nghĩa quân Võ Duy Dương thấy rõ qua các tài liệu sau:

- Châu bản ban hành mùng một tháng ba năm Tự Đức thứ XVII. (tức ngày 27-3-1865) với nội dung: “phong trào nổi dậy đánh Pháp của quân mộ nghĩa ở ba tỉnh miền Đông Nam bộ do Pháp cai trị ngày càng mạnh, gây cho chúng nhiều thiệt hại, chúng gởi thơ cho quân ta ở Vĩnh Long phản đối hoạt động chống chúng của nghĩa quân Thiên Hộ Dương - với dụ này Tự Đức kêu gọi nghĩa quân ngưng hoạt động và trừng trị ai chứa chấp" (Chú thích: Xem phần phụ lục (trang 193-195))

- Châu bản ban hành ngày mùng 7 tháng 6 năm Tự Đức thứ XVIII (tức ngày 29-7-1865). Đây là dụ của Tự Đức ra lệnh tầm nã Thiên Hộ Dương để lấy lòng chánh phủ Pháp. Võ Duy Dương chống Pháp tích cực ở ba tỉnh Tây Nam kỳ được các quan chức địa phương ủng hộ".

- Châu bản ban hành ngày 3 tháng 9 năm Tự Đức thứ XIX (tức ngày 11-10-1866). Đây là chỉ dụ ra lệnh bắt Thiên Hộ Dương nộp cho Pháp. (Chú thích: Lưu trữ tại trung tâm lưu trữ II tại TP.HCM ký hiệu số CB.287 tờ 76-81) .
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #38 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 05:02:00 pm »

Đó là văn bản công khai, nó có tính hai mặt của nó. Trong các tài liệu sau đây cho ta thấy mối quan hệ giữa triều đình với nghĩa quân Võ Duy Dương.

Dựa vào hai báo cáo quân sự của Võ Duy Dương gởi cho vua Tự Đức, tác giả Gustave Janneau, cho rằng:

“Ông Thiên Hộ Dương tên thật là Võ Duy Dương, là một trong những thủ lĩnh của đám loạn quân đã gây cho chúng ta nhiều thiệt hại trước khi chúng ta chiếm đóng đô hộ xứ này. Tại Tháp Mười, Dương đã đích thân chỉ huy những người An Nam. Các văn bản dưới đây “chứng tỏ ông có quan hệ với Hoàng Đế Tự Đức". 

- Qua nội dung hai báo cáo của Võ Duy Dương, Gustave Janneau còn nêu lên một số sự kiện quan trọng như: .

“Ông (Võ Duy Dương) còn nhận được bức thánh chỉ đề tháng 6 truyền lệnh cho ông phải mời Tổng đốc Gia Định Bùi Quang Diệu và Tham tán Bùi Tân. Các quan chức này đã đến Tháp Mười chỉ mang theo 80 người, vào tháng 11, họ quay trở lại Gia Định để nhận vài chỉ thị mới".

“...Trong lúc ấy (tháng 7-1862) phó lãnh binh Trương Định đang đóng quân ở Gia Định viết thơ cho ông Dương trình bày là ông sẽ gặp nguy hiểm khi phải hoạt động đơn độc, ông yêu cầu ông Dương thống nhứt lực lượng, ông lấy địa điểm hội kiến là ở huyện Tân Hòa.

“Ông Dương đồng ý, cử giáo thọ Nguyễn Hữu Huân đến Tân Hòa để bàn bạc, tại đây ông Huân gặp thị vệ Nguyễn Thi, người đã mang đến cho Quản Định một thánh chỉ phong cho ông chức Bình Tây Tướng Quân, tổng chỉ huy quân đội trong ba tỉnh.

“Sau đó ông Huân trở lại Định Tường. Ông Dương nhận chức Chánh Đề Đốc, ông Huân nhận chức Phó Đề Đốc với ấn, triện của phẩm hàm” (Chú thích: Gustave Janneau tài liệu đd)

- Trong một bức thư của Trung tá hải quân Auguste Ansart Tư lệnh tỉnh Mỹ Tho gởi cho thống đốc Nam kỳ De la Grandière ngày 18-11-1866 Ansart có đề cập đến cuộc đàm thoại giữa y và Phan Thanh Giản. Có đoạn Ansart viết:

"Tôi nhắc lại với ông (Phan Thanh Giản) tất cả các sự phiến động trong tỉnh của chúng ta, do những mật sứ chắc chắn đã được lệnh vì nếu không, họ đã không thể nào tìm được nơi dân chúng tiếng vang mà họ đã gặp được. Tôi nhắc lại cho ông những toan tính của con trai Quản Định, của Thiên Hộ (tức Trương Quyền và Thiên Hộ Dương - NHH) tức là hai lãnh tụ được họ ngầm giúp đỡ, chứa chấp và che chở, các đoàn quân của những người này ngày nay vẫn về bè với Poucombo... ".

Phan Thanh Giản trả lời rằng ... không nên đi trên những mối bất bình trong quá khứ lịch sử rằng cái gì đã xảy ra là những việc đã qua, rằng những lỗi lầm trước kia của chánh phủ An Nam là do sự không hiểu biết giá trị và trí thức của người Âu, nhưng ngày nay, hai dân tộc đã hiểu nhau, thì dân tộc mạnh phải giúp đỡ soi sáng cho dân tộc yếu, để đưa dân tộc này vào các con đường của văn minh. Hiệp ước ký giữa Hoàng đế Pháp và vua Tự Đức không những là hiệp ước hòa bình nhưng còn là hiệp ước giao hữu, xóa bỏ tất cả dĩ vãng và trở lại cái lý lẽ trước của ông, Phan Thanh Giản nói với tôi rằng “người An Nam đã không làm một điều gì để vi ước...".

Qua lời đối đáp với ngôn ngữ ngoại giao " Phan Thanh Giản gián tiếp xác nhận rằng triều đình Tự Đức có ngầm giúp đỡ nghĩa quân Võ Duy Dương.

Cho đến sau khi thực dân Pháp triệt hạ được chiến khu Đồng Tháp Mười (tháng 4-1866) triều đình vẫn còn giữ thái độ trân trọng đối với Võ Duy Dương. Điều này đã được thể hiện rõ trong Đại Nam Thực lục”

“Tuần phủ Thuận Khánh là Hoàng Văn Tuyển tâu nói : gần đây nghe nói Võ Duy Dương và bọn Trương Tuệ (Tuệ là con Trương Định) ngầm đến thương du hội với bọn còn sót lại của tên Bướm mưu đồ khởi nghịch. Vua bảo cơ mật viện rằng: lũ tên Dương lòng hẳn như thế nào chưa biết rõ, nhưng cũng là do lòng công phẫn mà ra, có thế mới ràng buộc lòng người, để dùng về sau, cho đi tuần bắt cũng chẳng qua cho vui lòng nước Pháp mà thôi, giết đi cũng đáng tiếc, người không biết bảo là phụ ân, trước đã bất đắc dĩ để mất một Phan Huân (có lẽ là Nguyễn Hữu Huân bị bắt nộp cho Pháp vào tháng 7-1864 - NHH). Lòng trẫm vẫn áy náy, chưa biết quan kinh lược và quan tỉnh cũng đã biết rõ ý làm cho thóa đáng hay không? Nếu nhận là việc thật thì thất sách lắm. Bọn chúng quen đánh không sợ tuy sức ít không làm nên việc, nhưng khí khái đáng khen, huống chi lũ tên Dương nếu được địa lợi, đủ quân lương, biết đem dùng hắn thì người đã quen, tưởng cũng được việc, nên vời hắn đến xử trí cho khéo, ngõ hầu lưỡng toàn" (Chú thích: ĐN TL Đệ Tứ kỷ. Quyển XXXI. tr. 49).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #39 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 05:02:46 pm »

Phải chăng đó là dấu hiệu chứng tỏ Võ Duy Dương đang bí mật thực hiện chánh sách hai mặt của Tự Đức. Vì bí mật nên Tự Đức e sợ Phan Thanh Giản và Trương Văn Uyển (quan Kinh lược và quan tỉnh) xử lý không khéo mà bắt ông nộp cho Pháp thì thật là thất sách như việc bắt thủ khoa Nguyễn Hữu Huân trước đây nộp cho Pháp.

Hơn ai hết, Phan Thanh Giản là người biết rõ vai trò của Võ Duy Dương, nên ông đã đề nghị khiển trách Nguyễn Hữu Cơ, khi Nguyễn Hữu Cơ tự tiện đề nghị với Pháp về việc Võ Duy Dương.

“Trước Nguyễn Hữu Cơ đến lỵ sở, đi qua Gia Định báo sứ Pháp rằng: Bè lũ Võ Duy Dương nên cho ra thú đồn đi khai khẩn, khi đến Vĩnh Long đem việc ấy nói kín với Phan Thanh Giản, bèn tư cho các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên và các tỉnh Bình Thuận trở ra Bắc: phàm bè lũ Dương đều cho ra thú đi khẩn hoang. Lại xin tuân thủ Bình Thuận, Khánh Hòa, hễ thấy tên Dương, tên Tuệ (Tức Trương Quyền, Con Trương Định - NHH), thì đem đổi tên cấp cho ngựa trạm về kinh, phái đi nơi khác cho hết điều tiếng.

“Phan Thanh Giản tâu: Nguyễn Hữu Cơ trước đã tự tiện bỏ Á Xoa, sau đem việc Duy Dương khinh thường làm việc táo bạo như thế, rất lấy làm ngại. Hữu Cơ phải giáng 2 cấp, cho lưu tại chức" (Chú thích: Gustave Janneau. Tài liệu đd).
Chính là người có sứ mạng hoạt động theo mật chỉ của nhà vua, Võ Duy Dương mới có tư cách báo cáo thẳng với Tự Đức. Sau trận Tháp Mười (tháng 4-1866), ba vị Khâm sai là Phó quản Cơ Nguyễn Xuân Phong, Tú tài Phạm Lợi Nguyên và bát phẩm Nguyễn Tương mang báo cáo của Võ Duy Dương về cho Tự Đức (Chú thích: ĐNTL Đệ Tứ Kỷ. Quyển XXXI.). Rồi đến tháng 10 “Thiên Hộ Võ Duy Dương (lại) cử người về kinh dâng sớ kín. Vua sai Vũ Trọng Bình hỏi kín, cốt hỏi đến chỗ cùng bàn cho ổn thỏa".

Các tư liệu trình bày ở trên cho thấy rằng sau hòa ước Sài Gòn (1862) Võ Duy Dương có quan hệ bí mật với Tự Đức trong công cuộc đánh Pháp để giành lại ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.

Tuy nhiên, với bản chất bảo thủ, mềm yếu thiếu quyết đoán của Tự Đức lại thêm bản thân nhà vua có năng lực của một nhà thơ hơn là một nhà chính trị; trong khi đó, trong hàng ngũ quần thần lại không có sự nhứt trí về một đối sách đối với bọn thực dân Pháp, không có người hiểu biết am tường về kẻ thù mới này lại có một số quan lại muốn đầu hàng Pháp, nên chánh sách hòa hoãn với Pháp lúc đầu từng bước biến thành hành động đầu hàng nhục nhã... Chánh sách hai mặt trong quá trình thực hiện dần dần nghiêng về một phía. Từ đó, dầu muốn dầu không dưới cái nhìn của quần chúng nhân dân, vua Tự Đức và một số quan lại như là những người phản bội.

Sau khi hòa ước được ký, về mặt công khai, để cho thực dân Pháp thấy rằng hòa ước được thi hành, triều đình Tự Đức điều các quan lại, lính chánh quy ra khỏi vùng giặc tạm chiếm, ra lệnh nghĩa quân giải giáp.

Nguyễn Túc Trưng được điều về kinh, Nguyễn Nhã điều qua Vĩnh Long lãnh chức án sát. Đỗ Thúc Tịnh chết hồi tháng 5-1862. Trên đất Nam kỳ còn lại hai lực lượng nghĩa quân đối đầu với thực dân Pháp. Trương Định ở khu vực Tân Hòa (Gò Công), Võ Duy Dương trấn giữ khu vực Ba Giồng.

Thực dân Pháp xảo quyệt lợi dụng lúc dân tình và nghĩa quân trong 3 tỉnh được quyền chiếm đóng đang hoang mang dao động vì việc nhường đất, nhứt là lực lượng nghĩa quân yếu hẳn đi khi lính chánh qui đã rút lui, chúng "hối hả đem tin hòa ước được ký kết đến các nơi bị nguy cấp nhất để chấm dứt ngay cuộc chiến đấu”. Trong báo cáo của Võ Duy Dương cũng ghi rõ:

“Tháng 6, những tên man rợ (chỉ thực dân Pháp) ra thông báo tuyên bố rằng 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường phải được xem là đất của chúng".

Nhưng tiếng loa báo tin của chúng được đáp lại bằng tiếng súng và máy bắn đá của nghĩa quân:

“Khi đến phạm vi Tân Hòa, nơi Trương Định đóng quân người ta (chỉ nghĩa quân - NHH) vẫn dùng súng và máy bắn đá bắn vào những người Pháp đến báo tin đình chỉ chiến sự" (Chú thích: P.Vial Sđd, quyển I, tr. 162).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM