Võ tướng trong lịch sử Việt Nam

<< < (4/11) > >>

quan su va toi:
Nhanh thật, mới đó mà đã gần 1000 năm

yeulichsu1982:
Phạm Ngũ Lão, quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (Ân Thi, Hưng Yên ngày nay), cha mất sớm, mẹ già, nhà nghèo vừa làm ruộng, đan lát, vừa theo học luyện cả văn lẫn võ. Quân Nguyên-Mông lăm le xâm phạm bờ cõi lần thứ hai, Phạm Ngũ Lão ước ao được đền nợ nước cho thỏa chí làm trai.


Một hôm, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương) lên kinh đô Thăng Long. Quân sĩ hộ vệ đi trước dẹp đường, đến làng Phù Ủng thấy một thanh niên đầu trần, áo rách ung dung ngồi đan sọt giữa đường. Mải mê suy nghĩ, chàng trai không nghe thấy tiếng quát của đội quân dẹp đường. Quân sĩ lấy giáo đâm vào đùi người thanh niên chảy máu nhưng vẫn không nhúc nhích. Đến mũi giáo thứ hai, chàng trai vẫn ung dung làm việc như không biết đến mọi việc xung quanh. Sự việc được báo lên, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn kinh ngạc vội xuống voi. Thấy Phạm Ngũ Lão khôi ngô dũng cảm khác thường, ứng đối trôi chảy, lại có chí lớn, Hưng Đạo Vương cho thuốc dịt vết thương, cho Phạm Ngũ Lão quà để mang về biếu mẹ rồi nhận cho theo về kinh đô.

Triều đình chuẩn bị mở khoa thi võ chọn người cầm quân cấm vệ, Phạm Ngũ Lão được Hưng Đạo Vương căn dặn và cấp cho tiền, gạo ngựa về quê, hẹn ngày lên thi. Ở quê, Phạm Ngũ Lão ngày đêm khổ luyện ôn tập võ nghệ. Các môn cưỡi ngựa bắn cung, quyền roi, kiếm, cắp giáo nhảy qua hào, nhảy lên thành... ông đều thành thạo. Khi trở lại Thăng Long, tại đấu trường Giảng Võ, ông đỗ đầu các môn võ do triều đình tổ chức và được vua Trần giao chỉ huy quân cấm vệ, lực lượng tinh nhuệ nhất bảo vệ nhà vua và kinh thành.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai năm 1285, Phạm Ngũ Lão đã lập được nhiều công. Ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Khi địch đã núng thế, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân về phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường chúng rút chạy lên biên giới phía bắc. Trận này, cánh quân do Phạm Ngũ Lão chỉ huy diệt được phó tướng Lý Quán và Lý Hằng. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để lính khiêng chạy thoát, hàng vạn quân Nguyên chết ngập khắp nơi.

Tháng 10-1287, Thoát Hoan (con vua Hốt Tất Liệt) dẫn quân chia thành ba mũi xâm lược nước ta lần thứ ba. Theo sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng. Các tướng giặc Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi bị quân ta bắt sống. Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích địch trên đường bộ, trực tiếp đối địch với cánh quân của Thoát Hoan. Quân Nguyên bị đánh tan tác, Thoát Hoan phải trà trộn vào đám tàn quân chạy trốn về nước, từ đấy không còn dám mơ tưởng đến xâm lược nước ta.

Trong bảo vệ đất nước mấy chục năm tiếp theo, Phạm Ngũ Lão bốn lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao. Hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành, vua Chiêm là Chế Chí phải xin hàng và một lần ông còn dẹp yên tên nghịch thần là Biếm (1301).

Văn võ toàn tài, trung thành, liêm khiết, vua Trần nhiều lần phong thưởng công lao cho Điện súy, Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão. Ông được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quí đến mức muốn gả con gái yêu của mình cho vị tướng tài đức phải bày mưu làm lễ đổi họ chuyển con gái ruột là quận chúa Anh Nguyên thành con nuôi rồi gả cho Phạm Ngũ Lão (vì nhà Trần có quy định chỉ gả con gái trong dòng tộc).

Điện súy, Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão còn làm thơ. Tiếng thơ của ông hào sảng và đầy khí phách:


Tỏ lòng

Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân hùng khí nuốt trôi trâu

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

Ngày 1-11-1320, Phạm Ngũ Lão mất tại phủ đệ của vua ban, hưởng thọ 66 tuổi. Ông làm tướng phụng sự nhà Trần gần 50 năm, qua ba đời vua. Thượng hoàng Trần Anh Tông đọc bài viếng Thượng tướng quân có đoạn:

“Dẹp giặc Lào, Xiêm tỏ tướng tài

Võ thần mấy kẻ được chen vai

Dưới cờ một dạ nên công lớn

Gia Cát trời Nam lại có hai.

Để tưởng nhớ vị tướng tài danh là người con của quê hương, dân làng Phù Ủng lập đền thờ Phạm Ngũ Lão ngay trên nền nhà cũ của gia đình ông. Ngoài đền thờ chính còn nhiều di tích có quan hệ đến Điện súy, Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão

trinhlenam_89:
                 Nguyễn Bặc một vị tướng trung quân ái quốc
 

   Nguyễn Bặc là con của Nguyễn Thước, một nha tướng của Dương Đình Nghệ. Ông sinh năm 924 ở Sách Bông, làng Đại Hữu, Châu Đại Hoàng (nay là xã Gia phương, huyện Gia viễn, tỉnh Ninh Bình). Ông cùng tuổi cùng quê với Đinh Bộ Lĩnh, thuở nhỏ cùng bạn tập trận cờ lau, lớn lên lại kết nghĩa anh em với nhau.
   Năm Tân Hợi 951 Đinh Bộ Lĩnh dấy nghĩa ở Đội Lĩnh Sơn, động Hoa Lư để dẹp loạn 12 sứ quân, qui giang sơn về một mối. Nguyễn Bặc đã tham gia khởi nghĩa và là vị tướng tài ba nhất của Đinh Bộ Lĩnh. Ông chỉ huy các trận tiến công, buộc Phạm Phòng Át (tức Phạm Bạch Hổ) ở Đằng châu (hải hưng), Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm (Sơn Tây) và Ngô Xương Xí ở Bình Kiều (Thanh Hóa) phải quy thuận. Trận đánh sứ quân Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh trì, Hà nội ngày nay) là một trận đánh rất lớn. Đinh Bộ Lĩnh cử các tướng Nguyễn Bộ, Nguyễn Phục, Cao Sơn, Đinh Thiết đanh Nguyễn Siêu. Cả bốn tướng đều hi sinh anh dũng. Đinh Bộ Lĩnh đem quân thân chinh, cử đại tướng Nguyễn Bặc làm tiên phong, đánh tan quân Nguyễn Siêu vào ngày 15 tháng 7 năm đinh mão (967). Trong trận đánh sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Bặc chỉ huy cánh quân chủ yếu đánh vào thành Trại Quyền (Quốc Oai). Năm 968 sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua, phong cho Nguyện Bặc làm đệ nhất công thần. Ông đã xin nhường chức ấy cho Đinh Điền là người cùng họ với vua, và xin đứng thứ hai trong "tứ trụ triều đình" (Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ). Năm 971, Nguyễn Bặc được vua phong là khai quốc công thần, Phụ Quốc, Thừa Tướng, Thái tế, Định Quốc Công, tức là vị tể tướng đầu tiên trong lịch sử nước ta. Ông đã giúp vua trong việc xây dựng chính quyền tập trung, thông nhât, lập triều nghi, xây cung điện, chấn hưng kinh tế, đắp thành, đào hào, củng cố nền độc lập, sẵn sàng chống lại sự xâm nhập của đời Tống. Trong công lao thống nhất sơn hà, xây dựng đất nước, củng cố nền độc lập hồi thế kỉ thứ X, có phần đóng góp rất lớn của Nguyễn Bặc với cương vị là đại tướng số một (chữ Đại Tướng không phải ngày nay mới đặt ra, mà được ghi rõ trong thần phả đình Ba Dân, xã Tứ Hiệp và cả trong Thần phả xã Đông Kết huyện Thanh Trì. 

nguồn: Lịch Sử sự thật và sử học (nhà xuất bản trẻ)                              

UyenNhi05:
  Nước Việt ta là một đất nước với hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Những trang sử của ta được đánh dấu chủ yếu bằng những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Trong các cuộc chiến tranh đó đã để lại tên tuổi của rất nhiều vị tướng nổi tiếng. Hưởng ứng chủ đề của Seahawk1, mượn nguồn của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, xin giới thiệu với các bác một vị tướng Khai quốc công thần của nhà Hậu Lê, người được đánh giá là "Công lao không kém gì Nguyễn Trãi" trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược vào thế kỷ 15. (Em giới thiệu ông này trước tiên vì nhà ông ấy ở gần nhà em).


NGUYỄN CHÍCH
(1382–1448)

 Quê ở Làng Vạn Lộc, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa,

 Là công thần khai quốc nhà Hậu Lê, người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.
 
 Theo Văn bia quốc triều tả mệnh công thần, Nguyễn Chích mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Ông là người ít nói, ít cười, hiền lành, trung thực, có chí lớn.

  Năm Nguyễn Chích 25 tuổi, nước Đại Ngu của nhà Hồ mất do cuộc xâm lược của nhà Minh. Ông nuôi chí đánh đuổi người Minh để cứu nước.

  Sử sách không chép rõ thời điểm Nguyễn Chích nổi dậy chống quân Minh, nhưng các nhà nghiên cứu thì ông khởi nghĩa khoảng sau khi nhà Hậu Trần mất (1413) cho tới trước khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (1418)[1]. Căn cứ ban đầu mà ông xây dựng là tại Vạn Lộc. Từ Vạn Lộc, Nguyễn Chích đánh ra các vùng xung quanh, cả huyện Đông Sơn quân Minh không dám đến cướp phá.

  Sau đó Nguyễn Chích tiến quân đánh chiếm núi Hoàng và núi Nghiêu là vùng giáp 3 huyện Đông Sơn, Nông Cống và Triệu Sơn, xây dựng khu vực này thành căn cứ lớn. Căn cứ này có vách núi dựng đứng và sông Hoàng chảy qua là chiến hào tự nhiên, thuận lợi cho việc phòng thủ lẫn tiến công.

  Từ Hoàng Nghiêu, Nguyễn Chích mở rộng phạm vi hoạt động ra vùng lân cận ở Thanh Hoá và bắc Nghệ An. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Hiệu lệnh của ông được thi hành ở các huyện Đông Sơn, Nông Cống và Ngọc Sơn".

  Quân Minh lo lắng. Tướng người Việt theo quân Minh là Lương Nhữ Hốt tìm cách dụ hàng Nguyễn Chích nhưng thất bại.

  Năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Nghe tin thanh thế của Nguyễn Chích, Lê Lợi sai người mang thư đến mời ông về cùng tham gia quân Lam Sơn. Nguyễn Chích đồng ý theo Lê Lợi, nhưng thời gian đầu ông vẫn ở căn cứ Hoàng Nghiêu. Từ Hoàng Nghiêu, ông mang quân ra đánh Lương Nhữ Hốt ở đồn Cổ Vô, được Lê Lợi phong chức Vinh lộc đại phu Lân hổ vệ tướng quân. Sau đó Lê Lợi lại phong ông làm Đô đốc đạo phủ quản tổng đô đốc quân dân, tước Quan nội hầu.

  Cuối năm 1420, ông mang toàn bộ lực lượng gia nhập với Lê Lợi – lúc đó đóng mở Mường Nanh. Ông được Lê Lợi phong làm Thiết đột hữu vệ Đồng tổng đốc chủ quân sự.

  Từ năm 1421 đến 1423, ông tham gia nhiều trận đánh với quân Lam Sơn như trận Ba Lẫm (tháng 12 năm 1421) và trận Sách Khôi (tháng 2 năm 1422) đánh bại 10 vạn quân Minh của Trần Trí. Ông được Lê Lợi thăng lên chức thiếu uý.

  Từ năm 1418 đến 1423, quân Lam Sơn chỉ hoạt động quanh quẩn ở vùng núi Thanh Hoá, bị quân Minh nhiều lần đánh bại. Trong tình thế khó khăn, Lê Lợi đã phải giảng hoà với quân Minh để củng cố thực lực. Cuối năm 1424, khi sứ giả quân Lam Sơn là Lê Trăn bị quân Minh bắt giữ, Lê Lợi bèn cắt đứt giảng hoà với địch.

  Vào thời điểm đó, Nguyễn Chích đã hiến kế với Lê Lợi: "Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông. Tôi đã từng qua lại Nghệ An nên rất thông thuộc đường đất. Nay hãy đánh trước lấy Trà Lân, chiếm cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Quan thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ".
 
  Chấp thuận kế hoạch của ông, Lê Lợi quyết định tiến vào Nghệ An. Đầu tiên quân Lam Sơn tập kích đồn Đa Căng (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Tháng 11 năm 1424 quân Lam Sơn liên tiếp giành thắng lợi, hạ thành Trà Lân và tiến vào Nghệ An, sau đó đánh bại quân Minh ở Khả Lưu, Bồ Ải (tháng 5 năm 1425).

  Thành Nghệ An bị bao vây cô lập, quân Lam Sơn tiến ra đánh Diễn châu và Tây Đô (tháng 6 năm 1425). Nhân đà thắng lợi, tháng 8 năm 1425, Lê Lợi sai Trần Nguyên Hãn mang quân vào đánh chiếm đất Tân Bình và Thuận Hoá. Hai thành này cũng bị vây.

  Các nhà sử học đánh giá rất cao về kế vào Nghệ An của Nguyễn Chích. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ khi thực hiện kế hoạch của ông, quân Lam Sơn làm chủ 1 vùng rộng lớn từ Thanh Hoá và Thuận Hoá, bao vây các thành địch. Nếu so sánh với thời gian 6 năm 1418 – 1423 chỉ quanh quẩn ở mấy huyện ở Thanh Hoá thì thấy hiệu quả của việc thay đổi chiến thuật này rất lớn.

 Tháng 9 năm 1426, Lê Lợi kéo đại quân ra bắc, quân Lam Sơn liên tiếp thắng trận, đánh tan các đạo viện binh của Vương An Lão và Vương Thông, đẩy quân Minh vào thế phòng thủ ở Đông Quan và các thành ở Bắc Bộ. Trong thời gian đó, Nguyễn Chích được giao việc vây thành Nghệ An. Sau đó ông được Lê Lợi điều ra bắc, giữ chức tổng tri Hồng châu và Tân Hưng.

  Đầu năm 1427, ông cùng tướng Bùi Quốc Hưng mang quân bao vây, hạ thành Tiêu Diêu (Gia Lâm, Hà Nội) và Thị Cầu (Bắc Ninh), quân Minh trong hai thành này phải mở cửa ra hàng.

  Sau khi các tướng vây thành Đông Quan là Đinh Lễ, Lý Triện tử trận và Nguyễn Xí cùng Đỗ Bí bị bắt khi quân Minh đánh úp từ trong ra, Lê Lợi điều ông về vây mặt nam thành này.

  Cuối năm 1427, viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh lại sang cứu Vương Thông. Nguyễn Chích cùng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lê Khuyển lên trấn ải Lê Hoa để chặn Mộc Thạnh. Nghe tin đạo quân Liễu Thăng bị tiêu diệt, Mộc Thạnh rút quân về nước. Quân Lam Sơn đuổi theo truy kích một trận nữa.

  Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi, lập ra nhà Hậu Lê. Năm 1429, Nguyễn Chích được phong tước Đình thượng hầu, ban cho họ Lê của vua. Từ đó ông được gọi là Lê Chích.

  Thời gian đầu, Lê Chích được tham gia triều chính nhưng sau đó ông bị Lê Lợi cách chức. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sử không chép rõ về tội lỗi của ông, việc ông bị cách chức do sự nghi ngại công thần của Lê Lợi.

  Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, con là Lê Thái Tông lên thay. Lê Chích được phục chức làm Đồng tổng quản châu Hoá, trấn thủ Thát Ải.

  Quân Chiêm Thành hai lần cướp phá, ông đều chặn đánh tan, giữ yên biên giới phía nam. Sau đó, Lê Chích còn lập công trong 2 lần đi đánh Chiêm Thành, được phong tước Đình hầu.

  Tháng chạp năm 1448, Nguyễn Chích mất, thọ 67 tuổi. Lê Nhân Tông truy tặng ông làm Nhập nội tư không bình chương sự, Hiến quốc công, thuỵ hiệu là Trinh Vũ.

  Thời Nguyễn, Gia Long liệt ông vào làm bậc công thần khai quốc nhà Lê thứ nhì (năm 1802).

  Trong sách Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn ca ngợi ông như sau: "Bầy tôi có ông khai quốc, kể về bậc tài trí cần lao không phải là hiếm nhưng sở dĩ [vua Lê Thái Tổ] đã bình định được cả nước là do mưu chước của Lê Chích… Không cần phải đánh mà được thành Đông Đô, lấy hoà hiếu để kết thúc chiến tranh, tuy là mưu kế của Nguyễn Trãi, nhưng trước hết làm cho căn bản mạnh để thu thắng lợi hoàn toàn thực chất là bắt đầu từ Lê Chích"...

UyenNhi05:

   Giới thiệu về "ông tướng" mà không giới thiệu về "bà tướng" thì có vẻ như là "trọng nam khinh nữ", Xin giới thiệu tiếp với các bác về một bà tướng, Bà là người ở quê ngoại nhà em.

BÀ TRIỆU
Tên thật Triệu Thị Trinh, 
Sinh 2 tháng 10 năm 226
Mất 21 tháng 2 (âm lịch) năm 248
tại Hậu Lộc, Thanh Hóa



  Bà Triệu còn gọi là Triệu Trinh Nương, tên thật là Triệu Thị Trinh hay Lệ Hải Bà Vương, sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam,Bà là người Quân Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa và là em của Triệu Quốc Đạt.

  Sách "Giao Chỉ chí" chép: "Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài 3 thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần".
 
  Truyền thuyết kể rằng: Bà là người tính tình vui vẻ, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, trí lực hơn người. Có lần xuất hiện một con voi trắng một ngà phá phách ruộng nương, làng xóm, làm chết người. Triệu Thị Trinh dũng cảm cầm búa nhảy lên đầu giáng xuống huyệt làm con voi lạ gục đầu xin qui thuận.

  Năm 246, bà đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa và sau khi Triệu Quốc Đạt chết (248), bà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của quân Đông Ngô, do Lục Dận (cháu của Lục Tốn), thứ sử Giao Châu chỉ huy. Nhiều nghĩa binh đã tử trận vào năm đó. Theo Trần Trọng Kim, bà chống đỡ với quân Đông Ngô được 5-6 tháng thì thua chạy đến xã Bồ Điền và tự tử. Khi ấy Triệu Thị Trinh mới 23 tuổi.

  Tại nơi bà mất là núi Tùng, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa vẫn còn di tích lăng mộ của bà, cách nơi bà mất không xa (ngay bên quốc lộ 1A) là khu thờ bà. Hằng năm, vào ngày 21 tháng 2 âm lịch, người dân trong vùng vẫn tổ chức tế giỗ bà để tưởng nhớ về người con gái anh hùng của dân tộc Việt.

  Hiện nay ở Hà Nội, tên bà được đặt tên cho một con đường: phố Bà Triệu

  Bà có câu nói nổi tiếng: "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta!".

  Huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về thời kỳ bà chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc Ngô. Đó là chuyện "Bà Triệu thu phục được con voi trắng một ngà", chuyện "Đá biết nói" rao truyền lời thần nhân mách bảo từ trên núi Quan Yên.

  Người Việt Nam có câu:
  "Ru con con ngủ cho lành
  Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
  Muốn coi, lên núi mà coi
  Có bà Triệu tướng múa voi, đánh cồng".

  Người Trung Quốc có câu:
  "Hoành qua đương hổ dị,
  Đối diện Bà Vương nan". 
  (Múa ngang ngọn dáo dễ chống hùm,
  Đối mặt Vua Bà thì thực khó). 

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

[*] Previous page