Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:19:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 - 1973  (Đọc 123720 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2009, 05:37:39 pm »

Cũng như khi còn ở Liên Xô. chỗ chúng tôi cũng có tổ chức đảng hoạt động, các cuộc họp đảng vẫn được tiến hành. Trong cuộc họp tổ đảng, đầu tiên tôi được bầu làm phó bí thư chi bộ của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc Trung tâm huấn luyện số 2. Có lần, trong cuộc trao đổi với tôi Đại tá I. I Xmiếcnốp, phó chỉ huy phụ trách công tác chính trị, vì đã nắm rõ các thành tích của tôi trong trung đoàn, nên đã khuyên tôi tổ chức hoạt động văn nghệ nghiệp dư.

Sau khi nhận thêm việc này, tôi đã tích cực tìm kiếm các tài năng, lựa chọn những người biểu diễn. Trong hàng ngũ chuyên gia chúng tôi hóa ra có khá nhiều người có tài năng văn nghệ. Cần suy nghĩ và soạn thảo chương trình văn nghệ và tổ chức tập luyện cho những người tham gia hoạt động văn nghệ. Đối với tôi đó là công việc bình thường, vì trước kia tôi cũng đã tổ chức hoạt động văn nghệ nghiệp dư như vậy tại Tiểu đoàn số 2 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không số 345, Quân khu phòng không Ba cu. Tập thể của chúng tôi đã thành công trong những buổi biểu diễn văn nghệ trước toàn đội ngũ đơn vị và đã luôn luôn giữ những vị trí hàng đầu trong các cuộc thi văn nghệ.

Sau một tháng, tổ văn nghệ nghiệp dư của Trung tâm huấn luyện số 2 đã sẵn sàng trình diễn. Một lần vào buổi sáng người ta đã cho một chiếc ôtô "Pôbêđa" đến Trung tâm huấn luyện đón tôi với lệnh của Đại tá N. V. Bagienốp yêu cầu đến gặp ông ngay lập tức. Người ta dẫn tôi vào nhà ăn. Khi tôi bước vào phòng ăn, tôi trông thấy có nhiều người Việt Nam, chủ yếu là các cô gái. Tất cả họ đều mặc quân phục, mỗi cô đều có hành lý để cạnh và có các phương tiện ngụy trang.

Đại tá I. I. Xmiếcnốp giới thiệu tôi với những người có mặt rằng tôi là người chỉ đạo hoạt động văn nghệ. Tôi được mời ngồi vào bàn. Đối diện với tôi là một cô gái duyên dáng có nước da bánh mật. Cô lập tức tự giới thiệu tên cô là Vũ Thanh (By Tahь) và bắt đầu vồn vã rót trà và mời tôi ăn bánh. Mọi người đều có thái độ thoải mái: họ cùng nhau trò chuyện, uống trà, hút thuốc. Đó là Đoàn ca múa của lực lượng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đoàn ca múa này từ Hà Nội đã phải đi mất ba ngày mới đến được chỗ chúng tôi. Tại đây người ta đã quyết định tiến hành buổi biểu diễn văn nghệ chung để phục vụ các chuyên gia của Trung tâm và toàn thể đội ngũ của Trung đoàn tên lửa phòng không số 238 sau này của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi đã thỏa thuận chi tiết các tiết mục biểu diễn, ấn định thời gian và địa điểm tiến hành buổi biểu diễn.

Đến tối đã diễn ra buổi văn nghệ chung đẩu tiên và đã rất thành công. Đội văn nghệ nghiệp dư của tôi đã giành được quyền trình diễn. Chẳng bao lâu sau chúng tôi đã biểu diễn thành công trước dân chúng trong tỉnh. Đã có vài nghìn người Việt Nam tụ họp trong rừng để xem buổi biểu diễn văn nghệ ấy.

Vào đầu tháng 8, vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Liên Xô tại Việt Nam - ông I. X. Sécbacốp - đã đến thăm Trung tâm huấn luyện của chúng tôi. Vị đại sứ đã tìm hiểu tiến trình đào tạo các khẩu đội Việt Nam, đã tham quan các khí tài chiến đấu và đứng trước đội ngũ các chuyên gia Liên Xô, ông đại sứ đã tuyên bố rằng thời gian sắp tới chúng tôi sẽ ra các trận địa để tác chiến.

I. X. Sécbacốp đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết ở mỗi chuyên gia Xôviết phải có ý thức trách nhiệm cao, vì điều đó sẽ có ý nghĩa quyết định rất lớn đối với nhiều vấn đề trong quan hệ của chúng tôi với Việt Nam. Việc cung cấp các phương tiện kỹ thuật chiến đấu đã được Liên Xô đẩy nhanh. Một phần số phương tiện ấy đã được vận chuyển qua ngả Trung Quốc, cũng như bằng đường biển.

Những phương tiện kỹ thuật được chở đến đã được tập trung trong rừng bên cạnh Trung tâm huấn luyện. Để trung đoàn chúng tôi xuất kích thì cần phải thành lập bốn tiểu đoàn hỏa lực, một khẩu đội điều khiển và một tiểu đoàn kỹ thuật của trung đoàn. Tất cả số chuyên gia quân sự Liên Xô của Trung tâm huấn luyện đã được phân bổ về các đơn vị ấy, với số chuyên gia còn lại người ta đã thành lập Tiểu đoàn tên lửa phòng không số 82 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không thứ hai (trung đoàn 238) của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Rõ ràng là phía Mỹ đã phát hiện được địa điểm đóng quân của Trung tâm chúng tôi, và chẳng bao lâu sau trên bầu trời Trại Cau đã có ba máy bay tiêm kích Mỹ bay qua rất thấp. Sang ngày hôm sau, vào khoảng 17 giờ các máy bay địch đã phóng xuống Trung tâm huấn luyện một số tên lửa không điều khiển, nhưng không gây ra tổn thất nào cả. Đến thời điểm ấy đã có ba máy bay Mỹ bị hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn tên lửa thứ nhất (Trung đoàn 236) bắn rơi. Tình hình luôn luôn trở nên phức tạp. Vậy là trung đoàn của chúng tôi nhận được lệnh tiến ra trận địa chiến đấu. Đó là vào giữa tháng 8 - 1965. Đã kết thúc thêm một giai đoạn bình yên trong đời sống của Tiểu đoàn 82 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không thứ hai (trung đoàn 238) của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #11 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2009, 10:29:50 am »

Những hoạt động chiến đấu của Tiểu đoàn tên lửa phòng không 82.
Những thắng lợi và những sai sót

Trận địa hỏa lực thứ nhất của tiểu đoàn nằm ở phía bắc Hà Nội, trên một cánh đồng bằng phẳng với nền đất mềm và những con đường đất dẫn vào trận địa. Bên cạnh là những đồng lúa và một rặng cây non nhỏ. Trận địa không phải là một công trình kỹ thuật được xây đắp hẳn hoi. Toàn bộ khí tài được bố trí lộ thiên. Chỉ được ngụy trang bằng lưới.

Tiểu đoàn luôn được đặt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Do vậy hàng ngày cả khí tài và con người đều hoạt động từ 12 giờ đến 16 giờ trong một chế độ căng thẳng và trong những điều kiện khác thường. Do bị quá hun nóng và do độ ẩm cao nên một số cụm linh kiện khí tài bắt đầu hư hỏng. Trước hết đó là những máy biến thế trong các bộ nguồn của các máy điện tử khuếch đại thuộc bệ phóng tên lửa. Những hỏng hóc ấy rất thường xảy ra. Vì trong kho linh kiện dự trữ (ZIP) không có các máy biến thế, nên chúng tôi đành phải tự sửa lại những biến thế đã hư hỏng. Một người gỡ máy biến thế ra, còn người kia thì quấn dây đồng lên một cái chai rỗng. Dây đồng có đường kính bằng sợi tóc. Cứ làm như vậy cho đến khi tìm ra chỗ dây bị đứt. Sau đấy hàn chỗ bị đứt, kiểm tra mạch điện, rồi quấn trở lại. Các sĩ quan thuộc khẩu đội kỹ thuật vô tuyến là V. Lưsaghin và V. Sennhicốp luôn giúp đỡ tôi trong việc khôi phục lại các máy biến thế và sửa chữa những hỏng hóc khác của những thiết bị phóng tên lửa.

Việc thay đổi trận địa chiến đấu chỉ được tiến hành ban đêm, còn việc thu gom khí tài thì tiến hành vào khoảng 17 giờ. Thông thường thì tất cả những lần thay đổi trận địa đều diễn ra sau mỗi trận phóng tên lửa chiến đấu vào các mục tiêu. Trong suốt thời gian tội có mặt trong quân số của Tiểu đoàn tên lửa phòng không 82, đã có 17 lần thay đổi trận địa. Đôi khi các trận địa cũ được sử dụng trở lại. Dần dần các chuyên gia Việt Nam đã có được những kỹ năng thực hành, kinh nghiệm. Do vậy họ đã có thể độc lập thực hiện đa số các thao tác.

Cần phải nói rằng tổ chức đảng trong các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam có những quyền hạn rất lớn. Khi đưa ra lệnh thay đổi trận địa, ban chỉ huy đã tính đến tình hình thực tế trên không và những khuyến nghị của tổ chức đảng. Trên tuyến đường di chuyển của đơn vị tên lửa khi thay đổi trận địa trong khu vực có các cây cầu, hoặc đường hẹp, thì chính quyền địa phương phái các đơn vị dò đường gồm các chiến sĩ tự vệ, phần lớn là các chị phụ nữ. Họ được trang bị khá thô sơ, bằng những khẩu súng cổ lỗ, những giáo mác tự làm.

Hầu như luôn luôn có các quan sát viên Trung Quốc đi theo cùng đơn vị tên lửa của chúng tôi. Họ ở cách tiểu đoàn chúng tôi không xa. Có một lần, trên đường hành quân một bộ phận của đơn vị đã bị kẹt lại do lỗi của các sĩ quan Trung Quốc tại đoạn đường hẹp. Tôi đã phải can thiệp bằng cách giãn họ sang một bên để nối lại đội hình đơn vị chúng tôi. Điều đập vào mắt là nhiều sĩ quan Việt Nam nói thạo tiếng Trung Quốc.

Tình hình diễn biến tiếp theo đã buộc phía Việt Nam phải có những biện pháp bổ sung để đảm bảo an toàn. Tất cả đều được phát mũ sắt, các tiểu đoàn tên lửa bắt đầu được sự yểm trợ bảo vệ của các đơn vị pháo cao xạ với số lượng ngày càng tăng. Tất cả các sĩ quan và binh sĩ Việt Nam đều được cấp vũ khí. Họ luôn mang vũ khí bên mình. Các trận địa của chúng tôi bắt đầu được ngụy trang bằng cách trồng thêm các bụi tre hoặc bụi chuối. Tại các trận địa có các buồng điều khiển và các bệ phóng người ta bắt đầu đào hầm trú ẩn, chung quanh các bệ phóng đôi khi người ta đắp những thành bằng đất không cao. Để xây đắp trận địa người ta ngày càng sử dụng dân chúng ở các khu dân cư kế cận.

Vì trời nắng nóng và độ ẩm cao nên tại trận địa tất cả các chuyên gia Liên Xô đều mặc quần đùi, đầu đội mũ cối, tay cầm biđông đựng nước trà. Đề phòng bất trắc, những chiếc mũ sắt được để trong xe buýt.

Theo thông lệ, buổi tối và đêm thứ bảy chúng tôi được đưa đến trụ sở của Bộ tư lệnh trung đoàn để nghỉ ngơi, nhận thư từ, nhận tiền chi tiêu và mua sắm. Lần nào cũng vậy các đồng chí Việt Nam đều gửi tiền và liệt kê tên hàng nhờ tôi mua đủ thứ. Tại Hà Nội có duy nhất một cửa hàng quốc tế. Tại đó có thể mua sắm vài thứ, nhưng người Việt Nam không được vào cửa hàng ấy. Tại cửa hàng này cũng quy định số hàng hóa được mua mỗi lần. Vì thế, tôi đành phải xếp hàng vài lần, bởi vì có một lần người ta nhờ tôi mua, chẳng hạn, 65 chiếc đèn pin, nhưng mỗi lần chỉ đươc mua 5 chiếc. Cuối cùng thì tôi đã xuất hiện quá nhiều trước mặt các nhân viên bán hàng, làm cho họ ngao ngán, đến nỗi họ để mặc tôi đến khi đóng cửa và bán hết các mặt hàng tôi mua. Chủ yếu người ta nhờ tôi mua đèn pin Trung Quốc, bật lửa, xăng dùng cho bật lửa, len đan ao.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #12 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2009, 10:30:37 am »

Đến mùa thu năm 1965 máy bay Mỹ tăng cường rõ rệt các trận bắn phá miền Bắc Việt Nam. Những trận bắn phá dữ dội nhất của máy bay Mỹ thường diễn ra vào những ngày chủ nhật. Thứ hai là ngày nghỉ đối với chúng. Tôi sẽ trình bày chi tiết hơn về các sự kiện đã diễn ra vào các ngày chủ nhật - 17 và 31-10-1965.

Đầu tháng 10 chúng tôi đóng quân trong một trận địa không thuận lợi xét về mặt chiến thuật: trên tất cả các hướng chính, các góc che khuất lại lớn, bên cạnh là những đồi núi, nền trận địa thì có đá và cứng như sắt. Tiểu đoàn được triển khai theo đúng "điều lệnh" - tất cả các góc, các cự ly v. v. đều hợp chuẩn. Nhưng khí tài không được bảo vệ bằng bức tường thành đất, cũng không có vật liệu ngụy trang ngoài số lưới ngụy trang được cấp.

Người ta đào một số hầm trú ẩn dành cho khẩu đội chiến đấu và dựng hai nhà bạt quân y. Bên cạnh các nhà bạt của chúng tôi, trong một nhà bạt khác cùng loại là nơi ở của ban chỉ huy Việt Nam và bộ phận cơ yếu. Cách chúng tôi 100 mét về phía bắc là trận địa của trung đội súng máy cao xạ 4 nòng.

Để nghỉ qua đêm, chúng tôi được bố trí trong một trường học cũ (có phên bằng tre, không có cửa ra vào và không có cửa sổ).

Vào hôm trước ngày thứ bảy khẩu đội của tôi đã tiếp nhận một binh sĩ trẻ Vitali Xmiếcnốp vừa từ Liên Xô sang được mấy ngày. Anh này đến từ Trường trung cấp kỹ thuật vô tuyến Craxnôia. Tại đó anh đã phục vụ theo thời hạn nghĩa vụ quân sự tại một đơn vị phụ trợ. Vợ và con gái một tuổi của anh sống ở khu nhà ga Iaia, thuộc tỉnh Kêmêrốp. Tôi có ý định chỉ định anh làm trắc thủ của bệ phóng và để anh trong tổ trực chiến tại trận địa trong thời gian thực tập.

Vào chủ nhật ngày 17-10, vào lúc 8 giờ, đã có các nhân viên kỹ thuật tới trận địa để kiểm tra khí tài. Sau khi kiểm tra tư thế sẵn sàng của khí tài, chúng tôi để lại ở trận địa một tốp trực chiến và trở về nơi đóng quân. Trong khi dùng bữa điểm tâm chúng tôi trao đổi về kế hoạch công việc trong ngày hôm đó. Người thì dự định viết thư, người đi giặt quần áo, người thì chơi bài, v.v..

Chưa kịp kết thúc bữa sáng, chúng tôi đã nghe thấy còi báo động. Thế là vứt bỏ mọi việc, chúng tôi lao vào xe buýt và ra trận địa. Lúc ấy là gần 10 giờ sáng. Khi chúng tôi đến nơi thì máy móc đã được khởi động, các quả tên lửa đã được tháo bạt che, khẩu đội đang tìm kiếm mục tiêu. Đội ngũ của khẩu đội phóng tên lửa đã ở khu vực trú ẩn, một số người tụ họp chung quanh bản đồ tác chiến vừa được đem đến từ buồng điều khiển và được bảo quản ở lều bên cạnh. Trong nhà bạt lớn, ngồi trên sàn là nhân viên cơ yếu Việt Nam đang bỏ tài liệu cơ yếu vào cặp, trong nhà bạt khác chiến sĩ Vitali Xmiếcnốp đang nằm trên giường gấp, tay cầm quyển sách. Phía sau các lều bạt là một thợ cắt tóc vừa từ Hà Nội đến đang cắt tóc cho một binh sĩ Việt Nam, cạnh đó còn có 5 người nữa chờ đến lượt mình.

Tôi hô to gọi Xmiếcnốp vào hầm trú ẩn, còn tôi bước vào ca bin "U". Trung úy Dakhmưlốp báo cáo với tôi, tôi báo cáo với chỉ huy tiểu đoàn là Trung tá Liakisép rằng khẩu đội bệ phóng đã sẵn sàng chiến đấu.

Trên bản đồ quan trắc không lưu đã hiện lên những lộ trình rắm rối của các mục tiêu. Nhân viên bản đồ quan trắc người Việt đã báo cáo mọi thông tin nhận được cho vị chỉ huy tiểu đoàn của mình. Chỉ sau đó người phiên dịch mới thông báo bằng tiếng Nga cho chúng tôi. Trung tá I. A. Liakisép tỏ ra bức xúc. Trong tình hình như vậy ông đã ra lệnh cho viên sĩ quan điều khiển tên lửa là Đại úy Nicôlai Ômêlensúc phát sóng và tiến hành tìm mục tiêu, ông lệnh cho tôi đưa tên lửa vào tư thế chuẩn bị. Bắt đầu tiến hành quét sóng vòng tròn tìm mục tiêu, các bệ phóng đã được đưa vào tư thế hoạt động đồng bộ, các tên lửa đã trong tư thế sẵn sàng phóng.

Sĩ quan điều khiển tên lửa báo cáo đã phát hiện một tốp mục tiêu tại một hướng. Mục tiêu này được che khuất bằng phương pháp gây nhiễu mạnh. Tách mục tiêu ra khỏi khu vực nhiễu là điều không thể làm được. Trung tá Liakisép lệnh cho tôi đem bản đồ quan trắc đặt ở cạnh ca bin "U", rồi từ đó dùng điện thoại báo cho Trung tá biết góc phương vị và khoảng cách đến mục tiêu. Tôi lập tức thực hiện lệnh này và lập tức tính toán thông số về mục tiêu trên bản đồ quan trắc, đồng thời cũng theo dõi hướng quay của các bệ phóng.

Tất cả sự chú ý của tiểu đoàn đều tập trung vào các mục tiêu đang hoạt động ở hướng bắc. Nhưng các màn hình bị nhiễu dầy đặc, do đó sẽ vô nghĩa nếu phóng tên lửa vào các mục tiêu. Toàn khẩu đội ở trong tình trạng căng thẳng và tỏ ra bức xúc. Vào lúc ấy tôi nghe thấy tiếng kêu vọng lại từ các khẩu đội súng máy yểm trợ tiểu đoàn chúng tôi. Vén chiếc màn của lều bạt lên, tôi bỗng nhìn thấy ở khoảng cách 1,5 - 2 km bóng dáng đen sẫm của chiếc máy bay Mỹ, nó bay đến từ hướng nam, sà rất thấp, ngay phía trên những ngọn núi. Nó bay thấp đến nỗi tưởng chừng như sắp sửa chạm vào những ngọn núi ấy. Tôi lập tức dùng điện thoại báo cáo với Trung tá Liakisép về chiếc máy bay Mỹ. Tôi xét theo vị trí của các bệ phóng thì thấy rằng trắc thủ dẫn đường cho tên lửa đã không ngắm về hướng đó. Tôi liền thét vào điện thoại: "Ngắm về hướng trái! Về hướng trái chút nữa". Các ăngten và bệ phóng bắt đầu quay về hướng mục tiêu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #13 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2009, 10:31:28 am »

Vào thời điểm đó, theo hiệu lệnh bằng cờ của viên chỉ huy trung đội, các khẩu đội súng máy phòng không 4 nòng đã khai hoả. Sau vài giây chiếc máy bay đã bốc cháy, kéo theo một vệt khói đen. Bay thêm 500 mét nó đâm vào núi, cách chỗ chúng tôi không xa. Mọi người trong trung đội súng máy đã reo hò.

Vào thời điểm ấy, bỗng nhiên từ hướng khác - hướng tây có một âm thanh giống như tiếng sấm rền, cứ mỗi lúc một to. Sau vài giây có ba tiếng nổ mạnh ở phía sau cabin điều khiển. Tôi nhìn về hướng đó và trông thấy hai đám khói đen do vụ nổ, đúng chỗ các lều bạt của chúng tôi, một quả tên lửa từ bệ phóng số 1 tung lên trời và vỡ ra thành nhiều mảnh, và tôi nhìn thấy 3 chiếc máy bay Mỹ đang vòng sang hướng trái. Sau vài giây lại vang lên loạt đạn súng máy và vài tiếng nổ. Ngay lập tức tiếng động cơ các máy điêden của chúng tôi đã im bặt. Tôi nhìn thấy bóng các binh sĩ nhảy ra khỏi các cabin điều khiển và các sĩ quan chạy theo hướng vào các hầm trú ẩn gần nhất. Có ai đó đẩy tôi theo hướng ấy. Chẳng mấy chốc Chuẩn úy Nicôlencô bế trên tay anh thợ máy điêden người Việt bị thương vào ngực và đưa anh ta vào hầm trú ẩn. Sau đó binh nhất Máctưnsúc bị thương vào vai cũng chạy tới.

Đột nhiên mọi chuyện im bặt, và tôi đã nhảy ra khỏi hầm trú ẩn. Điều tôi nhìn thấy trước tiên là lưới ngụy trang trên các ca bin điều khiển đang bốc cháy, trên bệ phóng số 6 lửa đang bốc cháy ở khoang chứa nhiên liệu của tên lửa. Sức nổ đã làm văng quả tên lửa ra khỏi bệ phóng số 1 và bệ phóng này ở trong vị trí xuất phát ban đầu. Còn 5 bệ phóng có các quả tên lửa thì nằm im theo cùng một hướng. Tất cả mọi người lao vào dập tắt lửa cho các tấm lưới ngụy trang. Trong lúc đó chỉ huy của tiểu đoàn, Trung tá Liakisép kêu gào mọi người hãy vào hầm trú ẩn ngay lập tức, vì bộ phận nổ (gồm 3600 mảnh) của quả tên lửa đang cháy ở bệ phóng số 6 có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Tôi không chui vào hầm trú ẩn mà chỉ ngồi tránh ở một phía và đau xót nhìn quả tên lửa đang bốc cháy. Thật uất quá vì tiểu đoàn chúng tôi đã không kịp giáng trả các máy bay Mỹ và đã bị ném bom. Thật không thể tin được rằng cảnh tượng ấy đã có thể diễn ra: tên lửa của chúng tôi đang bốc cháy, còn những chiếc máy bay ấy đã bay đi mà không bị trừng phạt, nếu không kể chiếc máy bay đã bị các chiến sĩ súng máy Việt Nam bắn rơi.

Khoang nhiên liệu của quả tên lửa trên bệ phóng số 6 vẫn tiếp tục cháy, nhiên liệu chảy xuống đất. Sau vài giây đã vang lên một tiếng nổ rất mạnh mà cường độ của nó to hơn hẳn những tiếng nổ do bom gây ra. Những mảnh của đầu đạn tên lửa đã chọc thủng vỏ các cabin. Trên bệ phóng chỉ còn lại các mảnh tên lửa được giữ lại nhờ các ốc chốt và các bánh xích ở phía sau. Quả tên lửa này không gây nổ được nữa, nhưng để chắc ăn hơn, tôi đã ra lệnh tách phần khớp nối điện, tách bộ phận vận hành ra khỏi bệ phóng.

Bệ phóng bị cháy mất một nửa, đa số các nắp khoang bị bong ra, trên thực tế hệ thống dây điện và các cụm linh kiện khí tài trên bệ phóng đã bị cháy trụi. Các đường dây cáp điện và cáp tín hiệu dẫn từ bệ phóng đến các động cơ điêden và dẫn đến cabin "P" đã bị vỡ đứt do một loạt đạn pháo từ máy bay Mỹ phóng xuống. Đó cũng là nguyên nhân khiến các động cơ điêden bị hư hỏng ngay từ đầu.

Không đụng chạm thêm vào bất cứ thứ gì, mọi người tiến đến bệ phóng số 1. Sức nổ đã làm cho tên lửa trên bệ phóng này bị hất tung ra. Bệ phóng đã không bị hỏng. Một số quả bom rơi cạnh lều bạt. Trong một cái hố bom người ta thấy phần đầu đạn của tên lửa, còn cạnh đó, trong ruộng lúa, là những thỏi thuốc cháy của động cơ phản lực nhiên liệu rắn của tên lửa. Những thỏi nhiên liệu ấy nằm tung toé trong ruộng lúa nước. Còn thân động cơ tên lửa thì bị vỡ toang ra, bị xé nát như tờ giấy bị rách không còn dấu vết gì của khoang chứa nhiên liệu tên lửa và khoang chứa máy móc trong tên lửa.

Trung úy Iu. Dakhmưlốp tiến đến đầu đạn của tên lửa, rút ống kíp nổ ra rồi đem nó ra xa, thận trọng đặt nó xuống đất. Đầu đạn của tên lửa không nguy hiểm nữa. Sau đấy tôi tới chỗ trước kia là những lều bạt. Như lúc đầu tôi đã nói, tôi đã nhìn thấy hai đám khói den do bom nổ, nghĩa là đó là tất cả những gì còn lại của các lều bạt. Ở đấy tôi còn tìm thấy chiếc thắt lưng quần mà sau khi giặt tôi đã phơi trên dây phơi bên cạnh lều bạt.

Nơi mà anh thợ cạo đã cắt tóc cho các chiến sĩ Việt Nam đã đọng lại một vũng máu lớn - anh ấy đã hy sinh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #14 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2009, 10:32:13 am »

Từ trong một hầm trú ẩn ở giữa trận địa vọng ra những tiếng rên. Tôi tiến đến chỗ ấy. Có mấy đồng chí Việt Nam đang đỡ trên tay anh Vitali Xmiếcnốp bị thương nặng. Anh ấy rên rất to. Người phiên dịch cho tôi biết rằng vào phút chót, khi nửa người đã vào được hầm trú ẩn, đồng chí Xmiếcnốp lại bị hai vết thương do mảnh bom - vào sườn và vào chân.

Tại nơi trước đó là lều bạt với các tài liệu mật, tôi trông thấy một cánh tay trái nằm lại, trên ngón tay đeo nhẫn vẫn còn chiếc nhẫn vàng. Cách đó không lâu khẩu đội của tôi tiếp nhận trung sĩ Côbưncô đến từ Quân khu phòng không Mátxcơva. Đồng chí ấy đã có vợ và cũng đeo nhẫn. Nhưng, những lo lắng của tôi không đúng. Trung sĩ Côbưncô vẫn còn sống. Người bị mất cánh tay là nhân viên người Việt Nam.

Lúc đó một chiếc máy bay lên thẳng xuất hiện trên bầu trời và đã nhanh chóng hạ cánh cạnh trận địa chúng tôi. Có vài người bước ra từ máy bay, đem theo cáng thương và đi về phía trận địa. Tất cả những người bị thương và hy sinh đã được chuyển đi ngay.

Sau đó tôi đã xem xét 4 bệ phóng còn lại với các quả tên lửa. Có hai tên lửa bị hư hại vì mảnh bom - các cánh ổn định hướng bay, và các cánh ổn định phía trước đã bị uốn cong queo. Trên 2 bệ phóng, những nắp đậy các khoang đã bị hất tung. Như vậy, trong 6 bệ phóng chỉ còn 2 bệ phóng và chỉ còn 2 quả tên lửa còn có khả năng chiến đấu.

Tôi kiểm tra quân số của khẩu đội và thấy rằng trong thời gian bị máy bay tập kích đã có 3 chiến sĩ trẻ vì hốt hoảng do tiếng bom và tên lửa nổ, họ đã bỏ chạy khỏi trận địa và bị dân quân địa phương "bắt làm tù binh", vì họ bị nhận lầm là các phi công Mỹ nhảy dù. Người ta đã thông báo chuyện này cho chỉ huy tiểu đoàn là Trung tá Liakisép. Ông đã khẩn trương đi xe commăngca đến hiện trường để "giải thoát cho các tù binh" ấy. Viên chỉ huy khẩu đội 1 là Đại úy Iu. C. Pêtơrốp tạm thay ông chỉ huy tại trận địa. Tôi đã báo cáo tình hình với đồng chí Pêtơrốp và đề nghị khẩn trương chuyển những quả tên lửa còn nguyên vẹn sang các bệ phóng chưa bị hư hỏng.

Sau khi được "duyệt", tôi đã lập tức cùng với các khẩu đội bắt đầu chuyển dịch các tên lửa. Mất gần một giờ để làm việc này. Sau đó chúng tôi tháo dỡ tất cả các dây cáp và các dây điện bị dứt. Sau cùng đã khởi động được toàn bộ máy móc và bắt đầu khâu kiểm tra.

Vào khoảng 12 giờ trưa người ta bắt đầu thông báo tọa độ của một tốp mục tiêu tiến đến từ hướng bắc ở độ cao trung bình, không gây nhiễu. Tốp mục tiêu này đã nhanh chóng tiến đến gần trận địa của tiểu đoàn tên lửa. Tất cả đã sẵn sàng chiến đấu. Theo lệnh của Đại úy Pêtơrốp, 2 quả tên lửa cuối cùng đã sẵn sàng xuất phát theo hướng có mục tiêu. Mọi chuyện diễn ra thuận lợi, có 2 máy bay bị bắn rơi, những chiếc khác không dám tấn công vào trận địa của tiểu đoàn, hạ độ cao, chuyển hướng và bay đi mất.

Cách trận địa không xa, trong một tòa nhà lớn, chắc là một kho hàng cũ, còn có 12 quả tên lửa chưa nạp nhiên liệu được để trên các giá đỡ: Tôi lưu ý Đại úy Pêtơrốp rằng tại trận địa của chúng tôi không còn một quả tên lửa nào cả và chúng tôi cần gấp rút nạp nhiên liệu vào 12 quả tên lửa ấy và chở chúng đến trận địa. Đại úy Pêtơrốp ra lệnh cho tôi trực tiếp tới kho tên lửa ấy và đảm bảo nạp nhiên liệu rồi chuyển các tên lửa tới trận địa. Sau khi đưa ra những chỉ dẫn và ủy nhiệm cho Trung úy Dakhmưlốp thay mình chỉ huy, tôi đã đem theo trắc thủ số 1 thuộc khẩu đội bệ phóng, hai thiết bị chống hơi độc, sau đó đi trên xe kéo pháo loại ZIL-157 để đến địa điểm bảo quản các tên lửa.

Sau khi tới nơi, chúng tôi tháo dỡ các tấm bạt che phủ các giá đỡ tên lửa, đeo thiết bị phòng hơi độc vào và lập tức tiến hành nạp nhiên liệu vào các quả tên lửa. Để tranh thủ thời gian, chúng tôi thực hiện công việc nạp nhiên liệu mà không sử dụng các quần áo bảo vệ, xem thường sự nguy hiểm. Sau hai giờ, tất cả các quả tên lửa đã được chuyển đến trận địa. Đến lúc này Trung tá Liakisép đã trở về cùng với mấy vị đào binh. Tiện đây xin nói rằng sau này những binh sĩ ấy không bao giờ tỏ thái độ nhát gan nữa và trong những trận bị tập kích sau này họ đã tỏ ra xứng đáng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #15 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2009, 10:32:55 am »

Gần đến chiều tối, Đại tá A. M. Đdưda và Đại úy A. B. Daica đã từ Hà Nội lên trận địa. Họ đã quan sát kỹ lưỡng trận địa và quyết định dời trận địa đến nơi khác. Mãi đến lúc ấy tôi mới nhận ra rằng toàn bộ trận địa đều vương vãi các mảnh bom trông giống như các mảnh gỗ. Sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn là Trung tá Liakisép đã ra lệnh "Báo yên - lên đường hành quân".

Sau khi kết thúc cuộc hành quân, tiểu đoàn chúng tôi được bố trí trong một khu rừng nhỏ, nhưng không triển khai khí tài. Còn chúng tôi thì, theo thông lệ, đã được bố trí nơi ở tại một ngôi làng gần nhất. Sang ngày hôm sau đã có những chuyên gia sửa chữa đến đơn vị chúng tôi và bắt tay vào sửa chữa những hư hỏng cơ khí trong các khí tài. Đến chiều tối đã có 5 bệ phóng thuộc khẩu đội bệ phóng đã sẵn sàng, còn bệ phóng có quả tên lửa bị nổ tung thì vẫn trong tình trạng cũ. Tôi hỏi Đại úy A. B. Daica rằng liệu bệ phóng ấy sẽ được đưa về Liên Xô phục hồi hay không, hay là chúng tôi sẽ thử tìm cách khôi phục nó bằng sức mình. Đại úy Daica trả lời rằng tốt nhất hãy tự mình khôi phục bệ phóng ấy. Chúng tôi đã quyết định như vậy.

Sau này, khi vừa có cơ hội là tôi đã lập tức bắt tay vào công việc phục hồi bệ phóng này, cũng như trước kia, trong công việc này tôi luôn nhận được sự giúp đỡ vô giá của các sĩ quan xác định tọa độ V. Sennhicốp và V. Lưsaghin. Khó khăn lớn nhất đã nảy sinh khi phục hồi các mạch điện, vì các dây dẫn không có các ký hiệu, cho nên chúng tôi đã buộc phải tìm kiếm rất lâu các dây kép ấy ở những chỗ bị đứt dùng đồng hồ kiểm tra chúng, rồi hàn chúng lại.

Điều làm chúng tôi kinh ngạc là việc này được thực hiện rất hợp lý trên các máy bay Mỹ. Các linh kiện trên các máy bay ấy là do các đồng chí Việt Nam cung cấp cho chúng tôi: cứ cách hai xăngtimét thì dây dẫn lại được nhà máy đánh dấu số hiệu của các dây. Căn cứ vào hiệu ấy có thể dễ dàng tìm ra đoạn dây thứ hai sau khi bị đứt.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những khó khăn và những bất tiện, đến cuối tháng 12 bệ phóng này đã được khôi phục hoàn toàn và được bố trí tại trận địa. Những nỗ lực của chúng tôi không uổng phí: ngày 11-1-1966 quả tên lửa được phóng đi từ bệ phóng này đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát không người lái. Không cần phải nói, không những chúng tôi, mà cả ban chỉ huy trung đoàn và cả các đồng chí Việt Nam đã phấn khởi biết nhường nào.

Đến cuối tháng 10 Trung tá Liakisép cho tôi biết rằng có chuyến xe buýt của chúng tôi về Hà Nội và tôi cần đến Quân y viện trung ương để thăm đồng chí Vitali Xmiếcnốp đang dưỡng thương tại đó. Trước đó Đại úy Daica đã thăm anh Vitali rồi. Cũng tại quân y viện này tôi đã gặp ba nhà phẫu thuật Xôviết được điều từ Liên Xô sang để phẫu thuật thận cho anh Xmiếcnốp.

Ở cổng vào quân y viện có một con khỉ to, bị cột vào một ống sắt, đã làm trò giải khuây cho những người rỗi việc xúm quanh nó. Tôi cũng dừng lại và lấy làm kinh ngạc trước những khả năng của con khỉ này. Nó nóng lòng chờ đợi người cho nó ăn, luôn ngó nghiêng nhìn về phía người kia có thể xuất hiện. Khi người ấy, mặc bộ pigiama của bệnh viện và cầm chiếc bát nhôm xuất hiện thì con khỉ đứng thẳng lên, đứng nghiêm, giơ tay trái lên đầu, tay phải ấn vào thái dương để chào, rồi nó kêu to lên những âm thanh giống như những tiếng: "Chào đồng chí?". Sau khi nhận được bát cơm với rau, con khỉ đã lập tức ăn hết, vươn thẳng người, úp chiếc bát lên đầu và phát ra câu "Tiến về Sài Gòn?" đồng thời đưa tay phải về phía trước, khiến cho những người vây chung quanh trầm trồ khâm phục.

Tại quân y viện, người ta đã không cho chúng tôi gặp anh Xmiếcnốp, với lý do anh ấy đang trong tình trạng nguy kịch. Không được gặp anh ấy, tôi đã quay trở về tiểu đoàn. Như đã biết, ngay sau khi bị thương người ta đã lập tức phẫu thuật cho đồng chí ấy và cắt bỏ quả thận bị dập nát vì mảnh bom. Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức, song quả thận còn lại đã không chịu đựng nổi sự quá tải trong điều kiện khí hậu nóng bức của Việt Nam. Đến ngày 24-10 Xmiếcnốp đã qua đời.

Đây là tổn thất nặng nề đối với tất cả chúng tôi. Mỗi người đều hiểu rằng mình có thể rơi vào tình cảnh như anh ấy. Người ta đã đưa thi hài anh ấy về Liên Xô. Dĩ nhiên, cha mẹ của anh ấy đã không biết con mình đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường nào. Sau này anh Xmiếcnốp đã được truy tặng Huân chương Cờ đỏ.

Sau khi kết thúc mọi công việc khôi phục khí tài, tiểu đoàn chúng tôi đã thực hiện cuộc hành quân ban đêm. Trận địa mới được chọn bố trí trên một ruộng lúa trước kia và là một khoảng trống bằng phẳng với nền đất mềm. Cách trận địa 2-3 kilômét về phía nam có những ngọn núi. Cách đó không xa là một trường học. Người ta đã bố trí nơi ở của chúng tôi tại đó. Có khoảng 100 người dân địa phương được huy động để xây dựng trận địa. Họ được trang bị những chiếc thúng, quang gánh, xẻng và cuốc. Công việc chủ yếu của họ là dùng đất ắp những bức tường thành chung quanh bệ phóng và tạo những vật liệu ngụy trang tự nhiên bằng các cành tre hoặc bằng các cây chuối.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #16 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2009, 10:33:39 am »

Vào thời điểm công việc diễn ra sôi nổi nhất thì Đại tá N. V. Bagienốp và Đại úy A. B. Daica đã đến thăm trận địa. Tôi báo cáo vắn tắt tình hình cho họ biết. Khi quan sát trận địa, Đại tá Bagienốp bắt đầu trao đổi về những việc làm của tôi ngày 17-10. Tôi đã cảm nhận được ngay lập tức thái độ thân mật đối với tôi, thân mật hơn bất kỳ những cuộc gặp gỡ nào trước kia.

Công việc chuẩn bị trận địa đã nhanh chóng được hoàn tất: Tiểu đoàn đã tiếp nhận trận địa. Sau khi triển khai khí tài, khẩu đội chiến đấu đã kiểm tra, hiệu chỉnh khí tài khả năng hoạt động của nó. Đến sáng thì tất cả đã sẵn sàng chiến đấu. Tất cả mọi người, trừ những người trực chiến, đều lên xe buýt đi về nơi đóng quân của chúng tôi. Tôi và Trung tá I. A. Liakisép đi cùng với Đại tá N. V. Bagienốp trên chiếc xe có nhãn hiệu "Vácsava" (trước kia có tên gọi là "Pôbêđa"). Trên đường đi chúng tôi trông thấy cạnh một thửa ruộng có một khẩu pháo cao xạ 57 ly không hiểu lý do gì lại nằm ở đáy một hố sâu mà nông dân vẫn lấy nước từ đó lên để tưới ruộng. Quay thẳng về phía tôi, Đại tá Bagienốp nói:

- Đồng chí Đemsencô. Hãy đem theo các binh sĩ, một xe kéo ATL và thử kéo nó lên nhé.

Sau khi đến nơi đóng quân, tôi đã đem theo hai chiến sĩ trong khẩu đội của mình và sau nửa giờ đã đưa xe kéo hạng nhẹ ATL đến sát khẩu pháo bị mắc kẹt. Một chiến sĩ sau khi buộc dây thừng vào xe kéo, đã bám vào dây rồi tụt xuống đáy hố nước, cột dây cáp vào khẩu pháo. Chúng tôi đã dùng tời của xe kéo đưa khẩu pháo ấy lên phía trên. Khẩu đội pháo phòng không được chỉ định yểm trợ tiểu đoàn chúng tôi và được bố trí cách đó không xa trên một điểm cao. Chúng tôi chuyển khẩu pháo tới đó và chuyển giao nó cho khẩu đội pháo trực chiến ở đó. Đến chiều một trung úy chỉ huy khẩu đội pháo phòng không ấy đã đến nơi đóng quân của chúng tôi và nồng nhiệt cảm ơn đồng chí chỉ huy, Trung tá I. A. Liakisép, về việc đã chuyển giao khẩu pháo đó cho họ.

Sang ngày hôm sau, ngày 30-10-1965 (thứ bảy), ngay từ sáng sớm đã có báo động: đã phát hiện một mục tiêu bay chậm ở tầm cao. Xét theo mọi thông số thì chúng tôi xác định đây là máy bay trinh sát không có người lái. Độ cao của mục tiêu là 22 nghìn mét. Khi bệ phóng vừa kịp khởi động đồng bộ thì Trung tá Liakisép phát lệnh.

- Tiêu diệt mục tiêu bằng một quả tên lửa! Điều này khiến tất cả chúng tôi ngạc nhiên.

Theo "quy tắc xạ kích" thì trong trường hợp này được ấn định phóng 3 tên lửa và bắn theo loạt, mỗi lần phóng cách nhau 6 giây. Chỉ vài giây sau mục tiêu đã rơi vào rìa vùng bị tiêu diệt. Đến khi tên lửa bay đến điểm đã được tính toán thì mục tiêu đã ra khỏi vùng bị tiêu diệt, và ở độ cao lớn tên lửa đã tự nổ tung. Việc phóng tiếp tên lửa nữa là vô ích, bởi vì xét theo các thông số của mục tiêu thì thậm chí cũng không thể bắn đuổi theo được.

Máy bay trinh sát đã bay đi, giờ đây có thể máy bay sẽ đến oanh tạc Nhưng trong ngày hôm đó đã không xảy ra một cuộc bắn phá nào. Một thời gian sau Đại úy Daica đến gặp tiểu đoàn chúng tôi. Thế là đã diễn ra một cuộc phân tích không thú vị về lần phóng tên lửa không thành công. Trung tá Liakisép đã công khai thừa nhận sai sót của mình, nhưng đã tuyên bố ngay rằng ông sẽ không bắn 3 quả tên lửa vào một mục tiêu như vậy! Trung tá Liakisép ở lại chỉ huy tiểu đoàn tên lửa này cho đến lúc đồng chí ấy trở về Liên Xô.

Không rõ vì lý do gì mà lần này tiểu đoàn đã không thay đổi trận địa.

Chúng tôi được lệnh trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các khẩu đội Việt Nam, bởi vì sẽ đến một lúc nào đó chúng tôi sẽ trao mọi thứ cho họ và trở về nước. Ngoài ra, bản thân các đồng chí Việt Nam cũng hết sức mong mỏi được tự chủ tiến hành tác chiến. Chấp hành mệnh lệnh nói trên, chúng tôi đã để cho các khẩu đội tên lửa và những chuyên viên Việt Nam đảm nhiệm độc lập khâu trực chiến. Trên thực tế, trong tác chiến tại chỗ, khẩu đội hỗn hợp đã cùng tác chiến.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #17 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2009, 10:34:21 am »

Do rút ra những bài học từ trận địch đánh trúng trận địa lần trước và do phía Mỹ sử dụng các tên lửa tự tìm mục tiêu kiểu "Sraicơ", cho nên bộ chỉ huy của Việt Nam đã áp dụng một loạt cách nghi binh mới: xây các trận địa giả, làm giả hoạt động của các phương tiện trinh sát, v.v. . Giờ đây các đường hào để ẩn nấp dành cho đơn vị đã được xây dựng hầu như chung quanh trận địa và có hình ngoằn ngoèo chứ không thẳng, để ngăn cản không cho các mảnh bom văng theo đường hào ẩn nấp. Các dây cáp dẫn đến bệ phóng tên lửa được vùi xuống những đường hào nông, đường hào cho người thì được che phủ bằng các cành tre. Trung tâm của tiểu đoàn cũng được bao quanh bằng một bức tường đất.

Vì theo lời khai của các phi công Mỹ bị bắt làm tù binh thì thấy rằng những quả tên lửa mầu trắng bạc của chúng ta rất dễ trông thấy từ xa. Do vậy chúng tôi đã bức xúc nêu lên vấn đề cần sơn các quả tên lửa thành mầu ngụy trang và nhất thiết cần phải ngụy trang bệ phóng tên lửa và ăngten thu - phát của ca bin "P". Đáng tiếc là chúng tôi đã được các đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng đưa ra câu trả lời không hoàn toàn có sức thuyết phục. Nội dung câu trả lời ấy là: nếu các quả tên lửa được sơn thì sẽ làm giảm tính năng khí động học của tên lửa. Chẳng bao lâu sau lại xảy ra một sự việc liên quan trực tiếp đến vấn đề ngụy trang? tiểu đoàn phụ trách kỹ thuật bị oanh tạc (chỉ huy tiểu đoàn này là Thiếu tá N. I. Ivanốp). Tiểu đoàn này bị phát hiện trước hết do không được ngụy trang khi tiến hành kiểm tra các quả tên lửa.
Việc tranh luận về vấn đề sơn ngụy trang cho khí tài và các quả tên lửa đã kéo dài gần nửa năm. Chỉ mãi đến cuối năm 1965 vấn đề này mới được giải quyết ổn thoả. Điều đó đã cản trở nhiều đối với việc quan sát bằng mắt thường của các tiểu đoàn, nhất là khi khởi động các hoạt động đồng bộ và khi tất cả các bệ phóng được đặt vào tư thế phóng.

Sang ngày hôm sau, chủ nhật 31-10-1965, vào khoảng 12 giờ trưa, chúng tôi nhận được thông báo có vài tốp mục tiêu đang hoạt động ở hướng tây và tây - nam. Nếu ở hướng tây - nam có núi thì ở hướng tây có đồng bằng. Ở phía đó, cách chúng tôi khoảng 8 - 10 kilômét, có sân bay Kép, là căn cứ của các máy bay tiêm kích MIG-17. Các khí tài hoạt động không ngơi nghỉ, các quả tên lửa đã sẵn sàng, các máy móc đã được đưa vào tư thế hoạt động đồng bộ. Chúng tôi liên tục tìm kiếm và theo dõi các mục tiêu ở hướng tây. Các quả tên lửa đã nhiều lần được đưa vào tư thế chuẩn bị phóng.

Sau này, theo lời kể của những người có mặt tại trận địa, người ta đã khôi phục lại toàn bộ sơ đồ vụ oanh tạc vào tiểu đoàn. Một tốp máy bay gồm khoảng 30 chiếc đã bao vây sân bay Kép và ném một số bom và bắn một số tên lửa nhằm không để cho các máy bay tiêm kích có thể cất cánh. Tốp thứ hai gồm 3 chiếc bay ở phía trên dãy núi từ hướng tây - nam về phía tiểu đoàn chúng tôi. Khi những chiếc máy bay này hướng về phía tiểu đoàn chúng tôi thì khẩu đội pháo yểm hộ chúng tôi - và được chúng tôi trao cho khẩu pháo vớt được từ dưới hố sâu - đã khai hỏa từ tất cả các khẩu pháo và tạo một lưới lửa phía bên trên tiểu đoàn chúng tôi. Các máy bay này vòng sang phía trái, lợi dụng dãy núi để bay đi.

Vào thời điểm ấy có vài tốp, mỗi tốp có 2-3 máy bay, đã tách khỏi nhóm hoạt động ở hướng tây. Chúng bay hết sức thấp và lao vào trận địa của tiểu đoàn. Chúng tôi kịp phát hiện mục tiêu đi đầu và phóng 2 quả tên lửa vào nó. Khi tên lửa bay tới gần mục tiêu đi đầu thì có 2 chiếc tiêm kích ném bom được nghi trang đã lộn nhào để tránh tên lửa rồi bay về hướng cũ. Các quả tên lửa bay tới tốp mục tiêu rồi nổ, tiêu diệt được 2 máy bay.

Vào lúc ấy từ hướng đông ngày càng nghe rõ những loạt đạn pháo cao xạ. Điều này chứng tỏ máy bay đang tới gần. Nhờ những hoạt động hữu hiệu của pháo cao xạ yểm hộ, cho nên chỉ có một máy bay địch lao được vào trận địa của tiểu đoàn để oanh tạc và cũng phóng được một vài loạt rốc két. Vào thời khắc ấy bỗng nhiên tất cả các máy móc đều bị tắt.

Sau khi bước ra khỏi ca bin điều khiển, tôi phát hiện thấy từ trong khoang chứa nhiên liệu của một tên lửa có luồng khói vàng tỏa ra. Sau khi xem xét tên lửa, tôi nhận ra rằng khoang chứa nhiên liệu không bị hỏng, chỉ có thùng chứa chất ôxy hóa bị một lỗ thủng nhỏ ở sườn. Nhưng trong tình trạng này không thể sử dụng được tên lửa. Nó liền được một khẩu đội Việt Nam dỡ khỏi bệ phóng và đưa tới tiểu đoàn kỹ thuật.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #18 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2009, 10:35:05 am »

Khi đi kiểm tra số khí tài còn lại, tôi nghe thấy từ hầm trú ẩn vọng ra những câu chửi thề rất to và không biết bao nhiêu lời nguyền rủa bọn Mỹ bằng tiếng Nga. Khi đến gần, tôi nhìn thấy một trắc thủ của khẩu đội bệ phóng. Người anh ta bị nhiều vết thương do mảnh quả rốc két nổ bên cạnh. Binh sĩ này được đưa lên cáng và đem đi khỏi trận địa. Hóa ra, trong lúc máy bay đang oanh tạc anh lính này chộp lấy khẩu tiểu liên và quát:

- Lũ khốn! Tao sẽ cho chúng mày thấy”. Rồi anh ta xả súng bắn vào chiếc "Con ma" lúc ấy đang bổ nhào sát đất.

Rất tiếc là tôi không nhớ họ tên của binh sĩ ấy, vì anh ta được đưa ngay về Liên Xô để chữa trị các vết thương. Sau đấy tôi không gặp lại anh ta nữa.

Ngay cạnh hầm trú ẩn còn một quả rốc két nữa không nổ. Nó không có ngòi nổ. Cách bệ phóng 3 mét có một hố bom sâu. Ở gần sát nơi này đã không có các mục tiêu không kích.

Ngày đã hết, cần phải đưa ra quyết định chuyển trận địa. Lần này đã lập tức nhận được lệnh di chuyển tiểu đoàn. Về cơ bản, khẩu đội Việt Nam và một số chuyên gia của chúng tôi đã kết thúc chuyến hành quân đến khu vực đã ấn định. Sau khi cho đơn vị xuất phát, chúng tôi đã thu dọn đồ đạc và lên xe buýt đến trận địa mới. Trên đường đi chúng tôi ghé thăm các chiến sĩ pháo cao xạ Việt Nam. Trung tá Liakisép đã nồng nhiệt cảm ơn họ đã yểm trợ bằng hỏa lực.

Sau khi đến khu vực mới, tiểu đoàn đã triển khai khí tài bên cạnh một điểm dân cư nào đó, dưới tán lá những hàng cây. Khi chỉ còn cách địa điểm này khoảng 1 kilômét thì chúng tôi nhìn thấy một tốp 3 chiếc máy bay đang đến gần tiểu đoàn. Do thời tiết xấu, trời âm u, những chiếc máy bay ấy trông đen ngòm và hùng dữ. Chúng tôi dừng lại và bước ra khỏi xe buýt, chờ đợi những hậu quả nghiêm trọng. Nhưng những máy bay ấy đã bay qua phía trên tiểu đoàn, không phát hiện ra tiểu đoàn và không gây hại gì cho tiểu đoàn nhờ được ngụy trang tốt.

Đã kết thúc những ngày chủ nhật nặng nề ấy đối với nhiều chuyên gia quân sự Liên Xô và các chiến sĩ Việt Nam. Mặt khác, những sự kiện xảy ra trong hai ngày ấy đã buộc chúng tôi phải xem xét nhiều vấn đề về lý thuyết và thực tiễn các hoạt động tác chiến của binh chủng phòng không. Chính vào thời gian ấy chúng tôi đã bắt đầu hiểu chiến thuật tác chiến của không quân Mỹ nhắm vào các phương tiện phòng không. Trong chiến đấu đã bộc lộ những thiếu sót và phát hiện ra những mặt yếu của khí tài.

Mọi người đã biết, vào thời kỳ ấy bộ đội chúng ta đã được trang bị những bộ khí tài tên lửa phòng không và những hệ thống điều khiển tối tân nhất. Khoa học quân sự đã làm thay đổi hẳn những quan điểm của chúng ta về lý thuyết và thực hành trong tác chiến. Trong vấn đề này có sự cống hiến không nhỏ của những người đã tham gia vào những sự kiện ấy.

Sau khi di chuyển trận địa, tiểu đoàn đã không triển khai trong mấy ngày liền. Chúng tôi được phép nghỉ ngơi đôi chút. Không để uổng phí thời gian, nhiều người trong chúng tôi đã giúp bà con nông dân địa phương gặt lúa bằng liềm .
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #19 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 02:43:00 pm »

Tổ quốc không quên chúng tôi

Khi mới đến Việt Nam tất cả chúng tôi đều trải qua cùng một khó khăn: sự nóng bức và độ ẩm cao, khát nước liên tục, thời gian dài vắng bóng thư từ của gia đình. Chỉ mãi tháng 8-1965 mới nhận được những bức thư đầu tiên. Khí hậu ẩm ướt, tình trạng thiếu thốn các phương tiện cần thiết bảo đảm vệ sinh cá nhân, trước hết là thiếu vòi tắm và bồn tắm, - đó là nguyên nhân đầu tiên khiến cho nhiều chuyên gia chúng tôi bị ngã bệnh. Thông thường, những căn bệnh ấy không chữa trị được ở đây và bệnh nhân được đưa về Liên Xô chữa trị.

Ngoài ra, những khoản tiền cấp phát thời gian đầu là quá ít ỏi hầu như chật vật lắm mới đủ chi dùng cho ăn uống và thuốc lá. Mọi người bắt đầu công khai phàn nàn. Ban chỉ huy Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã thông báo vấn đề này với Cục trưởng hữu quan trong Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô. Đến cuối tháng 8-1965 có một đại diện Tổng cục Tài chính Bộ Quốc phòng Liên Xô đến Hà Nội để giải quyết tất cả những vấn đề đã chín muồi. Chẳng bao lâu sau quả thật tất cả các sĩ quan đã được tăng lương, các gia đình chúng tôi ở Liên Xô được trích 70% - chứ không phải 30% - số lương của chúng tôi theo chức vụ khi còn ở Liên Xô. Việc nhận thư từ cũng được cải thiện. Giờ đây đã có thể mua sắm đôi chút cho bản thân và cho gia đình. 

Ngày 6-11-1965, nhân kỷ niệm Quốc khánh Liên Xô, Bộ tư lệnh phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức tại Hà Nội buổi chiêu đãi trọng thể tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô. Trong buổi lễ này Thượng tá Đdưda đã công bố lệnh phong quân hàm như thường lệ! quân hàm thiếu tướng cho Đại tá N. V. Bagienốp; quân hàm thiếu tá cho Đại úy A. B. Daica. Cuối cùng mỗi chuyên gia được phát một bao thuốc lá Liên Xô. Sau buổi tiếp đón long trọng, đoàn ca múa của Binh chủng phòng không - không quân Việt Nam đã có buổi biểu diễn văn nghệ ngắn.

Vào giữa tháng 11 đã bắt đầu việc rút về Liên Xô các chuyên gia quân sự đã đến Việt Nam hồi tháng 4-1965, trong nhóm chuyên gia quân sự đầu tiên của Liên Xô. Những người về nước chủ yếu là những chuyên gia mà vai trò giúp đỡ của họ không còn cần thiết nữa, vì đa số các chuyên viên Việt Nam đã tự mình đảm đương được công việc hoặc là những người bị đau ốm hoặc do hoàn cảnh gia đình. Dĩ nhiên, những người còn ở lại cũng mong được như họ. Trong số những chuyên gia về nước có viên chỉ huy trung đoàn, Tướng N. V. Bagienốp, các viên chỉ huy các tiểu đoàn là Trung tá I. A. Liakisép, Thiếu tá Iu. G. Têrêsencô và những chuyên gia khác.

Ngay trước Tết, Thiếu tá Daica đã thông báo cho chúng tôi về chuyến thăm Hà Nội sắp tới của đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Chính phủ Liên Xô. Hơn nữa, chúng tôi sẽ được gặp gỡ với những vị lãnh đạo của phái đoàn ấy, vì họ sẽ trao cho chúng tôi các phần thưởng của Chính phủ.

Chúng tôi, mặc lễ phục, xếp hàng theo đội hình. Thiếu tá Daica kiểm tra từng người, nhắc nhở về phong cách bề ngoài và ấn định thời hạn sửa chữa các khiếm khuyết.

Đây là Đoàn đại biểu quan trọng và có thẩm quyền. Đứng đầu phái đoàn này là ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô A. N. Sêlêpin. Các đoàn viên gồm có Đ. Ph. Uxtinốp là nhân vật hồi ấy phụ trách các vấn đề quốc phòng, Đại tướng pháo binh Tôlúpcô và những nhân vật quan trọng khác. Tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô đã tập hợp tại Sứ quán Liên Xô. Tôi ngồi cạnh Thiếu tá A. B. Daica, ở ghế thứ hai, cách bục phát biểu khoảng 5 mét. Ngay sau đó, tất cả các thành viên của phái đoàn đã xuất hiện trong hội trường. Ông A. N. Sêlêpin phát biểu đầu tiên. Ông đánh giá cao công việc của chúng tôi và tuyên bố rằng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chăm chú theo dõi tình hình diễn biến tại Việt Nam. Cuối cùng, A. N. Sêlêpin chúc tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong nhiệm vụ quan trọng của mình.

Sau đó Đại tá A. M. Đdưda công bố danh sách những người lưu lại hội trường và những người rời sang hội trường khác. Trong hội trường của chúng tôi có Đ. Ph. Uxtinốp, một cán bộ công bố Sắc lệnh khen thưởng và một nhân viên nhiếp ảnh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM