Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:33:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khép lại quá khứ đau thương  (Đọc 41304 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 06 Tháng Ba, 2009, 04:58:17 pm »


Tên sách: Khép lại quá khứ đau thương
Hồi ký về trại tù binh sĩ quan Pháp số 1
Tác giả: Kỳ Thu
Nhà xuất bản: Văn hoá - Thông tin
Năm xuất bản: 1993
Số hoá: ptlinh, chuongxedap




Hà nội, ngày 19 tháng 12 năm 1993

Đồng chí Kỳ Thu thân mến,

Tôi đã nhận được cuốn Hồi ký “Khép lại quá khứ đau thương”, ghi lại những mẩu chuyện về tù binh Âu Phi của Quân đội Pháp, bị bắt trong chiến dịch biên giới và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Qua những tư liệu phong phú, cụ thể và sinh động của những người trong cuộc, chúng ta cảm thấy đồng bào các dân tộc và các chiến sĩ quân đội ta, trong hoàn cảnh gian khổ của chiến tranh, đã đối xử nhân đạo như thế nào đối với tù binh, chăm sóc nơi ăn chốn ở, sức khoẻ của họ, được chữa bệnh lúc ốm đau, được nhận thư nhà, lại có điều kiện giải trí, cho đến khi họ được thả về nước.

Chính sách khoan hồng và đầy tinh thần nhân đạo ấy đã nói lên tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng. Hồ Chí Minh cũng như truyền thống nhân nghĩa cao đẹp của dân tộc ta, của quân đội ta.

Tôi hoan nghênh cuốn Hồi ký của đồng chí. Chúc sức khoẻ.

                                                                                                                       Chào thân ái

                                                                           
                                                                                                               Đại tướng Võ Nguyên Giáp






Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2009, 05:01:05 pm »


Lời tác giả

Hè năm 1993. Chiều nào trước bữa ăn tối tôi và đứa cháu nội lên 9 tuổi cũng dời căn hộ đầu phố Hàn Thuyên tản bộ qua đường Tăng Bạt Hổ đến vườn hoa Pasteur hóng mát. Sau khi dừng chân trước bức tượng đá bán thân nhà bác học Pháp vĩ đại, ngắm nhìn bao quát toà nhà đồ sộ mang tên Viện Vệ sinh dịch tễ học-Trung tâm Quốc gia kiểm nghiệm vaccin nằm trên con đường A.Yersin, hai ông cháu ngồi xuống ghế đá dưới bóng cây xà cừ nói chuyện rì rầm.

Tối hôm qua, khác với mọi lần, thằng cháu nội tôi không chạy đi chơi mà dán mắt chăm chú theo dõi bộ phim "Điện Biên Phủ" của nhà đạo diễn điện ảnh Pháp Pierre Schoendoeffer chiếu trên màn ảnh nhỏ Truyền hình Việt Nam. Rõ ràng nó rất xúc động trước cảnh chiến đấu dữ dội, đẫm máu, và cuối cùng trông thấy hàng nghìn binh sĩ Pháp và Âu Phi từ các hầm hào đổ nát, quần áo tả tơi, lếch thếch kéo nhau ra hàng bộ đội Việt Nam. Chợt thằng bé hỏi một câu làm tôi sửng sốt:

- Ông ơi, đêm nay tù binh ngủ ở đâu, hả ông? Các chú bộ đội có trả thù, đánh đập, có cho chúng nó ăn không?

Tôi cũng xúc động không kém đứa cháu nội tôi. Cả một thời không thể nào quên ập đến trong đầu óc, xuyên thủng mức màn thời gian ngăn cách quá khứ xa xăm với hiện tại sôi động biết bao sự kiện và biến cố của thời đại mới. Mặc dầu cuốn phim “Điện Biên Phủ” đã kết thúc, bên tai tôi vẫn dồn dập hàng loạt câu hỏi của đứa cháu nội:

- Tù binh Pháp là ai, hả ông?

- Chúng nó ở tận đâu đến?

- Tại sao chúng nó đem bom đạn đánh nước ta?

- Lúc đó ông ở đâu, hả ông?

Làm sao tôi có thể giải thích ngắn gọn cho đứa cháu nội về một thời kỳ đau thương trong mối quan hệ Việt-Pháp cách đây non nửa thế kỷ?

Lời phát biểu xúc tích của Tổng thống nước Cộng hoà Pháp Francois Mitterand trong cuộc họp báo chính thức tại Nhà khách Bộ Quốc phòng ở Hà Nội ngày 10-2-1993 trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam từ ngày 9 đến ngày 11-2-1993, đã nói rõ một trong những nguyên nhân dẫn đến trận Điện Biên Phủ được nhà đạo diễn Pháp Pierre Schoendoeffer tái hiện hôm nay:


“… Trong quá khứ, hai nước đã trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc.

Về phía Việt Nam, cuộc chiến tranh mang tính dân tộc và yêu nước rất mạnh. Về phía Pháp, đó là sự sai lầm lớn. Trong bối cảnh thực dân Anh phải nhượng bộ Ấn Độ, Hà Lan nhượng bộ Indonesia, lẽ ra chế độ thực dân Pháp phải hiểu rõ điều đó, nhưng họ đã không làm như thế đối với Việt Nam.

Bây giờ đã hơn 40 năm qua. Tôi nhớ cuộc đi thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm người đối thoại, nhưng không tìm được người đối thoại ở Fontainebleau. Lúc ấy chúng ta đã buộc Việt Nam phải chiến đấu. Như vậy người Pháp là nước liên quan trực tiếp đến Việt Nam. Và chúng ta phải trực tiếp đến hoà giải…”(Trích báo Tiền phong-Tuần báo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh-số 7, ngày 16-2-1993)

Tôi trả lời đứa cháu nội:

- Rồi ông sẽ kể chuyện cháu nghe. Câu chuyện xẩy ra lâu lắm rồi…

Tôi nghĩ thằng bé mải chơi và đùa nghịch sẽ chóng quên, nào ngờ chiều nay vừa ngồi xuống ghế đá, nó đã níu lấy cánh tay ông nội, giục:

- Ông kể chuyện tù bình cho cháu nghe nào!

- Ừ. Rồi ông sẽ kể có đầu có đuôi cho cháu nghe. Đó cũng là một quãng đời có ý nghĩa của ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2009, 05:03:56 pm »


Thay lời tựa

TỪ “TRẠI GIAM VIỆT MINH” TRỞ VỀ VỚI TỰ DO

Hai tháng sau

Trung uý Xavier de Villeneuve, phóng thích nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hoà Pháp 14-7-1952, “Đoàn 14-7” gồm 18 tù binh sĩ quan và hạ sĩ quan Trại số 1.



TRÍCH THƯ MỘT BÀ MẸ PHÁP

Thưa ông.

Vào những giờ phút đầu tiên của hạnh phúc bao la khi đứa con trai tôi trở về mạnh khoẻ, tâm trí tôi hướng về ông với tấm lòng biết ơn người đã nhiều lần vui lòng cho chúng tôi nhận được tin tức.

Tôi không quên rằng tôi đã yêu cầu ông khẩn cầu Ngài Hồ Chí Minh phóng thích con trai tôi: trung uý Xavier de Villeneuve ở Trại số 1 Bắc Kỳ.

Xin ông hãy bày tỏ với Người lòng biết ơn sâu sắc và đời đời của tôi về cử chỉ phóng thích cho không đó… Tôi nói lời “cám ơn” đó từ một trái tim yêu thương của người mẹ đã từng trải qua bao nỗi thống khổ…

                                                                                                   Bà F.de Villeneuve
                                                                                         Coran-Plougassnou-Finistère-Pháp

   

EXTRAIT DU MESSAGE D’UNE MÈRE FRANÇAISE

Monsieur,

Aux premières heures du bonheur immense que nous éprouvons du retour de mon fils en bonne santé, ma pensée va avec reconnaissance vers vous qui avez bien voulu plusieurs fois nous faire parvenir des nouvelles.

Je n’oublie pas que je vous avais demandé de bien vouloir supplier Son Excellence HO CHI MINH de libérer mon fils: le lieutenant Xavier de Villeneuve, prisonnier au Camp No 1 au Tonkin.

Voulez - vous lui exprimer ma profonde et éternelle reconnaissance pour ce geste gratuit de libération... Je dis ce mot “merci” du fond d’un coeur aimant de mère qui a connu tant d’angoisse.

                                                                                  MADAME F. DE VILLENEUVE
                                                                           CORAN – PLOUGASNOU – FINISTÈRE
                                                                                               FRANCE
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2009, 09:53:03 pm »


TÔI XIN CHỊU HOÀN TOÀN TRÁCH NHIỆM…

(Trích tuyên bố của viên quan hai Xavier de Villeneuve
trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Pháp LE MONDE (Thế giới)
ngày 11-9-1952)


“… Viên quan hai de Villeneuve đặc biệt khẩn khoản để tôi nêu với sự chính xác nhất một số lời tuyên bố với tôi. Sau đây là những lời tuyên bố dưới hình thức hỏi và đáp:

Hỏi: Sự thất bại của những cuộc tiến công năm 1951 có ảnh hưởng đến tinh thần Việt Minh không?

Đáp: Hoàn toàn không. Việt Minh có một quân đội sùng tín được nhân dân hoàn toàn ủng hộ. Họ cũng luôn luôn tin ở thắng lợi cuối cùng, và tôi không hề thấy có sự khác nhau giữa tinh thần của họ hiện nay so với hai năm về trước.

Hỏi: Đài phát thanh bí mật Việt Minh đã nhiều lần phát đi những tuyên ngôn do nhiều tù binh ký đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Ông có nghe nói đến không?

Đáp: Bản thân tôi đã ký nhiều tuyên ngôn, cũng như các bạn tôi. Chúng tôi không hề bị một sức ép nào cả. Thời gian đầu mới bị giam giữ, trong chín tháng tôi từ chối không ký, tuy nhiên tôi vẫn được phóng thích. Trong năm qua, tất cả tù binh đều ký vào các bản tuyên ngôn được đưa cho họ.

Hỏi: Ông được phóng thích có điều kiện nào không?

Đáp: Người ta không hề yêu cầu chúng tôi điều gì, trừ việc không chỉ vị trí của trại và không cung cấp những tin tức thuộc lĩnh vực quân sự.

Hỏi: Chỉ có mười tám trên một trăm tù binh được phóng thích. Sự lựa chọn được tiến hành như thế nào?

Đáp: Dựa vào sự cư xử của chúng tôi trong thời gian bị giam, người ta phóng thích những ai xử sự một cách “xã hội hóa” nhất trong trại.

Hỏi: Người ta nói rằng Việt Minh bắt buộc tù binh ký những bản tuyên bố thừa nhận họ đã phạm những tội ác chiến tranh.

Đáp: Điều đó là sai. Người ta không bao giờ bắt buộc chúng tôi phải ký bất cứ cái gì. Tuy nhiên, tất cả các sĩ quan trong trại đều đã ký những bản tuyên bố về những tội ác mà chúng tôi trông thấy.

Bỗng đơ Vin-nơ-vơ chữa lại và nói thêm một cách bứt rứt: “ Xin ông nói rõ cho “về những tội ác mà chúng tôi đã phạm phải”!”

Hỏi: Những tội ác gì? Bản thân ông cũng đã phạm những tội ác gì?

Đáp: Vâng, có một lần tôi đã cho lính của tôi giết một người dân mà tôi cho là một cán bộ Việt Minh.

Hỏi: Tất cả các sỹ quan trong trại ông có đồng tình với ý kiến của ông về tình hình ở khu vực Việt Minh không?

Đáp: Tất cả, không trừ một ai.

Hỏi: ông có phải là cộng sản không?

Đáp: Không, và có lẽ tôi sẽ không bao giờ là cộng sản. Trong thời gian bị giam, tôi đã đọc những tác phẩm của Mác và Lê-nin, cũng như những sách báo nói về Trung Quốc cộng sản và Liên Xô. Đó là một vấn đề mà tôi quan tâm, nhưng tôi không phải là cộng sản.

Hỏi: ông biết những lời tuyên bố của ông có nguy cơ gây nên một sự chấn động nào đó chứ? Ông chịu trách nhiệm chứ?

Đáp: Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Các bạn tôi và tôi đều tin rằng có một số điều cần phải nói về cuộc chiến tranh Đông Dương”.




Article paru dans “LE MONDE”
du 11-9-1952

JE PRENDS ENTIÈREMENT LA RESPONSABILITÉ...
XAVIER DE VILLENEUVE
(PG du Camp No 1 libéré le 14-7-1952)


“… Le lieutenant de Villeneuve a insisté particulièrement pour que je cite avec la plus grande exactitude quelques unes des déclarations qu’il m’a faites. Les voici sous forme de questions et de réponses:

Q: Les échecs des offensives de l’année 1951 n’ont-ils pas atteint le moral Viet Minh?

R: Absolument pas. Les Viet Minh ont une armée fanatique soutenue à fond par la population. Ils sont toujours aussi convaincus de la victoire finale. Et je ne vois aucune différence entre leur moral actuellement et ce qu’il était il y a deux ans.

Q: La radio clandestine Viet Minh a diffusé à plusieurs reprises des manifestes signés de nombreux prisonniers demandant la fin de la guerre au Vietnam. En avez-vous entendu parler?

R: J’ai signé moi- même plusieurs manifestes, ainsi que mes camarades. Nous n’ avons subi aucune pression. Au début de ma captivité, pendant neuf mois j’ai refusé de signer, j’ai pourtant été libéré. Au cours de la dernière année, les manifestes qui nous ont été présentés ont été signés par tous les prisonniers.

Q: Avez vous été libéré sous conditions?

R: On ne nous a rien demandé, sauf de ne pas indiquer la position du camp et de ne pas donner des renseignements d’ordre militaire.

Q: Dix huit prisonniers seulement sur cent ont été libérés. Comment s’est faite la sélection?

R: D’après notre comportement en captivité, on a libéré ceux qui s’étaient comportés de la façon la plus “sociale” dans le camp.

Q: On dit que les Viet Minh obligent les prisonniers à signer des déclarations reconnaissant qu’ils ont commis des crimes de guerre.

R: C’est faux. On ne nous a jamais obligés à signer quoi que ce fut. Pourtant, tous les officiers du camp ont signé des déclarations sur les atrocités que nous avons vu commettre.

De Villeneuve se reprend brusquement et nerveusement ajoute: “Dites bien” sur des atrocités que nous avons commises””.

Q: Quelles atrocités? Vous en avez commis vous-mêmp?

R: Oui, une fois j’ai fait tuer par mes hommes un civil que j’ai pris pour un Viet Minh.

Q: Tous les officiers de votre camp partagent-ils vos opinions sur la situation en zone Viet Minh?

R: Tous, sans exception.

Q: Êtes - vous communiste?

R: Non et je ne le serai probablement jamais. Pendant ma captivité j’ai lu des ouvrages đe Marx et de Lénine, ainsi que des publications sur la Chine communiste et l’ Union Soviétique. C’est un problème qui m’intéresse, mais je ne suis pas communiste.

Q: Vous savez que vos déclarations risquent de provoquer une certaine sensation? Vous en prenez la responsabilité?

R: Je la prends entièrement. Mes camarades et moi sont convaincus qu’il y a sur la guerre d’Indochine un certain nombre de choses qui doivent être dites.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2009, 10:01:14 pm »


* HAI MƯƠI MỐT NĂM SAU (1954-1975)

Trung tá Pi-e Sác-tông, Chỉ huy trưởng Phân Khu Biên thùy II tự trị Cao Bằng, phong thích tại Việt Trì ngày 3-9-1954 theo Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Việt Nam.

(Trích “ĐƯỜNG SỐ 4 TẤN THẢM KỊCH CAO BẰNG”, Pi-e Sác-tông. Nhà xuất bản ALBATROS, 12-1975 “RC4 - LA TRAGÉDIE DE CAO BANG”, Pierre Charton, Editions ALBATROS, 12-1975.”)


*… “Thời gian trôi qua. Thế rồi ông Tân phó trưởng trại đến thăm tôi, đó là một người còn rất trẻ tên là Kỳ Thu, có học vấn tốt và thân ái mà một cán bộ Việt có thể có được. Ông ta nói chuyện này chuyện khác, một cách tao nhã và bằng một giọng nhã nhặn.

Một buổi tối, một người lính gác đánh thức tôi dậy. Tôi phải lập tức đến ngay chỗ ở của ông phó trưởng trại.

- Tôi mời ông ăn bữa cơm tối, ông Kỳ Thu nói với tôi.

Tôi không thể nào từ chối và, Chúa ơi, tôi đã được ăn một bữa cơm tươm tất do một binh sỹ Việt Nam phục vụ, như là khách mời thực sự. Câu chuyện mang tính chất xã giao nhiều hơn là chính trị...

Trong suốt cả thời gian tôi bị cầm tù, tôi không còn được một cán bộ Việt nào mời tôi nữa.

Tuy vậy, một thứ tình bạn không được thú nhận đã được xác lập giữa ông Kỳ Thu và tôi, tình bạn do quý trọng lẫn nhau...”.(Trang 98 - Sách đã dẫn)
1.



* “… Người kế tục, ông Kỳ Thu trẻ tuổi, mà tôi đã nói đến, người cộng sản vững tin ở lý tưởng của mình (nhưng hơi quá mức nên chắc sẽ không bền) nhưng công bằng và chính trực, nắm trong tay vận mệnh của chúng tôi. Chúng tôi ngay lập tức được đối xử và ăn uống vô cùng tốt hơn. Chúng tôi được lĩnh quần áo vải để thay bộ đồ rách rưới và mỗi người một cái chăn…”(Trang 109 - Sách đã dẫn)2.



* “… Nhờ ông Kỳ Thu, đời sống tiện nghi của chúng tôi được nâng cao. Ăn uống được cải thiện. Chính các tù binh sỹ quan làm bếp... Ông Kỳ Thu yêu cầu chúng tôi tự quản lý lấy kinh phí dành cho trại. Chúng tôi tự chọn lấy những người chịu trách nhiệm đi chợ mua thức ăn. Kết quả thật là nhanh chóng và kỳ diệu, tất cả mọi người lấy lại được sức khỏe...”(Trang 112 - Sách đã dẫn)3.
___________________________________
1. “... Le temps passa. Puis je reçus la visite du nouvel adjoint au chef de camp, un tout jeune homme nommé Ky Tu, bien élevé et sympathique autant que peut l’être un Viet. ll me parla de choses et d’autres, gentiment et sur un ton poli.
      Un soir, une sentinelle me réveilla. Je devins me rendre immédiatement chez l’adjoint au chef de camp.
      - Je vous invite à dîner, me dit Ky Tu.
      ll m’était impossible de refuser et mon Dieu, je fis en véritable invité, un repas correct servi par un militaire Viet. La conversation fut beaucoup plus mondaine que politique…
      De toute ma captivité, je ne fus plus jamais invité par un cadre Viet.
      Et pourtant, une sorte d’amitié non avouée s’était établie entre Ky Tu et moi, faite d’estime mutuelle”. (Page 98- Ouvrage cité).

2. “... Son successeur, le jeune Ky Tu, dont j’ai déjà parlé, communiste convaincu (trop même pour que cela dure) mais juste et honnête, prit en mains nos destinées. Nous fumes aussitôt infiniment mieux traités et mieux nourris. Nous touchâmes des tenues de toile pour remplacer nos guenilles, et une couverture chacun…”1 (Page 109 - Ouvrage cité).
3. “Grâce à Ky Tu, notre confort augmentait. La nourriture s’améliorait. C’étaient des prisonniers officiers qui faisaient ia cuisine... Ky Tu nous demanda de gérer nous - mêmes les crédits attribués au camp. Des responsables choisis parmi nous faisaient les achats au marché. Les résultats furent rapides et prodigieux, tout le monde reprit des forces…” (Page 112 - Ouvrage cité).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2009, 10:11:23 pm »


* BA MƯƠI CHÍN NĂM SAU (1954-1993)

Trung úy Lu-i Chiêng, sĩ quan tình báo trong ban tham mưu tiểu đoàn dù Lê dương số 1, phóng thích tại Việt Trì ngày 3-9-1954 theo hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Việt Nam.

(Trích “NHỮNG BINH LÍNH BỊ LÃNG QUÊN-TỪ CAO BẰNG ĐẾN CÁC TRẠI CẢI TẠO CỦA VIỆT MINH”. Lu-i Chiêng, Nhà xuất bản ALBIN MICHEL, 3-1993. “LES SOLDATS OUBLIÉS - DE CAO BANG AUX CAMPS DE RÉÉDUCATION”, Louis Stien, Editions ALBIN MICHEL, 3-1993).


* “Với ông ta (Kỳ Thu- T.G) sự quản lý trở nên dễ chịu: hai trung tá tái hợp với chúng tôi và tham gia đời sống của chúng tôi. Họ rất sung sướng và bảo đảm phần công việc của họ. Những hình phạt thân thể và ăn uống bị xóa bỏ; sự tống giam vào “chuồng trâu” vẫn còn, nhưng thưa thớt, không kèm theo những sự tàn nhẫn, cũng như nhịn ăn, khẩu phần gạo tăng lên...”(trang 171- Sách đã dẫn)1.


* “Khi tôi bước vào trong nhà, ông Kỳ Thu đang ngồi sau cái bàn...ông ta nhìn tôi, lạnh lùng, thản nhiên, và khoát một cử chỉ cho tôi ngồi xuống. Tôi chờ đợi một lời la mắng hoặc một câu hỏi. Không có gì như thế: ông ta đưa ra một sự nhận xét đơn giản, không thể chối cãi:

- Thế nào, anh Xchiêng, đây là lần thứ hai anh trốn trại.

Rồi ông ta nín lặng...

Tôi biết trong số phận của tôi đang nằm trong tay ông. Ông có thể kết án tôi tử hình, bằng nhiều cách. Nếu ông chỉ đơn thuần tống tôi đến một trại cải tạo, mà ông biết rằng ở đó rồi sẽ chết, thì dù sao chính ông sẽ giết tôi....

Mắt ông ta lại rực sáng. Ông ta đứng dậy, không nói gì, bước ra lối cửa vào, che khuất mặt. Sau một thời gian đối với tôi hình như dài vô tận, ông ta quay lại và, giọng nói ôn tồn:

- Tôi yêu cầu anh viết bản tự phê bình, anh và những kẻ trốn trại khác”…
(Trang 251-252 - Sách đã dẫn)2


* “… Trên đường, ông Kỳ Thu đứng ngay trước các sỹ quan “chấm sổ” và trước mặt các nhà nhiếp ảnh, để nói lời từ biệt với những người khách trọ... Khi đến lượt tôi, tôi dừng lại và bắt chặt tay ông ta. Một ánh sáng ngạc nhiên lấp lánh trong đôi mắt đen của ông và lần đầu tiên tôi thấy một nụ cười thật sự trên khuôn mặt ông ta:

- Tạm biệt, ông Kỳ Thu!

- Tạm biệt, “ông” Xchiêng!

- Trung úy, thưa ông Kỳ Thu, trung úy.

Tôi không còn là một cựu sỹ quan, và tôi cũng chưa bao giờ chấp nhận tự coi mình như thế. Một sỹ quan Pháp “chấm sổ” nhìn tôi với một vẻ ngạc nhiên. Tôi bất chấp những gì anh ta có thể suy nghĩ. Ông Kỳ Thu đối với tôi là một người chính trực, vả lại ông ta còn để tôi được sống. Tôi xin cảm ơn ông ta...”
(Trang 299-300 - Sách đã dẫn).

Chiến tranh thế giới thứ hai cạn kiệt sĩ quan rồi. Đào tạo không kịp nên FFI và FTP cũng có mặt trong hàng ngũ Quân đội viễn chinh Pháp...”.

Thực hiện chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21-11-1951 Ban chỉ huy Trại số 1 tổ chức lễ phóng thích không điều kiên cho phía đối phương 9 tù binh sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp, trong đó có viên quan năm thầy thuốc Tô-mát Đuy-rít. Cử chỉ nhân đạo của Chính phủ và Quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn toàn bất ngờ đối với toàn thể tù binh sỹ quan Trại số 1. Viên quan năm thầy thuốc Tô-mát Đuy-rít, thay mặt đoàn tù binh sĩ quan đầu tiên được phóng thích, xúc động hứa trong buổi lễ tiễn đưa “Đoàn Nô-en” lên đường trở về với tự do:

“CHÚNG TÔI CAM KẾT ĐẤU TRANH CHO HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM BẰNG HỒI HƯƠNG QUÂN ĐỘI VIỄN CHINH PHÁP Ở VIỄN ĐÔNG TRONG HÀNG NGŨ CÁC TỔ CHỨC DÂN CHỦ CỦA NHÂN DÂN PHÁP”

Sau đó ít lâu, tôi được bổ nhiệm thay thế trưởng trại đi nhận công tác khác. Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1 đã đi vào nề nếp, không còn cấp phó. Trên cương vị mới tôi được giao thêm trách nhiệm chi huy phó Liên trại tù binh biên giới mới đổi tên. Mỗi tháng tôi đi họp một lần ở huyện Quảng Uyên, vừa báo cáo công việc vừa nắm tình hình chung, tham gia ý kiến chỉ đạo hoạt động của các trại tù binh biên giới. Anh Lê Văn Quyết, sau này được điều động về Trại số 1 thay người giám thị cũ, tổ trưởng tổ Đảng trực thuộc Chi bộ Đảng Lao động Việt Nam Liên trại tù binh biên giới, phụ trách luôn công tác bảo vệ và công tác quản trị, động viên tôi:

- Tôi sẽ giúp anh giải quyết công việc hàng ngày để anh chăm lo giáo dục tù binh. Có việc gì khó tôi sẽ xin ý kiến anh. Mọi mệnh lệnh của anh, tôi và anh em sẽ chấp hành nghiêm chỉnh.

Từ đó bốn mươi mốt mùa xuân đã trôi qua. Bao thay đổi và biến động long trời lở đất. Cứ tưởng tôi sẽ không bao giờ gặp lại người cộng sự thân thiết đã cùng tôi sát cánh chiến đấu trong những tháng năm gian khổ ở một vùng hậu phương xa xôi của Tổ quốc. Quả đất tròn, mùa Xuân 1993, chúng tôi đã ôm nhau thân thiết ở thủ đô Hà Nội, mái tóc hai người lính đã bạc nhưng tâm hồn vẫn còn trẻ như thời trai tráng ở miền núi rừng heo hút năm xưa.
______________________________________
1. “Avec lui (Ky Thu) le régime s’adoucit: les deux colonels nous rejoignent et partagent notre vie lls sont très heureux et assurent leur part de travaux. Les punitions corporelles et alimentaires sont supprimées; la mise “aux buffles” existe toujours, mais se fait rare sans accompagnement de brutalités ni privation de nourriture. Notre ration de riz augmente...” (Page 171 Ouvrage cité).
2. “Quand je pénètre dans la maison. Ky Thu est assis derrière sa table… ll me regarde, froid, impassible, et d’un geste me fait asseoir. J’attends un sermon, ou une question. Rien de cela une simple constatation de sa part, irréfutable:
      - Alors. Stien c’est la deuxième fois que vous vous évadez.
      Et il se tait
      - Je sais que mon sort est entre vos mains. Vous pouvez me condamner à mort, de diverses façons. Si vous m’envoyez simplement dans un camp de rééducation, vous savez que c’est pour y mourir, ce sera quand même vous qui me tuerez...
      Nouvel éclair dans ses yeux ll se lève sans rien dire, va à l’entrée, me cachant ainsi son visage. Après un temps qui me semble immensément long, il se retourne et, la voix adoucie:
      - Je vous demande de rédiger votre autocritique, vous et les autres évadés” (Page 251-252. Ouvrage cité).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 08:19:45 pm »


CHƯƠNG I
TIẾN VỀ HẬU PHƯƠNG XA


Hồi đó tôi là quân nhân thuộc Tổng cục Chính trị biệt phái sang công tác tại Bộ Ngoại giao để chuẩn bị cho việc lập quan hệ ngoại giao với các nước. Chẳng bao lâu tôi được lệnh của Bộ Quốc phòng trở về gấp đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Rời xã Đào Ngạn, huyện Yên Bình (Tuyên Quang) trên ngã ba đường đi Yên Bái - Phú Thọ, nơi bộ phận sơ tán của Bộ Ngoại giao di chuyển đến mấy tháng nay, tôi đeo ba lô cuốc bộ một mạch qua Bình Ca - Yên Lãng - Quảng Nạp về phía Chợ Chu (Thái Nguyên). Đến Quán Vuông, tôi dừng lại vào khu ATK1 dưới chân núi Hồng, tìm đến Cục Địch Vận thì trời vừa tối. Sương đêm giăng kín núi rừng. Khí lạnh buốt thấu xương. Dưới ánh đèn dầu vàng nhạt hắt ra từ chiếc đèn Hoa Kỳ, trong căn nhà lá cất trên một đồi cọ, anh Lưu Quyên2, Cục phó Cục Địch Vận, mới đi công tác ở mặt trận Đông Khê trở về, tiếp tôi. Người gầy xọp, giọng mệt mỏi, anh nói: “Cục điều cán bộ lên Cao Bằng hết rồi. Công tác đột xuất quan trọng của Cục bây giờ là tù binh. Anh đi nghỉ, mai sớm lên đường”.

Sáng hôm sau, cầm giấy giới thiệu của Cục và nhận tiền đi đường, tôi đeo ba lô cắm cúi ngày đi đêm nghỉ theo con đường số 3 lên Bắc Cạn, vượt đèo Ngân Sơn, lên thẳng Cao Bằng. Con đường dài dằng dặc, quang cảnh nhộn nhịp. Từng đoàn dân công, lưng gùi những chiếc sọt tre hoặc kĩu kịt trên vai những gánh nặng, lần lượt vượt qua trước mặt tôi. Họ là người H’mông, người Dao, người Nùng, người Tày, người Kinh, từ những đỉnh núi cao, các bản heo hút, các thị trấn mới giải phóng, đồ về xuôi phục vụ tiền tuyến. Lần này họ đi giữa ban ngày, trên đường cái thênh thang, không phải len lỏi ở bìa rừng trong sương đêm giá lạnh. Đó đây hiện ra trước mắt tôi, trên những vách đá bên đường, những khẩu hiệu viết bằng vôi, bằng than, nêu cao ý chí diệt thù của bộ đội, đồng bào địa phương. Sau Chiến địch Bô-phơ-rê cuối năm 1947 của giặc Pháp tiến công lên chiến khu Việt Bắc, đồng bào các dân tộc Cao-Bắc-Lạng rên xiết dưới ách chiếm đóng của quân xâm lược. Thấm thoắt đã ba năm họ ăn ngô, ăn sắn, ăn cháo cầm hơi, một lòng hướng về cách mạng để có ngày vui hôm nay làm chủ cuộc đời.

Tôi đến thị xã Cao Bằng thì trời nhuốm ánh hoàng hôn. Trước mắt tôi in đậm trên một ngọn đồi một pháo đài cổ vươn mình sừng sững như một con quái vật hăm dọa cả một vùng. Thị xã Cao Bằng, với bốn nghìn dân, nằm trên một bán đảo rộng khoảng 150 héc-ta cách biên giới Việt Trung 30 ki-lô-mét, được tưới mát bởi hai con sông Bằng và sông Hiến bao quanh. Pháo đài cổ được xây dựng vào những năm đầu 1890 sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ năm 1886, đặt Cao Bằng làm thủ phủ Quân Khu Biên thùy II để duy trì sự đô hộ của chúng ở miền biên giới Đông Bắc. Trước khi ta mở Chiến dịch Biên giới, địch đã ra sức củng cố tuyến phòng thủ trên con đường số 4 kéo dài 320 ki-lô-mét dọc theo biên giới Việt-Trung, đặc biệt từ Lạng Sơn đến Cao Bằng.

Tối hôm đó tôi nghỉ ở một quán trọ trong thị xã mới giải phóng. Bà chủ quán trọ là một phụ nữ người Kinh đứng tuổi, đầu chùm khăn vuông xanh, bận chiếc áo bông thâm đã bạc và sờn, dáng đi nhanh nhẹn, bưng đến trước mặt tôi một bát phở chua xà xíu, tươi cười nói: “Mời anh bộ đội ăn cho đỡ đói bụng”. Vừa lúc đó một cán bộ đường phố mặc áo ka-ki màu vàng nhạt, cổ quàng khăn len cũ, đầu đội xùm xụp chiếc mũ cối, vai đeo xà cột, bước vào quán, nói bô bô:

- Ông nhà đi dân công chưa, bà chủ?

- Dạ, nhà em đi dân công sáng nay ạ.

- Thế còn thằng cả, dáng chừng lại đi la cà với bạn rồi phải không?

- Dạ, cháu nó cũng xin đi dân công đợt này với bố cháu để thu dọn chiến trường.

Sau khi róc nước chè xanh nóng vào bát sành mời khách, bà chủ quán nói tiếp:

- Ấy, dạo này cứ tối về đến nhà, hai bố con chong đèn đến khuya bàn tán chuyện tên Quản Tu tỉnh trưởng Cao Bằng, và tên chánh cẩm Liên bị Tòa án quân sự tỉnh xử bắn về tội ác chồng chất đối với dân chúng địa phương.

Câu chuyện thời sự hấp dẫn, ông khách bắt chuyện luôn, giọng oang oang:

- Quản Tu, tên cúng cơm là Nông Ngọc Tu, tức Hai Tư, đeo lon quan hai. Còn Pi Qúy Liên vào làng Tây, có tên Pháp là Hăng-ri Sáp-pha. Tôi rất tiết hôm ta xử bắn bọn gian ác này, tôi có chút việc đi xa. Chúng nó chạy theo quan thầy Sác-tông nhưng nào có thoát...
_______________________________
1. ATK = An Toàn Khu, tên gọi nơi đóng các cơ quan đầu não kháng chiến ở Việt Bắc.
2. Anh Lưu Quyên tức Lưu Đức Hiểu, nguyên ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, trong Ban Pháp vận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trước ngày kháng chiến toàn quốc 19-12-1946.

« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2009, 08:47:39 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 08:20:41 pm »


Ngày 8-11-1950, một tháng sau Chiến thắng Biên giới, Tòa án quân sự tỉnh Cao Bàng đã mở phiên tòa công khai xét xử bọn tội phạm bị bắt trong Chiến dịch Biên giới. Tòa gồm các ông Bế Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Cao Bằng, ngồi ghế chánh án, ông Nông Công Dũng, hội thẩm chính trị, ông Đoàn Văn Hiếu, hội thẩm pháp luật, ông Hoàng Huy Toại, công cán ủy viên, và ông Đinh Ngọc Cận, lục sự. Tại phiên tòa này, 8 tên tội phạm có nhiều nợ máu với nhân dân đã bị kết án xử tử, 4 tên khác bị kết án tù chung thân. Nhân dân kiến nghị với chính phủ đưa cả viên quan năm Pi-e Sác-tông, chỉ huy trưởng Phân Khu Biên thùy II Cao Bằng ra xét xử trước Tòa án quân sự đặc biệt tỉnh Cao Bằng cùng với Quản Tu, tỉnh trưởng, về những tội ác đối với dân chúng trong những năm giặc Pháp chiếm đóng Cao Bằng. Cán bộ kiên trì giải thích chính sách khoan hồng của Cụ Hồ và chính phủ đối với tù binh mới làm dịu sự căm phẫn của dân.

Đêm ấy tôi không sao chợp mắt khi nghe tiếng loa truyền thanh của Ty Thông tin Cao Bằng văng vẳng bên tai tổng kết thành tích của đồng bào các dân tộc miền núi Cao Bằng đã góp phần to lớn cùng bộ đội làm nên Chiến thắng Biên giới lịch sử 1950. Dưới ách chiếm đóng của giặc Pháp, Cao Bằng chịu vô vàn đắng cay, tủi nhục, nhưng tấm lòng thủy chung đối với cách mạng của Cao Bằng luôn sáng chói như một vì sao trong đêm tối lầm than.

Trong hai năm 1949-1950, mặc dù đời sống cơ cực, đồng bào các dân tộc Cao Bằng - không trừ một huyện nào - đã tự nguyện dành thóc gạo bán hoặc ủng hộ cách mạng 1.267.415 ki-lô-gam quân lương nuôi quân đánh giặc. Theo bản tin ngày 11-12-1950 của Ty Thông tin Cao Bằng, trong Chiến dịch Biên giới, đồng bào đã đi dân công phục vụ các chiến trường 68.639 lượt người, vận chuyển cho bộ đội 6.738.775 ki-lô-gam lương thực, đạn dược phương tiện chiến đấu… và đi một đoạn đường dài tổng cộng 26.319.625 ki-lô-mét, hơn nửa vòng trái đất, gấp hơn 68 lần khoảng cách từ trái đất lên mặt trăng1.

Rõ ràng những lời cảnh cáo quân thù trước cửa ngõ thị xã Cao Bằng và dọc đường số 4 đã báo giờ cáo chung của đạo quân Lê dương số 3 đóng ở Cao Bằng: “Đường số 4 - CON ĐƯỜNG CHẾT” - “Đường số 4 - VÙI THÂY QUÂN THÙ” - “HỠI BINH LÍNH LÊ DƯƠNG - HÃY ĐẦU HÀNG TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN!”


*

Thị trấn Quảng Uyên, cách thị xã Cao Bằng 37 ki-lô-mét về phía Đông Bắc, khá đông vui. Những cửa hiệu, nhà hàng, quán ăn, hàng nước dọc đường phố huyện, lúc nào cũng đông khách vào ra mua bán, ăn uống tấp nập. Hàng hóa phong phú, cả hàng Tàu, hàng Tây, hầu như thứ gì cũng có. Khách có thể mua ngoài hàng nội địa, xà phòng thơm Thượng Hải, sữa hộp con chim “Nestlé”, bánh quy săm-pa, và cả bơ, pho-mát, sô-cô-la, thuốc lá thơm Cô-táp.

Chợ cứ năm ngày họp một phiên, thu hút đồng bào các dân tộc quanh vùng mang theo những đặc sản như mật ong, măng khô, đường phèn và cả gà vịt, ngan ngỗng, rau tươi. Trong màu áo chàm, áo sọc đỏ xen lẫn màu áo ka-ki vàng của cán bộ đeo xà cột, màu áo xanh lá cây của bộ đội, đôi khi cả màu áo xanh công nhân nhem nhuốc dầu mỡ của cánh lái xe Mô-lô-tô-va từ phía Trùng Khánh Phủ đổ về muộn, vải bạt chùm kín mít, đậu phía xa xa dưới những gốc cây cổ thụ ở cuối phố huyện.

Thị trấn Quảng Uyên nay còn có thêm những “khách bắt buộc”. Đó là tù binh Lê dương, Ma-rốc, Xê-nê-ga-le... cũng “đi chợ” có bộ đội áp giải - nói đúng hơn là tải gạo hoặc thực phẩm từ các kho gạo gần huyện lỵ và từ chợ về các trại đóng rải rác cách thị trấn khoảng 5-10 ki-lô-mét trên đường Quảng Uyên - Trùng Khánh. Chúng ngồi nghỉ túm tụm ven đường cái, dưới những gốc cây to, uống xì xụp bát nước chè xanh nóng, khoan khoái rít từng hơi thuốc lá, ăn nghiến ngấu một múi bưởi, một quả ổi hoặc một đẵn mía đường - “quà” của những người dân địa phương giàu lòng nhân đạo. Tất nhiên không ai nói cho chúng biết rằng nơi đây hai máy bay khu trục Pháp đã đến gieo tội ác, bắn phá làng Tục Ngôn cách phố huyện Quảng Uyên một ki-lô-mét vào ngày 19-5-1950 và sau đó ngày 2-7-1950, quân dân Quảng Uyên, căm thù giặc sâu sắc, đã anh dũng chặn đánh 400 tên lính Pháp và ngụy binh từ thị xã Cao Bằng mở cuộc hành quân tiến công vùng An Lại ở chân đèo Mã Phục, giết chết 11 tên, một số bị thương, phải rút chạy về thị xã Cao Bằng. Để phục vụ Chiến dịch Biên giới, chỉ tính 6 tháng đầu năm 1950, nhân dân huyện Quảng Uyên đã thắt lưng buộc bụng, chắt chiu từng hạt gạo bán cho bộ đội 55.457 ki-lô-gam, đi dân công vận tải, sửa đường 29.313 lượt người. Vậy mà bây giờ họ lại gánh thêm một nhiệm vụ nặng nề của hậu phương: san sẻ lương thực, thực phẩm và cả nhà ở trong các bản làng cho hàng ngàn Tây trắng, Tây đen dữ dằn mới hôm qua còn là kẻ thù của họ. Tấm lòng nhân đạo của nhân dân các dân tộc miền núi Cao Bằng cao cả biết bao nhiêu!
_________________________________
1. Chu vi xích đạo Trái Đất: 40.075.696 ki-lô-mét. Khoảng cách trung bình từ Mặt Trăng tới Trái Đất - 384.400 ki-lô-mét.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 08:21:34 pm »


Anh Lưu Thanh, Giám đốc Trại tù binh biên giới, tiếp tôi trên một căn nhà sàn rộng rãi, thoáng mát của dân ở bản Nà Pheo, cách thị trấn Quảng Uyên khoảng 5-6 ki-lô-mét. Xem xong giấy giới thiệu của Cục Địch Vận, anh tươi cười nói, giọng cởi mở, như đã từng quen biết tôi từ lâu: “- A, lại thêm một lính mới tăng cường cho Trại tù binh biên giới. Cậu ăn uống gì chưa? Rồi à! Ngủ luôn với bọn mình ở đây đêm nay, ta nói chuyện công việc luôn thể”.

Anh Lưu Thanh, quê ở xã Như Quỳnh, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên cũ, tham gia cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở địa phương, nguyên ủy viên Ủy ban Hành chính huyện Văn Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, anh chuyển ngành làm phái viên chính trị Trung đoàn 36 của địa phương. Đầu năm 1948, anh được điều động lên Trung ương làm công tác vận động binh lính địch và được cử làm Phó Ban Địch Vận Mặt trận Biên giới 1950. Vóc người anh vạm vỡ, nước da ngăm đen, khuôn mặt vuông, đôi mắt sáng dưới hàng lông mày rậm, cử chỉ nhanh nhẹn. Ngay từ phút đầu tiên, anh đã gây cho tôi mối thiện cảm với thái độ ân cần, cởi mở, không che giấu những khó khăn to lớn của công tác tù binh còn hoàn toàn mới mẻ đối với đơn vị.

Sau khi bày ra đĩa một phong bánh chè lam mời tôi ăn, anh nói:

- Sau Chiến dịch Biên giới, bộ đội giải về lốc nhốc từng đoàn tù binh trong khi Trại tù binh biên giới mới thành lập thiếu thốn mọi bề. Ban giám đốc trại chỉ có hai bàn tay trắng, tất cả đều trông cậy vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương Cao Bằng. Trước mắt, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh điều về cho Trại tù binh biên giới một trung đoàn bộ đội địa phương làm nhiệm vụ canh gác từ binh. Vấn đề gay go nhất hiện nay là lo chạy gạo cho tù binh ăn, chưa nói thuốc men, quần áo. Trong những tháng đầu, Tổng cục Cung cấp phát cho trại phiếu lĩnh gạo ở các kho lương thực của quân đội. Sau này, chưa biết tính sao khi mặt trận lùi dần về Trung du...

Trong ánh đèn dầu vàng nhạt tôi thoáng thấy hiện lên trên trán anh những nếp răn của tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức - kỷ luật trong tình hình khó khăn anh đang phải phấn đấu vượt qua. Anh nói tiếp, vẻ mặt không vui:

- Mặc dầu anh Dương Công Hoạt, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng và anh Hồng Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, rất quan tâm giúp đỡ Trại tù binh biên giới nhưng khả năng của địa phương có hạn. Bản thân giám đốc trại phải lo chạy gạo cho tù binh hàng ngày; ngoài huyện Quảng Uyên tôi phải đến cả các huyện Trùng Khánh, Hòa An, Phục Hòa... và xa hơn là Nguyên Bình, xộc cả vào Tỉnh đội Cao Bằng để vay gạo mà cũng chỉ được nhỏ giọt từng đợt.

Cuối cùng trại đành vay gạo của dân, dân hết gạo thì vay ngô, rồi nhờ cối của dân mà xay. Cán bộ chiến sĩ cũng ăn ngô... Tiền chưa có, anh em mua chịu của dân bí ngô, rau xanh, cả lợn, bò, trâu. Đến hạn trả nợ dân, Cục chưa gửi tiền lên kịp, đành khất nợ dân.

Tôi chia xẻ nỗi buồn của anh và nhẩm tính thì thấy với khoảng hai ngàn tù binh, mỗi ngày ta phải cung cấp cho chúng 1.600 kg gạo, một tháng 48.000 kg, chưa kể cán bộ, chiến sĩ. Tôi hỏi thêm:

- Thế còn vấn đề mục cho tù binh thì sao?

Giám đốc Trại tù binh biên giới bật lên như đụng vào lửa. Anh nhếch mép cười gượng gạo, rồi đột nhiên nói như quát với ai:

- Đào đâu ra một lúc hàng ngàn bộ áo quần mới và cả áo ấm, chăn màn cho tù binh! Chấy rận kinh khủng, tù binh hôi hám, đau ốm nhiều…

Cán bộ của trại ngày nào cũng lên gặp Ban giám đốc đòi hỏi cấp phát áo quần, thuốc chữa bệnh ỉa chảy, kiết lỵ... cho tù binh. Ở địa phương Cao Bằng bao năm sống dưới ách kìm kẹp của địch, đâu có nhà máy hoặc cơ sở nào sản xuất vải, quần áo may mặc, thuốc chữa bệnh... Chỉ toàn là những khung cửi dệt. Điện không có. Máy bay địch bắn phá ngày đêm…

Ngừng một lát, anh nói tiếp:

- Ở thị xã Cao Bằng, một cán bộ coi kho quân lương của Tổng cục Cung cấp buồn rầu nói với tôi: “Nếu viên quan năm Sác-tông không hạ lệnh nổ mìn đốt cháy kho lương thực gồm hàng trăm ngàn tấn gạo, cả kho quân trang, kho dụng cụ y tế và thuốc chữa bệnh chất dưới hầm ngầm trước khi rút chạy thì bây giờ chưa đến nỗi ta thiếu gạo, quần áo, thuốc chữa bệnh cấp cho tù binh! Số gạo chưa cháy hết còn khét lẹt mùi xăng. Dân chúng kể lại cả thị xã Cao Bằng rung chuyển, chìm trong khói lửa.

Nghe người giám đốc bộc bạch những khó khăn khách quan chồng chất buổi ban đầu của Trại tù binh biên giới Cao Bằng, tôi càng hiểu rõ hơn nhiệm vụ nặng nề đang chờ đợi tôi và đồng đội ở phía trước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 08:36:49 pm »


*

Ở hậu phương xa; đêm đêm những đoàn xe tải Mô-lô-tô-va ầm ì, hối hả chạy về xuôi trên cả hai con đường chiến lược số 3 và số 4. Tiền tuyến đang kêu gọi. Đồng bào Cao Bằng một lần nữa lại vào trận, đi đầu là thanh niên. Chiều 3-12-1950, Tỉnh đoàn Thanh niên Cao Bằng đã làm lễ trọng thể xuất phát cho thanh niên đi sửa đường, sửa cầu sau khi cùng bộ đội thu dọn chiến trường. Anh em thanh niên kháo nhau:

- “Chiến lợi phẩm” thu được trong Chiến dịch Biên giới dễ có đến hàng vạn tấn vũ khí, đạn đủ loại. Chưa kể xe tăng bị bắn cháy dọc đường, cam-nhông lao xuống vực còn chất đầy thực phẩm các loại

- Xì, tớ chỉ thích sữa hộp thôi. Còn đồ hộp, tanh bỏ mẹ. Có thứ ngửi mùi như xà phòng. Hỏi thì có cậu bảo là “pho-mát”.

- Cái thỏi gì đen đen, gói trong giấy bạc, đắng ơi là đắng. Cán bộ cho, tớ vứt hết.

- Quân ta lớn như Phù Đổng. Khoái quá, vũ khí có lẽ đủ trang bị cho 3-4 sư đoàn mới. Nghe cán bộ nói thế...

- Phen này, cánh ta đi sửa đường cho thật tốt, chở vũ khí về xuôi cho bộ đội đánh giặc. Giải phóng Thủ đô, thế nào Cao Bằng cũng có đại diện thanh niên về thăm Hà Nội và được gặp Bác Hồ.

Bắt đầu từ cuối tháng 12-1950, Trại tù binh biên giới Cao Bằng cũng chuyển động mạnh mẽ phục vụ tiền tuyến: bố trí lực lượng tù binh khoẻ mạnh đi sửa đường. Tôi được nghe Ban giám đốc thông báo: Thứ trưởng Bộ Giao thông Lê Dung đến làm việc trực tiếp với Ban giám đốc Trại tù binh biên giới đặt vấn đề huy động nhân lực tù binh đi sửa đường bắt đầu từ tháng 1-1951. Bộ giao thông sẽ cung cấp quần áo và tăng thêm khẩu phần gạo cho tù binh, điều xe tải chở gạo đến các cung đường quy định. Thế là vấn đề ăn và mặc cho tù binh tạm thời được giải quyết. Tất cả các cung đường Ban giám đốc trại nhận với Bộ Giao thông cách xa mặt trận hàng trăm ki-lô-mét, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tù binh.

Trong khi chờ đợi, Ban giám đốc phân công tôi về bộ phận giáo dục tù binh Âu Phi do anh Nguyễn Thúc Đại, học viên cũ trường sỹ quan lục quân khóa I (1946), Phó giám đốc, phụ trách. Anh Hoàng Quang Thanh (bí danh Thanh Huệ) cùng công tác ở Phòng Âu Phi, Cục Địch Vận, với anh Nguyễn Thúc Đại, được điều động làm Phó giám đốc, phụ trách công tác quản trị hành chính. Guồng máy của Trại tù binh biên giới bắt đầu đi vào nề nếp, hoạt động mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới: cải thiện đời sống, đẩy mạnh công tác giáo dục tù binh Âu Phi, tiến tới thành lập ở các trại Ủy ban đấu tranh đòi hòa bình ở Việt Nam bằng hồi hương Quân đội viễn chinh Pháp, gọi tắt là “ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HUƠNG”.

Từ ngày anh Hoàng Quang Thanh được tăng cường về phụ trách công tác quản trị - hành chính Trại tù binh biên giới, đời sống tù binh được cải thiện rõ rệt. Là một cán bộ năng động, tháo vát, có đầu óc tổ chức và tinh thần trách nhiệm, anh không ngồi yên một chỗ mà chạy như “đèn cù” lo cái ăn, cái mặc, thuốc chữa bệnh... cho tù binh. Cán bộ các trại có việc tìm gặp anh thật là khó khăn. Hỏi thì anh em đáp: Phó giám đốc lo chạy “cơm-áo-gạo-tiền”... Mà cũng đúng thế thật. Mỗi ngày hàng ngàn miệng ăn chứ có ít đâu!

Trong thời gian chờ đợi, anh Nguyễn Thúc Đại, bề ngoài có vẻ nghiêm khắc, nhưng tính tình cởi mở, đã nhiệt tình giúp tôi tìm hiểu tư tưởng tù binh, những vấn đề cần quan tâm giáo dục đối với cả cán bộ, chiến sĩ và tù binh Âu Phi để thực hiện chính sách khoan hồng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với sự giúp đỡ của người bạn mới, tôi nghiên cứu chồng hồ sơ dày cộp, tìm hiểu thành phần hai binh đoàn Sác-tông và Lơ-pa-giơ cũng như diễn biến sự tan rã từng mảng của các đơn vị Lê dương, Ta-bo, Dù... từng một thời là niềm tự hào của nước Pháp sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Một con số làm tôi kinh ngạc: tù binh Âu Phi bị bắt trong Chiến dịch Biên giới 1950 và các chiến trường lên đến 36 quốc tịch khác nhau. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chúng thuộc các quốc tịch: Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ, Nam Tư, Hà Lan, Áo, Tây Ban Nha, Bồ Dào Nha, Phần Lan, Anh, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Tiệp Khắc, Ma-rốc, Xê-nê-gan, Ni-giê, Xa-ha-ra, Thượng Vôn-ta, Sha-nê-en, Mác-ti-ních, Rê-uy-ni-ông, Ma-đa-gát-xca, Li-băng, Ấn Độ.

Đúng là một thế giới thu nhỏ trên đất Cao Bằng, tôi bỗng mỉm cười, cái thế giới đó đang nằm dưới sự “cai trị của chúng tôi - những người “cai tù” như một số cán bộ các trại tù binh biên giới thường đùa tếu với nhau trong cuộc gặp mặt hàng tháng để rút kinh nghiệm về công tác tù binh.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM