Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:22:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhớ lại và suy nghĩ  (Đọc 167577 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #380 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2009, 12:55:52 am »

Lạ thật, quanh đi quẩn lại chỉ có thế? Trong tất cả mọi cuộc tìm tòi nguyên nhân thất bại của Đức vẫn chỉ thấy độc một cách giải thích tầm thường và ngu xuẩn ấy, đến nỗi, ngày nay, những người ít am hiểu nhất cũng không tin được rằng, một mình Hít-le có lỗi về tất cả mọi việc. Song ngày nay mọi người đều biết cặn kẽ rằng việc vạch ra kế hoạch chiến cục mùa hè là “công trình sáng tạo” không riêng của Hít-le mà phần nhiều hơn là của toàn thể bộ máy quân sự tối cao nước đức phát-xít. Tác giả của bản kế hoạch chiến dịch “Xi-ta-đen”, kể cho cùng, là tất cả nhóm cầm đầu quân phiệt của đế chế thứ ba, kể cả “những trụ cột” của nó như các thống chế Cây-ten, I-ốt, Cliu-ghe, Man-sten và những người khác. Đổ tất cả lỗi cho Hít-le để chứng minh “tài nghệ quân sự thành thạo theo truyền thống” của các tướng có nghĩa là đối lập lại những bằng chứng lịch sử và sự thật.
Cũng có thể nói như thế về những âm mưu coi thắng lợi quân sự của Liên Xô trong mùa hè 1943 là phụ thuộc vào các hoạt động của đồng minh. Không hề hạ thấp ý nghĩa của cuộc đổ bộ lên Xi-xi-lơ, nhưng công bằng ra, chúng ta phải nói rằng cuộc đổ bộ đó không giúp đỡ cho chúng ta nhiều lắm. Cái nhìn ở đây là chúng ta không mảy may ràng buộc các kế hoạch của mình vào cuộc đổ bộ đó, vì rằng chúng ta không thể biết trước khi nào bọn Đức chuyển sang tiến công ở gần Cuốc-xcơ.
Các sử gia tư sản không thể bỏ qua sự kiện quan trọng nhất của chiến tranh ở châu Âu là chiến dịch Béc-lanh năm 1945. Nó là kết quả chung của những cố gắng khổng lồ của các Lực lượng vũ trang Liên Xô trong giai đoạn kết thúc cuộc chiến tranh. Việc đánh bại hoàn toàn kẻ thù mà ngay tới tháng 4-1945 hãy còn tương đối mạnh và có khả năng chống cự dai dẳng trong một thời gian dài, đã đòi hỏi không những phải huy động những binh đoàn lớn của ba phương diện quân, mà còn đòi hỏi Bộ tư lệnh của ta phải có nghệ thuật cao, các chiến sĩ, sĩ quan và tướng lĩnh ta phải có tinh thần anh dũng tuyệt vời.
Điều chứng thực cho các trận đánh ác liệt nhất để chiếm Béc-lanh là trong vòng 23 ngày - từ 16-4 đến 8-5 - bộ đội của các phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1, Bê-lô-ru-xi 2 và U-crai-na đã có 304.887 người bị chết, bị thương và mất tích, trong khi đó suốt cả năm 1945, tổn thất của quân đội Mỹ - Anh tại mặt trận phía tây là 260.000 người. Quân đội Liên Xô tiến công đã phải đánh những trận ác liệt để vượt qua một hệ thống chiến lũy mạnh gồm nhiều vành đai mà quân phòng thủ của Đức thì kéo từ tất cả các nơi về để liều chết bảo vệ thủ đô của nền đế chế.
Trong quá trình chiến dịch, Quân đội Liên Xô không những đánh tan một cụm lực lượng chiến lược lớn nhất của Đức phát-xít, mà còn lật đổ hoàn toàn chế độ phát-xít. Ông Coóc-nê-li-u-xơ Rai-an, mà chúng ta đã biết, đã dành cuốn sách mới nhất của mình “Trận đánh cuối cùng” cho chiến dịch khổng lồ này.
Cần nói rõ rằng tác giả đã khéo léo lượm lặt được đủ tài liệu, tin tức ông không những chú ý đến các nguồn sách báo tài liệu rất dồi dào mà còn tìm gặp và chuyện trò với những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia trận Béc-lanh. Ông đã đến Liên Xô với mục đích đó và đã chuyện trò với các nguyên soái và tướng lĩnh, với các người viết sử chiến tranh và viết báo của chúng ta. Người ta đã tạo ra mọi khả năng để ông tìm hiểu hàng loạt tài liệu quân sự của Liên Xô về chiến dịch Béc-lanh. Tóm lại, ông Rai-an có đủ điều kiện để viết, nếu như một cuốn sách nói lên những thực tế khách quan. Tiếc thay, điều đó đã không xảy ra.
Coóc-nê-li-u-xơ Rai-an đã đặt cho mình một mục tiêu khác. Như đã nói trong lời chú thích của nhà xuất bản, cuốn sách của ông nhằm giải thích “vì sao người Nga được cho phép đến Béc-lanh trước tiên” (do tôi nhấn mạnh - G. Giu-cốp). Bố cục và nội dung của cuốn sách vô tình đã đưa đến cho người đọc ý nghĩ rằng tác giả xúc động trước số phận của thủ đô đế chế thứ ba nhiều hơn là trước nhiệm vụ chấm dứt chiến tranh một cách mau chóng nhất.
Cũng với thái độ như vậy, nhà báo Tây Đức Ê-ri-khơ Cu-bi đã xuất bản cuốn “Những người Nga ở Béc-lanh năm 1945”, hầu như cùng thời gian với cuốn sách của Rai-an. Để thu thập tài liệu cho tác phẩm của mình, Ê.Cu-bi đã đến Mát-xcơ-va, gặp các nhà viết sử Xô-viết tìm hiểu sách báo của ta. Nhưng ông chỉ quan tâm đến ý kiến cá nhân của một số tác giả Liên Xô lập luận một cách thiếu cơ sở rằng Hồng quân có thể chiếm được Béc-lanh từ hồi tháng 2-1945, nếu như không bị giữ lại vì cuộc tiến công của Phương diện quân U-crai-na 1 đang được tiến hành do sai lầm của Bộ Tổng tư lệnh tối cao[7]. Dựa vào những lập luận như vậy, Ê. Cu-bi cố sức chứng minh rằng việc trì hoãn cuộc tiến công vào Béc-lanh của Quân đội Liên Xô là vì lý do chính trị chứ không phải vì lý do quân sự và như thế là nước Đức tránh khỏi những sự tàn phá không hợp lý và khỏi phải mất mát nhiều người.
Rốt cuộc là cả hai tác giả - cả Mỹ và Tây Đức - đã dẫn độc giả đến cùng một kết luận như nhau, gây ra mối hoài nghi rằng cuộc tiến công Béc-lanh là không cần thiết. Các tác giả đó cho rằng không tiêu diệt hoàn toàn đế chế Hít-le cũng có thể chấm dứt chiến tranh được.
Giả thuyết của các ông Rai-an và Cu-bi lại được H. Xôn-xbê-ri tóm lấy và cố sức phát triển. Trong lời ông bình luận về chương nói đến trận đánh chiếm Béc-lanh trong cuốn sách “của tôi”, có viết:
“Cuối tháng Giêng, người Nga đã chuẩn bị xong cuộc tiến công cuối cùng vào Béc-lanh. Nhưng bỗng thình lình cuộc tiến công bị tạm đình lại và để mãi đến 16-4 mới bắt đầu. Vì sao vậy? Đó là một trong những nghi vấn của những ngày cuối chiến tranh”. Ở đoạn khác, ông lại viết thêm: “Xta-lin quyết định không cho tiến tới Béc-lanh hồi tháng Hai. Người ta nghi ngờ rằng ông ta có những lý do chính trị hơn là những lý do quân sự”.
Ôi, các ngài xuyên tạc lịch sử, các ngài còn muốn đổi trắng thay đen, cố công tìm cách “chữa lại” lịch sử cho đến đâu nữa để cho vừa ý các ngài được!
Trả lời những câu hỏi về nguyên nhân tạm hoãn cuộc tiến công Béc-lanh và đả phá giả thuyết của Rai-an, Cu-bi, Xôn-xbê-ri và những chuyện bậy bạ như vậy chẳng khó khăn gì, nhưng muốn thế thì lại phải nhắc lại nội dung chương 20 của cuốn “Nhớ lại và suy nghĩ”. Vì vậy, tôi chỉ trình bày vắn tắt nội dung chính của vấn đề.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #381 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2009, 12:56:10 am »

Chiếm Béc-lanh là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giai đoạn kết thúc chiến tranh ở châu Âu. Việc giải quyết các vấn đề lớn về quân sự và chính trị, trong đó có cả vấn đề bộ máy nhà nước của Đức sau chiến tranh, vị trí của nó trong đời sống chính trị châu Âu, đã phụ thuộc vào kết quả của chiến dịch công phá Béc-lanh.
Chính vì thế mà Bộ tổng tư lệnh tối cao, khi đặt kế hoạch cho chiến cục tiến công cuối cùng, ngay từ cuối năm 1944, đã trao nhiệm vụ cho quân đội Liên Xô trong một thời gian ngắn nhất phải chiếm được Béc-lanh. Đội hình và hướng tiến công chủ yếu của các phương diện quân từ sông Vi-xla đến sông Ô-đe, sức mạnh và nhịp độ tiến công ào ạt đã được giải quyết phù hợp với nhiệm vụ ấy.
Vai trò của Béc-lanh như thế nào, cả kẻ thù của chúng ta đang chuẩn bị phòng thủ kiên trì thủ đô của đế chế thứ ba, cũng như bộ tư lệnh quân đội Mỹ - Anh đều biết rất rõ. Tôi nhớ Sớc-sin đã tới yêu cầu gắt gao đòi tiến công Béc-lanh để chiếm được thành phố đó trước Nga, và tướng Đ. Ai-xen-hao tổng tư lệnh quân đội đồng minh cũng nhận thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ đó.
Song, sau khi bộ đội của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 tiến tới sông Ô-đe và chiếm được các bàn đạp bên phía tả ngạn vào cuối tháng 2-1945, tình hình xuất hiện đã không cho phép chúng ta tiếp tục tiến công ngay được. Những trở ngại lớn trên con đường đó một mặt là hậu phương cách xa tiền tuyến, do đó việc chuyên chở vũ khí, đạn dược cho bộ đội bị chậm trễ, khó khăn, và mặt khác là sườn bên phải kéo dài và trống trải của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 có nguy cơ bị cụm tập đoàn quân “Vi-xla” của phát-xít Đức, nằm ở Đồng Pô-mê-ra-ni phản công. Tôi chưa nói đến những nhân tố khác, kém quan trọng hơn nhưng cũng là chủ yếu, chẳng hạn như tình hình Quân đội Xô-viết đã mỏi mệt và cần thiết phải bổ sung thêm quân số, việc quân Đức đóng trong pháo đài Pô-dơ-nan ở sâu trong hậu phương của Phương diện Bê-lô-ru-xi 1 vẫn tiếp tục chống cự, những khó khăn về tổ chức quản lý, việc thiếu một mạng lưới sân bay được chuẩn bị để di chuyển các căn cứ không quân, v.v... Tất cả tình hình đó đã buộc Bộ Tổng tư lệnh tối cao phải thôi không tiến công Béc-lanh ngay, và tạm thời chuyển hướng tiến công chủ yếu lên phía bắc để tiêu diệt cụm quân địch đóng ở Đông Pô-mê-ra-ni, đồng thời chuyển sang làm công tác chuẩn bị có kế hoạch cho chiến dịch Béc-lanh. Như mọi người rõ, quá trình diễn biến của các sự kiện sau đó đã chứng minh sự đúng đắn và hợp lý của quyết nghị ấy. Riêng về vấn đề này tôi có nói trong bài báo của tôi “Trên hướng Béc-lanh
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Hai, 2009, 05:50:38 am gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #382 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2009, 12:58:30 am »

Về mặt chiến lược, Hồng quân được Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao lãnh đạo, và các quyết định của Bộ Tổng tư lệnh, theo thường lệ, đều là kết quả của công trình sáng tạo tập thể. Trong việc vạch ra các quyết định đó, ngoài những thành viên của Đại bản doanh, còn có nhóm chuyên viên giữ các trọng trách trong Bộ Tổng tham mưu, các hội đồng quân sự các phương diện quân tham gia. Cố nhiên, trong chiến dịch này hay chiến dịch khác, mỗi đại diện của Bộ Tổng tư lệnh tối cao và của Bộ Tổng tham mưu vẫn giữ vai trò lớn hoặc khác nhau trong việc tham gia xây dựng các quyết định và trong quá trình thực hiện các quyết định đó.
Lẽ dĩ nhiên mỗi đại diện của Đại bản doanh và mỗi tư lệnh của phương diện quân có những phẩm chất riêng trong việc cầm quân, có “phong cách” của mình trong việc chuẩn bị và thực hiện các chiến dịch. Không ai lại có ý định phủ nhận sự thật đó cả. Tuy nhiên tình hình như thế không mâu thuẫn chút nào với nguyên tắc hoạt động sáng tạo tập thể của các cấp chỉ huy trên trong Lực lượng vũ trang Liên Xô, nguyên tắc mà cơ quan lãnh đạo quân sự Xô-viết đã tuân theo trong những năm chiến tranh. Công tác của các thành viên Đại bản doanh và các cán bộ lãnh đạo có trọng trách của Bộ Tổng tham mưu bao giờ cũng dưới sự kiểm soát của Hội đồng quốc phòng, của Tổng tư lệnh tối cao. Tất cả những điều đó tôi đã cố gắng nói rõ trong cuốn “Nhớ lại và suy nghĩ”.
Câu chuyện hoang đường thứ hai. Nhiều tác giả tư sản đã cố nêu bằng được ý kiến cho rằng dường như Quân đội Liên Xô chủ yếu chiến đấu bằng số lượng chứ không phải bằng tài nghệ. Cũng vẫn H. Xôn-xbê-ri nhấn mạnh rằng trong tất cả các trận đánh lớn nhất, từ trận đánh gần Mát-xcơ-va, “một quân số khổng lồ, đến 20 tập đoàn quân và hơn nữa đã tham gia tác chiến”. Một số tướng quốc xã thậm chí còn tưởng tượng thấy lực lượng của ta trong trận đánh gần Mát-xcơ-va “trội hơn gấp 20 lần”.
Ngày nay, thật là dễ dàng và đơn giản, nếu muốn tính toán trên giấy tình hình so sánh lực lượng, đưa ra những lời dạy bảo thâm thúy cần phải sử dụng bao nhiêu sư đoàn để thắng trận này hay trận khác đã xảy ra cách đây một phần tư thế kỷ, phê phán ở đâu đã ném quá nhiều quân lính, còn ở đâu ít hơn số lượng dường như bây giờ nhà sử học này, hay nhà sử học nọ coi là hợp lý. Tất cả những điều đó, trên bãi chiến trường phức tạp hơn gấp bội.
Tôi hết sức kính trọng lao động của các nhà sử học, ý nói các đại diện nghiêm chỉnh và có lương tâm của môn khoa học cổ xưa ấy. Song, theo tôi, không có cơ sở gì để kính trọng những nhà báo khôn ngoan quá mức mà không am hiểu gì cả, những người tưởng rằng có thể dễ dàng đánh tráo sự thật bằng những tin giật gân rẻ tiền, rằng sự hiểu biết hời hợt về các sự kiện có thể cho phép họ có quyền khái quát hóa và dạy báo người khác. Song, thực ra họ nói những gì? Có lẽ, trong cuộc chiến tranh vừa qua, cần phải trao quyền chỉ huy cho ngài Xôn-xbê-ri, ông ta sẽ chỉ rõ cần phải như thế nào để đánh tan các tập đoàn quân Hít-le “bằng những lực lượng nhỏ” và, theo ông ta, “bằng chiến thuật điêu luyện”.
May thay, trong những năm chiến tranh, phóng viên của tờ báo Mỹ, H. Xôn-xbê-ri, không chỉ huy quân đội...
Trong tất cả những trận đánh vĩ đại nhất của cuộc chiến tranh vừa qua, Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã đưa bao nhiêu bộ đội ra chiến đấu là tùy theo tình hình đòi hỏi. Bộ tư lệnh tối cao không sử dụng lực lượng quá mức đòi hỏi của một chiến dịch nhất định. Khi chuẩn bị phản công gần Mát-xcơ-va và Xta-lin-grát, Đại bản doanh và bộ tư lệnh Phương diện quân miền Tây đã hết sức tiết kiệm lực lượng trong các trận phòng ngự, tính từng trung đoàn, từng tiểu đoàn pháo binh, từng tiểu đoàn xe tăng..
Tôi ghê tởm về sự xuyên tạc mà kẻ thù tư tưởng của chúng ta, theo một kế hoạch vạch sẵn, đã nhét đầy vào các tác phẩm của chúng. Không, Hồng quân đã chiến đấu không phải bằng số lượng mà bằng tài nghệ. Tôi chỉ cần mẫn ra một ví dụ để nêu rõ mức độ “khách quan” của các sử gia tư sản.
Trong trận đánh gần Mát-xcơ-va, khi bắt đầu cuộc phản công của chúng ta, địch có 801.00 lính và sĩ quan, 14.000 đại bác và súng cối, 1.000 xe tăng, trong khi đó, ta có 718.800 người, 7.985 đại bác và súng cối và 720 xe tăng. Về không quân ta hơn địch gần gấp đôi.
Có thể dẫn ra vô số ví dụ tương tự. Vậy thì ở đâu ra “ưu thế trội hơn 20 lần”? Ở đâu ra “20 tập đoàn quân và hơn nữa”?
Còn về tài nghệ chiến đấu thì có thể tuyên bố một cách có trách nhiệm rằng: Bộ tư lệnh Xô-viết trong những năm chiến tranh đã xây dựng được những phương pháp tiên tiến nhất để chuẩn bị và tiến hành những chiến dịch lớn về mặt chiến lược, còn các cán bộ chỉ huy các cấp đã nắm vững hoàn toàn nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Lòng quả cảm, chí khí anh hùng, tinh thần hy sinh quên mình của các chiến sĩ Xô-viết đã lập nên những chiến công thần kỳ trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại thật là đáng khâm phục vô cùng.
Tôi cho rằng không cần phải đưa ra những lý lẽ khác nữa. Chúng ta đã đánh bại chủ nghĩa phát-xít - đó là chứng cớ rành rành về tính chất tiền tiến của nghệ thuật quân sự Xô-viết. Tầm vĩ đại của chiến thắng mà nhân dân và các Lực lượng vũ trang Liên Xô quang vinh đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Lê-nin-nít là bằng chứng không thể chối cãi được về sự bất lực của những kẻ xuyên tạc lịch sử.
Có thể tìm cách xuyên tạc lịch sử. Song không thể làm lại lịch sứ không thể bác bỏ những kết quả của lịch sử. Dầu sao sự thật vẫn toàn thắng.
---
[1] Quân đội Mỹ - Anh tập trung để đổ bộ lên lục đia gồm có 2.876.000 người, trong lúc đó bộ tư lệnh của phát-xít Đức trên toàn chiến trường Tây Âu có 1.370.000 lính và sĩ quan. Quân của các nước đồng minh có hơn 5.000 xe tăng, mà Đức chỉ có 1.900. Các nước đồng minh còn có ưu thế rõ rệt hơn nữa về không quân: họ có 10.859 máy bay chiến đấu, trong khi đó không quân Đức chỉ có 500. Cái đó đảm bảo cho người Mỹ và người Anh hoàn toàn làm chủ trên không. Ngoài ra, các nước đồng minh có 2.400 máy bay vận tải và 900 tàu lượn để thả quân nhảy dù. Trên biển, hạm đội đồng minh gồm có hơn 6.000 tàu vận tải và tàu đổ bộ, cũng đã chiếm được ưu thế như vậy.
[2] Tiện thể xin nói là nhân dịp kỷ niệm 25 năm cuộc đổ bộ vào Noóc-măng-đi, báo chí Pháp đã tổ chức quảng cáo rùm beng cho Goóc-nê-li-u-sơ Rai-an và cuốn sách của y. Nói về ý định tiếp tục nghiên cứu lịch sử cái “ngày dài nhất”, Rai-an không những không đính chính lập trường sai lầm của mình trong việc đánh giá ý nghĩa của cuộc đổ bộ vào Pháp, mà còn khẳng định thêm quan điểm cũ của y.
[3] ở Hoa Kỳ, sách này mang tên “900 ngày”.
[4] Thế chiến thứ hai. Tranh ảnh. Ngày tháng. Tài liệu. Gu-téc-xlô. 1968.
[5] Tên gọi chiến dịch tấn công của quân Đức ở vòng cung Cuốc-xcơ. - ND.
[6] “Bình luận về khoa học quân sự” (Cộng hòa liên bang Đức 1965, số 10).
[7] Tôi đã phê phán những quan điểm sai lầm này trong cuốn “Nhớ lại và suy nghĩ” – TG.
[8] Tạp chí lịch sử chiến tranh, số 6, năm 1965

 HẾT.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Hai, 2009, 01:00:50 am gửi bởi daibangden » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM