Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn

<< < (35/39) > >>

UyenNhi05:
- Mặc dù mất đi nhiều ưu thế khi không còn đóng vai trò là trung tâm chính trị của đất nước, mảnh đất Đại La - Thăng Long - Hà Nội vào cuối thế kỷ X đã tự tìm cho mình một con đường phát triển mới. Dáng vẻ của một đô thị đang trên đường hình thành. Sự phồn thịnh của kinh tế đã làm cho khu vực này ngày càng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhà nước Đại Cồ Việt thời Tiền Lê. Mặt khác, Đại La cũng tự tích luỹ cho mình nguồn nội lực cần thiết làm tiền đề cho quá trình phát triển ở một tầm cao mới khi trở thành kinh đô của một quốc gia tự chủ dưới thời Lý.

- Bên cạnh đó, có thể thấy những dấu ấn của Lê Hoàn ở Đại La cũng như các chính sách mà ông thực hiện đã phần nào thể hiện vị thế của mảnh đất này đối với triều đình và nhà nước thời Lê. Vậy phải chăng vị thế ấy chính là tiền đề cho quyết định dời đô của Lý Công Uẩn?

Xét ở một khía cạnh khác thì chúng ta phải thừa nhận rằng lịch sử của Hà Nội trong suất quá trình tồn tại và phát triển của mình luôn gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Do đó, quá trình dời đô từ Hoa Lư đến Đại La- Thăng Long cũng không thể nào tách rời khỏi sự phục hưng đất nước kể từ khi giành quyền tự chủ sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc.

Như vậy, sự kiện định đô Thăng Long là kết quả tất yếu của dòng chảy lịch sử, của một quá trình phát triển qua các triều đại Ngô - Đinh và Tiền Lê, của xu thế vươn lên của cả dân tộc mà Lê Hoàn chính là một trong những người góp phần to lớn vào quá trình ấy. 

Dẫu biết rằng việc tìm lại diện mạo của khu vực Đại La cuối thế kỷ X qua việc khảo sát các di tích, tiềm thức dân gian là công việc vô cùng khó khăn bởi trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, những dấu tích xưa giờ đây đã trở nên phai nhạt. 

Những hiểu biết trên đây mới chỉ là những nhận thức ban đầu về bối cảnh Đại La trước thời kỳ định đô. Điều đó đòi hỏi cần có những nghiên cứu sâu sắc và kỹ lưỡng hơn nữa. Có như vậy thì việc hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mới mang đầy đủ ý nghĩa của nó.
Các di tích liên quan đến thời kỳ Tiền Lê ở Hà Nội:



UyenNhi05:

HOA LƯ VÀ THĂNG LONG QUA TƯ LIỆU KHẢO CỔ HỌC

PGS. TS. Tống Trung Tín
Viện Khảo cổ học. Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Hoa Lư là kinh đô của Đại Cồ Việt dưới thời Đinh và thời Tiền Lê trong 42 năm (968 - 1010).

Thăng Long là kinh đô của Đại Việt kể từ khi Lý Thái Tổ dời đô Hoa Lư ra năm 1010 đến hết thời Hậu Lê.

Như vậy là kinh đô Hoa Lư có trước, kinh đô Thăng Long có sau và tiếp liền với kinh đô Hoa Lư. Theo các phát hiện mới về khảo cổ học, mối quan hệ khăng khít giữa hai kinh đô ngày càng nhìn nhận rõ hơn. Có thể phác ra một vài nét cơ bản như sau :

1. Cả hai khu vực Hoa Lư và Thăng Long, đều là những trung tâm lớn của đất nước dưới thời thuộc Đường.

Ở Hoa Lư, theo ý kiến của một số nhà địa lý học lịch sử, đó là lỵ sở của Trường Châu. Các phát hiện khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích các kiến trúc lớn được xây cất bằng gạch trong đó có loại gạch phổ biến in chữ “Giang Tây quân” tiêu biểu được sản xuất khoảng đầu thế kỷ IX.

Còn Thăng Long, trước khi trở thành kinh đô, vốn là An Nam đô hộ phủ của nhà Đường. Các dấu tích kiến trúc và gạch “Giang Tây quân” được phát hiện rất nhiều tại địa điểm 18 Hoàng Diệu. Đó chính là vết tích của thành Đại La.  Như vậy, cả hai khu vực trước khi trở thành kinh đô đều là những trung tâm lớn của đất nước.

2. Khi Hoa Lư là kinh đô của thời Đinh - Tiền Lê, các vua Đinh - Lê đã chú trọng đặc biệt tới khu vực thành Đại La, và khi đã chuyển đô ra Thăng Long, Lý Thái Tổ tiếp tục chú ý xây dựng Hoa Lư.

Sử ghi rằng các vua Đinh và vua Lê khi lên ngôi ở Hoa Lư đã đặc biệt chú ý xây dựng kinh đô Hoa Lư. Đinh Tiên Hoàng dựng đô mới, đắp thành, đào, xây dựng cung điện. Lê Đại Hành cũng làm rất nhiều cung điện lớn. . .

Khảo cổ học đã tìm thấy ở đây vết tích các tường thành, các nền móng kiến trúc, vật liệu xây dựng khá phong phú đặc biệt là loại gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”.

Trước đây, giới nghiên cứu hầu như chỉ biết đến kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê ở Hoa Lư mà chưa biết đến một nơi nào khác kể cả Thăng Long.

Bây giờ thì khảo cổ học đã tìm thấy vết tích văn hoá vật chất thời Đinh : Tiền Lê ở Thăng Long. Tại 18 Hoàng Diệu; đã tìm thấy gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, ngói có tượng uyên ương, gạch hoa sen, các loại gốm thế kỷ X. . .

Về loại hình, các loại di vật này tương tự như ở Hoa Lư và đều là những loại vật liệu dùng để xây dựng các kiến trúc rất lớn.

Việc phát hiện các dấu tích. kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê ở Thăng Long đã chứng tỏ trong khi đặc biệt chú trọng kinh đô Hoa Lư, các vua Đinh - Lê vẫn hết sức chú ý tới khu vực Thăng Long (khi đó vẫn là thành Đại La).

Hẳn rằng, dưới thời Đinh - Tiền Lê, Đại La vẫn tồn tại tiếp tục như một trung tâm lớn nhất của đất nước với thế đất bằng phẳng, cao ráo, sáng sủa, thuận tiện cho việc hội tụ bốn phương. Bởi thế, khi có điều kiện, ngay lập tức Lý Thái Tổ đã cho dời đô từ Hoa Lư về Đại La đổi tên là Thăng Long.

Khi đã chuyển đô ra Thăng Long, Lý Thái Tổ cũng thể hiện sự quan tâm tới Hoa Lư bằng việc cho con là Khai quốc vương Bồ trấn giữ. Hoa Lư lúc này được đổi là Trường Yên.

Di tích lớn thời Lý đã được phát hiện ở khu vực động Thiên Tôn.  Tại đây đã tìm thấy các khối vật liệu trang trí rất Lý như đầu rồng, tượng uyên ương, các khối trang trí sóng nước, các khối trang trí chạm rồng . . .

UyenNhi05:
Sau thời Lý, ít thấy có các công trình kiến trúc lớn đặc sắc như thời Lý ở Hoa Lư. Quan hệ Hoa Lư - Thăng Long thời Lý rất rõ có lẽ bởi vì khi mới ra Thăng Long, ảnh hưởng của Hoa Lư vẫn còn rất lớn do đó Lý Thái Tổ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc như vậy.

3. Nghệ thuật Hoa Lư - thời Đinh - Tiền Lê đã tạo những tiền đề vững chắc cho sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật Lý nói riêng, nghệ thuật Đại Việt nói chung ở Thăng Long.

Có thể thấy rõ điều đó qua so sánh hệ vật liệu trang trí ở Hoa Lư với Thăng Long.

Gạch lát nền trang trí hoa sen ở Hoa Lư có 3 loại chính.  Sang thời Lý, loại gạch này phổ biến ở Thăng Long. Bố cục và phong cách thể hiện hoa sen trên mặt gạch lát nền ở Thăng Long đã được thể hiện tương tự như gạch lát hoa sen thời Đinh Tiền Lê ở Hoa Lư.

Uyên ương Đinh - Tiền Lê hình dáng to khoẻ. Sang thời Lý, uyên ương có dáng thon thả hơn và phát triển khá đa dạng. Hoa cúc dây thời Đinh - Tiền Lê đơn giản, chưa phổ biến.

Sang thời Lý, hoa cúc dây phát triển mạnh.

Ngói âm dương và loại đầu ngói trang trí hoa sen tròn thời Đinh - Tiền Lê khá đa dạng. Sang thời Lý, loại ngói này là chủ yếu nhưng các kiểu mẫu trang trí hoa sen có nhiều kiểu loại, trang trí đầu ngói hoa sen thu lại một vài kiểu nhưng lại phát triển nhiều kiểu loại khác.

Ngói mũi lá thời Đinh - Tiền Lê chưa thấy trong thời Lý nhưng lại thấy rất nhiều vào thời Trần - Lê sơ. Ngói mũi sen hớt cong thời Lý cũng được bắt nguồn từ ngói mũi sen có kích thước tương tự ở Hoa Lư.

Có thể nói, những loại hình vật liệu xây dựng và vật liệu xây dựng trang trí kiến trúc thời Lý ở Thăng Long chủ yếu bắt nguồn từ Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê. Chỉ có điều là loại hình thời Lý đa dạng hơn, hình tượng nghệ thuật trau truốt và tỉa tót hơn, kỹ thuật chế tác cao hơn.

Về kỹ thuật, xây dựng thời Lý ở Thăng Long đạt tới đỉnh cao. Nó được thể hiện ở kỹ thuật xây dựng các loại móng trụ hết sức công phu và kiên cố bằng sỏi, gạch ngói vụn và sành vụn. Tuy nhiên, kỹ thuật này đã được thấy trong thời Đinh - Tiền Lê ở chùa Nhất Trụ. Ở đây, người Đinh - Tiền Lê đã xây dựng loại móng rất lớn bằng móng bè kết hợp với đá. Chắc chắn, kỹ thuật xây dựng móng trụ như vậy đã được sử dụng ở Thăng Long thời Lý.

Qua vài so sánh sơ bộ trên đây, có thể thấy thời Đinh - Tiền Lê đã tạo ra một loạt tiền đề cho nghệ thuật Lý phát triển. Tiền đề đó không những là các mẫu mã cụ thể mà còn là cả hệ thống công nghệ sản xuất Đại Việt sau đó dường như cũng là được bắt đầu từ thời Đinh- Tiền Lê.

Một ví dụ: nếu như hệ vật liệu xây dựng trước Đinh - Tiền Lê thường có màu xám là chủ yếu kết hợp với màu đỏ. Sang thời Đinh - Tiền Lê, vật liệu xây dựng hoàn toàn là màu đỏ. Thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ, vật liệu xây dựng hoàn toàn theo truyền thống chế tác loại gạch ngói thuần màu đỏ. Rõ ràng, đó là một truyền thống được bắt đầu từ thời Đinh - Tiền Lê ở Hoa Lư.

Mở rộng hơn, có người còn liên hệ tới việc quy hoạch kinh đô Thăng Long cũng có ảnh hưởng nhất định của các quy hoạch Hoa Lư. Ví dụ ở cả hai kinh đô cùng có chùa Nhất Trụ.

Có thể là đã có ảnh hưởng nào đó của quy hoạch Hoa Lư đối với quy hoạch Thăng Long. Tuy nhiên, trên thực tế khảo cổ học vẫn chưa thấy rõ ảnh hưởng của Hoa Lư với Thăng Long chỉ được thấy rõ trên các loại hình vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng và có thể là một số công trình kiến trúc bởi Lý Thái Tổ khi dựng đô vẫn trên cơ sở những con người của thời Đinh - Tiền Lê chuyển sang. Nền nghệ thuật dân tộc, nghệ thuật Đại Việt đã phát triển rực rỡ và đạt tới đỉnh cao dưới thời Lý ở Thăng Long trên thực tế đã bắt nguồn từ nghệ thuật Hoa Lư.

UyenNhi05:
NƯỚC ĐẠI CỒ VIỆT THỜI TIỀN LÊ

TS. Vũ Văn Quân
Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Dù còn có một vài điểm khác biệt, nhưng đến nay chúng ta đã nhất trí cơ bản về phạm vi lãnh thổ nước Văn Lang - Âu Lạc thời đại Hùng Vương- An Dương Vương. Đó là không gian tương đương với vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của Việt Nam ngày nay. Trong thời Bắc thuộc, các chính quyền phong kiến Trung Hoa, dù thống nhất hay cát cứ, cũng buộc phải tôn trọng thực tế này, thể hiện qua việc tổ chức các khu vực hành chính.

Nhà Triệu chia đất đai Âu Lạc cũ thành hai quận Giao Chỉ (Bắc Bộ) và Cửu Chân (Thanh - Nghệ - Tĩnh). Nhà Hán đặt thêm quận Nhật Nam (từ Đèo Ngang đến Quảng Nam). Cuối đời Ngô, chia làm sáu quận là Giao Chỉ (phần lớn quận Giao Chỉ đời Hán), Tân Xương (một phần phía tây quận Giao Chỉ đời Hán), Vũ Bình (một phần phía tây quận Giao Chỉ đời Hán), Cửu Chân (phần lớn quận Cửu Chân đời Hán), Cửu Đức (một phần quận Cửu Chân đời Hán), Nhật Nam. Đời Tống (cuối thế kỷ V) đặt thêm quận Tống Bình (một phần quận Giao Chỉ).

Nhà Tuỳ, ban đầu bỏ quận đặt châu, sau lại bỏ châu đặt quận, gồm Giao Chỉ (Bắc Bộ), Cửu Chân (Thanh Hoá), Nhật Nam (Nghệ Tĩnh) và các quận Tỳ Ảnh, Hải Âm, Tượng Lâm (vùng Đèo Ngang trở vào).

Nhà Đường đặt Giao Châu đại tổng quản (sau đổi làm An Nam đô hộ phủ) gồm Giao Châu (đất quận Giao Chỉ đời Tuỳ), Lục Châu (một phần Quảng Đông của Trung Quốc và duyên hải Quảng Ninh của Việt Nam), Phong Châu (vùng đất ngã ba Bạch Hạc, phần dưới các thung lũng sông Chảy, sông Thao, sông Đà), Trường Châu (Ninh Bình), Ái Châu (Thanh Hoá), Diễn Châu (Bắc Nghệ An), Hoan Châu (Nam Nghệ An) và Phúc Lộc Châu (Tây Hà Tĩnh) và bốn châu Thang Châu, Chí Châu, Võ Nga Châu và Võ An Châu thuộc đất Trung Quốc và hai châu Lâm Châu và Ảnh Châu ở phía nam Hoành Sơn.

Đối với những tộc người vùng núi, nhà Đường không đặt châu quận để thống trị trực tiếp được thì đặt những phủ, châu ki mi.  Lệ vào An Nam đô hộ phủ có 40 châu như vậy, đại khái là vùng núi phía Bắc và đông Bắc nước ta hiện nay  (1).

2. Buổi đầu độc lập, Khúc Hao (907 - 917) đã tiến hành một số cải cách hành chính, lấy lộ thay cho châu, lấy phủ, châu thay cho huyện, đổi hương (đơn vị dưới huyện) làm giáp, dưới giáp là xã. Tuy nhiên, qua sử biên niên và các tài liệu thư tịch khác, không thấy nhắc đến các đơn vị hành chính mới. Trong khi đó các địa danh như Giao Châu, Ái Châu, Phong Châu, Đằng Châu lại vẫn thấy được dùng.

Thời Đinh, sử chép chia nước thành mười đạo. Nhưng danh sách và diên cách mười đạo đó như thế nào, biên niên sử và hầu hết các thư tịch cổ không thấy nhắc đến. Đào Duy Anh nhận xét: Sử chép rằng Đinh Tiên Hoàng chia nước làm mười đạo hiện nay không rõ danh hiệu và vị trí các đạo là thế nào (2).

Sách Đại Nam nhất thống chí và một số sách địa chí đời Nguyễn như Dư địa chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Phương Đình địa dư chí của Nguyễn Văn Siêu . . . , rải rác có nhắc đến đơn vị đạo đời Đinh, Tiền Lê.

Cụ thể:

Tỉnh Hà Nội: Đại Nam nhất thống chí chép thời Đinh gọi là đạo.

Tỉnh Lạng Sơn: Đại Nam nhất thống chí chép thời Đinh chia làm đạo. Phương Đình địa dư chí cũng chép như vậy.

Tỉnh Bắc Ninh: Lịch triều hiến chương loại chí chép nhà Đinh đặt làm đạo Bắc Giang, Lê Đại Hành mới đem đổi làm phủ, châu, đầu đời Lý đổi châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, cùng với Vũ Linh, Lạng Châu đều gọi là lộ cả. Đại Nam nhất thống chí chép tỉnh Bắc Ninh thời Tiền Lê là Bắc Giang.  Phương Đình địa dư chí chép tỉnh Bắc Ninh thời Đinh gọi là đạo Bắc Giang.

______________________
(1) Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qna các đời. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994.  
(2) Đào Duy Anh: Đất  nước Việt Nam qua các đời. Sđd tr. 113

UyenNhi05:
Tỉnh Nam Định: Đại Nam nhất thống chí chép đời Thái Bình nhà Đinh đặt làm đạo.

Tỉnh Quảng Yên: Lịch triều hiến chương loại chí chép ba đời Đinh, Tiền Lê, Lý gọi là đạo Hải Đông.

Thời Tiền Lê, năm 1002, Lê Hoàn đổi mười đạo làm lộ, châu, phủ. Khâm định Việt sư thông giám cương mục chua: thay đổi và sắp xếp các lộ, châu, phủ thế nào không rõ. Đào Duy Anh cũng nhận xét: “Lê Hoàn cướp ngôi, nhà Lê đổi mười  đạo làm lộ, phủ. châu. Hiện nay không rõ danh hiệu và vị trí các lộ phủ. châu ấy là thế nào”. (1)

Các sách địa chí đời Nguyễn có nhắc đến một số lộ đời Tiền Lê. Cụ thể:


Tỉnh Hà Nội: Đại Nam nhất thống chí chép đầu đời ứng Thiên nhà Tiền Lê gọi là lộ.

Tỉnh Nam Định: Đại Nam nhất thống chí chép đầu đời ứng Thiên nhà Tiền Lê đặt làm lộ.

Tỉnh Lạng Sơn: Đại Nam nhất thống chí chép nhà Tiền Lê, nhà Lý gọi là lộ. Phương Đình địa dư chí cũng chép tỉnh Lạng Sơn đời nhà Tiền Lê, nhà Lý gọi là lộ.

Tỉnh Sơn Tây: Đại Nam nhất thống chí chép các đời Đinh, Tiền Lê, Lý gọi là lộ.

Về đơn vị phủ, Đại Việt sử ký toàn thư chép năm 1005 Lê Long Đĩnh đổi Đằng Châu làm phủ Thái Bình, Phương Đình địa dư chí cũng chép lại như thế.

Có vẻ các sách địa chí thế kỷ XIX căn cứ vào việc nhà Đinh tổ chức đất nước thành mười đạo, nhà Tiền Lê đổi mười đạo làm phủ, lộ, châu mà sau này đoán định vậy. Trong hầu hết biên niên sử và thư tịch trước đó gần như không thấy nhắc đến các đơn vị này. Trong khi đó, đơn vị châu lại vẫn được dùng phổ biến.

Dưới đây là danh sách các châu thời Đinh, Tiền Lê đượcập trên cơ sở ghi chép của biên niên sử và một số thư tịch cổ khác:

1. Ái Châu: Đại Việt sử ký toàn thư (dưới đây gọi tắt là Toàn thư) chép các sự kiện dưới hai triều Đinh. Tiền Lê gắn với Ái Châu: Lê Đại Hành người Ái Châu; Lê Hoàn đánh nhau với Đinh Điền, Nguyễn Bặc ở Tây Đô. vì Lê Hoàn là người Ái Châu nên sau khi lên ngôi đóng đô ở Hoa Lư mới gọi Ái Châu là Tây Đô; năm 989 Dương Tiến Lộc làm phản ở Hoan Châu và Ái Châu; năm 1009 Lê Long Đĩnh cho đào kênh, đắp đường và dựng cột bia ở Ái Châu. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (dưới đây viết tắt là Cương mục) chua: Ái Châu là đất Thanh Hoa. Đại Nam nhất thống chí chép: tỉnh Thanh Hoá, đời Vũ Đế nhà Lương lấy Cửu Chân làm Ái Châu tên Ái Châu có từ đây), đời Đường gọi là Ái Châu, các đời Đinh, Tiền Lê cũng gọi như vậy.

2. Ám Châu: Toàn thư chép năm 1003 Lê Hoàn đi Hoan Châu, vét kênh Đa Cái (vùng Hưng Nguyên, Nghệ An) thẳng đến trường Tư Củng thuộc Ám Châu. Không rõ cụ thể, nhưng theo ghi chép trên thì chắc Ám Châu cũng thuộc vùng Nghệ An.

3. Cổ Pháp châu: Toàn thư chép năm 995 Lê Hoàn phong cho hoàng tử thứ mười một là Đề (tức Minh Đề) làm Hành Quân vương, đóng ở Bắc Ngạn châu Cổ Lãm, lại chép Lý Công Uẩn người hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp. Cương mục chua: châu Cổ Pháp, từ đời Đinh về trước là châu Cổ Lãm, nhà Tiền Lê đổi làm châu Cổ Pháp, nhà Lý đổi làm phủ Thiên Đức, nay là huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh. Như vậy, tên châu Cổ Pháp mới có sau năm 995.

4. Đại Hoàng châu: Toàn thư chép Đinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng. Cương mục chua: Đại Hoàng là tên châu, nay là huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

______________________
(1) Đào Duy Anh: Đất  nước Việt Nam qua các đời. Sđd tr. 113

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

[*] Previous page