Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn

<< < (3/39) > >>

UyenNhi05:
Đồng ý với Ngô Sỹ Liên, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí (1) cũng cho rằng Lê Hoàn người ở Ái Châu.

Một số nhà nghiên cứu về sau, có lẽ dựa vào các sách trên cũng đồng tình với nhận định quê Lê Hoàn ở Ái Châu, chẳng hạn như các tác giả của sách Các triều đại Việt Nam nhưng đưa ra một chi tiết: mẹ Lê Hoàn là Đặng Thị Sen chứ không gọi là Đặng Thị và nêu địa danh cụ thể: Lê Hoàn sinh năm 941 ở Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hoá (2).

1.3. Lê Hoàn quê ở Hà Nam

Thuyết này khoảng 15 năm trở lại đây mới gây được sự chú ý, nhờ việc so sánh đối chiếu các thư tịch cũ và đặc biệt là việc công bố những tư liệu khảo sát, điền dã, sưu tầm ở địa phương. Đã có một số nhà sử học ở Viện sử học Việt Nam, Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) nêu nghi ngờ những ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, đồng thời mạnh dạn đưa ra nhận định: Lê Hoàn quê ở Hà Nam.

Nhưng ngay các sử gia dưới thời phong kiến như Ngô Thì Sỹ - tác giả Đại Việt sử ký tiền biên in năm Canh Thìn niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1.800) cũng đã đính chính: “xét thấy Lê Đại Hành là người làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, chứ không phải người Ái Châu. Sử cũ chép nhầm” (3).

Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần ghi về lăng mộ ở huyện Thanh Liêm chép: “Mộ tổ Lê Đại Hành ở bên miếu xã Ninh Thái, huyện Thanh Liêm. Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sỹ chép Lê Đại Hành người xã Báo Thái, huyện Thanh Liêm (Bảo Thái tức Ninh Thái)” (4).

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim - một cuốn sử sinh thời được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng (5) cũng khẳng định:

“Lê Hoàn là người làng Bảo Thái huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam bây giờ, làm quan Thập đạo tướng nhà Đinh” (6).  Bảo Thái là tên xã từ thời Tây Sơn trở về trước, đời Nguyễn đổi gọi là Ninh Thái, nay là thôn Bảo Thái, còn gọi là thôn Cõi thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.  Đặc biệt Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố, sau khi điểm lại một số nhận định của các cuốn sử cũ đã nêu quan điểm:

“Khâm đình Việt sử (tức Khâm định Việt sử thông giám cương mục (của Quốc sử quán triều Nguyễn - M.KH) chép Lê Hoàn là người xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, Hà Nam (Khâm định Việt sử, làm vào năm 1.856 đến 1.884). Ngự chế Việt sử tổng vịnh (Q. 1 , tờ 21 a) theo Đại Việt sử ký toàn thư chép là người Ái Châu (Việt sử tổng vịnh làm vào năm 1.874 đến 1.877), thế thì nên theo quyển nào là phải? Thanh Liêm là nguyên quán của cha mẹ. Ái Châu là chỗ ở của cha nuôi, mỗi quyển chép theo một nghĩa” (7).


(1) Phan Huy Chú : Lịch triều hiến chương loại chí, T.1 Nxb Khoa học xã hội, N.1992, trg.191
(2) Quỳnh Cư. Đỗ Đức Hùng: Các triều đại việt Nam. Nxb Thanh  niên, H.1999. trg.72.
(3) Ngô Thì Sỹ: Đại việt sử ký nền biên, Nxb Khoa học xã hội, N.1997.  trg. 166.
(4)  Đại Nam nhât thống chí. T.2. Nxb Thuận Hoá. Huế. 1992. trg. 207.
(5)  Lê Thị Kim Dung: Bác Hồ đọc sách sử. T/c Xưa & Nam số 62, IV- 1.999 .
(6) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, N. 1928. trg. 72.
(7) Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố: Đại Nam dật sử (sử ta so lưới sử Tàu). Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. N. 1997. trg. 235. 

UyenNhi05:
Ông còn giải thích: “Chỗ này sử Khâm định chép: “Lê quan sát Ái Châu". Toàn thư chép là “Bản châu" có Lê quan sát. Ta không nên vin chữ “bản châu” ấy mà cho Lê Hoàn cũng là người Ái Châu. “Bản châu’ nghĩa là châu mình tức là làng Bảo Thái của Lê Hoàn.  ông Lê quan sát là người đồng sự với Lê Hoàn mà làm quan sát Châu Ái” (1).

Sử cũ cũng nhắc tới Trần Bình Trọng quê ở xã Liêm Cần ngày nay là hậu duệ của Lê Hoàn. Vị danh tướng thời Trần này được ban quốc tính vì có nhiều công trạng, đặc biệt là hy sinh trên dòng sông Thiên Mạc để bảo vệ vua quan nhà Trần rút về Thiên Trường trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai ( 1.285 ).

1.4. Thuyết trung dung

Có lẽ để dung hoà giữa hai loại ý kiến Lê Hoàn quê ở Thanh Hoá và Lê Hoàn quê ở Hà Nam hoặc vì một lý do nào đó mà có một số nhà nghiên cứu đã đưa ra ý kiến nhận định Lê Hoàn có liên quan đến cả hai địa phương. Các tác giả Lịch sử Hà Nam Ninh (tập I) đã nhận định: “Lê Hoàn quê nội ở Thanh Liêm (Hà Nam Ninh), quê ngoại ở Kẻ Sập (Thanh Hoá), Tuy sinh ở đất Ái Châu nhưng ông chỉ sống ở đấy hơn 10 năm, sau trở về Thanh Liêm”. Trong chú thích, dựa theo truyền thuyết, các lác giả cho biết ông nội Lê Hoàn là Lê Lộc, cha là Lê Hiền kết duyên với một cô gái nghèo ở Kẻ Sập (Thanh Hoá) tên là Đặng Thị (2).

Một nhà sử học khác cũng có ý kiến tương tự, cho rằng Lê Hoàn “là đứa trẻ mồ côi ở làng Kẻ Sập - quê ngoại, chàng trai nghèo ở miền Bảo Thái quê nội” (3).

Lại có một cách nói nước đôi, chẳng hạn: “...Vua sáng lập nhà Tiền Lê. Chính quê có thuyết nói là ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam), có tài liệu lại khẳng định ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá” (4). 

Điểm lại những ý kiến nêu trên từ xưa tới nay chắc rằng chưa đầy đủ, chúng tôi cho rằng vấn đề quê hương Lê Hoàn còn cần phải tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên tầm vóc và đóng góp cho lịch sử dân tộc đâu có phụ thuộc vào việc ông sinh ra ở đâu Vả chăng một con người chỉ có một quê hương hay hai, ba quê hương cũng là chuyện thường tình. Chỉ khi viết tiểu sử một nhân vật lịch sử thì vấn đề quê quán và nhất là sự tác động, ảnh hưởng của gia đình, môi trường, quê hương mới đặt ra một cách đúng mức. Chính vì vậy, chúng tôi để ngỏ quê quán của Lệ Hoàn để mong đợi các bậc học giả cho ý kiến.

2. Tư liệu khảo sát và sưu tầm tại địa phương

Với ý muốn đóng góp thêm nguồn tư liệu cho việc nghiên cứu về Lê Hoàn chúng tôi đã tổ chức khảo sát điền dã, sưu tầm tư liệu, nhất là truyền thuyết, địa danh, trọng tâm là ở xã Liêm Cần và vùng phụ cận (huyện Thanh Liêm).

(1) Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: Đại Nam dật sử ( sử ta so với sử Tàu), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, N. 1997. trg. 236.
(2) Lịch sử Hà Nam Ninh, t.1. Phòng thông sử UBND tỉnh Hà Nam Ninh xuất bản. NĐ. 1988, trg. 85.
(3) Lê Văn Lan: Có một giai đoạn văn hoá Hoa Lư, in trong: Thế kỷ X-những vấn đề lịch sử (Nxb Khoa học xã hội. N. 1984. trg. 287.  
(4) Từ điển văn hoá Việt Nam (phần Nhân vật chí), Nxb Văn hoá-Thông tin. N. 1993: trg 208. 

UyenNhi05:

2.1. Di tích và văn học dân gian

Từ lâu trong nhân dân xã Liêm Cần và vùng phụ cận đã lưu truyền một bài vè dài nói về Đinh bộ Lĩnh, trong đó có câu:

Về sau lại gặp Lê Hoàn
Quê vùng Bảo Thái, ngoài ngàn Thanh Liêm

Bảo Thái là tên cũ của xã Liêm Cần ngày nay, thuộc huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam. Địa danh Bảo Thái có từ rất xưa. Truyền thuyết dân gian và tư liệu khảo sát đã cho thấy nơi đây vào thế kỷ X còn là vùng rừng núi và đầm lầy rậm rạp, lắm hổ, lắm trăn, lắm muông thú, nay còn lưu lại địa danh Động Xá, Vân Lâm, Vực Thôn.

Chứng tích qua địa danh và thực địa liên quan đến Lê  Hoàn trên đất xã Liêm Cần và các xã lân cận còn lại khá đậm đặc. Ở xã Liêm Cần còn khu đền Lăng ở phía tây núi Lăng - di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia.

Trước kia có ba ngôi đền: đền Thượng thờ Đinh Tiên Hoàng, tương truyền đền xây dựng từ khi Đinh Tiên Hoàng còn tại vị nên gọi là sinh từ, do vua cho lập khi về thăm quê Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.  Đền Trung thờ Lê Hoàn và hai con ông là Long Việt và Long Đĩnh. Hai ngôi đền trên đã bị phá huỷ trong chiến tranh.  Đền Hạ thờ công đồng tứ vị hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Ngọa Triều) và tam vị đại vương nguyễn Minh, Thiên Cương và Nhữ Hoàng Đê) đều là người địa phương theo Lê Hoàn phò nghiệp lớn.

Khu đền Lăng gần chân núi Bảo Cái còn gọi là núi Cõi, một trong những ngọn núi đất, cùng với núi Lăng, núi Vực, núi Đò, núi Bông.  Núi Bảo Cái cao khoảng 63m, dài gần 500m xung quanh có các núi thấp án ngữ. Núi Đò bên bờ sông Hương Kiều, nơi Lê Hoàn xem duyệt thuỷ quân và bộ binh. Núi Tăng, núi Bông án ngữ mất trước giàn thề (sẽ nói ở dưới), núi Vực chắn mặt sau.  Giữa núi Lăng có khu đất bằng phẳng, tương truyền là nền nhà cũ của ông Lê Lộc cũng là nơi Lê Hoàn khi đã khôn lớn trở về quê nhà dựng trường dạy học.

Cách núi Bảo Cái không xa còn khoảnh đất có tên là Mả Dấu, còn gọi là Hòn Ngọc hay Hàm Rồng - nơi đặt mộ cụ Lê Lộc ông nội Lê Hoàn, dân gian truyền do hổ táng, mối đùn mà thành. Nay địa phương đã xây thành lăng mộ cụ Lê Lộc.

Dưới chân núi Bảo Cái còn khu đất dân vẫn gọi là giàn thề, xưa kia là một vầng đất đá rộng. Các cụ già cao tuổi cho biết: đây là nơi xưa kia Lê Hoàn cùng các tướng sĩ như ông Nguyễn Minh, ông Thiên Cương, bà Nhữ Hoàng Đế cho đắp lên làm đàn tế trời đất, thề một lòng một dạ sống chết có nhau để giúp nước.

Phương ngôn ở các xã Liêm Cần, Liêm Túc, Liêm Sơn (Thanh Liêm) cũng nói về việc này: “Giàn thề Bảo Cái vạn đại đế vương”. Quanh khu vực đền Lăng còn có các thửa đất mang tên Đồng Đò - nơi Lê Hoàn đóng đại bản doanh khi dấy nghĩa để theo Đinh Bộ Lĩnh, trại Nhuế gần đấy là nơi đại quân của Lê Hoàn đóng giữ. Đất Lẫm Đông và Lẫm Đoài là hai kho binh lương của Lê Hoàn. Cánh đồng Mã Trực là trại ngựa và thả ngựa. Cánh đồng Cửa Hồ nơi Lê Hoàn và tướng sĩ thường rửa gươm, mài gươm trước và sau mỗi trận đánh.

Đất Vườn Già trong thôn Cõi là nơi nuôi dưỡng những binh sĩ già yếu của Lê Hoàn. Nơi đây có đường Xứ Vương, Lê Hoàn thường đi dạo. Thềm Lều, tương truyền ông Lê Lộc tổ phụ Lê Hoàn dựng lều trông đó. Còn khoảnh đất rộng ba mẫu, có tên “Kỳ Tự” là đất vua Đinh cấp cho làng làm hương hỏa cho mình.

UyenNhi05:

Hai xã Thanh Bình, Thanh Lưu lân cận với xã Liêm Cần cũng lưu nhiều dấu tích liên quan đến khởi nghiệp của Lê Hoàn.

Phần lớn xã Thanh Bình xưa kia thuộc địa phận xã Bảo Thái Các ông như Thủ Cồng, giữ cồng trận cho Lê Hoàn, ông Cà Nô người dân tộc thiểu số vào sinh ra tử với Lê Hoàn được dân Thanh Bình thờ làm Thành hoàng.

Tại xã Thanh Lưu có ngôi đình ở thôn Cẩm Du thời Lê Hoàn và hai ông Quang Minh, Huyền Minh đã theo Lê Hoàn giúp Đinh Bộ Lĩnh. Ở đây còn dấu tích căn cứ luyện quân của Lê Hoàn và hai ông ở Thung Bằng trong núi Con Voi (Tượng Sơn).

Truyền thuyết và địa danh còn phản ánh sự quan tâm của Lê Hoàn và triều đình Tiền Lê đối với dân xã Bảo Thái (Liêm Cần nay). Ngoài việc cho lập sinh từ vua Lê Đại Hành trên nền nhà cũ xưa kia Lê Hoàn dạy học, triều đình còn cấp cho dân vàng bạc để tậu ruộng lấy hoa lợi làm hương hoả và dựng đền thờ. Triều đình cũng trả ơn cho dân sở tại bằng việc cấp cho mỗi đinh 1 mẫu 2 sào ruộng để cày cấy (tới 700 mẫu). Ruộng hương hoả của khu đền Lăng có 12 mẫu, ngoài ra có 6 sào dành cho việc sắm ba cây đình liêu vào dịp hội đám long trọng và đất gọi là vườn tịch để chi phí cho tế lễ.

Sau nhiều năm sưu tầm bền bỉ, ông Bùi Văn Cường - hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đã phát hiện được một tác phẩm văn học dân gian cổ bằng chữ Nôm dài gần 10.000 câu lục bát nói về thời Đinh - Tiền Lê, trên địa bàn văn hoá Liễu Đôi gồm nhiều xã của huyện Thanh Liêm (Liêm Cần, Liêm Túc, Liêm Thuận, Liêm Sơn, Thanh Lưu, Thanh Bình. . . ). 

Tác phẩm kể về nguồn gốc, lai lịch của Lê Hoàn. con đường đi đến sự nghiệp rạng rỡ, oanh liệt của ông và các nhân vật liên quan, nổi bật là Dương Vân Nga. Đáng lưu ý là tác phẩm này còn bổ sung thêm các địa danh trong thời gian Lê Hoàn lập căn cứ luyện quân trong vùng và ở Bảo Thái, chẳng hạn như Hàm Rồng, Sông Cùng, Đồng Chấu... đặc biệt là nói đến cánh đồng Mả Rút.  “Rút” có nghĩa là rút lui, rút quân. Qua tác phẩm chúng ta biết thêm nhiều điều khá tỉ mỉ về sự kiện này (1).

2.2. Ngọc phả và thư của các nhà khoa bảng

Ngọc phả

Tư liệu Hán văn tại đền Lăng gồm nhiều loại: văn tế, câu đối đại tự chữ khắc trên thượng lương, bài vị, văn chương, ở đây chúng tôi giới thiệu bản ngọc phả ba vị hoàng đế thời Tiền Lê được lưu giữ tại đền. Tuy nhiên vì khuôn khổ bài viết nên chúng tôi chỉ trích dẫn đoạn đáng lưu ý (2).

“ở nước ta trên mảnh đất xã Trường Yên Thượng (3).  vùng Hoa Lư, thời xưa có ông Lê Lộc, lấy vợ người cùng xã tên là Cao Thị Chương, ông bà sinh được một người con trai tên là Hiền. Khi ấy cảnh nhà nghèo thiếu, hàng ngày ăn uống chẳng đủ, từng đã trải qua vài năm mất mùa mọi người đói khát, cả phủ Trường Yên trộm cướp nổi lên như ong vỡ tổ. ông than vãn: “Đã nghèo hèn thế này lại còn gặp cảnh loạn ly thì sao có thể sống được, thôi đành dời đi nơi khác kiếm chốn đất lành cơ trú vậy”.

Thế rồi vợ chồng gồng gánh gia tài, một buồm trăng gió, non nước bốn bề, bình bồng lặn lội ra đi. Một ngày kia đi tới xã Bảo Thái, tổng Hoà Ngãi, huyện Thanh Liêm (4), phủ Lý Nhân, đạo Sơn Nam bây giờ là nơi ở của bà  ngoại thì dừng lại. Tại đây có ngôi chùa cổ, lâu ngày đầy vẻ hoang lương, trong vùng đất sơn thuỷ hữu tình, dân cơ no đủ, chưa có sơ trụ trì, vợ chồng ông nói với phụ lão sở tại xin ở lại lo tu sửa tượng phật, cầu Phật chứng ban cho phúc lộc.


(1) Tác phẩm khuyết danh. căn cứ vào nội dung người sưu tầm đặt tên là Hoàn vương ca tích.
(2) Bản dịch ngọc phả của Dương Văn Vượng.
(3) Nay là thôn Yên Thượng xã Trường Yên. huyện Hoa Lư. tỉnh Ninh Bình.
(4) Huyện Thanh Liêm tên huyện có từ đời Trần. lúc đầu chữ Thanh có nghĩa là xanh. sau đổi Thanh là trong.  

UyenNhi05:
Thế rồi vợ chồng ông dựng một ngôi nhà cỏ dưới chân núi để ở.  Từ lúc an cư, ông Lê Lộc trở thành vị ngư phủ, từ xã Ứng Liêm (1) về đến nơi ở hết thảy các phép bắt cá trong vùng ngòi lạch đều quy tụ về nơi ông cả.

Bỗng nhiên từ đâu có con hổ trắng đến bên nhà rồi thường qua lại như có ý xin ăn, ông lấy cơm cá cho án, dần dần hổ coi ông có tình như người nuôi chó, không hề có ý hại người phá của. Ông liền coi hổ như con nuôi và đặt tên cho hổ là Sơn Trưởng”.

Tiếp theo bản ngọc phả nói đến một hôm mưa gió ông đi đổ đó hổ nhầm nên tát chết ông. Hổ hối hận vác xác ông đến phía bắc núi Bảo Thái mai táng rồi bỏ đi nơi khác.

Ngọc phả chép tiếp: “Con ông là Hiền đau xót không dứt, ba năm tang chế xong, Lê Hiền về quê cũ lấy người xã Trường Yên Hạ (2)tên là Đặng Thị Khiết làm vợ, chuyên tâm làm việc phúc thiện được mọi người tôn kính. Làm ăn là thế, nhưng đến năm ông ngoài 60 tuổi, Đặng Thị gần 40 tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi. Một chiều lúc hoàng hôn vừa xuống, Đặng Thị mơ thấy cưỡi rồng lên trời ôm được vầng thái dương mang về, rồi Đặng Thị có mang, tới ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu (941) sinh ra một trai mặt mũi khôi ngô, tinh thần sáng suốt, cha mẹ mừng quýnh nghĩ là ông trời ban cho ơn huệ, đất phúc đến tuần hưng thịnh bèn đặt tên là Hoàn.

Ngày qua tháng lại, khi lên bảy tuổi chẳng may vận nhà gặp cơn nguy biến không lường trước được, ông tự nhiên không bệnh mà qua đời, bà cũng tiếp theo từ giã cõi trần. Từ đó gia kế cùng quẫn, Lê Hoàn phải tìm đến nương nhờ ông quan sát sứ họ Lê ở Bản châu.

Năm 11 tuổi Lê Hoàn tìm thầy đến học rồi trở thành văn chương võ nghệ tinh thục, bạn bè bằng vai ai cũng sợ phục . Năm  6 tuổi Lê Hoàn trở về Bảo Thái thăm lại mộ ông nội rồi ở lại luôn dạy dỗ trẻ em trong xã học hành.  Tám năm trôi qua, Lê Hoàn nghe Đinh công đại khởi nghĩa quân ở động Hoa Lư, bèn tìm đến đi theo, từ đó chúa tôi cùng đồng lòng hợp sức, đánh đông dẹp bắc, không mấy mà dẹp xong 12 sứ quân.

Thiên hạ thái bình, Đinh công lên ngôi ở thành Hoa Lư, xưng hiệu là Đại thắng minh hoàng đế, phong thưởng uý lạo cho các công thần, ông Hoàn được phong là Thập đạo tướng quân. Ông vâng mệnh lạy tạ dưới bệ xin về thăm viếng phần mộ tiên tổ. Được vua chuẩn y, ông bèn về tế lễ gia tiên tại hai xã Thượng Hạ Trường Yên, rồi về Bảo Thái thăm mộ ông Lê Lộc, cho dân dựng một ngôi sinh từ tại nơi nam trước ngồi dạy học và cho dân vàng bạc khuyên mua ao ruộng để phục vụ việc nhang khói sau này”.

Phần cuối của bản ngọc phả kể sự việc Lê Hoàn trở về triều đình, rồi chín năm sau Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại, Đinh Toàn lên ngôi, Dương hậu trông coi chính sự. Lúc giặc Tống tới xâm lấn Thái hậu đem long bào khoác vào người Lê Hoàn khuyên ông đem quân đánh giặc . Thắng trận ông lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Đại Hành, ở ngôi được 24 năm thì Lê Hoàn băng, con trai thứ ba là Long Việt nối ngôi? ban 50 đạo sắc cho phép các nơi dựng đền thờ vua. Dân Bảo Thái cũng tới kinh rước sắc về thờ.

Trung Tông ở ngôi ba ngày thì bị con thứ năm của vua là Long Đĩnh con cùng mẹ giết chết đoạt ngôi. Long Đĩnh tàn ác đặt ra nhiều thứ thuế phiền nhiễu nhân dân, lại ham mê tửu sắc. Ở ngôi được 4 năm thì Long Đĩnh mất, Lý Công Uẩn người Cổ Pháp kế vị và dời đô ra Thăng Long, rồi chiếu cho xã Bảo Thái phụng sự ba vị hoàng đế triều Lê là Thượng đẳng thần. Ngọc phả cũng quy định lệ kiêng huý Lê Hoàn, Lê Long Việt, Lê Long Đĩnh đặt ra lễ nghi long các ngày sinh ngày hoá của ba vua.

Cuối cùng của ngọc phả là dòng lạc khoản: “Ngày tết tháng mùa đông niên hiệu Hồng Phúc năm đầu ( 1.572 )”. Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn.

Ngày 18 tháng 11 niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1.736) Quản giám bách thần tri điện Hùng Lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền chép lại.


(1) Nay là thôn ứng Liêm, xã Thanh Hà. huyện Thanh Liêm. tỉnh Hà Nam.
(2) Nay là thôn Yên Hạ. xã Trường Yên. huyện Hoa Lư. tỉnh Ninh Bình.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

[*] Previous page